Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 07:22:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16912 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #310 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:03:38 am »


II- NHỮNG ĐỂ TÀI ĐƯỢC ĐỂ CẬP TỚI

1. Tầm quan trọng của sự thất bại

Sau Điện Biên Phủ, khi quân viễn chinh rút lui trên hai mặt trận khác, vào mùa Xuân và vào đầu mùa Hè năm 1954: ở Trung Bộ, trận phục kích bi thảm ở An Khê đã chặt đứt hoàn toàn, đơn vị GM100; cuộc chuyển quân nhanh chóng ra khỏi phía nam đồng bằng sông Hồng.

Trong những điều kiện này, người ta có quyền đặt câu hỏi: sau một loạt những thất bại ấy, việc theo đuổi cuộc chiến còn có khả năng hay không?

Cho đến ngày hôm nay, cũng rất khó mà có được một ý kiến dứt khoát. Tất nhiên là người chịu trách nhiệm chính về quân sự trong thời gian Điện Biên Phủ đã bảo vệ luận điểm rằng, sau khi Điện Biên Phủ sụp đổ, tình hình cũng chưa phải là thất vọng. Dù sao chăng nữa, như Nava đã khẳng định trong cuốn sách, bằng chứng rằng: so sánh lực lượng đôi bên đã không nghiêng một cách áp đảo trong mùa Xuân năm 1954: "Trái với những khẳng định của bộ máy tuyên truyền chính thống, đội quân viễn chinh đã không bao giờ bị hiểm nguy sau Điện Biên Phủ". Ông đã đưa ra những chứng cứ. Đành rằng, nước Pháp đã mất đi những người có chất lượng chiến đấu cao, nhưng đa số quân viễn chinh vẫn còn kiểm soát chặt chẽ những vùng đông dân nhất của xứ này. Nước Lào đã được cứu thoát. Nhất là, theo Nava nhận định, tướng Giáp cũng vừa bị một vết cắt chảy máu không thể bình phục được. "Vì vậy. trên toàn cục chiến trường Đông Dương, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta có những khó khăn tại chỗ nghiêm trọng, nhưng không có nguy hiểm nặng nề nào xuất hiện tức thì".

Trái lại, hai nhà báo - nhân chứng đã viết bài trong thời gian ấy lại không mấy lạc quan. Nhan đề các sách viết của họ vang lên như một tiếng chuông báo tử: La fin des illusions (Ảo ảnh cuối cùng) của Ghilanh và Croix sur l’Indochine (Cây thập tự cho Đông Dương) của Amuru. Cả hai người, không ai nêu lên được một dự đoán nào có thể tin tưởng, dù chỉ là một thời gian ngắn, vào một sự cải thiện tình hình có thể xảy ra. Theo họ, nói chung quân đội Pháp đang bị đe doạ: “Điện Biên Phủ đã mang đến một đòn khủng khiếp cho quân đội ta. Tất cả đều phải làm lại", H. Amuru viết, R. Ghilanh khẳng định rằng việc rút quân nhanh chóng ra khỏi toàn miền Bắc Việt Nam là một vấn đề sống còn: "Điện Biên Phủ, trái với những lời bào chữa của các nhà chức trách, đã không có cách nào trong một thời g¡an ngắn cứu được vùng châu thổ, mà ngược lại còn làm tăng thêm nguy cơ vì thiếu những đơn vị thiện chiến giữ nhiệm vụ những mũi giáo tấn công của đội quân viễn chinh".

Đề cập tới việc rút khỏi vùng châu thổ vào tháng 6, Amuru đã nói thật lòng: "Đã đến lúc rồi". Những đồn bốt của vùng này đã trở thành "vô số Điện Biên Phủ nhỏ sống trong một thảm kịch của sự bao vây, vô vọng". Còn về một cuộc tiếp sức có thể xảy ra của các lực lượng Bảo Đại, những nhà báo đã nói thẳng chẳng cần giữ gìn ý tứ gì. Amuru viết: "Bọn lính đánh thuê bị bọn quan lại chỉ huy, đó là quân đội Việt (nguỵ). Ai đó còn tiếp: "Nếu ngày mai quân đội (nguỵ) này phải đương đầu với Việt Minh, nó sẽ sụp đổ hoàn toàn".

Phải chờ đến luận đề của Đại tá Rôcôn vào năm 1967 để có thể tìm được một sự đánh giá cân đối. Điện Biên Phủ là thất bại quân sự lớn thứ hai của cuộc chiến, sau thất bại trên đường số 4. Thất bại thứ hai theo thời gian, nhưng lại vượt xa thất bại thứ nhất. Hầu như toàn bộ đất đai phía bắc từ nay tuột khỏi tay quân Pháp, chỉ còn một miếng nhỏ của vùng châu thổ qúy giá. Tuy vậy, thất bại này có thể chưa phải là quyết định nếu như bối cảnh chính trị - Pháp và quốc tế - đã khác đi. Một cố gắng giống như Đờ Lát đã đề nghị vào năm 1951 đã có thể có được vào năm 1954. Tình hình quân sự phức tạp hơn, nhưng có thể thực hiện được. Nhưng với cái giá chính trị nào? Việc gọi bổ sung quân bấy giờ là cần thiết. Với tất cả các hậu quả ở chính quốc mà người ta có thể tưởng tượng được. Công luận Pháp không sẵn sàng chấp nhận một cố gắng bổ sung cho một cuộc chiến tranh mà họ không hiểu (hoặc hiểu rõ hơn).

"Điện Biên Phủ, Đại tá Rôcôn kết luận, đã trở thành một thôi thúc cấp thiết để ngừng bắn, bời vì ý chí tiếp tục cuộc chiến đã không còn nữa"...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #311 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:04:27 am »


2. Cuộc truy tìm những trách nhiệm

Cho đến gần đây, phần lớn các sách viết về Điện Biên Phủ có thể có nhan đề này: "Lỗi tại ai?". Ở đây như có một ám ảnh lan tràn khắp nơi. Cứ như là nhiệm vụ duy nhất của lịch sử là ban bố các lệnh khiển trách và khen ngợi.

Tất nhiên là không một ai lớn lên khi bước ra cuộc tranh cãi này.

Phái quân sự, những người liên quan đầu tiên, như ta đã thấy, là những kẻ đầu tiên tự hỏi: "Chúng ta có đáng chê trách không? Chúng ta có làm mất đi những phẩm chất quân sự của cha ông không? Chúng ta có sai lầm không?"

Nhiều câu hỏi càng chất chứa nhiều lo âu hơn vì công luận Pháp đã thờ ơ về Đông Dương trong quá trình cuộc chiến, lại còn hiểu ít hơn đoạn cuối của thảm kịch. Chủ nghĩa chống quân phiệt sơ đẳng, luôn luôn ngấm ngầm ở Pháp, định giới thiệu Điện Biên Phủ như là một mẫu mực của sự ngu đần của các sĩ quan Pháp, mà những kẻ nối tiếp xứng đáng của Gamơlanh1 chiếm đa số. Quân nhân Pháp đã có cảm nghĩ mình là nạn nhân của một bất công kép: không những người ta không cho họ những phương tiện để thắng cuộc chiến tranh này, nhưng khi thất bại xảy ra thì người ta lại đặt họ lên ghế bị cáo. Trong năm 1954, sự bất ổn định của quân đội, theo công thức của J. Planhse, đã có bước tiến. Sự bất ổn này sẽ đạt tới tột đỉnh khi xảy ra chiến tranh Angiêri.

Có nhiều, đã quá nhiều. Lần này, quân đội sẽ là tất cả, chỉ trừ tờ Grande Muette2.

Từ tháng 6-1954, không đầy một tháng sau Điện Biên Phủ, người viết lời đề tựa (ký bút danh) cuốn Bắc Kỳ cấp cứu của R. Đenpây, đã cảnh báo công luận rằng, lần này quân đội không còn để cho muốn làm gì thì làm nữa: "Đội quân viễn chinh vừa mới bị quân Việt đánh thua, nhưng họ không chịu trách nhiệm về trận thua đó. Tôi đã đọc trên báo chí Pháp rằng người ta sẽ truy tìm những người có trách nhiệm về những thảm hoạ Đông Dương. Đó chỉ là một sự lớn tiếng mà thôi! Tôi nghĩ rằng công việc này sẽ, vào một ngày nào đó, thuộc về những chiến binh Đông Dương (tác giả nhấn mạnh) và nhất là những chiến binh Điện Biên Phủ. Cần phải làm cho người ta quen với ý nghĩa rằng tờ Grande Muette không muốn tòng phạm trong im lặng3.

Còn ở đây nữa, một trong những quan chức nhà binh đầu tiên đã phát biểu ý kiến là tướng Nava, vị Tổng Chỉ huy cuối cùng trong thời gian chiến tranh đã không thể xếp mình vào hàng của dự định tự bào chữa.

Như người ta đã có thể chờ đợi, từ tháng 5-1954, quân đội đã bị chế giễu trên báo chí, bị các nhà chính trị bỏ rơi, và gia đình họ cũng ít ủng hộ họ. Thống chế Gioăng hiểu biết quân đội khá tường tận, đã cảnh báo họ ngay sau khi trở về Pháp: “Ông bạn đau khổ cảu tôi, Gioăng nói với Nava, các bạn tự đặt mình trong những nệm giường đẹp! Đừng cố ảo tưởng. Bọn đểu cáng ấy, chúng nó sẽ đổ vạ cho anh đấy”4

Mặc dù người ta biết rất rõ là tính từ chỉ phẩm chất thân ái này chỉ nói đến các nhà chính trị, hoặc một vài sĩ quan cao cấp hay là cho… cả hai. Vậy thì Nava lại từ mình để cho làm gì thì làm. Ông ta khẳng định chẳng bao giờ nhận được sự chỉ đạo rõ ràng từ phía các nhà chính trị. Chỉ thị duy nhất của R. Maye nói trong lần trao đổi với Nava để báo tin về sự bổ nhiệm ông là: “Hãy tìm một lối thoát danh dự”. Khi người ta biết đến những thực tiễn của Đệ tứ Cộng hòa thì không ai bị bất ngờ. Về phần Lanien, Biđô và Plêven, họ đã nhận chỉ thị tùy theo cấp bậc của họ. Luận đề trung tâm của Nava là: “Tôi đã bố trí các đơn vị cho phép có được một sự ổn định tình hình nào đó, thậm chí thu xếp khả năng tiến hành một cuộc phản công. Nhưng trò chơi chính trị Pháp và quốc tế, Hội nghị Béclin, rồi đến tin đưa về Hội nghị Giơnevơ đã khích động Việt Minh (và hơn nữa, cả thế giới cộng sản) tìm kiếm một sự đối đầu toàn diện để chiếm đóng được nhiều đất đai hơn nữa. Nếu không có bối cảnh này, mà Bộ Tham mưu đã không dự kiến trước khi Kế hoạch Nava đã được đưa ra, Điện Biên Phủ đã giữ được vai trò của nó: chặn đứng con đường sang Lào, cầm chân đối phương.

Như vậy, Điện Biên Phủ trước hết là một thất bại chính trị thuộc về các nhà chính trị.

Về việc này, Lanien đã có câu trả lời. Cuốn sách của ông xuất hiện mười tháng sau cuốn sách của Nava. Tác phẩm này có nhiều lời buộc tội nặng nề. Nava không chỉ chẳng có dự đoán gì về Điện Biên Phủ trong kế hoạch cơ bản của mình, mà khi ông ta quyết định cho nhảy dù (xuống Điện Biên Phủ), ông ta cũng chẳng thông báo cho các nhà chức trách sau đó. Lời buộc tội thứ hai: Nava đã tự ý quyết định tập trung toàn bộ chiến lược của ông ta vào một cuộc đối đầu nghiệt ngã trong lòng chảo Điện Biên Phủ; ông ta đánh giá không đúng mối tương quan thực lực hai bên, một sự đánh giá mà ông ta phải chịu trách nhiệm duy nhất. Sự đánh giá quá cao các khả năng có trong tay, sự thiếu hiểu biết về các khả năng của đối phương..., đó là hai tội cơ bản đối với một chỉ huy chiến tranh.

Như vậy, Điện Biên Phủ trước hết là một thất bại quân sự do các nhà quân sự gây nên.

Một năm sau, báo cáo viên của Uỷ ban điều tra, tướng Catơru (cựu Toàn quyền Đông Dương) đã đưa ra một phán xét trung dung. Không muốn bằng bất cứ giá nào làm cho hai bên đối lập nhau, ông ta ghi nhận những trách nhiệm hai bên cùng chia sẻ. Nhà chính trị là một chứng cứ rõ ràng về sự vô trách nhiệm, gây nên sự thiếu thốn; nhà quân sự có phần nào phiêu lưu, đã không biết giải quyết các sự thiếu thốn.

Như vậy, Điện Biên Phủ đồng thời là một thất bại về chính trị và quân sự.

Nhưng phần vào đề này lại không là gì bên cạnh cuộc luận chiến sẽ lay động giới chính trị - quân sự - báo chí trong những năm 1963-1964, sau khi cuốn sách của J. Roa được xuất bản. Được viết tốt, dẫn ra nhiều tư liệu, sách này tuy vậy có một thiếu sót: để giải quyết cuộc thanh toán một món nợ. Trong sự điên cuồng tìm ra một người chịu trách nhiệm, J. Roa đã tranh cãi quá mức và gây gổ một cách vô ích chống lại tướng Nava, được giới thiệu như một "sĩ quan của văn phòng và của những công vụ bí mật... không có năng lực dẫn dắt binh sĩ". Phần kết luận như quất mạnh vào Nava: "Ông ta đã chơi đùa với những ý tưởng đúng và những quân tốt sai. Ngồi trên những nguyên tắc hợp lý, ông ta chỉ phạm những điều sai lầm". Trái lại, Cônhi lại được cảm tình của Roa (điều này có thể làm ngạc nhiên ai đó đã biết những chặng đường hoàn toàn đối lập nhau của hai người trong quá trình cuộc chiến tranh Angiêri).

Năm 1965, chống lại quan điểm của J. Roa, một nhân chứng lớn của chiến tranh đã lên tiếng, đó là nhà báo G. Xapha. Trong một chương sách Hồ sơ mật về sự phi thực dân hoá, ông từ chối cùng rú lên với bầy sói. “Thật sự dễ dàng ném một con người ra làm mồi ngon cho dư luận! Thật là dễ dàng sáng suốt sau khi sự việc đã xảy ra!" Nhưng mà, G. Xapha đặt câu hỏi, ở Pháp và cả ở Mỹ đã có ai công kích kế hoạch Nava vào cuối năm 1953 hay đầu năm 1954, trước cuộc tấn công lớn đầu tiên của Việt Minh? Tất nhiên, không phải là các nhà chính trị. Không phải là tướng Êly, Tổng Tham mưu trưởng, trong chuyến đi thị sát Đông Dương vào tháng 2-1954. Cônhi và Xapha phê bình gay gắt, lại còn kém hơn. Nhưng phải kết thúc, theo cách nói khoa học, cho vụ tranh cãi khô khan và đê tiện này.

Đó là kết quả, vì không phải là mục đích của vụ việc do Đại tá Rôcôn đã nêu lên. Lần đầu tiên trong việc biên chép lịch sử Điện Biên Phủ, có một tác giả đã không phán xét các con người mà phân tích các tình huống. Nếu người ta suy nghĩ kỹ điều đó, sẽ thấy rằng trong lịch sử ít có những ví dụ mà một sự kiện lớn đã được phân tích, đánh giá nhanh chóng đến thế (1954-1967: 13 năm). Đối với Đại tá Rôcôn, đó là một sức mạnh khác thường về tính cách, để không kể đến những cái được thua về quyền lực, những cuộc tranh cãi còn nóng bỏng và đưa công việc tới đích.
__________________________________________________
1. Maurice Gamelin (1872-1958), vị tướng nổi tiếng của nước Pháp, chỉ huy liên quân Pháp - Anh từ tháng 9-1938 đến năm 1940 (N.D).
2. Cái lều lớn của người đi săn, tên một tờ báo (N.D).
3. Soldats de la boue (Chiến binh trong bùn lầy). Sđd.
4. Georges Chaffard dẫn trong Les carnets de la décolonisation (Hồ sơ về sự phi thực dân hóa).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #312 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:05:06 am »


3. Dư luận ở chính quốc

Bối cảnh thân Pháp trong sự đối đầu Pháp - Việt là trung tâm, như một yếu tố có tính giải thích. Người ta không thể hiểu tầm rộng lớn của tiếng vang Điện Biên Phủ được cảm nhận như là một thất bại quốc gia hơn là một sự suy giảm quân sự bình thường, nếu ta không tính đến yếu tố đó.

Vì rằng, thật là ngược đời, vấn đề này lại ít được khoa tư liệu học lịch sử xử lý, nếu người ta loại trừ những lời đả kích ác ý chống lại sự mất lòng tin của công luận trong nhiều công trình hồi ký. Chỉ có hai cuốn sách miêu tả những phản ứng của người Pháp ở chính quốc (chính trị gia, nhà báo, trí thức, dân đường phố), khi đối mặt với sự kiện Điện Biên Phủ: cuốn sách của A. Rútxiô được viết năm 1986 và bộ sưu tập tư liệu công bố vào năm 1991 của J. Đalo.

"Cuộc chiến tranh Đông Dương không được lòng dân. Thật đúng vậy", sự thú nhận, trong một lúc thành khẩn, của Thủ tướng J. Lanien tại Quốc hội ngày 27-10-1953, một tháng trước khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Huống chi là sau khi bại trận: "Thật là một bất hạnh lớn cho một đất nước bị chia rẽ trên câu hỏi về việc bảo vệ quyền lợi của đất nước. Và công luận Pháp, như người ta biết, đã bị chia rẽ sâu sắc. Quốc hội chỉ có một việc là phản chiếu lại tình trạng thực tế này. Chiến tranh kéo dài, tầm quan trọng của những hy sinh mà chiến tranh đòi hỏi đã gây nên một sự mệt mỏi mà bộ máy tuyên truyền của đối phương không khó khăn gì để khai thác" - đó là lời bình luận của Lanien trong hồi ký của ông ta.

Ví như, bạn có biết rằng cuộc chiến Đông Dương không bao giờ được đa số dư luận ủng hộ, một trường hợp có thể là duy nhất của lịch sử nước Pháp? Hơn 37% người Pháp không ủng hộ trong tháng 7-1947, khi cuộc chiến tranh mở rộng. Sau đó, tỷ lệ này thường xuyên hạ xuống, như vào tháng 10-1950, khi bắt đầu cuộc đối đầu gây ấn tượng mạnh đầu tiên, tỷ lệ ấy chỉ còn 27%, đến tháng 5-1953, còn 21% và cuối cùng vào tháng 2-1954, trước trận đánh Điện Biên Phủ, tỷ lệ ấy chỉ còn 8%. Một cuộc thăm dò khác đã được tiến hành vào tháng 8-1954, về những kết quả của Hội nghị Giơnevơ, cho thấy có một sự tán thành sâu sắc đối với chính sách bước đầu thuyết phục của M. Phrăngxơ. 58% cho rằng các điều kiện là thuận lợi trong tình hình bấy giờ, 8% còn đi tới những đánh giá tuyệt vời! Chỉ có 11% người Pháp coi Giơnevơ là một sự đầu hàng1.

Rõ ràng không thể chối cãi được là một nước Pháp nào đó đã khóc khi biết tin mất Điện Biên Phủ. Báo chí bấy giờ (trong mọi trường hợp là đa số các tờ báo) đã mô tả một đám tang gần như là quốc tang. Rất nhiều nhân chứng thời đó đến tận bây giờ vẫn còn giữ trong ký ức mình sự xúc động, nỗi đau khổ cảm nhận được trong ngày 7-5-1954.

Nhưng sự thật buộc chúng ta phải nói rằng còn xa mới là tình trạng chung. Người ta nhanh chóng bước qua những việc khác. Người ta có quyền, nếu người ta gắn mình vào một ý tưởng nào đó của nước Pháp, lớn mạnh bởi đế chế của mình, cao thượng bởi lịch sử hải ngoại của mình, để tiếp nhận thái độ này như một sự an ủi hèn nhát. Nhưng những con số còn đó. Người ta có thể lấy làm tiếc cho những con số đó, nhưng không thể quên chúng.

Trái lại với những điều đã viết đây đó, không phải là M. Phrăngxơ đã đưa đất nước đến hoà bình, mà chính là đất nước đã đưa đường lối chính trị của nước Pháp cho M. Phrăngxơ.


4. Chiến dịch "Diều hâu"

Người ta tìm thấy trong các công trình hồi ký của Biđô, Lanien, Nava hay Êly những thông tin về chính sách của các đồng minh của Pháp, đặc biệt là về phía Hoa Kỳ. Đặc biệt là vị thủ tướng tiền nhiệm đã miêu tả những cuộc mặc cả giữa Pari, Luân Đôn và Oasinhtơn để cứu lấy cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tuy vậy, phải đợi đến năm 1960, với cuốn sách La fin d'une guerre (Sự kết thúc một cuộc chiến tranh) của Đờvinlơ và Lacutuya, mới có được một chuyện kể đầu tiên khá đầy đủ, được xem xét trong mọi trường hợp về phía Pháp, về cuộc khủng hoảng quốc tế vào mùa Xuân năm 1954 này2.

Nhiều thông tin được xác nhận và được nhiều ấn phẩm sau đó bổ sung: như công trình của J. Roa và của Bécna Phôn đã trích dẫn từ các công trình đó. Nhất là việc khai thác các nhân chứng hàng đầu, việc mở hồ sơ lưu trữ đã cho phép mang đến nhiều điều chính xác nữa. Năm 1989, một Hội thảo Pháp - Mỹ là một cơ hội để xác định vấn đề. Trong một tham luận phối hợp, thu hút được sự chú ý, nhà sử học L. Sêxari và nhà ngoại giao J. Đờ Phôlanh, tại cuộc hội thảo đó, đã khẳng định rằng: Chiến dịch Diều hâu là cần thiết về mặt quân sự, nhưng không thể thực hiện được về mặt chính trị3.

Cuối cùng, dưới ánh sáng của giai đoạn này, liệu người ta có thể khẳng định được rằng Điện Biên Phủ, trận đánh cuối cùng của Pháp ở Đông Dương, đồng thời là bước đi đầu tiên của Mỹ vào trong một cuộc chiến tranh, sẽ trở thành một cuộc chạy đua vào vực thẳm? Bécna Phôn, vốn là nhà sử học - gạch nối giữa hai cuộc xung đột, đã không ngần ngại gì khi viết: "Điện Biên Phủ đã là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với Hoa Kỳ".
_____________________________________________________
1. Xem A. Ruscio: L’opinion française et la Guerre d'Indochine (1945- 1954): Sondages et témoignages, Vingtième siècle, Rev. d'Histoire, No29. Janvier - Mars 1991 (Dư luận Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954): Thăm dò và suy nghĩ), thế kỷ XX, Tạp chí Lịch sử Pháp, số 29, tháng 1 - tháng 3-1991.
2. Trước khi cuốn sách của Đờvinlơ - Lacutuy ra đời, có nhiều bài báo nhất là trên báo chí Mỹ, đã tiết lộ kế hoạch Chiến dịch Diều hâu.
3. Le projet Vautour en France: Nécessité militaire, impossibilité politique Dự án Diều hâu ỏ Pháp: Một tất yếu quân sự, một sự bất khả thi về chính trị, trong Artaud Denise, Lawrence Kaplan và "Dien Bien Phu - L'Alliance Atlantique et la défense du Sud Est Asiatique" (Điện Biên Phủ - Liên minh Đại Tây Dương và sự phòng thủ Đông Nam Á).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #313 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:06:39 am »


5. Nghiên cứu đối phương

Cuối cùng, cần tự hỏi về một sự im lặng lạ kỳ của sử liệu học Pháp. Dưới dạng một công thức mà người ta có thể tóm tắt lại: Thế còn đối phương?

Cần hiểu biết rằng không dễ gì tìm kiếm được trong sử liệu học Pháp những phân tích tổng quát tuỳ thích, về hệ thống Việt Minh, về hệ tư tưởng và tổ chức của nó... Trong một thời gian dài, trong những công trình nghiên cứu của Pháp, đối phương không phải là đối tượng lịch sử, lại càng không phải là đề tài của lịch sử.

Nhiều câu hỏi, tuy là trọng tâm, ít khi được đặt ra: động cơ chính của đối phương chúng ta là gì? Tại sao chúng ta đã xuất hiện, chúng ta và quân đồng minh Bảo Đại của chúng ta, như một sự trở ngại cho sự biểu hiện một cách tự nhiên tinh thần dân tộc Việt Nam? Tại sao Việt Minh lại thu được (hay thành công trong việc nắm bắt được, tuỳ theo các sự phân tích) tinh thần dân tộc đó?

Người ta thấy đấy không phải là những câu hỏi thứ yếu!

Nói một cách khác: Người Pháp trong cuộc chạy mệt mỏi của họ đi tìm trong nước Pháp những người chịu trách nhiệm về cuộc thất bại, lại quên mất một chi tiết. Có một phe phái khác. Ai đã chứng minh, từ năm 1960 đến năm 1975, rằng họ có khả năng nêu lên những thách thức quân sự khác...

Nói rằng các sự kiện đó thường vắng mặt trong thư mục sử liệu sẽ là quá đáng. Nhưng người ta lại thường cần đến các bản sao.

Chúng không phải là những con người đang sống. Chúng không có đặc tính riêng. Khi người ta đã biết được một tư liệu là người ta sẽ hiểu tất cả.

Nói tóm lại, họ là bọn Việt, một từ ngữ có tính miệt thị.

Một thư mục sử liệu như vậy có thể nào cho phép thúc đẩy sự hiểu biết về đối phương? Người ta có thể có lý do để chính thức nghi ngờ. Từ việc này, độc giả trung bình sẽ khó hiểu rằng họ đã có vấn đề về ai, sẽ khó phân tích những cỗ máy chính trị, tinh thần - của hệ thống và quân đội Việt Minh.

Hẳn là vẫn có những nhà quan sát đang tiếp cận những vấn đề này. Toàn bộ trường phái các nhà lịch sử quân sự chuyên nghiên cứu chiến tranh cách mạng (Đại tá Lasơroi, Đại tá Tranhkiê, tướng Xasanh...), ngay cả khi trường phái này không chuyên khảo về Điện Biên Phủ, cũng đã cung cấp được một thư mục tư liệu phong phú. Nhưng đội ngũ này chủ yếu chỉ chuyên tâm thử phân tích, rồi áp dụng một kỹ thuật thuyết giáo quần chúng mà không tiến hơn lên trong phỏng vấn chính trị. Bằng một công thức, người ta sẽ nói rằng trường phái này đã thử miêu tả cái "Thế nào của cuộc thắng lợi Việt Minh", nhưng nó lại không bao giờ đánh liều - hoặc là họ không biết cách - đề cập tới vấn đề "Tại sao?".

Thế mà, về phần mình, tôi đã dựng lại những phân tích độc đáo, khác hẳn với bài diễn văn truyền thống của hệ thống sử liệu học này. Tôi sẽ chỉ kể một ví dụ của Đại tá Lăngle, đã viết trong hồi ký của ông: "Cuộc chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh vì độc lập chống lại nước Pháp và, nếu như công cụ chiến đấu được rèn đúc bởi những phương pháp mácxít thì cũng chẳng còn gì đúng hơn là người lính Việt Minh, đã tiến công các vị trí của chúng ta tại Điện Biên Phủ với một sự can đảm như thế nào, họ chiến đấu để đuổi chúng ta ra khỏi nhà họ, nơi không phải là nhà của chúng ta". Đối phương đã có một niềm tin...

Còn chúng ta? "Chúng ta không chiến đấu để bảo vệ tổ ấm của chúng ta, chúng ta không chiến đấu để đánh đuổi người nước ngoài ra khỏi nước ta, chúng ta cũng không còn chiến đấu để giữ Đông Dương cho nước Pháp. Vậy thì tại sao? Danh dự của nghề binh - và đó là tất cả".

Câu kết luận phần nào không tôn trọng truyền thống được viết vào năm 1963. Người Mỹ sẽ khôn ngoan hơn nếu đọc câu kết luận ấy và suy ngẫm về câu kết luận ấy trước khi đưa các ngón tay vào mớ bòng bong.

Điều đó hình như khó chấp nhận cho người Pháp, nhưng công trình đầu tiên đầy tham vọng nghiên cứu tổng thể về Việt Minh, để tìm câu giải thích chứ không phải để tố cáo, chỉ xuất hiện vào năm 1960... lại do một người Pháp sống ở Mỹ ký tên, nói cách khác là một người Pháp - Mỹ, đó là Bécna Phôn. Còn về nhân vật nổi tiếng nhất của quân đội Việt Nam, Võ Nguyên Giáp, ta phải chờ 20 năm sau Điện Biên Phủ để có được người viết tiểu sử của ông: một nhà báo Pháp gốc Việt, Giêra Lê Quang đã công bố công trình đầu tiên vào năm 1973.

Còn đó, cũng không cần tự đánh roi hành mình một cách không có lý do, một khuyết điểm về phía Pháp khá nặng nề, tôi thấy như vậy. Người Mỹ, mà ta có thể chê trách đâu đó hàng ngàn chuyện, họ còn có trong cuộc chiến của họ ở Việt Nam hàng trăm ấn phẩm về Việt cộng.

Những sự im lặng công khai đó còn gây nhiều thiệt hại hơn nếu ngày nay người ta biết rằng nhiều người đương thời biết một cách chính xác lý do duy trì cuộc chiến này để làm gì. Như chỉ cần đọc những báo cáo tổng kết các cuộc trao đổi mà Tổng thống Ôriôn tiến hành thường xuyên với những người Pháp có trách nhiệm quyết định, các nhà chính trị cũng như các nhà quân sự. Hơn nữa, như việc tham khảo các hồ sơ lưu trữ ở Vanhxăngnơ hoặc ở Ai, cho phép tìm thấy những công trình nghiên cứu thời đó có một độ chính xác đặc biệt, một sự sáng suốt không thể chối cãi.

Vậy thì đã có hai chân lý về vấn đề này chăng?



KẾT LUẬN

Để kết luận, tôi lấy lại ngay nhan đề luận văn của Đại tá Rôcôn: Pourquoi Dien Bien Phu? (Tại sao Điện Biên Phủ?).

Trong lịch sử, không bao giờ chỉ có một nguyên nhân. Nhưng có một điều chắc chắn: khi một thất bại đã có những tác động quân sự, tâm lý, chính trị như vậy, đó là một biểu lộ của sự bất ổn sâu sắc, một cuộc khủng hoảng của hệ thống.

Cũng không phải là tinh thần yếu kém của hậu phương, sự nhu nhược của các nhà chính trị, sự bất lực của quân nhân Pháp này nọ, không phải sự can thiệp của Trung Quốc hay của Liên Xô, không phải sự bỏ rơi của nước Anh, không phải là sự thận trọng của nước Mỹ, đã gây nên cuộc thất bại cuối cùng của nước Pháp ở Đông Dương.

Đó là ngọn gió của lịch sử. Ngọn gió đó, trong trường hợp này, được gọi là sự phi thực dân hoá.

Để kết luận bằng một công thức cho bản tường trình này, tôi lấy lại một câu nói mạnh mẽ của Môngtécxkiơ: "Nếu sự ngẫu nhiên của một trận đánh, nghĩa là một nguyên nhân đặc biệt, làm xói mòn một nhà nước, thì đã có một nguyên nhân chung làm cho nhà nước này phải tan rã chỉ bởi một trận đánh mà thôi"1.

Đó là câu cuối cùng của luận văn của Đại tá Rôcôn.

Cũng sẽ là câu cuối cùng của tôi.
__________________________________________________
1. Considérations sur les causes de la grandeur des Romains et de leur décadence (Bàn về các nguyên nhân của sự vinh quang và sự suy tàn của người La Mã).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #314 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 10:47:31 pm »


CÁC NƯỚC VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ

TRUNG QUỐC1

"Cuộc chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những điều kiện gay go đã đưa đến thắng lợi trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nhân dân Việt Nam đã đạt được thêm những thắng lợi vĩ đại và đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống đế quốc xâm lược. Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho toàn thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có một lực lượng nào khuất phục nổi...".

Trích Nhân dân nhật báo, Bắc Kinh, ngày 9-5-1954.


*

*         *

Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, cứ điểm cuối cùng của bọn thực dân Pháp xâm lược ở Tây Bắc vào ngày 7-5-1954. Tin ấy đã làm cho chúng ta rất vui mừng. Giải phóng Điện Biên Phủ đã viết nên một trang sử huy hoàng trong lịch sử chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Nó báo hiệu Quân đội nhân dân Việt Nam về chiến lược, chiến thuật đã bước vào một giai đoạn mới, cán cân lực lượng giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và bọn thực dân Pháp trên chiến trường Việt Nam đã có những biến chuyển lớn, đồng thời cũng báo hiệu kế hoạch quân sự của Nava được sự ủng hộ toàn lực của đế quốc Mỹ đã sắp đi đến chỗ sơn cùng thủy tận và triệt để phá sản. Việc ấy đối với bọn hiếu chiến Mỹ, Pháp rõ ràng là một đòn cực kỳ nghiêm trọng.

Chiến công vĩ đại và sáng chói như vậy thực chưa từng thấy trong lịch sử chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Điều đó chứng minh rằng một quân đội nhân dân anh hùng do Đảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, có kinh nghiệm dày dạn, có tổ chức, có kỷ luật, lại được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ là một quân đội chỉ có thể chiến thắng, không thể chiến bại, một quân đội mà không một sức mạnh nào có thể phá vỡ nổi.

Việc giải phóng Điện Biên Phủ lại một lần nữa nói lên thời đại mà bọn đế quốc tự do hoành hành ở châu Á đã qua và không bao giờ trở lại."

Trích dịch báo Thế giới trí thức, ngày 20-5-1954.



*

*         *

"... Nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ tuyệt vời với điều kiện hết sức khó khăn. Nhân dân Việt Nam đã cướp vũ khí của địch để trang bị cho mình, đã làm cho mình từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh, đã giải phóng được tuyệt đại bộ phận đất nước và đã giành được thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội thế giới, cuối cùng đã bắt buộc thực dân Pháp phải ngồi xuống đàm phán với đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Giơnevơ".

Trích lời chúc mừng của đồng chí Lý Phú Xuân, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong buổi Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội.


*

*         *

"Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc quyết chiến vĩ đại trên chiến trường Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là tượng trưng cho sự thiện chiến dũng cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ là một tấm gương tốt cho cuộc đấu tranh chống thực dân, giành được độc lập dân tộc của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ latinh.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết thúc nhục nhã của quân đội thực dân Pháp được đế quốc Mỹ ủng hộ ở chiến trường Đông Dương.

Xin chúc Quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp đấu tranh nhằm thống nhất Tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp xây dụng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại.

Đoàn đại biểu hữu nghị quân sự Trung Quốc
thăm Điện Biên Phủ ngày 24-2-1962
Nguyên soái DIỆP KIẾM ANH
Thượng tướng LƯU Á LÂU
Trung tướng TIÊU HOA
________________________________________________________
1. Âm mưu đế quốc Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (qua sách báo các nước phương Tây), Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 154-156.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #315 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 10:53:24 pm »


LIÊN XÔ1


Phái đoàn quân sự Xôviết kính phục tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được nhân dân ủng hộ đã đập tan tập đoàn cứ điểm của Đờ Cátxtơri ở Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ anh dũng, vinh quang, đòi đời sáng chói.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thành tích tuyệt vời của nghệ thuật chiến đấu cao, sự trưởng thành về quân sự, lao động tích cực của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tỏ rõ khả năng chiến đấu của quân đội cách mạng được trang bị bằng lý tưởng mácxít - lêninnít và mục tiêu chiến đấu là tự do và độc lập.

Tinh thần và tổ chức chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã tỏ rõ tài năng tổ chức quân sự của Đảng Lao động Việt Nam và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh, tài năng của những người lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam là đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Văn Thái và các đồng chí khác...

Sự thất bại nhục nhã của bọn thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ chắc hẳn là những bài học rõ ràng cho những bọn thực dân xâm lược hiện nay đang lăm le đè bẹp công trình kiến thiết của nhân dân Việt Nam.
Trích cảm tưởng của Đại tướng Batôp,
Trưởng đoàn đại biểu quân sự Liên Xô ghi trong
Sổ vàng Viện Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 5-1962.


Chữ Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam. Mười năm về trước, ngày 7-5 sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến đấu anh dũng chống bọn thực dân Pháp, những người yêu nước Việt Nam đã giành được thắng lợi trước bọn can thiệp ở vùng Điện Biên Phủ. Thắng lợi đó đã có ảnh hưởng quyết định đối với diễn biến của các sự kiện quân sự. Mặc dù bọn xâm lược Pháp đã gặp phải thất bại, nhưng chúng không chịu từ bỏ âm mưu bóp nghẹt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phục hồi lại chế độ thực dân mà nhân dân Việt Nam đã đánh đổ năm 1945. Các nhóm cầm quyền Mỹ - kẻ đã dành sự giúp đỡ vật chất to lớn cho bọn đồng hành Pháp của chúng, đã nhảy vào để tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu đầy hy sinh của những người yêu nước Việt Nam dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô, của các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa và của tất cả các lực lượng yêu hoà bình đã buộc bọn xâm lược Mỹ phải lùi bước. Tháng 7-1954, tại Hội nghị Giơnevơ đã ký kết các hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu. Đó là thắng lợi quan trọng của các lực lượng hoà bình...
Trích bài Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam
của A. Philíppốp, đăng trên báo Sự thật (Liên Xô),
số ra ngày 8-5-1964.


... Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên. Binh lính Pháp càng ngày càng thấy rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Lời tuyên bố của Hạ sĩ Rôbe Máctanh bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ đã phần nào chứng tỏ điều đó: "Binh lính và sĩ quan người Pháp chúng tôi tinh thần sút kém vì chúng tôi không biết chiến đấu vì mục đích gì". Đến cả Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn cũng phải thừa nhận rằng binh lính Pháp không muốn kéo dài cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" này. Ông ta tuyên bố: "Còn nói về trận chiến đấu nguy ngập hiện nay ở Điện Biên Phủ thì ở đó không có tinh thần chiến thắng. Pháp đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, cũng như hồi nọ chúng ta mệt mỏi vì Triều Tiên".

Trái ngược lại với những cố gắng của các báo chí phản động, dư luận đã thấy rõ rằng tình cảnh không có lối thoát của bộ phận lớn quân đội Pháp bị bao vây ở Điện Biên Phủ càng chứng tỏ tình hình nguy ngập của cả đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân và trước hết là sự phá sản của cái "kế hoạch Nava" phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...
Trích bài Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản
của các kế hoạch của bọn thực dân
,
đăng trên báo Sao đỏ (Liên Xô),
số ra từ ngày 6 đến ngày 8-5-1954.
_______________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, do Hoàng Thế Dũng, Vũ Sơn, Lê Văn Sước, Bùi Đoàn, Đinh Quang Thiệu biên soạn, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.10 - 13.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #316 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 10:58:54 pm »


CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO1

Tôi thay mặt Chính phủ kháng chiến Pathét Lào. Trung ương Mặt trận Ítxala, toàn thể quân đội và nhân dân Pathét Lào xin gửi lời chào mừng và hoan nghênh nhiệt liệt các bạn đang chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

Quân dân Lào vô cùng phấn khởi và tin tưởng ở thắng lợi của các bạn, coi đó là thắng lợi của bản thân mình.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt - Miên - Lào và đối với phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới hiện nay, đặc biệt đối với Pathét Lào, nhất là đối với Thượng Lào: nó tạo thêm nhiều thuận lợi để quân và dân Lào phát triển những thắng lợi của mình trong Đông Xuân, củng cố khu giải phóng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, toàn bộ tiến lên. Không những thế, Điện Biên Phủ được giải phóng sẽ mở thông hoàn toàn biên giới giữa Thượng Lào với Bắc Bộ Việt Nam, làm cho tình đoàn kết Việt - Lào càng được thắt chặt thân thiết hơn nữa. Với những sự liên hệ chặt chẽ nói trên, chúng tôi nhận thấy rằng các bạn chiến đấu ở Điện Biên Phủ hiện nay ngoài nhiệm vụ giải phóng cho đất nước các bạn, chính các bạn cũng đang làm nhiệm vụ giúp đỡ đẩy mạnh cuộc kháng chiến của Pathét Lào.

Chúng tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song, các bạn nhất định toàn thắng, sẽ làm tròn nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Dân và quân Pathét Lào theo dõi từng ngày từng giờ các trận chiến đấu anh dũng của các bạn, nguyện nỗ lực học tập các bạn. Xin hứa với các bạn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bạn trong cuộc chiến đấu này bằng cách nỗ lực tăng cường hoạt động mọi mặt, phát triển chiến tranh du kích mạnh mẽ, thực hiện bằng được nhiệm vụ lớn trong năm nay:

- Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang;

- Nỗ lực đào tạo cán bộ.

Cuối cùng xin chúc các bạn toàn thắng và gửi các bạn lời chào hoàn toàn tin tưởng, quyết chiến và quyết thắng.
Thủ tướng Xuphanuvông
Bài đăng trên báo Quân đội nhân dân,
xuất bản tại mặt trận, ngày 26-4-1954.


 

CỘNG HOÀ NHÂN DÂN CAMPUCHIA2

Nhân dân Khơme chúng tôi rất phấn khởi được biết tin thắng lợi liên tiếp của các anh em tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân Khơme chúng tôi đang theo dõi từng giờ từng phút với lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng của các anh em. Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Điện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khơme chúng tôi nữa...

Trước tinh thần dũng cảm, hy sinh, phấn đấu của các anh em dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Khơme chúng tôi tin chắc rằng các anh em sẽ còn thu được nhiều thắng lợi lớn hơn nữa ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Trích Điện của Mặt trận dân tộc thống nhất Khơme
 gửi các cán bộ và chiến sĩ Việt Nam
tại mặt trận Điện Biên Phủ, tháng 4-1954.


Chúng tôi đã theo dõi từ xa chiến thắng Điện Biên Phủ. Giờ phút này chúng tôi lại được sống lại như ở Điện Biên Phủ dù chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ.

Điện Biên Phủ không kết thúc ở năm 1954. Ảnh hưởng của Điện Biên Phủ tồn tại đến ngày nay và lan rộng khắp cả Đông Dương, đặc biệt là ở Campuchia.

Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là một thắng lợi quân sự của những người anh em Việt Nam. Điện Biên Phủ còn có giá trị về mặt củng cố sự hiểu biết, tình đoàn kết và hữu nghị giữa ba dân tộc Đông Dương: Việt Nam, Lào, Khơme.
Cảm tưởng của Phái đoàn Campuchia ghi trong
Sổ vàng Viện Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, 1964 - 1971.
_____________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.17 - 18.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd. tr.21 - 22.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #317 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:10:46 am »


CỘNG HOÀ NHÂN DÂN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ANBANI1

... Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ cách đây 10 năm đã đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân dân Việt Nam và trong phong trào giải phóng dân tộc và chống đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á... Trong tình hình quốc tế hiện nay, một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh bại kẻ thù dù lớn mạnh và hung bạo, nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng, được sự lãnh đạo của một đảng cách mạng, biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân và được nhân dân thế giới ủng hộ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ ra con đường duy nhất cho các dân tộc bị áp bức chống lại sự xâm lược và nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân và giành quyền tự do là con đường đấu tranh chính trị rộng rãi của toàn dân và bạo lực vũ trang...
Trích bài đăng trên báo Tiếng nói nhân dân (Anbani),
số ra ngày 7-5-1964.



CỘNG HOÀ NHÂN DÂN BUNGARI2

... Ở Bungari, tên gọi Việt Nam đã trở nên đồng nghĩa với ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá của các dân tộc đang đấu tranh chống ách thống trị và xâm lược của nước ngoài, vì quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng và năm tiếp năm, cái tên Việt Nam luôn luôn được nêu lên trên những cột báo của chúng tôi và nhân dân Bungari đã theo dõi với tinh thần anh em và mối cảm tình nồng nhiệt những diễn biến của cuộc đấu tranh đẫm máu và anh hùng vô song trong những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhà thơ và nhà cách mạng vĩ đại của chúng tôi là Crixtô Bôtép đã từng nói: "Không có một thế lực nào có thể ngăn cản được những con người sẵn sàng hiến thân mình cho tự do và no ấm của xã hội loài người". Nhân dân Việt Nam với sức mạnh long trời chuyển đất đã chỉ cho thế giới thấy rằng không có thế lực nào có thể ngăn cản được một dân tộc sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh đưa cuộc đấu tranh vì tự do độc lập đến thắng lợi hoàn toàn vì tương lai xã hội chủ nghĩa của mình.
Trích lời phát biểu của đồng chí Tôđo Gípcốp.
Tổng Bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Bungari,
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Bungari
trong cuộc mít tinh chào mừng Đoàn đại biểu Đảng
và Chính phủ ta nhân dịp Đoàn sang thăm Bungari,
ngày 10-10-1975.


... Nhân dân Bungari đã rất chú ý theo dõi với mối cảm tình sâu sắc cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, cuộc đấu tranh đó cách đây 15 năm đã thiết lập nên ở Việt Nam chính quyền dân chủ nhân dân. Chúng tôi cũng đã rất chú ý theo dõi cuộc đấu tranh vũ trang chín năm ròng của nhân dân Việt Nam kết thúc năm 1954, bằng chiến thắng bọn thực dân Pháp trong trận chiến đấu oanh liệt Điện Biên Phủ. Với chiến thắng đó, các đồng chí đã củng cố nền độc lập dân tộc và mở rộng đường cho sự phát triển mới của chủ nghĩa xã hội...
Trích lời phát biểu của đồng chí Dimitơrơ Đimốp,
 Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Bungari
tại Đại hội III Đảng ta.
__________________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr. 24.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.29 - 30.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #318 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:13:28 am »


CỘNG HOÀ CUBA1

... Niềm khao khát độc lập dân tộc và khao khát công lý xã hội là hai tình cảm lớn, hai lực lượng lớn, hai nguyện vọng lớn kết hợp chặt chẽ với nhau ở Việt Nam và đã thúc đẩy cuộc đấu tranh của cả dân tộc trong những năm qua. Hai nguyện vọng đó, hai tình cảm đó hoà vào nhau làm cho nhân dân Việt Nam trở thành vô địch và tái tạo nên đức tính kiên cường, lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh khác thường...

Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường, vạch ra chiến lược, chiến thuật và đã không tính toán quá nhiều về những vũ khí mà nhân dân Việt Nam có trong tay. Người biết rằng Việt Nam có một đảng, có tổ chức quần chúng, có lòng yêu nước và có lẽ phải. Vì vậy, năm 1946, lúc đế quốc Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, Người đã nói: "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"2.

Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy mà tám năm sau kết thúc với chiến thắng hết sức quan trọng ở Điện Biên Phủ, chiến thắng đó đã làm cho bọn đế quốc khiếp sợ, làm cho đế quốc Mỹ khiếp sợ đến mức hồi đó chúng đã nói đến việc dùng vũ khí nguyên tử để xem có cách gì cứu vãn được đội quân viễn chinh tinh nhuệ đang bị vây hãm ở Điện Biên Phủ hay không...
Trích bài phát biểu của đồng chí Phiđen Caxtơrô
trong cuộc mít tinh lớn chào mừng Đoàn đại biểu Đảng
và Chính phủ Việt Nam nhân dịp đoàn sang thăm Cuba,
ngày 26-3-1974.


... Lập trường của Cuba đối với vấn đề Đông Nam Á là rõ ràng và trong sáng. Việt Nam đối với chúng tôi là thiêng liêng. Vì Việt Nam, chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.

Trong thời đại chúng ta không có một dân tộc nào như Việt Nam đã trả một giá cao như vậy bằng sự hy sinh gian khổ, tính mạng cho tự do, không có một dân tộc nào đã có những đóng góp to lớn hơn nhân dân Việt Nam vào cuộc đấu tranh vì giải phóng dân tộc và vào việc hình thành một sự giác ngộ rộng khắp thế giới chống chủ nghĩa đế quốc... Việt Nam đã chỉ cho các dân tộc bị áp bức thấy rằng không có một sức mạnh nào có thể thắng một dân tộc quyết tâm đấu tranh vì tự do của mình. Việt Nam cũng đã chiến đấu vì sự tôn trọng và phẩm giá của tất cả các dân tộc chúng ta...
Trích bài phát biểu của đồng chí Phiđen Caxtơrô
tại Hội nghị cấp cao lần thứ sáu các nước Không liên kết họp
tại La Habana.


... Từ lâu, nhân dân các nước đấu tranh giành giải phóng dân tộc hoặc đã xây dựng một xã hội công bằng hơn, đã chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc...

Lịch sử của nhân dân Việt Nam, trải qua hơn 1.000 năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nêu gương cho nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Cuộc đấu tranh trước đây của nhân dân các bạn thật là kim chỉ nam đối với nhân dân các nước châu Mỹ chúng tôi bị nô dịch, bị bóc lột, chứng minh hùng hồn cho điều đó là cách mạng của nhân dân Cuba: toàn thể nhân dân Cuba, giai cấp công nhân và nông dân thống nhất với những người yêu nước chân chính, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phiđen Caxtơrô đã kiên quyết đấu tranh chống những bọn độc tài tay sai của đế quốc để xây dựng một nước độc lập, dân chủ, hoà bình và hạnh phúc...

Trong lúc mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến một cách ác liệt trên đất nước các bạn thì nhà lãnh tụ cách mạng của nước Cuba chúng tôi cùng với vài trăm người yêu nước đã đoàn kết được xung quanh mình toàn thể nhân dân Cuba để chiến đấu chống lại những lực lượng hiếu chiến phản động đang bị các bạn đánh bại. Thắng lợi của các bạn đã là một niềm hy vọng to lớn và tươi sáng cho chúng tôi, đã cổ vũ chúng tôi chiến đấu. Thắng lợi của các bạn đã chứng tỏ hùng hồn rằng bất kỳ một dân tộc nhỏ bé nào nếu đoàn kết kiên quyết đấu tranh cho tự do và một tương lai tươi sáng đều có thể đánh bại được đế quốc.
Trích lời phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Cuba,
Hécto Rôđrighết Lompác, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng
nước Cộng hoà Cuba tại buổi chiêu đãi của Chính phủ ta
nhân dịp đoàn sang thăm Việt Nam, ngày 30-11-1961.



CỘNG HOÀ DÂN CHỦ ĐỨC3

Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của mình đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc châu Á như là một trong những hành động anh hùng nhất và đã mở đường cho nhân dân Việt Nam đi tới chủ nghĩa xã hội, tự do và hạnh phúc.

Chúng tôi lấy làm tự hào được có những người anh em dũng cảm như thế đứng trong hàng ngũ chúng ta, trong phe xã hội chủ nghĩa với Liên Xô và trung tâm...

Trích cảm tưởng của Phái đoàn Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ Đức
Henrích Rau, Vôn Oócne, Óttô Uynđe ghi trong
Sổ vàng Viện Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam,
ngày 26-1-1960.
_______________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.31 - 33.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 480.
3. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.36.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #319 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2022, 09:15:50 am »


CỘNG HOÀ NHÂN DÂN HUNGGARI1

... Với chiến thắng vẻ vang của mình chống bọn thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã ghi vào lịch sử thời đại chúng ta một trong những trang lịch sử đấu tranh đẹp nhất chống bọn đế quốc. Trong cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam anh dũng, tim chúng tôi đã hoà cùng một nhịp với các bạn trước mọi sự kiện xảy ra và chúng tôi đã cùng chia sẻ niềm vui với những người anh em Việt Nam khi nghe tin ngọn cờ chiến thắng của các bạn đã cắm lên cứ điểm Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh dũng của một dân tộc thiết tha yêu chuộng tự do và một sức sống bất khuất...
Trích lời phát biểu của đồng chí Phơrenxơ Mêđơvan,
Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Hunggari
tại buổi Lễ kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tại Hà Nội.





CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN2

... Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua một chặng đường đấu tranh quang vinh, trải qua cuộc đấu tranh anh hùng của mình. Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng bọn đế quốc xâm lược Nhật Bản đồng thời giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chín năm chống bọn đế quốc xâm lược Pháp.

Trong cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần dũng cảm và chí khí anh hùng bất khuất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã biểu thị sức mạnh vĩ đại vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam được sự giáo dục của Đảng Lao động Việt Nam...

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cuôc chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo. Chiến thắng Điện Biện Phủ của các đồng chí đã ghi một trang sử vẻ vang vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức: nó là một tấm gương chói lọi cổ vũ nhân dân thế giới...
Trích lời phát biểu của Đại tướng Kim Tsang Bông,
Trưởng đoàn đại biểu quân sự Triều Tiên
nhân dịp đoàn sang thăm Việt Nam, tháng 12-1964.


Chiến thắng Điện Biên Phủ không những chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng chung của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và tự do. Thắng lợi này không những giáng những đòn mạnh mẽ vào bọn thực dân Pháp mà cả vào bọn đế quốc Mỹ. Chiến thắng này một lần nữa chứng minh rằng khi nhân dân bị áp bức và bóc lột tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc và thực dân, họ có thể đánh bại được những kẻ thù hung dữ và tàn bạo, giành độc lập dân tộc và tự do và củng cố nền độc lập đã giành được qua đấu tranh gian khổ...
Trích bài đăng trên báo Lao động Tân văn,
Cơ quan trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên,
số ra ngày 7-5-1961.


Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Điện Biên Phủ, nơi mà bọn thực dân xâm lược cho rằng “Không thể xâm phạm được”. Tất cả những người yêu chuộng chính nghĩa trên toàn thế giới đều vô cùng phấn khởi về thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành tự do và độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Giải phóng Điện Biên Phủ làm cho bọn đế quốc Pháp, Mỹ mất đi cứ điểm cuối cùng ở khu Tây Bắc Việt Nam, cũng tức là những âm mưu biến khu vực này thành bàn đạp để xâm chiếm nước Việt Nam của kế hoạch Nava đã hoàn toàn thất bại. Giải phóng Điện Biên Phủ dẫn đến sự rối loạn của bọn xâm lược. Pari và Oasinhtơn sợ hãi, kinh hoàng đối với sự kiện này thật khó mà tưởng tượng được.

Thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ sẽ vĩnh viễn ghi lại trên những trang sử đấu tranh vẻ vang giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nó tỏ rõ lực lượng bất khả chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của bọn thực dân để bảo vệ tự do và độc lập dân tộc.
Trích bình luận của Thông tấn xã Triều Tiên,
ngày 10-5-1954.
______________________________________________________________
1. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.37.
2. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca của thời đại, Sđd, tr.44-46.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM