quansuvn
Moderator

Bài viết: 4410
|
 |
« Trả lời #80 vào lúc: Hôm nay lúc 06:29:45 am » |
|
Năm 1972 là năm có những diễn biến chính trị quan trọng tại Hoa Kỳ, nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 38 vào tháng 11, là thời cơ thuận lợi có thể làm tiêu tan ý chí xâm lược và buộc Hoa Kỳ phải đi vào đàm phán thực chất. Tháng 10-1971, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam để ra nhiệm vụ cho Quân Giải phóng "tranh thủ thời gian, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị, xây dựng thế tiến công chiến lược mới bằng ba quả đấm mạnh trên cả ba vùng chiến lược; tiếp đó, mở cuộc tiến công và nổi dậy rộng lớn nhằm đánh suy sụp nặng ngụy quân, ngụy quyền, đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của địch".
Tại Hội nghị Paris, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam được chỉ thị chuẩn bị cho bước quyết định vào năm 1972. Vì vậy, trong những tháng đầu năm 1972 cả hai phái đoàn đểu kiên định trong việc đòi hỏi triệt thoái quân đội Hoa Kỳ và thay thế chính quyền Sài Gòn, nhưng tỏ ra mềm dẻo và có những nhượng bộ nhất định.
Ngày 3-2-1972, ông Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại phiên họp thứ 143, đã thể hiện sự nhượng bộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với hai vấn đề cơ bản như sau:
"1. Vấn đề rút quân Mỹ, chấm dứt chiến bằng không quân và mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam
Chánh phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng không quân và mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam, rút nhanh và rút hết toàn bộ quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự, võ khí, dụng cụ chiến tranh của Mỹ và các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Chánh phủ Mỹ phải đưa ra một thời hạn dứt khoát cho việc rút hết toàn bộ quân đội, cố vấn, nhân viên quân sự; võ khí, dụng cụ chiến tranh của Mỹ và các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà không kèm theo điều kiện gì. Thời hạn dứt khoát đó cũng là thời hạn thả hết quân nhân của các bên và dân thường bị bắt trong chiến tranh (bao gồm cả những người lái máy bay Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam).
2. Vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam
Chánh phủ Mỹ phải thật sự tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Văn Thiệu và bộ máy áp bức, kềm kẹp của Thiệu, công cụ của chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, là trở ngại chính cho việc giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Do đó, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay, chánh quyền Sài Gòn phải chấm dứt chánh sách hiếu chiến, phải thủ tiêu ngay bộ máy áp bức, kềm kẹp nhân dân, phải chấtn dứt chánh sách bình định, giải tán các trại tập trung, trả lại tự do cho những người bị bắt vì lý do chính trị, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam quy định"1 (Tài liệu về Hội đàm Ba Lê về Việt Nam số 143, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, Hồ sơ 1469, QKVH, TTLTII).
Qua phát biểu của ông Nguyễn Văn Tiến, quan điểm giải quyết hai vấn đề căn bản của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có sự nhượng bộ rõ rệt liên quan đến vấn đề tù binh và chính quyền Thiệu. Cụ thể, hai điểm khác so với lập trường 7 điểm nêu ra ngày 1-7-1971: 1. Nếu Hoa Kỳ xác định được thời hạn rút quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam thì thời điểm rút hết quân sẽ là thời điểm bắt đầu trao trả tù binh của các bên (nghĩa là không cần chờ đến khi Hiệp định được ký kết); 2. Không yêu cầu thay đổi chính thể hiện hữu ở miền Nam Việt Nam mà chỉ yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức ngay. Đồng thời, chính thể này phải thay đổi chính sách: chấm dứt bình định, giải tán các trại tập trung, chấm dứt khủng bố dân chúng, thả các tù chính trị, bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ của dân chúng như Hiệp định Genève đã quy định năm 1954.
Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định và ủng hộ lập trường của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, phái đoàn tập trung tiến công vào chính sách theo đuổi chiến tranh và chiến thuật đàm phán cùa Hoa Kỳ. Ngày 16-3-1972, tại phiên họp thứ 146, đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nguyễn Minh Vỹ lên án chính quyền Nixon:
"1. Rõ ràng chính quyền Nixon ngày càng điên cuồng đẩy mạnh những cuộc tiến công bằng không quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tiếp theo những đợt đánh phá lớn cuối năm 1971, từ đầu năm 1972 đến nay, không quân Mỹ, kể cả máy bay B-52, không ngừng tiến công, tăng cường những đợt đánh phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay các nguồn tin Mỹ (mặc dù còn xa sự thật) cũng nhận rằng mức độ đánh phá miền Bắc Việt Nam trong năm 1971 đã tăng gấp 5 lần so với năm 1970, thế mà chỉ từ đầu năm 1972 đến nay, số lần đánh phá miền Bắc Việt Nam đã vượt xa thời gian 10 tháng tính từ đầu năm 1971.
Thông báo đặc biệt ngày 11-3-1972 của Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nêu rõ: từ 1 đến 10-3-1972, theo số liệu đầu tiên, hơn 300 lần máy bay phản lực chiến thuật Mỹ đã ném hơn 500 bom phá và hơn 100 bom mẹ, tung ra hàng nghìn bom bi, bom mảnh nhỏ và bom xuyên, rất nhiêu loạt tên lửa, rốc két và đạn 20mm, xuống 48 điểm dân cư nằm trong 37 xã thuộc 9 huyện ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnhy Nghệ An, làm 50 người chết và hơn 110 người bị thương, thiêu hủy 70 nhà, phá hoại nhiều đồng ruộng, giết hại nhiều gia súc. Đặc biệt nghiêm trọng là máy bay Mỹ đã cố tình đánh phá mục tiêu dân cư như nông trường, hợp tác xã, trường học, cửa hàng, trạm y tề và nhà thờ Thiên Chúa giáo....
Lên án việc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc Việt Nam trong những ngày đầu tháng 3 vừa rồi, tuyên bố ngày 6-3-1972 của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: "Đây là những hành động chiến tranh cực kỳ nghiêm trọng, xâm phạm thô bạo chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vi phạm trắng trợn lời cam kết của Chính phủ Mỹ về chấm dứt hoàn toàn việc ném bom, bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự thách thức láo xược đối với dư luận tiến bộ ở Mỹ... Những hành động chiến tranh nghiêm trọng của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phơi bày bản chất xâm lược ngoan cố và hiếu chiến của chính quyền Nixon và bóc trần những luận điệu hòa bình bịp bợm của họ... Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do những hành động tội ác của họ gây ra"...
|