Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:09:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dòng sông thơ ấu  (Đọc 3934 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:20:29 pm »

*

*          *

 
Những người thường tới lui với cha tôi đã đi hết, cái thảo bạt nhà tôi vắng teo. Chỉ còn có một mình cha tôi ngồi đó trên chiếc ghế, ngó mông ra cửa, và ông nghĩ gì tôi không sao hiểu nổi.

- Không muốn thấy mà phải thấy. - Ông nói một mình.

- Cái gì cha?

Ông hất hàm về phía bót cò, cái lá cờ ba sắc:

- Đ. mẹ (ít khi tôi nghe cha tôi chửi thề). Không lẽ mình ngồi xoay mặt vô vách.

Còn tôi, không còn ai nói chuyện để hóng nghe, đã bỏ cái nghề quấn thuốc, cũng không nghĩ gì đến chuyện học hành, chẳng có ai chơi, tôi long nhong từ trước ra sau, rồi từ sau ra trước, chán lại qua cây câu khỉ, ra phố, la cà ở chỗ đông người, ngóng nghe tin tức, chờ bữa cơm.

Nhưng rồi nhà tôi cũng có người đến nhưng lại đến vào lúc nửa đêm. Nghe tiếng gõ cửa biết là chuyện không lành, không phải gõ mà đập, đập một lần cả hai nắm tay dồn dập khẩn khoản, như báo động, cả nhà tôi choàng dậy, cả thằng út cũng giật mình ôm chặt lấy chị tôi.

Tôi đốt đèn, cha tôi mở cửa. Một người đàn bà mặc bà ba đen bỗng quỳ thụp xuống, ôm lấy chân cha tôi, khóc rống lên.

- Chuyện gì, chị Tư?

- Nhà tôi bị nó bắt rồi, anh Hai ơi.

- Ai bắt? Tây hả?

- Tây thì nói gì, Hòa Hảo, anh ơi! Lúc nó bắt, nó hỏi nhà tôi chiếc xe của mầy đâu thì nhà tôi nói: nếu nói tao có tội thì cứ bắt tao, chiếc xe tao tội tình gì mà hỏi nó. Nhà tôi nói vậy rồi nó xúm lại nó trói, nó dẫn đi.

- Chị nhận ra mặt ai không?

- Thì cũng người hàng xóm mình chớ ai, anh Hai. Có thằng Điền con chú Chín Hết nữa. Anh làm ơn anh xuống nói với cậu Tư giùm tôi, anh Hai. Họ muốn gì cũng được, anh Hai, nhà cửa với trại xuồng, tôi giao hết.

- Chị về trước đi. Tôi sẽ xuống.

- Đi ngay bây giờ nghe, anh Hai.

Người đàn bà ấy là vợ của chú Tư Chía, má anh Trung.

Bên ngoài trời tối đen. Tưởng như sờ đụng được bóng đêm. Cái bóng đêm như đặc hơn cái bóng đêm những đêm trước.

Cha tôi mặc quần áo xong, sửa soạn đi thì bất ngờ, như dưới đất hiện lên, ông Tư tôi sừng sững trước cửa nhà. Bộ đồ dà, hai con mắt trợn tròn, và bộ râu như dựng ngược lên, từ lồng ngực căng đầy của ông như ọe ra từng tiếng gay gắt:

- Đi đâu? Hử? Tao thấy nó chạy lên đây, tao biết mầy sẽ xuống tao. Xuống tao làm gì? Tội của Tư Chía chỉ có Đức Phật Thầy mới cứu được. Còn mầy, mầy đã có công lên quận xin thả anh em, anh em còn nhớ ơn mầy. Nhưng bây giờ, mầy mà đi loạng quạng ngoài đường, anh em người ta không tha mầy đâu. Mầy phải nghĩ tới bầy con của mầy... - ông lấy hơi, hét lên: - Ở nhà!

Không để cho cha tôi nói một lời nào, ông quay ra và tan mất trong bóng đen.

Cha tôi cứ đứng sững ra, nhìn bóng tối...

Ba hôm sau, trên dòng sông có nhiều thây ma nổi lên, sình chương trôi lên trôi xuống theo con nước ròng, con nước lớn.

Thím Tư, anh Trung và người làng nhận ra cái thây của chú Tư Chía nhờ cặp răng hô của chú.

Ông Chín Hết tôi lại có mặt tại nhà chú Tư Chía và cũng câu đầu bước vào nhà:

- Bây đâu, bắc nồi nước!

Còn những cái thây khác, từ cù lao ông Chưởng theo con nước trôi ra, từ miệt trên trôi xuống, chẳng biết ai. Con sông không thấy xuồng, không thấy ghe, không thấy buồm, chỉ có những cái thây lình bình, trôi lên lại trôi xuống, với những bầy quạ đen quần theo, đáp xuống bay lên, quang quác trên mặt sông. Những cái bến nước dài theo con sông, những cây cầu có cái gáo dừa để người ta tắm, người ta gánh nước để trẻ con lặn hụp, đùa giỡn, để cho các cô, các chị, các bà ngồi giặt quần áo, bây giờ chẳng thấy ai. Những cái bến nước với cây cầu trơ ra, thấy thêm buồn. Thỉnh thoảng mới có một người ra bến nước, họ không làm cho sông nước vui lên, mà thấy thêm lẻ loi.

Và quạ, chẳng biết từ đâu kéo tới, cứ từng bầy như những đám tàn sau một trận cháy, bay đen trên mặt sông, kêu quang quác...

Sau khi chôn cất chú Tư Chía xong, má con anh Trung bỏ nhà đi, chẳng biết đi đâu, có người bảo trốn vào chiến khu, có người bảo trốn lên Sài Gòn ẩn náu.

- Cha ơi! Sao nhà mình không trốn đi cha?

Chị tôi hỏi sau khi được tin vợ chú Tư Khởi đã bỏ nhà đi, trong xóm không còn ai bán bánh bèo. Và những người có dính líu với Việt Minh trong làng ngoài chợ - người lên Sài Gòn người qua Đồng Tháp, người ngược nước lên Nam Vang.

- Lúc nào cần đi, cha sẽ đi. Chẳng lẽ bỏ đi hết. Cha nhớ hồi nhỏ, ông nội bà nội với cha với chú Ba con đi xuồng qua sông lớn. Tới giữa sông thì gặp sóng to gió lớn. Sóng ba bên bốn phía bủa tới, chiếc xuồng nhào lên hụp xuống, tưởng chìm đến nơi, nhưng ông nội con giỏi lắm, cứ cho mũi xuồng cỡi lên lưng con sóng. Cha nhớ, khi xuồng cặp lại bến rồi, ông nội con vô quán kêu một ly rượu, trong lúc cha với chú Ba đứng nhìn sóng bủa trắng cả con sông, vẫn còn sợ thì ông nội con hỏi “Hai con có thấy vui không? Biết lèo lái rồi sẽ qua”.

Cha tôi ngồi trên ghế xoay mặt vào nhà với chị em tôi nên ông không thấy một người lính mặc ka ki vàng, vai đeo cây tiểu liên đang,bước lên cây cầu khỉ nhà tôi. Tôi chồm dậy, hốt hoảng:

- Cha ơi, lính!

Tôi thoáng nghĩ là cha tôi sẽ bị bắt. Cha tôi quay ra, tên lính Việt gian ấy đã qua nửa cây cầu. Cha tôi bước ra đầu cầu thang, nheo mắt. Tên lính Việt gian bỗng dừng lại, cầm cây tiểu liên đưa lên trời, reo lên:

- Ô! Anh Hai.

Cha tôi đưa tay ngoắc:

- Vô, vô đây.

Người lính ấy như chạy trên cây cầu khỉ. Ông ta bước một lần hai bậc cầu thang, mang súng vào vai, đưa hai tay nắm lấy hai tay cha tôi.

- Trời! Trời! Lâu quá anh Hai. Có nghe chị Hai mất mà không sao về thăm được, có lỗi quá. - Nhìn thấy tôi đang lẩn quẩn bên cha tôi, ông hất hàm: - Thằng đi học có lương đây hả?

- Nó đó.

Ông ta vồ đến tôi. Khi ông ta đưa hai tay ôm lấy đầu tôi, thì tôi rúc cổ, muốn tuột đi, nhưng ông ta đã kéo tôi vào lòng. Áp mặt vào cái bộ đồ lính của ông ta, tôi nghe có mùi khét.

- Đây là chú Sáu Mạnh, bên Cái Sao, một xóm với ông nội con. Hồi ông nội con chết, chú Sáu đã khiêng quan tài của ông nội con. Lúc đó con còn nhỏ, con chưa biết.

Sau này tôi được biết, chú sanh cùng năm cùng tháng với cha tôi, cũng tuổi Thìn, chỉ nhỏ hơn có vài ngày. Bà nội tôi với má của chú đều bị thiếu sữa, nên cả hai cùng bú thép với một người mẹ hàng xóm. Vậy là cha tôi với chú chỉ là người cùng xóm, nhưng lớn lên cùng một bầu sữa.

Tôi cúi đầu thưa và ngước nhìn lại chú. Chú tên Mạnh cũng phải. Người chú to lớn, gồ ghề với nước da đậm như màu đồng điếu. Từ cái trán, cái gò má cho đến cái quai hàm đều có góc có cạnh rõ ràng, cả cái chân râu của chú cũng có một màu riêng, như một bãi cỏ được cắt đến tận gốc, vẫn còn giữ lại một màu xanh, từ mép cho đến cằm.

Mỗi lần có khách, chị tôi biết mình là phận gái, thường lui vào trong với ba đứa em, hoặc xuống bếp. Còn tôi thì tìm đủ cách, la cà nghe chuyện.

- Thím với mấy đứa nhỏ khỏe chớ? - Cha tôi hỏi khi hai người ngồi vào ghế.

- Cũng khỏe, anh Hai. Nhưng cũng kẹt lắm!

- Sao mà kẹt?

Chú Sáu Mạnh thở dài, ngao ngán:

- Hồi trước mình cũng đi lính. Mình về làng, người ta không trọng thì người ta cũng sợ; nếu khinh, người ta cũng để bụng. Còn bây giờ, cũng chẳng lâu la gì mà khác quá. Bà con xóm giềng, ai cũng dè bỉu vợ con mình là vợ con của thằng Việt gian, bị xóm giềng nhìn mình bằng nửa con mắt. Còn cô Bảy, người mà tụi mình bú thép hồi nhỏ, cô nói: “Nếu tôi biết bây giờ nó làm Việt gian, hồi nhỏ, tôi cho nó bú làm gì. Nghĩ mà tiếc cái dòng sữa của mình”. Anh nghe có đau không? - Chú vừa nói vừa đưa nắm đấm vỗ vào ngực. - Tôi định đưa vợ con tôi sang đây, cho khuất mắt bà con dòng họ, nhưng nghĩ lại, cái thân làm lính, mà vợ con lằng nhằng sau lưng, cũng kẹt quá, anh Hai. Nghe được đổi về đây, tôi mừng muốn hết lớn, ít ra cũng còn có anh, với anh em. Tôi về đây hồi chiều hôm qua, không kịp qua thăm ai cũng không kịp hỏi thăm ai. Tôi sợ nhứt là anh bị Hòa Hảo bắt, hai là sợ anh cũng đã bỏ đi. Tối hôm qua, nhìn thấy ngọn đèn của nhà anh, tôi mừng lắm. Thôi, có gì thì cũng nhờ anh với anh em che chở cho.

Lúc đầu, tôi tưởng chú là người lính được lịnh mang súng đến bắt cha tôi, bây giờ lại nghe chú nhờ cha tôi che chở. Cha tôi mảnh khảnh, ốm yếu vậy, làm sao có thể che chở được một con người mạnh khỏe, gồ ghề với súng ống như chú? Tôi ngạc nhiên nhưng rồi cũng cảm thấy hiểu.

Một con người có bộ mặt hung dữ mà xịu xuống buồn rầu, trông thảm não làm sao!

- Tin tức mấy bữa nay ra sao? - Cha tôi hỏi.

- Coi như nó đã chiếm hết lục tỉnh Nam Kỳ rồi anh Hai. Anh em đang kéo nhau về rừng, lập chiến khu, chờ thời.

- Thằng cò nầy, thằng thế nào?

- Thế nào rồi cũng là Tây thôi anh. Là thằng “pôtilích” (1) chớ không phải “milite” (2).

- Chú đổi về đây làm gì?

- Tôi “xú” (3) quyền nó.

- Theo chú thì sắp tới nó định làm gì cái làng này?

- Tôi mới đổi về chiều qua, chưa biết hết. Nhưng tôi qua, ngồi nói chuyện với nó, nó cho tôi biết, trước hết là phải ổn định lòng dân. Có người đã xui nó lùng bắt những người trước đây đã đi hôi của bên nhà thờ cù lao Giêng. Nó cười, bảo: trên thế giới này, ở đâu cũng vậy, khi nông dân mà nổi dậy thì họ cướp phá là chuyện thường. Nếu bắt thì phải bắt hết cả cái làng này. Cho qua! Để dân chúng thấy chánh phủ Pháp là người đại lượng. Còn chuyện trả thù, trả oán, bắt bớ và chém giết, cứ để cho họ. Nó nói với tôi vậy, và anh cũng thấy đó. Hòa Hảo bắt Việt Minh, giết thả trôi sông, nó làm ngơ. Nó cũng ra lịnh cho tôi, đêm đi “ba trui” chỉ đi từ chợ đến xóm nhà thờ, và từ chợ đến cột dây thép, trong vườn, trong ngọn thì giao cho Hòa Hảo.

- Có cái chuyện đó nữa sao? - Cha tôi hỏi lại và hai con mắt của cha tôi cứ sững lại, mặt thừ ra như người không hồn. Ông nắm chặt quả đấm nhưng không đấm xuống bàn mà từ từ đặt xuống và ấn xuống, ông ấn mạnh đến nỗi cái lưng cứ rướn thẳng lên.

- Mình cũng có nghĩ tới, nhưng không ngờ cơ sự lại đến nỗi như vầy, rõ quá rồi.

Cha tôi lắc đầu, ngả người ra ghế, vẻ chán chường. Chợt nhớ điều gì, ông quay lại, thấy tôi đang ngồi bó gối trong góc, ngước mặt hóng chuyện, ông bảo:

- Con vào trong chơi!

Có thể nói, đó là lần thứ hai, cha tôi không muốn cho tôi nghe chuyện của người lớn. Chuyện của hai người mãi về sau tôi mới biết được.

Tôi nhận được thông báo của nhà trường gởi đến tận nhà. Thông báo nói chánh phủ Pháp đã chiếm lại Nam Kỳ, tình hình đã được ổn định, và gọi học sinh trở lại trường.

Trường làng tôi lại thùng thùng tiếng trống, học trò lại cắp sách đến trường. Trên đường xe hơi từ Sài Gòn lại chạy về làng, và xe ngựa lại gõ vó trên các mặt đường. Chợ vẫn nhóm như xưa, dưới bến xuồng ghe lại tấp nập. Các cửa tiệm trong phố lại mở rộng cửa đón khách. Xem chừng đâu lại vào đó như xưa, nhưng lòng tôi lại chưa ổn định, không được như xưa, - cái xưa ấy không quá một năm, nên tôi chưa muốn trở lại trường. Dù không muốn học tiếp, tôi vẫn bồi hồi nhớ lại cuộc đời học trò. Cuộc đời học trò của tôi, có hai thầy tôi yêu quý. Thầy Hưng, một ông thầy tính điềm đạm và hiền từ. Thầy không đánh đứa nào và cũng không hề nặng lời với ai. Không hiểu thầy buồn cái nỗi gì mà đêm nào cũng gõ mõ tụng kinh. Cũng mang giày, nhưng mỗi lần vào lớp, chân thầy bước nhẹ nhàng, không một tiếng động.

Có những lời thầy dạy, ngoài bài vở, nhưng lại là những lời khai hóa cho sự hiểu biết của chúng tôi. Thầy nói:

- Nước Pháp là mẫu quốc, nói vậy thôi, chớ họ có đẻ ra mình được đâu? Người Cộng sản là người yêu nước chống lại Pháp để giành lại đất nước.

Thầy nói vậy rồi nhìn cả lớp học với đôi mắt buồn rầu, không nói gì thêm và cũng không bao giờ nhắc lại.

Thế là, từ đó, tôi hiểu. Sự hiểu biết ban đầu, như một hạt giống gieo xuống, nảy mầm, thành gốc, thành rễ sâu xa trong trí não. Tôi cám ơn thầy biết bao.

Người thầy thứ hai, thầy giáo Ngọc. Hai thầy tính nết trái hẳn nhau. Thầy Ngọc chừng ba mươi tuổi, vừa cao lại vừa gầy, hai tay dài lõng thõng, đeo kính cận, lúc nào cũng vui nhộn. Chuyện gì của thầy cũng cười được. Cái nụ cười của thầy rất lạ, khi thầy cười, mọi người muốn cười theo. Gặp mặt thầy, chưa cần thầy nói gì cũng đã thấy vui rồi. Mỗi chiều sau giờ học, cùng với cây đàn băng giô, thầy ngồi tréo chân lên bàn, vừa đàn vừa dạy chúng tôi hát.

Trường chúng tôi nằm bên con đường nhựa, đối diện với trường dạy nghề dệt. Một con đường râm mát dưới hai hàng cây dái ngựa, gần dinh quận; là con đường dẫn ra chợ nhưng bị cấm tất cả các loại xe cộ. Xe hơi hay xe ngựa, kể cả xe đạp, từ bên kia đầu cầu, muốn ra chợ, phải chạy theo con đường đá lỗ chỗ ổ gà vòng ra xóm nghèo. Nghe nói ông chủ quận này vốn đau thần kinh, mất ngủ và hay giật mình. Nghe kể, có một lần, nửa đêm, ông ta giật mình vì tiếng chó sủa xa; không dỗ được giấc ngủ, ông ta điên tiết lên, ra lịnh cho lính đi tìm đến tận nơi, bắt phạt chủ nhà và giết cả con chó. Cả tiếng gà gáy năm canh, ông ta cũng không ưa. Ngay tiếng vó ngựa gõ đều đều trên mặt đường qua cửa dinh ông ta, ông ta cũng không chịu nổi. Cho nên cái quãng đường nhựa ấy, chỉ có một chiếc xe được qua lại, đó là chiếc xe hơi màu sữa của ông. Vì vậy mà con đường trước cửa trường chúng tôi yên tĩnh đến buồn tẻ như đường lên chùa.

Tiếng đồng ca trong trẻo của đám học trò cùng với tiếng đàn băng giô của thầy đã khuấy động phần nào không khí trầm lặng của cái thị trấn hẻo lánh này. Và những bài hát mà thầy đã dạy cho chúng tôi như: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Xếp bút nghiên, Kinh cầu nguyện... đã khuấy động lên trong tâm hồn chúng tôi tình non nước.

Tôi nghe nói, trong những ngày trường bị đóng cửa, thầy đã trở về làng, cũng chẳng đâu xa, bên kia cù lao Giêng, thuộc làng Mỹ Hiệp, phía bên kia. Thầy đã lập một gánh hát, hát lấy tiền giúp Việt Minh. Không biết thầy còn trở lại dạy nữa không, hay cũng đã theo anh em. Nếu tôi lại đi học mà không có thầy thì chẳng khác nào phải trở lại chùa. Và anh Hoàng cũng đi rồi, biết đi nhờ xe ai vào ngày nghỉ.

Dù không muốn trở lại trường, tôi vẫn phải nói với cha tôi. Đọc cái giấy của nhà trường gởi về, cha tôi cười mỉm.

- Ổn định à? Cha không cần nói chắc con cũng thấy. Thời cuộc này, sao nói là ổn định. - Cha tôi lại ngước mặt ra sông - Con sông đang lặng sóng, nhưng thử lặn xuống đáy mà coi, sóng ngầm dữ lắm, không biết sóng sẽ nổi lên lúc nào. Thời cuộc bây giờ là vậy. Nếu con đi học, con sẽ đi thi, thi đậu con sẽ học ở Cần Thơ. Thời cuộc bây giờ, với cái tuổi của con, cha chưa muốn cho con đi xa. Thôi. Con ở nhà tiếp với cha, anh Ba con đi rồi, nhà chẳng còn ai.

- Tiếp cha chuyện gì cha?

- Cách đây mấy hôm, Bảy Hà, tiệm thuốc Tây ngoài chợ, rủ cha mở tiệm thợ bạc. ông ta có tiệm có vốn, còn cha thì hùn cái tên với cái nghề của cha. Anh em thợ nghe vậy cũng mừng, họ sẽ có chỗ làm, cũng nhân dịp, học thêm cái nghề của cha. Cha nghĩ rồi, làm vậy, tụi con sẽ có cơm qua ngày.

Cha tôi nói với giọng buồn rầu, chắc cha tôi nghĩ tôi sẽ buồn vì không được học, nên muốn an ủi tôi. Cha tôi đâu có dè tôi hết sức vui mừng. Cái mộng học cao để sau này làm thầy thông thầy ký, trong tôi tan vỡ lâu rồi.



-------------------------------------------------------------------------------
(1) Chính trị

(2) Quân sự

(3) Dưới


 

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 05:00:32 pm »

*

*        *

 

- Ê! Con ông chủ thợ bạc.

Buổi sáng sớm, tôi đang đứng lau cái tủ kính đựng đồ trang sức trước cửa tiệm, bỗng nghe có người gọi nhỏ phía sau lưng, tôi quay lại. Trời! Thằng Sườn! Nó như từ trên trời rơi xuống. Từ ngày nghe tin nó, đến nay đã gần nửa năm. Nó vừa gầy vừa đen, nhưng rắn rỏi hơn. Cũng điếu thuốc trên môi, nằm méo một bên.

- Về hồi nào?

- Hồi hôm, chuyến xe chiều, ngủ thớt thịt - nó vừa nói vừa nheo một con mắt. - Nhớ ai không mậy? - Nó hỏi.

- Ai?

- Anh Hoàng.

- Anh đâu?

Nó nhướn mắt cười, bí mật.

- Thư của bác Hai - nó đút vào túi trên tôi một tờ giấy mỏng. - Chiều nay mầy xuống đình chơi, tao chờ. Coi hát.

- Gánh hát về hồi nào, sao không nghe quảng cáo?

- Gánh hát Việt Minh, quảng cáo cho Tây nó bắn sao mậy?

Tôi nhìn nó kinh ngạc.

- Thiệt! Nhớ đưa thơ cho bác Hai. Chiều xuống tao chờ. Tao phải đi. - Nói vậy rồi nó quay đi.

Dân chợ có người nhận ra mặt nó, kêu hỏi:

- Ê Sườn, ở đâu về đó?

- Sài Gòn.

- Sài Gòn mầy ở đâu?

- Đường “Lơ pheo”.

- Làm ăn khá không?

- Khá! - Nó đáp mà không quay mặt lại với bất cứ ai, nó lẩn mất trong đám đông.

Tôi vội chạy về nhà, chốc chốc lại đưa tay sờ lên túi áo ngực, sợ mất lá thư.

Tôi trao thư cho cha tôi. Chẳng biết thư ai gởi và viết gì, mà chỉ thấy gương mặt của cha tôi như hồng lên theo từng dòng chữ, và khi cha tôi ngước lên, gương mặt cha tôi sáng rực rỡ.

- Ai đưa thơ cho con?

- Thằng Sườn!

Và tôi kể lại đầu đuôi lúc nó gặp tôi.

- Thơ ai vậy cha?

- Chú Ba mầy, anh em về rồi. Thằng Sườn coi vậy mà nên người.

- Chiều cha cho con xuống đình.

- Chi?

- Thằng Sườn hẹn.

- Chiều cơm nước xong, con đi sớm, ghé thăm bà cố.

- Dạ.

Thằng Sườn đứng đợi tôi ở sân đình. Trông nó vừa lạ vừa oai. Nó mặc áo sơ mi đen có quai, quần ka ki, thắt ngang lưng một sợi dây nịt lớn có khoen, và đeo lủng lẳng bên hông một trái lựu đạn tròn như trái mãng cầu.

- Hồi sáng, tao không nói được, phải nói dóc ở Sài Gòn về.

- Tao biết.

- Biết thì biết, nhưng đố mầy tao ở đâu về? Cho mầy hay, sau khi làng mình thất thủ, tao với anh mầy mới kéo về U Minh, lập chiến khu.

Thằng Sườn! Nó tả cái cảnh của chiến khu, tôi nghe như truyện thần thoại. Một cánh rừng mênh mông bạt ngàn với bao nhiêu thú dữ, nào cọp, nào rắn, nào muỗi. Cái dòng nước U Minh theo nó kể, nghe cũng lạ.

- Nước đỏ như máu, nhưng ngọt, ngọt hơn nước của sông mình, ngọt lịm như nước mưa. Tụi tao ngày đêm luyện tập. Đến lúc Cụ Hồ ký hiệp định 6/3 thì tụi tao được lịnh kéo quân trở về. Tụi tao vừa đi vừa đánh, “đụng đâu đánh đó”, hơn một tháng trời mới về tới đây. Nhờ Cụ Hồ kêu gọi đoàn kết mà mình với Hòa Hảo huề rồi, cùng nhau đoàn kết đánh Tây, cho nên bây giờ, tụi Tây nó chỉ chiếm mấy cái chợ, chợ tỉnh, chợ quận, chợ làng, còn trong đồng, trong ruộng, trong vườn thì mình hết. Mấy anh nói, đồn bốt của tụi nó như cái cồn ở giữa sông vậy thôi. Mầy biết tao về đây làm gì không?

Tôi lắc đầu.

- Tao đi trinh sát. Tao phải xem cái đồn ở chợ mình bây giờ ra sao, bao nhiêu lính, bao nhiêu súng, bao nhiêu lỗ châu mai, lỗ châu mai xoay về hướng nào. Mấy cái đó tao làm được hết. Nhưng tao không vẽ ra giấy được. Bây giờ tao nhờ tới mầy, mầy có học, mầy biết vẽ bản đồ, mầy vẽ giùm tao, được không?

- Được. - Tôi sốt sắng.

- Ê, làm gì mà dòm cái miệng của tao hoài vậy mầy. Lạ lắm à?

Tôi dòm cái miệng của nó, vì nó mới đi có mấy tháng mà cái miệng nó nói nhiều điều lạ quá, cái miệng của nó làm cho tôi vừa mê vừa phục vừa muốn được như nó. Và trước đây, lần nào gặp nó là cũng thấy điếu thuốc nằm méo một bên trên miệng nó, như sáng nay cũng vậy. Thế mà bây giờ, suốt cả câu chuyện của nó, tôi không thấy nó hút thuốc.

- Sao mầy không hút thuốc?

- Mầy dòm cái miệng tao là vậy hả? Sáng nay tao hút là để cho người ta đừng để ý, tao bỏ thuốc lâu rồi. Hồi ở chiến khu, thấy tao hút thuốc, mấy anh nói: “Cụ Hồ thấy thiếu niên mà hút thuốc như mầy, Cụ Hồ buồn lắm”. Nghe Cụ Hồ buồn, tao bỏ luôn.

- Mầy gặp Cụ Hồ chưa?

- Rồi.

- Ở đâu?

- Trong hình!

- Xạo!

Nó ngửa mặt cười ngất.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 05:01:58 pm »

*

*          *

 
Đúng như thằng Sườn nói, đêm có hát đình. Nhưng không phải gánh Bầu Bòn hát tuồng Chung Vô Diệm như mọi năm, mà gánh mới với tuồng mới. Gánh “Cứu quốc kịch đoàn” với tuồng “Nợ Mê Linh”. Đêm hát không cần có xe chạy đi quảng cáo, mà người vẫn cứ đông. Trong đêm hát, tôi gặp lại rất nhiều người quen. Ở hàng ghế danh dự, tôi thấy có ông Tư tôi. (Ông được ngồi ghế danh dự là vì ông đang giữ chức Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã). Để tả cái vẻ tự đắc của ông trong bộ ria vểnh với biệt danh Tư Ghe, có người xầm xì bên tai tôi: “Coi kìa, cái bộ ria của ông y như ông gác hai cái chèo chĩa lên trước mũi ghe”. Hàng ghế sau lưng ông là bà con tín đồ Hòa Hảo của xóm vườn. Chú Điền con ông Chín Hết của tôi thì mang gươm đi tuần, đi gác cho đêm hát.

Dưới ánh đèn “măng sông” với cái tiếng khè khè của ngọn lửa, khi tấm màn nhung đỏ kéo lên, người bước ra sân khấu đầu tiên, tưởng ai, hóa ra là chú Ba Giáo. Chú mặc áo bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn qua cổ, chú cúi chào đồng bào rồi dõng dạc đọc lời kêu gọi đoàn kết kháng chiến của Cụ Hồ.

Người thứ hai bước ra giáo đầu tuồng lại chính là thầy Ngọc của tôi. Vừa bước ra sân khấu, cao lêu nghêu, cặp kiếng cận, với bộ râu giả nhếch lên nhếch xuống, thầy chưa nói gì cũng đã làm cho khán giả rộn lên, cười ngả nghiêng.

Người thứ ba, được giới thiệu là nam ca sĩ Hoài Phương Bắc, người mở đầu đêm kịch, tưởng là ca sĩ nào ở đâu tới, té ra anh On, người ở chợ, cả làng ai cũng biết mặt, biết  tên, một anh con trai con nhà khá giả, cả dòng họ đều làm thầy thông, thầy ký, một anh chàng có gương mặt của một cô gái với nước da trắng hồng, nhưng lại có một bộ râu quai nón rất đàn ông, con người đào hoa có tiếng. Anh là đứa con trai đầu, số một, tên anh được đặt tên On theo tiếng Tây. Sau này nghe anh nói, anh đổi tên vì muốn từ bỏ cái tên Tây, và để tỏ lòng nhớ đến cội nguồn của tổ tiên, anh lấy cái tên có nghĩa nhớ về phương Bắc.

Anh cầm cây băng giô, vừa đàn, vừa hát, giọng của anh trầm ấm, quyến rũ, anh hát bài “Buồn tàn thu” theo lời mới do chú Ba Giáo soạn ra...

...Ta chiến tranh vì công lý
Sa trường hăng hái đi không về...


Khi anh xuống mùi với tiếng đàn của anh, khán giả chồm dậy, vỗ tay, reo hét ầm ĩ.

Vãn hát, khi mọi người ra về, tôi còn nán lại chờ thằng Sườn đưa đến thăm thầy, thăm chú Ba Giáo.

Sau khi biểu diễn, đoàn được bà con xóm Đình đãi ăn. Ăn uống xong, đoàn lại đàn, lại hát. Khuya quá, không về được, tôi đành phải ngủ lại với thằng Sườn, cùng một chiếc nóp sau lái ghe, dưới bến sông. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đi chơi đến suốt sáng. Và cũng chỉ có một đêm đi vắng, khi tôi trở về, cái chợ làng tôi đã khác rồi. Truyền đơn bươm bướm với lời kêu gọi của Cụ Hồ rải dài theo mặt đường, rải trắng cả sân chợ, như phân phát cho mỗi người mỗi tờ, ai cũng cúi xuống nhặt lên cầm tay, chuyền cho nhau. Cờ đỏ sao vàng được dán khắp trên mặt tường trên đường phố. Trên đầu nhà dài chợ cũng mọc lên lá cờ đỏ sao vàng. Người ở chợ nếu không kề tai thì thầm thì trong ánh mắt cũng nói với nhau: “Cách mạng đã về rồi”.

Thằng cò Tây với bọn lính chạy cuống cuồng, còi báo động thổi “quen quét”...

Một hôm, tôi ngớ ngẩn thế nào mà cha tôi hỏi tôi:

- Con nói láp ráp cái gì như người mất hồn vậy?

Tôi có nói láp ráp cái gì đâu, tôi đang hát. Tôi lẩm nhẩm lại lời hát của anh On:

Ta chiến tranh vì công lý
Sa trường hăng hái đi không về...


Lời hát như men đang dậy lên trong tâm hồn tôi. Tôi luôn thấy tôi như thằng Sườn đang đi trong khói lửa của chiến trường.

- Con muốn đi phải không?

Tôi ngồi im, thú nhận, không dám nói.

- Nếu con muốn đi thì cha gởi con cho chú Ba Giáo. Đi, con phải nhớ, đi làm Cách mạng thì phải chịu cực, chịu khổ, phải hy sinh. Đã đi thì đi cho đến cùng không được bỏ giữa chừng, con nhớ là nhà mình không làm gì cho bà con khi dể. Con hiểu chưa?

-Dạ.

- Cha dặn thêm một điều nữa. Nay mai không thấy con, chắc có người hỏi, cha sẽ nói là con đi học. Ai hỏi con, con cũng nói vậy. Cha với chị em con còn ở đây. Con hiểu chưa?

- Dạ.

Vậy là tôi đi. Tôi đi sau buổi cơm chiều. Cha tôi, chị tôi và cả ba đứa em đều qua cây câu khỉ, đứng bên vệ đường, đón chiếc xe chiều đưa tôi xuống đình.

Tôi hăng hái đến nỗi, vui mừng đến nỗi không cần chiếc xe phải dừng lại. Người đánh xe vừa gò cương thì tôi đã nhảy lên, ngồi gọn trong lòng xe, và con ngựa lại bỏ vó sải dài. Tôi không biết gì đến nỗi lưu luyến của buổi chia tay, tôi không vẫy tay chào, cũng không quay đầu nhìn lại. Nào cha, nào chị, nào em đang nghĩ, làm gì bên vệ đường. Khi chiếc xe đưa tôi đi, tôi cũng không ngoái nhìn lại cây cầu, con kinh và cây xoài với ngôi nhà. Sau này nhớ lại, buổi chiều tôi đi là buổi chiều của mùa xoài đang đơm trái.

Ôi! Tôi đâu có ngờ, suốt cả đời tôi, mãi mãi, tôi không bao giờ còn nhìn lại được cây cầu khỉ bắc qua con kinh, cái sân nhà dưới bóng xoài và ngôi nhà sàn của tôi nữa.

Anh Hoàng trở về trên lưng ngựa giữa lúc tôi và các anh chị trong Đoàn thanh niên và phụ nữ xã đang ca hát và chơi trăng trước cửa đình.

- Ủy ban có ai đây không?

Anh vừa hỏi vừa tuột xuống lưng ngựa bên hàng dương. Hàng dương cũng đang ngả đầu vi vu reo hát theo từng cơn gió, và sóng trên con sông cũng từng đợt nối nhau tràn bờ, vỗ nhịp hòa theo.

Đình làng đã trở thành trụ sở ủy ban kháng chiến hành chánh xã, nhưng giờ này chẳng có ai.

- Chi vậy anh Hoàng? - Chị Nhẹ hỏi, chị là phụ nữ xã, một cô gái mười chín hai mươi, như cái tên của chị, một cô gái mảnh khảnh, đi đứng nhẹ nhàng và giọng nói cũng nhè nhẹ, ai cũng thích nghe.

- Bộ đội về.

- Ủy ban không có đây, để chị em phụ nữ tụi em lo, được không anh?

- Càng ngon!

Để hai người bàn việc xong, và khi chị Nhẹ cùng các chị trong nhóm ca hát chia nhau đi mượn nhà và lo cơm nước cho bộ đội, tôi mới bước tới anh. Tôi mừng anh, nhưng miệng lại gọi tên con ngựa của anh.

- Ô!

- Nhỏ hả? - Anh giật mình quay lại - Nghe gọi con Ô, tao biết là mầy.

Anh nghiêng mặt nhìn tôi, anh vẫn vậy, dù là ban đêm, trên đầu vẫn đội cái nón nỉ không vành.

- Nghe người ta nói tao đi tìm mầy không? Tao vừa đến thì mầy vừa đi, tìm đỏ con mắt không thấy đâu. Bữa nay không tìm mầy thì gặp mầy. Làm thơ ký hả, ngon há!

- Ngon sao bằng anh.

- Muốn ngon như tao thì lên đây, cho con Ô  nó mừng - anh vừa nói vừa đỡ tôi lên lưng ngựa.

Tôi nghe lại cái mùi ngai ngái của con Ô, tôi đưa tay vỗ lên cái lưng đầm đìa mồ hôi của nó, và nó quay đầu lại, ngước cái mỏ, hí hí với tôi.

- Nghe thím Tư nói nó với con Cu theo anh về rừng hả anh?

- Má tao nói dóc với mầy đó. Làm sao dẫn nó theo được. Đêm tao đi, biết thế nào tụi Tây cũng vô bắt, ba tao mới đem gởi nó cho một người quen ở giữa đồng. Cái đêm tao với ba tao về, trời tối như mực, cái mũi của nó hơn mũi chó, mũi nó khịt khịt mấy cái, rồi nó cất hai cái chân trước lên, hí vang trời.

- Còn con Cu đâu?

- Con Cu nhỏ con, nhưng nó già hơn con Ô, ba tao để lại, cho nó nghỉ.

Tôi ngồi trên lưng con Ô, còn anh thì cầm dây cương, dẫn nó đi lọc cọc trên con đường đá.

- Anh lên đi - tôi vừa nói vừa ngả mình tuột xuống.

- Tao đi bộ, cho nó nghỉ. Mầy ngồi đó, tập cỡi một mình cho quen. Thằng nào có chữ như mầy cũng nhát, thằng nào cũng thích làm thơ ký, ngồi bàn giấy.

Tôi chột dạ:

- Tôi xin đi bộ đội mà mấy ổng không cho.

- Dóc.

- Thiệt.

- Từ ngày mầy đi tới giờ, mầy làm gì, kể tao nghe.

- Ngày tôi đi, theo ý của cha tôi, tôi sẽ theo chú Ba Giáo, trong Ban tuyên truyền quận. Nhưng xã không cho tôi đi, bắt tôi ở lại làm thơ ký.

- Đó, mầy thấy chưa. Cũng tại có chữ mới bị giữ lại. Còn như tao với thằng Sườn thì ai giữ. Ở xã, mầy làm thơ ký cho ai?

- Ai cũng được, ủy ban rồi Thanh niên với Phụ nữ, chỗ nào cần tôi ghi chép thì tôi làm. Ai cũng nói tôi viết chữ đẹp, cho đi uổng.

- Sao mầy không làm bộ dốt để người ta thả mầy đi?

- Làm sao biết được.

- Kể tiếp tao nghe.

- Tôi làm được một tháng thì chú Ba Giáo ở quận về. Chú nói sao đó, xã mới chịu cho tôi đi.

- Cũng làm thơ ký?

- Không làm thơ ký thì làm gì?

- Rồi sao, kể tiếp.

- Quanh quẩn trong văn phòng hoài, tôi chán, tôi xin đi bộ đội. Lúc đó, cơ quan tuyên truyền quận đóng gần Ban quân sự tỉnh đội, chỉ cách một cây cầu. Mấy chú trong Ban quân sự chê tôi nhỏ...

- Sao mầy không thêm tuổi?

- Sao không! Tôi kê lên hai tuổi là mười sáu, nhưng mấy chú không chê tuổi mà chê nhỏ con.

Anh không nói gì, vẫn đi bên lưng ngựa ngẫm nghĩ.

- Ừm! Mầy nhỏ con thiệt! Bây giờ mầy về đây làm gì?

- Mấy chú chê nhưng lại nói, nếu có giấy của cha mẹ đồng ý cho đi thì mấy chú nhận, nhưng cũng nhận ở văn phòng, làm thơ ký. Đâu cũng là thơ ký thôi, thà ở quận sướng hơn. Bữa nay tôi ở đây là vì cơ quan tuyên truyền về đây, làm mít tinh, diễn thuyết.

- Chú Ba Giáo đâu?

- Chú đi vô xóm, vận động bà con mai đi mít tinh.

- Mầy muốn đi vô bộ đội thiệt không?'

- Thiệt.

- Sợ chết không?

- Không.

- Vậy, mầy cứ theo tao.

- Chắc không?

- Sao không chắc mầy, Nhỏ? Tao nói cho mầy nghe. Đại đội của tỉnh mình có ba trung đội. Trung đội của ba tao có thằng Sườn đi liên lạc. Trung đội anh Oánh có thằng Ngọt. Còn bộ đội của tao, bộ đội anh Dũng, mầy biết chưa, không có thằng nhỏ nào, nên tao phải làm liên lạc. Mầy về mầy thế tao, để tao cầm súng, tao giao con Ô cho mầy. Ngon chưa?

- Ngon.

- Nhưng mầy phải nhớ, chút nữa bộ đội về, tao sẽ đưa mầy lên gặp anh Dũng, nếu anh Dũng hỏi mầy học tới đâu, mầy phải nói là mầy không biết chữ. Nếu mầy nói mầy biết chữ thì ổng sẽ đưa mầy tuốt lên văn phòng đại đội, làm thơ ký. Nghe chưa? Vậy là mai tao sẽ cầm súng, a ha...

Nói vậy rồi anh nhảy phóc lên con Ô, cúi rạp lên mình nó, vừa vỗ vừa vuốt ve con Ô.

- Ô ơi, mai tao cầm súng.

Con Ô lại quay đâu, ngước mỏ, hi hí với anh.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 05:04:11 pm »

*

*          *

 
Tôi đứng trước mặt anh Dũng, người chỉ huy đơn vị, trước một sân nhà, bên bờ sông, dưới ánh trăng. Tôi ngạc nhiên vì người chỉ huy đơn vị không phải là một người vạm vỡ, đen đúa, tuổi không quá hăm lăm, và như một thư sinh. Người cao ráo trong bộ quân phục đen, vẻ thanh tú, nước da trắng hồng với mái tóc mềm mịn như tơ.

- Cậu học lớp mấy? - Anh nói giọng Bắc.

Nhớ lời anh Hoàng dặn, tôi nói dối:

- Dạ, chưa đi học.

Anh tròn hai mắt nhìn tôi:

- Bao nhiêu tuổi mà chưa đi học?

Tôi kê thêm một tuổi:

- Dạ, mười lăm.

- Mười lăm mà chưa biết chữ? Thế thì hỏng rồi, cậu ạ!

Tôi đưa mắt nhìn anh Hoàng, anh bối rối nhìn xuống đất.

- Đi liên lạc cho bộ đội mà không biết chữ, sao được? Tôi thí dụ cho cậu nghe. Tôi giao cho cậu một lá thư quan trọng. Đi giữa đường, cậu gặp Tây xét hỏi. Nếu cậu biết chữ, cậu mở ra đọc, rồi xé bỏ hoặc nhai nuốt, không còn lá thư trong tay, nhưng cậu vẫn nhớ, vẫn có thể truyền đạt tin tức hoặc mệnh lệnh của chỉ huy. Cậu không biết chữ, nếu cậu giữ lá thư, cậu sẽ bị bắt, địch sẽ nắm được bí mật của quân ta, nếu cậu thủ tiêu lá thư, thoát khỏi tay địch, thì tin tức hoặc mệnh lệnh không được truyền đạt đến nơi đến chốn. Nếu lá thư đó là thư hợp đồng chiến đấu thì cậu nghĩ xem, tai họa biết bao?

Tôi lại liếc nhìn anh Hoàng. Anh nhìn tôi, nheo mắt nói với anh Dũng:

- Thằng Sườn cũng không biết chữ.

- Thằng Sườn ở đơn vị khác. Nếu thằng Sườn ở đơn vị của anh, anh sẽ bắt nó đi học. Ơ kìa, nó! Vừa mới nhắc tới nó, nó lại tới.

Từ ngoài đường, thằng Sườn bước vào sân, nó rập chân đứng nghiêm, hai tay cầm lá thư, đưa cho anh Dũng:

- Thưa anh, thơ khẩn.

- Cho cậu nghỉ, chờ tôi.

Anh Dũng rút cây đèn pin, rọi lên lá thư. Đọc xong, anh ngẩng lên:

- Chúng ta chuẩn bị hành quân - Anh hướng vê tôi: - Chuyện của cậu, tôi sẽ giải quyết. Cậu ở lại, đi học.

May quá, thằng Sườn chẳng biết đầu đuôi ra sao, nghe đến chuyện đi học, nó buột miệng:

- Thằng này học giỏi lắm anh.

Anh Dũng vừa muốn quay vào nhà, nghe nói, anh khựng lại, tròn hai con mắt:

- Cậu nói gì? Ai học giỏi?

Thằng Sườn đưa một tay chỉ thẳng vô ngực tôi:

- Thằng nầy.

- Sao cậu biết?

- Bạn tôi mà. Anh nhớ cái bản đồ vẽ cái đồn ở chợ này không?

- Đánh giặc mà sao không nhớ?

- Nó vẽ đó.

- Thế à?

- Nó nhỏ vậy nhưng học cao lắm. Nó nói tiếng Tây như lặt rau. Hồi nó đi học, Tây phải trả lương cho nó đó anh.

- Thật chứ? - Anh Dũng hỏi tôi.

- Dạ.

Thằng Sườn như được nước, nói thêm:

- Minh, mầy nói một câu tiếng Tây cho ảnh nghe đi, Minh.

Tôi vừa sung sướng được nó cứu thoát, lại vừa mắc cỡ khi nghe bảo phải nói một câu tiếng Tây, tôi chỉ biết cười. Nó lại giục:

- Nói đi.

- Nói gì?

- Cứ nói tôi tên gì bằng tiếng Tây cho ảnh nghe.

- Thôi! - Anh Dũng đưa bàn tay phủi xuống. - Cậu nói thật cho tôi nghe cậu học đến lớp mấy.

Tôi thú thật việc học hành của tôi.

- Thế là cậu học hơn mình ba lớp. Hồi bé mình ham học lắm. Vì bố mẹ nghèo, phải đi phu cao su. Mình mơ ước, sau khi đánh thằng Tây, giành lại độc lập, dù lớn tuổi mình vẫn đi học. Nhưng mà này, sao cậu nói dối là cậu không biết chữ?

Tôi ấp úng. Anh Hoàng đỡ lời cho tôi:

- Dạ, tôi dặn nó.

- Sao thế?

Tôi sợ anh đưa nó lên văn phòng làm thơ ký.

Anh vỗ vai tôi, ngửa mặt lên trăng cười ngất.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 05:29:56 pm »

*

*          *

 

Ngay trong đêm đó, tôi theo đơn vị của anh Dũng hành quân về xóm Cột dây thép. Nếu đi theo con đường đá chạy qua làng, chỉ đi bốn cây số, nhưng vì cái đồn Tây ở chợ, nên phải đi vòng qua cánh đồng. Đơn vị của chúng tôi là trung đội 12, thuộc đại đội 66 của tỉnh Long Châu Tiền, nhưng không ai nhớ đến con số của đơn vị; ngoài những công văn và giấy tờ, theo thói quen, mọi người đều gọi các đơn vị bằng cái tên của người chỉ huy: bộ đội anh Dũng, anh Tư Khởi...

Bộ đội của anh Dũng gồm có bốn tiểu đội, mỗi tiểu đội có mười hai chiến sĩ, có hai cây trung liên đầu bạc, ba cây tiểu liên, còn tất cả các chiến sĩ đều mang súng trường.

Tôi được ngồi trên lưng con Ô với anh Hoàng. Còn tất cả các chiến sĩ, kể cả anh Dũng, súng trên vai, nóp trên lưng, hành quân với hai bàn chân đất. Từng chiến sĩ nối theo nhau đi trên bờ ruộng ngoằn ngoèo, trên cánh đồng, dưới ánh trăng.

Lần đầu tiên trong đời, tôi có trong tay một vũ khí diệt thù. Đó là trái lựu đạn tròn như trái mãng cầu ta, trên đầu có cái chập chã do anh Hoàng chia cho.

Trái lựu đạn tôi cũng đeo ở bên hông như anh. Lạ! Khi bên hông tôi có một trái lựu đạn, tôi thấy tôi trở thành một người khác. Trái lựu đạn cho tôi sức mạnh hay là cái vũ khí diệt thù này đã chuyển dậy sức mạnh trong tôi?

Ngồi trên lưng con Ô sau anh Hoàng, người lắc lư, tay tôi sờ trên lựu đạn, người cứ thấy nôn nao. Tôi ngửa mặt nhìn trời, trời mênh mông ánh trăng, tôi nghe gió đồng thổi mát từng chân tóc, và ngực căng đầy hương lúa.

Tôi, mười bốn tuổi, nhưng tôi không còn là đứa trẻ mười bốn nữa. Với trái lựu đạn trong tay, tôi đã trở thành một người lính.

Và sau một đêm hành quân, qua một ngày hôm sau của đời lính, tôi đã xông vào trận đánh.

Chú Tư Khởi, ba anh Hoàng, cũng chỉ huy một trung đội như anh Dũng, trung đội chú đã về đến Cột dây thép từ đầu hôm. Trên đường hành quân, tôi hỏi anh Hoàng:

- Sao anh không ở bộ đội của chú Tư?

- Lúc đầu tao theo ổng chớ ai. Nhưng cha mà chỉ huy con, khó lắm, nên tao mới xin qua bộ đội anh Dũng. Với lại, chẳng lẽ bộ đội của ổng có tới hai thằng liên lạc, tao với thằng Sườn, còn bộ đội của anh Dũng thì chẳng có một thằng nào.

- Bây giờ có tôi nữa là hai, anh đi đâu?

- Tao đã nói với mày rồi, tao cầm súng. Thấy cây súng thèm thấy mẹ!

Đơn vị chúng tôi về Cột dây thép thì trời vừa đâm mây ngang. Thức trắng đêm nhưng không ai được ngủ. Tôi cũng một cái cuốc như ai, sát cánh với anh Hoàng, hì hục đào công sự. Công sự của trận địa nằm bên bờ mương, trong vườn cây dài theo bến sông.

Chú Tư Khởi gặp lại tôi khi chú đến bên công sự của anh Dũng bàn việc. Chú đưa hai tay ôm trọn lấy người tôi:

- Vậy là hai cha con chú mày cùng đánh trận.

Nghe nói, tôi tưởng cha tôi đang ở bộ đội của chú, cũng đâu đây.

- Cha cháu đâu chú?

- Cha mày ở chợ chớ ở đâu.

Tôi ngớ ra. Chú vỗ vai tôi:

- Sau nầy, cháu sẽ biết...

Hai người chỉ huy hai đơn vị đứng bên nhau trên bờ mương, dưới vòm cây, nhìn ra con sông. Một người già, một người trẻ, như hai cha con.

- Đồng chí Dũng! Làng này là làng của tôi. - Và chú kể lại lịch sử xóm Cột dây thép với đồng chí miền Bắc...

- Cái ngày bọn nó chạy tàu vô chiếm lại cái làng này, cũng ở đây, tôi chặn đầu nó, trong tay chỉ có một cái “mút”. Đạn của tôi cứ rơi sau cái đít tàu của nó, nghĩ lại vẫn còn tiếc.

- Thế thì, hôm nay, tôi với anh, liên quân của chúng ta sẽ đánh bọn chúng bằng sức mạnh lịch sử của quê hương, anh Tư nhé! Bọn chúng sẽ đền tội, sẽ chôn vùi dưới dòng sông này - anh Dũng, người chỉ huy trung đội tôi, vừa nói văn hoa và hùng hồn, vừa đưa quả đấm, đấm ra dòng sông đang chảy xiết.

Trận đánh đầu tiên trong đời lính Vệ quốc đoàn của tôi đã chiến thắng giòn giã.

Khi mặt trời lên khỏi rặng cây bên kia cù lao Giêng, mặt sông đầy ánh nắng, thì tất cả các họng súng cùng trút đạn vào con tàu chở hơn chục thằng lính lê dương từ chợ làng ngược nước về Chợ Mới.

Buồng máy bị bốc cháy ngay từ loạt đạn đầu, chúng không kịp cho tàu giạt qua bên kia bờ, cũng không kịp trở tay. Một số tránh được loạt đạn đầu, đã vùng nhảy ra, lao xuống con sông.

Và như anh Dũng, người chỉ huy của tôi - đã nói, chúng bị chôn vùi dưới dòng sông.

Một trận đánh mà sau nầy, mỗi lần nhắc lại, dân xóm Cột dây thép hãy còn hả hê.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 05:32:17 pm »

*

*          *

 
Ba mươi năm sau, sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp trở về xóm Cột dây thép vào ngày giỗ hội. Tôi được ngồi xếp bằng trên sàn gỗ của ngôi nhà trong vườn, bên sông, cùng với dân xóm. Một ông già có chòm râu cước, không nhận ra tôi, ông đã kể với tôi như kể cho một người khách lạ:

- ... Tàu nháng lên, bốc cháy. Khi tụi nó nào quần, nào áo, nào mũ, nào súng, lao ra sông thì chiếc xuồng của tao từ trong bờ cũng đâm ra. Nó vừa ngoi đầu lên thì tao cũng vừa trở cái cán chèo, tao cốp xuống đầu nó. Nó vừa ục ục nổi lên, cái cán chèo của tao lại cốp. Bây giờ nhớ lại, tao còn thấy đã hai cái bàn tay. Nhưng không phải một mình tao đâu, nói vậy bà con hàng xóm người ta cười. Xóm này, hàng chục, hàng trăm chiếc xuồng đâm ra, dầm chèo đưa lên tua tủa. Không một thằng sống sót. Nè chú em, chú nên biết, lúc đó, bộ đội mình là bộ đội đánh du kích. Đánh xong rồi thì phải rút. Bọn nó hèn nhát. Chờ cho bộ đội rút hết, nó mới đem quân tới. Nó đi trên hai chiếc tàu sắt, từ Tân Châu đổ xuống, toàn là bọn lính lê dương. Nó đổ quân lên xóm nầy, nó càn, nó đốt, nó giết. Cháu ơi! Xóm nầy là xóm mộc, nó vừa bắn vừa đốt, ai dập nổi? Lửa cháy ngất trời. Chỉ có một buổi chiều thôi, mà nó giết cái xóm Cột dây thép hơn hai trăm con người... Cho nên ngày nầy, xóm Cột dây thép, nhà nào cũng làm đám giỗ, gọi là ngày giỗ hội đó cháu. Cháu đi dài theo xóm mà xem, nhà nào cũng khói hương nghi ngút.

Đơn vị chúng tôi, trên dưới năm mươi chiến sĩ, gương mặt khác nhau, tính nết khác nhau, mỗi người một cuộc đời riêng khác nhau, nhưng gắn bó trong tình đồng chí, đồng đội và êm ấm như một đàn con trong gia đình. Chúng tôi chia nhau từng miếng ăn, điếu thuốc, chia nhau từng niềm vui và nỗi buồn! Có anh, ngày đầu xin nhập ngũ, trên người anh chỉ có một cái quần đùi, đầu trần, lưng cũng trần. Liền sau đó, anh được đồng đội, người chia cho chiếc áo, người chia cho cái quần.

Đơn vị chúng tôi, một khối người gắn bó, súng trên vai, nóp trên lưng, và với hai bàn chân đất, cùng nhau hành quân đi tìm giặc khắp cả các làng hai bên bờ sông Tiền, khắp cả các làng dài dọc theo kinh rạch và khắp cả các cù lao trên giữa dòng sông. Chúng tôi đi ngày đi đêm, đi mưa đi nắng, đi trên các đường đất qua làng, đi trên bờ ruộng lầy lội, đi băng đồng trên những mảnh đất cày, đi xuống trên các rạch, con kinh, vượt qua sông lớn.

Chiếc nóp trên lưng thay cho giường chiếu và mùng mền. Với chiếc nóp, có khi ngủ cả trên sàn gỗ của những ngôi nhà sàn, có khi ngủ trước sân nhà, có khi ngủ dài theo bờ ruộng, và có khi ngủ cả trên xuồng giữa đồng nước dưới ánh trăng.

Dù ở đâu, chúng tôi cũng như những đứa con được trở về với xóm làng. Bậc cha, mẹ, anh, chị và các em đứng dài theo vệ đường, chào đón hoặc tiễn đưa. Các mẹ, các chị lo cho chúng tôi từng bữa cơm ngon. Các bà mẹ chiến sĩ và các chị hỏi chúng tôi:

- Bữa nay các con muốn ăn gì? Canh chua, cá kho hay là heo, là gà?

- Dạ, mấy má mấy chị cho gì ăn nấy.

- Nói vậy thì má hỏi mấy đứa con làm chi. Nghe nói mấy con ăn cá, ăn heo nhiều rồi. Bữa nay mấy con thắng trận trở về, mấy má làm cho các con một con bò.

Có người ở xa không kịp mang quà mừng chiến thắng cho đơn vị đã tìm cách chạy băng đồng, chặn đường hành quân của đơn vị, đứng dài theo bến sông, ném xuống từng chiếc xuồng chúng tôi nào thuốc, nào bánh.

Chúng tôi sống giữa lòng dân, êm ấm. Chúng tôi chỉ có mỗi một mơ ước: diệt thù và hy sinh cho Tổ quốc.

Cuộc đời Vệ quốc đoàn của tôi thật ngắn ngủi nhưng biết bao kỷ niệm, đủ cho tôi hiểu biết tình người, và cũng đủ cho tôi hiểu biết lòng nham hiểm và ác độc của kẻ thù. Từ đó, từng bước, với cuộc đời, tôi lớn lên với thời gian.

 





Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM