Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:23:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16569 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #250 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 09:53:52 pm »


b. Việt Minh gặp rất nhiều khó khăn, nếu họ muốn đánh Điện Biên Phủ:

+ Tiếp tế xa:

"... Nếu khoảng cách xa bất lợi đối với chúng ta về mặt không quân thì về mặt hậu cần mà nói tất nhiên nó cũng sẽ bất lợi cho Việt Minh. Điện Biên Phủ cách đồng bằng 200 km và cách biên giới Trung Quốc hơn 300 km. Đường nối liền đến biên giới này thì không có hoặc trước kia đã bị phá hoại. Vì vậy, muốn tấn công Điện Biên Phủ, quân đoàn tác chiến của Việt Minh chỉ có thể được tiếp tế bằng những đoàn dân công. Do đó chúng chỉ có thể phát huy uy lực một cách hạn chế...".

Còn trong bản nghiên cứu của Phòng Nhì, Bộ Tổng chỉ huy Pháp về tình hình hiện nay của Việt Minh, kết luận về đường lối chiến tranh của tướng Xalăng gửi Bộ trưởng Bộ các nước liên hiệp có ghi rõ (Giuyn Roa, trong sách đã dẫn, tr.378):

"... Một dân công mang được tối đa là 22 kg, mỗi ngày đi được 20 km và ăn hết 1 kg. Vì họ phải vừa đi, vừa về, người ta có thể dự tính rằng, người dân công đó phải ăn 2 kg trong 20 kg. Muốn đi 180 km thì ăn hết 18 kg. Do đó, số gạo mang để tiếp tế thực tế chỉ còn có 4 kg".

+ Việt Minh không có pháo nặng và có pháo cũng không kéo lên được, khi bắn sẽ lộ mục tiêu và sẽ bị khoá mõm ngay.

Trong sách đã dẫn, tr. 195, 214, Nava viết:

"... Trong một tài liệu nghiên cứu viết vào tháng 5-1953 về những chiến dịch ở vùng thượng du, tướng Xalăng đã nói rằng: Việt Minh không thể nào sử dụng nhiều vũ khí nặng ở đó được, vì gặp phải những khó khăn về vận chuyển...

... Kết quả rất lạc quan. Tất cả các nhà pháo binh1 đều cho ý kiến rõ rằng: vì điều kiện địa hình nên pháo binh và pháo cao xạ địch không thể nào chiếm lĩnh được trận địa và nhất là không thể nào phát hoả mà không bị pháo binh và không quân ta phản kích lại một cách có hiệu quả...".

Phần kết luận của bản báo cáo về pháo binh viết:

"... Rất khó tin được rằng, địch có thể bắn vào trận địa ta giữa ban ngày và khi thời tiết tốt. Chúng sẽ bị pháo binh và không quân ta đánh trả lại ngay lập tức"...

Phần kết luận về cao xạ pháo, viết2:

"... Địch sẽ gặp rất nhiều khó khăn lớn để đưa các khẩu 37 ly vào tầm bắn các khu vực cất cánh và thả dù của ta... Dù cho không phải như thế đi nữa thì phản pháo và một vài biện pháp phòng ngự thụ động (chọn khu thả dù, thu vòng bay hẹp lại) có thể bảo đảm tiếp tế cho quân ta mà không bị mất mát nhiều quá... ít nhất việc tiếp tế ban đêm còn có thể làm được... Rất có thể là việc tiếp tế bằng máy bay cũng có thể luôn luôn được bảo đảm...".

+ Trình độ Việt Minh không thể đánh tập đoàn cứ điểm:

Trong cuốn Đông Dương 1946-1962 (Indochine 1946-1982), Nxb. Rôbe Laphông (Robert Laffont), Pari, 1962, tr. 388. Bécna Phôn (Bernard Fall) viết:

"... Người Pháp và cố vấn Mỹ không những đã đánh giá thấp địch về mặt kỹ thuật pháo mà còn phạm sai lầm quan trọng khác trong việc coi thường kỹ thuật công đồn của địch nữa...”.

Để "bẻ gãy bọn Việt" (Casser du Viet), trong bài Thế cân bằng lực lượng đã rõ ràng có lợi cho Việt Minh, đăng trên báo Thế giới, ngày 11-5-1954, Mác Clô (Max Clos) viết:

"... Kế hoạch của Nava làm cho Điện Biên Phủ trở thành một cái "máy nghiền" quân đoàn tác chiến của Việt Minh".

Về giá trị chiến lược của vị trí Điện Biên Phủ, trong sách đã dẫn, tr. 188-194, Hăngri Nava viết:

"... Vậy thì bố trí tập đoàn cứ điểm ấy ở đâu?

Lai Châu, thủ phủ của xứ Thái và là căn cứ lục - không quân duy nhất của chúng ta ở vùng thượng du lại cách quá xa con đường tiến quân của địch, mà ta cần ngăn chặn. Hơn nữa, đứng trước một sự uy hiếp nặng trên, trận địa đó sẽ không bảo vệ được. Sân bay nằm giữa tập đoàn cứ điểm đã được thiết lập quanh nó bị kẹt giữa một hẻm núi chật hẹp. Máy bay tiếp cận sân bay đó, ngay cả khi thời tiết tốt, phải lượn nhiều vòng mới xuống được. Nhưng ở đấy, thời tiết thường xuyên xấu.

Một vị trí duy nhất ở đó có thể thiết lập được một căn cứ lục - không quân có giá trị, đó là Điện Biên Phủ, cách Lai Châu về phía nam 90 km.

Giá trị chiến lược của vị trí Điện Biên Phủ được biết từ lâu. Ngày xưa, những cuộc xâm lăng từ phía bắc đều xuất phát từ đó để tràn xuống vùng thượng Mê Công. Trước đây, chúng ta thường xuyên có một trại lính ở đó và năm ngoái mới bị mất trước sức ép của Việt Minh.

Trước khi về nước, tướng Xalăng đã có ý kiến nên đánh chiếm lại nơi này. Trong một tài liệu nghiên cứu ngày 21-5-1953, dành cho vấn đề phòng thủ Thượng Lào, ông viết: "Hiện nay cần phải bổ sung bố trí bằng cách, thiết lập một trung tâm đề kháng mới ở Điện Biên Phủ. Đầu tháng giêng năm 1953, tôi đã quy định việc chiếm lại địa phương đó. Vì bấy giờ, tôi cho rằng, việc đánh chiếm Điện Biên Phủ là cần thiết cho sự an toàn của Luông Prabăng. Những sự kiện tháng 4, tháng 5 chứng tỏ sự cấp bách của chiến dịch đó - một chiến dịch mà vừa qua chỉ vì thiếu phương tiện vận tải hàng không nên đã thực hiện được trước cuộc tấn công cuối cùng của Việt Minh.

Các nhà cầm quyền nước Lào rất am hiểu đất nước mình cho rằng, chừng nào còn chưa chiếm lại được Điện Biên Phủ thì đường về Luông Prabăng vẫn bị hở vì giữa Điện Biên Phủ và Thủ đô Lào không có một vị trí nào khả dĩ tổ chức phòng thủ được.

Sau hết, chúng tôi được biết rằng, về phía Việt Minh, họ cũng coi Điện Biên Phủ có một vị trí chủ yếu. Trong trận chiến đấu, trong cuộc phỏng vấn của một nhà báo cộng sản, tướng Giáp đã nói như sau: "Đánh chiếm Điện Biên Phủ, địch không những nhằm mục tiêu trước mắt là thành lập một căn cứ tấn công chống vùng Tây Bắc Việt Nam mà còn nhằm mục tiêu xa hơn và mục tiêu đó Bộ Tham mưu Mỹ đặc biệt quan tâm - là xây dựng nơi đó thành một trong những căn cứ không quân quan trọng nhất của toàn bộ vùng Đông Nam châu Á". Và ông ta chỉ cho phóng viên đó vị trí của Điện Biên Phủ ở trung tâm một vòng tròn tiếp giáp vùng Hoa Nam Trung Quốc, Miến Điện và Thái Lan.

Thật vậy, tầm quan trọng của Điện Biên Phủ là không chối cãi được đối với cuộc chiến tranh mà chúng ta đang tiến hành cũng như trong trường hợp cuộc xung đột mở rộng...".

Tôi đã quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Tây Bắc. Căn cứ lục quân, không quân Điện Biên Phủ phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào".

Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ, Nxb. Giuylia (JuLliard), Pari, 1963, tr. 422-423, Giuyn Roa đã trích dẫn chỉ thị của Nava như sau:

"... Chỉ thị về việc chỉ đạo chiến dịch ở vùng Tây Bắc Bắc Bộ:

1. Thắng lợi của Chiến dịch "Cátxto" cho phép ta hoàn thành việc chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng ở đấy một căn cứ lục - không quân mà tầm quan trọng đã nêu rõ ở các Chỉ thị số 856/03/TS ngày 2-11 và số 886/03/TS ngày 14-11. Theo nguồn tin có giá trị, thì Bộ Tư lệnh tối cao Việt Minh hy vọng chiếm lại xứ Thái và đang chuẩn bị đưa vào Tây Bắc những lực lượng quan trọng.

Ngay bây giờ, một sư đoàn đã sẵn sàng để tấn công Lai Châu, Điện Biên Phủ.

Khoảng cuối tháng Chạp, "đơn vị lớn" đó có thể được tăng cường thêm nhiều đơn vị của quân chủ lực Việt Minh".
________________________________________________________
1. Ý kiến của Tư lệnh pháo binh tập đoàn cứ điểm, Tư lệnh pháo binh Bắc Bộ, Tư lệnh pháo binh Đông Dương và cả của tướng Cônhi bản thân cũng là một tướng pháo binh (Nava, Sđd, tr.214).
2. Khi nghiên cứu về cao xạ pháo, có các sĩ quan Mỹ cùng tham gia ý kiến. Họ là những chuyên viên về cao xạ pháo và đã có kinh nghiệm về pháo 37 ly của Nga sử dụng ở Triều Tiên (Nava, Sđd, tr. 214).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #251 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 09:55:12 pm »


H. Nava quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Tây Bắc trong những điều kiện chung như sau:

"1. Chiến đấu bảo vệ Tây Bắc sẽ xoay quanh căn cứ lục - không quân Điện Biên Phủ mà phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào.

2. Việc chiếm đóng Lai Châu sẽ duy trì đến mức độ mà phương tiện hiện có có thể bảo đảm phòng ngự được mà không bị tổn thất. Trong tình huống bị uy hiếp nặng thì các đơn vị của lực lượng lục quân Viễn Đông (FTEO) đóng ở khu tác chiến Tây Bắc (gồm Tabo, đơn vị Phi châu, tham mưu Khu Tây Bắc) sẽ rút về Điện Biên Phủ bằng đường bộ, hoặc đường hàng không và việc bảo vệ xứ Thái trắng sẽ giao cho những đơn vị hỗ trợ, cho Tiểu đoàn Việt Nam 301 (301è BVN) và cho đơn vị Thái trắng hoạt động dưới hình thức thổ phỉ.
Quyết định rút lui những đơn vị kể trên khỏi Lai Châu sẽ do tướng chỉ huy lực lượng lục quân Bắc Bộ ra lệnh.

3. Liên lạc đường bộ giữa Điện Biên Phủ với Lai Châu đến khi quân ta rút lui và tới Lào, Mường Khoa sẽ duy trì đến mức tối đa...".


Chiến trường Tây Bắc gặp nhiều khó khăn về hậu cần nên cuộc chiến đấu có thể diễn biến như sau:

- Một giai đoạn vận chuyển gồm có sự vận động của những đơn vị Việt Minh và sự chuẩn bị chuyển vận hậu cần của họ lên Tây Bắc, thời gian vận chuyển có thể là nhiều tuần.

- Một giai đoạn tiếp cận và trinh sát trong đó những phân đội trinh sát sẽ cố gắng xác định điểm mạnh và yếu của hệ thống phòng ngự của ta và các đơn vị chiến đấu sẽ tiến hành bố trí lực lượng. Giai đoạn này khoảng từ sáu đến mười ngày.

- Một giai đoạn tấn công kéo dài trong nhiều ngày (tuỳ theo lực lượng sử dụng) và nó sẽ kết thúc bằng sự thất bại của cuộc tấn công của Việt Minh.
Đại tướng Nava


Cái bẫy Điện Biên Phủ

Trong cuốn Điện Biên Phủ, thành trì vinh quang (Dien Bien Phu, Citadelle de la gloire) (!), Nxb. Nouv., Presses Mondiales, Coll. Documents du Monde, 1954, Luyxiêng Boócne (Lucien Bornert) viết:

"Từ ngày bắt đầu cuộc chiến tranh với Việt Minh, chưa bao giờ, đúng là chưa hề bao giờ, các lực lượng của ta lại vấp phải một lực lượng địch tập trung đông đảo với tầm quan trọng như ở Điện Biên Phủ. Từ trước tới nay, vẫn luôn luôn là một kiểu chiến tranh mòn mỏi của du kích, một kiểu chiến tranh du kích liên tục phá hoại lực lượng và tinh thần của quân đội chính quy, bất chấp năng lực và sức mạnh chiến đấu của quân đội chính quy đó như thế nào. Đó là một chuỗi liên tiếp những hoạt động tập kích vào các đồn lẻ và phục kích những đơn vị đang hành quân của chúng ta. Đó là những cái gai, những cái kim đâm vào chúng ta, và khi chúng ta quay lại, nắm chặt quả đấm sẵn sàng chọi nhau với địch thì lại chẳng thấy một tên địch nào nữa. Ít có đội quân nào chịu đựng được cái kiểu chiến tranh đó. Một bên là một đội quân chính quy, một bên là đám lính du kích, những du kích trang bị kém cỏi nhưng vô hình, tài biến hoá, vừa là kẻ thù của chúng ta, song ngay sau đó đã trở thành người nông dân hiền lành khom lưng trên lưỡi cày. Không gian thuộc về họ, địa hình thuộc về họ, khí hậu gay gắt cũng thuộc về họ.

Tuy nhiên, theo thời gian, các lực lượng quân sự của Việt Minh đã tập hợp lại và người ta biết chắc rằng nhiều sư đoàn chủ lực của Việt Minh đã được tổ chức và ngày một ngày hai những sư đoàn này sẽ tham chiến.

Với tất cả những nguyên nhân chiến lược kể trên, cần phải thêm một ý định rất chính đáng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp là muốn giăng một cái bẫy nhử địch vào tròng. Cái bẫy đó phải được chuẩn bị chu đáo tới mức quân Việt Minh nhảy vào là sẽ bị đánh gãy răng; sẽ gặp một sự kháng cự không lường được, một hoả lực mạnh và một nghị lực chiến đấu không lường trước được.

Cái bẫy đó là Điện Biên Phủ...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #252 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 09:56:10 pm »


II- CÔNHI VÀ BỘ THAM MƯU BẮC BỘ PHẢN ĐỐI CHIẾN DỊCH "CÁTXTO"

Trong sách đã dẫn, tr.401-402, Giuyn Roa cho biết: tướng Cônhi, chỉ huy Bắc Bộ đã xui Tham mưu trưởng lục quân Bắc Bộ Đại tá Baxtiani (Bastiani) phản đối Chiến dịch "Cátxto", tức là chiến dịch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ngày 4-11-1953. Đại tá Baxtiani gửi Tổng Chỉ huy một tờ trình, nguyên văn như sau:

"1. Tôi không tin rằng, việc chiếm đóng Điện Biên Phủ có thể cứu vãn được Lai Châu, nếu Việt Minh thực sự muốn thanh toán khu tác chiến Tây Bắc.

2. Bộ Tham mưu lục quân Bắc Bộ cho rằng, việc rút Lai Châu có nhiều khó khăn, cũng như rút lui các chỗ khác. Tôi cho rằng, việc chiếm đóng Điện Biên Phủ chỉ là biện pháp chuẩn bị để bảo vệ nước Lào mà hiện nay chưa có gì bị uy hiếp cả.

Có lẽ theo Bộ Tham mưu Bắc Bộ thì chiếm đóng Điện Biên Phủ là để ngăn chặn Việt Minh tiến sang Luông Prabăng và làm cho Việt Minh không lấy được gạo ở vùng này.

Nhưng, ở xứ này người ta không ngăn chặn địch trên một hướng. Đó là một khái niệm ở châu Âu mà ở đây không có giá trị gì. Việt Minh đi đâu cũng được. Người ta đã thấy rất rõ điều này ở đồng bằng: gạo thừa ở Điện Biên Phủ chỉ đủ nuôi một sư đoàn trong ba tháng. Vì thế, nó chỉ tiếp tế được phần nào cho một chiến dịch ở Lào.

3. Tôi tin rằng, dù muốn hay không, Điện Biên Phủ cũng sẽ trở thành một "vực thẳm nuốt các tiểu đoàn" (gouffre à bataillons) không thể phát triển rộng ra được. Việt Minh chỉ cần một trung đoàn để bao vây nó (ví dụ: Nà Sản).

Trong lúc đồng bằng ngày càng bị uy hiếp rõ rệt, người ta lại chôn một lực lượng tương đương với ba binh đoàn cơ động cách xa Hà Nội 300 km, nghĩa là toàn bộ lực lượng mới được tiếp viện mà đáng lẽ với lực lượng ấy, chúng ta có thể giáng cho Việt Minh những đòn cần thiết. Đó là cách bảo vệ nước Lào tốt nhất...".

Thế nhưng, trong sách đã dẫn, tr. 200, Nava lại cho biết, trước đây chính Cônhi rất muốn chiếm đóng Điện Biên Phủ:

"Cuối tháng 6, tướng Cônhi có viết cho tôi: "... Vì vậy, khi ngài lên nhậm chức chỉ huy, tôi đã đề nghị với ngài rằng, nên rút khỏi Nà Sản. Đồng thời, tôi cũng đã chỉ rõ cho ngài thấy rằng, theo tôi, thiết lập một căn cứ lục - không quân ở Điện Biên Phủ sẽ tốt hơn là để ở Nà Sản. Vì lý do tiến triển của tình hình xứ Thái và sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, tôi thấy cần phải trở lại đề nghị của tôi ngày hôm nay với một hình thức đầy đủ hơn...". Và dưới đó, tướng Cônhi nhận định Điện Biên Phủ là “cái chìa khoá của Thượng Lào"...

... Sau đó, tướng Cônhi lại đề nghị "một chiến dịch được tiến hành ở Điện Biên Phủ sẽ đánh dấu một cách quyết định việc chúng ta giành lại quyền chủ động ở Bắc Bộ…".

Trong sách đã dẫn, tr.407, Giuyn Roa lại cho biết, ngày 12-11 (trước khi Nava ra lệnh nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ) Cônhi, chỉ huy Bắc Bộ, gửi một thư riêng cho Nava trong đó có đoạn viết:

"... Nếu không có bản đồ chính trị ở xứ Thái với những phản ứng bất lợi cho việc nắm bọn bù nhìn nói chung thì tôi, chỉ huy Bắc Bộ, tôi phản đối chiến dịch trên. Nhưng ý định chiến lược ở cấp ngài không quan hệ gì đến miếng đất mà ngài đã giao phó cho tôi...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #253 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 10:04:29 pm »


 
MỘT TRĂM MƯỜI HAI NGÀY TRƯỚC TRẬN ĐÁNH LỚN1

PIERRE SERGEANT

... Tháng 11-1953, sau những trận đánh ở miền trung Trung Kỳ, Tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er BEP) được về nghỉ ngơi ở sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Những đồng tiền tích luỹ sau những tháng hành quân chiến đấu nhanh chóng được trút vào những cuộc đỏ đen, nhậu nhẹt và hộp đêm. Tuy nhiên, đằng sau tấm màn thư giãn và khoái lạc, mọi người vẫn cảm thấy từ phía Ban Chỉ huy có cái gì đó đang ngấm ngầm chuẩn bị.

Một hôm, các sĩ quan được lệnh tới họp ở phòng hành quân đổ bộ đường không. Tại đây, sau khi những cánh cửa đã đóng chặt, mọi người mới được thông báo tuyệt mật là sắp làm nhiệm vụ chiếm đóng Điện Biên Phủ. Các sĩ quan cúi đầu trên bàn cát, nhìn thấy mục tiêu là một cái bản ở giữa thung lũng lòng chảo dài khoảng 20 km, rộng từ 7 đến 8 km, có dòng sông Nậm Rốm chảy xuyên qua từ phía nam lên phía bắc. Cấp trên giải thích, quân Việt sắp tiến đánh Lào, Điện Biên Phủ nằm trên đường thâm nhập của Việt Minh, đồng thời cũng là nơi dự trữ lúa gạo quan trọng.

Ngày "N" được dự định vào ngày 20-11-1953, đúng một năm kể từ khi Tiểu đoàn dù lê dương (BEP) được lệnh nhảy dù xuống Nà Sản2. Nay kế hoạch Caxtor được tiến hành. Lịch sử cũng lặp lại. Cũng như năm trước, cuộc tiến quân của những sư đoàn Việt Minh nhanh như sét đánh. Cũng như năm trước, các đồn nhỏ của Pháp nằm rải rác tại vùng thượng du lại đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Bây giờ lại phải tìm cách chặt đứt đường tiến quân của Việt Minh sang Lào, di tản cấp tốc những vị trí bi đe dọa, co cụm các doanh trại và tập trung đám dân theo Pháp. Lịch sử lại bắt đầu trở lại, song các nhân vật đã khác trước. Ít nhất cũng là đã thay đổi các diễn viên, và chỉ thay đổi các diễn viên Pháp mà thôi. Một vị tướng mới toanh không ai biết, không ai trên chiến trường này được gặp từ trước, đã được đặt vào chiếc ghế bành mà trước đó Đờ Lát và Xalăng đã ngồi. Đối với các chiến sĩ đang mong chờ một vị tướng vĩ đại, một vị tổng chỉ huy rất vĩ đại, thì vị tướng này chỉ có một cái đức và một cái tên đáng chú ý. Đó là Đại tướng Nava. Mọi người ở Pháp, không ai được may mắn mang dòng họ này. Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ cũng thay đổi. Tướng G. Đờ Linarét, viên tướng đánh thuê gọi theo kiểu La Mã, được thay bằng Cônhi, một quân nhân ít rõ nét hơn. Cônhi là một người lính thực thụ, to lớn, đẹp trai, quen biết3 nhưng vẫn là một chỉ huy thiếu sự tín nhiệm hoàn toàn của cấp dưới.

Ngày 20-11-1953, đợt nhảy dù đầu tiên ập xuống Điên Biên Phủ, lúc này chưa có Tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er BEP) mà chỉ có Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6éBPC) do Bigia chỉ huy và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn dù tiêm kích số 1 (2/1 RCP) do Brêsinhắc chỉ huy. Ngày hôm sau, ngày 21-11, mới đến lượt 1er BEP nhảy vào lúc 8 giờ sáng cùng với Lănggle chỉ huy binh đoàn đổ bộ đường không số 2 (GAP2) có nhiệm vụ chiếm một quả đồi ở tây - bắc lòng chảo. Sau quả đồi này được đặt tên là An Mari, tức là cứ điểm đầu tiên trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được gọi theo thứ tự A.B.C.

Đơn vị BEP có nhiệm vụ bảo vệ mặt bắc của lòng chảo. Kế hoạch phòng ngự lập tức được đề ra, gồm kế hoạch hỏa lực, bố trí các vị trí chiến đấu, kể cả hố cá nhân, phát quang địa hình chung quanh để phát huy hoả lực. Lính dù lê dương cởi trần, người đẫm mồ hôi náu mình trong đất. Mọi người nhận thức rõ, nếu không chịu khó đào hầm trú ẩn thì sẽ phải trả bằng giá đắt. Vừa mới tạm hoàn chỉnh xây dựng công sự đã phải nhận tiếp nhiệm vụ khôi phục sân bay. Bộ Chỉ huy đã tính trước đến việc cung cấp các phương tiện hiện đại để đẩy nhanh công việc. Nhưng một lần, lưỡi xẻng xúc đất do máy bay thả dù quá xa đã rơi lạc vào nơi nào đó trong rừng. Còn bản thân xe ủi thì bị xoắn dù rơi xuống đất, bị hư hỏng. Đành phải dùng cuốc, xẻng và xe cải tiến thô sơ, vừa xắn tay áo lên làm việc, vừa nguyền rủa tụi ngu dốt ở phía sau.

Tướng Gin là Chỉ huy trưởng toàn bộ cuộc hành quân chiếm đóng ngày nào cũng hỏi công trình khôi phục sân bay đã làm đến đâu rồi. Do đã từng chỉ huy Nà Sản nên ông biết rõ tầm quan trọng của sân bay dã chiến. Là lính dù kỳ cựu, ông không bao giờ thiếu năng nổ, khi được lệnh nhảy dù ngay trên đầu địch hoặc ở phía sau lưng địch; ông không ngần ngại khi nhảy dù xuống Điện Biên. Nhảy dù là nghề của ông. Còn ở lại đây, đóng tại đây lại là vấn đề khác.

Công việc tiến triển tốt đẹp. Một máy bay liên lạc đã hạ cánh được xuống sân bay. Rồi chiếc thứ hai. Một máy bay vận tải Đakôta không chở người cũng liều hạ cánh và đã đáp xuống sân bay an toàn, cầu hàng không đã được thiết lập, liên tiếp chở người và dụng cụ tới. Vấn đề bây giờ là "làm cho Điện Biên được thông thoát" bao gồm các nhiệm vụ trinh sát, sục sạo, đẩy lùi du kích.

Ngày 4-12-1953, lính dù xung kích của Brêsinhắc bị chặn đánh kịch liệt cách Điện Biên 5km. Ba hôm sau, BEP phải nổ súng để giải toả một khu vực cách đường băng 3 km về phía bắc. Cao điểm này được đặt tên là "Quả ngư lôi" do hình dáng quả đồi, sau đó mới lấy tên là Gabrien (theo thứ tự A,B,C của trình tự xây dựng cứ điểm). Đúng ngày hôm đó, "bố Gin" do đau yếu, mệt mỏi rời khỏi tập đoàn cứ điểm, để lại một phần lính dù của mình cho Đại tá kỵ binh Đờ Cátxtơri. Binh đoàn đổ bộ đường không số 1 (GAP1) cùng đi theo tướng Gin. GAP 2 do Lănggle chỉ huy vẫn ở lại. Binh đoàn này gồm ba tiểu đoàn. Tiểu đoàn dù xung kích số 8 (8è Bataillon de parachutistes de choc), Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è Bataillon de parachutistes Vietnamiens) và Tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er Bataillon étranger de parachutistes).
__________________________________________________
1. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 1-1994, tr 85 - 87.
2. Tháng 8-1953, Nava đã hạ lệnh rút bỏ tập đoàn cứ điểm này.
3. Cônhi vốn là Tư lệnh chiến trường đồng bằng sông Hồng được đề bạt làm Tư lệnh chiến trường Bắc Bộ thay Đờ Linarét hết nhiệm kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #254 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2022, 10:05:15 pm »


Ngày 9-12, bắt đầu cuộc rút quân gồm 2.100 lính Thái và 36 binh sĩ Âu từ Lai Châu về Điện Biên. Lính dù được lệnh tiến thẳng theo hướng bắc trên đường cái từ Điện Biên đi Lai Châu đến Mường Pồn để đón đoàn quân di tản. Đoạn đường chỉ dài 27 km. Nhưng, vừa ra khỏi lòng chảo đoàn quân dù đã bị Việt Minh chặn đánh từng khúc. Lính dù phải bỏ đường cái, đi theo đường núi song song với đường cái đầy cỏ gianh. Nóng kinh khủng, vừa đi, vừa vất vả dùng dao mở đường. Cuộc hành quân này kéo dài suốt hai ngày 11 và 12, đến sáng 13. Binh đoàn GAP của Lănggle biết tin Mường Pồn đang bị đánh vì đồn binh này liên tục gọi điện cầu cứu. Đã nghe tiếng súng nổ. Lính dù cố vượt nhanh 4 km đường còn lại.

Đột nhiên tiếng súng đang nổ dữ dội bỗng giảm dần rồi ngừng bặt. Lúc đó là giữa trưa ngày 13-12. Một máy bay "cào cào" bay tới báo tin cứ điểm Mường Pồn đã thất thủ. Mãi hai giờ sau, đơn vị đi đầu của binh đoàn dù mới tới được Mường Pồn thì nơi này chỉ còn lại một đống xác chết và tro than.

Binh đoàn phải quay về. Đêm hôm đó tương đối yên tĩnh. Trưa hôm sau, chạm trán Việt Minh đang tìm cách chặn đường rút. Trời xấu làm cho máy bay thám thính và khu trục không hoạt động được. Quân dù chỉ có thể dựa vào pháo yểm trợ bắn từ xa và không có hiệu quả. Xế chiều, trời hửng nắng. Máy bay kéo tới nhưng bị ngay súng phòng không bắn trả. Hai máy bay "cào cào" và một máy bay khu trục bị trúng đạn. Thật bất ngờ. Việt Minh có cao xạ ư? Đó là điều không ai nghĩ tới. Quân Việt chiếm được đỉnh đèo. Đại đội Brăngđông bị cắt khỏi đội hình tiểu đoàn, khi Brăngđông tập hợp được toàn đại đội thì đã có khoảng bốn chục lính bị chết, bị thương và mất tích. Cho tới nửa đêm, Lănggle mới dẫn được binh đoàn dù về tới Điện Biên. Kiểm điểm lại quân số, rõ ràng là một thất bại: 28 chết và mất tích, 28 bị thương, 1 trọng liên, 12 tiểu liên, 1 điện đài bị mất. Thất bại lớn nhất là binh đoàn dù đi đón đã không ứng cứu được cho các tiểu đoàn lính Thái. Số quân rút từ Lai Châu gồm 2.136 binh sĩ chỉ có 185 người về được Điện Biên. Rõ ràng, Điện Biên không giữ được vai trò "bàn đạp xuất phát tiến công". Mọi người tự hỏi: "Phải chăng Điện Biên đã mất vai trò chủ yếu này?".

Ngày 21-12-1953, Lănggle lại dẫn binh đoàn dù đi khá xa khỏi tập đoàn cứ điểm. Chuyến đi này là một cuộc hành quân gỡ thể diện, nhằm chứng minh quân Pháp không bị vây hãm trong thung lũng mà bất cứ lúc nào cũng có thể ứng cứu cho quân Lào nếu muốn. Ngày 23-12-1953, Lănggle đã gặp Vôđrây từ phía Lào tiến đến rồi hai người lại vội vã quay về căn cứ ngay, đề phòng bị quân Việt chặn đánh. Cuộc hành quân này đã thành công vì không gặp quân Việt.

Những cuộc hành quân xa, làm cho lính trong tập đoàn cứ điểm không có thời gian củng cố công sự. Ngày 12-1-1954, binh đoàn dù lại xuất quân một lần nữa. Lần này, chỉ hành quân từ trung tâm đến căn cứ Idaben1 cách sở Chỉ huy 5 km về phía nam rồi lại đi tiếp 3 km tới một bản phía tây - nam. Đúng lúc trung đội đi đầu tiên vào một khu vực cây cối rậm rạp địa hình phức tạp, lính đang ùn lại vì khó tiến lên thì quân Việt nổ súng. Đại đội 2 bị đạn súng cối và súng máy bắn như thác lũ. Đại đội trưởng Brăngđông bị thương, Trung uý Lơcốc lên thay nhưng lúc này binh lính chỉ biết tìm cách ẩn nấp sau những tảng đá hoặc dưới hố để tránh đạn. Đại đội 3 do Trung uý Máctanh được lệnh xông lên ứng cứu. Mãi tới 17 giờ, binh đoàn dù mới thoát khỏi trận địa phục kích. Đêm tối đen như mực, không dễ gì chống trả. Có thêm một số bị thương, trong đó có Trung uý Luyxiani, Tiểu đoàn phó. Gần đến vị trí, lại bị phục kích một lần nữa. Mãi tới rạng sáng mới về tới căn cứ. Mọi người mệt nhừ. Tổng cộng có 5 người chết, trong đó có 1 sĩ quan; 33 người bị thương, trong đó có 5 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan.

Tháng 2-1954, đơn vị BEP càng bị thiệt hại vì những trận đụng độ ngày càng dữ dội. Rõ ràng quân Việt đã hạ quyết tâm chiến đấu. Giữa trưa ngày 31-1, Việt Minh dám đàng hoàng nổ pháo 75 ly, bắn vào ba cao điểm và cả sân bay, phá hỏng một máy bay. Ngày 2-2-1954, đơn vị BEP đi sục sạo, lần đầu tiên vấp phải một vị trí Việt Minh với các công trình phòng ngự rất bài bản. Từ ngày 6-2, binh đoàn dù được lệnh đi tìm diệt các vị trí pháo của Việt Minh mà pháo của Đại tá Pirốt không làm câm họng được. Ngày 14-2, trận tiến công lên điểm cao 674 ở rìa thung lũng mạn tây - bắc đã phát hiện được hầm pháo và giao thông hào của địch được xây dựng vững chắc chống lại được đạn pháo của Pháp. Những cuộc sục sạo từ ngày 17-2 trở đi, chứng minh các cao điểm vây quanh Điện Biên đều bị Việt Minh chiếm lĩnh.

Ngày 5-3, BEP lại tiến đánh điểm cao 781 thọc sâu như một mũi kiếm cách sân bay 5km, đã làm cho phía Pháp có tới hàng trăm người thương vong. Cuộc tiến quân rất vất vả. Quân Việt chống trả ác liệt. Lính dù không chiếm được cao điểm 781, mà còn bị thiệt hại nặng. Trận tiến đánh mỏm 555 ngày 11-3 cũng là một thất bại hoàn toàn, không phá huỷ được các công sự của Việt Minh, phải quay về lúc 17 giờ với nhiều người chết và bị thương. Ngay tối hôm đó, pháo 75 ly của Việt Minh đặt ở mỏm 781 bắn liên tục suốt 40 phút vào Điện Biên mà pháo của Pirốt không tài nào bắn trả có hiệu quả. Một máy bay vận tải C119 bị phá hủy ngay trên đường băng, làm cho lính Điện Biên mất tinh thần vì họ biết chỉ có một con đường ra là “đường trời".

Ngày 12-3-1954, tướng Cônhi từ Hà Nội điện cho Đại tá Đờ Cátxtơri: "Ngày mai, 15 giờ".

Nếu có vài kẻ nào đó vỗ tay tỏ vẻ đón chờ trận đánh, thì lính dù của Tiểu đoàn dù lê dương số 1 (1er BEP) không ai hưởng ứng. Đối với bọn lính dù lê dương chúng tôi, trận đánh ở Điện Biên đã diễn ra từ 112 ngày rồi. Đã đủ để đánh giá tướng Giáp và bộ đội của ông rồi. Ngược lại, không ai còn tin tưởng vào Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp, vì mọi phán đoán của các vị trong Bộ Chỉ huy tối cao đều chứng tỏ là đoán sai. Đối với Đờ Cátxtơri là chỉ huy trực tiếp, cũng không có ảnh hưởng gì với binh lính ở Điện Biên Phủ cả. Thôi được, ngày mai, 17 giờ, lính lòng chảo Điện Biên sẽ chiến đấu vì đó là nghề của họ. Cũng chẳng cần phải đòi hỏi gì thêm ở những người lính này.
_______________________________________________________
1. Tức Hang Cúm (thường gọi là Hồng Cúm).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #255 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2022, 10:40:34 pm »


CUỘC CHIẾN Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ1
 

Đêm trước cuộc công kích

Trong cuốn 20 năm xâu xé nước Pháp (Vingt ans qui déchirèrent la France). Tome 2. La liquidation. Indochine, Maroc, Tunisie, Suez, Algérie - Nxb. Robert Laffont, Paris, 1972. Chương II, phần I, tr.55-56, Claude Paillat (Clôđơ Paia) viết:

"Ban đầu, nghĩa là vào tháng 11-1953, vấn đề chỉ là thiết lập một căn cứ cho các cuộc tác chiến cơ động, nhưng theo với việc các sư đoàn đến xung quanh lòng chảo, Nava đã quyết định nghênh chiến. Số tiểu đoàn tăng lên cũng như số pháo; những vũ khí chuyên môn đã được bố trí: súng phun lửa, ống bộc phá, mìn, napan, phương tiện chống đạn khói. Bộ đội đóng giữ chín ngày lương thực, tám ngày étxăng, sáu cơ số đạn cho tiểu đoàn bộ binh, trên một ít cho pháo 105, bảy cơ số cho khẩu đội 155 ly, gần tám cơ số cho cối 120 ly.

Sự bố trí của tập đoàn cứ điểm có một vị trí trung tâm xung quanh sân bay do năm điểm tựa hình thành: Clôđin, Huyghét, An Mari, Đôminích, Êlian. Bảy tiểu đoàn, một cụm pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly chiếm lĩnh những điểm tựa ấy. Ở phía bắc, hai trung tâm khác: Gabrien và Bêatơrixơ, mỗi cái do một tiểu đoàn chiếm lĩnh. Sau hết, yểm trợ cho vị trí trung tâm, về phía nam là Idaben với ba tiểu đoàn và một cụm pháo 105 ly. Mạng lưới dây kẽm gai rộng từ 50 đến 75 m và khắp nơi đều có ít nhiều. Nhiều phương tiện thông tin. Bộ Chỉ huy cam đoan đã nghiên cứu mọi khả năng pháo kích và đại tá Đờ Cátxtơri có một khối lượng cơ động gồm ba tiểu đoàn dù, mấy xe thiết giáp chi viện.

Nếu Đờ Cátxtơri đảm đương việc chỉ huy tập đoàn cứ điểm thì tướng Cônhi ở Hà Nội chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc có trong tay mình, phi đoàn chiến thuật miền Bắc dưới quyền chỉ huy của tướng Đêsô là người hành động rất tự tiện. Lúc này, quan hệ giữa các vị tư lệnh và Nava rất lịch sự, thậm chí tốt nữa. Người ta gắn huy chương cho nhau, người ta ca tụng nhau. Còn Cônhi thì khó biết được ông ta nghĩ gì. Một hiện tượng khôn ngoan gồm những công văn tán thành và những báo cáo bi quan có thể làm người ta tin rằng cá nhân ông ta đã đề phòng mọi khả năng: thắng lợi cũng như thất bại. Có lẽ, theo bản năng, là người biết rõ Việt Minh hơn Nava, ông ta đã nghi ngờ Giáp và các mánh lới của Giáp. Không một giây nào, ít ra là về mặt chính thức, ông ta là một pháo thủ, hoài nghi khả năng của pháo binh ta trong việc đóng vai trò mà người ta chờ đợi ở nó. Trong khi đó, vào lúc mà mọi người đều nhận thấy thiếu phương tiện, không có đội dự bị chiến lược thì Nava lại dựng lên ở trung Trung Kỳ Chiến dịch Átlăng. Plêven đã kiểm tra chiến dịch này.

Còn địch?

Hiện nay Giáp có tại chỗ 27 tiểu đoàn giỏi đều thuộc các sư đoàn ưu tú. Một số tiểu đoàn khác yểm hộ các hào tiếp cận và các trục dẫn tới bộ đội bao vây. Đầu tháng 3, bốn tiểu đoàn trang bị 64 khẩu 37 ly đã tăng thêm vào hai trung đoàn pháo, trung đoàn thứ nhất có 20 khẩu 105 ly, trung đoàn thứ hai có 18 khẩu 75 ly cũng như cối hạng nặng. Hơn nữa, về lực lượng phòng không nhẹ, bên bao vây có thể đưa vào hoạt động 100 khẩu 12,7 ly và 16 khẩu 37 ly phụ thêm. Bộ Chỉ huy Việt Minh đã thực hiện những công sự kỳ lạ dưới hình thức chiến hào, đường giao thông ngầm đưa các đơn vị của họ đến các tập đoàn cứ điểm hai hoặc ba kilômét. Rất nhiều địa điểm cho việc sử dụng pháo binh khi cần, nhưng chúng ta đã biết rằng do sự nguỵ trang đặc biệt mà ít chỗ bị máy bay trinh sát phát hiện. Ba đường từ Trung Quốc chạy qua Cao Bằng, Lạng Sơn và Lai Châu đã đưa hàng tiếp tế đến, nhất là gạo. Các kho đạn pháo được thường xuyên bổ sung, trên thực tế đã tăng gấp đôi, riêng trong tháng 3.

Diễn viên và phương tiện đã được bố trí như vậy khi tấm màn của vở bi kịch sắp sửa kéo lên".


Cuộc công kích ác liệt đầu tiên và sự bóp nghẹt chậm rãi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Sách đã dẫn, tr.57-60, Clôđơ Paia viết:

"Trong đêm 12 rạng sáng ngày 13-3-1954, Giáp mở cuộc tấn công bằng những hành động biệt kích chống lại các điểm tựa, hòng phá huỷ pháo và xe bọc thép. Tình báo cho Nava biết rằng, địch muốn chiếm Điện Biên Phủ trong nhiều nhất là bảy ngày. Cuộc tấn công chính mở đầu vào ngày 13-3 bằng cuộc bắn chuẩn bị mật độ cao của pháo binh vào toàn bộ căn cứ, tiếp theo là cuộc tấn công của bộ binh vào Gabrien và Bêatơrixơ mà viên chỉ huy, Trung tá Gôsê bị chết ngay từ đầu cuộc tấn công. Chưa đầy 24 giờ, điểm tựa thứ hai tuy do một tiểu đoàn lê dương đóng giữ cũng bị bên tấn công chiếm mất. Gabrien do các xạ thủ của Trung đoàn xạ thủ châu Phi thứ 7 đóng giữ cũng bị mất vào đêm 14 rạng sáng ngày 15. Một cuộc phản kích cho phép chiếm lại được vài mảng của Gabrien. Riêng trong giai đoạn này, thiệt hại của Việt Minh ước chừng 3.000 người so với 1.500 trong hàng ngũ chúng ta. Việc pháo binh địch làm tê liệt việc sử dụng sân bay cũng nghiêm trọng như vậy.

Ngày 14-3, Đại tá Pirốt chỉ huy pháo binh của tập đoàn cứ điểm đã tự sát bằng cách tháo chốt một quả lựu đạn trên ngực mình; đại bác của ông đã không làm câm họng các khẩu đội địch như ông đã quá dại dột thề thốt sai lầm có tính chất tai hại. Ở Pari, Chính phủ không lầm, Plêven mất hết mọi ảo tưởng. Than ôi! Quá muộn! Nếu như người ta nhớ rằng các C.119 có mỗi ngày hai kẽ hở một giờ rưỡi và việc yểm hộ cho chúng phải ưu tiên thì như vậy là phải làm cho lực lượng phòng không vô hại trong ít nhất là ba giờ. Nhưng số pháo phòng không rất nhiều và tác hại của chúng rất lớn. Pháo 37 ly chắc là bắn trên bốn khẩu cùng một lúc với một đài chỉ huy bắn có máy ngắm và thước đo độ cao. Người ta cùng nhanh chóng nhận thấy rằng, một số máy bay bị hạ ở 10.000 piê2 hoặc 11.000 piê; như vậy là hình như người Việt dùng cả 75 ly hoặc 105 ly, thêm vào pháo 37 ly, có 12,7 ly đông đảo hơn và đáng sợ đối với máy bay vận tải lúc thả dù.

Một phái đoàn nghiên cứu tác chiến Pháp-Mỹ (Enkhi, Lôít, Rêvâyắc) cho rằng, toàn bộ số pháo này là 93 khẩu 12,7 ly, 36 khẩu 37 ly; trái lại tình báo của Nava cho rằng, có 100 khẩu 12,7 ly, nhiều pháo 75 ly và 105 ly, những ống phóng rốckét hình như cỡ 90 của Trung Quốc. Tóm lại, chỉ mấy ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu, hiệu quả của lực lượng phòng không Việt Minh đã ở mức phá hoại nghiêm trọng việc tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm.

Trong báo cáo về tác dụng của không quân trong trận đánh, tướng Đêsô, Tư lệnh GATAC Bắc Bộ nhấn mạnh rằng, những máy bay tiêm kích đậu ngay ở Điện Biên Phủ không thể cất cánh do những khó khăn về máy móc: như thế là sáu chiếc bị phá hủy trên mặt đất cũng như năm chiếc Crikê và hai máy bay lên thẳng. Những Đakôta chỉ huy sở thường xuyên điều khiển cả ngày lẫn đêm, các cuộc can thiệp của máy bay phụ trách thả dù đã rất nhanh chóng buộc phải nâng cao rõ ràng độ cao như Mỹ đã buộc phải làm ở Triều Tiên. Máy bay vận tải cũng ném xuống các trận địa địch những bình napan 20 lít. Ngay khi Giáp mở cuộc tấn công, đô đốc Obôinô cho phép đưa lên đất liền hai phi đội (phi đội thứ nhất gồm các Henđivơ và phi đội thứ hai gồm các Hencát) đỗ trên tàu chở máy bay Arômăngsơ. Vì vậy, các phi đội này đặt ở sân bay Cát Bi và Bạch Mai, các chặng đường sẽ ngắn hơn; những chuyến bay có hiệu quả và dũng cảm của không quân thuộc hải quân có thể tiến hành vào chập tối chống lại lực lượng phòng không. Nhưng cái chính là yểm trợ trực tiếp ngay trong lòng chảo: ném bom các điểm tựa rơi vào tay người Việt, tấn công các vị trí phòng không, bảo vệ các "kiện hàng" trong các cuộc thả dù. Tất cả cái đó tiến hành không phải không mất mát. Khi thời tiết không cho phép tham chiến trên tập đoàn cứ điểm thì các máy bay của không quân thuộc hải quân giội xuống các đường giao thông hoặc "rượt theo" các đoàn xe tải trên đường hàng tỉnh 41.

Ở những người bảo vệ tập đoàn cứ điểm, sự thất thủ Bêatơrixơ và Gabrien, cái chết của Trung tá Gôsê, vụ tự sát của Pirốt đã gây ra sự sa sút tinh thần. Sức mạnh của Việt Minh, thắng lợi của họ, việc không thể nào làm mất tác dụng của pháo binh và lực lượng phòng không của họ đều là những sự phát hiện nặng nề. Từ sự tin tưởng thường biểu hiện một cách ngây thơ và thượng võ, ngươi ta chuyển sang sự hoài nghi đối với khả năng chống cự của căn cứ lục - không quân. Cũng buộc phải thừa nhận rằng, ưu thế trên không không có tính chất quyết định và giờ đây người ta tự hỏi việc tiếp tế rơi từ trên trời có một ngày nào đó sẽ ngừng lại không! Theo yêu cầu của Đờ Cátxtơri, Nava ra lệnh thả hai tiểu đoàn dù vào ngày 14 và 16-3 (Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 và Tiểu đoàn dù Việt Nam số 5), vì đội dự bị ban đầu đã cạn trong các cuộc phản kích. Máy bay dân dụng còn đậu ở Điện Biên Phủ ngừng hoạt động từ ngày 16 đến ngày 20-3, lại tiếp tục các hoạt động của mình rồi vĩnh viễn chấm dứt từ ngày 25. Trong khi đó, từ ngày 19, những người bị vây còn đủ sức thu các kiện hàng một tấn và từ chối mọi sự can thiệp của các máy bay vận tải hai thân C119.
________________________________________________
1. Điện Biên Phủ nhìn từ phía bên kia, do Mạc Văn Trọng, Nguyễn Đăng Vinh, Hoàng Thế Dũng sưu tầm và tuyển chọn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 46-85.
2. Đơn vị đo lường bằng 304,8mm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #256 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2022, 10:41:27 pm »


Sự bóp nghẹt chậm rãi

Như thế là những hậu quả của cuộc tấn công đầu tiên của Việt Minh biểu hiện trên tất cả quy mô của chúng. Đây là một thảm hoạ! Giờ đây, 48 giờ sau cuộc tấn công của địch, Nava lại chúi mũi vào Chiến dịch "Côngđo" nghiên cứu vào tháng 12-1953 và dự kiến giải toả tập đoàn cứ điểm với một quân số lớn lấy từ Thượng Lào. Nhưng hình như nó đòi hỏi nhiều tiểu đoàn, 15 đến 20, và vị Tổng Tư lệnh chỉ có 7 (cũng như một sự yểm trợ của không quân ở mức đó). Nava và Cônhi vấp phải những trở ngại tương tự khi lấy ở trong cặp của mình những bản nghiên cứu cho các chiến dịch, lần này thì xuất hiện từ đồng bằng hướng về Điện Biên Phủ. Các viên tướng nhận thấy nhưng hơi chậm, rằng riêng trong lĩnh vực không quân đã cần có những phương tiện gấp 10 lần hiện có.

Từ ngày 16-3 cho đến cuối tháng, sự tạm ngừng của người Việt cho phép tổ chức lại tập đoàn cứ điểm. Những chuyện đáng buồn mới nảy sinh với sự tan rã của một tiểu đoàn Thái, bỏ hai điểm tựa của An Mari. Phần còn lại sáp nhập của người Việt vào đường băng. Nếu liên lạc đường bộ còn tiến hành giữa khu trung tâm Điện Biên Phủ với Idaben, nếu những hành động nhỏ còn diễn ra chống lại địch thì trái lại, liên lạc đường không đã bị gián đoạn: chiếc máy bay lên thẳng cuối cùng đỗ xuống ngày 23 đã bị hạ, và ngày 26 chiếc máy bay cuối cùng cất cánh mang theo thương binh. Suốt nửa sau tháng 3, Nava ước tính thiệt hại của Pháp là 1.000 người và của người Việt là 2.000.

Chiến thuật của Giáp nhằm để cho Nava không ngừng tăng số tiền đặt vào chiếu bạc để vớ được nhiều hơn.

Ngày 31-3, ông ta mở một cuộc công kích mới vào phía đông tập đoàn cứ điểm. Những cuộc chiến đấu rất mãnh liệt và đẫm máu tiếp diễn cho đến ngày 4-4. Pháo binh của Idaben đã chi viện. Một số đơn vị chúng ta phản kích đến bảy lần liền. Sự tan rã của một tiểu đoàn Thái thứ hai gây ra sự thay đổi mới trong hệ thống phòng thủ: ngày 3 và 4-4 đã thả xuống một tiểu đoàn dù nữa (Tiểu đoàn dù thuộc địa 11/1).

Từ ngày 5-4 đến ngày 1-5, người Việt bóp nghẹt từ từ tập đoàn cứ điểm. Họ thay các trận công kích ồ ạt bằng việc đào những hào tiếp cận mà toàn bộ chiều dài vượt 400 km. Những điểm tựa trở thành khó tiếp tế do sự xâm nhập của địch đã bị rút bỏ.

Trong thời kỳ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, không quân tiếp tục các cố gắng của mình, đặc biệt là tìm cách phá hoại các khẩu đội pháo phòng không mà vị trí đã phát hiện được chính xác hơn. Nhưng Đờ Cátxtơri rất hay chuyển những phi vụ dự kiến cho những mục tiêu pháo binh thành yểm trợ trực tiếp, vì bên bao vây tăng cường sức ép của họ khắp xung quanh lòng chảo. Điều kiện thời tiết thường không thuận lợi: sương mù dày đặc diễn ra toàn miền thượng du và giảm tầm nhìn xa xuống dưới 1 km. Để đề phòng những cuộc tấn công mới của người Việt, viên tư lệnh tập đoàn cứ điểm ra lệnh, trong những ngày đầu tháng 4, cho không quân chuyên "giải quyết" một số khu vực, nhất là bằng cách ném bom nổ chậm vào các hào tiếp cận. Các núi Sôvơ, Đôminích, Êlian, là những điểm tựa được hưởng sự chi viện đó nhiều nhất.

Các ngày 9, 10 và 11-4, 40 Đakôta thả tiểu đoàn dù lê dương thứ hai. Vào ngày 10 tháng 4, GATAC bắc yêu cầu Đờ Cátxtơri không thay đổi các phi vụ nhằm làm mất tác dụng của pháo phòng không và pháo binh của Giáp, việc phá huỷ pháo 37 ly là điều chủ chốt: nếu không thực hiện được thì việc tiếp tế cho lòng chảo sẽ vĩnh viễn bị phá huỷ, vì rằng, người ta đặc biệt ngắm vào các "kiện hàng". Ban đêm, các B26 và Privatơ (mỗi loại bảy chiếc) quần đảo các con đường.

Lôdanh không có ảo tưởng: những hoạt động ấy chỉ làm gián đoạn hết sức nhất thời việc tiếp tế của người Việt. Từ ngày 17 đến 25-4, thời tiết luôn luôn xấu nhưng vẫn có bảy vị trí pháo bị đánh phá; bom nổ chậm trên các chiến hào khép chặt Huyghét. Cho đến cuối tháng 4, việc yểm trợ vận tải vẫn là nhiệm vụ chính. Phi đội Cócxe đột nhiên đến tăng viện".


Biết trước mà vẫn bị bất ngờ

Pie Lănggle tường thuật cuộc công kích của quân Việt Minh vào trung tâm đề kháng Him Lam.

"... Từ ngày 26-1-1954, hai bên đối địch đã ở trong thế mặt đối mặt. Cả Bộ Tư lệnh ở Điện Biên Phủ đến Bộ Tổng tư lệnh ở Hà Nội đều đinh ninh rằng: trận đánh sẽ xảy ra đến nơi rồi, nhưng không hiểu sao đối phương lại đột nhiên ngừng tiến công. Sư đoàn 308 của địch nhổ trại và xốc thẳng về Luông Prabăng. Trên dọc đường đi, nó san bằng một loạt các đồn bốt ở Mường Khoa và Nậm Bạc, tiêu diệt hai tiểu đoàn rồi tiến tới trước ngưỡng cửa Mường Sài, chỉ cách Thủ đô Lào có 120 km. Rồi, sau khi đã gieo rắc hoang mang, dấy lên sự bối rối trong các Bộ Tham mưu Pháp, sư đoàn đỏ lại lặng lẽ quay trở lại chiếm lĩnh vị trí xuất phát để tiến công Điện Biên Phủ, mà mãi sau này ta mới hiểu rõ. Vào khoảng thời gian đó, tức là bắt đầu từ ngày 20-2, ý đồ tiến công của địch không còn nghi ngờ gì nữa. Pháo mặt đất và pháo cao xạ của địch bắt đầu hoạt động. Nhưng hãy còn lẻ tẻ và chưa nguy hiểm mấy. Có vẻ như là địch đang chỉnh lý đường bắn và tìm hiểu biện pháp đặc biệt để nghi trang các khẩu đội pháo của họ. Họ làm nổ cả những lựu đạn khói trên các mỏm đồi để che giấu một cách hoàn hảo vị trí bắn của họ. Và thế là pháo binh của ta cứ nã mãi vào đụn khói nghi binh nhử mồi đó trước khi nó bị lộ.

Đầu tháng 3-1954, vòng vây của đối phương bắt đầu siết chặt chung quanh cứ điểm. Việt Minh cắm chân một cách vững chắc và thực tế đang "sờ nắn" các cứ điểm phía bắc là Gabrien và Bêatơrixơ (tức đồi Độc Lập và Him Lam). Đồng thời họ cũng đột nhiên tăng cường sức ép ở vùng đồng bằng, trên trục đường huyết mạch Hải Phòng - Hà Nội và tiến hành hai hoạt động đột kích táo bạo tuyệt vời vào hai trường bay Bạch Mai và Cát Bi.

Ngày 12-3, vào khoảng xế chiều, pháo binh Việt Minh bắn vào đường băng ở sân bay Điện Biên Phủ và khi trời bắt đầu tối, loạt pháo đầu tiên của họ đã bắn cháy một chiếc máy bay vận tải hai thân C119, cháy đùng đùng như bó đuốc. Đó là bó đuốc báo hiệu cuộc chạy đua của đối phương ập vào cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tối hôm đó, như thường lệ, các sĩ quan tham mưu, các sĩ quan chỉ huy các phân khu và các sĩ quan chỉ huy các đơn vị ứng cứu tập trung cả trong gian hầm của Đại tá Đờ Cátxtơri. Tư lệnh cứ điểm Điện Biên Phủ và binh đoàn chiến đấu ở khu vực Tây Bắc. Kết thúc cuộc hội ý, hội báo, Đại tá Đờ Cátxtơri dặn dò:

- Các ông nhớ nhé: ngày mai 13-3, 17 giờ.

Ngày hôm sau, 13-3 vào hồi 17 giờ 15 phút, tức là cái giờ cao điểm mà Việt Minh có thể tiến công đã qua. Tôi đang tắm ở trên một bãi đất cắm bốn cọc tre che chiếu thì chợt có tiếng ầm ầm như sấm động ở đằng xa, tiếp theo đó là một loạt tiếng nổ rất đanh của pháo 105 ly làm cho tôi phải vội vã nhảy luôn vào hầm như con chuột chui vào cống.

Tôi chạy lại phía máy nói. Hai đường dây toả đi các tiền đồn không hoạt động được nữa. Chắc hẳn là những đường dây lộ thiên đã nát vụn như bún rồi. Đường dây thứ ba của tôi nối liền với Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh binh đoàn chưa việc gì. Tôi liên lạc ngay được với một sĩ quan tham mưu. Anh ta cho tôi biết, phó của tôi là Thiếu tá Đơ Pagixơ hiện nay tạm thời trực thuộc sự điều động của Đại tá Đờ Cátxtơri, còn cứ điểm Bêatơrixơ do một tiểu đoàn lê dương trấn giữ đang bị chia cắt bởi những đợt xung phong rất dữ dội của địch. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Pêgô vừa mới bị chết trong hầm vì đạn pháo, hệ thống vô tuyến điện thoại cũng đã câm bặt.

Tiếng chuông điện thoại reo vang. Tôi nghe thấy giọng nói của Đại tá Đờ Cátxtơri:

- Lănggle đấy phải không? Gôsê vừa mới bị chết ở trong hầm cùng với toàn bộ các sĩ quan trong Ban Chỉ huy, trừ Vađô. Anh thay ngay Gôsê làm Chỉ huy trưởng phân khu trung tâm, Vađô sẽ cho anh biết tình hình. Pagixơ thay anh chỉ huy GAP (tức binh đoàn đổ bộ đường không).

Tôi ra khỏi hầm. Đêm tối ập xuống. Hơn mười năm trước đây, trong những trận đánh trên các chiến trường châu Âu, chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cảnh tượng chói loà như thế này.

Cách 3 km về phía đông - bắc, sáu tiểu đoàn địch được sự yểm trợ bởi một hoả lực mạnh, đang tiến công cứ điểm Bêatơrixơ. Cũng cần phải ghi chú ở đây là tất cả những cứ điểm của chúng tôi ở Điện Biên Phủ đều được đặt tên đàn bà con gái. Như vậy là Bêatơrixơ đang bị tiến công, nhưng cứ điểm này lại bị quả đồi mang tên Đôminích che khuất. Trong đêm tối, hình dáng quả đồi này in hẳn lên trên nền trời đỏ rực như máu.

Những loạt pháo ngăn chặn và chế áp từ vị trí trung tâm bắn đi cũng rộ lên. Xen lẫn với tiếng đạn "đi tới" ầm ầm, là những tiếng "đầu nòng" như sấm rền của 28 khẩu pháo của quân ta. Trong lúc đó, hai khẩu trọng liên bốn nòng 12,7 ly đặt ở hai bên sườn vị trí cũng vạch lên nền trời đen xạm những vệt lửa kéo dài. Một quả đạn pháo lân tinh rơi trúng kho xăng dùng cho máy bay khu trục. Kho xăng nổ tung giữa cột tia lửa và những cuộn khói trắng xoáy ốc. Một luồng lửa dài vút cao lên trời.

Tôi lần theo hào giao thông đi đến Sở Chỉ huy của Gôsê, lúc đó đã rời sang gian hầm bên cạnh, khi Sở Chỉ huy cũ bị huỷ diệt. Thiếu tá Vađô bị thương, bắt đầu báo cáo ngay cho tôi biết tình hình và nhiệm vụ của phân khu.

Cho tới nay, tôi vẫn còn hình dung thấy Thiếu tá Vađô trong buổi tối thê lương đó, đầu tóc rối bù, ngực phanh trần bê bêt máu, lỗ chỗ những mảnh đạn. Suốt ba tháng qua, chúng tòi cùng ở trong một cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng không biết nhau, đến bây giờ mới gặp.

Tại cứ điểm Bêatơrixơ, từ hồi 18 giờ, công cuộc phòng ngự đã bị rối loạn vì cái chết của tiểu đoàn trường và tiểu đoàn phó là Thiếu tá Pêgô, Đại uý Pácđi, cùng bị chết trong Sở Chỉ huy. Cuộc tiến công của Việt Minh được đẩy mạnh, hai cứ điểm ở phía đông - bắc và tây - bắc lần lượt bị chiếm. Đến 23 giờ, trận đánh tiếp tục nhằm vào cứ điểm trung tâm. Cuối cùng, đến lượt cử điểm này cũng thất thủ nốt vào lúc nửa đêm.

Việt Minh làm chủ toàn bộ trung tâm phòng ngự Bêatơrixơ. Do vị trí này bị đánh chiếm quá nhanh và cũng do ta không nhận được những tin tức báo cáo của những lực lượng bị địch chặn đánh, do đó không tổ chức được phản công, mà có phản công thì với hai tiểu đoàn dự bị của Binh đoàn đổ bộ đường không (GAP) có lẽ cũng không đủ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #257 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2022, 10:42:21 pm »


Cuộc công kích của quân ta vào trung tâm đề kháng Độc Lập (Gabrien)

Trong cuốn Đông Dương 1946-1962 (Indochine 1946-1962), Nxb. Rôbe Laphông (Robert Laffont), Pari, 1962, Bécna Phôn (Bernard Fall) viết:

"Từ buổi sáng, từng đám mây lớn ùn lại trên thung lũng, làm cho các máy bay tiếp tế không hạ cánh được và các máy bay thám thính cũng không quan sát được những khu vực xung quanh tập đoàn cứ điểm. Bộ Chỉ huy chuẩn bị phản kích để chiếm lại Bêatơrixơ. Đội lính dù có nhiều xe tăng yểm hộ xuất kích lúc 7 giờ 30 phút. Vừa ra tới đường 41 thì vấp ngay phải hoả lực mạnh của đối phương. Như vậy là Việt Minh đã đoán trước có cuộc phản kích này và vững chân chờ đợi đánh lại.

Có nên tiếp tục phản kích chiếm lại Bêatơrixơ nữa không? Căn cứ vào những sự việc đã xảy ra đêm trước và tình trạng thảm hại của những công sự phòng ngự ở cứ điểm này thì dù có chiếm lại cũng khó mà giữ được nó, hoặc ít nhất cũng khó mà duy trì được sự liên lạc giữa nó với phần còn lại ở trung tâm tập đoàn cứ điểm. Đối với Đại tá Đờ Cátxtơri, việc này có nghĩa là phải sử dụng những lực lượng dự trữ của các tiểu đoàn dù, của xe tăng và của pháo binh vào việc bảo vệ một cứ điểm mà tác dụng rất đáng ngờ. Mà nào đã hết đâu? Lại còn phải tính rằng, ngay trong đêm đầu tiên, cuộc đấu pháo đã làm cho Pháp phải trả giá bằng 6.000 viên đạn pháo 105 ly, nghĩa là một phần tư số đạn ở trong kho dự trữ. Sân bay ở ngay dưới tầm hoả lực, trời lại nhiều mây mù, rất ít hy vọng lại nhận được đồ tiếp tế mau chóng. Hơn nữa, Đại tá Đờ Cátxtơri còn cần ngay một tiểu đoàn dù để thay cho số quân của Tiểu đoàn 3 lê dương bị tiêu diệt đêm qua, đồng thời còn cần phải có một số quân kha khá nữa để tổ chức phản kích kịp thời vào vị trí Gabrien (đồi Độc Lập). Bởi vì, nhất định mục tiêu sắp tới của Việt Minh sẽ là Gabrien. Được Cônhi đồng ý, Đờ Cátxtơri đã hoãn lại cuộc phản kích vào Bêatơrixơ. Trên thực tế cuộc phản kích này không bao giờ xảy ra cả.

Mặt khác, sân bay chính của tập đoàn cứ điểm đang trở thành khó giữ nổi. Pháo binh của đối phương đã hiệu chỉnh súng, nhằm vào sân bay, nhằm vào cả những ụ để máy bay, trong đó các thợ máy đang khẩn trương làm việc để chữa những chiếc máy bay cuối cùng còn lại ở Điện Biên Phủ. Đến 14 giờ, ba chiếc máy bay trong số này có vẻ như có thể cất cánh được. Các phi công lái nó là Trung uý Parixô, Trung sĩ Chusê, Trung uý Preăng cho nổ máy từ trong ụ đất rồi mở hết tốc lực, vọt ra ngoài, bay thoát về sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Pháo binh địch bèn tập trung bắn phá những máy bay còn lại và các thiết bị trong sân bay. Cuối cùng, tất cả sáu chiếc máy bay trên sân bay đều bị phá huỷ, đài chỉ huy bị đổ nát một phần, dãy đèn pha hướng dẫn máy bay hạ cánh trong đêm hoặc khi trời xấu hoàn toàn bị phá tan. Một chiếc máy bay lên thẳng bị hỏng nặng, một chiếc khác bị hỏng nhẹ. Đến 19 giờ 30 phút, chiếc máy bay cào cào cuối cùng bốc cháy. Như vậy là chỉ trong vòng 24 giờ sau khi bùng nổ chiến sự, Điện Biên Phủ đã bị tước mất lực lượng không quân yểm trợ tại chỗ.

Từ 14 giờ 15 phút, máy bay bắt đầu thả từng đợt lính dù của Tiểu đoàn dù số 5 Việt Nam (nguỵ), do Bôtenla chỉ huy, xuống các bãi nhảy dù đặt tên là Natasa, Ốctavi và Ximon. Tuy nhiên, nếu pháo cao xạ của Việt Minh lúc đó tỏ ra chưa chính xác lắm thì pháo mặt đất của Việt Minh lại rất có hiệu lực và bắn chế áp phần lớn các bãi nhảy dù. Nhiều lính dù chết ngay từ khi chưa chạm đất. Đại đội 1 và tiểu đoàn bộ bị thiệt nặng hơn cả. Mãi đến 18 giờ, tiểu đoàn dù này mới tập hợp được trên các cứ điểm Êlian 1 và Êlian 2 (dãy đồi A1, A2 ở phía đông Mường Thanh) ở bờ trái sông Nậm Rốm. Một số lớn lính dù phải chạy quanh co hàng cây số duới hoả lực địch từ lúc chạm đất, khi tới vị trí chiến đấu thì đã kiệt sức. Bọn này mệt đến mức không còn đào nổi những hố hào sơ sài để che thân, chống lại đạn của địch nữa. Những trận mưa dông trút xuống lúc chiều tà càng làm cho tình hình thêm khốn khổ. Từ cứ điểm Êlian nhìn thấy rõ nét cứ điểm Gabrien, nổi bật trong đêm tối dưới ánh sáng của những phát đại bác nổ trên đỉnh đồi. Chỉ vài phút sau, đại bác Việt Minh đã nhằm vào những súng cối của Tiểu đoàn dù số 5 và đến 21 giờ, ba khẩu súng cối đã lần lượt bị tiêu diệt bởi những viên đạn "đánh đáo lỗ" của địch.

Trong lúc đó, Tiểu đoàn 5 lính bộ binh Angiêri do Thiếu tá Mécnem chỉ huy, cũng chuẩn bị đẩy lùi cuộc tiến công của Việt Minh vào cứ điểm Gabrien nhất định sẽ xảy ra đêm nay. Gabrien là một cứ điểm của Điện Biên Phủ, có những hai tuyến phòng ngự. Mấy tuần trước, một số sĩ quan đã nhận xét một cách châm biếm rằng, cứ điểm này dày đặc binh lính và súng cối tới mức đại bác địch rơi vào bất cứ chỗ nào cũng có thể gây thiệt hại được. Nhưng Trung tá Pirốt, chỉ huy pháo binh đã trấn an Thiếu tá Mécnem rằng, pháo địch không thể nào gãi nổi cứ điểm này.

Theo đúng nguyên tắc, Tiểu đoàn trưởng Mécnem và Tiểu đoàn trưởng Các là người tới thay Mécnem cùng đi kiểm tra các vị trí. Từ sáng ngày 14, các kho lương thực và đạn dược của Gabrien đã được tiếp tế tới mức có thể cầm cự được trong bốn ngày.

17 giờ, hai tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho các binh sĩ được ăn một bữa cơm nóng. Các sĩ quan cũng ăn với nhau một bữa cuối cùng. Không quân đã hứa cho một máy bay Đakôta, tên mật là "đom đóm" tới thả pháo sáng suốt đêm để soi chiến trường. Pháo binh hứa sẽ dốc toàn lực yểm hộ. Để tránh cho Sở Chỉ huy khỏi bị tiêu diệt toàn bộ bởi một phát đạn đại bác bắn trúng đích, một sở chỉ huy phụ, trong đó có bố trí máy vô tuyến điện, đã được thiết lập thêm trong gian hầm làm lễ của các sĩ quan. Chỉ tay vào những chén rượu sâm banh đặt trong thùng ướp nước đá, Mécnem động viên mọi người: "Chúng ta sẽ cùng nhau chạm cốc lúc trận đánh kết thúc, sau khi đã nghiền nát Việt Minh".

18 giờ, pháo của đối phương bắt đầu bắn chuẩn bị nã vào Gabrien, Clôđin và khu vực Sở Chỉ huy. Mới đầu là cối 120 ly, có lẽ đặt ở bản Nà Ten, cách đó 2 km. Sau đó, đến lượt pháo 105 ly đặt cách đó 8 km. Đến 20 giờ, các hầm đặt vũ khí hạng nặng của Tiểu đoàn 4, do Trung uý Môrô chỉ huy sụp đổ. Môrô vừa mới cho vợ về Hà Nội mấy hôm trước, nay bị chết gục trong đống đổ nát của gian hầm chỉ huy. Hai khẩu cối 81 ly phối thuộc với Gabrien thì bị hoả lực địch áp đảo mãnh liệt.

Khu vực của Đại đội 4 bị đe doạ nhiều nhất. Sau khi huỷ diệt Sở Chỉ huy của Trung uý Môrô, bộ binh địch bắt đầu thâm nhập cứ điểm. Việt Minh không xung phong ồ ạt như đêm trước mà lại thay đổi chiến thuật. Đến nửa đêm Mécnem và Các quyết định tung những lực lượng dự trữ cuối cùng ra để phản kích ứng cứu cho Đại đội 4. Pháo 105 ly và 155 ly của Pirốt cũng bắn mạnh vào tuyến đầu của Việt Minh. Sau khi báo cáo vắn tắt tình hình cho Đại tá Đờ Cátxtơri, Thiếu tá Mécnem chạy vào hầm nghỉ một lát trước khi trao quyền chỉ huy cho Thiếu tá Các. Lúc đó đã bước sang ngày thứ hai, ngày 15-3.

Đúng 3 giờ 30 phút, pháo địch lại bắn dồn dập, có vẻ như được tăng cường thêm hai khẩu đội nữa từ phía đông - bắc bắn tới. Bộ binh địch thâm nhập vào đường hào bắc - nam, phân cách các vị trí của Đại đội 1 và Đại đội 4. Việt Minh có thuận lợi vì tiến, theo hướng này không bị phát hiện cho tới khi đến sát các chiến hào của Đại đội 1. Không biết đạn súng trường của bộ binh hay đạn pháo của địch đã bắn chết Đại uý Nácbê, Đại đội trương đại đội 1 và làm bị thương sĩ quan duy nhất còn lại của đại đội là Trung uý Ru.

Trong khi toàn bộ các sĩ quan cao cấp của cứ điểm đều tập trung trong hầm chỉ huy cùng với các nhân viên vô tuyến điện thì một quả đạn đại bác ngòi nổ chậm đã xuyên qua mái rồi nổ tung trong hầm. Tiểu đoàn trưởng Các bị đứt rời một chân và về sau đã chết. Mécnem bị nhiều vết đạn và ngất xỉu; phó của Mécnem và sĩ quan liên lạc với pháo binh đều bị thương nặng. Ngoài ra. tất cả những máy vô tuyến điện liên lạc giữa Ban Chỉ huy tiểu đoàn với các đại đội chiến đấu và với trung tâm Điện Biên Phủ đều bị hỏng.

Hai tiểu đoàn trưởng đều bị thương, việc chỉ huy Gabrien phải giao cho viên Chỉ huy phó của Mécnem, nhưng viên sĩ quan này quá sợ hãi, không chỉ huy nổi. Gần 5 giờ sáng, một sĩ quan trẻ là Đại uý Giăngđrơ, Đại đội trưởng Đại đội 3, phải tạm thời nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn.

Trong lúc đó, tình hình Gabrien mỗi lúc một trầm trọng. Hai lính Angiêri đang khiêng Trung uý Ru về Trạm quân y thì vấp phải Việt Minh đang từ từ tiến về phía Sở Chỉ huy. Họ liền vứt luôn chiếc cáng ra đó rồi chui lủi về trận địa cuối cùng. Theo đề nghị của Đại uý Giăngđrơ, pháo binh Pháp chuyển làn, bắn vào tuyến một của cứ điểm, nhưng đạn rơi ngắn quá lại làm chết luôn một số lính Angiêri trong đồn. Ápđeraman gọi về Bộ Tư lệnh yêu cầu đại bác bắn xa ra, nhưng máy vô tuyến điện lại bị hỏng. Đến 7 giờ 30 phút, ở phía nào cũng thấy xuất hiện những chiếc mũ cứng của lính Việt Minh. Mọi người trong đồn đều từ từ bỏ súng xuống và đứng cả dậy. Rất nhanh, một sĩ quan Việt Minh - đoán như vậy vì thấy đeo xà cột ra lệnh cho những binh lính còn sống sót của Đại đội 1 đi xuống chân đồi, tiến về phía trận tuyến của Việt Minh ở phía bắc. Đại đội 2 và Đại đội 3 cũng cùng chung số phận.

Cuối cùng, Mécnem vừa mới nhào xuống hào giao thông về hướng nam thì bị luôn hai lính Việt Minh nhảy bổ xuống lưng và bắt làm tù binh. Ông ta không bao giờ được uống rượu sâm banh để mừng chiến thắng như đã chuẩn bị.

Trận đánh trên đồi Gabrien đã diễn ra rất gay go và đưa lại nhiều tổn thất lớn: 483 binh sĩ trong đồn bị chết, 175 người mất tích. Cả hai tiểu đoàn trưởng đều bị bắt làm tù binh. Chỉ có một dúm lính lê dương thuộc đại đội súng cối là chạy thoát.

Đơn vị đi cứu ứng cũng bị thiệt hại nặng. Đại đội dù lê dương bị mất 1/4 số quân, Đại đội trưởng Máctanh bị thương. Tiểu đoàn dù (ngụy) số 5 vừa mới chân ướt chân ráo nhảy xuống ngày 14-3, coi như bị tan rã. Chỉ trong một đêm, quân Pháp đã mất đứt gần 1.000 binh sĩ".

Trong cuốn Việt Nam, từ cuộc chiến tranh của người Pháp đến cuộc chiến tranh của người Mỹ, Nxb. Seuil, Pari, 1969, tr.68, Philip Đờvile và Giăng Lacutuya (Philippe Devillers và Lacouture Jean) tả các trận chiến đấu đầu tiên như sau:

"... Cuộc tấn công mãnh liệt của Việt Minh vào Điện Biên Phủ đã được mở đầu bằng một cuộc pháo kích bắn chuẩn dữ dội, cuộc pháo kích bắn lần này là lần đầu tiên tỏ rõ sự trang bị hiện đại và sức mạnh không thể nghi ngờ về quân đội mới của tướng Võ Nguyên Giáp. Số lượng và cỡ các khẩu pháo cũng như sự dồi dào về đạn dược đã gây nên một sự kinh ngạc hoàn toàn. Sự kinh ngạc đến nỗi đã làm ba cứ điểm bảo vệ phía bắc Điện Biên Phủ: Bêatơrixơ (Him Lam), Gabrien (Độc Lập) và An Mari (Bản Kéo) đã sụp đổ ngay những giờ đầu. Như định mệnh, những quả đạn trọng pháo đầu tiên của Việt Minh rơi qua lỗ châu mai chỉ huy sở của cứ điểm Bêatơrixơ đã giết chết Trung tá Gôsê (Gauchet), chỉ huy bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 và ba người chỉ huy phó của ông ta...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #258 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2022, 10:43:01 pm »


Y như chiến trường ở Vécđoong

Trong cuốn Ảo mộng vỡ tan tành. Nhật ký Đông Dương, từ tháng 2 đến tháng 7-1954, Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại, Pari, 1954 (La fin des illusions. Notes d’Indochine, février-juillet, 1954, Paris, Centre d'Et. de Politique Etrangère, 1954), tr. 43-45, Rôbe Ghilanh (Robert Guillain) ghi lại lời kể chuyện của một sĩ quan Pháp thoát chết ở đồi Độc Lập như sau:

"... Bắt đầu vào buổi chiều chủ nhật.

Báo động... Bọn họ đi xuống. Chúng tôi thấy như những đàn kiến đen trên mỏm núi, trên mặt các cao điểm 674 và 701, 17 giờ, trong bốn đại đội, ai nấy đều vào vị trí chiến đấu. Đến 17 giờ, Việt Minh bắn pháo chuẩn bị. Trận mưa thép, đây là một việc mới lạ. Y như chiến trường ở Vécđoong, các cỡ đạn 81, 105, 120 giội xuống. Và những khẩu súng cối của chúng ta, hạng vừa và hạng nặng thì đều bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Chúng tôi đã cố kéo súng rúc vào hầm và sau đó kéo trở ra để bắn trả lại một ít. Nhưng địch bắn rất dữ dội, chúng bắn mạnh vào mọi chỗ, nhất là ở phía bắc, đối diện với các cao điểm xung quanh ta. Chúng đang tìm cách bắn vào Sở Chỉ huy của ta.

Đến 19 giờ 30 phút, hai trong bốn hầm chỉ huy thông tin bị trúng đạn và điện đài bị gãy vụn.

... Pháo 105, anh thấy chưa? Phía bắc, các vũ khí tự động của Đại đội 4 đều bị phá và cả lô cốt của đại đội mà quân địch sắp đột kích cũng bị bắn tan nát. Rồi cuộc chiến đấu lại tập trung về phía đông...

3 giờ 30 phút, trăng lặn. Đây là lúc mà Việt Minh chờ đợi. Sau đó một lúc pháo hoả lại bắt đầu. Gần 200 quả đại bác xung quanh Sở Chỉ huy... và tất cả mọi người bị đất lấp vùi... Tôi kéo được viên quan tư chỉ huy ra... Việt Minh từ mọi phía xung phong lên...

Đằng kia, Đại đội 2 còn chiến đấu... Nhưng Việt Minh đã ở trên cao toàn cứ điểm...".


Việt Minh đã sáng tạo nên đủ thứ mưu mẹo của chiến tranh chiến hào

Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ, Nxb. Giuylia (Julliard), Pari, 1963, tr. 532, Giuyn Roa đã mô tả trận đánh vào Huyghét 1 (tức cứ điểm 206) như sau:

"... Đêm hôm ấy, cuộc tấn công vào Huyghét 1 bắt đầu. Ban ngày, địch đã giả vờ tấn công nhiều lần để làm cho bên phòng ngự bị tiêu hao và căng thẳng cao độ. Việt Minh tuy không có thực tập ở Triều Tiên và cũng không nghiên cứu Vécđoong, nhưng đã sáng tạo nên đủ thứ mưu mẹo của chiến tranh chiến hào mà họ nghiên cứu trong các đơn vị từ một năm nay. Họ lấy mũ úp lên gậy, bắn pháo, chạy đi chạy lại, hô hoán ầm ĩ. Khi tấn công thực sự thì không ai biết được và con cháu của các "chiến sĩ Vécđoong bị chôn vùi".

Sách đã dẫn, tr.46, Rôbe Ghilanh đã ghi lại việc đào trận địa của Việt Minh như sau:

"... Hấp dẫn nhất là những công việc đó không phải xảy ra trong các khu rừng thần bí hay trên các núi cao án ngữ xung quanh mà xảy ra ngay trong lòng chảo của thung lũng.

Cứ tối là bắt đầu - trong bóng đêm, lòng chảo rộn rã hẳn lên. Người ta nghe những tiếng động và những động tác làm việc. Đêm này qua đêm khác, binh lính báo cáo lại: đã tiến gần hơn...

Đâu đâu cũng nghe tiếng cuốc, tiếng động của những người đào đất đang làm việc.

Sáng dậy, hầu như không thấy gì rõ ràng trong lòng chảo cả, chỉ thấy đất mới đào lên. Nhìn sát mặt đất người ta không hiểu là cái gì.

Người ta nhìn rõ hơn: từ trên cao điểm trong lòng chảo, địch đào chiến hào. Nhưng những tấm ảnh chụp từ trên cao thì càng rõ hơn. Những chiến hào như những con giun bắt đầu thấy thì còn xa, rồi ngoằn ngoèo bò về một hướng. Ngày hôm sau lại có nhiều hơn, gấp đôi, gấp ba và xích lại gần hơn. Ngày hôm sau càng gần hơn nữa và cứ tiếp tục như thế mãi...

Sự phát triển nhanh chóng của các chiến hào cuối cùng đã hình thành một hệ thống giao thông hào ngoằn ngoèo và tiến về phía chúng ta. Đây là Việt Minh đã giải quyết một trong những vấn đề quan trọng đối với họ: tiến xuống lòng chảo và tiến sát chúng ta mà không để cho chiến binh của họ làm bia cho hỏa lực của chúng ta trên mảnh đất khủng khiếp bị ta san phẳng bằng súng tự động...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #259 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2022, 10:43:49 pm »


Việc để mất hai trung tâm đề kháng ngoại vi đã mang lại tai hại nghiêm trọng

Trong cuốn Thời điểm của những sự thật, tr.221-222. Hăngri Nava đã thừa nhận:

"... Tối 13 rạng sáng ngày 14, địch tấn công bằng sức mạnh vào Bêatơrixơ và Gabrien.

Gabrien giữ vững được, nhưng Bêatơrixơ đã mất sau mấy giờ chiến đấu. Khu trung tâm đề kháng này được tổ chức rất kiên cố và có một tiểu đoàn lê dương thiện chiến (Tiểu đoàn 3, bán Lữ đoàn lê dương 13) chiếm giữ, sở dĩ họ lọt vào tay địch nhanh như thế, chủ yếu là vì viên chỉ huy tiểu đoàn này, người phó của ông ta và viên chỉ huy khu phòng ngự mà ông ta thuộc quyền, cả ba đều đã bị chết vì phi pháo địch bắn chuẩn bị, đạn pháo đã lọt vào lỗ châu mai quan sát, rơi đúng vào hầm ẩn nấp của họ. Do đó, trong việc chỉ huy đã xảy ra tình trạng dao động không sao tránh khỏi được. Việc phòng ngự không điều khiển được nữa, những yêu cầu về pháo binh chi viện phát hiện không được chính xác và nhất là quân ta không chịu phản kích.

Tối hôm sau (tối 14 rạng sáng ngày 15) đến lượt Gabrien (do Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn xạ kích Angiêri thứ 7 phòng ngự) bị tấn công mãnh liệt vào lúc 20 giờ. Đến 22 giờ, các cuộc công kích phải dừng hẳn lại vì hoả lực pháo binh ta cùng hoả lực khác phối hợp chặt chẽ chống lại. Những viên tiểu đoàn trưởng đã chỉnh đốn lại cách bố trí và ném phần lớn đội dự bị của mình vào lúc 2 giờ 30 phút, chiếm lĩnh được phía tây - bắc của Gabrien. Đến 4 giờ 30 phút, viên tiểu đoàn trưởng và người phó của ông ta bị thương nặng. Do đó, cũng như Bêatơrixơ hôm trước, phòng ngự đã mất sự chỉ huy và quân địch tràn vào trận địa. Nhưng quân ta vốn còn chừng một đại đội rưỡi vẫn giữ chặt bộ phận phía nam của trung tâm đề kháng...

Việc để mất hai trung tâm đề kháng ngoại vi đã mang lại tai hại nghiêm trọng cho chúng ta. Mặt án ngữ phía bắc và đông - bắc đã bị mất và địch sẽ có thể đưa pháo binh và cao xạ pháo của chúng đến gần trận địa hơn.

Ta đã bị thiệt hại nặng và đã sử dụng một khối lượng rất lớn đạn dược. Các kho dự trữ của ta giảm sút xuống rất nhiều và vẫn phải có thời gian mới bổ sung đầy đủ trở lại được...".

Báo Lơ Phigarô (Le Figaro), số ra ngày 5 và 6-6-1954, viết:

"... Sự thất thủ của vị trí Gabrien đã kết án tử hình đường lên xuống sân bay của các máy bay Đakôta, là sợi dây liên tục thực tế duy nhất của cứ điểm cố thủ với bên ngoài và đồng thời cũng kết án tử hình luôn cả các cứ điểm ở Điện Biên Phủ nữa..."

Trong cuốn Hai màn của tấn bi kịch Đông Dương (Deux actes da drame Indochinois), Nxb. Plông, Pari, 1959, tr.195, Catơru (Catroux) thừa nhận thất bại nặng nề:

"... Những thất bại nặng nề và bất ngờ đó mang lại một sự sụp đổ tinh thần trong quân đội đồn trú từ chỗ quá tin tưởng chuyển sang quá bi quan".


Những "cú bắn bậc thầy" của pháo binh Việt Minh

Trong cuốn hồi ký Tôi làm thầy thuốc ở Điện Biên Phủ (J'étais médecin à Dien Bien Phu), Nxb. France - Empire, Pari, Thiếu tá, bác sĩ quân y Pháp Pôn Grôuyn (Paul Grauwin) viết:

..."Buổi sáng ngày 12-3-1954 thật đẹp trời, y như một buổi sáng mùa Xuân ở vùng Cốt Đaduya bên Pháp. Lúc 9 giờ, hàng chục máy bay đã tới Điện Biên Phủ, mang theo các đồ hàng tiếp tế rồi lại bay đi, chở theo những binh sĩ đi phép và ốm yếu.

Khoảng 13 giờ, trong lúc chúng tôi đang nhấm nháp cà phê thì chợt có những tiếng nổ khá gần. Lập tức chúng tôi cùng chạy toả ra ngoài và nhìn thấy những cột khói và bụi bốc lên trên đường băng. Nguy rồi! Đại bác Việt Minh, những quả đạn đầu tiên. Quán ăn của chúng tôi chỉ cách cuối đường băng có 800m theo đường chim bay. Những quả đạn từ tứ phía bắn tới. Người ta nghe thấy tiếng rít của nó khi rơi xuống.

Lại có sáu, bảy, tám tiếng nổ nữa. Lơrátxơ nói:

- Tiếng đại bác 105 ly đấy.

Chợt có một tiếng nổ rất lớn rồi liền theo đó là một cột khói đen bốc thẳng lên trời, chen lẫn với luồng lửa đỏ rực dưới chân.

- Nó bắn trúng chiếc Páckét rồi.

Khoảng năm hôm trước, một chiếc máy bay Páckét (tức máy bay vận tải hai thân C119 do Mỹ sản xuất) buộc phái hạ cánh xuống sân bay do hỏng máy. Một tổ máy từ Hà Nội được đưa lên đã sửa chữa xong, máy bay định cất cánh vào trưa hôm nay thì bị trúng đạn.

Bây giờ thì chiếc máy bay đó bị nướng thui rồi. Thật là một cú bắn bậc thầy! Một viên sang phải, một viên, sang trái rồi "bùm", một viên nữa rót trúng luôn!

Chúng tôi còn nhìn thấy một số đạn rơi nữa, rồi thì một đám mây bụi dày đặc che kín hết cả. Các máy bay khu trục vội vã vọt lên trời. Chỉ vài giây sau, chúng đã lượn vòng trên đầu chúng tôi, bốc cao, rồi bổ nhào xuống những mục tiêu ở phía đông - bắc. Một chiếc Moran quan sát lượn từ trên cao tít. Nó có thể nhìn thấy được cái gì trong đám rừng rậm này? May ra thì nhìn thấy con đường. Thế thôi, còn lớp khói đầu nòng do pháo bắn ra thì đã nhanh chóng tan mất rồi. Còn ánh lửa? Khi khẩu pháo được nguỵ trang kỹ thì khó mà thấy ánh lửa đạn phụt ra lắm!

Buổi chiều hôm đó tíu tít công việc chuẩn bị. Mãi đến 23 giờ, tôi mới về được căn hầm của mình. Khoảng 23 giờ 30 phút, giữa lúc tôi đang nằm dài trên giường thì lại nghe thấy những tiếng nổ như ban chiều. Tôi vội chạy ra ngoài.

Quả nhiên vẫn là đường băng bị thêm một chập đại bác 105 ly nữa. Nhưng tôi có cảm giác như những viên đạn đang chụm gần lại. Nó có thể rót trúng những ụ đất, trong đó có những máy bay khu trục đang ẩn. Thường lệ, cứ tối đến thì các máy bay khu trục lại chui vào "chuồng". Đó là một bãi đất tròn rộng, chung quanh có tường đất cao hai mét vây bọc. Tại sao đám máy bay này cứ nằm ỳ ra, không bay lên? Thế thì bị phá hỏng hết ở mặt đất mất. Tôi chợt nghĩ, mình thật là ngốc: muốn cho máy bay cất cánh thì phải bật đèn soi đường băng, mà như thế thì đường băng có khác gì đường phố lớn, trở thành mục tiêu rất đẹp cho đại bác Việt Minh nhắm bắn!

Tôi giục mọi người xuống hầm. Đạn pháo cứ thế bắn suốt đêm. Rồi buổi sáng lại xuất hiện rạng rỡ. Tất cả đều yên tĩnh.

Chúng tôi đi về bãi để xe tải thương. Vừa tới bãi thì lại nghe tiếng pháo nổ. Con bé y tá quay lại phía tôi, mặt tái xanh tái xám.

Hai mươi phút sau, xe tải thương đưa về khoảng 15 binh sĩ bị thương. Chiều nay, sẽ cho bọn này về Hà Nội với con bé y tá.

Tôi đi vào nhà ăn và gọi dây nói cho Lơ Damany, bác sĩ trưởng của Binh đoàn 9. Ông ta thường xuyên liên lạc với Sở Chỉ huy.

- Tôi nghĩ, tối nay Việt Minh sẽ tiến công.
- Vâng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng.

Hube bước vào, mặt tái, giọng xúc động:

- Thưa thiếu tá, tôi vào từ biệt thiếu tá, có điện gọi tôi về Hà Nội, tôi không thể ở đây được.
- Tại sao?
- Tôi không biết... Thiếu tá biết đấy, tôi là Tây lai, lại là mật thám của Phòng Nhì và nếu Việt Minh tóm được tôi, thì...

Huybe bước lên xe Gíp, ngồi bên cạnh Marăng. Chiếc xe mất hút trong đám bụi. Tôi vẫn còn nhìn thấy hắn giơ một tay lên ra hiệu vĩnh biệt. Chiếc xe tải thương chở đầy lính bị thương cũng đi về phía sân bay.

Tôi quay trở lại nhà ăp, vừa gọi được dây nói cho Đại uý Phucra thì lại nghe thấy hàng chục tiếng nổ. Việt Minh lại bắn vào sân bay.

Vào hồi 17 giờ, đồn Huyghét gửi về chỗ tôi bốn lính bị thương. Tôi lại nghe thấy tiếng đại bác nổ. Nhìn về phía đồn Bêatơrixơ, tôi thấy một đám cháy lớn, một luồng lửa đỏ rực bị chia cắt bởi những mỏm đồi Đôminích ở gần hơn, trên nền lửa đỏ lại có những luồng ánh sáng nhấp nháy. Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Minh đang bắn pháo chuẩn bị cho trận đánh. Từ năm 1944 đến nay, tôi mới lại được chứng kiến một cảnh tượng như thế.

Từ đường hào, tôi chạy theo đường trục trung tâm, triệu tập nhân viên của tôi vào các hầm trú ẩn. Tiếng pháo nổ mỗi phút một tăng. Tôi có cảm giác như những quả đạn 105 ly rơi từng chùm từ 12   đến 16 quả một. Pháo bắn khắp nơi, rơi vào vị trí trung tâm, vào Sở Chỉ huy, vào lực lượng xung kích số 8, vào Binh đoàn 9, vào cả phía cây cầu trước mặt chúng tôi. Người ta nghe rõ cả những tiếng nổ đứt đoạn của đại bác 75 ly nữa".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM