Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:46:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 16687 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 10:36:42 pm »


Ba là, linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng các hình thức chiến thuật, cách đánh.

Binh chủng mới, chiến trường mới, hình thức tác chiến mới, nếu không linh hoạt, sáng tạo sẽ hoàn toàn bị bó tay. Linh hoạt, sáng tạo trước hết được thể hiện trong việc sử dụng lực lượng, mà điều cốt lõi là tập trung được hoả lực vào hướng chủ yếu, vào thời cơ chủ yếu. Trong đợt một chiến dịch, pháo cao xạ chỉ mới sử dụng năm đại đội, tập trung yểm hộ cho Đại đoàn 312 đánh Him Lam. Sau đó chúng ta lại nhanh chóng di chuyển trận địa theo sát bộ binh, yểm hộ cho Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 đánh cứ điểm Độc Lập. Lực lượng ít nhưng do chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, pháo cao xạ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bắn rơi 14 máy bay địch trong đợt một, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho bộ binh và pháo binh. Rồi trên cơ sở đó, chúng ta kịp thời rút kinh nghiệm, đưa dần lực lượng vào. Làm như vậy, không những địch bị bất ngờ về lực lượng cao xạ của ta trong đợt một mà ngay trong đợt hai địch cũng bị bất ngờ.

Trong tác chiến bảo vệ giao thông, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm quý báu về sử dụng lực lượng và cách đánh linh hoạt sáng tạo. Một đoạn đường dài hàng trăm kilômét từ Tạ Khoa trở vào, qua nhiều trọng điểm như Lũng Lô, Cò Nòi, Pha Đin... chúng ta chỉ có hai đại dội 37 ly của Tiểu đoàn 396 và một đại đội 12,7 ly bảo vệ. Lúc đầu, ta dàn đều lực lượng nên hiệu quả bảo vệ kém. Sau phân tích thấy Cò Nòi là trọng điểm quan trọng nhất nên chúng ta quyết định tập trung lực lượng vào đó, còn chỗ nào công binh, dân công có thể khắc phục được một cách nhanh chóng, dễ dàng, thì không cần thiết phải bố trí cao xạ.

Việc đưa pháo lên trọng điểm Cò Nòi là một kỳ công, thể hiện quyết tâm đánh địch của các chiến sĩ Tiểu đoàn 396. Anh chị em dân công không tiếc sức mình đắp kè qua suối làm đường cho pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Dốc cao, xe không kéo nổi khẩu pháo nặng trên hai tấn, pháo thủ, thanh niên xung phong, dân công đã hiệp lực buộc dây cáp vào mui xe kéo pháo lên núi an toàn. Bốn khẩu pháo được bố trí hàng dọc trên dãy núi hình thước thợ, hai khẩu trước cao hơn hai khẩu sau, anh em thường gọi đùa là "trận địa củ khoai Cò Nòi". Thực là một trận địa của tính sáng tạo, một trận địa chưa từng được ghi trong sách vở nào. Và chính từ trận địa lợi hại này, các chiến sĩ Tiểu đoàn 396 đã bắn rơi ba máy bay địch, bắn bị thương bốn chiếc khác, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ giao thông thông suốt từ hậu phương ra chiến trường.

Linh hoạt, sáng tạo còn thể hiện trong vấn đề chọn trận địa. Nếu cứ theo đúng như lý thuyết thì ở Điện Biên Phủ không thể chọn được một trận địa nào cho pháo cao xạ, bởi vì trong tám điều kiện chỉ có một điều kiện là: "Không gần đường dây cao thế". Thực tế chiến trường buộc chúng ta phải linh hoạt xử trí. Trận địa ở trọng điểm Cò Nòi đã được bố trí theo đội hình hàng dọc, chứ không phải bốn khẩu vây quanh sở chỉ huy như thường lệ. Còn ở đèo Lũng Lô thì trận địa lại rộng đến 2.000m, từng khẩu đội cách nhau 300m. Vì quá rộng không thể nghe lệnh chỉ huy bằng miệng, đơn vị phải dùng điện thoại để chuyển lệnh xạ kích. Còn ở Cò Nòi thì dùng xẻng.

Từ thực tiễn tác chiến phòng không ở Điện Biên Phủ cho phép ta kết luận: Khi đã có phương châm chiến lược đúng, phương châm chiến thuật thích hợp thì việc vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thế của từng đơn vị, từng địa bàn khác nhau là điều kiện hết sức quan trọng để giành thắng lợi.

Bốn là, vận dụng triệt để đánh gần, đánh tập trung, đánh máy bay địch bổ nhào dựa trên ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần của quân đội cách mạng.

Chủ trương đánh gần, bám sát bộ binh, đưa trận địa pháo cao xạ vào sát hàng rào cứ điểm địch là một chủ trương sáng suốt, táo bạo. Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã phân tích đầy đủ các yếu tố chính trị, tinh thần, điều kiện kỹ thuật cho phép mà phát động bộ đội pháo cao xạ theo sát đội hình chiến dịch, khép chặt vòng vây vùng trời tập đoàn cứ điểm, kiên quyết triệt đường không vận của địch. Kết quả là nhiều đạn dược, lương thực, thuốc men, kể cả lính dù của địch lọt vào tay quân ta1. Các máy bay địch bị bắn rơi ở Điện Biên Phủ đều nằm trong tầm bắn có hiệu quả của pháo cao xạ 37 ly với hoả lực tập trung và nhiều chiếc bị bắn rơi tại chỗ trong giai đoạn bổ nhào.

Mặt khác, chính chủ trương cho pháo cao xạ áp sát hàng rào các cứ điểm, chúng ta đã mặc nhiên hạn chế một cách đáng kể uy lực của không quân địch. Từ giữa đợt hai trở đi, trận địa pháo cao xạ ta và cứ điểm địch nằm sát nhau, khiến cho bọn phi công không thể tự do đánh phá mà không sợ bom đạn lạc vào quân của chúng. Trong thực tế đã xảy ra điều đó2 . "Trận này đã làm nổi bật hai điểm quan trọng trong khoa học quân sự. Đó là chiến thuật đánh gần của cộng sản... và sự thất bại trong việc dùng không quân chống lại chiến thuật ấy"3.

Khi bộ binh ta đã vây chặt khu trung tâm Điện Biên Phủ, địch chỉ còn một khoảng đất, một vùng trời nhỏ hẹp, máy bay địch bắt buộc phải lượn vòng nhỏ để làm nhiệm vụ tiếp tế, hầu hết các đại đội pháo cao xạ của ta cũng được lệnh tiến hẳn xuống lòng chảo để triệt đường tiếp tế của địch. Ngày 30-4-1954, các phi đội đã được lệnh của Bộ Chỉ huy không quân ở Viễn Đông cấm bay trên lòng chảo Điện Biên dưới ba ngàn thước4.
_________________________________________________
1. Theo Giuyn Roa: Chỉ riêng ngày 2-5-1954, các máy bay C119 thả lạc 65 tấn, máy bay DC3 mất 20 tấn, ban đêm mất thêm 24 tấn nữa và mất luôn 50 lính dù.
2. Giữa ban ngày, một chiếc B26 đã ném một quả bom 250 kg vào cứ điểm Êpécviê ngay sát hầm Đờ Cátxtơri. 17 giờ cùng ngày hai quả bom rơi trúng cứ điểm Giuynông.
3. M. Harion, Tạp chí Quốc phòng Airơlen.
4. Tư liệu Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội, Hà Nội, 1974.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 10:41:39 pm »


Năm là, nắm vững phương châm tác chiến cơ động, tích cực tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng ta.

Đây vừa là một thành công, vừa là một kinh nghiệm xương máu của tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ tích cực di chuyển trận địa mà lực lượng của ta ít hoá nhiều, giảm được tổn thất do địch đánh phá. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức rõ vấn đề này. Trong đợt một, ta ít di chuyển trận địa nên bị thiệt hại tương đối nhiều. Đợt hai ta kịp thời rút kinh nghiệm, tích cực cơ động, mỗi đại đội thường có ít nhất ba, bốn trận địa dự bị, nên thiệt hại giảm hẳn xuống. Có nhiều trường hợp đơn vị vừa di chuyển thì trận địa cũ bị đánh phá ngay. Có những thiệt hại lẽ ra không đáng có chỉ vì ngại mệt, ngại khó, không chịu di chuyển như Đại đội 816 ở Nà Lòi, tám ngày không di chuyển nên bị địch đánh phá, thương vong cả một khẩu đội.

Đặc điểm của pháo cao xạ là bố trí thành từng trận địa tập trung khi bắn, nhất là ban đêm, lại phát sáng, nên dễ bị lộ. Vì thế, việc cơ động trận địa sau mỗi trận đánh, mỗi đợt hoạt động là rất cần thiết. Nếu không có quyết tâm cao, không khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại mệt nhọc, ngại thức đêm để hành quân, làm trận địa, thì sẽ bị những tổn thất đáng tiếc. Nhất là vào những ngày cuối của chiến dịch, lực lượng cao xạ triển khai tương đối đông, trên một diện tích không rộng, trận địa lại bố trí ngay giữa lòng chảo dưới tầm phi pháo ác liệt của địch, nhưng nhờ quán triệt nguyên tắc chiến thuật tích cực cơ động, bí mật bất ngờ, nên bộ đội pháo cao xạ đã bảo tồn được lực lượng, liên tục đánh địch, càng đánh càng mạnh. Ngày chiến đấu liên tục, căng thẳng, nhưng đêm đến, cán bộ, pháo thủ, nhân viên cơ quan, nắm chắc cán xẻng trong tay, đào đắp thêm trận địa cho đến mờ sáng. Hôm nay đánh địch ở trận địa này, ngày mai lại chuyển sang đánh địch ở trận địa khác. Có khi chỉ trong một ngày di chuyến đến hai, ba lần. Thậm chí đưa ngay pháo về trận địa mà địch vừa mới đánh hụt để tiếp tục chiến đấu. Do đó, chỉ với 36 khẩu pháo cao xạ cỡ nhỏ, bộ đội pháo cao xạ Việt Nam mới ra quân trận đầu đã làm cho hàng trăm máy bay địch phải lúng túng, bất lực. Tướng Lôranh, Tư lệnh không quân Đông Dương phải cay đắng thú nhận: Không quân Pháp phải thường xuyên xuất hiện bốn lần trên một đường bay trên những nòng pháo phòng không của đối phương1. Người ta đã thấy nhiều cầu hàng không khác nhau ở Mianma, Béclin, nhưng chưa bao giờ thấy như ở đây, cầu hàng không lại rơi đúng vào lưới lửa của nòng súng quân địch2.

Bằng cách đánh sáng tạo, dũng cảm, biến không thành có, biến ít thành nhiều, tích cực chủ động tiến công địch, các chiến sĩ pháo cao xạ và súng máy phòng không ở Điện Biên Phủ làm cho địch bay vào chỗ nào cũng bị bắn, thả dù hướng nào cũng bị trừng trị. "Việc tồn tại ở thung lũng Điện Biên Phủ và xung quanh Điện Biên Phủ một bộ đội phòng không ngày càng có hiệu lực đã buộc các phi công ta phải vượt qua một lưới lửa bảo vệ như những vùng xung yếu ở châu Âu trong thời kỳ cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai"3.

Rõ ràng, nghệ thuật tác chiến đã tạo nên sự chuyển hoá kỳ diệu đó. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho bộ đội pháo cao xạ ta giữ gìn được lực lượng, tiêu diệt được nhiều địch, hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm quý báu mà sau này trở thành một trong những phương châm tác chiến cơ bản của bộ đội phòng không Việt Nam: Tích cực tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng ta, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

Sáu là, vừa chiến đấu vừa xây dựng, lấy chiến trường làm thao trường, kịp thời rút kinh nghiệm, trưởng thành nhanh chóng trong chiến đấu.

Để bảo đảm chiến đấu được liên tục, lâu dài, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch, bộ đội pháo cao xạ đã hết sức coi trọng công tác xây dựng toàn diện, trước hết là xây dựng ý chí, quyết tâm. Công tác giáo dục chính trị được chú trọng, đặc biệt là giáo dục "quyết tâm giải phóng Trần Đình"4, làm cho tất cả mọi người cùng hướng về một mục tiêu, tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Trong chiến đấu ác liệt, sự lãnh đạo của Đảng được đề cao mọi nơi, mọi lúc. Chi bộ đại đội thường xuyên được kiện toàn, trở thành hạt nhân lãnh đạo đơn vị.

Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, vấn đề khôi phục sức chiến đấu được đặt ra một cách gay gắt. Để kịp thời bổ sung quân số, nhanh chóng củng cố lực lượng, những chiến sĩ mới được đưa xuống đơn vị, vừa huấn luyện, vừa tham gia chiến đấu tại trận địa. Về sau, do nhu cầu thực tế của chiến trường, trung đoàn đã mở lớp đào tạo pháo thủ ngay tại mặt trận. Cán bộ tiểu đoàn, cán bộ đại đội làm giáo viên. Học cụ là một khẩu pháo hỏng đem chữa lại. Nội dung, ngoài những vấn đề cơ bản, là những kinh nghiệm nóng hổi nhất, vừa được rút ra trên chiến trường. Các chiến sĩ mới luân phiên nhau về học. Chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội pháo cao xạ ở Điện Biên Phủ đã tự bổ sung cho các đại đội chiến đấu hàng trăm pháo thủ nắm vững kỹ thuật, chiến thuật. Cho đến cuối chiến dịch vẫn còn một lực lượng dự trữ khá hùng hậu, có thể tiếp tục chiến đấu lâu dài. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, không chỉ là kinh nghiệm tác chiến mà đã trở thành truyền thống quý báu của Quân chủng Phòng không sau này. Sau Binh chủng pháo cao xạ, các binh chủng rađa, tên lửa, không quân đều vừa thành lập xong là bước ngay vào chiến đấu. Trong quá trình chiến đấu lại tiếp tục xây dựng thêm những đơn vị mới, lấy chiến trường làm thao trường, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi ngày càng phát triển nhanh chóng của cuộc chiến tranh đất đối không với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
_________________________________________________
1, 3. H. Nava: Đông Dương hấp hối, Sđd.
2. Tư liệu Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội, Hà Nội, 1974.
4. Trần Đình: Chiến dịch Điện Biên Phủ (B.T).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2022, 10:45:01 pm »


Bảy là, thực hiện tốt sự đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng trong chiến dịch.

Ngay từ khi hành quân từ hậu phương ra chiến trường, bộ đội pháo cao xạ đã được các đơn vị bạn hết lòng giúp đỡ. Công binh, thanh niên xung phong, dân công... đã không tiếc sức mình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho pháo cao xạ hành quân an toàn. Tiếp đó, việc kéo pháo vào trận địa là cả một bài ca đẹp về tình đoàn kết hiệp đồng giữa bộ binh, công binh và các chiến sĩ pháo cao xạ.

Trong chiến đấu, pháo cao xạ tích cực yểm hộ cho bộ binh, pháo binh hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, bộ binh, pháo binh cũng hết lòng chi viện cho pháo cao xạ yên tâm đánh trả máy bay địch. Đặc biệt liên tục ba ngày 17, 18, 19-3-1954, không quân địch phối hợp với pháo binh của tập đoàn cứ điểm, tổ chức một đợt đánh lớn vào các trận địa pháo cao xạ với quyết tâm "nhổ bật pháo cao xạ Việt Minh ra khỏi lòng chảo Điện Biên Phủ". Pháo binh ta đã có kế hoạch chu đáo, tỷ mỉ phối hợp với pháo cao xạ, đập tan âm mưu nham hiểm của địch. Vì vậy, khi chúng ta ca ngợi pháo cao xạ đã triệt đường không của địch thì chúng ta phải nói đó cũng là chiến công của các đồng chí bộ binh, pháo binh, của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công trên toàn mặt trận. Vả chăng, chính bộ binh, pháo binh đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ khống chế sân bay địch, tạo nên thế bao vây trên trời, dưới đất, làm cho địch lâm vào tình thế không tránh khỏi bị tiêu diệt.

Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi binh chủng trên chiến trường là một trong những nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân thắng lợi của bộ đội pháo cao xạ. Đó cũng là một trong những nguyên tắc tư tưởng tác chiến quan trọng của nghệ thuật tác chiến phòng không, mà càng về sau càng được nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn đối với một quân chủng lớn có nhiều binh chủng hiện đại như Quân chủng Phòng không ngày nay.

Cuối cùng, nguyên nhân bao trùm lên tất cả, có tính quyết định nhất, làm cho nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật tác chiến phòng không nói riêng, được phát huy mạnh mẽ và ngày càng phong phú là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta trong chỉ đạo chiến tranh nói chung và đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Rõ ràng, phương châm chiến lược "tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và tiếp đó là quyết tâm chọn Điện Biên Phủ làm địa bàn của trận quyết chiến chiến lược là nguyên nhân trực tiếp hàng đầu dẫn đến thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong trận đánh vĩ đại này, pháo cao xạ đã xuất hiện với tư cách là một loại vũ khí mới, một binh chủng mới và đã làm tròn vai trò một cách xuất sắc.

Chính pháo cao xạ đã góp phần làm cho quân đội ta có bước phát triển nhảy vọt về chất trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Sự xuất hiện của pháo cao xạ đã cho phép quân ta tập trung ở lòng chảo Điện Biên Phủ một đạo quân đông đến hàng mấy vạn người và tiến hành chiến tranh bằng một phương thức tác chiến mới. Nava đã phải thú nhận: "Tập đoàn cứ điểm đã được xây dựng để đối phó với một lối đánh của Việt Minh (ý nói là lối đánh du kích trước đây - T.G). Đó là nguyên nhân sự thất bại của chúng tôi"1.

Sau Điện Biên Phủ, Nava có nhiều lời thú nhận vừa có tính chất bào chữa cho khoa học quân sự lỗi thời của chủ nghĩa thực dân Pháp, vừa tự thanh minh cho sự bất tài của bản thân mình. Nhưng riêng lời thú nhận trên đây thì quả thật là "chân thành" và chính xác, "một quân đội hoàn toàn khác". Không! vẫn là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng nhờ có đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã từng bước dẫn dắt quân đội đó trưởng thành theo từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, và nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của mình vào thời điểm quan trọng của lịch sử. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm là ở Điện Biên Phủ nhờ nằm trong thế trận chung của binh chủng hợp thành, với phương châm tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" hết sức sáng tạo của Đảng ta mà pháo cao xạ đã có thể phát huy đầy đủ sức mạnh hoả lực của mình. Khi Ăngghen cho rằng: "Cùng với sự xuất hiện các loại vũ khí mới thì những hình thức chiến thuật tác chiến mới cũng thay đổi"2, thì ngược lại Ăngghen cũng chỉ ra rằng: "Sự phát triển chiến thuật cũng có ảnh hưởng trở lại đến kỹ thuật quân sự, rằng những phát minh kỹ thuật mới chỉ được sử dụng trong quân đội khi nào trong đó những đòi hỏi đã chín muồi và có những điều kiện xã hội và vật chất thuận lợi cho việc sử dụng ấy"3.

Chính Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với tầm nhìn chiến lược tài giỏi, sắc bén đã từng bước chuẩn bị "các điều kiện xã hội, và vật chất thuận lợi" cho sự ra đời của pháo cao xạ Việt Nam và đã đem đến cho binh chủng trẻ tuổi này một vinh quang hiếm có là ra quân đánh thắng trận đầu vào đúng chiến dịch lịch sử. Một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc ta.


*

*           *


 

Những vấn đề xuất hiện trong tác chiến phòng không tại trận Điện Biên Phủ cách đây 30 năm là những viên gạch quý báu đầu tiên làm nền tảng cho sự hình thành nghệ thuật tác chiến phòng không sau này của chúng ta. Nó đã thực sự phát huy tác dụng tích cực suốt trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Những kinh nghiệm quý báu, những truyền thống vẻ vang được xây dựng nên bằng máu của thế hệ chiến sĩ phòng không Điện Biên Phủ năm xưa, càng được bồi đắp thêm trên chặng đường chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của các thế hệ chiến sĩ phòng không tiếp theo và cuối cùng đã làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam.
_________________________________________________
1. Tư liệu Điện Biên Phủ, Thư viện Quân đội, Hà Nội, 1974.
2, 3. A. I. Babi: Ăngghen, nhà lý luận quân sự lỗi lạc của giai cấp công nhân, Sđd, tr. 253.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 09:50:16 am »


BẢO ĐẢM CÔNG BINH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1

Thiếu tướng TRƯƠNG QUANG KHÁNH
Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

Điện Biên Phủ nằm sâu trong vùng rừng núi Tây Bắc, địa hình hiểm trở, thưa dân, xa căn cứ hậu phương của ta. Vào năm 1954, có hai đường ôtô lên Tây Bắc: đường 41 từ Hoà Bình qua Cò Nòi, Sơn La lên đến Tuần Giáo; đường 13 từ Yên Bái qua Tạ Khoa đến Cò Nòi. Nhưng cả hai con đường này có đoạn đã bỏ lâu không sử dụng nên bị hư hỏng, nhất là đoạn Tạ Khoa - Cò Nòi. Từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ đường dài 86 km, mặt đường hẹp và cũng hư hỏng nhiều. Ngoài ra, ở Tây Bắc còn một số đường mòn xuyên qua rừng rậm, núi cao, vách đá cheo leo. Vào tháng 3 ở Tây Bắc đã bắt đầu có mưa, gây nhiều trở ngại cho việc mở đường, vận chuyển và làm công sự chiến đấu.

Sớm dự kiến một chiến dịch lớn có thể sẽ diễn ra ở Tây Bắc và sớm nhận thấy khó khăn về đường sá, ngay từ tháng 10-1953, Bộ Tổng tư lệnh đã điều Trung đoàn công binh 151 lên Tây Bắc mở đường. Ngày 7-11, Trung đoàn 151 cùng các đơn vị thanh niên xung phong và công nhân giao thông bắt đầu sửa chữa, mở rộng đường 13. Sau một tuần, ta đã sửa xong đoạn đường dài 36 km từ Tạ Khoa đi Cò Nòi. Đến ngày 18-11, đoàn xe vận tải gồm 12 chiếc, chở chuyến hàng đầu tiên vào mặt trận. Phấn khởi trước chiến công đầu, từ ngày 20-11-1953, trung đoàn sửa tiếp đoạn đường Cò Nòi - Sơn La- Tuần Giáo dài 120 km. Đoạn này phải dọn 1.600m3 đất sụt lở, làm 167 cầu cống lớn nhỏ, phải vượt qua bốn đèo cao: Sơn La, Chiềng Puốc, Đèo Mèo, Pha Đin. Ngày 27-11-1953, đường khai thông, xe vận tải chuyển hàng đến Tuần Giáo. Đầu tháng 12-1953, trung đoàn bắt tay vào sửa đoạn đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Trước mắt sửa gấp một đoạn dài 40 km, yêu cầu xong trước ngày 15-12-1953. Ban Chỉ huy trung đoàn quyết định tập trung toàn bộ lực lượng mở đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ bằng cách làm dứt điểm từng đoạn, chỉ để lại một đại đội bảo đảm đường Sơn La - Tuần Giáo. Cuối tháng 12-1953, toàn tuyến Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 86 km hoàn thành. Để sửa chữa con đường này, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 151 và 400 dân công đã làm việc 16 đến 20 giờ mỗi ngày, phá 2.300 m3 đá, đào xúc trên 3.000 m3 đất, làm 47 cầu và 5 cống với tổng chiều dài 3.200m. Nhiều gương lao động kiên cường xuất hiện như chiến sĩ Tào Tư quai búa 5 kg liền 2.800 nhát để đánh choòng đục đá. Đường mở đến đâu, xe vào đến đấy, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ công binh. Nhưng do thời gian quá gấp, trình độ kỹ thuật chưa cao, nên chất lượng đường chưa tốt, hạn chế tốc độ xe. Cuối tháng 12-1953, trung đoàn chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo từ Tạ Khoa vào Điện Biên Phủ. Trên con đường này, có 76 đoạn bán kính đường vòng hẹp cần phải mở rộng, một số cầu yếu phải tăng cường. Ngoài ra phải chặt cây lót những đoạn lầy lún, rải đá các đoạn đường lên xuống suối... Do nhiệm vụ gấp, trung đoàn được tăng cường 2.000 dân công, sau đó được chi viện thêm một trung đoàn bộ binh, Đại đội công binh 309 (Đại đoàn 308), hai tiểu đoàn pháo cao xạ. Toàn bộ lực lượng sửa đường Tạ Khoa - Điện Biên Phủ lên tới 5.000 người.

Để bảo đảm cho xe kéo pháo nhanh chóng vào mặt trận, Ban Chỉ huy Trung đoàn 151 quyết định mở bán kính đường vòng đến 10m, nơi thuận lợi mở 12m. Hai nơi khó là km 26 và km 40 chỉ mở được 8m. Ở các đoạn này, các chiến sĩ pháo binh phải tháo pháo ra khỏi xe rồi đẩy qua. Trung đoàn còn cử 22 cán bộ kỹ thuật đi hướng dẫn, giúp đỡ bộ binh và dân công. Nhờ xác định rõ mức độ sửa đường, tổ chức thi công chặt chẽ, nên việc sửa đường hoàn thành đúng thời hạn. Ngày 16-1-1954, Trung đoàn lựu pháo 54 (24 khẩu 105 ly), tiểu đoàn pháo cao xạ (12 khẩu 37 ly) và các xe bảo đảm, hành quân vào km 70 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

Vừa mở xong đường cho xe kéo pháo, Trung đoàn 151 nhận lệnh tìm con đường đưa pháo vào hướng tây - bắc Điện Biên Phủ, rồi làm tời dùng tay để kéo pháo vào trận địa.

Chỉ trong một ngày (15-1-1954), cán bộ trung đoàn đã tìm được con đường kéo pháo từ km 70 (Nà Nham) sang Bản Tấu dài 15 km. Đại đoàn 308 khẩn trương và bí mật mở đường, các đơn vị công binh và Đại đoàn 312 chuẩn bị kéo pháo. Từ ngày 17 đến ngày 24-1, một công trường lao động hùng tráng hiếm có trong lịch sử đã hình thành trên hướng tây - bắc Điện Biên Phủ. Bằng sức lao động của hàng vạn con người, có các tời quay tay hỗ trợ, bộ đội ta đã kéo 24 khẩu pháo 105 ly qua sườn núi cheo leo dốc đứng vào trận địa bí mật, an toàn.

Ngày 26-1-1954, khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định đổi phương châm tác chiến nhằm bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch.

Theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định chuyển pháo sang phía đông và phía tây Điện Biên Phủ, đặt trận địa pháo trên các điểm cao rất có lợi của dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ. Trung đoàn 151 tổ chức đoàn cán bộ gồm 17 người do Trung đoàn trưởng Phạm Hoàng dẫn đầu đi tìm đường. Do yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật trận địa pháo (vì có trận địa chỉ cách địch khoảng 1.000m) nên phải chọn tuyến đường kín đáo. Trong sáu đường tìm được chỉ có đường Pe Na - Tà Loi dài 9km là có vệt đường cũ chỉ cần sửa lại một ít, còn năm đường khác phải mở mới hoàn toàn với tổng chiều dài là 63 km. Hai Đại đoàn bộ binh 308 và 312, các đơn vị pháo binh, công binh đã thấu suốt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", tất cả vì thắng lợi của chiến dịch, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Do đã có kinh nghiệm và tổ chức chặt chẽ nên việc kéo pháo ra nhanh chóng và an toàn hơn. Trong việc mở đường mới, công binh rất coi trọng ngụy trang, giữ bí mật, như vít cây hai bên đường, làm giàn ngụy trang, phủ cây cỏ lên chỗ đất mới, làm những đoạn đường giả... Các đường đều mở đến tận trận địa pháo.

Đến đầu tháng 3-1954, cùng với thanh niên xung phong, dân công, các đơn vị bộ binh và pháo binh, bộ đội công binh đã trải qua bốn tháng liên tục vật lộn với núi cao, rừng rậm, mưa phùn, gió rét hoàn thành một khối lượng lớn công việc mở và sửa đường. Trong hơn 100 ngày đêm gian khổ đó, các chiến sĩ công binh còn phải đối phó với địch. Máy bay trinh sát địch nhiều lần chụp ảnh, dòm ngó, nhưng do ta ngụy trang tốt, chúng không phát hiện được mạng đường kéo pháo của ta. Bom đạn các loại trút xuống các đèo cao, các bến vượt sông, nhưng công binh, thanh niên xung phong, dân công vẫn bám đường, bám bến, khắc phục hậu quả địch đánh phá, bảo đảm giao thông thông suốt.
_______________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 09:51:22 am »


Trong đợt một Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội công binh 240 (Đại đoàn 312) đã bảo đảm đường, bắc hai cầu cho bộ binh tiến theo hai mũi vào sát đồn địch. Trong trận tiêu diệt địch ở đồi Độc Lập. Đại đội công binh 309 (Đại đoàn 308) làm sở chỉ huy cho Trung đoàn 88, góp phần làm nên chiến thắng mở đầu rất quan trọng.

Trong đợt hai của chiến dịch, thời tiết đã chuyển vào mùa mưa. Máy bay địch liên tục đánh phá các đường giao thông tiếp tế của ta, nhằm cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Đường ra mặt trận bị mưa và bị bom đạn địch phá hoại, trở nên sụt lở, lầy lún nghiêm trọng. Việc tiếp tế bị giảm sút, gạo nhập kho có ngày chưa đầy 1.000 kg, có khẩu pháo chỉ còn bảy viên đạn. Bảo đảm giao thông vận chuyển trở thành nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì và phát triển chiến dịch. Để giữ vững hệ thống cầu đường, việc chống lầy lún có khối lượng lớn nhất, nặng nề nhất vì có tới 122 km đường bị lầy lún nghiêm trọng. Ngày 1-4-1954, Trung đoàn công binh 151 được tăng cường 750 dân công, ngày 19-4 thêm 2.000 dân công và ngày 26-4 thêm 2.700 dân công. Sau đó, cứ ba ngày lại có thêm dân công lên mặt đường, nhưng vẫn chưa đủ lực lượng chống lầy lún. Một số đơn vị bộ binh cũng được điều động ra mặt đường. Cán bộ, nhân viên các cơ quan Bộ Chỉ huy mặt trận, các đại đoàn cũng được huy động đi chặt gỗ chống lầy. Hơn một nửa lực lượng của ta ở Điện Biên Phủ ngày đêm bám đường hót bùn, chặt gỗ, đóng cọc, lót cây... Trung đoàn 151 là lực lượng nòng cốt, xung kích trên công trường sôi động này. Ngoài việc đảm nhiệm những nơi lầy lún nghiêm trọng, cũng là nơi địch đánh phá quyết liệt nhất (từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ), trung đoàn được phân công tổ chức lực lượng, hướng dẫn và kiểm tra kỹ thuật, phân chia dụng cụ. Cơ quan trung đoàn rút cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ghép thành một đại đội lâm thời đi sửa đường. Mỗi đêm có khoảng 200 xe vận tải, xe kéo pháo đi lại. Trời mưa, xe bò đi chậm chạp, vất vả trên mặt đường bùn nhão gập ghềnh. Hàng vạn con người lao động với cường độ rất cao. Ban ngày đi chặt gỗ, phá đá vận chuyển đến gần đường. Ban đêm vừa vét bùn đổ đá, lát cây, vừa hộ tống xe đi, rồi phá bom, lấp hố bom... Trung bình mỗi người làm việc 16 đến 18 giờ trong một ngày và liên tục ngày này sang ngày khác.

Đội quân chống lầy, sửa đường chỉ có dụng cụ thô sơ nên phải lấy sức người là chính. Để giảm bớt cường độ lao động, các chiến sĩ công binh đã có nhiều sáng kiến cải tiến công cụ. Đại đội 313 đóng xe cút kít bằng gỗ để chở đất đá, tăng năng suất hơn năm lần so với lúc phải khiêng vác; dùng đòn bẩy đưa sọt đá từ dưới suối lên, tăng năng suất 2,5 lần. Việc tổ chức lao động cũng được cải tiến như chia ca, hai kíp để luân phiên nghỉ ngơi. Công tác chính trị, công tác văn hoá, văn nghệ cũng được chú ý. Tiếng hò, tiếng hát đầy lạc quan hoà vang cùng tiếng đục đá, chặt cây, nổ mìn, tạo thành âm thanh mới của bài ca lao động thắng địch, thắng trời giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.

Cùng với lực lượng vận tải tiếp tế theo đường bộ do các đoàn xe ôtô và hàng chục vạn người vận chuyển bằng xe đạp thồ, gánh, vác, Bộ Chỉ huy mặt trận chủ trương khơi luồng sông Nậm Na để chuyển gạo từ Ba Nậm Cúm (biên giới Việt - Trung) về thị xã Lai Châu.

Vấn đề này đã được đặt ra từ đầu chiến dịch nhưng do sông Nậm Na có tới 103 thác, trong đó có nhiều thác cao, chảy xiết nên thuyền, mảng qua lại rất khó khăn. Có chuyến chở 30 tấn gạo, về đến Lai Châu chỉ còn 10 tấn. Nhận nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy mặt trận, Trung đoàn 151 giao nhiệm vụ cho một trung đội dùng thuốc nổ phá đá mở luồng ở các thác, hạn chế mức độ hiểm nguy của dòng nước. Công việc mới mẻ, khó khăn, khi bộ đội lặn xuống sâu, áp lực của nước làm chảy cả máu tai. Nước chảy xiết đẩy bật người và thuốc nổ ra, làm tịt cả ngòi nổ. Sau khi bàn bạc, thử nghiệm, các chiến sĩ công binh đã tìm ra nhiều cách làm rất sáng tạo như lấy lá chuối hơ lửa cho mềm để gói thuốc nổ, lấy cơm nếp giã nhuyễn để bọc đầu nổ, buộc chặt khối thuốc nổ vào sào dài để đưa vào sâu trong lòng thác đặt và buộc không để nước cuốn trôi, cắt dây cháy chậm dài để châm lửa trên mặt nước cho chắc chắn và an toàn... Thác dữ bị phá, sông Nậm Na trở nên hiền dịu. Hàng trăm bè mảng xuôi dòng đưa về Lai Châu trên 2.000 tấn gạo, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho chiến dịch. Trung đội công binh 51 được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Chiến sĩ phá thác Phan Tư được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp đó, theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, công binh cùng pháo binh xây dựng công sự cho pháo, có thể chịu được công phá của đạn pháo 105 ly, có thể đặt pháo trong công sự để bắn. Đây là công việc khó khăn, mới mẻ. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Hữu Hậu, cán bộ tác huấn Trung đoàn 151, các chiến sĩ công binh và pháo binh đã cố gắng rất lớn để làm công sự. Gỗ làm công sự là cây to (đường kính 30 cm) lại phải lấy từ xa gần 10 km để giữ bí mật, đất đắp hầm dày 3m, có hầm moi sâu vào vách núi, mỗi hầm đều có các công sự bắn, ẩn nấp, hầm chứa đạn... Sau một tháng lao động căng thẳng, công binh và pháo binh đã làm được 11 trận địa lựu pháo, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu. Đêm 6-3-1954, ta kéo thử hai khẩu pháo vào trận địa. Đêm hôm sau, theo ánh lửa đỏ của các nén hương do công binh dẫn đường, toàn bộ xe, pháo đã vào các trận địa, bảo đảm bí mật, an toàn.

Ở mặt trận, việc xây dựng trận địa để siết chặt vòng vây, chia cắt địch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hệ thống giao thông hào của các Đại đoàn 308, 316, 312, 304 ngày càng thít chặt và như những lưỡi dao nhọn chọc thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh, chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ vai đeo súng, tay cầm cuốc, cầm xẻng, ngày đêm cặm cụi đào hầm trong tầm súng, đạn của giặc, dưới trời mưa và sương giá. Mỗi ngày lao động 14 đến 18 tiếng. Cuốc xẻng mòn vẹt. Mồ hôi và máu của các chiến sĩ ta thấm ướt từng đoạn chiến hào. Quân địch hoảng sợ bắn súng, bắn pháo sáng suốt đêm, gài mìn trước các cứ điểm. Nhưng mạng chiến hào của ta vẫn ngày càng vươn xa, tổng cộng chiều dài đến hàng trăm kilômét đan nhau ngang dọc. Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định đưa một số đơn vị thuộc Trung đoàn công binh 151 lên phía trước tham gia đào chiến hào vây lấn. Hai Đại đội công binh 53 và 54 lên đào một đường hào cắt đôi sân bay Mường Thanh. Vừa đào hào, các chiến sĩ công binh vừa bắn tỉa tiêu hao giặc. Đại đội công binh 240 (Đại đoàn 312), Đại đội công binh 309 (Đại đoàn 308) cùng tham gia đào hào xuyên qua sân bay Mường Thanh. Địch dùng xe tăng yểm hộ cho máy húc ra lấp hào của ta. Trung đội công binh (Đại đội 309) do đồng chí Trịnh Trọng Đoái chỉ huy khiêng một quả bom 250 kg vào đánh địch. Để khiêng được quả bom này, các chiến sĩ đã tháo thuốc nổ ra, khiêng vỏ bom riêng. Đến vị trí đặt bom lại nhồi thuốc vào, bom nổ, một máy húc của địch bị phá huỷ.

Tháng 4-1954, chiến hào của ta cắt phân khu nam với phân khu trung tâm, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cắt thành từng khúc, khu trung tâm Mường Thanh chỉ còn mỗi bề khoảng hơn 1 km. Hầm hào đã trở thành một điểm tựa vững chắc để bộ đội ta tiến công tích cực, có hiệu quả.

Trong khi một số đơn vị công binh tham gia xây dựng trận địa vây lấn, một số đơn vị công binh khác (thuộc Trung đoàn 151) trong 10 ngày đầu tháng 4-1954 đã mở thêm 33 km đường cho pháo, xây dựng 30 công sự pháo có nắp và hàng chục trận địa pháo giả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 09:52:12 am »


Đến cuối tháng 4-1954, vấn đề tiếp tế cho mặt trận đã cơ bản được giải quyết. Mạng chiến hào và trận địa pháo đã bao vây chặt và khống chế hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Quân địch bị hãm trong vòng vây ngày càng siết chặt, trong các "địa ngục" sụt lở và ngập nước, tên nào thò lên thì bị quân ta "bắn tỉa" tiêu diệt. Tất cả nguồn tiếp tế trông vào máy bay thả dù. Nhưng bầu trời Điện Biên đã bị pháo cao xạ của ta khống chế. Máy bay địch phải bay cao, phần lớn dù rơi xuống vùng quân ta hoặc khu vực ta và địch tranh chấp. Quân ta lấy được rất nhiều lương thực, đạn dược của địch.

Toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Thực dân Pháp buộc phải tập trung hầu hết máy bay tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Được Mỹ tăng cường chi viện, từ cuối tháng 4-1954, quân Pháp tập trung máy bay, bom đạn đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Điện Biên Phủ. Các đèo Sơn La, Chiềng Puốc, Đèo Mèo, Pha Đin, Đèo Khế, Đèo Cả... trở thành những trọng điểm, nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa công binh và bom đạn địch. Mỗi ngày địch ném xuống một trọng điểm từ 160 đến 300 quả bom. Ở đèo Pha Đin có đợt địch đánh liên tục 10 ngày, mỗi ngày từ năm đến sáu trận với nhiều bom nổ ngay, nổ chậm. Đội phá bom 83 đã kiên cường bám trụ trên các trọng điểm, nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay và quy luật nổ của bom đạn địch, từ đó đúc kết phương pháp chống phá bom, bảo đảm giao thông.

Kinh nghiệm của Đội 83 được phổ biến kịp thời cho các lực lượng trên các tuyến bảo đảm giao thông vận tải. Học tập và noi gương Đội 83, nhiều chiến sĩ công binh dũng cảm chiến thắng bom đạn địch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu biểu là đồng chí Chu Văn Khâm, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở đồi A1, cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch kéo dài đã gần một tháng. Để tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy mặt trận thông qua phương án đào hầm ngầm, đưa lượng thuốc nổ lớn vào phá công sự kiên cố của địch trên đồi A1.

Đại đội công binh thuộc Đại đoàn 316 triển khai đào được một đoạn đường hầm nhưng có khó khăn về kỹ thuật. Công việc được chuyển giao cho Trung đoàn công binh 151. Một phân đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ tác chiến Trung đoàn 151 phụ trách, được thành lập.

Đêm 20-4-1954 công việc đào đường hầm bắt đầu.

Khó khăn nhất là khu vực mở cửa đường hầm chỉ cách địch hơn 10m. Chúng liên tục ném lựu đạn, bắn như vãi đạn ra xung quanh, ban đêm dùng đèn pha, pháo sáng để kiểm soát mọi hoạt động của ta. Mặc dù có chiến hào, nhưng một số chiến sĩ đã hy sinh và bị thương mới mở được một đoạn cửa hầm vừa chui lọt một người. Càng vào sâu công việc càng khó khăn. Đất đào được phải đổ vào túi vải dù đem đổ ra xa, phải dùng đèn pin đã che ánh sáng buộc lên đầu cọc ở cửa đường hầm để ngắm hướng, dùng ống thuốc tiêm làm thước thăng bằng... Mặt cắt đường hầm rộng và cao khoảng 0,9m. Khi chui vào sâu, thiếu không khí, một số chiến sĩ bị ngất, phải đưa ra ngoài. Có chiến sĩ một đêm ngất bốn đến năm lần. Nhưng không một ai nao núng, mà còn nghĩ ra cách nằm tiếp nối nhau, dùng quạt quạt vào trong đường hầm để có thêm dưỡng khí làm việc.

Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, đường hầm dài 49 m đã hoàn thành. Chiều và đêm 4-5, khối thuốc nổ gần 1.000 kg chia làm 49 gói được xếp vào cuối đường hầm. Sáu đường dây truyền nổ nối vào nụ xòe, dây cháy chậm và một đường dây điểm hỏa bằng điện. Phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc việc đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào lòng đồi A1. Toàn phân đội đã nêu cao tinh thần dũng cảm, hy sinh để làm nhiệm vụ, tiêu biểu là đồng chí Lưu Viết Thoảng, sau này cùng với thành tích phá bom được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Với sự đóng góp của bộ đội công binh, sau 55 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm kiên cố Điện Biên Phủ.

Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, Trung đoàn công binh 151 cùng thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công làm nhiệm vụ bảo đảm đường số 41 cho các đơn vị bộ đội rút quân và tiến về đồng bằng. Đang giữa mùa mưa lũ, đường số 41 vẫn lầy lún, sụt lở, việc bảo đảm cho hàng trăm xe, pháo và hàng vạn người di chuyển tấp nập kéo dài gần hai tháng đầy khó khăn vất vả. Lực lượng dân công tuy đã rút nhiều, nhưng vẫn còn trên 10.000 người. Nhờ đó giao thông trên đường 41 không bị ngừng trệ. Sau chiến dịch, công binh còn quét mìn, dọn dây thép gai, bảo vệ các kho tàng, thu dọn chiến trường, biến cảnh lộn xộn, đổ nát, chết chóc trở lại bình yên, đầy sức sống cho cánh đồng Mường Thanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 09:53:36 am »


Toàn bộ quá trình chiến dịch, đóng góp của bộ đội công binh là rất to lớn, thể hiện trên một số mặt sau đây:

1. Bảo đảm đường sá cho ôtô vận tải hậu cần và kéo pháo vào trận địa là nhiệm vụ quan trọng nhất trong suốt chiến dịch.

Số lượng bộ đội và dân công phục vụ chiến dịch lên đến mấy chục vạn người, hoạt động liên tục trên năm tháng ở một chiến trường rừng núi thưa dân, yêu cầu lượng tiếp tế to lớn. Nếu không có đường sá cho ôtô vận tải thì không thể tiến hành được chiến dịch. Với khả năng trang bị của công binh lúc ấy, chỉ có thể mở đường có sẵn và phải triển khai công việc sớm. Nội dung công việc lúc đầu là việc sửa đường cho xe ôtô vận tải hậu cần và xe kéo pháo vào tập kết chiến dịch, sau đó chống lầy, lún, sụt lở do mưa lũ gây ra và chống phá bom mìn do máy bay địch đánh phá, đặc biệt là mưa lũ phá hoạt đường rất nghiêm trọng trên toàn tuyến. Lực lượng bảo đảm trục đường chiến dịch lên đến 5.000 người rải ra suốt gần 200km đường nhưng có lúc vận chuyển trên đường vẫn khó khăn bế tắc. Đồng thời với việc bảo đảm vận chuyển đường bộ, ta đã sáng tạo kết hợp vận chuyến bằng đường sông. Việc phá thác thông luồng đường sông Nậm Na đã kịp thời bổ sung tiếp tế cho mặt trận.

2. Bảo đảm đưa pháo cơ giới vào trận địa bắn có những sáng tạo và thành công.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp có sử dụng nhiều pháo cơ giới. Khi chuẩn bị chiến dịch theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" ta đã chủ trương dùng sức người đưa pháo vượt 15 km rừng núi vào trận địa bắn nhằm giữ bí mật bất ngờ.

Sau khi chuyển phương châm"đánh chắc, tiến chắc", đường cho pháo được khẩn trương lựa chọn và thi công, bảo đảm đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa kịp thời, bí mật, an toàn.

3. Xây dựng trận địa cho pháo binh đã được thực hiện tốt.

Trận địa bí mật được thiết lập bằng gỗ, đất vững chắc bảo đảm cho pháo của ta hoạt động liên tục cho đến khi kết thúc chiến dịch mà vẫn giữ được bí mật, an toàn. Xây dựng trận địa tiến công bao vây quân địch là thành công lớn nhất, là kinh nghiệm nổi bật nhất về chiến thuật tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Xây dựng công sự trận địa là một nội dung cơ bản về bảo đảm công binh trong phòng ngự, nhưng ở chiến dịch này đã được bộ đội ta vận dụng thành một biện pháp quan trọng để tiến công.

Địch tổ chức phòng ngự liên hoàn, có quân đông và hỏa lực mạnh, lại chiếm các điểm cao khống chế. Ta ở thế thấp lại phải chiến đấu liên tục ngày đêm trong thời gian dài, nên không dựa vào hệ thống công sự trận địa bao vây và tiến công thì bộ đội ta không thể vận động áp sát địch, tăng thêm lực lượng kịp thời để liên tục đột phá, trụ bám giữ vững trận địa để đánh lại địch phản kích và tiếp tục vây hãm địch. Xây dựng trận địa để bao vây và tiến công không những là một biện pháp bảo đảm công binh mà trở thành một chiến thuật của bộ đội ta để tiến công cứ điểm lớn của địch.

4. Mở cửa qua vật cản của địch.

Đây là cuộc chiến đấu quyết liệt và quyết định thành công của việc mở đầu đột phá cứ điểm địch. Địch bố trí vật cản dày đặc xung quanh cứ điểm và có hoả lực bảo vệ rất chặt chẽ. Muốn đột phá vào cứ điểm địch nhất thiết phải mở cửa qua vật cản, nhưng bộ đội ta chưa có khí tài chuyên dụng để mở cửa do đó ta phải dùng người lần lượt đưa thuốc nổ vào bãi vật cản. Điều quan trọng đầu tiên là phải xác định vị trí và hướng cửa mở thật chính xác và cụ thể, sau đó tổ chức chỉ huy phối hợp chặt chẽ giữa phân đội bộc phá mở cửa và bộ phận hoả lực kiềm chế có hiệu quả các hoả khí của địch bảo vệ vật cản. Bộ phận xung kích kịp thời vượt qua cửa mở vừa mở xong, xung phong vào trong cứ điểm địch, đồng thời phải tiếp tục không cho địch dùng hoả lực bịt cửa mở. Cuộc chiến đấu quyết liệt và hiệp đồng nhịp nhàng giữa các bộ phận phải đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của người chỉ huy trận đánh cứ điểm. Chính vì vậy mà phân đội dùng bộc phá để mở cửa phải do bộ binh tự đảm nhiệm.

Trong các trận tiến công cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ, trận nào không tổ chức chỉ huy chặt chẽ việc mở cửa thì vấp váp và thương vong nhiều, trận nào làm chu đáo thì thành công.

5. Đào đường hầm đưa lượng thuốc nổ lớn vào phá huỷ hầm của địch lá một biện pháp có hiệu quả.

Hầm ngầm của địch trên đồi A1 là chỗ dựa vững chắc cho địch giữ được lực lượng liên tục phản kích để giữ cứ điểm. Ta đã đào đường hầm xuyên vào lòng núi để đưa lượng thuổc nổ gần 1.000 kg vào phá hầm ngầm. Công việc gian khổ, phức tạp, phương tiện đo đạc thô sơ nên buồng đặt thuốc nổ chưa thật chính xác vào điểm chính của hầm ngầm nhưng đã góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm cho địch hoảng loạn, tạo điều kiện cho trận đánh giành thắng lợi.

Việc tổ chức bảo đảm công binh và sử dụng lực lượng bảo đảm công binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng vai trò rất quan trọng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong tất cả các chiến dịch khác của cuộc kháng chiến chống Pháp, ta chưa có chủ nhiệm và cơ quan công binh chiến dịch, mọi việc tổ chức chỉ huy bảo đảm công binh đều do Bộ Chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch trực tiếp quyết định và điều hành.

Ngay từ khi chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chỉ huy đã xác định đúng đắn rằng bảo đảm đường sá cho tiếp tế hậu cần là khó khăn nhất và quan trọng nhất để tiến hành chiến dịch. Trung đoàn công binh duy nhất của chiến dịch được tập trung vào nhiệm vụ đường sá và còn được tăng cường một lực lượng lớn thanh niên xung phong và dân công. Khi trục đường của chiến dịch bị lũ phá hoại, Bộ Chỉ huy đã huy động mọi lực lượng có thể kể cả đơn vị chiến đấu và cơ quan để tham gia chống lầy. Bộ Chỉ huy đã quyết định mở đường vận chuyển theo sông Nậm Na để hỗ trợ tiếp tế. Những biện pháp bảo đảm công binh quan trọng như làm đường để kéo pháo vào trận địa, làm công sự để triển khai pháo, xây dựng hệ thống trận địa vây lấn, làm hầm ngầm đưa lượng nổ lớn vào đánh cứ điểm đồi A1, đều được Bộ Chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch quyết định một cách chính xác và kịp thời, đồng thời tổ chức thực hiện liên tục, kiên quyết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 02:18:10 pm »


TỔ CHỨC VÀ BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ1

Thiếu tướng HỒ TRÍ LIÊM
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Chiến công vĩ đại đó có sự đóng góp không nhỏ của bộ đội thông tin liên lạc.

Trong chiến dịch này, nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc đã có bước phát triển khá hoàn chỉnh, thể hiện cụ thể trên các mặt sau:

Một là, phát huy được cao nhất tính năng các loại phương tiện thông tin hiện có, xác định phương tiện thông tin chủ yếu chính xác, tổ chức sử dụng kết hợp chặt chẽ các phương tiện với nhau để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị.

Ở chiến dịch này, các đơn vị được trang bị nhiều loại phương tiện thông tin với số lượng lớn hơn và nhiều chủng loại hơn các chiến dịch trước. Hệ thống thông tin Sở Chỉ huy chiến dịch được tổ chức kết hợp ba phương tiện: vô tuyến điện sóng ngắn, hữu tuyến điện và thông tin chuyển đạt, lấy hữu tuyến là phương tiện chủ yếu. Về cơ bản, thông tin liên lạc đã đáp ứng được yêu cầu của chỉ huy trong tổ chức, chuẩn bị chiến dịch và cả trong quá trình thực hành chiến dịch. Các đường dây liên lạc với các đại đoàn đều có đường liên lạc thẳng và các đường dây đặt qua trạm giữa phía trước chiến dịch hoặc kéo từ tổng đài đại đoàn này đến đại đoàn khác tạo ra đường liên lạc vu hồi khá vững chắc. Trên các tuyến trục hữu tuyến điện, bố trí các trạm bảo vệ dây kết hợp với trạm thông tin chuyển đạt, chuyển tiếp, vừa có tác dụng hỗ trợ nhau trong công tác, vừa tăng thêm tính vững chắc cho hệ thống thông tin chiến dịch. Việc tổ chức sử dụng bộ phận đàm thoại trên máy vô tuyến điện sóng ngắn (GRC-9, 694) sẵn sàng làm việc với các đại đoàn, trung đoàn khi hữu tuyến điện bị đứt đã có tác dụng lớn để bảo đảm liên lạc vô tuyến điện nhanh chóng hơn. Các đại đoàn, trung đoàn cũng có nhiều sáng tạo trong tổ chức sử dụng kết hợp các loại phương tiện thông tin vốn có. Xác định hữu tuyến điện là phương tiện chủ yếu kết hợp với thông tin chuyển đạt trong đợt một chiến dịch là phù hợp với tình hình trang bị và yêu cầu của chỉ huy lúc đó.

Trong thực hành chiến dịch, việc người chỉ huy các cấp cử cán bộ xuống đơn vị dưới để truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị khi thông tin liên lạc bị gián đoạn là biện pháp có tác dụng rất lớn như các trận đánh ở đồi A1, C1. Cán bộ tác chiến đã mang mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy vượt qua hoả lực dày đặc của địch khống chế khu vực mở cửa, vào tung thâm để truyền đạt cho đơn vị đang chiến đấu. Kết quả đã hỗ trợ đắc lực cho thông tin liên lạc đại đoàn đang gặp khó khăn.

Việc xác định phương tiện chủ yếu phải căn cứ vào cách đánh và tình hình tác chiến trong từng đợt chiến dịch. Thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", Ban Thông tin chiến dịch xác định hữu tuyến điện là phương tiện chủ yếu để liên lạc từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các trung đoàn là phù hợp với giai đoạn tổ chức, chuẩn bị chiến dịch, thực hành bao vây địch và trong đợt một chiến dịch. Nhưng từ trung đoàn trở xuống, nhiều đơn vị vẫn máy móc lấy hữu tuyến điện làm phương tiện chủ yếu là không phù hợp vì các đường dây đặt qua cửa mở hầu hết bị đạn pháo địch bắn phá, phá hoại nặng nề. Có nhiều trận không thể khôi phục được đã dẫn đến tình hình để mất liên lạc giữa Sở Chỉ huy và đơn vị chiến đấu bên trong cứ điểm. Một số trung đoàn tuy được tăng cường máy vô tuyến điện sóng cực ngắn liên lạc thoại nhưng không tích cực sử dụng. Thấy được thiếu sót đó, từ giữa đợt hai cho tới khi kết thúc chiến dịch, Ban Thông tin đã chỉ thị cho thông tin các đại đoàn, trung đoàn phải tổ chức sử dụng rộng rãi vô tuyến điện, liên lạc hoàn toàn được giữ vững từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các đại đoàn, nhất là trong các trận chiến đấu giằng co với địch ở đồi A1, C1.

Hai là, biết tập trung phương tiện khí tài thông tin và sự chỉ đạo cho hướng tác chiến chủ yếu, đồng thời coi trọng các hướng khác, luôn tạo ra có lực lượng thông tin dự bị các cấp.

Tuy số lượng, chất lượng các phương tiện sử dụng trong chiến dịch có khá hơn các chiến dịch trước nhưng so với yêu cầu chỉ huy một chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, dài ngày, tình huống chiến đấu khẩn trương, ác liệt thì vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ. Cơ quan thông tin chiến dịch cũng như các đơn vị đã biết tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, hướng chủ yếu của từng đợt chiến dịch và từng trận đánh then chốt. Trong đợt một, khi các Đại đoàn 312, 308 đánh các trận Him Lam, đồi Độc Lập. Ban Thông tin chiến dịch đã tổ chức liên lạc với các đại đoàn đó bằng hai đường dây hữu tuyến điện kéo qua trạm giữa phía trước và một đường vu hồi giữa hai đại đoàn đó với nhau. Đồng thời, ta còn tổ chức vô tuyến điện sóng ngắn tay đôi chuyên trách, sử dụng cả liên lạc báo và điện thoại trên máy GRC-9 và vượt cấp xuống các trung đoàn. Các Đại đoàn 312, 308 cũng tập trung toàn bộ máy vô tuyến điện sóng cực ngắn hiện có, tổ chức mạng liên lạc thoại giữa các trung đoàn với cấp dưới của họ, kể cả các đại đội chủ yếu.

Vì vậy, thông tin liên lạc luôn được giữ vững từ Bộ Chi huy chiến dịch đến các đại đội mũi nhọn trong quá trình chiến đấu. Đến đợt ba chiến dịch, do quán triệt được tầm quan trọng của trận đánh dứt điểm đồi A1, Đại đoàn 316 đã tăng cường cho Trung đoàn 174 tiểu đội vô tuyến điện sóng ngắn để trung đoàn tổ chức liên lạc với các tiểu đoàn, đại đội chủ yếu, kết hợp với củng cố các đường dây, đặc biệt là đường dây qua cửa mở, để bảo đảm thông tin liên lạc thật vững chắc, góp phần bảo đảm chỉ huy trận đánh giành thắng lợi.

Tuy tập trung phương tiện, khí tài và sự chỉ đạo cho hướng chủ yếu nhưng cơ quan thông tin vẫn không coi nhẹ các hướng khác trong quá trình thực hành chiến dịch. Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu nhưng Ban Thông tin chiến dịch ngoài tổ chức liên lạc bằng vô tuyến điện sóng ngắn, còn kéo đường dây nối từ Đại đoàn 316 đến Đại đoàn 304, vừa bảo đảm cho chỉ huy tác chiến, vừa bảo đảm cho liên lạc chặt chẽ giữa hai đơn vị đó với nhau.

Trong quá trình tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc cho chỉ huy thực hành chiến dịch, Ban Thông tin đã chỉ đạo tích cực thu dây bọc ở các cứ điểm địch đã bị đánh chiếm, đồng thời lấy dây thép gai ở các cứ điểm đó, gỡ ra từng sợi kéo về các đơn vị ở phía sau, dành dây bọc đưa lên phía trước. Đây là một cố gắng lớn để tạo thêm lực lượng thông tin dự bị cho các đơn vị. Mặt khác, trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, cơ quan thông tin chiến dịch đã thể hiện tính chủ động, sáng tạo, kiên quyết như chỉ đạo tích cực thu gom dây bằng nhiều nguồn, nhất là tận thu chiến lợi phẩm thông tin trong các trận đánh. Do đó, ở Sở Chỉ huy chiến dịch và các đại đoàn đã có đủ phương tiện, khí tài để sử dụng và có được một lực lượng dự bị cần thiết.

Tuy nhiên, trong một số trận đánh, cơ quan thông tin đại đoàn, trung đoàn do chỉ chủ trương đặt hữu tuyến điện với đơn vị chủ yếu, không tổ chức liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn với tiểu đoàn vì cho là đơn vị ở gần Sở Chỉ huy trung đoàn nên khi hữu tuyến điện bị đứt đã không khôi phục được, trung đoàn đành mất liên lạc với tiểu đoàn ở hướng chủ yếu như trường hợp giữa Trung đoàn 141 với Tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ trên hướng chủ yếu trong trận đánh cứ điểm Him Lam.
____________________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 02:20:33 pm »


Ba là, coi trọng nhiệm vụ tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc cho chỉ huy tác chiến, đồng thời chú ý thích đáng các nhiệm vụ tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc cho hiệp đồng, cho chỉ đạo, chỉ huy công tác hậu cần chiến dịch.

Tổ chức sử dụng thông tin liên lạc cho chỉ huy tác chiến do được cơ quan thông tin chiến dịch và các đơn vị coi trọng bằng mọi loại phương tiện hiện có, nên đã bảo đảm được thông suốt trong cả quá trình chiến dịch và trong từng trận đánh, nhất là các trận then chốt. Về vô tuyến điện sóng ngắn đã sử dụng và "liên lạc thoại" từ Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các trung đoàn. Về hữu tuyến điện, đã áp dụng một loạt biện pháp kỹ thuật trong triển khai các đường dây trên các loại địa hình phức tạp (rừng núi, sông suối, ruộng nước) và đặc biệt là trong các hào giao thông, hào chiến đấu phòng chống địch bắn phá, phá hoại như: đặt dây trong rãnh mang cá khoét ở vách hào, chèn các bó lau sậy trước khi lấp đất ở lòng chảo, rải hai đường liên lạc với một đơn vị và nối với nhau ở từng đoạn,...

Đi đôi với tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy tác chiến, cơ quan thông tin đã chú trọng tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc cho hiệp đồng giữa các đơn vị như chỉ đạo kéo các đường dây giữa các đại đoàn với nhau và giữa trung đoàn bộ binh với đơn vị pháo binh chi viện. Cơ quan thông tin chiến dịch đã tổ chức hệ thống thông tin dùng cho công tác chỉ huy hậu cần khá hoàn chỉnh so với các chiến dịch trước. Đường trục dây trần dài hơn 400 km từ Sở Chỉ huy chiến dịch liên lạc về bộ ở hậu phương được củng cố bằng cách tận dụng những đoạn còn lại của tuyến trục dây trần bưu điện. Do đó, đã bảo đảm cho chỉ huy chặt chẽ công tác vận chuyển và hoạt động của các trạm cung cấp (binh trạm) chiến dịch trên dọc đường. Tại Sở Chỉ huy chiến dịch, Ban Thông tin còn bố trí hai máy vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc trong mạng vô tuyến điện của Tổng cục Cung cấp và mạng chỉ huy năm binh trạm chiến dịch. Các trạm thông tin chuyển đạt, trạm bảo vệ đường dây bố trí sát cạnh các binh trạm vừa phục vụ cho nhiệm vụ thông tin liên lạc chung vừa phục vụ cho chỉ huy công tác hậu cần bằng nhiều loại phương tiện khá chặt chẽ, nên việc cung cấp đạn dược, lương thực, thực phẩm, chuyển tân binh, chuyển hàng vạn bức thư từ hậu phương ra tiền tuyến kịp thời, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Bốn là, cơ quan thông tin chiến dịch phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, vừa làm tốt chức năng cơ quan tham mưu thông tin chiến dịch, vừa làm tốt nhiệm vụ cơ quan chỉ huy các phân đội thông tin trực thuộc.

Tuy nhận lệnh lên đường phục vụ chiến dịch trong thời gian rất gấp, lại chưa được giao nhiệm vụ cụ thể, nhưng với kinh nghiệm tích lũy được từ các chiến dịch trước, Cục Thông tin liên lạc đã chủ động tổ chức Ban Thông tin chiến dịch và phân đội thông tin trực thuộc1. Trên đường hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ, mỗi khi dừng lại nghỉ 10 - 15 phút, các điện đài Sở Chỉ huy đều tranh thủ mở máy làm việc với các đối tượng theo các phiên liên lạc quy định; do đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nắm chắc tình hình địch ở Điện Biên Phủ và các chiến trường khác, ra lệnh kịp thời cho các đơn vị làm công tác chuẩn bị và thực hành chiến đấu bao vây chặn địch nống ra. Đến vị trí đặt Sở Chỉ huy ở Mường Phăng, bộ phận đi trước của Ban Thông tin đã chỉ huy triển khai xong một số đường dây liên lạc với Đại đoàn 316 (đông Mường Thanh), Đại đoàn 308 (tây - nam Mường Thanh), các Đại đoàn 312, 351 (vây chặn địch đi Tuần Giáo vào Lai Châu), Đại đoàn 304 (Hồng Cúm). Nhờ có hệ thống hữu tuyến điện này, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ huy chặt chẽ các đại đoàn làm công tác chuẩn bị và bao vây, không cho địch rút.

Đồng thời, cơ quan thông tin còn khẩn trương triệu tập hội nghị thông tin chiến dịch, nghiên cứu quán triệt phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" vận dụng vào kế hoạch thông tin liên lạc. Sau đó, khi Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm tác chiến sang "đánh chắc, tiến chắc", cơ quan thông tin lại kịp thời mở hội nghị thông tin chiến dịch lần thứ hai, thảo luận các biện pháp thực hiện với quyết tâm "đánh chắc, tiến chắc phải có thông tin liên lạc vững chắc". Sau giai đoạn đầu của đợt hai, cơ quan thông tin căn cứ vào quyết tâm tác chiến mới, lại triệu tập hội nghị thông tin chiến dịch lần thứ ba kiểm điểm đơn vị. Nhờ tổ chức được kịp thời các hội nghị thông tin chiến dịch và sự chỉ đạo chặt chẽ đối với từng đơn vị, đặc biệt là khi có các đơn vị thay phiên chiến đấu hoặc hiệp đồng chiến đấu vào một mục tiêu, nên hệ thống thông tin cấp trên, cấp dưới đã kết hợp với nhau chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau bảo đảm cho chỉ huy chiến dịch luôn thông suốt.

Để tổ chức sử dụng các phương tiện đạt các yêu cầu vững chắc, bí mật theo chỉ thị của Tham mưu trưởng chiến dịch, Ban Thông tin liên lạc đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng một loạt biện pháp có hiệu quả khi triển khai các đường dây trong hào giao thông, hạn chế sử dụng vô tuyến điện sóng ngắn liên lạc điện báo với các đơn vị tham gia chiến dịch. Bố trí cụm điện đài cách xa Sở Chỉ huy 10km để liên lạc với Bộ Tổng tham mưu và các chiến trường trong toàn quốc, đồng thời giữ bí mật cho vị trí bố trí Sở Chỉ huy. Khi Đảng uỷ mặt trận ra nghị quyết về Đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, thông tin liên lạc đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ cấp uỷ đến đảng viên, cán bộ, chiến sĩ các phân đội thông tin trực thuộc; đồng thời, mở tiếp hội nghị thông tin, quán triệt quyết tâm của Đảng uỷ chiến dịch, rút kinh nghiệm công tác tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc và thảo luận phương pháp khắc phục thiếu sót để làm tốt hơn cho đợt sau.

Tóm lại, cơ quan thông tin chiến dịch đã chỉ đạo khá chặt chẽ công tác tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến dịch. Hệ thống thông tin toàn chiến dịch đã đạt chất lượng tốt. Cơ quan và phân đội thông tin các cấp, các binh chủng đã phối hợp công tác chật chẽ với nhau, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch, góp phần bảo đảm cho chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu, giành thắng lợi trọn vẹn trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thành công của tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển của nghệ thuật tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc chiến dịch của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã góp phần quan trọng vào việc định hướng xây dựng lý luận, tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc và tổ chức bảo đảm kỹ thuật của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, bộ đội thông tin liên lạc đã được trang bị nhiều phương tiện thông tin công nghệ cao, hiện đại, có chất lượng tốt hơn và số lượng cũng nhiều hơn; tình huống tác chiến sẽ diễn biến rất khẩn trương, đột biến và quyết liệt. Do đó, yêu cầu chỉ huy tác chiến cao hơn, đòi hỏi thông tin liên lạc phải thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu quán triệt tư tưởng "lấy ít đánh nhiều", "lấy trang bị kỹ thuật yếu hơn chống lại kẻ địch có trang bị kỹ thuật mạnh hơn, hiện đại hơn", nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi phải có trình độ tổ chức tốt, sử dụng các phương tiện thông tin có kỹ thuật cao trong điều kiện chiến tranh mới để bảo đảm thông tin liên lạc cho bộ chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân đánh thắng kẻ địch có vũ khí công nghệ cao, có trình độ tác chiến hiện đại.

Tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc cho cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật vẫn phải dựa vào ưu thế chính trị, tinh thần và sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, phát huy tinh thần dũng cảm, trí thông minh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ thông tin, tổ chức và sử dụng có hiệu quả mọi loại phương tiện thông tin có trong tay cả khí tài thông tin hiện đại và thông tin truyền thống, tổ chức hệ thống thông tin hợp lý để bảo đảm thông tin vững chắc, cơ động, bí mật, phù hợp với mọi cách đánh trong nhiều loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại.
__________________________________________________
1. Ban Thông tin chiến dịch do Cục trưởng Cục Thông tin làm Trưởng ban, một phó phòng thuộc Cục Thông tin làm Trưởng ban Thông tin sở Chỉ huy đi trước.
Phân đội thông tin trực thuộc lúc đầu chỉ có một trung đội vô tuyến điện sóng ngắn, một trung đội hữu tuyến điện và một tiểu đội chuyển đạt.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2022, 02:25:53 pm »


CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KỸ THUẬT
TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1

Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Tư lệnh chiến dịch, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận, Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách việc làm đường và tiếp tế cho chiến dịch.

Để tiếp tế cho chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động 260.000 dân công, trên 20.000 xe đạp thồ, trên 17.000 ngựa thồ, trên 4.000 thuyền các loại và 628 xe ôtô vận chuyển hàng hoá, đạn dược... Theo kế hoạch chung, việc tổ chức vận chuyển đường dài từ các vùng tự do lên Điện Biên Phủ được thực hiện như sau: Hội đồng Cung cấp chiến dịch tổ chức chuyển hàng và đưa dân công lên giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương. Hướng từ Việt Bắc sang giao ở Ba Khe, hướng từ Liên khu III, Liên khu IV lên giao ở Suối Rút.

Tổng cục Cung cấp hậu phương phụ trách chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu... đến Ba Khe, Suối Rút và giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương.

Tổng cục Cung cấp tiền phương vận chuyển tiếp lên mặt trận, đồng thời tổ chức các kho dự trữ quanh thị xã Sơn La và các kho trung tuyến từ km 31 đến km 87 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Các kho được bố trí hợp lý, bí mật, an toàn, thuận tiện cho việc cấp phát và tiếp nhận. Ở Sơn La, ta dựa vào hang đá Bản Lầu làm tổng kho vũ khí đạn cho toàn chiến dịch. Các kho trung tuyến và dã chiến đặt gần đường, tận dụng địa hình, đào hầm sâu vào các sườn đồi, lưng núi. Các kho đều có cửa chống bom, đạn và bố trí với khoảng cách hợp lý để bảo đảm an toàn và phục vụ bộ đội tác chiến thuận lợi. Kho và đường vào kho được nguỵ trang cẩn thận, do vậy, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, hầu như không bị tổn thất do máy bay, pháo binh địch đánh phá. Việc tổ chức kho đều có tính toán, sắp xếp khoa học, các loại đạn được phân theo lô, loại và để ở từng hầm riêng biệt, vừa tiện cho việc cấp phát vừa tiện kiểm tra, bảo quản.

Tổ chức bảo đảm vũ khí theo phương án lúc đầu dự kiến là 327 tấn, sau đó có kế hoạch bổ sung thêm 106,5 tấn. Đến ngày 31-1-1954, theo phương án mới, cần bổ sung thêm 414 tấn, sau đó lại tăng thêm 608 tấn. Số lượng tăng không chỉ một lần mà tăng nhiều lần, như kế hoạch 414 tấn tăng làm bốn lần (gọi theo mật danh là các kế hoạch PTKA, B, C, D), kế hoạch 608 tấn tăng làm ba lần (gọi theo mật danh là các kế hoạch PTKE, G, R). Như vậy, vũ khí đạn cần chuẩn bị cho chiến dịch là 1.455,5 tấn. Đây là lượng vũ khí, đạn dược lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà ngành quân khí phải chuẩn bị cho một chiến dịch. Cục Quân khí đã huy động tất cả lượng đạn dự trữ các kho của cục, lấy về hết 11.715 viên đạn pháo 105 ly thu được trong Chiến dịch Biên giới gửi ở Long Châu (Trung Quốc) và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được trong trận Banaphào để ở kho Chu Lễ (Hà Tĩnh). Do tình hình khẩn trương nên nhiều loại vũ khí, đạn nhận từ nguồn viện trợ không nhập kho mà chuyển thẳng ra mặt trận (như hoả tiễn H6). Để bảo đảm tiếp tế vũ khí, đạn cho chiến dịch, Tổng cục Cung cấp thành lập Ban Quân khí tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Nam - Cục trưởng Cục Quân khí, làm Trưởng ban; đồng chí Phan Tử Lăng - Cục phó Cục Quân khí làm Phó trưởng ban. Cơ quan quân khí tiền phương trong chiến dịch này đông người nhất từ trước đến nay, gồm 139 cán bộ, chiến sĩ của Cục Quân khí, bốn đội thanh niên xung phong với 478 người và nhiều cán bộ, nhân viên do Chính phủ điều động bổ sung. Với lực lượng này, Ban Quân khí tiền phương đã tổ chức thành các tổ, đội như sau:

- Một tổ ở cơ quan Tổng cục Cung cấp tiền phương do đồng chí Trưởng ban quân khí tiền phương phụ trách, giúp Tổng cục chỉ đạo bảo đảm vũ khí, đạn cho mặt trận.

- Bộ phận quân khí hoả tuyến.

- Bộ phận kho ở Xuân Ninh, Ngũ Mãng và các phân kho trung tuyến, hoả tuyến.

- Đội sửa chữa vũ khí, đạn.

- Đội thu hồi, xử lý vũ khí, đạn chiến lợi phẩm.

- Bộ phận phái viên, nhân viên kỹ thuật tăng cường cho các đại đoàn để theo dõi, chỉ đạo và giải quyết vũ khí, đạn cho đơn vị.

Việc sửa chữa, bảo đảm cho xe ôtô vận chuyển phục vụ chiến dịch được tổ chức chu đáo. Các đơn vị đã phát động đợt thi đua ngắn ngày tập trung sửa chữa những xe hư hỏng để đưa vào vận chuyển. Đại đội 202 đã sửa được chín xe hỏng nặng, ba xe hỏng nhẹ. Đại đội 206 tự khắc phục sửa chữa được bốn xe gãy nhíp... Ngành xe máy tổ chức hệ thống phục vụ sửa chữa từ hậu phương đến tiền phương. Ở hậu phương, ngành xe máy sử dụng hai xưởng Tiền Phong và Chiến Thắng tập trung sửa chữa bảo đảm cho các xe tham gia chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, có xưởng sửa chữa AZ11 bố trí ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái). Xưởng được trang bị thêm thiết bị đủ khả năng sửa chữa, bảo đảm cho các xe hoạt động trên tuyến; có hai đội sửa chữa bố trí ở Tuần Giáo và km 15 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ phục vụ các xe hoạt động ở trung tuyến và hoả tuyến; có hai đội sửa chữa cơ động, một đội hoạt động trên đường 41 và một đội hoạt động trên đường số 1. Mỗi đội có bảy đến tám thợ giỏi sẵn sàng sửa chữa khắc phục những xe hỏng hóc dọc đường.

Với tinh thần "tất cả cho chiến dịch thắng lợi" và "yêu xe như con, quý xăng như máu", cán bộ, chiến sĩ ngành xe ngày đêm chăm sóc bảo quản xe tốt trong suốt chiến dịch, bảo đảm vận chuyển đạn, gạo... và kéo pháo vào trận địa đúng thời gian, kế hoạch tác chiến. Trong chiến dịch, hầu hết số xe được điều động ra mặt trận (gồm 16 đại đội với 628 xe, hơn 800 lái xe và 300 thợ sửa chữa).

Cùng với lực lượng xe ôtô, hàng ngàn xe đạp thồ, xe ngựa, xe trâu, thuyền, mảng... liên tục xuôi ngược trên các tuyến đường từ các Liên khu III, IV ra, từ trung du lên, từ Việt Bắc sang, từ Tây Bắc và Thượng Lào xuống Điện Biên Phủ; vận chuyển cung cấp đủ vật chất và vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến dịch (trong số hàng hoá tiếp tế cho chiến dịch có 1.458,1 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật).

Việc bảo đảm thông tin liên lạc cho chiến dịch do đồng chí Hoàng Đạo Thuý - Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, trực tiếp làm Trưởng ban thông tin chiến dịch. Lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc có các tổ sửa chữa khí tài, kho thông tin, Tiểu đoàn 303, Đại đội 101 và lực lượng thông tin của các đại đoàn, trung đoàn bộ binh, Đại đoàn công - pháo.

Phục vụ cho việc vận chuyển tiếp tế, Trung đoàn công binh 151 cùng các lực lượng dân công, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã khẩn trương làm việc ngày đêm để thông đường theo đúng kế hoạch. Ngày 27-11-1953, xe vận tải đã đến được Tuần Giáo và ngày 16-1-1954, Trung đoàn lựu pháo 54 (gồm 24 khẩu pháo 105 ly), các tiểu đoàn pháo cao xạ, các xe bảo đảm... đã vào đến km 70 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.
______________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM