Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:23:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Làm người là khó  (Đọc 5521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 10:57:58 am »


        Sang công tác thương nghiệp

        Anh Mười đi khoảng hai tháng, tôi nhận được quyết định sang làm phó chủ nhiệm công ty Bách hóa, do đồng chí Nguyên Danh Huyền làm chủ nhiệm. Tôi cầm quyết định đi ngay, không nói một lời.

        Sang Sở thương nghiệp gặp đồng chí Dương Văn Mùi, Phó Giám đốc, đồng chí Dương Văn Mùi cầm quyết định xem, có vẻ không vui (đồng chí Mùi hiện đang ở Hải Phòng), đồng chí nói: “Thành Ủy cứ quyết định, không bàn gì với Sở. Trước đã điều anh Nguyễn Hoài, Thư ký văn phòng Ủy ban về làm chủ nhiệm công ty Bông vải sợi, anh em trong ngành thắc mắc...” Tôi cũng không nói gì. Đồng chí Mùi giới thiệu tôi về công ty Bách hóa gặp đồng chí Huyền. Đồng chí Huyền cũng tỏ vẻ không vui, phân công tôi phụ trách nghiệp vụ kinh doanh, ra ngồi riêng ở 31 Hoàng Văn Thụ. Còn đồng chí Huyền chủ nhiệm, đồng chí Nguyễn Hữu Huân phó chủ nhiệm ngồi ở số 5 Trần Quang Khải. Đồng chí Huân tiếp tôi vui vẻ. Nếu nói về trình độ nghiệp vụ thì tôi chưa quen công tác thương nghiệp, nhưng nói về chính trị thì tôi đã kinh qua Bí thư Quận Ủy, vào Đảng từ 1946, được thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì; còn đồng chí Huyền mới vào Đảng năm 1950 được thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp, lương kém tôi 2 bậc.

        Nhưng đồng chí Huyền là con người cũng dễ gần. Sau vài cuộc họp, nhất là sau đại hội chi bộ, tôi được giới thiệu tham gia chi Ủy. Tôi không bầu cho mình, điều đó nhiều đồng chí trông thấy, nhưng tôi vẫn được phiếu cao nhất.

        Tôi làm việc được khoảng nửa năm, công việc đã quen dần. Tôi sống hòa mình, ngày ngày cùng đi lao động, tối đi học bổ túc văn hóa với anh em. Tôi vào học lớp 5 cùng với anh Huyền, anh Huân, anh Hòai, anh Tốn, anh Hân (Sở Thương nghiệp) và nhiều đồng chí trong ngành. Mọi người chưa biết trình độ nhau ra sao. Qua hai tuần học tập, thầy giáo bổ túc dạy toán giảng về “thừa số nguyên tố”. Sau bài giảng, giáo viên hỏi có đồng chí nào xung phong lên phân tích “thừa số nguyên tố?”. Giáo viên nhắc mãi, chẳng ai lên, tôi buộc phải giơ tay lên phân tích 3 con số thầy cho trước. Tôi phân tích cả ba số cũng khá nhanh. Thầy bảo tôi chắc đã học trước rồi. Tôi cười. Từ hôm đó mọi người “kháo” nhau tôi học giỏi lắm. Khi đến giờ toán, giáo viên gọi lên bảng là mọi người chỉ tôi. Lúc đó tôi nhớ lại việc cụ Phan Bội Châu kiên quyết đi thi, sau khi hết tang mẹ, lấy văn bằng Thủ khoa Thi hương, cốt để thuyết phục được các nho sĩ làm cách mạng theo mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 11:05:47 am »


        Đi Hà Nội học nghề buôn bán

        Tôi được Sở Thương nghiệp Hải Phòng cử đi học lớp “cao trung thương nghiệp” ở Hà Nội. Có 6 đồng chí đi học lớp này. Chúng tôi tập trung về số 66 Hoàng Hoa Thám. Trưòng làm bằng tre nứa lá, tường nhà và các phòng ngăn cách nhau cũng bằng nứa, khung tre; trống tuyềnh, trống toàng. Đêm đông, đắp cái chăn chiên rét thấu xương, nhưng mọi người rất chăm học. Chúng tôi vừa củng cố nhà trường mới xây, chủ nhật đi kéo xe bò xây dựng “đường Thanh niên” (đường Cổ Ngư cũ). Tôi được cử làm Bí thư Chi bộ kiêm Chi trưởng Chi G (trường có 6 chi gồm hơn 300 học sinh). Trong 7 tháng chúng tôi học tập nghiệp vụ, đồng thời học xong chương trình lớp 6 bổ túc văn hóa. Trường có mời một số giáo viên Liên Xô và trường Nguyễn Ái Quốc sang giảng. Mỗi môn học đều kiểm tra rất kỹ. Các đồng chí giáo vụ cũng rất chăm lo hướng dẫn cho học viên. Tôi vừa học cho mình, vừa lãnh đạo anh em trong chi, trong tổ học tập nghiêm túc, nên mỗi đợt kiểm tra mọi học viên trong chi, trong tổ đều đạt điểm cao. Thi hết khóa tôi được là học sinh xuất sắc toàn diện, đỗ thủ khoa, được đồng chí Hoàng Quốc Thịnh thứ trưởng, trao giấy khen của Bộ Thương mại cho tôi và 2 đồng chí thứ nhì, thứ ba.

        Tôi trở lại Hải Phòng với số vốn kiến thức sơ đẳng thương mại, nhưng dù sao cũng là người có học. Vì tất cả các đồng chí làm công tác thương nghiệp khác chưa ai đi học nghề buôn bán cả. Đây là lớp đầu của Bộ Thương nghiệp, và trường 66 Hoàng Hoa Thám cũng là tiền thân của hai trường Đại học Thương nghiệp và Ngoại thương sau này. Cho nên tôi không còn là “lính mới” nữa.

        Trong khi tôi đi học vắng, công ty bách hóa đã tách làm hai: công ty bách hóa bán buôn, công ty bách hóa bán lẻ. Tôi vẫn là Phó chủ nhiệm công ty bách hóa bán buôn, anh Nguyễn Hoài làm chủ nhiệm công ty. Sau hai tháng anh Hoài sang làm chủ nhiệm công ty ăn uống, phục vụ. Còn công ty bách hóa bán buôn chuyển thành công ty Bông vải sợi may mặc, do tôi làm chủ nhiệm, đồng chí Nguyễn Văn Tích và đồng chí Trương Giám làm phó chủ nhiệm.

        Những mặt hàng kinh doanh bách hóa chuyển sang công ty bách hóa đảm nhiệm, những mặt hàng bông, vải, sợi của công ty bách hóa chuyển lại cho công ty tôi kinh doanh. Việc sát nhập các công ty lúc đó còn do Bộ Thương nghiệp quyết định, UBND thành phố tham gia, nhưng thường là nghe ý kiến của Bộ cả, cho nên lúc đó có câu ca dao (vận Kiều):

Trong tay sẵn có đồng tiền
Tách ra rồi lại nhập liền như chơi...

        Tôi xây dựng công ty Bông vải sợi may mặc trở thành đơn vị tiên tiến với khẩu hiệu đề ra: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Bộ đã lấy làm khẩu hiệu chung cho toàn quốc.

        Phong trào xây dựng Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, cửa hàng may mặc Hồng Bàng kéo dài được 20 năm. Toàn là chị em nữ mậu dịch viên, với những tên tuổi nổi tiếng lúc đó như: Mai Thị Đảm, Trần Thị Phương... đã một thời được nhân dân và mậu dịch viên cả nước biết đến.

        Tôi cũng là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Khi còn ở Văn phòng Thành Ủy cũng là chiến sĩ thi đua, sang thương nghiệp cũng là chiến sĩ thi đua, nên năm 1960 được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng II cho công ty và cá nhân tôi được tặng Huân chương Lao động hạng III. Năm 1959 tôi được vinh dự Bác Hổ tặng bằng khen, là một trong những cán bộ được thương huân chương lao động sớm nhất của Thành phố Hải Phòng.

        Năm 1959-1960 Công ty Bông vải sợi may mặc được Bộ Thương nghiệp và UBND Thành phố lấy làm đơn vị thí điểm cải tiến quản lý. Chúng tôi đã xây dựng một nếp làm việc mới cho toàn công ty. Kiểm kê, kiểm soát hàng hóa bán hàng, cập nhật hàng ngày, kho tàng ngăn nắp, các phiếu kho công khai để theo ô hàng, ai muốn kiểm tra có thể biết ngay. Do cung cách làm ăn khoa học như thế, chúng tôi đã đào tạo nên những chiến sĩ thi đua thủ kho toàn quốc Nguyễn Văn Nổi (khi về tiếp quản miền Nam, làm Giám đốc Công ty thương mại tỉnh An Giang), chiến sĩ bảo vệ Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Phát (người Việt gốc Hoa) v.v... đều rất tận tâm với công việc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 11:06:31 am »


        Năm 1959 do cải tiến quản lý hàng hóa nhập kho, đo đếm cẩn thận, nên cuối năm số dư tồn kho 800.000 tiền mới (800 triệu tiền cũ), Bộ cho là kinh doanh phục vụ tốt, nhưng tài sản thừa lớn như vậy là quản lý để hỗn loạn tài sản. Tôi trình bày thế nào Bộ và Thành phố cũng không nghe. Tôi đã nói: “Nếu chúng tôi tham ô hết số hàng hóa này, chắc sẽ được khen thưởng. Nhưng vì chúng tôi quá thật thà mới có số dư này. Lý do vì vải popeline sanford nhập từ Nhật Bản, mỗi tấm nhập chỉ tính 30m/tấm, nhưng khi đo thực tế là 33m đến 35m/tấm. Khi bán hàng, mậu dịch viên đo đúng, còn thừa lại nhập kho. Các hàng hóa khác nhập ngoại cũng tương tự như vậy, nên nó thừa ra. Tôi mời cán bộ kế toán tài vụ, kho vận của Bộ về xác minh, các đồng chí không nghe, bảo đợi năm sau kiểm kê sẽ kết luận. Năm 1959 đáng lẽ công ty và tôi đều được Huân chương nhưng bị dừng lại, riêng tôi được bằng khen của Bác Hồ.

        Sang năm 1960 trước khi kiểm kê tôi mời Bộ, UBND và Sở Thương nghiệp đến chứng kiến, tôi trực tiếp chỉ đạo, kiểm kê hết 40 ngày. Kết thúc kiểm kê, hội đồng đánh giá là chính xác, và sự thừa ra đúng là do quản lý tốt, không để thất thoát, không để mậu dịch viên tham nhũng. Cho nên trong công ty tôi lúc đó, mặc dù chính sách lương bổng, khen thưởng giải quyết thích đáng, nhưng vẫn có tiếng kêu làm thương nghiệp chỉ có “tiền đền, không có tiền đồ”. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, tôi trở lại làm Giám đốc Sở Thương nghiệp, thì chẳng còn tiếng kêu đó nữa, mọi người đua chen xin vào thương nghiệp với bất cứ giá nào! Tôi nghĩ: quả là có nhiều vấn đề trong quản lý thương nghiệp rồi!

        Khi làm Chủ nhiệm công ty tôi rất quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất cho công ty, mở rộng màng lưới bán lẻ, may đo, như cửa hàng 44 Hoàng Văn Thụ, Gi-long, Phúc Vĩnh Xương v.v. làm cho màng lưới ngày càng rộng, chiếm lĩnh thị trường bán buôn, thị trường bán lẻ, sắp xếp tư thương có nề nếp. Tôi còn trực tiếp đi khai thác các nguồn hàng, trao đổi với các nơi, nhất là thị xã Móng Cái- Hải Ninh lúc đó. Kế hoạch phân phối hàng hóa của các tổng công ty rất có hạn nên phải tìm nguồn hàng. Tôi cùng với cán bộ nghiệp vụ, nhất là với đồng chí San (hơn tuổi tôi, nhưng là cán bộ nghiệp vụ biết việc, chịu khó), lần nào đi Móng Cái mua hàng, đồng chí San cũng đi với tôi. Lúc đó giao thông khó khăn, chỉ có đường thủy. Tàu Hải Đông đóng bằng gỗ, do Trung Quốc đóng giúp, trọng tải khoảng 15 tấn, chạy từ Hải Phòng - Móng Cái phải mất khoảng hơn 12 giờ. Chúng tôi cứ tối đi, sáng đến Núi Ngọc, nếu nước to thì tàu chạy đến sông Can Long, không phải đi bộ hơn 10 km từ Núi Ngọc đến Móng Cái. Mỗi chuyến đi mua hàng là rất vất vả hàng tuần. Ra đến Móng Cái phải nhờ các đồng chí tỉnh Hải Ninh trao đổi với bên Trung Quốc giúp, hoặc các đồng chí mua vải của Trung Quốc về Việt Nam rồi bán cho Hải Phòng bằng chuyển khoản hoặc đổi hàng. Mỗi lần cũng mua được hàng trăm nghìn mét, chủ yếu là vải hoa và ka ki Trung Quốc. Mặc dù lúc đó ở Trung Quốc rất nghèo, sang thị trấn Đông Hưng (nay là Thành phố Đông Hưng) chỉ có lèo tèo vài rổ ốc, cá tôm tép lặt vặt. Có một cửa hàng ăn duy nhất, không có khách.

        Các đồng chí Trung Quốc cho biết: nhân dân chỉ được phân phối 0,4 mét vải/người để vá quần áo. Thế mà bạn vẫn tiết kiệm vải bán cho ta!

        Có lần hai anh em đi tàu Hải Đông, đến cửa Vạn Hoa, sóng to gió lớn, tàu không thể nào vượt được sóng để sang vịnh Hạ Long, lái tàu quay ngược, quay xuôi mãi xuýt đắm mới qua được cửa Vạn Hoa, thật là hú vía.

        Khi có hàng về, tôi phân phối cho các cửa hàng may đo, may thêu quần áo trẻ em. Bán miễn tem phiếu, hoặc miễn một nửa, cũng làm cho người mua lúc đó phấn khởi lắm rồi. Nhưng bán được ít ngày, Sở thương nghiệp có lệnh phải thu đủ tem phiếu, nếu không thu các tỉnh kéo về mua làm gì có quần áo trẻ em mà bán? Tôi nghĩ cũng đúng, vì nhiều nơi có tem phiếu cũng không mua được vải, được quần áo... Chế độ tem phiếu của mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp, đã để lại trong tôi bao ấn tượng, ví như ngày mời Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội thương Trần Văn Hiển về chứng kiến kho tem phiếu, được coi giá trị bằng tiền, đã mốc meo, hôi thối... mà chẳng ai quản lý, kiểm kê, kiểm soát. Ngoài thị trường thì “con phe” đầy rẫy, xếp hàng mua bán đủ mọi thứ tem phiếu... Nhờ vậy vụ đốt tem phiếu được coi như một cuộc cách mạng ghê gớm trong ngành thương nghiệp.

        Sang công tác thương nghiệp được hơn 4 năm, tôi phụ trách cả 3 công ty: Bông vải sợi may mặc, bách hóa, bách hóa bán buôn. Công việc đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ về tổ chức này, tính chất phục vụ nhân dân của nó, với đầy đủ ý nghĩa của một Nhà nước CNXH. Tôi hết sức làm việc, xây dựng cơ sở vật chất tính toán, đồng thời đi học tiếp văn hóa, nghiệp vụ... để nâng cao kiến thức với mong muốn phục vụ tốt hơn và tìm được cách thay đổi phương thức làm ăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 04:46:39 pm »


        Tạm biệt nghề buôn bán, sang nghề sản xuất công nghiệp.

        Tôi đang say sưa công tác thương nghiệp thì 1962 tôi nhận được quyết định sang làm Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, chuyên lo phụ trách khối Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Giám đốc lúc đó là Hồng Cẩn.

        Mối quan hệ giữa Liên hiệp xã thủ công nghiệp với Sở công nghiệp vốn không được tốt đẹp lắm.

        Anh em bên Liên hiệp xã thủ công nghiệp cho là Sở chèn ép, phụ thuộc Sở quá nhiều. Tôi là Phó Giám đốc Sở kiêm Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã thủ công nghiệp, còn chủ nhiệm là Nguyễn Thị Minh Nhã, Bí thư Hội phụ nữ Hải Phòng, Ủy viên Thường vụ Thành Ủy. Tôi phải làm việc với 2 thủ trưởng, Văn phòng sở riêng, Văn phòng Liên hiệp xã riêng, tôi vẫn ngồi làm việc tại số 3 Cù Chính Lan, trụ sở của Sở Công nghiệp. Còn 90 Hồng Bàng trụ sở Liên hiệp xã thủ công nghiệp có Đồng chí Thịnh làm Phó Chủ nhiệm Liên hiệp xã làm ở bên đó. Tôi phải có kế hoạch tốt để làm việc vì đồng chí Hồng Cẩn muốn nhập hẳn Liên hiệp xã vào Sở công nghiệp, còn Liên hiệp xã thì chị Nhã và anh chị em không muốn. Tôi cố gắng thu xếp làm việc cho có hiệu quả. Sau hơn một năm công việc dần dần ổn định. Công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Hải Phòng đều phát triển mạnh mẽ. Có lá cờ đầu Hợp tác xã Hồng Quang nổi tiếng lúc đó. Do vậy Thường vụ Thành Ủy thấy cần thành lập Sở Tiểu công nghiệp + Thủ công nghiệp riêng để chỉ đạo cho sát, xứng với tầm của một thành phố công nghiệp lớn ở miền Bắc.

        Thành lập hai sở: Sở Công nghiệp, Sở Tiểu công nghiệp - và thủ công nghiệp. Năm 1964 Thành phố tách Sở Công nghiệp ra làm 2 sở: Sở Công nghiệp và Sở Tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp. Thực chất là Sở xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và sở Hợp tác xã sản xuất công nghiệp và thủ công. Lúc đó có những hợp tác xã như Hồng Quang, Sông Lô, Kim Sơn v.v... còn lớn hơn một số xí nghiệp quốc doanh.

        Đồng chí Nguyễn Hữu Cẩn (Hồng Cẩn) làm Giám đốc Sở công nghiệp, tôi làm Giám đốc sở tiểu, thủ công nghiệp, kiêm Chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp.

        Lúc đó Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của thành phố có khoảng trên dưới 30 đơn vị (không kể quốc doanh Trung ương đóng tại Hải Phòng). Còn hợp tác xã Thủ công nghiệp thì có hàng trăm đơn vị, chưa kể tổ sản xuất và cá thể. Hai sở liên kết với nhau chặt chẽ. Tôi thường nói vui với đồng chí Hồng Cẩn là: “Hai sở thi đua nhau xem sở nào hơn...” Tuy nói vui, nhưng tôi thực sự cố làm cho ngành phát triển nhanh chóng.

        Tôi cùng các đồng chí trong sở và Liên hiệp xã tổ chức sắp xếp qui hoạch lại các hợp tác xã. Tất cả các hợp tác xã cơ khí nội thành tổ chức thành hơn 30 hợp tác xã có qui mô lớn từ 100 xã viên trở lên, tập trung vào một khu vực ở An Dương (Khu đường Thiên lôi, kéo đến Lán bè ngày nay). Các hợp tác xã sản xuất hàng bách hóa tiêu dùng, tập trung về khu miếu Hai xã...v.v. Trong khi đó, xí nghiệp quốc doanh địa phương vẫn còn ở rải rác trong các đường phố. Các hợp tác xã của tôi thì ở tập trung, những ngôi nhà mới lợp tôn, khung sắt vững chãi, mọc lên ở 2 khu trên, làm cho ngành thủ công nghiệp lúc đó mọi người đều nhìn thấy là đang vươn lên so với xí nghiệp quốc doanh địa phương.

        Ngành thủ công nghiệp Hải Phòng được lấy làm thí điểm cải tiến quản lý. Liên hiệp xã thủ công nghiệp Trung ương coi thủ công nghiệp Hải Phòng như “con cưng” của mình. Các vấn đề nghiên cứu chính sách đối với công nghiệp, Ban công nghiệp Trung ương lúc đó đều xuống Hải Phòng nghiên cứu, hoặc có các hội nghị về chính sách đối với sản xuất công nghiệp, Hải Phòng thường được Trung ương giao chuẩn bị báo cáo thực tế và đề xuất chính sách.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 09:20:48 pm »


        Sự nghiệp phát triển tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp Hải Phòng rất nhanh, đa ngành nghề. Nhiều mặt hàng mới được tổ chức sản xuất như: cúc bấm của hợp tác xã Quần Lực, khóa Thăng Long, giầy vải Hợp Lực, nồi nhôm Toàn Thắng và Quần Lực, đúc đồng chân vịt máy tàu của 19-5, vành xe đạp Hồng Quang và các phụ tùng xe đạp của Quyết Tiến, Quyết Thắng... được người tiêu dùng ưa thích, kể cả việc chế biến hạt nhân ngọc trai bán cho đảo Cô Tô để nuôi ngọc trai xuất khẩu v.v... Tôi đã chỉ đạo xây dựng một mô hình “xí nghiệp hợp tác xã”, lấy một số thợ kỹ thuật đúc đồng của ngành quân giới, như bố con cụ Chiếu ở 40 ngõ Cấm, bố con ông Mỹ Long... về xây dựng một xí nghiệp hợp tác xã đúc đồng. Lúc đó cả phía bắc chưa đúc được chân vịt (Hê-lít) cho ca-nô và tàu biển, phải nhập ngoại. Đồng chí Nguyên, cán bộ miền Nam tập kết, phụ trách việc nghiên cứu đúc thử chân vịt. Đêm đúc thử 5 chân vịt, đường kính dài 25 cm, tôi cùng anh chị em thợ đúc đồng thức suốt đêm để xem kết quả. Đúc xong, khi dỡ khuôn mẫu ra hỏng 4 cái, còn một cái tuy đủ hình thù nhưng rỗ nhiều, phải dùng que hàn đồng để hàn cho hết rỗ... Mọi người tỏ ra bi quan. Vì đúc không có máy đo độ lỏng của đồng, phải thử bằng “que cời”, độ xoắn của cổ chân vịt dùng dây rơm để đo... Tôi động viên anh em yên tâm, sau hai ngày nghỉ ngơi, rút kinh nghiệm, lại đúc tiếp. Lần này đúc 5 cái, chỉ hỏng 2, còn 3 cái rỗ cũng ít hơn. Như vậy coi là thắng lợi. Tôi cho đúc tiếp hàng loạt, vì lúc đó phương tiện giao thông đường thủy đang phát triển, nhất là loại chạy trên sông ven biển. Nhà nước thiếu ngoại tệ nhập chân vịt của Liên Xô, Ba Lan... nên mặt hàng chân vịt bán khá chạy. xí nghiệp hợp tác xã đúc đồng ngày càng nổi tiếng, không những đúc chân vịt loại nhỏ, mà nâng lên đúc loại 50 cm, rồi đến một mét. Đến nay đã đúc được chân vịt 2,2 mét cho tàu một vạn tấn... Trong quá trình trưởng thành của xí nghiệp đúc đồng 19-5, năm nay là hơn 40 tuổi, nhưng năm nào công nhân và lãnh đạo xí nghiệp cũng nhớ đến người sáng lập ra nó. Nay xí nghiệp đã trưởng thành, đúc tượng đồng đứng nữ tướng Lê Chân tại vườn hoa công viên thành phố cao lớn0, tượng ngồi Nguyễn Bỉnh Khiêm, là những tác phẩm đáng kể của xí nghiệp đúc đồng Hải Phòng. Một vài năm, tôi lại đến thăm xí nghiệp.

        Có câu chuyện mang tính “duy tâm”, anh chị em công nhân kể cho tôi nghe: Có hai đồng chí Giám đốc đều chết trẻ, vì bệnh ung thư cả. Anh em cho rằng những năm trước ta không nhập nguyên liệu đồng để sản xuất, anh chị em mua đủ mọi loại đồng, như tượng phật, chuông chùa, đồ cúng tế bằng đồng... đem về đúc thành chân vịt... nên trời Phật phạt các Giám đốc. Từ ngày nhập đồng lanh-gô về đúc thì giám đốc mạnh khoẻ. Tôi bảo “Có khi các đồng chí làm vệ sinh không kỹ khi đúc”. Các đồng chí nói: “Công nhân trực tiếp đúc lại không việc gì!” Tôi nói: “Vấn đề tâm linh còn phải bàn tiếp, dài lắm, khoa học chưa chứng minh được, ta không nên phủ nhận mà cũng không nên công nhận. Đợi khoa học kết luận cho thận trọng...”.

        Trong quá trình xây dựng ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Hải Phòng, mỗi khi nghĩ đến, tôi lại càng căm thù đế quốc Mỹ, không khác gì căm thù thực dân Pháp, kẻ bắt mình tra tấn gần chết... Đó là, Giôn-xơn thả bom, đánh phá kinh tế miền Bắc. Chúng thả bom B52 và các loại bom vào khu vực An Dương, san bằng thành bình địa khu vực các hợp tác xã cơ khí thủ công nghiệp. Đồng chí Hiệu chủ nhiệm hợp tác xã cơ khí Kim Sơn hy sinh. Mặc dù các máy móc của hợp tác xã đã chuyển đi sơ tán ra vùng ngoại thành và huyện Kim Thành thuộc tỉnh Hải Dương, chỉ còn vỏ nhà máy mà thôi, nhưng đối với kinh tế hợp tác xã, thì đó cũng là tổn thất rất lớn. Tôi cứ nghĩ nếu không xảy ra chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, chắc chắn ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Hải Phòng phải tiến nhanh vượt bậc so với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương. Các xã viên trong ngành cũng nói như vậy. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngành hợp tác xã thủ công nghiệp Hải Phòng vẫn phát huy được truyền thống của mình, vẫn giữ vững được sự phát triển với tốc độ cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:52:38 am »


        Tham gia Thành Ủy Hải Phòng

        Tháng 2-1968, giữa lúc chiến tranh phá hoại bằng máy bay địch ác liệt, một kỳ đại hội rất đặc biệt họp trong hang núi Voi. Trời mưa suốt. Nhưng đại hội rất sôi nổi, nhất là những phiên họp bầu cử, làm việc đến 2 giờ sáng mới xong. Vì việc kiểm phiếu thủ công, lại tranh thủ họp để kết thúc hội nghị sớm, các đại biểu dự đại hội rất vất vả.

        Trong một bữa cơm chiều, đồng chí Quốc Hiệu, Giám đốc Sở thương nghiệp mời tôi đi ăn thịt bò thui do thị đội thị xã Kiến An mời, đúng là hơn 20 năm tôi mới lại được ăn bữa thịt bò thui rất ngon.

        Trời mưa tầm tã. Có lẽ anh em cũng không giữ được vệ sinh, hay là do tôi ăn nhiều, mới bị “Tào tháo” đuổi. Lo quá, phải uống nhanh mấy viên thuốc. May mà ổn định, nên vẫn tiếp tục về họp đại hội suôn sẻ. Thật bất ngờ, tôi được đại hội bầu vào ban chấp hành Thành phố.

        Tạm biệt sở thủ công nghiệp và liên hiệp hợp tác xã, sang làm Trưởng ban Tài mậu Thành Ủy.

        Sau đại hội, tôi được phân công làm trưởng ban Tài mậu, đồng chí Nguyễn Đỉnh Khôi cùng là thành Ủy viên, thay tôi làm Giám đốc Sở thủ công nghiệp. Lần này tôi trở lại công tác thương nghiệp, ngân hàng, giá cả, tài chính, nhưng chủ yếu là tổng kết, nghiên cứu, đề xuất chính sách với thành Ủy và Trung ương.

        Sau khi tổng kết 10 năm công tác tài mậu ở Hải Phòng, có nhiều vấn đề thành công và tồn tại.

        Tôi đặc biệt thấy nổi bật vấn đề lãng phí trí tuệ chất xám là lãng phí lớn nhất. Ban Tài mậu Trung ương lúc đó đồng chí Nguyễn Thanh Bình là trưởng ban, đồng chí Tô Duy là phó ban. Tháng 7-1968 đồng chí Tô Duy xuống làm việc với ban Tài mậu Hải Phòng, đồng chí nói: “Ban tài mậu sắp mở lớp bồi dưỡng cho các đồng chí phụ trách tài mậu tỉnh, thành phố, huyện thị. Mới sang làm tài mậu, nên anh Thành cần đi học vì chưa làm tài mậu bao giờ.” Tôi đồng ý đi học gần 2 tháng ở Hưng Yên. Lúc đó sơ tán, không học ở Hà Nội. Đến lớp học chỉ có mình tôi là cấp tỉnh thành, còn đều là cán bộ huyện cả. Hình như thành phố Hà Nội không có ai đi học. Khi xem chương trình tôi thấy thấp hơn khóa học cao trung thương mại của Bộ thương nghiệp. Nhưng tôi vẫn học nghiêm túc. Chương trình đã học rồi nên có thì giờ đọc sách, nghiên cứu, khảo sát, tối đốt đèn dầu đánh “tổ tôm” với Ban giáo vụ. Đồng chí Tô Duy cũng giảng mấy bài, đem giáo án ra đọc rồi phân tích. Trong các bài giảng khác, tôi chỉ tiếp thu được một ý của đồng chí Đoàn Trọng Truyến về “Phân công lao động mới trong CNXH”. Khi kết thúc lớp học, viết thu hoạch, tôi viết kỹ và sâu về các vấn đề ban giáo vụ nêu ra, tôi viết và phân tích cả những vấn đề nhà trường không đề cập tới. Viết xong chuyển lên ban giáo vụ. Mấy hôm sau đồng chí Tô Duy gặp tôi cười và nói: “Chắc anh đã học những vấn đề này rồi phải không ?”

        Tôi cười, không nói gì.

        Sang đầu năm 1969 tôi đi học lớp chính trị cao cấp khóa V, trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Các khóa trước học có 18 tháng, khóa V học hai năm. Khóa học lại vào thời gian Mỹ tập kích vào Sơn tây nhằm giải phóng “giặc lái Mỹ”, nhưng thất bại do ta mới di chuyển tù binh đi nơi khác. Trường lại bắt đầu đào giao thông hào chiến đấu, đêm phải cử học sinh trực đêm canh gác trên mái trường. Tôi trong Ban chi Ủy và Tổ trưởng học tập, tôi tự lập kế hoạch học lập lý luận, học văn hóa ngoại ngữ, tranh thủ đọc sách, 3 tháng mới về thăm nhà một lần. Khi còn ở địa phương công việc rất bận rộn, không có nhiều thì giờ nghiên cứu học tập. Nhất là thư viện trường Nguyễn Ái Quốc lúc đó sách nước ngoài rất nhiều, kể cả sách kinh tế của chủ nghĩa Tư bản như của: Ricardo, Adam Smith, Keynes v.v... tôi ham đọc sách quên cả mọi việc, chủ nhật nào cũng ở lại trường mượn sách đọc, đọc đến vàng mắt, khi ra ngoài trời chỉ thấy màu vàng hàng mấy giờ liền. Ngoài học tập, nhà trường còn cho mỗi tổ 10 m2 đất để tăng gia cải thiện. Tổ tôi có hai đồng chí Đặng Việt và Nguyễn Văn Hân rất chăm chỉ lao động. Tuy có 10 m2 đất mà chúng tôi trồng hơn mười thứ rau, mùa nào thứ ấy, đủ rau ăn cho tổ, còn bán cho bếp nhà trường. Khi bế mạc, chúng tôi có đủ tiền để liên hoan mời cán bộ nhà trường đến dự, tiêu chuẩn mỗi người một con vịt. Còn thừa 75 đồng, chúng tôi gửi biếu tạp chí “Học tập” nay là tạp chí “Cộng sản”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:53:12 am »


        Nói về tăng gia, tôi phải nhắc đến đồng chí Đặng Việt, con ông Đặng Hướng, Tổng đốc Nghệ An. Cải cách ruộng đất qui gia đình đồng chí Việt là đại địa chủ, cường hào gian ác. Đồng chí Đặng Việt lúc ấy là Trung đoàn trưởng trung đoàn Cao Bắc Lạng, nổi tiếng một thời đánh Pháp trên đường số 4, đoạn Cao Bằng - Lạng Sơn được gọi “Vua đường 4”. Vì thành phần, đồng chí Đặng Việt phải chuyển ngành sang Tổng cục Thủy sản. Trong học tập đồng chí rất chăm chỉ, cùng học tiếng Anh với tôi, nhưng đồng chí rất giỏi tiếng Pháp nên cũng giúp tôi được nhiều. Ưu điểm nổi bật nhất là thành tích tăng gia trồng rau. Cứ tối đến, anh tranh thủ xách cái thùng lấy phân, sang khu chung cư của Ban Lịch sử Đảng phía bên kia đường, đối diện với trường Nguyễn Ái Quốc, lấy phân bắc về bón rau. Đồng chí chịu khó cả lao động lẫn học tập. Tôi với đồng chí Đặng Việt ngày nào cũng nấu canh rau đủ loại. Chúng tôi lấy cơm tập thể của trường, đem về phòng nấu thêm thức ăn. Nhất là năm thứ hai, các lớp khác bế mạc, nên học viên được ở nới rộng 2 người/phòng, thay vì 4 người/phòng. Có phòng chỉ có một người, nên cuộc sống tinh thần, vật chất của trường được cải thiện rõ rệt. (Nay đồng chí Đặng Việt đã hơn 80 tuổi, người rất khoẻ và đánh tennis rất giỏi, thỉnh thóang vẫn lại chơi với tôi và cho sách mới viết của đồng chí).

        Hai năm học tập nghiên cứu ở Học viện, thực sự tôi có thì giờ nghiên cứu lý luận có hệ thống, về lý luận Marx-Lénine. Tư tưởng Hồ Chí Minh triết học trước Marx và các học thuyết kinh tế của các nhà kinh tế tư bản chủ nghĩa, tạo cái vốn lý luận để sau khi ra trường xử lý các vấn đề yên tâm hơn, không sợ sai như trước. Khi học, tôi rất chú ý so sánh cái cũ, cái mới, những cái Marx kế thừa, những cái Marx sáng tạo, để thấy rõ thiên tài của Marx là ở chỗ nào. Cả Lénine cũng vậy. Tôi phân tích và ghi chép những cái mới của các vị và suy ngẫm vận dụng vào thực tế Việt Nam, nên ít giáo điều hơn. Khi viết thu hoạch hoặc kiểm tra, các giáo viên thường thích những lập luận mới của tôi.

        Khóa V coi như khóa có nhiều cải tiến trong học tập, thảo luận, đọc nhiều hơn giảng, thoải mái hơn, viết thu hoạch kiểm tra cũng thóang hơn trước, không cho điểm, viết đạt yêu cầu trung bình là xong. Sau hai năm học tập, thực sự tôi thấy mình trưởng thành, hiểu biết lý luận có hệ thống, so sánh được cái hay cái dở của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Vì tôi công tác hành động cụ thể nhiều ở địa phương, làm thiết thực, nên đối chiếu với lý luận nhìn vấn đề đúng sai rất rõ. Không còn “tù mờ” như trước. Ngoài học tập lý luận tôi học xong chương trình văn hóa lớp 7 và lớp 8. Anh, Pháp văn cũng được nâng lên. Hán tự tôi cũng đọc xong cuốn “Gia” (nhà) của nhà văn Mao Thuẫn (ta dịch sang tiếng Việt sau này là “Gia đình”), do đồng chí Lâm Bá Cương cùng tổ cho mượn. Khi còn nhỏ tôi học chữ nho, văn viết theo văn phạm cổ điển Trung Quốc, gọi là “Văn ngôn”, còn văn nói gọi là “Văn bạch thoại” hoặc gọi văn phạm “phổ thông”, nên nhiều đoạn hành văn tôi không hiểu, phải hỏi đồng chí Cương. Lúc nhỏ tôi đã đọc hết các chuyện “Tam quốc”, “Đông chu Liệt quốc”, “Tây Hán chí”, “Phong Thần” “Thủy hử” 108 anh hùng Lương Xuân Bạc, văn họ viết theo ngữ pháp văn ngôn, tuy thế lúc đầu cũng phải có người hướng dẫn... nhưng dễ đọc. Tôi không nói tiếng Trung Quốc được nhiều, nhưng đọc thì tốt, nên sau này tôi vẫn mua Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh để đọc.

        Kết thúc lớp học dài hạn chính trị cao cấp, tôi về Hải Phòng, lúc này đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứ III (Đại hội Đảng tỉnh, thành phố 2 năm hoặc 2 năm rưỡi họp một lần, không phải 5 năm một lần như bây giờ)

        Đại hội lần này diễn ra không suôn sẻ lắm!

        Đại hội dự kiến bầu 35 Ủy viên Ban Chấp hành, Đại hội chỉ bầu được 22 đồng chí. Nhiều đồng chí Thành Ủy viên cũ không trúng cử (trong số hơn 10 đồng chí trong Thành Ủy cũ không trúng cử, có 4 đồng chí Ủy viên thường vụ, một Phó Bí thư Thường trực). Tôi vẫn được bầu vào Thành Ủy và được phân làm Trưởng ban công nghiệp kiêm Trưởng ban Khoa học kỹ thuật. Số Thành Ủy viên bầu được ít nên các đồng chí thành Ủy phải kiêm nhiệm nhiều công việc, rất bận rộn.

        Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc mở rộng, tôi được phân công sơ tán triệt để các xí nghiệp và nhân dân thành phố ra ngoại thành, trừ xí nghiệp xi măng không thể chuyển ra ngoại thành được, ta phải bám trụ để sản xuất tiếp.

        Đồng thời xây dựng một xí nghiệp xi măng sản xuất theo kiểu nửa thủ công, nửa cơ giới ở Minh Đức (sau này thường gọi là xi măng Minh Đức). Công việc chuẩn bị sơ tán lần này rất khẩn trương và triệt để. Tôi phải huy động hầu hết cán bộ Ban công nghiệp và Ban Khoa học kỹ thuật làm công tác sơ tán, phối hợp với các đồng chí Phó Chủ tịch khối bên Ủy ban nhân dân Thành phố như đồng chí Hồng Cẩn, đồng chí Kim Tái. Công việc sơ tán nhân dân và xí nghiệp cơ bản xong.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:53:49 am »


        Đêm 16-4-1972 Mỹ đem máy bay vào đánh phá Hải Phòng. Ta biết trước địch sẽ dùng B52 ném bom khoảng 10 tiếng. Ta huy động mọi lực lượng để vận động nhân dân sơ tán. Nhưng nhiều người còn do dự, vì những năm trước địch chỉ đánh bom bằng máy bay thường, đánh rồi lại nghỉ, nên nhân dân coi thường... không chịu đi sơ tán triệt để, nhất là lần này đi sơ tán gặp rất nhiều khó khăn về đời sống. Khu công nhân xi măng thì phải bám trụ để sản xuất.

        Tối hôm đó khu phố đã huy động tổng lực cán bộ đi vận động nhân dân sơ tán trước 10 giờ đêm, nhưng vẫn còn người ở lại.

        Đúng 12 giờ đêm 16-4-1972 Mỹ cho hàng loạt máy bay B52 thả bom rải thảm khu thượng Hạ Lý, An Dương. Chúng tập trung vào khu Thượng Lý, có nhà máy xi măng và kho Thượng Lý, Sở Dầu... Nhà máy xi măng coi như thiệt hại lớn nhất, chỉ còn 3 ống khói (nhưng chỉ sau 3 ngày, khói trắng xi măng lại nhả khói lên bầu trời cao). Nhà cửa của nhân dân bị san bằng, bom Mỹ đã giết hại dân thường, hầu hết bà già trẻ em chui trong hầm kèo tre, không kiên cố. Riêng khu Thượng Hạ Lý có 960 người bị chết, còn khu An Dương sơ tán triệt để hơn, mật độ bom rải mỏng hơn, nên thiệt hại về người không lớn.

        Trận ném bom ác liệt này làm cho đoạn đường số 5 từ cầu xi măng đến ga Thượng Lý hỏng nặng. Đường bị phá, đất lật lên ngập đường, có những đống đất cao hàng mét. Khi đến để giải quyết hậu quả, xe tôi phải bỏ lại sau, đi bộ. Lúc đó còn chưa sáng rõ, tôi thấy một đồng chí bộ đội lò mò đi về hướng tôi. Đến gần mới biết là tướng Đặng Kinh, Tư lệnh quân khu III vừa ở trong nhà máy xi măng đổ nát ra. Chúng tôi gặp nhau, trao đổi một vài việc cần làm ngay, rồi chia tay nhau, để đi vào công việc của mỗi người.

        Thời gian từ tháng 4-1972 đến ngày ký Hiệp định Paris tháng 1-1973 là những tháng ngày chống chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của Hải Phòng. Sau trận ném bom B52 rải thảm đầu tiên, địch thả thủy lôi phong tỏa Cảng. Đêm ngày chúng cho các loại máy bay vào ném bom, bắn phá. Chúng đánh không theo một qui luật nào, nên việc sơ tán nhân dân nội thành lúc này hết sức khẩn trương và triệt để. Có những đêm tôi kiểm kê nhân dân ở nội thành, chỉ còn 7.000 người, đều là những người có trách nhiệm phải ở lại.

        Cơ quan tôi không ở số 7 Đinh Tiên Hoàng mà phải sơ tán xuống số 44 Lạch Tray, là trụ sở của Ban Khoa học kỹ thuật, xa Cảng và nhà máy xi măng hơn. Lúc này các con tôi đều đi sơ tán, nhà tôi là Bí thư Đảng Ủy kiêm Phó Giám đốc Công ty Kho vận nội thương, hàng ngày vẫn phải nhận hàng, bảo quản kho hàng hóa ở rải rác khắp nội thành. Chúng tôi cùng ở 44 Lạch Tray, phải đào hai hố tránh bom cách nhau khoảng 50m ở ngay trong cơ quan, đề phòng rủi ro, còn có người trông nom 4 con nhỏ. Có lần chúng tôi chuẩn bị bữa cơm chiều, mua được con vịt chưa cắt tiết, để ở giữa sân, thì máy bay đến thả bom ngay nhà bên, mảnh bom văng cắt đứt đầu con vịt. Cũng may chúng tôi đã xuống hầm, mọi người không việc gì! Khi “máy bay địch đã bay xa, mọi việc trở lại bình thường” tiếng loa của Đài phát thanh thành phố vừa phát, chúng tôi chui ra khỏi hố cá nhân, thì thấy con vịt mất đầu, lăn ra chết ở giữa sân Ban Khoa học kỹ thuật. Sự sống chết lúc này, cảm thấy nó nhẹ nhàng quá! Chẳng ai quan tâm đến con vịt, mà mọi nhà xoay quanh vào bữa cơm chiều cho nhanh, đề phòng máy bay địch trở lại đánh ban đêm...

        Giặc Mỹ muốn biến Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Hải Phòng là cửa ngõ của miền Bắc ra biển, Hạm đội 7 của Mỹ luôn luôn túc trực ở đây. Các loại máy bay đi đánh phá miền Bắc, khi về qua Hải Phòng, còn quả bom, viên đạn nào chúng đều trút xuống, “góp phần đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá” vừa nhẹ máy bay, đỡ nguy hiểm khi hạ cảnh xuống “Hàng không mẫu hạm” đỗ ngay trên vịnh

        Những ngày này cho đến kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, ký hiệp định Paris, không đêm nào tôi vắng mặt ở Hải Phòng. Có những đêm tôi đi kiểm tra việc sơ tán của nhân dân ở các khu phố, ra đến Bến Bính thì còi báo động vang lên, đèn thành phố tắt hết. Có đồng chí cùng ngồi trên xe với tôi, bảo tôi chạy vào số 3 Cù Chính Lan, trụ sở của Sở Công nghiệp, xưa là nhà Bank của Pháp, xây dựng kiên cố, chui xuống tầng hầm là yên tâm. Tôi bảo đồng chí lái xe, tắt đèn chạy về số 44 Lạch Tray. Tôi nói đùa với các đồng chí: “cứ về đất Thánh...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:54:28 am »


        Đến 44 Lạch Tray chúng tôi vừa chui xuống hầm thì bom nổ khắp nơi trong thành phố. Sau khi máy bay địch đã bay xa, tôi được thông tin địch ném bom đúng vào số 3 Cù Chính Lan, sụp hẳn một gian nhà 2 tầng, mọi người “hú vía”. Từ đó anh em bảo tôi là tạng người “sống dai”, đã chết hụt khi bị tra tấn, vút nhà xác Côn Đảo cũng không chết... Trong chiến tranh, trước cái sống cái chết quá dễ dàng, “tâm linh” mờ ảo, chẳng có cơ sở khoa học gì, đôi khi chỉ dựa vào những suy đoán vớ vẩn cũng làm cho người ta yên tâm hơn... Đồng chí Tấn thường nói với mọi người: “Cứ đi với ông Thành là yên tâm, không chết đâu mà lo...”. Lòng tin không có căn cứ khoa học ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh, gọn.

        Như khi đồng chí Bí thư Thành Ủy Trần Kiên giao nhiệm vụ cho tôi làm Trưởng đoàn ra Cát Bà kiểm tra đôn đốc phân tán kho tàng ở thị trấn Cát Bà, di dân vào trong núi, đề phòng địch tập kích bất ngờ bằng không quân... Những người ra đi cùng tôi không hề ngại ngần. Lúc này cảng Hải Phòng bị giặc Mỹ phong tỏa bằng các loại thủy lôi, loại hẹn giờ, loại do chấn động sẽ nổ. Chúng làm cho tàu của thế giới không dám vào Cảng. Hôm trước ta khai thông được luồng nào, hôm sau chúng lại rải thủy lôi tiếp. Ta dùng mọi kỹ thuật để phá thủy lôi, nên cũng hạn chế được ít nhiều tác hại của chúng.

        Các cửa sông ra vào cảng như cửa Nam Triệu, Lạch Huyện, chúng rải thủy lôi rất dày. Ta phải đặt nhiều chòi canh ven các cửa sông, nhất là từ Phao số 0 trở vào. Các chòi canh phải đếm từng quả thủy lôi địch rải xuống, đánh dấu toạ độ vị trí có thủy lôi để thông báo cho các tàu qua lại. Do đó không một tàu nào bị nạn thủy lôi cả. Một vài tàu đánh cá nhỏ chủ quan, cho là chấn động của máy nhẹ, thủy lôi không nổ, nên có một vài trường hợp đụng phải thủy lôi nổ, nhưng thiệt hại không lớn. Đoàn tôi gồm 14 cán bộ, do tôi làm Trưởng đoàn, đồng chí Vũ Minh Chính, Phó Ban Tuyên huấn, đồng chí Nguyễn Đình Nhiên, Phó Ban Tổ chức làm Phó trưởng đoàn. Đoàn ra Cát Bà phải đi làm 2 chặng đường: đoạn 1 bằng thuyền buồm, và chèo rất nhẹ nhàng, vượt qua sông Bạch Đằng sang đảo Cát Hải, rồi đi bộ qua đảo Cát Hải. Đến xã Lương Năng, tàu hải quân hóa trang đưa chúng tôi qua bến Gót, đi ra thị trấn Cát Bà, hết 2 tiếng đồng hồ, theo ven núi ít có thủy lôi. Nguy hiểm nhất là qua bến Gót. Thủy lôi giặc thả rất dày, tàu vượt qua bãi thủy lôi, mọi người im phăng phắc. Đồng chí nào cũng được hải quân cho mượn một phao buộc ngang ngực. Các đồng chí hướng dẫn ngồi lên mui tàu, nếu thủy lôi nổ nó tung người lên, các đồng chí sẽ vớt. Trong lúc mọi người lo lắng, đồng chí Tấn là cán bộ Ban Công nghiệp thường đi công tác với tôi, người Bình Định, lại nói vui: “Đi với ông Thành thủy lôi nó không nổ đâu!.” Mọi người phá lên cười, quên cả sự nguy hiểm.

        Ai ở lâu Hải Phòng thời trước, mới thấy hết khó khăn của đường ra đảo Cát Bà, Cát Hải như thế nào. Mỗi tuần chỉ có 3 chuyến ca nô chở khách, còn lại là đi nhờ thuyền đánh cá, đi “đâm độ” từ bến Bính, hoặc cửa Cấm ra Cát Hải, rồi lại thuê thuyền đánh cá ra Cát Bà, không có lối đi bộ... Mới thấm thía vì sao con đường xuyên đảo ngày nay được nhân dân đón nó như sự “đổi đời” của mình.

        Đoàn tôi ra đảo công tác hơn ba tuần, mọi người rất hăng hái làm việc. Ở thị trấn rồi về các xã Trần Châu, Gia Luận, Xuân Đám, Việt Hải... toàn đi bộ leo núi. Giữa Đảo cá, mà ngày nào cũng chỉ có rau cải, rau muống luộc chấm nước mắm và ít cá khô. Mãi đến hôm Đoàn ra về, đồng chí Lê Nam, Bí thư Huyện Ủy mới bắt con gà mái của nhà nuôi, làm thịt chiêu đãi đoàn. Trong hơn 3 tuần làm việc ở thị trấn Cát Bà, việc đầu tiên là chuyển nhanh 300 tấn gạo dự trữ và chuyển hết dân vào hang sâu, giáp với vườn Quốc gia. Chúng tôi cùng huyện Ủy, UBND huyện Cát Hải, tổ chức các cuộc nói chuyện về âm mưu địch, việc chúng đánh bom thị trấn Cát Bà chỉ còn là ngày một, ngày hai. Nhân dân cần đi sơ tán triệt để. Sau một tuần toàn cơ quan Huyện Ủy, Ủy ban, lui vào sâu trong xã, làm việc trong các hang núi an toàn. Sau đó chúng tôi đi xuống các xã thuộc đảo Cát Bà để tuyên truyền chiến thắng ở miền Nam và chiến thắng ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Cát Bà xa thành phố theo đường “chim bay” khoảng 45 km, cách Đồ Sơn 30 km, đi phải hết 4 giờ bằng đường thủy, trong thời bình, còn trong chiến tranh đi lại rất vất vả không biết đâu mà tính. Việc đi bộ leo trên vách núi từ thị trấn Cát Bà, qua đèo Khế vào các xã Trân Châu, Xuân Đám nếu người yếu tim cũng có thể rơi xuống biển. Đoàn chúng tôi lặn lội về hết các xã, xã xa nhất là Việt Hải, vừa đi vừa có dân quân đi trước chặt cây, dọn lối cho đoàn đi, phải hết 4 giờ mới đến được xã. Nếu sang xóm Trà Báu phải mất thêm 1 giờ leo núi nữa. Mọi công việc được giao, chúng tôi đã hoàn thành trong hơn 3 tuần. Hôm ra về, chúng tôi đi bộ đến xã Hiền Hào rồi sẽ có thuyền của thành phố ra đón ở bến Hiền Hào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:54:55 am »


        Đoàn chúng tôi chào tạm biết đồng chí Lê Nam và các đồng chí Huyện Ủy, Ủy ban huyện Cát Hải.

        Đồng chí Lê Nam nói đã điện về Thành Ủy, khoảng 4-5 giờ sáng sẽ có thuyền đón Đoàn ở bến Hiền Hào. Tôi hỏi đồng chí Nam điện bằng điện thoại hay mật mã? Đồng chí Nam nói đánh điện thường (claire). Tôi nói ngay “Thế thì nguy hiểm quá, địch sẽ phục kích chúng ta”. Chúng tôi quyết định cách đi, không đến Hiền Hào nữa, mà ở xóm trong gần lâm trường Cát Bà, leo qua núi sang xí nghiệp muối Phù Long, nhờ thuyền buồm của xí nghiệp chở đoàn về bến Máy Chai, ô tô của Thành Ủy sẽ ra đón. Ngay đêm đó, chúng tôi báo cho xã Hiền Hào biết và đề phòng địch oanh kích sáng sớm, chuẩn bị dân sơ tán, không đốt lửa sớm, không đi làm ra phía bến Hiền Hào. Các thuyền đánh cá phải sơ tán hết, không cho bất cứ thuyền nào tập trung ở bến Hiền Hào... Đúng như dự đoán, sáng sớm hôm sau chúng tôi chuẩn bị ra hầm thì máy bay Mỹ đã đến bến Hiền Hào. Chúng bay đi bay lại, rà sát mặt biển, nhưng mọi vật đều yên lặng, chúng tìm kiếm nhiều lần rồi “cút”. Sau khoảng 1 giờ, chúng tiếc rẻ, bay trở lại. Lúc đó chúng tôi đã ra đến chân núi, vượt núi sang Phù Long, xí nghiệp muối. Mọi người cũng “hú vỉa” vì một sơ suất nhỏ! Lúc đó trời đã sáng, chúng tôi nhìn rõ 2 máy bay Mỹ lượn vài vòng rồi sau mới bay đi.

        Đường vượt qua núi rừng sang xí nghiệp muối lần này hoàn toàn mới, không giống như sang Việt Hải. Đi Việt Hải tuy phải phá cây cối, nhưng đã có lối mòn, thỉnh thỏang có người qua lại. Còn đường này phải sử dụng một tiểu đội dân quân của xã Hiền Hào và tự vệ lâm trường đi mở đường, mang theo cả dây leo, thậm chí còn phải làm cả thang tạm để bắc đi qua khe. Chúng tôi đem cơm nắm đi theo, ăn dọc đường, mãi đến 2 giờ chiều mới sang đến xí nghiệp muối, gặp đồng chí Kích, Giám đốc xí nghiệp, tổ chức cho bữa cơm toàn “cá và muối”. Không có cá to, chỉ có cá lụn vụn khô, nấu “canh chua” và rán. Chúng tôi bày cơm nắm còn lại, và cơm nóng xí nghiệp chiêu đãi đoàn, ăn rất ngon lành. Mọi người nghỉ ngay tại các hang núi Phù Long để chờ tôi đến. Giám đốc Kích trực tiếp lái thuyền buồm của xí nghiệp đưa đoàn về cảng Máy Chai Hải Phòng.

        Đi thuyền cũng phải lướt qua bến Gót, bên bãi thủy lôi, nhưng bớt nguy hiểm hơn tàu chiến của thủy quân, vì không có động cơ, chạy bằng buồm và lái bằng gỗ. Lúc đó chưa có kênh Cái Tráp, phải qua sông “Ruột lợn”, sông Chanh của Quảng Ninh, qua cửa sông Bạch Đằng, qua kênh Vũ Yên mới về sông Cấm. Đường đi rất dài, chưa đi tắt kênh Cái Tráp mới đào 1982-1983 như ngày nay được.

        Thuyền vừa lướt qua bãi thủy lôi, cửa sông Lạch Huyện (bến Gót) thì gặp sự cố rất nguy hiểm. Nước triều đang xuống mạnh, trời tối, chỉ có ánh trăng lờ mờ, nhìn không rõ, thuyền đâm thẳng vào hàng cọc cắm đăng cá trên sông, với hướng gió buồm đang căng. Đồng chí Kích hỏi đồng chí quan sát: “Có cái gì đen...đen phía trước...”. Đồng chí quan sát vội nói to: “Đâm vào đăng rồi”. Tôi ngồi bên đồng chí Kích, thấy đồng chí không nói gì, dùng hết sức vừa lái, vừa buông dây buồm cho thuyền quay ngoắt 180 độ. Con thuyền nghiêng ngả 2, 3 lần như sắp lật úp xuống nước. Nhưng với tay lái vững của đồng chí Kích, thuyền trở lại bình thường, hướng về thành phố. Đến Máy Chai cho Đoàn lên bờ đồng chí Kích lái tàu về ngay, vì nếu chậm đến sáng, máy bay địch đánh Hải Phòng sẽ không có chỗ ẩn nấp. Khi bắt tay tôi, đồng chí nói: “Lúc đó em không nói gì, nhưng rất lo. Nếu nước đang chảy xiết, thuyền chạy đâm vào cọc và đăng chỉ còn nước thuyền lật úp xuống nước. Lúc đó ai biết bơi bám vào cọc xăm, có người vớt ngay thì sống. Nhưng ban đêm, chưa biết có thoát được ai! Em rất bình tĩnh, cắn răng bẻ lái, chùng dây buồm cho thuyền quay 180 độ mà không để lật thuyền. Thế mới khó. Em là dân Thủy Nguyên, quen sông nước, bình tĩnh mới xử lý được tình huống hôm nay”. Tôi cảm ơn đồng chí Kích. Về đến trụ sở Đảng, tôi mới nói lại với các đồng chí trong Đoàn, mọi người lại “hú vía” lần nữa.

        Tôi gọi điện đến nơi sơ tán của đồng chí Bí thư Thành Ủy Trần Kiên xin đến báo cáo. Đồng chí Kiên bảo tôi: “Khuya rồi, về nhà nghỉ, sáng mai đến báo cáo sớm”.

        Đoàn chúng tôi về Hải Phòng, sau 3 ngày thì máy bay Mỹ đánh phá thị trấn Cát Bà, cuộc đánh phá mang tính chất hủy diệt. Liền trong một tuần, suốt từ sáng đến chiều, chúng cho từng đoàn máy bay đánh phá liên tục, từ biển vào đánh Cát Bà, qua Long Châu, rồi Bạch Long Vĩ. Chúng tàn sát tất cả cái gì nổi trên mặt đất của thị trấn Cát Bà. Chỉ sau một tuần Cát Bà biến thành bình địa. Sau hòa bình trở lại, ta mới xây dựng cơ quan huyện vào phía trong, là cơ quan đầu não của huyện Cát Hải. Còn thị trấn, mặt bằng do bom Mỹ tạo nên trở thành mặt bằng xây dựng khu du lịch và Cảng hiện nay, chạy chung quanh vịnh Cát Bà, nơi còn có cái tên quen thuộc của nhân dân địa phương là “Tùng Dinh, Tùng Vụng”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM