Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:59:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng  (Đọc 7109 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 10:45:03 pm »

- Tên sách: Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng
- Tác giả: Lý Thận Minh - Trần Chi Hoa
- Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
- Năm xuất bản: 2017
- Số hóa: nhinrathegioi


LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Đã 100 năm trôi qua kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (năm 1917), đánh dấu sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, cho đến nay, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã trải qua một quá trình đầy thăng trầm. Hiện nay, Đảng Cộng sản vẫn đang phát huy vai trò lãnh đạo, dẫn đường ở những nước xã hội chủ nghĩa và cũng hoạt động mạnh mẽ, tuy không nắm quyền lãnh đạo đất nước ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa. Các đảng cộng sản trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển chủ nghĩa Mác, tìm tòi con đường phát triển phù hợp với tình hình của mỗi nước nói riêng và xu thế phát triển của toàn thế giới nói chung.


Đến nay, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết - nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã giải thể hơn 26 năm. Cùng với đó, Đảng Cộng sản Liên Xô, một chính đảng lớn với hơn 20 triệu đảng viên, không chỉ mất đi quyền lãnh đạo đất nước, mà còn bị "giải tán" trong chớp nhoáng. Tuy sự kiện đã xảy ra hơn 1/4 thế kỷ, có nhiều quan điểm khác nhau về sự kiện này với những cách giải thích khác nhau về nguyên nhân của nó, nhưng vẫn chưa có một đáp án thống nhất; những tranh cãi xung quanh chủ đề này vẫn chưa kết thúc.


Cuốn sách Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng là kết quả của đề tài "Nghiên cứu bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và sau đó đã được đưa vào dự án thuộc Quỹ khoa học xã hội nhà nước của Trung Quốc. Đứng từ góc độ của nhà nghiên cứu đồng thời là đảng viên ở một nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo, trên quan điểm của chủ nghĩa Mác, cuốn sách đi sâu phân tích một cách khoa học, lôgích những nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô. Những điều rút ra từ việc nghiên cứu bài học mất Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với các đảng cộng sản đang nắm quyền nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng trong quá trình lãnh đạo đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.


Với cách trình bày khoa học, lập luận rõ ràng, cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với bạn đọc, nhất là các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo trung và cao cấp, những người làm công tác đảng, học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử, xây dựng Đảng. Tuy nhiên, do xuất phát từ quan điểm, lập trường của mình và dựa vào nguồn tư liệu khai thác được khi phân tích về một số vấn đề trong quan hệ quốc tế về một số sự kiện, nhân vật, nên những luận giải, đánh giá của các tác giả đang có những ý kiến khác nhau, cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi. Tôn trọng chính kiến của các tác giả và để người đọc thuận tiện nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi cố gắng giữ nguyên luận chứng của tác giả; các luận chứng đó là quan điểm riêng, không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.


Tháng 9 năm 2017
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #1 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:19:04 am »

LỜI TỰA

SỰ THA HÓA, BIẾN CHẤT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ
LÀ NGUYÊN NHÂN CĂN BẢN CỦA VIỆC LIÊN XÔ GIẢI THỂ


Ngày 24 tháng 8 năm 1991, đây vốn dĩ là một ngày hết sức bình thường. Nhưng chính vào ngày này, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev đã vượt chức trách, quyền hạn cá nhân, trong một thông báo ngắn ngủi tuyên bố hai tin gây chấn động thế giới: Một là "Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô không thể không có quyết định khó khăn nhưng lại là quyết định hợp lý duy nhất là tự giải tán"; hai là "Tôi không cho rằng bản thân tôi sau này còn có thể hoàn thành chức trách của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nữa, tôi sẽ thôi tất cả các chức quyền của mình"1 ([Nga] Roy Medvedev: Năm cuối cùng của Liên Xô, Nxb. Văn hiến Khoa học xã hội, 2009, tr.105. Các chú thích, tài liệu tham khảo trong sách đều được dịch theo sách gốc (ND.)).


Bảy giờ tối ngày 25 tháng 12 năm 1991, Gorbachev trước tiên ký lệnh từ chức Tổng thống Liên Xô, sau đó tại văn phòng của mình, ông phát biểu từ chức trước ống kính quay trực tiếp của mấy đài truyền hình của Liên Xô. Chính vào lúc Gorbachev phát biểu trên truyền hình, quốc kỳ có hình búa liềm màu đỏ của Liên Xô trên nóc tròn dinh Tổng thống - Điện Kremlin lặng lẽ được hạ xuống, đánh dấu việc Liên Xô từ đây biến mất trên bản đồ chính trị thế giới.


Năm 1991 là năm cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng là năm cuối cùng của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết.

Trong nháy mắt, năm 2011 là tròn 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Liên Xô giải thể. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi cuốn sách này tới các quý vị độc giả, kính mong mọi người phê bình, đóng góp ý kiến.


I. VỀ BỘ KHUNG TỔNG THỂ CỦA CUỐN SÁCH

Năm 2000, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã xác lập đề tài lớn là "Nghiên cứu bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng"; năm 2001, đề tài này lại được đưa vào dự án thuộc Quỹ khoa học xã hội nhà nước. Cuốn sách gửi tới các độc giả đây chính là thành quả cuối cùng trong mấy năm nghiên cứu của nhóm đề tài chúng tôi.


Điều cần nói rõ là, sáu tháng đầu năm 2005, Phan Gia Hoa, Tổ trưởng kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đóng tại Tổng Công ty thuốc lá Trung Quốc và nhà làm phim chính luận Lưu Kỳ Quang biết được tác phẩm của chúng tôi đã có đề cương chi tiết, liền mời chúng tôi cùng làm trước một bộ phim chính luận truyền hình liên quan, thế là 8 tập phim tham khảo giáo dục "Tính trước nguy cơ - Bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" được sản xuất và hoàn thành vào sáu tháng đầu năm 20061 (Chấp bút chung: Lý Thận Minh (bút danh: Tiêu Lê). Chấp bút: Lý Tiểu Ninh, Cát Ấu Lực, Khâu Kiến, Hách Nhất Tinh. Cố vấn bộ phim: Trần Khuê Nguyên, Trương Toàn Cảnh, Lưu Phong Nham, Trịnh Khoa Dương, Lý Thận Minh, Toàn Triết Chu, Đỗ Học Phương, Lý Thành Nhân, Mã Tuấn Thanh, Tưởng Chấn Vân, Lý Ý Trân. Tổng Giám sát sản xuất: Lý Bản Cương, Tiêu Kiến Quốc, Chu Điện Phú, Vương Kinh Sinh, Trần Chi Hoa. Phụ trách kế hoạch: Phan Gia Hoa, Chu Cẩm Xương, Hình Thế Kiệt, Hồ Trì, Thiệu Trung Hòa, Trần Quân, Lưu Kỳ Quang. Cung cấp lý luận: Lý Thận Minh, Trần Chi Hoa, Ngô Ân Viễn, Hình Quảng Trình, Lý Chính Nhạc, Vương Chính Tuyền, Trương Thụ Hoa, Vu Hồng Quân, Quách Xuân Sinh. Tổng đạo diễn: Lý Thuyên, Lưu Thụ Nhân. Bộ phim do Hội nghiên cứu xây dựng Đảng toàn quốc, nhóm chuyên đề "Nghiên cứu bài học lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, Nhà xuất bản Phương Chính, Trung Quốc, Tập đoàn xuất bản Cát Lâm liên hợp quay, Trung tâm Nghệ thuật truyền hình Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng sản xuất, ra đời vào tháng 6 năm 2006). Bộ phim chính luận này tổng cộng dài hơn 5 tiếng đồng hồ, sau khi phát hành nội bộ, đã nhận được sự phản hồi tương đối mạnh, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương và Ủy ban Chính pháp Trung ương ra hẳn một thông tri yêu cầu các đơn vị trực thuộc xem. Tổ học tập trung tâm Tỉnh ủy các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam còn dùng cả một ngày chuyên để xem, tọa đàm thảo luận và gửi công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc trong toàn tỉnh tổ chức xem. Một số đơn vị nói: Trong khi chiếu, mọi người nín thở im lặng, rất ít đi lại; vốn dự định chia thành hai buổi để xem hết, nhưng vừa mới chiếu mấy tập đầu, các đồng chí xem nhất trí yêu cầu buổi trưa vừa ăn cơm hộp vừa xem, xem một mạch đến hết; trong hơn 5 tiếng đồng hồ, một số người nghiện thuốc lá cũng không để ý tới việc ra ngoài "thư giãn"; một số người còn tự động tổ chức tọa đàm, nói về những thể nghiệm sau khi xem. Sau đó, trong xã hội, thậm chí ở nước ngoài, bộ phim cũng có tiếng vang mạnh mẽ. Tổng Giám đốc Hiệu sách Khoa học xã hội Bắc Kinh Hoàng Đức Chí còn nói với tác giả, một số độc giả đặc biệt từ bên ngoài đáp máy bay tới Bắc Kinh để tìm phim và mua lời thuyết minh của phim. Tháng 10 năm 2007, Đoàn đại biểu Viện Khoa học xã hội Trung Quốc do tác giả dẫn đầu thăm Nga. Ngày 9 tháng 10, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện sĩ N. Belov, thay mặt Đoàn Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga phát biểu tại lễ khai mạc "Diễn đàn Khoa học xã hội Trung - Nga lần thứ hai". Ông đặc biệt chỉ ra: "Nhóm đề tài 'Nghiên cứu bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng', với thái độ khọa học nghiêm túc, đã phân tích các nguyên nhân và bài học lịch sử của việc Liên Xô giải thể và Đảng Cộng sản Liên Xô diệt vong, rút ra được không ít kết luận có dũng khí và có tính cảnh báo".


Chúng tôi cảm ơn các học giả trong và ngoài nước, đông đảo khán giả và độc giả đã có sự cổ vũ và yêu mến đối với những thành quả bước đầu nói trên của chúng tôi; chúng tôi cũng biết rõ rằng, "Tính trước nguy cơ - Bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" vẫn còn có không ít chỗ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:21:02 am »

Phần đầu của lời thuyết minh bộ phim "Tính trước nguy cơ - Bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" có một lời tựa ngắn gọn. Lời tựa chưa tới một ngàn chữ này về thực chất cũng có thể làm lời dẫn cho tác phẩm này của chúng tôi, cho thấy chủ đề và mục tiêu cũng như đề cương chi tiết của tác phẩm này của chúng tôi, xin đặc biệt trích dẫn như sau:

Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong lịch sử loài người đã xảy ra một sự kiện trọng đại gây chấn động thế giới: Liên Xô, một nước lớn, một cường quốc có cương vực khổng lồ trải rộng hai châu lục Âu - Á với hơn 22,4 triệu km2, bỗng chốc sụp đổ tan tành mà không hề có kẻ thù ngoại xâm và cũng không hề có biến cố tự nhiên đặc biệt nào.


Ngoài nỗi kinh hoàng ấy, cho đến nay biết bao quốc gia và chính đảng, các tổ chức quốc tế liên quan, các đoàn thể học thuật cho đến không ít các cá nhân học giả trên thế giới đều tiếp tục suy ngẫm những điều bí ẩn lớn lao chưa từng có này, nhằm soi mình trong cái di sản lịch sử hiếm thấy đó.


Nhà sử học nổi tiếng người Anh Toynbee từng nói: "Tri thức học được từ trong đau khổ do văn minh suy tàn gây ra có thể là công cụ có hiệu quả nhất của tiến bộ"1 (Kho báu tư tưởng phương Tây, Nxb. Nhân dân Cát Lâm, 1988, tr.1166).


Tập thể lãnh đạo thế hệ thứ ba do đồng chí Giang Trạch Dân làm hạt nhân và Trung ương Đảng khóa mới do đồng chí Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư coi trọng cao độ việc nghiên cứu nguyên nhân "Liên Xô giải thể". Rõ ràng là, nghiên cứu nghiêm túc, nhận thức đúng đắn vấn đề trọng đại này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tăng cường hơn nữa việc xây dựng tính tiên tiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không ngừng thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.


Có nhiều quan điểm nghiên cứu khác nhau nhằm giải đáp cho người đời về nguyên nhân "Liên Xô giải thể": "Thuyết không làm tốt kinh tế", "Thuyết mô hình Xtalin bị cứng nhắc", "Thuyết mâu thuẫn dân tộc quyết định", "Thuyết chạy đua vũ trang kéo đổ", "Thuyết tên phản bội Gorbachev tàn phá", "Thuyết nhân tố bên ngoài quyết định", v.v... Chúng ta thấy những người khác nhau rút ra kết luận khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng trong đó nguyên nhân căn bản nhất là gì? Đồng chí Mao Trạch Đông mách bảo chúng ta: "Bất cứ quá trình nào, nếu có nhiều mâu thuẫn cùng tồn tại, trong đó nhất định phải có một mâu thuẫn chủ yếu, đóng vai trò lãnh đạo, quyết định"1 (Mao Trạch Đông tuyển tập, Nxb. Nhân dân, 1991, t.1, tr.322).


Trong bài nói chuyện nổi tiếng khi thị sát miền Nam năm 1992, đồng chí Đặng Tiểu Bình nêu rõ: "Nếu nảy sinh ra vấn đề thì vẫn là nảy ra từ nội bộ Đảng Cộng sản"2 (Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, Nxb. Nhân dân, 1993, t.3, tr.380). Bộ phim này sẽ tiến hành mổ xẻ đối với việc nảy sinh, phát triển và biến đổi của vấn đề nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô từ tám mặt dưới đây:

1. Con đường lịch sử thịnh suy của Đảng Cộng sản Liên Xô.

2. Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.

3. Công tác ý thức hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô.

4. Tác phong Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô.

5. Tầng lớp đặc quyền của Đảng- Cộng sản Liên Xô.

6. Đường lối tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô.

7. Tập đoàn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.

8. Đảng Cộng sản Liên Xô đối phó với chiến lược Tây hóa, phân hóa của thế giới phương Tây.


Tác phẩm này của chúng tôi cũng giống như bộ phim tham khảo giáo dục 8 tập "Tính trước nguy cơ - Bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mâĩt Đảng", cũng chia thành 8 chương, thậm chí ngay cả tiêu đề cũng giống nhau. Chúng tôi suy nghĩ lôgích kết cấu của nó thế này: Việc Liên Xô giải thể có nhiều nguyên nhân, nhưng sự thoái hóa, biến chất của Đảng Cộng sản Liên Xô là nguyên nhân căn bản. Tác phẩm này của chúng tôi và 8 tập phim tham khảo giáo dục đều triển khai xoay quanh vấn đề căn bản này.


Chương I "Con đường lịch sử thịnh suy của Đảng Cộng sản Liên Xô", nhằm thông qua việc nhìn lại quá trình lịch sử thịnh suy của Đảng Cộng sản Liên Xô, đưa ra một vấn đề lớn và nghiêm túc là "rốt cuộc vấn đề là ở chỗ nào", bước đầu đã phân tích, mổ xẻ mối quan hệ lôgích nội tại giữa mất Đảng và mất nước, từ đó rút ra được kết luận "Vấn đề chính là ở chỗ nội bộ Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô". Nếu như nói chương I là tổng luận, vậy thì các chương khác phía sau chính là được triển khai xoay quanh kết luận này.


Chương II "Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô" trình bày vấn đề không có lý luận cách mạng thì không có hành động và phong trào cách mạng; và lý luận sai lầm thì tất yếu dẫn đến hành động sai lầm và phong trào sai lầm. Đây chính là vai trò quan trọng của lý luận. Xét từ một ý nghĩa nhất định, tất cả những thành tựu mà Đảng Cộng sản Liên Xô giành được đều là kết quả của lý luận đúng đắn; Đảng Cộng sản Liên Xô sở dĩ mất Đảng là kết quả của việc bắt đầu từ tập đoàn lãnh đạo Khrushchev đến tập đoàn lãnh đạo Gorbachev dần dần đã xa rời, thậm chí, cuối cùng phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận cơ bản của Đảng chỉ có chuyển hóa thành cương lĩnh hành động và các phương châm công tác cụ thể thì mới có ý nghĩa thực tế; phương châm chỉ đạo công tác của bất kỳ một chính đảng nào cũng tất yếu thể hiện yêu cầu bản chất của lý luận cơ bản của nó. Chính vì vậy, song song với việc hết sức cố gắng trình bày rõ lý luận cơ bản của Đảng Cộng sản Liên Xô, chúng tôi cũng liên hệ thích đáng với phương châm chỉ đạo công tác dưới sự chỉ đạo của lý luận này và hiệu quả thực tế mà nó đem lại.


Chương III "Công tác ý thức hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô" trình bày lý luận của Đảng là thông qua công tác ý thức hệ cụ thể để quán triệt tới toàn Đảng, toàn xã hội. Công tác ý thức hệ là con thuyền và nhịp cầu nối giữa lý luận cơ bản của Đảng và các công tác khác của Đảng, lẽ đương nhiên được toàn Đảng, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhất là lãnh đạo chủ chốt nhất coi trọng cao độ. Chương này cố gắng thông qua những bài học kinh nghiệm ở mặt này của Đảng Cộng sản Liên Xô để trình bày: Quyền lãnh đạo các cấp của công tác ý thức hệ cần phải được nắm trong tay những nhà mácxít trung thành; cần phải bồi dưỡng và phát triển lớn mạnh một đội ngũ những người làm công tác ý thức hệ trung thành với chủ nghĩa Mác; cần phải xây dựng một loạt các cơ quan nghiên cứu lý luận học thuật trung thành với chủ nghĩa Mác và trận địa dư luận như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, mạng internet; cần phải có một bộ phương pháp đúng đắn triển khai công tác ý thức hệ.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:22:09 am »

Chương IV "Tác phong Đảng của Đảng Cộng sản Liên Xô". Tác phong Đảng nói ở đây chủ yếu là chỉ tác phong Đảng lớn lấy tính chất của Đảng và tôn chỉ của Đảng làm hạt nhân, tất nhiên, cũng bao gồm tác phong công tác nói chung của Đảng. Nếu như chương II "Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô" và chương III "Công tác ý thức hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô" là nói về tư tưởng chỉ đạo của Đảng, thì chương IV đặt trọng điểm vào việc nêu rõ sự cần thiết phải kiên trì tính chất và tôn chỉ của Đảng. Nếu như Đảng nào duy trì được tính chất giai cấp công nhân rõ rệt, kiên trì tôn chỉ toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, Đảng đó sẽ là vị anh hùng Antaeus với sức mạnh vô biên đứng sừng sững trong nhân dân - "người mẹ trái đất", nếu không thì khó thoát khỏi số phận thất bại.


Chương V "Tầng lớp đặc quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô". Theo định nghĩa của chủ nghĩa Mác, giai cấp và tầng lớp chủ yếu là chỉ khái niệm trong lĩnh vực kinh tế chứ không phải trong lĩnh vực chính trị. Giai cấp và tầng lớp của bất kỳ xã hội nào vào bất cứ lúc nào cũng đều là sản phẩm của quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi, cũng chính là sản phẩm của quan hệ kinh tế  của thời đại mình. Giai cấp và tầng lớp một khi hình thành, thì tất yếu sẽ có tác dụng ngược trở lại đối với quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi của một thời đại nhất định. Bất kỳ giai cấp thống trị nào và tầng lớp của nó một khi hình thành thì tất yếu có mưu đồ thiết lập, thậm chí, mưu đồ "kết thúc" và "cố định" quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi nhất định có lợi cho mình một cách tối đa. Xét theo một ý nghĩa nhất định, tầng lớp đặc quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng vật chất của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng và Liên Xô giải thể, thậm chí có thế nói là động lực ban đầu của sự việc này. Chính vì vậy, năm 2001, trong bài phát biểu tại Đại hội kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, đồng chí Giang Trạch Dân chỉ rõ: "Tất cả cán bộ, đảng viên cần phải thực sự đại diện cho nhân dân nắm quyền cho tốt, dùng quyền cho tốt, chứ tuyệt đối không cho phép dùng quyền để mưu lợi riêng, tuyệt đối không cho phép hình thành tập đoàn lợi ích vốn có"1 (Tuyển tập văn kiện quan trọng kể từ Đại hội XV đến nay, Nxb. Nhân dân, 2003, quyển hạ, tr.1910).


Chương VI "Đường lối tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô". Đường lối về tư tưởng, về chính trị đúng đắn hay không quyết định tất cả; sau khi xác định đường lối tư tưởng, chính trị rồi, nguyên tắc tổ chức và đường lối cán bộ của Đảng chính là nhân tố quyết định. Nếu như chương II, chương III nói về đường lối tư tưởng của Đảng; chương IV, chương V nói về đường lối chính trị của Đảng cũng tức là đường lối giai cấp; vậy thì, chương VI chính là nói về đường lối tổ chức, trong đó bao gồm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và đường lối cán bộ của Đảng, cũng như cơ chế giám sát của Đảng. Đường lối tổ chức là sự bảo đảm cho việc chấp hành đường lối tư tưởng và đường lối chính trị của Đảng.


Chương VII "Tập đoàn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô". Chủ nghĩa duy vật lịch sử nhấn mạnh quần chúng nhân dân là người sáng tạo lịch sử, nhưng cũng thừa nhận vai trò độc đáo mà cá nhân có thể phát huy trong tiến trình lịch sử. Anh hùng luôn là thuận theo trào lưu thời đại, phản ánh ý chí của nhân dân, dẫn dắt bước đi tiến lên của thời đại, dẫn dắt quần chúng thúc đẩy xã hội phát triển về phía trước. Còn những nhân vật tiêu biểu của những thế lực lạc hậu và mục ruỗng kia cũng có thể thể hiện vai trò chủ quan của mình trong phạm vi không gian lịch sử nhất định nào đó, động viên, tập hợp các thế lực phản động trong xã hội, nhất thời gây trở ngại, bóp méo bước tiến của lịch sử, thậm chí dẫn tới sự thụt lùi mang tính lịch sử. Đây là hiện tượng thể hiện tính đa dạng của phát triển lịch sử xã hội mà chủ nghĩa duy vật lịch sử đã trình bày rõ. Sự thực, lịch sử xã hội loài người xưa nay không phải là một đường thẳng tắp. Trong sự so sánh, đọ sức và cạnh tranh giữa các thế lực, nó không ngừng tiến lên trong sự vận động biện chứng giữa tiến bộ và lạc hậu. Một bộ lịch sử Liên Xô lớn, tràn đầy những sắc thái vui buồn đã thể hiện sự phức tạp và khó khăn của việc xã hội thực hiện sự tiến bộ, và vai trò lịch sử độc đáo của tập đoàn lãnh đạo Đảng các thời kỳ khác nhau của Liên Xô không thể không khiến cho mọi người phải suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò then chốt của tập đoàn này trong việc bảo đảm phương hướng tiến lên của Đảng và nhà nước. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. I. Ryzhkov khi tổng kết nguyên nhân của việc Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Liên Xô giải thể, từng hết sức đau lòng nói: "Là các nhà lãnh đạo của Đảng, chính họ đã phản bội lại Đảng, bán rẻ đất nước và nhân dân"1 ([Nga] N. I. Ryzhkov: Bi kịch nước lớn, Nxb. Tân Hoa, 2008, tr.166).


Chương VIII "Đảng Cộng sản Liên Xô đối phó với chiến lược Tây hóa, phân hóa của thế giới phương Tây". Nếu như từ chương II đến chương VII nói về nguyên nhân bên trong của sự thịnh suy của Đảng Cộng sản Liên Xô, thì chương VIII chủ yếu là nói về nguyên nhân bên ngoài của sự thịnh suy này.


Tất nhiên, nguyên nhân bên trong là căn cứ của sự phát triển thay đổi của sự vật, nguyên nhân bên ngoài là điều kiện của sự phát triển thay đổi của sự vật, nguyên nhân bên ngoài phát huy tác dụng thông qua nguyên nhân bên trong. Ngoại trưởng Mỹ Baker, khi đề cập Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể từng nói: "Chúng tôi không phải là lãnh tụ của cuộc cách mạng này, nhưng cũng không phải là kẻ bàng quan"1 (Đàm Tác: Cải cách của Gorbachev và sự hủy diệt của Liên Xô, Nxb. Văn hiến Khoa học xã hội, 2006, tr.449). Điều này trong chừng mực nhất định đã cho thấy một cách tương đối sinh động, sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân bên trong và bên ngoài của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể.


Trên đây chính là nội dung chủ yếu của tác phẩm này, thể hiện cách nhìn của chúng tôi đối với nguyên nhân căn bản của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:23:54 am »

II. ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ MẤT ĐẢNG, LIÊN XÔ GIẢI THỂ LÀ MỘT TAI NẠN LỊCH SỬ TO LỚN

Làm thế nào để định tính cho sự kiện lớn trong lịch sử loài người - Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể - này? Là một tai nạn lớn hay là một bước tiến lớn? Mấy năm trước, bất luận là ở Nga hay là ở các quốc gia khác đều đã triển khai những cuộc tranh luận gay gắt đối với vấn đề lớn này. Xét từ một ý nghĩa nhất định, "rất tốt" và "rất tồi tệ" đều không nhường nhau.


Năm 1913, đêm trước của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, những quốc gia tự xưng là "văn minh" của châu Âu đang tiến hành chạy đua vũ trang, còn hàng ngàn loại báo chí, hàng ngàn diễn đàn dùng hàng ngàn luận điệu lấy chiêu bài "chủ nghĩa yêu nước", "bảo vệ văn hóa" để tìm lý do cho mở rộng vũ trang. Đối với hiện tượng này, Lênin thẳng thắn chỉ ra: "Nếu như trong giây lát không thấy được những tập đoàn chính trị hoặc tập đoàn xã hội, thế lực và nhân vật nào đang bảo vệ những đề xuất, giải pháp nào, vậy thì cần luôn đưa ra câu hỏi là 'có lợi cho ai'! Đừng tin vào những lời nói suông, tốt nhất hãy xem có lợi cho ai!"1 (Lênin: Toàn tập, tiếng Trung, lần xuất bản thứ 2, q.23, tr.61-62).


Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể có lợi cho ai, là tai nạn đối với ai?

Một là, sự kiện này đem lại tai ương cực kỳ lớn cho nhân dân Nga.

Kể từ cải cách mở cửa đến nay, khỏi cần nói những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải của Trung Quốc, ngay cả những thôn trấn xa xôi đều đẩy mạnh việc xây dựng, đâu đâu cũng thấy máy ủi, cần cẩu. Tháng 6 năm 2002, người viết đến thăm Nga, trước tiên đến Mátxcava. Trên bầu trời thành phố lớn này thỉnh thoảng lại thấy cần cẩu chuyển động. Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Trung, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện trưởng Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Titarenko nói với người viết rằng, "Bây giờ còn tốt hơn nhiều so với 10 năm suy bại trước đây. Mặc dù vậy, vẫn có tới 70% tiền vốn trong và ngoài nước quanh quẩn ở Mátxcơva. Các bạn tới gần như tất cả các nơi ngoài Mátxcơva thì có thể hiểu hơn nữa việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể đem lại tai ương nghiêm trọng cho đất nước, dân tộc và nhân dân chúng tôi như thế nào". Tiếp đến chúng tôi tới thăm Volgagrát (vốn gọi là Xtalingrát), khi máy bay chuẩn bị hạ cánh lập tức thấy 9 chiếc trụ cầu mọc sừng sững trên dòng sông Volga rộng lớn, chiếc cầu này được xây xong sẽ rất giúp ích cho phát triển kinh tế của Nga.


Nhưng do chính phủ liên bang không cấp tiền, năm 1990 đành phải dừng thi công. Người viết hỏi tiếp, trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Xtalingrát có 6 khu công nghiệp lớn ở hai bên bờ sông Volga kéo dài hơn 80 km. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, 6 khu công nghiệp này bị biến thành bãi phế thải. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ mất khoảng 3 năm lại có một thành phố Xtalingrát mới kéo dài hơn 80 km mọc lên ở đây. Những kiến trúc chủ yếu hiện nay đều được xây dựng trong 3 năm đó. Lúc đó có tiền vốn không? Ông ta nói, không có. Người viết lại hỏi, thời gian khoảng 3 năm có thể xây dựng một thành phố mới, mà thời gian khoảng 12 năm lại không xây xong một cây cầu mới. Đây là vì sao? Ông ta trầm mặc một lát rồi nói: "Chủ yếu là tinh thần của con người đã khác. Khi đó, mọi người có niềm tin, có sự hăng hái, đói cũng làm. Nay rất mịt mờ: Quá khứ của chúng tôi sai rồi, tương lai sẽ đi về đâu? Chúng tôi không biết gì cả!". Sau đó, đoàn đại biểu chúng tôi lại tới vài nơi ở vùng Viễn Đông của Nga, ở đó, có thể thấy rõ, sự suy bại càng ghê gớm hơn.


Để hoàn thành tốt hơn đề tài '"Nghiên cứu bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" này, người viết nhiều lần đích thân tìm hiểu, khảo sát nước Nga sau khi Liên Xô giải thể. Tháng 10 năm 2003, người viết lại một lần nữa thăm Nga. Trong thời gian thăm Nga, người viết đã có cuộc nói chuyện dài với Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, Chủ nhiệm Khoa xã hội học trường Đại học Mátxcơva Dobrinkov. Ông ta nói: "Tổn thất tinh thần và vật chất mà nước Nga gặp phải mấy năm qua không thể nào tính hết được. Trên thực tế, cái gọi là cải tổ khiến cho nước Nga thụt lùi 20 - 30 năm, một số tổn thất tinh thần không thể nào đo đếm được". Trong lần thăm đó, chúng tôi có được không ít tư liệu cụ thể liên quan đến sự thụt lùi của xã hội Nga trong khoảng thời gian 10 năm từ khi Liên Xô giải thể đến cuối thế kỷ XX, xin khái quát lại như sau:

(1) Lĩnh vực kinh tế: Tổng giá trị sản phẩm trong nước giảm đi nhanh chóng, từ một nước lớn, công nghiệp hiện đại biến thành một nước phụ thuộc vào nguyên vật liệu. Từ khi Liên Xô giải thể năm 1991 đến cuối thế kỷ XX, tổng giá trị sản phẩm trong nước của Nga giảm xuống 52% so với năm 1990, còn thời kỳ Chiến tranh vệ quốc (1941 - 1945) chỉ giảm xuống 22%; sản xuất công nghiệp cùng thời kỳ giảm xuống 64,5%, sản xuất nông nghiệp giảm xuống 60,4%, đồng Rup mất giá, vật giá tăng vọt hơn 5.000 lần. Một số doanh nghiệp hàng không vũ trụ hiện đại chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng hằng ngày đơn giản. Trong giai đoạn 1990 - 2001, số người làm việc trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật từ 2,5 triệu người giảm xuống còn 800.000 người, rất nhiều nhân tài trình độ cao đi sang Mỹ, các nước Tây Âu, thậm chí các quốc gia đang phát triển để làm việc hoặc kiếm sống. Xét từ ý nghĩa nhất định, nước Nga đã biến thành nước phụ thuộc vào nguyên vật liệu của các nước phát triển Âu - Mỹ phương Tây, thậm chí cả các quốc gia công nghiệp mới nổi.


(2) Lĩnh vực xã hội: Phân hóa hỗn loạn, dân số giảm nhanh. Sự phân hóa nghiêm trọng hai cực giàu nghèo ở nước Nga ngày nay đã trở thành hiện thực. Năm 1989, tỷ lệ giữa thu nhập của 10% dân số nghèo nhất với thu nhập của 10% dân số giàu nhất là 1:4,7; còn năm 1999, tỷ lệ này là gần 1:80. Ngoài ra, các vấn đề xã hội như nát rượu, bệnh tâm thần, vô gia cư, trẻ em lang thang, mại dâm, bệnh AIDS và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chất thành đống. Mỗi năm ước tính có khoảng 500 ngàn phụ nữ lưu lạc sang nước ngoài bán dâm. Liên Xô giải thể khiến cho nó không chỉ mất đi rất nhiều đất đai, mà còn khiến dân số của nó giảm nhanh hơn 100 triệu người. Ngay cả dân số của Nga cũng đang giảm dần từng năm. Theo kết quả tổng điều tra dân số tháng 10 năm 2002, tổng số dân toàn quốc của Nga chỉ là 145 triệu người, giảm 2 triệu người so với năm 1989. Theo Số liệu do Ủy ban Thống kê nhà nước Nga cung cấp năm 2005, tuổi thọ bình quân của nam giới Nga là 58,6 tuổi, còn thấp hơn 4,8 tuổi so với tuổi thọ bình quân nam giới là 63,4 tuổi khi Liên Xô giải thể vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, điều này khiến cho Nga trở thành quốc gia có tuổi thọ bình quân nam giới thấp nhất trong toàn châu Âu1 (Tôn Lực Chu: "Tư hữu hóa quy mô lớn của Nga dẫn tới thất nghiệp, khiến cho tỷ lệ tử vong ở đàn ông trưởng thành, tăng lên", Tin tức Sohu, ngày 20 tháng 1 năm 2009, http://news.sohu.com/20090120/n261860206.shtml, trích từ Tham khảo thanh niên).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:25:14 am »

(3) Lĩnh vực trị an xã hội: Hoạt động phạm tội hoành hành, tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các loại tội phạm trong thời gian 10 năm sau sự biến, nhất là các vụ án lớn tăng mạnh. Số vụ án giết người của Nga năm 1990 là 14.300 vụ, năm 1998 là 23.000 vụ, năm 2001 là 29.800 vụ, năm 2002 đã vượt trên 32.000 vụ. Mỗi năm số người mất tích do phạm tội gây ra vượt trên 100.000 người2 ([Nga] Dobrinkov: Toàn cầu hóa và nước Nga: Phân tích xã hội học, Mátxcơva, 2006, tr.339). Trên thực tế mỗi năm có 200.000 người bị hại. Số vụ phạm tội tăng lên nhanh chóng, cứ trong 4 người đàn ông trưởng thành thì có một người có tiền án tiền sự. Nước Nga bình quân cứ 5 phút thì có một người bị giết. Bình quân cứ 100.000 dân thì có 1.000 người phạm tội - đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Hiện tượng phạm tội nhằm vào dân thường tăng cao, thậm chí phạm tội có tổ chức còn lan tới cả một số cơ quan quyền lực tối cao, trên thực tế xã hội hiện nay ở vào tình trạng khủng bố toàn diện. Thế nhưng, trong tình hình đó, phe tự do của Nga lại vẫn yêu cầu dùng thị trường làm cương yếu để giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, họ vẫn ra sức cổ xúy cho chính phủ quy mô nhỏ, tiếp tục làm suy yếu, cắt giảm các mặt chức năng của nhà nước. "Bảo vệ nhân quyền" mà phe tự do nói trên thực tế là bảo vệ tội phạm.


(4) Lĩnh vực chức năng nhà nước: Thụt lùi nghiêm trọng. Việc sao chép chế độ đa đảng của phương Tây gây rối loạn, phá hoại nghiêm trọng chế độ chính trị, tình trạng làm khống, làm giả thịnh hành, tham ô, tham nhũng thành phong trào. Mỗi năm số tiền dùng vào hối lộ lên tới hàng chục tỷ đôla Mỹ, giữa chính quyền và người dân thiếu sự tín nhiệm và sự tương tác hữu hiệu. Trong nước đâu đâu cũng đều là môi giới chính trị và khoe khoang chính trị. Một số cơ quan truyền thông báo chí tư nhân coi nhân dân là vật có thể thao túng, lừa gạt. Trong nhiều vấn đề lớn của đời sống xã hội, ý kiến của người dân bị coi thường, bị gạt đi. Nhà nước thiếu ý tưởng phát triển được luận chứng khoa học, thiếu tư duy chiến lược giải quyết các vấn đề nội chính, ngoại giao. Sự thất vọng của mọi người đối với chính trị đang gia tăng, sự thất vọng đối với lãnh tụ chính trị đang gia tăng, sự thất vọng đối với "chế độ dân chủ" cũng đang gia tăng.


(5) Lĩnh vực đạo đức tinh thần: Xã hội thịnh hành "luật rừng". Lý tưởng, niềm tin, quan niệm luân lý hỗn loạn, quan niệm thiện - ác truyền thông và năng lực phân biệt đúng - sai biến mất, nền tảng đạo đức xã hội xấu đi, bộ mặt tinh thần thụt lùi toàn diện. Một số phương tiện thông tin đại chúng truyền bá giá trị quan phương Tây cho dân chúng xã hội, những giá trị quan đó chỉ là để khéo léo vơ vét và theo đuổi lợi ích cá nhân, từ đó dẫn đến mất đi luân lý lao động và phẩm chất yêu lao động vốn có; dẫn đến đúng - sai, thiện - ác lẫn lộn, nề nếp xã hội ngày một xuống cấp, đồng tiền là trên hết. Nhiều thanh niên không muốn lao động, đa phần là mong qua một đêm biến thành ngân hàng, chuyên gia quan hệ công chúng thậm chí có xu hướng phạm tội, trở thành tội phạm cướp bóc hoặc kẻ lừa gạt. Một số phương tiện thông tin đại chúng, như một số chương trình truyền hình và phim truyền hình còn công khai cổ vũ phạm tội và băng nhóm maphia. Kinh tế xã hội và đạo đức, tinh thần khủng hoảng nghiêm trọng, cuộc sống bi thảm không có lối thoát dẫn tới bi kịch xã hội như hiện tượng tự sát tăng lên nhanh chóng. Năm 1990 số người tự sát ở Nga là 26.400 người, năm 1998 là 35.400 người, còn năm 2001 đã lên tới 39.700 người.


(6) Về mặt địa vị quốc tế: Từ một siêu cường rớt xuống thành quốc gia hạng hai. Trong một thời kỳ tương đối dài sau sự biến, chính quyền Nga đón lấy nhu cầu của thế giới phương Tây đứng đầu là Mỹ, từng bước chủ động từ bỏ các bạn bè đồng minh của mình ở rất nhiều nơi trên thế giới, thậm chí rút khỏi hoàn toàn, dần dần mất đi địa vị siêu cường. Địa vị của Nga trong Cộng động các quốc gia độc lập cũng đang suy yếu, khiến cho các nước khác nhanh chóng lấp đầy chỗ trống. Địa chính trị của Nga cũng có sự chuyển ngược lớn: khái niệm Tổ quốc trước kia, nay đã bị tan vỡ, trôi theo dòng nước. Từ sau khi ba nước vùng Bantích, các nước cộng hòa Trung Á và Cápcadơ độc lập, bản đồ của nước Nga giảm nhanh về quy mô thời Peter Đệ nhất hồi đầu thế kỷ XVII, và mất đi đường ra biển dọc bờ biển Bantích và các cảng tốt tự nhiên ở Hắc Hải, đúng như cái gọi là "Vô hạn giang sơn, biệt thời dung dị kiến thời nan, lưu thủy lạc hoa xuân khứ dã, thiên thượng nhân gian"1 (Lý Dực: Lãng đào sa, tạm dịch thơ: Bát ngát giang san, chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn, nước trôi xuân qua, trời đất cách biệt (ND.)).


Mấy năm gần đây, người viết lần lượt 3 lần thăm Nga, bất luận là Titarenko, Dobrinkov hay là những nhân vật có hiểu biết khác, khi nói đến tai ương lớn Liên Xô giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng không ai không tiếc nuối muôn phần, thậm chí nước mắt lã chã rơi. Năm 1994, nhà văn nổi tiếng, nguyên là người bất đồng chính kiến Maksimov, trước khi qua đời, nằm trên giường bệnh nói với phóng viên báo Sự thật: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại cảm thấy đau lòng đến vậy trước tất cả những gì xảy ra hiện nay", Tổ quốc của mình bị giẫm đạp thành như vậy, cứ như "giương mắt mà nhìn mẹ mình bị cưỡng hiếp vậy. Không còn có gì khó chịu hơn thế"1 (Báo Sự thật, ngày 29 tháng 3 năm 1994).


Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N. I. Ryzhkov trong tác phẩm mới của mình là Bi kịch nước lớn cũng nói, Liên Xô giải thể "gây ra tổn thất to lớn cho Nga, có thể nói một cách không phóng đại rằng, tình trạng đó liên quan tới các mặt của đời sống - từ uy tín và vai trò của nước ta trong cộng đồng quốc tế, đến kinh tế, năng lực quốc phòng, phát triển khoa học, sản xuất và văn hóa, mức sống của người dân, v.v."2 ([Nga] N. I. Ryzhkov: Bi kịch nước lớn, Sđd, tr.372). Để làm rõ điểm này, từ vô số các thực tế chính xác, ông ta chỉ lấy vài ví dụ trong tài liệu của Ủy ban chuyên môn của Duma Quốc gia chất vấn Tổng thống Nga Yeltsin năm 1999, nhưng mấy ví dụ đó lại phải mất đến chẵn 9 trang giấy. Trong 9 trang giấy đó, Ryzhkov viết: "Sau khi Liên Xô giải thể, sự phá hoại đối với không gian kinh tế thống nhất, kinh tế quốc dân và khoa học của Liên Xô đã làm nảy sinh một đội quân thất nghiệp hàng chục triệu người", hơn nữa "số người thất nghiệp năm 1998 vượt trên 25 triệu người"; "Trong 20% cư dân tương đối may mắn đó, tập trung trên một nửa tổng thu nhập quốc dân, mà phần chủ yếu của thu nhập là do 200 - 300 gia tộc chiếm làm sở hữu riêng, họ đã lấy đi tuyệt đại bộ phận của cải quốc gia, đồng thời cũng lấy đi quyền lực của nhà nước"3 ([Nga] N. I. Ryzhkov: Bi kịch nước lớn, Sđd, tr.374).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:27:47 am »

Hai là, gây ra tai ương và thoái trào cực kỳ lớn cho phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới.

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước Đông Âu đã thoát ra khỏi hệ thống tư bản chủ nghĩa, lần lượt bước lên con đường xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 1950, các nước Đông Âu bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.


Chúng ta hãy xem so sánh giữa tăng trưởng thu nhập quốc dân, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Liên Xô và các nước Đông Âu chủ chốt trước sự biến với các nước Au - Mỹ chủ chốt. Thời kỳ những năm 1950 - 1984, thu nhập quốc dân và tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Liên Xô lần lượt tăng 9,9 lần và 14 lần, Bungari là 14 lần và 29 lần, Hunggari là 5,1 lần và 9,2 lần, Cộng hòa Dân chủ Đức là 7,6 lần và 11 lần, Ba Lan là 5,9 lần và 14 lần, Rumani là 17 lần và 38 lần, Tiệp Khắc1 (Nay là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlôvakia (BT.)) là 5,3 lần và 9,4 lần. Còn trong thời kỳ những năm 1950 - 1982, thu nhập quốc dân và tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Mỹ lần lượt tăng 1,8 lần và 2,1 lần, Anh là 1 lần và 0,9 lần, Pháp là 2,9 lần và 2,9 lần, Cộng hòa Liên bang Đức là 3,4 lần và 3,9 lần, Italia là 3,1 lần và 5,3 lần2 (Tống Tắc Hành, Phàn Khang: Lịch sử kinh tế thế giới, Nxb. Khoa học kinh tế  1997, quyển hạ, tr.100-111).


Nhưng cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, sau sự biến Liên Xô - Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa trước kia hoặc thay đổi tính chất, hoặc không còn tồn tại, ba quốc gia có chế độ liên bang đa dân tộc là Liên Xô, Nam Tư3 (Nay là các nước: Bôxnia và Hécxêgôvina, Crôatia, Maxêđônia, Môntênêgrô, Xécbia, Xlôvenia (BT.)), Tiệp Khắc lần lượt giải thể, tổng số người của các đảng cộng sản ở các nước khác trên thế giới từ hơn 44 triệu người giảm mạnh còn hơn 10 triệu người, hơn nữa đa số mất đi địa vị cầm quyền. Phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới rơi vào thoái trào chưa từng có.


Chỉ vẻn vẹn trong hơn một năm ngắn ngủi (1989-1990), tại sáu nước Ba Lan, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bungari, Rumani, chính quyền ào ào đổi sang tay người khác, Đảng Cộng sản cầm quyền hơn 40 năm hoặc bị hạ bệ trở thành đảng đối lập, hoặc thay đổi tính chất. Tiếp ngay sau đó, Đảng Lao động Anbani bị hạ bệ sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3 năm 1992; ở Nam Tư, trước tiên là Liên minh cộng sản Nam Tư không còn tồn tại, các bang trong Liên bang Nam Tư cũ đều xảy ra sự biến, sau đó, sau khi trải qua gần một năm nội chiến, cuối cùng chia tách thành 6 quốc gia độc lập. Cùng với việc Đảng Cộng sản mất đi địa vị cầm quyền, chế độ xã hội của các nước Đông Âu cũng có sự thay đổi căn bản: về chính trị, thực hiện dân chủ nghị viện lấy chế độ đa đảng làm nền tảng; về kinh tế, phủ định chế độ công hữu chiếm địa vị chủ đạo, ra sức thực hiện tư hữu hóa. Sản xuất tụt dốc mạnh, lạm phát phi mã liên tục, ngân sách thâm hụt nghiêm trọng, tình trạng nhập siêu lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao mà không giảm, mức sống thực tế của nhân dân giảm mạnh, khiến cho niềm hy vọng của mọi người trong một thời gian tương đối ngắn sẽ thực hiện được phồn vinh và giàu có rơi vào khoảng không, những cái giá nặng nề phải trả cho nó lại vượt xa sự tưởng tượng ban đầu.


Theo số liệu mà tạp chí Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Nga cung cấp, trong những năm 1990 - 1993, mức sụt giảm tổng giá trị sản phẩm quốc gia của SNG là rất lớn, trong đó mức sụt giảm của Ácmênia trên 50%, Adécbaigian, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Mônđôva, Tátgikixtan giảm khoảng 40%, Ucraina giảm hơn 30%, Udơbêkixtan và Bêlarút tương đối ổn định, chỉ giảm khoảng 17% và 24%1 (Lucilinia: "Tình hình phát triển kinh tế của các nước SNG thập kỷ 90 (trích yếu)", Tạp chí Học tập Hắc Hà, số 2-3 năm 1995, tr.89, đăng trên Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế [Nga], số 5 năm 1994).


Mức sụt giảm tổng giá trị sản phẩm quốc gia của các nước Đông Âu cũng rất lớn, từ năm 1990 đến năm 1993, Rumani giảm 20,8%, Bungari giảm 26,6%, Tiệp Khắc giảm 22%, Xlôvakia giảm 25,8%, Ba Lan giảm 5,8%, Hunggari giảm 17,1%1 (Tham khảo Tiểu Lâm, Trần Hoằng: "Một số con số về tình hình kinh tế những năm gần đây của các nước Đông Âu", Nghiên cứu Nga, số 5 năm 1995, tr.57).


Trong gần 20 năm qua kể từ sự biến đến nay, Bungari tổ chức 6 cuộc bầu cử nghị viện, lần lượt thành lập 11 khóa chính phủ, không có chính phủ hoặc nhà lãnh đạo khóa nào được hai nhiệm kỳ liên tục. Hiện nay, ngoài số ít các ngành như thuốc lá, đường sắt, cảng, nhà máy điện hạt nhân còn nằm trong tay nhà nước, trên 70% doanh nghiệp quốc hữu đều bị tư hữu hóa, hơn nữa đa phần là bán cho người nước ngoài, 97% ngân hàng đã là ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá trình tư hữu hóa, tài sản quốc hữu bị thất thoát rất nhiều. Tình trạng sức khỏe của người dân xấu đi, dân số từ gần 9 triệu người trước đây giảm xuống còn 7,8 triệu người hiện nay, có 1 triệu người (đa số là thanh niên và trí thức có sở trường nào đó) chạy ra nước ngoài. Phân hóa hai cực xã hội nghiêm trọng. Số ít người giàu lên nhanh chóng, đại đa số là người nghèo khó. Do kinh tế ở vào trạng thái đình trệ, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, đường sắt, đường bộ, đường phố, nhà cửa đều được xây dựng vào trước sự biến, thậm chí là 50 năm trước, tường nhà bị bong tróc, mặt đường không được tu bổ, đâu đâu cũng là cảnh tượng tan hoang2 (Lý Thục Xuân, Lữ Vi Châu, Mã Tế Phổ: "Bungari kể từ khi sự biến Liên Xô - Đông Âu đến nay - Kỷ yếu tọa đàm với các học giả Bungari", Động thái lý luận nước ngoài, số 9 năm 2007, tr.35; số 10, tr.34).


Chúng ta lại xem tai ương của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể gây ra cho Cuba. Những năm 70 của thế kỷ XX, sau khi trải qua tìm tòi chiến lược phát triển kinh tế và chính sách kinh tế ở thời kỳ trước đó, Cuba bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dựa vào "phe xã hội chủ nghĩa" để thực hiện công nghiệp hóa đất nước. Cuba và Liên Xô thực hiện nhất thể hóa kinh tế và gia nhập khối SEV vào năm 1972, phát huy lợi thế so sánh sản xuất mía đường, dùng mía đường đổi lấy các sản phẩm công nghiệp của các nước Liên Xô - Đông Âu, đáp ứng hàng tiêu dùng cần thiết của nhân dân và tư liệu sản xuất cần thiết cho nhà nước thực hiện công nghiệp hóa. Thương mại của Cuba với các nước khổi SEV chiếm 85% tổng kim ngạch ngoại thương của Cuba, mỗi năm nhập khẩu 13 triệu tấn dầu từ Liên Xô, chiếm 90% nhu cầu dầu mỏ của đất nước. Nhất thể hóa kinh tế với Liên Xô đã bảo đảm cho mạch sống kinh tế của Cuba, đã thúc đẩy kinh tế quốc dân phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của kinh tế Cuba những năm 1970 là 7%, nửa đầu những năm 1980 là 8%1 (Desarrollos Macroeconómicos de Cuba en las Décadas de los Anos 80 y 90 (http://www.redem.buap.mx/t2font.html)). Đồng thời, sự nghiệp xây dựng xã hội Cuba cũng được phát triển nhanh chóng. Cuối những năm 1980, giáo dục, y tế an sinh xã hội đều đạt trình độ tiên tiến quốc tế. Cuba nhất thể hóa kinh tế với Liên Xô đồng thời cũng đặt ẩn họa nghiêm trọng cho Cuba. Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, sự biến Liên Xô - Đông Âu gần như đã phá hủy toàn bộ nền ngoại thương của Cuba, Mỹ thừa cơ tăng cường bao vây kinh tế. Cuba chịu sự tác động chí mạng của "hai vòng bao vây", bị buộc phải bước vào "giai đoạn đặc thù của thời kỳ hòa bình". Thời kỳ 1989 - 1993, kinh tế Cuba thu hẹp 35%2 ("Informe Económico 1994", Banco Nacional de Cuba, C. Habana, agosto de 1995, anexo 1), tổng giá trị sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 1993 chỉ bằng 66,1% của năm 19893 (Raúl Hernández Castellón: "SIGLO XX: BREVE HISTORIA SOCIOECONOMICA Y POLITICA DE CUBA", http://sociales.reduaz.mx/ art_ant/historia_de_cua.pdf). Mãi cho đến nay4 (Thời điểm thực hiện đề tài (2008 - 2010) (BT.)), Cuba vẫn chưa hoàn toàn khôi phục lại qua "hai vòng bao vây", bước ra khỏi "giai đoạn đặc thù của thời kỳ hòa bình" (lời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raúl Castro). Mãi cho tới đầu năm 2008, Fidel Castro còn đăng bài trên báo Thanh niên khởi nghĩa bày tỏ thêm, đối với Cuba mà nói, Liên Xô giải thể là "một đòn đánh có tính hủy diệt"1 (Hãng thông tấn EFE Havana, điện ngày 27 tháng 1 năm 2008).


Cuối cùng hãy xem tai ương của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể đem lại cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Kể từ khi thành lập nước năm 1948 đến nay, Triều Tiên đã giành được thành tựu tương đối lớn trong xây dựng kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1948 - 1984 là 17,3%. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp năm 1984 tương đương với 431 lần so với năm 1946, sản lượng lương thực bằng 5,6 lần so với năm 1946, thu nhập quốc dân bình quân đầu người tăng 65 lần, thu nhập quốc dân bình quân đầu người năm 1986 đạt tới 2.400 đôla Mỹ. Những năm 70 của thế kỷ XX, Triều Tiên đã thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp và điện khí hóa, hóa học hóa, nhưng vào những năm 80 của thế kỷ XX, Triều Tiên cũng đã hình thành hệ thống nông nghiệp cơ giới hóa cao độ dựa vào dầu mỏ của các nước xã hội chủ nghĩa khác. Sau sự biến Liên Xô - Đông Âu, Triều Tiên thiếu dầu mỏ nghiêm trọng, đại bộ phận máy móc nông nghiệp bị bỏ không, khiến cho kali, phân lân trước đây gần như dựa hoàn toàn vào nhập khẩu nay bị thiếu nghiêm trọng (công nghiệp hóa học của Triều Tiên chỉ sản xuất phân đạm), dẫn tới khủng hoảng nông nghiệp, kéo theo vấn đề lương thực nghiêm trọng. Mặc dù Triều Tiên không phải là thành viên khối SEV, nhưng vốn dĩ 70% ngoại thương của Triều Tiên cũng là được tiến hành với các nước Liên Xô - Đông Âu. Sau sự biến Liên Xô - Đông Âu, kinh tế Triều Tiên liên tục 9 năm xuất hiện tăng trưởng âm, bình quân mỗi năm -2%, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế âm năm 1995 xuống tới -4,6%. Sự biến Liên Xô - Đông Âu khiến cho kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên từ hơn 10 tỷ đôla Mỹ vào những năm 1980 giảm xuống còn chưa đầy 1 tỷ đôla Mỹ vào năm 1997. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ 1.064 đôla Mỹ vào năm 1990 giảm xuống còn 741 đôla Mỹ vào năm 19971 (Mạnh Khánh Nghĩa, Lưu Lôi: "Tình hình kinh tế thực của Triều Tiên", website Wuyouzhixiang, ngày 6 tháng 11 năm 2007 (http://www.wyzxsx.com/ Article/class20/200711/26836.html)). Hiện tại kinh tế Triều Tiên khó khăn, chắc chắn có nhiều loại nguyên nhân ở các mặt khác, thế nhưng, Liên Xô giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô bị hạ bệ và khối SEV không còn tồn tại, lẽ nào không phải là một trong những nguyên nhân quan trọng trong số đó?
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2022, 07:29:16 am »

Ba là, gây ra tai ương lớn cho nhân dân của đông đảo các nước đang phát triển và phát triển.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các nước giàu có nhất trên thế giới cao gấp hơn 330 lần so với thu nhập bình quân đầu người của các nước nghèo nhất; tổng số nợ nước ngoài mà các nước thuộc nhóm đang phát triển và chậm phát triển nợ các nước thuộc nhóm phát triển trên thế giới đã từ 794 tỷ đôla Mỹ vào năm 1991 tăng mạnh lên đến hơn 3.000 tỷ đôla Mỹ, chỉ trong vòng hơn 10 năm, đã tăng lên hơn 4 lần. Theo tài liệu "Báo cáo phát triển con người năm 2005" của Liên hợp quốc, tổng thu nhập của 500 người giàu nhất trên thế giới hiện nay lớn hơn tổng thu nhập của 416 triệu người nghèo nhất. Do hệ thống tham chiếu phúc lợi xã hội toàn diện mà Liên Xô - Đông Âu thực hiện bị sụp đổ, ở các nước phát triển phương Tây như Mỹ, Thụy Điển, Pháp, Đức, không những chế độ sở hữu, phân phối, thể chế chính trị, ý thức hệ chuyển sang cánh hữu, ngay cả hệ thống phúc lợi đã được xây dựng xong cũng chuyển sang cánh hữu.


Tổng thu nhập trong báo cáo của người Mỹ năm 2005 đã tăng gần 9%, nhưng thu nhập bình quân của 90% người ở tầng đáy xã hội thì lại giảm 172 đôla Mỹ so với một năm trước đó, tức 0/6%1 ("Báo cáo phát triển con người năm 2005", Thời báo New York, Mỹ, ngày 29 tháng 3 năm 2007). Năm 2000, số người nghèo ở Mỹ là 31,6 triệu người, năm 2001 tăng thêm 1,3 triệu người, năm 2002 lại tăng thêm 1,7 triệu người, lên tới 34,6 triệu người. Và đến năm 2007 thì tăng lên đến 36,2 triệu người, trong đó có 29,5 triệu người sống nhờ vào lĩnh phiếu thực phẩm2 (Hãng thông tấn Reuter tại Washington: "Dân số nghèo của Mỹ không ngừng gia tăng", điện ngày 17 tháng 11 năm 2008). Năm 1980, số người dân không đạt tới 40% mức thu nhập bình quân toàn quốc của Anh là 1 triệu người, còn đến năm 1999 tăng lên tới 8 triệu người3 (Lưu Chí Quân: "Toàn cầu hóa làm suy yếu an ninh nhân loại", Thời báo Hoàn cầu, ngày 2 tháng 5 năm 2006). Hiện nay, nước Pháp có 25 tỷ phú, nhưng lại có hơn 7 triệu người nghèo, gần 700.000 người mắc nợ4 (Sơn Nam: "Pháp lâm vào 'nghèo khó có tính tập thể'", Thời báo Tài chính quốc tế, ngày 5 tháng 12 năm 2008), về mặt nào đó, sự chao đảo lớn của kinh tế toàn cầu đem lại tai ương lớn cho nhân dân các nước trên thế giới do vụ Công ty Lehman Brothers sụp đổ ngày 15 tháng 9 năm 2008 gây ra, cũng có thể truy ngược lại tới việc Liên Xô giải thể và Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ. Chiến tranh lạnh kết thúc, siêu cường duy nhất là Mỹ mới dám và cũng mới có thể rảnh tay thổi phổng nền kinh tế bong bóng của mình.


Lịch sử loài người thế kỷ XX đã trải qua ba sự kiện lịch sử lớn có liên quan trực tiếp với chủ nghĩa xã hội: một là, Cách mạng Tháng Mười Nga; hai là, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập; ba là, Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể. Trong đó, hai sự kiện đầu là khúc ca khải hoàn tiến lên, đem lại cho những người cộng sản chúng ta niềm vui bất tận; đối với những người Cộng sản chúng ta mà nói, sự kiện thứ ba lại khiến người ta kinh hoàng, u buồn, đau lòng nhất. Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể có tính chất khác nhau căn bản so với thất bại của Công xã Pari năm 1871. Đó là vì: "Công nhân Pari và công xã Pari sẽ vĩnh viễn được người ta ca ngợi vì sự đi đầu vẻ vang của xã hội mới. Các bậc anh hùng của nó đã vĩnh viễn ghi vào trong tâm khảm vĩ đại của giai cấp công nhân. Những tên đao phủ đã giết hại nó kia đã bị lịch sử vĩnh viễn đóng đinh trên cây cột nhục nhã, bất luận các giáo sĩ của chúng có cầu nguyện thế nào cũng không thể giải thoát cho chúng đuợc"1 (Mác - Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Nhân dân, 1995, q.3, tr.81). Còn việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng, Liên Xô giải thể là bước ngoặt ngược chiều lớn trong phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, là thất bại lớn, sự xoay chuyển lớn đi ngược lại quá trình phát triển trong lịch sử loài người; những kẻ phản bội chôn vùi Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên Xô cũng đã bị lịch sử vĩnh viễn đóng đinh lên các cây cột nhục nhã như vậy, bất luận các giáo sĩ của chúng có cầu nguyện thế nào cũng không thể giải thoát cho chúng được.


Các thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tác dụng đặc biệt của giáo dục phản diện. Xét từ ý nghĩa nhất định, không có thất bại của đợt chống "vây diệt" lần thứ 5 và máu tươi của hơn 50 ngàn người trong chiến dịch Tương Giang, thì không có Hội nghị Tuân Nghĩa sau này và sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trưng Hoa. Không có tai ương lớn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cũng như của lịch sử loài người là Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô giải thể này, thì chúng ta không biết được sự khó khăn và oanh liệt của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, do đó cũng làm nổi bật lên sự hùng vĩ và đẹp đẽ của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa. Tất nhiên, thất bại của cuộc chống "vây diệt" lần thứ 5 và sự hy sinh của hơn 50 ngàn người trong chiến dịch Tương Giang so với việc Liên Xô giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, tuy xét từ góc độ gây ra tổn thất lớn cho cách mạng, thì không tồn tại vấn đề cái nào tốt hơn cái nào, cực "tả" tốt hơn cực "hữu", nhưng rốt cuộc là thuộc hai loại bi kịch có tính chất khác nhau. Thất bại của đợt chống "vây diệt" lần thứ 5 và sự hy sinh của hơn 50 ngàn người trong chiến dịch Tương Giang tựu trung là vấn đề vẫn cần cách mạng, còn Liên Xô giải thế, Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ lại là vấn đề phản bội đối với cách mạng, về điểm này, hai cái chắc chắn có sự khác biệt về nguyên tắc. Trên con đường dài của phong trào xã hội chủ nghĩa sau này, chúng ta chắc chắn cần tiếp tục cảnh giác trước việc phạm sai lầm "tả" trước kia, đồng thời, chúng ta cũng cần chú ý, song song với uốn nắn một khuynh hướng nào đó, cần cảnh giác với việc ra đời của một khuynh hướng khác bị che đậy - chú ý tới sự ra đời của trào lưu tư tưởng sai lầm hữu khuynh. Đồng chí Đặng Tiểu Bình từng nói: "Sự kiện của Liên Xô, Đông Âu đã giáo dục chúng ta từ mặt trái, việc xấu biến thành việc tốt. Vấn đề là chúng ta cần biết biến việc xấu thành việc tốt, lại biến việc tốt như vậy thành truyền thống, vĩnh viễn không thể để mất tổ tông, tổ tông đó chính là chủ nghĩa Mác"1 (Niên phố Đặng Tiểu Bình, Nxb. Văn hiến Trung ương, 2004, quyển hạ, tr.1332). Vì vậy, tiến hành đi sâu phân tích, mổ xẻ đối với hiện tượng lịch sử lớn Liên Xô giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng này, tiếp thu bài học sâu sắc có ý nghĩa hết sức lớn đối với việc tăng cường xây dựng tính tiên tiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí đối với cả sự nghiệp giải phóng toàn nhân loại.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2022, 03:58:03 pm »

III. NGUYÊN NHÂN CĂN BẢN CỦA SỰ BIẾN LIÊN XÔ KHÔNG PHẢI Ở CHỖ "MÔ HÌNH XTALIN" TỨC MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LIÊN XÔ, MÀ Ở CHỖ TỪ TẬP ĐOÀN KHRUSHCHEV ĐẾN TẬP ĐOÀN GORBACHEV DẦN DẦN XA RỜI, ĐI NGƯỢC LẠI, THẬM CHÍ CUỐI CÙNG PHẢN BỘI CHỦ NGHĨA MÁC, CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ LỢI ÍCH CĂN BẢN CỦA ĐÔNG ĐẢO NHẤT QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ như một hòn núi lớn. Nguyên nhân căn bản của nó là ở chỗ nào? Đúng như trên đã trình bày, các loại quan điểm hỗn tạp lẫn lộn với nhau. Cùng với việc giới học thuật trong và ngoài nước không ngừng đi sâu nghiên cứu sự biến Liên Xô, các đáp án khác về nguyên nhân căn bản của sự biến Liên Xô, như "thuyết Utopia", "thuyết đẻ non", "kinh tế làm không tốt", "thuyết chạy đua vũ trang", "thuyết mâu thuẫn dân tộc"... dần dần ít xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc, nhưng quan điểm cho rằng nguyên nhân căn bản của nó là ở chỗ "mô hình Xtalin" tức "thuyết mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô" thì vẫn có ảnh hưởng tương đối.


Mấy năm nay, qua tích cực phân tích, nghiên cứu, trao đổi, nhóm đề tài "Nghiên cứu bài học lịch sử của việc Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng" đã dần dần đi tới nhận thức chung: Nguyên nhân căn bản của việc Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô giải thể không phải ở chỗ "mô hình Xtalin", tức mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô, mà là ở chỗ từ tập đoàn Khrushchev đến tập đoàn Gorbachev đã dần dần xa rời, đi ngược lại, thậm chí cuối cùng phản bội lại chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội và lợi ích căn bản của đông đảo nhất quần chúng nhân dân.


"Tinh túy của chủ nghĩa Mác, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là: phân tích cụ thể đối với tình hình cụ thể"1 (Lênin: Tuyển tập, Sđd, q.4, tr.213). Đây là câu danh ngôn của Lênin vĩ đại. Trước tiên chúng ta hãy phân tích cụ thể đôi chút đối với "mô hình Xtalin" tức mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô và những vấn đề liên quan của nó.


Thứ nhất, phân tích đối với "mô hình Xtalin", tức mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô. Chúng tôi cho rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô chia thành chế độ kinh tế, chính trị cơ bản và cơ chế thể chế quản lý cụ thể, không thể gọi chung chung một cách không phân tích chế độ kinh tế, chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa Liên Xô và cơ chế thể chế quản lý cụ thể là chủ nghĩa xã hội Liên Xô hoặc mô hình chủ nghĩa xã hội Xtalin để khẳng định hoặc phủ định toàn bộ. Tất nhiên, chế độ kinh tế chính trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội và cơ chế thể chế quản lý cụ thể có mối liên hệ không thể tách rời nhau, trong đó bao gồm sự tác động qua lại giữa chúng với nhau. Thế nhưng, giữa chúng lại có ranh giới mang tính căn bản, thuộc về phạm trù khái niệm khác nhau. Chế độ kinh tế chính trị cơ bản là về mặt phương hướng, định tính, là giải quyết vấn đề "vì ai, dựa vào ai", đây là quốc thể của một quốc gia; còn cơ chế thể chế quản lý cụ thể là biện pháp cụ thể thực hiện phương hướng đó sau khi đã xác định phương hướng rồi, là giải quyết vấn đề "làm như thế nào, làm ra sao", đây là chính thể của một quốc gia. Hai cái không thể lẫn lộn làm một để bàn luận. Lênin vận dụng nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, kết hợp với tình hình thực tế của nước Nga, tiến hành thành công Cách mạng Tháng Mười Nga, nói cho cùng, mục tiêu căn bản của việc kiên trì và không ngừng hoàn thiện những chế độ kinh tế chính trị cơ bản này chính là để bảo đảm nhân dân làm chủ, và trong một thời kỳ tương đối dài, dần dần thực hiện sự dứt khoát triệt để nhất với quan hệ sở hữu truyền thống và quan niệm truyền thống, cuối cùng thực hiện sự phát triển tự do và toàn diện của mọi người. Những người cộng sản Liên Xô thực thụ cần kiên trì, củng cố và không ngừng hoàn thiện, phát triển đối với chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa mà Lênin sáng lập. Đồng thời, cần kịp thời tiến hành điều chỉnh, cải cách căn cứ vào sự thay đổi không ngừng của tình hình đất nước và tình hình mới không ngừng xuất hiện đối với hình thức cụ thể, tức thể chế mà chế độ kinh tế chính trị cơ bản này thể hiện. Thời kỳ Lênin và Xtalin, chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa Liên Xô cũng như cơ chế thể chế quản lý cụ thể thể hiện những chế độ kinh tế chính trị này và không ngừng thay đổi, về cơ bản là phù hợp với tình hình đất nước của Liên Xô, đây là nguyên nhân căn bản khiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô giành được những thành tựu to lớn. Nhưng chúng ta cần thấy được rằng, do Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, tiến hành xây dựng như thế nào vẫn chưa có kinh nghiệm, cộng thêm các loại nguyên nhân như một số quan điểm lý luận và tác phong cá nhân của Xtalin, thể chế cụ thể, cơ chế vận hành của chính quyền Xôviết cũng tồn tại một số vấn đề. Ví dụ, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và nhiệm vụ khôi phục, tái thiết sau chiến tranh hoàn thành, đã không kịp thời tiến hành cải cách đối với thể chế quản lý tập trung cao độ quyền lực được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, không phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp chế không kiện toàn, thậm chí xuất hiện hiện tượng sùng bái cá nhân. Xét từ ý nghĩa nhất định, điều này có mối liên hệ lịch sử nhất định với việc Liên Xô giải thể, Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhưng đây tuyệt đối không phải là nguyên nhân căn bản và kết quả tất yếu của nó, càng không phải là nguyên nhân trực tiếp. Chúng ta quyết không thể từ nhu cầu chạy theo sự phát triển, thay đổi của tình hình để rút ra kết luận phủ định hoàn toàn đối với chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa mà Lênin sáng lập qua cải cách đối với cơ chế thể chế quản lý cụ thể của Liên Xô; càng không thể quy kết một cách thiếu phân tích những vấn đề tồn tại trong cơ chế, thể chế quản lý cụ thể là vấn đề của chế độ cơ bản, phủ định chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, từ đó rút ra nguyên nhân căn bản của việc Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô giải thể là ở chỗ chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Nguyên nhân căn bản của việc Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô giải thể như một số đồng chí nói là "mô hình Xtalin", tức mô hình xã hội chủ nghĩa Liên Xô, kỳ thực là gán cả nguyên nhân căn bản của việc Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, Liên Xô giải thể cho chế độ kinh tế chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Thực chất của cách nói này không có sự khác biệt bản chất nào với "thuyết Utopia", "thuyết đẻ non".
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2022, 03:58:46 pm »

Thứ hai, phân tích đối với cơ chế thể chế quản lý của mô hình xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Mao Trạch Đông từng nói: "Bất cứ một dân tộc nào, không thể không phạm sai lầm, huống hồ Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, lại trải qua lâu như thế không xảy ra sai lầm là điều không thể. Sai lầm xảy ra của Liên Xô, như sai lầm của Xtalin, vị trí của nó là gì? Là tính chất bộ phận, tính chất tạm thời. Tuy nói có một số thứ đã 20 năm rồi, nhưng vẫn là tạm thời, bộ phận, có thể uốn nắn được. Dòng chính của Liên Xô kia, mặt chủ yếu kia, đại đa số kia là đúng đắn. Nước Nga đã sản sinh ra chủ nghĩa Lênin, trải qua Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Nó đã xây dựng chủ nghĩa xã hội, đánh bại phát xít, biến thành một nước công nghiệp lớn mạnh. Nó có nhiều thứ mà chúng ta có thể học tập. Tất nhiên, cần phải học tập những kinh nghiệm tiến bộ, chứ không phải là học tập kinh nghiệm lạc hậu... Vì vậy, cần phải tiến hành phân tích. Chúng ta từng nói, đối với Xtalin cần phân biệt ba phần sai lầm, bảy phần thành tích. Những thứ chủ yếu, số nhiều của họ là tốt, là hữu dụng; những thứ bộ phận là sai lầm"1 (Mao Trạch Đông văn tập, Nxb. Nhân dân, 1999, q.7, tr.91). Vận dụng phương pháp luận phân tích Xtalin này của Mao Trạch Đông để phân tích thể chế quản lý và cơ chế vận hành cụ thể mà Liên Xô đã xác lập, chắc chắn cũng là thích hợp. Đối với "thể chế Liên Xô", Đặng Tiểu Bình cũng có thái độ phân tích cụ thể, biện chứng. Tháng 4 năm 1957, Đặng Tiểu Bình chỉ ra: "Mấy năm nay chúng ta thực hiện tương đối nhanh, một trong những nguyên nhân chính là có kinh nghiệm của Liên Xô", "Chúng ta cần tiếp tục học tập Liên Xô, còn cần phải biết học nữa. Học tập những thứ tốt của Liên Xô sẽ rất có ích cho chúng ta, tham khảo những thứ sai lầm của Liên Xô cũng có ích rất lớn đối với chúng ta"2 (Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, Nxb. Nhân dân, 1989, q.1, tr.263). Chúng tôi cho rằng, kinh nghiệm và sai lầm của Liên Xô mà Đặng Tiểu Bình nói ở đây bao gồm cả cơ chế, thể chế quản lý của Liên Xô. Điều này đã thể hiện đầy đủ thái độ khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cơ chế thể chế quản lý tập trung cao độ quyền lực mà Đảng Cộng sản Liên Xô thời kỳ Xtalin xây dựng lên tuy có một số khiếm khuyết, nhưng về tổng thể là phù hợp với tình hình thế giới và tình hình đất nước Liên Xô vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, thích ứng với yêu cầu của tình thế bị các cường quốc đế quốc xâm lược, bao vây và phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến lúc bấy giờ, đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản đối với đất nước và nhân dân, khiến cho Liên Xô giành được các thắng lợi vĩ đại trong công nghiệp hóa, Chiến tranh vệ quốc và tái thiết, củng cố và phát triển hơn nữa chế độ cơ bản xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Cơ chế, thể chế quản lý cụ thể của chủ nghĩa xã hội thời kỳ Xtalin quả thực tồn tại một số khiếm khuyết, nhưng xét về tổng thể, nó thích ứng với yêu cầu khách quan của xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, có lợi cho việc thể hiện tính ưu việt của chế độ kinh tế, chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa, thành tích là chủ yếu, khiếm khuyết là thứ yếu. Chúng ta quyết không thể vì cơ chế thể chế quản lý cụ thể của thời kỳ Xtalin tồn tại một số khiếm khuyết mà phủ định toàn bộ đối với cơ chế thể chế quản lý đó.


Thứ ba, phân tích việc không tiến hành cải cách kịp thời đối với cơ chế thể chế quản lý tập trung cao độ quyền lực mà Đảng Cộng sản Liên Xô xây dựng lên thời kỳ Xtalin. Thể chế xã hội chủ nghĩa Liên Xô đã trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau như Xtalin, Khrushchev, Brezhnev, Gorbachev..., sự thay đổi và khác biệt thể chế của các giai đoạn cũng cực kỳ lớn. Quy nguyên nhân căn bản của việc Liên Xô giải thể vào quan điểm của chủ nghĩa xã hội Liên Xô hoặc thể chế Xtalin cũng là điều đáng phải bàn thêm. Như trên đã nói, thể chế cơ chế tập trung cao độ quyền lực mà Đảng Cộng sản Liên Xô thiết lập thời kỳ Xtalin về tổng thể là phù hợp với tình hình thế giới và tình hình đất nước Liên Xô vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, đặc biệt là thích ứng với nhu cầu thời chiến và nhu cầu của nhiệm vụ khôi phục và tái thiết sau chiến tranh của Liên Xô. Nhưng cùng với thắng lợi của Chiến tranh thế giới thứ hai và hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và tái thiết sau chiến tranh, thể chế này về tổng thể đã không thể thích ứng hơn nữa với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sau những năm 50 của thế kỷ XX, những khiếm khuyết của nó cũng ngày càng hiện rõ, điều này đòi hỏi phải kịp thời tiến hành điều chỉnh hoặc cải cách đối với nó. Những người cộng sản Trung Quốc với Mao Trạch Đông làm đại diện đã có thái độ phân tích khoa học trong quá trình học tập tham khảo thể chế chính trị, kinh tế  của Liên Xô, đồng thời bắt đầu tiến hành tìm tòi đối với con đường xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc, trong đó bao gồm cả thể chế kinh tế, chính trị. Song song với kiên trì chế độ kinh tế, chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa, Đặng Tiểu Bình tiếp tục tiến hành cải cách đối với thể chế này, làm cho sự nghiệp cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc giành được những thành tựu khiến cả thế giới công nhận. Còn ở Liên Xô, sau khi nhiệm vụ tái thiết sau chiến tranh cơ bản hoàn thành, thì lại không kịp thời tiến hành cải cách đối với thể chế, cơ chế quản lý tập trung cao độ quyền lực của mình, cá nhân người viết cho rằng, bản thân Xtalin có trách nhiệm thiếu sự nhận thức, đồng thời cũng có nguyên nhân quan trọng là những năm cuối đời nhiều bệnh, sức khỏe không kham nổi. Sau khi tập đoàn lãnh đạo Khrushchev lên nắm quyền, đã thử tiến hành cải cách đối với nó, không thể phủ nhận rằng, họ cũng từng đưa ra một số thử nghiệm hữu ích. Vấn đề là ở chỗ, cùng với sự thay đổi của điều kiện, tập đoàn lãnh đạo Khrushchev không lãnh đạo cải cách một cách kịp thời và đúng đắn, ngược lại dần dần đưa phương hướng cơ bản của cải cách của mình diễn biến thành phủ định đối với chế độ kinh tế, chính trị cơ bản xã hội chủ nghĩa Liên Xô, điều này đã bổ nhát cuốc đầu tiên, cũng có thể được gọi là nhát cuốc có tính then chốt cho việc Liên Xô giải thể sau này, Đảng Cộng sản bị hạ bệ, giống như sự sụp đổ của một ngọn núi lớn. Trong thời kỳ Gorbachev, tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã lấy chiêu bài cải tổ, về bản chất đã thay đổi ngọn cờ, phản bội toàn diện chủ nghĩa Mác, về thực chất đã bước lên con đường một đi không trở lại là chủ nghĩa tư bản, cuối cùng chôn vùi chủ nghĩa xã hội. Nếu như không thấy được những sai lầm của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô từ Khrushchev, đặc biệt là Gorbachev, mà coi nguyên nhân căn bản của sự biến Liên Xô quy về thể chế kinh tế, chính trị xã hội chủ nghĩa được thiết lập ở thời kỳ Xtalin, thì không phù hợp với thực tế cũng hoàn toàn không đứng vững được về lịch sử.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM