Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:34:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng  (Đọc 7156 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #170 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:13:50 am »

Theo Brezhnev, thể chế kinh tế của Liên Xô không cần phải cải cách, chỉ cần "hoàn thiện". Sau sự kiện mùa Xuân Budapest, Liên Xô đã tiến hành phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường. Một số học giả chủ trương coi trọng vai trò cơ chế thị trường bị trấn áp. Liberman, người đề xuất thể chế kinh tế mới, thậm chí buộc phải công khai tự phê bình vế kiến nghị "mở rộng một cách không phù hợp vai trò của lợi nhuận"2 (Trần Chi Hoa (chủ biên): Liên Xô thời đại Brezhnev, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 1998, tr.69).


Không ít chính khách và học giả xuất phát từ cá tính và trình độ lý luận của Brezhnev để giải thích nguyên nhân của những vấn đề nảy sinh trong thời kỳ đó.

Có người cho rằng, Brezhnev thời thanh niên không có gì hơn người, trong cuộc Chiến tranh vệ quốc cũng không có chiến công hiển hách, nhưng ông lại được trọng dụng vào giai đoạn cuối thời đại Xtalin, thăng tiến ổn định trong thời đại Khrushchev, đặc biệt đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Liên Xô trong "cuộc chính biến cung đình" tháng 10 năm 1964. Điều này có liên quan đến sự bình dị, tính cách ôn hòa, không có dã tâm của Brezhnev. Trong các Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó, Brezhnev bị cho là năng lực tương đối kém, không tạo thành mối uy hiếp đối với ai. Ông cũng nhiều lần "khiêm tốn" nói rằng, bản thân không có tài lãnh đạo, càng không có dã tâm trở thành lãnh tụ. Điều này ngược lại giúp ông thoát cơn hoạn nạn trong cuộc đấu tranh chính trị nguy hiểm. Sau khi Khrushchev mất chức, Suslov và Shelepin, để tránh việc cả hai đều chịu tổn thất, đành phải tiến cử Brezhnev làm Tổng Bí thư, bởi ông là "nhân vật mà mọi người đều có thể chấp nhận".


Trình độ văn hóa của Brezhnev không cao, lại không thích học hành, đặc biệt không thích đọc các trước tác của chủ nghĩa Mác - Lênin, thiếu ham muốn tìm tòi tri thức. Sau khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô, ông dành rầt nhiều thời gian và sức lực vào việc săn bắn, lái xe cũng như các hoạt động khác. Ông không thích viết. Vô số những báo cáo, bài phát biểu, lời chúc, điện mừng đều là do người khác viết hộ. Volkogonov, Chủ tịch Ủy ban tiếp nhận và bảo quản tư liệu của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và KGB sau khi Liên Xô sụp đổ, từng nói: "Ngoại trừ (ở một mức độ nhất định) Lênin và Xtalin ra, các nhân vật lãnh tụ sau này trên thực tế không tự viết gì hết. Tôi từng thấy số lượng lớn văn kiện tại các kho tư liệu, những văn kiện này dường như thuộc về Khrushchev, Brezhnev và các lãnh tụ khác. Sở dĩ tôi nói là 'dường như', là bởi tất cả họ đều chỉ là 'người tuyên đọc' các báo cáo, bài phát biểu, diễn thuyết viết sẵn, ngoại trừ những bút phê trăm điều như một cũng như một số ghi chép không thông suốt được ghi trên giấy nháp, lịch bàn, sổ tay, họ thực tế không tự viết gì". Brezhnev thậm chí còn không muốn đọc. Tất cả các tài liệu cũng như bài phát biểu và báo cáo mà người khác viết hộ, ông đều để người khác đọc cho nghe. Trong giai đoạn cuối cầm quyền, toàn bộ tài liệu là do người khác đọc thành tiếng để ông nằm nghe trên ghế tựa, có lúc còn ngủ gật1 (Volkogonov: Bảy vị lãnh tụ, Nxb. Thông tin, 1955, t.2, tr.18, 71-72. Chuyển dẫn từ Trương Tiệp: "Bàn từ việc Nga kỷ niệm 100 năm ngày sinh Brezhnev", đăng trên Tầm nhìn Toàn cầu, ngày 8-12-2008).


Đối với những sự việc nảy sinh, Brezhnev là "người bị bệnh dị ứng", "thiếu tính quả quyết và ý chí kiên cường"2 (Arbatov: Nội tình chính trị của Liên Xô: Chứng kiến của người biết chuyện, Sđd, tr.333). Phong cách phát biểu báo cáo của ông trước nay là đều đều, không có cao trào, cũng không có trình độ, vô vị, nhạt nhẽo, kiểu cách nghiêm nghị. Sau hai lần đột quỵ vào năm 1974-1975, ông lại càng thiếu sức sống, tư tưởng lại càng xơ cứng hơn. Aphanasayev, nguyên Tổng Biên tập báo Sự thật, từng nhiều lần tham gia vào công tác khởi thảo các văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo hồi ức của ông, phương thức, cách viết và thứ tự khởi thảo Báo cáo Đại hội của Trung ương Đảng đều có mẫu: Phần mở đầu luôn luôn là "nguy cơ tổng thể của chủ nghĩa tư bản"...; phần thứ hai là tình hình trong nước, lúc nào cũng là "thành tựu to lớn" và "hạn chế cá biệt"... Ông cũng tiết lộ, khởi thảo văn kiện cho Brezhnev không bao giờ có yêu cầu về "tư tưởng mới", lại càng không bao giờ có "tư tưởng độc đáo". Chỉ cần biết cách đổi hình thức mới cho tư tưởng cũ, tìm được cách biểu đạt mới là coi như có "tính sáng tạo" rồi3 (Aphanasayev: Ghi chép của Tổng biên tập báo "Sự thật'', Sđd, tr.100).


Brezhnev thời trẻ từng làm công nhân, kỹ sư, có kiến thức chuyên môn về nông nghiệp và luyện kim. Nhưng ông không có hứng thú với lý luận, lại càng thiếu sự hiểu biết một cách hệ thống về chủ nghĩa Mác. Năm 1965, khi đã trở thành người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xò, trong buổi thảo luận về dự thảo thứ nhất báo cáo kỷ niệm 20 năm chiến thắng cuộc Chiến tranh vệ quốc, ông nói: "Rất khó để tôi hiểu rõ tất cả những điều này. Nói thật, tôi không làm về lĩnh vực này (tức lĩnh vực lý luận - chú giải của người dẫn). Thế mạnh của tôi là làm công tác tổ chức và tìm hiểu tâm lý của mọi người"1 (Chuyển dẫn từ C. Cheyenov: Brezhnev, lãnh đạo thời đại hoàng kim, bản tiếng Nga, 2002, tr.123; xem thêm Trương Tiệp: "Bàn từ việc Nga kỷ niệm 100 năm ngày sinh Brezhnev", Tlđd). Ông cũng từng nói với các trợ lý của mình: "Viết đơn giản một chút, đừng viết như thể tôi là một nhà lý luận, nếu không thì chẳng ai tin đây là do tôi viết, họ sẽ cười nhạo tôi đây". Ông cũng thường xóa bỏ những đoạn viết phức tạp, đặc sắc, có lúc thậm chí còn yêu cầu xóa bỏ những trích dẫn từ các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác và giải thích rằng "có ai mà tin tôi từng đọc các trước tác của Mác"2 (Arbatov: Nội tình chính trị Liên Xô: Chứng kiến của người biết chuyện, Sđd, tr.162). Điều nực cười hơn nữa là vào tháng 11 năm 1977, một người không có trình độ học thức như Brezhnev lại thản nhiên nhận Huy chương vàng Các Mác, giải thưởng cao nhất trong ngành khoa học xã hội do Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trao tặng, vì những thành tựu đặc biệt sáng tạo trong việc phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là trường hợp nực cười, mang tính mỉa mai lịch sử.


Tiền đề để phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác là phải thực sự hiểu thực chất và tinh túy của chủ nghĩa Mác. Brezhnev với trình độ lý luận không cao, không thể nào căn cứ theo lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác để giải thích chính xác và giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của Liên Xô, cũng không thể nhìn nhận cải cách một cách khoa học. Kết quả là không suy nghĩ đến cải cách, đất nước thiếu sức sống, lỡ mất cơ hội tốt để phát triển hơn nữa.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #171 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:15:15 am »

3. Gorbachev trở thành kẻ theo chủ nghĩa xét lại

Ngày 10 tháng 3 năm 1985, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập họp Bộ Chính trị. Cuộc họp lần này nhằm quyết định nhân sự Tổng Bí thư để ngày hôm sau giới thiệu ra Hội nghị Trung ương bất thường. Ponomarev phát biểu tại cuộc họp: "Thời gian gần đây, chúng ta đã làm rất nhiều công việc để sửa lại Cương lĩnh của Đảng. Bởi vậy, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đồng chí ấy (chỉ Gorbachev) nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin biết phân tích rõ ràng những vấn đề mang tính cương lĩnh phức tạp nhất"1 (Thuật Thao (biên dịch): Hồi ký Gorbachev, Sđd, t.1, tr.311). Lịch sử sau này đã chứng minh, đánh giá trên đi ngược lại với thực tế.


Xét về lực, Gorbachev được đào tạo tốt, trong thời gian học đại học được đào tạo tương đối hệ thống về chủ nghĩa Mác. Sau khi tốt nghiệp, ông có thời gian dài làm công tác Đảng, có kinh nghiệm phong phú. Sau khi trở thành Tổng Bí thư, ông cũng không quên thể hiện "tái lý luận" của mình, có thể bỏ lại các công việc quan trọng khác để tập trung vào viết sách. Chính vị Tổng Bí thư trẻ tuổi được Gromyko đánh giá là "tri thức uyên bác", "tư duy mẫn tiệp, sâu sắc" này, do thế giới quan của ông thay đổi, dần dần từ bỏ niềm tin với chủ nghĩa Mác - Lênin, cuối cùng đã hướng sang chủ nghĩa dân chủ xã hội, từ đó trở thành kẻ phản nghịch của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.


Roy Medvedev, người từng bị khai trừ đảng tịch vì viết cuốn Để lịch sử phán xét, sau này được khôi phục dưới thời Gorbachev, 10 năm sau khi Liên Xô tan rã, đã có đánh giá về Gorbachev hoàn toàn khác với Ponomarev: "Gorbachev không phải là nhà tư tưởng", "những quan điểm của ông về nhiều vấn đề lý luận chủ nghĩa xã hội cũng là biết nửa vời". Sự nắm bắt của ông về lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là "trì trệ không tiến bộ", "chưa từng nghĩ đến nó sẽ lại tỏa sáng". "Những lý luận khoa học của ông về các lĩnh vực khác như khoa học kinh tế, khoa học chính trị, xã hội học và xây dựng quốc gia đều chỉ là biết lớt phớt". "Gorbachev tuy đưa ra khẩu hiệu và yêu cầu 'tư duy mới', nhưng ông không hề sáng tạo ra bất kỳ tư tưởng mới nào"1 (Roy Medvedev: Năm cuối cùng của Liên Xô, Sđd, tr.258-259). Quan điểm này của Medvedev dù ít nhiều có chút "dự báo vuốt đuôi", nhưng phần nào cũng phản ánh được sự thực.


Tháng 11 năm 1987, sau chưa đầy hai năm rưỡi nhậm chức Tổng Bí thư, Gorbachev nhận lời của chủ một nhà xuất bản Mỹ, xuất bản cuốn sách Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và thế giới do ông viết. Ông đã trình bày trong sách một cách hệ thống quan điểm cải tổ của mình. Cùng với việc triển khai cải tổ và sự thay đổi của tình hình, ông lại cho đăng các bài viết "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi mang tính cách mạng" và "Thế giới tương lai và chủ nghĩa xã hội" vào tháng 3 năm 1990, đã hoàn thiện hơn lý luận "tư duy mới" cải tổ của ông, làm mục tiêu và phương hướng của cải tổ càng rõ hơn nữa. Nội dung khái quát của cả hai bài viết này là cần thực hiện "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" tại Liên Xô. Tháng 7 năm 1990, Đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua Cương lĩnh hành động "Hướng đến chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" do Gorbachev chủ trì.


Nền tảng quan trọng hàng đầu của "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" là chủ nghĩa nhân đạo. Gorbachev một mặt xuất phát từ quan điểm nhân tính trừu tượng, coi đây là công cụ phân tích, cho rằng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô không phù hợp với nhân tính, thậm chí là chà đạp nhân tính. Ông cho rằng, chủ nghĩa Xtalin theo kiểu tập quyền đã vì chủ nghĩa tập thể hư cấu mà coi nhẹ cá tính của con người, cản trở sự phát triển của cá tính, "đã cắt gọt đi bản chất nhân đạo của câu trúc chủ nghĩa xã hội"1 (Gorbachev: "Tư tường xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi mang tính cách mạng", Báo Sự thật, ngày 26-11-1989. Xem thêm "Tuyển dịch các vấn đề của Liên Xô và Đông Âu", số 1 năm 1990, tr.30). Mục đích cuối cùng của cải tổ là thực hiện "giá trị nhân đạo trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị cũng như văn hóa" của chủ nghĩa xã hội, "thể hiện đầy đủ nhất tính chất nhân đạo chủ nghĩa trong chế độ của chúng ta"2 ("Báo cáo tại Hội nghị chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga", xem thêm Hứa Chinh Phàm (chủ biên): Tuyển tập tham luận về chủ nghĩa xã hội, Nxb. Bắc Kinh, Nxb. Đại học Nhân dân Trung Quốc, 1998, t.2, tr.858).


Mặt khác, ông gắn chủ nghĩa nhân đạo với bản chất của chủ nghĩa xã hội, coi đây là mục tiêu phấn đấu của người cộng sản. Ông đã hoàn toàn tiếp nhận quan điểm của chủ nghĩa xã hội nhân đạo của Khrushchev, nêu lại khẩu hiệu "tất cả vi con người, vì hạnh phúc của con người". Ông cho rằng, đây không chỉ là nguyên tắc mang tính cương lĩnh của Đảng, mà còn là "cốt lõi của tư tưởng xã hội chủ nghĩa là con người", "diện mạo mới của chủ nghĩa xã hội chính là diện mạo của con người xã hội chủ nghĩa". Ông nói, quan điểm "phát triển tự do của mỗi con người là điều kiện phát triển tự do của mọi người" mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nêu ra là cương lĩnh của chủ nghĩa nhân đạo, đã thể hiện được nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo vĩ đại. Ông còn nói, bản thân Mác cho rằng, "xã hội trong tương lai chính là chủ nghĩa nhân đạo được thực hiện một cách thực sự, thiết thực"1 (Gorbachev: "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi mang tính cách mạng", Tlđd. Xem thêm "Tuyên dịch các vấn đề của Liên Xô và Đông Âu", số 1 năm 1990, trang 25, 32). Lôgích này của Gorbachev đã trở thành cái gốc cho những phần tử tự do hóa tư sản các nước trên thế giới từ thập niên 1980 đến nay.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #172 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:15:55 am »

Có nhiều cách giải thích về chủ nghĩa nhân đạo. Những nghiên cứu của các chuyên gia, học giả liên quan sau này cho thấy: có chủ nghĩa nhân đạo là nguyên tắc luân lý và mô phạm đạo đức của nhân loại, có chủ nghĩa nhân đạo là thế giới quan, lịch sử quan. Chủ nghĩa Mác xưa nay chưa từng phủ nhận chủ nghĩa nhân đạo là nguyên tắc luân lý và mô phạm đạo đức của nhân loại, mà còn khẳng định vai trò của nó trong việc thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển. Người cộng sản cũng chủ trương chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Nhưng, việc coi chủ nghĩa nhân đạo là một kiểu thế giới quan, lịch sử quan nhằm giải thích xã hội loài người và lịch sử xã hội loài người lại rơi vào quan điểm lịch sử duy tâm. Bởi vì, chủ nghĩa nhân đạo là một ngọn cờ mà giai cấp tư sản phản đối nền chuyên chế phong kiến và chế độ đẳng cấp, tuy có ý nghĩa tiến bộ lịch sử của nó, nhưng con người và nhân tính mà giai cấp tư sản nói đến là con người và nhân tính trừu tượng, là điều tự nhiên và vĩnh hằng không có thuộc tính giai cấp, là tiêu chuẩn và thước đo tất cả mọi điều bao gồm cả lịch sử nhân loại. Những điều đó lại không hề xuất phát từ sự thống nhất giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa nền tảng kinh tế và thượng tầng kiến trúc để nhận thức về xã hội loài người và sự tiến bộ của xã hội loài người, mà coi động lực của phát triển lịch sử và tiến bộ xã hội là bởi thiên tính lương thiện hoặc lý tính của nhân loại. Gorbachev không hề nhìn nhận chủ nghĩa nhân đạo tư bản chủ nghĩa một cách biện chứng và lịch sử, mà đã thoát li điều kiện lịch sử cụ thể, thoát li quan hệ lịch sử đặc thù, mở rộng chủ nghĩa nhân đạo sang lĩnh vực lịch sử và chính trị, sử dụng chủ nghĩa nhân đạo để phân tích những vấn đề trong thực tiễn chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, coi đây là yêu cầu bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và nhiệm vụ của cải tổ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu phấn đấu của người cộng sản. Điều này về căn bản đã đi ngược lại quan điểm duy vật lịch sử chủ nghĩa Mác, cũng như nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học.


Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Liên Xô Matlock từng nhìn nhận một cách sắc sảo: "Lý luận đấu tranh giai cấp là quan điểm diễn biến về kết cấu nhà nước của những người theo chủ nghĩa Lênin và là khái niệm trung tâm làm căn cứ cho cuộc chiến tranh lạnh với phương Tầy", "tôi để ý thấy nhiều dấu hiệu dần dần xét lại hoặc vứt bỏ lý luận này (chỉ thời kỳ Gorbachev - chú giải của người dẫn)". Với tầm nhìn xa, ông còn chỉ ra: "Nếu như lãnh đạo Liên Xô thực sự muốn từ bỏ quan niệm này (chỉ lý luận đấu tranh giai cấp - chú giải của người dẫn), thì họ có tiếp tục gọi tư tưởng chỉ đạo của mình là 'chủ nghĩa Mác' nữa hay không cũng không còn quan trọng. Đây là 'chủ nghĩa Mác' ở dạng khác áp dụng trong một xã hội dạng khác rồi"1 (Xem thêm Little Jack, F. Matlock: Ghi chép trải nghiệm bản thân về sự giát thể của Liên Xô, Sđd, tr.162, 164,169). Cái xã hội mà phương Tây công nhận tự khắc không còn là xã hội xã hội chủ nghĩa nữa.


Thuyết tha hóa lại là một cơ sở lý luận của "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo". Tha hóa lao động là quan điểm mà từ đầu Mác đã nêu ra nhằm vào những tiêu cực của chế độ thuê dùng lao động của chủ nghĩa tư bản, với ý chỉ thành quả mà người công nhân sáng tạo ra lại trở thành sức mạnh áp bức chính họ. Bởi vì, kết quả của lao động chỉ có thể khiến nhà tư bản phát tài, nhưng lại khiến bản thân người công nhân chịu nghèo khổ. Gorbachev vận dụng quan điểm tha hóa mà Mác phê phán chủ nghĩa tư bản vào xã hội xã hội chủ nghĩa, phê phán chủ nghĩa xã hội trong sự phát triển của bản thân nó, do những hoạt động của bản thân chủ thể xã hội, không ngừng hình thành sức mạnh tha hóa, cho rằng "chủ nghĩa xã hội toàn trị" của Liên Xô đã dân đến "sự tha hóa giữa con người với chính trị, chính quyền, giữa con người với tư liệu sản xuất, tài sản, giữa con người với văn hóa". Gorbachev cho rằng, sự lãnh đạo về chính trị của Đảng Cộng sản có nghĩa là sự "chiếm đoạt chính quyền" của Đảng Cộng sản, tạo ra sự lũng đoạn về chính trị, hình thành nên sự tha hóa giữa con người với chính trị, chính quyền, về kinh tế, chế độ công hữu chiếm vị trí thống lĩnh, đã loại trừ sự lựa chọn của mọi người về chế độ sở hữu, tạo ra sự lũng đoạn kinh tế, hình thành nên sự tha hóa giữa con người với tư liệu sản xuất, tài sản. Về tư tưởng, chủ nghĩa Mác ở địa vị chỉ đạo, đã cản trở "việc tiếp nhận tất cả các tư tưởng tiến bộ trên thế giới", tạo ra sự lũng đoạn về tinh thần, hình thành nên sự tha hóa giữa con người với văn hóa. Tất cả những điều then chốt này là do sự lũng đoạn của Đảng Cộng sản với mọi thứ quyền lực, đây là căn nguyên sản sinh ra tha hóa. Thuyết giáo này của Gorbachev cho đến nay cũng đã trở thành lôgích chung cho tất cả các thế lực thù địch lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa.


Bởi vậy, để khắc phục tha hóa cần phải loại trừ sự lũng đoạn trên các lĩnh vực, đặc biệt là sự lũng đoạn của Đảng Cộng sản, cải tạo về căn bản toàn bộ tòa tháp xã hội của chúng ta: từ nền tảng kinh tế  đến thượng tầng kiến trúc. Điều đó cũng có nghĩa là phải từ bỏ triệt để chủ nghĩa xã hội sản sinh ra tha hóa, thay vào đó là "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo".


Nhìn nhận chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo là căn nguyên sản sinh ra hiện tượng tha hóa, về lý luận là không đứng vững. Lý do là bởi sự xác lập chế độ cơ bản của chủ nghĩa xã hội đã loại trừ nền tảng xã hội của sự tha hóa vốn chỉ được hình thành trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản. Việc xây dựng chế độ công hữu đã xác lập nền tảng kinh tế tất yếu để loại trừ sự tha hóa giữa con người với tư liệu sản xuất. Nền chuyên chính vô sản, với cơ sở là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và liên minh công nông, đã xác lập tiền đề chính trị cơ bản để bảo đảm về chính trị việc đông đảo người dân lao động có quyền làm chủ, tránh sự tha hóa giữa quần chúng nhân dân với chính quyền, chính trị. Để thực hiện tất cả những điều này thì không thể xa rời thế giới quan của giai cấp vô sản - sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉ có dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể bảo đảm tự do tư tưởng của đông đảo người dân, mới có thể học tập thành quả tích cực của các tư tưởng khác, cũng mới có thể ngăn chặn sự tha hóa khiến quần chúng nhân dân không thể sáng tạo và phát triển văn hóa của mình. Hiển nhiên, Gorbachev đã không nhìn thấy sự khác biệt về căn bản giữa chế độ xã hội chủ nghĩa với chế độ tư bản chủ nghĩa, áp dụng một cách cứng nhắc quan điểm tha hóa không thành thục mà Mác nêu ra vào giai đoạn đầu do chịu ảnh hưởng của Feuerbach, để phân tích các vấn đề và tệ nạn của xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi cho rằng xã hội xã hội chủ nghĩa Liên Xô tồn tại tha hóa toàn diện. Điều này đã xa rời lý luận và phương pháp về quan điểm lịch sử duy vật, không nhìn thấy rằng quan hệ sản xuất và thượng tầng kiến trúc xã hội chủ nghĩa còn thích ứng tổng thể với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa, yêu cầu của cơ sở kinh tế. Điều này tất nhiên không thể nào đưa ra được kết luận khoa học, mà chỉ có thể dẫn đến quan điểm lịch sử duy tâm, dẫn đến mặt trái của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #173 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:16:41 am »

Cổ xuý cho thuyết đa nguyên, đề xuất dân chủ đa nguyên lại là một mệnh đề lý luận nữa do Gorbachev đưa ra. Gorbachev cho rằng, chủ nghĩa xã hội trong thực tế vốn không nhân đạo, tồn tại hiện tượng tha hóa, căn nguyên của vấn đề nằm ở tính toàn trị của chủ nghĩa xã hội Liên Xô, sự lũng đoạn quyền lực của Đảng Cộng sản đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, xã hội của chủ nghĩa xã hội, vậy thì lối ra căn bản đê khắc phục tha hóa, loại trừ lũng đoạn chính là thực hiện dân chủ đa nguyên. "Dân chủ" là mệnh đề quan trọng tương đương với "nhân đạo". Ông còn xuất phát từ thuyết nhân tính trừu tượng, luận chứng về tính hợp lý của dân chủ đa nguyên. Ông cho rằng, bản tính của con người là độc lập, tự do, là không chịu ràng buộc của bất kỳ mối quan hệ nào. Xã hội lý tưởng nên là xã hội phù hợp với loại nhân tính này. Bởi vậy, ông chủ trương thực hiện "đa nguyên hóa chính trị", tiến hành chế độ đa đảng và dân chủ nghị viện tư bản chủ nghĩa, kết thúc sự lũng đoạn của Đảng Cộng sản với chính quyền, đồng thời thực hiện "đa nguyên hóa ý thức hệ", xóa bỏ vai trò chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, cho phép các loại tư tưởng tồn tại và phát triển tự do, khiến chế độ văn hóa có thể phản ánh các ý kiến và chủ trương khác nhau của các nhóm xã hội.


Gorbachev viện lý do tính đa dạng của các lợi ích cụ thể mà phủ nhận tính thống nhất của lợi ích căn bản, từ đó nêu ra việc phải chấm dứt quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ định vai trò lãnh đạo của chủ nghĩa Mác. Đây là sai lầm căn bản. Nên nhìn nhận xã hội xã hội chủ nghĩa mặc dù còn tồn tại sự khác biệt và mâu thuẫn lợi ích, nhưng toàn thể người dân đều có lợi ích chung, lợi ích căn bản. Sự khác biệt và mâu thuẫn lợi ích giữa các cá nhân, cá thể là sự khác biệt và mâu thuẫn lợi ích được xây dựng trên cơ sở thống nhất lợi ích căn bản. Tiền đề của việc thỏa mãn nhu cầu lợi ích của các cá nhân và cá thể là phải bảo đảm lợi ích căn bản và lợi ích lâu dài của số đông nhân dân. Kiên trì lợi ích căn bản của số đông nhân dân là nhằm thực hiện tốt hơn nữa lợi ích của cá nhân và cá thể, không tồn tại mâu thuẫn giữa hai điều này. Phải thống nhất việc thỏa mãn lợi ích của cá nhân và cá thể với việc kiên trì lợi ích căn bản của số đông nhân dân. Để làm được điều này, phải kiên trì chủ nghĩa xã hội, kiên trì người dân làm chủ, kiên trì lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo. Xuất phát từ tính đa dạng của nhu cầu lợi ích trừu tượng, hiển nhiên không thể kết luận rằng, xã hội xã hội chủ nghĩa phải thực hiện dân chủ đa nguyên.


Chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo không phải là phát minh cá nhân của Gorbachev, càng không phải là lý luận gì mới. Nguồn gốc của lý luận này là chủ nghĩa Bernstein mà Ăngghen và Lênin đã mạnh mẽ phê phán từ lâu, là biểu hiện của chủ nghĩa dân chủ xã hội Quốc tế II trong điều kiện lịch sử mới, có cùng một mạch với luồng tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ Tây Âu.


Gorbachev không hề e ngại gì về điều này. Trong bài viết "Thế giới tương lai và chủ nghĩa xã hội" đăng vào tháng 3 năm 1990, ông cho rằng: "Giữa những người Xã hội và những người Cộng sản đã không còn tồn tại hố sâu chia rẽ như trước", "lập trường chính trị" "trên cơ sở quan điểm giá trị nhân đạo và dân chủ" và "lập trường thế giới quan đều gần gũi với nhau hơn", còn trong "chủ nghĩa xã hội thực sự" mà cải tổ phải thực hiện "bao gồm cả quan điểm giá trị cơ bản vốn được các phái khác của cuộc vận động xã hội chủ nghĩa tán đồng". Thậm chí, ông còn cho rằng: "Cách mạng Nga năm 1917 là sự đáp lại đối với tự do, bình đẳng, bác ái mà cuộc Đại cách mạng Pháp mưu cầu, đồng thời cũng là sự thử nghiệm mạnh dạn để thực hiện trên thực tế những lý tưởng cao cả đó"1 (Gorbachev: "Thế giới tương lai và chủ nghĩa xã hội", Tlđd; xem thêm Viện Nghiên cứu phát triển và hợp tác quốc tế Cục Biên dịch Trung ương (biên dịch): Chủ nghĩa xã hội trong tương lai, Nxb. Biên dịch Trung ương, 1994, tr.10, 13, 20). Sau khi Liên Xô giải thể, Gorbachev càng nói thẳng thắn hơn: "Trong mấy năm cải cách ấy, chúng tôi chính là muốn biến Đảng Cộng sản Liên Xô thành Đảng Dân chủ xã hội. Khi đó đã khởi thảo kế hoạch tương ứng dự định triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ XXIX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng cuộc đảo chính cũng như chính sách cấm các hoạt động trên thực tế của Đảng Cộng sản Liên Xô của Yeltsin đã khiến kỳ đại hội không thể tiến hành"2 (Gorbachev, Slaven: Lịch sử chưa kết thúc: Ghi chép trao đổi của Gorbachev, Nxb. Biên dịch Trung ương, 2003, tr.157).


Điều mỉa mai là vào năm 1989, chính khách Mỹ Brzezinski đã chỉ ra thực chất cuộc cải tổ của Gorbachev. Ông nói: "Trong quá trình cải tổ, Gorbachev đã dần đi vào con đường của chủ nghĩa xét lại... Ông không chỉ muốn cải tổ kết cấu kinh tế của Liên Xô, mà còn muốn sửa đổi nền tảng tư tưởng của chế độ Liên Xô, thậm chí ở mức độ nhất định còn thay đổi trình tự chính trị của Liên Xô". Ông còn chỉ ra rằng: "Ảnh hưởng của việc xuất hiện một vị Tổng Bí thư theo chủ nghĩa xét lại trong Điện Kremlin là vô cùng lớn", "mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng nằm ở việc làm tan rã lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin của cộng đồng chủ nghĩa cộng sản thế giới". Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ có ngày "mất đi sự kiểm soát lũng đoạn với xã hội", "Liên bang Xôviết có thể tan rã bất kỳ lúc nào"1 (Zbigniew Brzezinski: Đại thất bại, hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX, Nxb. Khoa học quân sự, 1989, tr.65-66, 76-77). Brzezinski khi đó phê phán Gorbachev rõ ràng là có ý đồ khác, nhưng khả năng quan sát nhạy bén của chính khách tư sản này lại khiến một số người tự cho là "nhà mácxít" phải hổ thẹn.


Năm 1915, trong bài viết "Sự phá sản của Quốc tế II", Lênin đã phân tích sâu sắc về nguyên nhân hình thành chủ nghĩa cơ hội mà Kautsky là đại diện. Người nói: "Chủ nghĩa cơ hội không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, không phải là tội lỗi, sai lầm và sự phản bội của cá biệt một ai, mà là sản phẩm xã hội của cả một thời đại lịch sử"2 (Lênin: Tuyển tập, Sđd, q.2, tr.494). Cũng tương tự, chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo cũng tràn lan trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và nhanh chóng trở thành tư tưởng chỉ đạo của cải tổ, tuyệt đối không phải là điều ngẫu nhiên.


Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trào lưu tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ phát triển tràn lan trên quốc tế. Khrushchev phủ định hoàn toàn Xtalin và một số quan điểm sai lầm của ông, đã dựng lên căn cứ lý luận của đường lối "'chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo". Tháng 3 năm 2001, Gorbachev khi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Mayak đã nói thẳng: Chúng tôi là những đứa con của Đại hội XX, lịch sử những năm 1960 của Liên Xô có ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi, chúng tôi thời trẻ vào Đảng với sự tin tưởng và trung thành, nhưng sau Đại hội XX, tư tưởng của chúng tôi bắt đầu thay đổi.


Tháng 12 năm 2003, học giả Nga Barakilov trong một buổi tọa đàm đã chỉ ra rằng: nếu như nói Khrushchev là "người cha cải tổ" của Liên Xô, kỳ thực là "người cha cải tổ" của Gorbachev; Gorbachev trong quá trình cải tổ không chỉ học từ Khrushchev mà còn làm hơn thế nữa. Ông còn nói: Khrushchev phê phán Xtalin, nhưng Gorbachev không chỉ phê phán Xtalin mà còn nguyền rủa Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định lịch sử Liên Xô, thậm chí còn tính sổ cả Lênin; Khrushchev phê phán người khác mê tín cá nhân, thực hiện sùng bái cá nhân, Gorbachev không chỉ như vậy, mà còn loại bỏ tất cả những người phản đối mình, đến giai đoạn cuối ông thậm chí còn gạt Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô sang một bên, xây dựng thể chế Tổng thống, với ý đồ một tay che lấp bầu trời, nắm trọn quyền lực quốc gia1 (Đoàn Khởi Tăng: "Nhận thức lại của học giả Nga về mấy vấn đề lịch sử - Tùy bút thăm Nga", Lịch sử thế giới, số 5-2004, tr.137).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #174 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:18:28 am »

III. TÀI NĂNG LÃNH ĐẠO CỦA CÁC LÃNH TỤ ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ

Lãnh tụ của các chính đảng giai cấp vô sản không những phải có niềm tin kiên định vào chủ nghĩa Mác, có trình độ lý luận để vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác, mà còn phải có tài năng tổ chức thực tiễn siêu việt, tức năng lực lãnh đạo. Nắm vững sứ mệnh tổ chức cũng như năng lực động viên mọi người phấn đấu vì sứ mệnh đó, tức là năng lực lãnh đạo. Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger từng nói một cách hình tượng rằng: lãnh đạo là phải khiến người của mình, xuất phát từ nơi họ đang đứng, dẫn dắt họ đi đến nơi chưa từng đến2 (Xem thêm Long Đông Phi (biên soạn): Quản lý kiểu Deming và thực tiễn doanh nghiệp, Nxb. Công nghiệp máy móc, 2004, tr.1-2). Tức là người lãnh đạo phải biết cách chuyển hóa lý tưởng thành hiện thực một cách sáng tạo.


Lãnh tụ có sứ mệnh đặc biệt khác với người lãnh đạo thông thường, đòi hỏi họ phải có năng lực lãnh đạo vượt trội hơn người. "Sự khác biệt giữa người lãnh đạo thiên tài và những kẻ bình thường không phải ở chỗ người ấy nói như thế nào và nói gì, mà phải xem người ấy thực hiện lời nói của mình như thế nào. Để có thể đạt được mục tiêu đặt ra, để được người dân ghi nhớ trong lòng, chỉ có thể là nhà tổ chức vĩ đại, chứ không phải là những nhà diễn thuyết"1 (Valery Boldin: Lịch sử thăng trầm của Gorbachev, Sđd, tr.290). Khả năng quan sát siêu phàm và tầm nhìn xa lịch sử, năng lực chỉ huy quyết sách sáng suốt, năng lực động viên tổ chức vô cùng hiệu quả, là những tài năng mà lãnh tụ siêu phàm cần phải có. Sự hình thành và phát huy những tài năng này luôn có liên quan mật thiết với phẩm chất và cá tính của lãnh tụ.

1. Lênin và Xtalin - hai lãnh tụ với tài năng lãnh đạo siêu phàm

Xtalin từng chỉ ra rằng, trong lịch sử từng xuất hiện các kiểu lãnh tụ. Trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản cũng từng xuất hiện những lãnh tụ thế này hoặc thế kia, nhưng Lênin vừa không giống với các "lãnh tụ thời kỳ sóng gió" có tinh thần hy sinh và lòng dũng cảm nhưng yếu về lý luận, cũng không giống với các "lãnh tụ thời bình" mạnh về lý luận nhưng yếu về công tác tổ chức và thực tế. Người "có cả sức mạnh lý luận lẫn kinh nghiệm tổ chức thực tế trong các phong trào vô sản", "Lênin, và cũng chỉ có Lênin, mới là lãnh tụ chính đảng giai cấp vô sản mạnh mẽ nhất, dạn dày nhất trên thế giới hiện nay"1 (Xtalin: Tuyển tập, Sđd, t.1, tr.136).


Lênin giỏi trong việc biến chính sách của Đảng thành hành động của quần chúng. Người giỏi trong việc khiến cho không chỉ cán bộ lãnh đạo hiểu, mà cả đông đảo quần chúng đều hiểu và nắm được mỗi cuộc vận động, mỗi cuộc đấu tranh. Đây là một nghệ thuật lãnh đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin. Lênin hiểu sâu sắc rằng, "một khi đã nắm vững quần chúng về tư tưởng, thì có thể chuyển biến thành sức mạnh". Người nói: "Nêu chỉ là chính nghĩa., chỉ là sự căm phẫn của quần chúng với bóc lột, thì vĩnh viễn không thể dẫn dắt họ đến với con đường đúng đắn của chủ nghĩa xã hội"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.2, tr.324). Bởi vậy, quần chúng phải hiểu về chủ nghĩa Mác, tiếp nhận sự giáo dục của chủ nghĩa Mác.


Để dẫn dắt quần chúng tiến về phía trước theo phương hướng của cách mạng, Lênin một mặt học tập một cách hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác, nắm vững một cách đầy đủ, thực chất tinh thần chủ nghĩa Mác và vận dụng học thuyết này vào toàn bộ thực tiễn cách mạng của mình; mặt khác, Người rất coi trọng việc sử dụng lý luận khoa học để vũ trang cho đảng viên và quần chúng, rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, tích cực tuyên truyền cho cán bộ của Đảng và đông đảo quần chúng về chủ nghĩa Mác, làm cho Đảng và quần chúng duy trì sự liên hệ mật thiết, thường xuyên, làm cho chính sách của Đảng kịp thời chuyến hóa thành hành động của quần chúng.


Năm 1903, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga, phái Mensêvích đã bất chấp tình hình lịch sử của nước Nga, rập khuôn cách làm của phương Tây, chủ trương Đảng "được hình thành từ các công đoàn không đảng phái, đấu tranh để cải thiện tình trạng kinh tế của giai cấp công nhân". Trên thực tế là nhằm xây dựng một đảng theo chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản, chỉ tiến hành đấu tranh kinh tế, không nhằm đấu tranh chính trị, không giành chính quyền. Để loại bỏ sức ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội Mensêvích trong nội bộ Đảng và quần chúng, xác lập đường lối xây dựng đảng theo chủ nghĩa Mác, Lênin đã tích cực tuyên truyền đến quần chúng nguyên tắc tổ chức, đường lối tổ chức và cương lĩnh của Đảng, tổ chức các cán bộ kiên định của Đảng thành "đội quân chính quy" của giai cấp công nhân. Trong các tác phẩm nổi tiếng như "Bắt đầu từ đâu?", "hầm gì?", "Một bước tiến, hai bước lùi", Lênin từng nhấn mạnh: Đảng là đội tiên tiến của giai cấp công nhân; Đảng là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân; Đảng phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng; nguyên tắc tổ chức của Đảng là chế độ tập trung dân chủ; Đảng phải có kỷ luật nghiêm khắc. Lênin từng chỉ rõ, Đảng phải thực hiện mục đích của bản thân, vừa phải có sách lược kiên định, vừa phải có nghệ thuật đấu tranh linh hoạt khéo léo; vừa phải vô cùng bí mật, vừa phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, để lãnh đạo quần chúng tiến hành chiến đấu thắng lợi. Chính bỏd thông qua các công việc đi sâu vào chi tiết, Đảng Bônsêvích mới có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ và quần chúng, mới có thế có được "mười ngày rung chuyển thế giới" vào tháng 10 năm 1917 tại Saint Peterburg, với tuyên bố lịch sử: thế giới đã bước vào kỷ nguyên mới.


Khả năng nhìn nhận nhạy bén, dự báo khoa học cũng là những tố chất mà người lãnh đạo ưu tú cần có. Xtalin từng nói: "Nếu muốn lãnh đạo thì cần phải có tầm nhìn dự báo"1 (Xtalin: Tuyển tập, Sđd, q.2, tr.12). Không có tầm nhìn dự báo thì không thể lãnh đạo, cũng có nghĩa là không có mọi thứ. Mao Trạch Đông từng nói: "Gọi là tầm nhìn dự báo, không phải để chỉ một sự vật gì đã xuất hiện phổ biến, với số lượng lớn trên thế giới này, xuất hiện trước mắt, lúc đây mới dự báo; mà thường yêu cầu phải nhìn xa hơn, tức là khi chỉ mới manh nha tại đường chân trời, xuất hiện chút đỉnh, với lượng nhỏ và chưa phổ biến, thì đã có thể nhìn thấy, có thể nhận biết được ý nghĩa phổ biến của nó trong tương lai"2 (Văn tuyển Mao Trạch Đông, Nxb. Nhân dân,1996,1.3, tr.395).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #175 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:19:28 am »

Lênin có khả năng dự báo lịch sử siêu phàm, đặc biệt là vào những thời khắc lịch sử trọng đại. "Trong những thời khắc chuyển biến của cách mạng, Người thực sự đã tỏa sáng tài hoa, quan sát hết mọi điều, dự báo được hành động của các giai cấp và những trắc trở có thể xảy ra của tiến trình cách mạng. Người quả thực là nắm vững như lòng bàn tay những điều này"3 (Xtalin: Tuyển tập, Sđd, q.1, tr.181). Lênin không chỉ có vũ khí là lý luận khoa học, mà còn có sự nhận định và dự báo sâu sắc với quy luật và xu hướng phát triển của lịch sử. Năm 1917, sau Cách mạng Tháng Hai, nước Nga xuất hiện tình trạng hai chính quyền tồn tại song song: một là chính quyền Xôviết đại diện cho công nhân, binh sĩ; một là chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Khi đó, liên quan đến việc nhìn nhận như thế nào về chính phủ lâm thời trong nội bộ đảng Bônsêvích có sự chia rẽ sâu sắc. Lênin đã chỉ rõ, cách mạng nước Nga không thể dừng ở giai đoạn cách mạng dân chủ, mà phải chuyển từ cách mạng dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong Luận cương tháng Tư nổi tiếng, ông đưa ra quyết sách chiến lược chuyển cách mạng dân chủ thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng ban đầu, đại đa số lãnh đạo trong Đảng không hiểu ý đồ chiến lược của Lênin. Khi Ban Chấp hành Đảng Bônsêvích tại Saint Peterburg thảo luận về Đề cương của Lênin, chỉ có 2 người bỏ phiếu tán thành, 13 người bỏ phiếu phản đối, vì vậy đã phủ quyết Luận cương này1 (Xem thêm Trần Chi Hoa (chủ biên): Đề cương lịch sử Liên Xô (1917- 1937), Sđd, t.1, tr.9). Molotov sau này nhớ lại: Tôi chưa bao giờ phản đối Lênin, nhưng dù là tôi hay bất kỳ một ai trong số những người luôn song hành cùng Lênin, đều có thể lập tức hiểu rõ lời của ông. Toàn bộ Đảng Bônsêvích đều đang thảo luận về cách mạng dân chủ, nhưng ông lại nói về cách mạng xã hội chủ nghĩa! Lênin với sự kiên nhẫn và sự nhiệt tình vô cùng lớn lao, đã giải thích cặn kẽ và toàn diện căn cứ khách quan với ý nghĩa to lớn trong tư tưởng chiến lược của mình, đã phản bác quan điểm sai lầm của những người phản đối, cuối cùng đã khiến những đồng chí nhất thời không hiểu ấy thay đổi thái độ. Điều này đã phản ánh đầy đủ tài năng lãnh đạo siêu việt của Lênin.


Xtalin là một vị lãnh đạo kiệt xuất trong lịch sử Liên Xô sau khi Lênin qua đời. Ông đã lãnh đạo công cuộc công nghiệp hóa và tập thể hóa nông nghiệp của Liên Xô, bước đầu xây dựng được chế độ cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Sau đó, ông còn lãnh đạo quân dân Liên Xô giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến tranh chống phátxít. Tài năng lãnh đạo siêu việt của ông đã nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao của đông đảo người dân Liên Xô và nhân dân cách mạng thế giới.


Khrushchev hoài nghi và phủ nhận tài năng lãnh đạo của Xtalin, công kích Xtalin là thiếu tài chỉ huy quân sự, "không có đủ biện pháp" trước hàng loạt dấu hiệu chiến tranh sắp bùng phát, "dựa vào quả địa cầu nhựa để xây dựng kế hoạch tác chiến", thậm chí còn nói rằng "nếu như không có Xtalin, thì chúng ta có thể tiến hành chiến tranh thuận lợi hơn nữa"1 (Khrushchev: Hồi ký Khrushchev (tuyển dịch), Sđd, tr.188, 392, 395).


Nhà văn, nhà lịch sử quân sự nổi tiếng Vladimir Karpov, người từng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đại biểu Xôviết tối cao, trong tác phẩm Đại nguyên soái Xtalin từng vạch trần những chỉ trích này của Khrushchev. Ông chỉ rõ ra rằng, Xtalin không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản, mà còn là một thống soái quân sự siêu việt.


Ông viết trong sách rằng: Ngay từ giai đoạn đầu của chính quyền Xôviết, Xtalin đã chỉ huy Hồng quân non trẻ chinh chiến trên những miền biên cương trong cuộc nội chiến, đã thể hiện được trí tuệ, sự ngoan cường, kiên quyết và quyết đoán của một nhà lãnh đạo quân sự xuất; sắc trong tình hình phức tạp2 (Vladimir Karpov: Đại nguyên soái xtalin, Sđd, tr.13). Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Xtalin đã đích thân chỉ huy trên tuyến đầu, có những đóng góp không thể phủ nhận trong sự thắng lợi của cuộc chiến. Ông nêu ví dụ trong cuộc chiến bảo vệ Mátxcơva từ tháng 10 năm 1941 đến tháng 4 năm 1942, vào ngày Lễ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1941, trong tình cảnh vô cùng khốn khó khi bên ngoài địch bao vây, Thủ đô bên bờ vực nguy hiểm, Xtalin vẫn kiên trì tổ chức duyệt binh trên Quảng trường đỏ Mátxcơva và làm lễ chúc mừng dưới ga tàu điện ngầm. Hành động vô cùng bất ngờ nhưng chấn động lòng người này là sự miệt thị, thách thức và thị uy đối với kẻ xâm lược tưởng chừng hùng mạnh, đã đoàn kết và cổ vũ vô cùng mạnh mẽ niềm tin và quyết tâm của quân dân Mátxcơva cũng như quân dân cả nước anh dũng chiến đấu chống lại quân Đức. Karpov cho rằng, "hai hoạt động này là sự chứng minh rõ ràng về phẩm chất xuất sắc của Xtalin với vai trò là một chính trị gia và lãnh tụ đoàn kết các dân tộc nhà nước Xô viết"1 (Vladimir Karpov: Đại nguyên soái xtalin, Sđd, tr.378).


Trước việc Khrushchev nói rằng Xtalin không có biện pháp đầy đủ trước chiến tranh, Giáo sư Triết học, Trường Đại học Mátxcơva, Alexander Zinoviev đã phản bác mạnh mẽ. Zinoviev từng tham gia Chiến tranh vệ quốc, cũng từng là một thành viên trong nhóm ám sát Xtalin. Cho đến khi Xtalin qua đời, ông vẫn luôn là một phần tử chống chủ nghĩa Xtalin tích cực. Sau này, suy nghĩ lý trí đã thay đổi căn bản cách nhìn của ông về Xtalin. Năm 2005, ông đã đăng bài viết "Thời đại của tôi - về cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại năm 1941-1945", nhân kỷ niệm 60 năm thắng lợi cuộc chiến chống phátxít của Liên Xô.


Trong bài báo, ông viết: "Trong một thời gian dài, đất nước ở trong trạng thái chuẩn bị chiến tranh. Ban lãnh đạo của Xtalin hiếu rất rõ chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, mọi người đều hiểu kẻ thủ là ai, đất nước cũng đã tiến hành chuẩn bị về vật chất cho chiến tranh". "Tôi tin rằng, bất kỳ người lãnh đạo nào khác dù ở dưới sự chỉ đạo của chiến lược chính trị - xã hội như thế nào cũng không thể làm được nhiều như Xtalin. Căn cứ theo điều kiện năm đó, những chuẩn bị của Xtalin đã ở mức tốt nhất rồi. Những người phê phán chủ nghĩa Xtalin đều tin tưởng chắc chắn rằng, nếu không có Xtalin và nếu như tiến hành chiến lược khác thì có thể tránh được sự khủng bố và tổn thất năm đó. Nhưng họ chẳng khác gì những kẻ lắm điều vô trách nhiệm, chỉ biết đứng ngoài mà nói".


Zinoviev cũng thừa nhận, sự chuẩn bị chiến tranh về phương diện vật chất, kỹ thuật và quân sự thuần túy, trước thời điểm tháng 6 năm 1941, nhà nước chưa có sự chuẩn bị tốt ở mức độ cần thiết. Nhưng ông đồng thời cũng chỉ ra rằng: "Đây không phải sai lầm của Xtalin, cũng như Ban lãnh đạo của ông. Sự thay đổi, phát triển của sự vật không phụ thuộc vào Xtalin, các nhà chiến lược phương Tây không khờ khạo, nếu như họ đợi đến khi Liên Xô trang bị đầy đủ rồi đánh thì mới kỳ lạ". Ông còn chỉ ra rằng: "Nếu như đất nước có thêm mấy năm nữa (hai, ba năm, không cần nhiều hơn) để chuẩn bị chiến tranh, thì tổn thất sẽ nhỏ hơn nhiều, nhưng việc hoàn toàn tránh được tổn thất to lớn về nguyên tắc là không thể, bởi vì kẻ địch có thực lực lớn mạnh, chúng vừa có kinh nghiệm quân sự, vừa có trình độ tri thức cao. Sĩ khí của quân đội Đức rất cao, có phương hướng rất rõ ràng..."1 (Xem thêm Alexander Zinoviev, "Thời đại của tôi - về cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại năm 1941-1945", Tạp chí Tư tưởng tự do, số 5-2005).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #176 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2022, 07:20:24 am »

Về việc Khrushchev nghe nói từ chỗ Beria rằng "Xtalin trong mấy ngày đầu chiến tranh hoang mang lúng túng, trốn trong biệt thự liền mấy ngày, không màng đến chiến sự", ông Karpov, tác giả cuốn sách Đại nguyên soái Xtalin cho rằng, điều này không đúng với sự thật. Trong sách, ông đã công bố nhật ký tiếp khách của Xtalin do thư ký trực ban phòng tiếp khách ghi lại. Nhật ký liệt kê cụ thể thời gian và họ tên lãnh đạo Đảng, quân đội Liên Xô mà Xtalin tiếp mỗi ngày từ ngày 21 tháng 6 khi chiến tranh nổ ra đến ngày 28 tháng 6 năm 1941. Trong 8 ngày đó, Xtalin tổng cộng đã tiếp 191 lượt người, mỗi ngày ít là 8, 9 người, nhiều là 30 người. Tài liệu này cho thấy, trong những ngày đầu chiến tranh, Xtalin luôn bám trụ trên cương vị của mình2 (Vladimir Karpov: Đại nguyên soái xtalin, Sđd, tr.278-285). Tác giả còn dùng sự thật chính xác để chứng minh rằng, Xtalin không hề trốn đến biệt thự của mình để né tránh chiến sự. Khrushchev chỉ căn cứ vào lời nói một phía của Beria mà quả quyết tuyên bố tại Đại hội kết luận rằng Xtalin sợ địch, rõ ràng là vô cùng không nghiêm túc, cũng vô cùng hoang đường.


Xtalin đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề "đại thanh trừng", điều này là sự thực không thể tranh cãi. Nhưng giống như điều mà bộ sách giáo khoa mới phục vụ cho các giáo viên lịch sử tham khảo do Nga xuất bản gần đây, cuộc "đại thanh trừng" nói cho cùng đã thanh trừng một số người cần phải thanh trừng, trấn áp không hoàn toàn là "lạm sát người vô tội"1 (Xem thêm "Quan điểm mới trong sách tham khảo dạy và học lịch sử phiên bản mới của Nga - Phỏng vấn Nghiên cứu viên Ngô Ân Viễn, Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc", Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, số 4/2008). Bởi vậy có người cho rằng, cuộc vận động này ở một mức độ nhất định cũng đã phản ánh "tầm nhìn xa đáng kinh ngạc" của Xtalin trên phương diện năng lực lãnh đạo. Karpov trong tác phẩm trên còn dẫn lại ví dụ Nga hoàng Alexander đệ nhất đã lợi dụng thành công "đội quân thứ 5" trong nội bộ Pháp để giành thắng lợi trong chiến tranh chống pháp, để chứng minh việc Xtalin cần thanh trừng các thế lực thù địch trong nước đế làm tốt công tác chuẩn bị phòng ngự trên cả nước. Ông còn dẫn lại lời của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Joseph Davies cho rằng, "đội quân thứ 5" của nước Nga đã bị bắn bỏ trong cuộc "đại thanh trừng", "điều này đã chứng minh Xtalin và những chiến hữu thân cận có tầm nhìn xa đáng kinh ngạc". Davies còn nói, nếu như Xtalin và chiến hữu không loại bỏ những phần tử phản bội, thì sự chống chọi của Liên Xô trong năm 1941 "sẽ không có ý nghĩa gì"2 (Vladimir Karpov: Đại nguyên soái Xtalin, Sđd, tr. 135-136).


Sau khi Lênin qua đời, với tài năng lãnh đạo siêu việt và thành tựu công việc to lớn, Xtalin đã xác lập được địa vị lãnh đạo hạt nhân của mình trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, về lịch sử, đã trở thành người kế tục sự nghiệp của Lênin. Điều này là nhận thức chung trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, bao gồm cả Khrushchev. Trong thời đại Xtalin, chưa có người nào khác có thể thay thế vai trò của Xtalin và địa vị của ông trong nội bộ Đảng.


Năm 1943, Xtalin từng nói, tôi biết sau khi tôi chết sẽ có người chất một đông rác to lên mộ tôi, nhưng ngọn gió của lịch sử nhất định sẽ cuốn những thứ rác rưởi đó đi một cách không thương tiếc! Lịch sử luôn kiểm nghiệm lời dự đoán này. Hơn 50 năm sau khi Xtalin qua đời, bất kể là những người như Khrushchev, hay như Gorbachev sau này dù có phóng đại thị phi, thay trắng đổi đen như thế nào, thậm chí là đặt điều vu khống, nhưng luôn có một số người chính trực, có lương tri, với thái độ có trách nhiệm với lịch sử, không ngừng phanh phui lời nói dối của những kẻ âm mưu, trả lại chân tướng lịch sử vốn đang phủ bụi, chú giải về phong thái lãnh tụ của bậc vĩ nhân một thời.


Ngày 21 tháng 12 năm 1959, cựu Thủ tướng Anh Churchill, người từng hợp tác và cũng từng là đối thủ của Xtalin, nhân dịp 80 năm ngày sinh của Xtalin, đã có bài phát biểu tại Hạ viện, đánh giá về Xtalin với thái độ kính trọng như sau: "Điều vô cùng may mắn với nước Nga đó là người lãnh đạo đất nước trong những năm tháng thách thức khó khăn là Joseph V. Xtalin, vị thống soái thiên tài và giàu lòng kiên nhẫn. Ông là một nhân vật kiệt xuất, giành được sự kính trọng của những người sống trong thời kỳ gian khổ như chúng ta. Xtalin sức khỏe hơn người, học nhiều hiểu rộng, ý chí kiên định, bất luận là xử lý công việc hay nói chuyện, ông đều quyết đoán, kiên quyết, không nể nang...


Các tác phẩm của ông có một luồng sức mạnh to lớn"1 (Chuyển dẫn từ Hà Hoằng Giang, "Cơn gió lịch sử sẽ chi rõ thật giả - Về cuốn sách "Đại nguyên soái Xtalin" và tác giả"; Lý Thận Minh (Chủ biên): Báo cáo Nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội thế giới - Về tiếng sóng mới trong lòng thung lũng (phần 2), Nxb. Văn hiến khoa học xã hội, 2006, tr.303). Churchill còn nói một câu rất nổi tiếng: Khi Xtalin tiếp quản nước Nga, nước Nga chỉ là một quốc gia tay nắm cày gỗ; khi ông qua đời, nước Nga đã sở hữu vũ khí hạt nhân2 (Chuyển dẫn từ Vladimir Karpov: Đại nguyên soái Xtalin, Sđd, tr.792-793). Điều này cho thấy, ngay cả một số chính khách của phương Tây cũng khâm phục tài năng lãnh đạo và công trạng lịch sử của Xtalin.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #177 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 06:58:52 am »

2. Năng lực lãnh đạo của Khrushchev và Brezhnev

Sau khi Khrushchev lên cầm quyền, phải đối mặt với một sứ mệnh lịch sử rất quan trọng - đó là phải làm thế nào để thay đổi cái cũ, đưa ra cái mới, cải cách tích cực, ổn thỏa thể chế quản lý tập trung quyền lực quá mức dưới thời Xtalin, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô. Phải nói rằng, ông đã nhìn thấy những vấn đề dưới thời Xtalin, cũng có mong muốn tiến hành cải cách, nhưng ông không những thiếu tư tưởng chỉ đạo chính xác và phương pháp quyết sách khoa học, mà còn thiếu tài năng và khả năng nhận định mà một người lãnh đạo cần có, bởi vậy không thể đưa ra được một đáp án khiến mọi người thỏa mãn và kinh qua được sự kiểm nghiệm của lịch sử.


Phải nói rằng, Khrushchev đã thấy được Liên Xô cần phải tiến hành cải cách, và đã có những thử nghiệm có ích. Nhưng Khrushchev lại xuất phát từ kinh nghiệm, làm việc theo cảm tính, ra mệnh lệnh cưỡng chế thậm chí là chỉ cần hứng lên, xử lý công việc theo cảm hứng nhất thời, bởi vậy đã làm nhiều việc ngu ngốc, vội vàng, lố bịch.


Khrushchev từng phê phán Xtalin rất ít khi đi ra ngoài, không hiểu tình hình nông thôn, chỉ ngồi ở nhà mà chỉ huy sản xuất nông nghiệp. Nhưng ông, người thường xuyên đi ra bên ngoài, thì có được bao nhiêu hiểu biết về tình hình nông thôn? đưa ra được bao nhiêu quyết sách khoa học?


Ông không tiến hành nghiên cứu điều tra, chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính, mở rộng một cách mù quáng diện tích trồng ngô. Thực tế, khí hậu miền Bắc không phù hợp trồng ngô, bởi vậy sản lượng rất thấp, được không bằng mất. Kosygin sau này đánh giá cho rằng: Đây là biện pháp do một vị lãnh đạo tưởng tượng ra, ép buộc thực hiện, đã gây ra tổn thất to lớn cho nền kinh tế  quốc dân. Khi đó, để bày tỏ sự bất mãn, người dân Liên Xô, đã sáng tác ra một câu chuyện cười chính trị như sau: Một đội bóng đến sân vận động Dinamo đá bóng, nhưng khi đến nơi họ rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng cả sân bóng đã trồng đầy ngô!


Ông mù quáng chủ trương khẩn hoang trên quy mô lớn. Trong giai đoạn 1954-1956, Liên Xô đã tiêu tốn số lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực, khai khẩn hơn 40 triệu hécta đất hoang, xây dựng mấy trăm nông trường quốc doanh. Nhưng thổ nhưỡng ở đó căn bản không phù hợp với việc trồng trọt. Việc khẩn hoang đã phá hoại kết cấu thổ nhưỡng và lớp thảm thực vật, dẫn đến tình trạng xói mòn đất và bão cát nghiêm trọng, ngoài ra độ phì nhiêu thổ nhưỡng giảm xuống làm thu hoạch giảm dần theo năm, khiến hàng chục triệu mẫu đất bị bỏ hoang.


Ông còn can dự vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cụ thể. Cadắcxtan vốn chủ yếu trồng tiểu mạch, nhưng Khrushchev lúc thì yêu cầu trồng đậu Hà Lan, lúc thì yêu cầu trồng đậu tương, và quy định phải chiếm 1/4 toàn bộ diện tích trồng trọt, khiến 691 sản lượng tiểu mạch giảm thiểu nghiêm trọng; về ngành chăn nuôi, Khrushchev lúc thì yêu cầu vắt sữa bò, lúc thì không cho vắt, lúc thì bắt phải nuôi buộc cọc, lúc thì không được buộc1 (Xem thêm: Tốc ký Hội nghị Trung ương tháng 3 của Đảng Cộng sản Liên Xô từ ngày 24 - 26-3-1965, Nxb. Tri thức Thế giới, 1966, tr.105, 110).


Tháng 5 năm 1957, Khrushchev đưa ra khẩu hiệu nông nghiệp phải nhảy vọt mà không hề có căn cứ gì. Kế hoạch 7 năm bắt đầu từ năm 1959, yêu cầu sản lượng thịt của Liên Xô mỗi năm phải tăng trưởng 12%, trong 7 năm tăng trưởng 1,5 đến 2 lần. Dưới kế hoạch nhảy vọt và áp lực chính trị, các địa phương ở Liên Xô xuất hiện làn gió thổi phổng thành tích. Để thực hiện lời hứa với Khrushchev sẽ tăng gấp đôi sản lượng thịt, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Ryazan là Larionov đã sử dụng các thủ đoạn lừa dối như: bỏ giá cao thu mua động vật của tư nhân hoặc tỉnh ngoài, giết mổ động vật quá mức, thậm chí giết cả bò sữa và gia súc giống, báo cáo thành tích giả để tâng công, khiến ngành chăn nuôi và cả ngành nông nghiệp của tỉnh này gần như phá sản. Sau này sự việc bại lộ, vì sợ tội, viên Bí thư Tỉnh ủy này đã tự sát.


Chính bởi sự chỉ huy mù quáng, mệnh lệnh cưỡng chế và sai lầm chính sách của Khrushchev mà nền sản xuất nông nghiệp của Liên Xô tăng giảm thất thường. Vào giai đoạn cuối cầm quyền của ông đã xuất hiện tình trạng nông nghiệp tăng trưởng chậm, khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Liên Xô chuyến từ nước xuất khẩu lương thực truyền thông thành nước nhập khâu lương thực.


Về lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cuộc cải tổ năm 1957 đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế quốc dân. Việc các bộ và cơ quan chủ quản Trung ương bị giải tán, số lượng lớn các doanh nghiệp trung ương bị giải thể, cũng như quyền quản lý của các nước cộng hòa được mở rộng, đã phá hoại sự lãnh đạo thống nhất của Nhà nước đối với nền kinh tế quốc dân, làm suy giảm quyền lực của Trung ương, tạo điều kiện cho chủ nghĩa địa phương phát triển. Thể chế quản lý công nghiệp và xây dựng được chuyển đổi đơn giản từ hình thức các bộ quản lý ngành dọc trước đây sang hình thức lãnh đạo song song của Ủy ban kinh tế  các cấp, tức là chuyển từ quản lý ngành dọc sang quản lý theo khối, không có lợi cho việc chuyên môn hóa và phối hợp sản xuất trong nội bộ ngành nghề, phá hoại sự thong nhất giữa kỹ thuật và hành chính, cũng hạ thấp trình độ lãnh đạo chuyên môn hóa.


Về vấn đề cán bộ, Khrushchev liên tục điều động và cách chức cán bộ, khiến hạt nhân lãnh đạo các cấp thiếu tính kế thừa, đội ngũ cán bộ rất không ổn định. Ông còn nhấn mạnh việc tách tổ chức Đảng tại các tỉnh và vùng biên cương thành tổ chức Đảng công nghiệp và nông nghiệp. Kết quả là không những không phát huy được vai trò như dự định, mà ngược lại còn làm suy giảm nghiêm trọng sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, không chỉ cắt đứt mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp, mà còn khiến bộ máy các cơ quan Đảng và chính quyền cồng kềnh hơn nữa, vấp phải sự phản đối phổ biến của các bí thư tỉnh ủy.


Ngày 17 tháng 10 năm 1964, báo Sự thật đăng bài xã luận về việc Khrushchev mất chức. Bài xã luận đánh giá về Khrushchev như sau: Kết luận vội vàng, quyết định xa rời thực tế và hành động thô bạo, liều lĩnh, nói năng khoác lác, về cơ bản đã bất chấp kết luận mà khoa học và kinh nghiệm thực tế đã nghiên cứu. Tất cả những điều này đều chứng minh rằng, Khrushchev căn bản không có tố chất và năng lực để trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #178 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 06:59:38 am »

Tài năng lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Brezhnev được đánh giá là kém nhất trong các đời lãnh đạo cao nhất của Liên Xô. Tuy ông có một số kinh nghiệm công tác tại địa phương và cũng từng lãnh đạo bộ đội tham gia Chiến tranh vệ quốc, nhưng về tổng thế vẫn không có tài năng và trí tuệ xuất chúng, là mẫu người làm việc theo quy trình, một lãnh đạo tầm thường. Mọi người đều biết, các báo cáo và bài viết của ông đều do người khác khỏi thảo, ông thậm chí còn chưa xem trước mà chỉ đọc theo văn bản đã được chuẩn bị trước. Đặc biệt là trong giai đoạn cuối cầm quyền, ông trở nên thiếu nhiệt tình, không làm nên việc gì, xa cách quần chúng và thực tế nghiêm trọng, không coi trọng nghiên cứu về sự thay đổi phát triển của tình hình khách quan, quen với việc tuân theo quy trình cũ, thỏa mãn với hiện trạng, sợ tiến hành cải cách to lớn. Viện sĩ Aphanasayev, người từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập của bảo Sự thật, rồi tạp chí Người Cộng sản trong thời kỳ Brezhnev và có quan hệ thân thiết với nhà lãnh đạo này, trong hồi ký của mình từng cho biết như sau: "Trong đầu tôi có hai Brezhnev, một Brezhnev là từ mùa Hè năm 1976 trở về trước, tức là trước khi ông bị bệnh; một Brezhnev là sau mùa Hè bất hạnh ấy. Brezhnev trước là một người tràn đầy sinh khí, hoạt bát, có cống hiến..., còn Brezhnev sau lại là một người bệnh tật đầy mình, không thích vận động, ít nói, không biết suy nghĩ"1 (Aphanasayev: Ghi chép của Tổng Biên tập báo "Sự thật", Sđd, tr.68-69). Đánh giá này về cơ bản là phù hợp với tình hình thực tế.


Brezhnev, con người thiếu tinh thần và phẩm chất sáng tạo ấy, tuy đã sửa đổi một số sai lầm dưới thời Khrushchev cầm quyền, có ý định khắc phục sự hỗn loạn mà Khrushchev gây ra, ví dụ như: ở một mức độ nhất định, khẳng định công trạng lịch sử của Xtalin và khôi phục danh dự của Xtalin, đồng thời còn điều chỉnh lại lý luận "Đảng toàn dẫn", "Nhà nước toàn dân" của Khrushchev, và hủy bỏ sự phân biệt giữa tổ chức Đảng công nghiệp và tổ chức Đảng nông nghiệp, khôi phục sự thống nhất tổ chức của Đảng, Xôviết, Công đoàn và Đoàn Thanh niên. Phải nói rằng, trong mấy năm đầu ông cầm quyền, tình hình trong nước vẫn tương đối tốt. Nhưng do hạn chế về nhận thức và tính không triệt để trong thực tiễn, ông chưa thể loại trừ về căn bản ảnh hưởng tiêu cực mà Khrushchev mang lại. Trong nửa cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, ông đã tiến hành cải cách "thể chế kinh tế mới" và giành được thành quả tương đối rõ ràng. Như mọi người đều biết, thành tích này có được chủ yếu là bởi kế hoạch và sự sắp xếp cụ thể của Kosygin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô khi đó.


Nông nghiệp dưới thời Brezhnev có sự phát triển nhất định, nhưng thể chế quản lý nông nghiệp vẫn tồn tại những vấn nạn tương đối nghiêm trọng. Brezhnev không tiếp thu một cách nghiêm túc những bài học của Khrushchev, cũng không tiến hành điều tra nghiên cứu một cách cẩn thận, mà tiếp tục theo đuổi mù quáng mô hình "quy mô công xã nhân dân lớn tiện cho việc sản xuất tổng hợp quy mô lớn, công xã nhân dân có tính xã hội chủ nghĩa và tập thể hóa cao hơn hợp tác xã nông thôn", ép buộc một số nông trang quá độ thành nông trường quốc doanh quy mô lớn. Dưới khẩu hiệu "chuyên môn hóa" và "tập trung hóa", ngành nghề phụ cá nhân bị hạn chế và dần teo tóp. Nông nghiệp và các ngành công nghiệp có liên quan phát triển không hài hòa với nhau đã hạn chế sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Coi nhẹ nông trang là đặc điểm của chế độ sở hữu tập thể, Nhà nước vẫn quản lý tập trung quá nhiều, quá chặt đối với nông nghiệp. Vấn đề "nổi cơm chung" không được giải quyết hợp lý. Tất cả những nhân tố này đều đã ảnh hưởng đến tính tích cực trong sản xuất của các nông trang tập thể và thành viên nông trang.


Trong giai đoạn cuối của thời đại Brezhnev, Liên Xô đã bộc lộ không ít vấn đề, phát triển kinh tế vấp phải khó khăn to lớn, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngày càng thấp, cơ chế kinh tế ngày càng gò bó sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nhưng ông coi như không biết những vấn đề này, tiếp tục mù quáng cho rằng, xã hội Liên Xô là một xã hội "xã hội chủ nghĩa phát triển", điều này đã phản ánh việc ông xa rời thực tế nghiêm trọng, tô hồng thực tại, che đậy vấn đề và mâu thuẫn. Trên thực tế Liên Xô thời điểm đó đang bên vực khủng hoảng nghiêm trọng về các phương diện. Những vấn nạn cố hữu trong thể chế kinh tế chính trị ngày càng nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút mạnh, khoảng cách về kinh tế và khoa học công nghệ so với phương Tây ngày càng xa. Sự lãnh đạo tập thể quay trở lại cục diện cá nhân chuyên quyền, sùng bái cá nhân. Đồng thời, sự khuếch trương ra bên ngoài và chạy đua vũ trang cũng gây ra gánh nặng to lớn cho đất nước.


Brezhnev không chỉ thiếu tư duy và năng lực đổi mới, mà còn thiếu cả quyết tâm và sức mạnh để giải quyết vấn đề. Ông đã không thể phá vỡ tình trạng trì trệ trong phát triển kinh tế - xã hội, không thể xoay ngược xu thế từ thịnh sang suy của Liên Xô, không thể dẫn dắt quốc gia xã hội chủ nghĩa này tiếp tục tiến bước. Vị lãnh tụ của thời thịnh vượng cuối cùng đã trở thành danh từ riêng chỉ sự bảo thủ và xơ cứng.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #179 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2022, 07:00:46 am »

3. Gorbachev - người lãnh đạo không làm trọn chức trách

Gorbachev là lãnh đạo cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xôviết. Tháng 3 năm 1985, khi mới lên cầm quyền, ông là người lãnh đạo của chính đảng lớn với hơn 20 triệu đảng viên, một quốc gia thống nhất với tổng diện tích hơn 22 triệu km2; vậy mà 6 năm sau, khi ông từ chức Tổng thống Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị ông tự tay giải tán, Liên Xô cũng cùng đó mà biến mất khỏi bản đồ thế giới. Bất kể là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô hay Tổng thống Liên Xô, ông đều là kẻ thất bại, là một lãnh đạo không làm trọn chức trách.


Nhìn vào lý lịch của Gorbachev, trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô, ông có quá trình công tác nhất định, có thể nói là thăng tiến rất nhanh. Năm 35 tuổi, ông được bầu làm Bí thư thứ nhất Thành ủy Stavropol, năm 39 tuổi đảm nhiệm chức Bí thư thứ nhất Đảng ủy Khu biên giới Stavropol. Năm 1980, khi Gorbachev 49 tuổi, đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngày 11 tháng 3 năm 1985, tại Hội nghị Trung ương bất thường, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.


Việc Gorbachev đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư không phải là không có tranh luận. Căn cứ theo một cuộc nói chuyện nội bộ tháng 12 năm 2001 của một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, "Gorbachev đã thông qua phương thức không bình thường để trở thành Tổng Bí thư". "Tình hình khi đó rất khó khăn. Gorbachev không có uy tín gì trong Đảng, trong nước. Trong Bộ Chính trị có rất nhiều đồng chí với uy tín cao hơn Gorbachev, hoàn toàn có đủ năng lực lãnh đạo Đảng và đất nước... Tại cuộc họp Bộ Chính trị, đã không mời Shcherbytsky của Ucraina và Kunayev của Cadắcxtan bởi họ kiên quyết phản đối Gorbachev trở thành Tổng Bí thư. Bộ Chính trị khi đó không hề muốn bầu Gorbachev, Gromyko đã có bài phát biểu đặc biệt, thuyết phục các Ủy viên Bộ Chính trị bầu cho Gorbachev. Cuối cùng Gorbachev đã trúng cử Tổng Bí thư với tỉ lệ đa số thấp". Gorbachev tự nói rằng, tại cuộc họp, các lãnh đạo như Gromyko, Tikhonov, Grishin, Solomentsev đã đánh giá ông rất cao, nói ông "có kiến thức uyên bác, kinh nghiệm tương đối phong phú", là "người nắm chắc kinh tế số một trong Ban Bí thư Trung ương", "ông là người phù hợp nhất với yêu cầu đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương", "thường xuyên có một số kiến giải rất có giá trị", "biết lắng nghe ý kiến của người khác"1 (Thuật Thao (biên dịch): Hồi ký Gorbachev, Sđđ, t.1, tr.309-310)... Đương nhiên, ở đây có phần tự khoa trương. Ngoài ra, có sự khoa trương của những lãnh đạo khác với ông, với mục đích chính hiển nhiên là nhằm tạo dựng uy tín và hình ảnh của lãnh đạo mới.


Học giả Trung Quốc đã đánh giá công bằng đối với việc Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô như sau: "Sự thực Liên Xô giải thể đã chứng minh một cách rõ ràng rằng, bất luận là năng lực lãnh đạo, trình độ chính sách, hay là nhận thức tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ông đều không đảm nhiệm được công việc. Nhưng do những vấn nạn của cơ chế lựa chọn cán bộ cũ của Liên Xô, một người như vậy, vào thời khắc then chốt mang tính bước ngoặt lịch sử của Liên Xô, đã lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô"2 (Trần Chi Hoa (chủ biên): Đại cương lịch sử hưng vong của Liên Xô, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 2004, tr.619).


Thực tế chứng minh rằng, ngoài vấn đề rời bỏ đường lối, năng lực cầm quyền của Gorbachev không hề giỏi như một số người từng nói. Chúng ta chỉ cần lấy một vài ví dụ cũng đủ để chứng minh điều này.

Đầu năm 1978, Gorbachev đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác nông nghiệp. Có tài liệu chứng minh, "trong thời gian 7 năm ông quản lý công tác nông nghiệp (từ năm 1978 đến năm 1984), sản lượng lương thực cả nước giảm từ 237 triệu tấn xuống 173 triệu tấn, khiến Đề cương phát triển lương thực mà Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên truyền năm 1982 đã trở thành tờ giấy lộn"1 (Sogley: Lịch sử chính trị nước Nga hiện đại (bản tiếng Nga), Mátxcơva, 1994, tr.10. Chuyển dẫn từ Trần Chi Hoa (chủ biên): Đại cương lịch sử hưng vong của Liên Xô, Sđd, tr.618).


Năm 1985, sau khi lên cầm quyền không lâu, Gorbachev đề ra "Chiến lược tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội", trong đó có một nội dung quan trọng là nhấn mạnh phát triển ngành chế tạo máy. Do kế hoạch không chu đáo và chỉ tiêu quá cao nên kết quả không hề lý tưởng. Sau đó, ông thay đổi mục tiêu, mở rộng lĩnh vực ưu tiên phát triển sang kỹ thuật sinh học, luyện kim, công nghiệp hóa học. Điều này đã khiến các bộ, ngành cụ thể không biết thực hiện như thế nào, ngay cả Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng cảm thấy rất khó hiếu. Ryzhkov sau này viết rằng: "Chỉ mới một tháng trước đã nói rõ là ưu tiên phát triển ngành chế tạo máy, vậy mà nay lại đột nhiên có thêm một loạt yêu cầu ưu tiên phát triển"; "chỉ trong có mấy tháng ngắn ngủi, danh mục phương hướng ưu tiên phát triển kinh tế quốc dân đã điền đi điền lại bao nhiêu lần"2 (Nikolai Ryzhkov: Mười năm đại loạn, Sđd, tr.88-89). Điều này cho thấy rõ, Gorbachev thiếu lộ trình và thường xuyên thay đổi trong bố trí thực hiện cải tổ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện "Chiến lược tăng tốc", khi chưa qua suy nghĩ thận trọng và lắng nghe lời khuyên của các bộ, ngành liên quan và chuyên gia nông nghiệp, đã quyết định thông qua biện pháp can thiệp hành chính, triển khai cuộc vận động "chống nát rượu" mang tính toàn quốc, việc này cũng phản ánh Gorbachev thiếu năng lực và hoàn toàn không hiểu tình hình đất nước. Điều này tưởng chừng như việc nhỏ, nhưng đã tác động nghiêm trọng đến ngành trồng nho và sản xuất rượu, làm giảm lượng lớn nguồn thu thuế nhà nước, khiến tình trạng tư nhân nấu rượu và buôn lậu rượu tràn lan, dẫn đến sự phàn nàn và bất mãn của đông đảo quần chúng1 (Xem thêm Ngô Ân Viễn: Bàn về lịch sử Liên Xô, Sđd, tr.292). Đương nhiên, sự thất bại của "Chiến lược tăng tốc" chủ yếu là bởi không điểm đúng huyệt của cải tổ, vẫn đặt trọng điểm cải tổ là ưu tiên phát triển cồng nghiệp nặng, từ đó khiến vấn đề kết cấu kinh tế không hợp lý và nặng nề hon nữa, nhưng đồng thời cũng bộc lộ năng lực kém cỏi của Gorbachev.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM