Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:47:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu của Liên khu III - Đống Đa - Quận V Hà Nội  (Đọc 3420 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 08:15:44 am »

SƠN ĐEN TRỞ THÀNH TRINH SÁT VIÊN
Sở Công an Bắc Bộ hồi đầu Toàn quốc Kháng chiến


Lê Tuân


Trong một căn phòng của Sở Công an Bắc Bộ, Lê Tuấn, một cán bộ trẻ đang tiếp một thanh niên đen, quắt, dáng vẻ khúm núm, vụng về, như chưa bao giờ được đặt chân đến đây (Sở Mật thám Pháp cũ).

Với Lê Tuấn, anh thanh niên tỏ ra tin cậy, chuyện trò thoải mái thân mật. Sơn tâm sự cuộc đời mình: Sơn không có gia đình, không biết quê quán, 4, 5 tuổi Sơn đã ở Cống Chéo Hàng Lược, tự bươn chải kiếm sống. Lớn lên Sơn là phu đòn đám ma cho nhà ông Louis Chức (Lu i Chức) ỏ phố Takou (Hàng Cót bây giờ), đêm đến Sơn ngủ ở hàng hiên hè phố. Nhờ anh em đồng nghiệp mà Sơn hiểu được nguyên nhân gây ra năm 1945 bao nhiều người chết đói, chính Sơn và các bạn lúc đó cũng đang ngắc ngoải, nên Sơn rất ghét Pháp và Nhật. Võ vẽ đánh vần được khẩu hiệu do các anh Việt Minh kẻ nên Sơn biết rằng nước ta đã được độc lập, Sơn muốn được làm "mật thám" cho ta để trả thù bọn chúng.


Nghe Lê Tuấn báo cáo lại, anh Doãn (Chủ nhiệm Phòng Trinh sát) xúc động cảm thông cuộc đời Sơn.

Anh tiếp Sơn, giải thích cho Sơn hiểu mục đích và sự khác nhau của công tác trinh sát và mật thám của địch, với tất cả sự khó khăn nguy hiểm đến tính mạng, nhất là phải tuyệt đối trung thành với cách mạng, khi cần thiết không quản ngại hy sinh. Bằng một giọng chân thành, quả quyết, Sơn xin được làm việc. Nhìn Sơn đi ra anh Doãn nghĩ nếu được rèn luyện chắc chắn Sơn sẽ có nhiều công hiến.


Sơn được học văn hoá, được giác ngộ cách mạng, được hiểu biết mục đích ý nghĩa của công tác trinh sát của người Công an cách mạng. Song song với học tập là những việc được giao để kiểm tra thử thách và rèn luyện. Việc nào được giao Sơn cũng cố gắng và cố quyêt tâm để hoàn thành tốt. Một thời gian sau, Sơn thay đổi như một con người khác từ nhận thức đến tác phong hành động.


Sơn được bố trí chính thức vào một đội trinh sát. Trong hơn một năm Sơn đã góp nhiều công lao trong các vụ trấn áp phản cách mạng như Đại Việt Quốc dân đảng ở Ngũ Xã, Quán Thánh, Đỗ Hữu Vị, nhất là vụ án phố Ôn Như Hầu.


Ngày Toàn quốc kháng chiến, trinh sát Bắc Bộ được phân chia nhiều bộ phận và về các Liên khu I, II, III để phối hợp với các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu trong nội thành, Sơn được điều về Quận V. Tại đây Sơn được gặp anh Lê Tuấn lúc này đã là Trưởng Công an Quận V.

Sơn xin được về đơn vị trực tiếp chiến đấu và được bố trí vào đội hành động. Nhiều lần chạm súng với địch đi phục kích chặn bắt cán bộ, giao thông, Sơn rất gan dạ dũng cảm tiến lên trước và rút sau cùng. Trong một lần đánh chặn địch càn quét sớm vào làng Mậu Lương, đội hành động đã chiến đấu dũng cảm, bảo vệ dân sơ tán ra cánh đồng. Khi rút Sơn vẫn là người đi sau cùng... bắn yểm trợ cho đồng đội rút an toàn.


Bất chợt Sơn bị trúng đạn vào bụng, ngã vật xuống. Bọn giặc thấy im bặt tiếng súng, bèn tràn vào làng, bắt sống được Sơn. Theo lệnh tên quan hai Pháp, bọn lính dẫn Sơn đi.

Anh đã hi sinh anh dũng.

Cảm phục thay người trinh sát xuất thân trong hoàn cảnh bần cùng, được giác ngộ cách mạng, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tố quốc như ước mơ giản dị của anh.

Thể xác không còn và không biết ở nơi đâu, song tinh thần và tình cảm của anh luôn tồn tại trong tâm khảm tôi và đồng đội.

TỐNG THỊ HOÀ ghi
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #71 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:38:31 am »

TRẬN CỰ ĐÀ - HÀ ĐÔNG
27 tháng 3 năm 1947


Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự*
Nguyên Chính trị viên Trung đội 517 - Đại đội II


Sau khi các đơn vị chiến đấu của ta rút ra khỏi Thủ đô, địch thường sục ra các làng ngoại thành, mở rộng vùng kiểm soát, chiếm Cầu Mới, rồi thị xã Hà Đông. Từ đây ngày ngày chúng đi cướp phá, có khi mở hành quân lớn để tiêu diệt hoặc đẩy lùi lực lượng vũ trang của ta ra xa thành phố.


Các đơn vị chiến đấu tại Liên khu III đã từng giáng cho địch những đòn chí tử ở nhà Dầu Shell, Khâm Thiên... nay được tổ chức lại, đáng chú ý là sự thành lập Trung đoàn Thăng Long (27-2-1947) với nhiệm vụ chiến đấu ở phía Tây và Nam Hà Nội.


Tiểu đoàn 523 có nhiệm vụ đánh địch tiến ra huyện Thanh Oai, được tăng cường đại đội tự vệ chiến đấu của quận V, bố trí các đại đội ở các làng hai bên bờ sông Nhuệ, đặc biệt sử dụng một trung đội có kinh nghiệm chiến đấu trong phố để bảo vệ Cự Đà - Khúc Thuỷ.


Hai làng này nằm dọc hữu ngạn sông Nhuệ, cách thị xã Hà Đông 10km về hướng Đông Nam, trù phú nhất tỉnh Hà Đông, nhà ngói, nhà hai tầng san sát, có đường lớn dọc sông, ôtô chạy được, đường làng lát gạch rộng và sạch, trông không khác gì một vài khu phố của Hà Nội.


Ban chỉ huy trung đội đóng ở Cự Đà còn ba tiểu đội ở Khúc Thuỷ. Ban chỉ huy đóng ở một nhà hai tầng kiên cố, ngay rìa đường cái nhìn ra sông Nhuệ, cách chợ Cự Đà khoảng 100 mét; phía sau có một căn nhà năm gian lợp ngói nhìn ra một sân rộng, có tường cao ngăn cách với nhà bên, có cổng ra vào ở phía ngõ.


Trung đội bộ có 5 người: trung đội trưởng Vũ Văn Sự, trung đội phó Nguyễn Văn San, chính trị viên Nguyễn Đôn Tự (Sự và San là công nhân, Tự là học sinh), quản lý Thái và một em liên lạc (trước giờ chiến đấu em này được cho về phía sau). Vũ khí có 11 quả lựu đạn, một khẩu súng trường với 2 viên đạn đum đum, một khẩu tiểu liên sten với một băng đạn.


Sáng 27 tháng 3 năm 1947, khoảng 8 giờ sáng, ban chỉ huy trung đội được tin một đại đội Pháp và lê dương tiến từ phía Mậu Lương có xe tăng dẫn đầu đã đến gần chợ Cự Đà. Ban chỉ huy không kịp điều các tiểu đội nên quyết tâm cố thủ ngay tại nhà trung đội bộ để chặn địch.


Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #72 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:39:13 am »

Từ 9 giờ sáng, cuộc chiến ác liệt diễn ra ngay từ đầu khi địch phá được cổng vào ngõ, dồn nhau định xông vào thì quả lựu đạn đầu tiên do Tự ném từ trên gác gây thương vong gần một chục tên, chúng rên la, chửi bới, một số bỏ chạy về phía chợ.


Chúng không dám tiến theo đường cái nữa mà luồn qua các lỗ đục ở tường để lọt vào dãy nhà ngang. Một tên mũ đỏ nhô đầu trên bức tường nhà phía sau để quan sát bị Sự bắn một phát đạn đum đum vào giữa mặt. Một tên khác chạy từ nhà ngang qua sân để mở cổng thì bị viên đạn đum đum Sự bắn trúng lưng, ba lô bốc cháy, nó mở được cửa và ngã vật ra ngõ, tiếng kêu như bò rống hoà với tiếng rên la của bọn bị thương nằm ở cổng ngõ.


Bị đánh đau, địch tập trung mọi hoả lực, cả pháo trên xe tăng bắn như đổ đạn vào ngôi nhà, phá thủng hai mảng tường sát mái. Rồi chúng thúc bọn mũ đỏ tiến vào chiếm tầng dưới. Bọn này tập trung ở sân nhỏ cạnh bể nước chuẩn bị đánh chiếm nhà bếp thì một quả lựu đạn Tự ném qua khe cửa sổ con ở cầu thang, ít nhất cũng dăm bảy tên bị loại.


Địch bắn loạn xạ, ném nhiều lựu đạn lên gác hai để yểm trợ cho việc lấy xác và tải thương. Rồi chúng lại tiếp tục tấn công chiếm tầng dưới. Trung đội phó San và quản lý Thái chống trả quyết liệt và hy sinh trong đợt này. Chúng chiếm được bếp và tầng dưới, đang tập trung chuẩn bị xung phong lên gác thì bị quả lựu đạn Tự ném qua khe sàn quật ngã cả chục tên, nghe rõ tiếng giãy đành đạch, tiếng rên rỉ. Một vài tên chạy về phía Bắc chợ kêu cứu.


Một trung đội lính mũ đỏ kéo đến tiếp viện. Bọn này liều mạng hết loạt này đến loạt khác leo qua xác chết xung phong vào cầu thang nhưng đều bị đẩy lui bằng lựu đạn. Có lần chúng tung lựu đạn lên cầu thang. Sự bắt được ném trả lại.


Tình hình trở nên gay go vì chỉ còn một quả lựu đạn, Sự và Tự đang suy tính thì hai thằng mũ đỏ xông lên cầu thang, bị Sự lia cho một nửa băng sten ngã gục (sau đó súng hóc). Địch phía sau hoàng hốt kêu lên: Việt Minh có tiểu liên! Sau đó chúng hô: đốt nhà! Chúng dồn các đồ gỗ vào chân cầu thang rồi tưới xăng đốt. Khói lửa mịt mù cả tầng hai. Sự và Tự buộc phải lên sân thượng, nép mình trên đó, sẵn sàng dùng quả lựu đạn cuối cùng để diệt bọn liều lĩnh trèo lên mài.


Đã 4 giờ chiêu, địch vẫn bắn nhiều để đưa số thương vong ra xe. 5 giờ, Sự và Tự thấy người rã rời, khát khô cả cổ, vẫn còn căng thẳng vì địch còn ra lệnh cho lính sục tìm xem Việt Minh còn ấn nấp ở đâu. Nhưng cả hai đều rất bình tĩnh, lúc này mới nghĩ đến anh em trong đơn vị. Tự nảy ra ý nghĩ viết vài chữ để lại, lấy gạch vỡ viết "5 giờ 30 chiều hôm 27-3-1947, Sự và Tự cầm cự trong một ngày với non 200 giặc, đã chết ở đây sau khi bắn viên đạn cuối cùng. Sự gật đầu đồng tình. Thời gian trôi qua, Tự lại chữa 6 giờ 30, rồi 7 giờ.


Đến 8 giờ tối, một toán chiến sĩ của Trung đội mang đuốc sáng rực đến tìm xác và chôn cất ban chỉ huy trung đội. Thật vui mừng khôn xiết khi họ thấy Sự và Tự còn sống, mặt mũi quần áo đen sạm, sặc mùi thuốc súng. Nhưng họ cũng đau buồn vì sự hy sinh của hai đồng đội. Dù sao địch cũng phải trả giá rất đắt.


Trận Cự Đà (Hà Đông) có tiếng vang thời kỳ đầu kháng chiến vì là trận thử sức quyết liệt giữa mấy người chỉ huy trẻ tuổi (từ 21 đến 25) với quân địch có ưu thế về vũ khí và số quân; trận này cùng với một số trận khác đã chứng tỏ thực dân Pháp không thể đè bẹp được ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.


Ủy ban Kháng chiến Khu XI (Hà Nội) có giấy khen (10-4-1947): "Hai anh với một gan dạ phi thường, đã chiến đấu rất có kỷ luật khiến 40 lính Pháp Đức bị giết và hơn 10 tên nữa bị thương". Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cũng có giấy khen (25-4-1947) và có quyết định tặng huân chương cho Vũ Văn Sự và Nguyễn Đôn Tự (20-9-1947). Trong quyển "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi", đồng chí Trường Chinh có dẫn ra trận Cự Đà (Hà Đông) "thật đáng nêu gương cho toàn quốc" (Đã được Thôi Hữu viết trong quyển "Đợi giờ chết". Nhà xuất bản Vệ Quốc quân - 1949).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #73 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:42:26 am »

TRẬN ĐÁNH PHI TRƯỜNG BẠCH MAI
TRONG LÒNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI 18-1-1950


Đại úy Trần Hải *
Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 108 Mặt trận Hà Nội


Tại Thủ đô Hà Nội thời Pháp thuộc, chúng đã xây dựng 2 sân bay: Gia Lâm và Bạch Mai. Sân bay Gia Lâm kề đường 5 đi Hải Phòng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, quân đội Nhật đã dùng sân bay này là nơi cất cánh của các khu trục cơ đi bắn phá và ném bom các nơi khác ngoài biên giới Việt Nam. Năm 1942 - 1943 sân bay này đã bị không quân Mỹ ném bom gây thiệt hại cho lực lượng không quân của Nhật. Đến đầu cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp tại Thủ đô, sân bay Gia Lâm đã bị bộ đội và dân quân ta đánh gây cho địch một số thiệt hại. Tiếp đến năm 1954, lực lượng vũ trang Thủ đô đột nhập vào sân bay phá huỷ 18 máy bay của chúng.


Riêng sân bay Bạch Mai sau khởi nghĩa tháng 8-1945 cho đến năm 1946 tại đây là Trường Quân chính đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở theo nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Liên khu XI giao. Đến ngày 15-1-1947, địch huy động lực lượng lớn gồm xe tăng, bộ binh bằng nhiều hướng tiến đánh và chiếm được sân bay này.


Địch chiếm được sân bay Bạch Mai nhưng lực lượng bộ đội, dân quân, tự vệ vẫn bao vây và quấy rối nên địch chưa sử dụng được sân bay. Đến ngày 2-3-1947, địch huy động nhiều lực lượng từ nội thành ra, từ Văn Điển qua đường 70 vào. Sau một ngày dựa vào địa hình các thôn xóm, ta tiêu hao và làm chậm bước tiến của chúng, cho đến tối ngày 2-3-1947 địch mới đẩy lùi ta ra khỏi thị xã Hà Đông. Sau đó khi chúng đã củng cố thêm các vành đai an toàn mới có kế hoạch sử dụng sân bay Bạch Mai. Đêm 12-7-1949 dân quân nội thành đã bắn AT vào sân bay Bạch Mai phá hủy 2 chiếc Đakôta của chúng.


I. VỊ TRÍ XUNG YẾU VÀ KẾ HOẠCH BỐ PHÒNG CỦA ĐỊCH ĐỐI VỚI SÂN BAY BẠCH MAI SAU 3 NĂM CHIẾM ĐÓNG (1947 - 1949).

A. Bố phòng của địch

Sau khi quân xâm lược Pháp chiếm đóng được Thủ đô, chúng ráo riết củng cố và sửa sang lại 2 sân bay này phục vụ đắc lực cho ý đồ xâm lược của chúng:

1. Sân bay Gia Lâm là căn cứ đỗ và cất cánh của các phi cơ khu trục hàng ngày bay vào ném bom hay bắn phá vùng tự do của ta.

2. Sân bay Bạch Mai là căn cứ đỗ và cất cánh của các máy bay ném bom, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực tiếp tế cho các đồn bốt địch chiếm đóng sâu trong vùng hậu phương của ta, hoặc chở quân nhảy dù khi chúng mở các chiến dịch lớn đánh chiếm vùng tự do.


Để bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não và các vị trí trọng yếu của địch trong nội thành, nhất là với sân bay Bạch Mai, địch đã thiết lập được các tuyến vành đai từ trong và ngoài sân bay, còn bố trí nhiều lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt.

Các tuyến vành đai sau 3 năm chiếm đóng chúng đã củng cố xong:

1. Phòng tuyến thứ nhất từ Nhật Tân qua Bưởi, Cầu Giấy, Ngã Tư Vọng và đến Vĩnh Tuy.

2. Phòng tuyến thứ hai từ Chèm qua Cầu Diễn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Hà Đông Thanh Liệt, Văn Điển và lên Đông Trạch.

3. Phòng tuyến thứ ba từ Bông Lai qua Phùng, Giá, Mai Lĩnh, Thạch Bích, Khúc Thuỷ, Chùa Thông và Bằng Sơ.

Trên 3 phòng tuyến địch đóng tới 32 vị trí với hơn 2.000 quân cộng với khoảng 6.000 quân cơ động bảo vệ Hà Nội. Địch thường xuyên cho quân lính từ các đơn vị sục sạo vào các xã, phục kích trên cả ngả đường giao thông, tổ chức các đội tuần tiễu, thành lập Hội tề, lực lượng hương dũng ở xã, tổ chức canh phòng suốt ngày đêm. Ngoài ra chúng còn sử dụng các đơn vị đại đội hoặc tiểu đoàn thuộc lực lượng cơ động phối hợp với quân ở các vị trí chúng chiếm đóng mở các cuộc càn quét ngăn chặn lực lượng ta vào nội thành.


Đặc biệt với sân bay Bạch Mai còn nằm trong sự bảo vệ của 2 Tiểu khu (sous - secteur) là Tiểu khu Ngã tư Trung Hiền và Tiểu khu Ngã Tư Sở và được hỗ trợ của Khu (secteur) Hà Đông. Ngoài ra còn có 3 đội Com-măng-đô đặc biệt tàn ác là đội Tây lùn ở Tiểu khu Trung Hiền và đội Tây lai ở Tiểu khu Ngã Tư Sở ngày đêm lùng sục ngăn chặn phát hiện bắt bớ tiêu diệt lực lượng ta từ vùng tự do thâm nhập vào nội thành hoạt động.


B. Tình hình sân bay Bạch Mai.

1. Về địa hình:

- Sân bay Bạch Mai nằm tiếp giáp giữa nội và ngoại thành ở phía Nam Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km, cách vùng tự do của ta khoảng 25 - 30km.

- Phía Bắc giáp đường trục từ Ngã Tư Vọng sang Ngã Tư Sở (thường gọi là đường Tàu Bay).

- Phía Nam giáp cánh đồng Định Công.

- Phía Đông giáp Phương Liệt (cách bởi một con sông thoát nước).

- Phía Tây giáp Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ.

Phía ngoài xung quanh sân bay có nhiều đầm nước sâu đầy bèo tây và cỏ cao ngang đầu xen với tầng lớp hàng rào kẽm gai. Để sân bay không bị úng ngập khi có mưa, nên giữa sân bay địch xây một hệ thống cống to chạy suốt thoát nước ra ba đầm nước từ Tây Bắc sang Tây Nam, đầu cống đều có chắn song sắt nhưng lâu ngày phần nhiều đã bị gỉ mục biến dạng có thể mở rộng chui qua được.

Vòng ngoài sân bay được xây nhiều đồn bốt như: Thượng Đình - Định Công Thượng - Kim Lủ - Cầu Mới - Văn Điển - Đuôi Cá - Quang Bằng - Vĩnh Tuy.

2. Cách bố phòng trong sân bay.

- Sân bay dài khoảng 1.800 - 2.000m, bề mặt đường bằng rộng chừng 30m. Số lượng máy bay địch đỗ tại đây thường khoảng 15 đến 20 chiếc, có nhiều lúc số lượng máy bay ở đây lên tới 31 chiếc. Khi không có nhiệm vụ cất cánh, các máy bay đỗ theo hàng trong sân cỏ. Cách đường băng không xa có 3 gian nhà to khung sắt lợp tôn có thể chứa được từ 3 đến 6 chiếc khi kiểm tra hay sửa chữa. Kho xăng được chứa trong 3 bồn to, cao nổi trên mặt đất, cách khu đỗ máy bay khoảng 700 - 800m, dây thép gai bao quanh. Lực lượng trực tiếp bảo vệ trong sân bay gồm một Đại đội lính Âu Phi và một Trung đội lính dù cùng một số chó Béc-giê, xe jép hoặc thiết giáp tuần tiễu, nhất là ban đêm lực lượng này thường đi lại kiểm tra trên đường băng. Xung quanh sân bay còn có 6 lô cốt, tháp canh, mỗi lô cốt có hàng tiểu đội canh gác suốt ngày đêm. Ban đêm địch dùng các đèn pha trên các tháp canh chiếu sáng trong và ngoài sân bay để phát hiện lực lượng ta đột nhập sân bay.


Với cách bố phòng như vậy, địch cho rằng sân bay Bạch Mai là mục tiêu được bảo vệ an toàn, ta khó có điều kiện tấn công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #74 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:43:14 am »

II. CHỦ TRƯƠNG ĐÁNH PHÁ SÂN BAY BẠCH MAI CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH UỶ VÀ BAN CHỈ HUY MẶT TRẬN HÀ NỘI

1. Sự thất bại ngày càng lớn của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường chính Bắc Bộ từ Thu Đông 1947 đến giữa năm 1949 đã ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ âm mưu xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp - Chính phủ Pháp phải cấp tốc cử tướng Rơ-ve sang Việt Nam, nghiên cứu chiến trường để thay đổi chiến lược, đối với vũ khí, tăng viện trợ và thay quân.


2. Để đẩy mạnh công cuộc trường kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp đang có nhiều thuận lợi phát triển lên một thời kỳ mới, năm 1948 Bộ Tổng tư lệnh đã triệu tập đại biểu quân sự các tỉnh, thành trong toàn quốc về dự cuộc họp "phát động phong trào luyện quân lập công" tại Lục Ba (Đại Từ - Thái Nguyên). Đoàn đại biểu quân sự Hà Nội đã hứa trước Hội nghị, trước Đại tướng Tổng Tư lệnh và cùng giao ước thi đua với đại biểu thành phố Sài Gòn và Hải - Kiến: Hà Nội kiên quyết đánh phá sân bay địch tại Thủ đô.


3. Sang năm 1949 tình hình cuộc trường kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp trên toàn quốc đã có nhiều điều kiện thuận lợi cả về quân sự chính trị ảnh hương không chỉ riêng trong nước và đã thu hút ngày càng rộng rãi sự ủng hộ của các nước trên thế giới đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam chống xâm lược Pháp. Trên tình hình đó Trung ương, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã có Nghị quyết về tình hình quân sự với khẩu hiệu chiến lược là: "Tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công...". Bộ Tổng tư lệnh lần lượt ra lệnh "chuẩn bị chiến trường" cho các mặt trận. Ngày 30-3-1949 mệnh lệnh chuẩn bị chiến trường được chuyển đến Bộ Tư lệnh Liên khu III, UBHCKC Thành phố và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Lệnh cho Hà Nội, Bộ Tổng tư lệng nhấn mạnh: "Hà Nội không những là địa bàn quan trọng vào bậc nhất của địch và cũng là chiến trường quan trọng của ta trong giai đoạn mới".    


4. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Thành uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã có các nghị quyết và khẩn trương tổ chức chỉ đạo các mặt công tác trong vùng địch nên đã nhanh chóng củng cố, bổ sung, sắp xếp ổn định tổ chức, bố trí cán bộ, quy định chặt chẽ phương thức hoạt động, đồng thời xây dựng đơn vị tập trung mạnh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội để kịp thời sử dụng khi có tình hình mới.


Trong thời gian này dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu III đang mở chiến dịch Lê Lợi, đòi hỏi quân và dân Thủ đỏ phải có những hoạt động quân sự phối hợp đảm bảo thắng lợi của chiến dịch. Từ lâu trong tư tưởng chỉ đạo của Thành uỷ, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã có ý định đánh sân bay này, lực lượng quân báo liên tục tổ chức theo dõi tình hình sân bay nhưng chưa đạt yêu cầu để thể hiện ý định của lãnh đạo. Một sự ngẫu nhiên, trong thời gian này (cuối 1949) có anh Hải1 (Anh Hải chính là đồng chí Chu Duy Kính, sau này là Trung tướng Tư lệnh Quân khu Thủ đô) dưới vỏ bọc là học sinh nội thành (được giao nhiệm vụ hoạt động nội thành của ngành công an) bị địch bắt cùng một số khá nhiều cán bộ hoạt động nội thành bị giam tại Nhà Tiền đã lâu, nay địch điều xuống làm "lao công tù binh" xây dựng, dọn dẹp sửa sang lại sân bay. Trong thời gian anh Hải lao công tại đây đã để ý quan sát địa hình, cách bố phòng của địch trong sân bay và đã tìm cơ hội cùng hai đồng chí nữa trốn ra được và cung cấp rõ mọi tình hình trong sân bay giúp cho lãnh đạo Thành uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội có quyết tám đánh sân bay Bạch Mai. Tuy vậy lãnh đạo Thành ủy, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội cũng rất thận trọng cho tiến hành điều tra sự việc trên, nhất là sau khi có tù binh trốn. Sau khi đã điều tra và xác minh chính xác lại sự việc, địch cũng không có gì thay đổi trong hoạt động bảo vệ sân bay, nên Thành uỷ hạ quyết tâm đánh sân bay Bạch Mai nhằm đạt các mục tiêu sau:

1. Trận đánh trường bay Bạch Mai thắng lợi là ta đã đánh trúng và phá huỷ vào lực lượng mạnh của địch là không quân mà địch không thể nhanh chóng phục hồi và bổ sung trong thời gian ngắn. Tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho ta tiến công tiêu diệt hoặc bức địch phải rút một số vị trí chúng đã cắm sâu vào vùng tự do, vì không có điều kiện tiếp tế vũ khí, lương thực như trước bằng đường hàng không. Trước mắt chiến dịch Lê Lợi của ta có thêm nhiều điều kiện thắng lợi, vì thiếu không quân chi viện thì tác động không nhỏ đến tinh thần chiến đấu và kế hoạch hành quân của chúng.

2. Sân bay Bạch Mai là sân bay nằm trong lòng Thủ đô, bố phòng hết sức nghiêm ngặt nay bị tiến công là một sự thất bại nặng nề đối với địch về mọi mặt chính trị và quân sự. Đối với ta trận đánh vào sân bay thắng lợi trực tiếp cổ vũ và củng cố lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô vào cuộc kháng chiến và trên trường quốc tế sự ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp càng mạnh mẽ.

3. Đánh sân bay phải giành thắng lợi lớn, có sự phối hợp hoạt động của các lực lượng, các ngành có liên quan đối với yêu cầu của trận đánh, mà còn có vấn đề quan trọng nữa là phải có kế hoạch bảo vệ được cơ sở, được phong trào quần chúng trong vùng địch, nhất là các xã liền kề với sân bay, địch sẽ điên cuồng tìm mọi cách phá cơ sở và các phong trào cách mạng của ta.

4. Là dịp quân và dân Thủ đô thực hiện được lời hứa ở Hội nghị quân sự toàn quốc năm 1948 giao ước thi đua giữa 3 thành phố lớn Hà Nội - Sài Gòn và Hải - Kiến, lời hứa trước Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #75 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:43:56 am »

III. PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC VÀ MỌI HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ CỦA CÁC LỰC LƯỢNG TRONG TRẬN ĐÁNH SÂN BAY BẠCH MAI

Với tầm quan trọng của trận đánh sân bay Bạch Mai này, Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo trực tiếp, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ làm Chính uỷ, đồng chí Phùng Thế Tài, chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội lãnh đạo trực tiếp trận đánh.


Nhiệm vụ trận đánh được giao cho tiểu đoàn 108 là Tiểu đoàn tập trung duy nhất dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Tiểu đoàn mới được thành lập tháng 10 năm 1949 trên cơ sơ rút 3 Đại đội tập trung của một số quận, huyện ngoại thành. Thuận lợi là cán bộ, chiến sĩ đều đã chiến đấu tại Thủ đô ngay từ ngày đầu cuộc kháng chiến, tham gia nhiều trận đánh địch, thông thạo địa hình kể cả trong vùng địch hậu.


Để bảo đảm có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tập trung đánh sân bay với các lực lượng vũ trang trong vùng địch nên Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định thành lập "Ban chỉ huy trận tấn công phi trường Bạch Mai" gồm đồng chí Trần Hải, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 108 làm chỉ huy trưởng và đồng chí Văn Tân, nguyên chính trị viên Thành đội dân quân Hà Nội làm Chính trị viên.


Trận đánh có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt và có nhiều khó khăn nên Thành uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chỉ đạo một số phương châm và nguyên tắc tổ chức huấn luyện và tác chiến, yêu cầu các lực lượng tham gia trong trận đánh phải triệt để thực hiện trước, trong và sau trận đánh.


1. Tiểu đoàn được tổ chức thành 3 bộ phân: bộ phận trực tiếp vào đánh, bộ phận vào chuẩn bị chiến trường và bộ phận bảo vệ đường hành quân vào ra an toàn cho bộ phận đánh sân bay.

Cụ thể là:

a. Bộ phận trực tiếp vào đánh sân bay chọn lọc 32 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 2 cán bộ cấp Đại đội, 1 cán bộ cấp Trung đội và 2 thuộc cấp Tiểu đội).

b. Bộ phận vào chuẩn bị chiến trường bao gồm nội dung trao đổi kế hoạch với lãnh đạo các xã tiếp giáp sân bay Đại Kim - Định Công - Tam Khương về sự phối hợp hành động quân sự bảo vệ cho lực lượng vào đánh sân bay khi đánh sân bay xong trên đường ra sẽ tập trung tại xã Đại Kim.

c. Bộ phận của Tiểu đoàn còn lại gồm 2 Đại đội với đại liên, trung liên, súng cối cùng các vũ khí bộ binh, bố trí tại Cầu Đen, phối hợp cùng dân quân các xã lân cận chôn mìn trên đường 70, trước các vị trí Chùa Thông, Bàng Sở, bao vây các vị trí địch, chặn đánh không cho chúng hành quân ra ngoài, đảm bảo đường vào rút ra của bộ phận vào đánh sân bay.

2. Nguyên tắc giữ bí mật được thực hiện triệt để:

a. Bộ phận 32 cán bộ, chiến sĩ được chọn lọc vào đánh sân bay chuyển đến nơi trú quân mới, số cán bộ, chiến sĩ còn lại không được biết và không được phép liên hệ.

b. Địa điểm huấn luyện luôn luôn thay đối và chỉ luyện tập về đêm. Sa bàn để nghiên cứu phương pháp tác chiến được đắp ngay trong một ngôi đình mà ông từ trông coi đình cũng không biết. Chính quyền địa phương cũng chỉ biết có bộ đội đến đóng và học tập ở tại đình làng, ngoài ra không biết gì hơn.

c. Vũ khí sử dụng cho trận đánh chỉ ít ngày trước trận đánh mới cho lực lượng vào đánh sân bay tập sử dụng và xem thử nghiệm kết quả (tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình).

d. Các lực lượng phối hợp nhất là dân quân, du kích các xã liên quan ở vùng địch trong trận đánh này chỉ được biết nhiệm vụ cụ thể với thời gian rất ngắn trước khi có lệnh đánh sân bay của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội.

e. Tuyệt đối giữ bí mật đường hành quân khi vào và khi đánh sân bay. Khi có lệnh hành quân bộ phận vào đánh sân bay phải tổ chức cải trang và chọn giờ thích hợp để từ vùng tự do xâm nhập vào vùng địch chiếm đóng không bị lộ. Khi đã vào đến sân bay phải tuyệt đối bí mật, nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đã phân công và chỉ hành động theo giờ và kế hoạch phân công được quy định thống nhất. Tình huống vào tiếp cận sân bay mà bị lộ thì dù hy sinh tất cả chỉ có xông vào áp sát các máy bay và đánh theo kế hoạch đã phân công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #76 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:44:53 am »

IV. THƯC HIỆN MỆNH LỆNH, TỔ CHỨC CHỈ HUY TRẬN ĐÁNH

Sau 45 ngày rèn luyện và chờ đợi chiến đấu lập công, sáng 17-1-1950, Ban chỉ huy "trận tấn công phi trường Bạch Mai" được triệu tập về Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội nhận lệnh vào đánh sân bay và cũng rút ra ngay trong đêm.


Để thực hiện mệnh lệnh của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, kế hoạch hành quân và tổ chức chiến đấu được tiến hành như sau:

1. Lệnh cho bộ phận trực tiếp đánh vào sân bay đúng 14 giờ ngày 17-1-1950 tập trung tại đình Xà Kiêu (cách Ngã tư Vác khoảng 3km) để động viên tinh thần trước trận đánh, kiểm tra lại nhiệm vụ từng bộ phận, kiểm tra việc hoá trang và trang bị vũ khí (quần áo ngắn, dài theo kiểu con buôn trong vùng tề), mỗi người một cái bị trong đó có 2 chai mìn được đan rọ bọc ngoài va chạm không vỡ và tiện khi treo vào động cơ máy bay, 2 kíp nổ chậm và mỗi người 2 đến 3 quả lựu đạn trứng (loại nhỏ gọn, công phá mạnh).

- Theo quy định vũ khí của bộ phận đánh sân bay gồm mìn, lựu đạn, lưới nguỵ trang gừng trộn mật chống lạnh, chống ho cũng như tỏi xoa vào người chống chó Bécgiê đánh hơi đã được giao cho bộ phận khác chuyển đến tập trung tại Cầu Đen và bộ phận đánh sân bay sau khi hành quân đến tập trung tại đây sẽ nhận các thứ nói trên để tiếp tục tiến vào sân bay.


2. Từ 15 giờ cùng ngày, lực lượng bộ đội địa phương trong vùng tạm chiếm của Thủ đô đã giả dạng là người mò cua, bắt ốc, cắt cỏ xen lẫn với nhân dân làm ruộng chia thành từng tốp nhỏ tung ra khắp nơi, cả trước cổng đồn địch để nghe ngóng tình hình làm thành hàng rào bảo vệ và án ngữ chôn mìn trên đường 70 đề phòng địch từ Hà Đông, Quang Tó kéo ra Văn Điển và từ Văn Điển kéo vào Hà Đông. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ cho bộ phận vào đánh sân bay cũng như khi rút ra.


3. Bộ phận 32 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đánh vào sân bay sau bữa cơm chiều tại đình Xà Kiều mỗi người được phát đặc biệt thêm đường và bánh mì. Khoảng 16 giờ 30 phân tán từng tốp nhỏ, đi theo nhiều ngả và đến Cầu Đen nhận vũ khí và các vật dụng phục vụ chiến đấu. Thời tiết là mùa đông, hôm đó rất lạnh, sương mù đến sớm, đường vắng vẻ, thuận lợi cho việc hành quân. Lực lượng còn lại của Tiểu đoàn hành quân tiếp sau bộ phận vào sân bay chiếm lĩnh vị trí tại Cầu Đen trước 19 giờ đảm bảo an toàn cho bộ phận đánh sân bay cũng như khi rút ra.


4. Chặng đường hành quân cấp tốc dài hơn 20km nên bộ phận vào đánh trong sân bay phân tán thành các nhóm cách nhau, nhưng phải vừa đi vào vừa chạy cho kịp giờ hành động. Thời tiết đêm tối đến sớm, khi không còn trông rõ mặt nhau nữa thì bộ phận này cũng đã tiến sâu vào hệ thống đồn bốt kiểm soát của địch. Hành quân qua Chùa Thông, Khúc Thuỷ, len giữa Văn Điển - Thanh Liệt. Phải lội qua hai con sông Nhuệ và sông Tô Lịch khoảng Đan Nhiễm - Huỳnh Cung ai nấy đều lạnh, rét. Khoảng 21 giờ, bộ phận đánh sân bay đến một thửa ruộng giữa Xóm Trại Định Công và Định Công Hạ đã gặp nam nữ dân quân du kích Định Công mang nước, quà bánh đón tiếp và nghe quân báo báo cáo lại tình hình địch trong sân bay lần cuối cùng. Khoảng 22 giờ kiểm tra lại lần cuối về quân số, vũ khí và kế hoạch hoạt động, số 32 cán bộ, chiến sĩ vào đánh sân bay dưới sự hướng dẫn của một số du kích địa phương thuộc địa hình theo hướng Tây Nam đến tiếp cận sân bay bằng 3 mũi theo kế hoạch đã định.

a. Mũi thứ nhất gồm 18 chiến sĩ do Đại đội trưởng Hà Giáp trực tiếp chỉ huy có thêm anh Hải dẫn đường, phải chui qua cống ngầm chạy chéo qua sân bay với nhiệm vụ đánh phá dãy máy bay về phía Đông Nam từ đường băng thứ ba đến bốt thứ năm. Đề phòng bất trắc và không để địch phát hiện sớm nên mũi này phải trừ lại không được đánh 3 chiếc ở mỗi đầu của dãy máy bay đang đỗ.

b. Mũi thứ hai gồm 8 chiến sĩ do Chính trị viên Đại đội Trần Thành trực tiếp chỉ huy cùng hai du kích địa phương nắm chắc lối vào, đi men theo bờ đầm nước bèo tây vào sân bay có nhiệm vụ đánh phá dãy máy bay đậu tại phía Tây, mũi này cũng trừ lại không được đánh hai chiếc đầu vì gần bốt địch. Trường hợp có thay đổi nếu số máy bay đêm nay không đậu tại đây thì phải chuyển sang phá 4 chiếc máy bay đậu ở phía Bắc trên bốt số 4.

c. Mũi thứ ba gồm 6 chiến sĩ do Trung đội trưởng Tráng trực tiếp chỉ huy và có thêm một xã đội phó địa phương trước bị bắt giam trong sân bay đã trốn thoát dẫn đường. Mũi này đi cùng hướng với mũi thứ 2 và còn phải đi sâu hơn vào trong sân bay nơi có kho xăng.


Trong kế hoạch đánh sân bay đã tính toán rất nhiều về thời gian hiệp đồng tác chiến giữa 3 mũi đánh vào sân bay do cự ly không giống nhau - đặc biệt mũi thứ nhất phải đi chui dưới cống ngầm với đoạn đường xa nhất và có khả năng gặp những trở ngại không lường trước nên có quy định thời cơ thống nhất hành động cho các mũi nhọn như sau:

a. Bất cứ mũi nhọn nào, dù vào sân bay được sớm nếu không bị lộ phải tuyệt đối đợi đúng 24 giờ mới được hành động.

b. Trường hợp bất lợi là một, hai mũi đã lọt vào trong sân bay rồi mà bị lộ phải cương quyết thực hiện kế hoạch, quyết tâm đánh đạt tới mục đích dù có phải hy sinh (đã tính đến khi địch phát hiện ta đã áp sát các máy bay thì địch không dám bắn vì bắn ta sẽ không tránh khỏi đạn bắn vào các máy bay bốc cháy, nên đây là thời cơ tốt cho ta, dù có hy sinh nhưng hiệu quả đạt được sẽ cao).

c. Riêng mũi thứ ba đốt kho xăng, dù có vào sớm cũng phải đánh sau các mũi nhọn khác 10 phút. Nếu đã đúng giờ hành động, các mũi khác đã có tiếng nổ mà lực lượng còn cách xa kho xăng thì phải dũng cảm xông tới với tốc độ nhanh, tiếp cận đốt bằng được kho xăng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #77 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:45:32 am »

V. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH

Thời gian lúc này đã quá 22 giờ, các mũi đang tiến tiếp cận sân bay, thời tiết hết sức thuận lợi cho ta là sương mù xuống nhiều. Đèn pha trên các bốt canh của địch vẫn hoạt động nhưng vì sương mù nên đã hạn chế tác dụng đứng cách nhau hai, ba mét đã không nhìn thấy nhau. Càng gần sân bay các máy bay của chúng to như thế mà cũng chỉ trông thấy lờ mờ.

1. Mũi thứ nhất đang tiếp cận gần miệng cống thì đột nhiên thấy chó Bécgiê sủa, toàn mũi phải dừng lại và phái trinh sát tiến lên điều tra, sau đó tình hình đã trở lại yên tĩnh, tất cả tiếp tục theo nhau chui vào cống. Trong cống đầy bùn và rất nhiều dơi. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc, khó thở, tâm trạng cán bộ, chiến sĩ lúc này lo lắng nếu bị địch phát hiện bịt công xả liên thanh hay lựu đạn vào thị sẽ bị hy sinh hoàn toàn mà không thực hiện được nhiệm vụ. Nhưng sau gần hai tiếng đồng hồ vất vả, chịu đựng, toàn bộ lực lượng đã chui qua chiếc cống dài đó trót lọt và đến cự ly nằm dọc theo bờ đầm mép sân bay để chuẩn bị đột nhập vào sân bay. Cũng lúc này trên đường băng sân bay thấy chiếc ô tô bọc sắt thường trực sân bay theo quy định chạy kiểm soát nhưng địch không phát hiện được gì. Tranh thủ lúc xe tuần tra đã đi qua, tất cả mọi người tranh thủ nhanh chóng vượt rào thép gai, cỏ gianh vào nằm áp sát dưới các máy bay mà địch không hay biết. Đúng 24 giờ lệnh hành động ở mũi một bắt đầu. Các chiến sĩ nhanh nhẹn trườn tới, người nọ nối người kia hai người một, công kênh nhau leo lên cánh máy bay gài mìn vào đúng chỗ quy định đã từng tập nhiều lần ở nhà một cách thành thạo, nhanh chóng. Cứ lặp đi lặp lại động tác trèo leo, gài mìn từ chiếc nọ sang chiếc kia.


2. Mũi thứ hai theo giờ quy định chia theo đội hình chiến đấu làm nhiệm vụ đã được phân công, mọi hoạt động thuận lợi.

3. Mũi thứ ba (đốt kho xăng) cũng đã tiến sát hàng rào thép gai bao quanh các bồn xăng.

Tình hình rất khẩn trương, các mũi đều gặp thuận lợi và thực hiện đúng kế hoạch đã quy định, địch chưa phát hiện được lực lượng và hành động của ta ngay trước sự bố phòng nghiêm ngặt của chúng ở sân bay. Bất ngờ ở mũi thứ nhất xảy ra một tình huống đáng tiếc là cuối dãy máy bay đỗ có một tên lính gác, do sương mù dày đặc và ta hành tiên nhẹ nhàng nên tên lính này không phát hiện được, không may đối với đồng chí Tăng Văn Khang sau khi gài mìn xong chiếc máy bay cuối cùng không phát hiện được tên lính gác đang gác gần đó, nên khi nhảy xuống đất định chạy vượt qua sân bay ra ngoài thì bị tên lính đò trông thấy hô to và bắn làm đồng chí Khang bị thương (sau này được tin báo ra địch bắt được đồng chí Khang đưa về băng bó tại bệnh viện Đồn Thuỷ, sau đó tra tấn đồng chí Khang đến hy sinh). Sau khi tên gác phát hiện và bắn đồng chí Khang thì sân bay của địch báo động, các lực lượng ở các bốt gác và lực lượng tuần tra của địch nhốn nháo cả lên. Nhưng cũng lúc này quả mìn đầu tiên ở mũi thứ nhất nổ, chiếc máy bay bốc cháy và nổ tung ở mũi thứ hai, máy bay bốc cháy sáng rực trời. Mũi đốt kho xăng sắp đến giờ hành động đã có hai chiến sĩ nằm sát hàng rào dây thép gai và đã mở được đường chui vào. Rất tiếc chỉ huy bộ phận đốt kho xăng là Trung đội trưởng mất tinh thần định ra lệnh tất cả rút lui, nhưng đồng chí Đỗ là Tiểu đội trưởng đã kiên quyết chỉ huy toàn đội lao vào đặt mìn đốt kho xăng theo đúng kế hoạch.


Như vậy, đến 24 giờ 20 phút, ở các dãy máy bay và kho xăng tiếp tục nổ nhưng không đồng loạt mà cách nhau vài giây lại phát nổ. Lửa cháy rực cả bầu trời, sân bay Bạch Mai sáng rực cả lên.

Nhiệm vụ đã hoàn thành, các mũi (kể cả mùi thứ nhất không qua cống nữa) theo kế hoạch, tận dụng lúc địch đang hoảng hốt, dù phát hiện lực lượng ta còn trong sân bay chúng cũng không dám bắn sợ đạn trúng máy bay nên các mũi theo những đường đã quy định từ trong sân bay rút hết ra ngoài về nơi tập trung là xã Đại Kim. Sau khi kiểm tra quân số và nhận quà của nhân dân tiếp tế, đơn vị khẩn trương ra đến vùng tự do trước khi trời sáng.


Một sự nhầm lẫn xảy ra là bộ phận chôn mìn trên đường 70 khi thấy bộ phận đầu tiên đánh sân bay chạy ra, lầm tưởng là địch, đã cho nổ mìn may không có ai bị thương vong. Ngay lập tức đã nhận ra nhau nên không cho nổ mìn tiếp.


Trong sân bay lửa bốc cháy sáng bầu trời từ 24 giờ cho đến sáng 18-1-1950. Sau khi sân bay bị đánh, địch cho đại bác ở các đồn bảo vệ sân bay như Chùa Thông, Văn Điển v.v... bắn tới tấp quanh sân bay để hòng tiêu diệt lực lượng ta nếu chưa kịp rút ra. Xe tăng, thiết giáp bảo vệ sân bay rú còi inh ỏi lồng lộn lao vào sân bay xả đạn ra các phía ngoài sân bay và có một số ra chốt ở các đoạn đường nhằm bao vây ngăn chặn không cho quân ta rút lui. Hai chiếc xe chữa cháy được cấp tốc điêu đến nhưng vì những tiếng nổ nối tiếp nhau, máy bay và xăng bốc cháy quá lớn nên các xe này đành phải lùi ra xa nên việc chữa cháy không có kết quả. Cuối cùng địch thấy còn một số máy bay chưa bị cháy nên chúng điều xe đến móc cáp kéo ra xa. Nhưng địch không biết được rằng các máy bay chưa cháy là do kíp mìn chưa đến lúc nổ, nên khi móc cáp định kéo ra thì máy bay bị nổ và cháy làm cho địch không còn cách nào cứu vãn.


Kết quả trận đánh này ta đã phá huỷ 25 chiếc máy bay, 32 tấn vũ khí đạn dược, lương thực đã chứa sẵn trong máy bay và trên 60 vạn lít xăng. Vùng hậu phương ta suốt mấy ngày liền vắng tiếng máy bay, trừ một số ít khu trục hoạt động lẻ tẻ. Ta hy sinh một đồng chí. Vũ khí sử dụng hết 28 quả mìn chai và 120 quả lựu đạn trứng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #78 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:46:02 am »

VI. KẾT LUẬN

1. Trận đánh kết thúc nhanh gọn và đạt hiệu quả cao. Tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và trên 30 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp vào đánh sân bay đều được tặng thương huân chương chiến công hạng 1, 2, 3 và Tiểu đoàn tặng cho mỗi đồng chí một huy hiệu bằng bạc "Chiến sĩ xung phong phi trường Bạch Mai ngày 18-1-1950" - Tiểu đoàn 108 - Mặt trận Hà Nội.


2. Đánh vào sân bay Bạch Mai, nơi địch bố phòng nghiêm ngặt, nằm trong lòng Thủ đô, cách xa vùng hậu phương, ta phải vượt qua nhiều tuyến vành đai dày đặc đồn bốt dịch..., gây cho địch tổn thất nặng nề. Một thời gian dài địch không hiểu nổi cách đánh của ta và lo lắng đến sự an toàn của các vị trí quan trọng khác trong Thủ đô cũng có thể bị đánh phá.


3. Trận đánh sân bay Bạch Mai ở Thủ đô thắng lợi là một đòn nặng nề đối với lực lượng không quân địch và cũng là trận mở đầu cho những trận đánh các sân bay sau này ở các chiến trường.


4. Cách đánh làm cho địch thiệt hại nặng nề ở sân bay Bạch Mai là một sáng tạo mở ra cho việc nghiên cứu cách đánh tính chất đặc công sau này.


5. Trận đánh sân bay Bạch Mai nằm sâu trong vùng địch giành thắng lợi lớn là sự chứng minh sức mạnh của chiến tranh nhân dân thể hiện sự chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng vũ trang địa phương, sự giữ gìn bí mật, kế hoạch đối phó với địch sau trận đánh làm cho địch thiệt hại nặng nề về vật chất, không phát hiện được đối tượng, số lượng, cách đánh, từ đâu đến. Do đó mà các xã gần sân bay liên tiếp sau đó bị địch điên cuồng khủng bố bắt giam tra hỏi một số người, ném bom bắn phá nhưng cơ sơ cũng như các phong trào vẫn được củng cố và phát triển.


6. Trận đánh sân bay Bạch Mai thắng lợi có tác động mạnh mẽ, tích cực tới chiến cuộc Xuân - Hè và Thu - Đông 1950, trực tiếp hỗ trợ cho chiến dịch Lê Lợi của Liên khu III. Mặt khác, chiến thắng phá sân bay Bạch Mai đã góp phần cùng quân dân cả nước đang cố gắng thực hiện chủ trương mở rộng và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong lòng địch, nhất là các đô thị nhằm tạo khí thế cho cuộc kháng chiến trường kỳ chuyển sang tổng phản công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #79 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2022, 07:46:34 am »

Lời bạt


Cuốn sách này viết về những điều mà tôi sẽ không bao giờ biết được nếu như không đọc nó. Bởi vì khi xảy ra những sự việc mà cuốn sách này mô tả, thì tôi còn ở trong bụng mẹ.

Nhưng tôi lại có may mắn nhờ bổn phận nghề nghiệp nên đã gặp mặt hầu hết các tác giả viết nên những câu chuyện này. Giờ đây họ đã là những ông già bà cả, người trẻ nhất cũng đã qua tuổi "cổ lai hy", và những người già nhất được viết trong cuốn sách thì chắc chắn đã không còn nữa. Sự thật ấy là điều không thể cưỡng nổi.


Vậy mà khi diễn ra những sự việc được phản ánh trong cuốn sách này, tức là cách đây đã 55 năm... họ là những người trẻ và rất trẻ. Họ là những người đã làm nên chiến tích chung của quân dân Hà Nội những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lăng. Sách vở đã nói nhiều, mặc dầu vẫn chưa đủ, về 60 ngày đêm chiến đấu ở Liên khu I, gắn liền với không gian cổ kính của 36 phố phường, và cuộc rút quân thần kỳ gắn với một trung đoàn huyền thoại "có một không hai" - Trung đoàn Thủ đô. Và sách vở còn chưa nói nhiều và cũng là rất chưa đủ về cuộc chiến đấu không kém phần kiên cường trên những phần đất còn lại của cái thành phố khi đó còn có tên là thành Hoàng Diệu. Đó là Liên khu II ở phía Nam và Liên khu III ở phía Tây Nam của nội thành.


Cuốn sách này viết về mặt trận phía Tây Nam là "Liên khu III - Đống Đa - Quận V (Vào dịp kỷ niệm lần thứ 55 ngày Toàn quốc Kháng chiến năm nay, một cuốn sách viết về Liên khu II cũng được xuất bản). Cuốn sách này chưa phải là một cuốn sử, nó là những mảng hồi ức được viết theo trí nhớ đọng lại sau hơn nửa thế kỷ chất chồng những biến cố, nhưng nó là chất liệu để viết lịch sử. Bởi lẽ, tác giả của cuốn sách này không phải là những nhà viết sử mà họ đã góp phần làm nên lịch sử.


Người ta thường nói: thời gian là thứ thuốc hiện hình của lịch sử, phải có độ lùi thời gian người ta mới viết được lịch sử. Vậy thời gian sẽ là bao lâu khi cuộc sống của mỗi con người là hữu hạn? Tôi cứ hình dung 5 năm nữa, tức là vào dịp kỷ niệm 60 năm (tròn một hội, một vòng đời theo quan niệm cổ điển) ngày Kháng chiến toàn quốc (1946 - 2006), rất có thể sự kiện này đã "đi vào lịch sử' hiểu theo nghĩa là liệu còn mấy ai trong số họ có mặt trong ngày lễ trọng nữa. Và đến khi đó, chắc chắn cuốn sách này sẽ càng trở nên vô giá nhờ giá trị của nó là cái may mắn được cứu khỏi sự quên lãng, là cái sẽ vĩnh viễn mất đi nếu không kịp ghi chép lại. Nói cách khác, cuốn sách này là một công trình "bảo tồn ký ức".


Tôi nói trước điều này chính là để thay mặt bạn đọc hôm nay và mai sau tỏ lòng biết ơn đến những tác giả cũng là những người đại diện cho thế hệ đã làm nên một trong những trang sử vẻ vang nhất của Thủ đô Hà Nội được lưu giữ lại một phần trong cuốn sách này để lưu truyền cho hậu thế. Lời cảm ơn kịp nói vào lúc này còn có địa chỉ để gửi đến: Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Liên khu III - Đống Đa - Quận V.


Hà Nội, tháng 12 năm 2001
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Tổng Thư kỷ Hội KHLSVN
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM