Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:46:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên dãy Trường Sơn  (Đọc 4082 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2022, 07:58:12 am »

THẠO XỐN


PHAN SỸ QUÁN


Trước lúc xuống cơ sở, đồng chí Lê Tiền Tiến - cố vấn trưởng đoàn vận động quần chúng, phát triển sản suất, bảo vệ hai tỉnh Sầm Nưa và Phông Sa Lỳ, nói:

- Phỉ là dân...

Thấy toàn đội ngơ ngác, đồng chí nói thêm:

- Nắm được dân thì phá được phỉ, thâm nhập vào vùng có phỉ các đồng chí sẽ biết.

Đội hình hành quân đến bản Huội Uông, một bản người bộ tộc Khơ Mú, nằm dưới chân núi Huội Thầu, cách đồn phỉ khoảng một giờ đi bộ. Theo kế hoạch sẽ có một cuộc mít tinh để chào mừng đội, nhưng dân đi rẫy hết, chúng tôi đến thì bản vắng tanh. Gặp một bà già, chúng tôi hỏi gì bà cũng chỉ ú ớ lắc đầu. Huội Uông có chừng ba chục nóc nhà, toàn nhà tranh vách nứa tạm bợ, chẳng có một ngôi nhà nào bằng gỗ vững chắc như những vùng đồng bào khác. Bản nằm cách thị xã Sầm Nưa khoảng chừng hai giờ đi bộ, heo hút giữa những vách rừng sâu thăm thẳm, chỉ có tiếng gió thổi hun hút, xen lẫn những tiếng chim kêu.


Mười giờ tối hôm đó đội chúng tôi tổ chức cho dân làng thắp đuốc xuống mít tinh. Gom cả bản được hơn chục ông già, vừa ngồi mít tinh vừa hút thuốc và ho sù sụ. Đám trẻ nhỏ thì mon men nép mình bên góc khuất xem. Tuyệt nhiên không thấy bóng một người đàn bà con gái nào cả?


Đội trưởng Xạu là người cùng tộc, trong đội còn hai chiến sĩ là người Khơ Mú nữa. Theo kế hoạch ban đầu chúng tôi chưa dùng tiếng địa phương. Phò bản tên là Bun, độ bốn mươi tuổi nhưng mặt choắt như chuột làm phiên dịch cho buổi mít tinh. Nhưng khi đội trưởng nói một đằng hắn dịch một nẻo. Hắn nói với dân bản: "Cán bộ bảo Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận yêu nước Lào) đang bị đói nên giao cho mỗi bản một tiểu đội, phải cho cán bộ ăn thịt gà, thịt lợn. Nhà nào có gái đẹp phải...". Nghe thế đội trưởng Xạu đỏ mặt, mắt trợn ngược lên định phản đối, nhưng lúc ấy tôi đang ngồi bên cạnh, liền nháy mắt ra hiệu, ý bảo: Bình tĩnh!


Sau buổi mít tinh ấy chúng tôi chia nhau vào các gia đình ăn ở cùng. Theo tinh thần chỉ thị của cấp trên, mỗi đội viên làm công tác vận động phải thực hiện chính sách ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thực ra trong suy nghĩ của tôi cũng cảm thấy hơi sờ sợ, dân trong bản tiếp xúc với chúng tôi rất e dè, cả bản như có tang, ai cũng tỏ thái độ lầm lì như thể bị cưỡng bức, không ai tỏ thiện cảm, hỏi câu nào thì họ trả lời nhát gừng bằng tiếng địa phương.


Ngay đêm đầu tiên tôi được phân công ở nhà Thạo Xốn. Nhà Thạo Xốn nghèo nhất bản, buổi sáng ngày hôm sau hai vợ chồng mang dao đi rất sớm, không ai nói câu gì với tôi, đoán được ý định của họ, tôi cũng vào nhà cầm một con dao đi theo. Ở trên nương tôi vừa làm việc cùng họ vừa gợi chuyện. Nhưng suốt cả buổi hai vợ chồng Thạo Xốn cứ cúi gằm làm việc, chẳng ai nói với ai câu nào. Họ làm theo thói quen, thông tin với nhau bằng ánh mắt, thỉnh thoảng Thạo Xốn lại liếc nhìn sang phía tôi canh chừng. Một mình tôi lọt vào giữa rừng sâu, sống chung cùng thân nhân những tên phỉ, đầu óc quá căng thẳng, mình như con mồi lọt vào khu có bầy cọp đói, nhỡ may...? Vì được cấp trên quán triệt tinh thần trước rồi, đây là đi vận động quần chúng, mình phải làm việc để thuyết phục người khác, dân còn đang nghi kỵ mình, họ không tin những gì mình nói.


Suốt buổi hôm ấy tôi phải cố gắng làm việc theo họ, dù khá thấm mệt, nhưng cứ nghĩ mình không làm được như họ thì nói có ai tin nên lại cố gắng làm. Gần trưa, mặt trời chiếu thẳng từ trên đỉnh đầu xuống, những vạt nương bốc mùi nồng nồng của cây mục, mồ hôi túa khắp cơ thể tôi, họ vẫn cúi mặt làm như một cỗ máy không biết mệt mỏi. Tôi cố khua dao nhưng đầu óc thì ong ong, đường dao bay loang loáng trước mặt tựa như trong giấc mơ. Bỗng tôi thấy mắt hoa như có hàng trăm con đom đóm đang bay lượn trước mặt, lưỡi dao rơi bịch xuống nền đất, núi rừng nghiêng ngả, tôi gục xuống, cố lết bám vào một gốc cây. Thạo Xốn đang làm ở bên cạnh thấy thế chạy đến xốc tôi lên, anh dìu tôi vào một hốc đá nằm. Rồi tôi thấy xung quanh yên ắng đến lạ kỳ, tiếng lá rừng khe khẽ đu đưa, tiếng chim kêu đâu đó, mặt đất bình yên. Vợ Thạo Xốn vừa chạy đi đâu tôi không biết, rồi chị quay về, hai bàn tay khô ráp của chị nhẹ nhàng đắp lên trán tôi thứ lá cây gì đó, nhìn trong ánh mắt họ, tôi cảm thấy có điều được cảm thông. Thạo Xốn chạy vào rừng lát sau mang về một đoạn nứa non, tôi chưa hiểu anh ta làm gì thì thấy anh ta tỳ đầu gối bẻ đốp một cái, từ trong lõi ống nứa đó văng ra hai chú nhộng trắng muốt.

- Này ăn đi, cái bụng cán bộ nó đói đấy mà. - Thạo Xốn nói bằng tiếng Lào.

Tôi há miệng nuốt ực cả chú nhộng béo đang ngọ nguậy vào bụng, bỗng các thớ cơ trong người tôi chuyển động, bụng bắt đầu sôi ùng ục. Thạo Xốn lấy bọc lá dong ra vắt cho tôi thêm một nắm xôi nữa. Chẳng còn ý tứ giữa mình và họ, tôi nhét nắm xôi vào miệng nhai ngấu nghiên.


Trở về nhà, hai vợ chồng Thạo Xốn lại không nói điều gì hết, họ cứ lầm lũi làm những công việc quen thuộc của họ. Đêm đến, núi rừng u tịch, cả bản im lìm như thể chìm sâu xuống tầng tầng lớp lớp của tán lá, tôi cảm thấy cô đơn và nhớ đến quê hương Việt Nam, chỉ có ánh lửa le lói hơi ấm tỏa ra từ các ngôi nhà là tôi còn cảm thấy có sự sống. Vợ chồng Thạo Xốn dành cho tôi một góc sàn, tôi có màn nhưng không dám mắc, người dân còn đang ngủ không, tại sao mình lại nằm màn? Khác nào cán bộ quan liêu! Từ dưới sàn bốc lên một thứ khói than củi cay xè. Tôi nằm trằn trọc không chợp mắt nổi, cộng với cả tinh thần cảnh giác, đây là vùng phỉ!


Nhỡ đêm chúng lẻn về cắt cổ cán bộ thì sao! Thỉnh thoảng phía rừng lại rộ lên một tràng súng tiểu liên, những làn đạn rít vèo vèo trong gió. Giật mình tôi tỉnh hẳn, mùi phân súc vật dưới gậm sàn bốc lên khai nồng nặc, xa xa vọng lại tiếng con mang tác càng làm tăng lên cái không gian đe dọa sự sống. Tôi đặt sẵn khẩu súng ngắn bên người phòng có chuyện bất trắc.


Gần ba tháng tôi và anh em trong đội bám trụ cùng với dân bản, người dân chẳng ai thèm bắt chuyện với chúng tôi. Họ thường rỉ tai nhau bằng thứ tiếng bản địa, chúng tôi chẳng nghe được gì, chỉ có mấy anh cán bộ cùng tộc người biết.


Thạo Xốn là người Lào Lùm ở bản khác đến lấy vợ ở đây. Anh ta bị thương tật do cây đổ đè gãy chân, đi cà nhắc, nhà thì nghèo xơ nghèo xác. Tôi bàn với anh em trong đội cùng nhau giúp gia đình Thạo xốn phát rẫy và dựng lại nhà. Kể từ đó Thạo Xốn bắt đầu thân thiết với chúng tôi, anh bảo các bản đều nhận súng của phỉ, riêng Huội Uông có 16 người đóng trên đồn, phò bản Bun thường xuyên liên lạc với họ, số đàn ông còn lại cũng hoạt động ngầm giúp phỉ. Họ đều nhận súng cất giấu kỹ trong rừng. Thạo Xốn là người nơi khác đến cộng với bị tật nên không được cấp súng. Người cầm súng mỗi tháng được nhận 3kg muối. Ai giết được một bộ đội Pa-thét Lào thì được thăng hàm quan mười một, được hưởng nửa "mừn"* (1 mừn bằng 12kg) thuốc phiện.

Thạo Xốn ghé tai tôi nói:

- Ải nọong! Bò giạn. (Người anh em, đừng sợ). Vì vợ con, cha mẹ chúng ở bản này nên không đứa nào dám động đến cán bộ đâu. Đêm chúng bắn hù dọa thôi!

Một hôm, đội trưởng Xạu gọi gã trưởng bản đến, tất cả cùng ngồi bên bếp lửa, ông bắt đầu nói bằng tiếng Khơ Mú. Trưởng bản lúc đó mới ngớ người, mặt đỏ gay đỏ gắt. Hắn xấu hổ định kiếm cớ tháo lui nhưng đội trưởng Xạu ngăn lại, trông hắn lúc đấy như con chuột run rẩy trước mặt một chú mèo. Hắn lùi dần vào tận góc nhà, hồi lâu không còn chối cãi được hắn mới cúi đầu nhận lỗi. Kể từ đó người trong bản bắt đầu nghe theo cán bộ. Thạo Xốn bảo: Cán bộ có việc gì nói với dân cứ để tao giúp cho, chúng nó nhận súng của phỉ thì phải làm việc cho họ thôi, vì cái bụng đói nên bắt buộc phải nghe theo phỉ! Tôi bàn với anh Xạu, đề nghị với cấp trên mang muối đến cấp cho dân. Hôm muối về bản, dân đến nhận muối vui vẻ, mặt mày ai cũng rạng rỡ.


Bao nhiêu năm rồi, vì nhiệm vụ tôi phải chuyển địa bàn hết nơi này đến nơi khác trên chiến trường Lào. Tôi không biết tin tức dân bản Huội Uông sống ra sao. Nghe nói đời sống nhân dân đã được cải thiện nhiều lắm, tôi không thể nào quên Thạo Xốn cùng cái bản xa tít nơi núi rừng heo hút, nhớ cái bắt tay chắc nịch của Thạo Xốn hôm chia tay.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2022, 07:59:46 am »

GIẢI PHÓNG ÁT-TÔ-PƠ


NGUYỄN QUỐC THƯỚC


Sau những thất bại nặng nề trong hai năm 1967 - 1968 của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, chiến lược "chiến tranh cục bộ" lấy quân Mỹ là chủ yếu, với biện pháp "tìm diệt" đã hoàn toàn sụp đổ.


Để hạn chế tối đa thương vong cho quân Mỹ, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", lấy quân ngụy là chủ yếu, cộng với hỏa lực Mỹ từ xa, với biện pháp "quét và giữ" nhằm giữ cho được những vùng còn lại, mà thực chất là một sự đi xuống trong ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.


Để thử nghiệm chiến lược mới, chúng chọn địa bàn Tây Nguyên triển khai với hy vọng cải thiện được tình hình mà quân Mỹ không bị tổn thất nặng. Đầu năm 1970, chỉ trong vòng một tháng, chúng lần lượt mở 3 cuộc hành quân (3 chiến dịch) ra vùng Chư Pả tây thị xã Pleiku mang tên "Bình Tây 48, Bình Tây 49 và Bình Tây 50" với lực lượng gồm 2 trung đoàn, 1 liên đoàn biệt động ngụy, đã bị Trung đoàn 24 (thiếu) và các đơn vị tăng cường lần lượt đánh bại. Trước tình thế sụp đổ của quân ngụy, Mỹ buộc phải đưa 1 tiểu đoàn Mỹ ra ứng cứu, nhưng cuối cùng tiểu đoàn này cũng bị đánh thiệt hại, buộc số còn lại của Mỹ lẫn ngụy phải ôm đầu máu tháo chạy. Tiếp theo chiến thắng Chư Pả, quân và dân ta tiếp tục giáng những đòn sấm sét vào quân chủ lực ngụy, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" ngày càng bị sa lầy nghiêm trọng. Để cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ vội vàng thành lập liên minh tay ba về quân sự gồm: Nam Việt Nam, ngụy Lào, ngụy Cam-pu-chia phối hợp mở các cuộc tấn công quy mô lớn trên đất Lào và Cam-pu-chia nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, uy hiếp hậu phương ba nước, buộc ta phải phân tán đối phó, giảm áp lực cho chiến trường miền Nam.


Tháng 1 năm 1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp trên cơ sở nhận định âm mưu mới của đế quốc Mỹ trên bán đảo Đông Dương, đã đề ra "nhiệm vụ cho quân và dân miền Nam tiếp tục đẩy mạnh tấn công địch trên các chiến trường, đồng thời ra sức phối hợp, giúp đỡ bạn nắm thời cơ đưa cách mạng Lào và Cam-pu-chia tiến lên mạnh mẽ. Đặc biệt Trung-Hạ Lào có vị trí hiểm yếu nối liền hành lang chiến lược Bắc - Nam; phải tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng bạn và ta, giúp bạn giải phóng nhiều vùng rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu".


Thực hiện tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương (20-4-1970), trên hướng chiến trường Hạ Lào, quân đội ta được lệnh phối hợp chặt chẽ với bạn tiến mạnh về phía tây, cùng bạn giành thắng lợi lớn trên hướng chiến trường mới, tạo thế và lực cho cả ta và bạn để mở rộng địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên - Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, tập trung trọng điểm là thị xã Át-tô-pơ, Bộ Tổng Tham mưu hai nước Việt Nam và Lào quyết định thành lập mặt trận X (sau lấy tên là Mặt trận An Sơn), với nhiệm vụ giải phóng tỉnh Át-tô-pơ và một vùng rộng lớn cao nguyên Bô-lô-ven, tiến tới giải phóng Sa-ra-van, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. Bộ Tổng Tư lệnh quyẽt định mặt trận B3 - Tây Nguyên cử một trung đoàn mạnh sang phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Lào thực hiện nhiệm vụ trên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Kiện - Phó Tư lệnh Quân khu 4. Trung đoàn 24 được giao thực hiện nhiệm vụ này.


Là một đơn vị có truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn 24 có mặt trong những ngày đầu trên chiến trường Tây Nguyên (1965). Đơn vị vừa đánh bại ba cuộc hành quân Bình Tây 48, 49 và 50 của đế quốc Mỹ, được Bác Hồ trực tiếp gửi điện khen, khí thế cán bộ chiến sĩ rất cao, nay lại được thay mặt lực lượng vũ trang Tây Nguyên làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, tinh thần càng tăng thêm gấp bội. Nhiệm vụ vô cùng khẩn trương nhưng các đơn vị của Trung đoàn đang rải khắp từ bắc Kon Tum đến tây Gia Lai, Bộ Tư lệnh B3 quyết định Trung đoàn (thiếu Tiểu đoàn 5) được tăng cường Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28, 1 đại đội ĐKB và cối 120 ly cho kịp thời gian quy định. Với tinh thần bôn tập, bộ đội trèo đèo lội suối, xuyên rừng vượt biên giới, tìm đường mà đi trên một chiến trường hoàn toàn mới lạ. Chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày, toàn đơn vị đã đến nơi tập kết quy định tại khu vực Huội Tiêu, phía tây nam thị xã Át-tô-pơ. Đặc biệt bộ phận tiền trạm và đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường phải đi cả ngày đêm, vượt lên trước bắt liên lạc với Bộ Tư lệnh chiến dịch tại Binh trạm 34 để nhận nhiệm vụ và triển khai công tác chuẩn bị chiến trường.


Tại Binh trạm 34, đồng chí đại tá Hoàng Kiện phổ biến nhiệm vụ và công bố quyết định của trên thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận do đồng chí Hoàng Kiện làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, đồng chí Trần Quyết Thắng làm Phó Chính ủy, tôi - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 kiêm Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ huy tiền phương. Lực lượng chiến dịch gồm: Trung đoàn 24, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam, 1 đại đội đặc công S4 cùng lực lượng quân giải phóng bạn và lực lượng vũ trang địa phương bạn, có nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng thị xã Át-tô-pơ, đánh chiếm một vùng rộng lớn trên Cao nguyên Bô-lô-ven, uy hiếp Sa-ra-van và Pắc Xoòng. Theo mệnh lệnh của cấp trên, chiến dịch phải tiến hành khẩn trương để phối hợp với các chiến trường trên cả ba nước Đông Dương, chậm nhất là phải nổ súng vào đầu tháng 5 năm 1970.


Công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng và các cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật hết sức khẩn trương. Một mặt, chỉ huy các cấp từ trung đoàn đến đại đội đi trước để chuẩn bị chiến trường, lập phương án tác chiến chiến dịch, các đồng chí cấp phó chỉ huy bộ đội hành quân vào khu vực tập kết. Các đơn vị quân tình nguyện và bộ đội bạn có thuận lợi hơn vì đã nắm chắc tình hình địch và địa hình. Riêng Trung đoàn 24 lần đầu tiếp cận chiến trường, thời gian chuẩn bị rất gấp nên có nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện do đồng chí Luận làm tiểu đoàn trưởng nên cũng nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị đúng tiến độ. Mọi tình hình về địa hình, nhân dân, nhất là tình hình địch đều được nắm rõ. Việc tiềm nhập được thuận lợi, các mũi tấn công đã tiềm nhập vào các lớp kẽm gai và nắm được quy luật hoạt động và bố trí của địch. Qua công tác nghiên cứu được biết, tỉnh Át-tô-pơ là một tỉnh ở đông nam khu vực Hạ Lào, thị xã nằm trong thung lũng sông Sê Kông được bao quanh ba phía, lưu thông với thị xã Sa-ra-van ở phía bắc và thị trấn Siêm Rạng thuộc Cam-pu-chia ở phía nam chủ yếu bằng đường sông, được cao nguyên Bô-lô-ven án ngữ từ phía tây tây nam - tây bắc cách thị xã khoảng 6 đến 7km. Từ các đỉnh cao 1001 Phu Lăng Kẹo trên cao nguyên Bô-lô-ven có thể khống chế toàn bộ thị xã. Muốn giữ được thị xã phải đánh chiếm được các điểm cao nói trên. Xung quanh thị xã là các làng bản rải rác đến chân cao nguyên Bô-lô-ven. Dân trong thị xã khoảng một vạn người, chủ yếu là đồng bào Lào, một ít là người Việt và người Hoa. Là một hướng tương đối cô lập, xa trung tâm Hạ Lào nên lực lượng địch tương đối mỏng yếu, tổng cộng khoảng một nghìn do đại tá Khăm Còm chỉ huy kiêm Tỉnh trưởng. Trong đó, tiểu đoàn 4BI là tiểu đoàn mạnh nhất, bố trí phòng thủ phía bắc thị xã thành 3 cụm, 2 đại đội phía trước, 1 đại đội và sở chỉ huy tiểu đoàn ở phía sau, cách thị xã 1km. Tiểu đoàn 43BV đóng ở phía đông thị xã và cao điểm Phu-xa-phông, có 1 trung đội pháo 105 ly, 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội pháo 105 ly bố trí ở điểm cao Phu-lăng-kẹo, 1 đại đội đóng ở phía Nam Sống. Trong thị xã có 1 đại đội văn phòng bảo vệ tỉnh trưởng cùng các lực lượng pháo cối, cảnh sát, biệt kích, thám báo, lực lượng ô hợp có khoảng 1 tiểu đoàn. Phía tây thị xã có sân bay bằng đất, hàng ngày máy bay cánh quạt lên xuống. Tất cả các đồn đều cấu trúc tương đối kiên cố với tường hộp bao quanh, bên ngoài có các lớp rào kẽm gai và rào gỗ. Địch thường tung thám báo biệt kích hoạt động cách 5 đến 10km để phát hiện tình hình, ban đêm bố trí các toán ra phục kích ngoài hàng rào. Trên các hướng ta có thể thâm nhập địch bố trí gài mìn trên các trục đường mòn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2022, 08:00:17 am »

Sau một thời gian nghiên cứu tình hình, Ban chỉ huy Trung đoàn thống nhất phương án tấn công để thông qua Bộ Tư lệnh chiến dịch. Theo nhận định của Trung đoàn, nếu ta tập trung tiêu diệt nhanh tiểu đoàn 4BI, đơn vị chủ lực mạnh nhất án ngự hướng bắc thị xã, đồng thời đánh chiếm hai trận địa pháo khống chế tại điểm cao Phu-lăng-kẹo và Phu-xa-phông thì thế địch nhanh chóng bị vỡ. Trên cơ sở phân tích tình hình, trung đoàn quyết tâm sử dụng Tiểu đoàn 4 được các hỏa lực ĐKZ 12 ly 7, cối 120 ly của trung đoàn chi viện, được Tiểu đoàn 2 (- 1c) Trung đoàn 28 làm thê đội 2 có nhiệm vụ nhanh chóng tiêu diệt tiểu đoàn 4BI. Tiểu đoàn 4 là đơn vị chủ công, thiện chiến trên chiến trường Tây Nguyên, đơn vị vừa đánh thiệt hại tiểu đoàn Mỹ tại Chư Pả tháng 1 năm 1970 và tiêu diệt gần hết một căn cứ tiểu đoàn Mỹ ở Làng Giã nên có nhiều kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc. Anh em có quyết tâm cao, được trung đoàn rất tin tưởng. Đồng thời phối hợp với hướng tấn công chủ yếu, đại đội đặc công của Trung đoàn tập kích đánh chiếm trận địa pháo tại căn cứ Phu-lăng-kẹo. Trung đoàn đề nghị giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4 đặc công (thiếu) quân tình nguyện đánh chiếm căn cứ pháo binh tại Phu-xa-phông, Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện tiêu diệt đại đội địch ở Nam Sông, Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện và bộ đội bạn bao vây, đón lõng vòng ngoài phía đông thị xã, đồng thời sẵn sàng phát triển truy quét quân địch tháo chạy và bọn phản động tại chỗ, làm công tác dân vận ổn định tình hình. Do các mục tiêu ở xa nhau, trung đoàn đề nghị Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng cường Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện cho trung đoàn trực tiếp chỉ huy, còn hướng Phu-xa-phông và Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện vì ở xa nên đề nghị Sở chỉ huy cơ bản trực tiếp nắm. Hiệu lệnh tấn công lấy tiếng nổ bộc phá hướng Trung đoàn 24 để đồng loạt nổ súng. Sau khi nghe báo cáo quyết tâm của trung đoàn và các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Bộ Tư lệnh nhất trí với phương án của Trung đoàn. Bộ Tư lệnh quy định rõ: Chỉ huy sở tiền phương chiến dịch do đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 kiêm Phó Tư lệnh chiến dịch đảm nhiệm thống nhất với sở chỉ huy Trung đoàn, có một số trợ lý của mặt trận tăng cường - lực lượng đánh Phu-xa-phông và Tiểu đoàn 2 quân tình nguyện cùng lực lượng bạn do sở chỉ huy cơ bản trực tiếp nắm, có các đồng chí đoàn chuyên gia Hạ Lào tham gia, công tác đảm bảo hậu cần do Binh trạm 34 bảo đảm. Quy định giờ G là 0 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1970. Trường hợp có tình hình đột biến do đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 quyết định để kịp thời xử trí vì liên lạc với sở chỉ huy cơ bản chủ yếu bằng 15W không đảm bảo kịp thời. Các hướng hành động theo tiếng nổ bộc phá của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24. Sau khi Bộ Tư lệnh chiến dịch thông qua quyết tâm, các đơn vị khẩn trương triển khai đúng kế hoạch.


Tại Trung đoàn 24 mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, việc quán triệt phương án tác chiến đối với các đơn vị được tiến hành khẩn trương và chu đáo, khí thế quyết tâm của các đơn vị rất cao. Đối với Trung đoàn 24 thì đây là lần đầu tiên được lãnh nhận sứ mệnh cao cả về thực hiện nhiệm vụ quốc tế do Bộ Tổng Tư lệnh và Mặt trận B3 tin tưởng giao phó. Các tiểu đoàn quân tình nguyện và bộ đội bạn lâu nay hoạt động lẻ tẻ, nay được tham gia chiến dịch lớn cũng rất đỗi tự hào. Các đồng chí chuyên gia quân sự hết sức tận tình trong mọi công việc được phân công. Đặc biệt các đồng chí cán bộ lãnh đạo hết sức vui mừng và tin tưởng vì đây là sự kiện lịch sử đối với cách mạng nước bạn sau bao năm chiến đấu kiên cường liên tục.


Từ Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch tôi báo cáo lần cuối cùng bằng vô tuyến điện về Sở chỉ huy cơ bản, đề nghị cho thực hiện theo kế hoạch. Sau khi nhận được lệnh phê chuẩn của Sở chỉ huy cơ bản, các hướng bắt đầu hành động: tối 28 tháng 4, theo tính toán cự ly xa gần mục tiêu, các đơn vị bắt đầu tiềm nhập. Các đơn vị đặc công vì ở xa, đêm 27 tháng 4 đã bí mật ém sẵn gần khu vực mục tiêu. Trên hướng trung đoàn, các đơn vị tiếp cận mục tiêu không gặp trở ngại lớn. Riêng mũi tiến công chủ yếu của 4 tiểu đoàn đánh vào Sở chỉ huy tiểu đoàn 4BI trên đường tiếp cận gặp 1 tiểu đội địch nằm phục kích ngoài hàng rào 50 mét, 1 tiểu đội khác phục kích cách vị trí chỉ huy của tiểu đoàn khoảng 100 mét. Trời cao nguyên rất lạnh, quân địch trùm áo khoác ngủ nằm, ngủ ngồi không hay biết, ta phải vòng tránh để tiếp cận vào hàng rào. Các mũi bắt đầu cắt dây thép gai, bí mật mở cửa mở. Khoảng 22 giờ trở đi, thỉnh thoảng địch bắn pháo sáng, bắn cối 60 ly và M16. Có 2 đồng chí vướng đạn bị thương. Các mũi báo cáo có hiện tượng địch phát hiện tiếng động nên phải nằm im chưa cài bộc phá, lúc này mỗi hướng chỉ còn 1 lớp hàng rào cuối cùng. Đến 23 giờ 30 phút, Sở chỉ huy tiểu đoàn 4BI của địch có dấu hiệu báo động vì súng nổ nhiều, pháo sáng tăng cường hơn và có nhiều tiếng nói lộn xộn. Nhận định khả năng địch đã phát hiện, việc mở cửa mở chỉ còn 1 lớp rào cuối cùng, Trung đoàn hạ quyết tâm bắt đầu cho nổ bộc phá để phát lệnh tổng tấn công trước giờ G 30 phút theo tình huống đã dự kiến trước. Lập tức cả 3 mũi trên hướng Tiểu đoàn 4BI, các khối bộc phá bắt đầu nổ rền, hỏa lực bắn thẳng tập trung tiêu diệt các hỏa điểm, cối 120 ly, 82 ly, 60 ly dồn dập bắn vào trung tâm. Tiếng pháo cối, tiếng súng máy vang dội cả một vùng. Lửa bắt đầu bốc cháy trong đồn địch. Sau 15 phút phát huy hỏa lực, các mũi đồng loạt xung phong, quân địch bị bất ngờ, đứa bị bắn gục, đứa tháo chạy, tiếng súng AK vang vọng khắp cả vùng bắc thị xã, các tổ xung kích vừa chạy vừa quét tiểu liên, bọn địch tháo chạy thục mạng vào trung tâm nhưng đến đâu cũng gặp các mũi tấn công của ta nên toàn bộ trận địa tiểu đoàn 4BI chìm trong khói lửa. Bọn lính tiểu đoàn 4BI hoảng loạn tháo chạy vào thị xã. Chỉ sau gần 1 giờ chiến đấu ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, địch chết ngổn ngang, ta thu được hàng trăm súng các loại. Đến 4 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1970 toàn bộ tiểu đoàn 4BI bị tiêu diệt, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, uy hiếp trực tiếp thị xã đang trong tình trạng hỗn loạn.


Hiệp đồng theo tiếng bộc phá trên hướng Phu-lăng-kẹo và Phu-xa-phông, các đơn vị cũng bắt đầu nổ súng, sau 30 phút đơn vị đặc công trung đoàn đánh chiếm trận địa Phu-lăng-kẹo bất ngờ, phần lớn quân địch bị tiêu diệt, một số tháo chạy về hướng cao nguyên Bô-lô-ven, ta thu 2 pháo 105 ly. Hướng Phu-xa-phông, đơn vị S4 đặc công quân tình nguyện sau 40 phút nổ súng cũng hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa. Đến đây trên các hướng hầu như im tiếng súng, pháo cối, hỏa lực, pháo sáng trong thị xã bắn loạn xạ, nhân dân hỗn loạn, gia binh nhao nhác. Thừa thắng, trung đoàn cho Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 sẵn sàng chiếm lĩnh trận địa, đào công sự ngụy trang để đề phòng phi cơ địch oanh tạc, đồng thời sẵn sàng tấn công vào thị xã. Đúng như dự kiến, sáng ngày 29 tháng 4 hàng chục máy bay từ Thái Lan sang ném bom bắn phá xung quanh thị xã, tàn quân các nơi chạy về lại làm cho tình hình không thể kiểm soát, tên Khăm Còm - Đại tá Tỉnh trưởng tuyên bố tử thủ giữ vững Át-tô-pơ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2022, 08:01:00 am »

Lệnh của Sở chỉ huy, trung đoàn thực hiện tiếp bước 2 chiến dịch, tấn công giải phóng thị xã, đồng thời sẵn sàng đánh địch phản kích ở Phu-lăng-kẹo và bắc thị xã. Lúc này tình hình trong và xung quanh thị xã hỗn loạn, địch không kiểm soát nổi mà ta cũng không phân biệt được đâu là dân, đâu là lính vì bọn này cải trang đem gia đình tháo chạy. Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 6 cùng lực lượng phòng không một mặt kiên quyết bắn máy bay, lợi dụng giữa các đợt oanh kích tấn công đánh chiếm sân bay và ngoại vi thị xã, tạo thế cài răng lược, hạn chế hỏa lực của máy bay. Trong ngày, Tiểu đoàn 6 đã áp sát thị xã. Được sự chỉ đạo của đồng chí Tham mưu trưởng trung đoàn, Tiểu đoàn 3, quân tình nguyện đã tiêu diệt đại đội địch ở Nam Sông, thu toàn bộ vũ khí.


Để chuẩn bị tấn công vào thị xã, trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 6 được tăng cường 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28, được ĐKB và cối 120 chi viện, chuẩn bị dứt điểm vào đêm 29 tháng 4 năm 1970, Tiểu đoàn 2 (-1c) làm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh địch phản kích từ phía bắc, đồng thời sẵn sàng 1 đại đội chi viện cho Phu-lăng-kẹo nếu bị địch phản kích Tiểu đoàn 4 nhanh chóng củng cố làm lực lượng dự bị chung.


Dưới sự chi viện của hỏa lực, 23 giờ ngày 29 tháng 4, Tiểu đoàn 6 bắt đầu tấn công vào thị xã. 2 khẩu pháo 105 ly lấy được tại Phu-lăng-kẹo dùng bắn uy hiếp vào thị xã nhưng không chính xác. Chớp thời cơ "quân hồi vô phèng" và sự hỗn loạn của dân, Tiểu đoàn 6 tổ chức thành 3 mũi tấn công vào trung tâm chỉ huy của Khăm Còm, tên này cùng đại đội văn phòng đã tháo chạy trước trong đêm, số quân ô hợp khoảng 600 tên đầu hàng tại chỗ, một số theo Khăm Còm chạy thoát trong đêm về Bô-lô-ven. Thị xã Át-tô-pơ hoàn toàn được giải phóng. Trên các hướng, cán bộ chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn các đơn vị bạn làm công tác địch vận, gọi hàng nhiều tên, thu được nhiều vũ khí.


Sau 2 đêm 1 ngày, vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1970, trung đoàn cùng các đơn vị quân tình nguyện và bộ đội bạn đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Át-tô-pơ, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, phương tiện chiến tranh. Hàng ngàn đồng bào các dân tộc thị xã Át-tô-pơ vẫy chào quân giải phóng nhân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam. Ngày 2 tháng 4 trung đoàn bàn giao toàn bộ chiến lợi phẩm, vũ khí đạn dược, ôtô, tàu thuyền, lương thực, thuốc men cho Ban cán sự Đảng Át-tô-pơ cùng các cơ quan dân chính đảng có mặt hôm đó.


Nhận định địch chưa chịu cam tâm để mất thị xã Át-tô-pơ tạo tiền đề cho sự dao động suy sụp của quân ngụy Lào ở các thị xã khác, theo sự chỉ đạo của Sở chỉ huy cơ bản, trung đoàn chuẩn bị đánh địch phản kích trên hướng Phu-lăng-kẹo - Bô-lô-ven. Đúng như dự kiến, sáng ngày 1 tháng 5 địch dùng phi pháo oanh tạc vào căn cứ Phu-lăng-kẹo, sau đó cho 1 tiểu đoàn bộ binh đánh vào cứ điểm nhưng bị quân ta đánh bật, diệt gần 100 tên. Đại đội chốt giữ đề nghị trung đoàn tăng viện vì lực lượng địch rất đông, ở hướng bắc, trên trục đường 22 đi San Van cũng xuất hiện một lực lượng địch. Quyết tâm của trung đoàn là phải giữ bằng được Phu-lăng-kẹo làm bàn đạp tiếp tục tiến công vào trung tâm Bô-lô-ven thì mới giữ được Át-tô-pơ. Trước mắt trung đoàn sử dụng 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện, đơn vị thông thạo địa hình do đồng chí Tham mưu Trưởng trung đoàn trực tiếp chỉ huy lên tăng cường cho Đại đội 13 tại Phu-lăng-kẹo và sẵn sàng cơ động Tiểu đoàn 2 của trung đoàn tiếp ứng sau. Trên đường lên Phu-lăng-kẹo, phát hiện khoảng 1 đại đội từ hướng Bô-lô-ven đang tiến về hướng Át-tô-pơ. Đại đội 3 bí mật triển khai phục kích, bọn địch không phát hiện được ta, lọt vào ổ phục kích, ta chủ động nổ súng xung phong, bọn địch bị bất ngờ đã bỏ súng đầu hàng, ta bắt 56 tên, thu toàn bộ vũ khí và cho giải về sau. Sáng ngày 3 tháng 5, Đại đội 3 quân tình nguyện bắt được liên lạc với Đại đội 13 tại Phu-lăng-kẹo. Lúc này địch đang dồn dập dùng phi pháo và bộ binh tấn công vào chốt Đại đội 13. Quân ta một số bị thương, số còn lại vẫn kiên quyết trụ bám, 2 khẩu pháo 105 ly lấy được của địch bị bom đánh gục. Sáng ngày 4 tháng 5, khoảng 1 tiểu đoàn địch liên tục tấn công vào chốt Đại đội 13. Đồng chí Tham mưu trưởng trung đoàn chỉ huy Đại đội 3 vận động bí mật tập kích vào phía sau đội hình địch. Bị bất ngờ, một số bị diệt, khoảng 2 đại đội địch còn lại tháo chạy về phía tây. Sau khi đánh tan bọn địch phản kích, Đại đội 3 cho thu quân, củng cố lực lượng vào tăng cường cho Đại đội 13.


Ngày 5 tháng 5, địch lại tập trung hỏa lực tấn công vào chốt của ta. Đại đội 3 báo cáo qua điện thoại địch quá đông nên đã chiếm mất chốt. Quyết tâm chiếm lại chốt trong đêm, trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 trong đêm bắt liên lạc với Đại đội 13 và Đại đội 3 quân tình nguyện tổ chức đánh chiếm lại chốt.


Là đơn vị đã nổi tiếng với cách đánh phản kích giữ chốt tại Đắc Xiêng, lợi dụng mây mù, Tiểu đoàn 2 bí mật tiếp cận trận địa, bắt đầu nổ súng, mãnh liệt xung phong và chỉ sau 30 phút đã tiêu diệt và đánh bật quân địch ra khỏi chốt, sau đó tổ chức củng cố công sự trận địa, giữ vững chốt. Trận này ta diệt 120 tên, thu trên 200 súng, có 3 đại liên ĐKZ, 1 cối 81 ly, 6 VTĐ. Ta truy kích địch đến PS38 (In Thi) và LS165 (Nậm Tiếng), địch tháo chạy về hướng Pặc Xông. Đến đây khu vực đông nam Bô-lô-ven thuộc Át-tô-pơ hoàn toàn được giải phóng, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 cùng Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện tiếp tục thay phiên nhau chốt giữ bảo vệ Phu-lăng-kẹo, bảo vệ vành đai vòng ngoài thị xã Át-tô-pơ suốt mùa khô 1970-1971.


Trong khi tập trung đánh địch phản công khu vực Phu-lăng-kẹo, các đơn vị còn lại của trung đoàn và các tiểu đoàn quân tình nguyện, quân giải phóng bạn tiếp tục truy quét tàn binh, giải phóng vùng rộng lớn tỉnh At-tô-pơ, ổn định tình hình, củng cố chính quyền tại các làng bản, sẵn sàng bảo vệ vững chắc vùng đông nam Hạ Lào, tiếp giáp với Việt Nam và Cam-pu-chia.


Ngày 15 tháng 5 năm 1970, Trung đoàn 24 được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu để lại Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 cùng lực lượng quân tình nguyện và bộ đội bạn tiếp tục củng cố vùng giải phóng, khẩn trương thu quân, vượt biên giới Lào - Cam-pu-chia nhanh chóng cơ động bằng đường sông để đêm 18 rạng ngày 19 tháng 5 năm 1970 trung đoàn tấn công giải phóng Xiêm Pạng, phát triến về phối hợp với lực lượng B2 giải phóng tỉnh Stung Treng (Cam-pu-chia), sau đó độc lập phát triển giải phóng tỉnh O-đa-men-chay - Prết-vi-hia, chốt giữ đến Prết-vi-hia trên biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan.


Phát huy truyền thống "quyết thắng" trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với thành tích trong chiến dịch Át-tô-pơ trung đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 trực tiếp đánh địch giải phóng Át-tô-pơ, có mặt trên chiến trường đã để lại trong tôi bao kỷ niệm về tình đồng đội, về tình bạn quốc tế với lực lượng vũ trang nước bạn, về tình cảm thiêng liêng mà bà con các bộ tộc nơi đây dành cho chúng tôi.


Giờ đây, ghi lại những sự kiện và kỷ niệm này, tôi thực sự bồi hồi xúc động với những tình cảm thân thương được xây đắp bằng xương máu của quân đội và nhân dân hai nước dưới ngọn cờ bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nên tình đoàn kết chiến đấu hữu nghị đặc biệt, tạo nên chiến thắng vĩ đại của hai dân tộc. Chúng ta sẽ mãi mãi sát cánh bên nhau trên con đường mà Bác Hồ, hai Đảng và nhân dân hai nước đã chọn.

Tháng 10 năm 2008
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 07:32:56 am »

GIĂNG BẪY


NGUYỄN NGỌC LỢI
   

Bầu trời Lào mùa khô lạ lắm, có cảm giác như có một đám cháy nào đó từ rất xa đang toả khói, khiến khoảng không trên đầu cứ mù mù ong ong rất khó tả. Núi rừng, cảnh vật... tất cả như hiện ra sau lớp kính mờ ảo. Ngoài bãi trống, nơi con đường chạy qua vẫn ong ong một màu vàng bàng bạc. Phía trong này, chỗ tôi đang ngồi râm mát, chung quanh dong dóng những thân cây xa gần chạy hút vào vô tận.


Rừng Lào cũng lạ, trên cái nền đất bằng phẳng dày kín, chen chúc những ngọn cây cao thấp, trong cái màu xanh trùng điệp đó, thi thoảng lọt vào những trảng cỏ cũng bằng phẳng rộng mênh mông. Đường vận tải chiến dịch giữa mùa khô, đất dưới bánh xe lăn đã trở nên tơi xốp, mặt đường đã trở thành một lớp bụi dày cứ phát ra những tiếng lụp bụp dưới bước chân. Những đoàn xe vận tải của ta sau khi luồn trong những cánh rừng ngút ngát cuối cùng ló ra chạy qua những bãi trống và kéo theo những luồng bụi cuồn cuộn phía sau, và đó là miếng mồi béo bỏ cho máy bay ném bom của địch.    Một mình Đại đội 8 theo bộ binh hiệp đồng đánh Xê Băng Phai, tiểu đoàn chỉ còn 2 đại đội với tám khẩu pháo 37 ly 2 nòng đang nằm phục chung quanh bãi trống trước mặt.


Bây giờ xin nói về đơn vị tôi. Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 233 pháo cao xạ Quân khu 4 được tham gia chiến dịch 1972.

Cuối tháng 10 năm 1972, khi mùa mưa chỉ còn rơi rót bên kia dãy Trường Sơn thì chúng tôi lên đường. Sau khi qua biên giới, tiểu đoàn bố trí pháo dọc đường để bảo vệ hành lang giao thông. Đất công sự vị trí này chưa kịp phai màu đã lại kéo pháo đi tiếp vào vị trí khác. Hàng tháng trời suốt từ Lạc Xao, Kăm Kớt, cao nguyên Na Kay xuống tận Ma Ha Xay... toàn tiểu đoàn chưa có trận nào cho "hoành tráng", ngoại trừ Đại đội 10 cắm chốt bảo vệ bến vượt Nậm Thơn phía ngoài và Đại đội 8 theo bộ binh hiệp đồng đánh Xê Băng Phai ở phía trong đã có những trận đánh ác liệt. Ban chỉ huy do thượng úy Trần Kha làm tiểu đoàn trưởng và anh Trần Giảng, trung úy làm tham mưu trưởng đã có vẻ rất nóng ruột. Mấy lần các anh bố trí làm kho giả bằng cách cho phơi quần áo "hớ hênh", làm đường xe mờ mờ chạy dẫn vào những hang đá... nhưng chỉ kéo được vài tốp L19 vè vè trên cao một lúc rồi bỏ đi... Trước lúc ra đi, nhiệm vụ của tiểu đoàn đã được xác định rõ, trong chiến dịch giúp bạn mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho cách mạng Lào thì pháo cao xạ của chiến dịch ngoài việc hiệp đồng bảo vệ bộ binh còn phải bắn rơi được máy bay địch. Nhiệm vụ đã rõ ràng như thế thì ban chỉ huy lo lắng và nóng ruột là điều tất nhiên rồi. Cánh lính trẻ chúng tôi rỉ tai nhau bàn tán và cũng ra chừng nóng ruột...


Một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, anh Đề, tiểu đoàn trưởng vừa từ ban chỉ huy tiểu đoàn trở về đã bước ngay lại trước võng tôi, anh nói:

- Cậu lên gặp anh Giảng nhận nhiệm vụ của ngày mai và có thể cả ngày kia...

Ngày mai rồi cả ngày kia... là sao? Bụng thì thắc mắc nhưng tôi vẫn phăm phăm bước lên chỗ tham mưu trưởng. Nhiệm vụ gì thế không biết? Đi trinh sát địa hình, đi đào trận địa mới hay vào bản quan hệ điều gì đấy, bởi tôi biết bập bõm đôi câu tiếng Lào... Sao lúc nãy không hỏi anh Đề xem là nhiệm vụ gì. Mà nếu tôi có hỏi thì chắc gì anh Đề đã nói. Tôi vốn rất ngại thăm dò hỏi han kiểu đó, rất dễ bị đánh giá này nọ, dù lòng không hết thắc thỏm... Nhiệm vụ gì nhỉ, có quan trọng hay không? Vẻ mặt anh Đề vẫn bình thường như mọi khi... Tôi mang tâm trạng băn khoăn ấy bước đi... Chẳng có gì phải lo cả, tôi tự nhủ. Dù sao đây cũng là dịp để mình được thử thách, được thể hiện.


Tôi nói thế là bởi tuổi trẻ hồi đó, trước lúc lên đường cầm súng chiến đấu ai mà chẳng hy vọng rằng môi trường quân đội sẽ làm mình trưởng thành, cả tiểu đội thông tin 9 người thì có 7 là đối tượng đảng. Được trở thành đảng viên luôn là ước mơ cháy bỏng của lớp trẻ chúng tôi. Bởi thế mà mọi nhiệm vụ, mọi công việc hàng ngày trong tiểu đội anh nào chậm tay chậm chân xung phong sẽ hết phần ngay. Ví như, anh Quý tiểu đội trưởng vừa bảo sáng mai cần hai người đi lấy củi thì đã ba bốn cánh tay đưa lên. Chiều cần một người đi sửa đường dây thì cũng bốn năm người tranh nhau... Hồi chưa sang đây, lán trại của tiểu đội lúc nào cũng sạch sẽ, có anh thức cả trưa quét tước. Có anh xung phong trực ban chiến đấu hết ca này đến ca khác. Tôi không được nhanh tay nhanh chân như người khác nên thành thử bị coi là phấn đấu chưa tích cực. Vậy thì đây chính là cơ hội chứ gì nữa. Tôi bước những bước mạnh mẽ hơn khi phát hiện ra điều đó.


Chỗ ban chỉ huy cách cánh thông tin chúng tôi chỉ mấy chục bước chân trong một khoảng rừng. Võng anh Giảng, anh Kha chụm đầu vào nhau bên cạnh căn hầm do chúng tôi đào ngay dưới chân các anh. Chính trị viên và tiểu đoàn phó đang theo các mũi thọc sâu, thành thử "ở nhà" ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ còn lại tiểu đoàn trưởng và tham mưu trưởng. Lúc này trong rừng đã nhập nhoạng tối. Không biết tiểu đoàn trưởng Trần Kha đi đâu, trước mắt tôi chỉ còn tham mưu trưởng Trần Giảng. Ánh mắt anh Giảng sáng lên sau tán lá rùm roà cạnh chiếc võng anh đang ngồi. Anh đang chờ tôi... Ánh mắt anh có điều gì đó lạ lắm mà tôi không thể đọc ra được. Cười cợt, thăm dò, kích động hay... Bình thường tôi thấy anh Giảng rất vui vẻ với bộ đội, nhưng lúc đã vào công việc, lúc chỉ huy thì anh rất nghiêm khắc. Anh là một cán bộ chỉ huy thông minh và quyết đoán. Ấy là tôi chỉ nghe mấy anh lính cựu nhận xét thế chứ lính mới như tôi thấy anh thế chỉ biết khâm phục và hơi ngài ngại. Tôi ngại bởi nhiều lúc đang vui anh bỗng nghiêm nét mặt, ánh mắt quắc lên... Lúc này thì anh nhìn như chiếu một luồng sáng thắng vào mắt tôi:

- Cậu ngồi xuống đi.

Anh chỉ cho tôi chỗ ngồi bằng một thân cây gác ngang trên hai chạc ba đối diện.

- Cậu có biết tôi gọi lên vì việc gì không? - Anh hỏi tôi bằng một giọng rất bình thản.

- Dạ... - Tôi lúng túng.

- Tiểu đoàn ta chưa bắn rơi được T28, cậu biết rồi đó... Mà thằng này thì...

Anh Giảng bỏ lửng câu nói khiến tôi càng lúng túng hơn.

- Sang giúp bạn mà kéo pháo về không thì... mất công mất của cậu nhỉ?

Anh Giảng cứ thủng thẳng thế, khiến tôi càng như ngồi trên đống lửa. Rồi bất ngờ anh nói:

- Theo đồng chí, muốn bắn rơi T28 thì ta nên làm thế nào? Hay nói cụ thể hơn là... muốn kéo thằng T28 đến mà nổ súng thì ta nên làm gì?
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 07:33:59 am »

Hai tiếng đồng chí mà anh Giảng vừa nói khiến tôi bỗng nhiên cứng đờ. Tôi ngồi thẳng người chờ đợi một điều gì đó trong không khí trang nghiêm. Chẳng biết lúc đó, trong bóng tối nhập nhoạng trông nét mặt tôi thế nào nhỉ, chắc là căng thẳng lắm, thật quá hồi hộp...


Đoạn đời vào bộ đội của tôi còn ngắn ngủi lắm, chưa có thử thách nào quá nghiêm trọng, chưa có những tình huống gay cấn, chưa gặp những sự thử thách hiểm nguy đến tính mạng. Cũng như bao người khác cùng thời, tuổi trẻ tham gia chiến đấu tôi luôn nghĩ đó là nghĩa vụ đối với Tổ quốc, quê hương. Ra chiến trường tôi đâu nghĩ tới việc sống chết mà lúc đó tâm hồn chỉ ngập tràn những điều cao cả... Ánh mắt, giọng nói của người chỉ huy lúc này bỗng dưng khiến tôi nghĩ tới những điều nghe được từ nhiều người kể lại. Người ta kể rằng, trong chiến đấu, gặp lúc gay cấn phải cần người xung phong nằm vắt qua hàng rào dây thép gai để bộ đội đạp lên lưng mà xông qua cửa mở cũng không được thoái thác. Cần anh xông lên trong làn đạn địch cũng phải chấp hành... Mệnh lệnh chiến đấu thì đừng có đùa. Còn anh Giảng lúc này vẫn cứ đang vòng vo. Anh đang thăm dò tôi, thử thách tôi... Vòng vèo thế nhưng tôi linh cảm rằng cấp trên đang chuẩn bị giao cho tôi một nhiệm vụ nguy hiểm... Mới nghĩ đến thế tôi đã thấy ớn lạnh. Sự hồi hộp khiến tim tôi đập mạnh... Chuyện gì thế nhỉ? Sao anh ấy không nói thẳng ra...


Nheo nheo mắt nhìn tôi một lúc thì anh Giảng nói tiếp:

- Cậu có dám làm người nhử T28 xuống không?

- Báo cáo thủ trưởng... nghĩa là sao ạ?

- Cậu có dám không đã... - Ánh mắt anh Giảng lúc này như nhìn vào tận đáy lòng tôi.

- Dạ, tôi sẵn sàng...

- Chắc không? Nếu còn ngại thì thôi...

Cho mãi tới sau này tôi vẫn không sao quên được kiểu nhìn và kiểu nói đầy vẻ diễu cợt và kích động ấy của anh. Sau này, mãi đến nhiều năm sau tôi mới nghĩ được rằng sao tạo hoá thật khéo đặt bày, cuộc đời một con người đã có một quãng đời tuổi trẻ. Quãng đời tuổi trẻ máu căng ứ trong tim và tràn trề sức lực. Anh Giảng, người cán bộ chỉ huy đã chọc trúng lòng tự ái của tuổi trẻ tôi. Chết thì thôi chứ, sá gì... Biết bao người đã ngã xuống... Sau khi anh nói cụ thể về những việc phải làm, tôi đứng dậy với vẻ nghiêm trang:

- Báo cáo, em sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiệm vụ của tôi nghe qua có vẻ đơn giản. Đó là lúc nào máy bay L19 xuất hiện thì tôi phải cầm một cành cây thật to chạy ra đường, phải chạy làm sao cho bụi cuộn lên thật nhiều cho giống có xe đang chạy trên đường. Có thể phải chạy nhiều lần, chạy cho tới lúc L19 nhào xuống bắn pháo khói chỉ điểm cho máy bay ném bom và T28 xuất hiện mới thôi.


Trên đường trở về chỗ của mình, lúc này tôi mới thấy lo. Tôi sẽ chạy dưới ánh mắt dòm ngó của thằng phi công. Thằng này chỉ có nhiệm vụ bắn pháo khói... Liệu nó có súng gì nữa không nhỉ. Biết đâu... T28 bất thần đến thì sao? Tôi sẽ phải chạy thật nhanh, nếu không sẽ không đủ bụi cho giống như có xe đang chạy, cho nó có bắn cũng khó trúng... Đầu óc quay cuồng, tôi tự đặt ra bao nhiêu tình huống sẽ xảy ra... Bỗng dưng tôi nhớ đến anh trai tôi. Trước lúc vào Quảng Trị anh có về tranh thủ mấy ngày. Mãi tới hôm tôi ra đi vẫn không có tin tức gì của anh. Nghe đâu trong đó ác liệt lắm. Anh tôi liệu có sao không, người ta bảo trong đó là cái cối xay thịt... Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp.


Chúng tôi có chuyện gì thì mẹ tôi chết mất. Nghĩ đến mẹ bỗng dưng tôi ứa nước mắt... Tôi len lén đến võng của mình, thật may mà lúc này trời đã tối hẳn, nếu không chúng nó biết tôi khóc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có một điều lạ là, nếu như mọi hôm mấy đứa kia sẽ nhào tới mà tra khảo xem tôi được giao nhiệm vụ gì, còn hôm nay không thế. Bọn thằng Mão, thằng Vinh đang ngồi thì thầm trao đổi thấy tôi về thì giả bộ tảng lờ. Mặc họ, tôi lần đến võng mắc màn rồi gieo mình xuống.


Có thể đó là một trong những đêm dài nhất của đời tôi. Tôi trằn trọc mong cho trời sáng, hễ chợp mắt một lúc lại giật mình tỉnh dậy. Không biết đã bao lần như thế, rồi cuối cùng tôi cũng giật bắn người khi nghe lao xao tiếng người và tiếng lách cách của súng đạn va nhau. Trong rừng lúc này đã hửng, tôi vùng dậy cuốn tăng võng nhét vào ba lô rồi xuống suối rửa mặt. Trở lên, qua nhà bếp, tôi ghé vào thì đã thấy anh Chiện bếp trưởng dọn sẵn một suất cơm. Cậu ăn trước rồi mà đi. Không hề hỏi rằng tôi đi đâu, giọng anh bình thường như hàng ngày khiến tôi chẳng còn một chút hồi hộp nào như tối qua nữa. Tôi ăn vội vàng ba bát cơm với chút ruốc bông rồi xách súng, khoác máy thông tin đi ra vị trí mà anh Giảng đã dặn. Đó là chỗ bắt đầu của đoạn đường sẽ phơi mình giữa trảng cỏ mà hôm trước đi rải dây tôi đã biết.


Phải nói thêm cho rõ là rừng Trung Lào bằng phẳng lắm. Từ Ma Ha Xay trở xuôi về phía nam lại càng bằng. Theo đường cái, cứ hết một quãng rừng rậm mươi lăm cây số lại gặp một trảng cỏ, rồi tiếp đến là rừng. Các trảng cỏ kế tiếp mênh mông trông như có nhiều sân bỏng đá ghép lại. Bãi cỏ nơi tôi nhận nhiệm vụ nhử máy hay địch như một cánh đồng nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông những rừng cây. Đoạn đường mà tôi phải kéo cành cây để gọi T28 xuống chỉ như một dây cung, nó cắt vát qua cái hình elíp, khoảng hơn năm trăm mét.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 07:34:59 am »

Khi tôi ra đến vị trí thì trời đã sáng rõ. Cuối bãi trống phía bên kia đã thấp thoáng bên bìa rừng một chiếc "ô tô" phủ ngụy trang sơ sài mà ai đó đã chuẩn bị chiều qua. Và ngay cạnh chỗ tôi sẽ ngồi đã có một đống to những cành cây cỡ hai tay nắm rùm roà cành lá. Bóng mấy chú gà rừng biến nhanh vào đâu đó, mấy con sóc nhảy nhoay nhoáy trên những cành cây trên đầu. Mặc chúng, lúc này tôi chỉ chú ý đến nhiệm vụ. Tôi tìm đầu dây mà anh Quý đã kéo ra đây từ chiều qua đấu ngay vào máy. Dây vừa đấu xong, tôi chưa kịp quay thử thì chuông đã đổ giòn. Giọng anh Giảng:

- Nghe rõ không?

- Dạ rõ.

- Cứ nghỉ đi, đừng lo. Lúc nào tớ bảo chạy hẵng chạy, nhớ chưa?

- Em nhớ rồi.

- Nhớ phải đeo cáp vào tai ngay nhé.

- Vâng.

Làm sao mà tôi không nhớ được. Tôi nhớ như in từng lời anh nói từ tối qua. Có gì đâu, bởi tôi thấy việc mình làm quan trọng quá, nó có liên quan đến thành tích, đến uy tín của tiểu đoàn... Và tôi đang cố gắng thể hiện mình... Sau việc này, nếu không có gì xảy ra thì tôi sẽ... Tôi thầm mong cho mọi việc êm xuôi. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lo. Hôm nay L19 có lên không nhỉ, rồi nó có lượn qua đây không. Nó lên thì liệu mình có lừa được nó không... Thôi, không nghĩ nữa... Tôi ngồi vẩn vơ lan man hết chuyện này đến chuyện khác.

- Cậu có nghe không đó? - Giọng anh Giảng vang vang kéo tôi về thực tại. - Nó lên rồi đấy...

- Em nghe rồi... - Tôi bắt đầu hồi hộp.

Rõ ràng tôi đã nghe tiếng è è rất trong của máy bay trinh sát ngoài kia. Tôi vốn ghét loại máy bay này, trông nó chảnh chọe ngoa ngoắt và dai nhách như đỉa. Loại này có thể luồn lách trong khe núi hay bay chậm như treo một chỗ để mà nghiêng ngó. Khi đã phát hiện được điều gì đó nó sẽ bám mãi. Nó tinh lắm, vì nó mà trước đó mấy hôm hai xe chở gạo của ta bị T28 bắn cháy rừng rực ngoài Na Kay.

- Chuẩn bị - Tiếng anh Giảng vang lên rành rọt trong tai nghe.

Tôi đứng dậy khoác khẩu AK chéo qua vai, để nguyên tai nghe trên đầu, hai tay túm đại một cành cây.

- Chạy - Giọng anh Giảng dứt khoát.

Tôi quay người, lột tai nghe đặt xuống bên máy, hai tay quài ra sau lưng túm chặt cành cây rồi cắm cổ lao ra. Nắng non trưa sáng loá trên đầu. Khẩu AK đập vào lưng đau buốt theo mỗi nhịp chạy. Hình như chiếc L19 đang ở trên mé trái trảng cỏ. Hai cánh nó đang trúng triếng lướt đi trên những tán lá. Tôi gò lưng tăng tốc, hai chân guồng mạnh, gió ù ù nổi bên tai. Tiếng những cành lá rùm roà xiết mạnh xuống nền đất. Đã ra giữa đoạn đường, hình như luồng bụi đã bốc cao và trùm kín mít cả tôi và cành cây phía sau. Luồng bụi theo bước chân tôi như một cái lò xo khổng lồ nối suốt từ mé rừng bên này sang mé rừng bên kia. Tới cuối đoạn đường, chỗ có chiếc "ô tô" thì bụi trùm lên phủ kín người, bụi đặc tràn cả vào mồm vào mũi khiến tôi sặc sụa. Tôi thả cành cây bám theo mép rừng lộn trở lại. Phía bên kia trảng cỏ, chiếc L19 đã vòng trở lại, nó nghiêng cánh bay vòng quanh đoạn đường mà tôi vừa chạy qua. Có lẽ luồng bụi đã đập vào mắt thằng phi công.
   Tôi chạy lần hai.
   Tiếp đến là lần ba. Không cần để ý xem chiếc L19 đang ở đâu, tôi như quên hết tất cả, tai ù đặc, mũi miệng thở hồng hộc và mồ hôi túa nhễ nhại trong cái nắng giũa trưa.
   Như cái máy, tôi cầm tiếp một cành cây nữa. Hình như lần này tôi chạy không còn nhanh được nữa, cũng không cần nhìn lên quan sát, hai chân đã nặng chịch. Tôi nghe ù ù bên tai tiếng vo vo xen trong tiếng gió quạt ào ào. Chiếc máy bay đã khép hẹp vòng lượn, hình như vậy... Vo vo o o... lúc này thì tiếng động cơ căng lên như tiếng xát của hai thanh sắt... Bất giác tôi nghiêng đầu. Trời, mắt tôi như chạm phải ánh mắt thằng phi công. Lúc này thì chiếc máy bay đã như con thuyền nhỏ màu xám lướt trên những ngọn cây bên phải chỉ cách tôi mấy chục thước. Anh mắt nó như đang găm vào gáy tôi, hàng số hiệu màu trắng trên thân nó loang loáng sau những tán lá. Tôi thấy ớn lạnh. Chỉ còn cách chiếc "ô tô" mấy bước, lấy hết sức tôi guồng mạnh đôi chân. Chưa kịp buông cành cây thì tiếng máy bay bỗng rít lên như tiếng sáo diều, nó đang lao xuống. Tiếng động cơ lúc này như một mũi khoan khoan thẳng vào màng nhĩ. Ngoắt người lao vào bìa rừng và bất giác tôi ngước mắt nhìn lên. Chiếc L19 lúc này như một mũi tên vun vút lao xuống đến kinh người. "Mũi tên" như cắm vào mặt tôi. Tôi chỉ kịp đổ ập người, đầu nòng khẩu AK cắm phập xuống đất, chiếc báng va mạnh nghe cộc một tiếng trên mũ cối, trời đất, rừng cây đang cuồng đảo.
   Oành. Quả pháo khói nổ cách tôi độ ba bước chân. Nó cắn câu rồi. Một thoáng ý nghĩ, tôi vùng dậy lao vào bìa rừng.
   Trở về vị trí, mồm miệng há ra như con cá mắc cạn, tôi hồi hộp cầm tai nghe đưa lên, tiếng anh Giảng vang vang:
   - Được rồi đấy, về đi.
   Khi tôi tháo máy khoác lên vai chuẩn bị bước thì ngoài kia, khoảng trời phía trên bãi trống đã vang rền tiếng động cơ máy bay ném bom của địch.
   Lúc này thì tôi đã nghe được khẩu lệnh từ các trận địa phục kích quanh bãi trống vang lên rành rọt. "Tất cả bám chiếc đi đầu... bám chiếc đi đầu"...

Hồ Tây, tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2022, 08:15:37 am »

NGÃ BA PHIA HÀ


CÔNG VIỄN
(Ghi theo lời kể của đồng chí Tư Được)


Binh trạm trên cao nguyên Bô-lô-ven phát cho chúng tôi 15 ngày gạo để hành quân về Át-tô-pơ, nhưng nước lũ đã chặn đứng đoàn quân lại ở khu rừng bên kia Mường Mày. Gạo đã không còn một lon mà trời vẫn mưa tầm tã, lũ vẫn gầm gào hùng hổ thúc vào những cây cao lêu đêu rồi hất tung những bộ rễ xù xì chổng trơ lên hai bên bờ suối. Chúng tôi đóng bè để vượt thác, nhưng thác đã cuốn phăng những mảng bè lộn tùng phèo vỡ thành trăm mảnh.


Từ đây về ngã ba biên giới có đi nhanh cũng phải mất 15 ngày (cô giao liên người Lào Lùm bảo vậy). Các kho gạo ở phía tây nam thị xã Mường Mày cũng bị lũ cuốn phăng đi, chúng tôi đành sống bằng môn thục, củ mài, măng le, mễn, cheo cheo... Nghĩa là bằng tất cả những gì hoang dã của rừng...


Tổ "tam chế" do tôi làm tổ trưởng có thêm Tư Trớ và Tám Triêm. Tám Triêm có biệt danh là "vua nói dóc". Nghe hắn ta kể chuyện có thể quên đi cơn đói đang hoành hành ngay tức thì. Hắn đã định lừa ai là người ấy "sập bẫy" liền, kể cả những tay đã phong cho hắn là "vua nói dóc". Hồi mới tập kết ra Thanh Hóa, tôi biểu hắn:

- Tám nè! Trong ngày hôm nay, một ngày thôi, mày dóc mà lừa được tao, tao sẽ mất suất cơm chiều.

Hắn cười cười, ném cho tôi cái nháy mắt như thầm bảo "hãy đợi đấy". Hôm ấy là một ngày mưa Ngâu; mưa dầm dề và là một ngày đói thuốc, miệng cứ nhạt thênh thếch mà căng tin thì chẳng còn một bao thuốc nào. Cơm trưa xong, hắn xin phép tôi cho hắn và Tư Trố đi sang làng bên thăm bạn. Ngồi một mình ở lán, trời vẫn cứ mưa rả rích buồn thảm và một lúc sau thì làng xóm bắt đầu khoác lên mình màu hoàng hôn. Giữa lúc nhớ nhà, nhớ thuốc, tâm hồn tôi chìm vào cái man mác trong bài thơ của Thâm Tâm: "Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng/Bóng chiều không tím không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong". Bỗng thấy Tám Triêm chạy lúp xúp trong mưa qua lán chúng tôi, tôi buột miệng kêu:

- Ê, Tám dóc! Đâu vậy?

Hắn càng chạy nhanh hơn, đầu chui chúi về phía trước, ném lại câu:

- Dóc dách cái gì, thuốc mới về. Tới căng tin kiếm lạng rê.

Tôi quờ vội chiếc áo mưa rồi chạy theo hắn. Tới căng tin, tôi chìa tiền và bảo đồng chí bán hàng:

- Để cho tớ vài lạng thuốc.

Bỗng Tám Triêm từ trong quầy hàng đứng phắt dậy, chỉ tay vào tôi bảo:

- Một không rồi nhá!

Tôi ớ ra và cũng từ đó cả đơn vị không một ai kêu hắn là Tám Triêm mà là "Tám dóc".

Còn Tư Trớ là một tay nhát gan, hắn sợ tất cả những gì do hắn tưởng tượng ra như ma cà rồng chuyên hút máu người để thành tinh, nên có đêm cu cậu tè ra cả quần. Đó là chuyện hồi còn ở miền Bắc. Còn như đêm nay, tổ tôi được phân công đi bắn thú. Đêm hạ huyền, ánh trăng lung linh huyền ảo, chảy mềm mại xuống rừng khộp già nua làm cho đêm Hạ Lào hư hư, thực thực như cõi bồng lai tiên cảnh trong các thiên cổ tích Xu-pha-xít (Chuyện kể dân gian Lào) của các bộ tộc Lào. Đi bắn thú về ban đêm thường chỉ có hai người; một người đội đèn, cầm súng, người kia đeo bồng, mang theo bi đông nước để khi khát thì ực một hơi cho đã và mang xách thú khi người kia hạ được con mồi. Rất ít khi có người thứ ba. Nhưng với tổ tôi thì khác; bởi lẽ, mặc dù Tư Trớ bắn dở ẹc vẫn phải cho hắn theo vì vốn nhát gan không dám ngủ một mình ở nhà, còn tôi và Tám dóc phải thay nhau đội đèn, nếu không khi con thú ăn đèn ta sẽ trông thấy nó có ba bốn mắt. Ba chúng tôi vừa ra khỏi cứ thì gặp ngay con cu li. Đi săn mà gặp cu li thì không tai nọ cũng vạ kia. Tôi điên lên, tương cho cu cậu 2 viên CKC.


Trăng hạ huyền đã khuất bên kia dãy núi mà không gặp một con thú nào ngoài con cu li lúc đầu. Tôi chán ngán đưa đèn trao súng cho Tám dóc. Hắn là tay xạ thủ số 1 của đoàn Phương Đông chúng tôi. Kêu là đoàn Phương Đông bởi lấy sự kiện Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ do Ga-ga-rin lái. Đoàn chúng tôi rời miền Bắc ngày 5 tháng 5 năm 1961, còn lần đi săn này đã là một đêm tháng 10 âm lịch.


Lại chuyện tiếp về Tám dóc. Bất kể một loại thú nào đã ăn đèn của hắn là đều về chầu ông vải, kế cả loài nhím, mắt ti hí và chỉ ăn đèn một mắt, hắn đều xác định được mắt ấy là mắt phải hay mắt trái, chờ cho con thú ăn đèn bằng mắt kia là hắn lấy cự ly bắn vào giữa trán. Vừa trao đèn trao súng cho hắn được dăm bước thì một con cheo cheo ăn đèn. Hắn chơi luôn một phát CKC, con cheo cheo giãy đành đạch. Hắn đủng đỉnh đi tới nhặt thì trời ơi, con cheo cheo chết giấc chứ có ăn đạn của hắn đâu. Con cheo cheo bật dậy lao vào chân hắn, hắn điên lên lấy báng súng giáng luôn. Nhưng trớ trêu thay... con cheo cheo chạy luôn vào rừng còn báng khẩu CKC thì gãy làm đôi. Giữa lúc đang bần thần, tiếc ngẩn tiếc ngơ con thú thì bỗng Tư Trớ kêu toáng lên:

- Ma! Ma ma! Ma... a... a...!

Hai bóng người chạy xéo qua mặt chúng tôi. Tư Trớ cuống cà cuống kê... Tám Triêm chộp ngay khẩu CKC gãy báng rượt theo hai cái bóng, vừa chạy vừa "ra lệnh" cho tôi vòng sang bên phải, Tư Trớ vòng sang trái. Thế là, đùng một cái hắn trở thành "sếp" của tối. Chúng tôi đuổi miết, đuổi miết tới một trảng trống thì một trong hai cai bóng vấp dây rừng ngã chúi về phía trước. Tám Triêm ném khẩu súng cho tôi, ôm chặt lấy cái bóng. Tôi vẫy tay cho Tư Trớ chạy tắt sang bên kia bìa trảng. Hắn lưỡng lự, tôi lên đạn đánh rốp buộc hắn phải thi hành mệnh lệnh. Hai chúng tôi rượt theo cái bóng kia. Chắc nó thấy Tư Tró tay không, không làm gì được nên nó nhảy bổ vào Tư Trớ, cho Tư Trố vài chưởng, nhưng Tư Trớ đã nhanh tay ôm được chân hắn, làm hắn ngã sõng xoài ra đất. Tôi nhảy vào túm được tóc của "con ma". Chưa kịp hỏi han gì thì Tám Triêm đã dong "con ma" kia lại. Trời sáng dần, chúng tôi bứt dây rừng trói hai "con ma". Một "con ma" đực, một "con ma" cái. Quả thực, chúng đúng như những con ma sống, tóc tai rũ rượi, lòa xòa xuống tận thắt lưng, quần áo rách tả tơi, người không ra người, ngợm không ra ngợm. Duy chỉ có ánh mắt là vẫn sáng long lanh, lấp lánh những tia sáng vừa lưu giữ một hoài bão vừa thiêng liêng vừa bí ẩn...


Sợ dây rừng bị đứt, chúng tôi cởi "xanh tuya" xiết chặt tay từng đứa lại. Khi đã yên chí là chúng không tàng hình mà biến đi được, chúng tôi móc bi đông ra vừa uống nước vừa tủm tỉm cười về cái sự trông gà hóa cuốc của Tư Trớ. Bỗng "con ma" đực nhìn xoáy vào cái "xanh tuya" trói "con ma" cái và thi thoảng lại liếc trộm Tám Triêm.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2022, 08:16:20 am »

Chờ cho trời sáng hẳn, trước khi dong hai "con ma" này về cứ, tôi chọc Tám Triêm:

- Tám nè?

- Dạ!
   
- Chuyện cậu bắn dở ẹc có thể cho qua được, nhưng còn chuyện lấy báng súng đập con cheo cheo không chết mà báng súng nát bét thì biết ăn nói với anh em sao đây?

Tám Triêm còn đang tủm tỉm cười thì bỗng "con ma" đực bảo:

- Thì cứ bảo anh Năm Ngàn cạo cho nó chừa cái bệnh dóc dách đi!

Tôi và Tư Trớ gần như bàng hoàng, còn Tám Triêm thì nhảy bổ về phía "con ma", giọng lạc đi:

- Cái gì? Cái gì? Mày... à... cậu vừa nói cái gì?

- Thì khi nào về Mỏ Cày, quê hương của tao và mầy, tao sẽ nói cho nghe!

- Thì ra cậu... cậu... là... là... là...

- Là Phi...

- Trời đất! Mày là Đặng Phi, liên lạc của anh Năm à?

- Chớ sao!

Tám Triêm ôm chầm lấy Phi. Hai đứa lặng đi, nước mắt nhạt nhòa trước sự ngỡ ngàng không chỉ của tôi, Tư Trớ và cả cô gái đang bị trói vào một thân cây bên cạnh...

... Vẫn trong bộ quần áo tơi tả, Đặng Phi tiếp ba chúng tôi bằng một nồi lang luộc ở lán của cậu ta bên kia trảng trống. Trước khi ăn, Tám Triêm giới thiệu quê quán, ngôi thứ của từng người. Tôi là Tư Được - quê Châu Thành; Tư Trớ, Năm Phi và Tám Triêm đều quê ở Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Về tuổi tác, tôi hơn Tám Triêm, Năm Phi nửa con giáp, Tư Trớ ít tuổi hơn cả. Chúng tôi tổ chức cuộc liên hoan kết nghĩa anh em như chuyện kết nghĩa Vườn Đào khi xưa giữa Lưu Bị - Quan Công - Trương Phi thời Tam Quôc bên Tàu. Để khỏi lẫn lộn về ngôi thứ giữa tôi và Tư Trớ, chúng tôi đều kêu là Út Trớ. Mỗi đứa cầm một củ lang luộc thề không bao giờ quên nhau dù ở nơi chân trời góc bể. Sau bữa liên hoan bằng lang luộc, Năm Phi hỏi tôi:

- Anh Tư ơi, vậy kế hoạch Na-va sao rồi?

- Cái gì? Ken-nơ-đi chứ sao lại Na-va?

- Ken-nơ-đi nào? Anh Tư nói gì em không hiểu? Vậy năm nay là năm một nghìn chín trăm bao nhiêu?

Lại còn thế nữa! Nhưng bộ quần áo rách tơi tả mà Năm Phi đang mặc trên người đã giải thích một phần nào câu hỏi về Na-va và năm nào không rõ trong đầu cậu ta. Thì ra cách đây bảy năm, năm 1954, cậu ta, Tám Triêm và cô gái ấy chiến đấu trong tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào: Tiểu đoàn 49. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn thì cũng là lúc chiến trường Tây Nguyên và Nam Lào rực lủa. Tại mặt trận Tây Nguyên do anh Nguyễn Chánh làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đã bổ đôi Tây Nguyên ra làm hai. Tại bắc Tây Nguyên, quân ta giải phóng thị xã Kon Tum và một vùng rộng lớn từ đường 14 hất lên ngã ba biên giới mà bên nước Triệu voi gọi là ngã ba Phia Hà. Tại nam Tây Nguyên, quân ta bí mật qua đường 19 - đoạn từ đèo An Khê tới thị xã Pleiku rồi thiêu cháy Binh đoàn 100 của Pháp ở phía tây nam Pleiku làm cho Đờ-bô-pho (Tư lệnh Tây Nguyên) phải ra lệnh cho cả cao nguyên treo cờ rủ ba ngày đêm thì Tiểu đoàn 49 quân tình nguyện của Năm Phi và Tám Triêm phối hợp với bộ đội của bạn và các Trung đoàn của Tây Nguyên tiến quân đánh thọc vào phòng tuyến của quân Pháp dọc theo biên giới từ Tà-vên-oọc tới Át-tô-pơ. Khi tới khu rừng phía đông nam thị xã Mường Mày thì Năm Phi bị thương không thể tiếp tục truy kích được. Tại khu rừng này lại có kho hàng của quân ta nên Trung đội trưởng Năm Ngàn mới cử cô y tá Diệu Hà ở lại nuôi Năm Phi và trông nom kho hàng. Trên đường theo đơn vị tiến công giải phóng Át-tô-pơ, anh Năm Ngàn đã hy sinh nên cả Tiểu đoàn 49 không ai rõ chuyện Diệu Hà và Năm Phi ở lại khu rừng phía đông nam Mường Mày. Thế là kho hàng và hai đồng chí đã đi vào quên lãng sau khi quân ta hành quân đi tập kết về hai tỉnh của Thượng Lào. Còn Năm Phi và Diệu Hà cứ ngỡ là chiến tranh chưa kết thúc, Na-va vẫn còn ở lại Đông Dương và cứ chờ đơn vị cho người đến đón... Thế rồi chuyện bất ngờ đầy thú vị ấy đã diễn ra trong khu rừng khộp này. Điều rất đáng phâm khục là trong 7 năm ròng rã ấy, hai con người này không đụng đến một hạt gạo, một mảnh vải chất đầy trong kho. Họ tự làm rẫy để nuôi nhau, tự vá víu quần áo của mình để che thân. Đáng trân trọng hơn nữa là, trong một khu rừng vắng vẻ, chỉ một nam và một nũ họ vẫn giữ được sự trong trắng cho nhau. Ngày xưa, nàng Châu Long thay chồng nuôi bạn bằng mấy nén vàng của chồng đưa cho và cũng chỉ nuôi trong năm đã làm cho hết thảy mọi người bái phục. Còn bây giờ, Diệu Hà nuôi Đặng Phi không có vàng có bạc, không nhà không cửa, ở nơi rừng sâu núi đỏ ròng rã 7 năm trời. Tất cả những điều tưởng chừng như vô lý ấy lại là có thực.


Câu chuyện quá khứ tưởng như huyền thoại ấy chẳng những là sức mạnh của hai dân tộc Việt - Lào và mãi mãi là thiên chuyện kể trong Xu-pha-xít của đất nước Triệu voi...

Át-tô-pơ, tháng 8 năm 1961
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2022, 08:17:44 am »

VẮT ÔNG TOẠI


PHAN SỸ QUÁN


Chúng tôi ôm lấy nhau. Lần nào cũng thế, mỗi lần được gặp lại nhau thường thì nước mắt nhiều hơn những nụ cười.

- Thằng Toàn đâu rồi?

- Thằng Trung "cháy" đâu mất rồi hả tụi bay?

Không có câu trả lời. Chỉ có giọt nước mắt loang loáng trong cái nắng vàng nhạt và tiếng nấc nhè nhẹ lan trong gió, trong lênh lênh sóng Hồ Tây khi mùa thu mới chớm len vào từng con phố của Hà Nội.

Vâng! Những người lính quân tình nguyện Việt Nam - những người đã có những năm tháng không ngần ngại, sống hết mình và chiến đấu hết mình vì nước bạn Lào, vì nhân dân Lào cứ thưa dần, thưa dần những bước chân sau mỗi lần gặp gỡ.


Thế đấy. Là ai đi chăng nữa chúng ta cũng không thể cưỡng lại được quy luật của cuộc đời. Cái khó khăn của cuộc sống hình như không phải là sống mà có lẽ nó ở lẽ sống. Lẽ sống được hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng xương máu của mình vì độc lập, tự do vì hoà bình trên đất nước mình và những dân tộc yêu hòa bình đã ngấm trong hàng ngàn người lính Việt Nam ở mọi thời đại.


Giờ đây, chúng ta đang viết tiếp những trang sử mới. Nhưng với tôi thì có lẽ câu chuyện của những ngày hôm qua, cái ngày cách đây mấy mươi năm về trước ấy, khi mà máu và nước mắt của lớp lớp những người lính quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Lào anh em hòa vào nhau trên mỗi thớ đất, mỗi mét hào, còn cào cấu trái tim chúng tôi mãi mãi.


Ấy là tôi muốn nói đến một câu chuyện. Câu chuyện về "Vắt ông Toại".

"Vắt ông Toại" có nghĩa là "Chùa ông Toại".

Ở Ma Ha Xây chỉ dân Lào, dân Phù Thày có chùa, còn dân Xổ không có chùa, thế nhưng dân kháng chiến bản Xổ vẫn gọi nơi ẩn náu bí mật của đội trưởng Hồ Vĩnh Toại là "Chùa ông Toại".

Đằng sau cái tên nghe mơ mơ và tưởng như ly kỳ mà người dân đã gọi ấy là cả một câu chuyện chẳng ảo chút nào đâu bạn ạ.

Thực ra đó là một hang nhỏ chỉ đủ khít cho bốn người nằm, ở phía tây núi Phù Xạng He, cách đồn Hin Xìu, đồn Phá Khống độ dăm cây đuốc "Ca boong" thôi.

Hang ở xa suối, xa đường mòn, trước cửa lúc nào cỏ cũng mươn mướt xanh. Vào những ngày khi mà cái nắng đủ sức xua màn sương nhờ nhờ đi, đứng ở hàm ếch có thể nhìn mây, mây như những đọn khói mỏng tang chảy lên từ nhấp nhô mái nhà sàn dưới chân núi. Con sông Xề Nọi nom như con trăn bạc khổng lồ trườn mình giữa thăm thẳm rừng xanh nhức tầm mắt.


Ở chùa, "sư Toại" được lòng đất, được cây rừng và nhân dân che chở.

Nhưng thú thật, phải mỗi khi hội ý hay hội báo chúng tôi mới gặp được "sư" ở hang. Đôi khi tôi cứ tự vấn mình rằng cái con người mặc áo chàm và thắt ngang bụng cái khăn phá phe, cái khăn mà sau này tôi mới biết là do một cô gái Lào tặng ấy, với nước da tai tái có gì mà dân quý, dân tin yêu đến thế. Và thế là những lần đi công tác, khi phải nghỉ chân ở quãng rừng nào đó vì không vượt được lũ suối, Đội trưởng Toại mới tỉ tê:

- Ban đầu dân vùng này họ sợ cách mạng như đỉa sợ vôi, như con trăn ngửi thấy hơi sắn rừng ấy. "Keo" chỉ dùng để ám chỉ những kẻ xấu xa, thế mà dân lại gọi anh em mình như thế thấy tủi lắm. Ai đời thấy bọn mình họ bỏ chạy hoặc hãn hữu có người ngồi lại, ngồi lại trong hoang hoải và im lặng. Sự im lặng ấy trong hun hút gió mở ra từ trong rừng thông quả là đáng sợ.

Biết là làm cái anh hoạt động địch hậu thì gian khổ. Nhưng gian khổ thì người lính Việt Nam nào chẳng quen. Có lẽ cái cơ cực và đau đớn nhất vẫn là thiếu dân.

Rõ ràng là chẳng phải không có dân. Tuy dân sống không đông đúc nhưng dọc sông Xề Nọi, suối Huội Nhàng có bản Xổ, bản Lào thế mà mình không gần họ được. Hàng rào ngôn ngữ ư? Không hẳn. Phải chăng nó phải là một hàng rào vô hình nào đó mới đủ lớn để chia rẽ những con người trên cùng một trận tuyến. Phải phá vỡ bằng được hàng rào này mới hòng mong cách mạng thắng lợi trên đất Lào và đội trưởng Toại là người tiên phong đi xiên qua hàng rào vô hình ấy.

Đội trưởng Toại lân la đến các rẫy lẻ, ít người. Anh bảo:

- Ở rẫy đông dân, người này nhìn người nọ họ không dám tiếp xúc. Còn các rẫy ít người mà lại đều là người nhà nên họ tin nhau, không sợ lộ ra ngoài, nên phải đi như thế.

Anh Toại nghiện thuốc rê, môi thâm như cà muối nổi nước, nhưng anh lại có nụ cười lành như hoa đại ngậm sương. Anh xoá tan sự ngờ vực, sự sợ hãi của dân bản trước tiên có lẽ ở nụ cười thân thiện của mình.

Toại len men đến với họ bằng tấm chân tình và đáp lại tấm chân tình mà bao tháng ngày miệt mài, họ đã đồng ý cho anh ở lại phát rẫy, dọn cây. "Cưa lâu lim đổ", Toại đã nhen nhóm khêu lên ngọn lửa kháng chiến từ các rẫy lẻ. Ngọn lửa âm ỉ lan dần vào những nơi đông dân hơn.

Rồi một ngày đáng nhớ đã đến với đội trưởng Toại.

Chiếc mâm đan bằng mây đặt giữa sàn nhà trên đó để gạo và mấy quả trứng gà, một con gà luộc, một chai rượu, một cái bát. Đặc biệt có cây phướn cắm trên gạo nếp treo lủng lẳng tờ bạc giấy. Trên "hoa phướn" đặt một nắm chỉ trắng, sợi dài hơn gang tay.

- Dợc! D..ơ. ơ..c.

Giọng già bản bỏng rát vắt ra từ cổ họng da đã chảy thành lớp, làm cho gian nhà đang ồn ào bỗng im bặt.

Ba anh em chúng tôi và đội trưởng Toại ngồi một bên, vòng quanh mâm lễ. Bàn tay chúng tôi ấm lên trên vành mâm. Chiếc mâm cứ dày lên những bàn tay. Chúng tôi hạnh phúc tột cùng khi thấy tim mình ấm trên mỗi nhịp của người dân và bát rượu hôm ấy đã làm nhoà đi khoảng cách hôm nào.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM