Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:32:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16636 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #290 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:02:08 pm »


TÁC ĐỘNG TO LỚN CỦA CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ1


Điện Biên Phủ không còn nữa

Trong Thông điệp gửi người Pháp ở Đông Dương, ngày 8-5-1954, Đờ Giăng (De Jean) - Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, viết:

"... Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nav (ngày 8-5 là ngày phát xít Đức bị tiêu diệt - N.D) đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta đã chịu. Dù rằng, đối phương có số quân gấp bốn chúng ta; dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luông Prabăng và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại".


Cuộc tiến công ồ ạt được chờ đợi vào ngày 15-6

Trong bài đăng trên báo Nước Pháp buổi chiều (France - Soir) ngày 29-5-1954, Luyxiêng Bôda (Lucien Bodard) viết:

"Hà Nội, ngày 28-5 (tin điện):

- Các đại đoàn Việt Minh đã tham chiến ở Điện Biên Phủ gần như đã sắp về đến khu vực trú quân và huấn luyện thông thường của họ ở cửa ngõ vùng đồng bằng Bắc Bộ, án ngữ vùng Yên Bái - Tuyên Quang. Trong khi chờ đợi một khối lượng lớn vật liệu chiến tranh và nhiều tiểu đoàn bộ đội địa phương của vùng đồng bằng đã đến khu vực ấy, những vật liệu và đơn vị bộ đội địa phương ấy phải bổ sung và trang bị lại càng nhanh càng tốt các đại đoàn chính quy ngay khi họ về đến đây.

Bộ Chỉ huy Việt Minh đã cố gắng tối đa để các đại đoàn Điện Biên Phủ có thể sẵn sàng tiến công đồng bằng vào khoảng ngày 15-6. Như vậy, hẳn là phải chờ đợi một cuộc tấn công mạnh mẽ và nguy hiểm. Tuy nhiên, Đông Dương trước sự đe doạ đang tới gần, cũng đang ở trong một tình hình tương tự như sau khi mất Điện Biên Phủ. Giơnevơ đã không đưa lại đình chiến và hoà bình; nước Pháp đã không đưa những lực lượng tăng viện thực quan trọng về người và vật liệu chiến tranh. Vậy là, với các phương tiện hiện có, Bộ Chỉ huy phải chống trả cuộc tiến công của đối phương trong tháng 6. Vì người ta phán đoán rằng, kế hoạch của Việt Minh tiến công vùng ven đồng bằng, đồng thời ở cả năm hoặc sáu vị trí then chốt như Phủ Lý, Nam Định, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Việt Trì, v.v… Cùng thời gian đó, lực lượng Việt Minh ở nội địa phát động rộng khắp chiến tranh du kích, tìm cách phá vỡ đồng bằng, tiêu diệt lực lượng đối phương ở bên trong và cả ở vùng ven đồng bằng.

... Ngày nay, những điều kiện tâm lý đã bị đảo ngược ở miền Bắc Việt Nam. Người ta còn chưa biết rõ chiến thắng Điện Biên Phủ đã ảnh hưởng tới mức độ nào đối với những người đã có thái độ lưỡng lự giữa hai bên, nhưng khá nhiều phần tử Việt Nam mà trước kia ta cho là có thể tin cậy được thì nay không còn nữa. Do đó, tính thận trọng sơ đẳng đã buộc ta phải giảm bớt những mối nguy cơ và thu hẹp diện bố trí phòng ngự lại, bằng cách bỏ bớt đi những điều quá lộ liễu và dễ bị tiêu diệt, để có thể chống đỡ có hiệu quả.

Cho đến lúc chúng tôi viết những dòng này, người ta còn chưa biết hay gần như chưa biết gì về những quyết định quân sự của các tướng soái Êly, Xalăng và Pêlixiê trong quá trình làm nhiệm vụ ở Đông Dương.

Tuy nhiên, người ta có thể dự đoán rằng những quyết định đưa ra để bình định xứ sở này và để đuổi Việt Minh ra khỏi những cánh đồng màu mỡ đã cung cấp số thóc gạo cần thiết cho họ (những quyết định đó) sẽ bị đình hoãn hay thực hiện cầm chừng, rằng người ta đành thoả mãn với việc cố giữ thế mạnh, trong khi mong rằng Giơnevơ sẽ không phải là một Bàn Môn Điếm mới".
________________________________________________
1. Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, do Mạc Văn Trọng, Nguyễn Đăng Vinh, Hoàng Thế Dũng sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 138 - 175.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #291 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:02:53 pm »


Khoảng ba tuần nữa, Việt Minh có thể đưa quân tràn về đồng bằng, cần bố trí gấp một phòng tuyến để cố thủ

Trong bài đăng trên báo Rạng Đông (L'Aurore) ngày 22 và 23-5-1954, Pie Buốcgiê (Pierre Bourget) viết:

"... Sau khi loại khỏi vòng chiến đấu 1/10 quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh quân đội Việt Minh sắp đánh lớn vùng đồng bằng sông Hồng, dinh luỹ cuối cùng của Pháp tại Bắc Việt Nam.

Thế trận sẽ diễn ra như thế nào? Việc gì sẽ xảy ra, mục tiêu của tướng Giáp là gì? Họ có những phương tiện gì? Liên quân Pháp - Việt (bù nhìn) sẽ đối phó ra sao?

Đó là những vấn đề cần giải đáp ngay từ bây giờ trước khi các tướng Êly, Xalăng, Pêlixiê hiện đang có mặt ở Đông Dương để cùng với hai tướng Nava và Cônhi xây dựng phòng tuyến, đối phó với Việt Minh...

Tin tức tình báo vạch rõ, mục tiêu chính hiện nay của tướng Giáp là tiêu diệt liên quân Pháp - Việt ở đồng bằng. Những cuộc chuyển quân mà máy bay quan sát được và những mệnh lệnh của Việt Minh mà ta thu lượm được, chứng tỏ mục tiêu số một của họ là chiếm Hà Nội và Hải Phòng, cũng không loại trừ hướng thứ hai của họ là đánh chiếm Thủ đô Lào, Luông Prabăng nhằm mục đích chính trị là tác động mạnh tới diễn biến của Hội nghị Giơnevơ. Hướng Luông Prabăng sẽ buộc Bộ Chỉ huy Pháp trả giá đắt là phải phân tán lực lượng sang Lào, tức là làm suy yếu lực lượng ở đồng bằng hoặc ở những điểm khác tại Đông Dương.

Do đó, có người cho rằng, không nên phân tán binh lực vốn đã giảm sút ở Đông Dương để đối phó với cuộc tấn công của Việt Minh ở Lào. Nhưng chúng ta đã cam kết với Lào, sau Hiệp nghị cứu trợ, đã ký kết ngày 23-10-1953, giữa Vua Lào Sisavang và Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn, nếu sự cam kết với Lào là gánh nặng cho quân lực, ta không nên quên rằng đồng bằng là chiến trường quyết định.

... Kế hoạch của tướng Giáp đơn giản như sau: đánh quấy rối các đồn bốt tiến tới lần lượt bao vây chúng ta, buộc ta phải tập trung phòng ngự vào những cứ điểm quan trọng hơn. Nói một cách khác, ông Giáp mưu toan thực hiện một loạt trận "Điện Biên Phủ nhỏ", làm tê liệt lực lượng của ta và dần dần lực lượng đó bị hao mòn trong một cuộc chiến tranh không có một quy tắc nào cả. Đến lúc ta chỉ còn vài điểm tập trung quân lớn, khi ấy có nguy cơ sẽ xảy ra bởi những cuộc đào tẩu trong hàng ngũ quân Việt (nguỵ). Đồng thời, với cuộc "nổi dậy" của Việt Minh tại Hà Nội, mà ở đó, đã có hai trung đoàn Việt Minh trá hình đang chờ lệnh để chuyển sang công kích các tiểu đoàn ở các cứ điểm lớn, và như vậy, các cứ điểm lớn của ta có nguy cơ bị tràn ngập quân Việt Minh - vì họ có uy thế lớn về quân số.

Chiến dịch có thể diễn ra rất nhanh qua hai giai đoạn: Giam chân lực lượng ta trong những hoạt động nhỏ rồi họ đánh, tiêu diệt lực lượng ta từng khối lớn.

Cuộc phản kích của chúng ta ra sao?

Với phương án bảo vệ toàn bộ đồng bằng, chúng ta cần phải viện binh khoảng 60.000 quân để giữ đồng bằng. Nhưng ít có khả năng trong vòng sáu tuần lễ nữa có một đội quân tiếp viện để sẵn sàng chiến đấu được.

Để tránh bị rơi vào bẫy của Việt Minh, chúng ta có thể tiến hành phương án gọi là "tập hợp lại lực lượng của chúng ta ở đồng bằng". Phương án đó đã được các tướng Êly, Xalăng, Pêlixiê và Nava đang nghiên cứu ở Sài Gòn...

... Đó là những dự kiến thuần tuý quân sự của vấn đề đồng bằng. Tất nhiên, chúng cũng có thể thay đổi từng giờ được. Vì tướng Giáp hiện nay do đã giành được quyền chủ động chiến dịch, sẽ chỉ sử dụng các tiểu đoàn của ông tuỳ theo sự tiến triển của Hội nghị Giơnevơ. Ngược lại, mọi cuộc tấn công về quân sự sẽ đi trước một sáng kiến về ngoại giao tại Giơnevơ.

Rất tiếc rằng, về phía ta, chính sách về Đông Dương thi hành từ nhiều năm nay đã dẫn đến thất bại quân sự mà mọi người đang biết...".


Đương đầu với 100.000 quân Việt Minh, có khoảng 130.000 binh lính Pháp - Việt, nhưng các đại đoàn phiến loạn ở Điện Biên Phủ trở về có làm đảo lộn tất cả?

Trong bài đăng trên Tạp chí Paris Presse, số ra ngày 26-5-1954, Rơnê Men (René Maine) viết:

"... Bất chấp sự có mặt của chúng ta, Việt Minh dần dần đã đi đến chỗ biến vùng đồng bằng thành căn cứ quân sự và chính trị quan trọng của họ, bằng cách xâm nhập và bằng hoạt động ngay từ bên trong. Chính vì thế mà không những Việt Minh đã đưa vào đồng bằng cả một đại đoàn hoàn chỉnh (Đại đoàn 320) còn đưa thêm hay tuyển mộ ít nhất sáu trung đoàn chính quy, cùng với một số lớn đơn vị du kích. Trong mức độ chúng ta nắm được, tổng số các lực lượng khác nhau hiện nay lên tới khoảng 100.000 người, gồm 30.000 quân chính quy, 70.000 quân địa phương và du kích.

Để đương đầu với đạo quân nửa công khai, nửa bí mật, sinh sống hoàn toàn tại chỗ với các kho lương thực, vũ khí, các bệnh viện và các cơ quan tuyên truyền của họ, các lực lượng Pháp - Việt bố trí 100 tiểu đoàn (50 tiểu đoàn quân đội Liên hiệp Pháp và 50 tiểu đoàn lính Việt Nam), nghĩa là nói chung gồm 50.000 người, cộng với khoảng 50.000 đến 70.000 lính Páctiđăng, tổ chức thành các đội tự vệ, nghĩa là một tổng số quân từ 130.000 đến 150.000 người...

... Trong những điều kiện đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Minh đã làm "ruỗng nát" vùng đồng bằng tới mức họ kiểm soát được 2/3 số làng mạc, trong khi chúng ta chỉ bảo vệ có hiệu quả được độ 1.000 hay 1.500 làng...

... Trong khi ở phía bắc tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Sơn Tây và ở phía tây tuyến Hà Nội - Phủ Lý, tình hình còn tương đối sáng sủa, thì trái lại, chính vùng trung tâm của đồng bằng đã hầu như hoàn toàn "ruỗng nát", do địa hình đồng lầy cực kỳ thuận lợi cho việc phục kích của Việt Minh. Hơn nữa, chính xuất phát từ vùng trung tâm này, Việt Minh hiện đang tiến hành những hoạt động quân sự quan trọng nhất. Trong khi họ ra sức cắt đứt con đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng càng nhiều càng tốt bằng những trận phục kích, đồng thời họ lại cố bao vây nhổ các đồn bốt chính mà chúng ta còn đang đóng giữ ở Ninh Giang, Thái Bình và nhất là ở Phủ Lý, một cái chốt thực sự trên trục đường Hà Nội - Nam Định, mở đường cho các đơn vị phiến loạn thâm nhập vào vùng đồng bằng...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #292 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:03:34 pm »


Người ta sẽ không bảo vệ Hà Nội bằng cách dựng lên nhiều Điện Biên Phủ

Trong bài đăng trên báo Ngã tư đường, số ra ngày 26-5-1954, Êchiên Ôtơriơ (Etienne Autherieu) viết:

"... Điện Biên Phủ thất thủ rồi, bây giờ hình như có thể xác định rằng, Việt Minh sẽ tiến công vào đồng bằng sông Hồng. Vậy là các đội quân của tướng Giáp sẽ đi ngược lại con đường chừng 350 km ngăn cách Điện Biên Phủ với Hà Nội và chiếm lại hệ thống quân sự dự bị mà họ đã chiếm hồi tháng 10 vừa qua. Chỉ khác một điều là với những thiệt hại về người và thiết bị, dọc đường hành quân và ở ngay trong lòng chảo đẫm máu. Ngược lại, kẻ chiến thắng sẽ củng cố vị trí của mình trong lòng dân chúng vốn thù địch với chúng ta. Họ lại tìm thấy nhân lực mà họ đang thiếu. Trung Quốc sẽ giúp họ một cách không tính toán về vật liệu chiến tranh và "cố vấn kỹ thuật" và gió mùa đều gây khó khăn cho cả hai bên...

... Việt Minh với một ý chí kiên nhẫn không mệt mỏi đã đưa những phương tiện tràn ngập vào đồng bằng.

Đầu mùa khô, vào tháng 10 năm ngoái, Việt Minh đã tập trung quanh đồng bằng năm đại đoàn chính quy, Đại đoàn 308 và 312 ở phía bắc, giữa Lạng Sơn và Tuyên Quang, các Đại đoàn 304, 316 và 320 ở phía nam, giữa Thanh Hoá và Hoà Bình, toàn bộ đạo quân chủ lực được tăng cường một Đại đoàn công - pháo 351.

Ngoài ra, còn thêm năm trung đoàn quân chính quy mang các phiên hiệu 42, 46, 50, 238 và 246, với thành phần và trang bị vũ khí giống như những trung đoàn của các đại đoàn đã "công tác" ở đồng bằng.

Các đơn vị trên còn được hỗ trợ bởi khoảng 12 tiểu đoàn địa phương, tận dụng được các địa hình, địa vật và tài nguyên, phương tiện tại chỗ, cộng thêm hơn một trăm đại đội huyện, tuy trang bị kém hơn, nhưng rất tích cực hoạt động.

Để hoàn thành việc làm "mục ruỗng" đồng bằng, phải kể thêm một lực lượng du kích đông khoảng 50.000 người sẵn sàng để lấp khoảng trống và cung cấp nhân lực mọi mặt và sau cùng là làm bất cứ việc gì từ ám sát đến thu thóc gạo.

"Mục ruỗng" là một từ thích hợp tuyệt vời. Khi bay trên đồng bằng người ta mới sửng sốt sao lại có thể sống và chiến đấu trên cái bọt biển này được. Người ta chỉ thấy một cái mạng nhện vô tận những đê điều chạy xa tít mù tắp, mà các điểm giao nhau là các làng mạc. Tất cả tính có đến hơn 5.000 làng. Khắp xung quanh là ruộng, 50% dân cư rõ ràng theo Việt Minh, 20 đến 25% đã được bình định hay ngả theo ta, 25% còn lại, trước Điện Biên Phủ được liệt vào hạng chờ thời. Nay thật là phiêu lưu nếu cho rằng tất cả bọn họ vẫn giữ thái độ như vậy.

Xương sống tạm vững chắc hình thành nòng cốt của vùng bùn lầy độc hại này là con đường sắt chạy song đôi với con đường bộ từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Ngay từ khi mới tới Đông Dương. Thống chế Đờ Lát với cái nhìn nhạy bén là đặc điểm của ông ta, đã nhận ra điều chủ yếu. Ẩn số lớn nhất của cuộc chiến tranh này là viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh. Để sẵn sàng chống lại việc đó, ông liền quyết định thành lập hệ thống lô cốt phòng thủ ở đồng bằng... Nhằm đủ lực để chống lại ở khắp mọi nơi, tiến công vào tháng 6, thì trong điều kiện hiện nay, vẫn không có vấn đề chống lại họ vào tháng 10. Bởi vì vào mùa Thu, một cuộc tiến công vào đồng bằng sẽ không được thực hiện theo kiểu Việt Minh mà theo kiểu Triều Tiên. Vào mùa Thu, Việt Minh sẽ có máy bay phản lực, các trung đoàn xe tăng và các trung đoàn pháo binh. Mọi người đều biết rằng, các phi công, pháo thủ, lái xe tăng kết thúc việc huấn luyện ở Trung Quốc. Ngay như nếu qua được đầu tháng 6, thì cần phải tiến hành ngay từ bây giờ, hiện đại hoá và thay đổi hoàn toàn quân đội viễn chinh để chống lại vào mùa Thu mới...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #293 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:04:10 pm »


Đông Dương: tình thế không một chút hy vọng

Báo Rivarôn (Rivarol), số ra ngày 8-7-1954, viết:

"... Trên quy mô quốc tế, các sự kiện diễn ra rất dồn dập. Nhưng cuộc thương lượng của Măngđét (Mendès) đã đưa nước Pháp vào con đường từ bỏ nhiều vùng đất đai và đồng ruộng Bắc Bộ sẽ nuốt chửng đội quân viễn chinh của nước chúng ta.

Điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa, Hà Nội bị bao vây và các nhà chức trách quân sự Pháp - Mỹ cấp cao nhất đều cho rằng thành phố này sụp đổ đến nơi; điều đó hiển nhiên dẫn tới việc quân Pháp rút bỏ vùng đồng bằng và toàn bộ miền Bắc xứ Đông Dương.

Đối với chúng ta, tình hình đó còn đẻ ra một vấn đề khác nữa, đó là việc triệt thoái quân đội và việc di tản còn khó khăn hơn nhiều. 300.000 người không phải cộng sản sẽ bị hãm vào trong cái bãy chuột đó. Cần phải có hạm đội gồm 300 tàu chở hàng để giải quyết việc này. Tình hình thật là tồi tệ.

Kế từ tuần trước, tám đại đoàn chính quy Việt Minh tập trung ở nhiều địa điểm khác nhau trên vành đai đã được củng cố và bao quanh đồng bằng. Bộ Chỉ huy Pháp lo lắng chờ đợi viện binh từ nước Đức và Bắc Phi sang. Họ nghĩ là có thể đối phó với đợt tấn công của cộng sản đã có dấu hiệu rõ rệt.

Tình thế hôm trước cuộc giao chiến bảo vệ Hà Nội:

Tướng Giáp đã dự kiến bố trí hai đại đoàn bộ binh và một đại đoàn pháo binh ở mặt trận Hà Nội. Ở phía nam, hai đại đoàn khác đã sẵn sàng tại chỗ. Ba đại đoàn nữa đã thâm nhập vào bên trong đồng bằng. Người ta ước lượng cộng sản có thể sử dụng 110.000 quân chính quy và 200.000 địa phương quân du kích cho cuộc hành binh sắp tới. Đó là những kẻ từ nhiều tháng nay đã làm mục ruỗng vùng đồng bằng, những kẻ đã chiếm đóng 3.000 làng trong số 6.500 làng rải rác khắp đồng bằng.

Cần phải nói rõ thêm, chúng ta thực ra chi kiểm soát được 1.200 làng, còn 2.000 làng còn lại thì không vững chắc.

Tướng Cônhi chỉ có thể đem một đội quân ít hơn để đối phó với tướng Giáp, 27% là lính Bắc Phi và lê dương, 63% là lính Việt Nam mà ta không thể tin cậy được.

Quả thật, ưu thế về vũ khí nặng của quân Pháp là không thể phủ nhận được và không quân Pháp cho đến nay vẫn hoàn toàn làm chủ bầu trời. Tướng Cônhi đã tổ chức quân đội của ông ta thành chín binh đoàn cơ động, ba đơn vị thiết giáp yểm trợ và một đội dự bị lính dù. Các đơn vị người Việt phần lớn dành vào việc đóng giữ những cứ điểm cố định của hệ thống phòng thủ.

Quân đội cộng sản thì cơ động và nắm quyền chủ động về chiến dịch. Bất kỳ lúc nào, họ cũng có thể chọn điểm tấn công với tất cả lực lượng tập trung. Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của kẻ chiến thắng. Họ chiếm giữ gần 2/3 vùng đồng bằng vào ban ngày và kiểm soát toàn bộ đồng bằng vào ban đêm. Mặt khác, cũng cần phải nói rằng, trừ ở các thành phố, số người chống cộng sản tị nạn chiếm tỷ lệ cao, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh hoặc tốt nhất là giữ trung lập. Dân chúng thì sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở. Trong tình hình ấy, các đơn vị quân đội Pháp đã để cho đối phương điều động và chỉ phản kích lại được khi có dịp. Tinh thần quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng.

Có lẽ, chúng ta còn có thể trông cậy vào những trận mưa sẽ biến đồng bằng thành những đầm lầy và làm mất lợi thế của Việt Minh. Tướng Cônhi tập hợp quân lại sau một mạng lưới nhằng nhịt những sông ngòi và kênh mương. Ông rút ngắn trận tuyến lại hơn 200 km và muốn để cho quân Việt bảo vệ các điểm cố định ở bên ngoài tuyến chu vi được củng cố. Như thế, quả là liều lĩnh! Chiến lược của ông ta rút cục chỉ có thể và trong những điều kiện như vậy, ông ta chắc rằng sẽ giữ được cho đến khi có viện binh.

Tướng Giáp sẽ chỉ thực sự tham chiến khi nào ông nắm chắc thắng lợi, ông còn ba tuần lễ để mở cuộc tấn công. Trong khi chờ đợi, ông làm tiêu hao quân Pháp phòng thủ cứ điểm Phủ Lý ở cách Hà Nội 60 km về phía nam.

Ngay bây giờ, Việt Minh có thể cắt đứt Hà Nội với vùng biển Hải Phòng và ép Cônhi vào trong những đồn lũy cuối cùng. Trạng thái yên tĩnh bao phủ đồng bằng hình như là trạng thái yên tĩnh của một cơn hôn mê".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #294 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:05:38 pm »


Lúc này lối thoát duy nhất là phòng thủ

Pôn Êly, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp đã trả lời trên báo Rạng Đông (L'Aurore), số ra ngày 8 và 9-5-1954 như sau:

“... Do sự sụp đổ của Điện Biên Phủ, việc bảo vệ Hà Nội trở nên không vững chắc... Phải lập một bản kết toán những phương tiện quân sự của chúng ta gọi là có thể bảo vệ được và nhất là quy định những phần của Đông Dương mà chúng ta gọi là có thể bảo vệ được với những phương tiện hiện đại. Hoặc giả, nếu chúng ta muốn bảo vệ toàn bộ Đông Dương thì chúng ta phải gửi ngay ba hay bốn sư đoàn. Những sư đoàn này chỉ có thể lấy ở chính quốc... Điều phải chọn: hoặc chỉ bảo vệ miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, hoặc là bảo vệ Nam Trung Bộ, Nam Bộ và toàn bộ miền đồng bằng. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta buộc phải bỏ Hà Nội, Hải Phòng và tập trung các lực lượng hiện có của chúng ta vào miền Nam Trung Bộ, và Nam Bộ. Trong trường hợp thứ hai, phải cầu cứu đến chính quốc. Lúc này, lối thoát duy nhất là phòng ngự. Bởi vì chúng ta sẽ không thể tấn công được tướng Võ Nguyên Giáp, trừ phi có được viện binh vào khoảng tám hoặc chín sư đoàn. Đó là một điều ảo tường hiện nay".


Nước Mỹ đã bị xúc động sâu sắc bởi tấn thảm kịch ở Điện Biên Phủ

Báo Nước Pháp buổi chiều (France - Soir), ngày 10-5-1954, viết:

"... Nước Mỹ đã bị xúc động sâu sắc bởi tấn thảm kịch ở Điện Biên Phủ. Những câu nói cuối cùng của tướng Đờ Cátxtơri: "Họ chỉ còn ở cách vài thước. Họ đã xâm nhập khắp nơi...", truyền từ người này đến người khác như một vệt thuốc súng trong góc buồng giấy, trong các cửa hàng, trong các câu chuyện, trong các phòng khách, người ta ngừng làm việc để đọc những bản tin đăng trên trang nhất các báo. Phiên họp để nghe trình bày bản điều tra về chủ nghĩa Mác Cácty (Mc Carthy) đã phải hoãn một lúc và chính thượng nghị chống cộng đã phải ngừng nói để người ta thông báo tình hình và sau khi nghe tin, cả phòng họp đều im lặng. Báo chí Mỹ cho rằng đây là một Corêgiđo (Corrégidor) mới, một Tôbrúc (Tobrouk) mới, một Bíc Hakim (Bir Hakim) mới"1.


Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ họp phiên đặc biệt về vấn đề Việt Nam và Đông Dương

Báo Rạng Đông (L'Aurore), số ra ngày 10-5-1954, viết:

"Sáng hôm qua, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã họp phiên đặc biệt dưới sự chủ toạ của Tổng thống Aixenhao, ông Đalét và các nhà chỉ huy quân sự đều có mặt. Cuộc họp đã kéo dài trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Việc trước tiên cần làm là xây dựng một hành động ngoại giao và chính trị được chuẩn bị chu đáo.

Một mặt, người ta hoàn thành những cuộc đàm phán giữa các Bộ Tham mưu của Mỹ, Pháp, ba nước thuộc khối Liên hiệp Anh (Anh, Ôxtrâylia và Niu Dilân) và có lẽ cả những nước hội viên ở châu Á của khối Thái Bình Dương tương lai. Những cuộc đàm phán đó nhằm định ra những điều kiện của việc quốc tế hoá cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Một mặt khác, cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia cũng đã chỉ rõ là hành động ngoại giao phải nhằm vào những điểm sau đây:

1. Xác định rõ ràng những nước nào sẵn sàng tham gia hành động chung để bảo vệ Đông Nam Á và nhất là biết rõ thái độ của các hội viên trong khối Liên hiệp Anh cho đến nay vẫn tỏ ra hết sức dè dặt.

2. Vạch rõ những điều cam kết quân sự mà mỗi hội viên của hệ thống phòng thủ chung tương lai phải đảm nhiệm nhằm phục vụ hành động chung.

3. Việc gửi lục quân sang Đông Dương hình như không thể tránh khỏi được nếu như cuộc chiến tranh ở đó mang tính chất cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, như trường hợp đã xảy ra từ khi bắt đầu trận đánh Điện Biên Phủ...".
_____________________________________________________
1. Corêgiđo là pháo đài cuối cùng của Mỹ ở Philíppin rơi vào tay Nhật năm 1942 trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tôbrúc và Bíc Hakim là những trận thua lớn của Anh trước quân đội phát xít Đức ở Libi năm 1942.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #295 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:07:11 pm »


Thủ tướng Lanien mặc y phục màu đen, mặt co rúm vì xúc động, bước lên diễn đàn Quốc hội báo tin: Điện Biên Phủ thất thủ

Báo Rạng Đông (L'Aurore), ngày 8-9-1954, đưa tin:

"... Ngày 7-5-1954, 16 giờ 45 phút (theo giờ Pháp, chậm hơn giờ Việt Nam bảy tiếng - N.D), khi ông Lanien, lên diễn đàn ở điện Buốcbông (Bourbon), người ta đã biết ông ta sẽ nói gì. Cái tin buồn đến Pari hồi 13 giờ 12 phút bằng một bức điện ngắn ngủi ba dòng đã lan nhanh như một vệt thuốc súng...

Mặc quần áo đen, nét mặt co rúm vì xúc động, ông Lanien nặng nề bước lên các bậc của diễn đàn. Tất cả các nghị sĩ đều đứng dậy trong một sự im lặng nặng nề. Chỉ riêng có 15 nghị sĩ cộng sản và ông Đờ Sambơroong (De Chambrun) vẫn ngồi yên...

Lanien bắt đầu bằng giọng đứt quãng: "Chính phủ vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục". Lanien nói chậm rãi trong không khí của hội trường rộng rãi âm vang, người ta nghe tiếng nói của Lanien như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó".



Điện Biên Phủ - Giơnevơ, giữa hai tên đó là một trong những bước ngoặt bi thảm nhất của đời sống dân tộc chúng ta

Trong cuốn Tấn thảm kịch Đông Dương (Le drame Indochinois), Nxb. Plông (Plon), Pari, 1957, tr.1. Giôdép Lanien viết:

"Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều mang những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt quá bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà.

Điện Biên Phủ là một trong những tên ấy. Ngày 7-5-1954, sau 571 ngày cầm cự khiến cho thế giới phải khâm phục, cứ điểm cố thủ đã bị hạ. Ba tháng sau. Hiệp định Giơnevơ được ký kết: đó là thất bại ngoại giao thêm vào với thất bại quân sự. Hơn nữa, hiệp định còn có ý lật nhào đến tận gốc tất cả những cái gì đã là chính sách trong bảy năm liền của chúng ta. Mọi người đều biết hậu quả của nó. Một chuỗi dài thử thách mở ra trước chúng ta. Đó là sau vài tuần lễ. trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng minh chúng ta, sự bác bỏ khối Cộng đồng phòng thủ châu Âu, một sáng kiến cao thượng do người Pháp đề ra và có thể dành cho nước Pháp địa vị hàng đầu trong công cuộc xây dụng châu Âu không thể tránh được và cần thiết. Đó là sự thất vọng về vấn đề Xarơ (Sarre), là Bắc Phi bùng cháy, cuối cùng là khối đoàn kết Đại Tây Dương bị nguy khốn. Điện Biên Phủ - Giơnevơ, giữa hai tên đó, hai thời kỳ đó, là một trong những bước ngoặt bi thảm nhất của đời sống dân tộc chúng ta".


Sự thất thủ Điện Biên Phủ, phải gọi đúng tên của nó: Đó là một sự đầu hàng

Báo Nước Pháp người quan sát (France Observateur), ngày 13-5-1954, viết:

"Đài phát thanh, những bản thông báo chính thức và những đầu đề lớn trên các báo chí đã in đầy những giải thích dối trá, những sự trái ngược và những tình cảm đáng ghê tởm về số phận của những người lính của Liên hiệp Pháp. Người Pháp có nhiệm vụ phải biết rõ sự thật, hiểu các sự kiện và làm cho tiếng nói của mình phải được chú ý:

Chỉ cần đọc lướt qua các bản thông cáo, trong đó sự thất thủ Điện Biên Phủ vừa được coi là thất bại, vừa được coi là thắng lợi, vừa được coi là quốc tang, vừa được coi là thành công có ý nghĩa toàn thế giới, cũng đủ thấy rằng, cố ý che đậy sự thật bằng cách tạo nên một tình hình hỗn loạn, khuấy động những thiên kiến, trong đó ẩn náu những sự tính toán lạnh lùng, những Biđô và những Nava chỉ có một mục đích, chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới và chiến tranh đó chỉ có thể dẫn tới những thất bại mới. Tuy nhiên, các sự kiện sờ sờ ra đó và nếu người ta không tự dối mình và dối người khác thì những sự kiện đó đã nói lên một cách rõ ràng. Trước hết bản kết toán về cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đã rõ ràng. Đó là một chiến thắng quyết định và hoàn toàn đối với tướng Võ Nguyên Giáp, một sự thất bại hoàn toàn đối với tướng Nava, Biđô, Plêven, Lanien, v.v... Nếu người ta nói đến sự "thất thủ" của Điện Biên Phủ thì phải gọi đúng tên của nó: Đó là một sự đầu hàng".
________________________________________________________
1. Tác giả tính đến ngày 8-5-1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #296 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:08:03 pm »


Một phiên họp Hội đồng Chính phủ Pháp thê thảm nhất của nước Pháp từ tháng 5-1940

Báo Pari Mát (Paris - Match), số 269, từ ngày 22 đến ngày 29-5-1954, viết:

"... Một bầu trời xám, nặng trĩu giông tố đè trên thành phố Pari, đó là ngày thứ ba (11-5-1954). Trong hơn một tiếng đồng hồ tại Quốc hội, Thủ tướng Lanien, thu mình trên chiếc ghế dành cho Chính phủ, im lặng nghe nghị sĩ Míttơrăng (Mitterrand) dồn dập chất vấn về sự thất thủ Điện Biên Phủ.

Cũng như bầu trời, phong vũ biểu chính trị chỉ hướng về bão tố. Tóm tắt sự bực tức hầu như là của toàn thể mọi người, luật sư - nghị sĩ Isécni (Iserni) lẩm bẩm: "Thủ tướng Chính phủ im tiếng, Bộ trưởng Ngoại giao vắng mặt. Không phải Chính phủ nữa, đó là một người câm lặng".

Vào khoảng 18 giờ, không khí giông bão lại chuyển về diện Êlidê... Đỏ mặt vì tức giận. Thủ tướng Lanien đập bàn và tuyên bố: ''Tôi không chịu được nữa, đã đến lúc Chính phủ cần biết đâu là bạn hữu và kẻ dịch của mình ở chỗ nào? Tôi đã quyết định đặt ra vấn đề tín nhiệm Chính phủ về việc bác bỏ những sự chất vấn đối với tình hình Đông Dương".

Hồi 22 giờ, không kịp có thì giờ ăn, các bộ trưởng lại trở lại điện Êlidê. Trên thực tế, trong hơn ba tiếng đồng hồ, các bộ trưởng đã đem đối chất những quan điểm của mình trong một cuộc họp thê thảm nhất của nước Pháp từ khi xảy ra sự đại bại hồi tháng 5-1940. Điều làm cho sự đối chất có tính chất thê thảm nhất là: đây là lần đầu tiên, toàn thể các bộ trưởng họp để nghiên cứu tường tận vấn đề chiến tranh ở Đông Dương vì một trong những nét kỳ lạ, nhất là những năm vừa qua không một chính phủ nào trong số những chính phủ đã kế tiếp nhau dám đặt vấn đề ra trước toàn thể các bộ trưởng...

... Hồi 20 giờ ngày 11-5-1954, trong phòng khách của diện Êlidê, Tổng thống Côty không còn có thể lẩn tránh vấn đề được nữa, đã tóm tắt tình hình chung như sau: "Từ mấy hôm nay, tôi đã hỏi nhiều nhân vật. Không ai trả lời giống ai. Người thì gợi ý quốc tế hoá cuộc chiến tranh; người thì chủ trương đánh đến cùng; người thứ ba đề nghị rút lui, người thứ tư thì tán thành hoà bình bằng bất cứ giá nào. Những quyết định trước đây đều được đề ra trong những cuộc hội nghị hạn chế, chỉ gồm các bộ trường trực tiếp liên quan. Cách đây cũng chẳng lâu, Étga Phô (Edgar Faure) đã nói một cách châm biếm: "Vấn đề Đông Dương ư? Nói một cách chính thức, tôi không biết đến. Tôi không bao giờ được nghe đề cập ở điện Êlidê" và Giắckê: "Kể từ tháng 7-1953 là lúc tôi tham gia Chính phủ, tôi chỉ nghe nói đến Đông Dương có mỗi một lần, đó là trong dịp tôi báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình sau một cuộc đi thăm ở đó về".

"Nói một cách đại khái, đó chính là bức tranh chính xác về những quan điểm mâu thuẫn ngay trong nội bộ Chính phủ. Người ta đi vào cuộc tranh luận của tình hình các tin tức cuối cùng, lần lượt, Giắckê, Plêven, Đờ Sêvinhê mở cặp hồ sơ của mình ra. Tất cả các báo cáo đều bày tỏ một nỗi lo lắng; tất nhiên Điện Biên Phủ không phải là tất cả bán đảo Đông Dương, những tiểu đoàn bị mất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các lực lượng Pháp - Việt, nhưng Bộ Chỉ huy nhấn mạnh điểm nghiêm trọng là những hậu quả về tinh thần và tâm lý do sự thất bại gây nên. Đặc biệt là Sêvinhê không che giấu nỗi lo lắng của mình: "Sáu tiểu đoàn Việt Minh đang tiến về phía Luông Prabăng và truy kích đạo quân của Đại tá Đờ Crevơcơ từ Lào tiến xuống".


Đây là việc đảo lộn hoàn toàn đường lối, chính sách của Pháp

Trong sách Tấn thảm kịch Đông Dương, tr.113 - 114, Giôdép Lanien viết:

" Ngày 12-6-1954, tại cuộc họp Quốc hội, Chính phủ bị thiểu số và chỉ giành được 286 phiếu thuận so với 306 phiếu chống...

Tôi cho là hậu quả có thể thấy trước được của cuộc bỏ phiếu này có tính chất rất nghiêm trọng. Tôi cảm thấy đây là một vấn đề hoàn toàn khác chứ không phải chỉ là việc thay đổi Chính phủ. Đây là việc đảo lộn hoàn toàn đường lối, chính sách của nước Pháp...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #297 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:08:47 pm »


Sự sụp đổ của Điện Biên Phủ là một thất bại rất nặng nề

Trong cuốn hồi ký Đông Dương trong cơn lốc (Mémoires, vol I: L’ Indochine dans la tourmente), Nxb. Plông, Pari, 1964, tr.94 - 95, Pôn Êly, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, viết:

"Việc phá vây của đội quân đồn trú đã được chuẩn bị, đó là cuộc hành quân Albatros (chim biển). Chính phủ đã được tướng Nava báo tin về cuộc hành quân đó cũng như việc trù tính bỏ lại thương binh vào tay Việt Minh. Tiếp theo cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Chiến tranh tại nhà riêng của Lanien, vị Tổng Chỉ huy đã được trả lời là đứng về mặt chính trị, không có ý kiến nào chống lại cuộc hành quân Albatros; việc tiến hành cuộc hành quân ấy phải phụ thuộc chặt chẽ vào những lý do quân sự mà Pari không có đủ tất cả các yếu tố. Nhưng nếu Albatros đã được quyết định thì mọi việc chuẩn bị cần được tiến hành nhằm bảo vệ các thương binh bỏ lại tại trận về mặt tinh thần và bảo đảm thuốc men chạy chữa cho họ. Quyết định tiến hành cuộc hành quân Albatros chỉ có thể được thông qua vào tối ngày 6 đến ngày 7-5: dự định khởi sự vào tối hôm sau. Đại tá Đờ Crevơcơ (De Crèveceur) lúc đó đã triển khai binh lực của ông ta trên một mặt trận rất rộng để đón quân đồn trú ở Điện Biên Phủ.

Nhưng đến chiều ngày 7, lợi dụng những điều kiện thời tiết đặc biệt thuận lợi đối với họ và sử dụng lần đầu tiên các "dàn hoả tiễn Stalin", những vũ khí rất có hiệu lực, liên tục bắn phá tất cả các cứ điểm của chúng ta, Việt Minh phát động những đợt công kích cuối cùng của họ vào giữa buổi chiều. Đờ Cátxtơri báo cáo rằng các đơn vị Việt Minh đã lọt vào trong toàn bộ trận địa của ông ta. Tập đoàn cứ điểm đã sụp đổ trước lúc hoàng hôn, chỉ trừ điểm tựa Idaben (Isabelle) còn tồn tại đến nửa đêm, sau một mưu toan cuối cùng của đồn binh định như vậy...

Những người bảo vệ Điện Biên Phủ đã viết một trang sử vẻ vang trong lịch sử quân đội ta... Nhưng sự sụp đổ của Điện Biên Phủ là một thất bại... một thất bại rất nặng nề và nó sẽ bị lợi dụng trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế...".


Chính phủ Lanien sụp đổ

Báo Chiến đấu (Le Combat), ngày 11-5-1954, viết:

"Đã đến lúc phải chọn một bề. Tám năm sai lầm, kết thúc cái sai lầm đầu tiên năm 1947 đã dẫn chúng ta đến Điện Biên Phủ và thất bại về quân sự. Phủ nhận những sự thật đã qua, rõ ràng không có một chút lợi ích gì cả. Và nếu tướng Nava tưởng rằng quân đội của tướng Võ Nguyên Giáp không đủ sức để tấn công trực diện chúng ta thì tướng Nava cùng với các ông Plêven, Đờ Sêvinhê, Biđô và những người khác đã lầm.

Nếu Chính phủ Lanien tuyên bố chọn khả năng hoà bình thì phải rút lui đi. Vì không thể tưởng tượng được rằng, Biđô, lãnh tụ của Đảng Cộng hoà bình dân, một đảng chịu trách nhiệm nặng nề về chính sách của chúng ta ở Đông Dương, lại có thể có năng lực để thanh toán cái chính sách đó và đàm phán hoà bình, điều mà thâm tâm ông ta không muốn. Sự từ chối không chịu thảo luận kế hoạch của Việt Minh không phải là một bằng chứng mới đó sao?

Vậy thì duy trì Chính phủ Lanien là không muốn bảo đảm kết qủa của Hội nghị Giơnevơ mà chính là điều trái lại. Dù sao đi nữa. Chính phủ Lanien cũng không còn đủ tư cách để lãnh đạo nước Pháp".


Thiết quân luật ở Pháp

Báo Giải phóng (La Libération), ngày 11-5-1954, đưa tin:

"Thật đã quá rõ ràng là Chính phủ muốn thừa dịp thất bại quân sự ở Điện Biên Phủ mà Chính phủ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn để tạo nên trong đất nước một bầu không khí hoảng hốt có lợi cho tất cả mọi hành động xấu. Ngày chủ nhật (tức ngày 9-5-1954) Chính phủ đã tiến hành một cuộc huy động thật sự các lực lượng cảnh sát và đặt Pari vào tình trạng thiết quân luật. Sáng hôm qua đã quyết định hoãn các cuộc biểu diễn vũ balê. Chiều hôm qua thì tung ra cái tin sẽ giải tán Quốc hội nếu như bị lật đổ, Chính phủ không thể trông mong gì ở một sự thay đổi của dư luận cho phép tiếp tục và làm cho nghiêm trọng thêm cái chính sách mà mình đã thực hiện ở Điện Biên Phủ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #298 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:10:16 pm »


Người Đức phản ứng về thất thủ Điện Biên Phủ

Báo Bằng chứng Thiên chúa giáo (Témoignage Chrétien), số ra ngày 21-5-1954, viết:

"Sự sụp đổ của "Stalingrát vùng rừng rậm", biệt danh mà người Đức dùng để chỉ Điện Biên Phủ đã có tiếng vang lớn ở Tây Đức. Đối với nhiều người Đức, thất bại này tượng trưng cho thất bại của thế giới phương Tây, do đó mà có quan hệ trực tiếp đến họ. Đó cũng là một thất bại của người da trắng bị người da màu, người da vàng đánh bại. Cơn choáng váng lại càng mãnh liệt hơn, khi mà trong nhiều tuần liền, báo chí đã nêu nổi bật sự có mặt của nhiều lính lê dương gốc Đức ở Điện Biên Phủ...

... Những người Đức bình thường cảm thấy gắn bó quá chặt chẽ với phương Tây đến nỗi không thể có một chút thích thú nào về trận thất bại đã xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm chín năm, ngày nước Đức đầu hàng không điều kiện. "Phản ứng đầu tiên của tôi là thích thú", một giáo viên Đức 35 tuổi đã tham gia suốt cuộc chiến tranh và đã bị bắt làm tù binh ba năm nói với tôi như vậy. "Ít nhất thì các đội quân chiếm đóng của các ông ngày nay sẽ không thể phô trương cái vẻ chiến thắng, như nó đã quen phô trương từ chín năm nay. Và sau đó, rất nhanh chóng, tôi đã cảm thấy rằng, các ông không lẻ loi trong việc chịu đựng thảm hoạ. Tôi không biết nên diễn tả cảm tưởng này như thế nào. Nước Đức cũng như toàn thể châu Âu đã bị thất bại ở Điện Biên Phủ...".

Báo Stútgát Xaitung (Stuttgarter Zeitung), ra ngày 8-5 có đăng một bức thư của bạn đọc ký là G.S.N. Bức thư này đại diện cho những phản ứng của nhiều người Đức theo dõi diễn biến của cuộc vây hãm, khi pháo đài Điện Biên Phủ còn chưa bị thất thủ. Ông G.S.N. viết: "Căn cứ vào tình hình chinh trị và quân sự hiện nay ở Đông Dương, tôi cho rằng thật là điên rồ khi theo đuổi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ để phải hy sinh ngày qua ngày không biết bao là thanh niên trẻ tuổi, buộc họ phải chết hoặc chịu cảnh tàn phế trong cuộc đời còn lại của họ. Sau chiến tranh, người ta đã phê phán các tướng lĩnh của chúng tôi là đã không dám chống lại những mệnh lệnh điên rồ của Hítle. Ngày nay, người ta cũng phải chê trách như vậy đối với các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương. Những người này, mặc dù nắm vững tình hình quân sự hơn, cũng vẫn chấp hành mệnh lệnh điên rồ của các ông Plêven và Biđô. Cũng còn may mà "chính sách thực tế" (real politics) của ông Êden (Eden) đã ngăn chặn một cuộc đổ máu còn lớn hơn ít nhất là vào lúc đó..."1.

Một tờ nhật báo ở xứ Baden (Tây Đức) trên bờ sông Ranh cũng như ở Lốpphenbuốcrơ Takeblát đã tóm tắt tấn thảm kịch của Pháp sau Điện Biên Phủ như sau: "Trong một quá trình lịch sử lâu dài, nước Pháp luôn luôn phục hồi một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc sau những cuộc bại trận. Nhưng ngày nay, cái đã làm cho những người đàn ông (ở Pari) có cái nhìn trầm lặng, đã làm cho những người phụ nữ có đôi mắt đẫm lệ, cái đó còn đau xót hơn là một trận chiến bại. Đó là việc nhận thức được tình thế bấp bênh và yếu kém của một quốc gia đã từ địa vị một cường quốc thế giới mà loạng choạng tụt xuống hàng các nước hạng hai, hạng ba.

Từ những thảm hoạ lớn trong lịch sử, nước Pháp đã luôn luôn hồi sinh với một nghị lực khác thường, với một sức sống mãnh liệt. Đúng vậy, nước Pháp đã nhiều lần rút được bài học từ những thảm hoạ đó và đã vượt lên củng cố được sức mạnh của nó. Nếu nước Pháp ngày hôm nay vẫn còn là nước Pháp ngày hôm qua, thì thảm hoạ Điện Biên Phủ có thể là cái mốc của một sự biến đổi, qua một sự thức tỉnh của lương tri. Từ điểm xuất phát tiêu cực và khủng khiếp đó, có thể dẫn tới một kết quả tích cực, mà ý nghĩa vượt xa ý nghĩa của một trận đánh hạn chế về mặt hậu quả quân sự".
___________________________________________________
1. Ám chỉ kế hoạch ném bom nguyên tử ở Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #299 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 03:11:12 pm »


Nước Pháp của im lặng

Trong bài đăng trên báo Thế giới (Le Monde), số ra ngày 21-5-1954. Lui Sanlơrông (Louis Salleron) viết:

Thất thủ Điện Biên Phủ là một thảm hoạ.

"... Thất thủ ấy đã được cảm nhận như một thảm hoạ, vậy mà, trong thâm tâm người Pháp, một cảm giác đau xót và tủi hổ được pha trộn với một niềm hy vọng.

Vì lẽ gì mà họ đã chiến đấu? Họ đã hy sinh cho cái gì? Họ đã làm tù binh vì cái gì? Câu trả lời luôn luôn vẫn là: Chẳng vì gì cả.

Thật vậy, chẳng vì gì cả.

Chính từ cái "chẳng vì gì cả" ấy mà bắt nguồn niềm hy vọng. Trong cuộc chiến đấu không thương tiếc của các thứ chủ nghĩa duy vật trên thế giới, đã có những người hy sinh chẳng vì gì cả. Một sự hy sinh hoàn toàn công cốc.

Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, chúng tôi được tin rằng ở Đức, các phòng giấy của quân đội lê dương ngoại quốc đều chật ních những kẻ tình nguyện đến xin sang thế chân những người đã ngã xuống. Chúng tôi cũng được biết rằng, ở Italia có anh em sinh viên đánh lộn nhau, vì kẻ bênh vực, người phản đối tấn thảm kịch ở nơi xa xôi và cũng rất xa lạ này đối với họ. Trên toàn thế giới, chúng ta cũng được biết hay cũng đã đoán được rằng, biết bao nhiêu người đã xúc động đến tận tâm can khi Điện Biên Phủ thất thủ sau 56 ngày chiến đấu vô vọng. Tất cả những điều đó đều có một nguyên nhân duy nhất là: ở Điện Biên Phủ người ta đã chiến đấu, người ta đã chết, người ta đã bị bắt làm tù binh, chẳng vì cái gì hết.

Ngày mồng 8 và 9-5, đều là những ngày của chiêm bao và ác mộng. Người ta thấy những gi? Người ta vui hội hè gì? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Từ mắt nhìn đến tâm trí đều không tài nào ổn định được. Thủ đô Pari, nhớn nhác ghi nhận trong im lặng một thất bại bi thảm, ngày kỷ niệm một chiến thắng, ngày lễ Gianđa (Jeanne d' Arc), các tài tử của đoàn vũ balê Nga, cuộc diễu hành của các cô gái đẹp và các thú vật, tướng Đờ Gôn (De Gaule) loay hoay tại Quảng trường Ngôi Sao giơ tay chào bằng cả hai tay.

Im lặng hoàn toàn.

Sự phân biệt cừ khôi của Sáclơ Bơnoa (Charles Benoit) giữa một xứ sở thực tại và một xứ sở hợp pháp đã bị vượt qua từ lâu rồi. Có một nước Pháp của im lặng và cũng có một nước Pháp ba hoa và múa may vô bổ. Có một nước Pháp của những nỗi niềm sâu thẳm và có một nước Pháp của bề mặt chính trị.

Ban đêm xe cảnh sát chạy đầy đường thủ đô, chống ai? Nước Pháp của im lặng không hề nhúc nhích.

Nước Pháp của im lặng thong thả làm lại tồn tại của mình. Một mình với lịch sử của mình, với số phận của mình. Nước Pháp xây dựng lại những tổ ấm, những ấp trại, những nhà máy, những trường học của mình. Nó làm lại tất cả những gì có thể tự mình làm lấy. Nó không thể làm được cái thứ chính trị, là tác phẩm của người cầm đầu chứ không phải của các công dân.

Im lặng thật hoàn toàn. Im lặng là uy quyền độc nhất của đất nước không có một tiếng nói nào cất lên. Không một tiếng nói nào tự cảm thấy hay tự ban cho mình nhiệm vụ tự nói, không phải trên diễn đàn nghị viện, không phải trên báo chí, không phải trong nhà thờ. Im lặng của các chính sách, im lặng của các nhà văn, nhà thơ, im lặng của các nhân vật Giáo hội.

Người ta cho tôi biết rằng, báo chí Tây Ban Nha có nói đến những chiến sĩ "Pháp - Đức" đã bảo vệ ở Điện Biên Phủ. Nói một cách mỉa mai chăng, tôi nghĩ bụng. Nhưng tiếng ấy đã đi khá xa hơn là họ đã tưởng. Bởi vì, ngày mai nếu ta thấy đẻ ra một cộng đồng châu Âu để bảo vệ các giá trị phương Tây, thì chính Điện Biên Phủ là cái nôi đã sinh ra nó. Những điều khoản kỳ quặc của một dự thảo hiệp ước ngu ngốc cũng chẳng làm nổi trò gì ở đây.

Số phận đã định rằng tổng số của chủ nghĩa anh hùng trong số 12 ngàn chiến binh ở Điện Biên Phủ đã được tóm tắt trong hai cái tên: tên của tướng Đờ Cátxtơri và tên của Giơnơvievơ đờ Gala. Một truyền thống quý phái nghìn năm đã tụ hội quanh hai cái tên đó như những người da trắng, da đen, da vàng, tất cả những người lính ưu tú nhất của chúng ta, của nước Đức, của châu Âu, của châu Phi và của châu Á. Tất cả đều hy sinh chẳng vì cái gì cả trong một thế giới và trong một thời đại mà sự sản xuất là một quy luật tối cao mà vật chất được phát triển biện chứng đang báo hiệu những ngày mai tươi đẹp.

Rút cục, chính cái sự cống hiến tuyệt đối ấy, cái sự hào phóng mất trí ấy, cái sự tiêu hao phí phạm năng lượng sống ấy, lại là tiếng nói của nước Pháp, là tiếng nói duy nhất của cả hành tinh này hôm nay nghe thấy được. Và chính vì lẽ đó mà niềm hy vọng hôm nay ở nước Pháp có pha trộn với nỗi đau và niềm tủi hổ.

Nhưng nếu danh dự lại là gốc của mọi chính trị, thì nó không còn là chính trị nữa. Danh dự của người chiến binh chỉ có thể ủng hộ cho chiến lược của các bộ tham mưu và chính sách của các chính phủ.

Nước Pháp của im lặng chờ đợi tiếng nói của người nào sẽ lên tiếng và sẽ hành động. Và khi đó, từ trong sâu thẳm của bóng đêm, nó sẽ tìm thấy lại vị trí của nó trong dàn đồng ca của các nước trên thế giới".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM