Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:31:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15880 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2022, 08:51:38 pm »


3. Chỉ huy, chỉ đạo tổ chức bảo đảm quân y chiến dịch

Cuộc chiến đấu càng đi vào giai đoạn gay go quyết liệt, nhiệm vụ bảo đảm quân y rất nặng nề. Do đó, công tác chỉ huy quân y phải hết sức nhạy bén với tình hình chiến sự để có những hoạt động bảo đảm kịp thời và thích hợp, giữ được sự chủ động trong việc sử dụng lực lượng, trong việc bố trí các tuyến, các trạm quân y, trong việc triển khai các mặt công tác nghiệp vụ.

Vì vậy, ngoài việc nắm vững các quan điểm, chính sách (quan điểm phục vụ, quan điểm thực tiễn...) người chỉ huy quân y phải có một trình độ hiểu biết về quân sự nhất định và một phương pháp công tác, một tác phong chỉ huy như một người chỉ huy quân sự trong chiến đấu, để kết hợp những yêu cầu của chiến đấu với những yêu cầu của y học, gìn giữ bảo vệ sức khỏe trong việc cấp cứu vận chuyển thương, bệnh binh. Nói cách khác, người chỉ huy quân y phải biết vận dụng những nguyên tắc bảo đảm quân y vào những điều kiện, hoàn cảnh diễn biến chiến đấu cụ thể.

Để làm được việc này, công tác chỉ huy quân y phải chú ý:

1. Về quân sự: Nắm kịp thời tình hình diễn biến của ta và địch, trên những mặt có liên quan đến công tác bảo đảm quân y như: hướng thuận lợi hay khó khăn, hướng nào, vị trí nào, đơn vị nào... có những diễn biến gay go nhất, số lượng thương binh ở từng hướng, từng mũi, các quyết tâm và nhận định tình hình của thủ trưởng quân chính... Trên cơ sở đó, phán đoán nhận định tình hình của bản thân quân y, có những thuận lợi khó khăn gì.

Để nắm được tình hình diễn biến chiến đấu này, công tác chỉ huy quân y trong điều kiện không có những phương tiện thông tin liên lạc riêng, phải sử dụng nhiều biện pháp lấy tin tức và bằng nhiều nguồn thông tin: qua thương binh, hậu tống... các cuộc họp giao ban với các thủ trưởng quân chính, hậu cần.

2. Về chuyên món kỹ thuật: Phải đặc biệt chú ý đến công tác cấp cứu, nhất là hỏa tuyến, vì vậy:

a. Muốn cấp cứu hỏa tuyến đầy đủ và chu đáo thương binh phải chỉ đạo huấn luyện rộng rãi cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ thành thạo việc tự cấp cứu và cứu chữa cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy trận cao nhất, y tá chỉ cấp cứu được 30 đến 35%; vì vậy, huấn luyện tự cấp cứu và kiểm tra trước trận đánh là rất cần thiết.

b. Để vận chuyển thương binh, ngoài đội tải thương chuyên nghiệp, phải xây dựng được đội vinh quang ở hỏa tuyến. Công tác chính trị phải kết hợp động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân dũng cảm cứu thương binh và cũng phải huấn luyện cho những người trong đội này kỹ thuật tải thương như đội chuyên nghiệp.

c. Phải luôn luôn chỉ đạo các đơn vị huấn luyện, bồi dưỡng chiến sĩ vệ sinh thành cứu thương y tá, vì số lượng y tá qua các trận đánh bị tổn thất mà hậu phương không bổ sung kịp.

Còn ở các tuyến trung đoàn phải xây dựng tổ chống choáng có đủ biên chế và có những trang bị cần thiết, được học tập đầy đủ, có các chế độ nguyên tắc xử lý rõ ràng.

Ngoài ra, tại các tuyến này và cả ở các đội điều trị phía sau luôn có lực lượng dự bị cấp cứu thương binh có khả năng cơ động gọn nhẹ, sẵn sàng tăng cường cho phía trước khi có thương binh về nhiều.

d. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch dài ngày, vì vậy ở các tuyến phải có tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời sau mỗi lớp phục vụ chiến đấu như bên quân sự và phải tổ chức kiểm tra và thông báo cho các tuyến những kinh nghiệm và các hướng dẫn cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm...

4. Tiếp tế thuốc và trang bị quân y

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn: Yêu cầu về bảo đảm thuốc, bông băng và dụng cụ cũng to lớn hơn nhiều so với các chiến dịch trước. Do đó cần chú ý:

1. Tổ chức tiếp tế thuốc phải lập các kho thuốc cho thật sát với bậc thang điều trị.

Kho thuốc phải bảo đảm vừa cấp phát vừa có khả năng pha chế một phần thuốc dùng ngoài, một số thuốc nước để dùng ngay như: thuốc đi lỏng, rượu cấp cứu, v.v... Do điều kiện hoàn cảnh chiến trường, tổ chức tiếp tế thuốc phải chia thành ba tuyến.

a. Tuyến phía trước có kho dã chiến thuốc đóng sẵn thành cơ số để cấp phát cho các trung đoàn, đại đoàn, đội điều trị và mặt trận.

b. Tuyến kho thuốc chiến dịch ở khu vực căn cứ hậu cần chiến dịch (km 32 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ).

c. Kho thuốc kế cận ở Sơn La bảo đảm cấp phát một phần cho các đơn vị đi qua. Còn chủ yếu là tiếp nhận thuốc ở hậu phương đưa ra tiếp tế thuốc cho chiến dịch và tuyến trước.

2. Chỉ đạo các đơn vị sử dụng tốt thuốc, bông, băng. Tuy Cục Quân y đã tạo thuận lợi cho chiến dịch là tập trung gần như toàn bộ khả năng cung cấp cho mặt trận, song nhu cầu của chiến dịch lớn, thương binh đông quá dự kiến, hậu phương tiếp tế ở xa, lại bị địch đánh phá dọc đường. Do đó phải có chủ trương: "Sử dụng tiết kiệm thuốc, bông, băng", giáo dục cho cán bộ quân y có ý thức tiết kiệm, dành dụm thuốc men. Những cuộn băng được giặt sạch, dùng lại để băng phía bên ngoài loại băng vô trùng.

3. Chỉ đạo các đơn vị và quân y các cơ sở tích cực thu hồi thuốc, bông, băng và trang bị quân y lấy được của địch, nhất là từ giai đoạn ba chiến dịch, khi địch thả dù tiếp tế cho khu Mường Thanh.

Kết luận

Tổ chức bảo đảm quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là hệ thống tổ chức đã được hình thành ngay từ đầu chiến dịch tương đối hoàn chỉnh và được bổ sung tăng cường dần trong quá trình chiến dịch, có nhiều đặc điểm mới cả về quy mô, tính chất và thời gian, v.v...

Nhưng công tác bảo đảm quân y cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được thừa hưởng những kinh nghiệm của các chiến dịch trước. Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", ta đã huy động được các tổ chức, các lực lượng ngoài quân y như vận tải quân nhu tham gia công tác bảo đảm quân y cho chiến dịch, nên công tác quân y cũng có nhiều thuận lợi.

Những tư tưởng chỉ đạo cho công tác quân y, những chủ trương và những hình thức tổ chức bảo đảm quân y cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là rất phù hợp với tính chất cuộc chiến tranh cách mạng phát triển cao. Những bài học kinh nghiệm rút ra được là xuất phát từ tinh thần cách mạng tự giác cao độ của một quân đội cách mạng. Từ những quan niệm của Đảng vận dụng vào ngành quân y trong thời chiến: quan điểm quần chúng, quan điểm tự lực tự cường, quan điểm thực tiễn.

Tuy còn có những khuyết điểm do điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật bị hạn chế, công tác tổ chức bảo đảm quân y đã mang lại hiệu quả là cứu chữa được một khối lượng thương binh lớn: là giữ được sức khỏe, sức chiến đấu của bộ đội.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến lịch sử, đánh dấu một thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta thì những bài học quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng cần được nêu lại để tham khảo, học tập.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:05:52 pm »


GIAO THÔNG VẬN TẢI PHỤC VỤ
CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC ĐÔNG XUÂN 1953-1954
VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1


Giao thông vận tải giữ một vị trí hết sức quan trọng trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hiện đại. Trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 15-6-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về giao thông vận tải, đặc biệt là công tác cầu đường. Chỉ thị vạch rõ: "Hiện nay nhu cầu kháng chiến ngày càng nhiều, khối lượng hàng vận chuyển tăng lên rất nhanh. Nhưng đường, cầu, phà hiện nay rất xấu: đường hẹp, lầy, dốc, nhiều quãng ngoặt quá hẹp, xe đi vừa chậm vừa tốn dầu, hại máy, nhiều dốc cao không lên nổi, quãng ngoặt không quanh được, phà, cầu thì yếu, mục gãy"2. "Nhiệm vụ hiện nay là phải làm những đường tốt, cần thiết để bảo đảm vận chuyển quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân và đồng thời cũng để mở rộng việc vận chuyển kinh tế”3.

Về tổ chức Bộ Giao thông công chính, sắc lệnh 156 ngày 30-4-1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bãi bỏ Nha Công chính hoả xa, thành lập hai nha: Nha Giao thông phụ trách các đường giao thông, đường bộ, đường sắt, đường sông và Nha Công chính phụ trách các công tác thuỷ nông, đê điều, vận tải và công tác liên quan khác, nhằm tăng cường năng lực tổ chức, chỉ đạo điều hành giao thông vận tải trong tình hình mới, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ tổng phản công Đông Xuân 1953-1954.

Ngày 27-7-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, có các ban giúp việc như cầu đường, vận tải, bưu điện, y tế, tuyên huấn, công an. Ở các cấp khu, tỉnh, thành phố cũng tổ chức các ban tương tự, trực tiếp tổ chức, đôn đốc, chỉ đạo các hoạt động chi viện tiền tuyến, nhằm huy động mọi tiềm lực vào cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954.

Về cán bộ lãnh đạo: sắc lệnh số 185 ngày 6-9-1953 của Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Như Quỹ - kỹ sư công chính, giữ chức Giám đốc Nha Công chính.

Cùng với việc thành lập Sở Vận tải trước đây, do đồng chí Nguyễn Hữu Mai làm Giám đốc và Cục Vận tải quân đội do đồng chí Đinh Đức Thiện làm Cục trưởng, tháng 7-1953, Chính phủ đã cho phép Bộ Giao thông công chính thành lập một đơn vị vận tải quốc doanh mang tên Đoàn xe ôtô trực thuộc Nha Giao thông do ông Nguyễn Văn Toàn (tức Bình Tâm, sau này là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) làm Trưởng đoàn. Đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận từ Bằng Tường (Trung Quốc) các loại xe ôtô do Liên Xô viện trợ để đưa về nước. Các loại xe này chủ yếu là xe một cầu và hai cầu chạy nhiên liệu xăng, hiệu Môtôlôva. Một năm sau ngày thành lập, Đoàn xe đã có tới 130 xe ôtô các loại và được biên chế thành nhiều đại đội vận tải. Đoàn đã vận chuyển được nhiều phương tiện và thiết bị cho các công trình giao thông từ Lạng Sơn vào tới Nghệ An. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu triển khai trên toàn tuyến, đoàn xe được giao nhiệm vụ cùng với lực lượng vận tải quân sự chở hàng hoá từ biên giới tiến thẳng ra mặt trận. Đến khi chiến dịch bước vào giai đoạn quyết liệt, nhiều đại đội xe của đoàn được điều động làm nhiệm vụ vận chuyển theo cung chặng, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh mặt trận. Cũng thời gian này, có nhiều lái xe đạt thành tích xuất sắc và đặc biệt có C3 do đồng chí Chiến làm Đại đội trưởng đã được cấp trên khen thưởng. Sau khi hoà bình lập lại, trở về Hà Nội, đoàn xe này là lực lượng chủ yếu phục vụ Ban Giám sát quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnvevơ và cũng là lực lượng nòng cốt để thành lập quốc doanh vận tải ôtô đầu tiên ở nước ta.

Tất cả các địa phương trong thời gian này đều thành lập sở hoặc ty giao thông công chính, tập trung tổ chức, chỉ đạo việc làm đường, sửa chữa cầu cống, huy động dân công vận tải tiếp tế cho các chiến trường. Đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV được tăng cường nhiều cán bộ và lực lượng tham gia làm cầu đường, bảo đảm giao thông và tiếp tế vận tải. Tình hình tổ chức chỉ đạo các hoạt động giao thông vận tải trong toàn quốc có bước phát triển mới.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Tư lệnh và Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Người chỉ rõ: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự, mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.

Từ đó, các hoạt động giao thông vận tải được triển khai chuẩn bị ráo riết từ bộ đến các địa phương và đơn vị cơ sở. Nhiệm vụ chủ yếu là làm đường và bảo đảm giao thông vận tải cho chiến dịch, phục vụ 42.750 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có lực lượng pháo binh, cơ giới và 260.000 dân công hoạt động chuyển quân tập kết trước, trong và sau chiến dịch.

Trước khi mở màn chiến dịch nhiều tháng, ngành giao thông công chính và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã huy động hàng vạn công nhân, dân công và thanh niên xung phong triển khai nhiệm vụ mở đường, bắc cầu để bộ đội, các lực lượng vận tải và dân công tiếp vận tiến vào mặt trận. Các hệ thống đường đã khôi phục, sửa chữa trước đây đều phải làm lại kiên cố hơn, như mở rộng nền, mặt đường từ 5-8 m, thực hiện nhiều giải pháp chống lún sụt, lầy lội, cầu được gia cố bảo đảm tải trọng thông qua 12 tấn, đóng thêm loại phà 12 tấn có thể chở được 2 xe/chuyến. Đường, cầu, phà phải bảo đảm lưu thông với khối lượng lớn, xe kéo pháo hạng nặng đi lại được dễ dàng. Từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang chúng ta tận dụng đường cũ nhưng phải tăng cường các bến phà qua sông Lô tại Bình Ca và qua sông Hồng tại Âu Lâu. Từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ sang Quang Huy, Phù Yên qua sông Đà tại bến phà Vạn Yên và qua bến phà Tạ Khoa để vào Mai Châu (Sơn La). Quốc lộ 41 (nay là quốc lộ 6) từ Hoà Bình lên Mộc Châu và quốc lộ 12 từ Hoà Bình về Nho Quan nối với đường 15 vào Thanh Hoá, Nghệ An cũng được sửa chữa.

Lực lượng chính để bảo đảm giao thông ở các tuyến đường này là đội thanh niên xung phong và dân công được huy động dài hạn từ hai đến sáu tháng. Phương tiện làm đường chỉ là những dụng cụ thô sơ như xà beng, cuốc xẻng và thuốc nổ, chi phí cho việc sửa chữa và làm mới đường lúc đó đều được tính bằng lương thực (thóc/kg). Mặc dù đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải gặp rất nhiều khó khăn, nhưng họ luôn được cổ vũ bởi những tin chiến thắng từ mặt trận gửi về và bằng những thư khen, thăm hỏi động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ thống trục chính phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ có chiểu dài 2.500km, trên ba hướng tuyến được triển khai các lực lượng làm đường như sau:

Hướng tuyến chính phía bắc từ biên giới về Thái Nguyên đi Yên Bái theo đường 13 bến Ba Khe - Cò Nòi (giáp đường 41 phía nam tỉnh Sơn La). Đây là trục chính vận chuyển vũ khí, khí tài và pháo hạng nặng đưa vào chiến dịch. Trên tuyến này, trong Chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, ngành giao thông vận tải Bắc Kạn - Thái Nguyên đã tập trung sửa chữa, nâng cấp đường 13. Ngày 5-11-1952, đồng chí Trần Đăng Ninh đi kiểm tra, đã thay mặt Tổng Quân uỷ quyết định tuyên dương thành tích cho ngành giao thông vận tải Bắc Kạn - Thái Nguyên.

Để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta phải tập trung hơn 2 vạn dân công (chừng 2 triệu ngày công) thi công suốt đêm ngày, làm mới đoạn Yên Bái - Cò Nòi (nối đường 41), sửa chữa, mở rộng và nâng cấp toàn tuyến với tổng chiều dài 310 km xuyên qua các đèo dốc như Đèo Cả, Đèo Khế, La Hiên, Lũng Lô, Đèo Chẹn. Riêng ngành giao thông vận tải Bắc Thái có 5.000 dân công làm đường và chốt người để bảo đảm giao thông.
______________________________________________________
1. Bộ Giao thông - Vận tải: Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 1999.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 243, 244.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:08:13 pm »


Lực lượng của Bộ Giao thông công chính có đội chủ lực cầu đường do đồng chí Dương Bạch Liên (Sau này là Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) chỉ huy với hơn 2.000 công nhân, dân công phụ trách bảo đảm giao thông từ Yên Bái đến Tạ Khoa, đồng chí Lê Văn Thông phụ trách bến phà Tạ Khoa cũng cùng các lực lượng bảo đảm giao thông chống đỡ quyết liệt với máy bay địch, bảo đảm cho bến phà lưu thông thường xuyên.

Để tạo chân hàng từ biên giới về tập kết ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, ngành giao thông vận tải Bắc Kạn, Thái Nguyên phải tập trung sửa chữa, nâng cấp và mở tiếp những tuyến mới như:

Đường từ Thuỷ Khẩu đi Bắc Kạn - Thái Nguyên.

Đường Võ Nhai - Bắc Sơn, mở rộng bến phà Thác Oánh cho xe qua lại nhanh chóng và thuận lợi.

Đường 3 Cao Bằng - Bắc Kạn qua Chợ Mới - Bò Đậu lên Tây Bắc hoặc Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Nòi.

Đường nội tỉnh Thác Oánh - Linh Nham - Minh Lập - Giang Tiên - Bờ Đậu, Đèo Hanh - Trại Cau - Bờ Đậu - Bình Ca đi Tây Bắc.

Đường 31 - Chợ Chu - Quán Vuông - Khuôn Ngàn nối đường 3 lên căn cứ an toàn Đèo Khế.

Đầu năm 1953, ta mở đường Võ Nhai - Phổ Yên nối với đường Lạng Sơn - Bắc Sơn - Đình Cả - La Hiên - Linh Nham. Đây là tuyến mới từ biên giới về Thái Nguyên.

Từ đầu năm 1954, Bộ Giao thông công chính tập trung "đại quân" làm đường 1B từ Đồng Đăng đi Thái Nguyên qua hai tỉnh Lạng Sơn - Bắc Thái thành đường lớn nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuyến đường có mặt rộng 5,5m, cả lề rộng 8m.

Riêng đoạn qua đèo Đá Bắc Kạn rộng trung bình 6m. Mặt đường toàn tuyến rải cấp phối, cầu cống làm tạm bằng gỗ, cầu Gia Bảy (91,2m) do Đội cầu 2 thi công.

Công trường làm tuyến đường này do Bộ trưởng Trần Đăng Khoa trực tiếp làm Trưởng ban chỉ huy, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Trân, Bí thư Đảng đoàn Bộ làm Phó ban, đồng chí Mai Công Thiệp chỉ huy thường trực. Lực lượng cán bộ chủ chốt của bộ được tập trung để hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật. Các lớp trung cấp 1, 2, 3 được huy động làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Lực lượng thi công trên công trường bao gồm hàng vạn thanh niên xung phong, dân công làm việc sôi nổi suốt ngày đêm với tinh thần: "quyết tâm mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện"1.

Hướng tuyến phía nam từ Nghệ An - Thanh Hoá (Liên khu IV) và vùng tự do Liên khu III ra Hoà Bình (qua Suối Rút) dài trên 320 km. Chúng ta huy động 2,6 vạn dân công (trên 2,6 triệu ngày công) tập trung làm đường và bảo đảm giao thông cho các loại xe thô sơ, xe thồ vận chuyển lương thực ra chiến trường. Trước đây, từ năm 1952-1953 ngành giao thông vận tải Nghệ An và Thanh Hoá đã huy động lực lượng thanh niên xung phong và dân công làm tuyến đường trên, nối với đường 7 phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, Hoà Bình và Thượng Lào. Để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, hai tỉnh tiếp tục khôi phục, nâng cấp và bảo đảm giao thông trên toàn tuyến. Thanh Hoá tập trung 13.564 dân công và 6.320 thanh niên xung phong của khu làm đường 15A đoạn Hồi Xuân - Mục Sơn (tháng 1 đến tháng 5-1954). Sau khi hoàn thành, tiếp tục làm đoạn Mục Sơn - Đồng Trầu tạo thành tuyến dài 114 km. Đồng thời, xây dựng và mở rộng bến phà Hồi Xuân, La Hán, phá thác ghềnh trên sông Mã, sử dụng hàng trăm thuyền cùng "đại quân" xe đạp thồ, dân công gánh bộ vận chuyển lương thực, thực phẩm ra mặt trận.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, "đội quân" cầu đường Thanh Hoá gồm 1.500 quân do đồng chí Phạm Kiên phụ trách bảo đảm giao thông đoạn Hồi Xuân - Vạn Mai ra đường 6 Suối Rút đi Điện Biên Phủ.

Vùng đồng bằng Liên khu III từ Nho Quan và các vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, nhân dân nô nức đi dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Hoà Bình và đi tiếp về chiến trường.

Hướng tuyến đông - tây từ Hoà Bình theo đường 6 (41), 42 đi Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đây là trục chính quy tụ các hướng vận tải từ phía bắc vào, phía nam ra, phía đông lên, để từ đây đi thẳng ra chiến trường Điện Biên Phủ.

Trên hướng tuyến này, Bộ Chỉ huy mặt trận, Bộ Giao thông công chính huy động lực lượng bộ đội, công binh và dân công các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, tập trung sửa chữa, nâng cấp đường, tăng cường phà Chợ Bờ, Suối Rút. Đội Thanh niên xung phong Cù Chính Lan của tỉnh Hoà Bình với 1.000 quân bảo đảm giao thông bến phà Chợ Bờ - Suối Rút đến km 10 đường 41.
___________________________________________________
1. Tố Hữu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:09:36 pm »


Đoạn đường 42 Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ, do bỏ lâu ngày, đường bị hư hỏng, lún sụt, trên 100 cầu cống hư hỏng, không bảo đảm cho xe cơ giới và pháo (của Đại đoàn 351) lên chiến trường. Bộ Tư lệnh mặt trận đã điều hai trung đoàn bộ binh, cùng Trung đoàn công binh 151 và dân công, thanh niên xung phong làm suốt đêm ngày, sau 10 ngày tuyến đường được khai thông. Lực lượng thanh niên xung phong với 40 đại đội (8.000 quân) được phân công làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông từ Mộc Châu - Tuần Giáo đến km 15 vào mặt trận. Do lưu lượng phương tiện xe vận tải, xe kéo pháo, xe thồ, bộ đội, dân công đi lại trên tuyến chính quá đông nên dẫn đến tình trạng giao thông bị ùn tắc. Từ đầu tháng 1-1954, Bộ Tổng tư lệnh mặt trận cho tổ chức một "Ban Chỉ huy đường" nhằm điều độ các loại phương tiện vận tải đi lại trên từng chặng. Ban Chỉ huy điều độ phương tiện quy định cụ thể thời gian trật tự hành quân cho từng lực lượng đi lại trên đường, nhờ đó đã hạn chế bớt tình trạng lộn xộn, ùn tắc vận tải.

Để giải quyết tận gốc việc ùn tắc trên tuyến đường độc đạo ra mặt trận, ta chủ trương mở thêm các tuyến mới để phân luồng vận tải như: mở tuyến từ vùng sông Mã đi Mường Luân - Nà Sang vận chuyển gạo của dân công Thanh Hoá lên phục vụ cho các đơn vị tác chiến ở phía nam Điện Biên Phủ; mở đường cho vận tải thô sơ theo đường mòn vượt núi qua Khẩu Hu, Cò Chảy ở phía bắc Điện Biên Phủ tập kết gạo, đạn cho các đơn vị tác chiến ở các mũi phía bắc và phía tây Điện Biên Phủ. Đồng thời mở tuyến vận chuyển từ Ba Nậm Cúm qua Lai Châu đi Bản Tấu. Việc phần luồng vận tải đã giảm đáng kể lưu lượng người và phương tiện trên tuyến Lai Châu đi Tuần Giáo.

Các lực lượng công binh, dân công, thanh niên xung phong còn làm đường cho bộ đội kéo pháo vào trận địa như đường từ km 69 (Tuần Giáo - Điện Biên Phủ) Bản Nham, vượt đỉnh Phasông sang Bản Tố, Bản Nghịu dài 15 km, ta phải dùng nhiều đại đội bộ binh kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn qua các đèo dốc vô cùng khó khăn.

Trên các tuyến đường ra mặt trận, ta cho thiết lập nhiều kho trung chuyển để tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, v.v. từ hậu phương và các kho ở tiền phương tiếp cận với các đơn vị chiến đấu ở sát mặt trận.

Để bảo đảm nhu cầu vận tải tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Giao thông công chính phân công cụ thể việc tiếp vận cho chiến trường như sau:

Hội đồng Cung cấp mặt trận có nhiệm vụ tổ chức, huy động, thu gom, vận chuyển lương thực, thực phẩm, huy động các đoàn dân công vận tải và làm đường phục vụ chiến dịch. Hàng hoá giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương tại các đầu mối trung chuyển theo quy định: từ Việt Bắc sang giao ở Ba Khe; từ Liên khu III, Liên khu IV sang giao ở Suối Rút.

Tổng cục Cung cấp hậu phương do quân đội phụ trách có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bộ đội và dân công vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương cũng tại Ba Khe, Suối Rút.

Tổng cục Cung cấp tiền phương do quân đội phụ trách có nhiệm vụ tổ chức vận tải từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ, có các tổng kho dự trữ quanh thị xã Sơn La và các kho trung chuyển ở khoảng km 31 đến km 87 đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ.

Tổng cục Cung cấp tiền phương sử dụng trên 3.000 cán bộ chỉ đạo điều hành và hơn 30.000 dân công tiếp vận.

Nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, bảo đảm giao thông từ Ba Khe qua Việt Bắc có chiều dài khoảng 300 km và từ Suối Rút về vùng tự do Liên khu III, Liên khu IV do Hội đồng Cung cấp mặt trận tổ chức lực lượng dân công thực hiện. Từ Ba Khe, Suối Rút trở lên do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Ủy ban kháng chiến khu Tây Bắc phụ trách, tổ chức lực lượng bộ đội, công binh và dân công thực hiện.

Mạng lưới giao thông trục chính tiếp tế vận tải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được hình thành như sau:

- Tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ: Đây là hướng tuyến chính, có khối lượng vận tải lớn, nhất là vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng bao gồm cả hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn.

- Tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Yên Bái - Ba Khe - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

- Từ Ba Nậm Cúm - Lai Châu - bản Tấu (vận tải thô sơ).

- Từ Ba Nậm Cúm - Lai Châu - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

- Hướng tuyến từ Khu IV ra xuất phát từ Nghệ An – Thanh Hoá – Suối Rút - Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

- Các tuyến từ Liên khu III, Nho Quan lên Hoà Bình, Suối Rút - Mộc Châu - Cò Nòi - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên Phủ và từ thượng nguồn sông Mã lên phía nam Điện Biên Phủ.

Tổng chiều dài luồng tuyến vận tải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lên đến 3.500 km. Nếu tính các đoạn tuyến nối tiếp nhau, tổng chiều dài đường là 2.500 km. Đây là một hệ thống giao thông vận tải rất lớn được xây dựng bằng sức lao động và cả xương máu của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong và công binh...

Khó khăn nhất của hệ thống đường bộ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là thường xuyên bị lầy lún vào mùa mưa và bị máy bay địch đánh phá, thả bom nổ chậm để ngăn chặn ta. Mỗi đêm có khoảng 200 xe ôtô đi lại nên việc giữ gìn mặt đường hết sức khó khăn. Có đến 122 km bị lầy lún nặng, nhất là đoạn Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Trong tháng 4-1954 ta phải tăng cường gấp ba đợt dân công (5.750 người) cùng Trung đoàn công binh 151 và bộ đội tổ chức gia cố mặt đường để chống lầy và lún sụt.

Về đường sông, ta tận dụng khai thác sông Đà, thượng nguồn sông Mã, sông Nậm Na để vận chuyển cho chiến dịch (trước đó phải tổ chức phá nhiều thác ghềnh để khơi thông luồng tuyến). Riêng sông Nậm Na, thanh niên xung phong, công binh phá 103 thác ghềnh mới vận chuyển được gạo từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu và vào mặt trận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2022, 09:10:16 pm »


Trên các tuyến đường hướng ra chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng quân đội, dân công, thanh niên xung phong làm đường tiếp tế vận tải phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mưa dầm, gió rét, đường sá xa xôi, hiểm trở, đèo cao, dốc đứng và phải vượt qua "mưa bom, bão đạn" của quân thù. Những đoạn đường như Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, Lai Châu - Sơn La, Yên Bái - Cò Nòi, không quân địch đánh phá 24/24 giờ vô cùng ác liệt. Ngã ba Cò Nòi thường xuyên gánh chịu 69 tấn bom đạn/ngày. Có trận địch dùng 39 máy bay B26, 5 máy bay Privatơ và 21 máy bay khu trục, ném hàng trăm tấn bom xuống những đoạn đường chúng nghi ngờ. Lần đầu tiên Mỹ viện trợ cho Pháp máy bay vận tải cỡ lớn (Facket 119, 78 chỗ ngồi) sử dụng để thả bom napan xuống Điện Biên Phủ. Một chiếc chở được 9 thùng và mỗi thùng chứa 90 bình napan. Giặc Pháp còn làm mưa nhân tạo bằng chất iốt bạc, hòng huỷ hoại đường, ngăn chặn việc tiếp tế vận tải của ta...

Mặc dù vậy, các lực lượng giao thông vận tải, thanh niên xung phong, dân công vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bất chấp bom đạn và hy sinh, hăng hái mở đường và tiếp vận ra mặt trận. Theo tổng kết, tổng số dân công vận tải, làm đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là 260.000 người (bằng 14 triệu ngày công). Trong đó, có những địa phương xa xôi như Nghệ An đã huy động 32.000 dân công, Thanh Hoá huy động lực lượng đông nhất 193.124 người (dân công gánh bộ 182.124 người, dân công đi xe đạp thồ 11.000 người). Các tỉnh Tây Bắc 31.818 người (bằng 1.296.078 ngày công), Vĩnh Phú 75.000 dân công, 7 đội xe đạp thồ và nhiều đoàn dân công các địa phương khác như: Việt Bắc, Yên Bái, Sơn Tây, Hoà Bình, Nam Định, Ninh Bình, v.v... Một số đơn vị, cá nhân nêu gương tiêu biểu cho lực lượng dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ như: Các đoàn dân công làm đường suốt đêm ngày không biết mệt mỏi, Đại đội dân công Đông Anh lao động 3.334 ngày công, bảo đảm kỹ thuật, vượt tiến độ. Chị Luyến, chiến sĩ chống lầy, lăn lộn dưới trời mưa chặt cây rôngđanh, động viên toàn đội vượt qua những đoạn đường lầy; Chu Văn Khâm, Đinh Trọng Khải, Đỗ Văn Ham dũng cảm phá bom nổ chậm, nhanh chóng mở thông đường. Phan Tứ dũng cảm dùng mìn phá hàng trăm ghềnh thác, cùng đồng đội khơi dòng sông Nậm Na cho thuyền và bè, mảng vận tải an toàn. Nhiều chiến sĩ thanh niên xung phong dân công đã phát huy sáng kiến, thi đua nâng cao năng suất lao động như trường hợp đồng chí Chum, Tiểu đội trưởng làm đường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi: "Làm Tiểu đội trưởng, đồng chí Chum luôn luôn gần gũi và giúp đỡ anh chị em khi gặp khó khăn, đồng chí Chum đều có sáng kiến, bàn bạc với chị em giải quyết được cả... Do sáng kiến của đồng bào dân công mà những đợt đầu có các chiến sĩ như: đồng chí Chiến, nữ đồng chí Lý, tăng năng suất gấp ba lần, đồng chí Chum tăng bốn lần rưỡi, nữ đồng chí Mao tăng năm lần, nhờ gom góp kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm mà số chiến sĩ ngày càng nhiều và năng suất ngày càng tăng mãi".

Lực lượng phương tiện vận tải tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bao gồm lực lượng vận tải cơ giới của quân đội, đoàn xe quốc doanh (28 chiếc) vận tải ôtô của Bộ Giao thông công chính gồm 16 đội xe - 628 chiếc. Lực lượng vận tải bộ hùng hậu với hàng chục vạn dân công và các phương tiện vận tải thô sơ như: xe đạp thồ (20.991 xe), xe cút kít (7.000 xe), 1.800 xe trâu, 300 xe ngựa cùng hàng trăm thuyền, canô các loại.

Lực lượng xe đạp thồ mạnh nhất là đội xe thồ Thanh Hoá có 3.000 xe, được tổ chức vận chuyển từng chặng nối tiếp nhau từ Thanh Hóa đến kho lương thực Tuần Giáo (Lai Châu). Từ trạm H1 Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài 80 km, do đoàn thồ hoả tuyến Thanh Hoá đảm nhiệm. Với 3.000 xe tổ chức thành 20 đại đội theo đơn vị huyện. Mỗi đại đội có chi bộ lãnh đạo, có Ban Chỉ huy đoàn do đồng chí Đặng Văn Minh làm Trưởng đoàn. Đoàn xe đạp thồ Thanh Hoá lên đường làm nhiệm vụ từ tháng 8-1953. Địch phát hiện, ném bom bắn phá kho lương thực Tuần Giáo đang lúc giao nhận hàng làm một số dân công bị thương và hy sinh nhưng anh chị em vẫn hăng hái làm nhiệm vụ.

Ở Nghệ An, đoàn xe thồ gồm 2.000 chiếc lên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho chiến trường từ mồng một Tết Giáp Ngọ (1954), với quãng đường xa khoảng 600 - 700 km, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu như Truông Băng, Khe Thần, dốc Bò Lăn, Chuồng Chuối, Nho Quan, Dốc Cun, đèo Mộc Châu, Pha Đin, Sơn La... Biết bao khó khăn, nguy hiểm, nhưng mọi người vẫn không nề hà, tất cả đều hăng hái xung phong đi vận tải tiếp tế.

Ngoài ra còn có nhiều đoàn xe thồ của các tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hoà Bình, các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc, v.v...

Trên tuyến sông Đà, sông Thao, ta còn tổ chức nhiều đoàn thuyền của các địa phương ven sông tham gia vận chuyển, sử dụng 10 canô để kéo phà ở các bến lớn như chợ Bờ, Suối Rút, Bình Ca, Âu Lâu...

Khối lượng lương thực, thực phẩm nhân dân các địa phương đã đóng góp cho chiến dịch: 25.056 tấn lương thực, 709 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Số vật phẩm đã được tổ chức vận tải ra chiến trường là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô.

Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã dồn hết sức mình tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh. Vĩnh Phú đã cung cấp cho chiến dịch 4.789 con trâu, bò thịt, 500 tấn thịt lợn, hàng ngàn tấn gạo, đỗ, lạc, đường.

Các lực lượng vận tải quân đội vận chuyển 1.500 tấn đạn, hàng trăm khẩu trọng pháo, hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài vào chiến dịch. Ngoài lực lượng vận tải cơ giới, các loại phương tiện vận tải thô sơ khác thì vận tải bằng xe đạp thồ và các lực lượng dân công tiếp vận là người đóng góp đặc sắc, to lớn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công tiếp vận với hàng chục vạn người già, trẻ, trai, gái nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không quản đường xa, đèo cao, suối sâu, gian khổ, hy sinh, "góp gió thành bão" đóng góp từng cân hàng thấm đượm mồ hôi, nước mắt, kể cả máu xương của mình cho cách mạng. Những tấm gương tiêu biểu như: Đại đội 15 dân công Vĩnh Phúc luôn luôn dẫn đầu về khiêng vác, trong năm chuyến vận tải đột xuất đã đưa 6.113 kg hàng tới đích an toàn. Anh Nguyễn Văn Thành vác 100 kg, anh Hoàng Văn Duy vác 97 kg hàng, chị Hà Thị Ngãi (dân tộc Mường - Hoà Bình) gánh hàng liên tục 15 đêm không nghỉ, cụ Trần Văn Thiệu 64 tuổi, thuộc diện miễn làm nghĩa vụ, vẫn tự nguyện cùng con gái, con dâu đi dân công tiếp vận phục vụ chiến dịch... Nhiều tấm gương dân công hăng hái, dũng cảm, gánh khoẻ - chở nhiều được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương như: chị Hoàng Thị Mới - 20 tuổi, bần nông, người Thanh Hoá, vóc người tuy nhỏ nhưng mỗi chuyến gánh được 55 kg, đường gần gánh 72 kg... đưa năng suất toàn đội vượt 34%,... Vận tải xe đạp thồ cũng đạt được những thành tích xuất sắc: mỗi xe thường chở từ 150-200 kg hàng, có người chở 300-350 kg. Anh Cao Ty (đoàn thồ Thanh Hoá) thường xuyên đạt năng suất 300 kg/một lần thồ. Anh Nguyễn Văn Tường (đoàn xe thồ Thanh Hoá) phụ trách đội thồ đá, mỗi chuyến anh thồ 320-366 kg,... được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Nói về chiến công của những người dân công vận tải phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi công lao và niềm lạc quan to lớn của họ qua những câu thơ:

Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan, thịt nát
Không sòn lòng, không tiếc tuổi xanh,...

Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" là niềm tự hào của dân tộc ta. Làm nên trang sử vĩ đại này có phần đóng góp vô cùng quan trọng của những người làm giao thông vận tải. Họ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để "phá núi, bắc cầu, vượt đèo, qua suối, đắp đường...", giữ vững mạch máu giao thông cho chiến dịch. Hàng nghìn kilômét đường giao thông đã được mở, hàng chục vạn tấn vũ khí - lương thực đã được vận chuyển kịp thời phục vụ mặt trận. Có thể nói, đây là sức mạnh to lớn, là những chiến công kỳ diệu bắt nguồn từ đường lối "giao thông vận tải nhân dân" của Đảng và lòng yêu nước nồng nàn của hàng triệu con người trên mặt trận giao thông vận tải.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 08:06:50 pm »


CÔNG TÁC VẬN TẢI TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1




NGUYỄN AN

Công tác vận tải chiến dịch là khâu trung tâm của công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt cả thời gian chiến dịch, công tác vận tải không lúc nào giảm bớt căng thẳng vì phải đảm nhận những nhiệm vụ với những khó khăn to lớn lúc đầu tưởng chừng như không vượt qua được. Chỉ nói riêng về gạo cho quân đội đã cần 14.950 tấn, nhưng cái khó là phải tập trung vào nơi xa nhất, khó nhất. Các đồng chí chỉ huy của Tổng cục ở tiền phương, các cán bộ và chiến sĩ của các cục của Tổng cục đi chiến dịch này đã tập trung vào giúp cho công tác vận tải chiến dịch thắng lợi.

Chúng ta đã biết, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thông qua phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", đã được quán triệt trong toàn quân toàn dân. Công tác vận tải từ hậu phương xa xôi và cả từ những vùng địch tạm chiếm ở Khu III lên đến Điện Biên Phủ, đã trở thành một mặt trận thực sự, với tính chiến đấu quyết liệt.

Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và nhân dân ta đã đưa ra mặt trận những người con ưu tú nhất. Ngoài việc bổ sung binh sĩ cho các đơn vị chiến đấu, ta còn huy động trên 26 vạn dân công, đi từng đợt dài ngắn khác nhau, nhưng đã lên tới hàng chục triệu ngày công, và cả một khối lượng tài sản lớn: 30.000 tấn vật chất, 21.000 xe đạp thồ, 628 xe ôtô, 2.600 thuyền các loại và hơn một vạn con ngựa thồ.

Tất cả lực lượng lao động đông đảo và khối lượng vật chất cực lớn này được đưa lên từ khắp các nẻo đường đất nước ở Khu III, Khu IV, vào đường 6, ở Việt Bắc đến, vào đường 13 nhưng cuối cùng cũng đều dồn vào con đường độc đạo, có đoạn mới làm, có đoạn mới sửa lại luôn bị máy bay địch tập trung đánh phá ngày đêm trên đoạn từ Cò Nòi lên Điện Biên Phủ dài 210 km. Nó đòi hỏi một nghệ thuật tổ chức và chỉ huy tài giỏi, sao cho người đông mà không rối, phương tiện nhiều mà không ùn tắc, để hằng ngày một lượng gạo và thực phẩm được chuyển đều đặn tới các chiến sĩ, một lượng vũ khí nhất định đủ để bóp nát "con nhím" khổng lồ với 16.200 tên xâm lược, trang bị vũ khí hiện đại.

Có nhiều phương án tổ chức được đề xuất, nhưng phương án cuối cùng được Trung ương duyệt và phân công tổ chức bảo đảm cung cấp cho chiến trường là:

- Các đảng bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh, huyện phụ trách huy động dân công ngắn hạn và phương tiện vận tải của địa phương vận chuyển lượng vật chất đã được phân công cho tỉnh, huyện mình phụ trách, đem giao cho các kho của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương ở hai vùng kho lớn: Yên Bái, Âu Lâu, Vạn Mai và Suối Rút.

- Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, phụ trách việc tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước cho mặt trận, có bộ phận tiền phương đóng ở Sơn La, lo việc tổ chức chỉ huy vận chuyển từ Âu Lâu, Vạn Mai, Suối Rút, lên giao hàng cho tuyến đầu mối tiếp nhận của Tổng cục Cung cấp quân đội ở Sơn La.

- Từ Sơn La vào Điện Biên Phủ đường dài 165 km do Tổng cục Cung cấp phụ trách, chia làm ba tuyến hậu cần vận tải:

+ Tuyến đầu mối tiếp nhận từ Sơn La đến km 15 Tuần Giáo, dài 100 km.

+ Tuyến từ km 15 đến km 62 đường mới làm, dài 47 km.

+ Tuyến thứ ba từ km 62 vào các kho hậu cần của các đại đoàn là hoả tuyến, tuy đường ngắn nhưng phức tạp vì sát địch và lại phải đi sâu giúp đỡ các đại đoàn, có khi đưa thẳng đến trận địa pháo.

Trong mỗi tuyến đều có đủ các lực lượng vận tải, công binh, pháo cao xạ, thông tin... cùng hiệp đồng chiến đấu. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Cung cấp Trung ương thì tổng khối lượng hàng vận chuyển từ hậu phương ra hoả tuyến là: 4.450.000 tấn/km, trong đó:

* Tuyến các tỉnh, huyện thực hiện 1.582.000 tấn/km, bằng 35,5%.

* Tuyến Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương phụ trách thực hiện 1.176.000 tấn/km, bằng 26,5%.

* Tuyến Tổng cục Cung cấp tiền phương của quân đội thực hiện 1.629.000 tấn/km, bằng 38%.

Tuyến vận chuyển của quân đội tuy đường trục từ hậu phương lên ngắn hơn và tiếp chuyển từ phía sau lên khối lượng ít hơn, nhưng lại lớn hơn hai tuyến sau, là vì có khâu vận tải huy động trên 7.600 tấn gạo, thực phẩm tại các địa phương Sơn La, Lai Châu và đưa 1.700 tấn gạo từ biên giới Trung Quốc về Điện Biên Phủ. Hàng ngàn nam, nữ dân công tài giỏi và dũng cảm của các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hoá, Lào Cai, Lai Châu đã đóng trên 11.600 bè nứa và dùng thuyền độc mộc đưa gạo về thị xã Lai Châu, để từ đó, hàng ngàn ngựa thồ, xe đạp thồ chuyển về Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, việc vận chuyển từ xa bằng phương tiện thô sơ cũng rất hạn chế. Trong các Chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào trước đây, dân công mang từ Thanh Hoá ra 5.000 tấn gạo, nhưng đến Cò Nòi chỉ còn 400 tấn, tức là 8% tới đích, còn 92% phải rải ăn suốt dọc đường dài 418 km. Vì thế, trên 7.600 tấn gạo, thực phẩm của đồng bào các địa phương quanh Điện Biên Phủ trong điều kiện sản xuất phân tán, đường sá gập ghềnh là vô cùng quan trọng. Đồng bào từ các rẻo cao đầu đội gạo, tay dắt lợn, lại đèo theo bu gà về nuôi bộ đội đánh Tây, đã thể hiện những hình ảnh vô cùng cảm động về lòng giác ngộ, sự hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc góp vào chiến dịch. Mặt khác, ý nghĩa kinh tế của bài học khai thác tại chỗ cũng rất rõ nét: hậu cần tại chỗ là nhanh nhất, gần nhất, tiết kiệm nhất.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ hậu phương xa xôi lên mặt trận, kể cả tuyến vận chuyển của các tỉnh, huyện và tuyến của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương cũng đã sử dụng 16.200 xe thồ, hơn 150 thuyền và 180 xe ôtô trên các trục đường ra phía trước. Nhưng qua con số tổng kết của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương, chỉ tính riêng lượng gạo từ các kho hậu phương xuất phát là 15.745 tấn, đến giao cho tuyến quân đội được 7.650 tấn, tức là 48% tới đích, còn 52% rải ăn dọc đường. Dẫu sao đó cũng là một sự tiến bộ mới so với các đợt vận chuyển của các chiến dịch trước.

Trên tuyến vận tải của quân đội, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, có sự tranh luận sôi nổi về phương châm: "lấy phương tiện thô sơ là chính" hay "cơ giới là chính". Qua thảo luận, càng làm sáng tỏ phương châm: "lấy cơ giới là chính" trên trục đường chủ yếu Sơn La đi Điện Biên Phủ. Tất nhiên có kết hợp thô sơ, nhưng là phụ, vì tuyến vận tải đã vào sâu chiến trường, xa hậu phương, tiết kiệm được người và dành được số gạo đã vận chuyển vào cho bộ đội chiến đấu. Trên thực tế chúng ta đã kết hợp vận tải thô sơ trên các cung, rút gạo từ các địa phương quanh Sơn La, Lai Châu về Điện Biên Phủ, trên tuyến Mường Luân, Bản Sang, trên tuyến sông Ba Nậm Cúm, Lai Châu và ngựa thồ Lai Châu - Điện Biên Phủ.

Nhưng trong khi xác định phương châm "lấy cơ giới làm chính" trên trục chủ yếu từ hậu phương lên hoả tuyến, kinh nghiệm Điện Biên Phủ vẫn luôn nhắc nhở chúng ta rằng, đối với chiến trường rừng núi, không bao giờ được quên phương tiện thô sơ, vì rằng đường ôtô không phải địa hình nào cũng làm được, lại còn điều kiện thời gian và yếu tố bí mật đối với ý định chiến dịch, v.v...
__________________________________________________
1. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 3-1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 08:09:56 pm »


Ở Điện Biên, ngay tại hoả tuyến và trên suốt tuyến hậu cần tiền phương và ở các khâu vận tải chiến thuật và trực tiếp phục vụ chiến đấu: tiếp đạn, tải thương, hộ lý, nuôi quân, xếp dỡ, thồ xe, chèo thuyền, v.v... đều sử dụng lực lượng dân công và phương tiện thô sơ lớn: ngót 3.000 xe đạp thồ, 924 ngựa thồ và 25.155 dân công. Đó là kinh nghiệm về việc vận dụng kết hợp các phương tiện vận tải chiến dịch.

Để ra phương châm đúng đã khó, nhưng việc tổ chức chỉ huy thực hiện còn khó hơn. Từ nhiều chiến dịch trước Điện Biên, các cán bộ vận tải chỉ quen làm kế hoạch sử dụng dân công và phương tiện thô sơ, đến chiến dịch này, lần đầu tiên sử dụng phương tiện cơ giới lớn nên có nhiều lúng túng. Và lại phải tổ chức, chỉ huy và điều độ một lượng xe lớn trên tuyến đường độc đạo, lại còn bị bom, mìn và mưa lũ phá hoại, trong khi yêu cầu gạo cho tiền tuyến bức bách hằng ngày, thì quả thật không phải chuyện đơn giản.

Trong chỉ huy vận tải cơ giới, cái khó nhất là không nắm được tình hình vận chuyển, xe ra khỏi kho như chim thả ngoài trời, chỉ có khi xe trở về nơi xuất phát, mới biết rằng xe đã đi tới đích. Thực chất người chỉ huy chỉ mới làm được kế hoạch vận tải. Thành công hoặc thất bại còn là nhờ thời tiết và trông vào sự dũng cảm, tháo vát của từng người lái xe.

Ở chiến dịch này, mặc dù khách quan có nhiều khó khăn, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực chủ quan lớn của cả một tập thể làm nhiệm vụ vận tải: xe, kho, trạm, công binh, thông tin, pháo cao xạ, các đơn vị hậu cần, kỹ thuật, v.v. phải xoay quanh bảo đảm cho một nhiệm vụ trung tâm là công tác vận tải, với chỉ tiêu gạo, đạn đến đích hằng ngày không thể tuỳ tiện được.

Vấn đề vận chuyển một khối lượng quy định đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu, đòi hỏi người lái xe chỉ được đạt và vượt cung độ quy định và đòi hỏi các lực lượng phục vụ, các lực lượng bảo đảm dành thời gian dài nhất, cho xe chạy có ích trong đêm được nhiều nhất.

Trong những ngày đầu của chiến dịch, trên toàn tuyến vận chuyển cơ giới có hai khâu chậm chuyển nhất và cũng làm giảm bớt thời gian lăn bánh có ích của xe trong đêm nhiều nhất, đó là khâu xếp dỡ hàng, việc chỉ huy xe chờ tránh nhau ở các đèo hoặc ở các đoạn đường độc đạo. Kẻ địch cũng lại nhằm đúng vào những nơi đèo dốc cao và đường hẹp này mà tập trung đánh phá. Vì vậy, công tác tổ chức, chỉ huy của vận tải cơ giới phải tập trung vào gỡ hai khâu khó khăn này.

Nơi xếp hàng cho xe chạy cũng là nơi tập trung kho tàng, xe cộ, là nơi làm công tác chuẩn bị về kỹ thuật, tra nạp xăng dầu, bổ sung hậu cần, lại có hầm cho lái xe nghỉ ngơi, có địa điểm tương đối thuận tiện làm công tác động viên chính trị, giáo dục nhiệm vụ, giải quyết những vướng mắc về tư tưởng trước khi lên đường, nên chúng tôi thường gọi nơi đây là "bàn đạp xuất phát tiến công" của bộ đội vận tải. Vì vậy, giải quyết khâu xếp dỡ hàng, chính là phải giải quyết đồng bộ, hoàn chỉnh, tại khu vực bàn đạp xuất phát tiến công.

Để trực tiếp kiểm tra từng giờ, hằng ngày và xây dựng các mặt cho khu vực bàn đạp tiến công của lực lượng xe, thủ trưởng tuyến vận tải đã quy định sở chỉ huy của các binh trạm vận tải (tương đương cấp trung đoàn) phải ở ngay đầu cung đường của mình và đặt sở chỉ huy (trung đoàn bộ) ngay tại khu vực bàn đạp xuất phát của xe, tức là ngay cạnh kho tàng, gần chỗ xe đậu, chỗ sửa chữa xe và nơi nghỉ ngơi, học tập của lái xe. Mọi khó khăn cần xin chỉ thị, những vấn đề phải hiệp đồng, giải quyết được nhanh và người chỉ huy cũng nắm được trực tiếp các chiến sĩ của mình, hiểu được khó khăn của lái xe để động viên hoặc giải quyết kịp thời những vấn đề còn vướng mắc. Một số khu vực đã tổ chức được quán giải khát nhẹ nhàng, có ấm trà Suối Cát, Thái Nguyên, vài điếu thuốc lá cuộn, đôi khi còn được xem vài tiết mục văn nghệ của tổ văn công không chuyên, tặng người chiến sĩ trước khi lên nắm vành tay lái.

Sự có mặt của sở chỉ huy binh trạm tại khu vực kho tàng, ngoài tác dụng chỉ huy còn có tác động tâm lý, thúc đẩy lực lượng xếp dỡ giải phóng xe nhanh. Các đồng chí chỉ huy hằng ngày ra vào kho, thấy được những trở ngại trên đường ra vào, đã có những chỉ thị cụ thể khắc phục, làm cho cả lái xe và lực lượng xếp dỡ đều có thành tích, đều phấn khởi.

Về việc chỉ huy xe ở trọng điểm và trên đường, qua kinh nghiệm các năm chỉ huy vận tải cơ giới, đến Điện Biên Phủ đã định hình được một tổ chức, đó là các trạm barie. Các trạm barie thường đặt ở ngã ba, ngã tư đường, hoặc đặt ở hai đầu trọng điểm vượt đèo, theo đường một chiều hoặc qua ngầm, phà khó khăn. Lúc đầu các trạm này chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh giao thông, nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, do hệ thống thông tin hữu tuyến thông suốt từ chỉ huy sở tuyến đến từng trạm, cho nên sau này các trạm barie thực chất là các trạm chỉ huy vận tải trên đường. Có trạm được nâng lên với nhiệm vụ là phân chi sở chỉ huy của tuyến tại mặt đường, vì nó là nơi nhận báo cáo của xe, nắm tình trạng từng xe đậu tập trung hoặc rải rác suốt trong cung độ của trạm phụ trách, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh của sở chỉ huy cho các xe như: thay đổi thứ tự ưu tiên cho mặt hàng đêm ấy, xe nào được đi trước, xe nào phải nhường đường, có khi cần thiết còn thay đổi mặt hàng; chuyển gạo xuống, lấy vũ khí cấp thiết hoặc chở thương binh nặng.

Vị trí của các trạm chỉ huy giao thông ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là ở khâu chỉ huy xe vượt trọng điểm. Trạm đã từng bước phối hợp với công binh, mở nhiều đoạn tránh nhau trên đèo, nhất là ở những đèo dài, như Pha Đin dài 30 km lại độc đạo, lúc đầu chỉ có hai trạm chỉ huy giao thông ở hai đầu đèo. Công binh và vận tải đã khảo sát mở thêm sáu đoạn tránh nhau nữa ở đèo, nên các đoàn xe liên tục ra vào ít phải chờ đợi.

Để nâng cao hiệu suất vận tải, một tổ chức nổi bật trong công tác chỉ huy là tổ chức thông tin liên lạc, từ sở chỉ huy của tuyến nối liển với các trạm chỉ huy vận tải trên mặt đường nối với "bàn đạp xuất phát tiến công" và các đơn vị xe, các đơn vị pháo, công binh.

Việc chỉ huy vận tải cơ giới ở mỗi tuyến đòi hỏi nắm tình hình tức thời ở từng điểm, khi sự việc đang xảy ra để xử lý. Mặc dầu những việc này đều có trong phương án từ trước nhưng mỗi lúc xử lý thường khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể lúc đó, người chỉ huy phải dùng điện thoại hoặc vô tuyến điện sóng ngắn nói trực tiếp với người phải chấp hành để ra mệnh lệnh, hoặc là động viên, hướng dẫn cụ thể cho cấp dưới.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ở Sơn La, một tuyến vận tải cơ giới gần 100 km được bảo vệ bằng một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly cơ động. Tiểu đoàn có nhiệm vụ phục kích đón lõng máy bay địch, cũng đã bắn rơi được một số chiếc, trong đó có một chiếc B57 rơi tại chỗ. Sự kiện này làm cho toàn tuyến, nhất là các đồng chí lái xe rất phấn khởi, yên tâm, nhất là những buổi cần tranh thủ đi sớm, lúc trời còn nắng và về muộn, khi sương đã tan dần. Mọi hoạt động của các binh chủng đều được chỉ đạo phục vụ xoay quanh công tác vận tải, sao cho các đơn vị ôtô có thời gian lăn bánh có ích, được tận dụng dài nhất trong một ngày đêm.

Trong những ngày Đông Xuân của Điện Biên Phủ, nhiều ngày có sương mù trên các đèo cao, các đồng chí chỉ huy vận tải đã nghiên cứu quy luật của thời tiết, quy luật hoạt động của máy bay địch để cho xe tranh thủ vượt các trọng điểm về nơi cất giấu hoặc lấy hàng.

Trên tuyến vận tải, còn truyền tụng lại một câu, vừa là khẩu hiệu vừa là phương châm cho cơ giới trên chiến trường rừng núi: "Chiều đi sớm, sáng về trưa, mưa lâm râm đi cả ban ngày". Đó là việc tranh thủ thời tiết để chạy xe. Nhưng thời tiết ở Điện Biên Phủ có khi phản lại chúng ta. Có hôm mới tinh mơ sáng, xe tranh thủ vượt Pha Đin, thì trời đã hửng nắng, nhiều lần đoàn xe và pháo cao xạ đã đụng độ với máy bay địch giữa lưng đèo hiểm trở.

Cơ quan tham mưu vận tải của tuyến đã phấn đấu theo sát bánh xe lăn để chỉ huy các lực lượng, bảo đảm cho từng người lái và từng chiếc xe đưa càng nhanh, càng nhiều hàng ra phía trước. Công tác tổ chức chỉ huy vận tải thực chất là tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng các binh chủng, bảo đảm cho vận tải cơ giới hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển là nhiệm vụ trung tâm của tuyến vận tải.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cơ quan tham mưu, các binh trạm và bàn đạp xuất phát tiến công được nối bằng mạng thông tin điện thoại vững chắc là những tổ chức cơ bản được củng cố, đi đôi với việc xây dựng các đại đội xe mạnh, gọn, nhẹ. Đó là những kinh nghiệm về tổ chức vận tải của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Công tác vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có một thành công lớn và cũng là thắng lợi đầu tiên so với các chiến dịch trước. Đó là việc vận chuyển thương binh trên tuyến đường dài bằng cơ giới. Trong hoàn cảnh tác chiến ở vùng rừng núi, xa hậu phương, lại không có những cơ sở dân y tại chỗ, Tổng cục Cung cấp tiền phương đã đề ra phương châm: "Vừa đánh vừa chuyển thương binh, chuyển liên tục, chuyển thường xuyên, kết hợp chuyển thương binh và điều trị dọc đường".

Muốn chuyển được thường xuyên phải tranh thủ kết hợp vận chuyển bằng ôtô theo phương châm "khi lên tải gạo, khi về chuyển thương", vì không có đủ xe hồng thập tự chuyên dụng và cũng vì thế khẩu hiệu an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Cho đến những ngày mưa xối xả vào cuối tháng 6-1954, những đồng chí thương binh của Điện Biên lịch sử, đã về nghỉ ngơi trong các đoàn an dưỡng và bệnh viện ở vùng dồi cọ rừng chè thân thuộc. Đó là thành tích chuyển thương lớn nhất, chủ yếu bằng cơ giới, trong thời gian ngắn nhất so với mọi chiến dịch từ trước đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 08:19:31 pm »


PHỤ NỮ VIỆT NAM GÓP PHẦN TẠO NÊN
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
1


TS. LƯU THỊ TUYẾT VÂN
Viện Sử học
Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử và thời đại, kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến anh dũng đầy gian khổ hy sinh của nhân dân ta, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ. Năm mươi năm đã qua, chiến công hiển hách ấy trở thành niềm tự hào của dân tộc và in đậm trong tâm trí của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Một trong những nguyên nhân đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là sự đóng góp hết sức to lớn của các tầng lớp nhân dân ta, trong đó có phụ nữ.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam, bên cạnh thiên chức làm mẹ và làm vợ, đã luôn phải cùng với nam giới chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm khẳng định: Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đúc kết: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Được Đảng tổ chức và lãnh đạo, trong gần một thế kỷ qua, phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Trong kháng chiến chống Pháp, trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với toàn dân, phụ nữ đã tham gia vào mọi công việc của kháng chiến, đặc biệt là đã tham gia phục vụ hàng chục chiến dịch lớn. Đây là lần đầu tiên phụ nữ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch có lực lượng địch tập trung lớn, vũ khí hiện đại. Tại các chiến dịch này, phụ nữ trực tiếp tham gia vào các lực lượng vũ trang, trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch, tham gia dân công làm đường, tải lương, tải thương... Vượt lên trên sự nguy hiểm đến tính mạng, sự thiếu thốn về vật chất và thể lực nhỏ yếu, phụ nữ vẫn luôn luôn có mặt và góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch, khiến kẻ thù cũng phải khiếp sợ. Trong Chiến dịch Biên giới, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đều là tỉnh miền núi, thưa dân, phần đông nam thanh niên đã đi bộ đội nên người đi dân công chủ yếu là phụ nữ và trung niên. "Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng, v.v. đi tiếp tế vận tải đông đảo như vậy... Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm..."2. Theo số liệu thống kê, trong số 18 chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công. Nếu chỉ tính riêng một số chiến dịch lớn (Biên giới, Trung du, Tây Bắc, Hoà Bình, Nghĩa Lộ, Điện Biên Phủ), phụ nữ đã đóng góp 50% số ngày công phục vụ chiến dịch. Tỉnh Thanh Hoá, hai phần ba số dân công phục vụ các chiến dịch là phụ nữ3.

Trên các lĩnh vực đều có những phụ nữ xuất sắc. Ngày 16-9-1950, tại trận Đông Khê, nữ dân công Đinh Thị Dậu bảy lần vượt qua hoả tuyến đưa thương binh ra khỏi trận địa. Nữ dân công Triệu Thị Soi chuyển đạn ra tận chiến hào, khi quay về cõng thương binh đi tắt đường núi để kịp cấp cứu4. Ở Chiến dịch Biên giới, phụ nữ còn tham gia nuôi tù binh, cấp cứu sơ bộ và trao trả hàng trăm tù binh cho đối phương. Bà cụ Vĩnh (Nam Định), có sáu người con (năm trai, một gái) đều tham gia bộ đội. Bà cụ Mán ở Lào Cai có bốn người con trai đều là du kích và ba người đã hy sinh cho Tổ quốc...5. Chị Ngọc Thị Tý người xã Nguyễn Trãi, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) liên tục chèo thuyền đưa bộ đội qua sông Đà, có lần bị địch bắn chặn, chị vẫn bình tĩnh đưa thuyền vào bờ an toàn. Chị Phương cán bộ dân công gặp lúc trời mưa to, nước đến ngực, xung phong đội gạo lội qua suối, rồi giúp đỡ và cổ động mọi người đều sang, nhờ vậy mà bộ đội khỏi thiếu ăn6. Mế Thịnh, dân tộc Mường xã Cao Phong (Kỳ Sơn, Hoà Bình) đã 80 tuổi vẫn cùng con cháu đi phục vụ Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hoà Bình, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, nấu cơm, nấu nước uống cho bộ đội, cấp cứu thương binh bất chấp địch bắn phá dữ dội. Chị Ngô Thị Tân, xã Châu Minh (Hiệp Hoà, Bắc Giang) mặc dù con còn nhỏ, chồng đi bộ đội, bố đi dân công vẫn gửi con để đi phục vụ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám...

Cùng với phụ nữ phục vụ tại các chiến trường, phụ nữ hậu phương không quản thiếu thốn, đói rét hết lòng chi viện cho kháng chiến. Mẹ Phạm Thị Được, ở khu Tự Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tờ trái phiếu 100 kg thóc để làm giải thưởng thi đua sản xuất. Em Nguyễn Thị Lương, ở bến đò Mộc, xã Minh Quang (Bất Bạt, Sơn Tây), đi mót lúa bán lấy tiền giúp đỡ bộ đội. Trong hai tháng đầu năm 1951, tuy đói kém, phụ nữ Ngân Sơn vẫn góp được 2.230 bơ gạo tương đương với 1.061 kg gạo cho kháng chiến...

Có thế nói, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong việc phục vụ các chiến dịch. Họ chính là những người góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng"7.
______________________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8-3-2004.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 110.
3. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1981, t.I, tr. 188 và Những chặng đường lịch sử vẻ vang của phụ nữ Thanh Hoá, Nxb. Thanh Hoá, 1980, tr. 35.
4. Hai chị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công.
5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 338, 260.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 431.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 08:42:13 pm »


2. Phụ nữ trực tiếp phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trong điều kiện hết sức khó khăn và khốc liệt.

Tham gia mở đường chiến dịch. Điện Biên Phủ xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt các đường giao thông hòng ngăn chặn đường tiếp tế của ta (và chúng cũng dự đoán ta sẽ bị thua vì sẽ không khắc phục được giao thông, tiếp tế). Đèo Pha Đin, địch ném bom 18 ngày liền, có ngày chúng thả tới 160 quả bom. Đèo Cả bị bắn phá ròng rã gần hai tháng, có ngày bị ném tới 300 quả bom. Địch thả bom hạng nặng để tiêu huỷ mặt đường, kèm theo là bom nổ chậm vùi sâu dưới đất và sau đó rắc lên hàng trăm quả bom bướm nổ chậm. Tuyến vận chuyển thuỷ Nậm Na có vị trí quan trọng trong các tuyến cung cấp của mặt trận nhưng có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm vì sông Nậm Na dài và có 103 cái thác, có thác dài 1.000 m, lòng sông có đá ngầm. Trong khi vận chuyển nhiều mảng đã bị lật và nhiều dân công đã bị hy sinh... Bước vào chiến dịch, Đảng ta nhận định, khó khăn lớn nhất của ta ở Điện Biên Phủ là vấn đề hậu cần mà chủ yếu là vấn đề đường sá. Nếu đường sá không được giải quyết thì không thể vận chuyển được. Ngày 16-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng", "công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một chiến dịch mà các cô, các chú là chiến sĩ"1. Trong tình trạng đường sá như vậy ta lại phải vận chuyển một khối lượng vật chất rất lớn cho chiến dịch là một khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta2.

Để đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, cùng với bộ đội, dân công nam, phụ nữ đã tham gia "chiến dịch làm đường" trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của địa hình và thời tiết miền núi. Họ phải chiến đấu với địch, với mưa lũ, đói rét, thiếu thốn, muỗi rừng, vắt, với bom đạn để tham gia làm đường như nam giới, "phải sống lén lút trong rừng sâu, sợ ruồi vàng, sợ lửa, sợ khói, sợ cả tiếng cười nô đùa”3. Trên khắp các tuyến đường giao thông quan trọng tới Điện Biên Phủ, hàng ngàn phụ nữ gồm cả người Kinh, người Tày, người Mường, ngươi Thái, người Mông, người Hoa tham gia chiến dịch làm đường. Nhờ đó, mạng lưới đường chiến lược gồm cả các bến vượt sông, các bến phà dự bị đến Điện Biên Phủ đã được mở rộng và sửa chữa, tạo điều kiện để đưa gạo và đạn dược đến khu vực tập kết. Đã có nhiều phụ nữ dũng cảm xuất hiện.

Tại đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, đèo Pha Đin… anh chị em dân công túc trực ngày đêm bảo đảm giao thông thông suốt để "không một lý do gì mà trì hoãn giao thông". Trên các tuyến đường khác, với khẩu hiệu "Bảo vệ giao thông tuyệt đối", phụ nữ đã dũng cảm làm việc ngay cạnh những hố bom nổ chậm, cạnh cái chết hàng tuần lễ cùng với bộ đội công binh chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, vượt phễu... Vì vậy, trong cả chiến dịch kéo dài, địch thả 6.000 tấn bom lên trung tuyến, nhưng chỉ có sáu, bảy ngày đêm xe bị tắc4. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2.381.000 ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch5.

Tham gia tiếp vận, cứu thương và nuôi dưỡng thương binh. Không kể những phụ nữ trong các binh chủng quân đội, trên khắp các tuyến cung cấp và hoả tuyến, phụ nữ đều có mặt. Họ phải làm các công việc hết sức nặng nhọc, trong điều kiện bom đạn nguy hiểm để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men cho bộ đội, tải thương, nuôi dưỡng thương binh, làm cấp dưỡng cho bộ đội... Ví dụ, tại tuyến vận tải thuỷ Nậm Na, dân công và công binh đã không quản nguy hiểm tiến hành phá thác và cải tiến mảng để việc vận chuyển đạt hiệu quả cao gấp ba lần. Nhiều nữ dân công miền xuôi lên vốn chưa hề quen sông nước, đã cố gắng rèn luyện để điều khiển mảng, chuyển lương một cách thành thạo trong điều kiện "rét rừng thấm đến tận xương tuỷ. Mặc hết cả áo, đắp hết cả chăn mà đầu gối vẫn còn buốt" trong khi đó các chị chỉ có áo mỏng chở thuyền vượt thác. Có chị đã thức liền 30 đêm chạy lên chạy xuống chín cái thác để soi đèn, nến hướng dẫn cho các đoàn thuyền. Nhờ có các chị mà những đoàn thuyền trông như "những đoàn thuỷ chiến" đã đi tới Điện Biên Phủ một cách an toàn6. Với tất cả khả năng và sức lực của mình, những phụ nữ ở mặt trận phải bốc vác nhanh, mang nặng và có trường hợp quên cả thân mình bảo vệ gạo. Trong lúc khẩn cấp, hai chị dân công tỉnh Vĩnh Phúc bốc xếp trong bốn phút được một xe hàng. Có chị là con một gia đình buôn bán ở thị xã Tuyên Quang, tuy vóc người mảnh mai nhỏ yếu nhưng đã phấn đấu gánh từ 18 kg đến 64 kg. Nhiều chị xông pha giữa bom napan để cứu hàng, nguỵ trang. Nhiều nữ thanh niên xung phong leo đèo, lội suối vác đạn cối 105 ly vào các trận địa pháo. Có chị bị trúng bom napan vẫn lao mình vào cứu các hòm đạn. Những phụ nữ làm công tác tải thương đã hết lòng vì thương binh. Nữ dân công Thanh Hoá, Phú Thọ tải thương trong đêm tối liên tục trong mấy tháng chiến dịch, qua các ngọn đồi cao tới 400-500 bậc nhưng các thương binh nằm trên cáng vẫn được an toàn. Các chị còn nhường áo mưa, áo bông cho thương binh lúc trời giá rét... Nhiều chị đã quên mình hy sinh trong quá trình phục vụ chiến dịch.

Phụ nữ các dân tộc Tây Bắc đã tận tâm, tận lực phục vụ chiến dịch. Bước vào chiến dịch, Đảng rất coi trọng hậu cần tại chỗ và đề ra phương án tích cực tận dụng khả năng cung cấp và dân công của địa phương Tây Bắc và của Lai Châu... Phụ nữ Tây Bắc, đặc biệt chị em phụ nữ Lai Châu nhờ quen địa hình đã làm công tác dẫn đường, cùng với bộ đội, dân công ngày đêm vượt suối, băng rừng để tiếp vận, dựng lán, làm hầm cho thương binh, đào hào chống xe tăng địch. Có cụ bà ngoài 70 tuổi đã phục vụ suốt Chiến dịch Tây Bắc vẫn xung phong phục vụ tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ và hai người nữa đã nuôi và chăm sóc 230 thương binh. Một mẹ già người Thái ở Mường Thanh, trong khi cả gia đình chỉ còn một ống muối vẫn kiên quyết tặng bộ đội.

Nhờ có sự đóng góp to lớn của phụ nữ mà trong suốt thời gian dài chiến dịch, vấn đề cung cấp đã được giải quyết tốt, bộ đội được ăn đủ tiêu chuẩn 0,8kg gạo cho một ngày. Thương binh được đưa kịp thời về hậu tuyến và được chăm sóc chu đáo.
______________________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 139, 140.
2. Tổng Quân uỷ dự tính, ngoài số lượng cung cấp của Hội đồng Cung cấp chiến dịch cần 14.500 dân công, 4.200 tấn gạo, 100 tấn rau khô, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường, 300 tấn đạn dược.
3. Tôn Thất Tùng: Con đường Điện Biên Phủ, Nhật ký, báo Cứu quốc, ngày 20-12-1954.
4. Thái Cương: Chiến tuyến cung cấp, báo Cứu quốc, ngày 20-12-1954.
5. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Sđd, t.I, tr. 188.
6. Xem báo Nhân Dân, ngày 7-5-1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 08:46:52 pm »


3. Phụ nữ góp phần quan trọng củng cố và ổn định hậu phương, ra sức chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vấn đề hậu phương vẫn là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Hậu phương có ổn định thì mới bảo đảm việc cung cấp mọi nhu cầu cho mặt trận, ổn định tinh thần chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong khi hầu hết nam giới đã được động viên ra tiền tuyến, thì mọi công việc khác ở hậu phương phần lớn do phụ nữ gánh vác.

Tham gia lực lượng vũ trang tiêu diệt sinh lực địch. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, địch phải tập trung đối phó với ta ở Điện Biên Phủ nên ở nhiều nơi khác chúng bị sơ hở. Nhân đó, chiến tranh du kích của ta có điều kiện phát triển mạnh nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, kìm giữ lực lượng của địch tăng cường cho Điện Biên Phủ. Chỉ tính từ 1951-1954, có gần một triệu chị tham gia dân quân du kích. Nữ du kích đã tham gia nhiều trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực phá đường giao thông, uy hiếp nhiều vị trí của địch. Đồng bằng Bắc Bộ là địa bàn chiến lược quan trọng của địch, là "cái then cửa của vùng Đông Nam Á" đã bị bộ đội và dân quân du kích tấn công liên tục trên khắp các vùng xung yếu. Nữ du kích đã cùng bộ đội tham gia tiêu diệt nhiều vị trí địch ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh; bức địch bỏ hàng loạt vị trí quan trọng ở Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông; mở rộng các khu căn cứ của ta ở tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng. Đường số 5, yết hầu của địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị quân ta phục kích, đánh đổ nhiều đoàn tàu và kìm chân 14 tiểu đoàn địch. Nhiều nơi chị em phụ nữ đã cùng nhân dân và bộ đội bao vây đồn bốt, chống càn quét rất anh dũng. Ở Hà Nội, nữ du kích ở xã Long Biên dùng bãi sông Bồng Lai, Hạ Trại làm căn cứ, chịu đựng thiếu thốn đào hầm nguỵ trang đánh địch lùng sục, thăm dò địch để giúp cán bộ hoạt động. Nhờ kiên trì bám trụ, đến tháng 4-1954, du kích Gia Lâm trở thành chỗ dựa của bộ đội chủ lực đánh trận phá 18 máy bay địch ở sân bay Gia Lâm. Nếu tính cả cuộc kháng chiến, có chị đã tham gia đánh địch hàng chục trận như chị Ngô Thị Mùi 25 trận, chị Nguyễn Thị Vân 15 trận...

Tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngày 8-2-1954, Trung ương Đảng ra chỉ thị nhấn mạnh "năm 1954 cần tuyển quân nhiều hơn mọi năm". Chị em phụ nữ đã động viên chồng con nhập ngũ. Đến năm 1954, từ khu V trở ra theo số liệu chưa đầy đủ, đã có gần hai nghìn gia đình có từ ba, bốn quân nhân trở lên. Hàng vạn gia đình có từ một đến hai quân nhân. Một số gia đình có hai, ba con gái và con dâu nhập ngũ. Nhiều gia đình đã có một đến hai con là liệt sĩ"1. Về chi viện dân công, các làng xóm phải bình chọn người đi và cắt cử người ở lại để bảo đảm sản xuất. Ở vùng tạm bị chiếm Hải Phòng, Thái Bình, vào vụ Đông Xuân 1953-1954, bất chấp địch o ép mạnh, nhiều phụ nữ vẫn bí mật cùng với các đội dân công ra vùng tự do để lên mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng vạn chị em phụ nữ Thanh Hoá xung phong đi tiếp vận sáu tháng đến bảy tháng liên tục. Nhiều chị em có con nhỏ vẫn tình nguyện đi phục vụ chiến dịch. Riêng thị xã Thanh Hoá có 152 chị tham gia làm đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ2... Ở các địa phương, chị em phụ nữ cũng tích cực vận động mọi người đóng góp của cải, vật chất cho chiến dịch, tặng quần áo ấm cho người đi dân công. Đồng bào Mông khắc phục thuỷ thổ và tập quán để xuống núi. Đồng bào Thái cố học cách gồng gánh của người Kinh để tăng năng suất phục vụ. Anh chị em dân công xe thồ chuẩn bị xe đạp, cố gắng mua sắm phụ tùng tốt.

Phụ nữ nông dân đã hưởng ứng nhiệt liệt chính sách của Đảng và Nhà nước bất chấp khó khăn về thiên tai, sự phá hoại và đàn áp của giặc bám làng bám ruộng để sản xuất tăng sản lượng thóc và nộp nhanh, nộp đủ thuế. Nông dân vùng tạm bị chiếm chuyển thóc ra vùng tự do để đóng thuế cho Chính phủ. Có nơi nhân dân cất giấu thóc ngay tại địa phương để cung cấp cho bộ đội và du kích hoạt động ở vùng địch hậu.

Chị em phụ nữ vùng Tây Bắc cùng với gia đình họ đã đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch. Đồng bào đã đóng góp xe đạp, thuyền bè, voi thồ, ngựa thồ. Cả vùng Tây Bắc và vùng Trung Bộ đã huy động được hàng trăm voi để chuyên chở phục vụ kháng chiến. Phụ nữ Tây Bắc hăng hái xay thóc để cung cấp gạo cho bộ đội. Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ nhận định: vấn đề cung cấp sẽ không được giải quyết nếu không vận động được toàn thể đồng bào Tây Bắc đứng lên cùng bộ đội đánh giặc. Đồng bào Mông xưa nay chưa bao giờ xuống núi, phụ nữ Mông đã vận động chồng con đi dân công phục vụ chiến dịch và tòng quân.

Đấu tranh chống địch bắt lính, địch vận, ngụy vận. Đây là một công tác đặc biệt quan trọng trong kháng chiến. Do tình trạng thiếu quân số ngày càng trầm trọng, trong Đông Xuân 1953-1954, địch ra sức thực hiện chính sách "dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Chúng đã bắt cả thanh niên dưới 18 tuổi và phụ nữ đi lính và làm mật thám. Đảng coi công tác đấu tranh chống địch bắt lính là một nhiệm vụ trọng yếu và chỉ thị: "Phá kế hoạch bắt, lính của địch hiện nay là một nhiệm vụ quân sự và chính trị quan trọng của ta bên cạnh nhiệm vụ tác chiến"3. Phụ nữ vùng sau lưng địch vừa phải bảo vệ bản thân vừa phải tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh trực diện với địch với nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao.

Ngày 7-5-1954, tại Quảng Bình, 200 phụ nữ lăn ra đường cản đường xe địch bắt lính, cuối cùng chúng phải nhượng bộ4. Ở Gò Công, phụ nữ cùng cụ già, thiếu nhi tự vác giáo mác bao vây tháp canh gọi địch ra hàng5. Phong trào chống bắt lính phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Tại Hà Nội, chị em có nhiều hình thức như chạy tiền cho con ra hậu phương, cho con lẩn tránh hoặc tự gây thương tích để khỏi bị bắt lính. Tháng 3-1953, có bà đã tự tử để phản đối việc chồng phải đi lính. Phụ nữ còn tổ chức các đoàn người gồm bà già tóc bạc, chị em bụng mang dạ chửa, nách bế con thơ hoặc dắt theo trẻ em đi đấu tranh đòi cho chồng, cho con, cho bố trở về, tổ chức tiếp xúc với tân binh rồi đánh tháo tập thể... Các hoạt động bao vây vị trí như ở Thanh Né, Vân Am, Nam An buộc địch phải rút chạy. Quân địch ở các vị trí Ân Xá, Mụa, Đông ở Tả ngạn, Hà Nam, trước sức mạnh của nhân dân, phải mang vũ khí ra hàng. Tính chung trong Đông Xuân 1953-1954, chỉ riêng phụ nữ đã vận động được 1.700 binh lính bỏ hàng ngũ địch về với gia đình6. Công tác đấu tranh chống địch bắt lính, địch vận, nguỵ vận đã góp phần phá tan âm mưu "dùng người Việt trị người Việt" của địch, hạn chế khả năng chúng tăng quân lên Điện Biên Phủ. Sự đóng góp của phụ nữ về mặt này đã làm thất bại kế hoạch của chúng. Trong một báo cáo gửi về Pháp, Nava đã phải ngậm ngùi báo cáo rằng: trong số 16.000 người Việt Nam vừa bắt vào quân đội (ngụy binh - T.G) thì 14.000 đã đảo ngũ. Tỷ lệ số lính không phục tùng mệnh lệnh chỉ huy lên tới 90%7.

Ngoài ra, phụ nữ hậu phương còn có nhiều hoạt động khác làm suy yếu kẻ địch trên các mặt trận kinh tế, văn hoá ở khắp các vùng đô thị, nông thôn, vùng tự do, vùng tạm bị chiếm. Các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khoá liên tiếp nổ ra. Các cơ sở kinh tế của địch luôn luôn bị phá hoại. Những chiến dịch tuyên truyền, cổ động nhằm vạch trần âm mưu của địch, khuếch trương thanh thế của ta thường xuyên được tổ chức. Chị em còn tổ chức những hoạt động nhằm ủng hộ các chiến sĩ Điện Biên Phủ như Hội mẹ chiến sĩ chăm sóc thương binh, quyên góp quà gửi cho bộ đội, gửi hàng ngàn lá thư thắm tình quân dân ra tiền tuyến, tổ chức phong trào lên Điện Biên Phủ đón thương binh về chăm sóc... Nhiều chị em đã kết hôn với thương binh.

Sau thất bại ở Chiến dịch Biên giới, thực dân Pháp phải thừa nhận: "Các ông đã thắng là vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến"8. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vậy, Nava hy vọng biến Điện Biên Phủ thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" làm cái "chốt", "cái bẫy", cái "máy nghiền" quân chủ lực Việt Minh ở Tây Bắc nhưng đã bị vỡ mộng. Với sự tham gia của đông đảo phụ nữ, vấn đề hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được giải quyết, bộ đội ta không những không bị tiêu diệt mà còn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm với trang bị hết sức tối tân của thực dân Pháp giành thắng lợi chấn động địa cầu.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều phụ nữ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có thể không còn nữa nhưng những đóng góp phi thường của các chị đáng được khâm phục và chắc chắn được lịch sử dân tộc ghi nhận như những người con bất khuất của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước của phụ nữ Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được phát huy cao độ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954-1975 và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ sau năm 1954 và ở cả nước từ sau năm 1975. Huy động được khả năng và vai trò của phụ nữ, Đảng và Nhà nước đã ngày càng tin tưởng vào lực lượng phụ nữ và đã giao nhiều trọng trách cho phụ nữ. Do đó lực lượng phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
____________________________________________________
1. Báo Nhân Dân, ngày 27-7-1955.
2. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của phụ nữ Thanh Hoá, Sđd, tr. 35.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 44.
4. Báo Nhân Dân, từ ngày 29-5 đến ngày 1-6-1954.
5. Báo Nhân Dân, từ ngày 22-5 đến ngày 24-5-1954.
6. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, t. II, tr. 339.
7. Tuốcnô: Bí mật quốc gia, Nxb. Plông, Pari, 1960. Dẫn theo Chiến thắng Điện Biên Phủ... Ký sự, Sđd, tr. 105.
8. Lời quan năm Pháp Lơ Pagiơ, chỉ huy Binh đoàn Thất Khê trong Chiến dịch Biên giới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM