Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:23:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sao Mai  (Đọc 20856 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #140 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:46:06 am »

Con chó ngao chồm lên sủa một tiếng dữ tợn, tan lao vào Trống Choai. Nhưng tiếng huýt sáo của Sáu Vằn đã giữ nó lại.

— Thằng nhóc! Lát nữa mày sẽ được đi bàn chông!

Trống Choai cắn môi đến chảy máu. Đầu anh muốn vỡ tung ra. Anh giận mình bất lực. Ta làm gì được bây giờ? Chửi mắng chúng ư? Không ích lợi gì! Đập phá ư? Một mình ta tay không mà chúng có những năm sáu thằng. Vậy chịu khuất phục ư? Không! Không bao giờ! Chỉ mới nghĩ đến hai chữ ấy đã là điều nhục nhã không thể chịu nổi! Trống Choai lục tìm trong ký ức: Ở trường hợp như ta, anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Trần Thị Lý đã làm gì? Hát!! Vậy thì ta hát. Ừ! Hát cho chúng biết tay ta! Hát như chị Võ Thị Sáu ra pháp trường ấy!

Nhưng hát bài gì nhỉ! Trống Choai thấy ân hận vò cùng vì hàng ngày đã không chú ý học thuộc mấy bài cho ra trò. Bài nào Trống Choai cũng chỉ láo nháo nhớ một vài câu. Ta phải hát bài gì thật hùng tráng, giống như những ngọn roi quật vào mặt chúng.

Anh chợt nhớ ra, liền cất cao giọng:

... Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng!
Vùng lên! xông pha vượt qua bão bùng!
Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng...


Thật không ngờ! Tiếng hát ồ ồ của Trống Choai đã như một liều thuốc mạnh tiếp sức cho cô gái. Giữa lúc mấy tên đao phủ há hốc mồm ra vì ngạc nhiên, cô gái đã cất cao đầu, mắt sáng long lanh, cất tiếng hát theo:

Cầm gương, ôm súng, xông tới!...

— Câm ngay!

Sáu Vằn chồm dậy, hầm hầm, sẵn chiếc roi da trong tay, thẳng cánh quật xuống đầu Trống Choai. Tiếng roi rít lên, một vệt máu ứa ra, vẽ thành một đường chéo từ trán xuống một bên má.

... Chúng ta cùng quyết tiến bước!
Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước!...


Bất chấp tiếng roi vun vút, hai tiếng hát, một trong vắt, một ồ ồ quyện vào nhau, rung lên, hùng tráng giữa căn phòng nồng tanh mùi máu người.

— Câm ngay! Bóp cổ chúng nó lại!

Thằng Sáu Vằn gầm lên, lồng lộn dữ tợn như con chó ngao của nó.

Một người lính hiện ra trước cửa buồng:

— Báo cáo ngài đại tá!

Sáu Vằn trừng mắt:

— Sao

— Báo cáo! Ngài đại tá tham mưu trưởng yêu cầu cho giải tên tù cộng sản gặp ngài!

— Ngay bây giờ?!

— Dạ! Ngay bây giờ!

Sáu Vằn vứt chiếc roi da, rút khăn lau tay, hất hàm cho mấy tên đao phủ:

— Tạm hoãn tối nay! Ngày mai chúng bay phải bắt cho được tên Việt cộng đó khai ra nghe! Thời gian tao mượn được nó về đây sắp hết rồi!

Hắn quay lại người lính, phẩy tay:

— Đưa thằng này lên gặp ngài tham mưu trưởng!

Hắn huýt sáo đi ra. Con chó ngao cũng chồm lên theo chủ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #141 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:48:19 am »

Người lính dẫn Trống Choai đi qua những lối hẹp giữa mấy hàng rào thép gai ra khỏi trại giam, rồi đi ra con đường rải nhựa, đến trước ngôi nhà một tầng có ánh sáng xanh dịu của đèn nê-ông. Qua ánh đèn, Trống Choai ngờ ngợ nhìn khuôn mặt non nớt, gầy gò của người linh. Anh bỗng nhớ ra chính là người đã nói chuyện với anh hôm bị dẫn từ núi Hồng Linh về đây. Tên anh ta là Vừng.

Vừng ngước nhìn bộ mặt tím bầm của Trống Choai khẽ hỏi:

— «Ông» bị «oánh» đau lắm hả?

— Đau!

— Có khai báo gì chưa?

— Có gì mà khai?! Khai hết từ hôm về rồi!

Vừng ngó người tù binh chỉ trạc tuổi mình, ngẫm nghĩ hồi lâu:

— Tôi nói thiệt: tôi rất phục những người như anh.

— Anh đi lính ngụy, ăn lương Mỹ mà lại phục những người như tôi ư?

Vừng thở dài, bặm môi lúng búng:

— Đi lính ngụy cũng mỗi người một hoàn cảnh. Tôi có thù oán gì với các anh đâu?

Trống Choai nghiêm mặt nhìn kỹ vẻ tiều tụy của người lính, hơi cảm động về câu nói chân thành của anh ta:

— Vậy anh còn ở đây làm gì? Sao không chạy ra vùng Giải phóng hay về nhà làm ăn?

— Về nhà sao được hả anh? Đất trời này, chui lủi đâu cho thoát bị bắt lại! Lại còn liên lụy đến họ hàng ruột thịt, như chị tôi...

— Chạy ra hàng Quân giải phóng đi. Anh sẽ được đối xử tốt.

Trống Choai bỗng nhớ lại những điều đã được học về chính sách đối với quân ngụy, quên phắt rằng chính mình đang còn bị cầm tù.

Hai tên lính gác đeo súng ngắn chặn hai người lại trước bậc thềm. Trống Choai bị dẫn vào căn phòng cách đây mấy hôm anh đã ngồi nói chuyện với tên Mỹ có cặp lông mày vàng hoe như hai con sâu chuối.

Tên tham mưu trưởng đã ngồi sẵn trên một chiếc ghế bành. Cạnh đó, có một tên sĩ quan, anh nhớ ra là tên đã nói với anh hôm mới vào đây bằng lời lẽ ngọt nhạt.

Khác hẳn với lần trước, tên tham mưu trưởng tiếp anh với một vẻ niềm nở. Hắn đặt hộp thuốc Phi-líp trước mặt anh, lấy giọng ôn tồn:

— Tôi rất quý trọng anh về sự dũng cảm và lòng trung thành. Anh còn rất trẻ, chết thì uổng quá! Nên tôi muốn hỏi anh vài điều. Nếu anh nói thiệt, tôi lấy danh dự quân nhân, trả lại tự do cho anh tức khắc.

Trống Choai bình tĩnh hỏi:

— Ông còn muốn hỏi gì nữa?

Tên tham mưu trưởng phì ra một đám khói từ hai lỗ mũi rộng huếch, giọng mơn trớn:

— Anh bạn trẻ, tôi muốn cứu anh. Tôi không thể tin anh chỉ là du kích và chỉ có ba người trong núi Hồng Linh. Anh hãy nói thiệt đi: Có phải là Đặc công, hay trinh sát của sư đoàn Trường Sơn được phái vào đây để điều tra phá hoại hoặc chuẩn bị chiến trường không? Tôi biết chắc là như thế!

«Thằng cáo già! Mày biết chắc sao còn hỏi!» — Trống Choai cười thầm, rồi làm bộ ngớ ngẩn:

— Ông nói Đặc công với Trường Sơn chi chi, tôi không hiểu.

— Đừng giả vờ, anh bạn trẻ ạ! Tôi biết anh từ vùng Giải phóng thâm nhập vào vùng lãnh thổ của Việt Nam cộng hòa...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #142 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:49:17 am »

Trống Choai cắt ngang:

— Ông nói nghe lạ tai quá! Làm gì có lãnh thổ riêng của các ông? Chỉ có một miền Nam Việt Nam bị các ông rước Mỹ về xâm lược, thì có!

Tên tham mưu trưởng vẫn nhẫn nại:

— Giọng điệu của anh là do cộng sản nhồi sọ đó! Nhưng thôi ta không nói chuyện chánh trị ở đây. Tôi chỉ muốn hỏi riêng anh một điều: Đặc công các anh vào đây bao nhiêu và định hành động ra sao? Tôi sẽ giữ kín cho anh và cam đoan trọng thưởng hai chục ngàn và trả tự do ngay sau đây một giờ!

Trống Choai vẫn một mực:

— Ông nghĩ lầm đấy! Có lẽ ông quá sợ Đặc công nên mới hiểu ra vậy chăng?

Tên tham mưu trưởng cố nén giận, đứng lên, rút mùi xoa lau trán:

— Tôi để cho anh suy nghĩ hơn thiệt. Anh còn trẻ lắm, cần khôn ngoan hơn để sống.

Hắn hất hàm cho tên sĩ quan tâm lý chiến đeo lon thiếu tá rồi đi ra.

Tên thiếu tá giở đủ ngón tâm lý chiến ra. Liền trong một giờ, hắn lải nhải giải thích rằng quốc gia Việt Nam cộng hòa của bọn hắn có chánh nghĩa, có đường lối cách mạng tân tiến, được thế giới công nhận, rằng cộng sản là một lũ phiến loạn, cướp của giết người, chuyên khủng bố cá nhân, cả đời chỉ náu trên rừng, ăn rau, ăn củ đến mọc đuôi ra… và hắn khuyên anh nên «hối cải về với chánh phủ quốc gia». Hắn kết luận bài thuyết giảng bằng một giọng say sưa, pha chút mơ mộng:

— Chỉ cần anh nhận rõ chánh nghĩa mà tự giác nói ra sự thật. Một cuộc đời nhung lụa sẽ đến với anh: Vợ đẹp, con khôn, mặc sức tiêu sài. Hoặc là anh còn được gửi sang Huê Kỳ du học thành nhân tài xây dựng xứ sở...

Trống Choai thấy buồn ngủ. Nghe đến câu cuối cùng, anh bỗng phì cười:

— Nhờ sự giúp đỡ hào hiệp của Huê Kỳ mả miền Nam ta, con trai biết cầm súng đánh thuê cho Mỹ, con gái biết làm đĩ cho Mỹ, và bao nhiêu trẻ con lai Mỹ nhan nhản đường phố chớ gì?!

— Cút! Đ. mẹ thằng nhóc con! Ông đã nói tử tế cạn lẽ còn không chịu nghe! Mày cố chết đừng trách, con ạ!

Tên sĩ quan tâm lý chiến kết thúc bài diễn văn bằng một câu côn đồ như vậy, rồi hầm hầm đừng lên:

— Lính đâu! Dẫn nó về trại giam!

Trên đường về, vẫn người lính ban nãy áp giải anh. Trống Choai vừa đi. vừa kiểm điểm lại xem mình đã nói những gì. Anh nhớ lại từng câu một và thấy yên tâm. Anh lấy làm ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình lại có thể đối đáp với chúng đàng hoàng như vậy? Khi còn ở «nhà» với anh em, Trống Choai vốn không được lưu loát khi học những bài chính trị. Hoài Châu vẫn phê bình anh không tập trung tư tưởng. Thế mà giờ đây, một mình anh, giữa nanh vuốt quân thù, anh đã cư xử đúng như Đảng và Đoàn đã dạy... Anh đã không làm hoen ố danh dự và truyền thống của đơn vị. Anh vẫn là người chiến sĩ cách mạng.

— Họ không «oánh» anh chứ?

— Không! Họ còn cho uống nước đường. Nhưng tôi không mắc.

Vừng thở dài:

— Sao mà các anh hiên ngang làm vậy!

Trống Choai liền quả quyết nói ra điều mà anh đã nghĩ từ lúc người lính dẫn anh đến đây:

— Anh Vừng này! Nếu anh giúp tôi thoát khỏi đày, cách mạng sẽ không quên anh. Hay là anh cùng trốn ra với tôi! Anh đi lính ngụy mà mẹ anh bị thiêu chết vì bom Mỹ! Anh không nhớ thù, không biết trả thù ư? Hãy chạy sang hàng ngũ Quân giải phóng. Đấy là lối thoát duy nhất. Nhanh lên kẻo muộn rồi đỏ!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #143 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:51:14 am »

2

Sáng hôm sau, trong khi Vừng vác súng đi lại trước buồng giam thì thượng sĩ Tiềm đến kiểm tra.

Sau trân cận núi Hồng Linh, có kẻ nào đó đã mật báo cho Sâu Vằn về tình trạng tinh thần chiến đấu của Tiềm. Một ngày trước khi hắn được thăng cấp đại tá, Sáu Vằn gọi Tiềm lên và bảo:

— Vừa qua, chú có nhiều chiến tích, cố gắng như vậy là rất tốt. Ta đã tưởng nhớ đến công lao của chú hồi ở với ta, nay thăng cấp thượng sĩ cho chú. Xét thấy chú không được khỏe mạnh để xông pha trận mạc ta chuyển chú về làm trại trưởng trại giam của trung đoàn. Chú phải rán sức làm tròn công vụ. Ta thưởng cho chú năm ngàn để xài đó. Sướng chưa?

Bằng thủ đoạn xảo quyệt đó, Sáu Vằn nghĩ rằng hắn một lần nữa tỏ ra cao tay. Vừa ngăn ngừa được sự phản chiến bất trắc có thể xảy ra ở đại đội 3, vừa tước quyền chỉ huy đại đội của Tiềm mà hắn đã không còn tin cậy nữa, lại vừa được tiếng là người rộng lượng.

Một ngày sau khi thượng sĩ Tiềm về nhận chùm chìa khóa các buồng giam, Vừng cũng được điều về làm lính canh tù, ở cùng với mấy tên lính gác cũ đã khét tiếng vì tàn ác và vì những hành động đầu trộm đuôi cướp của chúng trước khi được tuyển vào quân dịch.

Tiềm nhìn qua chấn song sắt, rồi hỏi tên lính có vóc người to bè, tóc xoăn tít, cặp môi dầy như hai con đỉa trâu và hai con mắt ngỗ ngược:

— Người tù già tối qua mang lên phòng tra đâu rồi?

Tên lính ngoác mồm ra, nhăn nhở:

— Nó đã «hy sanh vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa» rồi còn đâu!

Đột nhiên, Tiềm nổi xung lên, giang thẳng tay tát bốp vào cái mặt to phè của tên lính, quát:

— Mày nói với cấp trên như vậy hả?! Lễ tiết quân kỷ để đâu?

Tên lính bị cái tát bất ngờ, há hốc mồm ngạc nhiên vì gặp phải tay xếp mới xem ra còn hắc gấp mấy nó. Nó lập tức ưỡn ngực, nện gót giày đánh «rộp»:

— Thưa ông thượng sĩ! Theo lệnh ngài cố vấn, đại tá đã cho thủ tiêu hồi hai giờ sáng hôm qua tại phòng tra. Hắn là một cán bộ quan trọng của cộng sản nằm vùng.

— Thủ tiêu ra sao? Mày làm ư?

Tên lính tỏ ra tự đắc:

— Thưa ngài thượng sĩ, hắn không chịu nổi quả đấm thôi sơn thứ mười của tôi. Hắn yếu quá rồi!

— Sao mày không trình báo cho tao biết khi lấy tù?

Nhìn cặp mắt dữ tợn của viên xếp mới, tên ác ôn cũng thấy chột dạ. Hắn xòe bàn tay to bè, có những ngón như quả chuối mắn:

— Tôi chỉ thừa hành mạng lệnh! Tôi đang canh gác, thì đại tá Sáu cho người đến, lấy tù và ra lệnh cho tôi đi theo. Tôi tưởng ngài thượng sĩ đã biết.

— Được rồi! Cút đi!

Thượng sĩ Tiềm cau mặt, hất hàm ra lệnh cho tên lính, rồi bước đến gian buồng bên cạnh. Vừng trông thấy liền đứng nghiêm, giọng vui vẻ:

— Xin chào thượng sĩ!

— Vẫn khỏe mạnh chứ, anh bạn?

Tiềm bất tay Vừng rồi hỏi:

— Người tù trẻ tuổi vẫn còn khỏe chứ?

— Vẫn khỏe cả phần xác lẫn phần hồn, thượng sĩ a!

Tiềm nghé mắt nhìn vào buồng giam. Trong bóng tối mờ mờ, anh thấy người chiến sĩ Việt cộng đang đứng trước cửa tò vò có chấn song sắt nhìn ra ngoài, quay lưng lại phía anh. Hình như anh ta đang hát:

Sông núi reo ca người anh hùng Thành đồng Tổ quốc
Nguyễn Văn Trỗi, người công nhân thành phố Sài Gòn...


Tiềm lắng nghe trọn bài hát, rồi ra lệnh cho Vừng mở khóa. Cánh cửa sắt kêu rít lên. Trống Choai quay lại lặng lẽ nhìn Tiềm và Vừng bước vào, không nói.

Giọng Tiềm không có chút gì ác cảm:

— Chào anh Việt cộng! Tôi cũng mừng khi thấy anh vẫn khỏe.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #144 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:52:36 am »

Trống Choai chăm chú nhìn người mới vào, dè dặt đáp:

— Chào ông. Tôi trông ông hơi quen. Hình như ông có tham gia trận càn của quân ngụy ở núi Hồng Linh?

— Có thể! Anh nhớ lâu nhỉ!

— Hình như ông mới được thăng cấp. Chắc là ông giết được nhiều người lắm hả?

Trống Choai gườm gườm nhìn viên thượng sĩ, vẻ thù địch hiện rõ rệt trên khóe mắt.

Thượng sĩ Tiềm xua tay, giọng chua chát:

— Anh lầm đấy! Tôi chưa hề nổ một phốt súng nào trong trận càn.

Vừng cũng lên tiếng xác nhận:

— Đúng như vậy đó! Thượng sĩ và tôi thật ra chưa bắn phát nào vào Quân giải phóng.

Tìềm lại hỏi:

— Anh nghĩ thể nào về những người cầm súng trong quân đội cộng hòa?

Trống Choai thấy mình không nên gây gổ với hai người nầy. Họ có khác những tên lính kia nhiều. Câu hỏi của viên thượng sĩ khiến anh thận trọng. Anh lục trong trí nhớ xem mình đã có lần học về vấn đề này. Lấy vẻ nghiêm chỉnh, anh nói dõng dạc:

— Chúng tôi biết rằng nhiều người trong các ông bị cưỡng bức và lừa gạt. Nhiều người lính trong quân đội ngụy cũng có khổ có thù với bọn xâm lược Mỹ và lũ tay sai bán nước ở Sài Gòn. Chúng tôi không vơ đũa cả nắm.

Thượng sĩ Tiềm lộ vẻ cảm động và buồn bã. Câu nói thẳng thắn của người tù binh, thêm một lần nữa đã như một mũi kim chích đúng chỗ đau khổ và uất giận của anh. Chao ôi! Sao người lính cộng sản này còn trẻ quá mà lại sớm hiểu biết được tình cảnh những người như ta!

Hình ảnh người vợ trẻ bị lột trần truồng nằm chết trước căn nhà của bọn bình định lại một lần nữa chập chờn hiện ra. Những âm thanh của những tiếng cười sặc sụa mùi rượu của những tên Mỹ nào đó bỗng vang động và đập mạnh vào tai anh khiến anh thấy chóng mặt.

Đột nhiên, Tiềm bước đến bên Trống Choai, hai bàn tay lạnh ngắt run rẩy nắm lấy bàn tay nóng hổi của người tù:

— Cảm ơn anh Việt cộng à... anh Giải phóng! Anh đã hiểu cho tôi. Bọn tôi không có thù chi với các anh đâu.

— Tôi hiểu phần lớn các anh bị cưỡng bức và mê hoặc.

Tiềm nói rất thật tình:

— Bọn tôi đã có lúc có tội với đồng bào. Nhưng sau đó chúng tôi hiểu ra sự thật, cũng biết ân hận. Các anh có chính nghĩa. Vì vậy bao giờ các anh cũng có đồng bào ủng hộ, bao giờ các anh cũng có sức mạnh.

— Đã vậy tại sao các anh không phản chiến? —Trống Choai hăng hái, quên phắt mình đang bị cầm tù.

Có tiếng ồn ào ngoài cửa. Mấy tên lính có dáng điệu nghênh ngang tò mò nhìn vào. Thượng sĩ Tiềm bèn quát lớn:

— Muốn khỏi chết thì phải tự giác mà khai báo cho rồi! Còn ngoan cố thì đừng hòng ra thoát nơi đây đâu!

Mấy tên lính đi khỏi, Tiềm trở lại vẻ từ tốn:

— Bọn tôi chưa có thời cơ thuận lợi.

Trống Choai nghĩ đến đội Sao Mai. Đến lúc này, chắc chắn anh em mình đã bám quanh đây. Liệu anh em đã vào được các mục tiêu chưa? Chắc là rồi! Có nghĩa là anh em ta sắp đánh. Căn cứ này sẽ tan tành. Liệu ta có thể sống sót đến khi ấy chăng? Ta có thể trốn thoát được để tìm về với anh em chăng? Anh em còn nhớ ta không? Có tìm cách để giải thoát cho ta không? Nhưng điều quan trọng là anh em ta sẽ tấn công. Trống Choai sôi nổi hẳn lên:

— Các ông hãy mau chạy sang hàng Quân giải phóng. Thời cơ cũng đến rồi! Chậm nữa thì e muộn.

— Thôi được, anh cứ yên tâm. Sẽ không có tên nào ngược đãi anh nữa đâu!

Tiềm bước ra ngoài, xẵng giọng ra lệnh cho Vừng:

— Phải canh chừng kỹ tên Việt cộng này! Hắn là ngoan cố lắm đó!

Chờ cho tên lính ác ôn lúc nãy đi qua, Tiềm thấp giọng thở dài:

— Họ có lý tưởng chân chính. Mà bọn ta thì cũng chỉ muốn sống làm người lương thiện.

Vừng liền kể lại câu chuyện đêm qua của người tù binh lại nơi làm việc của tên tham mưu trưởng. Giọng anh ta xúc động:

— Anh ta cũng mười tám tuổi như tôi mà sao gang thép làm vậy? Bây giờ ta tính sao đây, thượng sĩ?

— Phải giúp đỡ anh ta! Cũng như người con gái ở sông An Hòa. Đó cũng là cách ta lập công để trở về với chánh nghĩa. Mình sẽ tìm hỏi thêm một vài người ở ngoài kia. Có lẽ bà cụ Đàm có thể giúp ích được chăng?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #145 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:55:00 am »

3

Chiều hôm ấy, bà mẹ Đàm cố gắng làm xong việc giặt giũ ở nhà con vợ ba Sáu Vằn thật sớm. Khoảng bốn giờ, bà mẹ lên phòng ngủ của ả. Ả đang ướm thử mấy chiếc áo mới, hàng Ấn Độ mới may. Mùi nước hoa hảo hạng sực nức.

— Thưa bà, già đã làm xong việc, trong người thấy không được khỏe, xin bà cho nghỉ sớm một chút.

Ả đang phởn phơ nên tỏ ra dễ dãi:

— Được! Cho bà già về, nhưng sớm mai phải đến sớm hơn nghe! Tối nay tôi và đại tá bận đi dự tiệc trên ngài cố vấn Hốp-kin.

Trên đường về, bà mẹ Đàm chẳng còn lòng dạ nào để ý đến những tiếng quát nạt của bọn lính ở mấy trạm gác. Lòng mẹ lâng lâng, quên hết mọi nỗi sầu muộn của bao ngày nhẫn nhục hầu hạ kẻ thù, bấy lâu nay vẫn đè nặng lên tâm hồn bà. Cả ngày hôm nay, một cái gì ngây ngất như men say khiến bà bồn chồn, chuếnh choáng. Đôi bàn tay già nua ngập trong bồn nước ngầu bọt xà phòng, nhưng đầu óc bà cứ xốn xang, rối bời cả lên, đến nỗi anh đầu bếp hỏi bà đến mấy lần bà cũng không nghe thấy.

Tối qua, giữa lúc mẹ Đàm đang ngồi lọm cọm ăn miếng cơm nguội trước bếp lửa thì Hai Đích vào, cao giọng:

— Chà! Bà già nấu cơm sao ít quá vậy! Nhịn ăn dành gạo tiếp tế cho Việt cộng hả?

Mẹ Đàm ra bộ khép nép:

— Ông hạ sĩ nói giỡn vậy chớ! Mụ già này kiếm được chút gạo ăn từng này là rán lắm rồi!

— Tôi đến tìm bà lên trụ sở ban chỉ huy có chút việc!

Mẹ Đàm giật mình, đặt bát cơm:

— Trời! Tôi làm điều chi mà các ông lại muốn đọa đày tôi nữa chăng?

— Tôi đâu biết cái việc cấp trên. Lâu lâu thì người ta cũng phải thẩm tra mấy nhà biển đỏ chớ!

Mẹ Đàm lập cập và nuốt miếng cơm, nhấc chiếc ấm sành sứt vòi tu một ngụm trà lạnh ngắt, giúi vào tay Hai Đích mấy lọ thuốc Pê-ni-xi-lin rồi cúm rúm theo anh ra ngoài.

Trời tối như bưng lấy mắt. Mưa phùn lâm thâm. Mẹ Đàm rùng mình vì ngọn gió lạnh buốt, khép chặt vạt áo lại, khoanh tay trước ngực.

Hai Đích không dẫn bà lên trụ sở dân vệ, mà lại đưa bà về thẳng nhà mình. Anh đã bố trí cho hai đứa nhỏ sang chơi bên hàng xóm, còn vợ anh thì bí mật canh gác dưới bếp.

Bằng một giọng hết sức trang trọng, Đích cầm lấy bàn tay nhăn nheo của bà mẹ:

— Mẹ ơi! Mẹ sắp được đổi đời rồi!

Mọ Đàm mở hé con mắt đã mờ trong bóng đêm:

— Anh nói sao? Mẹ ấy ư?!

— Đúng đó mẹ ạ! Mẹ sắp hết khổ nhục rồi!

— Anh nói rõ cho mẹ nghe đi! Trời ơi!

Bà mẹ nghẹn ngào, người run lên.

Trong gần nửa giờ, Hai Đích đã nói cho mẹ Đàm biết rất vắn tắt rằng bộ đội ta sắp về đánh căn cứ Phượng Hoàng và diệt trừ bọn ác ôn. Thằng Sáu Vằn cũng là một thằng ác ôn, lần này phải trừ cho được.

Bà mẹ lẳng lặng ngồi nghe, cứ ngỡ mình đang chiêm bao. Chao ôi! Vậy ra điều mơ ước của bà từ mười mấy năm nay đã tưởng là hão huyền nay lại sắp thành sự thật được ư? Nỗi căm hờn của bà chồng chất tựa non cao, biển rộng lại sắp đến lúc được rửa sạch ư? Kẻ thù của bà, những kẻ đã chặt đầu con trai bà, đã mổ bụng con gái bà giữa lúc nó sắp đến ngày sinh đẻ, những kẻ đã đánh đập bà đến thành tàn tật, đã săn đuổi đứa con còn sót lại của bà để nó phải phiêu bạt đi mãi nơi nào, kẻ đã phá tan hạnh phúc mới nhen của niềm hy vọng cuối cùng của đời hà, kẻ đã ép buộc bà phải đi làm tôi đòi cho vợ con chúng, những kẻ ăn trên ngồi trốc, bưng đít Mỹ... lại sắp đến ngày phải xuống địa ngục ư? Vậy ra ở chốn sào huyệt giết người này, ánh sáng đã sắp tràn đến rồi ư? Vậy ra những lời cách mạng dặn bà đã sắp thành sự thật rồi ư?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #146 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:56:30 am »

Bà mẹ rạo rực thấy mình như người được hồi sinh. Mẹ cười, nhưng nước mắt lại tuôn ròng:

— Con ơi! — Bà mẹ run rẩy — Nói cho mẹ biết, mẹ phải mần chi?

Hai Đích vẫn điềm tĩnh:

— Đừng khóc mẹ ạ! Bao giờ kẻ thù bị tiêu diệt hết, mẹ hãy khóc. Còn bây giờ thì phải cứng rắn tựa thép gang. Mẹ phải làm gì ư? Mẹ hãy rán sức tập trung ít gạo để tiếp tế cho bộ đội. Anh em đang thiếu. Mẹ phải tuyệt đối bí mật và theo dõi thằng Sáu Vằn xem nó có về đấy, để chỉ cho bộ đội. Sau nữa mẹ phải tìm cách nào để có thể giấu được một hai người của bộ đội ta ban ngày trong trường hợp cần thiết. Nhà mẹ không có hầm nhỉ? Có cái bồ bịch nào không? Thế thì được rồi đó!

Mẹ Đàm bấy giờ mới dám hỏi ra cái điều day dứt nhất của mình:

— Anh có nhận được tin gì của thằng út không? Hắn chừ ở mô?

Đích vẫn giấu bà mẹ Đàm về chuyện Hoài Châu đã về đây.

Trong cuộc sống gần như tuyệt vọng của bà, anh không muốn làm đứt nốt sợi chỉ hy vọng mỏng manh còn vương lại. Và Đích lại nhớ đến lời căn dặn rất tha thiết và nghiêm khắc của Hoài Châu «chớ nói gì cho mẹ tôi, biết là tôi sắp về! Bà cụ sẽ quýnh lên và làm lộ chuyện».

Anh thấy Hoài Châu đã quá lo xa và có thể hiểu chưa đúng bà mẹ. Nhưng... như vậy có lẽ cũng tốt hơn. Rồi bà cụ sẽ biết. Ta dành cho bà cụ phút bất ngờ hạnh phúc đó.

Đích không nỡ nói điều gì có tính chất cự tuyệt với bà mẹ. Anh nói chung chung:

— Rồi Út Châu sẽ về! Tôi được tin là hắn vẫn khỏe và tiến bộ dữ lắm! Hắn vẫn gửi lời thăm hỏi mẹ đó. Vì bận không viết thơ đó thôi.

Một tia hy vọng làm gương mặt héo hắt của bà sáng lên trong đêm. Bà mỉm cười, lau vội giọt nước mắt:

— Tổ cha hắn! Chẳng biết có còn nhớ tới mụ già này không?

Suốt đêm đó, bà mẹ Đàm lại không ngủ. Đôi mắt, chong chong, bà lần nhớ lại tất cả những kỷ niệm mừng vui và đau khổ trong cuộc đời sóng gió của bà. Lần nào cũng vậy, bóng dáng Út Châu, đứa con yêu thương duy nhất còn lại của bà, niềm an ủi cuối cùng của đời bà lại trở về, gần gũi và quấn quýt lấy tâm hồn bà. Khi thì bà thấy Út Châu, bé nhỏ, còm cõi trong bộ quần áo đen bạc phếch, mặt mũi đen nhẻm bụi than, đang cùng bà vẩy nước lên lớp cây đã bị thui đen và cặm cụi sàng những cục than mới ra lò. Bụi than khiến hai mẹ con gần như nghẹt thở. Bụi than bay vào kẽ mắt, lỗ tai, lỗ mũi... Khi thì bà thấy Út Châu còng lưng dưới gánh than quá nặng đang dò dẫm từng bước ra bến Tầm Dương để bán cho các chủ thuyền buôn, đổi lấy vài chục đồng đong gạo trong ngày. Khi thì bà thấy Út Châu, lụi hụi đào hầm đặt chông. Rồi mìn nổ, những tiếng súng. Nhưng hình ảnh sâu đọng nhất trong trí não bà là khi Út Châu đứng bên xác chị nó. Nó không lăn khóc như bà, mà mặt nó chỉ tái xám đi và cặp mắt của nó đỏ nọc lên, rất dữ dội. Nó kéo áo bà và nói, giọng nó khàn đặc đi: «Mẹ ơi, đừng khóc! Khóc chỉ làm cho thằng Sáu Vằn càng sướng trong bụng. Con sẽ trả thù cho anh, cho chị!». Rồi nó vào du kích, nó đánh chông, gài mìn. Rồi nó thoát ly lên huyện, lên tỉnh. Một năm nó chỉ về làng có một đôi lần. Lần cuối cùng cách đây đã tám năm. Tám năm, từng tháng, từng ngày, bà ngóng tin con. Bà sống vì những tin đó, lúc mơ hồ, khi rõ rệt, nhưng thực là quý giá với bà giống như khí trời với người bệnh.

Và bây giờ, thì chính Hai Đích đã chẳng nói với bà «rồi Út Châu sẽ về» đó sao? Bộ đội ta sắp về, nhưng Út Châu của bà có sắp về thật không?

Nghĩ miên man, bà càng nhớ con, lại càng tự hào vì con. Gai nhọn từ bé, Út Châu của bà đã ít nói mà gan góc từ hồi nhỏ. Nó nối được chí cha, theo gót anh chị nó và còn làm được nhiều hơn, còn đi xa hơn anh chị nó...

Mẹ Đàm thở dài, lẩm bẩm:

— Út ơi! Con mau về với mẹ! Các con về cứu mẹ!

Và chiều nay, như có linh tính mách bảo, mẹ Đàm thấy bồn chồn, nóng ruột quá. Mẹ cặm cụi giặt đống khăn trải giường, trải bàn như một cái máy rồi bà xin được về sớm.

Về đến nhà bà sục ngay thạp gạo ước lượng xem còn được bao nhiêu. Bà dự định chỉ để lại hai lon sữa bò, còn bao nhiêu bà đổ cả vào trong tay nải chờ Đích đến mang đi. Chỗ ấy cũng được mươi lon. Của ít lòng nhiều, nhưng nó là tấm lòng của bà. Bà tin rằng còn có nhiều người nữa cũng làm như bà, và anh em sẽ không phải đói.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #147 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2022, 09:57:35 am »

Bà lúi húi nhóm lửa. Khi nồi cơm đang sôi thì có tiếng đập cửa nghe dè dặt. Tiếng người hỏi ngoài sân:

— Cụ đã về rồi ư?

Bà mẹ Đàm quay ra. Thượng sĩ Tiềm khom lưng qua khung cửa bước vào:

— Chào cụ! Cụ còn nhớ con không?

Bà mẹ bỡ ngỡ nhìn người khách không mời mà đến:

— Chú là chú Tiềm phải không?

— Dạ!

Bà mẹ đã nhớ ra:

— Tôi nhớ ra chú rồi! Nghe nói chú được đổi ra cầm quân thăng tiến mau chóng lắm mà?

Tiềm buồn bã nói nho nhỏ:

— Vâng! Nhìn vẻ bề ngoài thì có như thế. Nhưng… có ở trong chăn mới biết chăn có rận.

Bà mẹ Đàm vốn không có ác cảm với người lính này… Từ khi đến làm mướn ở nhà con vợ ba Sáu Vằn, bà mẹ để ý, trong mấy thằng lính vẫn thường bám theo chủ nó, chỉ có anh này là còn có chút lương tâm. Anh ta không ăn nói tục tằn, không đánh bạc, không ẩu đả và nhất là anh ta không bao giờ chửi rủa, nạt nộ bà.

Sau mấy phút ngập ngừng trước thái độ thăm dò, ướm ý của bà, bằng một giọng nhỏ nhẻ, thượng sĩ Tiềm đã lần lần kể cho bà nghe câu chuyện người lính Việt cộng trong tù. Anh cũng kể cho bà nghe những nỗi băn khoăn của mình trước con đường đôi ngả. Cuối cùng anh nói bằng một giọng chán nản:

— Cháu tự nhìn thấy những điều ngang trái ở đời. Cháu thấy chẳng chỉ riêng cụ có khổ có thù, chẳng cứ gì anh tù binh Giải phóng ấy có thù, mà ngay đến người lính chúng cháu cũng có bao người phải chịu cảnh tan cửa nát nhà bởi người Mỹ và mấy ông chóp bu ở Sài Gòn.

Ngồi nghe người lính nói, bà mẹ Đàm như càng tăng thêm sức mạnh Hóa ra nỗi thống khổ và sự oán thù không phải chỉ đè nặng lên những người như bà mà còn đè nặng lên số phận cả những người đã đổ máu đánh thuê cho bọn Mỹ và bọn bán nước. Những bọn này, từ những đứa ngồi ở Sài Gòn đến những thằng đang xưng hùng xưng bá ở trong cái ổ giết người đây, chẳng bao giờ có được điều nhân nghĩa với người nghèo mà lại có thêm những điều tàn ác. Chúng không trừ một ai, từ người đối địch với chúng đến những người đi hầu hạ chúng.

Bà mẹ nhìn cái lon thượng sĩ trên vai áo người lính, sực nhớ đến câu chuyện, của vợ chồng Sáu Vằn khi nói với nhau trong buồng ngủ mà đã có lần bà tình cờ nghe được, đúng vào hôm anh này đến chào vợ chồng nó và khi ra anh ta cũng không quên chào bà. Bà liền kể lại câu chuyện đó cho người lính nghe.

Gương mặt thượng sĩ Tiềm đờ ra vì kinh ngạc và sau cùng thì đỏ bừng lên. Anh mím môi ngồi im một lát, rồi âm thầm:

— Cháu đa tạ tấm lòng của cụ. Như vậy cháu đã hiểu rõ hoàn toàn câu chuyện về cái chết thảm thê của vợ cháu và cháu đã hiểu rõ bụng dạ của Sáu Vằn. Hắn mưu hại cháu không được, lại chèn ép cháu, mà cháu lại mang ơn hắn. Cháu phải tính toán chuyện này với hắn.

Bà mẹ Đàm bỗng thấy tự tin mãnh liệt trước sự bối rối của người lính. Trước đây bà vẫn cho rằng mình chẳng am hiểu gì và nhất nhất cái gì cũng phải nhờ cậy vào Hai Đích. Vậy mà lúc này có người đến hỏi bà. Bà phải nói với anh ta thế nào đây?

— Chú Tiềm à! Chú hãy mau tìm đường mà về với cách mạng. Làm cái nghề của chú, nó bạc đức lắm. Cái hang ổ này của họ cũng chẳng bền vững chi đâu! Trước sau bộ đội cũng về. Tôi e rằng, đến lúc đó, chú nghĩ ra thì lỡ muộn rồi chăng? Chú hãy tìm cách nào giúp anh bộ đội ra thoát tù ngục, và những bà con lương thiện khác nữa. Đó cũng là cái vốn của chú về với cách mạng, mà cũng là để cái phúc cho con cái về sau này!

Thượng sĩ Tiềm cúi đầu; lặng lẽ suy nghĩ.

— Chú hãy đưa anh bộ đội ra ngoài này cho tôi. Tôi sẽ giới thiệu chú với một người. Người đó sẽ chứng nhận cho chú.

Tiềm đứng dậy, vẻ thoải mái:

— Cháu đa tạ cu, Thế nào rồi cháu cũng quay về với cách mạng. Cũng chỉ một sớm một chiều thôi. Bây giờ cháu phải về,

Người lính khom lưng đi ra. Bấy giờ bà mẹ Đàm mới nhìn đến bếp. Lửa đã tắt ngấm từ lâu.

Lúc ấy là năm giờ chiều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #148 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 09:17:25 am »

Chương mười sáu

1

Cuộc họp chi bộ trưa nay có tầm quan trọng khác thường. Trước đó, chi ủy đã dành cả buổi sáng để tập hợp tình hình lần cuối cùng về kết quả trinh sát của hai ngày đêm, về những vấn đề nội bộ và chuẩn bị đưa ra chi bộ một phương án chiến đấu phù hợp.

Bí thư chi bộ Vũ Hoài Châu, thay mặt chi ủy, báo cáo trước mười hai đảng viên. Anh báo cáo về nhiệm vụ yêu cầu chung của chiến dịch và riêng của đội Sao Mai, nói sâu về căn cứ Phượng Hoàng, những khó khăn, thuận lợi, và sau cùng là quyết tâm của chi ủy.

Không khí cuộc họp thật sôi nổi. Mọi đảng viên đều hiểu rằng nhiệm vụ của mình rất trọng đại, rằng cuộc họp này là cái chốt, là mục đích của toàn bộ cuộc hành quân.

Mọi người vây quanh sa bàn căn cứ Phượng Hoàng, tai nghe, mắt nhìn theo chiếc que dài trong tay Hoài Châu đang di động tiên các mục tiêu, rì rầm bàn cãi.

Mấy vấn đề nêu ra được thảo luận và nhất trí rất nhanh. Nhưng đến khi bàn về sử dụng lực lượng thế nào thì nảy ra những ý kiến tranh cãi.

Hồ Oanh nhấn rất mạnh vào một nguyên tắc chiến thuật mà xưa nay anh vẫn coi là «sức mạnh tuyệt diệu của đơn vị»:

— Phải đem toàn bộ lực lượng đành một đòn phủ đầu chớp nhoáng quyết định. Cho đến lúc này, chưa có dấu hiệu gì tỏ rằng bọn địch đã đánh hơi thấy chúng ta. Hiệu suất của ta sẽ rất cao. Chúng sẽ bị quỵ ngay từ những phút đầu, việc đó sẽ tạo nên một ảnh hưởng lớn cho chiến địch.

Ý kiến này như gãi đúng chỗ ngứa của những đảng viên trẻ tuổi nhất. Ai cũng biết rằng họ đều muốn là những người được vào Phượng Hoàng ngay từ đêm đầu. Văn Chấn cũng hăm hở:

— Ai biết được những chuyện gì sẽ xảy ra những đêm sau một khi ta đã chọc vào cái tổ ong này. Chi bằng tập trung sức lực, đập nát nó ngay một lần.

Đạm, phân đội phó phân đội Ba, cũng hăng hái:

— Tất cả các mục tiêu đều phải đánh ngay, không thể «trách bị cầu toàn». Chiến sĩ ta trăm người như một đều có thể tung cả vào trận đánh.

Vi Văn Minh cũng đứng về «phái đánh nhanh». Anh thường phát biểu sau mọi người, theo đuổi một ý nghĩ rất riêng biệt mà các đảng viên trẻ tuổi ở phân đội chiến đấu không mấy ai chịu nghĩ đến tuy nó là vấn đề sờ sờ trước mắt:

— Từ hồi tết Mậu Xuân đến nay, lần nào đơn vị ta cũng đánh nhanh, rút nhanh mà giành được hiệu suất rất cao. Lần này ta độc lập thọc sâu, hậu phương ở xa, Bộ chỉ huy chưa phải ngày một ngày hai chi viện cho ta được. Nếu đánh kéo dài, ta càng mất yếu tố bất ngờ, việc giải quyết thương binh, thêm khó khăn và gay nhất vẫn là vấn đề ăn uống. Bộ đội chưa đánh đã phải lo ăn từng ngày, từng bữa.

Văn Chấn lại nói tiếp:

— Đánh một đòn thật mãnh liệt làm cho chúng phải rối loạn, nhân đó mới có cơ hội tìm được Trống Choai. Nếu để lâu, tôi e chúng sẽ giết hại. Mà để xảy ra tình trạng ấy, thì thật là có lỗi với đồng chí của ta.

Oanh lại bổ sung thêm vào lập luận của mình:

— Trong này địch đông tới hai nghìn. Giặc nhiều ta ít, phải nhân lúc chúng bất ngờ, mà đánh rát một trận thì ta ít lại hóa nhiều, yếu lại hóa mạnh...

Vương Văn Khiêm suy nghĩ rất kỹ trước khi nêu chính kiến mình trước một cuộc họp như lần này. Anh thấy lập luận của các đồng chí không phải không có những chỗ hợp lý. Đánh bất ngờ, mãnh liệt, giáng một đòn quyết định rồi rút nhanh, đó vẫn là lối đánh sở trường của đơn vị này. Ngoài ra còn những lý do về lực lượng có hạn, chọc vào một sào huyệt lớn, rồi còn những sự câu thúc về hậu cần... Với cảm tính lúc đầu, anh tán thành ý kiến của các đồng chí. Nhưng suy nghĩ kỹ, anh lại thấy lập luận của chi ủy là có căn cứ. Ý kiến anh em là xuất phát hoàn toàn từ kinh nghiệm, từ những vấn đề nội bộ. Nhưng hãy đặt câu hỏi: Cấp trên phái ta lặn lội, vượt qua bao nhiêu khó khăn trở ngại để vào đây, có phải chỉ yêu cầu ta muốn đánh thế nào tùy ý cũng được không? Rõ ràng là hoạt động của ta phải căn cứ vào yêu cầu của trên, phải phối hợp với hoạt động của toàn chiến dịch, phải phụ thuộc vào nó và do nó chi phối. Ta phải khắc phục những khó khăn của ta, Anh nói:

— ... Tôi nghĩ rằng chi ủy đã cân nhắc kỹ và có lý. Đánh dài ngày thì ta gặp nhiều khó khăn. Với tình cảm và nguyện vọng của từng anh em chúng ta, tôi cũng muốn như các đồng chí vừa nói. Nhưng thật ra chúng ta đứng trong đội hình chiến dịch, ta phải phục tùng ý đồ chiến dịch.

«Đó là một ý kiến khôn ngoan!» — Trần Nông ngồi xếp bằng tròn trước sa bàn, nhìn Vương Văn Khiêm bằng ánh mắt vui vẻ. Trần Nông còn nhớ như in buổi sinh hoạt cán bộ vừa qua, trước khi đi trinh sát và câu nói tâm tình nhưng thẳng thắn của Khiêm: «Mình thích ông cứ giữ phong cách cư xử như trước. Mình vẫn phục tùng ông nhưng mình vẫn là bạn của ông». Anh giơ tay:

— Từ mấy năm nay, chúng ta vẫn quen đánh như thế: Đánh bất ngờ, đánh mạnh dứt điểm rồi rút nhanh, không trụ lại, không cho kẻ thù kịp đối phó. Nay có yêu cầu khác, ta phải thay đổi, không giữ mãi lối đánh cũ được. Vẫn biết rằng anh em ta ai cũng có quyết tâm, ai cũng muốn đánh ngay trận đầu. Ta lại gặp những khó khăn rất lớn về đảm bảo hậu cần. Nhưng tôi đồng ý với đồng chí Khiêm về những lý do. Ngoài ra tôi muốn nói một điều này, tuy chưa dám nói chắc chắn: Có phải chúng ta có chiều hướng muốn đi đường mòn và ngại phải khắc phục những khó khăn gian khổ không?

Hoài Châu ngồi nghe chăm chú. Hai gò má nhô cao và nhúm tóc bạc rủ xuống trán khiến anh trông già hẳn đi. Anh hoàn toàn tán thành ý khêu gợi của Trần Nông. Có lẽ đây mới là thực chất của vấn đề sử dụng lực lượng. Anh đã lắng nghe ý kiến của các đồng chí. Tất cả đảng viên có mặt ở đây, nhiều ít đều đã được thử thách. Họ là những chiến sĩ kiên cường, có ý chí chiến đấu mãnh liệt đã cùng anh chia sẻ những tháng ngày vất vả và những chiến trận vinh quang. Nhưng có phải là đã có những thử thách như thế rồi thì không còn vấn đề gì trong tư tưởng nữa chăng? Trong điều kiện tác chiến mới, anh em ta có nhìn thấy yêu cầu phát triển để đuổi kịp và vượt lên mọi thủ đoạn của kẻ thù chăng? Sự bảo thủ và cận thị, giản đơn và ngại khó chẳng phải là sự báo trước của thất bại, của sự suy thoái hay sao?

— Như vậy ta có hai ý kiến, hai lập luận. Các đồng chí trao đổi kỹ đi!

Hoài Châu nói bằng một giọng chân thành và rất nghiêm túc. Anh muốn thực sự tập trung được trí tuệ của mọi đảng viên, muốn thông suốt trước hết trong Chi bộ, muốn chi bộ thực sự là hạt nhân vững chắc của đơn vị trong những giờ phút thử thách nghiêm trọng này.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:20:00 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #149 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 09:18:42 am »

«Phái đánh nhanh» còn tranh luận một hồi nữa rồi mới dần dần rút lui. Cuối cùng tất cả các đảng viên chính thức đều giơ tay biểu quyết tán thành phương án sử dụng lực lượng của chi ủy với những nụ cười hồ hởi, thoải mái.

Chi bộ đã quyết nghị sử dụng phương án đánh vừa và nhỏ liên tục để có thể bám trụ được dài ngày, chờ được quân viện. Trận đầu phải mạnh mẽ, có hiệu suất cao. Trận thứ hai sẽ tiếp sau đó ba ngày.

Đến vấn đề bảo đảm thương binh, tử sĩ trong trận nội thì một nỗi băn khoăn mới lại nảy ra: Lực lượng ta ít, làm sao bảo đảm đưa được anh em ra nếu có và thậm chí, không may lại có nhiều?

Thành, một tổ trưởng, nhìn Thao Kèn nói khẽ:

— Cầu trời khấn phật cho đồng chí Thao Kèn được vạn sự bình an.

Vương Văn Khiêm không cười.

— Trăm khó, ngàn khó, nhưng không gì khó bằng giữ trọn tình đồng chí, trọn nghĩa anh em. Ta sẽ không bao giờ xử sự như bọn địch ở núi Hồng Linh. Ta sẽ trả lời cho chúng biết: Ta là chiến sĩ cách mạng. Tôi nghĩ vắn tắt vậy thôi.

Trần Nông tỏ vẻ khảng khái:

— Tôi xin hứa: Khi vào trận sẽ không bao giờ bỏ các anh em. Riêng phần tôi, nếu bị thương, tôi sẽ tự khắc phục và tiếp tục chiến đấu. Nếu chẳng may tôi bị hy sinh thì các đồng chí đừng bận tâm vì tôi mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ chiến đấu. Sống hay chết cũng vì sự nghiệp cách mạng, tôi hoàn toàn tự nguyện không có điều gì phải ân hận. Nếu mình không may ngã xuống thì nằm ở đâu cũng chẳng hề gì. Cũng như nếu ta đã tự nguyện hy sinh vì sự nghiệp thì bị một viên đạn súng trường hay một quả bom cũng thế thôi.

Nhiều đảng viên giơ tay, không tán thành ý kiến của Trần Nông. Mặc dầu anh là đội trưởng, coi cái chết của mình chẳng sá gì và rất có thể rằng anh có động cơ tốt, có ý nghĩ chân thành, nhưng rõ ràng trong đó có cái gì tiêu cực và không đúng với truyền thống và tình nghĩa của đội Sao Mai.

Rồi mọi người cuối cùng đều thống nhất một kết luận: Phải tìm mọi cách, bằng bất cứ giá nào, đưa được đồng chí của ta ra ngoài. Làm được như thế trong sào huyệt to lớn của kẻ thù, cũng là một vấn đề cực kỳ khó khăn, nhưng đấy chính là sự vĩ đại của ta là sự khác biệt về bản chất giữa ta và kẻ thù.

Hoài Châu tóm tắt ý kiến hội nghị và hỏi:

— Ta biểu quyết chứ?

Những cánh tay mạnh mẽ nhất loạt giơ thẳng lên như những mũi mác. Toàn thể đảng viên nghiêm trang nhận lãnh trách nhiệm nặng nề trước quần chúng và với Bộ tư lệnh ở ngoài kia đang từng giờ theo dõi bước đi của họ.

Sau đó, Hoài Châu đã nói thêm với chi bộ, giọng anh trầm trầm thiết tha:

— Bởi vì muốn sống làm người nên ta phải cầm súng. Đó là vì kẻ thù bó buộc chúng ta. Chúng tôi không chối cãi rằng khả năng vật chất của ta còn kém xa của kẻ thù.

Nhưng bọn Mỹ cũng chỉ có được một cái đó để dọa dẫm loài người và uy hiếp chúng ta. Chúng tôi sẽ bắt chúng phải trả giá về sự ngạo mạn và ngu xuẩn của chúng. Chúng ta không có những B52, hay «cánh xòe cánh cụp». Nhưng những chiến sĩ Đặc công chúng ta có lòng trung thành vô bạn và tinh thần dũng cảm kiên cường. Chúng ta có lối đánh của chúng ta. Nhất định ta sẽ trừng trị đích đáng kẻ thù. Ta phải xứng đáng với lòng tin cậy của cấp trên và nguyện sẽ làm hết sức mình.

Hoài Châu cầm chiếc roi dài, khoanh một vòng trên sa bàn.

— ... Một khi chúng ta đã hiểu vì sao phải hy sinh thì cái chết không phải là một cái gì nặng nề. Không ai muốn chết. Cũng không ai phải chết hai lần. Nhưng nếu một lần chết vẻ vang, thì có nghĩa là chúng ta sẽ sống nghìn lần trong tình thương yêu của Đất nước, của đồng bào ta, anh chị em ta. Nhưng tôi tin rằng với bản lĩnh của mình, chúng ta sẽ trừng trị kẻ thù và an toàn trở về. Bọn Mỹ sẽ phải giương mắt ra mà nhìn chúng tôi trả thù. Chỉ cần chúng ta vững lòng bền chí, giữ vững lòng trung với nước, với Đảng, lòng hiếu với dân. Các đồng chí có đồng ý thế không?!

— Đồng ý!

— Còn một vấn đề này nữa, tôi muốn nói. Tôi thấy một số đồng chí ta ví dụ như đồng chí Hồ Oanh, thường hay thích kể lại thành tích cũ, kinh nghiệm cũ và thường hay lấy đó làm tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc cho những trận đánh sau. Tôi thấy chúng ta phải tỉnh táo. Chiến công cũ để chúng ta tự tin, kinh nghiệm cũ để chúng ta tham khảo, chứ tuyệt đối không được say sưa, nhấm nháp mãi những cái đó. Người chiến sĩ Đặc công phải nhạy cảm hơn ai hết trước bất cứ sự đổi thay còn còn nào về phía kẻ thù. Chúng ta phải bám sát và phải thích ứng với cái đang xảy ra và cái sẽ xảy ra. Phải bằng mọi cách «đánh hơi» thật nhanh những cái mới của kẻ thù mà đề xuất ra được cái mới của ta. Đó là điều kiện để ta giành thắng lợi một cách chắc chắn.

— Đồng ý!!

Bấy giờ, Hoài Châu mới tủm tỉm móc túi lấy ra một gói thuốc lá, vỏ bao đã nhàu nát. Gần như tất cả mọi người đều reo lên:

— Úi chà! Kiếm đâu ra thế này!

Hoài Châu thực sự thích chí trước sự hoan nghênh của mọi người:

— Mang từ hậu phương đi đấy! Găm mãi trong ba-lô để dành cho lúc này. Cu Trường cũng không biết được.

Trần Nông giật lấy bao thuốc lót giấy thiếc, trịnh trọng bóc cái nhãn:

— Điếu thuốc này biết nói đây, các ông ạ!

Hàng chục bàn tay chìa ra vui vẻ. Hoài Châu kêu lên:

— Hút một nửa thôi! Chia nhau hai người một điếu, ưu tiên cho đội trưởng một điếu, còn lại sẽ chia cho chi đoàn gọi là nhớ buổi xuất quân, liên hoan trước giờ xuất kích.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM