Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:11:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 4  (Đọc 2198 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:02:24 am »

Tên sách: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 4
Nhà xuất bản: Hải Phòng
Năm xuất bản: 1998
Số hoá: ptlinh, dungnuocgiunuoc


Chỉ đạo nội dung:
   - Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng
   - Ban Liên lạc đồng đội, tỉnh đội (cũ) Hải Dương - Hưng Yên.

Biên soạn:
   - VÕ AN ĐÔNG
   - ĐÀO NGỌC QUẾ
   - NGUYỄN HUY TRƯỜNG
   - ĐÀM MINH

Công tác giúp đỡ:
   - LÊ ĐỨC THỊNH   ĐT: 04. 8256135
   - MAI VĂN HÁCH   ĐT: 04. 8543993
   - PHẠM BÁCH   ĐT: 032. 858417



Lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên báo Xưa và Nay số 47 tháng 1 năm 1998. Đó là tôn chỉ, mục đích của bộ sách nhiều tập Đường 5 - Anh Dũng - Quật Khởi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:04:41 am »

Phần I
THỜI KỲ TIỀN KHỞI NGHĨA VÀ KHỞI NGHĨA


Các tỉnh có đường số 5 chạy qua rất nhạy cảm với cách mạng. 3 ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, đêm 12-3-1945 đã diễn ra trận tước súng giặc ở đồn Bần Yên Nhân (Hưng Yên). Đậy một trộn đánh du kích điển hình ở đồng bằng Bắc Bộ hồi tiền khởi nghĩa. Ngày 8-6-1945 thành lập chiến khu Đông Triều, (Hải Dương) bộ đội đã đánh với những trận vang dội, điển hình là ngày 20-7-1945, giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên.


Tại các tỉnh Kiến An (Hải Phòng), Hải Dương, Hưng Yến đã sôi sục phong trào Việt Minh, phong trào phá kho thóc Nhật tiến tới việc lập chính quyền cách mạng cấp huyện, như huyện Kiến Thụy và một số nơi khác trước cả ngày tổng khởi nghĩa 19-8-1945.


Từ ngày 22-8 đến 25-8-1945 Ủy ban nhân dân cách mạng cấp tỉnh lần lượt ra mắt đồng bào. Trong tập sách này, xin trân trọng giới thiệu một số nhân chứng lịch sử chủ chốt hồi đó viết về những sự kiện đáng ghi nhớ theo thứ tự thời gian. 
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:05:36 am »

HƯNG YÊN


NHỮNG NGÀY KHỞI NGHĨA

Hồi ký của Học Phi
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
Nhà văn - Giải thưởng Hồ Chí Minh



Sau khi tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, ngày 20-8-1945, tôi được Xứ ủy chỉ định đưa đội danh dự - một đội vũ trang đặc biệt của Đảng, xuống Nam Định phối hợp với Đảng bộ địa phương tổ chức khởi nghĩa. Việc cướp chính quyền ở Nam Định cũng diễn ra nhanh gọn như ở Hà Nội, chỉ phải đấu tranh với bọn Nhật "mất nửa ngày".


Hai hôm sau, xong việc tôi về Hà Nội để báo cáo, chỉ mang theo một đồng chí trong đội danh dự, khoảng 3 giờ chiều thì xe về đến Đồng Văn cách Phủ Lý hơn mười cây số.

Nhìn con đường về thị xã Hưng Yên tôi bỗng thấy nao nao nỗi nhớ nhà, liền nảy ra ý nghĩ về qua thăm nhà rồi sáng mai hãy đi Hà Nội, đằng nào thì chiều nay cũng muộn rồi, thế là cho xe rẽ về bến đò Yên Lệnh.

Con đường từ ga Đồng Văn về bến đò Yên Lệnh dài 14 cây số, nhiều chỗ rợp bóng cây gạo. Mấy năm trước tôi thường qua lại đây để gặp các đồng chí ở trên. Tôi còn nhớ hôm đi gặp anh Hoàng Quốc Việt để nhận chỉ thị của Trung ương thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Viêt Nam vào đầu năm 1943.  Hai bên đường hoa gạo đỏ ối, rụng ngập đỏ cả đường đi. Trên cành cây từng đàn sáo sậu vừa bay chuyền vừa kêu lảnh lót. Hôm nay tiết trời đã sang thu, hoa gạo không còn, nhưng có một màu rực rỡ hơn màu các loại hoa, đó là màu cờ cách mạng... Không đầy nửa giờ sau xe chúng tôi đã đến bến đò. Bên kia sông là thị xã Hưng Yên rồi, nước sông đang lên to, ngập mất cả bến, xe không xuống phà được. Tôi còn đang phân vân chả nhẽ đã đến đây lại phải quay trở lại, thì bà con canh nước ở một cái điếm gần đấy thấy xe có cắm cờ Việt Minh, vội chạy ùa ra xem. Thấy chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc sang sông, bà con liền bảo nhau đi lấy ván đem ra kê cho xe xuống phà. Một lần nữa tôi lại biết thế nào là sức mạnh của nhân dân. Sang qua sông, chúng tôi cho xe đi thẳng vào thị xã. Phố xá chỗ nào cũng đỏ rực màu cờ và tấp nập người đi. Ở đây hôm nay làm gì vậy? Chúng tôi được tin Hưng Yên đã cướp chính quyền từ ngày 17 rồi kia mà! Một đồng chí tự vệ đứng giữ trật tự ở đầu đường cho tôi biết là đang có mít tinh ở ngoài sân vận động. Chúng tôi liền rẽ vào sân vận động. Một biển người đang tụ tập ở đây. Người đứng vòng trong vòng ngoài san sát như nêm cối quanh bãi, đông gấp bội so với Nam Định và không kém Hà Nội mấy. Hầu hết đều nai nịt gọn gàng, một số đeo gươm, khoác súng. Chúng tôi xuống xe từ đằng xa, nhập vào dòng người hãy còn ùn ùn tiến vào trong bãi, rồi men theo rìa bãi đi về phía lễ đài. Lễ đài đặt trên sân trước một ngôi nhà hai tầng trước đây dành cho trường nữ học Đồng Khánh khi trường này sơ tán về Hưng Yên. Nhiều nữ sinh đã được chúng tôi giác ngộ cách mạng ở đây, trong đó xuất sắc nhất là Lê Bích và Nguyễn Thị Như. Sau này chị Như đã tham gia hai khóa Trung ương, khoá 4 và khóa 5 và là phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.


Ở dưới chân lễ đài tôi gặp đồng chí Lê Liêm và gần đủ các đồng chí lãnh đạo trong ban cán sự tỉnh và các huyện. Chưa kịp bắt tay hết mọi người thì bỗng có tiếng ầm ầm nổi lên tôi vội quay nhìn ra ngoài: hai đồng chí tự vệ đang khiêng một người bị trói vứt vào giữa bãi như vứt một con lợn trong tiếng hét của quần chúng:

- Việt gian!

- Việt gian! Đánh bỏ mẹ nó đi!

- Bắn vỡ sọ nó ra!

Nhiều người xông vào chỗ kẻ bị trói, định đánh thì cố tiếng hét to:

- Không phải. Không phải.

Rồi một người cao lênh khênh, mặc quần soóc, đeo khẩu súng pạc hoọc bên hông, chạy từ dưới sân lên lễ đài. Tôi nhận ra ngay là đồng chí Nguyễn Văn Chất mà ngày ở tù anh em thường gọi là Chất "Lý Toét", mặc dâu đồng chí ấy đã đỗ tú tài. Đồng chí Chất nói qua máy phóng thanh:


Không phải Việt gian. Ông này là ông Phủ Mẫn rất tốt. Ông ấy vẫn ủng hộ Việt Minh. Việt gian thân Nhật là tên Phủ Giao còn ở ngoài kia.

Mọi người, cùng ồ lên một tiếng. Đồng chí tự vệ liền cởi trói cho ông Phủ Mẫn và khiêng tên Phủ Giao vào. Đồng chí Chất báo cáo với quần chúng tội trạng của tên này rồi ra lệnh tống giam để xét xử. Tôi không nhớ sau đấy có ai nói gì nữa không, chỉ nhớ đến gần tối cuộc mít tinh mới kết thúc. Một đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa, mời đồg bào sáng mai tập trung lại để nghe thông báo danh sách Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh. Quần chúng được hướng dẫn về các nơi ăn nghỉ đã bố trí sẵn, chủ yếu là ở trường Lý Toán trong thành cũ còn thì ở các trụ sở, các trường học, các đình chùa, các nhà bà con trong phố.


Tối hôm ấy đồng chí Lê Liêm thay mặt Xứ ủy triệu tập Ban cán sự tỉnh họp ở nhà tôi để bầu ủy ban. Tôi được mời dự với tư cách là một cán bộ cũ của Hưng Yên. Trong cuộc họp tôi mới biết chính quyền địch ở toàn tỉnh đã tan rã, nhưng chính quyền cách mạng chưa thành lập được. Có tình trạng này là vì khi các đồng chí trong Ban cán sự tỉnh còn ở nông thôn, thì ở thị xã, ngày 17 tháng 8, các anh em đảng Dân chủ và một số cơ sở cứu quốc của ta ở trong phố đã nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Thực ra chỉ mới tịch thu ấn tín của viên tỉnh trưởng và tước vũ khí của binh lính bảo an binh, nhưng chưa dám tự động lập chính quyền. Trong thời gian này thì các phủ, huyện đều đã cướp chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng. Hôm nay 22-8 Ủy ban khởi nghĩa (mới được thành lập ngày 18-8 ở hội nghị Thổ Cốc, Yên Mỹ) - huy động quần chúng ở tám phủ, huyện trong tỉnh về thị xã để biểu dương lực lượng và thông báo thành lập Ủy ban tỉnh.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:07:13 am »

Vì có sự tranh chấp của các anh em bên đảng Dân chủ, nên việc cử người vào ủy ban phải cân nhắc thận trọng. Để khỏi xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ. Nếu mang tính mặt trận thì ủy ban phải gồm cả người của cứu quốc và dân chủ. Nhưng không ai biết những người đứng đầu đảng Dân chủ ở Hưng Yên là người thế nào? Khi tôi còn công tác ở tỉnh thì chưa có đảng Dân chủ, chỉ có một người tên là Việt Hùng không biết ở đâu đến, tự xưng là Việt Minh bị Nhật bắt, mới vượt ngục ra. Nhưng chúng tôi điều tra, biết rõ anh ta chỉ là thư lý của một hãng buôn Nhật, can tội thụt két, bị bỏ tù, sau trốn ra được. Hơn nữa, anh ta còn là một thanh niên trụy lạc. Khi anh ta xin gia nhập Việt Minh, chúng tôi không nhận. Chiều nay gặp anh ta trong cuộc mít tinh ở sân vận động, tôi mới biết anh đã vào đảng Dân chủ. Việt Hùng như thế thì không được rồi, đành phải chọn hai người còn lại là Đông và Nghệ, dù không biết tông tích họ thế nào. Bên cứu quốc cũng phải rà đi soát lại mãi mới chọn được ba người. Như vậy là ủy ban gồm năm người, ba cứu quốc, hai dân chủ, phân công như sau: Học - Phi chủ tịch, Hiền Phó Chủ tịch, Nguyễn Tích Chình ủy viên văn hóa, Đông kinh tế, Nghệ quân sự. (Đồng chí Nguyễn Tích Chình đến phút chót mới đưa vào thay cho đồng chí Kim (Quang) để đồng chí Quang làm công tác Đảng lợi hơn).


Họp xong tôi được giao viết thông báo ngay đem đi dán các nơi. Khi viết đến tên Hiền, tôi nghĩ bây giờ ra công khai rồi, người nào cũng phải có tên có họ, không thể chỉ có một cái tên không thôi, liền thêm họ Lương cho đồng chí Hiền. Đã hiền thì phải lương. Thế là cái tên Lương Hiền có từ đấy. Tôi cũng đặt họ cho anh em bên dân chủ, như Đông là Trịnh Quý Đông, Nghệ là Trương Công Nghệ. Đặt qua loa để viết vào thông báo, chứ cũng chẳng bàn bạc gì với anh em. Dưới thông báo ký là Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hưng Yên.


Sáng hôm sau danh sách ủy ban được công bố trong cuộc mít tinh của quần chúng họp lại ở sân vận động. Sau đó chúng tôi đến tiếp quản dinh tỉnh trưởng đã bỏ trống từ mấy hôm trước; nhưng không hiểu sao viên tỉnh trưởng Trần Lưu Vỵ vẫn còn ở lại, nhưng dọn xuống ở dưới nhà bồi bếp. Thực hiện lời dặn của Xứ ủy; nếu trong đám quan lại người nào không có nhiều tội ác với nhân dân thì cho họ làm đơn xin từ chức, tôi đã làm như vậy với tỉnh trưởng Trần Lưu Vỵ. Chính tôi đọc cho ông ta viết đơn, chứ không phải ông ta đã bỏ trốn như có người đã viết trên báo "Hải Hưng".


Chúng tôi ở ngay trong dinh tỉnh trưởng vốn là dinh công sứ cũ của tây. Không có người phục vụ. Đoàn thể phụ nữ phân công nhau mỗi ngày một người vào nấu cơm cho ăn. Việc canh gác thì có một đội tự vệ đảm nhiệm. Đội tự vệ này chỉ toàn là nữ, và đều mặc áo sơ mi, quần soóc. Mỗi khi chúng tôi ra vào, các cô đều bồng súng chào, chúng tôi phải chào lại. Thật là phiền. Mấy hôm sau đội nữ tự vệ ấy biến đi đâu không biết. Không nói với tôi, và tôi cũng không hỏi. Khỏi phải bị chào và giơ nắm tay chào lại suốt ngày là may rồi.


Hàng ngày chúng tôi sang Ủy ban làm việc - trụ sở ủy ban đặt ở tòa sứ cũ, chỉ cách dinh tỉnh trưởng có một khu vườn. Tôi và đồng chí Lương Hiền thay nhau thường trực. Nhưng ủy ban vừa được thành lập đã phải đương đầu với nạn lụt đang đe dọa, nhiều quãng đê xung yếu bị sạt lở, phải huy động hàng vạn nhân công để hàn khẩu. Hơn nữa, nạn đói vẫn chưa hết hẳn, nếu để xảy ra vỡ đê thì lại đói to, lấy gì mà cứu tế. Ngân khố thì trống rỗng, đến cả lương của viên chức cũng không có tiền trả. Ở một số nơi lại xảy ra xung đột giữa dân chủ và cứu quốc. Đảng Dân chủ do ta thành lập, nhưng khi phát triển về đến nông thôn thì đảng viên hầu hết là địa chủ, cường hào chúng chỉ tìm cách chống lại ta. Thêm vào đó là sự quấy rối của bọn phản động đội lốt công giáo. Có nơi như ở Ngọc Đồng, chúng đã giết một cán bộ của ta, lấy cớ là đồng chí cán bộ này đã cản trở việc rước lễ săng-ti của giáo dân. Khi tôi về điều tra, chúng đóng cổng làng lại, không cho vào, tôi phải dọa dùng vũ lực chúng mới chịu mở...


Khi đã qua nạn lụt rồi, chúng tôi mới có điều kiện bắt tay vào chấn chỉnh hành chính. Tôi và đồng chí Hiền thay nhau thường trực ủy ban, nhưng đồng chí Hiền đi xuống địa phương luôn, thường chỉ có mình tôi ở nhà. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa đi làm công chức hay tư chức bao giờ, thế mà bây giờ được giao phụ trách một cơ quan hành chính, lại là cơ quan hành chính đầu tỉnh. Hôm đầu ngồi vào bàn làm việc, ngoài việc tiếp khách ra, tôi không biết làm gì, chỉ hết đi đi lại lại, lại đứng tì tay vào bậu cửa nhìn ra hồ bán nguyệt đằng sau nhà. Nước hồ lấp lánh ánh bạc và lấm tấm bụi sen vàng rất đẹp. Giá lúc này được đi dạo quanh hồ một lúc thì tuyệt. Cái nghề làm bàn giấy thật khô khan. Đồng chí Tốn là một cơ sở cách mạng ở Yên Mỹ làm chánh văn phòng để giúp chúng tôi, nhưng đồng chí ấy vốn là một tiểu thương, chỉ quen ghi chép sổ sách, chứ biết lãnh đạo văn phòng thế nào! Nhân viên ủy ban thì toàn là viên chức của chính quyền cũ. Một số trước đây có quen biết tôi. Trong khi tôi chưa nghĩ ra việc gì để cho họ làm thì họ cứ ngồi nghiêm chỉnh ở chỗ của mình, đợi lệnh tôi. Ngồi mãi cũng chán, họ phải lấy sách báo ra xem, nhưng thoáng thấy bóng tôi đi qua hành lang là họ vội vàng giấu sách báo đi, rồi lại nghiêm chỉnh ngồi đợi. Đồng chí Tốn thì chỉ loay hoay ghi chép sổ sách và tính tiền chợ với các chị đến nấu ăn giúp, cứ như thế mất đến gần tuền lễ.


Một buổi chiều, tôi chợt nhớ đến chùm chìa khóa viên tỉnh trưởng giao cho hôm trước vẫn để trong cặp liền lấy ra để mở cái tủ đựng hồ sơ lưu trữ. Toàn hồ sơ về địa bạ, thuế khóa, tôi đã chán không muốn xem thì chợt để ý đến một cái sơ mi buộc dây cẩn thận, ngoài bìa có dán mảnh giấy đánh máy "hồ sơ chính trị". Tôi mang về bàn ngồi đọc. Trong tập hồ sơ dày cộp này giấy đã bị vàng ố, có đủ tài liệu về phong trào cách mạng ở Hưng Yên từ ngày Pháp mới sang đến nay. Phần đầu là tài liệu về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy hay quá! Tôi đang cần những tài liệu này đây. Mấy năm trước, Đảng bộ Hưng Yên có ra tờ báo địa phương lấy tên là "Bãi Sậy". Tôi viết một bài giới thiệu về cuộc khởi nghĩa oanh liệt này, nhưng trong hoàn cảnh bí mật, không có tư liệu, chỉ viết chung chung và rất sơ lược. Bây giờ báo "Bãi Sậy" không còn nữa, nhưng tỉnh tôi đã lấy tên là tỉnh Tán Thuật1 (Ít lâu sau theo chỉ thị của Bộ Nội vụ, các tỉnh đều lấy lại tên cũ) thì không thể không hiểu rõ sự nghiệp đánh giặc cứu nước đã một thời lẫy lừng của cha ông để giới thiệu với bà con trong tỉnh.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:08:09 am »

Mới đọc mấy cái báo cáo của tên chỉ huy đồn Bần Yên Nhân lúc ấy gọi là đại lý Bần Yên Nhân - gửi tên thống xứ Bắc Kỳ và tên công xứ đầu tỉnh, tôi đã thấy dâng lên trong lòng một niềm tự hào vô hạn về chiến công của nghĩa quân và nhân dân Hưng Yên. Mỗi cái báo cáo đều kèm theo một bản danh sách khá dài với đầy đủ tên tuổi, quê quán, cấp bậc của những tên giặc bị ta giết mà chúng gọi là "Uort à l’ennemi" chỉ một điều này thôi cũng nói lên tầm cỡ lớn lao của cuộc khởi nghĩa và sự tổn thất nặng nề của địch.


Bọn địch rất sợ nghĩa quân, vì chúng biết nghĩa quân được nhân dân hết lòng che chở, giúp đỡ. Trong tờ sao của tên công sứ Hưng Yên gửi lên phủ thống sứ Bắc Kỳ hồi ấy có đoạn viết: "Bề ngoài bọn dân quê tỏ ra qui thuận nhà nước đại Pháp, nhưng bên trong thì vẫn giúp ngầm quân giặc". Rồi nó kết luận: "Người nông dân An Nam vừa dốt nát vừa xảo trá" (Le paysan Annamite est à la fois ignoré et rusé). Lẩn trong những tờ giấy in và đánh máy còn có cả mấy tờ giấy bản viết chữ nho. Tồi cầm một tờ lên đọc chỉ tưởng là báo cáo của bọn quan lại các phủ, huyện không ngờ là bút tích của cậu cả Tuyển, một danh tướng của Bãi Sậy. Cậu cả Tuyển tên thật là Nguyễn Thiệu Sinh, con trai cả cụ Tán. Tờ giấy này là thư của cậu1 (Đến nay, các cụ già ở Hưng Yên vẫn gọi ông Tuyển bằng cái tiếng cậu kính mến ấy) gửi cho mẹ trước khi bị giặc đưa đi hành hình ở trước cổng đồn Bần Yên Nhân. Tôi còn nhớ trong thư có câu: "Nhi tử ư quốc sự, mẫu thân hà tất bi thương". (Con chết về việc nước, mẹ không nên buồn). Một mảnh giấy trắng ghim vào đầu bức thư có mấy chữ nhận xét của tên đồn trưởng Bần Yên Nhân: "Lời lẽ của phạm nhân khảng khái, nét chữ không hề run".


Tinh thần yêu nước và khí tiết sáng ngời của cậu cả Tuyển làm tôi cảm phục, xúc động bao nhiêu thì tôi càng căm thù tên việt gian bán nước Hoàng Cao Khải bấy nhiêu. Để lấy lòng Tây và để trả thù nghĩa quân đã làm nó nhiều phen khốn đốn, kể cả bị quan trên quở và các tờ báo chữ Pháp của Tây công kích, nó liền xin Tây cho quân năm tỉnh về triệt hạ cả tổng Liêu Thượng, nơi nó xuýt bị nghĩa quân bắt sống, rồi triệt hạ cả tổng Bạch Sam là quê cụ Tán. Tổng cộng 28 làng mà nó báo cáo với phủ thống sứ là "hang ổ của bọn cướp", (repaire des brigands), gần nửa tháng, suốt ngày đêm, lửa cháy rực trời. Nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng, tất cả bị cháy ra tro. Nó còn bắt bớ gia đình, họ hàng các tướng sĩ nghĩa quân, và đào mồ mả ông cha họ.


Tôi chợt nhớ đến cái nhà bia thờ nó ở thị xã, chỗ dốc nhà thương đi ra đê sông Hồng và cũng như đến cái bia nó dựng trên một quả gò ở cánh đồng giữa xá Đống Long và Phương Tòng thuộc huyện Kim Động. Việc tôi phát hiện ra tấm bia này chỉ là một sự tình cờ. Một buổi chiều hè năm 1943, tôi từ mạn trên đi tắt đường đồng về một cơ sở ở làng Phương Tòng, thấy một quả gò ở giữa đồng có bóng cây rợp mát, tôi rẽ vào ngồi nghỉ. Chợt thấy ở đỉnh gò có một tấm bia nhỏ, tôi trèo lên xem, thì ra là bia của tên Hoàng Cao Khải cho dựng ở đây để nhớ ơn "một vị nữ thần" đã cứu nó thoát chết. Sau này nghiên cứu tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết "Bà Đốc Huệ" nói về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, tôi mới biết năm 1887 nó cùng tên tướng Pháp Blanchart đem quân đánh vào đại bản doanh Bãi Sậy, bị đại bại, nó thoát chết chỉ còn một mình một ngựa chạy về đến đấy, ngoảnh lại thấy không còn nghĩa quân đuổi theo, nó xuống ngựa lên gò ngồi nghỉ. Đang thiu thiu thì nghe có tiếng la hét ầm ầm, nó giật mình mở choàng mắt ra, thấy nghĩa quân từ các cánh đồng ngô vừa la hét vừa túa ra đông nghịt. Nó hết hồn, buột miệng kêu lên: Giặc! Giặc! rồi không kịp xuống chân gò cưỡi ngựa, nó vội vàng luôn giữa các gốc cây, băng qua các bụi rậm, vượt gò sang bên kia, cởi cả áo dài vứt trong bụi, chỉ còn mặc chiếc áo cánh lụa phong phanh. Đến gần đê sông Hồng thì nó được một cô gái cứu thoát. Cô gái này người làng Bông, cô được nó trả ơn lấy làm vợ ba, bà con thường gọi là bà Ba Bông...


Sáng hôm sau tôi sang Ủy ban sớm, thảo một cái công văn gửi cho Ủy ban xã và Ủy ban huyện Kim Động ra lệnh phá ngay cái nhà bia ở thị xã và tấm bia ở quả gò thuộc hai xã Đống Long - Phương Tòng. Đoạn bảo đồng chí Tốn cho đánh máy gửi đi. Đánh máy xong, đồng chí Tốn đang cho công văn vào phong bì, thì viên chánh văn phòng của tòa tỉnh trưởng cũ tên là Sán ở buồng bên sang bảo đồng chí Tốn:

- Anh hãy cho đánh số công văn đã.

- Đánh số thế nào? Tôi hỏi.

Ông Sán quay về phía tôi:

- Thưa anh, giấy tờ officiel (giấy tờ công) thì cái nào cùng phải đánh số và lưu lại một bản.

- Thế à? Thế thì ông cho đánh số hộ.

- Dạ. Cái công văn này là công văn đầu của ủy ban thì đánh số 01, nhưng anh quên chưa cho đóng dấu.

Tôi ngớ ra :

- Dấu à? Chúng tôi chưa có.

- Thế thì để tôi cho thuê khắc ngay. Nhưng khắc thế nào ạ?

Tôi cũng không biết khắc thế nào, cứ trả lời bừa:

- Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh Hưng Yên.

Thế là từ đấy ông Sán trở thánh người giúp việc đắc lực cho văn phòng ủy ban. Nhờ có ông mà tôi biết được bộ máy của tòa sứ và tòa tỉnh trưởng cũ cùng bộ máy của các ty sở trực thuộc. Khi đã hơi thân, có lần ông tâm sự với tôi:

- Hồi làm việc với Tây, chúng tôi sợ nhất những tên sếp dốt. Sếp dốt thì bao giờ nó cũng đánh phủ đầu trước để ra oai, còn sếp giỏi thì việc gì mình chưa biết làm nó chỉ bảo cho...

Mấy hôm sau ủy ban mới có cuộc họp toàn thể. Ngoài các vấn đề khác, Hội nghị hôm ấy quyết định xóa bỏ hết các thứ thuế. Anh em phân tích thuế là một hình thức bóc lột của đế quốc, phong kiến, mình có bóc lột đâu mà đánh thuế. Khi nào cần tiền thì tổ chức quyên góp, chỉ một đợt quyên góp cũng bằng mấy năm thuế rồi. Cách mạng lên mà khống xóa thuế cho dân thì dân phấn khởi sao được, quả là nhân dân phấn khởi thật, các nhà buôn ở trong thị xã - nhất là các nhà buôn lớn - không ngớt lời ca tụng ủy ban là sáng suốt (!). Nhưng không phải đợi đến lúc Chính phủ ban hành sắc lệnh về thuế khóa mà chỉ mấy hôm sau, đến hết tháng không có tiền trả lương viên chức - khi cướp chính quyền kho bạc trống rỗng - chúng tôi đã thấy ngay sai lâm của mình.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2022, 07:08:50 am »

Đã đến ngày mồng hai tháng chín. Tôi được ủy ban Bắc Bộ triệu tập lên dự hội nghị các tỉnh từ hôm trước. Chiều hôm mồng hai cùng các đại biểu đi dự mít tinh ở Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. Sau đấy lại cùng về Bắc Bộ phủ - nay là nhà khách Chính phủ ở phố Ngô Quyền để họp với đồng chí Trường Chinh. Đang họp thì Bác vào. (Từ lúc ở Ba Đình về, Bác vẫn ngồi nghỉ trên chiếc ghế bành mây ở hành lang phía trông ra Hồ Gươm, gần bậc lên xuống). Tôi có cái may mắn được ngồi gần Bác. Từ lúc mới tham gia cách mạng tôi đã được nghe nói nhiều đến Bác với cái tên Nguyễn Ái Quốc, cũng đã được đọc văn của Bác cả tiếng Việt và tiếng Pháp, nhưng mãi đến hôm nay mới được thấy Bác. Lúc chiều thì chỉ được thấy ở trên khán đài, tôi lại đứng xa nên trông không rõ, bây giờ mới thật thấy rõ. Tôi chăm chú nhìn Bác. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương đã có lần ở báo "Tin tức" của Đảng, khi sửa lại bài của đồng chí Trần Đình Long, trong tập hồi ký "Ba năm ở Nga Xô - viết", nói về việc gặp Bác ở Đức, tôi đã hư cấu thêm một câu để tả chân dung Bác: "Dưới vầng trán cao, ánh lên một cặp mắt sáng quắc và nhân từ". Lúc này ngồi ngắm Bác tôi lại nhớ đến câu ấy, và ngạc nhiên thấy mình tưởng tượng cũng gần đúng, chỉ có cách ăn mặc và cách nói giản dị của Bác thì không thể tưởng tượng được. Tôi liếc xuống cuốn sổ tay nhỏ Bác để trước mặt, thấy hai chữ "phân công" bằng chữ Hán. Chắc Bác giỏi chữ Hán lắm, tôi nghĩ bụng. Bác ghi thêm mấy chữ nữa, rồi không cần mào đầu Bác nói ngay:

- Bây giờ cách mạng đã thành công, nhưng khó khăn còn nhiều. Đừng có đồng chí nào nghĩ rằng đã đến lúc cần được nghỉ ngơi, hưởng thụ. Các đồng chí đều đã hoạt động bí mật đã phải sống kham khổ trong bóng tối, bây giờ ra ánh sáng mà không cẩn thận, thì sẽ bị lóa mắt về những cái vật chất, ở nhiều nơi nhân dân đã kêu các ông ủy ban đi đâu một bước là ô tô, ông chủ tịch đi ô tô, ông ủy viên đi ô tô, rồi cả bà ủy viên, cô, cậu ủy viên cũng đi ô tô. Làm cách mạng là để phục vụ nhân dân, chứ không phải để thăng quan phát tài. Chỉ có người cách mạng, chứ không có quan cách mạng. Nếu không giữ mình liêm chính thì sẽ tham ô, thụt két, rồi bị kỷ luật. Thế là hỏng cả cuộc đời...

Bác chỉ nói ngắn gọn có thế thôi, nhưng mọi người cảm thấy như Bác đã nhìn thấu ruột gan mình. Cái gì chứ cái dùng ô tô bừa bãi thì hầu như không nơi nào không mắc phải, không ít thì nhiều. Không ngờ Bác đang bận trăm công ngàn việc trong buổi đầu giành độc lập mà Bác vẫn không bỏ sót một việc nhỏ nào. Một điều nữa làm tôi ngạc nhiên là đã mấy chục năm Bác bôn ba ở nước ngoài, mà lời nói và cách nói không hề bị pha tạp một tí gì của nước ngoài, vẫn nôm na, giản dị như của các ông già dạy con cháu.


Tan cuộc họp, chúng tôi ra đến cổng đã thấy các nhà báo đi săn tin, đứng trên vỉa hè rất đông. Nhiều người biết tôi, họ vây lấy tôi hỏi: "Ông Hồ Chí Minh có phải là ông Nguyễn Ái Quốc không". Tôi không biết trả lời thế nào, chỉ ấm ư ậm ừ cho xong chuyện... Sáng hôm sau trên cáo báo hàng ngày ở Hà Nội đều có bài tường thuật những lời Bác phát biểu hôm trước. Họ nhấn mạnh vào mấy tiếng quan cách mạng. Một vài tờ còn đoán non đoán già ông Hồ Chí Minh chính là ông Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ cộng sản nổi tiếng...


Một hôm, vào giữa tháng chín, tôi nhận được lệnh của Bộ Nội vụ ra lệnh tha tên tuần Ích mà chúng tôi bắt giam về tội chống cách mạng. Tên này cũng có viết văn. Cuốn tiểu thuyết Kim Anh lệ sử của y đã gây được tiếng vang trong giới trí thức và quan lại hồi ấy, vì nó đề cập đến một vấn đề thời sự: một viên tri huyện hiến vợ lẽ của mình là Kim Anh cho một tên công sứ Tây để được thăng quan tiến chức. Nhưng đến năm 1931 khi phong trào cộng sản lên cao thì y lại dịch cuốn "Moscou sans voile" sang tiếng Việt là "Mặt nạ cộng sản" để nói xấu cộng sản và xuyên tạc Liên Xô. Cuốn sách đã được bọn thống trị Pháp cho phát không về các làng, và y thì được thăng tri châu, rồi tri phủ, rồi tuần phủ. Cách mạng lên, y "từ quan" về ở ngôi biệt thự lỗng lẫy bên hồ Bán nguyệt".


Việc bắt tên tuần Ích, cả tỉnh đều biết, bây giờ phải tha nó thì biết ăn nói thế nào với nhân dân? sau khi trao đổi với anh em, tôi phóng xe lên Bắc Bộ phủ xin gặp anh Võ Nguyên Giáp lúc ấy là Bộ trưởng Bộ nội vụ. Anh Giáp cho anh Phan Bôi (Hoàng Hứu Nam) xuống tiếp. Nghe tôi trình bày xong, anh Bôi nói:

- Việc này nằm trong chính sách khoan hồng chung của Đảng đối với những người có sai lầm cũ, không thể thay đổi được, đến cả Vi Văn Định mà "Ông cụ" cũng sắp cho mời về làm việc kia.

Tôi đề nghị anh Bôi báo cáo với Hồ Chủ tịch xét lại cho chứ tha tên Ích bây giờ thì chúng tôi sẽ mất hết uy tín với dân Hưng Yên, anh Bôi lắc đầu:

- Không được đâu "Ông cụ" Rigide (cứng rắn) về nguyên tắc lắm.

Tôi vẫn nằn nì. Cuối cùng anh Bôi bảo tôi hãy chờ một lát anh phải lên làm việc với Bác để anh thử xin ý kiến của Bác xem. (Anh vẫn gọi Bác là "Ông cụ"). Lúc xong anh xuống gọi tôi lên gặp Bác. Bác chỉ ghế bảo tôi ngồi rồi hỏi ngay.

- Đồng chí cho bắt người ta có lợi gì không?

Lần đầu tiên được gặp riêng Bác, tôi rất lúng túng trong việc xưng hô, cuối cùng tôi nói:

- Thưa Chủ tịch, vì nó đã viết sách chửi cộng sản.

- Biết rồi, nhưng việc đã lâu ngày, bắt người ta bây giờ có lợi gì không?

- Thưa Chủ tịch để nó phải... phải sợ.

Tôi biết lỡ lời, định chữa lại, nhưng Bác đã hỏi:

- Thế đồng chí có biết làm cho người ta sợ hơn, hay làm cho người ta yêu hơn? Đồng chí có học chứ Nho không?

- Thưa, có học ít thôi ạ.

- Thế thì đồng chí có nhớ câu các cụ thường nói: "Xử nhân úy, bất như xử nhân ái" không? - Thấy tôi lúng túng. Bác tiếp - đồng chí nên nhớ rằng không sợ người không theo mình; mà chỉ sợ lòng mình không rộng. Đồng chí về bàn với ủy ban giải thích cho người ta hiểu chính sách khoan hồng của Chính phủ rồi tha người ta. "Không sợ người không theo mình, mà chỉ sợ lòng mình không rộng". Đã qua mấy chục năm rồi mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như in lời dạy ấy của Bác.

HỌC PHI
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2022, 07:30:43 am »

TƯỚC SÚNG ĐỒN BẦN YÊN NHÂN
(12-3-1945)


"Một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ" - Lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hoàng Thế Dũng
Nguyên Phó Bí thư ủy ban vận động
Việt Minh khu Bãi Sậy
   

Đồn Bần Yên Nhân nằm bên đường quốc lộ số 5 cách Hà Nội 26 km đối diện với xã Giai Phạm, cách con sông đào từ thời nhà Lê. Đế quốc Pháp thiết lập đồn này nhằm đánh nhau với quân khởi nghĩa của cụ Tán Thuật. Sau khi quân Bãi Sậy thất bại, Pháp tổ chức vùng này thành một đồn binh ở đây gọi là đồn Đại Lý (poste délégué). Nhiệm vụ của nó là khống chế nhân dân 4 phủ huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu và bảo vệ đường 5, con đường chiến lược nối liền cảng Hải Phòng và Hà Nội.


Cho đến ngày 12 tháng 3 năm 1945, đồn Bần có một trung đội lính khố xanh do tên quan một người Pháp là Bu Lăng Giê chỉ huy, kiến trúc đồn sơ sài, theo hình chữ nhật, một chiều 200m, một chiều 100m. Chung quanh đồn có một hàng rào dây thép gai mỏng, xen lẫn hàng cây dứa rất to. Đồn ở gần nhà thương, nhà dây thép và nhà Đoan. Trong đồn có một lô cốt chính có ba tầng bằng bê tông dày đến 60 phân, ở 2 góc, mỗi nơi có chòi canh bằng tre nứa. Đồn có khu nhà ở của Tây đồn, nhà bếp, nhà kho, nhà lính, một gian "sà lim" để giam giữ người bị bắt. Vũ khí trong đồn có 24 khẩu súng trường, 3 khẩu trung liên FM15, 2 khẩu súng săn, 1 súng lục của Tây đồn trưởng, mấy hòm đạn, lựu đạn. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau "Vùng ta mà khởi nghĩa thì thế nào cũng phải đánh chiếm đồn này".


Đồn Bần nằm lọt vào giữa A.T.K Bãi Sậy (An toàn khu) nơi có cơ quan của Xứ ủy do đồng chí Bang tức Lê Liêm phụ trách. Tôi tham gia Việt Minh vào quý đầu năm 1943. Giữa năm 1944 sau khi đi học lớp du kích về, tôi được cử làm Phó Bí thư ủy ban vận động khu Bãi Sậy, trực tiếp phụ trách thanh vận và binh vận. Tôi vận động được một lính khố xanh tên là Nguyễn Văn Việt người làng Đào Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên). Đầu năm 1945 anh Việt tổ chức thêm ba anh lính nữa, thành một tổ Việt Nam Quân Nhân Cứu Quốc hội (anh Việt sau khởi nghĩa tham gia vệ quốc đoàn, làm trung đội trưởng, đã mất hồi tháng 5 năm 1997, thọ 78 tuổi).


Trước đó, tôi dạy học ở trường tiểu học công huyện Mỹ Hào, sau bị điều đi Hòa Bình, nhưng tôi nhận được chỉ thị của trên không đi, mà ở lại hoạt động và làm binh vận. Hồi đó, để có điều kiện kiểm tra tiếp xúc với binh lính địch, và vì sinh kế, lại được đồng chí Bang (Lê Liêm) đồng ý, tôi xin làm gia sư cho Tây đồn. Thế là tôi có dịp tiếp xúc với quản Nhượng, đội Tựa, ba người cai là cai Hòe, cai Hách, cai Dinh và các binh lính trong đồn, tìm hiểu xu thế, tính cách của mỗi người. Tôi được biết quản Nhượng người chỉ huy thứ hai sau Tây đồn có vẻ cầu an, yên phận, được biết đội Tựa, người Bùi Chu Phát Diệm rất tích cực đi sục bắt rượu lậu, muối lậu, đánh đập dân khi đi tuần tra v.v...


Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội.

Đến trưa ngày 10-3, tôi chưa rõ tình hình Hà Nội ra sao. Không có báo. Cả thị trấn Bần không nhà nào có máy thu thanh cả. Tình hình phố Bần bề ngoài vẫn bình thường, nhưng nhiều nhà đã thu xếp cho trẻ con sơ tán vào các làng xa đường số 5. Người ta lo sợ và đề phòng một biến cố gì sẽ đến với cái thị trấn nhỏ này. Chỉ riêng anh em Việt Minh chúng tôi và quần chúng trung kiên lòng mừng như mở hội.


Trưa hôm ấy, tôi vẫn còn nhiều băn khoăn suy nghĩ, làm thế nào đánh chiếm được đồn này. Anh em mình trong tay không một khẩu súng. Nhân mối mới chỉ có một người tin cậy được. Lại cũng chưa nắm được hẳn bọn chỉ huy người Việt. Từ đêm 9-3 đến giờ, chưa có tin gì của Việt. Tuy qua điều tra trước đây đã biết tâm trạng sĩ quan và binh lính chán nản, cho rằng Nhật Pháp cắn xé nhau chưa biết con nào được nhưng nếu để Việt Minh lấy mất súng thì họ cũng sợ mất đầu. Thuyết phục mà lấy súng khó xong. Tay không mà xông vào nếu họ chống cự thì nguy hiểm. Lại chỉ có một đội tự vệ chiến đấu nhỏ bé trong tay! Suy đi tính lại, tôi cũng chưa biết giải quyết thế nào. Tình hình rối như mớ bòng bong. Quả là một bài toán rất hóc búa đối với tôi, một thanh niên mới tròn 20 tuổi, vừa rời ghế nhà trường chưa được bao lâu đã phải đảm đương trách nhiệm lịch sử nặng nề này.


Nhưng quá chiều ngày 10-3, Việt đã lẻn ra ngoài nhà báo cho tôi biết một tin mới. Chính cái tin cực kỳ quan trọng ấy đã đóng góp rất lớn vào việc quyết định số phận đồn Bần. Cai Hòe ở đồn nói lộ cho Việt biết có công văn tối mật của tên quan Tư giám binh người Pháp trên tỉnh cho lệnh về "cả đồn phải bó súng sẵn sàng nộp cho Nhật. Tuyệt đối cấm không được chống cự lại. Ai không tuân lệnh sẽ bị nghiêm trị theo quân pháp". Cái lệnh ấy vẫn còn giữ bí mật. Chính cái tin cuối cùng ấy đã làm đảo lộn tất cả mọi suy nghĩ trước đây của tôi. Tình hình thế là đã rõ: Pháp đã thua Nhật. Tây đồn Bần đã nhận được lệnh của Giám binh tỉnh chỉ còn chờ Nhật về thu súng. Súng ống sẽ được bó sẵn. Ta lại có nội ứng. Chỉ cần nhân mối mở được cổng đồn, anh em ta xông vào với giáo mác và mã tấu là chắc chắn chiếm được đồn vì binh lính địch tay không, muốn chống lại cũng không làm gì nổi. Tôi nghĩ ngay đến tâm lý sợ Nhật của binh lính trong đồn và kế hoạch đóng giả quân Nhật về thu súng hình thành trong đầu tôi. Thật là diệu kế.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2022, 07:31:16 am »

Tôi nói ngay với Việt: "Phải đánh ngay, không thì mất thời cơ. Mình sẽ đề nghị lên "thượng cấp" ngay". Việt cũng về ngay và tôi còn dặn với Việt: "Cậu phải theo dõi thật sát bao giờ bọn chỉ huy hạ lệnh bó súng thì tìm mọi cách báo ngay cho mình biết. Đề phòng địch cấm trại, có thể treo một chiếc khăn mặt trắng qua lỗ châu mai làm ám hiệu súng đã bố. Tôi không kịp ăn cơm, lấy ngay xe đạp phóng vội đi tìm Luật1 (Anh Luật tên thật là Nguyễn Trọng Côn, lấy bí danh là Luật nguyên là đảng viên phụ trách khu vực Bần Yên Nhân. Sau cách mạng tháng Tám, anh được cử làm Chủ tịch tỉnh Nam Định với tên công khai là Nguyễn Trọng Luật, sau làm Vụ trưởng Vụ bảo tồn bảo tàng, rồi làm Vụ phó Vụ đào tạo cán bộ Bộ y tế. Anh đã mất. Hồi ấy anh Luật làm tổ trưởng tổ thanh niên cứu quốc ở thị trấn Yên Nhân gồm 3 người lấy bí danh của tổ là tổ Kỷ Luật Sắt. Kỷ là đồng chí Trân Sâm tức Nguyễn Đình Vinh, hương sư xã Giai Phạm, sau này là Phó Bí thư thành ủy Hà Nội. Trần Sâm cũng đã mất. Sắt là bí danh của tôi) để bàn và đề nghị lên trên cho cho đánh đồn Bần ngay. Tôi nhấn mạnh với Luật là nếu đêm 11-3 tây đồn công bố lệnh bó súng thì đêm 12-3 ta phải đánh ngay. Nếu để đêm 13-3 mới đánh thì chắc chắn bọn Nhật sẽ về thu súng mất".


Luật nghe tôi nói, tỏ ra rất vui mừng và nhất trí với tôi, nhưng anh bảo tôi: "Để sáng mai mình đi báo cáo ngay với anh Bang, mình sẽ trình bày với anh kế hoạch đóng giả quân Nhật và cả tấm sơ đồ đồn Bần do Sắt chuẩn bị". Tôi rất bồn chồn chỉ sợ chậm. May sao vừa kịp tối hôm đó, anh Bang về nhà Luật hỏi: "Liệu có lấy súng đồn Bần được không? Mình vừa nghiên cứu với cán bộ Bắc Ninh xem có lấy được huyện lỵ Tiên Du không, song Tiên Du chưa có điều kiện. Luật trả lời ngay: "Tình hình đồn Bần có thể làm ăn được. Đồng chí Sắt mới cho biết có lệnh giám binh tỉnh cho đồn Bần bó súng, sẵn sàng nộp cho Nhật. Sắt có vẽ sơ đồ đồn Bàn và đề nghị dùng kế hoạch đóng giả quân Nhật về tước súng, cùng đề nghị anh huy động thêm lực lượng cho anh ấy vì ở đây chỉ vẻn vẹn có 12 người không đủ sức chọi với gần 40 quân địch". Anh Bang nói: "Kế hoạch đóng giả quân Nhật hay đấy! Phải khẩn trương chuẩn bị ngay. Chúng mình phải tranh thủ thời cơ không thì Nhật nó về lại thu mất súng. Đang lúc quân thù cực kỳ hoang mang, phải đánh chiếm đồn Bần tước lấy súng ngay". Anh dặn Luật cứ tích cực chuẩn bị ở địa phương, theo dõi sát tình hình trong đồn, anh còn đi bàn thêm với cấp trên. Ngày 11-3 anh lại về cho biết trên hoàn toàn tán thành chủ trương và kế hoạch của cơ sở. Cuộc họp được tổ chức ngay trưa hôm đó ở nhà cụ Hai Trí thôn Buộm của xã Giai Phạm, do anh Luật chủ trì gồm có cả bộ 3 tổ "Kỷ Luật Sắt", anh Nguyễn Phương Thảo (sau này lấy tên là Nguyễn Bình)1 (Anh Nguyễn Bình đã mất trong kháng chiến chống Pháp), anh Nguyễn Ngọc Vân tức Ngạnh (em ruột anh Nguyễn Ngọc Xuân Cục trưởng Cục quân giới) và anh Huỳnh tức Lê Trần Trừ2 (Lê Trần Trừ cũng đã mất sau trận đồn Bần thứ hai trong một trận quân Nhật về càn quét thị trấn). Cuộc họp đề nghị cụ Hai Trí viết chữ Hán rất đẹp, viết trên mấy chục cái băng trắng hai chữ Đại Việt và có sơn một hình tròn đỏ3 (Cờ của Nhật nền trắng có hình mặt trời đỏ ở giữa) để du kích đeo ở cánh tay giả làm đội quân người Việt thân Nhật. Các anh Thảo và Ngạnh được phân công đóng giả sĩ quan Nhật.


Về chủ trương đánh đồn Bần, về sau tôi mới biết thêm là anh Phương Thảo đi Mỹ Hào gặp anh Xuân và có nêu lên vấn đề cướp súng đồn Bần. Trưa ngày 10-3 có một cuộc họp ở nhà anh Xuân có các anh Thảo, Huỳnh, Xuân, Vân. Các anh đề nghị huy động tự vệ lấy đồn Bàn, lấy cả phủ lỵ Mỹ Hào, huyện lỵ Yên Mỹ và Văn Lâm. Hôm sau Huỳnh về cho biết trên đã quyết định chỉ cho đánh đồn Bần vì lực lượng không huy động kịp và yêu cầu phải đảm bảo chắc thắng. Huỳnh còn cho biết, trên chủ trương lấy người ở Mỹ Hào cách phố Bần độ 4,5 cây số mới kịp tham gia trận đánh. Các anh đều hoan hỉ nhất trí với chủ trương của trên.


Ngày 11, 12-3, thị trấn Bần Yên Nhân sau khi Nhật lật đổ Pháp mấy ngày cũng trở lại bình thường. Thị trấn Bần và các làng lân cận bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng bề trong một cuộc chuẩn bị chiến đấu quyết liệt được ráo riết tiến hành.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2022, 07:32:02 am »

Chuẩn bị tước súng đồn Bần.

Đêm 12-3-1945, trời tối, anh em tự vệ chiến đấu chúng tôi đi lẻ từng người một để tránh con mắt nhòm ngó của địch. Con đường từ làng tôi đến địa điểm tập trung phải đi qua xế cửa đồn Bần. Địa điểm tập trung ở trên một cánh đồng, cách ngã ba Quán Chuột chừng 200 mét và xa các làng Hoàng Nha, Thanh Đặng. Mấy anh vì phải mang mã tấu, giáo mác nên để tránh đồn Bần đi ngược lên làng Yên Phú (nay thuộc xã Giai Phạm) rồi lại đi tắt ruộng vượt qua đường số 5 và đi theo con đường Quán Chuột - Lạc Đạo đến nơi tập trung. Đêm đó, tôi đóng vai thông ngôn cho viễn võ quan Nhật chỉ huy quân về tước súng đồn Bần. Tôi có nhiệm vụ dẫn quân du kích xông thẳng đến lô cốt, nơi địch để súng đã bó sẵn và đạn dược. Vì vậy, tôi chỉ thủ một con dao găm trong người, đề phòng có đánh lộn ẩu trong lô cốt thì dùng đoản khí lợi hơn. Là một ông giáo ở địa phương, lại ra vào đồn nhiều lần dạy con Tây đồn trước nên binh lính trong đồn đều biết mặt. Đêm đó tôi đi đàng hoàng qua phía trước cổng đồn, ăn mặc chỉnh tề, thực ra chỉ có một quần tây dài và một sơ mi nâu, còn cái mũ Lie rộng vành, tôi gửi một đội tự vệ mang đi trước vì buổi tối mà lại đội sùm sụp cái mũ to thì không hợp. Trong túi quần còn một lá cao to bản để dán lên má phòng binh lính trong đồn nhận được mặt. Cái băng trắng có hai chữ Đại Việt bằng chứ Hán nằm gọn trong túi.


Theo kế hoạch khi đánh đồn xong, sáng hôm sau tôi lại tiếp tục đi dạy học1 (Hồi đó, tôi không dạy học con Tây đồn nữa. Tôi dạy học ở trường tư thục tiểu học Hồng Châu do ba anh em Kỷ Luật Sắt chúng tôi mở để có cơ sở hoạt động. Chúng tôi phối hợp với anh Nguyễn Đình Tốn là quần chúng cảm tình Việt Minh, lại là trưởng cửa hàng đại lý rượu (R.A), làm đơn đề nghị Công sứ Hưng Yên cho phép mở trường và anh Tốn làm hiệu trưởng, còn tôi có bằng đíp-lôm và học hai năm tú tài được phép làm giáo viên dạy lớp nhất và hai năm lớp nhì. Trường học nay là số 26 phố Bần trước đây là nhà của anh) như thường lệ và bí mật theo dõi tình hình bên đồn và tìm hiểu dư luận. Tôi đến địa điểm tập trung chậm vĩ lẽ nữa là đã hẹn trước với Việt nếu có gì đặc biệt quan trọng có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc chiến đấu thì đánh dấu riêng ở gốc cây gạo thứ ba. Khi qua xế cổng đồn, tôi làm ra vẻ ung dung, nhưng thực ra trong bụng rất bồn chồn và lo lắng, vì đây là trận đánh du kích qui mô đầu tiên của tôi và của tất cả các bạn chiến đấu.


Phía trong đồn vẫn yền tĩnh, đèn điện ở lô cốt chính và các gian nhà đã bật sáng làm nổi bật cái khăn trắng ngoài lỗ châu mai. Tôi yên tâm. Lúc ấy, có tiếng cười đùa, văng tục trong lô cốt. Họ đang sát phạt nhau trong cuộc đỏ đen. Tôi đi đến cây gạo đã hẹn trước, không thấy dấu hiệu gì, cẩn thận hơn, tôi đợi xem nhỡ Việt có ra ngoài bất ngờ không. 5 phút trôi qua không thấy anh ra. Mấy gian nhà lá ở phố gốc Bàng đã lên đèn, ánh đèn dầu hỏa le lói. Đi qua dãy nhà lá, tôi chạy như bay đến địa điểm tập trung. Trên con đường rải đá cách ngã ba 200 mét, đã có tới năm sáu chục người lố nhố đương rì rầm nói chuyện. Giữa lúc ấy có tiếng hô hơi to: "Các đồng chí trật tự, im lặng!". Cả đám đông rì rầm im hẳn, anh em đứng nghiêm nghe đồng chí Phúc1 (Phúc là bí danh của đồng chí Nguyễn Khang hồi đó là Thường vụ xứ ủy) thay mặt Tổng bộ Việt Minh hiệu triệu. Giọng nói đồng chí đanh thép, sôi nổi, càng về cuối càng xúc động "Các đồng chí, Nhật đã quật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Chúng là một bầy quỷ sống tham lam, tàn ác. Chúng dồn dân ta vào con đường chết. Đồng bào ta đã bị chết đói đầy đường. Nếu tình hình này cứ tiếp tục, gia đình chúng ta sẽ chết và bản thân chúng ta cũng không thoát. Chỉ có một con đường là vùng dậy đánh đuổi phát xít Nhật mới có thể cứu nước, cứu được đồng bào ta và bản thân chúng ta và gia đình. Chúng ta hoàn toàn chỉ có mã tấu, gậy, giáo mác để chống lại quân thù, nhưng sức mạnh không phải chỉ nhờ vũ khí, sức mạnh trước hết là đường lối tài tình của Mặt trận Việt Minh, là ở lòng căm thù sôi sục của toàn dân và tinh thần dũng cảm mưu trí, linh hoạt của mỗi chúng ta...".


Những lời hiệu triệu hùng hồn đanh thép và thống thiết kêu gọi mọi người dũng cảm lao vào cuộc chiến đấu đầu tiên làm cho tôi nhớ mãi. Những cảm xúc thiêng liêng dâng lên trong lòng tôi. Mấy anh em đứng bên tôi đều lộ vẻ xúc động.


Khi anh Bang phổ biến kế hoạch xong, có tiếng hô "đả đảo giặc Nhật", "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm" nho nhỏ bật ra. Không ai dám hô to, vì tuy rằng ở giữa đông không trống trải nhưng lại khá gần đồn theo đường chim bay. Công tác chính trị trước trận đánh tuy đơn giản nhưng thật là sâu sắc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2022, 07:34:46 am »

Đội du kích đầu tiên của A.T.K Bãi Sậy bắt đầu lên đường.

Theo kế hoạch, ngoài bộ phận chủ yếu có nhiệm vụ xung phong vào đồn, còn có bốn tổ hoạt động bên ngoài đảm bảo cho trận đánh. Nhóm 1 có Luật và Kỷ. Luật và một người nữa giám sát Lý trưởng Phách làng Yên Nhân (một tên phản động có thế lực ở thị trấn, về sau đã bị xử tử hình làm chấn động hàng ngũ tổng lý ở vùng này), Kỷ lảng vảng ở đầu nhà thương Bần để theo dõi tình hình có gì thì kịp báo khi đội du kích đến. Nhóm thứ hai do Lê Trung Miện và Đoàn Mậu Bách1 (Lê Trung Miện là em họ tôi, sau cách mạng làm trưởng ban tổ chức Ty công an Hưng Yên. Đoàn Mậu Bách sau này lấy tên là Đoàn Thế Hùng. Cả hai đã mất vì bệnh) được phân công gác ở cầu làng Giai Phạm để cản dân không cho ra ngoài đường 5 (về sau họ thấy có đoàn người rầm rập vào đồn, bỏ vị trí theo vào, rồi cũng ghé vai khiêng bó súng đi theo lên tận Nhạc Miếu). Nhóm thứ ba có Thắng2 (Anh Thắng là con một gia đình bán giò chả ở phố Bần. Sau làm trưởng ban quân báo trung đoàn Lạng Sơn đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp) và một người nữa có nhiệm vụ cắt dây điện thoại đường Bần đi Hưng Yên về Hải Dương và nếu thấy có bóng quân Nhật thì hỏa tốc đạp xe về báo tin ngay. Nhóm thứ tư có Chân và Công3 (Công là em họ tôi, sau được cử làm đại biểu đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào rồi làm phó ty Thủy lợi Hưng Yên. Đã mất) được phân công cắt đường dây điện thoại đi Hà Nội. Ra đến ngã ba Quán Chuột, chúng tôi đi hùng dũng trên đường số 5, mã tấu, gậy tầy cầm tay, giáo mác vác lên vai đóng giả quân Nhật về thu súng đồn Bần. Đi đầu đội quân Nhật giả này, là anh Nguyễn Phương Thảo đóng vai võ quan Nhật. Anh người cao to, mặc quân phục sĩ quan Nhật, đủ lon, ghệt, sà cột và thanh trường kiếm trông giống võ quan Nhật như lột. Tôi đi bên anh trong vai thông ngôn. Danh nghĩa vậy thôi chứ tôi có biết tiếng Nhật đâu. Nhiệm vụ của tôi là đưa đội đu kích tiến thẳng đến lô cốt chính. Đi cạnh tôi còn một sĩ quan giả Nhật nữa là Nguyễn Ngọc Vân tức Ngạnh. Anh Vân người vạm vỡ, cũng mặc quân phục sĩ quan Nhật, cũng đủ lệ bộ như anh Thảo. Ngoài ra còn mấy anh nữa đóng vai lính Nhật. Nhưng tôi chỉ nhớ có anh Chè tức Trần Phong, người thôn Bình Tân xã Yên Nhân và hai nữa đóng giả lính Nhật tôi không nhớ tên. Anh Bang, người cao lớn, vạm vỡ, ăn mặc sang trọng, đóng vai một chính khách, đại biểu Đảng Đại Việt quốc gia liên minh. Tôi cũng có trù tính đến việc bất ngờ gặp ô tô Nhật giữa đường nhưng may không chạm trán một xe nhà binh nào. Cả đội du kích chỉ có hai khẩu súng lục còn toàn vũ khí thô sơ. Khẩu súng của anh Bang cỡ 7,65 là khẩu súng to duy nhất mà chúng tôi gọi là Hổ Tướng. Còn khẩu của anh Thảo lại là khẩu súng cỡ 6,35 nhỏ síu mà chúng tôi gọi là "súng bắn ruồi". Cả đội không có lấy một quả lựu đạn nào. Những quả lựa đạn đựng trong rọ tre, chỉ là lựu đạn giả bằng quả đu đủ gọt theo hình lựu đạn và sơn hắc ín. Đội quân cách mạng của A.T.K. Bãi Sậy đêm ấy quần nâu, áo vải, chân đi đất, trang bị chỉ mã tấu, giáo mác, đinh ba nhưng thật giàu lòng yêu nước căm thù giặc quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc xuất trận đầu tiên.


Một trận đánh chớp nhoáng.

Chúng tôi đi bộ đến gần một cây số thì gần đến dãy nhà tranh lụp sụp đầu phố gốc Bàng. Ánh đèn dầu le lói hắt ra ngoài những tia sáng yếu ớt. Có nhà còn mở cửa. Một đồng chí tự vệ sách mã tấu chạy đến trước, đấm vào các cửa liếp thùm thụp và hét to:

"Tắt đèn đi! Quân Nhật về lấy đồn"

- "Không ai được ra ngoài, chết toi mạng"

Lập tức các ngọn đèn tắt phụt. Tiếng cửa liếp buông xuống loạt xoạt, Một đồng chí tự vệ chiến đấu được lệnh ở lại gác. Hai bên đường vắng tanh không còn một bóng người. Cái lô cốt ba tầng đá lù lù trước mắt. Có lệnh truyền đốt pháo giả làm tiếng súng nổ để uy hiếp binh lính địch. Mấy dây pháo tống này do Thắng đi mua ở phố phủ Mỹ Hào. Chi1 (Đồng chí Chi sau này làm ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đã mất) người làng Yên Nhân đã thủ sẵn mấy thẻ hương đốt sẵn, liền lấy pháo ra đốt. Giữa đêm thanh vắng, tiếng pháo tống nổ cứ như tiến súng vang dội. Tiếp theo đó, phía nhà thương cũng vang lên một tràng tiếng nổ to bên sườn đồn Bần do bà Hồ đốt2 (Già Hồ là mẹ anh Nguyễn Trọng Luật. Cụ là vợ một du kích quân của Đề Thám. Hồi đó cụ làm hộ lý ở nhà thương Bần và thường đem truyền đơn, báo chí cách mạng giấu trong chiếc bô tráng men đi qua trước cổng đồn rồi mới trao cho cán bộ). Đội du kích rẽ trái tiến thẳng vào đồn. Cổng đồn ở thụt sâu cách đường số 5 gần chục mét. Chè và hai ba anh nữa biết chút ít tiếng Nhật ra sức hô to. Cổng đồn vẫn đóng kín. Hai anh Thảo và Vân xổ mấy tiếng Nhật rất to cốt cho bọn lính trong đồn nghe thấy. Trong vai thông ngôn, tôi cũng lấy hết hơi hết sức hét rất to, tưởng như vỡ lồng ngực.


"Quân đội Nhật về thu súng. Ai chống cự sẽ bị chém đầu. Binh lính Việt mau nộp súng đạn cho các quan!"

Cổng đồn từ từ mở ra, Việt nhân mối của tôi đã có mặt ở giữa cổng đôn. Tôi mừng lắm. Thế là kế hoạch 10 phần đã thực hiện quá nửa. Hồi đó, tôi mới tổ chức được có một mình Việt và anh Việt cũng mới tuyên truyền được ba người lính nữa mà theo nguyên tắc tôi chưa trực tiếp liên lạc, tổ chức họ thành một tổ Quân nhân cứu hội. Rất may Việt lại vận động được gác ca tối hôm đó. Tiếc rằng thiếu kinh nghiệm, tôi đã không bàn kỹ với Việt việc sử dụng ba anh đó, không ngờ địch bó súng để ở hai nơi là lô cốt và nhà kho ở cạnh gian sà lim nên bỏ sót súng đạn. Không có kế hoạch sử dụng đúng lúc ba binh sĩ cảm tình Việt Minh để đảm bảo chắc chắn thắng lợi là một thiếu sót.


Cổng trại mở toang, cả đội quân ồ ạt tiến vào. Cẩn thận tôi kéo sụp cái mũ rộng vành xuống. Lá cao đã được dán sẳn ở má lúc đi đường. Lính trong đồn nhớn nhác :

- Nhật về! Nhật về!

- Chạy mau chúng mày ơi!

Một số khá đông từ trong lô cốt ù té chạy ra phía sau đồn đạp lên rào thép gai chuồn ra cánh đồng phía sau. Biết rõ đường đi lối lại trong đồn, tôi dẫn các anh Thảo và Vân cùng một số anh em xông thẳng vào lô cốt chính. Tôi vừa chạy vừa hét rất to:

"Quân đội Nhật về thu súng. Kẻ nào chống cự sẽ bị chém chết". Cái câu ấy không biết tôi đã hô đi hô lại đến mấy lần vì nó đánh rất trúng tâm lý sợ Nhật của binh lính. Chúng tôi xông vào cửa lô cốt thì bọn lính đã chạy trốn toán loạn gần hết. Duy nhất có một thằng chống cự lại thì bị du kích ta chém một nhát vào vai bằng sống dao. Quang cảnh trong lô cốt thật bừa bãi. Chiếu bị đạp xô đi. Nhiều quân bài tung tóe trên sàn, giày dép lộn xộn dưới chân sàn. Du kích ta đông hơn địch. Anh Thảo và Vân nhảy lên bục hét mấy tiếng Nhật, kiếm tuốt trần trong tay. Dưới chân sàn ngủ, một tên lính nằm co quắp hai tay ôm lấy đầu miệng rối rít "Lạy các quan, tha cho con!"


Một đứa nữa chui vào một xó run bần bật. Có đứa vùng chạy trốn lên tầng gác trền. Giữa lúc ấy, tiếng đồng chí Bang vang lên:

"Binh lính người Việt đâu ở yên đấy, quân đội Nhật thu súng".

Bốn năm bó súng bọc trong chiếu đã được xếp nằm gọn một góc trên sàn ngủ. Dưới chân sàn là một hòm đạn to. Chúng tôi sướng như mở cờ trong bụng. Tình hình chỗ khác trong đồn như thế nào, tôi không rõ. Chỉ nhớ rằng quân ta đã chiếm được lô cốt chính. Du kích thấy súng đã bó là hùa nhau khiêng ra. Ba bốn người xúm lại khiêng một bó súng. Năm, sáu người khác khiêng một bó súng nữa đi thẳng ra cổng đồn. Cả đoàn chúng tôi rút ra cổng đồn và bắt ba tên lính đi theo khiêng đỡ. Một đồng chí nắm áo tên lính năm co quắp ở chân sàn kéo dậy: "Muốn sống khiêng ngay một bó súng ra ô tô cho các quan". Ra quá ngoài cổng đồn, vì không thấy ô tô đâu, một đứa hỏi: "Bẩm các quan, sao đi xa thế?"

- "Ô tô quan lớn đỗ ở đâu phố gốc Bàng, đi mau".

Qua hết dãy nhà lá, tôi lệnh cho họ về hết. Họ ù té chạy về đồn. Thế là bộ phận chính đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Lúc này, các nhóm khác rút ra sau đã đuổi theo kịp. Cả đoàn đi rất nhanh, hầu như chạy, lộn xộn không còn hàng ngũ gì nữa. Vừa đi, họ vừa cười nói, kháo nhau về công việc và tình hình của bộ phận mình. Trong niềm vui lớn lao của chiến thắng đầu tiên. Trận này chúng tôi tước được 24 khẩu Mút-cơ-tông và Anh-đô-si-noa, hai khẩu súng săn, một hòm to có 6.000 viên đạn. Một số lượng vũ khí lớn nhất mà đội du kích A.T.K. Bãi Sậy lần đầu tiên cướp được. Khi đội du kích rút về ngang Đống Đền, nơi có hai cái gò con nổi lên ở gần đường thì có tin báo ô tô quân Nhật đã về đến đầu phố Bần. Ngay lúc đó, tôi hô rẽ xuống ruộng nấp sau gò. Từ cuối dãy nhà tranh, có ánh đèn pha ô tô sáng rực hắt lên trên liền trời đen kịt. Tiếng động cơ ô tô mỗi lúc một rõ. Tôi hồi hộp nhìn ra mặt đường số 5. Một chiếc ô tô nhà binh Nhật xuất hiện. Ánh đèn pha xe sau giúp tôi thấy rõ có đến hai tiểu đội lính Nhật, đội mũ sắt, lưỡi lê cắm sắn, ngồi ở phía sau chiếc xe đi đầu. Hai xe tiếp theo, mỗi xe đều có hai tiểu đội lính Nhật, vũ khí sẵn sàng. Thì ra bọn Nhật đã sớm về thu vũ khí đồn Bần. Bọn Nhật khi đến đầu nhà dây thép đã xuống xe bố trí và cho quân đến đồn thăm dò, đề phòng Tây đồn chống cự. Khi được báo tin rằng có hai võ quan Nhật và mấy người lính Nhật đến đồn thu súng rồi và vừa mới đi khỏi đồn. Bọn Nhật hò hét hối hả trèo lên xe đuổi theo. Có lẽ vì trời tối đen như mực vì du kích cướp đồn đã có súng trong tay, bọn Nhật có lẽ cũng ngại nên cho xe chạy từ từ về Hà Nội. Mấy phút sau, đoàn xe mất hút. Cả đoàn được lệnh phân tán, rút về cơ sở an toàn. Còn riêng bọn tôi, những tự vệ chiến đấu ở địa phương trở về nhà ngay để hôm sau theo dõi tình hình.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM