Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 11:20:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tính trước nguy cơ - Suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng  (Đọc 7179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #140 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:34:10 am »

2. Tầng lớp đặc quyền gấp rút mưu cầu tư lợi

Sáu năm cầm quyền của Gorbachev là sáu năm tình hình xã hội của Liên Xô liên tục rối ren. Đặc biệt là sau khi bước vào cải tổ chính trị, ở Liên Xô đã xuất hiện sự hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và tư tưởng. Sự rối ren của tình hình xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, nhưng lại hết sức có lợi đối với tầng lớp đặc quyền đang nắm giữ quyền lực, bởi vì tình hình hỗn loạn có lợi cho họ tiến hành đầu cơ mới, họ có thể nhân lúc hỗn loạn, lợi dụng lỗ hổng của thể chế vốn có và khiếm khuyết mới do cải tổ tạo nên mà không ngừng giành lấy lợi ích cá nhân mới, vơ đầy túi tham. Thời kỳ Gorbachev chính là thời kỳ quan trọng mở rộng bản tính xấu xa, vơ vét của cải điên cuồng và gấp rút giành giật quyền lực mới của tầng lớp đặc quyền.


Do những khiếm khuyết trong thể chế xã hội chủ nghĩa Liên Xô, trong tình hình hỗn loạn, tầng lớp đặc quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô nắm giữ quyền lực cũng có thủ đoạn biến tài sản của nhà nước và xã hội thành của riêng mình. Bởi vì dưới chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa Liên Xô, tất cả tài sản về danh nghĩa đều thuộc sở hữu nhân dân, nhưng nhân dân lại không có quyền phân phối trực tiếp những tài sản này. Về danh nghĩa, cán bộ các cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô không có quyền sở hữu độc lập đối với những tài sản này, nhưng trong chế độ Liên Xô, là người lãnh đạo các cấp, trên thực tế lại có quyền phân phối số tài sản này. Như vậy, tầng lớp đặc quyền nắm giữ quyền lực đã ở vào một địa vị hết sức có lợi. Trong thời kỳ hỗn loạn, cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa, lúc này tầng lớp đặc quyền có thể dùng danh nghĩa cải tổ biến quyền phân phối của cá nhân thành quyền sở hữu cá nhân.


Cải tổ chính trị và kinh tế của Gorbachev đã đem đến cơ hội chưa từng có để tầng lớp đặc quyền biến quyền phân phối thành quyền sở hữu. Tranh thủ một loạt sự hỗn loạn do cải tổ không có bài bản của Gorbachev gây ra, tầng lớp đặc quyền ra sức vơ vét tư lợi cho cá nhân, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý tài sản của doanh nghiệp, họ nhân lúc Nhà nước nới lỏng quyền lực kinh tế cho họ, lợi dụng quyền phân phối và quyền quản lý, ra sức chiếm hữu tài sản quốc gia, từ đó biến thành "giai cấp tư sản nhà nước". "Trong thời gian cải tổ, đặc biệt là năm 1988, tình hình bắt đầu có sự thay đổi. Việc thông qua 'Luật doanh nghiệp', 'Luật cho thuê', 'Luật hợp tác xã' đã bật đèn xanh cho sự quan liêu kinh tế hơn nữa tạo nền tảng để quyền chiếm hữu tài sản nhà nước tập trung vào trong tay các chủ doanh nghiệp, chủ xưởng... Điều muốn nói ở đây không phải là phong trào hợp tác xã thông thường do "tầng lớp" dân chúng đề xướng, mà do người làm, là hợp tác xã, nông trường gia đình, v.v... do những kẻ quan liêu dựng lên một cách phi pháp"1 ([Nga] Simoniya: "Về nước Nga và chủ nghĩa tư bản quan liêu thế giới thứ ba", trích dẫn và biên soạn từ "Học giả Nga bàn về chủ nghĩa tư bản quan liêu của nước Nga", Động thái lý luận nước ngoài, 1997, số 1G. tr.76). Theo trình tự thời gian cải tổ kinh tế của Gorbachev, những thủ đoạn giành giật tư lợi cũng không ngừng thay đổi: Trước hết, thời kỳ đầu cải tổ, nhân lúc thành lập doanh nghiệp chung vốn, một vài cán bộ nếm thấy vị ngọt ngào; sau đó trong cải tổ doanh nghiệp "tự bỏ vốn, tự hạch toán, tự chịu lỗ lãi", tầng lớp đặc quyền giữ lại quyền lực, tích cực dấn thân vào "kinh tế bong bóng", trở thành "nhà tư bản đỏ"; sau đó cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản ra tay, trong giao dịch chứng khoán và giao dịch có kỳ hạn đã kiếm được lợi lớn, một khoản tiền lớn lộ diện; cuối cùng trong tình hình hỗn loạn, ra sức giao dịch tiền và quyền, giành được ưu đãi và quota xuất khẩu, ra sức xuất khẩu nguyên vật liệu và vũ khí đạn dược; một vài người còn mở ngân hàng và đầu tư chứng khoán, biến tài sản nhà nước thành của mình2 (Tham khảo Trương Thụ Hoa: "Tư hữu hóa là họa hay là phúc?" - Nhìn xuyên cải cách hợp tác Nga, Nxb. Khoa học kinh tế , 1998, tr.61). Như vậy, tầng lớp đặc quyền thông qua nhiều thủ đoạn, biến quyền phân phối tài sản nhà nước trước đây thành quyền sở hữu thực tế, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước lợi dụng các loại quyền lực mà họ nắm giữ trong tay "đánh cắp tài sản trên con tàu xã hội đang chìm, chuyển 'vốn quan chức' từ tài khoản của Đảng sang doanh nghiệp liên doanh với phương Tây, doanh nghiệp đáng nghi ngờ"3 (Đây là lời của Sobchak, trích dẫn từ Lục Nam Tuyền (chủ biên): Bàn về lịch sử hưng vong của Liên Xô, Nxb. Nhân dân, 2002, tr.790). Được biết, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1991 trước khi Liên Xô giải thể, tại biệt thự của cháu gái Brezhnev đã tổ chức tiệc tối vào cuối mỗi tuần, tham gia bữa tiệc đều là những nhà doanh nghiệp kiểu mới. Điều đáng chú ý là những người này đều là những cán bộ cấp cao trước đây, bao gồm cháu trai của Suslov, cháu gái của Brezhnev, họ đều có xe hơi sang trọng và biệt thự riêng của mình.


Tóm lại, cải tổ hỗn loạn của Gorbachev đã đem đến cơ hội tốt nhất cho tầng lớp đặc quyền mưu cầu tư lợi. Họ chuyển tài sản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của tập thể vào trong tay mình, dựa vào quyền lực và quan hệ mở các loại công ty, trở nên đại phát tài. Một vị nguyên Bí thư Khu ủy Đảng Cộng sản Liên Xô nói, trước khi ông ta trở thành nhà doanh nghiệp, không có chút vốn nào, nhưng "quan hệ cũ trong cơ quan của Đảng còn quan trọng hơn cả số vấn 500.000 rúp"1 (Lưu Khắc Minh tuyển tập, Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 1999, tr.111). Năm 1991, chiếm đa số trong hàng trăm nghìn đại gia của Mátxcơva vốn đều là cán bộ Đảng và Nhà nước. Nikolai Baibakov, người được xếp ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng 50 nhà doanh nghiệp tư nhân có ảnh hưởng nhất nước Nga tháng 6 năm 1994, đã từng liên tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô từ năm 1965 đến năm 1985. Mọi người đều biết, một số ông trùm tài chính tiền tệ nổi tiếng của Nga đều từng là quan chức cao cấp thời kỳ Liên Xô: Chủ tịch tập đoàn dầu khí Yukos, ông Khodorkovsky bị Tổng thống Nga Putin bắt giữ năm 2004, đã từng làm Bí thư Thành Đoàn thanh niên Mátxcơva thời kỳ Liên Xô vào thập niên 80 của thế kỷ XX; ông Potanin, Chủ tịch tập đoàn Onexim, trước khi Liên Xô giải thể từng làm việc ở Bộ Kinh tế  đối ngoại; ông Alekparov, Chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Lukoil, đã từng làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp xăng dầu khí đốt Liên Xô năm 1990, năm 1991 lên làm Bộ trưởng. Ông Pyotr Aven, Chủ tịch tập đoàn Alfa, từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại đối ngoại của chính phủ Gaidar, trợ thủ của ông từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô. Ông trùm tài chính Berezovsky xuất thân là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đã từng làm việc tại Xưởng chế tạo xe hơi Volga nổi tiếng của Liên Xô. Trong thời gian Gorbachev "cải tổ", ông ta cùng với Kadannikov, Giám đốc Xưởng chế tạo và hãng Logosystem của Italia góp chung vốn, lập ra Công ty Logovas, rồi vào năm 1989 chuyển đổi thành AvtoVAZ JSC do Kadannikov làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Berezovsky làm Tổng Giám đốc1 (Tham khảo Hoàng Lập Phát: Nghiên cứu các tầng lớp xã hội Liên Xô và đột biến của Liên Xô, Nxb. Văn hiến Khoa học xã hội, 2006, tr.417 - 419). Dựa theo tài liệu do tổ đề tài gồm một học giả người Mỹ và một số học giả Đông Âu cung cấp, trong số các ngôi sao kinh tế Nga sau khi Liên Xô giải thể, có 52,6% là "quan chức quyền quý" của Liên Xô vào năm 1988, 33,4% là "các quan chức khác" của Liên Xô vào năm 1988. Những tài liệu này đã chứng minh đầy đủ rằng, sự cướp đoạt tài sản quốc gia của tầng lớp đặc quyền Liên Xô là rất rõ ràng và trắng trợn. Chính tầng lớp đặc quyền này đã ra sức thúc đẩy sự chuyển biến của đất nước sang chủ nghĩa tư bản, nhằm chuyển đổi tài sản mà họ đã nắm trong tay trở thành hợp pháp.


Nhân lúc cục diện của Liên Xô hỗn loạn, tầng lớp đặc quyền không chỉ mưu cầu giành lợi ích kinh tế to lớn, mà còn mưu cầu giành lợi ích chính trị lớn lao. Nhìn bề ngoài, biến cố Liên Xô là "cách" cái "mạng" (lấy mạng - ND) của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô bị cấm và giải tán. Trong tình huống này, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây phải là đối tượng của cuộc cách mạng này. Nhưng trên thực tế, chính là tầng lớp đặc quyền trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đã đạo diễn cuộc "cách mạng" này, chính là những "người cộng sản" này trước tiên đã "cách" đi cái "mạng" của chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, cuối cùng cũng "cách" luôn cả "mạng" của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong quá trình diễn ra biến cố Liên Xô và sau biến cố, họ không chỉ trở thành cổ đông của các ngân hàng, các công ty lớn, chủ tịch hội đồng quản trị của các doanh nghiệp lớn, mà còn có địa vị cao, tiếp tục kiểm soát chính quyền nhà nước. Xem xét một cách tỉ mỉ, nước Nga sau biến cố của Liên Xô, ngoại trừ việc nhân vật ở trên đỉnh của kim tự tháp quyền lực có thay đổi, cán bộ ở các cấp khác đa phần đểu là những gương mặt cũ. Nếu nhìn vào các cơ quan quyền lực ở những nước Cộng hòa Xô viết cũ, gương mặt ở đỉnh tháp quyền lực thậm chí còn không có gì thay đổi, chỉ là về mặt danh xưng thì tên gọi "Bí thư" trước đây, nay được đổi thành "Tổng thống". Tất nhiên, Tổng thống lúc này đã trở thành người lãnh đạo tối cao của những quốc gia mới độc lập này.
   Nước Nga thời đại Yeltsin, đa số cán bộ trong các cơ quan nhà nước vẫn là tầng lớp đặc quyền thời kỳ Liên Xô. Họ thay tên đổi họ, từ "công bộc" trong chủ nghĩa xã hội trước đây trở thành "người cầm lái" trong chủ nghĩa tư bản. Theo thống kê, tỷ lệ tầng lớp quyền quý cũ trong tầng lớp tinh hoa của xã hội mới lần lượt là: tầng lớp lãnh đạo tối cao 75%; đứng đầu các chính đảng 57,2%; lãnh đạo Nghị viện 60,2%; cơ quan Chính phủ 74,3%; lãnh đạo địa phương 82,3%; doanh nghiệp tiêu biểu 41%. Tầng lớp quyền quý cũ này chắc chắn là tầng lớp đặc quyền trước đây. Đến thời kỳ Yeltsin, tầng lớp đặc quyền này không chỉ vẫn nắm giữ chính quyền, đồng thời lúc này, họ đã hợp pháp hóa khối lượng tài sản lớn mà họ chiếm được một cách phỉ pháp và giành được quyền công khai có tài sản. Có thể nói, họ đã thật sự có được cả quyền lẫn tiền. Đối với vấn đề về tính hợp pháp của nguồn gốc tài sản của những người này, thời kỳ Yeltsin hoàn toàn không tiến hành bất kỳ sự truy xét nào. Không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế Yeltsin đều xem những người này là lực lượng quan trọng đối với bản thân. Từ đó cho thấy, tầng lớp đặc quyền đã có ý thức, có mục đích để thúc đẩy biến cố Liên Xô. Nhìn từ góc độ này, cách nói của ông Forde, một người Mỹ phụ trách tổ chuyên nghiên cứu các vấn đề của Nga, có tính hợp lý nhất định. Ông nói: "Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình"1 (Trích dẫn của Quý Chính Cự: "Tầng lớp quyền quý với tham nhũng của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự sụp đổ của nó", tạp chí Vấn đề chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại, 2001, số 4, tr.67).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #141 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:35:04 am »

3. Sự công khai phản bội Đảng và Nhà nước của tầng lớp đặc quyền

Như đã nói ở trên, tầng lớp đặc quyền trên thực tế hoàn toàn không có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, họ đặt lợi ích của bản thân cao hơn tất cả mọi thứ. Khi họ phát hiện ra rằng, niềm tin trước đây dù chỉ là lời nói đầu lưỡi cũng trở thành trở ngại với mưu cầu lợi ích cá nhân của họ, thì họ liền không ngần ngại bỏ hết sang một bên, theo đuổi lợi ích cá nhân một cách trần trụi.


Với sự thúc đẩy của lợi ích cá nhân, đến cuối thời Gorbachev cầm quyền, tầng lớp đặc quyền dần dần đã công khai phản bội lại Đảng và Nhà nước Liên Xô, những hành vi phản bội này của họ đã trực tiếp thúc đẩy biến cố Liên Xô.


Biến cố Liên Xô có thể chia ra làm 3 tiến trình. Một là, diễn biến từ chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô sang chế độ tư bản chủ nghĩa; hai là, Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi địa vị cầm quyền; ba là, các nước Cộng hòa Xôviết giải thể. Sự phản bội lại Đảng và Nhà nước Liên Xô của tầng lớp đặc quyền đều được thể hiện hết sức rõ rệt trong cả ba tiến trình này.


Trước hết, nhìn lại quá trình diễn biến từ chủ nghĩa xã hội Liên Xô sang chủ nghĩa tư bản. Tầng lớp đặc quyền đã phát huy vai trò then chốt trong quá trình diễn biến này, đồng thời chiếm trọn lợi ích trong quá trình này. Với sự thúc đẩy "con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" của Gorbachev, những người có khuynh hướng đi con đường tư bản chủ nghĩa trong tầng lớp đặc quyền ngày càng nhiều, đồng thời dần dần chiếm ưu thế. Tầng lớp này chủ trương từ bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô một cách toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa kiểu phương Tây. Vì thế, họ thúc đẩy Liên Xô về kinh tế thực hiện tư hữu hóa cả gói, về chính trị thực hiện chế độ đa đảng. Dưới sự dốc sức thúc đẩy của tầng lớp đặc quyền, mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô cuối cùng đã sụp đổ toàn diện. "Nguyên nhân thật sự của việc Liên Xô giải thể là từ nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, tôi nói ở đây là "tập đoàn tinh hoa", giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, khoảng 100.000 người. Chính tập đoàn này muốn thực hiện chủ nghĩa tư bản, để họ hưởng được quyền lực lớn hơn nữa, có được tài sản nhiều hơn nữa"1 ([Mỹ] David Kotz: "Nguyên nhân tan rã của Liên Xô", Trào lưu tư tưởng đương đại, số 5, 2000). Rất rõ ràng rằng, tầng lớp đặc quyền đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy Liên Xô đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.


Thứ hai, nhìn lại những biểu hiện của tầng lớp đặc quyền trong quá trình Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi địa vị cầm quyền. Có thể nói, chính những hành vi của họ đã khiến cho thanh danh của Đảng Cộng sản Liên Xô bị hủy hoại ở mức nghiêm trọng nhất, cuối cùng họ, lại vứt bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ. Vốn dĩ, trước khi Gorbachev cầm quyền, chính sự xuất hiện của tầng lớp đặc quyền đã làm cho thanh danh của Đảng Cộng sản Liên Xô bị hủy hoại nghiêm trọng. Chẳng qua lúc đó, những hành vi dùng quyền lực để tư lợi của tầng lớp đặc quyền vẫn chỉ diễn ra ngấm ngầm, bộ máy tuyên truyền chính thống của Liên Xô đa phần đều che giấu, né tránh, chỉ đưa tin tốt không đưa tin xấu, nên mặc dù Đảng Cộng sản Liên Xô bị tầng lớp đặc quyền làm cho ô nhiễm, nhưng trong lòng quần chúng nhân dân vẫn giữ được hình tượng tốt đẹp. Nhưng sau khi Gorbachev đưa ra "con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo", tầng lớp đặc quyền đã gấp rút dùng quyền lực để tư lợi, công khai chiếm đoạt tài sản công, làm cho quần chúng nhân dân căm giận. Do Đảng Cộng sản Liên Xô không thể tiến hành xử lý và trừng phạt tầng lớp đặc quyền này trong nội bộ của mình, nên quần chúng nhân dân rất tự nhiên trút sự căm giận này lên Đảng Cộng sản Liên Xô, từ đó làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi uy tín trong lòng quần chúng nhân dân. Đến cuối thời Gorbachev cầm quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô về cơ bản đã mất đi thanh danh trong lòng quần chúng nhân dân, hoàn toàn trở thành một đảng đại diện cho tầng lớp đặc quyền. Cũng chính vì vậy, đến năm 1991 khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị cấm và giải tán, phản ứng của dân chúng Liên Xô vô cùng bình thản. Đông đảo quần chúng thấy rằng, sự giải tán một đảng như thế là hoàn toàn tự nhiên. Đa số đảng viên bình thường đều bỏ Đảng ra đi. Trào lưu ra khỏi Đảng xuất hiện thời kỳ đó cũng đã chứng minh vấn đề này. Vậy tầng lớp đặc quyền của Đảng lúc này thì sao? Trong lòng họ từ lâu đã không có vị trí của Đảng Cộng sản Liên Xô, họ vốn dĩ chỉ đem danh nghĩa đảng viên của bản thân làm cái mác và cái mũ, lúc này, họ cũng dứt khoát vứt cái mác, cái mũ đó sang một bên, ồ ạt tuyên bố ra khỏi Đảng. Nếu đảng viên bình thường tuyên bố ra khỏi Đảng là thể hiện sự thất vọng của họ đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, thì việc tầng lớp đặc quyền tuyên bố ra khỏi Đảng đã thể hiện bộ mặt thật của họ. Họ vốn dĩ chẳng có cái gọi là niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản gì cả, họ đứng lâu trong Đảng chỉ là vì động cơ chính trị và mưu cầu lợi ích cá nhân. Lúc này, họ nhận ra danh nghĩa đảng viên đã không còn chút tác dụng nào để họ mưu cầu tư lợi nữa, thậm chí có một bộ phận những kẻ đặc quyền còn nhận thức rằng, danh nghĩa đảng viên trong tương lai có thể còn trở thành trở ngại cho họ trong việc tiếp tục mưu cầu tư lợi hơn nữa, vì vậy, lúc đó, họ ồ ạt lựa chọn con đường ra khỏi Đảng. Tóm lại, đến cuối thời Gorbachev cầm quyền, đảng viên bình thường thì vì thất vọng về Đảng mà ra khỏi Đảng, tầng lớp đặc quyền thì vì danh nghĩa đảng viên không còn giá trị lợi dụng mà ra khỏi Đảng. Trong tình hình đó, Đảng Cộng sản Liên Xô đã không thể nào tiếp tục duy trì địa vị cầm quyền được nữa.


Một bộ phận của tầng lớp đặc quyền ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô, điều này tất nhiên là nhân tố quan trọng làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ; đồng thời, còn có một bộ phận tầng lớp đặc quyền ở lại trong Đảng lại tích cực hô hào và thúc đẩy thực hiện chế độ đa đảng, cuối cùng làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô mất đi địa vị cầm quyền, rồi tới chỗ bị cấm hoạt động và giải tán. Tại Hội nghị toàn thể tháng 2 năm 1990 của Đảng Cộng sản Liên Xô, sau khi tranh luận gay gắt, cuối cùng đã thông qua quyết định sửa đổi Hiến pháp Liên Xô, xóa bỏ điều khoản liên quan đến địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, những người cộng sản Liên Xô trước đây, như Yeltsin, Gorbachev, đã đích thân đứng ra cấm và giải tán Đảng Cộng sản.


Cuối cùng, nhìn lại quá trình giải thể của Liên Xô, nếu chúng ta coi việc Liên Xô giải thể là một quá trình dân tộc, vậy thì cái gọi là "tinh hoa dân tộc" ở đây đã đóng vai trò then chốt. Trong đội ngũ tinh hoa dân tộc của Liên Xô, có một bộ phận tương đối là thành phần tầng lớp đặc quyền có địa vị cao. Cũng chính là bộ phận này đã đảm nhiệm vai trò là người trực tiếp đào mồ sau cùng của Liên Xô, nhà nước xã hội chủ nghĩa đa dân tộc này. Đương nhiên, sự giải thể của Liên Xô có liên quan đến những vấn đề tồn tại lâu dài trong chính sách dân tộc của Liên Xô. Sau khi lên nắm quyền, Gorbachev cực kỳ coi thường vấn đề dân tộc, thêm vào nữa là cục diện hỗn loạn do cải tổ của ông ta gây nên, đã tạo thời cơ rất tốt cho tầng lớp quan liêu đặc quyền trong tinh hoa dân tộc. Theo họ, việc thoát khỏi sự kiểm soát của Liên Xô giúp họ có quyền lực độc lập hơn, càng có lợi hơn cho họ mưu cầu tư lợi. Vì vậy, mặc dù Gorbachev từng bước nhượng bộ, đã làm cho các nước cộng hòa trong Liên bang có được quyền lực lớn hơn, nhưng những người này vẫn không thỏa mãn. "Hiệp ước Belovezh" ngày 8 tháng 12 năm 1991 trên thực tế là tuyên bố sự tiêu vong của Liên Xô. Việc ký kết "Tuyên ngôn Alma Ata" ngày 21 tháng 12 trên thực tế là những tinh anh dân tộc này hoàn thành tiến trình làm Liên Xô tan rã. Từ đó về sau, họ có quốc gia độc lập do tự họ lãnh đạo, tầng lớp đặc quyền quan liêu trong tinh hoa dân tộc càng có thể làm việc theo ý chí cá nhân, thực hiện lợi ích tối đa của bản thân.


Tóm lại, đến cuối thời Gorbachev lên nắm quyền, tầng lớp đặc quyền xuất phát từ lợi ích cá nhân đã phản bội toàn diện Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xôviết, chính họ là những người đào mồ chôn Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết và Đảng Cộng sản Liên Xô.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #142 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:38:14 am »

Chương VI
ĐƯỜNG LỐI TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ


Đường lối tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô là tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản của Đảng Cộng sản Liên Xô trong việc tổ chức đội ngũ nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Đường lối tổ chức là sự bảo đảm thực hiện đường lối chính trị, tuân theo và phục vụ cho đường lối chính trị. Sau khi được quyết định, đường lối chính trị sẽ được thực hiện bởi một số người nhất định. Đường lối chính trị có được thực hiện hay không, kết quả thực hiện ra sao quyết định bởi việc tổ chức những con người này như thế nào, liệu có thể làm cho họ phát huy đầy đủ sức mạnh và hình thành nên một sức mạnh tập thể hay không. Nghệ thuật tổ chức con người chính là đường lối tổ chức.


Lênin từng có câu nói nổi tiếng: "Cho chúng tôi một tổ chức các nhà cách mạng, chúng tôi có thể làm thay đổi hoàn toàn nước Nga"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.6, tr.121). Tổ chức tạo nên sức mạnh. Sau khi xây dựng được một tổ chức như vậy, Lênin lại đưa ra một loạt chế độ và nguyên tắc cho tổ chức đó, trong đó căn bản nhất là chế độ tập trung dân chủ.


I. CHẾ ĐỘ TẬP TRUNG DÂN CHỦ

Chế độ tập trung dân chủ là một cống hiến lớn của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với lý luận xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân quốc tế. Nguyên gốc tiếng Nga là "демократический центрадизм", có nghĩa là "chế độ tập trung dân chủ". Từ trung tâm là "chế độ tập trung", nhưng "chế độ tập trung" này bắt buộc phải "dân chủ".


1. Nguyên tắc cơ bản của chế độ tập trung dân chủ

Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng đảng, trong cuộc đấu tranh tư tưởng với Martov và một số người khác về việc xây dựng đảng, Lênin đã nhiều lần trình bày nội dung tư tưởng liên quan đến chế độ tập trung dân chủ, tuy nhiên vẫn chưa nêu rõ khái niệm "chế độ tập trung dân chủ". Nghị quyết về "cải tổ Đảng" được thông qua tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Lao động dân chủ xã hội Nga tổ chức ở Tampere, Phần Lan vào tháng 12 năm 1905 chi rõ: "Đại hội xác định nguyên tắc chế độ tập trung dân chủ là vấn đề gây tranh cãi, cho rằng cần phải thực hiện chế độ bầu cử rộng rãi, trao cho các cơ quan Trung ương nhất định toàn quyền định hướng tư tưởng và chỉ đạo công tác thực tế đồng thời, các cơ quan Trung ưang có thể bãi miễn, hoạt động của các cơ quan này phải được công bố rộng rãi và cần nghiêm chỉnh tuân thủ chế độ báo cáo công tác"1 (Tổng tập Nghị quyết Đại hội đại biểu, Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, t.1, tr.119, 165). Tháng 4 năm 1906, tại Đại hội đại biểu (thống nhất) Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga lần thứ IV diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển, Điều 2 "Điều lệ tổ chức" được thông qua theo đề nghị của Bônsêvích quy định: "Mọi tổ chức của Đảng đều được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ"2 (Tổng tập Nghị quyết Đại hội đại biểu, Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, t.1, tr.119, 165). Đây là lần đầu tiên điều khoản về "chế độ tập trung dân chủ" xuất hiện trong Điều lệ Đảng. Sau này, trong các văn kiện của Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga, Đảng Cộng sản (Bônsêvích) toàn Liên bang và Đảng Cộng sản Liên Xô đều bảo toàn quy định này. Tháng 7 năm 1920, "'Điều lệ gia nhập Quốc tế Cộng sản" do Lênin khởi thảo có quy định: "Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ"1 (Lênin: Tuyển tập, Sđd, q.4, tr.254). Từ đó, nguyên tắc tập trung dân chủ đã trở thành nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản các nước trên thế giới.


Lênin chỉ rõ: "Chế độ tập trung dân chủ chỉ nói rằng đại biểu các khu vực cùng họp và bầu ra cơ quan phụ trách để tiến hành quản lý". "Chế độ tập trung dân chủ chính là: Đại hội đại biểu kiểm tra công tác của Trung ương, miễn trừ chức vụ của Trung ương và bổ nhiệm Trung ương mới"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.38, tr.290). Mấy chục năm qua, đảng viên các đảng cộng sản đã làm phong phú hơn nội dung của chế độ tập trung dân chủ trong thực tiễn xây dựng đảng, nhưng tư tưởng chỉ đạo của chế độ này vẫn là quy định mà Lênin đề ra năm đó. Tư tưởng chỉ đạo đó chính là: cấp ủy Đảng được lựa chọn thông qua bầu cử, người được chọn có quyền giám sát công việc của cấp ủy và bãi miễn lãnh đạo do cấp ủy bầu; cấp ủy Đảng và thành viên của cấp ủy có nghĩa vụ phải báo cáo công tác trước Đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu, Hội nghị đại biểu của Đảng, tự giác chấp nhận sự giám sát của đảng viên và tổ chức đảng. Trong nội bộ cấp ủy cần thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo kết hợp với phân công phụ trách.


Nguyên tắc của chế độ tập trung dân chủ của Đảng là giữ gìn sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng vững manh. Những nguyên tắc này bao gồm nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, bộ phận phục tùng tập thể và các cơ quan cấp dưới phục tùng cơ quan cấp trên. Việc xác định đường lối chính trị của Đảng đã thể hiện sự thống nhất trong Đảng về tư tưởng chính trị, nhưng sự thống nhất về mặt tư tưởng này cần được củng cố dựa trên sự thống nhất về mặt tổ chức. Chỉ khi uy tín về tư tưởng biến thành uy tín về quyền lực thì nó mới có thể chuyển hóa thành sức mạnh, vật chất. Do đó, nếu không thực hiện những nguyên tắc nói trên, thì không thể tập hợp được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân tộc thông qua toàn thể đảng viên nhằm thực hiện đường lối chính trị của Đảng.


Nguyên tắc chủ yếu của chế độ tập trung dân chủ dựa trên cơ sở dân chủ, tức là thiểu số phục tùng đa số trên cơ sở tiếp thu sâu rộng ý kiến của đa số đảng viên. Những nguyên tắc khác của chế độ tập trung dân chủ như tổ chức cấp dưới phục tùng tổ chức cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, cục bộ phục tùng tập thể, v.v. đều được sinh ra từ nguyên tắc này, đều có thể dùng nguyên tắc này để giải thích. Kiên trì nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số chính là căn bản thực hiện chế độ tập trung dân chủ; ngược lại, không tuân theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số chính là căn bản phá bỏ chế độ tập trung dân chủ. Tuân theo ý kiến thiểu số hoặc một cá nhân chuyên quyền độc đoán là không phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Gọi là "thiểu số phục tùng đa số" có hai ý nghĩa. Một là, chỉ người đảng viên là "thiểu số" trong quần chúng nhân dân cả nước, họ cần phải phục tùng "đa số", chính là quần chúng nhân dân; người đảng viên cần đặt lợi ích cao nhất của nhân dân lên hàng đầu, lợi ích cá nhân phục tùng lợi ích của nhân dân. Hai là, trong nội bộ một tổ chức, trong một hội nghị ý kiến của thiếu số phải phục tùng ý kiến của đa số, quyết định đưa ra phải dựa trên ý kiến của đa số.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #143 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:39:15 am »

Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số không đơn thuần chỉ là một khái niệm về mặt "số lượng". Có thể thực hiện được nguyên tắc này hay không thể hiện ở tính đảng của một đảng viên cộng sản và lập trường của một nhà cách mạng. Lênin nói: "Đối với chúng ta, phải luôn luôn chấp hành ý chí của đại đa số, đi ngược lại ý chí này cũng chính là phản bội cách mạng"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.35, tr.174). Lênin nói thêm: "Không chấp hành ý chí của đa số thì không thể nói đến chuyện tính đảng, thậm chí là căn bản không thể nói đến chuyện hành động chính trị có tổ chức"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.25, tr.421). Kiên trì nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số chính là phủ nhận đặc quyền. Trong hội nghị của Đảng, mỗi một đảng viên cộng sản không phân chức vụ cao thấp đều chỉ có một phiếu biểu quyết. Gọi là "tập trung" chính là tập trung ý kiến của đa số. Chỉ khi tập trung được ý kiến của đa số mới có thể khiến cho nghị quyết đưa ra phù hợp với thực tế mới có thể biến nghị quyết đó thành hành động thống nhất. Nghị quyết đưa ra khi tập trung ý kiến của đa số cũng có thể mắc phải sai lầm nhưng sai lầm này ít hơn, mức độ nhẹ hơn và cũng dễ dàng sửa đối.


Kiên trì nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số đồng thời không phủ nhận quyền được bảo lưu ý kiến của thiểu số. Lênin chỉ ra: "Chế độ tập trung dân chủ và nguyên tắc tự trị của cơ quan địa phương cho thấy sự tự do phê bình phổ biến rộng khắp, chỉ cần không vì điều này mà phá vỡ sự nhất trí về hành động đã được xác định - nó cũng thể hiện rằng không cho phép có bất cứ phê bình nào phá hoại hoặc phương hại đến hành động đã đề ra"3 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.13, tr.129). Khi tổng kết kinh nghiệm về việc đấu tranh với những người thiểu số Lênin nói: "Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, kinh nghiệm này nhắc nhở chúng ta phải bảo vệ mọi quyền lợi của phái thiểu số, làm cho những bất mãn, oán trách, đấu tranh thường xuyên phát sinh và không cách nào loại trừ được kia không thể biến thành những ồn ào vô lý hay những tranh cãi vô vị diễn ra một cách thô lỗ thường xuyên, mà phải tạo ra một hình thức đấu tranh mới mẻ, chính đáng và hợp lý để bảo vệ niềm tin của mình"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.9, tr.Cool. Thái độ trong cách đối xử với thiểu số mà Lênin chỉ ra cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thực tiễn.


Tôn trọng quyền được bảo lưu ý kiến của thiểu số không phải là bảo vệ hoạt động bè phái. Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga tổ chức năm 1921 đã thông qua Nghị quyết "Về sự thống nhất của Đảng" do Lênin khởi thảo. Nghị quyết khẳng định "bất cứ hoạt động bè phái nào đều có hại, đều không được phép", bởi vì hoạt động bè phái "tất yếu sẽ làm suy yếu các công việc cần sự đồng tâm hiệp lực, làm cho kẻ địch đã xâm nhập vào nội bộ Đảng cầm quyền không ngừng tăng cường các hoạt động gây chia rẽ Đảng và lợi dụng sự chia rẽ đó để thực hiện những mục đích phản cách mạng", "tuyệt đối không cho phép phát biểu bất cứ điều gì mang tính bè phái". Đại hội đại biểu tuyên bố, không có ngoại lệ nào trong việc giải thể tất cả các bè phái hình thành từ cương lĩnh này hay cương lĩnh kia (ví dụ như Phái đối lập Công nhân, Phái Tập trung dân chủ, v.v.) và mệnh lệnh phải được thi hành ngay lập tức. Hễ ai không chấp hành nghị quyết này của Đại hội đại biểu sẽ ngay lập tức bị khai trừ khỏi Đảng một cách vô điều kiện"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.41, tr.78, 82, 83). Chế độ tập trung dân chủ là một chỉnh thể hữu cơ, dân chủ và tập trung không thế tách rời. Gọi là dân chủ phải là dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung; gọi là tập trung phải là tập trung trên cơ sở dân chủ. Tập trung không dân chủ là tập trung của chủ nghĩa quan liêu, dân chủ không tập trung là dân chủ của chủ nghĩa vô chính phủ và tự do hóa tư sản. Dân chủ và tập trung không phải là một sự kết hợp cứng nhắc với hai nửa riêng biệt. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau, tỷ trọng giữa dân chủ và tập trung không giống nhau, phương thức kết hợp cũng khác nhau. Đảng Bônsêvích trong thời kỳ hoạt động bí mật, khi Đảng cần tập trung toàn lực để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh, thì tập trung và kỷ luật chính là những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, trong thời kỳ xây dựng hòa bình, khi Đảng thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi kế hoạch chặt chẽ, dân chủ sẽ chiếm vị trí quan trọng hơn.


Lênin không chỉ là người khởi xướng chế độ tập trung dân chủ, mà còn là gương điển hình về thực hiện chế độ tập trung dân chủ. Chính vì vậy, uy tín của Lênin trong Đảng không ai có thể sánh được. Tuy nhiên, uy tín của Lênin không phải được xác lập dựa trên quyền lực, mà dựa vào chân lý mà Người có và việc Người làm gương chấp hành nghị quyết và kỷ luật của  Đảng. Chức vụ của Người trong Đảng, ngoài vị trí "Ủy viên Trung ương" và "Ủy viên Bộ Chính trị", thì không có chức vụ nào khác làm cho Người có quyền lực đặc biệt. Trong các hội nghị của Đảng, Người cũng giống như các thành viên khác, chỉ có một phiếu bầu. Trong Đảng, Người thường thuộc về phía đa số, nhưng cũng thuộc bên thiểu số không dưới một lần. Dù là thuộc về đa số hay thiểu số, Người đều tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi Người thuộc về bên đa số, song song với việc chấp hành nghị quyết đã được thông qua bởi đa số, Người luôn tôn trọng đầy đủ quyền lợi dân chủ của bên thiểu số, cho phép họ được trình bày cụ thể lý do của mình; khi Người thuộc về bên thiểu số, cùng với việc thực hiện nghị quyết đã được thông qua bởi đa số Người cũng cố gắng làm rõ quan điểm của mình, kiên nhẫn thuyết phục những đồng chí có quan điểm khác, cuối cùng giành được sự ủng hộ của đa số. Dưới đây là hai ví dụ minh họa.


Ví dụ thứ nhất liên quan đến vấn đề ký kết "Hòa ước Brest - Litovsk". Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, chính quyền Xôviết phải đối diện với một nước Nga bị chiến tranh tàn phá. Để có được thời kỳ "nghỉ ngơi" nhằm phục hồi kinh tế, cần phải thoát khỏi chiến tranh. Vì vậy, cần nhượng bộ với chủ nghĩa đế quốc, tranh thủ ký kết hòa ước với Đức. Ngày 8 tháng 1 năm 1918, tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng và khi tham dự Hội nghị đại biểu Bônsêvích lần thứ 3 củạ Đại hội đại biểu Xôviết, Lênin đã đưa ra đề cương về việc nhanh chóng ký kết Hòa ước cắt các vùng lãnh thổ đơn độc. Lúc đó, chủ trương của Người không nhận được sự ủng hộ của đa số. Một số cấp ủy địa phương đề nghị cắt đàm phán với Đức. Trong nội bộ Ban Chấp hành Trung ương, Trotsky và Bukharin cũng như những người ủng hộ họ kiên quyết phản đối chủ trương của Lênin. Lênin vừa bác bỏ những ý kiến trái chiều của họ, vừa kiên nhẫn vận động đảng viên, cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của đa số tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương ngày 23 tháng 2 năm 1918. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng diễn ra vào tháng 3 năm đó, dự thảo nghị quyết của Lênin được thông qua. Bukharin vẫn kiên trì lập trường của mình nhưng Lênin không hề áp dụng hình thức kỷ luật của tổ chức. Lênin nói: "Có đồng chí bất đồng sâu sắc với ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc ký kết Hòa ước, trách mắng Trung ương, nhận định chia rẽ là khó tránh, điều này hoàn toàn tự nhiên. Đây đều là quyền lợi vô cùng chính đáng của đảng viên, là điều hoàn toàn có thể hiểu được"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.33, tr.416).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #144 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:39:54 am »

Ví dụ thứ hai là tại Đại hội đại biểu (thống nhất) lần thứ IV của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga. Nhiều nghị quyết được Hội nghị thông qua đều phù hợp với mong muốn của phái Mensêvích. Trong hội nghị, Lênin đã đấu tranh gay gắt. Sau hội nghị, Lênin với tư cách là đại biểu đã phát hành "Thư gửi toàn Đảng", công khai thể hiện thái độ của phái Bônsêvích: "Chúng tôi cho rằng những nghị quyết của Đại hội là sai, chúng tôi cần và thậm chí là nhất định phải đấu tranh với những nghị quyết này về mặt tư tưởng. Đồng thời, chúng tôi tuyên bố trước toàn Đảng rằng chúng tôi phản đối mọi hành vi chia rẽ, chúng tôi chủ trương tuân theo mọi Nghị quyết của Đại hội. Chúng tôi phản đối việc chống lại Ban Chấp hành Trung ương, và mặt khác, trân trọng sự hợp tác; chúng tôi đồng ý cử những người có cùng tư tưởng với chúng tôi tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương, dù cho họ chỉ chiếm thiểu số trong Ban Chấp hành Trung ương"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.12, tr.362). (Khi ấy, Ban Chấp hành Trung ương có tổng cộng 10 người, phái Bônsêvích chỉ có 3 người).


Khi Lênin còn sống, trong Đảng không có lãnh tụ theo quy định. Hạt nhân lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ưang Đảng. Khi đó, nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương ít, việc tổ chức họp cũng dễ dàng. Trong nội bộ Ban Chấp hành Trung ương thực hiện tập thể lãnh đạo, khi quyết định vấn đề, mỗi một ủy viên đều có quyền phát biểu ý kiến, sau đó bỏ phiếu biểu quyết, rồi thông qua khi đạt đa số phiếu. Mỗi một ủy viên đều chỉ có một phiếu bầu.


Cùng với việc nhấn mạnh tính dân chủ trong Đảng, bao gồm việc bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số trong Đảng, Lênin cũng nhấn mạnh sự tập trung của Đảng, đặc biệt nhấn mạnh thiểu số phục tùng đa số, một nhóm phục tùng tập thể, không để xảy ra hoạt động bè phái và khuynh hướng vô chính phủ trong Đảng. Lênin đã từng chỉ ra rằng: "Hành động nhất trí, thảo luận và phê bình tự do" là "kỷ luật mà chính đảng dân chủ của giai cấp tiên tiến cần có"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.14, tr.121-122). Đặc biệt là từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, sự can thiệp vũ trang của nươc ngoài và tình hình nội chiến ngày càng xấu đi, các thế lực thù địch trong và ngoài nước dùng mọi thủ đoạn phá hoại sự đoàn kết của Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức..., các tư tưởng giai cấp phi vô sản tràn lan trong Đảng, Lênin đặc biệt nhâh mạnh sự tập trung, đoàn kết và kỷ luật của Đảng. Người nói: "Giai cấp vô sản thực hiện tập trung vô điều kiện và kỷ luật cực nghiêm khắc là một trong những điều kiện cơ bản để chiến thắng giai cấp tư sản". "Ai làm suy yếu đi kỷ luật thép của chính đảng giai cấp vô sản (đặc biệt là trong thời kỳ chuyên chính vô sản) thì người đó thực tế là đang giúp giai cấp tư sản chống lại giai cấp vô sản"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.4, tr.135, 155).


Tháng 3 năm 1919, dưới sự lãnh đạo của Lênin, Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VIII. Đại hội đã quyết định thành lập Bộ Chính trị, Ban Tổ chức và Ban Bí thư. Bộ Chính trị gồm 5 ủy viên Trung ương, đưa ra quyết định đối với những vấn đề cấp bách, đồng thời 2 tuần một lần báo cáo toàn bộ công tác của mình cho Ban Chấp hành Trung ương. Ban Tổ chức gồm 5 đồng chí ủy viên Trung ương, chỉ đạo công tác tổ chức của Đảng, mỗi tuần tổ chức ít nhất 2 cuộc họp, hai tuần một lần báo cáo công tác cho Ban Chấp hành Trung ương. Mỗi một ủy viên trong Ban Tổ chức lãnh đạo một ban ngành tương ứng. Ban Bí thư Trung ương bao gồm 1 bí thư thường trực, 1 ủy viên của Ban Tổ chức và 5 bí thư xử lý các vấn đề hằng ngày, báo cáo công tác trước Hội nghị Trung ương hai tuần một lần. Bộ Chính trị, Ban Tổ chức và Ban Bí thư đểu là cơ quan làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, có quyền xử lý các vấn đề cần giải quyết gấp và công việc hằng ngày, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương. Ngoài ra, tất cả vấn đề chính trị và vấn đề tổ chức quan trọng nhất mà không cần giải quyết gấp đều được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương được tổ chức 2 tuần một lần. Trong điều kiện nội chiến xảy ra khi đó, có rất nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, Đại hội VIII đưa ra quyết định này là hoàn toàn đúng đắn.


Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là sau khi Lênin qua đời, nguyên tắc tập trung dân chủ ngày càng suy yếu và bị phá hoại. Đầu tiên là quyền lực quá tập trung dẫn đến nhiều tổn thất nghiêm trọng; tiếp đến lại xuất hiện hình thức "dân chủ hóa" cực đoan và tự do hóa tư sản, hoạt động bè phái trong Đảng nở rộ, từng bước xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời thực hiện chế độ đa đảng, dẫn đến sự sụp đổ của Đảng sau nhiều năm cầm quyền.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #145 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:41:53 am »

2. Nguy hại nghiêm trọng của tập trung quá mức đối với nguyên tắc tập trung dân chủ

Sau khi Lênin qua đời, Xtalin trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản (Bônsêvích) toàn Liên bang. Tháng 4 năm 1922, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga khóa XI đã tổ chức Hội nghị toàn thể, quyết định xác lập chức vụ Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Trung ương 1 khóa XI, Xtalin được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên. Khi đó, Xtalin là người duy nhất nắm giữ cùng lúc 3 chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Tổ chức và Bí thư Ban Bí thư trong Đảng, cũng là người duy nhất kiêm nhiệm 2 chức vụ ủy viên nhân dân trong Chính phủ. Khi bệnh tình của Lênin trở nên nghiêm trọng, bác sĩ khuyên Người nên dừng các công việc để nghỉ ngoi, điều trị, người mà Ban Chấp hành Trung ương cử sang theo dõi việc chữa bệnh cho Lênin lại chính là Xtalin. Trong hoàn cảnh đó lại có sự sắp xếp như vậy, nếu không phải là đề xuất của Lênin, ít nhất cũng có sự đồng ý của Lênin. Việc Xtalin nắm giữ được "quyền lực vô hạn" là kết quả tổng hợp của nguyên nhân khách quan và chủ quan, tính tất yếu và tính ngẫu nhiên, chứ không phải là Xtalin "âm mưu soán quyền". Vị trí của Xtalin trong Đảng ngày càng rõ ràng, đó là sự chuẩn bị về điều kiện tổ chức để sau này ông thể hiện tài năng của mình, cũng là để sau này ông mắc phải sai lầm.


Trong thời kỳ đầu cầm quyền, Xtalin còn tương đối thận trọng. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được quán triệt tương đối tốt. Một là, Hội nghị của Trung ương được họp thường kỳ. Trong thời gian 10 năm từ Đại hội đại biểu lần thứ XIII được tổ chức vào tháng 1 năm 1924 đến Đại hội đại biểu lần thứ XVII được tổ chức vào tháng 1 năm 1934 đã tổ chức 4 lần Đại hội đại biểu và 3 lần Hội nghị đại biểu. Năm 1925, khi diễn ra Đại hội đại biểu trù bị lần thứ XIV và thẩm định Điều lệ (sửa đổi) của Đảng Cộng sản (Bônsêvích) toàn Liên bang, Xtalin còn nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu định kỳ mỗi năm tổ chức một lần, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức Hội nghị Trung ương ít nhất 2 tháng một lần"1 (Woerkege Knopf: Xtalin, Nxb. Tri thức thế giới, 2001/ tr.452). Hai là, kiên trì nguyên tắc tập thể lãnh đạo, tất cả các vấn đề quan trọng đều phải được thảo luận quyết định tại Hội nghị. Cán bộ tham dự cuộc họp được phát biểu tự do, được tranh luận với Xtalin, thậm chí phê bình đích danh Xtalin trên các tập san của Đảng. Tháng 12 năm 1931, trong lúc nói chuyện với tác giả người Đức Emil Ludwig, Xtalin đã nói: "Quyết định của cá nhân luôn luôn hoặc gần như là phiến diện... Từ kinh nghiệm của 3 cuộc cách mạng, chúng ta biết rằng, trong 100 quyết định cá nhân chưa qua sự xem xét và sửa đổi của tập thể, có khoảng 90 quyết định là phiến diện"1 (Xtalin: Tuyến tập, Sđd, quyển hạ, tr.300, 300-301). Ông còn nói, trong Ban Chấp hành Trung ương, "mỗi một người đều có thể sửa đổi ý kiến và kiến nghị cá nhân. Mỗi một người đều có thể nêu kinh nghiệm của mình. Nếu không như vậy, nếu để cho một cá nhân đưa ra quyết định, chúng ta sẽ phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong công tác. Bởi vì mỗi người đều có thể sửa đổi những sai lầm của người khác, bởi vì chúng ta coi trọng những sửa đổi này, cho nên những quyết định mà chúng ta đưa ra là tương đối chính xác"2 (Xtalin: Tuyến tập, Sđd, quyển hạ, tr.300, 300-301). Ai cũng biết, thời gian 10 năm này là thời kỳ đấu tranh quyết liệt nhất trong nội bộ Đảng Cộng sản (Bônsêvích) toàn Liên bang, các phe đối lập thường xuyên đưa ra ý kiến của mình tại các hội nghị của Đảng hoặc trên các tạp chí của Đảng. Cách giải quyết của Xtalin đối với phe đối lập là phù hợp với Điều lệ Đảng.


Thế nhưng, cùng với những tiến triển thuận lợi của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng với việc lần lượt đánh bại các thế lực của phe đối lập trong Đảng, uy tín của Xtalin ngày càng được tăng cao. Năm 1929, đã bắt đầu xuất hiện những bài nói, bài viết ngợi ca quá mức những công lao của Xtalin nhân dịp lễ mừng thọ 50 tuổi của Xtalin.


Sau Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng năm 1934, vị trí của Xtalin trong Đảng đã không còn bị lung lay, tiếng tăm của Xtalin không ai có thể so sánh. Vì vậy, Xtalin không tiếp tục khiêm tốn, thận trọng nữa, các nhược điểm trong tính cách của ông bắt đầu bộc lộ: thô bạo, bảo thủ, chuyên quyền, độc đoán. Trước tiên, các hội nghị của Đảng không được tổ chức định kỳ. Trong vòng gần 20 năm từ Đại hội Đảng lần thứ XVII (tháng 1 năm 1934) đến khi Xtalin qua đời (tháng 3 năm 1953) chỉ tổ chức hai lần Đại hội đại biểu và một lần Hội nghị đại biểu. Từ Đại hội XVIII đến Đại hội XIX cách nhau 13 năm. Tất nhiên, phải nhắc tới ảnh hưởng từ cuộc Chiến tranh vệ quốc thời gian này. Từ khi cuộc Chiến tranh vệ quốc kết thúc năm 1945 đến Đại hội XIX tổ chức năm 1952 cũng đã cách nhau 7 năm. Tiếp theo là nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị phá bỏ. Sau khi những người thuộc phe đối lập như Trotsky, Zinoviev, Bukharin... lần lượt bị đánh bại, Xtalin đã trở thành hóa thân của chủ nghĩa Lênin. Trong Hội nghị của Đảng không còn nghe thấy những ý kiến bất đồng, chỉ thị của Xtalin cũng chính là quyết định của Đảng. Trong bối cảnh đó, xung quanh Xtalin đã hình thành một nhóm người nịnh hót cầu danh, trục lợi, hủy hoại nghiêm trọng tác phong của Đảng Cộng sản. Những người này không nói lên sự thật, mà chỉ biết hưởng ứng hùa theo hoặc suy đoán ý đồ của Xtalin, nói những lời mà Xtalin thích nghe. Có một lần, trước đêm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XVIII, bè phái vây cánh, của Xtalin khen ngợi hết lời bản báo cáo mà Xtalin sẽ đọc trước Đại hội lần này. Xtalin đã nói: "Bản báo cáo mà tôi đưa cho các anh xem, tôi đã bỏ đi, các anh còn ở đó mà tán dương..., tôi đã chỉnh sửa lại toàn bộ bản báo cáo rồi!", điều này làm cho mọi người có mặt ở đó vô cùng xấu hổ. Lúc đó, Berlia không biết ngượng, lại còn nói rằng: "Nhưng bản báo cáo này đã thể hiện đầy đủ khả năng của đồng chí. Nếu đồng chí viết lại bản báo cáo này, có thể tưởng tượng rằng, bài báo cáo sẽ rất tuyệt vời!"1 (Woerkege Knopf: xtalin, Sđd, tr.456).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #146 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:42:40 am »

Chế độ tập trung quyền lực quá mức đã đi ngược lại nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong chế độ tập trung dân chủ. Trên thực tế, yêu cầu đa số phục tùng thiếu số thậm chí phục tùng cá nhân; dùng trí tuệ của cá nhân hoặc nhóm thiểu số thay thế cho trí tuệ của đa số dùng quyền lực thay thế cho chân lý tất yếu dẫn đến sai lầm trong quyết sách. Sai lầm quan trọng chủ yếu trong thời kỳ Xtalin ai ai cũng biết, ảnh hưởng của sai lầm này vô cùng sâu rộng.


Một là, làm lẫn lộn hai loại mâu thuẫn không cùng tính chất, thổi phồng tình hình địch trong Đảng, coi bạn là thù, trấn áp rất nhiều cán bộ của Đảng và Nhà nước. Sự trấn áp này không chỉ tước đi quyền dân chủ của các đảng viên cộng sản mà còn tước đi quyền sống của họ. Những cuộc trấn áp diễn ra trên quy mô lớn đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng về cán bộ trên các mặt trận Nhà nước, đặc biệt là sự thiếu hụt cán bộ lãnh đạo quân đội đã gây ra thiệt hại to lớn cho cuộc Chiến tranh vệ quốc.


Hai là, sự tự phụ của Xtalin đã khiến Liên Xô đánh giá không đầy đủ tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược của quân phátxít trong thời kỳ đầu của cuộc Chiến tranh vệ quốc, làm cho Hồng quân Liên Xô cũng như khối Đồng minh chịu nhiều tổn thất. Nói chung, Liên Xô đã có sự chuẩn bị trước cuộc tiến công của Hitler, nhưng đối với một cuộc tiến công thần tốc đến như vậy thì sự chuẩn bị đó là chưa đủ, từ đó khiến Liên Xô phải chịu nhiều tổn thất trong mấy tháng đầu của Chiến tranh vệ quốc.


Sau khi Khrushchev đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước Liên Xô, ông đã từng nhấn mạnh rằng cần khôi phục nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Nhưng đây chỉ là một thứ thuyết giáo giả dối, một khi ông ổn định được vị trí số một trong Đảng, ông cũng từng bước đi theo con đường tập quyền cá nhân, chấp nhận sự sùng bái cá nhân. Tác phong làm theo ý muốn, chuyên quyền độc đoán của Khrushchev được cả thế giới biết đến. Sự duy ý chí của ông đã gây ra nguy hại cho Liên Xô, có thể minh chứng bằng hai ví dụ sau đây.


Một là, vấn đề "Đảng Công nghiệp", "Đảng Nông nghiệp". Từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 11 năm 1962, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Hội nghị toàn thể. Bí thư thứ nhất Khrushchev đã có bài báo cáo trước Hội nghị với nhan để "Sự phát triển kinh tế của Liên Xô và lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế quốc dân", cho rằng cần phải cải tổ bộ máy lãnh đạo Trung ương và địa phương của Đảng theo nguyên tắc sản xuất: trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Ban Chấp hành Trưng ương các nước cộng hòa..., thiết lập Cục Trung ương chỉ đạo sản xuất công nghiệp và Cục Trung ương chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; trong tổ chức đảng cấp khu và bang biên giới, cũng lần lượt thành lập cấp ủy chỉ đạo sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng xóa bỏ các cấp ủy ở khu và bang biên giới vốn có. Hội nghị căn cứ vào đề nghị của Khrushchev thông qua nghị quyết tương ứng. Theo đó phân chia kết quả của Đảng công nghiệp, Đảng nông nghiệp từ trên xu ông dưới, sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bị phá vỡ, cơ cấu chồng chéo, hiệu quả làm việc thấp càng khuyến khích chủ nghĩa quan liêu. Quyết định sai lầm này đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ trên xuống dưới trong toàn Đảng, là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của Khrushchev.


Hai là, khủng hoảng Caribê. Tháng 5 năm 1962, Khrushchev nảy ra ý tưởng xây dựng cơ sở quân sự tại Cuba. Tháng 6, Liên Xô và Cuba thỏa thuận xây dựng cơ sở quân sự tại Cuba. Tháng 7, Liên Xô cho vận chuyển đến Cuba một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom phản lực IL-28. Dễ thấy rằng quyết định khinh suất này chưa tính toán đến hậu quả có thể xảy ra, chưa xem xét đến phản ứng đáp trả của Mỹ. Sau khi Mỹ biết được thông tin này, ngay lập tức có biện pháp đáp trả, tăng cường phong tỏa trên biển đối với Cuba, chặn các tàu của Liên Xô. Trước tình trạng bên bờ vực chiến tranh, Khrushchev buộc phải thu hồi các tên lửa đạn đạo. Việc làm này đầu tiên là chủ nghĩa mạo hiểm, sau đó là chủ nghĩa đầu hàng, đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy danh quốc tế của Liên Xô.


Trong thời gian đầu khi Brezhnev đảm nhiệm chức vụ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, do địa vị của ông chưa được củng cố, nên Liên Xô đã từng xuất hiện cục diện phân quyền "một cổ ba tròng". Theo thời gian, ông đã dần dần nằm giữ toàn bộ quyền lực của Đảng, Nhà nước và quân đội, tiếp nhận và cổ vũ sự sùng bái cá nhân dành cho mình. Với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, ông đã lần lượt nhận được giải Hòa bình Lênin, giải Văn học Lênin, 5 Huân chương Lênin và 2 Huy chương vàng Anh hùng Liên Xô. Đây không chỉ là hư danh nực cười, mà còn là chuyện có một không hai trong số các lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô. Ông còn được phong là nguyên soái của Liên Xô. Điều này chưa từng có tiền lệ trong thời kỳ xây dựng hòa bình. Trong lễ mừng thọ 70 tuổi của Brezhnev, báo Sự thật đã dành một chuyên mục ca ngợi công lao của ông. Ông không có tài năng tái thế như Xtalin, nhưng trong việc hô hào sự sùng bái cá nhân thì Xtalin không thể theo kịp.


Sau khi Brezhnev nắm giữ toàn bộ quyền lực của Đảng, Nhà nước và quân đội, ông không thèm lắng nghe ý kiến của các ủy viên khác trong Bộ Chính trị, xử lý các vấn đề đối nội, đối ngoại một cách chuyên quyền, độc đoán. Quyết định đưa quân đến Apganixtan là ví dụ điển hình nhất. Năm 1979, cuộc đấu tranh chính trị nội bộ tại Ápganixtan ngày càng trở nên căng thẳng. Lãnh đạo Ápganixtan đề nghị Liên Xô đưa quân đến viện trợ. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã họp bàn rất nhiều lần về vấn đề này, quyết định viện trợ kỹ thuật quân sự cho Ápganixtan nhưng không điều động quân. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 18 tháng 3 năm 1979, tất cả đều nhận định "không có bất cứ lý do nào để điều động quân". Vậy rốt cuộc, nguyên nhân nào khiến cho các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề đưa quân đến Ápganixtan? Tướng Liên Xô Lyakhovsky - người đã từng tham gia việc tổ chức cho quân Liên Xô rút khỏi Ápganixtan, cho rằng: "Đây là vì Brezhnev thay đổi thái độ. Trong một đất nước mà người lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, ngang ngược, người dân mù quáng phục tùng, thì tất cả mọi việc đều được quyết định bởi người đứng đầu đó. Những người khác hoặc là vì sự tồn tại hoặc là bảo vệ vị trí của mình không thể không im lặng mà nghe theo"1 ([Nga] Alexander Antonovich Lyakhovsky: Bi kịch cuộc chiến Ápgnixtan, Nxb. Văn hiến khoa học xã hội, 2004, tr.67, 71).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #147 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2022, 07:45:52 am »

3. Dân chủ hóa cực đoan đã phá vỡ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ

Tại Hội nghị toàn thể tháng 1 năm 1987 của Trung ương Đảng chủ yếu thảo luận các vấn đề cán bộ, Gorbachev mới lên nắm quyền không lâu đã đề ra khẩu hiệu "dân chủ hóa", cho rằng dân chủ là "thực chất của cải tổ", yêu cầu "đưa dân chủ hóa xã hội lên vị trí hàng đầu"2 (Trích từ Lý Cảnh Trị, Vương Chính Tuyền: Quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội, Nxb. Nhân dân Liêu Ninh, 2001, tr.447). Cũng cần phải chỉ ra rằng, "dân chủ hóa" mà Gorbachev khởi xướng khi bắt đầu vẫn là dân chủ có điều kiện. Nhưng cùng với những bước đi sai lầm của Gorbachev, giới hạn "dân chủ hóa" của ông ngày càng trở nên mơ hồ. Tại Hội nghị đại biểu Đảng lần thứ 19 tổ chức năm 1988, ông nói rằng: điều chúng ta cần là "dân chủ hóa vô điều kiện". Tại Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2 năm 1990, Gorbachev đề xuất: '"Nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ, và đặt trọng điểm vào dân chủ hóa và quyền lợi của quần chúng đảng viên"1 (Văn kiện Hội nghị toàn thể tháng 2 Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (từ ngày 5 đến 7-2-1990), Sđd, tr.4). Trong quan hệ cấp trên cấp dưới, đẩy mạnh "nguyên tắc tự trị" tổ chức đảng, trong quan hệ giữa Trung ương và địa phương, nêu Trung ương Đảng của các nước cộng hòa trong Liên bang không đồng ý với nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thì có thể không chấp hành. Điều này có nghĩa là Đảng Cộng sản Liên Xô không còn là một tổ chức chiến đấu với ý chí thống nhất và hành động thống nhất, tức là chỉ cần "dân chủ", không cần tập trung, cũng không cần pháp luật và kỷ luật. Nói cách khác, điều ông muốn thực hiện chính là "dân chủ" cực đoan theo chủ nghĩa vô chính phủ. Hình thức "dân chủ hóa" cực đoan này tất yếu dẫn đến sự lan tràn làn sóng tự do hóa tư sản.


Dưới sự cổ vũ của tư tưởng "dân chủ" cực đoan của Gorbachev, tiếng nói yêu cầu hủy bỏ chế độ tập trung dân chủ trong Đảng ngày càng mạnh mẽ. Họ cho rằng chế độ tập trung dân chủ và dân chủ là đối lập với nhau, coi chế độ tập trung dân chủ là nguồn gốc của mọi tiêu cực. Trên thực tế theo chủ trương của Gorbachev, các cơ quan của Đảng đã mặc nhiên đồng ý với sự phê phán này. Nghị quyết "Về sự thống nhất của Đảng" không còn có hiệu lực ràng buộc. Trong Đảng dần hình thành nhiều phe phái chính trị với cương lĩnh riêng của chính mình, phe "Cương lĩnh Dân chủ" do Yeltsin đứng đầu là một trong những phe phái hình thành lúc đó có tác động lớn nhất đến sự sụp đổ của Đảng. Báo cáo của Gorbachev tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVIII, tổ chức vào tháng 7 năm 1990, đã công khai phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng ''hiện tại tình trạng đòi xóa bỏ nguyên tắc này khỏi Điều lệ Đảng đang diễn ra Tất mạnh mẽ, bởi vì tất cả thực tiễn thời gian qua đã khiến cho nguyên tắc này mất đi tính chất tốt đẹp của nó"1 (Tổng tập tư liệu văn kiện chủ yếu Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, tr.44,152). Điều lệ mà Đại hội này thông qua đã chính thức xóa bỏ cách nói "Nguyên tắc chỉ đạo trong co câu tổ chức của Đảng, trong toàn bộ các mặt đời sống và hoạt động là nguyên tắc tập trung dân chủ", đồng thời thêm vào quy định "Đảng Cộng sản Liên Xô không cho phép thành lập các phe phái với những hình thức kỷ luật riêng trong nội bộ Đảng, nhưng cũng không hạn chế các đảng viên trong việc thực hiện quyền liên kết khi bàn luận"2 (Tổng tập tư liệu văn kiện chủ yếu Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, tr.44,152). Như thế sự tồn tại của các phe phái được hợp pháp hóa. Nguyên tắc tập trung dân chủ được coi là quy chuẩn trong đời sống nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô cùng với sự giám sát của Đảng đến đây chấm dứt hoàn toàn.


Cùng lúc đó, yêu cầu về việc thực hiện chế độ liên bang vốn đã im hơi lặng tiếng lại một lần nữa nổi lên. Khẩu hiệu này chủ yếu là do một số người vốn giữ quan điểm dân chủ chủ nghĩa trong Đảng đề ra. Trong thời kỳ đầu sau khi Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga thành lập, tức là tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng này, các thành viên của Liên minh Công nhân Do thái Lítva, Ba Lan và Nga đề xuất yêu cầu phân chia giai cấp theo các đặc trưng về văn hóa dân tộc, thực hiện chế độ liên bang trong Đảng, tức là yêu cầu các dân tộc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân một cách độc lập, phản đối việc thành lập một chính đảng thống nhất của giai cấp công nhân trên toàn nước Nga, các đảng của các dân tộc duy trì mối liên hệ với nhau, nhưng không chịu sự lãnh đạo của Trung ương Đảng. Nhờ sự kiên quyết phản đối của Lênin và các đại biểu khác, ý kiến này đã không được sự ủng hộ của đa số. Giờ đây, ý kiến này lại được đưa ra, đồng thời được Đại hội XXVIII chấp nhận. "Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô" do Đại hội lần này thông qua đã đặc biệt dành riêng một chương về "Đảng Cộng sản của các nước cộng hòa trong Liên bang", trong đó quy định "Đảng Cộng sản của các nước cộng hòa trong Liên bang là độc lập... Những nghị quyết mang tính nguyên tắc về vấn đề Đảng Cộng sản các nước cộng hòa trong Liên bang do Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đưa ra phải được thảo luận với sự tham gia của đại biểu toàn quyền của các Đảng Cộng sản các nước cộng hòa trong Liên bang. Nếu không đồng ý với nghị quyết đưa ra, Đảng Cộng sản các nước cộng hòa có quyền không chấp hành, đồng thời yêu cầu triệu tập Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc Hội nghị liên tịch giữa Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô để thảo luận những vấn đề còn tranh cãi". Cùng với quy định này, Đại hội XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô cũng điều chỉnh về mặt tổ chức, quy định "Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản các nước cộng hòa trong Liên bang là thành viên của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô"1 (Tổng tập tư liệu văn kiện chủ yếu Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, tr.154, 157).


Việc xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và sự gia tăng mạnh mẽ của các phe phái tất yếu sẽ đưa đến yêu cầu về chế độ đa đảng. Quá trình Yeltsin từ khi bắt đầu phản đối chế độ tập trung dân chủ cho đến khi đề xuất chế độ đa đảng đã minh chứng rõ ràng cho kết luận này. Phát biểu của ông tại Đại hội XXVIII là một ví dụ tiêu biểu. Ông nói: "Con đường tất yếu của các nước dân chủ là thực hiện chế độ đa đảng. Nước ta đang dần dần hình thành nên nhiều đảng phái khác nhau. Đồng thời, Đảng Cộng sản Liên Xô cũng buộc phải tiến hành những cải cách mang tính căn bản... Bắt buộc phải cố định các phe phái với cương lĩnh khác nhau hiện có trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô, để cho mỗi một đảng viên cộng sản có thời gian tự mình đưa ra quyết định chính trị. Tôi tin chắc rằng, đại đa số các đảng viên bình thường sẽ đem tiền đồ của Đảng gửi gắm cho phe dân chủ"1 (Tổng tập tư liệu văn kiện chủ yếu Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII Đảng Cộng sản Liên Xô, Sđd, tr.459).


Cho đến thời điểm trước cuối năm 1989, Gorbachev vẫn là một người phản đối chế độ đa đảng. Tại Hội nghị đại biểu lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Liên Xô, ông nói: "Gần đây chúng ta nhiều lần gặp phải tình trạng lợi dụng quyền dân chủ để đạt được các mục đích phản dân chủ. Có người cho rằng như vậy sẽ có thể giải quyết được mọi vấn đề - từ việc thay đổi biên giới cho đến thành lập các đảng đối lập. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng hành vi lạm dụng dân chủ hóa là mâu thuẫn căn bản với bất kỳ nhiệm vụ nào của công cuộc cải tổ, đi ngược với lợi ích của nhân dân". Tháng 1 năm 1990, tại Lítva, Gorbachev nói: "Tôi cho rằng thực hiện chế độ đa đảng không hẳn là bi kịch, nêu chế độ đa đảng là kết quả của tiến trình lịch sử chính đảng và phù hợp với yêu cầu xã hội"2 (Tham khảo Vương Chính Tuyền (Chủ biên): Đại sự ký Liên Xô - Đông Âu, Sđd, tr.232). Đây là lần đầu tiên Gorbachev thể hiện thái độ cởi mở đối với chế độ đa đảng. Tháng 3 năm 1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô căn cứ kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ Điều 6 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, bổ sung quy định "Đảng Cộng sản Liên Xô, các chính đảng khác cùng với Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể, phong trào quần chúng khác thông qua các đại biểu Xôviết đại diện nhân dân do chính mình lựa chọn cũng như các hình thức khác để tham gia vào việc hoạch định chính sách của nhà nước Xôviết, quản lý các công việc của nhà nước và xã hội"1 ("Về việc thiết lập chức vị Tổng thống và Luật Bổ sung sửa đổi Hiến pháp", Báo Sự thật, ngày 16 tháng 3 năm 1990). Từ đây, chế độ đa đảng có được địa vị hợp pháp tại Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành Đảng nghị viện.


Xóa bỏ chế độ tập trung dân chủ, thực hiện chế độ liên bang trong Đảng và chế độ đa đảng trong nước là ba tròng siết trên cổ Đảng Cộng sản Liên Xô, đưa Đảng này đến chỗ chết.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #148 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 07:50:18 am »

II. ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ

Đường lối cán bộ là bộ phận câu thành quan trọng của đường lối tổ chức. Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô là tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng vằ phân bổ cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng cầm quyền thể hiện trên hai phương diện sau: một là, hoạch định cương lĩnh chính trị và đường lối chính trị; hai là, tổ chức thực hiện cương lĩnh và đường lối đã được hoạch định đó. Hoạch định cương lĩnh và đường lối cần nhân lực, tổ chức thực hiện cương lĩnh và đường lối cũng cần nhân lực. Vì vậy, vấn đề cán bộ là vấn đề hạt nhân trong việc điều hành và xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Liên Xô.


1. Đường lối cán bộ của Lênin

Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đều luôn coi trọng vấn đề cán bộ, đặc biệt là từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành đảng cầm quyền, vấn đề cán bộ càng trở nên quan trọng đối với Đảng Cộng sản Liên Xô. Các kỳ đại hội đại biểu đều thảo luận vấn đề cán bộ, mỗi một thế hệ lãnh đạo Đảng đều có nhiều phân tích, trình bày về vấn đề này.


Tư tưởng và nguyên tắc cơ bản trong đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô là do Lênin vạch ra. Tuy rằng, cùng với sự tiến bộ của thời đại, nội dung của công tác cán bộ có thêm nhiều phát triển phong phú, nhưng tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo của nó luôn nhất quán, không thay đổi.


Không lâu sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Lênin đã chỉ rõ và nhấn mạnh: "Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia đến từ các ngành khoa học, kỹ thuật và các lĩnh vực công tác thực tế, thì việc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là không thể, bởi vì chủ nghĩa xã hội yêu cầu quảng đại quần chúng tự giác tiên đến năng suất lao động ở mức cao hơn chủ nghĩa tư bản trên nền tảng mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được. Chủ nghĩa xã hội nên dựa theo phương thức của chính mình, dùng biện pháp của mình - hay nói cụ thể là dùng phương pháp Xôviết - để thực hiện sự tiến lên này"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.34, tr.160-161).


Nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười là một quốc gia có nền kinh tế chính trị, văn hóa đều tương đối lạc hậu. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Đảng Bônsêvích vô cùng rối ren và nan giải, cán bộ có kiến thức, có chuyên môn, có kinh nghiệm quản lý đều rất hạn chế. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VIII của Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga, Lênin đã nghiêm túc chỉ ra: "Nếu cho rằng chúng ta chỉ bằng đôi bàn tay trắng của những người cộng sản, không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia tư sản mà có thể xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, thì đó là một cách nghĩ ấu trĩ"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.36, tr.128-129).


Lênin hết sức quan tâm đến vấn đề tầng lớp lãnh đạo ở Trung ương. Ông viết: "Toàn Đảng bắt buộc phải bồi dưỡng những người có đủ khả năng, trình độ cho Đảng một cách hệ thống, dần dần, kiên trì và nhẫn nại, cần phải nắm rõ như lòng bàn tay những người được lựa chọn để đảm nhiệm các chức vụ cấp cao, thậm chí phải nắm được những đặc trưng riêng của họ, ưu và nhược điểm của họ, thành công và thất bại của họ"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.8, tr.88). Trong thời gian lâm bệnh, Lênin vẫn canh cánh không yên về vấn đề tầng lớp lãnh đạo Trung ương. Ông yêu cầu các bác sĩ mỗi ngày dành cho ông 5 phút, với nghị lực phi thường vượt lên trên cả tính mạng, ông đã nói để các bác sĩ ghi lại "Thư gửi Đại hội đại biểu"3 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.337-340, 110). Nội dung của bức thư này ai cũng biết. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, những đề xuất Lênin nói trong bức thư không được thực hiện hết. Nhưng sự coi trọng của Lênin đối với vấn đề cán bộ lãnh đạo của Đảng thể hiện trong bức thư lại rất đáng để thế hệ sau suy nghĩ và học tập.


Đường lối cán bộ của Lênin bao gồm một tập hợp các nguyên tắc về việc tuyển chọn cán bộ, sử dụng cán bộ và bồi dưỡng cán bộ. Lênin nói: "Mấu chốt của toàn bộ công việc là tuyển chọn nhân tài và kiểm tra tình hình thực hiện"4 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.337-340, 110). Lênin nhấn mạnh cần phải xuất phát từ thực tiễn, khảo sát và lựa chọn cán bộ trên 3 phương diện là tố chất chính trị, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Trong Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, Lênin viết: "Chúng ta đi con đường của chúng ta, cố gắng trân trọng và nhẫn nại để kiểm tra và phân biệt những nhà tổ chức chân chính, tức là những người có đầu óc tỉnh táo và năng lực thực tế, họ vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội vừa giỏi lặng lẽ (mà có thể loại bỏ sự xì xào đồn đại) khiến cho nhiều người kiên trì, đồng tâm hiệp lực công tác trong phạm vi tổ chức Xôviết. Chỉ có những người như vậy, trải qua nhiều thử thách, để họ đảm nhận từ chức vụ đơn giản nhất đến chức vụ khó khăn nhất, sau đó mới nên đề bạt vào cương vị phụ trách trong việc lãnh đạo lao động quốc dân và công tác lãnh đạo quản lý"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.36, tr.236-237).


Lênin đặc biệt coi trọng việc phát hiện nhân tài trong dân chúng. Người cho rằng, "trong dân chúng, tức là trong những công nhân và trong những nông dân không bóc lột lao động của người khác, có rất nhiều người có tài năng tổ chức", chúng ta nên phát hiện, động viên, hỗ trợ, đề bạt họ.


Lênin vô cùng coi trọng việc sử dụng cán bộ hợp lý. Trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới, một vài thương nhân lợi dụng phi pháp thời cơ làm những việc gây tổn hại đến lợi ích của quần chúng nhân dân, khiến người dân cảm thấy bất mãn. Lênin chỉ rõ: "vấn đề then chốt là sắp xếp nhân lực không thỏa đáng, những đảng viên cộng sản đã từng làm cách mạng rất xuất sắc thì bị chuyển sang lĩnh vực công thương nghiệp mà họ không biết một tí gì, họ che đậy để người khác không nhìn ra chân tướng sự việc, bởi vì những người buôn bán không có đạo đức và những kẻ lừa đảo đều ẩn nấp một cách thông minh sau lưng họ"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.109).


Lênin cho rằng, một cơ quan tốt thì phải có sự phân bổ hợp lý cán bộ thuộc nhiều loại hình khác nhau. Khi nói về những ứng cử viên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Lênin nói: "Tốt nhất là làm cho cơ chế này phong phú, đa dạng về thành viên, trong cơ chế này chúng ta nên tìm cách kết hợp các tố chất và các ưu điểm khác nhau lại với nhau"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.384, 287).


Lênin vô cùng coi trọng công tác bồi dưỡng và giáo dục cán bộ. Ngay từ năm 1911, Lênin đã cho thành lập tại vùng gần Pari một trường cán bộ Bônsêvích, và đích thân đảm nhiệm nhiệm vụ giảng dạy chính ở đó. Ngôi trường này đã bồi dưỡng rất nhiều cán bộ ưu tú cho cách mạng, trong số đó có Ordzhonikidze.


Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, nhiệm vụ "giành lại nước Nga" cơ bản hoàn thành, nhiệm vụ "quản lý nước Nga", "xây dựng nước Nga" được đưa vào chương trình nghị sự, nhiệm vụ sau nan giải và phức tạp hơn nhiệm vụ trước. Lúc này, vấn đề mấu chốt nhất, khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu hụt cán bộ có kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm. Chính quyền Xôviết, ngoài việc giữ lại hàng trăm nghìn quan lại, viên chức cũ của chính phủ Sa hoàng và xã hội giai cấp tư sản, còn tích cực thi hành các biện pháp để bồi dưỡng cán bộ của mình. Lúc đó, nhiều trường học, lớp bồi dưỡng Xôviết, các trường trung học công nông cấp tốc được xây dựng, thu hút được mấy trăm nghìn thanh niên theo học. Tác phẩm nổi tiếng "Bàn về nhà nước" của Lênin chính là bài giảng tại trường Đại học Cộng sản mang tên Xvéđlốp (Sverdlov). Người còn kêu gọi toàn Đảng học tập, "chúng ta cần lợi dụng mọi giai đoạn không đánh nhau, không chiến tranh để học tập, không những vậy mà còn phải học từ đầu"2 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.384, 287).


Công tác giám sát và kiểm tra cán bộ là mấu chốt quan trọng trong công tác cán bộ, là biện pháp quan trọng để lựa chọn cán bộ. Về vấn đề này, Lếnin đã có nhiều chỉ thị. Người nói: "Thông qua biện pháp triệu tập và thanh tra triệt để các cơ quan tại Mátxcơva cũng như tại các tỉnh, để đích thân tìm hiểu một số lượng nhất định viên chức Xôviết, không chỉ cần hiểu rõ những viên chức cấp cao mà còn phải hiểu rõ những viên chức cấp trung và cấp thấp để khảo sát và lựa chọn nhân tài, đồng thời thực sự cải thiện các cơ quan Xôviết"1 (Lênin: Toàn tập, Sđd, q.43, tr.148).
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #149 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2022, 07:51:57 am »

2. Những vấn đề trong công tác cán bộ

Tuy Lênin đã vạch ra đường lối đúng đắn cho Đảng Cộng sản Liên Xô, trong lịch sử các lần Đại hội đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô đã đề cập vấn đề cán bộ cũng như đưa ra nhiều nghị quyết rất hay, nhưng xoay quanh những nghị quyết này tồn tại không ít vấn đề trong việc thực thi và trong thực tiễn, chủ yếu là chủ nghĩa hình thức trong công tác giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, tư tưởng chủ quan trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ cũng như chủ nghĩa thực dụng trong công tác sát hạch và đánh giá cán bộ.


Thứ nhất, chủ nghĩa hình thức trong công tác giáo dục và bồi dưỡng cán bộ

Khách quan mà nói, các đời lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đều rất coi trọng công tác giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, và hơn nữa còn đạt được nhiều thành tích nổi bật. Có rất nhiều kênh giáo dục và bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô, ngoài giáo dục trong trường phổ thông ra, từ Trung ương đến địa phương đều có các trường đảng cũng như các trường bồi dưỡng cán bộ hoặc các lớp huấn luyện dưới nhiều hình thức khác nhau. Cho đến đêm trước cải tổ của Gorbachev, các ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Trung ương các nước cộng hòa tự trị, Bí thư Khu ủy biên cương, Bí thư Tỉnh ủy đều đã trải qua hai loại hình giáo dục bậc cao, tức giáo dục bậc cao phổ thông và giáo dục trường đảng, trong đó, trên 70% trải qua giáo dục chuyên ngành kỹ thuật công trình, giáo dục chuyên ngành nông nghiệp hoặc giáo dục chuyên ngành kinh tế; trong các bí thư thành ủy và khu ủy, trên 90% đã trải qua giáo dục bậc cao, trên 60% trải qua giáo dục chuyên ngành kỹ thuật công trình, giáo dục nông nghiệp hoặc giáo dục chuyên ngành kinh tế, đại đa số đều học tập tại các trường đảng ở các nước cộng hòa tự trị, các khu vực biên cương vả các tỉnh. Chế độ luân phiên huấn luyện cán bộ trình độ cơ bản đã được thiết lập, về cơ bản thực hiện được việc huân luyện luân phiên 5 năm một lần đối với mỗi cán bộ.


Thế nhưng, trong công tác giáo dục và bồi dưỡng cán bộ vẫn tồn tại chủ nghĩa hình thức nặng nề. Từ phía người dạy, tồn tại chủ nghĩa giáo điều nghiêm trọng và phương pháp dạy học "nhồi vịt". Các trường giáo dục bậc cao của Liên Xô thường xây dựng chương trình học chủ nghĩa Mác - Lênin, các trường đảng ở mọi cấp bậc cũng coi việc truyền thụ chủ nghĩa Mác - Lênin là nhiệm vụ chủ yếu. Tuy nhiên, những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin này chỉ nằm trên sách vở, không liên hệ với thực tiễn xã hội Liên Xô; nếu có liên hệ thực tế thì cũng là nhắc lại những nguyên tắc truyền bá đã thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, không có bất cứ sự giải thích kỹ càng nào. Như thế chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành bùa hộ thân cho các nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những giảng đường dạy về chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành những trận địa tuyên truyền nghị quyết của Đảng. Trước tình hình đó, người ta không cần phải xem nghị quyết của Trung ương Đảng có phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin hay không, chỉ cần tin tưởng vào sự đúng đắn của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thì nghị quyết của Trung ương chính là sự vận dụng cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ phía người học, những người tự giác học tập không phải là không có, nhưng rất nhiều người đến trường học là bởi vì buộc phải chấp hành quy định hoặc là vì muốn khoe mẽ, muốn tăng cường đầu tư chính trị cho sự thăng tiến về sau. Tuy họ hoàn thành việc học, có được bằng cấp này nọ nhưng năng lực lãnh đạo không hề được nâng cao. Vì vậy, khi các lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô từng bước đưa Đảng tới con đường diệt vong, đại đa số cán bộ không có khả năng nhạy cảm chính trị, cũng không có năng lực dự phòng và kháng cự, có những cán bộ đã trở thành những người đi đầu trong việc hủy diệt Đảng Cộng sản Liên Xô. Yakovlev, người từng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sụp đổ Đảng Cộng sản Liên Xô, là một ví dụ tiêu biểu. Yakovlev tốt nghiệp Viện Khoa học xã hội Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1960, từng đảm nhiệm chức Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Người Cộng sản - ấn phẩm về lý luận của Trung ương, phụ trách công tác ý thức hệ trong thời kỳ Gorbachev nắm quyền, là Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng. Yeltsin cũng trải qua quá trình giáo dục của Đảng giống như vậy. Trong tự truyện của mình, ông có nói đã từng "đọc hết quyển này đến quyển khác các tác phẩm kinh điển của Lênin, Mác và Ăngghen"1 (Yeltsin tự truyện, Nxb. Đông Phương, 1991, tr.47). Sự thay đổi của những người như Yakovlev và Yeltsin cho thấy sự thất bại của chế độ giáo dục và bồi dưỡng cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Xem ra, việc giáo dục bồi dưỡng không tính đến hiệu quả thực chất, không nói ra sự thật, thiếu đi nhiệt tình lý tưởng, không chỉ vô nghĩa mà còn gây tổn hại thêm đến tác phong Đảng, tác phong học tập, gây ra sự dao động mạnh mẽ trong niềm tin và lý tưởng của đông đảo cán bộ.


Thứ hai, chủ nghĩa chủ quan trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ.

Tất cả các Điều lệ Đảng trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đều quy định rõ ràng tổ chức các cấp của Đảng được hình thành thông qua bầu cử, những người lãnh đạo của Đảng bắt buộc phải báo cáo công tác định kỳ lên Đại hội Đảng viên, Hội nghị đại biểu đảng viên hoặc Đại hội đại biểu đảng viên đã bầu ra họ và chịu sự giám sát của các tổ chức này. Trên thực tế, ứng cử viên của Đảng ủy các cấp đều được quyết định trước bởi cấp trên, bầu cử chỉ là thực thi một số quy trình theo luật định. Còn khi lãnh đạo cấp trên quyết định ứng cử viên của Đảng ủy cấp dưới, thường thường không phải là căn cứ vào ý kiến của quần chúng và của đông đảo đảng viên, mà là căn cứ theo ấn tượng và sự yêu ghét chủ quan của họ; một vài người thậm chí còn có ý nâng đỡ chỗ thân tín, lôi bè kết phái. Vì vậy, người phụ trách chủ chốt của tổ chức đảng các cấp cũng như ban, ngành chủ quản công tác tổ chức có vai trò quyết định đối với việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Khrushchev đã viết trong hồi ký của mình: "Ban đầu tôi nghĩ sự thăng tiến trong Đảng của tôi tại Mátxcơva là nhờ có Kaganovich, nhưng rất nhanh tôi phát hiện ra rằng, sự thăng tiến đó là nhờ vào vai trò của bản thân Xtalin nhiều hơn là Kaganovich. Hiển nhiên Xtalin đã chú ý đến tôi thông qua người vợ Nadezhda Sergayevna Alliluyeva của ông. Bà ta ca ngợi tôi trước mặt Xtalin, thế là Xtalin liền bảo Kaganovich giúp đỡ tôi"1 (Hồi ký Khrushchev, Nxb. Đông Phương, 1988, tr.73).


Trong hồi ký của mình, Gorbachev cũng có nói về "nhân tố Andropov" trong sự nghiệp chính trị của mình: "Tôi nghĩ Andropov đã có nhúng tay vào sự thăng tiến của tôi, nhưng ông ta chưa bao giờ thể hiện bất cứ dấu hiệu gì với tôi". Gorbachev cũng nhắc đến lý do Brezhnev đề bạt ông giữ chức Bí thư Trung ương Đảng mà trước đó Chernenko nói cho ông biết: "Xuất phát điểm của Leonid Ilyich Brezhnev là anh đứng về phía ông ta, trung thành với ông ta. Ông ta rất coi trọng điều nay"2 (Thuật Thao (biên dịch): Hồi ký Gorbachev, Sđd, quyển thượng, tr.5,13).


Bất luận là trình độ tư tưởng và năng lực công tác như thế nào thì phẩm chất cá nhân của Khrushchev và Gorbachev so với những người cùng thời đều không phải là xuất chúng. Họ có thể leo lên đỉnh cao quyền lực không phải là nhờ vào năng lực cá nhân mà là nhờ vào những thủ đoạn đầu cơ thăng tiến. Những lãnh đạo cao nhất vào lúc đó đã sai lầm khi coi họ là "người của mình". Trong thời gian Khrushchev theo học tại Viện Công nghiệp Mátxcơva, nội bộ Đảng đang diễn ra đấu tranh kịch liệt, ông đã kiên định đứng về phe Xtalin, tuyên bố rõ ràng phản đối phe cánh hữu. Những sự việc này đã đến tai Xtalin thông qua vợ ông và Kaganovich, khiến Xtalin có những đánh giá sai lầm. Gorbachev lại tận dụng ưu thế có nhiều cơ hội tiếp xúc với các lãnh đạo ở Trung ương, nhiệt tình săn đón họ, từ đó được họ yêu mến. Bài học kinh nghiệm về việc chọn người, dùng người của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng là một tài sản quý báu của những người cộng sản cầm quyền.


Thứ ba, chủ nghĩa thực dụng trong sát hạch và đánh giá cán bộ.

Sát hạch và đánh giá cán bộ là một phần quan trọng trong công tác quản lý cán bộ, là công việc mang tính nền tảng trong tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Trong thực tiễn mấy mươi năm của công tác quản lý cán bộ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tích lũy được không ít kinh nghiệm, từng bước hình thành nên một chế độ sát hạch và đánh giá cán bộ chặt chẽ, trong đó bao gồm nội dung, phương pháp và quy trình sát hạch, đánh giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều người thường xuyên áp dụng chủ nghĩa thực dụng. Phương pháp và quy trình đánh giá cán bộ trở thành công cụ để thực hiện ý đồ của người lãnh đạo. Đối với cán bộ mà lãnh đạo vừa ý, những nhược điểm của anh ta có thể được bỏ qua, coi như không thấy, hoặc to biến thành nhỏ, thậm chí nhược điểm có thể biến thành ưu điểm; đối với cán bộ và lãnh đạo không vừa ý, nhược điểm của họ sẽ bị khuếch đại lên, còn ưu điểm của họ thường bị lờ đi, thậm chí ưu điểm và nhược điểm đổi chỗ cho nhau. Không dừng lại tại đó, một vài cán bộ rõ ràng phạm phải sai lầm hoặc phạm tội nghiêm trọng, nhưng vì lãnh đạo tin yêu nên sẽ được bỏ qua. Ví dụ: báo chí Liên Xô từng tiết lộ một câu chuyện xảy ra tại tỉnh Arkhangelsk vào những năm 1970 như sau: Có một giám đốc nhà máy tên là Romanov cùng với vợ của ông ta - một chủ tiệm buôn và nhà hàng - đã ép công nhân nộp một phần lương tháng cho giám đốc và cấp dưới của ông để đổi lấy hàng hóa đắt, ép những người sống trong khu nhà trọ phải lao động nghĩa vụ tại vườn hoa và vườn cây ăn quả của bọn họ, nhưng hàng hóa mà bọn họ bán tính ra chỉ đáng hơn nửa giá một chút. Năm 1974, một người công nhân đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy và nhiều tờ báo phản ánh sự vi phạm của đôi vợ chồng này. Những thứ này đều được chuyển tới Khu ủy. Kết quả là đôi vợ chồng bạo ngược này không bị xử tội, còn người viết thư lại bị khép "tội phỉ báng". Những cán bộ cũng vi phạm như thế lại được đề bạt, trọng dụng, được coi là ví dụ "điển hình", "mô phạm" xuất hiện đầy rẫy trên báo chí Liên Xô.


Giáo dục và bồi dưỡng, tuyển dụng và đề bạt, sát hạch và đánh giá cán bộ là những khâu quan trọng trong toàn bộ công tác cán bộ, chúng vừa liên kết với nhau lại vừa ảnh hưởng lẫn nhau. Chủ nghĩa hình thức trong công tác giáo dục, bồi dưỡng, chủ nghĩa chủ quan trong tuyển dụng, đề bạt cùng với chủ nghĩa thực dụng trong sát hạch, đánh giá đều xuất phát từ chế độ tập trung, quan liêu, là kết quả của việc phá bỏ chế độ tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Tầm nguy hại của vấn đề không chỉ nằm ở bản thân công tác cán bộ, mà quan trọng hơn là gây tổn hại đối với uy tín của Đảng, gây nên sự không tin tưởng của đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng, dẫn đến sự lạnh nhạt đối với các nghị quyết và chỉ thị của Đảng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM