Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:38:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bắc Hải Vân Xuân 1975  (Đọc 3207 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:55:10 am »

Cách đánh thì rõ ràng không thể theo bài bản cũ, phải thay đổi. Bởi vì lần này không phải đánh tập kích nữa mà là đánh địch trong công sự vững chắc. Trong buổi thảo luận cách đánh ở Vũng Tròn, đồng chí Hoàng Đan đã chú ý nhấn mạnh điều này. Khi cán bộ nhất trí với nhau cách đánh lần này phải kết hợp đột phá chính diện với luồn sâu, các đồng chí lãnh đạo chỉ huy ở quân đoàn và sư đoàn đã sớm nhìn ra một vấn đề cần chú ý. Đấy là mâu thuẫn giữa ý đồ chỉ đạo cũng là yêu cầu và khả năng mới với kinh nghiệm người chỉ huy và cả với kinh nghiệm chiến đấu của chiến sĩ. Nói chung, sư đoàn 324 vẫn quen và thông thạo lối đánh tập kích, chưa có nhiều kinh nghiệm đánh công sự vững chắc. Rất dễ xảy ra tình trạng uốn theo thói quen cũ, điều đó sẽ không phù hợp với yêu cầu chiến đấu mới. Sự lưu tâm của cấp trên có tác dụng uốn nắn kịp thời trong quá trình chiến dịch. Việc khắc phục mọi khó khăn để đưa pháo lên cao, ta đã mở một đoạn đường 10 ki-lô-mét từ đường 14 vào đến động Truồi, và từ động Truồi lại tụt xuống điểm cao 654. Trận địa được thiết lập ở đấy với 8 khẩu 85 ly, 4 khẩu 122 ly và 6 khẩu 37 ly. Bấy giờ từ sư trưởng Duy Sơn đến các pháo thủ có thể yên tâm về trận địa pháo của mình. Cảm giác của anh em pháo thủ là cảm giác mình đã ngồi trên đầu địch, đè địch xuống mà đánh.


Đúng 5 giờ 45 phút ngày 8 tháng 3 năm 1975 pháo ta bắt đầu trùm lửa xuống các cứ điểm địch. Sau khi pháo bắn chuyển làn vào tung thâm, thì bộ binh bắt đầu xung phong. Về phía trung đoàn 1, chỉ trong vòng ba mươi phút, bộ đội ta đã chiếm xong điểm cao 76 và các đồi ria quanh đấy. Tiếp đến là điểm cao 75 đã được bộ binh ta làm chủ vào lúc 8 giờ sáng. Coi như trung đoàn 1 đã hoàn thành nhiệm vụ bước đầu. Tuy nhiên sau này khi tổng kết lại, cán bộ trung đoàn 1 đều xuýt xoa rằng, giá lúc ấy tỉnh táo hơn thì đã nhanh chóng cho một lực lượng áp sang núi Bông, núi Nghệ, chặn địch từ điểm cao 273 xuống sẽ đỡ khó khăn cho những bước tiếp nối.


Ở hướng chủ yếu do trung đoàn 2 đảm nhiệm có khó khăn hơn. Do chuẩn bị chưa được thật chu đáo, hợp đồng giữa pháo binh và bộ binh chưa chặt, đơn vị đến vị trí tập kết cuối cùng muộn, nên đội hình chiến đấu bị doạc ra. Những đợt xung phong của ta bị hỏa lực dày đặc của địch chặn lại. Những đơn vị được trung đoàn giao nhiệm vụ tiến công, mặc dầu đã có nhiều cố gắng vẫn không dứt điểm được hai mỏm 224 và 303. Trong lúc đó, ta tung trinh sát công binh tập kích tiêu diệt một số xe tăng địch. Mới xuất quân mà tình thế không được trót lọt, Bộ tư lệnh sư đoàn 324 hội ý lại, nhận định tình hình và đề nghị với quân đoàn xin hoãn đánh cao điểm 224 vào ngày 10 tháng 3 để có thời gian tổ chức chiến đấu lại.


Đúng 14 giờ ngày 10 tháng 3 năm 1975, sau kjhi xốc lại đơn vị, trung đoàn 2 đã dũng mãnh tiến công và dứt điểm gọn 224. Đồng thời, ở cánh trái trung đoàn 1 đã chiếm thêm núi Bông.

Tuy nhiên, về phía quân ngụy, sau khi tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 1 cùng một đại đội trinh sát và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 54 bị đánh thiệt hại nặng, Bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 ngụy ở Huế ra lệnh bằng mọi giá phải giữ cho được khu vực 303 - Mỏ Tàu. Chúng điều thêm lực lượng tăng viện cho đường 14:

- Tiểu đoàn 61 liên đoàn biệt động quân 15 ra núi Bông.

- Tiểu đoàn 96 liên đoàn biệt động quân 15 đang huấn luyện ở Văn Thánh ra điểm cao 31.

- Tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1, sư đoàn 1 bộ binh đang ở khu vực Nam Phổ Cần ra điểm cao 224 tăng cường cho tiểu đoàn 1 cùng trung đoàn.

- Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3, sư đoàn 1 bộ binh dồn cả đội hình tiểu đoàn vào chốt giữ ở hòn Kim Sắc.

- Chi đoàn 37 thiết giáp cộng thêm 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 154 địa phương quân ở ấp 5 vào án ngữ khu vực điểm cao 52.

- Chi đoàn 27 thiết giáp vào điểm cao 31 phòng ngự cùng tiểu đoàn 94.


Cuộc chiến đấu ở đường 14 bấy giờ diễn ra vô cùng ác liệt, gay go. Trong những ngày 11, 12 tháng 3 năm 1975 kết hợp với máy bay oanh kích (17 lần chiếc/ngày) quân địch tập trung pháo từ Lương Điền, Mũi Né, Phú Bài, Huế bắn dữ dội vào đội hình ta (lượng pháo là 4.614 viên/ngày), đồng thời dùng bộ binh phản kích quyết liệt, cố đánh bật ta ra khỏi những điểm cao ta vừa mới giành lại được. Đẫm máu nhất là trên điểm cao 224:

- Ngày 14 tháng 3, địch tập trung lực lượng lớn có máy bay A.37 và pháo binh yểm trợ đánh bật ta ra. Ta chỉ còn giữ lại được cửa mở.

- Ngày 15 tháng 3 ta cùng một phân đội nhỏ 10 người chốt giữ lại để bám được đầu cầu.

- Ngày 16 tháng 3, địch đánh bật ta ra và chiếm lại 224.

- Ngày 17 tháng 3, ta tổ chức đánh chiếm lại nhưng không thành công, chỉ giữ được những đồi rìa 224. Cuộc chiến đấu ở điểm cao 224 đã diễn ra trong trạng thái giành đi giật lại từng tấc đất; kẻ địch bị thiệt hại nặng và phía ta cũng không ít tổn thất. Sau này, ta đã chiếm lại được vĩnh viễn vào ngày 21 tháng 3 năm 1975 khi toàn quân đoàn đã bước vào chiến đấu đợt hai. Tuy nhiên, bấy giờ là sự căng thẳng của sư đoàn 324, căng thẳng vì đơn vị đã qua 10 ngày chiến đấu gian khổ vất vả mà chưa đập vỡ được tuyến phòng thủ của địch ở khu vực này. Nếu như năm ngoái, sư đoàn 324 "làm ăn khấm khá" đã giáng cho bọn trung đoàn 1 và trung đoàn 54 ngụy phòng ngự ở đây một đòn nặng nề, thì nay tình thế không được êm chèo mát mái như trước, ít nhất là vào đợt đầu ra quân của chiến dịch.


Bộ tư lệnh sư đoàn 324 đã đề nghị lên Bộ tư lệnh quân đoàn 2 cho dừng tiến công lại, củng cố đơn vị sẵn sàng vào đợt hai trong đội hình tiến công của quân đoàn. (Lúc này sư đoàn 324 đã có thêm trung đoàn 3 vừa ở Thượng Đức ra). Cuộc tiến công tạm ngừng. Ta và địch cài thế xen kẽ nhau, giống như hai đô vật vừa nghỉ ngơi vừa lừa miếng nhau để quật ngã đối thủ.


Trên thực tế, thì sư đoàn 324 đã phải đột phá vào một tuyến phòng ngự vào loại mạnh nhất, kiên cố và dày đặc nhất trong phạm vi trách nhiệm chiến thuật của sư đoàn 1 bộ binh ngụy. Không thể bỗng nhiên mà tên chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm tư lệnh sư đoàn 1 ném vào một khu vực nhỏ toàn bộ hai trung đoàn bộ binh 1 và 54, 1 tiểu đoàn của trung đoàn 3, hầu hết liên đoàn biệt động quân 15 và hai chi đoàn xe bọc thép thuộc thiết đoàn 7 tăng phái đến. Xin nói thêm về hai trung đoàn 1 và 54. Trung đoàn 1 do tên đại tá Võ Toàn 32 tuổi chỉ huy là trung đoàn lâu năm, đàn anh nhất được coi là chủ công của sư đoàn 1 ngụy. Trung đoàn 54 do tên trung tá Nguyễn Văn Bình 27 tuổi chỉ huy, mới thành lập sau tổng công kích Mậu Thân nhưng gồm phần lớn những tên ác ôn có nhiều nợ máu với cách mạng, mang nặng tư tưởng hận thù giai cấp, nên đã khét tiếng tàn bạo trong việc đánh phá cơ sở ta ở nông thôn. Hai trung đoàn này với những tên chỉ huy được chọn lọc: trẻ tuổi, hung hăng và trung thành nhất với Thiệu, càng trở nên nổi tiếng ngoan cố và hiếu chiến ở chiến trường Trị Thiên.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:56:07 am »

Sự thể trên chứng tỏ bọn Ngô Quang Trưởng, Lâm Quang Thi đã nhận ra tầm hiểm yếu của khu vực này, khu vực bàn đạp để uy hiếp đồng bằng nam Huế và dễ bề cắt đứt đường 1 đoạn Cầu Hai - nếu ta chiếm được.

Sau này, khi chúng tôi gặp Trương Như Mân trung tá trưởng phòng 3 của sư đoàn 1 ngụy ở trại cải tạo, y cũng xác nhận điều đó. Y còn nói thêm về các nhận định và phán đoán của tướng tá ngụy thuộc sư đoàn 1, sau khi chúng phát hiện những chỉ dấu chứng tỏ mùa xuân 1975 ta sẽ mở những trận đánh lớn, chưa biết cường độ thế nào, nhưng chắc chắn là sẽ lớn hơn 1968. Những chỉ dấu ấy là sự cơ động của một số trung đoàn thuộc sư đoàn 325, sư đoàn 324 về phía nam, và đến cuối tháng 2 năm 1975 thì có tin xác nhận Bộ tư lệnh quân đoàn 2 của ta ở Nam Đông. Cùng với chỉ dấu trên là sự phát hiện ta đang triển khai những con đường mới ở phía nam, tăng cường mức vận chuyển từ 300 đến 400 xe/ngày, là sự phát hiện 8 xe tăng ta ở Bà Nà. Tin tức về chỉ dấu này là do ban bình địa phòng nhì đã dùng máy bay O2 trinh sát mỗi ngày đến 32 giờ bay phía nam hoành tuyến 15, cung cấp. Tuy nhiên, kẻ địch phán đoán ta có hai khả năng. Có thể ta tiến công đánh bứt An Lỗ, con đường thọc nhanh nhất vào Huế và cô lập được bọn thủy quân lục chiến ở phía bắc. Cũng có thể ta đánh dứt đoạn Cầu Hai, cô lập giữa Huế và Đà Nẵng. Ở hướng bắc, lực lượng cách mạng có vẻ mạnh. Ở hướng nam thì thế hiểm hơn. Dù có sự phân vân giữa hai khả năng ấy, kẻ địch vẫn đã có những biện pháp tăng cường phòng thủ ở cả phía An Lỗ, lẫn phía đường 14, mà càng về sau hướng đường 14 càng được địch chú ý hơn.


Giờ đây, cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt ở đường 14 và đồng thời cả phía An Lỗ. Dầu vậy, bọn tư lệnh sư đoàn 1 ngụy cũng biết đối thủ của mình là quân đoàn 2 của ta.

Và bấy giờ, hãy còn quá sớm để bọn sư đoàn 1 ngụy, bọn tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 ngụy ở Huế cảm thấy có thể yên tâm về khả năng phòng thủ của mình. Cuộc chiến đấu, không, nói cho đúng hơn, chiến dịch mùa xuân 1975 của ta vẫn đang tiếp diễn.


Ở sở chỉ huy quân khu, khi giờ G. điểm, hầu như không ai ngủ được, nhất là các đồng chí trong Bộ tư lệnh, các đồng chí phụ trách Bộ tham mưu, Cục chính trị, Cục hậu cần, các đồng chí phụ trách chủ chốt về tác chiến, pháo binh, thông tin, công binh, dân quân... Thực ra, không phải công việc bận rộn, cũng không phải họp hành hoặc có nhiều vấn đề phải giải quyết (những việc cần giải quyết đã giải quyết xong, những vấn đề sẽ phải giải quyết tất nhiên là chưa tới). Vậy mà ai cũng cảm giác hồi hộp, cảm giác mình rất bận rộn. Bộ tư lệnh quân khu chỉ có hai người ở sở chỉ huy cơ bản: anh Lê Tự Đồng vừa là tư lệnh kiêm chính ủy quân khu vừa là bí thư Khu ủy, bí thư Đảng ủy mặt trận và anh Hồ Tú Nam phó chính ủy nhưng cũng là người phụ trách chủ chốt trong quân khu. Anh Dương Bá Nuôi phó tư lệnh được phân công làm chỉ huy trưởng bộ chỉ huy hỗn hợp ở hướng Phong Quảng. (Về sau anh Trần Văn Ân phó chính ủy cũng ra cánh bắc với anh Nuôi). Anh Nguyễn Chi phó tư lệnh trực tiếp chủ đạo trung đoàn 6 và trung đoàn 271.


Tuy công việc và lo toan nặng nề, nhưng các anh trong Bộ tư lệnh thường xuyên đi sát cánh tác chiến chúng tôi. Nói cho đúng hơn - là chúng tôi phải thường xuyên và kịp thời báo cáo với các anh về những diễn biến của chiến dịch mà chúng tôi theo dõi được.


Sau đây là tóm lược tình hình chiến sự từ ngày 8 tháng 3 đến 17 tháng 3 năm 1975 (đợt 1 của chiến dịch).

Những đêm 6, 7 và 8 tháng 3. Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ khu ủy và Đảng ủy mặt trận, toàn bộ lực lượng từ Quảng Trị, bắc Thừa Thiên và nam Thừa Thiên tuy mỗi nơi có những khó khăn phức tạp riêng, nhưng tất cả đều được triển khai theo đúng kế hoạch. Đặc biệt là có trên 2.500 tay súng trong đó gồm 5 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, gần 100 đội vũ trang công tác và các đội vũ trang địa phương cùng lực lượng chính trị, cơ quan chỉ huy các cấp tỉnh, huyện, thành, đều lần lượt đột nhập đồng bằng về các địa bàn hoạt động một cách bí mật, an toàn. Đây là một thành công xuất sắc, tạo ra đòn bất ngờ đối với kẻ địch.

- Ở giáp ranh, ngày 8 tháng 3, bộ đội chủ lực quân khu cùng với quân đoàn 2 đồng loạt tiến công trên hai hướng: đường 14 và Phong Sơn (tây-bắc An Lỗ), một bộ phận bộ đội Quảng Trị tiến công tây Hải Lăng.

- Ở đường 14, như ta đã biết vào sáng 8 tháng 3, sư đoàn 324 đã tiến công đánh chiếm các điểm cao 75, 76, 224, nhưng ngay sau đó, địch phản kích lấy lại 224 và cuộc chiến đấu diễn ra trong thế giành đi giật lại mãi đến ngày 21 tháng 3. Về hướng đó, một đơn vị thuộc trung đoàn 271 của quân khu cùng phối hợp tiêu diệt điểm cao La Sơn rồi theo kế hoạch chuyển về đường 12.

- Ở tây Hải Lăng, tiểu đoàn 8 Quảng Trị cùng với du kích địa phương bao vây khống chế, uy hiếp mạnh các điểm cao 367, động Ông Do, duieejt điểm lẻ, buộc địch phải rút 11 chốt chung quanh điểm cao 235.

- Pháo binh của ta đánh dồn dập vào một loạt căn cứ của địch ở Mỹ Chánh, Đồng Bồ, Đức Tích, Phò Trạch, Đồng Lâm, Hiệp Khánh, cầu An Lỗ, Động Hoàng gây rối loạn và thiệt hại cho địch.

- Ở Phong Sơn (tây-bắc An Lỗ) hồi 16 giờ 30 chiều 8 tháng 3, trung đoàn 4 nổ súng đánh chiếm Phổ Lại (điểm cao 51 và 57 do tiểu đoàn 130 bảo an thuộc quyền chỉ huy của lữ 147 thủy quân lục chiến, chiếm giữ).

Đây là hướng phối hợp quan trọng, địch đã chú ý tăng cường phòng thủ, nên ta sử dụng một cường độ pháo đáng kể làm địch càng bối rối, nghi hoặc về hướng tiến công chủ yếu của ta. Pháo trong trận này ngoài 37 ly, 12 ly 7 hạ nòng xuống bắn trực tiếp những điểm xạ dài còn có các loại cối 82 ly, DK 82 ly, pháo 85 ly, cối 12 ly, pháo 152 ly. Bởi thế, sau 30 phút bắn phá hoại, 40% công sự của địch đã bị phá hủy.


Lực lượng xung kích được sử dụng đánh Phổ Lại là 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 4 bộ binh (còn một tiểu đoàn khác đột nhập đồng bằng đánh các vị trí Trung Kiều, Sơn Tùng hỗ trợ cho các đội vũ trang công tác diệt ác ôn, phát động quần chúng).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:57:25 am »

Trận Phổ Lại cũng diễn ra vô cùng gay gắt, ác liệt. Thoạt đầu, từ ngày 6 tháng 3 ta đã bí mật đưa pháo lên các điểm cao có lợi để dễ dàng bắn chế áp địch, và nhất là trong đêm 8 tháng 3 ta đã ém được hàng tiểu đoàn bộ binh vào sát địch vài trăm mét, bí mật và bất ngờ.

- 16 giờ 30 ngày 8 tháng 3, các cỡ pháo ta bắt đầu bắn phá hoại vào Phổ Lại, cùng lúc ấy một lực lượng bộ binh tiến công một số điểm lẻ ở Cổ Bi, Thanh Tân, diệt 3 tiểu đội địch, gây cho địch hoang mang.

- 16 giờ 50, pháo địch ở Đồng Lâm, Từ Hạ, Yên Bầu, Hiệp Khánh bắt đầu phản ứng, bắn về tuyến Ồ Ồ, Thanh Tân.

- 17 giờ, pháo ta thôi bắn. Xung kích bắt đầu xung phong trên ba hướng, có hỏa lực đi kèm: trung liên, B.40, B.41 chi viện.

- 17 giờ 15, sau khi dùng thủ pháo, tiểu liên diệt từng ụ súng, từng công sự của địch, hai hướng quân đã gặp nhau, hoàn toàn làm chủ một khu vực gọi là khu A và một số mục tiêu khác, chỉ còn mục tiêu số 13.

- 17 giờ 30, tiếp tục công kích mục tiêu 13, nhưng quân địch - số sống sót đã dồn về đây, chống cự quyết liệt, nên ta đành dừng lại. Từ đấy cho đến suốt đêm 8 rạng 9 tháng 3 ta tổ chức 4 lần tiến công đều không dứt điểm được. Cũng trong đêm ấy tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 4 hoạt động ở đồng bằng đã tập kích tiêu diệt 2 vị trí Trung Kiều và Sơn Tùng, sau đó tổ chức chốt lại yểm trợ cho quần chúng nổi dậy.

Ngày 9 tháng 3 hồi 7 giờ 15. Pháo địch ở các nơi tập trung bắn vào Phổ Lại trong hai giờ liền. Ta chuẩn bị cho C17 và C5 đánh bọn phản kích.

- 9 giờ 15, lực lượng phản kích của địch gồm 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến và hai chi đoàn xe bọc thép tiến vào giải tỏa cứ điểm Phổ Lại. Ta đã khéo phục kích bắn cháy 1 xe tăng, tiêu diệt 1 trung đội đi đầu, buộc địch chùn lại.

- 9 giờ 30, địch điều thêm 1 đại đội cũng thuộc tiểu đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến nữa đến. Lực lượng địch bấy giờ có 3 đại đội bộ binh cùng với 19 xe tăng và xe tăng. Từ đó đến hết ngày 9 tháng 3 năm 1975 địch huy động 14 lần chiếc A.37 ném bom, kết hợp pháo chi viện, tổ chức hàng chục đợt phản kích, đều bị ta đẩy lùi. Trong lúc đó, hồi 15 giờ 45 ta lại chiếm thêm khu B, mở rộng bàn đạp bẻ gãy hoàn toàn một hướng phản kích của địch. Hồi 23 giờ đêm 9 tháng 3, một lực lượng của ta lại tập kích diệt một tiểu đội địch ở bắc sông Tứ Chánh, ngoại vi cứ điểm Phổ Lại.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975. 5 giờ sáng, địch điều thêm tiểu đoàn 60 thuộc liên đoàn biệt động quân 15 đang huấn luyện ở Phú Bài ra tăng viện, đứng chân ở Kiêm Lâm. Cùng với lực lượng tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 7 thuộc lữ 147 thủy quân lục chiến đã đứng chân ở Định Kỳ, Đồng Lâm, chúng chuẩn bị phản kích và ngăn chặn hành lang của ta từ giáp ranh về đồng bằng.

- Từ 10 giờ - 17 giờ, địch tổ chức đến 17 đợt phản kích ác liệt từ hướng đông và tây-bắc lên để tái chiếm khu A (Phổ Lại). Quân ta vẫn dùng cảm đẩy lùi hết đợt này đến đợt khác, nhưng do mật độ phòng ngự khá dày đặc, nên thương vong của ta không phải ít. Tình hình trở nên khá căng thẳng, Bộ chỉ huy cánh bắc ra lệnh cho trung đoàn 4 chỉ để lại lực lượng nhỏ cảnh giới, và hỏa lực khống chế Phổ Lại, còn tất cả rút về vị trí củng cố.

Ngày 11 tháng 3. Suốt ngày ta vẫn đánh phản kích, tuy không thể mạnh mẽ như trước. Đến 4 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 1975, ta gài mìn lại và rút hẳn. Trận Phổ Lại đến đây coi như kết thúc. Ta đã tiêu diệt trên 500 tên địch, đặc biệt có hai đại đội hầu như bị diệt gọn (đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 130 bảo an và đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến).


Trong đêm 8 tháng 3 rạng 9 tháng 3 năm 1975, tất cả lực lượng bộ đội địa phương, đặc công, các đội vũ trang công tác, sau khi đã lọt được về đồng bằng nông thôn, đều đồng loạt nổ súng, tập kích mãnh liệt quân địch, chủ yếu nhằm vào các tổ chức kìm kẹp, đánh trúng hầu hết các mục tiêu quân sự (trên ba mươi phân chi khu và một số chi khu). Tiêu diệt địch kết hợp với vũ trang tuyên truyền, lực lượng cách mạng đã tiếp xúc được trên hai mươi vạn dân trên một diện rộng lớn gồm 53 xã (150 thôn, ấp).

- Ở hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng (nam Quảng Trị) ta đã tiêu diệt chi khu Mai Lĩnh, đánh vào 12 phân chi khu (trên 24 phân chi khu) diệt gọn 3 phân chi khu Hải Lâm, Hải Vĩnh và Hải Nhi.

- Ở ba huyện bắc Thừa Thiên, ta đánh vào 9 phân chi khu, diệt gọn các phân chí khu Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa, Phong Nhiêu và Quảng Phú. Và ở nam Thừa Thiên, 10 phân chi khu của địch bị đánh, ta diệt gọn các phân chi khu Vĩnh Thái, Vĩnh Hiền, Phú Hồ, đánh hỏa lực vào quận lỵ Vĩnh Lộc, Cầu Hai.

Phối hợp với đòn tiến công mạnh mẽ ở giáp ranh và nông thôn đồng bằng, bộ đội đặc công đánh cháy kho xăng ở Động Tòa, tiểu đoàn 21 bám đánh xe địch trên đèo Hải Vân buộc lữ đoàn dù 1 phải tập trung lực lượng giải tỏa.


Sau khi giờ G. điểm, trong những ngày đầu của chiến dịch, hai mặt trận giáp ranh và đồng bằng đã thực sự phối hợp với nhau một cách đắc lực, tạo ra một thế mới có lợi cho ta và uy hiếp địch rất mạnh làm chúng choáng váng. Có thể nói, từ năm 1968 đến nay, lần đầu tiên ta phát huy được sức mạnh tổng hợp cả hai vùng, đánh địch một đòn bất ngờ gây cho chúng tổn thất khá nặng nề, buộc chúng phải điều động lực lượng ứng cứu một cách chắp vá, phân tán và dè dặt. Ở giáp ranh, chúng tập trung lực lượng cơ động kết hợp với lực lượng phòng ngự tại chỗ phản kích chiếm lại được một số nơi, nhưng cũng bắt đầu co cụm chiến thuật, bỏ các chốt lẻ gom thành chốt lớn, be bờ cố thủ. Ở đồng bằng, trước sức tiến công ào ạt của ta, trên các khu vực trọng điểm từ Triệu Phong đến Phú Lộc, các lực lượng kìm kẹp của địch nhanh chóng bị tan rã, bỏ chạy tán loạn gây hoang mang dao động lớn trong hàng ngũ chúng; ở một số nơi lực lượng bảo an, dân vệ chống cự yếu ớt. Có thể nói, lực lượng vũ trang của ta đột nhập vào đâu, ở đấy vỡ từng mảng, ta nhanh chóng làm chủ những vùng nông thôn được chọn làm địa bàn trọng điểm, tiến hành công tác tuyên truyền, tổ chức quần chúng.


Cố nhiên khi đã định thần được, kẻ địch không dễ dàng chịu mất những thôn ấp mà trước đây chúng coi như đã bình định xong, có bộ máy kìm kẹp chặt chẽ. Không dễ dàng chịu để ta lập những căn cứ lõm, nhất là ở đồng bằng Phong Quảng và Phú Vang, Phú Thứ, khi hệ thống phòng ngự ngăn chặn của chúng trên giáp ranh chưa bị phá vỡ hoặc chọc thủng từng mảng. Chúng vội vàng huy động lực lượng phản kích, tìm cách đánh bật ta ra. Ở Quảng Trị, hồi 08 giờ sáng ngày 8 tháng 3 năm 1975 tiểu khu trưởng Quảng Trị mời lữ trưởng và trưởng ban tác chiến lữ 369 thủy quân lục chiến về họp bàn cách đối phó với ta. Sau đó, chúng ra lệnh báo động cấp 1 khắp toàn lực lượng. Chúng dùng lực lượng bảo an thuộc tiểu khu Quảng Trị hợp với những đơn vị cơ động tại chỗ của liên đoàn bảo an 913 và là thủy quân lục chiến 369, phân ra phản kích ở một số nơi trên giáp ranh như điểm cao 118, 122 và ở nông thôn như thôn Đông - Hải Lăng, v.v. (về sau, chúng còn rút tiểu đoàn 120 bảo an đang huấn luyện ở Đống Đa về đứng chân ở Trường Thọ, Quảng Trị sau khi tham gia càn quét ở Phong Điền, Thừa Thiên).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:58:30 am »

Ở bắc Thừa Thiên, trọng điểm phản kích của chúng là hai huyện Phong, Quảng. Ở đấy chúng tập trung 3 tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 6 thuộc lữ 369 thủy quân lục chiến, các tiểu đoàn 120, 112, một đại đội của tiểu đoàn 111 bảo an) cùng thiết đoàn 20 ở Đức Tịch, có trực thăng vũ trang yểm trợ chia ra nhiều mũi, càn từ đông Phò Trạch đến Sịa trong ba ngày liên tiếp. Có những trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở Phong Hòa, Trung Kiều, Cao Bạn. Mặc dù ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bắn cháy xe tăng, song cuối cùng ta không thể trụ nổi, phải rút lui.


Ở nam Thừa Thiên, chúng dùng lực lượng dù, sư đoàn 1 bộ binh, các tiểu đoàn bảo an tại chỗ kết hợp với thiết đoàn 7 đóng ở ấp 5 Hương Thủy phản kích lại ta - cụ thể như sau:

Hai đại đội của tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 54, sư đoàn 1 cùng với 2 đại đội bảo an có xe tăng và máy bay yểm trợ càn quét ở Phú Thứ. Những trận chiến đấu ác liệt xảy ra là ở Trường Lưu, Đức Thái, Viễn Trình. Ở Hương Thủy và tây Phú Vang, chúng dùng tiểu đoàn 8 dù, cùng 2 đại đội bảo an có trực thăng vũ trang và thiết giáp yểm trợ càn quét.


Ở Vĩnh Lộc chúng dùng hai đại đội thuộc tiểu đoàn 1 dù cùng hai đại đội bảo an tiến công ta, còn dọc đường số 1 chúng dùng những đại đội trinh sát và quân cảnh đồn trú rải dài ra càn quét và ngăn chặn hành lang. Cùng với lực lượng được huy động để phản kích đồng bằng, trên giáp ranh phía nam Huế chúng cho đại đội trinh sát của trung đoàn 54 chuyên việc chỉ điểm cho pháo bắn, gài mìn và phục kích dọc hành lang ta đi về. Không quân địch chẳng những đánh ở giáp ranh mà còn ném bom vào cả những khu đông dân cư ở dưới đồng bằng như ở Phú Thứ để yểm trợ cho bộ binh và ngăn chặn sự phát triển của ta.


Trong lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt ở đường 14, ở Phong Sơn cũng như ở nông thôn đồng bằng từ Triệu Phong đến Phú Lộc, thì Quân khu chấp hành chỉ thị của Bộ, nhanh chóng tập trung trung đoàn 6 và trung đoàn 271 trên hướng đường 12. Sáng 13 tháng 3 năm 1975, trung đoàn 6 nổ súng đánh chiếm Chúc Mao và tiêu diệt địch ở điểm cao 300, dùng hỏa lực đánh vào Sơn Na, đồi không tên. Bị thêm một áp lực mới trên một hướng tương đối hiểm yếu trong hai ngày 14, 15 tháng 3 năm 1975, địch đã bỏ một khu vực lớn tây đường 12 do trung đoàn 3 sư đoàn 1 ngụy chiếm giữ, khu vực ấy gồm các điểm cao 620, 551, 401, Đèo Đông, 502, 506. Trận đánh này không lớn nhưng có giá trị khá quan trọng. Nó gây niềm tin tưởng phấn khởi mới cho ta, làm địch thêm bị động, bắt đầu co cụm lớn hơn. Điều đó đã giúp cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy sớm thấy được khả năng có hạn của địch. Chúng bắt đầu be bờ cố thủ bằng cách co cụm lớn hơn, mong bảo toàn lực lượng trước sức tiến công của ta.


Tuy nhiên, đòn tiến công ở đường 12 cũng như ở Mỏ Tàu và Phong Sơn cũng chưa đủ mạnh để phá vỡ từng mảng lớn phòng ngự của địch, tạo thế yểm trợ đắc lực cho đồng bằng chống càn. (Ngay việc đảm bảo và mở rộng hành lang để tiếp tế vũ khí đạn dược, để đưa tiếp thêm lực lượng, ta vẫn chưa làm tốt).


Sau mấy ngày hoạt động tích cực chiến đấu trong điều kiện gian khổ và căng thẳng, theo tư tưởng chỉ đạo chung và dựa trên thực tế tình hình khách quan, các lực lượng tập trung ở Quảng Trị rồi đến Thừa Thiên lần lượt rút lên giáp ranh chấn chỉnh củng cố, rút kinh nghiệm, sau khi cắm lại lực lượng nhỏ để nắm dân chuẩn bị cho đợt hoạt động mới.


Đây là cuộc rút lui vì không đạt được ý đồ ban đầu chăng? Trên thực tế thì không hẳn thế. Ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, tuyên truyền tổ chức quần chúng trên một diện rộng lớn 150 thôn khắp hai tỉnh Trị – Thiên. Ngay sự có mặt của hàng 2.500 tay súng cùng lực lượng cán bộ chính trị giữa vùng đồng bằng, mà trước đây bọn địch coi như những thôn ấp loại A, an toàn 100% đã là sự kiện kinh thiên động dịa. Hệ thống kìm kẹp của địch nơi thì bị tan rã, nơi thì bị phá lỏng, khiến cho kẻ địch không dễ gì siết chặt lại được như cũ. Hơn nữa, ta còn cắm lực lượng lại, (có nơi như Phong Điền hầu như tất cả lực lượng cán bộ chính trị và du kích đều ở lại). Nghĩa là ta còn tiếp tục chiến đấu để thực hiện bằng được ý đồ giành dân, theo tinh thần nghị quyết của Khu ủy. Sau này, khi ta trở lại đồng bằng lần thứ hai, giải phóng hoàn toàn nông thôn, ta càng thấy rõ giá trị của đợt hoạt động đầu tiên. Nó là cuộc biểu dương lực lượng, một đợt diễn tập phát động quần chúng nổi dậy, tiền đề quan trọng để khi chủ lực của ta đã đập vỡ hệ thống ngăn chặn của địch trên giáp ranh thì chẳng có gì ngăn cản được làn sóng nổi dậy của quần chúng nhân dân ở nông thôn đồng bằng.


Tuy nhiên, nhận thức cho ra nhẽ vấn đề này cũng không giản đơn. Tình hình thực tế lúc này, quả thật cũng có mặt phức tạp. Ở một số nơi, trong lúc đánh địch phản kích ta có tổn thất nhất định, nên đã nảy sinh hiện tượng kém tin tưởng. Có đồng chí cán bộ lắc đầu, kêu rằng, đồng bằng quả là "khó xơi". Ngay như tôi cũng vậy, khi được tin lực lượng đồng bằng ta đã rút lên hết, trong lòng không được vui, một chút xót xa, một chút băn khoăn cho công lao khó nhọc vất vả của cán bộ, chiến sĩ. Không hẳn là dao động, nhưng có điều gì đó gợi buồn. Hôm qua, vừa được tin một người bạn, phó chính ủy trung đoàn 4 đã hy sinh ở đồng bằng Phong Quảng khi địch phản kích vào thôn Vĩnh Nẫy, hôm nay lại được tin tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 bị bom A.37 ở Trường Lưu, Phú Thứ. Bất giác, tôi sờ lên túi áo mình, nơi điếu thuốc lá "Ru-bi" để dành cho Sinh đã bẹp gí, vẫn gói trong giấy. Đành rằng, trong cuộc chiến đấu ác liệt và gian khổ này, hy sinh là chuyện bình thường. Sau một mùa chiến dịch, lại vắng thêm vài khuôn mặt bạn bè. Có thể nào không xót xa trước những mất mát? Nhưng nếu như ở những người kiên nghị, nỗi xót xa của mất mát càng làm cứng rắn dày dạn thêm trái tim, thì ở mình, tôi cảm thấy chưa tới mức đó. Bởi vậy, tôi không thể không lo lắng cho người bạn thân đang chiến đấu quyết liệt ở đồng bằng Phú Thứ. May sao, nỗi lo lắng của tôi đã tiêu tan nhường chỗ cho sự mừng vui khôn xiết khi ngày hôm sau tôi gặp lại anh Sinh trở về an toàn. Trông anh gầy rạc đi vì những đêm thiếu ngủ. Nhưng chỉ nhìn đôi mắt lanh lợi và vui vẻ của anh, tôi đã thấy yên tâm. Anh nắn nắn điếu thuốc đã bẹp gí của tôi tặng lại cho tròn, rồi thong thả châm lửa hút, mặc dù anh ném cả bao "Cáp - tăng" mới nguyên ra, để tôi đốt tha hồ. Trong câu chuyện anh kể lại có sự hồi hộp lo âu lúc đột nhập qua các tuyến phòng thủ của địch, có nỗi mừng vui khi bắt liên lạc được với cán bộ cơ sở và khi nổ súng tiến công các phân chi khu quân sự của địch. Anh nhắc đến Dưỡng Mông, Viễn Trình, Thanh Lam Trung, nơi chúng tôi đã sống với nhau ngày trước, nơi có những người quen mà vừa rồi chỉ mình anh được may mắn gặp lại.

- Cậu có nhớ bà mẹ...

Anh Sinh vẫn nhắc đến tên người này, người kia bằng câu hỏi như thế. Vâng, tôi nhớ. Làm sao có thể quên được những bà mẹ, những người chị, người em đã từng nuôi chúng tôi dưới hầm bí mật, đã từng chịu tra tấn tù đày vì bảo vệ chúng tôi từng nhường cơm sẻ áo và cả chia bữa cho chúng tôi. Làm sao có thể quên được những ngày giải phóng xưa kia, chúng tôi sống trong dân, cùng bà con làm ruộng, cùng bà con chống giặc về càn quét...


Anh Sinh bảo, những người quen, ai cũng hỏi tôi còn sống không, và gửi lời thăm hỏi. Tình cảm của bà con vẫn mặn nồng như xưa, còn hơn xưa vì họ đã sẵn một lòng tin, trước sau với Cách mạng cũng sẽ thắng. Chỉ có lâu hay mau thôi. Điều bà con băn khoăn là e ngại ta chưa đủ mạnh để giải phóng tới đâu là giữ vững được đó. Họ đã quá ê chề với cái cảnh sống ngột ngạt dưới bàn tay tàn bạo của địch. Tuy nhiên, đất thì không thể bỏ đi được, họ phải bám vào đất mà sống, đất đã từng đẫm máu và sẽ còn đẫm máu nữa - nếu thằng địch trở lại bình định được. "Chuyến ni mấy eng về rồi có định ở lại không?". Đấy là câu hỏi phổ biển mà chính anh Sinh cũng khó trả lời. "Ở lại được hay không, còn tùy nơi bà con...". Câu trả lời của anh thật khôn ngoan và suy cho cùng cũng là chính xác.


Sau buổi chuyện trò với anh Sinh, tự nhiên lòng tôi ấm áp hẳn lại. Phải chăng anh đã chuyển sang cho tôi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của bà con chú bác dưới đồng bằng, mà chính anh đã trực tiếp nhận xét và cảm thụ. Chính anh là người phải tạm biệt bà con, không có điều gì ân hận để cặp mắt phải làng tránh hoặc cúi xuống, anh vẫn vui vẻ hứa với bà con nhất định bộ đội giải phóng sẽ trở lại, vào một ngày không xa.


Đôi mắt anh thật vui vẻ khiến tôi vui lây, mặc dù trong câu chuyện, anh đã kể những giờ phút ác liệt trong chống càn, những lúc gian truân phải cõng thương binh vượt sông, vượt qua vành đai ngăn chặn của địch, những lúc nằm nhịn đói trên đồi Dích Dương, những khi nằm bẹp gí hàng tiếng đồng hồ dưới trận mưa pháo của địch. Tôi tự trách mình còn đôi chút ủy mị, chưa nhìn thấy hết cái sức mạnh tiềm tàng của bà con chú bác dưới xuôi. Nó là ngọn lửa nằm dưới tro, chỉ cần ngọn gió đủ mạnh để thổi bùng lên thành đám cháy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:58:59 am »

Cuộc gặp gỡ với bạn cũ đã để lại cho tôi một cảm giác thanh thản nhẹ nhàng. Có lẽ vì thế, nên tôi càng thoải mái khi tiếp thu sự nhận định đánh giá tình hình của Thường vụ khu ủy và Thường vụ quân khu ủy. Bấy giờ, trước những mặt phức tạp của tình hình, các đồng chí lãnh đạo đã kịp thời hội ý với nhau và khẳng định rằng: mở đầu chiến dịch, ta thắng lợi lớn, địch thất bại nặng, nhất là trên mặt trận đồng bằng. Đây là thắng lợi bước đầu có ý nghĩa quan trọng, nó làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, đang tạo ra những yếu tố mới để ta có thể tiến lên giành thắng lợi lớn hơn. Còn nơi nào có khó khăn, chủ yếu là do không quán triệt đúng đắn tư tưởng chỉ đạo chung. Tình hình đang phát triển thuận lợi, địch sẽ có nhiều biến động lớn, nhất là sau thất bại Buôn Mê Thuột. Tình hình đó sẽ tạo cho ta những triển vọng mới để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo của chiến dịch.


Đi đôi với nhận định trên, Thường vụ khu ủy và Quân khu ủy cũng đã có những chỉ thị bổ sung cần thiết cho các cấp bộ, phát huy thắng lợi, uốn nắn những lệch lạc thiếu sót, để tích cực chuẩn bị cho đợt hoạt động mới.

Từ khi nổ súng chiến dịch, Bộ tư lệnh quân khu và Bộ tư lệnh quân đoàn 2 thường xuyên báo cáo lên Bộ Tổng tư lệnh và cũng thường xuyên nhận được những chỉ thị tỉ mỉ cần thiết. Ngày 12 tháng 3 năm 1975, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung trơng chỉ thị cho Thường vụ khu ủy và Quân khu ủy Trị Thiên như sau: Từ ngày 4 tháng 3 năm 1975 - ngày mở đầu cuộc tiến công mới của ta đến nay, trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên, Nam Bộ đều chuyển biến tốt và đang giành thắng lợi. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp ngày 11 tháng 3 đã nhận định kế hoạch chiến lược, chiến dịch của ta là chính xác. Mặc dù thời gian gấp rút, nhưng các chiến trường đều chuẩn bị tương đối tốt. Ngay những ngày đầu đã giành thắng lợi lớn. Tình hình ở nam Tây Nguyên, Khu 5 chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi với nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Tinh thần địch đang sa sút. Trước tình hình đó, ngay trong đợt hoạt động này và tiếp theo, cần quán triệt tinh thần khẩn trương, mạnh bạo trong điều kiện thuận lợi mới để giành thắng lợi to lớn hơn. Coi trọng tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong khi chúng rút chạy, tăng viện. Cần chú trọng việc tiếp quản, chính sách vùng giải phỏng, công tác binh vận ở những vùng thị trấn nông thôn mới giải phóng.


Hiện nay địch đang cố gắng lớn, nhưng việc điều động lực lượng cơ động của chúng cũng có hạn. Phải nhanh chóng tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực địch, nhất là lúc chúng rút chạy khỏi thị xã, cứ điểm hoặc tăng viện. Cần có kế hoạch phát triển theo những hướng đã dự kiến.


Tất cả những mệnh lệnh chỉ thị, những điện của Bộ, phòng tác chiến chúng tôi có nhiệm vụ lưu trữ. Thành ra chúng tôi có cái may mắn là sớm biết tình hình chung toàn chiến trường miền Nam.

Trong những ngày ở chiến trường Trị Thiên đang được coi như diễn biến gay gắt và phức tạp, thì Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã sớm vạch ra cho chúng tôi thấy triển vọng sáng sủa của tình hình chung, đã dự kiến những khả năng mới, những bước phát triển mới. Điều đó đã củng cố thêm niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ, tạo nên một luồng sinh khi mới, ai cũng cảm thấy háo hức muốn hoạt động, muốn chiến đấu. Đám cán bộ và chiến sĩ trẻ còn có tâm trạng cay cú, nhất là khi nghe tin chiến thắng ở khắp nơi về dồn dập. Chao ôi, nam Tây Nguyên tháng lợi lớn quá! Ở sở chỉ huy lúc nào cũng xôn xao về những tin mới. Quân ta đã chiếm quận lỵ Thuần Mãn, cắt đường 14 và đang phát triển xuống Buôn Hồ. À, vậy là cả hai đầu đường 14, thằng địch đang bị nện những chùy nên thân. Trị Thiên ta "uýnh" một đầu, Tây Nguyên "uýnh" nốt đầu kia. Ma coi bộ người anh em Tây Nguyên làm ăn khấm khá quá ta! Lại chiếm thêm quận lỵ Đức Lập rồi! Vẫn trên đường 14! Hoan hô, thắng to lắm: Buôn Me Thuột giải phóng, quân ta làm lẹ nốt cái Bản Đôn phía tây và cái Buôn Hồ phía bắc nữa. Hoan hô người anh em Tây Nguyên! Đâu? Bản đồ Tây Nguyên đâu, treo lên! Thế nào? Thằng BBC đưa tin chưa, tin đài phương Tây nói thế nào? Chắc chắn có thông báo chính thức của Bộ rồi chứ? Sư nào đánh Buôn Mê Thuột đấy? 320 hay sư 10? Không, hình như thằng 316 mới vào! A, chuyến này thằng trung đoàn 95B của 325 được tham gia đánh trận then chốt rồi. Tha hồ mà vểnh râu cáo nhé! Quân ta ở nhà, nếu làm ăn lèm nhèm thì tha gì mà nó không khinh cho! Cố lên anh em ơi!


Những ngày đó, ở ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của sở chỉ huy quân khu lúc nào cũng nghe tiếng xôn xao bình luận, bàn tán về những tin tức chiến thắng mới.

Trong ngôi nhà hầm của Bộ tư lệnh, các anh Lê Tự Đồng, Hồ Tú Nam không còn cái tuổi sôi nổi hay bốc như đám cán bộ trẻ, nhưng cũng tỏ ra rất vui. Cái vui xen lẫn cái bận rộn lo lắng. Dường như các anh luôn luôn theo dõi từng đường đi nước bước của kẻ địch, bắt nắm tình hình khắp chiến trường và cụ thể của các đơn vị thuộc quyền, lắng nghe một cách nhạy bén đề hiểu rõ ý đồ của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Dĩ nhiên, là các anh rất ít ngủ, nhiều đêm khuya lắm, chúng tôi vẫn thấy bóng các anh ngồi cặm cụi viết, hoặc đi đi lại lại cùng những ý nghĩ đang nung nấu trong đầu.


Rất thường xuyên, các anh trực tiếp gọi dây nói cho anh Nguyễn Hữu An, anh Lê Văn Linh bên quân đoàn. Những cuộc đàm thoại quan trọng ấy chúng tôi không được biết, nhưng chắc chắn là những điều sống chết đối với chiến trường Trị Thiên đang nóng bỏng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:10:30 am »

VI. Sấm tháng ba trên đất Quảng Trị

Xin nói riêng một chút về Quảng Trị, mảnh đất đầy tự hào về những chiến công vang dội mấy chục năm qua. Mảnh đất của những trận chiến đấu ác liệt, đẫm máu mà sự tàn phá kinh khủng chỉ có thể so sánh được với bản thân nó, ít nhất là ở Việt Nam ta. Điều muốn nói không phải tất cả những gì đã xảy ra trên mảnh đất này, mà chỉ những điều có liên quan tới ngày đại thắng của quân dân Quảng Trị.


Thực ra, tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng hầu hết hồi chiến dịch 1972, vùng tạm chiếm chỉ còn 15% đất đai với toàn bộ huyện Hải Lăng và 5 xã thuộc huyện Triệu Phong. Nhưng đây là vùng đồng bằng tương đối trù phú của Quảng Trị, nên số dân khá đông: gần 20 vạn.


Với mảnh đất chỉ hơn một huyện, mà kẻ địch đã tập trung ở đây một lực lượng khá lớn. Cụ thể như sau:

- 2 lữ thủy quân lục chiến (lữ 258, lữ 369);

- 4 tiểu đoàn pháo;

- 1 đại đội pháo 175 ly;

- 2 đại đội thám báo biệt kích;

- 1 thiết đoàn và 1 chi đoàn M.48;

- 7 tiểu đoàn địa phương quân (105, 110, 119, 120, 121, 122, 126);

- 1 đại đội cảnh sát gồm 8 trung đội.

Về phía ta, sau khi quân đoàn 2 rút đi để đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, các trung đoàn chủ lực của quân khu cũng hoạt động ở các hướng phối hợp trong Thừa Thiên, nên nhiệm vụ chiến đấu trên đất Quảng Tri hoàn toàn giao cho tỉnh đội.


Lực lượng địa phương được sử dụng trong quá trình chiến dịch gồm có:

- 5 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh (8, 10, 3, 14, 812);

- Đại đội 34 pháo DKB, đại đội 18, đại đội 23. Bộ đội địa phương huyện: Toàn bộ lực lượng huyện đội Hải Lăng, đại đội 15 Cam Lộ, đại đội 4 Gio Linh.

Dân quân du kích được huy động tham gia chiến dịch phần lớn là của Hải Lăng, ngoài ra là của các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa, thị đội Quảng Trị và Đông Hà; tất cả gồm 545 đồng chí. Khỏi phải so sánh ti mỉ, qua số liệu trên, ta cũng biết, nếu chỉ tính đầu người cầm súng, kẻ địch cũng hơn hẳn ta, ít nhất là gấp 5 lần.


Trong đợt đầu của chiến dịch, cũng như tình hình chung toàn chiến trường Trị Thiên trình bày ở phần trên, lực lượng của Quảng Trị đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Ở giáp ranh, chủ yếu là phía tây Hải Lăng, bộ đội địa phương và du kích tập kích một số điểm cao và chốt của địch như 122, 90, 118, dùng pháo và cối bắn chế áp các trận địa pháo địch ở Dốc Bầu, Tân Điền, 101, v.v. Ngoài ra, còn tổ chức vây ép, phóng bom mìn, bắn tỉa ở một loạt điểm cao khác, nhất là quanh điểm cao 235, 367, động Ông Do. Trong lúc đó, các đội vũ trang công tác cùng một số đội đặc công, phân đội bộ đội địa phương lọt sâu vào lòng địch, đánh các phân chi khu, tuyên truyền vũ trang, phát động quần chúng. Nổi bật hơn hết là trận tiêu diệt chi khu Mai Lĩnh vào đêm 10 tháng 3 năm 1975 đã gây tiếng vang khá lớn ở đồng bằng.


Cho đến ngày 15 tháng 3 năm 1975, trước sức ép phản kích của địch ở đồng bằng, ta chỉ cắm lại một ít lực lượng, còn nữa thì rút lên hậu cứ củng cố. Tuy nhiên, hoạt động của ta ở tuyến giáp ranh vẫn duy trì đều đặn bằng những đòn tiến công, vây ép uy hiếp địch, tuy nhỏ nhưng dai dẳng, liên tục, khiến địch phải bỏ hàng loạt chốt nhỏ, co cụm lại thành những chốt lớn. Qua một tuần lễ chiến đấu, ta thấy địch điều động lực lượng đối phó gây nên tình trạng xáo trộn, lúng túng. Hiện tượng rối loạn của địch thể hiện rõ trên tuyến phòng thủ. Nhưng ở đồng bằng, địch đã cố gắng dồn lực lượng đề phòng quần chúng nổi dậy.


Bấy giờ, lữ 369 thủy quân lục chiến đã được điều vào Quảng Nam thay cho lữ dù 3 về Sài Gòn. Bộ tư lệnh nặng sư đoàn thủy quân lục chiến đã di chuyển, chỉ còn lại Bộ tư lệnh nhẹ do Nguyễn Thành Trí, đại tá phó tư lệnh phụ trách đóng ở Hướng Điền có nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng còn lại từ bắc An Lỗ trở ra, gồm cả Quảng Trị.


16 giờ ngày 16 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn 77 thuộc liên đoàn biệt động 14 cùng 3 phân đội và ban chỉ huy liên đoàn, ra thay thế thủy quân lục chiến, đến Trường Thọ. Ngày hôm đó, địch huy động tiểu đoàn 105 và tiểu đoàn 110 hành quân thăm dò phát hiện lực lượng ta trên hai hướng sông Nhúng và Mỹ Chánh.


Sáng ngày 17 tháng 3 năm 1975 có một cuộc họp bàn việc bố trí lực lượng và kế hoạch đối phó với ta. Thành phần tham dự có tư lệnh thủy quân lục chiến (nhẹ), tiểu khu trưởng Quảng Trị, liên đoàn trưởng bảo an 913, liên đoàn trưởng biệt động quân 14.


Chiều 17 tháng 3 năm 1975 lữ 258 thủy quân lục chiến bàn giao địa bàn hoạt động lại cho tiểu khu Quảng Trị, rồi cùng đại đội quân y, đại đội công binh và tiểu đoàn 1 pháo thủy quân lục chiến di chuyển vào đèo Phú Gia (bắc Hải Vân) thay thế lữ dù 2, đặt thuộc quyền sử dụng của sư đoàn 1 bộ binh.


Lực lượng của địch ở Quảng Trị được điều chỉnh lại như sau:

- Tiểu đoàn 77 liên đoàn biệt động 14 về thay tiểu đoàn 121 ở tuyến tiếp xúc Tích Tường - Như Lệ.

- Tiểu đoàn 77 liên đoàn biệt động 14 về thay tiểu đoàn 121 ở tuyến tiếp xúc Tích Tường - Như Lệ.

- Tiểu đoàn 121 cộng thêm đại đội 305 và đại đội 202 về tuyến tiếp xúc Long Quang - Thanh Hội.

- Tiểu đoàn 120 tăng phái hai đại đội cho liên đoàn bảo an 913 để bảo vệ giao thông, còn hai đại đội nữa thì về Tân Điền, Mỹ Chánh.

- Tiểu đoàn 122 về đóng ở khu vực tiểu đoàn 105.

Xét về lực lượng địch ở Quảng Trị từ 8 tháng 3 đến 18 tháng 3 năm 1975 theo tài liệu của phòng 2 Bộ tham mưu chúng tôi cung cấp là giảm hẳn 5 tiểu đoàn. Để tham khảo thêm, xin trích ra đây một đoạn trong lời khai của Nguyễn Thành Trí.


"... Lực lượng trong khu vực trách nhiệm hành quân của Bộ tư lệnh nhẹ thủy quân lục chiến từ An Lỗ đến Quảng Trị coi như bị giảm nhiều về quân số, chiến xa, pháo. Cụ thể, Bộ tư lệnh nhẹ thủy quân lục chiến được tăng phái liên đoàn 14 biệt động quân với quân số 700 mà phải rút mất đi 2 lữ thủy quân lục chiến (369 và 258) với quân số gần 5.000. Về pháo mất 2 tiểu đoàn, thiết giáp mất 1 chi đoàn M.48 (chỉ còn lại 1 chi đoàn M.48).


Khoảng đầu tháng 3 năm 1975, Bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 cũng đã phổ biến một kế hoạch hành quân mới: tuyến đỏ bị thủng thì trì hoãn chiến về tuyến Bắc Bình (An Lỗ) cố thủ tại đấy. Khi đó, lực lượng chiến xa và thiết kỵ thuộc lữ đoàn 1 kỵ binh sẽ xuất phái khỏi Bộ tư lệnh nhẹ sư đoàn thủy quân lục chiến để làm trù bị cho quân đoàn 1 tiền phương...".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #26 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:11:31 am »

Ngày 17 tháng 3 năm 1975, Đảng ủy và Ban chỉ huy tỉnh đội Quảng Trị nhận định tình hình và đề ra quyết tâm mới cho những hoạt động bước 2. Nội dung của quyết tâm mới vẫn năm trong kế hoạch cơ bản của chiến dịch đã được đề ra ban đầu. Nghĩa là tiếp tục động viên lực lượng tích cực tiến công bằng quân sự, chính trị, binh vận một cách rộng rãi và thường xuyên.

- Ở đồng bằng, cần tích cực diệt ác ôn, phá rã phòng vệ dân sự đưa các hoạt động lên đồng đều theo đúng phương châm "hai chân, ba mũi". Lực lượng vũ trang phân tán đánh bọn kìm kẹp, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh, chống bốc di dân. Tạo điều kiện đưa dân về làng cũ hoặc ra vùng giải phóng (phía bắc).

- Ở trên tuyến tiếp xúc và giáp ranh, cần tích cực tiến công quân sự, chính trị, binh vận. Dùng lực lượng đánh phủ đầu tiểu đoàn 77 thuộc liên đoàn biệt động quân 14 khi chúng đang còn chân ướt chân ráo. Tập trung lực lượng diệt một số chốt quan trọng, đồng thời dùng lực lượng cơ động đánh giữ cho được hành lang thông suốt.


Để thực hiện quyết tâm trên, Ban chỉ huy tỉnh đội có kế hoạch cụ thể sử dụng từng đơn vị thuộc quyền, quy định từng điểm tiến công từng vùng hoạt động và những yêu cầu cụ thể phải đạt được trong thời gian nhất định.


Nhưng cũng trong ngày 17 tháng 3 năm 1975, tỉnh đội Quảng Trị nhận được những tin tức mới về địch. Qua đài quan sát của ta kết hợp với tin nội bộ địch tiết lộ, thì địch đã dùng một số xe GMC chở lính từ điểm cao 367 về khu vực Tân Điền, Dốc Dâu, Trần Văn Lý. Và ở khu vực 235, động Ông Do, địch dùng chất nổ phá công sự, đốt nhà. Chúng bắn pháo hiệu nhiều và cho lực lượng nống ra chung quanh. Có hiện tượng chúng nghi binh ta để lui quân một số nơi. Ở đồng bằng, một số gia đình công chức, sĩ quan, binh lính và dân bắt đầu di tản. Đài quan sát phát hiện dân tập trung đông ở bắc Mỹ Chánh và xe cộ chạy nhiều. Tin còn cho biết: tối 17 tháng 3 ở cổ thành và tiểu khu Quảng Trị, hệ thống loa truyền thanh ngừng hoạt động, đèn điện giảm đi nhiều.


Giữa lúc ấy, tỉnh đội Quảng Trị nhận được điện của anh Lê Tự Đồng tư lệnh quân khu, hỏi: "địch có triệu chứng bốc dân phải không? Cử người xuống nắm!".

Chẳng những đấy là mệnh lệnh thông thường mà còn là sự gợi ý về tình hình mới, về thời cơ xuất hiện.

Ở Bộ tư lệnh quân khu cũng như ở Bộ tư lệnh quân đoàn 2, những tin tức về sự điều chỉnh lực lượng mới của địch ở bắc An Lỗ và bắc Hải Vân đều được theo dõi sát sao. Cùng với tin chiến thắng dồn dập ở Tây Nguyên và những triệu chứng địch di tản dân ở Quảng Trị, sự điều chỉnh lực lượng của địch đang tạo ra một tâm trạng lúng túng, bối rối trong hàng ngũ chúng, mở ra những thuận lợi mới cho chúng ta.


Ngày 17 tháng 3, căn cứ tình hình trên, Thường vụ quân khu ủy và Thường vụ đảng ủy mặt trận nhận định: do tác động của thất bại ở Tây Nguyên và bị uy hiếp mạnh ở Trị Thiên, tại đây chúng đang dao động mạnh; thời cơ mới thuận lợi đã xuất hiện. Cần khẩn trương và mạnh bạo tiến công, dùng lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào phòng tuyến của chúng kết hợp với thọc sâu, chia cắt, phá thế co cụm của địch, giành thắng lợi lớn ở đồng bằng, tiến tới bao vây và cô lập Huế, cụ thể là:

- Kiên quyết táo bạo dùng toàn bộ lực lượng của Quảng Trị đang phòng thủ chuyển sang tiến công, tập trung trên hai hướng: hướng đông (Thanh Hội) theo trục đường 68 tiến vào và hướng tây (Tích Tường - Như Lệ) theo trục đường 1 tiến vào. Tung toàn bộ lực lượng đang củng cố, chấn chỉnh ở giáp ranh - kể cả trung đoàn 271 ở nam Thừa Thiên - về đồng bằng đánh địch, phát động quần chúng nổi dậy.

- Trên hướng bắc, đưa trung đoàn 4 ra cắt địch ở An Lỗ, trên hướng nam quyết định bỏ khu vực 303 - 224 - đường 14 chuyển sang tiến công cắt giao thông ở khu vực Lương Điền - Đá Bạc (Phú Lộc).

- Thời gian: chậm nhất là ngày 19 tháng 3 năm 1975 phải nổ súng. Liền sau đó trong ngày 18 tháng 3 năm 1975 Bộ tư lệnh quân khu và Bộ tư lệnh quân đoàn 2 đều nhận được hai chỉ thị liên tiếp của Bộ.

Chỉ thị thứ nhất: "Bộ gửi anh Đồng, anh Nam B4, anh An, anh Linh B5.

Địch rút khỏi Công Tum, Plây Cu. Yêu cầu phải táo bạo hành động khẩn trương.

Quân khu Trị Thiên gấp rút đưa lực lượng xuống và đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau đồng bằng. Không chỉ đưa các tiểu đoàn mà đưa cả trung đoàn xuống phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kich và các đội công tác đánh chiếm và làm chủ vùng sau, diệt ác phá kìm.


Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên được quyền sử dụng trung đoàn 46, nhưng phải bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu. Kế hoạch cụ thể sử dụng trung đoàn 46 phải được Bộ duyệt.

Quân đoàn 2 phải nhanh chóng tiêu diệt quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt đường 1. Tập trung sử dụng cả 2 sư đoàn (324 và 325). Phải gấp rút chuẩn bị hỏa lực đánh vào Đà Nẵng.

Ba ngày nữa sẽ có một thủ trưởng của Bộ vào đôn đốc thực hiện kế hoạch.
Lê Trọng Tấn"


Chỉ thị thứ hai:

"Bộ gửi quân khu Trị Thiên, quân đoàn 2.

Ở Đà Nẵng, sư đoàn dù rút về Sài Gòn và sẽ được thay thế bằng sư đoàn thủy quân lục chiến.

Có khả năng địch bỏ từ bắc Huế đến sông Thạch Hãn. Việc điều chỉnh bổ trí năm trong kế hoạch co cụm lớn về chiến lược trên toàn miền Nam.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:12:20 am »

Trước tình hình đang rất thuận lợi, các đồng chí cần chỉ huy các đơn vị thuộc quyền hoạt động một cách táo bạo, khẩn trương, không cho địch rút lui bỏ vùng bắc Huế một cách an toàn, mang theo cả bọn phản động về co cụm ở Đà Nẵng, sau này sẽ khó khăn cho ta. Phải nhanh chóng đánh xuống đường 1, cắt đường, đánh sân bay, kho tàng ở Phú Bài. Những chỉ thị này khi được giao cho chúng tôi ghi chép lưu trữ, đã trở thành niềm vui, nguồn cổ vũ và là đề tài đề anh em cán bộ trong phòng tác chiến chúng tôi xôn xao bàn luận. Theo nhận thức chúng tôi, thì hai chỉ thị kia toát lên tinh thần cơ bản là thời cơ đã xuất hiện, cần táo bạo khẩn trương tiến công. Nó có tầm soi sáng thêm, xác định mạnh mẽ thêm những ý nghĩ đã trở thành quyết tâm của các cấp lãnh đạo chỉ huy chiến dịch. Và chưa bao giờ chúng tôi lại nhìn rõ cái nhạy cảm, cái nhất trí giữa trên và dưới như vậy. Thôi thì anh em chúng tôi tha hồ mà tán dương Bộ tài giỏi, có tầm có cỡ. Các đồng chí cấp trên quả là nhìn xa..., đã với tay tới Đà Nẵng, nghĩa là coi như Huế có thể xong. Anh em còn nắc nỏm khen sự sáng suốt của Quân ủy Trung ương: nghe đâu anh Văn trực tiếp chỉ thị cho các quân khu, quân đoàn là phải có hai kế hoạch, kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ. Và thế đấy, bây giờ xem như thời cơ đã xuất hiện, các cấp cũng không có điều gì bất ngờ lúng túng. Sau này khi có dịp ra công tác ở Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, tôi càng hiểu thêm những gì đã xảy ra ở Trung ương chung quanh vấn đề chớp lấy thời cơ chuyển sang tổng tiến công, để bổ sung thêm cho nhận thức còn hạn chế của mình. Cố nhiên, chỉ huy chỉ đạo tác chiến trên chiến trường toàn miền Nam là thuộc trách nhiệm Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh. Nhưng do đặc điểm của chiến dịch này có liên quan đến vận mệnh cả dân tộc, nên Bộ Chính trị thực sự là Bộ tham mưu tối cao. Theo các anh ở Cục tác chiến kể lại thì, từ bắt đầu chiến dịch cho đến ngày đại thắng, hầu như ngày nào giao ban ở Bộ Tổng tham mưu cũng đều có đủ mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.


Ngay từ cuộc họp Bộ Chính trị ngày 11 tháng 3 năm 1975 anh Ba Duẩn đã gợi ý: "Các đồng chí thử nghĩ xem đã tổng tiến công được chưa?", cũng chưa ai dám khẳng định là đã đến lúc chuyển từ chiến dịch xuân 1975 với những yêu cầu có mức độ sang một cuộc tổng tiến công giành đại thắng. Bấy giờ ta mới giải phóng Buôn Mê Thuột, chưa lấy được Buôn Hồ, Phước An – và tất nhiên là chưa có Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Sự gợi ý của anh Ba là sự gợi ý về theo dõi thời cơ. Sau đó là những ngày làm việc căng thẳng của Bộ Tổng tham mưu, nhất là Cục tác chiến, Cục 2. Chẳng những các đồng chí phụ trách các Phòng, các Cục, các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn mà anh Duẩn, anh Thọ, anh Văn, đều thường xuyên theo dõi tác chiến, nghe ngóng tình hình địch.


Đêm ngày 16 tháng 3 năm 1975, một số đồng chí trợ lý Cục tác chiến đang ngủ ở gia đình được lệnh gọi đến cơ quan gấp. Anh Lê Trọng Tấn tổng tham mưu phó, anh Lê Hữu Đức quyền cục trưởng tác chiến đã có mặt ở phòng trực ban. Qua nguồn tin kỹ thuật, ta biết địch đang rút khỏi Plây Cu và Công Tum. Thế là thời cơ đã xuất hiện. Và kế hoạch tổng tiến công cho toàn miền Nam được gấp rút hoàn thành ở Bộ Tổng tham mưu. Cũng ngay trong đêm ấy, anh Lê Trọng Tấn đã gọi dây nói trực tiếp cho anh Lê Tự Đồng, tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Trong cuộc đàm thoại đường dài khá vất vả ấy, anh Lê Trọng Tấn đã thông báo tình hình mới cho anh Lê Tự Đồng biết và gợi ý với anh Đồng về những dự tính chuyển từ kế hoạch cơ bản sang kế hoạch thời cơ cho chiến trường Trị Thiên.    Sáng ngày 17 tháng 3 năm 1975 anh Tấn làm việc với anh Văn, sau đó cùng anh Văn đến gặp anh Ba Duẩn.


Sáng 18 tháng 3 năm 1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Cuộc họp quan trọng này đã nhất trí chớp lấy thời cơ ta thắng lớn ở Tây Nguyên, và khắp tất cả chiến trường, địch đang hết sức bị động lúng túng, phải nhanh chóng chuyển sang tổng tiến công giải phóng toàn miền Nam. Hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn được đặt ra từ đấy. Và muốn giải phóng Sài Gòn, trước tiên phải giải phóng Huế - Đà Nẵng. Sau khi kết luận cuộc họp, anh Ba Duẩn còn chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu: "Muốn đánh Sài Gòn trước tiên phải tiêu diệt cho được quân đoàn 1 ngụy - nếu để nó chạy mất là Bộ Tổng tham mưu phải chịu trách nhiệm".


Quả thật, nhận thức được thời cơ và quyết tâm chớp lấy thời cơ chuyển sang tổng tiến công là một công trình tập thể của những bộ óc sáng suốt nhạy bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và của cả các Bộ tư lệnh chiến dịch. Đó là điều hết sức kỳ diệu.


Tất cả những sự kiện nói trên, lúc ở chiến trường chúng tôi làm sao biết được. Chỉ biết bấy giờ là một không khí sôi nổi bao trùm lên sở chỉ huy quân khu. Chúng tôi xoay trần ra thảo điện, viết mệnh lệnh chỉ thị, gọi dây nói và còn chia nhau đi truyền đạt. Phòng tác chiến phải đặc biệt lo lắng kế hoạch cho trung đoàn 271 về đồng bằng và trung đoàn 46 về làm đội dự bị cho trung đoàn 4 tham gia tiến công hướng bắc An Lỗ.


Ở bên quân đoàn, bấy giờ không khí khẩn trương chuẩn bị cho sư đoàn 325 vào chiến đấu. Quả là còn trăm ngàn khó khăn. Trung đoàn 18, đơn vị đảm nhiệm đánh hướng chủ yếu của sư đoàn cho đến chiều 11 tháng 3 năm 1975 mới hành quân về tới nơi tập kết tạm gọi là đầy đủ. Đường sá kéo pháo chưa xong. Gạo, đạn chưa đầy đủ. Quân đoàn phải huy động cả lữ 219 công binh, hai tiểu đoàn cao xạ của sư đoàn 673 rồi pháo binh, bộ binh đều xúm vào, làm sao để đưa được pháo vào trận địa. Quân đoàn lúc đầu cử anh Hoàng Đan xuống đôn đốc 325, bây giờ lại thêm cả anh Nguyễn Hữu An, anh Nguyễn Công Trang cùng xuống trực tiếp chỉ đạo. Chỉ mỗi mình anh Lê Văn Linh ở sở chỉ huy cơ bản. Tinh thần là làm sao chuẩn bị cho 325 vào chiến đấu được sớm, càng sớm càng tốt, cố nhiên là phải trên cơ sở đảm bảo thắng lợi. Theo kế hoạch cơ bản, ngày 25 tháng 3 năm 1975 sư đoàn 325 mới bước vào chiến đấu. Nhưng trước tình thế mới, chấp hành lệnh của Bộ và để hỗ trợ cho cánh 324 đang giành đi giật lại với địch phía núi Bông núi Nghệ, quân đoàn yêu cầu sư đoàn 325 phải nổ súng ngày 20 tháng 3 năm 1975. Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn 325, xét tình hình thực tế của đơn vị chưa chuẩn bị kịp, đã xin Quân đoàn cho lùi lại hai ngày. Nhưng với tinh thần khẩn trương của tình hình mới, Quân đoàn kiên quyết chỉ cho lùi lại một ngày. Bằng mọi giá phải mở đợt tiến công mới vào khu vực Kim Sắc, 499, 560,... vào sáng ngày 21 tháng 3 năm 1975. Sư đoàn 325 tuy phải vắt chân lên cổ mà chạy mới chuẩn bị kịp, vẫn đã chấp hành mệnh lệnh với một quyết tâm cao, sẵn sàng giáng cho địch những đòn sấm sét. Và ở sư đoàn 324 có đồng chỉ Ái tham mưu trưởng quân đoàn xuống trực tiếp đôn đốc đang dấy lên khí thế vừa chiến đấu giành giật với địch, vừa khẩn trương củng cố lực lượng bước vào chiến đấu đợt 2. Riêng đối với trung đoàn 3 thuộc sư đoàn 324 vừa mới ở Quảng Đà ra, đúng là đang chân ướt chân ráo, nên sự khẩn trương chuẩn bị như cách nói của bộ đội ta là phải bằng tốc độ tên lửa. Tuy nhiên, Đảng ủy và Bộ, tư lệnh quân đoàn 2 đã có thể vững tâm: khi thế chuẩn bị sôi nổi, khẩn trương của các đơn vị cùng với quyết tâm cao của các cấp bộ đảng, các cán bộ cấp dưới không thể nào không hứa hẹn thắng lợi sắp tới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:13:15 am »

Ở Bộ tư lệnh quân khu, mệnh lệnh tiến công được truyền đạt nhanh chóng và kế hoạch được triển khai hết sức khẩn trương. Công tác chuẩn bị ở Quảng Trị và bắc Thừa Thiên được hoàn thành sớm nhất.

Tại sở chỉ huy cơ bản của tỉnh đội Quảng Trị có một cuộc hội ý chớp nhoáng trong Bộ chỉ huy vào lúc 23 giờ ngày 17 tháng 3 năm 1975. Cũng không phải bàn cãi gì nhiều. Tình hình đã rõ ràng: địch đang chuẩn bị tháo chạy, phải huy động toàn bộ lực lượng khẩn trương, táo bạo tiến công. Xử trí của Bộ chỉ huy như sau:

- Đồng chí Hiền chính trị viên tỉnh đội trực tiếp chỉ huy một mũi gồm có tiểu đoàn 812 (thiếu đại đội 1), tiểu đoàn 10 và đại đội 10 đánh thẳng xuống hướng Mỹ Chánh.

- Đồng chí Vi tỉnh đội trưởng, có đồng chí trưởng ban tác chiến tỉnh đội giúp sức nắm tiểu đoàn 8 bộ binh thọc thẳng xuống Trường Thọ, Bến Đá, cắt đường 1.

Đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 812 cùng với đại đội 2 Hải Lăng và các đội vũ trang công tác Hải Lăng đánh chiếm tiểu khu Quảng Trị.

- Trên tuyến tiếp xúc phía đông, tiểu đoàn 3 bộ binh có đại đội 7 xe tăng và 1 đại đội pháo 57 của Quảng Trị yểm trợ vượt tuyến Long Quang - Thanh Hội đánh thẳng theo đường 68. Mũi này có đồng chí Thả tỉnh đội phó đi cùng.

- Tiểu đoàn 14 bộ binh trên tuyến tiếp xúc phía tây vượt qua Tích Tường - Như Lệ đánh vào Phước Môn, La Vang, Hải Thượng.

- Lực lượng du kích vây ép địch phía tây có trách nhiệm vừa bám đánh địch vừa chuyển đạn, gạo, chuyển thương binh cho các mũi, các hướng.

Mệnh lệnh tiến công được truyền đạt qua điện thoại nhanh chóng, riêng phía tiểu đoàn 3 không gọi điện được nên đồng chí Châu chính trị viên phó tỉnh đội xuống trực tiếp truyền đạt.

Đêm 18 rạng 19 tháng 3, các lực lượng Quảng Trị bất thần tiến công. Về phía nam, tiểu đoàn 812 mới hành quân vào vừa đứng chân ở khu vực 480 liền khẩn trương chấp hành mệnh lệnh, nổ súng tiến công địch ở Dốc Dầu phát triển thẳng vào hướng Mỹ Chánh đánh địch cụm lại ở Cầu Nhi, Văn Quỹ, An Thơ.


Tiểu đoàn 8 tiến công theo trục sông Nhùng, chọc thẳng về căn cứ Trường Thọ, đánh chiếm đường 1, và phát triển theo đường 1 vào Mỹ Chánh. Tiểu đoàn 10 đánh địch ở đông - nam điểm cao 367 rồi phát triển chiếm khu vực Hồ Lây, còn đại đội 10 cũng chia làm hai mũi đánh xuống đường 1. Đại đội 34 dùng hỏa lực khống chế địch, chi viện cho các mũi tiến công trên hai hướng sông Nhùng và Mỹ Chánh, sau đó bắn vào đội hình quân địch tháo chạy vượt sông Mỹ Chánh sang đất Thừa Thiên. Ở hướng tây-bắc Quảng Trị, tiểu đoàn 14 sau khi đã khẩn trương thu quân trên tuyến tiếp xúc, được tăng cường thêm đại đội Lê Hồng Phong, bèn chia làm 3 mũi tiến công. Mũi thứ nhất tiến công Tích Tường, Như Lệ, La Vang và treo cờ ở thành cổ Quảng Trị vào hồi 3 giờ sáng 19 tháng 3 năm 1975. Mũi thứ hai đánh vào Phước Môn sang Long Hưng, Thường Xá, thọc sâu vào Diên Sanh, phát triển chiếm Trung Đơn, Phước Diền, An Nhơn. Mũi thứ ba đánh chiếm khu vực điểm cao 15, phát triển theo đường xe tăng địch chạy vào Phú Long, lên Bến Đá, Hải Sơn, Mỹ Chánh.


Ở hướng đông, ngay sau khi được truyền đạt mệnh lệnh, các đồng chí phụ trách đã lập tức cho thu gọn đội hình lại và quyết định tiến công ngay trong đêm bằng hình thức tập kích. Nhưng lúc 4 giờ sáng, tỉnh ủy triệu tập đồng chí Thả tỉnh đội phó và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 lên hội ý, đến 5 giờ 30 mới về. Trời đã sáng, phải thay đổi cách đánh. Lối đánh tập kích lúc này không còn thích hợp nữa, các đồng chí chỉ huy quyết định chuyển sang lối tiến công bằng sức mạnh. Được đại đội 7 xe tăng của lữ 203 và một đại đội pháo hỗn hợp gồm pháo 85 ly và 57 ly phối thuộc, đơn vị tổ chức tiến công bằng hai mũi. Hồi 10 giờ 19 tháng 3, mũi chủ yếu đột phá vào cửa mở Phường Sơn (từ năm 1972, ta đã mở vào Phường Sơn, nên anh em quen gọi đấy là cửa mở), rồi đánh vào Tài Lương, Đạo Đầu phát triển theo đường 68. Khi đại đội đi đầu vượt qua phòng tuyến địch, ta dùng loa gọi địch đầu hàng. Bọn địch tại chỗ im lặng, không đối phó, nhưng bọn ở điểm cao 11 và Phù Lưu, Thanh Hội lại bắn ra. Ta dùng pháo 57, B.40, B.41 bắn trả áp đảo địch, trong lúc đó các đại đội khác cứ thọc sâu. 12 giờ trưa đến Ngô Xá Đông, mũi tiến công của ta có du kích dẫn dường cứ lợi dụng cây cối rậm rạp mà thọc sâu, gặp địch đâu nổ súng đấy. 14 giờ, đại đội 3 đến ngã tư Hội Yên gặp thủy quân lục chiến, nổ súng tiêu diệt 1 trung đội. Đại đội Triệu Phong diệt địch ở Phù Lưu. Đại đội 11 và đại đội 9 phát triển sang Triệu Dương. Có thể nói, đại bộ phận quân địch bỏ chạy hoảng loạn, tan rã hoặc chống cự yếu ớt. Mũi thứ hai cũng bắt đầu tiến công vào lúc 10 giờ, đã đánh vào Thanh Hội, qua Gia Đẳng, Mỹ Thủy rồi phát triển vào Thẩm Khê.


Cho đến 18 giờ ngày 19 tháng 3 năm 1975, lực lượng bộ đội địa phương và du kích Quảng Trị tham gia tiến công trên các mũi các hướng, đã hoàn toàn giải phóng tỉnh Quảng Trị. Sở chỉ huy tỉnh đội đặt ở nam điểm cao 122, lúc này cũng đã dời về Bến Đá.


Bị tiến công bất ngờ, toàn bộ quân địch ở Quảng Trị hốt hoảng vùng chạy thục mạng về hướng nam, bấy giờ đang nháo nhào vội vã cụm lại trên tuyến Mỹ Chánh – Thanh Hương, có bộ phận tìm cách chạy tràn về Huế. Địch phải đưa lữ 147 thủy quân lục chiến làm lực lượng ngăn chặn ở An Lỗ, cố ổn định hàng ngũ rối loạn của chúng lại để củng cố tuyến phòng thủ, mà chúng gọi là tuyến đỏ.


Sáng 20 tháng 3 năm 1975, địch cho một lực lượng nhỏ (có tính chất cảnh giới) ra hướng cầu Bến Đá và Trung Đơn, nhưng đã gặp phải bộ đội ta vận động tới đánh, chúng vội co hẳn lại và phá cầu Mỹ Chánh, cầu Vân Trình, gấp rút triển khai phòng thủ ở bờ nam sông Mỹ Chánh. Lực lượng địch tập trung trên tuyến này gồm có liên đoàn biệt động 14, liên đoàn bảo an 913, 7 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn biệt động quân 77, thiết đoàn 17, tiểu khu Quảng Trị và các loại chi khu, phân chi khu.


Trong lúc tình thế địch đang rối loạn, chưa ổn định, ở hướng Phong Quảng, tiểu đoàn 15 thuộc trung đoàn 4 và tiểu đoàn 10 Thừa Thiên đã cùng lực lượng địa phương bám đánh địch và phát động quần chúng. Riêng phía nam Thừa Thiên thì các lực lượng đang chuyển đội hình, chỉ thực hiện đánh nhỏ.


15 giờ 20 ngày 19 tháng 3 năm 1975 pháo lớn của ta bắt đầu bắn vào khu Tây Lộc và Mang Cá trong thành phố Huế, đẩy thêm tình trạng rối loạn hốt hoảng trong hàng ngũ địch.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:14:02 am »

Thành phố Huế bấy giờ tràn ngập dân di tản từ Quảng Trị vào (theo tài liệu của địch thì đến ngày 17 tháng 3 năm 1975 đã có 149.000 người vào Thừa Thiên và Đà Nẵng). Việc Thiệu tìm mọi cách co kéo dân đi theo tuyến co cụm của chúng tạo nên những khó khăn chúng không thể giải quyết được, đồng thời tâm trạng hoảng loạn truyền nhanh như một thứ bệnh dịch. Tình cảnh hỗn loạn của chúng ở Tây Nguyên tái diễn ở Quảng Trị. Dân bồng bế nhau chạy vào bằng đủ mọi thứ phương tiện: xe tải, xe buýt, xe lam, hôn-da, xe máy, xe đạp, đi bộ, đi thuyền. Thôi thì đủ mọi thứ nhếch nhác, tay xách nách mang, gánh gồng lỉnh kỉnh, trẻ con khóc, người già rên, nghé ọ, lợn kêu, trâu bò ỉa dọc đường phố, gà vịt phải bán tống bán táng đi một cách rẻ mạt mà cũng hiếm người mua. Dân Quảng Trị di tản chen chúc ở Long Thọ, chùa Diệu Đế, cầu Bạch Hổ, trường Việt Hưng và cũng không thiếu người nằm ngổn ngang dọc vỉa hè đường phố. Như một thứ phản ứng dây chuyền, gia đình công chức, sĩ quan, binh lính ngụy và một số người có của ở Huế lại hốt hoảng chạy vào Đà Nẵng, Sài Gòn. Sự rối loạn như thế làm sao mà không tác động tới tâm trạng lính tráng bấy giờ đang bị chặn lại để phòng thủ ở tuyến sông Mỹ Chánh, tuyến An Lỗ và nói chung là tất cả lực lượng ngụy quân, ngụy quyền đang co vón lại trên mảnh đất Thừa Thiên còn lại.


Để hiều rõ hơn thất bại ở Quảng Trị, chúng ta lại nghe một đoạn lời khai của Nguyễn Thành Trí.

"... 19 tháng 3 năm 1975, hồi 00 giờ 30 phút, khu vực liên đoàn 14 biệt động quân lại bị tiến công mạnh, một vài đại đội tại Như Lệ và La Vang mất liên lạc với tư lệnh.

10 giờ 45, khu vực liên đoàn 14 biệt động quân vẫn bị áp lực mạnh, lực lượng bộ binh Mặt trận giải phóng khoảng cấp tiểu đoàn.

Chiến xa và bộ binh (khoảng hai trung đội) xuất hiện tại bờ biển Thanh Hội đối diện với 1 đại đội địa phương quân đang phòng thủ (chiến xa và bộ binh Quân giải phóng chỉ dàn quân chứ không nổ súng).

11 giờ 30 tiểu khu Quảng Trị báo cáo mất liên lạc với đại đội địa phương quân nói trên, một số binh sĩ của đại đội này cũng như các đơn vị địa phương quân khác đã tự động lui về phía sau mặc dù không có nổ súng.

16 giờ tiểu khu Quảng Trị báo cáo, chiến xa Quân giải phóng đã vào đến Gia Đẳng, Mỹ Thủy và Hội Yên (ban chỉ huy lữ đoàn 258 cũ), đồng thời xin phi cơ yểm trợ nhưng không được thỏa mãn.

- Liên đoàn 14 biệt động quân báo cáo, bộ binh Quân giải phóng đã tiến vào La Vang, Cổ Thành và tình hình khu vực này rối loạn không liên lạc được với các tiểu đoàn.

- Hầu hết các đơn vị nghĩa quân tiểu khu Quảng Trị và nhân dân Quảng Trị di tản vào Huế, theo quốc lộ 1.

18 giờ, nhận thấy phía đông khu vực phòng thủ, chiến xa Quân giải phóng đã thọc sâu trong khoảng 10 ki-lô-mét, phía tây khu vực phòng thủ, liên đoàn 14 biệt động quân bị áp lực mạnh, gần như mất liên lạc với các tiểu đoàn. Bộ tư lệnh nhẹ sư đoàn thủy quân lục chiến quyết định cho trì hoãn chiến về tuyến đỏ theo kế hoạch. Sự kiện này cũng đã được báo cáo lên Bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 ngay sau đó.

– 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tại Thuận An (đang chờ tàu di chuyển về Đà Nẵng) được điều động tăng cường phòng thủ tuyến đỏ từ cầu Vân Trình ra bờ biển, được tăng cường chiến xa và 1 tiểu đoàn địa phương quân.

- Liên đoàn 913 địa phương quân trì hoãn chiến về tuyến đỏ, phối trí từ cầu Mỹ Chánh đến cầu Vân Trình với 5 tiểu đoàn địa phương quân.

- Liên đoàn 14 biệt động quân trì hoãn chiến về tuyến Bắc Bình, lực lượng này gồm 1 tiểu đoàn biệt động quân và 1 chi đội M.113 phối trí từ cầu An Lỗ đến phá Tam Giang.

- Hoàn tất cuộc trì hoãn chiến về tuyến đỏ.

- Một cuộc họp thuyết trình về tình hình bắc Hải Vân được triệu tập tại Bộ tư lệnh nhẹ sư đoàn thủy quân lục chiến tại Hướng Điền, dưới quyền chủ tọa của trung tướng tư lệnh quân đoàn 1. Các giới chức tham dự gồm có: trung tướng tư lệnh quân đoàn 1, thiếu tướng tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến, thiếu tướng tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh, đại tá tư lệnh phó sư đoàn thủy quân lục chiến. Sau khi được nghe thuyết trình tình hình tại Trị Thiên, trung tướng tư lệnh quân đoàn 1 chỉ thị phải giữ cho bằng được Huế, thi hành đúng đắn kế hoạch dự trù, khai thác tối đa khả năng các đơn vị địa phương quân và nghĩa quân và linh động sử dụng lực lượng này cho hữu hiệu. Tuyến Bắc Bình là tuyến cuối cùng phải cố thủ...".


Những lời khai của Nguyễn Thành Trí, đại tá phó tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến trên đây đã thú nhận sự hốt hoảng bối rối và cuối cùng là sự thất bại mau chóng của chúng ở Quảng Trị.

Phải chăng kết quả đó là do ta tận dụng được thời cơ thuận lợi tiến công địch một cách táo bạo. Ấy là lúc địch đang dao động mạnh trước tình thế mới, lại vừa rút bớt lực lượng nên đội hình không ổn định. Có thể là sau thất bại Tây Nguyên, chúng có ý định bỏ Quảng Trị để thực hiện co cụm lớn, nhưng ít nhất cũng chưa phải trong những ngày đó, mà giữa lúc chúng đang điều động sắp xếp thì bị đánh, bởi vậy đã dao động chúng càng dao động mạnh hơn và dễ vỡ một cách thảm hại.


Kẻ địch đã bị tiêu diệt hoặc đã bỏ chạy khỏi những mảnh đất tạm chiếm cuối cùng ở phía nam của tỉnh, và thế là Quảng Trị đã được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện trọng đại này được ghi nhận vào ngày 19 tháng 3 năm 1975.


Đêm hôm ấy, các chiến sĩ Quảng Trị lần đầu tiên dừng chân trên những miền đất mới: Diên Sanh, Hội Yên, Thẩm Khê, La Vang – trong những ngôi nhà tiểu khu, chi khu, phân chi khu. Họ ghép bàn làm việc lại, lau sạch bằng những lá cờ ba que bị giật xuống ném khắp xó xỉnh, đoạn trải tấm võng quen thuộc của mình ra, gối đầu lên ba lô, súng vẫn cạnh người. Tuy nhiên, họ chỉ thay nhau chợp mắt lấy sức. Phía trước họ, bên kia sông Mỹ Chánh, kẻ địch đang đào công sự và pháo của chúng lúc này đã bắn vào những ô đất mà chiều hôm nay chúng còn kiểm soát. Hơn nữa, cũng ngay trong đêm hôm ấy, Bộ tư lệnh quân khu đã chỉ thị cho bộ đội Quảng Trị phải tiếp tục phát triển tiến công, bám địch mà đánh, không được dừng lại ở ranh giới tỉnh mình. "Dừng lại là một tội lỗi không thể tha thứ được". Đây là mệnh lệnh, là lời kêu gọi đồng thời cũng là ý nguyện của cán bộ, chiến sĩ. Chừng nào kẻ địch còn ở Huế, ở Thừa Thiên, ở Đà Nẵng và còn ở khắp miền Nam, thì Quảng Trị vẫn còn bị đe dọa. Không thể có hòa bình vĩnh viễn cho riêng một tỉnh. Chiến sĩ Quảng Trị đều hiểu như thế và xốc súng lên đường. Chiến dịch còn tiếp diễn với nhịp độ khẩn trương. Phía trước là Thừa Thiên- Huế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM