Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:53:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên dãy Trường Sơn  (Đọc 4090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #40 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:36:16 am »

LỬA


PHAN SĨ QUÂN


Lăn lộn ở vùng địch hậu, độ hai ba tháng tổ dân vận chúng tôi lại kéo nhau về "Vắt Ông Toại" ở căn cứ kháng chiến Huội Nhàng. Đặt chân đến bờ sông Xề Nọi chúng tôi coi như đã về nhà. Lần này, trong lúc chờ anh em ở cơ sở về, chúng tôi xin phép đội trưởng Toại đi dự hội cá ở Hòn Mương. Hội cá vui lắm! Chớm mùa khô, cá suối Huội Nhàng tránh cạn nên hợp lại từng đàn bơi ngược về nguồn. Đến con thác Hòn Mương thì hành trình của chúng bị chặn lại, đàn cá tranh nhau vượt thác xúm đen xúm đặc. Dân các bản đứng chật hai bên bờ, đàn ông cởi trần đóng khố dùng vợt, dùng lưới xúc. Đàn bà con gái thu cá bỏ vào sọt, tìm các bãi đá bằng ven suối rải cá ra phơi.


Đến chiều cá khô cong, họ lèn vào sọt, lấy "lá tai voi" khô đậy kín. Ba bốn ngày có lái buôn đến mua hoặc chất lên xe bò chở về bản. Đêm đến mới thực sự là hội. Trai gái các bộ tộc: Lào, Phù Thày, xổ ăn vận diêm dúa như đi hội Bun ở chùa. Thanh niên mang theo trống cơm. "Chả trình chả! Chả trình chả!", tiếng trống cơm cất lên, từng đôi trai gái lượn vòng quanh bếp lửa múa Lăm vông, nhịp chân dập dìu theo ánh lửa. Tôi làm quen với một cô gái trẻ mang tên là Đuông Chăn trong một vòng múa, dáng cô e thẹn rụt rè khác với các cô gái Lào hồn nhiên bạo dạn. Sang vòng thứ ba, Đuông Chăn hỏi tôi:

- Anh là lính ông "Toạy" (Toại) à?

- Cô ở bản nào? - Tôi hỏi lại.

- Bản Keng Mũm.

Con gái Keng Mũm là dân Phù Thày nổi tiếng xinh xắn. Nhưng qua ánh lửa tôi thấy Đuông Chăn cũng bình thường, da nàng ngăm màu hạt dẻ, bắp chân hơi thô, nhưng mỗi lần tàn lửa bắn ra cô lại nhíu mày trông rất duyên, theo từng vòng múa tôi bắt chuyện. Đuông Chăn rủ rì:

- Bố em là Thít La, kết "xiều" với "ông Toạy" nên em gọi ông là "phò xiều" (bố kết nghĩa).

- Thế thì Đuông Chăn phải gọi tôi là "ải xiều"! (anh kết nghĩa).

Đuông Chăn che miệng cười e ấp như hoa "đoọng thoong".

Bản Keng Mũm của Đuông Chăn đông dân, giàu. Lính coong pạy (lính ngụy) thường hay đến bản quấy phá. Mấy lần phò (bố) Thít La sai con gái đến "Vắt ông Toại" báo tin địch, tôi ở cơ sở nên ít gặp.

Tôi quen biết Đuông Chăn tình cờ như thế.

Ai từng ở rừng Lào chắc không thể quên những cơn mưa kỳ quặc. Nhận được lệnh về "Vắt Ông Toại" trực thay đội trưởng đi họp ở phân đoàn, tôi và Huyên rời cơ sở từ sáng sớm. Đến đường rẽ, Huyên đi thẳng về phân đoàn bộ còn tôi một mình theo đường rừng khộp. Rừng khộp ban mai mát mẻ. Ánh mặt trời xuyên qua tán lá lung linh như những hạt ngọc. Tôi thấy lòng khoan khoái, tự nhiên cất tiếng điệu "đòn đống" (hò đi rừng). Nắng tắt. Trời bỗng tối sầm. Nhìn phía đông hướng Phù Luông mây đen vần vũ như hàng vạn thớt voi quần đảo đuổi nhau sang hướng Tây. Sấm. Chớp loe lóe. Rồi mưa xối xả. Về đến Phù Xạng He, tôi bám chân vào từng khía đá cố trèo nhanh lên dốc. Nước bùn đổ xuống trơn trượt như mỡ. Gần trưa mưa tạnh. Khi về tới "Vắt Ông Toại" thì hang đã ngập đầy nước. Nước mưa theo rễ cây, khe đá xối vào hang. Tôi chui vào xếp dọn giấy tờ, đồ đoàn của anh em vào chỗ khô ráo rồi đi sang hang dự bị. Bên hang dự bị càng tệ. Cỏ khô để nằm, nứa khô để nhóm bếp ướt sũng. Mưa vẫn tiếp tục trút xuống trắng rừng.


Tôi bắc nồi lấy phần gạo ở bao tượng nấu cơm trưa. Xé mấy tờ giấy ở sổ ghi chép để nhóm bếp. May ở hang dự bị có dự trữ bốn năm cây "ca boong" (đuốc thắp làm bằng mùn gỗ khô trộn với dầu rái). Tôi mở ba lô lấy diêm. Ôi thôi! Cả bao diêm Thái cũng đã sũng nước. Tôi chạy đến góc hang lấy bùi nhùi và đá đánh lửa. Mấy thứ này tuy còn khô nhưng không khí ẩm ướt thế này có tài thánh cũng chẳng thể đánh lửa được!


Mệt và đói, tôi cởi quần áo ướt chỉ mặc độc cái quần xà lỏn nằm thừ trên đệm cỏ ướt lắng nghe tiếng nước chảy, mưa rơi. Thế là phải chờ tạnh mưa mới xuống được núi kiếm cái lót dạ. Bỗng có tiếng động ngoài cửa hang, tôi giật mình ngồi phắt dậy vớ lấy khẩu xít-ten. Có tiếng con gái trong trẻo lọt vào:

- Ải xiều ơi!

Tôi đã nhận ra cái giọng trong trẻo thân thiết ấy là của ai rồi. Vơ vội lấy cái áo ướt vừa kịp khoác lên mình thì Đuông Chăn hiện ra trước mặt.

- Ải xiêu vừa đi đâu về vậy?

- Tôi đi họp về.

- Ở nhà em đã linh cảm nhất định có Thoong Đăm ở hang!

- Đuông Chăn vào trong này đi. Sao lại cứ đứng dưới mưa vậy?

- Em ướt như nhái lột da, còn chi nữa mà sợ ướt!

Hôm nay Đuông Chăn khác hẳn, không còn dáng vẻ e ấp, thẹn thùng như ở hội cá Hòn Mương.

- Vào trong ni. Khăn phá phe đây, lau người đi! Tôi kéo Đuông Chăn vào trong hang tránh mưa.

- Kệ em! Đuông Chăn nhìn tôi ái ngại. Tội chưa! Thoong Đăm chả có bộ quần áo nào khô. Típ xôi em mang theo, lúc qua suối Huội Nhàng nước cuốn mất. À, Thoong Đăm có gạo rồi. Hay quá! Em có tính hay lo xa nên lúc đi có mang sẵn cho anh thứ này!

- Vào trong này đi, ướt thế mà Đuông Chăn đứng chỗ gió lùa, cảm lạnh đấy! Khăn phá phe đây, lau đi.

Tôi cầm khăn định lau khô mái tóc của Đuông Chăn, cô giãy nảy:

- Em quen mưa, quen nắng rồi! Kệ em! Anh cầm gói này mà dùng!

- Gọi là ải "xiểu" chứ.

- Đừng hòng! Chưa giết gà ăn thề, chưa cột chỉ cổ tay mà đã muốn làm "Ái xiều"! Bò nạy nơ! (Không được đâu) cầm lấy cái này, để ướt thì nhịn đói! Em về đây. Nhùng nhằng lũ mà về thì chỉ có nước ngủ rừng!

Tiễn Đuông Chăn ra đầu dốc, cô chào tôi theo kiểu vào chùa. Tôi cầm hai cổ tay Đuông Chăn lắc lắc:

- Pay đí nỏ! (...)

Hứng chí tôi nói một tràng lời cầu chúc dân gian. Tôi nhìn theo mái tóc dài chìm vào cơn mưa trắng núi trắng rừng. Tôi cảm thấy một bầu máu nóng chạy rần rật từ đầu tới chân. Lúc đó, với tôi mưa, gió, cái ướt lạnh chả thấm vào đâu.


Tôi chạy nhanh về hang lấy cái gói. Cái gói nhỏ chỉ bằng nửa bao thuốc lá bọc lá chuối khô quấn dây vải chằng chịt. Tôi lấy kéo cắt dây. Tôi hơi lo khi thấy lớp lá chuối bọc ngoài bị ướt. Rất may, vào lớp trong thì lá chuối không còn bị ướt nữa. Hết lớp này đến lớp khác chừng sáu bảy lớp lộ ra một gói nhỏ bằng ngón tay bọc giấy bạc thuốc lá. Kỹ thế! Tôi thầm nghĩ trong lòng rất hồi hộp. Té ra là một bao diêm! Những que diêm vẫn còn khô nguyên ấm trong tay tôi. Sao mà Đuông Chăn biết tôi không có lửa nhóm bếp? Sao Đuông Chăn lại đến đúng ngày tôi ở "Vắt ông Toại"? Sao mà? Sao mà??? Tôi không thể nào trả lời được những câu hỏi bật ra trong đầu mình. Lòng hang ẩm mốc hình như cũng ấm lên. Nàng đã đưa lửa cho mình, cho anh lính tình nguyện khiến "anh chàng" đâm ra lẩn thẩn rải diêm lên khăn phá phe và đếm từng que một! Tất cả tròn mười sáu que! Sao lại đúng mười sáu que?


Trưa đó, tôi được chén một bữa cơm chấm muối trắng ngon lành. Bữa cơm đó ngon hơn tất cả những bữa tiệc mà tôi từng được dự. Bữa cơm ấy được nấu bằng lửa của Đuông Chăn và "ca boong" của dân bản mà lính tình nguyện chúng tôi coi như cha mẹ đẻ và thường gọi thân mật là "phò me".


Đời lính khác chi chân chim chẳng đậu yên cành nào. Hòa bình lập lại, tôi được chuyển lên hai tỉnh tập kết. Ở địa bàn xa xôi cách trở, tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách gửi thư tay, hoặc nhắn để liên lạc với Đuông Chăn nhưng không có hồi âm. Thế là xa cách Đuông Chăn thân thiết của tôi rồi!


Tôi vẫn còn giữ gói diêm mà Đuông Chăn cho trong ngày mưa lũ ấy, mang theo mình như mang hơi ấm của em trên các nẻo đường chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Nhờ ngọn lửa ấy, tôi đã vượt qua vùng phỉ ở Sầm Nưa. Ngọn lửa ấy luôn ở trong tôi, nhắc tôi nhớ về một thời trai trẻ đã là anh lính tình nguyện; tôi nhớ tới tình yêu của nhân dân Lào dành cho chúng tôi. Ngọn lửa ấy mãi còn ấm áp thủy chung như tình cảm keo sơn của hai dân tộc Việt - Lào.


Trại viết kỷ niệm sâu sắc Hồ Tây
Tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #41 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:38:07 am »

TÌNH DÂN NHỚ MÃI


TRẦN MẠNH HÀ
(Ghi theo lời kể của đồng chí Võ Ngọc Đạo)


Cuối năm 1950, tôi được anh Trường Sinh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trung Lào giao nhiệm vụ dẫn một tiểu đội đi ra sát bờ sông Mê Kông tìm bắt liên lạc với một đơn vị Việt kiều Thái Lan (Phân khu 6) sang giúp bạn xây dựng cơ sở ở vùng giữa tỉnh Khăm Muộn và Sa-va-na-khệt.


Năm đó tôi 24 tuổi, sang Lào được mấy năm, kinh nghiệm thực tế còn ít nhưng khi nhận nhiệm vụ thì thể hiện quyết tâm và hăng hái lên đường ngay. Đi được vài hôm tôi mới chột dạ vì thực ra tôi chỉ nhằm theo hướng Thái Lan cắt rừng mà đi, chứ trong tay không có một tấm bản đồ chỉ dẫn nào cả. Ngay đến người dẫn đường hay thông thuộc địa hình nơi đây cũng không có. Thật là một khó khăn rất lớn. Nhưng sự đã rồi, chúng tôi chỉ còn mỗi một cách là tiếp tục tiến bước chú không còn đường lui.


Lúc này đang là mùa khô. Do vậy mà tốc độ đi của cả tiểu đội khá nhanh. Sau bốn hôm ngày đi đêm nghỉ, cứ nhìn ánh mặt trời mà đi, chúng tôi ước chừng đã đi được khoảng vài ba chục cây số. Nhưng càng đi thì hình như càng chậm lại vì ai nấy đều có vẻ đã thấm mệt, chân rã ra chứ không như mấy hôm đầu. Rừng lại càng rậm hơn, gai góc thêm nhiều, suối khe cũng lắm. Chúng tôi không ai nói gì nhưng vẻ lo ngại đã hiện lên từ ánh mắt. Lương thực cạn dần. Lòng tôi như lửa đốt. Trong tình thế này, không khéo lạc rừng như chơi. Đã không hoàn thành nhiệm vụ lại có thể sẽ gặp nhiều nguy hiểm cho tính mạng anh em trong tiểu đội.


Một buổi sáng, vừa vượt qua một con suối nhỏ thì cậu Nam trong đoàn phát hiện ra hai bóng người vừa thấp thoáng bên kia vạt rừng. Tôi vội cho người bám theo. Chỉ là một ông lão ngoài bảy mươi tuổi và một cô gái còn trẻ lắm. Đoán chắc đây không phải là địch mà chỉ là dân địa phương, chúng tôi vội tiếp cận ngay. Thoạt đầu, ông lão và cô gái có vẻ sợ sệt khi thấy chúng tôi như từ trên trời rơi xuống, nhưng rồi họ lấy lại bình tĩnh ngay khi đoán ra chúng tôi là quân tình nguyện Việt Nam.


Sau khi dò hỏi mới hay đây là hai ông cháu. Họ ở một bản người Lào cách đó vài ngày đường và cũng đang đi về phía biên giới Thái Lan. Thật may tôi biết được một ít tiếng Lào. Khi sang Lào, quãng tháng 10 năm 1949, đơn vị chúng tôi có tên gọi là Đội vũ trang tuyên truyền 812 xuất phát từ xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, quân số khoảng 40 người do đồng chí Phạm Ngọc Thược - Đại đội phó làm đội trưởng. Sau một thời gian hành quân vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ thì đến vùng Tha-pay thuộc Mường Nhom Ma-rát tỉnh Khăm Muộn. Đến đây thì gặp đơn vị vũ trang của Pa-thét Lào, do anh Xổm Xắc làm Trung đội trưởng. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Lúc đó, anh Xổm Xắc cũng biết chút ít tiếng Việt, còn tôi bập bõm tiếng Lào. Thời gian được sống gần nhau, hai chúng tôi trở nên thân thiết. Xổm Xắc dạy tôi tiếng Lào, còn tôi dạy anh tiếng Việt. Anh Xổm Xắc sống với bạn bè rất chân thành, đồng cam cộng khổ. Anh dạy tôi hát dân ca Lào:

"Phò mẹ ơi lục khơi ma lẹo, pay âu lậu hạy lục khơi kin... (Bố mẹ ơi con rể đến rồi, đi lấy rượu cho con rể uống..)".

Thế là, cứ mỗi lần đi vào làng tôi lại hát nghêu ngao mấy câu dân ca ấy. Dân làng nghe ai cũng cười ồ cả lên.

Ông lão và cô cháu gái chúng tôi gặp đi dự một lễ hội hàng năm của người Thái có tên là Bun-thạc-pa-nôn, giống như bên Lào có lễ hội té nước. Điều làm tôi rất ngạc nhiên là ngay từ hôm đầu tiên, ông lão đã tỏ ra là người rất dễ gần và quý bộ đội chúng tôi. Tôi như chết đuổi vớ được cọc. Trời giúp chúng tôi rồi. Gặp được người dân địa phương lại biết là đang cùng hướng đi thì còn gì bằng. Cô cháu gái của ông còn rất trẻ, chỉ độ 18, 19 tuổi. Cô có nước da bánh mật, dáng hình thon thả và đặc biệt là đôi mắt đen láy như hút cả trời xanh vào đó. Lúc đầu cô có vẻ rất thẹn thùng. Cũng phải thôi, một cô gái mới lớn bị vây quanh bởi hàng chục thanh niên dạn dày phong sương. Thế nhưng chỉ sau một buổi là chúng tôi bắt chuyện dễ dàng và được cô tặng cho những nụ cười mê đắm.


Chuyện trò rôm rả suốt chặng đường làm cho cái mệt, cái đói vơi hẳn đi. Thời gian có vẻ như không tồn tại, bởi chúng tôi, những gã thanh niên trẻ muốn được gần cô gái lâu hơn nữa. Cũng qua ông lão, tôi được biết chúng tôi đang đi vào vùng đất địch kiểm soát. Ông lão không những không sợ liên quan đến chúng tôi nếu như gặp phải đụng độ mà còn tỏ ra rất vui vẻ và hài lòng khi được giúp chúng tôi. Miệng nói chân đi, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến một cái bản nhỏ với những ngôi nhà nằm rải rác bên sườn núi. Đêm xuống, nhờ ông lão mà chúng tôi bắt chuyện khá nhanh với bà con ở đây. Được biết cơ sở bộ đội ta và Lào đang hoạt động ở vùng này, tôi bỗng thở phào nhẹ nhõm.


Sáng ra, ông lão và cô cháu gái đến chia tay để đi theo hướng khác sang đất Thái. Tôi nắm thật chặt bàn tay ông. Cô cháu gái bẽn lẽn đứng bên, hai má hình như ửng đỏ và đôi mắt chớp chớp lưu luyến...

... Hai năm sau đó, quãng cuối năm 1950 đầu năm 1951, chúng tôi có việc qua làng Na Môn cách đồn Na Nhôm của địch khoảng 3 cây số. Cho quân hạ trại nghỉ trong rừng bên một con suối nhỏ. Tôi vào làng, hỏi đến nhà của ông lý trưởng, rồi đứng dưới cầu thang gọi. Bỗng từ trong nhà xuất hiện một cô gái bước ra, cô đứng nhìn một chút rồi kêu lên đầy vẻ bất ngờ: "Ô... Hóa ra là quan anh! Quan anh thật rồi! Quan anh đi đâu mà mấy năm nay không gặp?". Tôi ngỡ ngàng đứng ngây ra rồi hỏi: "Nhà em ở đây à?".


Hóa ra cô ấy là em gái của ông lý trưởng. Lúc đó, do đồn địch rất gần nên tôi chỉ dám ngồi một lúc rồi đi ngay. Tôi nói với cô gái: "Khi nào ông lý trưởng về, em nói giúp hộ là tối nay ra chỗ bờ suối tôi có việc cần nhờ giúp đỡ". Em gật đầu nhìn tôi với nét mặt rất vui.


Cái việc mà tôi nhờ ông lý trưởng của làng là xin giúp ít lương thực cho đại đội. Mấy hôm nay chúng tôi đã cạn lương thực, thực phẩm. Nhiều hôm lần mò cả đêm dọc hai bên bờ suối mà chỉ kiếm được vài con nhái đem nướng lên, giã nhỏ trộn với ít muối chia cho anh em. Biết trong bản có cơ sở của ta nên tôi cho anh em nghỉ lại và vào bản nhờ giúp đỡ.


Buổi tối hôm đó, y hẹn, ông lý trưởng ra bờ suối gặp tôi và nói: "Buổi chiều, tôi về nhà, cô em gái có nói rằng đêm nay ra bờ suối gặp "quan anh" có việc cần bàn. Rồi ông ta chợt mở túi lấy ra một gói thuốc lá rê, loại thuốc được vấn bằng lá chuối khô buộc túm lại bằng dây, hút rất đậm. Ông bảo là cô em gái ông ta gửi cho tôi.


Tối hôm sau tôi vào bản theo lời hẹn của một người là cơ sở của ta để bàn công việc và được mời ăn cơm ở đó. Hỏi thăm tình hình và ăn uống được một lúc thì thấy cô em gái ông lý trưởng mang một "tip" (như cái giỏ đan bằng tre của ta) lèn đầy xôi và một bát canh đến. Từ nhà ông lý trưởng tới đây phải cách một quãng đường khá xa nên tôi không hiểu vì đâu mà cô gái lại biết tôi ở chỗ này. Một tay cô cầm "tip" xôi, một tay cầm bát canh và rất nhẹ nhàng, cô quỳ xuống từ bậc cửa rồi đi bằng hai đầu gối đến trước mặt tôi lúc đó đang hết sức ngạc nhiên, cô gái khẽ khàng: "Em mời quan anh ăn xôi và canh...". Tôi còn đang lúng túng thì bà mẹ chủ nhà ngồi gần đó đã vội nói: "Con cứ ăn đi... canh ngon lắm đó. Đây là canh Na-phắc-nậu, món canh của người Lào ta đó!". Tôi từ ngạc nhiên rồi cảm động không thốt nên lời, run run đón lấy thức ăn từ tay cô gái. Trao xong thức ăn, cô lại nhẹ nhàng lùi lại và ngồi vào một góc nhà ngắm tôi ăn...


Do công việc phải bí mật hành quân nên tôi gấp rút lên đường vào ngày hôm sau. Tôi không có dịp đến nhà để chia tay người lý trưởng của làng cùng cô em gái. Tôi chỉ biết thầm cảm ơn họ, cũng như những người dân bản tốt bụng đã cưu mang và giúp đỡ chúng tôi. Họ thật sự coi chúng tôi như những người con trong gia đình. Đến khi cả đại đội đã hành quân một quãng, tôi mới giật mình. Hóa ra tôi vẫn chưa biết tên em, ơi cô gái Lào dễ thương, dịu dàng, đôn hậu...


60 năm đã trôi qua, bao nhiêu kỷ niệm cứ lãng đãng chìm dần trong ký ức. Cũng vì tuổi tác ngày càng cao, bệnh tật thêm nhiều. Nhưng mỗi lần nhớ lại, đất nước Lào cổ kính và những người dân chất phác, hiền hậu, vô cùng mến yêu lại hiện về tươi rói trong tôi.

Hồ Tây, tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #42 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:39:24 am »

NGÔI MỘ DƯỚI ĐÁY HỒ


CÔNG VIỄN
(Ghi theo lời kể của đồng chí Ngô Nẹp)


Tôi dự lễ "hạ sao" và nhận sổ hưu về sống với đời thường tháng 4 năm 1990 thì bảy năm sau - năm 1997 được các bạn Lào mời sang thăm lại chiến trường xưa. Đứng trên bờ đập của thủy điện Nậm Ngừm, anh bạn người Lào chỉ cho tôi vùng hồ chứa nước của nhà máy. Thế là biết bao niềm vui nỗi buồn gắn bó với khu căn cứ vùng địch hậu tỉnh Viêng Chăn Đông đã thức dậy trong tôi. Nó cứ chập chờn dưới đáy hồ không sao vớt lên được. Mắt tôi nhòa đi khi thấy cái bóng của anh Hiệu đang chơi vơi trong làn nước trong vắt và mênh mang của vùng hồ...


Ngày ấy, cách nay vừa tròn 40 năm. Năm 1969, chúng tôi được trên cử về vùng địch hậu của huyện Nhọn Ngừm thuộc tỉnh Viêng Chăn Đông này xây dựng căn cứ địa để đón lõng, chờ thời cơ giải phóng Thủ đô. Một ngày đầu xuân năm Kỷ Dậu (1969), tổ trinh sát của khu căn cứ do anh Hiệu phụ trách ngồi trên một chiếc thuyền mủng, ngược sông Nậm Ngừm luồn vào đồn Keng Nọi của địch. Keng Nọi là một đồn địch đóng cách khu căn cứ của chúng tôi chỉ chừng vài cây số, nó án ngữ cả một vùng hạ lưu, cắt đứt nguồn tiếp tế từ các bản dưới đó cho chúng tôi. Nếu không nhổ được nó thì cả khu căn cứ của tỉnh Viêng Chăn Đông sẽ không duy trì được cuộc sống. Khi tổ trinh sát đã tiếp cận tới gần đồn địch, thuyền đã neo vào một gốc cây, các tổ viên đã trèo được lên vách đá, trên thuyền chỉ còn một mình anh Hiệu thì dây thuyền bị tuột khỏi gốc cây và lập tức dòng nước đã lật úp thuyền, quật vào vách đá. Anh Hiệu hy sinh chỉ cách đồn địch chừng dăm trăm mét về phía thượng nguồn. Nếu không vớt được xác anh thì anh sẽ trôi vào đồn địch và bao nhiêu tài liệu nằm trong xắc-cốt anh đeo sẽ rơi vào tay giặc. Như vậy, tổn thất sẽ không sao lường được. Mặt khác, bọn phỉ sẽ băm nát xác anh, vứt xuống sông Nậm Ngừm làm mồi cho cá! Vì vậy, anh Nguyễn Quang Tăng - trưởng cố vấn cho bạn ở tỉnh đội Viêng Chăn Đông đã cử tôi, anh Mầu, anh Kính và anh Bun Mi, do tôi làm tổ trưởng bí mật đón lõng trước đồn địch về phía thượng nguồn để vót cho được xác anh Hiệu. Chúng tôi nhận mười ngày gạo, nai nịt gọn gàng rồi luồn rừng, vác theo một chiếc thuyền men bờ sông Nậm Ngừm xuôi về đồn địch. Đây là khu rừng lau sậy, xứ sở của hổ báo, nên chúng tôi cũng sò sợ. Vì trong khu căn cứ của chúng tôi đã có đồng chí bị hổ vồ khi đi một mình trong đêm. Tuy nhiên, với tổ chúng tôi, chuyện sợ hổ cũng chỉ thoáng qua vì đã có Bun Mi, anh là người vùng này, anh bảo: "Hổ bao giờ cũng sợ người. Nó chỉ vồ những người sợ nó. Với lại, hổ là chúa của những kẻ đãng trí nên đi tới đâu là nó phải đái để nhớ đường về. Mà nước đái hổ thì khai tới nhức mũi!". Biết anh nói cũng hơi dóc, nhưng cũng có tác dụng yên lòng chúng tôi. Mặt khác, cứ mỗi khi nghĩ tới bọn địch băm nát xác anh em mình vứt cho cá là chúng tôi lại không sợ gì nữa. Cứ lan man về chuyện hổ báo, chả mấy chốc đã tiếp cận đồn địch. Khi dòng sông Nậm Ngừm chảy tới gần đồn Keng Nọi thì phình ra tạo thành một cái vực. Nước trong cái vực ấy hầu như đứng yên mà chỉ có rất nhiều cái xoáy. Chúng tôi lần xuống phía dưới vực, dòng sông Nậm Ngừm bỗng chảy lững lờ như một chàng lãng tử. Vậy nước tạo thành những dòng thác ở phía trên vực chảy đi đâu? Bun Mi bảo, nó chảy vào lòng đất. Thế thì rất có thể xác anh Hiệu sẽ bị những cái xoáy kia xoáy vào lòng đất mất. Tất cả anh em chúng tôi đều thấy cay cay trong mắt.


Chúng tôi phân công nhau túc trực ở khúc sông phía trên đồn địch. Đã sang ngày thứ ba mà vẫn không tìm thấy anh đâu. Mấy anh em ngồi lại phán đoán. Anh Mầu bảo, có thể trong lúc nào đó chúng ta sao nhãng, anh ấy đã trôi vào đồn địch mất rồi. Tôi cũng nghiêng về nhận định của anh Mầu. Còn ý của anh Kính thì khác. Anh bảo khúc sông mà chúng tôi túc trực, nước có chảy xiết đâu, nên xác anh Hiệu không thể trôi qua mắt chúng tôi được mà rất có thể mấy cái xoáy ở giữa vực đã xoáy anh ấy vào lòng đất. Đó là hai ý kiến hoàn toàn ngược nhau. Còn ý của anh Bun Mi lại khác, anh bảo cả hai khả năng kia đều không thể có được. Bởi lẽ nước chảy lững lờ thì xác anh không thể trôi dưới mặt nước mà qua "trạm gác" của chúng ta; còn những cái xoáy kia chỉ là những cái xoáy nhỏ, vận tốc của nó chỉ đủ sức xoáy ba cái lá khô chứ không thể xoáy dựng đứng cả một khối kềnh càng như anh Hiệu được, chắc chắn xác anh còn dật dờ đâu đây. Là người chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Quang Tăng, tôi hỏi anh em: "Vậy bây giờ giải quyết thế nào?".


Anh Mầu, người nhận định là xác anh Hiệu đã trôi vào đồn địch hiến kế: "Theo tôi, trong bốn anh em mình, chỉ để lại một người túc trực ở trạm gác, còn ba anh em luồn vào đồn địch bắt sống lấy một tên đem ra khai thác để biết xem xác anh đã trôi vào đồn địch chưa? Nếu chưa thì ta cứ kiên trì tìm anh ở cái vực này, trước sau sẽ thấy".


Chúng tôi thống nhất phương án của anh Mầu và quyết định chờ cho trời tối sẽ đột nhập vào đồn địch. Chiều hôm thứ ba đó, chúng tôi thổi cơm ăn sớm, tranh thủ chợp mắt cho tỉnh táo để nửa đêm sẽ đột nhập vào đồn. Trong bốn anh em, chúng tôi phân công anh Kính túc trực ở trạm gác, đem cơm cho anh ấy ăn tại đó. Còn ba anh em thì bốc cơm giữa rừng. Đang ăn, bỗng thấy cái mùi gì khang khác, nửa như thum thủm, nửa như khai khai. Còn đang phán đoán cái mùi ấy là mùi gì thì một tiếng động đánh xoạt gần đó. Tôi nghĩ ngay đên hình bóng của con hổ, người run cầm cập, không sao nuốt nổi miếng cơm. Chắc anh Mầu cũng nghĩ như tôi nên mặt tái mét. Mặc dù anh Bun Mi đã giải thích cho chúng tôi là loài hổ rất ít khi kiếm ăn ban ngày, nhưng tâm lý sợ hổ vẫn ám ảnh trong chúng tôi. Mang tâm trạng này mà vào đồn địch thì không những không bắt sống được địch mà nó lại bắt sống mình. Nghĩ vậy nên chúng tôi tạm hoãn. Chúng tôi, trừ anh Bun Mi, đều phải trèo lên cây, chọn những chạc ba ngồi thu lu trên ấy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #43 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2022, 07:40:01 am »

Đêm mùa khô ở Bắc Lào rét thấu xương. Mùa xuân ở Lào khác xa mùa xuân miền Bắc bên mình. Bên ấy, mùa xuân không có "mưa xuân phơi phới bay" như trong thơ Nguyễn Bính và cũng không có hoa đào cười gió đông trong Truyện Kiều của cụ Tiên Điền mà là một mùa xuân oi ả, khô khan và ngứa ngáy. Lá vàng khô giòn, cong cớn dội vào không gian mỗi bước đi của thú rừng, kể cả những bước đi rón rén của con vật kiếm ăn đêm. Càng về sáng, cái mùi thum thủm càng rõ, đâu đó như có tiếng động của đám nhặng xanh, một cái gì rất mơ hồ thoáng qua đầu tôi về cái mùi thum thủm ấy, nó na ná như mùi của xác chết ở Cánh Đồng Chum năm 1962 mà tôi đã được chứng kiến. Bất giác, tôi nghĩ đến xác của anh Hiệu. Rất có thể anh đang nằm ở đâu đây? Tự nhiên, tôi quên đi hình ảnh của những con hổ mà tôi đã tưởng tượng ra để dọa mình từ chiều hôm đó đến giờ. Tôi tụt xuống cây, đến cái cây của Mầu, của Kính vỗ nhẹ dưới gốc. Hai anh tụt xuống, tôi hỏi: "Các cậu có ngửi thấy mùi gì là lạ không?". Mầu bảo: "Hình như mùi của hổ mỗi lúc mỗi gần anh ạ?". "Nhưng nó không khai mà thum thủm"- Kính chen vào.


Tôi vỗ nhẹ vào vai Mầu, vai Kính bảo: "Các cậu chỉ thần hồn nát thần tính. Làm gì có mùi hổ, hình như mùi xác anh Hiệu đã trương phình ở đâu đây?".

Ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hít hít, Kính bảo: "Rất có thể?".

Trời sáng dần. Tôi và Kính đi vòng quanh vực. Mùi thum thủm cứ lảng vảng đâu đây. Chúng tôi cho thuyền luồn lách vào những khóm cây lòa xòa ra mặt vực. Cứ lần tìm cái mùi là lạ ấy, thoáng thấy ở bụi đằng đông, thoáng lại thấy ở đằng tây. Còn đang phân vân về cái mùi ấy có phải là mùi xác anh Hiệu đã trương phình hay không thì trên không trung bỗng xuất hiện mấy con quạ khoang cổ kêu "quạ, quạ" rồi đổ xuống một ngọn cây vươn ra mặt vực. Anh Kính đánh mắt cho tôi về phía ngọn cây ấy. Chúng tôi lái thuyền về phía đó. Còn cách ngọn cây ngả chơi vơi ra mặt vực chừng mươi sải tay thì hàng nghìn con nhặng xanh bay vù lên và mấy con quạ đang mổ mổ cái gì nổi lên lẫn vào khóm lá phủ lòa xòa trên mặt nước. Kính cho thuyền len lỏi vào đó, mấy con quạ bay vù lên, hốt hoảng gọi nhau. Nước mắt chúng tôi nhòa đi khi trông thấy chiếc đồng hồ vi-le của anh còn lấp lánh trên cánh tay trương phình. Đúng là anh Hiệu, thiếu tá của Quân đội nhân dân Việt Nam sang làm cố vấn quân sự cho tỉnh đội Viêng Chăn Đông đây rồi. Tình đồng đội, tình thương yêu giữa người chỉ huy và người lính trong những năm sống bằng cháo ngô, măng rừng đã làm cho chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Mấy miếng da đầu của anh đã bị quạ mổ trơ vùng xương sọ. Chúng tôi khóc òa lên. Thương anh quá anh ơi!!!


Toàn thân anh đã rữa ra cả rồi. Nếu cứ để vậy mà đưa anh lên thuyền rồi chở về cứ thì không khéo chỉ còn được mấy khúc xương. Anh Bun Mi bàn với chúng tôi liền chặt tre đan một tấm giát như cái giát giường rồi luồn xuống dưới vớt anh lên. Chúng tôi làm theo sáng kiến của anh Bun Mi. Bốn anh em, kẻ kéo người đẩy ngược dòng nước, tới chiều thì về tới trạm xá của tỉnh đội. Chúng tôi cột thuyền vào một gốc cây, cử anh Mầu và anh Kính ở lại coi thuyền, tôi và anh Bun Mi vào trạm xá, nhờ bạn cử cho mấy người ra giúp chúng tôi khiêng anh Hiệu lên bờ và tiến hành mai táng cho anh. Chưa nói hết câu chuyện với các anh ở trạm xá thì anh Mầu hớt hải chạy vào kêu tướng lên: "Anh Nẹp ơi! Anh Hun Mi ơi! Anh Hiệu "chạy" mất rồi! Mất rô...ì...!". Tôi chạy trước, anh Bun Mi chạy sau. Ra tới bờ sông thì chiếc thuyền tuột dây đang lao vun vút xuống dưới nguồn. Hoảng quá, tôi "bông-nhông" xuống lòng sông. Khi túm được cái dây thuyền thì cũng là lúc dòng thác chồm lên đầu tôi, tôi đã bị thác dìm xuống nước thì may quá, anh Bun Mi đã túm được tóc tôi và dây thuyền...


Được các bạn Lào giúp đỡ, chúng tôi đã khâm liệm cho anh bằng mấy tấm tăng và lọ nước hoa của trạm xá.

Cuối năm đó, năm 1969, tôi được gọi về Sầm Nưa rồi trở về Tổ quốc. Trước khi rời khu căn cứ, tôi đến mộ anh, tạm biệt hương hồn anh. Tôi lầm rầm khấn: "Anh Hiệu ơi, anh nằm lại đây với hương ngàn gió núi của Thượng Lào nhé. Mai ngày, cách mạng Lào thành công, chúng em sẽ đưa anh về Bắc Giang, nơi có dòng sông Thương thơ mộng, anh nhé!". Một cơn gió rừng thoảng qua. Tôi có cảm giác như hồn anh đó...


Cuối năm 1975, tôi gặp lại Thủ trưởng Quang Tăng của mình tại Hà Nội. Thủ trưởng bảo: "Cậu về rồi, chúng tớ ở lại giơ hai tay hứng cái "Lào hóa chiến tranh". Tưởng nó cũng ngọt như "Bị vong lục về Đông Dương" của ngài Đại tướng Hăng-ri Na-va hồi 1953, dè đâu nó là con đẻ của học thuyết Ních-Xơn. Cái học thuyết lấy sức mạnh làm xương sống, lấy úm-ba-la dọa người nhát gan và lấy cả vú lấp miệng kẻ ỡm ờ. Xưa nay, ngươi giỏi võ không bao giờ chịu đứng yên mà hứng chịu cú đá song phi của chú ngựa non đang hăng tiết, nên chúng tớ đã kịp thời dời lên dãy núi ở thượng nguồn sông Nậm Ngừm. Về mặt nào đó, ngài Ních-Xơn đã kế thừa được "hoài bão" của Giôn-xơn là đưa chúng tớ trở về thời kỳ đồ đá dài nhất là từ 4 đến 5 năm (1969-1973). Chúng cho B52 rải thảm căn cứ của chúng ta suốt hơn nghìn ngày đêm. Nhưng xưa nay cái gì trong trời đất đều có giới hạn, nên bom Mỹ cũng không thể không cùng. Đến khi lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được gấp vào va ly của các ngài cố vấn Mỹ thì chúng tớ chui ra khỏi hang, trở về căn cứ cũ của chúng ta thì hình dáng nơi đây đã không còn nữa. Nhiều mỏm núi đã thành vôi trắng, nhiều cánh rừng đã thành tro than và mặt đất đã chồng chất những hố bom dày đặc... Chúng tớ và bạn đã để ra hàng tuần để tìm lấy một chút gì còn lại của Hiệu, nhưng tất cả chỉ là những cái lắc đầu. Có đêm tớ đang ngủ thì mơ thấy nó gọi tớ, nó chỉ cho tớ chỗ nó đang nằm. Tớ vùng dậy cùng anh em hì hục đào. Đào mãi, đào mãi chả thấy cái gì, chỉ thấy gió ngàn vi vút và cuối cùng là một con đom đóm vụt bay vào màn đêm dày đặc. Chúng tớ gạt nước mắt rồi lại lắc đầu. Nhiều lần như vậy, chúng tớ đành quay về Viêng Chăn. Trên đường về tớ có cảm giác như "nó" vẫn lẽo đẽo đi sau mình. Thế rồi công trường thủy điện Nậm Ngừm cũng phải hợp long. Mình ngẫm ra trên đời này, cái gì cũng có giá của nó, nhưng thực sự mình không dám nghĩ đến cái giá giữ ánh điện lung linh giữa Thủ đô Viêng Chăn với ngôi mộ còn nằm lại dưới hồ...".


Thế rồi, cái đêm tôi nằm lại trạm đón tiếp của Nhà máy thủy điện Nậm Ngừm, hễ chợp mắt là lại thấy hình bóng người đồng đội của chúng tôi năm xưa cứ chập chờn... chập chờn... rồi chơi vơi trong ánh điện...

Hà Nội, Thu 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 07:01:59 am »

MƯỜI BẢY NGÀY TRÊN ĐẤT THÁI


TRẦN ĐỨC TĨNH
(Ghi theo lời kể của đồng chí Phạm Đình Cường)


Tôi nhìn vào đồng hồ, lúc này là 17 giờ 40 phút, từ trên cao nhìn xuống mặt đất đã nhá nhem, sương phủ lờ mờ trên các đỉnh núi. Theo ước tính thời gian, máy bay đã đến khu vực hạ cánh, nhưng vì bay ở độ cao trên ba nghìn mét, lại không có phương tiện chỉ huy từ mặt đất, chẳng có sông Mê Kông nào cả, mà đường quốc lộ số 13 cũng không thấy, chỉ có một con đường lạ. Như lúc trước đã hiệp đồng, không nhận ra địa điểm thì hạ cánh xuống khu vực quốc lộ số 13, đốt một đụn khói làm tín hiệu bắt liên lạc. Tôi cho chiếc Mi-4 hạ thấp độ cao, mặt đất hiện rõ hơn, có một cái sân bóng, máy bay lượn thêm một vòng nhỏ nữa rồi mới từ từ đáp xuống. Tất cả đoàn chưa biết đây là đâu? Chúng tôi có bốn, cộng thêm năm hành khách thành chín người. Mở cửa bước xuống đất, tôi nhận ra đây không phải đất Lào, phía trên sân bóng có một cột cờ, trên đó treo một lá cờ gạch chéo, tôi nghĩ đây là đất Thái Lan. Dân xung quanh thấy có chiếc máy bay lạ hạ cánh xuống, nhiều người kéo nhau ra xem, họ đã quây kín xung quanh. Rất may cho chúng tôi là trong đoàn có một người biết tiếng Thái, anh ta nhanh trí nói với họ: "Chúng tôi bay từ Pắc Xế đi Pắc San, đến đây vì trời tối nên phải hạ cánh để hỏi đường".


Trong đoàn không quy định ai chỉ huy cả, chúng tôi nhận thấy rõ sự nguy hiểm, chốc nữa thôi tất cả sẽ bị bắt. Tôi đã được quán triệt rất kỹ, tuyệt đối không để rơi vào tay địch, không được xưng khai, và không mang theo giấy tờ, tài liệu nào hết. Tôi bảo anh em nhanh chóng lên máy bay thoát khỏi vùng nguy hiểm. Ngay lập tức không ai nói với ai, máy bay khởi động rồi cất cánh bay ngược lại theo hướng MK30 độ. Tôi là phi công đã được đào tạo lái máy bay IL-14 hai động cơ tại Liên Xô, chuyển về đoàn M19, cấp trên giao cho tôi bay loại trực thăng Mi-4. Bay trong điều kiện đêm tối, anh em rất lo lắng, ngay cả đồng chí Khai lái phụ cũng chưa gặp tình huống này bao giờ, nhưng tôi đã từng bay IL-14 ban đêm nên yên tâm hơn.


Bay được một đoạn chừng hai mươi phút trên địa hình rừng núi, trời tối đen như mực, không có điểm nào làm vật chuẩn, tôi không xác định được tọa độ, bắt buộc phải hạ cánh để tránh va vào núi. Tôi bật đèn pha soi xuống mặt đất, phát hiện có một khoảng đất rộng, máy hay từ từ hạ cánh, kim đồng hồ chỉ 18 giờ 20 phút. Tôi tắt khóa điện cho động cơ dừng hẳn, rất có thể rơi vào tay địch, tôi có cảm giác như vậy! Vì tôi là lái chính quyết định số phận của mọi người, anh em trong đoàn nghe theo lệnh tôi như một người chỉ huy. Tôi phân công mỗi người một việc, canh gác xung quanh máy bay, hủy toàn bộ giấy tờ có liên quan đến chuyến bay, riêng tấm bản đồ phải để lại. Dân quanh đó bắt đầu kéo nhau đến xem, tôi cử hai đồng chí biết tiếng đến liên hệ với họ, hỏi xem khu vực này thuộc địa phận nước nào? Qua một hồi trao đổi được biết nơi chúng tôi vừa hạ cánh xuống là sân bóng của Trường huấn luyện cảnh sát Thái Lan. Đang giữa thời chiến sự, quân đội Thái Lan đối địch với lực lượng cách mạng Lào, chúng tôi bay đi để bắt liên lạc với lực lượng cách mạng Lào, máy bay lại hạ cánh trên đất này khác nào vào khu rừng có nhiều cọp dữ. Tất cả đoàn ai cũng lo lắng, chúng tôi đã cầm chắc trong tay hơn nửa phần bị bắt, hy vọng sống là nhỏ nhoi, đang chưa biết xử trí ra sao? Nhưng lúc này thì chưa có lực lượng vũ trang nào của Thái Lan đánh hơi thấy, đây chỉ là những người dân hiếu kỳ ra xem. Chúng tôi nói với họ tránh xa chiếc máy bay, đoàn đang bay đi Pắc San, đến đây trời tối quá đành phải hạ cánh xuống nghỉ, ngày mai lại tiếp tục. Lát sau dân về hết, tôi giao nhiệm vụ cho thông tin liên lạc cùng cơ yếu đánh "Moóc" báo về Bộ Tổng Tham mưu, nói rõ tình hình đang bị lạc. Viết đến bốn bức điện phát đi nhưng chẳng nhận được sự hồi âm nào cả, bặt vô âm tín, phương tiện duy nhất chúng tôi mang theo là chiếc máy vô tuyến 15W. Núi rừng trả lời là sự im phăng phắc, màn đêm sâu hun hút đến vô tận, đêm đầu tiên không ai chợp mắt nổi, chỉ cần một tiếng động nhỏ là tất cả lại giật mình, chỉ mong cho trời nhanh sáng.


Ngày hôm sau, mới 5 giờ, ánh sáng bắt đầu le lói, nhưng trời đất vẫn còn mù sương, tầm nhìn còn bị hạn chế, cả đoàn rất nóng lòng muốn cất cánh nhưng điều kiện thời tiết không cho phép, nếu không nhanh chóng thì địch biết tin sẽ đến bắt sống, mỗi giây phút kéo dài là nỗi sợ lại tăng lên cấp số nhân. Mãi đến 7 giờ, sương mù bắt đầu tan, nhưng ngoài trời vẫn còn lạnh cóng, máy bay khó khởi động, phải nổ máy động cơ ba mươi phút mới cất cánh được. Khi máy bay đã bốc lên, tôi không dám nâng độ cao, chỉ bay là là cách mặt đất 300 mét, vì càng nâng độ cao càng tốn xăng, đồng hồ báo đã chỉ ở vạch đỏ. Bay được khoảng năm phút thì đồng hồ đo xung báo động mức nguy hiểm, mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng cả đoàn, nhìn xuống dưới mặt đất chẳng có vị trí nào để hạ cánh, tôi vẫn liều lĩnh cho máy bay tiếp tục tiến, sự sống và cái chết của chúng tôi cân bằng nhau, thêm một đoạn nữa tôi thấy có một dải đất bằng, nhưng không thể hạ cánh được vì cây cối mọc lởm chởm, nếu có hạ cánh rồi cũng chẳng có cơ hội bay tiếp. Trong suy nghĩ của tôi bắt đầu nảy sinh nhiều toan tính, một ý nghĩ táo bạo lóe sáng trong đầu. Chiếc máy bay như con chuồn chuồn đuối sức, cánh quạt quay chậm dần, toàn thân đè lên đám cây kêu răng rắc, cánh quạt chém lá bay tứ tung, kết thúc là một tiếng "khực", một cảm giác khủng khiếp, đồ đạc trong máy bay loảng xoảng, người ngồi trong dúi dụi, giây phút ấy diễn ra trong chốc lát rồi trả lại bình yên, nhưng mặt mũi ai nấy cũng đều tái xanh. Anh em chúng tôi bỏ máy bay, mang đồ đoàn mở cửa bước ra, vẫn đang ở đất Thái. Từ đâu đó năm người chĩa súng thẳng vào chúng tôi:

- Tất cả đứng yên.

Mặt mũi bọn họ đằng đằng sát khí, những họng súng đen ngòm sẵn sàng khạc lửa thẳng vào chúng tôi. Như hiểu ý nhau, tất cả chín anh em bình tĩnh đứng dậy giơ hai tay lên quá đầu. Không khí bớt căng thắng, họ bớt cảnh giác hơn.

- Chúng tôi đi khảo sát địa chất, máy bay bị hết xăng rơi xuống đây. - Chúng tôi nói bằng tiếng Thái.

Nhóm người dãn ra, họ bỏ súng xuống. Tôi ra hiệu cho một đồng chí chuẩn bị hủy máy bay. Nhiên liệu trong khoang máy chỉ còn dính đáy, phải thò tấm vải bông vào thùng thấm, nhóm người kia nhìn nhau ngơ ngác, họ chẳng biết gì. Tôi châm thuốc hút, rồi tiện đà mời họ hút thêm, thái độ họ thân thiện hơn. Trong lúc đang chuyện trò, chúng tôi nháy nhau chuẩn bị cướp súng, tất cả hiểu ý định liền trà trộn giáp lá cà với họ thành từng nhóm nhỏ, chỉ cần hiệp đồng đúng thời cơ. Không chần chừ, tôi hô lớn một tiếng, năm người dân địa phương bị đè nghiến xuống đất. Từ lúc nãy, mảng bông tẩm xăng được vứt sẵn trong buồng lái, chúng tôi châm lửa rồi cùng nhau mang súng bỏ chạy. Không ai nói câu nào, chúng tôi cúi đầu chạy một mạch, đằng sau có tiếng nổ lớn. Chúng tôi cứ thế chạy thẳng vào rừng sâu.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #45 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 07:02:48 am »

Khi đã xa lắm rồi, không ai còn đủ sức chạy tiếp, cả đoàn nằm vật xuống dưới tán một bụi cây lớn. Chuyến bay đó rất gấp, chúng tôi không kịp chuẩn bị gì, trước đó tôi được thủ trưởng giao cho nhiệm vụ bay đến Xẻn Xum phía bắc Viêng Chăn, cách bờ sông Mê Kông khoảng hai mươi kilômét, ngoài ra tôi chẳng ai biết gì hơn. Chỉ biết đây là nhiệm vụ đặc biệt!


Ở trong khu rừng, chúng tôi bắt đầu nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau, có người bảo cứ hành quân theo quốc lộ, người khác lại bảo vào dân hỏi đường và xin lương thực. Tất cả những ý kiến đó đều không khả thi vì đây là đất Thái Lan. Cuối cùng, mọi ý kiến cũng được thống nhất. Đoàn của chúng tôi có chín người thì tám người là đảng viên, một người là đoàn viên ưu tú. Chi bộ lâm thời được thành lập, đồng chí Đạt có thâm niên lâu hơn được đề cử làm bí thư, tôi làm phó bí thư. Chúng tôi thống nhất phương châm "Chết đống còn hơn sống một". Đói qjuá, có anh em bắt đầu lả đi, nhưng lương thực quá ít ỏi không dám dùng hết, đành phải cắt một miếng bánh chưng nhỏ cho ăn, phần còn lại phải để dành những ngày tiếp theo.


Chúng tôi bắt đầu đi. Sông Mê Kông nằm ở phía đông, buổi sáng mặt trời mọc ở hướng đó, buổi chiều lặn phía sau lưng. Rừng ở Thái Lan không rậm lắm, chủ yếu là cây khộp và nhiều loại cây khác nữa, người khỏe thay phiên nhau dìu người yếu. Cứ vậy, chúng tôi hành quân về phía sông Mê Kông. Đi được một quãng khá xa thì bất ngờ nghe tiếng nổ lớn, tất cả anh em tản ra nằm rạp xuống, hóa ra là một khẩu súng kíp anh em lấy được của dân địa phương bị nảy cò nổ, may mắn không ai bị dính đạn. Sau tiếng nổ ấy chúng tôi lại tiếp tục chạy, sợ nhỡ địch nghe thấy tiếng súng ập đến bao vây. Lúc ấy đang là mùa đông, buổi chiều thời tiết ấm hơn, mùa này rừng cũng chẳng có loại hoa quả gì có thể ăn được, không thể tiếp tục đi mãi khi bụng đói tóp teo, chúng tôi tản ra tìm bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng sống qua ngày.


Sau một giấc ngủ mê mệt, khí lạnh tràn về khắp khu rừng, chúng tôi tỉnh giấc giữa màn đêm tối om, bầu trời bắt đầu hiện đầy sao. Bỗng dưng tôi khát khao sự sống đến thế? Ở nhà (vợ, con) không ai biết tôi đang ở đâu. Tôi không kịp thông báo chuyến đi này; hình ảnh những đứa con đang ríu rít vui đùa khiến tôi ứa nước mắt, nếu tôi chết thì chúng sẽ sống ra sao? Anh Đạt cũng tỉnh từ lúc nào, đang ngồi trầm tư nghĩ ngợi bên gốc cây. Chúng tôi túm tụm lại thành một nhóm. Cơn khát lại kéo về giày vò, một đồng chí nữa lại lả đi. Cuộc hành trình của chúng tôi theo tinh thần của nghị quyết chi bộ. Để đảm bảo ăn dè sẻn số lương thực mang theo, chúng tôi bầu một đồng chí làm quản lý, phân phối tiêu chuẩn ăn mỗi người một bữa chỉ được một nhúm bicquy, một cái bánh chưng phải chia ra thành chín suất, tính như thế cũng chỉ đảm bảo được hai ngày, riêng hai hộp sữa phải để dành khi đến bờ sông Mê Kông ăn để lấy sức vượt. Giữa rừng sâu không có một dấu chân người, tất cả bốn bi đông nước không còn lấy một giọt, xung quanh không có dòng suối nào cả, không thể kiếm nước ở đâu uống qua cơn khát, một đồng chí đã quá yếu không dậy được. Chúng tôi không thể ngồi nhìn nhau chết dần trên đường về, không còn cách nào khác, đành phải đái ra lấy nước để uống.


Đi trong rừng, nhìn thấy dây củ mài mọc mà khống có cách nào đào lên được, trong tay chúng tôi chẳng có gì, mấy khẩu súng kíp lấy được cũng đành phải bỏ lại vì không đủ sức mang theo. Thật may mắn, anh em trong đoàn chúng tôi có một ngươi cầm bật lửa. Dọc đường đi, hễ cứ tìm được thứ gì ăn được là anh em cùng nhau kiếm, kể cả những loại cây thú rừng ăn nham nhở cũng hái bỏ vào ống nứa non nấu. Một hôm, chúng tôi qua mảnh nương cũ của dân bỏ lại, lấy được bí đỏ ăn no nê một bữa, thế rồi ba hôm sau không kiếm được thứ gì nên người mệt mỏi vô cùng, lê từng bước trong rừng, cứ đi được năm đến mười phút lại phải nghỉ giải lao hàng tiếng. Lúc đứng dậy mắt hoa đom đóm, đầu óc choáng váng. Một đồng chí ăn phải quả dại nên ngộ độc, mặt tái xanh, hôn mê, nôn mửa, chân tay run lật bật tưởng chết. Dọc đường đi gian khổ, cũng có một vài đồng chí nảy sinh tư tưởng muốn vào nhà dân xin cơm, nhưng nghị quyết chi bộ đã quán triệt nên nhất nhất phải nghe "Chúng ta đi theo tinh thần của người đảng viên Cộng sản".


Thêm một ngày là sức lực chúng tôi thêm kiệt quệ, phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, đường cao, dốc thẳm. Tôi còn nhớ, một hôm, gặp dãy núi đá rất cao, người bình thường cũng khó lòng vượt qua. Thế mà chúng tôi, những người sức lực đã yếu, chi bộ phải chụm lại bàn bạc. Lúc đầu chúng tôi đi vòng quanh hình chữ z nhưng suốt một ngày không lên đến mỏm, cuối cùng phải quyết tâm leo. Nhích từng bước một, chúng tôi cồng kênh nhau, nếu chẳng may ai trượt chân ngã xuống coi như đã mặc niệm. Thế rồi cũng lên được đỉnh, không ai bị sơ suất. Rồi có một đồng chí bị đi kiết, ngươi rũ rượi không đủ sức đi tiếp, đồng chí đó rút súng ngắn (mỗi chúng tôi trước lúc lên máy bay đều dắt trong người một khẩu súng ngắn) định tự sát: "Thôi các đồng chí đi tiếp, chúng ta phải trở về với Tổ quốc. Còn tôi...". Lúc ấy tinh thần quyết tâm lại trỗi dậy, anh em xúm lại, nhìn đồng đội thoi thóp mà nước mắt ứa tràn hai khóe mắt. "Thà chết đống còn hơn sống một", cả đoàn lại đứng lên dìu dắt nhau đi bằng được.


Nhìn trên bản đồ quân sự, chúng tôi ước tính, chỉ đi bộ khoảng hai hoặc ba ngày là đến bờ sông Mê Kông, nhưng đã trải qua chín ngày vẫn chưa tới nơi. Vào một buổi chiều, khi mặt trời đã chuẩn bị chìm xuống dãy núi phía sau, phía trước mặt xuất hiện một cánh đồng rộng, tôi nghĩ thầm là sắp đến bờ sông. Cánh đồng đó rất rộng, xung quanh nhà dân mọc lên san sát, chúng tôi không thể ngang nhiên vượt qua đó được. Anh em ngồi lại đó quan sát kỹ lưỡng. Thế là chúng tôi nghỉ lại ở một mép rừng. Trong bản có tiếng chó sủa nhiều, phía xa có ánh đèn pha, mọi người bắt đầu thấy lo, lúc chiều đột nhiên gặp một số người dân, có thể đã bị lộ, địch đang tiến hành truy kích. Phương án của chúng tôi vạch ra: Tất cả nằm bất động, cử hai người cảnh giới, phải vượt qua cánh đồng trong đêm nay.


Đợi mãi, đến 1 giờ đêm chúng tôi mới bắt đầu thực hiện vượt tuyến, bởi lúc này đã có sương xuống nên chó không thể đánh hơi người. Trước lúc lên đường tất cả mọi người đều phải cởi giày. Tôi đã quen đi giày, da bàn chân mỏng như tờ giấy, giẫm lên gốc cây bàn chân cảm thấy nhói buốt, chẳng hiểu thế nào mà tôi đã cùng đồng đội đi suốt đoạn đường dài hai tiếng không nghỉ. Đêm trên đồng tối mờ mịt, bản đồ và địa bàn không thể đối chiếu với bên ngoài được. Nhìn lên bầu trời có vì sao Bắc đẩu, chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh cùng chùm sao rất sáng, chúng tôi căn vật chuẩn vào đỉnh núi phía sau và ngọn cây phía trước để hành quân. Đến gần sáng thì chúng tôi đến một khu rừng.


Đây có lẽ là một cuộc thoát hiểm hiếm có trong chiến tranh, đã là ngày thứ mười chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi, cái đói, khát cứ liên tục giày vò, không còn đủ sức mà tiếp tục, bờ sông Mê Kông đang vẫy gọi chúng tôi tiến đến. Khu vực này địch rất có thể ập đến bất cứ lúc nào, đã kiệt sức quá rồi nhưng không thể quên cảnh giới. Tối hôm sau chúng tôi lại tiếp tục vượt qua một rừng tranh, thêm hai người nữa mệt quá bị ngất đi, nhưng ước vọng lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy bờ sông Mê Kông, đã mười ngày trôi qua mà vẫn chưa nhìn thấy gì, niềm thất vọng lan ra khắp cả đoàn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 07:03:20 am »

Ngày hôm đó chúng tôi gặp một người dân, họ đến gần hỏi chuyện:

- Các ngài đang đi đâu?

- Chúng tôi là đoàn địa chất của Chính phủ. Từ đây đến Vang Sa Phông có xa không? Người trong đoàn biết tiếng Thái nói.

- Đường lên huyện và ra bờ sông bằng nhau, đi bộ mất khoảng một ngày.

Họ nói thế và mời chúng tôi vào bản nhưng chúng tôi đã phải từ chối. Đợi họ đi khuất rồi, chúng tôi lẩn vào rừng sâu.

Sau cuộc gặp gỡ, chúng tôi đã mừng thầm, nhẩm tính chắc chỉ đi bộ thêm ba ngày nũa. Nhưng thực tế không phải như vậy, chúng tôi đi hơn năm ngày nũa mới đến bờ sông, sức đã quá kiệt quệ mất rồi, đi bộ chừng mười lăm phút phải nghỉ mất hàng tiếng đồng hồ, rồi gặp gì ăn nấy. Những khi gặp được một con suối chúng tôi nghỉ lại cả buổi, anh em nào khỏe thì xuống mò ốc bắt cua, nhái nấu để ăn, lúc đó không ai còn biết ghê tởm điều gì hết.


Mười lăm ngày trôi qua là một cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt, sáng sớm ngày thứ mười bảy, tôi thức dậy rất sớm, lợi dụng sương mù dày đặc tranh thủ men theo con đường nhỏ đi thám thính xem có phải bờ sông không. Đúng như dự tính, bờ sông Mê Kông đang ở ngay trước mặt tôi. Lúc đầu chúng tôi nghi ngờ nhưng mang bản đồ đối chiếu với thực địa thì quả thật đúng như vậy. 9 giờ rồi mà sương mù vẫn bao phủ khắp mặt nước, bờ sông đoạn này hai bên có rừng cây rậm rạp và các tảng đá to. Chúng tôi ngồi ở đó quan sát sang phía bờ sông bên kia.


Đến lúc này chỉ cần vượt sang bên kia sông là sự sống của chúng tôi có nhiều hy vọng. Nhưng không thể nôn nóng mà liều lĩnh rơi vào tay địch. Trong đoàn lại nảy sinh nhiều ý kiến, có người bảo lợi dụng thuyền của dân, ý kiến khác cho rằng thế là nguy hiểm, thỉnh thoảng lại có thuyền với ca nô chạy qua đoạn sông chúng tôi đang ngắm.


Nhiều ý kiến đề xuất nên chủ trương chính của chúng tôi vẫn dùng thuyền của dân để vượt sông, e rằng dùng bè chuối một số anh em yếu không đủ sức bơi. Chúng tôi phân công nhau thành nhiều nhóm. Đồng chí Đạt cùng hai người nữa ra mép sông trinh sát và lấy nước cho anh em. Lúc ấy đã là 17 giờ 30 phút, mặt sông đã nhá nhem tối. Lúc sau nghe một loạt AK, chúng tôi dồn cả về phía có tiếng nổ, nghĩ rằng tổ trinh sát đã gặp địch. Một cuộc đọ súng giữa ta với địch nổ ra. Họ bắn nhau dữ dội! Khi hai đồng chí trong tổ trinh sát quay lại, tôi hỏi:

- Đồng chí Đạt đâu?

- Không biết. - Một đồng chí nói rồi nằm vật xuông đất ngất đi.

Địch trên sông triển khai đội hình chiến đấu, súng của địch bốn phía bắn liên tiếp về phía bờ sông, cả đạn cối cũng nổ tung các cột nước trắng xóa. Tôi nghe thấy chúng hô hoán om sòm nhưng không biết tiếng, con đường phía sau xe tăng chạy ầm ầm. Trời đã buông màn đêm đen kịt xuống từ lúc nào, chúng tôi phải im lặng nằm tại vị trí chờ đồng chí Đạt trở lại. Chúng tôi chờ mãi cho đến 24 giờ không thấy đồng chí Đạt quay lại mới tiếp tục đi. Trong suy đoán của tôi có lẽ đồng chí ấy đã bị lạc hoặc hy sinh vì bị lộ. Chúng tôi quay lại rừng không vượt sông trong đêm ấy nữa.


Phải mất thêm hai ngày nữa tìm đồng chí Đạt nhưng không thấy, chúng tôi mới tổ chức vượt sông. Chúng tôi lê từng bước đi cách chỗ cũ khoảng mười kilômét mới đến bờ sông. Đoạn này cũng hẹp! Chỗ đấy là một cái khe nhỏ, hai bên khe có nhiều chuối rừng mọc, có cả cây đu đủ quả rất sai. Đói quá, chúng tôi thi nhau ăn đu đủ. Sau này tôi mới biết vì thế mà mình mắc chứng đau dạ dày. Quan sát thấy bờ sông vắng lặng, chúng tôi họp lại, anh em phân công tôi làm bí thư chi bộ. Đoàn lúc này còn lại tám người, chia làm hai nhóm vượt sông, tổ chức hiệp đồng cẩn thận xong xuôi đâu đấy. Đúng 2 giờ thì hai chiếc bè chuối được hoàn thành, chúng tôi chỉ có hai con dao dip nhỏ để tiện thân chuối, còn anh em khác dùng mồm để cắn dây buộc cuốn bè.


Mặt sông bồng bềnh trong sương lạnh, tất cả súng đạn cùng đồ đoàn chất lên trên, mỗi người phải lấy một sợi dây buộc mình vào bè chuối phòng mệt bị nước cuốn đi. Lờ mờ sáng thì sang đến bờ bên kia, một số anh bị ngất đi, những người khỏe hơn thì khuân vác đồ cùng cõng anh em vào trong bờ cất giấu, vừa xong việc thì một chiếc ca nô của địch đi tuần tiễu trên sông. Theo hiệp đồng, bè nào sang trước ở bên trên thì đi xuôi xuống tìm bạn, bè nào phía dưới thì đi ngược lên, tôi đi ngược tìm những người bên tổ bạn nhưng không thấy, ba anh em trong tổ bị ngất đi mãi đến 15 giờ mới tỉnh lại. Chúng tôi tiếp tục ngược lên phía trên tìm bạn, tối hôm ấy bắt đầu có trăng, dưới tán rừng, ánh trăng soi mờ ảo, chúng tôi vẫn đi đến khoảng 21 giờ thì nghe có tiếng huýt sáo (lúc trước đã hiệp đồng gọi nhau bằng tiếng huýt, người gọi bằng một tiếng, đáp lại bằng hai tiếng). Tôi huýt lại hai tiếng, thế là anh em gặp được nhau. Đáng lẽ chúng tôi phải cười lên mới đúng. Nhưng chúng tôi chẳng nở được một nụ cười nào. Tất cả lặng đi nhìn về phía bên kia nhớ thương đồng chí Đạt.


Sang đất Lào, chúng tôi may mắn gặp được một du kích Pa-thét. Lúc đầu họ vẫn chưa tin chúng tôi thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng may, một người trong đoàn gặp người bạn Pa-thét Lào cùng học hồi ở Trung Quốc, mọi nghi ngờ được tháo gỡ và được những người anh em giúp đỡ, chúng tôi tiếp tục hành quân bộ hơn 300 kilômét nữa, về đến Cánh Đồng Chum bắt được liên lạc về nước.


Nhiều năm lái máy bay phục vụ cách mạng Lào, đây là sự kiện quan trọng đọng lại trong ký ức tôi, không bao giờ quên được. Chỉ tiếc thương anh Đạt - người đồng đội chung ngọt, sẻ bùi trong chuyến lạc rừng 17 ngày trên đất Thái. Mãi sau này, theo một nguồn tin quân sự tôi mới được biết đồng chí Đạt đã hy sinh trong lần đụng độ ngày hôm ấy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2022, 07:04:37 am »

XÊ BĂNG HIÊN
CUỐI MÙA KHÔ NĂM ẤY


PHẠM PHI HỒNG


Mùa xuân năm 1964, đơn vị tôi đóng quân ở Chuối, thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa, được bổ sung lớp chiến sĩ nhập ngũ 1962-1963, quê đều ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội để đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Hầu hết anh em còn rất trẻ, tuổi đời chỉ khoảng mười chín đôi mươi. Phần lớn là học sinh vừa mới tốt nghiệp cấp 3, rất hăng hái khi biết mình được đi chiến đấu.


Chúng tôi được nghỉ phép 5 ngày trước lúc lên đường. Quả là niềm vui khôn tả. Các đồng chí Đề, Phùng, Phú, Đại... quê ở huyện Đông Hưng và huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tuy ở hai huyện nhưng nhà lại gần nhau, anh em rủ nhau mua mỗi người một cây dừa con đem về nhà trồng và tin rằng, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về là có nước dừa giải khát. Chúng tôi còn giao ước nếu có ai không trở về thì những người còn sống sẽ có trách nhiệm với gia đình người đã khuất.


Tuy rất tin tưởng vào ý chí, quyết tâm của anh em, song khi mọi người đã đi phép, tôi vẫn lo có người đến muộn, thậm chí không đến thì sẽ nhỡ kế hoạch hành quân. Nhưng đúng hẹn mọi người đều trở về đơn vị đông đủ không thiếu một ai. Tất cả chúng tôi hết sức phấn khởi, coi đó là thắng lợi ban đầu.


Chiều tối ngày 20 tháng 4 năm 1964, đoàn xe ô tô vận tải của Tổng cục Hậu cần, mui xe bịt kín, biển số đã trát bùn chở chúng tôi thẳng hướng về phía Nam.

Chiều ngày 21 tháng 4, chúng tôi dừng lại khu rừng đại ngàn Cha Lo. Trên sườn núi và dưới vực thẳm có vô số cây gỗ mọc thẳng đứng cao vút, cành lá sum sê che rợp cả một vùng. Chính nơi đây, từ năm 1965 giặc Mỹ đã trút xuống vô số bom đạn. Đây là một trọng điểm đánh phá ác liệt của các loại máy bay hiện đại Mỹ trên đường Trường Sơn, tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.


Được một ngày nghỉ ngơi ở Cha Lo, một số anh em rủ nhau vào rừng tìm rau rừng cải thiện, bù lại ba ngày hành quân thiếu rau xanh. Mấy đồng chí xin vào bản chơi, mua gà, rượu về tổ chức liên hoan, cũng là giải quyết nốt số tiền Việt còn lại trước lúc sang đất Lào.


Chiều hôm đó, chúng tôi viết rất nhiều thư. Những lá thư đều được ghi dòng địa chỉ gửi về quê hương miền Bắc. Ai cũng muốn gửi thư cho gia đình, người thân của mình ở điểm dừng chân cuối cùng này, trước lúc sang đất bạn Lào. Đêm đó, đoàn xe tiếp tục đưa chúng tôi qua đèo Mụ Dạ, dốc cổng Trời, dọc theo quốc lộ 12 về phía Ba Na Phào, Lằng Khằng, qua những cánh đồng lúa đã gặt xong. Xe chậm chạp nhích dần khi phải qua những đoạn đường lầy lội. Khoảng 21 giò đêm thì đến nơi quy định, chúng tôi chuyển hết đồ đạc xuống bên bờ bắc sông Sê Băng Hiên.


Đang là cuối mùa khô, cứ theo kế hoạch hành quân mùa này sông Xê Băng Hiên đang cạn, một số đoạn có thể lội qua. Nhưng khi đến đây mới hay nước sông đã dâng cao, không chỗ nào lội qua được. Mặt sông khá rộng, độ sâu không lớn, nhưng dòng chảy mạnh. Tình huống bất ngờ. Chúng tôi bàn nhau vượt sông bằng cách mỗi người dùng 2 mét ni lông, bọc toàn bộ quân tư trang và súng ống làm thành phao rồi lần lượt bơi qua. Kế hoạch ấy có khả năng thực hiện, nhưng đó là đối với đơn vị bộ binh, vấn đề nan giải ở đây chính là việc đưa bốn khẩu cối 81 ly, hai khẩu ĐKZ 75, ba khẩu đại liên, sáu khẩu cối 60 ly cùng với một cơ số đạn vượt sông.


Trong lúc đang nghĩ cách giải quyết thì bỗng một cụ già xuất hiện. Dáng người cụ cao, gầy, tóc bạc gần hẽt, áo bằng vải thổ cẩm màu nâu dài đến nửa đùi trên, miệng ngậm tẩu thuốc, tay xách con dao đi rừng. Cụ nhìn hết lượt mọi người, dừng lâu hơn ở tốp người đeo súng ngắn và tiểu liên rồi lại nhìn đám súng ống to kềnh càng nằm dưới đất. Được một lúc, chẳng nói chẳng rằng, cụ bỏ đi về phía rừng...


Trung đội trưởng Lương lại gần tôi bảo:

- Sao anh không giữ ông già ấy lại, nhìn bề ngoài có vẻ đáng nghi lắm. Đây là vùng nửa giải phóng, thỉnh thoảng quân Phu-mi (quân ngụy Lào) vẫn hành quân ra đây. Đáng ra phải hỏi ông ta cho ra nhẽ?

Lương vốn là lính tình nguyện hồi 1953-1954 ở Thượng Lào, về nghỉ năm 1958 nay lại được gọi trở lại làm trung đội trưởng đơn vị tôi. Vốn tiếng Lào của Lương cũng khá, chủ yếu là giao tiếp thông thường. Nghe Lương nói vậy, tôi suy nghĩ rồi liếc mắt sang đồng chí Cửu - đại đội trưởng. Tôi nói:

- Chắc là dân địa phương đang sơ tán gần đây, nghe tiếng xe chạy qua thế là cụ ra xem tình hình ra sao. Cũng có thể là thám báo, nhưng ta có căn cứ gì đâu mà giữ người ta lại. Cụ xuất hiện đột ngột song cũng rất công khai đàng hoàng nên chắc không có vấn đề gì!


Độ nửa giờ sau, một đoàn thuyền độc mộc khoảng bảy tám chiếc xuất hiện ở bờ sông, ngay gần chỗ chúng tôi đứng. Thuyền độc mộc là loại thuyền làm bằng một cây gỗ tốt, tròn, không thấm nước, chiều dài khoảng 3 mét rưỡi. Loại thuyền này dễ lách qua thác ghềnh, trôi theo dòng nước rất nhanh, đồng bào dân tộc ở vùng thượng nguồn đều dùng thuyền độc mộc để làm phương tiện vận tải. Trên mỗi thuyền có một thanh niên khỏe mạnh, mặc áo giống áo ông cụ, tay cầm bai chèo, nhìn chúng tôi với vẻ thiện cảm. Cụ già từ thuyền bước lên bờ, tới chỗ chúng tôi, chỉ tay vào đoàn thuyền hướng sang bờ nam.


Tôi gọi Lương đến làm phiên dịch. Với vẻ mặt chân thật, thân thiện, cụ nói một hơi dài. Lương chăm chú lắng nghe và dịch lại, đại ý rằng: "Mấy ngày trước đây có nhiều trận mưa liên tục làm cho nước sông dâng cao. So với các năm trước, năm nay lũ về sớm, nước chảy khá mạnh. Ta nghe tiếng xe chạy qua đồng, ta biết đó là xe của bộ đội Việt. Trước đây 3 tháng, quân của Phu-mi từ Xê Nô (tỉnh lỵ Xa-va-na-khệt) cũng hành quân ra vùng này, đi bằng xe cam-nhông trên đường 9. Quân Phu-mi cũng có súng to na ná súng bộ đội Việt ở đây. Ta biết bộ đội Việt muốn đưa cái súng to qua sông, không có thuyền là không được. Sao bộ đội Việt không báo cho dân, bộ đội Việt không tin dân Lào à...?".


Tôi và mọi người được nghe Lương dịch những điều cụ nói ai cũng xúc động và bảo Lương thưa lại với cụ: "Bộ đội Việt không ngờ nước sâu thế này, đang là mùa khô mà. Xin cảm ơn cụ!". Với giọng nhỏ nhẹ, Lương hướng sang cụ và nói: "Cán bộ, bộ đội Việt Nam cảm ơn cụ!".


Ngừng một lát, cụ chỉ tay về phía hạ lưu và nói: "Muốn bơi sang sông là phải giỏi, khỏe mới được, nên phải cẩn thận. Ở đoạn cong của hạ lưu có vùng nước xoáy, nhìn mắt thường thì không thấy gì nhưng con trâu rơi vào xoáy cũng không lên được".


Lúc xếp vũ khí lên thuyền thì cụ lại nói tiếp, Lương dịch lại: "Dân bản ta đưa cho bộ đội Việt cái thuyền mà chở súng nặng, khi bàn với số thanh niên này, ai cũng ưng cái bụng rồi đi ngay".

Chúng tôi nghe thế rất cảm phục tình cảm của dân bản đối với bộ đội Việt và ân hận về những nghi ngờ ban đầu khi thấy cụ bỏ đi về phía rừng. Lương nói với cụ bằng tiếng Lào:

- Cán bộ, anh em bộ đội Việt Nam cảm ơn cụ nhiều nhiều!

Lương lại hỏi cụ tên gì để còn xưng hô. Cụ à một tiếng rồi nói: "Thoong Bay! Thoong Bay...!".

Đại đội trưởng Cửu đã chỉ đạo xong việc sắp xếp vũ khí lên thuyền để sang bờ nam. Mỗi thuyền gồm hai chiến sĩ đi cùng. Đồng chí Cửu và đồng chí Hỉ, phó chính trị lên chiếc thuyền thứ nhất để sang tổ chức ở phía bờ nam. Tôi và đồng chí Còn, đại đội phó ở lại bờ bắc để lo việc chuyển vũ khí lên từng thuyền. Với những cánh tay chèo thành thạo sông nước, lướt nhẹ qua lại đôi bờ, chắc chỉ sau hai chuyến là đã hết số vũ khí đạn dược.


Chuyến thứ nhất vừa đến bờ nam thì tôi và đội hình bơi bộ cùng xuất phát. Bỗng mây đen che kín bầu trời, sấm chớp ì ùng xuất hiện. Trời sắp mưa to! Do nước chảy xiết nên đội hình bơi bộ đã có người dạt về phía hạ lưu. Qua ánh chớp, tôi thấy những chiếc phao ni lông và những cái đầu nhấp nhô mờ nhạt. Người dạt xa nhất phải đến khoảng năm sáu trăm mét...


Những điều rủi ro có thể xảy ra... Tôi nghĩ đến cái xoáy nước mà cụ già đã kể. Tôi hoang mang, thật sự lo lắng...

Đội hình bơi bộ đến khoảng một phần ba mặt sông thì trời đổ mưa. Mưa rất to. Những hạt nước vỗ vào mặt ràn rạt. Tay tôi vừa vuốt nước mưa vừa chăm chú quan sát để giữ đúng hướng bơi...

Bỗng cả đoàn thuyền từ hướng thượng lưu đội mưa, xuôi dòng trôi về hạ lưu. Cụ Thoong Bay cũng có mặt trên thuyền. Với những tay chèo thành thạo, khéo léo, họ đưa thuyền áp sát vào các chiến sĩ đang bơi để anh em bám vào đó bơi dạt vào bờ.


Bờ nam phía hạ lưu nhiều chỗ dốc đứng, trời mưa to nên rất trơn, chúng tôi bám vào thuyền ngược về thượng nguồn. Tim tôi bỗng thắt lại dõi theo con thuyền độc mộc có cụ Thoong Bay đang đứng thẳng như pho tượng vững chắc chợt trôi vun vút về phía khúc sông cong, nơi có cái xoáy nước chết người. Nhưng rồi... mũi con thuyền đã quay ngược lại. Tôi trút một hơi thở thật dài. Cảm ơn cụ Thoong Bay! Cảm ơn bà con dân bản!


Sau hai tiếng đồng hồ vật lộn với sông nước, chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại điểm tập trung ở bờ nam. Tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Mọi người thay quần áo, đeo ba lô, bịn rịn chia tay bà con rồi tiếp tục hành quân.


... Vượt sông Xê Băng Hiên ngày ấy là thử thách đầu tiên đối với chúng tôi, nhất là lớp chiến sĩ trẻ vùng đồng bằng sông Hồng và Hà Nội trên đường hành quân vào chiến trường Hạ Lào. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ về chuyến vượt sông Xê Băng Hiên ngày ấy. Đó là kỷ niệm không thể quên của chúng tôi khi nhớ về chiến trường xưa, nhớ về bà con các bộ tộc Lào.

Hà Nội, tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #48 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:16:20 am »

TRAO ĐỔI TÙ BINH


ĐÀO VĂN
NGUYỄN XUÂN ĐẠI


Bao nhiêu năm đã trôi qua mà tôi vẫn thấy như hôm nào, những ngày đi trao đổi tù binh trên đất Bạn...

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết. Bộ đội tình nguyện Việt Nam chuẩn bị lên đường về nước theo hiệp định. Chúng tôi cũng chuẩn bị lên đường, nhưng không về nước mà đi làm nhiệm vụ đặc biệt, trao đổi tù binh.


Công việc chuẩn bị vật chất đơn giản, một tháng lương thực gạo muối, mắm khô, những thứ được vận chuyển từ nước nhà sang. Chúng tôi được ưu tiên cấp thêm hai lạng mỳ chính Trung Quốc đựng trong hộp sắt. Tôi còn nhớ, mỗi lần nấu canh, đồng chí bếp trưởng chỉ vẩy vào nồi canh to một chút mỳ chính bằng hạt đậu đen mà sao lại ngọt đến vậy. Rau là thức ăn chủ lực dọc đường. Nước được cung ứng từ suối không hạn chế. Riêng gạo phải cân đong định lượng cẩn thận từng bữa, phòng khi nhiệm vụ kéo dài.


Về trang phục, điều mà tôi không thể quên là, chúng tôi có thể là những người đầu tiên được phát một bộ đồng phục đại cán gồm: 1 mũ mềm, 1 áo đại cán với "36 đường gian khổ trên vai", 1 quần và 1 đôi giày vải mà hồi ấy chúng tôi đi thử vào thấy êm quá không muốn tháo ra nữa. Thời ấy chúng tôi đi dép cao su hoặc đi giày "săng đá", chiến lợi phẩm từ chiến dịch Sầm Nưa. Anh Phụng trưởng đoàn phổ biến: "Bộ đồng phục phát nhưng chưa được mặc. Chỉ khi nào gặp "quốc tế" mới được mặc và nhất thiết phải mặc, do đó cần giữ gìn cẩn thận, không được để nhàu nát". Nhưng chúng tôi vẫn không kiềm chế được cái tò mò, hiếu kỳ nên mặc trộm thử xem sao. Mặc xong, ngắm nghía nhau, đều phá ra cười vì ngỡ ngàng: Sao bọn mình giống Giải phóng quân Trung Quốc thế! Dọc đường hành quân, đôi bàn chân đau rát, nhưng không dám nghĩ đến đôi giày mới...


Nhưng thứ phải chuẩn bị nhiều nhất chính là về tinh thần, tư tưởng. Chúng tôi được phổ biến và đả thông việc đi làm nhiệm vụ trao đổi tù binh là đi làm nhiệm vụ chính trị, không phải nhiệm vụ tác chiến. Phải tránh mọi va chạm, xung đột vũ trang, đồng thời đề cao cảnh giác đối với địch, tuy chúng thất bại nhưng vẫn muốn lấn chiếm vùng giải phóng của bạn, nhất là trong giai đoạn này. Phải nhanh chóng, bí mật đến địa điểm trao đổi tù binh, hoàn thành nhiệm vụ rồi lại nhanh chóng bí mật rút về nước. Những điều đó chúng tôi phải độc lập, tự giải quyết mọi vấn đề liên quan đến nhiệm vụ vì bộ đội ta và bộ đội bạn đang tập kết về những nơi quy định.


Cả đoàn gồm 10 người, được trang bị một khẩu tiểu liên, điện đài, máy phát điện quay tay để hàng ngày liên lạc với trên. Đại diện cho bạn Lào là ông Thao Kê. Đại diện cho Việt Nam là anh Phụng, trưởng đoàn. Tôi với tư cách là thư ký đoàn nên luôn mang theo một cái sắc cốt to đựng sổ sách, giấy tờ. Tổ điện đài gồm ba đồng chí, một báo vụ, một cơ yếu, một quay máy phát điện.


Đoàn không có phiên dịch, phần tiếng Lào do ông Thao Kê chịu trách nhiệm. Dự kiến sẽ phải dùng đến tiếng Anh đối với khách quốc tế, tiếng Pháp đối với phía Pháp. Anh Phụng bảo: "Tiếng Pháp thì tớ với Trọng thừa sức. Còn tiếng Anh thì giao cho Đại (tên tôi). Tôi rất vui vì được anh giao cho trọng trách đó, nhưng cũng rất lo vì sợ làm hỏng việc của đoàn. Tiếng Anh tôi học khá nhiều nhưng rời ghế nhà trường đã lâu, lại mới chỉ dựa vào sách vở chứ chưa giao tiếp bao nhiêu. Dọc đường tôi cứ lẩm bẩm ôn lại những câu chào hỏi, chúc mừng... làm anh em phải bật cười.


Chúng tôi được lệnh hành quân theo hàng ngũ nghiêm chỉnh, dũng khí hiên ngang để lấy uy thế của người chiến thắng và của bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Tuy đã được chuẩn bị khá kỹ càng về tinh thần tư tưởng, song chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng khi nghĩ đến những ngày sắp tới. Nỗi ám ảnh vẫn là vũ khí thì ít, trang bị lại cồng kềnh, gặp địch tấn công biết đối phó ra sao. Anh Phụng cho biết, bọn địch không muốn đánh nhau, nhất là sau khi có Hiệp định Giơ-ne-vơ, uy thế của bộ đội tình nguyện Việt Nam lại cao, địch không muốn đụng chạm, gây sự. Ngược lại, nếu ta mang theo nhiều vũ khí, có thể bất lợi về chính trị trước quốc tế, nhất là nhiệm vụ trao trả tù binh.


Tình hình thực tế dọc đường dần dần làm cho chúng tôi yên tâm hơn. Từ cơ quan Bộ Tư lệnh - bản Bô Pha, đến thị xã Sầm Nưa không có gì khó khăn đáng kể ngoài việc vượt đèo Mường Liệt, không dốc lắm nhưng kéo dài hơn chục cây số, phải trèo một mạch đến đỉnh đèo mới có chỗ nghỉ thuận tiện. Rồi thị xã Sầm Nưa hiện ra trước mắt chúng tôi trong nắng vàng rực rỡ với hàng chục quả đồi cao thấp bao quanh. Chúng tôi cùng nhau nhắc lại chiến thắng Sầm Nưa 1953. Trên sân vận động của thị xã, một quang cảnh tưng bừng đang diễn ra. Những đơn vị đầu tiên của Pa-thét Lào tập kết về. Các đơn vị bạn trong trang phục chỉnh tề, tự tin, vũ khí đầy đủ. Dân các bản xung quanh thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, quần áo đủ màu sắc đổ đến xem bộ đội như đi trẩy hội. Bất giác chúng tôi xúc động trào nước mắt và có chút ân hận; chẳng phải đã có lúc chúng tôi thiếu tin tưởng và lo lắng cho bạn sau khi bộ đội Việt Nam rút về nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bài học hôm nay về thắng lợi tất yếu của cách mạng Lào đối với chúng tôi hùng hồn hơn bao giờ hết.


Nhưng chúng tôi không được phép dừng lại lâu để chiêm ngưỡng khí thế hào hùng chưa từng thấy trên đất bạn. Anh Phụng đi nhận nhiệm vụ bổ sung. Lúc về anh cho biêt địa điểm chính thức trao đổi tù binh là Hua Mương. Tôi tìm kiếm trên bản đồ và thấy nó nằm sâu mãi về phía tây thị xã Sầm Nưa. Bắt đầu từ đây chúng tôi phải hành quân đêm. Đi đêm vừa giấu kín được lực lượng, vừa tránh được cái nóng gay gắt ban ngày. Khả năng gặp địch về ban đêm cũng ít hơn vì chúng thường co cụm trong cứ điểm.


Thế là khi mặt trời vừa khuất núi, chúng tôi lập tức lên đường. Trên đường, chúng tôi gặp từng đoàn bộ đội Pa-thét Lào xen lẫn những người dân thường vui vẻ rầm rập kéo về hướng thị xã Sầm Nưa. Chỉ có đoàn chúng tôi theo chiều ngược lại. Phấn khởi quá, chúng tôi quên cả bí mật, cất tiếng chào hỏi và đáp lại.


Nhưng rồi chẳng bao lâu, chúng tôi trở về tư thế sẵn sàng ứng phó. Tổ vệ binh mở đường báo đã đến bản Sa-la, một bản lớn trên đường bắt buộc phải qua. Đồng chí Hanh quay lại cho biết, có hơn chục tên phỉ trong bản nhưng không thấy động tĩnh. Anh Phụng nhận định chớp nhoáng: Đây là bọn phỉ đang bị bỏ rơi và lo sợ trước khí thế quân dân bạn. Anh lệnh cho chúng tôi cứ hàng ngũ chỉnh tề đi qua bản, phía trước có tổ anh Hanh sẵn sàng yểm trợ.


Đúng như nhận định, thấy chúng tôi đội ngũ chỉnh tề tiến bước, bọn phỉ từ trên các nhà sàn chạy xuống chắp tay vái, miệng lắp bắp: "Săm bai... săm bai... Koong tháp a sa mắc Việt Nam!". Rồi lại còn: "Sa ma khi, sa ma khi!". Rõ ràng bọn chúng tưởng chúng tôi đến lùng bắt, không kịp hàng đành phải ra chào đón. Anh Phụng và ông Thao Kê bảo chúng: "Về nhà với vợ con đi! Chúng tôi không làm gì các anh đâu. Bộ đội Pa-thét Lào sắp đến đấy!". Chúng cảm ơn rối rít rồi chạy biến vào bản. Anh Phụng bảo: "Đáng lẽ phải dừng lại làm công tác địch vận và động viên dân bản nhưng yêu cầu nhiệm vụ không cho phép nấn ná lâu. Mấy lời nói của chúng ta hồi nãy cũng là địch vận rồi".


Càng đi về phía tây càng vắng vẻ hiu quạnh, hầu như chẳng gặp ai. Chúng tôi phán đoán bọn địch đang co lại trong các cứ điểm, tránh va chạm với ta. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn cảnh giác, ngày nghỉ đêm đi, ngủ trên đồi cao, không ngủ trong bản. Có đêm đi dưới chân đồi, nghe trên cao bọn địch cười nói ầm ĩ, đèn đóm lập lòe, chúng tôi thầm bảo: "Trên nhận định đúng thật, chúng rất sợ đêm gặp ta!".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2022, 07:17:15 am »

Chúng tôi đến Mường Pơn. Từ đây đễn Hua Mương không còn bao xa nữa. Theo dự kiến sẽ nghỉ lại Mường Pơn lấy sức để sáng hôm sau đi một mạch đến Hua Mương. Nhưng tình hình trong bản làm chúng tôi lo ngại. Dân sợ địch chưa dám về, cả bản chỉ có một cụ già. Thấy chúng tôi cụ mừng lắm nhưng tỏ vẻ lo ngại. Chúng tôi đoán rằng bọn địch vẫn còn lẩn quất đâu đây, uy hiếp dân bản. Ngoài trời bỗng mưa như trút. Đây là đêm có mưa đầu tiên kể từ ngày chúng tôi lên đường. Còn đang phân vân thì đồng chí Hưng báo vụ đem đến cho đồng chí Phụng bức điện của cấp trên đại ý: "Phải tranh thủ bằng mọi cách đến ngay Hua Mương. Đến đó sẽ an loàn. Bạn đang đợi...". Không đắn đo, chúng tôi đi ngay. Đường vừa trơn vừa tối, sức chúng tôi dần kiệt. Anh Phụng động viên: "Trên theo dõi từng bước đi của ta và chỉ đạo kịp thời. Đi bây giờ là an toàn nhất. Ta phải biết biến khó khăn thành thuận lợi". Tất cả ni lông, vải bạt tập trung cho tổ điện đài. Đường chim bay đến đó chỉ còn khoảng chục cây số.


Cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt qua tất cả để đến đích. Dòng sông Nậm Nơn chảy lấp lánh dưới chân đồi, hai bên bờ lau lách rậm rạp. Bản Hua Mương xinh xắn với những mái nhà sàn thấp thoáng. Những chiếc thuyền độc mộc đưa chúng tôi qua sông. Đại diện đơn vị hạn cử người ra đón.


Chúng tôi nghỉ ngơi chờ đợi. Điện của trên chỉ thị: "Yên tâm làm công tác chuẩn bị, không được đi đâu xa, đề phòng khách đến đột xuất". Chúng tôi giúp bạn làm nhà họp, dọn sạch đường vào bản, dựng ba-ri-e, cổng gác. Tù binh địch đã được dẫn đến nhưng số anh em ta được trao trả vẫn chưa thấy phía Pháp đưa đến. Một tuần, rồi hai ba tuần trôi qua. Lương thực bắt đầu cạn. Hàng ngày chúng tôi vẫn biết bọn phỉ thường ra cướp bóc mấy bản gần đó làm chúng tôi có phần lo lắng.


Có một tù binh Pháp tên là Giăng-ắc-lô, cấp bậc thiếu úy. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hắn đi thả dù tiếp tế cho Đờ Cát-tơ-ri, máy bay bị trúng đạn ta nhưng rơi xuống đất Lào. Hắn được trao trả đợt này và đến Hua Mương trước chúng tôi một tuần lễ. Chúng tôi được bạn nhờ giúp điều trị cho hắn bởi hắn khá ốm yếu, sụt cân, ăn uống kém. Anh Trọng và tôi bàn nhau phải đi sâu vào tình cảm của hắn, không nói chuyện chính trị, có thể tình hình sẽ khá hơn. Chúng tôi đến gặp Giăng-ắc-lô, thấy hắn nằm dài, mặt quay vào vách. Anh Trọng chào hắn bằng tiếng Pháp rất lịch sự. Rồi anh hỏi thăm hắn nhẹ nhàng tình cảm. Được biết Giăng-ắc-lô ở đảo Coóc-sơ, một vợ và một con gái. Giăng-ắc-lô có vẻ ngỡ ngàng trước sự lịch lãm và hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề của chúng tôi, hắn nói: "Tôi xin lỗi! Tôi đã tưởng lầm các ông chỉ là người Cộng sản cuồng tín. Không ngờ các ông có trình độ văn hóa cao như vậy?". Khi biết chúng tôi từ xa tới và đi bộ, chân trần, hắn lại thốt lên cảm phục: "Không thể tin đươc! Không thể tin được!".


Chúng tôi lấy mục tiêu chính là động viên Giăng-ắc-lô cố gắng ăn uống, điều trị vết thương và từ đó thường xuyên đến thăm hắn. Giăng-ắc-lô trở nên hoạt bát vui vẻ. Sau này Giăng-ắc-lô còn viết một lá thư rất cảm động, ca ngợi sự khoan hồng nhân đạo của cách mạng, đọc trước tổ Quốc tế làm cho ông Trưởng đoàn người Ấn Độ rất xúc động.


Cuối cùng thì "khách" cũng đã đến, chậm gần một tháng so với dự kiến. Khách đến trong một tình hình mà mỗi khi nhớ lại, chúng tôi còn thấy "hú vía"! Như tôi đã kể trên, sau thời gian chờ đợi, chúng tôi nhận được điện của trên "Chuẩn bị đón tổ Quốc tế đến bằng máy bay trực thăng". Bức điện chỉ vẻn vẹn mấy chữ nhưng chúng tỏi rất lo lắng. Máy bay trực thăng hạ cánh xuống đây như thế nào? Chúng tôi chưa có khái niệm gì về nó. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi nhất trí với nhau là dọn một bãi lớn giữa bản, cắm cờ hiệu, giăng màn trắng ở bốn góc sân. Ngoài ra còn chuẩn bị một đống rạ khô để khi máy bay đến thì đốt lên làm hiệu.


Hôm sau, khoảng 9 giờ sáng thì có tiếng ì ì từ xa vọng lại. Chúng tôi lập tức đốt lửa cho khói bốc lên. Tiếng "phành phạch" rõ dần rồi máy bay hiện ra. Nó lượn một vòng quanh bản rồi tìm bãi đáp. Chúng tôi hối hả mặc bộ quần áo đại cán cất giữ bao ngày rồi chạy ra bãi. Nhưng một điều mà chúng tôi không ngờ lới đã xảy ra. Sức mạnh của cánh quạt quét mạnh làm bụi bay mù mịt, mái nhà dân gần bãi cứ phập phồng như gặp bão. Hình như máy bay cảm thấy nguy hiểm nên không hạ xuống bãi mà lại bốc lên cao rồi bay về hướng tây. Anh Phụng tái mặt bảo: "Nó không xuống nữa là có chuyện đấy! Thế nào nó cũng phê phán mình là không tiếp đón chu đáo. Không hoàn thành nhiệm vụ trên giao rồi!?".


Thế rồi bỗng tiếng ì ì lại vọng đến to dần, to dần... Nhưng vẫn không thấy máy bay đâu cả. Chúng tôi ngơ ngác, bất lực. Chợt đồng chí vệ binh gác trên đồi kêu to: "Máy bay hạ xuống sông rồi!". Đúng là máy bay đã hạ nhưng không phải xuống sông mà trên một bãi cát dài dọc bờ sông. Thật là hú vía!


Bước từ máy bay xuống là ông đại tá trưởng đoàn người Ấn Độ, một trung tá người Ba Lan, một thiếu tá người Ca-na-đa, một phiên dịch tiếng Anh, một tổ điện đài và một phi công người Pháp. Cuộc đón tiếp diễn ra suôn sẻ. Người nói tiếng Anh, kẻ nói tiếng Pháp. Chúng tôi hiểu được và đọc lưu loát bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông trung tá Ba Lan hài lòng nhìn chúng tôi rồi giơ một ngón tay cái lên tỏ ý khen ngợi. Sau buổi tiếp, đồng chí phiên dịch người Ba Lan bấm chúng tôi lại nói: "Đồng chí trưởng đoàn muốn tối nay gặp riêng các ông".


Lần đầu tiên chúng tôi được hiểu biết thêm về "phe ta". Đồng chí Đoàn trưởng gọi chúng tôi là "đồng chí". Đồng chí cho biết hồi sáng đã phải đấu tranh với viên phi công người Pháp về việc hạ cánh. Viên phi công lấy cớ không hạ cánh xuống bãi vì quá gần nhà dân và cũng không muốn hạ xuống bờ sông vì muốn kiếm cớ trách ta tiếp đón không chu đáo. Đồng chí hỏi thăm điều kiện sinh hoạt của chúng tôi và tỏ ra rất thông cảm. Đồng chí gửi cho chúng tôi sữa, bánh, cà phê, thuốc lá...


Hôm sau đoàn Pháp đến. Cuộc trao đổi tù binh diễn ra tốt đẹp. Anh em ta bị địch bắt đều tố cáo hành động tra tấn dã man trong thời gian bị giam giữ. Ngược lại, số tù binh được ta trao trả đều cảm ơn sự đối xử nhân đạo của phía Việt Nam. Đặc biệt là bức thư do viên phi công Pháp Giăng-ác-lô đọc và trao cho trưởng đoàn Quốc tế. Đại diện của Pháp cúi mặt xuống...


Rồi chúng tôi cùng bạn Lào tổ chức buổi tiễn đưa khách quốc tế. Tất cả đều tham gia hát Lăm vông và được dân bản buộc chỉ cổ tay, chúc lên đường may mắn.

Tổ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Giờ chia tay với bạn Lào cũng đến, sau khi đã cố nấn ná gần một tuần lễ vì quyến luyến. Đêm tháng 12 rất lạnh, trước lúc từ giã ai cũng bâng khuâng trong lòng. Biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Các mẹ, các chị, các bạn tiễn đưa một quãng dài. Chúng tôi vừa đi vừa ngoảnh lại cho đến khi chỉ thấy một màu xanh thẳm của đồi núi sau lưng...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM