Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:51:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên dãy Trường Sơn  (Đọc 4079 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 07:33:59 am »

- Tên sách: Bên dãy Trường Sơn
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
- Năm xuất bản: 2009
- Người số hóa: giangtvx, vnmilitaryhistory


LỜI TỰA


Mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân cách mạng Cam-pu-chia, quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương đã lần lượt đánh thắng các kẻ thù xâm lược và xây dựng nền độc lập của các dân tộc. Những năm tháng sát cánh kề vai cùng chung chiến hào đó đã để lại biết bao kỷ niệm sâu sắc thấm đẫm tình nghĩa thủy chung và những kinh nghiệm chiến đấu không thể nào phai mờ trong tâm trí mỗi chúng ta.


Tình bạn chiến đấu, tình nghĩa anh em đó cần phải được lưu giữ mãi mãi như là biểu tượng của tình đoàn kết thủy chung gắn bó giữa ba dân tộc, là di sản tinh thần quý giá để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, như Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của chúng ta hằng mong muốn.


Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị phát động Cuộc vận động "Viết kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia" và tổ chức trại "Viết kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào" năm 2009. Thông qua cuộc vận động này, sẽ có nhiều tư liệu nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng tham gia công tác, chiến đấu giúp bạn.


Do nhu cầu thưởng thức văn học của bộ đội, nhu cầu tự thân phản ánh cuộc sống chiến đấu của đồng đội và chính mình, trong quân đội ta từ trong các cuộc kháng chiến, đã xuất hiện đội ngũ những người viết, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa cầm bút ghi lại những hiện thực nóng bỏng không khí chiến trường và hơi thở nhịp sống của người chiến sĩ. Phong trào viết kỷ niệm sâu sắc trong quân đội ra đời và đã trở thành nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học của mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Nhiều chuyện kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội đã làm lay động lòng người về tính chân thật và nghệ thuật thể hiện, đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn học Việt Nam, đặc biệt là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trong đó, nhiều tác phẩm về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã đoạt giải thưởng lớn của Nhà nước và Quân đội, sẽ còn sống mãi với thời gian.


Tổ chức phát động cuộc vận động và trại viết đầu tiên ở Hà Nội, nhằm tạo ra một phong trào viết kỷ niệm sâu sắc mà chủ đề tập trung vào cuộc chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến vừa qua, với chất lượng nội dung và nghệ thuật thể hiện cao hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của bộ đội và nhân dân trong thời kỳ mới, lấy đó làm động lực cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để xây dựng đất nước giàu mạnh, hòa bình, ấm no và hạnh phúc; đồng thời ghi lại cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm, đức hy sinh quên mình vì nhân dân hai nước; khai thác những kinh nghiệm chiến đấu bổ sung vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và của nước bạn Lào.


Các tác phẩm trong tập sách này gồm đủ ba thời kỳ giúp bạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và thời kỳ xây dựng đất nước. Những bài viết phản ánh toàn diện trên các mặt công tác. Người đọc nhận ra rằng tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tình đoàn kết đặc biệt, được xây đắp bằng xương, bằng máu của hai dân tộc, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Và đây cũng là món quà quý để kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (30-10-1949 - 30-10-2009); đó cũng là một hành động thiết thực hường ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".


Tuy nhiên, do điều kiện thời gian tổ chức trại viết ngắn, các cây bút hầu hết là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Lào, chưa có kinh nghiệm viết kỷ niệm sâu sắc, do vậy chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Mong bạn đọc phê bình và góp ý.


Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

CỤC TUYÊN HUẤN - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 07:35:25 am »

BÁC HỒ ĐÓN KHÁCH LÀO


HỒ ĐỨC LIÊN


Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta luôn chú trọng đến công tác đối ngoại, từ lời nói đến hành động của Người luôn thể hiện tình cảm thân thiết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước anh em, bè bạn năm châu. Vinh dự được làm người phiên dịch cho Bác Hồ trong dịp đón khách nước bạn, tôi có dịp hiểu thêm về Người, cũng như hiểu thêm rất nhiều về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào. Ấn tượng trong buổi gặp gỡ mãi mãi không xóa mờ trong tâm trí tôi cũng như trong lòng tất cả những người có mặt hôm đó.


Tháng 4 năm 1962, mười ba nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu mời Đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ liên hiệp Lào sang thăm hữu nghị. Đoàn đại biểu này do Nhà Vua Lào Xa-vàng Vắt-tha-na làm Trưởng đoàn, đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít làm Phó đoàn. Hành trình của đoàn là sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa, chặng đường cuối cùng trước khi về nước sẽ dừng lại thăm Việt Nam. Chuyến thăm này xuất phát từ lời mời nhiệt thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là để thực hiện mục tiêu bắt tay với các nước anh em theo như công tác đối ngoại của chúng ta khi đó. Tôi vinh dự được chọn làm người phiên dịch khi Bác tiếp đón đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp Lào.


Đúng theo kế hoạch, chúng ta tiếp đón đoàn đại biểu Chính phủ liên hiệp Lào tại Hà Nội. Khi đoàn từ Trung Quốc về đến Phủ Chủ tịch, Bác ra đón đoàn bằng cách chắp hai tay như nghi lễ chào hỏi của nước Lào. Bác nói:

- Xăm bai đi (Xin chào).

Trưởng đoàn - Nhà Vua cùng các thành viên trong đoàn bạn cũng chắp tay chào:

- Xăm bai đi.

Bác trả lời:

- Khọn chay (Cảm ơn).

Sau đó Bác mời đoàn vào phòng khách. Khi Bác đứng dậy trò chuyện, tôi phiên dịch cho đoàn biết về câu nói của Bác:

- Đoàn đi công tác về tới Việt Nam coi như đã về tới nhà. Xin đoàn cứ nghỉ ngơi tự nhiên, thoải mái như ở nhà mình ở nước Lào vậy.

Từ câu nói này của Bác, không khí trở nên thân mật, ấm cúng hơn. Cuối bài phát biểu, Bác ngừng lại một chút rồi thong thả nói:

- Tôi xin phép mọi người trong đoàn, cho phép tôi nhân danh một lão thành cộng sản xin được ôm hôn đức Vua.

Tôi dịch xong, cả hội trường vang dội tiếng vỗ tay; Bác và Nhà Vua quàng tay, ôm hôn thắm thiết. Hội trường lặng đi trong cử chỉ tôn vinh tình đoàn kết này. Tôi cũng xúc động trước cử chỉ của vị Cha già dân tộc kính yêu của chúng ta.


Sau bữa tiệc chiêu đãi, đoàn được xem biểu diễn văn nghệ. Theo chỉ đạo từ trước của Bác, chương trình văn nghệ diễn ra trong một tiếng rưỡi ấy có đến một phần ba là những tiết mục ca múa nhạc của nước Lào. Những điệu múa Lào rất uyển chuyển, nhịp nhàng theo lời ca êm ái, mượt mà... Trong tâm trạng phấn chấn, Vua Lào và Bác ngồi trò chuyện với nhau về các vấn đề trong nước và thế giới hết sức thân mật. Sau khi xem biểu diễn, Bác mời đoàn ăn tối. Tôi dịch lại ý của Bác cho đoàn nghe:


Biết tin có đoàn nước Lào đến thăm Việt Nam, đồng bào Tây Bắc tổ chức đi săn được một con nai. Vì thế, tối nay mời đoàn ăn phở thịt nai.

Nhưng người trong đoàn nghe thế, đều hiểu rằng nhân dân Việt Nam rất yêu quý và vui mừng khi biết tin đoàn đại biểu nước bạn đến thăm nước ta.

Tôi từng có một thời gian dài chiến đấu bên nước bạn Lào nên hiểu rõ về cách ăn uống của bạn. Vì thế tôi vào bếp bảo cô chiêu đãi viên lấy ớt cho các bàn, vì khẩu vị của người Lào là ăn món gì cũng khá cay. Tôi không quên dặn thêm các cô mang thìa và nĩa, vì có thể bên nước bạn không dùng đũa. Thấy tôi chú ý đến từng chi tiết nhỏ, Bác mỉm cười nhìn tôi hài lòng. Riêng đức Vua Lào thì dùng đũa giống như Bác để ăn phở.


Sau khi ăn, nhân viên lễ tân bưng cà phê đen và cà phê sữa ra. Bác cẩn thận nhắc các cô mang thêm nước đun sôi để nguội cho khách. Trước khi chào từ biệt để đoàn nước bạn nghỉ ngơi, Bác bắt tay đức Vua và chúc:

- Non đi! (Chúc ngủ ngon!).

Sáng hôm sau đoàn đi tham quan Trường đại học Bách khoa. Trường đã huy động khoảng năm nghìn sinh viên cầm cờ nước Lào và cò Việt Nam vẫy chào đoàn ngay từ ngoài cổng vào đến trong trường. Đồng chí Phạm Văn Đồng hướng dẫn đức Vua và các vị khách trong đoàn vào thăm, ban giám hiệu, các phòng học, ký túc xá sinh viên. Còn Bác Hồ thì ngồi xuống bãi cỏ ở ngoài sân. Thấy thế, các sinh viên ùa ra, sung sướng quây tròn xung quanh Bác, từng nhóm, từng nhóm rất đông. Bác trò chuyện, hỏi han đời sống, nơi ăn nghỉ, học hành, quê hương của từng cháu hết sức thân mật. Sinh viên cũng líu lo kể cho Bác nghe thật kỹ và mọi người đều cố gắng đến ngồi thật gần Bác. Khi đức Vua và đoàn đi ra sân, thấy Bác ngồi cùng sinh viên ngoài bãi cỏ, ngạc nhiên, một thành viên trong đoàn nói với tôi:

- Thường thì Nhà Vua đi tới đâu nhân dân phải đón rước long trọng, tưng bừng. "Vua" Việt Nam giản đơn và dễ gần gũi thật đấy! Không biết đến khi nào thì nhân dân Lào được vinh dự đón "Nhà Vua" Việt Nam sang thăm, chúng tôi mong lắm!

Nhân dịp này, ta cũng mời Đoàn bóng đá thanh niên Lào sang thi đấu hữu nghị. Song máy bay đưa đoàn sang Việt Nam bị trục trặc, kim sa bàn bị hỏng, mất phương hướng đường bay trong lúc chỉ còn hai mươi lăm phút nữa thì hạ cánh tại sân bay Gia Lâm. Cứ mười phút Bác lại điện thoại cho đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh phòng không - không quân hỏi thăm máy bay của Lào đã hạ cánh chưa. Đồng chí Phùng Thế Tài báo cáo với Bác rằng đã cho hai máy bay phản lực Micl7 đi đón. Thật may vì máy bay ta đã gặp được máy bay chở đoàn bóng đá cách xa biển Hải Phòng hơn hai trăm dặm, sau đó ta hướng dẫn máy bay đoàn bóng đá Lào hạ cánh tại sân bay Gia Lâm khi dầu máy bay chỉ còn đủ để bay thêm chừng mười lăm phút nữa.


Sáng hôm sau, Bác mặc bộ quần áo ka ki, đi dép cao su, đi xe pốp-pê-đa cũ đến gặp đoàn bóng đá Lào tại Phủ Chủ tịch. Khi Bác vào phòng, mọi người đều đứng dậy vỗ tay chào, Bác liền ra hiệu cho ngồi xuống và bảo:

- Cháu nào trẻ tuổi nhất trong đoàn thì lại ngồi gần Bác.

Anh trưởng đoàn bóng đá Lào thưa với Bác:

- Thưa Bác, Thao-khăm-pheng mười tám tuổi là trẻ nhất so với anh em trong đoàn ạ!

Khăm-pheng được đến gần Bác, liền chắp tay chào vàt rơm rớm nước mắt xúc động. Bác hỏi:

- Tại sao cháu lại khóc?

- Báo cáo Bác, cháu được gặp và ngồi gần Bác, cháu nhớ bố già của cháu vừa mới qua đời.

Bác liền an ủi Khăm-pheng và nói với cả đoàn:

- Bác được đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh phòng không - không quân báo cáo là máy bay của đoàn các cháu trục trặc kỹ thuật không xuống sân bay Việt Nam đúng giờ được nên Bác rất lo. Cho đến khi đồng chí Tài báo cáo lại rằng máy bay đã xuống sân bay Gia Lâm an toàn khi chỉ còn đủ dầu để bay mười lăm phút, Bác mới thở phào nhẹ nhõm. Ngày mai các cháu sẽ thi đấu với đội bóng đá Việt Nam. Bác sẽ đến xem, các cháu cố gắng chơi thật hay nhé!


Trưởng đoàn bóng đá Lào hứa với Bác rằng sẽ cố gắng đá thật tốt, được - thua - thắng - bại không quan trọng. Bác cười:

- Như thế, trận đấu hữu nghị ngày mai nhất định là hay rồi!

Cả hội trường vỗ tay hồi lâu. Lúc chia tay, các cháu thanh niên đội bóng đá Lào đều đến chạm tay vào bộ quần áo ka ki của bác, ngắm "Vua" nước Việt Nam đi dép cao su, trở về trên chiếc xe pốp-pê-đa cũ, trong lòng vô cùng lưu luyến. Mọi người xúm lại hỏi Khăm-pheng - người may mắn được ngồi cạnh Bác về cảm tưởng của cậu. Khăm-pheng trả lời:

- Tôi cảm thấy như đang ngồi bên cạnh bố tôi khi bố còn sống. Đó là cảm giác vui sướng khi ngồi cạnh người thân thiết ruột thịt của mình.

Như dự đoán trước của Bác, trận đấu bóng đá diễn ra rất hấp dẫn, hai đội chơi rất đẹp, rất hay và kết thúc với tỷ số hòa 1:1.

Đoàn Đại biểu Chính phủ liên hiệp Lào kết thúc cuộc viếng thăm hữu nghị 13 nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu với kết quả tốt đẹp. Chuyến đi đã dừng lại tại nước Việt Nam. Không giống như một chuyến đi thăm thông thường nữa bởi với nước bạn Lào, bầu không khí ấm áp, thân thiết ấy gây cho họ cảm giác trở về với gia đình mình, ai nấy đều hết sức phấn khởi và vui vẻ. Về tới Thủ đô Viêng Chăn, đức Vua - trưởng đoàn vẫn không nguôi nhớ tới tình cảm chân thành của người Việt Nam khi đón tiếp đoàn nước bạn. Kết luận cuối cùng của Nhà Vua đã thể hiện rõ sự hài lòng của ngài về tình cảm hai nước: Chừng nào Cụ Hồ Chí Minh còn, nhân dân Việt Nam còn thì tình đoàn kết Việt - Lào mãi mãi còn son sắt.


Công tác đối ngoại của quốc gia luôn rất quan trọng, bài học này tuy Bác không trực tiếp dạy cho tôi, nhưng sau lần được đi phiên dịch ấy, tôi thấy mình trưởng thành và hiểu biết thêm rất nhiều điều về cách ứng xử với nước bạn. Tình cảm của những người trong đoàn nước Lào hôm ấy cũng xuất phát từ những ấn tượng tốt đẹp mà Bác Hồ kính yêu và nhân dân Việt Nam đã dành cho họ trong những giờ khắc họ đến thăm.


Đã hơn bốn chục năm trôi qua, vị cha già của dân tộc đã yên giấc ngàn thu nhưng nhớ về Người, tôi vẫn không nguôi nhớ tới kỷ niệm với Người và đoàn công tác Nhà nước Lào năm ấy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2022, 08:21:13 am »

CÁNH VÕNG NGHĨA TÌNH


CÔNG VIỄN
(Ghi theo lời kể của đồng chí Ngô Nẹp)


Tôi bảo bác sĩ Lạng: "Cứ mổ bụng noọng ra, chuyện nhân đức có chi mà ngại?". Nhưng Lạng rùng mình, đôi mắt lạc đi như mắt người vô hồn, tay run run làm cho con dao sáng loáng rơi đánh choang xuống chiếc đĩa đựng bông băng đã thấm cồn 90 độ. Lúc đó, hiển hiện hình ảnh một thiếu nữ người Mông với nước da mịn màng, đôi vai nở nang vuốt xuống cái eo lưng và đôi chân thon thả chạy lon ton trên chiếc cầu độc mộc vắt qua con suối nước cuồn cuộn chảy năm nào...


Ngày ấy, đơn vị bộ đội quân tình nguyện Việt Nam giúp các bạn Lào nhận nhiệm vụ từ Cánh Đồng Chum bí mật luồn rừng giữa mùa mưa của Thượng Lào vào khu địch hậu phía đông Viêng Chăn xây dựng căn cứ du kích để đón thời cơ giải phóng Viêng Chăn sau này. Chúng tôi xuất phát đêm 25 tháng 6 năm 1966 từ Khang Khay, với lời giao nhiệm vụ của Thủ trưởng Bình Sơn trước khi lên đường: "Vào khu rừng phía Đông Viêng Chăn ấy, các đồng chí phải hoàn toàn tự túc. Khi chưa nắm được dân, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào sự hoang dã của rừng. Tuy nhiên, sự hoang dã ấy không phải là vô tận, nên phải dựa vào dân. Dựa vào dân không chỉ là bát gạo, trái bắp mà cái chính, cái vô tận là lòng dân...


Ai đã từng dọc ngang đất nước Triệu Voi đều biết sự khác nhau như ngày và đêm, như mưa và nắng, như ao và biển giữa rừng Trung Lào và rừng Thượng Lào. Nếu ở Trung Lào là những cánh rừng khộp trông thấy sự mênh mang, cây cối thưa thớt, trầm mặc thì rừng ở Thượng Lào là mịt mù dây rợ, gai góc chằng chịt. Do phải giữ bí mật nên trên đường đi chúng tôi chẳng những không được phát cây để mở đường mà còn không "bẻ cỏ" nên phải dắt tay nhau mà luồn rừng, nếu không là lạc. Mà đã lạc là sẽ nằm lại mãi mãi với rừng, với tiếng của hang động, tiếng cót két của cây rừng... Cũng vì phải luồn rừng như thế nên gai góc xé nát quần áo trên người. Các loại vắt: vắt xanh vắt vàng, vắt bò vắt nhay, vắt ngỗ ngược, vắt âm thầm đều "xây căn cứ" vào nách, vào bẹn, vào mang tai... làm cho chúng tôi ngứa ngáy, bực bội. Tất cả những gì vướng vất như nồi quân dụng kềnh càng đều lẳng đi hết. Khi xuất phát từ Khang Khai, mỗi người chỉ khoác được 15 ngày gạo. Bởi lẽ, gạo nuôi ta sống, nhưng sống để đánh giặc thì phải có súng ống, đạn dược và khí tài nữa chứ. Do mưa tầm tã suốt ngày lẫn đêm và gai góc cứa nát tất cả những gì trên người chúng tôi nên đến ngày thứ năm, thứ sáu gạo mang theo đã mốc xanh rồi biến thành màu đen như "cứt chó". Mặc dù vậy, gạo vẫn là gạo nên vẫn còn ăn được. Đến ngày thứ mười, đồng chí dẫn đường người Lào là Lườm A-pú trèo lên cây cao lêu đêu trên một đỉnh đồi rồi tụt xuống bảo: "Chúng mày ơi, vẫn còn ở phía tây nam Long Chẹng, phải trên 20 ngày nữa mới tới nơi!".


Thế là 5 ngày gạo phải chia ra cho 20 ngày. Khi ấy thì mười người như chục, ai cũng ngong ngóng "miếng cứt chó" của anh nuôi. Nhưng rồi "cứt chó" cũng chẳng còn, chúng tôi phải sống bằng măng rừng. Tuy nhiên, măng chỉ là "gia vị", chứ càng ăn càng rão, anh nào anh nấy đều hốc hác, mắt sâu hoắm, chân tay bủn rủn. Tôi trông bác sĩ Lạng thấy anh đến là thảm hại, vừa thương anh vừa bật cười về cái trán dô ra, cái má hóp lại của anh, nhưng không dám cười sợ anh mủi lòng. Có biết đâu, cả tôi, cả các đồng chí khác, té ra cả đoàn đều như vậy!


Trời vẫn cứ mưa như trút. Bỗng một đêm qua trảng trống, chúng tôi trông thấy một ngôi sao nhấp nháy, sáng lung linh và thấp lè tè tưởng chừng như với được. Ai cũng mừng thầm, sớm mai sẽ có nắng. Thủ trưởng Khoa bảo: "Ngày mai có nắng, ta sẽ nghỉ chân để trút đi sự hôi hám trong người". Chúng tôi chưa kịp mừng thì anh bạn Lào dẫn đường bảo: "Một sao - ao nước. Chúng mày chớ có mừng vội!". Lời "tiên đoán" của Lườm A-pú quả không sai. Mới tang tảng sáng gió đã mang theo mưa, ầm ầm đổ xuống núi rừng, quật gãy răng rắc các loại cây, trời tối mịt mùng, đen đặc như trong hũ. Hết thảy mọi người trong đoàn đều ướt sườn sượt. Mặt đất bỗng chốc chìm nghỉm trong nước. Chúng tôi đều phải chạy bì bõm lên các mô đất cao, ngồi ôm gối thu lu, run lẩy bẩy. Chúng tôi cứ ngồi thi gan với trời đất như vậy cho đến lưng lửng chiều thì bỗng thấy một bóng người lum khom bên kia bờ trảng. Cái bóng cứ thấp thoáng lúc có, lúc không. Mưa đã ngớt, mây đen dắt díu nhau trôi lan man về phía chân trời, ánh nắng yếu ớt đong đưa trên những đọt cây ngậm nước. Chúng tôi phân công cho mấy đồng chí cầm súng ra bìa rừng xung quanh trảng để cảnh giới và mấy anh hì hục đào củ mài ngay bên bờ suối, còn tất cả đều cởi quần áo, hay nói đúng hơn là những bộ đồ đã rách tươm tả vắt cho kiệt nước rồi hong lên những tảng đá ở giữa trảng tròn. Chúng tôi gạt nước mắt khi trông thấy thân hình tiều tụy của nhau rồi kiếm củi đem xuống suối rửa, đoạn đốt lên mướng củ mài. Một điều hết sức vô lý, tưởng là ngu ngốc nhưng lại hợp lý là, với củi khô ở Thượng Lào, trước khi đun phải đem rửa kỹ củi mới bắt lửa* (Củi bị mối đắp đầy đất bên ngoài nên nếu không rửa sạch đất thì không thể mồi lửa được). Đó là điều hết sức lạ lùng. Nhưng sự lạ lùng ấy vẫn chưa sánh kịp sự kỳ lạ là trong cùng một lúc, cùng một nơi lại có tới bốn hướng gió** (Vùng này có nhiều hang động dưới mặt đất, thường hút gió tạo thành vòng xoáy 4 hướng), làm cho củ mài không sao chín được. Sự kỳ lạ này đã giúp chúng tôi vợi đi sự thiếu thốn về vật chất, bù vào đó là sự từng trải của chí làm trai. Bỗng những câu thơ: Làm trai sống ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông của Nguyễn Công Trứ hoặc: Làm trai cho đáng nên trai / Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng cứ chảy rần rần trong máu chúng tôi. Chúng tôi thấy tự hào vì ít nhất bản thân mình cũng sống có ý nghĩa, chép miệng xem thường những hạng người ru rú bên váy vợ hoặc: An góc bếp / Chết góc chạn...


Chúng tôi mỗi đứa cầm một khúc củ mài còn sường sượng, đen thui lủi chùi vào ống quần rách bươm bả, nhai nhồm nhoàm, trông nhau cười ré lên thì bỗng thấy mấy bóng người lại thập thò nơi bìa trảng. Chúng tôi bàn nhau rồi quyết định cử anh bạn Lào bí mật vòng ra phía sau những cái bóng kia xem sao. Thủ trưởng Khoa và chính trị viên Thu phân công cho từng tiểu đội chiếm lĩnh các gò cao sẵn sàng chiến đấu.


Chúng tôi chưa kịp triển khai đội hình thì anh bạn người Lào đã huơ tay, nhảy tâng tâng dẫn một đoàn người đi theo tiến về phía chúng tôi. Đi sau Lườm A-pú là một ông già quắc thước, bắp chân, bắp tay và lồng ngực se lại như một võ sĩ, trông ông na ná như những pho tượng đá trong những hang động Ma-hả-xay của người Lào. Chắc đó là già làng. Sau ông già là những thanh niên và thiếu nữ của một bản người Mông gần đó. Lườm A-pú bảo với tôi: "Đây là dân của bản Phù Vinh ra đón chúng mày do noọng này trông thấy chúng mày đầu tiên rồi chạy về báo cho người già". Lườm A-pú vỗ vào vai người thiếu nữ ấy. Noọng cười cười, bẽn lẽn liếc trộm từng đứa chúng tôi, còn dân bản thì xì xào với nhau. Chắc bà con thấy thân hình còm cõi của chúng tôi nên hết thảy đều sụt sịt, nước mắt lưng tròng. Giây phút thiêng liêng ấy đã hòa chúng tôi vào dân bản.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2022, 08:21:48 am »

Trời tạnh hẳn, bà con dỡ cơm từ những cái bọc mang theo cho chúng tôi ăn. Ăn đến đâu khỏe ra đến đó. Chúng tôi bốc cơm chấm muối, cơm mới đưa vào miệng đã trôi tuột xuống họng. Trong đời mình, đây là bữa cơm ngon nhất. Do nhịn đói lâu ngày, bụng anh nào anh nấy đã căng căng mà ánh mắt vẫn thòm thèm nên đồng chí chỉ huy phải liếc mắt ra hiệu cho chúng tôi dừng bốc. Tuy nhiên, đối với một số anh em, cái liếc của thủ trưởng đã quá muộn màng. Tôi là một trong số anh em ấy, cung do ăn quá no nên bụng cứ anh ách không sao đeo ba lô và khí tài được. Hồi còn nhỏ, mẹ tôi bảo khổ nhất là ăn quá no, bây giờ mới thấy thấm. Những đồng chí ăn quá no như tôi đều được bà con đeo ba lô, khí tài cho. Riêng tôi, không rõ là người còm cõi nhất hay là trẻ nhất mà người thiếu nữ kia giành phần ba lô của tôi đầu tiên. Hồi ở chiến khu Khang Khai, tôi đã biết võ vẽ tiếng Lào, kể cả tiếng Mông nên trên đường đi về bản, tôi hỏi người thiếu nữ: "Tên em là gì?". Em còn đang ngượng ngùng thì Lườm A-pú bảo: "Nó là Y-cơ, con gái của Dông Câu - Huyện ủy viên Nhọt Ngừm này đấy.


Năm ấy, Y-cơ chừng 14, 15 tuổi. Em hồn nhiên, cái miệng không hát thì cười, vừa đi đôi tay vừa vung vẩy như người đang múa, đôi chân chạy long tong. Mỗi lần qua cầu độc mộc là em chạy sang trước, đặt ba lô xuống rồi lon ton chạy sang dắt tôi qua cầu. Qua cầu rồi, trông dáng điệu anh Lạng cao lêu đêu, lò dò qua cầu là em bụm miệng cười rồi chạy đánh vút như con sóc sang bên kia dắt tay anh Lạng cùng sang. Chúng tôi cứ đi vui vui như vậy, chả mấy chốc đã tới bản của Y-cơ.


Đoàn chúng tôi nghỉ lại bản Phù Vinh của Y-cơ mươi ngày cho lại sức. Bản nằm chênh vênh trên một trái núi đá. Người Mông không ở nhà sàn như một số dân tộc khác. Nhà của họ được dựng ngay bên sườn núi hết sức sơ sài, gần như tuềnh toàng nhưng đầy gió và trăng sao về mùa khô, hương hoa về mùa mưa. Mới chỉ có mươi ngày được dân nuôi bằng khoai, bằng bắp với thịt nai, thịt hoẵng mà chúng tôi anh nào anh nấy đều béo phị má, da hồng, tóc mượt. Nhưng cũng có những anh, sau cái dáng bảnh trai giả tạo ấy là mở đầu cho những cơn sốt rét li bì, trong đó có tôi. Kinh nghiệm những năm tháng ở chiến khu Sầm Nưa, một chiều nọ, bốc nắm ngô đưa lên miệng mới nhệu nhạo đã tuột xuống cổ họng, ngòn ngọt như mía lùi và tiếp theo đó là cái rùng mình rồi cơn nóng ở đâu ập lại. Toàn thân như lửa đốt, chả biết mặt mũi như thế nào chứ chân tay thì đỏ rần rần và cơn ngứa từ gan ruột kéo ra. Mới xoa xoa được mấy cái thì bỗng da dẻ biến từ màu hồng sang trắng bệch, rồi thâm thẩm như da giun chết. Cái rét quật đổ tôi trong chốc lát. Tôi cứ sốt li bì như vậy hết ngày nọ sang ngày kia nên đơn vị phải gửi tôi lại gia đình Y-cơ. Bác sĩ Lạng để lại cho tôi một lọ thuốc quynin. Tôi vốc từng vốc đưa lên miệng, nhưng cơ thể đã nhờn thuốc. Chắc thân hình tôi lúc ấy hốc hác lắm nên Y-cơ cứ khóc lươi rươi mỗi lần tôi lên cơn sốt. Thế rồi già làng dẫn Y-cơ vào rừng, chỉ cho các loại cây chữa sốt rét, Y-cơ mang về nấu cho tôi uống. Chẳng biết các vị thuốc ấy là loại cây gì, khi uống không đắng như quynin mà ngòn ngọt, chua chua và thum thủm. Cứ uống đều đặn mỗi ngày ba bát dăm ngày sau thì tỉnh tỉnh, ăn được mấy thìa cháo. Thấy thế, Y-cơ vừa múa, vừa hát, vừa làm trò để khích lệ tôi. Lúc đầu tay tôi còn run lắm, không thể cầm được thìa, Y-cơ phải bón cho tôi. Mỗi lần tôi "ực" được thìa cháo là em cười như nắc nẻ, rồi lại múa, lại hát để tiếp tục bón cho tôi...


Quả là thuốc tiên. Một lần tôi hỏi Y-cơ: "Hàng trăm thứ lá trên rừng, em biết lá nào là lá thuốc?". Y-cơ liếc xéo tôi một cái rồi bảo: "Em phải bí mật ngồi dưới một hốc cây, chờ cho mặt trời gần lặn thì những con khỉ mẹ mới bồng con ra hái lá những cây tầm gửi, nó nhai nhai rồi đắp vào lỗ đít của con nó. Thế là em trèo lên hái cành tầm gửi đó đem về nấu nước cho anh uống". Tôi bịt miệng cười. Chắc em đoán được tôi cười gì, nên đấm vào vai tôi, má đỏ ửng, lon ton chạy xuống bếp.


Một tháng sau, đơn vị cho bác sĩ Lạng về đón tôi lên khu căn cứ. Anh Lạng bàn với tôi nên có một vật gì để lại làm kỷ niệm cho Y-cơ. Ngẫm nghĩ hồi lâu tôi bảo: "Trong thời gian em được Y-cơ nuôi dưỡng, cải tử hoàn sinh, em thấy Y-cơ rất thích cái võng. Y-cơ đã bứt dây rừng nằm đu đưa trên ấy. Nhiều lần Y-cơ cứ liếc trộm cái võng của em. Nhưng nếu tặng Y-cơ cái võng thì về cứ em nằm bằng gì?". Suy nghĩ hồi lâu có vẻ lung lắm, rồi như tóm được điều gì trong đầu, anh Lạng đập vào tay tôi bảo: "Không lo! Không lo! Ngày mai các anh Thoong Pèn, Bun Hỏm là Tỉnh ủy viên tỉnh Viêng Chăn I Đông về cứ của ta xem ta cần gì, bạn sẽ cung cấp cho, lo gì chiếc võng của cậu".


Chiều hôm ấy, anh em chúng tôi tạm biệt bà con, tạm biệt gia đình Y-cơ. Mọi người bịn rịn bảo chúng tôi thi thoảng phải về với dân bản Phù Vinh. Căn cứ của chúng tôi ở dưới thung, cách sông Nậm Ngừm chừng hai ngày đường và cách bản Phù Vinh của Y-cơ chỉ dăm độ nghỉ, nên từ đó mỗi lần đi rẫy là Y-cơ lại bí mật để bắp để khoai vào một hốc đá có đánh dấu cho chúng tôi. Vì vậy, trong những ngày địch vây căn cứ, triệt đường tiếp tế của các bản làng, chúng tôi vẫn có đồ ăn.


Hơn một năm sau, năm 1967, Y-cơ lấy chồng. Chồng em là du kích của bản Huội Lức, cách căn cứ chúng tôi chừng hơn ngày đường, nhưng thi thoảng Y-cơ vẫn làm bánh ngô đưa cho chồng mang xuống cứ làm quà cho chúng tôi.


Đầu tháng 6 năm 1968 thì Y-cơ trở dạ. Đã hơn một ngày mà vẫn không đẻ được, trời lại mưa như trút, nước lũ trên các triền núi lao vun vút xuống thung. Chồng Y-cơ phải đánh vật với nước vừa phải luồn lách qua các chốt địch để xuống cứ đón bác sĩ lên đỡ đẻ cho Y-cơ. Vừa được tin là các thủ trưởng cử anh Lạng và tôi lên Huội Lức. Chúng tôi đi ngay trong đêm. Vì đi trong mưa tầm tã, lại phải tránh chốt giặc và do phải đi ngược đường nên mãi chạng vạng ngày hôm sau chúng tôi mới tới nơi. Chúng tôi chạy ào vào chỗ Y-cơ thì trời ơi Y-cơ mới tắt thở chừng mươi phút, người vẫn còn nóng, mắt vẫn còn vương lại sự chờ mong! Tôi và anh Lạng nấc lên từng hồi. Bà mẹ chồng Y-cơ vừa khóc sụt sịt vừa bảo chúng tôi: "Lúc mặt trời chưa khuất hẳn, nó biết nó không thể chờ được các con, nó dặn lại là xé cái võng kia ra làm đôi, cho nó nằm một nửa, cho con nó nằm một nửa".


Chúng tôi khóc òa. Chồng Y-cơ ôm choàng lấy vợ. Mấy anh du kích mãi mới kéo được anh ta ra rồi dìu sang nhà bên. Anh Lạng phải dăm bảy lần cầm dao mới lấy được cháu bé ra. Đó là phong tục của người Mông ở vùng này. Không nỡ để cho Y-cơ nằm nửa cái võng, anh Lạng lấy võng của mình cuộn thằng bé lại.


Cho đến bây giờ, sau 41 năm, mỗi lần nhớ về cái thời hai dân tộc Việt - Lào chúng ta cùng chia ngọt sẻ bùi cho nhau để giành độc lập, hình ảnh nhau để giành độc lập, hình ảnh người thiếu nữ ấy lại chập chờn trước mắt tôi...

Hà Nội, tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2022, 08:23:40 am »

VUA MẸO THAO TU


HUỲNH THÚC CẨN
(Ghi theo lời kể của đồng chí Huỳnh Thúc Tuệ)


Khoảng tháng 5 năm 1947, sau khi đơn vị tham gia tiêu thổ kháng chiến ở thành phố Vinh, tôi được điều lên chiến trường mặt trận miền Tây biên giới Việt - Lào. Khu vực hoạt động của đơn vị rất rộng lớn, hầu hết là núi cao rừng rậm, suối sâu vực thẳm, có quốc lộ số 7 chạy đến Xiêng Khoảng. Phạm vi chiến đấu từ Mường Xén đến Sầm Nưa giữa hai huyện biên giới là Noọng Hét (Lào) và Tương Dương (Nghệ An), có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, phân tán trên các sườn núi cao hoặc ven bờ suối như người Mẹo, Thơng; người Việt, người Hoa cũng buôn bán ở các thị trấn nhỏ.


Gần ba năm hoạt động ở biên giới, tôi làm công tác chuẩn bị chiến trường, củng cố hậu phương để tạo "thế" và "lực" ở trong nhân dân, nên có dịp gặp gỡ, làm việc với cán bộ của Neo Lào Hắc Xạt như đồng chí Thao Ô, Thao Bông, Thao Sộp, Thao Ma... những cán bộ Lào có quan hệ hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với bộ đội Việt Nam. Đặc biệt gắn bó như hình với bóng, từng đồng cam cộng khổ, lăn lộn trong vùng địch hậu, được nhân dân bộ tộc Lào tin tưởng, kẻ thù khiếp sợ, đó là đồng chí Thao Tu - Vua Mẹo Thao Tu. Sau này trở thành người lãnh đạo hay nói đúng hơn là một "lãnh tụ" của bộ tộc Lào một huyền thoại anh hùng mà bộ tộc Mẹo cả nước Lào suy tôn là Vua, là một người bạn thủy chung của Việt Nam.


Người giao liên dẫn tôi đến Mường Xén, vượt đỉnh Trường Sơn "bên nắng rát, bên mưa quây" sang Mường Long (Lào) cũng như nhiều bản Mẹo khác, dân sinh sống bằng nghề trồng thuốc phiện, chăn nuôi, săn bắn, lại có nghề rèn dao rựa và làm súng kíp nổi tiếng. Tôi tạm nghỉ tại nhà Tà xẻng Lồ Xây Chao. Hôm sau thì đồng chí Thao Tu đến gặp, đi theo có một số bộ đội và dân bản từ Noọng Hét đến, ăn mặc đồ đen, tóc dài, cổ đeo nhiều vòng bạc, vai khoác súng Mút hoặc súng Kíp, đặc biệt có nhiều người bị bệnh bướu cổ rất to. Riêng đồng chí Thao Tu có súng ngắn và dao găm dắt lưng. Đợt hiệp đồng chiến đấu này, bộ đội liên quân Lào - Việt đã chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều địch, giải phóng được một số bản. Bọn phỉ ra đầu hàng trông như người rừng, tóc dài che cả mặt, áo quần rách nát, nhìn thấy gói muối để trên bàn, chúng thèm quá lao vào bốc cho vào miệng nhai ngon lành.


Ở xa hậu phương, nơi rừng thiêng nước độc, ốm đau, qua những lần sốt rét ác tính, cơm không có ăn, thuốc không có uống, thực đơn chỉ có rau tàu bay, bí xanh nên ai cũng xanh xao vàng vọt, riêng tôi lại bị sốt rét cách nhật, môi thâm đen nứt nẻ, tóc rụng gần hết. Lúc tôi đang lên cơn sốt nặng thì đồng chí Thao Tu đến báo quân địch đánh vào xã Mỹ Lý. Tôi vội vùng dậy xách súng hạ lệnh cho đơn vị cấp tốc hành quân nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, cùng bộ đội bạn xung phong lao vào diệt địch. Chúng bị diệt một số, số còn lại hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, anh em ta mừng quá nên cơn sốt cũng phải đầu hàng trước sức mạnh tinh thần của người lính Cụ Hồ.


Sau chiến thắng, đến dự tổng kết với chúng tôi và mừng chiến thắng trận Mỹ Lý chỉ có rau và mấy củ mài. Thấy anh em thiếu thốn, đồng chí Thao Tu rơm rớm nước mắt trút một gùi gạo nếp, vài bát muối và cho một con lợn chừng 15kg. Tôi cảm ơn và lựa lời từ chốỉ vì cảm thấy bạn cũng khó khăn không kém gì ta, song đồng chí Thao Tu nói: "Các anh không nhận là chúng mình giận lắm vớ!" và nói tiếp bằng tiếng Lào "Bọ mi nhăng kin, bọ đây xút lốp", nghĩa là; không có gì ăn, không chiến đấu được đâu.


Sau đó ta và bạn chủ trương mở đợt hoạt động trong vùng Noọng Hét, Bản Ban, Nậm Mật, Nậm Tiền... Đồng chí Thao Tu nhận nhiệm vụ "vào hang bắt cọp tại sào huyệt của phỉ". Cùng đi có đồng chí Sơn Việt Húng (quân tình nguyện Việt Nam) và một vài anh em người Mẹo đã luồn sâu vào vùng địch, làm công tác vận động thuyết phục dân bản đi theo Neo Lào Hắc Xạt, không hợp tác với bọn phỉ và bọn Pháp. Dân bản nghe Thao Tu nói về âm mưu thủ đoạn của địch mà không sợ gì, lại thấy cả đoàn không ai mang theo súng, nên càng tin tưởng, phấn khởi đi theo kháng chiến. Dân bản dắt dìu nhau ra vùng tự do sinh sống, bọn phỉ cũng từng tốp ra hàng. Họ kháo nhau Thao Tu có tài thần thông biến hóa, nỏ và súng bắn không trúng, đi vào giữa quân địch như vào chỗ không người, nhịn đói nhiều ngày không hề gì, lại là tay súng "trăm phát trăm trúng".


Tình đoàn kết chiến đấu đã tô thắm tình hữu nghị của hai dân tộc, hai Nhà nước và hai quân đội nói chung và vòng tay bè bạn đã gắn kết người con gái Lào và con trai Việt thành tổ ấm chung sống hạnh phúc, đó là em gái Thao Tu kết duyên với con trai Việt là Sơn Việt Húng. Đồng chí Thao Tu làm chủ hôn và tôi được làm phù rể. Lễ cưới tuy đơn giản trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn nhưng rất ấm áp vui vẻ. Thanh niên nam nữ và nhân dân trong bản tham gia nhảy múa uyển chuyển theo điệu Lăm vông, bài hát Lăm tơi với tiếng khèn, tiếng sáo du dương mê mẩn lòng người quanh đống lửa trại bập bùng suốt đêm thâu, bè bạn đã nâng cốc chúc mừng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.


Một thời gian sau Tết Âm lịch, địch ở Xiêng Khoảng tăng viện cho Noọng Hét đánh chiếm Mường Lống. Tôi dẫn đơn vị tập kích Mường Lống, tiêu diệt nhiều địch, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Khi nghe tin chiến thắng, đồng chí Thao Tu từ Xiêng Khoảng xuống tận nơi chúc mừng chiến công này. Tôi tặng đồng chí Thao Tu một đôi giày da chiến lợi phẩm.

Đến năm 1953, trong chiến dịch Thượng Lào, đơn vị đã giải phóng thị xã Xiêng Khoảng, tôi được cử tham gia Ban quân quản do đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít làm Chủ tịch. Năm 1960-1961, Tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào do đồng chí Thao Tu chỉ huy đã mưu trí thoát vây ra khỏi Viêng Chăn, về giải phóng Cánh Đồng Chum. Sau đó Thao Tu đã mất trong một tai nạn giao thông. Đảng, Chính phủ, Quân đội Lào đã mất đi một cán bộ tài đức, dân tộc Mẹo mất đi một người anh hùng, một ông Vua sống mãi trong lòng dân. Bộ đội tình nguyện Việt Nam mất đi một người bạn thủy chung son sắt.


50 năm sau, tháng 12 năm 2003 tôi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Xiêng Khoảng mời sang thăm lại chiến trường xưa. Các đồng chí dẫn tôi đến Mường Noọng Hét thăm bảo tàng và ra viếng lăng mộ đồng chí Thao Tu - vị Vua Mẹo uy danh lừng lẫy. Cả đoàn thắp những nén hương thơm mà đôi mắt nhoà lệ. Tự nhiên bát hương bốc cháy, biểu hiện sự linh thiêng của đồng chí về chứng kiến cuộc gặp gỡ của tình bạn, tình đồng chí, tình hữu nghị đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc kề vai sát cánh, đói no cùng chịu, thủy chung vẹn toàn.

Hồ Tây, ngày 25 tháng 8 năm 2009
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2022, 08:25:17 am »

HAI CHA CON CHUNG MỘT CHIẾN HÀO


TRẦN HỮU TÀI


Ngồi ngắm nghía tìm vị trí thích hợp để treo mấy tấm huân chương của bố trên gian thờ của gia đình, tôi bỗng lặng người xúc động nhớ đến bố, cùng những kỷ niệm ngày hai cha con tình cờ gặp nhau trên chiến trường nước bạn Lào.


Thời gian trôi đi nhanh quá, những kỷ niệm ngày hai cha con tôi chung một chiến hào đánh Mỹ hơn bốn mươi năm trước được tái hiện trong ký ức tôi.

Vừa học xong lớp mười phổ thông, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện, được chứng kiến những hình ảnh của lớp thanh niên nô nức lên đường tòng quân, xung phong ra trận. Ngày ấy, tinh thần xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước như một lời hiệu triệu, là động lực thôi thúc chúng tôi lên đường nhập ngũ làm tròn bổn phận của người trai với Tổ quốc, với quê hương.


Như bao thanh niên khác, tôi tạm biệt quê hương, gia đình, người thân, hăng hái lên đường nhập ngũ. Những ngày đầu trong đời quân ngũ, tôi được biên chế về huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 304B. Những giây phút bỡ ngỡ ban đầu, tình cảm thân thương của đồng chí đồng đội, những người còn chưa nhớ hết tên nhau, quần áo thì rộng thùng thình như đang đợi chúng tôi lớn thêm, sự quan tâm chỉ bảo ân cần, nghiêm khắc của chỉ huy đơn vị và các anh đi trước... đã giúp những tân binh chúng tôi nhanh chóng hoà mình vào đơn vị mới. Rồi huấn luyện quân sự, chính trị, những buổi tập luyện vất vả ngoài thao trường, những cuộc hành quân đêm, những lần báo động càng làm chúng tôi dạn dĩ, đĩnh đạc và rắn rỏi hơn trong bộ quân phục đang mặc trên người.


Những ngày đầu quân ngũ có biết bao kỷ niệm đáng nhớ, nhưng tôi nhớ nhất là tâm trạng xúc động, bàng hoàng khi nhận được tin Bác Hồ qua đời. Hôm ấy, cả tiểu đoàn tập trung nghe thông báo tin buồn, không ai cầm nổi nước mắt, mọi người đều lặng đi, đâu đó trong hàng quân bật lên tiếng khóc nức nở. Không ai bảo ai, nhưng tôi biết đồng đội cũng như tôi đang nung nấu trong lòng quyết tâm biến đau thương thành hành động. Toàn đơn vị hăng say luyện tập, không quản đêm ngày, nắng cũng như mưa, từ cán đến binh... ai ai cũng hừng hực khí thế thi đua học tập, luyện rèn, háo hức mong đến ngày được ra chiến trường đối mặt với quân thù.


Bao ngày mong mỏi thao thức, bao ngày vượt nắng thắng mưa, đổ mồ hôi công sức luyện rèn trên thao trường bãi tập. Cuối cùng ngày trọng đại ấy cũng đã đến. Sau khi tập trung bàn giao quân ở Hà Bắc xong, chúng tôi được cán bộ nhận quân thông báo là sẽ đi chiến đấu tại mặt trận Lào. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ dân các bộ tộc Lào kháng chiến. Chúng tôi được phát, những bộ quân phục của quân đội Pa-thét Lào. Thế là lại một lần nữa được xúng xính trong bộ quân phục mới toanh: áo có cầu vai, mũ mềm có lưỡi trai nhựa màu đen, khác với những bộ quân phục thường ngày chúng tôi vẫn mặc từ ngày đầu nhập ngũ.


Khi biết mình được đi chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào, trong thâm tâm tôi thoáng qua suy nghĩ và nhen nhóm hy vọng: Biết đâu, tại đó mình sẽ được gặp bố! Nhưng biết bố ở đâu mà gặp được? Tôi và gia đình chỉ biết bố là chuyên viên kinh tế sang giúp Trung ương Lào. Ngay cả địa chỉ của bố ghi trên phong thư gửi về cho gia đình chỉ vẻn vẹn HT 63551 US.


Một ngày cuối tháng 9 năm 1969, đơn vị tôi bắt đầu hành quân sang Lào. Mọi người hăm hở hành quân qua Bá Thước, Thanh Hoá, vượt qua đèo phỉ Na Mèo an toàn. Trước khi hành quân qua đây, chúng tôi được nghe kể rất nhiều về con đường sang Sầm Nưa, Na Mèo là một địa danh được nhắc đến nhiều nhất với những khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập. Na Mèo được mệnh danh là đèo phỉ, bởi đây là nơi hoạt động ráo riết của bọn phỉ Vàng Pao. Vì thế chúng tôi phải bí mật vượt Na Mèo với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Có lẽ, hồi hộp, thót tim là những cảm giác đầu tiên trong tâm trạng của một người chiến sĩ mới như tôi trước khi bước vào một trận đánh.


Cuộc hành quân lặng lẽ, mọi người nối gót nhau tiến về phía trước, vừa đi vừa cảnh giới, vừa đi vừa quan sát những lùm cây, hốc đá hai bên đường, những dấu vết khả nghi dưới mặt đất, lắng tai nghe những tiếng động lạ trong đêm... Bản, làng, đồi, núi, cùng những cánh rừng bạt ngàn xa dần...


Đơn vị tôi đến là Đại đội 98, Đoàn 959, đóng quân tại Na Vít. Na Vít nằm trong một lòng chảo rộng rãi, bốn bên được bao bọc bởi những dãy núi cao và hiểm trở. Muốn vượt qua được những ngọn núi cao chót vót ấy, ngoài việc đi bằng máy bay thì chỉ còn một cách duy nhất vừa an toàn, vừa đảm bảo bí mật là dùng thang áp sát vào vách đá dựng đứng, tay vịn vào sườn đá mà đi.


Những ngày đầu ở Đại đội 98, chúng tôi tiếp tục luyện tập và học tập chính trị; tìm hiểu phong tục tập quán của người dân nơi đây. Mọi người tạm quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đang da diết trong lòng để lao vào luyện tập không quản ngại khó khăn, vất vả. Hơn lúc nào hết chúng tôi ý thức rõ được nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của mình. Trong tôi, lúc nào cũng thầm vang lên câu hát:


"Chúng ta tiến vào miền Tây. Quyết tâm cùng với dân quân Lào, đấu tranh đem lại ấm no, tự do. Ra đi vì Đảng vì dân phấn đấu. Ta ra đi vì Đảng, vì dân chiến đấu cho hai dân tộc sống bên nhau vui tự do...".

Đó là lời một bài hát mà chúng tôi vẫn hát trên suốt chặng đường hành quân sang làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào.

Một lần, tôi và mấy đồng đội khác được chỉ huy đơn vị giao thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt là: Lên Na Kay bảo vệ và đón đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sang thăm Lào, do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu. Na Kay là khu Trung ương Lào và các cơ quan chuyên gia Việt Nam sang giúp bạn. Các cơ quan, ban ngành đóng ở Na Kay đều trú sâu trong hang núi; có hang tự nhiên, có hang do lực lượng công binh đào đắp gia cố. Ngay gần chỗ đơn vị tôi đóng quân có bệnh viện Na Vít - bệnh viện của Trung ương Lào cũng nằm sâu trong lòng núi. Với địa hình hiểm trở, được núi rừng bao bọc cùng với những công sự hầm hào kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt mà quân địch ở Na Kay chủ yếu là bọn phỉ, hoạt động không có quy luật rõ ràng, bất kể đêm ngày chúng thường tổ chức những cuộc tập kích với quy mô nhỏ, bắn lén... gây khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh của ta.


Khi đang ở khu vực đoàn bộ Đoàn 595, tôi bất chợt nhìn thấy một gốc cây có treo thùng thư to để ngỏ. Tôi tò mò lật xem những bì thư xếp đầy bên trong và không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn hồi hộp khi nhận thấy lá thư tôi viết cho bố hồi tôi còn ở đơn vị huấn luyện tân binh tại Hà Bắc. Ngoài bì thư đề người nhận: Bố: Trần Hữu Nhân, HT 63551 US. Hy vọng được gặp bố trên đất bạn Lào bùng lên trong tâm trí tôi; cảm giác hồi hộp làm tim tôi đập nhanh và mạnh hơn. Đúng là bố tôi đang công tác ở đâu đó trên khu vực này rồi! Nhưng làm thế nào để tìm gặp được bố nhỉ? Tôi nghĩ bụng và lấy bút viết vội thêm mấy dòng trên mặt sau của chiếc phong bì: "Con đã sang Sầm Nưa từ ngày... hiện con đang ở Na Vít, Đại đội 98... Nhận tin này bố đến thăm con nhé!".


Quả thật từ khi khi biết Trung ương Lào đóng ở Na Kay, không hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng bố tôi đang ở đó. Nhất là từ hôm viết thêm mấy dòng nhắn trên chiếc phong bì thư, trong tôi lại ấp ủ niềm hy vọng được gặp bố hơn lúc nào hết; cảm giác thấp thỏm, hồi hộp như hồi còn là tân binh chờ đợi ngày được lên đường đi làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Thế rồi đúng một tuần sau, trong lúc niềm hy vọng được gặp bố của tôi đang ứ đầy trong lòng, thì tôi nhận được tin báo bố tìm đến đơn vị thăm tôi.


Tôi mừng quýnh cả lên, chạy ra gặp bố. Từ xa đã trông thấy bố đang đứng nhìn về phía mình, tôi bỗng đứng chững lại: vẫn chiếc ba lô trên vai, cổ quàng chiếc khăn dù hoa, những cơn gió thu làm chiếc khăn khẽ bay lẫn vào những cành cây đang loà xoà phía sau. Cảm giác ngỡ ngàng, không thể tin nổi! Bố đang đứng trước mặt tôi, trên vùng đất Na Kay, trên mặt trận ở nước bạn Lào. Năm ấy, bố tôi khoảng bốn mươi lăm tuổi, tuy hơi gầy nhưng trông rất khỏe mạnh. Sau giây phút ngỡ ngàng đầy bất ngờ, bố ôm chầm lấy tôi. Hai bố con im lặng tận hưởng giây phút hạnh phúc hiếm hoi, trước những đồng đội đang xúm lại chia vui cùng niềm hạnh phúc bất ngờ.


Ban chỉ huy đại đội cho phép tôi được nghỉ để hai bố con có dịp tâm sự. Đại đội trưởng Vàng Tư Cà và chính trị viên Nguyễn Văn O còn thống nhất với nhau hôm nào thích hợp sẽ cho tôi lên Na Kay thăm bố.

Lúc chia tay, bố quàng lên cổ tôi chiếc khăn dù hoa: "Bố cho con để ngụy trang lúc luyện tập và đi chiến đấu". Ông còn cho tôi một ít tiền kíp để tiêu vặt và dặn dò phải luôn cố gắng, vượt qua khó khăn gian khổ, trong chiến đấu phải mưu trí dũng cảm. Hai bố con mình cùng làm nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Con hãy xứng đáng nhé!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2022, 08:26:00 am »

Mươi ngày sau đó, tôi được thủ trưởng đơn vị cho phép đi thăm bố ở Na Kay. Đại đội trưởng Cà cử anh Minh, cán bộ khung cũ, người đã ở đây lâu và thông thạo đường đi lối lại đưa tôi đi.

Na Kay toàn núi đá, lởm chởm tai mèo, vách núi dựng đứng nguy hiểm. Hai anh em vừa đi vừa nói chuyện. Trời chập choạng tối cũng là lúc hai chúng tôi đến được Na Kay. Núi rừng âm u, tĩnh mịch thỉnh thỏang từ lưng chừng núi loé lên những đốm sáng. "Có lẽ đó là ánh điện phát ra từ một cửa hang nào đó" - Tôi llalli bụng, rồi hăm hở bước đi. Trời tối, lại không biết chính xác bố tôi ở chỗ nào, nên hai anh em bàn nhau gọi to tên bố tôi lên, hy vọng ông sẽ nghe thấy tiếng gọi của tôi mà ra đón.

- "Bố Nhân ơi ơi...!" - Tôi chụm tay lại làm loa và cất tiếng gọi, tiếng vọng vào vách núi vang lên từng nhịp rồi tan vào màn đêm.

Bốn bề vẫn lặng thinh, hai chúng tôi bước đi trong màn sương đêm mờ mờ ảo ảo, rồi những con đường mòn len lỏi dưới tán lá rừng, những con đường lớn, rộng đủ cho xe ô tô chạy qua cũng lờ mờ hiện ra trước mắt, xa xa lấp loé ánh đèn điện thấp thoáng sau những vạt cây rừng, trông như những vì sao nhấp nháy. Chợt phía trước hắt lại ánh điện sáng rõ mặt người, vào hỏi thăm mới biết hai anh em đã tìm đến đúng cơ quan của người Việt Nam.


Biết tôi là con trai đến tìm gặp bố, đồng chí trực cơ quan đăng ký vào cuốn sổ trực rồi cất tiếng gọi một người tên là Ca, giọng nghe hân hoan và mừng rỡ như đã chờ đợi điều gì từ lâu lắm.

- Cháu có phải là Tài không? - Phía sau, người đàn ông bước ra, hăm hở tiến về chỗ chúng tôi, cất tiếng hỏi dồn dập.

- Vâng ạ ! - Tôi trả lời lúng túng.

- Bố cháu mong cháu mãi! Bố đang chờ cháu đấy! - Chú Ca niềm nở, rồi dẫn hai chúng tôi đi theo con đường mòn đến nơi bố đang đợi chúng tôi.

Tối hôm đó, tôi ngủ lại cùng bố. Bố đưa tôi đi thăm chỗ ở, chỗ làm việc, tất cả đều ở trong hang. Rồi bố đãi hai chúng tôi món kẹo lạc - món ăn mà tôi rất thích. Trước kia, hồi còn ở nhà thỉnh thoảng bố vẫn nấu kẹo lạc cho chúng tôi ăn. Tôi được ăn kẹo lạc của bố nhiều lần, lần nào cũng thấy ngon. Nhưng có lẽ, những thanh kẹo lạc hôm ấy là những thanh kẹo lạc tôi thấy ngon nhất, tuyệt vời nhất. Bởi thanh kẹo đó được chính tay bố làm và thết đãi tôi ngay trên đất bạn Lào xa xôi.


Những ngày cuối năm 1969, đầu năm 1970 đơn vị tôi được điều đi tăng cường cho chiến trường Nam Lào. Nhận được tin này, bố lại xuống đơn vị thăm tôi. Thủ trưởng O và thủ trưởng Cà nói: "Nếu cậu muốn ở lại đây cho gần ông cụ thì chúng tôi sẽ để cậu ở lại!".


Mặc dù tôi rất muốn gần bố, nhưng nhiệm vụ phía trước đang chờ tôi, nên tôi trả lời "cho phép tôi đi cùng đơn vị". Lúc đó tôi ngước lên nhìn thủ trưởng O và thủ trưởng Cà, ánh mắt cương quyết của tôi bắt gặp ánh mắt các anh đang nhìn mình, cái nhìn đầy tự hào và tôi nhận thấy trong ánh mắt ấy sự tin tưởng của đơn vị đối với mình. Hôm đó, hai bố con tôi lại có cuộc chia tay ngắn ngủi. Lúc chia tay, thật bịn rịn, cả hai bố con đều không nói lên lời. Tuy đã là một người lính, nhưng đứng trước bố tôi vẫn thấy mình bé bỏng như hồi còn ở nhà. Nhưng trong thâm tâm tôi tự hào rằng lần chia tay này, ngoài tình cảm cha con hai chúng tôi còn có một mối liên hệ đặc biệt đó là tình cảm đồng chí, đồng đội. Bố mong muốn tôi mạnh khoẻ và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bố hứa sẽ tìm gặp tôi khi ông đi công tác tại Trung Lào và Hạ Lào trong thời gian tới.


Lại những tháng ngày hành quân ròng rã, lúc len lỏi dưới những cánh rừng bạt ngàn, khi vượt trên dốc đá dựng đứng của dải Trường Sơn hùng vĩ để về đơn vị mới. Càng đi tôi càng thấm thía sự gian khổ của người lính, sự ác liệt của chiến tranh.


Tôi về đoàn bộ Đoàn 565 và được biên chế về Trung đội vệ binh. Mùa khô năm 1970, một lần tôi được cử đi công tác xuống bản Cá Tép, một bản thuộc vùng Hạ Lào. Gọi là đường, nhưng thực chất chỉ là một lối mòn, rậm rạp, chỉ vừa bàn chân người, cây cối bao trùm, âm u, đầy rẫy sên, vắt... Đang đi, tôi bỗng nghe phía trước có giọng nói tiếng Lào, nhìn kỹ thì phát hiện một nhóm vài ba người đang tiến lại phía mình. Tới sát, chạm mặt nhau, khi nhìn lên để tránh nhau tôi bỗng bàng hoàng khi nhìn thấy đi sau hai người bạn Lào là bố. Tôi đã nghĩ là mình nhận nhầm, nhưng nhìn kỹ lại thì đúng là bố rồi! Vẫn cái dáng quen thuộc, lưng đeo ba lô, quần xắn ngang đầu gối, đang bước phăm phăm thì không thể nào nhầm lẫn được. Vì quá bất ngờ, tôi chỉ kịp ớ lên một tiếng rồi nhào tới ôm chầm lấy bố. Bố tôi cũng kịp ngước lên và ôm lấy vai tôi thảng thốt cất lên tiếng "con". Cứ thế hai bố con ôm nhau, lặng im giữa rừng, ngay trên đường đi công tác, với sự ngạc nhiên, ngơ ngác của mọi người.


Giây phút gặp nhau thật là ngắn ngủi, mươi phút trò chuyện, tâm sự của bố con tôi mau chóng trôi qua, những cái bắt tay, vỗ vai chắc nịch, những ánh mắt nhìn nhau nhắn nhủ chân cứng đá mềm, tràn ngập niềm tin và mọi người tiếp tục cuộc hành trình tiến lên phía trước. Giây phút ngỡ ngàng qua nhanh, thay vào đó là tình cảm bịn rịn lưu luyến lúc chia tay. Cuộc gặp gỡ lần này tuy ngắn ngủi nhưng tôi cũng kịp được bố thông báo tin mừng là ở quê nhà, mẹ và các em tôi vẫn mạnh khoẻ, bình an tại nơi sơ tán. Trước lúc chia tay, bố còn lục ba lô đưa cho tôi mấy lát sâm và vài gói thuốc bổ để phòng khi đi đường yếu mệt, bố còn cho biết thêm tôi qua địch ném bom bản Cá Tép.


Đoàn chúng tôi tiếp tục hành quân, tối hôm đó chúng tôi dừng chân tại bản Cá Tép, mới bị trận bom oanh tạc đêm hôm trước nên nhà cửa xơ xác, tiêu điều, những hố bom khoét sâu hoắm xuống lòng đất, mặt đất nham nhở những vết thương, có chỗ đất đỏ đặc quánh như vũng máu khô, nhưng may mắn dân bản vẫn bình an.


Suốt những ngày sau đó, hình ảnh bố luôn hiện rõ trong tâm trí tôi. Thương bố, tôi thầm cầu mong cho ông mạnh khoẻ và bình an trong chuyến công tác này.

Có thể nói trong suốt những năm tháng sống, chiến đấu trên đất bạn Lào, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất, tự hào nhất là hai cha con tôi cùng hoạt động trên chiến trường Lào.

"Hai cha con chung một chiến hào đánh Mỹ" là câu chuyện nhỏ, tôi ghi lại để nhớ về một thời cha con gọi nhau là đồng chí, chung câu hát quân hành... cũng là nén hương thành kính tưởng nhớ đến người cha thân yêu, người đồng chí của mình.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2022, 08:43:35 am »

GẶP LẠI NGƯỜI TÔI MANG ƠN CỨU MẠNG


NGUYỄN VĂN NGHIỆP


Giữa năm 1955, tôi được giao nhiệm vụ làm chuyên gia giúp Tỉnh ủy bí mật Chăm-pa-xắc. Từ cơ quan Khu ủy Hạ Lào tại tỉnh Xa-ra-van, tôi đi theo đường giao liên mật chuyển tiếp qua từng bản đã bố trí trước để về Chăm-pa-xắc.


Trên đường về đến Tà-mê-xẳng-thong tôi gặp Phò Vạ, Ủy viên Mặt trận tỉnh đang trên đường về cơ quan khu. Vì sợ tôi đi theo đường liên lạc qua từng bản thì không về đến cơ quan bí mật của Huyện ủy Pạc-xoòng trước lúc trời tối, nên Phò Vạ đã cho đồng chí bảo vệ dẫn đường đưa tôi về thẳng Pạc-xoòng, không qua liên lạc từng bản.


Độ 5 giờ chiều, đồng chí bảo vệ đưa tôi đến Phạ-nuỗn-nhày và giao tôi cho một cụ già đang giữ nương, nhờ ông ta đưa tôi đi gặp Huyện ủy, rồi đồng chí vội quay lại.

Tôi ngồi ven rừng chờ các đồng chí Huyện ủy và đồng chí Tấn là chuyên gia ta giúp bạn. Không ngờ hôm đó các đồng chí đều đi cơ sở, không có ai ở cơ quan, ông già phải báo cho cơ sở bản Phạ-nuỗn-nhày ra đón tôi. Ông bị điếc nên lúc chiều không nghe rõ lời giới thiệu của anh bảo vệ về tôi, nhưng nghĩ rằng tôi là cán bộ nên ông ta cứ nhận.


Trời sắp tối mới thấy mấy người dân làng ra gặp tôi. Vì chưa biết nhau, lại không có sự giới thiệu rõ ràng, tôi lại đến đây không qua con đường giao liên bí mật chuyển bản, khi hỏi ông già thì ông già cũng chẳng biết gì hơn, nên họ nghi ngờ tôi là người của địch giả danh bộ đội Việt Nam. Vì nghi ngờ như vậy, nên họ không tin khi tôi tự giới thiệu mình là bộ đội Việt Nam được phân công về giúp tỉnh Chăm-pa-xắc, đi ngang qua đây muốn vào gặp đồng chí Tân. Họ trả lời: "Quân đội Việt Minh và Pa-thét Lào đều đã rút về Sầm Nưa, không còn ai ở đây. Đây là vùng kiểm soát của chính quyền Vương quốc, mày là Việt Minh, tao phải bắt mày nộp lên Pạc-xoòng cho quan lớn!". Mặc cho tôi giải thích thế nào họ cũng không nghe, mà tôi thì chẳng có một thứ giấy tờ hoặc một cơ sở nào để họ tin mình.


Dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Họ bố trí canh gác cẩn thận. Họ bàn tán sôi nổi, nhưng họ không nói tiếng Lào mà nói bằng tiếng bộ tộc La-ve, nên tôi chẳng hiểu họ nói gì. Đã 8 giờ tôi chưa có gì vào bụng, nhưng nỗi lo canh cánh làm tôi chẳng cảm thấy đói. Càng về sau, dân làng hình như chia làm hai phái tranh cãi quyết liệt quanh đống lửa. Thỉnh thoảng họ lại liếc nhìn tôi, lục soát chiếc ba lô tư trang của tôi như để dò xét, phỏng đoán, tìm ra chứng cứ...


Cuối cùng, tôi sực nhớ, tại vùng này còn có chị Bua. Hình như chị không đi tập kết mà vẫn ở lại bám trụ theo lời kể của một chị ở cơ quan Khu bộ. Chị Bua vốn quen thân với tôi từ năm 1950, khi tôi đang phụ trách cơ sở ở vùng căn cứ Át-tô-pơ. Vì vậy, tôi đề nghị bà con dân làng cho tôi được gặp chị Bua. Bà con dân làng đưa mắt nhìn nhau rồi một ông già trả lời tôi rằng: "Xảo Bua là Ít-xa-la, nó đi theo Sỉ-thon kéo nhau lên Sầm Nưa rồi, không còn ở đây. Chúng tao chẳng còn quan hệ gì với nó nữa!".


Nghe nói thế, tôi hoàn toàn thất vọng, chẳng biết xoay xở ra sao, đành ngồi chờ quyết định cuối cùng của dân làng... Liền sau đó, tôi bỗng thấy mọi người giục số thanh niên đi khuân rất nhiều củi chất thành đống. Họ đốt đống củi thành ngọn lửa to trước mặt tôi, sáng cả một góc nương. Trời về đêm, ở độ cao trên 1.000 mét giữa cao nguyên Bô-lô-ven mà người tôi nóng toát mồ hôi. Tôi chẳng đoán được ý đồ của dân làng sẽ xử lý tôi như thế nào. Bỗng một người phụ nữ đứng lấp ló phía sau dân làng chạy vội ra ôm chầm lấy tôi kêu to: "Ôi! Đúng là Khăm Xỉ (tên Lào của tôi do một bà mẹ nuôi người Lào đặt cho lúc ở Át-tô-pơ), cục vàng của chúng ta đây! Đúng là người của bên ta rồi bà con dân làng ơi! Tý nữa thì nó chết oan rồi! Hay quá! Vui quá! Em ơi! Khăm Xỉ ơi...!".


Tôi bàng hoàng như tỉnh cơn mê khi nhận ra chị Bua. Tôi cũng ôm chầm lấy đôi vai gầy đang rung lên của chị mà chẳng nói nên lời. Chị Bua khóc vì mừng vui, vì cảm động! Thì ra dân làng đốt lửa thật sáng để giúp chị Bua đứng từ xa có thể nhận ra tôi.


Tất cả dân làng đều ùa đến vây quanh hai chúng tôi. Họ vỗ tay, cười nói râm ran: Đúng là người của ta rồi! Phúc quá! May quá!...

Già làng giục chị em phụ nữ chuẩn bị cơm nước cho tôi rồi kéo tay tôi ra ngồi trên một súc củi cạnh đống lửa. Mọi người vây thành vòng tròn. Già làng nắm lấy hai vai tôi lắc lắc rồi nói với một giọng cảm động:

"Thật phúc cho con mà cũng may cho dân làng. Già thay mặt dân làng xin nhận lỗi với con, vì đã không tin ở con, mong con thông cảm. Người La-ve này luôn đề cao cảnh giác với bọn địch. Bọn chúng lắm mưu mô, đã có lần chúng giả bộ đội Ít-xa-la để lừa dân làng. Tối nay, vì cho rằng con là người của địch, nên có ý kiến đưa con lên đồn nộp cho bọn địch, vừa để lừa chúng nó là dân làng La-ve vẫn đi theo chúng nó! Có ý kiến cho rằng, đã là người của địch thì cứ cho một mũi tên thuốc độc, hoặc đập vỡ sọ rồi vùi đi cho êm chuyện, vừa để trừ khử đi một tên bán nước. Hôm nay, nếu không có Xảo Bua nhận ra con thì hậu quả thật đáng tiếc. Thôi, con đi ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Sáng mai sẽ có người đưa con gặp Huyện ủy và Xẻng Thoong" (tên Lào của đồng chí Tấn).


Cơm nước xong, già làng đưa tôi về nhà và thu xếp chỗ ngủ cho tôi. Suốt cả một ngày băng rừng, vượt suối, lại gặp cảnh ngộ bất ngờ nên tôi trằn trọc, thao thức mãi rồi mới thiếp đi mà trong giấc ngủ như còn vẳng nghe đâu đây tiếng nói của chị Bua: "Khăm xỉ, em tôi! Cục vàng của chúng ta đây rồi...!".


Năm 1997, sau 6 năm về nước nghỉ hưu, do lãnh đạo Đảng bạn yêu cầu sang giúp một số việc, tôi có dịp trở lại Chăm-pa-xắc, nơi tôi đã từng chiến đấu, công tác nhiều năm trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - cũng là nơi tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc về mối tình hữu nghị Việt - Lào.


Lần này về lại Chăm-pa-xắc, tôi muốn tìm gặp chị Bua.

Hôm kết thúc đợt công tác, theo đề nghị của tôi, Tỉnh ủy đưa chị Bua đến Pắc Xế gặp tôi. Chị già yếu đi nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn. Chị cảm động rơi nước mắt khi gặp lại tôi, vì chị cũng như tôi đều tin rằng chẳng thể có được cuộc gặp gỡ hôm nay. Mừng vui, xúc động với bao nhiêu kỷ niệm về những tháng ngày ở vùng căn cứ tây nam Át-tô-pơ, khi chị là cán bộ phụ vận, đi xây dựng cơ sở kháng chiến cùng chúng tôi với bao gian nan, vất vả. Nhất là những lần gặp địch càn quét khủng bố cơ sở, giết người, hãm hiếp phụ nữ, đốt làng, triệt phá chùa chiền... Hai chị em hàn huyên hết mấy tiếng đồng hồ.


Để tỏ lòng biết ơn, tôi biếu chị một ít tiền, một số thuốc men, vài bộ váy áo. Chị không chịu nhận mà nhờ tôi mua một ít bánh kẹo để chị đem về làm quà cho trẻ em và bà con nơi chị ở. Chị chia tay chúng tôi với niềm xúc động nghẹn ngào của một bà lão đã ngoài tám mươi tuổi.


Còn tôi, mỗi khi ôn lại kỷ niệm của hơn 40 năm phục vụ cách mạng Lào, hình ảnh đất nước  Lào, hìn ảnh chị Bua luôn hiện lên trong tôi cùng với biết bao đồng chí đồng đội, những ông bố, bà mẹ, các chị, các em của các bộ tộc Lào quý mến đã từng đùm bọc, cưu mang, chia sẻ ngọt bùi với tôi trong những năm kháng chiến gian khổ. Những con người mà tôi coi như đồng bào, đồng chí, người thân của mình!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2022, 08:45:39 am »

MẸ LIỀM - BÀ MẸ BẢN HÔM


QUÁCH BÁ ĐẠT


Đầu mùa khô năm 1952-1953, anh Liễn - Chỉ huy trưởng mặt trận Sê Kông giao nhiệm vụ cho tôi xuống vùng Hôm Lùm - Hôm Thơng để thay anh Phi Cơ làm nhiệm vụ quân báo bám nắm địch ở thị xã Mường Mày (Át-tô-pơ). Anh Phi Cơ là quân báo của khu Hạ Lào bị bệnh nặng phải về Khu điều trị.


Tôi xuống đến nơi thì anh Phi Cơ đã về Khu nên không được ai bàn giao lại nhiệm vụ, nhất là các cơ sở nắm địch ở Mường Mày. Tôi phải tự mình đi tìm và xây dựng cơ sở nắm địch lại từ đầu. Cái khó hơn nữa là khi học ở phân hiệu Võ bị Trần Quốc Tuấn - Liên khu 5 (1-1950 - 5-1951) tôi chỉ được học Chỉ huy bộ binh tiểu đội và trung đội, chưa được học một chút gì về trinh sát quân báo.


Lúc bấy giờ khoảng đầu tháng 10 dương lịch, đang là cuối mùa mưa, lúa đang đòng nên dân Bản Hôm phần lớn còn đang ở nhà ngoài ruộng chờ gặt hái. Trong làng chỉ còn lại một số ít người, tôi phải trực tiếp đến từng nhà gặp dân, quan sát cuộc trò chuyện, cách tiếp đón, thái độ cư xử của từng người để phát hiện ra người tốt, xây dựng cơ sở cho hoạt động bám trụ của mình ở Bản Hôm, làm bàn đạp để nắm tình hình địch ở Mường Mày.


Bản Hôm là cơ sở của ta, có trưởng bản và một số du kích bí mật. Đó là cơ sở tốt, là chỗ dựa của anh Phi Cơ trước đây. Một trong số đó là gia đình mẹ Liềm - gia đình từng che chở giúp đỡ anh Phi Cơ. Gia đình mẹ có 5 người, bố mẹ đã già cả và đều là nông dân. Con trai duy nhất của bố mẹ bị địch bắt đi lính ở Trung Lào. Hai cô cháu gái trạc 25 - 30 tuổi là con của chị gái mẹ Liềm, do mồ côi cha mẹ nên được gia đình mẹ nuôi dưỡng từ thuở bé. Chính mẹ Liềm đã hướng dẫn cho tôi liên lạc để nhận tiếp tế của mẹ và giúp tôi tổ chức người vào thị xã Mường Mày nắm tình hình địch.


Tôi nằm sâu trong rừng. Hàng ngày ra bám bìa rừng giáp cánh đồng Bản Hôm nhìn ám hiệu ở sàn hiên nhà ruộng của mẹ. Khi nào thấy mẹ phơi áo trắng là an toàn, không có địch, có thể vào liên lạc với mẹ. Nếu thấy mẹ phơi áo vàng là ám hiệu không an toàn, có địch hoặc bọn tay chân lượn lờ rình rập. Nhiều lần có quân địch, mấy tên lính người làng về thăm nhà, mẹ đều phơi áo vàng làm ám hiệu cho tôi biết. Những lần đó, tôi không vào được, mẹ lại nhờ hai cô cháu gái mẹ bí mật mang xôi và thức ăn ra rừng, treo vào chỗ mà mẹ đã quy định sẵn với tôi.


Mẹ Liềm đã giới thiệu các anh du kích bí mật dẫn tôi vào bản Sa Phào (cách Mường Mày 6km) để xây dựng cơ sở quân báo và quan sát bốt địch ở Huội Ta Hãy ở đầu sân bay Mường Mày.

Ở Át-tô-pơ lúc bấy giờ chỉ có một tiểu đoàn ngụy Lào do tên Grand Fean - quan ba người Pháp chỉ huy và tên Xủn Thon - quan hai người Lào làm phó chỉ huy. Tiểu đoàn của Grand Fean mùa mưa cụm về cố thủ ở thị xã Mường Mày, một đại đội bảo vệ sân bay đóng ở đầu cầu Huội Ta Hãy. Hàng ngày, một đến hai trung đội đi tuần tiễu hoặc bí mật phục kích ngăn bộ đội Ít-xa-la thâm nhập.


Đến mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch) địch ở Mường Mày mới phối hợp với các cánh quân từ Pạc Xoòng cao nguyên Bô-lô-ven xuống và cánh quân từ Stung Treng (Cam-pu-chia) lên để càn quét vào huyện Xa-năm-xay là căn cứ của khu Hạ Lào.


Mẹ Liềm đã giúp tôi tổ chức được một số cơ sở, hầu hết là các mẹ, các chị ở Bản Hôm và bản Xa-phao, bằng cách cho tôi giả mua bán hoặc đi thăm hỏi bà con ở thị xã Mường Mày. Qua đó nắm quân số, vũ khí, đội hình bố trí kho tàng của địch, nhất là sự chuẩn bị của địch trong đợt càn quét vào vùng hậu cứ khu Hạ Lào. Đặc biệt mẹ Liềm đã vận động thuyết phục được cô Bua - người Bản Hôm, vợ tên quan hai Xũn Thon - có cảm tình với cách mạng, với Ít-xa-la và cô đã cung cấp cho tôi một số tin quan trọng.


Mẹ Liềm nhận tôi là con nuôi, đặt tên Lào cho tôi là Bua Phẵn (Mộng Liên). Bố Liềm cũng thương tôi như con, hai cháu gái của mẹ coi tôi như em.

Mùa làm ruộng nên dân ở nhà ruộng. Nhà nọ cách nhà kia khá xa nên chúng tôi dễ vào liên lạc, tiếp tế hơn. Sau khi gặt, đập lúa xong (khoảng tháng một dương lịch), dân lại quay về làng ở ven sông Sê Kông. Việc liên lạc có khó khăn hơn. Thường thì tôi đến chúng tôi mới vào làng gặp cơ sở, đêm lại phải ra rừng, leo lên cành cây cao cột võng để ngủ (chủ yếu đề phòng cọp). Chúng tôi luôn thay đổi chỗ ngủ, lúc ở nhà ruộng, lúc chui vào đống rơm giữa ruộng. Có lúc mẹ Liềm bảo bố chèo thuyền đưa tôi ra ngủ ở cồn cát giữa sông cho an toàn, song ở đó nhiều con dĩn, nếu đốt lửa thì lại sợ bị lộ, vì thế mẹ Liềm đã may cho tôi một chiếc xà lùng và một áo chàm Lào, một khăn phá phe rằn để hóa trang thành người Lào cho bớt lộ liễu, vả lại, bộ quần áo bộ đội của tôi bằng vải xita được Liên khu 5 trang bị lúc sang Lào hồi tháng 7 năm 1951 đến nay đã vá chằng vá đụp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2022, 08:46:40 am »

Một lần, ban đêm địch từ Mường Mày bí mật hành quân bao vây Bản Hôm, phục kích chờ đón bắt Ít-xa-la vào liên lạc. Sáng ra, mẹ Liềm phát hiện được, bà cùng hai cháu gái giả vờ đeo giỏ đi kiếm măng, kiếm nấm, đọt mây để ra rừng báo tin và tiếp tế cơm nước cho tôi.

Gặp tôi, mẹ bảo:

- Mẹ lo quá, sợ con không biết mà vào làng thì bị địch bắt mất, nên mẹ mới liều mạng tìm cách ra báo tin.

- Thế bọn chúng không gây khó khăn cho mẹ sao?

- Có chứ, thằng chỉ huy quan một kiên quyết giữ lại không cho mẹ đi, nó bảo "Để bà đi báo cho Keo Việt à".

- Thế mẹ và hai chị đã làm cách nào ra được với con?

- Mẹ quay về, hai chị của con bảo hay là mình đi đường tắt sau làng vào rừng, song lại gặp một bộ phận lính gác ở đó. Ba bốn con đường mòn ra rừng đều có lính gác cả, mẹ càng lo cho sự an nguy của con. Ba dì cháu nghĩ mãi chẳng có cách nào đi được, chỉ biết khấn Phật phù hộ, ngăn cho con đừng vào làng. Bố con thấy ba dì cháu mang giỏ đi rồi lại quay về, rầm rì nhỏ to nên hỏi. Mẹ đành nói thật, bố con liền bảo: "Xảo Bua nó mới đi thăm chồng nó ở Mường Mày về hôm kia, hay bà đến nhờ nó nói với quan một thử xem, may ra... (Xảo Bua là vợ quan hai Xủn Thon - cấp trên của quan một).

- Đúng là mẹ già lú lẫn, có thể mà nghĩ không ra. Mẹ bèn đến nhà gặp Xảo Bua, cô ấy đưa ba dì cháu mẹ theo đường chính gặp tên chỉ huy, nó nói gì đó mẹ không nghe rõ, chỉ thấy tên chỉ huy ra chào mẹ và đẽ cho ba dì cháu vào rừng.

- Thế mẹ không sợ Xảo Bua đứng về phía chồng là quan hai Xủn Thon à?

- Ồ không, nó là con cháu trong làng, mẹ biết tính nó từ nhỏ, đã có lần mẹ nói với con, nó rất có cảm tình với cách mạng. Nghe mẹ kể về các con, nó thương và quý các con lắm. Chính nó là cơ sở nắm địch của ta đó. Vì nó là vợ quan hai Xủn Thon nên ra vào đồn địch ở Mường Mày thoải mái. Chính nó đã cho mẹ biết nhiều tin tức quan trọng của địch. Vừa rồi, mẹ nói thật với nó là ra để cứu con. Giờ đã báo được tin cho con là mẹ mừng và yên tâm rồi.

Mẹ Liềm và hai chị ôm chặt tôi như để truyền hết niềm vui của họ sang cho tôi.

Bỗng mẹ Liềm đột ngột dừng lại và nói:

- Quá mừng vui suýt nữa mẹ quên nói với con một tin cực kỳ quan trọng, Xảo Bua gửi lời hỏi thăm con và bảo con báo ngay lên thượng cấp là địch ở Mường Mày đang chuẩn bị ra càn. Con nhớ báo ngay nhé. Mẹ và các chị con phải vào rừng kiếm ít nấm, ít măng để khi về thằng quan một khỏi nghi ngờ.


Tôi vội vã băng rừng về Pui để báo cáo tin trên cho anh Liễn rồi trở lại Bản Hôm bám cơ sở. Đầu tháng một dương lịch, trời rất rét. Tối tôi thường chui vào giữa đống rơm ở ngoài ruộng để ngủ, đêm nay đống này, đêm mai đống khác để khỏi lộ. Một đêm, sáng ngủ dậy, chui ra khỏi đống rơm để về rừng, bỗng giật mình khi thấy dấu giày đinh dày đặc, cách chỗ tôi ngủ chừng 15 mét băng đồng đi về hướng Pui, Úc. Tôi lần theo vết giày đinh. Chúng không rẽ vào Pui - nơi cơ quan mặt trận đóng mà đi thẳng về hướng Úc Tạy - nơi đại đội 200 cơ động của Khu đóng.


Về đến cơ quan mặt trận thì anh em cơ quan đã biết rồi. 5 giờ sáng hôm đó đã nghe tiếng mìn nổ ở Úc Tạy. Anh Liễn - Chỉ huy trưởng giao cho tôi nhiệm vụ mới, cùng với Thừa và Xuân mang 10 quả mìn muỗi trở lại bố trí một bãi mìn ở gần đồn sân bay Huội Ta Hãy, nằm chờ để đón đánh cánh quân của Grand Fean sau khi càn quét trở về. Tôi đưa Thừa và Xuân qua Hôm, Sa Phào vào gần Huội Ta Hãy rồi từ đó quay ra chọn địa hình nơi địch có thể quay về. Ngày thứ hai chúng tôi đã bố trí xong bãi mìn, chuẩn bị ăn cơm trưa thì nghe tiếng chân lào xào. Quân của Grand Fean đã về, nhưng không theo đường mòn mà băng qua suối, dừng lại nghỉ ở cánh rừng rậm cách bãi mìn của chúng tôi chừng 10 mét.


Bố trí mìn lại thì không kịp, chúng tôi bàn nhau vòng ra phía trước đội hình hành quân của địch, tìm một cây gỗ đổ ngang, nấp sau cây gỗ đó chờ đánh địch. Xuân được trang bị khẩu súng trường Mút-cơ-tông với ba viên đạn, còn tôi và Thừa mỗi đứa chỉ được 1 quả lựu đạn để phòng thân. Chúng tôi im lặng nằm chờ. Gần một tiếng đồng hồ địch mới lục tục chuẩn bị hành quân. Chờ toán đi đầu của địch đến cách chúng tôi chừng 10 mét, tôi ra lệnh cho Xuân nổ súng vào tên đi đầu, còn tôi và Thừa ném lựu đạn vào địch rồi rút chạy.


Ba chúng tôi cắm đầu băng rừng chạy, ước chừng được khoảng 70, 80 mét thì địch mới bắn đuổi theo. Đạn nghe chiu chiu trên ngọn cây. Chỉ khoảng 10 phút sau thì im tiếng súng. Chiều hôm đó, chúng tôi quay lại quan sát chỗ đánh nhau chỉ thấy một vũng máu lớn, chung quanh có một số cành cây nhỏ bị lựu đạn tiện đứt. Có thể chỉ chết thằng đi đầu do Xuân bắn, còn hai quả lựu đạn của tôi và Thừa chỉ sát hại được vài ba lùm cây thôi.


Quay về mặt trận hay tin là Grand Fean đã bí mật hành quân thọc sâu đánh vào doanh trại của đại đội 200 cơ động của khu ở Úc Tạy. Hai anh Trường của cơ quan mặt trận ngủ canh rẫy đã bị địch bắn chết.

Do được báo trước tin địch sắp ra càn nên Đại đội 200 đã kịp thời chuyển lên núi Tà Pạc, chỉ để lại ba người trông coi và đã cài 10 quả mìn muỗi quanh doanh trại khi địch tập kích thì 6 quả nổ tại chỗ, chỉ 1 quả nổ văng mảnh và không ai khác, người bị trọng thương bởi trúng mảnh quả mìn đó chính là quan ba pháp Grand Fean - tên cầm đầu của cánh quân.


Cánh địch từ Pạc Xoòng xuống cũng bị thiệt hại nặng. Cuộc càn mùa khô 1952 - 1953 của Pháp thất bại. Sau đó mặt trận Sê Kông giải tán rồi thành lập Ban Quân sự của từng huyện. Tôi được điều về huyện Xàn Cũn Xay làm thư ký cho huyện. Sau 3 tháng đi xây dựng du kích ở: Úc, Pai, Chèng, In Thư, rồi làm trinh sát bám địch đồn Pui, sau đó về Ban Quân báo khu, tháng 10 năm 1954 hành quân cùng bạn Lào lên hai tỉnh tập kết Sầm Nưa, Phông Xa Lỳ tôi mới được gặp lại bố mẹ Liềm và hai cháu gái của mẹ.


Ngày 15 tháng 10 năm 1954 quân tình nguyện Hạ Lào cuối cùng hành quân theo đường lên Bô-lô-ven, Sa-ra-van, Sa-vẳn, Khăm-muộn ra miền Bắc (Việt Nam). Còn đại bộ phận đã sang Kon Tum qua Giá Vụt, Ba Tơ về Quảng Ngãi, Quy Nhơn rồi được tàu thủy Ba Lan đón đưa ra Bắc.


Trên đường hành quân tập kết từ Át-tô-pơ đi, nhân dân các bản Sa Phào, Hôm, Pui, Úc dọc đường 18 ra đứng hai bên đường bịn rịn tiễn đưa các con Việt Nam. Bố mẹ Liềm cùng hai chị cũng có mặt trong đoàn người dân Bản Hôm đi tiễn hôm ấy. Bố mẹ mừng rỡ khi gặp được tôi - đứa con nuôi của mình - lòng mừng vui mà nước mắt lưng tròng. Tôi tạm xa gia đình mẹ Liềm với cái tên Lào thân thương Thao Bua Phẵn.


Năm 1975 trước khi vào Viêng Chăn để trực tiếp chỉ đạo giành chính quyền ngày 23 tháng 8 năm 1975, tôi lại được đồng chí Kay-xỏn Phôm-vi-hẳn - Tổng bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào đặt cho một cái tên nữa, đó là cái tên Khạo Khâm Lạ của tôi.


Mẹ Liềm là người đầu tiên dạy cho tôi nghề làm quân báo. Là người mẹ Lào từng nuôi dưỡng chăm sóc, che chở tôi, từng cứu mạng sống của tôi, tuy mẹ con chỉ gần nhau được 4 tháng mà nghĩa nặng tình sâu.


21 năm sau.

Ước nguyện trở lại thăm mẹ nuôi đã được toại nguyện, cuối năm 1974, đầu năm 1975 - một lần nữa tôi lại được Tổng Bí thư Kay-xỏn cho đi theo đến Át-tô-pơ để phát động phong trào đấu tranh ở Nam Lào chuẩn bị cho giành chính quyền trong cả nước.


Đến Át-tô-pơ, tranh thủ thời gian chờ đợi, tôi xin phép Tổng Bí thư cho ra Bản Hôm tìm thăm lại bà mẹ Lào của tôi. Đang là mùa rẫy, mẹ Liềm vẫn còn ở nhà ruộng chưa về bản, bố đã mất, con trai của mẹ đi lính cũng mất, cháu gái đầu của mẹ đã lấy chồng và ở bản Sa Phào. Chỉ còn một cháu gái ở với mẹ Liềm không đi lấy chồng. Mẹ Liềm đã ngoài bảy mươi tuổi. Hai dì cháu dựa vào nhau để sống.


21 năm cách xa biền biệt, tưởng chẳng bao giờ mẹ Lào con Việt được gặp lại nhau. Hai mẹ con nghẹn ngào mừng vui mà nước mắt rưng rưng, không nói được nên lời.

Việt Nam đất nước tôi còn hai miền chưa thống nhất. Tôi chưa về được quê hái quả xoài tượng Bình Định để tặng mẹ Liềm, tôi đã mua một chiếc khăn Nam Định để tặng mẹ. Gặp lại nhau khoảng một tiếng đồng hồ tôi lại phải xin phép mẹ về thị xã Mường Mày. Cuộc hội ngộ bất ngờ của hai mẹ con Lào - Việt quá ngắn ngủi như một giấc mơ.


Hồ Tây, ngày 21 tháng 8 năm 2009
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM