Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:02:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6776 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:00:41 am »

10

ĐỐI ĐẦU VỚI SƯ ĐOÀN 1 BỘ BINH “ANH CẢ ĐỎ” CỦA MỸ

Sắp bước vào ngày đầu năm của Tết Mậu Thân, tôi được lệnh di chuyển tiểu đoàn về đất ta. Khu vực chúng tôi đảm nhiệm phòng thủ không có việc gì xảy ra. Hình như người ta đã hoàn tất mọi mặt công tác cần thiết “bên trong”, cái mà chúng tôi “không cần biết”.

Vượt qua sông Sài Gòn đến một khu rừng thưa tôi bắt gặp một trận địa phòng ngự với những chiến hào, giao thông hào nhiều đoạn liền nhau, có đoạn ngắt quãng. Một tổ trực súng máy gần đường chúng tôi đi qua. Anh em chào nhau qua lời chúc mừng sắp hết năm. Giờ tôi mới hiểu tiểu đoàn tôi làm nhiệm vụ không chỉ riêng một mình, mà chỉ đảm nhiệm phòng thủ trong tung thâm phía Tây sông Sài Gòn. Bên Đông có một đơn vị chủ lực khác bố trí bên ngoài. Mục tiêu mà chúng tôi bảo vệ chắc hẳn quan trọng, (Sau này tôi mới biết đó là một trong mấy khu tập kết lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt có cơ quan đầu não chỉ huy chiến dịch Tết Mậu Thân 1968). Trên đường đi gặp phải nhiều thùng sắt hoặc bao bì đựng một loại bột trắng hoặc vàng nhạt tỏa ra mùi rất khó chịu vung vãi khắp nơi. Biết đó là hóa chất độc hại của Mỹ, tôi lệnh mọi người dùng khăn mặt bịt mặt mồm mũi chạy thật nhanh vượt qua

Chúng tôi đến trú đóng trong một căn cứ cũ không rõ của đơn vị nào để lại. Thật yên tâm vì nơi đây đầy đủ “tiện nghi” có sẵn. Anh em không phải tốn công đào công sự chiến đấu và hầm trú ẩn.

Sáng hôm sau tôi được mời lên gặp trung đoàn trưởng. Ông đưa tôi đến chỗ vắng, trút trong bi đông một bát cà phê sữa pha sẵn. Ông chia đôi đưa tôi một nửa. Ông nói: “Chúng ta đón Tết chỉ có thế này thôi”. Bấy giờ tôi mới biết chính xác hôm nay là mùng một Tết Nguyên đán. Trải tấm bản đồ của trung đoàn trưởng lên mặt cỏ, tôi xác định vị trí thị xã Bình Long về hướng Đông bắc tiểu đoàn. Hướng Tây tây nam có căn cứ cầu Cần Lê của Mỹ. Hướng Nam đông nam là chi khu Chơn Thành. Địa điểm tiểu đoàn tôi đóng quân ở trung tâm cách vị trí này trong tầm khống chế của các loại pháo và cối nặng của Mỹ. Xa hơn về phía Nam đông nam là Lai Khê, căn cứ và vị trí chỉ huy của sư đoàn 1 bộ binh Mỹ. Trung đoàn trưởng nhắc tôi chú ý con lộ đỏ từ Bình Long chạy qua khu rừng cao su đến mép phải vị trí tiểu đoàn thẳng xuống ấp Minh Hòa, Minh Thạnh. Tôi liếc nhìn trong bản đồ vùng này được khoanh đánh dấu nhiều vòng tròn đỏ. Ông lệnh cho tôi phải đưa tiểu đoàn chuyển sang chốt đóng bên trái lộ. Trong đêm nay phải hoàn thành việc ém trú quân đặc biệt công sự chiến đấu tại chỗ. Mờ sáng ngày mai trở đi nếu có bộ binh với cơ giới Mỹ vận động trên con lộ này xuống hướng Nam phải đổ ra đánh cầm chân chúng lại. Không cho bất cứ một bộ phận nào của Mỹ có thể thọc được xuống vùng này - đầu bút chì nhọn của ông vòng lướt khu vực Minh Thạnh, Minh Hòa trên bản đồ - Phải giữ cho được 48 tiếng. Ông nhắc lại thời gian khống chế trên và bảo đây là mệnh lệnh tác chiến của cấp trên. Còn vì sao không cần biết. Tôi lập lại bắt đầu mờ sáng ngày mai tức mùng Hai Tết cho đến mờ sáng ngày mùng Bốn Tết không cho một tên Mỹ, một chiếc xe Mỹ nào thoát qua khỏi khu vực tôi phụ trách. Chuyện “không cần biết” tôi chẳng quan tâm. Trên đã không cho biết mà cố tọc mạch chẳng lợi lộc gì. Hãy tự suy nghiệm lấy, nhưng dù có phán qua xét lại đến nát óc, tôi chẳng phát hiện ra ý đồ của trên. Trung đoàn trưởng cũng không hơn gì. Ông tự thú với tôi như thế. Điều mà tôi lo âu không hiểu tại sao “nhét” cả tiểu đoàn vào cái “góc kẹp” chết người này. Nơi tôi sẽ di chuyển đến chỉ cách chỗ trú quân hiện nay 300 mét bên kia con lộ đỏ. Nơi đó chính Bắc là thị xã Bình Long. Bên phải cách 1500 mét là quốc lộ 13 từ Lộc Ninh - Bình Long xuống Chơn Thành xuôi Sài Gòn. Bên trái chỉ 100 mét là con lộ đỏ có khả năng xuất hiện bộ binh và cơ giới Mỹ. Hiện tại chúng có một lữ đoàn thuộc sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” Mỹ cùng một bộ phận lực lượng quan trọng của trung đoàn 1 thiết giáp độc lập sau cuộc càn “Hòn đá vàng” đang còn lưu trú tại thị xã Bình Long. Nơi ém quân của tiểu đoàn tôi là “góc chết”. Nếu Mỹ từ lộ 13 đánh vào, Bình Long đánh xuống, chiếm con lộ đỏ đánh tạt sang, tiểu đoàn tôi ở vào cửa tử. Nhưng phải cầm chân giặc Mỹ tại đây 48 giờ tức trực diện đối chọi với chúng. Thương vong còn một người cũng phải đánh. Tôi sực nhớ những chuyện chiến tranh trong các tiểu thuyết Tàu. Có những vị tướng bày binh bố trận sau lưng là một con sông lớn. Lệnh phải chặt bỏ cầu phao, thuyền bè bị đốt sạch không còn đường lui. Muốn tồn tại cách duy nhất phải quyết tử đánh thắng giặc. Tôi gật gù tự nhủ tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 9 ít khi được sử dụng theo kiểu “đứng mũi chịu sào” như tiểu đoàn 7. Âu cũng là vinh dự cho chúng tôi. Trước đây mươi lăm hôm tôi cũng được lệnh phải phòng thủ trên đất bạn còn một người cũng không được lui. Bây giờ lệnh này được lập lại lần thứ hai, tôi thấy vừa lo vừa có niềm kiêu hãnh ngầm. Được đối đầu với quân Mỹ là thích rồi. Về miền Đông mới đánh ngụy, chưa chạm mặt “Anh cả đỏ” nổi tiếng hàng đầu các sư đoàn bộ binh Mỹ. Toàn bộ lãnh địa Bình Long, Phước Long, Bình Dương, một phần Tây Ninh là địa khu của sư đoàn 1 bộ binh Mỹ phụ trách hoạt động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:01:32 am »

Trung đoàn trưởng lên tiếng cắt đứt dòng suy tôi. Hình như đoán được tâm trạng tôi, ông nói: “Đừng thắc mắc, những điều này tớ cũng không rõ. Lệnh trên chỉ thị cho tớ thế, tớ chuyển y lại cho cậu. Trực tiếp chi định làm nhiệm vụ này cho tiểu đoàn 7 cũng do trên”.

Trung đoàn 88 khi vào chiến trường B2 là trung đoàn chủ lực độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh B2 (cũng có tên gọi là Bộ Tư lệnh Miền hoặc R)

Tôi về di chuyển tiểu đoàn sang Đông con lộ đỏ ngay sáng hôm ấy. Khu vực này rừng non chưa bị tàn phá mấy vì bom đạn và chất độc hóa học. Mùa khô lá rụng nhiều nhưng vẫn còn kín đáo. Tại đây có sẵn một căn cứ khá lớn đủ ém cả một đơn vị. Nhiều dấu vết để lại chứng tỏ các chủ nhân vừa rời đi chừng năm ba hôm. Bề rộng khu rừng khá mỏng, từ Đông sang Tây hơn 300 mét. Trừ bờ rừng phía Bắc nơi bố trí cho đại đội 2 bộ binh kéo xuống Nam chưa biết nó dài đến đâu. Đối chiếu trên bản đồ thực tế không còn chính xác, Mỹ ủi phá nhiều nơi thành những khu trắng, đặc biệt ven lộ 13 (vì vậy cứ 6 tháng đến 1 năm Mỹ chụp vẽ lại bản đồ để bảo đảm tính chính xác tuyệt đối cho hoạt động của không quân và pháo binh).

Tôi bố trí đội hình tiểu đoàn thành hình chữ U lật ngược, có thể chống đánh địch cả ba hướng. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao tôi xác định hướng vừa phòng ngự vừa tấn công là hướng con lộ đỏ. Hướng này tôi bố trí đại đội 1, phần lớn đại đội 2 nơi vòng cung hình chữ u, dự kiến Mỹ có thể đánh bọc sườn vào quân ta khi chúng bị tấn công trên lộ

Mép rừng phía Đông đối diện với lộ 13 là đại đội 3. Nếu địch di chuyển trên lộ đỏ bị tấn công dự kiến hướng này là hướng chi viện hoặc nghi binh kềm chế ta của Mỹ. Đại đội 3 ứng phó với chúng đồng thời sẵn sàng cơ động làm thê đội 2 của tiểu đoàn. Các hỏa khí trợ chiến như đại liên, ĐKZ 75 đều tăng cường cho đại đội 1 và đại đội 2. Lực lượng dự bị của tiểu đoàn là các trung đội trinh sát, công binh và vận tải có số tay súng bằng 1 đại đội bộ binh

Hôm ấy đúng mùng Một tết Mậu Thân. Không một ai nghĩ đến Tết nhất. Cũng không biết chút gì hương vị của Tết dù chỉ được hít một hơi thuốc lá, nhai một viên kẹo trừ tôi được một ngụm cà phê do trung đoàn trưởng chia sớt.

Chiều tối công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành. Đêm nay hoặc mờ sáng mai có thể chiến đấu nếu Mỹ xuất hiện. Chúng tôi sẵn sàng. Mọi người đều ở ngay vị trí chiến đấu của mình.

Đêm hôm ấy, tức mùng Một rạng sáng mùng Hai Tết có một đơn vị bộ đội rất đông qua khu vực bố trí quân của tôi tiến thẳng ra quốc lộ 13. Cái đuôi cuối cùng của đơn vị này là đại đội thanh niên xung phong không kịp vượt đường vì trời sáng, đành dừng lại ém ngay tại tiểu đoàn tôi. Tôi được lệnh của trung đoàn phải tích cực giúp đỡ bộ phận này, đêm hôm sau tổ chức cho họ vượt lộ 13 an toàn để bắt kịp đơn vị đi trước. Qua họ tôi mới biết đơn vị hành quân là sư đoàn bộ binh 7 chủ lực Miền “xuống đường”. Lần đầu tiên tôi nghe cụm từ “xuống đường”. Xuống để làm gì? Chỉ có những người trong cuộc đang hành động mới biết.

Đại đội thanh niên xung phong chuyên phục vụ chiến đấu cho sư đoàn. Họ có khoảng 60 người đều là nữ kể cả ban chỉ huy. Duy nhất có một “đấng mày râu” lộn vào trong khối này là đồng chí cán bộ hậu cần phụ trách vận tải của sư đoàn được phái theo làm “cố vấn” cho “đơn vị chị em”.

7 giờ tối mùng Hai Tết, tự thân tôi tổ chức yểm trợ cho họ vượt đường nhưng không thành công. Cuộc hành quân cả một sư đoàn đêm trước để lại dấu vết nên lộ. Bộ binh và cơ giới Mỹ vừa xâm xẩm tối đã lặng lẽ bịt kín phục kích một đoạn đường khá dài nơi ta sẽ vượt qua. Cách mặt đường khoảng 50 mét tuy trời tối nhưng bầu trời đầy sao sáng, mặt đường cao hơn mặt ruộng cả mét, nên chúng tôi nằm áp sát đất nhìn lên phát hiện nhiều xe cơ giới nổi bật đen sì lù lù trên mặt đường. Tôi cho trinh sát bò lui lại phía sau lệnh mọi người quay lại về căn cứ để tìm nơi khác. Vừa lúc hàng tràng tiếng nổ của trọng liên trên các xe thiết giáp địch chếch về phía phải tôi xé màn đêm rền vang cả vùng. Những làn đạn lửa đỏ rực bay vun vút về phía mép rừng nơi trận địa của đại đội 3 bố trí. Từ chỗ phát ra tiếng súng và làn đạn bay tôi đoán bị lộ không phải do đoàn tôi. Có thể cùng lúc này có một đoàn nào khác vượt đường như chúng tôi về phía bên tay phải chạm địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:02:46 am »

Tuy thanh niên xung phong lại là nữ nhưng chị em đã dày dạn trong chiến đấu, hành động và động tác hành quân lui quân, lúc gặp biến cố đã thục luyện không kém gì chiến sĩ. Với tình huống thế này chị em rất bình tĩnh không để phát ra tiếng động, nhẹ nhàng không hối hả trườn người nhích dần từng bước ra khỏi vùng uy hiếp sát thương của hỏa lực địch. Trên lưng hoặc vai mỗi người mang đầy những ba lô đạn con, vác trên vai những thùng đạn súng cối, ĐKZ, B40, B41... về lại căn cứ không ai bị thương thất lạc, đặc biệt không đánh rơi một thùng hoặc một quả đạn nào. Ho đâu kém một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Họ thường xuyên đối mặt giữa ranh giới của sự sống và cái chết nếu hy sinh đâu thua sút một vị anh hùng. Nếu chỉ ca ngợi người lính chiến, một vị tướng tài ba, mà không nói, không viết gì về họ, không hiểu biết lòng can trường của họ thật là không công bằng.

Địch trong các căn cứ tại thị xã Bình Long bắt đầu dội cối 106,7 ly vào trận địa chúng tôi. Tiếng đạn rơi xé không khí xèo xèo, tiếng nổ trầm rền vang như sấm, tiếng cành lá bị mảnh đạn chém gãy răng rắc văng tứ tung... Thế mà các cô gái “chân yếu tay mềm” nơi chúng tôi có người ngồi dựa gốc cây chân gác lên thùng đạn, có người nằm chèo queo ôm quả ĐK ngủ ngon lành. (Vài tháng sau Tết Mậu Thân có bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của Lưu Nhất Vũ ra đời phổ biến rộng rãi. Bài hát rất hay và đi vào lòng người. Anh em chiến sĩ chúng tôi không ai không thuộc nếu không toàn bài cũng vài ba câu. Khi hát lên người ta cảm nhận cái chất lãng mạn chiến đấu, tươi tắn, hồn nhiên của những cô gái tải đạn với bông mai rừng trên lưng làm ngụy trang... Thế mấy ai hiểu được những cô gái trẻ đang nằm co ở đây bên đường ranh giữa cái chết và sự sống rất mong manh).

Tôi lệnh cho bộ đội phải đưa tất cả các cô xuống hầm. Chật hẹp gì cũng chia nhau mà ẩn nghỉ qua đêm. Hầm của tôi nhường cho 3 cô gái. Cô lớn nhất 23 tuổi, một cô 20, một cô mới 17. Qua ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn pin, nhìn cả ba rất trẻ. Các cô cho biết trong đại đội trừ nữ đại đội trưởng 24 tuổi. Còn lại từ tuổi 23 trở xuống. Chưa ai lấy chồng. Chị em quê các tỉnh miền Đông. Có số ít từ Sài Gòn ra từ Bến Tre lên. Tôi hỏi thăm cô trẻ nhất tóc cắt bum bê có đôi khuyên vàng tròn bằng đồng xu lủng lẳng nơi hai tai: “Vóc dáng em mảnh mai, chưa qua hết tuổi học trò làm sao em chịu đựng được cảnh này?”. Em cười để lộ hai má lúm đồng tiền trông rất xinh nhưng không nói. Cô lớn tuổi nói thay: “Thế mà chả thua chị kém em đâu anh ạ! Một mình nó cõng hai quả ĐK đấy”.

“Em quê Bến Cát” - Bây giờ em mới lên tiếng - “đang học trung học ở Bình Dương, thoát ly được 6 tháng - Vì sao ư? Thấy bọn Mỹ nghênh ngang ngạo mạn bắt ghét. Ai chịu nỗi bọn chúng. Lúc đầu nhiều cái sợ, cái lo, nhớ mẹ nhớ em. Bây giờ quen rồi”.

Tôi không hỏi nhiều để các em tranh thủ nghỉ ngơi. Con đường ngặt nghèo nguy hiểm đang chờ đêm mai và... Biết bao ngày tháng... còn phía trước (sau Tết Mậu Thân vài tháng tôi hoạt động thường xuyên ở chiến trường Bến Cát, sau giải phóng miền Nam tôi qua lại nhiều lần vùng này. Tôi rất tiếc không biết tên và địa chỉ em gái 17 tuổi để tìm thăm - cô gái nhỏ có đôi khuyên vàng lủng lẳng nơi tai).

Sáng mùng Ba Tết, đến giờ phát tin thời sự của đài tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Giải phóng chúng tôi mới hay cuộc tổng tiến công và nổi dậy được phát động trên toàn miền Nam. Trên 30 mục tiêu của Mỹ - ngụy đồng loạt bị tấn công và đánh chiếm trong đêm mùng Hai tết. Đó là bản tin đầu tiên. Sài Gòn hang ổ bọn đầu sỏ Mỹ ngụy đang bị rung động nghiêng ngã với đòn phủ đầu vào Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, đài phát thanh, đại sứ quán Mỹ, Tổng nha cảnh sát v.v... Cuộc chiến đấu của quân ta đang tiếp diễn.

Trước khi nghe bản tin chúng tôi không biết tí gì về chiến dịch. Bây giờ thì đã rõ. Việc chúng tôi được lệnh phòng thủ khu vực Trảng lớn trên đất bạn, cái gọi là “xuống đường”, các căn cứ chúng tôi đến tiếp thu vắng chủ, những việc “không cần biết” và hiện nay chúng tôi đang chốt giữ tại đây, nếu có quân Mỹ di chuyển trên con lộ đỏ phải đánh chặn chúng không cho thọc xuống phía Nam vùng Minh Hòa, Minh Thạnh hậu cứ hướng chủ yếu của chiến dịch, cũng là hành lang vùng giải phóng của ta, cầu nối liền đến cửa ngõ bắc Sài Gòn... Những điều ấy đều liên quan trực tiếp đến chiến dịch. Hãy tưởng tượng xem, quân ta đang đánh vào sào huyệt đầu não Mỹ - ngụy ở phía trước, phía sau ta nếu một chút lơ lỏng, quân Mỹ đấm vào các huyệt trọng yếu nơi cột sống sau lưng thử hỏi điều gì sẽ xảy ra cho ta. Tôi nhận thức được điểm này càng thấy trách nhiệm vô cùng nặng nề. Dĩ nhiên tôi biết đây là nhiệm vụ của cả trung đoàn 88, nhưng tiểu đoàn tôi được phái đứng trên tuyến đầu.

Anh em cứ xuýt xoa không được tham gia trực tiếp đánh vào các cơ quan đầu não Mỹ — ngụy ở Sài Gòn. Chị em thanh niên xung phong mặt buồn xo vì không bám theo kịp bộ đội. Việc tiếp tế đạn dược sao đây. Thấy tôi anh em vây lại bám hỏi:.“Nghe nói “thiên hạ” xuống đường ào ào, còn ta lại ngồi chơi xơi nước nơi lõm rừng này sao thủ trưởng?” Cô chỉ huy đại đội thanh niên xung phong và đồng chí trợ lý tham mưu hậu cần sư đoàn 7 đến gặp tôi khẩn khoản đề nghị bằng mọi cách yểm trợ vượt đường đêm nay. Tôi nói với các đồng chí rằng đã có cách tuy có hơi mạo hiểm một chút.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:04:44 am »

Đêm vừa rồi tôi không hề chợp mắt. Tựa lưng vào vách hầm đầu óc cứ miên man suy nghĩ tìm cách đưa đoàn thanh niên xung phong vượt đường an toàn. Ngày mai nếu quân Mỹ xuất hiện, cuộc chiến đấu sẽ diễn ra ác liệt. Đoàn bị kẹt lại đây thật nan giải.

Địch ngưng bắn pháo. Một ý nghĩ vụt lóe trong đầu tôi. Tôi cho gọi trung đội trưởng trinh sát đến. Tôi bàn với anh cử 3 tổ đi ngay bây giờ soi một đường chệch về bên trái đường đi đêm qua hướng thị xã Bình Long, men theo bìa rừng cao su ra lộ. Địch không nghĩ ta mạo hiểm đi gần căn cứ chúng. Tôi căn dặn anh việc ém chốt để theo dõi địch suốt cả ban ngày, việc cho người về báo cáo dẫn đường, âm tín hiệu liên lạc v.v

Mờ sáng tôi nghe báo cáo soi được đường. Anh em đã bò ra mặt lộ. Không có biểu hiện gì địch đã phục kích đoạn này. Mọi việc thuận lợi.

Đến trưa mùng Ba Tết, đài quan sát các hướng, các tổ trinh sát mặt đất tin cho biết tình hình yên tĩnh. Hướng Bình Long chưa thấy biểu hiện địch động binh. Tôi bàn với các anh trong ban chỉ huy tiến hành cuộc họp Đảng ủy bất thường mở rộng. Chúng tôi chưa được thông báo của trung đoàn nhưng căn cứ những bản tin thời sự, những bài bình luận của đài Tiếng Nói Việt Nam, đài phát thanh Giải Phóng chúng tôi truyền đạt lại cho anh em. Tôi nói rõ về xâu chuỗi những sự kiện trong nhiệm vụ gần đây của tiểu đoàn đều liên quan trực tiếp đến chiến dịch đang diễn ra ở Sài Gòn. Đặc biệt lúc này địch có khả năng trong ngày mai đơn vị nào đó thuộc sư đoàn 1 bộ binh Mỹ sẽ theo con lộ đỏ đánh thọc sau lưng vùng tập kết hậu cần kỹ thuật tức hậu cứ quân ta để trực tiếp giải tỏa áp lực đang đè nặng Sài Gòn. Đó là điều chắc chắn. Hôm nay chúng chưa xuất hiện có thể do cuộc tiến công của ta quá đột ngột bất ngờ. Chúng chưa kịp tỉnh hồn và dè dặt theo dõi diễn biến tình hình. Ngày mai mùng Bốn Tết bọn Mỹ ở Bình Long bắt đầu cựa quậy. Ta sẽ đối mặt với chàng “anh cả đỏ”. Thời gian còn lại đến đêm phải tích cực hoàn chỉnh công sự (từng đoạn chiến hào, hố bắn cá nhân, hầm trú ẩn phi pháo...). Đơn vị đã được phân công tích cực yểm trợ thanh niên xung phong vượt đường.

Đêm mùng Ba Tết chúng tôi thành công trong nhiệm vụ này được an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhỏm.

Lại qua một đêm không ngủ. Mờ sáng trong ban chỉ huy phân công nhau đi kiểm tra lần cuối tại vị trí chiến đấu các đại đội, động viên anh em...

Tôi đến đài quan sát được bố trí bên kia lộ đỏ gần căn cứ cứ hôm đầu mới đến. Tôi nghĩ nếu cuộc chiến đấu diễn ra vị trí ém quân vừa là trận địa của chúng tôi sẽ bị tàn phá khủng khiếp. Đặt đài quan sát gần vị trí chỉ huy của tôi không tiện, sẽ bị khống chế phá hủy ngay từ phút đầu. Cần nghiên cứu đặt chỗ khác bảo đảm bí mật an toàn. Đài quan sát là cặp mắt của người chỉ huy với tầm nhìn bao quát một vùng rộng lớn phát hiện kịp thời mọi hành động địch, giúp chỉ huy phán đoán tình huống và xử lý chính xác kịp thời. Tôi chọn được một vị trí khá tốt cách hầm chỉ huy của tôi khoảng 250 mét đường thẳng nằm chếch trong một khu rừng biệt lập. Chiến sĩ thông tin mắc đường dây chôn sâu xuống đất.

Rời đài quan sát tôi đến đứng bên ngoài mép rừng nơi căn cứ cũ hôm đầu mới đến với sự băn khoăn không mấy yên tâm. Với địa hình này và nhiệm vụ được giao, tại sao “người ta” không cho tôi được phép “bày binh bố trận” theo ý mình, lại bắt “nhốt” cả tiểu đoàn vào cái rọ chật hẹp. Nếu được phép tôi sẽ bố trí một bộ phận lực lượng tại mép rừng nơi tôi đứng. Khi quân Mỹ xuất hiện trên lộ đỏ đội hình của chúng tuy có cảnh giới sưu sách hai bên nhưng vẫn giữ hàng dọc. Nếu đại đội 1 và phần lớn đại đội 2 đánh tạt vào sườn trái của địch, buộc địch từ hàng dọc (khả năng dùng xe bọc thép M113 chở quân) chuyển sang trái thành hàng ngang đối diện trực tiếp quân ta và chúng có thể phát toàn bộ hỏa lực trên các xe cơ giới. Nếu có lực lượng ta bố trí tôi đứng cặp mé rừng sẽ đánh thọc vào sau lưng chúng, ép chúng vào giữa hai gọng kiềm quân ta. Tôi là phương án thích hợp. Nhưng “người ta” không nghĩ thế và không cho tôi làm thế. Tôi lầu bầu với mình: “một sự áp đặt ấu trĩ”. Giá như có mặt sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện mọi chuyện sẽ khác. Nhưng bây giờ ông đang chỉ huy ở mặt trận Sài Gòn.

Tôi chưa kịp vượt con lộ đỏ và bãi đất trống về lại vị trí của mình, một toán 2 chiếc trực thăng vũ trang “cá lẹp” từ hướng Lai Khê lên. Lượng một vòng hạ độ cao chúng nả róc két, trọng liên vào trận địa tiểu đoàn tôi. Tốp này chưa dứt tốp khác đã đến. Cứ thế chúng luân phiên quần đảo trút hỏa lực xuống lõm rừng bé tẹo. Trên đài quan sát anh em báo với tôi chưa thấy bộ binh cơ giới địch xuất hiện ở cả hai hướng Bình Long xuống, lộ 13 vào. Các tốp trực thăng vừa dạt ra, pháo bầy từ nhiều hướng cấp tập dồn dập.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:05:29 am »

Tôi biết đây là những đợt hỏa lực chuẩn bị mở đường trước khi xe tăng và bộ binh địch xuất hiện. Pháo ngừng bắn. Tôi sắp vượt qua bãi trống để về bên kia lộ. Giờ phút này không có mặt tôi tại chỗ, các anh trong ban chỉ huy hết sức lo lắng. Bỗng từng tốp máy bay phản lực ập đến. Bom nổ trên trời. Khói bụi mù mịt. Tôi đứng mép rừng bên này nhìn qua có cảm giác với sức tàn phá của bom đạn như thế khó có thể một sinh vật nào thoát nổi. Tôi xót xa và tự thấy hổ thẹn. Lúc này hàng mầy trãm con người dưới quyền tôi đang đương đầu với vô vàn hiểm nguy khốc liệt. Còn tôi sao lại đứng đây chọn riêng cho mình con đường sống? Mặc dù tại nơi tôi đứng mảnh bom đạn cứ vun vút xé toạt cây rừng. Mấy lần tôi lao ra nhưng bụi khói và sức ép của những quả bom nổ trước mặt hất tôi lại. Tôi đành chờ một khoảnh khắc thoáng hở của hỏa lực địch và lao đi. Tôi không thể chần chừ. Bọn Mỹ sắp ló mặt. Tôi cho mình lúc này ra đài quan sát không thường trực tại vị trí chỉ huy là sai lầm. Tôi giao động. Không phải vì cái chết. Chết ai mà chẳng sợ. Nhưng có cái khủng khiếp gấp chục lần cái chết là trách nhiệm và danh dự. Giặc đến, người chỉ huy trận đánh là tôi lại chơ vơ một mình nơi đây. Điều gì sẽ xảy ra cho tiểu đoàn? Dĩ nhiên không có tôi sẽ có người khác thay thế. Nhưng tôi sống để làm gì? Tự tôi - phải - tự mình loại mình ra cuộc chiến đấu. Thật nhục nhã xấu hổ.

Bất kể bom đạn địch đang còn oanh kích dữ dội tôi lao ra. Có tiếng gọi to sau lưng làm tôi khựng lại. Trung đoàn trưởng đến bên tôi, ông gằn tiếng hỏi:

- Sao lại ở đây, bỏ tiểu đoàn chạy à?

- Tôi lắc đầu. Vừa xấu hổ vừa tự ái, nhưng tôi như câm miệng hến không nói ra lời. Đồng chí lại hỏi:

-Sợ à?

- Vâng có sợ - tôi thú nhận - nhưng không chạy trốn.

- Nhưng sao ở đây? ông lập lại câu hỏi ban đầu.

- Kiểm tra đài quan sát. Đang mắc kẹt. Sắp chạy về thì đồng chí đến. Tôi đi đây, trung đoàn trưởng hãy cẩn thận. Hết đợt oanh kích này bọn Mỹ sẽ xuất hiện. Xin chào.

Vừa lúc máy bay địch lượn vòng trên cao, tôi phóng nhanh qua trảng trống và con lộ đỏ. Chỉ còn mấy mươi mét đến bìa rừng nơi có các đồng đội tôi đang vẫy tay đón đợi. Thế mà tôi cảm thấy như xa hàng dặm. Một loạt đạn pháo nổ ầm ầm đinh tai nhức óc xung quanh tôi. Thân cây mảnh đạn văng tứ tung. Khói bụi phủ trùm, vừa lúc tôi lăn người xuống một đoạn hào nơi có mấy chiến sĩ ẩn bên dưới. Tôi đã nằm trong vòng tay anh em. Tôi nghe có tiếng văng vẳng gọi tên tôi. Tôi bị choáng một chút. Các chiến sĩ rối rít gọi tôi đầy vẻ hốt hoảng. Khi biết tôi không việc gì anh em mừng lắm. Tôi cũng rất mừng không phải vì tôi mới được thoát nạn mà là suốt hơn nửa tiếng đồng hồ bị hỏa lực địch tấn công ác liệt, anh em cả hai đại đội không ai hề hấn gì. Tôi nhắc anh em sau loạt pháo cuối cùng bộ binh và xe tăng Mỹ sẽ “diễu hành” qua đây. Anh em “đốt pháo” đón mừng chúng chu đáo. Hãy “mời” chúng nằm lại nghỉ ngơi. Đất rừng xứ mình không hẹp hòi gì chuyện “định cư” lâu dài của những chàng lính “anh cả đỏ”.

Tôi vọt lên chiến hào lao về vị trí chỉ huy của mình. Tôi không quên nhắc lại cho anh em nhớ đúng ngày này năm ngoái mùng Bốn Tết Đinh Mùi tại khu rừng đồi đá nam lộ 19 Đức Cơ tỉnh Gia Lai, ta đã cho lính sư đoàn 4 bộ binh Mỹ nếm mùi đau khổ, một trận nhớ đời. Điều ngẫu nhiên trùng hợp. Mùng Bốn Tết Mậu Thân năm nay chúng tôi sắp choảng nhau với đơn vị nào đó thuộc sư đoàn 1 nổi tiếng của quân đội Mỹ trên hướng Bắc cửa ngõ Sài Gòn.

Chúng tôi liên tiếp nhận các báo cáo của đài quan sát, các tổ trinh sát tiền tiêu, chỉ huy các đại đội về tình hình địch đúng như dự liệu. Đường dây thông tin từ trung tâm chỉ huy tỏa đi các nơi vẫn thông suốt.

- Hướng lộ 13 vào - tôi nhắc tiểu đoàn phó - hành động của một toán bộ binh địch phía bên ngoài rừng chồi có khả năng chỉ nghi binh đánh lừa sự tập trung của ta. Hướng đối diện nơi vòng cung chữ U do một trung đội đại đội 2 phụ trách, nơi bìa rừng cao su bộ binh địch đang triển khai với lực lượng không nhiều, có thể đó là bộ phận sưu sách bảo vệ cánh trái cho đoàn bộ binh cơ giới đang tiến rất chậm trên lộ đỏ. Tôi căn dặn đại đội trưởng 2: nếu Mỹ không xộc vào trận địa ta mà đi ven mép rừng thì phải ngậm tăm cho chúng đi qua, đến phạm vi đại đội 1, đại đội 1 sẽ giải quyết. Nghe súng đại đội 1 nổ, đại đội 2 đánh tạt sườn vào khúc giữa hoặc khúc đuôi của chúng. Với đại đội 1 nếu bọn sưu sách mang đầu đến nộp phải tiêu diệt, buộc chúng phải phơi xác tại chỗ. Lực lượng cơ giới Mỹ trên lộ đỏ nhất định sẽ xông vào yểm trợ lấy xác. Lúc này hãy sử dụng tối đa các loại hỏa khí chống tăng ĐKZ, B40 B41 với cự ly thích hợp cho từng loại súng. Tại 2 đại đội chúng tôi có 20 hỏa khí chống tăng. Tôi nhắc lại những điều trên vì đã có trong kế hoạch tác chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:06:39 am »

*
*   *

Trận đánh diễn ra ác liệt kéo dài. Có lẽ bọn Mỹ nhận ra muốn tiến đến được mục tiêu, phải bằng mọi giá đè bẹp cho được kẻ “cản mũi kỳ đà” là một nhóm nhỏ V.C (Việt Cộng) mà chúng cho rằng đã bị tê liệt dưới cơn bão lửa của pháo binh và không quân. Không thể có lực lượng lớn Việt Cộng ở đây. Họ đang dồn xuống Sài Gòn. Vì vậy Mỹ có phần chủ quan. Bọn đi đầu đã có hàng chục tên phơi xác trước các mũi súng đại đội 1 như chúng tôi muốn. Bọn sưu sách phía sau cũng bị đại đội 2 hạ gục một số tương tự. Lũ còn lại tháo chạy ra lộ. Đúng như dự kiến hàng chục xe bọc thép M113 chuyển đội hình hàng dọc sang hàng ngang đối diện với đại đội 1 và 2 bắn trọng liên như phun nước hoa sen vào trận địa ta để bọn cảm tử lăn vào kéo xác đồng bọn. Điều kiện này tạo cho các xạ thủ chống tăng trổ tài. 6 xe ăn phải đạn nằm tại chỗ. Bọn bộ binh trên những chiếc xe hư hỏng nhẹ như bứt xích còn sống sót nháo nhào chạy thục mạng ra xa, bỏ mặc số phận các xe này thành những “quan tài thép chảy”.

Tôi đang theo dõi trận đánh đến hồi khốc liệt ở hướng chủ yếu, trung đoàn trưởng yêu cầu tôi làm việc với ông. Không hiểu sao ông không chịu đối thoại với bất kỳ ai trong ban chỉ huy mà phải là tôi. Làm thế thật rối cho tôi. Vừa báo cáo với ông vừa phải nghe và xử lý tình huống xảy ra ở các hướng. Ông, lẽ ra là người từng chỉ huy hơn ai hết hiểu điều này mới phái.

Mỗi lần quân Mỹ bị ta đánh bật ra là phi pháo chúng trút xuống chúng tôi ầm ầm như trời long đất lở. Trong gian hầm chỉ huy khá rộng, vốn trước kia là hội trường nhỏ của một cơ quan nào đó, bây giờ khói bụi quyện nhau mờ mịt. Muốn nói gì phải thét to vì tiếng bom đạn tiếng súng nổ liên hồi đinh tai nhứt óc. Trung đoàn trưởng lệnh cho tôi cứ 5 phút phải báo cáo với ông một lần. Thật lạ, không lẽ chức trách của tôi đang lúc đánh nhau chỉ làm công việc này? Trong ban chỉ huy còn nhiều người thay tôi làm cái ông muốn, nhưng ông không chịu. Điều này làm bài học cho tôi. Bài học không mới. Nó đã trở thành nguyên tắc của công tác tham mưu trong chiến đấu. Đúng ra tham mưu trưởng trung đoàn phải luôn bên cạnh trung đoàn trưởng, thông qua trưởng tiểu ban tác chiến phải luôn theo sát, nắm chắc và tổng hợp tình hình, đề xuất ý kiến báo cáo với người chỉ huy. Trung đoàn trưởng nắm mọi diễn biến trong chiến đấu của đơn vị dưới quyền thông qua cơ quan tham mưu của mình. Dĩ nhiên có trường hợp đặc biệt, trung đoàn trưởng trực tiếp làm việc với người chỉ huy cấp dưới này cần giảm ở mức ít nhất để người chỉ huy cấp dưới tập trung vào chỉ huy chiến đấu. Tham mưu trưởng trung đoàn không thể ngoài cuộc chỉ làm “cố vấn” cho trung đoàn trưởng.

Còn tôi lúc này chỉ huy mà như người mù. Ở trong căn hầm chỉ thấy bốn vách tường, ba cái máy điện thoại và một nhóm người chung quanh, cùng hít thở thứ không khí sặc mùi thuốc súng khói bom khét lẹt. Tôi muốn tận mắt thấy hành động chiến đấu của chiến sĩ ta và sự ngoan cố thất thần của quân xâm lược. Ở đó tôi gần gũi anh em sẽ là nguồn động viên tinh thần chiến đấu cho họ chứ không bằng hô hào khẩu hiệu trong các cuộc họp. Ở đó có điều kiện xử lý tình huống nhanh và chính xác hơn. Không lẽ tôi giải quyết vấn đề bằng đốc thúc các đại đội trưởng cứ... 5 phút báo cáo cho tôi một lần (?) Chiếc máy dành riêng để liên lạc với trung đoàn lại reo liên hồi. Bên kia đầu dây tôi nghe tiếng ông gằn giọng như mọi lúc ông bực bội khó chịu. Tôi biết ông nóng ruột. Còn tôi càng nóng ruột gấp mười lần ông. Tôi không tự kềm chế điên tiết quật chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay trái vào vách hầm nát vụn miệng lầu bầu: “5 phút... 5 phút”. Tôi quăng ống nghe cho tham mưu trưởng đề nghị anh gọi máy làm việc với cơ quan tham mưu trung đoàn. Không ai chịu động chân động tay thì cúp. Việc cấp thiết bây giờ là tập trung chỉ huy tác chiến. Tôi quay sang chính trị viên đề nghị anh cùng tham mưu trưởng thay tôi. Còn tôi ra trận địa của đại đội 1 và 2. Các anh chưa kịp can ngăn tôi đã vọt lên miệng hầm.

Tôi vô cùng sửng sốt, cả cánh rừng với những tàn cây rậm kín đáo bây giờ không còn gì. Cây đổ ngổn ngang, cành lá tung tóe che phủ mặt đất lấp các lối đi. Phải chui lòn, có đoạn bò trườn từng mét một. Chiếc trực thăng “xương cá” vè vè trên đầu lượn qua đảo lại xoi mói dòm ngó tìm mục tiêu chỉ điểm và hiệu chỉnh cho pháo bắn. Chúng đang dùng các loại đạn xuyên phá công sự. Loại máy bay này chỉ có bộ khung. Nhìn rõ tên giặc lái và xạ thủ súng máy từ chân đến đầu nên nó được bộ đội ta đặt cho cái tên “xương cá ”. Nó bay rất chậm như người đi bộ trên mặt đất. Có lúc nó neo một chỗ quay đít xoay vòng ở tầm cao khỏi ngọn cây chừng năm, bảy mét. Văn lúc này vẫn bám sát bên tôi. Tôi thét báo Văn kê súng ngắm cẩn thận quạt cho nó một băng. Văn y lời nổ một tràng dài. Không biết có trúng đạn không chỉ thấy nó giật khựng tăng tốc vút lên cao lao về hướng Bình Long mất dạng. Văn la toán lên: “trúng rồi thủ trưởng ạ!” Tôi bác lời cậu ta: “Rơi xuống đất mới xem là trúng”. Văn lý sự: “Ít ra nó bị thương nên bỏ chạy”. Tôi bảo Văn: “Không có căn cứ nào để tính thành tích ghi công cho cậu đâu. Mục tiêu to đùng gần như cố định tại chỗ trên ngọn cây, cậu không vít được nó xuống đất, chưa thể thành dũng sĩ săn máy bay”. Văn cười hỳ hỳ chống chế: “Dù sao cũng đuổi nó chạy cong đuôi không còn quấy rầy chú cháu mình. Thế là đạt”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:07:20 am »

Chúng tôi chui lòn qua những thân cây ngã rạp. Trườn người trên những lớp lá xanh rơi rụng tả tơi dày đặc trên mặt đất đến được chiến hào nơi tiếp giáp giữa hai đại đội 1 và 2. Anh em thoạt thấy tôi đã hoan hô thủ trưởng. Được sự chào hỏi giữa chiến trận của những đồng đội tôi thấy mát lòng hởi dạ. Nhìn anh em người nào người nấy đầu tóc tay chân mặt mũi phủ đóng một lớp bụi dày. Quần áo te tua mồ hôi trộn lẫn cát bụi...

- Sao thủ trưởng ra đây?

- Ra bắt mấy cậu chia phần. Không cho tớ chấm mút tí nào sao? Bọn Mỹ ấy mà.

Cả bọn lại cười. Tiếng cười hồn nhiên của những con người gan lì, coi thường cái ác liệt của bom đạn lửa khói. Điều này động viên củng cố lòng tin của tôi ở họ. Nhất định họ và tôi sẽ đứng vững trên tuyến lửa này.

Điều làm tôi hết sức vui mừng, đó là cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt từ sáng đến giờ chỉ có một chiến sĩ hy sinh, vài người bị thương không nặng lắm đã được băng bó chu đáo. Không ai chịu rời trận địa. Thật ra có rời không thể đi đâu. Không nơi nào chắc chắn và an toàn bằng bám lấy công sự. Thường ngày trong huấn luyện câu động viên của các chỉ huy: “Đổ mồ hôi nhiều trên bãi tập ít đổ máu trên chiến trường”. Còn ở đây anh em động viên nhau: “Đổ mồ hôi đào công sự ít đổ máu khi lâm chiến”. Cả hai rất đúng. Nếu không có những công sự vững chắc thế này thì thương vong bộ đội sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

Lúc này cuộc chiến đấu dịu đi một chút. Mật độ phi pháo giảm nhiều. Chưa có một xe thiết giáp và một tên lính Mỹ nào vượt qua khỏi phạm vi khống chế của đạt đội 1 và 2. Hướng đại đội 3 yên tỉnh. Hơn 20 phút trước đây khoảng vài mươi tên Mỹ rị mọ từng bước tiếp cận ta thăm dò được anh em nổ súng đón chào rất “rôm rả”. Cả bọn lôi những tên chết và bị thương cong đuôi tháo chạy một mạch ra lộ 13. Tại đây chúng dùng pháo bắn thẳng trên xe tăng nả liên hồi vào mép rừng trả đũa. Như chúng tôi dự kiến, hướng này Mỹ nghi binh kềm chế ta.

Theo hướng tay chỉ của một trung đội trưởng tôi nhận rõ 4 chiếc M113 lù lù trên lộ đỏ bị bắn hỏng nằm đó. Một số chiếc khác được chúng móc kéo chạy lui về phía sau. Những chiếc đang còn bỏ lại vì hỏa lực ta chế áp phong tỏa nên chưa làm gì được. Chúng chỉ lôi được các xác chết trong xe. Cạnh mé rừng một số nón sắt bọn Mỹ lăn lóc rải rác cùng nhiều băng đạn AR15 vung vãi khắp nơi. Đồng chí Quán đại đội trưởng đại đội 1 với giọng rụt rè như có lỗi vì không ghìm được xác để chúng cướp được mang đi. Tôi động viên khích lệ anh em: “Có càng tốt. Không cũng chẳng sao. Điều hệ trọng ghìm được đầu chúng lại xem như thắng lợi”.

Chiếc đồng hồ vô tội vạ chỉ vì một chút bực bội khó chịu tôi đã đập nát, bây giờ không biết đã mấy giờ. Nghĩ mình dại, nóng nảy chỉ thiệt cho mình. Ngay tại mép rừng nhìn thấy mặt trời đã nghiêng bóng tôi đoán mò khoảng ba giờ chiều.

Tôi căn dặn các đồng chí chỉ huy là bọn Mỹ tạm ngưng tấn công chốc lát, chắc chúng có chủ định gì đây. Thời gian đến tối còn dài. Chúng có thể tập trung tiến hành từ một đến hai đợt không chừng. Động viên anh em cố giữ đến tối.

Sức chiến đấu của ta hình như còn nguyên vẹn. Tôi cho điều đạn B40, B41 và đạn con từ hướng đại đội 3 sang bổ sung.

Đúng như dự đoán, đợt tấn công thứ tư quân Mỹ bắt đầu bằng những “bản nhạc” pháo binh cấp tập dồn dập. Máy bay chiến đấu phản lực và loại có động cơ cánh quạt AĐ6 không thấy xuất hiện, chỉ còn cặp trực thăng vũ trang và chiếc trinh sát L19 hoạt động. Đợt pháo chuẩn bị này chỉ kéo dài 5 phút. Thiết giáp và bộ binh Mỹ tràn qua lộ đỏ. Lần này chúng không tiến theo trục lộ mà dồn hỏa lực vào trận địa ta. Hàng chục khẩu trọng liên, đại liên trên xe bọc thép bắn như mưa tưới nước vào ven rừng. Té ra chúng tấn công đợt này nhằm yểm trợ một số xe M113 còn “lành lặn” liều mạng xông vào kéo những chiếc xe bị bắn hỏng lôi đi. Bị ta phản kích hỏa lực ác liệt, ý chúng không thành. 4 xác xe vẫn còn đó.

Quân Mỹ bỏ cuộc, đành dắt díu nhau bỏ chạy về Bình Long.

Chúng tôi toàn thắng. Điều quan trọng không phải diệt số lượng lính là phương tiện thiết giáp của chúng nhiều hay ít, thu bao nhiêu vũ khí, mà là đánh lui không để quân Mỹ thực hiện ý định tấn công bất ngờ vào hậu cứ của hướng chủ yếu và cơ quan chỉ huy chiến dịch khu Minh Hòa - Minh Thạnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:08:44 am »

Chúng tôi tham gia đợt 1 chiến dịch Tết Mậu Thân bằng chiến thắng này(1).

Bên kia đầu dây nói giọng quen thuộc của trung đoàn trưởng có vẻ hồi hộp hỏi tôi kết quả ra sao? Tôi báo cáo với đồng chí và ban chỉ huy cùng cơ quan tham mưu những nét lớn diễn biến cuộc chiến đấu gần suốt cả ngày. Kết quả lớn nhất là thực hiện được ý đồ chỉ đạo và mệnh lệnh tác chiến của trên. Cụ thể số lượng Mỹ chết và bị thương thấy nhiều, con số không nắm chắc. Đề nghị bộ phận kỹ thuật Miền theo dõi thông báo lại. Riêng xe 113 Mỹ bỏ lại 4 chiếc. Đài quan sát báo chúng kéo đi 6 chiếc. Tôi nghe tiếng gặng hỏi có vẻ không tin. Tôi lấy làm lạ cho những ai đó khi bom rơi đạn nổ họ “ẩn ẩn hiện hiện” cách trận địa chúng tôi những hai đến ba nghìn mét, thậm chí không hề nghe được một lời động viên khích lệ (trừ trung đoàn trưởng). Vừa im tiếng súng thì họ lên giọng gay gắt. Họ có thể không tin qua lời nói của tôi, nhưng họ không thể phủ nhận một cách ác ý với máu và mồ hôi, sự chịu đựng quá sức con người của cán bộ và chiến sĩ vốn trong biên chế dưới quyền họ. Những con người đầm mình trong khốc liệt của bom đạn suốt 10 tiếng đồng hồ. Máu và mồ hôi của hàng chục chiến sĩ hy sinh và bị thương (trong đó có đại đội trưởng Quán, anh bị thương trong đợt tấn công cuối cùng của quân Mỹ sau khi gặp tôi ngay tại chiến hào đại đội). Điều đó làm nên chiến tích và công lao thuộc về họ. Họ được cất nhắc và khen thưởng. Còn những kẻ lăn lộn trong lửa đạn thì... Không được “xơ múi” gì.

Tôi quát lại trong điện thoại: “Ai không tin xuống đây. Tôi sẽ dẫn ra mấy chiếc xe đó dí tận tay nhìn tận mắt để... Nghiên cứu tính năng tác dụng của nó, chứ ngồi một chỗ không rõ hơn đâu”. Thêm một điều lạ nữa là không một lời hỏi thăm chuyện thương vong của bộ đội. Mọi việc tự chúng tôi lo liệu. Tôi nói với chính trị viên: “Sao người ta vô tâm thế nhỉ?”.

Mục tiêu hấp dẫn tôi là 4 chiếc M113 lù lù nằm mép cạnh lộ đỏ. Thứ này Mỹ tốn không ít sinh mạng quyết kéo đi cho bằng được nhưng không thành công. Không phải Mỹ tiếc gì đến những đống sắt trở thành phế liệu cho các lò nấu thép, mà Mỹ tối kỵ không để xác xe, xác lính lại trận địa. Dù giá nào cũng không để lọt vào tay đối phương. Thế mà lần này nó đang trước mặt tôi. Tôi chứng kiến uy lực kinh hồn của các quả đạn chống tăng. Tôi và anh em có mặt không phân biệt chiếc nào bị ĐKZ bắn, chiếc nào bị B40 B41 hạ. Chiếc nào cũng có lỗ thủng to bằng cái thúng. Vỏ thép của xe M113 khá dày khoảng 2 đến 3 centimet. Thế mà quả đạn nổ khoét thành một lỗ to đến khiếp. Đường kính phải 70 đến 80 centimet. Nhũ thép bị nóng chảy đông đặc dài bằng gang tay trông như nhũ đá trong các hang động. Bọn Mỹ trong xe chắc bị cháy đen. Không ai sức nào chịu nổi độ nóng trên hàng nghìn độ C làm cho thép phải nóng chảy. Mỗi xe M113 ngoài tên lái, xạ thủ đại liên hay trọng liên (có xe gắn cả ĐKZ) còn 6 hay 7 lính ngồi bên trong phía sau được che chắn bởi thùng xe bằng thép dày, dù là đạn trọng liên không thể xuyên thủng. Cả 4 chiếc đều bị bắn như thế. Không chiếc nào bốc cháy như ta thường thấy trong phim. Anh em đài quan sát báo lại vì không đủ xe cứu thương Mỹ phải dùng xe tải để chở thương binh và xác chết về Bình Long.

Trời sập tối. Tôi quay về hầm chỉ huy. Trung đoàn trưởng nóng ruột chờ tôi bên máy điện thoại. Ông hỏi tôi vừa đi đâu về? Tôi trả lời là đi dạo buổi chiều để đón gió đêm. Ông nói giọng dịu lại: “Đừng giận, ai đó không tin nhưng mình thì tin. Cậu oán tớ làm gì. Bây giờ cậu chuyển tiểu đoàn về nơi cũ phía Tây lộ đỏ. Tối nay bàn giao mọi việc cho tiểu đoàn phó và ban chỉ huy. Sáng mai cậu trở về vị trí công tác cũ: tham mưu phó trung đoàn”.

Tôi không chút vui mừng phấn khởi với chức danh này. Nó vốn cái ghế của tôi ngồi trước đây 2 năm. Bây giờ trở lại tôi xem như... “không có gì mới”. Ngược lại bị tước quyền trực tiếp chiến đấu trở thành anh chàng thò thụt lấp ló phía sau. Có nhiệt tâm cũng chỉ là chú lính đánh mồm. Tệ hơn, người ta sẽ coi như tên “đầu sai” chỉ đâu làm đấy với những chuyện vặt “chạy cờ đóm điếu” cho các vị bề trên. Nếu “không biết điều” cứng cổ cứng đầu sẽ thành anh chàng bị thịt, người ta bỏ mặc xem không có anh trên đời. Anh cứ ngồi chơi xơi nước... suốt dài dài. Điều này đối với tôi không khác chi cực hình. Tôi không phải là kẻ có danh nhưng không thực. Ở tiểu đoàn làm đầu gà hơn được leo lên làm cái đuôi trâu. Tôi đã nếm mùi khi làm tham mưu phó trung đoàn 95B. Chỉ vì tôi không thể nói lên, hưởng ứng, hoan hô những cái gì đó khác với cái “tâm” của mình nghĩ. Tôi không thể biểu lộ hành động cử chỉ vốn tính mình không ưa thậm chí còn căm ghét.

Tôi không thấy một chút tia sáng nào le lói của niềm hy vọng tương lai khi phải về cơ quan tham mưu trung đoàn. Ở đấy đầy lòng đố kỵ tuy chỉ năm, ba người nhưng lại là vai vế hàng đầu trung đoàn. Tôi cảm thấy mình như cặp bánh xe chạy trên thanh ray thô nhám xù xì tạo ra quá nhiều ma sát, kềm hãm trớn chạy của xe tôi bất kỳ lúc nào cũng có thể người ta hất cho lộn nhào chỏng vó.


(1) Sau Tết Mậu Thân cho đến ngày nay đã hơn 35 năm khi nói và viết về chiến dịch này người ta chỉ ca ngợi những chiến tích các lực lượng chiến đấu bên trong nội thành. Mấy ai biết được có những trận chiến đấu khốc liệt một mất một còn “nếu phải hy sinh còn một người phải giữ trận địa”, chặn cho được bọn Mỹ để yểm trợ các lực lượng của ta bên trong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:22:10 am »

11

ĐÁNH ĐỔI

Tuy nhiên không phải bất cứ sự đố kỵ nào cũng hại cho mình.

Thời kháng chiến chống Pháp nhờ có sự “đố kỵ” mà người ta buông tôi để không còn là vật cản trong một chuyện tình. Nhờ thế tôi như chim sổ lồng thoát ra khỏi cái “rọ” của anh “công chức nhà binh” trong văn phòng chính ủy. Tôi nhận quyết định xuống tiểu đoàn chiến đấu, với nhiệm vụ phó ban công tác chính trị đại đội B tiểu đoàn 86 với hàm trung đội bậc trưởng (1) (ngang cấp thiếu úy bây giờ). Dạo đó giữa hè 1951 vừa lúc kỷ niệm ngày sinh thứ 21 của tôi.

Tôi đã đạt nguyện vọng bước một, được rời khỏi cơ quan. Sẽ tiến thêm bước nữa, bước mà tôi háo hức mong đợi là làm người lính chiến. Tôi không thích làm nhà “công tác chính trị”. Trên đả thông rằng tôi có phong thái con nhà chính trị hơn quân sự. Rằng tôi là Đảng viên Cộng sản đã kinh qua công tác Đảng, thường vụ chi ủy ở một cơ quan khá đông Đảng viên, quần chúng số đông là cán bộ, lại là cơ quan chỉ huy. Rằng được đào tạo căn bản về công tác chính trị có trình độ lý luận. Rằng chức danh tôi được bổ nhiệm có điều kiện thẳng tiến sau này. Tới đây không lâu phó ban công tác chính trị đại đội sẽ chuyển thành chính trị viên phó đại đội. Tôi sẽ là một trong số không nhiều cán bộ đại đội trẻ tuổi.

Lúc ấy tôi không màng danh này chức kia. Có thể tôi còn quá trẻ chưa biết nghĩ đến chuyện ló mòi đầu óc địa vị. Mộng ước của tôi trực tiếp cầm súng chiến đấu dù chỉ là một cán bộ tiểu đội.

Năm 1952 theo chỉ đạo Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh Liên khu 5, tiểu đoàn 86, tiểu đoàn chủ lực duy nhất còn lại của 3 tỉnh Cực nam Trung bộ giải thể. Các đại đội trở thành bộ đội địa phương chuyển thuộc cho các huyện đội Hàm Thuận, Bắc Bình... Làm nòng cốt phong trào du kích chiến tranh những vùng trọng điểm.

Tuyển chọn trong tiểu đoàn giữ lại một số cán bộ chiến sĩ tinh túy, trẻ, có kinh nghiệm chiến đấu thành lập bộ đội xung kích. Lực lượng này được xây dựng thành đơn vị tinh nhuệ thiện chiến. Đơn vị được huấn luyện tác chiến theo chiến thuật kỹ thuật đặc công chuyên công đồn diệt cứ điểm và có bộ phận cơ động ứng chiến cho các vùng xung yếu (gọi bộ đội vì tổ chức biên chế không như tiểu đoàn bộ binh quân số ít hơn nhưng chất lượng cao hơn. Chiến sĩ có trình độ ngang cấp tiểu đội trưởng hoặc tiểu đội phó. Cán bộ chỉ huy các cấp hạ một bậc).

Dịp may hiếm có, nhân biên chế đơn vị tôi xin “đánh dổi” chức phó ban công tác chính trị đại đội (đã trở thành chính trị viên phó ở các đại đội bộ binh) xuống làm phân đội phó hoặc tiểu đội trưởng xung kích. Người ta thảo luận cân nhắc rồi chấp nhận bố trí tôi làm phó một phân đội để xem khả năng quân sự tôi ra sao(?) (gọi phân đội vì quân số ít hơn một đại đội nhưng chất lượng cao hơn, số lượng đông hơn một trung đội bộ binh thông thường), những vị bề trên ở đây không ai biết tôi đã được đào tạo cơ bản có hệ thống và đổ đạt cao (thủ khoa trường trung đội trưởng) ở các trường huấn luyện cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Chẳng mấy ai biết tôi khi còn là phó ban công tác chính trị đại đội B tiểu đoàn 86 thường được ủy quyền làm quyền bí thư chi bộ Đảng, quyền chính trị viên đại đội đã cùng đại đội trưởng Nguyễn Phương chỉ huy nhiều trận đánh phục kích, vận động phục kích tiêu diệt gọn nhiều tốp, toán địch, bắt tù binh thu vũ khí ở Kim Ngọc - Xoài Quỳ. Với cương vị trên chúng tôi chỉ huy đại đội B trong đội hình tiểu đoàn tấn công tiêu diệt căn cứ quan trọng bậc nhất của Pháp ở Bình Thuận là căn cứ Esépic trên dãy đồi cao Nam cách thị xã Phan Thiết l,5km. Căn cứ này có trận địa pháo 105 ly, sân bay. Thời thuộc Pháp, nó vốn là trường Cao đẳng Thể dục Đông Dương(1)

Lúc chiến đấu tôi ở cương vị trên theo sự phân công của ban chi ủy và ban chỉ huy đại đội. Đồng chí chính trị viên Nguyễn Tung lớn hơn tôi 8 tuổi. Anh quê miền Đông Nam Bộ. Anh tập trung chuyên lo xây dựng phong trào du kích chiến tranh vùng xung yếu nhất lúc đó là Tam Giác (sát cận thị xã Phan Thiết) tạo và giữ mối quan hệ gắn bó với chính quyền của ta ở các thôn xã, Đảng bộ địa phương những địa bàn hoạt động của đại đội. Còn tôi được phân công đảm nhiệm công tác chính trị trong chiến đấu.

Trong đại hội chi bộ đại đội tháng 7 năm 1951 có trên 80 Đảng viên (đại đội lúc bấy giờ quân số 150 người) tôi được bầu vào cấp ủy có chân trong thường vụ (theo điều lệ Đảng Cộng Sản Đông Dương) Đảng viên chi bộ đông như thế trong ban chi ủy có thường vụ).

Hai nhiệm vụ tác chiến và xây dựng phong trào có môi quan hệ hữu cơ. Cả hai đều quan trọng, nhưng xây dựng phong trào là trọng tâm, hàng đầu. Đây là chủ trương lớn của Bộ Tổng Tư lệnh, nên phân công anh Tung phụ trách công tắc này là phải lẽ.


(1) Theo quyển “Trung đoàn 812 cực nam Trung bộ” do nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành phần nói về đơn vị xung kích có nhiều sai sót không đúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2022, 08:24:51 am »

Tôi cùng đại đội trưởng Nguyễn Phương và đại đội phó Lê Trọng Vĩnh gắn bó ăn ý nhau trong chiến đấu. Anh Phương lớn hơn tôi 9 tuổi như bậc đàn anh. Anh Tám Vĩnh có cô em gái thứ mười đồng tuổi tôi lại cùng quê. Anh thường nói nửa đùa nửa thật “cậu ưng mình gã nó cho”. Hai anh nhận xét tôi phải là cán bộ quân sự mới đúng tuy bề ngoài trông vẻ thư sinh. Hai anh biết mỗi lần xung trận tôi tuy là cán bộ chính trị nhưng không nhường bước một ai. Tôi không hô hào động viên suông mà dùng hành động của mình lôi cuốn người khác. Nhiều lúc ý kiến tôi giúp anh Phương sáng ra kịp thời xử lý các tình huống trong chiến đấu. Thậm chí đôi lúc bốc đồng tôi lạm quyền lấn sân anh tự ra những mệnh lệnh. Anh không lấy đó giận trách tôi, trái lại càng khuyến khích xem như kềm cặp chỉ vẽ tập sự cho tôi quen cách chỉ huy tác chiến. Có điều tôi cũng nhận thức không để quá đà, biết dừng đúng lúc.

Chuyển về đơn vị xung kích, các đồng chí chủ chốt trong ban chỉ huy đều ở liên khu 5 phái vào, chỉ biết tôi vốn công tác ở văn phòng, bây giờ theo biên chế mới, làm trợ lý công tác chính trị.

Một tháng sau tôi được bố trí làm phân đội trưởng phân đội xung kích tiếp chiến.

Biên chế bộ đội xung kích có 4 phân đội và cơ quan bộ(1). Ba phân đội đầu là:

- Đặc công trinh sát

- Đặc công chiến đấu

- Đặc công công binh

Chất lượng chiến sĩ và cán bộ được tuyển chọn rất kỹ. Chiến sĩ chẳng những có trình độ kỹ thuật chiến đấu điêu luyện còn có hệ thần kinh “thép” và thể lực bền bỉ dẻo dai.

Cả ba phối hợp cùng phân đội thứ 4 chuyên mật tập tiêu diệt các căn cứ, cứ điểm địch từ một đến hai đại đội trú đóng phòng thủ trở lên.

- Phân đội thứ tư: Đặc công xung kích.

Đơn vị này có 2 chức năng:

Một là: nếu phối hợp cùng 3 phân đội trên mật tập tiêu diệt cứ điểm, nó cũng giữ vai trò quyết định dứt điểm. Trong thực hành chiến đấu nó được sự hỗ trợ của đặc công công binh bí mật mở đường trước qua các bãi chướng ngại (nhiều lớp, nhiều kiểu rào dây thép gai, các loại mìn phát sáng, nổ tự động, chông tre chông sắt...), nó đưa lực lượng từ ngoài bí mật theo đường mở tìm nhập ém sát chân thành bìa hào chờ sẵn.

Đặc công chiến đấu có nhiệm vụ tìm nhập đặt bộc phá điện (loại bộc phá tự làm), ngòi nổ gắn dây điện kép dài ra bên ngoài. Toàn bộ hệ thống lô cốt đều xây bằng bê tông cốt thép âm sâu xuống đất bên trên phủ trùm dây thép gai đều bị các chiến sĩ đặc công ém đặt mỗi lô cốt từ một đến hai quả bộc phá điện, mỗi quả từ 2 đến 4 ký lô thuốc nổ TNT hoặc C4).

Khi tiếng bộc phá đồng loạt vừa nổ rền trời rung đất, đặc công xung kích đã ém sát tường thành lao lên thọc thật nhanh vào tung thâm cứ điểm như mũi dao nhọn chọc vào tim địch, dùng tiểu liên thủ pháo lựu đạn đánh diệt cơ quan chỉ huy, điện đài, trại lính, kho tàng, lô cốt mẹ, ụ chiến đấu, vọng cu quan sát, ổ đề kháng hầm ngầm… Gặp ổ đề kháng kiên cố bị chống trả mạnh chiến sĩ xung kích sử dụng súng chống tăng Bazoka (do binh công xưởng chế tạo) và bộc phá tiêu diệt. Như vậy khâu dứt điểm cuối cùng bên trong cứ điểm thuộc phân đội xung kích có tên gọi là xung kích tiếp chiến.

Tôi được cử làm phân đội trưởng phân đội này.

Đơn vị đã tham gia nhiều trận tiêu diệt lớn làm thối động hoang mang quân chiếm đóng, gây tiếng vang khắp vùng cực nam như các cứ điểm:

- Ngã Hai: một đại đội địch

- Sông Quao: một đại đội địch

- Tiểu khu Lương Sơn: hai đại đội và chính quyền ngụy cấp huyện.

- Tiểu khu mũi Né: hai đại đội và chính quyền ngụy cấp huyện, thu một đại bác 90 ly(2).

- Gia Bát: một đại đội địch.

Mỗi trận đánh chung cho cả đơn vị Xung kích và riêng phân đội tôi thương vong không bao nhiêu. Có trận vài đồng chí. Có trận không.


(1) Trong quyển Trung đoàn 812 cực nam Trung bộ viết về trận đánh này có sự nhầm lẫn cho rằng đại đội A là đơn vị chặn đánh viện từ Phan Thiết ra, mà chính là đại đội B chúng tôi làm nhiệm vụ nay
(2) Khẩu súng này hiện đang trưng bày ở Viện bảo tàng quân đội tại thủ đô Hà Nội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM