Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:41:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Dòng sông thơ ấu  (Đọc 3777 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 07:18:20 am »

DÒNG SÔNG THƠ ẤU
(TIỂU THUYẾT)

Tác giả: NGUYỄN QUANG SÁNG

NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG, 2002

Số hoá: hoi_ls







Chiếc xe đò từ Sài Gòn về làng, cuốn theo bụi cát của con đường dài hàng trăm cây số, dừng lại trước cửa nhà cha tôi. Xe dừng nhưng máy vẫn nổ, anh lái xe vừa bóp kèn, vừa vỗ cả cửa xe, ló cái đầu ra cửa, kêu lớn:

- Chú Hai ơi! Thằng Năm con của chú còn sống, về tới Sài Gòn rồi.

Không đợi cha tôi bước ra, anh cứ hét vọng vào nhà. Khi cha tôi, một ông già hơn bảy mươi, ốm yếu, từ trong nhà bước ra, chưa thấy mặt anh thì xe đã chuyển bánh rồi.

- Nó nói cái gì vậy bây? Chạy ra bến xe hỏi lại nó coi!

Chị tôi đang ngồi sàng gạo, chị nghe rõ hơn:

- Thằng Năm về!

Chị tôi vừa nói, vừa vụt chạy ra đường với hai bàn chân đất. Cả mấy đứa nhỏ trong nhà (những đứa mà ngày tôi đi, chúng chưa có mặt ở trên đời) và lũ nhỏ hàng xóm ùa ra đường, chạy ra bến xe ngoài chợ.

Chị tôi chạy trước, khi rõ được tin rồi, chị quay lại bảo với mấy đứa con:

- Về nói với ông ngoại, cậu Năm bây còn sống, về tới Sài Gòn rồi.

Từ chợ, chị ghé từng nhà trong bà con dòng họ, vừa đi, vừa chạy, đến lúc trở về, chị mới hay, cái đầu tóc xổ ra lúc nào, cứ xấp xải, và tay vẫn cầm cái sàng gạo.

Chị cười nói với mọi người:

- Tôi như con điên.

Hôm sau, cái mái tóc xấp xải của chị không còn nữa. Chị cạo đầu, chiều qua lúc trời vừa xẩm tối, sau khi đốt ba nén hương vái lạy ông bà.

- Tôi có vái, nếu đất nước được giải phóng, thằng em tôi còn sống thì tôi xin xuống tóc 1, xin ăn chay một tháng. Hồi nó đi tôi chưa lấy chồng, bây giờ tôi đã có tám mặt con rồi, còn gì!

Gia đình tôi có tám chị em, mất hai còn sáu. Chị lớn, chị Hai, mất từ bé, những đứa em sau không ai biết mặt chị. Người anh kế, anh Ba, thay chị là anh lớn. Chị thứ tư, tôi thứ năm, kế là em gái thứ sáu, thằng em trai thứ bảy cũng mất lúc còn ẵm ngửa, còn thằng thứ tám, và thằng út. Có người khen má tôi giỏi, sanh con thật đều, cứ ba năm một đứa, đến thằng út, không sanh nữa thì mất. Má tôi mất lúc tôi mới mười ba, chị tôi mười bảy, còn thằng út mới lên hai. Chị tôi phải thay má tôi, chăm sóc cả một đàn em. Còn anh lớn tôi, anh Ba, chỉ thấy mặt trong bữa cơm. Chị coi tôi như người bạn, việc gì cũng thổ lộ.

Một đêm hát đình, chị cùng bạn gái đi xem hát. Chị mặc áo dài trắng, cổ đeo cây kiềng vàng, tai đeo đôi bông hột đá, và tóc còn để ngang. Lần đầu tiên tôi thấy chị đẹp. Cái đình! Cái đình của làng tôi nằm ở giữa làng, bên con đường đá. Trước mặt đình, qua con đường đá là bến sông, bên kia sông là rặng cây của cù lao. Nhìn ngang là chợ Phủ Thờ có một hàng sao, nhìn xéo lên là tháp chuông của nhà thờ cù lao Giêng. Cái nhà thờ được dựng lên từ ngày Tây mới chiếm nước ta, nên còn gọi là nhà thờ gốc. Cái tháp chuông vượt hẳn lên khỏi rặng cây, ở phía bên này sông, đứng đâu cũng nhìn thấy, như cái lâu đài với màu xanh đang ngả xám. Cái chuông ấy bao lớn, không ai nhìn thấy; buổi chiều và sáng sớm, tiếng chuông ở tận bên kia, lan qua mặt sông, vang đến tận từng nhà bên này sông. Dù không theo đạo, cũng phải nghe tiếng chuông của Chúa! Cái đình của làng tôi thờ ai, chẳng mấy ai biết. Theo lời bà nội tôi kể, đình làng thờ ông Chưởng Cơ, tức là Thoại Ngọc Hầu. Sau khi đào xong con kinh Vĩnh Tế, vạch đường biên giới giữa nước ta với Campuchia, số người già yếu được Ngài cho giải binh. Số binh sĩ ấy mới trụ lại đất An Giang này, người bên Hậu, kẻ vượt sông, sang Tiền, xây cơ lập nghiệp. Nghe đâu, ông sở hay ông sơ 2 của tôi cũng là lính của Ngài. Hằng năm, hễ đến rằm tháng sáu, trăng tròn, thì có lễ cúng đình, làm heo, làm bò, vật cả trâu, những ai là người vai vế trong làng, áo dài với khăn bóng, đều tụ về, mâm trên mâm dưới, ăn ăn uống uống đến mấy ngày liền. Lại kêu gánh hát từ Sài Gòn về, hát suốt ba đêm. Ba ngày lễ ấy, từ trưa cho đến chiều, một chiếc xe ngựa, dựng hình đào kép với cảnh tuồng tích. Hai bên hông xe mỗi bên một tấm, sau xe một tấm, tấm nào cũng lớn bằng cái bảng đen ở trường, đủ màu xanh đỏ vàng trắng. Mặt các cô đào, các anh kép, mặt Quan Công cùng Lã Bố... Xe để trần không mui, trên xe có đào thật, kép thật, son phấn mũ mão với lông công, cùng với một cái trống. Chiếc xe ngựa chạy trên con đường đá, dọc theo làng với những tiếng trống thùng thà thùng thình tở mở. Ngựa chạy đến đâu, con nít hai bên đường ùa ra đến đó. Trên xe, họ ném giấy quảng cáo cho trẻ em giành giựt. Giấy quảng cáo tung ra trắng như cánh chim. Làm sao không nôn nao cho được! Nhà thổi cơm sớm, ai cũng chập chờn bước ra khỏi cửa. Sao đêm ấy, tôi không đi với chị tôi? A! Tôi nhớ ra rồi. Chị tôi dỗ các em:

- Người ta đông như kiến, đi lúp xúp dưới chân người ta, người ta đạp chết.

Chị hứa mai chị sẽ xay bột làm bánh tầm, bánh xếp, làm cả bánh con đuông, và có cả nước cốt dừa. Bọn em tôi vui ra mặt.

Sau này nghĩ lại, tôi đâu có ngờ, cái đêm hát đình năm ấy, chính là đêm quyết định số phận của chị tôi. Cái đình thờ thân của làng, chính là nơi trai gái gặp nhau, từ đó mà sau này họ nên vợ nên chồng.

Dưới bến, xuồng ghe từ các nơi đổ về, san sát bên nhau, như những chiếc bè. Trên đường, có một cái bãi trống dành cho xe ngựa từ xa tới. Ngựa rung đầu, tiếng nhạc kêu leng keng.

Trai gái từ dưới bến bước lên, từ trên xe bước xuống, từ các ngả đường bộ đổ về, mỗi người mỗi kiểu, mỗi cách, nhưng ai cũng muốn khoe sắc, khoe tài, khoe của. Họ mặc những bộ đồ đẹp nhất (ai không có thì đi mượn); con trai, đầu chải sáp thơm, láng mượt; con gái, thì nào bông tai, đủ kiểu: bông cẩm thạch, bông hột đá, cổ đeo dây chuyền vàng, cổ tay đeo vòng cẩm thạch, đeo dây neo, họ khoe cả chiếc răng vàng khi nhoẻn miệng cười (ấy là cái đẹp bấy giò, ở làng quê). Tóc của các cô gái thì chải bằng dầu dừa, mướt mượt (ai mà chẳng muốn vuốt ve).

Cái rạp hát ở trong sân đình, chứa không quá vài trăm, mà người thì chật cả sân, tràn ra đến tận con đường đá. Thấy mặt nhau là vui rồi, cần gì phải xem hát.

Khuya lắm, chị tôi mới về. Chị gọi tôi dậy. Nghe hơi thở của chị, tôi tưởng là chị vừa thoát khỏi một chuyện gì ghê gớm.

Lúc chị tới đình thì có một anh chàng cứ lẵng nhẵng theo sau. Chị vào đình xem hát, hắn cũng chui theo. Chị đi quanh co qua chỗ đông người, tưởng hắn không theo kịp, đến khi chị ra về, nghe có tiếng chân ai ở phía sau, quay lại, hóa ra là hắn. Hắn không chào, không hỏi, không trêu cũng không chọc, chị tôi đi nhanh, hắn cũng đi nhanh, chị tôi đi chậm, hắn cũng đi chậm.

- Còn đứng ở trước cửa nhà mình kìa! - Chị tôi không biết gọi anh ta bằng gì, nên nói trống không.

Từ con đường đá vào nhà tôi, phải đi qua cây cầu khỉ bắc ngang con kinh nhỏ, nên anh ta vẫn đứng ở bên đường.

- Để em lấy đá em liệng, cho thằng chả đi.

Tôi chưa cầm đá mà chị đã chụp lấy tay tôi:

- Đừng em, người ta đâu có làm gì.

Vài hôm sau, chị tôi nhận được thư của anh ta, thư tình. Nếu má tôi còn, chắc là chị thủ thỉ với má. Bây giờ chị biết nói với ai. Cha tôi? Lạ, ở làng, chỉ có nhà tôi gọi cha tôi là cha, còn người khác, họ gọi là ba. Ba hay cha cũng vậy, nhưng cái tiếng ba nghe nó gần gũi, thân mật hơn. Còn tiếng cha nghe như xa hơn và nghiêm khắc hơn. Cha tôi đúng là người nghiêm khắc, chẳng những con cái mà bà con dòng họ cũng như người quen biết ai cũng nể, cũng sợ. Má tôi cũng sợ cha tôi lắm. Mà cha tôi có làm gì ai đâu, cũng chẳng có chức quyền gì, một người dân, cũng chẳng phải là người giàu có, chỉ là anh thợ bạc, suốt ngày ngồi gò lưng, làm công lấy tiền. Vậy thì còn ai để chị nói? Chị chỉ nói với tôi, cho tôi xem cả thư tình. Thư anh ta viết, đọc nghe mùi như bài ca, bài hát trong tuồng cải lương.

- Chữ viết đẹp chớ, hả em?

Chị tôi khen. Hai ba ngày lại có một lá thư. Những lá thư ấy, chị tôi xếp cẩn thận, để trong áo gối, trên đầu nằm, chị bảo, để rơi rớt, sợ người ta bắt được! Cái anh chàng ấy khôn thật! Anh lân la thăm hỏi tất cả bà con bên ngoại, bên nội tôi. Đến lúc thấy mọi người đã yêu đã quý mình, anh mới nhờ người đến dạm hỏi. Tức khắc bà con nội ngoại tôi như đứng lên hùa theo.

- Mấy đứa em tôi còn nhỏ, tôi chưa đi được! - Chị nói vậy, rồi ôm thằng em út của tôi vào lòng, hôn lên mái tóc của nó: - Chị chưa đi đâu em!

Thằng em út tôi biết gì mà nói? Đúng như vậy thật. Sau này tôi được nghe kể lại: sau khi tôi đi bộ đội rồi, chị bồng thằng em tôi lên Sài Gòn, đi ở cho những người bà con giàu, nuôi em. Có người tưởng là con chị. Anh chàng trai kia vẫn cứ đeo đuổi mãi... Chị tôi đi đâu, anh đi đến đó, có điều không phải đi lẵng nhẵng theo sau. Nhà tôi bỏ làng, tản cư vào Tháp Mười, anh cũng đi theo, cất một cái nhà gần đó. Chị tôi lên Sài Gòn, anh cũng lên Sài Gòn, ở nhà bà con, để ngày ngày được thấy mặt. Có phải chăng là mối tình đầu của hai người? Bốn năm sau, khi thằng út bắt đầu cắp sách đến trường, chị mới cho cưới.

Khi đứa con trai đầu lòng của chị lên mười bảy, chị đưa vào chiến khu, cho đi Quân giải phóng, chị bảo nó làm sao cũng phải tìm cho được cậu Năm. Hai cậu cháu chỉ nhận được thư, chứ chưa gặp được nhau. Hai cậu cháu ở hai chiến trường khác nhau, quá xa cách. Chị tôi nói:
- Tôi nhớ nó nhưng không nhớ được cái gương mặt của nó. Tôi nhìn cha tôi, nhìn mấy đứa em, nhìn mấy đứa con để hình dung cái khuôn mặt của nó. Ba mươi năm rồi còn gì!

Đêm ấy, đêm mồng mười tháng năm, năm bảy lăm. Cha tôi không có thói quen ghi nhật ký, nhưng nếu trong đời có điều gì quan trọng, thì cha tôi gỡ tấm lịch trong ngày để vào cuốn sổ. Chỉ như vậy, không cần phải ghi chép thêm lời nào, ngày tháng của tấm lịch đủ gợi cho cha tôi nhớ tất cả.

Chỉ mới nghe tin thôi mà bà con hàng xóm đã lần lượt kéo đến thăm cha tôi, đông đến nỗi không đủ ghế ngồi cho khách, nhiều nhất là những người cũng có con đi xa như cha tôi. Khách ngồi cả trên giường, ngồi bệt xuống ngay bậc cửa.

Một người nói:

- Bây giờ tôi mới nhớ là anh còn có một đứa con thứ năm nữa. Lâu nay tôi quên bẵng nó đi.

- Không phải anh mà cả tôi nữa, là cha của nó mà cũng có lúc tôi tưởng trong đàn con của tôi, không có nó. Nó cứ đi biền biệt...

Rồi cha tôi dừng lại, nhìn xa xôi ra con sông:

- Như con sông chảy qua làng, có lúc mình quên mình ở bên con sông. Giây phút nào đó, dù bị lãng quên, con sông vẫn trôi qua, vẫn con nước ròng, con nước lớn, và rồi không ai có thể quên khi nó nổi sóng theo cơn gió.

Nỗi nhớ của con người, có lúc nó nằm yên, rồi khi chợt gặp một dáng đi, giọng nói của ai đó, hoặc một bài hát mà nó hay hát, nỗi nhớ lại dậy lên cuồn cuộn như sóng. Và kỷ niệm như những con thuyền, trăn trở không yên.

Nỗi nhớ như con sông vẫn chảy mãi trong đời người.

Sau khi quân Pháp neo chiếc tàu chiến ở đuôi cù lao Giêng, bắn đại bác vô làng, rồi cho bọn lính lê dương đổ lên, chiếm lại chợ thì mấy ngày sau nó đi. Nó đi theo chú Ba Giáo, ở cơ quan tuyên truyền của quận. Mấy tháng sau, lại nghe nó đi bộ đội...

Cha tôi tiếp:

- Sau khi Hòa Hảo dậy, tôi cho tất cả con cái xuống ghe, tản qua bên kia sông, vùng giải phóng. Một buổi chiều nước lớn, bộ đội đang hành quân. Xuồng nối theo xuồng dài dằng dặc trên kinh đổ vào Đồng Tháp. Bộ đội đi bằng xuồng chớ không phải bằng tàu mà con kinh vẫn nổi sóng. Súng lớn, súng nhỏ, có đủ. Người ta chạy xuống bến xem bộ đội, còn tôi và mấy đứa nhỏ thì ngồi sau lái ghe. Tôi nhìn theo từng chiếc xuồng bơi qua, cũng có ý tìm nó. Tôi chưa thấy nó thì nghe một tiếng kêu:

- Cha!...

Suốt từ đó cho đến nay, lâu lâu tôi lại chợt nhớ tiếng kêu của nó, và tôi thấy rởn óc.

Tôi quay lại, thấy một chiếc xuồng đang tách ra, bơi lại phía ghe của tôi. Nó ngồi mũi, rạp mình xuống mà bơi. Nó đã nhận ra tôi từ phía sau lưng. Xuồng vừa cập lại, nó đã nhảy tót lên ghe. Nó vẫn như vậy, nhưng so lúc ở nhà, nó rắn rỏi hơn. Nó mặc quần cụt đen, áo bà ba trắng đã cũ, áo bà ba mà để vô quần, thắt một sợi dây nịt, lủng lắng bên hông một trái lựu đạn. Trong bộ đội không phải chỉ có một mình nó, mà có nhiều đứa nhỏ như vậy, cũng như nó, làm liên lạc.

- Con đi đâu vậy? - Tôi hỏi một câu chẳng có nghĩa gì.

- Con đi hành quân.

Trong lúc đó, thằng em út của nó đã nhào tới, thằng nhỏ mới ba tuổi. Nó ôm thằng em vào lòng, nó hôn.

- Em ở lại mạnh, ngoan nhé!

- Anh đi bộ đội, về, mua kẹo cho em, nghen anh.

Trong lúc đó, chị nó nhìn thấy cái lỗ rách trên vai áo nó, chị nó bảo:

- Cởi áo ra, chị vá cho, sao mà rách rưới như vậy.

- Đâu có kịp, em phải đi. Để lần sau.

Nó nói vậy nhưng chẳng có lần sau nào nữa, cho đến bây giờ. Rôi nó nhảy xuống xuồng, rạp mình, bơi cho kịp anh em. Cái mái dầm trong tay nó quạt đến dậy sóng. Con xuồng lao đi như con thoi. Đi được một quãng, nó quay mặt lại, đưa cái dầm lên, chào!

Tôi tưởng đơn vị của nó cũng hành quân đâu đó trong vùng, như những lần trước, rồi cũng có ngày quay lại. Ngày rồi tháng, tháng lại đến năm, không thấy đơn vị của nó quay lại. Hỏi thăm mới biết là đơn vị của nó đã nhập vào một đơn vị khác, thành một liên chi gọi là liên chi 2K, tức là bộ đội của hai khu nhập lại thành một, từ đó vượt qua sông Tiền, vượt qua sông Hậu, xuống đến rừng U Minh luyện tập, rồi đánh vòng qua bên Bảy Núi. Có lúc tôi thầm trách nó, sao nó không nói với tôi. Nhưng tôi lại nghĩ, chuyện bí mật quân sự làm sao lộ được, vả lại, nó đứa liên lạc, nó biết gì.

Từ đó, gia đình tôi với chiếc ghe, đi từ Phong Mỹ, tản vào Mỹ An, Đồng Tháp, rồi từ Đồng Tháp dắt díu nhau về Sài Gòn làm ăn.
Không mấy chốc mà kháng chiến đã đến chín năm. Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Cũng là một dịp cho người thân đi tìm lại nhau. Tôi đang loay hoay chưa biết tìm cách nào đi thăm nó thì thằng thứ ba tù U Minh về Sài Gòn. Nó đi có việc của cơ quan giao cho. Vợ con của thằng Ba tôi cũng ở Sài Gòn, nên nó tìm tôi thật dễ dàng. Nó bảo nó có gặp thằng em nó hai lần ở U Minh. Theo sự chỉ dẫn của nó, tôi đi thẳng xuống Chắc Băng. Tôi mua nào bánh, nào kẹo. Có một người cũng đi thăm con, hỏi tôi, nó được bao nhiêu tuổi. Tính ra nó đã hăm hai rồi. Người bạn đường cười: “Nó đã lớn, kẹo bánh làm gì, phải mua đồ nhậu”. Đến lúc đó tôi mới sực nhớ. Bắt chước ông bạn đường, tôi mua thêm hai kí lạp xường, một kí tôm khô với hai chai rượu.

Đi xe rồi đi tàu. Tôi đến Chắc Băng, là bến tập kết của bộ đội miền Tây, chuẩn bị xuống tàu đi ra Bắc.

Bộ đội đóng dài theo con kinh Chắc Băng, hàng chục cây số. Cha mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng, từ các nơi đổ về, xuồng ghe tấp nập. Người ta đóng lều dưới bụi tre, dưới tàn cây, dài dài theo bến. Một cái lều là một cái bếp, cơm sáng, cơm trưa, cơm chiều, cơm tối, khói lên nghi ngút.

Tôi mướn một chiếc xuồng, bơi dài theo kinh, chỗ nào có bộ đội thì tôi tấp vô bến, đưa cái tấm hình hồi nhỏ của nó, hỏi anh em. Từ sáng cho đến tôi, ghé không biết bao nhiêu bến, nhưng không ai biết nó, đông quá mà! Tôi mừng hụt đến bốn lần, vì có bốn anh bộ đội trùng tên với nó. Đến tối, có một anh chỉ huy bảo tôi, cứ ra ngay cái bến tàu, đóng trại tại đó, rồi thế nào cũng gặp.

Đến bến tàu, tôi mới biết, không phải một mình tôi, mà cũng có nhiều người như tôi, cũng chờ con như vậy.

Tôi mua một chiếc chiếu, trải ngay dưới lùm tre, nhìn mặt từng anh bộ đội từ bến bước xuống tàu. Tôi chờ đến ba chuyến, cũng không thấy nó.

Một hôm, trong một đoàn quân, chiến sĩ nối nhau đi xuống bến, có một người tre trẻ, tôi thấy quen quen. Người chiến sĩ ấy cứ nhìn tôi, qua mặt tôi rôi, vẫn quay mặt nhìn lại. Tôi muốn hỏi mà chưa biết hỏi cách nào thì người chiến sĩ ấy đi thẳng lại trước mặt tôi:

- Bác có phải bác Hai không? (Chú còn nói đúng cả tên tôi nữa).

- Phải! Cháu là ai mà bác thấy quen quen.

- Cháu là Sườn, con của Tám “lò heo”.

- Vậy!

- Bác đi tìm thằng Năm phải không?

- Phải!

- Năm xuống tàu đi rồi bác Hai à.

Tôi bủn rủn cả tay chân.

Thằng cháu, tội nghiệp, chỉ kịp nói vậy thì phải quay đi cho kịp anh em. May mà tôi kịp trấn tĩnh, tôi gọi nó, trao cho nó cả cái túi kẹo bánh, rượu và lạp xường:

- Cháu đem xuống tàu, nhậu với anh em. Ra ngoài ấy gặp nó, nói là bác có đi tìm. Mà quên, cháu đã gặp ba cháu chưa?

- Dạ! Cháu đóng ở đây ba ngày rồi, chờ hoài mà không gặp. Bác Hai về, nói giùm với ba cháu, cháu còn sống, cháu đi, rồi cháu về.

Thời giờ chỉ có thể nói với nhau như vậy thôi. Lưng đeo ba lô, vai đeo súng, tay phải xách theo cái giỏ đồ nhậu, nó chạy theo anh em xuống tàu há mồm của tụi Pháp.

Khi tàu tách bến, xuồng ghe dưới bến cũng túa ra, kẻ bơi, người chèo đuổi theo tàu. Còn người trên bờ thì cũng ùa chạy theo trên con đường cập theo kinh. Tôi cũng chạy theo. Người dưới tàu giơ tay ra chào, đưa hai ngón tay. Người trên bến trên xuồng ghe cũng đưa hai ngón tay, hẹn rằng hai năm sau sẽ trở về.

Người cha tìm con không gặp con. Đứa con tìm cha, không gặp cha. Cuối cùng người cha không gặp con lại gặp đứa con không gặp được cha! Trớ trêu như vậy! Ở cái bến tập kết ấy, không phải chỉ có một mình tôi, mà cũng có nhiều người lâm vào tình cảnh như tôi. Những người không may ấy, giây phút, đối với nhau như tình ruột thịt.

Tôi chưa muốn kể, tôi đã gặp những chiếc xuồng của bậc cha mẹ đi thăm con, vừa bơi dài theo bến, vừa gọi tên con mình:

- Bảy ơi, Bảy! Má đây con!

Nghe thắt cả ruột gan...

Thằng Ba ở lại Sài Gòn hoạt động nội thành, lại bị bắt. Nó ở tù, nhung vẫn được tin. Còn nó, nó ở ngoài kia, bặt vô âm tín. Rồi một buổi trưa năm 1964, tôi đang ngồi, bỗng thấy từ xa một người đàn bà, dáng quen quen, tay còn cầm cây dầm, đi xấp xải.

Tôi nhận ra đó là con Tầm. Con Tầm nó gọi tôi bằng dượng. Hồi trước, tôi có nhờ con Tầm bồng bế thằng Năm lúc lên bốn lên năm. Vừa bước vô nhà, nó vừa kêu:

- Dượng Bảy ơi! Dượng Bảy!

Con Tầm đang ở trong vùng du kích của Đồng Tháp, không dễ gì qua tới cái làng bị chiếm này. Nghe cái giọng của nó tôi biết là có chuyện gì không bình thường. Tôi buông giũa xuống, hỏi:

- Chuyện gì vậy Tầm? Ngồi xuống, bình tĩnh rồi nói.

Nó ngồi xuống ghế, tay chống cây dầm. Chèo chống đường xa, mặt nó tái mét, lấm tấm mồ hôi, nhưng nhìn con mắt của nó, tôi thấy đỡ lo. Nó ngước nhìn tôi với cặp mắt sáng:

- Cháu qua đây để báo cho dượng một tin mừng.

- Tin gì mà mừng?

- Tin của thằng Năm.

- Nó về hả?

- Dạ không.

- Vậy chuyện gì mà mừng?

- Dượng bình tĩnh để cháu kể đầu đuôi - Bây giờ nó lại khuyên tôi bình tĩnh - Hôm rồi chú Ba Giáo ghé qua nhà, nói là thằng Năm con của dượng ở ngoài Hà Nội đã thành nhà văn, nhà báo rồi.

- Ba Giáo gặp nó?

- Dạ không! Nó ở Hà Nội, chú ở trong nầy, làm sao gặp mặt được!

- Không gặp mà sao biết?

- Dạ. Chú nói là chú đọc báo, chú thấy tên của nó.

Tôi thở dài:

- Chỉ đọc báo thôi thì lấy gì làm chắc. Với lại trong thiên hạ, đâu phải mình nó có cái tên đó.

- Lúc đầu cháu cũng nghĩ như dượng vậy. Nhưng chú Ba Giáo bảo chú thấy tên và cả hình của nó trên báo nữa.

- Mà cháu có thấy tờ báo đó không?

- Nếu thấy thì cháu đã lấy cái tờ báo đó đem qua cho dượng rồi. Đi đường cháu mới nghĩ ra. Chớ lúc đó, cháu mừng quá, quên hỏi, chỉ nghĩ cách qua cho dượng hay để dượng mừng.

Tôi nghĩ thương con Tầm quá. Tôi mong sao ở ngoài ấy, thằng Năm biết được chuyện này. Vì một tin vui của nó mà người chị bà con cô cậu của nó đã vượt qua đồn bót của giặc, vượt qua bom đạn, một chiếc xuồng với một cây dầm, vượt qua sông lớn.

Khi tôi đưa con Tầm xuống bến, tôi bảo:

- Nay mai có nghe tin gì thì nhắn qua, chớ đừng đi như vậy nữa.

- Có gì đâu dượng Bảy. Nhớ cái lúc nó đi lẫm đẫm, bây giờ nó nên người, cháu mừng quá!

Nếu con Tầm cho tôi biết nó đã lên tá hay lên tướng, tôi còn dễ tin hơn, vì nó là bộ đội, từ một người lính mà lên tá, lên tướng nghe nó phải cái lỗ tai hơn. Đằng này, lại thành nhà báo, nhà văn, nghe nó tréo ngoe. Với lại, cái nghề báo, nghề văn là nghề của chú Ba Giáo, nghề của người có ăn học, còn nó, nó học được bao nhiêu. Con Tầm nói vậy thì tôi hay vậy, để đó, chờ gặp lại nó, xem sao. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa chắc.

Một người bạn của cha tôi nói:

- Chuyện đời thay đổi biết đâu! Cũng không lâu, cách đây độ hai ba năm. Chuyến vô khu thăm thằng con của tôi, tôi cùng đi với một cô đi thăm chồng, cổ nói với tôi, lần đầu tiên gặp lại chồng từ miền Bắc vượt Trường Sơn trở về, cô hỏi chồng, bây giờ anh làm gì, anh chồng bảo đang làm bác sĩ. Bác sĩ! “Cháu nghe như nổ cái lỗ tai. Hồi ảnh đi, chữ không đầy lá mít, mà làm bác sĩ! Chắc là ảnh nói cho vui với vợ con! Cháu không tin. Về, cháu hỏi người ta, muốn làm tới bác sĩ thì phải học tới lớp mấy. Nghe nói, cháu lại càng ngờ. Học hết cơm hết gạo mới thành được. Ba cháu mới bảo, muốn chắc nó làm được bác sĩ hay không thì đi mượn một bài toán của mấy người đi học bác sĩ, đem vô cho nó làm thử, nó làm được thì đúng nó là bác sĩ, còn làm không được thì coi như nói dóc. Lần sau cháu vô thăm ảnh, cháu đem theo hai tờ giấy, một tờ là đầu đề của bài toán, một tờ là bài toán đã làm rồi. Gặp ảnh, cháu mới đưa cái đầu đề bài toán cho ảnh làm, đọc xong, ảnh nhìn cháu, cười cười hoài: “Bộ muốn thử tôi phải không, tưởng gì, dễ ợt”, “Dễ thì làm thử coi”. Ảnh vừa ngồi xếp bằng trên võng, vừa làm vừa cười. Ảnh làm bài toán mà cháu thì phập phồng. Khi ảnh đưa bài toán trả lại cho cháu, cháu mới móc cái giấy thứ hai ra cháu so. Mấy con số nó giống y như nhau chú à!”

Thấy cô mang nào lạp xường, nào khô, nào rượu, nào thuốc, tôi mới hỏi:

- Chuyến này mang vô thưởng đó phải không?

Con nhỏ cười ngoản ngoẻn thật dễ thương.

Người bạn cha tôi nói tiếp:

- Cái chuyện thằng con của anh nó thành cái gì đó, cũng được thôi anh Hai. Đã nói là Cách mạng thì cái gì mà làm không nổi, phải không bà con?

Chuyện này, chuyện nọ xọ qua chuyện kia, đêm ấy kéo dài cho đến khuya.

Con sông về khuya, từ nơi xa khơi lại đưa sóng vỗ vào bồ. Tiếng sóng êm ái như bàn tay của người mẹ vỗ nhẹ nhẹ lên vai con. Chiến tranh đã đi qua, dân làng hãy ngủ yên.



-------------------------------------------------------------------
[1] Cắt tóc

[2] Tổ bốn, năm đời
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Ba, 2022, 08:34:09 am gửi bởi ptlinh » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 09:03:56 am »

*
*   *


Tôi tưởng, nhà sẽ chuẩn bị đón tôi về, nhưng cha tôi, chị tôi đều nhắn ngược lên Sài Gòn, bảo tôi đừng về. Cha và chị sẽ sắp xếp nhà cửa, lên thăm. Bởi vì, làng đã được giải phóng rồi, nhưng còn lộn xộn lắm. Không biết trong toàn quốc thế nào, chớ trong tỉnh An Giang, làng tôi là làng sau cùng được giải phóng. Cái đồn bảo an của lính Hòa Hảo, có thằng đại đội trưởng ngoan cố, dù chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng, chính quyền ở tỉnh, ở huyện và cả các làng xung quanh đã buông súng đầu hàng, cái thằng đại đội trưởng đó vẫn cố thủ. Đêm cuối cùng, nó nhắn tin xin người chỉ huy cao nhất của Quân giải phóng đến thương lượng để xin nộp súng và xin được tha mạng sống. Nó có biệt danh là Tư “chày vồ”. Nó đánh người bằng chày vồ bằng sắt, một đầu sơn xanh, một đầu sơn đỏ, gọi là đầu sinh, đầu tử. Đánh bằng đầu đỏ là đánh cho đến chết, đánh bằng đầu xanh là còn để chừa cho cái mạng sống... Nó vừa là đồn trưởng đồn bảo an, vừa là tên đầu sỏ trong đảng cướp “Cua vàng”, dưới sự chỉ huy của tên thiếu tá ở tận cái gốc của làng Hòa Hảo.

Cái đảng cướp sao gọi là đảng “Cua vàng”, chẳng ai biết. Cái đảng “Cua vàng” của nó ăn cướp bằng nhiều cách, cần cướp của nhà ai, ban đêm nó gõ cửa, gọi chủ nhà dậy, đặt lên bàn trước mặt chủ nhà ba cây đinh dài một tấc hai. Chủ nhà hoặc nộp vàng, nộp tiền, hoặc sẽ bị đóng ba cây đinh vào đầu. Cách thứ hai, cần cướp nhà ai, thì tự nó đến nhà, để một lá thư lên bàn thông thiên 1 nhà ấy. Chủ nhà nếu không để ý thì đến giờ cúng lạy cũng phải thấy lá thư. Lá thư yêu cầu chủ nhà đóng quỹ cho đạo, biết thân thì mang đến tận đồn. Cách thứ ba, đến ngày sinh ngày giỗ, ngày cưới trong gia đình nó, nó phát thư mời cả làng. Tiền phải để vào cái phong thư nó gởi tới, để nó xem ai nhiều ai ít. Tiền cướp được nó dành để cất nhà lầu cho những vợ hai vợ ba, vợ tư... Người ta nói, qua các cù lao ở giữa dòng sông Tiền, sông Hậu, nếu thấy nhà nền đúc dựng lên sừng sững trong một khu vườn giữa những xóm lá thì đó là nhà của bọn vợ nhỏ trong đảng cướp “Cua vàng”. Ở những nơi xa xôi là mảnh đất tung hoành của những kẻ man rợ. Có người nói đầu của Tư “chày vồ” có bao nhiêu sợi tóc thì nó có bấy nhiêu tội ác. Người làng nghĩ rằng, vì tội lỗi quá nhiều, nên nó không dám tin đến lượng khoan hồng của Cách mạng, vì vậy mà trù trừ chưa chịu buông súng.

Người chỉ huy cao nhất của Quân giải phóng mà nó yêu cầu là anh xã đội trưởng. Buổi chiêu, trời xâm xẩm tối. Buổi chiều yên lặng đến kỳ lạ, cả làng như nín thở để đón tin, chỉ còn nghe tiếng sóng cồn lên của con sông, xô nhau vỗ đập vào bờ.

Cái đồn nằm một mình bên bờ sông, công sự bằng đất, bằng bao cát chất cao lên đến tận mái, xa trông như một cái mả lớn. Người làng gọi nó là cái mả sống. Những ngôi nhà ở cạnh bên đồn trước đây đã phải dỡ đi. Trước khi dọn cái bãi trống ấy, Tư “chày vồ” chọn một tên lính khỏe nhất, đứng từ cửa đồn, dang hết sức, ném bung ra một quả lựu đạn.

Tư “chày vồ” lấy cái điểm rơi của quả lựu đạn ấy, nhích ra thêm hai tầm đất, ra lệnh cho tất cả nhà cửa quanh đấy phải dọn đi, trụi lủi cả một vùng.

Chiều hôm đó, dân xóm đổ dồn lại những ngôi nhà cuối cùng ở bên đồn, người nấp bên gốc cây, người nấp trong nhà, vạch vách theo dõi từng bước của anh xã đội trưởng. Anh là người con trai xóm Đình, sống nghề ruộng, tuổi sắp ba mươi. Từ trong vườn cây, anh bước lên con đường đá, hai bàn tay không, bộ đồ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ. Anh đi... anh đi... hai bàn chân đất từng bước đặt trên con đường đá. Tim người như đập mạnh lên theo từng bước của anh. Ở cái đồn bảo an kia không một bóng người, không một tiếng động, im như cái mả.

Và anh đã đến tận nơi, trước cửa đồn mà vẫn không thấy một tên nào như đã hẹn. Anh bước thẳng vào trong như bước vào hang hùm. Rồi anh lại bước ra. Lột chiếc khăn rằn quấn cổ, anh phất lên, vừa phất vừa reo to. Thế là du kích và dân làng hai bên xóm tràn lên.

Bọn chúng đã dùng kế hoãn binh để không nộp súng và đã lẩn trốn đâu rồi. Chúng có thể kéo nhau qua cù lao Ông Chưởng, băng sông, về Bảy Núi, hoặc còn lẩn quất đâu đây để phá rối? Vậy là làng tôi, dù đã giải phóng rồi, nhưng chưa được yên.

Tôi vẫn thường mơ ước, sau ngày giải phóng, anh chị em dù có ly tán tận đâu, cũng quay về, sum họp dưới mái nhà xưa. Niềm mơ ước được nâng niu suốt ba mươi năm đi xa, cái ngày ấy đã đến, nhưng cái niềm hạnh phúc bình thường và giản dị vẫn không đến với tôi.

Nhà tôi, ngôi nhà sàn, vách tre, mái lá ba gian. Làng tôi, hầu hết là nhà sàn, nhà dài dọc theo bến sông, dọc theo hai bên con đường đá, dọc theo hai bên kinh rạch chảy vô đồng. Nhà nhà đều nằm dưới bóng mát cây vườn. Nhà, dù lớn, dù nhỏ, cũng phải là nhà sàn. Vì mỗi năm, năm nào cũng vậy, đến tháng sáu âm lịch, thì dòng sông Cửu Long chảy qua làng chỉ chảy có một chiều, không lên không xuống, không nước ròng cũng không nước lớn, mà từ trên nguồn đổ xuống, trôi ra biển. Người làng gọi là con nước quay. Trước ngày con nước quay, trên dòng sông, nước trong, gọi là nước bạc. Khi con nước quay, con nước đập vỗ hai bên bờ tận từ đâu ở đầu nguồn, mang theo phù sa, ngầu đỏ. Nếu ta đưa tay, vốc lên một ngụm nước, với con mắt thường, ta cũng thấy những hạt phù sa đỏ li ti. Mùa nước bạc, dưới bến nước mỗi nhà đều có một cái gáo dừa úp lên cây cột cầu. Người ta có thể dùng cái gáo dừa múc nước sông mà uống. Người đi xuồng trên sông, khi muốn uống nước, họ lột cái nón lá đội trên đầu, múc nước, rồi úp mặt xuống, uống ừng ực. Đối với người lam lũ, dòng nước của con sông quê hương thật ngọt ngào. (Ba mươi năm đi xa, nhiều lúc tôi thèm được uống nước theo cái kiểu như vậy, vừa uống vừa áp mặt mình vào nước sông cho mát mẻ). Đến mùa nước phù sa, người làng phải gánh nước, đổ vào lu, rồi đánh phèn, phù sa lắng xuống, nước lại trong. Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước ngập, không gọi nước lũ, vì nước lên một cách hiền hòa chớ không dữ dội như những nơi khác. Nước mỗi ngày mỗi dâng lên, dòng nước đổ một chiều, cuồn cuộn, đầy bờ. Cũng là những ngày mưa., mưa dầm dề. Lại có một cơn mưa dai dẳng, mù mịt, mưa sướt mướt ngày này qua ngày khác gọi là những ngày “ông tha mà bà không tha”. Mưa xói đất, giây bùn lầy trên các mặt đường, đi phải bấm hai ngón chân xuống đất. Cái mùa của ếch nhái rộ lên, lúc về đêm. Rồi đến rằm tháng bảy. “Rằm tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Dòng sông Cửu Long đã no đầy, lại tràn qua bờ, chảy qua các sàn nhà, tràn qua cả mặt con đường đá. Nước trong ao hồ, nước trong đồng ruộng của mùa mưa hòa lẫn với nước của dòng sông Cửu Long. Đồng ruộng, vườn tược và cây cỏ như biết giữ lại hạt phù sa ở quanh mình, nước lại trong dần. Ngồi trên nhà, ta thấy cả những đàn cá ròng ròng, từng đàn, từng đàn theo cá mẹ xuôi theo nước, vào tận đồng sâu.

Không phải ai cũng làm nổi nhà sàn. Có những nhà nghèo không đủ gỗ, phải đào mương, đào ao lấy đất đắp nền, nền phải cao, thật cao cho nước đừng tràn về. Nhưng cũng có nhà không đủ đất đắp một cái nền nhà quá mặt nước. Nước lên, nước tràn qua nền nhà. Lúc nước còn thấp, người ta lấy gạch đặt lên nhà, bước lên đó khỏi bị dơ, bị ướt chân. Ngủ một đêm, sáng dậy, nước lại ngập lên khỏi những viên gạch ấy rồi, ngồi trên giường, thấy cả những con cá lòng tong, con cá he vàng đang nhởn nhơ trong nhà. Lại phải lấy ván, lấy tre làm cầu từ cửa trước vào đến tận bếp. Vui quá! Có cả một cây cầu lắt lẻo ngay dưới mái nhà!

Làng không rừng, lấy gỗ đâu mà làm nhà? Làng tôi dùng gỗ từ rừng của nước ngoài, tận đất Campuchia. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước đổ, thì gỗ từ vùng Campuchia kết thành bè, theo con nước đổ về. Trên bè có cả cái mái nhà. Ban đêm họ đốt đèn măng sông sáng rực, chẳng khác gì cái chợ đêm từ xa đang trôi tới. Có bè trôi qua làng, về đến những nơi xa, có những cái bè tấp lại làng tôi, rã gỗ đưa lên xóm mộc. Đủ thứ gỗ. Cẩm lai để làm bàn, làm tủ. Bên nu để làm bàn thờ. Căm xe để đóng xuồng, ghe và cất nhà. Con sao thì để dựng đình chùa và miếu thờ. Cái xóm mộc làng tôi với cái xóm mộc làng bên liền nhau, dài đến năm sáu cây số, cặp dài theo con đường đá về chợ quận. Chen vào cái xóm mộc là những nhà nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa.

Phải nói đến cái chợ làng của tôi mới được. Chợ làng tôi, làng Mỹ Luông, là nơi qua lại các con đường. Chợ có phố lầu. Nằm giữa hai dãy phố mặt tiền, nhìn ra mặt sông là cái bến tàu. Phố ngang, phố dọc, có nhà lồng, có bến xe ngựa, xe hơi. Có tiệm thợ bạc, tiệm chụp hình, có tiệm rượu, tiệm hút, có nhà máy nước đá, có cả hai cái nhà máy xay gạo, máy chạy rầm rì suốt ngày đêm. Có cả nhà chứa cho gái làm tiền. Những làng ở kế bên và cả những làng ở bên kia sông muốn mua, muốn bán gì cũng phải qua chợ làng tôi. Muốn đi lên Nam Vang 2 làm ăn hay trốn nợ thì cũng phải ghé qua đây. Tàu Sài Gòn - Nam Vang sẽ cập bến. Muốn qua Long Xuyên về Chợ Mới hay đi Cái Tàu thì hãy đến đây, hàng chục chiếc xe ngựa đang chờ khách. Cái bến xe ngựa, ngựa chờ khách đang chồn chân, gõ móng, rung đầu, tiếng kêu leng keng. Ai muốn đi Sài Gòn thì đến bến xe hơi, xe của hai ba hãng đang nổ máy, kèn bóp inh ỏi với những tay lơ, tay anh chị đang chực chờ giành khách. Khác hơn tất cả các làng ở trong quận, làng tôi có cả một thằng cò Tây. Cái bót cò nằm cách biệt với phố với nhà, là một cái đồn dưới bến sông; cái đồn như ngăn đôi giữa phố chợ tường vôi mái ngói với dãy nhà sàn mái lá. Thằng cò Tây mũi lõ mắt xanh, râu ria, lông ngực, với một con đầm già da trắng, tóc quăn, mập thù lù như cái thùng rượu.

Ngôi nhà tôi nằm cùng một dãy nhà sàn bao vòng lấy phố chợ. Sân nhà có cây trứng cá, một cây xoài. Qua một con kinh nhỏ, bước lên con đường đá, qua bãi cỏ ống để cho những con ngựa kéo xe sau những chuyến đi được chủ cho vào nghỉ ngơi, nhai cỏ, thì đến cái bót cò Tây, trước cửa bót là con đường nhựa, qua hai dãy phố lầu, dẫn vào chợ.

Sau hè của xóm nhà tôi là sân banh. Nhờ vậy mà con nít xóm tôi đi coi đá banh, coi đua ngựa khỏi phải tốn tiền.

Ngôi nhà, tôi lớn lên, và từ đó tôi ra đi. Tôi đi, như mang theo cả cái nhà với bao nhiêu kỷ niệm, suốt hơn ba mươi năm.

Tôi nhớ, năm tôi mới vừa cắp sách đến trường làng, đêm đêm bà nội thường hay kể chuyện đời xưa cho tôi nghe, ông nội tôi mất từ lúc nào tôi không nhớ mặt, chỉ biết mặt ông qua tấm hình trên bàn thờ, mặc áo dài, đầu chít khăn đóng, có một bộ ria đậm đen, hai cái mép ria quớt lên như củ ấu. Nghe nói, hồi ông còn sống, nhiều người nể sợ lắm. Ông tôi không phải gốc ở làng, cùng một tỉnh, nhưng ở tận bên kia sông Hậu, trong rạch Cái Sao. Bị cường quyền giựt vườn giựt đất, nên lớn lên đã nghèo. Lại nhằm lúc cha mẹ già lâm bệnh, ông nội phải đi lính mướn cho một nhà địa chủ. Đi lính làm đến chức cai. Nghe nói ông tôi là người nóng nảy, uống rượu bằng tô, chẳng biết sợ ai. Có một chuyện của ông, cả làng đều rúng động. Một buổi chiều, sau khi uống vài tô rượu, ông cầm con dao xắt thuốc đi ra. Đi giữa đường lộ đá, đến thẳng nhà tên hương quản. Ông đứng trước cửa gọi nó ra, rồi chém vào bả vai nó ba nhát. Chém rồi mới hài tội đã ức hiếp ai trong làng: “Đất đai như vậy chưa đủ sao? Còn muốn giựt nồi cơm của người khác!”    Người khác đây là ông Chín, em ruột của bà nội tôi, ông Chín Hết. Ông tôi tên Hết là vì khi bà cố tôi đẻ ra người thứ tám, tưởng là thôi, nên gọi là Út. Sau, bà cố tôi lại đẻ ra một người nữa, thứ chín. Như người ta thì người ta đặt Út Một, Út Hai hoặc Út Tám, Út Chín. Trong làng đã có Út Mười Một, Út Mười Hai. Bà cố tôi bảo “đến thằng này nữa là hết” nên đặt tên cho ông tôi là Hết.

Khi ông Chín Hết tôi cưới vợ, ra riêng, bà tôi không còn đất để chia cho nữa. Ông tôi phải vào tận trong đồng sâu để phát hoang. Mới khai được một lõm đã thấy cây cột đá ló đầu trong đám đế. Ông tôi phát cỏ đụng nó, tưởng là hòn đá thường. Khi ông tôi đào lên, thấy cột đá đã cắm ranh đất, ông tôi mới biết là mình đã làm công không cho người khác. Sau đó, tên hương quản cho người xuống bảo đất đó ông ta đã đóng thuế cho nhà nước rồi. Ông nội tôi nghe chuyện, bảo ông Chín tôi: “Trồng gì thì trồng đi, chuyện đó để tao xử.” Lạ là không ai dám bắt ông tôi, mặc dù ông đã giải lính. Người làng nói, ông chém cái người chuyên đi bắt người thì còn ai mà bắt ổng nữa. Bà tôi nói, nhờ cái chuyện chém hương quản của ông mà từ đó, đất đai của bà con dòng họ được nằm yên, không chạy qua chạy lại nhà người khác nữa.
Trong làng có cò Tây, có lính, có hội tề, nhưng những người cùng đinh khi gặp điều oan ức, lại đến thưa với ông tôi. Lần sau khi nghe một người kể xong, ông tôi hỏi:

- Cái gì trong bị đó?

- Dạ con gà, đem biếu ông Hai.

- Cho tao? Gà sống à? Nè, đem về, cắt cổ, nhúng nó vô nước sôi, nhổ lông, làm lòng rồi đem đi luộc.

- Luộc xong rồi cháu mang đến cho ông?

- Đem qua nhà tao làm gì?

- Để cho ông Hai uống rượu.

Ông nội tôi nạt:

- Bày đặt! Luộc cho mấy đứa nhỏ trong nhà nó ăn. Rồi đi nói với thằng đó, chuyện đã động đến lỗ tai của tao rồi. Nghe chưa?

- Dạ.

- Thôi về đi,

Vậy là yên.

Bà nội tôi nói, trong đàn cháu, tôi là người giống ông tôi nhất. Cho nên, mỗi năm, đến giỗ ông, tôi phải đội sổ, quỳ trước bàn thờ. Có lần, bà tôi lấy một củ ấu, đặt lên môi trên tôi, đưa ngón tay trỏ giữ nó đứng lại, rồi kêu cả nhà xúm quanh tôi:

- Bây coi, nó giống ông nội bây không?

Cả nhà cười, bà cũng cười nhưng rơm rớm nước mắt.

Cha tôi thứ hai, cha tôi thờ ông và nuôi bà lúc bà về già. Bà tôi thương tôi hơn những đứa cháu khác.

Đêm đêm, tôi với bà nằm trên bộ ngựa gõ dưới bàn thờ ông, cái bộ ngựa đen mượt, nằm mát lưng làm sao. Tôi được bà gãi lưng và nghe bà kể chuyện. Mỗi đêm một chuyện đời xưa, cả chuyện thật từ đời ông sơ, ông cố, đến ông nội tôi. Nhờ vậy mà tôi hơn những đứa cháu khác của bà, tôi biết cả những chuyện ở cái thời tôi chưa đẻ. Kể xong, bà tôi dỗ tôi ngủ bằng cách rất là lạ, không hát, không ru, cũng không xoa đầu, mà gãi vào gan bàn chân của tôi... Nhột lắm, mỗi lần tôi rụt chân lại, bà lại gãi nhẹ hơn, dần dần tôi thấy thích, hai con mắt mơ màng.

- Bồng nó vô mùng! - Bà tôi bảo.

Đêm nào tôi cũng được cha tôi bồng, tôi có ngủ say đâu, tôi biết, nhưng tôi vẫn chưa híp mắt, để được nằm trong tay của cha tôi...

Một đêm, bà tôi kể:

- Hồi đó, có một anh nhà nghèo, nhưng có tài đá banh. Anh chạy nhanh như ngựa, banh đá xẹt đi như tên bắn. Anh được lòng một cô thợ dệt. Cô thợ dệt mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng là người đẹp nhứt làng. Cô ở với một người cậu. Cậu làm thợ mộc, nên cái nhà sàn của cô ở cũng là cái nhà sàn đẹp nhứt. Sàn cao đứng với tay không tới. Cột căm xe hồng hồng màu măng cụt, vách, sàn đều bằng cây thao lao. Cô sống nhờ cậu với cái khung cửi của mình. Cô ngồi dệt bên cửa sổ. Người đi đường ai mà không nhìn thấy mặt cô. Mỗi chiều, khi cô từ trên nhà bước xuống từng bực thang, tóc bới đuôi gà, người ta bảo cô đẹp như một nàng công chúa.

Anh nhà nghèo đó lại biết đàn, cây đàn hai dây. Tối tối, anh thường đến chơi nhà của cô. Những người đàn ca xướng hát ấy ngồi chơi dưới sàn. Cô là gái, cô không được xuống, cô ở trên nhà, nhưng vẫn nghe tiếng đàn của anh chàng nghèo, tiếng đàn như nức nở vì ngăn cách. Hai người đã phải lòng nhau nhưng không nói.

Trong lúc đó thì có một anh con nhà giàu, học cao, đang làm thông ngôn cho cò Tây ở chợ cho người đến hỏi cô. Cô bảo cô chưa nghĩ tới chuyện chồng con.

Một sáng, ông thợ bạc già ở chợ gặp anh chàng nghèo đi qua, ông gọi vào, nhờ anh cán cho một miếng vàng. Cô thợ dệt đi chợ về, ngang qua phố, chợt thấy anh đứng bên bàn cán trong lò thợ bạc, cô hỏi:

- Anh Hai học nghề thợ bạc hả?

Anh chàng nghèo bối rối, gật đầu:

- Dà! Sáng nay cô đi chợ?

- Dà! Làm cho em một đôi bông tai đi anh Hai!

- Dà!

Cô thợ dệt nói chơi vậy thôi, nhưng anh chàng nghèo lại chíp bụng. Từ đó, ngày ngày, anh đến với ông thợ bạc già, xin học làm bông tai. Suốt ngày anh gò lưng bên cái tủ thợ, tẩn mẩn, tỉ mỉ, cầm cây giũa giũa từng nhánh bông, có ngày quên cả ăn. Ông thợ bạc khen anh là người sáng dạ. Chẳng bao lâu, anh làm xong đôi bông tai. Bông có năm cánh như cánh hoa hồng. Bông nhận kim cương. Nhưng anh nghèo, anh làm gì có kim cương với hột xoàn? Anh nhận bằng hột đá. Làm xong anh để đôi bông vào cái hộp nỉ đỏ với một lá thư gởi cho cô:

“Cô Bảy!

Tôi vừa làm được đôi bông. Xin cô đừng chê của nghèo. Xin cô đeo bông này, mặc chiếc áo dài đen đi xem hát đình đêm nay...”

Cô thợ dệt làm đúng theo lời dặn trong thư. Cô đeo đôi bông hột đá, mặc chiếc áo dài màu đen. Dù là bông hột đá nhưng vẫn lấp lánh, cái áo dài đen của cô không lộn với những cô gái áo quần sặc sỡ khác. Hai người gặp nhau trong đêm hát đình. Tiếng trống đình như mừng cho hai người.

Họ thương thầm, gia đình hai bên chẳng ai hay biết. Ông cậu của cô gái ép cô phải lấy thầy thông ngôn của Tây. Cô vẫn một mực không ưng. Ép hoài không được, ông cậu của cô đuổi cô ra khỏi nhà. Đuổi dọa để cô ưng anh thông ngôn. Không ngờ, cô xuống tóc, lên chùa ăn chay. Đến lúc đó, ông cậu mới vỡ lẽ là cháu đã phải lòng anh chàng nghèo, ông hỏi:

- Mầy bỏ bùa, bỏ ngải gì con Bảy nhà tao, Hai?

- Dạ cháu có bùa ngải gì đâu, cháu chỉ thương cô Bảy thôi!

- Thương sao không đi hỏi đi nói mà thầm thầm lén lén?

- Dạ cháu thấy có thầy thông ngôn đi hỏi rồi, người ta giàu, còn cháu thì nghèo.

- Mày có thương nó thiệt bụng không?

- Dạ, thương thiệt.

- Thiệt bụng thì lên chùa, kêu nó về, tao gả không.

Vậy là hai người thành vợ thành chồng. Ai ai cũng khen hai vợ chồng là người chung tình, xứng đôi, hạnh phúc. Vì cái đôi bông tai mà anh chồng làm luôn nghề thợ bạc. Anh không giàu nên không mở lò làm chủ, anh cũng không làm công cho ai. Nhà anh là nhà sàn xa chợ. Nhà ngoài gọi là thảo bạt, sàn nhà bằng ván thao lao rất đẹp, để tiếp khách, không sang nhưng lịch sự. Anh đặt cái tủ thợ ngay trong một góc thảo bạt, dưới tủ anh lót một tấm đệm để mạt vàng không rơi xuống sàn nhà.

Anh khéo tay, và cái tấm gương chung tình của hai vợ chồng anh mà cả làng và mấy làng chung quanh, làng ở bên kia sông, ai muốn làm đồ cưới cũng đem đến anh, nào bông tai, cà rá 3 với dây chuyền. Anh làm lấy công, nhờ nhiều hàng, nên đủ nuôi vợ, nuôi con. Hết chuyện!

Kể xong, bà tôi bảo:

- Cháu biết hai vợ chồng anh thợ bạc đó là ai không?

- Không!

- Là thằng cha với con mẹ của mầy đó.

Hèn chi lúc bà tả cái nhà sàn của anh thợ bạc, tôi nghe sao giống nhà mình. Bà tôi có lối kể chuyện như vậy, chuyện thật mà giống với chuyện đời xưa cứ lẫn vào nhau, khiến tôi cứ mải mê.

Vậy là ngày xưa má tôi đẹp lắm?

Tôi làm sao biết được má tôi ra sao hồi thời con gái. Dù ở gần cái chợ có tiệm chụp hình, má tôi vẫn giữ phận một cô gái quê, lại là một cô gái mồ côi, ở nhờ nhà cậu, chẳng biết đua đòi với ai, nên chẳng có một tấm hình thời con gái. Má tôi đẹp, bà tôi nói vậy tôi cũng tin vậy, chớ má tôi bây giờ là một người đàn bà nhỏ nhắn lại gầy gò, suốt ngày thui thủi với bếp núc. Má tôi có một tính lạ. Năm nào má cũng nuôi một con heo. Con heo, mỗi ngày má tôi dẫn xuống kinh tắm một lần thật sạch sẽ, nó cứ loanh quanh theo chân má tôi. Đến ngày bán heo, má tôi khóc. Má tôi càng ngày càng nhỏ lại vì bịnh. Thầy thuốc ở trong làng đều chạy, không biết bịnh gì. Má tôi ít khi ra nhà trước, thường nằm trên chiếc võng ở nhà trong. Dù bịnh, dù nằm một chỗ, má vẫn không rời mắt khỏi các con, vẫn lo cho từng đứa.

- Tội nghiệp thằng út, chưa được một bộ đồ mới.

Thằng em út tôi phải mặc đồ cũ của anh. Vì phải lo thuốc thang cho má nên nhà tôi suy sụp, và năm đó, năm củi quế gạo châu, vải sồ quá đắt.

Tôi học hết lớp ba trường làng, sắp thi lên trường quận, tôi phải ôn thi. Nghe nói học vào lúc gần sáng, đầu óc tỉnh táo, mau thuộc bài, nên ngày nào tôi cũng dậy từ lúc bốn giờ. Tôi tưởng cả nhà tôi đều ngon giấc, chỉ có mình tôi với đèn sách.

Tôi ôn bài tập đọc sách tiếng Pháp, đang đọc ngon lành, thì từ trong mùng, má tôi hỏi vọng ra:

- Cái gì? Cái gì mà lơ nước mắm?

Tôi giựt mình, dạ. Má tôi lại hỏi:

- Đang học tiếng Tây tiếng U rồi sao lại lơ nước mắm? Bộ buồn ngủ hả?

- Dạ, trong bài có lơ nước mắm.

- Vậy thì cứ lơ cha, lơ má, lơ nhà, lơ cửa, cần gì phải đi học?

Tôi phải nói cho má nghe, theo lời thầy dạy thì Tây không có nước mắm, nó không có chữ, nên phải mượn tiếng nước mình.

- Tây nó không có nước mắm? Sao nó ngu vậy? Nó ăn lạt à?

- Dạ! - Tôi cứ dạ bừa cho qua.

- Ăn lạt, ăn lẽo, hèn chi cái da của nó cứ trắng toát, nó ác với dân mình.

Hóa ra là hằng đêm, má tôi cũng thức lo cho tôi học. Tôi thi đậu. Khi tôi lên học trường quận thì bịnh của má càng nhiều. Má tôi bị lao, ho hắng suốt đêm. Mỗi chủ nhật về thăm, má tôi mỗi khác, gầy sút đi. Bà tôi cũng bịnh, bịnh già. Thật lao đao. Trong bà con có người nói, nhà tôi suy là vì dưới nền nhà, hồi trước, có mấy cái mả. Mình giành chỗ của họ, nên họ phá, phải rước thầy về cúng. Nhưng cha tôi không tin. Có hôm, cha tôi phải mượn tiền để đi chợ.

- Suy sụp đến nước nầy là cùng! - Cha tôi than. Cha tôi trỏ nên ít cười, ít nói, bỏ hết thú vui trong đời.

Khi bà tôi mất vì bịnh già thì cũng trong bà con có người nói, rồi má tôi sẽ đỡ, vì trong nhà, một năm không thể có hai cái tang. Không có gì làm tin, nhưng cũng là lời an ủi. Bịnh tình má tôi không thấy đỡ chút nào, càng ngày lại càng nặng.

Cũng một ngày chủ nhật, từ trường quận trở về, tôi thấy má tôi khác hẳn đi. Má tôi cạo đầu. Má tôi vái, nếu trời phật phù hộ, má tôi sẽ lên chùa.

- Hồi còn con gái má đã lên chùa, cũng xuống tóc như vầy, nhưng vì cha con nên má trở về. Cái số của má là phải lên chùa thôi! Chiều chiều má sẽ về thăm mấy con, rồi mấy con lên chùa thăm má. Chùa có hàng sao, có cây đa, mát lắm!

Vái rồi, cúng rồi mà bịnh tình của má tôi cũng không thuyên giảm. Cũng trong bà con, có người khuyên, hãy lên làng Hòa Hảo để gặp Đức Thầy. Đức Thầy là người giáng thế cứu chúng sinh.



--------------------------------------------------------------------
(1) Bàn thờ

(2) Tên gọi theo âm Việt để chỉ Phnôm Pênh trước đây

(3) Nhẫn đeo tay.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 09:10:58 am »

*

*          *

 

Chiếc xe ngựa đưa tôi từ chợ quận trở về. Cũng con ngựa Cu của anh Hoàng. Anh là con của chú Tư Khởi, người cùng xóm, nhà ở đầu cầu sắt. Nhà anh có hai con ngựa, con Ô với con Cu. Con Ô cao lớn, chạy buổi sáng, chở được nhiều khách. Và khi cần vượt qua xe khác để đón khách, anh chỉ ra roi đánh gió một cái tróc là nó chồm lên, cất cao bốn vó, sải dài, và khi tiếng kèn anh bóp tò te tò te, thì nó qua mặt chiếc trước rồi. Còn con Cu, nhỏ hơn, vừa thấp lại vừa ngắn, lông vàng như lửa. Nó chạy buổi chiều, ít khách, nó sải thua con Ô, nhưng chạy nước kiệu rất bền. Cái tiếng vó của nó gõ xuống mặt đường lóc cóc, đều đều thiệt dễ thương. Tôi thích nó hơn con Ô, vì tôi có thể trèo lên lưng nó mà nó không đá. Mỗi lần tôi về thăm nhà, tôi thường đi xe của anh. Anh cho tôi đi nhờ, không lấy tiền; thỉnh thoảng, đến những đoạn đường vắng, anh trao cả dây cương cho tôi... Cầm được dây cương, giựt giựt cho nó chồm lên, thú lắm. Cũng có lúc, anh nhờ tôi dẫn con Cu quần chân, cho ăn cỏ trước khi bịt mắt(1), thắng vào càng xe. Anh Hoàng lớn hơn tôi chừng bảy, tám tuổi, người xấu xí nhưng tốt bụng. Chú Tư Khởi mập mạp, mặt hồng hào, ngực loắn xoắn đầy lông. Chắc là anh giống má anh. Người anh cao, gầy đét, rỗ ba mè, mắt lé lại đi hai hàng. Anh thường hay mặc áo xá xẩu, đầu đội cái nón không vành, thủng một lỗ ngang đầu, để ló ra một chòm tóc...

- Đ... mẹ! Mấy bữa nay, chiều nào cũng ế. Xách xe không chạy hoài!

Rồi không thể giận ai, anh giơ roi, đứng lên, nẹt một cái trót, khiến con Cu giựt mình, chồm sải tới. Anh quay roi, hê hê hê... độp, độp... vó ngựa sải đều.

- Đ... mẹ. Buồn quá! - Anh ngồi phịch xuống, ném hai sợi dây cương qua tay tôi. - Ê, Nhỏ! Bộ trốn học sao mà bữa nay về?

- Không. Nhật nó mượn trường rồi.

- Mượn cái con c..., nó lấy chớ mượn cái gì. Mượn! Nó mượn luôn cái nước của mình cho mầy coi. Thôi học tiếng Nhật đi... - Rôi anh nói luôn một loạt tiếng Nhật: - Dô tô, dô tô nay, dô tô ca, dô tô c...

Rồi anh cất tiếng hát, hát bài hát của Nhật. Trước khi quân Nhật đến thì bài hát của nó đã đến rồi, rất thịnh hành, trai gái hát nghêu ngao.

Anh hát toàn tiếng tục:

- Đi đù đi, đù đi, đu đu...

Anh buồn hay vui, không hiểu nổi. Còn tôi thì buồn quá! Tôi đâu có ngờ, chuyến xe đưa tôi về chiều hôm ấy đã đưa tôi ra khỏi cuộc đời học trò, đến một cuộc đời khác, quá sớm đối với cái tuổi mười hai, mười ba. Không còn nghĩ gì đến sách vở nữa, phải lo đến cảnh nhà, phải nghĩ đến miếng ăn, phải nghĩ đến chuyện theo ai, đạo nào.

Con đường từ chợ quận về làng tôi dài mười hai cây số. Con đường đá trắng chạy qua làng Long Điền. Cũng như làng tôi, nhà sàn hai bên đường, cũng dưới bóng cây, vườn xoài, vườn mận. Hai bên đường, hai hàng gòn, so đũa, hai hàng me nước hoặc trâm bầu. Có đoạn, xe như chạy vào giữa một khu vườn rợp bóng cây, bỗng hiện trước mắt mình con sông mênh mông trắng xóa sóng bạc đầu. Mỗi tuần, tôi đi về hai lần, chiều thứ bảy, trưa chủ nhật, suốt trong ba năm. Con đường quen thuộc biết bao! Con đường không ngớt tiếng vó ngựa xe. Con đường cho tôi qua những trại cưa, qua xóm mộc với bàn tủ dựng hai bên đường, với màu gỗ mới, với mùi thơm của nước sơn. Qua xóm dệt với những nong kén vòng trước sân nhà, qua khung cửa sổ của những cô thợ dệt, qua những lò nhuộm với những anh chàng lực lưỡng, hai tay hai cái chày thi nhau nện đều.

Chuyến xe chiều hôm ấy cũng qua những trại cưa, nhưng không nghe tiếng rột rạt của tiếng cưa, cũng không thấy những bụi hồng rơi từ lưỡi cưa xuống nữa. Cũng xóm mộc, nhưng không còn nghe tiếng đục đẽo, cũng không thấy từng cuộn dăm bào trào ra trên bàn bào trong những ngôi nhà quen thuộc nữa. Và xóm dệt đã thành một xóm vắng. Con đường bỗng trở nên dài, heo hút. Tiếng vó của con ngựa Cu vẫn lọc cọc gõ đều trên mặt đường đá.

- Ê, Nhỏ! Mầy định theo ai? Tây, Nhật, Cao Đài, Hòa Hảo hay Cộng sản?

Anh hỏi mà không cần nghe tôi trả lời. Hay là anh tự hỏi mình và vừa hỏi anh vừa ra roi đánh gió, thúc con Cu sải tới. Hình như anh đang trút sự bực bội lên mình con Cu trong buổi chiều vắng khách này.

Con Cu đang sải, anh bỗng gò dây cương lại giựt cái đầu nó quẹo về phía bên trái.

- Tới cột dây thép rồi, nghỉ chút.

Cột dây thép là cây cột cao nhất bằng sắt, nằm bên mé sông. Cái bệ của nó hình vuông, càng lên cao càng nhỏ, và cái đỉnh của nó vượt lên cao hơn tất cả cây cối trong làng, cao hơn những hàng sao ở đình nữa. Bên này một cột, bên kia sông, cù lao Giêng cũng một cột như vậy. Hai cây cột nối với nhau bằng những sợi dây căng ngang qua mặt sông. Vào mùa nước lớn, tàu Nam Vang - Sài Gòn, dù cao đến mấy, kể cả những tàu lớn của Tây chạy tới nhà thờ vào ngày lễ Nôen, cũng không vướng được dây. Có những con chim đậu theo dây thấy nhỏ xíu. Ở ngay cái bên của cột dây thép này, những khu vườn nối liền nhau, dài theo hai bên đường như dừng lại ở đây, mở ra, để người đi đường được nhìn thấy cảnh mênh mông của con sông, để được nhìn thấy bên kia cù lao và cái tháp chuông của nhà thờ lớn.

Nếu không có cái cù lao nổi lên giữa dòng thì con sông chảy qua làng tôi ở khúc này bùng ra bao la biết bao, chắc không nhìn thấy được rặng cây bên kia bờ.

Cái cù lao nổi lên giữa dòng giống nhu trái xoài, vườn tược xanh um, có đến bốn, năm làng.

Anh Hoàng để xe đậu lại dưới thân cây cột dây thép.

- Xuống mé ngồi chơi. Nhỏ! - Lúc nào anh cũng gọi tôi là Nhỏ, không bao giờ gọi tên, hết sức thân yêu.

Tôi theo anh, ngồi bên mé nước, cả hai anh em đều đi chân đất. Anh lột cái nón nỉ không vành, kê đít, còn tôi thì ngồi bẹp xuống đất. Gió chiều trên sông mang theo hơi nước, thổi mát đến chân tóc. Anh duỗi chân cho sóng liếm lên bàn chân.

- E, Nhỏ! Mầy biết cái cột dây thép này không? Hồi đó, chắc là mầy chưa đẻ, còn tao thì mới bảy, tám tuổi nhưng tao còn nhỏ. Hồi Cộng sản dậy, năm ba mươi, Cộng sản treo lá cờ đỏ búa liềm trên dây thép, ở giữa sông kia kìa. Lá cờ bự bằng hai ba tấm đệm -Giọng anh trở nên sôi nổi: - Trời ơi, lá cờ nó bay, coi thật là đã con mắt. Thằng cò Tây ở chợ mình sợ quá, nó đánh dây thép lên quận, thằng quận đánh điện lên chủ tỉnh. Tàu Tây từ tỉnh chạy qua, chạy tới đuôi cồn, thấy cái cờ đỏ búa liềm bay ở trên giữa sông, hồn xiêu phách lạc, nó bắn đùng đùng, rồi quay mũi tàu, chạy tuốt về tỉnh. Mấy bữa sau nó mới cho lính tới, bắt tụi lính trèo lên cột, chặt đứt hết trơn mấy sợi dây thép, mới hạ được cờ. Mầy biết ai treo lá cờ đó không, mầy Nhỏ?

- Hồi đó tôi chưa đẻ, tôi làm sao biết.

- Ừ, phải. - Anh vừa nói vừa nhướn hai con mắt, vẻ tự hào.

Chuyện treo cờ đỏ búa liềm ở cột dây thép, tôi cũng đã nghe cha tôi nói rồi. Ba mươi năm sau, tôi trở về, cha tôi cho biết, người treo lá cờ Cách mạng đầu tiên ở làng là ông Chín Đỏ. Cha tôi nói thêm: “Cha mẹ ông, lúc mói sanh ông ra, sao không chọn cho ông một cái tên khác, mà chọn cho ông cái tên Đỏ, để sau này, khi lớn lên, lãnh một sứ mạng quang vinh của làng, đã leo lên cột dây thép giữa một đêm khuya để treo lá cờ đỏ, làm sáng cả lòng người. Tên của con người có mang theo ý nghĩa gì về cuộc đời của mình”.

Anh Hoàng tiếp:

- Còn chuyện này thì chắc mầy còn nhớ.

- Chuyện gì?

- Cũng cái chuyện treo cờ ở cột dây thép nầy. Nhỏ, mày nhớ không? Cũng treo cờ, nhưng lần này, thì cờ khác, cờ cũng màu đỏ, nhưng ở giữa là ngôi sao vàng.

Anh kể và tôi nhớ. Năm ấy, tôi lên tám, còn đi học ở trường làng, cả lớp tôi đều chạy ra mé sông, nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa lưng trời, trên dòng sông. Những ngày sau đó, lính từ trên tỉnh đổ xuống, bọn lính áo vàng súng có lưỡi lê, đi với thằng cò Tây, thằng hương quản, lùng sục khắp xóm. Xóm Cột dây thép bị lính đổ dầu đốt. Ngọn lửa của những ngôi nhà cháy cuốn theo cả bàn, ghế, giường, tủ, cả gỗ, cả mạt cưa, cả dăm bào của xóm mộc. Ngọn lửa thè cái lưỡi lên khỏi ngọn cây. Lửa vừa cháy, vừa nổ, khói lên cuồn cuộn, gió thổi tràn lên đến tận chợ, mịt mờ, khét lẹt.

Người làng bị bắt đông đến nỗi không có đủ còng để còng tay từng người nữa. Người bị bắt bị trói thúc ké bằng dây luộc, kéo thành xâu. Từng xâu người, giữa hai hàng súng cắm lưỡi lê, bị thúc, bị đẩy, lê đi trong khói nhà cháy.

- Con chạy ra xem coi có ông Tư của con không?

Ông Tư là em ruột của bà nội tôi. Nhà ông Tư tôi ở xóm Đình. Bà cố tôi ở với ông. Bà cố tôi là người già nhất trong làng. Người bà nhỏ, lưng còng, tóc trắng như bông. Suốt ngày bà chỉ lần chuỗi hột, môi mấp máy (chắc là đếm), không nói với ai một lời. Ai đến nhà, dù bà không nói, khách vẫn thấy bà chào hỏi qua vẻ mặt hiền từ của bà. Năm nào cũng vậy, hễ đến ngày nghỉ hè là tôi tót xuống nhà ông Tư tôi. Nhà ông có vườn, có xoài, có mận, có xabôchê(2), có cả nhãn nữa.

Buổi trưa hè, tôi thích nằm trên cái bộ ngựa gõ của ông. Nhà sàn, nhưng bộ ngựa thì để dưới đất, dưới mái hiên gần gốc cây vú sữa. Cái hàng rào sân nhà là hàng cây bông bụt(3). Qua khỏi sân, đến con đường đá, qua mặt đường thì đến con đường đất nhỏ giữa hai hàng trâm bầu, đến bến sông... Bến sông, nước ròng là một bãi cát dài. Tôi cùng với lũ nhỏ xóm vườn lấy lá chuối bó thành trái banh, lấy bãi cát làm sân, cứ trần truồng, chơi cho đến lúc nước ngập khỏi đầu. Còn lại theo mấy chị đi mò ốc gạo nữa. Nói là mò, nhưng đâu có phải mò từng con, mà lấy cái rổ lặn xuống, xúc lên một rổ cát, rồi cứ bưng cái rô cát trước ngực, đãi cho cát trôi đi, rồi lượm lấy ốc. Có con to bằng ngón chân cái. Chiều, tôi lại bưng một rổ ốc gạo về cho bà, cho má, cho chị, cho em. Ốc gạo đem đi luộc, ăn với nước mắm gừng. Nghe lời dạy của mấy chị ở vườn, tôi bẻ cả gai quýt, gai chanh đem về để làm kim mà lể ốc.

- Ăn ốc bằng gai quýt gai chanh, ăn nó thơm, chớ không phải như dân ở chợ, ăn bằng cây kim đâu.

Ông tôi thương tôi lắm. Ông ít khi gọi tôi bằng tên.

- Con thằng Hai về, bây đâu?

- Dạ.

- Leo lên lựa cho nó một trái dừa.

Mấy người dượng, chồng của cô tôi, thoắt cái đã leo tới ngọn dừa. Nếu “bây đâu” mà không nghe ai dạ, thì chính ông, ông đi trèo dừa. Dừa nhà ông cây nào cũng cao, nhìn trật ót. Ông là người khỏe mạnh, cái ngực của ông tôi đầy đến nỗi người ta bảo là cái ngực đi trước. Ông để ria mà không để râu. Tôi ít khi thấy ông tôi mặc áo, suốt ngày chỉ mặc một cái quần cụt, quần vận, cụt nhưng dài đến gối, vận thành một cục tròn như củ hành dưới rốn.

- Trong họ hàng nhà mình chỉ có con thằng Hai là đứa có chí học hành. - Ông thường nói với cô dượng tôi như vậy. - Có gì cho nó ăn!

Còn bà Tư tôi, lần đầu tôi từ trường quận trở về, bà hỏi:

- Con đi học vậy, nhà nước trả lương cho con mỗi tháng bao nhiêu tiền?

- Dạ, hai đồng bảy cắc rưỡi.

- Đủ không?

- Đủ đóng tiền cơm với ăn xôi sáng.

- Vậy!

Tưởng bà hỏi để cho biết, không dè, hễ mỗi lần có khách là bà gọi tôi, hỏi cốt để cho khách nghe. Nhiều lần như vậy, sau nầy hễ thấy khách tới chơi là tôi chạy trốn. Bà gọi mấy tôi cũng làm thinh.

- Toàn cái tỉnh nầy chỉ có năm đứa đi học được nhà nước trả lương. Quận nầy chỉ có mình nó...

Nghe bà nội bảo, tôi xuống cầu thang, chạy qua cây cầu khỉ, đứng bên vệ đường.

Xâu người bị bắt từ xóm Đình, bị lính giải qua cửa nhà tôi. Tôi nhìn từng mặt người, tôi không biết tên, nhưng đều thấy là người quen ở xóm vườn, là những người ở ruộng, mặt sưng tứa máu, ngực bị bầm tím. Họ nhìn tôi, thằng nhỏ ở bên đường, những đôi mắt muốn nói thay lời, cứ nhoi nhói trong trí nhớ tôi.

- Bà ơi, không có ông Tư.

- Con coi, còn có tốp nào nữa không con?

Vừa lúc đó thì cô Hai Thảo, con đầu của ông Tư tôi, từ nhà lên tới. Cô nói với nội, với cha tôi: ông tôi thoát khỏi rồi, đang ẩn trong đám đế ngoài đồng. Cô kể, bọn lính tới vây nhà, nhà không còn ai, chỉ còn bà cố tôi đang cầu Phật. Nó hỏi gì, bà tôi cũng cứ bấm từng hột chuỗi, không nói một lời. Nó ra lệnh đốt nhà thì hương quản trong làng nói với cò Tây, nhắc đến tên ông nội tôi. Nói là nhà của ông Cai ngày trước. Vậy là nó rút đi.

Báo tin mừng ấy xong, cô tôi bước vào nhà trong đốt ba nén nhang, vái trước bàn thờ ông nội tôi:

- Dượng Hai ơi! Dượng mất rồi nhưng uy danh của dượng vẫn còn lo cho dòng họ. Hồn có thiêng, xin dượng hãy về bao bọc cho dòng họ trong cơn nguy biến này. Nam mô a di đà Phật.

Sau những ngày ẩn náu trong lùm, trong đế, ông không chỉ để ria trên mép, mà để thêm râu cằm nữa, vài sợi lơ thơ. Một điều lạ hơn nữa, ông không ở trần nữa, lúc nào cũng mặc áo, gài đến nút cổ.

- Sao ông không ở trần nữa ông?

- Từ bữa đó, anh em bạn bè bị bắt hết, ngày ngày ông thấy lạnh lưng con à!

Tôi nghe người ta gọi ông là ông Tư Ghe, cái tên sao mà xấu vậy. Tôi hỏi cha, cha tôi cười:

- Bà cố đâu có đặt cho ông con cái tên như vậy. Đó là biệt danh của ông.

Cha tôi kể, hồi tôi chưa đẻ, ở làng Long Điền giáp ranh với làng tôi có một thầy giáo từ xa đổi về: thầy Châu Văn Liêm, nhà hoạt động Cách mạng. Là thầy giáo trường Tây, nhưng thầy về đây để lập đảng, đánh đuổi Tây, giành lại đất nước. Khác hơn những ông thầy giáo khác, thầy Liêm sống giản dị lắm, quần áo của thầy toàn may bằng vải nội, sợi tuy có thô nhưng lúc nào cũng thẳng thớm, đàng hoàng. Thầy thường hay đến chơi xóm mộc, xóm dệt với xóm vườn. Thầy lập ra nhiều hội ái hữu, khuyên bà con hàng xóm phải biết thương nhau:

 
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.


 
Lúc đầu, thầy lập ra hội “Cạo gió”. Nếu nhà ai có người bị trúng gió, bị cảm, dù nửa đêm, nửa hôm người trong hội cũng phải tới, cạo gió, thuốc men cho người bịnh. Rồi sau thầy lập hội thợ mộc, hội thợ dệt, hội nông dân. Ở chợ thì lập nghiệp đoàn. Ông Tư tôi trong hội nông dân. Cha tôi trong nghiệp đoàn thợ bạc. Chú tôi trong nghiệp đoàn thợ mộc.

Hồi đó, có cái hội sôi nổi nhất là hội đá banh. Hội đá banh ở làng tôi do thằng cò Tây làm chủ hội. Khắp nơi, làng nào cũng có hội banh, sân banh. Cái sân banh sau hè nhà tôi, tuần nào cũng có một trận, chiều chủ nhật. Cái đội banh với khẩu hiệu “Vì màu áo” mà đá sống đá chết. Những người ủng hộ đội nhà, không đi xe hơi thì đi xe ngựa, không xe ngựa thì đi xuồng, thật tấp nập. Các đội banh như kéo theo sau lưng mình cả một làng, từ người già cho đến lũ con nít. Đội nào cũng mang theo cả lân, cả trống, có đội mang theo cả một đội kèn tây. Trống đánh, lân múa, kèn thổi khi đội nhà thắng trận. Tưởng là vui lắm, hóa ra là nỗi đau của dân làng. Trong sân, cầu thủ đá banh, ngoài sân thì người xem đá nhau bằng chân, đánh nhau bằng tay. Trận nào cũng có những chiếc xe bị con nít đâm lủng cả vỏ ruột, xẹp lép. Trận nào cũng có những kẻ sứt đầu, mẻ trán, cầu thủ thì bị gãy chân, ngã quỵ trên sân. Vì đội banh mà làng này ghét làng khác, chỉ mới nghe tên làng của đội banh khác đã hậm hực, lừ nhau. Giữa lúc đó thì thầy Châu Văn Liêm với bộ đồ vải thô xuất hiện trước cửa nhà tôi.

- Thực dân Pháp, nó dùng thể thao để chia rẽ dân mình đó, anh Hai!

Như một lũ trẻ trong một nhà, đang đánh nhau túi bụi, không biết gì phải quấy thì bỗng có tiếng đằng hắng của người cha, tất cả đều xuôi tay, mặt mày lấm lét, lảng ra, rồi tỉnh dần. (Cha tôi nói như vậy). Làng tôi với làng Long Điên, hai làng liền nhau, nếu không phân ranh thì chẳng biết đâu là ranh làng, vì hai cái đội banh mà hai làng thù ghét nhau. Sau đó, nhờ thầy Liêm, hai đội lấy cớ với nhà cầm quyền, vì thiếu cầu thủ, nên hai đội nhập lại làm một, cùng một màu áo, lấy tên chung là đội Mỹ Long. Thế là hai làng lại hòa lẫn vào nhau, như một dòng nước của con sông chảy qua làng, cùng một con nước ròng, con nước lớn.

Ngoài ra, thầy Châu Văn Liêm còn mở lớp ban đêm dạy cho người mù chữ. Ông Tư tôi hồi nhỏ, nhà nghèo không được học, phải đi chăn trâu. “Ngồi trên lưng trâu êm đít hơn ngồi cái ghế cây ở trường” - ông nói với bạn cùng tuổi được đi học như vậy, để tự an ủi. Chữ A ông cũng không thèm biết tới. Năm ấy, nghe lời thầy Liêm, tối nào ông cũng đi học. Sách vở ông để trong cái mo cau, như đựng tiền, đựng bạc vậy. “Mình lớn, mình ôm cặp, con nít nó cười”.

Một hôm thầy Liêm đọc chánh tả:

            Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
            Một chiếc thuyên câu bé tẻo teo...


Đến lúc chấm bài, thầy Liêm hỏi ông:

- Tôi đọc “Một chiếc thuyên câu bé tẻo teo” mà sao anh Tư lại viết “Một chiếc ghe câu bé tẻo teo”?

Như học trò ông Tư tôi cũng đứng lên:

- Thưa thầy, nghe nói thuyền với ghe là một thứ. Nhưng “thuyền” khó viết quá, cái gì mà u... iê... nghe nó líu lưỡi, tôi nghĩ ghe nó cũng là thuyền, thôi thì viết ghe phứt cho rồi!

Cả lớp cười rộ lên. Từ đó, ông được gọi là Tư Ghe. Học hành như vậy, nhưng ông là người hăng hái. Những lần biểu tình chống thuế thân, ông đi tách qua một bên, để dòm ngó, giữ gìn trật tự. Có một lần, cò Tây ra lịnh cho lính bắn chỉ thiên, đoàn biểu tình khựng lại, rã ra, có người quay đầu, thối lui, thì ông vượt lên đưa tay vào ngực:

- Cái ngực đồng của tao đây nè, bắn đi!

Rồi ông kéo cả đoàn vượt qua họng sung của bót cò, kéo lên đến chợ quận, vẫn cái quần đùi, lưng vận củ hành, với cái lông ngực trần, không áo.

Bây giờ, ông không chỉ để thêm râu, mặc áo, mà còn để tóc nữa. Ông theo đạo Hòa Hảo rồi, đã mấy năm nay...

Bàn tay của anh Hoàng vỗ mạnh lên vai tôi:

- Có gì mà buồn vậy, Nhỏ? Thôi, lên xe, về.

Anh giao dây cương cho tôi. Con Cu lại buông vó, lọc cọc, gõ đều trên mặt đường.

- Nè, Nhỏ, theo ai thì theo, nhớ đừng theo Tây, theo Nhật, nghe mậy.

- Vậy thì theo ai, anh?

- Tùy mầy tao không biết, cái nào theo được thì theo. Hay... a...

Anh hét con Cu, giật dây cương trong tay tôi, tróc lưỡi cho con ngựa sải nhanh. Gần đến chợ làng, sắp qua cây cầu sắt đông người qua lại, anh trở đầu roi, đút cái đầu cán rơi xuống căm xe, cho nó kêu lách cách.

Thường thì anh cho tôi xuống ở bến xe cùng với khách, hoặc trước cửa nhà anh. Lần này anh cho xe chạy đến tận cửa nhà tôi. Chắc là anh thấy cái rương đựng quần áo của tôi, cái rương bằng cây, quá nặng.

- Chú Hai ơi, Nhỏ về.

Chị tôi từ trên sàn bay xuống, chạy qua cây cầu khỉ. Con nước chiều đã lên đây, mấp mé dưới cây cầu. Chị tiếp tôi, mỗi người một đầu, nắm lấy cái quai rương. Lúc chị đi lui, đầu cúi xuống, chị khóc. Nước mắt của chị, từng giọt rớt xuống nước. Có con cá quẫy lên, lộn xuống với cái đuôi vàng.

Nước mắt của chị tao, chớ phải là mồi đâu mà quẫy lên hở cá?



-------------------------------------------------------------------------
(1) Che lá đề để ngựa chỉ nhìn thẳng phía trước

(2) hồng xiêm

(3) Nam Bộ gọi là: bông bụp


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 09:14:57 am »

*

*          *


Má tôi nằm trên võng, ở buồng trong, sợ gió, sợ cả ánh sáng. Chiếc võng bố đã thay biết bao nhiêu lần, nhưng cái giá võng vẫn nằm đó và cũng trên chiếc võng, má tôi đã ru cho cả một đàn con. Tôi thuộc lòng những lời ru của má. (Sau này, những năm đi xa, giọng ru của má gợi lên trong tôi cảnh sông nước của quê nhà).


Tàu Nam Vang chạy qua cồn cát
Xuồng câu tôm hớt sát mé nga
Anh thấy em có một mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết mà đặng không?

... Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước
Ngó xuống Thường Phước sóng bủa lao xao
Anh thương em ruột thắt gan bào
Biết em có thương lại chút nào hay không?

 

Và một câu gợi cho tôi cảnh nhà:

 
Tàu xúp lê(1) một còn mong còn đợi
Tàu xúp lê hai còn đợi còn chờ
Tàu xúp lê ba tàu ra biển Bắc
Bớ chú tài công, cho em mượn cái khăn bàn lông cho em chặm mặt ờ...


 Cha tôi trốn lên Nam Vang làm ăn, ở tiệm vàng “Trái tim đỏ” năm tôi mới lên năm, lên sáu, là năm vừa mới biết và còn nhớ. Tôi bị bịnh nặng, phải về dưõng trị ở vườn, nhà ông Tư, ở với bà nội, bà cố. Nhà phải đánh dây thép lên cho cha tôi hay. Mỗi lần nghe tiếng “tun tun” của con tàu Nam Vang trở về, rúc còi xin bến, là cả nhà ông tôi chạy lên chợ, xuống bến tàu đón cha tôi. Rồi tàu lại xúp lê một, xúp lê hai, xúp lê ba, con tàu Vạn An sơn vàng, một viền chỉ đỏ, tách bến. Con tàu vừa chạy, vừa nhả khói lan ra cả mặt sông. Cha tôi vẫn chưa về. Một hôm tôi đang ngủ, bỗng nghe có gì âm ấm phả lên mặt, tôi giật mình mở mắt. Cha! Cha tôi về. Và cha đã cúi hôn tôi lúc tôi đang trong cơn mê...

Khi tôi ở trường về, má tôi vẫn nằm võng:

- Con mới về? - Má nắm tay tôi, bàn tay của má chỉ còn là những cọng xương khô trong lớp da nhăn nhúm và lạnh ngắt. - Con về để đi với má. Nhà không còn gì bán để thuốc thang cho má, cha con phải chạy gạo hằng ngày chỉ còn có nước nghe lời cô Hai con, đi gặp Đức Thầy. Cha con cho rồi.

Thều thào và từng tiếng trong cơn ho, má tôi cắt nghĩa vì sao tôi còn nhỏ mà phải đi. Cha tôi không thể vắng nhà. Chị Tư tôi phải lo cho ba đứa em. Còn anh tôi thì biệt tăm. Với cái tuổi mười tám của anh, cái chợ làng này không đủ cho anh vùng vẫy. Anh phải lên Sài Gòn mới phỉ chí. Có lần, anh viết thư về nói rằng anh là một đứa con bị ruồng rẫy, anh đang sống một cuộc đời lưu lạc và xin cha mẹ hãy tha lỗi. Thư anh viết theo văn tiểu thuyết, ai cũng mủi lòng, má tôi khóc, rồi chị tôi, đến tôi và cả mấy đứa em chưa biết gì cũng khóc, nghĩ thương cái cảnh đời mưa gió như trong thư của anh. Còn cha tôi thì gầm lên:

- Đừng khóc! Nhà này ai ruồng rẫy nó. Đọc ba cái thứ tiểu thuyết lảm nhảm rồi tự mình gán cho mình cái thân phận chẳng ra gì. Nó mà về, tao ngắt đầu nó. Biết, hồi đó cho nó chăn trâu, có khi vậy mà nên.

Rồi cha tôi như giận cả cái chợ làng.

- Tụm năm, tụm ba, tụm bảy rủ nhau lưu lạc, thư gửi về, giọng đứa nào cũng y như vậy, nào mưa, nào gió...

Anh tôi đi nhằm cái lúc hai hãng xe đò đua nhau hạ giá để tranh khách. Hãng Ứng Ký muốn giết hãng của Lê Hồng là loại xe nhỏ, mới ra đường Mỹ Luông - Sài Gòn. Hãng Ứng Ký hạ nửa giá, rồi hạ đến một phần mười kèm theo một ổ bánh mì thịt cho khách, còn hơn cho không. Được vậy, dại gì không lên Sài Gòn chơi cho biết. Hầu như cả làng đều lên xe. Có người đi rồi về, có người quen mùi Sài Gòn, không về nữa. Trong số đó có anh tôi. Có người quay về, lạ hẳn đi, gầy tong teo, chơi bời quá độ, lại mắc bịnh, xanh như tàu lá. Có chị bước luôn vào cái kiếp giang hồ. Anh tôi vẫn còn lưu lạc ở trên đó, đã nửa năm, biết gì đến việc nhà. Tôi dù nhỏ, phải kê vai gánh vác.

- Con xuống ông Chín, nói ông Chín cho chú con đi tiếp.

Cha tôi dặn thêm:

- Có đi, nhớ không được ghé qua nhà ông Tư. Muốn thăm bà cố thì lân la đâu đó, lựa lúc ông đi vắng hẵng vào. Thăm cố một chút rồi về.

- Sao vậy cha?

- Vì mới xảy ra một trận xung đột giữa hai cậu cháu.

Buổi trưa, cha tôi xuống thăm cố, cũng để mượn một ít lúa. Nhà tôi ở chợ, mua ăn hằng ngày, nghĩ đến lúa làm gì. Người ở chợ có ai vay lúa giã gạo bao giờ. Năm ấy người làng gọi là năm kinh tế, là năm của “cuộc thế đang xoay”. Cái gì cũng khan, cũng hiếm. Đêm không có dầu để thắp. Đèn măng sông ở chợ, đèn ống khói của mỗi nhà đều phải dẹp vào một xó. Nhà nhà đều phải thắp bằng mỡ heo, đựng trong đĩa với sợi tim; không mỡ heo thì dầu dừa; nghèo hơn, không mỡ heo, không dầu dừa thì thắp bằng hột mù u. Cây mù u ở vườn, xưa nay ít ai biết nó để làm gì. Nhưng vì trời đất sanh ra trong loài cây cỏ có cây mù u thì trồng nó vậy, ăn không được, bán cũng chẳng ai mua. Trong vườn cây ăn quả, người ta trồng chêm vào một vài cây, chỗ đất thừa, đất thẹo. Cây không cao, da xù xì, lá dày lại rậm, chắc là được nhiều bóng mát. Trái mù u, mấy người bán hàng ăn, chỉ lấy cái vỏ, gọt làm gáo múc nước mắm. Bấy giờ người ta lấy hột mù u, xắt nhỏ như đồng xu đem phơi khô, xỏ lại thành xâu, đêm đem đốt, thay cho ngọn đèn. Cái màu lửa đùng đục, tỏa một làn khói đen, khen khét mùi nhựa. Ngọn đèn của mỗi nhà nhỏ như hột đậu đỏ, lù mù. Bóng đêm bỗng dày đặc hơn trùm phủ cả tâm trí con người.

Nghề nào cũng thất nghiệp. Xóm mộc, gỗ từ Nam Vang không đổ về. Xuồng ghe từ các nơi về mua bàn tủ cũng không tấp lại bến. Ngày ngày, xe từ Sài Gòn đổ xuống không biết bao nhiêu người đi lánh nạn. Tin từ báo chí, tin từ miệng của người Sài Gòn đi chạy giặc: thế giới, Đồng minh với phát xít Hít-le đang đánh nhau. Nhật sắp đảo chánh Tây. Sự có mặt của họ làm giá cả ngoài chợ càng mắc mỏ. Tin đói của miền Bắc cũng tràn về. Cảnh đói rồi sẽ đến nơi, tận cái làng này. Chỉ còn biết trông cậy vào cây lúa ngoài đồng. Nhưng những người nông dân theo đạo Hòa Hảo nghe theo kinh sấm, rằng sắp đổi đời, họ bỏ ruộng hoang. Cha tôi, thợ bạc, người thất nghiệp sớm nhất. Thời thế vậy, ai còn lo tới chuyện bông tai với dây chuyền.

Ông Tư tôi ngồi trên bộ ngựa gõ. Cha tôi ngồi ghế, giữa là cái bàn có khảm xà cừ. Bà cố tôi đứng một bên, trong bóng cây vú sữa, miệng lẩm nhẩm, tay lần hột chuỗi.

- Mầy định lo cho con vợ mầy sao, Hai?

- Thầy thuốc ở vùng nầy chạy hết rồi. Cháu định hốt bụi, hốt một số tiền, đưa vợ cháu lên nhà thương Sài Gòn. Nghe thầy thuốc nói, vợ cháu bị lao thời kỳ thứ ba rồi, nặng lắm.

- Đi làm gì cho mất công, lại tốn tiền. Tao nhắn lên mấy lần mà sao mầy nghe chưa thấu. Đưa con Hai lên Hòa Hảo cho nó được gặp Thầy, thỉnh kinh của Thầy về cho tà ma nó biết đây là người của Thầy, nó không quấy phá, rồi hết bịnh.

- Bịnh là do vi trùng chớ phải tà ma gì đâu cậu.

- Vi trùng gì? - Ông bắt đầu nổi giận, hai con mắt lừ đừ - Vi trùng đâu, chỗ nào, bao lớn, mầy chỉ nó cho tao, tao hốt tao nhai nó cho mầy coi.

- Cậu nói nghe kỳ quá, vi trùng nó ở chỗ dơ, chỗ bẩn chớ ở đâu.

Ông Tư tôi không nói, lại đưa mắt lừ đừ nhìn ra con sông. Dòng sông của buổi trưa trời đứng gió, mang theo từng dề lục bình xanh mát trôi xuôi, êm đềm. Dòng sông như làm dịu cơn nóng trong lồng ngực của ông. Cha tôi muốn hỏi mượn một vài chục giạ lúa phòng cho đàn con khỏi lâm vào cảnh đói, nhưng chưa lựa được lời thì ông tiếp:

- Cha mầy biết, Thầy là người nói đâu trúng đó. Cái thời buổi. “Bạc không cánh đổi thay chẳng biết. Vàng bị nghèo mấy chiếc chẳng còn. Mới mấy năm sao quá hao mòn. Mùa màng thất, đói đau không thuốc”. Thầy nói vậy, có đúng cái cảnh nhà của mầy không?

- Cậu Tư à! Đức Thầy năm nay tuổi đáng bằng con, bằng cháu của cậu, cậu nghe lời làm gì cái thằng con nít đó.

- Hả? - Ông vừa hét vừa chồm tới, và con dao mà ông định xách theo mỗi khi ra vườn ông chém phập xuống cạnh bàn. Con dao cũng như ông đang ghìm cơn giận run lẩy bẩy.

Bà cố tôi đứng đó, giật mình, buông chuỗi hột, sững sờ. Nhờ cái nhìn của bà mà hai người ngồi bất động.

- Lúa không mượn được, lại thêm chuyện mất lòng - cha tôi nói - kể thì lúc đó cha cũng nóng. Ở đời, cha biết, người ta đâu có đợi tuổi tác. Đúng ra, cha phải giải cho ông biết, nhưng lúc đó cha cũng nổi nóng rồi. Nói đến Đức Phật Thầy mà gọi là thằng con nít, ông nổi điên cũng phải. Cái sức giận của ông Tư con, cha biết, nếu không có bà cố ở đó thì cha chắc không về tới nhà...

Và để cho ông nguôi cơn giận, cha tôi bằng lòng cho má tôi đi gặp Đức Phật Thầy, coi như âm thầm nghe lời răn dạy của ông, và cũng để cho má tôi được vui lòng.

 

-------------------------------------------------------------------------------
(1) Kéo còi (nói chệch âm tiếng Pháp)

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 09:17:32 am »

*

*          *

 
Sáng hôm sau, tôi lên xe ngựa, xuống nhà ông Chín. Tôi ít đến nhà ông Chín hơn nhà ông Tư, không phải vì tôi thương ông ít, mà vì nhà ông ở quá xa. Từ chợ đến nhà ông Tư, chỉ có hai cây số, không đi xe thì đi bộ. Còn nhà ông Chín Hết, ông ở cuối làng, cách chợ đến bảy, tám cây số, nhà cũng không phải ở mặt đường, xe chạy không tới. Nhà ông ở trong kinh, xuống xe phải đi bộ, trong xóm ngọn. Ông cùng một tuổi với cha tôi, tuổi bốn mươi. Cha tôi mỗi ngày mỗi cạo râu, ông Tư tôi (lúc chưa theo đạo) thì để ria mép, còn ông thì để ria, để cả râu, râu ria đều đỏ hoe như râu bắp. Râu non mà!

- Ông để râu chi vậy ông?

- Cái lũ của tụi bây đứa nào cũng gọi tao bằng ông, ông mà không có râu coi sao được!

Nghe cũng phải.

- Sao ông không làm ruộng, làm vườn mà làm rẫy cho cực vậy, ông?

- Cái thằng chó nầy, cái gì cũng hỏi.

Ông nói ông không đủ đất để làm ruộng, lại càng không đủ đất để lập vườn. Đất nhà ông chó nằm ló đuôi, có một khoảnh, làm ruộng, rơm cũng không đủ nhai, nói gì đến cơm ăn... Xứ này làm ruộng sạ khỏe hơn ruộng cấy ở xứ khác. Mỗi năm gặt hái xong, lúa đổ vào bồ. Mỗi nhà có một cây rơm, trước sân hoặc sau hè, những cây rơm cao như núi, dành cho trâu cho ngựa trong năm. Những cây rơm tỏa mùi thơm, quyến rũ đám trẻ con chơi trò chơi cút bắt. Đuổi chạy vòng vòng theo cây rơm phủ đầy người kín mít. Mùi rơm chứa cả mùi nắng, hít thở rồi, nghe thơm đến tận da.

Sau ba ngày Tết, cúng lạy ông bà, ăn và chơi, người ta châm lửa đốt đồng. Những cây rạ vàng khô bốc thành lửa, lửa lan ra khắp cả cánh đồng, khói của thân cây lúa lan ra đến tận nhà. Thân cây lúa trở lại làm phân cho mùa lúa tới. Rồi từ trời hãy còn sương, ngoài đồng đã vang tiếng “ví, tha” của người nông dân đi cày. Chiếc nón, áo bà ba, quần cụt, tay cày, tay roi, với một đôi trâu, lô nhô khắp cả cánh đồng lúc trời vừa hửng nắng. Cánh đồng phủ đầy một lớp tro đổi màu. Lưỡi cày lật lên từng luống đất, màu đất lại đỏ như miếng thịt non. Cày xong, lại bừa cho đất tơi ra. Khi trời sa mưa, trên cánh đồng, từng hàng người, mỗi người, mỗi người bưng một thúng giống, vừa đi vừa bốc vãi. Lúa từ trong nắm tay của người nông dân bung ra, từng hạt vàng lấm tấm rải đều ra trên khắp cả cánh đồng. Vậy là xong, hạt giống ấy cứ phú cho đất trời... Trời đổ mưa cho hạt giống nảy mầm, cho mạ lên xanh. Rồi đến mùa mưa, mùa nước ngập, nước lên, lúa cũng lên. Nước không vùi, không dập được cây lúa. Nước lên rồi nước xuống, nước trôi về biển. Khi con chim tu hú kêu vang vọng đâu đó trên bầu trời thì lúa đã đến thời ngậm sữa. Chim lá rụng nghe thơm mùi lúa chín, từ xa kéo nhau, từng bầy, từng bầy như những đám mây đen. Nhưng khi nó xếp cánh buông xuống thì vội túa bay lên vì tiếng la hét, tiếng khua lon, tiếng đánh thùng thiếc của các chòi canh, và những anh chàng bằng rơm, như những anh lính đứng lô nhô trên khắp cánh đồng. Rồi lại đến mùa gặt.

Cây rơm năm ngoái tàn, cây rơm mới lại dựng lên.

Làm ruộng sạ, xứ này, người nông dân được thảnh thơi. Cái giống lúa sạ này đều lấy cái họ nàng: nàng tây, nàng rừng, nàng keo... Gạo không trắng mà đỏ, nhưng lại ngọt cơm. Nhưng lúa sạ họ nàng cho lúa chẳng được bao nhiêu. Mỗi công trúng lắm chỉ được từ tám đến mười giạ, còn thường thường mỗi mùa chỉ được từ năm đến bảy giạ, rồi lại thuế, lấy gì ăn?

- Làm rẫy, mỗi sáng, mỗi chiều phải gánh nước, tưới phân. Đất của ông bằng bụm tay, cực vậy mới đủ ăn, con hiểu chưa?

Rồi ông lại kể, chính vì ít đất, nên khi ông đẻ chú Hai, ông đặt tên là Nguyễn Đa Điền, để sau chú được nhiều điền, nhiều đất. Chẳng biết sau này chú có được nhiêu đất không, chớ bây giờ thì chú hiền lắm, hiền như cục đất và cũng đen như cục đất vậy.

Ông Chín Hết của tôi cũng không chỉ làm rẫy, ông làm cả nghề cá. Ông bắt cá chốt lạ lắm... Mùa nước xuống là mùa cá chốt lên. Cá chốt nhỏ bằng ngón chân, ngón tay cái, loài cá trắng, không vảy, có hai cái ngạnh, cái ngạnh đâm vô tay, nhức đến phát khóc. Vậy mà ông bắt bằng hai ngón tay. Tôi đã theo ông, ngồi trước mũi xuồng. Ông lấy vải quấn năm đầu ngón tay. Tay nắm bộ đồ lòng của con chuột đồng, ông quậy xuống nước. Nghe mùi mỡ chuột, cá chốt kéo tới từng bầy, đưa đầu lên khỏi mặt nước, loi nhoi với hai sợi râu. Vậy là ông cứ nắm râu nó mà ném thẳng vô xuồng. Không còn con nào loi ngoi đưa đầu đưa râu lên, ông thọc dầm, bơi đi. Chẳng mấy chốc mà cá đầy khoang. Đến mùa đìa, ông đi tát đìa... Có lần tôi tới chơi nhà ông nhằm đêm mùa cá linh. Nghe ông kể cuộc đời con cá linh, tôi với lũ con nít trong ngọn kinh cứ ngồi há mồm ra mà nghe. Cứ hàng năm, ở Biển Hồ, trứng nở nó ra thành một con cá, nhỏ như cái đầu gai bưởi nhỏ li ti. Nó kéo đàn kéo lũ, theo con nước đục phù sa, thả theo dòng. Nó vừa đi, vừa ăn vừa ngủ, vừa nhởn nhơ chơi, đến cái làng mình thì nó lớn bằng cái đầu đũa ăn. Có con cứ theo con nước mà trôi đi nữa, cũng có con giạt vô bờ rồi, theo con nước chảy, nó lên mương vườn rồi lội ra đồng, quấn quanh theo cây lúa sạ của đồng mình. Đến khi con nước xuống, nó lại nương theo con nước, dẫn nhau ra mương, ra kinh, ra rạch, ra ngòi, cặp theo dòng sông Cửu Long. Nó đã lớn bằng ngón tay ngón chân rồi, nó định ngược dòng để vê quê cha đất tổ. Nó chen nhau, nó lội, nó bơi, nên gọi là cá linh đua, hiểu chưa?

Nghe lời ông dạy, bọn nhỏ chúng tôi chạy ra bờ kinh, lượm đất liệng xuống mé. Nó giật mình, nhảy lên soi sỏi. Cá lên xanh cả mặt nước hai bên bờ kinh.

Nói là xuống ngủ chơi nhà ông - nhà ông được cái nhiều gió đông - nhưng nào có ngủ được. Ấy là đêm thượng tuần tháng mười âm lịch. Trời không trăng, cả xóm đều đốt đuốc, kéo bò bắt cá, hò hét dậy ran. Cái bò đan bằng tre, chất chà, đã đặt sẵn dưới bến. Con cá linh nó dẫn bầy, dẫn đàn, chui vào đó, lội nhởn nhơ.

- Hè! Kéo!

Trục kéo bò nghiến ken két, cái bò ló dần lên mé nước. Tiếng cá linh rộ lên, vùng vẫy, tưởng có thể nứt cả bò. Cái bò lại được thả xuống. Rồi đốt lửa, ai làm cá cứ làm, ai nướng cá ăn cứ ăn.

Ước chừng khi cá đã vào đầy bò, người ta lại hò hụi cho đến sáng.

Chuyện gì ông làm, tôi cũng có dịp xem, dịp thấy, duy có cái thú gác cu của ông là tôi chưa bao giờ được ra đồng với ông. Tôi chỉ thấy được con chim cu mồi trong lồng, treo trước hiên nhà.

Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.


Ông chịu cái tam ngu vậy. Một ngày mà không nghe tiếng con cu nó chiêu, ông buồn lắm - ông nói vậy, và ông dạy cho tôi biết trong đời có mấy giống cu. Cu nước, cu bông, cu lửa và tiếng kêu của mỗi con, nghe mà mê.

Ít xuống chơi với ông, nhưng mỗi lần xuống, tôi không muốn về. Ông còn một tính lạ nữa. Trong xóm, trong làng, nghe nhà ai có người chết, dù có bận trăm công ngàn việc, ông cũng xỏ áo, đầu bịt khăn khất, tất tả đến tận nơi.

- Kìa, anh Chín tới.

Nhà có tang, thấy mặt ông, họ đỡ bối rối. Hình như người ta chờ đến ông; không có ông, người ta không biết làm gì.

- Sắp nhỏ đâu, nấu cho nồi nước.

Ông vừa bảo, vừa lấy gạch kê ba ông táo ngay bên một góc sân, hai tay quơ nào lá, nào củi, nhen thành ngọn lửa.

- Vải tang có chưa?

- Nhang đèn, vàng bạc có chưa?

Ông hỏi người nhà từng món, từng thứ. Thiếu món gì, ông bảo phải chạy ngay. Ông giúp người nhà tắm rửa, khâm liệm cho người chết. Và ông đưa người chết đến khi cái mộ đất đã vun đầy, ông mới trở về.

- Lần nào, ở đám ma nào, mới bước vô nhà, ông cũng bảo nấu một nồi nước vậy, ông Chín?

- Đám nào mà không làm gà, làm vịt, làm heo, làm gì cũng phải có nước sôi. Khách tới chẳng lẽ để người ta ngồi không, ít nhất cũng phải có một chén trà, hiểu chưa?

- Sao đám ma nào ông cũng đi hết như vậy ông? Người ta mướn ông hả?

- Mẹ cha con của thằng Hai thợ bạc, cái gì nó cũng hỏi. Người ta mướn ông bạc triệu, ông cũng không đi. Nếu đi mà lấy tiền thì chẳng khác gì mong cho người ta chết! Ông đi là vì tại ông muốn đi. Chết là hết, hiểu chưa? Khi người ta khóc, người ta kể, trước sau gì cũng có tiếng “Hết rồi, hết rồi”. Mà ông thì tên Hết, chẳng khác nào người ta gọi tới ông, ông không đi, coi sao được?

Ý của ông không phải vậy, tôi biết ông nói đùa. Ông tiếp:

- Con thấy đám cưới, đám giỗ của người ta, ông đâu có tới. Nhà nào có đám ma mà không bê bối. Vui cũng bê bối, nhưng bê bối mà vui. Đám cưới, đám giỗ, ông chỉ tới dự khi ông được mời, dù nghèo, khăn áo cũng sạch sẽ đường hoàng. Hễ tới, ông chỉ ngồi ông nhậu chớ chẳng làm gì. Còn đám ma, nhà có người chết, người ta buồn, người ta đau, người ta khóc, người ta không còn trí để mà nhớ đến việc gì nữa... Mình đến lúc người ta đau, người ta khổ, người ta bối rối, vậy mới đúng đạo làm người, con hiểu không? Cái gì con cũng hỏi, bây giờ ông hỏi lại con.

Tôi ngước nhìn những sợi râu loe hoe của ông.

- Đố con, con người ta sống lâu hay chết lâu?

Tôi lại nhìn những sợi râu của ông, ngơ ngác. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Ông cười đắc ý:

- Bí phải không? Để ông giảng cho nghe. Con người ta sống rồi sẽ chết, còn chết thì chết hoài hoài, không có ai chết mà sống lại được. Cho nên, lúc mình sống, mình phải ăn ở sao cho người ta thương. Muốn vậy, mình phải thương người ta trước. “Thương người như thể thương thân”. Như ông nội của con hay vác dao chém người ta, nhưng không phải là người hung dữ đâu. Ông con vì thương người mà dữ. Ông chém người đáng chém, chém cái tụi ỷ quyền, ỷ tiền, ỷ thế hà hiếp dân nghèo.

- Tụi nó có nhiều không ông?

- Ít xịt thôi. Ít, nhưng nó ngồi trên đầu mình. Còn dân nghèo thì hằng hà sa số như kiến.

Chú Ba tôi - chú ba “cửa tủ” - cũng như ông, hay đố, hỏi những điều mà tôi không sao hiểu nổi. Có lần chú đi đâu về, dẫn tôi đi chơi chợ chiều, chú hỏi:

- Cháu là con của ai?

- Con của cha, của má...

- Con của ai?

- Của ông nội, bà nội.

- Của ai nữa?

- Của ông ngoại, bà ngoại.

- Của ai nữa?

- Của ông cố, bà cố.

- Của ai nữa.

- Ư... ư...

- Là con của xã hội nữa, hiểu chưa?

Đó là những câu hỏi nhớ đời!

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 11:40:54 am »

*

*          *

 

Chiếc xe đưa tôi qua khỏi nhà ông Tư, qua đình qua xóm vườn... Xe nép qua một bên lề, đậu lại phía bên này đầu cầu kinh Cựu Hội, thả tôi xuống. Tôi đi bộ theo con đường đất trên bờ kinh trong nắng sớm. Đi đến rớm mồ hôi thì tới nhà ông. Ông tôi kia, đầu bịt khăn khất, lưng trần, quần vận, đang gánh hai cái gàu nước từ bến, đi lên rẫy.

- Ông Chín.

Ông quay lại, chòm râu loe hoe, ông cười:

- Đi đâu mà sớm vậy? Vô nhà ngồi, đợi ông chút.

Xóm ngọn này của ông, không ai cất nổi nhà sàn. Nhà nền đất, lưa thưa, xa xa một cái, xa nhưng vẫn thấy nhau không như ở xóm hai bên con đường đá nhìn qua hai bên chỉ thấy cây vườn.

Nhà ông tôi chỉ bằng cái chái, cái bếp của nhà người khác, nền đất, mái lá, vách cũng kẹp bằng lá. Mỗi năm sau mùa nước, chân vách bị nước cuốn đi, từ ngoài xa đã thấy cả những cái chân của người đi trong nhà. Từ ngoài, tôi đã thấy chân giường, chân tủ thờ trong nhà ông. Con cu mồi trong lồng treo trước hiên nhà, nó đang hót “Hoạch... cu... cu cu... hoạch”, ông ngồi bên mép giường, lột chiếc khăn khất, lau mồ hôi.

- Định chừng nào đưa má con đi?

- Dạ, cha con bảo xuống thưa với ông chừng nào chú Hai rảnh thì đi.

- Về thưa lại với cha con, ông Chín nói rảnh hay không rảnh cũng phải đi. Đi cho biết mặt Thầy, cho ông Tư con vừa lòng. Nè! Cái gan của cha con không biết được bao lớn, mà dám gọi Đức Phật Thầy của người ta là con nít!

- Ông cũng theo đạo Hòa Hảo rồi hả ông?

- Hôm rồi, sau cái chuyện đó, ông Tư con có xuống đây, kể lại cho ông nghe, rồi khuyên bảo ông theo đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ông nói: “Tôi tu lâu rồi chớ mới đây sao; tôi để râu, để ria tự hồi nào tới giờ, ai mà không thấy”. Biết ý ông chưa muốn, ông Tư mới lừ hai con mắt: “Nhưng mà mầy chưa để tóc”. Ông Tư còn nói là đạo sẽ đánh Tây, lấy lại nước, lấy đất chia cho dân cày. Nói y như Cộng sản năm bốn mươi, “Ừ, thì như Cộng sản, nhưng không phải là Cộng sản làm mà Đức Phật Thầy ra tay”.

- Sao theo đạo thì phải để râu, để tóc vậy ông?

- Hòa Hảo họ nói, hồi xưa, tổ tiên ông bà mình sanh sao thì để vậy. Sau nầy cạo râu hớt tóc là do tụi Tây nó bày ra, bây giờ mình chống nó thì phải theo ông bà.

- Bà cố theo đạo Phật, ông theo đạo Phật, đạo Hòa Hảo cũng đạo Phật, mà sao ông Tư lại bắt ông theo đạo Hòa Hảo?

- Đạo Phật của bà cố, của ông, cái đạo nó lớn như con sông Cửu Long ở ngoài vàm kia, còn đạo Hòa Hảo, cũng đạo Phật, nhưng là đạo nhánh, đạo nhóc, nó nhỏ như con rạch, con kinh nầy đây nè. Kinh rạch, cây lá um tùm, tối tăm lắm.

Tôi muốn hỏi thêm thì ông “nọ” một tiếng dài:

- N... ọ... Cái tật không bỏ, cứ đụng đâu hỏi đó hoài. Trưa trật rồi, về thưa lại với cha con là tối nay chú Hai Điền sẽ lên. Khuya đi. Đã mướn được ghe cộ gì chưa?

- Dạ rồi.

- Mấy chèo?

- Dạ, ba chèo.

- Ai chèo trước?

- Dạ. Con sẽ tập.

- Tội nghiệp chưa!

Bàn tay to lớn của ông xòe ra, để nhẹ lên mái tóc tôi. Tự dưng, tôi mủi lòng muốn khóc.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 11:46:06 am »

*

*          *

 

Đất Phật đây rồi, làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (1). Tưởng là xa xôi lắm. Hóa ra nếu đi bằng xe ngựa của anh Hoàng, chỉ một buổi chiều là cùng. Nhưng vì phải đi ghe, nên mất gần một ngày. Xô ghe rời bến từ lúc vừa nhóm chợ, xế chiều thì tới. Tưởng là nơi có núi non, có mây vờn như rồng bay phượng múa, hoặc một cảnh nào khác lạ của người đời. Hóa ra, làng Hòa Hảo cũng như cái làng của tôi thôi. Cũng là hai dãy nhà hai bên con đường đá. Cũng có một vài điều lạ. Ghe xuồng của người mộ đạo từ xa tới đậu trước bến của Đức Thây đến hai ba lớp.

Chú Hai Điền của tôi phải bỏ lái, ngồi chồm hỗm trước mũi, đưa tay lần qua xuồng ghe khác, cái mũi ghe của tôi mới lách dần tới bến. Nhà nào trước sân cũng dựng bàn thông thiên, lư hương còn đầy chân nhang. Đàn bà bới tóc, đàn ông cũng bới tóc, có người tóc chưa đủ để bới thì xõa xuống đến tận vai. Quần áo, ai ai cũng một màu, màu dà (2) gương mặt thành kính với đôi mắt nhìn tận đâu đâu, xa xôi buồn rầu. Bàn thờ trên nhà đốt nhang, bàn thờ trong ghe cũng đốt nhang. Khói nhang lởn vởn, mùi nhang phảng phất theo tùng hơi thở.

Lạ nữa, người ta phơi lá gòn đầy cả sân, phơi tràn ra cả mặt đường. Họ dùng lá gòn để làm nhang. Nơi đốt nhang cũng là nơi làm nhang, bán nhang. Ai đến cũng mua về một hai bó. Mua nhưng gọi là thỉnh, thỉnh nhang từ đất Phật.

Tôi thấy mọi người nhìn tôi với con mắt xa lạ, tôi hơi sợ và không hiểu tại sao. Sau mới biết, tôi không mặc quần áo màu dà, mà mặc quần áo trắng của học trò, không cùng một màu với thiên hạ.

- Thằng nhỏ đó ở đâu tới vậy?

Tôi nghe người ta hỏi sau lưng tôi.

- Con chịu khó ở trần, mặc quần cụt, như con nít ở xóm đi con. - Má tôi bảo.

Không có cái áo màu dà thì cái lưng ngăm đen của mình chắc sẽ hợp màu. Tôi cũng không hòa được với mấy đứa nhỏ ở xóm, cũng có đứa ở trần, cũng đen, nhưng tóc của nó đã xõa dài, phủ cả tai, còn tôi, cái đầu của tôi, tóc hớt gọn quá. Muốn cho tóc phủ đến ót, đến vai, phải để ít nhất vài ba tháng; một ngày, một buổi tóc sao dài được. Lúc nào tôi cũng thấy mình lạc lõng, lẻ loi.

Còn chú Hai Điền tôi, chú cũng không có áo màu dà, nhưng cái áo của chú vá đùm vá đụp, những cái chỗ trắng đã ngả màu cháo lòng, nó cũng tối tối như màu dà, chẳng ai để ý... Với lại chú chèo chống mỏi mê, chú nằm ở sau lái, lấy cái nón lá úp lên mặt, ngủ khì, không ai để ý.

Đã lên đến nơi rồi mà má tôi vẫn chưa gặp được mặt Đức Thầy. Hỏi thăm mới biết Đức Thầy đã đi vắng, người nói Đức Thầy đang giảng đạo ở Bến Tre, kẻ nói đang ở Bạc Liêu, có người lại bảo Thầy lên Sài Gòn. Ai cũng nghĩ là mình nghe đúng, nói đúng,  tưởng như Thầy ở khắp mọi nơi cùng một lúc.

Thầy đi vắng nhưng còn đệ tử của Thầy, gọi là ông Mười, ông thay mặt Thầy.

Phải chờ đến hai ngày, má tôi mới gặp được đệ tử của Thầy. Tôi với chú Hai Điền phải kê vai cho má tôi bước lên từng bực cầu thang, lên nhà ông Mười. Kẻ đứng người ngồi chật ních.

Giữa nhà là bàn thờ, bàn thờ cũng không có hình ảnh của ai, chỉ có một miếng vải màu dà gọi là trần điều. Mỗi người - những con bịnh - đều đốt ba cây nhang cắm lên lư hương, bộ lư đầy chân nhang, khói nhang tỏa đầy nhà như một cái đống hun muỗi, khói nhang thơm đến muốn ngạt thở.

Ông Mười, đệ tử của Thầy, là một người đàn ông to lớn, trên dưới độ bốn mươi tuổi, quần áo màu dà, đầu bới tóc, cặp chân mày đậm như mực tàu, bộ ria dày cũng đậm đen như mực, hai cái đuôi ria quớt lên như cái mũi của chiếc xuồng cui. Ông ngồi xếp bằng trên bộ ngựa gõ. Má tôi quỳ dưới sàn nhà, một bên là chú Hai Điền, một bên là tôi. Ông Mười cầm một nhánh sầu đâu đưa lên trước mặt má tôi, mắt ông trợn tròn, cặp mắt sắc như dao. Ông nhìn với cặp mắt giận dữ. Ông không gọi má tôi bằng cô hay bằng chị mà gọi là “tín nữ”.

- Bịnh của tín nữ đây là bịnh tiền kiếp. Kiếp trước đã làm nhiều điều tội lỗi, nhân nào thì quả nấy, nên kiếp này phải bị trầm luân.

Hai cái vai gầy gò của má tôi rung lên, nước mắt chảy đầm đìa. Cái kiếp mà má tôi đang sống đây, má tôi là một người hiền từ, còn kiếp trước mình là ai và đã làm gì, ai biết được?

Nói vậy rồi ông bốc cho má tôi một nhúm lá xoài, một nhúm lá ổi, một nhúm bông vạn thọ héo khô.

- Tín nữ vừa uống vừa đọc kinh của Thầy. Đi theo đây, có ai biết viết, biết đọc không?

- Dạ, có con tôi.

Ông đưa cho má tôi một quyển kinh bằng tập giấy học trò:

- Bảo con nó chép.

- Cầm, lạy đi con.

Khám bịnh vậy là xong, nhưng má tôi còn phải ở lại chờ tôi chép cho xong quyển kinh. Vừa lạ, vừa buồn, vừa sợ, tôi muốn về sớm nên tôi ngồi chép không nghỉ. Ngồi trong nhà ngợp khói nhang, tôi ra ngoài ngồi chép kinh dưới gốc xoài. Chú Hai Điền giúp tôi mượn một miếng ván, lấy gạch kê lên làm bàn, tôi quỳ dưới cỏ mà chép, không nghỉ tay.

- Ra ngoài cây xoài mà coi, có một chú nhỏ đang quỳ chép kinh của Thầy cần mẫn hết sức.

Có một vài người bước ra xem tôi chép.

- Chuối đây, độ cho no rồi chép tiếp, cháu!

Tôi không còn là người xa lạ nữa. Tôi chép xong “Sấm giảng khuyên đời tu niệm” lại chép tiếp “Kệ dân của người khùng”. Kinh sấm của Thầy nghe nói còn nhiều, nhưng hai quyển vậy là được. Tôi chép mất một ngày rưỡi. Trưa hôm sau, khi chú Hai Điền mở sợi dây đỏi (3) quấn dưới gốc cây me nước dưới bến, có người nói:

- Phải chi cháu nhỏ còn ở lại, tôi nhờ nó chép giùm, để nó được phước.

Nghe có người nắm níu, má tôi với chú Hai Điền muốn nấn ná ở lại vài ngày, may ra được “diện kiến” Đức Thầy, nhưng gạo trong hũ chỉ còn được vài lon, tiền cũng không còn được mấy đồng, dù ở đất Phật, túi cũng phải có tiền, nên đành phải lui ghe.

Cũng như bận đi, ghe phải chèo nép một bên bờ, chú Hai Điền chèo lái, tôi chèo mũi. Mũi ghe cỡi sóng, nhích lên, qua từng cái bến nước. Chèo đến rã cả tay, ngoái nhìn lại, vẫn thấy cái doi với rặng cây xanh, trước sau vẫn là dòng sông mênh mông và sóng bủa dăng dăng. Bên kia sông một rặng cây mờ, trước mắt vẫn là hàng cây của đuôi cù lao nổi lên giữa dòng. Chèo, vẫn chèo, ghe lướt qua một cây cầu, dưới bến nước, trước mũi ghe cũng bến nước với cây cầu. Chèo cho đến khi trời bảng lảng, mặt sông không còn chói ánh nắng, chú Hai Điền mới cho ghe tấp vào nơi khuất gió, nằm trong vịnh, đậu lại dưới tàn cây sộp bên mé nước, nổi lửa nấu cơm chiều. Chú lo coi lửa nấu cơm, còn tôi thì giở quyển kinh chép tay ra đọc cho má tôi và chú được nghe.

- Đọc từ chữ đầu, đọc chầm chậm nghe mầy! - Chú Hai Điền bảo tôi, giọng rất trang trọng.

Dù khuất trong doi, sóng vẫn vỗ vào bờ. Ngồi bập bềnh trên lái ghe, giọng của tôi hòa trong tiếng sóng:

Ngồi khùng trí đoái nhìn cuộc thế
Thấy dân mang sưu thuế mà thương
Chẳng qua là Nam Việt vô vương
Nên tai ách xảy ra thảm thiết.


- Nam mô a di đà Phật.

Tôi phải ngừng đọc vì tiếng niệm Phật của chú Hai Điền. Nhìn lại, tôi thấy chú ngồi xếp bằng, hai tay buông thõng, gương mặt của chú như khác đi, thẫn thờ và mắt ngước nhìn tận đâu, buổi trời chiều.

Tôi lại đọc, đọc được bốn năm câu chú lại đệm vào “a di đà Phật”. (Sau này gẫm lại, lời lẽ trong những câu kinh ấy như bay lên khi thành tiếng, ngấm vào người. Nếu tâm hồn của con người mà thấy được, thì chắc tôi thấy tâm hồn chú Hai Điền bị tím dần theo từng lời của kinh sấm. Tôi thấy tôi với chú đã xa nhau rồi).

Trước mặt tôi, bên kia sông, có một đường cây xanh ven theo bờ uốn cong lại dòng sông là doi, cái doi nằm ngay con nước đạp, đất đang lở. Từng mảng đất từ trên bờ đổ ùm xuống, bọt nước tung trắng xóa. Bờ sông hõm vô với màu đất đỏ. Và dòng sông như giận ai, từ nơi xa khơi, ở giữa dòng, nổi lên từng đợt sóng bạc đầu, gầm thét đuôi xô nhau đập vào bờ. Và xa kia, ở làng tôi, mây khói đen như kéo cả bầu trời hạ xuống, trên đầu của con sông.

Ôi!  của tôi chiều hôm ấy sao mà buồn thế!



------------------------------------------------------------------------
(1) Thời Pháp thuộc, Châu Đốc là tỉnh

(2) Màu nâu

(3) Dây xích sắt to


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 11:47:28 am »

*

 
Nghe tôi chép kinh của Đức Thầy từ đất Phật trở về, ông Tư tôi hả hê lắm. Cha tôi nói:

- Ông Tư đi khoe với người ta, mầy như thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh về. Cha nghe cha mắc cỡ quá - Rồi cha tôi cười, nụ cười thật mỉa mai: - Ông cho cô Hai lên gọi mầy xuống chơi, thăm bà cố. Ông hỏi gì, nhớ lựa lời mà nói, xong chuyện nhớ về liền, nghe chưa?

- Dạ.

Chiếc xe ngựa vừa đậu lại, tôi đã nghe tiếng ông từ trong nhà vọng ra:

- Ai như nó xuống đó bây?

- Nó chứ ai nữa - tiếng của cô Hai Thảo. Cô ngoài ba mươi, người gầy gò, môi mỏng, miệng lúc nào cũng nhai trầu, môi lúc nào cũng đỏ. Gần đây, nhắc đến cô, cha tôi nói: “Con nhỏ đó mà nói tới đạo thì cái miệng của nó cứ xoen xoét”.

Từ trong nhà, cô chạy ra tận xe, nắm tay tôi dẫn vào. Miệng cô lại xoen xoét:

- Con thật có phước quá. Người như cô mà chưa được lên tới đất Phật đó nghen.

Ông tôi ngồi sẵn trên bộ ngựa. Bà cố tôi lúc nào cũng lẩn thẩn trong sân, tay lần chuỗi hột... Cũng như bao nhiêu lần khác, tôi khoanh tay thưa bà, bà chỉ nhìn và tay vẫn lần hột chuỗi.

- Con ngồi xuống đây!

Ông chỉ cái ghế bên cái bàn. Nhìn cái nhát dao bên mép bàn, tôi sợ, dù ông nhìn tôi với đôi mắt âu yếm.

Ông hỏi và tôi kể lại tỉ mỉ những điều tai nghe mắt thấy ở làng Hòa Hảo. Cô Hai Thảo ngồi cạnh bên như để chứng kiến cuộc nói chuyện giữa hai ông cháu, có điều gì thấm ý cô lại tắc lưỡi.

- Chú Hai Điền con về, có ghé qua đây. Nó nói, lần nầy, nó xin quy y theo đạo... Nó nói kinh sấm của Thầy nói đâu trúng đó. Kể cũng nhờ con.

Cô Hai Thảo chêm thêm:

- Cũng không phải tới bây giờ nó mới muốn đâu, tía. Nó muốn vô lâu rồi, nhưng nó sợ chú Chín.

- Bây giờ, nó lên được đất Phật rồi, cha nó cản nó cũng không được. Để tao coi cha con nó làm sao. Còn con, con đã chép được kinh sấm của Đức Thầy rồi, từ bữa đó tới nay, con thấy trong người ra sao?

- Dạ! - Tôi chỉ thấy buồn, nhưng không dám nói, chỉ dạ cho qua.

- Không được giống thằng cha mầy. Từ nay về sau không được hớt tóc nữa, nghe chưa con? - Khi thì ông gọi tôi bằng mầy, lúc gọi bằng con. Trong một câu nói, ông tỏ ra vừa giận vừa thương, vừa dọa, vừa vỗ về.

- Thảo, gọi thằng Cảnh ra cho nó thấy.

Cô Hai Thảo sốt sắng, vụt đứng dậy, bước ra sau vườn. Một lát sau, cô dẫn thằng Cảnh vào. Cảnh, con trai đầu lòng của cô, gọi ông bằng ngoại, tôi với nó là anh em cô cậu, một đầu ông cố. Nó kia, một thằng nhỏ mới lên sáu, trần truồng, tròn như hột mít, da rám nắng. Nó để tóc từ lúc nào, đã bới được. Theo lời dạy của má, nó khoanh tay cúi đầu thưa tôi. Tôi nhìn cái đầu tóc nhỏ như củ tỏi treo tòn ten sau ót và “con chim” của nó, tôi thấy nó quái gở quá.

- Con thấy chưa! Mới bao lớn mà ông đã cho nó để tóc rồi, thấy nó mà liệu lấy.

- Dạ, thưa ông, thưa cô, con về.

Tôi không dám ngồi lâu, sợ tóc của mình bỗng dưng lại dài xuống và sau ót lại tòn ten cái củ tỏi, xấu xí bực bội biết chừng nào. Tôi vội vàng ra về khi nghe có tiếng kèn xe ngựa “bí bo, bí bo” sắp chạy qua cửa.

Về tới nhà, cha tôi hỏi:

- Ông Tư bảo gì?

- Bảo con để tóc như thằng Cảnh.

Cha tôi cười, nụ cười mỉa mai và khinh bỉ.

- Con muốn để thì cứ để, nhưng phải kêu thợ thiến heo nó thiến đi, làm đàn bà luôn cho nó tiện.

Nếu trong đầu tôi có ý nghĩ muốn để tóc theo đạo, thì cái ý nghĩ mới nhen nhúm ấy đã bị nụ cười và giọng nói của cha tôi đánh tan.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 11:57:03 am »

*

*          *

 
Cái thảo bạt của nhà tôi trở thành nơi qua lại của bà con, của bạn bè, từ sáng cho đến tối, không lúc nào ngớt. Không dám nói cả làng, nhưng có thể tất cả bạn bè của cha tôi đều nghỉ việc, suốt ngày đi tìm nhau, kéo đến bàn chuyện thời cuộc. Có người truyền đạo, có người chống đạo.

Tôi đã đến lúc phải giúp gia đình kiếm miếng ăn. Cái tuổi mười ba của tôi, tôi làm gì ra tiền?

Năm 1945 ấy, năm “kinh tế”, cái gì cũng khan hiếm. Thuốc lá cũng hiếm. Thuốc Bastos, Mélia, Cotab... mà người ở chợ hay hút không còn nữa. Thế là ở chợ mọc ra không biết bao nhà làm thuốc lá. Người ta lấy thuốc rê, thuốc Cao Lãnh, tẩm đường, tẩm mật, tẩm cam thảo với rượu hoặc cà phê quấn thành điếu, đặt đủ thứ tên.

Như trẻ con nghèo ở chợ, tôi ôm cái thùng thuốc lá đi bán. Tôi bán được vài hôm thì nghỉ. Tôi không biết mời, cũng không biết tranh khách. Nhưng cũng không phải vì lẽ đó, mà vì gặp một cô bạn học. Khi tôi thấy cô bạn gái ấy từ xa, ngoài chợ lẫn trong đám đông, tôi đã vụt chạy. Nhưng không kịp, cô đã gọi tên tôi, và đi vòng một ngả khác, cô đứng trước mặt tôi.

Nhà cô ở trong kinh, đường qua Long Xuyên. Trong  lớp chỉ có tôi và cô là người cùng làng. Cô là cô gái đẹp nhất lớp. Tôi với cô lại ăn cơm tháng cùng một nhà, suốt ba năm. Có lẽ vì là người cùng làng, nên hai đứa lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Cùng đến trường và cùng một con đường trở về, cùng một mâm cơm, cùng một mái nhà. Hai đứa không thể vắng nhau. Ngày nghỉ hè, ngày nghỉ Tết, hai đứa cùng tìm đến thăm nhau. Tình yêu? Không! Tình bạn! Đúng, nhưng cũng không, có cái gì khác hơn tình bạn... Không phải là con sông, nhưng nước trong con kinh trước cửa nhà tôi là nước của con sông đổ về. Chiều nước lên đầy, và giữa khuya, khi con nước ròng, nước lại trở về sông. Cái hôm tôi gặp cô ở chợ, lúc tôi đang ôm cái thùng thuốc lá lần gặp cuối cùng. (Sau ngày tôi đi, tôi luôn nhớ đến người con gái ấy. Những đêm hai đứa ngồi bên nhau cùng một ngọn đèn. Mấy mươi năm sau, mỗi lần nhớ lại, kỷ niệm này còn dậy lên trong lòng tôi mùi thơm trên mái tóc của cô... Tôi nghĩ là, tôi sẽ gặp lại cô, cái ý nghĩ bâng quơ và mơ màng như một làn khói mỏng, nhưng không bao giờ tan vì ngọn gió của thời gian. Có lúc tôi nghe, trong xóm kinh, có một người con gái tên Trầm, theo đạo Hòa Hảo, hung dữ lắm. Tôi không tin. Tôi không tin).

Ba mươi năm sau, mấy lần trở về làng, tôi đều hỏi đến cô, nhưng không ai biết, cũng không ai nhớ. Một hôm gặp lại thằng bạn học cũ nó khoe trong làng bây giờ, chỉ có nó với một vài người còn ở nhà bè. Bắt cá bè lên nhậu, còn gì ngon bằng. Nó nắm một nắm hột gòn ném xuống bè, cá he trong bè hàng trăm, hàng ngàn con cùng một lúc rộ, lộn cái đuôi vàng rực.

- Mầy còn nhớ ai không?

- Ai là ai?

- Cô bạn học hồi nhỏ của mầy.

- Trầm?

- Mầy còn nhớ, khá!

- Còn sống à?

- Mầy chưa chết mà sao người ta không còn sống.

- Bây giờ Trầm ở đâu?

- Chỗ cũ, đường qua Long Xuyên, nhà bên nầy cây cầu đá. Tội nghiệp, nó còn nhớ mầy, nó hỏi thăm mầy hoài. Về mấy lần rồi mà chưa qua thăm cổ, mầy tệ quá.

Bạn tôi đâu có biết là mỗi lần về là mỗi lần tôi tìm hỏi thăm cô.

- Mai tôi đi.

- Đáng lẽ phải đi ngay từ bây giờ, nhưng thôi, nhậu đã. Cùng một lớp chắc là cùng một tuổi của mình chớ gì.

- Chắc cũng xê xích một hai tuổi gì đó thôi.

- Cỡ đó, hơn bốn mươi rồi, như mình, vậy mà chưa có chồng con.

Tôi ngồi sững đi một lúc lâu.

- Sao vậy? - Tôi hỏi.

- Mầy hỏi, tao làm sao biết được. Cái xứ của mình, có những người, cho đến chết mình cũng không sao hiểu nổi. Nếu cái lúc mầy đi, mầy với nó được mười bảy, mười tám, thì có thể nói là nó chờ mầy. Đằng này, năm bốn mươi lăm, tụi mình mới mười ba, mười bốn, tắm còn ở truồng chổng ngổng, biết gì.

Bạn cầm ly rượu đụng ly tôi:

- Thôi, uống đi. Mai gặp rồi biết. Nhớ hỏi cô giáo Chi. Tên Trầm, không ai biết đâu!

Sáng hôm sau, tôi đến nhà Trầm, cô bạn học ngày xưa. Ngày xưa, hơn ba mươi năm trước, những ngày hè, ngày Tết vắng nhau, Trầm ra chợ tìm tôi, chớ tôi chưa đến nhà của Trầm. Nhà của Trầm, cũng như bao nhiêu nhà sàn khác ở làng, tất nhiên không có nhà nào giống nhà nào.

Nghe có khách, từ trong buồng bước ra, thấy tôi, Trầm gọi đúng tên tôi:

- Trầm! - Tôi gọi tên người bạn xưa.

- Đã hơn ba mươi năm, tôi mới nghe lại tên Trầm.

Trầm kéo ghế, ngồi đối mặt với tôi:

- Đến xóm nầy hỏi tên Trầm mà người ta biết à?

Tôi kể cho Trầm biết, nhờ một người bạn học cũ mới biết tên mới của Trầm, cô giáo Chi.

Hơn ba mươi năm! Khác hơn những người con gái tôi gặp lại hơn ba mươi năm đi xa, Trầm thay đổi chẳng bao nhiêu. Những cô gái nhỏ ấy đã là mẹ của một đàn con, có cô đã có suôi gia, có cô đã có cháu ngoại, cháu nội, đã thành đàn bà hoặc một bà già. Họ thay đổi vì vắt sữa nuôi con. Còn Trầm, vẫn là một cô gái ngày xưa, một cô gái trở về già, vẫn vậy, nhưng héo đi. Cái mái tóc dợn song vẫn còn đó, trên vầng trán của cô. Trầm vẫn gọi tôi bằng tên như hồi xưa, hồi học trò.

- Tên thật của mình là Chi. Nhưng hồi đó vì quá tuổi, không được đi học, nên ba má mượn khai sinh của một cô người hàng xóm. Cô ấy tên Trầm, nhỏ hơn mình hai tuổi.

Chi lại kể tiếp:

- Sau nầy, cô Trầm theo đạo Hòa Hảo, mang lông công, đi ngựa, xông ra chiến trận, dữ lắm, đã chết rồi. Vì cái tên Trầm và cùng xóm nầy, nên có người tưởng là mình.

Tôi không gọi bạn gái nhỏ ngày xưa là Trầm nữa mà gọi đúng tên của cô.

- Bao nhiêu năm nay, Chi vẫn sống ở đây?

- Không! Có đi kháng chiến, có về Đồng Tháp Mười. Sau hiệp định Giơne, Chi trở về làng làm cô giáo, cũng là nơi đi, về cho anh em mình. Bây giờ, Chi vẫn là cô giáo.

Bây giờ tôi mới biết Chi lớn hơn tôi hai tuổi. Hèn gì hồi đó, trong tình bạn, Chi có nhiều cử chỉ tỏ ra là người chị của tôi. Áo tôi rách, Chi mang kim ra vá. Lúc tôi đi chơi, quần áo quấn nùi lại đó thì Chi đem đi giặt, thỉnh thoảng lại rầy la nữa.

- Mới đây mà đã hơn ba mươi năm. Ước gì mình được trở lại như ngày xưa!

Vẫn cái đôi mắt mở tròn ấy, nhìn tôi và nói, giọng xa xôi!

Kể lại cho chị tôi nghe chuyến đi thăm cô bạn học ngày nhỏ, chị tôi mới sực nhớ:

- Hèn gì, lúc nào qua đây, nó cũng hỏi thăm em. Chị có nói với em mấy lần, tại em không để ý.

- Vì chị nói là cô giáo Chi nên em không để ý.

- Gặp lại nhau vui không?

- Nghe nói cô giáo Chi từ đó đến giờ không có chồng?

- Ừ, không nghe nói gì chuyện chồng con.

- Sao vậy chị?

- Ôi! Chuyện đời con người ta, làm sao hiểu được. Nghe nói hồi kháng chiến, Chi có hứa hôn với một anh bộ đội nào đó, tập kết ra Bắc, sao đến nay vẫn chưa thấy về. Hy sinh hay là lấy vợ khác rồi, chẳng biết.

Vậy là cuộc đời của cô bạn học ngày xưa của tôi, cô giáo Chi, như bao nhiêu người con gái Việt Nam, chẳng khác gì cho lắm.

Tôi đã được gặp nhiều chị, hứa hôn với người đi tập kết ra Bắc, sống vậy, chờ đợi suốt hai mươi năm. Người chồng chưa cưới của mình hoặc vì hy sinh, hoặc vì không sao chờ đến hai mươi năm, đã rẽ bước, nên cả đời bị dở dang.

Chi! Như thế bạn gái nhỏ xưa của tôi là vậy.

Chuyện không bao giờ xảy ra, biết vậy, nhưng cũng có đôi lúc, tôi mơ tưởng, nếu ngày tôi xa Chi, tôi được mười tám hoặc đôi mươi tuổi thì cuộc đời của Chi đâu có lỡ dở.

Sống không thể thiếu ăn thì cũng không thể thiếu mơ tưởng...

Sau cái lần gặp Chi ở chợ, trở về, tôi bỏ hẳn nghề bán thuốc lá. Chị tôi khuyên:

- Mình nghèo thì đi buôn, đi bán chớ có ăn trộm ăn cắp của ai mà em mắc cỡ.

Tôi không dám nói thật với chị:

- Em đi lãnh thuốc về, quấn mướn cho người ta, cũng được tiền mà lại được ở nhà giúp chị.

- Em muốn vậy cũng được.

Tôi đặt cái bàn thuốc quấn ngoài thảo bạt, trên cái tấm đệm, dưới cái tủ thợ của cha tôi. Tôi ngồi từ sáng cho tới chiều, nhờ đó mà tôi nghe hết câu chuyện của khách đến chơi nhà.

Từ ngày cha tôi cho má tôi lên làng Hòa Hảo, cô Hai Thảo như được nước, ngày nào cũng lên chơi. Cô ngồi một chân để lên ghế, ăn trầu, xỉa thuốc, miệng nói xoen xoét. Chẳng biết cô đọc kinh sấm lúc nào mà thuộc làu làu, nói vài câu lại dẫn ra một câu sấm, câu giảng.

- Thầy tự xưng mình là thầy tu tức là thù Tây đó nghen.

- Sao không nói thẳng ra mà nói lái chi vậy cô Hai?

- Tụi mày nhỏ, chưa biết. Thời buổi nầy, Tây đang cai trị mình, nói thẳng ra sao được.

Cô nói những điều khác nhau giữa đạo Phật giáo Hòa Hảo của cô với tất cả các đạo khác.

Tu mà không mê tín dị đoan, không cần lên chùa, chỉ tu trong lòng mình, tu mà không cúng xôi, cúng gà, chẳng cho thầy chùa, thầy pháp ăn. Chỉ có nước lạnh, bông hoa với nhang thôi. Thờ thì không phải thờ tượng Phật. Chỉ thờ một tấm vải màu dà. Màu dà là màu thoát tục, tụi con hiểu chưa? Cũng gọi là “trần điều” nữa. Điều là đỏ, đỏ là màu Cách mạng của anh em mình đó. Đạo tu bốn cái nghĩa ân: ân Tổ tiên cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam bảo, ân Đồng bào và Nhân loại.

Tu đền nợ thế cho rồi
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen


Cô nói đạo với đời lẫn lộn, nghe rối beng. Những người đến chơi, trẻ già đều có, ngồi bệt dưới sàn gỗ, nhìn cái miệng “xoen xoét” của cô, miệng người nào cũng há hốc.

Có hôm như người lên đồng, vì say trầu hay vì quá hào hứng mà cái gò má của cô bừng đỏ như đánh phấn hồng, hai con mắt trợn tròn lên lung linh, cô thả chân bước xuống:

- Coi tao đây nè!

Rồi cô ra cả điệu bộ đốt nhang cho đến cách lạy Phật. Cô xá rồi cô quỳ...

Má tôi từ trên chiếc võng buồng trong cũng lọ mọ ra, ngồi xem. Và lần nào, trước khi về, cô cũng kết luận bằng hai câu:

Tu hành đâu có tốn xu (không tốn mà!)
Mà sau thoát khỏi lao tù thế gian! (Nghe chưa?)

Mỗi lần thấy cô đến nhà là cha tôi kiếm cớ đi vắng. Cha tôi không chịu nổi cái miệng “xoen xoét” của cô, nhưng không muốn mất lòng giũa bà con, với lại, nhà đang mượn lúa của cô.

- Cô Hai bây nó về rồi hả? - Bước lên nhà cha tôi hỏi. - Không uống rượu mà như con say, nó sắp điên hay sao á!

Trong làng không chỉ có một người như cô Hai Thảo của tôi, mà nhiều lắm. Ngày nào tôi cũng thấy họ từ miệt vườn kéo lên chợ, vào nhà của bà con. Đi đâu cũng gặp. Cô Hai Thảo vừa truyền đạo vừa nài nỉ, còn ông Tư tôi thì vừa truyền vừa hăm dọa.

Một hôm ông Chín Hết lên nhà, than với cha tôi:

- Thằng Điền của tao nó theo đạo Hòa Hảo rồi mầy Hai. Thấy nó dựng bàn thông thiên, dựng trang thờ, quần áo đem đi nhuộm màu dà, tao hỏi, tao rầy, tao nói với nó: “Mầy tưởng tao không biết tu sao. Bà tu, tao cũng tu, muốn tu thì tu như tao đây nè, tu làm gì cái đạo nhánh, đạo nhóc đó. Còn Đức Thầy, tao đã thấy hình rồi, đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, nước da xanh lớt, cái mặt chết yểu, mầy theo làm gì?” Tao nói vậy, mầy biết sao không? Tao nghe nó hét lên một tiếng, tưởng như sét nổ bên tai, nó giận run lên như con thằn lằn bị đứt đuôi; nó nhìn tao, hai con mắt của nó, nếu mầy thấy, sợ lắm! Nó bắt đầu để tóc lởm chởm như cái đống chà. Cũng may, tao đẻ nó ra, chớ ngược lại, nó mà đẻ ra tao thì tao bị ăn một cái bợp tai rồi. Tu mà sao dữ vậy, tao không hiểu được. Mợ chú mầy thấy vậy, buồn lòng lắm, khuyên tao: “Thôi, ở xóm này, trang lứa như nó cũng theo đạo hết rồi, nó đứng ngoài một mình buồn chết, kệ nó”. Bữa sau, tao nghe cậu Tư mầy nhắn tao lên, nghe nhắn, tao biết chuyện gì rồi. Gặp nhau chỉ sanh chuyện. Tao mà nói mặt của Đức Phật Thầy là mặt chết yểu thì không phải ăn bợp tai mà bị ăn dao, tao mới nhắn ngược lại, dạo nầy, rẫy bọ sầu nhiều quá, không bỏ đi được. Vậy là trong dòng họ mình, chỉ còn có nhà mầy là đứng vững. Ráng mà giữ gìn mấy đứa nhỏ. Thời thế thật nhiễu nhương!

Một người nữa hay đến chơi nhà tôi là chú Ba Giáo. Bà ngoại của cha tôi với bà ngoại của chú là chị em ruột, bà ngoại của chú, tôi cũng gọi cố, cố Út. Chú nhỏ hơn cha tôi vài tuổi, và cũng vai em. Chú là niềm vinh hạnh cho dòng họ tôi và cho cả làng. Trong làng chỉ có chú học tới tú tài, được người làng gọi là tú tài Giáo. Đồn rằng chú nói tiếng Tây, cò Tây ở làng còn phải sợ. Người ta khen chú nói tiếng Tây như lặt rau. Người chú lịch sự lắm. Người cao ráo, mặt xương xương với vầng trán thông minh, áo quần luôn thẳng nếp, đẹp nhất là cái mái tóc, không dài cũng không ngắn, cái mái tóc bập bồng.

Chú sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về làng, lần nào về, chú cũng đến chơi với cha tôi, hai người tâm đầu ý hợp lắm. Dạo ấy, sợ quân đông minh ném bom, cùng với một số người từ Sài Gòn về quê, chú trở về làng, và ngày nào cũng đến với cha tôi. Nghe nói, thỉnh thoảng chú có viết báo. Nghe chú viết được báo tôi đã phục rồi, mặc dù chưa đọc của chú bài nào. Nhờ chú mà tôi biết được đôi chút chuyện trên thế giới. Biết phát xít Đức, Ý với Nhật là phe Trục, biết chúng đang đánh ai, đã đến đâu và thua hay thắng. Biết chúng muốn gì.

- Tham vọng muốn làm bá chủ hoàn cầu. Tưởng đụng tới ai, đụng tới Liên Xô thì đời của nó coi như tàn. Lịch sử đã chứng minh, Napôlêông đó, bách chiến bách thắng, cuối cùng, đến cái đất băng tuyết của xứ Nga, đành phải tháo chạy.

Chú ngồi tréo một chân trên ghế sa lông gần vách đằng kia, cha tôi cũng ngồi tréo trên ghế sa lông gần vách đằng này, cách xa, nói với nhau. Có lúc chú rời khỏi ghế, đứng thẳng người, vừa nói vừa bước tới đến giữa thảo bạt, và vừa nói vừa ra điệu bộ, khiến tôi mê mẩn. Những câu chuyện của chú về đạo Phật giáo Hòa Hảo đều ngược lại những điều của cô Hai Thảo, như tranh gãi, nhưng hai người không bao giờ đối mặt nói với nhau. Có cô Hai Thảo thì không có chú, có chú thì không có cô Hai Thảo.

- Sau ngày khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 của anh em mình bị thất bại, thì đạo Hòa Hảo mới lan tràn. Lịch sử như qua một khúc quanh.

Chú ngồi tréo một chân trên ghế mà hai tay lại chống nạnh, đường bệ, tự tin. Rồi chú lại đứng dậy, bước tới, đưa tay chỉ vào ngực mình:

- Tôi là nhà báo, tôi thấy mình có bổn phận phải ghi nhận những gì đang xảy ra của lịch sử. Tôi đã tìm hiểu người sáng lập ra đạo Hòa Hảo rồi.

Chú rút trong túi ra một cuốn sổ tay, lật qua mấy trang:

- Tôi đã ghi như vầy. Người sáng lập ra đạo Phật giáo Hòa Hảo tên là Huỳnh Phú Sổ, sanh năm 1919, tức năm Kỷ Mùi, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, là con thứ tư của ông Huỳnh Công Bộ, nên cũng gọi là thầy Tư Hòa Hảo. Ông Bộ là hương cả trong làng, cũng gọi là cả Bộ, nhà điền chủ.

Vẫn cầm cuốn sổ tay, nhưng chú không đọc nữa, nói thuộc lòng:

- Hồi nhỏ, học ở trường làng, thầy giáo là ông Phan Văn Khoái, người Sa Đéc, có vợ ở làng Hòa Hảo. Hết trường làng lên học ở Tân Châu, ăn cơm tháng tại nhà ông Huỳnh Văn Sánh. Bịnh, phải bỏ học trở về. Thuốc men không hết, cuối cùng mới đi tu, ở chùa Tây An trên núi Sam. Sau lại lên núi Cấm.

Rồi chú cười:

- Mấy người tín đồ Hòa Hảo ở làng mình, cũng trong vòng bà con chớ chẳng đâu xa, không bước ra khỏi nhà một bước, mà dám nói đến chùa Tây An. Nghe họ nói, mình tưởng là chùa nằm trên đỉnh núi thiêng nào, mờ mờ ảo ảo trong các tầng mây. Thầy tu luyện từ đó mà hạ san! Có phải đâu anh. Tôi đã lên đến tận nơi, tận chốn rồi.

Rồi chú kể lại với cha tôi chuyến “du hí” đến viếng chùa Tây An của chú. Chùa Tây An có xa xôi gì đâu dưới chân núi Sam, cách chợ Châu Đốc chừng năm cây số, con đường từ Châu Đốc dẫn vào núi Sam là con đường đá qua những cánh đồng... Núi Sam giống hình con sam khổng lồ phủ rêu xanh. Giữa cánh đồng, sau mùa gặt, rạ vàng tươi, núi Sam như nằm trên một tấm đệm. Núi Sam thuộc làng Vĩnh Tế, một cái làng của chùa miếu và đền thờ, có miếu Bà Chúa Xứ, có cả lăng của Thoại Ngọc Hâu - người đã đào con kinh Vĩnh Tế.

            Chùa Tây An đứng xéo đầu bờ trên triền núi, trước chùa là cổng, cạnh chùa là tháp, sau chùa là vườn cây, tĩnh mịch âm u. Chùa có từ thời Thiệu Trị (1847), lợp bằng tranh, đã trăm năm. Bây giờ thì tường vôi, mái ngói. Trong chùa, hàng trăm cốt Phật được đặt trên các bàn thờ. Ở hậu đường, đặt ngay căn giữa, một bàn thờ lớn thờ một tượng cốt, mắt mang kính, cằm mọc râu thưa, khoác áo nâu sồng, mặt hiền từ... Đó là tượng của Phật thầy Tây An, Phật thầy Tây An là ai vậy? Tên thật của ông là Đoàn Minh Huyên, người ở làng Thọ Sơn, tỉnh Sa Đéc. Theo sử xưa ta thì Thọ Sơn là một thắng cảnh, bốn mặt làng đều có sông nước, làng như một cánh bèo đang phiêu bạt, trong làng cá lội, cò bay...

Cũng gần trăm năm trước, Pháp vừa mới cai trị nước ta, ông Đoàn Minh Huyên đến vùng Trà Bư, Xẻo Môn, Long Kiến nhằm lúc có bịnh tả. Người chết không sao kể xiết. Tiếng đồn, ông về đó, vừa truyền đạo, vừa trừ bịnh dịch cho dân. Dân chúng ngưỡng mộ ông, từ các nơi kéo đến. Nhà cầm quyên Pháp sợ ông “khua dân dấy loạn” nên bắt giữ ông ở chùa Tây An. Từ đó ông lập ra tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông chủ trương giản dị mọi hình thức tu hành để trở về nguồn với bản lai thanh lịch của Đức Phật. Không thờ Phật cốt, không gõ mõ tụng kinh, không cần phải cạo đâu trọc, áo vuông, không cần phải đi chùa, tu đâu cũng được, và phải nhớ bốn cái ơn lớn: ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo và ơn đồng bào, nhân loại. Cái mả của ông chôn trước chùa, cái mả bằng như mặt đất, khác người. Ý của ông: người chết không nên giành đất của người sống. Cứ chôn bằng phẳng để người sống có đủ đất cày bừa trồng trọt.

Cha tôi gật đầu:

- Cái ý đó nghe được.

- Thời trẻ Thầy Tư đã lên trị bệnh và tu ở chùa nầy. Đến ngày trở về lập ra đạo Phật giáo Hòa Hảo, đã bắt chước như vậy.

Chú kết luận rồi trở lại ghế, ngồi tréo chân.

- Bắt chước có sửa đổi và có thêm, rất lợi hại - cha tôi nói. - Y gãi đúng cái chỗ ngứa của người cùng thời. Tự xưng là thầy tu tức là thù Tây. Con Thảo, cậu Tư mê cái tiếng nói lái đó lắm, đi đâu cái miệng cũng cứ “thầy tu, thù Tây”.

Cha tôi vốn ít nói thường chỉ lắng nghe, thỉnh thoảng đế vào một đôi câu. Có lẽ vì đã sống ở Nam Vang, nên lúc ở nhà, cha tôi thường vận chiếc xà rông tơ sọc vuông màu xanh đỏ và mặc áo thun ba lỗ. Ra đường, cha tôi mới mặc quần áo đàng hoàng. Chiều hôm ấy, chắc vì gặp lại chú Ba Giáo, người tâm đầu ý hợp cha tôi cũng trở nên sôi nổi. Khác hơn chú Ba Giáo, cha tôi vẫn ngồi yên trên ghế, chớ không bước tới, bước lui như chú. Cha tôi nói:

- Ông ta, con người chỉ có như vậy mà thiên hạ thêu dệt không biết bao nhiêu điều huyễn hoặc. Mới đây thôi, cũng không ai lạ, con Thảo, con của cậu Tư, lên đây, tại cái nhà nầy, nói rằng Nhật đã mời Thầy của nó tới, Nhật nó thụ bằng cách cho Thầy uống át sít. Thầy bưng cái chén át xít lên. Thầy biết, nhưng Thầy vẫn uống, uống như uống nước trà. Uống xong, Thầy vẫn ngồi đàm đạo với bọn chúng. Quân Nhật sợ quá, mới lấy kiếng hiển vi rọi lên ngực Thầy xem ruột gan Thầy có suy suyển gì không, thì chúng thấy trong ngực Thầy có ba ông Phật. Họ đặt ra như vậy mà vẫn có người tin được, chú Ba mầy thấy có lạ không? Nói thiệt với chú Ba mầy, tao không muốn gây xích mích với bà con làm gì, nhưng cái bữa đó, tao nghe, tức mình quá, tao mới bảo: “Nè Hai, nếu đúng là như vậy, thì em mời thầy đến đây - cha tôi vừa nói vừa đưa tay chỉ cái tủ thợ - át xít để thử vàng của anh kia, anh cho thầy em uống ba giọt thôi; chớ không cần uống tới một chén, xem miệng lưỡi với ruột gan của thầy em có cháy không cho biết”.

Nghe tao nói vậy, nó mới bảo: “Anh Hai sao cũng chứng nào tật ấy hoài, không biết chừng nào anh mới bỏ”.

Nếu tao mà không nói như vậy thì không biết chừng nào nó mới chịu xách nón ra về.

Chú Ba Giáo cười, cha tôi cũng cười, cả hai đều không cười ra tiếng, chỉ nhếch môi. Chú Ba Giáo lại hăng lên:

- Chuyện đồn đại vậy mà có ý nghĩa lắm đó anh Hai. Hoặc là họ muốn dựa vào Nhật để gây thêm thanh thế, hoặc là Nhật muốn dựa vào họ để nắm lấy tín đồ.

- Cả hai đều muốn dựa nhau.

- Đúng vậy! Họ đã bước vào con đường chính trị rồi đó, anh Hai! Theo tôi được biết thì bây giờ, đạo Phật giáo Hòa Hảo là cái túi đựng các phe phái chính trị người của Pháp, người của Nhật, bọn đệ tử cũng nhảy vô. Có một số đảng viên Cộng sản vì phải trốn tránh cái lưới mật thám của Pháp, Nhật, hoặc vì thất chí, hoặc vì muốn giành lại quần chúng, cũng đã vào đạo. Không hiểu cái cơ sự của đạo này rồi sẽ ra sao, anh Hai?

Câu chuyện bỗng dừng lại qua giọng nói buồn rầu của chú Ba Giáo.

Tôi lại cúi xuống cái bàn quấn thuốc, cái cây lăn trong tay tôi lăn đều, từng ba điếu thuốc rơi xuống manh đệm.

Chú Ba Giáo bỗng kêu lớn, giọng hốt hoảng:

- Chuyện gì mà người ta chạy rần rần vậy kia?

Tôi cũng chồm lên, nhìn ra. Ngoài đường, trước cửa nhà tôi và trên đường bên kia bãi cỏ, già có, trẻ có, đàn ông, đàn bà, từ trong các ngôi nhà túa ra đường, cắm đầu cắm cổ đổ ra chợ, vừa chạy vừa la. Tôi cũng định phóng xuống sân, thì cha tôi gọi giật lại.

- Chuyện gì lạ vậy, anh Hai?

Chú Ba Giáo hỏi với giọng lo lắng. Giọng của cha tôi bình tĩnh hơn:

- Cũng một tin đồn gì đó vậy thôi. Làng nầy bây giờ lâu lâu lại có một tin đồn, làm nhốn nháo cả làng. Cũng như hôm rồi, tàu chở lính Nhật ghé lại bến, có vài thằng lính Nhật đeo gươm lệt bệt đi lên chợ. Chỉ có vậy mà cả làng chạy lên xem, đồn là lính Nhật rút gươm ra, đòi lấy đầu thằng cò, trả thù cho dân An Nam.

Thấy người vẫn còn chạy trên đường, chú Ba vẫn chưa hết lo, hai tay nắm lấy hai thanh cửa, chân nhấp nhổm.

Tôi cũng không thể nào trở lại cái bàn quấn thuốc. Một chân vẫn để trên bậc cầu thang, tôi nhìn ra con sông qua khoảng trống. Người trong làng đang nhốn nháo, nhưng dòng sông vẫn yên tĩnh, những dề lục bình vẫn theo con nước trôi xuôi.

Một lâu sau, người ta lại lác đác trở về, và người trong nhà tôi vẫn chưa biết chuyện gì.

Trong số người trở về có chú Tư Khởi, ba của anh Hoàng đánh xe ngựa. Là người hàng xóm, nhưng chú ít sang chơi nhà tôi. Có lẽ cái nghề của chú với nghề của cha tôi khác nhau. Tôi để ý thấy chú chỉ đến khi có chú tôi ở nhà. Chú với chú Ba “cửa tủ” của tôi có vẻ tâm đầu ý hợp. Nhưng dạo này, dù chú tôi đi vắng, thỉnh thoảng chú cũng sang chơi. Chú cũng không vào đạo, nên gần gũi với cha tôi hơn.

Trong cái số người lác đác trở về, chú rẽ xuống đường, bước lên cây cầu khỉ bắc qua nhà tôi.

- Ai như anh Tư Khởi “xe ngựa” vậy, anh Hai?

- Nó chớ ai... Có nó thì thế nào cũng biết tin - Cha tôi đứa tay ngoắc - Vô mau Tư Khởi.

Chú Tư Khởi có cái tài bắn chim, cả làng ai cũng biết tiếng. Chú không bắn bằng sung mà bắn bằng giàng thun. Cái giàng thun của chú, đứa con nít nào thấy mà không mê. Cái nạng bằng căm xe, vừa đỏ màu gỗ, vừa bóng vì mồ hôi tay của chú. Hai sợi dây thun, không phải thứ dây thun ruột xe đạp của trẻ con đâu, dây thun bằng ruột xe hơi, dày và bề ngang bằng hai ngón tay của tôi. Tôi cũng đã từng cầm thử, tôi lấy hết sức cũng không thể nào giương nổi. Còn đạn của chú, chú vo bằng đất sét, viên nào viên nấy to bằng ngón cẳng cái. Chim sâu, chim sẻ, chim trao trảo, loại đó chú tha hết. Trên đường đi săn, nếu ai đem chim tới, đổi một con lấy một viên đạn của chú, chú cũng không thèm. Đạn của chú chỉ để dành bắn chim lớn, bắn con nào ra con nấy. Chú chỉ bắn chàng bè, gà đãi với hồng hoàng cao cát. Chú lặn lội trong đồng sâu, bắn những con chim đậu trên cây sao cao ngất. Chú chỉ nhắm ngay cái óc o của nó mà bắn, bắn như để. Mỗi lần chú đi bắn về là trẻ con hàng xóm rủ đến nhà chú; không chỉ có con nít chúng tôi, mà cả người lớn cũng đến xem chim. Chàng bè mỏ dài thượt, hai cái cánh của nó, nếu kéo banh ra, dài bằng sải tay của bọn con nít chúng tôi. Chú kể chú bắn những con chàng bè ấy lúc nó thả buồm trên mặt nước.

- Chàng bè thả buồm là sao chú Tư?

Chú kể:

- Chàng bè khi gặp một cái đầm nước, nó thả xuống, lật một cánh đưa lên trên, trông như cánh buồm vậy. Nó dùng cái cánh đó, bốc gió trôi đi...

Con cò thì không phải con cò nào chú cũng bắn. Chú chỉ bắn cò hương thôi.

Cò, thịt chẳng được bao nhiêu, toàn xương xóc, nhưng nó quý ở bộ lông ngực. Nếu ai bị đứt tay, đứt chân, chảy máu thì lấy cái lông của nó rịt vào vết thương, máu sẽ cầm ngay.

Hỏi về nghề săn chim của chú, chú nói, muốn bắn được chim lớn, phải lặn lội trong đồng sâu. Không để cho nó thấy mình. Gần tới nó, phải nhẹ chân, đầu phải đội cỏ, lúc trầm mình xuống nước thì phải đội lục bình, đội lá sen. Cốt yếu là không cho con vật thấy được con mắt mình. Với loài chim loài thú, mắt của con người sáng lắm, sáng như ngọn đèn xe hơi vậy. Thấy mắt người là nó rộ lên, bay hoảng đi.

Hèn gì, mỗi lần chú đi săn về, lần nào cũng thấy chú đội cái cát két có lưỡi trai thò ra khỏi trán thật dài, chẳng giống ai. Chắc là để che con mắt với loài chim?

Chú Tư Khởi, tóc loăn quăn đo đỏ như lông con ngựa Cu, lún phún một hàm râu quai nón, cái áo bà ba để hở bộ ngực đỏ au như ức chim và loắn xoắn một chùm lông.

Chú bước lên nhà tôi, chào chú Ba Giáo theo cái kiểu của chú, không bắt tay mà đưa tay nắm cái vai của chú Ba Giáo, cười há há. Với tôi thì chú xoa đầu, với cha tôi thì chú cười và lắc đầu:

- Thời buổi lộn xộn quá, anh Hai. Nghe tin gì thằng Ba “cửa tủ” không anh Hai?

- Nó vẫn ở bên Đốc Vàng.

- Nghe nói ảnh sắp về.

- Sao chú biết?

- Thời buổi này, trước sau gì ảnh cũng phải về. Tôi nghe nói như vậy.

- Chuyện gì hồi nãy vậy anh Tư?

Chú Ba Giáo vẫn sốt ruột. Chú Tư Khởi ngồi vào ghế, nhìn ra mặt đường và con sông.

- Có chuyện gì đâu. Đang ngồi trong nhà, thấy người ta chạy ùn ùn, tôi cũng chạy theo. Mọi người chạy ra chợ, người này hỏi người kia, không ai biết chuyện gì với chuyện gì, ai cũng bảo, thấy người ta chạy, mình cũng chạy theo.

- Tôi nói có đúng không? - Cha tôi chen vào.

- Hỏi riết rồi cũng có người nói.

- Nói sao?

- Nói ông đạo Cậy vừa mới tới.

- Đạo Cậy nào anh Tư? - Chú Ba Giáo vẫn sốt ruột.

- Anh Ba mới về, chắc anh chưa biết. Lâu nay trong đạo Hòa Hảo người ta đồn, đã sắp đến ngày đổi đời, ngày đổi đời thì tối trời, tối đất ba ngày ba đêm. Trong ba ngày ba đêm tối trời đó, hùm beo từ trên rừng sẽ xuống, sấu từ dưới nước sẽ lên. Hùm beo với sấu sẽ tha, sẽ bắt những người nào không vô đạo Hòa Hảo. Tới ngày đó ông đạo Cậy sẽ biến thành sấu. Người ta đồn là bây giờ, cái ót của ông đạo Cậy đã có vảy rồi. Vì vậy mà người ta chạy người ta xem. Rần rần chạy ra chợ, thì nghe là ông đã ra bến xe, lại rần rần ra bến xe. Ra bến xe thì có người nói là ông ta vừa lên xe ngựa đi rồi... Nếu người nào cũng có ngựa thì ngựa sẽ chạy lở hết mặt đường. Chuyện nghe lãng nhách, tức quá tôi mói nói: tôi mà gặp được ông đạo Cậy, tôi sẽ đè cái ót của ông xuống tôi giật vài cái vẩy chơi cho biết. Mấy người theo đạo Hòa Hảo họ nhìn tôi, lừ lừ như muốn nuốt sống tôi. Cái thời thế này, hết biết.

Cha tôi nối lời:

- Từ trước tới nay, nói tới ma là để nhát con nít, bây giờ người ta đem ma, đem quỷ ra nhát cả người lớn.

Rồi cha tôi kể với chú Ba Giáo về các tin đồn. Người trong đạo họ xầm xì với nhau: trong ba ngày ba đêm tối trời, tối đất ấy, bọn quỷ dương (1) sẽ nghễu nghện đầy đường. Chúng đi qua từng nhà, gọi tên từng người. Nếu ai lên tiếng thì bị chúng hốt hồn. Đức Thầy có dạy, nếu nghe nó gọi thì một người, người ấy phải là đàn bà, cầm một nắm giẻ rách mở cửa ra nói “Người của nhà tôi đã đi rồi, cho tôi gởi theo bó quần áo” rồi đưa nắm giẻ rách ấy cho quỷ, vậy là thoát.

Chú Tư Khởi nghĩ gì, ngửa mặt cười tiếp:

- Còn nữa. Mấy ngày đó, nhà không được nổi lửa nấu cơm. Cho nên người trong đạo họ xầm xì với nhau: Thầy dạy phải làm bánh tô, phải phơi cơm khô để ăn. Vậy là cả làng ai cũng xay gạo phơi cơm. Vợ tôi thấy vậy, cũng bày đặt phơi cơm, ngâm gạo để làm bánh tô. Tôi hét cho một trận, bả mói nói: “Mình không tin nhưng lỡ có thì cũng có cái để ông với mấy đứa nhỏ nó ăn. Nếu không có thì cũng còn đó, mất đi đâu?” Có người không tin nhưng vẫn sợ đó, chú Ba. Họ cũng lại xầm xì, lại rỉ tai: sau ba ngày đó thì núi Cấm sẽ nổ ra thành lâu đài của nhà vua. Thầy của họ sẽ trị vì thiên hạ. Người nào theo sẽ được Thầy rước về xem hội Long Hoa, có rồng bay phượng múa, nghe mà mê. Còn người nào không theo đạo thì hùm tha, sấu bắt, nghe mà lạnh đến xương khu.

Bây giờ, ngủ giựt mình thức dậy, họ mở miệng ra là Thầy, Đức Phật Thầy. Cái đám bà con của tôi ở ruộng ra chơi, lúc nào cũng thầy, thầy, tôi phát nổi nóng, tôi nói: “Nêu bây thấy thầy của bây đi ỉa mà thơm thì hẵng tin là Phật sống, còn như thầy bây mà cũng như tụi bây thì đừng có tin”.

Nói xong, chú bật cười, cười khậc khậc, cười rung cả lông ngực, bắt mọi người phải cười theo...

Đêm hôm ấy, dù trời đang giông mưa, dù cho nhà cửa ở trong làng với ngọn đèn nhỏ nhoi như hột đậu và le lói bị chìm ngập dưới bóng tối âm u của mây khói đen, dù cho dòng sông đang ầm ào nổi sóng, dù cho cây, cho lá trong vườn ngả nghiêng rơi rụng trong cơn giông, qua câu chuyện của chú Ba Giáo, chú Tư Khởi và cha tôi, tôi không còn sợ bóng đêm nữa. Tôi không còn sợ những con quỷ hình thù kỳ dị, thân người mặt ngựa với đầu trâu, rách rưới lang thang, với cái giọng kêu tên người đến rởn óc, cũng không còn sợ những con hùm, con beo rằn rện từ trên rừng tuôn xuống với những con sấu từ dưới đáy nước trôi lên, bươn bả leo lên bờ vây lấy quanh tôi.

Một mình tôi, tôi dám mở cửa, đứng trước bậc thang để chờ xem một trái xoài rụng, và dám nhìn thẳng ra con sông, dám ngửa mặt nhìn lên trời, xem những đám mây khói đen từ đâu kéo đến để đoán cơn mưa, và biết tìm những vì sao qua những khoảng trống của đám mây. Trên xa kia, vẫn nhấp nháy những vì sao.

Và mây đen, qua một cơn mưa, mây sẽ tan. Còn những vì sao kia, trên trời cao, thì mãi mãi đời đời...



--------------------------------
(1) Quỷ vương, nói chệch âm
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2022, 03:06:34 pm »

*

*          *

 

Chú Ba tôi về. Bà nội tôi chỉ có hai người con trai, cha tôi với chú tôi. Có lần chị tôi hỏi:

- Sao bà không đẻ thêm con gái cho tụi cháu gọi bằng cô?

Bà cười:

- Sao không nói trước? Mà thôi. Con gái ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài, đẻ làm gì cho cực cái thân của cô con.

Cha tôi tên Thành, chú tôi tên Công. Nhưng ít khi nghe ai gọi cha tôi với chú tôi bằng tên. Cha tôi được gọi là Hai thợ bạc, chú tôi là Ba “cửa tủ”. Chú tôi làm thợ mộc, bàn tủ giường ghế, cái nào chú cũng đóng được, nhưng cái món nghề giỏi nhất là nghề làm cửa tủ. Cánh cửa tủ do chú tôi làm khéo hơn tất cả những tay thợ ở trong làng. Cánh cửa tủ do tay chú tôi làm, mở ra đóng vô nghe vừa êm, vừa khít, không thể nào nhìn thấy được khe hở, cái đường khe nhỏ như sợi tóc, tưởng như miếng ván liền nhau. Khi cái cánh cửa tủ đóng lại, người ta nghe được cái tiếng gió dội ra, rất êm tai. Góc và cạnh của cửa tủ, chú tôi không bào bằng cây bào thường của các tay thợ thường dùng, mà chú tôi mài nó bằng mảnh chén kiểu, và chú tôi vuốt lại bằng tay, rất công phu. Vì thế mà chú tôi nổi tiếng là Ba “cửa tủ”. Tay nghề đang giỏi đang đắt hàng, bỗng dưng chú bỏ nghề. Chú chuyển một nghề khác, cũng nghề mộc nhưng rất tầm thường. Chú sắm một bộ đồ nghề, đựng trong một cái túi, khi mang trên vai, khi buộc trên yên xe đạp, đi chỗ này chỗ nọ, sửa bàn, sửa ghế. Có người hỏi chú, chú bảo chú không thích ngồi một chỗ, chú thích đi đây đi đó, cho biết. Nhỏ hơn cha tôi ba tuổi, nhưng trông chú có vẻ già hơn và khắc khổ hơn cha tôi. Lúc chú đi chẳng biết chú ở đâu, ở nhà ai, khi chú về làng thì chú ở nhà tôi, ngủ trên chiếc ghế bố, ngoài thảo bạt. Tôi thấy cha tôi vừa thương yêu, vừa nể trọng chú. Chú ít nói, thường ngồi một mình, trầm ngâm nghĩ ngợi đâu đâu, thỉnh thoảng mới nói với cha tôi một vài điều.

Chú đi biệt tăm từ năm làng bị lính Tây đốt và bắt người đày đi Côn Đảo. Nghe nói chú đã qua ở bên kia sông và đã cưới vợ rồi, tận trong ngọn. Vậy là gần bốn mươi chú mới lấy vợ, rất muộn. Bà nội mất (cuối năm 1944) chú cũng không về. (Sau này tôi được biết chú đi hoạt động cách mạng, chú cũng đã học thêm chữ của thầy Châu Văn Liêm).

Chú gõ cửa sau vào lúc nửa đêm. Hình như cha tôi vẫn thức để chờ chú. Vừa có tiếng gõ cửa, cha tôi đã choàng dậy. Nhà không thắp đèn. Tôi thấy hai cái bóng, cái bóng cao cao là cha tôi, cái bóng thấp hơn là chú.

- Nghe tin má mất mà em không về được.

- Thím khỏe không?

- Cũng như em, lặn lội đó đây. Bịnh tình của chị Hai có đỡ được chút nào không, anh Hai?

- Càng ngày càng trầm trọng, nan giải lắm.

- Cho em thắp ba cây nhang em lạy má. Mặt trận Việt Minh ra đời rồi. Cũng sắp rồi, anh Hai! Huỳnh Phú Sổ sắp về đây diễn thuyết. Trên phái em về luôn.

- Gặp Tư Khởi chưa?

- Tư Khởi qua sông đi bắn chim, đón em về.

Ba đốm lửa của ba cây nhang đưa lên đưa xuống trước bàn thờ ông nội, bà nội tôi...

Hai ngày sau, đúng như lời chú tôi nói, Huỳnh Phú Sổ về làng. Người trong đạo dựng một khán đài cao bằng cây sao giữa sân banh, sau nhà tôi.

Sáng sớm, chưa mở mắt dậy, tôi đã nghe tiếng người qua lại trên đường bên kia cây cầu khỉ nhà tôi, và tiếng vó ngựa chạy ngược chạy xuôi với tiếng kèn bí bo. Dưới bến, nào xuồng cui của người vượt sông, nào xuồng ba lá của xóm đồng, nào ghe có vẽ hai con mắt cá, đậu hai ba lớp.

Xe ngựa từ Long Xuyên qua, từ Chợ Mới xuống, từ Cái Tàu, Sa Đéc chạy lên, xe nào cũng xếp mui, đầy người. Xe đậu chật bến, đậu dài theo các con đường ra chợ. Người là người, không ai giống ai, nhưng lại giống nhau, đầu bới tóc và quần áo màu dà. Người đi chật đường, đi tràn lên cả lề đường, đi dọc theo các bãi cỏ. Chỉ có một màu, màu cánh con gián. Người với màu con gián nhấp nhô, cuồn cuộn đổ ra sân banh chờ chực đón Đức Phật Thầy. Cái thảo bạt nhà tôi tưởng có thể sập vì người. Bà con dòng họ tôi, những người theo đạo, ông bà cô chú, cả những đứa thuộc vai em, kẻ ngồi người đứng, áo quần cũng một màu cánh gián, người nói, người niệm Phật. Ông Tư tôi ngồi đó, giữa nhà, trên ghế, bệ vệ, đầu chải láng. Cái đầu tóc sau ót đã lớn bằng cái kèn bi bo của chiếc xe ngựa, bệ vệ oai phong với bộ ria mép vểnh ngược lên. Và hai con mắt. Hai con mắt mở tròn, như có một ngọn lửa đang cháy.

- Nghe tao dặn. Không phải chỗ nào, làng nào Thầy cũng tới, cũng không phải tín đồ nào cũng gặp được mặt Thầy, có người lên đến tận nơi mà cũng không được gặp mặt Thầy. Thầy đã xem xét, đã lựa chọn. Làng này có phước lớn. Nghe tao dặn, cho nên khi Thầy tới thì dù đứng đâu cũng phải quỳ xuống, lạy Thầy. Khi Thầy nói thì phải vểnh hai cái lỗ tai lên mà ghi nhớ lời của Thầy, nghe chưa?

- Dạ... ạ... dạ...

Cô Hai Thảo ngồi để một chân trên ghế, đưa tay xỉa cục thuốc để qua một bên, khiến cho cái mép môi trên như sưng lên, đế thêm:

- Ông Tư dặn bây nghe chưa?

- Dạ... nghe...

Ông Tư mặt vênh vênh nhìn lên tự đắc, còn cô Hai, cô nhìn xuống đàn con cháu, vẻ hài lòng lắm.

Theo lịnh của cha, chị em nhà tôi nhường nguyên cái thảo bạt cho bà con có đạo, chị em tôi rúc vào trong. Chỉ có tôi tò mò, thỉnh thoảng lại ló đầu ra cửa, khi tôi thấy ông tôi quay lại thì tôi thụt vào, nhìn ông qua kẽ vách. Tín đồ từ những nơi xa, nào chèo nào chống, đến làng tôi từ lúc gà mới gáy, mà đến xế chiều Đức Phật Thầy mới đến. Người ta vào sân banh, chiếm chỗ ngồi chờ, mở mo cơm ra ngồi ăn tại chỗ, dưới bãi cỏ.

Quả thật là tôi không thể biết Đức Phật Thầy đến làng tôi bằng đường nào, từ Sa Đéc lên, từ Long Xuyên qua, từ Chợ Mới xuống hay là từ trên trời rơi xuống. Tôi chỉ biết, bà con tôi bỗng từ trên thảo bạt tuôn xuống cầu thang, chạy ra sau hè nhà tôi, và những người ở chợ ùn ùn kéo vào sân banh. Tôi cũng phóng xuống cửa sau, chạy ra hàng chuối sau hè nhà. Sân banh đã đầy người, không phải chỉ đứng, chỉ ngồi bọc vòng theo sân như khi coi đá banh mà đứng chật cả bãi cỏ, từ dưới chân khán đài tràn ra vô đến tận lùm cây bụi chuối sau hè của cả xóm nhà dọc theo sân banh.

Người chật như nêm, tôi không thể nào len vô nổi. Tôi nhìn lên khán đài từ xa, cách hơn hai trăm thước. Tôi thấy người mà tín đồ Phật giáo Hòa Hảo gọi là Đức Phật Thầy, ông Huỳnh Phú Sổ, bước lên khán đài. Ông mặc quần áo trắng, áo vạt hồ màu cánh gián, tóc chấm ngang vai chẳng khác gì một cô gái. Khi ông bước lên từng bậc thang lên khán đài, người trong sân banh bỗng dậy lên, mỗi người mỗi giọng, không thể nghe rõ được người ta nói gì, rào lên như một cơn mưa.

Khi ông xòe một bàn tay đưa lên ngực thì bỗng lặng như tờ. Khi ông cúi chào thì tất cả những con người lô nhô với quần áo màu cánh gián ấy đều quỳ xuống, mạnh ai nấy lạy. Và tiếng niệm Phật như một cơn mưa đổ xuống mái nhà.

Trong số những người ở chợ đứng lấp ló sau hè nhà tôi, có một người bỗng kêu to:

- Coi kìa! Đĩ nó cũng lạy thầy! - Người ấy đưa tay chỉ mấy cô gái mặc áo trắng đang quỳ ở xa xa cái vòng người áo quần màu cánh gián.

- Hỡi thiện nam, tín nữ! - Tiếng của ông vọng tới và tôi chỉ nghe được có như vậy. Ông nói gì nữa, tôi và người ở quanh tôi không còn nghe gì được vì những tiếng lào xào của hàng ngàn tín đồ đang vây quanh ông.

Không lâu lắm, ông xòe một tay đưa lên ngực, cúi đầu chào bốn phương. Cái khối người quần áo màu cánh gián lại rào lên, chuyển động như một dòng nước xoáy.

Tôi liền chạy theo những người đứng bên tôi túa trở ra. Họ lại tràn lên cái thảo bạt nhà tôi, nhìn ra đường. Một lát sau, ông Huỳnh Phú Sổ ngồi trên một chiếc xe ngựa, một con ngựa bạch, không biết là xe của ai, xe sau là chiếc xe chở đầy đoàn tùy tùng của ông, chạy trên con đường qua cửa nhà tôi. Chiếc xe của ông như chạy giữa dòng người của tín đồ... Có một tốp người chạy trước, không phải ngồi trên xe mà chạy bằng hai chân, người chạy dọc theo hai bên lề, và sau là mật đoàn người cắm đâu cắm cổ chạy theo xe của ông.

Người người từ trong sân banh lại đổ ra bến sông, ra bến xe. Không mấy chốc mà sân chợ và các con đường ra chợ vắng hoe.

Lúc vắng vẻ này, người ta mới thấy lại con sông. Con sông mang theo những dề lục bình trôi qua, êm đềm.

Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM