Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:21:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dòng sông thơ ấu  (Đọc 3943 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:46:48 pm »

*

*          *

 

Cũng những ngày tháng ấy năm 1945, ở nơi khác, đang vào mùa thu, ở làng tôi thì mùa nước. Đã qua con nước ròng rằm tháng tám (âm lịch). Nước trên con sông Cửu Long đã tràn qua mặt đường, ngập cả sân chợ. Xe hơi từ Sài Gòn không về, xe ngựa từ tỉnh, từ quận, từ các làng cũng không qua lại nữa. Cũng vì đó mà tin tức từ các nơi về mỗi ngày mỗi chậm mỗi thưa.

Buổi sáng, người ta chống xuồng trên con đường đá, ra chợ. Con đường đá của xe chạy đã trở thành con kinh.

Chợ hãy còn nhóm, nhưng tôi không ra chợ. Lội lõm bõm, dơ quần dơ áo mà chẳng được cái gì. Nước đã ngập lên sân nhà, cây cầu khỉ trước cửa chỉ còn cây vịn, một cây sào treo theo cột, con cầu thì cũng đã ngập rồi.

Tôi ngồi trên thảo bạt trên cầu thang, móc mồi, buông cần, câu những con cá đang nhởn nhơ, dưới bóng mát cây xoài. Tôi không câu được con nào lớn cũng không câu được con đáng tiền, tôi chỉ câu được cá lòng tong, cá chốt, may lắm mới câu được he vàng bằng ba ngón tay. Nhưng cái thú vui ngồi câu thu hết tâm trí tôi. Con cá nào đang rỉa mồi đây, sợi nhợ đang căng và cái cần đang gây cho bàn tay một cảm giác như điện giật. Tôi vừa nương tay theo nó thì cha tôi gọi giật tôi:

- Minh!

- Dạ!

- Bỏ đó, chạy ra chợ coi ai bị bắt.

Ngước nhìn lên, tôi thấy có một đoàn người quần áo màu dà bị giải qua cửa bót cò cũ.

Tôi nhảy xuống, nước ngập đến gối, tôi đi theo cây cầu ngầm, qua con đường đá. Con đường trước nhà tôi mới đắp, và cũng là đoạn qua cầu sắt, cao như một cái dốc, nước mới lé đé hai bên lề. Mọi năm, cái dốc đường này cũng sẽ ngập khi nước chan đồng. Và khi cái dốc này bị ngập cũng là nước sắp rút trở về sông.

Tôi chạy ra đến đầu phố. Chợ đang nhóm bằng xuồng trên sân chợ. Ở chợ có cái gì lạ, người trong phố cũng đổ ra, dòm ngó, bàn tán.

Hơn hai mươi người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tay bị trói bằng dây luộc, người này chuyền qua người kia thành hai hàng, đi giữa là một chiếc xuồng toàn đao kiếm. Họ lội nước trên sân chợ, nước ngập đến gối, đến bụng, trước bao nhiêu cặp mắt dòm ngó tò mò và những tiếng xì xào khiến họ cúi gằm mặt, sợ sệt, xấu hổ và căm giận. Ông Tư tôi đi đầu, bên mũi xuồng, chú Nguyễn Đa Điền đi sau cùng bên lái xuồng. Họ bị bắt cùng với vũ khí, bị giải vào trụ sở ủy ban, trước là nhà việc của làng. Tôi biết trong nhà việc có một trại giam. Ai bị đưa vào đó sẽ bị đóng trăn (1).

Khi tôi chạy trở về báo cho cha tôi thì cha tôi nhìn tôi như chính tôi là thủ phạm khiến tôi vừa lui vừa cúi mặt.

- Có thấy thằng cha hương quản không?

- Dạ không.

Bất thình lình, ông hét vào mặt tôi:

- Dòm kỹ không.

- Dạ... dạ, kỹ.

Cha tôi quay vào, kêu to.

- Trí đâu?

- Dạ.

- Chạy kêu chú Ba mầy về, tao hỏi.

Biết là việc quan trọng, và mỗi khi cha tôi đã nổi nóng thì trong nhà không ai dám cãi, anh tôi từ trong nhà vọt ra, chỉ mặc một cái quần cụt, anh không dám trở vào nhà mặc áo, cứ để lưng trần, từ trên thảo bạt nhảy ùm xuống cái sân nước, qua cầu lên con đường đá, chạy đi. Chú tôi vẫn ở trên xóm Cột dây thép, nếu không gặp xuồng quá giang, anh phải lội nước trên một cây số.

Vì sự đi lại khó khăn, và ai cũng có việc, nên bạn bè của cha tôi ít đến chơi. Cái thảo bạt nhà tôi, sáng nay, chỉ có cha tôi. Nước đang chảy qua dưới sàn nhà mà chân cha tôi như đạp lửa. Cha tôi đứng ngồi không yên, chốc chốc lại đưa tay cuộn cái xà rông kéo lên bụng, như sợ nó tụt xuống vậy. Đôi mắt của cha tôi vốn đã sâu, lúc ấy tôi thấy như sâu hơn với đôi chân mày đang nhíu lại. Tôi biết cha tôi đang bực bội, và ông có thể nổi nóng với con cái trong nhà. Đứng xớ rớ một lúc rồi tôi xách cái cần câu ra sau hè. Chị tôi đang lúi húi dưới bếp, hỏi:

- Chuyện gì mà cha la hét vậy?

- Ông Tư với chú Điền bị bắt.

- Sao vậy?

Tôi lắc đầu và lại ngồi câu cá. Tôi câu chưa được con nào thì cha tôi gọi:

- Con đứng đó cha nói cho nghe.

Cha tôi ngồi dựa lưng trên ghế, điếu thuốc cầm tay, chỉ cái chỗ đứng cho tôi, trước mặt ông.

- Theo ý cha, mình không nên bắt người ta. Làm vậy, chỉ gây thù gây oán, sau này gỡ không nổi. Con hiểu chưa?

Tôi không có một nhận định gì trong đầu, tôi vẫn dạ.

- Dẫu sao, trước là bà con trong dòng họ, sau là đồng bào. Với nghĩ cho cùng, ông Tư với chú Điền của con đâu có phải là người xấu, chẳng qua là vì dốt, vì nhẹ dạ mà tin lời đường mật của kẻ khác. Cha giận ông Tư con, giận thì giận vậy, nằm đêm gẫm lại, cha thương ông Tư con lắm. Hồi cha bỏ nhà, trốn lên Nam Vang, nếu không có ông Tư con thì mấy con, nhứt là con lấy đâu mà nương tựa. Chú Điền con cũng vậy, lúc má con đau ốm, ai đã chèo chống đưa má con đi. Bữa nay cha nói với con vì cha thấy con không còn nhỏ nhít gì nữa, không nên hùa theo người khác, con nghe chưa?

- Dạ.

Có lẽ vì không còn ai, nên ông trút nỗi bất bình lên đầu tôi, biết vậy, tôi đứng im. Tôi nhớ, sau Cách mạng tháng Tám được mấy ngày, ông chủ tịch quận đi chiếc xe hơi màu đen đậu lại bên đường, trước cửa nhà tôi. Ông chủ tịch quận ấy, tôi gọi bằng bác, bác Sáu Thẩm, người thợ mộc ở xóm Cột dây thép. Nghe cha tôi nói, bác đã hoạt động từ thời còn thầy Châu Văn Liêm. Suốt một cuộc đời vào tù ra khám, bác đã từ nhà tù Bà Rá trở về, là người trong ban lãnh đạo ngày cướp chánh quyền của quận nhà. Bác hơn cha tôi vài tuổi, tóc hoa râm, vừa thấp vừa mập, người bác tròn trịa, gọn gàng. Ông nội tôi, qua tấm ảnh trên trang thờ, với bộ ria củ ấu của ông, trông ông dữ quá. Còn bác Sáu Thẩm, bác cũng để ria nhưng ria dấu ớ (^), trông bác vừa hiền vừa dí dỏm, bộ ria của bác làm cho tôi vui mắt. Tôi có cảm tưởng rất kỳ lạ, nếu bác không để ria thì bác sẽ trở thành một người khác, và không thể làm ông chủ tịch quận. Bác mặc bộ đồ tây màu xám tro, đi giày đen. Dù đi giày - hai bàn chân cứng ngắc - bác qua cầu khỉ nhà tôi vẫn thoăn thoắt, không cần phải đưa tay vịn.

Cha tôi đón bác từ đầu cầu thang. Hai người chơi thân đến cỡ nào, tôi không được biết, nhưng thấy hai người vừa bắt tay vừa vỗ vai với nụ cười rạng rỡ, tôi bỗng cảm động lây.

- Năm ở Bà Rá tao nhớ mầy quá, Hai.

- Tôi lo cho anh quá, không ngờ anh còn khỏe được như vầy.

- Nhờ có cái vỏ, còn bên trong thì cũng rệu lắm rồi, Hai.

Quay qua thấy tôi, bác hỏi:

- Thằng thứ mấy đây, Hai?

- Thứ năm.

- Học lớp mấy rồi, cháu?

Tôi khoanh tay thưa:

- Dạ, học hết trường quận.

Bác nhìn tôi, nhếch cái bộ ria lên cười:

- Đi theo bác, bác sẽ cho đi học ở Liên Xô, chịu không?

Dù nói đùa hay nói thật, lời của bác cũng đã để lại trong tôi một niềm mơ ước. Tôi vừa cúi đầu vừa cười đáp lại bác.

Bác kéo ghế, ngả lưng vào ghế, thở phào một hơi dài:

- Nhớ hồi còn thầy Châu Văn Liêm, hai anh em dẫn đội banh đi hoạt động khắp nơi, cái thời trai trẻ, vui quá, mới đây mà đã mười lăm năm, bây giờ gặp lại, đứa nào tóc cũng hoa râm.

- Anh Sáu đi đâu ghé qua đây, hay là đến thăm tôi để có việc gì, anh Sáu?

Bác Sáu lại nhếch cái bộ ria vừa cười vừa ngả người ra sau:

- Mầy hỏi vậy là đoán đúng ý tao đó. Hai, tao ghé thăm mầy là có việc.

- Tôi biết công việc của anh lúc nầy bận rộn lắm mà.

- Lúc mình hoạt động, mình mơ tưởng sẽ giành lại đất nước, bây giờ giành được chánh quyền rồi, anh em phân công mình làm chủ quận, mình thấy sao lu bu quá. Có xe có cộ mà không sao đi thăm được bạn bè. Thôi, mầy đã hỏi thì tao nói. Anh em mình ở quận cũng như ở xã đã bàn với nhau, cử tao đi thăm mầy, và mời mầy ra làm chủ tịch xã nhà.

Tôi ngồi tựa cửa, phía sau lưng cha tôi, nghe nói vậy, tôi mừng quá. Vậy là cha tôi sẽ ra làm chủ tịch. Nhưng cha tôi vẫn làm thinh không nói.

- Sao, mầy thấy sao?

Cha tôi vẫn làm thinh. Tiếc rằng tôi không thấy được gương mặt của cha tôi lúc ấy, tôi chỉ thấy cái gáy và lưng tôm của người thợ bạc lâu năm.

- Sao? - Bác Sáu Thẩm lại hỏi.

Cha tôi khẽ lắc đầu, và giọng của cha tôi nghe khác hơn giọng nói thường ngày, không to, không nhỏ, vừa đủ nghe và chậm rãi từng lời:

- Việc này nên để cho anh em khác, anh Sáu. Nên để cho người anh em có công trạng, đúng hơn tôi.

Cái bộ ria của bác Sáu Thẩm lại nhếch lên, bác cười:

- Mầy đâu phải là người không có công?

- So với anh em vào tù ra khám thì nhằm gì.

- Mỗi người mỗi việc, Hai à. Số anh em đó, như thằng Ba “cửa tủ” em mầy, xứng đáng, nhưng làm ở bên trong, phải chỗ hơn. Còn cái ghế chủ tịch thì phải là người có tiếng ở trong làng, được nhiều người thương. Được chưa?

Nghe bác nói vậy, tôi tưởng là cha tôi xiêu lòng, không ngờ cha tôi lại cương quyết hơn:

- Không được đâu anh Sáu. Tôi biết sức tôi mà. Làm chánh trị khó lắm. Nhờ anh nói lại với anh em cho tôi được như từ trước đến nay. Tôi nhớ, hồi đó, tôi có thể đứng đầu một đội banh của anh em, chớ không thể đứng đầu một cái làng. Trong sân banh, tôi vừa là thủ quân, vừa là cầu thủ, nhưng trên sân khấu chánh trị thì tôi không đủ sức làm việc nầy. Tôi không làm một cầu thủ nhưng vẫn coi đội banh là đội nhà, tôi đứng ngoài, tôi lượm bóng, tôi cổ võ. Đội banh được nhiều người cổ võ, đội banh cũng thêm mạnh chớ anh Sáu. Không lẽ tất cả đều ùa vô sân. Người cổ võ cũng buồn vui khi thắng bại, có khi lại cay cú hơn người trong sân nữa là đằng khác, phải không anh?

- Hai, mầy nói vậy, tao chẳng biết nói sao.

Bác Sáu Thẩm, ông chủ tịch quận, nheo mắt nhìn cha tôi, bộ ria nhếch lên, để lộ một bên răng, nhưng không phải cười, và cái ngón tay trỏ của bác gõ xuống bàn từng tiếng đều đều như tiếng tích tắc của cái đồng hồ.

Như sực nhớ điều gì, cha tôi quay lại, thấy tôi ngồi nhóng mỏ nghe, ông hất mặt:

- Con vào nhà chơi!

Đó là lần đầu, ông không muốn cho tôi nghe chuyện giữa ông với khách. Tôi lẳng lặng vào trong, đi xuống bếp.

Chị tôi đang khom người thổi bếp lửa, chị quay lại:

- Cha không làm đâu.

Nói vậy rồi chị quay vào bếp, thản nhiên.

- Sao chị biết?

- Tánh của cha.

Hóa ra chị tôi biết tánh của cha sâu hơn tôi.

Câu chuyện giữa hai người trên thảo bạt tôi không được nghe tiếp, chỉ biết vài hôm sau, một thầy giáo dạy trường tư ở xóm kinh bên kia cầu sắt ra làm chủ tịch, ông cũng trạc tuổi cha tôi, người dong dỏng cao, hay đeo kính mát màu lá non.

Nhớ lại chuyện ấy, tôi bật hỏi lại cha tôi:

- Sao cha không làm chủ tịch?

- Ý con muốn nói, nếu cha làm chủ tịch thì cha không bắt ông Tư với chú Điền của con chớ gì?

- ...

- Nếu cha làm chủ tịch thì cha cũng phải bắt thôi. Vì bắt mấy người theo đạo Hòa Hảo không phải tự ý của một người. Bắt là phải có lịnh trên, không của tỉnh thì của quận. Dầu không muốn cũng phải thi hành lịnh trên. Khó vậy nên cha biết cha không làm được. Tánh của cha, cái gì cha thích cha mới làm, tánh của cha dở vậy. Với lại, con cũng thấy, nhà mình đó, thằng út mới hai ba tuổi, thằng Tám mới năm sáu tuổi, con Sáu mười, mười một, con mười ba mười bốn, chị Tư con mười sáu mười bảy, anh Ba con mười chín hai mươi, có đứa nào lo được miếng ăn. Nêu cha ra làm việc, cha bỏ mấy con ở nhà cho ai?

Nhìn đôi mắt vốn nghiêm khắc đang đượm một nỗi buồn của cha tôi, tôi bỗng thấy mủi lòng, rơm rớm nước mắt.

Cha tôi lại ngước mắt nhìn ra đường, càu nhàu, sốt ruột:

- Cái thằng, sai đi một chút, rồi đi biệt.

Không thể ngồi chờ, cha tôi quay vào nhà, thay chiếc xà rông, mặc quần tây dài, nhưng lại xắn đến gối, lội qua cây cầu khỉ. Lên tới đường ông xả quần, rồi tất tả đi. Trong nhà cha tôi thường mặc xà rông, ra đường thì áo quần lúc nào cũng chỉnh tề, không xuềnh xoàng như những người thợ bạc khác.

Tôi lại ngồi câu cá. Cha tôi bỏ cơm trưa, mãi đến xế chiều mới về.

Ông lại thay quần, mặc xà rông, áo thun lá, ngồi dựa ghế hút thuốc, ngóng ra đường.

- Từ sớm tới giờ có ai hỏi cha không?

- Dạ không. Cha không gặp ai sao?

- Nghe chú Ba mầy bận họp, cha mới đi rải qua mấy xóm. Trở về chỗ trụ sở ủy ban, nước lên tới gối mà người ta cứ đứng vây quanh, không nghe gì, không thấy gì, mà hết người nầy đến người khác cứ lố nhố dòm vô, kỳ quá.

- Chú Ba về! - Tôi reo lên, vui lây với nỗi chờ đợi của cha.

Một chiếc xuồng có cắm cờ, anh tôi bơi lái, trong xuồng có chú tôi và cả chú Ba Giáo.

Chiếc xuồng cặp sát bên cầu thang. Hai người vừa bước lên thảo bạt, chưa kịp vào đến ghế, cha tôi đã hỏi:

- Có chuyện gì mà bắt người ta vậy Ba?

- Chắc cũng phải có chuyện gì chớ anh Hai. - Chú Ba Giáo mau miệng trả lời thay cho chú tôi.

Chú tôi trông hốc hác và già đi nhiều, mái tóc của chú lại nhiều sợi bạc hơn tóc của cha tôi. Chú ngồi vào ghế, hai tay đan vào nhau, với đôi mắt hốc hác và buồn rầu, nhìn ra mặt nước trước nhà, giọng của chú chậm rãi, lạnh lùng:

- Mình ở xa, lại nhằm mùa nước, tin tức với báo chí về hơi chậm. Chưa yên! Thực dân Pháp dựa thế Đông minh, đang lăm le đánh chiếm đất nước thì họ muốn giành lấy chánh quyền. Ở Cần Thơ vừa xảy ra một cuộc xung đột đổ máu giữa nhóm Hòa Hảo của Năm Lửa với anh em đằng mình.

Cha tôi như giật mình, quay mặt nhìn lại chú tôi:

- Có đổ máu?

- Đổ máu rồi, anh Hai. - Chú Ba Giáo lại nhanh miệng trả lời thay cho chú tôi. Chú tôi vẫn buồn rầu với giọng nói lạnh lùng chậm rãi:

- Các nơi họ đang rục rịch, định nổi dậy, đành phải giữ họ lại. Anh thử nghĩ có cách nào hơn?

Tôi tưởng, khi gặp lại chú tôi, cha tôi sẽ nổi nóng. Bây giờ, qua mấy lời của chú, cha tôi chỉ lắc đầu, thở dài và tắc lưỡi:

- Rối quá! Bậy quá! Độc lập rồi, đất nước đã có Cụ Hồ, chưa muốn, còn muốn gì nữa?

Chú Ba Giáo đang làm trưởng ban tuyên truyền của xã, công việc này thật hợp với cái tài ăn nói của chú. Gương mặt của chú càng ngày càng sáng với cái mũi thanh tú của chú. Có khác hơn ngày thường, chú ăn mặc giản dị hơn, người cao ráo với bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn qua cổ. Vẫn nhẹ nhàng, vui vẻ, chú nói:

- Đối với Huỳnh Phú Sổ, mình vẫn chủ trương đoàn kết, đã mời ông ta vào ủy ban hành chánh Nam Bộ, từng ấy tuổi với chức vụ như vậy, đâu phải nhỏ. Nhưng vì cái mộng làm vua nên mới ra nông nỗi nầy, đã gây ra biết bao tai họa cho tín đồ, vì cuồng tín, họ đâu có biết. Cái đạo của ông ta bây giờ chia làm bốn khối: Năm Lửa, Ba Cụt, Hai Ngoán, Nguyễn Giác Ngộ, cả bốn tên đều là dân bất hảo, là dân đứng bến xe, dân trộm, dân bán thịt heo và lính mã tà. Không có một người nào coi được. Nếu vừa rồi, anh ra ngồi ghế chủ tịch, anh cũng ký giữ họ lại thôi anh Hai.

Chú tôi với chú Ba Giáo đang cố gắng nói sao cho cha tôi thấy việc bắt giữ ông tôi, chú tôi và những người theo đạo Hòa Hảo là phải. Chẳng biết cha tôi có xuôi theo hay không mà vẫn ngồi im. Rồi cả ba vẫn cứ ngồi im hút thuốc, mỗi người đeo đuổi theo ý nghĩ riêng của mình. Không khí im lặng nặng nề quá, tôi cứ phải ngồi im, không dám làm gì gây ra tiếng động.

May sao, có người đến: chú Tư Chía. Chú đi xuồng, chú bơi lái, trên xuồng vẫn chở theo chiếc xe. Chú Ba Giáo nhanh miệng:

- Đi xuồng mà chở xe theo làm gì vậy anh Tư?

Chú vừa rà mái dầm cặp xuồng vừa đáp:

- Có chỗ nào khô thì mình lên xe, vật bất ly thân mà. Có thằng Ba “cửa tủ” ở đây, may quá.

Chú bước lên thảo bạt nhà tôi, giọng vang vang đắc thắng:

- Chú Ba mầy thấy, xóm của tao làm như vậy có gọn không?

- Thằng hương quản, người đáng bắt sao không bắt? - Cha tôi hỏi.

- Bắt được nó thì còn nói gì nữa, anh Hai, nó trốn rôi.

- Người đáng bắt thì không bắt được - cha tôi lại tắc lưỡi.

Chú Tư Chía cũng lại tắc lưỡi tiếc rẻ:

- Trời ơi, sao mà họ ngu quá, tôi không hiểu. Một thằng hương quản chuyên bắt Cộng sản nộp cho Tây, mà bây giờ, họ chịu để cho làm Trưởng ban trị sự đạo, lại nghe lại tin nó. Tôi đã tính sẵn trong bụng, bắt được nó, tôi sẽ kêu bà con đạo Hòa Hảo tụ họp lại, tôi sẽ đưa tay, tôi gỡ cái đầu tóc giả của nó cho bà con thấy. Người ta tu, người ta để râu để tóc, còn nó thì nó bới đầu bằng tóc mượn. Giả, giả chịu không được.

Chú Ba Giáo ngửa mặt cười đắc ý:

- Đúng là đội lốt theo cái nghĩa bóng cũng như nghĩa đen.

- Nó trốn đâu? - Cha tôi hỏi, sốt ruột và bực dọc.

- Biết nó trốn đâu thì còn nói làm gì. Trời nước mênh mông vầy, nó có trốn đằng trời cũng không thoát. Rồi tôi sẽ cho dậm như dậm cù, trước sau gì cũng lòi ra. Chuyện của nó đâu còn có đó. Tôi lên đây là để hỏi chú Ba, mình sẽ giải họ đi hay là sao nữa?

- Trên tỉnh trên quận, chỗ nào cũng đầy hết, giải đi đâu, cứ giữ họ lại, chờ lịnh trên.

- Còn một việc nữa. Tôi đã “loa” đi khắp xóm, lịnh cho họ phải nộp vũ khí, người nào không nộp coi như có ý đồ đen tối. Tôi cũng lịnh, từ nay không được treo cờ dà nữa. Tổ quốc Việt Nam ta chỉ có một lá cờ đỏ sao vàng mà thôi. Tôi lịnh vậy, mấy anh thấy sao?

Tôi thấy chú Tư Chía có vẻ thích cái tiếng “lịnh” lắm, tiếng “lịnh” nào chú cũng nhấn mạnh với cái đầu gật xuống, như là hễ nghe đến lịnh thì phải cúi đầu vậy.

- Cứ làm theo lịnh ủy ban, anh Tư - chú tôi nói.

- Có được một ông chủ tịch ấp như anh trong lúc nầy thật xứng đáng - cha tôi nói thật hay nói mỉa, tôi không hiểu, chỉ thấy mặt chú ửng lên, sượng sùng.

Hai chiếc xuồng xô ra, bơi đi rồi, cha tôi vẫn ngồi yên, không vui.

Ông Chín Hết lại bơi xuồng tới, bộ râu nón đỏ loe hoe.

Ông vừa buộc xuồng vừa hỏi cha tôi.

- Nghe gì chưa Hai?

- Cậu lên đây, chắc là chuyện cậu Tư với thằng Điền? Tôi có nghe.

Ông không lên ghế mà ngồi bệt xuống ván, hai tay khoanh lấy gối, trông thật buồn bã. Cha tôi cũng phải xuống ghế, ngồi cạnh bên.

- Cậu định đi tìm thằng Ba, nói với nó, đối với cậu Tư, dù sao cũng là bà con dòng họ, làm gì cũng nên nương tay. Còn thằng Điền, trẻ người non dạ, lại là con ngựa non háu đá, ai sai gì làm nấy, nó có biết cái gì. Còn vụ này nữa Hai, ngặt quá. Tao theo đạo Hòa Hảo hồi nào đâu, nhưng vì tao cũng để râu để tóc, lại là cha thằng Điền, mấy ông cũng coi tao là Hòa Hảo, bắt tao phải nộp vũ khí. Đao kiếm của thằng Điền họ tịch thu hết, tao có gì mà đem nộp. Tao nói vậy mà không nghe, cứ nói là tao còn mưu đồ đen tối. Túng quá, tao phải đem con dao ra nộp, mấy ông nói, con dao làm cá chớ không phải vũ khí, tao biết làm cách nào. Cũng có người, họ là Hòa Hảo thiệt, nhưng họ không có vũ khí mà cũng bắt họ phải nộp, tao nghe có người định đi mướn thợ rèn, rèn một cái đế đem nộp đó, Hai!

- Có chuyện vậy nữa!

- Ừ... ừm. Không ai được yên. Cậu lên đây để nhờ thằng Ba với mầy, nói với mấy ổng cho cậu một tiếng.

- Như vầy, cậu coi có được không. Sáng mai, cậu lên đây, tôi với cậu lên quận. Tôi muốn gặp anh Sáu Thẩm.

- Cần gì phải về rồi lại quay lên. Đêm nay tao ngủ đây, sáng hai cậu cháu mình đi sớm, tiện hơn không.

- Tôi sợ mợ Chín ở nhà trông cậu.

- Cậu đi cậu nói, chừng nào xong chuyện cậu mới về.

Cha tôi quay vào bảo tôi:

- Vô hỏi chị Tư mầy, nhà còn gì ăn, nấu cơm cho ông Chín.

Ông tôi khoát tay:

- Thôi! Mắm muối gì ăn cũng được. Nè con, trong nhà có cái mùng cũ, mùng rách gì không, đem ra đây, mấy ông cháu mình bắt cá.

- Dạ, có - nghe bắt cá là tôi muốn nhảy cẫng lên rồi. Cái mùng ông tôi căng ra, để dưới mặt nước, rồi rải lên một nắm cám. Nghe mùi cám, một bầy lòng tong kéo tới, bu đầy, vừa đớp, vừa giãy.

- Nè, dỡ!

Ông một đầu, tôi một đầu, dỡ cái mùng tung lên mặt nước. Ôi! Cá không biết bao nhiêu con, nó nhảy, nó nhảy đến văng cả những cái vảy bạc, sáng lấp lánh trên tấm vải mùng.

Câu chuyện của người lớn, dù không hiểu được bao nhiêu, tôi vẫn thấy nặng nề. Bấy giờ, được trầm mình dưới dòng nước mát lạnh, vừa chơi vừa bắt cá với ông, tôi bỗng thấy nhẹ nhàng. Và buổi cơm chiều, có cá lòng tong kho tộ, bữa cơm sẽ ngon lành.



--------------------------------------------------------------------------------
(1) Cùm
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:49:43 pm »

*

*          *

 
Ông Chín đưa cha tôi lên quận bằng chiếc xuồng theo con nước trên lòng đường lúc gà gáy. Tôi không thể biết cuộc gặp gõ giữa cha tôi với ông chủ tịch có bộ ria dấu ớ ra sao; chỉ biết, buổi chiều khi cha tôi trở về, tôi thấy ông không lầm lì, đăm chiêu nữa. Ông Chín thì xoa đầu và hôn tóc mấy đứa em tôi và hôn cả tôi nữa. Thấy ông vui, tôi lại lấy cái mùng ra, rủ ông bắt cá, ông cười. Nụ cười của ông thật ngộ, như một cái hoa nở ra trong cái đám cỏ râu ria của ông.

- Bữa khác. Ông về liền, bà Chín bây mong. - Rồi ông xô xuồng bơi đi, không chịu ăn cơm chiều.

Sau đó mấy hôm, ông Tư và chú Điền tôi cùng với những người bị giam giữ trong trụ sở Ủy ban được trở về. Rồi cũng vài hôm sau, lúc sáng sớm, cô Hai Thảo bơi một chiếc xuồng chở nào dừa, nào gạo, mắm muối với vịt gà cặp lại nhà tôi.

- Đi chợ về hay ra chợ bán đó Hai? - Cha tôi hỏi.

Cô Hai đưa tay quẹt cục thuốc để qua bên mép:

- Không đi chợ mà cũng không đi bán. Mấy đứa nhỏ đâu, bảo nó đưa lên nhà.

- Có chuyện gì vậy Hai?

- Thì cứ bảo mấy đứa nhỏ đưa lên rồi em nói.

Cha tôi đưa chân giữ cái mũi xuồng.

- Chuyện gì thì nói đi chớ. - Giọng cha tôi hơi gắt.

- Có chuyện gì đâu anh. Bà con người ta nói nhờ anh lên quận mà chồng con mới được thả về. Mỗi người một ít, gom lại, nhờ em mang lên, để cám ơn anh.

- Bậy! Ai nói? Nói lại với người ta là tao với cậu Chín có lên quận, nhưng không phải nhờ tao, tao lên đến nơi thì quận đã xét kỹ, đã cho lịnh thả rồi.

- Anh nói... chuyện đó làm sao biết, bà con người ta nhờ em thì em chở lên cho anh.

- Đem về đi. Nói với bà con, nếu muốn cám ơn, thì đem lên ủy ban, cho mấy anh em làm việc, người ta cực khổ.

Mặt cô Hai tôi tiu nghỉu:

- Anh sao khó quá.

- Thôi, đừng nói thêm, bơi về đi.

Sẵn chân để trên xuồng, cha tôi đẩy cái mũi xuồng bung ra, rồi quay vào, vẻ bực bội.

Tôi biết, khi cha tôi không vừa ý hoặc nổi giận thì trong bà con dòng họ kể cả bạn bè, không ai dám trái ý. Chiếc xuồng bơi đã xa và khuất mất. Một lát sau, khi cha tôi ra chợ uống cà phê sáng, thì cô Hai cho xuồng cặp lại sau hè, dưới bếp. Cô gọi hai chị em tôi:

- Cha bây đi chợ rồi phải không?

- Dạ!

- Nè, hai đứa mang lên cho cô về.

Chị tôi lắc đầu:

- Không được đâu cô Hai, cha cháu thấy, cha cháu đánh chết.

Cô nhíu mày khó nghĩ:

- Cha bây rượu không biết uống mà giống y như ông nội bây. Người ta cho gì cũng không lấy. - Rồi cô trợn mắt nhìn hai chị em tôi, lấy quyền của người cô, bảo chúng tôi: - Tao nói phải nghe lời, biết chưa?

Giọng cô lại dịu xuống, nài nỉ:

- Người ta biếu mà không nhận, tội lắm, nghe mấy con. Cô tính như vầy: dừa với gà vịt cô mang về, mấy thứ nầy, nước lênh láng, không có chỗ giấu, còn gạo, nếp với mắm, mấy con cất dưới bếp. Gạo nào cũng gạo, mắm nào cũng mắm; cha bây là thánh hay sao mà cái gì cũng biết.

Cô vừa nói vừa ném bịch gạo, bịch nếp và mắm lên sàn bếp nhà tôi.

- Cha bây, kêu vô đạo không vô, đã đành, đến lúc người ta mời ra ngồi ghế chủ tịch, cũng không ngồi. Người đâu có người kỳ cục. Thôi đem cất đi, cô về.

Trên xuồng còn lại mấy quầy dừa với gà vịt, cô bơi đi. Lần đầu, cô đến nhà tôi mà không nói chuyện đạo. Nhìn theo cái luồng nước của chiếc xuồng cô bơi đi, tôi thấy thương cô. Cô không còn là người say đạo với đôi mắt long lên và miệng “xoen xoét” những câu chuyện rùng rợn, vừa sợ vừa buồn cười nữa. Và cũng tội nghiệp cho chị tôi, bữa cơm sáng hôm đó, sợ cha tôi biết, chị tôi xúc gạo nhà với gạo người ta cho nấu chung.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:52:40 pm »

*

*       *

 
Nước rút. Lạ quá. Mặt đất, sân nhà, con đường và cánh đồng vẫn nguyên như vậy mà sao nước cứ chảy ngược ra như có ai đưa tay nghiêng cái mặt đất của làng cho nước trở ra sông, trôi về biển. Mặt đất của sân nhà với cây cầu khỉ bắc qua kinh mỗi ngày mỗi hiện dần lên, khi tôi nhìn thấy được cây cầu thì cái sân nhà tôi vừa được tráng qua một lớp hạt phù sa màu đất hồng lên như miếng thịt tươi non, nhìn thấy cái màu đất ấy, tự dưng ta muốn trồng xuống một cái gì.

Khi con nước trở lại mặt sông, cái con đường lầy lội lại khô dần với ngọn gió từ xa thổi về. Ngọn gió lao xao qua các vườn cây, la đà vuốt qua đầu ngọn cỏ, ngọn gió rì rào suốt đêm ngày, như tiếng của một dòng suối đang dội về. Làng tôi gọi mùa gió này là mùa gió chướng. Với con gió chướng, các cánh buồm trên sông đều căng lên, ngược xuôi cả hai chiều. Buồm căng nghiêng qua một bên be, chạy giác theo con gió. Buồm xanh, buồm đỏ lô nhô trên sông như một bầy bướm.

Mùa này, dù không xuống chơi, tôi vẫn biết ông bà Chín tôi đang soạn đất trồng dưa hấu để đến Tết bán cho dân làng, đem chưng trên bàn thờ cúng ông bà.

Xe đò từ Sài Gòn lại trở về trên con đường đá vừa ráo nước. Trẻ con đổ ra đường ngửi lại mùi xăng, người lớn chạy ra bến lấy báo, đón tin. Chiếc xe Ưng Ký với nước sơn màu vàng cũ kỹ, mang theo bùn đất của con đường dài, chạy trên con đường đá lởm chởm, nặng nề với một tin dữ: quân xâm lược Pháp đang đánh chiếm Sài Gòn. Tiếng súng kháng chiến đã nổ rồi.

Mùa thu rồi! Ngày hăm ba. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...

Tiếng hát vang lên từ trong lồng ngực của mỗi người.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:53:44 pm »

*

*          *


Ông ủy viên quân sự đầu tiên của chánh quyền Cách mạng ở làng tôi có một bộ vó - như người ta nói - đúng là con nhà tướng. Ông vốn là chủ tiệm cầm đồ, ở phố có lầu, và cũng là người đứng đầu của Thanh niên tiền phong, được gọi là ông thủ lĩnh. Trước ngày làm thủ lĩnh, ông thường mặc quần “sọc”, áo thun lá, bên hông lúc nào cũng có một chùm chìa khóa rổn rảng. Khi ông làm thủ lĩnh Thanh niên tiền phong, ông mặc đồ Thanh niên tiền phong, đầu đội nón bàng, dẫn đầu đi “một hai”. Khi ông làm ủy viên quân sự, ông tự may cho mình một bộ quân phục riêng, đặc biệt, không ai có. Quần tây dài bằng vải ka ki có hai viền chỉ đỏ chạy hai bên. Áo sơ mi, vai có hai con đỉa. Đầu đội ca lô vàng và cũng viền vải đỏ. Sợi dây nịt da, bao súng không đeo bên hông mà đeo ngay giữa bụng. Bên hông vẫn cái chùm chìa khóa của các thứ tủ trong tiệm cầm đồ. Hằng ngày ông làm việc trong bót cò cũ, được đổi lại là cơ quan quân sự.

Từ đó, ông ra lịnh cho toàn dân:

- Một, không nhà nào được giữ cờ tam sắc. (Tất nhiên là vậy).

- Hai, không được giữ bất cứ thứ gì có đủ ba màu: xanh, trắng, đỏ.

- Ba, không được nói tiếng Tây.

Có một bà bưng một rổ ớt ra chợ bán, trong rổ có ớt đỏ, ớt xanh và ớt không hẳn là vàng cũng không hẳn là trắng, ông cũng truy là cờ tam sắc, bắt phải để riêng ra và chỉ được bán cho mỗi người một màu. Ông nổi tiếng vừa oai vừa nghiêm khắc.

Mỗi chiều, từ trong nhà cơ quan quân sự, ông bước qua con đường tráng nhựa, đến bãi tập. Bãi tập vốn là bãi cỏ dành cho ngựa, trước cửa nhà tôi.

Ông tập cho thanh niên bồng súng, chào súng, tập đi một hai. Tiếng ông hô vang tận đến bên nhà tôi. Anh tôi cũng đẽo một cây súng giả, chạy qua cây cầu khỉ.

Anh đứng lớ ngớ, và không hiểu ông ủy viên quân sự nói gì mà anh vác súng trở về qua cây cầu khỉ, mặt tiu nghỉu. Cha tôi đứng trên thảo bạt, hỏi vọng ra:

- Sao về?

Anh tôi bước vào sân, ném cây súng gỗ xuống đất, nói như khóc:

- Thằng chả không cho tập.

- Sao?

- Bắt phải may đồng bộ.

Cha tôi không nói gì, chỉ cười một bên miệng.

Anh tôi vừa bước lên cầu thang vừa càu nhàu:

- Chẳng có công gì mà làm tàng. - Rồi anh ngồi phịch xuống ghế, nói với cha tôi: - Cha biết không, cái đêm cướp chánh quyền, chú Khởi chỉ huy, còn con thì làm lính, thằng chả thì ngủ khò.

Tôi biết, anh tôi không chỉ giận ông ta không cho tập, mà còn giận một chuyện khác nữa. Trước đây, những lúc cần tiền ăn xài, anh tôi đã lấy cắp đồ trong nhà, nào vàng, nào quần nào áo đem ra cầm, bị ông ta bắt bí với một cái giá rẻ mạt:

- Mầy không chịu, tao mét ông già mầy!

Anh tôi làm gì ra tiền để chuộc, quá ngày, coi như mất. “Biết vậy, bán quách cho xong” - anh tôi lầm bầm.

Cha tôi vẫn bình tĩnh:

- Chuyện đó cha biết hơn con.

Tôi nghĩ nếu không có những ngày này, chắc cha tôi không gọi anh tôi bằng “con” với giọng ngọt ngào như vậy. Cha tôi tiếp:

- Nay mai, anh em còn xếp cho ông Tư của tụi con làm cái gì nữa kia. Mặc sức cho ông lên mặt. Không như vậy không yên. Nhà mình làm nghề thợ bạc, con cũng biết, muốn biết vàng thau thì phải thử lửa. Đã là vàng giả thì nó bóng nhoáng là như vậy.

Rồi chợt nhìn ra con sông, cha tôi nói thêm:

- Mình ở bên con sông, mình cũng phải biết. Buồm muốn giương lên thì phải có gió. Gió ngược thì buồm phải xếp lại. Dù có gió ngược hay nước ngược, có tay chèo thì chỗ nào rồi cũng tới. Chú Ba tụi con với anh em mình là tay chèo, hiểu chưa?

Cha tôi nói với anh tôi, chớ không phải nói với tôi, nhưng tôi cảm thấy hiểu. Còn anh tôi, chẳng biết anh có hiểu hay không mà vẫn ấm ức.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:58:20 pm »

*

*          *

 
Nghĩ lại, đúng như cha tôi nói. Nếu không có trận đụng độ với ba thằng lính Nhật thì không biết ông chủ tiệm cầm đồ sẽ phơi phới đến cỡ nào. Ba thằng lính Nhật trốn bên nhà thờ cù lao Giêng với vợ chồng thằng cò Tây vẫn chưa chịu buông súng đầu hàng. Nó lại còn băng xuồng qua chợ, mua đủ thứ thức ăn.

Và trong nhà thờ, nơi nó ở, vẫn treo cờ Nhật. Ai cũng ấm ức. Theo kế hoạch, lần sau, nếu nó còn qua chợ, ông ủy viên quân sự sẽ mời nó vào trụ sở, kêu gọi nó nộp súng đầu hàng. Nếu không, anh em chiến sĩ sẽ ra tay. Mấy ngày sau, ba tên lính Nhật lại băng xuồng qua chợ và nó được mời vào trụ sở. Sau khi ông ủy viên nói xong, một thằng lắc đầu:

- Không! Chừng nào chúng tôi chết, súng nầy mới thuộc về mấy ông.

Anh em chiến sĩ đâu đó sẵn sàng, chờ ông ra lịnh. Nhưng ông không ra lịnh, mặt cứ tái đi. Bọn Nhật đoán biết, chúng bỏ ghế, bật dậy, bước ra về. Đã vậy, ông còn đưa chúng ra cửa, nói theo:

- Các ông nên suy nghĩ thêm.

Ba tên Nhật vừa đi vừa chạy ra bến. Đến khi chiếc xuồng ra giữa dòng, nó đưa súng lên trời bắn một loạt.

Hồi ấy, dân làng chưa quen tiếng súng. Tưởng như một loạt tiểu liên ấy có thể giết hết cả làng, và ai cũng tưởng là đạn sẽ bay thẳng lại mình. Cho nên cả chợ kẻ đứng người ngồi, kẻ mua người bán, ai cũng cúi rạp xuống. Người trong phố, trong nhà cũng rạp xuống. Ai cũng tưởng đạn sẽ bắn ngang đầu, vớ được cái gì che cái nấy, có người che bằng thúng, bằng nồi, không vớ được gì thì che bằng tay. Như người ta thấy và nói lại, chỉ có một người vẫn đứng xỏng lưng, đó là anh Hai Quang. Chỉ có bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho bao nhiêu người khâm phục rồi.

Anh Hai Quang từ Sài Gòn trở về sau Cách mạng thành công một ngày, với bộ quần áo thường, xin tình nguyện làm lính Cách mạng. Anh được chọn làm lính cận vệ cho ông ủy viên quân sự. Và anh là một trong năm người biết võ nghệ được giao nhiệm vụ phải hạ mấy tên lính Nhật khi được lịnh. Để cho bọn Nhật chạy thoát, anh tiếc đến không kìm được:

- Ba thằng đó, một mình tôi cũng đủ, thằng một đá, thằng một đấm, thằng một cùi chỏ - anh vừa nói vừa đá vừa thoi - Tôi đứng hầu kế bên ổng, chờ hoài mà không thấy ra lịnh. Tụi tôi chỉ chờ ổng liệng cái điếu thuốc xuống bàn thì tụi tôi ra tay, cái điếu thuốc ổng cứ phì phà hoài, lại còn đưa mắt nhướn nhướn bảo tụi tôi lui quân. Nghe nó bắn tẹt tẹt, tưởng như bị ỉa vô mặt.

Ai nghe cũng bất bình.

Gió ngược, buồm phải cuốn lại, đúng vậy. Khi quân dân tiến đánh bọn lính Nhật với vợ chồng thằng cò Tây ẩn náu trong nhà thờ cù lao Giêng thì ông ủy viên quân sự quay lại cái tiệm cầm đồ với một xâu chìa khóa ở bên hông. Con thuyền đã đến lúc phải có tay chèo. Chú Tư Khởi lên làm ủy viên quân sự. Chú vẫn như trước, vẫn bộ đồ bà ba, có khác là bên hông không đeo theo nạng giàng thun, và áo không hở ngực, gài đủ năm nút. Chú không biết tập lính như ông chủ tiệm cầm đồ; việc tập tành cho thanh niên, chú giao cho Hai Quang. Chú cũng không cần Hai Quang làm lính bảo vệ nữa. Người thích nhất mà tôi thấy ngay trong nhà, là anh tôi. Anh tôi được vác cây súng ra bãi tập mà không cần phải quần áo gì sang trọng; quần đùi với cái áo thun, được rồi, ở trần cũng không sao.

Vì vậy mà bãi tập đông vui hơn. Và lũ nhỏ chúng tôi, gọi là thiếu nhi, cũng được ra bãi, hoặc hò hát, hoặc xếp thành hàng, tập đi một hai, tùy thích.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:01:22 pm »

*

*          *


Dòng sông căng lên với màu phù sa ngầu đỏ, vừa hăm hở vừa giục giã vừa cuồn cuộn như muốn cuốn theo cây cỏ hai bên bờ đổ ra biển. Những ngày ấy, một trận đánh đầu tiên nổ ở làng tôi, sau ngày Cách mạng tháng Tám. Xuồng cui mũi quớt từ trên các bến dài theo làng, chở người ra trận. Họ rạp mình, dồn cả sức lực vào đôi tay đấy mạnh mái dâm, tua tủa đâm qua nhà thờ cù lao Giêng. Bụi sóng bay mờ như khói tỏa. Dù chưa quen với tiếng súng, và cũng chưa có ai hiểu được sức mạnh của các loại súng, trong con mắt của tôi ngày ấy, trận đánh đã cuốn hết cả dân làng.

Những con xuồng ở phía xa, như những mũi tên đang lướt trên mặt sông bay qua vùng khói lửa mờ mịt cả rặng cây. Người ra trận ào ạt trên mặt sông, và tưng bừng tiếng hát “Một ra đi là không trỏ về”.

Làng tôi, có mấy ai biết được trong khu nhà thờ ấy có cái gì ngoài cái lầu chuông vượt lên khỏi rặng cây. Một cái nhà thờ được dựng lên từ ngày đầu khi quân xâm lược Pháp chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ - năm ấy đã gần tám mươi năm. Cũng được gọi là nhà thờ gốc. Chắc họ muốn đặt cái gốc đạo ở đầu nguồn sông Tiền Giang để theo con nước mà lan dài ra dân bản xứ dọc theo hai bò sông Cửu Long.

Khu nhà thờ được bao bọc bằng một bờ tường cao quá đầu người, cách biệt với dân làng. Trong bờ tường, nhà cửa đường sá không thua gì một cái chợ. Nhà của ông cha bà phước, nhà cho hàng ngàn con chiên vốn là những đứa con hoang và những trẻ tật nguyền. Nhà bảo sanh, nhà khám bịnh, nhà cho thuốc, nhà thờ, nhà giảng đạo, có cả xưởng dệt và xưởng làm xà bông. Tất cả đều tường vôi, mái ngói. Như một xã hội riêng biệt không dính gì với ngoài đời. Người được ra ngoài vòng bờ tường chỉ có ông cha với bà phước, thỉnh thoảng qua chợ làng tôi mua sắm vài món lặt vặt. Chuyện gì ở trong ấy, không ai biết được. Như vậy cũng chưa đủ hay sao mà phía bên này sông, làng tôi cũng có một nhà thờ, nhưng nhỏ hơn, cách nhà tôi một ki lô mét, cũng là xóm làm thợ mộc, trại cưa, trại xuồng, nhưng vì để phân biệt với xóm mộc ở Cột dây thép, xóm này gọi là xóm nhà thờ.

Bên kia sông, nhà thờ cù lao Giêng là nhà thờ lớn, nên hằng năm, đến ngày lễ Nôen, có một chiếc tàu trắng - có người nói từ Nam Vang, có người nói từ Sài Gòn về - từ trên đầu cù lao đổ xuống, đậu giữa dòng sông và giữa hai cái nhà thờ để làm lễ. Trên tàu toàn bọn Tây. Đến giờ làm lễ, sau một hồi chuông dài lan ra trên mặt sông, từ trên chiếc tàu trắng ấy, nổ đùng đùng, pháo hoa xẹt lên nổ chùm chùm, sáng rực cả một vùng trời. Rồi sau đó, (nghe nói) ông cha và bà phước của nhà thờ cù lao Giêng và cả ông cha ở nhà thờ làng tôi đâm xuồng ra, leo lên tàu, cùng với bọn Tây ăn ngỗng quay, uống rượu nho và nhảy nhót cho đến sáng. Có một năm, cũng đến ngày lễ Nôen, vào một buổi trưa, bỗng có một chiếc máy bay giống như con chuồn chuồn bay tè tè theo con sông rồi cất lên, đỗ xuống trong khu nhà thờ cù lao Giêng. Chợ làng tôi, vì chưa bao giờ được thấy máy bay có những người tò mò đã lao xuống dòng sông bơi qua nhà thờ, có người suýt chết đuối. Những người đó, có ai thấy được chiếc máy bay ấy đâu, nó đậu trong vòng bờ tường rồi, ai vào được. Chẳng biết trong khu nhà ấy bao lớn mà có chỗ cho cả một chiếc máy bay?

Anh chị em nhà tôi và cũng rất đông những đứa nhỏ ở làng đều sanh ra từ nhà bảo sanh của nhà thờ. Vì ở bên đó có nhiều bà mụ học Tây, giỏi hơn mụ vườn. Năm lên sáu lên bảy, tôi bị bịnh ghẻ, má tôi có đưa tôi sang nhà thờ, xin thuốc đỏ. Nhờ đó mà tôi biết và còn nhớ mang máng. Trong ấy, nhà ngang, nhà dọc, nhà lầu, có vườn hoa, có bãi cỏ, các con đường đều tráng nhựa, có những chậu kiểng đặt ở bên lề ngã ba ngã tư và tượng Chúa. Tôi nhớ những đứa con hoang, con mồ côi và tật nguyền, mặc quần áo giống nhau, hàng ngàn đứa đứng xếp hàng bên bãi cỏ, điểm tên vào mỗi buổi sáng. Những đứa nhỏ không cha không mẹ ấy, bị tách ra khỏi cuộc đời, ngày ngày phải quỳ dưới tượng Chúa, lớn lên, không ai được lấy vợ lấy chồng, lẩn quẩn trong vòng tường cao quá đầu người với kinh thánh với tượng Chúa cho đến hết cả đời người. Và cho đến chết cũng không ra khỏi vòng tường, cái nghĩa địa cũng ở trong ấy, cạnh bên, chẳng đâu xa.

Ở làng tôi, cha mẹ muốn dọa con thường hay dọa là sẽ đem cho bà phước, tức là sẽ đưa vào đó, đứa nào nghe cũng sợ, sợ hơn bị nhát ma.

Bây giờ ba thằng lính Nhật với vợ chồng thằng cò Tây, nghe nói có cả ông cha và bà phước, núp trong những ngôi nhà ấy bắn ra.

Trận đánh lôi cuốn cả những làng ở xung quanh. Người từ các nơi đến, không biết bao nhiêu mà kể, bao hết cả vòng tường. Trên bộ, trên sông, người cứ lũ lượt, không thấy ai có súng, chỉ có gậy gộc với gươm dao, hoặc đao kiếm. Và người ta đi, cũng không cần phải theo hàng ngũ, đi khắp trên các ngả đường đổ xuống bến sông. Có người sang qua bên đó, đứng xớ rớ hoặc chạy tới chạy lui, hò hét ở ngoài bờ tường một đêm, một ngày, hoặc một lát rồi trở về, coi như mình đã ra trận rồi. Người khác lại đi thay, không thấy ngớt.

Anh tôi, anh Hoàng và cả thằng Sườn cũng ra trận kiểu như vậy sau một đêm. Từ trên mặt trận nhà thờ cù lao Giêng trở về, anh lôi kéo cả anh Hoàng và thằng Sườn qua cây cầu khỉ, vào nhà, lên thảo bạt lúc trời vừa hửng nắng. Người nào hai con mắt cũng thâm quầng, thụt sâu, nhưng người nào cũng tạo ra một dáng đi kiểu lính, hai tay khuỳnh ra như con gà trông phùng cánh.

- Mình tiến vô tới đâu rồi? - Cha tôi hỏi.

- Còn bao vây, chú Hai - anh Hoàng đáp

- Tụi nó chưa chịu đầu hàng.

Thằng Sườn hăng hái:

- Tường nhà thờ cao quá. Tụi nó nhát quá, cứ núp trong nhà, không dám ra mặt xáp lá cà, bác Hai.

- Mình không phá được tường nó sao? -Cha tôi lại hỏi.

- Súng lớn của mình chưa chở tới, chú Hai.

- Vậy mấy hôm nay mình đánh bằng súng gì?

- Mình chỉ có mấy cây “mút” bắn không lủng.

- Sao tao nghe tiếng súng gì nổ đùng đùng mấy bữa rày, súng nổ lớn vậy mà không phải đại bác sao?

Anh Hoàng như sợ bọn Tây Nhật ở bên kia sông nghe được hay sao, anh bước gần lại cha tôi, nói thầm thì:

- Đâu phải đại bác chú Hai. Mình đốt pháo tre cho nó sợ. Còn khói mà bên này mình thấy nó cuồn cuộn bên đó, không phải là khói súng, mà mình đốt rơm với xăng để ung nó. Tụi cháu bữa nay về là để xin thêm rơm, chú Hai.

- Chẳng lẽ mình cứ đứng ngoài, bao vây nó hoài sao?

- Không đâu chú Hai. Cháu nghe ba cháu nói, nếu ngày mai, nó mà không chịu đầu hàng, thì anh Hai Quang sẽ làm cảm tử quân ảnh sẽ phi qua tường xông thẳng vô bọn nó.

- Vậy.

- Dà. Thang, lựu đạn với một cây mi trây đết đã giao cho anh Hai Quang rồi, lịnh xuống là ảnh xông lên liền.

Cha tôi lại nhìn về đám khói bên kia nhà thờ cù lao Giêng, lặng lẽ và kêu lại hai tiếng: Hai Quang!

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:05:17 pm »

*

*          *


Tôi được cùng anh Hoàng, thằng Sườn với anh tôi lên xe, chạy xuống xóm vườn để xin rơm. Bao giờ anh Hoàng cũng trao dây cương cho tôi, và tôi gặp lại con ngựa Cu, còn con Ô thì đã đưa qua mặt trận cho chú Tư Khởi.

Lâu lắm, từ ngày má tôi mất, tôi mới xuống nhà ông Tư tôi. Vì muốn xin rơm thì không thể không ghé nhà của ông. Tôi nhớ trước sân và sau hè nhà ông còn hai cây rơm rất to, vàng chóe. Cũng may, cái bến sông trước nhà ông Tư tôi đã thành cái bến đưa đón người ra trận, xuồng ghe tấp nập, và người ở hai đầu làng như đổ dồn về.

- Đi đâu đó, đồ chó đẻ?

Ông chửi hai anh em tôi, trợn mắt làm ra giận, nhưng tôi biết ông đang cười.

- Dạ, xin rơm cho mặt trận.

- Khoanh tay thưa bà cố, rồi muốn gì thì muốn.

Bà cố vẫn thơ thẩn trước bàn thông thiên, tay cầm chuỗi hột, lầm thầm khấn vái. Tôi với anh tôi khoanh tay thưa bà; anh Hoàng, thằng Sườn cũng bắt chước, thưa theo.

Ông Tư có vẻ vừa ý:

- Đó, rút bao nhiêu thì rút, đừng có dỡ nhà tao là được!

Vậy là bốn anh em nhào tới cây rơm, rút từng ôm mang ra, chất lên xe, rồi dẫn xe xuống bến, chuyển lên xuồng.

Ở đây tôi gặp lại rất nhiều người quen cũ xóm vườn. Những thằng bạn cũ thường rủ nhau đi tắm sông ngày hè, có cả chị Thảnh, chị Thơi, chị Thơm, chị Tho, những chị dạy tôi mò ốc gạo. Có cả ông Chín Hết và chú Nguyễn Đa Điền của tôi nữa. Ông Chín, với bộ râu hoe hoe đỏ lấm tấm mô hôi đang cầm tay lái; thấy chúng tôi, ông đưa cây dầm lên chào, khen chúng tôi:

- Giỏi á!

Chú Nguyễn Đa Điền, người tín đồ Hòa Hảo nổi tiếng giỏi võ ở làng, đeo bên hông một ngọn đao, đang đứng dưới bến, nước lên đến gối, thúc giục anh em tín đồ xuống xuồng. Xuồng nào vừa đủ người thì chú đưa hai tay bợ lấy cái lái xô ra, cái mũi của chiếc xuồng cui ào ra, hai bên rẽ hai đường sóng như cặp dây cương.

Nổi bật nhất là chú Tư Chía và con của chú, anh Trung. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn cắm trong lưng áo, như một ông tướng trên sân khấu, chú tới lui, chỉ huy cả cái bến. Anh Trung cầm cái loa thiếc, sát cánh với chú, chú nói gì thì anh Trung lặp lại qua ống loa:

            - A lô! A lô! Xuồng đó xô ra bến đi.

- A lô! A lô! Xuồng đó cho thêm một người nữa.

Không ai bầu chú làm chỉ huy, nhưng tất cả đều nghe theo, vì chú đưa hết cái trại xuồng xuống bến cho mặt trận, có hơn mười chiếc, vẫn còn thơm mùi gỗ, với mùi chai.

Mỗi người mỗi việc, lăng xăng, tới lui, hò hét, cười đùa, như từ trước đến nay không hề xảy ra điều gì xích mích, cũng không thấy ai phân biệt người nào thuộc đạo nào, mọi người đã cùng một lòng, chẳng khác gì dòng sông chỉ có một màu phù sa ngầu đỏ, mỗi lúc mỗi dâng đầy.

Rút hết cây rơm bên hông nhà ông Tư, đưa xuống bến, thì anh Hoàng, thằng Sườn với anh tôi xuống xuồng, qua mặt trận.

- Mầy qua làm gì, người ta đạp chết.

Anh tôi bảo tôi, còn anh Hoàng thì dỗ tôi:

- Nhỏ! Mầy đi nữa thì ai coi chiếc xe với con Cu. Bữa khác! Mầy cho con Cu nó về.

Anh Hoàng ngồi lái, anh tôi ngồi mũi, còn thằng Sườn thì ngồi ngất nghểu trên đống rơm. Xuồng xô ra bến, nó quay lại, đưa tay chào chọc tôi, bành cái miệng ra để cười, rồi cất tiếng “Một ra đi là không trở về”. Vừa hát nó vừa nhún trên đống rơm, chiếc xuồng cũng nhún theo, lướt tới trên mặt sóng.

Tôi dẫn con Cu ra mặt đường. Tôi với nó buồn như nhau. Con Ô đang bên kia, trên lưng là chú Tư Khởi, đang vươn mình sải dài trên mặt trận. Còn tôi với nó thì trở về. Nghe cái tiếng vó của con Cu gõ lóc cóc trên mặt đường, tôi tự hỏi mà không trả lời được, sao lúc này mình không phải là người lớn?

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:08:34 pm »

*

*          *


Tin vui từ mặt trận về: lính Nhật với cò Tây đã đầu hàng, cùng với một tin đau: anh Hai Quang, cảm tử quân, bị thương nặng.

Đúng như lời của anh Hoàng đã nói với cha tôi.

Rạng sáng, nhưng khói rơm vẫn mờ mịt như sương, anh Hai Quang phi thân qua bờ tường. Súng đeo vai, hông đeo lựu đạn chập chả và một lá cờ cắm sau lưng áo, anh vác chiếc thang xông thẳng đến một ngôi nhà lầu. Anh đặt thang vào tường, trèo lên, đút họng súng vào khe cửa sổ, bắn một loạt dài. Khi anh mở tung cửa lao vào thì anh bị chúng bắn trả lại. Dù bị thương, anh vẫn áp người vào khung cửa, rút lá cờ, vẫy gọi anh em.

Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng đang phất phới trên khung cửa sổ của nhà lầu cùng tiếng gọi của anh thì như con sông ở làng đã đến lúc tràn bờ, người đứng bên ngoài bỗng dậy lên, người leo thang, người đưa lưng, kê vai cho người khác leo lên. Hàng ngàn con người, cùng một lúc, tràn lên, với giáo, với mác, gậy gộc, đao, kiếm, và gầm thét, đổ dồn về phía ngọn cờ trên tay anh Hai Quang.

Súng đạn mà chúng có, không thể giết hết được những con người đang tràn lên như sóng bủa. Một lá cờ trắng từ trong lầu thọc ra cửa sổ xin hàng.

Mấy tên lính Nhật, vợ chồng thằng cò Tây bị giải về tỉnh.

Còn anh Hai Quang, anh bị viên đạn xuyên qua bụng, lúc anh em chưa kịp đến, anh đã tự mình lấy chiếc khăn choàng tắm buộc thắt lại.

Anh được đưa về trên chiếc ca nô và được đưa vào ngôi nhà bên kia cầu sắt, trong khu vườn yên tĩnh râm bóng cây. Người lại chật đường, chật cầu, chật cả sân nhà, đến thăm anh.

Tôi không thể nào len vào nổi, chỉ đứng lóng ngóng bên ngoài, dưới gốc cây. Tôi nghe kể lại, vết thương nặng, không thể nào cứu chữa được, cơn đau dù dữ dội, anh vẫn không có một tiếng rên, gương mặt cũng không hề nhăn nhó, vẫn bình thản, và anh đã đưa tay nắm lấy bàn tay của người mẹ, và miệng nở một nụ cười hiền lành vốn có trên gương mặt lầm lì của anh trước hơi thở cuối cùng.

Và người mẹ như hài lòng trước sự hy sinh của anh, bà không khóc, bà đưa tay vuốt mặt con và cúi hôn vầng trán của con.

Thấy nhiều người quay trở ra lấy khăn chấm mắt, lặng lẽ bước xuống cầu thang thì tôi biết rồi.

Ghiếc quan tài của anh được phủ cờ đỏ sao vàng, đi trên chiếc xe ngựa với con ngựa bạch, từng bước đi trên con đường đá, có cả hàng ngàn con người lặng lẽ đưa tiễn anh.

Chú Ba Giáo đọc diễn văn, nói về cuộc đời của anh: “Anh Hai Quang sanh ra trong một gia đình nghèo. Lớn lên, anh bất mãn trước một xã hội nô lệ và bất công. Để trả thù đời, anh bước vào làng anh chị với một tấm lòng hào hiệp. Con người có tấm lòng như anh, khi gặp Cách mạng thì anh lại trở thành một chiến sĩ kiên cường. Anh đã vì Tổ quốc, vì “chết vinh hơn sống nhục” và xem cái chết tựa như lông hồng...”

Cái chết của anh đã trả lại cho anh tất cả cái phẩm giá cao quý của người.

Làng tôi, những người đang sống, từ bé cho đến lớn, người ta chỉ biết đến cái chết của tuổi già, của bịnh tật, chưa ai được chứng kiến cái chết của một người chiến sĩ ngoài mặt trận, vì Tổ quốc mà hy sinh.

Anh Hai Quang, anh là người đi đầu. Cái chết của anh gây xúc động đến từng lòng người.

Một buổi chiều tháng chín, sau những cơn mưa, cây cỏ hai bên đường mơn mởn, đậm đà với màu xanh muôn thuở của làng, rì rào cùng với lời khấn vái của người đi giữa lòng đường, với khói nhang nghi ngút.

Đưa anh Hai Quang đi rồi, trở về, cha tôi ngồi tựa lưng vào ghế trên thảo bạt, nhìn ra con sông, nói với những người bạn cũng đang lặng lẽ như cha tôi:

- Từ nhỏ đến giờ, ở làng mình, tôi chưa thấy một đám tang nào lớn như đám tang chiều nay. Lúc Hai Quang còn sống, ai biết được Hai Quang sẽ ra sao. Hơn bốn mươi tuổi đầu, tôi nghiệm thấy, cứ nhìn cái đám tang, mình có thể biết người ấy ra sao, phải không, mấy anh? Chiều nay, làng mình không phải chôn một xác chết mà đang gieo xuống một mầm sống. Kìa! Mấy người ở xa lại tới nữa kia...

Ngoài đường có thêm những tốp người, khăn đóng, áo dài, tay cầm nhang, vội vã đi về phía của anh.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:13:01 pm »

*

*          *

 
Bọn lính Nhật, vợ chồng thằng cò Tây đầu hàng, anh Hai Quang hy sinh, nhưng trận đánh bên kia nhà thờ cù lao Giêng vẫn tiếp diễn.

Những người từ các nơi kéo đến tham gia trận, đánh, lâu nay vẫn đứng bên ngoài bờ tường, bấy giờ mới bắt đầu, để trả thù cuộc đời tám mươi năm nô lệ, trả thù cuộc đời một ách hai tròng, không ai chỉ huy ai, mạnh ai nấy đập, nấy phá, tùy thích, tùy sức. Và để trả thù cuộc đời cơ cực “gạo châu củi quế”, họ gặp gì lấy nấy; và cũng tùy thích, tùy sức. Nào gạo nào vải, nào mùng mền, kẹo sữa với rượu tây, và cả những thứ lạ chẳng ai biết từ trong các kho, mạnh ai nấy lấy, chở bằng ghe, bằng xuồng, và đội bằng đầu. Những ai ở xa cũng đến hôi của. Họ kéo nhau đi từ đêm này đến đêm khác từ khắp các ngả đường.

Tôi thấy có người đội vải lút cả đầu, có người đầu đội, vai vác, đi ngang qua cửa nhà tôi.

- Cách mạng mà làm vậy coi không được, cha cấm tụi con không được qua bến, nghe chưa?

Cha tôi nói đi rồi cũng nói lại: “Kể cũng công bằng”

Dù có người không muốn, nhưng không thể nào ngăn cản nổi. Đó là sự trả thù của cuộc đời. Như giông, như bão, như lũ lụt, như sóng thần, được tích tụ từ lâu, những gì cản trở nó, sẽ bị nó cuốn trôi.

Làng tôi không có bão, nhưng năm nào cũng có những cơn giông. Không ai muốn, nhưng có ai cản nổi đâu. Nhà cửa xiêu vẹo, cây cối ngả nghiêng, và xoài già, cả xoài non rụng dài theo mặt đường.

Cái nhà thờ lâu đời gần một trăm năm vì đã làm đồn lũy cho kẻ thù, nên chả mấy chốc mà tan hoang.

Người làng xung quanh nhà thờ bỗng trở nên giàu có. Người ta mặc quần áo mới và mở quán dài theo hai bên đường. Những cái quán đơn sơ, một cái bàn, vài ba cái ghế, dưới mái lá hoặc dưới một tàn cây, nhưng có đủ thứ kẹo bánh, xà bông, treo lòng thòng theo nhánh cây, tùng chùm xanh, đỏ. Nào cà phê, nào đường, nào rượu, rượu chát đỏ, chát trắng với Mácten..., những chai rượu để dưới hầm hãy còn lành lạnh, mát tay. Ai lấy được gì bán nấy. Người đã từng uống, có dịp uống thêm; người chưa từng uống, cũng uống một ly cho biết: “Ái chà chà! Sao mà ngon, mà ngọt mà cay, mà thơm, mà nóng, mà lạnh như vậy cà? Biết vậy, tôi cũng làm cha. Cho tôi thêm một ly nữa coi!” Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng có người tụ năm tụ ba dài theo các quán bên đường.

Hàng ngàn con chiên trong nhà tu kín được dịp ra khỏi vòng tường, về ở với dân. Mỗi nhà nhận một người hoặc hai ba tùy lòng. Nếu không có những ngày ấy thì những con chiên không sao biết được cuộc đời. Đã là nhà tu mà còn kín nữa, thử hỏi họ thấy được gì. Có biết bao nhiêu đứa bé sống bên bờ sông mà có bao giờ thấy được con sông cái vòng tường vôi trắng bao quanh nhà thờ là nơi cuối cùng của đôi mắt và cuộc đời chúng.

Có những người mẹ vì một hoàn cảnh nào đó, đã đưa con cho bà phước, bấy giờ, từ nhiều nơi, lại về, tìm con. Khi cho con, đứa con mới lọt lòng, còn đỏ hỏn, hai mươi năm sau, bà mẹ vẫn nhận ra được dấu riêng của con. Bà mẹ òa lên khóc, còn đứa con thì ngơ ngơ ngác ngác chẳng hiểu gì, như kẻ không hồn. Biết bao nhiêu chuyện ngớ ngẩn của họ được dân làng kể lại, làm trò cười. Có một chuyện tôi nhớ mãi. Một cô gái trong nhà tu kín về ở với nhà dân. Một hôm, bà mẹ bảo cô:

- Má có rộng ba con cá trong lu, con vô coi, sống hay chết.

Cô gái vào rồi, trở ra thưa:

- Thưa mẹ, trong ba con có một con đã qua đời còn hai con kia sức khỏe vẫn bình an như thường.

Người ta kể cho nhau và người ta cười. Ngay cả tiếng nói, họ cũng nói theo văn chương của kinh thánh, không biết gì đến tiếng nói của đời sống. Làm sao mà không ngơ ngác?

Lại một chuyện nữa. Một bà đang ngồi ăn cháo lòng ở chợ, nghe có người hỏi:

- Con gái bên nhà thờ của bà, bữa nay nó làm sao?

- Tôi không biết nó làm sao nữa. Nó là đứa con gái hai mươi tuổi, sạch sẽ, mặt mày sáng sủa, coi được lắm. Vì vậy mà mấy thằng con trai ở xóm cứ lượn qua lượn lại hoài. Sợ không yên, tôi mới nói với tụi nó: “Trong mấy đứa bây, đứa nào thiệt lòng thương nó thì nói với cha mẹ lại đây, tao gả”. Có một đứa đưa cha mẹ đến hỏi. Tôi nói với nó: “Bữa nay có người đi hỏi con”. “Hỏi cái gì mẹ?” - “Hỏi cưới con về làm vợ” - “Con làm vợ?” - “Ừ” - “Chi vậy mẹ?” - “Gái lớn lên thì phải có chồng, trai lớn lên thì phải có vợ, chớ sao?” - “Chừng nào hở mẹ?” - “Nếu con ưng thì người ta sẽ đi hỏi, đám hỏi xong rồi thì người ta xin làm đám cưới”. - “Sao lâu quá vậy mẹ? Cưới tối nay được không?”. Nghe nói vậy, tôi cười ra nước mắt, không hiểu nó có biết vợ chồng là gì hay không nữa. Tội nghiệp quá!

Còn một số chưa được ai nhận, thì ủy ban cho họ ở với xóm nhà thờ trong làng, trong trường học và dưới mái nhà sàn của ông cha chờ người đến xin, đến lãnh, hàng trăm đứa.

Tò mò, anh Hoàng đánh xe chở tôi với thằng Sườn xuống xem.

Khi chiếc xe ngựa của chúng tôi dừng lại trước cửa nhà thờ, có hàng chục đứa từ trong các sân nhà đổ ra đường, vây lấy chiếc xe của chúng tôi, reo mừng với đôi mắt ngơ ngác.

- Ô! Xe Lui... - có một đứa kêu lên. Sau đó tôi mới hiểu, trong sách của chúng học, bên Pháp, thời vua Lui người ta cũng đi bằng xe ngựa.

Tôi nhớ những đứa trẻ ấy cùng với cây đàn pianô từ bên kia nhà thờ cù lao Giêng, chẳng biết ai đã mang sang, rồi vất bỏ ở đây, bên đường. Cây đàn pianô một bên trên lề, một bên trên bãi cỏ, ngả nghiêng. Cây pianô mở nắp, những cái phím nhỏ đen mun nêm trong hàng phím màu ngà. Những người đi qua đường, thuận tay gõ xuống một tiếng, tiếng đàn ngân lên, rồi tắt. Người khác đi qua, lại gõ xuống một tiếng. Thằng Sườn thích quá, liền nhảy xuống xe, khum hai bàn tay, đập rổn rảng, lung tung, nó vừa đập vừa quay mặt lại hỏi: “Hay không? Bài ca loạn lạc!” Nó đập, nó gõ đến sưng cả đầu ngón tay.

Cây đàn lại im lặng, nằm đó, bên đường, mở sẵn nắp.

Sau này, mỗi lần nghe tiếng đàn pianô dù ở đâu, lúc nào, tôi cũng chợt nhớ đến cây đàn pianô ấy, bên vệ đường, trước cửa nhà thờ, há mồm với mưa nắng, với sương đêm. Những ngày đầu Cách mạng ở làng, biết bao chuyện ngổn ngang.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 04:14:19 pm »

*

*          *


Tàu chiến của Pháp neo lại giữa sông trên đầu cù lao, nã đại bác vào làng tôi lúc chợ vừa mới nhóm. Như ong vỡ tổ, người ở chợ dắt díu nhau chạy túa ra khắp các ngả đường.

Cha tôi, anh tôi ở lại giữ nhà với ngọn tầm vông. Chị tôi cõng thằng em út, tôi nắm hai tay hai đứa em, chạy xuống xóm vườn.

Chúng tôi không định ghé nhà ông Tư, vì chúng tôi hãy còn sợ ông và nhà ông gần chợ quá. Chúng tôi chạy xuống nhà ông Chín Hết, xa tầm súng hơn, và ông bà cũng thương chúng tôi hơn.

Chúng tôi đang cắm đầu cắm cổ chạy trong nỗi hoảng sợ, bỗng nghe tiếng hét:

- Chạy đâu?

Ông Tư tôi đang đứng bên lề đường, mắt ông trợn trừng:

- Vô nhà!

Thế là chị em chúng tôi phải tạt vào nhà.

Lạ lùng! Có một người không hề biết gì đến sợ hãi, như người ở một cõi khác, tiếng súng như không thể nào vang tới, ấy là bà cố của chúng tôi. Bà vẫn thơ thẩn trước sân, tay lần hạt chuỗi, môi mấp máy, lầm thầm. Và bà vẫn nhìn chúng tôi với đôi mắt hiền từ, và nụ cười như trải rộng trên gương mặt nhăn nheo của bà.

Sau một lúc bình tĩnh và ngồi thở, chúng tôi lại khoanh tay thưa bà. Mấy đứa em tôi lại chơi búng lỗ trong bóng cây vú sữa, quanh quẩn theo chân bà. Bà như đưa chị em tôi theo bà mỗi lúc mỗi xa, đến một nơi yên tĩnh trong cõi riêng của bà.

Trong ngày hôm ấy, sau những loạt đại bác nổ rùng cả mặt đất, chúng cho tàu nhỏ đổ quân lên chợ, chiếm lại nhà việc, chiếm lại bốt cò. Cho quân đổ lên nhà thờ cù lao Giêng, thu chiếm những tài sản còn lại. Sau này tôi nghe người lớn kể lại, chúng đã cho quân đập bể tất cả các chậu kiểng trong nhà thờ, lấy ra không biết bao nhiêu vàng, đưa xuống tàu. Và chúng đi lùng, đi gom những đứa con trong nhà thờ đang sống rải rác trong dân. Chúng bắt đi những đứa khỏe mạnh, bỏ lại những đứa trẻ tàn tật.

Qua ngày hôm sau, yên tiếng súng, chị em tôi kéo nhau trở về.

Cái bót cò cũng lại thằng cò Tây với lá cờ ba sắc. Cái nhà việc cũng lại những tên gọi hương cả, hương chủ...

Người vẫn đông, chợ vẫn nhóm nhưng tôi vẫn thấy thưa thớt, và trong tôi, vắng ngắt. Nhà tôi vắng đi hai người: chú tôi với anh. Người ra đi chẳng bao nhiêu nhưng toàn là những người tôi biết, tôi thân: chú Ba Giáo, chú Tư Khởi, anh Hoàng, cả thằng Sườn cũng đi. Cha tôi kể lại, khi quân Pháp cho tàu nhỏ chở quân từ đầu cù lao chạy vào chợ, chú Tư Khởi kéo quân lên cột dây thép đánh chặn đầu, quân của chú dàn ra theo mương vườn ngoài đầu doi. Quân của chú thì đông, nhưng súng chỉ có một cây, cây mút Nhật, dài nhằng. Còn tất cả thì tầm vông, giáo mác với phi tiêu.

Khi nghe tiếng súng của chú nổ, nó nổ lại hàng tràng và chạy tạt về phía bên kia bờ. Viên đạn của chú bay không tới. Đạn của chú cứ nhễu theo đít tàu. Ức quá, mỗi lần bóp cò là mỗi lần chú đẩy cây súng thẳng ra như muốn tiếp sức cho viên đạn xa hơn, nhưng viên đạn nhễu xuống mặt nước mỗi lúc mỗi đuối. Đạn hết, tàu chạy mất, chú đứng nhìn theo nó, đưa tay nắm chùm lông ngực, xoắn lại, như muốn xé cái lồng ngực của mình.

Tối hôm đó, chú cùng với anh em họp lại, xuống xuồng băng qua sông. Trong số đó có chú tôi, anh tôi, chú Ba Giáo, anh Hoàng, cả thằng Sườn cũng đi...

Nghe vậy, tôi chạy thẳng đến nhà chú, để xem con Ô với con Cu còn đó không. Tôi gặp thím Tư, má anh Hoàng, đang đổ bánh bèo ngọt dưới mái hiên trước nhà. Một người đàn bà gầy guộc, sắt lại như sợi mây đã phơi khô.

- Đi đâu đó Nhỏ? - Như không có chuyện gì xảy ra, thím vẫn bình thản như chú Tư và anh Hoàng vẫn còn ở đâu đó, trong nhà.

- Con Ô với con Cu đâu thím Tư?

Nhìn cái tàu lá trống hốc đã được dọn sạch và chiếc xe chỏng gọng, tôi đã đoán biết nhưng vẫn cứ hỏi.

- Con Ô với con Cu nó đi rồi, con ngồi xuống ăn bánh.

Con Ô với con Cu, nó cũng lại đi rồi. Tôi tưởng nó đang phi trong khói đạn trên cánh đồng cỏ xanh ngắt mênh mông của chiến trường. Nó sướng quá! Tôi buồn đến xốn xang. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên bếp lửa. Thím xếp bánh cho tôi, bỗng ngước mắt nhìn tôi, chợt hỏi:

- Khói hay sao mà chảy nước mắt vậy con?

Không đợi tôi trả lời, thím cúi xuống, thổi phù phù. Ngọn lửa bung tròn lên theo khuôn bánh.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM