Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:48:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Làm người là khó  (Đọc 5509 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 03:55:49 am »


        Thủ tướng Phạm Hùng

        Các chương trước tôi đã viết đôi nét về anh Phạm Hùng. Cuộc đời cách mạng đầy kỳ tích của anh như một huyền thoại mà tôi chỉ được nghe kể. Mãi đến ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1958, anh là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban chỉ đạo “Ba xây, ba chống”, còn tôi làm Chủ nhiệm công ty thương nghiệp Hải Phòng, sau đó làm Giám đốc Sở Thương nghiệp, khi đó, tôi mới có dịp gặp anh. Anh thường trao đổi với tôi về kinh nghiệm chống tham ô, móc ngoặc, kinh nghiệm “Ba xây, ba chống” và những vấn đề về lập trường tư tưởng của người cộng sản. Ở anh là tinh thần nói thẳng, nói thật, nói đúng suy nghĩ của mình. Sau này, khi anh được điều vào làm Bí thư Trung ương cục miền Nam, tôi ít khi được gặp anh, nhưng những lần gặp nhau ít ỏi đó, anh thường kể cho tôi nghe về tình hình đấu tranh của cách mạng miền Nam, của Nam Bộ anh hùng.

        Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, khi tôi là Chủ tịch thành phố, rồi Bí thư Thành Ủy Hải Phòng thì anh là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cứ vài tháng anh lại xuống Hải Phòng một lần, có tháng xuống 2 lần. Tôi đưa anh đi xem các công trình lấn biển, mở đường tại Cát Bà, Cát Hải; xuống các làng xã, phố phường tìm hiểu đời sống nhân dân qua phong trào mở ngõ hẻm, xây dựng nhà vệ sinh... mà lúc đó Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước. Anh rất phấn khởi nói: “Thế này mới là cách mạng, mới là chủ nghĩa xã hội. Nếu chỉ nói mà không làm thì không bao giờ có cả”. Anh rất muốn từ thực tiễn của Hải Phòng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

        Tôi cũng đưa anh đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, có đợt đi hai ba ngày liền. Khi đến cống thủy nông Thượng Đồng, Trung Trang, anh nói: “Phải gọi là cụm thủy nông đầu mối, là tổ hợp tưới tiêu mới đúng tâm cỡ của nó, không thể chỉ gọi là cống”. Anh về thăm nông dân làm khoán, cầm bông lúa trĩu hạt, anh cười rất tươi và nói với tôi: “Chắc chắn miền Bắc sẽ lo được lúa gạo. Miền Nam sẽ không phải đưa gạo ra miền Bắc nữa mà dành cho xuất khẩu”. Điều anh nói nay đã thành sự thật. Con số 34 triệu tấn lương thực và hơn 4 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay đạt được thì thời đó có lẽ chỉ là giấc mơ. Chỉ có anh là dự đoán được.

        Năm 1987, tình hình kinh tế xã hội rất khó khăn do mất mùa và không nhập khẩu gạo kịp. Ở Thanh Hóa và Nghệ An đã có người chết đói. Lúc đó anh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và tôi là Phó, trách nhiệm của anh rất nặng nề. Ngày mồng 4 Tết đầu năm 1988, tôi đến nhà riêng thăm anh. Anh nói mà không cầm được nước mắt: “Tình hình khó khăn quá, tôi phải ở lại Hà Nội để chạy gạo ăn tết”. Sau Tết anh vào Nam để chỉ đạo lo vấn đề lương thực cho dân. Không ngờ mấy hôm sau thì chúng tôi được tin anh mất. Có lẽ do tận tâm, tận lực, trăn trở tìm giải pháp đưa đất nước thoát khỏi thời điểm khó khăn này, công việc đã vắt cạn kiệt sức lực của anh. Anh đã trở về bên Bác Hồ, Các Mác, Lê-nin, nhưng anh đã để lại lòng tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 03:59:37 am »


        Đại tướng Võ Nguyên Giáp

        Anh Văn tên gọi thân mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy là nhà quân sự số một của Việt Nam, rất bận công việc chuyên ngành, nhưng anh Văn rất quan tâm nghiên cứu về kinh tế. Anh hay tâm sự với tôi: “Đánh thắng giặc ngoại xâm rồi là phải làm kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, trả ơn đáp nghĩa đối với người đã hy sinh cho tổ quốc, có thực lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc...”.

        Trong thời kỳ Hải Phòng bắt đầu đổi mới, anh thường xuống Hải Phòng xem các công trường có lực lượng võ trang tham gia như quai đê lấn biển, xem đường xuyên đảo, con đường không những chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về quốc phòng. Anh ra Cát Bà, đi Tiên Lãng, anh vừa thăm hỏi bộ đội làm kinh tế, vừa xem xét bố trí lực lượng bảo vệ bờ biển. Đến đâu anh cũng gặp gỡ các chiến sĩ đang lao động hoặc đang đứng gác, trò chuyện thân mật như cha con trong gia đình. Anh em rất phấn khởi được gặp vị tướng tài huyền thoại mà họ nghĩ không bao giờ được nhìn thấy, nay lại còn được bắt tay, trò chuyện. Nhiều anh em chiến sĩ kể với tôi, sau khi Đại tướng đã ra về: “Chúng cháu nghĩ đi bộ đội chỉ mong sao được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ngờ hôm nay được gặp Đại tướng thật, cháu mừng quá! Tối nay cháu phải viết thư về gia đình báo tin mừng cho bố mẹ cháu ngay...”

        Anh đi sâu nghiên cứu tình hình nông dân và sản xuất nông nghiệp. Có lần anh xuống cả Mỹ Đức huyện Kiến Thuỵ cả một ngày. Sáng đi xem nông dân sản xuất, anh xem bà con nhổ mạ, cấy lúa, làm đất. Anh hỏi các “lão nông tri điền” rất tỉ mỉ. Mọi người vui mừng được đón Đại tướng xuống tận ruộng để thăm. Không những thế mà còn gợi ý cho bà con nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả. Anh kể chuyện một số nơi anh đã thăm có kinh nghiệm tốt, anh phổ biến lại cho bà con. Mọi người rất phấn khởi.

        Buổi chiều anh làm việc với cán bộ lãnh đạo xã tại trụ sở. Đồng chí Sự, Bí thư Đảng Ủy báo cáo công việc của xã, đặc biệt là kết quả khoán sản phẩm trong nông nghiệp, về năng suất lúa, về cải thiện đời sống cho nhân dân. Nghe xong, anh quay sang hỏi tôi: “Ông nghe học trò báo cáo có được không?”. Tôi báo cáo với anh, đồng chí Bí thư Đảng Ủy báo cáo thế là chân thật, có thế nào báo cáo thế (Anh Văn hay gọi đùa tôi là “ông thầy kinh tế”). Đại tướng rất ủng hộ chủ trương “Làm giàu đánh thắng” của Đại tướng Nguyễn Quyết, Tư lệnh liên Khu 3 (lúc đó Đại tướng Nguyễn Quyết mới là Trung tướng). Cho nên mỗi lần về thăm Hải Phòng anh lại sang thăm quân khu, hoặc ngược lại đến thăm quân khu 3, thế nào anh cũng ghé qua Hải Phòng thăm Thành Ủy, UBND Thành phố. Có lần vội về, anh ghé thăm tôi tại nhà riêng mấy phút rồi về Hà Nội.

        Tôi nghĩ ít có vị tướng nào tuổi cao mà luôn luôn đáp ứng mong mỏi của quần chúng, nhất là đối với lực lượng võ trang. Đó là điều đáng quí “Để lại non sông một chữ tình” là thế! Đối với tôi, anh Văn hơn tôi 19 tuổi, tôi vốn là hậu sinh, đàn em của anh, nhưng mỗi khi gặp tôi anh đều bảo tôi nói về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế cho nghe. Sau đó, anh có những nhận xét sắc sảo về tình hình kinh tế trong nước, cách làm ăn của ta có những ưu, khuyết điểm gì. Mỗi khi có những vấn đề kinh tế anh cần nói chuyện với tôi, anh thường gọi điện cho tôi và hẹn đến thăm. Nhưng bao giờ tôi cũng chủ động đến báo cáo với anh. Có lần anh đến thăm nhà tôi ở số 4 Nguyễn Khắc Cần, có cả chị Hà, phu nhân của anh cùng đi.

        Anh chị ngồi chơi nói chuyện với vợ chồng tôi một lúc. Rồi anh bảo tôi lên gác xem nhà ông Thành có đẹp không? Tôi mời anh lên gác xem, anh bảo chị Hà ở lại ngồi chơi với nhà tôi, anh đi ra ngoài ban công nói nhỏ với tôi: “Manoeuvre politique” bấy giờ tôi mới hiểu. Có thế thôi mà anh phải thận trọng, phải lên gác và ra ngoài ban công, mà chỉ nói nhỏ thôi. Nay tôi xin phép anh, tôi nói to cho mọi người biết. Khi tôi đến chơi nhà, chị Hà hay nói với tôi: “Anh Văn thật thà lắm? Có gì anh bảo anh Văn giúp”. Tôi thưa với chị: “Tôi là học trò đến học anh, còn chị là giáo sư sử học, chị biết câu tục ngữ của tổ tiên ta để lại “Thật thà là cha quỉ quái”, chị không nên phiền lòng. Thật thà của anh sẽ để lại “Hồng phúc” cho các cháu”.

        Những chương trước tôi đã nói về anh, có những tâm tư u uẩn trong cuộc đời hoạt động của mình vì có những người vu khống lý lịch anh...

        Tôi rất buồn khi viết đến đây. Đáng lẽ Đảng ta phải biết bảo vệ những cái tốt đẹp của từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Phải coi đó là những báu vật quí hiếm, phải gìn giữ, dồn góp lại thành những viên hồng ngọc để con cháu đời đời noi theo. Còn mỗi người chúng ta phải giữ cho mình trong sạch, lại được tổ chức bảo tồn, thì những tấm gương đó sẽ tái tạo lại ở các thế hệ kế tiếp. Trong sáng, đẹp đẽ như Bác Hồ, đã là tấm gương cho chúng ta noi theo. Tại sao ta không biết làm như vậy, mà lại làm ngược lại. Thật là tiếc lắm thay!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:03:22 am »


        Phó Chủ tịch Nhà nước Lê Thanh Nghị

        Đồng chí Lê Thanh Nghị là một nhà cách mạng lớn của Đảng và Nhà nước ta, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, người ký Chỉ thị số 100/BBT tháng 1-1981 cho mở rộng khoán sản phẩm nông nghiệp trong cả nước.

        Anh vốn xuất thân là một công nhân điện, tham gia cách mạng từ những năm 1930, anh hoạt đồng nhiều ở Hải Dương và Hải Phòng, nhất là thời kỳ tiền khởi nghĩa, anh phụ trách miền Duyên Hải, chỉ đạo khởi nghĩa Hải Phòng, làm Bí thư khu 3 thời bắt đầu kháng chiến, sau về làm Phó Bí thư Liên khu 3, Bí thư Liên khu 3. Anh lấy chị Thanh, người Hải Phòng, nên có mối quan hệ cách mạng và tình cảm gia đình với Hải Phòng rất thắm thiết. Trong những chương khác tôi đã viết về anh Lê Thanh Nghị, chương này tôi chỉ nêu một số điều về việc anh quan tâm đến phong trào của nhân dân Hải Phòng, đặc biệt của công nhân những năm 60, khi có phong trào “sóng Duyên Hải, gió Đại Phong”. Anh phụ trách công nghiệp, thường xuyên xuống Hải Phòng để chỉ đạo và đúc rút kinh nghiệm về thi đua yêu nước, dấy lên từ “Sóng Duyên Hải” làm điểm để phổ biến cho các thành phố và khu công nghiệp khác.

        Những năm 70, 80 nhất là sau ngay giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh phụ trách kinh tế, công việc bận rộn, nhưng anh vẫn giành cho Hải Phòng sự quan tâm, nhất là khi khó khăn về lương thực cho công nhân. Anh ít nói, điềm tĩnh, suy nghĩ kỹ. Với địch thì rất kiên cường, không nhượng bộ một bước, nhưng với đồng chí, đồng bào, anh không to tiếng với ai bao giờ. Đồng chí Phạm Hùng kể lại cho tôi nghe về anh Lê Thanh Nghị khi cùng tù với anh Phạm Hùng ở nhà tù Côn Đảo, anh Hùng kể: “Trong những buổi xếp hàng đi làm coóc-vê, hoặc vào phòng ngủ, anh Nghị bao giờ cũng đi trước hoặc đi cùng để đón đòn cho anh em. Địch đánh đập xua đuổi mọi người, anh cứ ung dung thư thái, đĩnh đạc, không bao giờ chạy. Địch càng đánh, anh càng đi thong thả, không nhìn ngang, nhìn ngửa, làm cho địch phải gờm. Các đồng chí khác cũng noi gương anh đi đứng đàng hoàng làm địch phải nể, bớt dùng roi vọt với anh em.”

        Khi chuẩn bị làm khoán trong nông nghiệp, Thành Ủy Hải Phòng báo cáo Ban Bí thư, anh Nghị là Thường trực Ban Bí thư, anh chú ý lắng nghe, và đi xem tình hình sản xuất nông nghiệp. Tôi đưa anh đi xem nhiều nơi ở ngoại thành. Khi chuẩn bị ra Chỉ thị 100, Văn phòng Trung ương đã chuẩn bị đưa sang anh ký, anh còn gọi tôi lên nhà riêng để xem đi xem lại từng chữ. Lúc đầu dự thảo nói thẳng là khoán đến hộ gia đình, nhưng chữ “Khoán hộ” lúc đó rất kiêng kỵ coi như phạm “huý”. Anh bảo tôi tìm chữ gì thích hợp. Tôi bàn với anh Bùi Quang Tạo, anh Hữu Thọ, trao đi đổi lại, mới tìm được cụm từ có thể được nhiều người đồng tình là: “Khoán đến nhóm lao động và lao động xã viên” đưa lên anh Nghị xem. Anh nhất trí. Sau đó anh Nghị ký Chỉ thị 100/BBT tháng 1-1981.

        “Vạn sự khởi đầu nan”, từ Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành Ủy Hải Phòng ngày 27-6-1980 về khoán trong nông nghiệp, đến Chỉ thị 100/BBT cách nhau hơn 7 tháng mà biết bao khó khăn vướng mắc, chúng tôi suy nghĩ đắn đo bao tháng ròng và các anh ủng hộ khoán ở Trung ương cũng trăn trở suy nghĩ biết bao ngày đêm để giải quyết. Đói thì đói, nhưng chỉ sợ mất lập trường, mất chủ nghĩa xã hội, mà chủ nghĩa xã hội thì có ai đã hình dung ra được cụ thể như thế nào? Chỉ biết là phải làm cho mọi người sung sướng, hoặc như Marx nói về thời kỳ cuối của xã hội xã hội chủ nghĩa là: hàng hóa phải nhiều như nước trong nguồn chảy ra, mới tiến lên cộng sản được. Thế mà một nước nông nghiệp lại thiếu lương thực, đành chịu chết đói, chỉ vì sợ mất chủ nghĩa xã hội, phá vỡ hợp tác xã. Anh Nghị tâm sự với tôi: “Đánh giặc chết người, tù đày hy sinh gian khổ, chết chóc, thì thống nhất quan điểm lại dễ. Nay làm ra gạo ăn, không phải đi xin viện trợ, đi xin viện trợ là tôi phụ trách, tôi thấy khó khăn, mình đi lắm cũng ngượng, thế mà khó quá nhỉ?”.

        Sau khi Chị thị 100 của Ban Bí thư ra được 6 tháng, anh Nghị gọi tôi lên hỏi tình hình thực hiện Chỉ thị 100. Tôi báo cáo là anh yên tâm, trúng rồi đó, quần chúng phấn khởi, lúa tốt lắm! Anh hỏi lại tôi: Sao họ nói quá thể, nhất là Ban Nông nghiệp Trung ương báo cáo, nhiều nơi phá bỏ bờ vùng bờ thửa đã qui hoạch... Họ kêu lắm!”. Tôi báo cáo anh: “Một số anh em chưa thông với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, nên hay tập hợp những mặt tiêu cực, đối khi còn nói vống lên... Anh yên tâm là tôi báo cáo đúng, không một chiều...”. Lúc đó anh Nghị mới yên tâm. Chị Thanh, phu nhân anh Nghị nói chen vào: “Mấy hôm nay anh lo lắm! Vì anh là người ký Chỉ thị 100, nếu sai họ sẽ đổ cho anh hết, hôm nay chú nói chắc vậy anh mới yên tâm”. Tôi xin phép về. Anh Nghị dặn có gì khó khăn phải cho biết ngay. Sau 3 tháng lên nói cho anh nghe kết quả.

        Đúng như anh Tô nói: “Làm mà ăn cũng khó khăn thế đấy!”. Đến năm 1989, tôi làm Bộ Trưởng Kinh tế đối ngoại, ký chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên, tôi đến báo cáo anh Nghị. Anh ngẫm nghĩ và rưng rưng nước mắt. Chị Nghị bảo “Bây giờ Ba phải vui chứ! Có gạo ăn rồi, lại có gạo xuất khẩu không phải đi xin nữa, sao Ba lại khóc...” (Chị Nghị thường gọi anh Nghị bằng Ba). Cuối năm 1990, gạo xuất được nhiều hơn, gần 2 triệu tấn, thì anh Lê Thanh Nghị của chúng ta qua đời. Một con người suốt cuộc đời lo cho dân, cho nước. Địch tra tấn, đánh đập, không một tiếng kêu, bình tĩnh, thản nhiên. Khi dân có gạo ăn lại khóc, khóc vì sung sướng, khóc vì 2 triệu người chết đói năm 1945 do nước mất nhà tan!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:05:01 am »


        Chủ tịch nước Võ Chí Công

        Những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80, anh Võ Chí Công là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách Nông nghiệp và Thủy sản. Anh thường xuống Hải Phòng làm việc và tôi mới có dịp làm việc với anh Năm Công (tên gọi thân mật của đồng chí Võ Chí Công), con người nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta. Tại Liên khu 3, Khu 6 miền Trung anh hoạt động với chức danh công khai là Đại diện Đảng Nhân dân Cách mạng trong Mặt trận Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với dáng vóc một nhà nông, khoẻ mạnh, dễ thương. Tôi gặp anh lần đầu đã thấy mến anh. Với giọng nói miền Trung, ngắn gọn, thẳng thắn, không dài dòng, đi ngay vào công việc.

        Thời gian đó, Hải Phòng đang chuẩn bị khoán trong nông nghiệp. Với cương vị Ủy biên Bộ Chính trị, anh ủng hộ ý kiến đề xuất của Hải Phòng rất tích cực. Anh nói rất đơn giản: “Để nông dân người ta cày cấy cho có gạo ăn và nộp thuế cho Nhà nước. Mỗi người có mấy sào bắc bộ có đáng là bao mà sợ họ trở thành địa chủ”. Tôi đưa anh đi xem sản xuất nông nghiệp hồi đó. Anh bảo: “Cứ để làm ăn như thế này thì đói triền miên... tôi sẽ về giúp Thành phố thuyết phục các ngành Trung ương ủng hộ Hải Phòng về khoán trong nông nghiệp”.

        Khi Hải Phòng ra NQ số 24 của Ban Thường vụ Thành Ủy, anh Võ Chí Công rất hoan nghênh và ra sức tuyên truyền cho khoán của Hải Phòng. Khi có Chị thị 100 của Ban Bí thư, có cuộc họp sơ kết khoán sản phẩm nông nghiệp ở Hải Phòng và phổ biến Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, về việc mở rộng khoán ra toàn quốc, được tổ chức tại Hải Phòng trong 2 ngày. Ngày hôm sau tổng kết hội nghị, đáng lẽ anh Tố Hữu Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư sẽ xuống Hải Phòng tổng kết, nhưng vì bận nên anh Võ Chí Công thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổng kết hội nghị. Trong hội nghị này có một số đại biểu chưa thông với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, có ý kiến không tán thành. Nhưng khi tổng kết, anh Võ Chí Công nói: “Khoán là đúng rồi, các đồng chí đừng sợ. Nếu khoán làm cho trời sụp đổ, tôi sẽ chịu trách nhiệm.”. Ở những bước ngoặt lịch sử trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng kinh tế, phải có những đồng chí dám quyết đoán như vậy mới đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vượt qua được khó khăn, đặc biệt những lúc gay cấn, khắc nghiệt, nếu do dự kéo dài chỉ khổ cho nhân dân, gây tổn thất cho cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:22:23 am »

 
        Anh Lê Đức Thọ, anh Tố Hữu

        Hai anh như hai ngôi sao đổi ngôi cho nhau. Anh Lê Đức Thọ nhà chính trị xuất sắc, nhà ngoại giao nổi tiếng ở Hội nghị Paris lại quan tâm làm thơ. Còn anh Tố Hữu nhà thơ cách mạng vĩ đại lại sang làm kinh tế. Hai anh có duyên nợ với nhau, tôi là người đứng giữa cũng được “thơm” lây và cũng bị “vạ” lây.

        Về hai anh trong các chương trước tôi đã viết. Chương này chỉ kể vài chuyện về hai anh đối với Hải Phòng và cá nhân tôi.

        Hai anh đều rất quí mến Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng, nhất là thời kỳ đổi mới của Hải Phòng, hai anh đều quan tâm, có những lời khen động viên phong trào và cá nhân tôi rất chân thành.

        Anh Tố Hữu lại có cả bài thơ “Mừng Hải Phòng” tôi đã nhắc ở chương trước. Ở đây tôi chỉ nói bài thơ có 12 câu này, đã có người phản ảnh sai sự thật và anh Lê Đức Thọ đã phê phán tôi tại Hội nghị các Trưởng ban Tuyên huấn toàn quốc, trước thềm của Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986).

        Năm 2000, tôi gặp anh Tố Hữu cùng đi họp ở Quốc hội. Anh Tố Hữu nhắc tới bài thơ “Mừng Hải Phòng”. Tôi báo cáo anh Tố Hữu: “Được anh khen mà tôi xuýt chết đấy!” Tôi kể cho anh nghe, anh bảo tôi: “Thế cơ à, mình không biết”. Anh Tố Hữu không những chỉ khen bằng thơ mà lúc đó anh là Phó Thủ tướng Thường trực, đi đâu, có gì hay, hoặc có điều gì không rõ, anh đều đến Hải Phòng phổ biến kinh nghiệm tốt, bàn bạc những vấn đề chưa sáng tỏ. Anh đi kiểm tra Hải Phòng từ nội thành đến ngoại thành, xem công trường quai đê lấn biển Đồ Sơn...

        Tết âm lịch 1982, ngày 30, anh từ Quảng Ninh về, tôi mời anh ở lại ăn bữa cơm “tất niên” rồi sẽ về Hà Nội. Ăn cơm xong, trước khi ra về anh đọc cho tôi nghe bài thơ anh mới sáng tác ở Quảng Ninh “... Đêm 30 riêng một ngọn đèn; Dở, hay khôn, dại những chê khen...”. Anh bảo tôi góp ý kiến. Tôi không dám góp, vì ngôn từ và ý của anh đã chuẩn lắm rồi, tôi cho rằng bài thơ in ra sẽ có nhiều người khen về tâm tư thực của nhà kinh tế quốc gia, song chắc sẽ có người chê. Đúng như vậy, khi bài thơ in ra có nhiều ý kiến khen chê, có cả ý kiến xuyên tạc. Sau Tết anh gặp tôi, nhắc đến bài thơ đó. Anh bảo: “Đời là thế đấy, Thành ạ! “.

        Anh Lê Đức Thọ sau khi nhận được bài thơ trọn vẹn 12 câu của anh Tố Hữu “Mừng Hải Phòng”, anh không nói gì, tỏ vẻ nghĩ ngợi. Mãi đến năm 1990 trước khi qua đời khoảng 30 ngày, anh Lê Đức Thọ bảo tôi đến chơi. Anh bảo các đồng chí bác sĩ, bảo vệ ra ngoài. Anh nói chuyện với tôi khoảng 40 phút, tôi vừa nghe vừa bóp tay cho anh, vì anh đang bị đau tay và vai bên phải do bệnh ung thư hành hạ. Anh rất tỉnh táo nói với tôi nhiều chuyện tâm phúc, mang tính dặn dò đàn em trước khi từ biệt cõi đời. Cuối cùng anh nói: “Ngay bài thơ của anh Tố Hữu mừng Hải Phòng, họ cũng phản ảnh sai sự thật...

        “Thôi nhé cậu về”. Tôi bắt tay anh, đứng dậy chào anh ra về. Vài hôm sau anh vào bệnh viện 108 và qua đời. Trước khi anh mất 3 ngày, tôi còn vào bệnh viện thăm anh, anh chỉ gật đầu mà không nói được.

        Tôi và anh Lê Đức Thọ có duyên gặp nhau khi đến thăm anh Lê Duẩn, tháng 5-1986. Khi tôi ở Hải Phòng đến thăm anh Lê Duẩn đang ốm ở nhà biệt thự số 10 Hồ Tây, thì gặp anh Lê Đức Thọ vừa ra khỏi cổng. Năm 1988 lần giỗ thứ hai ngày mất của anh Ba, tôi đến thắp hương cho anh, lại gặp anh Lê Đức Thọ ở giữa sân. Anh vừa vào thắp hương cho anh Ba xong. Tôi chào anh, hỏi thăm sức khoẻ anh, rồi tôi vào thắp hương cho anh Ba. Giáo sư, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại, con rể anh Ba ra đón tôi. Hồ Ngọc Đại nói: “Anh Lê Đức Thọ vừa khen anh”. Tôi hỏi: “Khen thế nào?” Đồng chí Hồ Ngọc Đại nói: “Anh Thọ khen ba tôi chọn anh là chính xác”. Tôi suy ngẫm lại, sau Đại hội 6, anh Thọ quả có quan tâm đến tôi thật.

        Các anh Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Tâm, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Tùng, Vũ Oanh, Nguyễn Quyết, Lê Quang Đạo... cũng rất quan tâm đến cuộc đổi mới của Hải Phòng.

        Anh Nguyễn Duy Trinh 30 Tết năm 1981 còn xuống Hải Phòng, bàn biện pháp tìm ra vốn để phát triển sản xuất, khai hoang lấn biển.

        Anh Trần Quốc Hoàn, mồng 2 Tết năm 1982 xuống thăm và chúc Tết nhân dân Hải Phòng, xem khoán sản phẩm trong nông nghiệp kết quả ra sao. Anh bảo tôi: “Thiếu lương thực thì phải khoán thôi, sau này có đủ lương thực rồi phải nghĩ cách nào vừa có lương thực, vừa giữ được hợp tác xã”. Tôi báo cáo với anh: “có thực mới vực được đạo” có đủ lương thực ăn, nhân dân no ấm, được học hành sẽ nghĩ được nhiều cách làm tốt hơn, phát triển được sản xuất, lúc đó nông dân sẽ tự nguyện cùng hợp tác làm ăn, lúc đó hợp tác xã mới có thực chất và vững mạnh. Anh bảo tôi: “Thế thì tốt quá!” Tôi biết anh vẫn còn phân vân với khoán sản phẩm trong nông nghiệp.

        Anh Văn Tiến Dũng, anh Chu Huy Mân, hai vị Đại tướng tuy rất bận công việc quân sự, nhưng hai anh hàng năm vẫn xuống Hải Phòng thăm đất cảng làm ăn. Có lần họp Trung ương, anh Văn Tiến Dũng bảo tôi sang sân bay Bạch Mai đi trực thăng với anh về Hải Phòng quan sát hệ thống phòng thủ bờ biển và khai hoang lấn biển của lực lượng vũ trang ở Vinh Quang, Tiên Lãng... Sau đó anh về quân khu 3, hôm sau đi thăm Cát Bà, Cát Hải, thăm một số hợp tác xã nông nghiệp ngoại thành. Anh rất vui về một thành phố công nghiệp đã tự túc được lương thực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:26:06 am »


        Anh Chu Huy Mân đi thuyền, lội bãi lầy ra thăm bộ đội đào kênh Cái Tráp, cắt ngang huyện Cát Hải, từ Lạch Huyện sang sông Bạch Đằng, rút ngắn hơn 20 km đường thủy từ Hồng Gai về Hải Phòng không phải qua sông Chanh, sông Ruột Lợn của Quảng Ninh và Thủy Nguyên, rất thuận lợi cho vận tải biển. Hải quân xuất kích ra biển cũng rút ngắn được khá nhiều thời gian. Anh Chu Huy Mân khen những suy nghĩ của lãnh đạo địa phương đã kết hợp kinh tế với quốc phòng rất chặt chẽ, một công đôi việc, tiết kiệm được xăng dầu, thời gian, sau này cảng Hải Phòng mở rộng ra biển thì lại càng có hiệu quả lớn.

        Anh Nguyễn Thanh Bình là người luôn luôn suy nghĩ tìm cách cải tiến quản lý kinh tế và luôn luôn ủng hộ cái mới. Anh nhìn nhận vấn đề đổi mới rất nhanh. Anh lúc nào cũng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám khuyến khích động viên họ. Anh thẳng thắn phê bình tư tưởng bảo thủ, chế độ ban ơn, xin, cho, của một số cán bộ lãnh đạo lúc đó. Đối với Hải Phòng đổi mới, coi như anh ủng hộ tuyệt đối. Anh luôn luôn động viên giúp đỡ Hải Phòng đi lên, nhất là khi chuẩn bị làm khoán, có nhiều lực cản ghê gớm. Anh phê phán rất quyết liệt những hành động cản trở nhân tố mới ra đời.

        Anh Nguyễn Đức Tâm, nhà tổ chức thận trọng và khiêm tốn. Anh nghiên cứu về cán bộ, hoặc đi thăm những nơi sản xuất, đến các công trình của Hải Phòng. Anh suy nghĩ cách làm, gợi ý nhỏ nhẹ cho địa phương suy nghĩ từng việc cụ thể, để thực hiện cho tốt. Anh làm tổ chức nên rất quan tâm đến quá trình hoạt động của cán bộ. Anh lo cho những cán bộ chủ chốt có được một lý lịch chân thực trong sạch, không còn hiện tượng man khai lý lịch, lừa dối tổ chức để lên chức lên quyền. Đối với cá nhân tôi, tôi biết anh theo dõi và nghiên cứu tiểu sử cá nhân tôi rất kỹ. Nên khi một số người xấu vu khống lý lịch tôi, anh thường đặt đi đặt lại câu hỏi rất nhiều lần với tôi: “Anh phải xem kỹ, đằng sau vấn đề này là vấn đề gì? Chẳng nhẽ hơn một chục cán bộ chủ chốt của Hải Phòng không có thù ghét gì với anh, họ chẳng có một chút chứng cứ gì trong tay, mà dám ký tên tập thể tố cáo anh, tại sao? Cần suy nghĩ tìm ra cho được nguyên nhân”. Tôi phải khất lại để suy nghĩ và tìm hiểu, không thể suy diễn bừa được. Đến ngày 2-8-2003 tôi đã tìm ra nguyên nhân để trả lời câu hỏi khó khăn phức tạp đó.

        Tháng 1-2004, tôi gặp anh. Tôi tưởng bây giờ anh đã nghỉ, chắc anh cũng quên việc của tôi. Không ngờ sau những câu chuyện thông thường. Anh lại nghiêm nghị hỏi: “Cái việc anh Tô Duy, anh đã tìm ra cái gì ở đằng sau đó chưa?” Hôm đó tôi báo cáo với anh, tôi đã tìm ra rồi. Đó là anh Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta chỉ đạo anh Tô Duy vu khống tôi hơn 20 năm qua. Anh Tâm bảo tôi: “Có thế chứ, vô lý những con người đó tự nhiên lại ký và tố cáo dai dẳng. Khi tổ chức đã kết luận và đã chúng minh đầy đủ họ sai, nhưng họ vẫn làm, vậy phải có nguyên nhân sâu xa. Tôi làm tổ chức tôi hiểu điều đó rất rõ”. Rồi anh thở phào nhẹ nhõm, như vừa trút được một gánh nặng. Tôi báo cáo anh, tôi cũng thấy buồn, tôi không nghĩ con người đó lại là con người như vậy, buồn cho mình, buồn cho Đảng ta.

        Anh Đồng Sĩ Nguyên, một nhà hành động thực tiễn. Anh luôn xông pha vào những nơi khó khăn gian khổ, từ tư lệnh Đoàn 559, bí hiệu của Binh đoàn Trường Sơn, phụ trách hàng nghìn km trong rừng sâu. Anh thường giới thiệu với tôi về động Phong Nha - Kẻ Bàng, và bảo tôi giới thiệu với bên ngoài và kêu gọi đầu tư. Tôi đã giới thiệu với khách nước ngoài về “Động” nổi tiếng của Việt Nam.

        Tháng 6-2004 trong dịp vào dự Festival Huế, tôi đã đi thăm những nơi anh giới thiệu, như động Phong Nha - Kẻ Bàng, Nghĩa trang Trường Sơn, Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc và đường Hồ Chí Minh đang xây dựng. Tôi đã đi hơn 200 km đường Hồ Chí Minh từ Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh, tôi lại suy ngẫm về con người anh Đồng Sĩ Nguyên, tuy tuổi già, vẫn nhận làm phái viên Chính phủ, chỉ đạo và làm cố vấn cho các công trình. Khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông anh thường về Hải Phòng làm việc với tôi. Anh em ý hợp tâm đầu, công việc bàn xong là quyết, là làm, không bàn đi bàn lại vòng vo mất thì giờ. Khi giải quyết công việc của Cảng, mở rộng đường 5, đường xuyên đảo Đình Vũ, đào kênh Cái Tráp... bàn đến đâu chúng tôi nhất trí với nhau rất nhanh và bắt tay vào việc.

        Tôi biết anh khi anh là Phó Tổng Tham mưu trưởng, từ những năm 1964-1965, anh về bàn với Hải Phòng chuẩn bị mọi điều kiện chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Từ đó cho đến sau này lên Trung ương làm việc với anh trong Thường Vụ Hội đồng Bộ trưởng, tôi thấy lúc nào anh cũng năng nổ, bàn hết việc này đến việc khác, suy nghĩ cách làm cho có hiệu quả. Có đồng chí nói anh Đồng Sĩ Nguyên thuộc phái bảo thủ. Nhưng anh làm việc với tôi, cho đến hôm nay, tôi vẫn thấy anh là người hành động, ít bàn lý sự dông dài. Còn tôi ở Hải Phòng là một trong những địa phương đổi mới sớm nhất, những vấn đề như khoán trong nông nghiệp, bỏ tem phiếu, xóa bỏ chế độ bán gia cầm, lợn cho nông dân... tôi trao đổi với anh, anh rất đồng tình. Anh còn nói nông dân khổ lắm. Kháng chiến, hầu hết là nông dân ra trận. Vợ con ở nhà làm ruộng đóng góp lúa gạo cho chiến trường, hai sương một nắng khổ lắm! Nay bớt cho bà con thứ nào hay thứ đó. Nhưng anh có suy nghĩ kỹ, anh hỏi lại tôi: “Thế ông Thành đã nghĩ lấy gì cho bộ đội ăn chưa?”. Tôi đã phân tích về cách giải quyết cái ăn, cái mặc cho lực lượng võ trang và cán bộ công nhân viên. Anh nghe xong nói ngay: “Thế thì tôi giơ cả hai tay ủng hộ ông”. Rồi “khịt, khịt” vài ba cái, anh nói: “Ông nghĩ hay đấy, làm đi”. Tôi chưa thấy một lời nói, một việc làm “bảo thủ” của anh với tôi cả. Đến nay con người hành động Đồng Sĩ Nguyên vẫn đi bộ dọc Trường Sơn, để chỉ đạo một con đường dài hơn 2500 km, xuyên Việt. Tất nhiên đã có đường nhựa bóng lộn, chẳng nhẽ lại không đi ô tô. Tôi đã đi trên 200 km nhựa bê tông bóng loáng, một còn đường dài nhất xuyên qua Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây mang tên Bác. Tôi đi trên đoạn đường hơn 200 km, chỉ mong gặp anh Đồng Sĩ Nguyên để nói một câu: “Anh đã để lại dấu chân anh trên dọc con đường này trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nay dấu chân anh để lại trên con đường nhựa dài suốt từ Việc Bắc đến đồng bằng Nam Bộ, đến Năm Căn, Cà Mau”. Xây dựng con đường này đã kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhất là du lịch, rất hay. Tôi mới “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng thấy những nhánh đường rẽ vào nghĩa trang Trường Sơn, vào Phong Nha - Kẻ Bàng rồi ra ngã ba Đồng Lộc, nói rõ nét ý tưởng của nhà hoạch định ra con đường huyền thoại này. Đi một đoạn đường ngắn mà thấy mình trẻ lại. Chỉ có điều là đường còn hẹp, nhiều đoạn không bắc cầu qua suối, đường phải uốn theo sườn núi ngoằn ngoèo, khúc khủyu, làm cho tốc độ xe bị giảm nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:29:09 am »


        Các anh Hoàng Tùng, Vũ Oanh, Nguyễn Quyết, Lê Quang Đạo. Khi ấy các anh là Ủy viên Ban Bí thư, các anh là những người đầu tiên ủng hộ khoán trong nông nghiệp. Anh Hoàng Tùng lúc đó là Trưởng Ban tuyên huấn, anh luôn đưa những nhà báo ủng hộ khoán như: Hữu Thọ, Lê Điền, Thái Duy... theo sát tình hình Hải Phòng và có những bài báo đấu tranh nảy lửa trên báo chí để ủng hộ khoán. Anh Hoàng Tùng mỗi khi về Hải Phòng, thường bàn với anh Bùi Quang Tạo và tôi những cách xử sự của Trung ương, để làm cơ sở mở rộng khoán ra cả nước. Anh tha thiết với phong trào Hải Phòng về cả lý trí và tình cảm. Con người đã 2 lần làm Bí thư Thành Ủy Hải Phòng, mặc dù mỗi lần vài ba tháng trong những năm đầu cách mạng tháng 8 mới thành công. Đến nay anh Hoàng Tùng còn để lại nhiều kỷ niệm với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng.

        Anh Vũ Oanh, tôi đã nói ở chương trước, anh say mê với đổi mới của Hải Phòng, nhất là nông nghiệp. Khi anh làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, anh thường xuyên xuống Hải Phòng rút kinh nghiệm và góp nhiều ý kiến cho địa phương. Một tầm nhìn xa và tiên đoán sớm của anh là: “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp là chìa khóa vàng.”. Nay nó không phải là chìa khóa nữa mà là “kho vàng”. Anh Nguyễn Quyết, khi anh là Tư lệnh, Chính Ủy quân khu 3, anh đã cùng Đảng Ủy quân khu đề ra phong trào “Làm giàu đánh thắng”, đã góp sức toàn quân cùng các địa phương khai hoang lấn biển, mở rộng địa bàn, bảo vệ miền duyên hải. Anh rất quan tâm giúp đỡ địa phương, bất cứ lúc nào Hải Phòng yêu cầu cái gì là Quân khu ủng hộ ngay, từ lực lượng lao động, đến phương tiện vận tải mà quân khu có. Anh đã đóng góp cho Hải Phòng trong những công trình lớn như đắp đê đường 14 Đồ Sơn, đường xuyên đảo, đào kênh Cái Tráp. Anh là nhà quân sự kỳ cựu, một vị Đại tướng, nhưng nhìn về kinh tế anh cũng có cái nhìn sắc sảo. Phải có kinh tế mạnh mới có quốc phòng mạnh. Khi làm Tư lệnh Quân khu, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, anh đã huy động quân đội làm kinh tế để bổ sung bữa cơm, cho chiến sĩ có lương thực, thực phẩm khá hơn, doanh trại xây dựng khang trang hơn, từng bước góp phần cải thiện đời sống cho lực lượng vũ trang, không chỉ trong quân khu mà cả nước.

        Anh Lê Quang Đạo, anh theo sát tình hình khoán Hải Phòng chặt chẽ để ủng hộ, nhưng có nhiều lo lắng. Trong các cuộc họp Quốc hội, hễ anh gặp tôi là hỏi kết quả khoán ra sao? Trên Trung ương lắm ý kiến khác nhau lắm, anh thường thông tin cho tôi biết những ý kiến trái chiều để đề phòng. Anh hỏi thăm ý kiến các đồng chí chủ chốt trong Bộ Chính trị ra sao, nhất là ý kiến anh Trường Chinh. Anh lo ngại ở cái “post” đó. Hình như trước đây đã có thời kỳ anh làm Thư ký cho anh Trường Chinh thì phải (?). Tôi thấy anh biết rất chi tiết về tính tình và phong cách làm việc của anh Trường Chinh. Anh khuyên tôi phải lay chuyển được cái “post” quan trọng đó thì khoán mới thành công trong cả nước. Nếu không chỉ “khoán chui” thì kinh tế khó khăn vẫn y nguyên. Anh Lê Quang Đạo là con người cẩn thận, anh mỗi lần nói anh lại nhắc tôi: “Tôi chỉ thông tin cho anh biết thôi nhé, để chọn lựa cách làm việc cho kết quả”. Tôi hiểu ý anh.

        Ngoài các anh tôi đã nhớ được, tôi nêu ở chương này, còn biết bao nhiêu đồng chí Ủy viên Trung ương khác, như: đồng chí Hồ Nghinh, đồng chí Vũ Quang, đồng chí Trương Kiện... đã hết lòng ủng hộ Hải Phòng, để Hải Phòng bứt ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp. Tôi rất biết ơn các anh vì sự nghiệp chung của đất nước. Có anh còn lo cho cả cá nhân tôi. Nếu khoán trong nông nghiệp không thành thì sao? Đó là những tấm lòng vì đất nước, vì tình đồng chí, thân thương, cùng nhau phấn đấu cho một Việt Nam giàu có, bảo đảm cho hôm nay và mãi mãi mai sau phải là: dân giàu, nước mạnh, ấm no, hạnh phúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:32:46 am »


Chương 11

KẾT LUẬN

        Ý thứ nhất: Người ta ở đời từ khi biết nghĩ cho tới tuổi trưởng thành, ai ai cũng mong sao được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chẳng ai muốn mình khổ cả. Tuy nhiên đời là biển khổ, khó ai tránh khỏi một lần rơi vào cái biển mênh mông đó. Nhưng được như vậy cũng lấy làm hạnh phúc lắm rồi.

        Còn tôi, tôi thấy suốt đời mình là khổ, cho đến tận những năm tháng cuối bây giờ, tuy nhiều người cứ nói tôi có hậu vận tốt. Với tôi, xấu tốt cũng không mấy ý nghĩa, tôi chỉ mong làm được nhiều việc cho nước, cho dân, góp phần biến cái biền khổ đó thành ra biển sướng. Được vậy hạnh phúc biết bao!

        Rất tiếc ước mơ đó từ tuổi vị thành niên của tôi đã không thực hiện được đến nơi đến chốn. Tôi tham gia cách mạng khi mới bước vào đời, được các đồng chí đi trước tuyên truyền dìu dắt, nhất là ông Đoàn Hữu Lộng, chú họ tôi, một người kiểu mẫu xứng đáng. Dù ông không tham gia cách mạng được hết cuộc đời, nhưng ông đã sống, đã giữ trọn đạo đức, phẩm tiết cho tới tận tuổi 89, rồi qua đời ông luôn là tấm gương lớn cho tôi noi theo: Không giả dối, không bon chen, chỉ mong góp phần xây dựng đất nước, sao cho nước giầu để mình sẽ cùng ở trong cái bể giầu đó mới thật thỏa nguyện. Cứ ước mơ và ước mơ, hành động và hành động, cho tới tận cuối đời vẫn thế.

        Gần hết cuộc đời với 58 năm đi làm cách mạng, tôi gặp rất nhiều người tốt, kẻ xấu, nhưng lúc nào tôi cũng lạc quan cho rằng số kẻ xấu kia sẽ ngày một hết dần, không thể cứ tồn tại mãi. Có thể sự lạc quan đó do được cách mạng giáo dục, đào tạo, nhất là chúng ta có tấm gương nhân ái của Bác Hồ vĩ đại để noi theo. Bởi vậy tôi có đức tin vào người đi trước, có sự tin tưởng vô tư vào lớp trẻ đi sau.

        Gặp bất cứ trường hợp nào người ta không tốt, đối xấu với mình, tôi đều nghĩ đó là thiểu số, không đáng kể. Miễn sao số đông biết vì lợi ích của Tổ quốc dám hy sinh thân mình, hy sinh quyền lợi cá nhân để dành tất cả cho dân tộc. Không thể vì lẽ gì cả một dân tộc hy sinh hàng triệu con người để đổi lấy độc lập tự do hạnh phúc, mà có người lại xấu, lại ích kỷ hại nhân, hoặc bon chen, giành quyền lợi cho riêng mình hưởng thụ.

        Ngày hôm nay ngồi viết những trang hồi ký cuối đời này, tôi cũng chỉ muốn thêm một chút nữa góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, khắc phục những gì đang cản trở đất nước đi lên. Tôi lường trước những trang viết không chỉ mang lại lợi ích chung như tôi mong muốn mà biết đấu nó cũng có thể mang lại nguy hiểm cho tính mạng cá nhân người viết. Nhưng tôi xác định viết ra cho toàn Đảng, toàn dân khắc phục được khuyết điểm để tồn tại và phát triển, thì sự hy sinh nào cũng đáng giá. Nhất định phải có một biển sướng, không phải biển khổ! Nếu mình vẫn tồn tại được bơi vài giây phút trong đó cũng toại nguyện lắm rồi. Còn nếu mình không được hưởng thì sau này con cháu, họ hàng, bạn bè, chiến hữu cùng toàn dân tộc được bơi trong một biển sướng, như thế dù sống hay chết cũng là làm trọn nhiệm vụ với dân với nước!

        Biết bao suy nghĩ dằn vặt trước khi tôi đặt bút viết tập hồi ký này sao cho “vừa đủ”, nghĩa là không dài quá, không ngắn quá, không nói thừa. Tôi chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên trong cuộc đời tôi, cuộc đời ấy hơn một nửa thế kỷ chịu bao cam go mới có tư liệu thật, tư liệu sống để viết lại. Cuốn hồi ký trước hết tôi dành cho con cháu, đồng chí thân thiết, sau nữa dành cho những ai quan tâm đến thời cuộc, hoặc quan tâm đến tác giả, đọc để rút ra một chút gì có ích cho mình, hoặc đọc giải trí cho khuây khoả tuổi già, hoặc khích lệ lòng ham muốn cho tuổi trẻ. Được như vậy cũng là cách làm giàu và phong phú tư duy cho mọi người chứ sao? Đó cũng là một phần “biển sướng tinh thần” vô cùng quan trọng đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp xây dựng cơ sở, vật chất cho chủ nghĩa xã hội chứ sao?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:35:57 am »


        Ý thứ hai: Rút ra từ những trang hồi ký, người ta có thể thấy: Muốn thế giới tồn tại và phát triển lành mạnh được, đòi hỏi phải có những cái đầu trí tuệ mới có thể khắc phục biết bao nhiêu khó khăn, ví như:

        - Về thiên nhiên: Trời đất xoay vần, nóng lạnh, bão tố, lũ lụt, mưa gió thất thường, không theo quy luật nhất định và con người không thể lúc nào cũng dự đoán, nắm bắt chính xác được. Điều đó không chỉ do thiên nhiên, mà còn do ý thức thiển cận, thiếu học vấn của con người cộng với lòng tham không đáng có, tất cả đã tác động vào thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, làm thủng tầng ôzôn, gây ra nóng lạnh thất thường, băng giá, tuyết tan... khó lòng khống chế được.

        - Về con người: Con người ta bản chất bao giờ cũng có hai phần: Phần Con và phần Người. Nếu không học tập rèn luyện, không có trí tuệ thì hành động cũng giống như súc vật. Thế cho nên để con người khác súc vật, mới gọi người là Con người, chứ không gọi con người là súc vật cao cấp. Đã là súc vật thì cao cấp mấy cũng không có phần Người như con người vốn có. Từ ngàn xưa con người đã biết muốn được sống hạnh phúc cho mình thì phải biết tạo cho người khác, cho đồng loại cùng sung sướng, gọi là tính nhân quần. Bởi thế các bậc chí tôn, hiền giả mới nghĩ ra bao nhiêu học thuyết, đạo lý, tìm mọi cách giáo dục, thuyết phục mọi người phải sống theo tính nhân quần ấy. Nhưng tiếc thay chỉ một số rất ít, và rất ít người đi theo, làm theo lời các bậc cứu thế đó. Còn lại số đông, nhất là những người có quyền, có thế, lại vận dụng những học thuyết cao cả để che giấu sai lầm của mình, lừa dối người khác, vụ lợi cá nhân.

        Loài người qua kinh nghiệm đấu tranh, quảng đại quần chúng cũng ngày một khôn lên, biết tận dụng thế mạnh của mình, thế yếu của kẻ cầm quyền, rút kinh nghiệm sống còn: Không có cây gậy giữ thân thì không thể tồn tại được. Và những người cầm quyền cũng rút ra rằng dù mạnh mấy mà không có một cơ chế quản lý vững thì cũng dẫn đến: “Nhất đại vi quan, vạn đại vi dân”. Lúc đó sẽ như câu ca dao: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ trời nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa.

        Bởi vậy kẻ cai trị và người dân bị trị gặp nhau ở một điểm là phải tìm ra một khuôn khổ để cùng nhau tồn tại, ai cũng được bình đẳng, sung sướng. Cái khuôn khổ đó đã được các vĩ nhân qua nhiều thời đại cố gắng tìm ra, nhưng nó có mặt hay, có mặt dở, không cái nào trọn vẹn. Tất nhiên theo quy luật tiếp thu truyền thống những phát kiến sau thường có mặt tiến bộ, hợp lý hơn trước. Cho tới khi học thuyết của Marx ra đời, nó mang tính nhân văn cao hơn hẳn, có sức thuyết phục hơn hẳn.

        Nhưng dù sao đó mới chỉ là học thuyết, chưa có thực tế kiểm nghiệm. Rồi Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 Lênin đã đem học thuyết vĩ đại đó áp dụng vào một đất nước rộng 1/6 địa cầu, là người có công rất lớn. Ông vận dụng sáng tạo học thuyết của Marx vào nước Nga, đem lại một số kinh nghiệm cho loài người. Việc Stalin lãnh đạo nước Nga làm nên chiến thắng kỳ diệu chống phát xít Đức là nhờ tinh thần quật cường của dân tộc Nga, kết hợp với tính quyết liệt, bất chấp nguy nan và thiên tài quân sự của người lãnh đạo tối cao làm nên. Hơn ai hết dân tộc Nga hiểu rằng phải đánh thắng phát xít Đức mới mong thực hiện được ý tưởng của Marx - Lênin. Đó là động lực tinh thần quan trọng, là quyết tâm biến ước mơ thành hành động của nhân dân Liên Xô. Khi thế chiến thứ hai kết thúc, vòng nguyệt quế với bao lời tung hô chiến thắng, đã tạo nên một đám mây đen che phủ trong đầu những người lãnh đạo đất nước rộng nhất thế giới này. Sự vinh quang làm cho họ mê mụ, hay phần lớn những cái đầu hạn hẹp kiến thức đã trút hết trí lực vào cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại rồi, nay số kiến thức dành cho việc xây dựng và phát triển đất nước đã không nhiều lại bị đám mây đen nói trên che phủ, nên suy tư cho kinh tế của các vị đã không đáp ứng được với thời cuộc.

        Những vị lãnh đạo đó không còn đủ trí tuệ tìm ra con đường dẫn dắt dân tộc từng bước tiến lên xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, lại thêm lòng ham hố vinh quang, quyền lực, tạo ra sự “kiêu ngạo cộng sản”, nước lớn nước bé, dân tộc đa số, dân tộc thiểu số, khiến ngày càng đi xa với thực tế cuộc sống của dân. Đã vậy cuộc sống hòa bình sau bao năm hy sinh gian khổ sinh ra sự ham muốn hưởng thụ ở họ không có bờ bến. Việc làm cho tương lai, cho dân tộc đã bị coi nhẹ hoặc quên lãng, nhưng sự hưởng thụ vật chất cho cá nhân mình lại được đề cao, được quan tâm quá mức. Họ quên rằng với cuộc Cách mạng tháng 10, với cuộc chiến tranh vệ quốc có những mặt chưa được thấu tình đạt lý, còn bao việc phải làm, còn tồn dư sự thù hận trong nội bộ dân tộc. Trong khi đó những lực lượng đối kháng lại là những người thực tế, biết thân biết phận, xoay vào củng cố và phát triển lực lượng hùng mạnh, tìm những cái hay của chủ nghĩa Marx - Lênin để rút kinh nghiệm, vận dụng, đồng thời tìm những khe hở của Liên Xô và các nước Đông Âu tranh thủ phân hóa bằng mọi cách rất tinh vi. Đến khi chín mùi, họ làm cho nó tự đổ vỡ từ bên trong, không ai cứu vãn nổi. Bài học đó không bao giờ nên quên.

        Đáng lưu ý là phe đối kháng không ngừng mở rộng dân chủ, đào tạo tuyển dụng người có tài, có đức để quản lý đất nước một cách tài tình. Còn Liên Xô và các nước Đông Âu thì trì trệ về lĩnh vực này. Đến mức ở Berlin, mấy hôm trước đồng chí Hônếchcơ, Tổng Bí thư Đảng Xã hội Dân chủ Đức, Chủ tịch Đông Đức, đón đồng chí Nguyễn Văn Linh sang dự quốc khánh, một ngày lễ có hàng triệu người tham dự, tung hô lời chào mừng nồng nhiệt nước Cộng hòa Dân chủ Đông Đức. Vậy mà sau một tuần đồng chí Nguyễn Văn Linh về nước, bức tường Berlin bị phá đổ, đồng chí Hônếchcơ bị bắt, bị đưa ra xử.

        Còn ở Liên Xô thì 36 triệu Đảng viên Cộng sản đứng ngoài cuộc để Gooc-ba-chốp thao túng, muốn làm gì thì làm, cho đến khi đổ sụp cả thành trì cách mạng thế giới. Cho nên có thể nói sự nghiệp đất nước vững mạnh tiến lên, hay thụt lùi sụp đổ, một phần là trách nhiệm người đứng đầu nhà nước quyết định. Lên nhanh, đổ nhanh; xuống chậm, đổ từ từ cũng là do người đứng đầu. Nếu không chọn người đúng đầu có tài, có đức, quản lý đất nước có phương pháp khoa học, sáng tạo với một cơ chế chặt chẽ, thì chẳng khác gì dùng “đóm đi soi ếch”, phó mặc cho vận may rủi, thịnh suy, rồi tin vào quy luật “có thịnh, có suy” sẽ rất nguy hiểm. Nhiều nước người ta có cơ chế chính sách, có khuôn khổ pháp luật phù hợp, họ lại đào tạo, chọn lựa ra nhân tài lãnh đạo đất nước nên họ vẫn liên tục phát triển. Ta có khoa học biện chứng lại không làm được việc đó, thực là đáng tiếc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 04:40:08 am »


        Ý thứ ba: Việt Nam muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội bằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm công cụ xây dựng và tích lũy tập trung vốn, muốn thế chúng ta cần phải dựa vào lý luận của Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng lấy học thuyết độc lập và hoàn chỉnh. Tham khảo kinh nghiệm các nước bạn cũng rất cần, nhưng tuyệt đối không được sao chép những điều mình tâm đắc vào văn kiện của mình, làm cho nó trở nên hữu danh vô thực, không có sức sống, không có khả năng thực thi. Bài học ấy muôn thuở chính xác kể cả trong chiến tranh lẫn trong hòa bình xây dựng. Khi nào ta thực sự sáng tạo là ta thành công. Trong bất cứ quốc gia nào, vấn đề xã hội bền vững được đặt lên hàng đầu. Xã hội nào không bền vững trên linh thần đoàn kết dân tộc, dân chủ thực sự với mọi tầng lớp nhân dân thì xã hội ấy có nguy cơ sụp đổ. Bởi vậy rất cần trên dưới đoàn kết một lòng, không ngừng trau dồi học tập, mở mang và nâng cao dân trí trên nền văn hóa truyền thống để toàn xã hội được hưởng thụ nền dân chủ đích thực.

        Chúng ta đã có vị thế đáng tự hào nên trường quốc tế vì đánh thắng đế quốc Mỹ, một nước giầu mạnh nhất toàn cầu, hầu hết các nước khác đều nể sợ. Thế mà dân tộc ta đã chiến thắng. Cuộc kháng chiến thần thánh ấy góp vào kho báu lịch sử dân tộc như một tài sản vô giá. Có những người ngoại quốc chỉ muốn đến Việt Nam một ngày, để chiêm ngưỡng xem hình dáng lẫn trí tuệ người Việt Nam thế nào, mà dám đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ. Đó là một lợi thế vô cùng quan trọng. Nhưng sau ba mươi năm chiến thắng, chúng ta không những không bồi đắp cho nó mà còn làm mất mát đi khá nhiều lợi thế của đất nước, làm xói mòn lòng tin của chính nhân dân ta, bè bạn ta. Trong những năm qua, nhất là sau những năm đổi mới, xã hội xuống cấp quá nhanh, chưa có báo cáo năm nào nêu được chỉ tiêu xã hội như chỉ tiêu phát triển kinh tế đáng phấn khởi, ngược lại năm nào cũng nêu tệ tham nhũng chưa khắc phục như một quốc nạn, rồi nghiện hút, SIDA chưa bao giờ giảm, chỉ thấy tăng... Đã vậy sự mất đoàn kết trong Đảng, trong dân ngày càng nghiêm trọng, ức hiếp dân để xảy ra khiếu kiện liên miên. Đi đến đâu, làm việc gì cũng gặp tệ nạn hối lộ, ăn chặn. Sự tha hóa trong bộ máy công quyền mà các báo cáo của Chính phủ, của Quốc hội, của Đảng, kêu ca thảm thiết, nhưng nó vẫn cứ tồn tại ngày một nghiêm trọng. Có thể nói phổ biến cán bộ viên chức nhà nước từ hành vi nhỏ đến lớn đều liên quan đến tham nhũng. Trong khi đó một nước tư bản gần kề chúng ta là Singapore mức tham nhũng trong viên chức nhà nước không quá 5%.

        Nói thế để chúng ta tìm ra nguyên nhân mà xử lý những vấn đề xã hội đáng báo động trên. Mọi việc quy lại đều do con người tạo ra và do con người quyết định tất cả. Mới thấy vị trí con người có tầm quan trọng nhường nào. Quần chúng nhân dân bỏ lá phiếu bầu ra những người đại diện họ, lãnh đạo đất nước, nếu họ có trí tuệ, biết lựa chọn người tài đức, người tìm được biện pháp xây dựng cơ chế, xây dựng luật pháp, theo rõi bộ máy thực hiện luật pháp nghiêm túc, lúc đó người dân đỡ khổ. Nhược bằng họ kém trí tuệ không biết tốt xấu, bầu bán cho xong chuyện, “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật”, hỏi lấy đâu ra nhân tài phục vụ lại họ.

        Đó là vấn đề muôn thuở, ai cũng biết, nhưng vẫn không làm được, hoặc cố tình không làm. Nhân dân lâu nay đã tạo ra những người lãnh đạo hầu như chỉ cần chức và quyền để vụ lợi cho riêng mình, còn nhiệm vụ phục vụ nhân dân làm qua quít, che mắt thế gian.

        Nhìn các nước quanh ta, những người lãnh đạo nổi danh như Đặng Tiểu Bình của Trung quốc; Lý Quang Diệu của Singapore; Mathia của Malaysia họ đều tạo cho đất nước những bước nhảy vọt... mới thấy rõ vai trò cá nhân quyết định đến vận mệnh quốc gia như thế nào. Năm 1997, một buổi chiều tôi đến biên giới giữa Malaysia và Singapore thấy hàng ngàn hàng vạn người Malaysia sang lao động ở Singapore, xếp hàng qua cửa khẩu về nước. Thế mà năm 2003 họ đã ký hợp đồng thuê hàng vạn lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc, vì lao động trong nước quá thiếu, chỉ 7 năm họ thay đổi lao động. Còn Việt Nam cứ thiếu việc, cứ phải đi làm thuê, trong hoàn cảnh chủ quan ta thuận lợi hơn hơn nhiều. Đó là điều cần học tập bạn. Giá mà ta có được người lãnh đạo đất nước tài đức, tạo nên bước ngoặt phát triển nhanh cho nhân dân đỡ khổ, không phải đi làm thuê cho nước ngoài thì đâu đến nỗi phải chịu bao cảnh nhục nhã, rắc rối đến với người đi lao động đã được phơi bày trên báo chí gần đây.

        Ông cha ta nói “Một người biết lo bằng kho người biết làm” để đề cao vai trò nhân tài của mọi thời đại. Vì chính nhân tài mới là người tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho đất nước. Những nhà lãnh đạo nên luôn luôn chú trọng đến câu: “Bỏ sót nhân tài là có tội với quốc gia”, mà tổ chức tuyển chọn kỹ càng, công khai, chính xác. Không nên để đến Đại hội mới bàn ra tán vào, có khi người nỏ mồm, nịnh hót, gáy hay lại được tuyển lựa, người thầm lặng, thật thà, tài đức thật sự lại bị bỏ quên. Không phải ít những nhà lãnh đạo gặp vài lời nói trái ý mình đã vội vàng thành kiến, trù dập. Bởi thế họ chỉ thích người xu nịnh, lựa chiều (mà số người xu nịnh ít khi có tài, trình độ trí tuệ kém) kết quả có khi tuyển lựa phải người dốt nát. Nếu dốt lại nhiệt tình nữa thì như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi sinh thời đã nói: “Dốt nát cộng với nhiệt tình thành phá hoại”. Nhỡn tiền chúng ta cũng thấy điều đó ở một vài người rồi. Đó cũng là bài học quý cho việc chọn lựa nhân tài vậy.

        Nhưng nếu nhà nước may mắn đã chọn được nhân tài, lúc ấy lại cần một sự tin cậy trao phó cho họ nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, không can thiệp. Bởi vì họ có hệ thống tư duy thống nhất, nếu bị xen vào, bị ức chế đôi khi sẽ làm phá vỡ kết cấu kế hoạch, hỏng cả đại sự quốc gia. Kết thúc tập hồi ký này, tôi mong nó góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Tôi ao ước sao mọi người đi đâu cũng có thể ngẩng cao đầu tự hào là người Việt Nam văn minh, giàu đẹp, có văn hóa, có trí tuệ. Muốn làm được thế phải thực hiện lời Bác Hồ đã dậy: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lời nói đó nghe nhiều cũng quen tai, nhưng thực là chí lý, làm được khó lắm. Cho nên ta phải chịu nghe, chịu nhắc lại để thấm nhuần câu nói của Bác. Nhiều năm qua tôi cứ suy ngẫm mãi thấy nó quả là sâu sắc, quả là thâm thuý! Bác lo xa cho Đảng cho dân tộc biết chừng nào! Nếu chúng ta không bồi dưỡng giáo dục cho có con người xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội sẽ xa vời, chẳng khác nào cái bánh vẽ.

        Làm người đã khó, làm người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn nhiều, chúng ta chỉ có cách duy nhất quyết tâm vượt qua mọi trở ngại và làm cho được, như các cụ xưa đã dạy:

       
Thế thượng vô nan sự
        Nhân tâm tự bất kiên

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Việt hóa tài tình và xúc tích câu thơ như sau:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền

        Chúng ta cần bền gan vững chí làm theo lời Bác dạy.

        Viết từ ngày 3-2-2004, viết xong ngày 5-8-2004.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM