Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:57:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 3  (Đọc 5510 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« vào lúc: 13 Tháng Ba, 2022, 04:14:35 pm »

Tên sách: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Tập 3
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1996
Số hóa: giangtvx, quansuvn


Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng, có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng.

Hồ Chí Minh


* Chỉ đạo nội dung:
   Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp

* Những người biên soạn:
   Đại tá Nguyễn Mạnh Đẩu
   Đại tá Phạm Lam
   Đại tá PTS Phạm Gia Đức
   Thượng tá Lê Đại Hiệp
   Thượng tá Lê Hải Triều
   Thượng tá Nguyễn Tinh
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2022, 04:15:27 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VIẾT XUÂN
(LIỆT SĨ)


Nguyễn Viết Xuân, sinh năm 1934, dân tộc Kinh, quê ở xà Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 11 năm 1952. Khi hy sinh, đồng chí là thiếu úy, chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, sư đoàn 325, Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, lên 7 tuổi Nguyễn Viết Xuân đã phải sống cuộc đời đi ở kéo dài suốt 10 năm. Khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí vượt vùng tạm chiếm ra vùng tự do xin đi bộ đội. Mới đầu làm chiến sĩ trinh sát, rồi tiểu đội trưởng trinh sát, trung đội trưởng pháo cao xạ, sau làm chính trị viên phó đại đội, bất kỳ ở cương vị nào Nguyễn Viết Xuân cũng luôn luôn nêu cao quyết tâm chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, gương mẫu, xung phong đi đầu, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong thời kỳ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đồng chí là một bí thư chi bộ ưu tú, một chính trị viên xuất sắc, đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên quyết tiến công địch, bị thương nặng vẫn không rời vị trí, động viên đơn vị bằng một khẩu lệnh tiến công bất diệt:

- Nhằm thẳng quân thù, bắn!

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Viết Xuân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nhiệm vụ một chiến sĩ trinh sát, đồng chí đã luôn luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Hòa bình lập lại, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện và xây dựng doanh trại, đồng chí gương mẫu, tích cực và chỉ huy tiểu đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân tuy sức yếu, song công việc nào được giao, dù là nặng nhọc, vất vả, đồng chí vẫn phấn đấu làm vượt mức. Định mức mỗi ngày 5 vác nứa, đồng chí đã chặt được 7 vác; định mức 5 cây gỗ, đồng chí chặt được 8-12 cây; ngoài ra còn tích cực giúp đỡ anh em trong những lúc khó khăn để cùng hoàn thành nhiệm vụ.


Sau khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, Nguyễn Viết Xuân tổ chức cho chi bộ và anh em trong đơn vị quán triệt nhiệm vụ, khẩn trương, hăng hái chuẩn bị đầy đủ để giành thắng lợi cho cuộc chiến đấu sắp tới. Là một cán bộ chính trị nhưng am hiểu cả về quân sự, nên đồng chí được cấp trên đồng ý xếp làm trực ban chiến đấu như các cán bộ quân sự khác.


Ngày 18 tháng 11 năm 1964, nhiều tốp máy bay Mỹ đến bắn phá vùng Chà Lò thuộc miền tây tỉnh Quảng Binh. Ngay đợt đầu, 3 chiếc F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội. Loạt đạn đầu tiên của khẩu đội 3 đã đón lấy chiếc đi đầu. Bọn địch đổi hướng và tập trung công kích vào khẩu đội 3. Cả trận địa nổ súng giòn giã đánh trả lũ máy bay địch. Một chiếc F.100 bốc cháy lao xuống phía núi nhưng 1 chiếc khác đã phóng 1 loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Bất chấp nguy hiểm, đồng chí lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 hô lớn:

- Nhằm thẳng quân thù, bắn!

Lưới lửa của đại đội vây lấy lũ máy bay Mý và 1 chiếc nữa lại phải đền tội. Đợt chiến đấu vừa tạm dứt, đồng chí đi khắp các khẩu đội để nắm tình hình. Bọn địch lại ập đến điên cuồng bắn phá trận địa đại đội; bị 1 viên đạn siết vào đùi làm cho một chân bị giập nát, đồng chí bảo y tá cắt hộ chân cho khỏi vướng và giấu không cho mọi người biết, vì thiếu thuốc tê và dụng cụ, máu ra nhiều, chân nhức buốt, nhưng Nguyễn Viết Xuân cắn chặt chiếc khăn để không bật ra một tiếng nào. Sau trận chiến đấu ác liệt, đồng chí chỉ định người thay thế, phân công người chăm sóc các đồng chí bị thương, bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ. Khi về tuyến sau, vết thương quá nặng, máu ra nhiều, đồng chí thấy khó qua được giờ phút hiểm nghèo, nhưng khi có đồng đội đến thăm, Nguyễn Viết Xuân vẫn tỉnh táo hỏi tình hình trong đơn vị và nhắc phải chú ý chăm sóc tốt anh em, phát huy truyền thống của đơn vị, chiến đấu tốt hơn.


Nguyễn Viết Xuân không còn nữa nhưng cả đại đội 3 đã dấy lên một cao trào thi đua, kiên quyết chiến đấu lập công, trả thù cho người chính trị viên yêu quý của mình.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huy chương Kháng chiến hạng nhì, 6 bằng khen và giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Viết Xuân được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2022, 04:16:27 pm »

ANH HÙNG THÁI VĂN A


Thái Văn A, sinh năm 1942, dân tộc Kinh, quê ở thôn Liên Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, quan sát viên đảo Cồn Cỏ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Lớn lên sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, được học tập, rèn luyện dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, Thái Văn A hăng hái tham gia mọi công tác xã hội: giúp hợp tác xã tính thuế nông nghiệp, dạy bổ túc văn hóa, làm thông tin xã, v.v. hai lần được huyện khen thưởng, năm 1961, được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam.


Sau khi nhập ngũ, được điều về đơn vị pháo cao xạ, rồi chuyển sang trinh sát, học nhiều khoa mục chuyên môn phức tạp, đồng chí luôn luôn cố gắng nên khoa mục nào cũng đạt loại giỏi, được đơn vị khen và đạt danh hiệu đoàn viên tiên tiến.


Mùa hè năm 1963, được chọn ra công tác ở đảo Cồn Cỏ, Thái Văn A hiểu rõ tầm quan trọng của đảo, nên kiên trì rèn luyện từng giờ, từng ngày để có được "đôi mắt và đôi tai ngàn dặm", bất kể đêm ngày đều phải tỉnh táo phát hiện từng chấm đen trên biển, từng âm thanh khác lạ của sóng gió đại dương.


Ba năm công tác vả chiến đấu trên đảo, Thái Văn A đã phục vụ chiến đấu hàng trăm trận, trực tiếp chiến đấu 135 trận, góp phần bắn rơi 20 máy bay giặc Mỹ.


Một đêm tháng 8 năm 1963, tàu biệt kích địch lợi dụng ánh trăng, tắt hết đèn, lẩn dưới bóng mây, rồi hãm máy lẻn vào xâm phạm đảo. Đồng chí phát hiện kịp thời, báo cáo ban chỉ huy xử trí. Chiếc tàu địch biết bị lộ vội mở máy chuồn thẳng.


Ngày 8 tháng 8 năm 1964, địch cho nhiều tốp máy bay từ hướng đông-nam bay lướt qua đảo rồi quay về không có hoạt động gì. Đến trưa, 2 chiếc F.100 từ hướng tây - nam, bay rất thấp, định lợi dụng cây cối che khuất, bất ngờ công kích đảo. Đồng chí phát hiện được âm mưu địch, kịp thời báo cáo cho chỉ huy. Các trận địa đều sẵn sàng chủ động. Khi 2 máy bay địch vừa sà xuống, súng của ta lập tức nổ dữ dội, bắn rơi chiếc máy bay đi đầu, chiếc sau hoảng hốt bỏ chạy.


Ngày 11 tháng 3 năm 1965, 1 tàu khu trục địch từ ngoài khơi tiến dần vào đảo, đồng thời nhiều đợt máy bay của chúng lượn ở phía nam, hòng đánh lạc hướng và làm rối loạn mục tiêu theo dõi của ta. Bất ngờ, 6 máy bay phan lực của địch lợi dụng ánh nắng mặt trời, từ phía đông lao vào. Thái Văn A đã nắm chắc địch, nhanh chóng đánh kẻng báo động và báo cáo về đài chỉ huy. Các trận địa nhất loạt nổ súng hạ chiếc máy bay đi đầu, những chiếc khác xé đội hình bỏ chạy.


Bị thua đau, địch điên cuồng cho 20 máy bay AD.6 từ các hướng đánh vào đảo, vào đài quan sát. Một quả bom rơi trúng chân đài, đất đá văng cao, nhiều chấn song, thang và cột đài quan sát bị mảnh bom phạt gãy, sàn đài chòng chành nghiêng ngả, rồi lệch hẳn sang một bên. Nhận được lệnh cho phép xuống đài, đồng chí rất cảm động trước sự quan tâm của cán bộ, nhưng càng hiểu rõ trách nhiệm của mình ở vị trí tiền tiêu quan trọng này, đồng chí tình nguyện xin ở lại nguyên vị trí cũ. Người đau ê ẩm, hai cánh tay tê dại vì phải bấu víu nhiều để khỏi bị hất xuống đất, Thái Văn A cảm thấy vương vướng ở chân. Nhìn xuống thấy máu chảy mới biết mình bị thương, đồng chí nghiến răng rút mảnh đạn găm ở chân ra, rồi tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới khi trận chiến đấu kết thúc, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 2 máy bay của giặc Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác.


Ngày 15 tháng 3 năm 1965, đài quan sát di chuyển đến một mỏm đồi cao. Thấy địa hình thuận lợi vừa quan sát, vừa có thể bắn máy bay bay thấp, đồng chí xin lĩnh súng và lập tổ chiến đấu.


Ngày 4 tháng 4 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay vào đánh đảo. Thái Văn A quan sát nắm chắc địch, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy và cùng tổ bình tĩnh chờ địch lao xuống thấp mới bất ngờ nổ súng mãnh liệt, bắn rơi 1 phản lực Mỹ.


Liên tục từ ngày 5 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay ngày đêm đánh phá đảo, có đêm tới 3-4 lần ném xuống đảo nhiều loại bom, có cả bom nổ chậm. Đồng chí vẫn bình tĩnh, kiên cường làm nhiệm vụ. Có ngày địch ném xuống 64 quả bom nổ chậm, đồng chí tỉnh táo ghi lại chính xác vị trí từng quả bom, báo cho công binh xử trí.


Thái Văn A là một chiến sĩ trẻ, có quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, tích cực hăng hái trong rèn luyện, học tập, luôn luôn nêu cao tinh thần anh dũng kiên cường trong chiến đấu, bị thương không rời vị trí, gương mẫu, đoàn kết giúp đỡ đồng đội, chấp hành nghiêm kỷ luật, được đồng đội thương yêu, mến phục.


Đồng chí đã được thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 3 bằng khen, 2 năm liền được bầu là Chiến sĩ giỏi, Chiến sĩ thi đua và được chọn là đảng viên xuất sắc nhất của đảo.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Thái Văn A được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2022, 04:17:31 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN MẬT


Nguyễn Văn Mật, sinh năm 1940, dân tộc Kinh, quê ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 9 năm 1962. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung sĩ, khẩu đội trưởng súng cao xạ 14,5 mi-li-mét, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình Nguyễn Văn Mật rất nghèo khổ, bố mẹ và anh em đều phải đi ở cho địa chủ. Cách mạng thành công đã thay đổi hẳn cuộc đời của gia đình đồng chí.


Gắn bó sâu sắc với cách mạng, một lòng tin tưởng Đảng và Bác Hồ, cả gia đình đồng chí có 5 anh em, thì 4 người lần lượt đi bộ đội, trừ người em út chưa đến tuổi trưởng thành.


Tháng 4 năm 1963, được điều động về phân đội súng cao xạ thuộc trung đoàn 270 và được giáo dục nhiệm vụ nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, Nguyễn Văn Mật ra sức học tập nắm vững kỹ thuật số pháo thủ mình được phân công, ngoài ra còn học thêm kỹ thuật của các số khác để có thể thay thế được khi cần thiết.


Tháng 2 năm 1964, đồng chí được đề bạt làm khẩu đội trưởng.


Trong 2 ngày 16 tháng 3 và 4 tháng 4 năm 1965, lần đầu tiên tham gia đánh máy bay Mỹ ở Vĩnh Linh, khẩu đội Nguyễn Văn Mật đã cùng đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay địch.


Tháng 4 năm 1965, được bổ sung ra đảo Cồn Cỏ, đồng chí tham gia chiến đấu trên 100 trận và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều trận hoàn thành xuất sắc.


Suốt ngày 26 tháng 4 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay AD.6 và F.4 vào bắn phá đảo, đồng chí cùng khẩu đội tỉnh táo bắt mục tiêu, đánh trả quyết liệt. Súng bị hóc, ngay dưới làn bom đạn của địch, Nguyễn Văn Mật bình tĩnh, khẩn trương sửa chữa, kịp thời tham gia chiến đấu được ngay, phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay Mỹ.


Liền trong các ngày 27, 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay đến đánh phá đảo. Đồng chí dũng cảm chiến đấu, sửa chữa súng hóc, bảo đảm cho hỏa lực phát huy được mạnh mẽ. Có đợt chúng ném một lúc 20 quả bom và phóng tên lửa vào trận địa, làm cho công sự, hào giao thông sập lở và một số đồng chí bị thương vong. Đồng chí thay thế làm nhiệm vụ số 2, tiếp tục bám sát mục tiêu và động viên anh em chiến đấu. Qua 4 ngày chiến đấu, đơn vị đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ, riêng khẩu đội đồng chí bắn rơi 1 chiếc.


Ngay mờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1965, địch đã cho 3 máy bay lao vào cát bom và phóng rốc-két xuống trận địa. Một loạt 8 quả bom nổ ngay bên công sự của khẩu đội đồng chí làm cho một số anh em bị sức ép, ngất đi, đồng chí cũng bị đất vùi từ bụng trở xuống. Được lệnh của đại đội cho đưa súng vào hầm tránh đạn, nhưng với quyết tâm diệt giặc, đồng chí đã xin cấp trên cho phép chuyển vị trí. Đồng chí bình tĩnh dùng tay moi đất kéo súng lên lau chùi, sửa chữa, khẩu đội tiếp tục chiến đấu, cùng đơn vị bắn rơi 1 máy bay địch.


Ngày 11 tháng 6 năm 1965, địch cho 9 máy bay AD.6 tới ném 70 quả bom xuống đảo, 2 quả rơi trúng trận địa pháo, công sự bị sập, súng bị vùi. Tuy địch đang bắn phá dữ dội, đồng chí vẫn bình tĩnh rời khỏi bệ súng, đứng lên sửa chữa súng rồi trực tiếp làm số 1 và chỉ huy khẩu đội tiếp tục chiến đấu phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 1 máy bay Mỹ.


Ngay chiều hôm đó, địch cho 8 máy bay vào đánh phá. Trận địa trung đội bị trúng bom, đồng chí trung đội trường hy sinh, Nguyễn Văn Mật tuy cũng bị sức ép nặng, nhưng vẫn cố gắng đưa trung đội trưởng về phía sau, rồi trở lại tiếp tục chiến đấu.


Thấy khẩu đội bạn bị hỏng súng, đồng chí lệnh cho khẩu đội mình bắn yểm hộ, rồi dũng cảm lao tới từng khẩu đội sửa chữa súng để toàn trung đội phát huy được hỏa lực đánh trả máy bay địch.


Ngoài tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào, Nguyễn Văn Mật còn hết lòng thương yêu đồng đội, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thương binh, tử sĩ, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Nguyễn Văn Mật đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 bằng khen và giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Văn Mật được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2022, 04:18:09 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN HỮU NGOÃN


Nguyên Hữu Ngoãn sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Binh, nhập ngũ tháng 7 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là binh nhất, pháo thủ số 2, thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 9 pháo cao xạ, bộ đội địa phương Quảng Bình.


Được nhà trường xã hội chủ nghĩa giáo dục, nhận rõ trách nhiệm của người thanh niên đối với Tổ quốc, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Hữu Ngoãn xung phong nhập ngũ. Trong 6 tháng ở đơn vị, đồng chí đã luôn luôn tích cực học tập và rèn luyện nên cuối khóa huấn luyện đạt loại khá và giỏi trong tất cả các môn, được sư đoàn tặng giấy khen.


Vì yếu sức khỏe, được trở về địa phương, đồng chí vẫn tích cực tham gia mọi công tác, được tỉnh tặng giấy khen.


Một năm (từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 4 năm 1966), ở đơn vị pháo, Nguyễn Hữu Ngoãn đã tham gia chiến đấu hơn 60 trận, trận nào cũng nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Là pháo thủ số 2, đồng chí luôn luôn hiệp đồng với đồng đội chặt chẽ, nổ súng kịp thời, chính xác, kiên quyết diệt địch ngay từ loạt đạn đầu.


Ngày 1 tháng 9 năm 1965, 8 máy bay A.4D của địch đến đánh phá phà sông Gianh. Bom nổ xung quanh trận địa, đồng chí vẫn bình tĩnh lấy tầm, đạp cò, nổ súng đánh trả quyết liệt vào lũ máy bay Mỹ, cùng đơn vị bạn bắn rơi 2 máy bay địch.


Ngày 13 tháng 11 năm 1965, địch cho 3 máy bay vào đánh phá đập nước Cẩm Ly, ngay loạt đạn đầu, khẩu đội Nguyễn Hữu Ngoãn đã nổ súng kịp thời, cùng toàn phân đội bắn rơi tại chỗ 1 máy bay Mỹ.


Ngày 10 tháng 2 năm 1966, 4 máy bay địch lại lao vào đánh phá đập nước. Chiếc đi đầu vừa hạ thấp độ cao, lao xuống liền bị khẩu đội Nguyễn Hữu Ngoãn và các khẩu đội của đại đội bắn rơi tại chỗ.


Ngày 14 tháng 4 năm 1966, địch cho 4 máy bay phản lực đến oanh tạc trận địa phân đội pháo cao xạ. Một loạt rốc-két phóng xuống, Nguyễn Hữu Ngoãn bị thương vào tay trái, máu chảy nhiều, nhưng vẫn nén đau, tiếp tục chiến đấu. Một máy bay lao xuống bắn đạn 20 rni-li-mét, làm đồng chí bị thương lần thứ hai vào chân trái và tay phải, nhưng đồng chí vẫn không rời mâm pháo, tiếp tục đạp cò được 3 điểm xạ nữa, đồng thời hô khẩu hiệu động viên đồng đội: "Nhìn thẳng vào quân thù, bắn thật mạnh, trả thù cho các đồng chí của chúng ta!". Bị thương lần thứ ba, máu ra nhiều, ngất đi, khi tỉnh dậy, Nguyễn Hữu Ngoãn lại tiếp tục động viên đồng đội chiến đấu. Y tá đến băng bó và chuyển về tuyến sau; nằm trên cáng, đồng chí còn nhắn lại: "... Hãy anh dũng chiến đấu giữ vững truyền thống của khẩu đội...".


Khi điều trị ở bệnh viện, tuy vết thương rất nặng, Nguyễn Hữu Ngoãn không hề kêu rên một tiếng, mà còn động viên anh em xung quanh gắng chịu đựng để chiến thấng bệnh tật.


Không những anh dũng trong chiến đấu, Nguyền Hữu Ngoãn còn luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành giúp đỡ đồng đội, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Hữu Ngoãn được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2022, 06:58:41 am gửi bởi macbupda » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 05:56:44 pm »

ANH HÙNG DƯƠNG CHÍ UYỂN


Dương Chí Uyển, sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 1 năm 1949, xuất ngũ tháng 7 năm 1958, tái ngũ tháng 2 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, chính trị viên phó tiểu đoàn 71 pháo cao xạ, thuộc tỉnh đội Hà Tĩnh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kể từ năm 1949 đến 1954, Dương Chí Uyển tham gia chiến đấu 38 trận, trận nào cũng nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, hai lần bị thương nặng vẫn không rời vị trí, kiên quyết chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Năm 1951, nơi đóng quân bị lụt, đơn vị gặp khó khăn về lương thực, Dương Chí Uyển cùng 2 đồng chí nữa khắc phục khó khăn bơi lội suốt 7 ngày bảo đảm đủ gạo và thức ăn cho bộ đội.


Năm 1953, đánh trận Bản Phụng, bị địch bao vây, đơn vị chỉ còn lại 7 người, và đã bị thương cả, Dương Chí Uyển bình tĩnh động viên, chỉ huy đồng đội chiến đấu dũng cảm, suốt một ngày, phá được vòng vây của địch.


Năm 1958, phục viên trở về địa phương được 6 ngày, đồng chí xung phong nhận nhiệm vụ xã đội trưởng. Những năm công tác ở địa phương, khi làm xã đội trưởng, khi làm chủ tịch Ủy ban hành chính xã kiêm chính trị viên xã đội, Dương Chí Uyển luôn luôn gương mẫu, tận tụy trong mọi công tác, cùng với cán bộ địa phương đưa phong trào dân quân của xã từ yếu trở thành khá trong huyện.


Tháng 2 năm 1965, đồng chí được lệnh tái ngũ làm chính trị viên đại đội pháo cao xạ của tỉnh. Đơn vị mới thành lập, cán bộ, chiến sĩ và bản thân Dương Chí Uyển cũng chưa biết gì về pháo. Một mặt, đồng chí tích cực học tập để nắm vững kỹ thuật pháo; mặt khác, luôn luôn đi sát lãnh đạo, xây dựng quyết tâm cho đơn vị, tích cực luyện tập, nhanh chóng làm chủ vũ khí được giao.


Ngày 26 tháng 3 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá khu vực thị xã Hà Tĩnh. Chúng ném bom, bắn rốc-két vào trận địa đại đội 27. Trận chiến đấu mỗi lúc càng gay go, ác liệt. Đồng chí bị hai vết thương, máu chảy ra nhiều, nhưng nén đau, giấu đồng đội và cố gắng tựa vào thành công sự tiếp tục động viên, chỉ huy đơn vị. Khi đơn vị gặp khó khăn, Dương Chí Uyển cố lê tới từng khẩu đội, cổ vũ, chỉ huy anh em chiến đấu và khắc phục hậu quả. Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng đơn vị bạn bắn rơi 9 máy bay địch.


Vào bệnh viện, tuy vết thương nặng phải mổ nhiều lần, Dương Chí Uyển vẫn kiên trì chịu đựng và còn động viên các đồng chí y sĩ, bác sĩ làm nhiệm vụ.


Khi ra viện, sức khỏe còn yếu, được trên cho đi an dưỡng, nhưng đồng chí tự nguyện xin trở về đơn vị tiếp tục công tác và chiến đấu.


Dương Chí Uyển là một cán bộ gương mẫu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào, dù gian khổ, ác liệt cũng luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của người đảng viên, người cán bộ, có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn mọi người vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí sống khiêm tốn, giản dị, chan hòa với đồng đội, được mọi người tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 11 bằng khen và giấy khen, 6 năm là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Dương Chí Uyển đươc Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 05:57:24 pm »

ANH HÙNG HOÀNG NGỌC CHƯƠNG


Hoàng Ngọc Chương, sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 4 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là hạ sĩ, trung đội phó súng cao xạ 14,5 mi-li-mét thuộc đại đội 48, tiểu đoàn 14, sư đoàn 330, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Lớn lên ở vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp, được cách mạng giáo dục, Hoàng Ngọc Chương hăng hái tham gia công tác từ tuổi thanh niên. Khi còn ở địa phương, đồng chí đã hăng hái tham gia xung phong làm mọi nhiệm vụ trên giao, vào dân quân, vào đội xung kích đắp đê chống lụt và đã nhiều lần được cấp trên khen thưởng.


Lúc vào bộ đội, ngay từ đầu, Hoàng Ngọc Chương đã tích cực học tập, gương mẫu trong mọi mặt công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ với ý thức quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc.


Tháng 1 năm 1965, đơn vị được lệnh sang Lào chiến đấu giúp bạn. Đồng chí rất phấn khởi, hăng hái chuẩn bị và động viên, giúp đỡ những người khác nhanh chóng ổn định mọi mặt để đơn vị sớm có thể lên đường.


Hoàng Ngọc Chương đã tham gia 33 trận chiến đấu, luôn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu bình tĩnh, dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng đơn vị lập công xuất sắc.


Ngày 19 tháng 2 năm 1965, đơn vị hành quân suốt đêm, đến 8 giờ sáng mới tới vị trí thì ngay chiều hôm đó, 47 máy bay Mỹ tới oanh tạc vào đội hình trú quân của đơn vị. Từ phút đầu, đồng chí có mặt ở vị trí chiến đấu, cùng với khẩu đội góp phần bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F.101 khi chúng vừa bổ nhào cắt bom. Máy bay Mỹ vẫn ngoan cố đánh phá, bắn rốc-két và đạn 20 mi-li-mét, làm cho cả khẩu đội bị thương vong. Còn một mình nhưng Hoàng Ngọc Chương vẫn không rời vị trí, đảm nhiệm thay tất cả các số tiếp tục chiến đấu. Khi súng bị hỏng và được lệnh rời khỏi xe, đồng chí xung phong đi cáng thương binh, cứu xe bị cháy, rồi lại xin tham gia với khẩu đội pháo tiếp tục chiến đấu, góp phần xứng đáng vào chiến công chung hôm đó, bắn rơi 9 máy bay giặc Mỹ.


4 giờ chiều ngày 15 tháng 6 năm 1965, 12 máy bay địch từ nhiều hướng lao tới đánh phá khu vực Na Cay, nơi trú quân của đơn vị. Hai quả bom rơi trúng trận địa, một số anh em bị thương vong. Tuy súng và người bị đất vùi, Hoàng Ngọc Chương bình tĩnh bới đất, nhanh chóng sửa chữa súng và tiếp tục chiến đấu, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 3 máy bay địch.


Trong trận ngày 22 tháng 6 năm 1965, cả đại đội chỉ còn 3 khẩu súng và số người trực tiếp chiến đấu lại thiếu. Đồng chí đề nghị cả y tá và quân khí viên cùng tham gia chiến đấu để sử dụng và phát huy hết hỏa lực của đơn vị. Ngay từ sáng, 16 máy bay địch đã tới đánh phá, 24 quả bom rơi vào trận địa, có quả chỉ nổ cách khẩu đội đồng chí 15 - 20 mét. Súng bị hóc cả hai nòng, Hoàng Ngọc Chương cùng đồng đội bình tĩnh sửa chữa. Mới chỮa được một nòng thì máy bay Mỹ lao xuống, đồng chí kịp thời lấy hướng, cự ly cho khẩu đội bắn, sau đó lại sửa tiếp nòng thứ hai, rồi tiếp tục chiến đấu, cùng đơn vị bắn rơi 3 máy bay Mỹ.


Trong chiến đấu cũng như trong mọi mặt công tác, Hoàng Ngọc Chương luôn luôn gương mẫu, nhận khó khăn về mÌnh, nhường thuận lợi cho bạn, nêu cao ý thức tổ chức, giữ nghiêm kỷ luật, khiêm tốn, đoàn kết, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 bằng khen và giấy khen, là Chiến sĩ thi đua năm 1965.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Hoàng Ngọc Chương được Chủ tịch nưỚc Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 05:57:58 pm »

ANH HÙNG TRẦN HANH


Trần Hanh, sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở làng Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ ngày 1 tháng 9 năm 1949. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu tá, trung đoàn phó trung đoàn 921 thuộc Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Hanh ở trung đoàn 48, sư đoàn 320, chiến đấu 25 trận lớn nhỏ, qua các chiến dịch Hà Nam Ninh, tây nam Ninh Bình và Đông - Xuân 1953 - 1954, với cương vị chính trị viên đại đội, rồi chính trị viên phó tiểu đoàn chủ công của trung đoàn, được khen thưởng 1 Huân chương Chiến   công hạng ba và được bầu là Chiến sĩ thi đua của trung đoàn năm 1954.


Từ năm 1956, do yêu cầu phát triển quân đội, Trần Hanh được cử ra nước ngoài học lái máy bay phản lực. Xác định rõ trách nhiệm, đồng chí miệt mài học tập, đạt kết quả giỏi về kỹ thuật trước khi trở về nước (tháng 8 năm 1964). Không chủ quan với trình độ đạt được, đồng chí vẫn đi sâu nghiên cứu nắm vững đặc điểm kỹ thuật và vận dụng chiến thuật của Không quân nhân dân Việt Nam theo tư tưởng quân sự của Đang ta.


Giặc Mỹ xâm lược gây chiến tranh ra cả nước. Ngày 3 tháng 4 năm 1965, không quân ta lần đầu tiên ra trận. Biên đội đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm hộ trên tầng cao và cạnh sườn để biên đội bạn lập công xuất sắc.


Ngày 4 tháng 4 năm I960, Trần Hanh nhận nhiệm vụ chiến đấu trên vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hóa, đồng chí chỉ huy biên đội lập công xuất sắc.


Hôm đó, trời đầy mây, tầm nhìn bị hạn chế. Khi tới khu vực chiến đấu, ta nhìn thấy địch thì địch cũng đã phát hiện được ta và cho một tốp máy bay vòng vào phía sau biên đội (cách chừng 15 ki-lô-mét). Ngay lúc đó, Trần Hanh phát hiện 4 máy bay địch ở bên phải đang lấy độ cao bay lên để tránh hòa lực pháo cao xạ của ta từ dưới bắn lên. Tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm thời cơ công kích luôn tốp này, đồng chí cho máy bay tăng hết tốc độ và vòng gấp, từ trêp cao lao xuống bám sát 1 chiếc F.105. Giữa lúc đó, Trần Hanh được đồng đội báo cho biết đằng sau có địch đang bám đuôi. Vững tin ở biên đội đang đối phó với địch ở phía sau để yểm hộ cho minh, đồng chí tiếp tục lao thẳng tới mục tiêu đã chọn. Tới cự ly có hiệu quả, đồng chí nổ súng, chiếc F.105 bị trúng đạn vào cánh trái, chòng chành. Vào sát hơn nữa, đồng chí bắn tiếp một loạt đạn. Chiếc máy bay địch bị trúng đạn vào giữa thân, bốc cháy và rơi xuống. Từ lúc này, đồng chí và biên đội đã tách rời, làm nhiệm vụ ở hai khu vực khác nhau.


Chiến đấu được 4 phút, khi nhận được lệnh quay về, Trần Hanh phát hiện 2 máy bay địch ở thế có lợi, đang chuẩn bị phóng tên lửa để diệt mình. Theo phương án đã nghiên cứu trước, đồng chí bình tĩnh quan sát và chuẩn bị đối phó. Khi máy bay địch đến cự ly phóng tên lửa, Trần Hanh đột nhiên làm động tác cắm đầu lao thẳng xuống đất với một tốc độ lớn, làm cho 2 tên lửa "Rắn đuôi kêu" của địch phóng trượt. Vừa ngóc máy bay vượt lên thì lại gặp 4 chiếc khác ở độ cao hơn từ phía sau lưng đánh tới; không còn cách nào khác, Trần Hanh dũng cảm quay ngược máy bay lại lao thẳng vào đối đầu với bọn địch. Không chịu nổi lối đánh đó, chúng hốt hoảng bỏ chạy. Khi báo cáo về đài chỉ huy và xin hướng bay, đồng chí phát hiện mình đã hoạt động quá giờ quy định nhiều, nhiên liệu còn rất ít, không đủ trở về sân bay. Lúc này, kim đồng hồ dầu chỉ số 0, đồng chí được phép nhảy dù. Nghĩ tiếc chiếc máy bay - tài sản quý giá - Trần Hanh cố lái gấp máy bay về phía trời quang, hạ thấp dần độ cao, cho máy bay là xuống theo quán tính. Gặp một thung lũng nhỏ, đã định hạ cánh, nhưng thấy sườn núi dốc, không bảo đảm an toàn, đồng chí cố cho trườn sang một thung lũng khác. Đồng chí khéo léo giảm dần tốc độ và cho máy bay hạ xuống một cánh ruộng con. Máy bay vừa chạm đất, người bị sóc mạnh, đầu choáng, mắt hoa, nhưng trước mặt là một con lạch, tiếp đó là một gò đất cao, đồng chí cố gắng tỉnh táo đưa máy bay vượt qua lạch rồi quay ngang chạy xuôi cùng chiều với gò đất. Máy bay trượt thêm 15 mét, rồi dừng lại, đồng chí ngất đi trong buồng lái. Sau trận này, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.


Trần Hanh là một người lái giỏi, một cán bộ chỉ huy biên đội dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc ngay từ trận đánh đầu. Đồng chí đã tìm ra và vận dụng có kết quả cách tránh tên lửa đối không của địch, nêu bài học kinh nghiệm cho các biên đội bạn. Với ý thức bảo vệ, giữ gìn máy bay đến cùng, đồng chí đã tìm mọi cách hạ cánh an toàn khi máy bay đã hết dầu, trong điều kiện địa hình phức tạp.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Trần Hanh được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 05:58:41 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BẢY


Nguyễn Van Bảy, sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Hòa Thanh, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng úy, đại đội phó đại đội 1 Không quân, thuộc trung đoàn 923, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1954 đến năm 1959, Nguyễn Văn Bảy ở đơn vị bộ binh, đồng chí công tác và học tập rất hăng say, luôn luôn đạt loại giỏi, 5 năm liền lập thành tích xuất sắc, được cấp trên khen thưởng. Năm 1960, đồng chí được chuyển sang không quân, đi học lái máy bay phản lực.


5 năm kiên trì phấn đấu, với tinh thần nỗ lực rất cao, học tập để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, đồng chí tích cực rèn luyện sức khỏe, kiên trì học tập. Có lần đang bay tập, vì thời tiết xấu, máy bay bị lạc và hết dầu, đồng chí bình tĩnh hạ cánh bắt buộc an toàn, được các giáo viên khen ngợi.


Tháng 4 năm 1965, Nguyễn Văn Bảy tốt nghiệp trở về nước, cũng là lúc giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đồng chí có nhiều cố gắng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật để đánh thắng không quân của bọn xâm lược Mỹ.


Tính đến ngày được tuyên dương anh hùng, Nguyễn Văn Bảy đã chiến đấu 7 trận, trận nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng biên đội bắn rơi 12 máy bay địch. Riêng đồng chí 4 lần nổ súng, bắn rơi tại chỗ 4 máy bay phản lực Mỹ; hai F.4, một F.105 và một F.8.


Ngày 7 tháng 10 năm 1965, trong khi làm nhiệm vụ yểm hộ cho đồng đội, máy bay Nguyễn Văn Bảy bị thương vì tên lửa địch, thủng nhiều chỗ (84 lỗ), nắp buồng lái cũng bị thủng; máy bay mất thăng bằng; chòng chành mạnh. Tình hình rất khẩn cấp, nguy hiểm, Nguyễn Văn Bảy vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay lựa theo sức gió, giữ lại thăng bằng, trở về sân bay hạ cánh an toàn.


Ngày 26 tháng 4 năm 1966, đang hoạt động trên vùng trời Võ Nhai (Bắc Thái), Nguyễn Văn Bảy phát hiện máy bay địch ở thế có lợi đang bám đuôi hai đồng chí trong biên đội. Trước tình hình đó, đồng chí và một đồng chí nữa, dũng cảm, nhanh chóng, bất ngờ lái máy bay xông thẳng vào giữa đội hình máy bay địch, làm cho chúng hốt hoảng tìm đường tháo chạy. Quyết không cho chúng thoát, đồng chí bình tĩnh bám chắc 1 chiếc, tới cự ly có hiệu quả mới nổ súng. Chiếc phản lực địch lật xuống để tránh đạn, đồng chí cho máy bay mình lật theo ngay và bồi tiếp một loạt đạn nữa, làm cho nó bốc lửa và rơi ngay tại chỗ. Trận này, biên đội Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 2 phản lực Mỹ và trở về an toàn.


Ngày 29 tháng 6 năm 1966, trên vùng trời Vĩnh Phú - Việt Trì, đồng chí cùng với biên đội, chủ động tiến công, mặc dù số lượng máy bay Mỹ đông gấp bội, gồm cả F.4 và F.105. Bị địch bám đuôi, Nguyễn Văn Bảy dũng cảm quay lại đối đầu, giành thế chủ động bám địch và diệt dịch. Trong trận này, biên đội bắn rơi 2 chiếc phản lực Mỹ, riêng đồng chí bắn rơi 1 chiếc.


Ngày 5 tháng 9 năm 1966, trên vùng trời Nam Hà, phát hiện 2 máy bay F.8 của địch, sau khi gây tội ác đang lao vào đám mây mù lẩn trốn, đồng chí cùng một đồng chí nữa nhanh chóng, dũng cảm, cắt đường bay đón đầu, diệt gọn cả 2.


Ngày 16 tháng 9 năm 1966, 16 máy bay địch gồm F.4 và F.105 xâm phạm vùng trời Chí Linh (Hải Hưng). Phát hiện một biên đội gồm 4 máy bay của ta, địch chia thành nhiều tốp, bay ở nhiều tầng, nhiều hướng, giành thế có lợi nhằm kéo ta ra xa, buộc ta phải bị động, phân tán đối phó, để chúng dễ dàng bao vây, diệt gọn. Nguyễn Văn Bảy đã cùng biên đội chủ động, linh hoạt, cơ động, giữ vững đội hình, yểm trợ cho nhau giành thế chủ động, buộc địch phải bị động chiến đấu ở khu vực ta đã chọn. Toàn biên đội đã dũng cảm chiến đấu lúc đối đầu, lúc bám đuôi địch, nổ súng kịp thời, chính xác, hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi 3 máy bay F.4 và trở về hạ cánh an toàn, riêng đồng chí bắn rơi 1 chiếc.


Nguyễn Văn Bảy, trong chiến đấu luôn luôn nêu cao tinh thần anh dũng kiên cường, mưu trí, linh hoạt, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, trong mọi mặt công tác, gương mẫu, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng đội, được anh em trong đơn vị tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, và nhiều bằng khen, giấy khen.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Văn Bảy được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2022, 03:51:22 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN TUYÊN


Nguyên Tuyên, sinh năm 1937, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân Dân, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng, nhập ngũ tháng 2 năm 1954. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thiếu úy, đội trưởng đội kỹ thuật lắp ráp tên lửa thuộc tiểu đoàn 65, trung đoàn 236, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Năm 1948, mới 11 tuổi, Nguyễn Tuyên đã làm liên lạc cho Ủy ban kháng chiến huyện. Bốn năm sau, đồng chí vào Đoản thanh niên cứu quốc, hoạt động du kích và tham gia lãnh đạo phong trào thanh niên ở địa phương.


Từ khi nhập ngũ, qua quá trình 10 năm, Nguyễn Tuyên đã được giao nhiều nhiệm vụ: liên lạc, anh nuôi, chiến sĩ quan trắc..., nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc, sau đó được cử đi học kỹ thuật ở nước ngoài.


Là một trong số những cán bộ kỹ thuật tên lửa đầu tiên của quân đội ta, Nguyễn Tuyên luôn luôn tích cực, say mê nghiên cứu, phát huy nhiều sáng kiến góp phần khắc phục được nhiều khó khăn, phục vụ thiết thực, kịp thời yêu cầu xây dựng và chiến đấu khẩn trương của bộ đội tên lửa.


Tháng 2 năm 1965, đang học dở, đồng chí được điều về xây dựng một đơn vị tên lửa. Tuy chưa tốt nghiệp, chuyên môn về tên lửa lại chưa được học, nhưng do yêu cầu xây dựng đơn vị và thời gian huấn luyện gấp, Nguyễn Tuyên vừa phụ trách đơn vị, vừa tranh thủ học ngoài giờ về chức trách và động tác của tất cả các số, rồi hướng dẫn cho từng người. Đồng chí còn trực tiếp phụ trách nhóm trung tâm và dây chuyền đột phá để rút kinh nghiệm phổ biến cho toàn đơn vị. Qua đợt huấn luyện, toàn đơn vị đã đạt 100% giỏi về lý thuyết, 100% khá giỏi về thực hành, rút ngắn được một nửa thời gian, kịp thời đưa đơn vị ra chiến đấu.


Tháng 7 năm 1965, đơn vị triển khai sản xuất đạn chiến đấu, Nguyễn Tuyên đã cùng đơn vị khắc phục khó khăn về trình độ, thời gian và điều kiện cơ động dã ngoại, phát huy nhiều sáng kiến có giá trị. Đồng chí đã nghiên cứu đưa hòm số một vào nhà, giảm được 10 người và thời gian nhanh gấp 3 lần; lắp đầu đạn, bớt được 1 xe đẩy, giảm được 2 người, thời gian nhanh gấp đôi; đưa đạn hỏng có nhiên liệu vào trong hòm, bảo quản tốt nhiên liệu, giải phóng xe nhanh.


Tuy phân đội không có nhiệm vụ phải sửa chữa và bản thân Nguyễn Tuyên chưa được học sâu về kỹ thuật sửa chữa, nhưng thấy mỗi khi khí tài trục trặc phải đưa đi xa sửa chữa, thời gian kéo dài, đồng chí kiên trì tìm tòi, nghiên cứu, rồi cùng đồng đội vận dụng sáng tạo, chữa được 7 bộ cánh, hàn thân được 5 quả đạn, chọn các bộ phận chưa hỏng ở các quả đạn đã loại, lắp được 4 quả đạn mới, phục vụ tốt yêu cầu chiến đấu.


Đặc biệt, Nguyễn Tuyên có sáng kiến cải tiến tổ chức bãi "dã ngoại" phù hợp với điều kiện chiến đấu của nước ta, đưa năng suất sản xuất lên 6 quả đạn trong một đêm (tăng gấp 6 lần), phục vụ kịp thời cho yêu cầu chiến đấu khẩn trương, phù hợp với điều kiện thực tiễn vừa tác chiến vừa cơ động, mà vẫn bảo đảm được an toàn.


Chiều ngày 7 tháng 11 năm 1965, địch cho nhiều tốp máy bay đến đánh phá khu vực của tiểu đoàn, Nguyễn Tuyên bị một tảng đá đè lên người. Tuy bị thương, nhưng khi thấy lửa cháy lan gần tới kho chứa 20 quả đạn tên lửa, đồng chí cùng chính trị viên lao vào và hô hào anh em cùng xông tới dập lửa, cứu đạn. Địch vẫn tiếp tục đánh phá, Nguyễn Tuyên lại bị 3 vết thương. Được lệnh vào hầm nghỉ, nhưng đồng chí tình nguyện xin ở lại cùng đồng đội khắc phục hậu quả của trận bom, hạn chế được thiệt hại rất nhiều.


Trong chiến đấu cũng như trong học tập, công tác, Nguyễn Tuyên luôn khiêm tốn, say mê học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tận tình giúp đỡ, bồi dưỡng cho đồng đội những điều mình nắm được, cùng nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong sinh hoạt, đồng chí rất giản dị, sống chan hòa với mọi người, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Nguyễn Tuyên đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 bằng khen, là Chiến sĩ thi đua đơn vị.


Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Tuyên được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM