Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:39:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 3  (Đọc 5487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 09:41:02 am »

ANH HÙNG LÊ VĂN BAN


Lê Văn Ban, sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tĩnh Quảng Trị, tham gia dân quân năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.


Xuất thân từ một gia đình nghèo ở vùng ven biển, chuyên đi đánh cá thuê từ nhỏ, Lê Văn Ban vốn quen sông nước, lại có tinh thần hăng hái chống Mỹ, cứu nước, nên sau   khi vào dân quân, đồng chí thường xung phong đảm nhận những công tác khó khăn nguy hiểm nhất trong việc vận chuyển hàng hóa trên sông Bến Hải.


Do địch đánh phá ngày càng ác liệt, một số thuyền bị đắm, số khác bị địch bẳt, nhiều xã viên do dự, bỏ lưới buông chèo. Lê Văn Ban tự nguyện xung phong cùng tổ đi đánh cá ngoài khơi 2 năm liền, năm nào cũng là người đạt số ngày công cao nhất hợp tác xã (từ 250 tới 280 ngày công).


Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt đảo Cồn Cỏ và bao vây hòng cắt đứt liên lạc giữa đảo với đất liền. Nhiệm vụ tiếp tế cho đảo rất cấp bách mặc dù đó là việc hết sức nguy hiểm. Đáp lời kêu gọi của chi bộ, Lê Văn Ban xung phong vào đoàn thuyền tiếp tế cho Cồn Cỏ.


Ba chuyến đầu, làm thủy thủ, đồng chí cùng tất cả anh em bình tĩnh, dũng cảm, tìm cách tránh bom đạn địch, vượt được vòng vây, tới đảo an toàn. Chuyến thứ tư, một thuyền trong đoàn bị mất tích sau một trận chiến đấu ác liệt, Lê Văn Ban được cấp trên giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng. Đồng chí đi sát anh em, động viên mọi người giữ vững quvết tâm, đồng thời tích cực chuẩn, bị mọi mặt đi 3 chuyến tiếp theo ra đảo an toàn, chuyến thứ 7, sau khi làm xong nhiệm vụ, trên đường trở về, thuyền gặp 3 chiếc tàu tuần tiễu của đich vây chặn ráo riết, bắn phá mãnh liệt. Biết không thể nào vượt vây được, Lê Văn Ban động viên anh em bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu. Sau một hồi đánh trả địch quyết liệt, thuyền bị trúng đạn, thủng mấy chỗ, nước ùa vào, có nguy cơ bị đắm giữa biển khơi. Đồng chí bình tĩnh một mặt chỉ huy các bộ phận tát nước, bịt lỗ thủng, chiến đấu với địch, mặt khác trực tiếp giữ tay lái, vừa đưa thuyền vượt tránh lửa đạn địch, vừa chống lại sóng to, gió lớn của đợt gió mùa đông bắc đột nhiên ập tới. Suốt 3 giờ liền, mở 5 lượt tiến công bằng mọi cách không kết qua, lại thấy thời tiết ngày càng xấu, tàu địch đành chịu rút lui. Sóng gió càng to, trời tối mù mịt, thuyền Lê Văn Ban bị lạc hướng, sáng hôm sau mới biết bị giạt sâu vào vùng biển miền Nam. Đồng chí vừa giữ tay lái, vừa thảo luận với anh em kế hoạch chiến đấu khi gặp địch rồi táo bạo cho thuyền vào bờ để chữa và tìm mua lương thực. Rất may mắn đây là vùng giải phóng, Lê Văn Ban được bà con địa phương giúp đỡ tận tình mọi phương tiện cho thuyền trở ra miền Bắc.


Về đến đơn vị, Lê Văn Ban lại xung phong đi tiếp 5 chuyến nữa ra Cồn Cỏ rồi mới về địa phương và trung đội dân quân của mình.


Lê Văn Ban được vinh dự kết nạp vào Đảng ngay sau trận chiến đấu quyết liệt với địch, chiến thắng trở về và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Lê Văn Ban được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2022, 09:41:51 am »

ANH HÙNG LÊ ĐĂNG TỚI


Lê Đăng Tới, sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội trưởng dân quân, xã Quỳnh Vinh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, (từ năm 1958 đến năm 1961) Lê Đăng Tới đã hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương.


Là trung đội trưởng dân quân, Lê Đăng Tới góp phần tích cực xây dựng đơn vị dân quân từ kém trở thành tiên tiến 4 năm liền (1962 - 1965), chỉ huy đơn vị phối hợp với bộ đội chiến đấu anh dũng trên 50 trận với máy bay Mỹ, có trận liên tục 6 giờ liền, như trận cầu Đông Sát, ga Hoàng Mai, bom rơi xung quanh trận địa, Lê Đăng Tới vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu và kịp thời động viên, củng cố tinh thần cho anh em trong đơn vị.


Suốt thời gian cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Lê Đăng Tới còn phụ trách bảo đảm giao thông liên lạc giữa hai bên bờ sông, không để bị gián đoạn. Mỗi khi địch đánh đứt đoạn dây bên kia sông, đồng chí xung phong chèo thuyền qua nối. Cán bộ cần đi lại hoạt động, Lê Đăng Tới chèo thuyền xung phong chở cán bộ đi về.


Trong việc cứu, chuyển hàng quân sự và phục vụ chiến đấu, đồng chí cũng lập được nhiều thành tích xuất sắc.


Năm 1965, Lê Đăng Tới chỉ huy đơn vị đào trận địa suốt đêm phục vụ cho pháo binh, nhiều đêm làm đến sáng dưới trời mưa tầm tả. Có lần pháo chưa kéo hết vào trận địa thì máy bay địch đến bắn phá, đồng chí động viên anh em ở lại tiếp đạn, phục vụ bộ đội chiến đấu luôn không nghỉ.


Ngày 9 tháng 5 năm 1965, một toa chở xăng trong đoàn tàu chở hàng ở ga Hoàng Mai bị địch bắn trúng, bốc cháy. Mặc cho máy bay địch gầm rú bắn xuống xối xả, Lê Đăng Tới vẫn chỉ huy dân quân xông vào cắt toa tàu, dập lửa, bốc hàng. Đồng chí tháo được toa xăng cháy và cùng anh em đẩy ra xa đoàn tàu để đánh lạc hướng địch. Dù đã bị bỏng hai chân và cháy sém đầu, tóc, mặt, mũi, Lê Đăng Tới vẫn cùng anh em liên tiếp xông vào bốc hàng, cứu được 7 toa quân trang và vũ khí, trong đó có 4 toa đang cháy dở.


Cuối năm 1965, địch càng đánh phá ác liệt ga Hoàng Mai. Xã giao cho Lê Đăng Tới phụ trách một tổ 17 người làm nhiệm vụ xung kích bốc hàng tại ga. Công tác nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm, có đợt làm 12 đếm liền không nghỉ. Đêm nào Lê Đăng Tới cũng chuyển được từ 3,5 đến 4 tấn hàng. Có lúc phải chuyển gấp 3 nghìn tấn hàng ngay trong Tết âm lịch, tổ đồng chí cũng làm xong trước thời gian.


Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ, Lê Đăng Tới còn là một xã viên gương mẫu trong sản xuất, là một trong số những người đạt ngày công sản xuất cao nhất hợp tác xã. Trong năm 1965, đồng chí đã đạt 570 ngày công.


Trung đội dân quân do Lê Đăng Tới phụ trách còn xung phong sản xuất ở những vùng địch hay bắn phá. Bà con lúc đầu sợ, bỏ ruộng, sau thấy anh em làm được cũng lần lượt ra làm theo, cuối cùng 32 mẫu ruộng ở vùng trọng điểm khó khăn đều được cấy hai vụ và thu hoạch tốt.


Lê Đăng Tới là một cán bộ dân quân chiến đấu dũng cảm, sản xuất gương mẫu, lập nhiều thành tích trong công tác, được toàn thể chi bộ, dân quân du kích và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Lê Đăng Tới được Chủ tịch nước. Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:32:04 am »

ANH HÙNG LÝ A COỎNG


Lý A Coỏng (tức Lý Vĩnh Phớc), sinh năm 1924, dân tộc Dao, quê ở xã Thanh Y, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chính trị viên xã đội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà nghèo, bố mẹ chết sớm, ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Lý A Coỏng đã tích cực giúp đỡ cán bộ về xây dựng cơ sở ở địa phương. Hòa bình lập lại, đồng chí làm giao thông của xã, xã đội trưởng, công an xã rồi sau đó làm chính trị viên xã đội.


Với lòng yêu quê hương bản làng tha thiết, căm thù đế quốc và bè lũ tay sai phản động, Lý A Coỏng luôn luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên  quyết trấn áp bọn phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, cùng với cán bộ địa phương ra sức xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng dân quân, các đoàn thể quần chúng, vận động, tổ chức nhân dân đi vào làm ăn tập thể theo lối canh tác mới, bài trừ mê tín, dị đoan, tăng cường trị an quốc phòng ở xã biên giới.


Tháng 12 năm 1965, tên Vòng Ốn cầm đầu một toán đặc vụ Tưởng, nhảy dù xuống vùng biên giới phía Bắc nước ta, liên lạc với bọn phản động thổ phỉ nội địa, âm mưu hoạt động phá hoại. Chúng đến xã Đầm Hà, bắn chết một dân quân, bắn bị thương xã đội phó. Lý A Coỏng đang dự hội nghị trên huyện, được tin liền xin về ngay, tổ chức lực lượng bao vây và truy lùng bọn phỉ. Qua 2 ngày, 2 đêm truy lùng, đồng chí bắt được tên toán trưởng trong hang đá với 1 súng ngắn, toàn bộ trang bị, tài liệu, 50.000 đồng và 7 thỏi vàng. Trên đường bị giải về huyện, tên Vòng Ốn dùng lời lẽ phản động và tiền bạc hòng mua chuộc đồng chí, nhưng hắn đã thất bại trước tinh thần kiên quyết của người cán bộ cách mạng.


Năm 1957, tên phản động Chín Sồi Tẳc - tên mật thám trước kia của Pháp cài lại - tổ chức hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chính sách của ta, mưu toan giết cán bộ, dọa nạt cưỡng bức nhân dân theo chúng. Hắn bị Lý A Coỏng tổ chức bắt sống, nhưng khi giải đi, tên này ngoan cố chạy trốn nên bị dân quân truy lùng bắn chết.


Tháng 5 năm 1959, tên Chín Sồi Thống cầm đầu 50 tên phản động gây bạo loạn, giết cán bộ, cướp súng của dân quân. Chúng hoạt động gắt gao, chốt chặt các nẻo đường, bao vây, ép buộc vợ và mẹ Lý A Coỏng phải đi kêu gọi đồng chí về theo chúng. Nhưng Lý A Coỏng kiên trì giải thích, động viên các anh em dân quân và gia đình, tổ chức lực lượng kiên quyết chiến đấu chống bọn phản động. Khi bộ đội và cán bộ cấp trên về, Lý A Coỏng bàn kế hoạch phối hợp cùng tiễu phỉ, diệt trừ bọn đầu sỏ ngoan cố, kêu gọi bọn còn lại ra đầu thú và giải thích cho nhân dân yên tâm, hăng hái sản xuất.


Đi đôi với việc trấn áp bọn phản động, dẹp bạo loạn, Lý A Coỏng cùng cán bộ địa phương tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng, tổ chức cho dân quân học tập chính trị và huấn luyện quân sự tốt.


Năm 1960, khi có chủ trương xây dựng hợp tác xã, Lý A Coỏng gương mẫu, xung phong đưa gia đình vào hợp tác xã trước rồi tích cực vận động được 21 gia đình khác cùng vào làm nòng cốt cho phong trào. Lý A Coỏng còn chủ động đi đến các xã bạn học tập kinh nghiệm sản xuất đem về phổ biến và vận động dân quân làm trước để lôi cuốn bà con làm theo, do đó năng suất lúa tăng lên rõ rệt, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng, Lý A Coỏng còn vận động bà con đào mương, cải tạo đồng ruộng đế cấy được hai vụ, đào ao thả cá, trồng cây, bảo vệ rừng, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, học văn hóa, bỏ dần đến chỗ xóa hẳn các tục lệ lạc hậu mê tín dị đoan, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc trong bản làng và với các xã bạn.


Lý A Coỏng luôn luôn gương mẫu, tận tụy trong mọi mặt công tác, thường xuyên chăm lo xây dựng dân quân vững mạnh toàn diện, xây dựng bản làng ngày một đổi mới, bản thân khiêm tốn, giản dị, được bà con tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, nhiều lần được cấp trên tặng giấy khen, được đi dự Đại hội dân quân miền núi và là Chiến sĩ thi đua năm 1959.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Lý A Coỏng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:32:40 am »

ANH HÙNG GIÀNG LAO PÀ


Giàng Lao Pà, sinh năm 1919, dân tộc H’mông, quê ở xã Sín Hồ Sán, huyện Bắc Hà, tinh Lao Cai, tham gia cách mạng từ năm 1945. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là xã đội trưởng xã Sín Hồ Sán,  đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ năm 1946 đến năm 1954), bọn phản động và thổ phỉ nhiều lần nổi loạn ở Sín Hồ Sán giết người, cướp của, phá hoại phong trào ở địa phương. Qua bao thử thách gian khó, hiểm nguy, Giàng Lao Pà vẫn một lòng trung thành với cách mạng, kiên trì bám dán, xây dựng cơ sở, đưa cán bộ về hoạt động, dẫn đường, phối hợp cùng bộ đội tiễu phỉ... Trong chiến đấu, đồng chí tỏ ra bình tĩnh, dũng cảm.


Tháng 5 năm 1951, địch đến bất ngờ, Giàng Lao Pà chỉ huy 12 dân quân chiến đấu kiên cường suốt từ sáng tới 3 giờ chiều, đánh lui cuộc tiến công của 300 tên phỉ ra khỏi phố Xi-ma-cai, giết tên chỉ huy của chúng.


Tháng 3 năm 1954, 30 tên phỉ tập kích hòng cướp kho thóc của Chính phủ, Giàng Lao Pà chỉ huy 8 dân quân chiến đấu từ 2 giờ chiều qua suốt đêm tới 6 giờ sáng hôm sau, giữ kho thóc không hề suy chuyển, cuối cùng địch phải rút chạy.


Tính từ năm 1946 đến năm 1954, Giàng Lao Pà đã chỉ huy đơn vị, thuyết phục, vận động được 606 tên phỉ ra hàng, thu hơn 220 súng. Riêng đồng chí gọi hàng được 350 tên, thu 200 súng.


Từ năm 1954 đến khi được tuyên dương anh hùng, Giàng Lao Pà đã góp nhiều thành tích xây dựng đội ngũ dán quân vững mạnh, có chất lượng tốt, làm nòng cốt cho phong trào ở địa phương. Đồng chí có sáng kiến đề đạt với huyện đội tổ chức một hệ thống trinh sát liên hoàn ở 10 xã trong huyện Bác Hà, nhờ đó mọi hoạt động của bọn phỉ, bọn buôn lậu, trộm cắp ở địa phương đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tính từ năm 1954 đến năm 1963, dân quân xã đã bắt và gọi hàng được 17 tên phỉ, trong đó có 3 tên đầu sỏ người Hoa lén lút hoạt động phá hoại, bắt được 7 vụ trộm cướp, 20 vụ vượt biên giới và nhiều vụ buôn lậu.


Hơn 30 năm tham gia công tác dân quân, trong đó có 25 năm phụ trách xã đội trưởng, Giàng Lao Pà luôn luôn nêu cao tinh thần tận tụy, bền bỉ, tích cực công tác, góp nhiều thành tích xây dựng đội ngũ dân quân xã vững mạnh, tăng cường trị an và quốc phòng ở xã biên giới.


Ngoài thành tích chiến đấu, đồng chí còn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực vận động đồng bào các dân tộc trong xã ở rẻo cao xuống thấp làm ruộng, vào hợp tác xã làm ăn tập thể, vận động đồng bào H’mông không buôn, không hút thuốc phiện. Đồng chí có nhiều uy tín trong nhân dân, có tác dụng lớn trong việc đoàn kết các dân tộc trong xã.


Giàng Lao Pà đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 12 bằng khen và giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Giàng Lao Pà được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:33:12 am »

ANH HÙNG SÙNG DÚNG LÙ


Sùng Dúng Lù, sinh năm 1926, dân tộc H’mông, quê ở xã Văn Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tham gia dân quân từ năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là xã đội trưởng xã Văn Chải, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Sùng Dúng Lù đã đóng góp nhiều thành tích xây dựng dân quân, tiễu phỉ trừ gian, bảo vệ địa phương. Từ năm 1959, với cương vị xã đội trưởng, Sùng Dúng Lù đã đề cao tinh thần trách nhiệm cùng cán bộ địa phương lập thành tích tốt trong việc xây dựng đội ngũ dân quân vững mạnh, từ 18 người phát triển lên 47 người, có chất lượng tốt, huấn luyện khá, sẵn sàng chiến đấu cao, thường xuyên hoạt động đảm bào cho bản, xã được an toàn, góp phần củng cố an ninh và quốc phòng vùng biên giới. Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương về kết hợp sản xuất với huấn luyện quân sự, Sùng Dúng Lù đã động viên được phong trào dân quân vừa sản xuất tốt, vừa tham gia học tập chính trị, huấn luyện quân sự đầy đủ.


Tháng 11 năm 1959, 38 tên phỉ kéo đến xã, chúng giết người, cướp của rồi đóng lại trong xã, tuyên truyền nói xấu chế độ, xuyên tạc chính sách của Đảng và Chính phủ. Nhiều gia đình sợ hãi bỏ chạy vào rừng, chính quyền xã lúc đó bị bọn phỉ khống chế. Trước tình hình đó, Sùng Dúng Lù kiên quyết chỉ huy một số dân quân ở lại bám dân, theo dõi hoạt động của phỉ rồi bí mật lên huyện báo cáo và dẫn đường đưa bộ đội về phối hợp với dân quân diệt phỉ. Sau đó, đồng chí vào rừng vận động đưa các gia đình trở về bản làm ăn.


Tên Vàng Vạn Ly cầm đầu toán phỉ trốn thoát, vì nó có nhiều tội ác với nhân dân, lại vẫn lén lút hoạt động chống phá cách mạng, nên huyện đội giao nhiệm vụ cho đồng chí phải tìm mọi cách tiêu diệt. Suốt nửa tháng, Sùng Dúng Lù len lỏi trong rừng, theo dõi tìm dấu địch, đồng thời kiên trì phát động tư tưởng vợ và con dâu nó, giải thích đường lối chính sách của Đảng cho gia đình nó hiểu, từ đó mà lần tìm ra chỗ ẩn náu của nó trong rừng. Khi biết rõ tên này đang trốn trong một cái hang, Sùng Dúng Lù cho dân quân vây chặt hang để diệt nó nhanh gọn và chắc chắn. Nhưng tin vào chính nghĩa nhất định thắng, đồng chí quyết định một mình đi vào hang thuyết phục tên trùm phỉ, vì không những có thể lôi kéo được cả tay chân của nó ra hàng, mà còn đảm bảo an ninh trật tự lâu dài cho địa phương. Lúc đầu, tên này rất ngoan cố định giết đồng chí. Nhưng sau thấy thái độ kiên trì, bình tĩnh, không hề sợ hãi và lời lẽ giảng giải, thuyết phục từ sáng đến chiều của Sùng Dúng Lù, hắn nghe ra lẽ phải, dẫn theo 3 tên phỉ nữa ra hàng, nộp 7 súng trường và một số đạn. Từ đó, bản làng yên vui, nhân dân yên tâm phấn khởi, kéo nhau trở về bản làm ăn.


Ngoài thành tích chiến đấu, Sùng Dúng Lù còn rất gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực vận động bà con các dân tộc đoàn kết, làm ăn tập thể trong hợp tác xã.


Sùng Dúng Lù đi đầu toàn xã trong việc thực hiện chủ trương định canh định cư đưa người H’mông xuống thấp sản xuất, áp dụng những kinh nghiệm canh tác của đồng bào miền xuôi, đưa năng suất lúa lên cao. Khi được gặt, đồng chí gọi nhân dân trong bản xuống xem ruộng lúa dưới thấp của mình. Mọi người thấy đúng là tốt hơn lối canh tác cũ trên rẻo cao, nên thực sự tin tưởng và noi gương đồng chí. Đời sống nhân dân được no đủ hơn, xã Văn Chải không còn phải mua thóc Nhà nước (từ năm 1963 trở về trước, mỗi năm xã phải mua hơn 6 tấn thóc Nhà nước).


Sùng Dúng Lù là người có uy tín đối với đồng bào trong xã, gương mẫu trong mọi công tác, nên có tác dụng lớn trong việc xây dựng khối đoàn kết các dân tộc ở địa phương.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba và 4 bằng khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Sùng Dúng Lù được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:33:59 am »

ANH HÙNG ĐẶNG VĂN ĐÀI


Đặng Văn Đài, sinh năm 1923, dân tộc Kinh, quê ở khu phố 2, thành phố Vinh, tinh Nghệ An, công tác ở xưởng quân giới từ năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Phó quản đốc phân xưởng sửa chữa xe thuộc trạm sửa chữa Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Đài luôn luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực, bền bỉ, làm việc khẩn trương, nâng cao hiệu suất công tác. Ngoài việc chính là thợ nguội, đồng chí còn học thêm về phay và bào, đi sâu nghiên cứu kỹ thuật, phát huy hàng chục sáng kiến có giá trị cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm như: làm van cáp cánh đuôi đạn ĐKZ, cối 120 mi-li-mét, chế tạo dụng cụ ren gai ốc, làm bằng mặt cổ lựu đạn, tăng năng suất 200%; sáng chế dụng cụ đột lỗ thoát hơi kim hỏa lựu đạn (trước phải dùng cưa), tăng năng suất 400%.


Cuối năm 1953, sau khi ra nước ngoài học tập sửa chữa ôtô, Đặng Văn Đài về nước công tác ở trường lái xe Tiến Bộ. Trong 2 năm 1956 - 1957, đồng chí đã phát huy nhiều sáng kiến có giá trị: tận dụng nguyên vật liệu cũ, hỏng làm đầu con quay chia điện, chữa đĩa hoa mai dùng cho 5 xe GMC chạy được; làm một bàn rà trơn cho máy, sửa chữa trung tu xong mỗi xe tiết kiệm được 10 lít xăng, phục vụ tốt kế hoạch huấn luyện của trường.


Từ năm 1958 đến năm 1967, Đặng Văn Đài công tác ờ trạm sửa chữa xe Quân khu 4, đồng chí luôn luôn gương mẫu, tận tụy trong công tác, phát huy 30 sáng kiến có giá trị, tạo ra những dụng cụ, máy móc để tự trang, tự chế, tăng năng suất lao động:

- Làm được một thùng bơm dầu dùng để tra dầu vào các hộp số, tăng năng suất 500%.

- Cải tiến một máy bơm nén hơi để sơn xe, tiết kiệm mỗi tháng từ 100 đến 120 lít xăng, so với trước phải dùng máy nén hơi của xe công trình.

- Chế tạo được dụng cụ chế hòa khí, tháo ốc đường xăng chính rút từ 3, 4 giờ xuống 10 phút.

- Cải tiến việc tháo ốc gáy ở trục bánh xe, vừa bảo đảm kỹ thuật, vừa rút ngắn thời gian từ 2 giờ xuống 15 phút.

- Làm khuôn đúc hàng loạt nút số lùi của xe hơi, cung cấp cho các đơn vị xe trong quân khu.

- Sáng chế một máy cưa, bào, soi rãnh liên hoàn giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất 800%, tiết kiệm mỗi năm hàng ngàn đồng cho công quỹ.

- Sáng chế một dụng cụ vừa cắt vừa ép đầu đinh nhôm, tăng năng suất 100%, phục vụ cho việc sửa chữa kịp thời các xe hỏng phanh chân và phanh tay ở chiến trường đưa về.

- Sáng kiến làm một dụng cụ uốn lò xo để chữa phanh hộp của loại xe Gát 51, tăng năng suất 1.500%, đảm bảo kỹ thuật.

- Làm được một máy ren răng ốc các loại đinh ốc từ 8 mi-li-mét đến 16 mi-li-mét, tăng năng suất 400%.

- Cải tiến máy mài trụ bi đầu gối có tốc độ 10.000 vòng quay trong một phút, tăng năng suất 400%, giải quyết được khó khăn chung cho ngành xe quân đội lúc đó.


Năm 1965, có lần xưởng bị máy bay địch oanh tạc, Đặng Văn Đài dũng cảm dẫn đầu một số anh em đến dập tắt lửa, bào vệ được 5 xe không bị cháy.


Suốt 20 năm phục vụ trong quản đội (tính đến ngày được tuyên dương anh hùng), Đặng Văn Đài nêu gương sáng về tinh thần tận tụy công tác, dám nghĩ, dám làm, khó khăn không nản chí, luôn luôn nêu cao ý thức tập thể, tính tổ chức kỷ luật, tình thương yêu đồng đội, tác phong khiêm tốn, hòa nhã, cởi mở, giản dị.


Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng ba, 10 bằng khen, 10 giấy khen, được bầu là Chiến sĩ thi đua của xưởng 10 năm liền.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Đặng Văn Đài được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:34:42 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN DẬU


Nguyễn Văn Dậu, sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Thị Cầu, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc, trú quán tại xã Lương Phong huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc, công tác ở ngành quân giới từ tháng 9 năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là tổ trưởng kỹ thuật Nhà máy Z.2,
Cục Quân giới, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Suốt 20 năm (tính đến ngày được tuyên dương anh hùng), phục vụ trong các xưởng quân giới, Nguyễn Văn Dậu luôn luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, nhiệt tình, hăng hái, tận tụy trong nhiệm vụ sản xuất và sửa chữa vũ khí cung cấp cho bộ đội chiến đấu. Đồng chí rất say sưa nghiên cứu, phát huy nhiều sáng kiến, tăng năng suất không ngừng, bảo đảm chất lượng tốt, tiết kiệm nguyên vật liệu, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến trường. Nguyễn Văn Dậu góp phần giải quyết được nhiều khó khăn về sản xuất của các xưởng quân giới trong cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần vào thắng lợi chung của bộ đội ta ngoài tiền tuyến.


Nguyễn Văn Dậu có sáng kiến làm dụng cụ để đo khi tiện măng-sông đạn AT, tăng năng suất 25%, nghiên cứu dùng dao hình tiện đầu kim hỏa súng trường, tăng năng suất 50%; dùng bạc cặp để chỉnh tâm của máy tiện, tăng năng suất 50%.


Hòa bình lập lại, điều kiện làm việc, học tập có thuận lợi hơn, càng hăng hái đi sâu nghiên cứu nghiệp vụ, phát huy nhiều sáng kiến đưa năng suất tăng nhanh, sản phẩm đạt chất lượng tốt.


Năm 1956, Nguyễn Văn Dậu có sáng kiến tiện bạc đồng ở chân pháo, giảm được thời gian chế tạo một chiếc, từ 8 giờ xuống 5 giờ 30 phút. Năm 1959, đồng chí bố trí hợp lý hóa việc khoan kim hỏa súng trường Mát (Mas), tăng năng suất 50%.


Nguyễn Văn Dậu còn tận dụng những mẩu thép bỏ đi để làm những mẫu dao tiện thích hợp, nâng cao được tốc độ gọt, cắt của máy tiện, giảm được một nửa thời gian quy định làm ra một sản phẩm. Sáng kiến của đồng chí chế tạo máng rãnh, gá trên máy mài để cặp "chày" hình cung được tròn đã rút ngắn được thời gian 4 phút xuống nửa phút, bảo đảm độ chính xác cao. Năm 1964, Nguyễn Văn Dậu góp phần quan trọng cùng ban tiện của nhà máy sửa chữa 3 triệu viên đạn Tuyn (Tulle), rút ngắn được 2 phần 3 thời gian, cung cấp kịp thời cho chiến trường.


Năm 1965, Nguyễn Văn Dậu đề ra sáng kiến lắp một lưỡi cưa trên máy tiện, rồi lại cải tiến lắp trên máy đánh bóng để cưa miếng gỗ chèn đạn cối 82 mi-li-mét, đưa năng suất tăng gấp 10 lần, giải quyết được một khó khăn lớn của phân xưởng, bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch.


Ngoài tinh thần gương mẫu, tận tụy trong công tác, phát huy nhiều sáng kiến có giá trị, Nguyễn Văn Dậu còn chú ý bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ công nhân trẻ, đồng chí luôn luôn đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sống khiêm tốn giản dị, được mọi người tin yêu, mến phục.


Nguyễn Văn Dậu đã được Bác Hồ tặng một áo lụa, được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Lao động hạng ba, 33 bằng khen và giấy khen, 10 năm là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Văn Dậu được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 07:35:26 am »

ANH HÙNG LÂM VĂN LÍCH


Lâm Văn Lích, sinh năm 1932, dân tộc Hoa, quê ở xã Định Thành, huyện Giá Rai, tình Minh Hải, nhập ngũ tháng 10 năm 1949. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại úy, lái máy bay thuộc trung đoàn 921 không quân, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1958 đến năm 1964, Lâm Văn Lích học lái máy bay phản lực, hai năm đầu sức khỏe yếu (nặng có 48 ki-lô-gam, mũi bị viêm mãn tính) khi tập động tác nhào lộn thường bị nôn ộc. Nhà trường nhiều lần không cho học nhưng đồng chí thiết tha xin nhà trường và tích cực tự rèn luyện sức khỏe. Kết quả Lâm Văn Lích đã học tốt vào những năm sau và được bầu là cá nhân xuất sắc của trường.


Tháng 8 năm 1964, tốt nghiệp về đơn vị, Lâm Văn Lích cùng đồng đội kiên trì học thêm một số khoa mục mà ở trường học ít thời gian như bay xuyên mây. Cả biên đội bay ngay khi thời tiết xấu đạt kết quả tốt. Trong khoa mục bay đêm, bản thân đồng chí cũng như anh em chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật bay nên chuyên gia không dám cho bay và không bay kèm hướng dẫn. Đồng chí đã tích cực, mạnh dạn luyện tập và đã thành công trong chuyến bay đêm đầu tiên, mở đầu phong trào học tập bay đêm của đơn vị.


Lâm Văn Lích đã tham gia chiến đấu 3 trận, trận nào đồng chí cũng dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ với đồng đội, luôn giành thế chủ động tiến công. Có lần bị máy bay địch bám đuôi, đồng chí đã vòng gấp và đánh trả vào sườn hoặc bám đuôi máy bay địch hoặc nhanh chóng lái máy bay của mình quay lại đối đầu với máy bay địch bắn làm bọn địch khiếp sợ, đội hình bị rối loạn.


Ngày 4 tháng 4 năm 1965, đồng chí cùng đồng đội bắn rơi 1 máy bay địch, biên đội an toàn.


Trận ngày 17 tháng 6 năm 1965, Lâm Văn Lích chỉ huy biên đội bắn rơi 2 máy bay địch, bắn bị thương 2 chiếc khác, bản thân đồng chí bắn trúng 1 chiếc. Khi trở về, một đồng đội bị nạn phải nhảy dù, đồng chí đã bay cảnh giới để đồng đội được an toàn.


Trận đánh đêm ngày 3 tháng 2 năm 1966, Lâm Văn Lích đã dũng cảm, mưu trí, tranh thủ thời cơ bất ngờ tiếp cận máy bay địch nổ súng chính xác, bắn rơi 2 máy bay địch và trở về hạ cánh an toàn.


Trận đánh đêm đầu tiên giành thắng lợi đã cổ vũ động viên đồng đội càng thêm tin tưởng về chiến thuật và khả năng đánh đêm của ta.


Lâm Văn Lích được thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 28 bằng khen và giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Lâm Văn Lích được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 05:20:42 pm »

ANH HÙNG TRẦN VĂN THỌ
(LIỆT SĨ)


Trần Văn Thọ, sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Nỗ Lực, huyện Cẩm Khê, tỉnh Vĩnh Phú, trú quán xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhập ngũ năm 1952. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, đồn biên phòng Leng-xu-xìn, Công an nhân dân tỉnh Lai Châu, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, bố chết đói, mẹ phải đưa mấy anh em rời bỏ quê hương đi tìm nơi làm ăn sinh sống, Trần Văn Thọ sớm hiểu rỏ nỗi cơ cực bị phong kiến, đế quốc áp bức, bóc lột. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia bộ đội chuyên hoạt động ở vùng rừng núi Lào Cai, Nghĩa Lộ, Lai Châu. Trong công tác và chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Trần Văn Thọ luôn luôn tích cực, dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.


Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Trần Văn Thọ công tác ở một đơn vị bộ đội biên phòng Tây Bắc với nhiệm vụ vận động quần chúng tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ trật tự, trị an vùng đồng bào các dân tộc ở rẻo cao biên giới. Từ 1954 - 1958, Trần Văn Thọ tham gia vận động quần chúng ổn định đời sống, tiễu phỉ, trừ gian ở Bát Sát, Sa Pa, Dào Sàng, Mường Hun. Ở những vùng này, đồng bào thường xuyên bị kẻ địch khống chế, tư tưởng, lợi dụng phong tục tập quán của địa phương để chống phá cách mạng. Trong công tác gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, Trần Văn Thọ đã tận tụy lăn lộn với địa bàn, tìm mọi cách tuyên truyền vận động quần chúng. Đồng chí đã tổ chức được lực lượng bảo vệ bản làng, cùng địa phương bắt được hàng chục tên phỉ, thu nhiều vũ khí, tài liệu quan trọng. Riêng Trần Văn Thọ gọi hàng được 2 tên phỉ trở về làm ăn lương thiện với gia đình.


Cuối năm 1958, Trần Văn Thọ chuyển sang lực lượng công an nhân dân vũ trang và tiếp tục nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, phát động quần chúng tiễu phỉ, trừ gian tại xã Xính Phình, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đó là một xã ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, rừng núi rất hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt. Trong kháng chiến chống Pháp, Xính Phình là một nơi có nhiều bọn tình báo, gián điệp của Mỹ, Pháp, Tưởng. Các tổ chức cách mạng của ta hầu như chưa có, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Địa phương tuy đã được giải phóng nhưng bọn phản động luôn tìm cách phả hoại nên nhân dân rất hoang mang dao động. Nhận rõ nhiệm vụ của Đảng giao cho, Trần Văn Thọ cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, tìm mọi cách tiếp xúc với đồng bào. Ban ngày, đồng chí đi tham gia sản xuất, giúp đỡ nhân dân, buổi tối vào các gia đình để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Tranh thủ mọi lúc tự học tiếng dân tộc, Trần Văn Thọ học được 7 thứ tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác và được đồng bào tin yêu đồng chí như người ruột thịt. Một số gia đình có chồng, con theo phỉ nghe lời khuyên nhủ đi gọi người thân của mình trở về nhà làm ăn lương thiện. 5 người theo phỉ trở về nhà cung cấp cho ta một số tài liệu quan trọng, do đó Trần Văn Thọ cùng với địa phương bắt được sáu tên đặc vụ Tưởng, thu một số vũ khí và tài liệu. Nắm chắc được các hoạt động của các đối tượng, đồng chí giúp cấp trên bắt đi cải tạo 7 tên khác đúng tội trạng. Việc nghiêm trị đúng chính sách đó làm cho đồng bào các dân tộc địa phương càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Có tổ chức dân quân, du kích, công an thường xuyên tuần tra bảo vệ bản làng, xã Xính Phình được tặng cờ "Đơn vị khá nhất về bảo vệ trị an năm 1961".


Cùng với công tác vận động quần chúng, Trần Văn Thọ chú trọng bồi dưỡng, dào tạo cán bộ địa phương. Giới thiệu 13 người kết nạp vào Đảng, đồng chí được huyện ủy cho thành lập chi bộ đầu tiên tại đây. Nhiều cán bộ địa phương sau này trở thành cán bộ tốt của huyện và phụ trách nhiều ngành chủ chốt của xã.


Trần Văn Thọ rất tích cực giúp đỡ nhân dân sản xuất, định canh, định cư, xây dựng tổ đổi công tiến lên thành lập hợp tác xã. Để nâng cao sản lượng lương thực, Trần Văn Thọ đi những nơi xa tìm mua các loại giống mới đem về địa phương và hướng dẫn đồng bào làm theo phương pháp mới: cách cày cấy lúa nước, làm cỏ, bón phân. Đồng chí hướng dẫn nhân dân làm cày, cuốc, dao, rựa và bỏ tiền riêng của mình để mua công cụ cải tiến về cho nhân dân sản xuất. Nhờ việc làm ăn theo phương pháp mới, vụ mùa năm 1959 đồng bào địa phương thu hoạch một vụ tốt chưa từng thấy bao giờ. Từ 1959 - 1961 toàn xã Xính Phình đã xây dựng được 5 hợp tác xã. Riêng hợp tác xã Phú Bì - nơi mà Trần Văn Thọ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn - được công nhận là lá cờ đầu ở vùng cao, vụ mùa năm 1961 thu hoạch lương thực bình quân đầu người gần 1 tấn và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.


Ở xã Xính Phình, nhân dân hầu hết mù chữ, 100% nam và 60% nữ nghiện thuốc phiện, tập quán lạc hậu còn rất nặng nề. Trước những khó khăn đó, Trần Văn Thọ cùng đội ngũ cán bộ địa phương vận động nhân dân học chữ và bỏ dần các hủ tục cũ, riêng Trần Văn Thọ trực tiếp dạy học cho cán bộ và con em đồng bào. Tính đến năm I960, xã Xính Phình không còn ai nghiện thuốc phiện, các bản làng đều có lớp học, có phong trào học bổ túc văn hóa, phong trào vệ sinh phòng bệnh, thanh niên hăng hái bài trừ hủ tục củ, xây dựng đời sống mới.


Trần Văn Thọ nêu một tấm gương sáng trọn đời trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, tận tụy trong công tác, thực hiện tốt chính sách của Đảng, kiên trì xây dựng cơ sở chính trị, góp phần giữ vững trật tự trị an vùng biên giới, bảo vệ cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Khi đồng chí hy sinh, đồng bào các dân tộc vô cùng thương tiếc và đã tự động dựng bia kỷ niệm để tưởng nhớ Trần Văn Thọ một người con yêu quý của đồng bào các dân tộc vùng rẻo cao biên giới Tây Bắc.


Đồng chí đã được tặng thưởng 6 bằng khen và giấy khen, 1 Huy chương Chiến thắng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba và truy tặng Huân chương Quân công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trần Văn Thọ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2022, 05:21:14 pm »

ANH HÙNG TRƯƠNG CHÍ CƯƠNG


Trương Chí Cương (tức Trương Xà), sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhập ngũ năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, đội trưởng đội trinh sát ngoại tuyến thuộc ban trinh sát, công an nhân dân vũ trang khu Vĩnh Linh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, ở một xã có phong trào cách mạng và kháng chiến sôi nổi, Trương Chí Cương tiếp thu được truyền thống đấu tranh kiên cường của quê hương nên khi lớn lên vào bộ đội, đồng chí đã tham gia chiến đấu rất dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Trương Chí Cương công tác ở một đơn vị bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời (Vĩnh Linh). Trong điều kiện hoạt động thường xuyên giáp mặt với kẻ thù, kẻ địch thường tung gián điệp, tình báo qua sông Bến Hải, phá hoại miền Bắc, Trương Chí Cương luôn luôn mài sắc ý chí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác, dũng cảm, mưu trí bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền khu vực công tác. Trương Chí Cương tham gia làm tốt công tác lập hồ sơ chính trị xã, hồ sơ đối tượng tập trung cải tạo, góp phần tích cực giữ vững trật tự an ninh khu giới tuyến quân sự tạm thời.


Từ năm 1963 - 1966, Trương Chú Cương hoạt động bí mật xây dựng cơ sở cách mạng ở phía bờ nam giới tuyến, lầm tổ trường giao thông liên lạc giữa đặc tình và trinh sát, giữa trinh sát với cấp trên; bảo vệ cán bộ qua lại địa bàn hoạt động; diệt ác, phá kìm, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.


Khu nam giới tuyến là một vùng địch xây dựng đồn bốt dày đặc và có các lực lượng canh phòng cẩn mật. Các cơ sở cách mạng bị chúng phá vỡ hầu hết, phong trào đấu tranh của quần chúng tạm thời lắng xuống. Trước những khó khăn đó, Trương Chí Cương nghiên cứu tỉ mỉ địch tình, địa hình, địa vật trong vùng để vượt sông Bến Hải đưa đón cán bộ và chuyển công văn, tài liệu an toàn. Sau mỗi lần công tác, đồng chí đều cho anh em trong tổ rút kinh nghiệm, nên đợt nào anh em cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt hiệu suất cao. Trong một năm, tổ của Trương Chí Cương vượt sông Bến Hải đến 200 lần, có lần 5, 6 đêm vượt sông liền để đưa đón cán bộ và chuyển các tài liệu, mệnh lệnh của cấp trên. Những lần đi công tác nhiều nguy hiểm, đồng chí thường đi đầu, đưa đón cán bộ nên được anh em rất tin tưởng. Kinh nghiệm công tác của tổ giao thông liên lạc do Trương Chí Cương phụ trách đã có tác dụng phục vụ trực tiếp cho việc đánh địch trước mắt và lâu dài ở khu vực giới tuyến.


Kết hợp với nhiệm vụ giao thông liên lạc, Trương Chí Cương còn tham gia vận động quần chúng, đẩy mạnh đấu tranh cách mạng, phá ấp chiến lược, diệt ác trừ gian. Đồng chí trực tiếp tham gia chỉ đạo phá ấp chiến lược nhiều lần mà tiêu biểu là lần phá ấp chiến lược Cao Xá năm 1964. Thôn này trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 10 năm dưới chính quyền Mỹ - ngụy, được kẻ địch xây dựng kiên cố để bảo vệ bọn tề, ngụy trong vùng chống phá cách mạng. Chấp hành chủ trương của trên phải nổ được súng, rải truyền đơn trong thôn làm cho ấp chiến lược mất an toàn. Trương Chí Cương cùng tổ nhiều lần ra vào ấp nghiên cứu kế hoạch. Đêm hành động, đồng chí chỉ huy toàn tổ vào được Cao Xá đào 3 ụ chướng ngại, treo 100 lá cờ Mặt trận, rải 3.000 tờ truyền đơn, bắn 42 phát súng; ném 4 quả lựu đạn, sau đó rút lui an toàn, làm cho địch rất hoang mang lo sợ, ấp chiến lược mất an toàn, cơ sở cách mạng dần dần được xây dựng.


Tổ Trương Chí Cương diệt được 4 tên gián điệp, thám báo rất nguy hiểm, nhất là tên Nghi, một tên gián điệp rất gian ngoan, xảo quyệt có nhiều nợ máu với dân. Đồng chí cải trang làm cảnh sát ngụy, bố trí lực lượng rất khoa học và được quần chúng giúp đỡ, nên lọt vào chỗ ở của tên ác ôn. Tuy kẻ địch chống cự quyết liệt, tổ của Trương Chí Cương diệt được hắn tại chỗ và bắt đi một số tên khác để giáo dục. Kẻ địch rất hoang mang, dao động và quần chúng tin tưởng cách mạng, đẩy mạnh đấu tranh, phá ấp trừ gian.    Hoạt động trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều nhiệm vụ khó khăn phức tạp, Trương Chí Cương luôn luôn nêu cao tinh thần độc lập chủ động, đoàn kết hiệp đồng chiến đấu tốt, thương yêu đồng đội, quý trọng nhân dân. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, Trương Chí Cương cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, đồng đội yêu quý.


Đồng chí đã 3 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng 13 bằng khen, giấy khen, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trương Chí Cương được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM