Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:54:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Làm người là khó  (Đọc 5769 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 11:06:29 pm »

     
        Những cuộc đi công tác địa phương đáng nhớ

        Thời kỳ công tác ở Trung ương, tôi đã đi khắp các tỉnh thành phố trong nước, có tỉnh thành phố tôi đến làm việc nhiều lần. Tỉnh, thành phố nào tôi cũng rất có cảm tình. Các đồng chí lãnh đạo cũng như các đơn vị tôi đến thăm hoặc làm việc, đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên, những ấn tượng sâu sắc về con người và cảnh vật. Đến nay tôi đã về hưu, nhưng các địa phương vẫn quan tâm thăm hỏi, có tỉnh hàng năm đều có thư mời về thăm, hoặc nghỉ ở những danh lam thắng cảnh của địa phương, làm cho tôi suy nghĩ, luôn luôn lúc nào cũng thấy trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.

        Tôi không phải là nhà thơ uyên bác gì, nên không dám đến đâu cũng “vạch đá đề thơ”. Nhưng có vài lần ở ba miền, nhất là những năm 1987-1988, tôi về công tác ở tỉnh Đồng Tháp, đến đâu nhân dân cũng mến mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Hồ Chủ tịch. Nhiều người kể về công lao của cụ Phó Bảng, xây dựng phong trào cách mạng ở Cao Lãnh. Có người nói: “Chúng tôi chưa biết Bác Hồ thế nào, nhưng thấy cụ Phó Bảng là chúng tôi quý Bác Hồ”. Tôi cảm động mới làm đôi câu đối thờ cụ, nói lên tính kết nối giữa cụ Phó Bảng với Bác Hồ trong sự nghiệp xây dựng phong trào cách mạng và hoàn thành sự nghiệp cách mạng của cha con cụ đối với dân tộc Việt Nam. Đôi câu đối đó lan tỏa đi một số nơi, nên một số tỉnh tôi đến làm việc các đồng chí đề nghị làm cho một đôi để đặt ở nơi có ý nghĩa. Tôi nghĩ đến đâu cũng viết câu đối thì chẳng hay gì, sinh nhàm chán. Tháng 4-1989 tôi đến thăm Nghĩa Bình, đến thăm huyện Tây Sơn thờ vua Quang Trung. Tôi xúc động làm một đôi câu đối để ở đền thờ với nội dung:

       “Bát thập tuế khởi sự binh nhung bất tri chiến bại.
        Tam cửu niên băng hà cường tặc do khuất uy linh”


        (Nghĩa là: năm mười bảy tuổi, khởi binh đánh giặc, không biết thua là gì! Ba mươi chín tuổi mất, giặc dữ còn sợ oai nghiêm).

        Trước khi viết chính thức tôi có nhờ cụ Minh nhuận sắc. Cụ Minh bảo tôi bỏ “Thanh, Xiêm một hữu thất kinh” (quân Thanh quân Xiêm chưa hết sợ) vì nay ta đã hòa nhập với thế giới, những từ nhắc lại quá khứ, nêu rõ tên, nên bỏ. Cụ thay vào đó là: “Cường tặc do khuất uy linh”. Tôi đồng ý với cụ Minh.

        Tháng 10-1989 tôi lên làm việc với tỉnh Vĩnh Phú, các đồng chí lãnh đạo tỉnh có đề nghị tôi viết một đôi câu đối ở đền Hùng. Tôi nghĩ ở Nam Bộ tôi đã viết một đôi câu đối ở lăng cụ Phó Bảng, miền Trung có đôi câu đối ở đền thờ vua Quang Trung, ở miền Bắc cũng cần có một đôi câu đối của Thầy đồ “Đổi mới” xứ Đông để thờ Tổ. Tôi viết:

        “Tứ thiên niên Hồng Lạc cố cương giang sơn thế việt
         Lục thập triệu tử tôn cách mạng chế độ nhật tân”


        (Nghĩa là: bốn nghìn năm Hồng Lạc, sông núi, bờ cõi vẫn giữ vững, con cháu người Việt ở đời đời, chữ “Thế Việt” còn có nghĩa là Vượt đời...).

        Sáu mươi triệu con cháu làm cách mạng và đang đổi mới, chữ “Nhật tân” trích sách đại học của Tăng tử “Cẩu nhật tân nhật nhật tân, hựu nhật tân: (đã mới rồi, ngày ngày càng đổi mới, tiếp tục đổi mới).

        Tôi lại nhờ cụ Minh nhuận sắc, cụ đồng ý không thêm bớt chữ nào. Tôi đọc để xin ý kiến anh Trường Chinh, anh Nguyễn Văn Linh, hai anh đều tâm đắc. Anh Trường Chinh thích vế thứ nhất, nhất là chữ “Thế Việt”. Anh Nguyễn Văn Linh thích vế thứ hai, nhất là chữ “nhật tân”. Câu đối được treo ở những nơi trân trọng, những cũng có nhiều ý khen chê. Khen thì nhiều, chê ít nhưng “to miệng”. Đến mức Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú phải hạ xuống cất vào kho. Sau Bí thư tỉnh Ủy Vĩnh Phú, đồng chí Nguyễn Văn Đăng bảo cứ treo trên đền chính và đề nghị con cháu cả nước ai có câu đối hay cứ đem đến đền thờ Tổ sẽ treo hết. Còn Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Tháp, đồng chí Tư Hữu nói thẳng với mấy người đến chê bai, rằng: các đồng chí giỏi thì làm đem đến đây tôi sẽ khắc trên bia đá, còn chê thì ai chê chẳng được. Chúng tôi cần làm, chứ không cần nói.

        Câu đối ở đền thờ vua Quang Trung, ở Tây Sơn, Bình Định, chắc ở xa, ít người đến nên chưa thấy có ý kiến gì. Thế mới biết, làm người khó lắm! Cổ nhân đã nói: “Tố vi nhân nan, tận chỉ bút đầu can” (làm người là khó, viết 4 chữ đó hết giấy mực vẫn chưa hết khó) và đặt ra 4 câu thơ để nhắn nhủ người đời:

        Xảo yếm đa lao, chuyết yếm nhàn.
        Thiện hiềm nhu nhược, ác hiềm ngoan
        Phú tao tật đố, bần tao tiện
        Cần viết tham lam, kiệm viết kiên....


        (Nghĩa là: Khéo tay chê là vất vả, vụng về chê là lười biếng
        Làm điều thiện, chê là nhu nhược; làm điều ác, bảo là ngoan cố.
        Giàu có bị ghen ghét, nghèo chê là ti tiện.
        Cần mẫn bảo là tham lam, tiết kiệm chê là keo kiệt...)

        Cho nên người đời mới than rằng: “Tối nhân nan”.

        Đó là những cuộc đi công tác nước ngoài và trong nước mà tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.

        Bất cứ cuộc đi nước ngoài hay trong nước đối với tôi đều rất bổ ích và giữ lại nhiều kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, với tình đồng chí, tình bạn bè, tình cán bộ với nhân dân, như nguồn cổ vũ động viên tôi suốt đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:39:02 pm »


        Đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn với Hải Phòng

        Đồng chí Lê Duẩn trong những năm 1930 đã hoạt động cách mạng ở Hải Phòng và năm 1931 đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Ngõ Đá, Hải Phòng. Bởi vậy đồng chí Lê Duẩn có nhiều kỷ niệm với nhân dân và Đảng bộ Hải Phòng.

        Sau những năm ra tù lần thứ nhất ở Côn Đảo về, đồng chí tiếp tục hoạt động ở miền Trung và các tỉnh miền Nam. Vào những năm 1939-1940 với cương vị là Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Ủy viên Thường vụ Phan Đăng Lưu và Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập mặt trận phản đế Đông Dương, thay mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới.

        Năm 1940 đồng chí lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai cho đến khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

        Tôi là bậc hậu sinh, biết tiếng đồng chí Lê Duẩn bắt đầu từ khi tôi bị bắt và đày ra Côn Đảo, được các đồng chí Nam bộ kể về anh Ba (tên thân mật của đồng chí Lê Duẩn), tôi mới hiểu anh Ba qua những câu chuyện kể về tài năng và đức độ của anh trong tù, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Một con người thông minh, sáng tạo, đã cùng Trung ương Đảng và Bác Hồ đưa cách mạng ở Nam Bộ vượt qua bao nhiêu khó khăn của thời kỳ “trứng nước” đến ngày thắng lợi. Anh đã hoạt động trên mảnh đất đầy gian khổ nơi có nhiều xu hướng chính trị và đạo giáo phúc tạp, nơi quân Anh rồi đến quân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta lần thứ hai, ngay sau ngày nước ta tuyên bố độc lập 2-9- 1945. Với tài trí thông minh, anh được quân, dân Nam Bộ gọi là “ông 200 bougies” hoặc “ông 500 Bougies”. (Sáng như bóng đèn điện 200-500 nến).

        Tôi chỉ được nghe kể thế thôi, còn con người cụ thể thì mãi đến năm 1957 anh ra Bắc và xuống Hải Phòng nói chuyện với Hội nghị cán bộ, tôi mới biết anh. Lúc đó tôi chưa phải là cán bộ chủ chốt của Hải Phòng. Nhưng do muốn tìm hiểu một con người sẽ kế thừa sự nghiệp của Bác, khi giải lao tôi đến gần anh, hỏi chuyện việc anh ra miền Bắc gặp nhiều khó khăn ra sao. Anh thân mật kể cho nghe. Chúng tôi vây quanh và đặt ra nhiều câu hỏi. Anh sẵn sàng trả lời, vừa vui vẻ, vừa thân mật. Thấy anh khoẻ mạnh, tươi cười, nhưng hay nói nhanh, giọng Quảng Trị pha Nam Bộ rất khó nghe. Riêng tôi ở nhiều với anh em ba miền, nên nghe khá hơn, đôi khi phải “dịch” lại cho một số anh em cán bộ Hải Phòng có lúc nghe mà không hiểu được gì cả. Có anh em như đồng chí Hải, cán bộ Tuyên huấn, bảo chẳng ghi chép được gì. Nhưng tất cả vẫn thấy vui, vì được gặp anh Ba lần đầu, thái độ anh cởi mở, gần gũi anh em.

        Từ đó, hàng năm anh thường xuống Hải Phòng 2, 3 lần để gặp gỡ cán bộ, thăm nội ngoại thành, nhất là từ khi chị Bảy Vân về công tác ở báo Hải Phòng, ba cháu nhỏ cũng về Hải Phòng, nên anh Ba luôn tranh thủ những ngày nghỉ về thăm chị Ba với các cháu. Mỗi lần về, anh đều dành thời gian thăm phong trào. Giữa những năm 60, tôi phụ trách Liên hiệp xã Tiểu công nghiệp và Thủ công nghiệp. Trong những buổi ra ngoại thành, sang huyện Thủy Nguyên, Thành Ủy giao cho tôi dẫn anh đi xem. Từ những chuyến đi này, tôi có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với anh qua câu chuyện đến thăm các cơ sở.

        Tôi nhận thấy người chuẩn bị thay Bác Hồ, không phải chỉ giỏi chống ngoại xâm, mà có tầm nhìn về kinh tế rất sáng suốt. Từ đó bắt đầu tôi mến anh Ba, và luôn muốn gợi những ý kiến suy nghĩ của mình để anh Ba giải đáp.

        Có một số lần xuống xem hợp tác xã dệt thảm len xuất khẩu ở Thủy Nguyên, một lần xem hợp tác xã may mặc ở nội thành, một lần xem hợp tác xã nông nghiệp kiêm làm nghề thủ công ở An Hải, đã cho tôi ấn tượng sâu sắc về tư duy kinh tế của anh Ba.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:39:35 pm »


        Đến hợp tác xã dệt thảm len gia công xuất khẩu, anh hỏi tôi sao lại tập trung khung dệt cồng kềnh thế này vào một nơi? Sao không để ở từng nhà cho thuận tiện đi lại, năng suất sẽ cao, không phải làm thêm nhà để khung cửi? Còn tập trung chỉ là cơ khí sản xuất theo dây chuyền thì người ta mới tập trung... Đến hợp tác xã may mặc anh Ba còn chất vấn tôi: Tại sao máy khâu mà cũng vào hợp tác xã, để người ta làm cá thể có hơn không? Những câu hỏi liên quan đến đường lối làm ăn tập thể, tổ chức hợp tác xã mà anh Ba hỏi như vậy khó trả lời quá! Tôi báo cáo anh Ba đó là theo hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương. Anh Ba vặn lại tôi: “Các đồng chí ở cơ sở sát thực tế, trên không sát, phải đề xuất chứ. Cứ làm mà không có ý kiến gì là không được”. Tôi suy nghĩ quá! Nhưng lúc này chỉ nên vâng, dạ, còn biết nói sao đây, khi phong trào hợp tác hóa đang lên mạnh. Đến hợp tác xã dệt thảm len xuất khẩu, có em bé gái 16 tuổi đang dệt thảm, anh Ba hỏi cháu có biết đồng đô-la là gì không ? Cháu ngớ người ra. Tôi vội thưa với anh, tôi cũng chưa nhìn thấy đồng đô-la... Anh Ba phân tích ngay, làm xuất khẩu mà không hiểu đồng đô-la là gì là không được. Phải cho các cháu nó biết giá trị của đồng đô la. Anh vỗ vai tôi và bảo: “Còn đồng chí càng phải biết đồng đô-la là gì ? Có thế mới hăng say sản xuất, làm ra hàng xuất khẩu để có đô-la xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Thật là ý “mới toanh” tôi thấy ở một nhà chính trị lỗi lạc nói ra. Tôi thấy thích mà cũng thấy lạ tai, vì các đồng chí khác kiêng ky, thành kiến với đồng đô-la, còn anh Ba lại say sưa nói về nó. Tôi nghĩ đây là con người có một tầm tư duy kinh tế khác thường. Tôi nghĩ sao anh Ba không làm cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khác nghĩ như anh nhỉ ?

        Khi đến hợp tác xã nông nghiệp, anh hỏi tôi: “Đồng chí có biết thế nào là sản xuất lớn không ?” Tôi đang ngập ngừng anh Ba nói ngay: “Sản xuất lớn không phải là tập trung vào hợp tác xã để nuôi, mà mỗi gia đình nông dân nuôi 40-50 con lợn, hàng trăm con gà thế là sản xuất lớn... Việc gì mà ngồi túm tụm hàng chục người thế kia thái rau, làm sao có năng suất, có hiệu quả được...”.

        Qua những lần đưa anh Ba đi thăm phong trào hợp tác xã sản xuất, tôi thấy lý giải nhiều điều rất sáng sủa để phát triển sản xuất, xây dựng đất nước. Tôi không hiểu tại sao các ngành Trung ương không nói theo cách nói của anh, và theo ý kiến của anh? Tôi tiếp tục theo rõi và suy nghĩ về cái đầu sáng 500 nến trong chiến tranh chống Pháp và nay đang chống Mỹ, cái đầu ấy thể hiện trong kinh tế cũng rất sáng tạo, có lẽ sáng hơn 500 nến nữa.

        Đến năm 1979 tôi làm Chủ tịch UBND Thành phố, tôi có điều kiện làm việc trực tiếp với anh Ba. Trong nhiều buổi đưa anh đi thăm cơ sở sản xuất, anh có nhiều gợi ý rất sáng, truyền cảm, truyền ý thức tự lực tự cường cho những người đi theo. Câu nói cửa miệng và đầu tiên khi bắt đầu câu chuyện thường là anh nhắc: Thành phố, Thành Ủy phải làm gì cho dân, phải hiểu được dân cần gì ? Thành Ủy là phải lo cho dân, mỗi người ăn một năm bao nhiêu thịt, cá, bao nhiêu quả trứng. Thành Ủy phải biết hàng ngày nhân dân ăn gì ? Chứ Thành Ủy cũng chung chung như Trung ương thì Thành Ủy làm được gì? Hoặc mỗi tỉnh, thành phố, phải coi mình như một nước nhỏ mà lo toan thay Trung ương. Thế giới có nước người ta chỉ có 1.000 km2 với mấy trăm nghìn dân, bé hơn Hải Phòng, người ta còn làm giỏi như thế. Thành Ủy Hải Phòng phải biến thành phố là Hồng kông, Singapore thứ hai... Lần nào anh cũng nhắc, cũng nói một cách tâm huyết, thật thà, thẳng thắn với chúng tôi.

        Trong những buổi làm việc với anh Ba, sau những ý kiến trực tiếp vào vấn đề chính xong rồi, anh Ba đều có những suy nghĩ lớn cho đất nước, muốn truyền đạt cho thế hệ sau, lớp trẻ chúng tôi. Trong các buổi nói chuyện anh rất dân chủ và lắng nghe ý kiến mọi người. Có những ý kiến anh tranh luận lại, nhưng thái độ cởi mở, thân thiết, không áp đặt.

        Có lần tôi làm việc với anh ở Đồ Sơn, khi công việc chính đã được ý kiến anh chỉ đạo, anh nói sang quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc. Rồi anh nói văn hóa của ta cao hơn Trung Quốc, và phê phán Khổng Tử coi thường cả mẹ. Tôi hỏi anh Khổng Tử nói ở chỗ nào ? Anh bảo Khổng Tử nói: “Phụ nhân nan hóa” (người phụ nữ khó cải hóa). Rồi anh nói văn hóa của ta là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”... “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... Còn Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, còn ta thì “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là cao hơn văn hóa Trung Quốc. Rồi anh phê bình Mao Trạch Đông và Khổng Tử cùng là “một giuộc”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:40:11 pm »


        Tôi suy nghĩ tìm câu nói để anh Ba hiểu rõ về triết học của Khổng Tử khác với Mao Trạch Đông. Khi anh Ba dừng phát biểu, tôi thưa với anh:

        - Mao Trạch Đông phê bình Khổng Tử mạnh mẽ lắm!

        Anh Ba đứng dậy hỏi tôi: - Ở chỗ nào ?

        Tôi thưa với Anh là sau khi Lâm Bưu chết, Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh có 7 bài liền: “Phê Lâm, phê Khổng”. Anh lại hỏi: “Nội dung thế nào, sao tôi không biết ?” Tôi báo cáo tường tận câu chuyện này, trong 7 bài báo trên để anh Ba rõ: “Vấn đề là khi sinh thời, Lâm Bưu có treo hai chữ đại tự ở giữa nhà mình, hai chữ đó là “Khắc Kỷ”, ý Lâm Bưu muốn mượn lời Khổng Tử để phê phán Mao Trạch Đông. Trong sách Luận Ngữ chép, khi học trò giỏi nhất của Khổng Tử là thầy Nhan Hồi hỏi Khổng Tử, làm thế nào thì làm được điều “Nhân” (Nhan tử vấn nhân, Khổng Tử viết: Khắc kỷ phục lễ vi nhân), Khổng Tử trả lời là phải nghiêm khắc với mình, thực hiện đúng lễ (pháp luật), thì mới làm được điều “nhân”. Sau khi Lâm Bưu chết, Mao Trạch Đông phê bình Lâm Bưu và phê bình Khổng Tử. Vì Lâm đã lấy câu của Khổng Tử dạy Nhan tử để phê phán gián tiếp Mao Trạch Đông là người coi thường pháp luật, điều lệ, nghĩa là kẻ bất nhân. Nên Mao phê cả hai: Lâm và Khổng. Tôi nói xong, anh Ba hỏi tôi: “Đồng chí học đến gì?”. Tôi thưa với anh là tôi đã học kỹ Tứ thư, còn Lục kinh, tôi học Kinh thi và Kinh Xuân thu (Kinh Trị quốc của phong kiến Trung Quốc). Còn kinh dịch, kinh lễ, kinh thư, kinh nhạc, tôi chỉ đọc qua thôi. Anh nói ngay: Tôi chỉ đọc “Luận ngữ”, “Mạnh Tử” (hai bộ sách này thuộc về Tứ thư gồm: Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung). Anh vui vẻ nói: “Thôi nghỉ ăn cơm, sáng mai đồng chí ra nói tiếp về Khổng Tử...”.

        Sáng hôm sau tôi ra Đồ Sơn tiếp câu chuyện còn lại về Khổng Tử. Trước khi bàn đến Khổng Tử, anh Ba lại nhắc tôi những điều suy nghĩ sâu sắc của anh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Anh trăn trở nhiều điều của các nước anh em, nhất là Liên Xô và lý luận về chuyên chính vô sản, làm chủ tập thể... Rồi anh dừng lại, bảo tôi nói tiếp về Khổng Tử. Tôi báo cáo tiếp với anh về nhận thức của tôi đối với Khổng Tử, Tôi nói: “Khổng Tử sinh ra cách đây 2.500 năm, trong một chế độ phong kiến tập quyền mạnh ở Trung Quốc, nên Khổng Tử cũng không thoát khỏi hệ tư tưởng đó. Hơn nữa Khổng Tử đã viết ra Kinh Xuân Thu để cai quản đất nước theo Triết học “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử”. Nhưng Khổng Tử là nhà triết học vĩ đại lấy nhân nghĩa làm đầu, từ bỏ mọi quyền cao chức trọng, đi dạy học để giáo hóa nhân dân theo triết lý của mình. Còn sách Luận ngữ gồm 10 tập (đại toàn). Khổng Tử chỉ nói hai câu là mất lập trường giai cấp, theo quan điểm của ta hiện nay. Anh Ba hỏi 2 câu đó là gì. Tôi báo cáo anh là: “Phụ nhân nan hóa” như anh đã phê bình là Khổng Tử coi khinh cả mẹ. Còn câu thứ hai là: “Dân khả sử vi chi, bất khả sử tri chỉ” nghĩa là người dân chỉ sai khiến họ làm, còn không sai khiến họ học được, ý nói chỉ có người quân tử mới dạy bảo cho biết được. Trong điều kiện cách đây 2.500 năm ta cũng nên thông cảm với Khổng Tử.

        Trong lễ giáo phong kiến, người phụ nữ Trung Quốc phải bó chân, chỉ ở trong nhà thì đúng là “nan hóa” thật. Anh Ba nghe nhưng không nói gì. Tôi nói tiếp ngay điều kiện bị trói buộc của thuyết duy tâm, duy thần, thế mà khi học trò của Khổng Tử hỏi về thờ thần linh, lần thứ nhất ông trả lời: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỉ”. (Thờ người chưa xong, làm sao thờ được quỉ thần). Lần thứ hai ông trả lời: “Kính nhi viễn chi” (Kính nhưng nên xa quỉ thần). Đó là tư tưởng của Khổng Tử có tiến bộ. Anh Ba đồng ý với tôi. Tôi phân tích thêm triết học của Khổng Tử ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, nhất là điều nhân nghĩa. Chính do triết học phương Đông nổi tiếng ấy nên Nguyễn Trãi lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đã phá tan quân Minh, giúp Lê Lợi dựng nên nghiệp lớn. Còn cuộc chiến tranh Mỹ và Việt Nam, sau ta giải phóng miền Nam không có tắm máu như kẻ thù rêu rao, là ta kế thừa điều nhân nghĩa truyền thống của dân tộc, đã làm cho việc thống nhất đất nước, được nhanh chóng và ổn định. Tôi nói thêm: “Anh Ba được cả thế giới và trong nước ca ngợi là nhà chính trị, nhà quân sự và là nhà hiền triết, mới kế thừa sự nghiệp Bác Hồ giao cho thành công”.

        Tôi thấy anh vui lên, không có phản ứng gì, vì tôi còn e rằng anh còn thành kiến với triết học của Khổng Tử. Nhân đó tôi nói luôn: “Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (nếu ta không muốn, ắt người chẳng ưa, không bắt người khác làm điều mình không muốn). Đó là lời nói khuyên nhủ cho dân trí còn thấp. Khi dân trí cao mới có thể làm được “Mình vì nọi người, mọi người vì mình”. Anh Ba không nói gì thêm. Từ những buổi đàm đạo về Khổng Tử với anh Ba, tôi theo rõi thấy anh Ba không phê phán Khổng Tử nữa và cũng không nhắc đến văn hóa ta cao hơn Trung Quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:40:48 pm »


        Năm 1979, khi khởi sự bàn bạc việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp với anh Bùi Quang Tạo, Bí thư Thành Ủy, chúng tôi bàn nhau kỳ này làm phải có kết quả để giải quyết vấn đề lương thực cho toàn quốc. Cần phải khẩn trương và thận trọng, tránh thất bại. Chúng tôi bàn nhau phải thuyết phục được 3 đồng chí chủ chốt trong Bộ Chính trị mới có thể thành công. Trước hết là anh Ba, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng. Anh Tạo nói với tôi: Khó nhất là anh Trường Chinh, vì anh Trường Chinh đã phê bình nghiêm khắc tỉnh Vĩnh Phúc, và cũng đã phê bình anh Tạo ở Quốc hội. Tôi nói với anh Tạo: tôi sẽ chịu trách nhiệm báo cáo với cả 3 anh. Anh Tạo bảo nếu được như thế thì tốt và bảo tôi: “Anh thân với anh Ba, anh nên nói với anh Ba trước”.

        Mấy hôm sau, tôi lên Hà Nội, xin gặp anh Ba. Anh Ba rất vui vẻ tiếp tôi. Tôi trình bày với anh 3 giờ liền toàn cảnh kinh tế Hải Phòng và cả nước, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp sa sút, nhân dân bị đói lúa chín không gặt, đi buôn bán, mò cua bắt ốc kiếm ăn. Cán bộ công nhân viên chức Hải Phòng là khu vực phi nông nghiệp, có tháng thiếu lương thực hàng tuần, nhân dân kêu ca, ta táan... Cung cách quản lý hợp tác xã thì rong công, phóng điểm, tham nhũng. Nông dân đặt ca dao, hò vè phê phán lãnh đạo hợp tác xã như: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe; mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm làm nhà xây sân; trâu xanh ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà v.v... Nghe xong anh Ba đứng dậy nói: “Tôi đồng ý. Làm ngay, làm ngay, không phải hỏi ai nữa...”, rồi anh phân tích cho tôi nghe về quản lý kinh tế. Mình từ sản xuất nhỏ đi lên, phải biết cách làm cho hiệu quả. Cứ áp đặt cách làm của người ta vào nước mình thì khó thành công lắm! Giáo điều là rất nguy hiểm. Tôi mừng quá, xin phép anh ra về, anh còn dặn: “Về bàn với cấp Ủy làm ngay, tôi sẽ xuống xem...” Tôi về báo cáo với anh Tạo. Anh Tạo vẫn chưa vui, tỏ vẻ vẫn lo lắng. Anh nói chỗ anh Trường Chinh, nếu phản đối là khó đấy. Tôi nói: “Tôi hiểu... nhưng được anh Ba đồng ý, ta cứ đem ra Ban Thường vụ và Thành Ủy bàn. Tôi sẽ báo cáo anh Trường Chinh xem ra sao. Chắc anh Trường Chinh cũng thấy rõ tình hình nông nghiệp, sau 15 năm sự việc ở Vĩnh Phúc, tư duy của anh Trường Chinh chắc cũng có sự thay đổi...”.

        Ý kiến anh Ba đã giúp chúng tôi thêm quyết tâm thay đổi cách quản lý trong nông nghiệp. Anh đã chỉ đạo Ban Bí thư, mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng tháng 1-1981 anh Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư đã ký chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm lao động và xã viên lao động (thực chất là khoán hộ), mở đầu kỷ nguyên mới trong quản lý kinh tế, không những trong sản xuất nông nghiệp mà cả trong các lĩnh vực khác, đánh dấu bước đột phá cho thời kỳ đổi mới của Hải Phòng và cả nước.

        Sau vụ lúa khoán đầu tiên, tháng 10-1980, anh Ba xuống tận hợp tác xã ở Hải Phòng xem kết quả. Anh đến hợp tác xã Trường Thành, Trường Sơn, các cánh đồng của Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thuỵ... Anh rất vui, động viên mọi người làm ra thóc gạo đủ ăn, và còn để xuất khẩu nữa...

        Mỗi lần anh về thăm Hải Phòng, tôi có dịp làm việc với anh, càng thấy anh lúc nào cũng suy nghĩ để tìm ra giải pháp phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt anh chú ý nghiên cứu lý luận. Trong 2 năm tôi học tập lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc (khóa năm 1969-1971), những ngày anh làm việc ở Hà Nội, chiều thứ bảy hàng tuần, anh thường xuống Trường gặp giáo viên, học sinh trao đổi thảo luận.

        Anh nêu những ý kiến mới ra để mọi người tham gia ý kiến. Tôi đã quen với cách làm của anh, nên trong những buổi làm việc xong ở Hải Phòng, tôi thường đem những vấn đề lý luận ra hỏi anh. Có lần tôi hỏi anh: Sao lại đặt vấn đề “Làm chủ tập thể” mà không đặt vấn đề “dân chủ”? Anh phân tích cho tôi nghe hàng giờ. Anh nói: “Dân chủ tập thể” nó thay cho “chuyên chính vô sản”. Nay đất nước đã độc lập thống nhất, phải làm cho mọi người được làm chủ đất nước, làm chủ ở từng xã, từng phường, đơn vị sản xuất, đơn vị công tác v.v... Nếu cứ nêu khẩu hiệu “chuyên chính vô sản” thì khi mình cầm quyền, ta chuyên chính với giai cấp phi vô sản, gây ra xích mích dân tộc suốt thời kỳ nọ sang thời kỳ kia. Khi xưa giai cấp tư sản chuyên chính với vô sản, nay họ mất quyền lại tìm cách chống chúng ta, phục hồi lại chuyên chính tư sản, cứ thế mãi... Ta phải biết giai cấp công nhân lãnh đạo để giải phóng dân tộc, giải phóng cho mọi giai cấp, mọi tầng lớp, làm cho mọi người được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội... Như vậy tầm cao, tầm nhìn của giai cấp công nhân hơn hẳn quá khứ. Nên không cần nêu “chuyên chính vô sản” làm gì. Vấn đề này có ý nghĩa đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong toàn dân. Đưa vấn đề “làm chủ tập thể”, những đồng chí muốn duy trì khẩu hiệu “chuyên chính vô sản” cũng dễ chấp nhận, tạo ra sự nhất trí cao. Còn dân chủ cho mọi người sẽ thực hiện từng bước, nó thuận với mọi người, đã được làm chủ tập thể rồi thì dân chủ cho mọi người là điều tất yếu phải đến. Anh nói đi nói lại rất say sưa như một cuộc giảng bài được học trò chú ý lắng nghe. Tôi cũng thấy phấn khởi về cách lập luận và lý giải của anh. Tôi thấy trong tư duy của anh đã chứa đựng nội dung dân chủ rất sâu sắc và tế nhị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:41:18 pm »


        Trong các buổi đưa anh đi thăm cơ sở, anh kể lại cho tôi nghe những cuộc vận động nhân dân làm cách mạng. Cùng ở, cùng làm, cùng sống với dân, tôi cảm thấy lúc nào anh cũng đang sống trong lòng dân. Như câu chuyện mua gia cầm, mua thịt lợn nghĩa vụ... Tem phiếu phát cho dân, nhưng không có hàng bán, con phe tem phiếu cấu kết với mậu dịch viên xấu tuồn hàng ra ngoài, tôi kể cho anh nghe, và đưa anh đi xem thực tế ở các cửa hàng. Xem xong anh bảo tôi phải tìm cách quản lý khác. Tôi đề nghị bỏ nghĩa vụ của nông dân phải bán gia cầm, thịt lợn cho nhà nước; bỏ tem phiếu... Anh đều nhất trí rất nhanh. Anh nêu những vấn đề phải giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên chức, trước hết là nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành với việc nâng lương, rất nhiều ý kiến phong phú.

        Riêng vấn đề giá, anh có nhiều ý kiến khác tôi. Nhưng qua nhiều lần trao đổi, anh nhấn mạnh giá trị sử dụng của hàng hóa, còn tôi nhấn mạnh đến qui luật cung cầu, sản xuất ra hàng hóa phải tiêu thụ được, nghĩa là chất lượng và giá cả phù hợp với túi tiền của nhân dân. Cuối cùng anh chấp nhận. Vì giá trị sử dụng cũng nhằm phục vụ người tiêu dùng, nhưng chỉ một mặt thôi thì lấy gì để tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, nên phải chú ý cả cung lẫn cầu. Anh đồng ý. Như vậy anh đã chấp nhận kinh tế thị trường với quy luật cung cầu.

        Anh rất quan tâm đến phát triển công nghiệp, đặc biệt là ngành luyện kim và cơ khí. Anh luôn luôn coi ngành cơ khí là then chốt, là xương sống của nền kinh tế. Nên trong tiểu luận “Dưới lá cờ vẻ vang” anh đặc biệt nêu vai trò của ngành cơ khí. Tôi rất đồng tình với anh cách đặt vấn đề của một nước đang phát triển. Nhưng lấy tiền đâu ra để xây dựng ngành công nghiệp? Anh mới có hướng chung về tích lũy XHCN, còn biện pháp vẫn hạn hẹp. Tôi nêu nhiều ý kiến đề xuất với anh, nói chung anh nhất trí, duy chỉ có vấn đề xuất khẩu sắt thép phế liệu để tích lũy, là anh gạt đi ngay một cách kiên quyết, mặc dù lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho Hải Phòng xuất chuyến đầu tiên 2 vạn tấn sắt thép phế liệu.

        Tôi phải lấy thực tế để thuyết phục anh. Trong các chuyến thăm cảng, thăm các đống sắt thép phế liệu, ca nô, sa-lan giải bản, để dọc bờ sông Cấm, từ bến Bính đến Quán Toan, tôi đưa anh đi xem. Đống sa- lan hỏng chất như đống núi con bên vụng Quynh bờ sông Cấm. Tôi cho dừng xe, dùng một cây gậy nhỏ, đập vào thành sa-lan và đống sắt thép phế phẩm, chúng bị oxy hóa gẫy tả tơi, thủng từng lỗ lớn Anh Ba đứng nhìn và suy nghĩ. Lúc ấy tôi mới nói: “Thép phế liệu lò luyện kim trong nước dùng rất ít, cứ để sau 6 tháng là oxy hóa mất 50%, vì nó là loại phế phẩm để ngoài trời, lại bên dòng sông nước mặn”. Anh Ba hỏi tôi làm thế nào để bảo quản được, để dùng cho luyện kim lâu dài? Tôi báo cáo anh là không có kho nào chứa hết được... Tôi tiếp tục đưa anh đi xem một số nơi khác. Đến trưa nghỉ ăn cơm, anh hỏi tôi còn cách nào bảo quản được không? Tôi báo cáo anh chỉ còn cách xuất khẩu lấy đô la, hoặc mua vàng gửi vào ngân hàng lấy lãi là có hiệu quả hơn cả. Khi cần tái nhập ta có ngoại tệ mạnh, nhập sắt thép phế liệu cho luyện kim. Hải Phòng đã thành lập công ty phá dỡ tàu hỏng xuất khẩu, bằng cách mua tàu nước ngoài đem về sông Bạch Đằng phá lấy sắt thép, và các loại vật liệu còn tốt ở trên tàu để xuất khẩu, hoặc bán trong nước lãi rất khá. Anh bảo tôi đưa đi xem. Tôi đưa anh đến cảng Cửa Cấm, nơi công ty đang phá dỡ các loại tàu, sà-lan nhỏ giải bản, ra Đình Vũ xem công nhân đang phá dỡ một con tàu mua của Bun-ga-ri, trọng tải 6.000 tấn, công nhân phá dỡ đang vận chuyển từng tấm thép lớn vào bờ... Anh đồng ý ngay cách làm này. Từ đó cả nước cùng xuất sắt thép phế liệu. Đến khi tôi nghỉ Bộ trưởng Bộ kinh tế đối ngoại, toàn quốc đã xuất được hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, thu về hàng trăm triệu $US.

        Trong các lần đi xem quai đê lấn biển ở đường 14 Đồ Sơn, đi xem đường xuyên đảo... anh hay hỏi tôi về nước Nhật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:42:00 pm »


        Năm 1978, tôi sang thăm Nhật Bản, tôi đã gửi cho anh một bản báo cáo về đất nước Nhật, anh rất tâm đắc cách đánh giá của tôi. Anh luôn luôn nhắc tôi phải học tập kinh nghiệm của Nhật. Anh còn nói khi bình thưởng quan hệ với Mỹ, anh sẽ đi thăm Nhật Bản và Mỹ. Rồi anh kể luôn cho tôi nghe về cách đánh giá của anh về nước Mỹ. Anh kể: Một đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao đi Mỹ về báo cáo với anh: cái gì Mỹ cũng xấu, kinh tế, xã hội... đều kém. Anh hỏi lại đồng chí cán bộ Bộ Ngoại giao: “Mỹ yếu thế mà tại sao Liên Xô, Trung Quốc... đều nể Mỹ ? Đồng chí báo cáo thế thì làm sao hợp tác được với Mỹ ?” Rồi anh bảo đồng chí đó về chuẩn bị lại, mai báo cáo tiếp. Hôm sau đồng chí đó báo cáo phù hợp với nhận định đánh giá của anh Ba về Mỹ. Anh nói tiếp: cán bộ ta hay nói để chiều ý kiến lãnh đạo, vì ta thường phê phán cái gì Mỹ cũng xấu cả, anh em sợ mất lập trường phải nói theo. Còn đây là báo cáo với lãnh đạo để chuẩn bị làm ăn với Mỹ mà báo cáo thế thì nguy hiểm quá!

        Sau đó anh nói sẽ có kế hoạch thăm Mỹ sau khi hai nước bình thường quan hệ. Anh muốn quan hệ với Mỹ lập lại càng sớm càng tốt. Chính ý nghĩ đó nên khi đồng chí Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Cuba, mấy lần mời anh sang thăm Cuba, anh chưa đi ngay. Anh đợi sau khi bình thường quan hệ với Mỹ, anh sẽ đi thăm Cuba và thăm Mỹ cùng một chuyến đi. Vừa có ý nghĩa tạo thế cho Cuba, yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận với Cuba, vừa tạo ra thế và lực Việt Nam - Cuba hợp tác với Mỹ, thì thuận lợi hơn cho cả hai nước, thay vì việc đi thăm Cuba ngay bây giờ.

        Trong những năm cuối đời, đầu thập niên 80, anh xuống Hải Phòng luôn, hoặc tôi lên Hà Nội, đến nhà riêng anh để báo cáo công việc của Hải Phòng. Anh bàn với tôi về nhiều mặt công việc của đất nước. Tôi hết sức suy nghĩ về tư duy của anh. Tư duy ấy rất rõ về xây dựng kinh tế. Tại sao Bộ Chính trị không có tiếng nói chung với anh? Do Bộ Chính trị không hiểu ý anh, trình độ “bất cập” hay do tính bảo thủ quá nặng, không dám chống anh, nhưng vẫn luôn luôn làm trái ý tưởng của anh? Qua một câu dặn dò của đồng chí Đậu Ngọc Xuân, trợ lý lâu năm của anh Ba nói với tôi: “Anh Ba nói gì với anh, chỉ nên ghi nhớ, nếu làm theo ý kiến anh Ba là trên này “bẻ ghi” ngay đấy”... Tôi hiểu ý anh Đậu Ngọc Xuân, nên tôi thực hiện ý anh Ba có sự lựa chọn và làm rất tích cực và nhanh, đến khi trên Trung ương có phản ứng thì đã thành hiện thực, có hiệu quả rồi, “bẻ ghi” cũng không kịp nữa.

        Một hôm tôi đưa anh đi xem nhà máy đóng tàu Phà Rừng, do Phần Lan giúp ta xây dựng. Khi đến thăm nhà máy, đồng chí phiên dịch tiếng Anh chưa đến, đồng chí giám đốc nhà máy dịch cho anh Ba, nói chuyện với chuyên gia Phần Lan. Khi anh Ba nói đến khai thác nguồn nguyên liệu hải sản, đề nghị Phần Lan giúp đỡ đóng các loại tàu đánh cá ra biển xa, đồng chí giám đốc báo cáo với anh Ba: “Tôi không đủ từ tiếng Anh để dịch câu này, đề nghị anh Thành dịch giúp”. Tôi bị động phải dịch, tuy không hay, nhưng cũng suôn sẻ.

        Khi về qua phà Bính, anh bảo cứ để nhân dân cùng đi chuyến phà dành riêng cho đoàn xe của anh. Anh rất vui, thăm hỏi mọi người dân trên phà thân mật, chan hòa. Mọi người cùng xúm lại chào và xem Tổng Bí thư, bày tỏ lòng quý mến kính trọng.

        Trưa ăn cơm ở nhà số 2 Bến Bính, nhà khách thành phố, anh hỏi tôi học tiếng Anh từ lúc nào. Tôi báo cáo với anh, tôi học từ lúc 41 tuổi, tự học là chính. Anh bảo tôi anh chỉ đọc được tiếng Pháp, còn tiếng Anh chỉ biết mấy câu chào hỏi thôi. Rồi anh nói: “Bộ Capital (tư bản) của Marx, tôi đọc bằng tiếng Pháp ở Côn Đảo đấy! Biết được tiếng nước ngoài là rất tốt, hiểu được người ta nói, dễ thông cảm và hợp tác mới tốt...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 03:49:44 am »

     
Chương 10

ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH, ĐỒNG CHÍ PHẠM VĂN ĐỒNG
VÀ MỘT SỐĐỒNG CHÍ ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ,
ỦY VIÊN BAN BÍ THƯ THỜI KỲ ĐÓ,
ĐỐI VỚI ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HẢI PHÒNG

        Đồng chí Trường Chinh

        Anh Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng ta hai thời kỳ từ 1942-1956 và thời kỳ từ 9-1986 đến 12- 1986, nhiều năm làm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước.

        Tôi nghe tiếng anh và biết anh từ lâu, nhưng trực tiếp làm việc với anh nhiều là từ khi tôi làm Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng rồi Đại biểu Quốc hội khóa 7 và khóa 8. Trong những năm chuẩn bị thực hiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp, tôi đặc biệt quan tâm theo rõi hành động, thái độ của anh đối với khoán trong nông nghiệp. Vì anh là người nổi tiếng bảo vệ mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ, và đã có 2 bài đăng trên báo Nhân dân năm 1966, phê phán việc làm khoán hộ ở tỉnh Vĩnh Phúc, do Bí thư Tỉnh Ủy Kim Ngọc đề xướng.

        Tôi lại biết anh rất thận trọng trong nói năng, viết lách, ứng xử... Anh đã được mọi người thân quen đặt cho cái tên thân mật để gọi là: “Anh Thận”. Sau này thống nhất đất nước, các đồng chí miền Nam còn gọi anh là: “Anh Năm Trường Chinh”.

        Tôi kém anh hơn 20 tuổi, nhưng tôi vẫn gọi anh bằng “Anh”, vì anh không thích gọi là “bác” là “Chủ tịch”. Anh gọi tôi bằng đồng chí”. Trong những chuyến thăm Hải Phòng hoặc anh xuống nghỉ tại Đồ Sơn, tôi có dịp tiếp xúc với anh nhiều. Anh hay kể chuyện về những ngày bắt đầu tham gia cách mạng, sự học hành khi còn thiếu thời. Anh nói rằng: “Trước khi tiếp cận với chủ nghĩa Marx - Lênin, với đường cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, anh giác ngộ về tinh thần yêu nước qua thơ, văn của Cao Bá Quát. Bởi vậy tôi có ấn tượng anh là nhà “Uyên thâm túc nho”, nhất là cụ thân sinh ra anh đỗ Tú tài (Cụ Tú Đễ).

        Tết âm lịch năm 1980, anh xuống ăn Tết ở Hải Phòng. Ngày mồng một Tết lại là ngày sinh nhật của anh.

        Chín giờ sáng tôi cùng một số cán bộ lãnh đạo Thành phố ra Đồ Sơn chúc Tết và mừng ngày sinh nhật của anh. Chúng tôi có tặng anh một tấm thảm len nhỏ, thêu: “Thánh Gióng cưỡi ngựa”. Tôi viết lại một đôi câu đối của Cao Bá Quát ở đền thờ Thánh Gióng tại Gia Lâm, Hà Nội, nội dung:

        Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,
        Đằng vân do hận cửu thiên dê.


        Nghĩa là:

        Ba tuổi đánh giặc còn cho là muộn.
        Bay lên chín tầng mây còn giận là thấp!


        Tôi viết bằng chữ Hán, khi đưa đến anh, anh bảo tôi đọc và dịch sang tiếng việt. Anh nói: “Hay thế nhỉ!”, rồi anh bảo đúng là khí phách Việt Nam. Tôi vừa giật mình, vừa bất ngờ. Anh nói ngay, lúc nhỏ tôi có học một ít chữ Hán, sau này học ít chữ phổ thông Trung Quốc, nên không đọc được chữ cổ? Rồi anh lại kể về thơ Cao Bá Quát, do một số bạn học của anh biết chữ Hán dịch cho nghe; hoặc những bài thơ nôm của Cao Bá Quát đã viết sang chữ quốc ngữ. Anh khen Cao Bá Quát là người có khí phách, quán thế...

        Sau đó anh hỏi tôi về sức học Hán Tự, tôi báo cáo anh, tôi đã học xong Tứ Thư, còn Lục Kinh tôi đã học Kinh Thi, Kinh Xuân Thu. Còn Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Thư tôi chỉ đọc qua thôi. Kinh Dịch nhiều chỗ khó lắm! phải hỏi bố tôi và bác tôi giảng cho mới hiểu. Sau đó tôi nói: “Hà Nam Ninh là đất văn học, nhất là từ khi Nam Định có trường Thi Hương, thì Nam Định nổi lên là nơi có nhiều người học cao, có hai “Tam Nguyên”. Anh liền hỏi 2 Tam Nguyên là ai, tôi chỉ biết cụ Nguyễn Khuyến ở Bình Lục, Hà Nam... Tôi báo cáo với anh còn cụ Trần Bích San quê ở Nam Định, 34 tuổi đã đỗ Tam Nguyên, 36 tuổi vua Tự Đức sai đi sứ sang Pháp. Việc không thành, cụ đã thắt cổ tự tử. Trước khi mất cụ Trần Bích San đã viết một bài thơ tứ tuyệt tự thán rất hay.

        Anh Trường Chinh liền nói: “Thế mà tôi không biết cụ Trần Bích San”. Tôi báo cáo với anh cụ Trần Bích San mất sớm nên ít người biết. Còn thơ văn của cụ để lại nhiều, ta nên sưu tầm... Nhà tôi trước đây có nhiều bài thơ, bài viết, nhất là bài “Đình Đối” của cụ rất nổi tiếng. Tiếc rằng khi giặc Pháp chiếm ga Lai Khê tháng 12-1946, chúng đốt hết làng tôi, nên sách vở của gia đình tôi bị cháy hết. Anh Trường Chinh tỏ ra rất tiếc, và bảo tôi có nhớ bài thơ “Tứ tuyệt” của cụ Tam nguyên Trần Bích San, thì đọc cho nghe.

        Tôi đọc 4 câu thơ đó:

        Giá mã kỳ khu khởi nhất hành,
        Cảm tương tâm sự khấu sơn anh,
        Tây lương kỹ lưỡng thử như thử
        Nam quốc sơn hà linh bất linh ?


        Tôi dịch cho anh nghe. Anh hỏi tôi có dịch thành thơ được không? Tôi nói dịch được nhưng không hay, xin phép anh hôm sau tôi sẽ dịch và báo cáo với anh. Hôm sau tôi ra Đồ Sơn báo cáo với anh bản dịch sang tiếng Việt của tôi:

        Người ngựa ra đi luống gập ghềnh,
        Xin cùng Thần Núi dãi tâm tình,
        Giặc Tây ngoan cố là như thế
        Non nước Việt Nam liệu có thiêng ?


        Anh khen dịch thế là đắt nghĩa, hay lắm!
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 04:21:08 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 03:50:33 am »


        Tôi lại nói theo thiển nghĩ của tôi bài thơ này của cụ Tam nguyên Trần Bích San có bóng dáng của bài thơ “ Nam Quốc Sơn Hà” của cụ Lý Thường Kiệt. Anh Trường Chinh đồng tình và nói thêm: “Nhất là câu Nam Quốc sơn hà linh bất linh?”.

        Anh bảo tôi Hải Dương cũ là đất văn học. Tôi thưa với anh: “Hải Hưng có hai lưỡng quốc trạng nguyên là cụ Mạc Đĩnh Chi và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm quê ở Vĩnh Bảo, Huyện Vĩnh Bảo trước năm 1947 cũng thuộc Hải Hưng. Cho nên trước đây đã có câu so sánh về học lành của hai tỉnh miền Bắc là: “Xứ Đông Cổ Am” (quê Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khi xưa xã Cổ Am và xã Lý Học là một xã), “Xứ Nam Hành Thiện” (Hành Thiện là quê đồng chí Trường Chinh). Đồng chí Trường Chinh rất tâm đắc câu ví von đó:

        “Xứ đông Cổ Am
        Xứ Nam Hành Thiện”


        Trong những năm tháng vận động cho được sự đồng tình của 3 anh chủ chốt trong Bộ Chính trị là anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng thì anh Trường Chinh là một điểm chúng tôi phải thuyết phục, vận động cho bằng được anh đồng ý. Anh Trường Chinh đồng ý thì mới có thể làm rộng ra cả nước, mới giải quyết tận gốc thiếu lương thực và đói khổ.

        Qua tiếp xúc tôi thấy anh rất dễ gần, không khó khăn như một số đồng chí nói. Tôi mời anh đi thăm nhiều hợp tác xã nông nghiệp ngoại thành, đi thăm các khu quai đê lấn biển, nhất là thăm đảo Đình Vũ và đường xuyên đảo. Đi tới đâu anh chị em ở đơn vị báo cáo, anh rất chú ý lắng nghe, và thường nhắc đi, nhắc lại hai từ: “Hay nhỉ!” với nụ cười rất tươi. Anh chỉ hỏi những điều chưa rõ. Không thấy anh tranh luận, hoặc nêu vấn đề cho anh em thảo luận. Nhưng tôi thấy anh suy nghĩ nhiều. Trưa về ăn cơm tôi cũng thấy anh suy nghĩ... Ngay cả trong câu chuyện lúc nghỉ, anh vẫn hỏi tôi chi tiết về cuộc sống của nông dân, của công nhân, của bộ đội, của cán bộ viên chức. Những lúc ấy tôi cung cấp cho anh những số liệu cụ thể, thiết thực về đời sống của nhân dân, của cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng võ trang đóng trên địa bàn thành phố... Có những thời kỳ anh xuống làm việc hàng tuần. Tôi và đồng chí Hà Nghiệp, trợ lý của anh, đưa anh đi xem hết nơi này nơi khác. Cuối cùng là sau 5 lần xin ý kiến về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, anh đã đồng tình. Không những thế anh còn động viên tôi. Anh nói: “Đồng chí đã nắm được lý luận, nắm được thực tế, đồng chí cố gắng làm để thành hiện thực cho cả nước”. Anh không những chỉ quan tâm đến khoán trong nông nghiệp, anh quan tâm đến sản xuất công nghiệp, đến thương nghiệp...

        Nhà anh có giàn phong lan ở cửa rất đẹp. Anh chọn những dò phong lan đẹp nhất tặng cho quán Phong Lan hai lần. Lần nào anh cũng bảo tôi đến nhà và trực tiếp chọn phong lan tặng cho Hải Phòng đồng thời gửi thư cho cán bộ mậu dịch viên ở quán Phong Lan. Khi đi thăm quán Phong Lan, anh xem từng gian hàng và nói chuyện với anh chị em mậu dịch viên rất thân mật. Đến nay nhiều đồng chí như Vân Nam... còn nhớ nhiều kỷ niệm của Chủ tịch Trường Chinh với quán Phong Lan. Tiếc rằng quán Phong Lan nay không còn nữa, qua biến thiên phá đi hợp doanh không thành, nay nó trở thành vườn hoa trung tâm thành phố.

        Anh còn có những chuyến đi thăm đảo Cát Bà, Cát Hải, thăm lực lượng Hải quân, thăm bộ đội quân khu 3 làm kinh tế “làm giàu đánh thắng”, thăm lực lượng tên lửa thực tập bắn tên lửa ở Quần Mục. Biết bao kỷ niệm của đồng chí Trường Chinh với Hải Phòng thời kỳ “đổi mới”. Anh Hà Nghiệp nhiều lần nói với tôi: “Anh Thận thay đổi tư duy nhiều là từ ngày Hải Phòng đổi mới, nhất là khoán sản phẩm trong nông nghiệp...”.

        Tôi tuy là bậc đàn em, nhưng anh rất lắng nghe và trao đổi thân tình, bảo ban từng ly tùng tí, qua những câu chuyện có nội dung giáo dục. Tôi đã viết về anh ở chương 6 và chương 7, tôi không lặp lại ở chương này. Tôi thấy anh là một nhà chính trị lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, người bạn thân thiết của anh Ba. Hai anh rất quí nhau và tôn trọng nhau. Những năm cuối đời của hai anh, tôi rất gần hai anh. Từ việc nhỏ đến việc lớn, các anh đều tạo cho nhau một sự thống nhất cao.

        Nếu còn gợn lên một chút là chờ đợi, trao đổi cho thống nhất. Cả hai anh đều nói với tôi là giữ sao cho đoàn kết thật sự, cùng nhau xây dựng đất nước mới thành công. Mỗi việc tôi xin ý kiến, các anh đều hỏi lại ý kiến của nhau cho thống nhất. Tôi nghĩ 2 cái đầu đó cộng lại nó sáng 1000 bougies. Khi anh làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, cứ 3 tháng một lần anh bảo tôi lại chơi, nói chuyện tình hình kinh tế thế giới, trong nước, cho anh nghe. Anh rất quan tâm đến mọi việc của quốc gia. Anh đúng là cán bộ mẫu mực mọi mặt, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 03:53:37 am »


        Thủ tướng Phạm Văn Đồng

        Trong các chương trước tôi đã nói nhiều về anh Tô (tên gọi thân mật của Thủ tướng Phạm Văn Đồng), chương này tôi chỉ nêu một vài chi tiết về sự quan tâm của anh Tô đối với Hải Phòng.

        Trong những năm kinh tế khủng hoảng của thập kỷ 80, mỗi khi xuống thăm và làm việc ở Hải Phòng, anh có nhiều suy nghĩ, tìm cách gì để thoát ra khỏi sự khủng hoảng kinh tế. Trong các câu chuyện tôi thấy anh hiểu sâu sắc về những lý luận kinh tế kinh điển của Marx - Lênin và một số nhà kinh tế tư bản. Nhưng anh ít đề xuất những vấn đề mới, chỉ nghe nhiều, suy nghĩ nhiều. Khi thấy bức bách thì lời nói da diết, dằn vặt... Tôi hỏi ý kiến anh về khoán sản phẩm trong nông nghiệp thì anh vui hẳn lên, và hỏi tôi: “Ý kiến anh Ba và anh Trường Chinh thế nào?”. Tôi báo cáo: “Anh Ba đồng ý và tỏ thái độ quyết tâm cho làm còn anh Trường Chinh chưa trả lời, nhưng thái độ bình thường, còn tiếp tục đi xem tình hình nông nghiệp của Hải Phòng và một số tỉnh”. Anh ngồi suy nghĩ một lát rồi đứng dậy nói: “Làm lấy mà ăn mà cũng còn khó...”. Rồi anh cười vui vẻ nói : “Các đồng chí cố thuyết phục anh Năm, để thống nhất sớm...”. Như vậy là anh Tô đã đồng ý về khoán sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, tôi rất mừng.

        Đầu năm 1980, tình hình kinh tế cả nước rất khó khăn. Hải Phòng lại càng khó khăn, vì phải lo nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Nhưng lo hơn cả là cái ăn cho người, thực sự phải chạy gạo từng bữa.

        Xe Chủ tịch thành phố vừa ra khỏi nhà được vài chục mét, hai mẹ con một người làm thủ công nghiệp (diện phi nông nghiệp) ở Thủy Nguyên, không được đong gạo đã lăn ra trước xe Chủ tịch thành phố. Mọi người dân tò mò kéo nhau chạy lại xem sự kiện gì mà lại lăn ra trước xe Chủ tịch. Tôi cho đỗ xe lại, hỏi người đó thì được biết hai tháng nay huyện không có gạo bán cho họ. Tôi bảo bà ta về văn phòng Ủy ban giải quyết. Khi bà ta đến văn phòng Ủy ban, tôi mới biết là huyện không những không có gạo bán, mà còn thu sổ gạo của gia đình bà ta. Bà ta nói : “Gạo chưa có bán thì chịu, chứ sổ gạo là cuộc sống của gia đình, mất sổ chỉ có chết đói. Còn sổ, thiếu gạo còn đi vay hàng xóm được. Mất sổ rồi không ai cho vay cả”. Tôi điện cho Huyện bảo trả lại sổ cho bà ta. Huyện báo cáo lại : “Bà ta không chịu lao động, lại đi buôn, phá rối thị trường”. Tôi bảo Huyện trả lại sổ gạo, còn bà ta đi buôn bán vặt để kiếm sống thì gọi đến giáo dục, không nên thu sổ gạo. Thu sổ gạo tựa hồ cắt cái dạ dày của người ta là không được. Sau đó tôi bảo bà ta về huyện nhận lại sổ gạo. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, một đồng chí ở Văn phòng Chính phủ điện xuống hỏi tôi việc này thực hư ra sao? Tôi trả lời: “Do thiếu lương thực gây ra cả, cứ có lương thực là xong hết”. Tôi nói vui : “Có thực mới vực được đạo mà. Tôi đề nghị đồng chí báo cáo Thủ tướng cho làm khoán sớm là xong hết”. Đồng chí đó nói lại : “Hôm Thủ tướng gặp anh, thế là Thủ tưóng đồng ý rồi”...

        Tháng 7-1980 anh Tô xuống Hải Phòng làm việc và nghỉ ít ngày ở Đồ Sơn. Tôi đưa anh đi xem Cảng, xem các đống sắt thép phế thải đổ dọc bờ sông Cấm từ Thượng Lý đến Quán Toan. Tôi đề nghị anh Tô cho xuất. Anh xem kỹ và sờ tay vào một sa-lan giải bản. Tôi lấy tay đấm vào thành sa-lan, những miếng thép đã oxy hóa rơi lả tả. Tôi báo cáo anh Tô, nếu để lâu sẽ oxy hóa hết, chỉ là đống đất, không phải sắt thép phế thải nữa, thiệt hại rất lớn. Anh Tô hỏi tôi : “Xuất thì bao nhiều tiền một tấn ?”.

        Tôi báo cáo anh, từ 70 đến 100 USD/tấn, tùy theo chất lượng. Anh bảo : “Tôi về Hà Nội sẽ tìm cách đáp ứng yêu của của đồng chí”. Tôi rất mừng. Đúng một tuần sau, đồng chí Nguyễn Văn Ích, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký một công văn, thừa lệnh Thủ tướng cho phép Hải Phòng xuất khẩu 2 vạn tấn sắt thép phế thải. Lần đầu tiên nước ta xuất khẩu loại hàng này. Sau đó lại được anh Ba đồng ý.

        Cả nước đã xuất hết các bãi sắt thép phế thải để rải rác khắp nơi, làm sạch những quãng đường, những khu công nghiệp, những nơi bốt địch đóng dọc đường số 1 và các sân bay, bến cảng. Hàng triệu tấn sắt thép phế thải đã được xuất khẩu. Nhà nước thu nhập thêm ngoại tệ mạnh và có việc làm cho một số lao động đi thu gom sắt thép phế thải các nơi về bán. Tuy vậy cái gì nó cũng có mặt trái của nó. Do không quản lý chặt chẽ, nên một số người tham lam đi ăn cắp, phá cả những thiết bị còn sử dụng được lấy sắt thép để bán. Thậm chí lấy cắp cả xích, còng ở nhà tù Côn Đảo đem đi xuất khẩu. Sau ta đã ngăn chặn kịp thời.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM