Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:51:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16556 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #300 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:11:51 pm »


Tâm trạng của nước Mỹ và của Chính phủ Aixenhao trước Điện Biên Phủ thất thủ

Báo Pari Mát (Paris Match), số 208, ngày 22-5-1954 (sách Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (qua sách báo các nước phương Tây) của Bùi Đình Thanh, Ngô Tiến Chất, Lưu Trác..., Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, tr.131 - 134), viết:

"Mười lần một ngày, người ta hỏi những người Pháp ở nước Mỹ là phải học chữ Điện Biên Phủ như thế nào? Sáng và chiều các báo hằng ngày đăng bản đồ của pháo đài với bảy cứ điểm mang tên phụ nữ trở thành bất tử và cả bản đồ phòng tuyến bao vây chặt chẽ Điện Biên Phủ...

Ở tận cùng miền Trung phía tây nước Mỹ, tại những vùng cách đây 20 năm hầu như người ta đã lãng quên sự tồn tại của nước Pháp, những người chủ trại mặc quần áo xanh, hoặc những chàng thanh niên lái những chiếc xe vận tải to lớn gọi nhau để hỏi xem người Pháp có còn giữ được hay không?... Sự rút lui bi thảm của Sư đoàn thứ 24 ở Triều Tiên trong mùa Hè năm 1950 và cuối Đông năm 1951 cũng không được công chúng Mỹ theo dõi một cách xúc động, lo âu như đối với cái căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ bị bao vây trong những tuần lễ cuối cùng.

Tin Điện Biên Phủ hấp hối đến nước Mỹ trong ngày thứ sáu. Sáng và chiều, Chính phủ, báo chí, dư luận tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra một khi Điện Biên Phủ thất thủ. Người ta dự đoán một cách lộn xộn là Chính phủ Lanien đổ, Biđô từ chức, một cuộc khủng hoảng chính phủ không có lối thoát, sự xuất hiện của một chính phủ trung lập ở nước Pháp, sự "ngừng bắn" bằng bất cứ giá nào, sự đầu hàng của Điện Biên Phủ, có những dự đoán đen tối và những giả thuyết còn khiến cho người ta nản lòng hơn là những sự thật phũ phàng nhất...

Việc đầu tiên của Tổng thống Aixenhao là triệu tập ngay Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày hôm sau, thứ bảy, hồi 6 giờ 30 phút, cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần. Ý kiến của các uỷ viên trong cơ quan quân sự tối cao về tình hình Đông Dương và về chiến lược của Pháp đã được biết rõ ràng. Họ cho rằng, những sai lầm liên tiếp phạm phải trong nhiều năm, quan điểm chiến lược phòng ngự bằng bê tông đã làm cho Bộ Chỉ huy Pháp tê liệt như trong thời kỳ toàn thịnh của chiến lũy Maginô và sự chỉ đạo chiến tranh thì đầy rẫy những điều cổ hủ. Họ đã nghe tướng Ô. Đanien được phái sang Đông Dương để đẩy mạnh việc huấn luyện quân đội Việt Nam (quân đội bù nhìn - B.T), than phiền là ông ta bị coi như kẻ quấy rầy và những sự gợi ý của ông ta tuyệt nhiên không được đếm xỉa đến...

Họ đã chê trách ông Aixenhao là người trước tiên làm việc này - quan điểm chiến lược của Pháp ở Điện Biên Phủ và họ lấy làm ngạc nhiên là trong hai tháng bị bao vây, người Pháp đã không tìm cách giải nguy cho các căn cứ quân sự cố thủ đó hoặc lợi dụng sự chôn chân vào một chỗ của các sư đoàn tinh nhuệ của tướng Võ Nguyên Giáp để giành lấy chủ động ở nơi khác.

Bản kết toán những sự suy nhược và sai lầm (có kết hợp với một sự lạc quan và huênh hoang quá đáng theo người Mỹ), không phải chỉ có một ý nghĩa khi nhìn về quá khứ. Hội đồng An ninh quốc gia và những nhà chuyên môn của Lầu Năm Góc lo rằng một trận chiến đấu diễn ra ở đồng bằng với những nguyên tắc và phương pháp như thế sẽ dẫn đến một sự thất bại còn thảm hại hơn ở Điện Biên Phủ. Đối với một cuộc tiến công vào đồng bằng, chỉ có một cách chống lại, sự tham gia nhanh chóng của không quân Mỹ.

Trên mặt giấy và tương quan lực lượng thì sự thất thủ Điện Biên Phủ không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến tình hình quân sự ở Đông Dương. Một vị trí tiền tiêu bị thất thủ. 12.000 người chết hoặc bị bắt, một khối lượng quan trọng dụng cụ chiến tranh bị mất, nhưng vị trí tiền tiêu đó đã mất giá trị từ lâu. 12.000 người chỉ là một phần nhỏ của cả quân đội lớn gồm 600.000 người và phương tiện chiến tranh bị mất không có nghĩa gì khi người ta có sau mình nguồn tiếp viện của Mỹ và nhận mỗi tháng tới 100.000 tấn trang bị.

Tuy nhiên, ở Lầu Năm Góc, người ta nhận định rằng, sự tổn thất ở Điện Biên Phủ đã trúng vào những đơn vị chiến đấu khá nhất và cơ động nhất (lính nhảy dù, lê dương...) và nhất là trận đánh lớn ở rừng núi không hề giảm sự uy hiếp của Việt Minh đối với vùng sống còn ở đồng bằng.

Người ta gặp những khó khăn lớn trong việc duy trì đường giao thông và đường xe lửa, và người Pháp đã yêu cầu đồng minh của họ dự tính mở một cầu hàng không Hà Nội - Hải Phòng. Đó là mùa mưa sẽ ngăn cản các sự biến dồn dập... nhưng nếu quân đội chính quy cộng sản ngày mai tấn công đồng bằng thì Bộ Tham mưu Mỹ nghĩ đến sự kết thúc của trận đánh với một nỗi lo sợ thực sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #301 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:12:28 pm »


Những đồng minh của phương Tây buồn rầu còn những người cộng sản thì vui mừng

Báo Chiến đấu (Le Combat), ngày 8-5-1954, viết:

"... Trên toàn thế giới, việc thất thủ Điện Biên Phủ xuất hiện như một sự kiện hàng đầu trong những năm gần đây, khiến những đồng minh của phương Tây buồn rầu, còn những người cộng sản thì vui mừng".


Những sai lầm chiến thuật ở Điện Biên Phủ

Trong cuốn Tấn thảm kịch Đông Dương, tr.58-62, Giôdép Lanien viết:

" Tiến hành theo một quan điểm chiến lược thiếu khẩn trương, trận Điện Biên Phủ về mặt chiến thuật cũng không được chỉ đạo trong những điều kiện tốt hơn.

Trước hết, việc lựa chọn viên chỉ huy cứ điểm đã chứa đựng một số nguy cơ. Chắc chắn không phải là vì Đại tá Đờ Cátxtơri không phải là một sĩ quan kỵ binh không xuất sắc cũng như một quân nhân không dũng cảm. Nhưng ở Điện Biên Phủ, Đờ Cátxtơri được bố trí không hợp với chuyên môn của ông ta. Ở cương vị ông ta, một sĩ quan bộ binh hay công binh nhất định sẽ có một quan điểm khác về tổ chức và tiến hành phòng thủ.

Nhưng Đại tá Đờ Cátxtơri chắc chắn không phải là người chịu trách nhiệm duy nhất về những sai lầm nghiêm trọng đã phạm phải về mặt chiến thuật trước và sau khi trận đánh mở màn. Ở đây tôi chỉ xin lần lượt nêu lên như sau:

Các trung tâm đề kháng tiền tiêu đã không bố trí lực lượng đông hơn và phòng thủ tốt hơn. Do tính chất chật hẹp của cứ điểm, nhiệm vụ các trung tâm này là bảo vệ đường băng. Lý trí thông thường yêu cầu phải giữ vững chúng bằng bất cứ giá nào. Vậy mà trong số 12 tiểu đoàn của cứ điểm, tám tiểu đoàn đã bị giữ lại ở trận địa chính. Mỗi trung tâm đề kháng ở phía bắc và đông - bắc chỉ có một tiểu đoàn đóng giữ. Hơn nữa, khi bị địch đánh chiếm, ngay từ ngày đầu, đã không tổ chức được một cuộc phản kích nào thực sự mạnh mẽ để giải vây cho các cứ điểm đó... Thật vậy, trong một hệ thống phòng ngự, các cứ điểm phụ thuộc chặt chẽ vào nhau và điều này càng cực kỳ quan trọng ở Điện Biên Phủ.

... Sai lầm thứ hai có thể quy cho pháo binh của chúng ta. Do đánh giá thấp khả năng đối phương, các nhà kỹ thuật cuối cùng đã bị bất ngờ trước sức mạnh hoả lực của địch, trước cách bố trí và số lượng pháo mặt đất và pháo phòng không. Do chuẩn bị tồi, nên việc phản pháo của chúng ta tỏ ra rất bất lực và là nguyên nhân dẫn đến những tổn thất đầu tiên của chúng ta.

Những sai lầm khác thuộc phạm vi Bộ Chỉ huy ở Hà Nội. Một thực tế hiển nhiên là việc phối hợp hành động giữa lực lượng mặt đất và trên không thường là quá tồi. Một thực tế nữa là (Bộ Chỉ huy) không hề dùng một lực lượng bộ binh nào từ bên ngoài để cứu viện cho cứ điểm, hoặc để đánh chiếm các đường giao thông của địch. Liệu tướng Cônhi có đề nghị hành động như vậy hay không? Việc đó không thuộc thẩm quyền của tôi. Tôi chỉ nhận thấy rằng không hề có một hành động như vậy. Thế nhưng, nếu từ bỏ kịp thời một chiến dịch như Átlăng thì dường như có thể thực hiện được ý định đó.

Nhìn chung, Bộ Chỉ huy đã không "quan tâm" đầy đủ sát sao đến trận Điện Biên Phủ. Tinh thần quân đội đã chịu ảnh hưởng về mặt đó. Điều đáng tiếc là tướng Cônhi đã không cho là mình cần phải rời cơ quan chỉ huy ở Hà Nội để đi thăm những người phòng thủ cứ điểm. Đáng tiếc không kém là, ngay trước khi nổ ra cuộc tiến công, tướng Nava lại ở Sài Gòn, chứ không chuyển ra Hà Nội để chỉ đạo cuộc chiến đấu. Thật kỳ lạ, dư luận ở Pháp xưa nay vẫn quá lãnh đạm trước những sự kiện ở Đông Dương, thì trong những tuần lễ vừa qua, lại hết sức chăm chú theo dõi tình hình Điện Biên Phủ, trong khi đó, Bộ Chỉ huy lại quá xa cách với các chiến binh của ta.

Tất nhiên, trong số sai lầm mà tôi vừa nêu lên, không có cái nào tự nó lại có tính chất quyết định cả. Song, không phải vì thế mà không tính đến những sai lầm đó trong kết quả cuối cùng, kết quả đã được những sai lầm đó thúc đẩy xảy ra sớm hơn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #302 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:13:15 pm »

 
Bất ngờ có tính chất quyết định: pháo binh Việt Nam

Trong sách đã dẫn, tr.44 – 46, Giôdép Lanien viết:

"Quân địch đã thành công trong việc đưa lên các sườn núi bao quanh Điện Biên Phủ khá nhiều khẩu trọng pháo mà chúng ta không hề hay biết gì cả. Họ đã nguỵ trang, cất giấu pháo rất kín đáo, đã đào hầm sâu và phân tán từng khẩu một trên khắp địa hình (không bố trí tập trung từng đại đội) và đã chuẩn bị một khối lượng đạn dược vượt ra ngoài mọi dự đoán. Chính uy lực của pháo bắn chuẩn bị vào các căn cứ tiền tiêu với một nhịp độ từ trước tới nay chưa từng thấy ở Đông Dương... đã gây nên yếu tố bất ngờ có tác động quyết định đối với quân đội chúng ta. Sau đó, tình trạng hỗn loạn do sự bất ngờ đó gây nên trong cứ điểm đã không bao giờ khắc phục được nữa.

Chiến dịch Điện Biên Phủ quả thực đã nhắc nhở chúng ta (nếu chúng ta có ý định quên đi điều đó) rằng: trong chiến tranh mặc dầu có sự phát triển những kỹ thuật tinh vi, mặc dầu có vai trò ngày càng quyết định của công việc tổ chức, song nhân tố "bất ngờ" vẫn còn có thể có tính chất quyết định. Đôi khi nhân tố đó có thể quyết định số phận của một chiến cuộc".


Thiếu sót của cơ quan tình báo Pháp về tình trạng tiết lộ bí mật

Trong Sách đã dẫn, tr.44 - 45, Giôdép Lanien viết:

"Để gỡ trách nhiệm cho Bộ Chỉ huy của chúng ta, cần lưu ý rằng do thiếu sót của các cơ quan tình báo, Bộ Chỉ huy đã không có điều kiện đánh giá đúng đắn lực lượng quân địch. Tình trạng thiếu tin tức tình báo về địch này ngược hẳn lại với tình trạng tiết lộ bí mật phổ biến trong chúng ta là một trong những nhân tố tai hại nhất của cuộc chiến tranh này. Kẻ địch nắm rất chắc mọi ý đồ của chúng ta và giữ bí mật gần như tuyệt đối về các ý đồ của họ... Sai lầm bi thảm này chủ yếu thuộc phạm vi các phương tiện về pháo binh của địch...".


Sự thật về kỷ luật Việt Minh

Trong cuốn Hồ, Nxb. Random House, Niu Oóc, 1971, Đavít Hônbécxtơn viết:

"Người Pháp - sau này người Mỹ cũng vậy - không hề hiểu rõ cuộc chiến tranh và đối thủ của họ. Họ tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế chống một nước nhỏ hơn. Ngược lại, Việt Nam tiến hành một cuộc chiến tranh vì sống còn. Địch thủ của Pháp - cũng như của Mỹ 20 năm sau - là tất cả dân tộc Việt Nam.

Quân địch ở khắp nơi. Ai cũng có thể là địch thủ. Mỗi cần vụ, mỗi người hầu trong nhà, mỗi thư ký là người Việt Nam đều có thể là tay chân của Việt Minh cộng sản. Mỗi phụ nữ trong các làng có thể là một điệp viên, báo cho Việt Minh biết một đội tuần tra Pháp đã đến chỗ nào, bao nhiêu lính, mang súng gì, nhưng không hề nói cho Pháp biết điều gì.

Biết được quân Pháp ở đâu, sẽ làm gì, Việt Minh sẽ phục kích. Phục kích là chiến thuật lợi hại của họ. Nó được áp dụng phổ biến, đạt kết quả tuyệt vời. Được nhân dân giúp đỡ, Việt Minh có thể trà trộn vào những nơi mà quân Pháp không thể làm như vậy được. Một sĩ quan Pháp trẻ tuổi kể lại một trận bị phục kích: "Đó là một cuộc hành quyết... Đoàn xe của Pháp chạy chậm rãi và thận trọng tiến lên phía trước thăm dò thì bỗng đâu hàng nghìn Việt Minh tiến công. Trong ít phút sau, đoàn quân đánh trả kịch liệt. Trận đánh vỡ ra thành hàng nghìn trận đánh tay đôi, nhưng Việt Minh quá đông. Không kể những kẻ bị giết, luôn luôn có thêm kẻ địch từ bụi rậm, hốc đá xông ra. Mỗi chúng tôi phải trải qua những giây phút ghê sợ, khi anh cảm thấy không còn khả năng chống cự nữa. Cảm giác này pha lẫn với nhận thức được một tình trạng không thể chịu được đoàn quân đã giẫy chết. Có sự im lặng trên đoàn quân đã bị tiêu diệt. Một thứ mùi chết chóc, im lặng - mà các bạn đã biết - kèm theo tiếng rên rỉ và người ta nhận biết khi đã có một sự đổ nát lớn. Đó là sự thật đầu tiên của một cuộc thất trận. Rồi lại hiện ra trước mặt một sự thật khác và đáng ngạc nhiên hơn nhiều: sự thật về kỷ luật của Việt Minh! Tôi dự kiến sẽ có những hành động dã man. Nhưng sau tiếng súng cuối cùng một chốc, tôi thấy một sự chu đáo kỳ lạ - lập lại trật tự hoàn toàn. Các sĩ quan của họ lượn khắp trận địa, không hề tự phụ là những người chiến thắng mà chỉ như thể là một cuộc hành quân vừa mới kết thúc và một cuộc hành quân khác đang bắt đầu. Không thể nhận ra một nét khoe khoang nào ở họ - không có lễ chiến thắng. Họ để mắt tới mọi thứ, họ ghi chép, ra lệnh cho binh lính của họ. Ở chỗ kia, binh lính mang tiểu liên dồn tù binh lại, tập hợp họ thành hàng ngũ và dẫn họ đi. Mọi việc được tiến hành không có một hành động dã man tàn bạo nào và cũng không có sự thương hại. Như vậy, mọi sự phải làm với lòng nhân đạo. Thế là họ đang ở trong một thế giới với những giá trị mới. Tôi đang đối diện với những người địa phương thuộc trật tự của cộng sản. Đây là một cái gì có bản chất tuyệt đối, một nghìn lần hơn bất cứ cái gì mà chúng tôi gọi là kỷ luật. Đáng lẽ họ đánh vào đầu mọi người, Việt Minh lại săn sóc những người bị thương khi tiếp nhận tù binh.

Đó là một chính sách không thể thất bại được, không thể chống lại được, mà kết quả lại càng tốt hơn khi áp dụng vào những kẻ địch xấu nhất, ác độc nhất, kể cả thực dân. Đó là việc giáo huấn để cải tạo những tâm hồn xấu xa....".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #303 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:13:45 pm »


Bài học này có thể dùng ở châu Phi

Trong cuốn Chiến tranh cách mạng của cộng sản, Niu Oóc, 1963, Gioócgiơ K.Tenyhen viết:

"Cái mới và phần lớn sức mạnh của Việt Nam nằm trong khái niệm rộng rãi và thực chất về quân đội cộng sản và chức năng của nó. Một sĩ quan Pháp xác định, khái niệm của người Việt Nam về chiến tranh nhân dân là "toàn bộ hoạt động nhằm đánh vào hậu phương của kẻ địch với mục đích làm yếu sức mạnh vật chất và tinh thần để làm giảm sự tự do hoạt động" của địch.

Chắc chắn quân đội Việt Minh không phải là những toán người đi lang thang, với những nhiệm vụ tuỳ tiện. Họ là một lực lượng được huấn luyện với nhiều nhiệm vụ riêng biệt, để thực hiện các hoạt động quân sự, các hoạt động thâm nhập và chiếm lĩnh về chính trị. Đó là chìa khoá thắng lợi của Việt Minh.

Về quan điểm quân sự của Việt Nam, những chiến thuật của chiến tranh nhân dân chú trọng đặc biệt tới tính cơ động, vận động nhanh vào ban đêm, tiến công ồ ạt nhưng nhanh chóng, rút nhanh khỏi những trận đánh mà kết quả không chắc chắn. Các chiến thuật này được thực hiện một cách xuất sắc, thường xuyên bởi một quân đội gồm những sĩ quan và binh lính tận tuỵ và gan dạ. Họ sống với nhau chung một hoàn cảnh, cùng chịu đựng và chia sẻ với nhau những gian khó. Nhìn bề ngoài, khó phân biệt binh lính với sĩ quan, họ thật sự chung sức với nhau để thực hiện một lý tưởng.

Người Pháp dùng chiến tranh thông thường để đối phó với họ. Việt Minh hơn hẳn Pháp những điều lợi thế. Có cội rễ sâu xa trong dân chúng về chính trị, quen thuộc địa hình, nhân dần cung cấp tình báo cho họ mà người Pháp không thể nào có được hy vọng như thế. Đặc điểm chủng tộc khiến người lính Việt Minh chẳng khác dân thường. Dân thường có thể giúp đỡ họ về tiếp tế, liên lạc, cung cấp nhân lực, đóng thuế lương thực. Họ được che chở, còn lính Pháp không thể hoà mình vào nhân dân như lính Việt Minh được.

Dùng máy bay trinh sát để chụp ảnh là việc rất quan trọng đối với lính Pháp thì bị ngăn trở bởi cây cối rậm rạp. Người Pháp chậm thay đổi chiến thuật, như cách chống lại các khẩu pháo Việt Minh được nguỵ trang, bắn trực tiếp để thay thế cách bắn gián tiếp thông thường. Pháp còn mất nhiều thời gian mới tìm hiếu và đối phó với phương pháp phục kích của Việt Minh.

Tiền lệ của Điện Biên Phủ - với một đội quân dày dạn kinh nghiệm chiến đấu và những bài học quan trọng của họ về chiến lược, chiến thuật - chắc là không bị khối cộng sản để mất vì sự mai một của thời gian. Nó đặt ra những vấn đề gay go cho người Mỹ trong cuộc chiến tranh hiện nay. Ở thời kỳ Điện Biên Phủ, Mỹ đã quyết định không can thiệp vì không có hy vọng cứu nổi người Pháp. Người Pháp đã thua. Đối thủ đã chiến thắng người Pháp nay là địch thủ của Mỹ. Kinh nghiệm thành công của Việt Minh ở thời kỳ Điện Biên Phủ trong việc kết hợp những hình thức đấu tranh quân sự và không quân sự, những khái niệm về chiến lược, việc áp dụng vào thực tế về chiến thuật ở một trình độ cao có thể được sử dụng trong những tình huống tương lai, chắc chắn mang lại cho người Mỹ những bối rối, mà ai có thể cam đoan rằng Mỹ sẽ không thất bại.

Cần ghi nhớ sâu sắc rằng, trong các khu vực kém phát triển ở châu Phi, châu Mỹ, với trình độ văn hoá thấp kém, địa lý phức tạp, kinh nghiệm tổ chức quân đội, nhưng hình thức chiến thuật đã được áp dụng của Việt Minh - rất hiển nhiên là đã đánh bại người Pháp - đặc biệt có thể được học tập và đem ra áp dụng ở cả châu Mỹ lẫn châu Phi".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #304 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 09:45:11 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954, THẤT BẠI CÓ TÍNH QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỰC DÂN PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG
1

WIJRIED LULEI

Ngày 20-11-1953, bầu trời thung lũng Điện Biên Phủ thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam đã rung chuyển bởi tiếng gầm rú của những động cơ máy bay hạng nặng. Hàng nghìn lính dù của quân viễn chinh Pháp đã nhảy xuống một sân bay dã chiến nhỏ do quân Nhật Bản xây từ trước, khi chúng bị đẩy tới đây trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chỉ trong ít tuần lễ, quân Pháp đã xây dựng ở đây một căn cứ vững chắc bao gồm ba khu vực với 16.000 quân (gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị vận tải với 200 xe, cùng 1 đơn vị không quân gồm 14 máy bay)2. Căn cứ Điện Biên Phủ gồm 49 hệ thống boongke, vừa mang tính độc lập như một pháo đài, vừa có thể chi viện chiến đấu cho nhau. Hai sân bay còn có hai cụm pháo. Ở đây các đơn vị cơ giới có thể cơ động một cách nhanh chóng đến bất cứ vị trí nào trong phạm vi của thung lũng với chiều dài 18 km và chiều ngang từ 6 đến 8 km. Những đơn vị của Pháp chủ yếu là lính nhà nghề thiện chiến, lính lê dương và lính Bắc Phi được coi là thiện chiến nhất trong quân đội xâm lược Pháp tại Đông Dương. Ngoài ra còn có một số đại đội lính Thái. Đội quân này được trang bị hoàn hảo, chủ yếu là các thiết bị vũ khí của Mỹ3.

Một vấn đề được đặt ra là, vì sao một căn cứ hiện đại vững chắc, lớn như vậy lại được xây dựng ở một vùng rừng núi dân cư thưa thớt, xa các vùng chiến sự khác, giao thông đi lại khó khăn? Lý do là người Pháp muốn bằng căn cứ này thách đố Quân đội nhân dân Việt Nam chấp nhận một trận đánh có tính chất quyết định với thế bất lợi thuộc về phía Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuối năm 1953, ảo tưởng của thực dân Pháp muốn dùng biện pháp vũ lực để tái lập sự thống trị trên bán đảo Đông Dương đã bị tan vỡ. Trong bảy năm chiến đấu, nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia đã bảo vệ nền độc lập của mình, không chịu cúi đầu. Quân đội nhân dân Việt Nam với sự giúp đỡ, ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân đã ngoan cường chống lại kẻ thù được trang bị và kỹ thuật hơn hẳn một cách có hiệu quả và ngày càng giành được thế chủ động trên chiến trường. Quân đội Pháp bị dồn vào thế bí, trong nhiều trận đánh lớn đã nếm mùi thất bại nặng nề. Dư luận quốc tế lên án cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Pháp gây ra ngày càng mạnh mẽ. Chiến thắng Điện Biên Phủ nếu không là bước ngoặt của cuộc chiến tranh thì cũng thay đổi có tính chất quyết định tình thế chính trị - quân sự, đẩy kẻ thù xâm lược vào thế yếu4. Về phía Tổng Tư lệnh quân đội Pháp, tướng Nava cũng như các cố vấn Pháp, Mỹ thì xuất phát điểm của họ là:

1. Theo quan điểm phổ biến trong quân đội Pháp thì phải có một chiến dịch quyết định mới có thể bảo đảm được sự chiến chắng của quân đội Pháp.

2. Họ tin tưởng rằng Quân đội nhân dân Việt Nam nhất định sẽ tiến công vào Điện Biên Phủ, vì vị trí này án ngữ con đường sang Lào và kiểm soát toàn bộ cửa ngõ qua Tây Bắc, đặc biệt là Lai Châu, nơi đang diễn ra các cuộc chiến quyết liệt.

3. Họ tin rằng trong cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không có phương tiện giải quyết được hậu cần. Còn phía quân đội Pháp dễ dàng dùng đường không tiếp tế, vì khoảng cách Điện Biên - Hà Nội chỉ có chừng 200km, với khả năng mà Mỹ đã hứa dành cho quân đội Pháp một số máy bay để tiếp tế. Trong khi đó thì theo tính toán của các chuyên gia Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có thể tiếp tế từ đồng bằng sông Hồng theo con đường bộ dài chừng 500km, qua rừng núi, đầm lầy và dưới sự khống chế của không quân Pháp. Những người thiết kế, xây dựng hệ thống boongke và các cứ điểm dày đặc tại Điện Biên Phủ cho rằng căn cứ này là "bất khả xâm phạm".

Lúc đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam tỏ ra ít chú ý đến sự chiếm đóng Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp. Họ chỉ bao vây một cách lỏng lẻo, sau đó mới dần siết chặt vòng vây. Chính thời gian đầu là thời gian họ tiếp tục phối hợp với các lực lượng yêu nước Lào tiến công những vùng khác. Ngày 12-12-1954, Quân đội nhân dân giải phóng Lai Châu (gần biên giới Trung Quốc). Đầu năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Trung Lào. Như vậy, Lào bị chia làm hai phần. Lực lượng giải phóng lại bao vây uy hiếp vùng cố đô Luông Prabăng, buộc quân Pháp phải tăng cường lực lượng chốt giữ. Điện Biên Phủ lúc này còn yên tĩnh. Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở đây là Tướng Đờ Cátxtơri còn hung hăng, cho rải truyền đơn khiêu khích "các ngài Việt Minh ở đâu, mời các ngài ra tham chiến, các ngài sẽ bị nghiền nát".

Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu tiến công vào ngày 13-3-1954. Mở đầu là những loạt tiến công bằng các đợt pháo kích dữ dội. Các lực lượng này được vận chuyển và cất giấu cẩn thận. Quân Pháp hoang mang bất ngờ nên đến tận phút cuối cùng của trận đánh vẫn không thể chống trả một cách có hiệu quả. Trong khi pháo 75 ly và 105 ly của Quân đội nhân dân Việt Nam nã vào hai sân bay và các trận địa pháo không được nguỵ trang che chắn của đối phương, thì pháo binh của Pháp bắn vu vơ và máy bay oanh tạc không trúng mục tiêu. Ngay tối đầu tiên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm được đồi Him Lam. Chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ là Đại tá Pirốt đã tự tử. Từ cuối tháng 3, tình thế của quân Pháp trở nên bi đát. Trước hết, việc tiếp tế bằng máy bay ngày càng khó khăn.

Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập được chiến công đáng cảm phục trong việc tập trung nhân lực và mọi phương tiện cần thiết cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảng 50.000 người (4 sư đoàn bộ binh, 5 đơn vị pháo binh, 1 đơn vị pháo cao xạ và 1 đơn vị công binh) đã được huy động vào chiến dịch. Những khó khăn đã được giải quyết nhờ sự nỗ lực của hàng vạn dân công với phương tiện xe đạp thồ, quang gánh. Một điều kiện khác là sụ viện trợ giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

Cuộc tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam chia làm ba giai đoạn5:

Giai đoạn một (từ ngày 13 đến ngày 17-3): Đánh chiếm cứ điểm phía bắc: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Như vậy trong giai đoạn một, quân đội Pháp đã hoàn toàn mất khu vực phía bắc.

Giai đoạn hai (từ ngày 30-3 đến ngày 24-4)6: với những trận tiến công như vũ bão vào khu vực trung tâm, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiếm được hàng loạt hệ thống boongke, các đường băng chính của các sân bay bị phá hỏng, các đường nối các boongke với nhau bị chặt đứt. Ở đây, Quân đội nhân dân đã phát triển một lối đánh đặc biệt. Để đánh chiếm các boongke mà ít thiệt hại nhất, bộ binh Việt Nam đã tiến hành đào các hệ thống giao thông hào để tiến dần vào sát các mục tiêu, chia cắt và vây chặt, đánh lấn.

Giai đoạn ba (từ ngày 1 đến ngày 7-5): Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh chiếm các cứ điểm phía nam Hồng Cúm và hai hệ thống boongke trung tâm. Ngày 7-5, lúc 17 giờ 30 phút, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến vào hầm chỉ huy của Đờ Cátxtơri vừa được phong hàm thiếu tướng.

Sau 55 ngày đêm, chiến dịch gay go, gây thiệt hại lớn cho cả hai bên đã kết thúc. Thắng lợi hoàn toàn thuộc về Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội Pháp bị thiệt hại lớn, 62 máy bay cùng số lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến tranh bị mất về tay Quân đội nhân dân Việt Nam và bị thiêu huỷ. Và điều quan trọng là ảo tưởng nghiền nát Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận đánh quyết định này hoàn toàn tan vỡ. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, được nhân dân ủng hộ đã có tinh thần chiến đấu hơn hẳn so với đạo quân đánh thuê nhà nghề của Pháp. Chiến dịch này cũng thể hiện sự hơn hẳn về đường lối quân sự của Đảng Lao động Việt Nam. Nghệ thuật quân sự được phát triển trong cuộc chiến tranh chống xâm lược dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt đến đỉnh cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch có sự phối hợp tài tình với các hoạt động vũ trang ở những khu vực khác. Sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em đã rút ngắn khoảng cách về trang bị giữa quân đội Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã được trang bị những vũ khí hiện đại để đối phó với máy bay, và có thể khống chế các sân bay. Đồng thời, nhờ những phản ứng quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã ngăn chặn đế quốc Mỹ và Pháp không biến chiến tranh Đông Dương thành cuộc chiến tranh có tính chất quốc tế như kiểu chiến tranh Triều Tiên. Sau sự kiện Điện Biên Phủ một ngày, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán về việc kết thúc chiến tranh, điều mà từ trước đến nay họ vẫn tìm cách trì hoãn. Thất bại về đường lối chính trị ở Đông Dương được thể hiện qua Chiến dịch Điện Biên Phủ là một nguyên do cơ bản của Chính phủ Lanien bị đổ. Ngày 9-6, Thủ tướng mới Măngđét Phrăngxơ (Mendès France) đã ký Hiệp định Giơnevơ vào ngày 20 và 21-7-1954, Pháp buộc phải công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào, Campuchia. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp, mà đồng thời cũng là thắng lợi có ý nghĩa của các dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc. Chiến thắng này và Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho lực lượng hoà bình tiến bộ và độc lập, ngăn chặn mưu đồ của chủ nghĩa đế quốc muốn biến chiến tranh nóng thành chiến tranh lạnh trong giữa những năm 50 của thế kỷ XX... Đại tá Pháp, F.Th. Schneider, đã viết không có gì là quá đáng là: "Kết quả của sự thất bại này và của việc đàm phán tiếp đó cần được coi là sự bại trận của toàn bộ thế giới phương Tây. Bởi vì đây là sự chiến thắng của cộng sản đối với tư bản, của dân thuộc địa đối với thực dân". Thất bại của chính sách sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc ở Điện Biên Phủ mở ra khả năng giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường hoà bình, kết thúc ách thực dân và chiến tranh trong khu vực này. Khả năng này khi đó chưa thể thực hiện được vì đế quốc Mỹ, kẻ đã giúp Pháp tới 60% kinh phí vào thời điểm năm 1953 và đến 80% vào thời điểm năm 1954 khi họ muốn thế chân Pháp ở Đông Dương. Họ đã được nếm mùi "Điện Biên Phủ" ở Sài Gòn vào năm 1975.
____________________________________________________
1. Người dịch: TS. Nguyễn Văn Khoan; người hiệu đính: GS. Đinh Xuân Lãm. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 5-1989, tr. 4 - 6, 44.
2. Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964. tr.75.
3. A. Lavơrisép: Vấn đề Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mátxcơva, 1966, tr.74; J K.King: Southeast Asia Perspective, New York, 1959. p.295.
4. Dien Bien Phu - Before, During, After, Nguyễn Khắc Viện chủ biên. (Vietnamese Studies, N°.43), Hà Nội, 1975, tr. 9.
5. Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 109 và Việt Nam những sự kiện 1945-1975, t. 1, Hà Nội, 1975, tr. 121.
6. Có tài liệu viết: giai đoạn hai từ ngày 30-3 đến ngày 30-4.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #305 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 09:49:40 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ CHÍNH GIỚI PHÁP:
MỘT QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC TẬP THỂ ĐAU LÒNG
1


FRÉDÉRIC TURPIN

Khi Việt Minh mở các đợt tấn công đầu tiên vào các cứ điểm tại Điện Biên Phủ ngày 13-3-1954, cuộc chiến tranh Đông Dương đã bước vào năm thứ 10. Mười năm sau khi cuộc tái chinh phục do đội quân thiết giáp của tướng Lơcléc mở đầu từ miền Nam, tình hình mọi mặt vẫn rất bấp bênh. Đối với số ít công dân Pháp đang theo sát vấn đề này, hay đối với một nhà chính trị quả thực khó mà biết được tình thế khi đó của nước Pháp trong cuộc xung đột này và đặc biệt là nước Pháp sẽ đi đến đâu?

Trước hết chúng ta thấy rằng vào mùa Xuân năm 1954, viễn cảnh chiến thắng quân sự hoàn toàn của Pháp không còn nữa. Giới chính khách và quân sự Pháp đang cố gắng hết sức để ổn định tình hình tại chỗ. Nhưng trong lúc đó, họ lại tỏ ra ít mặn mà với một giải pháp triệt để cho vấn đề mà dưới con mắt của nhiều người ít quan trọng so với các vấn đề về châu Âu hay Âu - Phi. Quả thực, một giải pháp như vậy sẽ đòi hỏi nhiều phương tiện quân sự và nguồn tài chính lớn liên quan tới nhiều yếu tố chính trị và chiến lược. Ấy vậy mà Chính phủ Pháp đã lần lượt từ chối các yêu cầu tiếp viện của Bộ Chỉ huy tại Đông Dương. Vì các ưu tiên lại được dành cho việc khác, "một kiểu thoả hiệp", theo như lời của Étga Phô (Edgar Faure), cuối cùng đã ức chế mọi phản ứng có lợi mà lẽ ra có thể ngăn ngừa các diễn biến đã dẫn đến Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên gánh nặng tài chính của cuộc xung đột này đè lên công quỹ quốc gia cũng như cái giá mà nó phải trả bằng nhân mạng đã dần dần buộc giới chính trị Pháp phải tìm một giải pháp khác ngoài giải pháp tiếp tục đánh với hy vọng là không bị thua. Từ đó, cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề tìm những người đối thoại có lợi. Pháp và các quốc gia liên kết ở Đông Dương cần phải và có thể thương lượng với ai? Có thể nhượng bộ những gì? Giới chính trị Pháp, ngay cả ở trong Chính phủ, bị chia rẽ sâu sắc về các điểm mấu chốt này. Thật vậy, dưới ảnh hưởng của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, G. Biđô, lãnh tụ Đảng Cộng hoà (nguyên văn: Phong trào Cộng hoà bình dân - MRP), cuộc thương lượng được hướng theo một khuôn khổ đa phương: Hội nghị Giơnevơ. Với một số người, hy vọng về một giải pháp thương lượng trong danh dự cho nước Pháp và đồng minh từ nay trở đi dường như nằm trong tầm tay, nhất là trong bối cảnh của xu hướng hoà hoãn trên thế giới. Với một số người khác thì tấm gương Triều Tiên lại không cho phép người ta được lạc quan như thế. Huống chi máu vẫn tiếp tục chảy ở bán đảo Đông Dương...

Chính phủ dưới quyền lãnh đạo của J. Lanien, người thuộc phái ôn hoà, ngay từ những bước đi đầu tiên, đã là nơi diễn ra các mâu thuẫn giữa các thành viên về chính sách Đông Dương. Có thể phân biệt sơ lược ba luận điểm sau:

- Luận điểm chính thức, luận điểm của Lanien và Biđô, không chống lại mọi sự phát triển hợp pháp, không chấp nhận sự thoát khỏi khuôn khổ đã được xác định trong phần VIII của hiến pháp. Cuộc thương lượng trực tiếp với Việt Minh theo sáng kiến của Pháp chỉ có thể coi như một "bằng chứng của sự yếu thế", luận điểm này đòi hỏi "sự kiên quyết của Pháp và các quốc gia liên hiệp" để "dẫn kẻ thù tới sự thoả hiệp". Vì vậy, mọi cuộc thương lượng chỉ có thể tiến hành ở cấp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Plêven thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (nguyên văn - Liên minh những người dân chủ xã hội kháng chiến) cũng ủng hộ xu hướng này mặc dù trong thâm tâm ông rất dè dặt và lo lắng về tình hình chiến sự. Ông chủ trương xích lại gần Trung Quốc nhằm cô lập Việt Minh, tuy vậy ông vẫn cho rằng nên cử Alanh Savary (Alain Savary) đi làm nhiệm vụ thăm dò Việt Minh.

- Xu hướng thứ hai do Phó Chủ tịch Hội đồng P. Râynô, cựu Bộ trưởng Bộ Thuộc địa trước chiến tranh, làm đại diện. Theo ông thì "khó mà kìm hãm được sự phát triển theo hướng nền độc lập", ngược lại Pháp phải "thúc đẩy" việc này. Râynô còn tỏ ra nghiêm túc khi xem xét khả năng trao Đông Dương vào tay Mỹ với danh nghĩa bảo vệ thế giới tự do và các quyền lợi riêng của Pháp vì Pháp không thể tiếp tục chịu đựng được gánh nặng này nữa khi mà cuộc tranh chấp tại châu Phi ngày càng rõ nét, đặc biệt là vùng Bắc Phi.
- Luận điểm thứ ba là chủ trương của Mắc Giắckê (Marc Jacket), người của phái Đờ Gôn, Quốc vụ khanh phụ trách về quan hệ với các quốc gia liên kết. Ông này chủ trương trao độc lập thực sự cho các quốc gia này theo trong khuôn khổ một "khối thịnh vượng chung" của Anh nhưng theo kiểu Pháp và đặc biệt ông tán thành “một công thức thoả hiệp với đối thủ", nghĩa là với Việt Minh.

Sự lộn xộn trong Chính phủ càng rõ rệt khi mà ngoài các bất đồng về chính trị giữa các phần tử cấu thành của Chính phủ liên hiệp, việc phân chia quyền lực giữa các bộ liên quan đến cuộc chiến tranh Đông Dương, một bài toán khó giải, đã làm cho tình hình rắc rối thêm. Quả vậy, từ khi huỷ bỏ Ủy ban liên bộ Đông Dương ngày 9-1-1947, thì trong việc lãnh đạo cuộc xung đột Đông Dương thiếu một cơ quan liên chính phủ có khả năng vượt lên trên những rạn nứt mang tính truyền thống giữa các cơ quan luôn ghen tị nhau về đặc quyền. Tuy nhiên, thảm hoạ ở Cao Bằng đã cho thấy rõ sự rối loạn chức năng trầm trọng này trong chu trình ra các quyết định chính trị - quân sự. Dẫu vậy cần phải đợi đến ngày 11-3-1954 một Uỷ ban chiến tranh thu hẹp, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, có chức năng xác định các đường lối chung và chỉ đạo cuộc chiến, mới được thành lập.

Trước tình hình lộn xộn về quyền lực và chính trị như vậy, người ta không ngạc nhiên khi nhiều thành viên trong Chính phủ không trực tiếp liên quan đến việc quản lý vấn đề này thường sẵn sàng cố tránh không dính vào chuyện đó. Một ví dụ rõ nét là thái độ của Étga Phô (Edgar Faure), thuộc đảng cấp tiến, khi ấy là Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ. Là thành viên chính thức của Uỷ ban Quốc phòng cho tới tháng 2-1954, ông ta tự đặt cho mình "một nguyên tắc là chỉ phát biểu trong Ủy ban này về các vấn đề có thể làm ảnh hưởng tới ngân sách". Theo hồi ký của ông, tình thế đã đến mức là các phiên họp Uỷ ban Quốc phòng trong các ngày 6-2 và 11-3-1954 chỉ làm được một việc là ghi nhận những bất đồng ý kiến hiện có và ghi nhận sự đánh giá thấp, ít nhiều có ý thức, các mối nguy hiểm đang đe doạ chiến luỹ Điện Biên Phủ.

Nếu như Chính phủ Lanien đang phải trải qua các bất đồng quan điểm sâu sắc về chính sách đối với Đông Dương, thì các đảng chính trị Pháp cũng chẳng có gì tốt hơn. Ngược lại, các đảng chiếm đa số trong thành phần Chính phủ đang tranh cãi gay gắt trong nội bộ hay, tồi tệ hơn, công khai trình bày các chính sách về Đông Dương, thường là hoàn toàn đối lập với hành động của Chính phủ, dù phải mâu thuẫn với bộ trưởng của họ. Vì vậy R. Plêven phải đương đầu với sự đối lập ngày càng mạnh bên trong Đảng Dân chủ Xã hội (UDSR) của ông. Tới mức là tại Hội nghị Năngtơ (Nantes) năm 1953, đối thủ nặng ký của ông là Phrăngxoa Míttơrăng (François Mitterrand) cho thông qua bàn kiến nghị yêu cầu đình chiến trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng lãnh thổ. Míttơrăng đã đặt Plêven vào phe thiểu số cả về vấn đề Đông Dương lẫn vấn đề Cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED), buộc Plêven phải từ bỏ chức Chủ tịch của Đảng UDSR đồng thời tiếp tục chịu đựng những lời chỉ trích ngày càng gay gắt từ trong đảng của ông. Cũng vậy, Étga Phô (Edgar Faure) đã phải giữ im lặng do sự phản đối cuộc chiến Đông Dương ngày càng tăng trong đảng của ông. Người phản đối mạnh mẽ nhất, ngoài Măngđét Phrăngxơ (Mendès France) là E. Đalađiê (Daladier).

Người đại diện tượng trưng cho chính sách của Chính phủ, Gioócgiơ Biđô, cũng gặp những khó khăn bên trong Đảng Cộng hoà (MRP). Quả vậy, các chiến sĩ cộng hoà nhân dân, noi gương những người của Đảng UDSR, ngày càng thấy không thể đi theo chính sách Đông Dương của Chính phủ. Cuộc chống đối của cánh tả của Đảng về chủ đề này ngày càng tăng mặc dù điều tồi tệ này nằm trong khuôn khổ rộng hơn của các ảo tưởng bị mất đi của phe Giải phóng và sự từ chối "đường lối thiên hữu" của đảng này. Vì vậy, các mâu thuẫn ở các cấp khác nhau trong MRP ngày càng đậm nét; một số người như Rôbe Buyrông (Robert Buron) hay Anđrê Môngtơi (André Monteil) đòi phải tiến hành thương lượng thực sự với Việt Minh. Viễn cảnh Hội nghị Giơnevơ đã làm dịu đi trong một thời gian sự cuồng nhiệt của những người phản đối nhưng không vì thế mà làm lung lay lập trường của họ.
___________________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học 1954-2004: Trận Điện Biên Phủ, giữa lịch sử và ký ức do Trường đại học Tổng hợp Pari 1 Păngtêông - Xoócbon và Trung tâm Lịch sử quốc phòng Bộ Quốc phòng Cộng hoà Pháp phối hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tại Pari, ngày 21 - 22-11-2003.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #306 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 09:52:32 pm »


Trong phe đối lập với chính phủ, các quan điểm cũng không hề thống nhất. Vì vậy trong nhiều năm Phân bộ Pháp của Quốc tế Công nhân (SFIO) đã chao đảo giữa trào lưu của phe Crixtian Pinô (Christian Pineau) nhạy cảm hơn với các vấn đề đối nội và đối ngoại của việc rút quân và trào lưu của phe Êđua Đơprơ (Edouard Depreux) và Gátxtông Đơphe (Gaston Defferre) - tập hợp được đa số các đảng viên - mệt mỏi vì cuộc chiến tranh hao người tốn của. Dẫu sao đứng trước sự sa lầy rõ rệt của cuộc xung đột, các đảng viên Đảng Xã hội đã làm sáng tỏ quan điểm của mình trong năm 1953 khi họ phản đối mọi hình thức quốc tế hoá cuộc xung đột và đòi phải thương lượng ngay lập tức với Hồ Chí Minh nếu cần thiết. Đặc biệt họ yêu cầu Chính phủ Lanien phải mạnh dạn tìm cơ hội đình chiến; các cơ sở của cuộc thương lượng sau này phải là nền độc lập hoàn toàn cho các quốc gia Đông Dương và với các cải cách xã hội thực sự. Như vậy là Ghi Môlê (Guy Mollet) và phe của ông phản đối chính sách của Biđô - Lanien trong khi Biđô - Lanien vẫn chủ trương vừa đánh vừa thương lượng tại Giơnevơ, thậm chí ông còn bỏ phiếu phản đối các kinh phí quân sự ngày 21-3.

Về phía phe đối lập, người ta nhận thấy trong những ý kiến khác nhau ở các đảng đối lập ít ý kiến đồng tình và phần lớn mọi người lên án chính sách đối với Đông Dương của nên Cộng hoà thứ tư. Vì vậy Đảng Cộng sản Pháp tiếp tục giữ vững quan điểm về vấn đề Đông Dương và hơn bao giờ hết coi cuộc xung đột này như là một "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" chống lại nhân dân Việt Nam và nền độc lập của nước này. Theo đảng này, cuộc chiến Đông Dương huỷ hoại nền kinh tế Pháp và được diễn ra để bảo vệ lợi ích của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Những người theo chủ nghĩa Đờ Gôn nói thẳng ra là họ phản đối cái mà họ gọi là "sự chểnh mảng của Chính phủ" đối với Đông Dương và đón nhận một cách hoài nghi thông báo về Hội nghị Giơnevơ. Quả thực tướng Đờ Gôn, vào thời điểm bắt đầu của thời kỳ hoà hoãn, đã chủ trương tìm kiếm "một sự dàn xếp" giữa Đông và Tây trong đó nước Pháp giữ vai trò trung gian hoà giải và độc lập. Theo hướng này, ban đầu Hội nghị Giơnevơ được nhận thức như là một nguy cơ cản trở ý đồ này nếu nó không thể đạt được kết quả hữu ích. Dẫu vậy việc vây hãm Điện Biên Phủ đã khiến những người thuộc phái Đờ Gôn giảm nhẹ đáng kể những lời chỉ trích của họ đối với Hội nghị Giơnevơ, nhân danh chủ trương hoà hoãn và sự mong muốn nhanh chóng tìm ra một giải pháp thương lượng.

Trong suốt thời gian Điện Biên Phủ bị bao vây, cũng giống như dư luận công chúng Pháp, giới chính trị dành sự quan tâm đặc biệt tới diễn biến quân sự hằng ngày. Trừ Đảng Cộng sản Pháp vẫn duy trì đường lối chính thức của mình là phản đối "cuộc chiến bẩn thỉu", lòng tự hào, cảm xúc, sự bất bình và nỗi buồn đã làm thắt trái tim các nhà lãnh đạo Pháp và làm tổn thương lòng yêu nước của họ. Quả thực những kỷ niệm của những giờ phút đen tối trong năm 1940 và của cuộc chiếm đóng vẫn đeo đẳng trong ký ức. Ngay cả hình thức của cuộc chiến tranh cũng làm cho các cựu chiến binh trong cuộc đại chiến - như J. Lanien - nhớ lại cuộc chiến của họ. Trường hợp cá biệt, hầu hết giới chính trị lại tái ngộ để chào mừng các chiến binh của Khối Liên hiệp Pháp và sự hy sinh của họ. Tướng Đờ Gôn đã khẳng khái phát biểu: "Danh dự và vinh quang thuộc về các bạn, các chỉ huy và binh sĩ, những người đang mang vũ khí của nước Pháp tại chiến trường!"

Nhiều chính trị gia thậm chí cảm thấy xuất hiện ở những người Pháp một "sự đổi mới của chủ nghĩa dân tộc", trong mùa Xuân bị xáo động vì thảm kịch Điện Biên Phủ này, nhưng chủ yếu cũng vì cuộc tranh luận ác liệt của CED. Vả lại, Lanien và Plêven là những nạn nhân đầu tiên bởi vì ngày 4-4-1954, trong lễ duyệt binh ở Khải hoàn môn họ bị các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Đông Dương la ó và hành hạ. Như vậy phải chăng trận Điện Biên Phủ, theo một số người, là chất xúc tác cho phép "chọc thủng bức tường thờ ơ đã được làm suy yếu" của người Pháp. Những người theo phái Đờ Gôn và nhiều tổ chức thân hữu còn nhìn thấy trong đó thời cơ để thử làm cái gì đó nhằm thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cuộc biểu tình tại Quảng trường Săm Êlidê (Champs - Élisée) ngày 9-5 cũng thất bại. Tuy vậy cuộc biểu tình lại diễn ra vào một tháng 5 khác, tháng 5-1958.

Những người công khai chống đối khác, những người cộng sản đón chào Điện Biên Phủ như một bước bổ sung dẫn tới nền độc lập của Việt Nam và công kích mạnh mẽ G. Biđô và Đảng MRP. Một thái độ như vậy trong bối cảnh của sự xúc động kết hợp với lòng yêu nước bị tổn thương đã thổi bùng lên ngọn lửa chống cộng sản. Theo hướng này, báo Le Populaire de Pari ra ngày 11-5 đã đả kích "niềm vui hớn hở" của những người cộng sản sau khi tập đoàn cứ điểm bị thất thủ. Tuy nhiên ít ra những người phản đối chế độ, phản đối Chính phủ Lanien và các thành viên thuộc phe đa số lúc đó cũng đã nhất trí được một điều mặc dù giữa họ còn có những bất đồng về tương lai của bán đảo Đông Dương: mong Hội nghị Giơnevơ sẽ đem lại hoà bình.

Việc thất thủ Điện Biên Phủ, giống như trong các trường hợp tương tự, đã dấy lên cuộc chạy đua đi tìm những người chịu trách nhiệm thậm chí là thủ phạm. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của các đảng phái chính trị là nhắc lại lập trường của riêng họ đối với cuộc khủng hoảng tại Đông Dương để tránh trách nhiệm của họ trong toàn bộ công tác chỉ đạo cuộc chiến tranh. Việc lo thanh minh như thế trong giai đoạn tiếp theo trận Điện Biên Phủ, nhanh chóng đi cùng với việc tố cáo Chính phủ mặc dù có những tuyên bố trái ngược. Tuy nhiên, những người phản đối Chính phủ như SFIO (Liên đoàn lao động Pháp) và nhiều thành viên trong phe đa số lại do dự trong việc lật đổ Lanien vì sợ làm cho vị trí ngoại giao của Pháp yếu đi tại Hội nghị Giơnevơ. Chính vì để không bỏ lỡ mọi cơ hội tìm lối thoát danh dự cho Pháp khỏi cuộc xung đột mà lúc đầu nhiều đại biểu đã ủng hộ giải pháp thương lượng của Chính phủ. Nhưng sự sa lầy của các cuộc thương lượng tại Giơnevơ và mối lo sợ quốc tế hoá cuộc xung đột, với việc gửi quân, cuối cùng đẩy phe đa số rất mong manh này hạ bệ nội các Lanien ngày 12-6.

Về phần những người chống đối chế độ, ban đầu họ tỏ ra tương đối dè dặt, điều này giống với cái mà MRP (Phong trào Cộng hoà Bình dân) gọi là "buổi vũ hội lột da đầu" xung quanh Chính phủ. Vì vậy những người cộng sản vẫn theo đuổi chiến dịch chống "cuộc chiến bẩn thỉu" và những hành động quen thuộc của mình, nhất là các cuộc tập hợp vì hoà bình. Nhưng người thuộc phe Đờ Gôn, mặc dù một số người trong số họ vẫn sát cánh cùng Lanien chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ và hơn nữa buộc tội Chính phủ, khác với những người cộng sản vẫn đang ra sức đả kích Biđô và "kẻ phản bội" Plêven. Còn nữa, sự giẫm chân tại chỗ của các cuộc thương lượng tại Giơnevơ tỏ ra nguy hại cho Chính phù vì đa số các nghị sĩ của phe Đờ Gôn công khai kêu gọi lật đổ Chính phủ theo quan điểm "hãy thay ngựa giữa đường khi biết nó không thể tới đích".

Với sự sụp đổ của Chính phú Lanien, một tháng sau khi kết thúc trận Điện Biên Phủ, nước Pháp, đang bận rộn trong các cuộc thương lượng quốc tế bị mất Chính phủ. Thảm hoạ gây xôn xao dư luận báo chí này đã gây ra cú sốc điện, cuối cùng làm thất bại bộ ba Lanien - Biđô - Plêven đồng thời cả chính sách Đông Dương mà êkíp này thực hiện. Trận Điện Biên Phủ, với tính chất khốc liệt của nó, sự xôn xao trong giới báo chí và vị trí của nó trong niên đại, đã thật sự phá đổ bức tường thờ ơ của người Pháp và buộc giới chính trị Pháp vén bức màn che đậy cuộc chiến tranh này, từ nay trở đi không thể bị xếp vào hàng thứ hai trong các mối lo lắng của quốc gia. Vào lúc cuộc tranh cãi trong CED làm cho đau đầu, CED đặt vấn đề vị trí của Pháp trên thế giới và vai trò của các quốc gia - dân tộc, thất bại này chắc chắn là điểm đoạn hồi trong quá trình phát triển lâu dài của giới cầm quyền, một quá trình nhận thức tập thể đau lòng đòi hỏi phải có lòng dũng cảm để thoát khỏi một cuộc chiến mà họ không thể thắng được về mặt chiến lược. Vì vậy Điện Biên Phủ đã gián tiếp mở các cánh cửa của Điện Matiông (Mathion) cho người công khai phản đối cuộc chiến này, Măngđét Phrăngxơ.

Do đó không đáng ngạc nhiên khi mà đại đa số các nghị sĩ tán thành các hiệp định đình chiến ký tại Giơnevơ, một hiệp định vẫn để cho Pháp một giới hạn hoạt động tại miền nam bán đảo Đông Dương. Tất nhiên mỗi người đón nhận quyết định này theo cách của riêng của mình. Một số người tiếp tục chơi trội như báo Nhân đạo ra ngày 22-7 ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam và sự lãnh đạo sáng suốt của một "đảng anh em" trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như vai trò tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên theo chúng tôi. Raymond Aron (Raymông Arông) đã phát biểu một cách tổng quát trong bài báo của ông trong tờ Le Figaro ra ngày 22-7: "Ông Măngđét Phrăngxơ đã thắng cuộc trong những điều kiện không thể làm đầu đề cho sự chỉ trích không phải vì các điều khoản trong hiệp định là tốt đẹp, vì nó không tốt đẹp và cũng không thể tốt đẹp. Nhưng, nó phản ánh một cách đúng đắn cục diện chiến trường. Thành thực mà nói, chúng ta không thể đòi hỏi cao hơn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #307 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:01:30 am »


SỬ LIỆU PHÁP VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ
NỬA THẾ KỶ SƯU TẦM VÀ TRANH LUẬN
1

ALAIN RUSCIO2

I- SẢN PHẨM BỘI THU

Trong 50 năm, tôi đã thu thập được 73 công trình của 65 tác giả. Nếu cần có một tỷ lệ toán học, ta sẽ thấy mỗi năm có 1,42 đầu sách ra đời.

Công trình đầu tiên về Điện Biên Phủ xuất hiện vào thời gian nào? Cuốn SOS Tonkin (Bắc Kỳ cấp cứu) của Rôgiê Đenpây (Roger Delpey) in xong ngày 23-6-1954, 50 ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Nhưng cũng không thể nói rằng đó là một cuốn sách về Điện Biên Phủ, nhất là các trang viết thêm vào lúc cuối. Trái lại, tờ L'Express, ra ngày 26-6-1954, đã giới thiệu với bạn đọc một công trình chuyên sâu của Luyxiêng Bônê (Lucien Bornet) có nhan đề Dien Bien Phu, citadelle de la gloire (Điện Biên Phủ, thành trì của vinh quang). Cuối cùng, vào tháng 10, ra đời một công trình được coi như cuốn sách đầu tiên do một người thoát chết tại cứ điểm Điện Biên Phủ viết, Thiếu tá, bác sĩ Grôuyn (Grauwin), với: J’étais médecin à Dien Bien Phu (Tôi là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ).

Sau đó không lâu, trước kỷ niệm lần thứ nhất Điện Biên Phủ, nhiều nhan đề sách ra mắt bạn đọc: 11 công trình tất cả, một khối lượng cũng bình thường thôi. Ở đấy là sự gặp gỡ của ba ý muốn: những nhân chứng đầu tiên muốn nói, công chúng muốn hiểu biết... và không loại trừ một vài nhà xuất bản muốn lợi dụng để kiếm lợi!

Trong những năm tiếp theo, người ta có thể nói đến một tốc độ bình thường, hầu như trong tất cả các năm đều có một công trình xuất bản.

Thời kỳ   Số công trình xuất hiện   Trung bình/năm
1954-1955 (18 tháng)   117,3
1956-1959   5      1,25
Thập niên 60   11   1,1
Thập niên 70   11   1.1
Thập niên 80   5      0,5
Thập niên 90   23   2,3
2000-2003   5      1,25

Trước hết có thể nêu ra hai cao điểm. Kỷ niệm 10 năm trận đánh là cơ hội cho hàng loạt ấn phẩm: năm 1963, J. Roa với La bataille de Dien Bien Phu (Trận Điện Biên Phủ), cung cấp cho công chúng một truyện kể tổng hợp đầu tiên. Trong những năm 1963-1965, còn xuất hiện cả những truyện kể của những người trong cuộc là Écvang Bơgô: Deuxième classe à Dien Bien Phu (Binh nhì ở Điện Biên Phủ); P. Lănggle: Dien Bien Phu (Điện Biên Phủ); J. Pugiê: Nous étions à Dien Bien Phu (Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ) và của Tổng Chỉ huy cuối cùng lực lượng viễn chinh là tướng Êly.

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, do sự mất tín nhiệm của hình ảnh Việt Nam gắn liền với sự sụp đổ của bức tường Béclin, tiếp đó là chiến tranh vùng Vịnh, tạo nên một số các ấn phẩm, nói chung là thù địch với Việt Minh. Trật tự đã đảo ngược: những kẻ bị thua trận hôm qua - người phương Tây - lập lại sự kiểm soát của họ trên thế giới. Những người chiến thắng trước kia - những người cộng sản, những người dân thuộc địa hay nửa thuộc địa - lại cảm thấy xấu hổ hoặc bất lực. Tướng Xmít, một cựu binh Điện Biên Phủ, trở thành Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, lại đã có một ý đồ tinh quái để nhắc tới điều đó khi đặt tên cho hồi tưởng của ông ta là De Dien Bien Phu à Koweit city (Từ Điện Biên Phủ đến thành phố Côoét), ngầm ý là "Từ phương Tây thất bại đến phương Tây chiến thắng".

Nếu bây giờ quan tâm đến nguồn gốc các tác giả, người ta có thể dẫn ra bảng kê sau đây:

Tác giả công trình   Tổng số   % so với tổng số
Quân nhân   46   63,00
Nhà báo      11   15,10
Nhà sử học   10   13,70
Nhà chính trị   4      5,5
Nhà văn, nhà thơ   11   15,10

Ghi chú:

Đành rằng một số tác giả có thể xếp vào các hạng khác nhau như: B. Phôn, G. Xapha, J. Roa là những người vừa có các công trình nhà báo và nhà sử học. P. Rôcôn, là quân nhân và nhà sử học và cũng xin nói là P. Xsôăngđôécphe, gốc là nhà binh, từ lâu đã là một nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng...
___________________________________________________
1. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 3-2004, tr. 47 - 52.
2. Tiến sĩ sử học, Chủ tịch Trung tâm Thông tin và tư liệu về Việt Nam thời hiện đại (Pari-Pháp), tác giả nhiều công trình về Việt Nam, trong đó có cuốn Điện Biên Phủ, ảo ảnh cuối cùng (Dien Bien Phu, la fin d'une illusion), Nxb. L' Harmattan, Coll. Racines du Présent, 1986.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #308 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:02:24 am »


1. Những nhà binh dài dòng

Qua số liệu trên, có một điều nhận thấy được ngay: yếu tố nhà binh áp đảo trong số tác giả các sách. Hai phần ba số sách là do các thành viên quân đội Pháp viết, dù họ còn sống hoặc đã chết khi các công trình được phát hành. Ngoài số lượng, còn có chất lượng của các chữ ký nổi tiếng: ba tổng chỉ huy cuối cùng theo thứ tự là Xalăng, Nava, Êly, cũng đã tung ra hồi ký của mình; của các sĩ quan lừng lẫy: P. Lănggle, M. Bigia, J. Pugiê; một phụ nữ và những người trong cuộc: G. Đờ Gala, E. Bécgô, R. Ôlanhđrơ, P. Xsôăngđôécphe... Tuy nhiên, có thể ghi nhận là vẫn thiếu một vài tên tuổi quan trọng như: tướng Cônhi, Đờ Cátxtơri...

Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của yếu tố nhà binh áp đảo này trong phần sau.


2. Những nhà chính trị mặc cảm

Sự mặc cảm này đã đối lập một cách lạ kỳ và tàn nhẫn với sự im lặng đầy ý nghĩa của các vai diễn chính trị của tấn thảm kịch.

Đó là bài học lớn thứ hai của bảng thống kê này. Có thể nói đó là một "sự im lặng ầm ĩ


Bốn ấn phẩm trong 50 năm!

Nhà chính trị có trách nhiệm duy nhất đã cho ra mắt một công trình đặc thù về sự khủng hoảng trong mùa Xuân 1954 là vị Chủ tịch Quốc hội cuối cùng thời chiến: J. Lanien. Hơn nữa, sản phẩm chính cống của nền Đệ tứ Cộng hoà cũng chẳng phải là một phép màu đặc biệt. Lẽ ra, mặt khác, trước đó tướng Nava đã phải cày vỡ cẩn thận để Chủ tịch Quốc hội quyết định trả lời.

Có thể bổ sung, xét cho cùng, những bài đả kích của Étđua, F. Đuypông thuộc phái tán thành duy trì Đông Dương trong phạm vi ảnh hưởng Pháp và công trình hồi tưởng của nhà ngoại giao J. Xôve. Còn lại... một vài trang viết trong các tác phẩm khái quát hồi tưởng như của G. Biđô1 hay của E. Phô2. Nhưng không có một nhà lãnh đạo hàng đầu nào lại cầm bút để (thử?) giải thích một cách sâu sắc thái độ của mình khi Điện Biên Phủ sụp đổ. Cả R. Mâye, người đã bổ nhiệm Nava vào tháng 5-1953, đưa ông ta vào cuộc chiến tranh mà không có chỉ thị cụ thể, cũng không cầm bút; cả P. Râynô, tuy là rất gắn bó với đường lối chính trị của Pháp ở Đông Dương trước cuộc khủng hoảng cũng im lặng một cách lạ kỳ và tiếp đó; và cả Bộ trưởng Quốc phòng P. Plêven, người đã đặt chân tới Điện Biên Phủ nhưng cũng giữ miệng không công bố gì (ít nhất là trước công chúng). Kể cả J. Lơtuốcnô, một trong những chính khách Pháp gắn bó vào bậc nhất với cố gắng chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, cũng không có gì từ M. Giắckê, P.D.Sơvinhê, M.Xsuman, H. Quâylơ đều là bộ trưởng, tổng trưởng trong các chính phủ Mâye hay Lanien...

Hiển nhiên rằng sự im lặng khó chịu này vốn là chiến lược của truyền thông, như người ta nói ngày nay, là cách làm được xem là tốt nhất của nhiều nhà chính trị.

Ta hiểu họ, vì có thể cũng chẳng có gì đáng tự hào được điều hành nước Pháp vào những năm từ năm 1947 đến năm 1954.

Tôi muốn kể ở đây một giai thoại. Tổng thống đầu tiên của nền cộng hoà thứ tư - V. Ariôn - có thói quen là ghi chép tất cả những cuộc trao đổi của mình trong quá trình bảy năm ông ở Điện Êlidê. Tư liệu này, nhan đề: Journal du Septennat (Nhật ký nhiệm kỳ bảy năm) đã xuất bản.

Ngày 17-4-1953, ngài Tổng thống kế tiếp P. Râynô trong văn phòng của mình khi ông này vừa ở Đông Dương về. Đây là cuộc đối thoại của họ. P. Râynô: "Tôi tin rằng đây là một tội ác chống lại nước Pháp nếu tiếp tục duy trì căn bệnh chảy máu này là cuộc chiến tranh Đông Dương". V. Ôriôn: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ông"3. Auriol cũng đã viết rằng mình đã có lúc nghĩ tới việc ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, nhưng cuối cùng ông đã không làm vì có nhiều mâu thuẫn về vấn đề Đông Dương.

"Tội ác chống lại nước Pháp?". Từ ngữ này đã được hai trong số các nhân vật chính của nhà nước dùng. Nó được áp dụng vào đường lối chính trị chính thức của nước Pháp suốt bảy năm. Ba tuần lễ sau, tướng Nava được bổ nhiệm. Ngày 20-11, bắt đầu Chiến dịch Cátxtơ (Hải ly). Một năm sau, gần như là tính theo từng ngày, sau cuộc tranh cãi giữa Ôriôn và Râynô, dưới lớp phủ tường điện Êlidê người chiến sĩ Pháp cuối cùng ngã xuống...
__________________________________________________
1. Georges Bidault: D'une Résistance à l’autre (Từ một cuộc chiến này đến cuộc chiến khác), Paris, Presse du Siècle, 1965.
2. Edgar Faure: Avoir toujours raison, c'est un grand tort (Bao giờ cũng có lý, đấy là sai lầm lớn), Paris, Plon, 1982, xin xem loạt bài Mettre le Vietnam dans la guerre (Đặt Việt Nam trong chiến tranh), đăng trên báo Le Figaro, ngày 31-3 và 1-4-1953).
3. Tập VII, năm 1953, Paris, Armand Colin, 1980.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #309 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2022, 09:03:00 am »


3. Những nhà báo tại mặt trận

Cuộc chiến Đông Dương đặc biệt được che giấu bởi các nhà báo, nhất là các nhà báo Pháp. Trong quá trình diễn ra trận đánh, những nhà báo chủ yếu có mặt ở Đông Dương là L. Bôđa, thường viết cho báo France Soir (Nước Pháp buổi chiều), R. Ghilanh người gửi liên tiếp các phóng sự cho báo Sud-Ouest (Tây - Nam) và báo L'Aurore (Rạng Đông), M. Ôliviê cho Le Figaro, J.L.Tác cho Paris – Match, B. Phriăng cho Indochine-Sud-Est Asiatique (Đông Dương, Đông Nam Á)... Ba trong số họ đã nhanh chóng xuất bản những cuốn sách lấy lại những phân tích của các phóng sự lúc đó: R. Ghilanh từ năm 1954, H. Amuru và B. Phriăng trong năm 1955.

Trái lại, tôi không lưu trữ trong tư liệu của mình L. Bôđa, nhà báo này không hề gợi lại Điện Biên Phủ trong cuốn truyện dài nổi tiếng La guerre d'Indochine (Cuộc chiến tranh Đông Dương) của ông.


4. Không có nhiều nhà sử học

Những người khác, vốn là nhà báo, lại viết sách lịch sử. Đó là trường hợp của G. Xapha, P. Đờvilơ, J. Lacoutuya. Hai người cuối cùng đã đưa ra công chúng, trong năm 1960, cuốn sách đầu tiên kể chuyện đầy đủ, có nhiều thông tin tốt lúc bấy giờ về cuộc khủng hoảng Xuân Hè 1954.

Người ta sẽ còn ghi nhận sự ít quan tâm của các nhà sử học, được gọi là chuyên nghiệp, có nghĩa là của giới đại học, về trận đánh nổi tiếng này. Nếu ta loại trừ bản luận văn rất giá trị của P. Rôcôn sẽ nói sau (nhưng P. Rôcôn lại xuất thân từ quân đội, không phải từ trường đại học), ta chỉ có thể kể đến trong số các sách giáo khoa lịch sử cuộc hội thảo Pháp-Mỹ do Đ. Áctô và L. Kaplăng tổ chức cùng với các công trình của J. Đalo và A. Rútxiô được công chúng biết tới.


5. Những nhà văn rụt rè

Sau cùng là các nhà văn, đôi khi với một hứng thú không đều nhau như chúng ta đã nhận thấy, đã gợi lên trận đánh, hoặc sử dụng bối cảnh để dựng cốt truyện. Có thể kể tới cuốn rất hay và rất cảm động Là haut (Trên cao) của P. Xsôăngđôéphe (trái lại với nhiều ý kiến đã nhận được, cốt truyện của 317è section (Đại đội 317) nổi tiếng xảy ra vào tháng 5-1953); cuốn Marie Casse Croute của E. Asenra, không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những truyện hay nhất về chiến tranh; một tình tiết lạ kỳ do P. Đơclaugiơ (một bút danh) đã tưởng tượng ra một chuyến trở lại Điện Biên Phủ của D'Anciens d’Indo (Cựu chiến binh Đông Dương) để trả thù trong máu và trong thịnh nộ cho các bạn họ đã chết, đại loại như cuốn Rambo II, và sau hết là cuốn tiểu thuyết La dernière colline (Ngọn đồi cuối cùng) của R. Đờphócgiơ.

Nhưng người ta cũng không xúc phạm bất cứ ai khi khẳng định rằng mảng văn học lớn này đã phần nào bỏ rơi Điện Biên Phủ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM