Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:11:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên dãy Trường Sơn  (Đọc 4091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:18:50 am »

NHỮNG NGƯỜI LÍNH CÓ HAI TỔ QUỐC


NGUYỄN THẼ SỰ


Mùa khô năm 1968, đơn vị tôi đang chiến đấu ở nước bạn Lào. Đội hình cụm chiến đấu gồm bộ binh, đặc công, cao xạ phối hợp với các đơn vị quân đội Pa-thét Lào từ cấp tiểu đoàn trở lên. Vì yêu cầu nên trạm xá được biên chế cơ cấu trung đoàn gồm hai bác sĩ, hai y sĩ, sáu y tá và một tiểu đội chuyển thương. Riêng tiểu đội chuyển thương còn kiêm thêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với lính đặc biệt Vàng Pao, ngụy Lào, Thái Lan, ngụy Sài Gòn.


Dòng sông Sê gần như cạn kiệt, chỉ còn lại những vũng nước màu đen, đầy lá mục. Những bầy cá loi nhoi há miệng đớp không khí, sống thoi thóp. Thực phẩm đã có cá, nhưng nước dùng sinh hoạt lại thiếu. Cái khó ló cái khôn, trạm trưởng - bác sĩ Rạng đã huy động đào hàng chục cái giếng ven bờ sông để lấy nước. Trạm xá nằm ẩn mình dưới tán rừng cây khộp cạnh hang đá. Hàng ngày thương binh được đưa về càng nhiều: bộ đội Việt Nam, bộ đội Pa-thét Lào, người dân Lào. Máy bay Mỹ ngày càng đánh phá ác liệt. Nhiều bản làng cháy rụi, dân bản chia ra từng nhóm, chạy vào rừng ẩn nấp, sinh sống, nương rẫy loi thoi từng khoảnh nhỏ. Dân đi đào củ mài về để ăn.


Buổi chiều, sau khi đã vơi bớt công việc, trạm chia ra hai kíp. Một kíp ăn cơm, kíp còn lại trực tải thương... Xế chiều, ánh nắng Tây Trường Sơn đẫm một màu vàng đặc quánh. Mâm cơm gạo hẩm, canh lá rau rừng, ba cà mèn cá luộc nhờ tổ anh nuôi hăng hái đi bắt dưới sông.


Nhân bữa ăn, bác sĩ Rạng tranh thủ giao nhiệm vụ. Giọng anh ồm ồm:

- Bữa ăn này mừng thắng lợi, có cá tươi, lấy một chai "cồn" ra đây, mỗi người làm một hớp... Này, cấm không được quá tiêu chuẩn đâu đấy nhé. - Anh nói, mắt cứ nhìn chằm chằm vào tôi.

- Chấp hành mệnh lệnh đi đồng chí thủ kho ơi! Cồn mình tự chế, pha thêm chút nước dùng tốt đấy. Bên dưới có ai đó nói thêm vào.

Tôi là bác sĩ quân y mới ra trường, vừa được bổ sung qua trạm ít hôm. Còn nhớ hôm mới đến, anh Rạng nhìn tôi cười phán: "Này O ni... Tôi phải thử tay nghề dao kéo của O đã. Giao cho O ba nhiệm vụ quan trọng nhé: thủ kho, nấu rượu, làm thịt chó". Nghe anh nói vậy, mặt tôi đỏ bừng, môi mím chặt chực bật ra tiếng khóc.


Quê tôi, vùng ngoại ô Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ loại ưu, tôi xung phong sang Lào làm nhiệm vụ, giao cho tôi những công việc ấy khác nào đang làm khó cho tôi. Tôi nghĩ bụng, định chống lệnh, nhưng lại nghĩ trên chiến trường quân lệnh như sơn nên đành lặng lẽ chấp hành. Ba việc được giao thì thủ kho - dễ ợt, nấu rượu rửa vết thương và nhất là làm thịt chó thì thật vất vả. Nghĩ đến chuyện của những ngày đầu mới về trạm mà lòng tôi cứ sôi lên. Hôm nay là cơ hội trả đũa.

- Báo cáo thủ trưởng! Cồn quý như máu. Cồn để dùng sát trùng vết thương, dụng cụ y tế. Nặng trên 50 độ, đem uống sao được.

- Đúng là thủ kho to hơn thủ trưởng thật. Cứ theo tỷ lệ, một anh cồn cõng ba anh nước sôi để nguội là thành rượu ngay. Chấp hành đi cô bé ơi.- anh Rạng cười, giọng anh vui vẻ hài hước.

- Thôi em đi lấy một chút ra đây đi, voi rừng Lào nhìn thấy anh Rạng còn khiếp, không chối được đâu... - Chị Thuỷ, y tá đang ngồi bên cạnh ghé vào tai tôi thủ thỉ.

Tôi miễn cưỡng đứng lên đi pha rượu mà trong lòng cảm thấy hậm hực, vừa đi vừa lau nước mắt. Đang vui vẻ, anh Rạng cao hứng tuyên bố lý do ăn mừng thắng lợi.

- Nhà sư chùa Phà đã đồng ý cho trạm ta mượn hai phần ba chùa làm nơi điều trị cho thương binh. Nhưng với một điều kiện là không được làm thịt chó và phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Đó có phải là một tin tuyệt vời không? Ngày mai, ta tiến hành dọn dẹp và một số sẽ đào hầm trú ẩn bên đó.

Quá bất ngờ, bên dưới chúng tôi vỗ tay râm ran. Tiếng vỗ tay chưa dứt anh đã nói luôn: Còn một thắng lợi nữa là sư trụ trì chùa đã nhận được thư của bọn đặc biệt Vàng Pao hăm doạ, định chạy trốn đã tự nguyện ở lại chăm sóc thương bệnh binh... Bữa cơm đang vui vẻ trong tình cảm thân mật thì có hai người đàn ông trong bản khiêng một người nằm trong võng vải, máu đỏ thẫm một phần ba cánh võng vào bên trong.

- Bộ đội Việt ơi. Cứu con dâu tôi với... - Ông lão nói giọng hốt hoảng, bên cạnh là người thanh niên đang rướn mình đỡ đòn võng, thở hồng hộc, đưa tay kéo vạt áo lau mặt...

Bác sĩ Rạng vừa ngoắc ống nghe vào hai tai, người phụ nữ oằn mình, máu từ vết thương trên đầu, ở mình chảy ướt giường phẫu thuật. Anh Rạng thần kinh căng thẳng, mồ hôi lấm tấm trên trán, đưa ống nghe tim người phụ nữ. Chị gồng mình, rồi từ từ tắt thở. Anh Rạng phát hiện ra tim thai nhi vẫn đập thoi thóp. Lúc ấy, anh Rạng giống như người đang "lên đồng", mắt ánh ngời tia hy vọng, miệng nói nhanh: "Đem dụng cụ mổ, bằng mọi giá phải cứu lấy cháu bé!". Cuộc chạy đua với tử thần để cứu một cháu bé liệu có thành công không? Lúc ấy không ai tin. Chỉ có lòng hy vọng mãnh liệt bốc lên trong lòng. Với những động tác chính xác, nhanh gọn, khẩn trương cháu bé đã oe oe cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của những người đang đứng chung quanh. "Một thằng cu...!" - Anh Rạng reo lên, lấy tay áo lau vội những giọt mồ hôi rịn ra trên trán.


Trong căn hầm trực của anh Rạng có một cái bàn nhỏ bằng gỗ Bạch Tùng, hai băng ghế bằng tre. Cụ già ngồi đối diện với bác sĩ Rạng, nét mặt u uất buồn bã, con dâu cụ đã mất vì vết thương quá nặng. Cũng may mà còn cứu được cháu bé, linh hồn người mẹ xấu số cũng được an ủi phần nào. Anh Rạng nghĩ bụng rồi hỏi cụ già, giọng anh ân cần chia sẻ.

- Bây giờ ý cụ thế nào ạ?

- Bộ đội ơi... Con dâu già chết rồi, chồng nó đi đánh Mỹ cách đây xa lắm. Già có đem cháu về thì cũng không nuôi được. Ta gửi bộ đội nuôi giúp ta. Khi nào con trai ta về sẽ đón nó về nuôi. Ông nói, rồi khóc hu hu. - Ông già run run, hai hàng nước mắt tuôn dài, giọng ông nấc lên nghẹn ngào. Hai khoé mắt bác sĩ Rạng nhòe đi, những dòng chữ trong trang bệnh án như nhảy múa trước mắt anh... Anh nghẹn ngào hướng dẫn cụ già ký vào các biên bản cần thiết rồi gọi hai chúng tôi vào ký tên người làm chứng. Tôi và chị Thuỷ run run ký vào tờ biên bản, ánh mắt chúng tôi rưng rưng nhìn cụ già, nhìn anh Rạng.

- Này hai cô kiều nữ chưa chồng. Hôm nay tôi giao cho hai cô nhiệm vụ làm mẹ đây. Phải hết lòng yêu thương chăm sóc đứa bé nhé. Chăm sóc thật chu đáo đấy. Có bằng làm mẹ thì tương lai dễ lấy chồng...

- Rõ...! - Hai chúng tôi đồng thanh thưa! Rồi vừa đi vừa lập kế hoạch chăm sóc đứa bé.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #51 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:19:44 am »

Trên đường đi tôi phân vân không biết bác sĩ Rạng nghĩ sao lại để tôi và chị Thuỷ nuôi cháu bé. Từ chuyện bế ẵm, bú, ỉa, đái của cháu đều lạ lẫm với một người con gái như tôi. Không khéo đây lại là một vố chơi khăm của ông Rạng cũng nên. Nghĩ vậy nên tôi buột miệng hỏi chị Thuỷ.

- Chị thấy có vô lý không? Hai chị em mình đều là gái tân lại bắt làm mẹ! Sao không cắt phiên nữ cả trạm thay nhau làm mẹ có hợp lý không!

- Em mới về, chưa biết được cái lý của anh Rạng đâu. Tuy cực kỳ gia trưởng, nhưng bốn năm sống ở trạm này chị biết những gì anh Rạng đã nói là có cái lý của anh ấy và đúng 100%. Ví dụ như trong cuộc họp chi bộ tối qua, anh Rạng với cương vị là bí thư đã kết luận em là thủ kho, nấu cồn, làm thịt chó... đều giỏi. Cái chính của anh ấy là thử thách để kết nạp em vào Đảng... chị là người trực tiếp...


Nghe chị Thuỷ nói vậy, tôi cũng thấy mừng. Nhưng ấn tượng của tôi với ông Rạng thật khó hiểu. Gặp nhau tôi chẳng dám nhìn vào mặt, cứ mở miệng ra là một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng. Có lần gặp nhau trên đường ra giếng tôi chào ông ta là thủ trưởng, ông ta không những không đáp lại mà còn đủng đỉnh: "Này tiểu thư Hà Thành. Đây là đất Lào, nơi chúng ta đều là người lính cả. Đừng một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng nữa. Mà này, có mười cái bằng bác sĩ cũng không đổi được một ngày tình nguyện tại đây đâu". Tôi thật sự bị choáng, quay sang chị Thuỷ bộc bạch.

- Em thật sự choáng chị Thuỷ ạ. Thấy chị cứ anh anh, em em nghe gần gũi làm sao! Còn mình thì chỉ biết gọi là "ông" thì làm sao mà hợp được cơ chứ?!

- Em nên lột xác đi. Anh Rạng đã 33 tuổi, có mười năm ở Lào... Người bằng ấy tuổi đầu mà chưa có mảnh tình vắt vai. Không riêng gì chị mà những ai đã từng sõng với anh Rạng, đều quý trọng và coi anh ấy như người anh cả trong gia đình. Chẳng qua là em chưa thực sự cởi mở mà thôi. Không tin khi nào gặp anh ấy em cứ gọi là "đồng chí anh" mà xem. - Chị Thuỷ động viên tôi.

Theo diệu kế chị Thuỷ bày cho, khoảng cách giữa tôi và anh Rạng đã ngày một ngắn dần. Nhưng quan trọng hơn là công việc làm mẹ thằng bé đã là động lực kéo tôi và anh lại gần nhau hơn. Tôi và chị Thuỷ được bố trí một hầm riêng. Tại đây, hai chúng tôi bắt đầu học cách làm mẹ. Những đêm đầu thằng cu khát sữa khóc eo óc suốt đêm, sau sữa hộp và nước cơm cháu đã quen dần với giờ giấc của chúng tôi, đêm xuống chỉ rúc rích một lúc là ngủ ngon lành. Hai chúng tôi thay phiên nhau làm mẹ. Hôm nào tôi làm mẹ, chị Thuỷ lên làm công tác chuyên môn và ngược lại.


Chiến trường ngày càng ác liệt, thương binh đưa về ngày càng nhiều. Có ngày anh Rạng phải mổ hơn chục ca, nhìn đôi mắt anh thâm quầng mà tôi thấy thương thương. Thỉnh thoảng vào mỗi buổi tối, khi công việc đã giãn, anh lại ghé qua hầm của "ba mẹ con" chúng tôi. Hôm thì đưa cho hộp sữa, khi ít mật ong và bao giờ anh cũng xuất hiện cùng câu nói nghe mãi đến phát ngán "Răng rồi mấy o! Thằng cu ngoan chứ!", rồi ôm hôn chùn chụt lên má nó. Anh nựng nghe cứ như đã mấy lần làm bố rồi ấy: "Cún yêu à! Con lớn lên khi đó nước Lào đã thống nhất hoà bình rồi đấy. Nhớ đến những ngày này con nhé!". Có những hôm thằng bé sốt li bì, anh thương hai chị em tôi vất vả nên ngồi trực cả đêm. Có thể nói anh đã làm tròn bổn phận là bố của đứa bé thì đúng hơn.


Thấm thoắt thế mà sắp hết năm Mậu Thân, nghe tin ở quê nhà là một năm ta thắng lớn nhưng cũng phải đổi bằng máu. Hôm nay là ngày hạnh phúc của đời tôi. Tôi được kết nạp vào Đảng. Đứng nghiêm trang đọc lời tuyên thệ mà niềm xúc động dâng trào, tôi đã khóc vì sung sướng. Tối về, tôi đã chong đèn viết vội lá thư về nhà khoe với bố mẹ. Trước đây bố tôi được kết nạp Đảng thời chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) còn giờ đây tôi được kết nạp Đảng trên chiến trường Lào. Đêm qua tôi và chị Thuỷ nằm ôm thằng cu ngủ. Lạ thật! Chị Thuỷ nằm khóc thút thít. Tôi gạn hỏi mãi nhưng chị cứ ậm ừ: "... Tối mai thì biết, hỏi gì hỏi lắm thế?". Không biết có chuyện gì hệ trọng mà phải đợi đến mai?! Tôi phân vân, từ ngày về trạm, hai chị em coi nhau như chị em gái, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia sẻ, ngay cả những bức thư tình hồi còn học bên Liên Xô tôi cũng đem ra đưa chị đọc. Đọc rồi chị khuyên: Thằng ấy "phò lắm" em mà lấy nó em sẽ khổ! Nghe lời chị tôi phăng teo luôn. Loài người có hàng tỉ đôi, muôn nẻo đường tình chẳng ai giống ai.


Công việc ngày càng nhiều. Bây giờ tôi đã là tay dao, tay kéo thành thạo. Nhưng mỗi lần bước vào phòng mổ là tôi lại nhớ đến lời anh Rạng nói "bàn mổ là trận địa, cứu được bệnh nhân là thắng trận, thiếu trách nhiệm làm bệnh nhân chết, pháp luật khó bỏ tù nhưng lương tâm thì dằn vặt". Nghe anh nói thật chí lý. Thảo nào trước đây, anh chuyên bắt tôi mổ chó. Có lần anh còn bảo "mổ chó mà chó chết đừng có mơ ăn thịt. Thịt chó sấy khô dùng để nấu cháo chăm sóc anh em thương binh". Đêm ấy khuya lắm, tôi chìm trong giấc ngủ chập chờn đợi đến sự kiện đêm mai.


Và điều mong đợi của tôi từ hôm qua đã đến. Trong hội trường nhà hầm, tịnh không có một đấng mày râu nào ngoài anh Rạng. Trạm vừa được trang bị một âm li, micro, ánh đèn măng sông làm hội trường sáng hơn.

- Đến giờ rồi, mời thị mẹt vào để tiến hành làm việc! - Anh nói qua micro. Tôi ghét nghe cách nói đó của anh. Ai lại gọi chị em là thị mẹt bao giờ. Nghe mà tức lộn cả ruột lên. Mà lão này cũng lạ, chiến tranh ác liệt là vậy, cái chết cái sống nhập nhèm chẳng biết đâu mà lần thế mà cứ đùa khơi khơi ra vậy. Tôi nghĩ bụng và bước vào hội trường. Trên bục chủ tọa có hai phó trạm cùng chị Thuỷ đang bế thằng cu sáu tháng tuổi trong lòng.

- Thưa các đồng chí! Ních-Xơn vừa lên làm Tổng thống Mỹ đã đề ra chiến lược lấy thịt đè người, tiến hành "Lào hoá chiến tranh". Trước đòi hỏi của tình hình, trạm xá ta sẽ được nâng cấp thành bệnh viện tiền phương ở Lào. Việc lớn đó bàn sau. Hôm nay, chúng ta bàn nhau xem làm thế nào để đưa hoàng tử của chúng ta về Việt Nam cho an toàn. Trong số những chị em nữ, có ai xung phong đưa hạt giống Lào về đất Việt sống ở trại thương binh. Ngày mai có ô tô lên đổ hàng y tế thì về luôn. Các chị em ai cũng nghĩ về hậu phương có nghĩa là về "phía sau" thì hèn quá, nên tất cả im lặng, sự im lặng làm không khí hội trường như lắng lại, nặng nề hơn. Biết là các chị em chẳng ai xung phong, anh Rạng nói luôn, giọng anh phá vỡ sự im lặng.

- Nếu không ai xung phong thì tôi chỉ định đồng chí y tá Nguyễn Thu Thuỷ sẽ đưa thằng cu về trại thương binh. Hai mẹ con sống... với nhau! - Anh nói nghẹn ngào, ứa nước mắt. Bên dưới chúng tôi im lặng, nhìn nhau. Anh nói tiếp:

- Các đồng chí. Chúng ta sắp chia tay hai mẹ con đồng chí ấy rồi! - Anh nói và bước đến chỗ chị Thuỷ đang ngồi ôm thằng bé trong lòng, dang tay ôm lấy thằng cu, mới gần sáu tháng tuổi, nó chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Mắt trong, môi cười như một thiên thần. Nó đâu có biết ngày mai nó sẽ rời xa những vòng tay của anh em trong trạm, rời xa đất Lào về với đất Việt.

- Về Việt Nam, con hãy sống với mẹ Thuỷ nhé. Bố đặt tên con là Phà Nừng nhé! Anh em có nhất trí đặt tên nó là Phà Nừng không?

- Nhất trí... Nhất trí... bên dưới chúng tôi đồng thanh hô, tiếng vỗ tay râm ran như muốn át đi tiếng khóc thút thít của ai đó phía cuối hội trường. Mọi việc vậy là đã ổn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #52 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:20:24 am »

Đêm nay tôi ôm Phà Nừng ngủ, hôn lên cặp má bầu bĩnh, và cái mũi tin hin dễ thương của nó, làn da nó mát rượi. Từ ngày mai tôi sẽ phải xa nó, đêm nay ôm con trong lòng tôi chỉ mong sao nó đái dầm ra người tôi một lần nữa. Giả sử nó có đái ra thì tôi cứ để yên đó. Như biết quãng đường ngày mai hai mẹ con phải đi qua. Phà Nừng ngoan ngoãn ngủ ngon lành trong vòng tay tôi. Sáng hôm sau, chị Thuỷ bế Phà Nừng đi chơi khắp nơi, khi bế Phà Nừng vào chùa chào sư thầy, sư thầy đeo vào cổ Phà Nừng sợi dây chuyền bạc có hình đức Phật, thắt vào cánh tay nhỏ xíu, mịn màng của nó sợi chỉ màu đỏ... Giờ chia tay đã đến, chúng tôi chia tay nhau bịn rịn lưu luyến. Tôi lẽo đẽo theo sau hai mẹ con Phà Nừng đến xe ô tô. Phía sau, anh Rạng đứng lặng người nhìn theo dáng xiêu xiêu của hai mẹ con chị trong bóng chiều. Chị Thuỷ hai khóe mắt đỏ hoe, nói nghẹn ngào: "Em ở lại mạnh khoẻ, công tác tốt! Thay chị chăm sóc anh Rạng...". Tôi im lặng nhìn chị rồi khẽ gật đầu, tôi ôm hôn Phà Nừng, cảm giác yêu thương cồn cào trong lòng. Đợi những vầng lá ngụy trang trên chiếc xe chở hai mẹ con chị Thuỷ lẫn vào tán lá rừng xanh biếc, tôi và anh Rạng mới quay trở về trạm. Tôi nghe như văng vẳng đâu đó câu nói của chị Thuỷ "thay chị chăm sóc anh Rạng nhé". Trời chiều dường như tím lại.


Nửa năm sau, trong dịp về nước tập huấn nghiệp vụ, tôi đến trại điều dưỡng tìm chị Thuỷ. Theo hướng chỉ của mọi người tôi đã tìm ra phòng ở của hai mẹ con chị. Cửa mở, trước mắt tôi là một người đàn ông đang cầm tay Nừng.

- Xin lỗi, anh cho hỏi đây có phải phòng chị Thuỷ không ạ?

- Phải, đúng đấy... chị là! - Người con trai mặc quần đùi, để lộ cẳng chân trái nhăn nhúm vì những vết sẹo chằng chịt.

- Nừng... Nừng à... Mẹ đây! Mẹ đây... Tôi véo yêu vào má thằng cu, nó có vẻ sợ người lạ nên rụt rè mếu máo, trông mặt nó thật đáng yêu.

- Chị là Vân, bác sĩ vừa ở chiến trường Lào về...? - Người đàn ông bế Nừng trên tay quay sang hỏi tôi.

- Vâng ạ, sao anh biết?

- Thuỷ nói nhiều về Vân. Thuỷ mới gửi thư báo cho Vân biết là bọn mình sắp cưới nhau. Mình là Ngọc cùng học với Thuỷ hồi cấp ba, lính trinh sát, dính mìn bên Lào, một chân nát bấy. Vân thấy đấy... À mà kể lể nhiều quá. Vân bế cháu nhé, mình đi gọi cô ấy về....

Tôi bồng cu Nừng trong tay, mới có mấy tháng xa "con" mà nó đã cứng cáp lên nhiều, lúc đầu nằm trong tay tôi nó còn lạ hơi nên quẫy đạp, sau rồi tôi vỗ về như trước kia vẫn làm với nó thì như đã nhận ra người cũ, nó nằm im trong tay tôi. Hai mẹ con tôi đang chơi với nhau thì mẹ Thuỷ của nó về. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, ứa nước mắt. Gần nửa năm trời xa nhau, biết bao nhiêu chuyện muốn nói. Đêm ấy, hai chị em chong màn tâm sự tới tận khuya. Chị nói anh Rạng cũng có cảm tình với chị, nhưng chiến tranh mà, với lại chị đã yêu anh Ngọc rồi! Em ở bên anh Rạng lâu ngày biết đâu ngọn lửa tình lại bùng cháy. Tôi nghe chị nói vậy mà thấy bồi hồi nhen nhóm trong tim. Cũng trong dịp ấy tôi được đi dự đám cưới của anh chị.


Cứ như định mệnh, những gì chị Thuỷ nói với tôi đêm hôm ấy đã trở thành hiện thực. Sau thời gian sống chiến đấu trên đất nước Lào, chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết nữa. Chỉ thấy xa thì nhớ, ai ốm đau thì thấy xót thương. Nhiều mối tình của người lính chúng tôi đã hình thành như vậy. Thành vợ thành chồng rồi chúng tôi cùng chuyển về bệnh viện Quân khu. Chúng tôi có hai con trai, một con gái. Rồi đất nước hoà bình, non sông thu về một mối. Từ những cuộc chiến triền miên. Nhân dân hai nước Việt - Lào hăm hở bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Đồng đội năm xưa mỗi người mỗi ngả. Không gặp nhau nhưng trong nỗi nhớ vẫn còn như mới hôm qua, hằng đêm ngủ mơ vẫn thấy những đồng đội thân thương của mình đang ở bên cạnh. Vợ chồng anh Ngọc và chị Thuỷ về quê làm ăn ra sao tôi cũng không được biết. Công cuộc mưu sinh cứ cuốn lấy chúng tôi trong vòng xoáy nhọc nhằn cơm áo gạo tiền.


Một ngày đầu xuân 1994, sau chuyến vi vu dã ngoại cả tháng trời trong thời gian nghỉ đợi chờ sổ hưu, anh Rạng trở về nhà, trên vai ngoài túi hành trang quần áo chuẩn bị trước lúc đi anh còn mang theo về một ba lô nặng trịch. Mở ra tôi mới phát hiện đủ các loại lá thuốc:

- Sau này về, hai vợ chồng mở phòng khám tư. Đông tây y kết hợp em ạ.

Anh nói, rồi đưa cho tôi một phong thư:

- Đây, quà đây này! Của kiều Thuỷ gửi cho thị mẹt Vân đây! - Giọng anh hăm hở, niềm vui hiện rõ trên ánh mắt, rồi anh đi tắm.

Tôi bồi hồi mở thư ra xem, những nét chữ của chị Thủy. Tôi đọc ngấu nghiến như hồi còn ở chiến trường vẫn mong mỏi từng trang thư nhà.

... Chị mừng vì được biết gia đình em hạnh phúc, các con học giỏi chăm ngoan. Còn chuyện của chị thì dài lắm. Ra quân về quê, trên vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi, làm cật lực chăng đủ sống. Hồi đầu chúng mình sống củng vất vả lắm, lại thêm Phà Nừng luôn đau ốm. Nhưng rồi không phụ công mình và anh Ngọc, nó đã khỏe mạnh, lớn khôn. Bây giờ cháu đã là một kỹ sư lâm nghiệp rồi. Bọn mình đang chuẩn bị trong năm nay sẽ đưa Phà Nừng về bên ấy, cho cháu tìm gặp gia đình, và cũng là để vợ chồng mình trở lại nơi chiến trường xưa - nơi cả tuổi thanh xuân chúng mình đã gắn bó thủy chung chiến đấu cùng đồng đội và các bạn Lào. Nơi đó, những người lính tình nguyện chúng mình đã coi như tổ quốc thứ hai vậy.

Ngày 28 tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 06:55:21 am »

CÁI TẾT TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG


NGUYỄN XUÂN DIỆU


Như một sự tình cờ, vào những ngày cuối năm 2008, tôi có dịp về thăm lại chiến trường xưa, nơi tôi để lại cả quãng đời tuổi trẻ. Lực lượng đặc công Quân khu 4 có ý định viết cuốn sử Tiểu đoàn 31 Anh hùng. Lịch sử tiểu đoàn già nửa là những tháng năm làm quân tình nguyện trên chiến trường Lào. Đại tá Đặng Trung Thành - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Đặc công, người gần 30 năm gắn bó với đất nước Triệu Voi, có cái tên Lào thật đẹp: Bua Khăm, đích thân đến gặp tôi:

- Anh từng là lính đặc công tham gia "Tây tiến" nhiều năm trong "đoàn quân không mọc tóc". Tôi muốn nhờ anh làm chủ biên. Để "lấy không khí", tôi và anh lên Xiêng Khoảng, đến hậu cứ của đại đội tôi ngày ấy ở rừng Thậm Tạt huyện Mường Mộc một chuyến. Chúng tôi ăn Tết 1969 ở đó. Một cái Tết như từ trên trời rơi xuống. Kỷ niệm sâu sắc lắm! Anh đi được chứ?


Lời mời thật gợi, tôi hăng hái gật đầu. Chiếc U-oát đời mới có gắn máy lạnh hăm hở leo dốc về phía Trường Sơn mây mù giăng mắc. Đến ngày thứ hai, cả đoàn vượt qua Mường Xén, thị trấn cuối cùng của miền biên ải Nghệ An. Đang là đầu mùa khô, càng về chiều, sương mù dày đặc tràn ra giăng kín cả mặt đường. Giữa ban ngay mà xe chúng tôi phải bật đèn vàng để chạy. Dường như đang ngập trong ký ức bộn bề, đôi mắt Thành bị hút vào cái màn sương bên ngoài ấy. Cứ theo những lời kể chắp nối của anh trên xe, ngày xưa nơi đây toàn là rừng. Đường đi chỉ là những lối mòn của thú hoang, người lính phải nghiêng bàn chân mới bước được. Lại có những dốc núi cao chót vót, mờ sáng ở chân dốc, xế chiều mới tới được đỉnh. Khoảng 9 giờ đêm, chợt Thành nhoài người lên chỉ tay vào con đường đất bên trái ra hiệu cho xe rẽ vào. Chúng tôi dừng xe. Trung uý lái xe Trần Thanh Liêm tìm củi nhen một đống lửa giữa bãi trống bằng phẳng mà Thành quả quyết rằng đó là nơi ngày xưa đại đội sinh hoạt. Ngày ấy, ở đây ngút ngát những cây đại thụ lù xù rêu và dương xỉ, trông như người khổng lồ đứng mang tơi, chứ không trọc lốc như bây giờ. Rừng đêm ngoài vòng lửa huyền hoặc, bí ẩn. Tiếng chim chóp bóp âm u trong tiếng gió đại ngàn ào ạt. Hình như có tiếng suối đâu đó lúc ào lên như tiếng thác, lúc lại im ắng như tờ. Thành bồi hồi:

- Năm ấy, đại đội đang quần nhau chí tử với BV34 (tiểu đoàn quân nguỵ Lào) mạn Bô-ri-khăm-xay thì nhận lệnh tiến về phía Bắc, đến tập kết ở đỉnh rừng Thậm Tạt này. Đây là ngọn núi cao 1.810 mét. Dù mùa khô hay mùa mưa nơi này cũng quanh năm mây phủ. Máy bay trinh sát OV10, L19 của địch bay qua, ngồi ở đây vạch lá rừng ra nhìn rõ cả đầu thằng lái. Người được Mặt trận giao dẫn đường cho đại đội là Thoong Đăm, một người lính Pa-thét Lào. Nhìn bề ngoài, Thoong Đăm hệt như một người lính Việt. Anh dong dỏng cao, trắng trẻo, nét mặt toát lên nét thông minh. Sau mười ngày đêm hành quân xuyên rừng; khi đại đội đến được đây, tôi mới giật mình nhận ra đã là chiều 29 Tết. Ngỡ chỉ mình lo, ai dè chính trị viên Hoàng Ngọc với vẻ mặt ủ rũ đi đến nói với tôi:

- Gay quá anh ạ. Không chừng năm nay đơn vị chẳng có Tết mất thôi. Ngày mai 30 Tết rồi mà đại đội vẫn trắng tay. Gạo, thịt hộp, lương khô thì có đấy, nhưng suốt năm, suốt tháng toàn chén những thứ đó rồi, chẳng lẽ Tết nhất cũng thế? Đã đành ở chiến trường phải chịu thiếu thốn anh em mình cũng chẳng ai trách cứ gì, nhưng là người lãnh đạo, chỉ huy, tôi cứ thấy áy náy, cứ thấy như mình có lỗi. Lo cái Tết mà thắt ruột, thắt gan đi anh ạ!

- Mình cũng thế! - Tôi rầu rĩ - Với người Việt Nam mình cái Tết thiêng liêng lắm, nhất là người lính đang sống xa nhà giữa bom đạn bời bời. Nhưng chúng ta mới chân ướt, chân ráo đến đây, chung quanh chỉ toàn núi với rừng, biết làm sao được? Dân các bản Lào Lùm, Lào Thơng quanh đây bị quân Vàng Pao xúc đi cả rồi. Nếu còn, chắc chỉ có lèo tèo vài ba bản người H'Mông. Chúng tôi nghe nói các bản người H'Mông từng theo Vàng Pao, làm sao họ chịu giúp chúng ta!

- Người H'Mông chẳng phải ai cũng theo Vàng Pao cả đâu đồng chí ạ. - Đang lúi húi đào hầm, Thoong Đăm dừng tay ngẩng lên nói với chúng tôi - Tôi biết có nhiều bản, nhiều mường người H'Mông ai cũng một lòng một dạ với Pa-thét Lào. Người H'Mông như cái cây hướng về mặt trời, như cái suối chỉ chảy về một hướng, đã tin Neo Lào Hắc Xạt là theo đến cùng! Đồng chí nói thế là sai to rồi đấy!

Thấy tôi và chính trị viên biết mình có lỗi, cứ ghệt một ra, Thoong Đăm rụt rè hiến kế:

- Tôi biết cái Tết cổ truyền của Việt Nam cũng như cái Tết "Bun hót nậm" của nước Lào chúng tôi, vui lắm! Nhưng Tết Việt Nam phải có bánh chưng, phải có xôi, có thịt... Hay là thế này, các đồng chí cứ giao cho tôi vài ba tay súng bắn giỏi. Tôi sẽ đưa họ đi săn. Tôi đã đi xem kỹ, ở đây gà rừng nhiều lắm, rất dạn người, bẫy chúng dễ như không. Còn hai bên bờ suối, những chỗ củ ráy mọc nhiều, đất bị cày lên như ruộng cày vỡ. Thế nghĩa là ở đây lũ lợn rừng nhiều, chúng đi kiếm ăn theo bầy. Lợn rừng đi ăn bầy đàn như thế chẳng dữ như lợn độc đâu, dễ bắn lắm. Chỉ cần mấy phát AK là có Tết.

- Không được! - Tôi trợn mắt - Bẫy gà rừng thì được, nhưng tuyệt đối không được bắn lợn rừng! Mặt trận điều một đại đội đặc công về ém quân ở đây, dứt khoát không phải để săn thú. Hẳn cấp trên đã có kế hoạch cho chiến dịch mùa khô sắp tới. Hai BS (tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao) 225, 226 lấn chiếm Mường Mộc, Mường Nham còn đó, không được mất cảnh giác. Hơn nữa, đồng chí cũng thừa biết quanh chỗ ta đóng quân thiếu gì "cây nhiệt đói", thiếu gì thám báo, biệt kích. Chỉ cần một tiếng súng nổ là hỏng bét hết. Tuyệt đối không được bắn!


Thoong Đăm hấp háy mắt bỏ đi. Đêm đó tôi và chính trị viên Hoàng Ngọc cứ trằn trọc mãi. Vừa lo, vừa lạnh. Ngày ấy rừng đêm hình như lạnh hơn bây giờ nhiều. Hay bởi bây giờ lắm áo ấm. Ngày ấy lính ta mặc độc chiếc áo "chồn bay" hay trấn thủ? Lạnh buốt xương mà chẳng dám đốt lửa vì lũ máy bay B26 cứ "bùm bùm" chụp không ảnh nhoang nhoáng trên đầu. Rồi lũ C130 thả pháo sáng giăng khắp bầu trời, bắn 20 ly như xay lúa. Tôi và chính trị viên cứ bàn tới, bàn lui mãi vẫn không sao tìm được giải pháp. Có lẽ cung cách này đơn vị đành mất Tết thật rồi? Hai chúng tôi cứ nhìn nhau thở dài thườn thượt. Rừng càng về khuya, càng lạnh. Nằm võng, dưới lưng như ngâm trong nước đá. Nhưng mệt quá rồi chúng tôi cũng ngủ thiếp đi.


Chừng 8 giờ sáng, sương mù đang loãng dần, bỗng bộ phận cảnh giới chạy hộc tốc về báo có một đoàn người H'Mông đang vừa gùi, vừa gánh, có người mang cả súng các-bin, ga-răng đi về phía đơn vị. Tôi chột dạ. Đơn vị vừa hành quân tới đây tối qua, chắc là chẳng ai biết, cớ sao dân biết? Hay đây là mẹo của bọn Vàng Pao biết bộ đội ta không bắn dân nên đưa dân tới dò la tình hình quân ta? Tôi vội ra lệnh cho đơn vị triển khai chiến đấu rồi cùng chính trị viên Ngọc vội vã chạy ra. Đến bìa rừng, tôi đang đứng hỏi người lính gác, thì một ông cụ quắc thước, mặt mũi đen đúa, bòm bã râu ria đi trước đoàn người đĩnh đạc bước tới. Thấy tôi đeo súng ngắn, ông dang tay gạt mấy người lính ra, cất tiếng ồm ồm như tiếng vọng của rừng:

- Mày là thủ trưởng hử? Mày đưa bộ đội về mà mày im như hòn đá trên núi là sai rồi!

- Dạ thưa cụ, là... là sao ạ?

- Là mày sai to như trái núi rồi! Mày là thủ trưởng thì biết nhiều điều, đừng như con gà trống bới khắp nơi không có ổ vì sống không có bạn. Tết người H'Mông ta khác ngày, khác tháng với Tết Việt Nam. Nhưng ta biết ở Việt Nam bữa nay là Tết rồi, thế mà bộ đội không có thịt lợn, thịt gà, thịt trâu ăn Tết, mày cũng im như hòn đá, chẳng nói năng chi với bản ta. Mày không tin người M'Mông ta à? Đâu phải là người H'Mông ai cũng theo Vàng Pao cả. Ta là người H'Mông của Phay Đàng* (Phay Đàng: Lãnh tụ ngưởi H'Mông, Phó chủ tịch Neo Lào Hắc Xạt lúc đó), của Neo Lào Hắc Xạt. Đừng bao giờ nhầm tiếng "poóc" của con nai với tiếng "poóc" của con hổ! Hay mày sợ người H'Mông ta nghèo không có con gà, con lợn, con trâu cho bộ đội Việt ăn Tết? Người Việt với người Lào là anh em. Đã là anh em thì phải giúp đỡ nhau, có chi thiếu thốn phải nói với nhau. May mà bữa nay có thằng Thoong Đăm, nó tin ta, nó nói thật với ta. Nếu không có thằng Thoong Đăm, bộ đội Việt không có Tết, ta với dân bản biết ăn nói sao với Phay Đàng? Con đường già chóng đến, đời người như cái bóng râm ngả trên đồi, ta gần 70 tuổi rồi, làm thế thêm dày tội, mai kia phải đi đường dưới** (Cái lý của người H'Mông: "Ai có phúc nhiều thì đi đường trên / Ai lám tội thì đi đường dưới") sao?

Nói rồi ông khoát tay cho đoàn người. Hai thanh niên lực lưỡng vừa dắt vừa dùng roi lùa một chú lợn đen sì, mõm dài như mõm lợn rừng, lông lá bờm xờm, dễ thường ngót nghét tạ thịt cột vào gốc cây. Mấy gùi nếp, lá dong trong các "lù cở" rời khỏi vai các cô gái thả xuống, mùi nếp thơm lừng. Lại mấy sọt gà vừa trống, vừa mái; những chú gà thấy nhiều người lạ quá cứ trố mắt nhìn, cục ta, cục tác ỏm tỏi. Ông cụ hắng giọng:

- Dân bản ta có con lợn, con gà, gùi nếp cho bộ đội Việt ăn Tết. Có cả con trâu đực nữa, nhưng nó đang thả trong rừng, ta đang cho người đi bắt về. Chiều ta sẽ dắt đến cho bộ đội mổ thịt. Bộ đội Việt nhận cho dân bản ta vui, để ăn cái Tết thật vui, để đánh thằng giặc thật hay, thật giỏi...!

Tôi và chính trị viên Ngọc đứng im như trời trồng, không sao nói được nên lời. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng lặng phắc nhìn nhau. Tôi nhìn quanh tìm Thoong Đăm. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Thoong Đăm méo mó cười, đỏ mặt tía tai, nép vào sau mấy chiến sĩ...

- Ái chà chà! Đúng là cái Tết trên trời rơi xuống! - Tôi xuýt xoa.

Cái Tết ấy, khỏi phải nói, chúng tôi được ăn cái Tết ra... Tết! Một cái Tết suốt đời không quên được! - Thành nuốt nước bọt đánh "ực", ngừng kể. Trong ánh lửa bập bùng giữa rừng khuya Thậm Tạt, ánh mắt anh trở nên xa vắng. Giọng anh thắc thỏm:

- Chiến dịch ấy cụ Vàng Chó - cụ già hôm đó đến "quát" mình ấy - và mấy thanh niên bản H'Mông Thậm Tạt xung phong dẫn đường cho đơn vị vào trinh sát cụm cứ điểm Mường Mộc do BS 225 và 226 chốt giữ, bằng con đường bất ngờ nhất mà họ đã thuộc như lòng bàn tay. Mường Mộc giải phóng, đơn vị rút đi, bản H'Mông bị máy bay T28 và phản lực đánh phá tơi bời, chẳng biết dân bản dời đi đâu. Người H'Mông đã di cư là khó tìm được lắm, anh ạ!

- Còn... còn Thoong Đăm? - Bỗng sực nhớ, tôi vội vùng hỏi.

- Ấy đấy! Câu chuyện lại bắt đầu từ Thoong Đăm đấy! Nước Lào hoà bình, Thoong Đăm ra quân tìm sang Việt Nam thăm tôi. Tôi cùng cậu ta trở về Xiêng Khoảng, và thật may, sau ba tháng tìm kiếm chúng tôi gặp được cụ Vàng Chó và bản người H'Mông tình nghĩa ấy. Rồi tôi khuyên Thoong Đăm đi ôn văn hoá thi vào Đại học nông nghiệp Hà Nội. Cậu ta sáng dạ lắm, thi là trúng ngay với số điểm cao. Tiếc là cụ Vàng Chó mất mấy năm nay rồi, nếu không đêm nay tôi đã đưa anh đến gặp cụ. Còn chàng kỹ sư Thoong Đăm, tốt nghiệp đại học, liền xin về ngay huyện Mường Mộc. Lâu nay, Thoong Đăm "nằm vùng" ở bản Thậm Tạt hướng dẫn cho bà con định canh, định cư, trồng lúa nước, trồng cây quế, cây pơ-mu, cây vải thiểu... Bây giờ bản H'Mông của Vàng Chó ngày xưa cùng nhiều bản Mường Mộc đã biết cách làm ăn, bỏ hẳn trồng cây thuốc phiện, đã giàu lên. Sáng mai tôi dẫn anh đến đó khắc thấy!


Thành kéo tôi đứng dậy. Hai chúng tôi thả bộ trên con đường đất quanh co bên những ruộng lúa nước như nằm bên trời; giữa những rừng quế, rừng pơ-mu thẫm đen trong đêm đang xôn xao gió; nơi một thời thấm đỏ hai dòng máu Việt - Lào trong cuộc chiến đấu sinh tử chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Bỗng Thành siết chặt tay tôi, thầm thì:

- Anh sẽ viết những điều trông thấy trong chuyến đi này vào cuốn sử chứ? Để cho con cháu mình biết cái thời cha ông chúng ăn Tết chiến trường ra sao? Nhưng tôi thì cứ nghĩ đây là câu chuyện của tình người, của những tấm lòng, hơn thế là của tình bạn chiến đấu Việt - Lào thuỷ chung, son sắt mà trên thế gian này không ai có được, chứ đâu phải chỉ là câu chuyện về một cái Tết, phải không anh?!

Hồ Tây, thu 2009.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 06:56:42 am »

HƯƠNG CHĂM-PA


TRỊNH HỒNG HẢI
(Ghi theo lời kể của đồng chí Trịnh Quốc Liệu)


Ngày tôi còn nhỏ, vào mùng một, ngày rằm, ngày lễ, tết... tôi thường theo ông nội đến chùa lễ Phật. Mỗi lần hành lễ xong, ông lại ngồi suy tư dưới gốc cây hoa đại cổ thụ trước sân chùa. Mùa hè, hoa đại nở rộ, sân chùa tràn ngập mùi hương trầm phảng phất cùng hương thơm dìu dịu của những bông hoa đại trắng nõn mịn màng lẫn trong tán lá xanh mướt cứng cáp vươn lên đón ánh nắng chói chang.


Trong tư thế của một người đang ngồi thiền, ông ngước đôi mắt đục cùi nhãn nhìn những chùm hoa đại đung đưa trước gió. Ánh mắt ông chơi vơi như đang nhớ về nơi nào xa xôi lắm! Tôi cặm cụi nhặt những bông hoa đại rơi vung vãi khắp sân chùa, xâu vào một sợi dây cói, kết thành vòng hoa; vòng nhỏ cho tôi, vòng lớn tôi đeo vào cổ ong. Mỗi khi đeo vòng hoa đại trên người, ông lại nhẩm hát những câu hát bằng tiếng Lào. Những lúc như vậy, một tay tỳ lên đầu gối, tay kia chống vào chiếc gậy tre, khó nhọc cố rướn người đứng thẳng lên như thời đang còn trai trẻ. Chợt nhận ra là mình đã già! Năm tháng, tuổi tác đang đè trên vai ông, khoé mắt nhăn nheo rơm rớm ướt. Ông mơ màng nhớ về điệu Lăm vông, khúc Lăm tơi mà ông cùng đồng đội vẫn múa, vẫn hát trong những buổi liên hoan văn nghệ trên đất bạn Lào xa xôi.

   ...

Người Lào gọi hoa đại là hoa chăm-pa. Hoa chăm-pa không chỉ tượng trưng cho sự thanh cao, lòng từ bi bác ái của cõi Phật mà còn là biểu tượng của tâm hồn trong trắng, tấm lòng thuỷ chung son sắc của nhân dân các bộ tộc Lào. Trên khắp nước Lào, hoa chăm-pa thường được trồng trước sân chùa, trồng làm cảnh trước sân nhà. Hàng đêm, trước khi đi ngủ, tôi thường rúc vào nách ông, nghe ông kể chuyện. Có lần ông kể cho tôi nghe truyền thuyết vẽ đất nước Triệu voi:


Xưa lắm, trên trời có mười hai nàng tiên xinh đẹp, hát hay, múa dẻo. Một hôm, các nàng nhìn xuống hạ giới thấy giữa vùng rừng núi bạt ngàn nổi lên một hồ nước, mặt hồ sáng lấp lánh như tráng bạc, bèn cưỡi mây xuống tắm, áo váy vắt trên những cành cây ven hồ. Một chàng hoàng tử đi săn ngang qua, thấy các nàng tiên xinh đẹp, chàng liền giấu bộ quần áo của nàng út. Thấy có người lạ, các nàng tiên hoảng hốt bay về trời. Riêng nàng út bị mất áo váy, không chắp được cánh bay đành phải ở lại trần gian. Tình yêu của nàng tiên nữ đó và chàng hoàng tử ngày càng thắm đượm. Họ thành vợ thành chồng, con cháu đông đúc, lập làng lập bản, lập nên đất nước Triệu voi... Đó là nước Lào ngày nay.


Nhưng tôi được nghe nhiều nhất vẫn là những câu chuyện chiến đấu của ông và đồng đội trong quãng thời gian ông phục vụ tại mặt trận Nam Lào.

Từ giữa năm 1966, Mỹ tăng cường dùng "pháo đài B52" tiến hành ném bom rải thảm đánh phá vùng giải phóng của Lào. Ngoài mục đích tấn công các căn cứ quân sự, Mỹ còn mượn bom đạn buộc nhân dân sống trong các làng bản phải về vùng chúng kiểm soát. Nơi bọn chúng ngụy trang dưới những cái tên mỹ miều như "khu chấn hưng", "làng đoàn kết"... để dễ bề cai trị là gom dân lấn chiếm ra vùng giải phóng của cách mạng nước bạn. Thực chất đây là một phần trong kế hoạch "tát nước bắt cá" của Mỹ và tay sai trong chiến lược "bình định".


Đầu những năm 1970, đế quốc Mỹ ráo riết triển khai học thuyết Ních-xơn" trên khắp xứ Đông Dương. Chúng chủ trương dùng "Người Đông Dương đánh người Đông Dương" nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất của cuộc hiến tranh mà Mỹ ngày càng sa lầy tại đây. Ở Việt Nam, chúng gấp rút thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh". Trên đất Lào, chúng tăng cường thực hiện chiến lược "Người Lào đánh người Lào".


Tháng 6 năm 1970, đang công tác và chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 thì đơn vị ông được biên chế vào Sư đoàn 968, thuộc Bộ Tư lệnh miền Tây, bên chiến trường C.

Thành lập ngày 28 tháng 6 năm 1968, Sư đoàn 968 có nhiệm vụ chính là chiến đấu giúp bạn, phối hợp cùng quân đội Pa-thét Lào bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh, ở Tây Trường Sơn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn còn chủ động giúp bạn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế... phục vụ kháng chiến. Với truyền thống "Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn vẹn nghĩa tình dân tộc - quốc tế", mùa khô năm 1971-1972 Sư đoàn 968 đã chủ động tấn công địch theo hướng đường 23, chặn đánh quân địch phản kích ở I Tu, Bản Nhích, mở rộng hướng tấn công xuông Không Xê Đôn, uy hiếp quân địch ở Pắc Xế... tiến tới giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven trước ngày có hiệp định ngừng bắn ở Lào.

   ...

Ở nước Lào, mọi sinh hoạt văn hóa của người dân thường tập trung quanh đõng lửa. Mọi người cùng nhảy điệu Lăm vông, cùng hát khúc Lăm; điệu múa, câu hát, tiếng trống, tiếng chiêng cùng ánh lửa ấm áp nghĩa tình như quyện với màu sắc và hương hoa chăm-pa quyến rũ lòng người.


Do phải đảm bảo bí mật và những đòi hỏi khắt khe của cuộc kháng chiến, những buổi liên hoan văn nghệ lúc đó không dám đốt lửa, ngay cả tiếng nhạc, tiếng hát cũng chỉ dám cất lên vừa đủ nghe. Vì mọi người còn phải đề phòng những trận tập kích của máy bay và pháo tầm xa của địch. Chiến tranh ác liệt là vậy nhưng cả người già lẫn trẻ nhỏ, dân bản và bộ đội luôn quây quần bên nhau, cùng nhau nhảy điệu Lăm vông, hát các bài Lăm sau những ngày làm việc mệt mỏi và căng thẳng. Lễ hội diễn ra vui vẻ, thắm đượm tình đoàn kết quân, dân hai nước Việt - Lào anh em.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 06:57:18 am »

Trong một buổi liên hoan văn nghệ "dã chiến" đầu mùa khô năm 1970. Ông đã gặp nàng tiên của ông! - Ngươi con gái tuổi độ mươi tám đôi mươi, múa đẹp như chim công trong mùa tìm bạn. Nàng có đôi mắt đen láy như màu tràng hạt của vị sư trong những ngôi chùa Lào cổ kính. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ông đã bị cuốn hút bởi đôi mắt sâu thẳm ấy. Nàng là người đã dạy ông nhảy điệu Lăm vông, hát những câu hát Lăm đầu tiên trên đất bạn...


Bỗng câu hát như bị gãy làm đôi, điệu múa như giẫm lên nốt nhạc khi tiếng súng nổi lên ở khắp nơi. Buổi liên hoan trở thành trận chiến đấu ác liệt. Do tinh thần cảnh giác và đã lên kế hoạch phòng bị từ trước nên tan nhanh chóng phá tan trận tập kích của địch. Khi đã im tiếng súng, ông mới nhận ra mình còn chưa kịp hỏi tên và địa chỉ của nàng.


Năm 1970, đơn vị ông đóng quân trên triền đồi thoai thoải, núp dưới tán rừng thông xanh tốt trên cao nguyên Bô-lô-ven, phía dưới có con suối Bản Nhích đổ ra sông Sê Nậm Noi. Mùa khô, suối cạn trơ đáy, con suối như gầy ra, giữa dòng nhô lên những phiến đá chình ình như có đàn voi, đàn trâu rừng đang ngâm mình dưới nước.


Một buổi sáng ông cầm chiếc đinh ba ra suối Bản Nhích bắt cá, định bụng sẽ làm bữa tiệc nhỏ, để ngày mai tiến hành phát rẫy trồng ngô giúp bà con Bản Nhích. Từ xa ông đã trông thấy nàng qua tà áo váy sặc sỡ sắc màu; màu xanh của núi rừng, màu vàng của mùa màng bội thu và màu đỏ ấm áp của ngọn lửa trong những căn nhà gỗ. Nàng xuất hiện bất ngờ bên bờ suối như một nàng tiên vừa bước ra khỏi màn sương sớm tung tăng đón ánh ban mai sóng sánh như giọt mật ong rừng đọng trên mặt sáp. Nàng ra suối lấy nước?! Mùa cạn, cá còn trồi lưng khô vây. Nước đâu ra mà lấy!... Mùa này, sao không lấy nước trên mó nước mà lại ra suối! - Ông nghĩ bụng. Chợt nhớ về trận tập kích của địch... Hôm đó hoảng loạn, súng đạn, lửa cháy ngút trời, ông mải cùng đồng đội chiến đấu, chưa kịp hỏi tên thì nàng đã biến mất?! - Nghĩ vậy, mối nghi ngờ trong ông bốc lên ngùn ngụt như vạt cỏ gianh khô nỏ vừa được nhen lên mồi lửa. Nhưng...! Ngộ nhỡ nghi oan cho người ta thì chết!? Lúc này mà manh động thì hỏng chuyện...! Ông phân vân rồi nhảy phốc vào hốc cây săng lẻ, lặng lẽ theo dõi mọi động tĩnh bên ngoài.


Không may cho ông, nằm gọn trong hốc săng lẻ cổ thụ là một tổ kiến lửa to lù lù như ụ mối. Vỡ tổ. Lũ kiến hiếu chiến lao ra bò râm ran khắp người ông. Chúng nhằm những chỗ hiểm trên người ông mà cắn; kẽ chân, nách, bụng, bẹn... nhức buốt, tê dại. Ông nghiến răng nhìn nàng đi qua, đi lại trước hốc cây săng lẻ, dáng vẻ thấp thỏm, nôn nóng như muốn người khác chú ý đến mình. Không khéo lại chỉ điểm cho quân địch đang ẩn nấp đâu đây cũng nên!? Ông cảnh giác rồi cọ lưng lên hốc cây cho những vết kiến cắn đỡ đau nhức... Nắm chắc cây súng trên tay, nhẹ nhàng lên đạn, sẵn sàng hành động khi tình huống bất trắc xảy ra. Ông có cảm giác tâm trạng mình căng cứng như dây nỏ đã lên nẫy...


Dưới suối, nàng kiên nhẫn dùng chiếc gáo làm bằng vỏ trái bầu khô múc nước đổ vào ống bương. Nàng đeo bương nước đầy ắp trên vai, mắt len lén nhìn trước, nhìn sau rồi để lại vật gì trên phiến đá. Bóng nàng vừa khuất sau hẻm núi ông đã nhảy phốc ra khỏi hốc cây, thoát khỏi lũ kiến. Toàn thân ông nhức buốt tê dại, lưng áo ướt sũng mồ hôi. Người gì đâu... trông tử tế... thế mà...! câu nói bị bỏ lửng sau tiếng chép miệng thở dài. Ông phát hiện trên phiến đá có một gói thuốc rê, những điếu thuốc quấn gọn gàng và được gói bọc cẩn thận bằng những chiếc lá cà boong, cả tuần sau đó, những hành động đáng ngờ của nàng và gói thuốc rê luôn ám ảnh trong tâm trí ông. Gói thuốc rê ám chỉ điều gì?!


Tổ ba người do ông làm tổ trưởng được phân công phát rẫy cùng gia đình mẹ Sao. Chồng mẹ Sao hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ có một người con gái tên là Y May cũng trạc tuổi nàng. Ông bất ngờ đến sững người khi nhận ra nàng chính là con gái của mẹ Sao. Tâm trạng ông bồi hồi pha chút ngờ vực; trận tập kích bất ngờ của địch, những hành vi đáng nghi và gói thuốc rê trên phiến đá... Trước những suy luận logic như vậy! Ông tự nhủ cần phải cảnh giác! Ông vừa làm vừa để mắt canh chừng mọi hành động của nàng. Những đường dao phát trên tay ông mạnh và ngọt hơn, có lúc ông phải kìm tay phát lại vì sợ đường dao quá rộng sẽ làm địch phát hiện và cho máy bay ném bom hay nã pháo vào đánh phá.


Hai người im lặng làm việc. Sự im lặng kéo dài cho tới khi cây ngô lớn ngang ống chân, mọi người sung sướng nhìn nương ngô xanh tốt mà hân hoan chờ ngày trẩy bắp đang đến gần. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang! Mọi người đang phấn khởi vun gốc chăm bón cho ngô thì pháo địch nã xuống cấp tập, dồn dập hết đợt này đến đợt khác. Ruộng ngô, nương sắn của các gia đình trong bản bị pháo dập nát nhừ. Thế là đã rõ, có ả chỉ điểm địch mới cắt tọa độ chuẩn như vậy!...". - Bồng súng nấp sau tảng đá mồ côi giữa ruộng, ông dằn vặt với suy nghĩ của mình. Có ai đó từ phía sau đẩy ông ngã chúi vào hốc đá rồi nằm đè lên người ông. Ông chưa kịp trở tay thì một tiếng nổ khô khốc vang lên, đất đá bay ràn rạt, những mảnh pháo vút vào không gian nghe chiu chiu ghê rợn. Khi bụi đất loãng ra, ông mới nhận ra Y May đang nằm ngất lịm trên người ông, máu từ vết thương trên vai nàng thấm đẫm ngực áo của ông. Y May vừa lấy thân mình che chở cho ông. Cứu ông thoát chết trong gang tấc! Ông ôm Y May trong tay, vặt nắm lá tàu bay bỏ vào miệng nhai cảm giác đắng ngắt, ông xé chiếc áo đang mặc trên người băng bó vết thương cho Y May rồi cùng mọi người đưa nàng về trạm xá của đơn vị cấp cứu.


Y May nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, nét mặt thanh thản như nàng tiên. Biết ông vào, nàng nhìn ông qua đôi mắt nhắm hờ, nở nụ cười hiền dịu trên khoé môi tươm tướp máu.

- Bộ đội Việt Nam không sao chứ? - Nàng hỏi, ánh mắt nhìn ông ngân ngấn nước.

...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 06:58:06 am »

Hơn nửa tháng trời Y May nằm điều trị tại trạm xá của đơn vị, ông thường xuyên đến thăm và chăm sóc nàng thay mẹ Sao.

- Sao hôm đó anh không ra với Y May. Bộ đội thấy em xấu lắm à?! - Khi hai người đã trở nên thân thiết nàng trách.

- Ơ... ờ ! Hôm nào...! - Ông bối rối.

- Hôm ở ngoài suối, em đem cho anh gói thuốc rê, biết anh ngồi trong hốc săng lẻ nên để nó lên phiến đá! - Y May thỏ thẻ, lúc này trông mặt nàng hiền dịu và đáng thương biết bao.

- Có... có... Đây...! - Ông ấp úng rồi lấy ra gói thuốc rê được cất giữ cẩn thận ông vẫn mang theo, định bụng có dịp sẽ hỏi nàng xem nó ám chỉ điều gì.

Nghe Y May nói, ông đã hiểu được ý nghĩa của gói thuốc rê trên phiến đá. Nỗi băn khoăn trong lòng ông bấy lâu nay chợt tan biến đi đâu mất, thay vào đó là cảm giác ân hận xâm chiếm trong lòng. Ông thấy mình thật nông nổi vì đã nghĩ xấu và nghi oan cho nàng. Cũng may ông còn giữ được bình tĩnh! Không thì chẳng biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu!? Ông cảm thấy mặt mình nóng ran như ngồi trước đống lửa khi nàng nhắc đến chuyện bên bờ suối Bản Nhích.

- Em biết trong hốc cây có tổ kiến lửa nên về sớm để anh ra. Nếu không kiến đã cắn chết anh rồi! - Nàng hóm hỉnh.

Đầu mùa mưa năm 1971, đơn vị ông được lệnh cấp tốc lên đường thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Thời gian gấp gáp khiến ông chẳng có thời gian báo tin cho Y May và mẹ Sao biết. Khi đơn vị hành quân ngang qua suối Bản Nhích ông mới có dịp gặp lại Y May khi nàng ra lấy nước. Nghe ông nói lời từ biệt, Y May nhìn ông bằng ánh mắt đắm đuối pha chút thảng thốt chơi vơi. Nàng khóc, những giọt nước mắt nóng hổi ngậm ngùi lăn dài xuống hai gò má ửng hồng. Như nhận thấy quãng thời gian xa nhau vời vợi phía trước, nàng cắt phăng những sợi tóc óng mượt của mình rồi những ngón tay thon dài của nàng thoăn thoắt kết những sợi tóc lại thành một sợi dây, lặng lẽ buộc vào cổ tay ông. Trong giây phút bịn rịn ấy, hai người muốn nói với nhau nhiều lắm mà sao trong lòng bối rối chẳng nói nên lời. Dù không nói ra nhưng ông hiểu những tâm sự mà nàng gửi gắm trong chiếc vòng tóc đen nhánh nàng vừa thắt lên cổ tay chai sạm của ông.


Rồi nhiệm vụ người lính cứ cuốn lấy ông, ông cùng đồng đội rong ruổi khắp các chiến trường trên đất bạn. Trong ba lô của ông, ngoài những trang thiết bị của một người lính còn có những lá thư quê nhà và một kỷ vật đặc biệt - chiếc vòng bằng tóc của Y May.


Ngày 22 tháng 2 năm 1973, trên đường hành quân tiến công vào giải phóng Tha Leng - Lào Ngam - Sa-ra-van, đơn vị ông tình cờ gặp đoàn văn công của quân đội Pa-thét Lào trên đường đi biểu diễn phục vụ các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường Nam Lào. Một buổi giao lưu văn nghệ "dã chiến" được tổ chức chóng vánh ngay trên đường hành quân. Điệu Lăm vông, khúc Lăm tơi lại cất lên, tiếng hát điệu múa như lướt trên dòng Sê Kông miên man sóng nước. Điệu múa, câu hát đã giúp ông nhận ra Y May chính là cô diễn viên xinh đẹp đang thể hiện những động tác uyển chuyển của điệu múa "Hoa Chămpa". Sau bao năm xa cách, giờ gặp lại nàng da trở thành một người chiến sĩ rắn rỏi dãi dầu mưa nắng. Hai người bạn cũ, hai người đồng chí gặp nhau, niềm vui đầy ắp như ánh nắng xuân rạo rực trên cung đường ra trận.

- Bộ đội Liệu! Đúng là "xiều"* (Xiều: Người bạn thân, người anh em) Liệu thật rồi! - Y May ngỡ ngàng thốt lên rồi chạy lại ôm chầm lấy ông, nước mắt nàng rơi xuống vai áo ông nóng hổi. Tiếng khóc nghẹn ngào của Y May cùng những lời động viên an ủi của ông lẫn trong tiếng vỗ tay rào rào và ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người xung quanh.


Trong giây phút xúc động đó, hai người tranh thủ hỏi han đủ chuyện về nhau. Y May khoe: Sau ngày ông đi, nhờ hát hay, múa dẻo, năm 1972 cô được chọn sang Việt Nam học khoá đào tạo diễn viên múa của Trường văn hoá - nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Hoàn thành khoá học, Y May về nước phục vụ trong đoàn văn công Pa-thét Lào. Đoàn đang đi biểu diễn phục vụ chiến đấu trên chiến trường nên mới có cuộc gặp gỡ tình cờ thú vị trên đường hành quân. Trong không khí ấm áp của buổi chiều hôm, ông có cảm giác như thoang thoảng đâu đó mùi hương nồng đượm của hoa chăm-pa trên những vùng đất mà ông và đồng đội đã đi qua.

- Khi nào có dịp! Anh nhớ về Bản Nhích thăm mẹ và em nhé! Mẹ nhắc anh nhiều lắm đấy...! Trước khi lên đường Y May nói với theo, rồi bóng cô nhanh chóng hoà cùng đoàn quân đang tiến lên phía trước.

Tháng 2 năm 1979, sau mười một năm sống, chiến đấu trên đất bạn Lào, ông vê nước mang theo nỗi băn khoăn canh cánh trong lòng vì không có dịp trở lại Bản Nhích trên cao nguyên Bô-lô-ven thăm mẹ Sao và Y May được. Trong cuốn hồi ký của mình ông viết:

Ngày 2 tháng 2 năm 2000.

Có ai đọc được những dòng chữ này, nếu biết Y May diễn viên của đoàn văn công Quân đội Pa-thét Lào, người Bản Nhích thì xin hãy nhắn tới bà hoặc con cháu của bà rằng: Tôi luôn nhớ về những ngày tháng khó khăn, gian khổ... cùng tấm lòng thuỷ chung son sắt và những kỷ niệm tươi đẹp trên đất nước Lào xa xôi.


Chiều nay, sân chùa trải đầy hoa đại. Chớm thu, những bông hoa đại mịn màng lặng lẽ rơi trước những cơn gió thu nhè nhẹ. Tôi không còn được lẽo đẽo theo ông đến chùa lễ Phật nữa. Tôi đứng nhìn những cánh hoa chăm-pa rải khắp sân chùa mà nhớ đến ông, nhớ những câu chuyện mà ông đã kể và hình dung ra hình ảnh bà Y May - nàng tiên của ông. Xế chiều! Có lẽ! giờ này! Ở đâu đó trong vũ trụ bao la ông cũng đang nhớ về nàng tiên của mình, nhớ đến điệu Lăm vông, khúc Lăm tơi trên đất bạn và cả không gian tràn ngập mùi hương nồng dìu dịu của những cánh hoa chăm-pa trắng mịn như nhung.

Ngày 26 tháng 8 năm 2009.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #57 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 06:59:03 am »

ĐÓN XUÂN TRÊN ĐẤT LÀO


NGUYỄN THẾ ĐẮC


Một sáng đẹp trời mùa xuân năm Quý Hợi, ngày 11 tháng 2 năm 1983, rừng Mường Sài, tỉnh U Đôm Xay xinh đẹp như nàng tiên vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ yên lành, bừng lên đón ánh nắng xuân ấm áp hoà lời ca cùng tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách.


Trong hương rừng thơm ngát ấy, cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 379 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đang tập những động tác thể dục buổi sáng khoẻ khoắn thì đồng chí Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bùi Huy Bổng thông báo một tin quan trọng: "Hôm nay Hoàng thân, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông sẽ đến thăm và làm việc với đơn vị chúng ta..." - Mọi người hò reo, tiếng hò reo vọng vào vách đá ngân vang trong tiết xuân ấm áp. Mọi người nhanh chóng trở về dọn dẹp vệ sinh doanh trại, chuẩn bị đón khách quý. Tôi để ý trong những đồng đội của mình có người còn chuẩn bị bộ quần áo đẹp nhất để mặc trong lễ đón tiếp Hoàng thân, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông.


Đây là mùa xuân thứ ba những người lính tình nguyện chúng tôi xa Tổ quốc, quê hương, gia đình đến nước Lào anh em làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đó là những năm tháng khó khăn gian khổ của nhân dân ba nước Đông Dương vừa trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cuộc sống ở quê nhà còn thiếu thốn vất vả. Những người vợ mong chồng, người con mong cha được ở gần. Nhưng một lần nữa, vì tình hữu nghị Việt - Lào thuỷ chung son sắt mà chúng tôi tạm gác lại cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương da diết trong lòng.

...

Mỗi mùa xuân về, cảm giác nhó nhà, nhớ người thân lại được dịp ùa về. Vì vậy, mỗi sự động viên khích lệ của nhân dân nước bạn đều làm chúng tôi cảm động. Tin Hoàng thân - Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đến thăm đơn vị như một làn gió xuân ấm áp đến với những người chiến sĩ tình nguyện chúng tôi.


Bộ Tư lệnh mời các cán bộ chủ chốt các phòng ban họp bàn việc đón tiếp. Tư lệnh Bình Sơn và Phó tư lệnh Bùi Huy Bổng là những vị tướng đã nhiều lần được gặp các đồng chí lãnh đạo của nước bạn nhưng lần nào cũng xúc động bồi hồi. Tư lệnh phân công từng bộ phận chuẩn bị đón tiếp đoàn thật chu đáo.


Đồng chí Tham mưu trưởng đề xuất:

- Theo tôi, Hoàng thân - Chủ tịch đã cao tuổi, lại bận trăm công nghìn việc, thời gian thăm đơn vị chắc không được lâu. Chúng ta nên tổ chức đón tiếp ở hội trường lớn gần cổng và mời Chủ tịch nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ luôn, để Chủ tịch đỡ phải đi lại nhiều sẽ mệt".

Các cán bộ khác nhất trí ngay với ý kiến của đồng chí Tham mưu trưởng, bởi đường đi từ cổng vào đơn vị khá dài, lại phải qua một đoạn suối, leo qua một con dốc đứng.

Đúng 8 giờ, đoàn xe của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các vị lãnh đạo Lào xuất hiện trước cổng đơn vị. Đồng chí Tư lệnh mặt trận hô toàn đơn vị đứng nghiêm theo quân lệnh rồi báo cáo Chủ tịch. Chủ tịch nhận lễ, bắt tay thân mật Tư lệnh rồi tươi cười đi đến hàng quân. Bác Xu-pha-nu-vông mặc bộ quần áo màu sáng, rất hài hoà với mái tóc bạc và nước da trắng hồng. Các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam mạnh khoẻ, rắn rỏi trong những bộ quân phục màu xanh lá cây, trang nghiêm, chăm chú nhìn vị lãnh tụ kính mến. Bác đến từng hàng bắt tay các cán bộ, chiến sĩ ra đón. Cả hàng quân ai cũng cảm động khi được nắm lấy bàn tay ấm nóng thân tình của vị Chủ tịch nước.


Đến cửa hội trường, đồng chí Xu-pha-nu-vông dừng lại nói các đồng chí trong Bộ Tư lệnh dẫn đi thăm cơ quan, đơn vị trước. Thật là một tình huống bất ngờ, chưa ai nghĩ tới. Nhưng nhìn ánh mắt vui tươi, hiền từ và dáng vẻ quyết đoán của Chủ tịch, các đồng chí cán bộ biết rằng ý Người đã quyết, nên vui vẻ, líu ríu đi theo như con cháu bên cạnh người cha, người ông kính yêu. Và cũng thật không ngờ, Hoàng thân Chủ tịch còn khoẻ mạnh lắm. Bác đi lên dốc rất nhanh nhẹn. Bác dừng lại nhìn những luống rau xanh tươi tốt dọc hai bên bờ suối. Bác khen bộ đội Việt Nam chăm chỉ, chịu khó. Bác hài lòng khi đến từng nhà thấy anh em chúng tôi ăn ở sạch sẽ gọn gàng.


Bác đến thăm từng phòng, từng nhà. Ở đâu Bác cũng dừng lại thân mật hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ. Các chiến sĩ trẻ mới sang Lào, lần đầu tiên được gặp mặt vị Chủ tịch nước, mới đầu họ còn rụt rè, e ngại, sau thấy Bác giản dị chân tình, cởi mở nên ai cũng thấy lòng mình ấm lại, mạnh dạn nói chuyện với Bác như với người thân của mình.


Tôi cũng xúc động, toàn thân run lên khi được Chủ tịch bắt tay. Bác vỗ nhẹ vào vai tôi hỏi: "Đồng chí quê ở tỉnh nào?". Tôi thưa: "Dạ, cháu quê ở Phú Thọ ạ". Bác cười thân mật: "Thế là quê cháu ở đất Tổ Vua Hùng phải không?". Tôi sung sưóng nghẹn lời: "Dạ thưa Bác. Vâng ạ". Không ngờ Chủ tịch lại hiểu về quê tôi như vậy. Bất giác tôi nghĩ tới quê nhà, chắc giờ này mọi người cũng đang sửa soạn đón Tết. Gia đình, người thân có biết lúc này tôi đang được ở gần vị lãnh đạo cao nhất của đất nước Lào hay không?!


Bác đi một vòng quanh doanh trại, rồi mới cùng đoàn người đi vào hội trường.

Khi đến bàn để nói chuyện, Chủ tịch - Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhìn tấm ảnh lớn phóng to treo bên phải hội trường, người dừng lại, rút khăn mùi soa. Hình như Bác rất xúc động, chúng tôi cũng ngước nhìn lên tấm ảnh. Đó là cảnh núi rừng Tây Bắc ở Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp, hai vị lãnh tụ của liai nước Việt - Lào đang ngồi bên nhau, cả hai người đều ăn mặc rất giản dị, dáng người mảnh mai. Nhưng nét mặt thì ngời sáng một niềm tin rực cháy. Đó chính là tấm ảnh chụp Bác Hồ và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông.


Có lẽ trong giây phút ấy, kỷ niệm chợt hiện về khiến Chủ tịch Xu-pha-nu-vông xúc động, nhưng rồi Người trấn tĩnh lại ngay. Nét mặt Người tươi vui trở lại. Cả hội trường lặng im nghe từng lời nói thân tình, ấm áp của Bác. Chủ tịch nói không dài. Người như thấu hiểu, cảm thông với tâm tư, tình cảm của chúng tôi trong những ngày xuân phải xa gia đình, xa quê hương, đất nước. Bác nói:

"Vì sự nghiệp cách mạng chung của hai dân tộc, các đồng chí đã sang đây làm nhiệm vụ cao cả. Nhưng các đồng chí luôn nhớ hai dân tộc chúng ta là anh em thân thiết. Hiện nay hai nước chúng ta đã giành lại được độc lập, tự do và đang xây dựng đất nước trong hoà bình. Nhưng các thế lực phản động quốc tế vẫn còn nhiều âm mưu thủ đoạn phá hoại chủ quyền, lãnh thổ hai nước Lào - Việt. Chúng ta phải đoàn kết, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao. Quân tình nguyện Mặt trận 379 hãy sát cánh cùng quân và dân Lào bảo vệ vững chắc cuộc sống bình yên của nhân dân hai nước".


Lời Bác nói gần gũi chân tình, cả hội trường vỗ tay vang dội. Mọi người như được truyền thêm sức mạnh, càng thấm sâu lời nói của Hoàng thân - Chủ tịch: "Tình hữu nghị Việt - Lào cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông, rộng hơn biển lớn, đẹp hơn trăng rằm, thơm hơn hương thơm của đoá hoa thơm nhất" và mùa xuân năm ấy được ghi nhớ mãi trong tâm khảm những người lính tình nguyện chúng tôi.

Ngày 28 tháng 8 năm 2009.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #58 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:00:13 am »

ĐÊM BÔN LA


XUÂN DIỆU
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Đình Lĩnh)


Ngày 25 tháng 4 năm 1985, Tiểu đoàn đặc công 31 chúng tôi nhận lệnh vượt Trường Sơn sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Đối tượng tác chiến của tiểu đoàn là bọn phỉ ở Buôn Lộng. Chúng chiếm gần một trăm ki-lô-mét vuông vùng núi cao hiểm trở trên dưới một nghìn mét. Vùng núi này có nhiều hang hốc dài hơn một trăm mét, cấu trúc tự nhiên làm 3 tầng, 5 cửa hệt như một địa đạo. Bọn phỉ đưa lương thực, thực phẩm, nước uống, đạn dược vào những hang này hòng chống cự với ta đến cùng. Phía trên hang, ở những mỏm núi, bọn phỉ xây dựng lô cốt, chất gỗ, đá bao quanh cùng những lớp dây thép gai, cành cây khô dày đặc. Nhiều lớp mìn được chúng chôn, cài xen trong những vật cản đó.


Đầu tháng 5 năm 1985, chiến dịch tấn công giải phóng Buôn Lộng được phát động. Đồng chí U Đòm - Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Xiêng Khoảng làm Chỉ huy trưởng; đại tá Hồ Dinh Tiếu - Tham mưu trưởng làm Phó chỉ huy trưởng chiến dịch. Lực lượng tham gia tác chiến gồm Tiểu đoàn đặc công 31, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn bộ binh 335 và Tiểu đoàn 258 bộ đội chủ lực Xiêng Khoảng. Trận đánh mở màn chiến dịch được ấn định vào đêm 12 rạng ngày 13 tháng 5 năm 1985.


Ngày đó, tôi vừa nhập ngũ tròn 6 tháng, chưa huấn luyện xong kỹ chiến thuật đặc công đã cùng đơn vị lên đường. Rừng núi, suối khe, đèo dốc... tôi cũng chỉ mới làm quen trong thời gian huấn luyện, nên sang đất Lào thấy núi rừng trùng điệp, tôi nhìn mà ngơ ngẩn. Nhất là khi nghe quân y và các thủ trưởng kể về bệnh sốt rét. Nghe nói khi bị sốt, người rã rời, cầm cái bát ăn cơm còn không nổi, nói chi đến khẩu súng. Thế là lo. Tất nhiên chỉ là lo thôi chứ không sợ! Tiểu đoàn nhận lệnh vào chiến dịch. Suốt hai ngày 11 và 12 tháng 5 chúng tôi xuyên rừng tiến về Buôn Lộng. Chạng vạng tối, đội hình hành quân của tiểu đoàn vượt qua cánh rừng gần bản Bôn La. Nằm trên vùng núi cao gần một nghìn mét, nên màn đêm chưa ập xuống, cánh rừng đã mịt mờ sương khói, người đi sau chỉ còn thấy loà nhoà cái lưng người đi trước. Đang đi, tự dưng tôi thấy người ớn lạnh, hai thái dương đau buốt, đầu nặng chình chịch. Xung quanh tôi cây cối, sương mù, con đường đảo lộn, quay tròn. Người tôi rét run lên. Tôi lảo đảo khụy xuống. Anh em trong mũi vội vã chạy đến đỡ tôi dậy. Mũi trưởng đặt tay lên trán tôi, thở dài:

- Người ngợm chi mà nóng nảy như ri! Cứ như chạm phải hòn than ấy. Gọi y tá nhanh lên! Cậu này sốt rét mất rồi!

Sốt rét? Cái điều đáng sợ nhất sao lại đến với tôi lúc này, ngay trong trận đánh mở màn chiến dịch, ngay trong trận đánh đầu tiên đời lính của mình? Tôi lẩy bẩy bỏ mấy viên quynin mà cậu Lê Văn Sáu y tá đại đội mới trao cho vào mồm nuốt vội vừa co rúm người lại chống chọi với cái rét. Sáu bấm đèn pin nhìn nhiệt kế, lắc đầu:

- Phải đưa cậu ấy vào bản gần đây gửi lại thôi. Sốt 41 độ rưỡi thế này đi đứng sao được. Không chừng bị ác tính thì nguy to. Đêm ni nổ súng rồi, làm khổ anh em khiêng vác còn sức đâu mà đánh đấm nữa!

- Nhưng Lĩnh là xạ thủ B40. Vắng cậu ấy mũi ta khuyết đi một hoả lực chủ công đấy!

- Đành vậy, chứ biết làm sao!

Sau khi báo cáo với Tiểu đoàn trưởng, tôi được đưa vào bản Bôn La, một trong những bản vùng này có tổ chức Đảng, lực lượng dân quân mạnh, bọn phỉ không dám bén mảng đến khống chế. Nghe có bộ đội Việt bị sốt rét, trưởng bản vội vã ra đón. Ông hết sờ trán lại nắn tay tôi rồi chỉ vào ngôi nhà đầu bản:

- Đưa đồng chí thả hán (bộ đội) Việt này vào. Đó là nhà Bun Hương, cán bộ phụ nữ bản cùng con gái Xao Đi. Nghỉ ngơi một lúc, thả hán Việt khắc khỏi sốt thôi mà!

Tôi được đưa vào nhà, nằm trên tấm chiếu đan bằng lác bên bếp lửa vừa được nhen lên. Vừa nằm xuống, tự dưng cái rét quay trở lại hành hạ tôi. Nó như những dòng nước đá cuộn ra từ lồng ngực, buốt nhói làm tôi phải nghiến răng kèn kẹt, cắn cả vào mép chiếu, run lên bần bật. Bồng bềnh nửa tỉnh, nửa mê, tôi nghe tiếng bà Mun Hương rối rít lúc gần, lúc xa:

- Xao Đi à, đừng nấp như con dán trong buồng nữa. Ra đây rồi đưa hết chăn bông, chăn len, chăn chiên, đắp cho đồng chí bộ đội Việt đi. Đắp cả vào, bộ đội Việt rét lắm đấy! Đưa cả nước ra cho bộ đội Việt uống nữa. Mẹ phải đi họp bên nhà trưởng bản bàn việc đồ xôi, mổ lợn khao bộ đội đây!


Rét quá! Tôi cuộn tròn người lại, đưa hai cùi tay kẹp vào thái dương vẫn thấy đầu mình nhói như kim châm. Tôi gồng người chống lại cơn sốt, cố nén tiếng rên. Đang vật vã, bỗng tôi như thấy có ai ôm lấy mình và một cái gì đó thật mềm, thật ấm áp sát người tôi, ôm chặt lấy tôi. Một thứ hơi ấm cùng mùi thơm lạ lẫm tôi chưa thấy bao giờ. Mệt quá, tôi ngủ thiếp đi trong mùi hương nồng nàn và cái hơi ấm quấn riết lấy mình như thật như mơ ấy!


Khi tỉnh giấc, người nhẹ hẳn, tôi tung đống chăn lồm cồm ngồi dậy. Lúc này tôi mới nhận ra cô gái Xao Đi - tên cô gái tôi nghe bà Bun Hương gọi trong mê - đang ngồi bên tấm chiếu tôi nằm, hai chân gấp về phía sau theo kiểu ngồi nền nếp của con gái Lào, ngoẹo đầu gối lên đôi cánh tay trần khoanh trên chiếc bàn con ngủ ngon lành. Mái tóc đen nhánh của Xao Đi xõa tung phủ kín cả mặt bàn, tràn cả ra sàn nhà. Từng đợt gió từ cánh rừng xa ào đến rít u u qua khe liếp, lạnh tê tái. Tôi rón rén đứng dậy nhẹ nhàng sửa lại chiếc khăn thổ cẩm màu hồng đầy những hoa văn trễ xuống trên vai Xao Đi, rồi cứ ngồi yên nhìn cô ngủ. Khuôn mặt Xao Đi bị mái tóc dày che kín, chỉ còn lộ ra chiếc mũi thanh tú như một nét vẽ. Cặp môi Xao Đi mòng mọng đỏ, chúm chím như đang mỉm cười. Tôi cứ ngồi lặng lẽ, như thể nếu đánh động, người con gái đẹp như một thiên thần trước mắt tôi sẽ tan biến như một giấc mơ!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #59 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2022, 07:01:02 am »

Có lẽ lâu lắm, tôi không xác định được thời gian, Xao Đi khẽ cựa mình đưa tay dụi mắt. Cô ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn tôi:

- Ui da! Thả hán Việt ngồi dậy được rồi, khoẻ rồi! Ui da! Khi thả hán Việt sốt người nóng chi lạ. Noọng cứ lo lo   là...

Nghe Xao Đi nói thật hiền, chợt nhớ lại vòng tay mềm mại, bộ ngực căng tròn mềm ấm và mùi thơm da thịt con gái kỳ lạ lần đầu trong đời ôm lấy mình khi đang chống chọi với cái rét của cơn sốt, tôi mang máng hiểu ra. Hẳn là Xao Đi đã dùng hơi ấm thân thể con gái của mình để sưởi cho tôi. Tôi bồi hồi nhìn cô. Xao Đi bẽn lẽn quay đi. Như chợt nhớ ra điều gì, cô nhấc chiếc nồi nhôm trên bếp xuống. Mùi cháo trứng gà bốc lên thơm lừng. Xao Đi ngượng nghịu:

- Ai vừa sốt dậy, ăn đi cho nóng, cho khoẻ để còn phải đi đánh bọn phỉ Buôn Lộng nữa. Ải ăn đi! Nhiều giờ rồi đó!

Không đói, nhưng nghe Xao Đi nói tôi xúc động quá, bưng cháo lên húp sì sụp. Thỉnh thoảng ngừng húp, ngước nhìn lên, tôi bắt gặp ánh mắt Xao Đi. cả Xao Đi và tôi đều luống cuống quay đi. Bỗng Xao Đi cười vang:

- Ui da! Chắc là ải chưa có người yêu?

- Ò... ờ... Mà sao Xao Đi biết hay vậy?

- Nhìn ải thì biết! Ngồi trước con gái mà cứ lúng ta lúng túng như con gà trống chân bị quấn rơm. Thế ai mà chẳng biết!

Tôi cười buồn:

- Đời người lính mà Xao Đi! Yêu đương làm gì để người ta phải đợi chờ, phải lo lắng thêm khổ. Với lại hết nghĩa vụ tôi còn phải thi vào đại học nữa mà...!

Xao Đi nhìn tôi, cái nhìn thật lạ:

- Ải nói chi mà lạ! Đợi chờ biết là buồn, là khổ, nhưng đợi chờ cũng có niềm vui, hạnh phúc, hy vọng chớ! Dù chẳng ai mong tình yêu hoá đá, nhưng noọng nghe nói bên Việt Nam có nhiều nhiều đá moong há phúa (Vọng phu) lắm mà!

Chưa kịp trả lời ra sao, nhìn vào đồng hồ, tôi hốt hoảng:

- Hai mươi giờ rưỡi rồi, thế là tôi đã phải nằm lại mấy tiếng đồng hồ. cảm ơn mẹ Bun Hương, cảm ơn Xao Đi nhiều lắm! Nhưng lúc này tôi phải đuổi theo đơn vị cho kịp giờ G! Trận đánh mở màn chiến dịch này tôi không thể không có mặt. Có con đường tắt nào đến Buôn Lộng gần hơn không Xao Đi?

Xao Đi đứng dậy, lặng lẽ nhìn tôi. Tiếng cô hụt hẫng:

- Có đấy ải à! Con đường này nếu nhiều người đi một lúc thì không được, vì đường phải đi gần hai bản Nậm Chắc, Nà Cọi bị bọn Pun không chế. Nhưng chỉ ải với noọng đi thì được, vì hai người lẩn trong rừng dễ hơn. Để rồi noọng dẫn ải đi. Đường vòng thì như cánh cung, ta đi đường tắt thẳng như mũi tên bay, kịp thôi mà!


Chúng tôi xuống cầu thang, hai người chìm vào bóng đêm rừng. Tôi cứ nhìn theo vệt trăng trắng của đôi cánh tay trần và đôi bắp chân trần lấp loá của Xao Đi phía trước, cắm cúi bước. Hơn hai giờ sau, tới một khoảng rừng cháy trụi, Xao Đi chỉ tay vào dãy núi dựng đứng trước mặt. Dưới bầu trời đêm cuồn cuộn sương khói, dãy núi như đang đổ ập xuống đầu chúng tôi:

- Buôn Lộng đó. Noọng biết kỷ luật bộ đội Việt nghiêm lắm, nếu không noọng sẽ dẫn ải tới tận nơi. Ai cứ đi thẳng về phía núi, chỉ còn cách một tiếng hú nữa là đến thôi mà!

Rồi em khẽ khàng cởi chiếc khăn thổ cẩm đang quàng trên cổ mình, nhón chân quàng cho tôi, dịu dàng:

- Ải quàng khăn phá phe (khăn quàng) này vô cho ấm. Ai chưa hết sốt mà. Ai cứ coi đây là vật kỷ niệm của noọng Lào. Biết đâu sau này nó sẽ là của tin để chúng mình tìm được nhau!

Xao Đi chớp chớp mắt. Người em đứng sát ngay trước mặt, gần đến nỗi tôi nghe rõ nhịp tim em dưới vồng ngực căng tròn đập liên hồi. Đôi mắt em ngước nhìn tôi thăm thẳm...

Nhờ Xao Đi dẫn đường tôi đã nhanh chóng tìm được đơn vị. Đúng giờ G - 3 giờ 30 phút rạng sáng hôm đó (13-5-1985), chúng tôi nổ súng tấn công, mở màn chiến dịch Buôn Lộng. Tôi đang ôm khẩu B40 lao lên đúng tầm để diệt một lô cốt địch trước hang đá đang khạc đạn vào mũi chủ yếu của quân ta, bỗng thấy hông mình lạnh buốt. Sờ tay xuống, thì ra một mảnh phóng lựu của địch đã chém vào đó, vết thương rộng hoác. Băng cá nhân bị rơi đâu mất. Chợt nhớ đến chiếc khăn Xao Đi trao đang quàng trên cổ, tôi vội cởi ra quấn mấy vòng quanh bụng, cột chặt lại. Gắng hết sức, tôi quỳ xuống nâng khẩu B40 lên vai nhằm thẳng vào lô cốt địch. Khi chớp lửa quả đạn bùng lên trông rõ cả từng mảng bê tông vỡ toác, tung toé, cũng là lúc mắt tôi hoa lên, tối sầm lại. Tôi ngất lịm đi...


Từ trận đánh mở màn thắng lợi ấy đến khi kết thúc chiến dịch Buôn Lộng, ta tiêu diệt gần 50 tên địch, gọi hàng 200 tên, thu hàng trăm súng các loại; đưa hơn 3.000 dân bị địch khống chế về bản cũ làm ăn. Ta hoàn toàn làm chủ cả khu vực Buôn Lộng rộng lớn, phá vỡ hoàn toàn kế hoạch gây bạo loạn của địch ở Xiêng Khoảng. Chúng ta đã thực hiện đúng quyết tâm của Bộ chỉ huy Liên quân Lào - Việt: "Không bắn nhầm dân. Không bỏ sót địch. Ít đổ xương máu mà giành thắng lợi lớn!".


Tôi trở về Tổ quốc điều trị vết thương ở Viện quân y 4 (Quân khu 4). Một chiều cuối tháng 5 năm 1985, người hộ lý phòng vào thông báo tôi có khách. Tôi ngồi dậy nhìn ra cửa thì, trời ơi, hai người khách vừa bước vào phòng là mẹ Bun Hương và Xao Đi! Mẹ Bun Hương nói với tôi rằng, tỉnh Nghệ Tĩnh mời bà sang thăm Nam Đàn quê hương Bác Hồ, thăm thành phố Vinh; Xao Đi nằng nặc đòi đi cùng, để đến thăm thả hán Lĩnh bị thương. Xao Đi ôm chầm lấy tôi sụt sịt khóc. Nước mắt em ướt đẫm cả áo tôi.


Hai mươi bốn năm qua rồi, từ một chiến sĩ mới toanh lần đầu tiên đi chiến trường, tôi trở thành một tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đặc công anh hùng. Từ khi ra đời trong những năm đánh Mỹ, đến bây giờ, tiểu đoàn vẫn son sắt thuỷ chung: sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Riêng với tôi, nước Lào gần lắm, ngay giữa trái tim mình. Nơi có biết bao gương mặt những người bạn Lào yêu dấu; nơi có Xao Đi và ánh mắt em đêm Bôn La ấy... đằm sâu trong ký ức người lính của tôi, không bao giờ phai mờ!

Trại viết Hồ Tây, thu 2009.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM