Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:03:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15869 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #320 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:18:13 am »


AI CẬP1

Không có dân tộc nào phải trả giá cho tự do và chủ quyền của mình như nhân dân Việt Nam đã phải trả. Không có dân tộc nào phải đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và Tổ quốc mình như Việt Nam đã làm.

Khoảng 40 năm qua, nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu trong một cuộc chiến tranh đẫm máu liên tục và không cân sức chống lại các nước đế quốc mạnh nhất và tàn bạo nhất.

Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu chống đế quốc Nhật Bản và không chịu khuất phục chính sách Đại Đông Á của chúng, chống đế quốc Anh ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi Anh trao Đông Dương cho Pháp, chống đế quốc Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch khi bọn này sang thay chân Nhật Bản ở Việt Nam, chống đế quốc Pháp, kẻ thù lâu đời đã chiếm đóng và bóc lột đất nước của mình 100 năm.

Khi tất cả những tên đế quốc kể trên bị tống khỏi đất nước và nhân dân Việt Nam sắp được hưởng tự do thì họ lại buộc phải lao vào một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất chống lại tên đế quốc lớn nhất là đế quốc Mỹ.

Bằng những sự tích anh hùng và những bản anh hùng ca bất diệt, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi và trở thành một di sản của cuộc đấu tranh dân tộc và nhân đạo, trở thành niềm tự hào cho tất cả các thời đại.

Nhân dân Việt Nam đã phá tan những thành trì của chủ nghĩa đế quốc Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Sau Chiến dịch Sài Gòn, mặt trời của chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã tan và lịch sử nước Mỹ bị chia làm hai giai đoạn, trước và sau chiến tranh Việt Nam.

Trong các cuộc chiến đấu ấy, Việt Nam trước hết dựa vào sức mình, dựa vào dân tộc mình, dựa vào sự động viên mỗi người dân để chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Vì vậy, Việt Nam đã giành được mọi cảm tình, sự giúp đỡ và ủng hộ của tất cả các dân tộc. Bởi thế, Việt Nam hơn ai hết là người hiểu rõ ý nghĩa của tự do và "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói, Việt Nam cũng là người hiểu rõ thế nào là xâm lược và vi phạm các quyền cơ bản. Vì thế Việt Nam không bao giờ xâm lược ai hoặc cho phép ai xâm lược mình, đồng thời cũng không hề do dự chống xâm lược...
Trích Tuyên bố của Đảng Tập hợp tiến bộ yêu nước thống nhất Ai Cập,
ngày 19-12-1979.


Sự thất thủ Điện Biên Phủ, pháo đài của Pháp ở Đông Dương, là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất cả các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục các dân tộc hoặc phá hoại nền độc lập của họ.

Không kể những nguyên nhân của sự thất thủ Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng sẽ tiếp tục và còn nhiều pháo đài đế quốc sẽ sụp đổ.
Trích bài viết trên báo An Gumhiria (Ai Cập),
số ra ngày 8-5-1954.




ANGIÊRI2

... Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới.

Các bạn đã phá vỡ nền tảng của một đế quốc thuộc địa đã tồn tại hàng trăm năm, còn Angiêri thì đúng là mồ chôn đế quốc đó. Vì cần phải lấy bạo lực cách mạng chống lại bạo lực áp bức, các bạn đã làm cho chiến tranh nhân dân trở thành có giá trị và từ nay trở thành một bản án đanh thép đối với chủ nghĩa cải lương chính trị và một biện pháp triệt để để nhổ tận gốc chủ nghĩa thực dân...
Trích lời phát biểu của Tổng thống Huari Bumêđien,
Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hoà Angiêri
dân chủ và nhân dân tại buổi chiêu đãi
của Chính phủ ta nhân dịp đoàn sang thăm Việt Nam,
ngày 5-3-1974.


... Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếng chuông cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp ở châu Á, đã được nhân dân Angiêri xem như là một chiến thắng của bản thân mình. Chiến thắng đó đã củng cố thêm lòng tin tưởng của nhân dân Angiêri chúng tôi là: quân thù không phải là không thể bị đánh bại và xiềng xích không phải là vĩnh cửu và bình minh của một kỷ nguyên mới nhất định sẽ nối tiếp đêm dài của chủ nghĩa thực dân...
Trích lời phát biểu của Tổng thống Huari Bumêđien.
Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hoà Angiên dân chủ và nhân dân
tại cuộc mít tinh ở Hà Nội,
ngày 6-3-1974.


Nhân dân Angiêri lần này có thể thực sự ăn mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam anh em. Chiến thắng này là một chiến thắng đích đáng, nhân dân Việt Nam đã đánh bại những lực lượng của tội ác. Là một dân tộc thuộc địa, nhân dân Việt Nam đã vùng lên đè bẹp chủ nghĩa thực dân Pháp không phải để lại lệ thuộc vào nó một lần nữa. Nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn thủ tiêu những lực lượng thực dân, phát xít và xoá bỏ trên bản đồ châu Á tên một cường quốc thực dân là nước Pháp trước đây...

Thất bại của thực dân Pháp cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Angiêri. Thế là nhân dân Angiêri sôi sục hoạt động. Lửa cách mạng bùng cháy rất nhanh khắp Angiêri. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ bảo đảm chắc chắn cho sự chiến thắng chủ nghĩa thực dân Pháp của nhân dân Angiêri...

Không thể nào đánh giá đúng những ảnh hưởng của Điện Biên Phủ. Thật vậy, Điện Biên Phủ đã giúp cho các dân tộc thuộc địa hãnh diện ngẩng cao đầu. Điện Biên Phủ là một trong những nền tảng vững chắc của Hội nghị Băngđung. Điện Biên Phủ là sự thủ tiêu vĩnh viễn chủ nghĩa thực dân Pháp ở châu Á. Điện Biên Phủ là lời kêu gọi các dân tộc bị trị tiến lên xung phong chiếm lĩnh các pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Điện Biên Phủ mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của châu Á và châu Phi.

Đối với Angiêri, đối với nhân dân Angiêri, Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ là một chiến thắng của họ. Đối với nhân dân Angiêri Điện Biên Phủ đã trả thù cho những chiến sĩ Angiêri và mang lại cho người Angiêri lòng tự tin sắt đá cùng với niềm tin tưởng cách mạng Angiêri cuối cùng nhất định thắng.
Trích lời phát biểu của Ôma Útxêđích,
Trưởng phái đoàn quân sự nước Cộng hoà Angiêri
sang thăm Việt Nam, tháng 5-1959.


Đối với nhân dân Angiêri và đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trận Điện Biên Phủ nổ ra như một tiếng sét giữa bầu trời xám xịt. Đó là lần đầu tiên, sau gần một trăm năm nô lệ, một nước thuộc địa đã buộc một đế quốc thực dân hùng mạnh từng nổi danh vô địch phải rút lui nhục nhã. Trải qua mấy nghìn năm, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của các dân tộc bị áp bức đều bị dìm trong máu. Không thể nói hết về Điện Biên Phủ, về tầm quan trọng của tiếng sét nổ trên đầu con thú đó. Nó vang dội khắp quả đất như một tiếng gọi không thể cưỡng lại được...

Chúng tôi hiểu nhân dân Việt Nam đã từng chiến đấu với kẻ địch trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Họ dùng dao, mác, gậy tầm vông để chống với các loại máy bay và các cỡ pháo và họ đã liên tục chiến thắng. Họ cướp súng địch, phá tan mọi âm mưu của chúng, họ giác ngộ bọn lính đánh thuê, họ luôn luôn quấy rối quân thù, bắt chúng phải đền tội, cuối cùng họ dàn trước mặt địch thủ hàng sư đoàn và trước thế giới, họ nện cho địch một đòn thất bại chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại...

Cuộc khởi nghĩa ở Angiêri đã được nuôi dưỡng bằng tinh thần Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu chung chống các cường quốc thực dân, dù là Pháp hay Mỹ, đã nối liến hai dân tộc bằng những quan hệ sâu sắc. Vì vậy, người Angiêri noi theo những bài học nảy ra từ các cuộc chiến đấu...
Trích bài viết của Catép Iaxin, nhà thơ Angiêri
đăng trên báo Văn học Pháp, số ra tháng 11-1971.
_________________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.49 - 50.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 52-55.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #321 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:22:14 am »


ẤN ĐỘ1

Tôi rất cảm ơn được đến thăm Viện Bảo tàng. Tôi đã được thấy nhiều hiện vật có liên quan đến cuộc chiến tranh trong đó có nhiều vũ khí đã tước được trong cuộc chiến tranh ấy. Nhưng cái đáng chú ý nhất và cảm kích nhất là bàn cát của trận địa Điện Biên Phủ. Bàn cát đó không những chỉ rõ một chiến thuật cao mà còn chứng tỏ sự dũng cảm của nhân dân, và như thế nhân dân đã chiến thắng bằng lòng dũng cảm như thế và sau những hy sinh như thế. Tôi cầu nguyện và chúc cho nền tự do ấy vĩnh viễn lâu dài và sẽ tiếp tục làm cho nhân dân được thịnh vượng và hạnh phúc...
Trích cảm tưởng của Tổng thống Ấn Độ R. Pơraxát
ghi trong Sổ vàng Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tháng 3-1959.

 


CAMƠRUN2

Đoàn đại biểu của thanh niên chiến đấu Camơrun rất sung sướng được đến thăm Viện Bảo tàng Quân đội, nơi mà trong một vài phút, đoàn thấy rõ được trận chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã tiêu diệt được tất cả lực lượng của kẻ địch sau nhiều trận tiến công kéo dài và quyết liệt. Ở đây, đoàn bày tỏ lòng khâm phục của mình với những anh hùng đã ngoan cường tham gia trận đánh quyết định đó và kính cẩn nghiêng mình trước tất cả những người đã hy sinh một cách anh hùng làm cho quân địch thất bại hoàn toàn nhục nhã.

Đoàn noi theo tinh thần cuộc chiến đấu ấy để tăng thêm ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm và hy sinh nhằm chuẩn bị cho thắng lợi cuối cùng của Tổ quốc mình đang bị tàn phá bởi cùng một kẻ địch và bọn tay sai của chúng và như thế có nghĩa là làm sống lại và đồng thời thể hiện ý nghĩa tượng trưng của trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ.
Trích cảm tưởng của ông Útgiốc Alôít Makie,
Bí thư phụ trách tuyên truyền của Đoàn Thanh niên Dân chủ Camơrun
ghi trong Sổ vàng Viện Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam,
tháng 9-1961.



ÊTIÔPIA3

...Tất nhiên sự hy sinh anh hùng và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam không phải là điều mới lạ đối với Êtiôpia. Những tên gọi quen thuộc như Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ... từ lâu đã trở thành những tấm gương sáng chói lòng dũng cảm, những tên tuổi kiệt xuất trong cuộc đấu tranh cho độc lập và tự do...
Trích lời phát biểu của đồng chí Tivêvuxíprê,
Tổng Thư ký Uỷ ban hoà bình và đoàn kết Êtiôpia
trong cuộc mít tinh ngày 1-12-1980
chào mừng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta.
__________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.56.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 59.
3. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 61.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #322 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:24:09 am »


GHINÊ1

... Ngày 7-5-1954, vào lúc 5 giờ sáng, tên Tổng Chỉ huy quân đội Pháp bị vây hãm trong cái hang chuột ở Điện Biên Phủ truyền đi tiếng gọi cầu cứu cuối cùng. Cái lòng chảo nổi tiếng đó, bây giờ đã trở nên lịch sử, đồng thời đã trở thành một trong những nấm mồ đầu tiên của chủ nghĩa thực dân, cái chủ nghĩa đã hủy hoại nhân cách của mọi dân tộc bị áp bức.

Bằng cách làm chủ chiến trường Điện Biên Phủ, quân đội dũng cảm và anh hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỗng nhiên đã phục hồi lại danh dự và phẩm giá của hàng triệu con người đã từng sống hàng bao nhiêu thế kỷ trong sự áp bức bóc lột đáng hổ thẹn, trong sự hủy hoại nhân cách và phẩm giá của con người.

Chín năm chiến đấu bất khuất, bắt đầu từ trong vòng bí mật, rồi tiến đến ra công khai giữa ban ngày, dàn thành trận địa chiến. Chín năm chiến đấu không nao núng với bao nhiêu tang tóc điêu tàn, đau khổ do bạn xâm lược gây ra. Chín năm chiến tranh gian khổ nhưng với một niềm tin không gì lay chuyển nổi, đã đưa tới kết quả là đè bẹp được con quái vật xấu xa là chủ nghĩa thực dân mà nhân dân các nước Á – Phi đã từng nếm mùi đau khổ do nó gây ra.

Điện Biên Phủ! Cái tên đó kêu như một tiếng roi bi thảm đánh ngang tai bọn thực dân nhưng lại thổi to ngọn lửa chiến đấu của những người đang cầm khí giới trong tay để chống lại áp bức.

Điện Biên Phủ! Tiếng chuông đưa ma của chủ nghĩa đế quốc kéo liên hồi bởi một dân tộc khao khát muốn phục hồi địa vị và nhân phẩm của mình, đã mãi mãi trở thành một gương sáng cho các nước Á, Phi anh em đang sống trong vòng nô dịch

Điện Biên Phủ! Cái bóng ma đang làm cho bọn xâm lược chưa hết cơn run sợ và cái bóng ma đó từ nay sẽ như lưỡi gươm Đamôclét2 treo trên đầu chủ nghĩa đế quốc ở Angiêri, ở Camơrun, Cônggô, Uganda, Burundi và ở Lào...

Tất cả các dân tộc đang còn bị áp bức và nô dịch, tất cả những dân tộc vừa mới giành được độc lập và rất nhiều giá trị của nền độc lập, sẽ nhớ mãi cái tên Điện Biên Phủ. Tất cả các dân tộc đó đều gửi lời chào anh em và biết ơn tới những người lao động và nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bởi vì họ đã giáng cho chủ nghĩa đế quốc quốc tế một đòn sấm sét.

Một lỗ hổng đã được đột phá và phá rất to. Nhân dân Ghinê tập hợp đằng sau chính đảng của mình, Đảng Dân chủ Ghinê, đã luồn qua lỗ hổng đó, và đến lượt mình đã giáng thêm một đòn chết điếng vào chủ nghĩa đế quốc Pháp ở châu Phi.
Trích lời phát biểu của ông Giăng Báptixtơ Đêen,
Trưởng đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Ghinê
tại Đại hội II Tổng Công đoàn Việt Nam, tháng 5-1961.




HAITI3

Với tư cách là người yêu nước bình thường của Haiti và của Mỹ latinh, tôi xin chào những anh hùng Điện Biên Phủ và ở tất cả các nơi khác trên đất nước Việt Nam, nơi mà nhân dân anh hùng đi theo Đảng công nông vững mạnh và xuất sắc của mình, đã cho thế giới thấy rõ tinh thần cao cả, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết trước chính sách gây chiến của chủ nghĩa đế quốc quốc tế do Mỹ cầm đầu...

Ở Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao của thắng lợi và chủ nghĩa thực dân Pháp độc ác đã bị tan vỡ trước Xtalingrát của Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách của chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ.

Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần vinh quang đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và Mỹ latinh chúng tôi.

Ngày nay sự thức tỉnh của các dân tộc ở Mỹ latinh với Cuba là đội tiên phong đang đi theo con đường sáng ngời của Điện Biên Phủ...
Trích cảm tưởng của Rônê Depextôrô,
 nhà thơ yêu nước Haiti ghi trong Sổ vàng
Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ngày 2-12-1960.


... Các bạn đang chiến đấu tuyệt vời cho nền văn minh của nhân loại, để trong nước các bạn người người đều có thể thành một động lực phát quang làm chói lọi cả loài người... Cuộc kháng chiến chống bọn thực dân xâm lược và chiến công ở Điện Biên Phủ của các bạn là một bản anh hùng ca tuyệt diệu và tiêu biểu nhất của thời nay, và chỉ bấy nhiêu cũng đủ xứng đáng cho mọi người, dù trai hay gái, trên quả đất này biết đến sâu sắc nhất. Giờ đây bao nhiêu sự hăm doạ nghiêm trọng đang bay lượn trên sự nghiệp mà các bạn đã sáng tạo nên bằng vô vàn hăng say, dũng cảm và vinh quang. Nhiệm vụ làm người, làm thơ, làm chiến sĩ cách mạng của tôi là phải ở ngay bên cạnh các bạn, chia sẻ những gian nguy của các bạn, vai sát vai, lòng bên lòng. Cùng các bạn kiên quyết đánh đuổi và đánh cho kỳ thắng kẻ thù xâm lược của các bạn và cũng là kẻ thù của chúng tôi... Tôi mong sẽ được vinh dự bổ sung làm một chiến sĩ trong đội ngũ chiến đấu Việt Nam.
Trích thư của ông Rônê Depextôrô,
nhà thơ yêu nước Haiti, ngày 5-12-1960.
______________________________________________________
1. Việt Nam – Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sdd, tr. 63-65.
2. Điển cố văn học phương Tây, ý nói một tình trạng luôn luôn bị những mối nguy hiểm đe doạ (B.T).
3. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 66-67.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #323 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:26:20 am »


MAĐAGÁTXCA1

Chúng tôi cảm thấy vô cùng gần gũi với Việt Nam mặc dù hai nước chúng ta cách nhau rất xa, và hiểu rõ những hy sinh cũng như những thắng lợi của nhân dân Việt Nam; đặc biệt chúng tôi sẽ giữ mãi trong trái tim kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đối với chúng tôi, cuộc đời của Người luôn là tấm gương sáng về tư tướng, lòng dũng cảm và niềm tự hào...

Trong những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tin thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với hòn đảo của chúng tôi như một niềm cổ vũ vô giá, động viên chúng tôi tiến lên. Thực dân Pháp muốn tiêu diệt nguyện vọng của nhân dân Mađagátxca đã tiến hành cuộc tàn sát hèn hạ. Nhân dân Mađagátxca không bao giờ quên 200.000 người dân Mađagátxca đã chết. Nhưng thực dân đã phải đền tội bằng thất bại nhục nhã của quân đội chúng ở Đông Dương. Và chúng tôi cũng không bao giờ quên rằng mặc dù nhân dân Mađagátxca phải chịu những thất bại đẫm máu năm 1947, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 tiếp theo đó là việc nhân dân Angiêri phát động cuộc đấu tranh giải phóng đã đóng vai trò chủ yếu trong việc làm tan rã đế quốc thực dân Pháp...
Trích lời phát biểu của đồng chí Rađaođi Racôtôngđravao Lôrăng,
Uỷ viên Bộ Chính trị Uỷ ban Trung ương Đảng,
Trưởng đoàn đại biểu Đảng Tiên phong cách mạng Mađagátxca
tại Đại hội V Đảng ta.





MALI2

...Chúng tôi nhiệt liệt ca ngợi vai trò lớn lao của nhân dân Việt Nam anh dũng trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị nước ngoài thống trị. Cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc xâm lược kết thúc với thắng lợi Điện Biên Phủ bất diệt là một nguồn cổ vũ vô cùng to lớn đối với tất cả các dân tộc còn chưa thoát khỏi ách thực dân.

Tôi xin nghiêng mình trước tất cả những người đã hy sinh tính mệnh để làm cho mặt trời tự do sáng chói trên đất nước Việt Nam đang tiếp đón chúng tôi hôm nay...
Trích lời phát biểu của Tổng thống Môđibô Câyta,
Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà Mali
nhân dịp đoàn sang thăm nước ta, tháng 10-1964.


Việt Nam là những người đầu tiên hầu như tay không đã dám đứng lên đương đầu với sức mạnh vật chất của chính quyền thuộc địa, những người đầu tiên đứng lên chống lại sự chà đạp lên nhân phẩm của mình và nhân phẩm của tất cả các dân tộc bị nước ngoài thống trị, những người đầu tiên đánh những đòn quyết định vào các đế quốc thực dân khổng lồ, những người đầu tiên chứng minh cho các dân tộc khác ở châu Á và châu Phi đang rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ thuộc địa rằng có thể giành được thắng lợi.

Các bạn đã góp phần quyết định vào cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức bằng cách chứng minh rằng: một dân tộc quyết tâm đấu tranh giành tự do và được những chiến sĩ đã được tôi luyện giáo dục và lãnh đạo theo những nguyên lý khoa học đã được thực tế xác nhận, là một dân tộc mà không lực lượng nào có thể quật ngã được.

Bằng cách đánh tan bọn xâm lược Pháp ở Điện Biên Phủ, các bạn đã mở cho các dân tộc bị đế quốc Pháp đô hộ con đường tiến lên độc lập dân tộc... Những đồng bào của chúng tôi bị bọn Pháp mang sang đây, sau khi tiếp xúc với các chiến sĩ Việt Nam trong các trại tù binh và hiểu rõ các bạn, đã giác ngộ về hoàn cảnh của chính mình. Vì thế mà số đông những đồng bào của chúng tôi, khi về nước đã đứng cạnh các bạn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc...
Trích lời phát biểu của ông Madâyra Câyta,
Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tin nước Cộng hoà Mali
trong cuộc mít tinh tại Hà Nội, ngày 5-10-1961.





MAROC1

... Tôi xin gửi đến các đồng chí đại biểu có mặt tại đây, đến Đảng Lao động Việt Nam có uy tín lớn lao, đến nhân dân Việt Nam anh hùng và vị Chủ tịch xuất sắc là đồng chí Hồ Chí Minh kính mến, tấm lòng kính phục chân thành nhất, lòng kính phục không phải chỉ có riêng tôi mà còn là của toàn thể nhân dân Marốc và toàn thể nhân dân châu Phi, tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy.

Sở dĩ có tấm lòng kính phục đó là do nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong mácxít-lêninnít đã chiến đấu anh đũng chống bọn áp bức nước ngoài, do các bạn đã đóng vai trò người mở đường và cổ vũ các dân tộc ở Đông Nam Á và châu Phi, đó là sự sáng suốt và dũng cảm của các bạn, do nhiệt tình chiến đấu và lòng kiên cường của các bạn, do những sự hy sinh không bờ bến của các bạn.

Thật vậy, trong số hàng mấy trăm triệu người bị nô dịch ở hai lục địa Á - Phi này, các bạn đã đứng trong hàng ngũ những người đầu tiên giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng và bao giờ các bạn cũng hiên ngang và quả cảm đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Đối với nhân dân Marốc chúng tôi cũng như đối với toàn thể nhân dân châu Phi, các bạn đã chứng minh một cách hùng hồn rằng cả đến chủ nghĩa đế quốc ngạo nghễ nhất cũng có thể đánh được, và đánh cho tơi bời nữa, mặc dù lực lượng của chủ nghĩa đế quốc và của những đồng minh đông đảo của nó mạnh mẽ như thế nào. Các bạn đã chứng minh rằng ngày nay, khi một dân tộc đã kiên quyết giành lại tự do thì dù có gặp trở ngại, dù có nghèo khổ, thiếu thốn phương tiện đến đâu đi nữa, cũng vẫn có thể đánh bại được quân địch và đi tới thắng lợi cuối cùng. Và thắng lợi như thế là nhờ lực lượng so sánh mới trên phạm vi toàn thế giới nhất là nhờ sự phát triển không ngừng của phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô.

Binh lính thiện chiến và những sĩ quan cao cấp trong quân đội xâm lược Pháp đã bị các bạn đè bẹp ở Điện Biên Phủ; chiến thắng có tính chất quyết định này đã gây niềm phấn khởi sâu sắc nhất trong trái tim của nhân dân Marốc chúng tôi cũng như trong trái tim của nhân dân châu Phi và toàn thể những người bị áp bức. Đối với những kẻ còn mơ ngủ và hoài nghi thì chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kích thích làm cho họ thức tỉnh và tin tưởng. Nó đã làm tăng gấp bội nhiệt tình và lòng tin tưởng của những người đã lao mình vào cuộc chiến đấu.

Chúng tôi không thể quên rằng chính là nhờ được những thắng lợi quân sự và kinh nghiệm quý báu của các bạn cổ vũ mà nhân dân Marốc chúng tôi đã cầm vũ khí giành lại độc lập. Và chính là nhờ ánh sáng những bài học của các bạn mà ngày nay nhân dân Angiêri dũng cảm và anh em của chúng ta đang chiến đấu với một tinh thần anh dũng đặc biệt; mặc dù bọn thống trị có những âm mưu xảo trá và có những thủ đoạn tàn bạo dã man đến đâu đi nữa thì nhân dân Angiêri cũng chắc chắn đi tới thắng lợi cuối cùng.

Tấm gương của các bạn đã soi sáng con đường đen tối của các dân tộc châu Phi và những thắng lợi của các bạn... đã mở đường cho phần lớn trong số 24 quốc gia châu Phi hiện nay được hưởng nền độc lập.

Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự nghiệp của các bạn, sẽ được coi là một giai đoạn đáng kể và không thể phai mờ được trong lịch sử giải phóng hoàn toàn của châu Á và châu Phi.

Các đồng chí thân mến, các đồng chí thật đáng tự hào và đáng được người ta nhiệt liệt biết ơn về điều đó!
Trích lời phát biểu của đồng chí Ali Yata,
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Marốc tại Đại hội III Đảng ta.
_______________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 71.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 72-73.
3. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 75-77.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #324 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 12:26:04 pm »


MIẾN ĐIỆN1
(MIANMA)

... Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng nhân dân Miến Điện xin chúc cách mạng Việt Nam toàn thắng. Khi chúng tôi được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do hai sư đoàn quân tinh nhuệ Pháp đóng giữ rơi vào tay nhân dân Việt Nam, lúc đầu chúng tôi rất ngạc nhiên, sau chúng tôi thấy rất sung sướng. Chúng tôi ngạc nhiên vì một pháo đài của Pháp kiên cố như vậy được cả Mỹ giúp đỡ lại rơi vào tay quân du kích Việt Nam, kể cả viên Tư lệnh chỉ huy pháo đài.

... Đây là một chiến thắng đầu tiên của một nước vốn là thuộc địa nhỏ yếu đối với một nước đế quốc giàu mạnh. Chiến thắng này cho ta thấy nhân dân Việt Nam đã phải đấu tranh như thế nào để chiến thắng đế quốc, bắt đầu từ giai đoạn dùng vũ khí thô sơ đến khi tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại. Về mặt quân sự, chiến thắng Điện Biên Phủ phải được coi là chiến thắng của một dân tộc bắt đầu bằng chiến tranh du kích chống quân thù nhưng có thể chiến thắng những pháo đài kiên cố của đế quốc, buộc chúng phải đầu hàng và chỉ có đầu hàng chứ không có con đường nào khác. Trận Điện Biên Phủ cho thấy rõ khả năng lãnh đạo quân sự một cách khoa học của nhân dân làm cho sự phòng thủ của quân thù lớn mạnh như thế nào đi nữa và dùng vũ khí gì đi nữa, cũng vẫn có thể bị đánh tan. Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ rõ làm như thế nào để có thể với những vũ khí tầm thường vẫn có thể chiến thắng những pháo đài kiên cố của địch và làm thế nào để phát huy tác dụng tinh thần dũng cảm và đầu óc tổ chức. Sau cùng, trận Điện Biên Phủ tỏ rõ làm thế nào để biến lượng thành chất để giành thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tiêu tan tất cả mọi hy vọng của đế quốc trong chiến tranh Đông Dương và buộc chúng phải nhượng bộ ở Hội nghị Giơnevơ. Nhân dân Miến Điện chúng tôi lúc đó rất vui mừng phấn khởi khi nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Vừa lúc Điện Biên Phủ chiến thắng thì chúng tôi ở Miến Điện cũng đang vui mừng vừa chiến thắng bọn Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Từ năm 1949, quân Quốc dân Đảng đã bắt đầu xâm nhập một phần năm đất nước Miến Điện về phía đông, ở đây với hơn 12 nghìn quân chúng lập nhiều căn cứ quân sự và căn cứ không quân. Năm 1954, chúng tôi mở nhiều trận lớn đánh quân Quốc dân Đảng và trong tháng 4, tháng 5-1954, đã đánh lui chúng về biên giới Thái Lan. Chúng tôi đang vui mừng chiến thắng Quốc dân Đảng, chiến thắng Điện Biên Phủ lại làm cho chúng tôi sung sướng và phấn khởi hơn. Rồi chúng tôi kết luận rằng việc chúng tôi chiến thắng bọn Quốc dân Đảng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi bọn đế quốc đang bối rối ở Điện Biên Phủ, chúng tôi có thời cơ thuận lợi để tiêu diệt Quốc dân Đảng hoạt động dưới cùng một chiến lược của đế quốc chủ nô. Cho nên chiến thắng Điện Biên Phủ không những khuyến khích chúng tôi về tinh thần mà còn giúp chúng tôi phải chịu ơn nhân dân Việt Nam dũng cảm. Sau tháng 5-1954 thì chúng tôi đánh tan bọn Quốc dân Đảng đóng ở vùng biên giới Thái Lan - Lào - Miến Điện.

Chiến thắng Điện Biên Phủ gây nên những làn sóng lớn trên khắp thế giới. Đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ đem lại những bài học rất bổ ích cho nhân dân Á - Phi, Mỹ latinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối với châu Á, chiến thắng Điện Biên Phủ không những giúp một bài học, một sự ủng hộ tinh thần mà thực tế còn giúp bằng vật chất. Bài học quý báu nhất của trận Điện Biên Phủ là một nước thuộc địa, dù nhỏ thế nào đi nữa, cũng vẫn có thể chiến thắng đế quốc hùng mạnh như Pháp được Mỹ ủng hộ. Sau chiến tranh Triều Tiên, trận Điện Biên Phủ đã làm cho đế quốc bị tổn thương nặng. Trận Điện Biên Phủ cho ta thấy các dân tộc thuộc địa bị áp bức dù nhỏ yếu vẫn có thể là kẻ chiến thắng nếu kiên trì đấu tranh cách mạng... và chiến thắng ở Cuba và Mỹ latinh cũng như chiến thắng của Angiêri ở châu Phi và tiếp tục chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ.

Trận Điện Biên Phủ đã gây mâu thuẫn sâu sắc giữa đế quốc Mỹ mạnh hơn với đế quốc Anh, Pháp yếu hơn. Những mâu thuẫn đó tập trung trong vấn đề chiến lược của bọn đế quốc ở Đông Nam Á: Đế quốc Mỹ tiếp tục chính sách áp bức đối với nhân dân Đông Nam Á và tiếp tục dùng vũ lực để nô dịch khu vực này. Còn bọn Anh, Pháp đã có kinh nghiệm bản thân nên không muốn nghe theo tất cả mọi âm mưu của Mỹ. Những mâu thuẫn đó tạo thời cơ tốt cho nhân dân và làm suy yếu đế quốc. Cho nên, chiến thắng Điện Biên Phủ không những làm thay đổi tình thế trong chiến tranh Đông Dương mà còn có lợi cho phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Nam Á. Liên hệ với tình hình Việt Nam đang đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất Tổ quốc, chúng tôi tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam cũng sẽ thắng trong cuộc đấu tranh này, vì nhân dân Việt Nam đã từng chiến thắng những đế quốc lớn, đã giàu kinh nghiệm qua trận Điện Biên Phủ và nhiều trận khác trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với nhân dân Miến Điện, tôi xin chúc nhân dân Việt Nam nhiều thắng lợi nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trích bài phát biểu của Thiếu tướng Kiangiáp2 (Miến Điện)
 nhân kỷ niệm lần thứ 10 chiến thắng Điện Biên Phủ



 

MỸ3

Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng bọn thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của để quốc Mỹ.

Aixenhao và Đalét chấp hành một cách trung thành ý đồcủa bọn tư bản lũng đoạn ở phố Uôn để tiến hành và tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương. Họ có mộng tưởng lấy Đông Dương làm bàn đạp để phát động chiến tranh nguyên tử và… sau nữa là đối phó với Liên Xô.

Điện Biên Phủ bị hạ đã bộc lộ sự phá sản chính sách của phố Uôn hòng chinh phục các nước ở Đông Nam Á…

Nhân dân các nước Á, Phi đã nhận thức một cách rõ ràng ý nghĩa chân thực của sự kiện trọng đại đã phát sinh ở Điện Biên Phủ. Họ vui mừng, phấn khởi về những thắng lợi vô cùng to lớn của toàn thể nhân dân thế giới đối với chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ.

Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đồng thời sự phát triển ở Đông Dương trong giai đoạn gần đây đã thúc đẩy và làm tăng cường sự phản kháng chính sách khống chế của Mỹ ở các nước tư bản khác.

Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới. Thắng lợi này là thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được trong cuộc đấu tranh anh dũng để chống lại một kẻ địch được trang bị những vũ khí tối tân, ưu việt hơn. Đây lại một lần nữa chứng minh một cách hùng hồn rằng nhân dân thế giới sẽ không cho phép xiềng xích của phố Uôn quàng lên cổ họ...
Trích bài phát biểu của đồng chí Uyliam Phôxtơ,
Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ
đăng trên tờ báo Công nhân, số ra ngày 10-5-1954.
______________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 78-81.
2. Trong lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở việt Nam, tướng Kiangiáp là Tư lệnh quân khu Bắc Miến Điện, ông trực tiếp chỉ huy chiến dịch đánh đuổi tàn quân Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch ra khỏi lãnh thổ Miến Điện.
3. Việt Nam – Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 84-85.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #325 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 12:30:10 pm »


PHÁP1

...Thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh ở Điện Biên Phủ làm nổi bật tính chất phiêu lưu của những hành động quân sự ở Đông Dương và chứng tỏ sự coi rẻ tính mạng con người là đặc điểm của các chính phủ ở Pháp.

Người Pháp có thể cảm động trước chính sách khoan hồng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phóng thích những tù binh bị thương và đau ốm, không cần đếm xỉa đến âm mưu của Bộ Tư lệnh Pháp.

Sau thất bại Điện Biên Phủ, những nhà cầm quyền Pháp mưu toan xoá nhòa những hậu quả tai hại của chính sách của họ, đã dùng những luận điệu chống cộng, gây ra những vụ rắc rối, thậm chí họ đi đến phản bội những điều đã cam kết. Làm như vậy, họ hy vọng ngăn cản việc hồi hương những thương binh ở Điện Biên Phủ để sau này đổ lỗi cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng âm mưu đó bị bóc trần...
Trích báo cáo của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Pháp
tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Pháp.


Đứng cạnh các đồng chí, có nhân dân Pháp với Đảng Cộng sản là người kế thừa sự nghiệp Công xã Pari. Chúng tôi biết ơn các đồng chí đã không nhầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân đã gây cho các đồng chí biết bao đau khổ. Xin kính cẩn cảm tạ các đồng chí đã giữ nguyên vẹn tình hữu nghị của các đồng chí đối với nhân dân chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với tình hữu nghị đó bằng cách đòi hỏi quyết liệt hơn bao giờ hết sự thi hành Hiệp định Giơnevơ, sự công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự kiến lập những quan hệ trên cơ sở bình đẳng và hai bên đều có lợi giữa hai dân tộc chúng ta. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh những cố gắng của chúng tôi vì sự nghiệp giải phóng của tất cả các dân tộc thuộc địa và, trước hết, để chấm dứt cuộc chiến tranh Angiêri, để cho nhân dân Angiêri có thể tự do định đoạt vận mệnh của mình...
Trích bài phát biểu của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp
tại cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội chào mừng Đoàn,
ngày 11-9-1960.




TUYNIDI2

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ là người của nước Việt Nam mà còn là người của tất cả các nước đã chống lại, đã đánh đổ chủ nghĩa thực dân, đã mang lại chiến thắng hoặc sẽ chiến thắng. Cuộc đấu tranh của các bạn là ngọn roi làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cái mốc trong lịch sử loài người. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử có một sự kiện như vậy...
Trích lời phát biểu của Tổng thống Tuynidi Buốcghiba
trong dịp tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
sang thăm Tuynidi, đầu năm 1961.


... Từ trước đến nay, chúng tôi luôn luôn tỏ lòng kính yêu sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một nhà cách mạng lỗi lạc, một người yêu nước nồng nàn, Chủ tịch đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Tên tuổi của Người sẽ gắn liền với thắng lợi Điện Biên Phủ, với cuộc kháng chiến anh hùng của nhân dân Việt Nam chống sự dã man của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, với sự ra đời và củng cố của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...

Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng một vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Ảrập và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc...
Trích thư của đồng chí Môhamét Hácmen,
Bí thư Đảng Cộng sản Tuynidi
gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, năm 1969.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tuynidi xin gửi tới các đồng chí lời chào mừng anh em nồng nhiệt. Nhân dân chúng tôi có rất nhiều cảm tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh hùng tiêu biểu bằng chiến thắng Điện Biên Phủ là một trang sử vẻ vang của phong trào giải phóng dân tộc...
Trích điện của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Tuynidi
gửi Đại hội III Đảng ta.





XRI LANCA3

... Thắng lợi có tầm vóc lịch sử vĩ đại này không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn là tấm gương sáng cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Đó là thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng chống bọn thực dân đế quốc xâm lược đầu sỏ là Pháp và Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1975 đã làm chấn động toàn cầu, đưa đến việc thành lập nước Việt Nam thống nhất, tự do và xã hội chủ nghĩa. Điều mong ước lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến của nhân dân Việt Nam đã được thực hiện...

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử đấu tranh bất khuất. Đó là kết quả của đường lốĩ lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc phát triển hơn nữa học thuyết và kinh nghiệm của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Bởi vậy, ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam có uy tín to lớn trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.
Trích bài phát biểu của đồng chí K. P. Đêxinva.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Xri Lanca
đăng trên báo Sự thật (Xri Lanca), số ra ngày 4-2-1980.
_________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 90-91.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại. Sđd, tr. 92-93.
3. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 94.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #326 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 02:39:01 pm »


PHẦN THỨ NĂM
BIÊN NIÊN SỰ KIỆN ĐIỆN BIÊN PHỦ


 

NĂM 1953

Ngày 8-5

Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà Pháp chính thức cử tướng 4 sao Hăngri Nava (Henri Navarre), người đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh lục quân Trung Âu thuộc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thay tướng Xalăng (Salan) giữ chức Tổng Chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đây là viên Tổng Chỉ huy thứ bảy, kể từ ngày thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai (9-1945). Sau tám năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngân sách thâm hụt khoảng 730 triệu phrăng, lạm phát 2.000 tỷ phrăng, hơn 3 triệu người thất nghiệp, nội bộ nước Pháp lâm vào tình trạng rối ren, Rơnê Maye (René Mayer) vị thủ tướng thứ 17 của Cộng hoà Pháp phải từ chức, nước Pháp lâm vào cuộc khủng hoảng nội các kéo dài hơn một tháng.


Tháng 6

Sau khi nhậm chức Thủ tướng (ngày 22-6) G. Lanien (Joseph Laniel) phê chuẩn việc cử tướng Nava làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và chọn Đờ Giăng (De Jean) sang làm cao uỷ, thay thế Bộ trưởng Lơ Tuốcnô (Le Tourneau) thôi kiêm chức cao uỷ.

Sang Đông Dương, tướng Nava ráo riết hoạt động để nhanh chóng thảo ra một kế hoạch chiến lược mới nhằm xoay chuyển tình thế buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp thương lượng theo những điều kiện mà phía Pari có thể chấp nhận được, đưa nước Pháp thoát khỏi chiến tranh một cách "danh dự". Nava đi thị sát tập đoàn cứ điểm Nà Sản và nghiên cứu tình hình thực tế ở nhiều nơi khác. Viên Tổng Chỉ huy mới thay các chức vụ tư lệnh miền Bắc, tư lệnh không quân, tư lệnh Lào, ba trong số năm chỉ huy trưởng các khu vực thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Tướng hai sao Cônhi (Cogny) được thăng cấp, giữ chức Tư lệnh trưởng Bắc Việt.


Ngày 3-7

Thủ tướng Pháp Lanien ra bản tuyền bố sẵn sàng trao trả "độc lập" cho các "quốc gia liên kết". Đáp lại, Thủ tướng bù nhìn quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Tâm ra tuyên bố sẽ tiến hành "tổng động viên lực lượng" đóng góp nhiều hơn nữa cho cuộc chiến.


Ngày 17-7

Nava trình bày kế hoạch quân sự trên chiến trường Đông Dương trước Hội đồng Tham mưu trưởng.


Ngày 21-7

Thủ tướng bù nhìn Quốc gia Việt Nam lên đường sang Mỹ theo lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Aixenhao.


Ngày 24-7

Dưới sự chủ toạ của Tổng thống Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol) Hội đồng Quốc phòng Pháp họp tại Pari thông qua kế hoạch Nava. Theo kế hoạch này, trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp thực hiện phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18, tránh giao chiến toàn diện với ta. Đồng thời tăng cường lực lượng cơ động tiến công nam vĩ tuyến 18 nhằm bình định miền Nam và miền Trung Đông Dương, trong đó đặc biệt chiếm cho được vùng tự do Liên khu V. Sau khi có ưu thế về lực lượng cơ động, từ mùa Thu năm 1954 sẽ chuyển sang tiến công phía bắc Hoành Sơn, nhằm tạo nên một cục diện quân sự mới, đồng thời tạo ra một giải pháp chính trị có lợi cho cuộc chiến tranh mà Pháp đang tiến hành. Để thực hiện kế hoạch này, Pháp tăng cường bắt nguỵ binh và xin viện trợ Mỹ.


Ngày 25-7

Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại ký sắc lệnh “tổng động viên”.


Ngày 1-8

Nava trở lại Đông Dương và bắt tay ngay vào tổ chức quân đội như kế hoạch đã định.


Ngày 20-8

Tổng Quân uỷ trình lên Bộ Chính trị bản đề án: Tình hình địch ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953.


Tháng 9

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Tỉn Keo (Định Hoá, Thái Nguyên), bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Tham dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Sau khi xem xét các phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu và ý định của Tổng Quân uỷ, qua việc phân tích một cách toàn diện tình hình và âm mưu của địch cũng như thuận lợi và khó khăn của ta, Bộ Chính trị đã đề ra phương châm chiến lược: "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng chủ lực mở những cuộc tiến công vào những chỗ địch sơ hở, tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Đối với chiến trường miền Bắc được xác định: "lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp".


Ngày 2-11

Nava gửi chỉ lệnh đặc biệt cho tướng Cônhi, Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ: chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng cuộc hành binh không vận vào trước ngày 1-12, khoảng 15 ngày trước khi Đại đoàn 316 đến được vùng này như nguồn tin của Pháp thu thập được.


Ngày 4-11

Đại tá Baxchiani (Bastiani), Tham mưu trưởng lục quân Bắc Bộ phản đối chủ trương chiếm đóng Điện Biên Phủ của Nava với lý do vào thời điểm đó Thượng Lào chưa có dấu hiệu bị uy hiếp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #327 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 02:41:00 pm »


Ngày 12-11

Tướng Cônhi phản đối kế hoạch chiếm đóng Điện Biên Phủ.


Ngày 15-11

Đại đoàn 316 gồm hai Trung đoàn 148 và 174 do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đại đoàn trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính uỷ được lệnh hành quân lên Tây Bắc.


Ngày 19 đến ngày 23-11

Tại Định Hoá (Thái Nguyên), Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954. Tham dự hội nghị có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái cùng đông đảo cán bộ chủ trì các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng tư lệnh, cán bộ chỉ huy các chiến trường từ Liên khu V trở ra và cán bộ chỉ huy các đại đoàn chủ lực. Hội nghị đã nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng Quân ủy phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 và thảo luận về chủ trương, phương châm chỉ đạo tác chiến, nhiệm vụ và những yêu cầu cụ thể của từng hướng chiến trường. Hội nghị họp đến ngày thứ hai thì địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ngay tối hôm đó, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh đã kịp thời họp bàn và xem xét, đánh giá tình hình. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận định "vô luận rồi đây địch tình thay đổi như thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cơ bản có lợi cho ta". Vì vậy, nhiệm vụ của ta là phải tìm cách kéo thêm chủ lực của chúng lên Điện Biên Phủ.


Ngày 20-11

Dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Gin (Gilles), Pháp mở cuộc hành quân Castor (Hải ly) nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Địch huy động 60 máy bay Đakôta chở sáu tiểu đoàn dù với quân số 4.545 tên, trong đó 1/3 là nguỵ quân, cùng với 190 tấn vũ khí, đạn dược và các thiết bị chiến tranh, Sở Chỉ huy tạm thời đặt tại Bản Kéo mang tên cứ điểm An Mari.

Trong một cuộc họp báo, tướng Cônhi tuyên bố rằng cuộc hành quân Hải ly "không phải là một cuộc nhảy dù biệt kích như Lạng Sơn mà đây là khởi đầu của một cuộc tiến công đại quy mô.... Điện Biên Phủ là một điểm chốt. Nếu tập đoàn cứ điểm Nà Sản lắp được trên bánh xe lăn, có lẽ đã chuyển nó lên Điện Biên Phủ ngay từ khi tôi (Cônhi) nhậm chức cách đây năm tháng".


Ngày 25-11

Theo lệnh của Nava, Đờ Crevơcơ (De Crèvecoeur), chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Lào huy động sáu tiểu đoàn mở cuộc hành binh từ Luông Prabăng lên khu giải phóng Lào ở lưu vực sông Nậm Hu.

Sân bay Mường Thanh ở lòng chảo Điện Biên Phủ được sửa chữa xong, máy bay Đakôta của không quân Pháp đã hạ cánh an toàn xuống sân bay này.


Ngày 26-11

Cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh gồm các đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu phó, Lê Liêm - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đặng Kim Giang - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Đỗ Đức Kiên - Phó cục trưởng Cục Tác chiến lên đường đi Tây Bắc.


Ngày 3-12

Nava quyết định rút bỏ Lai Châu co lực lượng về Điện Biên Phủ. Đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào và đưa thêm lượng tăng cường phòng ngự, xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài bất khả xâm phạm, một cứ điểm mạnh hơn cả Nà Sản.


Ngày 5-12

Các đơn vị quân Pháp ở Điện Biên Phủ được chuyển thành Binh đoàn tác chiến vùng Tây Bắc, gọi tắt là GONO (Groupement Opérationnel du Nord- Ouest).


Ngày 6-12

Quân Pháp bắt đầu rút khỏi Lai Châu tập trung tăng cường phòng ngự Điện Biên Phủ bằng cuộc hành quân Pôluých (Pollux).

Bộ Chính trị nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm tiến công và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Báo cáo của Tổng Quân uỷ nêu rõ: Thời gian tác chiến Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, trận đánh có thể bắt đầu vào đầu tháng 2-1954, sử dụng lực lượng của ba đại đoàn chủ lực, toàn bộ lực lượng pháo binh và công binh, phòng không; quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42 nghìn người. Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Đồng thời, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận.


Ngày 7-12

Đại đoàn 308 gồm ba Trung đoàn 36, 88 và 102 do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng được lệnh hành quân lên Tây Bắc.


Ngày 8-12

Nava cử Đại tá Đờ Cátxtơri (De Castries) lên Điện Biên Phủ chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc thay tướng Gin.


Ngày 9-12

Quân Pháp bắt đầu xây dựng cụm cứ điểm Bêatơrixơ (Béatrice) tại Him Lam, án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.


Ngày 10 đến ngày 31-12

Ta tiến hành chiến dịch Lai Châu, chiến dịch mở đầu chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và phân tán lực lượng cơ động của địch, giải phóng Lai Châu. Đại đoàn 316, do Tư lệnh Lê Quảng Ba và Chính uỷ Chu Huy Mân chỉ huy cùng lực lượng vũ trang tại chỗ tiến công địch trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu, liên tục tấn công và truy kích địch, Đại đoàn 316 đã làm tiêu diệt và làm tan rã 24 đại đội địch (khoảng 2.500 tên), đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, thu 538 súng trường và tiểu liên, 148 trung liên, 5 súng cối, 12 máy vô tuyến điện, 3 ôtô, 200 ngựa, lừa; giải phóng toàn bộ Lai Châu, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Bước đầu thực hiện thành công ý định của Bộ Chính trị "lấy Tây Bắc là hướng chính..." trong Đông Xuân 1953 - 1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #328 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 02:41:45 pm »


Ngày 13-12

Tướng Nava họp Ban Tham mưu tại Sài Gòn, chấp nhận quyết chiến với Việt Minh ở Điện Biên Phủ.


Ngày 15-12

Tướng Cônhi lệnh cho Đờ Cátxtơri xây dựng cứ điểm Idaben (Isabelle) ở Hồng Cúm.


Ngày 17-12

Quân Pháp lập cứ điểm Gabrien (Gabrielle) - đồi Độc Lập, án ngữ con đường từ Lai Châu vào Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn pháo binh số 1 Angiêri được bố trí ở Hồng Cúm.


Ngày 18-12

Những đơn vị đầu tiên của Binh đoàn cơ động số 9 (GM 9) được rút từ đồng bằng đưa lên Điện Biên Phủ.

Chiếc xe tăng đầu tiên được đưa lên Điện Biên Phủ bằng phương pháp tháo rời sau đó được lắp ráp tại chỗ.


Ngày 20-12

Đơn vị cuối cùng từ Lai Châu đã rút chạy về đến Điện Biên Phủ. Lúc xuất phát có 2.101 binh sĩ (có 3 sĩ quan, 34 hạ sĩ quan Pháp). Khi về đến Điện Biên Phủ chỉ còn 1 sĩ quan và 9 hạ sĩ quan và 175 lính nguỵ Thái.


Ngày 22-12

Nava quyết định tăng cường thêm cho Điện Biên Phủ 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội xe tăng nhẹ, đưa lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) lên 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh lẻ, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo, 1 đại đội xe tăng nhẹ, 1 đại đội vận tải, với tổng quân số là 12.000 người.

Cùng ngày về phía ta, Đại đoàn 351 dưới sự chỉ huy của các đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính uỷ đại đoàn và Đào Văn Trường, Đại đoàn phó bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ


Từ ngày 21-12-1953 đến tháng 5-1954

Chiến dịch Trung - Hạ Lào. Lực lượng tham gia gồm Trung đoàn 66, 101, 120 và 280 và Trung đoàn pháo 75 ly. Bộ đội quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, phối hợp với một số đơn vị Quân giải phóng nhân dân Lào tại khu vực Mahaxay, Nhomarát, Thà Khẹt (đường 9) Trung Lào. Bộ đội ta và bạn đã tiến công lực lượng địch gồm 4 tiểu đoàn chiếm đóng và 5 tiểu đoàn cơ động trên địa bàn rộng lớn thuộc vùng Trung và Hạ Lào. Bước vào chiến dịch, ta tập kích địch ở cứ điểm Khămhe (ngày 21-12-1953), tiêu diệt 1 tiểu đoàn Âu - Phi, 1 đại đội pháo, ngày 22 phục kích tiêu diệt 2 đại đội địch ở Khămmạ. Một bộ phận lực lượng ta tiến công giải phóng Nhomarát, Thà Khẹt, phát triển ra sông Mê Kông. Địch bỏ Banaphào rút về Pa Cuội. Trung đoàn 66 phục kích diệt một bộ phận, phát triển diệt đồn Hìnxìn, Đồng Hến, Phalan, Mường Phìn, cắt đường 9, giải phóng phía đông Xavanakhét. Ngày 23-1-1954 hai tiểu đoàn của Trung đoàn 101 phát triển xuống Hạ Lào, thu hút thêm 2 GM và giam chân địch ở Pa Cuội đến hết Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch Trung - Hạ Lào thắng lợi, Liên quân Lào - Việt loại khỏi vòng chiến đấu 8.500 quân (bắt 500), tiêu diệt 4 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 27 Angiêri), Tiểu đoàn 23 và 24 Marốc và một tiểu đoàn nguỵ Thái, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng, giải phóng 16.000km2 và 200.000 dân, thực hiện thắng lợi bước phân tán lực lượng cơ động của địch.


Ngày 24-12

Đại đoàn 312 gồm các Trung đoàn 141, 209 và 165 dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn và Chính uỷ Trần Độ, tiến lên Tây Bắc.

Tại Điện Biên Phủ, Nava dự lễ Nôen cùng với binh sĩ. Ông ta phát biểu: "Chúng ta đang gặp khó khăn về tiếp tế nhưng quân viễn chinh Pháp nhất định thắng lợi".


Ngày 29-12

Tại Sở Chỉ huy tiền phương ở hang Thẩm Púa, km 15 đường Tuần Giáo - Lai Châu, cơ quan tham mưu chiến dịch họp nghiên cứu kế hoạch và đề ra phương án tác chiến chờ đồng chí Tổng Tư lệnh cùng Đảng uỷ, Ban Chỉ huy chiến dịch thông qua.


Ngày 31-12

Nava chỉ thị cho tướng Cônhi và Đại tá Crevơcơ chuẩn bị kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ (cuộc hành quân Xênôphôn).

Tại Điện Biên Phủ, quân Pháp hoàn thành việc xây dựng các điểm tựa Đôminích, Êlian (Dominique, Eliane) trên dãy đồi phía đông và cụm cứ điểm Huyghét (Huguette) để bảo vệ sân bay. Thêm một cụm pháo hạng nặng được đặt tại Idaben (Isabelle) - Hồng Cúm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #329 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 02:43:48 pm »


NĂM 1954

Ngày 5-1

- Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị dự bị hành quân lên Tây Bắc.

- Đại tướng Võ nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ.

- Tướng Nava chỉ thị cho không quân tăng cường đánh phá tuyến giao thông từ Tuần Giáo đi Điện Biên và kiến nghị Chính phủ Pháp khẩn cấp yêu cầu Mỹ chi viện máy bay ném bom.


Ngày 14-1

Tại Thẩm Púa, Đảng uỷ và Ban Chỉ huy chiến dịch mở Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch chủ trì hội nghị, phổ biến quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là tập trung lực lượng, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Hội nghị đã thông qua phương án tác chiến theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Giờ nổ súng được quyết định vào 16 giờ ngày 20-1-1954.


Ngày 16-1

Đại đoàn 312 và Đại đoàn 351 kéo pháo vào trận địa theo đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, đến km 69 thì phối hợp với bộ binh, công binh dùng sức người kéo pháo trên một con đường làm gấp dài 15km, khởi điểm từ Bản Nham, vượt đình Phasông sang Bản Tấu vào Bản Nghịu.


Ngày 20-1

Quân Pháp hoàn thành việc xây dựng bảy cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh mang tên Huyghét (Huguette), đánh số từ 1 đến 7.


Ngày 26-1

Tại Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Hội nghị Đảng uỷ chiến dịch khai mạc. Sau khi trao đổi với Trưởng đoàn cố vấn, nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta và các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh," sang "đánh chắc, tiến chắc".

Chiều ngày 26-1, lệnh thay đổi phương châm, Đại đoàn 308 được lệnh tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu, kéo pháo ra khỏi trận địa được phổ biến tới tất cả các đơn vị.


Từ ngày 26-1 đến ngày 17-2

Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thu hút lực lượng cơ động, phá âm mưu lấn chiếm vùng tự do, mở rộng vùng giải phóng và phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, Bộ Tư lệnh Liên khu V sử dụng 2 Trung đoàn chủ lực 108 và 803, Trung đoàn 120 bộ đội địa phương, cùng các lực lượng khác mở chiến dịch tiến công quân Pháp ở bắc Tây Nguyên. Bộ Chỉ huy chiến dịch do đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Tham mưu trường. Lực lượng địch có khoảng 4 tiểu đoàn cơ động và 15 đại đội chiếm đóng. Chiến dịch tiến công địch trên hai hướng: hướng chính tập trung đánh địch ở phía bắc Kon Tum; hướng phụ đánh địch phản kích và rút chạy trên đường 19 An Khê.

Chiến dịch diễn biến qua hai đợt:

Mở đầu, bộ đội ta nổ súng, tấn công các cứ điểm Kà Bung, Ba Bả, Tà Tu, Búp Bê. Sau đó, đánh tiêu diệt các cứ điểm Măng Đen, Công Brây, Măng Bút, phát triển tiến công địch trên hướng bắc Kon Tum, đồng thời đưa bộ phận luồn sâu xuống phía nam, uy hiếp thị xã Kon Tum.

Đợt 2, trên hướng bắc Kon Tum, từ ngày 29-1, Trung đoàn 108 truy kích địch, diệt hàng trăm tên, giải phóng phía bắc Kon Tum, áp sát và uy hiếp thị xã. Nhằm cứu nguy cho quân ở Tây Nguyên, địch đang mở cuộc hành quân Átlăng ở ven biển nam Trung Bộ vội lên tăng viện nhưng sa vào trận địa phục kích của Trung đoàn 803. Đêm 1-2, đặc công Trung đoàn 803 tập kích, diệt sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở trung tâm thị xã Kon Tum; tiếp tục vây ép thị xã, cắt đứt nguồn tiếp viện. Bị cô lập, đêm 6-2, quân Pháp phải rút khỏi thị xã Kon Tum. Tiếp đó, Trung đoàn 108 và 803 phát triển về hướng Plâycu tiến công diệt cứ điểm Đắc Đoa.

Ngày 17-2, chiến dịch kết thúc. Bộ đội Liên khu V đã giải phóng địa bàn chiến lược bắc Tây Nguyên rộng 16.000 km2 với 20 vạn dân. Buộc địch phải bỏ dở cuộc hành quân Átlăng, vùng tự do Phú Yên - Bình Định được bảo vệ. Quân Pháp phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, tạo điều kiện để ta tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Ngày 29-1

Hai trăm binh lính và sĩ quan không quân Mỹ được điều sang Đông Dương để bảo đảm kỹ thuật cho máy bay ném bom B26, loại máy bay sẽ tác chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ.


Từ ngày 29-1 đến ngày 13-2

Nhằm phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh lạc hướng sự phán đoán của chúng, Đại đoàn 308 phối hợp với lực lượng vũ trang Pathét Lào tiến công vào phòng tuyến Nậm Hu của địch ở Thượng Lào. Đây là phòng tuyến địch xây dựng để bảo vệ Thượng Lào và tránh cho Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập, tạo hành lang bảo đảm cho việc lui quân từ Điện Biên Phủ khi cần thiết. Chiều ngày 26-1, Đại đoàn 308 hành quân từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào. Phát hiện lực lượng ta, địch vội vã cho quân rút khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc. Bộ đội nhanh chóng chuyển sang truy kích địch. Trải qua nửa tháng truy đuổi và tiến công địch trên chặng đường dài hơn 200 km, ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.000 tên, bắt sống 354 tên, phá vỡ toàn bộ phòng tuyến sông Nậm Hu, giải phóng một vùng rộng lớn thuộc lưu vực con sông này và tỉnh Phông Xa Lỳ, nối liền khu giải phóng Sầm Nưa của bạn với vùng Tây Bắc nước ta. Đòn chiến lược Thượng Lào đã đạt được mục đích đề ra là tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đánh lạc hướng chú ý của địch, tạo điều kiện để các lực lượng chuẩn bị tốt hơn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.


Ngày 31-1

Bộ đội địa phương tỉnh Kiến An tập kích sân bay Đồ Sơn, diệt Sở Chỉ huy, phá huỷ 5 máy bay, đốt cháy 5 triệu lít xăng dầu. Cùng ngày trung đội du kích huyện Kim Thành đặt mìn đánh đổ đoàn tàu quân sự gần khu vực ga Phạm Xá (trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng), lật đổ đầu máy và tám toa xe, diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng bị ngưng trệ suốt bốn ngày, khiến cho công việc tiếp tế của địch càng thêm khó khăn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM