Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:24:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16488 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #280 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 01:16:58 pm »


*

*          *

Ngay cả cái thời gian này nữa vẫn còn cứ vây hãm ám ảnh mãi chúng tôi. Người Anh giữ thành Tubrúc được 241 ngày. Người Đức cố thủ ở Xtalingrát tung ra 1 triệu quân để đứng chân 67 ngày. Nsười Mỹ giữ thành Bataan (Manila) mất 66 ngày. Tỷ lệ thua trận của người Pháp lớn hơn: chỉ mới 55 ngày, chết 3.000 người. Việt Minh chết 8.000 người1, nhưng Pháp mất cả Đông Dương. Theo khái niệm về chiến tranh lạnh, từ cái thung lũng này Đông Dương không bị kéo dài sự mất mát của nền thuộc địa nữa. Họ hướng về phương Đông. Một bên đã hiến mình cho chiến tranh thì cay đắng thay, lại trở thành hạt giống cho những kẻ khác!

Tướng Nava ngay từ khởi đầu đã đánh giá không thể thắng được cuộc chiến tranh, và rằng chỉ có Mỹ mới có thể và sẽ có thể làm được điều này. Không nghi ngờ gì, nếu không lực Hoa Kỳ giáng cho một đòn mạnh như tôi đề nghị với Lầu Năm Góc. Nếu Tổng thống Aixenhao dám làm điều đó. Điện Biên Phủ chắc sẽ được cứu vãn. Mỹ không muốn để bị dính líu vào thì sau này, họ đã bắt buộc phải dính vào.

Chúng ta đã sử dụng binh lính của chúng ta, nhưng đối phương đã chiến đấu bằng một cuộc chiến tranh tổng lực với mọi điều: Kỷ luật - chính trị - kinh tế - tuyên truyền đều được huy động. Đó là ý kiến tôi, cũng là lý do về sự thất bại của Pháp, cuối cùng cũng có thể gọi là thất bại của Mỹ.

Ngay cả với người nào nghĩ sẽ không thể xảy ra chuyện này thì cũng phải thừa nhận, đây là sự thất bại không sao chối cãi được.

Tôi nhận mọi khiển trách về Điện Biên Phủ. Nhưng... nếu không có quyết định như Hội nghị Giơnevơ đã làm, không có sự tham khảo ý của tôi, Điện Biên Phủ cũng sẽ không kết thúc trong chiến thắng như điều tôi mong muốn mà bằng một kiểu chiến thắng khác! Tuy nhiên, tôi chấp nhận đầy đủ trách nhiệm, nhưng không phải với bất cứ tội lỗi nào!

Hội nghị Giơnevơ bắt đầu ngày 8-5-1954, và tới tháng 7, các cường quốc thoả thuận một sự chia cất tạm thời nước Việt Nam. Hoa Kỳ không ký vào bản thoả ước, và các nhà sử học kết luận chính ở Giơnevơ chứ không phải ở Điện Biên Phủ, chính sách hai mặt về Việt Nam đã đi tới bế tắc.

Khi đã khai mạc Hội nghị Giơnevơ, 8.000 người sống sót ở Điện Biên Phủ đã bắt đầu cuộc đi bộ 60 ngày từ các trại giam xa 500 dặm tới các trại giam ở đồng bằng sông Hồng. Việt Minh, để cô Giơnơvievơ đờ Gala đưa những thương binh nặng nhất tới các máy bay cứu thương Pháp, không sao chở hết họ được. Đờ Cátxtơri, Lănggle và Bigia cùng đi với nhau. Việt Minh không có nhiều thầy thuốc. Những người bị bắt, ốm dần rồi ngã xuống.

Rôbe Ghilanh, một nhà báo đáng kính trọng của tờ Thế giới (Le Monde) tin rằng cuộc chiến tranh chẳng mang lại nghĩa lý gì cho binh lính Pháp, hoặc là có một loạt ý nghĩa khác biệt nhau: Chẳng có gì mất mát cả, trừ cuộc sống. Trước cảnh những người sống sót ngã xuống dọc đường, anh ta từ Hà Nội đánh đi một lời cáo biệt cay đắng nhân danh cho những người tử nạn: "Chúng ta sẽ chứng tỏ cho nhân dân, trước hết cho nhân dân nước Pháp biết họ đã thấy họ bị bỏ quên như thế nào, sự khác biệt không sao tin nổi của họ, ảo ảnh của họ, chính sách bẩn thỉu của họ đã dành cho họ số phận này. Và chúng ta phải làm gì tốt hơn cho họ? Bằng cái chết, ít ra cũng cứu vãn nổi danh dự! Tôi tuyên bố, những tử sĩ của Điện Biên Phủ tử nạn, đang phản đối, đang kêu gọi chống lại nước Pháp ngày nay, nhân danh cho một nước Pháp khác với họ được kính trọng hơn. Chiến thắng duy nhất được ghi nhận là thắng lợi của danh dự chúng ta!".

Brunô (tức Bigia) đã từng dành sự ngưỡng mộ đối với Việt Minh. Ông ta kể: "Tôi nhìn họ khởi hành với vũ khí như là một khẩu súng săn. Họ ra đi tháng này qua tháng khác. Họ có thể tổ chức từng tiểu đội nhỏ thành trung đội. Rồi trung đội thành các đại đội. Và các tiểu đoàn trở nên các binh đoàn, cuối cùng là các sư đoàn hoàn chỉnh. Tôi nhận ra tất cả điểm này, và có thể kể cho ông rằng họ trở thành đạo bộ binh mạnh nhất thế giới. Họ không thiếu nhân lực, từng người mang nổi 50 kg trong đêm tối, mà chỉ cần ăn có một bát cơm, đi đôi dép lốp và rồi ca vang suốt trên đường ra trận.

Theo quan niệm của tôi, họ trở nên một đơn vị bộ binh kiệt xuất và được huấn luyện để đánh bại chúng ta. Bây giờ, chúng ta không còn gì cả, chúng ta đã ở xa nước Pháp, nhưng phải nhận rằng họ cũng đánh bại cả người Mỹ. Bởi vậy họ thật là kiệt xuất!".

Sau cuộc chiến đấu, Tạp chí Thời báo có trình bày một quan điểm khác: "Việt Minh không đến nỗi mạnh như chúng ta dự kiến". Tờ báo mô tả họ là "một đối thủ hào hoa". Để kết thúc, bài báo kia đưa ra thuyết Đôminô đương đại: "Hà Nội chờ đợi sự kết thúc cuộc chiến trong tiếng đại bác gầm thét, làm xào xạc những chùm lá me, làm chó sủa vang trong đêm tối - Nam Kinh (Trung Hoa) đã có lần nghe tiếng pháo gầm và chó sủa vào một đêm yên ắng tháng 4 - còn Thượng Hải, thì xảy ra vào tháng 5; Bình Nhưỡng thì vào tháng chạp (12). Không ai hiểu nổi khi nào Hà Nội lại lên đường? Nhưng chẳng ai dám nghi ngờ, rồi họ sẽ thắng.
________________________________________________
1. Số thương vong của cả hai phía, các tài liệu ghi không giống nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #281 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:02:08 pm »


TẠI SAO PHÁP THUA Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ1

A- VỀ CHÍNH TRỊ

Một cuộc viễn chinh xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc. Một cuộc chiến tranh bị nhân dân Pháp phản đối

Trong cuốn Thời điểm của những sự thật, tr.31, Nava viết:

"... Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó dân tộc ta không hiểu được ý nghĩa của nó".


Chúng ta đã tìm cách lập lại ở đó, nếu không phải là chế độ thuộc địa thì ít ra cũng là một cái gì na ná như vậy

Trong sách đã dẫn, tr.31 - 36, Nava viết:

"Trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới, do không nhận thức được rõ ràng những biến đổi đã xảy ra ở đó trong thời gian chúng ta vắng mặt, đầu tiên chúng ta đã tìm cách lập lại ở đó, nếu không phải là chế độ thuộc địa, thì ít ra cũng là một cái gì na ná như vậy, mà hơn nữa, chúng ta đã không biết xác định rõ. Những mưu toan đó, vì hoàn toàn không đếm xỉa đến thực tế, đã nhanh chóng phá sản trước những khó khăn về chính trị và quân sự và thái độ "chống chủ nghĩa thực dân" của người Mỹ.

Sau đó, chúng ta tiến đến một quan niệm gói gọn trong một công thức hấp dẫn là "nền độc lập của các quốc gia Liên hiệp Pháp". Nhưng đó chỉ là một công thức. Nó chỉ bao hàm những khái niệm trừu tượng và dù sao vẫn hết sức khác nhau, tuỳ theo khi người ta nhấn mạnh về quyền độc lập của các quốc gia liên hiệp hoặc nhấn mạnh về việc duy trì các quốc gia đó trong khối Liên hiệp Pháp.

Có những người cho rằng, hiện thực duy nhất phải là quyền độc lập. Danh từ Liên hiệp Pháp chỉ là cái nhãn hiệu trình toà dùng để nguỵ trang việc chúng ta cuốn gói về nước và để làm cho việc chúng ra đi được dễ dàng bằng cách tạo cho nó một "bộ mặt" vinh dự. Quan niệm đó là quan niệm của tất cả những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia không đi theo Việt Minh, vì họ không phải là cộng sản nhưng họ cũng không chịu theo ta, hay đúng ra, họ chỉ muốn theo ta khi nào tình hình chiến sự có lợi cho họ.

Đồng thời, đó cũng là quan niệm của nhiều người, tuy chính thức đi với ta ở Việt Nam, nhưng lại muốn rằng khi nào chiến tranh kết thúc thì chúng ta sẽ chuồn đi...

Và cuối cùng, đó là quan niệm của người Mỹ, họ không hề giấu giếm việc biểu lộ cảm tình của họ đối với những yêu sách của các quốc gia liên hiệp của chúng ta và làm cho các nước này hy vọng có một chỗ dựa khi nào những yêu sách đó vượt quá phạm vi mà chúng ta có thể nhượng bộ được.

Một quan niệm khác liên kết những người trước hết, muốn rằng nước Pháp ở lại Đông Dương và trong đó khối Liên hiệp Pháp là một hiện thực vững vàng. Nó cũng đưa đến việc xác định những giới hạn cho nền độc lập của các Quốc gia liên hiệp.

Giữa hai quan niệm đó, nước Pháp chưa từng chọn lấy một. Xuất phát từ khái niệm độc đoán và tập trung về khối Liên hiệp Pháp, một hình thức rất gần gũi với "chủ nghĩa thực dân” trước đây, nước Pháp do áp lực của những biến cố chỉ mới đi đến một quan niệm mềm dẻo hơn mà bản Tuyên ngôn ngày 3-7-19532 mới đây đã nói lên kết quả.

Hơn nữa, kết quả đó nặng về lý thuyết hơn là thực tế, vì bản tuyên ngôn đó mới chỉ đặt ra những nguyên tắc thôi, còn phải đem thực hiện chúng nữa và rõ ràng những khó khăn bắt đầu chính từ đó...".
_______________________________________________________
1. Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, do Mạc Văn Trọng, Nguyễn Đăng Vinh, Hoàng Thế Dũng sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1994, tr. 108 - 137.
1. Ngày 3-7-1953, Thủ tướng Lanien đã đọc một bản "tuyên ngôn trọng thể" trước những người đại diện ba quốc gia liên hiệp ở Pari. Nước Pháp báo tin ý định của mình là "hoàn thiện nền độc lập và chủ quyền" của các quốc gia này và chuyển giao lại cho họ "những quyền hạn mà nước Pháp còn giữ lại”. Để đạt đến mục đích đó, nước Pháp đề nghị họ đàm phán về những mặt kinh tế, tài chính, tư pháp, quân sự và chính trị (chú thích của Nava).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #282 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:02:51 pm »


Việt Minh trông cậy vào tất cả những gì mới mẻ, đang nảy nở và trưởng thành

Một nhược điểm khác về lập trường chính trị của ta là sự chia rẽ về mọi mặt trong nội bộ ta.

Trước tiên: chia rẽ trong mỗi một quốc gia liên hiệp. Nước Việt Nam là một nước lắm vùng, lắm đảng phái, chủng tộc, lắm tôn giáo và phe phái mà không có một tình cảm dân tộc nào có thể gắn liền lại được. Nước Lào mới chỉ là một thực thể chính trị gần đây thôi, không có sự đoàn kết chặt chẽ mà trong đó ngay giữa các phần tử chống Việt Minh cũng vậy, có sự chống đối nhau sâu sắc. Ở Cao Miên, bọn phong kiến đầu sỏ - giống thổ phỉ hơn chúa đất - chống lại quyền lực Hoàng gia.

Tiếp đó là sự trái ngược giữa lợi ích nước Pháp đòi hỏi có một vài hạn chế về quyền độc lập của các quốc gia liên hiệp với nguyện vọng của các quốc gia này muốn được độc lập hoàn toàn.

Cuối cùng là quan điểm bất đồng giữa chúng ta với những người Mỹ "ủng hộ" chúng ta, họ giúp chúng ta vì ta đang chống giữ một khu vực chủ yếu trong bố trí của họ "ngăn chặn" chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Nhưng không vì thế mà họ chịu tán thành duy trì nước Việt Nam, Lào, Miên trong khối Liên hiệp Pháp mà họ cho vừa là tàn tích của "chủ nghĩa thực dân", vừa là một vật chướng ngại đối với những mưu toan của chính họ.

Đứng trước một kẻ thù vững chắc về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến, bằng mọi cách, những mục tiêu mà họ thấy rõ ràng. Vậy mà chúng ta đã đưa ra một mặt trận rời rạc, những xu hướng mập mờ và còn trái ngược về mặt tinh thần hoàn toàn do dự. Hơn nữa, cũng như lời một sĩ quan đã viết trong một bản báo cáo: "Chúng ta trông cậy vào tất cả những gì đang tàn lụi - những lề thói cổ truyền, những người già; trong khi đó Việt Minh trông cậy vào tất cả những gì đang nảy nở và trưởng thành - những ước mơ, nhiệt tình, những người trẻ tuổi".


Chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh mà quốc gia Pháp chưa hề hiểu được lợi ích dân tộc

Trong sách đã dẫn, tr.257 - 258, Nava viết:

"... Nhưng cuộc chiến tranh Đông Dương không như những cuộc chiến tranh khác. Đó là một cuộc chiến tranh mà quốc gia Pháp, chưa hề hiểu được lợi ích dân tộc, là một cuộc chiến tranh mà đất nước đã mệt mỏi và người ta (Pháp) đã để lại cho đất nước nghĩ rằng, cuộc chiến tranh đó không còn một ý nghĩa nào nữa. Và đặc biệt, đó là một cuộc chiến tranh mà đại đa số các chính khách chỉ cố tìm một cái cớ để chấm dứt nó. Vì thế, những hậu quả của vụ thất thủ Điện Biên Phủ đã chứng tỏ là có thể nghiêm trọng hơn nhiều mà thất bại vừa qua của chúng ta, về mặt quân sự, không xác minh điều đó là đúng...".


Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự, còn chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối

Trong sách đã dẫn, tr.31-36, Nava viết:

"... Về phương diện chính trị. Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một uy quyền bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những tài nguyên bổ sung rất quan trọng. Họ thu thuế ở đó, tuyển mộ được nhiều quân số, họ lấy ra được nhiều gạo, muối, vải mà họ cần. Họ mua ở đó những chiếc xe đạp có vai trò rất lớn trong hệ thống cung cấp của họ, các loại thuốc men cần thiết cho ngành y tế, những pin điện lắp vào mìn để giết hại binh sĩ ta.

Ở Lào và ở Cao Miên, những phần tử tích cực thân Việt Minh kiểm soát được những vùng rộng lớn và ảnh hưởng của họ trong phần lãnh thổ còn lại trong nước cũng khá lớn, có thể làm cho các chính phủ ủng hộ ta gặp khó khăn.

Nhưng than ôi! Tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có được một người cầm quyền từ đầu đến cuối. Trong khi đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất - Hồ Chí Minh - và một lãnh tụ quân sự duy nhất - Giáp. Để lãnh đạo chiến đấu từ bảy năm nay thì 19 Chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra năm thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương, Đờ Giăng (De Jean) là người thứ sáu và sáu tổng chỉ huy (tôi là người thứ bảy).

Hơn nữa, chúng ta cũng chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói cho đúng hơn: chúng ta chẳng có chính sách nào cả...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #283 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:04:02 pm »


B- VỀ QUÂN SỰ, NHỮNG SAI LẦM VỀ CHIẾN LƯỢC

Chính kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình đã buộc chúng ta phải giao chiến ở Điện Biên Phủ

Trong cuốn Tấn thảm kịch Đông Dương, Nxb. Plông, Pari, 1957, tr. 38, Lanien phê phán sai lầm của Nava như sau:

"... Căn cứ vào việc đại bộ phận chủ lực địch cơ động lên Tây Bắc, ngày 3-12, Nava hạ quyết tâm giao chiến ở vùng Tây Bắc bằng cuộc hướng việc phòng thủ vào cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào.

Quyết định này mâu thuẫn rõ rệt với chiến lược của viên Tổng Chỉ huy vẫn tuân thủ từ trước đến giờ, chiến lược này dựa vào tránh giao chiến với chủ lực Việt Minh. Chính quyết định này là nguyên nhân chiến lược của thất bại quân sự ở Điện Biên Phủ.

Rõ ràng là khi hạ quyết tâm, viên Tổng Chỉ huy đã không dự kiến được là quyết định đó sẽ lôi cuốn ông ta vượt xa ra ngoài khả năng thực hiện. Được coi là cái ung nhọt để tập trung máu độc hơn là một trận chiến đấu quyết định. Theo sự đánh giá của Nava, Điện Biên Phủ chỉ cần tạo điều kiện đánh lạc hướng và giam chân một bộ phận lực lượng địch, cắt đứt mọi giao thông liên lạc của địch với Trung Quốc, dùng làm căn cứ xuất phát tiến công cho những cuộc tiến công của quân ta và sau hết là để bảo vệ cả Thượng Lào lẫn vùng châu thổ (sông Hồng).

Chính kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy.

Bộ Chỉ huy (quân đội Liên hiệp Pháp) đã phạm sai lầm ở chỗ tưởng rằng đã thu hút được địch thủ đến một trận địa mà ưu thế của chúng ta sẽ bảo đảm thắng lợi, trong khi, ngược lại, chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó. Theo tôi, nguyên nhân của sai lầm đó có hai mặt. Trước hết, là do những nguồn gốc tâm lý, tính lạc quan tếu tràn lan trong hàng ngũ chúng ta vào những tuần lễ trước khi nổ ra cuộc công kích cứ điểm. Sau nữa, cũng do không nắm được đầy đủ tình hình lực lượng quân địch, nhất là về mặt pháo lớn và pháo phòng không. Do đánh giá quá cao thuận lợi về mặt chiến lược nên về mặt chiến thuật, chúng ta dã đánh giá thấp khả năng của đối phương...".


Sai lầm đó là chấp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh vào một thời điểm chưa cần thiết trên một địa hình mà phần lớn thuận lợi thuộc về địch, trong những điều kiện bất lợi nhất cho các lực lượng Pháp - Việt

Trong sách đã dẫn, tr.49-55, Lanien viết:

"... Không còn nghi ngờ gì nữa, từ ngày 4-12-1953, đã phát triển một sai lầm chiến lược sau này sẽ vô cùng nguy hại đối với chúng ta.

Trong khi mọi tin tức tình báo đều vạch cho vị Tổng Chỉ huy thấy rằng, Điện Biên Phủ đang sắp bị bao vây thì ông ta lại quyết định dứt khoát sẽ bám lấy cứ điểm này để giao chiến. Vào thời kỳ đó còn có thể xét đến việc rút bỏ cứ điểm hoặc đến mọi biện pháp bảo vệ khác. Một tháng sau, khi Bộ Chỉ huy bắt đầu cảm thấy lo sợ thì căn cứ đã bị bao vây rồi, mọi cuộc rút lui đều không thể thực hiện được nữa.

Bây giờ nhìn lại lịch sử, sai lầm này thật đáng ngạc nhiên. Sai lầm đó là chấp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh vào một thời điểm chưa cần thiết, trên một địa hình mà phần lớn thuận lợi thuộc về địch, trong những điều kiện bất lợi nhất cho các lực lượng Pháp - Việt...

... Gánh nặng của không quân ta đã vượt quá sức chịu đựng, dù cho điều kiện thời tiết có thuận lợi đi chăng nữa...

... Phạm vi tương đối nhỏ hẹp của cứ điểm, hình thế lòng chảo của nó, càng làm tăng thêm mối nguy hiểm. Riêng việc mất các căn cứ tiêu biểu đã vô hiệu hoá đường băng - lý do tồn tại của cứ điểm và việc chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Tất cả những lập luận này đều không chống lại việc chiếm đóng cứ điểm, chừng nào chỉ còn là những hoạt động thứ yếu và trong giai đoạn yên tĩnh. Các lập luận nói trên hoàn toàn chống lại ý định lấy Điện Biên Phử làm trung tâm của một trận quyết chiến (một trận chiến đấu có tính chất quyết định).

Vì địa điểm giao chiến được chấp nhận như thế - nếu không nói là đã được lựa chọn - đã làm chúng ta mất đi toàn bộ mọi thuận lợi được tạo ra do ưu thế vô cùng to lớn của chúng ta về pháo binh, thiết giáp và không quân...

... Nếu khôn ngoan ra, thì chúng ta không nên tìm cách giao chiến, trước khi tổ chức xây dựng lại lực lượng. Nếu lôgích ra, thì dù sao chăng nữa, chúng ta chỉ nên tìm cách giao chiến trực diện, trên địa hình bằng phẳng, cây cối thưa thớt hơn, ở đồng bằng Bắc Bộ chẳng hạn, trong phạm vi gần các căn cứ của ta. Khí tài hiện đại của ta sẽ được tận dụng đầy đủ...

... Sai lầm của tướng Nava càng khó giải thích hơn vì ông ta xuất thân từ "kỵ binh" và ông ta không thạo về chiến tranh thuộc địa.

Thật là một phản xạ không ai ngờ tới khi ông tướng kỵ binh này lại tự giam mình trong một pháo đài mà ông ta biết là chung quanh đó không thể cơ động được, nhất là một pháo đài buộc ông ta phải từ bỏ việc sử dụng thiết giáp là đội kỵ binh hiện đại.

Cũng thật là một phản xạ không ai ngờ tới khi đứng trước tính cơ động của chủ lực Việt Minh, một người không phải là nhà thực dân lại lựa chọn việc bám chặt lấy địa hình hoặc chỉ lo giành lấy cái mà ông ta gọi là "tấm bản đồ chiến tranh tốt nhất".

Dường như về mặt lôgích, đáng lẽ người ta phải chờ đợi ở ông thái độ ngược lại: tìm cách điều quân địch, đưa họ đến chỗ phải giao chiến trên một địa hình có lợi cho các binh chủng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không nên vội kết án. Ngày nay, không ai tranh cãi về sai lầm chiến lược nghiêm trọng, khi chấp nhận giao chiến ở một địa điểm như vậy. Những điều mà ngày hôm nay hiện lên rõ ràng dưới ánh sáng các sự kiện thì khi đó vẫn còn bị che lấp trong bóng tối. Có nhiều khả năng là trong những thời gian đầu, Điện Biên Phủ dưới con mắt tướng Nava cũng không quan trọng gì hơn Nà Sản trước đó một năm...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #284 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:04:51 pm »


Một chiến lược vô nghĩa: chính các nhà chính trị của chúng đã chỉ đạo, nếu không phải về chiến thuật thì ít ra cũng là về chiến lược

Trong báo Rivarôn (Rivarol) ngày 13-5-1954, Giăng Plâybe (J.Playber) viết:

"... Có cần phải nhắc lại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Nghĩa Lộ?

Về mặt quan điểm quân sự, người ta đã phạm cùng những sai lầm ấy. Dù rằng nền Cộng hoà thứ ba đã chưa bao giờ muốn có một quân đội Đông Dương. Tuy nhiên, chúng ta có thể đóng góp những nhà quân sự ở tất cả các cấp có một kinh nghiệm đầy đủ của đất nước khó khăn này. Chính những người đó cũng đã bị gạt bỏ hoàn toàn. Và người ta đã giao việc chỉ huy cuộc chiến tranh mà những "người cũ" biết sẽ khốc liệt rất nhiều hơn là những "người mới", cho những người không hề có một chút hiểu biết nào về Đông Dương. Dù Lơcléc, dù Đờ Lát hay là Nava, chưa ai đã từng đặt chân lên đất nước này. Khi đến Sài Gòn, hồi tháng 9-1945, Lơcléc diễn thuyết trên những bậc thềm Phủ toàn quyền loan báo, ông ta sẽ giải phóng Nam Kỳ trong ba tuần lễ và toàn bộ Đông Dương trong ba tháng. Thế mà từ bấy đến nay đã gần chín năm! Và việc phong hàm thống chế cho hai trong số các tổng chỉ huy của chúng ta ở Đông Dương không đủ để làm cho mọi người quên rằng là từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh không có gì để bù lại được, chúng ta đã không ngừng bị thua. Có cần phải nhắc lại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Nghĩa Lộ, v.v..? Tôi nghĩ rằng, những điều đó vẫn còn trong trí nhớ tất cả mọi người.

Vả lại, chưa bao giờ người ta tỏ ra đã hiểu rằng vấn đề Đông Dương chỉ là vấn đề Việt Nam, trên 30 triệu người dân Đông Dương hiện có thì có 25 triệu người Việt Nam...

Người Việt Nam hầu như tập trung cả ở những vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Vì vậy, cần phải giữ và bình định Bắc Kỳ và Nam Kỳ cũng như một vài vùng đồng bằng nhỏ hẹp hơn ở bờ biển Việt Nam trông ra biển Đông. Đó là một cảng của chính trị nhiều hơn là quân sự. Nên trở lại với những phương pháp bình định và chiếm lấy quyền hành chính đã thành công ở Bắc Kỳ giữa những năm 1890 và 1900, sau cuộc chinh phục bằng quân sự. Phương pháp này đã được các công sứ và quan lại áp dụng, dựa trên sức mạnh của cảnh sát mà người ta gọi là lính khố xanh. Lại một lần nữa, cần phải có những người có kinh nghiệm trong việc này... Đáng lẽ như vậy, nhưng người ta lại để cho các nhà quân sự đảm đương. Vậy thì họ đã tiến hành chiến tranh. Mà người ta lại còn không để cho họ tiến hành chiến tranh theo ý của họ! Nhưng lại chính là các nhà chính trị của chúng ta đã chỉ đạo, nếu không phải về chiến thuật, thì ít ra cũng là về chiến lược. Hình như, rõ ràng là cái mà người ta gọi là kế hoạch Nava - cái kế hoạch đã dẫn đến thảm hoạ Điện Biên Phủ này, lại không phải là kế hoạch của vị tướng ấy.

Một hội nghị bàn về chiến lược đã họp ở Pari vào tháng 7. Trong cuộc họp đó, người ta đã nêu lên với tướng Nava việc bảo vệ không chỉ xứ Bắc Kỳ mà cả xứ Lào. Từ đó, thoạt tiên là Nà Sản và tiếp theo là Điện Biên Phủ - tướng Nava đã chứng minh sự nguy hiểm của cái chiến thuật những "con nhím'' và những "cầu hàng không" ấy cũng như cái giá quá đắt về sinh mạng, tiền bạc và vật liệu chiến tranh, về những cố gắng đủ loại. Và tướng Nava đã đòi gửi một lực lượng viện binh quan trọng sang Đông Dương, nếu người ta cứ bắt buộc ông phải thi hành nhiệm vụ ấy, mặc dù ông đã phản đối Thống chế Gioăng (Juin) và ngay cả M.Plêven cũng chứng thực sự phản đối của tướng Nava. Hai ông này có thể là cũng sợ bị buộc phải phái những lính mới đi chiến đấu. Chính ông M.Lơtuốcnô (M.Letourneau) lúc đó là Bộ trưởng Bộ các quốc gia liên hiệp đã ủng hộ quan điểm cần phải bảo vệ nước Lào, nước duy nhất của những cái gọi là các quốc gia liên hiệp đã ký kết việc tham gia vào khối Liên hiệp Pháp này...

Và chính như thế, người ta đã đi đến thảm hoạ Điện Biên Phủ, mặc dù có những lời cảnh cáo của tướng Cônhi, Tổng Chỉ huy miền Bắc Đông Dương. Và ông ta đã báo trước rằng, nếu cứ muốn bảo vệ đồng thời xứ Lào và xứ Bắc Kỳ thì có nguy cơ sẽ mất cả hai.

Nhân đây nói thêm là vì những lý do chính trị, chính tướng Tổng Chỉ huy Nava đã từ Sài Gòn chỉ huy cuộc chiến tranh Đông Dương. Thế mà từ Sài Gòn ra Hà Nội 1.700 km và 300 km từ Hà Nội đi Điện Biên Phủ, vị chi là 2.000 km. Dù sao, thì cũng hơi xa để chỉ huy một cách có hiệu lực, mặc dù ta có trong tay tất cả các phương tiện.

Tôi biết rõ Điện Biên Phủ, và đã không sao hiểu nổi vì sao người ta lại có thể nhốt ở đấy 15.000 người. Nếu đó là để bảo vệ nước Lào thì kinh nghiệm đã chứng minh rằng, không có tác dụng gì, bởi vì, tập đoàn cứ điểm đã không ngăn cản được tướng Giáp đánh chiếm Thà Khẹt, Napao và đe doạ nghiêm trọng Luông Prabăng...

Nên nhớ rằng, Điện Biên Phủ là một đồng bằng nhỏ ở trên độ cao khoảng 500 m và bao bọc xung quanh bởi những núi cao từ 1.500 đến 2.000 m. Chúng ta cũng còn nhớ rằng, tập đoàn cứ điểm nối liền với Hà Nội bằng một cầu hàng không 300 km, bay trên những dãy núi cao khoảng 2.000 m ngăn cách những thung lũng sông Hồng, sông Đà... Người ta đã đưa bằng máy bay lên Điện Biên Phủ những pháo lớn và xe tăng đã phải tháo rời ra từng bộ phận... Ở Điện Biên Phủ có hai đường băng làm sơ sài cho máy bay do người Nhật xây dựng năm 1945. Đường băng phía nam đã không còn sử dụng được nữa, khi cứ điểm Idaben ở cách phân khu trung tâm 5 km bị đối phương chiếm mất. Còn đường băng phía bắc cũng nhanh chóng không sử dụng được nữa, vì hoả lực trọng pháo của địch và các loại pháo nhẹ, đại liên bắn quét. Vì vậy, việc tiếp viện quân lực và vật liệu chiến tranh phải trông vào việc thả dù. Và việc đó lại phải tiến hành trong một khu vực ngày càng bị thu hẹp lại và chắc chắn là phải trả giá bằng những tổn thất lớn... Mọi người hãy tưởng tượng xem cuộc sống của cả chục nghìn người ấy từ nhiều tuần lễ nay ra sao, khi họ bị nhốt trong cái vòng tròn đường kính chưa đầy 1 km, thường xuyên bị pháo của Việt Minh bố trí trên những sườn đồi cao chung quanh bắn phá và thậm chí bắn ngắm trực tiếp. Cái chục nghìn người ấy đã chịu đựng cuộc tiến công của bốn sư đoàn cộng sản, tức là khoảng 40.000 người được trang bị vũ khí hiện đại... Cuộc chiến tranh này sẽ ra sao, nếu quân đội của tướng Giáp có máy bay và xe tăng...?".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #285 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:07:07 pm »


Lịch sử sẽ nghiêm khắc trong việc phán xét về Điện Biên Phủ, nhất là về quyết định chấp nhận chiến đấu tại đó

Trong sách đã dẫn, tr. 95 - 96, Pôn Êly viết:

"... Người ta có thể bút chiến xoay quanh những nguyên nhân của thất bại đó. Sai lầm trong việc chọn điểm tựa Điện Biên Phủ và trong quyết định chấp nhận cuộc giao chiến tại đó; sai lầm trong việc đánh giá bản lĩnh đối phương dấy lên sự bất ngờ hoàn toàn về chiến thuật ngay từ những giờ đầu tiên của cuộc công kích; sự kém cỏi và sai lầm trong quan niệm về tổ chức phòng ngự cũng như trong sử dụng lực lượng dự bị; sự viện trợ của cộng sản. Người ta cũng có thể đổ cho là thất bại vì Hội nghị Giơnevơ. Trong trường hợp này, người ta cũng có thể nói rằng, nếu Hội nghị Giơnevơ gây trở ngại cho vị Tổng Chỉ huy trong việc điều khiển cuộc chiến đấu, thì sự sụp đổ của Điện Biên Phủ đã cản trở các cuộc thương lượng của chúng ta ở Giơnevơ. Tất cả những cái đó ít nhiều đều góp phần vào sự thất bại mà chúng ta đã phải chịu...

Lịch sử như người ta thường khẳng định, sẽ nghiêm khắc trong việc phán xét về Điện Biên Phủ và nhất là về quyết định chấp nhận chiến đấu tại đó. Sự cô lập của tập đoàn cứ điểm, việc sân bay bị mất ngay từ đầu cuộc chiến đấu và cuộc sống "địa ngục" do tình trạng đó đưa tới hình như đã lên án sự lựa chọn "chiến thuật" của Tổng Chỉ huy... Một địa hình tự bản thân nó không có một giá trị nào cả. Giá trị đó phụ thuộc vào những hoàn cảnh mà người ta không thể dự kiến hết được. Người ta tranh luận mãi về tầm quan trọng tương đối của những cao điểm và những hang hốc, những sườn núi và dốc núi, những khúc sông và những dãy núi. Người ta đã nói rằng, năm 1940, vùng Ardennes là một khu vực địa hình "lý tưởng về chiến lược", nhưng cũng chính tại đó, người Đức đã dồn nỗ lực chính của họ và đã chọc thủng trận tuyến của chúng ta. Năm 1918, tại Maxêđoan, chính là trong một vùng rừng núi khó công kích nhất mà tướng Pranchet d'Espéray đã mở một cuộc tấn công dẫn đến sự sụp đổ trận tuyến quân Bungari. Tôi đưa ra những ví dụ đó để chứng minh rằng, phải khôn ngoan trong việc xác định giá trị của một địa hình trong phòng ngự cũng như trong tấn công, về chiến lược cũng như về chiến thuật...".


Sai lầm trong vj lựa chọn địa điểm quyết chiến

Trong sách đã dẫn, tr. 141-147, Giăng Hâyma viết:

"... Xalăng biết rằng trong một xứ sở như Đông Dương, tài ba của một tướng lĩnh có đến 80% dựa vào sự am hiểu của người đó đối với xứ sở đó. Xalăng biết rằng, ông ta đã vứt bỏ Đông Dương vào tay một người có tài ba nhất là Đờ Lát, nhưng Đờ Lát cũng phải học hỏi lại đủ mọi đường. Tướng Valuy cũng đi theo con đường đó, và như thế là người ta vứt bỏ Đông Dương vào tay những vị tướng cũng như những nhà chính trị, tất cả bọn họ đều là những người tập sự trong cuộc chiến tranh nhiệt đới.

Từ chỗ thiếu kinh nghiệm, nên mới xẩy ra cái sai lầm vô cùng to lớn của tướng Nava là đã chọn một trường đấu cho quân đội Pháp ở một pháo đài, nhưng lại là một pháo đài xây dựng rất tồi, không có tác dụng quyết định, ở cách xa Hà Nội hơn 300 km, tận giữa vùng núi cao rừng rậm.

Trong cuốn Đông Dương hấp hối, tướng Nava đã bảo vệ ý kiến về việc bố phòng và bảo vệ Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, việc chiếm giữ Điện Biên Phủ và việc đưa cả một đạo quân to lớn lên địa điểm đó ở một vùng núi rừng trùng điệp tại thượng du, không thể có một tý ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ nước Lào. Thật vậy, muốn tiến sang Lào, kẻ xâm lược từ miền ngược của Bắc Bộ có cả một biên giới rộng lớn. Tại sao quân Việt Minh và Trung cộng muốn đánh chiếm nước Lào lại cứ nhất định bắt buộc phải đi qua Điện Biên Phủ? Chẳng có điều gì bắt buộc họ phải làm như thế cả…

Đối với những người nào am hiểu khí hậu thời tiết và tính chất của vùng núi rừng nhiệt đới giữa Hà Nội và Điện Biên Phủ, hẳn họ thấy rõ rằng, tướng Nava đã chọn lấy một tình huống xấu nhất để tiến hành cuộc thi đấu của mình. Tất cả những điều xấu nhất đều tập trung vào đây cả.

1. Điện Biên Phủ nằm dưới đáy của một lòng chảo bị núi cao xung quanh khống chế, do đó rất dễ bị tiêu diệt.

2. Người ta có thể đi vòng qua Điện Biên Phủ để xây dựng các trận địa bao vây.

3. Con đường lên Điện Biên Phủ do Việt Minh chiếm giữ suốt dọc theo toàn bộ chiều dài của nó; nên lính đồn trú Điện Biên Phủ không có một đường bộ nào để tiếp tế và rút lui cả.

4. Bầu trời Điện Biên Phủ bị mây che gần suốt năm, những đám sương mù luôn luôn bao phủ các đỉnh núi xung quanh Điện Biên Phủ trong hàng nhiều tháng trời. Vành đai những mỏm núi cao bao bọc địa điểm này làm cho máy bay hạ cánh rất khó khăn.

5. Cái "nút" chặn đường (Điện Biên Phủ) là vô giá trị, vì từ vùng thượng du Bắc Bộ sang Lào có nhiều đèo khác để vượt qua.

Các địa điểm vượt biên giới sang Lào nhiều vô kể. Nếu chỉ nói đến những đèo đã có đường ôtô hoặc đường mòn đi qua... thì chúng ta thấy có đến 11 con đường có thể sử dụng được.

Do đó, việc chọn Điện Biên Phủ làm vị trí xây dựng căn cứ để ngăn chặn đường sang Lào rõ ràng là một điều không đúng đắn gì cả. Nếu người ta chấp nhận sự lựa chọn đó với một lý do đơn giản là để thực hành cuộc thi đấu thì thật không còn sự lựa chọn nào ngốc nghếch hơn nữa. Vì cứ điểm đó không có được một con đường lớn nào đi đến đó cả, lại bị mây che và mưa dầm hơn 10 tháng trong một năm. Và người ta phải thừa nhận rằng, nếu Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ, tất nhiên phải vào thời kỳ mà thời tiết xấu nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #286 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:07:57 pm »


Trong cuốn Đông Dương hấp hối, tướng Nava đã tỏ ra kinh ngạc khi ông ta và tướng Cônhi, Tổng Chỉ huy Bắc Bộ cảm thấy là quân Pháp không quen chiến đấu trong rừng rậm. Không, đó không phải là không quen, mà là không thể chiến đấu nổi. Tôi đã giải thích lý do: người lính da trắng không thể tiến hành chiến tranh trong rừng rậm như người lính bản xứ được.

Hiện nay, ông ta vẫn giữ ý kiến là ông ta vẫn có lý trong việc chọn Điện Biên Phủ làm nơi đọ sức, làm cái giác hút máu độc trứ danh của ông ta. Ở tay hoặc ở chân thì có thể úp cái giác đó rất dễ dàng, nhưng ở bụng hoặc ở óc thì làm sao úp được. Vậy mà chính ông Nava đã làm như thế.

Bằng cách giao chiến ở Điện Biên Phủ, hai tướng Nava và Cônhi đã tiến hành một cuộc chiến tranh mà họ không am hiểu gì cả. Đó là toàn bộ triết lý trong câu chuyện đó.

Trong cuốn sách của ông ta, tướng Nava giữ vững lập luận là cái nút Điện Biên Phủ đã bảo đảm che chở cho nước Lào và đã bảo vệ nước Lào khỏi bị xâm lược... Nhưng thế mà cái nút đó đã không ngăn cản được Đại đoàn 308 và Trung đoàn 148 là những đơn vị Việt Minh xuất phát từ đồng bằng Bắc Bộ tiến về hướng Luông Prabăng vào tháng Giêng 1954 và đã tiến đến khoảng giữa Điện Biên Phủ với kinh đô này.

Người ta không hiểu tại sao các đơn vị này đã dừng lại trong quá trình tiến công: họ bị những binh lực tập trung ở Luông Prabăng, bị không quân, bị những khó khăn về tiếp tế khi đi vòng qua Điện Biên Phủ ngăn chặn họ lại, hay là do ý của họ muốn rút các đơn vị này về để sử dụng vào việc công kích tập đoàn cứ điểm.

Người ta cũng có thể quả quyết rằng, những hành động xâm lược đó đã được tiến hành chỉ nhằm mục đích đưa tướng Nava vào cái ổ mai phục đã chuẩn bị sẵn.

Tướng Nava cho rằng, quân tấn công đã bị không quân cùng những khó khăn về vận tải chặn đứng trong quá trình tiến quân. Công tác vận tải tiếp tế của họ không tiến hành được vì quân Pháp đã thiết lập cứ điểm Điện Biên Phủ; cứ điểm này đã buộc quân địch phải dùng sức dân công để chuyển tải ở những đoạn đường bị cắt đứt (vì có Điện Biên Phủ), xuyên qua những mỏm núi cheo leo.

Theo ý tôi, những lập luận đó không có giá trị. Nếu quân địch đã xây dựng xung quanh Điện Biên Phủ cả một mạng đường sá dùng cho vận tải và xe bò đi lại vận chuyển đạn dược đến tận từng khẩu pháo, thì chúng ta khó mà chấp nhận được ý kiến là việc tiếp tục vận chuyển vòng qua Điện Biên Phủ lại buộc phải thi hành bằng sức dân công. Quân địch thật ra chỉ cần đi vòng sang một bên vài kilômét, điều này rất dễ dàng ở trong khu vực không hiểm trở lắm phía đông - bắc thung lũng Điện Biên Phủ. Điều này cho phép ta nghĩ rằng, tác dụng bảo vệ nước Lào bằng cách vít chặt Điện Biên Phủ là vô ích. Giả dụ Bộ Chỉ huy Việt Minh không tiêu diệt Điện Biên Phủ đi chăng nữa, thì cứ điểm đó cũng đã ngốn một lực lượng khá lớn mà chẳng được việc gì cả. Điều này càng rõ ràng hơn, nếu ta nhớ rằng, muốn xâm lược nước Lào thì có rất nhiều đường đi như đã nói ở trên.

Cuối cùng chúng ta có cảm tưởng rằng, Bộ Chỉ huy Pháp đã bị khích để đi đến chỗ bố trí binh lực cố định ở Điện Biên Phủ và sau đó (khi Bộ Chỉ huy Pháp đã sa bẫy), tất cả mọi sự việc đã diễn ra như làm xiếc để khích Bộ Chỉ huy Pháp củng cố thêm trận địa của mình và để biến một việc đáng lẽ chỉ là sai lầm chiến thuật thành ra một thảm hoạ.

Theo bản báo cáo của tướng Nava về trận Điện Biên Phủ, thì tuyến tiếp tế chính của địch từ Cao Bằng về Lạng Sơn đến Điện Biên Phủ đều phải đi qua Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La. Tuyến giao thông đó chỉ cách Hà Nội 70 km theo dọc đường chim bay. Tại sao tuyến tiếp tế huyết mạch này lại có thể vận chuyển thường xuyên một lưu lượng như thế trong khi đại bộ phận binh lực quân Pháp đóng ở rất gần đó?

Điều mà tướng Nava đã làm được ở Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km thì cũng có thể làm được ở Tuyên Quang trong những điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ cách Hà Nội 100 km. Địa hình giữa Tuyên Quang và Hà Nội hoàn toàn là đất trồng trọt trống trải. Ở đó không có rừng già. Tất cả mọi việc diễn ra ở đó đều lộ liễu. Tuyên Quang không những gần Hà Nội hơn nhiều mà còn có đường giao thông thuận tiện. Một binh đoàn kéo đến chiếm đóng ở đó có thể rút lui rất dễ dàng. Tại sao Bộ Chỉ huy Pháp lại có thể phạm một sai lầm như thế? Không có một cách giải thích nào khác ngoài việc tướng Nava đã bị rơi vào cạm bẫy...".

Báo Rạng Đông (L'Aurore), số ra ngày 13-5-1954, đã đăng bài trả lời phỏng vấn của một nhân vật quân sự cấp rất cao về những nguyên nhân quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ. Dưới đây là đoạn trả lời câu hỏi về lãnh đạo và chỉ huy tác chiến.

"... Hỏi: Tóm lại, ai chịu trách nhiệm về sự thất bại của Điện Biên Phủ hay chính xác hơn, sự phá sản của tư tưởng chiến thuật đã dẫn đến thất bại đó?

Đáp: Gần một phần mười đội quân viễn chinh Viễn Đông đã bị tiêu diệt trong cái lò than hồng Điện Biên Phủ. Sự thật là thế. Trách nhiệm thuộc về tất cả các cấp.

Dù quân đội nước Cộng hoà tiến hành các cuộc chiến đấu trên lãnh thổ nào, chính Thủ tướng nội các - có trong tay mình một cơ quan riêng là Ban Thư ký thường trực quốc phòng - là người quyết định chính sách quân sự chung của nước Pháp.

Quan niệm về tập đoàn cứ điểm có nằm trong khuôn khổ chính sách quân sự chung của Chính phủ hay không? Nếu có thì chính là Chính phủ phải chịu trách nhiệm về thất bại đó. Mặt khác, nếu tướng Nava không tán thành chiến dịch mà Chính phủ giao cho thì bổn phận của Chính phủ là phải giải thích tại sao và xin từ chức (xin nhớ rằng, theo nguyên tắc học thuyết cộng hoà thì Chính phủ nước Cộng hoà chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh, còn các nhà quân sự có nhiệm vụ chỉ huy tác chiến).

Tôi tin rằng, những trách nhiệm quân sự và dân sự trong vụ Điện Biên Phủ đều có cả hai phía; sự thất bại là hậu quả của một chính sách chiến tranh tồi, bao hàm một chiến lược quân sự cũng tồi như chính sách đó.

Và về phần tôi, tôi cũng nêu lên một câu hỏi, trong Chính phủ, có hay không có, những sự bất đồng về việc lãnh đạo chiến tranh và có phải Bộ trưởng Sơvinhê trong một bài viết đã chính thức nêu lên việc rút bỏ Điện Biên Phủ hồi năm 1954, việc đó cũng có hay không?".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #287 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:09:45 pm »


Việt Minh buộc ta chấp nhận hình thức chiến tranh của họ và còn buộc ta chấp nhận chiến lược của họ

Trong cuốn Thời điểm của những sự thật, tr. 38 - 40, Nava viết:

"... Hình thức chiến tranh được thiết lập là một hình thức đặc biệt khác hẳn đến nỗi những người chưa từng tham gia vào đó không sao hình dung được những đặc tính của cuộc chiến tranh đó. Không thể đem nó so sánh với bất kỳ một cuộc chiến tranh nào khác và bất luận thế nào, tất nhiên cũng không thể so sánh được với những cuộc chiến tranh mà các sĩ quan của hai Bộ Tổng tham mưu Pháp và Mỹ đã từng nghiên cứu, nghĩa là những cuộc chiến tranh ở châu Âu và Triều Tiên. Thế mà rất nhiều người trong bọn họ đã xét đoán những sự việc ở Đông Dương mà chẳng biết gì về chúng cả và rút chạy, chính họ đã gợi ý về đường lối quân sự của Pari và Oasinhtơn, vì vậy, nhắc lại điều đó ở đây cũng không phải là vô ích.

Là một cuộc "chiến tranh không có chiến tuyến" hoàn toàn khác hẳn những cuộc chiến tranh cổ điển, cuộc chiến tranh Đông Dương chỉ có họ hàng với những cuộc chiến tranh mà theo tôi hiểu, chưa có một học viện quân sự nào nghiên cứu kỹ lưỡng cả, trong đó chiến tranh du kích được quần chúng ủng hộ kết hợp với những chiến dịch của các quân đội chính quy như chiến tranh Tây Ban Nha, chiến tranh Mếchxích, chiến tranh của nghĩa quân Nam Tư chống lại quân chiếm đóng Đức - Italia trong chiến tranh thế giới vừa qua1.

Những vùng rừng núi Việt Nam, Lào và Campuchia, dân số rất thưa thớt, với đường giao thông ít ỏi và xấu đã chứng kiến sự hình thành một hình thức chiến tranh nhỏ. Những hành động quân sự của đối phương trang bị thô sơ dưới hình thức những trận tập kích vào những vị trí yếu nằm trong hệ thống đồn bốt chiếm đóng của ta hoặc dưới hình thức những trận phục kích các đơn vị ta. Những đơn vị này hoạt động như những lực lượng cảnh sát nhiều hơn là như các đội quân chính quy. Ngược lại ở miền đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long hay ở những vùng đồng ruộng ven biển ở Trung Bộ, một cuộc chiến tranh thực sự đã diễn ra. Là nơi ruộng đồng phì nhiêu, rất đông người Việt Nam cư trú sống trong những điều kiện rất tồi tệ nên rất dễ tiếp thu hệ tư tưởng cộng sản, những vùng này trở thành những mục tiêu chủ yếu của cả hai bên. Việt Minh thì rất cần gạo, người và tiền mà chỉ có vùng đồng bằng mới cung cấp được cho họ. Còn bên ta, chúng ta phải bảo đảm an toàn rộng khắp cho các hải cảng và căn cứ và giữ các vùng hữu ích của các quốc gia liên hiệp dưới quyền lực các chính phủ quốc gia của họ.

Nhưng ngay ở những vùng này, nơi đã diễn ra những chiến dịch quân sự thật sự thì đó cũng chẳng phải là một cuộc chiến tranh theo hình thức cổ điển. Chúng ta đã cố tìm cách lái quân địch đi theo hình thức chiến tranh đó là chúng ta cho rằng, chúng ta chiếm được ưu thế. Nhưng Việt Minh chẳng bao giờ chịu đánh theo kiểu đó. Những hành động của họ, dù quan trọng đến đâu, đều vẫn luôn luôn giữ được tính chất linh hoạt, cơ động và hiểm độc của chiến tranh du kích, trong đó họ nhận định có lý là họ thuận lợi hơn ta về mọi mặt. Các đơn vị nhẹ, cuồng tín, chấp nhận sự gian khổ, sống bằng gạo với cá khô có nhiều cái lợi hơn so với các đội quân, tuy đông hơn nhiều nhưng trang bị và biên chế hiện đại hoá và không thể nào thiếu phần tiện nghi cần thiết tối thiểu để duy trì trạng thái thể lực tốt - nghĩa là những đội quân nặng nề. Là dân bản xứ, được trưng mộ tại chỗ, am hiểu xứ sở và được dân chúng ủng hộ, họ có nhiều cái lợi hơn so với những người Âu, Bắc Phi hoặc châu Phi, hoàn toàn lạ nước, lạ cái.

Cái phương diện kép đó của cuộc chiến tranh đã làm cho ta phải tập trung vào các vùng đồng ruộng và các đồng bằng tất cả các đội quân tinh nhuệ của ta, chỉ để lại những lực lượng hạng hai (các đơn vị người Thái, Lào...) để bảo vệ những vùng rừng núi rộng lớn.

Chúng ta phải tổ chức các phương tiện và trang bị, các đội quân của ta hầu như hoàn toàn có thể tiến hành chiến tranh trong các vùng đồng ruộng và các đồng bằng mà không tự hỏi rằng một ngày kia liệu chúng ta có thể sử dụng được chúng trong vùng núi non và rừng rậm hay không. Do đó, chúng ta đã vấp phải những khó khăn không thể nào vượt qua được. Kể từ mùa Thu năm 1952 - Bộ Chỉ huy Việt Minh không chịu mang quân đoàn tác chiến của họ - một quân đoàn có khả năng tác chiến ở mọi nơi - vào đồng bằng Bắc Bộ mà đã tung nó lên xứ Thái, sang Thượng Lào, Hạ Lào và lên những cao nguyên miền núi.

Cũng như việc họ áp đặt cho ta hình thức chiến tranh của họ. Việt Minh còn buộc ta chấp nhận chiến lược của họ.

Họ vạch một kế hoạch chung, trong đó dành một phần khá lớn phương tiện chính trị và tâm lý của chiến tranh và hy vọng những chiến thắng quân sự cũng như sự thành công trong việc lợi dụng tình hình quốc tế và tinh thần bị hao tổn của quân đội ta. Họ không hề giữ bí mật kế hoạch đó mà ngay từ năm 1950, tướng Giáp đã trình bày trong một diễn văn có tính chất cương lĩnh đọc trước các nhà lãnh đạo Việt Minh. Họ đã theo dõi thực hiện từng điểm một với một quyết tâm ghê gớm...".
___________________________________________________
1. Những cuộc chiến tranh đó không giống mấy - tuy người ta nói là có sự giống nhau - với những cuộc hành binh của cảnh sát mà người Anh có ưu thế binh lực tuyệt đối đã tiến hành chống lại một đối phương không được nhân dân tích cực ủng hộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #288 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:10:33 pm »


Chính phủ Lanien bị chất vấn gay gắt trước Quốc hội sau khi thua trận Điện Biên Phủ

Báo Tập hợp (Rassemblement), từ ngày 20 đến ngày 26-5-1954, viết:

"Ngày 10-5-1954, Nghị sĩ C. Pusê (Christian Pouchet) chất vấn Chính phủ như sau:

"Nếu chế độ nghị viện còn hoạt động bình thường ở nước Pháp thì ngày hôm nay, tôi không có cái vinh dự bạc bẽo được chất vấn Chính phủ. Chính phủ có thể đã bị quét khỏi ngay ở đây từ tuần lễ trước, nếu như tự nó không từ chức với Tổng thống vì hoảng sợ trước những trách nhiệm nặng nề của hôm qua, hôm nay và ngày mai".

"Thưa ông Thủ tướng, sau này xin ông hãy coi chừng. Ông đừng nên để bị lợi dụng bởi những lời tuyên bố" mà ngườỉ ta bắt ông phải nói. Trong thâm tâm, ông có cảm thấy đủ sức để đương đầu với những cái đương chờ đợi chúng ta không?

Còn ông, ông Bộ trưởng Quốc phòng... sau một chuỗi dài những sự bỏ rơi, mấy hôm nay ông đã mất tín nhiệm với quân đội - ông thấy là tôi cố gắng nói từ tốn đến mức độ nào - ông đã mất tín nhiệm với Liên hiệp Pháp, ông thử nghĩ còn mặt mũi nào mà tiếp tục cầm đầu quân đội ấy, sau khi trong sự vẻ vang chỉ riêng của nó, nó phải chịu sự thất bại chính là của ông, một sự thất bại từ năm 1940 đến nay, chúng ta chưa từng bị như thế... Phải có một bản kết toán, phải nhìn thẳng vào tương lai.

Bản kết toán đó, ông đã không làm. Còn về tương lai, thay mặt cho chính quyền ông đề nghị làm gì? Chiến tranh chăng? Chiến tranh như thế nào? Với những quân đội nào? Trên mặt trận nào? Hay là ông đề nghị hoà bình? Hoà bình như thế nào? Ông hãy cho chúng tôi biết. Dù cho ông dự định giải pháp nào thì nó cũng chỉ có thể thực hiện trong một sự trỗi dậy của đất nước, ông không phải thuộc những người có thể khơi lên sự trỗi dậy đó, vì ông đã thua trận và cũng không có khả năng đem lại hoà bình. Lợi ích của dân tộc đòi hỏi ông hãy rút lui đi".


Giơnevơ phải đem lại cho chúng ta cơ hội đảo ngược chính sách và thương lượng một nền hoà bình danh dự

Trong bài đăng trên báo Giải phóng (La Libération), từ ngày 8 đến ngày 9-5-1954, Mácxen Phuriê (Marcel Fourrier) viết:

"... Đó là một thử thách đau đớn mà dân tộc Pháp không đáng phải chịu... Những người của tướng Đờ Cátxtơri không đáng phải hy sinh cho những nhu cầu của một chính sách đã bị đa số người Pháp lên án. Niềm vinh dự mà Chính phủ dành cho họ không thể làm cho mọi người quên đi trách nhiệm nặng nề của Chính phủ trong tấn thảm kịch Điện Biên Phủ. Sớm hay muộn, trách nhiệm đó sẽ được xác định.

Trút bỏ trách nhiệm ấy bằng những lời ca tụng sự hy sinh của các chiến binh sẽ là quá dễ dàng. Đội quân đồn trú ở Điện Biên Phủ đã tỏ rõ những đức tính quân sự lớn. Nhưng bản thân Chính phủ đã làm tròn bổn phận dân sự của mình chưa?

Và trước hết, Chính phủ đã làm gì để ngừng cuộc chiến tranh gây chết chóc này.

Cách đây vài tháng, Chính phủ đã đứng trước một sự lựa chọn giữa hai chính sách: một chính sách có thể đưa lại hoà bình, chính sách khác dẫn đến quốc tế hoá cuộc chiến tranh. Chính đường lối thứ hai đã được lựa chọn.

Từ tháng Chạp, Chính phủ đã nhận được đề nghị của Cụ Hồ Chí Minh để chấm dứt các cuộc xung đột. Pari đã được tin cho biết rằng, đề nghị thương lượng của Cụ Hồ là thành thật, rằng vị lãnh tụ Việt Minh muốn thương lượng gấp, rằng thậm chí ông ta bực bội về sự mù quáng của người Pháp. Nhưng mà lại cũng có những người Mỹ đã "mua" "kế hoạch Nava" và họ tin chắc như đinh đóng cột là chiến thắng quân sự được bảo đảm. Người ta nhớ đến bản thông báo kỳ khôi Pháp - Mỹ được quảng cáo rùm beng, sau khi Mỹ viện trợ bổ sung 385 triệu đôla dành cho việc tăng cường những cuộc hành quân chống Việt Minh. Thật vậy, Chính phủ chúng ta một mực nhất quyết hết sức cố gắng để làm tan rã và tiêu diệt các lực lượng chính quy của kẻ thù ở Đông Dương".

Chính lời hứa đó đã đưa Chính phủ và Bộ Chỉ huy tối cao đi tìm mọi cơ hội để buộc "kẻ thù phải giao chiến, hoặc đi lùng kẻ thù ở các căn cứ của họ, hoặc thu hút kẻ thù vào một cái bẫy". Điện Biên Phủ phải đóng vai trò của cái cạm bẫy ấy".

Ngày 22-2, Thủ tướng Ấn Độ M. Nêru, Thủ tướng Canada M. Xanh Lôrăng đã chẳng gửi cho Chính phủ Pháp một lời kêu gọi mạnh mẽ đòi ngừng bắn mà không có kết quả đó sao! Thậm chí, Chính phủ Pháp cũng không thèm trả lời. Bộ Tham mưu của Sài Gòn tràn đầy lạc quan và ông M. Plêven đang đi thanh tra ở Đông Dương. Ở đó, ông ta đã đến thăm tận nơi chính cái "cạm bẫy" Điện Biên Phủ ấy, đã tuyên bố: "Tôi có những quyền hành đặc biệt không phải để tiến hành một số cuộc rút lui mà ngược lại, để giúp đỡ Bộ Chỉ huy tối cao trong chính sách tiến công của họ".

Trở lại Pari, ông M. Plêven có thể làm cho Chính phủ yên lòng với lời tuyên bố là ông không hề cảm thấy lo ngại về sự phát triển của tình hình quân sự. Số phận của Điện Biên Phủ từ đó được ghi vào lịch sử. Trong tháng 3, ở Hà Nội và ở Sài Gòn, phóng viên M. Rôbe Ghilanh đã viết trên tờ Thế giới (Le Monde) ngày 29-4 vừa qua: "Chúng tôi trông thấy những toán người Mỹ mới đến, chẳng hạn trong giới báo chí, những kẻ mới đến này như một sự tình cờ cùng phát triển một chủ đề chung: người Pháp có thể và phải giành được thắng lợi. Muốn vậy cần có một điều là họ bớt hà tiện máu của họ đi".

Hà tiện máu của chúng ta! Chúng ta chẳng đã hà tiện đó sao!

Bấy giờ cần phải chấm dứt cái chính sách đã dẫn chúng ta đến Điện Biên Phủ. Chúng ta hãy suy luận một cách tỉnh táo và không có định kiến. Sự ngoan cố của những nhà cầm quyền của chúng ta đã làm cho chúng ta phải gánh chịu thất bại nặng nề ấy.

Trước đây không lâu, đáng lẽ ra chúng ta phải quốc tế hoá cuộc chiến tranh. Bây giờ phải khẩn cấp ra khỏi cuộc phiêu lưu nguy hại này chống lại lợi ích hiển nhiên nhất của nước Pháp và chống lại ý chí của đại đa số người dân Pháp. Giơnevơ phải đem lại cho chúng ta cơ hội đảo ngược chính sách của chúng ta và thương lượng một nền hoà bình danh dự, góp phần lớn vào việc xoá bỏ những sai lầm của cuộc chiến tranh anh em chém giết lẫn nhau.

Hoà bình luôn luôn làm cho một dân tộc mạnh biết đem lại hoà bình cũng lớn lên".


Đế quốc Mỹ cố tìm cách giành lấy địa vị chỉ đạo trực tiếp cuộc chiến tranh ở Đông Dương

Báo Nhân đạo (L'Humanité) ngày 25-5-1954, sách Âm mưu của đế quốc Pháp - Mỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (qua sách báo phương Tây), Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, tr.145, viết:

"Các hãng thông tấn báo tin là Đại sứ Mỹ ở Pari đã chỉ cho Chính phủ Lanien thấy rõ sự cần thiết phải đặt một viên tướng Mỹ - ở Đông Dương vào cương vị chỉ huy, về mặt chính thức, viên tướng đó chịu trách nhiệm về việc huấn luyện quân đội Bảo Đại. Ngày hôm qua, Đalét xác nhận đúng là một yêu sách như thế đã được trình bày r Pari, nhưng thực ra viên tướng Mỹ, ông Đanien đã ở Sài Gòn từ một tháng nay và ở đó, thực sự ông ta đã "cưỡi" lên đầu tướng Nava và đã tham gia trên thực tế vào việc chỉ đạo cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Một nhóm thượng nghị sĩ và đại biểu của Đảng Cộng hoà và Dân chủ chiều qua đã đến Bộ Ngoại giao Mỹ và họp kín với Đalét trước mặt Đô đốc Rátpho và Harôn Státxen (Harols Stassen). Giám đốc chương trình viện trợ ở nước ngoài.

Trong cuộc họp, Đalét đã yêu cầu Quốc hội có một quyết định nhanh chóng về số tiền 3.147 triệu đôla do Chính phủ Aixenhao đề nghị "viện trợ" cho nước ngoài. Trong số tiền đó có 800 triệu dành vào Đông Dương".

Báo Pari Mát (Paris Match), số 289, từ ngày 22 đến ngày 29-5-1954, viết:

"Hồi 10 giờ ngày chủ nhật 22-5-1954, một chiếc Cadilắc (Casillac) thuê chiếc xe này đăng ký ở quận Vô (Yaud) mang biển số VD 14724, vượt qua biên giới Pháp ở Xanh Giuylanh (Saint Jullin) qua Giơnevơ. Cờ hiệu con phượng hoàng của Bộ Ngoại giao Mỹ phấp phới trên cột ăng ten máy thu thanh, sau đó vài phút chiếc xe của Biđen Xmít dừng lại trước thềm một toà khách sạn lộng lẫy ở Êviăng (Evien).

Ở tầng thứ nhất, trong một phòng khách sang trọng. Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng thân Bửu Lộc và Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (Chính phủ bù nhìn - N.D) đang đợi ông ta. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong 75 phút. Sau đó, Biđen Xmít cũng với vẻ mặt nghiêm trang, lên xe trở lại Giơnevơ.

Điều mà Biđen Xmít vừa nói với Bảo Đại thật là chấn động: "Tôi không tin là người Pháp và các ông có thể đi đến một cuộc đình chiến có danh dự với cộng sản. Vậy thì, phải tiếp tục cuộc chiến tranh đồng thời với việc chúng ta đàm phán hoà bình. Ông Aixenhao không thể can thiệp trực tiếp như ở Triều Tiên vì những lý do thuộc về chính trị trong nước. Chính ông ta đã được bầu làm Tổng thống cho chủ trương rút quân đội Mỹ về, ông ta không thể lại đưa quân đội đó sang Đông Dương. Nhưng chúng tôi có thể cho các ông một đội quân Việt Nam lớn mạnh, điều mà các ông còn thiếu. Chúng tôi đã làm điều đó với Lý Thừa Vãn. Các ông sẽ có những vị tướng và Bộ Tham mưu của các ông. Các ông hãy làm áp lực với người Pháp để cho chúng tôi huấn luyện những sư đoàn mới, đó là giới hạn có thể thực hiện được của một sự can thiệp Mỹ...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #289 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2022, 07:14:06 pm »


LỖI TẠI AI? 1


JULES ROY

Trước hết, tại chất lượng cao của những đối thủ trước mặt ta, những chiến binh hăng hái? Có thể là như vậy. Các vị tướng trong quân đội họ, không có gì phân biệt các vị ấy với lính thường, nếu không phải là tuổi tác và màu chiếc ngôi sao đính ở mép cổ áo. Quân phục của họ cũng được may bằng cùng thứ vải; họ đi cùng một loại giày thô ấy, chiếc mũ cối không phân biệt tý nào giữa người nọ với người kia, và các vị đại tá cũng lội bộ như binh nhì. Họ sống bằng gạo mà họ mang theo, bằng khoai củ đào được trong rừng, bằng cá họ câu được và uống nước từ các dòng suối. Không có những cô thư ký xinh đẹp, không có khẩu phần đặc biệt, không có xe ôtô, không cờ hiệu phấp phới trong gió, nhưng, quỷ thần ơi, lại có chiến thắng! Tôi xin phép được thưa với các vị tướng cao cấp của quân đội có trách nhiệm bảo vệ phương Tây: Một ngày nào đó, nếu các vị phải tự vệ chống lại họ, xin đừng trông cậy vào các nguyên tắc chiến lược hay tên lửa của các vị như Nava từng trông cậy ở pháo binh.

Sau đó, là tại các vị chỉ huy cao cấp của ta xoàng quá. Ở khoảng cách xa căn cứ của mình gấp đôi, họ lại hy vọng tái diễn kinh nghiệm chưa hoàn chỉnh của Nà Sản. Lỗi tại sự nông nổi đã khiến họ coi kẻ thù chỉ là tên ngu xuẩn, lỗi tại sự ganh tỵ đã làm họ xâu xé nhau, lỗi tại sự yếu kém của một quân đội trong đó người ta luôn luôn chỉ định người chỉ huy căn cứ vào thâm niên. Lỗi tại sự tự mãn của các vị chỉ huy, sự không hiểu biết gì về kẻ địch, tại nhận định quá dễ dãi của họ về quân đội mình và phương tiện của mình. Cái đó gọi là sự tự cao tự đại. Ôi, đâu rồi những vị tướng của nước cộng hoà đã hy sinh trước quân thù năm 29 tuổi. Ôi, chỉ còn một đám ông già lố bịch, má hóp nhăn nheo, buổi sáng còn ho khạc đờm và buổi tối, đứng lên nặng nhọc sau bữa tiệc chiêu đãi của các vị cao uỷ!

Chỉ huy ở Đông Dương, có nghĩa là có những ngôi biệt thự đồ sộ, có xe hơi, đàn bà, là tiếp khách và dùng mánh khoé, thủ đoạn. Chiến tranh kèm theo cả một gánh xiếc gồm những văn phòng, lều trại, tủ lạnh, gồm các ban tham mưu và bộ máy tổ chức để ban tham mưu ấy hoạt động được, đứng ngồi, ăn uống, ngủ nghê thoải mái, tiện nghi. Có bao nhiêu sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng và trung đoàn trưởng từng chia sẻ lao khổ với lính của mình, sống như lính, đi bộ. Có nhiều tiểu đoàn trưởng lê dương đi chiến đấu còn mang theo tên culi khuân thùng rượu để chất cay làm anh ta gan dạ thêm đôi chút? Bất chấp hàng tấn bom rải xuống các trục lộ giao thông, con đường tiếp đạn cho quân đội nhân dân không bao giờ bị cắt. Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp Pơgiô, thồ 200 - 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đã đánh bại tướng Nava, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương.

Các vị chỉ huy cao cấp đã ngây thơ đến đáng sợ làm sao! Làm sao Nava lại có thể quên rằng chính ông ta, vào ngày 3-12, đã quyết định đánh nhau ở Điện Biên Phủ, trước sự ngạc nhiên của mọi người? Sao ông ta có thể đổ thừa nguyên nhân thảm bại là do một cách đánh bất thường của ông Giáp, vì ông Giáp phát động tấn công trước ngày dự kiến. Ai bắt Nava phải lập luận trên cơ sở giả thiết là địch không thay đổi gì trong phương pháp và phương tiện của mình và ông Giáp sẽ không làm rối loạn kế hoạch của một sĩ quan cấp tướng tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp? Ai buộc ông ta phải chui đầu vào cái căn cứ phòng thủ ấy, nơi mà thậm chí hố xí trong lùm cây của binh lính cũng không bảo vệ nổi? Ai làm ông ta tưởng mình có thể ngăn các đại đoàn địch tràn sang Lào trong khi chỉ cần một đại đoàn duy nhất địch cũng đủ quét sạch những toán quân rải rác mà ông đã án ngữ trên đường đi Luông Prabăng.

Có thể hiểu vì sao Nava không tự nhận tội đã nhận định sai lầm. Những sai lầm ấy hiển nhiên đến nỗi ông không cần phải công khai hối lỗi. Không phải tin khai mạc Hội nghị Giơnevơ đã làm ông Giáp quyết định tấn công Điện Biên Phủ, mà chính là Lệnh tổng động viên của ông Giáp ngày 6-12-1953. Cũng thật quá dễ khi Nava cho rằng hậu quả của thảm bại tùy thuộc cách mà nước Pháp chịu đựng thảm bại ấy. Nava sẽ là người duy nhất cùng với Đại tá Béctây (Berteil), cố vấn của ông về chiến lược, tiếp tục mù quáng đến cùng. Không ai yêu cầu ông chấp nhận nguy cơ đến mức đó trong lúc, trong kế hoạch của mình, chính ông đã cam kết tránh những nguy cơ ấy. Không ai áp đặt cho ông nhiệm vụ bảo vệ Lào. Mọi người đã lưu ý ông về sự mong manh của lực lượng viễn chinh, trong đó binh lính có đến 17 quốc tịch khác nhau nên không thể đoàn kết thành một khối. Ông còn thuyết phục được ai rằng sẽ giáng cho Việt Minh một đòn rất nặng, trong khi cuộc hành quân Átlăng đã làm lãng phí lực lượng dự bị và Điện Biên Phủ đang sụp đổ trước cặp mắt kinh hoàng của phương Tây? Ai còn dám tin ở sự lạc quan của ông và gửi cho ông những phương tiện mà ông yêu cầu để mở rộng một cuộc chiến tranh mà ông đã không biết cách tiến hành?

Và tất cả mọi điều ấy, Nava không có ý thức, hay giả vờ không ý thức. Đối với Nava, tiểu đoàn nào cũng có giá trị như nhau. Ông đã chơi bằng những ý tưởng đúng. Nhưng những quân cờ sai. Dựa trên những nguyên tắc hợp lý, ông đã liên tiếp phạm sai lầm. Muốn một trận đánh để ngỏ, ông đã để người ta khép chặt vòng vây. Khước từ giao chiến với lực lượng cơ động chiến lược của địch, rốt cuộc ông lại khiêu khích nó và không hiểu rằng ông đã ném vào một ván cờ may rủi vận mệnh của toàn bộ cuộc chiến tranh; là người quen làm việc ở văn phòng và quen công tác tình báo, ông lại luôn luôn nghi ngờ những thông tin mà ông có được, đứng trước thảm bại, ông lại phủ nhận tầm quan trọng của nó và đổ nguyên nhân thất bại tại những lý do bên ngoài chứ không nhận là do lầm lẫn của ông; cuối cùng, không có năng lực dùng người, ông đã dùng sai những người ông có. Nhưng, ai đã chỉ định ông trong số tất cả các sĩ quan cấp tướng? Một Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và một Tổng thống nước Cộng hoà? Ai đã có bao giờ chối bỏ ông (tỏ ý bất tín nhiệm ông - N.D)? Một đại tá không quân, và cấp dưới trực tiếp của ông, con bò rừng Cônhi giận dữ dùng móng chân cào mãi cái đồng bằng của mình. Còn trong Chính phủ, không ai dám. Trong nội bộ lực lượng viễn chinh, không ai nói sự thật với ai. Nava đã xúc phạm Cônhi, Cônhi đã trả thù Nava, Đờ Cátxtơri đã nói dối các phóng viên, ông Đờ Giăng đã nói dối các bộ trưởng, các bộ trưởng nói dối Quốc hội và nói dối Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng! Máu đã chảy và nhân dân Pháp đã im lặng. Như vậy, ta sắp nghiền nát quân Anh, nếu chúng dám xuất hiện, người ta đề nghị gửi gà cho chúng ăn và ngựa để giúp chúng chiến đấu. Đến giờ của sự thật, xác chết của đội kỵ sĩ Pháp chất đống có chỗ cao đến 6 bộ2, đội kỵ sĩ ấy không nhận người ngoài giới quý tộc trong hàng ngũ của mình. Ít ra, lúc đó, quân đội Pháp còn có lý do giảm khinh: Vua của họ điên! Năm 1954, sau khi Grôuyn được thả về, Nava có hỏi chuyện ông và bỗng kêu lên với vẻ tức tối: "Như vậy là mọi người đều đã phản bội tôi!". Ngược lại, Cônhi khóc, Xalăng cũng khóc, chính ông đã sinh ra Điện Biên Phủ.
________________________________________________
1. Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Bùi Trân Phượng dịch, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 607-612.
2. Một bộ (pied) là 0,3248 m, tức hơn 30 cm (N.D).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM