Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 01:03:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:17:41 pm »


THANH NIÊN XUNG PHONG VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1



NGUYỄN TIẾN NĂNG

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công đưa đến việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng thực dân Pháp đã không cam chịu thất bại, chúng trở lại xâm lược nước ta một lần nữa buộc nhân dân ta nhất tề đứng lên thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh "toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến". Để phục vụ Chiến dịch Biên giới, ngày 15-7-1950 Bác Hồ chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức Đội Thanh niên xung phong công tác để "giúp việc làm đường, để làm lực lượng căn bản", lúc đầu đội chỉ có 225 cán bộ, đội viên. Đến các Chiến dịch Trung du, đường 18, Hà - Nam - Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào (năm 1951 - 1952), đội được phát triển thêm với 2.750 cán bộ, đội viên (kể cả nữ thanh niên). Năm 1953 cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Bác nhận định: "Kháng chiến càng tiến tới; công việc ngày càng nhiều, có nhiều khó khăn và sẽ rất ác liệt, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên xung phong để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc, bất kỳ việc khó, dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên ta. Thành phần đội gồm những thanh niên bần, cố và trung nông. Những thanh niên trí thức quen lao động. Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua, để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ... Qua từng thời gian công tác sẽ luân chuyển về chỉnh huấn chính trị. Khi cần thiết thì đội tổ chức luyện tập quân sự. Về cung cấp thì thanh niên trong đội được Đảng và Chính phủ ưu đãi như bộ đội. Đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực"2. Bác cho lập Đoàn Thanh niên xung phong với yêu cầu cao hơn và cử đồng chí Vũ Kỳ làm Đoàn trưởng, giúp việc Ban Chỉ huy đoàn có các ban chuyên môn. Đảng uỷ đoàn cũng được thành lập và trực thuộc Trung ương.

Tháng 5-1953, Bộ Chính trị quyết định hướng chiến dịch là Tây Bắc, Đoàn Thanh niên xung phong được tuyển thêm 10.000 quân với bộ khung Ban Chỉ huy đội và đại đội là các huyện uỷ viên, bí thư các huyện đoàn thanh niên, cán bộ tỉnh đoàn thanh niên và các đảng viên.

Bác không chỉ là người tổ chức mà còn thường xuyên theo dõi, động viên thanh niên xung phong. Ngày 20-3-1951 tại Nà Cù, Bắc Kạn, Bác đến thăm Liên phân đội 312 đang làm đường và tặng bốn câu thơ:

"Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên"3.

Những lời chỉ bảo trên đây thể hiện tình cảm, sự ưu ái và tin tưởng của Bác, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh của thanh niên xung phong vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để chiến thắng", hàng vạn nam thanh niên vùng tự do Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... và các tỉnh vùng mới giải phóng ở Khu III đã qua cuộc phát động quần chúng giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong. Có thể nói chưa bao giờ lại có phong trào sôi nổi và vượt mức như vậy và ngày tiễn anh em lên đường vui như ngày hội. Tuyển chọn đến đâu tổ chức thành đơn vị đại đội, đồng thời với việc lập chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên cùng cấp và cứ 10 đại đội trở lên lập thành một đội cùng với việc lập liên chi uỷ và liên chi đoàn thanh niên. Sau khi học Nội quy, Điều lệ Đoàn Thanh niên xung phong, các đại đội tiếp nối nhau hành quân, ngày nghỉ, đêm đi (vì ban ngày máy bay địch lùng sục ném bom, bắn phá khi phát hiện có mục tiêu) theo hướng Tây Bắc.

Ở Liên khu V, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Liên khu uỷ quyết định mở mặt trận bắc Tây Nguyên. Liên khu Đoàn Thanh niên xung phong đã huy động 4.000 nam nữ thanh niên, trong đó có 2.000 đội viên thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch đường 19 và An Khê.

Nhiệm vụ chính của thanh niên xung phong được Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ (có tên mật là T.100) giao là bảo đảm giao thông thông suốt cho chiến địch, làm kho tàng, lán trại, canh gác bảo vệ, tải thương, tải đạn và hàng chục loại việc khác nữa... Cho đến khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong trung ương có khoảng 15.000 cán bộ, đội viên (bao gồm cả số thanh niên xung phong công tác chuyển sang) được bố trí trên các địa phương: Đội 36 phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước ở an toàn khu; Đội 38 làm đường 1B từ biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc tới Thái Nguyên để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước, làm đường 13 từ Yên Bái sang Sơn La; Đội 34 và Đội 40 trực tiếp bảo đảm giao thông từ Mộc Châu đến gần Điện Biên Phủ, dài trên 200km. Trừ các Đại đội 401, 404 phục vụ hoả tuyến, các Đại đội 298, 409, 410 phục vụ Hội đồng Cung cấp mặt trận (T.100), Đại đội 291 phục vụ ở Thượng Lào, các đại đội còn lại được đóng rải rác trên tuyến đường 41 (nay là đường số 6) nhưng tập trung nhất là ngã ba Cò Nòi, đèo Chiềng Đông, đèo Chiềng Pắc, đèo Sơn La, đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo, cầu Tà Vài và Yên Châu, v.v...
_____________________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên ngày 7, 8-3-2004.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 162-163.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 95.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:18:36 pm »


Đến tháng 12-1953, mặt trận chính đã hình thành là Điện Biên Phủ. Cả ta và địch đều tập trung lực lượng, tập trung mọi cố gắng cao nhất để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết liệt này.

Đáp lại lời kêu gọi của Trung ương và của Bác Hồ, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, chủ lực cầu đường và dân công đã sửa chữa, mở rộng, làm mới hàng nghìn kilômét đường, cầu (đường 1B, 13, 41, Mộc Châu - Pa Hang); các thác trên sông Đà, sông Nậm Na, sông Mã đã được phá, các đoàn vận tải bằng ôtô, xe đạp thồ, ngựa thồ, gánh bộ, thuyền gỗ, thuyền nan từ các miền đều tập trung về hướng Điện Biên Phủ.

Địch cho rằng mặt trận xa hậu phương hàng 500 - 600km ta không tài nào cung cấp cho bộ đội đủ súng đạn, lương thực, thực phẩm với việc tổ chức vận chuyển bằng thủ công: một dân công chuyển được 20 kg lương thực thì đã ăn gần hết còn đâu đưa vào kho. Trên cơ sở tính toán đó địch cho máy bay đánh phá khắp mọi nơi, cả trên bộ và trên sông để triệt đường vận chuyển của ta ra tiền tuyến. Lúc đầu chúng đánh phá từ xa, đường 1B, đường 13, đường 15 từ Thanh Hoá sang Hoà Bình, về sau chúng đánh phá những nơi gần mặt trận nhất là từ ngã ba Cò Nòi đến ngã ba Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

Ngã ba Cò Nòi là giao điểm giữa đường 13 (từ Việt Bắc sang) và đường 41 (từ Khu III, Khu IV lên) là đoạn đường xung yếu nhất trong tuyến đường của chiến dịch nên trở thành "cửa tử", thành "túi bom".

Ở ngã ba này địch đánh phá ác liệt ngày cũng như đêm, có ngày chúng ném đến 300 quả bom các loại. Hằng ngày máy bay "Bà già" của địch bay rất thấp, rà soát, quần đảo phát hiện mục tiêu là báo cho các máy bay phản lực Hencát, B26, B29 đến bắn phá, ném bom. Gay gắt nhất là khi chúng ném kết hợp nhiều loại bom cùng lúc bao gồm bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bươm bướm. Bất chấp hiểm nguy, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các Đại đội 293, 300, 403, 408,... kiên cường bám trụ ngày đêm. Được sự huấn luyện của bộ đội công binh, các tổ phá bom đã dũng cảm lăn bom (gần mép đường) xuống vực sâu, phá những quả nằm sâu trên mặt đường. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn nhưng qua thực tế công tác rà phá bom càng ngày càng có kinh nghiệm, tổ chức đài quan sát bom và ghi bản đồ không để sai sót, kịp thời phổ biến kinh nghiệm và phát huy sáng kiến như ngồi trong hố cá nhân dùng sào nứa dài gạt bom bươm bướm gây nổ, v.v... Sau các trận đánh chỉ 3 - 4 tiếng đồng hồ là đường lại thông. Tuy nhiên đã có hàng trăm thanh niên xung phong hy sinh anh dũng tại nơi đây. Anh em đã chôn cất đồng đội bằng phên nứa thay áo quan, với tấm chăn bông mỏng, gốc cây vạt phẳng viết bằng mực tím làm mộ chí, đến nay do tác động của thiên nhiên và con người nên phần lớn mồ mả không còn. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm rà phá bom là các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Cam... những người mà trước khi đi làm nhiệm vụ được đồng đội "tế sống", sau này trở thành chiến sĩ thi đua của Đoàn Thanh niên xung phong.

Đèo Pha Đin dài 32km, cao 1.600m (so với mặt biển), rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn "cua" gấp khúc, dốc đứng, vực sâu, đường như chồng lên nhau, ôtô phải qua nhiều "đỏ" mới qua được, lại chỉ cách mặt trận khoảng 40 km đường chim bay. Địch chọn nơi đây để ném bom bởi chúng tính đánh một thì phá được giao thông từ hai đến ba lần nên chúng càng đánh phá thường xuyên và ác liệt hơn. Những ngày mưa đường trơn như đổ mỡ, xe trườn lên trượt xuống, có khi bánh quay tít mà xe không chuyển chút nào. Tất cả những vất vả và hy sinh đã không khuất phục được tinh thần của thanh niên xung phong. Các Đại đội 264, 292, 293, 294, 295, 403, 405,... được phân công phụ trách từng đoạn đường, ở xa các trọng điểm 4 - 5km, anh em phải chia ca kíp làm cả ngày cả đêm phá bom, chống lầy, san lấp mặt đường và nhờ có sự chuẩn bị sẵn nhiều đá, nhiều cây gỗ nên công việc khôi phục đường được nhanh chóng.

Một lần có 10 chiếc xe chở đạn pháo của bộ đội vượt đèo Pha Đin, chiếc xe đầu bị trúng bom bốc khói, đồng chí Trịnh Văn Huyền đã nhảy lên xe dũng cảm dập lửa và hô hào đồng đội đến cứu xe. Anh em các đại đội ở gần đó đã xông đến cứu hàng, cứu xe bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Người dùng xẻng, dùng bao tải dập lửa, người bốc hàng trên xe xuống đường. Đoàn xe được an toàn và tiếp tục ra mặt trận. Trịnh Văn Huyền được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được kết nạp Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua và được cử vào Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Vácsava (Ba Lan) năm 1955. Vùng Pha Đin, Tuần Giáo có nhiều thanh niên xung phong hy sinh, riêng Đại đội 293 có 17 người.

Cầu Tà Vài dài khoảng 60m, cách đó không xa là cầu Yên Châu nằm trên cùng một dòng suối lớn, về mùa cạn thì nơi nào cũng lội qua được nhưng mùa mưa lại rất nguy hiểm. Đại đội 407, tiền thân là liên phân đội Hăngri Máctanh nổi tiếng về phá bom, từ Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương chuyển qua Đoàn Thanh niên xung phong (từ Thượng Lào về) được phân công chốt ở hai vị trí này cùng hai đơn vị bạn 292, 297. Sau khi cầu bị đánh sập, anh em phải làm đường ngầm, nhưng vùng này lại ít đá nên phải đan rọ bằng giang hoặc bằng cây gỗ nhỏ làm khung bỏ đá "đầu trọc", chặt tre, gỗ làm rong đanh, lát mặt đường, hai bên đóng cọc giữ chặt các cây buộc giằng bằng dây giang để cho ôtô qua lại không trơn, không lầy. Địch ném bom hỏng đoạn nào thay đoạn ấy. Rút kinh nghiệm ở các đơn vị khác, ở đây cũng chuẩn bị thật nhiều đá, thật nhiều tre, cây gỗ nên khắc phục hậu quả được nhanh hơn.

T.100 - "cái dạ dày" của Chiến dịch Điện Biên Phủ cứ ngày càng "to ra". Ở đây thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống kho tàng, trạm trại, bốc vác, vận chuyển và bảo vệ kho, hằng ngày phải vào rừng chặt cây ngụy trang các con đường vào kho. Anh em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức kỷ luật thật nghiêm vì chỉ sơ suất một chút là có thể ảnh hưởng đến chiến dịch.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện liên lạc, đi lại hết sức khó khăn, các đội và đại đội ở phân tán trên tuyến đường hàng mấy trăm kilômét, xa sự lãnh đạo của Ban Chỉ huy đoàn, đội. Các chi bộ phát huy tinh thần "tự động công tác", liên hệ chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, với Hội đồng Cung cấp mặt trận, với địa phương nơi đóng quân, nắm chủ trương của Đảng và cấp trên, giữ vững sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, đoàn kết giúp đỡ nhau, bảo đảm đời sống, bảo đảm tốt quan hệ với các cơ quan sử dụng và nhân dân địa phương. Từ đó anh em đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy thanh niên xung phong chỉ là một lực lượng nhỏ nhưng lại là lớp người tuổi trẻ, hăng hái, lại được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, tình nguyện phục vụ đến kháng chiến thành công nên được giao nhiệm vụ ở các trọng điểm của chiến dịch. Với quyết tâm "Thanh niên xung phong còn thì mạch giao thông luôn được giữ vững", thanh niên xung phong không chỉ làm đường, phục vụ chiến đấu anh dũng và đầy sáng tạo mà trong chiến dịch còn chuyển sang bộ đội 8.000 quân (kể cả 2.000 quân của Đội 38) trực tiếp cầm súng chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) chấn động địa cầu.

Trong thư ngày 8-5-1954, Bác Hồ khen "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình"1.

Đại tưỏng Võ Nguyên Giáp nhận xét rằng "việc bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật từng ngày, từng giờ... không kém tình hình chiến đấu. Vì vậy kẻ địch không thể tưởng tượng được chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân.

Trong chiến dịch nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội cũng sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội".

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận khẳng định: "Việc vận chuyển từ hậu phương ra tiền phương biết bao hy sinh. Phải nói rằng thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt không những vận tải mà còn bảo đảm giao thông trên bộ, trên sông. Ở các điểm nóng của chiến dịch đều có mặt thanh niên xung phong"...
_______________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 272.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:19:18 pm »


Trong không khí vui mừng phấn khởi sau chiến thắng, các đơn vị bộ đội lần lượt hành quân về xuôi nhận nhiệm vụ mới. Các đơn vị thanh niên xung phong của hai đội 34, 40 gồm 8.000 cán bộ, đội viên (kể cả số mới được bổ sung sau chiến dịch), lại nhận được chỉ thị của Ban Chỉ huy Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương truyền đạt lệnh của Bác Hồ hành quân ngược lên biên giới Lai Châu - Trung Quốc làm đường chiến lược, chuẩn bị cho kế hoạch mới.

Đây là bước ngoặt lớn đối với thanh niên xung phong. Tư tưởng cán bộ, đội viên diễn biến khá phức tạp bởi ai cũng tưởng rằng sau thắng lợi sẽ được về thăm gia đình, quê hương, tiếp tục đi học hoặc tham gia công tác ở địa phương. Để làm thông suốt tư tưởng cán bộ, đội viên, trước hết là đảng viên, một đợt sinh hoạt học tập được tiến hành khẩn trương nghiêm túc và chu đáo. Tài liệu học tập là chỉ thị của Bác về ý nghĩa quan trọng của con đường, là những bài báo của Bác về thanh niên xung phong, có liên hệ kiểm điểm, biểu dương những ưu điểm, phê phán những tư tưởng thoả mãn, tự kiêu, nghỉ ngơi... Sau khi học tập, tất cả cán bộ, đội viên đều hạ quyết tâm nhận nhiệm vụ bất kể việc gì, ở đâu.

Trừ bốn đại đội ở lại thu dọn chiến trường, còn đại quân về sửa chữa đường Mộc Châu - Pa Hang, chuẩn bị cho kế hoạch mới, sau đó các đơn vị còn lại hành quân lên biên giới, mặc núi cao, vực sâu, đường dài, vác nặng, đúng thời gian quy định. Công việc đầu tiên là làm lán trại, kho tàng cho Ban Chỉ huy công trường 111 (ngoài việc làm lán trại cho bản thân), khảo sát đường công vụ, đóng bè mảng bằng nứa sang Trung Quốc nhận và chuyển về lương thực thực phẩm (đồ khô), dụng cụ làm đường (xẻng, cuốc chim, xà beng, choòng, búa tạ, thuốc mìn, nụ xoè, dây cháy chậm...).

Địa bàn đóng quân của hai đội thuộc vùng mới giải phóng, bọn phỉ còn hoạt động chống phá nên các đơn vị phải sẵn sàng đối phó với chúng.

Thời chiến tranh, việc bảo đảm giao thông cốt làm nhanh và an toàn cho xe, pháo qua lại (cố nhiên có một số được học kỹ thuật rà phá bom các loại), còn trong thời bình lại đòi hỏi có hiểu biết chút ít về kỹ thuật làm đường, cầu như việc tìm tuyến đường, độ cong, độ nghiêng mặt đường, độ dốc cho phép, taluy, rãnh thoát nước, làm cầu cống (chủ yếu bằng gỗ, đá...). Tất cả đều mới và thực sự là một thách thức lớn đối với thanh niên xung phong. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của công trường, cộng với tinh thần ham học hỏi, anh em dần dần làm quen với công việc, vừa làm vừa học qua thực tế ngày càng có kinh nghiệm hơn. Công việc làm đường được tiến hành theo lối cuốn chiếu từ biên giới về. Địa chất khá phức tạp, có đoạn đường đã hình thành chỉ một cơn mưa hay một trận gió lay động cây rừng làm sụt lở hàng nghìn mét khối đất đá, thậm chí làm mất mặt đường, phải làm lại và taluy càng cao hơn, khó khăn hơn. Có đoạn đường phải qua một lèn đá, anh em phải buộc dây vào người đu trên vách đá để đục lỗ mìn...

Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Đoàn Thanh niên xung phong và sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ huy công trường, các đơn vị mà nòng cốt là các chi đoàn thanh niên tổ chức phong trào thi đua lao động, sản xuất với năng suất cao, sản lượng nhiều, chất lượng tốt. Ngoài ra còn tổ chức học văn hoá cho anh em theo phương châm cần gì học nấy, người biết chữ dạy người chưa biết. Sách giáo khoa do Ban Tuyên huấn của đoàn soạn, cứ ba tháng học xong một lớp và chỉ trong một năm anh em đã có trình độ học vấn cấp I. Đẩy mạnh việc trồng rau muống, rau cải, bầu bí và mua thêm gà, lợn của bà con trong bản để cải thiện bữa cơm, nhờ đó mà bảo đảm 85 - 90% quân số khỏe. Phong trào văn nghệ cũng được chú ý, ngoài ca hát tập thể, các đội còn có đội văn công (không có nữ) lưu động đi phục vụ các đơn vị. Những buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim (do đoàn cử lên) được đông đảo anh em trong đơn vị và bà con các dân tộc trong các bản đến xem rất đông, rất vui và là một dịp tăng lên tình đoàn kết quân dân.

Cùng với việc làm đường, thanh niên xung phong còn được Ban Chỉ huy công trường giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, đóng thuyền gỗ để vận chuyển trên sông, đóng phà để qua lại tại hai bến Pa Tần và Lai Châu. Người có công lớn trong việc này là đồng chí Nguyễn Văn Khoa (quê Phú Thọ) và Nguyễn Văn Liêm (quê Nghệ An).

Hơn ba năm đầy gian lao bởi khí hậu quá ác nghiệt, ngày nắng nóng, đêm giá buốt thấu xương, lại còn nạn ruồi vàng, bọ chét cắn đốt sinh ghẻ lở ốm đau, bệnh phù thũng (do thiếu vitamin), bệnh sốt rét rừng, phải chia nhau từng viên thuốc ký ninh, có khi phải ăn cháo ăn ngô vì kho thiếu gạo... Hơn một trăm thanh niên xung phong bị bệnh tái phát do hậu quả của chiến tranh, do tai nạn lao động... đã vĩnh viễn nằm lại tại nghĩa trang Chiềng Chăn (Chăn Nưa). Cũng như anh em đã hy sinh ở ngã ba Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo... anh em ở đây cũng được đồng đội chôn cất chu đáo trong hoàn cảnh có nhiều thiếu thốn. Vượt lên những mất mát, đau thương, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong bằng tinh thần đồng tâm hiệp lực, lao động cần cù, bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo, mặt đường ngày một rộng ra, các đoạn đường càng dài thêm và nối kết với nhau làm cho bà con các dân tộc thêm tin tưởng (trước khi làm đường bà con không tin vì cho rằng Pháp ở đây gần 100 năm mà đã không làm được). Các ngày tết, ngày lễ, bà con các dân tộc với quần áo màu sặc sỡ, đi hàng ngày đường cùng với những gùi bánh đến tặng anh em. Thật là cảm động trước tấm lòng của những bà mẹ, những cô gái, những chàng trai các dân tộc làm ấm lòng những người xa quê vì việc nước, việc dân.

Con đường dài gần 100 km từ biên giới Ma Lu Thàng (Bản Lẻng) đến thị xã Lai Châu được hoàn thành về cơ bản, trước sự vui mừng của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương, cán bộ và đồng bào các dân tộc. Một cuộc mít tinh được tổ chức ở Lai Châu, hàng chục xe ôtô (từ biên giới Trung Quốc) chở bà con trong những bộ quần áo đẹp, tay cầm cờ hoa về dự hội. Con đường sau này được nâng cấp góp phần vào việc cải thiện dân sinh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh và quốc phòng.

Hoàn thành nhiệm vụ, hàng nghìn thanh niên xung phong được đưa đi đào tạo trung học chuyên nghiệp, đại học ở trong nước và nước ngoài, số đông chuyển sang các ngành. Có một số ở lại nhận công tác ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái... Số khác về địa phương.

Phần lớn anh em đều được học nghề và đào tạo trở thành công nhân, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật của các ngành, các cấp. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dù ở ngành nào, hay về địa phương, thanh niên xung phong vẫn giữ được tinh thần xung phong, là một trong những lực lượng nòng cốt của công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nay hầu hết anh em đã già yếu nhưng vẫn tiếp tục đóng góp vào công việc chung ở nơi cư trú...

... "Uống nước nhớ nguồn", nhiều công trình đã được xây dựng để "đền ơn đáp nghĩa". Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi (thời chống Pháp), đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, Đài tưởng niệm thanh niên xung phong ở Tây Ninh (thời chống Mỹ), v.v. mãi mãi là niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.

... Thanh niên xung phong Việt Nam, trong đó có Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương, thật xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ, với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

50 năm đã trôi qua kể từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đất nước ta nói chung, Điện Biên, Lai Châu nói riêng có bộ mặt tươi đẹp như ngày nay, trong đó có phần cống hiến và trưởng thành của thanh niên xung phong càng minh chứng tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ. Và thật xúc động xiết bao trước khi đi xa Bác còn ghi lại trong Di chúc, nhắc nhở: "Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta"1 .

Làm theo lời di huấn của Bác Hồ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng tư tưởng của Người về thanh niên xung phong trong điều kiện mới. Nội dung và hình thức hoạt động phong phú, thích hợp như lập các Tổng đội thanh niên xung phong nhận các dự án làm đường, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm kinh tế trang trại, các đội tình nguyện, v.v... Đề nghị Đoàn nhân rộng và đặc biệt chú trọng chiều sâu và hiệu quả của phong trào nhằm góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
________________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 504.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:24:19 pm »


CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1



Đại tá PHẠM VĂN QUYỀN
Viện trưởng Viện Lịch sử công an

Trong thời kỳ 1945-1954, Công an nhân dân Việt Nam là một lực lượng đã góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc ta giành thắng lợi vẻ vang.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, căn cứ vào nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị của Trung ương Đảng về "công tác phối hợp giữa công an và quân đội trong bảo vệ chiến dịch", Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn đã chỉ thị cho toàn lực lượng công an trong cả nước đẩy mạnh mọi hoạt động phục vụ các chiến dịch. Đồng thời thành lập Ban Công an tiền phương phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trực thuộc Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do đồng chí Bộ trưởng làm Trưởng ban. Ở một số tỉnh thuộc công an Tây Bắc cũng thành lập Ban Công an tiền phương. Công an các tỉnh thành thuộc Khu III, Khu IV, Khu Tả Ngạn và Khu Việt Bắc, tổ chức nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ trưởng và tổ chức huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ưu tú (trong đó có cả công an xã) tham gia phục vụ chiến dịch.

Nhiệm vụ của công an các cấp và Ban Công an tiền phương tập trung thực hiện tốt các hoạt động sau:

1. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các lực lượng tham gia chiến dịch, các kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và các tuyến đường từ hậu phương ra chiến trường (Điện Biên Phủ)

Để bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Bộ Chí huy chiến dịch đã điều hàng vạn bộ đội, hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược. Hội đồng Cung cấp Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch đã huy động hơn 260.000 dân công, hơn 628 xe ôtô, hơn 20.991 xe đạp thồ cùng hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ để chuyển hơn 2 vạn tấn (trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô) trong tổng số 25.056 tấn lương thực, 507 tấn thịt và hàng nghìn tấn lương thực khác nhân dân đã đóng góp cho chiến dịch trên tuyến đường hàng ngàn kilômét từ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... lên Điện Biên Phủ.

Trong lúc ta chuẩn bị cuộc hành quân lớn và vận chuyển khối lượng vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men... lớn như vậy, thực dân Pháp tung gián điệp, đưa người vào nội bộ của ta và cho máy bay trinh sát chỉ điểm, thu thập tin tức, phát hiện kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân, các tuyến đường chính hành quân và vận chuyển hàng hoá của ta để đánh phá. Trước yêu cầu bằng mọi cách phải bảo vệ an toàn người và hàng hoá phục vụ chiến dịch và phải đập tan âm mưu của địch, Ban Công an tiền phương của bộ và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là quân đội, dân quân, du kích, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ tiến hành đồng bộ các biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự. Phát động phong trào quần chúng "Phòng gian bảo mật" với khẩu hiệu "ba không". Phong trào "Phòng gian bảo mật" được phát triển sâu rộng trong toàn miền Bắc, nhất là ở dọc các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận. Thông qua phong trào "Phòng gian bảo mật", ý thức cảnh giác của quần chúng được nâng cao. Quần chúng đã phát hiện cho công an hàng trăm tên gián điệp, chỉ điểm, tham gia nguỵ trang cho kho tàng, bến bãi, nơi đóng quân, chuyển quân, đồng thời tham gia bảo vệ hàng hoá ra chiến trường.
Nhờ có phong trào quần chúng "Phòng gian bảo mật" tốt mà kẻ địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc. Song song với vận động, tổ chức quần chúng tham gia phong trào "Phòng gian bảo mật”, lực lượng công an tiến hành điều tra nghiên cứu phân loại đối tượng để đưa đi tập trung, giáo dục cải tạo tại các trại đối với những đối tượng nguy hiểm; tổ chức cho quần chúng giáo dục cải tạo tại nơi cư trú đối với đối tượng có hành vi chống đối; điều chuyển các đối tượng nghi là gián điệp, chỉ điểm, cơ sở mạng lưới gián điệp chỉ điểm và những tên nguy hiểm trong đảng phái phản động ra khỏi địa bàn xung yếu (nơi đóng quân, chuyển quân, nơi có kho tàng... và dọc hai bên các tuyến đường hành quân, vận chuyển hàng hoá, vũ khí, lương thực ra mặt trận) làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an toàn cho quân đội, dân công, hàng hoá.

Đối với lực lượng dân công tham gia chiến dịch, lực lượng công an phối hợp với chính quyền các cấp xét duyệt lựa chọn những người có lý lịch tốt, có phẩm chất và nhiệt tình cách mạng, tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch. Đồng thời kiên quyết không đưa những phần tử có nghi vấn chính trị, hình sự, cơ hội vào các đoàn dân công, đề phòng địch đưa vào phá hoại hoặc chỉ điểm cho địch đánh phá trên đường vận chuyển của ta. Để tiện cho việc bảo vệ, chỉ đạo công tác, công an tiền phương đề nghị Hội đồng Cung cấp mặt trận biên chế dân công thành những đơn vị đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những đảng viên, đoàn viên hoặc những người tích cực làm hạt nhân lãnh đạo. Trong ban lãnh đạo đại đội, trung đội có một đồng chí công an (thường tham gia công tác chính trị, tư tưởng). Trước khi các đoàn dân công lên đường, các đồng chí công an tham gia các đoàn phổ biến nội quy bảo vệ chiến dịch bảo vệ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường, nội quy "Phòng gian bảo mật" và cách phòng, chống khi máy bay địch đánh phá, hoặc khi địch tập kích trên đường hành quân, vận chuyển.

Trên các tuyến đường quan trọng, ta đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại; tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát. Trên các tuyến đường chính có phương tiện ôtô vận tải, ta đặt trạm gác làm nhiệm vụ cảnh giới máy bay địch; tiến hành kiểm tra hành chính những gia đình ở ven các trục đường giao thông kịp thời phát hiện kẻ gian, người lạ mặt. Đồng thời quản lý chặt chẽ những người làm nghề tự do, quán nước, nhà trọ, hai bên các trục đường giao thông và nguỵ trang bảo vệ cầu phà, đường dây thông tin liên lạc và các kho tàng.

Tại các bến phà trọng điểm như Âu Lâu, Tạ Khoa, v.v… công an phối hợp với bảo vệ quân đội thành lập các ban bảo vệ, sắp xếp điều động thứ tự, ưu tiên cho xe kéo pháo, chở quân, bảo đảm một đêm chở được 80 chuyến phà chuyển quân, vũ khí, lương thực, hàng hoá. Khi có máy bay địch, phải nhanh chóng tắt hết nguồn sáng. Ban ngày tìm địa điểm cất giấu phà đề phòng địch đánh phá. Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, lực lượng công an tiền phương phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội tổ chức kiểm tra thuần khiết nội bộ, đưa những người có nghi vấn chính trị, hình sự hoặc phẩm chất tư cách kém ra khỏi lực lượng quản lý, bảo vệ kho; lựa chọn những người có lý lịch tốt, trong sạch, có phẩm chất chính trị và đạo đức, liêm khiết làm công tác quản lý, bảo vệ kho tàng, bến bãi, nơi tập quân, trú quân của ta. Ở các đồn, trạm, công an phối hợp với bộ đội, dân quân, du kích thường xuyên tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện bọn phá hoại, trộm cắp đồng thời phòng và chống cháy, nổ. Ở những địa bàn có nhiều kho tàng, trạm trung chuyển như Âu Lâu (Yên Bái), Mường Vực, Yên Châu, Hát Lót, Cò Nòi, Tạ Khoa (Sơn La), Tuần Giáo (Lai Châu), Suối Rút, Tu Vũ (Hoà Bình), công an đã phối hợp với lực lượng bảo vệ quân đội tham mưu cho các cấp uỷ phát động phong trào "Phòng gian bảo mật" sâu, rộng trong toàn dân, vận động mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ kho tàng, tài sản nhà nước phục vụ chiến dịch. Khi được phát động, khí thế cách mạng của quần chúng lên rất cao, mọi người, mọi nhà đều tích cực tham gia bảo vệ. Khi địch đánh phá gây cháy kho tàng, hàng trăm đồng bào (trong đó có cả những cụ già, em nhỏ và cả những chị phụ nữ mới sinh con được mấy ngày) không sợ nguy hiểm ra dập lửa cứu kho hàng hoá, cứu vũ khí, đạn dược.

Để bảo vệ tốt lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, công an phối hợp với Cục Bảo vệ quân đội xây dựng kế hoạch và nội dung, tổ chức công tác bảo vệ; tập trung thực hiện: bảo vệ tuyệt đối bí mật kế hoạch chiến dịch (mục tiêu, lực lượng, thời gian, địa điểm, các bước tiến hành, v.v.); thực hiện thuần khiết nội bộ bảo đảm nguyên tắc "vũ khí nằm trong tay những người tin cậy"; đẩy mạnh phong trào "Phòng gian bảo mật" trong lực lượng với nội dung thiết thực như: không tiết lộ bí mật, địa điểm đóng quân, thời gian hành quân... Hằng ngày tổ ba người sinh hoạt, kiểm điểm việc thực hiện nội quy "Phòng gian bảo mật".

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, Ban Cung cấp mặt trận, được sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là bộ đội, dân quân, du kích và sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng công an nhân dân đã tiến hành đồng bộ các biện pháp có hiệu quả bảo vệ an toàn các lực lượng tham gia chiến dịch, các kho tàng, các vũ khí, phương tiện phục vụ chiến dịch và các tuyến đường từ hậu phương ra chiến trường, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
_______________________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:25:37 pm »


2. Đập tan âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp của địch; bảo đảm bí mật, an toàn, bất ngờ của chiến dịch

Khi phát hiện có những hoạt động chuyển quân và có những đoàn dân công của ta vận chuyển lương thực, thực phẩm lên hướng Tây Bắc, Nava đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo, gián điệp, nhất là cơ quan tình báo Phòng Nhì (2è Bureau), tình báo chiến lược (SEH) và cơ quan gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) tăng cường xây dựng mạng lưới gián điệp, chỉ điểm dọc các tuyến đường từ Liên Khu IV, Liên Khu III, Khu Tả Ngạn, Liên khu Việt Bắc lên Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Chúng tung các toán gián điệp xuống địa bàn Việt Bắc, Tây Bắc nhất là Lai Châu, đồng thời tuyển chọn, cài cắm gián điệp vào các cơ quan, các đơn vị bộ đội, các đoàn dân công... để điều tra, phát hiện kế hoạch tác chiến, ý đồ chiến lược của ta đối với miền Tây Bắc và sự chuyển quân, nơi tập trung, nơi trú quân, vận chuyển, những kho tàng, cơ quan đầu não của ta, các tuyến đường, cầu phà, bến bãi phục vụ cho không quân đánh phá, tổ chức lực lượng gián điệp, biệt kích đánh phá kho tàng, cầu cống, bến bãi, cơ quan đầu não của ta, phá ý đồ, kế hoạch chiến lược của ta. Chính tướng Nava đã ra lệnh: "Tập trung đánh phá giao thông vận tải, đặc biệt là các ôtô vận tải và các tuyến đường giao thông của Việt Minh lên hướng Tây Bắc".

Trước âm mưu và hoạt động táo bạo, ồ ạt, trắng trợn của địch, Bộ Công an đã chỉ thị cho lực lượng bảo vệ chính trị và công an các cấp thuộc Liên Khu IV, Liên Khu III, Khu Tả Ngạn, Liên Khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc phát động quần chúng tham gia phong trào "Phòng gian bảo mật" với khẩu hiệu "ba không" và phong trào "Bảo vệ nội bộ" trong các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang. Đồng thời, Bộ Công an đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ điều tra, phát hiện, đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của địch và kịp thời vận động quần chúng truy lùng những toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào vùng tự do, nhất là vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ, của Bộ Công an, của các sở, ty công an, phong trào quần chúng "Phòng gian bảo mật" đã được phát động và trở thành phong trào sâu rộng và hiệu quả rất cao. Ý thức cảnh giác của quần chúng được nâng cao với khẩu hiệu "ba không" làm cho kẻ địch "có mắt cũng như mù, có tai như điếc". Những hoạt động khả nghi đều bị quần chúng phát hiện cung cấp cho công an. Những toán gián điệp vừa xâm nhập hoặc vừa nhảy dù xuống đã bị quần chúng vây bắt, truy lùng.

Nhờ sự giúp đỡ của quần chúng, kết hợp với việc tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm địch cài cắm dọc hành lang các tuyến đường giao thông từ hậu phương lên mặt trận Diện Biên Phủ; đồng thời tiêu diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp địch tung ra điều tra, thu thập tình báo, phá hoại cầu cống, bến phà, kho tàng, phương tiện vận chuyển, đánh phá các cơ quan đầu não của ta. Điển hình, ta đã bắt toàn bộ toán gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) gồm bốn tên nhảy dù xuống khu vực xã Mường Ó, Thuận Châu và toán sáu tên nhảy dù xuống Bản Nhạn (Sơn La) điều tra, phát hiện các cuộc hành quân của bộ đội, phá hoại lực lượng vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin và bến phà Tạ Khoa. Tại Lai Châu, công an Tây Bắc tập trung chỉ đạo công an Lai Châu điều tra, khám phá nhiều vụ gián điệp nguy hiểm do Phòng Nhì quân đội Pháp tung ra điều tra các hoạt động của ta ở khu vực Điện Biên. Ta phá và bắt hàng chục tên gián điệp, điển hình là hai tên ở khu vực Nà Tấu, bốn tên ở khu vực đồi Độc Lập, hai tên ở Bản Chăn thuộc huyện Tuần Giáo có nhiệm vụ chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá tuyến đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên. Đặc biệt công an Liên khu III khám phá bắt mạng lưới gián điệp gồm 16 tên do Phòng Nhì Pháp điều khiển hoạt động điều tra chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá, đồng thời trực tiếp phá các kho tàng, cầu cống, những nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông quan trọng từ Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hoà Bình lên Điện Biên Phủ.

Giữa năm 1953, ta đã phát hiện toán gián điệp biệt kích gồm bốn tên (đều là phụ nữ) do tên quan ba Pháp Bôca (chỉ huy bọn gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù GCMA ở Phúc Yên) chỉ huy. Nhiệm vụ của toán gián điệp này là điều tra các hoạt động quân sự, các cơ quan đầu não của ta, đặc biệt chú ý điều tra sự chuyển quân của ta từ Việt Bắc lên Tây Bắc. Để bảo vệ cơ quan đầu não của ta và bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an quyết định lập chuyên án đấu tranh với toán gián điệp này (chuyên án TN25). Ta đã bắt, thuyết phục toán gián điệp hoạt động cho ta, cung cấp những tin giả cho địch để đánh lạc hướng địch, bảo đảm an toàn kế hoạch của ta.

Được sự chỉ đạo của các cấp uỷ, sự ủng hộ của nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội, dân quân, du kích với sự cố gắng, quyết tâm cao, lực lượng bảo vệ chính trị ở bộ và công an các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Khu Việt Bắc, Tây Bắc đã đập tan âm mưu và mọi cố gắng của các cơ quan tình báo, gián điệp Pháp, nguỵ, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho chiến dịch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:26:11 pm »


3. Tham gia đẩy mạnh phá tề, trừ gian, giải quyết vấn đề phỉ và tiến công địch trên các chiến trường, hỗ trợ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đẩy mạnh các hoạt động, tiến công địch trên các chiến trường Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, đông - bắc Campuchia và Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, đồng thời tiêu hao sinh lực địch, làm cho địch sa lầy, lúng túng, hoang mang, bị động trên cả chiến trường Đông Dương. Trong lúc đó, ta tập trung lực lượng cho cuộc quyết chiến Điện Biên Phủ. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các cấp phải huy động mọi lực lượng, tiến hành mọi biện pháp đẩy mạnh phá tề, trừ gian, diệt thổ phỉ.

Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", phong trào thi đua giết giặc lập công trong lực lượng công an từ cơ quan bộ đến các khu, tỉnh, thành được đẩy mạnh, sôi nổi và đạt được những kỳ tích. Chỉ tính những tháng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, phối hợp với bộ đội, dân quân, du kích, công an đã tham mưu cho các cấp uỷ, uỷ ban kháng chiến hành chính phát động quần chúng nổi dậy phá hàng trăm ban tề, diệt hàng nghìn tên ác ôn có nhiều nợ máu với đồng bào, bắt hàng vạn nguỵ quân, nguỵ quyền nguy hiểm cho đi tập trung cải tạo, mở rộng vùng tự do, khu du kích của ta.

Để đập tan âm mưu, hoạt động của thực dân Pháp tung bọn gián điệp xuống câu kết với bọn phản động trong tầng lớp trên trong dân tộc thiểu số tập hợp tàn quân phỉ dọc biên giới phía bắc để thành lập lực lượng vũ trang quấy rối, phá hoại hậu phương phụ cận Điện Biên Phủ, đồng thời ngăn chặn việc chuyển quân, chi viện của ta lên Điện Biên Phủ và tạo điều kiện cho việc huy động sức người, sức của cho chiến trường, Khu uỷ Tây Bắc đã thành lập "Ban Thống nhất chống phỉ" do đồng chí Trần Quyết, Bí thư Khu uỷ làm Trưởng ban. Lực lượng tham gia chủ yếu trong Ban Thống nhất chống phỉ là bộ đội và công an. Lực lượng công an tham gia tiễu phỉ đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong đợt này khác với những đợt tiễu phỉ năm 1951-1952. Tiễu phỉ đợt này không chỉ làm thất bại âm mưu hoạt động của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động trong tầng lớp trên trong dân tộc thiểu số, bọn đảng phái phản động, đặc vụ Tưởng dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng, xây dựng lực lượng vũ trang (phỉ) chống phá cách mạng mà còn bảo vệ hậu phương, hỗ trợ cho tiền tuyến, bảo đảm huy động sức người, sức của cho chiến trường.

Nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang đó, lực lượng công an đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra nắm chắc tổ chức, lực lượng, địa điểm, trung tâm phỉ, mạng lưới cơ sở của chúng ở các buôn làng, đồng thời tổ chức tuyên truyền giáo dục quần chúng nâng cao cảnh giác không mắc mưu địch, không theo địch, những người có chồng, con, anh, em theo phỉ thì vào rừng kêu gọi về với buôn làng, về với cách mạng. Khi đã nắm chắc tình hình, xây dựng được phong trào quần chúng, công an phối hợp với bộ đội xây dựng kế hoạch tấn công những hang ổ phỉ, huy động các lực lượng, các ngành cùng tham gia. Công an và bộ đội là đội quân xung kích và sử dụng đồng bộ hai hình thức chính trị và vũ trang, lấy tấn công chính trị là chủ yếu.

Sau khi tấn công các hang ổ, trung tâm phỉ, số bị bắt hoặc ra đầu hàng, lực lượng công an nhanh chóng phân loại, đưa số cầm đầu, ngoan cố, có nhiều nợ máu tập trung giáo dục cải tạo, số bị cưỡng ép, khống chế hoặc ngộ nhận, a dua, a tòng theo địch thì tổ chức giáo dục cho họ thấy âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, sai lầm của mình và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để họ tự kiểm điểm. Sau học tập cho về buôn làng và kết hợp với gia đình, chính quyền địa phương tạo cho họ công ăn việc làm để họ yên tâm làm ăn, cải tà, quy chính.

Nhờ có sự quyết tâm, kết hợp tốt giữa các lực lượng, các biện pháp, sự ủng hộ của nhân dân, sự chỉ đạo của Ban Thống nhất chống phỉ, các cấp uỷ, chính quyền, lực lượng công an và bộ đội đã lập được những chiến công lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã vừa gọi hàng, vừa truy quét xoá phần lớn các cụm phỉ vũ trang, làm tan rã các hang ổ phỉ ở vùng phía bắc và Tây Bắc. Cao Bằng diệt và bắt sống hơn 3.000 tên; Lai Châu và Sơn La diệt, bắt hơn 4.000 tên. Đặc biệt, lực lượng tiễu phỉ Lai Châu cuối năm 1953, đầu năm 1954 đã tổ chức hàng chục đợt truy quét, gọi hàng các toán phỉ, cụm phỉ ở Mường Tè, Mù Xu, Mù Cả, Giàng Mủ Pho, Mường Nhé... diệt 675 tên, bắt hàng trăm tên, thu 850 súng, 8 bộ vô tuyến điện do bọn gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù GCMA cung cấp. Ta đã mở 14 đợt học tập, cải tạo cho hàng ngàn người theo phỉ về với buôn làng.

Việc công an các tỉnh thuộc Khu IV, khu III, Khu Tả Ngạn, Khu Việt Bắc, Tây Bắc phối hợp với các ngành, các lực lượng, nhất là bộ đội, dân quân, du kích đẩy mạnh phong trào diệt ác, trừ gian, phá chính quyền địch, mở rộng vùng giải phóng, vùng tự do, củng cố và mở rộng chính quyền cách mạng, củng cố hậu phương vững mạnh, đủ sức cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, đồng thời đẩy mạnh công tác tiễu phỉ các tỉnh biên giới phía bắc, đã góp phần cùng quân dân cả nước tiêu hao lực lượng, cơ sở xã hội của địch, làm cho địch lúng túng, bị động, hoang mang, mất thế chủ động, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực của ta tập trung cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2022, 05:26:49 pm »


4. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, các cơ quan đầu não và Bộ Chỉ huy chiến dịch

Một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp nhưng hết sức vinh dự cho lực lượng công an trong chiến dịch là bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để nắm chắc tình hình, chỉ đạo chiến dịch đạt thắng lợi, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp quân đội phải tăng cường thị sát thực tế, chỉ đạo các cấp, các lực lượng tham gia chiến dịch trên địa bàn rộng. Kẻ địch tăng cường tung gián điệp ra vùng tự do, các tuyến đường chiến lược, đưa hàng chục toán gián điệp biệt kích với hàng trăm tên xuống Khu Việt Bắc và Tây Bắc để điều tra tin tức về các hoạt động của ta, đồng thời tổ chức bắt cán bộ, bộ đội, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và tổ chức đánh úp các cơ quan đầu não của ta.

Trước tình hình thực tế trên, để bảo vệ an toàn cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng công an đã tiến hành đồng bộ các biện pháp:

Đối với những nơi có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ ở, phát động phong trào quần chúng "Phòng gian bảo mật", tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn (như hoạt động gián điệp, chỉ điểm, tổ chức phá hoại, ám sát cán bộ, tổ chức nhen nhóm phản động), kịp thời báo cáo cơ quan công an. Trường hợp phát hiện người lạ mặt nghi vấn có thể giữ và dẫn đến cơ quan công an, chính quyền đồng thời tham gia vào các tổ an ninh tuần tra canh gác; lập những trạm gác và kiểm tra giấy tờ trên đường vào các cơ quan, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ của các cơ quan hoặc đồng bào vùng các cơ quan đóng để thâm nhập điều tra, phá hoại.

Đối với những nơi Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng, lực lượng công an phối hợp với lực lượng bảo vệ quân đội tiến hành rà soát các đối tượng, điều chuyển những đối tượng nguy hiểm hoặc nghi là gián điệp, chỉ điểm đến nơi khác, làm trong sạch địa bàn; củng cố lực lượng vũ trang cơ sở, trong đó có lực lượng công an, thiết lập những trạm gác và thành lập những đội tuần tra canh gác bảo vệ trước khi Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển đến và tổ chức canh phòng nghiêm ngặt thành nhiều vòng, lực lượng công an bảo vệ vòng ngoài.

Đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các tướng lĩnh đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch, lực lượng công an tiền phương kết hợp với lực lượng bảo vệ Trung ương và lực lượng bảo vệ quân đội cùng với lực lượng công an các địa phương trên tuyến đường đi của các đồng chí lãnh đạo, bố trí lực lượng bảo vệ, nhất là những nơi đầu mối giao thông (ngã ba, ngã tư, ngã năm) những nơi hiểm trở, dốc, đèo mà kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát các đồng chí lãnh đạo... Các chuyến đi công tác của các đồng chí lãnh đạo được bảo đảm hết sức bí mật và luôn luôn giữ được yếu tố bất ngờ.

Nhờ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ, mặc dù trong tình hình chiến sự diễn ra hết sức ác liệt, địch có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch, lực lượng công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Chỉ huy chiến dịch và các đồng chí lãnh đạo trong suốt quá trình chiến dịch.

Sự phối hợp giữa lực lượng công an và quân đội trong chiến dịch đã tạo thế và lực cho chiến dịch ngày một mạnh. Đúng kế hoạch, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở đầu cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, kiên cường, dũng cảm, đầy gian khổ và hy sinh, bộ đội ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp.

Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ. Thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:22:48 pm »


ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ TRONG CUỘC TIẾN CÔNG
CHIẾN LƯỢC ĐÔNG XUÂN 1953 - 1954
VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1

TS. VŨ QUANG HIỂN
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân đồng bằng Bắc Bộ với những làng xã chiến đấu nổi tiếng, đã đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, xây dựng nhiều căn cứ du kích giữa vùng tạm bị chiếm đóng, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, tạo thế và lực để chủ động phối hợp chiến trường trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ.

1. Thực hiện kế hoạch quân sự Nava, từ Hè Thu đến cuối năm 1953, với những lực lượng cơ động chiến lược được tập trung về đồng bằng Bắc Bộ, quân Pháp mở một loạt cuộc hành binh lớn, đánh vào hầu hết các căn cứ kháng chiến. Quân dân đồng bằng trải qua một cuộc đọ sức quyết liệt. Một số căn cứ du kích và khu du kích như Liên Nam, Thường Tín (Hà Đông), Yên Mô, Yên Khánh (Ninh Bình)... bị thu hẹp, nhưng nhìn chung toàn vùng đồng bằng, những căn cứ kháng chiến vẫn ngày càng mở rộng. H. Nava thừa nhận "trong 7.000 làng thì đã có trên 5.000 làng hoàn toàn hoặc ít nhiều do Việt Minh kiểm soát"2. Lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng trưởng thành. Quân dân đồng bằng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dày dạn trong đấu tranh và hăng hái tham gia kháng chiến. Đó là những điều kiện để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn trong Đông Xuân 1953 - 1954.

Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (9-1953), bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 - 1954, xác định phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt", chủ trương sử dụng một bộ phận chủ lực tiến công vào những nơi có tầm quan trọng về chiến lược nhưng địch đang sơ hở, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các chiến trường sau lưng địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 10-1953, Bộ Tổng tham mưu định kế hoạch về sử dụng chủ lực và phối hợp tác chiến trên các chiến trường, giao nhiệm vụ cho các khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Thành đội Hà Nội đánh địch mạnh mẽ, tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh phá các đường giao thông thuỷ, bộ và sân bay, giam chân chủ lực địch. Riêng Đại đoàn 320 làm lực lượng dự bị, chuẩn bị sẵn sàng tiến công địch ở đồng bằng.

Đánh giá tình hình đồng bằng, đầu tháng 12-1953, các Liên khu uỷ Liên khu III và Tả Ngạn đều cho rằng: Mặc dù Pháp đã và đang phải điều nhiều binh đoàn cơ động đi đối phó với chủ lực ta trên chiến trường chính và các chiến trường khác, nhưng trong Đông Xuân này chúng vẫn rất chú trọng phòng thủ đồng bằng, vẫn còn khả năng đánh ra các vùng tự do của liên khu. Tuy nhiên, chúng không tránh khỏi mâu thuẫn lớn giữa việc chiếm giữ đất đai và việc tập trung lực lượng xây dựng khối chủ lực tác chiến mạnh, giữa việc huy động lực lượng đối phó với các cuộc tiến công lớn của chủ lực ta trên miền rừng núi với việc tổ chức càn quét bình định, củng cố thế trận chiến lược của chúng tại vùng đồng bằng đông dân, nhiều của để thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Đồng thời, chúng cũng không thể khắc phục được tình trạng sa sút nghiêm trọng về tinh thần trong binh lính của chúng, nhất là trong quân ngụy.

Quân dân đồng bằng Bắc Bộ có nhiệm vụ đẩy mạnh mọi hoạt động "phối hợp chiến trường và mở rộng các căn cứ du kích, giải phóng từng bộ phận địa bàn khi có điều kiện. Đồng thời chủ động và tích cực chuẩn bị chống càn nếu chúng liều lĩnh tiến công ra các vùng tự do"3.

Cuối tháng 12-1953, Hội nghị Liên khu Tả Ngạn đề ra bảy nhiệm vụ của liên khu. Khu uỷ nêu rõ: vùng du kích mạnh và căn cứ du kích phải tích cực thực hiện chính sách ruộng đất, đẩy mạnh sản xuất, củng cố nông hội, tổ đổi công, công đoàn và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi. Vùng tạm bị chiếm tiến hành chỉnh đốn cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống giặc bắt lính, dồn làng tập trung dân và vơ vét, bóc lột.

Hội nghị cán bộ Đảng của Liên khu III chủ trương phát động "Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô", xác định nhiệm vụ tập trung lực lượng cùng Đại đoàn 320 mở cuộc tiến công đập tan phòng tuyến sông Đáy, mở rộng vùng tự do liên khu xuống vùng đồng bằng, nối liền với các khu căn cứ du kích sau lưng địch.

Đề án công tác quân sự năm 1954 của Bộ Tư lệnh Liên khu III nêu rõ "đẩy mạnh việc tác chiến tiêu diệt địch, phá âm mưu càn quét của địch, giữ vững và phát triển các khu du kích và căn cứ du kích, thu hẹp vùng tạm bị chiếm, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhân dân". "Nâng cao mức tác chiến của du kích xã và bộ đội huyện để đảm nhiệm việc đánh giặc giữ làng tại địa phương, phá các cuộc càn nhỏ của địch". "Tích cực, mạnh dạn, hoạt động mạnh, dẻo dai, thọc sâu vào các nơi tạm chiếm nông thôn, diệt tề dõng, địa phương quân, vị trí lẻ để mở rộng các khu du kích:

Sơn Tây: nam và bắc (nam là chính);

Hà Đông: Chương Mỹ, Liên Nam, Thường Tín;

Ninh Bình: Khu Kim Sơn, ven Yên Mô, Yên Khánh;

Nam Định: Các thôn xã của Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh thuộc khu Bùi Chu, sát các đường giao thông;

Hà Nam: Các thôn xã ven đường giao thông số 1, 10, 21, 60, ven thị xã Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Đồng Văn"4.
_________________________________________________
1. Vũ Quang Hiển: Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
2. H. Nava: Đông Dương hấp hối, Sđd, tr.46.
3. Quân khu 3 - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 454-455.
4. Đề án công tác quân sự 1954 (1-1954), hồ sơ 58, phông Cục Dân quân, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.1.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:24:46 pm »


2. Thực hiện kế hoạch chung, quân dân đồng bằng ra sức đẩy mạnh tiến công quân sự, kìm giữ, giam chân, chia cắt, tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với mặt trận chính diện của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong khi Đại đoàn 320 và chủ lực khu phá vỡ phòng tuyến sông Đáy, chọc thủng "chiếc áo giáp" che chắn phía tây đồng bằng, các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích đẩy mạnh tiến công địch rộng khắp.

Tại Ninh Bình, lực lượng vũ trang địa phương Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn liên tục bám địch, tiêu diệt một loạt vị trí như Bến Xanh, Ba Hàng, Khánh Hội, mở rộng căn cứ du kích Khánh Trung - Khánh Thiện và Khu I, Khu II Kim Sơn; đánh thắng nhiều trận ở Bình Hải, Yên Mô Thượng (Yên Mô), Phúc Lộc, Quyết Trung (Yên Khánh). Tiểu đoàn 33 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 705 và một số chi đội địa phương quân ở Hà Thanh (Yên Mô) và phục kích địch trên đường số 10, tiêu diệt một chi đội địa phương quân ở Tự Tân (Kim Sơn). Bộ đội Yên Khánh phối hợp với chủ lực dùng lối đánh độn thổ diệt gọn một đại đội địch ở Hạ Giá, Vân Lai. Sáu du kích Ninh Sơn (Gia Khánh) lợi dụng địa hình vận động chiến đấu với một tiểu đoàn địch, giải thoát 80 người bị bắt. Tiểu đội du kích Trưng Nhị (Kim Sơn) dùng chông bẫy, lựu đạn, cản phá chín đợt tiến công của một đại đội địch, diệt 30 tên. Năm du kích Khánh Thiện (Yên Khánh), dùng mẹo hô hoán, nghi binh đuổi cả một đại đội địch, lấy lại hai thuyền chở đầy gạo, muối trên sông Đáy. Những hoạt động liên tục đều khắp làm cho phạm vi chiếm đóng của địch ở Ninh Bình bị thu hẹp, khu du kích liên hoàn nối liền 72 thôn từ Yên Mô qua Kim Sơn đến Yên Khánh. Tháng 3-1954, lực lượng du kích từ các căn cứ du kích cơ động đánh địch ngoài địa bàn của mình. Du kích Khánh Thiện bao vây khống chế sân bay Tam Châu (Phúc Nhạc), dùng súng trường bắn rơi tại chỗ một máy bay vận tải. Du kích Yên Thái bao vây vị trí Ô Rô, đánh tan nhiều đợt tiếp lương của địch.

Ở Hà Đông, từ cuối năm 1953, Tỉnh uỷ chủ trương đẩy mạnh tiến công mở rộng khu du kích đã có, mở thêm khu du kích mới, đẩy phong trào vùng tạm chiếm phát triển cao thêm một bước, hướng chính là mở rộng khu du kích bắc Mỹ Đức, tiến lên mở khu du kích ven Bùi phía nam Chương Mỹ, đồng thời khôi phục khu du kích bắc Ứng Hoà.

Các lực lượng vũ trang Hà Đông chủ động đánh địch ở khắp nơi, sau khi hạ bốt kênh Đào, diệt bọn địa phương quân Phúc Lâm (24-12-1953), nhân dân các thôn ven sông Đáy thuộc các xã Yên Sơn, Tam Đức nổi dậy phá tề, trừ gian, giành quyền làm chủ. Đêm 12-2-1954, đồn địa phương quân ở Thượng Lâm bị diệt, khu du kích bắc Mỹ Đức được mở rộng, uy hiếp địch ở tả ngạn sông Đáy và tạo bàn đạp tiến lên Chương Mỹ.

Tháng 1-1954, bộ đội Chương Mỹ tập kích tiêu diệt vị trí Quảng Bị, làm tan rã ngụy quyền, hương tổng dũng, mở khu du kích nam Chương Mỹ, với 13 xã, 70 thôn gồm 63.400 dân từ đường số 21 ven sông Đáy và phía bắc đường số 73 đến sát phía nam đường số 6. Trung đoàn 48 cùng quân dân địa phương tiêu diệt hàng loạt vị trí địch như Miêng Thượng, Từ Châu, Cao Bộ, Nội Cói... mở rộng khu du kích nam Ứng Hoà - trung tây Phú Xuyên.

Theo báo cáo Tình hình hoạt động và xây dựng dân quân du kích ba tháng đầu năm 1954 của Cục Dân quân, từ chỗ tạm bị chiếm trở thành khu du kích ở tỉnh Sơn Tây có 10 xã ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai với diện tích 72km2 và 20.000 dân; tỉnh Hà Đông có 17 xã thuộc Chương Mỹ, Mỹ Đức rộng 153km2 với 90.468 dân; tỉnh Ninh Bình có 8 xã thuộc Kim Sơn và Yên Mô rộng 56km2 với 4.500 dân; tỉnh Hà Nam có 12 xã rộng 95km2 gồm 61.400 dân... Tính chung ở các tỉnh Hữu Ngạn, khu du kích và căn cứ du kích mở rộng thêm 48 liên xã với diện tích 376km2 và 211.000 dân.

Tại Tả Ngạn, lực lượng vũ trang tiêu diệt 30 vị trí lớn nhỏ của quân Pháp, bức rút 18 vị trí khác. Ở Hưng Yên, sau khi tiêu diệt các vị trí Kênh Cầu, Nghi Xuyên và bức rút Đô Mỹ, khu du kích bắc Ân Thi được mở rộng và nối liền với khu du kích Bình Giang. Tại Hải Dương, lực lượng vũ trang buộc địch rút vị trí Thông Lĩnh, mở rộng khu du kích Thanh Hà. Ở Thái Bình, lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt vị trí La Tiến, nối liền căn cứ du kích bắc Thái Bình với các căn cứ du kích ở Hưng Yên và Hải Dương, tiến lên bao vây, bức rút các vị trí Diêm Điềm, Kha Lý, Bất Não, Cầu Cất, Tìm, nối liền các căn cứ du kích Đông Quan, Kiến Xương, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng.

Do bị bao vây chặt, quân Pháp phải rút khỏi vị trí Nam Am, khu du kích Vĩnh Bảo (Kiến An) được mở rộng và củng cố vững mạnh. Ngày 11-3-1954, bộ đội đánh mạnh trên đường số 5, tiêu diệt và bức rút 20 vị trí địch, chuyển vùng tạm chiếm Văn Lâm, Mỹ Hào, Cẩm Giàng và một phần Kim Thành thành khu du kích. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở các tỉnh Tả Ngạn, vùng tạm chiếm chuyển lên khu du kích 182km2 với khoảng 10.000 dân, khu du kích phát triển thành căn cứ du kích rộng 96km2 gồm 60.000 dân1.

Tại Vĩnh Phúc, Hội nghị mở rộng của Tỉnh uỷ (1-1954), chủ trương: Đẩy mạnh hoạt động vũ trang, phối hợp với chiến trường toàn quốc để phục hồi và củng cố các khu du kích, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống phá kế hoạch Nava. Tỉnh uỷ thành lập Ban Chỉ huy mặt trận Vĩnh Phúc gồm đại diện tỉnh đội và ban chỉ huy các đơn vị chủ lực để chỉ đạo tác chiến. Tiểu đoàn 64 của tỉnh vào nam Vĩnh Tường, bắc Yên Lạc là nơi còn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, cùng dân quân, du kích các xã tiến công các vị trí Yên Thư, Vĩnh Đông, Vĩnh Trung (Yên Lạc), Tam Bảo (Yên Lãng), phục kích ở Đông Mẫu, Minh Tân (Yên Lạc), Yên Nhân (Yên Lãng); đánh tan cuộc càn của quân Pháp ở nam Bình Xuyên, tiêu diệt và bắt sống gần 300 tên, phục hồi và giữ vững khu du kích. Tuy nhiên, địch còn khống chế được một số vùng như Thanh Lãng (nam Bình Xuyên), Hiệp Lực, Tam Hồng (Yên Lạc).

Ở Bắc Ninh, Quảng Yên, chiến tranh nhân dân cũng phát triển đều khắp, nhiều vị trí địch bị vây hãm, bắn tỉa làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, như các vị trí Văn Thai, Ngô Phần, Đại Than (Gia Lương), Ve (Tiên Du). Khu du kích Gia Lương - Thuận Thành được củng cố. Sáu xã của khu du kích Thuận Thành trở thành căn cứ du kích. Ngoài ra khu du kích còn được mở rộng ở 12 thôn thuộc Bắc Ninh và 25 thôn thuộc Quảng Yên.

Mở đầu Đông Xuân 1953 - 1954, kiên quyết giữ vững và phát huy thế tiến công chiến lược, phối hợp với những cuộc tiến công của bộ đội chủ lực ở mặt trận chính diện, quân dân đồng bằng đã anh dũng chiến đấu bảo vệ, củng cố và mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích. Trong ba tháng đầu năm 1954, căn cứ du kích tăng 290km2 gồm 141.000 dân, khu du kích tăng 568km2 với 311.000 dân, làm cho vùng tạm chiếm của địch bị co hẹp thêm 858 km2 với 452.000 dân2.
__________________________________________________
1. Báo cáo tình hình hoạt động và xây dựng dân quản du kích ba tháng đầu năm 1954, hồ sơ 37, phông Cục Dân quân, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.2.
2. Báo cáo tình hình hoạt động và xây dựng dân quân du kích ba tháng đầu năm 1954, hồ sơ 37, phông Cục Dân quân, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.29.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2022, 12:27:59 pm »


3. Dựa vào các căn cứ du kích, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương có nơi đứng chân vững chắc để hoạt động trong địch hậu, bổ sung lực lượng và tiến công hậu cứ của địch, nhất là tập kích vào các sân bay Cát Bi, Gia Lâm (3-1954), phối hợp với chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ.

Lực lượng dân quân, du kích phát triển nhanh và hoạt động mạnh mẽ đều khắp, phối hợp với bộ đội hoặc độc lập chống địch càn quét, sục sạo, liên tục đánh phá giao thông, phục kích, tập kích, diệt tề trừ gian... Đặc biệt hình thức bao vây vị trí địch phát triển mạnh chưa từng thấy, buộc địch phải đối phó lúng túng, bị động, tổ chức càn quét giải vây, dùng máy bay thả dù tiếp tế.

Trung tuần tháng 3-1954, Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Đông quyết định đưa bộ đội lên phía bắc đường 6, mở khu du kích bắc Chương Mỹ, khôi phục các khu du kích Liên Nam, tây Thường Tín. Ngày 22-3-1954, Tiểu đoàn 79 phục kích diệt 58 xe địch giữa ban ngày trên đoạn Ninh Sơn - Chùa Trầm, xoá bỏ nhiều vị trí địa phương quân. Các khu du kích bắc và nam Chương Mỹ nối liền với khu du kích nam Quốc Oai, uy hiếp mạnh đường số 6 và phòng tuyến sông Đáy, tạo điều kiện phát triển phong trào Liên Bắc. Cùng thời gian trên, lực lượng vũ trang Ứng Hoà, Phú Xuyên, Liên Nam, Thường Tín đánh mạnh trên các đường số 1, 3, 7 và 22; bao vây quấy rối và diệt nhiều vị trí địch như Vân Đình, Đông Phi, Nga Mỹ, Chợ Cầu, An Duy... Ngày 6-4-1954, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương diệt vị trí Đại Định, tiêu hao tiểu đoàn bảo chính đoàn ở Chi Lễ, khôi phục du kích Liên Nam - tây Thường Tín.

Trong tháng 3-1954, dân quân du kích phối hợp với bộ đội 87 lần, hoạt động độc lập 409 lần; tháng 4-1954, phối hợp với bộ đội 409 lần, hoạt động độc lập 539 lần; dân quân du kích đẩy mạnh bao vây vị trí địch, tiến hành đốt hàng rào, đốt nhà trong vị trí Mai Xá (Hà Nam), Văn Thai (Bắc Ninh), bắn tỉa bọn đi ra ngoài lô cốt, bắn máy bay thả dù tiếp tế, đào giao thông hào sát vị trí địch, gây ô nhiễm quanh vị trí. Có nơi địch phải nằm cả ngày dưới hầm. Ở nhiều nơi, địch phải ra hàng như An Xá (Thái Bình), Phạm Xá (Hà Nam), hoặc bị bức rút như Hải Lãng (Hà Nam), Bất Não, Bến, Quan Dinh (Thái Bình)1.

Quân dân đồng bằng vừa dốc sức chi viện tiền tuyến, vừa đẩy mạnh tác chiến, đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao. "Chiến trường địch hậu Bắc Bộ đã thu được những thắng lợi lớn"2, diệt hơn 40.000 tên địch, tiêu diệt bức hàng 250 vị trí, bắn rơi và phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng một bộ phận địa bàn, góp phần giam chân nhiều binh đoàn cơ động của địch, phát triển thế tiến công chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954, chia cắt lực lượng địch trên toàn vùng đồng bằng, làm địch phải đỡ đòn xuôi ngược và lún sâu vào thế bị động đối phó lúng túng.

"Hình thái chiếm đóng của địch ở nhiều nơi đã từ những diện rộng, biến thành những tuyến dài, nối liền những điểm cô lập. Đặc biệt ở Liên khu quân sự miền nam của địch trong vùng Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và cả Hưng Yên nữa thì hình thái đó rất rõ rệt"3.

Ngày 4-5-1954, khi đợt tổng công kích của ta ở Điện Biên Phủ đang diễn ra quyết liệt, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 ra chỉ thị gửi các đơn vị toàn liên khu "Đẩy mạnh hoạt động, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường, thi đua 15 ngày đánh địch lập thành tích mừng sinh nhật Bác", "tranh thủ củng cố căn cứ du kích cũ, khu du kích mới mở và mở thêm khu du kích, luân lưu du kích trong các khu du kích và căn cứ du kích ra các đường giao thông và ven khu du kích hoạt động, triệt để phá hoại đường, phát triển địa lôi, chống mìn". Trung đoàn 46 có nhiệm vụ "hoạt động mở rộng, củng cố khu du kích ở Kim Sơn (Ninh Bình); hoạt động mạnh mở rộng khu du kích Thạch Thất, Quốc Oai (Sơn Tây); đi sâu hoạt động mạnh diệt địa phương quân và bảo chính đoàn, mở rộng khu du kích Thường Tín, Liên Nam (Hà Đông)"4.

Ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Ở đồng bằng Bắc Bộ, địch bị uy hiếp mạnh, chúng cố gắng điều động lực lượng về nhằm "củng cố phòng ngự một cách có trọng điểm, trước hết là củng cố khu vực Hà Nội, đường số 5, Hải Phòng và những nơi xung yếu trong phạm vi nhất định, sau đó tuỳ theo tình hình mà thu hẹp phạm vi chiếm đóng hay giữ vững phần lớn những vùng chiếm đóng hiện nay". Nhiệm vụ của quân dân đồng bằng trong mùa Hè năm 1954 được Bộ Tổng tư lệnh xác định là: Giữ vững và tăng cường hoạt động ở đồng bằng, dùng một bộ phận của bộ đội chủ lực luân lưu phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, chống càn quét, chống bắt lính, nắm vững tình hình để khi có cơ hội, thì khuếch trương thắng lợi kịp thời; đồng thời tranh thủ chấn chỉnh và tăng cường lực lượng, củng cố và mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích, phá kế hoạch củng cố và tập trung lực lượng của địch ở đồng bằng5.

Các đại đoàn chủ lực được Bộ Tổng tư lệnh điều động về đứng châ`n ở đồng bằng, sẵn sàng tham gia đánh địch: Đại đoàn 308 ở Phúc Yên - Lục Nam, Đại đoàn 312 ở Vĩnh Yên - Sơn Tây, Đại đoàn 304 ở Ninh Bình, Trung đoàn 64 (Đại đoàn 320) ở Tả Ngạn, các Trung đoàn 48, 52 (Đại đoàn 320) và Trung đoàn 95 (Đại đoàn 325) ở Hà Nam - Nam Định.

Quân dân đồng bằng được chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ mạnh mẽ, phát huy thế tiến công, đánh vào lòng địch đang hoang mang cao độ, bao vây chặt và tiến công các vị trí địch. Các khu du kích và căn cứ du kích là nơi đứng chân của các đại đoàn chủ lực, tạo điều kiện để tiếp tục kết hợp chặt chẽ tác chiến của lực lượng vũ trang với phong trào đấu tranh của quần chúng, giải phóng phần lớn đồng bằng Bắc Bộ, góp phần phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
_________________________________________________
1. Thông báo hoạt động của dân quân du kích đồng bằng Bắc Bộ tháng 4-1954, hồ sơ 37, phông Cục Dân Quân, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.66.
2, 3, 4. Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tham mưu xuất bản, Hà Nội, 1963, t.4, tr. 386, 388, 389.
5. Chỉ thị gửi các đơn vị toàn liên khu (4-5-1954), hồ sơ 59, phông Cục Dân quân, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, tr.106, 107, 108.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM