Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:08:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15852 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:44:49 pm »


NAM BỘ TRONG CHIẾN CUỘC ĐÔNG XUÂN 1953 - 1954
VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1


PGS, TS. PHAN XUÂN BIÊN
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn
Thành phố Hồ Chí Minh

Chiến thắng Điện Biên Phủ có tầm vóc quốc tế và ý nghĩa thời đại. Đó là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam mà mỗi người dân, mỗi chiến sĩ trên mọi miền đất nước đều góp phần công sức, trong đó có phần xương máu của quân và dân Nam Bộ. Sử sách đã ghi lại khá đầy đủ những hoạt động quân sự của chiến trường Nam Bộ phối hợp với Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sau 50 năm diễn biến của lịch sử, với những lắng đọng của tư duy và những biến động phức tạp của thời cuộc, chúng ta có thể có cái nhìn rộng hơn để thấy thêm những khía cạnh khác của sự kiện. Với suy nghĩ đó, trong bài tham luận nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi muốn làm rõ thêm vai trò, vị trí chiến lược của chiến trường Nam Bộ trong cục diện chiến trường Đông Dương Đông Xuân 1953-1954, đồng thời làm rõ hơn những tác động hai chiều giữa Điện Biên Phủ và Nam Bộ - tức là chiến trường Nam Bộ đã góp phần cụ thể gì cho Điện Biên Phủ, và ngược lại, Điện Biên Phủ đã tạo ra những điều kiện gì cho Nam Bộ? Đó là mối quan hệ biện chứng trong đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự của Đảng ta.

1. Nam Bộ trong cục diện chiến trường Đông Dương Đông Xuân 1953-1954

Cục diện chiến trường Đông Dương Đông Xuân 1953-1954 phản ánh tương quan thế và lực của ta và Pháp, đồng thời phản ánh tham vọng của kế hoạch Nava.

Sau hơn tám năm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, tương quan thế và lực của hai bên đã có những thay đổi rất lớn lao. Các lực lượng kháng chiến đã lớn mạnh không ngừng, lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng - nhất là khối chủ lực: từ chỗ chỉ có các đại đội, tiểu đoàn độc lập, đến năm 1953 ta đã có bảy đại đoàn, trong đó có một đại đoàn hỗn hợp công binh và pháo binh. Ngoài ra còn một số tiểu đoàn pháo độc lập và đã có pháo phản lực sáu nòng.

Vùng giải phóng và căn cứ địa được mở rộng đến những nơi đông dân nhiều của; chính quyền cách mạng và các đoàn thể quẩn chúng được kiện toàn, củng cố; hệ thống chính trị đang phát huy tác dụng to lớn, nâng cao đáng kể khả năng huy động sức người, sức của cho kháng chiến. Đó là kết quả của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, là thế và lực mới của chiến tranh nhân dân.

Về phía thực dân Pháp, những bất ổn chính trị ngay trong lòng nước Pháp đang phát triển ngày càng gay gắt, đặc biệt là phong trào phản đối chiến tranh đã lan rộng đến nhiều tầng lớp xã hội. Kinh tế Pháp suy thoái vì chiến tranh nên ngày càng lệ thuộc vào Mỹ nhiều hơn, cả về chính trị và kinh tế. Ở Việt Nam, trong những vùng thuộc quyền kiểm soát của quân Pháp, tình hình lại càng bất ổn nhiều hơn do tác động của các phong trào đấu tranh chính trị chống bắt lính, chống áp bức bóc lột, chống khủng bố. Cùng với các hoạt động du kích, hoạt động trừ gian diệt ác ngày càng mạnh và lan rộng, làm cho hậu phương của quân Pháp ngày càng yếu đi, còn ở ngoài chiến trường, quân Pháp tuy mới được tăng viện nhưng cả lính cũ và lính mới đến Việt Nam đều rơi vào tình trạng ngày càng giảm sút tinh thần chiến đấu, liên tục bị tấn công, bị tiêu hao, tiêu diệt từng đơn vị. Do vậy trên thực tế, khả năng chiến đấu của các đơn vị chủ lực của Pháp đã giảm nhiều so với những năm đầu kháng chiến.

Các quan chức và các nhà quân sự thực dân cũng nhìn thấy rất rõ sự thay đổi tương quan và cục diện chiến trường theo chiều hướng bất lợi cho Pháp nên họ cố tìm một người để có thể xoay chuyển tình thế - người ấy là tướng Hăngri Nava cùng với một kế hoạch chiến lược mang tên ông ta.

Ý định chiến lược của Nava là tăng cường và tập trung lực lượng cơ động mạnh nhất vào chiến trường chính là Bắc Bộ nhằm nhanh chóng bình định vùng đồng bằng, đồng thời tìm cách tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Minh. Tất nhiên là muốn làm được điều đó, ở các chiến trường quan trọng khác trên toàn cõi Đông Dương, quân Pháp phải giữ được sức mạnh để giữ thế quân bình. Trong khi triển khai thực hiện kế hoạch Nava, việc hình thành tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ là một biện pháp có vai trò và vị trí chiến lược rất quan trọng, nó được coi như công cụ chủ yếu để tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh, đồng thời hỗ trợ cho công cuộc bình định ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có không gian và quy mô lực lượng rất lớn, đứng đầu các căn cứ quân sự của Pháp ở Đông Nam Á với tổng quân số là 16.200, được tổ chức thành ba binh đoàn, có 17 tiểu đoàn bộ binh cùng với một số tiểu đoàn và đại đội hoả lực (tổng số 21 tiểu đoàn). Về vũ khí lớn, quân Pháp ở Điện Biên Phủ 48 khẩu pháo từ 105, 120, 155 ly, 10 xe tăng, 18 máy bay các loại. Số quân lính và vũ khí trên được bố trí trong 49 cứ điểm, hình thành 8 cụm phòng ngự và gọi chung là một tập đoàn cứ điểm. Không gian của cứ điểm Điện Biên Phủ có chiều dài 18 km, chiều rộng từ 6 đến 8km, có lô cốt bê tông, hầm ngầm kiên cố. Nava coi đây là nơi "bất khả xăm phạm", là cái "máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của Việt Minh". Quốc hội và Chính phủ Pháp coi đây là nơi "có thể hy vọng đủ mọi điều".

Kế hoạch Nava được thực hiện từ tháng 5-1953, dự kiến chia làm hai bước với tổng thời gian 18 tháng để giành thắng lợi quyết định đưa nước Pháp ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Bước thứ nhất: trong Đông Xuân 1953-1954, phải giữ vững được chiến trường Bắc Bộ, xây dựng nhanh các binh đoàn cơ động của Pháp và của chính quyền nguỵ, xoá bỏ vùng giải phóng Liên khu V, bình định Trung Lào, Nam Bộ. Bước thứ hai: Thu Đông 1954, tập trung phần lớn lực lượng chủ lực cơ động ra chiến trường Bắc Bộ để quyết chiến với khối chủ lực Việt Minh, giành thắng lợi quyết định, buộc đối phương phải đàm phán trên thế yếu.

Để bảo đảm sức mạnh cho việc thực hiện kế hoạch Nava, Pháp đã tăng cường cho Đông Dương 12 tiểu đoàn lính lê dương, nâng tổng số tiểu đoàn Pháp ở Đông Dương lên 84 tiểu đoàn, tăng cường bắt lính và tuyển mộ thêm được 10 vạn lính người Việt. Tính đến cuối 1953, trên toàn Đông Dương, Pháp có 480.000 quân (334.000 lính người Việt), về tài chính, Mỹ tăng viện trợ quân sự gấp đôi cho Pháp trong năm 1954 (năm 1953 là 650 triệu đôla, năm 1954 sẽ là 1 tỷ 264 triệu đôla). Mỹ còn cung cấp thêm cho Pháp 123 máy bay quân sự, 212 tàu chiến và nhiều trang bị kỹ thuật quân sự khác. Nhìn về sức mạnh vật chất, phía Pháp vượt trội so với Việt Minh cả về số lượng và trình độ hiện đại của vũ khí.
______________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên ngày 7, 8-3-2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:46:56 pm »


Về phía ta, vấn đề phá kế hoạch Nava cũng có ý nghĩa quyết định. Do đó, tháng 9-1953, Bộ Chính trị đã họp để bàn kế hoạch chỉ đạo, bảo đảm thế chủ động tấn công trong mọi tình huống. Với tầm nhìn toàn Đông Dương như một chiến trường, Bộ Chính trị đã nêu chủ trương chiến lược: Tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược, ở đó địch đang trong thế tương đối yếu, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai. Đồng thời, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các vùng sau lưng địch, bảo vệ vùng tự do, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta rảnh tay tiêu diệt địch ở những hướng đã định. Bộ Chính trị cũng nêu rõ phương hướng nhiệm vụ của từng khu vực chiến trường như sau: Tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu V, mở cuộc tiến công lên chiến trường miền núi Tây Nguyên, ra sức tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai. Ở Nam Bộ và Trung Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tăng cường hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận nhỏ sinh lực địch, đẩy mạnh ngụy vận, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích.

Tinh thần cơ bản của chủ trương chiến lược phá kế hoạch Nava là "dàn mỏng" quân địch ra toàn bộ chiến trường Đông Dương để bẻ gãy từng mảng lực lượng của chúng. Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh"1. Nam Bộ bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 với tư tưởng chỉ đạo đó.

Nhìn trên toàn cục của chiến trường Đông Dương và lấy Điện Biên Phủ làm chuẩn thì Nam Bộ là chiến trường xa nhất về phía nam. Đối với ta, khoảng cách ấy hầu như không thể chi viện cụ thể bằng sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Đối với thực dân Pháp, Nam Bộ lại rất "gần" với chiến trường chính của chúng về chính trị, chiến lược quân sự và những vấn đề kinh tế - xã hội. Nhìn lại lịch sử, ngay từ giữa thế kỷ XIX, khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã chọn giải pháp đánh chiếm Nam Bộ trước. Chúng xây dựng, củng cố nơi đây trở thành hậu phương trực tiếp, làm bàn đạp để tiến quân đánh chiếm miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Đến cuộc xâm lược lần thứ hai, tháng 9-1945, thực dân Pháp cũng đánh chiếm Sài Gòn - Nam Bộ trước, chúng ổn định tình hình ở đây và một năm sau mới chính thức gây chiến ở Hà Nội và Bắc Kỳ.

Sự lặp lại ấy hoàn hoàn không phải ngẫu nhiên mà là sự tính toán rất có cơ sở của các nhà quân sự Pháp vì: đối với Đông Dương, Sài Gòn và Nam Bộ là đầu cầu đường biển gần nhất nối với Pháp. Giữ được đầu cầu này có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của đội quân viễn chinh ở xa chính quốc hàng vạn dặm. Mặt khác, Nam Bộ lại là nơi đông dân, nhiều của nhất, thực dân Pháp có thể khai thác thuộc địa được nhanh và nhiều để phục vụ cho chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Tóm lại, trong chiến tranh Đông Dương, Nam Bộ luôn có vai trò là hậu phương trực tiếp của quân xâm lược Pháp.

Trong bối cảnh chiến trường Đông Dương Đông Xuân 1953- 1954, Nam Bộ còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối Pháp vì ở đây còn chứa đựng những quyền lợi trước mắt và lâu dài của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự. Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cũng đã chỉ rõ vấn đề này cho Trung ương Cục miền Nam như sau: "Nam Bộ là nơi Mỹ đã bỏ vốn vào các đồn điền cao su, các hãng buôn và nhà máy. Như vậy Mỹ càng mưu mô với Pháp xúc tiến việc bình định Nam Bộ, Mỹ còn hy vọng phát triển các đội quân ngụy. Ngụy quân càng nhiều, Mỹ càng có điều kiện nắm lấy lực lượng vũ trang ở Đông Dương". Chính vì vậy mà: ''Trong năm 1953, địch bị động đối phó với ta ở chiến trường chính, phải rút nhiều quân ở Nam ra Bắc. Nhưng ở Nam Bộ, địch vẫn chủ động càn quét và chiếm đóng thêm nhiều nơi"2.

Trên cơ sở đánh giá tình hình như trên, Ban Bí thư nhận định: "Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ sẽ thêm khó khăn và lâu dài. Nhưng Nam Bộ có nhiều thuận lợi để đối phó thắng lợi với âm mưu của địch"3. Những thuận lợi đó là: "Quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng suốt tám năm. Đó là điều căn bản để giữ vững phong trào kháng chiến. Địch càng thua ở chiến trường chính, càng bị động, tinh thần càng suy nhược. Ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt các bộ phận sinh lực, phá âm mưu càn quét bình định"4.

Tóm lại, mặc dù ở rất xa Điện Biên Phủ và chiến trường chính Bắc Bộ nhưng Nam Bộ lại có mối liên hệ hết sức nhạy cảm về chiến lược đối với thực dân Pháp vì nó là đầu cầu quan trọng nhất nối nước Pháp với tất cả các lực lượng và quyền lợi của họ ở Đông Dương. Do đó khi nhìn nhận vai trò chiến lược của Nam Bộ trong cục diện chiến trường Đông Dương Đông Xuân 1953-1954 không thể chỉ nhìn về khía cạnh quân sự cụ thể là cầm chân được bao nhiêu quân địch, chia lửa với Điện Biên Phủ như thế nào.
_________________________________________________
1. Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Sđd, tr. 19.
2, 3. Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước, Sđd, tr. 121, 122.
4. Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước, Sđd, tr. 122, 123.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:47:34 pm »


2. Những tác động hai chiều giữa Nam Bộ và Điện Biên Phủ trong Đông Xuân 1953-1954

Mặc dù phải tập trung cho chiến trường chính Bắc Bộ, nhưng lực lượng quân Pháp ở Nam Bộ vẫn lớn hơn ta khá nhiều. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 1953, chúng đã bắt thêm được 17.000 lính mới, chuyển được 20 tiểu đoàn Cao Đài và Hoà Hảo sang hệ thống chính quy. Lực lượng này làm nhiệm vụ chiếm đóng thay thế cho bảy tiểu đoàn lính Âu - Phi được rút ra làm lực lượng cơ động. Với lực lượng như trên, chúng tiến hành các hoạt động bình định ở hầu hết các tỉnh miền Trung Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.

Cũng vào thời điểm này, lực lượng chủ lực của ta ở Nam Bộ chỉ có ba tiểu đoàn của khu là 302, 304, 307 và bảy tiểu đoàn của các tỉnh là: 300, 303, 306, 308, 310, 311, 410. Ngoài lực lượng này còn có các đại đội, trung đội bộ đội địa phương của các huyện và dân quân du kích xã.

Lực lượng ta so với địch không những ít hơn về số lượng mà trang bị vũ khí cũng kém hơn. Do đó, nhiệm vụ của Nam Bộ trong Đông Xuân 1953-1954 chủ yếu là hoạt động đều khắp ở các vùng sau lưng địch, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa theo kiểu du kích nhằm tiêu hao, cầm chân và gây bất ổn hậu phương địch. Về chỉ đạo, Trung ương Cục miền Nam đã chủ động đề ra chủ trương "chuẩn bị đón thời cơ mới" bằng cách đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị kết hợp với "địch nguỵ vận" để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Chủ trương này được thực hiện trong năm 1953 và đạt kết quả như sau: loại khỏi vòng chiến đấu 11.203 tên địch, trong đó có 7.891 tên bị giết, 2.889 tên bị thương, 423 tên bị bắt; thu 1.619 khẩu súng, phá huỷ 151 xe quân sự, bắn rơi 7 máy bay, diệt 101 đồn bốt, bức rút 61 đồn tua. Với kết quả ấy, có thể nói trong năm 1953, chiến trường Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu sau lưng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Trên cơ sở đứng vững trên chiến trường và giữ quyền làm chủ tấn công trong năm 1953, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13-3-1954, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tấn công để phối hợp chiến trường. Các tiểu đoàn chủ lực của khu và tỉnh đã kết hợp với bộ đội địa phương tấn công vào vùng địch hậu của các tỉnh như: Gia Định Ninh, Thủ Biên, Long Châu Sa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu..., tấn công vào hàng loạt các trục giao thông quan trọng của địch như quốc lộ số 1, số 13, 14, các tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Lộc Ninh. Lực lượng ta đánh nhiều hình thức từ phục kích, tập kích, công đồn... và đã diệt được khá nhiều sinh lực và đồn bốt ngay sau lưng địch, trong đó có những trận thắng lớn cả về tác dụng đánh vào tinh thần và tiêu hao vật chất, sinh lực địch. Điển hình là trận đánh của đặc công vào khu kho quân sự ở Phú Thọ Hoà (tháng 5-1954) đã phá huỷ được 9.000 tấn bom đạn, thiêu huỷ 10 triệu lít xăng dầu cùng với 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi.

Mặc dù lực lượng ta ở Nam Bộ ít hơn địch, ở vào thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ đang tiếp diễn, ta đã nâng cao nhịp độ tấn công cả về quân sự, chính trị và binh vận. Ở Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre... và nhiều nơi khác, nhân dân đã nổi lên biểu tình, bao vây đồn bốt, tấn công binh vận làm rã ngũ hàng ngàn lính ngụy. Có sáu đại đội Hoà Hảo tự tan rã, hàng chục đồn bốt rút chạy vì thiếu lính canh giữ. Cũng trong thời điểm này, phong trào đấu tranh chính trị trong các đô thị lớn ở Nam Bộ phát triển mạnh mẽ với các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình, chống bắt lính, chống đàn áp...

Kết quả chiến đấu của quân và dân Nam Bộ trong Đông Xuân 1953-1954 là: tiêu diệt, bức hàng, bức rút được 1.200 đồn bốt, phá huỷ 132 xe quân sự, bắn cháy 20 tàu chiến, diệt hàng ngàn tên địch và làm rã ngũ hàng vạn tên khác. Một thành quả quan trọng khác của Đông Xuân 1953-1954 ở Nam Bộ là ta đã mở rộng được nhiều vùng giải phóng thuộc các tỉnh: Gia Định, Vĩnh Trà, Sóc Trăng, Gò Công, Mỹ Tho, Long Châu Sa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một... với hàng chục vạn dân trở về vùng tự do.

Quân và dân Nam Bộ không chỉ hướng về Điện Biên Phủ bằng những hành động chiến đấu phối hợp chiến trường mà còn gửi cả những tình cảm chân thành đến động viên các chiến sĩ đang chịu đựng gian khổ, đang "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt…” trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Một phong trào gửi thư, gửi điện cho chiến sĩ Điện Biên Phủ đã được phát động ở tất cả các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Nông hội... Bức thư của Hội Văn nghệ Nam Bộ viết: Anh chị em văn nghệ chúng tôi ở Nam Bộ được biết các đồng chí vượt nhiều khó khăn, đánh mạnh, đánh giỏi, lập được nhiều chiến công oanh liệt, chúng tôi hoan nghênh các đồng chí, chúng tôi ra sức tuyên truyền các chiến công vẻ vang của các đồng chí bằng mọi hình thức và đồng thời cũng xin hứa với các đồng chí là chúng tôi sẽ viết nhiều truyện, thơ, kịch để động viên nhân dân phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, giam chân và tiêu diệt nhiều sinh lực địch để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Những lá thư như thế được chuyền tay các chiến sĩ từ chiến hào này sang chiến hào khác là một món quà tinh thần vô cùng quý báu làm cho các chiến sĩ luôn cảm thấy cả nước đang hướng về các anh, cả nước đang truyền sức mạnh cho Điện Biên Phủ.

Với diện tấn công rộng, nhịp độ tấn công liên tục và toàn diện cả về quân sự, chính trị của ta, quân địch ở Nam Bộ đã bị dồn vào thế chống đỡ, bị động. Chúng không còn khả năng chủ động mở những cuộc càn quét quy mô lớn vào các vùng giải phóng như đầu năm 1953. Tình trạng ấy cũng có nghĩa là địch không thể sử dụng được tiềm năng sức người, sức của ở Nam Bộ để chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ. Ngược lại, nó đã làm cho những người chỉ huy cao nhất của Pháp phải lúng túng vì đối phương tấn công liên tục ngay ở hậu phương quan trọng nhất của chúng ở Đông Dương, đồng thời còn là nơi có quyền lợi của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ vũ khí cho chiến trường đang bị nguy khốn ở Bắc Bộ. Quân và dân Nam Bộ đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, "phân tán kẻ thù ra mà tiêu diệt" góp phần thiết thực với Điện Biên Phủ, với cả nước.

Những kết quả chiến đấu trong Đông Xuân 1953-1954 ở Nam Bộ, trước hết là do tinh thần khắc phục khó khăn, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân và dân Nam Bộ. Đồng thời, để đạt được những kết quả lớn như vậy, có phần ảnh hưởng rất lớn về tinh thần do những tin tức chiến sự từ Điện Biên Phủ đối với cả hai bên ở Nam Bộ.

Đối với phía địch, mỗi khi nhận được tin một cứ điểm ở Điện Biên Phủ bị thất thủ và vòng vây của Việt Minh siết chặt thì tinh thần của binh lính địch lại hoang mang hơn vì chúng biết rằng Điện Biên Phủ mà mất thì quân Pháp sẽ thua. Điều ấy biểu hiện rất rõ ở hiện tượng đào rã ngũ của địch tăng hơn rất nhiều so với năm 1953.

Đối với ta, tin chiến thắng từng ngày từ Điện Biên Phủ đưa về làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ. Niềm vui đó biến thành sức mạnh và hành động chiến đấu với tinh thần đang phối hợp và chi viện cho Điện Biên Phủ. Số lượng đồn bốt mà ta diệt, bức hàng bức rút của cả năm 1953 ở Nam Bộ là 162, nhưng chỉ nửa đầu năm 1954 thời kỳ Chiến dịch Điện Biên Phủ là 1.200 - sự chênh lệch đó biểu hiện sự biến đổi trước hết là về tinh thần chiến đấu của hai bên, và từ đó góp phần thay đổi về thế và lực, về tương quan lực lượng. Đó chính là tác dụng dội ngược lại của Điện Biên Phủ. Nó tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho Nam Bộ vươn lên diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều dân và nhiều vùng rộng lớn.

*

*        *

Khẩu hiệu chung của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng". Đến Đông Xuân 1953-1954, khẩu hiệu ấy được cụ thể hoá là "Tất cả cho Điện Biên Phủ, cả nước vì Điện Biên Phủ". Do vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là của cả nước, đồng thời cũng là phần xương máu của tất cả các chiến sĩ và những ai đã ngã xuống trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 ở bất cứ nơi nào trên chiến trường Đông Dương - trong đó có sự hy sinh dũng cảm và đóng góp to lớn của quân và dân Nam Bộ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, quân và dân miền Nam còn tiếp tục cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm chống đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến ấy, quân và dân Nam Bộ lại đổ rất nhiều xương máu không những để tự giải phóng mình mà còn để bảo vệ miền Bắc - hậu phương lớn. Đối với nhân dân miền Bắc, mọi hành động đều làm theo khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", chấp nhận mọi khó khăn "hạt gạo xẻ làm ba" nhưng vẫn bảo đảm "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"... Hàng vạn thanh niên miền Bắc đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Hàng ngàn chiến sĩ con em của mọi miền đất nước đã đổ máu tại chiến trường miền Nam, chiến trường Sài Gòn và Nam Bộ để giành chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Do đó, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và thành quả hoà bình, thống nhất đất nước cũng là thắng lợi, là xương máu của cả dân tộc Việt Nam. "Cả nước chung sức" là truyền thống, là yếu tố cơ bản nhất để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong mọi hoàn cảnh lịch sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2022, 03:34:25 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ - CẢM NHẬN TỪ MỘT CHIẾN TRƯỜNG PHỐI HỢP1

TRẦN BẠCH ĐẰNG

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954) đến với vùng giải phóng tây Nam Bộ phấn chấn khác thường. Có vẻ cái mà mọi người mong đợi suốt chín năm kháng chiến đang lồ lộ, không trên suy đoán, hy vọng mà trong thực tế.

Vùng giải phóng Tây Nam Bộ, vùng do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát rộng nhất Nam Bộ, bao gồm phần lớn các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Quân đội Pháp và nguỵ chỉ chiếm đóng các tỉnh lỵ và theo trục lộ Cần Thơ - Cà Mau (qua Sóc Trăng, Bạc Liêu), Cần Thơ - Châu Đốc (qua Long Xuyên), Cần Thơ - Rạch Giá. Từ nam lộ Cái Sắn, vùng giải phóng trải dài tận Mũi Cà Mau, đi tam bản bốn chèo, nếu gió thuận, nước xuôi phải mất ba ngày đêm chèo cật lực.

Sự phấn chấn do hai nguyên nhân chính:

Một là, tin tức chiến tranh trên các chiến trường trong cả nước tới tấp bay về: Quân ta tiến lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu, đánh mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngăn chặn cuộc hành quân Átlăng (Atlante) theo kế hoạch Nava ở nam Trung Bộ; Chiến dịch nam Tây Nguyên, chiến dịch phối hợp quân Lào - Việt ở Thượng và Hạ Lào thắng lợi, phong trào du kích chiến tranh ở Nam Bộ phát triển một bước mới, đặc biệt ở Mỹ Tho và Gò Công... Mâu thuẫn nội bộ Pháp - nguỵ thêm phức tạp vì Mỹ đã can thiệp sâu vào Đông Dương. "Quốc dân đại hội" họp tại Sài Gòn biểu quyết chống Liên hiệp Pháp trong khi Thủ tướng Pháp Lanien (Laniel) tuyên bố "Chính phủ Pháp không nghĩ rằng vấn đề Đông Dương nhất thiết phải có giải pháp quân sự... Pháp mong muốn có cuộc điều đình" (12-11-1953), Chính phủ Sài Gòn Nguyễn Văn Tâm đổ, Bửu Lộc thay, v.v... Trước đó, tháng 7-1953, Hiệp ước đình chiến Triều Tiên ký ở Bàn Môn Điếm gần như một dấu hiệu báo trước chiến tranh Đông Dương vào hồi tàn cuộc.

Hai là, vùng giải phóng tây Nam Bộ vượt qua cơn thử thách lớn về kinh tế. Đầu năm 1951, Sở Kinh tế Nam Bộ phạm một sai lầm "chết người" trong chính sách: quyết định "phong tỏa kinh tế vùng địch kiểm soát" và ấn định giá cả các loại hàng hóa lưu thông trong vùng giải phóng. Phong tỏa kinh tế địch, gọi tắt như thế, nghĩa là cắt đứt mọi mối giao thương giữa hai vùng, thiết lập các trạm kiểm soát theo trục đường thuỷ, và phạt nặng những ai bán quá giá. Cả vùng giải phóng bỗng rơi vào cảnh tiêu điều. Hàng tiêu dùng khan hiếm: xà phòng, kem đánh răng, vải, sữa, thuốc chữa bệnh... Tai họa không dừng ngang mức đó. Nạn buôn lậu lộng hành - cửa khẩu Tắc Thủ ngoại vi thị xã Cà Mau đêm đêm nhộn nhịp bởi các chuyến heo, gà, vịt, trứng, cá mắm từ vùng giải phóng chở ra và hàng công nghiệp từ thành phố chở vào, dưới sự bảo trợ của một bên là du kích các xã và một bên là quân bảo an nguỵ! Tai họa cũng không chỉ như thế. Vì không cho "xuất" gạo, Sở Kinh tế chỉ đạo nông dân nuôi vịt đàn. Vịt cũng không "xuất" được, nông dân bỏ ruộng luôn, vùng giải phóng thiếu lương thực nghiêm trọng. Nông dân tức giận, chặt đầu vịt, vứt xác vịt lềnh bềnh khắp kênh nhỏ sông to. Thật oái oăm, tại vựa lúa mà... đói gạo. Khoai củ trồng cấp tốc không cứu vãn nổi tình thế, dân, bộ đội, cán bộ, nhân viên... phải ăn cá, thịt trộn rau thay cơm.

Trung ương Cục đã có một quyết định căn bản: thực hiện chính sách kinh tế mới - tức khôi phục lại tình hình lưu thông như trước kia với song song hai chính sách lớn: tạm cấp đất cho dân cày thiếu ruộng (lấy từ ruộng đất của thực dân Pháp, địa chủ Việt gian, địa chủ vắng mặt, ruộng đất hoang hóa và ruộng hiến của địa chủ yêu nước - gọi là "địa chủ khai minh"); thực hiện thuế nông nghiệp. Bộ đội, cán bộ, nhân viên... nhận trợ cấp 2 giạ 27 lít lúa/tháng.

Một thay đổi đáng kinh ngạc vào nàm 1952: cả vùng giải phóng phồn vinh trở lại. Năm 1953, diện mạo ấy tiếp tục cải thiện: sản xuất tăng, lúa thuế đủ nuôi quân, thanh niên tòng quân đầy đủ, hàng hóa tràn ngập - tận vùng xa vẫn có ghe hàng mang tới... bánh mì, kem, nước đá! Máy may, máy hát, thậm chí máy đèn xuất hiện ở nhiều xóm. Đồng bạc Cụ Hồ có giá hơn trước so với đồng bạc Đông Dương.

Cũng cần nói thêm, miền đông Nam Bộ bị trận bão lụt năm 1950 tàn phá dữ dội, nhưng lại được vùng giải phóng tây Nam Bộ hỗ trợ (gửi tiền, nhận thương binh, học sinh, thiếu nhi, chi viện thực binh và cán bộ...) nên đỡ vất vả.

Phong trào nội thành Sài Gòn, sau vụ trò Ơn, Trần Bội Cơ và chống Mỹ, được nối tiếp bằng phong trào hòa bình của trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo với các nhân vật lớn: Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái, Dương Minh Thới, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông, Trần Kim Quan…

Vì hai lẽ trên, Tết năm 1954 khá rộn ràng. Một điềm tiên tri.

*

*        *

Tôi nhớ một ngày đầu tháng 3-1954, Trung ương Cục triệu tập hội nghị cán bộ bất thường. Tại hội nghị, đại diện Trung ương Cục phổ biến nhận định của Trung ương về thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân trên chiến trường chính và trong cả nước, về thời cơ lớn đẩy mạnh kháng chiến. Lúc bấy giờ, Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu sau thời gian quân ta bao vây lòng chảo này. Trước đó, Trung ương Cục đã có nghị quyết về việc phối hợp với chiến trường chính. Hội nghị kết thúc vào lúc, qua thông báo của Bộ Tổng tư lệnh, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch. Tin mới của đài Pháp Á cho biết "Việt Minh" chiếm cứ điểm Him Lam ngày 13-3.

Trên đường từ Trung ương Cục về cơ quan - trụ sở báo Nhân Dân miền Nam - tôi theo dõi tin tức qua rađiô, biết thêm ngày 14-3, ta tiêu diệt cứ điểm Độc Lập rồi Bản Kéo và tin các trận đánh lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Nam Bộ.

Cuối tháng 3, vẫn theo trí nhớ của tôi, tôi nhận được một văn bản "tuyệt mật" từ Trung ương Cục. Đó là bản sao bức điện của Bộ Chính trị mà ý chính tôi còn nhớ: Trung ương quyết tâm đánh chiếm Điện Biên Phủ, chắc chắn thành công, sau thắng lợi này, cục diện chính trị chung nước ta có thể thay đổi có lợi cho cách mạng. Tôi không nhớ có từ "bước ngoặt quyết định" hay không, song tôi lĩnh hội tinh thần của văn bản là như vậy.

Tình hình phát triển với một tốc độ lạ thường. Những cố gắng cả của Pháp lẫn của Mỹ không ngăn cản nổi làn sóng phản công của kháng chiến Việt Nam trong cả nước.

Vài năm trước, nhạc sĩ Quách Vũ bị phê bình "lạc quan tếu" khi anh viết bài nhạc có câu "Ta đánh như chẻ tre, ta thắng như nước tràn", còn bây giờ thì không còn cấm kỵ trong ngôn từ nữa.

Chiến trường Nam Trung Bộ chấn động với trận thắng An Khê, nơi mà binh đoàn Pháp Môngcla (Monclar) thiện chiến từ Triều Tiên về bị quân của anh Lư Giang đánh cho tơi tả. Chiến trường Nam Bộ sôi sục hẳn, quân ta luồn sâu tiến công mạnh, vùng giải phóng mở rộng sát các thị trấn và trục lộ chiến lược...

Ngày 7-5, quân Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Nhận được tin đó, cơ quan, đơn vị, đồng bào vùng giải phóng tây Nam Bộ không hẹn, cùng làm lễ ăn mừng - một cái Tết thứ hai trong năm...
______________________________________________________
1. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 1 - 1994.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2022, 03:35:41 pm »


*

*        *

Bốn mươi năm đã qua1. Lịch sử Việt Nam và thế giới lật nhiều trang trọng đại, song Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nguyên âm hưởng hùng tráng, thúc giục như Đỗ Nhuận đã nhập thần vào nốt nhạc: "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về; giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui...".

Tôi liền nghĩ đến hai câu thơ giàu hình tượng của Tố Hữu làm thời đánh Mỹ:

Quân đi rung lá ngụy trang
Xôn xao sóng nước trường giang trùng trùng.


Hào khí quả di truyền.

Cho đến trước ngày 13-3-1954, tức ngày cứ điểm Him Lam bị quân ta san bằng, ở Nam Bộ nói chung và vùng giải phóng Tây Nam Bộ nói riêng, hiếm người biết địa danh Điện Biên Phủ. Dễ hiểu thôi, miền biên thuỳ Tây Bắc đất nước vời vợi với miền biên thuỳ Tây Nam. Chính sự nghiệp dân tộc và mồ hôi, xương máu vì sự nghiệp ấy nối kết hai địa đầu đất nước bằng mối đồng cảm thiên phú. Lịch sử gắn bó một dân tộc băng qua thời gian tính bằng nhiều thế kỷ, huống chi không gian đồng thời. Chỉ mấy ngày thôi, không một người dân Nam Bộ nào - nông thôn hay thành thị - không biết tên Điện Biên Phủ. Hơn thế, tự hào về cái tên lạ lẫm ấy.

Cuộc kháng chiến chống Pháp, trên chiến lược ban đầu, được hình dung qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công. Ngay theo tiến trình đó, cũng không ai dự kiến một cánh đồng sát biên giới Lào cực kỳ hẻo lánh lại lãnh trọng trách kết thúc cả một cuộc chiến tranh vào loại lớn của loài người. Người ta chờ quyết chiến điểm ở nơi khác, gần Hà Nội hơn, hoặc chính Hà Nội. Người ta cũng dễ nghĩ đến những "Bách đoàn đại chiến", những trận sống mái kiểu Chiến dịch Hoài Hải, trận công phá Bắc Bình, ít nữa cũng có cảnh ngoạn mục vượt sông Áp Lục, đánh rốc từ đầu biên giới này đến tận Phú San.

Chiến cuộc Việt Nam không diễn ra như vậy. Ba giai đoạn lý thuyết tìm mãi chưa có chỗ khớp với thực tế diễn biến chiến trường. Trong phòng ngự đã có cầm cự, thậm chí phản công cục bộ. Trong cầm cự vẫn chứa những yếu tố vừa phòng ngự, vừa phản công và trong phản công, hình thái không phải ào ào. Cái nét riêng nói trên xuất phát từ tính chất truyền thống chiến tranh giữ nước của Việt Nam đã đi vào binh thư Việt Nam hàng nghìn năm: đánh theo kiểu Việt Nam. Cuộc chiến tranh nhân dân phát huy đầy đủ các đặc thù của nó. Không đợi tới đánh Mỹ, trong đánh Pháp, tiềm năng chiến đấu này nảy sinh từng bước, tất nhiên chưa được tổng kết như về sau.

Nhất là ở phía nam, chủ lực không mạnh, địa hình không hiểm trở, lại duy trì cuộc kháng chiến hiệu quả, đã đưa đấu tranh chính trị ở các đô thị lên tuyến đầu.

Đậm nhạt khác nhau, song tất cả các cuộc kháng chiến trong lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đều như quán tính, theo một đường dây của một kịch bản mà xử lý tình huống, không câu nệ một công thức nào cả.

Nếu Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc khi Hồng quân và quân Đồng minh đè bẹp tuyệt đối về lực lượng vật chất đối với quân phátxít, nếu cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc dựa ưu thế hơn hẳn quân Tưởng Giới Thạch về quân số vào giờ định mệnh thì ở Việt Nam, quân số, binh khí Pháp chưa sút hơn Quân đội nhân dân Việt Nam - trái lại, với viện trợ Mỹ, hỏa lực, phi cơ của Pháp hơn hẳn ta. Cũng không phải toàn bộ quân tinh nhuệ Pháp tụ tập tại Điện Biên Phủ. Theo tướng Nava, tổng quân số Pháp vào tháng 3-1954 là 68.632, quân lê dương là 19.000, quân tuyển từ các thuộc địa Phi châu thuộc Pháp là 29.086 (không kể 150.000 quân nguỵ chính quy, 50.000 cảnh bị và ước 50.000 bổ trợ, giáo phái, tổng đoàn bảo chính, hương dũng, v.v...). Hơn 116.000 quân nhà nghề mà Điện Biên Phủ chỉ thu hút có hơn 16.000 thôi. Bộ Tổng Chỉ huy Pháp cũng công bố quân số Việt Minh: 125.000 chính quy, 75.000 chủ lực, 150.000 dân quân. Về các quân chủng, Pháp có 5.000 hải quân, 10.000 không quân (90 phi cơ vận tải, 175 phóng pháo B26, Hencát...) nhiều xe tăng, pháo. Việt Minh, trừ pháo, chẳng có gì.

Về tài chính, Pháp cũng không phải khó khăn lắm. Ngày 19-3-1954, Quốc hội Pháp biểu quyết ngân sách chiến tranh Đông Dương năm 1954: 134 tỷ quan, cộng 155 tỷ viện trợ Mỹ, cộng 135 tỷ cũng viện trợ Mỹ cho quân bản xứ = 424 tỷ quan, một con số khổng lồ (4.240 tỷ đồng bạc Đông Dương - giá gạo ngon (tám thơm) 920 đồng một tạ tại Hà Nội).

Cái thua của Pháp không vì quân số, khí tài kém hơn đối phương. Sau này, một số sử gia Pháp và các nước phương Tây viết lại trận Điện Biên Phủ, cuối cùng biện giải bằng một lập luận: vì chọn Điện Biên Phủ làm địa bàn quyết chiến nên Pháp thua. Nava bị chỉ trích nặng nề về quyết định này trong khi tướng Pôn Êly - Tổng Tham mưu trưởng Pháp, Raun Xalăng, các bộ trưởng Plêven, Sêvinhê, Mác Giắckê - đều đến Điện Biên Phủ và đều khen cứ điểm tốt.

Sự thực không đơn giản như vậy. Hăngri Nava (sinh 1898) tuy không xếp ngang hàng như Lơcléc, Đờ Lát, vẫn là một tướng lĩnh được đào tạo kỹ qua Học viện quân sự đặc biệt, Trường Võ bị Xanh Xia chiến đấu từ cấp trung đoàn kinh qua thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng - thăng ba cấp từ năm 1945 đến năm 1952 (bảy năm), tham gia kỵ binh ở Trung Đông và Đức, dự Học viện Quân sự Đức, chuyên ngành thiết giáp, tham mưu tập đoàn quân, tham mưu trưởng cho tướng Uâygăng (Weygand) và Thống chế Gioăng (Juin) ở Angiêri (Algérie), lãnh đạo quân kháng chiến tại Pháp giai đoạn 1943 - 1945, Giám đốc Học viện cao cấp quốc phòng, Tham mưu trưởng khối NATO vùng Trung Âu, hội viên Hội đồng Quốc phòng tối cao, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (1953 - 1954). Tóm lại, một tay khá sừng sỏ. Nava nuôi ý định của ông ta, một kiểu mà sau này trong chiến tranh Việt - Mỹ, có một danh từ chính thức: Việt Nam hóa chiến tranh. Kế hoạch Nava, được Chính phủ Pháp thông qua ngày 21-7-1953, chủ trương "giao trách nhiệm nhiều hơn cho quân đội Việt Nam (nguỵ), tập trung lực lượng để chờ đánh mạnh". Theo kế hoạch đó và theo tình thế lúc đó, Nava chọn Điện Biên Phủ, nằm đằng sau vùng giải phóng, tiếp nối với Thượng Lào, nơi mà thế lực "vua" Thái ngự trị. Với ngót 20.000 quân tinh nhuệ, sử dụng sân bay, trang bị hỏa lực mạnh, xây các cứ điểm kiên cố, Nava chờ quân chủ lực Việt Minh. Xét về ý đồ và bố trí "chiếc bẫy", Nava theo đúng bài bản. Nó phù hợp với kinh nghiệm mà quân Pháp vừa rút ra còn mùi thuốc súng - chiến cuộc Triều Tiên.

Quả chủ lực Việt Minh kéo về Điện Biên Phủ và quả ở đây hình thành một trận quyết chiến chiến lược định đoạt chẳng những cuộc chiến tranh Đông Dương mà định đoạt luôn cả số phận của chủ nghĩa thực dân Pháp, với ảnh hưởng dây chuyền đến chủ nghĩa thực dân quốc tế nói chung. Kết quả đảo ngược đã phá vỡ các lý thuyết quân sự kinh viện và các công thức chiến tranh quy ước. Cái Nava không ngờ là, với đường núi dốc đứng cách xa căn cứ hàng trăm kilômét, xa nguồn nhân, vật lực, quân ta đã đưa được những khẩu pháo khống chế quanh lòng chảo, đã tổ chức một hậu cần gần như huyền thoại đủ sức bao vây nhiều tháng và siết dần tập đoàn cứ điểm từ nhiều hướng. Ưu thế - chủ bài số 1 của Pháp là không quân trở thành nhược điểm nguy hiểm. Một khi "con đường tiếp dưỡng khí" này tê liệt, Điện Biên Phủ chỉ còn đếm ngày giờ thoi thóp.

Không phải Nava "hóa rồ" trong chọn lựa Điện Biên Phủ. Cái mà Nava - và không riêng Nava - không lường nổi là quyết tâm của quân dân Việt Nam. Trước Nava, đã có bao nhiêu danh tướng xâm lược "thân bại danh liệt" ở một nước không đông đúc về dân số, không mênh mông về diện tích. Sau Nava, cũng thế.

Rất nhiều sách viết về Điện Biên Phủ của các nhân vật có thẩm quyền trong nước - từ vị tướng lĩnh hoạch định chiến lược đến các vị tướng lĩnh, sĩ quan trực tiếp phụ trách các mặt tác chiến, hậu cần, những trận đánh cụ thể - dưới dạng tổng kết, hồi ức, ghi chép... Cũng rất nhiều sách của các tác giả nước ngoài - chủ yếu là người Pháp - từ tướng tổng chỉ huy đến các sĩ quan cao cấp, các bác sĩ, các nhà sử học... Có lẽ ít trận đánh nào của chiến tranh Việt Nam, xa xưa và hiện đại, lại được nhắc nhở, mổ xẻ bằng Điện Biên Phủ.
___________________________________________________
1. Bài viết năm 1994 (B.T).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2022, 03:50:49 pm »


SỰ GIÚP ĐỠ QUỐC TẾ ĐỐI VỚI
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM (1945 -1954)
1


PGS, TS. PHẠM MAI HÙNG
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

1. Bối cảnh lịch sử và sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam trong những năm 1945 – 1954

Trong bối cảnh lịch sử những năm 1945 - 1954, sự hiểu biết về Việt Nam của bạn bè và nhân dân yêu chuộng hoà bình, dân chủ thế giới cũng như của các chính phủ cầm quyền có thể chia làm hai thời kỳ:

- Thời kỳ từ năm 1945 cho đến năm 1950, trước chiến thắng Biên giới, thời điểm mà Việt Nam ít có điều kiện "đi ra" thế giới, nới lỏng "vòng vây".

- Thời kỳ từ năm 1951 đến năm 1954, sau Chiến dịch Biên giới, sau chuyến đi thăm và khảo sát của Lêô Phighe (Léo Figueres), đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Nam và trở về Pháp.

Vào những năm 1945 - 1950, nhân dân thế giới chủ yếu tập trung chú ý vào việc khôi phục kinh tế, hàn gắn lại những vết thương chiến tranh và cũng chỉ có thể "để tâm" đến những sự kiện chính như việc Liên Xô phong toả Tây Béclin (1948), chiến tranh Triều Tiên (1950-1953),...

Những sự kiện lớn ấy phần nào làm loãng đi những tin tức về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vừa thoát vòng nô lệ, đang chiến đấu bảo vệ nền độc lập.

Sau khi Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, nước Việt Nam đã "thông đường" sang đến tận các nước Đông Âu, qua Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô... Chuyến đi Bắc Kinh, Mátxcơva của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 21-1-1950 đến tháng 3-1950) đã đem lại một số kết quả. Trước chuyến đi này, ngày 14-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Mười sáu ngày sau, ngày 30-1, giữa lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang gặp Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô A.Vưsinski gửi điện tới Bộ Ngoại giao Việt Nam quyết định kiến lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà2. Tiếp đó là một loạt các nước dân chủ nhân dân khác ở Đông Âu cũng tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Từ đó, Việt Nam đã có một "hậu phương" to lớn về tinh thần và mở đầu việc tiếp nhận sự viện trợ giúp đỡ về vật chất của bạn bè thế giới, của chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước theo chủ nghĩa dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc,...

Một trong những vấn đề làm hạn chế sự hiểu biết về Việt Nam là Việt Nam không có điều kiện tiếp đón nhiều nhà báo, nhà chính trị quốc tế đến Việt Nam khảo sát đưa tin về Việt Nam. "Trăm nghe không bằng một thấy", "một thấy" sẽ thuyết phục được trăm, ngàn người nghe, nhất là đông đảo quần chúng lao động ít có phương tiện, điều kiện để thấy, để nghe. Ngay như Đảng Cộng sản Pháp, mặc dầu có một số đảng viên cộng sản giữ chức bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng còn chưa thấy rõ cuộc đấu tranh của những người vô sản - lao động Việt Nam. Ngay cả trong năm 1946, với sự có mặt của phái đoàn Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, thái độ của Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn rụt rè, e ngại. Có thể nói là cho đến năm 1950, Đảng Cộng sản Pháp và một số tổ chức chịu ảnh hưởng hay do Đảng chỉ đạo trực tiếp (Liên đoàn Thanh niên Cộng sản), Tổng Công hội, Phong trào Hoà bình, Liên hiệp Phụ nữ Pháp... mới chống lại cuộc chiến tranh Đông Dương một cách tích cực và liên tục3. Có được sự chuyển biến này là do kết quả chuyến đi thăm bí mật của Lêô Phighe, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tới Việt Bắc. L. Phighe đã đến thăm các đơn vị chiến đấu, đến tận nơi quan sát những trận càn quét, ném bom của quân đội Pháp, gặp gỡ trò chuyện với nhân dân, với sĩ quan lục quân khoá 5, với nhiều cán bộ lãnh đạo, được sống chung một số ngày với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở về Pháp, Lêô Phighe đã viết một cuốn sách về Việt Nam, đã đánh thức được sự hiểu biết cũng như lương tâm của công chúng Pháp qua đó đến với dư luận thế giới.

Biết được cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, những khó khăn gian khổ hy sinh mà nhân dân, quân đội Việt Nam đang kiên cường vượt qua đã dẫn đến sự giúp đỡ ngày càng tăng, ngày càng hiệu quả về nhiều mặt, chính trị, ngoại giao, tinh thần, vật chất, vũ khí của thế giới dành cho Việt Nam.
___________________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước[i/], Điện Biên, ngày 7, 8-3-2004.
2. Báo Nhân Dân, ngày 11-3-1951, xem thêm Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ ngoại giao 1950 - 1980, Nxb. Ngoại văn, Hà Nội - Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1982, tr.9.
3. Alanh Ruýtxiô: Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (tiếng Pháp), Nxb. Tổnghợp, Pari, 1992, tr. 117.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2022, 03:59:51 pm »


2. Sự giúp đỡ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam (1945 - 1954)

Tìm hiểu vấn đề này, ta có thể thấy sự giúp đỡ diễn ra trên nhiều mặt (chính trị, ngoại giao, quân sự) ở nhiều nước mà chính phủ và nhân dân đồng tình với Việt Nam, ở những nước chỉ có nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến Việt Nam trong khi chính phủ của họ lại theo đuôi bọn đế quốc, thực dân, sự giúp đỡ diễn ra với nhiều hình thức (hội thảo, biểu tình, đình công, không vận chuyển vũ khí, ngăn các đoàn tàu, quyên góp, cử người sang Việt Nam "chia lửa” với nhân dân Việt Nam, ra sách, viết báo lên án thực dân, ca ngợi Việt Nam...). Ngoài ra, còn có sự ủng hộ của các chiến sĩ quốc tế ngay trên đất nước Việt Nam là các hàng binh người Nhật, Đức, Áo, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... trong đội quân lê dương Pháp đã chuyển sang hàng ngũ kháng chiến. Họ đã lao động, chiến đấu, làm công tác báo chí, địch vận, sát cánh đồng cam cộng khổ với nhân dân, bộ đội Việt Nam. Một thành phần khác nữa là Việt kiều đã mang quốc tịch nước định cư, gom góp tiền bạc, thuốc men gửi về nước (Pháp, Bỉ...) hay tổ chức hẳn một đội quân hải ngoại về chiến đấu (như kiểu bào ở Thái Lan).

Bạn bè ta ở một số nước châu Âu, châu Phi rất ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta, nhưng đường sá xa xôi, đi lại vô cùng khó khăn nên dù muốn nhiều nhưng làm được ít. Ngay Liên Xô, cũng phải chờ cho đến ngày 18-7-1955 mới ký được một hiệp ước thương mại với Chính phủ Việt Nam. Sau đó là Hiệp nghị nhận sinh viên Việt Nam sang Liên Xô học tập1.

Việc Liên Xô khó có thể giúp đỡ sớm hơn về vật chất công khai cho Việt Nam còn là do sự ràng buộc của Hiệp ước Pháp - Xô được ký kết giữa Đờ Gôn và Stalin vào ngày 22-12-1944 tại Mátxcơva trên cương vị là hai phía Đồng minh chống phát xít. Điều 5 của hiệp định này quy định hai bên ký kết không được can thiệp vào công việc chính trị, ngoại giao, quân sự của mỗi bên2 (tuy nhiên trong khi phải thực thi hiệp định này, Liên Xô vẫn giúp đỡ Việt Nam một số vấn đề).

Trước năm 1950, với đường lối ngoại giao "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới" chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của một số nước. Đáng kể là Thái Lan dưới thời Thủ tướng Priđi, ở Mianma, nơi ta được phép đặt một tổ điện đài thu nghe các bài báo, xã luận, tin tức, nghị quyết của Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô và một số nước khác, để rồi từ đó phát về Việt Bắc. Chính nhờ tổ đài này mà Bác Hồ cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta vẫn thường xuyên nắm bắt được tình hình quốc tế3.

Chính phủ của Thủ tướng Priđi đã tin cậy, ủng hộ Việt Nam đến mức ngoài việc tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng chục ngàn Việt kiều, còn cho "mượn" đất làm căn cứ du kích, "cấp vũ khí đủ trang bị cho một số đơn vị nhỏ", để các đơn vị này trở về Việt Nam chiến đấu... Bên cạnh sự giúp đỡ, ủng hộ của các bạn châu Phi (Angiêri, Maroc), châu Á (Nam Dương, Lào, Campuchia); hai nước sau là liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp với nhân dân Việt Nam, đáng kể nhất là sự giúp đỡ của nhân dân Pháp, của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc - đặc biệt là sau ngày nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương được nhân dân Pháp gọi là "cuộc chiến tranh bẩn thỉu, phi chính nghĩa, phản động, chống lại tự do của nhân dân Việt Nam". Tháng 9-1949, tờ L'Humanité của Đảng Cộng sản Pháp công bố một số liệu "với 10 phút chi phí chiến tranh ở Đông Dương, người ta có thể xây được một nhà an dưỡng, với 60 phút xây dựng được một nhà hộ sinh cho một thành phố 10.000 dân, với 24 giờ có thể chi cho mọi công dân toàn nước Pháp 350 gam bánh mì"4. Từ năm 1950, toàn nước Pháp sôi sục trong chiến dịch đòi thả anh thuỷ thủ H. Máctanh. Hàng chục, hàng trăm tờ truyền đơn được phân phát kèm theo ảnh của H. Máctanh. Một vở kịch về H. Máctanh đã được lưu diễn trong nhiều địa phương. Chiến dịch này đã khiến cho số người Pháp ủng hộ cuộc chiến tranh của Chính phủ Pháp ở Đông Dương càng ngày giảm sút. Đến tháng 8-1953, 82% người Pháp đồng tình chấm dứt cuộc chiến tranh "bẩn thỉu"5. Đảng Cộng sản Pháp cử sang Việt Nam một số đảng viên giúp ta làm công tác binh vận trong hàng ngũ quân đội Pháp. Cùng với hành động can đảm của nữ công nhân Raymông Điêng (Raymonde Diene) nằm chắn ngang đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam gây nên một "cú sốc" trong dư luận Pháp khiến nhà cầm quyền Pháp đã "lên án" "những người cộng sản Pháp không chỉ là những điệp viên cho nước ngoài mà còn là điệp viên của kẻ thù, đã đâm một nhát dao vào lưng (quân đội và Chính phủ Pháp)"6.

Trên các diễn đàn quốc tế, các đại hội học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ... các bạn Pháp đều chủ động gặp gỡ các đại biểu Việt Nam nhờ họ mang về Việt Nam nhiều tặng phẩm, quà, báo chí, thư từ, tiền bạc,...

Đặc biệt sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là hết sức to lớn. Trong những năm 1945-1946, Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch đã âm mưu "diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh", định đô hộ Việt Nam lần nữa. Song âm mưu đen tối đó của Tưởng không thành. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở các căn cứ địa còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện giúp Việt Nam. Trái lại, Việt Nam còn phải giúp đỡ Trung Quốc7. Ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai đã nói "Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc"8.

Cuối năm 1949, đồng chí La Quý Ba được cử làm đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam. Ngày 5-1-1950, trong buổi làm việc với đại diện Việt Nam tại Bắc Kinh, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ nói: "Cuộc kháng chiến ở Việt Nam do Đảng Việt Nam lãnh đạo rất đúng và rất hay. Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức giúp đỡ Đảng Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đó. Các đảng bạn khác, nhất là Đảng Liên Xô cũng cùng một quan điểm như Đảng Cộng sản ta. Và Việt Nam, trong cuộc kháng chiến phải tự lực cánh sinh là chính, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là sự giúp đỡ chung"9.

Theo thoả thuận giữa Chính phủ ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Trung Quốc sẽ nhận của Liên Xô trang bị vũ khí cho một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, 30 xe vận tải Môlôtôva và một số thuốc quân dụng, để chuyển giao cho Việt Nam. Về phía mình, Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh, đơn vị pháo binh, cử 79 cố vấn sang Việt Nam, nhận đào tạo cán bộ Việt Nam tại Trung Quốc,...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 1.700 tấn gạo (bằng 6,8% tổng số gạo dùng trong chiến dịch); 3.600 viên đạn 105 ly cùng 24 khẩu pháo (chiếm 18% tổng số đạn 105 ly dùng trong chiến dịch; một tiểu đoàn ĐKZ 75 ly, một tiểu đoàn Kachiusa (của Liên Xô) cùng 1.136 viên đạn10.

Sự giúp đỡ này của Trung Quốc đối với Việt Nam còn chưa được như mong muốn của hai bên, mà một trong những lý do là trong cuộc "kháng Mỹ viện Triều, Trung Quốc còn "nặng gánh" viện trợ chiến đấu ở chiến trường Triều Tiên".

Sự viện trợ của Trung Quốc dù lớn hay nhỏ đối với nhân dân ta đều rất đáng quý và trân trọng. Một ví dụ: Trong khi nhân dân Trung Quốc ở vùng Hoa Nam, những năm 1949, 1950 còn đói kém, nhưng Đảng và Chính phủ Trung Quốc vẫn "nuôi" hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam trong đất nước mình, viện trợ cho Việt Nam 2.634 tấn gạo. Đúng như Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ đã nói "sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là sự giúp đỡ chung" và trong sách Trận Điện Biên Phủ, Giuyn Roa cũng đã nhận ra rằng: "Tướng Nava ở Điện Biên Phủ bị đánh bại không phải do viện trợ Trung Quốc mà do trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của người Việt Nam,... chính những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200 - 300 kg đã đánh bại ông ta".

Về sự giúp đỡ của Trung Quốc với Việt Nam nói chung và nói riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh sự nhiệt thành, các bạn Trung Quốc cũng có phần nào nôn nóng, không sát tình hình Việt Nam, nên có lúc, có công việc áp đặt, khiến Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn. Lịch sử mối quan hệ giúp đỡ giữa hai nước đã chứng minh rõ điều này và cũng đã cung cấp cho hai bên những bài học bổ ích.

3. Kết luận

Việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới qua cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, thường xuyên làm cho nhân dân thế giới hiểu sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, vạch trần tội ác xâm lược của thực dân Pháp nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại tiến bộ. Thực tế, cuộc kháng chiến của ta chống xâm lược Pháp đã được sự đồng tình, ủng hộ quốc tế gắn liền với nỗ lực của ta... Sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, trước hết là với bạn đồng minh chiến lược Trung Quốc, Liên Xô, phát huy sức mạnh dân tộc và sự giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu là một trong những nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp của nhân dân ta11.

Do đó, ngày nay và mãi mãi về sau, bài học này vẫn giữ nguyên giá trị và đang được phát triển sâu hơn.
_______________________________________________________
1. Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ ngoại giao 1950-1980, Sđd, tr. 21.
2. Hiệp ước này đã được Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô huỷ bỏ vào tháng 5-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.
3. Một số bức điện này hiện lưu trữ ở Bảo tàng Thông tin quân đội, do đồng chí Hoàng Đạo Thuý, Cục trưởng Cục Thông tin trong kháng chiến chống Pháp tặng.
4. Alanh Ruýtxiô: Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, Sđd, tr.118.
5. Alanh Ruýtxiô: Điện Biên Phủ, chấm dứt một ảo ảnh, Nxb. L'Harmattan, Pari, 1986, tr.96.
6. Alanh Ruýtxiô: Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, Sđd, tr.120.
7. Năm 1948, trên tinh thần "cứu Trung Quốc cũng là tự cứu mình", Chính phủ ta đã giúp nhân dân Hoa Nam hàng chục tấn gạo, muối, vũ khí. Tháng 4-1949, phối hợp cùng Quân giải phóng Trung Quốc giải phóng khu Thập Vạn Đại Sơn...
8. Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, bản đánh máy, Cục Nghiên cứu - Bộ Quốc phòng, 1988, t.I, tr.28.
9. Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, Tlđd tr.29-30.
10. Hồ sơ viện trợ quốc tế của Tổng cục Hậu cần, cặp số 20, 21.
11. Ngày thứ bảy, 17-1-2004, tại Pari, gần 40 nhà chính trị, nhà báo, nhà văn, nhà khoa học như S. Phuốcniô (Hội trưởng Hội Pháp - Việt hữu nghị), Raymông Ôbrắc (bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh), nhà báo nữ Mađơlen Riphô (con gái nuôi của Bác Hồ), các nhà sử học Alanh Ruýtxiô, Lêô Phighe (đảng viên Đảng Cộng sản Pháp) đã sang thăm Việt Nam, nhất trí đưa ra Lời kêu gọi nhân kỷ niệm 50 năm vụ án Hăngri Máctanh đã "đem lại một thời điểm có ích chống chủ nghĩa thực dân Pháp".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2022, 02:14:49 pm »


TÌNH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU VIỆT - TRUNG
TRONG NHỮNG NĂM CUỐI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
1

PGS. NGUYỄN HUY QUÝ
Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến công riêng của dân tộc Việt Nam anh hùng mà còn là chiến công chung của nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, vì những mục tiêu cao cả của thời đại: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính vì lẽ đó mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã khái quát một chân lý "Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay"2.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, quân đội và nhân dân Việt Nam đã nhận được sự chi viện to lớn, chân tình, có hiệu quả của Đảng, quân đội và nhân dân Trung Quốc anh em. Trọn một nửa thế kỷ đã trôi qua, đã có biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống thuỷ chung son sắt vẫn luôn ghi nhận tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước, ghi nhớ những sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc dành cho chúng ta trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ.

Chính vì trân trọng tình đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc anh em mà chúng ta phải bảo vệ sự trong sáng của nó, bảo vệ chân lý lịch sử, không thể cho những lớp bụi thời gian, những ý nghĩ sai trái làm lu mờ, vẩn đục nó. Trong mấy chục năm qua, ở nước ta và ở nước ngoài đã có biết bao nhiêu sách báo, công trình nghiên cứu viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó đề cập quan hệ Việt - Trung với nhận định, đánh giá khác nhau.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với tinh thần khách quan khoa học, với tình cảm hữu nghị chân thành, chúng ta nhìn lại quá trình đoàn kết chiến đấu Việt - Trung trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

1. Tình đoàn kết chiến đấu Việt - Trung trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1946-1949)

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bùng nổ trên phạm vi cả nước thì ở Trung Quốc cuộc nội chiến Quốc - Cộng đang diễn ra quyết liệt và lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở trong thời kỳ vô cùng khó khăn do cuộc tấn công ồ ạt của quân đội chính quyền Quốc dân Đảng được Mỹ hỗ trợ. Cho tới đầu năm 1948 khi cuộc phản công mãnh liệt của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến xuống phía nam liên tiếp giành được thắng lợi to lớn thì Đảng ta mới có những tiếp xúc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua những phái viên đôi bên để thông báo cho nhau tình hình phát triển cách mạng ở mỗi nước và cùng phối hợp hoạt động khi điều kiện cho phép. Trong khi đó quân Tưởng và quân Pháp cũng có sự cấu kết với nhau để chống phá lực lượng cách mạng hai nước Việt - Trung. Đầu năm 1948, địch tấn công khu căn cứ cách mạng Trung Quốc ở Tĩnh Tây, một bộ phận lực lượng của bạn phải di chuyển sang Việt Nam. Với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, quân dân Việt Nam đã giúp bạn về hậu cần: gạo, muối, vũ khí và tài chính. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Việt Nam, từ tháng giêng đến cuối năm 1948, mỗi tháng phía Việt Nam gửi giúp riêng quân dân Biên khu Điền - Quế, 50 tấn muối, hàng chục tấn gạo, và một số lượng đáng kể đạn cối 81 ly, máy ngắm của súng cối 81 ly, v.v... Các đồng chí chỉ huy Biên khu Điền - Quế cũng đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn sự giúp đỡ "với tinh thần quốc tế vô sản" của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Tháng 4-1949, theo đề nghị của phía bạn, một bộ phận bộ đội ta cũng được lệnh sang giúp bạn phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu giải phóng Biên khu Điền - Quế. Trên đường sang nước bạn, bộ đội ta đã phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc tiến hành nhiều trận đánh với quân Quốc dân Đảng. Đồng thời trên hướng Biên khu Điền - Quế, một số đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đang tham gia Chiến dịch Đông Bắc cũng được lệnh vượt biên giới sang giúp bạn, cùng chiến đấu giải phóng vùng Thập Vạn Đại Sơn cho tới tháng 10-1949 mới về nước. Khi tàn quân Quốc dân Đảng tràn sang lãnh thổ Việt Nam, quân dân Cao Bằng cũng đã chặn đánh, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên, phá tan âm mưu thiết lập căn cứ đề kháng của chúng, buộc chúng phải tháo chạy về biên giới phía tây - nam Trung Quốc.

Có thể nói từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1949 là màn đầu quá trình đoàn kết chiến đấu của quân dân hai nước Việt - Trung trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Trong thời gian đó, quân dân Việt Nam giúp đỡ cách mạng Trung Quốc là xuất phát từ nghĩa vụ quốc tế cao cả, đồng thời cũng xuất phát từ sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Cách mạng Trung Quốc thành công, nối liền một dải Việt Nam với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa từ Á sang Âu tạo ra một triển vọng vô cùng thuận lợi cho công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng đất nước của nhân dân ta. Bấy giờ các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc cũng đã ghi nhận và cảm kích sự giúp đỡ đó. Ngày 5-11-1950, trong buổi tiếp Đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: "Trong lúc Việt Nam vừa nghèo vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc"3.

Trong buổi gặp các thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi lên đường sang Việt Nam ngày 30-6-1950 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đã nói: "... Hồ Chí Minh và nhiều bạn Việt Nam đã từng tham gia và viện trợ cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, có người còn đổ máu hy sinh. Bây giờ các đồng chí sang giúp đỡ cuộc đấu tranh chống Pháp của họ là một việc hoàn toàn nên làm..."4.
__________________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.54.
3. Biên bản cuộc tiếp xúc giữa các đồng chí Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ với Đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam. Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, t. I, Cục Nghiên cứu - Bộ Quốc phòng, 1988, tr. 28.
4. Sa Lực - Mân Lực: Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Nxb. Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992, bản dịch tiếng Việt của Cục Nghiên cứu - Bộ Quốc phòng, tr. 242.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2022, 02:21:51 pm »


2. Sự chi viện của Trung Quốc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp (1950-1954)

Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949), tạo điều kiện cho quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt - Trung phát triển sang một giai đoạn mới. Mặc dầu nước Trung Hoa mới còn nhiều khó khăn, nhưng cũng đã có điều kiện để giúp đỡ cho cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Từ những năm 1945-1950, nhiều nước Đông Nam Á, châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế đã có cảm tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Từ sau khi được nối liền với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, cuộc kháng chiến của nhân dân ta có điều kiện thuận lợi tiếp nhận sự chi viện của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các bạn bè quốc tế.

Từ đó, và suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ chi viện chân tình, to lớn và có hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em.

Sự giúp đỡ, chi viện của Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chổng Pháp của Việt Nam được thực hiện qua mấy phương diện sau đây:

a. Sự ủng hộ chính trị, ngoại giao

Trong bốn năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã hết sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhằm sớm đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi thế bị kẻ thù bao vây, phong toả. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, sự ra đời nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta mở rộng hoạt động ngoại giao, tranh thủ hơn nữa sự chi viện quốc tế.

Ngày 15-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công nhận Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Ngày 18-1-1950, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 30-1, Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và tiếp đó các nước dân chủ nhân dân khác cũng lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đó là một đại thắng lợi về chính trị, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc kháng chiến.

Từ tháng giêng đến cuối tháng 3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm này đã tăng thêm sự hiểu biết của Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em đối với Việt Nam, thắt chặt hơn tình đoàn kết chiến đấu, tranh thủ thêm sự chi viện quốc tế cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Đặc biệt là tại nước Trung Hoa láng giềng anh em, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí cách mạng Việt Nam đã từng hoạt động nhiều năm, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng là những người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, v.v. đã thể hiện tình cảm sâu sắc và bày tỏ sẵn sàng ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Việt Nam đã trở thành một tiền tiêu trong mặt trận dân chủ chống đế quốc ở Đông Nam Á. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam không chỉ vì độc lập tự do của dân tộc mình, mà còn vì thắng lợi chung của "mặt trận dân chủ chống đế quốc". Đối với Trung Quốc, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Việt Nam sẽ góp phần củng cố an ninh tuyến biên giới phía đông - nam đất nước. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã tận tình chi viện và luôn cổ vũ cho cuộc chiến đấu của quân dân ta chống Pháp xâm lược. Ngay sau chiến thắng Biên giới (năm 1950), Chủ tịch Mao Trạch Đông đã gửi thư chúc mừng ca ngợi:

"Thanh niên đích Việt Nam quân,
Nhất minh kinh nhân"1.

(Quân đội Việt Nam trẻ tuổi, cất một tiếng kẻ địch kinh hồn). Sự đồng tình ủng hộ về chính trị, ngoại giao của một nước lớn xã hội chủ nghĩa anh em láng giềng đã góp thêm nguồn sức mạnh tinh thần cho quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ nhưng tràn đầy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

b. Sự giúp đỡ về hậu cần: vũ khí, đạn dược, lương thực

Cách mạng Trung Quốc thành công, mặc dầu nước Trung Hoa mới còn đứng trước nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã dành cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam sự viện trợ quý báu về vật chất: vũ khí, đạn dược, quân nhu, lương thực, tài chính, v.v...

Trong thư gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ngày 10-8-1949) Đảng ta đã đề nghị các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ về "súng, đạn, dụng cụ, cán bộ... Trong những khoản chúng tôi yêu cầu có khoản nào các đồng chí không giúp được, xin các đồng chí chuyển lời đề nghị của chúng tôi cho Liên Xô và nói hộ những khó khăn của chúng tôi cho các đồng chí Liên Xô rõ"2.

Sau đó trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xtalin ở Mátxcơva, có cả Mao Trạch Đông, Bác đã đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho 10 đại đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo cao xạ. Xtalin nói: "Yêu cầu của Việt Nam không lớn. Nên có sự phân công giữa Trung Quốc và Liên Xô. Liên Xô hiện đang phải lo nhiều cho các nước Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả". Mao Trạch Đông nói: "Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc - tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam"3.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, cuối tháng 3-1950, phía Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện cam kết. Tháng 4-1950, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 được lệnh sang Vân Nam nhận vũ khí. Sau đó, một trung đoàn của Đại đoàn 312 cũng được lệnh sang Quảng Tây nhận vũ khí. Phía bạn cũng đã chở gấp vũ khí sang Cao Bằng để trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác phải ở lại chiến trường đối phó với quân địch. Các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, vốn rất nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh giải phóng, cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng vẫn dành gạo viện trợ cho quân dân Việt Nam chuẩn bị chiến dịch. Phó Tư lệnh Quân khu Quảng Tây Lý Thiên Hựu xuống tận Thuỷ Khẩu, giáp biên giới Việt Nam nhiều ngày để đôn đốc việc vận chuyển gạo viện trợ. Gặp bộ đội ta (bấy giờ được gọi bằng bí danh bộ đội Lưỡng Quảng), nam nữ thanh niên Trung Quốc nhảy "ương ca" để đón chào.

Cho tới cuối năm 1950, ta đã tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc: 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang quân dụng, 2.634 tấn hàng quân giới, 30 ôtô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ôtô4. Số viện trợ vật chất đó là nguồn hậu cần quan trọng và hiệu quả cho Chiến dịch Biên giới - chiến dịch mở đầu thời kỳ chuyển sang phản công và tiến công của quân đội ta.

Đến đầu năm 1951, khối chủ lực của quân đội ta gồm sáu đại đoàn. Việc trang bị vũ khí gặp nhiều khó khăn. Bấy giờ Trung Quốc đã đưa chí nguyện quân sang chiến đấu ở Triều Tiên nên sự chi viện vật chất cho Việt Nam bị hạn chế. Nguồn vũ khí một phần dựa vào viện trợ của nước bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất.

Trong Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã tiếp tục viện trợ hậu cần: lương thực, xe đạp thồ, ôtô vận tải, đạn pháo, v.v. góp phần giúp quân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, đạn pháo của ta ở Điện Biên Phủ cũng rất có hạn, không phải tha hồ "bắn không tiếc tay" như một số tác giả nước ngoài viết. Trong thực tế, về đạn 105 ly, ta chỉ có tổng số khoảng 20.000 viên, gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của Chiến dịch Biên giới, 3.600 viên Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào, và khoảng 5.000 viên thu được của địch thả dù tiếp tế. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105 ly ở Trung Quốc cũng rất khan hiếm, bạn đã vét đạn 105 ly từ các kho chuyển cho ta, nhưng 7.400 viên mãi đến tháng 5-1954 mới tới, khi trận đánh Điện Biên Phủ đã kết thúc5. Cũng cần kể thêm, phía bạn đã chuyển cho ta 12 dàn hoả tiễn sáu nòng (H6) gây bất ngờ cho quân địch trong những ngày tiến công cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
_________________________________________________
1. Mượn ý trong câu của Sở Trang Vương thời Đông Chu: "tam niên bất minh, nhất minh kinh nhân" nói về con chim lớn "ba năm không kêu", nhưng "kêu một tiếng thì mọi người phải khiếp sợ".
2. Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam từ 1948 đến 1979, Tlđd, tr.20.
3. Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.14-15.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Sđd, tr.109.
5. Sa Lực - Mân Lực: Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Sđd, tr.142.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2022, 02:24:43 pm »


c. Sự giúp đỡ về tham mưu và huấn luyện quân sự

Trong những năm đầu kháng chiến, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam mới được thành lập, còn non trẻ đã phải lao vào cuộc chiến tranh cứu nước, rất cần được giúp đỡ về chỉ huy và điều kiện huấn luyện. Sau khi chiến tranh cách mạng kết thúc, Trung Quốc đã có điều kiện để giúp đỡ Việt Nam. Cuối năm 1949, đồng chí La Quý Ba được cử làm đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh Trung ương Đảng ta. Theo thoả thuận của lãnh đạo hai bên, Trung Quốc đã cử một đoàn cố vấn quân sự gồm 79 cán bộ do đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn sang giúp Việt Nam, cử đồng chí Trần Canh (nguyên Phó Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam, Tư lệnh Quân khu Vân Nam) cùng đoàn cố vấn quân sự giúp Việt Nam mở Chiến dịch Biên giới (năm 1950).

Trong buổi tiếp Đoàn cố vấn tại Bắc Kinh trước lúc lên đường sang Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã căn dặn: "Làm cố vấn chính là làm tham mưu... không được bao biện làm thay, càng không thể làm Thái thượng hoàng chỉ tay năm ngón"1. Các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc đã thực hiện đúng như huấn thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông và có những đóng góp đáng ghi nhận về công tác tham mưu, truyền đạt những kinh nghiệm hay của Quân giải phóng Trung Quốc, góp phần vào thắng lợi của quân dân ta trong quá trình kháng chiến chống Pháp, từ Chiến dịch Biên giới đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng chí Trần Canh đã đề xuất nhiều ý kiến hay trong Chiến dịch Biên giới, nhất là vận dụng kinh nghiệm chiến thuật "vây điểm diệt viện" của Quân giải phóng Trung Quốc. Khi bộ đội ta chuyển về tác chiến ở trung du và đồng bằng, đồng chí Vi Quốc Thanh đã giới thiệu chiến thuật "bôn tập" (đánh nhanh, rút nhanh, giải quyết chiến trường nhanh). Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tán thành chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của ta chọn Tây Bắc là hướng chính. Đoàn cử đồng chí Mai Gia Sinh, cố vấn tham mưu cùng đi trước với đồng chí Hoàng Văn Thái. Đầu tháng giêng năm 1954, đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc cùng với đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc. "Tướng quân tại ngoại", Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền chỉ huy chiến trường cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và căn dặn "Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau"2.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quá mạo hiểm, đồng chí đã gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự của bạn, hy vọng sẽ có sự đồng tình. Đồng chí Vi Quốc Thanh cho rằng: "Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch"3. Nhưng sau đó đồng chí Trưởng đoàn cố vấn cũng đã thay đổi ý kiến, trả lời: "Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn". Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những kinh nghiệm của Quân giải phóng Trung Quốc trong quá trình chiến tranh cách mạng và trên chiến trường chống Mỹ viện Triều như cách đánh địa đạo, cấu trúc trận địa tiến công, tổ chức hiệp đồng bộ binh với pháo binh, v.v. đã được vận dụng sáng tạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh trực tiếp theo dõi việc đào trận địa chiến hào của một tiểu đội theo những yêu cầu của Bộ Chỉ huy mặt trận đã đề ra, sau đó Ban Tham mưu mặt trận phổ biến hướng dẫn cho các đơn vị khác thực hiện.

Do hoàn cảnh chiến tranh khẩn trương, bộ đội ta không có điều kiện được huấn luyện nhiều trước khi đi vào chiến đấu, nhất là đối với những binh chủng kỹ thuật. Do vậy, nhiều đơn vị bộ đội ta đã được bạn giúp đỡ huấn luyện ở bên kia biên giới và lúc về mang theo cả số vũ khí và quân trang được viện trợ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và quân đội ta luôn trân trọng những kinh nghiệm của Trung Quốc và những đóng góp của Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Tại Đại hội II của Đảng ta (2-1951) trong khi biểu dương sự trưởng thành của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: đó là do kế tục tinh thần quật cường của ông cha ngày trước, tinh thần tự lực, sáng tạo của ta ngày nay, và sự học tập kinh nghiệm chiến đấu của các nước anh em, chiến tranh vệ quốc ở Liên Xô, chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc, nên bộ đội ta đã trưởng thành nhanh chóng như ngày nay.

Trong những tháng ngày cùng chiến đấu gian khổ bên nhau trên vùng rừng núi biên giới Việt Bắc cũng như ở vùng Điện Biên, cán bộ chiến sĩ Việt Nam và các đồng chí cố vấn Trung Quốc đã kết nên tình đồng chí anh em thắm thiết, trong sáng, thuỷ chung. Các đồng chí cố vấn quân sự Trung quốc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ, chiến sĩ Việt Nam và đất nước Việt Nam. Những tình cảm của chiến sĩ đồng bào ta, cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp trong các đồng chí cố vấn Trung Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam sau ngày hoà bình lập lại, đồng chí Vi Quốc Thanh đã tâm sự với đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Những năm ở Việt Nam là thời kỳ hoàng kim trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi".

Trên đây là những biểu hiện tình đoàn kết chiến đấu Việt - Trung trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc đối với Việt Nam trong giai đoạn này còn thể hiện ở các lĩnh vực xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá giáo dục, v.v. đã góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc của chúng ta trong những năm tháng khó khăn, gian khổ.

3. "Tình hữu nghị Việt - Trung mãi mãi xanh tươi"

"Việt - Trung hữu nghị vạn cổ trường thanh". Đó là bút tích đề từ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1968 - hơn một năm trước khi Người đi xa. Quan hệ Việt - Trung đã trải qua bao bước thăng trầm theo dòng lịch sử. Nhưng nếu chúng ta biết gạn đục khơi trong thì sẽ thấy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước từ ngàn đời vẫn là dòng chảy chủ yếu của lịch sử, và dòng sông hữu nghị ấy sẽ xanh mãi với thời gian. Hai nước Việt - Trung núi sông liền một dải; người xưa thường nói Việt - Trung "đồng văn đồng chủng". Ngày nay chúng ta có thêm quan hệ đồng chí. Xét trong lịch sử, cũng như nghĩ về tương lai, lợi ích của hai dân tộc căn bản là tương đồng. Chính nhờ nền tảng vững chắc đó mà quan hệ hữu nghị Việt - Trung chịu đựng được thử thách của thời gian, vượt qua được những con sóng gió. Chúng ta vui mừng thấy rằng trong hơn 10 năm qua, quan hệ hữu nghị Việt - Trung đã được bình thường hoá và phát triển. Hai nước đã tăng cường giao lưu hợp tác về kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh, quốc phòng, v.v. giải quyết được một số vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai bên đã khẳng định phương châm cơ bản của quan hệ Việt - Trung là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", là đồng chí tốt, là bạn tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt của nhau. Chủ trương "hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa hai nước, không ngừng nâng tầm cao và chất lượng của quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống Việt - Trung, làm cho hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đời đời hữu nghị... Tăng cường sự giao lưu hữu nghị với hình thức đa dạng và nội dung phong phú giữa thanh thiếu niên hai nước, làm cho mối tình hữu nghị truyền thống đã được các bậc tiền bối cách mạng hai nước dày công vun đắp, cũng như sự nghiệp hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước truyền tiếp cho các thế hệ mai sau"4.
____________________________________________________
1. Sa Lực - Mân Lực: Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc, Sđd, tr. 142.
2, 3. Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr.66, 96, 108.
4. "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc" nhân chuyến thăm hữu nghị nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, ngày 2-12-2001.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM