Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:31:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Làm người là khó  (Đọc 5775 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:42:05 am »


Chương 5

RA TÙ VÀ TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

        Ngày 27-10-1953 tôi từ Côn Đảo về Sài Gòn cùng với ông Bùi Văn Phái hơn 60 tuổi, bằng tàu của Hồng Thập tự Quốc tế.

        Do chuyến đi chữa bệnh ở nhà thương Chợ Quán tháng 2-1953, tôi đã liên hệ được với cơ sở ta ở Sài Gòn, tôi nhắn tin bà Nguyễn Thị Năm là cơ sở cách mạng đã từng nuôi đồng chí Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ năm 1946-1947, đến Căng Phú Lâm đón tôi và ông Bùi Văn Phái về. Ông già Phái người quê ở Hành Thiện, Nam Định, ông ở lại nhà bà Năm ít ngày thì được ông Nguyễn Thế Truyền người cùng quê, làm chủ bút báo Thần Chung ở Sài Gòn đón về nhà. Ông Phái giới thiệu tôi với ông Truyền. Ông Truyền cho con trai mời tôi đến tòa báo để phỏng vấn, tôi từ chối. Sau đó ông Truyền có viết một bài trên báo Thần Chung, giới thiệu ông Bùi Văn Phái là đại tá quân đội của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhắc tên tôi là Duy cùng về chuyến với ông Phái - đăng ở trang nhất báo Thần Chung với cái “tít” rất to “Quân tử cố cùng” ca ngợi sự dũng cảm của những người tù chính trị Côn Đảo. Tờ báo này bà Năm có gửi ra cho tôi, tôi đã chuyển đến đồng chí Hoàng Mậu - Bí thư Thành uỷ và các đồng chí uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng lúc đó xem.

        Sau khi tôi báo cáo xong với Đặc khu uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn (thay mặt cho Trung ương cục Miền Nam), được đặc khu uỷ Sài Gòn bố trí cho về Bắc bằng máy bay dân dụng.

        Khoảng 20-11-1953 tôi ra đến Khu căn cứ của Thành uỷ Hải Phòng ở huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, được Văn phòng Thành uỷ thu xếp cho ở tại nhà chú Siêu thôn Đồn Xá, Quỳnh Côi. Còn Văn phòng Thành uỷ ở thôn An Phú cách chỗ tôi ở khoảng 1 km.

        Đón tôi tại trạm giao thông của Thành uỷ tại Quỳnh Côi có đồng chí Vũ Kính, Chánh Văn phòng Thành uỷ, nguyên là uỷ viên Thường vụ quận Ngô Quyền; đồng chí Bảo tức Nhạn, cán bộ Ty giao thông Hải Phòng. Gặp lại các đồng chí cũ rất vui. Hai đồng chí Kính và Bảo hiện nay còn sống ở Hải Phòng.

        Hôm sau các đồng chí Hoàng Mậu và Tô Duy, Vũ Kính đến thăm tôi tại nhà chú Siêu, hỏi thăm qua loa tình hình sức khoẻ, chuyến đi từ Côn Đảo về Sài Gòn và từ Sài Gòn ra Bắc. Đồng chí Hoàng Mậu nói: “Tớ đã biết cậu được tha ra Sài Gòn lâu rồi, Trung ương cục Miền Nam đã báo cho biết...”. Chính vì thế tôi cũng bớt được nhiều hình thức phiền toái khi cuộc cải cách ruộng đất đang thời kỳ quyết liệt Một vài anh em được tha, hoặc vượt ngục ra trước tôi đều phải ở rất xa Thành uỷ. Chỉ có mình tôi được ở gần cơ quan Thành uỷ. Sau khoảng một tuần nghỉ ngơi cho lại sức, tôi bước vào giai đoạn thẩm tra việc bị bắt, bị tù... Thành uỷ lập riêng một tổ thẩm tra do đồng chí Hoàng Mậu, Khu uỷ viên Khu uỷ Tả Ngạn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng làm tổ trưởng (cựu tù chính trị Côn Đảo thời kỳ 1930-1936); đồng chí Lê Thành Dương, Phó ban Tổ chức Thành uỷ và đồng chí Đào Luyện, Trưởng phòng chính trị Ty Công an làm uỷ viên.

        Trong hơn hai tháng thẩm tra, tôi chỉ ở nhà chú Siêu thôn Đồn Xá, trừ 3 ngày phải di chuyển sang Hải Dương vì có tin địch tấn công vào Thái Bình phải tạm lánh sang huyện Ninh Giang, Hải Dương. Khi về qua sông Luộc, đò quá đông. Trong đoàn chúng tôi có 2 đồng chí là Nguyễn Văn Quyết và Vân (Vân Phễu) không biết bơi. Thuyền sắp đắm, kêu gọi người biết bơi nhảy xuống. Tôi yên trí là mình bơi giỏi, quên là mình đang ốm, nên đã nhảy xuống bơi trước. Bơi gần vào bờ bị dòng xóay cuốn, không thể bơi vào được. Nhờ đồng chí Đoàn (Đoàn đen) bơi vào trước, may lại thấy cây chuối ở ngay bên bờ sông, đồng chí Đoàn vất cây chuối xuống cho, tôi mới bơi vào được. Khi sắp chìm, tôi nghĩ không chết ở Côn Đảo nay về Hải Dương - Thái Bình lại chết đuối ư? Những kỷ niệm như thế này chúng tôi nhớ rất lâu. Sau này đồng chí Đoàn, đồng chí Quyết, đồng chí Vân... thường đến tôi chơi, nhắc lại chuyện này. “Nếu không có chúng tôi nhảy xuống bơi cứu thuyền khỏi đắm thì một số đồng chí và nhân dân đi chuyến đò đó sẽ chết”. Kết quả không ai việc gì, trừ tôi xuýt chết đuối. Khi lên bờ, mọi người cởi áo ra cho tôi mặc chống rét, vì lúc đó là mùa đông giá buốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:43:53 am »


        Chiều tối hôm đó về đến Quỳnh Côi, các đồng Hoàng Mậu, Tô Duy, Lê Thành Dương, Văn Bút, Trần Đông (mới từ Bí thư Huyện uỷ Thủy Nguyên về làm Trưởng ty Công an Hải Phòng) v.v... đến thăm và chúc mừng tôi thoát chết đuối.

        Trong thời gian ấy nhiều người ngoài cuộc tưởng như tôi bị giam lỏng ở nhà chú Siêu đợi thẩm tra, nên ít bè bạn đến chơi. Có một số đồng chí, bạn thân, đến nói nhỏ cho biết về tình hình cải cách ruộng đất chỉnh đốn tổ chức, đấu đá cường hào, địa chủ khắp nơi, nhất là tin Thái Nguyên đã bắn Nguyễn Thị Năm, liền khuyên tôi không nên đi đâu, không liên hệ với nhiều người. Các đồng chí còn kể cho nghe về vụ án H122 ở Hải Phòng và Hồng Quảng, bắt oan hơn 100 người, Trưởng phòng chính trị Ty Công an Hồng Quảng là An (hay đi ngựa) bị truy ép quá đã tự tử... Rất nhiều chuyện đấu tố trong giảm tô, Cải cách ruộng đất, có nơi như ở thôn Lan, Kim - Can, Thanh Hà mới đấu tố về giảm tô đã đánh chết ngay trong đêm đó 3 người là địa chủ, cường hào (?). Không khí ngay ở Đồn Xá nơi tôi ở, thấy cũng căng thẳng. Nhà hàng xóm chú Siêu, người bà con có con bò cày, thỉnh thỏang rỗi rãi ngồi viết báo cáo mãi cũng muốn đi lao động đôi chút, tôi bảo gia chủ để tôi cày giúp. Được 2 buổi thì có cán bộ xã bảo: “Gia đình địa chủ đấy, đồng chí đừng làm như vậy, mất lập trường...”.

        Còn tôi thì từ khi ra tù như chim “xổ lồng” vô cùng phấn khởi, vô cùng hào hứng, chỉ mong sao xong sớm việc thẩm tra để đi công tác. Việc phải trả lời gần 100 câu hỏi của Tổ thẩm tra tôi chẳng thấy có gì khó chịu cả, viết hết hàng mấy tập giấy cũng không biết mệt, chỉ mong sao được tiếp tục công tác. Ra khỏi tù tội, hưởng không khí tự do là sung sướng lắm rồi! Tình cảm bè bạn, đồng chí, những đồng chí cũ như Hoàng Mậu, Tô Duy, Lê Thành Dương, Đào Luyện, Vũ Kính v.v... tôi cảm thấy họ vẫn niềm nở như lúc tôi chưa bị bắt. Trừ một vài người khi cùng cấp với mình thì vồn vã “bù khú”, nay thấy mình họ bắt tay hơi hờ hững, cũng không đến thăm mình. Có những anh trước là cấp dưới mình, nay tỏ ra lạnh nhạt, đúng là “Nhất tự cách trùng” tôi học lúc thiếu thời, nay mới được chứng minh bằng nghĩa thật của nó!

        Tôi phải viết rất nhiều báo cáo, riêng báo cáo về nhà tù Côn Đảo. Tôi viết xong ngày 9-12-1953 đã hàng mấy chục trang, nay còn lưu trữ ở Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.

        Đến gần Tết âm lịch 1953-1954, việc thẩm tra việc tôi bị bắt và bị tù đã xong. Một hôm đồng chí Vận, bảo vệ của đồng chí Hoàng Mậu, bảo tôi đến gặp Thành uỷ. Trời mùa đông giá rét, sao lúc đó rét thế! Tôi theo đồng chí Vận sang An Phú nơi Thành uỷ ở, vừa đi vừa suy nghĩ không rõ Thành uỷ gặp có việc gì. Vì trong hơn hai tháng tôi ở nhà chú Siêu thôn Đồn Xá, thỉnh thỏang sau bữa cơm chiều hai đồng chí Hoàng Mậu và Tô Duy dắt nhau đi dạo chơi lại rẽ vào nhà tôi chơi, hỏi thăm vài câu... rồi hai đồng chí về, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, không thấy nhắc gì đến việc thẩm tra tôi cả. Nay có người đến tìm sang gặp Thành uỷ chắc có việc quan trọng.

        Sang đến thôn An Phú thấy đồng chí Hoàng Mậu và đồng chí Tô Duy ngồi trên ổ rơm trò chuyện, tôi bước vào chào hai đồng chí. Đồng chí Hoàng Mậu cười và nói: “Trông cậu thấy khá rồi đấy, bỏ chống gậy rồi à?”. Còn đồng chí Tô Duy bắt tay tôi, mời ngồi xuống ổ rơm. Lúc đó trời rét quá, đi vội, nên cũng xúc động, tôi thở hơi mạnh. Đồng chí Tô Duy hỏi: “Cảm động à?” Tôi trả lời: “Tôi cũng hơi cảm động!”. Hai đồng chí mời tôi ăn kẹo, uống nước chè tươi. Từ hôm ra tù đến hôm nay mới được Thành uỷ mời ăn kẹo “nu-ga”, đó là bữa tiệc ngọt đầu tiên. Tôi nghĩ cũng là hạnh phúc! Đồng chí Hoàng Mậu hỏi thêm một vài việc lặt vặt. Đồng chí Tô Duy nói ngay: “Anh ấy báo cáo như thế là đủ rồi”, sau đó chuyển sang nói chuyện gia đình, chuyện trong tù. Đồng chí Tô Duy hỏi tôi có gặp anh Tô Kim là anh ruột anh Tô Duy bị tù ở Căng Hanh Thông Tây không, v.v... Các anh còn khen tôi mưu trí, dũng cảm. Việc chuyển 10 chỉ vàng, chắc đồng chí Hoàng Mậu thấy thú vị. Đồng chí lấy tay phát vào lưng tôi, nói: “Nếu nó căng lên thì đau chết!.” rồi cười ha hả rất sảng khóai. Sau đó anh Tô Duy nói: “Việc thẩm tra việc bị bắt, bị tù của anh đã xong. Sắp Tết rồi, anh về Thanh Hà để ăn Tết với gia đình, vì xa nhà đã lâu”. Tôi thực sự vui mừng, vì nghĩ tới anh hình chiến trường địch ta “cài răng lược” ở đất Hải Dương, khu tự do Thanh Hà, là nơi huyện Kim Thành đóng quân, sơ tán ở đó, nay tôi lại được về Thanh Hà ăn Tết, có nghĩa sẽ được gặp vợ, anh em bạn hữu. Lâu nay nghĩ là khó có ngày gặp lại, mới xa nhau mấy năm mà kẻ mất người còn, người hy sinh đã lên con số chục! Lòng tôi bồi hồi khó tả. Tôi cảm ơn Thành uỷ, cảm ơn hai đồng chí đã thông cảm đến tình cảm riêng của tôi, nhưng tôi lại lo hành trình từ Thái Bình về đến Thanh Hà, qua bao nhiêu bốt địch, qua huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, qua sông Luộc, sông Hương, sông Gia, đò Mép... qua bốt Yên, bết Thượng-cốc... phải mất 3 ngày mới về được khu tự do nhỏ bé là thôn Mạc Thủ, Thanh Hà, cũng không dễ dàng gì. Trước khi về tôi gửi 2 tấm ảnh của đồng chí Vũ Hạnh, nguyên Thành đội trưởng Hải Phòng cùng bị tù với tôi ở Côn đảo nhờ tôi chuyển giúp cho gia đình. Để tránh việc kiểm soát của địch, ảnh hưởng đến tôi, anh Hạnh viết thư bằng tiếng Pháp sau tấm ảnh, gửi về cho cụ thân sinh ra anh và vợ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:44:36 am »


        Anh Hạnh ghi: “Mon papa et ma Belle journée...”. Tôi nghĩ mãi không hiểu tại sao Hạnh lại ghi thế. Về đến Hải Phòng mới biết vợ anh tên là Nhật. Hóa ra tay Hạnh chơi chữ với “Tây”? “Belle journée” có nghĩa: “Ngày đẹp”, tức là Hạnh - Nhật.

        Trong thời gian ở Quỳnh Côi, Thái Bình, tôi báo cáo với Thành uỷ về đề nghị của Đảo uỷ xin Thành uỷ và TƯ gửi tiếp tế cho anh em Côn Đảo. Cuộc sống ở Côn Đảo rất khó khăn, thuốc không có, địch chỉ cho tiếp tế sữa đường và các thức ăn khô. Đồng chí Hoàng Mậu, nguyên là tù chính trị Côn Đảo nên rất thông cảm với anh em. Nhưng ngân sách thành phố không có, phải báo cáo lên khu uỷ và TƯ mới có tiền để tiếp tế cho anh em tù ngoài Côn Đảo được.

        Tôi về đến thôn Mạc Thủ, xã Liên Mặc, huyện Thanh Hà, gặp đồng chí Trần Phương (Phương xích) Thành uỷ viên, phụ trách giới công thương Hải Phòng. Lúc này đã giải tán cấp quận, nên đồng chí Phương không còn là Bí thư quận uỷ Ngô Quyền nữa. Đồng chí Phương trả lại tôi tài liệu tư trang mà khi vào nội thành hoạt động tôi đã gửi lại đồng chí Vũ Kính, uỷ viên thường vụ quận uỷ Ngô Quyền, đồng chí Kính chuyển cho đồng chí Phương trả lại tôi. Tôi nghỉ tại Mạc Thủ và nhắn tin cho vợ tôi ra ăn tết với tôi, tại nhà một người cháu gọi tôi là chú họ, lấy chồng tại thôn Mạc Thủ. Chao ôi, bao nhiêu nhớ thương, lo âu, xa cách đã trút vào những giọt nước mắt mừng tủi của vợ tôi. Mới thấm thía rằng sự hy sinh thầm lặng của những lứa đôi cùng hoạt động cách mạng thật không sao kể xiết. Và dù sao chúng tôi cũng có được giấy phút hạnh phúc này. Còn biết bao đồng chí tôi ngoài Côn Đảo, trong các nhà tù, khát khao phấp phỏng chưa biết sống chết ra sao, bao giờ mới gặp lại vợ? Nghĩ thế mà cầm tay vợ cứ rưng rưng nước mắt...

        Cơ quan đồng chí Trần Phương cũng ở gần đó, trong mấy ngày Tết những anh em quen biết lại có dịp gặp nhau hàn huyên chuyện cũ khi còn công tác ở quận, ở khu căn cứ Đèo Voi...

        Ăn tết xong, trước khi trở lại Thái Bình để chuẩn bị đi chỉnh huấn, tôi bàn với nhà tôi cố gắng gom góp ít tiền gửi tiếp tế cho anh em Côn Đảo. Vợ tôi đã bán lứa lợn nái, ít thóc, mua 3 bộ đồ cắt tóc gửi cho 3 banh. Lúc đó Côn Đảo chỉ có 3 banh; banh 1 và banh 2 nhốt tù án chính trị, banh 3 nhốt tù binh (chủ yếu là ở miền Bắc chuyển vào). Vì lúc này ở Côn Đảo không có phương tiện cắt tóc, anh em phải xin hoặc mua lưỡi dao cũ của những người Việt trông nom tù, có những người tốt họ gom các lưỡi dao cạo cho chúng tôi. Chúng tôi bẻ đôi lưỡi dao, rồi dùng đũa tre chẻ làm đôi, kẹp nửa lưỡi dao cạo (Gillete) vào giữa, vừa làm dao vừa làm kéo, phát lóc từ trên xuống, rồi cạo. Có những anh em thợ cạo giỏi như anh Thân, anh Nhường dùng dao phát tóc cũng đều như cắt bằng tông-đơ hay bằng kéo. Vợ tôi đã làm việc này rất chu đáo. Số dao kéo ấy khi được trao trả, anh Thân đã mang về được một bộ.

        Khi nhà tôi gửi đồ tiếp tế ra Côn Đảo, được phép của Thành uỷ tôi đã viết một lá thư bằng mực hóa học cho Đảo uỷ Côn Đảo, nói tóm tắt tình hình chiến sự cả nước và chỉ thị của TƯ và Thành uỷ cho Côn Đảo. Lá thư vợ tôi viết gửi anh Vũ Hạnh với danh nghĩa là vợ tôi báo tin tôi đã đi Pháp chữa bệnh, theo ám hiệu tôi đã bàn với Đảo uỷ, trước khi ra tù, nhằm đánh lạc hướng địch. Khi nhận được thư, các đồng chí trong đó dùng “Tanh-tuya đi-ốt” bôi lên phía sau lá thư là hiện chữ. Đọc nhanh và ghi chép. Khi giấy khô chữ trong thư cũng biến hết. Lá thư này đã đến tay các đồng chí Đảo uỷ. Sau này khi còn sinh thời, vợ tôi hàng năm đến họp mặt, các đồng chí Côn Đảo đều nhắc lại sự kiện trên. Nhiều đồng chí đề nghị kết nạp vợ tôi là thành viên tù chính trị Côn đảo vì đã hết lòng với anh em.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:51:14 am »


        Đi chỉnh huấn

        Sau những ngày nghỉ phép ăn Tết với vợ tôi ở Mạc Thủ, Thanh Hà, tôi trở lại Quỳnh Côi, Thái Bình để chuẩn bị đi chỉnh huấn.

        Khoảng trung tuần tháng 2-1954 chúng tôi tập trung đến lớp chỉnh huấn do khu uỷ Tả ngạn tổ chức. Lớp chỉnh huấn do đồng chí Đỗ Mười, Bí thư khu uỷ, trưởng ban tuyên huấn khu uỷ Tả ngạn, trực tiếp chỉ đạo. Còn những người chỉ đạo thường xuyên là đồng chí Trần Phương, Phó ban Tuyên huấn; đồng chí Thế Phấn; đồng chí Dũng, uỷ viên Ban Tuyên huấn và một số cán bộ của Ban phụ trách lớp.

        Hồi trước tôi biết đồng chí Trần Phương khi còn ở Hưng Yên, khi đồng chí sang Hải Phòng làm Phó Bí thư Thành uỷ thì tôi đã bị bắt. Gặp nhau ở lớp chỉnh huấn, tôi cảm thấy đồng chí như đã thân quen lâu rồi, trao đổi chuyện ở tù, hoạt động ở nội thành v.v...

        Lớp trưởng kiêm Bí thư chi bộ là chị Nguyễn Thị Định, uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình. Tôi được cử làm tổ trưởng một tổ. Tuy chưa được giới thiệu sinh hoạt đảng, nhưng các cuộc họp chi bộ tôi được mời họp như một đảng viên chính thức.

        Đến tháng 4-1954 Thành uỷ Hải Phòng giới thiệu tôi với chi bộ, tôi được tiếp tục sinh hoạt Đảng. Có lẽ tôi là một đảng viên duy nhất ra tù được tiếp tục sinh hoạt sớm như vậy. Một phần vì nhà tù Côn Đảo được Trung ương trực tiếp chỉ đạo, còn các nhà tù khác do Thành uỷ, Tỉnh uỷ, Khu uỷ trực tiếp chỉ đạo thì phải sau chỉnh huấn thẩm tra, xác minh, mới được phục hồi, được tính tuổi đảng liên tục, hoặc cắt tuổi đảng một số năm, hoặc bị khai trừ... tùy theo lỗi nặng nhẹ khi bị bắt, bị tù, khai báo...

        Trong buổi khai mạc lớp, lần đầu tiên tôi biết đồng chí Đỗ Mười. Trước tôi chỉ nghe nói tới anh Mười, Khu uỷ viên phụ trách phụ vận Liên khu III, khi chưa thành lập khu Tả Ngạn. Tôi nghĩ anh Mười chắc là người hiền dịu, nho nhã. Khi thấy anh đến nói chuyện, tôi cảm thấy anh là võ tướng, ăn nói bộc trực, dễ gần... Đôi lúc thông tục anh vỗ vào ngực nói: “ở Tả Ngạn, tôi làm Bí thư Khu uỷ, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Khu, Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên huấn...”. Tôi nghĩ chắc anh giỏi lắm. Hay Tả Ngạn không có người tài buộc anh phải kiêm tới 6 chức? Anh đến lớp giải đáp những vấn đề thảo luận và hôm bế mạc anh đến dặn dò anh em. Tôi thấy anh hăng say, xông xáo, ăn nói khúc chiết, đôi khi người ta cảm thấy được cả sự tự hào, tự phụ bên trong người anh nữa. Trong quá trình học tập, kiểm điểm, nghe báo cáo phụ khóa về giảm tô và Cải cách ruộng đất, xem phim “Bạch Mao nữ” và “chiến sĩ gang thép” của Trung Quốc, đọc “Thép đã tôi” của Liên Xô, xong từng bài liên hệ kiểm điểm. Chỉ gợi ý nói khuyết điểm thôi, không nói ưu điểm. Từng bài liên hệ kiểm điểm xong phải báo cáo Trung tâm thông qua. Trước và sau đó phải đưa ra Tổ thông qua. Trong tổ tôi có 3 đồng chí là người Hải Phòng: tôi, đồng chí Nghĩa (tức Linh), đồng chí Phạm Văn Diệt là Trưởng phòng giao thông quận, cũng mới ở tù ra. Còn các đồng chí ở các tỉnh khác trong Khu, trong số đó có đồng chí Mai, nguyên là Thông phán Tòa sứ Hưng Yên thời Pháp thuộc, đã chỉnh huấn lớp trước, nhưng kiểm điểm tiếp thu không tốt, phải đi chỉnh huấn lại. Tổ giao cho tôi đi sát giúp đỡ anh Mai. Tôi đã giúp anh Mai đi vào thực chất của vấn đề kiểm điểm, phân tích rõ ràng ranh giới giữa kẻ thù và ta. Anh nói với tôi: “Nghe anh phân tích tôi thấy thông. Nhưng mấy con mẹ (chỉ mấy chị trong tổ) chỉ đáng làm “vú em” cho nhà tôi chẳng hiểu cái gì cả, mà lại lên “nước mặt, nói không ai nghe được”. Tôi phải phân tích cho anh biết vì sao lại như thế? Vì chị em nghèo, không được học hành như anh, họ thấy đâu nói đấy, lời lẽ giản đơn, thô kệch, nhưng thiết thực. Ta chấp nhận cái đúng, cái cốt của câu nói, không nên chấp nê về kiểu cách lời nói rồi sinh ra phản ứng, bỏ mất cái hay... Cuối lớp anh viết thu hoạch tốt và được thông qua.

        Tôi ở Côn Đảo cũng đã tổ chức chỉnh huấn cho anh em, kiểm điểm rất sâu sắc những sai lầm khuyết điểm khi bị bắt, khai báo, đầu hàng về tư tưởng, thoái chí, cầu an hưởng lạc nhưng cũng nêu gương những mặt ưu điểm, thành tích. Còn ở lớp chỉnh huấn này chỉ nêu khuyết điểm, tôi thấy làm cho mình “hèn” đi, tự mình bôi nhọ mình những điều không có. Nếu không thế, báo cáo không được thông qua. Riêng tôi, tôi kiên trì có thế nào, nói thế, không nói thành tích, nhưng cũng không bịa ra khuyết điểm để báo cáo, để sớm được thông qua. Kết quả báo cáo của tôi vẫn được thông qua sớm, từ tổ, chi bộ lên đến Ban chỉ đạo lớp cũng được thông qua nhanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:51:45 am »


        Một hôm tôi gặp đồng chí Trần Phương, tôi tâm sự với đồng chí ấy về phương pháp học tập, kiểm điểm, cần khơi dậy ý chí chiến đấu, tinh thần dũng cảm của mọi người. Nếu chỉ nói khuyết điểm sẽ làm giảm khí thế mọi người, chỉ thấy hèn nhát mà không thấy kiên cường... Rồi tôi nhắc đến vụ bắn Nguyễn Thị Năm, địa chủ Thái Nguyên. Sự việc này khi ra đến Sài Gòn, tình cờ tôi gặp một cơ sở của Khu 6, thuộc quận Ngô Quyền, anh Nam người huyện An Dương, bị địch lùng bắt phải chạy vào Sài Gòn, ở xóm Chiếu, bên nhà bà Năm, biết tôi mới ở Côn Đảo về, là người Hải Phòng nên anh Nam kể mọi chuyện miền Bắc, từ vụ bắn Nguyễn Thị Năm, giảm tô, Cải cách ruộng đất nghe rất lạ tai và khủng khiếp, cả vụ “H cent vingt deux” (H122) anh Nam cũng kể rất rành rọt cho tôi nghe. Tôi chỉ nghe, không bình luận gì, vì mới ở tù ra, dù sao cũng phải giữ bí mật với anh Nam về mọi hoạt động của tôi ở Sài Gòn, để làm tròn nhiệm vụ của Đảo uỷ giao cho. Nhưng được một ít thông tin cũng tốt. Tôi chỉ nhắc anh Nam cẩn thận, kẻo địch xuyên tạc về giảm tô và Cải cách ruộng đất của ta. Khi học về chính sách Cải cách ruộng đất, tôi liên hệ giữa chính sách và việc thực hiện vụ bắn Nguyễn Thị Năm có 3 điều sai chính sách và một điều không hợp đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Ba điều sai chính sách là:

        - Địa chủ kháng chiến được chiếu cố,

        - Địa chủ kiêm công thương được chiếu cố.

        - Địa chủ hiến ruộng được chiếu cố.

        Nguyễn Thị Năm có được 3 điều mà luật Cải cách ruộng đất khóa thứ I Quốc hội thông qua, có chiếu cố. Điều không hợp đạo lý, Nguyễn Thị Năm là phụ nữ, bắn một địa chủ là nữ, không phải cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam. Tôi trao đổi với đồng chí Trần Phương việc này, đồng chí bảo tôi: “Cậu tập trung vào học tập chỉnh huấn, kiểm điểm cho tốt để báo cáo được thông qua. Còn việc đó nói gì cũng không được đâu, có khi còn nguy hiểm nữa... chúng ta sẽ bàn sau...”. Với thái độ thân mật, nghiêm túc, thông cảm của đồng chí Trần Phương, tôi nghĩ chắc vấn đề này nghiêm trọng lắm!

        Sau này khi sửa sai Cải cách ruộng đất xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: “Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: “chẳng lẽ Cải cách ruộng đất không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?”. Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là: “Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!”. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm!

        Qua hơn 3 tháng học tập chỉnh huấn, sắp đến ngày bế mạc. Hội nghị Genève khai mạc cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ - chấn động địa cầu. Lớp chỉnh huấn chúng tôi được tập trung đi tuyên truyền cho hội nghị Genève. Tôi được cử làm đội trưởng một đội đi xa và sâu vào lòng địch là Thành phố Hải Phòng. Đội gồm có tôi và anh Phạm Văn Điện người Hải Phòng, 2 cán bộ là người Tiên Lãng, Kiến An (lúc đó Hải Phòng - Kiến An chưa hợp nhất), 2 cán bộ nữa là người Thái Bình. Sức khoẻ của tôi lúc này có khá hơn, nhưng vết thương ở ngực bên trái nước vàng vẫn chảy ra, hàng ngày vẫn phải thay băng. Có đồng chí gợi ý tôi xin ở lại lớp, hoặc vào nơi tạm chiếm Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, đi lại thuận tiện hơn, có gì phải cấp cứu cũng nhanh hơn.

        Nhưng tôi vẫn đi Hải Phòng, vào sâu sát ngoại thành Hải Phòng - Kiến An, ở thôn Xích-thổ. Sau bị địch càn quét, tôi chuyển cả đội sang thôn Bạch Mai huyện An Dương, có đêm phải bơi qua sông Cái Tắt sang xã Hùng Vương, đoạn đường số 5 sát Hải Phòng. Sang đến nơi bị động, cơ sở trốn hết, cả đoàn lại bơi về, sang thôn Văn Tra - Văn Cú, An Dương. Mỗi lần bơi qua sông lên bờ, đầu tiên là tôi phải băng ngay lại vết thương. Lúc nào trong ba lô của tôi cũng có gói bông băng và lọ thuốc đỏ. Hôm bị địch vây ở thôn Xích Thổ phải chui xuống hầm nước, đỉa bu cắn cả vào chung quanh vết thương. Khi địch rút lui, còn mấy con đỉa bám gần vết thương. Nay nghĩ lại vẫn sởn gai ốc. May không bị vi trùng uốn ván, thật là phúc.

        Kết thúc đợt đi tuyên truyền, về dự tổng kết lớp chỉnh huấn, tôi được khen thưởng cao nhất, được khen học tập tốt, báo cáo kiểm điểm nghiêm túc, đi vào sâu đất địch. Tôi nhận giấy khen của Ban Tuyên huấn Khu do đồng chí Phó ban Trần Phương ký, được 2 ảnh nhỏ (4x6) của Bác Hồ. Nay tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:54:40 am »

 
        Về công tác tại Văn phòng Thành uỷ

        Tôi được phân công tiếp tục về Hải Phòng công tác, nằm trong Ban Thư ký vụ, phụ trách công tác tổng hợp. Văn phòng lúc này đóng ở huyện Vĩnh Bảo. tình hình chính trị, hội nghị Genève diễn ra thuận lợi, công việc văn phòng càng phải khẩn trương, phải nắm tình hình địch ở nội thành, sự di chuyển của chúng. Ngoài việc phụ trách tổng hợp, tôi còn phải theo dõi phụ trách một số đường dây mới, do các đồng chí ở tù ra mà tôi nắm được, gây dựng được nhiều cơ sở trong các cơ quan đầu não của địch ở Hải Phòng. Tài liệu ở nội thành chuyển ra rất nhiều. Tôi phải làm việc suốt ngày đêm, tranh thủ ngủ vài tiếng đồng hồ, ngay trong bữa ăn cũng làm việc, cũng đọc báo cáo. Đồng chí Hoàng Mậu, Bí thư Thành uỷ là đồng chí hoạt động từ năm 1930, công nhân kỹ thuật cơ khí bậc cao, người Việt gốc Hoa. Đồng chí Hoàng Mậu là đồng chí gương mẫu toàn diện, học lực có hạn, nhưng khi tôi viết báo cáo với đồng chí, đồng chí duyệt rất cẩn thận. Đặc biệt có những từ ngữ đã tâm đắc thì báo cáo thiếu là không được. Đồng chí có thư ký riêng là đồng chí Hải, sau sang làm phó giám đốc đài phát thanh Hải Phòng, nhưng mọi việc viết báo cáo tôi đều phải viết và báo cáo trực tiếp với đồng chí Hoàng Mậu. Các thư ký khác có viết một báo cáo nào đó, đồng chí Hoàng Mậu cũng bảo đưa qua tôi sửa chữa và trực tiếp báo cáo với đồng chí ấy, mặc dù đã có chánh văn phòng lúc đó là đồng chí Minh Sơn. Nếu đã qua đồng chí Minh Sơn, đồng chí Hoàng Mậu cũng bảo đưa qua tôi, nên công việc đã bận lại càng bận thêm. Tôi sợ mình bao biện công việc của đồng chí khác, anh em đồng nghiệp sẽ không vui, nhưng đồng chí Hoàng Mậu không nghe, anh em cũng rất thông cảm với tôi và giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

        Mọi việc ở Văn phòng Thành uỷ đang ổn định, tháng 10-1954 tiếp quản Hà Nội. Mấy ngày sau văn phòng Thành uỷ chuyển về thôn Vũ Xá - xã Ái Quốc, huyện Nam Sách nằm trên đường số 5, tiện cho việc chỉ đạo của Thành uỷ, các cơ quan Hải Phòng đóng dọc theo đường số 5 đến ga Phạm Xá, ga trung chuyển giữa khu tự do mới được giải phóng và khu “chu vi 300 ngày” nơi quân Pháp tập kết chuyển vào miền Nam dưới vĩ tuyến 17.

        Đồng chí Đỗ Mười, Bí thư khu uỷ, vừa được đề bạt làm uỷ viên TƯ dự khuyết khóa II, cùng với 4 đồng chí khác là Xuân Thủy, Trần Hữu Dực, Bùi Quang Tạo, Nguyễn Thị Thập. Đồng chí Đỗ Mười được cử làm trưởng ban chỉ đạo tiếp quản khu “chu vi 300 ngày”, trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng

        Trong một buổi về thôn Vũ Xá làm việc với thành uỷ Hải Phòng, làm việc xong, mọi người còn có mặt cả, đồng chí Đỗ Mười bảo đồng chí Hoàng Mậu: “Cho đồng chí Thành về giúp việc tôi tiếp quản Hải Phòng...” Tôi vừa ngỡ ngàng vừa sững sờ, không hiểu ai đã giới thiệu tôi với đồng chí Đỗ Mười, mà đồng chí biết tôi một cách đột ngột như vậy. Đồng chí Hoàng Mậu hơi lúng túng nói: “Có một cậu nó đang làm quen với công việc, anh lấy đi chưa có người thay!” Anh Mười đứng phắt dậy tuyên bố: “Cứ cho cậu Thành lên giúp việc tôi, nếu Hải Phòng có gì xảy ra tôi chịu trách nhiệm..”.Anh Mậu lặng im. Tôi đứng dậy thưa với anh Mười: “Tôi mới ở tù ra, mới đi chỉnh huấn về, mới được xác minh, còn nhiều anh em biết tôi nhưng chưa về, sợ rằng sau này có vấn đề chính trị sẽ phiền cho anh.” Anh Mười nói to: “Cậu muốn lấy lý do để không đi giúp việc mình. Cậu phải biết tôi là Bí thư khu uỷ chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính khu, Tư lệnh kiêm chính uỷ khu, trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên huấn, ai thế nào mình biết hết, địch ta ai lừa dối được mình”. Anh Mậu nhìn tôi có vẻ e dè, sợ anh Mười, khẽ gật đầu. Tôi nói: “Nếu anh đã nói như vậy tôi xin đi giúp việc anh”. Anh Mười và đoàn tùy tùng ra về. Anh Mười dặn lại tôi: “Mai lên Hải Dương gặp tôi...” Lúc đó khu đóng ở thành phố Hải Dương mới giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 08:24:46 am »


        Về Thủ đô mới giải phóng công tác

        Hôm sau tôi nhận quyết định của đồng chí Hoàng Mậu lúc đó kiêm cả chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Hải Phòng ký. Tôi về công tác ở Ban chỉ đạo tiếp quản khu “300 ngày”, kiêm đại diện Uỷ ban kháng chiến hành chính Hải Phòng tiếp dân ở Hải Phòng ra Hà Nội gặp chính quyền mới. Thành uỷ cử cho tôi một cán bộ giúp việc là đồng chí Trần Việt (Việt mặt đỏ).

        Hôm sau tôi lên Hải Dương gặp đồng chí Đỗ Mười nhận việc. Đồng chí giao cho tôi thu xếp trụ sở cho Ban chỉ đạo về Hà Nội, anh Mười cũng bàn giao công việc của khu tả ngạn cho đồng chí khác thay thế.

        Tôi cùng đồng chí Việt thuê nhà làm trụ sở của Đại diện Uỷ ban kháng chiến hành chính Hải Phòng ở số 32 Bà Trưng Hà Nội làm trụ sở tạm thời. Mấy hôm sau anh Mười lên Hà Nội gặp tôi và đưa tôi đến gặp đồng chí Trần Danh Tuyên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội để xin nhà làm trụ sở Ban chỉ đạo khu “300 ngày”. Đồng chí Tuyên cho nhà “Khai trí Tiến Đức” gần Bờ Hồ. Tôi ký các thủ tục nhận nhà, thu xếp dọn dẹp vệ sinh để đón anh Mười và Văn phòng về ở. Công việc rất bận rộn. Lúc đầu chỉ có tôi, đồng chí Việt và cô cấp dưỡng đến dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng ăn. Nhà to cửa rộng, không có người ở, lá rụng đầy sân, chỉ riêng việc dọn lá bàng ở sân đã mất mấy ngày. Anh Mười cử cả tiểu đội bảo vệ đến giúp làm vệ sinh, chúng tôi mới đỡ vất vả. Ngân sách chưa có, không có tiền thuê lao động đã phải huy động anh em làm ngoài giờ.

        Bộ máy lúc đầu giúp việc anh Mười chỉ có đồng chí Phạm Gia Tuân, đồng chí Vũ Trọng Nam làm Thư ký và một tiểu đội bảo vệ, một lái xe Jeep cho anh Mười. Tôi làm cả hai việc vừa giúp anh lo chuẩn bị tiếp quản Hải Phòng, vừa làm đại diện cho Uỷ ban kháng chiến hành chính Hải Phòng, phụ trách hành chính cơ quan, thu xếp dọn dẹp, bất cứ việc gì cũng đến tay. Chỉ trong 15 ngày là ổn định mọi việc.

        Các tỉnh thuộc khu 300 ngày đều cung cấp cán bộ như Kiến An có đồng chí Hồng Cẩn cán bộ trung đoàn và một đồng chí nữa, Hồng Quảng có đồng chí Chuyền, khu Tả Ngạn cử đồng chí Vũ Viết Nhuận... Tổng số đã lên hơn 10 người. Mọi công việc chuẩn bị cho tiếp quản rất khẩn trương. Nào báo cáo của quân sự do đồng chí Nguyễn Như Thiết, Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn chuẩn bị các hướng hành quân vào Khu “300 ngày”; báo cáo chính trị về kế hoạch tiếp quản lên Bác Hồ và Bộ Chính trị duyệt; mở 2 lớp đào tạo cán bộ vào tiếp quản, mỗi lớp khoảng 500 người ở hội trường Tổng Công đoàn do Trung ương tổ chức và chỉ đạo (nhưng Ban chỉ đạo phải đến báo cáo tình hình và kế hoạch tiếp quản). Chuẩn bị cho 500 cán bộ hành chính vào trước. Công việc bề bộn, cộng với tác phong khẩn trương của anh Mười, làm cho chúng tôi, nếu không chuẩn bị có khi suốt ngày không kịp ăn. Nhiều lúc vừa ăn vừa bàn công việc. Tôi đang ngồi làm việc, anh Mười vào vẫy tay đi, thế là chạy ra xe đi ngay. Có khi vừa đi vừa thắt quần.

        Hôm sang ngân hàng gặp anh Lê Viết Lượng, Tổng giám đốc ngân hàng Việt Nam xin 20.000 đồng Đông Dương để chi cho cán bộ vào nội thành chuẩn bị trước (lúc đó kinh tế khó khăn, mới tiếp quản Thủ đô tiền Đông Dương khan hiếm), tôi ngồi nghe đồng chí Lê Viết Lượng phân tích khó khăn, sốt cả ruột. Anh Mười nói đi nói lại sự cần thiết phải có số tiền đó. Mãi anh Lê Viết Lượng mới đồng ý, nhưng thái độ tỏ ra không vui. Anh Mười giao cho tôi nhận tiền. Anh Lượng nhắc tôi: “Bảo anh Mười tiêu tiết kiệm nhé!”. Tôi hơi khó chịu trả lời: “Chúng tôi sẽ tiết kiệm từng xu, anh biết tính anh Mười rồi đấy, anh đừng lo...”. Anh Lượng vẫn còn nói thêm: “Vẫn cần phải nhắc như vậy cũng không thừa”. Sau này tôi mới biết anh Lê Viết Lượng được ghép vào 4 vị “Tứ kiệt” của Việt Nam.

        Tôi cầm về một bó tiền Đông Dương, không tủ, không két, cứ phải bỏ vào cái túi vải, đi đâu cũng mang theo mình. Chỉ mong sao chi hết sớm cho đỡ vất vả. Vừa phải làm thủ quỹ, vừa làm kế toán, công việc này tôi chưa quen, nhưng vẫn phải mở sổ sách. Chứng từ thì viết tay, chỉ sợ mất tiền, anh em vào nội thành không có tiền ăn, còn mình lấy tiền đâu đền? Công việc đã bận, lại kè kè gói tiền bên mình, sinh mất ăn, mất ngủ. Bên cạnh đó vết thương cũng chưa lành vẫn phải băng bó. Thế mà anh em khen tôi trẻ ra. Mới biết thức ăn tinh thần quan trọng đến mức nào? Hàng ngày đã làm việc liên miên, đến tối lại phải nghe phản ảnh của anh Nguyễn Tài, Trưởng Phái đoàn Việt Nam thực hiện Hiệp định chuyển giao khu “300 ngày”. Anh Tài sáng đến Quỳnh Khê, Kim Thành để họp với Phái đoàn Pháp, tối về phản ảnh với anh Mười kết quả đàm phán. Đủ mọi sự việc diễn ra hàng ngày, nào địch tháo dỡ máy móc chuyển vào Nam, dân di cư dồn về Hải Phòng, yêu cầu nọ, yêu cầu kia của địch, đêm nào cũng bàn thâu đêm, suốt sáng để có phương án cho hôm sau anh Tài đi “đấu” tiếp với phái đoàn Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 08:25:32 am »


        Tôi thấy anh Vũ Trọng Nam thức khuya nhiều quá, chân tay mọc lông lá...rất ái ngại! Lắm lúc ban ngày ngồi làm việc, mấy bàn thư ký đều ngồi ngủ gật, trông rất buồn cười...

        Phương án tiến quân do anh Nguyễn Như Thiết trình bày đến lần thứ 11 mới được thông qua. Anh Thiết mỗi hôm ra về đều than phiền với tôi:

        - Tôi biết tính anh Mười cẩn thận, nên kế hoạch làm rất tỉ mỉ, các tình huống đều nêu ra hết, nhưng vẫn không được thông qua! Trong chiến đấu tôi cũng không thấy khổ bằng bây giờ!

        Tôi động viên anh Thiết:

        - Bọn tôi ở đây phải phân công nhau ngồi nghe với anh Mười, tuy vậy nhiều lúc anh Mười gọi tất cả cùng phải nghe. Nghe đi nghe lại, đầu gật mà mắt vẫn phải mở, sợ thủ trưởng phê bình.

        Không những thế 3, 4 giờ sáng anh Mười còn đến phòng ngủ của tôi đánh thức dậy và bảo:

        - Thành, Thành, nếu nó ỳ ra không chịu rút thì làm thế nào?

        Tôi phân tích:

        - Địch đã đến nước này, phải rút về Khu 300 ngày. Chúng không dám ỳ ra đâu, anh yên tâm!

        Anh Mười lại đặt các câu hỏi khác, phân tích tình hình, đồng bào di cư, địch dỡ máy móc phải làm sao giữ lại, vận động quần chúng đấu tranh ra sao, và bảo tôi viết chỉ thị cho Hải Phòng về rất nhiều vấn đề mà Mười đã nêu ra. Có lần tôi mệt quá, vừa đặt lưng xuống giường là ngủ thiếp đi, anh Mười đến phát vào lưng tôi: “Dậy, dậy, sao mà ngủ nhanh thế!” Anh lại nêu vấn đề: “Địch ỳ ra không rút thì giải quyết thế nào?”. Tôi vừa mệt, mắt cay xè, thấy thủ trưởng lo lắng, tâm huyết quá mà các lý lẽ đã phân tích với anh Mười những buổi trước hết rồi, tôi bình tĩnh, nhưng nói giọng hơi gay gắt:

        - Nó ỳ ra thì đánh bỏ mẹ nó đi...

        Anh Mười ngồi yên, suy nghĩ không nói gì rồi từ từ đứng dậy đi vào phòng ngủ, mặc dù chị Thanh, phu nhân của anh đã đến từ tối.

        Bản thân là con người say sưa công việc cách mạng, không từ nan việc gì bao giờ, nhưng từ hôm về Hà Nội làm việc thực sự với anh Mười tôi tự thấy mình “lây” ngọn lửa nhiệt tình của anh. Sau này tôi vẫn thường nhắc lại điều đó với anh Mười.

        Ba trăm ngày chẳng mấy chốc đã sắp hết, ngày tiếp quản Hải Phòng đến gần. Cơ quan chúng tôi lại chuyển về thị xã Hải Dương với bao nhiêu công việc. Cán bộ các nơi ùn ùn tập trung đến. Mặc dù Ban tổ chức Thành uỷ đã có sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Mậu, nay là Phó Bí thư, nhưng anh Mười vẫn nhắc tôi phải xem lại. Tôi cảm thấy quá sức và lo rằng có khi làm cho các đồng chí tổ chức không thông cảm đánh giá mình bao biện, nhất là các đồng chí mới ở tỉnh, thành phố và các đồng chí cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Nhưng mọi sự việc đều xếp sắp ổn thỏa.

        Nhớ lại những ngày ở Khai Trí Tiến Đức bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, mọi người làm việc mệt mỏi, những khi nghỉ ngơi chốc lát, đứng trông ra cửa sổ về phía Hàng Khay thấy học trò nữ Trường Trưng Vương quần áo dài thướt tha qua bờ Hồ, nhiều đồng chí ngắm nhìn không chớp mắt. Anh Mười biết, bảo: “Các cậu hủ hóa mắt hết rồi... Hỏng hết, viên đạn bọc đường nó làm hỏng hết cán bộ...”. Chỉ có tôi, anh Nam, anh Tuân, là anh Mười không bắt được chúng tôi nhìn, ngắm bao giờ nên anh không nói gì. Thỉnh thỏang đi họp Trung ương về, anh bỏ kẹo vào túi rồi vứt cho chúng tôi mỗi người vài cái.

        Có nhiều lần họp chi bộ, anh cứ dùng chữ “viên đạn bọc đường” để nhắc nhở anh em. Tôi thấy anh nhắc nhiều lần quá, nên đứng dậy đề nghị anh Mười không nên nhắc nhở điều ấy nữa, vì chúng ta cũng có thể là viên đạn bọc đường, bọc lại chúng, chứ không chỉ bị chúng bọc. Anh Mười không nói gì, nhưng từ đó anh thôi dùng câu: “đạn bọc đường”.

        Khi phục vụ cho đồng chí Nguyễn Tài và các đồng chí Ban liên hiệp đình chiến TƯ ở Trung Giã, tôi có làm một việc, chủ ý gây cho địch lúng túng, mất thì giờ, ta có cớ để đấu với chúng. Đó là việc lập danh sách tù binh Việt Nam. Tôi cứ để tên tôi là Duy vào danh sách tù chưa được thả, phái đoàn ta phụ trách về tù cứ đòi, địch phải mất công tìm hết nơi này nơi khác về tên Duy tù binh. Phái đoàn ta nói: “Không thấy tù nhân tên Duy được trao trả về”. Cuối cùng tìm không thấy, địch đem những văn bản, quyết định tha tôi cho phái đoàn ta để xác minh giúp, còn chúng sẽ xác minh xem tên Duy có ở lại khu chúng kiểm soát không? Ý định tôi lúc đó ra sao tôi có nói với cán bộ phụ trách tù binh: chỉ là “đánh lừa” để chúng mất thời giờ truy tìm...v.v. Tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện ấy sau này gây phiền phức. Đó là trong đơn vu khống lý lịch tôi, kẻ xấu đã viết: “Chính Duy là tay sai địch nên địch đã truy tìm bằng nhiều văn bản, gửi các địa phương của chúng, tìm Duy để sử dụng...”. Những hồ sơ của địch sau khi đã có kết luận, tôi đã xin các đồng chí sao lục cho mộc bản. Câu cách ngôn: “gậy ông lại lập lưng ông” cũng là bài học cho những ai chỉ đơn giản nghĩ điều thuận mà không thấy điều nghịch như tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 09:54:47 am »


        Về tiếp quản Hải Phòng

        Ngày 13-5-1955, Văn phòng Ban chỉ đạo và văn phòng Thành Ủy nhập làm một, về trước một ngày, đóng tại Sở dầu - Hạ lý. Ngủ một đêm tại đây, sáng hôm sau tất cả theo đại quân vào tiếp quản Hải Phòng.

        Anh Mười hỏi tôi vào thành sẽ ở đâu, tôi nói đã chuẩn bị với bộ phận vào trước, chuẩn bị cho anh và văn phòng ở số 9 phố De La République, nay là số 1 Hoàng Diệu, là trụ sở của Đốc Lý Hải Phòng. Còn Thành Ủy về ở số 11 Négrier, phòng Nhì của bộ tư lệnh Pháp miền Duyên Hải, nay là phố Lý Tử Trọng, sau chuyển cho Bộ tư lệnh Quân khu, rồi chuyển tiếp cho Bộ Tư lệnh Hải Quân. Còn Thành Ủy chuyển về số 5 Đinh Tiên Hoàng ngày nay, là một cơ sở hậu cần của quân đội Pháp đóng tại Hải Phòng.

        Tôi về làm thư ký văn phòng Thành Ủy và được bầu là Bí thư chi bộ, do đồng chí Nguyễn Mạnh Giao làm Chánh văn phòng, đồng chí Trần Phương (Phương xích) Thành Ủy viên phụ trách văn phòng. Tôi được phân công theo rõi khối nội chính.

        Lúc đó tiếp quản công việc bề bộn, giải quyết chưa xuể thì ngày 26-9-1955 Hải Phòng bị một cơn bão lớn, gió đông vào lúc thủy triều dâng, tràn hết các con đê oèo oặt do thực dân Pháp để lại. Nước ngập tràn thành phố. Do nước cường tràn vào nhanh, những xã ven đê như Tràng Cát có tới 327 người chết, hầu hết là người già và trẻ em. Anh hùng Phạm Minh Đức đã xả thân cứu giúp đồng bào, bị nước cuốn trôi. Khi nước rút phải vận động cán bộ toàn thành phố đi cạo mặn giúp dân. Những xã ven sân bay Cát Bi, chúng tôi đi giải quyết hậu quả, phải vào sát hàng rào dây thép gai kéo các em bé ra, cháu nào cũng chúc đầu vào dây thép gai, chết rất thê thảm. Lúc nước cường, anh Mười, anh Hoàng Mậu và tôi đi xe Jeep của anh Mười xuống nhà thờ Nam Pháp. Đến đó thì nước đang dội vào thành phố, có nguy cơ xe chết máy không về được. Tôi bảo chú lái xe chở anh Mười về trước, còn anh Hoàng Mậu và tôi cùng đồng chí Vân bảo vệ anh Mậu sẽ về sau. Nước tràn vào mỗi lúc một lớn, chúng tôi không thể nào xuống được xã Sâm Bồ, Hạ Đoạn. Ba anh em phải khóac tay nhau đi hàng ba về nội thành. Về đến đầu cầu Rào nước đã lên ngang thắt lưng. Ba anh em đi về đến nội thành, thì nội thành biến thành bể nước, không còn chỗ nào hở cả. Về đến văn phòng đã trưa, mọi người chờ đợi. Chúng tôi phải một mẻ ướt sũng. Nhưng khi nước thủy triều rút, bão cũng gần tan nên nước rút nhanh. Lúa bị chết hết vì nước mặn. Đê không đủ cống để thoát nước. Thật là trời thử thách lòng kiên định của nhân dân Hải Phòng.

        Theo các cụ cao niên kể lại: “Đây là trận Hồng thủy lớn nhất sau 150 năm mới lại xảy ra” (Khi quai đê lấn biển đường 14 Đồ Sơn, tôi đã lấy mực nước lớn nhất năm 1955 làm Tiêu chuẩn cho đê biển Hải Phòng. Đê cao hơn mốc nước năm 1955 là 2 mét, chân đê rộng 60 mét, có kè đá hoặc xi măng cốt thép bên ngoài bảo đảm 150 năm sau nếu lịch sử thủy triều lập lại thì nhân dân ven biển sẽ tránh được tại hoạ).

        Mọi công việc tiếp quản ngày một ổn định. Nhưng Cải cách ruộng đất đợt 5 lại đến. Thành phố có đỡ hơn. Ngoại thành làm mạnh. Tôi phụ trách nội chính nên phải theo rõi tình hình Cải cách ruộng đất. Hồ sơ cán bộ do các đoàn Cải cách ruộng đất gửi về Thành Ủy, xin bắt đồng chí này, đồng chí khác... ngày càng nhiều. Còn riêng tôi, nghĩ gia đình chỉ là trung nông nên tôi cũng chẳng để ý đến gia đình là thành phần gì. Một hôm tôi cùng một vài đồng chí trồng một cây bàng ở sân văn phòng Thành Ủy (cây bàng nay vẫn còn), đồng chí Hoàng Mậu nhìn tôi cười cười và nói: “Cậu trồng cây đó làm gì?”. Linh tính báo cho tôi biết có điều gì chẳng lành, tôi đoán chắc mình cũng có hồ sơ của đoàn Cải cách ruộng đất gửi về nhưng văn thư giữ kín không chuyển cho tôi. Tôi vẫn bình tĩnh. Mấy đồng chí thư ký khác như anh Hưng, anh Quảng, anh Minh Sơn cũng có danh sách là gia đình địa chủ. Trông đi trông lại văn phòng đều là con cái địa chủ cả. Nhưng ban thường vụ chẳng thấy nói gì. Tôi vẫn làm việc bình thường. Khoảng tháng sau, người chị dâu nhà tôi “giả vờ” đi chợ xuống Hải Phòng vào thăm tôi, nhà tôi nhắn tin xuống: “Nhà bị qui là địa chủ thường. Em tuy con nhà cố nông, nhưng vì liên quan, không được sinh hoạt đảng. Anh bị họ tố là Bí thư chi bộ Quốc dân đảng, nhưng họ tố bí mật với nhau, không nói công khai, đội Cải cách ruộng đất không thấy nói gì, anh yên tâm công tác. Em phản đối kịch liệt họ tố sai. Đội họ bảo em cứng đầu cứng cổ, chẳng sợ gì cả. Em nghĩ họ làm bậy, tố bậy, nên em coi họ rất thường!”. Khi sửa sai gia đình tôi được hạ xuống trung nông, còn nhà tôi đến khi sửa sai mới được khôi phục đảng tịch. Nhà tôi được cả xã, cả khu vực khen ngợi là dám chống lại những việc làm sai trái của Cải cách ruộng đất, nói thẳng nói thật, không như một số đảng viên khác cùng về làm dâu ở làng tôi như chị C. (còn sống), đấu bố chồng và gọi tên bố chồng chửi... nhà tôi rất khinh. Sau này tuy là chị em trong họ, nhưng khi chị C. đến chơi, nhà tôi vẫn lảng tránh, tỏ ra khinh bỉ. Tôi cũng nhắc nhà tôi nhiều lần “Đảng đã sửa sai, biết bao nhiêu kẻ cơ hội, đâu có riêng gì chị C..”.

        Trong lúc phong trào Cải cách ruộng đất đang lên, du kích và cốt cán Cải cách ruộng đất vác súng vào thành phố lùng bắt địa chủ và con cái địa chủ là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Họ đã bắt được một vài người. Tôi báo cáo anh Mười cứ để thế này thì không nên. Thành phố mới tiếp quản, lòng dân còn nhiều điều suy nghĩ về chế độ mới, đề nghị anh nhắc các Đoàn Ủy Cải cách ruộng đất không để cốt cán vác súng vào nội thành tìm địa chủ... Anh Mười nổi nóng tuyên bố: “Bắt trói tất cả đứa nào vác súng vào bắt cán bộ nghi là địa chủ. Muốn làm loạn à? “. Công an ra tay, tóm được mấy nhóm giải về Đoàn Ủy xử lý. Từ đó không có cốt cán nào dám vào nội thành nữa. Nhưng họ tung tin: “Tay Bí thư Thành Ủy Hải Phòng phản động, chống lại Cải cách ruộng đất, nhưng nó to lắm, Đoàn Ủy cũng không làm gì được...”. Đến khi phát hiện sửa sai, đi họp Trung ương về, anh Mười phấn khởi gọi tôi bảo: “Mình đúng, mình đúng? Làm sai hết rồi! Sửa sai mới mệt cơ!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 09:55:24 am »


        Trong Cải cách ruộng đất ở Hải Phòng còn một chuyện: Đón đồng chí Mi-cai-ăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

        Đồng chí Mi-cai-ăng lúc đó là nhân vật thứ 3 của những nhà lãnh đạo Liên Xô. Ta mới được giải phóng một nửa nước, được đón tiếp một cán bộ cao cấp của Liên Xô lúc đó là một điều rất vinh dự. Trong chuyến thăm này, chương trình của Đoàn có đến thăm Thành phố Hải Phòng, vào ngày 12-3-1956. Hải Phòng thành lập ban đón tiếp do anh Mười trực tiếp chỉ đạo. Tôi được giao trách nhiệm đi báo cáo, liên lạc với Ban đón tiếp Trung ương. Từ ngày bắt đầu chuẩn bị hơn một tháng trời, tôi được giao chiếc Moscovic Liên Xô kiểu cũ với đồng chí lái xe là anh ruột đồng chí Nguyễn Mạnh Giao, Chánh Văn phòng Thành Ủy, sáng đi chiều về, lên Hà Nội nghe chỉ thị, lúc thì gặp anh Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khi thì gặp anh Vũ Tuân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, có hôm phải gặp cả hai người để báo cáo tình hình chuẩn bị đón tiếp đồng chí Mi-cai-ăng ở Hải Phòng. Rồi nghe truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương.

        Vì là lần đầu tiên đón khách quan trọng, nên anh Mười bảo tôi phải hỏi kỹ cách thức đọc diễn văn chào mừng ra sao, bắt tay, đi đứng ra sao? Anh Ung Văn Khiêm đều hướng dẫn cho tôi, để tôi về báo cáo anh Mười. Anh Ung Văn Khiêm còn cho dịch quyển Tự điển Ngoại giao từ tiếng Nga sang tiếng Việt của đồng chí Vi-sanh-ky, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, để tôi đọc và báo cáo tóm tắt với anh Mười.

        Mọi việc chuẩn bị rất khẩn trương. Hàng ngày tôi đi Hà Nội, qua quê tôi, nhìn cây gạo đầu làng cao nhất vùng, đang mùa nở hoa đỏ ối, thấy nhớ vợ, nhớ nhà da diết. Vì từ khi bắt đầu Cải cách ruộng đất, cán bộ không được phép về thăm nhà. Tôi cho xe đi chậm chậm, mỗi khi qua quê. Tôi nhìn mọi người sao thấy họ đều lo âu, trầm tư. Cũng có người nhìn thấy tôi, khẽ nghiêng đầu chào thầm lặng. Tôi biết là tình hình đấu tranh rất căng thẳng. Chiều từ Hà Nội về, khoảng 16 giờ mà đã vắng tanh, không ai qua lại đường 5, chỉ còn những chiếc xe tô lác đác chạy ngược xuôi Hà Nội - Hải Phòng.

        Ít ngày sau đó tôi được tin xã tôi đã bắn ông Đào Quang Xương mối lái trâu thuần, có hơn một mẫu ruộng. Cả nhà cụ Tổng Toạ, gia đình toàn đi kháng chiến, con gái lớn là cô Đàm làm chủ tịch, con gái thứ hai là cô Địch làm xã đội trường, chiến đấu rất dũng cảm, vì nhà có 3 mẫu ruộng cũng bị đấu tố sỉ vả... Không chịu đựng được sự oan ức, sáng sớm ngày mồng một Tết năm đó, cả nhà đã giả vờ đi tát nước sớm, đến bờ sông Tường, 4 người đều nhảy xuống sông tự tử. Riêng cô Bùi Thị Địch, khi chết hai chân còn để trên bờ. Mọi người đoán là cô Địch bố trí cho bố, mẹ và chị nhảy xuống sông tự tử trước, còn cô Địch nhảy xuống sau. Nhưng do quá uất ức nên chân còn trên bờ, đầu đâm xuống nước chết ngay! Đối với tôi, tôi còn phải gọi cô Đàm, cô Địch bằng dì, hai cô với mẹ tôi là con cô con cậu ruột. Trước khi Cải cách ruộng đất có lần tôi về nhà, hai dì đến nhà tôi chơi có hỏi: “Tình hình Cải cách ruộng đất sắp đến, chắc gay go lắm? Cậu Quảng (tức Phạm Chí Dũng nay là Đại tá về hưu, là em cùng bố khác mẹ với các dì), cậu Quảng đã viết thư về đoạn tuyệt với gia đình”. Hai dì bảo tôi cho vài lời khuyên. Tôi nói: “Gia đình ta chỉ có 3 mẫu ruộng, cụ chỉ có chức Phó tổng mua, gia đình hiền lành tử tế, đều tham gia kháng chiến rất tích cực, hai dì chiến đấu ở xã ai mà chẳng biết. Theo ý cháu, đối chiếu với chính sách gia đình chỉ là phú nông là cùng thôi. Hai dì cứ yên tâm, tin tường vào chính sách Cải cách ruộng đất và Bác Hồ.. ” Hai dì vẫn tỏ ra rất buồn, nhất là chuyện cậu em ruột viết thư đoạn tuyệt gia đình. Hai dì ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi đứng dậy ra về: “Anh nói tôi cũng thấy tin, nhưng ông bà (ý nói cụ ông, cụ bà Tổng Đàm) thì vẫn lo lắm anh ạ”. Tôi động viên hai dì mấy câu và gửi lời thăm hai cụ. Rất thương là hai dì đều chưa có gia đình. Khi Cải cách ruộng đất, không phải ai xa lạ mà chính là bà vợ hai với cô con dâu vợ cậu Quảng là cốt cán Cải cách ruộng đất, đấu tố hai cụ quyết liệt nhất...

        Sáng ngày 12-3-1956 toàn dân Hải Phòng, quần áo chỉnh tề tay cầm cờ hoa đứng dọc đường từ Sở dầu về đến Hải Phòng, đón đồng chí Mi-cai-ăng và Đoàn từ Hà Nội xuống.

        Tôi cũng rất phấn khởi vì sắp làm tròn nhiệm vụ được giao. Nếu hôm nay không có chuyện gì xảy ra là toàn thắng. Mọi người hào hứng, phấn khởi chờ đợi. Anh Mười, anh Mậu và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Hải Phòng quần áo chỉnh tề chuẩn bị đón đoàn. Tôi đi kiểm tra lại một lần nữa ở chung quanh trụ sở Ủy ban Quân quản thành phố. Không khí Cải cách ruộng đất ở ngoại thành căng thẳng, nhưng trong thành phố rất vui.

        Khoảng 10 giờ bỗng có điện từ Hà Nội về báo tin Đoàn không xuống nữa làm mọi người rất thất vọng. Anh Mười chuẩn bị micro phát biểu một vài ý kiến cảm ơn đồng bào. Giữa lúc anh Mười sắp nói, thì anh Trần Quốc Hoàn; Bộ trưởng Bộ Công an và anh Lê Quốc từ Hà Nội xuống. Anh Hoàn nhanh nhảu nói: “Đoàn sắp đến nơi rồi”. Anh Mười vỗ vai anh Hoàn nói: “Đoàn không xuống rồi”. Anh Hoàn cãi lại: “Tôi vừa ở chỗ Đoàn, đang chuẩn bị đi. Xe tôi đi trước để kiểm tra”. Anh Mười nắm hai vai anh Hoàn bảo: “Thôi, thôi xong rồi... Để tôi nói với đồng bào vài lời cảm ơn...”.

        Thế mới biết đón một đoàn Quốc tế đầu tiên sang thăm Việt Nam, nó quan trọng đến chừng nào. Tổ chức bảo vệ thật là kỳ công. Thế mà bạn không chiếu cố. Sau tôi được biết là cán bộ tùy tùng bảo vệ đề nghị đồng chí Mi-cai-ăng không đi, vì Hải Phòng mới giải phóng, tình hình Cải cách ruộng đất đang căng thẳng, không an toàn, do đó Đoàn quyết định không đi thăm Hải Phòng nữa.

        Anh Mười bảo tôi xuống nhà máy Tơ giải tán buổi nói chuyện của Ban tuyên huấn. Tuy với danh nghĩa bề ngoài như vậy, nhưng thực chất tập trung gần 1000 cán bộ quân đội, dân chính có vấn đề nghi vấn tới nghe nói chuyện. Khi đón đoàn xong sẽ giải tán. Lúc đó tôi mới biết cuộc họp “đặc biệt kỳ lạ” này vì an ninh cho phái đoàn. Khi đến nhà máy tôi lại gặp đồng chí Hồng Vũ, Vũ Hạnh là bạn tù Côn Đảo, một số cán bộ của Quân khu Tả ngạn.v.v. Tôi nghĩ may mà mình về trước được mấy tháng, nếu ra tù sau với hồ sơ ghi “T.T” (trao trả), chắc mình cũng nằm trong diện các đồng chí này đây. Nghĩ thế vừa buồn vừa mừng.

        Đến cuối năm 1956, đầu năm 1957, thời kỳ sửa sai Cải cách ruộng đất, Trung ương điều anh Mười lên làm Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp, anh Hoàng Hữu Nhân, bí thư Khu Ủy Hồng Quảng về thay làm Bí thư thành Ủy Hải Phòng.

        Trước khi về Trung ương công tác, anh Mười nói với tôi: “Tôi lên Trung ương công tác, cậu ở lại, nếu được bố trí làm phó chủ tịch Ủy ban thành phố thì tốt, chí ít cũng làm Giám đốc một sở”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM