Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:03:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 3  (Đọc 5496 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:51:54 pm »

ANH HÙNG HOÀNG VĂN NGHIÊN


Hoàng Văn Nghiên, sinh năm 1939, dân tộc Nùng, quê ở xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, tinh Cao Bằng, nhập ngũ tháng 4 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung sĩ, trung đội trưởng thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 98 công binh, Đoàn 559.


Là một chiến sĩ công binh Hoàng Văn Nghiên đã nêu tấm gương tiêu biểu về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên mặt trận giao thông vận tải, đồng chí có tinh thần chủ động, sáng tạo, tinh thần dũng cảm mưu trí, quyết tâm khắc phục khó khăn, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác làm đường, phá thác, tạo điều kiện cho đơn vị bạn bảo đảm được kế hoạch vận chuyển tiếp tế cho chiến trường.


Kết thúc thời gian huấn luyện, đơn vị vừa nhận thêm lớp chiến sĩ mới thì có lệnh hành quân cấp tốc đến địa điểm tập kết làm đường ngay trong mùa mưa. Số chiến sĩ mới trong đơn vị chiếm tới 50%, dụng cụ thiếu, nơi thi công ở cách xa hậu phương nên tiếp tế không đầy đủ, có khi cả tuần đơn vị phải ăn cháo mà lao động lại rất nặng nhọc vất vả. Hoàng Văn Nghiên kiên trì chịu đựng gian khổ, gương mẫu trong mọi mặt công tác, đi sát giúp đỡ, động viên anh em cùng nhau chung sức, chung lòng hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Tuy nhiều gian khổ, khó khăn, nhưng năng suất đơn vị ngày một tăng. Đồng chí cùng đại đội cải tiến phương pháp làm việc, làm được một trăm đà trượt đưa năng suất từ 5 mét khối lên 9 mét khối mỗi người trong một ngày. 8 tháng liên tục lăn lộn với tuyến đường, đơn vị của Hoàng Văn Nghiên đã góp phần cùng đơn vị bạn vận chuyển hàng nhanh, kịp thời phục vụ các chiến dịch lớn.


Trong 2 năm 1964 - 1965, đồng chí cùng đơn vị nhận nhiệm vụ phá thác trên sông Bạc và sông Le. Hai con sông này có nhiều thác, đặc biệt có 19 cái thác rất nguy hiểm, hàng chở đến đó phải bốc dỡ lên bờ, khuân vác qua đoạn có thác, làm chậm tốc độ vận chuyển và tốn rất nhiều công sức.


Lần đầu tiên đi phá thác, đơn vị chưa có kinh nghiệm, đồng chí xung phong đi trước thăm dò và phá những thác nguy hiểm nhất.


Phá thác Chà Bạc: một tảng đá lớn nằm chắn ngang dòng chảy, đang mùa mưa, nước sông dâng cao, chảy xiết. Bơi lội không được mà làm mảng thì không có địa hình thuận lợi. Hoàng Văn Nghiên lợi dụng các mô đá nổi làm cầu, bò ra dần. Buộc dây bảo hiểm lặn xuống nghiên cứu trước, nhiều lần đồng chí bị trôi vào chỗ nước xoáy, anh em phải kéo lên. Nghỉ đỡ mệt, đồng chí lại tiếp tục lặn xuống tìm được vị trí đặt thuốc nổ phá vỡ tảng đá.


Phá thác Hồ Giống: thác này hẹp nhưng lại nằm liên tiếp, nước chảy xiết. Hai chiến sĩ trong tiểu đội dùng sào đẩy mảng ra điều tra, mấy lần mảng đều bị nước lật trôi. Hoàng Văn Nghiên tự tay đẩy mảng ra, gần tới chỗ nguy hiểm, đồng chí nhảy xuống nước, hai tay giữ mảng, hai chân quờ tìm kẽ đá lấy chỗ đứng cho chắc. Nước chảy xiết, mảng quay tròn giật mạnh, sơ hở một tý có thể bị vặn gãy chân, nguy hiểm đến tỉnh mạng. Hoàng Văn Nghiên kiên trì, dũng cảm dồn hết sức vừa giữ mảng, vừa tìm chỗ đặt thuốc nổ. Sau đó, đồng chí lại vượt sóng trực tiếp mang khối bộc phá đặt vào hốc đá, phá thông cái thác nguy hiểm này.


Trong mọi mặt công tác, đồng chí Hoàng Văn Nghiên luôn luôn gương mẫu, xung phong nhận việc khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, đoàn kết thương yêu đồng đội, tích cực dìu dắt, giúp đỡ chiến sĩ mới, khiêm tốn, giản dị, được mọi người tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Hoàng Văn Nghiên được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:52:36 pm »

ANH HÙNG CAO VĂN KHANG


Cao Văn Khang, sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 4 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung đội phó công binh đảo Cồn Cỏ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trước khi nhập ngũ, Cao Văn Khang là một học sinh giỏi, một đoàn viên thanh niên lao động tích cực, một kiện tướng sản xuất ở địa phương.


Từ khi vào bộ đội, được học tập hiểu rõ nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Cao Văn Khang đã hăng hái công tác, không sợ hy sinh nguy hiểm, cùng tổ công binh 3 người do đồng chí phụ trách tháo gỡ trong vòng 16 tháng được 715 quả bom và bom nổ chậm, trong đó có 50 quả bom tạ, thu hàng tấn thuốc nổ cho đơn vị trong điều kiện chiến đấu ác liệt.


Ngày 7 tháng 2 năm 1965, giặc Mỹ ném những quả bom bi đầu tiên xuống vùng Quân khu 4. Cao Văn Khang tìm tòi nghiên cứu, tháo gỡ được loại bom này, phổ biến kinh nghiệm đi các nơi, trong khi chỉ mới biết trên lý thuyết một số loại bom cũ. Đồng chí còn đào và tháo gỡ được quả bom nổ chậm 250 ki-lô-gam có bộ phận chống tháo do giặc Mỹ ném đầu tiên xuống đảo Cồn Cỏ.


Mỗi lần địch đánh phá, Cao Văn Khang tổ chức quan sát theo dõi nắm chắc vị trí bom rơi, sau đó dẫn tổ đi đánh dấu các khu vực bom chưa nổ, tìm cách đào lên bằng được, đem ra xa khu vực đóng quân để nghiên cứu tháo gỡ hoặc phá nổ. Có lần tổ đang làm nhiệm vụ thi máy bay địch đến bắn phá, ném bom, kích thích nổ hàng loạt cả bom củ lẫn bom mới. Có những lần mới đến cách vị trí 10 - 12 mét thì bom nổ, cho nên anh em thường phải đi cách xa nhau, để hạn chế thương vong nếu xảy ra. Trong những trường hợp đó, Cao Văn Khang luôn luôn đi đầu, có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, vừa động viên, củng cố tư tưởng cho anh em, vừa tích cực nghiên cứu, tìm ra cách tháo gỡ hoặc phá bom để đảm bảo an toàn cho đảo.


Công việc đầy nguy hiểm của Cao Văn Khang và của tổ công binh do đồng chí phụ trách đem lại an toàn tuyệt đối cho người và vũ khí của đơn vị, không có trường hợp nào thiệt hại đáng tiếc do bom nổ chậm (hoặc chờ nổ) xảy ra, trực tiếp góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu.


Cao Văn Khang còn là người cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tình thương yêu đồng đội sâu sắc, nhường cơm sẻ áo cho anh em trong lúc khó khăn, tự nguyện gánh phần nguy hiểm, nặng nề, sẵn sàng nhường phần thuận lợi cho đồng đội. Khi làm tổ trưởng công binh thì xây dựng tổ ba người rất mẫu mực, rất kiên cưởng. Khi làm tiểu đội trưởng, đồng chí cùng anh em xây dựng tiểu đội hai năm liền là tiểu đội tiên tiến. Khi làm trung đội phó bộ binh ở hướng chủ yếu của đảo thì ngoài tinh thần anh dũng, gan dạ đi đầu hướng dẫn đơn vị làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, Cao Văn Khang còn hết sức quan tâm săn sóc đời sống chiến sĩ, nhiều lần tham gia bắt cua, mò ốc, hái rau... để cải thiện sinh hoạt cho đơn vị. Vì vậy, ở cương vị nào, đồng chí cũng được chiến sĩ yêu mến, tin cậy.


Cao Văn Khang đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba và được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Cao Văn Khang được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:53:17 pm »

ANH HÙNG NÔNG VĂN VIỆT


Nông Văn Việt, sinh năm 1938, dân tộc Tày, quê ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ tháng 4 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, trung đội trưởng thuộc đại đội 6 công binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 7 Bộ tư lệnh Công binh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Năm 16 tuổi, Nông Văn Việt đã hăng hái tham gia hoạt động ở địa phương, làm tổ trưởng thanh niên, vào dân quân tham gia dạy bình dân học vụ, nhiều lần được khen thưởng.


Tháng 3 năm 1959, đồng chí đi làm công nhân ở nhà máy thiếc Cao Bằng. Ba năm liên tục phấn đấu tốt, Nông Vàn Việt là một trong số những người đạt năng suất cao nhất tổ, góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ sản xuất trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa.


Vào bộ đội, đồng chí chịu khó học tập và rèn luyện, hăng hái xung phong nhận bất cứ nhiệm vụ gì (dù có thể nguy hiểm đến tinh mạng) và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nông Văn Việt là một trong những người đầu tiên đã dũng cảm, kiên trì nghiên cứu và thử nghiệm tìm ra cách tháo gỡ bom bi, và anh dũng đến những nơi nguy hiểm phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông, nhanh chóng ổn định sản xuất và an toàn cho đồng bào nơi bị địch ném bom.


Ngày 7 tháng 2 năm 1965, lần đầu tiên địch thả bom bi xuống vùng Nậm Mật (chiến trường Lào). Bộ đội và địa phương ở đây chưa được hiểu nhiều về loại bom này, tiểu đoàn giao cho đồng chí nghiên cứu cách rà, phá bom bi. Tuy chưa hiểu gì về bom bi, nhưng Nông Văn Việt vẫn quyết tâm nhận nhiệm vụ. Sau khi lấy dây thép gai buộc vào sào chà đi, xát lại trên mặt bom vẫn không thấy nổ, đồng chí mạnh bạo trực tiếp cầm quả bom để xem xét. Qua nhiều lần nghiên cứu, đồng chí rút ra được kết luận: bom có va chạm mạnh, đụng vào kim hỏa thì mới nổ và do đó có thể tháo được. Nông Văn Việt đem 2 quả ra chỗ vắng người để tháo thử, tìm ra được cách cấu tạo và cách tháo gỡ bom bi an toàn đem phổ biến cho đơn vị, các đơn vị bạn và cho cả nhân dân, bảo đảm được giao thông và sản xuất bình thường.


Ngày 14 tháng 4 năm 1965, địch thả gần 100 quả bom vừa nổ chậm, vừa nổ ngay xuống vùng Huôi khiến công việc làm đường phải đình lại, xe bị tắc ùn kéo dài. Phụ trách một tổ 3 người vào trinh sát và phá bom, nhưng vì không được quan sát từ trước, không nắm được vị trí và quy luật bom nổ, khó bảo đảm được an toàn, ngay tối hôm đó, đồng chí đến trước nằm theo dõi bom nổ, phán đoán nắm được giờ an toàn, sáng hôm sau mới đưa anh em vào trinh sát. Qua điều tra phân định được khu vực an toàn và báo cho công trường tiếp tục tổ chức làm việc, Nông Văn Việt phân công cảnh giới và dẫn một đồng chí trong tổ trực tiếp vào phá bom. Có quả bom chui sâu, đồng chí chui xuống trước xem xét rồi tự mình đem bộc phá xuống phá. Với tinh thần dũng cảm, kiên trì, tổ Nông Văn Việt đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, "giải phóng" được toàn bộ khu vực có bom nổ chậm, bảo đảm cho đơn vị bạn trở lại làm việc binh thường, giao thông thông suốt.


Nông Văn Việt nêu một tấm gương sáng về tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Đồng chí luôn luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng đội, dìu dắt chiến sĩ mới, xây dựng đơn vị tiến bộ toàn diện, bản thân luôn luôn gương mẫu, sống khiêm tốn, giản dị, được mọi người tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Húân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nông Văn Việt được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2022, 05:14:42 pm »

ANH HÙNG ĐẶNG VĂN THANH


Đặng Văn Thanh, sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Thuận Điền, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nhập ngũ năm 1947. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, chính trị viên thuyền thuộc Đoàn 125 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ ngày nhập ngũ tới năm 1960, Đặng Văn Thanh nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí, lương thực và đưa cán bộ ra vào Ninh Thuận, Quy Nhơn, Binh Định. Đồng chí đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên đã được kết nạp vào Đảng trong thời gian thử thách gay go gian khổ đó.


Tháng 7 năm 1960, Đặng Văn Thanh ra miền Bắc, đồng chí được bổ sung về Đoàn 125. Từ đó cho đến tháng 1 năm 1967 (ngày được tuyên dương anh hùng) đồng chí luôn luôn nêu cao vai trò xung phong, gương mẫu, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp chỉ huy đơn vị vận chuyển 12 chuyến vũ khí, lương thực vượt qua sự kiểm soát, bố phòng nghiêm ngặt của địch, vào chi viện cho chiến trường. Những lần gặp địch, Đặng Văn Thanh đều dũng cảm, mưu trí chỉ huy và động viên anh em bình tĩnh, khi thì nghi binh luồn tránh địch, khi thì chiến đấu rồi bất ngờ lừa địch vượt nhanh khỏi khu vực nguy hiểm, lần nào cũng đưa hàng tới đích an toàn.


Có lần thuyền chở đầy vũ khí cập bến đang còn mắc cạn thì 3 máy bay địch đến lượn nhiều vòng trên đầu trinh sát. Tình thế rất nguy nan, ở lâu, sợ nguy hiểm, các đồng chí phụ trách bến ra lệnh phá thuyền, nhanh chóng cho anh em tản lên bờ tránh máy bay địch. Nhưng đồng chí mưu trí lừa địch, chỉ huy anh em bình tĩnh đẩy thuyền lái thẳng ra khơi, đánh lạc hướng chúng. Nhờ đó đã bảo đảm an toàn cho thuyền, người và vũ khí, giữ được bí mật cho bến không bị lộ. Sau đó thuyền của Đặng Văn Thanh lại trở lại cập bến, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.


Đặng Văn Thanh là một cán bộ gương mẫu, toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Đồng chí luôn luôn quan tâm dìu dắt anh em, giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Trong gian khổ nguy hiểm, đồng chí nêu cao vai trò người cán bộ, đảng viên, luôn luôn bình tĩnh, động viên, hướng dẫn mọi người, quyết đoán nhanh chóng, táo bạo, xử trí tình huống bình tĩnh linh hoạt, vì vậy, tổ đi thuyền do đồng chí phụ trách là một tập thể mạnh, bao giờ cũng đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng, cùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Đặng Văn Thanh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2022, 05:15:12 pm »

ANH HÙNG HỒ ĐỨC THẮNG


Hồ Đức Thắng, sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở xã Hiệp Thành, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nhập ngũ tháng 12 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, chính trị viên thuyền thuộc đoàn 125 Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954, Hồ Đức Thắng làm nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí bằng đường biển từ Trung Bộ vào Nam Bộ và hoạt động ở vùng địch tạm chiếm. Mọi nhiệm vụ trên giao, do yêu cầu bí mật của công tác, đồng chí đều lặng lẽ tích cực hoàn thành với trách nhiệm rất cao.


Tập kết ra Bắc, tháng 8 năm 1961, Hồ Đức Thắng được bổ sung về Đoàn 125. Từ đó đến tháng 1 năm 1967, đồng chí là một trong những người trong đoàn đi được nhiều chuyến nhất, tổng cộng tất cả 12 chuyến, chở vũ khí, đạn dược, lương thực vào chi viện miền Nam. Hồ Đức Thắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, mọi hiểm nguv của phong ba bão táp giữa biển khơi và mọi sự uy hiếp thường xuyên đến tính mạng do những đoàn tàu tuần tiễu, máy bay và bom đạn giặc ở những vùng chúng kiểm soát. Lần nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Một lần (năm 1963) do tình hình địch phong tỏa ngặt nghèo, thuyền Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ đi chuyến đột phá đầu tiên đưa hàng vào bến mới. Mặc dù thuyền gỗ, phương tiện, trang bị xấu, lại gặp sóng to, gió lớn tới cấp 7, cấp 8, thuyền ba lần bị chết máy trên đường đi, trong khi đó lại phải che mắt địch, vượt qua nhiều chỗ chúng kiểm soát, Hồ Đức Thắng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí trong mọi tình huống, động viên anh em vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, tìm bằng được bến mới, đưa hàng đến đúng vị trí quy định một cách an toàn.


Chuyến đi cuối năm 1964, thuyền Hồ Đức Thắng chở cán bộ và vũ khí vào tiếp tế cho các cơ sở vùng sau lưng địch trong Nam. Thuyền phải vượt qua nhiều chặng đường hết sức gian nguy do quân địch khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Là chính trị viên, đồng chí luôn giữ vững tinh thần đồng đội, cùng anh em ngụy trang, nghi binh, dũng cảm vượt qua trước mắt giặc giữa ban ngày, ở những nơi không vòng tránh được. Cuối cùng thuyền của Hồ Đức Thắng đã đưa cán bộ và vũ khí tới địa điểm an toàn.


Hồ Đức Thắng là một cán bộ, một đảng viên gương mẫu, tận tụy, chăm lo xây dựng đơn vị trở thành một tập thể kiên cường, hết lòng vì nhiệm vụ; trải qua bao thử thách, gian nguy, lúc nào đồng chí cũng lạc quan, tin tưởng, quyết tâm, nêu gương tốt, cổ vũ và lôi cuốn mọi người trong toàn đơn vị noi theo.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Hồ Đức Thắng được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2022, 08:39:36 pm »

ANH HÙNG TRẦN NGỌC THÁI


Trần Ngọc Thái, sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 10 năm 1955. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu úy, tổ trưởng tổ ụ đà xưởng X.46 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo khổ, cha chết sớm, Trần Ngọc Thái phải đi ở từ năm lên 9 tuổi. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí hăng hái hoạt động, công tác ở địa phương: tham gia tự vệ xã, làm công tác thanh niên, vận động quần chúng, phụ trách dân công đi phục vụ các chiến dịch... khó khăn, gian khổ không quản ngại, bao giờ cũng xung phong, gương mẫu đi đầu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Tập kết ra Bắc, tháng 5 năm 1955, Trần Ngọc Thái được điều về công tác ở xưởng X.46 và được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ ụ đà. Lúc đầu tuy gặp nhiều khó khăn, phương tiện thiếu thốn, công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng Trần Ngọc Thái luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực, tận tụy, gương mẫu tìm biện pháp khắc phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Từ một nông dân nghèo mới thoát nạn mù chữ, Trần Ngọc Thái kiên trì học tập, không ngừng nâng cao trình độ để trở thành một công dân lành nghề, một tổ trưởng tháo vát, một cán bộ kỹ thuật giỏi, luôn luôn sâu sát, gần gũi, giúp đỡ bồi dưỡng cho các đồng chí trẻ.


Trần Ngọc Thái có tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết. Mỗi khi gặp khó khăn, không bao giờ đồng chí chịu bó tay, mà chịu khó tìm tòi suy nghĩ cách khắc phục, hoàn thành bằng được nhiệm vụ. Trần Ngọc Thái có 12 sáng kiến được Hội đồng kỹ thuật công nhận, được cấp trên khen thưởng và nhiều nơi áp dụng công nhận có giá trị tốt.


Với sáng kiến chữa lại các bệ căn của đồng chí nên ụ đà trước chỉ cho được một tàu vào, nay đã nâng năng suất lên rõ rệt, đưa được 3 tàu vào một lúc. Trần Ngọc Thái còn nghiên cứu làm chiếc cần cẩu đơn giản vét bùn trong ụ, giảm được từ 20 công xuống còn 6-7 công.


Năm 1966, một phân đội đã chuẩn bị xong, sắp lên đường đi làm nhiệm vụ thì phát hiện còn một lỗ hàn trên thân tàu chưa tốt, cần hàn lại. Công việc phải làm trong 8 ngày và như vậy sẽ lỡ mất kế hoạch. Mọi người rất lo lắng. Cấp trên giao cho đồng chí nghiên cứu đưa tàu lên sửa chữa càng nhanh càng tốt. Sau khi xem xét, Trần Ngọc Thái có sáng kiến cải tạo đường ray, để đưa con tàu trọng tải 20 tấn vào sửa chữa trong một đêm, bảo đảm cho phân đội đi làm nhiệm vụ đúng kế hoạch.


Trần Ngọc Thái còn hoàn thành xuất sắc nhiều công tác đột xuất, nhất là việc cứu các tàu bị đấm hoặc mắc cạn.


Năm 1962, cứu một chiếc tàu bị chìm sâu ở sông Gianh, có lỗ thủng to, đồng chí có sáng kiến dùng tôn mỏng đệm chăn vải xung quanh vít lỗ thủng nên trục đưa được tàu về.


Cuối năm 1964, đi cứu chiếc tàu bị chìm ở cạnh Hòn Nẹ, Trần Ngọc Thái kiên trì động viên anh em lặn, mò, làm việc 7 ngày liền mới trục được tàu lên đưa về.


Đợt đi cứu các tàu bị chìm ở sông Gianh, máy bay địch thường xuyên đánh phá, Trần Ngọc Thái động viên anh em gắng sức và vận động nhân dân giúp đỡ. Đồng chí tổ chức canh gác máy bay, ngụy trang kỹ nơi làm việc, đào hào giao thông phòng tránh, nên suốt 3 tháng làm việc ở đây địch không phát hiện được, bảo đảm cho đơn vị và nhân dân được an toàn.


Trần Ngọc Thái còn chú trọng xây dựng đơn vị tốt, hết lòng thương yêu chăm sóc đồng đội, giúp đỡ nhân dân, luôn luôn nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, khiêm tốn, giản dị, đoàn kết chân thành, được đồng đội và nhân dân tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 5 năm là Chiến sĩ thi đua, 7 năm là Lao động tiên tiến, 17 lần được cấp bằng khen và giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trần Ngọc Thái được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2022, 08:40:17 pm »

ANH HÙNG TRẦN MINH KHÂM


Trần Minh Khâm, sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở thôn Thanh Tây, phường 11, khu Bắc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 3 năm 1954. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu úy, chính trị viên đại đội 1 ô tô vận tải, D52, E11, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà nghèo, bố mẹ chết sớm, Trần Minh Khâm phải đi ở 5 năm cho địa chủ, sau mới trở về địa phương làm ăn và tham gia đội du kích chống giặc Pháp bảo vệ xóm làng. Năm 1954, đồng chí vào bộ đội, đến năm 1957, trước yêu cầu phát triển của quân đội, đồng chí được cử đi học ngành lái xe. Năm 1958, sau một năm cố gắng học tập và tốt nghiệp loại khá trường lái xe, đồng   chí được bổ sung về đại đội 1, trung đoàn 245, phục vụ các công trường quân đội trên vùng Tây Bắc.


Tuy chiếc xe ô-tô Trần Minh Khâm nhận đã qua 2 lần đại tu, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nên qua 3 năm chạy trên các tuyến đường Tây Bắc, đồng chí đã lái xe chạy được 70.000 ki-lô-mét an toàn, chưa khi nào va, quệt, đâm, đổ. Khi xe chạy trên đường, gặp những hòn đá nhọn, nếu không tránh được, đồng chí dừng xe xuống cậy hòn đá vứt đi, khi qua các cầu gỗ có đinh trồi lên, đồng chí xuống gò cụp đinh xuống rồi mới cho xe qua. Do đó, theo quy định, xe chạy 30.000 ki-lô-mét là thay lốp, 2 năm thay bình điện, nhưng chiếc xe do Trần Minh Khâm lái chạy được trên 50.000 ki-lô-mét mới phải thay lốp và 4 năm chưa phải thay bình điện.


Tháng 6 năm 1961, Trần Minh Khâm được điều về lái xe thuộc Đoàn 559. Có lần đang lái xe trên đường, gặp địch phục kích, đồng chí nhanh chóng nhảy ra khỏi xe, chiếm vị trí có lợi, dũng cảm chiến đấu tiêu diệt địch, bảo vệ xe an toàn.


Năm 1962, Trần Minh Khâm bị đau xương bánh chè chân trái, phải đi điều trị. Sau khi mổ cưa xương, được cấp trên cho nghỉ và chuẩn bị chuyển ngành, đồng chí kiên trì tập luyện, 2 tháng sau đã lái được xe và tha thiết xin ở lại tiếp tục phục vụ trong quân đội.


Từ cuối năm 1961 Trần Minh Khâm được giao phụ trách tiểu đội, trung đội rồi chính trị viên phó đại đội xe, đồng chí thường bám sát đội hình đơn vị, động viên, tổ chức kiểm tra anh em, giúp đỡ những đồng chí lái xe yếu, khi xe qua những chỗ khó khăn nguy hiểm. Tuy là cán bộ chỉ đạo, Trần Minh Khâm vẫn trực tiếp lái xe chạy 17.000 ki-lô-mét an toàn, góp phần cùng đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Mỗi khi gặp trường hợp khó khăn nguy hiểm, đồng chí bình tĩnh xử lý, dũng cảm bảo vệ xe.


Ngày 3 tháng 4 năm 1965, trên đường vận chuyển, đoàn xe Trần Minh Khâm gặp một chiếc xe của trung đội bạn đổ xuống ria đường dốc cao. Kéo chiếc xe này thật là nguy hiểm, vì trệch một chút là xe có thể lao xuống vực sâu (có lẽ vì vậy mà trung đội bạn đành để lại). Nhưng đây là tài sản xã hội chủ nghĩa, nhân dân giao cho quân đội, trong lúc đất nước ta còn nghèo, đồng, chí kiên quyết cứu xe. Không nề hà nguy hiểm, Trần Minh Khâm ngồi vào buồng lái của chiếc xe đó, điều khiển cho xe khác kéo lên dần từng chút, đưa xe lên chỗ an toàn.


Ngày 13 tháng 2 năm 1966, máy bay địch đến ném bom (có cả bom nổ chậm), vào một xóm cạnh đường đoàn xe đơn vị đi qua. Khi máy bay địch vừa đi khỏi, Trần Minh Khâm tới đó chỉ huy đơn vị giúp nhân dân khắc phục hậu quả, đánh dấu từng hố bom nổ chậm và chỉ đường cho các xe tránh những chỗ nguy hiểm, vượt qua an toàn.


Tháng 3 năm 1966, trên đường đi chuyển hàng về, thấy một chiếc xe của đơn vị khác đang bị cháy to ở đầu máy. Không ngần ngại, đồng chí cởi áo nhảy vào đè lên bộ chế hòa khí đang cháy rồi gọi anh em xông vào cùng chữa, cứu được chiếc xe.


Làm theo lời dạy của Bác "Yêu xe như con, quý xăng như máu", Trần Minh Khâm luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu quý, giữ gìn xe, tiết kiệm, bảo vệ tải sản xã hội chủ nghĩa, xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí có tác phong khiêm tốn, giản dị, chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ mọi người được đồng đội tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 25 bằng khen và giấy khen, 6 năm liền là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trần Minh Khâm được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2022, 07:17:55 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VIẾT SINH


Nguyễn Viết Sinh, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 11 năm 1961. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, trung đội trưởng thuộc đại đội 3, tiểu đoàn thuyền, binh trạm 3, Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, sớm tiếp thụ tinh thần yêu nước của quê hương Xô-viết, hai anh trai và bản thân Nguyễn Viết Sinh đều lần lượt   xung phong vào bộ đội, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì Đảng và quân đội giao.


Từ ngày vào bộ đội, 6 năm liên tục làm công tác vận tải trên đường Trường Sơn, hết ngày này qua ngày khác, vượt núi, trèo đèo, băng rừng, lội suối, Nguyễn Viết Sinh vẫn kiên trì, dũng cảm, cần mẫn đưa từng gùi hàng tiếp tế lên phía trước, đón nhận, khiêng cáng đưa những đồng chí bị thương về hậu cứ an toàn.


Sống và công tác trên đường Trường Sơn gặp biết bao gian nguy, vất vả, phải chịu đựng biết bao khó khăn, thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, nhưng Nguyễn Viết Sinh đã vượt lên tất cả, luôn luôn là một trong số những người đạt ngày công cao nhất, năng suất cao nhất.


Hai năm (1962 - 1963) Nguyên Viết Sinh làm nhiệm vụ mang vác bộ trong điều kiện có nhiều khó khăn: yêu cầu vận chuyển rất khẩn trương mà đường vận chuyển lại qua nhiều dốc cao, vực sâu, nhiều khi gặp mưa, đường trơn, nước lũ rất nguy hiểm, ăn uống thiếu thốn, nhưng Nguyễn Viết Sinh vẫn kiên trì chịu đựng, động viên đồng đội, hết ngày này, qua ngày khác cứ 5 giờ sáng gùi hàng ra đi, 4 giờ chiều mới về chuẩn bị đóng gói hàng cho ngày hôm sau. Bản thân luôn luôn gương mẫu, lúc đầu chỉ mang được 20 ki-lô-gam, rồi lên dần 26, 36, 46 ki-lô-gam, có đợt đột xuất (tháng 8 năm 1962) liên tục 29 ngày trong tháng Nguyễn Viết Sinh mang bình quân 52 ki-lô-gam. Khi trở ra còn xung phong khiêng cáng thương binh.


Năm 1964, ba tháng đầu đồng chí chuyển sang vận tải bằng xe thồ. Chỉ tiêu quy định mỗi ngày thồ 90 ki-lô-gam, nhưng Nguyễn Viết Sinh đã đi thồ liên tục 80 ngày, bình quân mỗi ngày 100 ki-lô-gam.

Năm 1965, 9 tháng mang vác bộ, đồng chí đã mang bình quân 43 ki-lô-gam (chỉ tiêu quy định mang 34 ki-lô-gam). Đơn vị của Nguyễn Viết Sinh còn làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh và đưa đón cán bộ. Thời kỳ này, số anh em trong tiểu đội ốm và đi công tác nhiều, có lúc chỉ còn ba người mà khách đông, thương binh nhiều, lại có những nhiệm vụ hỏa tốc, Nguyễn Viết Sinh động viên, bàn bạc với anh em cách khắc phục, bản thân thì gương mẫu đi tăng chuyến, đi cung đường dài hơn, nên đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.


Đầu năm 1966, Nguyễn Viết Sinh chuyển sang vận chuyển bằng thuyền. Chỉ trong 1 tháng đầu, đồng chí học tập được cách bơi lội, chèo lái thuyền, cùng anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong một chuyến đi công tác, không may Nguyễn Viết Sinh bị thương, phải đi nằm bệnh viện, vết thương chưa khỏi hẳn, nghe tin có đợt vận chuyển đột xuất, Nguyễn Viết Sinh cố xin ra viện và kịp thời về cùng đơn vị hoàn thành tốt đợt vận chuyển đột xuất này.


Nguyễn Viết Sinh có một quyết tâm sắt đá và một nhiệt tình cách mạng sục sôi đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Dù trong hoàn cảnh gian nan, nguy hiểm thế nào, đồng chí cũng không hề nao núng, chỉ một lòng quyết tâm khắc phục vượt qua. Trong công tác cũng như trong lao động nặng nhọc, vất vả, đồng chí luôn luôn gương mẫu, thể hiện tinh thần bền bỉ, cần cù, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng đội cùng hoàn thành nhiệrn vụ, Nguyễn Viết Sinh còn có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, luôn luôn tự giác chấp hành nghiêm mọi mệnh lệnh, chỉ thị, trong điều kiện công tác độc lập, xa cấp trên, có tác phong khiêm tốn, giản dị, chân thành, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Nguyễn Viết Sinh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 9 bằng khen và giấy khen, 4 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua, 3 năm liền là Kiện tướng mang vác của Đoàn 559.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Viết Sinh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2022, 07:18:37 pm »

ANH HÙNG ĐỖ TRỰC


Đỗ Trực, sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 7 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, phân đội trưởng phản đội 2 thuộc đội ca nô Hồng Hà, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đỗ Trực đã hăng hái gia nhập dân quân và tham gia công tác kháng chiến ở địa phương.


Vào bộ đội, 2 năm đầu đồng chí ở bộ đội địa phương, sau chuyển về làm công tác phục vụ ở một trạm nuôi dưỡng thương binh. 4 năm phục vụ ở trạm, đồng chí không quản khó khăn, vất vả, luôn luôn tích cực, hết lòng phục vụ, chăm sóc thương binh, năm nào cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua. Năm 1957, đồng chí được điều về đội ca nô Hồng Hà thuộc Cục Vận tải.


16 năm phục vụ trong quân đội (tính đến khi được tuyên dương anh hùng), Đỗ Trực luôn luôn nêu cao tinh thần tích cực, tận tụy, bất cứ nhiệm vụ gì, trong hoàn cảnh nào, cũng sẵn sàng nhận và quyết tâm tìm mọi cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt trong công tác vận chuyển, đồng chí là người chỉ huy con tàu luôn luôn dẫn đầu về năng suất vận chuyển, tiết kiệm xăng dầu, nguyên vật liệu, hạ giá thành, có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn phong trào thi đua trong toàn đoàn vận tải Hong Hà.


Năm 1957, Đỗ Trực là người đầu tiên đề xuất ý kiến và xung phong đi chuyến đầu tiên, trực tiếp lái tàu đi trong đêm, lợi dụng nước thủy triều trên sông Luộc, rút ngắn thời gian mỗi lượt đi được một ngày, giảm thời gian máy chạy được 3 giờ, tiết kiệm 60 lít xăng, mở đầu phong trào đi theo nước thủy triều của đoàn Hồng Hà


Để nâng cao hiệu suất vận chuyển, hạ giá thành, Đỗ Trực đề nghị các tàu khi đi nên kéo theo sà lan. Qua chuyến đầu tiên, tàu đi có kéo theo sà lan, đồng chí rút ra được nhiều kinh nghiệm và có số liệu cụ thể để phổ biến cho các tàu bạn trong đoàn. Từ đó trở đi, phong trào tàu đi có kéo theo sà lan trở thành phổ biến trong đơn vị và năng suất vận chuyển của đoàn tăng lên rõ rệt.


Tàu đi theo luồng sông Đuống gần hơn được gần 60 ki-lô-mét so với luồng sông Luộc, nhưng đi theo luồng này dễ bị mắc cạn và gặp nhiều nguy hiểm khi qua cầu. Đồng chí đã xung phong đi nghiên cứu, thăm dò và đi thử nhiều chuyến, giúp đoàn mở thêm được luồng đường này gần hơn.


Từ năm 1965, con tàu do Đỗ Trực chỉ huy nhiều chuyến chở bộ đội, hàng quân sự đi các tuyến xa; không quản khó khăn, nguy hiểm, đồng chí gương mẫu làm hết sức mình và động viên đồng đội vượt qua trờ ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Tháng 5 năm 1965, chuyến chở hàng ra đảo gặp bão, dây cáp nối tàu với sà lan bị đứt, sà lan có nguy cơ bị đập vào cồn đá và đâm. Không ngần ngại, Đỗ Trực cùng anh em trên tàu nhảy xuống biển cứu sà lan. Sau gần một tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió, các đồng chí buộc được sà lan vào tàu, đưa tới chỗ an toàn, cứu được 150 tấn hàng.


Tháng 12 năm 1965, Đỗ Trực chỉ huy phân đội tàu chở hàng vào phía Nam. Tới một khúc sông gẩn Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cả đoàn tàu bị mắc cạn. Trời mùa đông rét cóng, nằm chờ nước thủy triều thì lâu, có đồng chí đề nghị cho quay lại chỗ cũ, trả hàng để chuyển bằng ô tô. Đồng chí lội xuống nước, thăm dò, tìm luồng lạch và kiên trì động viên anh em khắc phục, vét đoạn sông này sâu thêm cho tàu vượt qua. Sau 8 tiếng đồng hồ làm việc, rét buốt, vất vả, đồng chí cùng anh em khơi sâu được đoạn sông 100 mét, đưa được cả đoàn tàu vượt qua tới vị trí an toàn (nếu phải quay lại, số hàng đó phải dùng 100 chuyến ô tô chuyên chở vừa lâu, vừa tốn kém).


Đồng chí còn luôn luôn đi sát giúp đỡ, dìu dắt đồng đội, xây dựng phản đội tiến bộ về mọi mặt, bản thân gương mẫu chấp hành điều lệnh, kỷ luật, khiêm tốn, giản dị, được mọi người tin yêu, mến phục.


Đỗ Trực đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 23 bằng khen và giấy khen, 12 năm liền là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 1 tháng í năm 1967, Đỗ Trực được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2022, 07:19:29 pm »

ANH HÙNG HOÀNG VĂN VỊNH


Hoàng Văn Vịnh, sinh năm 1939, dân tộc Kinh, quê ở xã Mạc Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 3 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là chuẩn úy, chính trị viên phó đại đội 2, tiểu đoàn 2, trung đoàn 174, sư đoàn 316 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà   nghèo, lên 8 tuổi, Hoàng Văn Vịnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải đi ở cho địa chủ. Sau cải cách ruộng đất, được cách mạng giải phóng khỏi cảnh tôi đòi, được Đảng giáo dục và giác ngộ, đồng chí hiểu rõ nghĩa vụ của mình đối với cách mạng và Tổ quốc, ở địa phương đồng chí tích cực, hăng hái hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vào bộ đội Hoàng Văn Vịnh được   tham gia đội quân tình nguyện chiến đấu ở Lào, chiến đấu 14 trận, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt trong những trận chiến đấu phòng ngự, đồng chí luôn luôn tỏ rõ là một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cưởng, dũng cảm. Trong chiến đấu, chỗ nào ác liệt, gay go nhất Hoàng Văn Vịnh đều có mặt, chỉ huy chiến đấu giữ vững trận địa, bị thương nặng cũng không rời vị trí, kiên quyết chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Ngày 1 tháng 12 năm 1964, Hoàng Văn Vịnh phụ trách tiểu đội phòng ngự trên một quả đồi, với nhiệm vụ bảo vệ cạnh sườn cho đơn vị và chi viện cho phía trước, chống 1 tiểu đoàn địch, đồng chí đến từng vị trí động viên, giữ vững quyết tâm cho từng người, chờ cho địch vào chỉ còn cách 20 mét, mới lệnh cho đồng chí giữ trung liên bắn mạnh và hô toàn tiểu đội đồng loạt ném lựu đạn. Bị đánh bất ngờ, địch bỏ lại 28 xác chết và một số bị thương, chạy tán loạn xuống chân đồi. Chúng cho pháo bắn tới tấp vào chỗ của ta, rồi tổ chức tiếp hai đợt xung phong nửa, nhưng đều bị đánh lui. Thấy đạn còn rất ít, Hoàng Văn Vịnh động viên anh em củng cố trận địa, bắn tiết kiệm dạn, đánh lui được đợt phản kích thứ tư của địch thì đồng chí bị thương nặng, nhưng vẫn ở lại chỉ huy chiến đấu, giữ vững trận địa cho đến lúc đơn vị kịp chi viện lên.


Ngày 19 tháng 7 năm 1965, ba tiểu đoàn địch, ba lần đánh vào trung đội do đồng chí chỉ huy phòng ngự trên đồi H3Q6. Bị đánh bật ra, chúng phải lui xuống đồi Gỗ củng cố. Đêm đó, Hoàng Văn Vịnh chỉ huy phân đội, chia là 3 mũi đánh chiếm đồi Gỗ. Bị tập kích bất ngờ, bọn địch bị tiêu diệt một số, còn một số bỏ chạy. Đồng chí để lại 1 tiểu đội chốt giữ đồi Gỗ, còn 2 tiểu đội lên phòng ngự H3Q6.


Sáng 20 tháng 7 năm 1965, địch cho máy bay và pháo bắn phá liên tục vào đồi H3Q6 yểm hộ cho 3 tiểu đoàn bộ binh đánh lên. Chờ cho địch vào cách chiến hào 20 mét, Hoàng Văn Vịnh mới cho phân đội nhất loạt nổ súng và ném lựu đạn. Địch bị chết, bị thương nhiều tên, phải hốt hoảng bỏ chạy. Trong ngày, phân đội của đồng chí đã đánh lui 5 đợt tiến công của 3 tiểu đoàn địch. Tối hôm đó, đồng chí hội ý tổ Đảng, họp phân đoàn thanh niên để rút kinh nghiệm chiến đấu và xây dựng, củng cố quyết tâm cho các trận đánh sau.


Ngày 21 tháng 7 năm 1965, địch tăng thêm 1 tiểu đoàn nữa và cho pháo binh, máy bay bắn phá, chi viện cho 4 tiểu đoàn đánh vào bằng nhiều mũi. Hoàng Văn Vịnh vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội chiến đấu giữ vững trận địa, đánh bật tất cả 11 đợt tiến công của chúng.


Ngày 22 tháng 7 năm 1965, phân đội chỉ còn lại 7 người, đạn cũng còn ít, đồng chí động viên anh em "quyết tâm chiến đấu, không để một tấc đất lọt vào tay địch". Phân đội đánh lui 7 đợt tiến công của địch, đến đợt thứ 8 thì Hoàng Văn Vịnh bị thương nặng. Với 7 vết thương trên người, máu ra nhiều, đồng chí ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, Hoàng Văn Vịnh lại cố hỏi anh em để nắm tình hình, tham gia ý kiến và cổ vũ đồng đội chiến đấu.


Trong 4 ngày chiến đấu liên tục với 4 tiểu đoàn của địch có máy bay, pháo binh yểm hộ, đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trung đội đánh lui 24 đợt tiến công của chúng, diệt 348 tên, giữ vững trận địa.


Đồng chí còn đạt thành tích tốt giúp nước bạn trong công tác dân vận, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, diệt trừ bọn phỉ, xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức dân quân ở bốn bản có nhiều khó khăn, phức tạp.


Hoàng Văn Vịnh là một cán bộ có tác phong gương mẫu, sâu sát quần chúng, hết lòng vì đồng đội, đoàn kết, giúp đỡ nhân dân, sống khiêm tốn, giản dị, xây dựng đơn vị tiến bộ toàn diện, lập nhiều thành tích, được đồng đội và nhân dân tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Hoàng Văn Vịnh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chú cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM