Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:34:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dòng sông thơ ấu  (Đọc 3961 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:08:11 pm »

*

*          *

 
Buổi sáng, cái thảo bạt nhà tôi chật người mộ đạo. Chiều lại, cái thảo bạt nhà tôi lại chật người chống đạo. Trong số ấy có cha tôi, chú tôi, chú Ba Giáo, chú Tư Khởi và một người ở xa mới về... Người ấy không phải là người trong dòng họ của tôi, nhưng gốc gác là người làng, mở tiệm chụp hình ở Tân Châu đã lâu. Vốn là bạn cũ của cha tôi và cũng lớn hơn cha tôi vài tuổi, nên tôi gọi bằng bác, bác Tám Bỉnh. Người bác thâm thấp, lại mập mạp, người bác cứ tròn tròn. Mặt tròn, mũi tròn, vai tròn, tay cũng tròn. Mắt lúc nào cũng mang kiếng, hai cái mặt kiếng (tất nhiên) cũng tròn. Tôi không lạ gì bác. Vì mỗi năm bác và cả gia đình đều về thăm mả ông bà, và lần nào cũng đến chơi với cha tôi.

Tôi vừa quấn thuốc, vừa nghe chuyện.

Tôi thấy bác hay đưa mắt nhìn xuống cái bàn quấn thuốc của tôi. Bác nói:

- Tôi từ Tân Châu về đây là có ý để nghe ông Huỳnh Phú Sổ nói gì, nhưng không làm sao xáp lại gần, tôi chỉ nghe có câu đầu “Hỡi thiện nam tín nữ”, với câu cuối cùng “Chào thiện nam tín nữ”, còn khúc giữa, cái gì, không nghe được.

- Tôi không nghe sót một lời - chú Tư Khỏi nói - tôi đứng ngay dưới chân khán đài chớ đâu. Ông ta kêu tín đồ đừng bỏ ruộng hoang, phải lo làm ruộng; tôi nói thầm trong bụng: muốn thành Phật cũng phải ăn, không thì thành Phật đói.

- Theo ý của anh Ba, anh thấy sao? - Chú Ba Giáo hỏi chú Ba tôi.

Chú tôi ngồi trên ghế sát vách, cũng ít nói như mọi khi. Tất cả đều quay nhìn chú, chờ chú nói:

- Theo tôi, chuyến đi này của Thầy Tư là kêu gọi tín đồ làm ruộng, chẳng qua là một cái cớ để che đậy cái ý đồ bên trong của ông ta thôi. Ông ta đi để tổ chức lại lực lượng.

- Đúng! Thằng Ba mầy nói đúng. - Bác Tám Bỉnh nói. - Tao cũng nghĩ vậy. Nhiều đêm tao tức, tụi mình chừng nầy tuổi mà thua một chàng trai trẻ. Mới có mấy năm mà trong tay có tới một triệu tín đồ, từ Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ lan dần ra khắp lục tỉnh. Nói trắng ra là chàng muốn làm vua. Tuổi nhỏ nhưng mưu lớn.

Tôi để ý thấy bác Tám Bỉnh luôn gọi Thầy Tư với giọng vừa coi thường vừa ghen, vừa tức. Bác nói tiếp:

- Có nhiều cái “tích tắc” lạ lắm, không biết ai dạy cho chàng hay là tự chàng nghĩ ra, chẳng biết. Ví dụ như vầy: lúc ở Sài Gòn, có một tín đồ kề cận, gốc là tên tướng cướp của Bình Xuyên, ngựa theo đường cũ, anh ta lại ăn cướp. Thầy gọi anh ta về, nói với tín đồ xung quanh là sẽ nghiêm trị. Thầy bảo sẽ giam tên tín đồ tội lỗi đó. Nhưng nhà giam đâu mà giam? Còng đâu mà còng? Thầy giam như vầy: Thầy lấy một sợi chỉ may quần áo của mình đây nè, rồi tự tay thắt thành một cái vòng, vòng vào cổ chân của tội nhân, còn đầu kia thì buộc vô cái cột giường. Chỉ có vậy mà tín đồ họ đồn một tên cướp võ nghệ đầy mình mà không bứt nổi sợi chỉ của Thầy. Họ còn thêm thắt, tên tướng cướp càng giãy giụa thì sợi chỉ càng siết chặt vào chân. Lại thêm một chuyện khác nữa. Sài Gòn bây giờ, người ta bỏ xe lôi rồi, lác đác mới có một vài chiếc. Vậy mà Thầy lục đâu ra một chiếc xe lôi. Đi đâu cũng đi xe lôi. Thằng kéo xe lôi của Thầy là một tín đồ vốn là một tay võ sĩ. Chỉ cái chuyện đi đường của Thầy cũng làm cho người ta để ý. Đúng là một tay mưu sĩ.

- Mưu sĩ như anh mà anh cũng sợ thua sao anh Tám? - Cha tôi hỏi.

Mọi người đều cười, bác đỏ mặt rồi cũng cười theo.

- Tao phải học Thầy. “Tích tắc. Tích tắc”. Làm gì cũng phải tích tắc.

Rồi mỗi người mỗi câu bàn về chuyến đi của Thầy Tư Huỳnh Phú Sổ. Chú Ba tôi nói câu cuối cùng, như câu kết luận buổi chuyện trò.

- Thầy là người lập đạo, nhưng bây giờ đã thành con cờ của các phe phái chính trị. Con người một khi đã trở thành một con cờ thì chỉ còn có việc phải đi dưới ngón tay của người khác, ông ta sẽ đi dưới ngón tay của Nhật, của Pháp hay là của ta? Không phải chỉ riêng ông ta, mà sau lưng ông ta, có cả một triệu người sẵn sàng tử vì đạo.

Chú Ba Giáo ngồi gật gù, nghĩ ngợi. Chú Tư Khởi ngồi lắc đầu than “thời thế thật nhiễu nhương”. Cha tôi ngồi lặng lẽ. Còn bác Tám Bỉnh thì như sốt ruột, bác đứng dậy nói như nói với mình:

- Tích tắc! Tích tắc!

Khi mọi người xuống cầu thang ra về, bác Tám Bỉnh còn ngồi lại bên cái bàn quấn thuốc của tôi, bác cầm cây thuốc ba điếu đưa lên vừa bóp vừa xem.

- Thằng nhỏ quấn khéo quá. Một ngày quấn được bao nhiêu điếu?

- Dạ hơn hai trăm điếu.

- Vậy là, một ngày cháu quấn hơn mười bao.

Rồi bác lẩm nhẩm gì đó, tôi không rõ. Bác quay qua với cha tôi:

- Thời buổi kinh tế nầy, tiệm chụp hình của tao cũng như cái tiệm thợ bạc của mầy, ế lắm. Tao mới xoay qua làm thuốc điếu, vừa cho mấy đứa nhỏ đi bán vừa đếm cho người ta. Thuốc tao chế không thua gì Cotab. Thuốc của người ta chế, hễ thơm thì đốt không cháy, hễ cháy thì không thơm, của tao vừa thơm, vừa cháy, bán chạy lắm.

- Anh chế bằng gì mà được vậy?

- Cũng không qua cái tích tắc. Hay là mầy cho thằng con mầy lên tao, tao trả công như người khác, cơm thì tao nuôi, sau này tao truyền nghề cho, về đây mà làm một hãng thuốc, không thì tao cho nó một phần hùn.

Bác quay qua tôi:

- Vậy được không con? Lên ở với bác cho biết chợ Tân Châu. Chợ Tân Châu là chợ quận, không như cái chợ làng này đâu, lớn lắm.

Tôi không dám trả lời, chỉ nhìn cha tôi. Bác lại quay sang cha tôi:

- Hai, mầy nhắm coi, nếu được, cho mai xuống tàu, đi luôn với tao.

- Anh để tôi tính lại.

- Ừ, tính lại đi.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:09:31 pm »

*

*          *

 
Nếu ông Huỳnh Phú Sổ không về làng tôi diễn thuyết thì tôi không đến nỗi phải xa nhà giữa lúc má tôi đang đau ốm.

Như chú Ba tôi nói, sau khi ông lên khán đài diễn thuyết kêu gọi tín đồ không nên bỏ ruộng hoang, thì sau ngày ông đi chẳng thấy ra ruộng, đất vẫn cứ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chuột đồng mỗi ngày một nhiều, cắn phá cả ruộng không để đất hoang.

Đêm đêm, những tín đồ họp lại từng nhóm, từng nhóm, họ lấy sân đình, sân phơi lúa làm nơi tập võ. Trẻ già, trai gái, ai là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đều ra sân tập. Người nào cũng hăm hở. Đầu xóm, giữa xóm, cuối xóm, chỗ nào cũng sân võ, họ tập huỳnh huỵch từ đầu hôm cho tới khuya. Họ tập dưới trăng, không có trăng thì tập dưới ánh đuốc, thật rầm rộ.

Trong lúc đó thì ở chợ, Thanh niên tiền phong xếp thành hàng, tập đi một hai, cũng rầm rộ trên các mặt đường. Và lại có một số người khác, không tập võ, không tập đi một hai, cũng nhóm thành từng nhóm, cũng rậm rịch nhưng âm thầm.

Ông Tư lại nhắn tôi xuống để vừa học võ (như người ta) vừa biên chép giấy tờ giúp ông. Nghe đâu ông đã làm tới chức phó ban trị sự của đạo.

Cha tôi tìm cách từ chối, còn tôi thì trốn. Trốn đâu, cũng chỉ trốn lẩn quẩn trong nhà, và tôi bị ông bắt tại chỗ, lúc tôi đang ngồi quấn thuốc. Ông lên nhà tôi vào buổi trưa, không ai để ý. Người nào muốn vào nhà tôi cũng đều đi từ trên đường và phải qua cây cầu khỉ. Mấy lần ông hoặc cô Hai Thảo tới, vừa bước chân lên cây cầu thì trong nhà tôi đã có người thấy rồi, vậy là tôi ra cửa sau, ra hè, vòng qua nhà khác, tuốt luôn ra chợ. Lần này, ông đi từ sau hè nhà, từ cửa sau ra cửa trước.

- Ông Tư!

Vừa nghe chị tôi kêu thì ông đã đứng trước mặt tôi rồi. Ông nhìn tôi, hai con mắt lừ lừ, cái ria mép vểnh ngược lên, hai cái đuôi ria nhọn liễu.

- Nói với thằng cha mầy, mai xuống đội lúa về ăn. Còn con, mấy lần ông cho cô Hai tìm con, con đi đâu?

- Dạ, con đi giao thuốc cho chủ, ở ngoài chợ.

- Nói thằng cha mầy, - ông Tư nói, - từ nay về sau con không vấn thuốc mướn nữa, nghe chưa! Xuống ông, ông nuôi. Chiều nay phải xuống, coi người ta học võ.

Nếu không vì mấy giạ lúa chắc cha tôi không cho tôi đi và cũng không muốn đi xem người ta đánh võ. Đứa con nít nào mà không thích xem đánh võ với học võ? Nhưng học võ rồi phải để tóc theo đạo thì tôi không muốn một chút nào.

- Con ráng đi một lần cho ông Tư khỏi giận, con! - Má tôi bảo tôi. - Con mà không đi thì mấy em con nó đói.

Cơm chiều xong, tôi leo lên chiếc xe ngựa xuống nhà ông. Cái sân của nhà ông, chỗ mà bà cố tôi vừa thơ thẩn vừa lần hột chuỗi, đã trở thành sân dạy võ. Tôi gặp nhiều người, nhiều chị, nhiều bạn xóm vườn mà mỗi ngày nghỉ hè tôi được họ rủ đi chơi, đá banh lá chuối, đào hang bắt dế, hớt loăng quăng nuôi cá lia thia, đi tắm sông, mò ốc gạo, trèo cây bẻ trái. Những người chị gái mà tên mới nghe một lần cũng đủ nhớ suốt đời. Chị Thơm, chị Tho, với chị Thảnh, chị Thơi. Chị Thơm, chị Tho, chị nào mà mái tóc không thơm mùi bông bưởi. Chị Thảnh, chị Thơi, hai chị vác hai cái lồng ra vườn hái mận, hái ổi cho tôi, hai chị đi dài dài theo bò con mương vườn, trong bóng mát, chị nào cũng đủng đỉnh thảnh thơi lắm.

- Thằng Năm nó xuống kia! Vô đây em.

Chị nào gặp tôi cũng mừng. Có chú Nguyễn Đa Điền của tôi ở đây nữa. Đã lâu, tù ngày theo đạo, chú về ở nhà ông Tư tôi nhiều hơn. Chú vốn ít nói, trông lù khù, nhưng khi chú bước ra sân võ thì chú như thành một người khác. Khi tất cả các ngọn đuốc dựng lên rừng rực, chú bước ra, không một chút rụt rè, vai ngang, ngực nở, từng bước chú bước giữa vòng người, chú cúi chào rồi chú bái tổ. Bàn tay, chú uốn, chú lượn, cánh tay dịu dàng như hai con rắn đang vờn lên ánh đuốc, rồi chú quỳ, chú đứng, chú đá, vừa nhanh, vừa gọn, vừa mạnh, đá trước, đá sau, ạch đụi, liền tay liền chân và cái mặt của chú như giận ai, thù ai, trông dữ quá.

Hết con trai rồi đến con gái ra sân võ. Hai chị em chị Thơm, chị Tho tập đánh đao. Lại một cặp hai chị em chị Thảnh, chị Thơi tập đánh kiếm. Rồi bốn người chia thành hai cặp, đao kiếm đánh nhau. Bên chém, bên đỡ, rồi bên đâm, bên gạt, đao kiếm đánh vào nhau rổn rảng, vờn trước mặt nhau loang loáng.

Đánh võ xong, họ xếp thành hàng, rồi vừa đi vừa hát. Họ hát bài “Hòn vọng phu”.

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường...


Tôi cũng ra đường trở về. Về đến gần chợ thì tôi gặp từng tốp Thanh niên tiền phong xếp hàng đi “một hai”, cũng rầm rập trên đường. Tôi biết đạo Hòa Hảo với Thanh niên tiền phong không thích nhau. Nếu đánh nhau thì một bên đánh bằng võ, còn một bên thì đánh bằng đi “một hai”. Bên biết võ mạnh hơn nhưng tiếng hát của họ sao mà ảo não, nghe buồn đến đứt ruột, đứt gan. Còn bên đi “một hai” là dân chợ, họ yếu hơn nhưng tiếng hát của họ lại mạnh hơn: “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi!” họ hát nghe như sóng dậy.

Tôi về đến nhà thì chị em tôi không còn ai thức. Chỉ còn cha tôi ngồi bên ngọn đèn thắp bằng mỡ heo, và má tôi đang ho.

- Dưới nhà ông Tư người ta đang làm gì?

- Dạ, người ta đánh võ.

- Võ?

- Dạ! Ông Tư bảo nói với cha má xuống lấy lúa.

- Cha không mượn lúa nhà ông Tư nữa.

- Cha mượn đâu?

- Chuyện đó để cha lo. Nếu chiều cha có ở nhà, cha không để con đi. Nãy giờ cha bàn với má con rồi. Cha cho con lên Tân Châu với bác Tám cho khuất mắt ông Tư con. Con ở nhà mà cha không cho xuống với ổng, mích lòng lắm. Cha dặn con một điều. Bác Tám Bỉnh là một con người mưu sĩ. Hồi bác lên Tần Châu lập nghiệp, Tân Châu đã có sẵn một tiệm chụp hình rồi, lớn lắm. Tiệm của bác mới mở, không bằng người ta. Để hại người ta, để làm cho người ta sạt nghiệp, bác mới mướn một thằng du côn, không phải mướn chém ông chủ kia, mà mướn người ta chém mình. Vậy là sáng hôm đó, bác ra ngồi uống cà phê ngoài tiệm nước, lúc đông người. Theo kế của bác xếp đặt trước, tên du côn đó bước vô, vừa giơ con dao ra kêu đỡ, thì bác cầm cái ghế đưa lên, đánh rơi luôn con dao của tên du côn, rồi bác nhào tới chụp con dao, hô hoán lên. Tên du côn bị bắt. Vô tù, tên du côn khai là ông chủ tiệm chụp hình kia mướn nó chém bác. Bác vừa trả công cho tên du côn vừa lo tiền cho tên du côn ra tù. Còn ông chủ kia, biết ất giáp gì đâu, phải chạy, phải lo, cuối cùng thì bị sạt nghiệp. Cho nên, lên ở với bác, con chỉ có một việc quấn thuốc mướn ăn công thôi, cái gì bác nói thì phải để ngoài tai. Bác bảo làm cái gì khác thì phải nhắn về hỏi cha, cha cho mới được làm. Cha dặn hờ vậy, chớ với cha, với gia đình mình, bác vẫn còn nể nang. Cha đã lật mặt bác một lần, chắc là bác còn nhớ đời. Có một lần gặp cha, bác hỏi: “Hai! Tao gởi cho mầy mấy lá thư, mầy được chưa, Hai?”. Cha biết, bác chỉ chờ cha trả lời là chưa thì tức khắc bác sẽ chưởi mấy người đi thơ, tại họ mà thơ bị lạc. Cha biết là bác không có viết, bác nói để lấy lòng cho vui vậy thôi, cha mới trả lời: “Anh viết cái nào tôi được cái nấy”. Biết bị lật tẩy, ngượng quá, bác chỉ biết cười, vừa cười vừa xin lỗi: “Nói xạo với mầy chơi vậy thôi, chớ tao với mầy thơ từ làm gì?”. Với ai thì cha không biết, với cha bác hãy còn nể, một là một, hai là hai. Cha dặn hờ con vậy, yên tâm đi.

- Dạ thưa cha, chừng nào thì con đi?

- Có tàu thì đi, càng sớm càng tốt. Sao con khóc?

- Dạ...

Ngọn đèn cháy hết tim, tắt ngấm. Cha tôi vẫn ngồi, còn tôi thì đứng, lặng trang. Lúc nãy tôi chưa khóc mà cha tôi lại hỏi sao tôi khóc. Bây giờ thì tôi khóc rồi. Rất may, cha tôi không nhìn thấy được nước mắt của tôi.

Tôi không đi tàu Sài Gòn - Nam Vang, vì chuyến ấy còn lâu. Với lại cha tôi sợ khi tàu cập bến Tân Châu, tôi có thể ngủ quên, hoặc vì ngớ ngẩn chưa biết, tôi có thể đi thẳng lên xứ lạ. Tôi phải đi trên chiếc ca nô Cao Lãnh - Tân Châu, hễ tàu cập lại bến chợ thì đó là Tân Châu rồi.

Trước đây, những lần tôi đi học, người đưa tôi ra bến xe là má hoặc chị và các em tôi. Lúc má tôi chưa bịnh, thỉnh thoảng má tôi lên thăm tôi, sau này người thăm tôi là chú Ba tôi, chú đi sửa bàn, sửa ghế đâu đó, tạt qua. Vì công ăn việc làm, cha tôi không có thời giờ đưa đón. Và tính của cha tôi vốn không thích cảnh chia ly. Nhưng lần này thì cha tôi đưa tôi ra tận bến lúc chợ vừa mới nhóm, chỉ nghe tiếng lao xao mà không thấy rõ mặt người. Ca nô chạy sớm để chiều kịp đến chợ Tân Châu. Chiếc ca nô nhỏ và dài như con cá liềm kiềm, cũng chạy bằng máy nhưng không có còi để xúp lê một, xúp lê hai mà thổi bằng tù và. Tù và tiếng của nó nghe “bun bun” buồn lắm.

Cha tôi dặn tôi lần chót: “Đi làm công thì chỉ biết làm công, bác bảo làm điều gì khác thì phải hỏi cha. Chuyện nhà yên ổn, cha sẽ nhắn con về. Đi đó đi đây cho biết. Thôi! Tù và thổi hiệp hai rồi, con xuống ca nô đi”.

Chiếc ca nô tách bến, tôi nhìn lại còn thấy bóng của cha tôi.

Chiếc ca nô chạy ngược lên dòng sông Cửu Long, cũng chạy cặp theo mé trong sương mờ, không dám chạy ra giữa dòng. Chiếc ca nô xình xịch rẽ sóng, qua từng cái bến nước, thỉnh thoảng lại rúc tù và gọi khách. Khi chiếc ca nô cập lại Doi Lửa cho khách xuống, tôi nhớ đến bà nội tôi, có lần bà cắt nghĩa cho tôi cái tên Doi Lửa. “Cái doi đó, hồi xưa, đêm đêm ông bà mình hay đốt lửa để canh phòng quân giặc”. Nếu bà tôi còn sống, không biết bà có theo đạo Hòa Hảo không? Chắc không! Và bà lại là chị của ông Tư, bà có đủ sức giữ tôi trong vòng tay, bà sẽ không cho tôi đi một mình trên chiếc ca nô giữa những người xa lạ này.

Mãi đến trưa, ca nô mới đến Vàm Nao. Người trong ca nô lạnh vì gió và chiếc ca nô nhồi lên hụp xuống vì sóng. Tôi chưa bao giờ thấy biển, Vàm Nao với tôi đã là biển rồi. Tôi cảm thấy ngợp vì cảnh mênh mông trắng xóa sóng bạc đầu và tiếng gầm thét của con sông. Rặng cây bên kia bờ chỉ là một vệt xanh mờ đường chân trời. Những chiếc ghe, chiếc xuồng ở phía bên kia nhỏ như những chiếc lá tre bập bềnh trên sóng. Bà tôi có kể, Vàm Nao ngày xưa là vùng nước cạn có nhiều cá mập. Ngày xưa, những năm chiến tranh, có những tàn quân tháo chạy qua đây, đã làm mồi cho cá dữ.

Khi chiếc ca nô quay mũi băng qua bên kia bờ, thì chuyện của xung quanh bỗng im bặt, chỉ còn tiếng máy, tiếng sóng xô vào và đâu đó râm ran tiếng niệm Phật. Một ông già ngồi bên tôi, nghĩ gì, nói với người bạn đường của ông:

- Thời buổi bây giờ, mình như chiếc xuồng giữa dòng nước xoáy, không vững tay lái, đời sẽ chìm mất.

- Mình muốn yên thân, người ta cũng không để mình yên, phải theo một bên mà không biết bên nào.

Nghe họ nói, tôi nghĩ, cha tôi cho tôi đi chuyến này như thể kéo tôi ra khỏi vùng nước xoáy.

Chiếc ca nô dài nhỏ vẫn nổ máy, đâm thẳng ngay đâu sóng, vượt Vàm Nao.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:12:49 pm »

*

*          *

 
Chợ Tân Châu cũng như chợ làng tôi, cũng bên bờ sông Tiền, cũng có con đường qua chợ tỉnh. Cũng phố lầu, cũng có bến xe ngựa, xe hơi và bến tàu nhưng lớn hơn chợ tôi nhờ nhiều phố, dinh quận và một cái nhà cao của ông Bang người Tàu. Nhưng tôi không thể vui vì xa nhà, vì đã trở thành người làm công cho bác Tám Bỉnh. Thằng Cường, con của bác, cùng tuổi với tôi. Mỗi năm theo ba má về thăm làng, đến chơi nhà tôi, tôi với nó là bạn, tôi với nó ăn cùng mâm, và tôi thường rủ nó đi tắm sông, dẫn nó xuống vườn trèo cây, hái trái... Nó với tôi vẫn vậy, nhưng bây giò nó là con chủ, tôi là người làm công. Nó vẫn cắp sách đến trường. Đến bữa ăn, nó ăn với ba má, còn tôi, tôi ngồi ăn với những đứa quấn thuốc... Người quấn thuốc trong nhà bác chỉ lớn hơn tôi một vài tuổi, là những đứa cháu, cháu gần bên nội, ngoại của bác. Đúng như bác nói, cái tiệm chụp hình của bác vẫn còn để bảng hiệu, vẫn còn hình mẫu của những chàng trai đầu chải láng và những cô gái đẹp treo đầu tường, nhưng đã dẹp tiệm rồi, không thấy ai đến chụp. Cái chỗ chụp hình ở lầu trên thành chỗ quấn thuốc, năm cái bàn quấn bằng gỗ cho năm đứa nhỏ.

Còn chỗ pha thuốc, chế thuốc là chỗ khác, trong buồng, không đứa nào được tới. Tôi quấn được nhiều hơn mấy đứa khác, không phải vì tôi giỏi, mà vì tôi ngồi bên bàn quấn luôn cả buổi trưa. Mấy đứa kia, hoặc đi ngủ hoặc đi chơi. Tôi cố làm để dành tiền gởi cho má, cho em.

Một hôm, bác Tám Bỉnh gọi tôi tới cái bàn giấy của bác đặt bên cửa sổ, bác đưa cho tôi một lá thư đã viết sẵn.

- Ở Nam Vang có một người đang thiếu nợ bác. Cháu lên Nam Vang, đưa cái thư này, rồi mang tiền về. Những ngày cháu đi vắng, bác vẫn trả tiền công cho cháu; đòi được tiền, bác sẽ trả thêm. Trưa mai có tàu cập bến.

- Dạ, để cháu hỏi lại cha cháu.

- Bác như cha cháu rồi, còn hỏi cha cháu làm gì nữa.

- Dạ, cha cháu có dặn, không được đi đâu, muốn làm gì khác phải hỏi.

- Thằng cha mầy nhát quá, bị vậy mà nghèo. Lấy được tiền, bác sẽ mở cái hãng thuốc lớn hơn, bác sẽ cho cháu một phần hùn. Được không?

- Dạ, Nam Vang là xứ khác, lạ, cháu không đi.

- Xứ khác nhưng cũng có người mình. Cha cháu hồi trước cũng lên làm thợ ở trển, bây giờ cháu cũng lên ngay ở chỗ đó, tiệm vàng “Trái tim đỏ”. Thợ thầy ở đó, ai mà không biết cha cháu. Cháu chỉ nói cháu là con của Hai Thành thợ bạc, thì người ta sẽ coi cháu như con, như cháu. Được chưa?

- Dạ, để cháu hỏi lại cha cháu.

- Đã bước ra đời kiếm miếng ăn rồi thì phải biết tự lập con à. Chuyện gì cũng nhắn về hỏi cha hỏi mẹ thì còn gì cơ hội nữa. Sao?

- Dạ, khi nào cha cháu cho rồi, cháu đi.

- Thôi được, cháu không dám đi thì để bác sai thằng Cường đi.

Tôi biết bác giận nhưng tôi không thể cãi lại lời dặn của cha tôi.

Bác nói vậy chớ bác nào có sai thằng Cường.

May cho tôi biết bao, nếu đi chuyến đó thì tôi sẽ lưu lạc tới tận đâu, ở xứ người. Vì cái chuyến tàu Nam Vang - Sài Gòn ngày hôm sau là chuyến cuối cùng. Giữa hai nước không được quyền qua lại thông thương nữa. Có biết bao người bị kẹt ở trên đó, bơ vơ không nhà, không cửa.

Tôi tự biết thân, nên ít khi cho bác gặp mặt, dù ở cùng một nhà. Mỗi lần thấy bác là tôi cúi gằm mặt xuống cái bàn quấn thuốc.

Nhà bác còn một chuyện lạ nữa. Tôi tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa. Bác cũng đang lập đạo. Đêm nào cũng cầu cơ. Mấy đứa nhỏ khác, đêm nó về nhà, có lẽ vì tôi ở lại nhà, nên đêm nào tôi với thằng Cường cũng phải ngồi lạy. Cái bàn cầu cơ hình chữ nhật, ngang bốn tấc, dài năm tấc. Miếng ván bàn cầu cơ theo bác nói là miếng ván hòm của con bác, đã chết từ lâu, phải đào mả lấy lên. Con gái đầu lòng của bác chết lúc còn trinh, hồn rất thiêng, chị tên Huyền, khi hiện về tự xưng là Huệ Huyền Cô đã đắc đạo, hiện về bảo bác nên lập đạo. Trên miếng ván của bàn cầu cơ là miếng giấy, một bên là chữ không, một bên là chữ có, dưới là vần a, b, c đủ hai mươi bốn chữ cái, chữ in, mực tím, chữ to bằng con ốc bươu. Trên nữa là một miếng kiếng đặt ở giữa. Mỗi khi cầu cơ, vái lạy xong, thì hai ngón tay của hai người đặt lên trái tim. Khi hồn về, trái tim sẽ chạy, sẽ đưa cái mũi nhọn của trái tim chỉ từng chữ; đủ một tiếng nói, trái tim lại lùi xuống, rồi lại chạy tới từng chữ cái khác. Cứ theo đó ráp lại thì đó là lời của hồn về. Hai ngón tay của hai người đặt lên trái tim, một là ngón tay của bác, hai là ngón tay của một người cùng lứa tuổi với bác, mặt thon, đầu lúc nào cũng chải mướt, làm nghề buôn bán vàng, thằng Cường gọi bằng chú Chín. Bác cũng có một số tín đồ, dân buôn bán ở chợ. Những tín đồ của bác đến cầu cơ đều xin được gặp người thân đã mất. Người nào cũng đem những thức ăn mà người chết lúc còn sống hay ăn, thích ăn.

Bác Tám với chú Chín (đã tắm rửa xong) ngồi xếp bằng trước bàn cầu cơ, hai người đặt ngón tay trỏ lên trái tim; người nào xin cơ thì thắp nhang, niệm Phật, rồi tất cả, người nào có mặt cũng quỳ lạy. Tôi chẳng cầu ai, cũng phải lạy. Lạy xong, ngồi im chờ.

Một lát, cái trái tim bắt đầu nhúc nhích, vậy là hồn đã về. Rồi trái tim quay tròn như hồn đang vui mừng đến cuống quýt được trở về. Sau lúc mừng rỡ, mũi trái tim bắt đầu chỉ từng chữ cái, xưng tên mình là ai, cả họ lẫn tên. Người xin cơ nghe được tên của người thân xúc động đến ứa nước mắt, có người khóc òa lên rồi vừa nức nở, vừa hỏi. Mũi trái tim lại chạy đến từng chữ cái, trả lời. Cuối cùng, trước khi thả hồn ra đi thì thân chủ đưa ra nào là trái cây, nào là hủ tiếu, nào nước đá hoặc cà phê. Hồn ăn rất lạ, mũi trái tim chỉ vào chỗ thức ăn, ăn xong một món lại rút ra, rôi chĩa lại món khác.

Những cái món ăn đó, sau cùng, tôi với thằng Cường chia nhau hưởng, no nê.

Cũng có đêm, sau khi xin gặp hồn người chết trở về, bác Tám Bỉnh lại cầu được gặp Huệ Huyền Cô để hỏi quốc sự. Huệ Huyền Cô về cho biết một vài tin tức như tin tức trong nhựt trình.

Tôi hỏi thằng Cường:

- Chị mầy hiện về thiệt hả Cường?

- Chừng nào tao chết, tao mới biết.

- Mầy không tin đạo của ba mầy sao?

- Tao theo má tao.

- Bác gái không tin sao?

- Mầy không thấy sao, đêm nào cầu cơ, má tao đâu có ra.

- Sao bác gái không tin?

- Nếu chị tao hiện về, thì chị tao phải bênh má tao chớ. Ba tao có vợ nhỏ, mầy nghe chưa. Một cô đào nhỏ lắm, ở xóm trong, bữa nào tao dẫn mầy đi coi. Thôi mầy đừng hỏi nữa. Tối nào tao với mầy cũng có hủ tiếu, bánh bao với nước đá, mầy không chịu sao?

Có nói chuyện với thằng Cường, tôi mới biết nó có nhiều ý nghĩ lạ và nó khôn hơn tôi nhiều.

- Đạo của ba mày, ai theo?

- Người nào không biết thì theo.

- Biết thì thôi?

- Chớ sao. Như má tao với tao, theo làm gì! Đạo nào rồi cũng chết, tu rồi cũng chết, tu làm mẹ gì cho mắc công.

- Vậy mầy thích theo đạo nào?

Con của một người đang lập đạo mà nói vậy, tôi nghe lạ quá.

- Bác Tám bằng Thầy Tư Huỳnh Phú Sổ không?

- Ba tao chịu thua. Tao nghe ba tao với chú Chín cầu cơ nói với nhau là đạo của Thầy Tư là đạo hạng nhứt thì đạo của mình phải đứng hạng nhì. Thầy Tư có một triệu tín đồ, ít nhất mình cũng phải có vài vạn. Cần thì sau này mình nhập vô, mình làm phó.

- Tín đồ bác tới mấy vạn lận?

- Chưa, mới loe loe có mấy người ở chợ thôi.

- Chừng nào mới lên tới mấy vạn?

- Ai biết được. Thôi tao về, tao ngủ.

Tôi bắt đầu cảm thấy biết được hai tiếng “tích tắc” mà bác đã nói ở nhà tôi và cũng bắt đầu hiểu câu nói của cha tôi đối với bác: “người mưu sĩ”...

Từ buổi nói chuyện với thằng Cường, tôi có thêm một nỗi lo. Nếu bác bảo tôi vào đạo của bác, tôi sẽ nói sao? Được rồi, tôi sẽ hỏi lại cha tôi. Cũng may, đêm nào tôi với thằng Cường cũng được hưởng phần cúng, nhưng chưa bao giờ bác bảo tôi vào đạo. Dù vậy, tôi vẫn cứ lo và cứ muốn về.

Một hôm bác gọi tôi tới, cũng đứng bên bàn giấy của bác. Bác tính, tôi đã ở được một tháng hai mươi ngày mỗi ngày quấn được bao nhiêu điếu, bác đều ghi rõ; tính xong, bác đưa cho tôi năm mươi đồng chẵn.

- Tiền của cháu đây. Cha cháu nhắn cháu về gấp.

- Dạ.

Được trở về và trong tay có được một số tiền mà từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như vậy. Tiền công đầu tiên của tôi.

Trước khi xuống tàu, tôi mua ngay một ốp trầu. Trầu Tân Châu ngon nổi tiếng. Dù không biết ăn trầu, thấy trầu Tân Châu cũng biết là trầu ngon. Lá trầu lớn bằng bàn tay xòe, thấy rõ những đường gân, đặc biệt là cái màu của trầu, vàng như nắng.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:19:56 pm »

*

*          *


Tàu cập bến chợ lúc trời vừa chiều. Trong nhà không có ai ra đón. Một tay xách cái rương giấy đựng quần áo, tay cầm ốp trầu vàng, tôi về nhà. Qua khỏi dãy phố cuối cùng sau chợ, tôi đã thấy được nhà. Nhà tôi sao đông người quá? Khói hương nghi ngút và dội lên tiếng kèn, tiếng trống nghe thảm thiết.

Tôi thấy ông Chín Hết của tôi, từ trong sân chạy qua cây cầu khỉ, bước lên đường, chạy ra đón tôi:

- Tội nghiệp con, má con đã liệm rồi, tối qua. Còn để đợi con đêm nay nữa.

Má tôi mất mà tôi không được thấy mặt.

Người anh thứ ba của tôi lưu lạc ở Sài Gòn mấy năm, đã về kịp lúc má tôi đang hấp hối. Đầu chít khăn tang, theo ông Chín, anh chạy qua cầu đón tôi. Đám tang má tôi, có người khóc nhiều có người khóc ít, có người buồn nhưng không khóc. Qua một đêm và một ngày, anh chị em tôi và bà con trong dòng họ như đã cạn hết nước mắt rồi.

- Con mua trầu vàng chi vậy? - Khi ông Chín đưa tôi đi đến quan tài, gặp lại cha, anh, chị, và các em, ông chợt hỏi tôi.

- Con tưởng má con còn sống, con mua trầu vàng về cho má ăn.

- Trời tội nghiệp!

Tôi không nhớ ai đã kêu lên, nức nở, và cũng không biết ai là người khóc trước, tiếng khóc xung quanh tôi lại dậy lên.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy hai dòng nước mắt trên gương mặt hốc hác của cha tôi.

Chiếc quan tài của má tôi để ở nhà trong. Những ngọn đèn cầy không sáng được ngôi nhà mà thêm vẻ âm u. Những lá trầu của tôi mang về, ông Chín để lại trên chiếc quan tài màu đỏ của má tôi. Những lá trầu như những đốm nắng từ trên cao rơi xuống, cho ấm cái quan tài lạnh lẽo.

Má tôi không phải chôn ở nghĩa trang trong đồng mà được chôn trong đất nhà của ông cậu tôi, trong vườn cây trâm bầu bên con đường: má tôi nằm về hướng đông, cái hướng theo con đường mòn qua cụm xoài xuống bến. Từ chỗ má tôi nằm, lúc nào cũng được nghe sóng của con sông.

Nỗi đau của đứa con mồ côi mẹ không đến với anh chị em tôi cùng một lúc mà theo từng bước của cuộc đời chúng tôi.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:23:20 pm »

*

*          *

 
Tôi trở lại cái bàn quấn thuốc ngoài thảo bạt và lại được nghe đủ thứ chuyện của người lớn. Tôi coi em thay chị để chị đi bán bánh tầm. Buổi trưa, tôi lên võng, đưa thằng em út, dỗ nó ngủ bằng nhũng câu hát của má:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...


Không phải một mình tôi, cũng không riêng gia đình tôi đi trên cái “cầu tre lắt lẻo” mà cả làng đang trên cái cầu “gập ghềnh khó đi”. Những người tới chơi nhà vẫn chuyện thời thế, và chuyện sôi nổi nhất là chuyện Hai Quang đi lính Nhật, trở về làng đánh cò Tây. Anh là dân đứng bến xe hơi, thuộc dân anh chị nổi tiếng từ bến xe Sài Gòn dài theo các bến về làng tôi. Anh là người ở Chợ Mới, con của một nhà làm rẫy, bỏ nhà, theo xe đi hoang từ tuổi mười ba, mười bốn... Quang hay Hoang, người làng tôi đều nói như nhau. Cho nên với người làng, tên của anh cũng đồng nghĩa với cuộc đời đi hoang của anh. Anh ít khi ở Chợ Mới, thường ở làng tôi nhiều hơn, vì làng tôi có bến xe, và cái hãng xe mướn anh đứng bến là hãng xe chạy từ Sài Gòn, Sa Đéc và dừng lại ở làng tôi. Trong làng, tôi không thấy ai khỏe mạnh bằng anh. Người cao nhất trong làng cũng chỉ đứng đến ngang tai anh, ai cũng thấp hơn anh một cái đầu. Anh cao nhưng không thấy anh lêu nghêu, người anh to, vai tròn, ngực nở, bụng nhỏ và cặp đùi (khỏi chê) như đùi ếch, vạm vỡ và liền lạc. Anh độ ba mươi tuổi, đầu lúc nào cũng đội kết có lưỡi trai, vì đầu hớt trọc, hớt theo kiểu mấy ông cha cố, phía trước có để vành móng ngựa. Như người ta nói, vì lúc nào anh cũng có thể đánh lộn hoặc đâm chém, để tóc dài sẽ bị người ta nắm tóc, hoặc nếu có lỡ bị ai chém vào đầu thì khỏi phải cạo đầu lúc băng bó. Một con người luôn luôn sẵn sàng nghinh chiến với bất cứ ai. Cái trán anh thấp, mắt ti hí như mắt lươn dưới cặp chân mày rậm như hai cái mái nhà đưa ra để che cặp mắt lì lợm của anh. Cái miệng của anh, khi anh cười, vừa thật lại vừa hiền. Con người như anh tất nhiên là phải xâm mình. Ngực xâm mặt cọp đang nhe răng. Bắp tay phải xâm đầu rắn, bắp tay trái xâm một mũi tên xỏ ngang qua trái tim.

Là dân anh chị nhưng lại được dân ở làng yêu mến lắm. Anh chửi thề văng tục ở đâu chẳng ai nghe; ở chợ, anh là một người lễ phép, biết trên, biết dưới, ai đáng anh thì gọi anh, ai đáng chú thì gọi chú, gọi bác, một dạ hai thưa, đáng em thì gọi em, xưng qua, cũng chẳng thấy anh đánh ai, chém ai ở cái bến xe của chợ làng. Đồn rằng anh là người võ nghệ cao cường, nhứt là cái cú đá của anh - đá gãy cả cây chuối hột - và hai ngón tay của anh, anh xỉa ngập cả thân cây chuối. Chuyện của anh, người ta kể nhiều lắm, nhưng tôi thích có hai chuyện. Chuyện anh đánh con chủ hãng xe. Con của chủ hãng xe - thằng Pôn - hôm đó lên xe đi Sài Gòn, xe đông người, anh xếp nó ngồi ở băng sau cùng.

- Ê! Đ. mẹ, mầy không biết tao là ai sao, thằng đứng bến?

Tài xế cũng như lơ xe tưởng Hai Quang nổi điên, không ngờ Hai Quang lại cúi đầu khúm núm:

- Dạ, không biết con chủ thì biết con ai.

- Biết, sao để tao ngồi băng sau với con mẹ bán cá?

- Dạ, người ta bán cá nhưng người ta mua vé, còn thầy, thầy đi không.

- Ê, muốn giỡn mặt tao sao Hai Hoang?

- Dạ, đâu dám, nếu thầy muốn, tôi sẽ đuổi khách xuống hết, cho thầy đi một mình một xe cũng được.

Anh tài xế chạy lại can:

- Thôi, mời thầy lên ngồi trên.

Xe chạy, Hai Quang vẫn không nói gì thêm. Anh lên mui xe, ngồi một mình với những giỏ trái cây chở lên Sài Gòn.

Xe chạy qua bắc(1) Mỹ Thuận. Khi bắc vừa tách bến, thằng Pôn đang dựa lưng vào thành bắc ngắm sông, Hai Quang đi thẳng tới, không nói không rằng, đưa tay thộp áo ngực thằng Pôn.

- Pôn, hồi ở bến, nếu tao đánh mầy thì chỉ đánh một hai cái, rồi mầy chạy, lùm xùm không tiện. Bây giờ thì tao đánh mầy, một là đứng để tao đánh, hai là nhảy xuống sông mà tự tử.

Ọc! Ọc! Anh móc mạng sườn nó, bên phải rồi bên trái, đánh nó không kịp đỡ, đánh cho đến lúc nó la làng, hộc máu.

- Đánh cho mầy nhớ thằng Hai Quang nầy.

Sau đó thằng Pôn lập kế trả thù. Trước nhất, anh bị đuổi ra khỏi hãng. Điều đó có lo gì. Hãng xe khác lại rước anh về. Thằng Pôn thuê đám anh chị khác chém anh. Và đã xảy ra một trận đánh lớn tại bến xe. Bọn nó ba đứa, ba con dao, còn anh một mình với một cây đòn gánh, chụp được của một cô bán chè. Bọn chúng ba thằng ba con dao không chém được anh, thằng nào cũng bị cây đòn gánh của anh đập sưng đầu, lỗ trán. Bọn lính lại ăn tiền của thằng Pôn bắt anh, giải anh về quê quán, tỉnh Long Xuyên cho anh vào tù.

Ở tù, lúc đi làm “cỏ vê”, đi ngang qua bến xe, anh thấy bọn kia vẫn đi xe và hay ngồi trên mui xe khi xe dừng lại bến. Anh xin cai tù cho anh đi bắt chó hoang. Cai tù nhìn cái thân hình lực lưỡng của anh, nó gật đầu.

Anh làm một cây vòng, nhưng lại không bắt chó bằng cây vòng mà bắt bằng tay. Anh chỉ cần chụp hai cái chân sau của con chó, rồi cứ vậy mà quay, quay cho con chó la đến tàn hơi kiệt sức. Cái vòng bắt chó, anh dùng vào việc khác. Anh ra bến xe, đợi đến lúc bọn kia leo lên mui sắp xếp đồ đạc cho hành khách, anh bước tới đưa cái vòng lên tròng vào cổ nó, giựt từ trên xe rớt xuống.

Tù chưa mãn lại bị chồng án ở thêm.

Người đời ở cái chợ làng có một cái tật rất lạ.

Ai đã nổi tiếng rồi thì người ta lại thêm thắt không biết bao nhiêu chuyện, chuyện nào nghe cũng lạ. Như những chuyện của ông Huỳnh Phú Sổ chẳng hạn. Với Hai Quang, người ta đồn lúc anh đi hoang anh đã tìm học với một ông thầy người Miên ở trên núi. (Hình như phải học qua người nước ngoài và phải ở trên núi thì mới giỏi hay sao ấy). Lệ của thầy, người nào muốn học, trước hết phải nhảy qua một cái hầm dài sáu, bảy thước; dưới hầm, chông cắm lên tua tủa như dao mác. Nhảy qua thì học, nhảy không qua được thì đổ ruột chết. Không dám nhảy, thầy không nhận, phải ôm gói trở về. Hai Quang cùng đi với mấy người bạn. Mấy người bạn của anh cúi mặt xuống cái hầm, tối tăm mặt mày, không dám nhảy.

Còn Hai Quang, anh khoanh tay thưa:

- Thưa thầy, con xin nhảy.

Rồi anh đứng từ xa, chạy lấy đà, chân đạp lên mé hầm nhảy qua. Anh mới qua được nửa hầm thì ông thầy đứng bên hầm đưa chân đá vào đít anh, đẩy anh bay qua. Hú hồn, hú vía!

- Sức con nhảy không qua mà sao con dám nhảy?

Anh khoanh tay lại, cúi đầu:

- Con đã đến đây, một là chết, hai là được học, chớ không trở về.

Chỉ một mình anh được nhận làm đệ tử.

Hằng ngày, ngoài việc học võ, anh nghe lời thầy, mỗi lần tắm đều tắm nước nóng, nước mỗi ngày mỗi nóng thêm, tập cho đến lúc tắm bằng nước sôi. Cho nên bây giờ anh là người mình đồng da sắt, dao chém không đứt, gươm đâm cũng không lủng. Anh học năm năm mới xuống núi, làm nghề du côn ở bến xe.

Toàn nghe đồn, nghe nói, tôi chỉ thấy được một chuyện. Buổi trưa, chiếc xe đò từ Sài Gòn về. Trên mui xe có một lính Nhật. Nghe tiếng kèn xe, thằng cò Tây từ trong bót chạy ra, dang tay bắt chiếc xe đò dừng lại. Từ trong nhà nhìn ra, tôi thấy tên lính Nhật từ trên mui xe nhảy xuống. Chiếc xe đò chạy vào bến. Thằng cò Tây, tên lính Nhật đứng giữa con đường trước cửa bót, nói gì với nhau, rồi hai thằng nhào tới đánh nhau. Khi hai thằng vừa đánh nhau thì người ta từ trong nhà tuôn ra, chạy đi xem. Tôi cũng phóng xuống, qua cây cầu khỉ, lên mặt đường đá, chạy tắt qua bãi cỏ. Người ở chợ đứng vây quanh, tôi tiến lên phía trước. Tên lính Nhật ngồi trên mui xe chính là anh Hai Quang. Người đứng coi, ai cũng kêu tên anh. Anh mặc đồ lính Nhật, đội mũ Nhật, xắn tay áo. Còn thằng cò Tây, nó cao lớn chẳng thua gì anh, thật cân sức, và nó lớn hơn anh một cái bụng. Nó đánh quyền Anh, còn anh thì đánh võ. Nó đấm, anh thoi, anh đá. Dang ra, vờn nhau, lại xáp vô, đánh đấm túi bụi. Lại dang ra, lại vờn. Bỗng anh quay mình, hét lên một tiếng. Đúng cái cú đá như tiếng đồn, cò Tây bị một cú đá, lảo đảo. Cũng vừa lúc đó thì có một phát súng nổ. Con đầm vợ nó đưa cây súng lục bắn chỉ thiên, rồi họng súng trong tay nó chĩa vào anh Hai Quang, họng súng hãy còn khói, và lại thêm ba họng súng dài của ba tên lính chĩa vô ngực anh. Anh Hai Quang đành bó tay cho tên cò Tây còng lại, đưa anh vào đồn.

Chuyện anh đánh thằng cò Tây, cuối cùng cũng phải thua, nhưng mọi người hả hê thán phục anh.

Sau đó, tôi nghe người lớn nói, cũng nói trong cái thảo bạt nhà tôi và tôi cũng nghe lúc ngồi bên cái bàn quấn thuốc: Cò Tây được lịnh truy nã bắt anh về tội trốn lính. Nó giải ngược anh về Sài Gòn.

Chẳng bao lâu, anh lại mặc đồ lính Nhật trở về. Anh đi thăm nhiều người ở chợ, và đến thăm cha tôi.

Anh đến nhà tôi vào buổi xế chiều, lúc nhà có nhiều người đến chơi. Bộ đồ lính Nhật màu cứt ngựa, hông đeo gươm dài, vì cao lớn nên cây gươm của anh không lệt bệt dưới đất như những tên Nhật mà tôi đã thấy, oai nữa là trước bụng có cả cây súng lục trong cái vỏ da được đánh bóng, mới tinh. Khi anh bước lên cầu thang nhà tôi, tôi có cảm tưởng từng bực thang có thể gãy vì cái thân hình lực lưỡng của anh. Anh chào từng người, chào người lớn trước, người nhỏ sau. Anh không chào theo kiểu nhà binh Nhật, cũng không bắt tay. Hai bàn tay nắm lại thành một nắm đấm để trước ngực, anh vừa lắc, vừa cúi đầu:

- Thưa anh Hai!

Anh chào cha tôi trước, kế chú Ba tôi đến chú Tư Khởi, chú Ba Giáo, cuối cùng anh vẫn không quên tôi:

- Nhỏ!

Khi anh ngồi vào ghế bắt đầu câu chuyện, chú Ba tôi hỏi:

- Theo Nhật thiệt sao Hai Quang?

Anh cười:

- Nếu tôi không vô lính Nhật, thì bây giờ, tôi ở bên Tây, đánh nhau với tụi Đức rồi. Mấy anh nghĩ coi, sau khi ra tù thì tới kỳ bắt thăm đi lính. Rủi cho tôi, tôi bắt ngay số một. Tôi nghĩ, thằng Tây nó qua đây đè đầu cỡi cổ mình, chớ có phải ông nội cha mình đâu mà mình đưa ngực ra đỡ đạn cho nó. Tôi nói vậy mấy anh nghe phải không? Nó đánh nước mình, bây giờ tới phiên nó bị đánh, sao lại bắt người ta đi đánh giùm. Bộ cha sao?! Tôi trốn. Nhưng Hai Quang trốn sao được. Mấy cái thằng lính kín chó đẻ ngày nào cũng mang kiếng đen lởn vởn ngoài bến xe, kiếm tôi. Phải sống nhờ em út, nhục quá! Tao đi lính Nhật cho mầy biết!

Thắng được bộ đồ lính Nhật rồi, tôi ra bến xe, đi thẳng lại mấy thằng lính kín: “Ê, bắt Hai Quang hả mầy? Dô tô nay, dô tô na dô tô cà”. Tôi vừa nói vừa rút gươm. Tụi nó giạt đi như đá ném xuống cái ao bèo. Bèo tan rồi hợp, đá vẫn nằm nguyên.

- Tụi Nhật nó giao cho chú việc gì chú Hai? - Chú Tư Khởi hỏi.

- Nó giao tôi về đây coi tình hình dân chúng, ai theo ai. Nó bảo nhớ ghi chép ai theo Việt Minh cộng sản.

- Chú ghi được nhiều chưa?

- Tôi mượn tiền nó tôi về chơi. Tụi nó quên là chữ A tôi cũng không thèm học, tôi biết gì mà ghi mấy anh!

Nói vậy rồi, anh đưa tay mở nắp cái bao súng. Tưởng anh móc súng ra để khoe hay làm gì, hóa ra đó là cái bao đựng thuốc. Khi anh rút ra một cục thuốc với một tờ giấy nhựt trình thì tất cả đều ngửa mặt cười. Anh điềm tĩnh quấn thuốc, lè lưỡi liếm rồi nhìn lại mọi người:

- Nó có tin tôi đâu mà giao súng; cây gươm này tôi mua ở Chợ Lớn, rung cây nhát khỉ thôi.

Rồi anh cười. Nụ cười thật thà và hiền lành. Nhưng con mắt của anh, hai con mắt ti hí, vừa liếc vừa híp lại, thật điếm.



--------------------------------------------------------------------------
(1) Phà

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:32:45 pm »

*

*          *


Thằng Sườn lớn hơn tôi mới một hai tuổi thôi - mười bốn mười lăm - mà đã thành người lớn rồi. Người nó cũng có vẻ khác thường: nó có một thân hình nói là xấu cũng được, nói kỳ kỳ thì đúng hơn. Cái đầu của nó không tròn, tóc của nó lại hớt vừa cụt vừa bằng bằng, cho nên cái đầu của nó thành hình vuông. Cổ rụt như cổ rùa và cái ngực của nó cũng bè bè theo hình vuông, cái áo bành tô bằng vải ka ki cũ lúc nào cũng phanh ngực với cái quần đùi đen dài đến tận gối. Người như nó không thể trắng trẻo được, mặt đen sì sì như màu đất. Nhà cha mẹ nó trong ngọn kinh, nhưng suốt ngày nó ở bến xe, ở chợ, đêm cũng ngủ trong chợ, trên thớt thịt. Nó tập tành đứng bến xe, nguyện làm đệ tử cho Hai Quang, cũng giành khách và thỉnh thoảng được leo lên xe đi Sài Gòn. Cái tôi thấy nó thành người lớn là nó biết hút thuốc, thở khói ra lỗ mũi hẳn hoi.

Ngày đầu ôm cái thùng thuốc lá ra chợ, tôi đang lớ ngớ thì chính nó là người mua mở hàng.

- Ê, con chú Hai hả?

Tôi gật đầu.

- Thuốc gì ngon cho vài điếu.

- Anh hút thuốc nào?

- Anh cái con mẹ gì. Thằng Sườn.

Thằng Sườn nghèo nhưng lại coi tiền như rác. Tiền nó cuộn trong lưng quần, lấy thuốc xong, nó cầm nắm tiền thả xuống cái bàn thuốc của tôi không cần đếm. Tôi gọi nó lại, trả lại tiền dư, cái đầu vuông của nó lắc quầy quậy trên cái cổ rùa:

- Để đó, còn hút nữa.

Nó quay lưng, nghĩ gì nó quay lại:

- Thằng nào ăn hiếp cho tao biết nghen. Không hiểu sao nó lại thương tôi vậy!       Một buổi chiều, nó qua cây cầu khỉ, vào tận nhà tìm tôi, lúc tôi đang ở trước sân:

- Mấy hôm nay đâu không ra chợ?

Nghe nó hỏi, tôi mới chợt nhớ, tôi không ra chợ cũng hơi lâu, từ ngày cha tôi xoay được một việc làm kiếm ra tiền.

Có một ngôi nhà vốn là lò thợ bạc lâu đời, từ đời ông nội đến đời con... Đến đời cháu thì không làm thợ bạc nữa. Người chủ cuối cùng của ngôi nhà theo đạo Hòa Hảo, nghĩ thế nào lại dỡ nhà về đất Láng Linh (đất Láng Linh đã trở thành đất Phật của Phật giáo Hòa Hảo).

Cha tôi không mua nhà mà mua cái nền nhà.

Vậy là anh chị em tôi, mỗi người một tay, đào lấy đất nền cứng, đưa về cho cha tôi đãi vàng.

Nhà tôi toàn đất. Cha tôi dùng một cái chảo đụng, buộc hai sợi dây ở hai quai, treo lên cái sườn nhà sau bếp. Tôi xúc đất đổ vô chảo, anh tôi xách nước từ dưới kinh lên, đổ vào, còn cha tôi ngồi đãi. Đãi mãi, đãi mãi, đãi mãi cho đến lúc dưới đít chảo còn một nắm cát với những hạt bụi anh ánh. Cái nắm cát ấy đưa vào lò nấu. Rồi những hạt bụi anh ánh ấy tụ lại thành một cái hạt như hạt đậu. Chưa phải là hạt vàng nhưng trong cái hạt ấy có vàng. Ban ngày thì đãi, ban đêm thì nấu. Cha tôi ngồi coi, còn anh tôi với tôi thì thay nhau quay lò.

Có một lần, chú tôi về vào lúc nửa đêm, thấy ba cha con tôi vẫn ngồi bên lò lửa, chú tôi thở dài:

- Đãi cát tìm vàng, cực quá hả anh Hai?

- Đã nói là đãi cát tìm vàng thì làm sao không cực! Nhưng đâu có cực bằng anh em. Đãi người, để người quy về một mối mới là khó. Người lúc đầu tưởng là vàng lại hóa ra là cát.

Cha tôi mỉm cười lắc đầu và thở dài. Cha tôi không nói gì thêm nhưng tôi lại hiểu là cha tôi muốn nói đến ông Tư tôi.

Vì lo giúp việc nhà mà tôi bỏ cả nghề quấn thuốc và cũng quên ra chợ là vậy. Thằng Sườn rủ:

- Tối nay đi chơi với tao.

- Không được.

- Một lát thôi!

- Đi đâu?

- Nghe giảng đạo.

Lại đạo. Đạo gì nữa đây? Tôi nhìn lại nó. Nó biết ý lắc đầu:

- Không phải Hòa Hảo đâu.

- Cao Đài?

- Không.

- Đạo gì?

- Không phải Thiên chúa mà cũng như Thiên chúa vậy - đạo Tin lành.

- Thôi, tao không đi.

- Đi mầy, tối nay vui lắm. Trước khi giảng nó có đờn, có hát. Người ta tới nghe, nó cho ăn kẹo, ngon lắm. Kẹo đen, đăng đắng ngọt ngọt, thơm thơm, kẹo... kẹo... sôcula.

- Nó bỏ bùa bỏ ngải cho mình mê làm sao?

- Mê cái c..., tao ăn mấy bữa rồi.

- Ừ. Mầy đi trước đi...

Thằng Sườn chờ tôi ở ngoài cửa. Hóa ra cái chỗ giảng đạo là cái căn nhà chơi bóng bàn, ở cuối phố, thỉnh thoảng tôi cũng tới lui. Cái bàn bị xếp lại một bên tường, thay vào đó là ghế ngồi. Người đến nghe giảng đạo, tôi thấy toàn lũ trẻ ở chợ, có gần hai mươi đứa, người lớn chỉ có đôi ba người. Người đến nghe có vậy mà sao họ làm rình rang quá. Thời buổi không có dầu để thắp, phải thắp bằng mỡ hoặc dầu mù u, họ lại thắp đèn măng sông cháy khè khè, sáng ra tới tận ngoài đường. Lại có tiếng đàn ắc coóc.

Thằng Sườn nắm tay tôi, đưa tôi lên ngồi ghế hàng đầu, phía sau là lũ nhỏ lao nhao.

Rồi một ông cha đầu hớt theo kiểu vành móng ngựa, cũng áo dài đen chẳng khác gì mấy ông cha của đạo Thiên chúa. Ông phát cho mỗi đứa một quyển kinh nhỏ bằng bàn tay để bỏ túi, và đúng như thằng Sườn nói, kèm theo một thỏi sôcula. Sau khi mọi đứa đều có sách có quà, ông trở lên bục, mặt trang nghiêm, mở to mắt nhìn xuống đầu lũ nhỏ, ông nói giọng vừa vang vừa ấm:

- Trước khi giảng, các em ôn lại bài hát. Nhớ chưa? “Ai mến yêu Giê-su vô cùng. Càng yêu tha thiết ngày thêm...”

Lập tức, tiếng đàn ắc coóc kéo lên. Ông bắt giọng:

- Mến yêu... Một, hai, ba.

Cái lũ nhỏ trong phòng cất tiếng hát, rên lên. Mới hát được một câu “Mến yêu Giê-su vô cùng” thì thằng Sườn bật đứng dậy, cất cao tiếng với câu vọng cổ:

- Boong boong văng vẳng tiếng chuông... ở chùa.

Một tiếng hét giật nảy người, ông cha vừa hét vừa nhào xuống. Thằng Sườn quá nhanh, thót một cái, nó tuôn ra cửa. Bàn ghế xô đổ lốp bốp.

- Bắt nó! Bắt nó!

Tôi có cảm tưởng là thằng Sườn đã nhảy qua đầu mọi đứa để thoát thân. Còn bọn chúng tôi chen nhau đạp nhau hốt hoảng, tán loạn, nhưng khi gặp lại nhau ở chợ thì đứa nào cũng vui cười. Thằng Sườn họp tất cả lại, đãi mỗi đứa một tô hủ tiếu giữa nhà lồng chợ. Số tiền đó nó nhận được của một người đạo Phật giáo Hòa Hảo và một người đạo Cao Đài, nó bảo là tiền “phá đám”. Trả tiền hủ tiếu xong cho cả gần hai mươi đứa, phần còn lại đủ riêng cho nó một gói thuốc. Chỉ có vậy mà sáng hôm sau, ông cha đạo Tin lành phải dọn đồ xuống ghe, nhổ sào như một cái gánh hát Sơn Đông.

Đêm ấy, tôi trở về, hãy còn sớm, chị và các em tôi hãy còn thức, tôi chia cho mỗi người một viên sôcula.

Xuống bếp, cha tôi với chú tôi bắc ghế ngồi bên cái lò, anh tôi thì ngồi quay lò. Cái bếp lò đỏ rực, cái lưỡi của lửa thì xanh lè. Tôi dúi vào tay anh một miếng sôcula, như để đền ơn anh ngồi thay cho tôi.

- Hồi chiều, thằng Sườn rủ con đi đâu?

Tôi kể cái lúc thằng Sườn bỗng đứng bật dậy, cất giọng “Boong boong văng vẳng...” thì cha tôi với chú tôi ôm bụng cười ngả nghiêng. Anh tôi thì trách:

- Sao mầy không rủ tao? Cái kẹo sôcula này bây giờ hiếm lắm. Còn hết?

- Hết!

- Mai mầy ở nhà quay lò, tao đi...

Cười xong, cha tôi châm thuốc, vừa bập vừa hỏi:

- Ba, mầy thấy chưa? Cái đám nầy nó như chuyến tàu vét, nó không muốn để cho ai đứng ngoài, vét từ đứa con nít. Tụi nó là tụi nào vậy, Ba?

Chú tôi lại trầm ngâm nhìn vào ngọn lửa, một hồi lâu:

- Em chưa biết rõ lắm. Đạo Tin lành thường thường là của tụi Anh với Mỹ, Mỹ bây giờ là đồng minh, nhưng cũng là tụi nó.

- Như chuyến tàu vét, vét tụi con nít.

- Nguy hiểm lắm đó, anh Hai, nó nghĩ đến đường dài.

Sau khi nhai hết viên kẹo sôcula, anh tôi nhóc mỏ nghe chú tôi nói, rồi người anh như bị ngứa ngáy, không yên, cứ loay hoay, anh nhặt từng cục than ném thêm vào lửa nhìn cha tôi, lại nhìn qua chú tôi:

- Cha à! Con vô Thanh niên cứu quốc nghe cha!

Hóa ra anh tôi lại biết nhiều hơn tôi, biết cái điều mà tôi chưa nghe tới bao giờ. Thanh niên cứu quốc! Cứu quốc! Nghe thiêng liêng làm sao! Tôi vừa nghĩ vừa quay lò mạnh hơn, và ngọn lửa cũng bốc cao hơn.

- Mầy hả?

Cha tôi chỉ nói có vậy mà anh tôi hiểu ý, anh xị mặt:

- Cái gì của con, cha cũng chê! Đi hoang cha chê, đi Thanh niên cứu quốc cha cũng chê.

Cha tôi nhìn anh tôi với đôi mắt nghiêm khắc:

- Được vậy cha mừng. Nhưng phải nghĩ cho kỹ. Đã đi thì đi đến cùng, chớ bỏ nửa chừng. Cha nghiệm thấy trong đời, không ai tệ bằng những kẻ bỏ cuộc, ông Tư của tụi con cũng là người bỏ cuộc đó.

Anh tôi ngồi im, nhìn đăm đắm vào ngọn lửa. Cái lưỡi lửa không nói nhưng tỏa sáng mặt người.

Đêm đó, sau khi dọn dẹp, anh tôi không ngủ nhà, chú tôi cũng không ngủ trên chiếc ghế bố ngoài thảo bạt nữa. Hai chú cháu dẫn nhau đi đâu mất, tôi đoán là hai người đi qua cầu, lên xóm Cột dây thép.

Vậy là người làng tôi, không còn ai giấu ai nữa, ra mặt hết rồi. Gặp một người nào đó ngoài đường, không cần quen biết, cũng không cần hỏi, thấy mặt là biết ngay họ là ai, theo đạo nào. Người theo đạo Hòa Hảo: quần áo màu dà, để râu, để tóc, vừa nghênh ngang, vừa to nhỏ xì xầm chuyện cơ mật của thời thế. Người theo đạo Cao Đài cũng để râu tóc, quần áo thì toàn trắng: áo trắng, quần trắng, khăn trắng, nón mũ đội trên đầu cũng trắng. Từ tòa thánh ở Tây Ninh đến làng tôi quá xa xôi, như bị đuối sức, lác đác chẳng có mấy người nhưng lại nổi bật với đồ trắng giữa những đám đồ màu dà. Tuy ít, nhưng dựa vào thế của Nhật, cũng vẫn nghênh ngang.

Còn đạo Thiên chúa? Cái nhà thờ lớn với cái lầu chuông vẫn còn đó, sừng sững ở bên kia sông. Tây tuy thất thế, nhưng buổi sáng, buổi chiều, chuông vẫn đổ rền.

Thanh niên tiền phong thì mặc quân phục, vừa đi đều vừa hát.

Còn những người cùng với chú tôi, cha tôi, anh tôi thì không hề ra mặt. Và cũng vì không ra mặt mà trong con mắt của họ tôi cũng đã ra mặt rồi. Những người ấy, những người mà tôi mới biết tên, những người Cứu quốc, họ âm thầm nhưng dữ dội, như sóng ngầm của con sông Cửu Long chảy qua làng. Còn những người kia Hòa Hảo, Cao Đài hay Thanh niên tiền phong, họ là những ngọn sóng trên mặt sông đang trào lên ầm ĩ.

Đêm ấy, biết anh tôi với chú tôi không ngủ nhà, tôi không sao ngủ được. Tôi cứ trăn trở với một câu hỏi. Tôi thấy đạo Thiên chúa, đạo Hòa Hảo hay đạo Cao Đài, cha mẹ theo đạo nào thì con cái cũng phải theo đạo ấy. Còn “anh em mình” thì cha mẹ sao không buộc con cái phải theo? Sao cha tôi, chú tôi và mới đây, cả anh tôi, sao không bắt tôi phải theo “anh em mình”?

Lâu nay, mọi người như đi trên con sông, tôi thấy bạn bè và thiên hạ, ai ai cũng có một chỗ trên chiếc thuyền của mình, còn tôi, không tìm đâu thấy chiếc thuyền của mình, cứ phải lặn hụp, ngoi ngóp trên mặt sông.

Đêm ấy, tôi như thấy được bóng dáng chiếc thuyền của mình, tôi sẽ bơi tới.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:34:04 pm »

*

*          *

 
Chẳng biết chuyện gì mà cả làng như đổ hết ra mặt đường, tràn lên sân chợ. Cha tôi cấm không cho đứa nào được bước qua khỏi cây cầu khỉ. Còn anh tôi, lần đầu tiên anh tỏ ra là một người lớn, anh bảo:

- Nè, hễ nghe súng nổ thì nằm sát xuống đất.

Và anh không cho đứa nào được ở trên nhà, bắt phải xuống sàn hoặc ra sân. Chị tôi hỏi, anh hét:

- Con gái biết gì mà hỏi. Nấu cơm sớm cho tụi nó ăn.

Tôi cũng hỏi:

- Gì vậy anh Ba?

Anh cũng thét:

- Con nít hỉ mũi chưa sạch, biết gì!

Tôi không nói gì, còn chị tôi vừa ngoảnh mặt vừa lẩm bẩm:

- Chưa chi mà làm tàng.

Anh tôi lườm, giận lắm, nhưng không dám nói gì thêm. Vì chắc biết, nếu anh làm già, ra vẻ hoặc quát nạt thì chị tôi thế yếu sẽ chống lại bằng cách kể tội anh, nào không giúp việc nhà, nào bỏ đi hoang và đã ăn cắp của chị sợi dây chuyền vàng...

Chỉ mới đây thôi, không được mấy ngày, từ cái đêm anh theo chú để vào Thanh niên cứu quốc, anh đã khác đi nhiều. Điêu tôi thấy rõ nhất là anh trở lại cái vai trò của người anh lớn trong gia đình. Không như trước, sau những ngày đi hoang trở về, nhìn ai trong nhà anh cũng lấm lét, lúc nào cũng thấy mình có lỗi. Cùng ở một nhà nhưng luôn tránh mặt cha. Cha tôi ở trên nhà thì anh lủi xuống bếp, cha tôi xuống bếp thì anh ra sân. Từ hôm đó, anh không tránh mặt cha, và cha tôi không còn nhìn anh với con mắt nghiêm khắc nữa. Và bây giờ, anh dám bàn chuyện với cha tôi, khi cha tôi từ trên nhà bước xuống, đến chỗ túm tụm của anh em tôi:

- Họ định cướp tay trên mình hay sao vậy cha?

- Chú Ba mày đâu?

- Còn ở trển.

Tôi biết anh muốn nói chú tôi còn ở trên xóm Cột dây thép.

Cha tôi nhìn ra đường trong vẻ lo âu. Ngoài đường, bên bờ kinh trước cửa nhà tôi người từ xóm dưới cứ đổ dồn lên, quần áo màu dà với gươm, giáo, từng tốp, từng tốp nối theo nhau, rầm rập kéo nhau đi. Tốp thổi còi “tít te... e... tít”, tốp (chắc) không có còi thì đếm “một hai một”. Tôi thấy họ đi đều không ăn rập bằng học trò chúng tôi, không rầm rập mà rầm rộ...

Đoàn biểu tình của đạo Phật giáo Hòa Hảo cứ nối theo nhau dài dằng dặc, họ không đi thẳng trên con đường nhựa ngang qua bót cò, mà đánh vòng qua đường đá qua cửa xóm nhà tôi. Cái bót cò ấy không còn Tây nữa, lá cờ trắng với mặt trời đã thay lá cờ tam sắc. Vợ chồng cò Tây rút bỏ qua nhà thờ cù lao Giêng trước khi quân Nhật đến chiếm. Thay vào thằng cò Tây là ba thằng lính Nhật. Nghe đâu, thằng cò Tây cùng với ông cha bà phước đang xây thành đắp lũy ở bên ấy, ngay trong nhà thờ chúa.

Khi cha vào nhà trong, anh tôi bước ra sân, chị tôi khều nhẹ lên vai tôi:

- Em chạy vòng ra sau hè, ra chợ coi chuyện gì vậy. Chị ở nhà chị nấu cơm.

Tôi liền biến ra cửa sau, nghe chị nói theo:

- Mau mau về.

Tôi đi dọc theo hè, rồi qua cây cầu khỉ nhà hàng xóm, chạy băng ra chợ. Những người đi nhóm chợ đều giạt qua hai bên hè phố với thúng mủng và đủ thứ hàng: tôm, cá, rau cải, chè chén, nhường nguyên cả cái sân chợ cho đoàn biểu tình. Ai cũng giành đứng ra phía trước để xem. Tôi vừa nhỏ vừa thấp, lại là đứa đi sau, tôi lủi qua lủi lại mãi mà không sao lủi được ra phía trước. May sao gặp thằng Sườn đang ngồi trong tiệm hủ tiếu.

- Muốn coi hả? Đi theo tao.

Bước ra tiệm, nó không cần lủi như tôi. Nó hét, tôi cũng giật mình.

- Nước sô... o... i

Người ta giật mình né qua, thế là tôi theo sau lưng nó, len qua. Nhiều người chưởi theo nó, nó cười trừ.

- Chuyện gì vậy Sườn?

- Biểu tình.

- Biết rồi. Mà biểu tình để làm gì?

- Để đi một hai.

- Mầy!

Nó kề miệng sát vai tôi:

- Nói chơi với mầy vậy. Nghe nói là đổi đời. Họ tập...

Đoàn biểu tình từ xóm dưới lên đi vòng qua con đường trước xóm nhà tôi, đến phía bên này đầu cầu sắt thì họ đổ xuống sân chợ. Còn đoàn ở xóm trong dọc theo đường từ cù lao Ông Chưởng đi qua thì từ bên kia đầu cầu, họ qua cầu, rồi cùng đổ xuống sân chợ. Dù người đã đứng đầy sân chợ, tôi vẫn nhận ra ông Tư tôi, đầu tóc, râu ria với bộ ngực to lớn đang đứng đầu một tốp. Chú Nguyễn Đa Điền, màu da tiệp với quần áo màu dà của chú, chú mặc áo bà ba, khăn choàng tấm buộc thắt ngang lưng, hông đeo kiếm. Có cả các chị ở xóm nhà ông Tư tôi nữa, nào chị Thảnh với chị Thơi... Ngộ làm sao! Chị nào cũng môi son má phấn như đào hát.

Tôi thấy vậy và cũng chỉ biết có vậy, rồi lộn trở về cho chị tôi biết.

- Nghe nói sắp đổi đời, họ tập, thằng Sườn nói.

- Tưởng nghe ai. Nghe thằng Sườn. - Chị tôi vừa giận, vừa lo.

Khi đoàn biểu tình từ sân chợ tháo trở về, thì cô Hai Thảo bước trên cây cầu khỉ, tay cầm một cái giỏ.

- Cha bây đâu? - Cô hỏi.

- Dạ, cha cháu mới đi xóm.

Cô đưa cái giỏ cho chị tôi:

- Cất cái này đi.

- Gì vậy cô?

- Bánh tổ. Cô biết nhà bây không ai làm. Tới rồi đó, đói thì lấy mà ăn. Cha bây có đói thì lấy cho cha bây ăn chớ đừng cho cha bây thấy, nghe chưa?

- Dạ! Sắp có gì vậy, cô Hai?

- Chưa hay chuyện gì sao?

- Dạ chưa.

- Nhật đầu hàng rồi.

- Cờ Nhật sao còn treo đó cô?

- Mấy thằng Nhật chưa biết. Tin chưa tới nó, chớ đạo thì đã biết rồi. Lúc nó chưa đảo chánh Tây, Thầy có nói trước, nó mạnh vậy chớ nó ăn không hết con gà tức là nó không qua được năm Dậu này, hiểu chưa? Cô đã nói, không theo đạo thì u u mê mê là vậy.

- Cha con chắc biết.

- Cha bây có biết cũng là nhờ người trong đạo nói ra. Biết mà sao không lo, một cái bánh tổ cho con cái mà không có. Cô hỏi tụi bây, Nhật đầu hàng, nước Nam nầy ai cai trị? Binh tướng nhà Phật với bọn quỷ dương sẽ tranh hùng. Sẽ tối trời tối đất, cô dặn bao nhiêu lần rồi, nhớ không? Nhà có giẻ rách chưa? Nhớ, có ai kêu tên thì đừng có lên tiếng.

Đã lâu tôi không còn tin chuyện tối trời tối đất nữa, tôi nghĩ là cái chuyện đó đã qua rồi, giờ cô lại nhắc tới. Cô nhắc lại qua hình ảnh một đoàn biểu tình với quần áo màu dà rầm rộ như một dòng nước đục tràn lên sân chợ, với đôi mắt lo âu của cha tôi, với vẻ sợ sệt của chị, với cái bánh tổ cô mang tới, với đôi mắt bí ẩn của cô nhìn chúng tôi, và với lòng yêu thương qua giọng nói tha thiết của cô, hình ảnh rùng rợn của cái đêm tối trời tối đất lại hiện lên trong tưởng tượng của tôi.

Cái đêm ấy, chị em tôi nằm rúc lại sát nhau; cái bánh tổ với nắm giẻ rách, chị tôi để ở đầu giường.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:36:03 pm »

*

*          *

 
- Dậy! Dậy...

Chị tôi vừa gọi vừa giật cái mền lôi tôi lên. Sau một đêm dài nơm nớp lo sợ, tôi thiếp đi lúc gần sáng, ngủ mê man. Đêm khủng khiếp đã trôi qua (hay là chưa đến), tôi mở mắt: nắng đã tràn vào tận sân nhà.

- Ra coi, mau lên!

Chị vừa bảo vừa nắm tay tôi, kéo tôi chạy ra cửa. Chị đưa thẳng cánh tay qua cái bót cò:

- Thấy gì chưa?

Tôi thấy rồi. Cờ! Cờ đỏ sao vàng trên cột cờ trước bót cò bay phấp phới. Tôi không reo lên mà lặng đi trước cái màu đỏ rực rỡ với ngôi sao năm cánh, với bầu trời xanh mênh mông của buổi sáng, với con sông tháng tám nước ngầu hạt phù sa đang hối hả trôi qua, hai bên bờ cây cỏ xanh um, và tôi như ngỡ ngàng trước cảnh vắng lặng của con đường làng.

Mọi ngày, vào giờ này, người ta nườm nượp trên đường, ra sân chợ. Sáng nay chỉ lác đác một vài người, không thấy ai mặc quần áo dài màu dà, người trên đường ăn mặc bình thường, quần đen áo trắng hoặc áo xanh, khác hơn ngày thường, tay có đeo băng đỏ, tay cầm gươm, cầm giáo.

Có lẽ dân làng ai cũng xúc động đến lặng đi hoặc ngỡ ngàng nên chưa có ai đổ ra mặt đường.

- Đổi đời rồi đó!

Tôi quay lại, cha tôi cũng đang đứng nhìn cờ. Tôi muốn hỏi cha, nhưng chưa kịp nghĩ phải hỏi cha điều gì thì cha tôi bảo:

- Tờ lịch hôm nay, mấy con không đứa nào được xé, để nguyên đó cho cha. Lịch ngày 20 tháng 8 năm 1945, năm Dậu.

Bỗng có tiếng vó ngựa từ trên cầu sắt đổ xuống cùng với tiếng hét quen thuộc của người đánh xe. Xe của anh Hoàng, con ngựa Ô. Và một lá cờ đỏ sao vàng được dựng trước đầu xe, chỗ cây kèn bí bo. Anh Hoàng thì đứng thẳng lưng, tay lỏng dây cương, tay cầm roi quay tròn qua đầu. Anh kéo thẳng dây cương, đầu ngựa cất lên, xe dừng lại trước cửa nhà tôi, anh hét:

- Chú Hai ơi! Mình cướp chánh quyền rồi.

Không nói không rằng, không cần phải bước theo từng bậc thang, từ trên sàn, tôi phóng xuống sân, chạy băng qua cây cầu khỉ, tự mình đu người, nhảy phóc lên xe. Anh ném dây cương qua tay tôi, con ngựa chồm tới. Bắt chước anh, cũng không còn biết sợ nữa, tôi cũng đứng thẳng lưng, cầm dây cương. Và tôi đứng bên lá cờ đang bay. Lá cờ phất qua mặt, qua vai, gây cho tôi một cảm giác kỳ lạ, như có một luồng điện ran lên trong người, không thể quên.

- Cho chạy luôn xuống kinh Cựu Hội. - Anh bảo tôi.

Rộp-rộp-rộp... Tiếng vó ngựa gõ đều trên mặt đường đá.

Anh Hoàng cầm cái loa bằng giấy, đưa lên miệng nhìn vào tờ giấy để trong lòng bàn tay:

- A lô! A lô! Hỡi đồng bào! Cách mạng đã thành công. Việt Minh đã cướp chánh quyền trên tay phát xít Nhật, chấm dứt một trăm năm nô lệ. A lô! A lô!...

Người trong xóm vườn đổ ra hai bên đường nghe loa. Xe chạy tới đầu cầu kinh Cựu Hội rồi quay lại. Trên đường trở về chợ, thấy người hai bên đường đông hơn, đứng chờ nghe tiếng loa, tôi sướng lắm, tưởng mình cũng có góp công.

Vì xe đang chạy, người hai bên đường nghe tiếng được tiếng mất. Nhiều người đổ ra mặt đường, dang tay bắt xe phải dừng lại, và phía sau có hàng chục người đuổi theo, bám vào xe, kéo ghịt lại. Tôi gò thẳng dây cương. Chiếc xe bị vây chặt giữa vòng người trên mặt đường.

- Cái gì, nói lại cho nghe.

Anh Hoàng lại đưa cái loa lên miệng, a lô, a lô. Giọng của anh khàn đặc, nói không ra tiếng nữa. Bất thình lình có một anh thanh niên cũng trạc tuổi anh - anh Trung -nhưng lực lưỡng hơn anh, quần đùi, lưng trần, từ dưới nhảy phóc lên xe, giật cái loa trên tay anh, đưa cái loa hướng lên trời, a lô, a lô...

Rồi người ta reo, người ta la, người ta hét, có người cứ nhảy dựng lên. Khi tôi giật dây cương cho con ngựa chồm tới thì bị nhiều người kéo rị lại, leo lên, có cả trẻ con, đầy nhóc một xe. Con Ô như cũng vui lây, nó cất vó, hí vang.

Tiếng vó ngựa cùng với tiếng loa vang dài theo con đường đá chạy qua làng, cặp theo con sông. Và con sông cũng vui hay sao mà vẫy sóng “lách tách” vỗ vào bờ.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:41:10 pm »

*

*          *


Như mùa hoa đến ngày nở rộ, cờ đỏ sao vàng mọc dần lên trước cửa mỗi ngôi nhà, từ những ngọn cây xanh lá cũng mọc lên cờ đỏ sao vàng. Rồi mỗi người trên tay một lá cờ, lần lượt đổ ra sân chợ. Và trên dòng sông mênh mông ngấp nghé hai bên bờ, trước mũi xuồng một lá cờ bay trên mặt sóng, từ xuôi, từ ngược, từ bên kia sông, những chiếc xuồng, với lá cờ mỗi lúc mỗi gần nhau, đổ về bến chợ. Xuồng cập theo bến, xuồng cặp nối nhau, san sát, kết thành một chiếc bè mọc đầy cờ, bập bềnh trên mặt sóng.

Trước đây, trên sông có những cái bè chuối tống quái mùa dịch tả, trên bè nào gà, nào heo và hoa quả với khói hương ảm đạm vật vờ theo con nước. Bây giờ, người cũng thả bè, nhưng là bè với ngọn cờ đỏ sao vàng bập bềnh trên mặt sóng, trôi theo sông.

Chiều hôm ấy, người từ các nơi đổ về đứng chật cả sân chợ, và không chỉ có những người mặc quần áo màu dà với râu tóc, mà như có tất cả, không thiếu một ai. Lạ, người đông đặc mà chẳng ai chen lấn ai.

Đó là buổi mít tinh đầu tiên của toàn dân trong làng, mừng ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Tiếng nói từ trên khán đài vang lên:

- Cách mạng tháng Tám thành công!

- Chấm dứt một trăm năm nô lệ!

- Việt Nam Độc lập, Tự do, Hạnh phúc muôn năm!

Mọi người như dậy lên. Và ai cũng muốn cất tiếng hát, nhưng không biết bài hát gì. Bây giờ, không có một bài hát nào đủ cho con người được hả hê để mừng ngày chấm dứt đời nô lệ. Không có bài hát nào đủ sức hả hê bằng tiếng gào, tiếng hét. Nên mạnh ai nấy gào, nấy hét, vừa gào vừa hét, vừa thẳng tay vẫy cờ. Ấy cũng là tiếng hát nhưng chẳng ai bị chối tai, và người nào cũng cất tiếng hòa theo. Một bài hát không được soạn trước, một bài hát không lời, và âm thanh thì phát ra từ sức mạnh trong lồng ngực của mỗi người. Một bài hát không thể hát lại lần thứ hai. Trong đời chỉ được hát một lần mà vang mãi với đời người.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:44:11 pm »

*

*          *

 

Tôi ngồi với anh Hoàng bên con ngựa Ô đang nhai cỏ, sau buổi mít tinh khi mọi người đã ra về. Quần đùi với cái áo thun lá, anh nằm trên bãi cỏ, dang chân và dang cả hai tay như muốn hít lấy cả không khí của trời chiều.

- Ê Nhỏ! Ngồi xích lại đây, tao kể cho nghe.

Rồi anh bật dậy. Từ ngày thôi học, tôi ít gặp anh, dù cùng trong một xóm, cách nhau không đến mấy nhà. Bây giờ, gặp lại anh, đôi mắt anh như tỏa sáng cho gương mặt sạm nắng của anh. Vì phải “a lô” và la hét, giọng anh khàn đi nhưng vẫn sôi nổi:

- Ê Nhỏ! Mầy biết không? Chắc là mầy không biết đâu. Sáng hôm qua, Hòa Hảo kéo đi biểu tình là để thị uy, định cướp chính quyền nhưng họ thấy mấy thằng Nhật còn mang “mi trây đết”(1) láng nháng trong bót, họ không dám. Họ tưởng kéo biểu tình thì tụi Nhật mời họ vô, xin nộp súng đầu hàng. Còn “đằng mình” thì âm thầm - Anh đưa hai bàn tay ra như lúc bọn nhỏ rình chụp một con dế - Binh hùng tướng mạnh đâu đó sẵn sàng, từ trong vườn trên xóm Cột dây thép, vừa đi vừa bò vừa ngậm tăm, mầy hiểu chưa, áp sát vô bót. Khi mình nhào lên, ba bên bốn mặt, xông vô bót, như lịnh trên đã truyền, thằng nào đầu hàng, tước súng, bắt quỳ, thằng nào chống cự - tay anh phạt ngang - chém cho đầu rơi máu chảy. Khi anh em mình tràn vô, Nhỏ, mầy biết không? Cái bót trống không, như cái nhà hoang, không còn một thằng. Anh em chạy xuống bến, thấy có một chiếc xuồng bơi ở giữa sông. Cũng như thằng cò Tây, trước khi Nhật đảo chánh, nó bỏ bót, nửa đêm chạy ca nô qua nhà thờ cù lao Giêng. Bây giờ thằng Nhật nó cũng vậy, cũng băng qua nhà thờ. Nhật mà cũng biết bơi xuồng, tức thiệt.

- Tối hôm qua anh có đi không?

Anh đưa tay chỉ lá cờ trước cửa bót:

- Cờ tao treo chớ ai. Mầy biết ai chỉ huy không?

Tôi lắc đầu.

- Ba tao với chú Ba mầy - Anh tát vào vai tôi: - Thằng không biết gì hết!

- Hồi hôm, anh Ba tôi có đi với anh không?

- Đi cặp với tao chớ ai! Anh Ba mầy lanh lợi lắm. Con Hai bán cháo cá mà biết nó mê anh mầy dữ lắm, à nghe.

Lần đầu tiên tôi thấy hãnh diện mình là em của anh.

Vẫn có giọng khàn mà sôi nổi với vẻ bí mật khi anh cúi mặt để liếc ngược lên nhìn tôi:

- Tao đố mày sao tao đi đánh xe ngựa?

- Kiếm tiền.

- Ai mà không kiếm tiền, mầy Nhỏ, nhưng tại sao tao đi đánh xe ngựa?

Tôi cũng lại lắc đầu.

- Đố mày chơi vậy thôi, chớ mầy làm sao biết được. Tao nói cho mầy nghe. Chiếc xe của nhà tao là xe của mấy ổng. Tao đánh xe lên xuống là để đi thơ cho mấy ổng. Nhà tao, má tao bán bánh bèo, ba tao đi bắn chim, tiền đâu mà mua xe với ngựa. Ba tao đi bắn chim cũng là đi vô với mấy ổng, chớ có bắn gì bao nhiêu. Đi năm bảy ngày mới được một con. Nè mầy nhớ, độc lập rồi nhưng mà chưa yên đâu, Nhỏ!

- Sao chưa yên?

Anh đưa tay chỉ thẳng qua bên kia sông, hướng nhà thờ:

- Vợ chồng thằng cò Tây với mấy thằng lính Nhật còn ở bên đó. Tao nghe nói mình sẽ đem quân qua bắt nó phải nộp súng đầu hàng, không mình sẽ đánh. Mình bây giờ mầy biết kêu bằng gì không?

Tôi cũng lại làm thinh.

- Việt Minh. Việt Nam độc lập đồng minh hội, dài quá, nhiều người không nhớ, nên gọi tắt là Việt Minh. - Anh đưa quả đấm đấm vào không khí ngay trước trán tôi, vừa như để khẳng định vừa như muốn đóng lên trán tôi hai tiếng Việt Minh.

Buổi nói chuyện giữa anh với tôi chiều hôm đó, tôi như được vỡ lòng về chánh trị.

- Bây giờ mầy làm gì?

- Người ta chê tôi nhỏ.

- Thì mầy nhỏ chớ mầy lớn hồi nào. Nhưng nhỏ làm theo nhỏ. Mầy phải kêu phải rủ mấy đứa con nít lại, họp thành hội thành đoàn, tập ca, tập hát, rồi chờ mấy ông sai cái gì thì làm cái nấy. Không được kêu là con nít nữa, mà phải kêu là thiếu nhi. Tao với anh Ba mầy là thanh niên cứu quốc, còn tụi bây là thiếu nhi cứu quốc.

Sau đó, tôi dẫn con ngựa Ô lại cho anh, chạy tung về nhà. Tôi hỏi chị lúc chị đang lui cui dưới bếp:

- Chị biết chị là gì không chị Tư?

- Là gì?

Tôi hét lên từng tiếng:

- Là, phụ, nữ, cứu quốc!

- Ai nói với em?

- Anh Hoàng con chú Tư Khởi.

- Thiệt hôn?

Chị hỏi ảnh coi.

- Em coi nồi cơm cho chị.

Chị bước ra cửa sau, biến mất. Vậy là tôi với chị tôi, trong cuộc đời này, đã có chỗ rồi, không phải bơ vơ nữa.

Cũng chiều hôm ấy, cái thảo bạt nhà tôi kẻ lên người xuống cứ nườm nượp. Trong những người quen cũ, có thêm một người ít khi đến. Đó là chú Tư Chía làm trại xuồng, cùng xóm với ông Tư tôi. Trong làng hầu như ai cũng biết chú không chỉ vì là chủ trại xuồng, mà vì chiếc xe đạp của chú. Bấy giờ trong làng tôi, người có xe đạp là người khá, người sang. Người có xe nhiều nhất là người ở chợ.

Ở xóm vườn, chú có một chiếc xe đã trội hơn người khác rồi, chiếc xe của chú lại là chiếc xe đẹp nhất, không có chiếc nào sánh bằng. Xe màu vàng, hai cái vành láng bóng, khi chú ngừng đạp, chiếc xe cứ ro ro thật êm tai. Đến đâu, sau khi dừng xe, chú rút cái giẻ nhét dưới đít yên, lau, phủi sạch sẽ rồi mới bước vào nhà, vào tiệm. Chú có một bộ răng hô như cái bàn nạo xấu xí, nhưng xe của chú lúc nào cũng đẹp. Ngay giữa tay cầm, chú gắn hai con bướm bằng thiếc với hai cánh vàng lấm tấm đỏ. Có khi chú cắm cả một cành hoa. Cái tiếng chuông của chiếc xe “kinh coong” nghe rất trong. Chú gọi chiếc xe của chú là con ngựa sắt.

- Coi thì coi, đừng đụng con ngựa sắt của tao nghe bây.

Chú dặn sắp nhỏ đứng vây quanh chiếc xe của chú.

- Ngựa chú biết hí không chú?

Chú đưa tay bóp cái chuông kinh coong.

- Nghe con ngựa tao hí chưa.

- Nó đá được không chú?

Chú đưa chân đá ngược ra sau.

- Nó đá đó.

Đám con nít cười rộ, chú thì hãnh diện với chiếc xe của mình.

Chiều nay, thay vì cắm một cành hoa ở giữa tay cầm, chú cắm lá cờ đỏ sao vàng. Chú chạy từ nhà lên chợ, rồi chiếc xe ro qua một vòng chợ, không phải để khoe chiếc xe mà để cho mọi người được thấy lá cờ trước đầu xe của chú đang bay. Rồi chú đánh vòng xe qua đường, dừng lại trước cửa nhà tôi. Chú vác chiếc xe lên vai, qua cây cầu khỉ. Đi cầu khỉ lại vác xe, không thể đi guốc, chú lột đôi guốc vông để vào cái giỏ bàng, treo ngay cái khuỷu tay. Chú đi giữa cầu thì cha tôi đứng trên thảo bạt nói ra:

- Sao không để xe ở ngoài, tôi cho thằng nhỏ nó coi.

- Đâu được, xe có cắm cờ mà anh Hai.

Dựng chiếc xe vào gốc xoài, lần này chú không rút giẻ lau, mà rút cái cán cờ, bước lên cầu thang.

Tay cầm cờ, tay cầm giỏ bàng, chú nhìn khắp qua cái thảo bạt nhà tôi.

- Anh em đông vui quá. - Chú nói với cha tôi - Mấy lần muốn ghé anh, nhưng cực cái là phải vác xe qua cầu.

- Anh hú tôi một tiếng, tôi cho thằng nhỏ nó ra coi.

- Làm vậy cực quá, nắng nôi.

Chú ngồi vào ghế, thọc cái cán cờ ra sau ót, lá cờ dựng lên phía sau trên đầu chú, như kép hát. Người nào cũng cười, vui lây. Chú lấy từ trong giỏ ra một chai rượu với một cái chung mắt trâu. Chú gọi cha tôi bằng anh, mặc dù trông chú có vẻ già hơn, có lẽ chú già vì gương mặt xương, da rám nắng với hàm răng hô. Cha tôi cũng gọi chú bằng anh. Đặt chai rượu lên bàn xong, nhìn cha tôi, chú nói:

- Hôm nay là ngày chấm dứt đời dân nô lệ. Nước nhà được Độc lập, tôi muốn mời anh em mỗi người một chung rượu. - Chú vừa nói vừa rót, rồi cầm chung rượu hướng về cha tôi:

- Trước nhứt, xin mời anh Hai, người vai vế trong làng.

Cha tôi nhìn chung rượu, lắc đầu và rùng mình:

- Tha tôi đi anh Tư.

Chú nhìn cha tôi rồi nhìn chung quanh:

- Hồi bác Hai còn sống, bác Hai uống rượu bằng tô, còn anh sao anh không uống, không giống lông thì cũng giống cánh chớ, anh Hai.

- Ông già tôi, ổng uống hết phần rượu của con cái rồi, cho nên hai anh em tôi, có đứa nào uống rượu được đâu.

- Ây! Biết vậy, nhưng hôm nay là ngày chấm dứt đời nô lệ, là ngày Độc lập. - Chú dụm mấy đầu ngón tay nâng chung rượu, vẻ trân trọng: - Trong đời chỉ có một lần, cạn đi rồi tôi anh em khác.

Cha tôi rùng mình và xua cả hai tay:

- Cho tôi xin lỗi đi anh Tư!

Chú nghiêng mặt nhìn lại cha tôi:

- Anh có công chớ có lỗi đâu mà xin. Công anh lớn lắm, anh biết không? Tôi nhớ cái hồi năm... hương quản cho lính lục xét nhà anh, lấy được một bó truyền đơn của cộng sản. Không ai nói nhưng tụi tôi biết, truyền đơn đó của anh Ba “cửa tủ” nhưng anh nhận là của anh rồi bán hết vàng hết bạc anh đút cho tụi nó, rồi anh vọt lên Nam Vang, bỏ vợ bỏ con mấy năm trời. Chính vì có công, nên tôi mới dâng rượu cho anh đó.

Nhờ câu chuyện của chú mà tôi hiểu thêm một phần cuộc đời của cha tôi.

- Nhắm mắt ực một cái đi anh Hai.

Chú Ba Giáo đốc vô. Rượu chưa uống mà mọi người đã phấn chấn lên rồi:

- Vô đi anh Hai.

Nhắm không thể chối từ, cha tôi đành cầm chung rượu, ngửa mặt, nhắm mắt, ực một cái, như ực một chung thuốc độc. Ực xong, cha tôi trao cái chung lại cho chú Tư Chía, bước ra cửa, vừa phun vừa nhổ, rồi trở vào, ngồi phịch xuống ghế, mặt đỏ phừng. Lúc ấy tôi mới chợt hiểu là cha tôi không biết gì đến rượu chè. Còn anh tôi, mới mười tám mười chín đã rượu chè be bét rồi.

Sau đó, chú Tư Chía dâng cho mỗi người mỗi chung cho đến cạn cả chai.

Rượu xong, chuyện nổi lên râm ran. Chú Tư Chía ngồi không yên, cái lá cờ phía sau trên đầu chú phật qua phật lại theo câu chuyện của chú.

Chú Ba Giáo cười nửa miệng:

- Nghĩ cho cùng, cũng vì cái dốt mà ra hết. Chữ nghĩa Việt Nam mình có mấy tiếng trài trại giống nhau như: hủy là hủy bỏ, quỷ là ma quỷ, là ngân quỹ, rồi ủy, tức là ủy ban này ủy ban nọ, là một tổ chức để làm việc. Còn chữ dương thì có chữ vương là vua, còn dương thì dương trần, dương thế, hoặc âm với dương, mà dương cũng là dê nữa. Bà con theo đạo Phật giáo Hòa Hảo ở làng mình, có người thì dốt, có người chỉ mới biết đọc biết viết, giỏi lắm thì cũng chỉ tới lớp ba trường làng. Có người không hề đọc được một câu kinh, câu sấm, nghe người khác đọc rồi thuộc lòng. Chữ nghĩa không hiểu, lại nói cũng không rành rẽ, hủy, quỷ, ủy cũng nói là quỷ, vương hay dương cũng nói là dương. Cũng vì vậy mà ai nói xuôi nói ngược gì cũng nghe cũng tin. Cũng có người theo đạo Hòa Hảo có chút chữ nghĩa đã giảng cho tôi như vầy: Cộng sản tức là bọn hủy vương, hủy vương đây có nghĩa là bỏ vua, tức là bọn dân chủ.

Chú Tư Chía bật đứng dậy, đưa tay chém tới:

- Nói vậy tôi nghe được. Mình là dân chủ là bỏ vua, chớ không phải là ma là quỷ. Thôi chú Ba nói tiếp đi, tôi nghe lọt lỗ tai rồi đó.

- Họ nói Cộng sản, tức là Việt Minh bây giờ, yêu nước nhưng theo chế độ dân chủ, còn họ, đạo Phật giáo Hòa Hảo, cũng yêu nước nhưng theo chế độ quân chủ, nước nhà độc lập nhưng phải có vua. Vua là Đức Huỳnh giáo chủ.

Chú Tư Chía lại nói chen vào ngay:

- Đúng vậy.

- Thằng cha Hòa Hảo đó nói vậy còn nghe được.

- Thằng đó có phải đạo điếc gì đâu, tôi quen biết nó lúc còn ở Sài Gòn, là thằng mật thám, chui vô đạo.

- Hèn chi. Cho đến bây giờ họ vẫn còn xầm xì với nhau là khi nào có ba tiếng nổ long trời thì núi Cấm sẽ nứt ra, thành cung điện của nhà vua, và Đức Huỳnh giáo chủ sẽ lên ngai, trị vì thiên hạ.

- Trước đây, họ nói ngày đổi đời thì có quỷ dương đánh với binh tướng nhà Phật, theo cái nghĩa bây giờ tức là mình vái họ sẽ đánh nhau, phải không mấy anh? - Chú Tư Chía hỏi.

Không ai trả lời được một câu hỏi của chú, người này nhìn người nọ, người nọ lại nhìn người kia.

- Biết đâu chừng... - Chú Ba nói lững lờ.

Tự nãy giờ, vì một chung rượu, cha tôi cứ ngồi im, rồi như choàng dậy sau một giấc ngủ, thở dài.

Đâu có ngờ, vì cách phát âm không đúng với chữ nghĩa cũng là mầm mống gây ra không biết bao nhiêu điều tai hại sau này.



------------------------------------------------------------------------------
(1) Súng tiểu liên
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM