Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:43:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15839 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #210 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 12:04:55 pm »


CHIẾN CÔNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - THẮNG LỢI CỦA SỨC MẠNH DÂN TỘC VÀ TRÍ TUỆ VIỆT NAM1

PGS. LÊ MẬU HÃN
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

Trải qua hơn ba ngàn ngày kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh, đất nước bị tàn phá nặng nề, hàng chục vạn người phải hy sinh, nhưng với ý chí "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên triệu người như một, chấp nhận cuộc chiến đấu không cân sức, từ những ngày đầu của cuộc tổng giao chiến lịch sử, giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ đến lớn, tiến lên đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, buộc Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình trên cơ sở cam kết tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam (cả của Lào và Campuchia) là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam là một quốc gia dân tộc được hình thành và phát triển rất sớm từ lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, yêu nước, kiên cường, bất khuất, v.v. đã trở thành đạo lý sống và trường tồn của dân tộc Việt Nam. Ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, tinh thần yêu nước bất khuất đó đã biến thành sức mạnh vật chất để chiến đấu và chiến thắng quân thù được khẳng định như một chân lý lịch sử của dân tộc Việt Nam:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
2.

Ngày 2-9-1945, sau khi giành lại độc lập từ tay phátxít Nhật bằng một cuộc Tổng khởi nghĩa dân tộc để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thể đồng bào Việt Nam và thế giới một chân lý về quyền cơ bản của các dân tộc là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"3. Và "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"4.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà long trọng tuyên bố:

"Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam".

"Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hoà, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau…”

"Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam".

"Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh đến vinh quang, cường thịnh"5.

Ý thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, tinh thần yêu nước, đoàn kết, thống nhất, anh dũng kiên cường chiến đấu vì độc lập tự do là sức mạnh to lớn, kết thành một làn sóng mạnh mẽ, vượt qua mọi nguy hiểm, có khả năng nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước. Từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử các cuộc khởi nghĩa dân tộc dưới cờ nghĩa của Trưng Trắc, Trưng Nhị năm 40 đến các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của Ngô Quyền thế kỷ X, Lý Thường Kiệt thế kỷ XI, Trần Hưng Đạo thế kỷ XIII, Lê Lợi thế kỷ XV, Quang Trung thế kỷ XVIII... đã hình thành chủ nghĩa dân tộc, truyền thống chiến đấu kiên cường, tri thức phong phú, sáng tạo về đánh giặc giữ nước. Năm 1924, Hồ Chí Minh với trí tuệ sáng suốt của mình đã tổng kết rằng: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước ... Phát động chủ nghĩa dân tộc ... (là) một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ …”6.

Chủ nghĩa dân tộc truyền thống đã phát triển lên tầm cao mới thành chủ nghĩa dân tộc cách mạng dựa trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh với nội dung cốt lõi là: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc cách mạng Việt Nam từ năm 1945 trở đi dựa trên một chế độ mới, một nhà nước của dân, do dân và vì dân, một nhà nước cách mạng hợp pháp, hợp hiến do Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lập ra. Quốc hội nêu cao quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc, lãnh thổ quốc gia và quyền tự do.

Ngày 19-12-1946, toàn dân đã nhất tề đứng lên bảo vệ độc lập, tự do, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chí Minh chính là tiếng gọi của non sông đất nước, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc, và ý chí bảo vệ chế độ cộng hoà dân chủ của mọi người dân Việt Nam, làm cho cả nước sôi sục đứng lên chiến đấu, bằng mọi vũ khí có sẵn trong tay với một ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với một thái độ chính trị dứt khoát và kiên định, bằng sức mạnh của cả dân tộc và trí tuệ của con người Việt Nam với một niềm tin vững chắc: Kháng chiến nhất định thắng lợi!

Kiên quyết, chủ động và kịp thời thay đổi phương thức đấu tranh, phát động toàn quốc đứng lên kháng chiến ngày 19-12-1946, trước lúc thực dân phản động Pháp thổi bùng ngọn lửa chiến tranh trên cả nước bằng "kịch bản đảo chính" ở Hà Nội như chúng đã dự định sẽ thực hiện vào ngày 20-12-1946 là một quyết sách chiến lược sáng tạo, là điểm xuất phát thắng lợi của cuộc kháng chiến.
_______________________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8-3-2004.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1998, t.I, tr.279.
3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.555. 557.
5. Tuyên ngôn của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2-3-1946. Tài liệu lưu tại Văn phòng Quốc hội.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 466-467.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #211 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 12:08:04 pm »


Trải qua những năm kháng chiến đầy gian khổ, trong đó có năm năm đầu chiến đấu trong vòng vây là thời kỳ vô cùng ngặt nghèo, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đã có những bước phát triển mới. Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh do Đảng lãnh đạo, sức mạnh của dân tộc, của chế độ mới ngày càng phát triển. Sức mạnh đó trước hết thể hiện ở đường lối kháng chiến và kiến quốc, đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính đồng thời biết tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Trong lò lửa kháng chiến, khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và mở rộng bao gồm các đảng phái dân chủ và yêu nước, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, được tập hợp trong Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam.
Chế độ dân chủ cộng hoà được phát triển. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân với một bộ máy chính quyền trong sạch, bao gồm những cán bộ viên chức tận tụy và trung kiên, bảo đảm yêu cầu quản lý xã hội, thực hiện mọi chính sách kháng chiến và kiến quốc đã khẳng định tính ưu việt và sức mạnh của chế độ cộng hoà dân chủ mới. Chế độ mới, hậu phương kháng chiến từng bước được củng cố và phát triển về mọi mặt - đó là một nhân tố thường xuyên bảo đảm thắng lợi kháng chiến.

Lực lượng vũ trang ba thứ quân được tổ chức phù hợp với yêu cầu của kháng chiến. Cùng với lực lượng du kích và bộ đội địa phương được mở rộng, ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân tiên phong đầu tiên đã được thành lập. Tiếp đến Đại đoàn 304 (10-3-1950), Đại đoàn 312 (27-12-1950), Đại đoàn 320 (16-1-1951) lần lượt ra đời. Các liên khu đã xây dựng được từ hai đến ba trung đoàn chủ lực. Ở Nam Bộ mỗi khu có một trung đoàn...

Trong vòng vây vô cùng ngặt nghèo của giặc (1947 - 1950), chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính đã thành hiện thực cuộc sống chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt đã được triển khai. Giữa thế trận của chiến tranh nhân dân trên cả nước với hình thức tác chiến linh hoạt, sáng tạo, kết hợp cách đánh du kích và đánh tập trung, đánh địch khắp nơi, làm chủ trong từng trận đánh, tiến lên làm chủ chiến dịch và chiến lược ngày càng phát triển.

Sau cuộc tổng giao chiến dịch lịch sử được tiến hành đêm 19-12-1946, đến mùa Đông năm 1947, quân và dân ta đã thực hiện cuộc phản công lớn đầu tiên ở Việt Bắc (tháng 10 - 12-1947). Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc và chiến tranh nhân dân đang triển khai trong cả nước đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" của quân đội Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc đã chứng tỏ Việt Nam là một nước nhỏ, không có căn cứ địa vững chắc, biên giới bị bao vây, vũ khí kém nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, quân đội ta có ý chí quyết đánh và quyết thắng có cách đánh dũng cảm và sáng tạo nên đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của quân đội viễn chinh Pháp và có thể đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Từ sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã chuyển sang một giai đoạn mới. Lực lượng vũ trang tập trung của chúng ta đã lần lượt mở một số trận đánh thường gọi là chiến dịch nhỏ với binh lực phổ biến là từ đại đội, đến ba bốn trung đoàn. Đó là một bước tiến quan trọng của quân đội ta trên con đường tìm tòi cách kết hợp đánh du kích và đánh tập trung, từ đánh du kích tiến lên đánh vận động.

Ở trong các đô thị bị quân Pháp chiếm đóng, chúng ta đã bí mật xây dựng các cơ sở chính trị, tổ chức đấu tranh kinh tế và chính trị, tiêu biểu là cuộc xuống đường ngày 9-1-1950 của hơn 3.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn lên án đế quốc và tay sai; cuộc biểu dương lực lượng của hàng vạn người xuống đường đưa tang Trần Văn Ơn và cuộc biểu tình của khoảng 30 vạn đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 19-3-1950 chống Mỹ với khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ!", "Đế quốc Mỹ cút đi!".

Quân và dân ta liên minh chiến đấu với quân và dân Lào và Campuchia.

Đối với cách mạng Trung Quốc, từ đầu năm 1949, mặc dù cuộc chiến đấu của ta còn rất ngặt nghèo trong thế bị bao vây, song theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đơn vị quân đội ta được phái sang giúp bạn xây dựng khu giải phóng ở Ung, Khâm, Liêm, chủ yếu là vùng Thập Vạn Đại Sơn. Trong vòng ba tháng hoạt động, quân ta đã phối hợp và giúp bạn chiến đấu diệt hàng ngàn địch, giải phóng hàng vạn dân, mở rộng khu căn cứ phía nam cho cách mạng Trung Quốc...

Lịch sử triển khai cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam từ 1945-1950 là lịch sử "5 năm chiến đấu hoàn toàn tự lực để tồn tại và phát triển giữa vòng vây, là thời kỳ có tính quyết định đối với cuộc kháng chiến lâu dài, đối với vận mệnh dân tộc"1.

Sức mạnh của dân tộc và trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam được phát triển mạnh hơn trong những năm tháng tiếp theo về tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá..., đồng thời bắt đầu nhận được sự giúp đỡ của cố vấn quân sự Trung Quốc, sự chi viện về vật chất của Liên Xô và Trung Quốc. Tổng số viện trợ của quốc tế cho ta từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1954 là 21.517 tấn vật chất bao gồm vũ khí đạn dược, nguyên liệu quân giới, vận tải, xăng dầu, gạo, thực phẩm, quân trang, quân y, công binh trong đó vũ khí, đạn dược là 4.253 tấn. Vũ khí trang bị kỹ thuật gồm 24 khẩu pháo 75 ly, 24 lựu pháo 105 ly, 72 pháo cao xạ 37 ly (của Liên Xô), 12 dàn hoả tiễn H6 (của Liên Xô), 715 xe ôtô vận tải trong đó có 685 xe của Liên Xô. Tổng số viện trợ trị giá là 136 triệu nhân dân tệ (quy thành 34 triệu rúp của Liên Xô).

Sự viện trợ tuy không lớn, song trong hoàn cảnh Việt Nam, sự giúp đỡ đó rất quý, quân đội ta được trang bị thêm vũ khí hiện đại phục vụ cho các chiến dịch lớn ở giai đoạn cuối của kháng chiến. Chúng ta đã lần lượt mở các chiến dịch tiến công. Đó là Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Trần Hưng Đạo ở trung du (1950 - 1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở đường số 18 (1951), Chiến dịch Quang Trung ở Hà Nam Ninh (1951), Chiến dịch Hoà Bình (1951-1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953). Qua các chiến dịch trên, quân đội ta đã nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, chủ động tiến công và phản công ngày càng lớn.

Quá trình lãnh đạo và tổ chức kháng chiến là quá trình sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến phù hợp với thực tiễn của đất nước và con người Việt Nam là chủ yếu, đồng thời biết học tập sáng tạo lý luận quân sự tiên tiến của thời đại, biết học tập có chọn lọc kinh nghiệm của Liên Xô và Trung Quốc, song không giáo điều, dập khuôn.

Tháng 1-1953, Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã tiếp tục khẳng định phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của ta là kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do". "Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn"2.

Vào tháng 5-1953, với sự thoả thuận của Mỹ, Chính phú Pháp đã cử Nava sang làm chỉ huy lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Kế hoạch quân sự Nava ra đời với tham vọng giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc ta phải chấp nhận thương lượng theo những điều kiện của Pháp để kết thúc chiến tranh trong danh dự. Kế hoạch quân sự Nava với cả bản đồ do tình báo của Trung Quốc thu thập được đã chuyển cho Việt Nam.

Trước tình hình mới, tháng 9-1953. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và vạch ra phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải "thiên biên vạn hoá"3.
_______________________________________________________
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.455.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đàng toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 21, 59.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử. Sđd, tr. 29.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #212 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 01:05:09 pm »


Vào giữa tháng 11-1953, quân ta bắt đầu triển khai kế hoạch đã được xác định. Bị động đối phó với ta, ngày 20-11-1953. Nava đã điều động đội quân cơ động nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Quân đội Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tuy ta không phán đoán được cụ thể về thời gian và địa điểm nhưng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là: nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó …”1. Quân đội Pháp nhảy dù, chiếm đóng Điện Biên Phủ đã làm cho Tây Bắc thực sự trở thành hướng chính trong kế hoạch Đông Xuân 1953-1954.

Bộ phận tiền phương gồm có Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu phó, Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đặng Kim Giang - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Đỗ Đức Kiên - Cục phó Cục Tác chiến đã lên đường đi Tây Bắc ngày 26-11-1953. Tán đồng với chủ trương chiến lược của ta chọn Tây Bắc làm hướng chính, Đoàn cố vấn quân sự của Trung Quốc đã cử Mai Gia Sinh, cố vấn tham mưu cùng đi trước với Hoàng Văn Thái. Bộ phận tiền phương nghiên cứu tình hình cụ thể của chiến trường đề xuất phương án tác chiến.

Trong lúc đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương nghiên cứu vạch kế hoạch tác chiến ở mặt trận Tây Bắc. Ngày 6-12-1953, Tổng Quân uỷ đã đệ trình Bộ Chính trị phương án tác chiến ở Tây Bắc, đặc biệt là Điện Biên Phủ. Tổng Quân uỷ nhận định:

"Trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, không kém Nà Sản và đường sá còn xa hơn. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn"2.

Về binh lực, quân số tổng quát của chiến dịch là 42.750 người.

Về thời gian chia làm hai đợt:

Đợt một: Đánh địch ở Lai Châu và sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 1-1954. Sau đó nghỉ, chấn chỉnh bộ đội khoảng 20 ngày chờ tập trung đầy đủ binh lực, rồi bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ.

Đợt hai: Đánh địch ở Điện Biên Phủ ước tính 45 ngày ... Chiến dịch sẽ kết thúc vào đầu tháng 4-1954. Sau đó đại bộ phận chủ lực sẽ rút, một bộ phận sẽ ở lại tiếp tục phát triển sang Thượng Lào, uy hiếp Luông Prabăng.

Tổng quân uỷ cũng đã đệ trình về nhu cầu nhân lực, lương thực, đạn dược, kế hoạch làm đường, sửa đường và phương tiện vận chuyển3.

Phương án đánh Điện Biên Phủ của Tổng Quân uỷ đệ trình Bộ Chính trị được chuẩn bị theo tinh thần "đánh chắc, tiến chắc".

Bộ Chính trị đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.

Trao quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận", "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn, thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau ... Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Ngày 5-1-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc. Cùng đi có Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm, song lúc đầu địch mới làm công sự dã chiến, còn nhiều sơ hở. Về phía ta, bộ đội đều sung sức, tinh thần chiến đấu cao, được trang bị một số trọng pháo mới... Bộ phận tiền phương cùng cố vấn Mai Gia Sinh đi chuẩn bị chiến trường đã lựa chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh". Đánh nhanh, thắng nhanh lúc bộ đội còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất và không phải đối phó với khó khăn về tiếp tế đạn dược, lương thực cho hàng vạn chiến sĩ và dân công.

Với tài quân sự thao lược, những hiểu biết sâu sắc thực tiễn Việt Nam và nắm chắc năng lực đội quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy quân đội ta tuy đã trưởng thành, đang sung sức và sẵn sàng chiến đấu, song vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện để đánh tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm phòng ngự lớn của địch liên tục trong hai ngày, ba đêm bằng chiến thuật thọc vào tim. Lựa chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" là quá mạo hiểm. Trước băn khoăn đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi với cố vấn Vi Quốc Thanh về sự mạo hiểm của cách "đánh nhanh, thắng nhanh". Vi Quốc Thanh cân nhắc rồi nói: "Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không có điều kiện công kích quân địch"4. Tuy băn khoăn, song chưa đủ cơ sở thực tế để quyết định thay đổi phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" như bộ phận cán bộ chuẩn bị tiền phương và cố vấn quân sự Trung Quốc đã lựa chọn khác với phương án của Tổng Quân uỷ đã đệ trình Bộ Chính trị trước đó nên ngày 14-1-1954, Đại tướng đã phổ biến kế hoạch chuẩn bị theo phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" cho các cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu, đồng thời vẫn tiếp tục theo dõi tình hình để chọn cách đánh bảo đảm yêu cầu đánh chắc thắng, không chắc thắng thì không đánh theo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian nổ súng dự định ngày 20-1-1954, song chúng ta chưa lường hết trở ngại, nhất là dùng sức người kéo pháo không kịp vào đến vị trí quy định. Sau nhiều ngày đêm chật vật pháo mới xích gần đến trận địa. Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ theo dõi việc kéo pháo ở phía tây đã báo cáo với Đại tướng, pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh khỏi tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được vào trận địa.

Thời gian nổ súng được quyết định là ngày 25-1-1954.

Gần đến ngày nổ súng, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng thêm một ngày nữa. Tình hình địch đã thay đối nhiều. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được địch tổ chức phòng ngự vững chắc. Những khó khăn của quân đội ta trong chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm phòng ngự lớn bộc lộ khá rõ rệt. Với trách nhiệm toàn quyền của vị chỉ huy chiến dịch, Đại tướng thấy rõ không thể thực hiện phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" như đã lựa chọn nên quyết định chuyển sang phương án "đánh chắc, tiến chắc". Vì vậy, Đại tướng, Bí thư Đảng uỷ chiến dịch đã triệu tập Hội nghị Đảng uỷ mặt trận họp vào sáng 26-1-1954. Trước khi họp, Đại tướng đã trao đổi ý kiến với Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh rõ tình hình phải chuyển sang phương án "đánh chắc, tiến chắc". Vi Quốc Thanh và các cố vấn quân sự Trung Quốc ở mặt trận Tây Bắc chắc chắn hiểu được khó khăn của việc triển khai chuẩn bị và tính mạo hiểm của kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" nên sau một hồi suy nghĩ rồi nói: "Tôi đồng ý với Võ tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn"5. Và Vi Quốc Thanh đã điện về xin chỉ thị của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến ngày 27-1-1954, ông mới nhận được điện của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tán thành việc thay đổi cách "đánh nhanh, thắng nhanh". Hội nghị Đảng uỷ mặt trận đã thảo luận và đi tới nhất trí chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" như phương án của Tổng Quân uỷ đệ trình Bộ Chính trị ngày 6-12-1953.
___________________________________________________
1. Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử, Sđd.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 594.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. Sđd, t. 14. tr. 595.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr. 96.
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd tr. 208.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #213 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 01:25:59 pm »


Quyết định thay đổi phương án tác chiến và trao nhiệm vụ mới đã được lệnh truyền đến cho các đơn vị ngay trong ngày 26-1-1954. Và ngay trong đêm này, Đại tướng đã viết thư hoả tốc báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị. Và đến ngày 30-1-1954, lại có báo cáo giải trình cụ thể với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị về sự thay đổi phương án tác chiến và kế hoạch chuẩn bị theo cách đánh mới.

Báo cáo nêu rõ: "Ngày 25, bộ đội ta đã đến đủ ở vị trí tập kết, phần lớn pháo binh cũng đã vào trận địa. Chúng tôi nghiên cứu lại lần cuối cùng tình hình địch, ta để ra lệnh nổ súng thì nhận thấy:

a. Địch tăng đến 15 tiểu đoàn, một số pháo; sự bố trí ở phía bắc và tây đã mạnh hơn trước; vị trí Hồng Cúm ở phía nam trước chỉ có 2 tiểu đoàn thì nay đã có 4 tiểu đoàn, thêm 12 khẩu lựu pháo, có trường bay mới làm biến thành một tập đoàn cứ điểm thứ hai yểm hộ cho Mường Thanh.

b. Lựu pháo và cao pháo của ta bố trí ở bắc và tây bắc chỉ hợp với kế hoạch đánh nhanh, không hợp với kế hoạch đánh từng bước, vì từ đường ôtô kéo vào phải dùng trên một đại đoàn bộ binh kéo trong 8 đêm (trước báo cáo là chỉ cần 2 đêm), nếu chiến sự phát triển không thuận lợi thì tiến lui đều khó.

c. Việc chuẩn bị về mọi mặt đều phải tăng cường mới bảo đảm đánh lâu được.

Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước. Trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy, chúng tôi quyết định:

- Tạm đình ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới. Vận chuyển cao pháo và trọng pháo trở lại phía đông để có thể sử dụng cơ động và đợi khi nào thông đường kéo pháo phía đông Điện Biên Phủ làm xong sẽ sử dụng. Lệnh chuyển pháo đã được thi hành trong đêm 26, cần phải 7 hôm mới hoàn thành.

- Nghiên cứu kế hoạch tiếp tục chuẩn bị về các mặt tân binh, đạn dược, lương thực, đủ đánh cho đến cuối tháng 4. Đường sá từ Yên Bái đến Điện Biên Phủ phải bảo đảm cho xe chạy được trong cả thời gian đó. Làm thêm nhiều con đường cho xe kéo pháo chạy đến Điện Biên Phủ để có thể điều động pháo theo nhu cầu chiến đấu. Kế hoạch này chia từng bước để tiến hành, định đến ngày 10-2 thì hoàn thành bước thứ nhất.

- Trong lúc ở đây tiếp tục chuẩn bị thì nhanh chóng và bí mật điều động toàn Đại đoàn 308 sang phía lưu vực sông Nậm Hu, bao vây và tiêu diệt từ 4 đến 5 tiểu đoàn địch hiện đóng từ Mường Khoa đến Mường Ngòi. Chiều 26, Trung đoàn đầu tiên của 308 đã lập tức xuất phát, ngày 27 toàn bộ xuất phát, dự liệu khoảng 30 hay 31 thì hoàn thành bao vây địch. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích. Nếu ta thắng ở mạn đó thì tình hình ở Điện Biên Phủ và ở Luông Prabăng có thể thay đổi ít nhiều"1.

Báo cáo cũng đã xác định chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc và Lào - Campuchia, phương châm hoạt động trên từng chiến trường cụ thể. Ở Điện Biên Phủ thì bao vây, kiềm chế giữ địch, tiêu diệt từng bộ phận, tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ. Trường hợp địch tình biến hoá có lợi thì có thể dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Trường hợp địch tăng cường thì có thể dùng một bộ phận chủ lực tiến về phía Luông Prabăng, Phông Xa Lỳ tiêu diệt địch và giải phóng địa phương, cô lập địch ở Điện Biên Phủ2.

Quyết định hoãn cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" để sang "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyền Giáp là một quyết định dũng cảm, sáng suốt, khoa học với trách nhiệm cao của vị chỉ huy tại mặt trận đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao toàn quyền quyết định trận đánh trước khi lên đường ra mặt trận.

Quyết định thay đổi phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhất trí cho rằng: "Quyết định thay đổi cách đánh như vậy là hoàn toàn đúng". Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn.

Chọn cách "đánh chắc, tiến chắc", Bộ Chỉ huy chiến dịch thực hiện phương án: "Xây dựng trận địa bao vây, chia cắt quân địch, đưa pháo vào những vị trí an toàn, đặt các cứ điểm trong tầm bắn, khống chế sân bay, tiếp đến sẽ tiến hành một loạt trận công kiên, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng, bắt đầu từ tiêu diệt phân khu bắc, mở đường đưa bộ đội vào cánh đồng Mường Thanh, cắt đứt sân bay, tiếp đến bóp nghẹt con nhím Điện Biên Phủ"3.

Mọi công việc chuẩn bị để triển khai cách đánh mới đã hoàn tất. Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, toàn bộ lực lượng pháo binh của ta gồm 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 ly đã đồng loạt nhả đạn mở đầu chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch đánh công kiên gồm một loạt trận đánh diễn ra thành ba đợt trong 56 ngày đêm, tập trung binh lực tiêu diệt từng bộ phận, tiến lên tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm vào ngày 7-5-1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa thế kỷ XX. Đây là: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới"4.

So sánh về tương quan lực lượng giữa ta và quân đội Pháp quả rất là so le, song cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Tại sao vậy? Bí quyết thắng lợi đó là gì? Độ lùi lịch sử càng xa càng có điều kiện cho phép chúng ta và cả phía đối phương có được cái nhìn khách quan về bí quyết thắng lợi đó.

Từ thực tiễn trải nghiệm của mình, Ph. Lơcléc một đại tướng giỏi của quân đội Pháp, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói - một đại quân nhân, một nhà ái quốc đã lừng danh chiến công trong cuộc chiến đấu chống kẻ xâm lược nước Pháp lại đem quân, chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuối cùng đã nói một cách cô đọng và rõ ràng bài học thất bại của Pháp rằng: "Người ta không thể nào dùng sức mạnh để phá tan chủ nghĩa dân tộc Việt Nam"5.

Sức mạnh dân tộc và trí tuệ của người Việt Nam được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ sự thất bại trên chiến trường Việt Nam, Mỹ phải rút quân và ký Hiệp định Pari, cam kết thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Mc. Namara đã viết: "Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết dân tộc". "Chúng ta (Mỹ) đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (Việt Nam) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó"6.

Vì độc lập của dân tộc và tự do của nhân dân, cả nước đã đứng lên thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, bằng sức mạnh dân tộc và trí tuệ của con người Việt Nam để chống lại đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp, được Mỹ giúp sức. Đó là bí quyết kháng chiến thắng lợi của dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến công Điện Biên Phủ.
_____________________________________________________
1, 2. Hưng (Võ Nguyên Giáp): Báo cáo mật số 2. Kính gửi Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và Chính trị Bộ, ngày 30-1-1954. Tài liệu lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr. 146.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 12.
5. Phillippe Devillers: Paris — Saigon — Hanoi, Edition Gallimard Juliard, 1988, p.375.
6. R. Mc Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 317, 316.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #214 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 02:00:24 pm »


CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ DƯỚI ÁNH SÁNG HỌC THUYẾT QUÂN SỰ VIỆT NAM
VÀ TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH
1


Đại tá PHẠM CHÍ NHÂN

Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đã đi vào lịch sử như một chiến công oanh liệt của dân tộc bị áp bức đánh thắng quân đội xâm lược nước ngoài trong thời đại mới. Xin được trở về cội nguồn để tìm hiểu cơ sở khoa học của chiến công vĩ đại, dưới ánh sáng của học thuyết quân sự Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Không phải ngẫu nhiên mà trận đại phá chủ nghĩa thực dân lại diễn ra trên đất nước Việt Nam, một đất nước vừa thoát khỏi vòng nô lệ chỉ mới 10 năm. Thời gian ấy chưa đủ để xoá đi sự lãng quên vô tình hay cố ý của không ít người đối với một quốc gia không được ghi tên trên bản đồ toàn cầu, giữa một thế giới bất ổn vì chiến tranh, đầy thù hận và nghi kỵ. Lại do những hạn chế của khoa học lịch sử lúc bấy giờ, loài người còn biết rất ít lịch sử của dân tộc Việt Nam mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Vậy mà với Điện Biên Phủ, thế giới chợt nhận ra rằng ở vùng Đông Nam Á, có một dân tộc đất không rộng, người không đông, luôn quật cường, bất khuất, với những võ công oanh liệt mà mỗi con Hồng cháu Lạc mãi mãi tự hào. Hiếm thấy có một dân tộc, sau hơn một nghìn năm bị thế lực phong kiến của một lân bang khổng lồ thống trị, chẳng những không bị đồng hoá, mà còn vùng dậy giành lại quyền sống với một bản tuyên ngôn độc lập bất tử, vang vọng như lời hịch giữ nước đầu tiên:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
2
.

Trong các pho giai thoại lịch sử, hiếm thấy một biểu tượng của tinh thần dân tộc như hình ảnh em bé làng Gióng đánh đuổi giặc Ân, với "ngựa sắt, roi ngà, mảnh áo nhung", và khí phách anh hùng trong câu thơ của Cao Bá Quát:

"Phá tặc đản hiềm tam tuế vãn
Đằng vân do hận cửu thiên đê"
3
.

Đối với người Việt Nam, từng là nạn nhân của các chế độ áp bức, bóc lột hà khắc, ý thức bảo vệ quyền dân tộc đã thấm sâu vào tim óc, trở thành chân lý, thành quy luật, thành học thuyết quân sự truyền thống. Một khi ngọn cờ đại nghĩa dân tộc phất cao, "tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có". Bao anh hùng cứu nước "đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa... tuy trăm thây ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm" (Trần Quốc Tuấn). Bởi vì quân giặc cường bạo hại dân, "tát cạn nước Đông Hải không rửa sạch tanh hôi, chặt hết trúc Nam Sơn khó ghi đầy tội ác"..., "khó đội trời chung cùng quân địch, thề không chung sống với giặc thù" (Nguyễn Trãi). Bởi vì nước mất thì nhà tan, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", "đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" (Nguyễn Huệ). Bởi vì "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi!" (Hồ Chí Minh).

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trận quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lại diễn ra ở Điện Biên Phủ trên miền Tây Bắc Việt Nam.

Với địa thế của một nước dài, mỏng hình chữ S, phía đông và phía nam đối mặt với đại dương, phía bắc và phía tây tựa lưng vào lục địa, kháng chiến bằng sức mạnh của toàn dân, với bộ binh là chủ yếu, thì hướng tây là một hướng chiến lược không thể coi thường. Từ hướng tây, dựa vào địa hình "thiên hiểm", có thể thực hành tiến công chiến lược, chia cắt chiến lược, vu hồi chiến lược. Các nhà quân sự Việt Nam đã thấy rất sớm điểm này. Trong lịch sử, ông cha ta luôn chú ý bảo vệ biên giới phía tây bằng đối sách ngoại giao, đối sách quân sự với Vạn Tượng, Xiêm La, cũng như từng dựa vào địa hình rừng núi phía tây để xây dựng căn cứ địa dấy nghĩa dựng cờ chống quân xâm lược. Từ năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy đã khẳng định: "Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng... Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta đã thành công với Khu giải phóng Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến"4. Cũng từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các đội xung phong Tây tiến "phải cắm cho được lá cờ đỏ sao vàng lên đất Điện Biên Phủ". Trong kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường chi viện Trường Sơn dựa chắc vào rừng núi phía tây mà đứng vững và phát huy tác dụng to lớn. Cho đến mùa Xuân năm 1975, hướng chiến lược chủ yếu mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cũng là chiến trường Tây Nguyên, lấy Buôn Ma Thuột làm khâu đột phá chiến lược, làm rung chuyến và rối loạn thế bố trí của địch, tạo điều kiện cho những đòn chiến lược tiếp sau, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Đối phương cũng không lạ gì điều đó. Từ năm 1888, viên Đại tá Pécnô (Pernot) đã mang quân Pháp lên đánh chiếm Điện Biên Phủ. Một sân bay nhỏ đã được xây dựng tại đây. Năm 1940, đã có những chuyến bay bí mật của quân Đồng minh chống phát xít đổ quân xuống nơi này. Năm 1945, quân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, đã đánh một mũi từ hướng tây qua đất Lào. Chúng đã bị Liên quân Lào - Việt chặn đứng ở Xê Pôn, Pha Lan, Đồng Hến. Tướng Hăngri Nava, viên Tổng Chỉ huy cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vừa tới chiến trường, đã phê phán cái phòng tuyến boongke từ tây sang đông của người tiền nhiệm (tướng Đờ Lát Đờ Tátxinhi) là "cái then cửa" vô dụng, vì "đối phương có thể đi quành" từ phía tây. Đến khi phát hiện "chủ lực Việt Minh" tiến quân lên Tây Bắc, Nava vội vàng đưa quân dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành điểm quyết chiến, chủ trương "nghiền nát Việt Minh" bằng một "con nhím" tập đoàn cứ điểm. Các nhà quân sự Mỹ cũng không kém nhạy bén. Một trong những mục tiêu của Mỹ khi can thiệp vào Đông Dương là trong tương lai sẽ biến Điện Biên Phủ thành một căn cứ lục quân - không quân lớn có thể khống chế cả vùng Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc, với giá trị chiến lược thuận lợi còn hơn cả Cánh Đồng Chum ở Thượng Lào.

Cũng cần nói thêm rằng trong lịch sử, Điện Biên Phủ từng là một mảnh đất anh hùng. Nơi đây đã chứng kiến tội ác ghê tởm của giặc Phẻ từ phương Bắc tràn xuống, từng là "Phủ lớn" của lãnh tụ Hoàng Công Chất mà người Thái suy tôn là "Then Chất", "Thiên Vương Chất". Các dân tộc Thái - Kinh chung lòng, chung sức đắp luỹ xây thành chống lại ách thống trị của nhà Trịnh trên biên cương miền tây từ Thanh Hoá đến Lai Châu. Tư tưởng đoàn kết dân tộc chống cường quyền đã đi vào văn hoá dân gian Tây Bắc:

"...Đây đúng là nơi phủ lớn Chiềng Lề của ta
Chiềng Lề có ao bèo to nhỏ
Chúa người Kinh xây thành để tiếng tăm đến đời sau..."
5.
____________________________________________________
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
2. Sông núi nước Nam vua Nam ở
Sách trời đã định điều tất yếu ấy
Nếu kẻ thù đến xâm phạm bờ cõi
Chúng sẽ chuốc lấy thất bại.

3. Mới lên ba tuổi đã đánh tan giặc mà vẫn cho là muộn.
Bay tận mây xanh mà vẫn giận chín tầng trời còn thấp.

4. Thư gửi bộ đội Tây Bắc của Bộ Tổng chỉ huy, ngày 1-2-1947, tư liệu lưu tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
5. Trần Lê Văn: Bài hát ca ngợi Chúa Hoàng Công Chất. Sông núi Điện Biên, Nxb. Văn hoá, Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #215 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 02:07:17 pm »


Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, một mùa chiến dịch làm nổi bật những nét độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam, đặc biệt thể hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, cốt lõi của đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kế thừa truyền thống quân sự của tổ tiên, phát triển tư tưởng của Ăngghen, Lênin về vũ trang quần chúng và xây dựng quân đội thường trực, Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, đặc biệt quan tâm xây dựng bộ đội chủ lực, vì theo Người, "về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng". Người "lập ra đội chủ lực", nhìn thấy trước "nó là khởi điểm của Giải phóng quân", "có thể đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta"1. Hình thức tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân chính là sự kết hợp lực lượng nòng cốt với lực lượng rộng rãi, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, kết hợp du kích chiến với vận động chiến, kết hợp lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ của cả nước và của từng địa phương. Trong khi coi trọng vai trò chiến lược của bộ đội địa phương và dân quân du kích, Đảng ta đặc biệt coi trọng phát triển bộ đội chủ lực làm "quả đấm chiến lược" quyết định chiến trường. Dưới ánh sáng tư tưởng ấy, chỉ trong tám năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa kiến quân, đến cuối năm 1953, quân đội ta đã có bảy đại đoàn (sáu đại đoàn bộ binh và một đại đoàn binh chủng) đủ sức làm nên "quả đấm chủ lực". Nhớ lại lời Bác trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2-1951: "Giặc Pháp là "vỏ quýt dày", ta phải có thời gian để mà mài "móng tay nhọn", rồi mới xé toang xác chúng ra"2. Kháng chiến trường kỳ, càng đánh càng mạnh. "Móng tay nhọn" đã mài xong. Đã đến lúc "xé toang xác" địch.

Trong Đông Xuân 1953 - 1954, ta thắng thực dân Pháp trước hết là thắng về chiến lược. Trên cơ sở phân tích khoa học những mâu thuẫn mang tính quy luật của chiến tranh xâm lược, thấy rõ những nhược điểm rất lớn của địch do sự tập trung binh lực của chúng gây ra, nắm vững tư tưởng tiêu diệt sinh lực địch là chính, Đảng ta đã chủ trương tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược của ta là: "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Hướng chính là Tây Bắc. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 10-1953 ở Tỉn Keo (Việt Bắc). Bác Hồ nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn". Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trở về một hướng"3.

Mỗi hướng ấy là một đòn chiến lược: đòn chiến lược Tây Bắc, đòn chiến lược Trung Lào, đòn chiến lược bắc Tây Nguyên, đòn chiến lược Hạ Lào, đòn chiến lược Thượng Lào. Trong khi đó, đồng bằng Bắc Bộ và các chiến trường khác tích cực hoạt động phối hợp. "Khối cơ động" của quân Pháp bị xé nhỏ ra, kế hoạch Nava bất đầu phá sản. Từ chỗ ra sức tập trung một binh lực cơ động mạnh ở Bắc Bộ, địch buộc phải bị động phân tán binh lực một cách thảm hại. Quyền chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Trong thế bị động, Bộ Chỉ huy quân Pháp đã phạm sai lầm, chủ trương tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, một "siêu Nà Sản", một "Nà Sản luỹ thừa mười" để hòng "nghiền nát" đối phương, điều không hề có trong kế hoạch Nava. Một số quân lớn bị chôn chân dài ngày tại đây và ở các hướng khác khiến địch không còn đủ sức đối phó với quân ta trên các chiến trường toàn quốc. Lực lượng kháng chiến của ta lớn mạnh toàn diện, cả quân sự, chính trị, kinh tế, cả ở vùng tự do và vùng sau lưng địch. Điện Biên Phủ trở thành mặt trận chủ yếu. Và chúng ta đã chọn Điện Biên Phủ, một tập đoàn cứ điểm tuy mạnh nhưng trong thế cô lập, xa hậu phương, chơi vơi giữa núi rừng Tây Bắc, hoàn toàn có khả năng bị tiêu diệt. Ta đã sử dụng bốn đại đoàn bộ binh và đại đoàn binh chủng, tập trung ưu thế binh lực vào trận quyết chiến chiến lược. Phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" quả thật thần tình, biểu hiện cụ thể tư tưởng chiến lược quân sự của tổ tiên": "Phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ tuỳ cơ mà ứng biến" (Trần Quốc Tuấn)4. Nếu như đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì ở Điện Biên Phủ, ta đã tập trung lực lượng đánh vào nơi mạnh nhất của địch, giành thắng lợi quyết định.

Về chiến dịch, chiến đấu, cùng với tinh thần anh dũng của các chiến sĩ ngoài mặt trận, tinh thần phục vụ tiền tuyến vô điều kiện của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và cả nước, phải nói đến ý nghĩa to lớn của việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch. Khi đi đến "quyết định khó khăn nhất", vị Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ đã có một hành động sáng suốt và dũng cảm. Hành động ấy được soi sáng bằng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: Đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế. Lại nhớ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, khi về thăm Lam Sơn (Thanh Hoá), Bác Hồ phân tích về cái thế của chiến tranh: "Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ. Phải một cái cứng một cái mềm thì khi chọi nhau, một cái mới còn... Pháp có xe tăng, đại bác thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm. Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng"... Người chỉ rõ: "Sét đánh không trúng, chớp soi không thấu thì hết cơn sấm sét là yên"5. Năm 1969, Người lại nói: "Quả cân chỉ 1 kilôgam, ở vào thế lợi, có thể nhấc bổng được một vật nặng hàng 100 kilôgam. Đó là thế thắng lực"6.

Ở Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, bảo đảm đánh chắc thắng là vận dụng tư tưởng quân sự truyền thống "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều", vận dụng cái thế "dĩ nhu xử cương" ấy trong quân sự, là thực thi tư tưởng quân sự của Đảng chứa đựng trong Nghị quyết Trung ương đầu năm 1953: "Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng mà không được bại, vì bại thì hết vốn". Khi Đờ Cátxtơri rải truyền đơn khiêu khích Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Nghe nói Ngài định đưa quân vào ăn Tết ở Điện Biên Phủ, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp Ngài!", thì ta không dại gì mà chọi sức với chúng. Ta thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", chủ trương đánh bóc vỏ, thắng dần từng bước trên cơ sở xây dựng một trận địa tiến công và bao vây vĩ đại, triệt tiêu những chỗ mạnh của địch là phi cơ, pháo binh, quân ta có thể đánh dịch trên địa hình bằng phẳng và đánh ban ngày, phát huy triệt để các loại hoả lực của ta một khi đã tiếp cận, bao vây, chia cắt địch. Đó chính là sự vận dụng tư tưởng chiến lược quân sự của Nguyễn Trãi: "Việc binh cốt phải mau chóng như thần, máy then mở đóng, như bánh xe chuyển, như đám mây bay, trong khoảng chốc lát, chợt nóng chợt lạnh, thay đổi khôn lường"7. Đó cũng chính là "lấy đoản binh thắng trường trận", là "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" trong chiến dịch và chiến đấu. Và trong cái "dĩ nhu xử cương" ấy, luôn luôn "dĩ bất biến ứng vạn biến", vận dụng linh hoạt thế và lực dựa chắc trên mục tiêu chiến lược không lay chuyển là: "Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình" dưới lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch.

Việc thay đổi phương châm tác chiến đưa đến thắng lợi lịch sử ở Điện Biên Phủ còn là kết quả của tư tưởng sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tướng là người giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm, trung) thì nước mạnh"8. Một khi đã chọn mặt gửi vàng thì hoàn toàn tin cậy: "Tướng quân tại ngoại". Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh"9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ đã không phụ lòng tin yêu ấy khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch ở phút cuối cùng, từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" trong ba đêm hai ngày chuyển sang "đánh chắc tiến chắc" trong 56 ngày đêm, đưa chiến dịch lịch sử đến toàn thắng.

Ngày nay nhìn lại, ý nghĩa của cụm từ: "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ" càng nổi lên rõ nét. Trên đất nước Việt Nam bất khuất, đã có trận Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân. Công đầu thuộc về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người Cha thân yêu của quân đội ta, nhà chiến lược thiên tài của chiến tranh cách mạng Việt Nam, "Anh hùng giải phóng dân tộc" của thời đại mới.
____________________________________________________
1. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12-1944).
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.165.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 25.
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, t. 5, tr.100.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 58.
6. Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 23-5-1969.
7. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.118.
8. Hồ Chí Minh: Phép dùng binh của Tôn Tử, Chính trị Cục xuất bản, 1947, tr. 21.
9. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 28.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #216 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 02:16:21 pm »


CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ -
BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN
1

TỐ THANH
Viện Sử học –
Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Mãi bốn năm sau, kể từ ngày phải cay đắng chấp nhận đại bại trên chiến trường Điện Biên Phủ, tướng Hăngri Nava mới rút ra kết luận: phía Pháp thua vì "quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy, mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc"2. Năm năm tiếp theo, năm 1963, Trong tác phẩm Trận Điện Biên Phủ của mình, Giuyn Roa cũng thừa nhận: "Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà là những chiếc xe đạp thồ, chở 200-300 kg do người đẩy"3. Còn Ivon Panhinét, ví von một cách chua xót: "... Máy bay của ta đã thua đôi bồ dân công của Việt Minh"4.

Như vậy, tuy có muộn, nhưng cuối cùng, những chính khách người Pháp cũng nhận ra một nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân Việt Nam. Họ lấy hình ảnh những đôi bồ và những chiếc xe đạp thồ do người đẩy để diễn tả sự đồng lòng, dốc sức của cả một dân tộc cho một chiến trường với một quyết tâm giành thắng lợi. Song, họ không thể nhận ra rằng đối với mọi người Việt Nam, bài học về đoàn kết luôn luôn là một bài học sống động, không ngừng được tiếp nối, nâng cao và có những ý nghĩa hết sức trọng đại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống cực kỳ quý báu. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại bùng lên sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ; nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước. Lòng yêu nước nồng nàn đã hun đúc nên tình đoàn kết keo sơn và nhờ có đoàn kết mà nhân dân ta đã vượt qua tất thảy mọi gian nan, thử thách, viết nên những trang sử bất diệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong số đó. Nhưng khác với những kỳ tích trước nó, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ thể hiện của sức mạnh đại đoàn kết, mà hơn nữa, nó là biểu tượng của sức mạnh đó. Biểu tượng ấy vừa có hàm ý nhấn mạnh tầm vóc to lớn của chiến thắng, cũng là quy mô của sức mạnh đại đoàn kết, lại vừa có hàm ý nói lên tính đúng đắn của tư tưởng đã tạo nên sức mạnh ấy.


I

Trước hết, ta hãy xem xét quy mô của sức mạnh đại đoàn kết đã được huy động vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, xem xét hình thể của nó được tạo nên thế nào. Mọi con số đều mang tính cụ thể và sự so sánh giữa chúng sẽ mang lại cho ta những nhận thức mới. Sau khi thực dân Pháp buộc nhân dân ta phải cầm súng, vượt qua những năm tháng khó khăn ban đầu, từ năm 1950 đến năm 1953, quân dân ta đã liên tiếp mở các chiến dịch lớn: Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trần Hưng Đạo năm 1951, Quang Trung năm 1951, Lý Thường Kiệt năm 1951, Hoà Bình năm 1952, Chiến dịch Thượng Lào mùa Xuân năm 19535. Trong các chiến dịch đó, ta đã huy động 1.298.930 dân công với 29.485.900 ngày công và 4.750 tấn lương thực, thực phẩm. Nhưng riêng Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động tới 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và hàng nghìn con ngựa thồ. Ngoài ra, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có hàng chục nghìn thanh niên xung phong và một số nhân lực to lớn, không tính được, của lực lượng nhân dân tại chỗ. Như vậy, so với các chiến dịch, số nhân lực được huy động phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là rất lớn. Số ngày công bằng hơn 62% tổng số ngày công của các chiến dịch (18.301.570 so với 29.485.900) và số lượng lương thực, thực phẩm thì nhiều hơn gấp 5,6 lần tổng số cho các chiến dịch kia (26.880 tấn so với 4.750 tấn).

Những con số trên thật to lớn đối với một đất nước còn quá nghèo nàn, hết sức lạc hậu, lại đang phải tiến hành một cuộc kháng chiến cứu nước quyết liệt. Nhưng ý nghĩa của nó còn lớn hơn, bởi vì đó là công sức đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên hầu khắp đất nước. Có thể nói, cả nước một lòng, cả nước cho chiến trường, cả nước hướng về chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ vùng tự do Việt Bắc, từ Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc cho đến các vùng du kích, các khu căn cứ địa ở đồng bằng Bắc Bộ, rồi vùng mới giải phóng Thượng Lào; tất cả đều đoàn kết dồn sức cho Điện Biên. Trong tổng số 25.056 tấn gạo cung cấp cho chiến dịch, nhân dân Liên khu Việt Bắc đóng góp 5.229 tấn, nhân dân Khu Tây Bắc góp 7.311 tấn, Liên khu III góp 1.464 tấn, Liên khu IV góp 9.052 tấn, lưu vực sông Nậm Hu và Thượng Lào góp 2.000 tấn. Trong tổng số 1.824 tấn thịt và các loại lương thực, thực phẩm khác, nhân dân Liên khu Việt Bắc đóng góp 680 tấn, nhân dân Khu Tây Bắc góp 389 tấn, Liên khu III góp 115 tấn, Liên khu IV góp 640 tấn. Trong tổng số 261.453 dân công, nhân dân Liên khu Việt Bắc có 36.519 người tham gia, Khu Tây Bắc có 31.819 người, Liên khu III có 6.402 người và Liên khu IV có 186.714 người. Trong số 20.991 xe đạp thồ, nhân dân Liên khu Việt Bắc đóng góp 8.065 xe, nhân dân Liên khu III góp 1.712 xe và Liên khu IV góp 11.214 xe. Ngoài ra, nhân dân Tây Bắc còn đóng góp toàn bộ số mảng nứa, toàn bộ số ngựa thồ phục vụ cho chiến dịch6.
_____________________________________________________
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
2. H.Nava: Agonie de L'Indochine (Đông Dương hấp hối). Nxb. Plông, Pari, 1958, bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học.
3. Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd, tr.131.
4. Báo Nhân Dân, số ra ngày 7-5-1964.
5. Ngoài ra còn có các Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
6. Ban Khoa học hậu cần: Công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng cục Hậu cần xuất bản, Hà Nội, 1979, tr.554.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #217 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 02:18:54 pm »


Nhân dân Tây Bắc hiểu rất rõ giá trị từng hạt gạo, miếng thịt của mình gửi cho mặt trận. Bởi vì, nếu từ Liên khu IV, Liên khu III hay từ Liên khu Việt Bắc, dân công đưa lương thực, thực phẩm lên đến Cò Nòi, họ phải vượt qua một chặng đường dài 500-700 km với bao khó khăn nguy hiểm, thậm chí phải hy sinh cả xương máu. Nhưng tới nơi, số lượng mang đi chỉ còn một nửa thực sự tới tay bộ đội, còn nửa kia phải nuôi người vận tải trên suốt dọc đường. Nhân dân Tây Bắc cũng hiểu rất rõ những gian nan vất vả mà mình cố gắng khắc phục cho chiến thắng sẽ đỡ gấp nhiều lần nếu như nhân dân từ các vùng miền xuôi xa xôi phải đảm nhiệm. Do đó, họ đã cố gắng, cố gắng đóng góp hết của mình. Là một vùng núi non hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại vừa mới được giải phóng một năm, đời sống còn cực kỳ khốn khó, nhiều gia đình thiếu ăn một hai tháng trong năm, nên trong kế hoạch chỉ dự kiến huy động 6.000 tấn gạo, bằng 1/6 tổng sản lượng thu hoạch; nhưng nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tự nguyện đóng góp tới 7.311 tấn, vượt mức trên 1.300 tấn.

Đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, nơi trực tiếp diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ. Tuy trận mạc gây nhiều khó khăn, phức tạp, cộng với những khó khăn thường nhật của một tỉnh miền núi cao, xa xôi hẻo lánh, nhưng nhân dân Lai Châu vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương tại chỗ của mình, phục vụ tốt nhất cho bộ đội đánh giặc. Chẳng những thế, nhân dân ở đây còn vận động nhau cung cấp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt mức trên giao 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn; 112 tấn rau xanh; 16.972 người đi dân công với 517.210 ngày công; 348 ngựa thồ; 38 thuyền mảng; 25.070 cây gỗ chống lầy. Có địa phương, như Tuần Giáo, đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho chiến dịch. Lại có những địa phương, như châu Điện Biên Phủ, nơi chiến trường chiến đấu quyết liệt, cũng vẫn đóng góp 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau, 38.000 ngày công1.

Nhân dân các dân tộc thiểu số, không kể ở Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hoà Bình hay miền tây Thanh Hoá..., cũng không kể là người Thái, Hà Nhì, Mường, Thổ hay Dao, Mông, Nùng... đều thi đua đoàn kết lập công. Đồng bào Mông ở Tàxia - Thán Chỉ tuy chỉ chuyên trồng ngô và sống bằng ngô, bằng sắn, vẫn có gạo đem đi đóng góp. Đồng bào Dao, Nùng còn dùng cả trâu để thồ rau, thồ gạo, thồ thịt đến tận những nơi trú quân rồi giao tất cả cho "bộ đội Cụ Hồ". Có người, đầu đội rau quả, lưng gùi gạo, tay xách gà, dắt lợn, trèo đèo, lội suối, đi không biết bao nhiêu "cái dao quăng" để trao tận tay cho các bếp. Lại có những nơi, phần do không làm kịp, phần do địch đánh phá, đồng bào cả vùng đều thoả thuận giao tất cả những nương, rẫy lúa vàng cho các đơn vị tự thu hoạch, kịp làm gạo nuôi quân, rồi sau ghi sổ báo lại. Không chỉ góp của, đồng bào các dân tộc còn góp công, góp người. Trong tổng số hơn 26 vạn dân công, người các dân tộc thiểu số đã tham gia tới gần 8,7 vạn người.

Tất cả đều hướng ra mặt trận. Các miền, các vùng, các địa phương thi đua với nhau. Công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, nhà buôn, rồi cả một số địa chủ, tư sản, ai ai cũng sẵn lòng đóng công, góp của, đâu đâu cũng có phong trào ra quân rầm rộ. Họ không chỉ lo tròn bổn phận của mình, không chỉ đoàn kết động viên nhau, mà còn tương trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau. Biết đồng bào miền núi, do tập tục lạc hậu, chỉ biết dùng cối nước hay chày tay để làm gạo, vừa ít lại chậm không kịp thời, đồng bào miền xuôi đã huy động hàng nghìn thợ đóng cối xay, cối giã lên giúp đồng bào miền núi làm gạo cho nhanh. Ngược lại, biết đồng bào miền xuôi không quen lái thuyền, lái mảng ở những nơi suối sâu, thác cao, nước xiết, có khi lật thuyền mất hàng, hy sinh cả tính mạng, đồng bào các dân tộc miền núi đã tình nguyện đảm nhận các công việc này, dành cho đồng bào miền xuôi đi phục vụ các tuyến trên bộ. Họ sát cánh bên nhau cùng xẻ núi, san đồi, đẵn gỗ, làm đường, cùng hợp lực phá hàng trăm thác lớn, nhỏ trên các dòng sông Đà, sông Nậm Na để mở lối cho quân đi, cho thuyền mảng chở hàng qua lại. Họ cùng chung vai tải thương, lo lắng công việc tử sĩ, liệt sĩ và động viên, cổ vũ bộ đội ở ngoài mặt trận.

Còn biết bao nhiêu hình ảnh cảm động. Nhờ thế, điều lo lắng nhất, cái khó khăn lớn nhất tưởng như khó vượt qua của Chiến dịch Điện Biên Phủ là công tác hậu cần chiến dịch đã được giải quyết. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã giúp ta vượt lên tất cả. Tổng kết chiến dịch, việc cung ứng không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ, mà còn dư thừa một số lượng khá lớn. Nhưng thật không đầy đủ nếu cho rằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân chỉ thể hiện qua những khâu cung ứng trực tiếp cho chiến dịch. Còn nhiều vấn đề khác, tuy là phục vụ gián tiếp, nhưng không thể thiếu cho chiến thắng. Chẳng hạn, những hoạt động của các tầng lớp nhân dân trong cả nước nhằm ủng hộ, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để giảm bớt sức mạnh của địch ở Điện Biên Phủ, nhân dân các địa phương đã cùng tham gia và phục vụ tích cực cho các lực lượng vũ trang ta chủ động mở một loạt các chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng. Kết quả, không những ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, mà còn buộc chúng phải phân tán lực lượng để đối phó, các đơn vị của chúng bị giam chân ở nhiều nơi, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của chúng vì thế càng thêm sâu sắc. Những cuộc tiến công vào các tuyến vận tải địch, đặc biệt là tuyến hàng không, đã gây cho chúng những thiệt hại nặng nề và hạn chế rất đáng kể khả năng tiếp tế của chúng cho Điện Biên Phủ. Trong cả nước, nhân dân các địa phương, từ Nam ra Bắc nhất tề vùng lên diệt ác, phá tề, giành quyền làm chủ. Những cuộc đấu tranh chính trị (mít tinh, biểu tình...), đấu tranh kinh tế (bãi chợ, đình công, công phá các cơ sở kinh tế địch...), đấu tranh trên mặt trận văn hoá... liên tiếp nổ ra, làm cho hậu phương của địch, từ nông thôn đến các đô thị, luôn luôn bị náo động, không lúc nào bình yên. Chúng luôn phải bận tâm đối phó.

Công tác binh vận cũng được đẩy mạnh. Nhân dân ta không những đã làm phá sản kế hoạch dự định nâng số quân nguỵ lên 29 vạn tên vào năm 1953-1954, mà chỉ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 còn vận động được hơn 32.000 nguỵ binh trở về với kháng chiến2. Trong đó, riêng chị em phụ nữ đã vận động được 17.000 người3. Khả năng tăng quân tiếp viện cho Điện Biên Phủ của địch vì thế đã bị hạn chế. Ngược lại, để tăng lực lượng chiến đấu của ta cho mặt trận, nhân dân các địa phương đã ra sức giúp đỡ, động viên thanh niên nhập ngũ. Theo dự kiến vào đầu năm 1954, ta chỉ chủ trương huy động thêm 4.000 tân binh4, nhưng trên 25.000 tân binh đã được tuyển chọn và bổ sung cho mặt trận. "Hội mẹ chiến sĩ" với 500.000 hội viên, có mặt ở khắp nơi, đã ra sức hoạt động với nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Hội đã quyên góp được một số lượng vật chất đáng kể cho chiến sĩ và đem đến cho họ những niềm an ủi, động viên to lớn.

Chưa phải đã hết, song những con số, những sự kiện cơ bản trên cũng đã cho ta hình dung cụ thể về quy mô sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
____________________________________________________
1. Theo tài liệu tổng kết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu
2. Báo Nhân Dân, số ra ngày 27-6-1954.
3. Nguyễn Thị Thập (Chủ biên): Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1980, t.I, tr.162.
4. Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu xuất bản, Hà Nội, 1963, t.VI, tr. 37.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #218 vào lúc: 22 Tháng Tư, 2022, 02:23:02 pm »


II

Tạo được một sức mạnh đại đoàn kết toàn dân như vậy cho chiến thắng Điện Biên Phủ là một thành công lớn. Thành công đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải nói, sức mạnh đó đã được huy động trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết do Hồ Chí Minh khởi xướng.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã nêu cao nhận thức, muốn đánh bại kẻ thù xâm lược, các tầng lớp nhân dân, các giai cấp cách mạng và tiến bộ trong nước phải đoàn kết lại. Ngay trong văn kiện chính thức đầu tiên khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng đó. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, một số người lãnh đạo của Đảng đã không hiểu đúng tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh dẫn đến sự lãnh đạo đối với phong trào quần chúng có nhiều sai khuyết. Đến thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, qua các Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, thứ bảy và nhất là Hội nghị lần thứ tám do chính Hồ Chí Minh chủ trì, tư tưởng đúng đắn đó mới trở lại và nâng cao hơn một bước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám nêu rõ, bọn đế quốc thống trị, áp bức cả dân tộc ta, không chừa một giai cấp, một hạng nào, dù là thợ thuyền, dân cày, tiểu tư sản, viên chức, tư bản hay phú nông, địa chủ. Bởi thế, ngay trong giai cấp địa chủ - phú nông và một phần tư bản bản xứ cũng chỉ có một số ít cam tâm làm tay sai cho giặc, còn phần đông họ đều có cảm tình với cách mạng hoặc giữ thái độ trung lập. Cần đoàn kết họ lại để xây dựng lực lượng cách mạng đánh đuổi đế quốc. Cách mạng Tháng Tám thành công và tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi. Sau cách mạng, khi đất nước đang đầy ắp quân thù, những khó khăn nặng nề chất đầy đôi vai của chính quyền nhân dân non trẻ, với danh nghĩa Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh lại kêu gọi nhân dân thực hành đoàn kết. Người nói: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang"1. Người lại nói: "Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức là yếu hèn"2. Nhờ có đại đoàn kết, nhân dân ta dần dần khắc phục những khó khăn, chính quyền cách mạng của nhân dân được giữ vững. Nhưng thực dân Pháp cố tình xâm lược, nhân dân ta không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng kháng chiến. Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đánh giặc. Người nói: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước"3.

Như vậy, qua thực tế cách mạng, tính đúng đắn trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sức thuyết phục, trở thành tư tưởng của toàn Đảng. Từ khi Đảng cầm quyền, tư tưởng đó thể hiện thành đường lối, chính sách cụ thể. Cuối năm 1945. Đảng tuyên bố: "Chính sách cơ bản hiện nay là hoà hoãn những mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân trong nước, xoá bỏ cừu thị giữa các dân tộc Đông Dương, đoàn kết các tầng lớp, đặng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược"4. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn quốc kháng chiến. Bản Chỉ thị là đường lối kháng chiến của Đảng, trong đó nội dung kháng chiến toàn dân giữ vai trò hết sức quan trọng.

Giải thích tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh, tháng 3-1951, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ: "Đại đoàn kết là thế nào? Theo chúng tôi, đại đoàn kết là đoàn kết rộng và sâu. Đại đoàn kết không những là liên minh rộng rãi từ giai cấp công nhân đến những nhân sĩ dân chủ, địa chủ yêu nước, mà phải liên minh cả trên và dưới: liên minh giữa những người tiêu biểu cho các chính đảng, các đoàn thể và các giai cấp, liên minh giữa các lãnh tụ với nhau và liên minh giữa các quần chúng có tổ chức cũng như không có tổ chức... Đại đoàn kết còn có nghĩa là đoàn kết chặt chẽ dựa trên cơ sở liên minh công nông"5.

Có tư tưởng nhưng lại cần phải có biện pháp tổ chức. Mặt trận dân tộc thống nhất là biện pháp tổ chức để thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận là khối đoàn kết giữa bốn giai cấp trong nhân dân: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và một số địa chủ yêu nước, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Mặt trận là một tổ chức rộng rãi cốt để thực hiện sự thống nhất hành động, hợp tác, giúp nhau giữa các tầng lớp nhân dân nhằm chống kẻ thù chung của dân tộc. Việt Nam độc lập đồng minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, sau hợp nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam là những hình thức của Mặt trận dân tộc thống nhất mà lịch sử quang vinh của nó gắn liền với những kỳ tích lớn lao của dân tộc và với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Muốn có Mặt trận dân tộc thống nhất, do đó có đại đoàn kết toàn dân, một vấn đề quan trọng mà đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh là "phải điều giải hợp lý quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong mặt trận"6. Việt Nam đang kháng chiến. Quyền lợi tối cao của các tầng lớp nhân dân lúc này là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc. Cần đạt cho được mục tiêu đó. Nhưng không vì thế mà không chú ý giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân. Điều giải hợp lý quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân là làm cho mỗi tầng lớp nhân dân đều có quyền lợi mà những quyền lợi đó không làm tổn hại quyền lợi tối cao của toàn dân tộc, phải phục vụ cho quyền lợi tối cao đó và không làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong mâu thuẫn quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ nổi lên quan trọng nhất. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã từng bước đem lại những quyền lợi cơ bản cho nông dân. Đến năm 1953, khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn quyết liệt, để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến mau chóng thắng lợi, Đảng đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện “người cày có ruộng". Cuộc cải cách ruộng đất đã thực hiện được mục tiêu người cày có ruộng, tuy nhiên nó cũng có những sai lầm nghiêm trọng. Những sai lầm đó đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Song đối với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, cuộc cải cách ruộng đất với tinh thần "người cày có ruộng” đã mang lại cho hàng vạn chiến sĩ cùng hàng chục vạn người đang phục vụ ngoài mật trận vốn là nông dân một sức động viên, cổ vũ to lớn. Trên thực tế, cho đến ngày Điện Biên Phủ giành toàn thắng, cuộc cải cách ruộng đất mới chỉ tiến hành được có một đợt, trên tổng số năm đợt và với một diện còn rất hạn hẹp, nên những mặt tiêu cực của nó chưa bộc lộ và ảnh hưởng như sau này.

Đại đoàn kết toàn dân đã mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Sức mạnh đó thật to lớn và tiêu biểu. Nó là kết quả của sự đoàn kết đóng góp của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước, không phân chia dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, già trẻ gái trai. Nó là sức mạnh của cả một dân tộc ra trận, bằng sự tham gia trực tiếp trên các tuyến đường mặt trận, bằng cả những hoạt động nhằm phối hợp, ủng hộ mặt trận Điện Biên Phủ. Nó đã làm cho kẻ thù vốn kiêu ngạo, tự đắc phải bàng hoàng, kinh ngạc, cúi đầu và cuối cùng phải chấp nhận thất bại.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được huy động trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết do Hồ Chí Minh khởi xướng. Tư tưởng đó mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó cũng mang tính nhân văn sâu sắc. Nó là nguồn sinh lực bất tận để cho nhân dân ta lập nên những chiến công hiển hách, cho dân tộc ta trường tồn và phát triển.
_______________________________________________________
1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246-247, 420. 480.
4. Báo Sự thật, số 8, ra ngày 30-12-1945.
5, 6. Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, t.II, tr. 271-272.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #219 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2022, 12:34:46 pm »


CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - ĐỈNH CAO CỦA CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VIỆT NAM THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP1


PGS.TS. NGUYỄN TRI THƯ
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn –
Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Nói về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có nhận định khái quát nổi tiếng: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"2. Câu nói đó bao hàm hai nội dung quan trọng. Một là, chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam rất sâu sắc, nó được nuôi dưỡng qua hàng nghìn năm lịch sử, có nền tảng vững chắc trong cội nguồn của dân ta và trở thành một truyền thống qúy báu của dân tộc. Hai là, chủ nghĩa yêu nước đó được thể hiện cao nhất và rõ nhất khi nước nhà đứng trước họa xâm lăng. Trước nguy cơ mất còn của đất nước, người Việt Nam đã biết đặt lợi ích tối cao của dân tộc làm trọng, dẹp bỏ những tị hiềm để kết thành một khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô địch đánh thắng kẻ thù. Đó là lẽ sinh tồn phát triển và đạo lý cao nhất của người Việt Nam trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử .

Nửa cuối thế kỷ XIX, dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc lạc hậu khác bấy giờ, đã bị thất bại trước cả một thời đại thực dân và rơi vào tình trạng mất nước. Sự tồn vong của dân tộc đứng trước một thử thách mới. Hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ chống thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Đó là cả một quá trình quật khởi của dân tộc, đồng thời cũng là một quá trình tìm tòi trăn trở của dân tộc Việt Nam để nhận thức về thời đại và hiện thực, để tìm ra giải pháp cứu nước đúng đắn, từ ngọn cờ cứu nước theo ý thức hệ phong kiến, rồi tư sản và cuối cùng là vô sản. Dù có khác nhau đến mấy đi nữa về mục tiêu thể hiện và biện pháp cụ thể, tất cả đều có một mẫu số chung: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Sự phá sản và tàn lụi của các khuynh hướng yêu nước khác và sự khẳng định của phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản như một xu thế chủ đạo trong phong trào giải phóng dân tộc ở việt Nam từ đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX chính là vì chủ nghĩa yêu nước theo khuynh hướng vô sản đã kết hợp được chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với dòng chảy của thời đại đặt ra sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Chủ nghĩa yêu nước đó được nảy nở, phát huy cao độ và bám chắc được trong lòng dân tộc bằng những mục tiêu giải phóng rất cụ thể, mà trước hết là ruộng đất cho dân cày, nguyện vọng nghìn đời của trên 90% dân số là nông dân.

2. Đành rằng vấn đề dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp là gắn bó khăng khít và tác động lẫn nhau; độc lập dân tộc gắn liền với người cày có ruộng. Nhưng vấn đề giai cấp có quan trọng đến mấy đi nữa, suy cho cùng vẫn chỉ là một vấn đề bộ phận, một vấn đề luôn luôn đặt dưới sự sinh tử tồn vong và phát triển của dân tộc. Cũng phải trải qua 10 năm chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, với bao gian khổ đấu tranh và nhận thức, Đảng ta mới đi đến khẳng định được chân lý khách quan này (chân lý mà Hồ Chí Minh đã phác họa ra ngay từ ngày đầu thành lập Đảng): "Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"3. "Trong lúc này (nói rộng ra là bất cứ lúc nào - T.G) quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc. Vậy thì quyền lợi của nông dân và thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng độc lập của toàn thể nhân dân"4.

Cách mạng Tháng Tám là sự quật khởi của cả một dân tộc đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Dân tộc Việt Nam bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp và cá nhân yêu nước đã vùng lên đánh đổ ách thống trị của bọn thực dân xâm lược suốt gần một thế kỷ tồn tại trên đất nước ta. Sự vùng dậy đó trước hết và chủ yếu là vì lý tưởng độc lập tự do thiêng liêng tối cao của dân tộc. Người nông dân Việt Nam vùng lên cùng với cộng đồng chung của dân tộc trước hết cùng với tư cách là người dân nô lệ mất nước. Tất nhiên, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đó người nông dân "cũng được hưởng nhiều quyền lợi to tát: a) Đánh đuổi phátxít Pháp - Nhật, đó là lật được một cái ách áp bức bóc lột nặng nề nhất của họ; b) Đánh đổ Pháp - Nhật, thủ tiêu thuế đinh, điền và các thứ thuế khác, đó là cái lợi thứ hai; c) Được chia công điền lại một cách công bằng hơn, giảm địa tô, sửa đổi nền chính trị hương thôn cho họ được hưởng nhiều quyền lợi hơn, lại được hưởng nhiều quyền lợi ruộng đất tịch thu của bọn Việt gian phản quốc và một phần của đế quốc tư bản, đó là quyền lợi thứ ba; d) Họ cũng được hưởng quyền lợi kinh tế, chính trị khác mà toàn thể nhân dân Việt Nam đều được hưởng"5. Cao hơn hết, quyền lợi lớn nhất mà người nông dân được hưởng cùng với dân tộc là xóa bỏ được nỗi nhục nhã của người dân nô lệ mất nước bị chà đạp về chính trị, bóc lột về kinh tế, khinh rẻ về văn hóa - một nền văn hóa nghìn năm của dân tộc.

3. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cả một tập đoàn đế quốc đã kéo vào nước ta hòng bóp chết nhà nước cách mạng trẻ tuổi, đưa nước ta quay trở lại chế độ thuộc địa như cũ. Tổ quốc trên hết! Dân tộc trên hết! Khẩu hiệu thiêng liêng do Đảng ta đề ra lúc đó đã nhân lên gấp bội lần tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc của người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, thành quả cao nhất của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ý chí độc lập tự do và lòng yêu nước là cơ sở vững chắc để dân tộc ta vượt qua thử thách "ngàn cân treo sợi tóc", đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước.

Thực dân Pháp, tên đế quốc đã thống trị dân tộc ta gần một thế kỷ, đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hành động xâm lược này lại diễn ra ở vào một thời điểm dân tộc ta vừa trải qua bao hy sinh xương máu để giành được độc lập tự do, đã làm cho lòng công phẫn và ý thức dân tộc của người Việt Nam lên cao chưa từng thấy, biến thành sức mạnh thiêng liêng: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"6.

Có thể nói, quá trình kháng chiến vô cùng gian khổ là cả quá trình nuôi dưỡng, phát huy và tổ chức sức mạnh tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Kháng chiến và kiến quốc, kháng chiến để kiến quốc, nhưng trước hết và trên hết là kiến quốc đề kháng chiến. Cuộc kháng chiến này là của toàn dân, vì dân và do toàn dân tiến hành, mà trong đó, một lẽ khách quan là do hai giai cấp công nhân và nông dân làm nòng cốt: giai cấp công nhân trước hết với tư cách là người lãnh đạo và giai cấp nông dân với tư cách là lực lượng cách mạng to lớn và đông đảo nhất. Sẽ không quá đáng khi xét về mặt cư dân, có thể coi dân tộc ta là một dân tộc - nông dân. Người đóng góp sức người, sức của to lớn nhất, nhiều nhất cho kháng chiến là nông dân. Trong lực lượng vũ trang nhân dân 90% là nông dân, riêng trong quân chủ lực trên 70% xuất thân từ nông dân. Hậu phương chiến tranh nhân dân ở Việt Nam chủ yếu cũng là nông thôn và nông dân. Thuế nông nghiệp chiếm từ 70 đến 80% ngân sách nhà nước. Trên 90% số dân công phục vụ tiền tuyến cũng là nông dân. Vì lẽ đó mà ta nói cuộc chiến tranh giải phóng này, xét về mặt nào đó thực chất là cuộc chiến tranh nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nói như vậy chủ yếu muốn nhấn mạnh tới lực lượng tiến hành chiến tranh chứ không phải bản chất cuộc chiến tranh. Bởi vì đây không phải là cuộc chiến tranh nông dân thông thường, mặc dầu trong đó có chứa đựng nội dung giai cấp giữa nông dân - phong kiến, nhưng quan hệ đó chủ yếu là mối quan hệ giữa người nông dân - yêu nước và phong kiến - tay sai của chủ nghĩa đế quốc. Bao trùm lên cả là mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Sự kết hợp tính chất dân tộc và giai cấp này của cuộc chiến tranh đã được Đảng ta xử lý như một quá trình kết hợp giữa hai nhiệm vụ của cuộc cách mạng giữa độc lập dân tộc và người cày có ruộng một cách nhuần nhuyễn, trong đó lấy mục tiêu cao nhất là dân tộc giải phóng. Giải quyết vấn đề dân chủ và ruộng đất cho nông dân vừa là mục tiêu của cách mạng, vừa là biện pháp chủ yếu để bồi dưỡng sức dân, động viên nhân dân ta kháng chiến lâu dài, tăng cường tiềm lực chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Các chính sách của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1953 có liên quan tới vấn đề trên như Sắc lệnh giảm tô, giảm tức, chế độ lĩnh canh, tạm giao ruộng đất của địa chủ chạy vào vùng tạm chiếm, tạm cấp ruộng đất của đế quốc và Việt gian cho dân cày nghèo, trưng thu tất cả ruộng đất bỏ hoang, sử dụng công điền công thổ, chính sách thuế nông nghiệp... đã thực hiện một bước rất quan trọng quyền dân chủ cho người nông dân. Chỉ tính từ Khu V trở ra, 58,3% diện tích ruộng đất do giai cấp địa chủ trong nước và ngoài nước chiếm đoạt trước đây đã được chia cho nông dân ít ruộng hoặc không có ruộng. Tại Nam Bộ, số ruộng đất tạm cấp và tạm giao cho nông dân cũng chiếm tới 1/4 diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 25% số hộ nông dân đã làm chủ số ruộng đất đó. Nhiều nơi địa chủ đã phải giảm tô tới 50 - 60%, thậm chí cao hơn. Chế độ bóc lột tô và uy thế của giai cấp địa chủ đã bị hạn chế. Người nông dân đã thực hiện một bước quan trọng quyền làm chủ ở nông thôn. Chính nhờ vậy mà hậu phương chiến tranh nhân dân ngày càng được củng cố, ổn định, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của tiền tuyến.
__________________________________________________
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.171.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7. tr. 113, 119-120.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.480.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM