Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:37:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:58:36 am »

*
*   *

Thượng tuần tháng 10 năm 1966 trung đoàn 88 ráo riết chuẩn bị tham gia chiến dịch Sa Thầy, một vùng rừng núi thuộc tỉnh Gia Lai gần biên giới Việt Nam - Campuchia.

Một chiến dịch lớn, huy động các trung đoàn 320, 66, 88, một số tiểu đoàn bộ binh độc lập, tiểu đoàn cối nặng 120 ly... Hỗ trợ có các trung đoàn 101B, 95B (trước đây trong biên chế sư đoàn 10 được tách ra làm nhiệm vụ khác). Chiến dịch do Bộ Tư lệnh B3 chỉ đạo, Bộ Tư lệnh sư đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Hữu An phó Tư lệnh B3 kiêm sư đoàn trưởng chỉ huy.

Phương án chiến dịch là ta bày thế trận sẵn, dụ đưa Mỹ vào tròng theo kế “điệu hổ ly sơn” rất sáng tạo tài tình.

Trung đoàn 320 và 66 nhử địch từ các căn cứ lớn ở Đắc Tô, Tân Cảnh bung ra truy lùng theo chiến lược “tìm diệt” chúng đang thực hiện trên khắp các chiến trường miền Nam. Lực lượng của 2 trung đoàn trên cùng các tiểu đoàn độc lập bằng các hình thức chiến thuật tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch vừa dẫn dụ chúng đến nơi ta đã bày sẵn thế trận.

Tại đây, trung đoàn 88 chúng tôi đảm nhiệm khâu kết thúc tiêu diệt khi Mỹ nhảy vào cái bẫy rập đã giương sẵn tại đồi C1, nơi huyết chiến điểm sẽ diễn ra trận đánh then chốt quyết định cuối cùng.

Đêm 24 rạng 25 tháng 10 năm 1966, B52 nhiều lần rải thảm san bằng hàng ky lô mét vuông rừng phía tây đồi C1, điều bất ngờ này ngoài dự kiến làm cản trở rất lớn cho cánh quân hướng chủ yếu sau này của trung đoàn.

10 giờ ngày 25 tháng 10 năm 1966, một đơn vị Mỹ dùng trực thăng đổ chụp lên đồi C1. Chiếm C1 với ý định xây dựng thành căn cứ dã chiến tạo bàn đạp đứng chân, tăng cường quân số và binh khí kỹ thuật từ đó nong ra đánh tỏa truy tìm quân ta ra hướng biên giới. Nhưng chúng không ngờ đã rơi vào bẫy.

18 giờ cùng ngày ta phát lệnh tấn công.

Mở đầu bằng hỏa lực tập trung của tiểu đoàn cối nặng 120 ly. C1 quả đồi trọc không lớn không cao, trống trải. Diện tích mặt đồi bằng nửa sân bóng đá. Quân Mỹ hơn 400 tên vừa lính vừa quan như bầy cừu nhốt vào cái rọ chật hẹp không vật che đỡ, công sự cá nhân lam nham sơ sài. Chúng đưa lưng hứng hàng trăm quả đạn pháo hạng nặng của ta như cơn bão thép dội xuống đầu không lối thoát.

Tuy thế hỏa lực pháo binh chi viện của Mỹ từ các căn cứ lớn cấp tập liên hồi tạo bức tường lửa che chắn bao bọc chung quanh đồi. Trên trời máy bay C130 không ngừng vãi những cơn mưa đạn, đêm tối trông như những dòng suối lửa đỏ rực trên cao chụp xuống. Bằng mọi giá chúng ngăn chặn bộ binh ta tiếp cận xung phong. Núi rừng chao đảo rung chuyển tung tóe mịt mờ khói bụi. Đêm ấy không trăng. Trời tối càng tối bưng kín mắt. Nằm ép bên nhau không nhìn rõ mặt người. Tai lùng bùng điếc đặc vì tiếng nổ bom đạn.

Trận chiến kéo dài đến sáng. Phần lớn quân Mỹ bị tiêu diệt chủ yếu do hỏa lực pháo binh ta. Bộ binh chúng tôi không làm chủ được chiến trường. Sai lầm nhiều chuyện, nhưng sau trận đánh không được nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trung đoàn có thời gian chuẩn bị khá dài (ít có điều kiện thuận lợi như vậy) nhưng xây dựng phương án tác chiến giản đơn, bỏ qua rất nhiều khâu trong công tác tổ chức. Thiếu dự kiến các tình huống và cách xử lý. Có tình huống ngoài dự kiến xảy ra xử trí lúng túng đưa đến vi phạm nguyên tắc cơ bản về chiến thuật. Tiểu đoàn 8 hướng tấn công chủ yếu không thực hiện được nhiệm vụ vì bị sa lầy ở bãi B52. Tình huống này có hai cách xử trí. Một: tung tiểu đoàn 9 thê đội dự bị vào thay tiểu đoàn 8. Hai: hướng tấn công này đã bị địch phát hiện (có thể tên chỉ huy Mỹ ở phía sau đã phán đoán đúng là ta sẽ chọn phía Tây làm hướng đột phá chính muốn đánh vào C1 lúc chúng vừa đổ quân) nên đã dùng B52 đánh phủ trước hướng này. Khi vừa lâm trận chúng đã tập trung hỏa lực phi pháo tối đa để ngăn chặn ta cũng ở hướng này, trong khi hướng thứ yếu do tiểu đoàn tôi đột phá mật độ phi pháo rời rạc. Tình huống này người chỉ huy phải linh hoạt chuyển ngay hướng thứ yếu thành chủ yếu. Nếu quyết tâm và xử trí như thế tiểu đoàn tôi có cơ hội tốt và thuận lợi đánh chiếm toàn bộ C1 và kiểm soát chiến trường. Nhưng người chỉ huy và tham mưu trận đánh không làm thế. Ông lại làm cái điều tối kỵ trong “binh pháp” ít ra trong trường hợp này là điều toàn bộ tiểu đoàn tôi ở hướng thứ yếu (đã được chuẩn bị rất kỹ) cơ động sang hướng chủ yếu của tiểu đoàn 8. Đường cơ động phải chui lòn qua bãi B52 hàng nghìn mét, cây gãy đá nghiêng dưới cơn mưa đạn trái phá chứa chất phốt pho. Đêm tối bịt bùng. Liên lạc dẫn đường mất phương hướng. Địch trên đồi C1 không bắn một loạt đạn nào. Máy bay trên không không thả một quả pháo sáng. Có thể phần lớn quân Mỹ trên đồi bị đạn pháo ta sát thương nặng. Số còn lại hỗn loạn tinh thần moi lỗ rúc đầu giấu mình. Chúng không thả pháo sáng cũng để tránh bộc lộ mục tiêu. Vì vậy chúng tôi không xác định được hướng. Chúng tôi như bị vây trong cái lưới khổng lồ càng vùng vẫy càng bị siết chặt trong trận đồ ma quái không lối ra. Đến 4 giờ sáng tôi mới dẫn một đại đội thoát được tiếp cận ém bên sườn dốc phía Tây đồi. Mỗi lần xông lên đều bị bức tường lửa của pháo binh địch hất bật xuống.

Kết cuộc cả hai hướng chủ yếu thứ yêu đều “xôi hỏng bỏng không”, không nơi nào đột phá đánh chiếm đồi C1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:59:22 am »

Trong cuốn hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An xuất bản và phát hành mấy năm gần đây, ông có viết về chiến dịch Sa Thầy, trong đó ông chỉ vắn tắt mấy dòng đề cập sơ lược trận đánh C1. Ông nhận xét trung đoàn 88 hoàn thành nhiệm vụ.

Có thể trận đánh diễn ra đã trên 30 năm. Đến lúc này Đất nước đã hòa bình - độc lập – thống nhất, ông không muốn nhắc đến mặt trái sự việc, nêu ra chi khiếm khuyết những người chỉ huy dưới quyền. Có người đồng tình quan điểm của ông. Có người không. Tôi trong nhóm thứ hai. Dĩ nhiên không nên bươi móc “đống rác cũ” ra làm gì. Nếu ông nghĩ đến những nhà viết sử hoặc biên tập truyền thống đơn vị thường dựa vào hồi ký của các đồng chí chỉ huy lãnh đạo cấp cao dù rằng chỉ để tham khảo. Do đó tính chân thực của lịch sử dễ bị sai lệch. Người đọc thường thấy cái gì cũng tròn vành vạnh, ít nhận biết mặt trái sự việc đâm nghi ngờ. Cá nhân tôi cho rằng trung đoàn không hoàn thành nhiệm vụ. Bằng chứng sau trận đánh diễn ra vài ngày, đồng chí Trung đoàn trưởng đã bị thay thế.

Trung tuần tháng 11 năm 1966.

Tiểu đoàn tôi di chuyển đến đóng trên những cụm đồi che phủ bởi các cánh rừng già rậm rịt có nhiều khe, suối rất tiện cho việc phòng thủ.

Cơn sốt rét dai dẳng vẫn đeo bám tôi hàng ngày. Một phần năm quân số tiểu đoàn thường xuyên thay phiên hứng chịu căn bệnh nghiệt ngã. Con số đó thấp so với các đơn vị trong trung đoàn, ở Tây Nguyên chúng tôi có hai kẻ thù không xem nhẹ tên nào. Đó là quân Mỹ và đồng minh của chúng; bệnh sốt rét. Có khi trong khoảng thời gian nào đó bệnh sốt rét cướp đi mạng sống anh em nhiều hơn so với bom đạn Mỹ. Chúng tôi vận dụng các biện pháp hạn chế bằng mọi cách chống muỗi đốt, dùng lá cây rừng có vị thuốc nấu xông hơi, xoa bóp cạo gió cho nhau. Nếu không hành quân chiến đấu phải có lán trại sạp nằm, phát quang chung quanh chỗ ở cho thoáng, lọc nước sạch, dùng các rễ cây, lá rừng có tác dụng chữa bệnh nấu nước thay chè...

Có lệnh tiểu đoàn đi vận tải gạo 3 ngày. Trừ số ốm nặng giữ căn cứ phải huy động tối đa làm nhiệm vụ này. Tôi trong diện sốt nặng nên trung đoàn chỉ định ở nhà. Thường nhật từ 9 đến 10 giờ cơn sốt đến hẹn lại lên.

Tôi đang co quắp trong tấm đắp dù bỗng tiếng máy bay rền vang hướng Đông bắc, điểm trú quân của tiểu đoàn. Tiếng máy bay không gì lạ, chỉ lạ trong ngày lúc nào đó lại vắng tiếng máy bay. Tiếng động cơ của trực thăng bầy. Tôi bật người dậy. Rất tiếc lúc này trong tay không có mảnh bản đồ địa hình vùng này để xác định vị trí đổ quân của bọn Mỹ. Qua tiếng súng dọn bãi tôi đoán vị trí đó cách chỗ tôi 5 đến 7 ky lô mét. Tiếng trực thăng quần đảo hàng giờ, khả năng Mỹ đổ quân từ hai đại đội đến một tiểu đoàn. Theo quy luật, chúng sẽ cụm lại tổ chức thành chốt dã chiến tạo bàn đạp, một hai ngày sau bung ra sục sạo đánh phá truy lùng. Cũng có khi chúng đã đánh hơi nghi ngờ có lực lượng đối phương nơi nào đó cấp tốc hành quân tiếp cận ngay. Tôi ước đoán hướng phát triển của Mỹ nhằm vào một vài vùng ven biên giới, không loại trừ cơ quan trung đoàn bộ. Muốn đến đó Mỹ sẽ xuyên qua khu vực trú quân của tiểu đoàn tôi.

Nghĩ đến đây cơn sốt rét tự dưng biến mất. Tôi loạng choạng đứng dậy vớ lấy cây gậy bằng thân le đặc ruột đi xuống các đại đội. Để đảm bảo đủ quân số vận tải gạo, tôi cho các trung đội trinh sát, thông tin và cơ quan tiểu đoàn bộ đi cả. Tôi có thể dùng điện thoại gọi các đồng chí chỉ huy trực các đại đội lên chỗ tôi trao đổi bàn bạc. Nhưng tôi muốn đến tận nơi từng đơn vị để kiểm tra đôn đốc nhắc nhở ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của anh em - như tôi - những người đang ốm. Tôi hỏi một chiến sĩ đang trong cơn sốt:

- Bọn Mỹ xộc vào đây, đồng chí chiến đấu được không?

- Thưa thủ trưởng, em đang bị sốt không đi công tác được. Nhưng nếu Mỹ dẫn xác đến em sẽ tử chiến với chúng đến viên đạn cuối cùng. Mình không giết được nó, nó sẽ giết mình thủ trưởng ạ! Sốt thì sốt nhưng tay em vẫn dư sức bóp cò súng ngon lành.

Tôi đùa động viên khéo:

- Mắt phải tinh ngắm thật trúng đích nữa chứ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:00:13 am »

Mấy anh em gần đây hưởng ứng cười rộ lên vui vẻ. Tôi nhắc nhở mọi người đem vũ khí trang cụ balô anh em đi công tác cất dấu ngụy trang cẩn thận.

Đến phân đội đại liên, đồng chí chính trị viên phó đưa tôi xuống công sự của hai khẩu Cu li nốp kiểm tra xạ giới, tầm quan sát... Tôi hài lòng. Bố trí hai khẩu có màn đạn đan chéo nhau tạo được lưới lửa dày đặc.

Tôi nói với đồng chí chỉ huy: “Phải ngụy trang công sự khéo hơn nữa. Giữ bí mật thật tốt mới có thể tạo cú bất ngờ ngay từ những giây phút đầu. Nếu bọn Mỹ xộc vào căn cứ tiểu đoàn, đồng chí sẽ hân hạnh đón chúng trước”. Tôi pha trò: “Khách đến phải tiếp thật chu đáo ân cần. Đừng để khách về Mỹ than phiền gì ta. Ngược lại tặng cho chúng bài học nhớ đời đấy nhé. Các xạ thủ sốt nhưng phải trực ngay bên súng”.

Tôi an tâm trở về vị trí chỉ huy. “Cẩn tắc vô áy náy” ông bà ta thường khuyên thế. Con nhà lính lại càng không bao giờ để bị bất ngờ.

12 giờ trưa, tôi khó nhọc lắm mới nuốt hết vắt cơm chỉ hơn nắm tay một chút. Tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Đầu dây bên kia giọng nhát gừng của đồng chí trung đoàn phó: “Đồng chí tiểu đoàn trưởng biết Mỹ đổ quân đâu rồi chứ. Nghe đây, đồng chí gom một số anh em khả dĩ còn chiến đấu được mang theo khẩu cối tìm đến bãi đổ của chúng nện vào đó từ 6 đến 8 quả, xong rút. Đồng chí trực tiếp chỉ huy”.

Tôi vừa thốt ra: “rõ nhận đủ” đồng chí cúp máy không cho tôi kịp hỏi lại câu nào. Tiểu đoàn tôi có 4 khẩu cối 82 ly, cũng chính đồng chí ra lệnh cho tiểu đoàn phó và đại đội trưởng trợ chiến mang đi cả để pháo kích vào một căn cứ Mỹ... Không biết nó ở đâu. Nghe tiếng nổ đầu nòng pháo theo đó mà tìm. Đã 3 hôm phân đội cối chưa về.

Nếu được nói chuyện với trung đoàn phó trong điện thoại ban nãy, tôi không đem chuyện cối hoặc báo cáo đề nghị gì thêm ngoài việc nhanh chóng thực hiện lệnh. Tôi có kinh nghiệm những tình huống thế này có ý kiến này nọ dễ làm thượng cấp cho là viện cớ thoái thác nhất là với đồng chí trung đoàn phó vốn không thiện cảm mấy với tôi. Lệnh đánh Mỹ bằng cối, không có cối thì đánh bằng súng bộ binh có sao đâu. Quan trọng là dám đánh. Diệt được một số Mỹ càng hay. Tôi nghĩ thế!

15 phút sau, 20 chiến sĩ có mặt cạnh tôi trong đó Đồng đại đội trưởng đại đội 1 và 2 trung đội phó được gom lại từ 3 đại đội bộ binh. Anh em mang theo trang bị vũ khí đầy đủ. Tôi nhìn anh em mặt người nào cũng hốc hác xanh mướt vì sốt rét và thiếu dinh dưỡng, về tinh thần tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào họ. Sau đợt chỉnh quân nhất là qua trận chiến đấu đồi C1, tuy không thành công như mong đợi, nhưng là dịp anh em được tôi luyện thử thách rút ra nhiều bài học bổ ích cho bản thân từng người.

Tôi thông báo và dự kiến hành động địch, các tình huống có thể gặp. Đặc biệt trên đường tiếp cận chúng nhiều khả năng chạm nhau giữa chừng, cách xử trí từng tình huống một. Tôi đặt nặng tình huống tao ngộ. Địch kết thúc cuộc đổ quân lúc hơn 11 giờ. Lúc này 14 giờ. Nếu tiến về hướng chúng tôi địch cách tôi không xa. Điều lạ, Mỹ rúc rừng thường trên không luôn có máy bay trực thăng dẫn đường kịp thời chỉ điểm cho pháo binh và không quân chi viện nếu bị tấn công. Ở đây bầu trời im ắng, có thể chúng chưa xuất quân chăng. Nhưng tôi nhận ra điều gì trái quy luật thường gây bất ngờ. Cần phải cảnh giác hiện tượng này. Tôi chia anh em thành hai bộ phận. Bộ phận đầu có 11 đồng chí do Đồng đại đội trưởng chỉ huy tiến thẳng về hướng địch, lấy chuẩn cây Cầy gốc to bằng ba người ôm trên đỉnh đồi trước mặt cách căn cứ khoảng 800 mét. Mấy ngày trước khi khảo sát địa hình tôi dẫn cán bộ nghỉ chân dưới gốc Cầy này. Nếu phát hiện địch, lách cho bộ phận đi đầu của chúng qua khoảng vài ba mươi tên. Sau đó chia cắt đội hình chúng làm hai, đánh từ phía sau bộ phận đi trước, chặn đứng toán đi trước bộ phận phía sau, tạo điều kiện cho toán của tôi đánh tạt sườn. Nếu tên nào thoát về phía trước sẽ lọt vào trận địa đại liên của tiểu đoàn.

Diễn biến gần đúng dự định.

Đồng chí chính trị phó phụ trách bộ phận đại liên khi cơn sốt vừa dứt bó gối thẫn thờ nhìn con chim mỏ kiến đang mổ vào bọng cây. Anh thảng thốt ngẩn người. Trong bụi cây rậm hiện ra trước mắt anh cách vài mươi bước chân một thân hình cao lớn. Hắn mặc áo may ô điệp màu cùng chiếc quần lính. Hắn không mang súng, tay phải vung vẩy con dao súng máy to bảng như thanh đao. Một tên Mỹ. Vừa lúc nó cũng phát hiện ra anh. Bất ngờ của hai sinh vật biết nói chạm nhau. Ai phản ứng nhanh kẻ đó thắng. Lúc tên Mỹ đang hoảng hốt trố mắt miệng la ơ ớ thì khẩu K54 trong tay anh nổ phát đầu tiên. Hàng chục tên Mỹ khác từ phía sau đổ xô ra ập đến. Thật đúng lúc cho hai khẩu Cu li nốp quét rạp bọn này tan tác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:01:20 am »

Chúng tôi đang thận trọng len lỏi trong rừng cây rậm bỗng nghe từng loạt đại liên kéo dài từ bên trái phía sau đội hình. Nghe tiếng nổ tôi biết Cu li nốp lên tiếng. Mỹ đã đột nhập vào đại đội trợ chiến. Nhưng tiếng súng các loại vũ khí bộ binh của lính Mỹ đáp lại lẻ tẻ rời rạc thay vào đó là tiếng kêu la, tiếng rú vang cả rừng của những tên bị thương. Những tên quá hãi kêu hét cầu cứu đồng bọn chi viện. Lúc lâm trận bọn Mỹ thường hay kêu rống inh ỏi nhất là khi bị thương. Đó là điểm nhược lớn của lính Mỹ.

Tôi thúc Đồng nhanh chóng thực hiện theo phương án đã hiệp đồng. Toán của tôi chuyển đội hình hành tiến hàng dọc sang trái thành hàng ngang. Tôi ra hiệu anh em nín tiếng như ngậm tăm đi khẽ không gây tiếng động để tiếp cận địch càng gần càng tốt. Động tác kỹ thuật dọ dẫm rình mồi khi chỉnh quân anh em luyện tập thuần thục.

Tiếng nổ từng tràng của hàng chục khẩu AK, RPD, B40 cùng lúc vang động cả vùng hướng cây Cầy. Bộ phận đồng chí Đồng đã xung trận. Trước mắt tôi cảnh hỗn loạn của lính Mỹ diễn ra. Rừng dày không nhìn rõ bóng người. Nhưng tiếng chạy tới lui xô đẩy nhau xoàn xoạt làm ngã nghiêng cây lá. Tiếng xì xồ nho nhỏ, tiếng la hét chói tai. Khi cự ly chúng tôi cách Mỹ vài mươi bước chân, nhìn thấy dạng người tôi cho nổ súng. Toán của tôi có 10 người. Chỉ có tôi dùng súng ngắn, còn lại có 8 khẩu AK và 1 trung liên RPD. Tất cả khạc đạn vào mục tiêu gần hơn tầm ném lựu đạn. Tôi hăng máu chụp lấy khẩu trung liên của một chiến sĩ bên cạnh, cặp nách đứng xổng người xổ từng loạt đạn vào bọn Mỹ đang nháo nhào trước mặt. Đồng chí xạ thủ hình như “ganh” với tôi, anh đòi tôi trả súng cho anh. Anh vừa bắn vừa nói: “Dịp này không giết được một vài thằng Mỹ uổng lắm thủ trưởng”. Anh em đánh một trận thích chí, hoàn toàn chủ động dành thế bất ngờ cho bọn Mỹ mà không bị bắn trả một loạt đạn nào. Quân Mỹ vào thế như con rắn đầu bị ghìm, đuôi bị chặt, khúc giữa xương sống đang bị dập. Nó đau đớn quằn quại chống cự yếu ớt rồi tê liệt. Hướng đồng chí Đồng tiếng súng quân ta đã dứt, chỉ còn tiếng súng AR15 và M79 của Mỹ. Lúc đang nổ súng quyết liệt có thể do thiếu chỉ điểm của máy bay hay liên lạc vô tuyến không hoạt động, hoặc trong rừng rậm không quan sát được hành động của bộ binh nên pháo và máy bay Mỹ không chi viện trực tiếp. Chúng tập trung oanh kích về hướng biên giới. Có lẽ chúng muốn chặn đường lui hoặc viện binh ta từ hướng đó vận động đến. Nhưng khi tôi cho anh em rấn lên vài mươi bước để kiểm soát chiến trường đếm xác địch thu vũ khí thì pháo địch dập vào đội hình. Tránh thương vong không đáng chúng tôi dạt tránh khỏi vòng hỏa lực địch.

Quân Mỹ khi lâm trận nếu bộ phận nào đó mất liên lạc, chỉ huy phía sau cảm thấy họ không còn sức đề kháng chống trả, chúng cho hỏa lực dập ngay vào trận địa kể cả dùng bom napan vừa ngăn chặn đối phương vừa hủy diệt xác chết của binh lính chúng bất kể những tên bị thương còn sống đang nằm đó nếu khả năng không thể cứu hoặc khó lấy xác. Chúng quyết không để đối phương kiểm soát chiến trường cướp xác lính, bắt sống những tên bị thương và tịch thu vũ khí Mỹ.

Bỗng tiếng súng lại rộ lên hướng cây Cầy. Tiếng AK của ta xen lẫn tiếng nổ các loại vũ khí bộ binh Mỹ.

Ngày hôm sau tôi mới rõ sự việc. Đó là phân đội cối 82 đi tìm địch pháo kích, nhưng không quen thuộc địa hình, không bản đồ trong tay, suốt hai ngày lội rừng băng suối vẫn không tìm ra chốt có bố trí trận địa pháo binh Mỹ. Trên đường về nghe tiếng súng kịch chiến nơi trú quân tiểu đoàn, anh em vận động thẳng về hướng cây Cầy đột nhiên chạm phải trạm cấp cứu quân y của địch. Bọn Mỹ tập trung ở đây khá đông. Kẻ đứng người nằm, hối hả tất bật. Chúng đang cứu chữa thương binh và phát bãi cho trực thăng hạ cánh. Gặp mồi ngon nhưng quá gần không thể đánh bằng cối, những tay súng AK được tập trung xông lên đồng loạt nã đạn tới tấp. Quân Mỹ bị bất ngờ hoảng loạn gục ngã, lăn lộn, la hét rên rỉ... Từ phía sau một toán địch xông lên cứu viện. Để bảo vệ mấy khẩu pháo cối anh em rút ra. Ngày và đêm hôm đó không liên lạc được với chúng tôi, không biết được tình hình, anh em ém một nơi an toàn chờ dịp bắt liên lạc.

17 giờ chúng tôi về lại vị trí xuất phát. Một tin làm tôi đau nhói như vật gì đâm phải tim. Đồng chí Đồng đại đội trưởng hy sinh.

Được lệnh tôi, anh cho phân đội khẩn trương tiến về hướng cây Cầy. Còn cách mục tiêu khoảng 100 mét nghe đại liên ta nổ rộ. Không chần chừ anh dẫn anh em băng rừng xông thẳng vào địch nổ súng. Bị tấn công bất ngờ lúc hành quân, tiến hàng dọc, vừa đi vừa rị mọ lách cây vạch lá nên hàng ngũ quân Mỹ rối loạn, đội hình đơn vị đi đầu bị cắt đôi đúng như mong đợi của tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:01:53 am »

Đồng phân anh em thành hai toán. Một toán từ sau đánh thốc đuôi bộ phận đi đầu làm địch hỗn loạn tạo điều kiện cho phân đội do tôi phụ trách tiếp cận triệt hạ chúng. Một toán trong đó có anh nổ súng quyết liệt kềm chế chặn đứng bộ phận tiếp sau của Mỹ không để chúng vượt lên tiếp ứng phân đội đi đầu đang bị đánh tơi tả. Một quả phóng lựu M79 nổ sát cạnh làm anh chỉ kịp đưa tay phát lệnh rút về hướng căn cứ của đại đội trước khi ngã. Anh tắt thở mấy giây sau đó. Trong bộ phận anh còn hai đồng chí trúng thương phần mềm không nặng.

Trận đánh thắng lợi vượt xa yêu cầu, nhưng không sao làm tôi vợi nỗi đau vì thương vong đồng chí.

Tôi rút cán bộ chiến sĩ còn lại ở các đại đội, phân đội về tập trung tại tiểu đoàn bộ. Nơi đây địa hình có lợi bảo đảm an toàn khi phi pháo địch oanh kích, cần thiết tổ chức di chuyển thuận lợi. Từ lúc hai bên chạm súng đến giờ máy bay và pháo binh địch hoạt động không phút nào ngừng. Chúng tập trung vào khu vực đại đội trợ chiến nơi ta bố trí đại liên bắn chúng trong ngày.

Đêm xuống, rừng núi chập chờn. Pháo sáng từ máy bay C130 liên tục thả. Quả này chưa tắt quả khác bùng lên. Cây rừng xao động chỗ tỏ chỗ mờ. Tiếng trực thăng ầm ầm luân phiên cất hạ cánh không ngớt.

Tôi tựa lưng vào vách một cái khe lâu ngày nước mưa khoét sâu thành đoạn hào tự nhiên. Người mệt mỏi, tay chân bủn rủn rã rời. Giá lúc này có Văn bên cạnh thế nào tôi cũng được bát cháo loãng. Văn là liên lạc công vụ luôn bám sát bên tôi. Một thanh niên điển trai, da trắng tóc quăn tự nhiên, tuổi chưa quá hai mươi, rất nhanh nhẹn tháo vát, tính tình bộc trực chất phác con nhà nông, nhưng vẫn còn tính nghịch ngợm của tuổi học trò. Chính Văn là người phát hiện ra tôi khi vừa đặt chân về tiểu đoàn 7. Khi tôi đang cùng Bình, thượng sĩ quyền trung đội trưởng Nguyễn Văn Bình hút thuốc uống trà tán gẫu với nhau dưới tàn cây râm mát nơi đóng quân của tiểu đoàn. Văn bất chợt đến. Cậu ấy đứng từ xa nhìn, nhận ra tôi là tham mưu phó trung đoàn 95B. Bây giờ đến tiểu đoàn chắc chắn là thủ trưởng mới của mình rồi. Văn chạy về báo cho đồng chí Năm chính trị viên ra đón tôi. Buồn cười nhất là Bình ngớ người khi biết “thằng cha” xưng là tiểu đội trưởng “bốc phét” với mình cả tiếng đồng hồ lại là tiểu đoàn trưởng mới về. Anh vò đầu vuốt tai: “Xin lỗi thủ trưởng em không biết. Mọi chuyện xin thủ trưởng bỏ qua”. Tôi động viên lại cậu ấy: “Không, đồng chí không có lỗi gì cả. Ngược lại tôi rất cám ơn đồng chí. Qua đồng chí tôi biết được một phần tâm tư nguyện vọng anh em. Có dịp bọn mình lại “tầm phào với nhau”.

Từ ấy Văn trở thành người thân của tôi. Lúc thường hoặc khi ốm đau tôi được Văn chăm sóc chẳng kém gì ruột thịt. Có lần trong một trận đánh tôi mải mê quan sát không chú ý đến tiếng xoèn xoẹt của quả đạn pháo vút đến, Văn kéo tôi ngã sấp lấy thân mình đè lên người tôi để che chắn cho tôi. Rất may cả hai không hề hấn gì. Hỏi chuyện, Văn cười xởi lởi nói: “Trông thủ trưởng giống bố em, giống lắm ạ! Em bảo vệ thủ trưởng như bảo vệ bố. Vả lại đó là nhiệm vụ của Tổ quốc của Đảng giao cho em mà ”.

Tôi chọc Văn:

- Thế bố sinh cậu lúc bố còn quàng khăn đỏ à?

Văn lại cười:

- Không ạ, ông già lúc ấy hình như mười lăm mười sáu gì ấy.

- Còn mẹ?

- Cùng tuổi bố.

- Thế ông bà lấy nhau sớm. Còn cậu có người ấy chưa?

Văn gãi tai bẽn lẽn:

- Thưa có rồi ạ! Giá em chưa đi bộ đội, ở nhà chắc cưới nhau rồi ạ! Ở quê đến tuổi chúng em mà chưa dựng vợ gả chồng xem như... ế đây ạ!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:03:02 am »

Rồi Văn rủ rỉ dốc “bầu tâm sự” cho tôi nghe:

- Lúc em sắp vào chiến trường được phép thăm nhà mấy hôm. Hai ông bố bàn nhau không kịp làm lễ cưới cứ dắt chúng lên xã đăng ký. về nhà các ông bà cho chúng em gần nhau được hai hôm, sau đó phải về đơn vị kịp trả phép.

- Thế khi chia tay có buồn lắm không ?

- Đứt ruột ấy chứ.

Rồi Văn cứ năn nỉ đòi hỏi tôi kể chuyện đi B: “Lúc thủ trưởng chia tay với cô thế nào?”

Tôi hứa với Văn có dịp rỗi sẽ đáp ứng yêu cầu Văn.

Bây giờ cậu ấy đi tải gạo. Tôi ngồi như bất động đưa mắt lần lượt nhìn từng anh em một. Họ đồng lứa tuổi với Văn mười chín đôi mươi. Có cậu lúc tuyển quân chưa đến tuổi đã khai tăng để được đi trực tiếp đánh Mỹ. Tội nghiệp, lúc ấy họ chưa hình dung chiến tranh như thế nào? Dĩ nhiên họ đủ hiểu một chân lý giản đơn: Không giết được nó, nó sẽ giết mình. Họ vừa trải qua thực nghiệm của chân lý ấy. Giờ đây họ mê mệt trong giấc ngủ say bằng nhiều tư thế khác nhau trong các khe rãnh do nước mưa xói mòn.

Pháo sáng chiếu rọi những tia chập chờn lúc đậm lúc nhạt theo bóng cây tàn lá lắc lư trên người họ. Quần áo tóc tai họ lấm lem màu đất đỏ. Con suối nhỏ róc rách dưới chân dốc gần đây nhưng không ai nghĩ đến chuyện làm sạch dù chỉ rửa qua loa chân tay mặt mũi. Họ cần ngủ dù chỉ nửa tiếng, một tiếng đồng hồ càng hay. Họ cần lấy lại một chút ít sức lực. Quân thù còn ngay trước mắt. Cuộc chiến đấu sẽ tiếp diễn có thể năm mười phút sau hoặc sáng ngày mai.

Cơn buồn ngủ ập đến làm trĩu nặng mắt tôi. Nhìn anh em ngủ mà thèm. Tôi cũng cần ngủ một chút lấy sức. Anh em cần ngủ cho cuộc chiến đấu sắp tới. Còn tôi tình thế không cho phép được ngủ - Tôi phải thức...

Những bài tính lần lượt hiện ra trong óc tôi. Đêm nay địch đang làm gì? Trong tay tôi không còn một trinh sát nào. Tôi không nắm được tình hình. Ngày mai hành động chúng ra sao? Ta còn được mấy người, tôi lẩm bẩm đếm trên đầu ngón tay. Giá lúc này được trung đoàn chi viện thêm một số tay súng, ừ nhỉ! Sao không thấy một ai ở cơ quan trung đoàn, xuống. Ít ra tiểu đoàn này những anh em nằm đây là đơn vị thuộc quyền, là chiến sĩ của họ mà. Đồng chí Đồng hy sinh vì Độc lập thống nhất Tổ Quốc, cả vì danh hiệu của trung đoàn, đâu phải con ghẻ con rơi gì đối với họ. Tôi thầm trách những người lãnh đạo chỉ huy và cơ quan của trung đoàn. Sau trận Đức Vinh và đồi C1, trung đoàn trưởng và chính ủy đều được thay thế hoặc bổ sung. Hy vọng các đồng chí mới sẽ quan tâm đến tiểu đoàn. Sau trận Đức Vinh, quá trình củng cố đơn vị, trong chuẩn bị và sau trận đánh đồi C1, chưa một lần tôi được diện kiến các vị chỉ huy cả tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị... tại tiểu đoàn. Có chuyện gì người ta chỉ nhấc máy “Alô” là chúng tôi phải đến mặc cho cơn sốt rét đang hành hạ.

Tôi nghỉ đến đây thì y như rằng... chuông điện thoại reo. Qua dây nói giọng quen thuộc của đồng chí trung đoàn phó mời tôi về ngay trung đoàn bộ.

Họ không xuống thì mình phải lên. Cái lô-gích là thế - Tôi cười với mình.

Tôi đứng lên người cảm thấy lao đao. Mẹ kiếp - tôi tự rủa thầm - thế này thì mai đánh đấm sao được, cố lên anh bạn ạ! Tôi do dự không đánh thức vài chiến sĩ cùng đi. Từ đây về trung đoàn bộ người khỏe cũng mất 45 phút. Vừa lúc đồng chí chính trị viên phó đại đội trợ chiến tổ chức mai táng đồng chí Đồng về. Biết việc anh xin theo.

- Không được, đồng chí ở lại thay tôi. Khối việc đấy. Tối dặn dò anh mấy điều cần quan tâm, xong khoác balô, kiểm tra khẩu K54 cho đạn lên nòng. Tôi đi về hướng biên giới.

Hai chiến sĩ ngủ say từ đầu đến giờ mới chạm khẽ đã bật ngồi dậy súng cầm tay sẵn sàng tư thế bắn. Được đồng chí chính trị phó giao nhiệm vụ, hai anh em xốc balô chạy theo tôi. Đã 10 giờ đêm. Tiếng trực thăng bầy vẫn ầm ì, pháo địch vẫn bắn từng chập chung quanh bãi đáp và rải rác xa về hướng biên giới. Nhờ ánh sáng đèn dù soi đường chúng tôi đi vào rừng khộp thưa không mấy khó khăn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:04:05 am »

Hơn một giờ đồng hồ tôi đến nơi.

Cơ quan trung đoàn bộ đóng bên kia con suối cạn. Suối này làm ranh giới hai nước Việt — Miên. Các đồng chí trong ban chỉ huy chờ sẵn đón tôi. Đồng chí chính ủy đẩy lon sữa đặc và bi đông nước nóng về phía tôi cười nói: “Đây uống cho lại người rồi bàn việc”. Tôi không khách sáo rút dao găm đục lỗ nút một hơi hết phần ba hộp. Còn lại tôi mang ra cho hai chiến sĩ bên ngoài với mệnh lệnh không được để đọng lại một giọt.

Đồng chí Trung đoàn trưởng trải tấm bản đồ địa hình vùng này đề nghị tôi báo cáo lại trận đánh.

Tôi tổng hợp phân tích địch: Mỹ trong chiến lược: “tìm và diệt” rất chú trọng đến tuyến biên giới. Có thể chúng đã phát hiện có lực lượng ta ở vùng này (tôi khoanh lên bản đồ vùng đóng quân các cơ quan trung đoàn bộ). Địa điểm trú quân của Tiểu đoàn 7 trước khi về đã có thám báo Mỹ xuất hiện. Vừa đến anh em trinh sát đã phát hiện dấu vết. Chúng tôi biết địch để mắt đến nên mọi hoạt động hết sức kín đáo cẩn trọng. Phương án tác chiến phòng thủ tại chỗ kết hợp vận động phản kích được triển khai. Tôi đoán địch chọn vị trí đóng quân tiểu đoàn tôi làm nơi bí mật tập kết sau khi đổ quân một địa điểm xa để đánh lạc hướng đối phương. Từ đó bí mật luồn rừng đến đây. Chúng không sử dụng máy bay trinh sát dẫn đường như thường lệ hoặc trực thăng vũ trang yểm trợ đã chứng minh điều này. Tập kết quân bí mật tại đây để rồi bất ngờ tiến công vào những mục tiêu đã được xác định. Tên thám báo Mỹ mặc áo may ô đi đầu đã nắm chắc địa hình. Cây dao súng máy dùng để đánh dấu đường cho lực lượng luồn lách theo sau.

Điều thú vị ở chỗ gậy ông đập lưng ông. Chúng muốn tạo bất ngờ chính chúng bị bất ngờ. Tiểu đoàn tôi vô tình về chiếm lĩnh trước, nơi mà chúng đã chọn làm khu bí mật tập kết cũng là vị trí xuất phát tiến công của chúng. Chúng đinh ninh vị trí này không có ta. Điều đáng tiếc khi Mỹ dẫn xác đến trùng lúc tiểu đoàn đi tải gạo. Không thì chúng bị no đòn đến thắt cổ họng chứ không chỉ chừng ấy.

Hành động địch đêm nay và ngày mai? Tôi trả lời câu hỏi của Trung đoàn trưởng, có hai khả năng: Một: bị tổn thất, nhưng mục đích chưa đạt. Từ đầu hôm đến giờ trực thăng bầy liên tục hạ cánh cất cánh nơi trảng trống phía nam chúng tôi hơn nghìn mét. Có thể chúng đổ bổ sung thêm quân bù đắp số tổn thất, tiếp tục thực hiện kế hoạch dự định kết hợp chuyển số thương vong về. Hai: ý định và phương án bị phá vỡ ngay từ đầu, nếm đòn khá đau. Yếu tố bất ngờ không còn nên bốc quân rút chạy.

Nhiều người ngả theo khả năng một.

Suy nghĩ một chút Trung đoàn trưởng ra lệnh:

- Chuẩn bị đánh địch theo khả năng một. Chuyển giao tiểu đoàn 8 cho đồng chí tiểu đoàn trưởng Nỹ chỉ huy. Tùy tình hình diễn biến, theo yêu cầu đồng chí (ông đập khẽ cây bút chì xanh đỏ lên cánh tay tôi) sẽ tăng cường cho đồng chí cả tiểu đoàn 9.

Thoáng qua óc tôi nảy ra điều vướng mắc. Cuộc chiến đẩu ngày mai khả năng xảy ra quy mô lớn. Đến lúc phải tung cả ba tiểu đoàn vào trận (tuy chỉ trên danh nghĩa vì tiểu đoàn tôi quân số hiện diện tại đơn vị chỉ bằng một trung đội). Nhưng sao lại là mình chỉ huy nhỉ? Tôi liếc mắt nhìn các đồng chí trong Ban chỉ huy cả tham mưu trưởng đều có mặt đủ. Nhưng tôi gạt bỏ ngay điều “khó hiểu” này. Tôi sẵn sàng nhận lãnh, nhưng không vì thế lấy làm vinh dự. Ít ra chừng mực nào đó tôi được người ta tin cậy. Nhưng cũng không phải hoàn toàn thế.

Mắt tôi bây giờ chuyển hướng đăm đăm nhìn vào lon sữa còn lại của chính ủy trong ruột lượng gạo móc ở nhánh cây. Đồng chí không kém phần nhạy cảm nháy mắt tinh quái nhìn tôi, lấy hộp sữa tung qua cười nói: “không từ chối chứ”. Tôi chụp quà tặng miệng đáp: “Thưa không, xin cảm ơn”.

Tôi đề nghị: “Trước mắt chỉ cần bổ sung 100 tay súng (một Đại đội). Chưa đến lúc sử dụng lực lượng nhiều. Đánh nhau trong rừng rậm cần tổ chức từng toán, thành nhiều toán tập kích chớp nhoáng, rút né nhanh, linh hoạt cơ động. Quân nhiều vướng víu dễ bị phi pháo sát thương. Đến lúc cần sẽ xin trung đoàn tiếp ứng”.

Đưa tay xoa cằm thoáng chút suy nghĩ, trung đoàn trưởng đáp: “Việc này đồng chí bàn với các chỉ huy tiểu đoàn 8. Cán bộ đã tập trung bên kia suối. Đơn vị đang hành quân đến. Đánh địch ngày mai cho phép đồng chí tùy nghi xử lý mọi việc. Điều gì cần điện báo trung đoàn”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:06:11 am »

Liên lạc đưa tôi quay lại đường cũ vượt con suối cạn về bên đất mình. Tôi cười mỉm tự mỉa mai: “Con suối chỉ lội đến ống quyển hẹp ré, thế mà không ít người lội qua nổi ư”.

Lách qua cụm rừng nhỏ kín đáo đến chỗ cán bộ tiểu đoàn 8 đang chờ. Một căn hầm khá rộng đủ cho trên 10 người ngồi họp được âm sâu xuống đất cả mét rưỡi, mái lợp tranh. Bên trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn bão hắt ra soi đường cho tôi khom người chui xuống. Đồng chí chính trị viên tiểu đoàn kéo tôi xích lại ngồi sát bên anh. Các chỉ huy đại đội, phân đội trực thuộc và tham mưu trưởng đủ mặt. Đồng chí tiểu đoàn trưởng đi chỉ huy đoàn tải gạo thay tôi. Mọi người nhao nhao hỏi tôi về trận chiến đấu lúc xế trưa. Tôi trải tấm bản đồ tạm mượn của trung đoàn trưởng thông báo vắn tắt tình hình, dự kiến khả năng địch và nhiệm vụ chiến đấu sắp tới... Bỗng một tiếng nổ như sét đánh đỉnh đầu. Mái tranh bật tung tơi tả. Mấy giây bàng hoàng khủng khiếp. Một thân người ngã ngửa vào lòng tôi với tiếng rên khẽ: “Nỹ ơi!” tiếp theo một tiếng nấc rồi im bặt. Tôi ôm anh kêu lên thảng thốt: “Đồng chí chính trị viên”. Đầu anh ngoặc vào vai trái tôi, người anh còn nóng nhưng tim đã ngừng đập. Cây đèn bão bể vụn tối thui không thấy gì. Tôi hỏi to: “Anh em có ai việc gì không?” có tiếng đáp: “Tôi bị thương thủ trưởng ạ! Không sao nhẹ thôi”. Nơi góc hầm có tiếng một đồng chí khác cũng nói thế. Nhiều ánh đèn pin bật lên chiếu rọi vào chỗ tôi. Đồng chí y sĩ vuốt khắp người chính trị viên lấy làm lạ thốt lên: “Quái, sao chẳng thấy chút máu nào?” Anh cởi áo đồng chí mới phát hiện điều lạ. Thì ra quả pháo chụp nổ trên không đúng giữa nóc hầm tỏa xuống. Vì hầm lộ thiên chỉ lợp mái tranh, nên mảnh đạn đâm thủng vai xuyên thẳng tim làm anh chết rất nhanh. Anh ngã vào lòng tôi trong tư thế ngồi. Máu không chảy ra ngoài mà tuôn trong lồng ngực. Khi viết lại chuyện này thời gian gần 40 năm tôi không còn nhớ tên anh. Vả lại chúng tôi đều mới thuyên chuyển về trung đoàn không lâu ít điều kiện gặp nhau. Vong linh anh tha lỗi cho tôi.

Mọi việc giải quyết nhanh.

Tôi đề nghị tham mưu trưởng tiểu đoàn 8 triển khai các việc cần thiết. Tôi về trước nắm tình hình sẽ cho đón đơn vị. Khoác balô lên vai tôi mới phát hiện nó bị mảnh đạn xuyên thủng ba lỗ bằng ngón tay cái. Khi ngồi họp tôi dùng nó làm chỗ tựa lưng. Hú hồn, tôi gặp may.

Ra khỏi hầm đã hơn hai giờ sáng. Không còn nghe tiếng máy bay trực thăng. Không còn ánh sáng của pháo đèn dù. Đại bác địch ngừng bắn. Tôi chậc lưỡi xót xa: không lẽ viên đạn cuối cùng của đợt bắn hú họa, bọn Mỹ đã cướp mất sinh mạng của đồng chí chính trị viên tiểu đoàn 8 ư!

Đi vào cánh rừng thưa gió đêm mát rượi, cảnh vật im ắng. Tôi hít thở sâu vào phổi hương vị êm ả của rừng khuya trong phút giây hiếm hoi có được. Tôi tìm lại chút sức sau khi hộp sữa đặc được chia ba. Chúng tôi hối hả bước nhanh dưới ánh sáng mờ mờ của trăng hạ tuần. Đầu óc tôi vướng vúi nhiều vấn đề đặt ra cho trận chiến ngày mai.

Sau khi báo cáo, đồng chí chính trị phó đại đội trợ chiến kết luận: “mọi hoạt động địch ngưng hẳn lúc không giờ. Có thể chúng đã rút chạy”.

Tôi đồng ý, tình huống này rơi vào khả năng hai. Không lẽ Mỹ tốn nhiều công phu từ công tác chuẩn bị đến lúc bắt tay thực hiện, mới chạm phải ta một trận đã làm kế hoạch chúng phá sản sớm thế ư?.

Vài hôm sau tôi được tin Bộ tham mưu B3 thông báo (qua tin kỹ thuật) Trận đánh chúng tôi nhỏ nhưng hiệu suất chiến đấu cao. Phá vỡ từ đầu kế hoạch lùng càn vùng ven biên giới của Mỹ. Đánh thiệt hại nặng hai đại đội A và B của một đơn vị thuộc sư đoàn 4 bộ binh Mỹ(1).

Điều lạ là chúng tôi không được Ban chỉ huy trung đoàn chính thức thông báo lại (chỉ được tin qua một trợ lý tác chiến). Điều lạ nữa là theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh B3 trung đoàn phải tổ chức hội nghị học tập rút kinh nghiệm khi sử dụng phân đội nhỏ biết vận dụng cách đánh và dám đánh gây tổn thất nặng cho địch mà ta thương vong ít. Cuộc hội nghị này được tổ chức vội vã sơ sài (lấy có). Chúng tôi, những người trong cuộc không được mời dự. Có trời mới hiểu dụng tâm của cấp bề trên.

Được tin này đồng chí quân lực tiểu đoàn vốn trước khi nhập ngũ là kế toán một hợp tác xã mua bán tính nhẩm rồi vỗ tay reo: “Cha ơi! Ta mất vốn ít mà thu lợi quá to”.

*
*   *

Người ta nói tôi như đêm 30 Tết. Trong rừng sâu rậm bịt bùng hoàng hôn đến rất sớm. Ba giờ chiều đã xâm xẩm tối. Từng tiểu đội anh em làm bữa liên hoan khá xôm tụ chuẩn bị đón giao thừa. Những thứ thực phẩm được cấp không điều kiện chế biến chỉ chặt to kho mặn, thế là quý. Điếu thuốc hớp trà quây quần bên nhau không lửa không đèn, không được nói lớn la to, chỉ có khói thuốc quyện vào hơi thở của nhau ấm tình đồng chí đồng đội làm vơi đi bao nỗi nhớ mung lung...

Mất hơn hai tiếng đồng hồ ghé chỗ này một tí chỗ kia một tí làm hớp trà bông đùa đôi câu, tôi đến từng đại đội chúc Tết anh em. Lúc sắp đến không giờ, giờ giao thừa giữa năm cũ và năm mới, giờ thiêng liêng mọi người đang thấp thỏm đợi chờ lời chúc Tết của Bác Hồ. Mỗi đại đội chỉ được cấp một máy thu thanh bán dẫn nên hàng trăm người quy tụ bên nhau đầu tựa vai kề nín hơi im tiếng lắng nghe như nuốt từng lời những câu thơ chúc đầu năm của Bác.

Về đến lán, Văn dúi vào tay tôi bao thuốc lá Thăng Long còn được mươi điếu. Tôi ngạc nhiên hỏi Văn moi đâu ra thứ này? Văn cười hì hì cho biết đó là tiêu chuẩn của tôi, nhưng em không đưa lúc đông người. “Chỉ có mấy điếu đưa thủ trưởng lại chia hết còn đâu”. Tôi cóc vào đầu Văn: “Cậu láu ăn rồi nhé. Thôi đem chia cho anh em văn phòng mỗi người hít vài hơi lấy thảo”.

Tôi vừa ngã lưng lên tâm sạp được ghép lại bằng những thanh tre lồ ô, Văn đã đến bên tôi thủ thỉ:

- Thủ trưởng kể chuyện, chuyện đi B ấy mà cho Văn nghe. Thủ trưởng hứa rồi. Nhất là đoạn từ giã Cô có... buồn đứt ruột như Văn không?

- Qua năm mới được vài mươi phút cậu đã đòi nợ mình. Tôi đáp lời Văn vừa lúc Thóc tiểu đội trưởng thông tin liên lạc bỗng đâu nhảy xổ lên. Hai đứa chia nhau nằm hai bên tôi.


(1) Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ từng tham chiến trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Sau chiến tranh được giải thể. Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ thành lập lại. Phần lớn binh sĩ là sinh viên học sinh bị động viên. Họ được huấn luyện trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương có địa hình và thời tiết gần giống Việt Nam. Sư đoàn 4 hoạt động chủ yếu vùng rừng núi Khu 5 và các tỉnh phía bắc Tây Nguyên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:09:05 am »

4

CHUYỆN ĐI B CỦA TÔI

Tôi bắt đầu kể:

Dạo tháng 3 năm 1965 mình đang phụ trách quyền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ binh. Tiểu đoàn đóng quân ở xã Nghi Thủy huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Tiểu đoàn nằm trong đội hình lữ đoàn 324, là một trong những đơn vị phòng thủ từ bờ biển Cửa Lò đến Cửa Hội. Lúc này Mỹ đã hai lần ném bom thành phố Vinh. Ta sẵn sàng đập tan âm mưu bọn gây chiến nếu chúng liều lĩnh xua quân ra miền Bắc.

Một ngày đầu tháng 4 năm 1965, lúc 9 giờ sáng một trợ lý cán bộ lữ đoàn đến gặp mình. Anh ta bảo bàn giao mọi công việc cho các anh còn lại trong Ban chỉ huy. Sáng mai sẽ đi Diễn Châu đón nhận một tiểu đoàn mới của Bộ từ Thanh Hóa vào bổ sung cho Quân Khu 4.

Việc bàn giao mình chỉ mất nửa tiếng đồng hồ.

16 giờ 30 cùng ngày, Phòng Chính trị lữ đoàn mời mình lên. Sở chỉ huy phía trước của lữ đoàn cùng đóng trong huyện. Chỗ mình đến đó 35 phút xe đạp. Vừa thấy bóng mình đồng chí phó Chủ nhiệm Chính trị chạy ra cổng đón. Không đưa mình vào nhà, ông đi ngay vào câu chuyện không úp mở. Ông nói: “Một tiểu đoàn bộ binh của Quân Khu sắp lên đường đi B. Thế mà đồng chí tiểu đoàn phó xin đi phép đã quá hạn nhiều ngày đến nay chưa về. Không thể đợi. Bộ Tư lệnh quyết định lên đường. Phải có người thay. Cục Chính trị Quân Khu cân nhắc đi đến quyết định người thay là đồng chí”. Ông nhìn thẳng vào mắt mình có lẽ để thăm dò phản ứng của mình ra sao, mình thản nhiên: “Vâng, còn gì xin đồng chí nói tiếp”. Hình như để lên dây cót tinh thần mình, ông đem bài học vỡ lòng của công tác chính trị ra động viên. Nào là trên thấy đồng chí chiến sĩ thi đua lữ đoàn và cả Quân Khu, từng vinh dự là một trong hai đại đội trưởng của đơn vị mà Quân Khu tặng danh hiệu cao quý “Ba nhất”... Rồi ông nói gì gì lắm thứ làm mình bắt thẹn nóng bừng cả mặt buộc phải ngắt lời ông. Nghe ông nói tuy đầu óc mình đang lùng bùng nhưng vẫn có nụ cười mỉa vì những điều đó với mình đều là “ấu trĩ”. Đem nói với các chàng lính mới thì được. Thế sao không nói ngay từ sáng? Bày chi trò “bàn giao đi nhận quân ở Diễn Châu”. Lừa nhau làm gì thế. Đấy là thủ pháp của công tác chính trị ư?

- Đủ rồi thưa đồng chí phó Chủ nhiệm. Xin đồng chí cho biết lúc nào lên đường?

Ông không đi ngay vào vấn đề mình hỏi mà hỏi lại:

- Sao, đồng chí thấy nhiệm vụ trên giao thế nào?

- Tôi sinh trưởng ở miền Nam. Là bộ đội miền Nam tập kết. Từ lâu tôi ước nguyện được trở về chiến đấu cùng đồng chí đồng bào để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Đây là nghĩa vụ là vinh dự cho tôi.

Nghe mình nói ông tỏ vẻ hài lòng gật đầu, tiếp lời mình:

- Tiểu đoàn đồng chí sắp về là tiểu đoàn bộ binh 2. Trước kia nó vốn là tiểu đoàn 86 trung đoàn 812 Cực nam Trung Bộ thời kháng Pháp. Vả lại đồng chí vốn sinh trưởng ở tiểu đoàn này. Đồng chí tiểu đoàn trưởng hiện nay cũng vốn từ tiểu đoàn 86. Sức khỏe của đồng chí ấy không trụ được lâu. Trên đường đồng chí về đấy có dụng ý vì là người cũ xuất thân từ tiểu đoàn. Nay mai thay thế đồng chí tiểu đoàn trưởng.

Nhìn thấy trời sắp tối mình hỏi lại:

- Thưa đồng chí phó Chủ nhiệm bao giờ lên đường?

- Sáng mai. Mình chưng hửng. Lần này quá đổi bất ngờ. Cố làm ra vẻ tự nhiên không để lộ sự bối rối ra mặt, mình lập lại hai từ “sáng mai” như kẻ vô hồn.

Ông tiếp: “Sáng mai, 6 giờ đồng chí có mặt. Đơn vị đang tập kết tại khu nhà đối diện Bộ Tư lệnh Quân khu gần Bến Thủy. Đồng chí đến đúng thời gian kịp họp Đảng ủy. Đồng chí có chân trong thường vụ Tiểu đoàn ủy. 10 giờ bộ đội lên đường.

Cái đưa tay của ông cho mình bắt xem như kết thúc câu chuyện.

Chuyên về Nam với mình là điều mong đợi từ lâu. Đầu năm 1959 nghe phong phanh trên tổ chức từng đoàn cán bộ bí mật đi B, mình đề đạt nguyện vọng. Hai lần đi kiểm tra sức khỏe, cả hai lần quân y kết luận phổi và dạ dày có vấn đề. Không được như ý nguyện mình quyết định lấy vợ. Đến tuổi hăm chín rồi mà.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 08:09:48 am »

Giờ được tin tuy đột ngột nhưng không quá ngạc nhiên vì đó là điều mong đợi. Cái làm mình sững sờ là ngày lên đường sát đít. Mình biết mỗi đoàn trước khi vào chiến trường đều được tổ chức giải quyết mọi quyền lợi rất đầy đủ từ đề bạt không căn cứ niên hạn, việc khen thưởng đến chính sách hậu phương cán bộ nếu có gia đình... Ra đi ai cũng yên tâm. Mọi người đều được tập trung từ hai đến ba tháng bồi dưỡng ăn uống thuốc men với tiêu chuẩn rất cao. Có thế mới đủ sức vượt Trường Sơn chứ. Còn mình báo chiều hôm trước sáng hôm sau đi. Quá đổi bất ngờ chỗ này. Có thể có trường hợp anh tiểu đoàn phó nào đó đến phút cuối biến thành “con cua bò lùi” thật. À, nhân đây có câu chuyện này mình kể mấy cậu nghe:

Mình biết có một ông chính trị viên tiểu đoàn. Mấy năm trước mình còn là đại đội trưởng dưới quyền ông. Ông ở bên khu 5 tập kết có cả vợ con cùng theo. Ông đúng là một nhà có tài ăn nói. Không có cuộc họp, hội nghị nào mà không tràn ngập cả hội trường giọng Quảng sang sảng của ông phân tích hàng giờ không mệt về quan điểm lập trường giai cấp. Chuyện nho nhỏ như anh đi về trễ phép vài giờ đến một buổi trở thành đề tài cho ông thao thao bất tuyệt trong các cuộc họp. Hồi cuối năm 1958, mình tốt nghiệp khóa bổ túc trường Sĩ quan lục quân khóa 10 tại Hà Nội về nhận công tác tiểu đoàn ông. Tính mình lúc ấy ít nói, phần vì đơn vị mới không quen ai, phần có chút tự ti nên mình rất dè dặt với lời ăn tiếng nói. Chỉ thế cũng trở thành chuyện ông đem ra thuyết trình về “một con người trầm trầm khó hiểu!”. Không phải ông nói đùa lúc ấy, mà là nguyên văn nhận xét trong báo cáo thường kỳ gửi lên cấp trên.

Có lần ông hô hào trong đại hội Đảng: “Các đồng chí, chúng ta phải luôn luôn nghĩ rằng mình là người cộng sản. Vậy mỗi người trong chúng ta phải luôn luôn cắm là cờ cộng sản vào trái tim mình”. Những điều ông nói đều đúng không ai bắt bẻ được.

Khi biên chế sư đoàn thành lữ đoàn, ông đi mình vẫn ở tiểu đoàn. Sau đó mình nghe anh em tin lại cho mình biết khi ông nhận nhiệm vụ trở về Nam chiến đấu không hiểu sao bệnh tâm thần của ông bột phát đột ngột.

Chuyện kiểu này không nhiều, cá biệt thôi.

Vì đột xuất nên không có thời gian cho mình chuẩn bị. Mình đợi xem ông phó chủ nhiệm nói gì về chính sách hậu phương. “Một ra đi là không trở về”, một câu trong bài hát mình học của các anh vệ quốc đoàn Nam tiến năm 1945. Dĩ nhiên đi ắt có về. Về nhiều hay ít chưa biết. Đánh giặc chứ đâu diễu binh đi bao nhiêu về bấy nhiêu.

Ông ta đột ngột báo: “Sáng mai đồng chí đi chiến trường”. Giống như ông ta bảo: “Sáng mai cậu ra chợ Vinh đến hiệu phở mình đãi cho một chầu”. Đi chiến trường đánh giặc với chuyện ăn phở ông ta đánh đồng như nhau. Giản đơn thế là cùng. Ông quay lưng, mọi việc chỉ còn một đêm tự mình lo liệu.

Văn hỏi cắt ngang:

- Lúc đó thủ trưởng đã sinh em chưa?

- Có rồi chứ - Tôi đáp lời Văn - Một gái một trai. Đứa gái đầu hơn 3 tuổi, thằng em mới sinh hơn 3 tháng. Lại phải gồng gánh tản cư khỏi thành phố. Gạo đong từng bữa. Nợ nước tình nhà nghe qua như đề tựa kịch bản cải lương. Thế mà là chuyện thực nan giải đối với mình. Nợ nước làm trai phải trả, nhưng tình nhà ai gánh đây? Ông phó chủ nhiệm thay mặt tổ chức lại lờ đi. Ba tháng lương cấp hàm thượng úy tài vụ chưa có tiền phát. Bằng chừng ấy lương gửi tiết kiệm đang nằm trong két ngân hàng. Thà, giá như đầu năm 1959 chưa vợ chưa con bảo đi là đi ngay, chỉ cần 30 phút từ biệt đồng đội và bạn bè. Nhẹ tênh...

Lần này đến phiên cậu Thóc thắc mắc: “Lúc ấy thủ trưởng đã thượng úy, đến bây giờ vẫn thượng úy?”

- Thế thì sao nào - Tôi trả lời Thóc. Mình được phong thượng úy đầu năm 1962 khi là chiến sĩ thi đua lữ đoàn và quân khu 4. Đến ngày đi B được 3 năm rưỡi chả thấy cấp trên động tĩnh gì theo chính sách vào chiến trường.

Mình làm đại đội trưởng cấp hàm thượng úy- Lên tham mưu trưởng, tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng, tham mưu trung đoàn, trở lại cái chức tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn các cậu đây vẫn thượng úy, chưa thấy ai chết vì chuyện này cả. Miệng nói thế chứ không ít cay đắng trong lòng. Tôi không giấu giếm điều này. Bởi lẽ trên đời nào ai dám chắc không có đầu óc địa vị. Thiếu gì những người đứng trên bục cao chót vót hô hào: “Các đồng chí hãy loại trừ cá nhân chủ nghĩa, đừng vì quyền lợi của riêng mình mà v.v..” trong khi chính họ lại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân như tôn thờ một thứ tôn giáo.

Vướng mắc, có đấy. Tuy thế với tôi lúc này không hề bị chi phối vì cuộc chiến đấu một mất một còn đang diễn ra đây, cấp với chức không phải là lẽ sống của người chiến sĩ đang đứng trên tuyến lửa. Thực tình trong cuộc đấu tranh sinh tử này tôi nghĩ mình khó có thể tồn tại. Người có cấp hàm cao kẻ thấp cái chết đến với ai cũng như nhau. Đã là người lính trực tiếp xung trận, ranh giới giữa cái sống và sự chết rất mong manh. Nếu ôm cái “đầu óc địa vị” đó nó có thể làm lá bùa hộ mệnh thì cũng... ráng ôm. Tôi ghi nhớ tận đáy lòng câu nói giản dị của anh em trong lúc đánh giặc mà chỉ được ăn một ngày một lạng rưỡi gạo: “Mong sao chỉ được ăn no để đánh thắng giặc Mỹ chứ không mong làm tướng làm tá gì sau này”. Vì vậy hơi đâu mà ngồi đó so đo tính toán thiệt hơn. Tôi nói điều này cho Văn và Thóc biết. Tuy nhiên với chính sách “ba năm chưa hẳn là mau, mười năm chưa phải đã chậm” như ông SH lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị từng tuyên bố chỉ làm hụt hẫng lớp cán bộ kế thừa. Khi nghe câu tuyên bố này nhiều cán bộ lúc ấy đặt dấu hỏi: Thế nào là mau, thế nào là chậm?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM