Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:09:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoa lửa đường về  (Đọc 6540 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:26:36 am »

3

HOA LỬA TÂY NGUYÊN

Cuối xuân 1966 trung đoàn vẫn trong đội hình sư đoàn 10. Đơn vị tiếp tục hành quân rời chiến trường B4 (Trị Thiên) vào Tây Nguyên.

Sư đoàn hành quân cùng trên một trục.

Để đội hình không bị dồn ứ, các trạm có điều kiện vận chuyển lương thực thực phẩm không gián đoạn trong việc cấp phát, người ta tổ chức lần lượt thứ tự xuất phát cho các đơn vị. Từng tiểu đoàn bộ binh, các cơ quan, đơn vị trực thuộc lên đường theo thời gian được khống chế sít sao.

Trung đoàn 95B đi cuối đội hình. Riêng tiểu đoàn tôi vì bị tổn thất gần 1/5 quân số trong trận đánh tiêu diệt căn cứ biệt kích Aso nên được hành quân cuối cùng trung đoàn. Cũng là đơn vị xuất phát sau chót của sư đoàn. Khối hành quân lấy đơn vị tiểu đoàn có từ một đến hai đại đội trực thuộc trung đoàn được tháp tùng dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn trưởng. Mỗi khối lên đường cách nhau một ngày. Ví du tiểu đoàn A mờ sáng hôm nay lên đường. Cách một ngày tức ngày kia tiểu đoàn B mới đến lượt. Dụng ý cấp trên cho tiểu đoàn tôi đi cuối để cố thời gian nhận quân bổ sung từ miền Bắc chuyển vào và củng cố đơn vị về chính trị và tổ chức. Chúng tôi chuyển quân từ chiến trường Aso-Alưới trở lại tuyến hành lang từ Bắc vào Nam. Chúng tôi tạm trú quân ở ngã ba La Hạp. Tại đây có binh trạm lớn đảm bảo đường dây vào Tây Nguyên - Nam Bộ và đường dây xuống phân khu Trị Thiên. Chúng tôi được lợi có thời gian dài nghỉ ngơi củng cố, nhưng bị thiệt thòi rất lớn. Hàng chục tiểu đoàn đi trước đã vét sạch gạo thực phẩm. Chúng tôi đi sau chỉ nhận khẩu phần một lạng rưỡi mỗi ngày (y như lúc chiến đấu), muối, thứ thực phẩm chính yếu chia ra mỗi người vài ba hột. May mà chúng tôi đang trong giai đoạn nghỉ ngơi. Anh em không vì thế bó tay chịu đói. Từng trung đội tổ chức đào củ mài hái rau rừng, xắn măng tre... ăn độn thêm (điều này ở vị trí triển khai chiến đấu cấm nghiêm ngặt để giữ bí mật). Tuyệt đối không được dùng súng săn thú bắn chim. Không được dùng chất nổ đánh cá. Đích thân tôi cùng trợ lý hậu cần ngày nào cũng vào trạm xem tình hình gạo muối ra sao. Lần nào cũng phải thông cảm với sự phân bua của trạm trưởng: “Nào vét kho cung cấp cả sư đoàn suốt gần 2 tháng trời trong chiến dịch. Bây giờ phải đảm bảo cho hành quân. Nào không riêng gì cho đơn vị đồng chí mỗi ngày không ít đoàn ra đoàn vào: bộ đội này đoàn cán bộ dân chính nọ. Người của mọi thứ ngành nghề cứ nườm nượp vào chiến trường. Đường sá vận chuyển khó khăn. Không quân địch liên tục đánh phá suốt ngày đêm. Một xe gạo đến được kho. phải trả giá bằng máu của bộ đội vận tải, bộ đội bảo vệ hành lang và. anh chị em thanh niên xung phong...” Chúng tôi rất hiểu điều này nên bấm bụng chấp nhận.

Tiểu đoàn tôi được tăng cường một tổ thông tin 15W. Mỗi lần làm việc phải hai người quay máy phát điện. Nhờ vậy cách xa trung đoàn năm bảy chục đến hàng trăm cây số chúng tôi vẫn liên lạc báo cáo thường xuyên hằng ngày. Tôi nhận lệnh khi nào được cung cấp 3 lạng gạo/người/ ngày, có sẵn trên vai mỗi người 10 ngày gạo mới lên đường. Quân số vũ khí được bổ sung đầy đủ, chỉ chờ gạo muối.

Đêm đêm tiếng bom dội rền của B52 rải thảm lúc xa lúc gần. Khu vực chúng tôi không nằm trong vòng ngắm của chúng. Có lần làn bom quét sát sạt ranh mép khu vực tiểu đoàn tôi. Quả gần nhất cách 50 mét. Chưa có trái bom nào rơi trúng đội hình.

Mấy anh em đi đào củ nhặt được mảnh nhôm của vỏ bom bi nảy ra sáng kiến cắt đập ghè mài thành mấy cái muỗng xinh xắn. Tự nó phát động phong trào săn lùng kim loại nhôm để chế ra những sản phẩm tương tự. Thứ này không hiếm, ống pháo sáng, vỏ bom bi, bom napan rải rác trong rừng rất nhiều. Bắt gặp xác một chiếc máy bay trinh sát L19 bị bắn hạ không rõ từ lúc nào. Chỉ một ngày nó còn trơ lại bộ khung méo mó. Anh em thi nhau “xẻ thịt” lấy nhôm. Tiểu đoàn tôi trở thành công trường với trên 500 tay thợ không chuyên cho ra lò sản phẩm duy nhất là muỗng. Dụng cụ sản xuất chỉ bằng chiếc dao găm, đá hòn đá tảng. Chấn chặt mài gò đều bằng những thứ ấy. Mỗi ngày dành vài tiếng sinh hoạt chính trị hoặc học tập lý thuyết một số môn quân sự, phân công đi tìm cái ăn trong rừng, thời gian còn lại mọi người đổ xô vào việc sản xuất muỗng, môi múc canh. Tôi tự làm mấy cái xem cũng được. Nhiều người khéo tay tạo thêm mấy sản phẩm mới như lược chải tóc, nhíp nhổ râu, cây rút quai dép, khóa thắt lưng... Có chuyện làm hoá ra hay. Không còn cảnh nằm tòn ten đu đưa trên võng ôm bụng ngáp vặt. Mọi người tham gia với tinh thần hồ hởi tự nguyện trong cuộc chơi đòi hỏi sự khéo tay, nhẫn nại kiên trì mang lại lợi ích thiết thực và thú vị.

Cả tiểu đoàn “tĩnh tọa tu thiền” tại đây đến ngày thứ mười lăm thì được trạm trưởng báo tin đã có gạo. Mỗi người 3 lạng/ngày. Trên vai đã có 10 ngày ăn (3 ký) với 1 thìa muối hột. Riêng đại đội trợ chiến cối 82, trung đội DKZ 75 tiêu chuẩn thêm nửa lạng ngày.

Tiểu đoàn lên đường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:27:07 am »

Theo lệnh trên đi 3 ngày nghỉ 1 ngày. Mỗi ngày đi đúng một cung trạm. Từ trạm này đến trạm kia không lệ thuộc đường dài hay ngắn. Người ta căn cứ thời gian đi mà quyết định đặt trạm. Dĩ nhiên có chiếu cố đến điều kiện nơi trú quân phải có nước, kín đáo. Có những cung đường ngắn vì địa hình khó đi như phải vượt núi lội sông, nhiều đồi dốc cao, khe sâu... Có cụng đường dài do địa hình tương đối dễ đi. Cung đường dài hay ngắn lấy chuẩn một đoàn quân đông cấp tiểu đoàn hành quân bảo đảm đến trạm khoảng 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi chiều. Được thế anh em có thời gian nghỉ ngơi tắm rửa, lo buổi cơm tối, vắt cơm sáng, cơm trưa cho ngày mai, quân y chăm sóc anh em yếu mệt. Đoàn ít người đi nhanh đến sớm hơn. Đoàn nào khi đến nơi đều đóng quân ngoài bãi khách cách xa cơ quan trạm từ 15 đến 30 phút đi bộ. Chỉ có cấp sư đoàn, cấp khu trở lên được bố trí ăn nghỉ tại cơ quan trạm. Bãi khách chọn những khu rừng kín đáo gần nguồn nước. Tại đây nhiều đoàn liên tục ra vào nên sẵn cột mắc võng, giá để balô, công sự trú ẩn cá nhân.

Tiểu đoàn tôi thường ngày xuất phát lúc 5 giờ sáng. Giờ đầu trời mát nên tranh thủ đi một lèo 60 phút, nghỉ 15 phút. Những giờ sau cứ đi 50 phút nghỉ 10 phút. Nếu 15 giờ đến nơi, thời gian hành quân trong ngày mất 10 giờ, trong đó nghỉ 105 phút cộng thêm 15 phút ăn trưa, vị chi thời gian nghỉ 2 giờ, còn lại 8 giờ hành quân. Những năm 1967 trở về trước hành quân trên con đường mòn một lối đi. Có đoạn đi bên sườn Đông của dãy Trường Sơn, có đoạn ven phía Tây thuộc đất Lào. Bài thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của nhà thơ Phạm Tiến Duật được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc là vì thế. Đông Trường Sơn đoạn từ khu 4 vào Tây Nguyên không phân rõ ranh giới hai mùa mưa nắng. Quanh năm lúc chợt nắng lúc chợt mưa. Có những đoạn đang đi phía Đông Trường Sơn mây mù mưa bụi mịt mờ, nhưng khi vượt nhiều quãng đèo qua Tây Trường Sơn gặp phải nắng nóng như đổ lửa. Nắng đến nỗi khi xuyên qua những cụm rừng tre gặp thân tre già phát nổ lốp đốp râm ran như tiếng nổ súng ngắn bắn. Cũng có lúc phải leo trèo lên đỉnh đi dọc theo sóng núi. Trên những đoạn đường này rất gian khổ mà lắm thú vị. Nhìn lên mây đầy trời cuồn cuộn lướt trên ngọn cây cứ ngỡ như với tay là hốt được một bụm. Nhìn tới trước ngó lại sau chỉ thấy một bóng người lờ mờ đi trước mặt hoặc sau lưng. Nhìn xuống chỉ nhận rõ vài mét đất để bước tới. Một màu trắng đục che khuất tầm nhìn, không thấy núi đồi rừng cây khe thác... Có cảm giác như đi trong mây (cũng có thể là mây thật). Tôi tưởng tượng mình như Tề Thiên Đại Thánh cưỡi mây, tay cặp nách cây thiết bảng, tay che mắt nhìn xuống trần gian tìm đường về Hoa Quả Sơn. Đại Thánh lướt bay nhẹ nhàng, chúng tôi ỳ ạch từng bước một. Trên vai người mang nhẹ như tôi, không súng không đạn (chỉ có súng ngắn) cũng phải hăm bốn hai lăm ký lô hành lý lương thực. Chiến sĩ ngoài hành lý, gạo, còn súng và từ 2 đến 3 cơ số đạn. Ngoài ra còn phân công mang thêm dụng cụ nấu ăn, cuốc xẻng. Anh em Ịính trợ chiến nặng nề hơn. Một khẩu cối 82 tháo rời 3 bộ phận, mỗi bộ phận cho một người vác từ 7 đến 10 ký lô. Anh em pháo thủ mang đạn sức nặng cũng chừng ấy. Vất vả nhất là chiến sĩ ĐKZ 75 (loại đại bác không giật). Nòng pháo phải 2 người khiêng. Đường rộng dễ đi đã không nhẹ nhõm gì, gặp phải những đoạn đường cheo leo hiểm trở, một bên dốc đứng một bên vực sâu, đường đi vừa đủ đặt bàn chân. Không thể 2 người cùng khiêng phải chọn người khoẻ nhất (tương đối) để vác. Anh em cắn răng cố sức làm việc này trên một đoạn đường có khi dài đến hàng nghìn mét trong lúc một ngày được ăn ba lạng rưỡi gạo vài hạt muối. Vì không đi cùng, tôi không hiểu nỗi anh em bên cối 120 ly bằng cách nào khắc phục được. Đây là loại súng phải có xe cơ giới kéo. Riêng bàn đế, nòng pháo từng bộ phận phải 4 người khiêng. Anh em sơn pháo 75 ly cũng vậy (loại đại bác do Nhật sản xuất, chiến lợi phẩm của ta thời kỳ chống Nhật). Riêng bánh xe pháo toàn bằng sắt gần như bánh xe bò cũng phải 4 người khiêng cật lực. Có những cái dốc lài lài đi suốt cả buổi sáng mới đến đỉnh. Tôi nhớ lại sự thử thách đầu tiên bắt đầu tiếp sức với dãy Trường Sơn. Vượt qua đầu nguồn sông Bến Hải một ngày đường phải leo lên một cái dốc có tên 1001. Vì từ dưới dốc lên đỉnh, chiến sĩ công binh tạo đúng 1001 bậc thang. Dốc rất đứng. Suốt dãy Trường Sơn theo về hướng nam tôi chưa hề gặp một cái dốc nào như dốc 1001. Nếu bạn leo lên một cái thang hơi nghiêng nghiêng cặp vào tường thế nào thì dốc này cũng thế. Người leo sau suýt đụng đầu vào ba lô người leo trước. Công binh phải nối thả hai đường dây hai bên bằng dây mây to gần bằng cổ tay từ đỉnh dốc đến chân để mọi người tự nắm kéo thân mình lên và bảo đảm an toàn cho người và vũ khí.

Lính ta lè lưỡi lắc đầu “tâm phục khẩu phục” mấy cô gái người Thượng. Họ mang gùi lưng đựng 4 quả đạn ĐK trong ống vỏ sắt. Chiến sĩ ta chỉ vác một quả đã bở hơi tai. Thế mà họ hai tay chống nạnh chân lướt đi nhẹ nhàng như ta đi trên đất bằng, miệng hát hoặc phát lời chọc lính thách anh giải phóng leo dốc ai hơn. Họ từ cuối hàng quân kéo dài khoảng 2 nghìn mét, chẳng mấy chốc họ vượt lên đầu. Đến đỉnh họ đặt gùi lây cây đàn tự tạo (hình dáng từa tựa cây man-đô-lin có hai dây) gảy tưng tưng với lời ca lúc bằng tiếng dân tộc lúc bằng tiếng Kinh. Nội dung trêu ghẹo những người lính trẻ. Lính ta nhiều cậu suýt xoa khen nức nở mấy cô khá xinh, xinh hơn gái đồng bằng xứ tớ...

Đi đường cũng có lúc gặp may. Thỉnh thoảng bắt gặp cây chè rừng. Không hiểu sao bao nhiêu đoàn đi trước vô ra không phát hiện. Tôi nhìn là biết ngay. Cây chè bằng cườm chân, cao khoảng 4 mét. Nó mọc lẻ hoặc hai hay ba thành cụm. Thân cây trắng nuốt. Lá như chè ta trồng. Hương đậm vị ngọt. Tôi cho dừng chân, mỗi đại đội cử người đến hái chè. Tôi phải điều khiển để tránh chuyện tranh nhau, chè bị chặt nhánh, bẻ cành, chỉ tuốt lá, nhằm dưỡng cây chè vì lợi ích cho người sau.

Đến nơi nghỉ, anh em quây quần bên soong nước chè bốc hơi đặc quánh sóng sánh màu xanh lá mạ. Nhấm nháp từng ngụm thấm vào cổ họng với hương vị đặc biệt của nó chẳng khác khi uống nước sâm bổ. Mệt nhọc căng thẳng suốt ngày băng suối vượt đèo hầu như tiêu tan, nhường cho sự sảng khoái phấn chấn với câu chuyện rôm rả về nét xinh của mấy cô gái Thượng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:27:31 am »

Điều bực mình kinh tởm và đáng sợ là vắt. Hầu hết các trục trên đường Trường Sơn nơi nào cũng có vắt. Khi vượt qua những đoạn đường ẩm ướt rừng rậm bắt gặp vô vàn vắt. Nó nằm phục sẵn trong lá cây lá ủ chờ người hoặc vật đi qua phóng rất nhẹ bám vào chân tay, chui lên cổ, chui vào lưng bụng ... Lúc chưa hút máu vắt lớn hơn cái tăm xỉa răng một chút. Hút máu no, nó to bằng đầu chiếc đũa ăn. Có con phình to bằng nửa ngón tay út, đến bốn năm phân tây. Khi nó bám hút máu ta không hề biết, không ngứa không đau. Nó tiết ra một chất làm loãng máu. Nếu biết dứt được nó ra máu vẫn chảy. Đến khi chất làm loãng máu tan, máu đông lại. Mang tất hoặc quấn băng vào chân vẫn bị nó xoi thủng chui vào bám lấy da ta tha hồ hút. Một ngày hành quân không ai tránh khỏi cái nạn vắt chết tiệt này.

Gặp lúc trời nắng khô hạn qua những con suối cạn chỉ còn đọng từng vũng nước chạm phải không biết cơ man nào bươm bướm với nhiều màu sắc trông loá mắt. “Nước khe cạn bướm bay lèn đá” câu thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Nhà thơ Phạm Tiến Duật tả đúng thế. Có bóng người đến nó đồng loạt bay tỏa như một cơn mưa hoa từ đất phun lên trong ánh nắng lấp lánh muôn màu thật đẹp mắt.

Tôi ngán nhất khi phải băng qua những khu rừng khộp. Khộp là loại cây có dầu. Đường kính thân cây từ 20 đến 30cm, cao 8 đến 10m. Da mốc xù xì. Lá to bằng bàn tay xòe. Nó mọc cánh nhau từ 5 đến 8m. Đã là rừng khộp ít có loại cây nào sống chung với nó. Duy nhất chỉ có một thứ cỏ le. Loại này mọc ken dày cao đến đầu ngực hoặc vai người. Điều lạ là đất khô cằn pha sỏi trừ cây khộp không loại cây nào mọc nổi. Thế mà cỏ le xanh tốt mượt mà. Gọi nó cỏ nhưng không phải là thứ thực phẩm cho loài thú ăn cỏ. Nếu rừng khộp chỉ có thế không gì đáng nói. Ngán ở chỗ là có vùng đi suốt ngày không ra khỏi “thế trận ma quái” này. Tầm nhìn quét đến đâu chỉ rặt cây khộp và cỏ le. Có lúc muốn phát khùng bởi sự nhàm chán của đôi mắt.

Cuộc “tiểu trường chinh” đã gần nửa tháng. Cái đói vẫn dai dẳng đeo bám chúng tôi. Ba lạng gạo cho một ngày ăn chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu cần thiết nuôi dưỡng cơ thể nhất là với lính cường độ lao động rất cao. Mọi người xuống sức mặt phờ phạc mắt trũng sâu. Một hai ngày đầu mỗi đại đội có vài ba đồng chí sốt rét yêu mệt, anh em san sẻ mang vác hộ nên số này cố bám theo đơn vị. Năm bảy ngày sau số yếu mệt tăng lên, tiểu đoàn phải tổ chức bộ phận thu dung do phó chính trị viên tiểu đoàn và các đại đội phó chính trị phụ trách. Bộ phận này đón dẫn những anh em tụt lại sau không bám kịp đội hình. Chừng 3 giờ chiều đơn vị đến bãi khách trạm. Bộ phận thu dung 6 hoặc 7 giờ tối mới đến. Càng về sau không đến kịp trong ngày anh em tạm đến chỗ hạ trại chọn những anh em khá hơn quay lại đón dìu số thu dung này. Thường trong lúc hành quân có đồng chí lên cơn sốt mệt lả không thể đi đồng đội đành mắc võng cho đồng chí nằm nghỉ đợi bộ phận thu dung đến sau tiếp nhận. Có trường hợp khi thu dung đến lật tấm đắp phát hiện tim đồng chí đã ngừng đập. Người yếu gần muốn kiệt sức run tay đào huyệt mai táng đồng đội mình bên cạnh lối đi. Dùng dao găm khắc tên đồng chí lên một thân cây gần đó thay bia mộ. Không hương khói chỉ có những dòng nước mắt của người đang sống tiễn đưa.

Trên đường “xuôi vạn lý” thỉnh thoảng tôi bắt gặp những mộ đắp vội sơ sài như thế. Mỗi lần gặp, từng anh em rút xẻng đắp bồi lên thêm một ít đất để mộ được cao thêm, hy vọng đồng chí mình dưới đáy mộ được ấm cúng thêm một chút.

Tiểu đoàn tôi suốt cuộc “Trường chinh” chỉ xảy ra một trường hợp nhưng không phải đang hành quân mà lúc đã đến nơi nghỉ. Một chiến sĩ xung phong giúp anh nuôi thổi cơm. Đang làm anh thấy váng đầu lên võng nằm nghỉ. Đến lúc ăn cơm gọi mấy lần không thấy đáp. Lật tấm đắp mới hay anh đã tắt thở. Ra đi có được đồng đội bên cạnh âu cũng ấm lòng hơn các đồng chí lìa trần đơn độc lẻ loi bên vệ đường. Anh đi im ắng quá, không một lời trăn trối nhắn nhủ vĩnh biệt đồng chí anh em!

Riêng tôi có chuyện hi hữu xảy ra. Khi tiểu đoàn vào đến khu vực B3 (Tây Nguyên) còn hai ngày đường nữa sẽ đến vị trí tập kết trung đoàn. Đến bãi khách trạm tôi vừa mắt võng xong bỗng thấy người choáng váng mắt tối sầm ngã lăn quay ngất lịm. Tôi được cấp cứu tỉnh lại. Tay chân tôi cứng đơ, các ngón tay không co duỗi được. Anh em chuyển tôi vào cơ quan trạm mắc võng nằm bên ngoài lán dành riêng cho khách cấp cao, đồng thời điện báo trung đoàn. Điều lạ, ngay lán cách tôi vài mươi bước chân có cặp vợ chồng một bác sĩ. Họ là khách ưu tiên của trạm. Nhìn mặt tôi thấy quen. Đây là vị bác sĩ có chút ít tiếng tăm khi còn ở miền Bắc. Ông trên đường vào công tác tại B3. Ông không quan tâm đến chúng tôi khi thấy người ta khiêng một bệnh binh đến nằm gần bên ông. Hai vợ chồng ông thản nhiên lấy lương khô ra nhâm nhí không hỏi đến một lời. Sau ngày giải phóng miền Nam tôi biết tin ông phong hàm giáo sư. Ông bác sĩ C có thể là một thầy thuốc có chuyên môn giỏi nhưng không có cái tâm và thiếu tình người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:28:14 am »

Đêm hôm ấy đồng chí công vụ liên lạc của tôi xin đi bắt cua đá để cải thiện cho tôi. Cậu ấy nghe y sĩ tiểu đoàn bước đầu chẩn đoán cơ thể tôi thiếu các loại sinh tố trầm trọng nên gây ra triệu chứng này. Được ăn cua biết đâu sẽ khắc phục một phần bệnh đột biến của tôi. Trên núi cao đá lởm chởm lại rất nhiều cua đá. Vài tiếng đồng hồ em mang về một hăng - gô đầy. Nhìn thấy cua tôi nhớ đến bài hát “con cua đá” của Đoàn Văn công Tổng cục chính trị vào phục vụ tiểu đoàn trước khi lên đường. Bài hát mở đầu: “Cồn cỏ có con cá đua là con cua đá. Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe. Nó có 4 cái que 2 cái càng...”. Tại đây lại có một loại rau quý gọi là sâm đá vì nó mọc từ các khe và sống trên mặt các hòn đá tảng. Lá nó to bằng 3 ngón tay giống như rau mùng tơi ở quê ta hay nấu canh. Chỉ khác gân lá lại trắng muốt. Rau sâm đá nấu với cua đá thêm tí muối trở thành món canh rất tuyệt. Bụng đói canh ngon tôi nhai cả vỏ cả que càng cua, húp lá sâm ngon lành. Lạ thay sáng hôm sau các ngón tay tôi cử động được. Sáng ăn tiếp, chiều tôi ngồi dậy. Suốt 2 đêm liền tôi được em công vụ chăm sóc tận tình, sức khỏe tôi hồi phục nhanh. Tôi đi lại chập chững vừa lúc đồng chí bác sĩ trung đoàn quay lại chỗ tôi để xem xét chữa trị cấp thời. Nhận xét của anh như chẩn đoán của y sĩ tiểu đoàn. Tôi được đồng chí tiêm các loại sinh tố như B1, B12, C và các loại thuốc khác. Có thuốc kết hợp được ăn “con cá đua”, vài hôm sau sức khỏe của tôi hồi phục vác balô đuổi theo đơn vị mặc cho hai vợ chồng ông bác sĩ với hàm giáo sư tương lai tiếp tục ấp ủ nhau tại đó.

Về đến trung đoàn bộ gặp đồng chí phó chính uỷ Duy. Thấy tôi ông cười ầm lên: “Cái thằng xì hết pin liệt máy phải cho xạc lại thấy ổn chưa?” Ông cười tôi chưa lâu. Chỉ một ngày sau khi ông đi đại tiện tống bỏ cục nợ trong bụng, ông cảm thấy tay chân cứng đờ. Khác tôi là ông không bị ngất, nhưng không sao đứng dậy túm quần. Ông kêu ầm lên, mọi người ào ra khiêng ông vào. Triệu chứng bệnh ông như tôi. Gặp ông, tôi đá trả lại trái bóng ông đã sút vào lưới tôi: “Anh ơi! Tục ngữ ta có câu: Cười người hôm trước hôm sau người cười. Đúng không?” Ông cười hì hì. Chắc ông cười tôi và cả ông.

Thường trong hành quân tôi đi đầu đội hình tiểu đoàn. Trước tôi là liên lạc trạm dẫn đường và tổ trinh sát. 9 giờ sáng sắp vào địa phận B3 (Bộ Tư lệnh Tây Nguyên) tôi được lệnh cùng đồng chí trợ lý hậu cần vượt lên trước về cơ quan trạm gặp cán bộ tham mưu Bộ Tư lệnh B3 làm việc.

Chúng tôi tách đội hình, do đi lẻ nên khá nhanh. 12 giờ trưa đến trạm, mất nửa tiếng đồng hồ làm việc với cán bộ quân lực, tôi chuyển qua bàn việc cung cấp với đồng chí trạm trưởng. Tôi được thông báo mà ngỡ gặp chuyện trong mơ. Người trúng số độc đắc cũng chỉ sướng run như tôi lúc này. Giọng Quảng Nam trầm, chắc nịch, trạm trưởng nêu lên những con số làm tôi và đồng chí trợ lý hậu cần không ngờ. Anh cho biết ở đây khẩu phần 7 lạng gạo ngày. Đơn vị trợ chiến tăng thêm nửa lạng, lĩnh đủ. Chúng tôi nằm tại ngã ba La Hạp 16 ngày, chỉ lãnh 1 lạng rưỡi người/ngày. Giờ được truy lĩnh 5 lạng rưỡi người/ngày. Hành quân về đến đây 15 ngày. Mỗi người đã lĩnh 3 lạng/ngày. Được truy lĩnh 4 lạng người/ngày… Ôi chao! Tôi thầm kêu trong bụng vội làm con tính nhẩm: Cả hai thời gian ở và đi mỗi người được truy lĩnh cộng lại trên 15 ký lô gạo. Con số đâu phải nhỏ. Chưa hết, đồng chí trạm trưởng cho biết thêm chúng tôi còn lĩnh một số thực phẩm, nhu yếu phẩm như sữa bột đóng hộp, sữa nước, đường trắng, đậu xanh, đậu phụng, muối, thịt chà bông cá tra khô, chao thùng, tương bánh, củ cải và cải bẹ cây muối. Có cả thuốc lá và giấy viết thư... Tiêu chuẩn cụ thể đã ghi trong phiếu. Chiều nay bộ đội đến, sáng mai phải đi lĩnh ngay để kịp giải phóng kho. Đồng chí cán bộ quân lực thừa ủy nhiệm cấp trên thông báo cho bộ đội nghỉ tại trạm 3 ngày. Hai chúng tôi được cấp một phần phiếu ăn, xuống nhà bếp có người phục vụ.

Chị nuôi ở đây rất giống tạng người chị nuôi ở trạm Đ nơi ngã ba rẽ xuống đường dây Quảng Đà. Thoạt nhìn thấy chị tôi lại nhớ cái binh trạm Đ mà chúng tôi ghé vào trưa mùng một tết Nguyên Đán. Cùng cao lớn trạc tuổi nhau, cũng nói giọng Quảng, miệng phì phèo điếu thuốc lá vấn... chỉ khác ở chỗ mặt mũi chị này tươi tỉnh, không lạnh lùng cau có như chị kia.

Chị mang ra cho chúng tôi rá cơm đầy bốc khói. Nhìn thấy những hạt cơm trắng muốt ruột gan tôi thêm cồn cào. Hai suất cơm phải bốn người ăn khỏe mới hết. Chị bưng ra một tô mắm ruốc nấu loãng nóng hổi. Mùi mắm chưng mỡ thơm lừng. Cái mùi ấy làm tôi cảm nhận không những chỉ bằng khứu giác, mà còn như bị nó chui qua từng lỗ chân lông thâm vào lục phủ ngũ tạng của tôi. Tôi nói đùa với đồng chí hậu cần: “Lúc đang chết có được cái mùi này ắt phải vùng dậy hít lấy hít để ăn cho sướng cái đã rồi sau đó có sống hay chết cóc cần.”

Chẳng mấy chốc suất cơm cho bốn người ăn hai đứa tôi vét sạch. Hình như thấy khách đang có vẻ thòm thèm, chị nuôi bổ sung nửa rá cơm bằng khẩu phần cho hai người ăn. Chị cười rất tươi: “Tôi biết mấy chú đang đói. Suốt năm có lúc nào được no đâu. Ăn đi mấy em. Ăn hết chị bới thêm.”

Câu nói của chị vừa thốt ra đã làm tôi muốn nghẹn lại vì xúc động. Tôi cảm thấy như được nhấm từng chút, từng chút một thứ nước sâm quý thấm vào lan toả khắp toàn thân. Ôi! Tiếng nói của chị sao nhẹ nhàng ấm êm và thân thương đến thế. Hoàn toàn không chút giả tạo mà thể hiện cả tấm lòng vàng.

Tôi nói: “Ăn thế phạm vào tiêu chuẩn người khác lấy đâu chị bù”.

Chị cười xởi lởi: “Đừng lo mấy em. Cho những chiến binh của Bác Hồ ăn no đánh thắng giặc Mỹ xâm lược chị có bị kỷ luật cũng vui lòng!”

Không cần những lời hô hào dài dòng, động viên sáo rỗng, chỉ một câu nói của chị cũng đủ sức lay động hàng trăm con tim của chiến sĩ chúng tôi. Tôi không thốt ra lời, thầm cảm ơn chị và tự hứa sẽ làm hết trách nhiệm của một chiến binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:29:27 am »

“Ra thế - cậu trợ lý hậu cần thì thầm với tôi: Đây toàn người “Khu nem”. Ngoài binh trạm Đ theo chủ trương kể chuyện cũng “Khu nem”. Đều “năm eo” như nhau sao “eo” này tốt thế thủ trưởng nhỉ”.

Tôi suỵt khẽ: Ậy, đừng vơ đũa cả nắm. Tục ngữ ta có câu: “Mía sâu có đốt nhà dột có nơi. Đâu đâu cũng có anh hùng, đâu đâu cũng có thằng khùng thằng điên, lựa chi nem với chả eo với xèo”.

- À thủ trưởng cũng người khu 5 phải không?

- Không, mình quê Bình Thuận. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh mình thuộc Liên khu 5. Bây giờ tách ra trở lại khu 6 thường gọi T6 trực thuộc Bộ Tư lệnh B2(1).

Tôi tò mò hỏi chị nuôi vì sao đến trạm này có nhiều gạo và lắm thứ thế? Chị không giấu giếm giữ bí mật gì với cánh lính nhà. Qua chị tôi mới biết tất cả những thứ mà chúng tôi vừa có là do được tiếp tế theo đường dây từ Campuchia vào. Ta có những cán bộ kinh tài, hậu cần trong lớp những nhà buôn, nhà kinh doanh thành đạt giàu có sang trọng. Công việc của họ là tạo mối quan hệ tốt đẹp với các nhà chức trách từ Trung ương đến địa phương cả các sĩ quan quân đội, cảnh sát. Qua đó ta nhận hàng từ miền Bắc cập cảng biển Campuchia, hoặc tổ chức thu mua tại chỗ tuồn qua biên giới về các chiến khu ta. Hàng không chỉ có lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm mà còn vải vóc, xăng dầu, thuốc men dụng cụ y tế, các loại máy móc, dụng cụ văn phòng kể cả vũ khí trang cụ quân nhu... Chị cười, không biết chị nói đùa hay thật - nếu cần ta mua cả xe ôtô vận tải, xe tăng... cũng được. Dĩ nhiên qua các “phi vụ này” người Camphuchia hưởng lợi không nhỏ. Ngoài việc có thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá nhập khẩu có lợi nhuận cao, họ còn được trám những xấp USD vào miệng. Nếu không dễ gì họ để cho mình làm. Chị căn dặn chúng tôi kín miệng chuyện này lộ ra nhiều người biết không lợi.

Ba giờ chiều đơn vị đến. Sau khi tổ chức trú quân cho các đại đội, tôi bàn với chính trị viên bí thư tiểu đoàn triệu tập cuộc họp Đảng uỷ ngay chiều hôm ấy. Ngoài việc đánh giá công tác lãnh đạo trong cuộc hành quân đường dài, rút ra những điều cần bổ khuyết, khái quát nhiệm vụ sắp đến... Còn một chuyên đề đặc biệt là lãnh đạo chuyện... ăn. Ăn đói đem ra bàn bạc để lãnh đạo đã đành. Bây giờ được ăn no cũng phải bàn. Nếu không quản lý chặt, đả thông cho thấu tình đạt lý dễ bị cảnh “đói góp no dồn” xảy ra chuyện bội thực, phung phí không hợp lý. Họp cán bộ quân chính tôi quy định: cho phép ăn ngày bốn bữa, mỗi bữa chừng 300 gam gạo. Chỉ huy đại đội phải giám sát ngay tại chỗ việc cân đong đo đếm. Tiêu chuẩn này chỉ trong 3 ngày nghỉ. Hành quân rút lại 3 bữa. Một ký lô gạo/ngày. Như thế vừa bồi dưỡng anh em lấy lại sức, vừa tiêu thụ hết phần gạo truy lĩnh. Với số thực phẩm, nhu yếu phẩm khá phong phú vừa được lĩnh, gạo đủ no, tôi hy vọng anh em sẽ tránh được căn bệnh đột biến như tôi vì cơ thể thiếu sinh tố.

Tuy nhiên số gạo còn lại khi hành quân, mỗi người phải cõng trên vai không dưới 15 ký. Súng đạn trang bị mỗi cá nhân trung bình 30 đến 35 ký lô. Thêm chửng ấy gạo nữa sức nặng phải mang vác bằng sức nặng của bản thân mình. Đem ra bàn trong hội đồng quân nhân anh em cười vui: “Thủ trưởng không phải lo chuyện này. Cái bụng được no vai sẽ là vai sắt, vai sắt chân đồng nặng mấy cũng nổi, xa mấy chẳng chùn”. Ôi! Tham vọng của người chiến sĩ chúng tôi chẳng mong sau này được làm tướng làm tá gì. Chỉ mong được ăn no đủ sức đánh thắng giặc Mỹ.

Hoạt động miệt rừng núi Tây Nguyên, cái nắng nóng gay gắt mùa hè ít gặp phải. Ở miền rừng thường giảm 3 đến 5 độ C so với đồng bằng. Ban đêm dù thời điểm mùa nào vẫn rét. Với lính trừ các đồng chí cấp đoàn lớn tuổi, hầu hết cán bộ cơ sở và chiến sĩ đang tuổi thanh niên mới lớn, cường độ lao động của lính rất cao, 7 lạng hay 7 lạng rưỡi gạo cho mỗi khẩu phần/ngày chưa thấm vào đâu. Trời càng lạnh càng chóng đói. Với tôi đã quá 30 tuổi, sức ăn thường ngày phải từ một đến một ký hai gạo. Cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn được lệnh về Bộ Tư lệnh sư đoàn hay Bộ Tư Lệnh B3 họp hội nghị học tập trong bụng khấp khởi mừng thầm bởi lẽ được ăn no. Đến nơi vừa đặt balô phải đăng ký ngay với nhà bếp. Muốn ăn bao nhiêu? Một ký, một ký hai hay một ký rưỡi tùy thích không hạn chế, cấp trên có dịp bồi dưỡng cán bộ lâu lâu được tập trung về bằng cho ăn no, nhưng không được bỏ thừa lãng phí. Tôi chú ý không bữa nào thừa dù một muỗng cơm. Thức ăn chủ lực thường xuyên là thịt trâu kho mặn. Đổi bữa có loại chao đặc như bơ, cá tra khô, củ cải, cải bẹ cây muối. Mọi thứ đều được đóng thùng, thùng thiếc hoặc thùng gỗ. Chúng tôi xem đây là những món hàng cao cấp được ưu đãi trong những dịp thế này lâu lâu mới có.


(1) Khu 6 gồm 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng trực thuộc dưới sự chỉ huy chỉ đạo của Bộ Tư lệnh B2.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:30:04 am »

Sư đoàn lúc này dưới quyền chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh B3.

Tôi được đề bạt làm tham mưu phó trung đoàn. Anh Huế đang là chủ nhiệm pháo binh sư đoàn được điều xuống thay đồng chí Cảnh hy sinh, làm tham mưu trưởng.

Quen biết nhau từ khi tôi được điều về làm trợ lý tham mưu tác chiến sư đoàn. Giờ công tác bên nhau đỡ bỡ ngỡ. Điều mà cả hai chúng tôi có phần ngại ở dáng vẻ bên ngoài của trung đoàn trưởng C và chính ủy H. Hai người không vồn vã, gần như lạnh nhạt lần tiếp xúc đầu tiên với chúng tôi. Lúc còn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, tôi chưa dịp nào được chuyện vãn tâm tình với chính ủy và trung đoàn trưởng ngoài những chỉ thị mệnh lệnh khô khan.

Sau lần thoát chết trong một chuyến nghiên cứu địa hình chạm phải biệt kích Mỹ phục kích ở bãi Dinamo, tôi bị cơn sốt rét ác tính quật ngã. Căn bệnh này rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời dễ bị tử vong trong vài hôm.

Gần một tháng điều trị tại quân y sư đoàn, tôi ra viện. Thời gian chữa bệnh tôi không được thông tin gì của trung đoàn. Đến lúc về gặp anh Huế, tôi sững sờ khi biết sư đoàn đã giải thể. Trung đoàn 95B biên chế tổ chức thành những đội vũ trang công tác thọc sâu hoạt động vùng đồng bằng các tỉnh khu 5. Các đơn vị còn lại của sư đoàn 10 ở cấp trung đoàn sát nhập bổ sung vào sư đoàn bộ binh 1 do đồng chí Nguyễn Hữu An - phó Tư lệnh B3 kiêm sư đoàn trưởng.

Tôi được giữ lại không biên chế vào các đoàn vũ trang công tác của trung đoàn 95B. Bố trí nhiệm vụ cho tôi do phòng cán bộ B3 và sư đoàn 1.

Lúc này tôi chú ý đến mọi người. Ai cũng bận rộn hối hả trong việc chuẩn bị. Đêm nay còn đây, mờ sáng mai họ lên đường. Từ rừng núi vùng cao nguyên họ chuyển về hoạt động vùng đồng bằng ven biển.

Tôi đến chào từ biệt các đồng chí chỉ huy trung đoàn. Chính ủy bắt tay tôi với nét mặt trầm ngâm đượm buồn. Ông ngỏ lời xin lỗi những gì không phải trong cách cư xử của ông và trung đoàn trưởng. Với tôi, người cộng sự sát cánh bên các ông, suốt thời gian tôi bị bệnh “thập tử nhất sinh” ở bệnh xá không nhận được một lời nhắn đến thăm hỏi. Bây giờ khi người ta chia tay xa nhau mới chợt nhận ra cái điều cần phải có bên nhau đáng lý ra từ những ngày đầu.

Tôi trằn trọc không sao chợp mắt. Dù gì tuy trong thời gian sống với đơn vị chưa nhiều nhưng tại đây tôi trưởng thành. Qua năm ba trận tác chiến trong đội hình trung đoàn đã hé mở cho tôi bước đầu hiểu biết về đối tượng tác chiến rõ nét hơn. Cái ta cần tránh điều cần bổ khuyết và phát huy. Những vấn đề này càng về sau càng giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Đi hay ở - về đâu? Tôi không bận tâm.

Vào chiến trường đâu cũng đánh Mỹ. Đâu cũng gian khổ ác liệt. Đâu cũng không có chỗ cho sự trùm chăn an toàn tìm cách xoay xở để làm “con cua bò lùi”.

Mọi người ra đi. Còn lại mình tôi với chiếc lán trống không. Tôi quen cảnh này nên không lấy gì làm lẻ loi cô độc. Mặc dù thời tiết sang hè, miệt rừng cao nguyên buổi sáng vẫn se lạnh. Tôi quàng tấm đắp lên người chờ ai đó trong cơ quan cán bộ đến giao nhiệm vụ.

Người tôi đợi té ra anh Lân chỗ quen biết cũ. Những năm 1958 - 1961, anh là trưởng ban cán bộ trung đoàn 90 sư đoàn 324. Lúc ấy tôi là cán bộ đại đội thuộc trung đoàn. Thời ấy nhân ngày nghỉ tôi đến gặp anh năn nỉ ỉ ôi xin được cái phép vù về thăm vợ mới cưới cách xa trung đoàn gần 70 ky lômét. Từ khi biên chế sư đoàn thành lữ đoàn đã 5 năm, đến nay tôi mới gặp lại anh.

Anh hỏi tôi có biết trung đoàn 88 không? Từ lâu tôi vẫn biết trung đoàn này nằm trong đội hình sư đoàn 10 cùng với trung đoàn 95B của chúng tôi và trung đoàn 101. Trước đây nó nằm trong đội hình sư đoàn 308 (Thời kháng chiến chống Pháp, sư đoàn 308 là sư đoàn chính quy được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được gọi là đại đoàn Quân Tiền phong). Hè 1965 Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tách trung đoàn 88 ra khỏi sư đoàn 308, chuyển về sư đoàn mới thành lập có bí danh Nông trường 10 để vào chiến trường.

Hiện giờ trung đoàn đang củng cố. Trong chiến dịch Aso, trung đoàn 88 không trực tiếp chiến đấu. Nhiệm vụ của trung đoàn sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và biệt kích bảo vệ phía sau sư đoàn theo phương án tôi đã đi khảo sát chuẩn bị. Một nhiệm vụ quan trọng khác là thành lập cung trạm đường dây vận tải tiếp tế gạo cho lực lượng phía trước ở mặt trận Aso. Cho đến khi đặt chân lên đất B3, các đơn vị trong trung đoàn chưa có dịp được sử dụng tham gia tác chiến trận đánh nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:30:53 am »

Chuyển vào Tây Nguyên đứng chân địa bàn tỉnh Kontum, trung đoàn bước vào thử thách đầu tiên. Trận tấn công một tiểu đoàn lính Đại Hàn ở chốt dã chiến Đức Vinh gần biên giới Campuchia không thành công. Trung đoàn tổn thất nhiều thương vong. Đồng chí Sơn chính ủy trung đoàn hy sinh.

“Một trong những nguyên tắc tác chiến và là nguyên tắc trên hết của quân đội ta đánh thắng trận đầu. Tục ngữ có câu: đầu xuôi đuôi lọt. Cụm từ nghe đơn giản nhưng nó lý giải sâu sắc ý nghĩa quan trọng nguyên tắc này. Đầu không xuôi nảy ra lắm điều gai góc để đuôi khó lọt. Không thắng trận đầu, thương vong tổn thất, tác động lớn đến tâm lý tư tưởng tinh thần và ý chí bộ đội”.

Tìm căn nguyên để chữa chạy khắc phục là điều bức thiết. Trung đoàn đang làm điều đó.

Đồng chí chính ủy B3 Chu Huy Mân cùng số cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh đã xuống cùng ăn cùng ở hàng tháng tại trung đoàn, cùng Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn củng cố về chính trị tư tưởng, xốc lại tổ chức, bố trí nhân sự, huấn luyện chiến kỹ thuật v.v...

Tôi được điều động về trung đoàn 88 nằm trong kế hoạch này. Trong 3 tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn, tập trung ưu tiên củng cố tiểu đoàn 7. Tiểu đoàn như người đang bị suy nhược nặng, cần thay toàn bộ ban chỉ huy cũ, bổ sung tăng cường một ban chỉ huy mạnh có năng lực và kinh nghiệm tác chiến huấn luyện xây dựng. Được giới thiệu của Bộ Tư lệnh, sư đoàn 10 khi giải thể sát nhập vào sư đoàn 1, tôi được quyết định trở lại vai trò tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7. Cộng tác với tôi có đồng chí Năm chính trị viên tạm giữ lại chờ điều động một đồng chí khác về thay. Tiểu đoàn phó, tham mưu trưởng, chính trị viên phó bổ sung sau.

Khi được bổ nhiệm làm tham mưu phó trung đoàn 95, thực bụng tôi không ưng lắm, một lẽ ở cương vị này ít được trực tiếp chỉ huy chiến đấu, và tôi rất ngán ở cơ quan dù là cơ quan của đơn vị chiến thuật. Hai là làm cái anh tham mưu cấp phó, tôi quan niệm lúc bấy giờ chỉ là anh chàng điếu đóm cho trung đoàn trưởng, có khi chỉ ngồi chơi xơi nước nếu Ban chỉ huy trung đoàn không tận dụng hết khả năng mình.

Lần này nghe trở lại nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng, tôi càng thích, trong bụng mừng rơn, không thắc mắc vương vấn gì. Làm đầu gà vẫn có giá hơn làm đuôi trâu. Tùy lúc tùy nơi tùy nhu cầu công việc đòi hỏi, việc bố trí thay đổi nhiệm vụ chuyện bình thường.

Về tiểu đoàn, tôi lao vào công việc bất chấp những cơn sốt rét hành hạ. Căn bệnh này bào mòn gần như cạn kiệt sức lực của tôi.

Hôm đầu vừa đến vị trí trú quân tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Ở đây đã hơn cả tuần nhưng không có một lán trại nào. Mọi người mắc võng nằm la liệt trông như một bãi khách trạm. Mấy trăm con người nằm đó im lìm. Mới hơn 9 giờ mà mọi người như đang ngủ say vào lúc nửa đêm. Thật lạ, trông chẳng còn chút sinh khí nào. Tôi nhủ thầm: “gặp phải thử thách đầu tiên với mình đây”.

Tôi đến cạnh chiếc võng mắc rìa ngoài cùng trong đó có một người đang nằm trùm chăn kín đầu. Tôi lay nhẹ: “Đồng chí ơi! Cho xin hỏi thăm một chút”. Một cái đầu tóc tai bờm xờm ló ra, mắt ngái ngủ miệng lầu bầu: “Cái gì? Tớ không biết, đến kia mà hỏi”. Anh ta rút cổ chui lại vào chăn. Tôi đặt balô bên gốc cây ngồi bệt xuống đất vừa nghỉ xả hơi vừa tìm cách gạ chuyện anh chàng. Tôi lấy trong túi nilông một bao thuốc lá Ara hiệu “con két”. Loại thuốc này sản xuất tại Campuchia, mặt hàng ăn đứt các loại thuốc lá của ta ở miền Bắc về chất đậm đà và mùi thơm dịu. Tôi được có nó gần như một phần thưởng của đồng chí cán bộ chính trị cao cấp ưu đãi tặng tôi.

Sau trận đánh với lính kỵ binh bay Mỹ ở đồi 85 thung lung Aso - Alưới, trung đoàn 95B theo biên giới Việt Nam - Campuchia tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Trung đoàn dự định đánh một trận phục kích lực lượng cơ động Mỹ ở bãi Dinamo. Kế hoạch không thành vì hôm trinh sát địa hình đã chạm biệt kích Mỹ. Tôi suýt chết vì một quả phóng lựu M79 nổ bên phải cách tôi 2 mét, không mảnh đạn nào ghim vào người. Tên Mỹ nào đó chỉnh đường ngắm bắn quả thứ hai. Lần này lệch trái, tôi vẫn an toàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:33:42 am »

Sau đợt này trung đoàn tạm ngưng hoạt động, tập trung học tập tình hình nhiệm vụ. Chỉ huy từ đại đội, tiểu đoàn, cán bộ cơ quan trung đoàn được tập trung nghiên cứu riêng. Một đoàn cán bộ Tổng cục chính trị do đồng chí HP từ miền Bắc vào tham gia theo sát hướng dẫn giúp đỡ việc nghiên cứu tài liệu của Trung ương. Đồng chí H.P là cán bộ cao cấp ngang chức chính ủy sư đoàn chủ trì và chuyển đạt nội dung. Tôi được chỉ định làm tổ trưởng một tổ học tập trên mười đồng chí. Khi thảo luận ở tổ một vấn đề tranh luận sôi nổi là: Ta thắng Mỹ bằng cách nào? Phần đông ý kiến thiên về “đánh cho nó thua trắng bụng” như giải phóng quân Trung Quốc xua bọn Tưởng Giới Thạch chạy như “bầy vịt” ra Đài Loan. Các đồng chí phát biểu theo ý này hăng lắm. Nghe tưởng như nửa triệu quân Mỹ và chư hầu, gần một triệu quân ngụy và cảnh sát Sài Gòn sẽ phải “chui vào rọ”. Tôi liếc nhìn thái độ hai phái viên cấp trên ngồi đây gật gù tán thưởng tỏ vẻ hài lòng với những ý kiến theo khuynh hướng này. Tôi từ đầu buổi đến giờ với cương vị tổ trưởng chỉ điều khiển thảo luận, chưa phát biểu, một đồng chí “phái viên Hà Nội” nhìn tôi nói: “Sao, ý kiến riêng đồng chí tổ trưởng thế nào?” Dĩ nhiên ý tôi không đồng tình với số đông, ngược lại là khác. Tôi nghĩ: “Không nói ra chả chết ai. Giặc Mỹ cũng không tháo chạy như bầy vịt bị xô đuổi như người ta ngồi đây tưởng tượng. Còn bộc lộ ý mình chỉ thiệt cho bản thân. Tôi ngại phải đấu lý khi có cán bộ chính trị ngồi đây. Sơ sẩy tí chút trong lời nói dễ bị gán là “mất lập trường, sai quan điểm”. Nhưng không nói không được. Người ta đang vẽ ra một viễn cảnh rất hào hùng nhưng không có cơ sở thực tế (cái mà sau này ta dùng cụm từ “duy ý chí”). Đắn đo mãi tôi phát biểu đại ý: “Trong chiến tranh chống Pháp, Pháp so với Mỹ lúc bây giờ yếu kém hơn mọi mặt. Pháp kéo dài chiến tranh 9 năm với ta nhờ sự hà hơi tiếp sức của Mỹ. Tuy ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng nhìn chung toàn cục ta vẫn không thể “đánh cho họ thua trắng bụng”. Phải kinh qua sự kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh ngoại giao mới giành được nửa nước. Bây giờ Mỹ khác xa Pháp trước đây, giàu về kinh tế mạnh về quốc phòng. Chính quyền và quân đội tay sai không “làng nhàng” như thời Pháp. Miền Bắc ta tuy được xây dựng phát triển tiến một bước dài trong 10 năm hòa bình. Quân đội ta cũng vậy, nhưng xét tương quan lực lượng giữa ta và Mỹ cùng chế độ tay sai của Mỹ đến lúc này thì... theo tôi không thể, đúng hơn chưa thể làm điều đó. Cả sư đoàn ta tập trung tấn công một căn cứ có 600 tên ngụy và một số cố vấn Mỹ ở Aso, ta 10 lần mạnh hơn (nếu nói về quân số và vũ khí) diệt được chúng phải 2 ngày 3 đêm. Đây là căn cứ gần như bị cô lập đối với chúng, không được sự chi viện pháo binh và không quân. Như thế không phải dễ ăn. Trong cuộc chiến tranh giải phóng này nhất định ta sẽ chiến thắng Mỹ. Không nghi ngờ điều này. Nhưng cách thắng không thể như giải phóng quân Trung Quốc thắng Tàu Tưởng mà sẽ như Lê Lợi Nguyễn Trãi thắng quân Minh ở thế kỷ 15...”.

Ý kiến tôi chỉ được đồng chí chính trị viên một tiểu đoàn bạn đồng tình. Còn lại cả tổ nhao nhao phản đối. Một trong hai phái viên chính trị gay gắt phê phán tôi là quyết tâm đánh Mỹ không cao. Thái độ lưng chừng lập lờ...

Trong buổi giải đáp kết luận sau khi nghiên cứu tài liệu, đồng chí H.P phát biểu đại ý: “Ta đánh Mỹ có nhiều cách đánh. Ta thắng Mỹ có nhiều cách thắng. Tuy nhiên không phải đơn thuần chỉ bằng lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang là quả đấm thép, là nòng cốt cho sự kết hợp đấu tranh nhiều mặt, nhiều mũi”.

Đồng chí đưa ra một ý kiến ai cũng cho là lạ: “Nếu cần chúng ta cũng sẽ “rải hoa hồng” để tiễn chân giặc Mỹ rút hết về nước, miễn trên Đất nước ta không còn bóng dáng tên xâm lược nào. Nước ta được hòa bình - độc lập - thống nhất là được”. Nhiều nét mặt ngỡ ngàng nhìn nhau biểu hiện điều vướng mắc vẫn còn tồn tại. Nhưng sau khi được giải thích thấu lý đạt tình của đồng chí H.P. Mọi người được thỏa mãn.

Nghe đồng chí giải đáp tôi nhẹ cả người.

Sau buổi học, đồng chí H.P đến bắt tay tôi. Ông mở bao thuốc lá “con két” rút một điếu châm lửa hút. Còn lại cả bao ông dúi vào tay tôi với câu nói gọn lỏn: “Tặng cậu”.

Tôi cất giữ rất kỹ bao thuốc làm vật kỷ niệm.

Bây giờ tôi moi nó ra lấy một điếu châm lửa hít hơi dài phả khói về phía anh chàng đang nằm bất động trên võng. Tôi lại rút bộ bi đông i-nóc chiến lợi phẩm trút ra chiếc bát sắt tráng men nửa chén trà Ba Đình. Tôi cố ý va chạm các thứ phát ra tiếng kêu lanh canh để đánh động trí tò mò anh ta. Quả thật, tuy trùm kín chăn nhưng mùi thuốc lá thơm vẫn chui vào cái lỗ mũi rất thính hơi của anh ấy. Anh ló đầu khỏi tấm đắp mặt ngơ ngác: “Mùi thuốc lá ở đâu sao thơm quá”. Khi nhìn thấy tôi rít một hơi thuốc dài, chu miệng nhả khói thành vòng chữ o, anh bật dậy lao đến giật điếu thuốc trên tay tôi rít lấy rít để. Nhưng anh không tham, rít được vài ba hơi anh trả lại tôi: “mình không cướp hết của ông đâu. Ông làm ít hơi rồi cho mình xin tiếp”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:34:25 am »

Tôi xua tay: “Anh cứ hút đi, còn tôi làm cái này”. Tôi đưa chén trà nguội lên môi nhấp nhấp ra vẻ thỏa thích lắm.

- Ơ! Ông uống cái gì thế?

- Trà.

- Đâu, cho mình xin một ngụm. Ông ở đâu mò đến đây có lắm của quý thế?

Tôi vui vui khi thấy anh chàng bắt được mồi của tôi. Nhìn anh ta vừa rít thuốc vừa nhấm nháp trà. Mặt tươi tỉnh hẳn lên không còn nét u ối như lúc đầu tôi mới nhìn thấy. Anh tụt xuống khỏi võng lấy dép kể chỗ ngồi vỗ vào đùi tôi thân mật:

- Ông là cánh lính như bọn mình chứ.

Tôi gật đầu.

- Lính mà sao giống mấy cụ dân chính thế. (vì tôi đang mặc bộ bà ba đen. Cán bộ trung cấp trở lên đi chiến trường được phát mỗi người một bộ), Ơ, mà ông ở đơn vị nào đến đây. Dân Nam à?

- Ừ, ở E95B.

- À à, cái trung đoàn đánh Aso đấy à.

Lúc này tôi thấy anh nhanh nhạy linh hoạt hẳn lên, không chỉ vì mùi vị của điếu thuốc lá thơm và chén trà nguội, mà gặp được người anh có thể hàn huyên nói ra điều ẩn khuất trong lòng. Tôi nói tiếp:

- Mình không ở E95B nữa.

Chưa nói hết câu anh đã chỏ miệng vào tai tôi:

- Sao, bỏ ngũ à?

Tôi lắc đầu:

- Không, mình đến đây xin đầu quân vào tiểu đoàn 7.

Tôi làm anh ngạc nhiên thật sự. Anh dịch người ra xa tôi một chút hai mắt trừng nhìn tôi như nhìn một con vượn biết nói tiếng người đột nhiên từ đâu hiện đến ngồi trước mặt anh.

- Ông muốn đầu quân về tiểu đoàn 7? Ôi cái nơi này bọn mình muốn “chuồn” khỏi đây. Thế mà ông lại chui đầu vào. Lạ thật.

Lần này chính anh làm tôi ngạc nhiên:

- Sao thế, tiểu đoàn nằm trong đội hình trung đoàn một thời nổi danh của đại đoàn Quân Tiên phong, từng tham gia trận Điện Biên Phủ. Một tiểu đoàn mang chiến tích đầy mình với truyền thống vinh quang mà anh định chuồn à? Bao người muốn về đây mà không được đấy.

Anh trợn mắt với tôi:

- Mình nói cho ông biết bọn tớ muốn “chuồn” là chuồn đi đơn vị khác như đến E95B của cậu đấy, chứ không chuồn về Bắc đâu. Ai lại là kẻ đào ngũ, mang nhục!

À té ra trong người anh vẫn đang mang đức tính một quân nhân cách mạng trọng danh dự, một phẩm chất người lính cụ Hồ. Tôi “khích” anh thêm:

- Bỏ tiểu đoàn chạy sang đơn vị khác, không đào ngũ cũng là kẻ đảo ngũ có khác gì đâu. Lánh khó tìm dễ không phải là điều nên làm đối với một quân nhân chân chính bọn mình.

Tôi rút thêm điếu thuốc châm lửa đưa cho anh. Nhìn sắc mặt anh thẫn thờ tôi chắc anh đang nghĩ lung lắm. Tôi gợi anh về trận đánh đồi Đức Vinh. Anh như có dịp trút nỗi tủi hổ ấm ức từ lâu trong người.

- Đánh đấm cái nước mẹ gì kiểu ấy. Thắng sao được. Ông nghĩ xem, học một đàng làm một nẻo. Khi còn ở Bắc tập luyện theo chính quy hiện đại tấn công kiểu Liên Xô – Trung Quốc. Nào bộ đội xung phong hàng ngang vừa đi vừa bắn bám đít xe tăng. Vượt hết chiến hào một đến chiến hào hai, rồi cứ thế “xõng lưng” vào chiến hào ba... Dưới sự chi viện của pháo binh theo màn đạn tiến dần. Vào đây cụng trận đầu với thằng Hàn Quốc có thế đâu”. Anh chậc lưỡi mấy tiếng nói tiếp: “Nó đóng cụm trên đồi cao thành vòng tròn, cũng có hào nhưng ngắt quãng. Hỏa lực bố trí nhiều tầng theo mặt dốc. Phải trái trước sau đều là tiền duyên của chúng. Mìn gài vô số. Nổ súng vài ba phút pháo, máy bay chi viện ngay tạo thành bức tường lửa chặn đứng ta lại. Ta đưa lưng trần ra hứng. Làm gì có xe tăng, chỉ được mấy khẩu cối 82 và ĐKZ 75 làm sao át nó nổi. Giá như khẩu hiệu “phát huy truyền thống” biến thành những tấm chắn thép che đạn cho anh em thì hay biết mấy. Lúc nãy nghe ông nói đến truyền thống, truyền thống là cái gì? Ăn được không? Nó chẳng có hình có dáng, chả có tay để bóp cò, chả có mắt để lấy đường ngắm, gọi nó mãi chả thấy đâu. Bảo nó đánh giặc với chúng mình sao được?” Anh thở dài chán nản: “Húc vào đó không đúng cách như húc vào tổ ong vò vẽ...”. Tôi biết anh đang ấm ức chuyện gì đó nói “bạt mạng” thế thôi. Tôi ngắt lời anh:

- Đây là cách bố trí một chốt dã chiến. Mỹ hay Hàn đều thế cả. Chúng chung một sách như nhau. Đánh nó như đánh công kiên có gì lạ đâu. Mà chiến thuật công kiên ta vẫn có học đấy chứ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 08:35:48 am »

Anh bác lại tôi:

- Đúng là có học nhưng chẳng ra hồn. Học sơ sài, học bổ sung trước khi đi B, đâu được huấn luyện cơ bản. Vả lại trừ mấy ông đại đội tiểu đoàn có tham chiến đánh Pháp, lính nghĩa vụ bọn mình thời bình biết đánh đấm thế nào đâu?

Tôi ngắt lời anh lần nữa:

- Theo anh muốn đánh được bọn này phải thế nào?

- Thế nào à? Trong huấn luyện lấy phương châm từ dễ đến khó, từ giản đơn đến phức tạp. Tại sao trong chiến đấu không làm như vậy. Sao không chọn những mục tiêu dễ ăn vừa sức lính để anh em đánh thắng trận đầu, vừa kích thích tinh thần vừa để lính quen dần với chiến trận.

- Ví dụ - tôi hỏi:

- Như bọn tuần tiễu, bọn sưu sách, bọn nống ra càn quét. Không phải địch xây dựng các cụm dã chiến để nằm chết dí ở đó. Chúng phải bung ra chứ. Đó là cơ hội ta vận dụng cách đánh phục kích, vận động phục kích rất ngon ăn lại vừa sức ta giai đoạn đầu tập sự đánh trận.

Một lần nữa anh làm tôi quá đỗi ngạc nhiên. Một chiến sĩ bình thường không thể có những tư duy chiến thuật như thế. Tôi mến phục nhìn anh:

- Xin lỗi, chúng mình bàn chuyện với nhau khá lâu mà chưa biết tên nhau.

- Bình - anh trả lời tôi - thượng sĩ Nguyễn Văn Bình quyền Trung đội trưởng Trung đội 1.

- Còn tôi Nỹ, Nguyễn Văn Nỹ tiểu đội trưởng. Tôi muốn tạm thời giấu anh chức vụ tiểu đoàn trưởng của tôi bằng tiểu đội trưởng để dễ lân la làm quen với anh, khai thác nơi anh những tình cảm tâm tư chiến sĩ nhất là trong hoàn cảnh này. Anh, một thượng sĩ mà trình độ suy luận phân tích như thế quả là của hiếm.

Sau khi tợp một ngụm trà nét mặt anh trở lại u buồn. Anh nói:

- Bây giờ tiểu đoàn như rắn không đầu. Tất cả chỉ huy bị triệu hồi về trên chờ xử lý. Hiện nay tạm giữ ông Năm chính trị viên ở lại để phụ trách đơn vị. Có đồng chí nào về thay, ông phải ra đi như mấy đồng chí kia. Đi đâu chứ bị trả về Bắc thì nhục.

Bây giờ tôi đánh giá anh khác xa lúc ban đầu mới gặp. Anh như ngọn than hồng tạm thời bị một lớp tro mỏng phủ lên. Nếu gạt bỏ lớp tro có hướng gió thổi vào cục than hồng sẽ rực cháy trở lại. Tôi đã bắt gặp một nhân tố tích cực đang nằm im dưới lá ủ, được tạo điều kiện nó sẽ trồi lên mạnh mẽ. Chắc chắn trong tiểu đoàn không chỉ có anh.

Cấp phó quân sự chính trị chưa được bổ sung kể cả tham mưu trưởng. Mặc, tôi làm tất tật mọi việc. Suốt ngày tôi bám sát từng tiểu đội, đại đội. Đồng chí Năm chính trị viên trong lúc chưa người thay thế vẫn năng nổ công việc gắn bó chặt chẽ với tôi đầy trách nhiệm. Tôi dựa vào anh, vào Đảng ủy, vào Đảng viên, Đoàn viên. Đặc biệt tôi phát hiện bồi dưỡng và phát huy những nhân tố tích cực như trung đội trưởng Bình. Chúng tôi đồng tâm đoàn kết quyết đưa tiểu đoàn 7 vươn lên, vượt qua “căn bệnh ngặt nghèo”. Tiểu đoàn học tập tình hình nhiệm vụ, nghiên cứu vai trò lãnh đạo Đảng, trách nhiệm Đảng viên. Nghiên cứu những nét cơ bản về quân đội Mỹ. Tìm hiểu những điểm mạnh yếu nhược khi chúng co cụm, hành quân truy quét, đổ chụp đường không, thủ đoạn đánh biệt kích... chú trọng ôn luyện cho thật thuần thục động tác cá nhân chiến đấu, chiến thuật phân đội nhỏ đến trung đội, hiệp đồng trong đại đội trong chiến thuật tập kích, đánh điểm, tao ngộ, phục kích, vận động phục kích, động tác đánh gần, đánh đêm, đánh trong rừng rậm, ôn luyện thuần thục sử dụng các loại vũ khí v.v...

Cuộc chỉnh quân của chúng tôi được hai tuần, anh Lê Linh đến. Anh là chủ nhiệm Cục chính trị B31(1). Anh sống với chúng tôi một tuần để theo dõi kiểm tra và ... xắn tay áo cùng anh em củng cố đơn vị. Anh hài lòng. Tiểu đoàn tiến bộ nhanh nhiều mặt.


(1) Trong những năm 1980 anh mang hàm Trung tướng, Phó viện trưởng Chính trị, Bí thư Đảng ủy Học Viện quân sự cấp cao.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM