Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:28:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 3  (Đọc 5753 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2022, 06:57:57 am »

ANH HÙNG MAI VĂN CƯƠNG


Mai Văn Cương, sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 3 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, đại đội phó đại đội 1, trung đoàn 921 không quân, Quân chung Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Do yêu cầu phát triển quân đội ta, Mai Văn Cương được cử đi học lái máy bay phản lực chiến đấu, nhưng vì sức khỏe yếu hạn chế đến tiếp thu kỹ thuật, đồng chí được xét làm công việc khác.


Để góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc, không quân ta lúc đầu còn nhỏ bé, số người biết lái máy bay phân lực rất hiếm. Trước tình hình đó, Mai Văn Cương tự nguyện xin đứng trong hàng ngũ lái Mich 21 chiến đấu tiêu diệt giặc. Với ý chí quyết chiến Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, Mai Văn Cương kiên trì bền bỉ rèn luyện sức khỏe, tiếp tục học tập kỹ thuật, chiến thuật, nhanh chóng nâng cao trình độ mọi mặt, làm chủ kỹ thuật lái máy bay chiến đấu, bảo đảm chiến đấu giành thắng lợi liên tục, lập thành tích xuất sắc. Mai Văn Cương là một trong những người bắn rơi nhiều máy bay giặc. Đồng chí đã cất cánh 98 lần, gặp địch 21 lần, nổ súng 15 lần, bắn rơi 8 máy bay phản lực Mỹ: 2 F.4C, 3 F.105, 3 máy bay không người lái (7 chiếc rơi tại chỗ) và cùng biên đội bắn rơi 2 chiếc khác. Mai Văn Cương là người lái Mích 21 đầu tiên ở độ cao thấp, dùng tên lửa bắn rơi máy bay không người lái Mỹ. Đồng chí cũng là tấm gương điển hình đoàn kết hiệp đồng, tích cực yểm hộ, bảo vệ an toàn cho đồng đội khi chiến đấu gặp khó khăn.


Ngày 8 tháng 10 năm 1966, biên đội Mai Văn Cương được lệnh xuất kích về phía Hà Nội và được thông báo có nhiều máy bay địch đang đánh phá Đông Anh. Vào khu vực chiến đấu, đồng chí số 1 bị 2 F.105 bám theo ngay. Không trù trừ, Mai Văn Cương dũng cảm, mưu trí lao vào đội hình địch, bắn yểm hộ cho số 1, uy hiếp mạnh mẻ tinh thần địch, làm cho chúng vội vàng bỏ mục tiêu số 1, tháo chạy. Đồng chí bị lạc đội hình, nhưng vẫn bình tĩnh tiếp tục chiến đấu. Phát hiện một tốp 4 F.105 khác, Mai Văn Cương mưu trí bám luôn một mục tiêu thuận lợi cho việc công kích nhất rồi khéo léo sử dụng rốc-két bắn rơi tại chỗ 1 F.105 trên vùng trời Tam Đảo.


Ngày 28 tháng 4 năm 1967, theo lệnh cấp trên, biên đội Mai Văn Cương cất cánh lên chặn địch ở vùng trời Nghĩa Lộ. Phát hiện 2 F.105, số 1 được đồng chí yểm hộ liền nhanh chóng xông vào công kích địch. Chiếc F.105 tinh ranh, trong nháy mắt đã làm động tác kỹ thuật tránh được một phát tên lửa từ máy bay của ta phóng ra rồi vội vàng lao xuống khe núi tháo chạy. Mai Văn Cương nêu cao tinh thần tiến công địch, dũng cảm, mưu trí dùng kỹ thuật điêu luyện bổ nhào theo, bắn tiếp một phát tên lửa nữa, nó trúng đạn bốc cháy, cắm đầu xuống vùng núi Nghĩa Lộ. Lối đánh tài giỏi này của biên đội Mai Văn Cương được đơn vị kịp thời trao đổi học tập và vận dụng có kết quả: ngày 30 tháng 4 năm 1967, hai biên đội khác đã bắn rơi 4 máy bay địch trong một ngày.


Ngày 7 tháng 10 năm 1967, biên đội Mai Văn Cương sử dụng, một loại máy bay cũ hơn Mích 21, xuất kích về hướng Sơn Tây đánh bọn F.4 Mỹ. Sau khi phóng một quả tên lửa hạ luôn 1 F.4, đồng chí số 1 bị 4 chiếc F.4 bám đuôi phóng liền 2 quả tên lửa. Mai Văn Cương nhanh trí lệnh cho đồng đội ngoặt gấp tránh tên lửa địch rồi tự mình lao vào cắt ngang đội hình địch, bám chắc 1 chiếc, phóng một quả tên lửa. Chiếc máy bay địch nổ tung, lao đầu xuống đất, 3 chiếc còn lại tháo chạy tán loạn. Kẻ địch cũng không vừa, ngay lập tức có một tốp F.4 khác bám đuôi đồng chí. Hiểu rõ tình huống rất nguy hiểm, Mai Văn Cương quay lại đối đầu với chúng, công kích trực diện kẻ địch hòng dùng số lượng đông hơn uy hiếp đồng chí. Mai Văn Cương bình tĩnh lao vào tiến công chúng. Chúng không chịu nổi sức mạnh tinh thần sắt thép của đồng chí, cuối cùng buộc phải hốt hoảng bò cuộc tháo chạy.


Không những dũng cảm ngoan cường, mưu trí linh hoạt trong chiến đấu, Mai Văn Cương còn có tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, tích cực yểm hộ, bảo vệ đồng đội. Đồng chí đã nhiều lần dũng cảm, thông minh cứu đồng đội trong những tình huống nguy hiểm.


Mai Văn Cương có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có tác phong sinh hoạt giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, đoàn kết giúp đỡ đồng đội, nên được mọi người yêu mến.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 lần là Chiến sĩ Quyết thắng và 6 lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Mai Văn Cương được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2022, 06:58:36 am »

ANH HÙNG ĐẶNG MINH CHỨC


Đặng Minh Chức, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Nam, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 2 năm 1960. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu úy, sĩ quan điều khiển tên lửa thuộc tiểu đoàn 73, trung đoàn 285, sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đặng Minh Chức đã trực tiếp tham gia chiến đấu 49 trận, điều khiển tên lửa bắn rơi 18 máy bay Mỹ, có 7 chiếc rơi tại chỗ. Là một sĩ quan điều khiển, đồng chí có tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, có quyết tâm cao, tích cực xây dựng xe mạnh và kíp trắc thủ giỏi. Đặng Minh Chức nghiên cứu nắm vững âm mưu, thủ đoạn hoạt động của máy bay địch, tìm ra cách đánh mới, dù trong tình huống khó khăn phức tạp đến đâu, cũng luôn luôn tìm mọi cách, tạo mọi thời cơ để đánh địch, giành thắng lợi.


Trong những ngày cuối tháng 8 năm 1967, máy bay địch hoạt động nhiều, đơn vị được lệnh sẵn sàng chiến đấu cao. Sáng ngày 31 tháng 8 năm 1967, hai tốp máy bay địch từ hướng đông nam (12 chiếc) và tây nam (3 chiếc) vào đánh phá. Do đề cao cảnh giác, khí tài chuẩn bị tốt, Đặng Minh Chức kịp thời phát hiện mục tiêu. Là sĩ quan điều khiển có bản lĩnh và kinh nghiệm, Đặng Minh Chức nhanh chóng phán đoán âm mưu, thù đoạn của địch, hạ quyết tâm chính xác và đề nghị cấp trên cho đánh tốp 12 chiếc. Được lệnh, đồng chí điều khiển phóng 2 quả đạn. Khi quả đạn bay đến mục tiêu, tốp 3 chiếc ở hướng tây nam lao xuống đánh phá ác liệt xung quanh trận địa. Giữa tiếng bom nổ rung chuyển, Đặng Minh Chức động viên kíp trắc thủ bình tĩnh tiếp tục điều khiển quả đạn tới đúng mục tiêu, và quả đạn đầu tiên đã nổ thiêu cháy liền một lúc 2 máy bay Mỹ.


Ngày 2 tháng 9 năm 1967, chấp hành nghị quyết của đảng ủy tiểu đoàn: kiên quyết đánh thắng địch trong bất cứ tình huống nào, bảo vệ tốt bầu trời của cảng Hải Phòng trong ngày Quốc khánh, Đặng Minh Chức phát hiện kịp thời máy bay địch, bám chắc mục tiêu và khi được lệnh, chủ động hiệp đồng với các trắc thủ, phóng quả đạn về phía địch. Máy bay địch cơ động, bay xuống thấp tránh đạn, đồng chí nhanh chóng nhận ra thủ đoạn của địch, bình tĩnh, mưu trí điều khiển quả tên lửa hướng trúng mục tiêu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F.4H của giặc Mỹ.


Trong trận ngày 11 tháng 9 năm 1967, thành phố vừa báo động cấp I thì nhiều tốp máy bay địch đã vào gần triển khai đội hình đánh Hải Phòng. Đặng Minh Chức đề nghị cấp trên và được lệnh đánh ngay để bảo vệ mục tiêu. Khi các phần tử xác định xong và có lệnh chuẩn bị phóng đạn thì trận địa bị 2 chiếc F.8 bay trên đầu khống chế. Phóng đạn lên lúc này là rất nguy hiểm, trận địa có bị lộ sẽ là mục tiêu đánh phá của lũ cường kĩch. Nhưng không đánh thì bỏ lỡ thời cơ diệt địch, không bảo vệ được mục tiêu. Đặng Minh Chức động viên kíp trắc thủ bình tĩnh phóng quả tên lửa lên, đánh rơi ngay 1 chiếc máy bay địch. Lập tức, trận địa tên lửa của ta bị máy bay địch đánh phá dồn dập. Được lệnh sơ tán, Đặng Minh Chức cho trắc thủ di chuyển trước, còn mình ở lại cùng với cán bộ giải quyết hậu quả, bảo vệ khí tài.


Đặng Minh Chức là một sĩ quan điều khiển đã qua nhiều trận chiến đấu, được thử thách, có nhiều kinh nghiệm điều khiển tên lửa đánh máy bay Mỹ. Đồng chí chăm chỉ học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn kỹ thuật, là một cán bộ có tác phong sâu sát, tỉ mỉ, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội mến phục, tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, nhiều lần được trung đoàn, tiểu đoàn biểu dương, tặng giấy khen và được bầu là Chiến sĩ thi đua năm 1968.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Đặng Minh Chức được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2022, 06:59:18 am »

ANH HÙNG VŨ NGỌC DIỆU


Vũ Ngọc Diệu, sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 9 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là hạ sĩ, trắc thủ ra-đa đại đội 14, trung đoàn 290, sư đoàn 373, Quân chủng Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong 3 năm chiến đấu ở vị trí trắc thủ ra-đa, Vũ Ngọc Diệu đã mưu trí, dũng cảm, cảnh giác phát hiện 456 tốp máy bay địch chính xác, kịp thời, không hề sai, sót, lọt, chậm, góp phần cùng các đơn vị chiến đấu ở Nghệ An bắn rơi trên 300 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ mục tiêu. Đồng chí có nhiều công nghiên cứu chống nhiễu tổng hợp thành công, phát huy sáng kiến dùng máy cũ phục   vụ dẫn đường cho không quân đánh thắng, khi bị thương vẫn dũng cảm tham gia chiến đấu.


Tháng 4 năm 1967, cùng trung đội trưởng phiên ban, Vũ Ngọc Diệu bình tĩnh, kiên nhẫn suy nghĩ, tìm cách khắc phục nhiễu do địch gây ra, phát hiện một máy hay trinh sát vào Đô Lương, thông báo kịp thời cho trung đoàn bảo vệ Đô Lương chủ động bắn rơi chiếc RA.5C này, trước khi chúng gây tội ác.


Tháng 7 năm 1967, trận địa bị địch đánh phá, đồng đội bị thương vong, Vũ Ngọc Diệu vẩn theo dõi phát hiện được mục tiêu, báo cáo về sở chỉ huy đầy đủ, chính xác, phục vụ cho đơn vị hỏa lực bắn rơi 1 máy bay Mỹ.


Tháng 11 năm 1967, trung đội chuyển sang dùng máy P.8 là loại máy cũ, tham số kỹ thuật thấp, khó phát hiện địch từ xa, không thể hỗ trợ cho không quân đánh địch được. Đồng chí đi sâu nghiên cứu tinh năng tác dụng của máy, tìm hiểu cách sử dụng, thao tác và tự rèn luyện đến mức sử dụng thành thạo, địch vào còn cách 200 ki-lô-mét, Vũ Ngọc Diệu đã phát hiện được và báo cáo chính xác, kịp thời về sở chỉ huy, thông báo cho các đơn vị bạn chiến đấu bắn rơi máy bay địch. Việc làm đó góp phần giải quyết tư tưởng coi thường máy cũ, lôi cuốn anh em trong trung đội đi sâu vào học tập, làm chủ kỹ thuật.


Trong 2 ngày 7 và 8 tháng 5 năm 1968, địch tổ chức những đợt đánh lớn vào khu vực Vinh, Bến Thủy, Đô Lương. Vũ Ngọc Diệu phụ trách số 1 đã cùng đồng chí số 2 làm việc hết sức khẩn trương, quyết không để địch tập kích bất ngờ. Từ cự ly 200 ki-lô-mét, tổ đồng chí phát hiện địch, báo cáo cho các đơn vị hỏa lực chuẩn bị chiến đấu và thị xã Vinh báo động kịp thời. Địch ném bom cạnh trận địa, máy bị rung, Vũ Ngọc Diệu vẫn bình tĩnh chỉnh máy, bám sát địch, phục vụ cho đơn vị bảo vệ thị xã bắn tan xác 1 máy bay Mỹ khi chúng vào đến vùng trời Vinh.


Ngày 16 tháng 6 năm 1968, đại đội được lệnh cơ động, vừa tháo dây trời và máy thu thì máy bay địch đến. Cấp trên quyết định cấp tốc dùng máy P.8 và P.15 dẫn đường cho không quân đánh địch trên vùng trời Vinh - Đô Lương. Vũ Ngọc Diệu và 2 người nữa được giao nhiệm vụ này. Với quyết tâm "dẫn đi là chiến thắng, dẫn về là an toàn", các anh em khẩn trương thao tác, nhưng khi mở máy thi gặp phải nhiễu ở cường độ 3 che kín màn huỳnh quang, sóng cố định mất gần hết, dù hết sức tập trung tinh lực cũng không sao phát hiện được. Rất tin ở khả năng chống nhiễu của máy P.8, Vũ Ngọc Diệu đề nghị cho đổi số và sử dụng biện pháp chống nhiễu tổng hợp. Quả nhiên nhiễu giảm dần, hai loại máy hợp đồng chặt chẽ, thông báo liên tục, dẫn đường cho không quân ta vào gần địch hạ 2 máy bay Mỹ trên vùng trời Nghệ An, sau đó dẫn máy bay ta trở về căn cứ an toàn.


Kinh nghiệm đó được phổ biến cho toàn binh chủng ra-đa học tập, vận dụng trong tháng 11 và 12 năm 1968, dẫn đường cho không quân ta hạ máy bay Mỹ trên vùng trời Nghệ An.


Ngày 22 tháng 7 năm 1966, Vũ Ngọc Diệu bị thương vào tay trong lúc địch đánh phá. Cõng bạn bị thương nặng ra khỏi trận địa, đồng chí trở lại vị trí chiến đấu, dùng một tay tiếp tục làm nhiệm vụ cùng đồng đội. Địch đánh vào trận địa 10 lần, Vũ Ngọc Diệu vẫn bình tĩnh, dũng cảm bám máy, theo dõi mục tiêu, báo cáo kịp thời, chính xác, hoàn thành nhiệm vụ.


Trong 3 năm, đồng chí công tác ở ba loại máy khác nhau, nhờ có quyết tâm học tập, đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, nên máy nào cũng sử dụng thành thạo, phát huy được hết tính năng, tác dụng của máy phục vụ chiến đấu.


Vũ Ngọc Diệu luôn luôn gương mẫu, dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, có ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm, được anh em yêu mến.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 bằng khen, 2 giấy khen, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua, năm 1968 được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Vũ Ngọc Diệu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2022, 07:00:00 am »

ANH HÙNG LÊ CẤP BẰNG


Lê Cấp Bằng, sinh năm 1942, dân tộc Mường, quê ở xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 5 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, trung đội phó thuộc đại đội 11 pháo cao xạ 37 mi-li-mét, tiểu đoàn 7, trung đoàn 284, sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày nhập ngũ đến khi được tuyên dương, Lê Cấp Bằng đã tham gia chiến đấu trên 600 trận chống máy bay giặc Mỹ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, trận nào cũng bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; ba lần bị thương vẫn kiên quyết xin ở lại đơn vị tiếp tục chỉ huy khẩu đội chiến đấu.


Ngày 14 tháng 8 năm 1967, ở Đất Đỏ (Quảng Trạch, Quảng Bình), địch cho nhiều tốp máy bay đến oanh tạc trận địa nhiều đợt. Là pháo thủ số 4, Lê Cấp Bằng dũng cảm đứng thao tác, lấy đường bay chính xác, bảo đảm cho khẩu đội phát huy hỏa lực mạnh mẽ, kịp thời. Bị 5 vết thương, trong đó có một vết vào thái dương, đồng chí vẫn giữ vững vị trí chiến đấu cho tới khi trận đánh kết thúc. Trận này đơn vị Lê Cấp Bằng bắn rơi 2 máy bay F.4 của giặc Mý. Khi đơn vị giải quyết thương binh, đồng chí nhường cho các anh em bị thương khác được băng bó chăm sóc trước. Trước khi đi điều trị, Lê Cấp Bằng còn trao đổi kinh nghiệm và nhắc nhủ động viên từng người trong khẩu đội kiên quyết lập công, hoàn thành nhiệm vụ.


Ngày 11 tháng 9 năm 1967, ở Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đồng chí vừa làm nhiệm vụ pháo thủ số 4 lấy đường bay, vừa chỉ huy khẩu đội phát huy hỏa lực chính xác, góp phần cùng đại đội bắn rơi F.4. Trận đánh kéo dài, trong một đợt bom đánh vào trận địa, Lê Cấp Bằng bị đất vùi lấp và bị thương vào chân. Đồng chí vùng dậy tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến khi kết thúc trận đánh. Lê Cấp Bằng dặn dò anh em và bàn giao tỉ mỉ tình hình khẩu đội với đồng chí thay thế rồi mới đi điều trị.


Ngày 28 tháng 2 năm 1969, sau khi bị đại đội 11 bắn rơi 1 máy bay trinh sát điện tử OV.10, địch cho nhiều tốp máy bay đến đánh vào trận địa suốt từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Lần này, chúng bất ngờ dùng bom hóa học, đơn vị chưa kịp đề phòng, nên nhiều đồng chí bị ngạt thở. Bản thân cũng bị ngạt, nhưng đồng chí vẫn cố gượng dậy đi lấy khí tài chống hóa học về cho anh em đeo, tiếp tục chiến đấu.


Ngày 3 tháng 5 năm 1969, chiến đấu ở ki-lô-mét 50 đường số 12, Lê Cấp Bằng bị thương vào chân, nhưng vẫn đứng chỉ huy khẩu đội chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc. Trận này, khẩu đội đồng chí cùng khẩu đội bạn lập công xuất sắc, bắn rơi ngay tại trận 2 máy bay F.4 của địch.


Lê Cấp Bằng quan tâm xây dựng khẩu đội đạt giỏi về kỹ thuật và các mặt khác, đề cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Bản thân đồng chí luôn luôn gương mẫu, phát huy tác dụng đầu tàu, động viên thúc đẩy toàn khẩu đội. Khiêm tốn, giản dị, sẵn sàng chăm sóc giúp đỡ đồng đội, nhường thuận lợi cho bạn, đồng chí được mọi người mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua và được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Lê Cấp Bằng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2022, 08:04:01 pm »

ANH HÙNG TRẦN XUÂN SINH


Trần Xuân Sinh, sinh năm 1948, dân tộc Kinh, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ tháng 2 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là khẩu đội trưởng pháo cao xạ, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Được giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa, Trần Xuân Sinh hiểu rõ nhiệm vụ của thanh niên phải đứng ở hàng đầu chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí đã tham gia chiến đấu hơn 500 trận ở khu vực Tà Không, Văng Mu, Tha Mé là những trọng điểm ném bom rất ác liệt của máy bay giặc Mỹ.


Trong chiến đấu, đồng chí bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường quyết hoàn thành nhiệm vụ, bị thương vẫn hiên ngang đứng ở vị trí chỉ huy khẩu đội nổ súng mãnh liệt vào quân thù, là tấm gương động viên toàn khẩu đội hăng hái chiến đấu, bắn rơi 4 máy bay giặc Mỹ.


Ngày 30 tháng 11 năm 1967, giữa lúc khẩu đội đang cùng đơn vị bảo vệ trọng điểm Văng Mu, máy bay địch ném bom trúng vào trận địa của khẩu đội Trần Xuân Sinh, làm cho một số đồng chí bị thương vong. Nhanh chóng chuyển anh em về tuyến sau, đồng chí lại tiếp tục chiến đấu, một mình làm nhiệm vụ của 3 số, phát huy hỏa lực của khẩu đội, hiệp đồng cùng đơn vị bắn rơi tại chỗ 1 F.4, bảo vệ đoàn xe đang qua trọng điểm được an toàn.


Mùa khô năm 1968 - 1969, đơn vị bố trí ở Tha Mé, nơi địch đánh phá liên tục cả ngày và đêm bằng cả máy bay chiến thuật và chiến lược. Có ngày, máy bay địch đến ném bom 4 lần, ném xuống nhiều loại bom khác nhau, đồng chí vẫn bình tĩnh và giữ vững tinh thần của anh em, động viên khẩu đội chờ máy bay tiêm kích địch vào tầm bắn có hiệu quả mới nổ súng. Có lần, giữa lúc bom đạn đang nổ trên trận địa, Trần Xuân Sinh vẫn xông vào nơi bị bom đánh sập và đang cháy, để cứu đồng đội, bản thân bị bỏng cả hai chân, nhưng sau đó vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi kết thúc trận đánh.


Một lần sau khi điều trị vết thương nặng, được viện quân y cho về hậu phương, Trần Xuân Sinh tha thiết xin trở về cùng chiến đấu với khẩu đội.


Tháng 2 năm 1969, hiệp đồng trong toàn trận địa, Trần Xuân Sinh chỉ huy khẩu đội dũng cảm chiến đấu với máy bay địch, bảo vệ an toàn cho một đoàn xe vượt qua trọng điểm. Địch đánh phá dữ dội vào khẩu đội. Lần thứ nhất bị thương, máu đầm đìa trên mặt bị cháy sém, Trần Xuân Sinh vẫn đứng vững trên vị trí chỉ huy. Lần thứ hai bị thương vào chân và vào mắt, được lệnh của cấp trên đưa về phía sau, đồng chí vẫn xin ở lại, nén chịu vết thương đau nhức ở chân và ở mắt, lau đạn và chuyển đạn cho anh em bắn đến khi trận đánh kết thúc. Trong trận này, khẩu đội của Trần Xuân Sinh bắn rơi 1 máy bay địch.


Trong chiến đấu, Trần Xuân Sinh tự nguyện nhận phần khó khăn nguy hiểm về mình, những lần địch dùng máy bay B.52 ném bom, Trần Xuân Sinh thường nhường công sự tốt cho đồng đội; có lần, vì nằm che, bảo vệ an toàn cho thương binh mà bản thân đồng chí bị thương.


Đối với anh em mới vào bộ đội Trần Xuân Sinh tích cực dìu dắt, hướng dẫn, chí bảo cặn kẽ giúp anh em nhanh chóng nắm vững kỹ thuật pháo cao xạ và vững vàng trong chiến đấu.


Trần Xuân Sinh đã 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba và được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Trần Xuân Sinh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2022, 08:04:34 pm »

ANH HÙNG VŨ TIẾN ĐỂ


Vũ Tiến Để, sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1967 (từ công nhân quốc phòng chuyển sang quân đội). Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy lái máy gạt thuộc tiểu đoàn 32 công binh, binh trạm 33, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ tháng 3 năm 1965, Vũ Tiến Đề làm nhiệm vụ lái xe húc đất ở những trọng điểm cua chữ A trên đường số 20 A, nơi máy bay giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt, có đợt chúng oanh tạc liên tục hàng tháng, có ngày đêm B.52 rải liền 32 lần bom, vì vậy, có khi đồng chí làm việc giữa lúc địch bắn phá, bị 6 lần bom vùi, nhưng vẫn dũng cảm kiên cường, không sợ hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, có tháng làm liên tục không nghỉ, ngày nào cũng trên 10 tiếng đồng hồ.


Tháng 4 năm 1967, trong lúc đang làm việc dưới bom địch để kịp giải phóng trọng điểm, Vũ Tiến Đề bị bom nổ vùi lấp cả người và xe, làm ngực tức, tai ù, máu mồm máu mũi trào ra, đồng chí vẫn không chịu nghỉ.
Tháng 3 năm 1968, đồng chí đang san lấp hố bom để giải phóng mặt đường, thì đơn vị ra lệnh ẩn nấp, vì có thông báo của cấp trên máy bay B.52 sắp đến oanh tạc vùng này. Trước tình hình có một đoàn xe 12 chiếc đang bị dồn lại vì tắc một đoạn đường, Vũ Tiến Đề đề nghị xin cho tiếp tục làm, và động viên mọi người cùng gảng sức khai thông đoạn đường cho đoàn xe 12 chiếc vượt qua trọng điểm an toàn trước khi máy bay B.52 đến oanh tạc.


Tháng 4 năm 1968, đoạn đường ở gần ngầm Tà Lê bị tắc, yêu cầu phải nhanh chóng sửa xong để giải phóng xe, Vũ Tiến Đề làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ trên mặt đường, mặc cho máy bay địch hoạt động bắn phá, lấp được 6 hố bom trên một đoạn đường dài hơn 1 ki-lô-mét, thông đường trước thời gian quy định.


Vừa công tác đạt hiệu suất cao, Vũ Tiến Đề vừa giữ gìn được xe máy tốt. Suốt 3 năm liền, chiếc xe đồng chí phụ trách không hề bị hỏng phải mang đi sửa chữa.


Đối với đồng đội, Vũ Tiến Đề nhiệt tình chỉ bảo, giúp đỡ hết lòng. Đồng chí bồi dưỡng cho 5 lái phụ trở thành những tay lái vững vàng về kỹ thuật. Có lần, một xe kéo pháo bị rệ ở giữa trọng điểm địch hay bắn phá, làm cho cả đoàn xe ùn tắc phía sau, lúc trời sấp sáng. Chỉ huy trường đơn vị đã ra lệnh cho dùng bộc phá hủy chiếc xe để giải phóng đường cho đoàn xe đi, nhưng Vũ Tiến Đề xung phong nhận đưa xe lên giúp đỡ kéo được xe và pháo đến chỗ an toàn, làm cho cả đoàn xe vượt qua trọng điểm trước khi máy bay địch đến bắn phá.


Qua nhiều năm công tác trên một tuyến đường của Đoàn 559, Vũ Tiến Đề nêu cao tinh thần dũng cảm, vượt mọi khó khăn nguy hiểm, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân đồng chí lấp được hơn 1.000 hố bom, đẩy được 30 quả bom nổ chậm trên mặt đường xuống vực, kéo được 70 xe ô tô gặp khó khăn phải để lại ở dọc đường.


Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 4 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 lần tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 2 năm là Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Vũ Tiến Đề được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2022, 08:05:08 pm »

ANH HÙNG TÔ QUANG LẬP


Tô Quang Lập, sinh năm 1943, dân tộc Kinh, quê ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ tháng 4 năm 1964. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội phó đại đội 1, tiểu đoàn 1 công binh, binh trạm 14, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày nhập ngũ, Tô Quang Lập làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đường số 20 A. Đoạn đường do đơn vị đồng chí bảo đảm thông xe, trong 4 năm bị địch đánh phá hơn 1.000 lần, ném xuống hàng vạn quả bom các loại, kết hợp với bắn rốc-két và đạn 20 mi-li-mét, có tháng, chúng phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Công tác nặng nhọc, vất vả và nhiều nguy hiểm, nhưng Tô Quang Lập luôn luôn gương mẫu bất kể lúc nào, hễ có lệnh là đồng chí dẫn đầu đơn vị xung phong sửa đường ngay, nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Trung bình hàng năm đồng chí công tác trên mặt đường hơn 300 đêm, thường những đêm đột xuất làm suốt 10 giờ liền, có tháng 30 đêm liên tục.


Từ tháng 7 năm 1967 đến tháng 11 năm 1968, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở ngầm Sô Ca Máng, nơi địch bắn phá ngày đêm, đồng chí thường để anh em làm việc ở chỗ cạn, dễ ẩn nấp khi có máy bay oanh tạc, còn mình đảm nhiệm đứng chỗ nước sâu. Những đêm rét buốt phải ngâm mình dưới nước 7, 8 tiếng đồng hổ để xếp đá, đồng chí vẫn vui vẻ, gương mẫu, tận tụy với công việc.


Địch ném nhiều loại bom để phá hoại đường và ngăn cản công việc sửa đường, nên có nhiều loại bom đồng chí chưa được học, nhiều lần chưa biết là loại bom gì, nổ ngay hay nổ chậm, không nắm được giờ an toàn của bom nổ chậm. Đồng chí vẫn dũng cảm đi vào giữa khu vực có nhiều bom, kiên nhẫn tìm bằng được cách phá. Nhiều lần đang tìm kiếm thì bom nổ ngay bên cạnh, Tô Quang Lập đã 5 lần bị bom nổ vùi lấp, nhưng sau khi được bới dậy, lại tiếp tục làm nhiệm vụ và động viên đồng đội cùng kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.


Đồng chí đã tháo, phá được 100 quả bom và hơn 200 mìn vướng nổ, mìn lá.


Riêng 4 tháng đầu năm 1969, Tô Quang Lập phá được 12 quả bom nổ chậm, 28 quả bom từ trường, 28 quả mìn vướng nổ và 100 mìn lá, góp phần cùng đơn vị bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.


Ở cương vị phụ trách tiểu đội, trung đội, đại đội, Tô Quang Lập quan tâm xây dựng đơn vị vững mạnh, bản thân gương mẫu đi đầu và chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm đường đạt năng suất cao, đảm bảo xe không phải chờ, đường ít khi bị tắc.


Tô Quang Lập đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 6 giấy khen, 12 bằng khen, được bầu là Chiến sĩ thi đua, được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Tô Quang Lập được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 06:54:31 am »

ANH HÙNG ĐỖ VĂN CHIẾN


Đỗ Văn Chiến sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 9 năm 1966. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung sĩ lái xe thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 101, binh trạm 31, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đỗ Văn Chiến là một chiến sĩ lái xe có ý chí kiên cường, có kỹ thuật chuyên môn vững vàng, tiêu biểu cho quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên mặt trận giao thông vận tải.


Đêm 21 tháng 12 năm 1967, tại ki-lô-mét 29 đường số 128, đoàn xe Đỗ Văn Chiến đang trên đường làm nhiệm vụ, bị máy bay địch oanh tạc, phải dừng xe sơ tán tìm nơi ẩn nấp. Thấy một xe bên cạnh chở đạn 37 mi-li-mét đang bị cháy, lửa bén vào một hòm đạn, đồng chí nhảy ngay lên xe giật hòm đạn đang cháy xuống, giữa lúc máy bay địch lao xuống bắn khắp xung quanh.


Cứu được hòm đạn ra, dập tắt lửa xong, thấy địch vẫn bắn vào chỗ xe đạn, trong lúc đó đằng sau ùn lại nhiều xe, Đỗ Văn Chiến lái ngay chiếc xe đã bị thủng két nước chạy lên phía trước, tìm nơi kín đáo ẩn nấp, mở đường cho đoàn xe phía sau vượt lên vừa lúc máy bay địch kéo đến đông, đánh rất dữ dội vào phía vừa có xe đạn cháy.


Đêm 6 tháng 12 năm 1968, đơn vị Đỗ Văn Chiến đang dừng xe trước ngầm 15 N thì bị máy bay địch oanh tạc trúng đội hình. Xe đồng chí đứng đầu, bị bom lân tinh đánh cháy "giàn mướp", sáng rựq cả một vùng. Nhanh trí, Đỗ Văn Chiến ra khỏi nơi trú ẩn, lái xe thẳng xuống ngầm làm cho nước văng mạnh lên dập tắt lửa và lân tinh ở "giàn mướp", cả đoàn, theo lệnh đồng chí trung đội phó, cùng hành động theo xe đi đầu, khi vượt qua khỏi ngầm thì bom bi, bom cháy địch đánh dữ dội ở phía sau.


Đêm 20 tháng 4 năm 1968, xe Đỗ Văn Chiến vừa qua trọng điểm ki-lô-mét 28 (đường số 128) thì bị địch đánh bom bi. Đồng chí bị đứt một ngón tay và bị thương vào đầu, đồng chí lái phụ bị xuyên vào cánh tay. Hai anh em bàn nhau cố gắng chịu đau, hiệp đồng sử dụng hai tay còn lại của hai người để vặn tay lái, đưa xe hàng vượt qua trọng điểm địch đang đánh phá được 4 ki-lô-mét thì Đỗ Văn Chiến ngất đi. Vết thương của đồng chí chưa thật khỏi, đội điều trị định đưa về tuyến sau, nhưng nghe tin đơn vị ở lại công tác mùa mưa, Đỗ Văn Chiến tha thiết xin ở lại công tác và góp phần hoàn thành kế hoạch vận chuyển mặc dù địch đánh phá ác liệt, dai dẳng và mưa lũ liên tục.


Với quyết tâm đưa hàng ra mặt trận phục vụ tốt nhất, đồng chí luôn luôn thực hiện vượt mức kế hoạch, liền trong 30 đêm chạy 33 chuyến, có đêm chạy 180 ki-lô-mét vượt bốn trọng điểm địch đánh phá ác liệt, bắn chặn, bắn đuổi theo xe, đường sá nhiều cầu, ngầm phức tạp, đạt kỷ lục cao nhất trên đoạn đường này.


Làm theo lời Bác Hồ dạy: "Yêu xe như con, quý xăng như máu", Đỗ Văn Chiến nêu cao tinh thần chăm sóc, bảo dưỡng xe, nên xe đồng chí thường được bình bầu là đầu xe 4 tốt.


Với đồng đội, Đỗ Văn Chiến thân ái giúp đỡ, khiêm tốn học tập, đoàn kết hỗ trợ lúc gian nguy, nhiều lần đồng chí dũng cảm cứu được xe bạn trong lúc địch đang đánh phá, nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, được mọi ngựời yêu mến,


Đỗ Văn Chiến đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba và 9 bằng khen, 6 giấy khen, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Đỗ Văn Chiến được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 06:55:08 am »

ANH HÙNG HÀ VĂN TƠ


Hà Văn Tơ, sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 6 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ tiểu đội trưởng lái xe thuộc đại đội 12, tiểu đoàn 51, binh trạm 34, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Được giao nhiệm vụ lái chính ở đại đội 12 trên đường Trường Sơn, suốt cuộc chiến tranh phá hoại, Hà Văn Tơ đã liên tục đưa hàng ra tiền tuyến, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Mùa khô năm 1968 - 1969, đơn vị Hà Văn Tơ phụ trách vận chuyển trên tuyến đường từ binh trạm 34 vào binh trạm 42, qua nhiều trọng điểm đèo dốc nguy hiểm, trời mưa lầy lội, địch cho máy bay khống chế trên không, có khi đổ biệt kích và thám báo hòng phá hoại dưới mặt đất. Xe đồng chí vẫn chạy liên tục cả mùa, vận chuyển 12.538 tấn/ki-lô-mét, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Với tinh thần hiệp đồng chiến đấu, lập công tập thể, Hà Văn Tơ đã 17 lần cứu xe đổ, xe bị bắn cháy của các đơn vị bạn trong những tình huống nguy hiểm.


Ngày 28 tháng 11 năm 1968, Hà Văn Tơ được lệnh đi công tác dài ngày chở chuyến hàng đặc biệt từ binh trạm 34 ra binh trạm 31, cùng đi có 2 xe con hộ tống và một số bộ đội bảo vệ. Đến ngầm, đoàn xe bị địch đánh vào giữa đội hình, Hà Văn Tơ bình tĩnh lái xe mình vượt qua điểm cao rồi trở lại giúp các xe khác. Một chiếc xe con sa xuống ngầm không đi được, Hà Văn Tơ một mặt động viên anh em ở trên xe xuống đẩy, một mặt lái xe to đến kéo vượt được ngầm, giải quyết được việc ùn tắc đoạn đường cho cả phía sau trong lúc địch đang đánh phá. Đến trọng điểm, máy bay C.130 địch lại đến bắn xả vào đội hình, đường vừa dốc vừa hẹp, rất khó tránh. Hà Văn Tơ xử trí nhanh chóng linh hoạt, cho bộ đội trên xe sơ tán, còn mình dũng cảm lái xe vượt trước đến chỗ giấu an toàn. Địch đánh liên tục từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, bắn hỏng một xe nằm ở giữa ngầm, cản trở toàn bộ cuộc hành quân. Địch vừa ngớt đánh phá, đồng chí nhanh chóng đến kéo xe của bạn vượt qua ngầm. Khi đang kéo, máy bay địch lại đến đánh phá hỏng một xe con trong đoàn và một xe tải của đơn vị bạn, hai lái xe và một số anh em khác bị thương. Hà Văn Tơ kịp thời cho xe dẹp vào bên đường để cho các xe khác vượt trước và chuyển 5 thương binh vào trạm phẫu thuật gần nhất. Trong chuyến hành quân 15 ngày này, địch đã 12 lần đánh vào đội hình đơn vị, nhưng với tinh thần trách nhiệm chung, Hà Văn Tơ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và giúp đỡ đồng đội chở hàng đặc biệt tới đích an toàn, vượt thời gian quy định. Trên đường trở về, chở 1 chuyên hàng đầy đủ trọng tải, bị địch đánh phá cả bom cháy, bom bi, bom vướng nổ, đồng chí đã mưu trí vượt qua được. Mặc dù trời đã sáng, Hà Văn Tơ dũng cảm chạy xe ban ngày thêm 8 ki-lô-mét đến ngầm, cứu được một xe của đơn vị bạn nằm hỏng ở đó.


Tháng 4 năm 1969, lần đầu tiên địch thả bom TN (từ trường) công binh đã phá gỡ nhưng địch đánh đi đánh lại nhiều lần, mặt đường bị cày xới, không sao phát hiện được hết bom. Sau 4 đêm bị tắc đường, binh trạm chủ trương cho một xe đi trước để kiểm tra đoạn đường trước khi cho thông xe. Hà Văn Tơ tự nguyện nhận nhiệm vụ đó. Ba lần bom TN nổ, làm đồng chí ngất đi, nhưng khi tỉnh lại, Hà Văn Tơ vẫn bám chặt vành tay lái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.


Hà Văn Tơ còn quan tâm bồi dưỡng lái phụ xe mình trở thành người lái chính vững vàng. Đồng chí chân thành đoàn kết, giúp đỡ mọi người, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tôn trọng và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, được mọi người tín nhiệm và yêu mến.


Hà Văn Tơ đã được công nhận là tiểu đội trưởng gương mẫu, đạt danh hiệu dũng sĩ vạn tấn/ki-lô-mét, dũng sĩ Trường Sơn gang thép. Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công, hạng ba, 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua, 2 năm là Chiến sĩ Quyết thắng, được khen thưởng 6 bằng khen, 2 giấy khen.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Hà Văn Tơ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6599



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 06:55:52 am »

ANH HÙNG KHÚC VĂN LƯỢNG


Khúc Văn Lượng, sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 4 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, trung đội trưởng lái xe thuộc đại đội 10, tiểu đoàn 781, binh trạm 14, Đoàn 559, đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam.


Hoạt động hơn 1.000 ngày đêm trên tuyến đường Trường Sơn, Khúc Văn Lượng trực tiếp lái xe, chở 46.000 tấn/ki-lô-mét, đạt cung độ, số chuyến trong tháng cao nhất. Trong đợt tổng công kích mùa khô 1967 - 1968, đồng chí đạt mức 26 chuyến/tháng (định mức đề ra là 15 chuyến/tháng).


Khi làm cán bộ chỉ huy, Khúc Văn Lượng mưu trí, linh hoạt, dũng cảm, táo bạo, nắm chắc quy luật hoạt động của địch, ngày đêm bám đường, bám đơn vị góp phần lãnh đạo và chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.


Mùa khô năm 1967 - 1968, một lần bị địch đánh bom lân tinh lửa cháy lan vào buồng lái, mặc dù chung quanh bom bi, bom phá đang nổ Khúc Văn Lượng bình tĩnh nhanh chóng dập tắt lửa rồi lái xe vượt qua đoạn đường nguy hiểm. Bị máy bay địch đuổi theo đánh phá, đồng chí mưu trí lừa địch làm lạc hướng chúng, rồi lái xe vào chỗ ẩn nấp an toàn.


Tháng 10 năm 1968, trong khi Khúc Văn Lượng vượt trọng điểm, một loạt bom tọa độ nổ ngay phía sau xe. Phán đoán xe sau bị thiệt hại, đồng chí cho xe vượt lên vào chỗ ẩn nấp kín đáo rồi chạy bộ quay lại. Quả nhiên xe đi sau bị trúng bom, 2 đồng chí lái bị thương. Trời đã sáng, máy bay địch còn khống chế, Khúc Văn Lượng tận tình cùng phối hợp giải quyết cho anh em suốt ngày, đến đêm lại tiếp tục lái xe đi ngay để đảm bảo kế hoạch vận chuyển.


Tháng 11 năm 1968, trên đường đi chi viện cho binh trạm 12, đoàn xe đơn vị Khúc Văn Lượng vừa đến trọng điểm thì bị máy bay B.52 tới đánh phá làm cho một số xe bị hỏng, đồng chí dũng cảm tranh thủ thời gian giữa các đợt oanh tạc của địch, ra mặt đường sửa chữa xe. Nhiều anh em làm theo Khúc Văn Lượng, nhờ đó đơn vị hoàn thành kế hoạch chi viện cho binh trạm 12. Khi được điều sang vận chuyển trên đường số 20 Khúc Văn Lượng cũng thường xuyên xung phong đi đầu đội hình vượt qua trọng điểm. Một lần, sau khi xe đồng chí vừa qua ki-lô-mét 68 thì B.52 ném bom phía sau. Phán đoán có thể đơn vị bị thương vong, Khúc Văn Lượng dừng xe, quay lại, kịp thời cùng đơn vị giải quyết chu đáo công tác thương binh, tử sĩ, sau đó tiếp tục lái xe đi nhận hàng.


Tháng 4 năm 1969, đơn vị Khúc Văn Lượng được điều vào vận chuyển cung đường mới. Lúc này đồng chí là cán bộ phụ trách 1 trung đội xe, nhưng vì thiếu lái, đồng chí vẫn trực tiếp lái một xe. Nhiều lần bị địch đánh vào đội hình, Khúc Văn Lượng vẫn bình tĩnh giữ vững tay lái và chỉ huy, lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Có lần, cả đoàn xe ùn lại vì phía trước có bom từ trường. Máy rà phá bom không có. Chiếc xe đi đầu bị bom nổ, hất sang bên đường, đồng chí lái bị thương. Không do dự, Khúc Văn Lượng tự mình lái xe chạy trước phá bom để thông đường cho toàn đơn vị. Đồng chí bị bom nổ làm ngất đi, nhưng khi tỉnh dậy lại tiếp tục lái xe đi trước, mở đường giải phóng đoàn xe 40 chiếc chở đầy hàng bị ùn tắc ở trọng điểm.


Khúc Văn Lượng là một cán bộ gương mẫu, hết lòng thương yêu chiến sĩ, tận tình giúp đỡ mọi người, quên minh vì đồng đội, chăm lo xây dựng đơn vị thành một tập thể kiên cường. Đồng chí nêu gương thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Yêu xe như con, quý xăng như máu", hết sức tiết kiệm nguyên vật liệu, thu nhặt từng chi tiết phụ tùng, được mọi người tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 năm liền là Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ Quyết thắng.


Ngày 22 tháng 12 năm 1969, Khúc Văn Lượng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM