Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:19:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong  (Đọc 2619 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2022, 09:05:17 am »

Làn sóng thứ hai: A. Iacốplép thúc đẩy sử dụng I.Phlôrốp, E. Iacốplép, M. Pôntôraních, I. Láptép, V. Côrôchích, A.Nuikin và những người khác. Làn sóng này dâng lên dần dần bằng cách thường xuyên hâm nóng thái độ thiếu thiện chí đối với ban lãnh đạo đảng trước đây, bị buộc tội là "chủ nghĩa Xtalin tội lỗi" và đối với ban lãnh đạo hiện nay bị buộc tội là quan liêu bất hảo (tất nhiên, ngoại trừ Goócbachốp...), xa rời đảng, xa rời nhân dân và sử dụng các đặc quyền đặc lợi trong khi nhân dân thì nghèo khổ. Những người mới nổi lên bề ngoài thì không nhất trí một cách tự phát ở giai đoạn một, họ không thể tập hợp lại với nhau để tạo ra trong ý thức quần chúng một bản đúc - sự thống nhất của đảng. Điều đó giống như một dấu hiệu và sự biện bạch cho việc không thực hiện bất cứ quyết định nào của chính quyền trung ương. Điều chủ yếu là thổi phồng những lời đồn đại dưới khẩu hiệu: "Nói về công việc của chúng ta". Người ta không cần hỏi bất cứ ai về bằng cứ. Toàn bộ lịch sử trong thời kỳ Xôviết đều đen tối, các nhà lãnh đạo đều là những tội phạm nếu không bị xử bắn thì bị bỏ tù. Các khó khăn nói chung không còn là do khách quan mà người ta coi chỉ là hậu quả của sự không thành thạo của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô mà sự lãnh đạo kinh tế dựa trên hình thức sở hữu toàn dân. Từ đó, vẽ ra cho nhân dân thấy một con đường đơn giản, nhanh nhất để tiến đến cuộc sống tốt đẹp hơn - không phải bằng sản phẩm cao, không phải bằng đầu tư, không phải bằng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như người Đức, người Mỹ, người Nhật, người Trung Quốc đã làm, mà là đập tan bộ máy đảng, thay thế lãnh đạo và các đại diện chính quyền. Người ta đã tung ra một câu chuyện cổ tích về một ông vua nhân từ và chiếc đũa thần, nhưng lại ám chỉ câu chuyên xảy ra trong đời sống kinh tế - xã hội nước Nga cuối thế kỷ XX. Lại tước đoạt và phân chia, lại những ảo tưởng về khả năng có bước nhảy vọt to lớn không cần lao động. Do vậy, có nhiều người tụ tập ở các cuộc mít tinh, bởi vì nó gắn với ý thức của họ, bởi vì dễ dàng hô lên một vài khẩu hiệu, một vài lời kêu gọi giả dối, bởi vì, không cần chứng minh điều gì hết, không phải ngẫu nhiên mà các cán bộ khoa học, các viện nghiên cứu, các trường dại học, các nhà báo, những người phụ trách các chương trình truyền hình, các luật sư, loại như G.Pôpốp, A.Xốpchắc, O.Lachít, A.Aganbegian, V.Métvêđép, X.Satalin, P.Buních, V.V.. lại trở thành những nhà tư tưởng của đám đông tiểu tư sản đó. Nhưng họ lại không nói cần xây dựng như thế nào, làm thế nào để thay thế các thiết bị đã cũ kỹ, làm thế nào để buộc người ta làm việc đủ 8 giờ, hết mình và chỉ nhận lại theo lao động đã bỏ ra. Mà họ chỉ toàn nói, có thể là giả danh khoa học, những lời nói rỗng tuyếch, về hệ thống tồi, phân phối tồi, về người lãnh đạo tồi, về cuộc sống thấp kém, về các kết quả kinh doanh tồi. Người ta hô hào những điều mà mọi người đã biết: cần làm cho cuộc sống tốt hơn, bởi vì mọi người đã mệt mỏi, bởi vì người ta đã chờ đợi quá lâu, người ta không muốn và không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Và điều đó diễn ra trong điều kiện ở những người ở "hàng thứ ba" lên nắm quyền nhưng chưa có quyền lực. Bản thân họ không thể chống trả và lập lại trật tự, bởi vì chưa nắm được đầy đủ các thủ đoạn cầm quyền, mặt khác từ trên lại giữ tay họ không cho họ sử dụng được quyền lực dù ở mức nào đó.


Tất cả đều vì cải tổ, dưới ngọn cờ của cải tổ. Anh là người đầu tiên có thể làm được thì hô to hơn những người khác: danh dự và chính quyền. Không một ai dự định thực hiện điều đã hứa và chịu trách nhiệm về công việc không hoàn thành. Tiến hành phân tích và thống kê số liệu thì tổng giá trị của những lời hứa hẹn trước bầu cử, chỉ riêng của các đại biểu nhân dân được bầu năm 1989 vào Xôviết tối cao Liên Xô đã lên đến con số gần bằng khối lượng thu nhập quốc dân trong hai năm.


Cả hai chiến dịch đó ban đầu dường như hỗ trợ cho nhau, ở nơi nào do những nguyên nhân nào đó người ta không thể gạt bỏ, cho chuyển công tác hay cho về hưu vì tình trạng sức khoẻ (đó là công thức mà các nhà kinh điển của bộ máy yêu thích!), thì ở đó, người ta sử dụng việc bôi tội gắn với các hình thức và phương pháp lãnh đạo lỗi thời nền kinh tế, là có liên quan đến việc vi phạm sinh thái, là không quan tâm đến con người, là đặc quyền đặc lợi. Một thủ đoạn ưa chuộng là "thể hiện ý nguyện của nhân dân" tại các cuộc mít tinh hay các cuộc tuần hành với các đòi hỏi buộc ai đó của cơ quan chính quyền Xôviết hay một nhân vật cụ thể phải từ chức, những người mà ban lãnh đạo trung ương đột nhiên thấy, đương nhiên là đã cân nhắc kỹ, phải loại bỏ. Nhưng khi cái công việc mờ ám thay thế loại thứ nhất xuống loại thứ ba về cơ bản đã hoàn thành, thì những người thi hành công việc đó không những trở thành không cần thiết, mà còn nguy hiểm. Bởi vì họ là những người lựa chọn, đề bạt khẳng định loại thứ nhất mới đó. Những bạn bè thời sinh viên, những đồng nghiệp trong công tác ở bắc Cápcadơ trình độ vẫn dừng lại trong các ghế ở loại thứ ba. Nhưng đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của họ - đánh bóng cho cái chỉ số trung bình "cao" của lãnh tụ.


Và cả thê đội của E.Ligachốp cũng trở nên nguy hiểm. Chức vụ "Hồng y giáo chủ xám" trong Bộ Chính trị - đó là quyền lực thực tế, trong bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành lực lượng số một. Như tôi nói ở trên, Goócbachốp chỉ muốn nắm quyền lực một mình. Vì vậy ông ta cần phải biến "Hồng y giáo chủ xám" thành "Hồng y giáo chủ tại gia". A.Iacốplép - theo tôi biết rõ - là người thiết kế chủ yếu đường lối chính trị của "cải tổ" và là người lãnh đạo thực hiện nó. E.Ligachốp lại ở hàng đầu, không chỉ đe doạ quyền lực thực tế tương lai của Goócbachốp mà còn cả quyền lực danh nghĩa. Trong năm 1986 -1988 ông ta có quyền lực nhiều hơn so với Goócbachốp và Iacốplép. Về quan điểm tư tưởng, chí ít qua cái được công khai tuyên bố, và cả theo lôgích cuộc sống thì E.Ligachốp và Iacốplép không thể cùng tồn tại với nhau - hai con gấu không bao giờ có thể cùng sống trong một cái hang. Thế là bắt đầu cuộc tấn công vào E.Ligachốp. Ligachốp mạnh hơn và đương nhiên nguy hiểm hơn, và vì vậy cần phải tiêu diệt. Trong một thời điểm, người ta quy cho E.Ligachốp phải chịu trách nhiệm về chiến dịch chống uống rượu đã làm lung lay đến tận gốc hệ thống tài chính - ngân sách và tiền tệ - tín dụng của đất nước vốn đã hết sức yếu kém. Người ta đã cố gắng im lặng không nhắc đến sự đóng góp về tư tưởng và thực tế của Goócbachốp vào công việc đó, và cho đến nay vẫn im lặng. Chính quyết định và không chỉ một, do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là tổng bí thư thông qua. Ở trung ương, chỉ có Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô, Bộ Tài chính Liên Xô, Thứ trưởng Bộ Thực phẩm Liên Xô phụ trách sản xuất rượu và nước giải khát là phản đối.


Cú đấm được tính toán chính xác. Kinh nghiệm của thế giới về việc thi hành luật cấm rượu đã dạy ta rằng việc cấm đoán buộc nhân dân nhịn rượu là không có lợi, mà lại tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc hình thành các tổ chức maphia và sự làm giàu của chúng. Những kết quả chiến dịch đó ở Liên Xô không phải chờ đợi lâu như kinh nghiệm thế giới đã có. Goócbachốp và Iacốplép không thể không biết đến kinh nghiệm đó, nhưng đã giải quyết một nhiệm vụ khác mà để giải quyết nhiệm vụ đó họ sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào. Lại không phải là lấy tiền từ túi của mình. Số phận của E.Ligachốp đã được định trước. Công việc cải tổ bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công sản Liên Xô hoàn thành, trước hết là Ban Bí thư với kết quả là E.Ligachốp bỗng nhiên trở thành người phụ trách nông nghiệp. Như vậy làn sóng thứ hai đã đuổi kịp và phủ lên làn sóng thứ nhất.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #11 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 03:57:29 pm »

4. NHỮNG NHÂN VẬT MỚI TRONG SỰ KIỆN THÁNG 8 TƯƠNG LAI

Để hiểu rõ sự kiện tháng 8-1991 cần phải phân biệt quan điểm thực của những người sẽ tích cực tham gia sự kiện đó. Trước hết là Enxin. Như mọi người đều biết, nhân vật này được mời làm việc trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô với vai trò người tổng chỉ huy của cả nước, theo sáng kiến và khuyến nghị của chính E. Ligachốp, chứ không phải ai khác. Đó là một nhà hoạt động điển hình của đảng, có tiểu sử điển hình, có cách tư duy và kinh nghiệm của chế độ hành chính - mệnh lệnh. Ông được cử đến Mátxcơva với tư cách người được chỉ định, giữ chức vụ Bí thư thứ nhất Thành uỷ của Đảng Cộng sản Liên Xô để tham gia chính làn sóng đầu tiên mà chúng ta đã nêu ở trên. Nhiệm vụ của ông là phải xoá sạch toàn bộ, di sản của Grisin. Mátxcơva vốn là lò đào tạo cán bộ đảng cho cả nước và nhất là cho giới cầm quyền chóp bu. Ngoài ra, ở thủ đô có một tổ chức đảng lớn nhất, bao gồm cả các tổ chức đảng của tất cả các cơ quan chính quyền trung ương. Công bằng mà nói, nhà xây dựng1 (Enxin vốn là kỹ sư xây dựng (N.D)) Enxin là một kẻ phá hoại tài ba. Vẻn vẹn chưa đầy hai năm, tổ chức đảng Mátxcơva đã bị ông đập nát về căn bản. Vả lại, so với những người đứng đầu các khu vực khác thì có lẽ các nhân vật đứng đầu ở Mátxcơva không phải đứng hàng thứ ba, mà đúng hơn là hàng thứ tư. Nhưng, bởi vì đó là các cán bộ của ông ta, của Enxin, nên mọi người phải luôn nhớ điều đó.


Chiến dịch tuyên truyền chống lại E. Ligachốp được mở đầu ở Mátxcơva, được sử dụng những hình thức "xuống đường" khác thường đối với kẻ tiểu nhân Nga, chỉ có thể thực hiện được với một điều kiện do chính Enxin - người được giới thiệu, phản bội lại người tiến cử mình. Việc ông bị kết tội tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô là hoạt động phân liệt và làm tan rã cán bộ đảng, chẳng có ý nghĩa gì đối với Goócbachốp. Đa số các quan sát viên lúc đó đều không biết, không hiểu và không nhận định được điều chính yếu - việc Enxin trừ khử cán bộ của V. Grisin và của E. Ligachốp là theo đặt hàng của Goócbachốp, dù việc đó cũng có lợi cho mình. Hiện giờ khó mà nói được rằng, lúc đó ông có dự đoán gì xa hơn không. Nhưng chính việc triệt phá cán bộ theo đặt hàng đã bảo đảm cho Enxin có một "ô che". Cấp bậc Bộ trưởng của Liên Xô với chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban xây dựng nhà nước Liên Xô đã được dành sẵn cho ông. Tất cả những đặc quyền, đặc lợi mà sau này ông phản đối, kêu gào rất to trước công chúng - xe "Hải Âu", biệt thự, phòng khám bệnh, khẩu phần, phiếu nghỉ v.v..., tất cả ông đều được giữ nguyên. Công việc quá nhàn theo chức vụ đảm đương. Tôi - với tư cách là một thành viên của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, không hề thấy một văn bản nào, nghe một bài phát biểu nào của ông tại các phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nhưng thời gian và cơ sở vật chất thì ông có, và phải thừa nhận rằng, ông đã sử dụng không tồi những thứ đó cho hoạt động tổ chức - chính trị phục vụ lợi ích của mình. Goócbachốp có biết được điều đó hay không? Có thể là ông ta biết. Và điều đó cũng hợp với ý ông. Rõ ràng là trong thời gian đó họ đã phối hợp hành động với nhau. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, Goócbachốp chưa đánh giá hết nguy cơ đối với mình vì ông cho rằng, thông qua A. Iacốplép, bản thân ông vẫn kiểm soát được toàn bộ cái gọi là phe đối lập tự do chủ nghĩa.


Điều khá quan trọng là cuộc tranh chấp quyền lực chính trị lúc ấy tập trung xung quanh những vấn đề cải cách kinh tế, chủ yếu là cải cách quản lý kinh tế. Những nhân tố khách quan do mở rộng quy mô và đa dạng hoá các quan hệ kinh tế đòi hỏi phải thực sự phi tập trung hoá quản lý. Sự siêu tập trung không chỉ mang lại quá nhiều lợi ích ưu tiên cho các bộ ngành, gây ra thiệt hại cho các địa phương. Nếu đánh giá một cách đồng bộ thì thấy rằng toàn bộ các nghị quyết riêng rẽ dù có hiệu quả cũng không tạo ra sự tăng trưởng chung, không những gây tổn thất mà còn trì hoãn quá trình thực hiện các nghị quyết quản lý vi mô, làm giảm tính xác đáng do sự xa rời của cơ quan quản lý với đối tượng quản lý cả về mặt thời gian và không gian. Còn trong điều kiện hiện nay, không thể xây dựng ngay một hệ thống có hiệu quả, dù chỉ là trên lý thuyết, để kết hợp các lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, nhằm nâng cao tính hiệu quả chung, bằng cách dựa vào những chỉ tiêu hiện vật được xem là nhân tố phát triển chính nhờ tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng những thành tựu của nó vào sản xuất. Từ đó nảy sinh sự cần thiết khách quan không chỉ của việc phi tập trung hoá theo kiểu phục hồi và hiện đại hoá các nông trang tập thể trong giai đoạn mới, như một số vị lãnh đạo đã đề xuất (ví dụ N. Maxlennhicốp - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà Liên bang Nga, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nhà nước Cộng hoà Liên bang Nga), mà cần có sự thay đổi ưu tiên dành cho các đối tượng quản lý. Yêu cầu sử dụng các quan hệ hàng - tiền và những đòn bẩy giá trị vốn có của chúng trong quản lý, đã được đưa lên hàng đầu. Quá trình chuẩn bị cho cuộc cải cách đó đã được triển khai theo đường lối của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dưới sự lãnh đạo của A Iacốplép, V. Métvêđét, V. Bônđin. Vấn đề cán bộ do G. Radumốpxki đảm nhận từ năm 1985, I. Prôxchiacốp và A. Miliucốp chịu trách nhiệm tổ chức triển khai theo định hướng của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Cuối cùng, năm 1987 tất cả dự thảo được tập trung lại và biến thành các Nghị quyết của Hội nghị toàn thể tháng 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Những nghị quyết này do một nhóm soạn thảo dưới sự lãnh đạo của A. Iacốplép, V. Métvêđép, L. Abankin, V. Bôndin, V. Môdin. Tham gia nhóm này có A. Aganbegian, A. Anchiskin, G. Pôpốp và một số chuyên gia khác, trong đó có các cán bộ trong bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Về phía Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô có tôi và X. Xitarian tham gia. Còn Enxin, X. Satalin, G. Ialinxki và cả E. Gaiđa đều không hề tham gia quá trình soạn thảo.


Nhờ tham gia quá trình chuẩn bị Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 6-1987 và chương trình của N. Rưscốp năm 1990 nên tôi có thể nói rằng, cả Enxin và Goócbachốp đều không phải là những nhà kinh tế, nhà lý luận và nhà thực tiễn, không phải là những "nhà thị trường", đều không hiểu rõ thị trường là gì và quản lý nó như thế nào, có thể và cần phải dùng nó để đạt được điều gì, huống chi là thực hiện điều đó ra sao trong thực tiễn. Do đó những bất đồng của họ về cải cách không phải là những bất đồng về quan điểm và nguyên tắc, mà chỉ là những mâu thuẫn trong quá trình tranh giành quyền lực chính trị cao nhất cho bản thân. Vì vậy, những bất đồng, mâu thuẫn ấy tất yếu sẽ nảy sinh. Nền kinh tế của cả nước, phúc lợi của nhân dân đã trở thành những con tin của cuộc tranh giành quyền lực chính trị, thể hiện qua cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng và quan niệm, cuộc đấu tranh vì những cải cách dân chủ chống lại hệ thống hành chính - mệnh lệnh. Mỗi người tự coi mình và tuyên bố mình là người dân chủ và người cải cách, còn đối phương thì được gọi là người bảo thủ, quan liêu, quan cách. Nhưng, trong thời kỳ đó, họ cũng sẵn sàng hoà hợp khi cần loại bỏ người thứ ba. Đó là thực chất những dao động của cả Goócbachốp lẫn Enxin, những yêu sách và thoả thuận không ngừng diễn ra giữa họ với nhau.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #12 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 04:01:35 pm »

Do thực hiện hai chiến dịch thanh trừng tàn bạo, trước hết là đối với các nhà hoạt động chính trị của các nước cộng hoà và địa phương, nên ở các địa phương đã xuất hiện quan niệm cho rằng trung ương không còn là chỗ dựa, là người bảo vệ những lợi ích cho các nhà lãnh đạo của họ nữa. Trái lại, trung ương đã trở thành một nhân tố nguy hiểm, đe doạ họ. Vậy là, từ con ngựa thành Tơroa dưới tên gọi "cải tổ" đã xuất hiện những cuộc chiến tàn phá Liên Xô đến tận nền tảng của nó. Sau khi bị trung ương bỏ mặc, các nhà hoạt động ở các nước cộng hòa và các địa phương đã tìm chỗ dựa cho mình ở nơi sở tại, thoạt đầu là do tình thế bắt buộc, sau đó ngày càng có ý thức hơn. Chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa phân biệt và chủ nghĩa dân tộc đã được đa số họ dùng làm vũ khí, phương tiện duy nhất để tự cứu mình và quyền lực của mình, về sau đã phát triển thành mục tiêu tự chủ, ly khai, đề cao và tự khẳng định từng bộ phận trên cơ sở phá hoại và huỷ diệt tổng thể. Các đơn vị lãnh thổ - quốc gia được hình thành với tốc độ và kết quả khác nhau theo con đường đó. Bắt đầu từ những vấn đề quốc ngữ, văn hoá dân tộc, phục quyền và kêu gọi sám hối, bồi thường, rồi họ không thể dừng lại được, khi còn chưa đi đến cùng, đến phân lập toàn bộ. Để ngăn chặn được quá trình phát triển của chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến cần phải có chính quyền cứng rắn và sức mạnh. Nhưng Goócbachốp lại không muốn. Hơn thế nữa, ông đã bằng mọi cách thúc đẩy quá trình tan rã, làm suy yếu tất cả các lực lượng chính trị và nhà nước, phân tán họ. Thi hành nguyên tắc "chia để trị" đã giúp ông ta cơ hội đứng vững trên đầu ngọn sóng. Nhưng khi quá trình suy sụp của đất nước đã đi quá xa và trở thành không quản lý nổi, thì cơ hội duy nhất để cứu nguy là dựa vào quân đội và an ninh. Bởi vậy, chính Goócbachốp đã dẫn tình hình đến chỗ cần thiết phải có tình trạng khẩn cấp. Đó cũng là điều mà từ lâu ông đã ý thức được và chuẩn bị sẵn sàng. Điều này được nói lên bằng những sự thực hiển nhiên, qua nhiều cuộc họp do ông điều khiển, trong đó tôi có được tham gia một số cuộc.


Khi chuẩn bị nghị quyết về cải cách kinh tế cho Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 6-1987, những người soạn thảo đều thống nhất ý kiến muốn thực hiện cải cách này trên thực tế, thì trong những biện pháp tổ chức cần quyết định một bước đi rất quan trọng - tập trung vào tay một người các chức Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nói thẳng ra là đất nước, cường quốc của chúng ta, như con thuyền lớn, cần có sự thay đổi tất yếu về đường lối, phải củng cố kỷ cương về mọi mặt tập trung ý chí và nỗ lực, vào những thời điểm quyết định nhất. Nếu không làm thế thì con thuyền hoặc sẽ bị lật đổ, hoặc sẽ đi theo con đường cũ, hoặc hoàn toàn lạc đường và biến thành thứ đồ cũ han gỉ. Nhưng, khoảng một tuần trước khi tiến hành Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những người soạn thảo cải cách kinh tế thuộc nhóm của G.Radumốpxki (Ban Tổ chức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) biết rằng người đằt hàng, tức là Goócbachốp, đã không chấp nhận hướng tổ chức lại quản lý nhà nước và cần phải khẩn trương sửa chữa lại văn kiện. Tuy nhiên, nếu nói rằng điều đó là không thể thực hiện được thì còn hơi vội. Nói cách khác, không phải sự tập trung quyền lực, mà do thiếu khả năng hiện thực để cải cách theo hướng đó vào thời điểm ấy là nguyên nhân của sự phủ nhận. Thêm vào đó, một điều khá tiêu biểu là vấn đề cải cách kinh tế đến tháng 6-1987, sau Hội nghị toàn thể cán bộ tháng Giêng mới được đưa ra xem xét mặc dầu, theo tôi biết thì việc chuẩn bị đã được tiến hành đồng thời, nếu không nói là sớm hơn. Đó chính là một trong những nguyên nhân chậm trễ thực hiện cải cách.


Sau khi không giải quyết vấn đề quyền lực thực tế bằng phương thức thông thường, Goócbachốp đã làm một cuộc cải cách không phải vì mục tiêu, mà dùng phương tiện để đạt được mục tiêu. Chung quanh cuộc cải cách này đã dâng lên một làn sóng thứ hai mà tôi đã viết. Còn ở các địa phương, về thực chất đã diễn ra quá trình đánh lộn sòng các khái niệm, trong đó phi tập trung hoá quản lý và tự do cho người sản xuất đã bị công khai đổi thành chủ nghĩa trung phái chính trị. Các nước cộng hoà bắt đầu nói đến việc trung ương kìm hãm cải cách, và họ có ý muốn biến một trung ương thành ít nhất là 15 trung ương. Những thay đổi thực sự bằng cách chuyển sang các quan hệ thị trường bị đẩy xuống hàng thứ hai không làm cho ban lãnh đạo của họ quan tâm lắm. Điều đó thể hiện rất rõ khi thành lập cộng đồng các quốc gia độc lập, người ta mới vỡ lẽ ra rằng, chẳng một nước cộng hoà nào có chương trình cải cách thị trường thực sự. Có lẽ, chỉ trừ nước Cộng hoà Udơbếch, nơi mà Tổng thống I.Karimốp, nhà kinh tế chuyên nghiệp, trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia đã làm Bộ trường Bộ Tài chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Udơbếch, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nhà nước Udơbếch và đã tích luỹ khá đầy đủ kinh nghiệm để phân biệt rõ các mô hình phát triển thị trường và phi thị trường. Bởi vậy, thiết nghĩ rằng, ông hoàn toàn hiểu rõ nên cải cách gì và như thế nào trong nước để phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội riêng của nước mình. Nhưng tất cả các nước cộng hoà đều lo ngại nước Nga, vì họ cho rằng, dựa vào tiềm lực kinh tế của mình nó vẫn có thể trở thành một trung tâm như trước, nếu không nói là còn cứng rắn hơn, nhưng trong mọi trường hợp vẫn kém uy tín nhất. Lợi dụng sự đối kháng giữa những người cộng sản và những người dân tộc, giữa chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa trung phái, là chiến lược cơ bản của Goócbachốp vì sự sống còn về mặt chính trị của mình. Bởi vậy, hoạt động chính của ông ta là trừ khử các lực lượng và phong trào chính trị không để cho bất cứ ai có được ưu thế quyết định.


Chính sách đó đã mang lại kết quả. Các nước cộng hoà vốn bị ràng buộc ở mức quyết định các quan hệ sản xuất, quản lý với trung ương và Nga, đều không thể hợp nhất để chống trung ương, nhưng chính trung ương mà đại diện là Goócbachốp, lại không muốn giải quyết một cách triệt để và hợp lý các quan hệ giữa Nga với các nước cộng hoà. Lúc này ông ta tập trung chú ý vào việc làm suy yếu các lực lượng chính trị bằng cách đối đầu họ với các lực lượng chính trị ở Nga, trước hết là đảng cộng sản và những người dân chủ tương lai. Và, ở đây Goócbachốp đã làm tất cả để cuốn hút Enxin ra khỏi "cõi hư vô chính trị".


Sau khi tạo cho Enxin điều kiện và thời gian để tập hợp lại lực lượng và thay đổi êkíp, ông vẫn luôn giúp Enxin. Nguyên tắc "lạy Chúa, hãy giúp cho kẻ yếu hèn" đã có hiệu lực. Về điều này, người ta không nói và không viết ra, nhưng bao giờ sự phù hộ đó cũng đến trong thời điểm cần thiết nhất: từ những mệnh lệnh thường ngày cho cục an ninh và cơ quan kiểm duyệt đến những thay đổi chiến lược trong các trận chiến chính trị.


Chẳng hạn, xin dẫn ví dụ về cuộc đấu đáng nhớ trong đời sống chính trị của chúng ta, giữa B.Enxin và I.Pôlôxcốp với tư cách là những người tranh cử chức Chủ tịch Xôviết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga tại Đại hội đại biểu nhân dân Nga, khi những cuộc bỏ phiếu nhiều lần sau nhiều ngày tranh luận và phối hợp ngấm ngầm đã mang lại thế ngang bằng hoàn toàn và thậm chí người ta còn dự đoán Pôlôxcốp sẽ thắng cử. Chiến dịch bôi nhọ đôi khi đến mức lố bịch, hèn hạ nhại lại những khuyết tật của thân thể, giọng nói, lối phát biểu, họ tên của ông1 (Pôlôxcốp: tiếng Nga có nghĩa là xúc miệng (ND)) cũng đã không làm ông thất bại. Và bỗng nhiên, điều hoàn toàn bất ngờ là I. Pôlôxcốp rút khỏi danh sách ứng cử viên. Câu nói theo kiểu của một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình - con mèo Lêôpôn vang lên "nào các bạn, chúng ta hãy sống hoà thuận" không thuyết phục nổi một ai trong số những người ủng hộ ông. Hầu như tất cả những người cộng sản đều nhận định đó là một cú đánh lén, một sự phản bội trắng trợn. Nhưng, thế thì ai đã phản bội? I.Pôlôxcốp chăng? Sau này, mùa xuân năm 1991 vào lúc giải lao tại hội nghị trọng thể ở Nhà hát lớn, Ivan Kudơmích1 (Ivan Kudơmích Pôlôxcốp (ND)) đã đứng lại với tôi sau hội trường. Chúng tôi chỉ có hai người. Chúng tôi đã bàn với nhau về việc tìm cho ông một vị trí thích hợp trong nội các Liên Xô với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và thu mua lương thực. Về mặt nghề nghiệp tôi thấy không có vấn đề gì, nhưng tôi còn chưa đồng ý về việc bổ nhiệm và điều này ông ấy cũng đã biết. Tôi chỉ đặt ra cho I.Pôlôxcốp một câu hỏi: Ý kiến ông phát biểu tại đại hội là do quyết định của riêng mình hay của tập thể và vì động cơ gì? Câu trả lời chỉ vẻn vẹn: trong một cuộc nói chuyện bằng điện thoại, Goócbachốp cho biết là ý kiến của các Uỷ viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô "khuyên" tôi nên rút khỏi danh sách ứng cử viên, bất chấp mọi phản đối và nghi ngờ của I.Pôlôxcốp. Kỷ luật đảng đã thắng và đây không phải là lần đầu và cũng chẳng phải là lần cuối cùng được Goócbachốp dùng vào những mục đích riêng gây thiệt hại cho chính bản thân đảng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 04:03:56 pm »

5. "ĐỘI QUÂN THỨ NĂM" TRONG HÀNH ĐỘNG

Những hành vi của Goócbachốp có thể là rất khó tin được, nếu như tách chúng ra khỏi tiến trình chung và lôgích các sự kiện. Mà những sự kiện đó là như thế này. Ngày 12-6-1990, Xôviết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga ra tuyên bố về độc lập, về hiệu lực tối cao của các đạo luật của các nước cộng hoà so với các đạo luật của liên bang, ra các nghị quyết về các hệ thống tài chính - tín dụng và thuế, sự kiện đó đã phá vỡ cơ sở quyền lực kinh tế của Chính phủ Liên bang. Tiếp đó, sau phong trào bãi công của thợ mỏ do ban lãnh đạo chính trị Nga đứng đầu là Enxin khởi xướng và tài trợ, sau những lần lớn tiếng kêu gọi chuyển tất cả các xí nghiệp và các cơ quan nằm trên lãnh thổ Nga trả cho Nga thì nguy cơ làm tê liệt nền sản xuất đã buộc nội các Liên Xô phải lo cứu nền kinh tế khỏi sự sụp đổ và cứu nhân dân khỏi nạn đói thay cho việc tiến hành công cuộc cải tổ triệt để nền kinh tế theo con đường cải cách đã định. Có thể nào tin được rằng trong giờ phút nguy kịch, Goócbachốp không chỉ giúp đỡ, mà đúng hơn là đã nhấc bổng kẻ thù không đội trời chung của mình lên khỏi cơn sóng dữ. Nhưng đó là sự thực và về lôgích là nhất quán, bởi vì Goócbachốp và Enxin ngày càng trở nên không thể chịu nổi nhau về phương diện cá nhân - cái ghế tối cao bao giờ cũng chỉ có một, và vì nó là tối cao nên không bao giờ không có kẻ thù, họ chỉ làm mỗi một việc là phá hoại. Mỗi kẻ phá hoại vì những ý tưởng và mục đích riêng, mặc dầu trên con đường đó họ đã hành động trong một đội ngũ thống nhất, đồng thời lần lượt thay phiên nhau cả về hướng đánh hoặc thông thường hơn là phối hợp cả về mặt thời gian và không gian những đòn đánh vào đối phương chung - Liên Xô - từ hai phía.


Thật bất hạnh đối với đất nước, hướng phá hoại chính lại là kinh tế và gắn với nó là mức sống của nhân dân. Những người lãnh đạo kinh tế - từ giám đốc, chủ tịch uỷ ban và những chuyên gia chung quanh họ cho đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là những người đầu tiên cảm thấy và hiểu được nguy cơ đe doạ sự tồn tại của nhà nước, nguy cơ đối với những cơ sở bảo đảm đời sống của nhân dân, nằm trong chương trình hành động của "những người cải tổ" mà thói ngạo mạn cá nhân đã tô vẽ ra. Điều đó đã được thể hiện rõ ngay từ khi chuẩn bị thành lập quốc hội cuối cùng của Liên Xô.


Đã xảy ra một sự kiện chưa từng có là - những công dân có toàn quyền của Liên Xô đã bị người ta tước mất quyền được trở thành người đứng trong danh sách ứng cử chỉ vì họ giữ chức bộ trưởng trong Chính phủ Liên bang. Vì sao nghề nghiệp khác lại không bị cấm? Mà chính những bộ trưởng ở nước ta bao giờ cũng là những người có uy tín nhất trong đội ngũ giám đốc và kỹ sư - kỹ thuật. Vậy mà người ta đã coi họ ngang với những người can án và những người mất trí. Thế nhưng các viện hàn lâm, các hội và các liên đoàn thì lại chỉ được phép đề cử chứ không phải ứng cử, đại biểu mang tên nhân dân. Chủ trương này đã bị phản công một cách ngấm ngầm ngay tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ phất vào năm 1989, khi đăng sau hội trường - các nhà công nghiệp, các nhà nông học và nhiều người khác nữa đã kiên trì đến phút chót thuyết phục N.Rưscốp đồng ý ra tranh cử chức Tổng thống Liên Xô. Hầu như tôi đã tin chắc rằng, bất chấp hàng trăm đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, của công đoàn, của đoàn thanh niên và của các tổ chức xã hội, kể cả hội những người chơi tem và các hội hữu nghị mà phần lớn được chỉ định nhằm phối hợp với Goócbachốp, Tổng thống Liên Xô sẽ là N.Rưscốp, mong sao ông ấy đồng ý. Người ta đã nói thẳng với ông rằng, chẳng cần phải làm gì cả, "vì Anh chúng tôi sẽ làm tất cả", chỉ cần anh nói ."Vâng". Ông đã không biết giữ mình và vì lòng trung thành, tháng 12-1990, ông đã nhận được phần thưởng nhồi máu cơ tim và từ chức. Không gì có thể quên và không ai có thể quên. Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà đại biểu N. Ôbôlenxki tự mình ứng cử chống lại Goócbachốp, đã thu được 20% số phiếu. Dĩ nhiên người ta bỏ phiếu không phải vì N. Ôbôlenxki, mà là để chống Goócbachốp. Nghĩa là nguy cơ từ phía những người lãnh đạo kinh tế còn nguy hiểm hơn cá nhận Enxin. Tức thì Goócbachốp đã dùng tay Enxin để phản công, tung ra loạt đòn đánh lén vào các cơ quan đầu não - các bộ, các cơ quan kế hoạch, tài chính và ngân hàng.


Có thể nhớ lại việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống ờ Nga. Enxin đã là người được ái mộ nhưng vẫn chưa có ưu thế áp đảo. Vòng bầu thứ hai đã trở nên thực tế hơn. Lúc này mặc dầu N.Rưscốp đã được đề cử, Goócbachốp vẫn tiếp tục giới thiệu V. Bacatin. Nguyên do là bạn phải tự thể hiện mình là một nhà hoạt động chính trị tự lực trong tương lai. Bacatin tự cho rằng, ông chẳng hề có một cơ hội nào đắc cử và nhiệm vụ của ông chỉ là để kéo bớt số phiếu về mình. Số phiếu của ai vậy? Chính ông đã vô tình chơi N. Rưscốp một vố, tước mất số phiếu của ông ấy. Tình hình cũng như vậy khi tổ chức bầu cử thị trưởng Mátxcơva và lựa chọn những đối thủ đối với G. Pôpốp. Hoặc lấy ví dụ ở Ucraina, nơi mà các đại diện của Rukhơ đã tiến hành một chiến dịch ác liệt chống lại việc bầu Bí thư Đảng Cộng sản Ucraina V.Ivaxcô làm Chủ tịch Xôviết tối cao của nước cộng hoà, đổ vấy rằng ông cũng như tất cả những người cộng sản, dường như đều đặt lợi ích của trung ương Mátxcơva và Đảng Cộng sản Liên Xô lên trên lợi ích của nhân dân Ucraina. Về thực chất, người ta đã buộc ông phải cam đoan rằng những lợi ích dân tộc, mà theo phát ngôn của các phương tiện thông tin đại chúng, là lợi ích dân tộc chủ nghĩa, sẽ được ông đặt cao hơn tất cả các lợi ích khác, và dù là người cộng sản đi nữa, thì ông vẫn phải luôn bắt đầu từ sự ưu tiên đó trong các chính sách của mình. Nhưng số phiếu hiển nhiên và chắc chắn là sẽ nghiêng hẳn về phía ông. Thắng lợi của những người cộng sản Ucraina và những người muốn giữ nước Nga trong một quốc gia thống nhất dường như đã là tất yếu. Thế mà bỗng nhiên, đúng một tuần sau, V. Ivascô được triệu về Mátxcơva, và nhanh chóng trở thành người giữ chức phó của Goócbachốp về công tác đảng. Tại sao và nhằm mục đích gì? Lẽ nào một tuần trước đó, Goócbachốp không biết rằng ông cần V.Ivascô ở Mátxcơva, hoặc giả không dự đoán được sức mạnh, luận cứ và xung lực mới, lực lượng mới mà ông đã giáng xuống đầu Rukhơ, để mở ra khả năng tiến hành ở đây một vòng đấu tranh chính trị mới, với những người đã đánh mất quan điểm và tính chủ động sáng tạo, sút kém về đạo đức, dù đó là những người đang cùng đứng trong hàng ngũ đảng với mình. Dĩ nhiên là Goócbachốp biết. Nhưng ông ta không cần một thành trì cộng sản ở Ucraina. Ông ta vẫn chưa quên những lời tán dương bất đắc dĩ đối với V. Sécbixki về lực lượng cán bộ ở nước cộng hoà này và tinh thần đoàn kết cùng với tính kiên định của họ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 04:04:29 pm »

Tuy nhiên, để mở đường cho Enxin, về thực chất là để bảo đảm thắng lợi cho ông ta ở nước Nga, Goócbachốp cũng đã tiến hành công việc phá hoại quyền lực và uy tín của Enxin. Ông ta đã đưa ra một cơ chế mà nhờ đó trung ương bị sụp đổ bởi chính các nước cộng hoà trong liên bang, tất cả được lặp lại như sao y bản chính. Tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ cuối cùng và trao đổi riêng của Goócbachốp với các đại diện của các khu tự trị, về dự phiên họp Hội đồng Liên bang tháng 7-1991. Tôi là người có mặt ngoài dự kiến, có thể nói như một người thừa. Nội dung cuộc trao đổi đề cập đến mối quan hệ qua lại với nước cộng hoà, đến cá nhân Enxin, tất cả đều thống nhất là sẽ giúp đỡ và ủng hộ. Thực chất, đó là cuộc phổ biến chỉ thị.


Cùng lúc đó, trước mắt Goócbachốp đặt ra một nhiệm vụ có tầm quan trọng rất lớn: bằng mọi cách phải giành được sự kiểm soát cá nhân đối với quân đội và an ninh. Nhiệm vụ này trong quân đội được đặt lên vai Đ.Iadốp, người được bổ nhiệm trọng trách thứ trưởng, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trong Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô thì dồn lên vai V. Criuscốp, còn sau đó là V. Bacatin (tuy không lâu), trong Bộ Nội vụ Liên Xô là V. Bacatin và về sau là B. Pugô. Ba trong bốn người này sau này là những thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp.


Một lần nữa xin nhắc lại các sự kiện. Sự kiện Nagornưi Carabắc được bắt đầu từ đâu? Từ việc bàn luận về cuộc phỏng vấn giật gân ở Pari đối với Viện sĩ A.Aganbegan, cố vấn của Goócbachốp. Ở đây, tôi chỉ nói những gì mà chính mình đã nghe được. Tôi biết Aben Aganbegan là một người rất thận trọng, hay cân nhắc và hiểu biết nhiều. Ông chưa bao giờ có những tuyên bố chính trị không đúng lúc kiểu như vậy. Vậy mà bỗng nhiên có cuộc phỏng vấn, theo tôi được biết không trái ý Goócbachốp, không có một tuyên bố nào, không bác bỏ những tin đồn đại. Đấy là tôi còn chưa nói rằng một người thuộc tầm cỡ như vậy không có quyền ra những tuyên bố chính trị không ăn khớp với người lãnh đạo của mình hoặc không trùng với đường lối và quan điểm của ông ta. Nhưng trong trường hợp, nếu vì những nguyên nhân nào đó vẫn cứ xảy ra điều đáng tiếc, thì chính người lãnh đạo phải có trách nhiệm tuyên bố trước công chúng và sa thải vị cố vấn đó. Huống hồ là sự vu khống thì lại càng cần phải bác bỏ. Sự việc lại chẳng xảy ra như thế. Tiếp theo là sự kiện Bacu. Mặt trận nhân dân đã ra đời bởi vì người ta đã khen ngợi và khuyến khích. Những người ngồi đợi sự bắt bớ, thì buổi sáng vẫn còn được mời đến đàm thoại, mặc dầu chính họ đã cho rằng sự việc thế là thất bại. Số người ủng hộ mặt trận đã từng bước nhanh chóng phát triển. Hoặc giả chúng ta hãy nhớ lại sự kiện Pribantích và Tbilixi. Thoạt đầu là sự xúi giục hành động kiên quyết, rồi đến thành lập các uỷ ban cứu nguy, chiếm đài phát thanh và đài truyền hình. Tiếp đến là cấm đoán, toàn bộ tiến trình chỉ dừng lại ngay sau khi biện pháp cuối cùng đã được thực hiện. Biết bao điều về sự tham gia trực tiếp của Goócbachốp, về những lệnh và sự trừng phạt của ông ta đã được viết lại và kể lại từ các diễn đàn khác nhau, kể cả ở Xôviết tối cao Liên Xô. Nhưng trong câu chuyên này chúng ta cần chú ý đến một điều rất quan trọng: vì một sự trùng hợp kỳ diệu nào đó, khi xảy ra các sự kiện, Goócbachốp bao giờ cũng đi đâu đó, thường là đi ra nước ngoài. Xin hãy nhớ lại việc sử dụng quân đội ở Tbilixi, Bacu, sử dụng cảnh sát dã chiến và lực lượng đặc nhiệm ở Riga, Vinhiút, và hãy so sánh sự kiện đó với sự kiện tháng 8-1991. Phải chăng là có nhiều điều trùng hợp. Lần này, ông ta lại một lần nữa không có mặt ở Mátxcơva. Ông ta đang đi nghỉ, "bị cách ly" ở Phôrôx. Lối dập khuôn ghê người, vì thế bị lộ tẩy và tự kết thúc bằng thất bại của Goócbachốp.


Để kết thúc chương này chúng tôi cố gắng xem xét một cách khách quan những kết quả của cái gọi là công cuộc cải tổ quân đội, các cơ quan Bộ Nội vụ Liên Xô. Nhiệm vụ thay thế cán bộ trong các lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh không đòi hỏi phải có những luận cứ đặc biệt. Nhưng trong điều kiện nước ta, đoàn sĩ quan có một đặc điểm là không phụ thuộc vào những quan hệ cá nhân, những sự cảm tình và thành phần, đại đa số sĩ quan có lẽ đều có cái mà có thể gọi và gen di truyền - tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc và lòng tự hào về Tổ quốc, coi Tổ quốc là một thể thống nhất và không thể chia cắt. Chính vì vậy trong mọi sự thay đổi của ban lãnh đạo thì quân đội đứng đầu là đoàn sĩ quan vẫn là một nhân tố chính trị có tiềm lực mạnh của chủ nghĩa tập trung, trong đó những con người thuộc tất cả các dân tộc đã luôn luôn sống và phục vụ cùng nhau, đã trải qua trường học sống động về chủ nghĩa quốc tế. Điều đó đặc biệt quan trọng bởi vì ở cả Nga lẫn Liên Xô, về mặt lịch sử, nhân dân đã coi quân đội như sự quan tâm máu thịt của mình và tự hào về nó, sẵn sàng chịu mọi hy sinh để củng cố quân đội. Sự khẳng định rằng phục vụ trong quân đội là việc làm danh dự vẫn luôn là quan niệm thực sự của nhiều người dân. Muốn chia rẽ được quân đội và nhân dân, phải thực hiện không chỉ bằng một lần khiêu khích. Nếu không, với sự ủng hộ của nhân dân bất kỳ lúc nào quân đội cũng có thể làm thất bại mọi âm mưu ngấm ngầm nham hiểm nhất. Những sự kiện Tbilixi, Bacu, Vinhiút, Nam Ôxechia, Mônđavia đã mang lại rất nhiều tư liệu thực tế để nghiên cứu xem công cuộc tàn phá nhà nước thống nhất đã nhất thiết phải đi đến chỗ khiêu khích chống lại quân đội Liên Xô ra sao, những mưu toan đem đối lập nhân dân với quân đội, làm cho quân đội mất tư cách người bảo vệ nhân dân dưới con mắt của dân, biến nó thành đội quân mật thám đặc biệt và sử dụng nó để đạt được những mục đích của cá nhân và của phe nhóm chính trị. Những đặc điểm đó của quân đội chúng ta là một nhân tố kìm hãm quan trọng trong những mưu đồ chính trị tháng 8-1991.


Nếu như giới ngoại giao do bàn tay và nỗ lực của Sêvácnátde tạo ra, hoàn toàn được Goócbachốp sắp đặt để phục vụ cho những mục đích cá nhân thông qua công tác tuyên truyền kiên trì - tích cực ở nước ngoài về hình ảnh "Goócbi trìu mến" của mình, đã không giữ một cái gì khác ngoài quan điểm chờ thời, ngấm ngầm hy vọng việc ông ta bị cách chức, bởi vì hơn ai hết họ đã biết rõ sự thực về sự phản bội của ông ta đối với những lợi ích chiến lược và đối với bạn bè nước ngoài, thì quân đội lại tích cực tham gia sự kiện này. Vai trò thực của quân đội không hẳn chỉ gắn với D. Iadốp và V. Varennicốp, mà đúng hơn là với E.Saposnicốp, P. Grachốp, v.v. hoặc còn chưa lộ ra, hoặc lộ ra một cách phiến diện và rất đáng ngờ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 04:04:55 pm »

Đến tháng 8-1991, quân đội dường như đã bị bắn trúng đích. Sự thất bại của nó đưa đến sự phân chia, mà về mặt vật chất bắt đầu từ khi ký hiệp nghị về rút quân khỏi các nước châu Âu thuộc khối hiệp ước Vácsava cũ, ấn định thời hạn rút quân trước khi thoả thuận các vấn đề về sử dụng ưu thế quân đội, kỹ thuật quân sự, chuẩn bị điều kiện để phân bố số quân ở những địa điểm đóng quân mới. Tình hình đi đến chỗ khôi hài, khi thậm chí người nước ngoài còn khẳng định rằng, với thời hạn mà Sêvácnátde và Goócbachốp đưa ra và ký kết thì không thể rút hết số quân đã định vì khả năng kỹ thuật vận chuyển của đường sắt. Hàng triệu binh chức và gia đình của họ, theo lệnh của vị tổng chỉ huy của mình, đã buộc phải bỏ chạy, bỏ lại nhà cửa, máy móc, phi trường, bãi tập, đường xá, thiết bị, nhà xưởng và công trình với trị giá hàng tỷ đôla và đóng ở nơi đồng trống, trong lều bạt, hoặc ở khắp những chốn xa lạ như những người tị nạn. Còn chính phủ thì sau khi rút quân đã được uỷ quyền tiến hành đàm phán về vấn đề sử dụng ưu thế bị lãng quên. Nên chẳng ngạc nhiên vì rằng tất cả những cái đó đã mất đi hoặc được bán đi với một giá rẻ mạt. Tiền của mà chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức cấp cho sau đàm phán để xây dựng nhà ở cho binh chức của quân đội Liên Xô, được chuyển từ Đức về, cũng chỉ như giọt nước trong biển khơi. Sau đó Goócbachốp đã hai lần đề nghị H. Kôn cấp thêm kinh phí cho mục đích đó, theo tôi là 18 tỷ mác, nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Còn trị giá của tài sản để lại, của vũ khí và các công trình, nếu tính đúng ra, thiết nghĩ, còn lớn hơn nhiều so với con số đó. Người ta cũng từ chối việc bồi thường cho những người dân được điều từ lãnh thổ Liên Xô sang làm việc ở Đức, thực sự thì trong vấn đề này những người Do thái của Liên Xô vốn còn sống trong vùng đóng quân hoặc được chuyển đến những vùng an toàn của Liên Xô, chạy sang sống ở Ixraen, đều đã được trả bồi thường bằng tiền của Đức cho thiệt hại kiểu như vậy. Hoặc lấy ví dụ về hiệp ước hủy bỏ tên lửa SS-20 và trạm rađa Craxnôiarxki. Phương Tây đã tháo dỡ, tận dụng những tên lửa của họ, còn chúng ta thì huỷ đi những vật liệu quý giá nhất. Người ta đã ký kết huỷ bỏ trạm rađa Craxnôiarxki. Sau khi trở thành thủ tướng, tôi đã đặc biệt giao cho giới quân nhân quyền xem xét khả năng sử dụng nhà xưởng, năng lượng, giao thông liên lạc và cơ cấu hạ tầng vào những mục đích sản xuất hoặc khoa học - kỹ thuật. Tổng tham mưu trưởng của các lực lượng vũ trang Liên Xô M. Môixeép trình bày rằng, về mặt kỹ thuật thì có thể, song theo điều kiện của hiệp ước với người Mỹ thì không thể. Bộ Ngoại giao Liên Xô kiên quyết phản đối và một mực đòi thực hiện đúng hiệp ước mà họ đã soạn thảo và Goócbachốp đã ký. Nhưng ý đồ của tôi không phải là ngăn cản việc rút quân khỏi châu Âu, mà muốn dù chỉ là thông báo cho các bên quan tâm biết một khả năng hành động như vậy do quan điểm thiếu xây dựng của những người tham gia đàm phán và sự công khai kéo dài việc giải quyết các vấn đề về sử dụng ưu thế của quân đội Liên Xô và sự định giá về nó. Vậy mà đã gây ra sự phản ứng dữ dội và sự bất bình của Sèvácnátde và các cố vấn của Goócbachốp về các vấn đề đối ngoại, và sau đó là sự phản ứng tương tự của chính ông ta.


Nhìn chung cần phải nói rằng, những hiệp ước mà Goócbachốp đã ký nhân danh Liên Xô, chưa bao giờ là kết quả làm việc bằng trí tuệ tập thể của các cơ quan quyền lực lập pháp và hành pháp. Họ đã tập trung vào việc sử dụng nguồn lực của đất nước, trước hết là tiềm lực kinh tế của nó để xây dựng và ký kết những hiệp nghị và hiệp ước trong thời gian đi thăm. Đã có một phương pháp đặt hàng, thu thập đơn từ để có thể ký trong lúc đi thăm thường kỳ. Tôi không hề nhớ một trường hợp nào có đưa ra chính phủ và nghị viện để bàn về vấn đề những lợi ích kinh tế nào của nước ta có thể được bảo đảm bằng cách ký kết hiệp nghị và hiệp ước với các nước khác. Đó là cách tiếp cận điển hình của Goócbachốp - người tham gia các hiệp nghị và hiệp ước quốc tế. Về thực chất, ông ta chẳng phải làm một mình, mà cũng chẳng mất gì, còn nhân dân thì phải trả giá cho tính chất phá hoại của đa số những hiệp định, hiệp ước đó đối với nền kinh tế quốc dân, và những lợi ích lâu dài của đất nước trên thế giới. Cách tiếp cận đó chỉ đặc trưng trong hai trường hợp - hoặc do sự ngu dốt của kẻ độc tài, hoặc là sự phản bội có ý thức. Còn trong trường hợp này thì sao? Tháng 8-1991, A. Trécnhiaép, người giúp việc của Goócbachốp, đã sống cùng Goócbachốp trong suốt những ngày tháng 8 ở Phôrôx, có nói rằng Goócbachốp rất tin tưởng Iadốp, bởi vì ông ta hiểu rõ vì sao khó qua được toàn bộ cuộc cải cách này, nếu nhớ tới những gì đã thực hiện với quân đội. Năm 1991, một lần trong chuyến đi thường kỳ ra nước ngoài, trên đường trở về Mátxcơva, Goócbachốp đã nói thẳng với Đ. Iadốp rằng ông hiểu Iadốp rất vất vả, nhưng cái được coi trọng chính là điều mà Goócbachốp đang làm vì những lý do cao cả, vì nền chính trị cao cả. Thế là con người này tỏ ra trung thành thực hiện những gì mà tổng thống coi là cần thiết. Nhưng, ngay cả trong tình hình như vậy, quân đội vẫn được giữ vững.


Các cơ quan nội vụ vốn là công cụ giữ gìn trật tự, đấu tranh chống tội phạm đã biến thành cơ sở vũ trang của chủ nghĩa phân lập, vũ trang cho các đơn vị dân tộc chủ nghĩa ngay trong thời kỳ đương chức bộ trưởng ngắn ngủi của V. Bacatin. Điều bất ngờ đối với nhiều người là việc chính ông đã nhân danh Bộ Nội vụ Liên Xô ký các hiệp nghị trong những năm 1989-1990 với các nước Cộng hoà của liên bang về việc chuyển giao cho họ tất cả các lực lượng và chức năng, chỉ để lại cho trung ương chức năng đào tạo, liên lạc quốc tế, phối hợp và làm luật, quyền đại diện trong các cơ quan quyền lực của liên bang. Tất cả cán bộ, trang thiết bị và cơ sở vật chất - kỹ thuật, kể cả trang thiết bị và máy móc vừa mới cấp bổ sung vào ngân sách hàng năm với số tiền là 1,5 tỷ theo thời giá năm 1985 - tất cả đều đi theo các nước cộng hoà, các vùng và các tỉnh. Đến lượt Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô, V. Criuscốp đã tiến hành đàm phán, nhưng chuyển giao tiền của và quyền lực thực thì ông không muốn, ông đã phản đối bất chấp sức ép mạnh, công khai của Enxin và ngấm ngầm của Goócbachốp. Sau sự kiện tháng 8, V. Bacatin trong vòng 3 tháng đã làm được điều mà họ đã không thể làm. Kinh nghiệm có được trong việc phá hoại các cơ quan bảo vệ pháp luật của Bộ Nội vụ Liên Xô đã được đánh giá đích đáng và sử dụng có mục đích rõ ràng. Những lời tựa quá dài, mong bạn đọc bỏ quá cho nếu cảm thấy chán ngấy, nhưng điều đó cần thiết để hiểu được động cơ hành động của từng nhân vật, từng nhóm trong các sự kiện tháng 8-1991. Nó Không bao quát nhiều vấn đề quan trọng, như mối quan hệ của các nhân vật đó với các tổ chức maphia và sự tham nhũng của họ, vai trò của các cơ quan tình báo nước ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng, v.v... Tôi nghĩ rằng dù sao nó cũng cho phép hiểu được những hành động bên ngoài kỳ lạ của những người tham gia sự kiện không phải là phi lôgích mà hoàn toàn hợp lý nếu theo dõi sự phát triển của các hành động đó.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 04:05:29 pm »

6. GOÓCBACHỐP NGỒI Ở PHÔRÔX: BỊ CÁCH LY HAY TỰ CÁCH LY

Câu giải đáp cho vấn đề này là câu giải đáp chủ chốt trong toàn bộ sự việc về cái gọi là âm mưu cướp chính quyền do các phương tiện sẵn có dựng nên theo đơn đặt hàng của Goócbachốp và Enxin. Không hề có việc cách ly và khồng hề có âm mưu nào. Như vậy thì khó giải thích được lập trường của Goócbachốp: người đứng đầu nhà nước bình tâm ngồi ngắm nhìn việc thực hiện những biện pháp khẩn cấp, hoãn lại việc xem xét và ký hiệp ước liên bang được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của ông, hoãn việc chuẩn bị đại hội bất thường Đảng Cộng sản Liên Xô và đại hội đại biểu nhân dân, bình thản phơi mình trên các làn sóng biển Đen hoặc là chỉ đạo tất cả các hành động đó từ dinh thự ở Crưm và một lần nữa lại thay đổi đường lối chính trị? Câu giải đáp cho vấn đề này cần tìm cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Nếu cứ thản nhiên tắm biển thì đó không phải là người đứng đầu nhà nước. Nếu như vậy, với tư cách con người, ông ta sẽ không bao giờ được chấp nhận không chỉ ở trong nước, và thêm nữa, những hy vọng có rất ít, mà còn ở nước ngoài, nơi người ta mong muốn lúc đó Goócbachốp vẫn cầm quyền. Nhưng ở nước ngoài người ta không thể hiểu và không chấp nhận sự thay đổi đường lối chính trị đối nội, họ đòi phải có những bảo đảm bổ sung, những bằng chứng về sự trung thành với những cải cách.


Phương Tây muốn có M.Goócbachốp. Đa số các nhà lãnh đạo 7 nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu khẳng định rằng, họ chỉ tin vào các tuyên bố và những lời hứa do Goócbachốp đưa ra. Nhưng họ sẽ ngừng không cấp thêm tiền của cho ông ta, bởi vì họ không tin vào sự phát triển tiếp theo các sự kiện ở trong nước. Trong vòng một năm rưỡi đến hai năm, cho đến các sự kiện tháng 8-1991 tôi đã có dịp nhiều lần gặp gỡ với đại diện chính phủ các nước ngoài, đặc biệt là với các giới kinh doanh. Trong các cuộc gặp gỡ không chính thức họ đã hỏi thẳng tôi rằng khi M.Goócbachốp định giành quyền lực vào tay mình, thì ông ta có dự định và có thể làm được điều đó không. Tóm lại, đến tháng 8 tình hình đã trở nên phức tạp khi đất nước cần có trật tự và tín dụng, còn Goócbachốp thì hứa với phương Tây bảo đảm chính quyền và trật tự dưới sự lãnh đạo của ông ta. Bản thân Goócbachốp thì không thể nắm được quyền lực thực tế. Một lần nữa phải có ai đó trao quyền cho ông ta, giống như năm 1985 chính A. Grômưcô đã làm được việc này.


Ngày 17-8-1991, tại nhà khách của cơ quan tình báo chính trị ở Mátxcơva, toàn bộ ban lãnh đạo Liên Xô đã họp và bàn vấn đề ai sẽ đến Crưm gặp Goócbachốp và trao cho ông ta đề nghị tiếp tục nghỉ ngơi và chữa bệnh, trao quyền tổng thống cho G.Ianaép, và trong thời gian đó cần thông qua các biện pháp và chuẩn bị tổ chức, thông qua chúng theo hiến pháp ở đâu hoặc là tại khoá họp của Xôviết tối cao Liên Xô, hoặc là tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô hay tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hay tại Đại hội Đảng. Việc ông ta có dũng khí để thực hiện các bước đi đó một cách công khai thì ít có ai hy vọng. Nhưng khi đó tôi đã khẳng định là nếu trong trường hợp ông ta có từ chối thì cũng không hề có một quyết định hay một chương trình nào, không một ai thảo luận cả phương án một lẫn phương án hai. Một điều không thể tưởng tượng được là Tổng thống Liên Xô lại tự nguyên đi theo con đường thực hiện các hành động chống hiến pháp nhằm thủ tiêu nhà nước bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, nghị quyết của Xôviết tối cao Liên Xô và những lợi ích cơ bản sống còn của nhân dân. Những người đi gặp Goócbachốp chỉ có một quyết định có tính nguyên tắc là: nếu Goócbachốp không tán thành cả cái này lẫn cái kia thì họ sẽ trở về Mátxcơva và sẽ trao đổi thêm. Không hề có một lời nói nào về việc cách ly hoặc gạt bỏ khỏi chính quyền đối với Tổng thống Liên Xô. Tại cuộc họp ở nhà khách của cơ quan tình báo chính trị không có ai đọc và thảo luận bất cứ một văn kiện nào. Cuộc họp đó chỉ kéo dài vẻn vẹn 1 giờ 20 phút với sự ngắt đoạn 20 phút do V.Criuscốp thương lượng với Goócbachốp qua điện thoại. Vậy thì trên thực tế điều gì đã diễn ra ở Phôrôx?
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 08:29:24 am »

7. ĐỘI BẢO VỆ CỦA GOÓCBACHỐP LÀM VIỆC NHƯ THẾ NÀO

Toàn bộ đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô làm việc trong các ngày 18 đến 22-8-1991 theo chế độ bình thường. Hiện nay các tài liệu thu thập được qua cuộc điều tra đã khẳng định điều đó. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng người ta không hề tìm ra được một bằng cớ nào về sự cách ly. Hơn thế nữa, những người không có được bất cứ một thông tin chuẩn xác nào thì lại lo lắng, còn một số khác muốn phục vụ vẫn tiếp tục làm việc và hoàn thành công việc của mình theo chế độ bình thường. Điều đó liên quan đến cả đội bảo vệ, cả các liên lạc viên, cả lính biên phòng, thuỷ thủ; cơ quan KGB và cơ quan nội vụ tỉnh Crưm phục vụ những người nghỉ tại nhà nghỉ của tổng thống ở Phôrôx.


Đến gặp Goócbachốp ở Crưm cùng với V.Varennicốp, V.Bônđin, Iu.Plêkhanốp và Ô.Sênhin còn có tướng V.Gênêralốp cùng đi với ông có 6 người trong đội bảo vệ cá nhân tổng thống và 5 liên lạc viên. Đội bảo vệ Goócbachốp ở Phôrôx có 32 người được đào tạo đặc biệt của cục bảo vệ nguyên thủ đứng đầu là tướng V.Métvêđép và dưới quyền ông còn có 35 cán bộ các đơn vị khác của KGB Liên Xô. Số cán bộ của KGB làm trong đó lại có 6 người trong đội bảo vệ cá nhân tổng thống, làm sao lại có thể dùng vũ lực với số lượng người như vậy, và họ đã sử dụng hay có ý định sử dụng vũ lực hay không? Có thể nói dứt khoát là không. Việc Iu.Plêkhanốp đến cơ sở "Daria" chỉ làm thay đổi ban lãnh đạo: thay vì V.Métvêđép bay về Mátxcơva cùng với ông ta là tướng V.Gênêralốp. Đảm nhiệm trách nhiệm đội trưởng đội bảo vệ cá nhân Goócbachốp phù hợp với lệnh của Plêkhanốp, theo đề nghị của V. Métvêđép là Ô.Climốp, một trong hai người phó chính thức của ông. Bản thân V.Gênêralốp khẳng định dứt khoát là ông ta thậm chí không hề nghĩ đến khả năng thực tế thay thế đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô vào chiều tối 18-8-1991. Ông đã nói thẳng rằng không thể làm điều đó, bởi vì, một là không có khả năng về lực lượng do thiếu người, hai là làm điều đó lập tức sẽ gây sự nghi ngờ của cán bộ là tại sao người ta lại không tin họ. Không hề có vấn đề nghi ngờ lòng trung thành của đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Ngoài ra như V.Gênêralốp đã trả lời tại cuộc thẩm vấn, ông không hề nhận được lênh của bất cứ ai cách ly Tổng thống Liên Xô cùng với gia đình. Ông đã nói: "Tôi không thể và không hề nhận được mệnh lệnh như vậy. Tôi chỉ nhận được lệnh của Iu.Plêkhanốp và V.Bônđin là phải tăng cường bảo vệ tổng thống cùng với gia đình". Cả Iu.Plêkhanốp cũng khẳng định như vậy, ông nhiều lần nhắc lại rằng: "không hề có lời nào nói về việc cách ly Goócbachốp và Criuscốp không hề chỉ thị cho ông cách ly tổng thống". Khi toàn bộ nhóm này bay về Mátxcơva vào buổi tối 18-8-1991, thì tại nhà nghỉ V.Bônđin nói với ông rằng cần bố trí bảo vệ và "không được để một sợi tóc nào rơi khỏi đầu tổng thống". Và cả Iu.Plêkhanốp đã nói với V. Gênêralốp là "cần phải bảo đảm sự bảo vệ hết sức cẩn mật".


Thêm vào những điều nói ở trên, có thể bổ sung hai sự kiện có tính chất đặc trưng. Cả Iu.Plêkhanốp và cả V.Gênêralốp, từng người riêng biệt, đã chỉ ra rằng cần phải tăng cường bảo vệ do tình hình căng thẳng đang tăng lên và có các tin tức có cơ sở cho thấy vũ khí và chiến binh đang được đưa đến khu vực Nhà trắng, trong chính Nhà trắng và khách sạn nơi các đại biểu ở. Đồng thời, do đã biết Goócbachốp không phải mới một ngày, nên Plêkhanốp và Gênêralốp ngay trong ngày 18-8-1991, tại nơi nghỉ đó đã trao đổi cảm tưởng rằng Tổng thống Liên Xô chắc là sẽ không đồng ý với những đề nghị và kết luận của những nhân vật đến gặp ông, cho nên họ đã quyết định từ chức. V.Gênêralốp ngay tại chỗ đã viết báo cáo từ chức. Còn Iu.Plêkhanốp thì khi trở về Mátxcơva đã dọc cho trợ lý của mình là V.Bôrixencô ghi vào máy tính báo cáo từ chức vào 8 giờ sáng ngày 19-8-1991, khi ông đến nơi làm việc. Hành động của những người thực hiện chủ yếu việc cách ly là "không lôgích" lắm. Nhưng nó hoàn toàn lôgích nếu công nhận ràng V.Gênêralốp nói sự thật và hoàn toàn chân thực khi khẳng định ràng ông không coi mình đã có hành động gì nhằm cách ly tổng thống. Không một ai đề nghị ông điều đó và bản thân nếu không có lệnh triệu tập, thì theo chức năng nghề nghiệp, cấm đến các nơi ở của tổng thống để tiếp xúc với tổng thống. Những sĩ quan quen biết tôi trong đội bảo vệ Goócbachốp đã có lần kể với tôi rằng, họ bị cấm thậm chí trong lúc thực thi nhiệm vụ không được chớp mắt chứ chưa nói đến đi lại hay nói chuyện với nhau. V.Gênêralốp còn nói thẳng ra rằng, người ta đã có chủ định đẩy ông ta khỏi tổng thống. Ông cho rằng đây là kết quả của sáng kiến cá nhân và những động cơ vị kỷ trong hành động của Ô. Climốp. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.


Vào chập tối ngày 18-8-1991, bất chấp các quy định nào đó, V.Gênêralốp đã cố gắng tìm cách tiếp xúc với Tổng thống Liên Xô. Về điều đó, cũng thật lạ, là không phải do ông ta nói ra, mà do trợ lý của Goócbachốp là A. Chécnhiaép nói, trong thời gian đó anh ta có mặt ở Phôrôx cùng Goócbachốp. Theo lời anh ta khoảng gần 10 giờ sáng ngày 19-8, Goócbachốp đã nói với anh ta rằng ông không tiếp V.Gênêralốp và nói ông ta không được xuất hiện ở đây, hãy cút cho khuất mắt. Bởi vậy, sau đó Gênêralốp không còn đặt chân tới nhà nghỉ. Bà R.M. Goócbachốp cũng đã khẳng định điều đó. Bà ta kể rằng Ô.Climốp khi trở thành người chỉ huy đội bảo vệ thay cho V.Métvêđép, trong khi bà có mặt ở đó đã nói với M.X. Goócbachốp ngày 19-8-1991 rằng, nhân vật chủ yếu của họ là V. Gênêralốp hiện ở rất xa, còn chúng tôi (ý nói Ô. Climốp và nhân viên của ông ta) sẽ ở bên đồng chí. Trong khi đó Gênêralốp chứng minh rằng nếu nhận được một lệnh nào đó của Goócbachốp thì ông sẽ thực hiện một cách vô điều kiện. Chẳng hạn, thậm chí "tổng thống lệnh cho tôi đưa ông ta về Mátxcơva, tôi lập tức thi hành ngay lệnh đó. Nhưng không hề có một lệnh như vậy". Qua cuộc điều tra, không một ai trong số được thẩm vấn nói một lời tới việc hạ bệ Goócbachốp, hay áp lực đối với ông ta hoặc việc Gênêralốp không chấp hành lệnh của ông ta. Người ta chỉ nói rằng, tâm trạng Goócbachốp thay đổi rất nhiều, đối với đội bảo vệ ông tỏ ra thân ái đầy tình đồng chí, cố gắng không nhấn mạnh tới quyền lực của mình. Theo lời đại uý A. Ivanốp và các sĩ quan khác, thì Gênêralốp đã nói là nhiệm vụ vẫn như trước đây là bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Trong khi đó vào khoảng 22 giờ ngày 18-8-1991 đội trưởng mới của đội bảo vệ là Ô. Climốp đã triệu tập cán bộ của mình tại nhà tiếp khách để ra các chỉ thị. Ở đó ông ta đã trình bày thực chất cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Liên Xô với nhóm đến gặp tổng thống và nhấn mạnh là từ giây phút này toàn bộ đội bảo vệ tổng thống chỉ được phép chấp hành mệnh lệnh của ông ta - Ô. Climốp và của tổng thống. Không được thi hành lệnh của V. Gênêralốp và phải theo dõi chặt chẽ mọi hành động của ông ta. Về phía mình, V. Gênêralốp không hề có một hành động nào đáp lại, không bác bỏ các chỉ thị của Ô. Climốp, không hề nêu nghi ngờ hiệu lực của các chỉ thị đó với các cán bộ cấp dưới.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 08:30:22 am »

V. Gênêralốp đã triệu tập các cán bộ của đội bảo vệ cá nhân, của phòng 18 và của các đơn vị Mátxcơva và địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực nhà nghỉ của tổng thống ở Crưm vào 9 giờ sáng ngày 19-8-1991 tại phòng chiếu bóng của khu nhà hành chính để thông báo tình hình và ra các chỉ thị. Những người thực hiện được thẩm vấn đều nói giống hệt như nhau về những điều Gènêralốp đã thông báo và chỉ thị trong cuộc họp đó. Chẳng hạn một sĩ quan của phòng bảo vệ 18 là I. Đêminốp chứng minh rằng Gênêralốp đã nói: "Không ai lệnh cho chúng ta bỏ việc bảo vệ tổng thống, hãy tiếp tục công việc như trước đây". Còn hạ sĩ của phòng 3 là X. Vôrôbiép nhớ lại là ông ta đã nói: "Tôi không phải nhà chính trị, tôi là một quân nhân, và chúng ta đã thi hành nhiệm vụ bảo vệ tổng thống như thế nào thì nay tiếp tục như thế". Phó đội trưởng đội bảo vệ cá nhân tổng thống, thượng tá B. Gôlenchốp đã kể với A. Chécnhiaép rằng: "Gênêralốp đối xử với họ rất thân mật như bạn bè đồng chí, không áp chế họ".


Ô. Climốp biết rằng tất cả các đơn vị bảo vệ khu vực "Daria" từ ngày 18 đến ngày 21-8-1991 đều sẵn sàng thi hành lệnh của mình, nên ông ta có thể hành động một cách hoàn toàn tự do và không hề sợ sệt bất cứ điều gì. Chẳng hạn, theo lời N. Géctốp - chiến sĩ phòng 18 dưới sự chỉ huy của V. Đanilencô, thì Aphanaxép đã nói họ sẽ đứng về phía đội bảo vệ, nếu có chuyện gì xẩy ra họ sẽ hỗ trợ. Và đó không phải là con số nhỏ - hơn 60 người, nghĩa là toàn bộ vòng bảo vệ thứ hai. Vào 3 giờ đầu, thượng uý Épremốp chỉ huy phòng 7 trong cuộc nói chuyện riêng với Ô. Climốp cũng đã hứa về sự ủng hộ của mình. Khi có mặt H. Gôlenchốp, ông ta vẫn nói rằng người của ông ta sẽ sát cánh cùng Climốp đến cùng. Có rất nhiều bằng chứng trong các lời kể về sự sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ đối với đội bảo vệ tổng thống của nhiều đơn vị và các cá nhân, tất cả đèu có một tinh thần chung là thực hiện nghĩa vụ của mình. Cán bộ đội bảo vệ cá nhân, thượng uý A. Súcsin khi nói rằng trong những ngày đó "rất ít tiếp xúc với bất cứ ai. Nhưng Igơratốpxki cán bộ của phòng 18 đã đến gặp tôi đề nghị được giúp đỡ kể cả vũ khí. Qua những người bạn đồng nghiệp tôi biết đã có nhiều trường hợp tương tự". Ô. Kixêlép, đại diện cơ quan phản gián khẳng định rằng, toàn bộ cán bộ của ông "sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Tôi không hề nhận thấy có một sự đối đầu nào đó ở khu vực nhà nghỉ của tổng thống. Ngày 19-8, Éprêmốp đã nói chuyện riêng với từng người chúng tôi, các đại diện của ban 3, ông nói nếu trong trường hợp có báo động hay xảy ra sự kiện nào đó thì chúng tôi phải hành động dưới sự chỉ huy của Climốp và Gôlenchốp, nghĩa là của các cán bộ đội bảo vệ cá nhân Tổng thống Liên Xô". Vôrôbiép nói: "Ông sống cùng một phòng với Gvôđờcốp của ban 4 và Macarencốp của ban 5. Họ đã trao đổi với nhau là nếu trong trường hợp cần thiết thì họ cùng với các đồng nghiệp của mình sẽ đứng về phía đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Tôi không hề nghe thấy một lời nói nào từ bất cứ phía nào ủng hộ Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp".


Bạn đọc có quyền hỏi, thế còn 6 người từ phòng 18 đi cùng với V. Gênêralốp thì sao? Trường nhóm là V. Ignátkin đi làm ngày đầu tiên vào 18-8, sau khi nghỉ phép. Anh đã kể là vào 11 giờ 30 trực ban gọi anh lên và chỉ thị phụ trách một nhóm 6 người ra sân bay ngay. Sau khi bay đến sân bay quân sự Benbéc ở Crưm, thì V. Đanilencô phó cục trưởng và trưởng nhóm cán bộ của cục có nhiệm vụ bảo vệ nhà nghỉ của tổng thống ở Phôrôx đến gặp tôi và nói rằng, có chuyện gì vậy và các anh đến đây làm gì? "Tôi trả lời ông là chúng tôi không biết, rằng người ta đưa chúng tôi đi không hề có một sự giải thích nào". Sau đó V. Gênêralốp gọi hai người ra chỗ khác và ra lệnh là khi về đến nhà nghỉ đặt thêm các trạm gác bổ sung lấy từ số người mới đến ở cổng chính, cổng sau, cổng Texenxki và ở gara. Họ ngay lập tức theo lệnh của V. Đanilencô phân bổ những cán bộ mới đến cho các trạm gác và ra về thành một đoàn. Đến nơi, 4 người đứng ngay vào trạm gác còn anh ta và Xvinsốp đi ăn trưa. Sau đó các đồng chí đến thay gác để số đó đi ăn cơm và bố trí chỗ ngủ tối. Sau đó, bắt đầu làm việc theo lịch trình bảo vệ chung dưới sự chỉ huy của Đanilencô. "Khung cảnh tại nhà nghỉ của Goócbachốp rất yên tĩnh, tại sao lại cần tăng cường bảo vệ và tại sao chúng tôi đến nhà nghỉ, chúng tôi cũng không biết. Những nhân vật cao cấp đến nhà nghỉ chúng tôi coi như là cuộc gặp gỡ làm việc... Trong những ngày đó tôi đã gác ở các trạm khác nhau. Khi tôi gác, không thấy có ai đề nghị cho ra khỏi nhà nghỉ".


Để kết thúc câu chuyện về đội bảo vệ, dấu chấm lên chữ "và...", cần trả lời cả câu hỏi: nếu có chuyện bất ngờ? Nếu bất ngờ Goócbachốp làm điều gì đó thì bất cứ người đàn ông nào sẽ làm gì trong tình hình như vậy. Tôi xin dẫn ra một trong những bằng chứng tương tự hoàn toàn có thể trả lời câu hỏi đó để bạn đọc khỏi mệt mỏi. Đó là lời kể của thượng uý X. Côseép của phòng 5. "Sau cuộc họp đó chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ của mình với phương án tăng cường hơn, nghĩa là ở trạm gác từ một người tăng lên 2 người... Các vị tướng không buộc đội bảo vệ chúng tôi phải ngăn cản Tổng thống Liên Xô trong trường hợp ông bất ngờ muốn đi ra ngoài phạm vi nhà nghỉ. Theo quy chế, người mà chúng tôi bảo vệ quan trọng hơn bất cứ một ông tướng nào, và nếu M.X. Goócbachốp muốn đi ra ngoài khu vực nhà nghỉ, thì tôi và những người bảo vệ khác, - những người mà tôi đã nói chuyện, sẽ không cản trở ông ta làm việc đó".


Còn đối với các lính biên phòng thuỷ và bộ thuộc Uỷ ban An ninh quốc gia và Bộ Nội vụ Cộng hoà Crưm, thì tốt hơn là không thêm bớt lời kết luận của người lãnh đạo đội điều tra vụ "Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp", phó Tổng Viện trưởng Viện công tố của Nga E. Lixốp. Tôi kết luận đó nói rằng lính biên phòng và các cán bộ của các cơ quan nêu trên như thường lệ trong thời gian M.X.Goócbachốp nghỉ tại nhà nghỉ ở Phôrôx, đều làm nhiệm vụ ở cách rất xa nhà nghỉ. Sau khi bắt đầu có sự phong toả và cách ly tổng thống họ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ như thường lệ. Họ không tham gia vào bất cứ một biện pháp phong toả và cách ly nào đối với nhà nghỉ và tổng thống. Bao vây khu vực "Daria" chủ yếu do các cán bộ bảo vệ của KGB Liên Xô thực hiện từ bên trong. E. Lixốp cho là như vậy. Làm thế nào để thực hiện được điều đó, chắc bạn đọc sẽ tự rút ra kết luận. Để làm điều đó ông ta cần trả lời một câu hỏi: bản thân Goócbachốp có nắm được tình hình thực tế của đội bảo vệ hay không?
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 08:31:00 am »

Những bằng chứng nêu trên của những người trực tiếp tham gia của cả hai bên trong sự kiện tháng 8 ở Phôrôx, ở khu nghỉ "Daria" đã khẳng định rằng Goócbachốp hiểu rất rõ và trực tiếp kiểm tra tình hình công việc của đội bảo vệ. Ông ta không thể không biết và không thể không kiểm tra. Hơn nữa ông ta hoàn toàn có khả năng rời khỏi nơi nghỉ trong bất cứ lúc nào, bằng bất cứ con đường nào: đường bộ, đường biển, đường không. Nhưng theo "kịch bản", ông ta cần phải đóng kịch bị cách ly, bị áp lực về tinh thần và tâm lý. Thực tế đó chỉ là một sự hèn nhát bình thường do lo sợ, là cái gì đó không đạt được như đã dự tính. Bởi vì ngay từ đầu, nếu muốn thì những người đến gặp Goócbachốp có thể bắt ông ta. Bắt đầu từ chỗ những người đến không đến ngay nhà nghỉ nơi tổng thống ở mà dừng lại ở nhà khách. Đội trưởng đội bảo vệ ở cùng với tổng thống ở Phôrôx đã đến thông báo về sự có mặt của họ. Chính Goócbachốp đã khẳng định rằng, khi trả lời câu hỏi tại sao những người mới tới lại được vào khu vực nhà nghỉ, V.Métvêđép đã trả lời là vì cùng đi với họ có Iu. Plêkhanốp Cục trường Cục Bảo vệ của KGB Liên Xô. Xin lưu ý là vào khu vực không hơn không kém. Tôi nghĩ và tôi tin là bạn đọc hiểu rất rõ: khu vực không phải là 6 thước đất vườn nhà cấp cho công dân xôviết bình thường. Ngay cả các đại biểu nhân dân cũng đề nghị tổng thống của mình phân cho biệt thự được xây dựng ở Phôrôx. Nhưng chính từ giây phút đó Goócbachốp bắt đầu xuyên tạc và đánh lộn sòng các sự kiện trong cuốn sách của mình "Cuộc bạo loạn tháng 8". Ông ta viết, nếu không có Iu. Plêkhanốp, chắc đội bảo vệ không cho những người mới đến gặp tống thống. Nhưng trên thực tế thì họ có thể không cho những người mới đến vào khu vực của tổng thống ở Phôrôx. Đúng là mấy lần họ đã không cho những người mới đến vào gặp tổng thống. Các sĩ quan trực ở nhà khách nơi đón tiếp những người mới đến đã sẵn sàng vũ khí tự động, về thực chất, đã quản thúc họ trong đó có cả Cục trưởng Cục Bảo vệ, thủ trưởng của họ. Đến khi Métvêđép đi báo cáo và xin lệnh tổng thống trở về, vũ khí mới được cất đi. Theo những người có mặt ở đó, để làm ra vẻ thế thôi, thực ra người ta vẫn sẵn sàng giấu súng trong tay. Trong quá trình thương lượng, có thể gọi đội bảo vệ bất cứ lúc nào không cần điện thoại, bởi vì luồn luôn có mặt người được uỷ thác và máy bộ đàm ấn nút lưu động. Người trẻ nhất trong số những người mới tới cũng đã 55 tuổi và dưới các cửa sổ đều có các trạm gác của đội bảo vệ.


Goócbachốp như một nhà hội hoạ, nhấc hết ống điện thoại này đến ống điện thoại khác, song tất cả đều im lặng. Và ông ta cảm thấy "chắc là những kẻ âm mưu cho rằng không thể thoả thuận được gì với tôi nên đã chuẩn bị phương án cách ly tôi". Trong khi đó V. Métvêđép xác nhận rằng: "M.X. Goócbachốp không hề nói gì với tôi về việc không có liên lạc. Ông ta chỉ hỏi, Bácklanốp và những người khác đến làm gì. Tôi trả lời, ông ta cũng không biết. Tôi còn đứng lại độ 20 giây và nghĩ chắc sẽ nhận được chỉ thị nào đó, nhưng không nhận được gì nên đã đi ra khỏi toà nhà chính. Chắc rằng sau đó, Goócbachốp đã kiểm tra lại các đường liên lạc bằng điện thoại hiện có, bởi vì bản thân sau khi đã đối chiếu tên tuổi những người mới đến và việc ngắt điện thoại Goócbachốp hiểu ngay chuyện gì vừa xẩy ra. Ông liền đến găp Raixa Mácximốpna1 (Raixa Mácximốpna - vợ Goócbachốp (N.D)) và nói: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng - một âm mưu và tôi (Goócbachốp) nói là một cuộc đảo chính". Vấn đề là ở chỗ, không nói, không hỏi ai về bất cứ điều gì, tự bản thân đã biết rõ. Ông ta đã biết có âm mưu, có cuộc đảo chính. Linh cảm đó từ đâu, nếu mà bản thân ông ta xác nhận là những việc đã diễn ra đối với ông ta, hoàn toàn bất ngờ? Tại sao khi có mặt V. Métvêđép đến báo cáo lại không kiểm tra điện thoại, dù sao ông ta cũng là đội trưởng đội bảo vệ cho tổng thống, sao không hỏi ông ta, nếu không phải là ra lệnh, làm sáng tỏ lập trường của đội bảo vệ. Bởi vì ông ta đã thắng Iu. Plêkhanốp khi những người mới đến gặp ông ta trong phòng làm việc thì Plêkhanốp đã phục tùng ông ta một cách vô điều kiện. Plêkhanốp đi ra ngoài và đợi ở đó. Có thể Goócbachốp nhầm lẫn các sự kiện, đề ngày sớm hơn ngày thật. Ông ta đã cùng với A. Chécnhiaép ký vào cái "kịch bản" cuộc bạo loạn mà họ đã viết xong ngày 15-8-1991. Có thể, điều mà Chécnhiaép không muốn nhắc lại, là ngày 20-8-1991, Goócbachốp đã ra lệnh cho ông ta mang đến bản dự thảo bài viết của ông ta, trong đó trù định có khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông ta viết, "chúng ta đã dự đoán chính xác khả năng của phương án đó. Chúng ta ngồi, chúng ta xem. Nhìn đây, tôi đã viết ra tất cả". Thế cái viết ra đó ở đâu? Còn một điều khẳng định khác không thể giải thích nổi của A. Chécnhiaép là sau khi đoàn đại biểu ra đi, trong khi kể về tiến trình và nội dung cuộc nói chuyện, Goócbachốp đã nói như sau: "Khi cuộc nói chuyện đó bắt đầu, tôi cầm lấy máy SK (điện thoại liên lạc đặc biệt của chính phủ), - điện thoại bị cắt. Và tôi đã hiểu". Cuối cùng thì những sự kiện đã xảy ra, sẽ cho phép không chỉ Goócbachốp và Chécnhiaép mà toàn thế giới sẽ biết đâu là sự thật, Goócbachốp đã biết là điện thoại bị cắt hay sẽ bị cắt khi nào. Có lẽ ông ta đã biết và trong thời gian có mặt của những người được cử tới, điện thoại sẽ bị cắt và ông ta chờ đợi điều đó. Một ví dụ, A. Vônxki người luôn có thiện cảm với Goócbachốp đã xác nhận: "ngày 18-8-1991 vào khoảng 17 đến 18 giờ Goócbachốp đã từ nhà nghỉ ở Phôrôx gọi điện cho tôi. Ông ta nói không bị ốm, ông ta chỉ bị đau lưng và bác sĩ đã chữa khỏi. Ông đề nghị lưu ý đến điều đó. Tôi cảm thấy có một sự đề phòng nào đó trong giọng nói của Goócbachốp. Cuộc nói chuyện bỗng nhiên bị gián đoạn bởi một giọng nói của phụ nữ". Và A. Vônxki ngay tức khắc thực hiện đề nghị đó. Cũng trong thời gian đó khi đang dạo mát tại nhà nghỉ ở Ukôvô, ông đã thông báo về cuộc nói chuyện đã diễn ra cho Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A. Đdaxôkhốp và phu nhân của ông, còn 9 giờ 30 phút sáng 19-8-1991 ông đã thông báo bằng điện thoại về cuộc nói chuyện đó cho V. Bacatin và hỏi: "Chúng ta làm gì bây giờ?".


Khi viết về các sự kiện ở Phôrôx, cặp vợ chồng Goócbachốp hết sức nhấn mạnh đến "tính bất nhã chưa từng thấy" của những người đến gặp, dám đi vào phòng làm việc bằng cửa phụ. Nhân đây cần nói thêm một điều là họ đã kiên trì chờ đợi được tiếp gần 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc V. Métvêđép từ chỗ tổng thống trở về. Sau 30 phút Iu. Plêkhanốp, một mình đến gặp Goócbachốp để hỏi xem ông ta có tiếp hay không tiếp. Không gặp được tổng thống?! Có thể đã gặp, đã nói chuyện, nhưng hiện ông ta im lặng. Dù thế nào đi nữa sau khi đoàn đại biểu đi ra, theo lời kể của đội bảo vệ, khi người ta báo cáo cho Goócbachốp về tình hình ở khu vực nhà nghỉ của tổng thống, Goócbachốp đã biết là V. Métvêđép đã bị "lôi đi" và thay ông ta phụ trách đội là Ô. Climốp, cho dù V. Gôrơlenchốp một đội phó khác của đội bảo vệ có cấp bậc cao hơn và có thâm niên công tác lâu hơn trong đơn vị. Tại sao vậy? Thứ nhất, những sự bổ nhiệm như vậy trong cơ quan bảo vệ lãnh đạo cấp cao của nhà nước theo quy định được tiến hành với sự tán thành của người được bảo vệ. Thứ hai, V. Métvêđép không đến gặp Goócbachốp nữa. Trong thời gian nói chuyện với các thành viên của đoàn đại biểu, các vấn đề đó không hề xuất hiện và không thể xuất hiện. Hơn nữa tôi biết Iu. Plêkhanốp và không thể tin rằng, không gặp được Goócbachốp, ông ta lại dám tự mình đưa những người được cử đến vào ngôi nhà chính, vào phòng tiếp. Và cuối cùng, chẳng lẽ đội bảo vệ lại cho vào?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM