Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:38:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ cây giáo đến khẩu súng - Tập 4  (Đọc 1496 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:10:26 am »

MƯỜI LỜI THỀ DANH DỰ - KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG
CỦA "ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ"


Cách đây hơn 60 năm, vào ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), “mười lời thề danh dự’ của quân đội ta do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thảo ra, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ra đời trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.


“Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

Xin thề:

1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật, Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.

2. Tuyệt đôi phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết, cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu cháy cũng không lùi bước.

4. Lúc nào củng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.

7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù.

9. Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân - không doạ nạt dân - không quấy nhiễu dân, và ba điều nên: kính trọng dân - giúp đỡ dân - bảo vệ dân, để gây lòng tin cậy ái đới đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước.

10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam".


Tất cả, tuy chỉ là mười câu văn ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu, với 397 từ, nhưng nó đã khái quát được những nội dung lớn về nhiệm vụ của Đội lúc bấy giờ mà cũng sẽ là nhiệm vụ lâu dài và trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này:

Thứ nhất là thề hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam.

Thứ hai là lời thề đó nhất thiết được thực hiện bằng những phương pháp thích hợp và hiệu quả như:

- Đối với bản thân người đội viên là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

- Đối với quân cướp nước là kiên quyết tiêu diệt.

- Đối với nhân dân là hết dạ, hết lòng phục vụ.


Thứ ba là để thực hiện kết quả “mười lời thề”, phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện bằng cách:

- Tăng cường đoàn kết nội bô.

- Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật.

So với “năm lời thề" gồm 29 từ:

   "Không phản Đảng,
   Tuyệt đối trung thành với Đảng.
   Kiên quyết chiến đầu và trả thù cho các đồng chí bị hy sinh.
   Không hàng giặc.
   Không hại dân".

của Bộ đội du kích Bắc Sơn (một tổ chức vũ trang cách mạng, được chính thức thành lập ngày 14 tháng 2 năm 1941, tiền thân của Trung đội Cứu quốc quân, còn gọi là Trung đội Cứu quốc quân I) thì nội dung mười lời thề danh dự” của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã có sự phát triển mới, sâu sắc, phong phú và hoàn chỉnh hơn.


Xét về ý nghĩa, lời thề, lời nguyền... nói chung là một hành vi nghiêm túc của con người mà nội dung thực chất là lời hứa một cách trịnh trọng, với ý thức tự ràng buộc mình đồng thời viện ra một vật thiêng liêng nào đó hay cái quý báu nhất trong đời sống (như danh dự, tính mạng - dưới hình thức “cắt máu”) để đảm bảo, để tạo thêm sức nặng cho lời nói, nhằm tỏ rõ một quyết tâm lớn trước khi bắt tay vào hành động vì một sự nghiệp cao cả.


Trong nội dung lời thề được tuyên đọc tại buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cái quý báu nhất được nêu lên là “danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc” và cái vật thiêng liêng được viện ra là "lá cờ đỏ sao vàng năm cánh" biểu tượng cho Tổ quốc Việt Nam - xuất hiện từ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23 tháng 11 nàm 1940), bốn năm trước đó, và gần hai năm sau, đầu năm 1946, trở thành quốc kỳ, do Quốc hội khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định.


Thề nguyền nhằm thể hiện ý chí thực hiện mục tiêu cho một hành động nào đó vốn là một nghi lễ trọng thể trong truyền thống của xã hội loài người và thường được tiến hành vào những hoàn cảnh đặc biệt, trước những bước ngoặt của lịch sử... mà cổ kim đông tây đều có. Ngay như hiện nay, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, họ vẫn còn giữ tập quán là một quan chức được dân cử, một nội các mới được bầu, một viên quan toà hay một bị cáo đều phải tuyên thệ trước khi nhậm chức hay trước khi bị hành xử. Chỉ có khác là khi tuyên thệ, bàn tav họ có thể nắm lại giơ ngang vai hoặc đặt trên ngực, trên kinh thánh, trên hiến pháp cũng như trên lá quốc kỳ. Việt Nam cũng không thể có ngoại lệ. Vào tháng 3 năm 1946, trong ngày nhậm chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ liên hiệp kháng chiến cũng có một việc làm tương tự là trịnh trọng đọc lời tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc.


"Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Tối cao Cố vấn đoàn và Ủy viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong còng việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:10:51 am »

Sơ dĩ có hiện tượng trên là vì từ xa xưa, con người đã biết lấy danh dự làm trọng, tuy đôi khi còn đượm chút màu sắc tín ngưỡng. Hành vi ấy luôn mang theo ý nghĩa là gây được ý chí tự tin cho bản thân mình và gây được niềm tin cho người khác. Do vậy, nó đã tạo nên những sức mạnh tinh thần, giúp con người vượt qua mọi khó khăn trở ngại.


Nhìn từ góc độ văn hoá nói chung, văn hoá quân sự nói riêng “mười lời thề danh dự” được xem là một biểu tượng. Bởi vì nói như Chu Hy (1130-1200), nhà triết học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc: “Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia". Lời thề ở đây là một hình thức, được ghi lại bằng ngôn từ cụ thể, là một lời hứa hẹn, song ý nghĩa của nó lại là nhằm thể hiện quyết tâm của quân đội ta trước khi đi vào sự nghiệp đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc. Trên thực tế, lời nói đó đã trở thành hành động cụ thể suốt ba mươi năm chiến đấu gian khổ, ngoan cường mà tiêu biểu là ba Huân chương Sao vàng cho ba lần tuyên dương công trạng, là 888 cá nhân được, tặng phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (có 87 người là nữ, 249 người là liệt sĩ).


Đâu chỉ có riêng quân đội ta ngày nay, trong dòng chảy của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm ở Việt Nam suốt mấy ngàn năm, đã diễn ra bao lần tuyên thệ trước khi nhân dân ta cầm vũ khí đứng lên chống giặc. Được nhắc đến sớm nhất là lời thề khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: “Một xin rửa sạch quốc thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Bước vào kỷ nguyên Đại Việt tự chủ, từ thời vua Lý Thái Tông, hàng năm triều đình có một ngày lễ lớn. Hôm ấy, vua cùng các quan đều đến đền Đồng Cổ (hiện nay ở phố Thuỵ Khuê, Hà Nội), nơi thờ một chiếc trống đồng cổ để cùng nhau tuyên thệ: "Kẻ nào làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh sẽ giết chết". Thời Trần, năm 1288, khi đem quân đi đánh thủy quân Mông - Nguyên, Trần Quôc Tuấn đã hướng tướng sĩ nhìn xuống lòng sông Bạch Đằng mà nói: "Trận này không phá xong giặc thì không về bến sông này nữa". Quả nhiên, lời thề đanh thép đó đã trở thành hiện thực. Đến thời Lê Lợi có hội thề Lủng Nhai, những người yêu nước nguyện cùng nhau tụ nghĩa đánh giặc. Khi thắng giặc, nghĩa quân đã buộc chủ tướng chúng phải đến Hội thề Đông Quan cam kết: "... Nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thể... thì trời, đất cũng là danh sơn, đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn Tống binh quan thành sơn hầu Vương Thông, tự bản thản cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà...". Đến thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, trước khi xuất quân “thần tốc” ra Bắc, tại làng Thọ Hạc (nay thuộc thành phố Thanh Hoá) đã có buổi “thệ sư”, quyết “đánh cho sử tri Nam quốc anh hừng chi hữu chủ". Trận ấy, quân ta thắng giòn giã, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh khỏi bờ cõi.


Vào đầu những năm đế quốc Mỹ kéo quân vào miền Nam và đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, được tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” soi sáng, “mười lời thề” lại như được tiếp thêm sức mạnh, nâng quyết tâm chiến đấu lên một tầm cao mới. Cho nên tuy phải chiến đấu trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ gấp bội nhưng âm vang của những câu thề vẫn luôn luôn văng vẳng bên tai như thôi thúc, động viên khiến quân đội ta nỗ lực vượt qua tất cả để cùng toàn dân vững bước đi tới thắng lợi cuối cùng.


Tiếp bước người xưa, “mười lời thề danh dự" theo thông lệ, cũng nhằm mục đích thể hiện một quvết tâm và đã mang lại những kết quả cực kỳ to lớn như lịch sử đã chứng minh. Chỉ có điều, lời thề đó, không vang lên chỉ một lần vào ngày 22 tháng 12 nàm 1944 mà suốt những năm tiến hành chiến tranh giải phóng và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, lời văn của nó, khi có điều kiện, lại được thường xuyên nhắc lại dưới “lá cờ đỏ sao vàng năm cánh".


Ngày nay, khi các thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, vào những ngày đầu mới nhập ngũ, “mười lời thề danh dự” được xem là bài học vỡ lòng trong đạo lý của việc làm người quân nhân cách mạng. Nội dung của nó có giá trị như kim chỉ nam cho hành động nhằm đưa người chiến sĩ quân đội ta thực sự trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ".
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:11:31 am »

TỪ 60 NGÀY ĐÊM MỞ ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
ĐẾN 12 NGÀY ĐÊM KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ


Hà Nội là một tiểu vùng văn hoá quân sự đặc biệt, có giá trị lớn đối với cả nước. Với tư cách một thành phần chủ thể của văn hoá Việt Nam, trong 30 năm chiến tranh giải phóng vừa qua, quân và dân Hà Nội đã nêu cao tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của “người mở đầu” với 60 ngày đêm cuộc kháng chiến chống Pháp và của “người kết thúc” qua 12 ngày đêm cuộc kháng chiến chống Mỹ.


Thật vậy, trong lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, chưa hề có cuộc chiến tranh nào lại nổ ra cùng một lúc ở thủ đô và các thành phố khác. Nếu chiến tranh xảy ra ở vùng đất này thì quân ta thường rút về rồi chọn những nơi hiểm yếu khác để giáng trả quân xâm lược nhằm giải phóng đất nước như trường hợp thời Trần ở thế kỷ XIII. Còn nếu buộc phải chiến đấu ngay tại thủ đô mà thiếu phương pháp tác chiến thích hợp và hiệu quả thì đành phải chấp nhận sự thất bại như trường hợp thời Nguyễn ở thế kỷ XIX. Lịch sử chiến tranh cách mạng châu Âu ở thế kỷ XIX, chưa hề có một trường hợp nào mà lực lượng vũ trang yếu kém lại đương đầu thắng lợi với một đội quân chính quy ở thành phố. Nhưng trái lại, ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hà Nội đã làm được điều đó bằng chính khả năng của mình dù phải đối mặt với kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần và đã tiêu diệt gần 2000 tên địch trong 60 ngày đêm chiến đấu rồi mới rút quân theo kế hoạch đã định.


Tại sao người Hà Nội lại có thể làm được như vậy? Trước hết, chúng ta đã sớm nghĩ đến việc chuẩn bị bảo vệ Hà Nội và các thành phố khác. Bởi thế, chúng ta đã chủ động giành được lợi thế trong những giây phút đầu tiên. Do hoàn cảnh đặc biệt, với sự thỏa thuận giữa Đồng minh và Chính phủ ta, quân Pháp được phép vào miền Bắc làm nhiệm vụ tiếp phòng, thay cho quân Tưởng rút về nước. Trước thềm cuộc kháng chiến chống Pháp, những đơn vị viễn chinh đã có mặt tại thủ đô và hầu hết những đô thị lớn. Cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân xâm lược đương nhiên sẽ cùng một lúc bắt đầu từ Hà Nội và nhiều thành phố khác, trong số đó, Hà Nội rõ ràng là trọng điểm.


Tiếp đó, lấy so sánh tương quan lực lượng địch - ta làm cơ sở, quân và dân Hà Nội tiến hành chuẩn bị chiến đấu. Trước quân xâm lược lúc bấy giờ, lực lượng vũ trang ta còn rất nhỏ bé, nếu dàn toàn lực lượng trong một trận thì chỉ vài ba giờ giao tranh là có thể bị thất bại. Cho nên nội dung của phương pháp tác chiến mới là sự kết hợp đánh trận địa với đánh du kích. Đánh trận địa là xây dựng những chiến lũy tương đối vững chắc, tạo nhiều chướng ngại vật, hầm hào nhằm hạn chế sức cơ động của xe tăng, thiết giáp cũng như sức phá hoại của bom đạn. Nhưng ở đây, điều khác biệt là quân ta không tập trung ngăn chặn địch ở những nơi cố định. Từ đó, hình thức của phương pháp tác chiến mới là trên cơ sở huy động đông đảo toàn dân tham chiến - lấy bộ đội và tự vệ chiến đấu làm nòng cốt với thanh niên và học sinh yêu nước thủ đô làm thành phần chủ yếu - nhưng tiếp cận địch lại là những phân đội nhỏ, thậm chí rất nhỏ, để tích cực cơ động, nhanh chóng bí mật trong giao chiến. Với những lực lượng “khiêm tốn” ấy, chúng ta kiên quyết từ chối những đụng độ lớn mà chỉ tiến hành những giao chiến nhỏ có chuẩn bị kỹ lưỡng. Chính vì vậy mà trong hai tháng trời, địch chỉ mở được 30 trận, còn ta đã tiến công, chặn đánh tới hơn 100 trận. Cứ thế cho đến khi thấy đã tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận địch, bảo tồn được lực lượng ta, giam chân quân xâm lược một thời gian trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị. Chính phủ, các cơ quan, một số cơ sở công nghiệp đã thực hiện tản cư an toàn, thế là bộ đội ta rời khỏi Hà Nội, đi vào cuộc trường chinh gian khổ cho đến ngày chiến thắng, lại quay về giải phóng thủ đô.


Hơn 25 năm sau, cuối tháng 12 năm 1972, chiến sự lại nổ ra tại vùng đất cứ ngỡ là “Thăng Long phi chiến địa”. Đây là một cuộc đụng đầu lịch sử lớn giữa hai bên tham chiến, một bên là dân tộc Việt Nam, mà người đại diện là quân và dân Hà Nội, và một bên là quân xâm lược Mỹ, mà mũi nhọn xung kích là không lực Hoa Kỳ.


Mục đích của đế quốc Mỹ (ai cũng rõ) là muốn đem máy bay chiến lược B.52 đánh vào Hà Nội nhằm thúc ép Chính phủ ta tới mức tối đa trong cuộc đàm phán, giải quyết vấn đề chiến tranh ở Paris theo ý muốn của chúng. Dĩ nhiên, mục đích chiến đấu của quân và dân Hà Nội là phải chặn đứng âm mứu đen tối này bằng mọi giá. Nếu như mục đích của Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu vào giai đoạn bắt đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp còn mang tính chất "mở" vì trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Hà Nội, nội dung đề ra rất linh hoạt là "đi đôi với tiêu diệt địch, cần thấu triêt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta,, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng toàn quân và toàn dân tiến hành cuôc kháng chiến lâu dài". Trái lại, mục đích của Hà Nội trong 12 ngày đêm chiến đấu vào giai đoạn kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ lại hoàn toàn mang tính chất "đóng" vì thời gian khắc nghiệt không cho phép chúng ta có "độ lùi" mà nhất thiết phải “trụ vững”. Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nói chung và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng, những cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội đều diễn ra vào những thời điểm quan trọng. Không những thế, trận tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B52 này lại diễn ra ở thời điểm quyết định của cuộc chiến tranh. Nếu chúng ta thắng trên bầu trời Hà Nội, có nghĩa là buộc đế quốc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris theo lập trường của chúng ta đồng thời phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước, tạo tiền đề cho quân và dân Việt Nam tiến lên, đánh đổ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quả nhiên, chúng ta đã thắng, đã tạo nên một “Điện Biên Phủ trên không” và đưa tới bước ngoặt quyết định đổi với cuộc kháng chiến chống Mỹ.


Sở dĩ làm được như vậy vì người Hà Nội đã thực hiện đúng lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Biến lời nói trên thành hành động cụ thế, quân và dân Hà Nội đã chuẩn bị mọi mặt nhằm chống lại những cuộc tập kích đường không của Mỹ, đặc biệt là trong 12 ngàv đêm cuối tháng 12 năm 1972. Nhờ tổ chức chu đáo, đồng bộ hệ thống các lưới lửa bắn máy bay, công tác sơ tán, công tác phòng không nhân dân và công tác khắc phục hậu quả nên đã hạn chế tổn thất về người tới mức thấp nhất. Không những thế, Hà Nội còn bắn rơi một số lượng đáng kể máy bay chiến thuật và chiến lược của Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, làm suy giảm nghiêm trọng uy danh không lực Hoa Kỳ. Trong số đó có 25 máy bay B52, chiếm 73,5% tổng số máy bay B52 bị hạ trong đợt tập kích đường không chiến lược này.


Chính Tổng thống Nichxơn đã phải thú nhận trong hồi ký của mình: "Điều lo ngại chính của tôi trong tuần lễ ném bom đầu tiên không phải là những đợt phản đối gay gắt ở trong nước và trên thế giới, điều này đã được dự tính mà chính là thiệt hại nặng nề về B52".
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:12:53 am »

NHÂN DÂN - THUỘC TÍNH VĨNH HẰNG CỦA QUÂN ĐỘI TA


Ai cũng biết, quân đội ta sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Nội dung cội nguồn này đã được bàn đến nhiều lần, ở những góc độ khác nhau. Bài viết này xin được tiếp cận phạm trù nhân dân từ góc độ thuộc tính.


1. TỪ TỰ VỆ ĐỎ ĐẾN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tính từ ngày 22 tháng 12 năm 1944, ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành quân đội ta đã lần lượt mang theo các tên gọi: Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Quân đội quốc gia và Quân đội nhân dân.


Giải phóng quân là tên gọi theo nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược ra ngoài lãnh thổ trong những thời kỳ đặc biệt của đấu tranh vũ trang cách mạng ở nước ta. Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị Tổng khỏi nghĩa. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, họp vào tháng 4 năm 1945, tại Bắc Giang, đã quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác, thành lập Việt Nam giải phóng quân vào ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại làng Quặng (xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Hay để tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời hợp pháp hóa một bộ phận Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tháng 1 năm 1961, Tổng Quân uỷ ra chỉ thị thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.


Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, đến giữa tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng Việt Nam giải phóng quân và đổi tên thành Vệ quốc đoàn - nghĩa đen là "đoàn thể bảo vệ Tổ quốc" - một tên gọi "ngụy trang" nhằm thực hiện chính sách mềm dẻo, khôn khéo né tránh sự khiêu khích, xung đột với quân Đồng minh, cụ thể là quân Tưởng đang có mặt ỏ nước ta lúc bấy giờ.


Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Đây là bản sắc lệnh đầu tiên cho việc xây dựng quân đội chính quy của một quốc gia độc lập. Khi chưa giành được chính quyền, quân đội là công cụ của Đảng, một tổ chức quần chúng vũ trang đặc biệt, cùng với toàn dân đấu tranh giành chính quyền. Khi đã giành được chính quyền, quân đội trở thành một bộ phận cấu thành của nhà nước. Vì vậy tên gọi tất yếu phải thay đổi cho phù hợp với tình hình nhằm xác định rõ quân đội là một công cụ chuyên chính bạo lực của nhà nước, làm nhiệm vụ bảo vệ Tố quốc.


Khi quân đội ta được Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, họp tại Tuyên Quang, tháng 2 năm 1951, quyết định đổi tên thành Quân đội nhân dân thì từ đó bên cạnh chức năng giữ nước, danh xưng này mới phản ánh đúng thuộc tính nhân dân của một quân đội cách mạng.


Để hiểu rõ bản chất, một phạm trù gắn chặt với thuộc tính của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta hãy ngược dòng thời gian tìm về những đội "tự vệ công nông" xuất hiện từ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930 - 1931.


Sở dĩ những đội tự vệ này ra đời là do yêu cầu chống khủng bố, bảo vệ sự nghiệp đấu tranh của quần chúng. Vì vậy, chúng còn được mang tên là "tư vệ đỏ” - bảo vệ màu cờ của Đảng. Ngay trong mục đích tổ chức đội tự vệ. Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng, họp tại Ma Cao, Trung Quốc, tháng 3 năm 1935 đã nêu rõ: "1 - Ủng hộ quần chúng hàng ngày. 2 - Ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu. 3 - Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông. 4 - Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi".


Thực tiễn hoạt động của các đội tự vệ đỏ cho thấy, khi chính quyền Xô-viết chưa thành lập, lúc có đấu tranh, đội tự vệ bảo vệ các cuộc mít-tinh, biểu tình của quần chúng, lúc thường thì tổ chức luyện tập, bàn kế hoạch bảo vệ các cuộc đấu tranh. Khi chính quyền Xô-viết được thành lập, Ban chấp hành Nông hội đỏ đã sử dụng đội tự vệ làm công cụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh ở nông thôn và chống địch khủng bố. Khi cách mạng đi vào thoái trào, cơ quan và cán bộ rút vào rừng núi, tự vệ đỏ vẫn tiếp tục hoạt động như canh gác báo vệ cơ quan và cán bộ, rải truyền đơn, cảnh cáo bọn hào lý. Có thể xem những đội tự vệ này là những mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng đặt dưới sư lãnh đạo của Đảng và gợi ý cho chúng ta liên tưởng đên hình thức các đội "dân cảnh", những tổ chức quân sự "tự động" của toàn dân như Ph. Ăngghen đã nói.


Chính từ những kinh nghiệm thực tiễn sau hai năm đấu tranh (1930 - 1931), các đội tự vệ đã tạo điều kiện giúp Đảng ta đề ra được những nguyên tắc, làm cơ sở đầu tiên đê xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân sau này.


Trong những nguyên tắc xây dựng đội tự vệ, một nội dung rất được nhấn mạnh là phải giữ quan hệ mật thiết với quần chúng: "Đội tự vệ tổ chức và phát triển mật thiết liên lạc với quẩn chúng. Hàng ngày, tự vệ phải chăm lo tranh đấu, ngăn cản bọn thù giai cấp, nhũng nhiễu công nhân, nông dân. Đội tự vệ phải hết sức ủng hộ quần chúng lao động trong các cuộc bãi công, mít-tinh, thị uy, kháng sưu, kháng thuế, bãi thị...".


Tuy thế, cũng cần thấy rõ, đội tự vệ chưa phải là đội du kích. Về điểm này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất giải thích: "Công nông tự vệ đội phân biệt với du kích đội. Nó cũng không phải là Hồng quân. Hồng quân, du kích đội không phải bao giờ muốn tổ chức thì tổ chức được ngay, còn đội tự vệ, hễ có cách mạng vận động, dù yếu mấy cũng có thể và cần phải tổ chức ngay. Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động, Hồng quân". Bởi một lẽ đơn giản là tình hình chính trị - xã hội của chín năm (1930 - 1939) lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện để đội du kích xuất hiện, cách mạng Việt Nam chỉ mới đạt tới thời kỳ hình thành các lưc lượng vũ trang của Đảng.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:13:24 am »

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thời kỳ chiến tranh và cách mạng bắt đầu (1939 - 1945). Khi phát-xít Nhật lợi dụng cơ hội Pháp thua Đức, tháng 9 năm 1940, Nhật xâm lấn vào Đông Dương, đã dẫn tình thế cách mạng Việt Nam đi vào thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang (1941 - 1945). Đây cũng là thời kỳ hình thành những đội du kích, những đội vũ trang cách mạng trên đất nước ta. Chẳng hạn như Đội du kích Bắc Sơn, hình thành trên cơ sở cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27 tháng 9 năm 1940); Quân du kích Nam Kỳ, hình thành trên cơ sở cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23 tháng 11 năm 1940); Đội vũ trang Cao Bằng ra đời tháng 11 năm 1941; Đội du kích Ba Tơ ra đời tháng 3 nám 1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp một ngày.


Đội du kích Bắc Sơn, đứa con đầu lòng của lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, được chính thức thành lập ngày 14 tháng 2 năm 1941 tại rừng Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Toàn đội gồm 37 chiến sĩ với số vũ khí là 15 súng trường, 10 súng kíp và gươm giáo. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến giao nhiệm vụ và trao lá cờ đỏ sao vàng.


Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, ngày 19 tháng 5 năm 1941. Mặt trận Việt Minh ra đời, các tổ chức trong mặt trận đêu có tên gọi là hội cứu quốc. Do đó. vào cuối tháng 5 năm 1941, đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành đội Cứu quốc quân (thường gọi là Cứu quốc quân I) cho phù hợp với nhiệm vụ mới, do đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm chính trị viên. Ngay sau khi thành lập, đội Cứu quốc quân I đã phải chiến đấu liên tục từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 năm 1941, chống lại cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp vào cản cứ và bị tổn thất nặng.


Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 15 tháng 9 năm 1941, tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), đội Cứu quốc quân II được thành lập, gồm 47 chiến sĩ (3 nữ), do đồng chí Chu Văn Tấn làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm chính trị viên. Hơn một tháng sau, vào cuối tháng 10 năm 1941, quân số của đội tăng lên 70 người, đồng chí Đào Văn Trường, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm chính trị viên. Vũ khí trang bị gồm 4 súng ngắn, 32 súng trường và một số súng khai hậu, súng kíp. Tuy phải chiến đấu vất vả giữa vòng vây của quân thù nhưng đội Cứu quốc quân II cũng đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Tuy vậy, đến tháng 2 năm 1942. thực dân Pháp tập trung lực lượng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Võ Nhai. Để bảo toàn lực lượng, tránh tổn thất cho nhân dân, đại bộ phận Cứu quốc quân II đã rút khỏi vòng vây của địch, lên vùng rừng núi biên giới Việt - Trung lập căn cứ, tạo bàn đạp, chờ thời cơ trở về xây dựng lực lượng: còn một bộ phận nhỏ ở lại, phân tán vào trong mường bản, tích cực làm công tác tuyên truyền, tiếp tục gây dựng cơ sở.


Cho đến cuối năm 1943, con đường "quần chúng cách mạng" nối liên từ khu căn cứ Cao Bằng đến khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai đã hình thành, tạo được điều kiện thuận lợi cho Cứu quốc quân II mở rộng địa bàn chiến đấu sang vùng Tuyên Quang. Vì vậy tháng 2 năm 1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng, đã đến Tuyên Quang chỉ đạo Cứu quốc quân II hoạt động. Đến ngày 25 tháng 2 năm 1944, tại rừng Khuổi Kịch (châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đội Cứu quốc quân III được thành lập gồm 30 chiến sĩ, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm chỉ huy trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên. Vừa mới ra đời, đội Cứu quốc quân III đã tích cực hoạt động. Địa bàn giành giật với địch được tỏa rộng từ vùng Sơn Dương (Tuyên Quang) đến Bắc Cạn và các huyện Định Hóa, Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên) rồi lan nhanh tới nhiều vùng thuộc tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, đã tạo nên một khí thế cách mạng sôi nổi trong cao trào kháng Nhật cứu nước cho đến tận cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.


Vào những năm 1941 - 1945, cán bộ, chiến sĩ các đội Cứu quốc quân I, II, III đã nêu gương sáng về tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, ngoan cường chiến đấu, không ngừng lớn mạnh, cùng với đà phát triển chung của cách mạng, xứng đáng là những đội quân tiên thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến tháng 4 nàm 1945, để đẩy mạnh việc chuẩn bị tổng khỏi nghĩa, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định hợp nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng với các tổ chức vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân.


Trong 21 năm (1930 - 1951), kể từ khi hình thành đội Tự vệ đỏ đến khi xuất hiện tên gọi Quân đội nhân dân, quá trình ra đời và phát triến của các lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng được chia làm ba thời kỳ nhỏ:


Thứ nhất là thời kỳ hình thành các lực lượng vũ trang (tháng 9 năm 1930 đến tháng 9 năm 1939). Đó là thời kỳ xuất hiện các đội tự vệ công nông, tự vệ đỏ.


Thứ hai là thời kỳ chiến tranh và cách mạng nói chung (tháng 9 năm 1939 đến tháng 8 năm 1945) và cũng là thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang nói riêng. Đó là thời kỳ ra đời của các đội du kích, đội vũ trang, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội Việt Nam giải phóng quân.


Thứ ba là thời kỳ xác lập quân đội của Nhà nước, của dân tộc và của nhân dân (tháng 8 năm 1945 đến tháng 2 năm 1951) với những tên gọi khác nhau: Vệ quốc đoàn, Quân đội quốc gia, Quân đội nhân dân trong cái tên gọi chung là "Bộ đội Cụ Hồ".
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:14:08 am »

2. NHÂN DÂN - THUỘC TÍNH VĨNH HẰNG CỦA QUÂN ĐỘI TA

Như trên đã trình bày, cho đến khi quân đội ta có tên gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam thì danh xưng này, về phương diện ngôn ngữ mới chỉ ra đúng thuộc tính nhấn dân của nó.

Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, thuộc tính là "đặc tính vốn có của sự vật, nhờ đó, sự vật tồn tại và qua đó, người ta nhận thức được sự vật, phân biệt nó với sự vật khác".

Màu sắc là thuộc tính của hoa. Nhờ màu sắc mà hoa tồn tại và cũng từ đó, người ta có thể phân biệt, so sánh các loài hoa với nhau. Thuộc tính của nước nói chung là thể lỏng, trong suốt, không màu sắc, không mùi vị. Nếu ở thể hơi đó là hơi nước, ở thể rắn đó là băng, tuyết, là nước đá. Nếu không trong suổt hoặc có màu sắc, có mùi vị, có thể là giấm, là dầu, là rượu... sở dĩ nước tồn tại được chính là do những thuộc tính trên.


Trong quá trình hình thành và phát triển của quân đội ta, thuộc tính nhân dân đã có một vai trò cực kỳ to lớn.

Trước hết, nhờ thuộc tính nhân dân (về phía chủ quan) mà quân đội ta đã tồn tại và trưởng thành trong chiến đấu. Thật vậy, lấy nhân dân làm điểm xuất phát cho mục đích tổ chức quân đội, đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ việc “tổ chức quân đội công nông”. Ở đây, cần chú ý một điểm là công cụ bạo lực để tiến hành cách mạng vô sản lẽ ra phải là một quân đội vô sản. Phạm trù quân đội bao giờ cũng gắn liển với phạm trù giai cấp, chỉ phụ thuộc vào một giai cấp nhất định. Bản chất quân đội thể hiện rõ bản chất của chính giai cấp đã tổ chức, xây dựng và lãnh đạo quân đội đó. Song vấn đề đặt ra là cần phải tổ chức một quân đội công nông, một quân đội mà tuyệt đại đa số thành phần đều xuất thân từ giai cấp công nhân và nông dân lao động - những người luôn bị áp bức, bóc lột trong chế độ cũ. Vì vậy, quân đội đó phải là một quân đội công nông, mang bản chất của giai cấp công nhân và mang tính nhân dân sâu sắc. Điều này, trong bản tham luận tại Đại hội I Quốc tế nông dân, vào cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: "Cách mạng vô sản không thể thắng lợi được ở những nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu giai cấp vô sản không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực”. Tiếp đó, trong tác phẩm "Công tác quân sự của Đảng trong nông dân", Người phân tích sâu hơn: "Một phong trào cách mạng quan trọng trong nông dân, nhất thiết phải sử dụng hình thức hoạt động vũ trang (tức là những hoạt động quân sự có thực của các đội du kích nông dân) chôống lại chính quyền của bọn địa chủ, quân đội Chính phủ...". Sự chỉ đạo đúng đắn đó đã tạo cho quân đội ta một tính cách: vừa mang bản chất giai cấp công nhân rõ rệt, vừa phản ánh trung thành những nét riêng về sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, một cộng đồng người mà cư dân nông nghiệp chiếm tới 80 - 90%.


Để thực hiện tư tưởng này, Nguyễn Ái Quốc đề ra chủ trương đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp người yêu nước trên khắp mọi miền của đất nước và xem đó là lực lượng cách mạng vô cùng hùng hậu. Từ chủ trương trên, tháng 10 năm 1930. Hội nghị Trung ương Đảng đã quyết nghị vể nhiệm vụ trước mắt trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang là "phải thu phục được quảng đại quần chúng để làm cho cuộc bạo động tương lai được thắng lợi”. Như vậy là ngay từ đầu, kể cả phía chủ trương tuyển mộ, xây dựng cũng như phía tình nguyện góp sức tham gia, cả hai đều ra sức tô đậm thuộc tính nhân dân của quân đội ta. Có thể nói, dòng chảy hình thành quân đội ta được tuôn trào mạnh mẽ từ cội nguồn vô tận là nhân dân.


Thế nhưng "thu phục quảng đại quần chúng" không giản đơn là một việc làm ồ ạt theo kiểu "đánh trống ghi tên", mà những chiến sĩ cầm vũ khí chiến đấu dưới lá cờ giải phóng dân tộc nhất thiết phải là những người có giác ngộ chính trị cao, phải thấm sâu chủ nghĩa yêu nước, sẵn sàng quên mình, xả thân cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội ta: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà có hại". Thực chất, lời căn dặn đó là việc tổ chức lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang không thể không dựa han vào sự giác ngộ sâu sắc về chính trị - cụ thể là giác ngộ về chủ nghĩa yêu nước - một nét đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa quân sự nói riêng của quần chúng cách mạng.


Trong cao trào 1930 - 1931, từ sự giác ngộ cao về chính trị mà các đội tự vệ công nông mới ra đời, đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Chỉ riêng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, vào thời điểm đó đã có khoảng 3.000 người xin gia nhập các đội tự vệ đỏ. Sau này khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ thị: "Muốn có đội vũ trang mạnh, trước hết phải có đội tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững. Vì vậy, phải ra sức tuyên truyền, vận động quần chúng làm cách mạng". Khi thành lập Đội quân chủ lực đầu tiên, Người đặt tên là "Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", đề ra phương châm xây dựng và hoạt động là "chính trị trọng hơn quân sự", "tuyên truyền trọng hơn tác chiến". Sau này, khi quân đội ta đã trương thành, Người vẫn xác định bên cạnh chức năng chiến đấu cơ bản là vẫn song song hai chức năng khác là công tác và sản xuất, sở dĩ như vậy, vì quân đội ta là một tổ chức vũ trang, vốn sinh ra từ nhân dân để chống lại kẻ thù xâm lược và bảo vệ nhân dân. Cho nên muốn tồn tại, quân đội ta phải tự tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trong nhân dân. Đấy thực sự là một quân đội kiểu mới của Đảng, được xây dựng, phát triển và chiến đấu theo nguyên lý xây dựng quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, đậm đà tính dân tộc và sâu sắc tính nhân dân.


Thế nhưng, quá trình hình thành và phát triển quân đội ta vốn không phải là một quá trình xây dựng trong điều kiện hòa bình như hầu hết các quân đội trên thế giới, mà đó là một quá trình liên tục tham gia các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài và gian khổ trong hoàn cảnh chung của đất nước là luôn luôn phải "lấy ít địch nhiều", "lấy yếu chống mạnh". Như Ph.Ăngghen đã từng nói: "Một quân đội nhỏ yếu có thể đương đầu thắng lợi với một quân đội mạnh để giành độc lập, nhất thiết không được giới hạn trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường mà phải là khởi nghĩa quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích mọc lên khắp nơi". Trong 30 năm chiến tranh giải phóng vừa qua, sở dĩ quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách "chấn động địa cầu", đã đưa dân tộc Việt Nam trở thành "lương tri của thời đại", chính là đã biết tiến hành du kích chiến kết hợp với vận động chiến, chiến tranh tại chỗ kết hợp với chiến tranh cơ động mà sự thể hiện là hai phương thức tiến hành chiến tranh: chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh của các binh đoàn chủ lực. Trong nội dung của hai phương thức này, phương thức thứ nhất làm nhiệm vụ tiêu hao, mài mòn quân xâm lược, làm cơ sở để phương thức thứ hai tiến lên, giáng đòn tiêu diệt lớn, giành chiến tháng quyết định.
Logged
ktqsvn
Thành viên
*
Bài viết: 561



« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2022, 07:14:36 am »

Nguyên lý về hai phương thức tiến hành chiến tranh đã quy định nguyên lý về ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Tác chiến như thế nào, tổ chức, sử dụng lực lượng như thế ấy. Điều mà chỉ riêng ở Việt Nam, chưa hề một nước nào trên thế giới có hệ thống lực lượng vũ trang khác lạ như vậy.


Khái niệm "ba thứ quân" lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941): đội quân chủ lực trực tiếp vũ trang chiến đấu với quân thù là đội du kích chính thức, dưới nó là tiểu đội du kích cứu quốc và đội tự vệ cứu quốc. Ngày 21 tháng 12 năm 1941, Trung ương Đảng lại nhắc nhở các địa phương phải ra sức mở rộng và củng cố các đội tư vê, qua đó, lựa chọn ra những đội viên ưu tú để phát triển thành các tiểu đội du kích. Bởi vì lúc này, tiểu đội du kích là hình thức mấu chốt để tiến lên đội du kích chính thức. Trong Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa (ngày 7 tháng 5 năm 1941), Tổng bộ Việt Minh cũng nêu rõ hình thức ba thứ quân là Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích và Đội tự vệ cứu quốc. Đến tháng 12 năm 1944, tư tưởng "ba thứ quân" lại được nêu lên một cách đậm nét trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: "Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực, trái lại có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên". Và như đã biết, 5 năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hệ thống "ba thứ quân" được tổ chức một cách hoàn chỉnh. Tư tương quân sự về hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang này đã phản ánh rõ một truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam là muốn chiến thắng quân xâm lược, việc tiến hành chiến tranh không chỉ riêng quân đội mà còn phải có cả sự tham gia phối hợp rộng rãi của quần chúng vũ trang ở khắp mọi miền.


Khái quát lại, chúng ta có thể tự hào rằng 60 năm qua, thuộc tính nhân dân đã làm cho quân đội ta không những tồn tại mà còn trưởng thành và chiến thắng oanh liệt mọi đạo quân xâm lược trên cơ sở đoàn kết, gắn bó, hòa quyện với dân tộc, với nhân dân. Mối quan hệ keo sơn đó đã được người Việt Nam hóa thành biểu tượng "tình cá nước" - một biểu tượng văn hóa quân sự vừa đúng đắn, chính xác về mặt chính trị - xã hội, khoa học lại vừa đẹp tươi, rạng rỡ về mặt văn học, nghệ thuật.


Bên cạnh đó, về phía khách quan, thuộc tính nhân dân còn giúp mọi người dễ dàng nhận thức được quân đội ta và phân biệt nó với các kiểu loại quân đội khác. Nếu như quân đội "do Nhà nước xây dựng nên để dùng vào cuộc chiến tranh tiến công (tức chiến tranh xâm lược) hoặc chiến tranh phòng ngự (tức chiến tranh giữ nước)" như Ph. Ăngghen định nghĩa thì rõ ràng, quân đội ta được xếp vào kiểu loại quân đội thứ hai.


Nhưng đâu phải khi được dùng vào chiến tranh xâm lược, các quân đội đó mới trở thành kẻ thù của nhân dân các nước mà ngay từ khi ra đời, các quân đội này cũng đã là sự đối lập ghê gớm với nhân dân trong nước. Ph. Ăngghen từng nhận xét quân đội tư sản là "công cụ áp bức khủng khiếp đối với nhân dân". V.I. Lênin cũng cho rằng: "Quân đội của Nga hoàng... là những tên đao phủ đối với tự do của nhân dân".


Ngày nay, trong quân đội viễn chinh Mỹ, lao động chiến đấu đang là một thứ hàng hóa được mua bán sòng phẳng đối với những người lính lê dương. Vì họ không hề có mục tiêu chiến đấu nên một trong những yếu tố cơ bản nhằm khích lệ, hấp dẫn thanh niên gia nhập quân đội là ban thương vật chất, là hậu hĩ lương bổng để hướng những người lính đánh thuê đó vào những cuộc chiến tranh đàn áp đẫm máu. Quân đội đó tuy cũng từ nhân dân nhưng đâu có tính nhân dân.


Hãy làm một sự so sánh sơ bộ trong lịch sử quân sự dân tộc cũng thấy ngay rằng thuộc tính nhân dân đã làm cho quân đội ta khác hẳn mọi quân đội ra đời từ trước đó. Bởi lẽ, bản chất quân đội nào cũng mang theo trọn vẹn những đặc điểm của giai cấp đã sản sinh ra nó. Dù mang đậm tính dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm lâu dài nhưng quân đội các triều đại phong kiến chân chính tiến bộ ở nước ta không bao giờ bỏ qua tính giai cấp trong việc bảo vệ quyền lợi riêng của giới cầm quyền. Quân đội nhà Trần tuy hầu hết là nông nô, nô tì nhưng trước sự xâm lược của quân Mông - Nguyên cùng với sự thành công lớn trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước, họ vẫn còn có chức năng là bảo vệ ruộng đất cho giai cấp quý tộc. Trong bài Dụ chư tì tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ), Trần Quốc Tuấn - người anh hùng dân tộc ở thế kỷ XIII - đã nói rõ với những người chỉ huy quân sự cấp dưới: "Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác". Hay như một quân đội được hình thành từ nghĩa quân Lam Sơn trên cơ sở "manh lệ" như quân đội nhà Lê nhưng về sau rồi cũng đi tới chỗ chống lại sự phản kháng của quần chúng nông dân bị áp bức.


Đến thời cận đại, để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp, các đội nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Hoàng Hoa Thám cho đến nghĩa quân Việt Nam quốc dân đảng của Nguvễn Thái Học... đều tìm cách kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của các bậc tiền bối nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì đã chiến đấu trong sự cách biệt với nhân dân.


Gần đây nhất, trong 30 năm chiến tranh giải phóng vừa qua đã ra đời những loại ngụy quân của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được mệnh danh là "quân đội quốc gia". Về thực chất, các quân đội đó là công cụ tay sai, mang đầy đủ tính chất của giai cấp tư sản xâm lược, chống lại độc lập dân tộc thì làm sao có được tính nhân dân?


Chỉ có một quân đội suốt 60 năm chiến đấu trưởng thành, được xây dựng dưới sư lãnh đạo củạ Đảng vô sản và có quan hệ máu thịt với quần chúng, đã hành động hêt mình cho chủ nghĩa yêu nước, cho nền văn hóa dân tộc như Quân đội nhân dân Việt Nam thì tính nhân dân mới thăng hoa và trở thành một thuộc tính. Và cũng chỉ có "Bộ đội Cụ Hồ" - một biểu tượng văn hóa quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam - mới thể hiện thuộc tính này một cách trung thành rõ rệt, chính xác, hoàn mỹ và đi tới độ vĩnh hằng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM