Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:25:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bắc Hải Vân Xuân 1975  (Đọc 3315 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2022, 07:21:19 am »

Quả thật là làm sao mà ai cũng có trình độ làm tư lệnh chiến dịch được. Ngay như chúng tôi - những cán bộ có trách nhiệm giúp cấp trên vạch kế hoạch tác chiến, vậy mà trong quá trình chuẩn bị, quá trình diễn biến chiến đấu cũng như sau khi chiến thắng hoàn toàn rồi, vẫn còn nhiều điều ngớ người ra, dần dần mới vỡ lẽ. Như vấn đề chọn hướng trọng điểm của chiến dịch chẳng hạn - một trong những vấn đề có tính chất quyết định thắng, bại của chiến dịch. Sau này, anh em cán bộ quân sự, chính trị chúng tôi lúc ngồi tán phiệu với nhau, dẫu biết vậy là khen phò mã tốt áo vẫn nắc nỏm thán phục Trung ương tài thánh thật - chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính mà nam Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, lại chọn Buôn Mê Thuột làm điểm then chốt của chiến dịch thì tuyệt, không chê vào đâu được. Ở Trị Thiên chúng tôi cũng vậy, vấn đề chọn hướng công kích chủ yếu của chiến dịch chắc là vấn đề lao tâm khổ tứ của cấp trên. Sở dĩ phải nói chung một chữ "cấp trên", vì chiến dịch mùa xuân 1975 tiến hành ở Trị Thiên trong thực tế là một bộ phận của chiến dịch "Huế - Đà Nẵng" trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, dưới sự chỉ đạo chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.


Xin nói thêm điều này: ở chiến trường Trị Thiên - Huế có hai lực lượng quân sự là B4 và B5 tức là quân khu Trị Thiên và quân đoàn 2. Xuất phát từ yêu cầu chiến dịch và đặc điểm tình hình Trị Thiên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Trị Thiên, trực thuộc Quân ủy Trung ương. Bí thư Đảng ủy là đồng chí thiếu tướng Lê Tự Đồng. Việc chỉ huy thì Bộ tư lệnh B4 và B5 trực tiếp chỉ huy lực lượng thuộc quyền mình. Về mặt tổ chức, tuy không có một Bộ chỉ huy mặt trận chung, nhưng hai Bộ tư lệnh B4 và B5 đều có liên lạc với nhau thường xuyên qua máy điện thoại. Hai nữa, về tình nghĩa mà nói, giữa quân đoàn 2 và chúng tôi là chỗ con một nhà mà ra. Đi lại, nói năng với nhau đều thoải mái, không phải giữ kẽ.


Bây giờ, tôi trở lại vấn đề chọn hướng công kích chủ yếu của chiến dịch ở Trị Thiên. Đây là một vấn đề quan trọng và khó khăn không thuộc quyền định đoạt của phòng tác chiến chúng tôi, cũng như phòng tác chiến quân đoàn 2. Bởi vậy, sự hiểu biết thật tỉ mỉ, cụ thể của chúng tôi dĩ nhiên là có hạn chế. Chỉ biết ngay từ lúc đầu, khi vạch kế hoạch tác chiến của chiến dịch, chúng tôi đã được chỉ thị về hướng tiến công chủ yếu là đường 12. Hầu như đấy là chỉ thị từ Bộ Tổng tham mưu. Quân đoàn 2 - lực lượng được tập trung vào hướng trọng điểm quân sự, đã tung cán bộ, trinh sát ăn đêm nằm ngày hàng tháng ở đường 12, từ trên Sơn Na về dưới Binh Điền - Hòn Vượn để nghiên cứu tình hình.


Đùng một cái, có lệnh chuyển hướng trọng điểm công kích của chiến dịch sang đường 14. Đối với lực lượng quân khu chúng tôi đảm nhiệm ở những hướng khác, kế hoạch có thay đổi tí chút cũng không sao, chứ với quân đoàn 2 là cả một cuộc đảo lộn hết sức vất vả. Thay đổi hướng trọng điểm công kích là thay đổi toàn bộ kế hoạch tác chiến, thay đổi toàn bộ công tác chuẩn bị. Thời gian lại quá gấp rút. Đâu như chỉ còn được một tháng để làm lại từ đầu. Thôi thì cứ vắt chân lên cổ mà chạy. Cánh cán bộ và trinh sát đi nghiên cứu chiến trường lại cơm đùm cơm gói kéo nhau vào Lưỡi Cái, Kim Sắc, vào Mỏ Tàu - điểm cao 303, 224, 75, 76, v.v. Tuy vùng Mỏ Tàu đối với sư đoàn 324 là nơi quen thuộc, vì mùa hè năm ngoái 324 đã giáng cho bọn sư 1 ngụy một đòn trừng phạt đích đáng, lấy lại được vùng đất này. Nhưng vào mùa mưa khi 324 rút ra huấn luyện giao lại cho trung đoàn 271 và trung đoàn 6, thì kẻ địch đã tập trung lực lượng lấn chiếm lại. Tất nhiên kẻ địch không thể nào để nguyên thế bố phòng như cũ. Chúng phải dùng những thủ đoạn mới. Việc chuẩn bị chiến trường của cán bộ và trinh sát cũng không phải giản đơn, cứ theo sách cũ mà làm được. Riêng sư đoàn 325 có nhiệm vụ tác chiến ở hòn Kim Sắc, hòn Lưỡi Cái, điểm cao 494, v.v. thì khá gay go, vất vả. Chiến trường hoàn toàn mới. Phải soi đường mà đi, phải mò vào tận hàng rào, vào tận công sự địch mà xem xét.


Trời lại mưa, mưa chi mưa thối đất. Cánh trinh sát thật không có chỗ đặt ấm lưng, ăn miếng lương khô cũng phải nhón hai ngón tay thật khéo không thì vướng bùn. Chỉ có nước uống là dồi dào. Nước khe nước suối tha hồ, nhưng vẫn chê đục. Cứ lấy lá cây chúm lại làm gầu múc nước mưa đọng trong các hốc đá vào bình toong, uống ngọt lịm.


Hãy tưởng tượng xem cánh công binh và cả bộ binh của sư đoàn 325 nữa phải gấp rút mở đường từ Vũng Tròn vào đến sông ruồi, con đường dài 13 ki-lô-mét 500 với khối lượng đất là 33.500 mét khối trong một thời gian ngắn nhất thì vất vả biết chừng nào. Làm ngày, làm đêm. Đường vừa lầy vừa dốc. Lũ máy bay trinh sát của địch không ngớt nhòm ngó, tìm kiếm. Đường làm đến đâu xe pháo nhích đến đó. Tính từng giờ từng phút làm sao cho kịp kéo pháo vào trận địa đúng giờ quy định nổ súng. Những ngày kéo pháo lên tận trên hòn Lưỡi Cái cao tới 847 mét cũng là những ngày vất vả, hào hùng làm chiến sĩ ta được sống lại thời kỳ Điện Biên. Chẳng những pháo binh mà còn phải huy động hàng tiểu đoàn bộ binh, công binh. Hàng ngàn con người căng sức lực ra trên những dây chão dây cáp kéo những khẩu 122 ly, 105 ly, 85 ly, 37 ly vượt dốc lầy trung bình 20 độ, có chỗ đến 40 độ dưới trời mưa rả rích, dưới tầm đại bác câu tới của địch. Đạn pháo có quả rơi vào giữa đội hình mà chiến sĩ ta vẫn cúi rạp người, găm dây cáp xuống không cho pháo lùi dù chỉ một tấc. Chiến sĩ hy sinh, bị thương đã có người lo, pháo vẫn nhích lên theo nhịp tay chỉ huy "hai, ba, ... nào" , y như Điện Biên năm xưa. Phó chính ủy sư đoàn, phó chính ủy trung đoàn trực tiếp chỉ huy kéo pháo. Bộ tư lệnh lữ đoàn công binh hội ý sinh hoạt ngay trên mặt đường. Không khí khẩn trương hối hả nhưng nghiêm túc không ồn ào. Cán bộ lo từng ngày, tính từng giờ. Khẩu pháo cuối cùng được đưa vào trận địa trên cao đứng vào trước giờ nổ súng. Sau này, lớp con cháu ta sẽ khó mà tưởng tượng được rằng chỉ dùng bằng sức người mà kéo pháo lên cao được như vậy. Ngay sau khi chiến thắng, muốn đưa pháo về xuôi, ta đã phải dùng trực thăng để cẩu.


Ngày 11 tháng 3 năm 1975 khi sư đoàn 324 đã nổ súng được ba hôm rồi, trung đoàn 18 mới hành quân vào đến nơi. Cán bộ còn tập trung để học tập cách đánh. Quân đoàn phó Hoàng Đan trực tiếp lên lớp cho cán bộ trung cấp. Sư phó Huy lên lớp cho cán bộ sơ cấp. Bàn với nhau cách đánh cũng gấp gáp, khẩn trương. Cán bộ chỉ huy trung đoàn 18 không có thì giờ trinh sát thực địa lần thứ hai. Mà trinh sát thực địa lẩn hai coi như tổ chức chiến đấu tại chỗ luôn.


Tất cả cái bối cảnh chuẩn bị hết sức hối hả, hết sức cực nhọc là ở phía đường 14 - nơi được chọn làm trọng điểm quân sự, nơi sẽ diễn ra cú đấm nặng cân nhất có tính chất quyết định cho chiến dịch.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2022, 07:22:34 am »

Khi cấp trên quyết định chuyển hướng công kích chủ yếu từ đường 12 sang đường 14, anh em cán bộ quân sự chúng tôi đều thấy phải - tuy có băn khoăn, liệu chuẩn bị có kịp không? Anh em cán bộ ở quân đoàn 2 còn băn khoăn hơn chúng tôi, vì chính các anh mới thực sự là những người vất vả.


Nghe đâu chính ủy quân đoàn 2 - thiếu tướng Lê Văn Linh đã nói một câu, đại để như thế này: "Trước mắt, chúng ta chỉ có 30 ngày để chuẩn bị, nhưng trong thực tế chúng ta đã có ba mươi năm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu hôm nay. Phải lấy tinh thần, kinh nghiệm của 30 năm để cuộc chuẩn bị khẩn trương nhưng chu đáo này hoàn thành tốt đẹp...".


Vâng, đúng như thế. Chúng ta đã chuẩn bị từ ba mươi năm nay, ba mươi năm chuẩn bị bằng mồ hôi nước mắt và xương máu. Bởi thế, sự khẩn trương trong suy nghĩ, trong hành động đã thành tư tưởng, thành tác phong của cán bộ, chiến sĩ. Bởi thế, sự tính toán của cấp trên là dựa trên cơ sở khoa học, chính xác mới dám quyết định thay đổi hướng công kích, chủ yếu của chiến dịch. Sau khi giành được thắng lợi hoàn toàn rồi, nhìn lại toàn bộ chiến dịch, càng thấy quyết định chuyển hướng trọng điểm quân sự từ đường 12 sang đường 14 để cắt đứt đường số 1 là chính xác là tuyệt vời. Xét về địa hình Trị Thiên, đoạn hiểm yếu nhất là đoạn đường từ Truồi vào đến Lăng Cô, một bên là phá Cầu Hai, một bên là Trường Sơn, ở giữa chỉ một doi đất quá hẹp, lơ thơ vài xóm nhỏ, có chỗ chỉ đủ cho quốc lộ số 1 và đường sắt chạy qua. Cắt đứt đoạn này là cắt đứt sự liên lạc trên bộ giữa Huế và Đà Nẵng, làm rung chuyển thế phòng ngự của địch ở vùng 1 chiến thuật, làm dao động tinh thần và ý chí của đối phương.


Trong quá trình chiến đấu, chẳng những ta cắt đứt đoạn đường này mà còn bịt chặt cửa Thuận An và cửa Tư Hiền thoạt đầu bằng pháo binh, sau đó bằng bộ binh. Trước đòn hiểm bao vây chia cắt ấy, kẻ địch chỉ có rối loạn, như kiến bò quanh miệng bát bị đun nóng. Điều đó có thể giải thích được tại sao khi ta đánh vào Huế lại dễ dàng và nhanh chóng thế.


Tất nhiên, chuyển hướng trọng điểm công kích từ đường 12 sang đường 14 để cắt đứt quốc lộ số 1 là một quyết định chính xác, táo bạo, nhưng như ta đã biết, không phải là việc giản đơn. Nó đòi hỏi phải có sự cân nhắc, tính toán thật khoa học. Vậy ý kiến đúng đắn này từ đâu đề xuất ra?

Có lần tôi hỏi chuyện một cán bộ sư đoàn, thì anh trả lời:

- Thực ra chúng tôi chỉ là cấp chiến thuật, cấp thực hiện. Sau khi nhận lệnh chiến đấu ở đường 12, chúng tôi liền cử cán bộ, trinh sát đi nghiên cứu và nhanh chóng triển khai mọi kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật. Song quả thật, trong lòng vẫn còn đôi chút băn khoăn. Mạn đàm, trao đổi với nhau, chúng tôi nghĩ rằng, đánh đường 12 thì sẽ khó thực hiện được yêu cầu chia cắt chiến dịch lúc có thời cơ.


Hơn nữa, nếu địch tập trung lực lượng be bờ cố thủ thì tình thế chiến dịch dễ bị giậm chân tại chỗ, khó phát triển. Chúng tôi nghiêng về ý kiến chọn khu vực đường 14 làm hướng tiến công chủ yếu. Sau đó chúng tôi có mạnh dạn đề nghị ý kiến này lên cấp trên. Nhưng, chính các anh trên Bộ tư lệnh quân đoàn cũng đã sẵn ý kiến như vậy. Khi nghe đồng chí cán bộ sư đoàn nới thế, không hiểu sao, tôi cứ nghĩ đến đồng chí tư lệnh quân đoàn 2 - thiếu tướng Nguyễn Hữu An. Anh An nguyên trước kia là tư lệnh phó quân khu Trị Thiên, vừa đi nghiên cứu quân sự ở nước ngoài về, và nhận chức tư lệnh quân đoàn từ đầu chiến dịch. Vừa tiếp thu được kiến thức và kinh nghiệm của một nền khoa học quân sự hiện đại, chắc anh An là người có khả năng đề xuất những ý kiến mới mẻ.


Nhưng hỏi anh An, anh đáp, đấy là ý kiến tập thể của Bộ lư lệnh quân đoàn vừa là trùng hợp với ý kiến tập thể Bộ tư lệnh quân khu. Sau khi thống nhất trong Đảng ủy mặt trận, ý kiến này được báo cáo và thảo luận trong lúc thông qua phương án tác chiến và được Bộ nhất trí. Cuối cùng, Bộ quyết định cho chuyển hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch vào hướng Nam Huế.


Thực ra, tôi hỏi vậy cũng vì tò mò. Chứ các đồng chí cấp trên thường là rất nguyên tác và khiêm tốn: dù là ý kiến cá nhân đề xuất ra, nhưng khi đã thông qua tập thể là trở thành ý kiến tập thể.

Dù sao, trong vấn đề này, sự nhạy bén trong đầu óc cán bộ các cấp là một điều đáng lưu ý. Dường như có tia sáng vô hình nào đó lóe lên, soi rõ mọi ý đồ mọi dự định, và cán bộ chúng ta đã cùng một lúc nhìn thấy được, bắt nắm được. Sau này, khi đã nổ súng, sự hiểu biết lẫn nhau, sự thông cảm với nhau trong ý đồ chiến lược, chiến dịch cũng như phương pháp tác chiến đã biểu hiện điều đó. Nhiều lúc chưa kịp hợp đồng với nhau, mà các cánh quân đều tiến công nhịp nhàng, chưa kịp ra mệnh lệnh, chỉ thị mà cấp dưới đã hành động đúng ý đồ, đúng dự kiến. Phải chăng là chúng ta được soi sáng trong mọi đường lối chung của Đảng, vì chúng ta đã tích lũy được nhiều kiến thức, nhiều chiến thắng, từng đau đớn trước không ít tổn thất, hy sinh. Đúng là chúng ta không chỉ có ba mươi ngày để chuẩn bị, mà chúng ta đã chuẩn bị từ ba mươi năm nay cho trận thắng cuối cùng.


Trong những ngày chúng ta chuẩn bị ở đường 14, dường như kẻ địch cũng đã đánh hơi thấy. Theo thông báo của Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy ngày 3 tháng 3 năm 1975 (tức là trước lúc ta nổ súng 5 ngày) thì ta đã trinh sát xong các cứ điểm của sư đoàn 1 nguy từ Hương Thủy trở vào. Lực lượng địch bấy giờ ở Trị Thiên ước tính 56.000 tên, kể cả chủ lực lẫn địa phương (không kể dân vệ và phòng vệ dân sự), tất cả là 41 tiểu đoàn.


Sư đoàn 1, một sư đoàn mạnh nhất của bộ binh quân ngụy gồm có 4 trung đoàn: 1, 3, 51, 54. Chúng có nhiệm vụ phòng giữ phía tây từ Hương Trà vào Hương Thủy đến bắc Phú Lộc. Sư đoàn thủy quân lục chiến gồm có 3 lữ : lữ 147 phòng ngự phía tây Phong Điền, lữ 258 ở Thanh Hội, Long Quang, lữ 369 ở thành cổ Quảng Trị sau này được rút ra làm lực lượng cơ động. Tóm lại, sư đoàn thủy quân lục chiến chỉ huy luôn cả mấy quận và tiểu khu Quảng Trị trong phạm vi mình phụ trách - đảm nhiệm khu vực chiến đấu từ bắc sông  Bồ trở ra.


Sư đoàn dù chỉ để lữ đoàn 2 ở Thừa Thiên do quân đoàn tiền phương nguy trực tiếp chỉ huy, đóng ở đèo Phước Tương có nhiệm vụ cơ động bảo vệ đường Huế - Đà Nẵng. Liên đoàn biệt động quân 15 gồm ba tiểu đoàn : 60, 61, 94, lúc đầu ở Phú Bài, về sau được đưa vào Phú Lộc do bị no đòn ở đấy.


Liên đoàn bảo an 913 ở Quảng Trị, liên đoàn bảo an 914 ở Thừa Thiên. Ngoài ra còn 9 tiểu đoàn bảo an khác trực thuộc hai tiểu khu Quảng Trị và Thừa Thiên.   

Lực lượng địa phương gồm 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 119 ban chỉ huy phân chi khu quân sự, 2 đại đội cảnh sát đã chiến, 7.000 tên cảnh sát từ xã đến tỉnh, ba mươi ngàn phòng vệ dân sự (trong đó có 23 ngàn tay súng).   


Pháo binh mặt đất địch gồm 10 tiểu đoàn, 1 đại đội, 7 trung đội; tất cả có 194 khẩu kể từ pháo 105 ly đến pháo 175 ly.

Về thiết giáp, chúng có 3 thiết đoàn, 260 xe chiến đấu (trong đó có 100 xe tăng M48, M41). Thiết đoàn chiến xa 20 đóng quân ở Đức Tích cùng với lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp án ngữ vùng phía nam sông Mỹ Chánh, Đồng Lâm đề phòng ta chia cắt chiến trường Trị Thiên ra làm hai.


Thiết đoàn 17 thiết giáp phối hợp cùng lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến đóng ở đồng bằng Quảng Trị, một lực lượng mạnh có thể sẵn sàng tiến công. Thiết đoàn 7 thiết giáp ở ấp 5 phía nam Huế, phục vụ cơ động cho sư đoàn 1 bộ binh nguy. Pháo cao xạ chỉ có một tiểu đoàn mới thành lập gồm 27 xe M42 gắn pháo 40 ly 2 nòng và 37 xe gắn súng máy 12 ly 7 loại 6 nòng và 4 nòng.


Hải quân địch gồm 81 tàu thuyền, phần lớn loại nhỏ. Ở Cửa Thuận, có hai duyên đoàn số 11 và 12 và hai giang đoàn số 60 và 92. Ở cửa Tư Hiền có duyên đoàn số 13. Giang dân số 32 đóng ở bến Tòa Khâm, Huế. Lực lượng không quân của chúng chi viện cho chiến trường Trị Thiên do sư 1 không quân ở Đà Nẵng đảm nhiệm. Ở sân bay Phú Bài chỉ có 1 phi đoàn máy bay trực thăng UH.1 từ 18 đến 20 chiếc và hai phi đội máy bay trinh sát từ 8 đến 10 chiếc. Loại máy bay vận tải C.130 đến và đi, không ở lại. Nói chung, lực lượng của chúng khá hùng hậu, được bố trí chặt chẽ, có lực lượng vòng trong, lực lượng vòng ngoài, có lực lượng cơ động toàn chiến trường, có lực lượng cơ động từng khu vực và tại chỗ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2022, 07:23:56 am »

Nhìn thế bố trí của địch, ta thấy chúng có chú ý vào đường 14. Khu vực đường 14 là nơi đã xảy ra nhiều trận chiến đấu quyết liệt từ mùa thu năm ngoái đến nay. Tháng 7 năm 1974, phối hợp với Thượng Đức và Đắc Pếch ta mở trận tiến công từng phạt địch ở Mỏ Tàu -303 do trung đoàn 54 và trung đoàn 1 nguy phòng giữ. Bọn địch ở đây đã bị thất thiệt 7 tiểu đoàn, gồm 4.000 tên.


Ngày 6 tháng 8 năm 1974 ta cắt hẳn đường tàu hỏa từ Huế vào Đà Nẵng, và uy hiếp quốc lộ số 1.

Từ đấy, bọn Ngô Quang Trưởng, Lâm Quang Thi qua những câu trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài đã biểu lộ sự lo ngại khả năng có thể bị chia cắt giữa Phú Bài và Phú Lộc.   

Vì thế, chúng đã tập trung toàn sư đoàn 1 và liên đoàn biệt động 15 đối phó với ta từ tháng 8 năm 1974 tới tháng 2 năm 1975 ở quanh đường 14. Cuối cùng, chúng đã tái chiếm được những mảnh đất ta vừa giành giữ. Tuy nhiên, kẻ địch không thể nào yên ổn trên mảnh đất này. Chúng biết, không chóng thì chầy, chúng sẽ bị giáng trả những đòn trừng phạt quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.   


Vào những ngày sau Tết nguyên đán Ất Mão, qua những tin tức của gián điệp tình báo phối hợp với tài liệu phương tiện trinh sát kỹ thuật, kẻ địch cũng biết rằng có một lực lượng đáng kể của quân đoàn 2 sẽ đánh vào đường 14.   


Vậy thì tại sao kẻ địch không tập trung lực lượng cao hơn nữa để ngăn chặn ta ở đường 14? Đấy là nỗi đau khổ của những người cầm quân không nắm được thế chủ động trên chiến trường. Lực lượng chúng tuy đông nhưng bị căng mỏng ra, số quân cơ động bị hạn chế. Lâm Quang Thi, cùng tham mưu trưởng là đại tá Hy đã vật mình vật mẩy với Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân đoàn 1 xin thêm 1 lữ dù hoặc từ 468 thủy quân lục chiến mới thành lập ở Sài Gòn ra tăng thêm làm lực lượng cơ động cho Trị Thiên. Nhưng làm sao Ngô Quang Trưởng lại có thể đồng ý, khi sư đoàn 304 của ta vẫn uy hiếp chúng ở Thượng Đức. Trong quá trình chiến đấu, chẳng những không được tăng thêm mà còn bị điều mất lữ dù 2, tiếp đến còn điều nốt cả lữ 369 thủy quân lục chiến vào Quảng Nam để đổi liên đoàn biệt động quân 14 ra Trị Thiên, một đơn vị chất lượng chiến đấu chắc chắn là kém hơn bọn lính dù và thủy quân lục chiến.   


Không có đủ lực lượng cơ động đã đành, chúng vẫn không thể xem thường cánh bắc. Đòn tiến công quyết liệt  1972 của ta ở Quảng Trị đến bây giờ còn làm chúng khiếp đảm. Như con chim đã chết hụt một lần, hễ thấy cành cây cong cũng sợ, chúng luôn luôn để mắt ra hướng bắc và tây- bắc. Đấy là những hướng, ta có vùng giải phóng rộng lớn có thể áp đảo chúng. Cảm giác của tụi tướng tá ngụy luôn luôn bị ám ảnh bởi những trận pháo kích dữ dội, những đoàn xe tăng T.54 lao lên và tiếp theo là những đợt sóng xung phong của bộ binh thiện chiến và gan góc.


Sau này đọc lời khai diễn biến hành quân của sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy của tên đại tá Nguyễn Thành Trí, phó tư lệnh sư đoàn, ta càng thấy rõ kẻ địch đã để nhiều sức lực vào việc bố phòng hướng bắc. Không thể bỗng dưng mà chúng đề ra kế hoạch về các giai đoạn phòng ngự. Giai đoạn 1, chúng phòng ngư ở tuyến sông Thạch Hãn, mà chúng gọi là tuyến đen. Ở đây chúng sử dụng một lực lượng mạnh để tiến công hòng vá lại khi tuyến bị chọc thủng. Giai đoạn 2, chúng dự kiến nếu đối phương gia tăng áp lực mạnh ở Quảng Trị, thế không giữ nổi thì co về tuyến đỏ. Tuyến đỏ tức là phòng tuyến sông Mỹ Chánh từ thượng nguồn sông về tận Văn Trình sang bên kia Thanh Hương. Những kế hoạch này gọi là trì hoãn chiến. Sau này trong quá trình chiến đấu khi đã thực sự bị áp lực mạnh của ta từ phía bắc, chúng đề thêm dự kiến xấu hơn là nếu tuyến đỏ bị chọc thủng thì tử thủ ở tuyến Bắc Bình, tức là tuyến sông Bồ từ Lại Bằng, An Lỗ về dưới ngã ba Sình. Thực ra hy vọng tử thủ ở tuyến Bắc Bình này là quá mong manh, ở đây chỉ cách Huế trong vòng hai mươi ki-lô-mét trở lại. Nhưng điều quan trọng hơn hết là kẻ địch không đoán chắc được ta sẽ tiến công từ hướng nào là hướng chủ yếu. Chúng vừa lo ở hướng bắc, vừa lo ở hướng tây Phong Điền tức là giữa tuyến đỏ và tuyến Bắc Bình, vừa lo ở đường 12 - con đường ngắn nhất để chọc thủng về Huế, lại càng lo ở đường 14 phía nam, nơi chúng có thể bị ta cắt một nhát sắc bén từ đường 14 qua đường 1 và thế là bị cô lập hẳn với Đà Nẵng và toàn miền Nam. Nỗi lo lắng băn khoăn của chúng là do thế chủ động của ta tạo nên. Nghệ thuật chỉ đạo quân sự là biết đẩy địch rơi vào tình trạng khó khăn, và tiếp theo là biết khoét sâu vào khó khăn ấy.


Để đánh lạc hướng tiến công chủ yếu, để thu hút sự chú ý của địch về hướng bắc, ta đã khéo nghi binh. Một cuộc diễn tập thực binh do Quân khu tổ chức gồm lực lượng của trung đoàn 9 thuộc sư đoàn 304 và lực lượng bộ đội địa phương và dân quân dụ kích Quảng Trị có xe tăng và pháo binh tham gia, được tiến hành rầm rộ ở bắc Quảng Trị. Vào thời kỳ đó, ta lại cho xe xích và cả máy kéo nữa cơ động thêm ở một số nơi, di chuyển thay phiên quân ở nhiều địa điểm, nửa kín nửa hở gây không khí chuẩn bị chiến dịch. Và có thể do ta khéo tung tin, bọn phòng nhì của quân đoàn tiền phương ngụy ở Huế cuống cuồng ghi nhận là sư đoàn 308 đã trở lại Quảng Trị. Tin tức này được ghi nhận vào ngày 13 tháng 1 năm 1975 với những chi tiết có vẻ khá cụ thể: sư đoàn bộ đóng ở tỉnh Quảng Trị, Gio Linh, trung đoàn 102 ở sông Vĩnh Phước, trung đoàn 88 ở Khe Sanh, trung đoàn 36 tây Đông Hà có nhiệm vụ sẽ thay thế trung đoàn 101 thuộc sư đoàn 325. Ngoài ra, sư đoàn 341 cũng sẽ vào. Trước mắt, sư đoàn này đã cho một trung đoàn vào đóng phía bắc Cửa Việt. Ở vùng Cửa Việt và Gio Linh chúng còn ghi nhận thêm sự hiện diện của trung đoàn 31, trung đoàn 2 , trung đoàn 5 hải quân, trung đoàn 126 đặc công nước,...


Tóm lại, giữa cái hư và cái thực, kẻ địch không biết đằng nào mà tin. Theo tài liệu ta biết được thì bọn địch chỉ thị cho tụi gián điệp, tụi thám báo cố chụp ảnh cho được nghị quyết của Khu ủy Trị Thiên và xác minh lại tin tức về sư đoàn 308. Cố nhiên là chúng không làm được, hoặc là làm được trong vòng ý muốn của ta.


Bọn địch ở Trị Thiên cố ổn định ở phía bắc, để tập trung đối phó với ta ở phía nam Huế. Cũng như chúng cố ngan chặn ta ở giáp ranh để ráo riết đẩy mạnh bình định nông thôn đồng bằng, nhưng tất cả những cố gắng của chúng đều rơi vào tình trạng khó khăn, vì cơ bản chúng hoàn toàn ở thế bị động cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Khi đã bị động đối phó thì lực lượng đông cũng cảm thấy thiếu. Như người đắp chiếc chăn hẹp và ngắn, cố đằng đầu thì hở đằng chân, kéo về phía trước bụng thì sau lưng gió lọt. Đấy là tâm trạng của lũ tướng tá thuộc quân đoàn 1 ngụy khi bắt buộc phải dăng quân ra khắp nơi cả ngoài Trị Thiên - Huế, lẫn trong Đà Nẵng - Quảng Nam, cả trên tuyến tiếp xúc và cả trong vùng nông thôn rộng lớn. Tâm trạng ấy càng trở nên rối bời khi chúng manh nha được sẽ phải chịu đòn trừng phạt quyết liệt sắp tới, nhưng sẽ rơi vào đâu?
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2022, 07:25:06 am »

Cuộc chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 ở Trị Thiên thực sự bắt đầu từ lúc nào? Thật khó mà rạch ròi được điều này. Những anh cán bộ tác chiến chúng tôi do thói quen nghề nghiệp, thường có sự chuẩn bị thực sự bắt đầu từ lúc vạch kế hoạch.   


Tôi nhớ một buổi chiều đầu tháng 12 năm 1974, đồng chí trưởng phòng chúng tôi đi dự họp ở Bộ tư lệnh về, tỏ ra rất vui. Khi xách bát đi ăn cơm, anh nói nhỏ với tôi: "sắp sửa mần ăn rồi đó cậu ạ!". Sắp sửa mần ăn, thế là tôi hiểu. Từ đấy chúng tôi xoay trần ra phục vụ cho Bộ tư lệnh quân khu trong việc vạch kế hoạch tác chiến. Sau này chúng tôi biết thêm: Cuối tháng 1 năm 1975 Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua kế hoạch thống nhất của quân khu Trị Thiên và quân đoàn 2, quyết định việc lãnh đạo chỉ huy và đến cuối tháng 2 năm 1975 thì kiểm tra và chỉ thị thêm lần cuối.


Tôi vẫn còn ghi nhớ quyết tâm và ý định tiến công của ta lúc bấy giờ:

"Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, quyết tâm chung của chúng ta là, tập trung toàn bộ lực lượng B4 và B5, tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng binh lực địch, đánh bạt về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị Thiên, giành 35 vạn dân ở nông thôn đồng bằng phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đánh mạnh kho tàng, hậu cứ, triệt phá giao thông, tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiên lên giành thắng lợi lớn - kể cả giải phóng Huế".


Toàn khu Trị Thiên chia làm 5 khu vực tiến công là:

- Nam Quảng Trị.

- Hai huyện Phong Điền và Quảng Điền (bắc Thừa Thiên).

- Đồng bằng Nam Huế.

- Ven đô và thành phố Huế (bao gồm cả huyện Hương Trà và một bộ phận huyện Hương Thủy).

- Trục giao thông từ Truồi trở vào đến đèo Hải Vân.

Trọng điểm giành dân là Phong Quảng. Trọng điểm quân sự và giành dân là nam Thừa Thiên. Mặt trận đồng bằng và mặt trận giáp ranh, phối hợp chặt chẽ với nhau: mặt trận đồng bằng đánh phá bình định, mặt trận giáp ranh thu hút, kiềm chế và tiêu diệt địch.


Kế hoạch dự tính trong năm 1975 sẽ mở hai chiến dịch tổng hợp ở Trị Thiên. Chiến dịch 1 gọi là chiến dịch "Xuân Hè" (ở quân đoàn 2 còn gọi là chiến dịch K.175) từ tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 1975. Chiến dịch 2 gọi là chiến dịch "Mùa Thu" khoảng chừng 7 đến tháng 8 năm 1975. Đi đôi với "kế hoạch cơ bản" có "kế hoạch thời cơ" để sẵn sàng chủ động khi có thời cơ thuận lợi lớn; đồng thời có kế hoạch nghi binh để đánh lạc hướng địch như phần trên đã kể.


Những yêu cầu chính của chiến dịch "Xuân Hè" là:

1. Ở đồng bằng, từ phá lỏng đến phá rã hệ thống kìm kẹp của địch giành từ 7 đến 10 vạn dân, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị địa phương, đưa cơ quan lãnh đạo chỉ huy xuống đứng ở vùng sâu.

2. Ở giáp ranh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế phân tuyến, chiếm lĩnh một số địa bàn có lợi nhất là trên đường 14, làm chủ cho được khu vực 303, đánh cắt giao thông phía Phú Lộc và phá kho tàng.

3. Khi có thời cơ thì tung hết lực lượng ra tiến công, giải phóng toàn bộ nông thôn, thực hiện chia cắt chiến lược bao vây uy hiếp thành phố Huế. Nếu có điều kiện thì kết hợp tiến công và nổi dậy để giải phóng hoàn toàn Trị Thiên - Huế.

Thế đấy: nhìn chung quyết tâm, ý đồ và những yêu cầu chính của chiến dịch mùa xuân 1975 ở Trị Thiên và chắc là ở cả miền Nam đều hãy còn khiêm tốn, thận trọng. Thắng lợi hoàn toàn vừa qua là nằm trong kế hoạch thời cơ. Thời cơ không bỗng dưng mà đến, thời cơ do ta tạo nên, do ta biết khoét sâu vào sai lầm của địch. Nhưng đấy lại là chuyện khác, chuyện về sau sẽ kể về diễn biến của chiến dịch.


Điểm lại quyết tâm, ý đồ và yêu cầu của chiến dịch để lưu ý một vấn đề tư tưởng chỉ đạo: lúc nào việc tiêu diệt địch và giành dân cũng đều xoắn xuýt lấy nhau. Mọi hoạt động đều lấy giành dân làm đích.

Bởi thế trong công tác chuẩn bị chiến dịch lần này có một điểm khá nổi bật: chúng ta đã huy động hàng ngàn cán bộ địa phương và dân quân du kích tổ chức lại thành từng đội vũ trang công tác - những đội quân xung kích ở cơ sở. Có đến gần 150 đội như thế. Đúng như tên gọi của nó, đội có 3 nhiệm vụ và chức năng chủ yếu: xây dựng phát triển thực lực cách mạng, xung kích trong khởi nghĩa vũ trang, nòng cốt trong việc xây dựng, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới. Các đội được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo cả về chính trị lẫn quân sự, sẵn sàng tung về khắp nơi nhất là ở những trọng điểm giành dân.


Trong câu chuyện làm "tham mưu con" của đám chiến sĩ trẻ trung đoàn Phú Xuân, cậu Tứ có nhắc tới cô Lưu nào đó với niềm tin mãnh liệt vào chiến dịch" vào đội vũ trang công tác của mình - đã mời Tứ về thôn Thể Chí Đông bên kia phá Tam Giang ăn cá biển. Chúng ta tin rằng, Tứ không bịa chuyện. Tôi đã từng gặp nhiều cán bộ, du kích địa phương trong thời gian họ còn tập trung học tập; quả thật, hầu như ai cũng vậy, nhất là đám các cô gái họ rất tin vào đợt làm ăn sắp tới. Chưa nghĩ đến toàn Trị Thiên - Huế sẽ được giải phóng như hôm nay, nhưng ai cũng hình dung ra từng mảnh đất tự do, từng thôn làng giải phóng như quyết tâm của trên và cũng là của bản thân họ. Có thể do nỗi thèm khát được trở về với quê hương tự do của mình sau nhiều năm phải nằm hầm nằm hố, chui rúc bờ bụi hoặc lên rừng, nhưng chắc chắn là có những điều, sâu xa hơn nữa thuộc về lý tưởng cách mạng, thuộc về ý đồ của chiến dịch và trước hết thuộc về công tác tổ chức cụ thể về hành động. Gặp anh Luyện bí thư huyện ủy Phong Điền, anh vui vẻ nhắc lại với tôi những kỷ niệm đẹp đẽ năm 1964 - 1965 lúc Phong Chương, Quảng Thái còn là "đất thánh" cách mạng của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Câu chuyện của anh nhắc tới những lúc đi xuồng máy đuôi tôm qua bên kia phá Tam Giang, những lúc chúng tôi đèo nhau xe đạp đi từ Mỹ Phú về Phò Trạch... Nhắc tới quá khứ một cách vui vẻ là anh muốn tỏ ra thận trọng, không vội bốc đồng huênh hoang về tương lai. Tuy nhiên, qua cặp mắt tự tin và giọng nói kiên nghị của anh, tôi hiểu rằng, anh hoàn toàn tin vào kế hoạch của huyện ủy sẽ giải phóng hoàn toàn và làm chủ ở 6 thôn (Mỹ Phú, Nhất Phong, Phò Trạch, Vĩnh An, Trạch Phổ và Ưu Điềm), đưa 27 thôn còn lại của huyện Phong Điền lên vùng tranh chấp (kể cả những thôn ben kia phá Tam Giang mà địch tách ra làm quận Hướng Điền). Nhân thể xin nói thêm điều này: có vài anh cán bộ khi nói chuyện với tôi cho rằng, vừa qua chẳng thấy quần chúng nổi dậy đâu cả vì cơ sở quần chúng ta còn quá yếu. Thực ra không phải hoàn toàn như thế, nhìn chung, cơ sở ta còn yếu thật. Yếu là so với yêu cầu của cách mạng, yêu cầu một cuộc nổi dậy đồng loạt có tính chất quyết định, chứ không phải quá yếu. Ngay ở huyện Phong Điền chẳng hạn, xã nào cũng có chi bộ đảng từ 3 đến 5 đảng viên. Nói riêng cơ sở quần chúng ở một thôn như thôn Nhất Phong thuộc xã Phong Chương là khá mạnh. Ở đây có 1 chi đoàn thanh niên, 5 tổ phụ nữ và nông hội, 45 quần chúng cốt cán và 1 tổ du kích gồm 12 người. Số du kích này, đa số nằm trong hàng ngũ phòng vệ dân sự của địch.


Nếu nói vùng sâu thì ở Trị Thiên ta chắc không đâu sâu hơn thành phố Huế, ở đây, kẻ địch luôn luôn tìm mọi thủ đoạn đánh phá phong trào cách mạng, nhất là sau cuộc tổng công kích Mậu Thân. Xây dựng cho được một cơ sở quần chúng cách mạng thật không dễ dàng gì. Vậy mà trước khi giải phóng, Huế cũng đã có 8 chi bộ Đảng, ba mươi chi đoàn thanh niên phần lớn trong giáo chức, sinh viên, học sinh. Ngoài ra còn 170 cơ sở quần chúng cách mạng và 6 sĩ quan nội tuyến. Ở nông thôn cũng như ở thành phố, khi quần chúng bị o ép dưới bàn tay bình định khắc nghiệt, tàn bạo của địch mà có được những tổ chức cơ sở như vậy thật là đáng kể. Hãy tưởng tượng xem khi có đòn tiến công quân sự hỗ trợ, với những đội vũ trang công tác được tổ chức huấn luyện chu đáo lại có sự hợp đồng với mạng lưới cơ sở quần chúng cách mạng nằm sâu trong lòng địch, sao lại không làm nên chuyện? Sao lại không vận động đông đảo quần chúng nổi dậy được?


Trong thực tế, qua quá trình diễn biến của chiến dịch, các đội vũ trang công tác đã đóng góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung.

Cuộc chuẩn bị chiến đấu ở Trị Thiên chúng ta năm nay ngoài việc phải hết sức bí mật, tạo yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi còn dựa trên phương châm vừa tiến công vừa chuẩn bị, vừa chuẩn bị vừa tiến công; phương châm đúng đắn này được Khu ủy và Quân khu ủy đề ra và tính liệu từ năm 1974, tạo cơ sở và tiền đề cho năm 1975. Nhìn chung toàn chiến trường, ta thấy khi trung đoàn 271, trung đoàn 6 còn giành giật với địch ở Mỏ Tàu - 303 thì quân đoàn 2 đã khẩn trương chuẩn bị bước vào chiến dịch, các đội vũ trang công tác đã được tập trung huấn luyện, học tập. Khi chiến dịch đã nổ súng, sư đoàn 324, trung đoàn 4, trung đoàn 271 đã chiến đấu quyết liệt hàng tuần lễ các đội vũ trang công tác cùng bộ đội địa phương đã giành giật với địch từng thôn, từng làng ở đồng bằng, thì sư đoàn 325 vẫn gấp rút hoàn thành chuẩn bị vào đợt hai. Ngay trong từng đơn vị cũng có bộ phận tiến công, bộ phận chuẩn bị. Chuẩn bị khẩn trương chu đáo là tạo điều kiện tiến công thắng lợi. Ngược lại, tiến công thắng lợi chính là thiết thực chuẩn bị cho bước phát triển mới.


Khó mà rạch ròi được thời gian giữa chuẩn bị và tiến công. Bởi thế, nếu nói cuộc chuẩn bị này trong ba mươi ngày hoặc cuộc chuẩn bị này đã ba mươi năm đều chỉ là một cách nói mang ý nghĩa tượng trưng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:19:11 am »

IV. Hãy đợi đấy! Không lâu nữa đâu!

Tên bồi bàn da vàng ở Mỹ, tên bại tướng Lâm Quang Thi ấy chắc chưa thể quên được những ngày còn quá vui vẻ - những ngày cuối tháng 2 năm 1975. Đối với những tên tướng tá của cái "đệ nhị cộng hòa" thì vui vẻ nhất là lúc được hoàn toàn yên tâm. Riêng với Lâm Quang Thi, chỉ cần đôi chút yên tâm, hắn đã quá vui vẻ rồi.


Thời kỳ đó, chắc hắn biết tổng thống Thiệu không mấy vui. Nỗi buồn phiền của Thiệu tấy lên nhức nhối kề từ ngày vụ "Oa-tơ-ghết" vỡ lở, Ních-xơn bị nốc ao, và anh chàng Pho bất tài bất lực đành chịu lép vế trước sức ép của quốc hội Mỹ đang tìm mọi cách hạn chế quyền hành của tổng thống mà điều quan trọng nhất là không chịu tăng viện thêm cho Nam Việt Nam. Tiếp đến khi ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, Nhà trắng và Lầu năm góc làm ầm ỹ lên như thế, tưởng sẽ có hành động quyết hệt vậy mà về sau vẫn êm re. Đến cái mức tối thiểu là tăng viện thêm cho Nam Việt Nam cũng không nốt. Không riêng Lâm Quang Thi mà đa số tướng tá ngụy coi sự kiện trên chỉ là thử thách nhau mà thôi. Hoa Kỳ làm ra vẻ lạnh nhạt với Nam Việt Nam là để họ phải gia tăng tự lực chiến đấu, để họ phải buộc chặt hơn nữa với Hoa Kỳ. Còn như ông Thiệu để mất Phước Long một cách dễ dàng và không chủ trương tái chiếm là cốt gây sức ép với Hoa Kỳ, cốt mè nheo yêu sách viện trợ tối đa. Tất cả những trò xiếc trên sân khấu chính trị này sẽ phải chấm dứt để nhường chỗ cho sự thật là Hoa Kỳ không đời nào bỏ rơi Nam Việt Nam. Đấy là điều ngu xuẩn mà bọn Lâm Quang Thi cố tin vào đó tìm đôi chút yên tâm. Hơn nữa, chắc bọn hắn vẫn cảm thấy cái "đệ nhị cộng hòa" còn bề thế lắm. Có sứt mẻ tí chút rồi sẽ hàn gắn lại, không sao cả. Bởi thế, Bộ tổng tham mưu nguy còn nhận định rằng sắp tới, ít ra là trong năm 1975 này, ta chưa tổng tiến công được mà chủ yếu là đánh phá bình định. Có thể mở những trận tiến công vào Công Tum và đồng bằng sông Cửu Long. Muốn tổng tiến công phải là năn 1976.


Bộ tổng tham mưu ngụy đã đề ra kế hoạch Lý Thường Kiệt, tìm mọi biện pháp bảo toàn lãnh thổ, không để một tấc đất rơi vào tay đối phương.

Thực chất kế hoạch Lý Thường Kiệt là tìm cách chặn ta trước. Huy động không quân đánh vào hành lang ta, hạn chế sự chi viện từ miền Bắc vào. Tổ chức diễn tập hải quân "Con chồn biển" để đề phòng đường tiếp tế biển của ta. Tăng thêm lực lượng dù và thủy quân lục chiến để có khả năng cơ động tốt hơn. Điều chỉnh lại lực lượng để phù hợp với kế hoạch phòng thủ "ưu tiên số 1" là Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Sự chú ý tiếp đó là đồng bằng miền Trung Trung Bộ, nơi được coi là quan yếu. Tây Nguyên, biên giới, giáp ranh còn là "ưu tiên số 2". Theo nhận định trên, thì Trị Thiên - Huế chưa phải là điểm đối tượng tiến công chủ yếu của ta. Riêng điều đó cũng đủ làm Lâm Quang Thi yên tâm rồi.


Cố nhiên, mọi sự tính toán sắp xếp là do Thiệu, Viên, Bộ tổng tham mưu ngụy lo. Nhưng rút dây động rừng, khi bị điều hết lực lượng dù vào Đà Nẵng, vào Sài Gòn hắn có xuýt xoa tí chút, song với số quận hiện có là trên 40 tiểu đoàn, hắn có thể xoay xở được. Nói hắn có thể xoay xở là một cách nói để diễn đạt những điều có liên quan tới kế hoạch và nhận định của Bộ tư lệnh quân đoàn tiền phương ngụy mà chúng tôi biết. Chứ thực ra, theo lời một số sĩ quan cấp tá ở trại cải tạo mà sau này chúng tôi gặp, thì Lâm Quang Thi là tên tướng bất tài, vô học và ưa huênh hoang. Hẳn là hắn phải dựa vào Ngô Quang Trưởng, một tên tướng mà hắn vừa phục vừa sợ lại vừa ghen ghét. Nhưng thôi, nói làm gì chuyện nội bộ thối tha của chúng nó, chỉ biết là tụi chỉ huy quân đoàn tiền phương ngụy ở Huế đến cuối tháng 2 năm 1975 vẫn còn nhận định về phía ta rất cứng nhắc. Chúng cho rằng, ta chỉ giữ chốt, cầm chân không đánh mạnh, chủ yếu là xây dựng cơ sở ở đồng bằng. Sau Tết nguyên đán, ta sẽ đánh phá Bình Định, đánh cắt giao thông bộ và làm tê liệt phi trường. Đi đôi với những hoạt động trên là hoạt động vũ trang ở thành phố.


Điểm lại phía mình, bọn Lâm Quang Thi cho rằng chúng đã bình định được đồng bằng khá chặt, 100% ấp loại A. Tuy nhiên, chúng vẫn ra sức củng cố hệ thống kìm kẹp, tăng cường hành quân cảnh sát, nhằm đánh phá cơ sở của ta và đề phòng quần chúng bạo động. Vào thời kỳ đó chúng điều động tiểu đoàn 12 bảo an đang ở núi Yên Bầu về đông Phong Điền, phía tây phá Tam Giang, vùng nông thôn mà chúng cho là xung yếu. Ở phía nam có một sự hoán đổi giữa ba tiểu đoàn bảo an khác : tiểu đoàn 128 đang giữ Lăng Cô nay ra Phú Lộc thay tiểu đoàn 111, tiểu đoàn 111 vào Động Tốt thay tiểu đoàn 107, tiểu đoàn 107 lại vào Lăng Cô.


Sự hoán vị này nhằm mục đích phân công thích hợp với khả năng chống giữ của từng đơn vị, ngoài ra, thông thường chúng vẫn không muốn để một đơn vị ở một nơi lâu dễ bị ta bắt rễ vào làm nội ứng.

Về bố trí lực lượng chủ lực, chúng tổ chức phòng ngự từng khu vực (lấy trung đoàn hoặc đơn vị tương đương làm chủ) tập trung vào ba trọng điểm: Quảng Trị, Huế và trục giao thông đường 1, nhất là phía nam đoạn Huế - Đà Nẵng.


Trên hướng Bắc Huế chúng đưa hầu hết lực lượng bảo an ra vòng ngoài, để thủy quân lục chiến ở phía trong làm lực lượng cơ động tại chỗ. Ở hướng nam, chúng lại đưa hầu hết sư đoàn 1 bộ binh ra phía ngoài và tập trung vào khu vực Mỏ Tàu - 303 và Nong, Truồi. Đồng thời, tập trung lực lượng bảo an và một bộ phận chủ lực chốt giữ các đoạn giao thông quan trọng từ Lăng Cô đến Đá Bạc. Chúng cố gắng điều chỉnh dần thế bố trí để rút bớt lực lượng chiếm đóng ra làm cơ động và tranh thủ luân phiên củng cố một phần lực lượng. Nhìn chung, cả ở trên tuyến tiếp xúc giáp ranh cũng như ở đồng bằng nông thôn, kẻ địch có vẻ ổn định.


Chính cái vẻ ổn định ấy khiến cho tụi Lâm Quang Thi cảm thấy yên tâm. Chúng biết ta sẽ đánh, nhưng coi như đã sắp xếp đối phó xong, cứ yên trí mà ăn nhậu vui vẻ.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 07:48:56 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:20:37 am »

Vào thời kỳ đó, Huế rất đẹp. Sau những cơn mưa, trời trong ra, không nắng. Buổi sáng sương dăng mờ sông Hương để những tà áo trắng của các cô nữ sinh Đồng Khánh đi dọc đường Lê Lợi nom xa như ẩn như hiện. Cảm giác trở nên nhẹ nhõm và thanh khiết. Buổi chiều, phía trên cầu Bạch Hổ ló chân trời màu vàng nhạt điểm những cụm mây màu vỏ trứng. Trên đường Trần Hưng Đạo, người và xe đi lại nườm nượp. Đông đúc là thế mà sao vẫn không hối hả vội vàng như Sài Gòn, Đà Nẵng. Huế vẫn có cái phong thái riêng: dường như đĩnh đạc và hơi vô tư. Ít ra đấy cũng là cảm giác của tên tướng tư lệnh tiền phương khi hắn còn đủ thì giờ để chiều chiều, tiền hô hậu ủng đi đánh tơ-nít bên kia cầu Tràng Tiền. Vào những ngày cuối tháng 2 năm 1975, người ta cảm thấy hắn nhậu nhẹt chơi bời ở nhà mụ Dạm chủ rạp xi-nê Tân Tân. Không ai biết hắn trác táng như thế nào, nhưng nếu cuộc vui mà có Bùi Thế Lân tư lệnh thủy quân lục chiến và Lê Quang Lưỡng tư lệnh lính dù thì thế nào cũng có Tường Loan hiệu trưởng trường Đồng Khánh và Tiểu Bích hiệu trưởng trường Thành Nội. Các bà ấy công khai khoác tay các vị tư lệnh để cho các em nữ sinh tha hồ bắt bồ với sĩ quan lính tráng, đặng làm cái trò kết nghĩa, thực chất là làm ô uế học đường, làm nhục xứ Huế.


Những ngày hoan lạc cuối cùng, Lâm Quang Thi, tên bồi bàn da vàng ở Mỹ ấy hiện nay hẳn còn nhớ. Nhớ và nuối tiếc một thời. Nhưng hắn đâu biết rằng, trong những ngày ấy nhiều người trong đám nhân dân lao động, trong giáo chức, sinh viên và học sinh đang luôn luôn theo dõi bọn hắn, đã nguyền rủa: "Được rồi! Cho chúng mày cứ hoách lác, cứ đú đởn đi! Hãy đợi đấy! Không lâu nữa đâu, các con ạ!".


"...Không lâu nữa đâu! ...". Hôm ấy đã là ngày 28 tháng 2 năm 1975. Ở Hà Nội, đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn đã thông qua xong kế hoạch tác chiến của chiến trường Trị Thiên - Huế với anh Hồ Tú Nam thay mặt Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên và Hoàng Đan thay mặt Bộ tư lệnh quân đoàn 2.


Trong lúc các anh Hồ Tú Nam và Hoàng Đan trên đường trở lại chiến trường, để kịp thời triển khai công việc anh Lê Trọng Tấn đã chỉ thị cho anh Lê Tự Đồng tư lệnh kiêm chính ủy quân khu Trị Thiên và các anh Nguyễn Hữu An, Lê Văn Linh, tư lệnh và chính ủy quân đoàn 2. Nội dung chỉ thị tập trung vào hai điểm:

1. Đúng ngày N. đã xác định, phải có hoạt động nhỏ và vừa bằng đặc công, đánh giao thông, kho tàng, diệt các ban chỉ huy tiểu đoàn địch ở điểm cao 235 (tây Hải Lăng) ở Cánh Giơi. Tích cực nghi binh để phối hợp chiến trường. Riêng các trận đánh then chốt của B5 và trận đánh tập trung của trung đoàn 6 thuộc B4 có thể chậm so với ngày N. là 3 ngày (N + 3).

2. Về hướng tác chiến của B5 như vậy là được. Riêng B4 cần tập trung trung đoàn 6 giải quyết cho được Chúc Mao. Sau đó tập trung lực lượng khoảng 2 trung đoàn trên hướng Chúc Mao, Sơn Na tiêu diệt tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, kiểm tra khu vực đó, hiệp đồng với hướng của chủ lực B5, hình thành hai hướng uy hiếp địch ở vùng giáp ranh, tạo điều kiện hỗ trợ hiệu lực cho đồng bằng. Cụ thể sẽ có chỉ thị tiếp.

Thế là tình hình chuẩn bị cho chiến dịch đang bước vào thời kỳ gấp rút hoàn thành. Ngày N được quy định là ngày 5 tháng 3 năm 1975. Vào ngày đó, theo lệnh của Bộ đã phải có hoạt động nhỏ và vừa và đến N + 3 tức ngày 8 tháng 3 năm 1975 sẽ nổ ra những trận đánh then chốt. Chiến trường Trị Thiên là chiến trường phối hợp với Tây Nguyên, theo ý đồ của Bộ là phải nổ súng sớm hơn, ngoài những yêu cầu của chiến dịch, nhìn chung về sự chỉ đạo chiến lược mà nói, cần phải cầm chân địch lại, không cho chúng rảnh tay tập trung đối phó với ta ở chiến trường chính. Toàn bộ kế hoạch chiến dịch ở Trị Thiên - Huế đã được Đảng ủy mặt trận nhất trí thông qua ngày 21 tháng 2 năm 1975 tại sở chỉ huy quân khu Trị Thiên.


Bấy giờ chỉ còn một tuần lễ nữa để vào giờ nổ súng. Thời gian là vàng ngọc. Tất cả bộ máy quân dân chính của ta đang chuyển động khẩn trương. Ở Bộ tư lệnh quân khu, vào thời kỳ đó chúng tôi đang hết sức vất vả vì có sự thay đổi trong tổ chức chỉ huy. Ban đầu Bộ tư lệnh quân khu tổ chức thành hai bộ phận: một bộ phận chỉ huy tiền phương ở hướng trọng điểm, có nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ mặt trận nam Thừa Thiên, bao gồm cả đường 12 và thành phố Huế và trực tiếp hiệp đồng với quân dân, bộ phận phía sau, ở sở chỉ huy cơ bản, trực tiếp chỉ đạo chỉ huy cánh bắc Huế và Quảng Trị, đồng thời lo việc hậu phương.


Ngoài ra theo quyết định của khu ủy, một bộ chỉ huy hỗn hợp có tính chất tạm thời được tổ chức để trực tiếp phụ trách khu vực chỉ đạo thí điểm của khu ủy ở Phong Quảng.

Khi các bộ phận chỉ huy cùng các cơ quan giúp việc đã triển khai, thì Bộ chỉ thị thay đổi lại. chỉ huy chung của quân khu (bao gồm các cơ quan) cần tập trung ở hướng nam, không được phân tán.

Thế là sở chỉ huy cơ bản chúng tôi đang ở Cốc Ba Bó trên trục đường 70, 71 lại vội vàng đi chuyển vào phía nam, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương ở hữu ngạn sông Hữu Trạch. Di chuyển một sở chỉ huy, tất nhiên không phải việc giản đơn, từ việc hành quân, hầm hố, chỗ ở và làm việc, đến tổ chức mạng lưới thông tin, mạng lưới chỉ huy, v.v. tất cả đều phải tiến hành đồng thời với công tác chỉ huy theo dõi các đơn vị hàng ngày, hàng giờ. Hơn nữa, các cục các phòng phải điều chỉnh lại cán bộ, trợ lý : ai ở lại sở chỉ huy cơ bản, ai đi theo dõi đôn đốc đơn vị, ai ra sở chỉ huy hỗn hợp lâm thời ở cánh bắc, ai ở phía sau. Cái bận rộn vất vả này có vẻ như một sự lãng phí. Phải chăng, qua vấn đề này, cũng cần rút ra những bài học về việc thấu triệt ý đồ của cấp trên trong xác định hướng trọng điểm chiến dịch và kiên quyết tập trung chỉ huy chỉ đạo vào nơi có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của toàn chiến dịch.


Tuy nhiên, những vấp váp trên cũng được khắc phục nhanh chóng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, vận chuyển khó khăn, nhưng nhờ sự cố gắng chung của cơ quan, đến ngày N. tức là ngày 5 tháng 3 năm 1975, việc tổ chức cơ quan chỉ huy đã tương đối hoàn chỉnh. Đảm bảo cho Bộ tư lệnh quân khu chỉ huy cuộc tiến công từ đầu.


Vào ngày đó, nhìn lên bản đồ bố trí lực lượng của ta, anh em cán bộ trong phòng tác chiến chúng tôi, ai cũng cảm thấy vừa phấn khởi, vừa hồi hộp. Y như những quân cờ đã bày sẵn trên bàn cờ thế.

Về phía quân đoàn 2, thì quân đoàn bộ đã cắm ở động Truồi, sư đoàn 324 đang triển khai quân ở khu vực đường 14. Sư đoàn 325 tuy còn trung đoàn 18 đang trên đường hành quân vào, song coi như cán bộ chủ chốt, trinh sát đã bám sát những mục tiêu quanh hòn Kim Sắc: những điểm cao 310, 312, 520, 560, 499, v.v. Đường kéo pháo đang gấp rút hoàn thành và những khẩu pháo của trung đoàn 84 đang được dần dần kéo lên điểm cao 769 ở hòn Lưỡi Cái. Lữ đoàn 203 xe tăng, tuy buổi đầu Bộ chưa cho lệnh sử dụng nhưng vẫn cài thế sẵn sàng cơ động. Các đơn vị trực thuộc khác thì thôi khỏi phải nói, bộ binh ở đâu là họ có đấy.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 07:49:03 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:21:30 am »

Về phía Quân khu, thì các lực lượng đều đã đứng chân vào nơi quy định. Sở chỉ huy tỉnh đội Quảng Trị ở phía nam động Chiêng Dòng, cách điểm cao 367 - một điểm cao cách đang chốt giữ - có 3 ki-lô-mét. Quanh tỉnh đội đã có tiểu đoàn 10 đặc công, tiểu đoàn 8 bộ binh, còn tiểu đoàn 812 bộ binh thì đã ở động Tiên. Tiểu đoàn 14 bộ binh ở tuyến tiếp xúc Với địch phía Tích Tường, Như Lệ. Tiểu đoàn 3 bộ binh, ở thôn Lệ Xuyên cũng trên tuyến tiếp xúc phía đông. Phía sau tiểu đoàn 3 là đại đội 7 xe tăng thuộc lữ 203.


Sở chỉ huy trung đoàn 4 ở núi Công Tắt, các tiểu đoàn ở chân điểm cao 254, ấp Sơn Quả, ấp Công Thành sẵn sàng tiến công cứ điểm Phổ Lại. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương Thừa Thiên phối thuộc cho trung đoàn 4 ở tây-bắc động Mái Nhà.


Tiểu đoàn 32 ở động A Vó, gần Tà Lương.

Toàn trung đoàn 271 đã ở chân đồi 401 ở phía nam núi Kệ 4 ki-lô-mét.

Trung đoàn 6 ở phía Bắc điểm cao 481.

Tiểu đoàn 4 ở bắc Truồi 3 ki-lô-mét đang hành quân về khu B.57.

Tiểu đoàn 5 ở cây số 7 đường Bạch Mã.

Tiểu đoàn 21 ở phía nam Hói Mít.

Tiểu đoàn 2 đặc công tỉnh Thừa Thiên ở đông-nam động Mang Chang, nhưng thực tế đã phân tán để đánh những mục tiêu quy định. Sở chỉ huy tỉnh đội Thừa Thiên đã dời về Đá Đen phía nam động Mang Chang.

Các đội công tác vũ trang đã ở địa điểm tập kết của từng huyện, trong khi đó một số cán bộ kể cả quân sự và chính trị đã luồn về dưới đồng bằng bắt liên lạc với cơ sở, chuẩn bị mọi điều kiện cho lực lượng đột nhập đồng bằng.   


Tóm lại, tất cả các lực lượng đều đã sẵn sàng, có đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị cũng có đơn vị đang gấp rút hoàn thành nốt những công việc cuối cùng, sở dĩ còn dở dang vì chủ yếu là do ảnh hưởng của những trận mưa kéo dài - nhất là ở phía nam. Tất cả đều đang hồi hộp đợi giờ G. điểm, giờ nổ súng của chiến dịch.


Thực ra, không phải đợi đến giờ G. tiếng súng chiến dịch mùa xuân ở Trị Thiên đã bắt đầu từ đêm 2 tháng 3 năm 1975. Đấy là một chớp lửa xé tan màn đêm soi rõ đường viền của những đám mây nặng nề, kèm theo là tiếng nổ chuyển đất dường như cứ âm vang mãi trên sông nước, trong xóm thôn và dội về tận thành phố Huế: cầu An Lỗ đã bị đại đội 25 đặc công nước của tỉnh Thừa Thiên phá sập.


Chiến công này không lớn, phá sập cầu thì chỉ trong ngày hôm sau kẻ địch sẽ huy động công binh sửa chữa lại, nhưng cùng với những trận đánh xe trên đèo Hải Vân của tiểu đoàn 21, những hoạt động uy hiếp địch ở tuyến tiếp xúc gây cho địch một điều gì đó không được yên ổn . Đối phương bắt đầu rồi chăng, bắt đầu như thế nào hay chỉ có thế, thực sự bắt đầu hay chỉ là diễn biến bình thường. Trong chiến tranh những diễn biến như vậy, kể ra hãy còn là bình thường. Chiến dịch thực sự bắt đầu từ không giờ ngày 5 tháng 3 năm 1975 (ngày N.). Không phải bằng trận tiến công có nổ súng, mà bằng cuộc diễn tập thực binh ở bắc Quảng Trị, hướng nghi binh của ta. Trước đó hàng tuần lễ, Quân khu đã cử đồng chỉ trưởng phòng quân huấn đi lo liệu việc này.


Vào giờ quy định, ở một số trọng điểm ở bắc Quảng Trị như Cửa Việt, Đông Hà, Mai Lộc, Cam Lộ đều được lệnh báo động. Dân quân du kích tập trung cơ động ngay đến vị trí chiến đấu. Nhân dân sửa sang lại công sự, thu xếp gọn gàng nhà cửa, đồ đạc sẵn sàng sơ tán đề phòng địch oanh tạc phản pháo.


Trung đoàn 9 thuộc sư đoàn 304 cùng với tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị, dân quân du kích Triệu Phong có đại đội 7 xe tăng thuộc lữ 203 tham gia, đã diễn tập tiến công quanh khu vực Cửa Việt - Thanh Hội. Quân khu trực tiếp chỉ huy cuộc diễn tập này qua điện đài. Tình huống của trận tiến công này là vào ngày hôm sau sẽ đánh chiếm chợ Sãi, Nại Cửu phía bên kia, đằng sau tuyến tiếp xúc của địch. Có điều là ta chưa thực sự tiến công, chỉ rập rình triển khai đội hình ở phía bên này. Trong lúc đó, bọn địch không lộ vẻ khiêu khích như trước kia, im lặng đào công sự - đào công sự hối hả và tích cực. Đêm, chúng bắn pháo sáng liên tục và tất nhiên là phải tăng cường cảnh giới.


Cuộc diễn tập được tiến hành tiếp tục vào ngày hôm sau, hôm sau nữa ở hướng thứ yếu: hướng Ái Tử, Tích Tường, Như Lệ. Ở hướng này do tỉnh đội Quảng Trị trực tiếp bố trí, lực lượng tham gia gồm có tiểu đoàn 14, tiểu đoàn 812 và đại đội Lê Hồng Phong bộ đội địa phương tỉnh, cùng lực lượng dân quân du kích trên tuyến phòng thủ và dân quân du kích ba xã phía tây đường 1 của huyện Triệu Phong. Trong lúc đó, Bộ cho trung đoàn 46 vào thay thế vị trí trung đoàn 9. Trước đó ít hôm trung đoàn này đã bí mật hành quân trở về đội hình của sư đoàn 304 làm đội dự bị của quân đoàn. Và trung đoàn 3 thuộc sư đoàn 324 đang ở Thượng Đức cũng trở về đội hình của sư đoàn bấy giờ đang sắp mở trận tiến công quyết liệt vào khu vực Mỏ Tàu - 303, hướng trọng điểm quân sự của chiến dịch.


Cuộc diễn tập đã gây cho địch một trạng thái tâm lý căng thẳng. Nếu không hoàn toàn bị mắc lừa thì kẻ địch cũng bối rối. Cùng với tin sư đoàn 308 vào Quảng Trị chưa được xác minh cụ thể, bọn Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng, Lâm Quang Thi ở Huế, chưa thể nào dám rút bớt lực lượng thủy quân lục chiến vào tăng cường cho hướng nam. Có thể nói, với lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích Quảng Trị, ta đã cầm chân được bọn địch lại. Điều quan trọng hơn, là trong khi bộ đội rập rình phía trước mặt, thì các đội vũ trang công tác và một số phân đội bộ đội khác đã bí mật luồn vào sau lưng địch, chuẩn bị chờ giờ G. nổ súng tiến công.


Xin nói xen ngang vào câu chuyện một điều này : làm anh trợ lý tác chiến, hay nói rộng ra là bất kỳ anh trợ lý ở phòng nào thuộc tham mưu, chính trị, hậu cần của cơ quan quân khu như chúng tôi, mỗi lần vào chiến dịch - ai nấy đều ước ao được xuống đơn vị làm phái viên. Hoặc phái viên đốc chiến, phái viên chính trị hoặc phái viên chỉ truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị hay có tính chất nghiên cứu, theo dõi, v.v. tóm lại là nhận nhiệm vụ gì mà được xuống chiến đấu với đơn vị là thích thú. Cũng không phải để thay đổi không khí, để có cơ hội phát triển khả năng hay lập công cụ thể, nhưng dường như ai cũng cảm giác là có đi như vậy mới thực sự là đi chiến dịch. Cố nhiên, đấy là cảm giác thiên lệch - tuy nguyện vọng của từng người tiêu chính đáng, nhưng cảm giác như vậy thì quả là thiên lệch.


Vào chiến dịch xuân 1975, thoạt đầu, tôi cũng có cảm giác thiên lệch như vậy. Chả là vì tôi không được phân công đi theo dõi đơn vị như một số anh em khác, mà được đồng chí trưởng phòng giao ở nhà "gác gôn". Đấy là một cách nói cho vui chứ "gác gôn" nào có phải mình tôi, hơn nửa, đâu phải chuyện giữ nhà là nhàn nhã, thoải mái. Cùng đồng chí trưởng phòng, nhóm trợ lý chúng tôi có trách nhiệm thay nhau trực suốt ngày đêm để phục vụ công tác chỉ huy của Bộ tư lệnh.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 07:49:11 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:31:23 am »

Vào những ngày từ 5 đến 8 tháng 3 năm 1975, chúng tôi phải làm việc khá căng thẳng. Tất nhiên là qua hệ thống điện đài (các loại vô tuyến điện, hữu tuyến điện), phải làm sao nắm được tình hình chuẩn bị vào giờ G. của tất cả các đơn vị từ Cửa Việt đến Lăng Cô - theo dõi cả phía bên quân đoàn 2, lẫn các đội vũ trang công tác. Phải nắm tình hình từng ngày, từng giờ - và nếu có thể được - cả đến từng phút nữa.


Tôi đã ở đơn vị chiến đấu, từng làm cán bộ đại đội, tiểu đoàn nên càng hiểu rằng, trước lúc nổ súng là những giờ phút hồi hộp căng thẳng vô cùng. Trạng thái tâm lý ấy diễn ra đối với chiến sĩ, nếu trong trận phục kích là lúc chờ giặc tới hoặc giặc đã tới từ xa; nếu trong trận công đồn là lúc tiềm nhập nhất là lúc đã mò vào hàng rào kẽm gai, đã thấy lính gác địch đi đi lại lại trước mặt. Hiểu thế, nên những lúc ngồi trực bên máy điện thoại, tôi chợt hình dung ra bạn bè quen biết, hình dung ra các chiến sĩ, cán bộ ta đang trong giờ phút hồi hộp, lo âu vừa mừng vừa sợ, giờ phút đòi hỏi đầu óc phải tỉnh táo và hành động phải kiên quyết khôn ngoan.


Sau này, khi đã hồ hởi tay bắt mặt mừng gặp lại nhau ở Huế giải phóng, chúng ta mới thấy hết giá trị của những bước chân khởi đầu trước giờ nổ súng hôm ấy. Bây giờ không làm sao diễn tả hết những bước chân khởi đầu của tất cả các đơn vị. Nếu tiểu đoàn 21 phải vượt qua những tảng đá cheo leo trong đêm tối, để áp sát đường số 1 đoạn Mu Rùa trên đèo Hải Vân thì các chiến sĩ trung đoàn 4 đã phải bí mật giấu quân cả ngày dưới chân đồi cách vài trăm mét ngay trước cứ điểm Phổ Lại để đến gần chiều nổ súng. Nếu các chiến sĩ sư 324 phải tiếp cận các cứ điểm 303 - 224, 75, 76 - những cứ điểm đã được bố phòng vô cùng cẩn mật thì các đội vũ trang công tác Quảng Trị, Thừa Thiên phải giấu quân cả ngày giữa đồi trọc phía sau lưng tuyến tiếp xúc của địch, dưới sự quan sát thường xuyên từ trên không, dưới bộ của chúng. Nếu các chiến sĩ pháo binh quân đoàn 2 phải kéo pháo lên đặt trên đỉnh núi Truồi để bắn tà âm, thì các cán bộ và du kích của Phong Quảng phải nằm trong những bờ bụi ở thôn Vĩnh Nẩy hoặc giữa Tràm Dâu ở thôn Nhất Phong để chờ đón các đội công tác và lực lượng vũ trang về. Mỗi đơn vị đều có những nét đặc sắc độc đáo riêng.


Ở cơ quan tác chiến, chúng tôi có trách nhiệm theo dõi và ghi chép lại đầy đủ những diễn biến hoạt động của các đơn vị. Hồi mấy giờ, mấy phút, đơn vị nào đã làm việc gì, kết quả thắng lợi hoặc khó khăn thế nào, xin ý kiến Bộ tư lệnh và đã được giải quyết ra sao? Tóm lại, chúng tôi ghi chép diễn biến chiến dịch bằng những con số, bằng những lời lẽ vắn tắt, cô đọng và cụ thể. Chúng tôi đánh dấu trên bản đồ bằng những ký hiệu quân sự, sao chép các thứ điện từ trên Bộ xuống, Quân đoàn sang, các đơn vị lên và các loại điện từ Bộ tư lệnh quân khu gửi đi. Đấy là công việc nghiêm chỉnh, tuy có phần hơi khô khan.


Tuy nhiên, đối với tôi, công việc ấy cũng khá sinh động và hứng thú. Những con số, những lời ghi chép vắn tắt không chết lặng, không bị ép chặt vào những trang giấy mà dường như có sức sống riêng, đến nỗi có lúc tôi tưởng chúng không còn là chữ nghĩa nữa mà là những sinh vật có hành động, có tư duy. Không hẳn bởi vì tôi là người mơ mộng, có đầu óc tưởng tượng như anh em thường trêu đùa, mà vì tôi có nhiều kỷ niệm gắn chặt với mảnh đất quê hương này. Cứ nhắc đến một tên đất, đại để như thôn Trường Lưu hoặc Phò Trạch, cứ nhắc đến một tên đơn vị như trung đoàn 101 thuộc quân đoàn 2 hoặc trung đoàn 6 Phú Xuân, cứ nhắc đến một tên người như đồng chí Hiền ở Quảng Trị hoặc đồng chí Khánh ở Thừa Thiên, v.v... là tự nhiên lòng tôi cứ rộn lên nỗi niềm thương mến, và tôi như đang được cùng chiến đấu, cùng đi đứng, suy nghĩ với bạn bè, với đồng chí, đồng đội, với bà con chú bác.


Bởi vậy trong những ngày 7 và 8 tháng 3 khi các đơn vị bắt đầu hành quân đến mục tiêu chiến đấu, tôi đặc biệt chú ý theo dõi tiểu đoàn 4 bộ đội địa phương Thừa Thiên. Đấy là đơn vị cũ của tôi đã đành, lại có đồng chí Sinh trưởng ban tác chiến tỉnh đội - một người bạn quen của tôi cùng đi. Hơn nữa, hành trình của tiểu đoàn 4 là hành trình hết sức phức tạp khó khăn: đến nỗi anh em chúng tôi bảo nhau, nếu tiểu đoàn 4 hành quân trót lọt, tiếp cận mục tiêu được là nổ súng đúng giờ, thì không đơn vị nào còn lý do để bào chữa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ tiếp cận địch.


Tôi nhớ đêm 8 tháng 3 năm 1975, tôi cứ gò lưng xuống, gào vào máy điện thoại hỏi trực ban tác chiến của tỉnh đội Thừa Thiên về tình hình cánh nam. Thoạt đầu chỉ nghe tiếng lục bục trong máy, lát sau mới có tiếng trả lời: "Không bắt được liên lạc với các mũi cánh nam".

- Nhớ mở máy theo dõi sát vào nhé. - Tôi dặn vậy, kể ra cũng thừa. Chắc ban chỉ huy tỉnh đội cũng hết sức lo lắng, đang tìm cách liên lạc với các mũi. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, tôi vẫn nghe trả lời rằng chưa bắt liên lạc được và thêm tiếng đồng chí trực ban thở dài trong máy, lòng tôi càng se lại, cứ nghĩ đến những tình huống bất trắc.


Tôi biết là tiểu đoàn 4 bắt đầu hành quân từ khe B.57 nơi đóng quân của huyện đội Hương Thủy cũ, vào buổi sáng ngày 7 tháng 3 năm 1975. Cùng đi với tiểu đoàn 4 có 5 đội vũ trang công tác của các xã Phú Đa, Phú Cường, Phú Phong, Phú Gia, Phú Hồ.


Tất cả lực lượng này không phải là nhỏ, đều đi theo hướng núi Dích Dương. Cùng địa điểm xuất phát ở khe B.57 còn có mũi thứ hai gồm có một đại đội thuộc tiểu đoàn 2 đặc công cùng các đội vũ trang công tác của huyện Hương Thủy và thành đội Huế. Mũi này đi theo hướng Cồn Trao.


19 giờ đêm hôm qua (7-3) bộ phận đi đầu đến bờ sông Hương ở tọa độ 05-81. Khi họ bắt đầu vượt sông bằng thuyền cao su công binh, thì những đại đội phía sau chưa tới. Nhưng đến 24 giờ đêm, tất cả đã vượt sông an toàn. Và cả đội hình nối đuôi nhau, miệng ngậm tăm vượt qua tuyến tiếp xúc địch theo hành lang đã chuẩn bị sẵn. Vào hồi 4 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 3 năm 1975, toàn đội hình đã thu gọn vào địa điểm giấu quân ở chân núi Dích Dương. Đây là ngọn núi gần như trọc, chỉ lưa thưa những cây sim, cây mua, nhưng phía dưới chân chỗ tiếp giáp với ngọn núi khác thì cây cối rậm hơn, có cây cao hơn đầu người. Chiến sĩ ta chui vào các bụi cây, ăn cơm nắm, lương khô, uống nước bình toong và đánh một giấc. Ngày hôm đó địch có đi lùng sục nhưng chỉ cách chỗ giấu quân 300 mét. Lo ngại địch đã đành, còn lo ngại gặp dân đi hái củi. May sao không gặp ai, chứ nếu gặp thì bắt buộc anh em ta phải giữ họ lại để bảo đảm an- toàn cho đơn vị. Ém hàng ba bốn trăm quân giữa đồi suốt cả ngày là một việc làm táo bạo, những có tính toán, có dự kiến đầy đủ mọi tình huống xảy ra. Buổi chiều, có mưa, anh em có ướt tí chút nhưng không sao, mưa càng đảm bảo an toàn. Rồi mọi sự đã qua đi trót lọt.


Theo báo cáo cuối cùng thì 18 giờ 30 ngày 8 tháng 3 năm 1975 đơn vị lại tiếp tục hành quân về đồng bằng. Đến đây, đơn vị chia làm hai mũi. Tiểu đoàn phó cùng một đại đội đi vào hướng Phú Bài, qua quốc lộ đoạn Hải Thủy. Đại bộ phận còn lại đi theo hướng bắc Nong, vượt quốc lộ đoạn xóm Ga thuộc xã Hưng Lộc.


Từ 18 giờ 30 trở đi, chúng tôi không được tin gì nữa. Dẫu biết rằng, trên đường hành quân, đơn vị phải hết sức giữ bí mật, khó lòng mở máy ra liên lạc với sở chỉ huy. Con đường hành quân phải len giữa các thôn xóm, mà chỉ riêng dân vệ và phòng vệ dân sự cũng đã dày đặc. Rồi phải vượt qua đường sắt, quốc lộ số 1, qua một cánh đồng, tiếp đến lại vượt con sông thứ nhất, rồi vượt con sông thứ hai. Giữa hai con sông là cánh đồng ruộng ô, nước lội đến ngang bụng. Hồi trước chúng tôi đi qua đấy, giữa mùa hè mà bơi sông, lội nước lắm cũng rét thun vòi lại. Với con đường hành quân như vậy mà chỉ đi dăm ba người giữ bí mật cho được đã khó khăn, huống chi hàng ba bốn trăm con người với trang bị súng ống đạn dược và phương tiện lỉnh kỉnh.


Chúng tôi cứ lo lắng, sợ có chuyện gì bất trắc xảy ra... May sao, quãng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 3 năm 1975 tôi nghe từ đầu máy bên kia tiếng nói vui vẻ của đồng chí trực ban tác chiến tỉnh đội:

- Tiểu đoàn 4 đã đến Diêm Trụ an toàn, đang triển khai đội hình chiến đấu.

"Chao ôi, thế ư! Thế thì tốt quá!" - Tôi reo lên trong máy như vậy. Vậy là thành công bước đầu rồi. Sắp đến giờ nổ súng. Dẫu chiến đấu kết quả đến mức độ nào đi nữa, thì ít nhất, sự xuất hiện hàng vài trăm Quân giải phóng cùng hàng loạt cán bộ và du kích giữa các thôn xóm vùng sâu Phú Thứ, Phú Vang cũng là điều có ý nghĩa thực sự.


Nỗi lo âu được xua tan, lòng tôi ấm áp hẳn lại. Chợt nghĩ đến anh Sinh, người bạn thân, chắc giờ này đang cùng ban chỉ huy tiểu đoàn, chỉ huy các đại đội tiến công tiêu diệt bọn tề nguy và dân vệ ở các thôn Dưỡng Mông, Viễn Trình, Lương Viện, Trường Lưu, Đức Thái, v.v... ước gì có rượu, tôi sẽ rót hai chén, một cho anh, một cho tôi và uống mừng anh. Song bây giờ đào đâu ra rượu. Tôi bèn bóc bao thuốc lá Ru-bi cất trong ba lô ra mời bạn bè rồi dành ra hai điếu. Tôi châm lửa hút một, còn điếu kia tôi gói vào giấy, cất kỹ vào túi áo trên, tự hẹn mình dù mai kia thiếu thuốc lá có thèm chết đi được cũng nhất quyết không đụng đến, để dành chút kỷ niệm mừng cuộc hành quân thắng lợi cho bạn.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 07:49:20 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:32:31 am »

Vào những ngày trước giờ nổ súng chiến dịch, các đồng chí ở phòng 2 bằng mọi phương tiện, mọi thủ pháp của mình, đã theo dõi sát sao tình hình địch.

Ngày 7 tháng 3 năm 1975 chúng tôi được tin, có một cuộc họp của Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy với các tướng lĩnh thuộc quyền để bàn việc bố trí lại lực lượng. Chúng sẽ đưa liên đoàn biệt động 14 ở Quảng Ngãi ra Quảng Trị rút lữ thủy quân lục chiến 369 vào Quảng Nam, để cuối cùng rút hết sư đoàn dù vào phòng thủ Sài Gòn.


Tất nhiên tin này được Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh chiến dịch hết sức quan tâm. Chúng tôi là trợ lý không được nghe những bình luận chính thức của cấp trên, song khi mạn đàm "ngoài rìa" thì đồng chí phụ trách phòng 2 có nhận xét : Qua việc làm này, chứng tỏ kẻ địch đang lúng túng vì thiếu lực lượng tổng dự bị chiến lược. Chúng có hai sư đoàn (dù và thủy quân lục chiến) mà cảm thấy thiếu, phải co chỗ này kéo chỗ kia. Việc bố trí lại lực lượng là nằm trong kế hoạch Lý Thường Kiệt của chúng, nghĩa là coi Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long là khu vực ưu tiên số 1, kế đến nơi quan yếu mới là đồng bằng miền Trung Trung Bộ. Bởi thế, không thể nào để cả hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược ở quân khu 1. Việc chúng bố trí lại lực lượng như thế vừa tỏ ra chúng yếu thế, vừa tỏ ra chúng đã mắc mưu ta...


Mắc mưu ta, đấy là vấn đề hấp dẫn, nhưng chúng tôi không tò mò hỏi sâu thêm. Bầy mưu tính kế là từ tận ngoài Trung ương, ngoài Bộ Tổng tư lệnh. Chúng tôi chỉ hiểu đại thể rằng trong chiến tranh, mưu chiến lược lớn nhất là làm sao cho kẻ địch hiểu ta không đúng và phán đoán ta sai.


Sau này, chúng tôi thấy nhận xét "ngoài rìa" của đồng chí phụ trách phòng 2 là đứng đắn. Xin trích ra đây một đoạn trong lời khai của Nguyễn Thành Trí, đại tá phó tư lệnh thủy quân lục chiến, sau khi y đã ra trình diện cách mạng.


"... - Vì nhu cầu tình hình, ngày 6-3-1975 Bộ tổng tham mưu chỉ thị quân đoàn 1 tái phối trí quân để có thể sử dụng sư đoàn thủy quân lục chiến thay sư đoàn dù được di chuyển về Sài Gòn. Lệnh này có tính chất khẩn. Một cuộc họp được triệu tập ngay tại Bộ tư lệnh quân dân (Đà Nẵng). Thành phần tham dự gồm tư lệnh các sư đoàn 1, 2, 3 (bộ binh), sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến, trung tướng tư lệnh tiền phương quân đoàn 1, dưới quyền chủ tọa của trung tướng tư lệnh quân đoàn 1. Được biết các tướng lãnh đều không đồng ý việc đưa sư đoàn dù về Sài Gòn. Việc rút sư đoàn dù khỏi Đà Nẵng và sư đoàn thủy quân lục chiến khỏi Quảng Trị sẽ gây ảnh hưởng tâm lý bất lợi trong dân chúng. Về mặt chiến thuật, việc phòng thủ trở nên lỏng lẻo không hữu hiệu, đặc biệt đối với khu vực Quảng Trị khó có thể giữ vững được. Tuy nhiên trung tướng tư lệnh quân đoàn 1 nói đây là quyết định của tổng thống Thiệu; bằng mọi cách phải trả sư đoàn dù về Sài Gòn.


Kế hoạch thay quân được dự trù như sau:

2 lữ thủy quân lục chiến sẽ thay 2 lữ dù từ Đại Lộc đến đèo Hải Vân; sau đó một lữ thủy quân lục chiến sẽ thay cho 1 lữ dù phía bắc đèo Hải Vân (tức là đèo Phú Gia). Lữ này tăng phái cho sư đoàn 1 bộ binh.

Diễn biến thay quân:

Ngày 7 tháng 3 năm 1975: sư đoàn thủy quân lục chiến tiếp nhận liên đoàn 14 biệt động quân để thay thế cho tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến như sau:

2 tiểu đoàn biệt động quân thay 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến tại khu vực lữ 1 kỵ binh thiết giáp.

1 tiểu đoàn biệt động quân và ban chỉ huy liên đoàn 14/BĐQ thay một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và ban chỉ huy lữ 369.

Liên đoàn 14 biệt động quân chịu trách nhiệm chỉ huy các lực lượng trong khu vực của lữ 369.

Ngoài ra, 1 tiểu đoàn địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Trị cũng được tăng phái cho lữ 1 kỵ binh thiết giáp, thay thế cho tiểu đoàn thủy quân lục chiến còn lại.

Ngày 8 tháng 3 năm 1975: Lúc 11 giờ ban chỉ huy lữ 369 cùng với 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và đại đội quân y, đại đội trinh sát công binh, ba tiểu đoàn pháo binh thủy quân lục chiến di chuyển vào Đà Nẵng...".

Đoạn trích lời khai của Nguyễn Thành Trí càng xác nhận sự lúng túng và những sự bất đồng trong nội bộ chúng. Thực ra, dù bọn Ngô Quang Trưởng, Lâm Quang Thi và cả lô tướng lĩnh ở quân khu 1 có tỏ ra khôn ngoan hơn Thiệu, không bố trí lại lực lượng, vẫn để nguyên như cũ thì rốt cuộc cũng chẳng xoay chuyển được tình thế. Bởi vì tình thể xấu nhất của chúng là sự thất vọng hoàn toàn của quan thầy Hoa Kỳ, là những mâu thuẫn cố hữu từ trong bản chất của một đội quân tay sai đã đến lúc không còn phương gì giải quyết nổi...


Đối với tên tư lệnh tiền phương quân đoàn 1 Lâm Quang Thi thì cấp trên điều lính dù vào Đà Nẵng, hắn vẫn tỏ ra yên tâm hoặc là cố tạo cho mình sứ yên tĩnh trong tâm tư - nhưng nay, đến lượt thủy quân lục chiến bị điều đi nữa (dù chỉ mới điều hẳn lữ đoàn 369 vào Đà Nẵng, còn lữ 258 vào đèo Phú Gia, bắc Hải Vân) thì chắc hắn sẽ phải bối rối. Bị điều đi hơn 5.000 thủy quân lục chiến để đổi lấy 700 lính biệt động trong lúc phải phòng giữ một khu vực đầu sóng ngọn gió này, Lâm Quang Thi hẳn không thể tiền hô hậu ủng nhênh nhang đi đánh tơ-nít như tuần trước, nhất là bấy giờ, giờ G. đã điểm, tiếng súng chiến dịch của ta đã bắt đầu.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Ba, 2022, 07:49:27 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 06:54:12 am »

V. Mặt trận giáp ranh nổ súng. Mặt trận đồng bằng nổ súng

Theo kế hoạch Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên và Bộ tư lệnh quân đoàn 2 - đã được Bộ duyệt, thì giờ G, là 01 giờ 00 ngày N+3 tức là ngày 8 tháng 3 năm 1975. Tuy nhiên trong cd tổng hợp phạm vi cả quân khu, khó mà nổ súng đồng loạt vào giờ quy định như trong một trận đánh.


Đêm mồng 7 tháng 3 năm 1975 trong lúc các đội vũ trang công tác và một số đơn vị bộ đội địa phương, đặc công luồn sâu vào lòng địch, thì các đơn vị chủ lực tuyến giáp ranh, trong phạm vi nhiệm vụ được giao, đã triển khai lực lượng, tiếp cận địch.


Hướng trọng điểm quân sự, phía đường 14 như ta đã biết, do quân đoàn 2 đảm nhiệm. Lực lượng được sử dụng ở đây là 2 sư đoàn thiếu: sư đoàn 324 (vắng trung đoàn 3 đang tiến công chủ yếu ở khu vực Mỏ Tàu - 303, sư 325 (vắng trung đoàn 96 được Bộ điều đi Tây Nguyên tham gia đánh Buôn Mê Thuột) có  nhiệm vụ đánh ở cánh phải của quân đoàn, tiến công các điểm cao 560-499, hòn Kim Sắc làm bàn đạp cắt đứt đường 1.


Sư đoàn 324 sẽ nổ súng hợp đồng với toàn quân khu vào ngày 8 tháng 3 năm 1975 và sư đoàn 325 (theo kế hoạch cơ bản lúc đầu) sẽ nổ súng vào đợt hai: ngày 25 tháng 3 năm 1975.

Trong lúc sư đoàn 325 đang ra sức làm công tác chuẩn bị: tập kết quân, mở đường, kéo pháo, lót đạn, gạo, thì sư đoàn 324 đã triển khai chiến đấu. Tuy phải khắc phục nhiều khó khăn, nhất là thời tiết mưa gió, đường 74 lầy lội, đạn và gạo chuyển vào vị trí tập kết hết ức sức vất vả, nhưng sư đoàn 324 đã nổ súng đúng thời gian quy định.


Như trên đã có dịp nhắc tới, sư đoàn 324 trở lại vùng Mỏ Tàu - 303 lần này là lần thứ hai. Trong chiến dịch K.18 từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1974, phối hợp với Thượng Đức, sư đoàn 324 đã trừng phạt bọn lấn chiếm một đòn nặng nề, thu hồi lại hàng trăm ki-lô-mét vuông gồm các điểm cao: 273, 303, 324, 142, 201, núi Bông, núi Nghệ, 75, 76, Động Giếng, Mỏ Tàu. Sau đó, kẻ địch đã lấn chiếm lại hết phần đất cũ, còn lấn thêm sang cả sân bay Bạch Đàn. Mặc dù các lực lượng địa phương: trung đoàn 6, trung đoàn 271, tiểu đoàn 4 đã chiến đấu hết sức dũng cảm để giữ những phần đất do sư đoàn 324 giao lại, nhưng kẻ địch - bằng mọi giá, không chịu để ta làm chủ đường 14, dễ bề uy hiếp đường 1. Chúng lợi dụng mùa mưa ta có nhiều khó khăn trong tổ chức phòng ngự, đã huy động một lực lượng lớn của sư đoàn 1 và liên đoàn biệt động 15 đánh bật ta ra.


Giờ đây sư đoàn 324 trở lại làm ăn ở mảnh đất cũ, không ít cán bộ, chiến sĩ coi là chuyện "công cốc" và cũng không ít người coi thường kẻ địch "324 mà ra tay thì bọn sư 1 lại chết phen nữa". Thật ra sự tự tin ấy bắt nguồn từ thực tế là sư đoàn 324, từ ngày có mặt ở chiến trường Trị Thiên, hầu như thường xuyên đụng đầu với bọn sư đoàn 1 ngụy. Bọn địch huyênh hoang đề cao sư đoàn 1 là sư đoàn "anh cả đỏ", là đệ nhất hùng mạnh, là sư đoàn đáng mặt nhất trong hàng ngũ bộ binh. Tuy thế, sư đoàn đáng mặt nhất ấy vẫn lo ngại phải đụng độ với 324, sư đoàn từ ngày đầu ra quân đã đánh cho bọn thủy quân lục chiến Mỹ một trận nên thân ở Gio An, tiếp đến là ở Cô-ca-va, Tam Tanh, A Bia, sư đoàn 1 ngụy bắt đầu chờn sư đoàn 324 từ tổng công kích Mậu Thân và sau đó là những đòn liên tiếp trên đường 12: Động Tranh, Tà Lương, Bình Điền, là những đòn trong tổng công kích 1972 và ở miền tây Phong Điền. Trận quyết chiến gần nhất xảy ra ở vùng Mỏ Tàu này năm ngoái, khiến sư đoàn 1 ngụy càng e ngại sư đoàn 324. Với lối phòng ngự chốt kết hợp kiềng, với lực lượng phòng ngự là bọn trung đoàn 1, trung đoàn 54 những đơn vị sừng sỏ ác ôn khét tiếng ở Trị Thiên - Huế, bọn địch vẫn không giữ nổi. Sư 324 đã có lối tập kích táo bạo, đánh luồn vào hậu phương, tạo thế bao vây, cắt rời giữa chốt và kiềng, làm địch không chịu nổi. Giờ đây, khi tái chiếm được, chúng đã thay đổi cách phòng ngự. Không dùng chốt kết hợp kiềng nữa, mà tổ chức phòng ngự có chiều sâu, hình thành 3 tuyến: đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, dựa vào các điểm cao có khả năng khống chế ta. Các điểm tựa đại đội, tiểu đoàn đều liên hoàn với nhau, các sở chỉ huy tiểu đoàn cũng trở thành các cụm điểm tựa do đại đội chỉ huy và các phân đội biệt kích chiếm giữ, để phá chiến thuật luồn sâu của ta đánh vào sở chỉ huy địch.


Đầu tháng 1 năm 1975, sư đoàn 324 được quân đoàn báo cho biết có khả năng đánh trên đường 12, nên đã phái cán bộ và trinh sát đi chuẩn bị chiến trường. Sang đầu tháng 2 năm 1975 có lệnh chuyển hướng quay về đường 14. Mọi công tác chuẩn bị đều phải chuyển hướng, ngay cả những giáo trình quân sự đang học tập cũng phải thay đổi lại. Dù nhận thấy thuận lợi là quen thuộc địa hình, nhưng phần lớn cán bộ đều coi là không còn thế bất ngờ nữa, kẻ địch biết 324, biết cả lối đánh của 324.


Ngày 7 tháng 2 năm 1975 đồng chí Hoàng Đan, phó tư lệnh quân đoàn thay mặt Bộ tư lệnh trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho sư đoàn 324. Những vấn đề được đặt ra để nghiên cứu lúc bấy giờ là sử dụng lực lượng như thế nào, cách đánh ra làm sao, và bằng mọi cách khắc phục khó khăn phải đem pháo lên cao bắn trực tiếp, tạo uy lực lớn khi tiến công. Cố nhiên, mọi vấn đề đều được giải quyết thỏa đáng. Nói về sử dụng lực lượng thì chúng ta có 2 trung đoàn 1 và 2. Trung đoàn 3, đang trong Thượng Đức, chưa được lệnh về. Trung đoàn 2 được phân công đánh hướng chủ yếu, trọng điểm là các vị trí 224, 303. Trung đoàn 1 đánh cánh trái, chiếm các mỏm 75, 76 và sẽ phát triển sang núi Bông, núi Nghệ. Trung đoàn 271 có 1 đại đội phối hợp đánh Động Giếng. Về sau này, khi tổng kết chiến dịch, việc sử dụng lực lượng cũng còn nhiều chỗ đã được rút kinh nghiệm, nhưng đấy là chuyện thuộc về nội bộ của sư đoàn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM