Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:53:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sao Mai  (Đọc 20769 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:15:19 am »

Một tiếng «ối» ngạc nhiên. Rồi một trận cười rung lên. Một cậu chiến sĩ, trêu tức Oanh sữa, còn lăn đùng ra, chổng bốn vó, giãy đành đạch.

Văn Chấn phát cáu, Nó học hành mới giỏi chứ!

— Mày học ở đâu thế hả?!

Oanh sữa chột dạ, biết mình nhầm. Cậu ta ngượng nghịu đứng dậy, xách khẩu súng lảng ra chỗ khác, vừa đi vừa ân hận nghĩ bụng:

— Sao thế nhỉ? Xem nào... Ngô Vương Quyền... Đầm Dạ Trạch... À. không phải... Hừ!... Nhà Đinh trước hay nhà Ngô trước nhỉ?

Trống Choai cũng đứng dậy, trở về võng mình, nằm dài ra, lim dim mắt, nghĩ đến câu trả lời của Oanh sữa không khỏi buồn cười.

Kể cũng lạ! Hồi học lớp chín, Oanh sữa nổi tiếng giỏi toán. Những bài tập về lượng giác, về hình học không gian, về hàm số với những phương trình mũ, phương trình lô-ga-rít, cậu ta làm ngon ơ. Có lần, nhìn thấy câu ta giải một bài toán lượng giác hóc búa do cô giáo Liễu ra đề bài ngay trên bảng, Trống Choai cũng phải lác mắt. Thế mà về môn sử, thì cậu ta dốt khổ dốt sở. Câu ta kêu là «khó nhớ vì nó lủng củng những niên biểu các triều đại».

Trống Choai liên hệ đến mình và bỗng nhớ lại cuộc họp Đoàn trước hôm đơn vị lên đường.

Trong buổi họp ấy, Thao, mũi trưởng mũi Ba, nhân danh bí thư liên chi đoàn báo cáo tinh thần nghị quyết chi bộ đêm qua và dự thảo nghị quyết của ban chấp hành liên chi đoàn. Thao có cái miệng rộng. Mỗi khi cười, vành môi cong lên giống như chiếc loa kèn. Vì vậy anh em đặt cho cái lên Thao Kèn. Nhưng lại gọi một cách kiểu cách là Thao Ken giống như một cái tên Lào. Trán anh lấm tấm mồ hôi, thở phì phò như kéo bễ, anh cất cái giọng ồ ồ:

— Phải mang nặng hiểu chưa? Mang nặng như con lừa thồ ấy! Nhưng mà cần phải làm con lừa thồ để đánh thắng thằng Mỹ thì chúng ta cũng tình nguyện làm. Hiểu chưa?

Vinh, tổ trưởng ở cùng phân đội của Thao Kèn, anh chàng đã từng được Tư lệnh trưởng biết đến vì trận ẩu đả ở kho V 8, sốt ruột, nói tướng lên:

«Hiểu chưa?» mãi! Đồng chí hỏi ý kiến chúng tôi hay ra chỉ thị đấy! Biểu quyết đi thôi!

Mọi người cười ồ lên vì lối ăn nói bốp chát của anh lính cựu, có đôi mắt hơi lồi, mái tóc húi «cua » ngỗ ngược và hay khịt mũi. Tuy vậy cánh đoàn viên mới nể anh ta ra mặt. Anh ta đã chiến đấu trong hai chiến dích và đã được thưởng một Huân chương.

— Biểu quyết đi thôi! Tán thành lâu rồi!

— Biểu quyết! Nhanh còn đi lĩnh trang bị thôi.

Thao Kèn thoáng một nét chưng hửng. Anh cười và «chiếc loa kèn» tại để lộ cả hàm răng «mái hiên» ra:

— Nhất trí hả? Nhất trí thì đề nghị các đồng chí biểu quyết. Giơ thẳng tay lên cho có khí thế. Hiểu chưa?

Nhưng Trống Choai ngồi ở hàng cuối đã đứng dậy, mặt đỏ bừng vì giận dữ:

— Tôi chưa thông đâu! Tôi không biểu quyết!

Mọi con mắt đổ dồn vào Trống Choai. Thao Kèn lúng túng:

— Có thắc mắc gì, nói ngắn thôi để còn biểu quyết, hiểu chưa?

— Trong nghị quyết có nói: «Theo yêu cầu, một số đồng chí sẽ ở lại hậu cứ, phải an tâm làm tốt nhiệm vụ được phân công...», tôi đề nghị là: Tất cả các chiến sĩ đều đi hết. Các đoàn viên đều đi hết!

Thao Kèn khoát tay:

— Ta chấp hành nghị quyết chi bộ, hiểu chưa? Chi bộ nói là vì tính chất nhiệm vụ lần này, quân số phải tổ chức thật chặt chẽ. Nên sẽ phải để một số đồng chí lại. Những anh nào nhỏ yếu thì lần này không đi. Hiểu chưa?

— Ai là người nhỏ yếu ở đây? —Trống Choai hăng hái — Đã đi bộ đội, đã vào Đặc công, đã đến nơi này, thì không có ai nhỏ bé đi. Tôi đề nghị biểu quyết với trên: Đoàn viên xung phong đi một trăm phần trăm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:16:58 am »

Thao Kèn lại vung bàn tay to bè, có những ngón như quả chuối mắn:

— Cậu lên mà cãi với ông Châu, ông Nông ấy! Đã bảo là: đây là căn cứ vào nghị quyết chi bộ. Cậu phải biết tình hình, âm mưu địch rất nhiều thủ đoạn ngoan cố. Chúng mở cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta với gần hai mươi ngàn quân…

Anh đang định «thuyết trình» cho Trống Choai nghe một lô những vấn đề mà lúc nãy anh đã nói mãi rồi Vinh lại hét tướng lên:

— Hiểu rồi! Biểu quyết đi!

— Biểu quyết!

— Tôi phản đối!

Thao Kèn thận trọng đếm những cánh tay giơ lên đều tăm tắp như một bãi chông. Anh hể hả ra mặt:

— Nhất trí trăm phần trăm! Chỉ có ba người không tán thành!

Ba đồng chí đó là ba chiến sĩ ở ba phân đội: Vy, Tường và Trống Choai. Nhưng Vy và Tường thì thật ra đang sốt rét, không thể đi được. Hai anh nuôi thì dĩ nhiên rồi. Thọc sâu, mang anh nuôi đi làm gì!

Trống Choai kêu tướng lên:

— Tôi kiện lên ban chỉ huy!

Các đoàn viên ồn ào tản về các lán. Thao Kèn còn chạy theo Trống Choai, níu lấy đôi vai bé nhỏ của anh:

— Chú em ạ! Đánh giặc là cái chuyện đường dài,

— Tôi đánh ngay bây giờ! Tôi sẽ kiện lên ban chỉ huy!

Trống Choai vùng vằng, giọng đe dọa.

Thao Kèn cười ha hả:

— Đừng oán ông Châu, chú mình ạ! Chú mình muốn kiện thì lên Mặt trận mà kiện... «Tư lệnh Gạo» quyết định cả đấy! Hiểu chưa?

Trống Choai nhớ lại cảnh lúc anh xông lên nhà ban chỉ huy Bộ để tìm gặp cho được Tư lệnh trưởng...

Chính trị viên Hoài Châu đứng dậy ra cửa, chào hỏi Tư lệnh trưởng xong, liền vừa cười vừa nói với Trống Choai:

— Có thủ trưởng xuống đây, cậu trình bày, nếu thủ trưởng đồng ý thì bọn mình mới dám cho cậu đi.

Nói xong, anh báo cáo tóm tắt tình hình chuẩn bị lên đường của toàn Đội cho Tư lệnh trưởng nghe. Cuối cùng anh trình bày về câu chuyện của Trống Choai và đưa cho ông một tờ giấy, chi chít những dòng chữ đỏ như viết bằng máu.

Trống Choai chờ cho chính trị viên nói xong, liền nắm lấy tay Tư lệnh trưởng, năn nỉ:

— Thù trưởng cứ cho tôi đi, thủ trưởng nhá!

Tư lệnh trưởng âu yếm nhìn anh, ân cần:

— Đồng chí thật đáng quý! Nhưng biên chế thọc sâu như thế cũng đủ rồi!

Trống Choai rơm rớm nước mắt:

— Tôi đã thề sẽ trả thù... Thế mà...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:17:28 am »

— Chuyến đi này rất gian nan. Sức của chú không chịu nổi đâu!

— Tôi xin viết cam đoan... Tôi sẽ không bỏ chạy, không đào ngũ đâu.

Tư lệnh trưởng ôm lấy Trống Choai, kéo sát vào người. Trầm ngâm một lát, ông vỗ vai anh, lắc mạnh:

— Có thể là một chú sư tử non đây. Tôi đồng ý cho đồng chí đi chuyến này! Đừng làm việc gì xấu đến vinh quang của đơn vị đồng chí!

Quên cả giữ gìn ý tứ, Trống Choai ôm choàng lấy Tư lệnh trưởng, reo lên:

— Hoan hô thủ trưởng! Hoan hô thủ trưởng!

Rồi chẳng kịp chào hỏi, anh cắm đầu chạy lao ra ngoài.

Đến bốn giờ chiều, Trần Nông ra lệnh cho bộ đội tiếp tục hành quân.

Trên vòm trời, bốn chiếc F4 hùng hục lừ phía tây bay tới, vút qua đầu các chiến sĩ. Có tiếng ì ầm nặng nề của máy bay vận tải. Một chiếc L19 từ hướng căn cứ Phượng Hoàng bay tới, lượn những vòng rộng.

— Lại truyền đơn! Kệ cha chúng mày!

Trần Nông lầu bầu, rồi tiến lên dầu hàng quân. Phía trên, Văn Chấn, Trống Choai cùng Vương Vấn Khiêm đã tách ra, vượt lên.

Đoàn quân bắt đầu lên dốc. Đội hình rất thưa. Ai nấy đều ngụy trang rất kỹ. Bóng họ lẫn vào những cây lau, cây chít ở hai bên lối đi. Tổ tiền vệ của Khiêm cách đơn vị khoảng hai trăm mét.

Bỗng Vương Văn Khiêm khoát tay ra hiệu cho Trống Choai dừng lại và vẫy gọi Văn Chấn lên:

— Hình như có người trước mặt!

Vãn Chấn lom khom tiến sát phân đội trưởng:

— Có người lạ! Cậu lùi về báo cáo với anh Nông cho bộ đội dừng lại và giữ tuyệt đối im lặng. Gọi Trống Choai lên đây!

Nói rồi Khiêm nhẹ nhàng đặt chiếc ba-lô vào trong bụi, kéo khẩu AK về trước ngực, xem lại chốt an toàn. Động tác của Khiêm rất thành thạo, bình tĩnh.

Trống Choai đã trườn lên, vẻ mặt hăm hở:

— Ở đây làm gì có bộ đội ta!

— Cậu bố trí yểm hộ, mình lên xem!

— Không! Anh yểm hộ! Em lên cho!

Bằng một động tác nhanh nhẹn và rất quả quyết, Trống Choai trườn lên như một con thằn lằn đang rình mồi. Khiêm cảm thấy không yên tâm, liền vẫy tay ra hiệu cho Văn Chấn yểm hộ và trườn theo Trống Choai.

Trên dốc, trung sĩ Tiềm cũng đã nằm sau một gốc cây nhỏ, khẩu AR15 lăm lăm trong tay. Có tiếng sột soạt san lưng. Tiềm quay lại. Tên lính đã chuồn đâu mất. Chỉ thấy một người khác đang ngơ ngác tiến ra. Đó là Vừng.

Tiềm phất tay cho Vừng nằm xuống cạnh mình. Từ dưới dốc, hai chiến sĩ Giải phóng lom khom tiến lên, cách Tiềm chừng hai chục bước thì nằm xuống. Khoảng đất giữa hai bèn bằng phẳng. chỉ có những khóm cây lưỡi rắn lúp xúp. Bốn cặp mắt nhìn nhau chằm chặp còn nòng súng sẵn sàng nhả đạn.

Bỗng Khiêm nghe rõ tiếng của một tên nằm phía trái gốc cây:

— Rút thôi, Vừng
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:19:10 am »

Chương bốn

1

Cũng như mọi ngày, mẹ Đàm ở nhà mụ vợ ba Sáu Vằn về đến nhà thì trời vừa tối. Nhà mụ này ở trong căn cứ Phượng Hoàng, thuộc dãy nhà vợ con sĩ quan thuộc khu gia binh số 2. Để về nhà mình, mẹ phải đi qua năm vọng gác và ba lớp rào kẽm. Khu dồn dân ở kề lớp rào ngoài cùng về phía tây nam căn cứ. Địch coi đó cũng là một loại hàng rào.

Đó là một dãy chừng gần trăm nóc nhà làm bằng tôn, rộng từ một đến hai gian, nối liền nhau như bát úp. Địch coi những người bị dồn về đây từ bốn năm nay như đã được bình định.

Nghề chính của những người dân bị tập trung về đây là hái củi và dốt than, để bán cho những khu gia binh, lấy tiền đong gạo ở những cửa hàng của bọn vợ con sĩ quan có vai vế. Chúng mua than củi, rẻ bằng nửa tiền và bán gạo, mắm bằng những chiếc cân thiếu.

Riêng mẹ Đàm đi làm mướn công nhật cho mu vợ ba Sáu Vằn. Cõng việc của bà là giặt quần áo.

Bà mẹ cởi nút chiếc dây ni-lông buộc cửa, to bằng ngón tay rồi nhấc tấm tôn lách vào nhà. Căn nhà rộng vừa một gian gần như trống trơn. Chỉ có một cái chõng tre trải một tấm chiếu nhỏ dệt bằng sợi ni-lông, hàng của Nhật. Vài chiếc quần áo cũng bằng loại hàng ni-lông vắt lòng thòng trên sợi dây, vừa làm chỗ phơi, vừa làm chỗ cất quần áo. Trong một góc, một cái kiềng sắt, một chiếc nồi nhôm nhỏ cỡ vừa một người ăn, vài chiếc chai đầy bụi bặm dựng ở sát tường.

Mệt mỏi, bà nằm vật lên chõng một lát rồi mới ngồi dậy đong bơ gạo. lọm cọm lần ra ngoài vo gạo, nấu cơm.

Ánh đèn trong căn cứ Phượng Hoàng, nhất là ở khu sân bay phía tây bắc, sáng rực một góc trời, nên ở chỗ này tuy không đèn đóm gì cũng có thể thấy lối đi từ nhà này sang nhà khác.

Nhìn ngọn lửa bập bùng liếm quanh nồi cơm, bà mẹ Đàm thờ dài, nghĩ ngợi.

Những tấm tôn lợp mái rung lên lạch cạch sau mỗi cơn gió lùa. Hơi lạnh cũng lọt qua những kẽ hở của mấy tấm tôn làm vách, lọt vào gian nhà trống trải, khiến mẹ Đàm ngồi gần ngọn lừa cũng rùng mình. Ánh lửa hắt lên làm cho những sợi tóc ở hai bên thái dương óng ánh như những sợi bạc.

Tiếng khóc lè nhè của mấy đứa trẻ bên nhà chị Thạnh từ nãy vẫn không dứt. Bây giờ chúng lại càng khóc to hơn. Tiếng quát tháo cửa chị Thạnh, một người đàn bà suốt ngày đen nhẻm từ đầu đến chân vì bụi than.

— Con ăn nữa! Ư...

— Hết rồi!

— Con đói! ư ư...

— Tao lấy đâu ra mà đổ vào mồm cho nhiều! Tao chỉ còn cái xương để cho chúng mày đẽo gọt đây thôi!

— Mẹ đi mua gạo đi...

Tiếng roi vụt đen đét. Những đứa trẻ khóc ré lên.

Bà mẹ Đàm lại thở dài. Lũ trẻ đói thật. Chồng chết, một mình chị ta quần quật nuôi năm đứa con. Bà mẹ lên tiếng:

— Chị Thạnh ơi! Cho con nhỏ sang đây lấy lon gạo về nấu thêm cho bọn nhỏ nó ăn!

Tiếng chị Thạnh, gióng giả, bốp chát:

— Cảm ơn bà! Bọn trẻ nhà tôi không quen ăn cái thứ gạo đó!

Câu nói như một lưỡi dao, khía vào trái tim khô héo của bà.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Giêng, 2022, 09:05:02 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:20:33 am »

Trong ấp những nhà ít nhiều có liên quan đến cách mạng, hầu như không có ai chơi với bà. Họ không bao giờ đặt chân đến nhà bà. Đi đường, trông thấy bà họ tìm cách tránh vào ngõ lối khác hoặc bước xuống ruộng. Thảng hoặc, không thể tránh được, họ đáp lại lời chào của bà bằng câ: «bà lên sở làm việc ạ?» hoặc «Chui cha! Mấy miếng thịt dòm mới ngon chớ! Giống này chỉ nhà quan mới có, đâu đến phần mình!».

Họ coi khinh bà ra mặt. Thậm chí một vài nhà còn thù ghét. Bà đã nghe thấy bao nhiêu lời châm chọc của từ đứa trẻ nhỏ đến ông già. Họ không hiểu sao bà lại có thể làm được một việc như thế.

Hai đứa con bị Sáu Vằn giết còn sờ sờ ra, thế mà bà, lại cúi đầu đi hầu mướn con nhân tình của nó. Tức là hầu hạ nó. Gần sáu chục tuổi đầu mà sao không biết sư nhục nhằn? Bà làm như vậy, liệu người chết có nhắm mắt được chăng?

Nhưng bà mẹ Đàm vẫn im lặng, cắn răng lại trước những lời xầm xì to nhỏ. Những điều tiếng đó xảy ra nhiều nhất cách đây hai năm khi mà số người gọi là liên quan, bị dồn về từ nhiều nơi, chưa ai biết rõ ai và khi bọn ác ôn tề ấp khống chế kìm kẹp đến nghẹt thở. Nhà nọ không hiểu nhà kia, nhà kia nghi vấn nhà nọ. Đến nay nhiều người đã hiểu được bụng bà, tuy bên ngoài họ chẳng thể công khai vồn vã, mời chào hoặc thăm hỏi chơi bời. Những người như chị Thạnh cũng là ít thôi. Chồng chị ta bị xe nhà binh cán chết từ năm 1960. Bà chưa hiểu tại sao chúng lại dồn chị ta lên chốn này.

Bà vẫn ngày ngày đi vào khu gia binh số 2, đều đặn như một viên chức công sở. Buổi chiều khi trở về, bà thường bọc trong chiếc túi vải nhỏ, khi vài ống thuốc cảm sốt hay đau bụng, khi mấy lon gạo xin được của con vợ ba Sáu Vằn. Có khi nó trừ vào tiền công. Cũng có khi nó giấu thằng chồng cho bà cả mấy lon sữa Con Chim nữa.

... Cơm đã chín. Bà mẹ Đàm bắc nồi xuống, bỏ thêm mấy que củi vào bếp cho lửa cháy sáng. Cứ ngồi tại chỗ, bà với tay lên dàn lấy bát đũa và một đĩa mắm ruốc rồi lặng lẽ ngồi ăn.

Ăn xong bát cơm, bà mẹ Đàm xếp gọn bát đũa rồi vẫn ngồi im,trước bếp, hai tay hơ lên ngọn lửa.

Bà cứ ngồi như vậy rất lâu. Ở nhà bên cạnh, mẹ con chị Thạnh đã ngủ từ bao giờ. Nghe rõ cả tiếng chị ta ngáy nặng nề.

Bỗng có tiếng quát ngoài cửa, giọng hách dịch:

— Nhà này chưa đi ngủ, còn đốt đèn chờ Việt cộng hả?

Tiếp theo là tiếng mũi giày thức vào tấm tôn che cửa:

— Mở cửa khám nhà!

Tên trung đội trưởng dân vệ lắc láo bước vào. Theo sau nó là một tên cảnh sát xã và hai tên dân vệ nữa.

Con mắt còn lại của nó nhìn soi mói vào chiếc ấm đặt trên bếp:

— Bà già nấu chè chờ Việt cộng đến uống hả?

— Thưa các ông, tôi đi làm trong bà Sáu về, đau cái lưng chả ăn được, nấu miếng nước, uống vậy thôi!

Một tên dân vệ đã lanh mắt nhìn thấy mấy quả cam chín lăn trên tấm chõng, liền vồ lấy, ngửi ngửi:

— Bà già mua cam tiếp tế cho Việt cộng đó hả?

— Bà ba Sáu trả thay tiền công đó!

— Đ. mẹ! Bà ăn chi của nầy? Lại đem tiếp tế cho Việt cộng ngoài rừng chớ gì?

— Việt cộng nào? Của bà ba Sáu tiếp tế cho tôi thì có.

Tên trung đội trưởng xấc xược nhìn lướt qua gian nhà rồi ngoắt tay ra hiệu cho tên đàn em:

— Tịch thâu!

Chẳng chào hỏi, mấy tên lùi lũi đi ra.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:21:34 am »

Bà mẹ Đàm vẫn ngồi lặng lẽ nhai miếng bã trầu. Tuy đã gần sáu mươi, bà vẫn ơn trời phật cho đôi hàm răng còn khỏe, chưa rụng chiếc nào.

Trong bếp, mớ than hồng đang tàn dần.

Bỗng bà thấy ba tiếng gõ rất nhẹ vào vách, ngay cạnh bếp. Vội vàng bà đứng dậy, nhanh nhẹn nhấc tấm then cửa. Một người lách vào, tay xách một khẩu súng các-bin.

Đó là Đích, tức Hai Đích, hiện là trung đội phó dân vệ nguyên là hạ sĩ bảo an bị thương trong một trận đung độ với quân cộng sản, nay đã giải ngũ.

Từ lúc này trở đi hai người chỉ thì thầm nói rất khẽ.

— Có tin gì không mẹ?

— Anh mang mấy lon sữa với mấy lon gạo cho các đồng chí. Có mấy quả cam, thằng Chột hốt mất rồi!

— Mẹ tốt quá! Mấy anh gởi lời thăm mẹ.

— Anh Quốc đã khỏi sốt rét chưa? Mẹ thương anh ấy quá. Tội nghiệp! Ốm đau vậy mà cứ hang hốc mãi, chăn chiếu chẳng có, chịu sao nổi!

— Anh đỡ rồi! Các ảnh nói mẹ mới thiệt là người đáng thương. Các ảnh còn nói mẹ còn dũng cảm hơn.

Một giọt nước mắt âm thầm lăn trên, gò má nhăn nheo của bà mẹ.

— Các đồng chí và bà con hiểu cho mẹ như rứa là mẹ sung sướng rồi. Con mẹ chết, mẹ ăn miếng cơm mà sống được ư?!

Và mẹ ghé sát tai người dân vệ:

— Trong đó chừng có chuyện chi chộn rộn lắm. Con vợ ba thằng Sáu Vằn nói là chồng hắn phát hiện có nhiều Việt cộng, ở gần đâu đó.

— Thiệt sao? Thằng Sáu mà nói vậy là có chuyện đó. Mẹ có nghe nói chúng làm chi không?

— Không rõ. Nhưng con vợ khoe là chồng hắn lệnh cho quân đi thám sát, xin tàu bay bắn phá. Nghe đâu có quân mình định đánh vào. Thằng Mỹ sai hắn đi chặn.

— Tốt lắm! Mẹ rán dò hỏi kỹ xem chúng định đối phó ra sao. Thôi, con đi đây kẻo lộ, mẹ à!

Anh cán bộ cơ sở ngần ngừ trước câu hỏi rất nhỏ, mà tha thiết, anh đã nghe đến bao nhiêu lần:

— Anh có tin chi về thằng Út không?

Anh không nỡ nói với bà rằng anh chẳng hề biết tin tức gì của Út Châu, người con độc nhất còn lại của bà. Anh gật đầu lia lịa:

— Thỉnh thoảng có nghe anh Quốc nói. Anh nói Út Châu về chù lực của Bộ, Hắn khỏe, và mập ú. Hắn gởi lời thăm mẹ đó.

— Hắn có biết tui còn sống không?

— Có chớ! Hắn nói là hắn sẽ về mà!

Hai Đích sực nhớ ra một điều liền quay lại nói rất khẽ vào tai bà mẹ:

— Bọn chúng mới bắt mấy người của ta. Hình như chúng có chỉ điểm. Mẹ cần hết sức cẩn thận đó!

Anh dân vệ nhẹ nhàng lách ra cửa, không một tiếng động.

Bà mẹ Đàm lập cập, lần về chiếc chõng tre. Một giọt nước mắt nữa lại âm thầm chảy xuống.

— Các con ơi! Các con có biết cho mẹ không? Mẹ rán sống cũng vì muốn trả thù cho các con. Út ơi! Con về đây với mẹ!

Tiếng ầm ì của những chiếc C47 khua động đêm khuya. Cũng như mấy ngàn đêm đã qua, đêm nay, trái tim khô héo của bà lại rung lên, nhớ con da diết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:24:10 am »

2

Cuối năm 1962, sau khi đã lần lượt hạ sát được anh ruột Hoài Châu trong một cái hầm ở bến sông Du và chị ruột Hoài Châu đang có mang tám tháng ở trước cổng chợ quận, Sáu Vằn, lúc bấy giờ là cảnh sát quận, tuyên bố trước dân làng, hung hăng như một con chó điên:

— Món nợ này chưa trả xong đâu! Thằng Đàm (tức bố Hoài Châu) giết ông già tao thì ba đứa con nó phải trả nợ thay! Còn mụ già nữa, cũng không thoát được tay tao đâu!

Trùm Hạo, bố Sáu Vằn bị cách mạng xử bắn tháng 3 năm 1954 vì tội phản bội, để lại một con vợ béo phây, nổi tiếng dâm đãng và ba thằng con trai: Sáu Vằn và Tư Khanh là con hắn; thằng thứ ba con người khác.

Đầu năm 1956, khi bọn tay chân Ngô Đình Diệm càn về xã dân làng lại thấy hai anh em thằng Sáu cũng có mặt trong bọn. Hai thằng đều vào cảnh sát. Sau thằng Tư Khanh chuyển sang khoác áo dân sự giả hiệu làm cán bộ bình định, che giấu cái lon đại úy cảnh sát. Nhưng tay chân Diệm đã thiết lập được bộ mày kìm kẹp ngày càng chặt chẽ ở xã. Dinh cơ, ruộng đất nhà mụ Hạo được khôi phục lại tất cả, và phình ra gấp đôi. Con mụ Hạo, càng no nê, càng dâm đãng. Trong nhà mụ lúc nào cũng có nửa tiểu đội lính hầu. Mỗi đêm một tên lính có cái mẽ ngoài sáng sủa. khỏe mạnh, vào «đấm bóp» hầu mụ.

Sáu Vằn đã có thời đi học cùng trường ở xã với Hoài Châu. Hắn hơn Hoài Châu bảy tuổi, học trên bốn lớp. Sau hắn bỏ học, làm chỉ điểm cho bọn cảnh sát ở quận, rồi vào cảnh sát, rồi làm cảnh sát trưởng ở xã, rồi lên cảnh sát quận. Lúc đó hắn hai mươi bốn tuổi.

Càng lớn, hắn càng hung hãn. Càng giết người, hắn càng say. Những năm từ Năm mươi lăm đến Sáu mươi hai, xóm làng nghẹt thở. Đêm đêm trong làng im lìm như chết, không một đứa trẻ nào dám khóc.

Sáu Vằn lớn lên, thừa hưởng được tính lừa lọc, nhiều thủ đoạn gian manh của cha và tính độc ác, dâm đãng của mẹ. Hắn giết người đã thành nghề nhưng lại nghĩ ra một lối hành hạ mới: bắt kẻ thù phải hầu hạ mình. Hắn cũng đọc truyện Kiều và hết sức bái phục Hồ Tôn Hiến là cao tay. Tuy hắn đã hiếp người từ lúc mới mười lăm tuổi đến giờ, hắn hiện có ba vợ. Mỗi con ở một quận. Hai con trước giàu. Con thứ ba mới hai mươi tuổi, đẹp và gợi tình nhất, hắn cướp của một tên thiếu úy dưới quyền hắn, rồi đày tên này ra mặt trận.

Giết anh và chị Út Châu xong, Sáu Vằn đi tìm Hoài Châu lúc này đã thoát ly về huyện. Hắn đã một lần chạm trán bất ngờ với Hoài Châu ở giữa đường, trong một trận tao ngộ, suýt toi mạng. May bọn hắn đông hơn.

Từ năm 1962, Sáu Vằn chuyển sang lính cộng hòa, vào quân biệt động. Hắn được phong trung úy. Nhờ một tên chú hắn làm một chức to ở bộ tham mưu, hắn lên như diều. Cộng thêm cái tính tàn bạo, hung hăng, xông xáo, năm 1969 hắn đã được phong trung tá chỉ huy trung đoàn biệt động số 5 trực tiếp canh giữ căn cứ Phượng Hoàng.

Năm 1966, bọn bình định về làng. Hắn mưu mô với bọn này quét hầu hết những gia đình mà bọn chúng cho là ít nhiều có dính dáng đến cộng sản, dồn về lập ấp, bao quanh căn cứ, vừa để khống chế, vừa làm vành đai che chở cho chúng. Ruộng đất của những bà con này, rơi vào tay mu Hạo. Nhà mu lúc này đã biến thành cái bốt thật sự. Còn mụ đã 55 tuổi, tóc búi ngược, quần ống tuýp, mặt bự phấn, súng lục kè kè bên hông.

Bà mẹ Đàm cũng nằm trong số những người bất hạnh này. Bỏ lại mồ mả tổ tiên, chồng và hai con, bà lọm cọm đeo một tay nải, trong chỉ có cái bát hương thờ ông bố, chồng con, rời làng, lên xe tải nhà binh, đi một trăm cây số lên khu rừng hoang vắng này.

Ba năm đầu, bà phải lên rừng đốn củi về bán cho bọn vợ lính để sinh nhai. Mọi người đều thương bà nhưng không ai dám tỏ ra một điều gì, e lọt vào tai bọn chỉ điểm.

Dạo Tết đầu năm nay, bà mẹ Đàm còn nhớ, lúc đó khoảng chiều hôm, khi bà vừa lom khom đặt gánh củi trước nhà, đã thấy Sáu Vằn khoanh tay đứng lù lù từ lúc nào. Sáu tên «gác-đờ-co» trong đó có trung sĩ Tiềm đang nhòm nhòm ngó ngó chung quanh.

Giọng hắn ngọt nhạt, tử tế khiến bà bỡ ngỡ:

— Chào bà già! Bà nhớ tôi chớ!

Bà mẹ đặt gánh củi, chắp tay chào hắn:

— Thưa ông trung tá, ông thăng quan tiến chức lẹ như diều gặp gió, ai mà không biết ạ!

Hắn ngửa cổ cười vang:

— Thời thế đổi thay! Trước kia là thời của các người. Nay là thời của bọn tôi. Bà hiểu chớ!

— Thưa ông, không hiểu cũng phải hiểu ạ!

Hắn chăm chú nhìn bà mẹ Đàm hồi lâu, ôn lại cái trò chơi của Hồ Tôn Hiến đã sắp sẵn trong đầu hắn. Đoạn hắn gật gù:

— Bà già mời tôi vào nhà chớ?

Chẳng đợi nghe bà mẹ Đàm, hắn đẩy mũi giày gạt tấm phên che cửa, đàng hoàng bước vào và ngồi chễm chệ, bắt chân chữ ngũ trên tấm chõng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:25:29 am »

Bọn lính đứng cả bên ngoài, trợn mắt nạt mấy đứa trẻ đang tò mò sán đến gần.

— Bà già ạ! Ta nói chuyện tử tế với nhau. Tôi với bà vốn là thù địch. Máu đã trả máu. Xong cả! Nhưng thôi! «Oan gia nên cởi không nên buộc!». Chánh phủ quốc gia vẫn thường kêu gọi gạt bỏ oán thù, xây đắp tình thương. Bây giờ bà chỉ có một mình, một thân. Thằng Châu cứng đầu cứng cổ cũng đã bị quân cộng hòa tiêu diệt rồi. Bà chẳng còn ai mà nhớ nữa. Tôi tuy tánh khí nóng nảy, nhưng cũng thương cảnh bà

Hắn cười hẹ hẹ, chăm chú thăm dò nét biến đổi trên mặt bà già:

— ... Tánh tôi không hay để bụng lâu. Mà tôi cũng cần phải cho mọi người biết tôi là người đại lượng. Vậy tôi mới thân hành đến đây để báo bà vào giặt mướn cho cô ba của tôi. Bà sẽ khỏi nắng mưa dầu dãi, sẽ được no ấm hơn. Đó! Tôi chiếu cố cho bà đó... Đúng ra, trước kia tôi đã có lúc học cùng trường với Út Châu nhà bà.... cũng có cái tình.

Hắn nhìn thấy mặt bà già tái nhợt rồi đỏ bừng lên, hắn đứng dậy dạng hai cẳng ra:

— Tôi nói thiệt tình đó! Cho bà nghĩ đêm nay rồi sớm mai báo cho tôi biết. Bà cứ vào, cầm cái thẻ này mà qua các vọng gác, đến khu gia binh 2.

Bước ra, hắn cười khẩy:

— Nếu bà không muốn làm theo yêu cầu của tôi, tức là bà còn giữ oán cừu. Cái đó tùy bà!

Bà mẹ Đàm đã thức trắng một đêm hôm đó. Mọi nỗi căm hờn. tủi nhục, cay đắng khiến bà đau đến nghẹt thở, nước mắt tuôn ra như suối. Kẻ thù đã khinh miệt và hành hạ đến mức ấy nữa ư? Thử hỏi trên đời này còn có một kẻ thù nào có tâm địa độc ác như thằng này nữa không?

Giữa lúc lòng bà đang tràn ngập tủi hờn thì Haì Đích tới. Sau khi đã to tiếng hoạnh họe, anh đã theo bà ra ngoài, nghe bà kể lại việc mới xảy ra. Bà yêu cầu anh có ý kiến chỉ bảo giúp bà. Hai Đích lắng nghe, lúc đầu chỉ cười gằn. Sau anh đột ngột nói:

— Mẹ chờ tôi! Sớm mai tôi đến.

Ngay đêm đó, Đích đi tìm đồng chí đội trưởng đội công tác của tỉnh, đặc phái về khu căn cứ này. Mờ sáng hôm sau, Đích đến đập cửa. Bà mẹ đã đợi anh từ lâu.

— Mẹ cứ nhận làm cho hắn!

Bà mẹ mở to cặp mắt đã mờ, ngạc nhiên:

— Anh xui tui đi hầu hạ đứa đã giết con tui ư?

— Phải nuốt nhục vào bụng. Rồi ta sẽ có cơ hội thanh toán món nợ đó!

Bà hiểu ra. Hai Đích nói vậy có nghĩa là Đảng nói. Đảng vẫn ở gần bà, chỉ bảo cho bà. Bà không khóc nữa.

Trước khi vào khu gia binh, bà đốt mấy nén hương lầm rầm khấn vái:

— Ông ơi! Ông thứ lỗi cho tui vì tui đã không làm được như lời ông đặn. Tui không giữ được các con không nuôi cho các con khôn lớn nên người. Bọn chúng đã giết các con rồi! Tui thì yếu hèn...

Nước mắt bà lại trào ra:

— ... Đau lòng mẹ lắm, các con ơi! Bọn chúng đã giết các con mà mẹ không trả được thù. Mẹ cờn rán sống đây cũng vì muốn nhìn thấy thằng Út. Con ở đâu, con còn sống không? Con có trả thù được cho các chị, các anh con không? Con có biết mẹ sống ra sao không?

Rồi bà lau nước mắt, vắt lại chiếc khăn lên vai:

— Ông và các con hiểu cho tui! Tui theo lời đồng chí làm việc ni... Các con khôn thiêng, phù hộ cho mẹ!

Khi bà mẹ vào đến nhà con vợ ba, hai đứa còn đang nằm ườn trên chiếc giường lò xo. Hôm đó là một ngày chủ nhật,

Thằng Sáu Vằn ra bộ dễ dãi:

— Bà già thức thời đó! Tôi đã nói mà: «Oán thù nên cởi không nên buộc». Cô ba sẽ không để bà phải chịu thiệt đâu!

Rồi nhìn bà già còm cõi đang đứng co ro, nhẫn nhục, hắn nhếch mép cười nham hiểm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:27:04 am »

3

Ở nhà mẹ Đàm ra, Hai Đích về nhà, lúi húi sửa soạn. Anh xếp mấy lon sữa, mấy bơ gạo, và mấy lọ thuốc vào chiếc túi dết nhà binh mang từ đại đội bảo an về. Dặn vợ con xong, anh đến trụ sở dân vệ, xin phép tên trung đội trưởng chột mắt đi vắng nửa ngày lên xem lò than. Tên trung đội trưởng vừa ngáp ngủ, gật đầu ngay. Hắn có ý nể Hai Đích vì anh đã từng là hạ sĩ bảo an, lại bị thương có chứng nhận hẳn hoi.

Đích không vào nhà tên ấp trưởng. Tên này vẫn gờm né cánh «nhà binh».

Len lỏi qua những dãy đá tai mèo rất khó đi, gần hai giờ sau Đích mới đến chỗ hẹn. Đội công tác của Quốc Nam ở một hang khác xa hơn. Thật ra Hai Đích cũng chưa từng đến đó.

Trong một hốc đá nhỏ, rộng bằng một gian nhà được che kín tự nhiên bởi những chùm dây gấc dại, đứng ngoài nhìn không dễ nhận ra ngay, Quốc Nam đã có mặt từ lúc nào.

Đích đặt khẩu các-bin vào vách đá, kéo chiếc túi dết ra, kêu lên:

— Trời đất! Mới trông tưởng anh là ông xã trưởng đâu chớ!

Quốc Nam cười hà hà:

— Dân vệ Đích, bí thư chi bộ Việt cộng nằm vùng! Ta bắt được quả tang anh đi liên lạc với Việt cộng!

Quốc Nam diện một đôi giày «giôn», bít tất ni-lông xanh vằn vàng, một bộ đồ bà ba lụa đen cổ bẻ hợp thời ngoài khoác chiếc vét-tông «tô-pi-can», cổ quàng chiếc khăn len to xù. Một chiếc mũ phớt dạ xám chụp trên đầu khiến anh giống một tay gá bạc ăn chơi. Một hàng ria con kiến được xén tỉa công phu nằm ngang trên mép. Người Quốc Nam béo lùn, da đỏ au.

Giống như mọi lần, Đích hỏi thăm:

— Mấy anh vẫn được mạnh khỏe chở?

Quốc Nam khẽ lắc đầu:

— Sốt rét cả! Nhưng đã đơ đỡ. Cũng đi xuống cơ sở cả rồi. Đồng chí đội trưởng về Tỉnh họp.

— Tuần qua, anh ở «nhà» ư?

— Đâu có! Mình xuống mấy ấp phía nam kiểm tra tình hình. Chà chà! Bọn ác ôn hoành hành dữ! Bà con mình nghẹt thở lắm rồi!

— Ấp tôi cũng vậy thôi. Hôm qua chúng mới bắt đi hai người...

— Ai đó?

— Ông già Năm. Chúng khám trong bao thấy có gạo. Chừng chục lon thôi. Chúng hoạnh họe hỏi ông đi đốt than một ngày sao mang nhiều vậy, lại tiếp tế cho Việt cộng. Vấn đề o Xuân đáng ngại hơn.

Quốc Nam khẽ thở dài:

— Bà con ta ai không làm cho chúng đều tố Việt cộng cả. Chúng muốn vặt trụi từng sợi lông, nhổ từng cái rễ nhỏ để giữ yên cái mạng chúng ở trong cứ này đó thôi! Ngày nào mà cái sào huyệt này của chúng chưa bị đập nát, thì đồng bào các ấp quanh đây còn khổ, kể cả những đồng bào thiểu số mà chúng muốn mua chuộc.

Đích mở túi lấy ra mấy thứ đưa cho Quốc Nam:

— Của bà con gửi cho mấy anh.

Quốc Nam nhìn hộp sữa, cảm động:

— Thằng địch đếm từng người mới bán gạo từng ngày. Lại nhịn ăn, đồ gom cho tụi mình thì đồng bào càng đói thôi. Mình ăn cũng không ngon.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2021, 08:29:27 am »

Hai Đích gạt đi:

— Bà con không đói cái ăn cái mặc đâu. Gạo Mỹ, vải Nhật, — anh cười nhạt — bà già cũng được mặc quần ni-lông tuýp. Mấy khi dân mình đã được ăn mặc sang trọng vậy! «Chánh phủ quốc gia» vậy là chu đáo hết mức rồi! Nhưng bà con đói là đói cái tự do, là thèm được làm người, thèm được đi lại như ngoài vùng giải phóng ta.

Quốc Nam lặng lẽ gật đầu.

Đích lấy ra một gói bọc lá chuối:

— Anh ăn đi! Nắm cơm để «đốt than» đó.

Quốc Nam cung lấy trong chiếc cặp da một gói:

— Có «sâm» đây, cậu ăn đi cho khỏe.

Đích nhìn hai khúc củ mài trắng tinh, tủm tỉm cười bẻ một miếng, ăn ngon lành:

— Ăn củ sâm này tôi lại nhớ đến Út Châu!

— Sao? Út Châu nào?

— Ngày tổ chức bố trí cho tôi vào lính bảo an, cách đây hơn sáu năm, Út Châu về làng cùng với bộ đội cậu ta. Gặp tôi, cậu ấy đưa cho một củ mài đã luộc chín «ăn với mình một miếng «sâm» này, lỡ nay mai cậu vô bảo an, chén thịt gà của bà con sình ruột, lại tiếc không được biết mùi». Hắn nói nửa đùa nửa thật vì lúc đó hắn chưa rõ. Vậy mà bây giờ mỗi đứa mỗi nơi.

Quốc Nam vê hàng ria con kiến, nghĩ ngợi:

— Họ cậu ấy là gì?

— Họ Vũ. Vũ Hoài Châu!

Quốc Nam giật mình:

— Hoài Châu à? Có phải cậu có mớ tóc trắng không?

Đến lượt Hai Đích ngạc nhiên:

— Đúng đó! Tóc hắn bạc trước ngày thoát ly chừng một năm. Anh cũng biết cậu ta sao?

Vốn tính thận trọng và chín chắn, Quốc Nam đã kìm được câu anh định nói ra. Cách đây ba hôm, anh đã nhận được một bức điện mà anh nhớ như thuộc lòng

Gửi Sao Hôm

«Khẩn trương chuẩn bị tình hình mục tiêu và sẵn sàng bắt liên lạc với đội Sao Mai do đồng chí Vũ Hoài Châu phụ trách vào hoạt động. Cung cấp một sơ đồ cho Sao Mai càng cụ thể càng tốt. Tích cực liên hệ với cơ sở giải quyết cho Sao Mai một phần lương thực. Thời gian rất gấp».


Ký tên: S1

S1 là mật danh của Tham mưu trưởng Mặt trận.

Cuộc gặp hôm nay cũng nhằm triển khai thực hiện bức điện đó. Quốc Nam nói vắn tắt cho Hai Đích biết được vấn đề, rồi hỏi:

— Có chỗ này chưa rõ: Tại khu chỉ huy sở, có hầm ngầm không? Hầm như thế nào? Có đường ngầm giữa bọn tướng ngụy với bọn cố vấn Mỹ không? Trong khu kho, ngoài bom và đạn đại bác, còn có kho plax-tic(1) không?

Hai Đích nhăn trán, suy nghĩ rất lung:

— Chỗ này thì còn lờ mờ thật! Để tôi về nắm cơ sở điều tra thêm.

— Ta phải rất khẩn trương mới kịp, chiến dịch sắp mở rồi. Anh cần đặc biệt nắm mấy nhân mối trong khu vực chỉ huy sở. Đêm mai, tôi sẽ xuống chỗ anh, muốn trực tiếp gặp người của anh được không?


(1) Chất dẻo nổ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM