Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:22:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 4  (Đọc 2199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #40 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2022, 02:59:20 pm »

ANH VĂN VỌNG BẤT KHUẤT,
KIÊN TRUNG TUYỆT VỜI


Đại tá Trương Văn Thuân


Anh Văn Vọng chính trị viên trung đội một, huyện đội Thanh Miện. Quê anh ở Hưng Yên, là người trẻ tuổi, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay, tính tình điềm đạm, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, anh em trong trung đội ai cũng mến anh.


Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới năm 1950, địch tập trung quân về đồng bằng Bắc bộ, hòng chiếm giữ kho người, kho của. Trận càn năm ấy của địch vào huyện Ninh Giang và khu nam huyện Thanh Miện, gần như không còn làng nào là làng địch không càn đến. Đồng thời chúng dàn quân thành hàng ngang, giang tay nhau cà kếu trên các cánh đồng lúa, hòng bắt quân ta ẩn nấp ở đó.


Hôm ấy Trung đội một, huyện đội Thanh Miện do anh Nguyễn Đức Cảo trung đội phó và anh Văn Vọng chính trị viên trung đội chỉ huy, đã cùng dân quân du kích xã Thanh Giang, quần nhau với địch ở hai thôn Phù Tải và Đan Giáp suốt từ sáng sớm đến trưa, giành nhau từng bờ ao, từng căn nhà. Vì địch quá đông, chúng đã tràn được vào trong làng. Một số bộ đội và dân quân du kích đã được lệnh rút xuống hầm bí mật an toàn. Riêng tiểu đội tôi bị địch dồn xuống cuối làng Đan Giáp. Dưới sự chỉ huy của chính trị viên Văn Vọng, chúng tôi đã trườn theo ruộng lúa và bờ mương sang xóm Đồng Nai. Khi chúng tôi vào đến chân tre thì cũng là lúc địch vừa tràn vào xóm. Anh Vọng lệnh cho chúng tôi tạm thời phân tán, để đến đêm tập trung đến địa điểm đã định, để tìm cách tập kích vào nơi địch mới trú quân. Anh Vọng và chiến sĩ Dương nấp ngay dưới lớp bèo tây tại mương, còn tôi, Giới tiểu đội phó và San chiến sĩ trườn lên ruộng lúa gần đấy. Tôi và Giới nằm bên nhau, lúa khá tốt. Nước ở ruộng không lớn lắm, nhưng trời rét và rất nhiều đỉa. Chúng tôi nằm nghe rõ mồn một địch bắt lợn, gà và gọi nhau í ới. Tôi nhìn Giới thấy máu me lai láng. Tôi hỏi Giới cậu bị thương à? Giới bảo "không đấy là đỉa cắn đấy". Giới nhìn tôi bảo anh cũng thế mà. Tôi nhìn xuống chân, xuống đùi và bụng máu mê cũng như Giới. Chúng tôi chỉ nói thầm với nhau không thành tiếng và cũng không dám cựa quậy mạnh sợ địch ở rất gần phát hiện. Bỗng có thằng kêu to Việt minh... Việt minh... Chúng tôi hồi hộp nằm yên, nín thở. Thấy tiếng giầy đinh địch chạy lộp cộp rồi tiếng hô "lên ngay không tao bắn chết". Thế ròi chúng kéo anh Vọng lên khỏi mương. Chúng hỏi còn thằng nào không? "Chỉ có mình tao" anh Vọng đáp. "Nói láo này, huỵch... huỵch... hự... hư". Một thằng bảo cho nó mấy băng vào đám bèo tây kia nếu có thằng nào cho nó về chầu ông vải. Hai băng tiểu liên tà rẹt... tà rẹt. Chúng tôi bấm nhau bảo thế là Dương cũng chết rồi. Nếu chúng đánh anh Vọng đau có thể tính mạng chúng mình sẽ nằm trong tay chúng. Nhưng rất may hai băng tiểu liên chỉ trùm quanh Dương mà Dương không bị viên nào. Địch càng đánh anh Vọng đau bao nhiêu thì anh Vọng càng chịu đựng tuyệt vời bấy nhiêu, nào là giầy đinh, báng súng chúng đánh anh chết đi, sống lại mà anh không khai nửa lời. Chúng hỏi "mày tên là gì?" "Tao là bộ đội", anh đáp. "Huyện đội Thanh Miện có bao nhiêu thằng ở đây?" "Có một mình tao". Mày gan hả, lại cố tiếng huỵch... huỵch... hự... hự... Cứ như thế diễn đi, diễn lại không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần như thế chúng tôi càng thấy anh là người gan vàng, dạ sắt. Anh đã nhận lấy biết bao đau thương về mình để giữ gìn trọn vẹn tình đồng đội, giữ gìn mạng sống cho chúng tôi. Chúng tôi vừa ân hận, vừa thương anh, ân hận vì lúc đầu đã đánh giá không đúng về anh! thương vì địch đánh anh quá đau. Có lúc anh quát to vào mặt chúng "Chúng mày là đồ bán nước cầu vinh. Chúng mày có thể giết chết tao, nhưng đừng hòng tao khuất phục". Trời đã nhá nhem tối. Giới bảo tôi đêm nay phải bằng mọi cách cứu anh Vọng. Nhưng cứu bằng cách nào? Lựu đạn quần nhau với địch buổi sáng đã hết, súng thì cất một chỗ mỗi khẩu chỉ còn vài viên đạn. Địch lại rất đông, ta gần như chân tay không, cứu bằng cách nào đây? Chúng tôi đang băn khoăn thì thấy địch có lệnh thu quân và giải anh Vọng đi theo. Giới bảo tôi đề nghị cho tôi bám sát địch xem chứng đi đâu? và giải anh Vọng về đâu? Tôi đồng ý. Tôi và hai chiến sĩ Dương với San bảo nhau đi lấy súng đạn lau chùi sạch sẽ. Khẩu tiểu liên chỉ còn một băng đạn, hai khẩu súng trường một khẩu 5 viên, một khẩu còn 11 viên. Chúng tôỉ bò vào xóm Đồng Nai, địch đã rút hết và rất mừng thấy địch bỏ quên một hòm đạn, 5 quả lựu đạn.


Chúng tôi vừa đến chỗ tập trung thì anh Giới về, vừa nói, vừa khóc "địch đưa anh đến đầu làng Hội Yên, anh Vọng đau quá không đi được nữa, chúng đã bắn chết anh". Tất cả chúng tôi lặng người đi và xúc động cúi đầu để một phút vĩnh biệt anh. Vừa lúc đó anh Cảo trung đội phó đến báo tin lệnh của huyện đội trưởng toàn đơn vị hành quân gấp về bắc Thanh Miện nhận nhiệm vụ mới. Tôi đề nghị trung đội phó cho tôi ở lại chôn cất anh Vọng. Trung đội phó bảo "cử đồng chí Dương người địa phương ở lại tốt hơn, đồng chí Thuân về khu bắc có nhiệm vụ mới. Suốt buổi hành quân tôi miên man nghĩ về anh Vọng người chính trị viên kiên trung, bất khuất tuyệt vời trước quân thù.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #41 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2022, 03:00:42 pm »

HỒI KÝ

ĐÀO HẦM

Nguyễn Hiếu

Ai đó đã sáng tác bài hát Mẹ đào hầm:
Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc...


Thực vậy, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có một chiến công thầm lặng nhưng rất vĩ đại, đó là việc đào hầm. Tôi chỉ xin viết một phạm vi nhỏ của một đại đội chiến đấu trên một đoạn quốc lộ số 5. Thiết nghĩ đây cũng là một tư liệu lưu lại hậu thế.


Đại đội Quang Trung - bộ đội địa phương huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) ra đời vào ngày 8 - 2 - 1950 giữa lúc phía địch còn rất mạnh.

Toàn huyện có khoảng 100 làng, ấp thì có tới 120 đồn bốt địch. Pháp và bọn tay sai ra sức đàn áp lực lượng kháng chiến của ta, truy tìm lùng bắt cán bộ, bộ đội, du kích và cơ sở nhân dân cách mạng. Người sống hợp pháp công khai phải hết sức giữ bí mật để tránh con mắt dò la của chúng. Người đã bị lộ, nhất là lực lượng vũ trang thì phải sống như thế nào trong lòng địch ở vùng chúng kìm kẹp gắt gao này?


Theo nghị quyết của Huyện ủy Cẩm Giàng, năm 1950 tất cả cán bộ cấp xã, thôn, các cán bộ của huyện phụ trách khu vực phải về trong huyện bám đất, bám dân lãnh đạo kháng chiến. Đặc biệt đại đội Quang Trung vốn là đơn vị tập trung nay cũng được lệnh về các xã dìu dắt dân quân du kích và chuẩn bị điều kiện đánh địch.


Chúng tôi phải phân công mỗi trung đội phụ trách một khu vực. Từng trung đội lại phân tán nhỏ đến tiểu đội hoặc tổ 3 người ở các thôn, kể cả những thôn có đồn bốt địch.

Chúng tôi lấy ban đêm để hoạt động là chính, ban ngày chủ yếu là tránh địch, do đó phải có hầm bí mật. Nếu địch mạnh, cơ sở ta yếu thì chúng tôi suốt ngày ở dưới hầm, 5 giờ sáng đã xuống hầm có người ngụy trang, 7 giờ tối mới lên hoạt động; nếu nơi nào cơ sở của ta mạnh có thể ban ngày ở trong nhà, bố trí người gác, địch đến mới xuống hầm.


Đã gọi là hầm bí mật thì phải làm thế nào để kẻ địch không phát hiện được. Yêu cầu chung là phải tạo được chỗ ngồi hoặc nằm, có lỗ thông hơi đủ không khí hít thở và đề phòng chó béec-dê ngửi thấy hơi người; nắp cửa hầm làm bằng gỗ, cả nắp trong nắp ngoài phải đẽo vát như lưỡi dao để dễ ngụy trang; nếu ở cả ngày phải có nơi đại tiểu tiện. Đặc biệt là công tác giáo dục kể cả bộ đội và nhân dân nếu không may bị sa vào tay giặc, dù có bị tra tấn cực hình cũng một lòng trung thành với cách mạng không phản bội xưng khai.


Từ yêu cầu đó, có hầm đào ở trong bếp, lỗ thông hơi là cột bếp bằng tre đục thủng mấu, nắp hầm ở chỗ để rơm rạ, người sống hợp pháp ngồi trên nắp hầm đun bếp. Có hâm làm ở trong buồng, nắp hầm ở góc có trấu và mùn, lỗ thông hơi ở khe tường, khe vách. Có hầm làm ở lũy tre, nắp hầm có lá tre phủ kín, lỗ thông hơi vào giữa bụi tre. Có hầm làm cạnh bờ ao lỗ thông hơi như hang cua, hang chuột, cửa ra vào làm dưới nước, chui từ ao vào hầm. Có hầm làm ở cạnh chuồng lợn, nắp hầm là phướn cho lợn ăn, làm ở cạnh nơi tắm giặt, nắp hầm là chum vại đựng nước. Có hầm ngăn đầu hồi nhà thành hai tường, lối xuống từ mái tranh nhà. Có hầm làm ở giữa đường cái làng, nắp hầm là những viên gạch đá lát. Có hầm làm trong chùa, lối xuống là đế pho tượng. Có hầm làm ngoài đồng, nắp hầm là chiếc mộ giả. Thật là trăm phương, ngàn kế do trí thông minh, sáng tạo của con người.


Nhờ có hầm bí mật mà đại đội Quang Trung chúng tôi đã góp phần cùng cán bộ địa phương tuyên truyền giác ngộ nhân dân thương yêu, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng bộ đội. Có gia đình biết là sẽ liên lụy đến tính mạng và tài sản nhưng vẫn sẵn sàng cho bộ đội đào hầm trong nhà mình. Có người bị địch bắt, đánh đập tra tấn nhưng không chỉ hầm, mặc dù bộ đội vẫn ở dưới lòng đất ngay nơi địch tra tấn. Có người bị tù đấy, thậm chí hi sinh vì trong nhà địch tìm thấy hầm. Có người còn để chiếc hầm kỷ niệm đến ngày nay.    Chúng tôi cũng đã góp phần xây dựng lực lượng dân quân du kích như vận động một số còn lưu vong về, củng cố và phát triển thêm, huấn luyện giáo dục cho lực lượng này đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.


Cán bộ chiến sĩ đại đội phải trải qua một thời gian dài "ăn hang ở lỗ", cực kỳ gian khổ. Ở dưới hầm cả ngày cũng thiếu không khí, có lúc định mở cửa hầm chui lên thở một chút nhưng không dám lên, thiếu nước uống, khát đến khô cổ, đói không có thức ăn. Có lần tôi ngồi dưới hầm, thấy có cái gì rơi xuống róc rách sờ tay thì thấy những hạt ngô rang do các cô phụ nữ tiếp tế qua lỗ thông hơi, tôi phủi phủi cho sạch cát rồi bỏ mồm nhai ngon lành, có lẽ cái bệnh viêm đại tràng mãn bao năm nay tôi chữa chưa khỏi cũng là do ăn bẩn như vậy. Một lần khác tôi xuống hầm với 1 nữ du kích, chiếc hầm chỉ vừa 1 người ngồi, 1 người nằm, 2 người nằm quay đầu ra 2 phía thì 2 chân chạm vào nhau nên 2 người đều không dám chạm, phải co chân đến mỏi nhừ đầu gối.


Có đợt tôi ở dưới hầm 4 tháng mới được ra khu du kích họp. Ra đây tôi mới nhìn thấy mặt trời, mắt tôi mờ đến nỗi không đọc được báo.

Ban đêm từ dưới hầm lên, chúng tôi ăn cơm rồi đi hoạt động. Với bộ quần áo nâu, đi chân đất, tay cầm súng, tay chống gậy, không đèn không đuốc. Nếu địch phục kích thì tránh hoặc đánh mà đi. Hồi 4 giờ sáng ăn cơm và lại xuống hầm lúc 5 giờ. Ngày nào cũng vậy.


Ngoài nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, dìu dắt dân quân du kích, chúng tôi còn nghiên cứu tình hình địch để đánh. Chúng tôi đánh mìn lật đổ xe lửa ở đường sắt, lật đổ xe vận tải ở đường 5; tham gia diệt tề trừ gian; làm công tác binh vận v.v...


Thời gian nằm hầm đã tôi luyện chúng tôi thành gang thép, gian nan không quản, uy vũ không sờn. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, coi nhau như anh em một nhà, lá thư đọc chung, điếu thuốc cấu đôi, nắm xôi xẻ nửa, có lệnh là đi, có điều kiện là đánh, đã đánh phải thắng.


Từ cuối năm 1951, chúng tôi tiến lên đánh những trận lớn hơn, củng cố cơ sở mạnh hơn mà dần dần thoát khỏi không phải xuống hầm mà địch đến thì đánh. Tuy nhiên, những nơi cạnh đường số 5 và cạnh các căn cứ quân sự lớn phải đến đầu 1954 mới chấm dứt được.


Phải chăng hầm bí mật trong địch hậu có tác dụng lớn lao, góp phần đáng kể vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, hầm bí mật càng phát triển đa dạng mà tiêu biểu là "địa đạo Củ Chi" mãi mãi là một bảo tàng khổng lồ, vô giá mà cả thế giới phải khâm phục.

NGUYỄN HIẾU
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:31:45 am »

DÙ PHẢI HY SINH CŨNG PHẢI MỞ ĐƯỜNG MÁU MÀ RA!


Hồi ký của Hứa Văn Chư
Nguyên Trung đội trưởng bộ đội huyện Kim Thành


Tôi bị địch bắt hồi 9 giờ sáng ngày 15/3/1951 tại cánh đồng Thiên Xuân (xã Tân Dân cũ) và chiều ngày hôm ấy, bọn chúng đưa tôi về vị trí Liên hiệp Pháp ở ga Phú Thái. Do bị bắt trong trường hợp tôi được cử ra làm binh vận đối với toán quân địch từ đường 5 kéo sang, mang theo cờ trắng, trá hàng nên bọn chúng đã biết được chức vụ của tôi. Hồi đó tôi là Trung đội trưởng thuộc đại đội bộ đội huyện Kim Thành - đang phân tán làm nhiệm vụ gây dựng cơ sở ở xã Tân Dân (nay là xã Kim Tân).


Đến Phú Thái, chúng giam giữ tôi trong một phòng kín, người đầu tiên gặp tôi là tên Cường (người cùng huyện) đã làm việc cho địch ở đây từ lâu nay nói: Ông cứ an tâm ở đây, chờ ông chỉ huy người Pháp về sẽ làm việc với ông!


Một mình ngồi trong phòng giam chật hẹp, lạnh lẽo tôi cố gạt đi những suy nghĩ về sự việc đã diễn ra khi bọn địch xảo quyệt "Trá hàng", bỏ qua đi những suy nghĩ riêng tư - để tập trung tìm cách đối phó với địch.

Tôi đã xác định - đây là trận chiến đấu quyết liệt giữa một bên là quân địch nham hiểm, có sức mạnh về mọi mặt với một bên là một mình tôi "đơn phương độc mã". Vì vậy tôi đã tự nhủ mình: - Phải bình tĩnh, sáng suốt, không sợ chết...", trong óc tôi luôn luôn trỗi dậy lời thề danh dự của người chiến sĩ quân đội nhân dân "... trong chiến đấu, nếu bị rơi vào tay quân thù, dù bị tra tấn cực hình tàn khốc đến đâu cũng không bao giờ phản bội xưng khai". Nghĩ vậy, tôi tự đặt ra những câu hỏi, rồi tự trả lời, để chuẩn bị sẵn sàng khi đối đầu với bọn chúng.


Gần tối, tên Cường đi cùng một tên lính da đen, mang lên cho tôi một mâm cơm thịnh soạn - có cả thịt và bia, mời tôi ăn! Thực ra, lúc này còn bụng dạ nào mà ăn uống, nhưng tôi nghĩ - Phải ăn để có sức mà chiến đấu! Để giữ cho mình tỉnh táo, tôi không uống bia, chỉ ăn cơm và tôi đã ăn no thực sự.


Thời gian chờ đợi trận chiến đấu thật căng thẳng. Đúng 12 giờ đêm, tên Cường đi cùng 2 tên lính da đen mở cửa phòng giam, áp giải tôi lên phòng thẩm vấn. Tôi đã thấy ngay một người Pháp to béo, có bộ râu quai nón trông vẻ dữ tợn, ngồi trên chiếc ghế bành, trước mặt là một chiếc bàn rộng, để khẩu súng ngắn và một số sổ sách giấy tờ, dụng cụ làm việc. Tại góc phòng trước mặt, đặt một số thiết bị - Tôi đoán là phương tiện tra tấn. Tên Cường làm nhiệm vụ thông dịch viên. Người Pháp to béo liền đứng đậy nói điều gì đó - thông dịch viên nói lại: Ông quan ba, chỉ huy căn cứ này vừa chào ông và mời ông ngồi vào ghế!


Tôi yên lặng ngồi vào ghế đối diện, người phục vụ đặt vào bàn rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá. Tên quan ba mở bao thuốc lá "Craven A" mời tôi! Tôi cảm ơn rồi trả lời "chúng tôi không quen dùng những thứ này!"

Tên quan ba Pháp chậm dãi nói một hồi dài, rồi thông dịch viên nói lại - Toàn những lời giải thích bịp bợm về chính sách của nước Pháp đối với Việt Nam và chốt lại là - cuộc nói chuyện giữa chúng ta hôm nay là bình đẳng, chân thành và yêu cầu tôi cũng phải đáp lại như vậy!


Tên quan ba đã hỏi tôi nhiều câu hỏi dồn dập, xen kẽ, có lúc nhẹ nhàng, có lúc như khiêu khích áp đảo. Chúng tập trung hỏi về quê quán, đơn vị, chức vụ, nơi đóng quân, ông về đây làm gì? Tất cả đã nằm trong dự kiến của tôi, nên tôi đã trả lời rành mạch rõ ràng. (Tất nhiên sự trả lời đó là sai sự thật!).


Điều gay cấn nhất đối với tôi là làm sao che giấu được tông tích gia đình mình vì nếu tiết lộ ra gia đình người thân ở vùng chúng kiểm soát thì lập tức chúng sẽ bắt làm con tin, gây sức ép buộc tôi phải làm theo ý chúng! Sự thật thì quê tôi ở làng Lương Xá, nằm sát đường số 5, cách ga Phú Thái chưa đầy 2 cây số, cha mẹ anh em tôi đang làm ăn sinh sống ở đó. Nhưng cũng rất may là bọn chúng cũng chỉ dừng lại ở đoạn tôi khai để che mắt chúng - "Tôi sinh ra ở làng Lương Xá1 (Lương Xá - Chứng lấy được giấy chứng minh của tôi, nến khống thể khai khác được), cha mẹ, anh em tôi đã chết hết, chỉ còn lại một mình sau trận đói năm bốn nhăm; tôi phải đi làm thuê, để kiếm sống; khi kháng chiến bùng nổ tôi vào bộ đội..."


Cuộc thẩm vấn đầu tiên tạm dừng vào lúc gần 2 giờ sáng, tên quan ba Pháp còn nói thêm:

- Chúng tôi rất mong ông suy nghĩ kỹ và đáp lại thiện chí của người Pháp chúng tôi!

Về đến phòng giam, tuy người đã thấm mệt, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm về những lời khai báo của mình. Đêm ấy tôi đã thức trắng - Vì lúc này tôi mới có thời gian để nghĩ về đơn vị và đồng đội. Chắc rằng, sau khi tôi bị địch bắt, đơn vị phải di chuyển thay đổi địa điểm. Và cấp trên chắc chắn sẽ phê phán mình - mơ hồ, mất cảnh giác để sa vào tay giặc! Đầu óc tôi cứ miên man như vậy, nhưng cuối cùng vẫn phải tập trung suy nghĩ tìm cách đối phó với địch trong những trận tiếp theo.


Nghĩ lại tất cả những điều đã khai, tôi chưa thấy điều nào sơ hở để bọn chúng có thể lợi dụng để truy bức tiếp theo.

Nhưng về phía địch tôi phát hiện thấy tại sao thái độ của bọn chúng chưa có biểu hiện gì gay gắt, quyết liệt? Và tại sao, tên quan ba Pháp lại nói tôi phải đáp lại thiện chí của người Pháp? Chắc chắn là không, đây là một âm mưu thủ đoạn thâm độc gì đây! Nghĩ vậy, tôi lại xác định một lần nữa - "không sợ chết, không đầu hàng, không phản bội xưng khai..." tôi chuẩn bị tư thế sẵn sàng giáp mặt với quân thù.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #43 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:33:09 am »

- 12 giờ trưa ngày 16/3 - Cuộc thẩm vấn thứ hai lại bắt đầu. Lần này chúng cũng hỏi những điều gần giống như lần trước. Nhưng qua cách hỏi của chúng lần này, tôi cảm nhận được - bọn chúng không tin vào những điều tôi đã khai. Lần này tôi cũng bình tĩnh, vững tâm hơn, nên khi trả lời các câu hỏi, tôi có kèm theo đôi chút phân trần nhằm để bọn chúng tin vào những lời khai của tôi là đúng sự thật! - Chẳng hạn như "Tôi là một quân nhân, bị các ông bắt tại trận, ngay từ phút đâu, tôi đã nói rõ cả chức vụ của tôi, bây giờ nằm trong tay các ông, tôi chẳng có điều gì phải giấu diếm..."


Đối phó với địch trong từng câu, từng lời - đầu óc tôi vô cùng căng thẳng. Nhưng đến phút cuối cùng - một tình huống nghiêm trọng đã xuất hiên. Tên quan ba Pháp liền hạ giọng nói:

- Ông đã nằm trong tay chúng tôi, cách giải quyết của chúng tôi như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ thiện chí của ông! Chúng tôi yêu cầu ông cộng tác với chúng tôi! Nếu ông thật sự cộng tác thì chúng tôi sẽ sử dụng ông nguyên chức, ông sẽ có ô tô, nhà lầu; có vợ đẹp và có nhiều tiền; Nếu ông đồng ý, ngày mai chúng tôi đưa ông lên sân bay Gia Lâm, ngồi trên máy bay, bay về vùng trời có đồng đội của ông, chỉ cần ông nói rõ là ông đã về đầu hàng chúng tôi và kêu gọi đồng đội của ông hãy làm theo ông - Chỉ cần ông làm như thế là mọi việc sẽ vô cùng tốt đẹp!


Nghe nói đến đây, người tôi sôi lên vì căm giận, cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Vội lấy lại bình tĩnh, tôi nhìn thẳng vào tên quan ba nói: "Chúng tôi là quân nhân chỉ biết chiến đấu vì đất nước của mình. Quân đội chúng tôi không được phép đầu hàng bất cứ một thế lực nào. Vì vậy yêu cầu của ông, tôi hoàn toàn không chấp nhận được!


Tên quan ba Pháp lặng đi giây lát rồi nhếch mép cười, hỏi lại:

- Vậy, theo ông thì chúng tôi nên đối với ông như thế nào?

Không do dự vì tôi đã xác định dứt khoát - Sa vào tay bọn giặc thì một là chết, hai là bị chúng cầm tù, tôi chợt nhớ ra mình là tù binh rồi nói ngay:

- Đối xử với tôi như thế nào, hoàn toàn do các ông quyết định! Tôi chỉ có thể nói:

- Một là các ông phải thực hiện công ước quốc tế về tù binh, trong chiến tranh như chúng tôi vẫn thường làm. Hai là các ông có thể thủ tiêu tôi!

Nghe tôi đáp lại, tên quan ba Pháp đứng phắt lên, đập mạnh nắm tay xuống bàn, tỏ vẻ bực tức, nói một tràng dàỉ, rồi một lát sau, một chiếc xe Zeep chạy đến - Bọn chúng đẩy tôi lên xe, xích tay chân tôi vào thành xe, chạy thẳng về Hải Phòng, giao cho Sở Mật thám - Tôi bắt đầu vào cuộc chiến đấu quvết liệt với bọn mật thám Hải Phòng. Vừa bước xuống xe để vào phòng giam, một số tên đầu trâu mặt ngựa, đã la hét, chửi bới, dùng gậy cao su đánh túi bụi vào đầu, vào người làm tôi đau buốt đến tận óc! Sau trận đòn phủ đầu này, bọn chúng tra hỏi một cách quyết liệt với thái độ hằn học thù địch. Bẩy ngày ở Sở mật thám là bẩy ngày tra tấn cực hình tàn khốc.


Ở đây bọn mật thám Hải Phòng tập trung cao độ vào việc truy tìm "Mày có phải là đảng viên cộng sản không?", "mày vào Đảng từ bao giờ". Mặc đầu tôi là một đảng viên của Đảng, nhưng tôi đều trả lời "tôi chưa được vào Đảng". Bẩy lần hỏi cung, bẩy lần chúng truy hỏi về Đảng, tôi đều trả lời như vậy. Mỗi lần trả lời như vậy là một lần bọn chúng tức tối, chửi bới, đánh đập tôi tàn nhẫn. Nhưng cuối cùng thì bọn chúng cũng không moi ở tôi được điều gì khác, buộc chúng phải quyết định tống giam tôi vào trại tù Đoạn Xá từ ngày 23/3/1951.


Bọn quản lý trại tù đưa tôi vào ở "Sàn cán bộ" thuộc khối tù quân sự1 (Khối tù quân sự - Chia ra 2 loại: Sàn cán bộ và sàn chiến sĩ và dân quân du kích) - thế là từ đây tôi đã trở thành một tù binh của trại tù này!


Nhưng dù sao lúc này tôi cũng thấy an tâm đôi chút vì đã vượt qua được những ngày căng thẳng cao độ trước quân thù, buộc chúng phải khép lại quá trình điều tra xét hỏi. Tôi bắt đầu tìm hiểu và làm quen với cuộc sống tù đầy.


Tôi đã nhận ra một số đồng chí, đồng đội bị địch bắt trước tôi cũng bị giam giữ ở nơi này - Anh Hoan (cán bộ huyện ủy), anh Lũy (cán bộ UB huyện) đến thăm hỏi động viên, cho tôi quần áo và tiền tiêu vặt.

Thời gian trôi đi, tôi dần dần quen với cảnh sinh hoạt trong tù. Bạn tù đến với tôi ngày càng đông - Tôi lại nhận ra ở sàn tù bên cạnh (thuộc khối quân sự thông thường) có các đồng chí Rói (người Đại Đức); Tít (người Quỳnh Khê); Bâu (người Thượng Vũ) và một vài anh em nữa là người cùng đơn vị cũng bị bắt và tù ở đây. Tuy không ở chung một sàn, nhưng chúng tôi vẫn có thể gặp nhau trao đổi những điều cần thiết. Tất nhiên chúng tôi phải hết sức cảnh giác, đề phòng bọn mật thám (2b) trà trộn vào tù nhân để dò la tin tức.


Quá trình cùng sống chung trong trại tù, tình cảm giữa các tù nhân, tuy ngày càng gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng về mặt tinh thần và ý chí chiến đấu cách mạng thì cũng dần dần nhận ra - Ai là người có ý chí vững vàng? Ai là người dao động cầu an? Người nào cam chịu ở tù cho đến ngày mãn hạn?!


Tại sàn cán bộ (khối tù quân sự) tôi được anh Hải luôn luôn gần gũi tâm tình, cho tôi là người anh tin cậy, nên bàn với tôi về chủ trương tổ chức vượt ngục. Vượt ngục là một việc vô cùng nguy hiểm, nhưng nó phù hợp với ý nghĩ của tôi đã từ lâu. Mặc khác tôi cũng rất tin tưởng vào anh Hải  là một người chân thành, dũng cảm, không sợ gian nguy, nên tôi không chút do dự, liền đồng tình với chủ trương anh đã nêu ra.


Chủ trương thì như vậy, nhưng thực hiện thì không đơn giản - Những năm trước đây, tại trại tù này, đã có một số lần tù nhân đào hầm, khoét ngạch, chui rào vượt ra ngoài, nhưng đều thất bại - Có người bị bắn chết ngay khi còn ở hàng rào, có người thoát được ra ngoài, bị chúng săn lùng bắt trở lại, rồi bị hành hạ cho đến chết!


Bàn đi, tính lại, chúng tôi xác định chỉ có cách "vượt ngục ở ngoài trại tù". Ý định này xuất phát từ tình hình thực tế của những tháng cuối năm 1951, đầu 1952 - thời gian đó, bọn địch ở Kiến An vẫn thường đến trại tù Đoạn Xá lấy tù nhân về lao động ở khu kho hậu cần của quân đội Pháp tại Kiến An. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi nghiên cứu áp dụng phương án "Vượt ngục ở ngoài trại tù".
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:34:16 am »

Để thực hiện phương án này, chúng tôi phải có biện pháp giải quyết hàng loạt những khó khăn - Làm thế nào để chúng tôi trà trộn được vào đoàn tù nhân đi lao động trong lúc bọn địch cấm không cho tù nhân "Sàn cán bộ" ra ngoài? Mỗi ngày chúng lấy trên dưới 100 người đi làm việc thì làm cách nào để cả đoàn người đều chung một ý chí, một hành động? Mỗi xe chở tù nhân có 5 tên giặc, có đầy đủ súng ống áp tải bảo vệ, vậy tiêu diệt chúng bằng cách nào? Đoạn đường chọn làm nơi hành động chắc chắn ở sâu trong phòng tuyến dầy đặc đồn bốt địch, liệu khi rút có thoát được không? Cần phải có thời gian chuẩn bị, vậy làm thế nào để giữ được tuyệt đối bí mật? v.v...


Tất cả những khó khăn trên đây đã được anh Hải và chúng tôi lần lượt nghiên cứu, giải quyết trong điều kiện thận trọng và tuyệt mật. Công việc hàng đầu là phải bí mật xây dựng cho được một lực lượng có tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết tâm vượt ngục, dám hành động theo mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, mà hướng chủ yếu nhằm vào những anh em cùng đơn vị hoặc thân tình tin tưởng, bị giam giữ ở "Sàn tù quân sự thông thường" đã thường xuyên được sang Kiến An lao động - Lực lượng này trên mỗi xe yêu cầu phải có từ 4 đến 5 đồng chí để đủ sức chiến đấu và vận động quần chúng cùng mình tiêu diệt gọn những tên địch áp tải trên xe, và là lực lượng nòng cốt dẫn đầu đoàn quân vượt ngục rút về nơi an toàn.


Anh Hải chỉ huy chung, mỗi xe chọn một phụ trách thật tin cậy - Tôi là một trong số đồng chí được lựa chọn để làm việc đó. Để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi, những đồng chí được phân công chỉ huy ở các xe, lần lượt thay nhau đi điều tra thực tế - nghĩa là phải tìm cách trà trộn vào đoàn người đi lao động để điều tra tình hình, xác định điểm đánh và bí mật tập duyệt lực lượng.


Sau hơn 4 tháng điều tra, nghe ngóng, chuẩn bị - Các điều kiện để tổ chức một "trận đánh vượt ngục" đã chín muồi. Chúng tôi quyết định phải tranh thủ thời cơ triển khai hành động với quyết tâm "Dù phải hy sinh, cũng phải mở đường máu mà ra!"


Ngày 20/3/1952, bọn địch ở Kiến An cho 3 xe vận tải GMC đến trại tù Đoạn Xá lấy 100 tù nhân đi lao động. Theo kế hoạch, chúng tôi từ "Sàn cán bộ" đã trà trộn vào đoàn người đi lao động để cùng lực lượng nòng cốt ở đó thực thi nhiệm vụ. Người nào, xe ấy, cứ thế mà lên xe. Đoàn xe chuyển bánh, đưa chúng tôi đến thẳng kho đạn Kha Lâm1 (Kha Lâm - một địa danh thuộc phường Nam Sơn quận Kiến An - sát chân núi Kiến An).


Không khí lao động của tù nhân hôm đó diễn ra như mọi ngày. Chúng tôi nhắc nhau làm việc hăng say chu đáo, để che mắt địch và bí mật củng cố tinh thần chuẩn bị chiến đấu cho lực lượng nòng cốt. Đúng 5 giờ chiều, tiếng còi báo hiệu kết thúc ngày làm việc. Mọi người nhanh chóng ra khỏi kho, để chuẩn bị lên xe trở về Đoạn Xá. Đối với chúng tôi thì lại khác - chỉ muốn chần chừ, kéo dài thời gian càng muộn càng tốt. Vì vậy chúng tôi bầy ra đủ cớ - Nào là còn làm nốt mấy việc dở dang theo yêu cầu của thủ kho... nào là xin ông cho em đi đại tiện một tý... nào là xúm vào mời thầy cai xơi thuốc... tuy cố nặn ra lý do để nấn ná thêm phút nào hay phút đó, để càng gần tối càng tốt. Nhưng cuối cùng thì mọi người cũng phải tuần tự trèo lên xe.


Anh Hải đi xe đầu, tôi được phân công chỉ huy xe thứ hai, một đồng chí nữa (tôi không nhớ tên) phụ trách xe phía cuối. Lực lượng chiến đấu trên mỗi xe đã bí mật triển khai theo kế hoạch - Mỗi tên lính ngụy đứng ở một góc thùng xe, chúng tôi đều bố trí từ một đến hai người ép sát để sẵn sàng tiêu diệt chúng.


Vào khoảng 5 giờ 20 phút chiều đoàn xe lăn bánh theo hướng về thành phố. Đoàn xe tăng tốc đến đoạn đường giáp ranh giữa thôn Kha Lâm và thôn Trứ Khê - cách ngã 3 Quán Trữ chừng 7 - 800m thì trận đánh nổ ra.

Từ xe thứ hai tôi quan sát thấy xe đi đầu đã dừng lại, anh em ta đang đánh địch rồi lao xuống mặt đường. Tôi phát tín hiệu hành động - Theo sự phân công, các đồng chí Rói, Bẫu và một số anh em nữa cùng tôi tiêu diệt ngay từ phút đầu toàn bộ những tên địch ở trên xe. Giải quyết xong chiến trường, tất cả anh em ở 2 xe đi trước, mang theo súng đạn vừa tước được, băng qua 2 cánh đồng (mà bây giờ chúng tôi mới biết là cánh đồng Vành Lược và Cống Sâu - thuộc phường Quán Trữ, quận Kiến An) ra bờ sông Lạch Tray. Rồi nhanh chóng vượt sông sang cánh đồng Hoàng Mai - Xích Thổ (thuộc huyện An Hải).


Khu vực chúng tôi vừa đến, nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm - có nhiều đồn bốt địch mà chúng tôi lại chưa thông thạo đường đi lối lại thì quả là nguy hiểm. Nhưng dừng lại là chết, tiến nữa thì cần phải thăm dò tình hình. Vừa lúc đó, từ xa xa phía chân làng, chúng tôi nhìn thấy một số người đi đi lại lại, chỉ trỏ về phía chúng tôi - không rõ những người đang nhòm ngó ở chân làng kia là ta hay là địch? Nếu là địch thì tại sao nó không nổ súng bủa vây? Nếu là ta mà ở vùng địch như thế thì ai dại gì mà lại dám công khai ra liên hệ, họ phải đề phòng bọn địch giả vờ làm tù nhân chạy trốn? Suy đi tính lại, nghe ra anh em cũng đồng tình. Chúng tôi quyết định cứ tiến vào làng!


Khi đến gần, chúng tôi nhận ra trong đám người ấy, có mấy ông luống tuổi, đầu đội khăn xếp, mặc quần trắng, áo dài thâm - chúng tôi đoán họ là các vị "Xã ủy, tề". Họ nói: các ông từ đâu đến đây, có phải là Việt minh không? Tất cả các ông phải ở yên tại chỗ, để chúng tôi báo quan Tây về bắt các ông!


Thật hay giả khó mà phân biệt, nhưng có điều - nếu thật sự họ làm như vậy thì tại sao họ không cho người đi báo quan Tây ngay từ lúc đầu phát hiện thấy chúng tôi vừa sang sông? Nghĩ vậy chúng tôi từ tốn đáp lời: "Chúng tôi là những người kháng chiến, bị địch bắt tù ở Đoạn Xá, vừa đánh nhau với bọn địch áp giải chúng tôi đi lao động ở Kiến An, chạy về đây. Nếu các ông không phải là Tề - Dõng theo Tây thì cho chúng tôi quần áo, nước uống và chỉ đường cho chúng tôi nhanh chóng rời khỏi nơi này.


Nghe nói vậy, họ lặng thỉnh vẻ đắn đo suy nghĩ, một vài người đến gần quan sát chúng tôi - thấy một số anh em không còn cả chiếc quần lót, họ thì thầm hỏi: quần áo để đâu mà trần truồng thế này? - Lúc bơi qua sông bị nước cuốn trôi cả rồi! Một vài anh em đáp lại. Nhìn thấy một số anh em gầy gò, mặt hốc hác, mắt thâm quầng, họ nhận ra đúng là tù nhân chạy trốn thật! Không thấy ai trong đám người ấy nói gì đến việc đi báo quan Tây nữa!


Hoạt động trong vùng địch tạm chiếm chúng tôi hiểu rất rõ lòng dân ta đối với kháng chiến, chúng tôi vẫn tin rằng - bà con ta là người tốt. Và đúng là như vậy - chỉ một lúc sau, bà con đã mang ra cho chúng tôi nước uống và một số quần áo để mặc cho đỡ lạnh, rồi ân cần chỉ dẫn cho chúng tôi đi về nơi an toàn.


Lúc này, trời đã tối hẳn. Chúng tôi cảm ơn nhân dân, chia tay mọi người rồi lên đường.

Đội hình đi trên hai xe rút theo hướng này, khi vượt sông vì sức yếu lại bơi kém, nên bị nước cuốn trôi làm chết đuối mất 6 người. Số còn lại gần 60 anh em, chia ra thành từng nhóm, lấy đường số 5 làm chuẩn, đi chếch lên hướng tây, tìm đường về đất Kim Thành để từ đó sang khu căn cứ huyện Thanh Hà.


Trên đường rút quân chúng tôi không nắm được đâu là làng tề, chỗ nào là bốt địch. Vừa đi, vừa phải dò dẫm nghe ngóng. Quên cả đói khát, mệt nhọc, suốt đêm hôm ấy, chúng tôi đã mò mẫm vượt qua nhiều làng tề, bốt địch, bàng qua hàng chục cánh đồng - mãi đến gần sáng mới đến được khu bãi ở ven sông Hà Nhuận - nơi đây cũng nằm trong vùng kiểm soát của địch, buộc chúng tôi phải dừng lại tìm nơi ẩn nấp, để đêm sau đi tiếp. Khu vực ẩn nấp của chúng tôi xa dân cư, ít người qua lại, có điều kiện giữ bí mật.


Cả ngày nằm trong bờ bụi, bãi cói - bụng đói, miệng khát, có người đã mệt lả. Chúng tôi động viên nhau phải gắng sức chịu đựng, để vượt nốt đoạn đường cuối cùng. Trời vừa tối, kiểm lại đội ngũ, có một số anh em kiệt sức buộc chúng tôi phải làm một điều "vô kỷ luật" - đi bới trộm khoai của dân để nhai cho đỡ đói, rồi dìu nhau qua sông sang đất Kim Thành.


Vốn là người Kim Thành, tôi thống thạo đường đi lối lại và ít nhiều nắm được tình hình cơ sở của ta ở vùng này. Tôi quyết định dẫn anh em về xã Tân Dân (nay là Kim Tân) - một xã có phong trào kháng chiến mạnh của quê tôi. Và chính nơi đây đã xảy ra sự kiện - tôi bị địch bắt tại trận ngày 15/3/1951.


Khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi tìm gặp được các đồng chí lãnh đạo của Tân Dân. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng và theo đề nghị của tôi, các đồng chí đã tận tình giúp đỡ - chia đoàn chúng tôi thành từng nhóm nhỏ, gửi vào từng gia đình, lo cho chúng tôi được ăn nghỉ chu đáo. Được sự đùm bọc của nhân dân trong xã - Cả ngày 22/3, chúng tôi được ăn nghỉ đầy đủ, anh em nào không có quần áo lại được bà con san sẻ giúp đỡ, có bà con còn cho tiền để anh em đi đường. Đêm ấy, chúng tôi lại cùng nhau vượt nốt đoạn đường cuối cùng sang huyện Thanh Hà.


"Trận đánh để vượt ngục" của những "tù nhân Đoạn Xá" chúng tôi mãi đến ngày 23/3/1952 mới được coi là kết thúc thắng lợi. Mọi người được cấp giấy tờ chứng nhận, rồi liên hệ với giao liên, tìm đường về quê hương và đơn vị. Còn tôi, lại trở về bộ đội, tiếp tục chiến đấu cho đến năm 1970 thì được về nghỉ hưu và tham gia công tác ở quê nhà!

HỨA VĂN CHƯ
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #45 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:35:40 am »

"... ĐÁNH ĐÃ GIỎI, RÚT QUÂN LẠI GIỎI HƠN!"
(Viết về chiến thắng Viên Chử ngày 12/411954)


Hồi ký của Lê Văn Khoái
Nguyên chính trị viên phó Huyện đội, Kim Thành
Nguyên ủy viên Thường vụ
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Hưng


Vị trí Viên Chử nằm ở trung tâm xã Tân Dân (nay là xã Kim Tân - huyện Kim Thành) - phía Bắc cách đường số 5 khoảng 1000m theo đường chim bay - phía Nam là hệ thống phòng thủ của địch ở đường 188.

Tháng 7 năm 1952, địch đưa một đại đội lính ngụy, do 3 tên sĩ quan Pháp chỉ huy về đóng tại Nhà thờ Viên Chử, xây dựng thành một căn cứ vững chắc, nhằm khống chế và chặn đứng mọi hoạt động của ta vào đường 5, và một số vùng phụ cận ở phía Đông - Nam huyện Kim Thành.


Bọn địch đã đánh phá rất ác liệt - biến cả 4 thôn của xã Tân Dân - từ chỗ đã một thời gian dài (từ 1949 - 1951) là địa bàn tin cậy cho cán bộ, bộ đội và một số xã bạn đứng chân hoạt động - trở thành một vùng "cơ sở trắng"!


Để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ (3/1954) - Chúng tôi được lệnh đem đơn vị phối hợp với tiểu đoàn 234.

Trận đánh nằm sâu trong lòng địch, đường hành quân của bộ đội vào trận địa gần 6 cây số, phải băng qua một cánh bãi lầy hơn 2 ngàn mét, vượt qua sông Rạng rộng 300m, lại phải luồn qua tuyến phòng thủ của địch ở đường 188. Do vậy, kế hoạch tác chiến phải tính toán kỹ làm sao đánh nhanh gọn dứt điểm, bảo đảm thời gian rút quân khỏi đất Kim Thành, không bám trụ lại giữa vòng vây của địch.


Tiểu đoàn 234 do Phạm Kim Bạo chỉ huy, là đơn vị chủ công; bộ đội Kim Thành là lực lượng phối thuộc - có nhiệm vụ dẫn đường và trực tiếp chiến đấu cùng các mũi tiến của tiểu đoàn 234; Huyện đội Thanh Hà chuẩn bị 100 chiếc thuyền nan đưa bộ đội qua sông, huy động 200 dân công phục vụ chiến đấu và thu giọn chiến trường.


Hồi đó, tôi là chính trị viên phó Huyện đội, là phó ban chỉ huy trận đánh, được phân công chỉ huy 2 trung đội Kim Thành và là đầu mối liên hệ giữa bộ đội huyện và tỉnh.

Trận đánh được quyết định vào đêm 12/4/1954. 18 giờ chúng tôi rời vị trí tập kết ở Thanh Hà hành quân vào trận địa.

Theo kế hoạch - cán bộ chỉ huy lần lượt dẫn đơn vị lội qua cánh bãi ra phía bờ sông - ở đó, từng đoàn thuyền nan do huyện đội Thanh Hà chuẩn bị đang chờ sẵn. 20 giờ 30 phút, tất cả bộ đội và dân công đã qua sông an toàn. Một tình huống bất ngờ xảy ra - bộ phận tiền tiêu lên bám chốt bảo vệ cho bộ đội vượt đường 188 thì gặp bọn địch phục kích gần chợ Giải (đoạn đường 188 chạy qua thôn Phù Tải). Nhưng thật đáng tiếc đồng chí Nguyễn Văn Thích trung đội phó và một đồng chí nữa đã trúng đạn bị thương, làm bộ phận này phải quay lại. Từ vị trí Phú Thái, pháo địch ầm ầm bắn về xung quanh khu vực bọn chúng vừa nổ súng! Lúc này ở phía bờ sông cách đó chừng 500m, bộ đội và dân công được lệnh "án binh bất động" nhanh chóng tìm nơi tránh đạn. Sau ba loạt đại bác bắn vu vơ, tình hình trở lại yên tĩnh. Chắc chắn lúc này bọn địch phục kích đã về bốt. Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý nhanh với chỉ huy các đại đội, đưa các đồng chí bị thương về tuyến sau, củng cố lại bộ phận tiền tiêu, khẩn trương lên bám đường và hạ lệnh cho các đơn vị luồn nhanh qua đường 188 tiến về hướng trận địa.


Gần 12 giờ đêm, các mũi xung kích của quân ta mới đến được vị trí. Các chiến sĩ trinh sát đẫn đường, lần lượt chui vào các hàng rào thép gai, dùng kim băng chốt lại những quả mìn tự động của địch để khai thông đường cho chiến sĩ đánh bộc phá tiếp cận các lô cốt và tạo cửa mở cho xung kích xông vào diệt địch.


Tôi được phân công đi cùng đại đội trưởng Lê Hà chỉ huy mũi tiến công ở phía Tây Bắc vị trí, trực tiếp liên hệ thường xuyên với chỉ huy sở của tiểu đoàn và phát hoả mở màn trận đánh theo lệnh của tiểu đoàn trưởng.

Theo kế hoạch thời điểm nổ ra trận đánh phát hỏa vào khoảng 1 giờ đêm. Nhưng vì phải đối phó với bọn địch phục kích trên đường hành quân, chậm mất hơn 1 giờ. Mặt khác, các mũi xung kích tiếp cận mục tiêu chậm. Mãi đến hơn 2 giờ sáng các mũi quân ta mới áp sát tất cả các mục tiêu và sẵn sàng chờ lệnh!


Sau khi xét thấy không bảo đảm thời gian rút quân - Tiểu đoàn trưởng Phạm Kim Bạo quyết định dừng trận đánh, và hạ lệnh đơn vị rút quân!

Tôi và đại đổi trường Lê Hà nhận được lệnh này mà lòng bần thần chán ngán! Công sức của cả ngàn con người để chuẩn bị cho trận đánh đã không đem lại kết quả gì! Chúng ta sẽ nói gì để cán bộ chiến sĩ thông suốt? Chúng ta sẽ giải thích làm sao cho đồng bào đồng chí đang ngóng chờ tin chiến thắng mà trước khi ra trận chúng ta đã hứa hẹn! Trong lòng chúng tôi băn khoăn khó tả! Tôi đứng dậy, gài khẩu súng ngắn vào dây lưng mà chần chừ không muốn bước đi. Đại đội trường Lê Hà lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Bền liên lạc viên của tôi vào báo cho tổ bộc phá rút quân! Chúng tôi vẫn chờ anh em ở ngoài hàng rào. Lúc này dân công, trung đội trợ chiến đã ra khỏi trận địa gần một cây số, anh em xung kích lần lượt chui ra khỏi vị trí ém quân. Tôi và đồng chí Hà lững thững đi về hướng tiểu đoàn trưởng, mới đi được chừng ba chục mét thì bỗng thấy tiếng bộc phá nể xé tai từ tổ đột phá của đại đội này. Tiếp theo là những tịếng nổ dậy đất từ các hướng, làm rung chuyển cả một vùng, khói lửa trùm lên vị trí địch. Tiếng thét xung phong của quân ta vang lên, xen lẫn tiếng súng tiểu liên, tiếng nổ của lựu đạn, thủ pháo - Tiểu đoàn trưởng lập tức ra lệnh cho bộ đội quay lại tiêu diệt địch. Các tổ bộc phá, áp sát các mục tiêu, chưa kịp nhận lệnh rút quân, thấy mũi đột phá phát hỏa đã lần lượt rút kíp nổ đánh sập các lô cốt phòng ngự, khai thông cửa mở, xung kích ta ào ào xông vào đánh chiếm khu nhà lính, đánh phá hầm chỉ huy, kêu gọi địch đầu hàng, tiêu diệt những ổ đề kháng ngoan cố. Quân địch hoảng loạn, chống cự yếu ớt, chỉ còn lại bọn địch ở gác chuông nhà thờ ngoan cố, dùng trung liên chống cự đến cùng. Vừa lúc đó, trung đội trợ chiến đã kịp thời quay lại. Để gác chuông nhà thờ không bị đánh sập, chúng tôi không dùng bộc phá, không sử dụng đạn súng lớn, mà đề nghị tiểu đoàn trưởng cho dùng súng đại liên đè bẹp ổ đề kháng này và được chấp nhận. Lập tức từng loạt đạn đại liên cứ nối đuôi nhau xuyên thẳng vào hoả điểm của địch trên gác chuông, làm khẩu trung liên của chúng phải câm họng, buộc bọn địch từ gác chuông phải kéo nhau xuống xin đầu hàng.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #46 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:36:17 am »

Đến lúc này, cả trận địa đã yên tiếng súng. Bộ đội, dân công tập trung thu dọn chiến trường, các đơn vị khẩn trương kiểm lại đội ngũ, phát hiện và tìm kiếm thương binh liệt sĩ. Bây giờ, chúng tôi mới hiểu rõ, tại sao tuy có lệnh rút quân mà bộc phá vẫn nổ? Sự thể như sau: Liên lạc viên Nguyên Văn Sên, khi bò đến tổ bộc phá ở mũi chủ công để truyền lệnh "rút quân" đã triệt để tiết kiệm "từ ngữ" và miễn giải thích nên dùng 2 ngón tay bấu bấu vào gót chân đồng chí tổ trưởng và chỉ khẽ nói gọn lỏn 1 từ "rút". Trong giây phút căng thẳng, tập trung cao độ, chờ lệnh tiến công mà nghe thấy tiếng "rút" thì chiến sĩ ta đinh ninh là rút kíp nổ - liền ôm bộc phá xông lên đánh sập lô cốt địch - Thế là tiểu đoàn trưởng lập tức chuyển hướng chỉ huy - hạ lệnh cho bộ đội quay lại đánh và đã đánh thắng tuyệt đẹp - Cả đại đội địch có công sự kiên cố ở vị trí Viên Chử đã bị tiêu diệt. Quân ta bắt sống 40 tù binh (có 1 tên quan ba Pháp), thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Bên ta 1 chiến sĩ hy sinh, 1 bị thương.


Trận đánh kéo dài đến hơn 4 giờ sáng mới kết thúc. Lúc này tại sân nhà thờ đã có mặt đầy đủ các đồng chí trong chỉ huy trận đánh và cán bộ chỉ huy các mũi tiến công.

Khi bàn việc rút quân thì thấy không còn đủ thời gian để vượt qua tuyến đường 188 và đưa bộ đội qua sông về đất Thanh Hà trước khi trời sáng rõ - trước tình thế đó, tiểu đoàn trưởng quyết định cho quân bám trụ lại đất Kim Thành. Nhưng đưa bộ đội và dân công về đâu để có điều kiện giấu quân, hoặc nếu buộc phải chiến đấu trong vòng vây của địch thì cũng bảo toàn được lực lượng và còn có điều kiện thuận lợi để đêm sau rút quân được an toàn. Đồng chí Phạm Kim Bạo quay lại hỏi tôi:

- Đồng chí Khoái ơi, tôi quyết định ở lại Kim Thành, theo đồng chí thì đưa quân về đâu là tốt nhất? Vốn là cán bộ hoạt động tại địa phương, nắm được tình hình cơ sở ở vùng này, tôi liền trả lời:

- Rút quân về bám trụ ở Cẩm La là tốt nhất, Cẩm La có cơ sở vững hơn các xã khác, có nhiều thuận lợi để giấu quân, hoặc tổ chức chống càn, và là nơi có nhiều ngả đường rút quân về Thanh Hà. Đề xuất của tôi được tiểu đoàn trưởng chấp nhận và hạ lệnh rút quân về bám trụ ở Cẩm La.


Cẩm La chỉ cách Viên Chử chừng 2 cây số, tuy là một làng có địa bàn rộng, dân cư đông đúc - nhưng lúc này thật sự đã quá tải - khắp các xóm, các gia đình nơi nào cũng có bộ đội, dân công và những người ở Tân Dân tránh địch chạy đến.


Ban chỉ huy trận đánh, các cán bộ đại đội đã họp nhanh với các đồng chí Kim, Thoán, Sổng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã Cẩm La thống nhất đề ra một số quyết định quan trọng:

- Bố trí ngay lực lượng canh gác, cảnh giới chặt chẽ mọi diễn biến, và bằng mọi biện pháp giữ bí mật lực lượng đến cùng. Cố gắng thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" là tốt nhất.

- Động viên nhân dân bình tĩnh, tích cực giúp đỡ bộ đội, chuẩn bị phòng chống địch càn quét, sơ tán tài sản ra ngoài đề phòng phi pháo của địch.

- Bộ đội chuẩn bị trận địa sẵn sàng chiến đấu. Dân công đào hầm hố tránh bom đạn cho mình và cho dân.

- Đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đến đêm rút quân an toàn. Trước mắt lo cơm nước chu đáo cho bộ đội, dân công, tù binh và thực hiện đầy đủ việc chăm sóc thương binh.

Được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ và nhân dân địa phương, các quyết định trên đây đã được thực hiện khẩn trương và đến 12 giờ trưa đã hoàn tất.

Chúng tôi mong thời gian trôi đi từng giây, từng phút, và ai nấy đều phấn khởi thấy tình hình đến 15 giờ vẫn yên tĩnh, tin rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó 30 phút - tổ trinh sát báo về chỉ huy sở: Từ vị trí Trung Xá, cách Cẩm La gần 2 cây số, xuất hiện 15 tên lính da đen đang đi về hướng trận địa. Bọn địch chắc đã phát hiên thấy điều gì đó, nên cho quân vào đây để thăm dò! Chúng tôi phán đoán như vậỵ rồi lập tức triển khai kế hoạch tiêu diệt toán quân này nếu chúng xâm nhập vào Cẩm La. Tiểu đoàn trưởng Phạm Kim Bạo hạ lệnh: Giữ bí mật đến cùng, tuyệt đối không được nổ súng, bỏ ngỏ đường giữa làng, lừa cho địch vào hẳn trong làng rồi bao vây bắt gọn cả toán. Đại đội 77 được giao nhiệm vụ này, đã ém quân mai phục sẵn sàng. Bọn địch đã rời khỏi đường 188 đi thẳng vào Cẩm La. Càng gần đến đầu làng, chúng càng thận trọng. Vừa đi, vừa nghe ngóng, tên nào cũng lăm lăm tay súng, sẵn sàng nhả đạn. Trận địa mai phục của quân ta vẫn "án binh bất động" chờ cho tên giặc cuối cùng lọt hẳn vào làng, là xông ra bao vây bắt gọn.


Từ chỉ huy sở chúng tôi chăm chú theo dõi sát từng tên giặc dò dẫm trên đường làng, chỉ còn 2 tên nữa lọt vào trong là phát lệnh tiến công - nhưng bỗng một tràng trung liên nổ ròn rã, làm tên giặc đi đầu chết gục tại chỗ. Tiếng thét xung phong vang lên khắp xóm làng. Bộ đội, nhân dân đổ ra mọi ngả, vây chặt đội hình địch, làm chúng hoảng loạn, hạ súng đầu hàng. Hai tên còn lại ở cổng làng cắm đầu chạy trốn. Bộ đội và nhân dân đuổi theo tiêu diệt nốt. Thì ra du kích đang mang theo khẩu trung liên chiến lợi phẩm thu được - nhìn thấy mấy tên da đen đi đầu hung hăng tiến sát vào khu vực mình đang ẩn nấp liền tự phát bấm cò lia 1 băng làm nổ ra trận đánh diễn ra chưa đúng theo ý định. Bộ đội và nhân dân vô cùng phấn khởi trước chiến công của trận đánh chớp nhoáng, diệt cả 15 tên giặc, thu 15 súng, có 5 tiểu liên. Nhưng có ai biết lúc này tại chỉ huy sở, các cán bộ đang chụm đầu vào nhau bàn bạc, phán đoán tình hình, đề ra biện pháp đối phó với các tình huống có thể xảy ra. Mọi người đều cho rằng


- Có tiếng súng nổ, cả 15 tên da đen không còn tên nào quay về bốt, chắc chắn bọn địch ở Trung Xá sẽ phản ứng lại! Đồng hồ đã chỉ 16 giờ 20 phút, lệnh sẵn sàng chiến đấu và phòng chống phi pháo được cấp tốc chuyển đến tất cả các đơn vị và xóm ngõ. Đúng như dự đoán - 16 giờ 45 phút, 2 máy bay chiến đấu của địch từ phía Hải Phòng bay tới, lượn vòng gầm rú trên bầu trời Cẩm La, ném xuống 4 quả bom cháy (napan) thiêu đốt hơn chục nóc nhà. Lửa khói ngút trời chùm lên khắp xóm làng. Tiếp theo là chiếc máy bay trinh sát "Bà già" vè vè nghiêng cánh, lượn đi lượn lại, nhòm ngó mọi nơi; rồi gọi pháo binh từ đường 5 bắn về dồn dập làm 4 người dân thiệt mạng! Cả trận địa sặc mùi bom đạn, bộ đội ta vẫn bình tĩnh, cảnh giác và động viên nhau tìm mọi cách bảo toàn lực lượng, giúp đỡ dân công và nhân dân tránh bom đạn, cứu tài sản ở những gia đình đang bị lửa bom thiêu cháy!
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #47 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:36:58 am »

Trời gần về tối, tiếng đại bác địch cũng thưa đần. Nhưng địch đã cho một trung đoàn có xe bọc thép yểm trợ xuất phát từ Kinh Giao vượt qua cống Ngọ Dương (An Hải) tiến vào đường 188 (Kim Thành). Chúng lần lượt rải quân chốt giữ từng đoạn đường từ Kỳ Côi (Tam Kỳ) đến Bàng Lai (Ngũ Phúc) hình thành thế bao vây, chặn hết các điểm vượt đường rút quân của ta sang Thanh Hà!


Đến 19 giờ thì đại bác địch ngừng hẳn. Một vấn đề sống còn đặt ra, đó là - làm thế nào để bảo toàn được lực lượng? Làm thế nào bảo vệ được dân? Và làm thế nào để rút quân an toàn ra khỏi vòng vây của địch? Ban chỉ huy trận đánh đã đề ra và thực hiện mấy quyết định sau đây:

- Tất cả lực lượng bộ đội, dân công, tù binh - sau bữa cơm chiều phải rời ngay khỏi làng, lợi dụng đêm tối phân tán ra khu cánh đồng khoai ở phía tây bắc Cẩm La (nơi tiếp giáp với trại Quê Phương) để chờ lệnh và luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

- Các đồng chí lãnh đạo địa phương vận động nhân dân cất giấu tài sản, chuẩn bị hầm hố để tránh bom đạn, và tổ chức cho dân tạm lánh sang một số xã bạn.

- Các đơn vị từ bộ đội đến các bộ phận hậu cần, dân công quản lý tù binh... kiểm tra nắm chắc quân số, chấn chỉnh đội ngũ - sẵn sàng khi có lệnh thì lập tức hành quân vượt khỏi vòng vây.

- Cử các đồng chí đơn vị Kim Thành thông thạo địa bàn đi tìm đường rút quân.

Bốn quyết định cấp bách trên đây được triển khai ngay và đến 20 giờ tất cả các đơn vị đã hoàn thành phân tán ra cánh đồng.

Riêng việc rút quân là việc cực kỳ khó khăn - Tất cả các điểm có thể vượt đường 188 của ta sang đất Thanh Hà đều đã bị địch chốt giữ hết; xe bọc thép của địch liên tục chạy đi chạy lại trên đường, thỉnh thoảng dừng lại dùng đèn pha quét ra xung quanh.


Anh em Kim Thành được phân công tìm đường rút quân có những đề suất, khác nhau - Có ý kiến đề nghị đánh thẳng vào vị trí Trung Xá để buộc địch phải co về đối phó, tạo ra kẽ hở để quân ta vượt đường! Có đồng chí đề suất, chọn 1 điểm vượt đường, có địa hình thuận lợi, tổ chức lực lượng đánh vỗ mặt, tiêu diệt địch để mở đường ra!


Những cách làm đó vô cùng nguy hiểm, kẻ địch không chịu bó tay, chắc chắn đó là cách mở đường đầy xương máu của đồng đội. Do vậy, tôi đề nghị kiên trì thực hiện phương án rút quân bí mật. Với trách nhiệm cùa mình, tôi bàn ngay với đồng chí Phí Văn Quyết trung đội trưởng là người thôn Quê Phương (xã Bình Dân), có đường 188 chạy qua, thông thạo địa hình, khẩn trương đưa cả đơn vị đi tìm đường rút quân! Tất cả các hướng đi đều chạm địch chốt giữ. Riêng hướng Hải Ninh để vượt về đường qua Phù Tải bị địch phục kích bắn bị thương 2 đồng chí (đồng chí Sự vì vết thương quá nặng, sau 2 tuần lễ thì hy sinh). Tình hình lúc này tưởng như hoàn toàn bế tắc đồng chí Phạm Kim Bạo đặt ra một câu hỏi: "Đã đến lúc phải mở đường máu mà vượt ra chưa? Sau giây lát suy nghĩ, chúng tôi quyết định đi tìm đường một lần nữa - đồng chí Phí Văn Quyết đã xung phong mang một tổ 4 anh em tiến thẳng về làng Quê Phương nắm tình hình địch và đã tìm ra được một kẽ hở giữa 2 vị trí Cầu Ngông và Trung Xá. Hai vị trí cách nhau chừng 1500m, địch không chốt cố định ở đoạn đường này mà sử dụng lực lượng của Trung Xá và Cầu Ngõng tuần tra phục kích. Có lẽ vì khoảng cách giữa 2 vị trí không xa, lại nằm trong tầm bắn của đại liên nên bọn địch chủ quan - toán quân phục kích đến gần 2 giờ sáng đã kéo nhau về bốt. Đồng chí Quyết lập tức lên kiểm tra đường, cho người về báo cáo.


Ban chỉ huy trận đánh quyết định vượt qua đoạn đường này, để quân ta thoát khỏi vòng vây. Thế là các đơn vị được lệnh tức tốc nối nhau băng qua cánh đồng Phú Nội ra phía bờ sông. Các chiến sĩ Kim Thành làm nhiệm vụ chốt giữ cửa mở rút sau cùng - lúc này đã là 3 giờ sáng ngày 14/4/1952.


Cả ngày hôm trước bám trụ ở Cẩm La, mọi đường liên lạc với ban chỉ huy tỉnh đội (ở Thanh Hà) đều bị cắt đứt nhưng chúng tôi tin chắc rằng việc bố trí thuyền đón chúng tôi qua sông đêm nay đã được chuẩn bị đầy đủ. Ra đến bờ sông, người nào cũng thấm mêt, bụng đói, miệng khát, nhưng ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm vì đã ra khỏi vòng vây của địch, chỉ còn việc chờ thuyền sang sông!


Đúng như dự đoán - sau khi phát tín hiệu bắt liên lạc với bên kia sông, chỉ ít phút sau, hàng trăm chiếc thuyền nan túc trực ở ven sông và trong các ngòi lạch, ùn ùn lao đến kín cả vùng sông - nơi quân ta đang đợi, để kịp về nơi an toàn trước lúc trời sáng, đề phòng địch truy kích bằng phi pháo - chúng tôi xếp nối thuyền trên mặt nước, tạo thành cầu phao nổi cho đoàn quân sang sông nhanh chóng an toàn. Tôi và tiểu đoàn trưởng cùng tổ chốt giữ "cửa mở" sang sông cuối cùng thì trời đã mờ sáng. Vừa lúc đó, từ phía thượng lưu sông Rạng - một chiếc thuyền nan có 4 tay chèo rẽ nước lao đến - Tỉnh đội trưởng Tăng Bá Dụ cùng 4 chiến sĩ đã từ phía Lang Can băng thuyền trên mặt nước đến tận điểm qua sông đón chúng tôi! Anh sung sướng ôm chúng tôi trong vòng tay, xúc động và luôn miệng khen "Các cậu đánh đã giỏi, rút quân lại giỏi hơn!".


Sáng sớm ngày hôm ấy, chúng tôi về đến mảnh đất mà cách đây 2 ngày, chúng tôi đã hạ quyết tâm "Nhất định mang chiến thắng trở về". Đồng đội, đồng chí, cán bộ nhân dân địa phương đổ ra các nẻo đường làng mừng đón chúng tôi đông như ngày hội, khiêng vác súng đạn cho bộ đội, giúp đỡ dân công mang chiến lợi phẩm. Gặp nhau tay bắt mặt mừng mà ai cũng nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Nhất là những gia đình có người đi dân công phục vụ chiến đấu, bị kẹt trong vòng vây của địch, đã thức trắng đêm mong chờ tin tức ở chiến trường, giờ đây gặp chồng con, anh em mình, đã ôm lấy nhau khóc nức nở, như để trút đi bao nỗi lo âu đè nặng mấy ngày qua! Còn tỉnh đội trưởng Tăng Bá Dụ, các cán bộ lãnh đạo 2 huyện Kim Thành, Thanh Hà, cùng đại biểu đoàn thể địa phương thì lần lượt đến từng nhà thăm hỏi cán bộ chiến sĩ và anh em dân công. Tỉnh đội trưởng luôn luôn khen "Các cậu đánh đã giỏi, rút quân lại giỏi hơn!".


Kim Thành Xuân Mậu Dần -1998
L.V.K
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #48 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:38:02 am »

HẢI PHÒNG - KIẾN AN


KỶ NIỆM PHÁ CÀN

Nguyễn Thế Ngọc


Ngày 28 tháng 8 năm 1953, giặc Pháp thực hiện "kế hoạch Na Va", mở cuộc càn quét lớn nhằm bình định chiếm đóng huyện Tiên Lãng.

Ngay từ chiều và tối ngày 27, địch tăng cường hoạt động vận chuyển xe pháo về phân khu Đông Tạ, nhiều tàu chiến, ca nô, tầu há mồm chạy trên sông Thái Bình. Lệnh của tỉnh đội cho đại đội 331 chuẩn bị sẵn sàng chống địch càn quét.


Chiều ngày 28, ban tham mưu tỉnh đội truyền lệnh cho C331, có nhiệm vụ đánh tập kích vào trận địa pháo địch ở Đồng Tạ và phục kích đánh Ca nô trên sông Thái Bình, chi viện cho huyện Tiên Lãng.

Lúc này anh Hoàng Quang đi chữa bệnh, anh Vũ Ước quyền đại đội trưởng, giao cho tôi chỉ huy chung trung đội 5 và khẩu đội Ba zô ka ra đê sông Thái Bình tìm mục tiêu.

Đêm hạ tuần trời tối, tôi và anh Liêm già "bê phó" triển khai đội hình ven đê, đi quan sát từ bến đò Đăng đến bến đò Tăng Thịnh, nhìn rõ ca nô địch giăng sông đậu khoảng giãn cách 200 mét chiếc, xe cóc lượn le ve, đi lại soi đèn pha tuần tiễu kiểm soát mặt sông. Khi thấy chiếc ca nô đậu cách bến Tăng Thịnh chừng bốn chục mét, anh Liêm già buột miệng: "Chà ngon quá". Chúng tôi quyết định tập trung hỏa lực cả trung liên, súng trường, tiểu liên K50 bố trí yểm trợ cho khẩu đội Bazoka bò trườn tới sát mép nước triển khai đội hình.


Mấy chớp lửa sáng tiếp theo là tiếng nổ đầu nòng của ba khẩu Đazoka (một khẩu xịt/đạn thối), như ngôi sao chổi xuyên trúng thành đẩy nghiêng lệch chiếc ca nô. Lập tức hỏa lực của phân đội bắn xối xả xuống chiếc ca nô, diệt gọn một tiểu đội địch. Khi phân đội rút về đến thôn Hu Trì, thì tàu chiến địch mới nã pháo "tăng xinh" (pháo 37mm) chạy đến cứu viện. Quân địch lập tức thay đổi cách bố trí đội hình, chúng chuyển sang Tả ngạn sông Thái Bình, nhằm vô hiệu hóa súng Bazoka của ta chỉ bắn được cự ly 50 mét, thực hành bao vây cô lập huyện Tiên Lãng, cắt đứt sự liên lạc với huyện Vĩnh Bảo.


Tiếp đó, chiều ngày 29, nhận lệnh của anh Đấu (Trần Quốc Hiệu) phân đội đánh sông có nhiệm vụ phối hợp với giao thông quân sự, bố trí vào bắt liên lạc với anh Chiến (Đặng Kinh) ở trong trại lẻ thôn Kinh Lương, huyện Tiên Lãng. Phân đội được tăng cường thêm hai khẩu trung liên và ba mươi tay súng. Đơn vị triển khai trinh sát từ bến đò Cầu đến bến đò Tăng Thịnh, nắm qui luật hoạt động tuần tiễu trên sông Thái Bình của địch; chọn hướng đột phá mở đường bí mật vào huyện Tiên Lãng. Qua một đêm nữa thức trắng, tuy chưa tìm được lối vào nhưng đã nắm được qui luật hoạt động của địch. Cứ cách 200 mét địch chốt một ca nô thả neo đậu về phía tả ngạn huyện Tiên Lãng, cứ 5 phút một xe Cóc chở 3 tên: 1 chỉ huy, 1 lái, 1 xạ thủ. Súng đại liên, chạy đi chạy lại suốt đêm. Chúng liên lạc với nhau bằng vô tuyến điện thanh, từ nửa đêm về sáng chỉ còn xe Cóc hoạt động. Chúng tôi bàn kế hoạch: Cử bốn chiến sĩ dũng cảm và bơi giỏi, cùng hai giao thông viên chia làm hai tổ, trang bị thủ pháo và dao găm, phao bơi, dùng búi thòng bong và bèo tây ngụy trang. Bó bèo tây thành từng cụm, trời tối gánh lên thượng nguồn thả trôi theo dòng sông. Chúng tôi quyết định chọn điểm đột phá vào giữa hai chiếc ca nô địch đậu gần cống Nẻ phía Tiên Lãng và cống Đợn phía Vĩnh Bảo. Bộ binh và hỏa lực sẵn sàng yểm trợ kiềm chế hai ca nô địch. Để giữ bí mật, chỉ khi có lệnh mới được phát hỏa.


Nửa đêm 30 - 8, tổ xung kích số 1 đội thòng bong, bèo tây xuống ngâm mình dưới mép nước, chờ cho chiếc xe cóc vừa đi qua là lao nhanh bơi qua sông, khi nó quay trở lại thì anh em đã sang tới bờ huyện Tiên Lãng. Chúng tôi nín thở nằm yên trên đê quan sát mặt sông. Khoảng 4 giờ sáng, tổ liên lạc bơi ra truyền lệnh của tỉnh đội trưởng: "bảo nó đưa thuyền vào đón anh Minh Nhẫn bí thư và tao ra ngoài". Chúng tôi lại bàn: không thể dùng thuyền vì dễ lộ mục tiêu, chỉ còn cách đóng bè chuối. Cử 12 chiến sĩ chia làm 4 tổ: tổ 1 bơi trước buộc dây vào bè chuối vừa bơi vừa kéo, tổ 2 vừa bơi vừa đẩy, còn hai tổ "tả hữu trắc vệ" bảo vệ hai bên sườn, sẵn sàng dùng thủ pháo đánh ca nô. Trên đê Vĩnh Bảo các loại súng trong tư thế chuẩn bị bắn.


Chúng tôi đã thường xuyên vượt qua phòng tuyến sông Văn Úc của địch nên đã giúp tôi kinh nghiệm tổ chức đột phá vòng vây, đưa đón bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tỉnh đội trưởng ra huyện Vĩnh Bảo an toàn vào rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm 1953. Cũng bằng cách đó theo đường dây đã mở, bốn ngày sau giao thông quân sự và quân y tỉnh đội đã vào đón đưa hết số thương binh ra khỏi trận càn, được khu ủy tả ngạn đánh giá là một thắng lợi lớn về chính trị.


Trận phá càn Tiên Lãng đã đi vào lịch sử, những kỷ niệm phá càn vẫn còn in đậm trong tâm trí và sống mãi trong lòng đồng chí, đông bào Kiến An.

N.T.N
Chỉ huy phân đội đánh sông
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #49 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2022, 06:39:19 am »

HỒI KÝ

CHIẾN THẮNG CÁT BI (7-3-1954)
Tóm tắt


Đại tá Đỗ Tất Yến
Nguyên đội trưởng trận đánh Cát Bi
(7-3 -1954)


1. Ý đồ tác chiến ban đầu

Ngày 2 - 10 - 1953, anh Trần Nhẫn, Bí thư Tỉnh ủy, Đặng Kinh, tỉnh đội trưởng Kiến An đến xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) giao cho đại đội 295 (tôi làm đại đội trưởng) nhiệm vụ đánh BI là bí danh đặt cho sân bay Cát Bi, B2 bí danh sân bay Đồ Sơn. Anh Kinh dặn muốn làm nhiệm vụ này đại đội phải luyện tập chạy được 30 km và bơi được sông rộng. Tỉnh đồng ý đề nghị của tôi cho đại đội chuyển về xã Tam Đa (Vĩnh Bảo) ở đó thuận lợi cho luyện tập.


Sáng ngày 3 - 10 - 1953, tại nhà anh Đán, bí thư chi bộ xã Cấp Tiến, diễn ra cuộc họp có anh Nhẫn, anh Kinh, anh Trần Cư, bí thư huyện ủy Hải An, anh Giang Sơn quyền bí thư huyện ủy Kiến Thụy, anh Hoàn, trưởng ban quân báo tỉnh đội, anh Lục trưởng ban địch vận.


Trước hết anh Sơn báo cáo đã gây được cơ sở ở xã Tân Phong và ở Hòa Nghĩa nắm chắc được 3 gia đình tốt, đã cho đào hầm. Còn về hướng Đồ Sơn thì bãi sú rộng, mật thám lùng sục thường xuyên, khả năng không đột nhập được. Tiếp theo anh Trần Cư bí thư Hải An trải ra tấm bản vẽ màu tím nhạt có 2 đường chữ thập. Đó là bản vẽ của sân bay do cơ sở ta là Ký cađát (địa chính) cung cấp. Đường băng chính dài trên 2 km, đường băng phụ dài gần 2 km. Còn cách bố phòng thế nào, cơ sở ta không rõ.


Anh Hoàn, quân báo chỉ nói từ Tiên Lãng vào sân bay Cát Bi có phòng tuyến sông Văn Úc, phòng tuyến sông Đa Độ, phòng tuyến đường 14, còn cụ thể sân bay, phải chờ để trinh sát vào thì mới biết được.

Anh Lục, báo cáo đã cho nhiều hướng nhân mối, chỉ biết sân bay có nhiều hàng rào kẽm gai kiên cố, nhiều tháp canh, nhiều đèn pha, cụ thể không nắm được, tổ mật giao thì bị địch kiểm tra gắt gao.

Cuộc họp nghỉ giải lao. Anh Nhẫn và anh Kinh hội ý với nhau. Cuộc họp lại tiếp, nghe anh Nhẫn kết luận: Các anh rất cố gắng, có nhiều tin tức tốt, trong tháng 10 này, phải làm bằng được các việc sau:

- Tỉnh tăng cường cho anh Giang Sơn 5 trinh sát viên do đồng chí Thiều làm tổ trưởng dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, vào xã Tân Phong lập bàn đạp tiến sang gây cơ sở ở Hòa Nghĩa, tìm mọi cách đột nhập vào sân bay, kiểm tra kỹ cách bố phòng của địch.

- Anh Trần Cư, anh Lục khai thác thật khéo lực lượng ở sân bay, số lượng máy bay, cách bố phòng, nhưng phải thật khéo, tuyệt đối giữ bí mật.

Anh Kinh giao cho tôi về bàn với anh Văn Hiến, chính trị viên đại đội, luyện tập theo phương án và chuẩn bị đi trinh sát, chọn 2 - 3 đồng chí đi cùng.

Sau cuộc họp anh Nhẫn giữ tôi ở lại, lấy ở gói bọc ra cho tôi một gói thuốc lá Cô táp, thân mật nói: "Mình biết cậu chỉ hút Cô táp, nên tặng cậu đấy" rồi anh kéo tôi lại gần nói: "Nhiệm vụ quan trọng, cấp trên giục nhiều lắm, Yến về bàn với anh Văn Hiến chọn các đồng chí dám hy sinh hoàn thành nhiệm vụ, chú ý giữ bí mật, đi đường cẩn thận nhé". Tôi rất vui, cảm động hứa với đồng chí bí thư cứ yên tâm, đại đội 295 nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ tỉnh giao.


Chiều 3-10 tôi về đến đơn vị bàn với anh Văn Hiến thống nhất tập chạy. Đúng 17 giờ 30 phút, 3 trung đội trưởng đến nhận nhiệm vụ tập chạy từ Tam Đa đến Trung Thịnh 7 km rồi chạy về 7 km, từ Tam Đa đến cống Độn 7 km; chạy về 7 km. Trang bị súng đạn, quần áo gọn gàng, không phát ra tiếng động.


Cuộc chạy bắt đầu từ 20 giờ. Đại đội tham gia chạy cả liên lạc, trợ chiến được 112 người. Tốc độ vừa phải độ 3 km lúc đầu đội hình gọn gàng. Đến Trung Thịnh, mới chạy 8km, đội hình đã kéo dài, bản thân tôi thấy đau sóc bụng, mệt lắm. Chạy quay về đội hình còn 2/3. Từ Tam Đa đến cống Độn còn được độ 1/4. Trên đường về anh chạy, anh đi, anh ngồi thở. Về đến đích ở, tốp tôi chạy còn được 25 - 27 người lác đác tới 24 giờ mới về hết tới đích. Qua lần chạy này tôi và anh Văn Hiến thấy ngay, anh em thì khỏe, nhưng chạy chưa quen, nên hôm sau cho nghỉ một ngày, rồi cho chạy dần, luyện chạy từng đoạn, rồi mới chạy đường dài. Hôm sau các trung đội trưởng lên báo cáo, chân tay anh em đau hết cả, đang ngồi nắn bóp. Được nghe phương án luyện chạy từng đoạn, anh em đều đồng tình.


Từ ngày 5 - 10 - 1953 trở đi, cho anh em chạy từ thôn Tam Đa đến Trung Thịnh dài 7 km rồi về, cứ như thế ngày 10 - 5 - 1953, anh em chạy tốt đề nghị cho chạy dài thêm. Anh em đoán già, đoán non có lẽ sẽ đánh vào Hải Phòng hay Kiến An. Sợ lộ bí mật, đại đội phải họp cán bộ, họp tổ Đảng để chấn chỉnh.


Từ 15 - 10 - 1953 chuyển sang tập đánh máy bay thật khó, nó bay trên trời thì thấy nhưng nó đỗ ở sân bay có ai biết đâu? Tôi về hỏi bố tôi, trước đây ông thường đi máy bay tuyến Nam Định - Hải Phòng, lên máy bay thế nào ông chỉ nói gọn: "lên thì phải có thang xuống cũng phải có thang và nó cao lắm, với không tới". Tôi suy nghĩ nó cao thì phải chồng người, mà chồng người thật phức tạp.


16 - 10, anh Nhẫn và anh Kinh về thăm, tồi hỏi anh Kinh có biết máy bay thì hướng dẫn bộ đội tập. Anh Kinh nghĩ một lúc rồi nói "Hồi tớ đi Thái Nguyên, có thấy một máy bay bị bắn rơi, nó cao lắm, phải 3 tầm người mới tới".


Tối hôm đó chúng tôi tập chồng lên 3 tầm người nhưng khó quá. Anh em muốn lên 3 tầng phải có 1 cây sào giữa. Tối sau lại tập tầng dưới 3 người, tầng 2, 2 người, tầng 3, 1 người, chống sào lên được nhưng nó chông chênh lắm. Tôi cứ suy nghĩ như thế này đánh được ít lắm. Anh em lại đoán mò, cho là tập để đút thuốc nổ vào nòng pháo, lại đánh vào trại pháo thủ ở Kiến An. Chúng tôi lại phải họp chi ủy, dẹp đi sự bàn tán dễ lộ bí mật.


Đầu tháng 11 - 1953, chắc tỉnh cũng thấy khó khăn này nên giao cho chúng tôi đi nghiên cứu B2 tức là sân bay Đồ Sơn, rút kinh nghiệm để đánh BI (Cát Bi).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM