Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:39:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ  (Đọc 5605 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #80 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:18:13 am »

Guy La Chambre thường nói: "Có Ely ở Sài Gòn và Sainteny ở Hà Nội, thế là cân bằng rồi". Nhưng trên thực tế trò chơi đồng đội không bao giờ có, hoặc có nhưng lại bỏ ngay. Hai nhiệm vụ mà tôi coi là đã bồi bổ cho nhau thì tướng Ely lại coi là thù địch lẫn nhau. Cơ quan Đại diện của Pháp ở Hà Nội ngày càng bị Sứ quán Pháp ở Sài Gòn đố kỵ.


Số nhân viên cơ quan Đại diện Pháp ở Hà Nội chỉ bằng một phần số nhân viên Sứ quán Pháp ở Sài Gòn. Cũng có lẽ, do hai cơ quan ở hai miền Nam, Bắc không giống nhau, cho nên đã tạo ra bầu không khí chính trị dẫn đến sự hung hăng từ lâu đã đối lập miền Nam với miền Bắc Việt Nam, làm cho việc chia cắt đất nước như Hiệp định Genève đề ra, cũng như sự khác nhau về hệ tư tưởng của hai miền, càng trỗi dậy. Hiện tượng này làm méo mó tầm nhìn từ Sài Gòn trong toàn bộ vấn đề Đông Dương: cái cây đã che lấp khu rừng. Tôi rất tiếc sự thiếu hợp tác, thiếu đồng bộ này khi nhìn thấy tận mắt cơ quan lãnh sự Anh ở Hà Nội được sự ủng hộ hoàn toàn của sứ quán Anh ở Sài Gòn.


Lúc này Chính phủ của Nữ hoàng Anh chưa chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng với chính sách thực tế cổ truyền của đất nước bên kia bờ biển Manche, người Anh đã "quên" không rút cơ quan lãnh sự Anh đã đặt tại Hà Nội từ trước Hội nghị Genève về nước. Gọi là cơ quan "Tổng" lãnh sự nhưng thật ra chỉ có ba nhân viên ngoại giao, đứng đầu là ông Geoffrey Baker, và công việc hàng ngày là chỉ chơi vài hiệp tennis trong sân cơ quan đại diện của Pháp, hoặc dự vài bữa cơm do các nhà ngoại giao không cộng sản, chủ yếu là đại diện Canada và Ấn Độ trong Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến mời. Ngoài ra, Tổng lãnh sự quán Anh quốc chẳng có một nhiệm vụ chính thức nào cả.


Một hôm, trong buổi chiêu đãi mừng kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 do chúng tôi tổ chức tại cơ quan Tổng đại diện Pháp ở Hà Nội, ông Phạm Văn Đồng gặp ba nhà ngoại giao Anh. Tôi giới thiệu: "Đây là ngài Tổng lãnh sự Anh...". Với một vẻ thản nhiên rất đáng ca ngợi, ông Đồng nói: "Chà! Tôi không được biết tại Hà Nội có một cơ quan lãnh sự Anh". Người Anh được giới thiệu đã "chịu mắc kẹt" bằng một nụ cười. Sự kiên nhẫn của ông đã mang lại kết quả. Vài tuần sau, lãnh sự Anh được mời dự tất cả những buổi chiêu đãi chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù chỉ đứng ở một vị trí thấp trong đoàn ngoại giao các nước.


Sau khi những nhà cầm quyền Pháp đã rút khỏi Hà Nội, thay bằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ cũng đã muốn duy trì ở Hà Nội một vị trí ngoại giao dưới sự điều khiển của Tổng lãnh sự Mỹ Cochrane.


Các nhà cầm quyền Việt Nam không trục xuất Tổng lãnh sự Mỹ nhưng đã "bóp nghẹt" dần dần, và chỉ nhờ có cơ quan Tổng đại diện Pháp nên lãnh sự quán Mỹ mới tồn tại được ở Hà Nội cho đến cuối năm 1954. Bên cạnh chúng tôi và những người Anh, còn có những người Canada, người Ấn Độ trong Uỷ ban kiểm soát và giám sát đình chiến. Còn đối với các nước Cộng sản thì họ đều có cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội, đồng nhất và hoạt động tích cực nhất là Trung Quốc và Nga Xô.


Tuy nhiên, ngay từ hồi đó người ta đã nhìn thấy một sự cạnh tranh giữa Liên Xô và Trung Quốc. Có thể nghĩ rằng, Hồ Chí Minh vẫn trung: thành với những biện pháp của mình là giữ vững một sự thăng bằng khó khăn giữa hai thế lực này. Liệu ông có nghĩ rằng, sau khi ông qua đời, những người kế tục ông có khôn khéo được như ông không? Có lẽ cũng vì thẽ cho nên trong di chúc để lại, Hồ Chí Minh đã khuyến khích Trung Quốc và Liên Xô chấm dứt những bất đồng của họ.


Thế giới cũng đã nhận thấy trong đoạn di chúc này lời căn dặn cao cả của Hồ Chí Minh thúc đẩy Trung Quốc và Liên Xô nối lại cuộc hòa giải đã bị đứt quãng. Mọi người còn nhớ Thủ tướng Liên Xô Kossyghin sau khi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội trên đường về Matxcơva đã rẽ qua Bắc Kinh hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai.


Liệu người Nga và người Trung Quốc có muốn tôn trọng ước nguyện của người đồng chí già Việt Nam của họ không? Chỉ riêng họ mới có thể trả lời. Điều có thể nhận ra là hai cường quốc vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản đã hiểu ra rằng những mâu thuẫn đang tăng của họ, cho dù gọi là "mâu thuẫn nội bộ" vẫn có nguy cơ dẫn đến vực thẳm của cuộc đấu tranh tư tưởng. Cả hai bên, bên nào cũng muốn chờ cơ hội để nối lại những quan hệ đã bị phá vỡ mà khống bị mất thể diện là chủ động cầu cạnh làm thân trước. Bằng cách chấp nhận lời căn dặn cuối cùng của Hồ Chí Minh, họ đã có cớ gặp lại nhau mà họ đang chờ đợi, và cũng do đó họ đã tôn vinh tác giả bản di chúc đưa ra lời kêu gọi, không hề e ngại rằng uy thế của họ là hai nhân vật vĩ đại sẽ giảm sút vì đã biến người quá cố thành nhân vật vĩ đại thứ ba, mà ngay cả khi Hồ Chí Minh còn sống có lẽ họ cũng vẫn phải tôn trọng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #81 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:26:11 am »

XI
HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG NGƯỜI CHUNG QUANH


Không nên quên rằng, Hồ Chí Minh sinh năm 1890 không phải từ thời thơ ấu đã được nuôi dưỡng ngay bằng các lý thuyết xã hội chủ nghĩa nhằm làm đảo lộn cấu trúc toàn thế giới. Và sau đó, khi đã trưởng thành, ông có nghiên cứu, thấm nhuần nhưng đều là tự học. Ngược lại, từ lúc thiếu thời ông đã được dạy dỗ theo cách cổ truyền. Nền văn hóa truyền thống mà ông được học từ lúc còn sống trong gia đình, cộng với nền văn hóa đại cương mà ông hấp thụ sau đó trong những chuyến đi xa tới nhiều nước, nhất là ở Pháp, đủ để phát triển trong ông khả năng phân tích, tạo cho ông sự mềm dẻo và tính thích tò mò nghiên cứu để vận dụng suốt đời. Ông đã đến với các lý thuyết mác-xít không phải từ mảnh đất chưa được học hành gì. Học thuyết mác-xít đã chinh phục ông khiến ông trở thành người truyền bá nhưng không phải vì thế mà ông không phân tích để vận dụng. Trước hết, ông là người thực tiễn, ông luôn luôn vận dụng cẩn thận lý luận vào hoàn cảnh thực tẽ, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam, có những đặc điểm cần chú trọng.


Thật vậy, tôi xin nhắc lại là, Hồ Chí Minh luôn công nhận chỉ có lý luận của những bậc thầy tư tưởng của ông mới tạo điều kiện thắng lợi cho con đường ông đã vạch ra để đạt tới các mục tiêu, nhưng ông cũng hiểu rằng cần phải tôn trọng những khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam và lúc nào cũng phải bám giữ tính chất Việt Nam. Ngay cả trong vấn đề này, ông đã nhìn đúng. Có thể đưa ra nhiều thí dụ trong lĩnh vực tôn giáo, văn hóa, giáo dục, học tiếng nước ngoài... Hồ Chí Minh đều có chính sách thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam.


Về đặc tính cá nhân, Hồ Chí Minh không hề thay đổi chút nào tác phong của mình. Dù đã lên tới tột đỉnh quyền lực, uy tín tỏa ánh hào quang chiến thắng, những điều đó đều không ảnh hưởng tới cá tính của ông. Cho mãi tới lúc này, ông vẫn còn giữ lại được một vẻ khiêm tốn bẽn lẽn thời thanh niên khi dự hội nghị thành Tours, được Vaillant Conturier mời "đại biểu Đông Dương" lên phát biểu, hoặc khi Léo Poldès làm cho ông trở thành nhân vật rất được chú ý tại Câu lạc bộ ngoại thành Paris. Tôi cũng đã được nhìn thấy thái độ cư xử của ông lúc giáp mặt với Leclerc, d'Argenlieu, Goerges Bidault, Marius Moutet... đều như nhau, cũng như những lúc ông đối diện những nhân vật lẫy lừng đến thăm ông tại Hà Nội như Khroutchev, Nehru, Mikoyan, Cyrankievicz... Tôi nghĩ, đó cũng là đặc điểm của sự nhã nhặn châu Á, khiêm tốn, không phô trương.


Tôi còn nhớ, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp, sau khi dự tiệc chiêu đãi tại tòa thị chính Paris, ông đã cầm một quả cam rồi đưa cho một bé gái đầu tiên trong đám đông đứng hoan nghênh ông phía dưới bậc thềm ngoài cổng. Người ta có thể cho rằng đây là một cử chỉ nhằm thu hút sự chú ý của quần chúng Paris. Thế nhưng, trong bữa cơm thân mật tổ chức tại Phủ Chủ tịch, chỉ có hai vợ chồng tôi và ông Phạm Văn Đồng được ông mời đến ông cũng cầm mấy quả quít đưa tặng vợ tôi. Đó là ông nhằm ý định gì? Nhất định không phải để cảm hóa tôi, bởi vì tôi biết ông rất rõ. Đấy có thể chỉ là phản xạ tự nhiên thừa hưởng từ những truyền thống cổ xưa của nhân dân Việt Nam, tức là dù quà tặng nhỏ bé đến đâu, thái độ cho quà vẫn quý hơn giá trị tặng phẩm. Đây có thể là biểu hiện ông hoan nghênh vợ tôi từ Pháp mới đến Hà Nội.


Chúng tôi được biết, cũng như ông, tất cả các bộ trưởng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi tiếp khách thì tiếp tại những dinh thự cũ của Pháp, nhưng khi trở về nhà lại sống một cách đơn giản nhất, trong những biệt thự chẳng một chút xa hoa lộng lẫy nào.


Trở lại thái độ của Hồ Chí Minh đối với các tín đồ Thiên chúa giáo và các tôn giáo nói chung, ở đây lại càng nổi bật nhân cách của Hồ Chí Minh và sự thức thời trong chính trị của ông. Chắc hẳn, trong khi công bố chính sách tự do tín ngưỡng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi muốn chứng minh chính sách tôn trọng tự do đã được ban hành. Không nên coi nhẹ sự kiện là từ thế kỷ 16, từ lúc bắt đầu truyền đạo, đến lúc này tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đã có hơn một triệu con chiên ngoan đạo. Nhưng năm 1954, một nửa số này do bị Ngô Đình Diệm xúi giục và liên tục lôi kéo, đã di cư vào miền Nam vì lo sợ Việt Minh. Nhưng vẫn còn có tới năm hoặc sáu nghìn tín đồ Thiên chúa giáo chọn con đường ở lại miền Bắc, bất chấp những hành động cưỡng ép di cư.


Hồ Chí Minh hiểu là phải tin tưởng ở những người chấp nhận luật pháp Việt Nam mà vẫn không từ bỏ tín ngưõng của mình. Phạm Văn Đồng trong khi nói chuyện với tôi về tương lai của đất nước mình cũng tỏ ra rất bất bình trước việc cưỡng ép di cư các tín đồ Thiên chúa giáo và khẳng định với tôi, một khi nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất cũng như hiện nay, sẽ không bao giờ có chuyện đàn áp tôn giáo.


Về phần tôi, cũng phải nói rằng, trong khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh không một lần nào tôi thấy ông biểu lộ một chút gì tỏ vẻ bài xích, bi quan hoặc châm biếm đối với bất cứ một tôn giáo nào. Tôi không thể nào quên, trong cuộc hành trình đi Pháp năm 1946, trong chặng tạm dừng chân chờ đợi ở Biarritz, khi tôi sắp xếp chương trình giải trí cho ông, ông đã đề nghị tổ chức cho ông tới thăm Viện bảo tàng... tôn giáo ở Lourdes. Khi tới thăm, ông đã tỏ ra rất tò mò, muốn hiểu biết, rất lịch sự, rất tôn trọng Tổng giám mục Theas là người tiếp đón ông.


Cũng phải nhắc lại, trong thư gửi tôi đề ngày 24 tháng 2 năm 1947 ông Hồ đã tỏ ý cầu mong "Thượng đế phù hộ chúng ta", dường như muốn lấy Đức Chúa Trời làm nhân chứng, rằng cả ông lẫn tôi đều không ai phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột ác liệt từ ngày 19 tháng 12 năm 1946.


Cuối cùng, thật là thích thú khi được biết, trong bản di chúc của mình, nhà duy vật chủ nghĩa này đã viết: "Tôi để sẵn sàng mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác". Quả là lời tuyên bố rất ngạc nhiên của một người theo chủ nghĩa vô thần. Nhưng, cũng nên hiểu, ở Viễn Đông quan niệm "vô thần" có ý nghĩa khác với chúng ta thường nghe ở châu Âu.


Trong những năm 1954, 1955 và cả những năm tiếp theo, nhà cầm quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong các dịp lễ Toussaint1 (Tức ngày lễ các thánh (ngày mong mội tháng mười một)) và Noel đều thể hiện sự quan tâm đến nguyên tắc tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng. Từ trưa ngày 24 tháng 12 năm 1955 đã tuyên bố đây là ngày lễ của giáo dân, các tín đồ được tiến hành các nghi thức tôn giáo một cách nồng nhiệt và đông đảo trong đêm hôm đó. Năm 1955, trong thư gửi giáo dân Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Trong đêm Noel hòa bình thứ hai này, đồng bào ta ở miền Bắc có thể tự do cầu nguyện Đức Chúa Trời vì quân địch không còn chiếm đóng nhà thờ, giết hại dân lành nữa". Lãnh tụ Việt Minh còn so sánh hoàn cảnh giáo dân được ở lại miền Bắc với đồng bào bị cưỡng ép di cư vào Nam đang "tưởng nhớ tới xóm làng quê hương". Ông kêu gọi "giáo dân hai miền đấu tranh cho hòa bình và thống nhất".


Cùng với việc tuyên truyền, giác ngộ giáo dân mà đích thân Hồ Chí Minh tiến hành, còn thành lập "Uỷ ban liên lạc giáo dân yêu nước" nhằm đấu tranh cho thống nhất là "ý chí kiên quyết của nhân dân hai miền Nam Bắc".
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #82 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:30:44 am »

XII
CHUNG SỐNG HÒA BÌNH


Với chủ trương giữ lại những cơ sở của Pháp ở miền Bắc Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó hẳn là muốn thử nghiệm sự "chung sống" giữa nước Pháp "tư bản" với nước Việt Nam "cộng sản".


Năm 1954 sau khi quân đội Pháp đã hoàn toàn rút khỏi miền Bắc Việt Nam, tại đây vẫn còn hầu như toàn bộ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ của Pháp như: công ty xe lửa và xe điện, sở điện, nước, bưu điện và vô tuyến viễn thông, bến cảng thương mại và trường dạy lái tàu biển, hạ tầng cơ sở hàng không, các bệnh viện và trường học... Trong số này có những cơ sở quan trọng như: Viện dịch tễ mang tên Pasteur; Viện ung thư, Trường Viễn Đông bác cổ, các trường trung học, đại học, bệnh viện; những công ty kinh tế tư nhân tạo thành nền tảng thiết yếu của nền kinh tế Bắc Việt như: công ty than, công ty xi măng, công ty rượu bia và nước đá, các ngân hàng, phòng thương mại, các khách sạn, các nhà chữa xe ô tô và đủ loại công xưởng. Trong số các xí ngiệp quan trọng nhất, chỉ riêng nhà máy dệt Nam Định mà phần lớn cổ phần thuộc về Thụy Sĩ, nên không gọi là cơ-sở của Pháp.


Từ tháng 8 năm 1954, trong cuộc đàm phán hai bên tại Phủ Lỗ, giữa các chuyên viên kinh tế kỹ thuật Pháp và Việt Nam, phía Việt Nam đã biểu lộ lòng mong mỏi và thừa nhận sự cần thiết để cho các cơ sở này tiếp tục hoạt động ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi tôi trở lại Hà Nội, trong những buổi thảo luận với Phạm Văn Đồng, ông đều nhắc lại vấn đề này. Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam lúc đó là Lavritchev cũng cổ vũ tôi giữ nguyên các cơ sở kinh tế Pháp tại chỗ.


Sau nhiều cuộc thương lượng, ngày 10 tháng 12 năm 1954 một bản thông báo có chữ ký của Phan Anh và Đặng Việt Châu, tức Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những điều kiện do tôi yêu cầu để việc giữ lại các cơ sở kinh tế của Pháp ở Bắc Việt Nam trở thành hiện thực. Những điều kiện đó có thể được coi là đủ bảo đảm, thậm chí còn đáng khích lệ. Nhưng, đứng trước tình huống triển vọng tiếp tục hoạt động theo cấu trúc tư bản chủ nghĩa tại một nước đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin chính thống, nhiều doanh nghiệp Pháp tỏ ra lo ngại, từ chối thử nghiệm một cuộc phiêu lưu. Lúc đó, người ta lo sợ tương lai các cơ sở này cũng chịu số phận giống như các cơ sở kinh tế phương Tây ở Thượng Hải.


Về phía Việt Nam, họ giữ lại các cơ sở của Pháp xuất phát từ lý do rất thực tế: họ muốn nền kinh tế trong nước tiếp tục vận hành. Hơn nữa, những người trước kia là "dân bảo hộ" của Pháp, lúc này vẫn chưa đủ khả năng thay thế các chuyên viên Pháp quản lý các xí nghiệp, mặc dù những người Pháp này cũng muốn trở thành các huấn luyện viên xuất sắc, tự hào về những học trò của mình, cùng chia sẻ với họ một sự đảm bảo tốt đẹp đê các cơ sở này hoạt động.


Sau này, sở dĩ không thực hiện được lâu dài việc chung sống, tôi nghĩ đó là sai lầm ở cả đôi bên. Về phía Việt Nam, từ những người thợ phụ nhưng có tài, chỉ sau một qúa trình chập chững không tránh khỏi lúc đầu, họ đã nhanh chóng trờ thành những chuyên viên kỹ thuật có thể thay thế người Pháp. Đúng là họ còn được sự giúp đỡ to lớn của các chuyên viên "nước bạn'' được cử tới Việt Nam làm việc bên cạnh họ. Đó là những cán bộ Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung, Đông Đức v.v... chưa kể đến các chuyên gia Trung Quốc (đặc biệt trong lĩnh vực giao thông) rất sốt sắng, làm việc không ngại khó nhọc vất vả, đóng góp có hiệu quả vào việc phục hồi các trục lộ quan trọng.


Hồ Chí Minh cũng đã tự mình can thiệp vào việc giữ lại các chuyên gia Pháp. Chỉ vài tuần sau khi tôi trở lại Hà Nội, trong một buổi tiếp xúc tôi đã nói với ông: "Ngài vẫn thường nói mong nước Pháp trở lại. Vậy thì tôi đây. Xin ngài cho biết đang chờ mong gì ở tôi?". Hồ Chí Minh trả lời: "Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm và chúng tôi không thể cùng làm ngay trong một lúc được. Điều tôi mong muốn là các ông duy trì hoạt động kinh tế trên đất nước này; vì lẽ đó, chúng tôi đang cần đẽn các cơ sở kinh tế của các ông và muốn những cơ sở này vẫn ở lại". Sau khi tôi trả lời là, điều quan trọng cần phải có là sự tin cậy. Ông đáp: "Chúng tôi sẽ cố gắng!"


Chính phủ Việt Nam có thể khẳng định họ đã cố gắng. Nhưng theo sự nhìn nhận của chúng tôi, những cố gắng này có vẻ chưa bộc lộ hết và chưa đủ làm yên lòng những người Pháp như họ mong muốn.


Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng như Phạm Văn Đồng đều tỏ ra sốt sắng. Xin nêu một ví dụ: ngày 26 tháng 3 năm 1955 trong bữa cơm chỉ có ba người là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và tôi, Chủ tịch Việt Nam đã tố cáo chính quyền Nam Việt Nam, chính quyền Mỹ và cả Pháp nữa đang có thái độ thù địch đối với Bắc Việt Nam, muốn bao vây cô lập nhiệm vụ của tôi và làm cho sứ mệnh của tôi bị thất bại. Sau đó, ông đề nghị tôi khuyến khích những đồng bào tôi ở lại miền Bắc Việt Nam.


Cũng như mọi lần trước, lần này tôi đã nêu lên sự thiếu đảm bảo vững chắc khiến cho các doanh nghiệp Pháp lo lắng. Tôi cũng nêu lên sự kiện ở Thượng Hải và tất cả những lý do khác để chứng minh thái độ bi quan của các nhà kinh doanh Pháp, trong đó có việc thiếu đạo luật kinh doanh và những thỏa thuận thích đáng về tiền tệ. Nhưng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nói:

- Tất cả những điều đó ông nêu lên chứng tỏ ông chưa thật quyết tâm nghe và hiểu chúng tôi. Do đó, các ông đã bỏ mặc, không muốn chờ đợi để chúng tôi có thời gian giải quyết tất cả các vấn đề tế nhị này. Cũng cần phải nói thẳng, chúng tôi chưa chuẩn bị trên các lĩnh vực này. Còn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, nói gọn là trên tất cả các lĩnh vực không có sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân, thì chúng tôi luôn luôn mong muốn một sự hợp tác rất chặt chẽ với Pháp. Rất tiếc là ông đã không giải thích được cho các đồng bào của ông hiểu rõ điều này.


Tôi nói lại, cách thức tốt nhất giúp tôi giải thích cho đồng bào của tôi, là ký kết một bản hiệp định có lý có lẽ trên tất cả các vấn đề lớn đang thương lượng. Cuộc nói chuyện kéo dài mà không đi đến đâu cả. Cuối cùng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại luận điểm mà ông đã nói với tôi khi tôi và ông vừa mới gặp lại nhau ở Hà Nội:

- Chúng ta đã chiến đấu thẳng thắn suốt tám năm. Bây giờ chiến tranh đã kết thúc. Chúng ta có thể cùng làm việc bên nhau, dựa trên tinh thần thẳng thắn đó, và lần này là vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:32:27 am »

Sau buổi nói chuyện trong bữa cơm giữa ba người, tôi điện về Paris báo cáo với Chính phủ Pháp:

"Tôi có cảm tưởng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang thật sự lo ngại khi thấy trong kinh tế Pháp rời bỏ miền Bắc Việt Nam. Dưới mắt các nhà lãnh đạo Việt Nam, đây là do nước Pháp muốn "chơi" con bài Nam Việt Nam, bỏ mặc Bắc Việt Nam và các Đồng minh, chế độ dân chủ nhân dân của họ đối phó với các vấn đề kinh tế.

Điều đáng thất vọng là đã không tạo được niềm tin cậy lẫn nhau và từ sự nghi kỵ đã đẻ ra những trì hoãn, lần lữa, những do dự, những sự không rõ ràng làm nản lòng những người Pháp có thiện chí và củng cố thêm lập trường chống đối của những người Pháp lúc nào cũng thù địch với mọi mưu toan chung sống.


Tất nhiên, phải đẩy mạnh thêm nỗ lực để đi đến giải quyết dứt điểm những lĩnh vực quan trọng như các xí nghiệp than. Theo tôi, một giải pháp thỏa đáng có thể ký kết trong tuần tới".

Thỏa thuận về vấn đề các mỏ than được ký kết ngày 8 tháng 4 năm 1955, Công ty than Bắc Kỳ của Pháp được bồi thường năm tỉ, trả bằng một triệu tấn than trong vòng mười lăm năm và được quyền thương lượng rao bán.


Xí nghiệp quốc doanh than Hồng Gai tiếp quản các mỏ than thay Công ty than Bắc Kỳ của Pháp, dựa theo các thỏa thuận ký kết ngày 8 tháng 4 năm 1955. Theo yêu cầu của Bộ Công nghiệp Việt Nam, một số "cán bộ" người Pháp chấp nhận ở lại một thời gian để cùng cộng tác với người Việt.


Còn những cơ sở Pháp từ chối thương lượng, cứ rời bỏ Việt Nam trở về Pháp đều được lĩnh bồi thường sau. Một vài cơ sở có thể thương lượng trên các điều kiện thỏa đáng cũng đã tiến hành mọi việc theo từng mức độ và cuối cùng tất cả đã cuốn gói ra đi.


Phần trách nhiệm của Hồ Chí Minh về thất bại trong mưu toan chung sống này như thế nào? Điều đó rất khó nói. Không ai có thể khẳng định được, vì đây thật sự là một chuyện cá cược khác thường, đòi hỏi tất cả hai bên đều phải có đầy đủ thiện chí vô tận và hoàn toàn lãng quên quá khứ.


Nước Pháp cũng phải chịu một phần trách nhiệm về thất bại của thử nghiệm này. Đây là một thử nghiệm hấp dẫn, dù chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định, nhưng cũng không thiếu những bài học phong phú.


Mới đầu, nước Pháp cũng đã sắp xếp những phương tiện cần thiết cho mưu toan chung sống một cách trung thực. "Phái đoàn" của tôi (danh từ này vẫn còn là tên của cơ quan Tổng đại diện Pháp trong một thời gian lâu) từ năm 1954 đến 1955 gồm có một "tao đàn" những người có phám chất, bước vào "cuộc chơi" một cách hoàn toàn trung thực, tất cả đều tình nguyện làm việc tại một vị trí mà họ hiểu rất rõ nhiệm vụ. Phái đoàn này gồm có đô đốc Flichy, các ông Hubert Argod, Jean - Baptiste Georges - Picot, Pierre Billecocq, Roland Sadoun, Hubert Dubois, Roger Duzer, Loic Moreau, Cans, Beauchataud, các giáo sư Bourlière, Huard, Serafino và nhiều người khác mà tôi không thể nào kể hết, đều đồng thời làm việc, hoặc lần lượt từng người làm việc với một niềm tin và sự thông thạo, từ bỏ mọi hiềm thù và mọi ẩn ý xấu khi quay trở lại Việt Nam.


Nhưng ở Paris và những nơi khác, lại có những người che ô cho phái đoàn chúng tôi ở Hà Nội tìm mọi cách để làm biến đổi ý nghĩa và giảm bớt tầm vóc của công việc.

Hồ Chí Minh đã có lý khi nói đến "sự thù địch" đang bao vây chúng tôi. Sự thù địch này một phần là do Mỹ lo ngại sự có mặt của Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ là biểu hiện thừa nhận ngấm ngầm hình ảnh và quyền lực của Pháp trong khu vực Đông Nam Á. Một số cơ sở kinh tế của Pháp trong khu vực Hải Phòng (được di tản sau cùng, tức ba trăm ngày sau khi ký Hiệp định Genève) đã bị Mỹ đe dọa trừng phạt về kinh tế, trong trường hợp họ chọn con đường ở lại Bắc Kỳ.


Về phía các chủ doanh nghiệp Pháp, cũng cần phải nói thẳng ra là cũng có một số không muốn ở lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù có cơ hội chung sống hòa bình. Họ suy nghĩ dựa trên những nguyên tắc của họ là lợi nhuận, muốn rút về nước để được tiền bồi thường, đơn giản hơn và có lợi hơn.


Một tuần báo ở Paris đã tự bộc lộ mặt rất rõ là người phát ngôn của chính sách rời bỏ. Tờ báo này trong một bài có liên quan đến phái đoàn chúng tôi đã dùng những lời lẽ thật độc ác và dối trá để đi tới kết luận: "Thêm một lần nữa, đây lại là một sự mất danh dự của nước Pháp".


Họ đã gán cho chúng tôi "làm mất danh dự" Tổ quốc trong khi chúng tôi đang cố duy trì một số vị trí thỏa đáng của nước Pháp trong khu vực Đông Nam Á là khu vực đang quyết định sự tiến triển của thế giới.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 08:33:58 am »

XIII
NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG


Tháng 7 năm 1966 là thời điểm tôi được gặp Hồ Chí Minh lần cuối cùng.

Lúc này, Tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle đang chuẩn bị đi thăm Campuchia theo lời mời của Quốc trưởng Norodom Sihanouk. Ông cử tôi đi thu lượm tình hình tin tức tại một số nước châu Á. Sau khi đi Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Phnôm Pênh, Viêng Chăn, tôi tới Hà Nội và ở lại đây vài ngày.


Ngày 4 tháng 7 tôi có những cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh vào buổi sáng, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào buổi chiều, dự bữa cơm chiêu đãi do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vào buổi tối. Buổi nói chuyện giữa tôi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng kéo dài. Ông cho dọn thêm món ăn mời tôi. Tôi cảm thấy ông vẫn giản dị và thoải mái như buổi tôi gặp ông lần đầu tại Paris hồi tháng 4 năm 1946, khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, gọi là "phái đoàn thiện chí" tới thăm Pháp, mở đường cho việc ký kết Hiệp định Pháp - Việt ngày 6 tháng 3 rồi sau đó là Hội nghị Fontainebleau.


Buổi nói chuyện ngày 4 tháng 7 với Phạm Văn Đồng được bổ sung bằng một cuộc gặp bất ngờ. Hồ Chí Minh xuất hiện mà không báo trước, vẫn bước đi rất nhẹ, hai tay rộng mở, ông tươi cười nói: "Tôi được biết ông đang ở đây. Tôi không muốn chờ buổi gặp chính thức sẽ được tổ chức vào ngày mai nên lại đây ngay để chào ông". Sau đó, ông xen vào cuộc nói chuyện đã kéo dài hơn một giờ giữa tôi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hỏi tôi nhiều chuyện về tình hình gia đình, con tôi đã bao nhiêu tuổi, nhờ tôi thay mặt ông ôm hôn các cháu v.v... Đây là cuộc nói chuyện ngẫu hứng, bên lề những vấn đề đang quan tâm, một lần nữa càng nổi bật đặc tính cá nhân và thái độ thân tình của Ho Chí Minh trong cuộc tiếp xúc ngắn. Lúc ông đi cũng kín đáo, nhẹ nhàng như lúc đến.


Ngày hôm sau, 5 tháng 7, mới là cuộc gặp chính thức của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đặt tại dinh Toàn quyền cũ của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù tòa lâu đài này mang tên chính thức là "Phủ Chủ tịch" nhưng trên thực tế ông không ở trong tòa nhà này. Trái với cuộc gặp "bất ngờ" hôm qua, cuộc tiếp xúc chính thức hôm nay đã được tổ chức rất chu đáo.


Cùng dự buổi tiếp khách với Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn có Bộ trường Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Vụ trưởng Vụ châu Âu Nguyễn Thanh Hà. Một lúc sau, hai vị này xin rút lui, chỉ còn lại Hồ Chí Minh và tôi nói chuyện lâu với nhau. Nhưng sau đó, ông Phạm Văn Đồng lại đến cùng với ông Thạch và ông Hà. Đến khi ông Hồ Chí Minh kết thúc buổi tiếp tôi, tôi vẫn còn tiẽp tục nói chuyện với các ông Đồng, Thạch, Hà.


Khi tôi đưa trình thư ủy nhiệm của Tổng thống De Gaulle, Chủ tịch Hồ Chí Minh liếc đọc nội dung "giới thiệu" tôi bằng những từ ngữ trịnh trọng kiểu ngoại giao rồi cười to và nói: "Lại giới thiệu ông với tôi à! Không cần thiết. Tôi nghĩ, chúng ta đã biết rõ nhau lắm rồi, quen nhau từ lâu rồi..." (Cũng với giọng nói này, sau đó ông còn bảo tôi: "Này! Ông đừng gọi tôi là Ngài Chủ tịch nữa. Giữa chúng ta với nhau, xưng hô như thế kỳ cục lắm".


Lá thư của tướng De Gaulle quả đã làm Hồ Chí Minh rất vui lòng, đã bù đắp được sự tiếc nuối của Hồ Chí Minh năm 1946 không thể gặp tướng De Gaulle trong chuyến đi thăm nước Pháp. Sự hài lòng của Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ trong những dòng viết trong thư trả lời nhờ tôi chuyển tới Tổng thống nước Cộng hòa Pháp.


Sau khi những người khác đã lui ra ngoài hết, chỉ còn lại hai chúng tôi, chúng tôi mới đề cập đến vấn đề trọng đại nhất: đó là cuộc chiến tranh đang chia xé toàn bộ nước Việt Nam. Bằng những lời lẽ điềm đạm, nhà cách mạng lão thành giải thích cho tôi rõ những lý do khiến ông tin chắc sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Niềm tin này dựa trên sự khẳng định, chắc chắn Mỹ cũng như mọi tên "xâm lược" khác trong lịch sử từng ôm ảo vọng khuất phục Việt Nam nhưng cuối cùng đã phải mệt mỏi, chán nản bỏ cuộc, cộng với sự khẳng định chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ biết cách đương đầu với gánh nặng của cuộc chiến tranh này, dù kéo dài bao lâu cũng vẫn vượt qua được.


Tôi đưa ra nhận xét, điều này rất có lý nếu kẻ địch chỉ giữ mức độ gây sức ép như hiện nay, nhưng địch còn có thể tiến hành chiến tranh theo cách khác, và nếu Mỹ huy động một bộ phận lớn hơn nữa trong tiềm lực quân sự của họ thì tình hình sẽ đổi khác. Trong lời đáp lại của ông Hồ, tôi lại thấy nổi bật lên quyết tâm giống như hồi hai mươi năm trước khi ông phác họa trước mặt tôi triển vọng tình hình của một cuộc đụng độ Pháp - Việt, vẫn bằng một giọng trầm, bình thản, (còn trong lòng tôi thì lại lo lắng) ông nói: "Chúng tôi hiểu rõ sức mạnh của những kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi biết rõ, nếu Mỹ muốn thì họ có thể san bằng thành phố này cũng như họ có thể phá tan các thành phố quan trọng ở miền Bắc Việt Nam như: Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và tất cà những thành phố khác. Chúng tôi đang chờ và chúng tôi cũng đã chuẩn bị để đối phó, nhưng điều đó sẽ không làm suy yếu quyết tâm của chúng tôi chiến đấu tới cùng", ông nói thêm: "Các ông biết đấy, chúng tôi đã có kinh nghiệm, và các ông cũng" đã biết chiến tranh kết thúc như thế nào rồi". Trong khi liên hệ với chiến thắng Pháp, ông không hề tỏ ra khoe khoang hoặc muốn châm chọc chúng tôi. Ông chỉ đơn giản nhắc lại một thực tế đã xảy ra, dẫn ông đến niềm tin vững chắc.


Lúc này, tôi thấy rõ, trước mặt tôi là một nhân vật thật dũng cảm, và vẫn còn rất sáng suốt.

Ba năm sau, tức ngày 9 tháng 9 năm 1969, vài giờ sau khi dự lễ truy điệu Hồ Chí Minh ngay trong tòa nhà mà tôi đã gặp Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần cuối cùng, tôi lại có một buổi nói chuyện lâu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Dù đang rất xúc động bởi đã mất một nhân vật mà ông từng được sông và làm việc lâu năm bên cạnh, ông vẫn sẵn sàng tiếp chuyện tôi. Ông Đồng nói với tôi về hai vấn đề to lớn đang còn tồn tại trên đất nước Việt Nam: đó là chiến tranh và thống nhất. Và ông đã nói với tôi bằng một quyết tâm, một sự kiên định hệt như Hồ Chí Minh, bằng những lời gần như Hồ Chí Minh đã bộc lộ với tôi trong buổi nói chuyện cuối cùng năm 1966.


Điều này càng khẳng định trong tôi, như tôi đã đoán trước, là không thể chờ mong một sự thay đổi nào khác trong đường lối chính trị, cũng như trong các nhân vật lãnh đạo ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh vẫn được đảm bảo có sự kế tục sự nghiệp vững chắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM