Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:13:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15870 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 09:03:49 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỰ LỰA CHỌN ĐỊNH MỆNH
CỦA THỰC DÂN PHÁP
1

Đại tá, TS. NGUYỄN MẠNH HÀ
Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự


Ngày 8-6-1954, một tháng sau ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Plêven, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói trước Quốc hội Pháp: "Khi một chiến dịch quân sự kết thúc xấu, người ta thấy lập tức mọc lên nhan nhản những nhà "chiến lược xalông" và những nhà tiên tri "nói hậu", họ giải thích rằng họ đã luôn luôn báo trước nhưng nào họ có bày tỏ ý kiến gì trước đâu... Điện Biên Phủ được chiếm ngày 20-11-1953... Giữa ngày đó đến lúc Việt Minh bắt đầu tiến công, ngày 13-3-1954, các nhà tiên tri có thể dễ dàng cho người ta nghe ý kiến của mình trong khoảng thời gian ba tháng rưỡi... Cái mà tôi biết, đó là ngày tôi lên thăm tập đoàn cứ điểm, ngày 19-2, mọi người ở đây đều rất tin tưởng vào sự bố phòng cũng như những phương tiện của mình và không một ai nghĩ đến việc rút bỏ nó. Cái mà tôi biết, đó là không một chỉ huy quân sự nào mà tôi hỏi ý kiến lại đề nghị tôi làm việc đó"2.

Vậy những lý do nào khiến Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương, đại diện là Tổng Chỉ huy Nava, chọn Điện Biên Phủ làm nơi đối đầu với Việt Minh trong một trận chiến có tính chất quyết định đến thắng bại của cả cuộc chiến tranh, một sự "lựa chọn định mệnh", lại được Chính phủ Pháp thông qua? Có nhiều lý do để giải thích vấn đề này, chúng tôi xin tóm tắt thành những điểm chủ yếu dưới đây:

Trong kế hoạch tổng thể của Nava, được Hội đồng Quốc phòng Pháp3, do Tổng thống Vanhxăng Ôriôn, chủ toạ, thông qua4 ngày 24-7-1953, không hề thấy nhắc đến địa danh Điện Biên Phủ cả về mặt vị trí chiến lược cũng như ý nghĩa chính trị, quân sự. Có chăng, Điện Biên Phủ chỉ nằm ở vị trí khiêm tốn trong mối quan tâm chung của Nava về vùng rừng núi Bắc Bộ và trách nhiệm bảo vệ Thượng Lào. Vậy mà, theo sự phát triển, chuyển biến của tình hình, cánh đồng lòng chảo Điện Biên, cách Hà Nội gần 400 km về phía tây-bắc, dần dần, một cách không tự giác, trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava.
________________________________________________
1. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
2. Xem Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
3. Gồm các bộ trưởng có liên quan đến Đông Dương và các tham mưu trưởng lục quân, không quân, hải quân.
4. Theo H. Nava, trong cuốn Thời điểm của những sự thật, Nxb. Plông, Pari, 1979 (bản dịch của Nguyễn Huy Cầu) thì kế hoạch tác chiến gồm hai bước:
+ Trong chiến cuộc 1953-1954, nói chung giữ thế phòng thủ ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn. Trái lại, ở phía nam lại tiến công để ổn định miền trung và nam Đông Dương và để lấy được nhân, vật lực. Đặc biệt phải thanh toán cho được Liên khu V.
+ Khi đạt được ưu thế về quân cơ động, nghĩa là nếu có thể được thì từ mùa Thu 1954, thực hành tiến công ở phía bắc nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 09:06:42 pm »


1. Lý do về phía ta

Chủ trương tác chiến của ta trong Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt trong vận động ở những hướng quân Pháp có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Điểm mấu chốt cần tập trung nỗ lực là tìm cách phân tán khối cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức xây dựng. Nava dự kiến tập trung xây dựng 27 GM (binh đoàn) cơ động cho toàn chiến trường Đông Dương (mỗi GM tương đương một trung đoàn tăng cường). Riêng ở Bắc Bộ, Pháp có 44 tiểu đoàn cơ động, trong khi đó ta có năm đại đoàn bộ binh và một đại đoàn công binh - pháo binh. Tỷ lệ quân chủ lực cơ động giữa ta và Pháp là 1/1,5. Tuy vậy, Nava vẫn chưa chát thừa nhận: "Mặc dù đông quân hơn đối phương một chừng mực nào đấy, lực lượng cơ động của ta vẫn không có khả năng đương đầu với khối chủ lực cơ động tác chiến của họ. Việc tổ chức một khối lực lượng mạnh hơn và có sức cơ động có thể sánh với Việt Minh là một điều cần thiết"1.

Do phải rút lực lượng ở các chiến trường về tập trung xây dựng khối cơ động, nên lực lượng Pháp - nguỵ trở nên sơ hở, mỏng yếu. Ta đã triệt để khai thác yếu điểm này, phân tán chủ lực đánh vào các địa bàn chiến lược mà Pháp không thể bỏ, buộc chỉ huy Pháp phải xé lẻ khối cơ động làm nhiệm vụ đóng giữ. Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng của Pháp, một lần nữa lại trở nên gay gắt.

Điều tài tình ở chỗ, chỉ với một đại đoàn thiếu (Đại đoàn 316 thiếu Trung đoàn 176) và một trung đoàn tăng cường hành quân làm nhiệm vụ tác chiến theo hai2 trong số nhiều hướng đã dự kiến, ta đã buộc Bộ Chỉ huy Pháp dần dần chuyển trọng tâm nỗ lực của kế hoạch (đã vạch ra) theo hướng nam - bắc. Có nghĩa là kế hoạch của Nava bước đầu bị phá vỡ trong khi ông ta muốn dành ưu tiên ở bước một cho chiến trường Nam Bộ và Liên khu V, thì nay buộc phải quay ra Bắc đối phó với ta. Chỉ riêng động thái đầu tiên này đã bộc lộ sự nhạy cảm, bị động, sơ hở trong thế bố trí chiến lược và trong cách điều quân, tổ chức lực lượng của phía Pháp.

Có thể nói rằng, trước khi Đại đoàn 316 rời địa bàn đứng chân ở Thanh Hoá theo đường 41 hành quân lên Lai Châu và một bộ phận chủ lực khác tiến sang Trung Lào, ngay cả phía ta cũng chưa lường trước sự thay đổi tình thế có tính chiến lược do sự đối phó của Pháp mang lại. Cơ quan chiến lược của ta vẫn có kế hoạch dài hơi trong hai năm (1953-1954), đồng thời dự kiến những khả năng, tình huống có thể xảy ra. Ta vẫn lựa chọn hướng địa bàn sở trường là vùng rừng núi để thực hành tác chiến ở Lai Châu, Tây Bắc, mà chưa dự kiến hết được Thượng Lào chính là điểm nhạy cảm, là "huyệt hiểm" của Pháp trong thế bố trí chiến lược ở Đông Dương. Việc Pháp cấp tốc cho sáu tiểu đoàn (gồm 4.500 quân) nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ3 vào các ngày 20, 21, 22 tháng 11-1953 trong lúc Đại đoàn 316 đang trên đường hành quân lên Lai Châu, là biểu hiện của phản ứng tức thì khi bị điểm trúng huyệt.

Tiến theo một bước, khi nhận thấy tình thế chiến lược mới xuất hiện, ta nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch. Cuối tháng 11-1953, Đại đoàn 308 được lệnh rút khỏi khối chủ lực gồm các Đại đoàn 308, 312, 304 (thiếu một trung đoàn) và Đại đoàn công - pháo 351, bố trí ở khu vực Phú Thọ - Yên Bái - Tuyên Quang sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn khi Pháp tiến công, hành quân lên Tây Bắc.

Một tình huống mới đặt ra đối với Bộ Chỉ huy Pháp: sử dụng lực lượng đánh lên Phú Thọ, Yên Bái để kìm chân chủ lực ta hay đưa thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ và chấp nhận giao chiến ở đó đồng thời vẫn xúc tiến thực hiện kế hoạch Nava, mở cuộc tiến công ở Liên khu V và miền Nam vào đầu năm 1954? Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Nava quyết định chọn phương án thứ hai: vừa đưa thêm quân lên Điện Biên Phủ, chấp nhận giao chiến vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch mở cuộc tiến công ở miền Nam. Theo ông ta, nếu đồng ý với tướng Cônhi, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, tập trung lực lượng đánh lên Phú Thọ - Yên Bái, nơi chủ lực ta đã sẵn sàng chờ giao chiến, thì khả năng giành thắng lợi không chắc chắn, vả lại, khối quân cơ động sẽ bị xé lẻ thêm nữa, sau khi đã phải "cắm chốt" ở Điện Biên Phủ và Trung Lào. Và lý do quan trọng nhất là sẽ không tiếp tục thực hiện được kế hoạch tiến công ở miền Nam như đã dự kiến.

Trong chỉ thị đề ngày 3-12-1953 gửi cho cấp dưới, Nava nhấn mạnh "Để ngăn chặn những ý đồ ấy (ý nói hoạt động sắp tới của chủ lực ta ở Tây Bắc) tôi quyết định chấp nhận cuộc chiến đấu ở Tây Bắc trong những điều kiện tổng quát sau đây:

1. Việc phòng giữ vùng Tây Bắc sẽ tập trung ở Điện Biên Phủ, căn cứ không quân và mặt đất cần được bảo vệ bằng mọi giá.

2. Việc chiếm giữ Lai Châu sẽ chỉ được duy trì khi các biện pháp hiện có đảm bảo được việc phòng thủ mà không bị tổn hại. Trong trường hợp bị uy hiếp nghiêm trọng, các đơn vị sẽ rút theo đường bộ hoặc đường không về Điện Biên Phủ"4.

Ngày 5-12, tránh trước khả năng bị chủ lực ta tiến công, các lực lượng đồn trú Pháp ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ bằng 183 chuyến máy bay Đakôta khứ hồi, bỏ lại tại thị xã này hơn 300 tấn trang thiết bị và 40 xe quân sự. Ngày 7-12, Đại tá Đờ Cátxtơri thay tướng Gin chỉ huy GONO5.

Như vậy, cho đến ngày 10-12, số quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã lên tới 10 tiểu đoàn bộ binh, do tiếp nhận các đơn vị từ Lai Châu rút về, và hai tiểu đoàn của bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 (13è ĐBLE) mới được đưa lên.

Điện Biên Phủ dần dần trở thành mối quan tâm, thu hút nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh của đội quân viễn chinh Pháp. Ngoài lý do chủ yếu là hoạt động và di chuyển các đơn vị chủ lực của ta hướng dần lên Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải từng bước một chấp nhận cuộc đọ sức ở đây, nơi địa bàn chưa được dự kiến chuẩn bị, còn nhiều lý do khác khiến Điện Biên Phủ, một cách không tự giác, trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava. Đó là sự đánh giá không đúng của Pháp về khả năng của bộ đội ta, không nắm được ý đồ tác chiến chiến lược, phán đoán của ta, từ đó bộc lộ điểm yếu cơ bản mà ta đã biết lợi dụng triệt để để giành thắng lợi.
_____________________________________________
1. H. Nava: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 85.
2. Hai hướng đó là Lai Châu (Tây Bắc) và Trung Lào.
3. Cuộc nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ mang mật danh Castor (con Hải ly).
4. Dẫn theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd, "Chỉ thị về việc điều hành những cuộc hành quân ở vùng Tây Bắc Bắc Kỳ".
5. GONO: Groupement Opération du Nord-Ouest.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 09:10:15 pm »


2. Lý do về phía Pháp

a. Về chính trị

Đây là thời điểm nước Pháp mỏi mệt về những biến động chính trị, xã hội, bị sa lầy ở Đông Dương, muốn rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Giới cầm quyền Pháp ở Pari đặt hy vọng vào kế hoạch của Nava và bản thân ông ta trong việc tìm ra một thắng lợi quân sự khả dĩ để "tạo thế" trong đàm phán. Mục đích của kế hoạch Nava, được Chính phủ Pháp xác định, nhằm làm cho Việt Minh phải nhận ra họ không có khả năng giành được một thắng lợi quân sự quyết định, từ đó không thể lợi dụng kết quả của thắng lợi quân sự để mặc cả về chính trị, để đàm phán. Mặt khác, giới lãnh đạo ở Pari và các cấp chỉ huy Pháp ở Đông Dương hy vọng, qua việc đánh thắng ở Điện Biên Phủ, sẽ phá vỡ kế hoạch giành chiến thắng quyết định của Việt Minh, ngăn chặn được tác động sâu sắc của thắng lợi đó đến dư luận Pháp và thế giới.

b. Lý do bảo vệ Lào

Nước Lào, đặc biệt là Thượng Lào, có tầm quan trọng chiến lược trong thế bố trí của Pháp ở Đông Dương. Đây là nơi có cả kinh đô của vương quốc và thủ đô của nước Lào thuộc Pháp. Theo Pháp, trong ba nước liên kết ở Đông Dương thì Lào được coi là nước "trung thành" nhất. Ngày 28-10-1953, Pháp đã ký với Lào một hiệp ước, theo đó Lào gia nhập khối Liên hiệp Pháp và nước Pháp cam kết bảo vệ Lào. Các chính khách, tướng tá Pháp đều có chung một nhận định: mất Thượng Lào sẽ có những tác hại không thể tính hết được về mặt chính trị1. Nava cho rằng: đánh Thượng Lào, chiếm kinh đô Luông Prabăng, Việt Minh sẽ giáng cho Pháp một thất bại về tinh thần khó có thể gượng dậy. Chiếm Trung Lào, Việt Minh sẽ tiếp tay cho Liên khu V và đe doạ toàn miền Nam Đông Dương. "Bảo vệ Thượng Lào đối với Pháp cần thiết biết nhường nào nếu không muốn chứng kiến cái cảnh chỉ một vài tháng nữa toàn bộ miền trung và miền nam Đông Dương sẽ bị sụp đổ". Đây chính là một trong những điểm yếu trong thế bố trí chiến lược của Pháp ở Đông Dương. Nếu chỉ mất Lai Châu, có lẽ Bộ Chỉ huy Pháp đã không vội vã phản ứng như vậy. Pháp còn trù tính một sự sụp đổ dây chuyền từ Thượng Lào xuống Trung Lào, rằng: "Cộng sản sẽ xâm nhập vào Thái Lan, chính quyền Băng Cốc sụp đổ như một lâu đài xây dựng bằng những quân bài, Campuchia bị uy hiếp sau lưng và công cuộc bình định miền Nam bị đe doạ...". Lý do bảo vệ Lào cũng chính là ý thức bảo vệ cho sự triển khai suôn sẻ bước một của kế hoạch Nava ở Liên khu V và miền Nam. Bởi vì, theo lời ông Mắc Giắckê, khi sang Đông Dương tháng 11-1953: "Nếu Việt Minh tới được sông Mê Công thì chắc chắn dư luận nước Pháp sẽ bị một cú sốc choáng váng đến nỗi không còn có thể tiếp tục cuộc chiến tranh được nữa".

c. Lý do chọn Điện Biên Phủ về mặt địa lý - quân sự

Nava và các tướng tá ở Đông Dương đều thống nhất cho rằng do thiếu lực lượng và sự kém thích nghi địa bàn rừng núi của binh lính nên Pháp chỉ còn cách bảo vệ trực tiếp cho Thượng Lào. Điều đó có nghĩa là thiết lập một căn cứ ngăn chặn Việt Minh tiến sang Lào chứ không phải sử dụng lực lượng đánh chặn theo kiểu vận động chiến. Có hai trục đường từ Tây Bắc Việt Nam sang Thượng Lào: một đường đi qua Sầm Nưa và cao nguyên Trấn Ninh, trên đường này đã có tập đoàn cứ điểm Cánh Đồng Chum do tướng Xalăng thiết lập từ trước, chặn lại; một đường tốt hơn đi từ Tuần Giáo, Điện Biên Phủ sang lưu vực sông Nậm Hu, tới Luông Prabăng. Đây chính là con đường chủ lực Việt Minh, theo dự kiến của Pháp, sẽ đi. Vì vậy, cách tốt nhất là phải thiết lập các căn cứ không - bộ, các "con nhím" hay các tập đoàn cứ điểm để ngăn chặn. Có bốn địa điểm được đưa ra cân nhắc: Lai Châu, Điện Biên Phủ (Việt Nam) và Viêng Chăn, Luông Prabăng (Lào). Hai địa điểm trên đất Lào không đáp ứng được yêu cầu cần phòng thủ cả trên không và trên mặt đất do bị hạn chế về tầm bao quát. Sân bay nằm cách xa thành phố nên không thể xây dựng được một tập đoàn cứ điểm ôm gọn cả thành phố lẫn sân bay. Hai thành phố Viêng Chăn và Luông Prabăng không nằm ở vị trí có thể khống chế toàn bộ vùng xung quanh khi bị Việt Minh tiến công nên nguy cơ bị cô lập là rõ ràng. Hơn nữa, việc tiếp tế sẽ khó khăn vì hai nơi nói trên đều nằm cách xa đồng bằng.

Lai Châu, nơi Pháp đã thiết lập căn cứ phòng thủ, cho đến lúc này cũng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đây vừa là khu vực khó trụ vững khi bị tiến công, đồng thời lại biệt lập, xa đường tiến quân của chủ lực Việt Minh nên không thể ngăn chặn có hiệu quả.

Chỉ còn có Điện Biên Phủ. Cựu Tổng Chỉ huy Xalăng đã nhận định về vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ ngày 25-5-1953, hai tháng trước khi kế hoạch Nava được thông qua, như sau: "Cần thiết phải bổ sung cho thế bố trí hiện tại bằng việc thiết lập một trung tâm đề kháng mới ở Điện Biên Phủ... chiếm được Điện Biên Phủ, ta (Pháp) sẽ khoá được con đường một cách rất có hiệu quả, bởi vị trí này chỉ có thể vòng qua một cách rất khó khăn bằng những con đường mòn phải vượt qua núi rất xấu"2.

Điện Biên Phủ là cánh đồng lòng chảo rộng nhất ở Tây Bắc, có điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một căn cứ phòng thủ không - bộ và phát huy được uy lực của pháo binh, khả năng của xe tăng, thiết giáp. So với Luông Prabăng và Viêng Chăn thì tiếp tế bằng không quân cho Điện Biên Phủ có nhiều điểm thuận lợi hơn. Theo Tổng Chỉ huy Nava: "Vị trí địa lý của khu lòng chảo Điện Biên Phủ, những đặc điểm về khí hậu ở đây khiến cho nó trở thành một địa bàn dễ phòng thủ, một trong những căn cứ không quân tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt vời. Chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi để chấp nhận một trận chiến đấu ở đây"3. Ngoài vận chuyển tiếp tế, Việt Minh sẽ "gặp khó khăn lớn khi đưa pháo 37 ly vào sát tầm mà máy bay lăn bánh khi cất cánh, hạ cánh và thả dù. Các vị trí pháo của họ (Việt Minh) sẽ bị đập nát vụn. Vì vậy, họ chỉ đưa được pháo vào lúc họ mở trận tấn công mạnh vào khu trung tâm. Như vậy, việc tiếp tế bằng không quân có thể tiến hành thoải mái cho đến ngày có cuộc tiến công... Ở mức tối thiểu vẫn có thể tiếp tế về ban đêm. Như vậy, rất có thể là việc tiếp tế bằng không quân luôn có thể đảm bảo"4. Pháo hạng nặng của Việt Minh cũng chỉ có thể bố trí ở các mỏm núi vành ngoài lòng chảo Điện Biên, vì vậy "ban ngày và những lúc thời tiết tốt thì các căn cứ của ta (Pháp) ít có khả năng bị kẻ thù pháo binh. Họ lập tức sẽ bị trừng trị"5.
_____________________________________________
1. Trong công văn của ông Gi. Mông (J. Mons), Thư ký Ủy ban Quốc phòng, gửi ông M. Giắckê, Bộ trưởng các quốc gia liên kết ngày 27-11-1953, có đoạn: "Mục tiêu (hành động) của chúng ta ở Đông Dương là đưa đối phương tới chỗ phải thừa nhận rằng họ không thể nào thắng lợi bằng biện pháp quân sự". Theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
2, 3. H. Nava: Thời điểm của những sự thật, Sđd.
4. Trích báo cáo Chống lại pháo phòng không của Việt Minh, do trung tá chỉ huy các lực lượng lục quân và không quân (F.T.A) ở bắc Việt Nam ký (sau khi một phái đoàn sĩ quan Hoa Kỳ từ Tôkiô tới để trình bày về loại pháo 37.A.A và những phương pháp phòng chống lại loại pháo này). Theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
5. Trích báo cáo của tướng Păngnaxiôri - thanh tra pháo binh các lực lượng lục quân ở Viễn Đông F.T.E.O. Theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 09:13:53 pm »


d. Lý do về mặt tâm lý

Chúng tôi không cho rằng đây là lý do chính khiến Pháp quyết định chấp nhận cuộc đối đầu ở Điện Biên Phủ, song đây là một khía cạnh, do chịu tác động của các vấn đề khác nên rất có ảnh hường đến thái độ, đến quyết định của các nhà chính trị, quân sự Pháp. Có thể lý giải điều này qua mấy điểm dưới đây:

- Mong muốn chung của giới cầm quyền Pháp là kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương bằng một thắng lợi danh dự. Họ không muốn Việt Minh ngồi vào bàn đàm phán với tư cách của người chiến thắng, mà ngược lại. Vì vậy, mặc dù đã bỏ nhiều công sức để xây dựng và thực hiện kế hoạch Nava, hy vọng trong thời gian hai năm 1954-1955 sẽ xoay chuyển được tình thế có lợi cho Pháp, thậm chí tiêu diệt đối phương bằng một đòn quân sự mạnh mẽ, Bộ Chỉ huy Pháp vẫn quyết định thay đổi kế hoạch, chấp nhận giao chiến lớn ở Điện Biên Phủ với ý đồ kìm giữ và tiêu diệt đại bộ phận chủ lực của ta.

- Nava và Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương, bằng nhiều cách, đã thành công trong việc gây tâm lý chiến thắng đến hầu hết các nhân vật chủ chốt của Chính phủ Pháp có liên quan trách nhiệm đến Đông Dương1. Những người đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Nava tiếp tục chuẩn bị cuộc giao chiến. Tướng Blăng đã viết cho Nava: "Từ mình tôi tin rằng trận đánh sẽ kết thúc bằng một thắng lợi không thể chối cãi được của bên phòng thủ và ở đây, tôi có thể giải thích nó bằng những lý lẽ thực tế"2. Phái đoàn Chính phủ Pháp do Plêven dẫn đầu, sau khi lên thăm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 19-2-1953, khi trở về Pháp cũng không hề che giấu niềm tin vào chiến thắng của phía Pháp trong trận đánh quyết định này.

- Dựa vào kết quả cuộc tập kích vào Lạng Sơn (17-7-1953), cuộc tập kích vào Lào Cai (6-10-1953) và nhất là sau khi mở cuộc hành binh Hải Âu (15-10-1953 - Mouette) vào tây - nam Ninh Bình, tìm diệt Đại đoàn 320 của Việt Minh, một tâm lý lạc quan bắt đầu xuất hiện trong hàng ngũ tướng lĩnh chính khách Pháp. Họ cho rằng kế hoạch tác chiến của ta bước đầu bị đảo lộn, Pháp đã phần nào giành lại quyền chủ động tiến công, tình thế đã trở nên sáng sủa hơn. Chính vì xuất hiện tâm lý chủ quan như vậy nên Pháp nhanh chóng "chộp" lấy cơ hội nhằm đánh đòn quyết định ở Điện Biên Phủ.

- Một lý do tâm lý không kém phần quan trọng nữa là ý định và hoạt động "không rõ ràng" của cấp chỉ đạo chiến lược và các đơn vị chủ lực ta trong suốt thời gian ba tháng 23 ngày, kể từ khi Pháp nhảy dù xuống (20-11-1953), đến khi súng bắt đầu nổ ở Điện Biên Phủ (13-3-1954). Cái sự "không rõ ràng" đó đã gây tâm lý sốt ruột, đánh giá thấp đối phương của phía Pháp, từ đó càng củng cố quyết tâm dùng Điện Biên Phủ làm nơi "nghiền nát chủ lực Việt Minh" của Pháp.

Pháp cho rằng quân và dân ta không thể chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ. Vì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, đầy đủ nhất, thời gian chuẩn bị, bố trí phòng thủ dài nhất. Trước kia, ta đã không có cách gì đánh bại được hình thức phòng ngự (biện pháp chiến lược) của Pháp ở Hoà Bình, Nà Sản, Cánh Đồng Chum... thì bây giờ càng không thể đánh được Điện Biên Phủ. "Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng nếu kẻ thù tiến hành trận đánh này thì nó rất gay go nhưng cũng tạo cho Pháp những cơ may lớn giành thắng lợi. Từ trước tới nay, đội quân của tướng Giáp chưa bao giờ đương đầu với một sứ mệnh ghê gớm như sứ mệnh đánh Điện Biên Phủ"3.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Pháp còn cho rằng ta không thể tập trung quân với số lượng lớn quá hai sư đoàn và pháo binh hạng nặng lên một khu vực biệt lập, đường sá xa xôi, không có phương tiện chuyên chở cơ giới. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược trong một thời gian dài, trên những con đường dài hàng trăm kilômét từ đồng bằng lên và từ biên giới Việt - Trung đến, chủ yếu bằng mang vác thô sơ, lại luôn bị máy bay ném bom phá, là điều không thể thực hiện được. Mặt khác, nếu bị kìm giữ một lực lượng lớn chủ lực ở Điện Biên Phủ thì kế hoạch tác chiến, thế bố trí chiến lược và quyền chủ động tiến công của ta sẽ bị phá vỡ.

Vì thế, nếu chiếm giữ được Điện Biên Phủ có nghĩa là Pháp vẫn đứng chân được ở Tây Bắc, vừa giữ được cả Thượng Lào, giữ được đồng bằng Bắc Bộ đồng thời vẫn có điều kiện để mở cuộc tiến công ở miền Nam như dự kiến của kế hoạch Nava. Điện Biên Phủ sẽ là cái "nhọt hút độc" (lời của Cônhi), lực lượng đối phương sẽ bị kìm chân ở đây 33 tiểu đoàn, trong khi đó Pháp chỉ cần có 12 tiểu đoàn.

Ngày 24-12-1953, lên dự lễ Nôen tại Điện Biên Phủ, tướng Nava đã tuyên bố với sĩ quan, binh lính Pháp phòng thủ tại đây: “Trong những điều kiện ấy thì một trận chiến đấu chỉ có thể diễn biến thuận lợi cho ta (Pháp). Tất nhiên, đối phương có thể gây bất ngờ cho ta ở một số nơi và còn có thể giành được những kết quả quan trọng cục bộ. Nhưng những khả năng của ta tập trung nhanh chóng, tại những nơi bị uy hiếp, những lực lượng lớn hơn của đối phương - lực lượng của quân địa phương, lực lượng không quân, và nhất là các lực lượng quân dù... sẽ chắc chắn mang lại kết quả có lợi cho ta. Nếu ta thắng trận này thì chúng ta sẽ thắng tất, vì thời gian ủng hộ chúng ta do (sẽ có) sự phát triển của các lực lượng các quốc gia liên hiệp... Những điều kiện quân sự cho chiến thắng đã hội đủ. Tôi tin chắc rằng các điều kiện chính trị cũng sẽ có thôi"4.

Mặc dầu đã có những tính toán thắng thua, tính đến những tác động tích cực cũng như những hậu quả tiêu cực khi chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết đấu, song đã có nhiều cứ liệu chứng minh sự hoang mang, không mấy tin vào thắng lợi của phía Pháp, ngay từ trước khi trận đánh bắt đầu. Trong bức thư đề ngày 1-1-1954 gửi Mắc Giắckê, Nava đã không giấu giếm sự lo ngại: "Trường hợp bị tiến công, khả năng thành công của ta sẽ thế nào? Trước đây hai tuần, tôi đánh giá khả năng đó là 100% (...). Nhưng trước sự tăng cường lực lượng của đối phương, mà tin chắc chắn cho biết, thì tôi không dám khẳng định thế nữa (...). Vậy tôi coi quân số tập trung ở Điện Biên Phủ như là một “khoản đặt” có thể chấp nhận và cần thiết để phòng thủ Thượng Lào và duy trì sự có mặt của chúng tại vùng Thượng. Cái "khoản đặt" ấy có thể mang lại những kết quả to lớn nếu ta thắng trận Điện Biên Phủ. Nếu ta thua trận thì "khoản đặt" ấy có thể mất phần lớn"5. Chưa hết, vào giữa tháng 1-1954, Nava còn bí mật chỉ thị cho Cônhi, Đờ Cátxtơri và Crevơcơ (chỉ huy quân Pháp ở Lào) xúc tiến lập một kế hoạch rút quân khỏi Điện Biên Phủ mang tên "Cuộc hành quân Xênôphôn" trong trường hợp nguy cấp.

Như vậy, "canh bạc Điện Biên Phủ" đã diễn ra với thất bại thuộc về phía Pháp. Trên thực tế, nguồn gốc sâu xa của "khoản đặt" ở Điện Biên Phủ bắt nguồn một cách lôgích, từ tiến trình phát triển của cuộc chiến tranh, với sự yếu kém, bị động ngày càng nghiêng về phía Pháp. Có thể coi đó là sự giải thích: tại sao Pháp lại chọn Điện Biên Phủ.
___________________________________________
1. Những nhân vật sau đây đã lần lượt từ Pháp sang Đông Dương và lên thăm Điện Biên Phủ (trừ các tướng lĩnh đang ở Đông Dương): Giắckê, Blăng, Tham mưu trưởng lục quân (26-1), Đờ Sơvinhê, Bộ trưởng Chiến tranh (7-2), Plêven. Bộ trưởng Quốc phòng, Êly, Tổng Tham mưu trưởng, Phay, Tham mưu trưing không quân (19-2). Ngoài ra còn có tướng Mỹ Ô. Đanien lên Điện Biên Phủ ngày 2-2-1954.
2, 5. Xem H. Nava: Thời điểm của những sự thật, Sđd.
3. Cao uỷ Đờ Giăng gửi điện cho Giắckê ngày 6-1-1954. Dẫn theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
4. Báo Caraven (Caravelle), ngày 24-12-1953. Dẫn theo Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ, Sđd.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 09:57:28 pm »


CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
TRONG BỐI CẢNH QUỐC TẾ NHỮNG NĂM 1950
1

GS. VŨ DƯƠNG NINH
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

I

Trong 5 năm đầu của nền cộng hoà dân chủ, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập mới giành được trong tình thế hầu như bị tách biệt với bên ngoài. Chưa có một quốc gia nào công nhận nền độc lập Việt Nam, không có một nguồn viện trợ quốc tế nào giúp đỡ. Nhưng với lời nguyện thiêng liêng "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", quân, dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện một cách kiên cường và tự lực.

Đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. Khi đó, hình thái hai phe của cuộc chiến tranh lạnh đã hiện lên rõ nét. Ở châu Âu, sự phân chia Đông Âu xã hội chủ nghĩa và Tây Âu tư bản chủ nghĩa thêm một "điểm nhấn" quan trọng với sự thành lập hai nhà nước Đức (Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức) vào năm 1949. Và ở châu Á năm trước đó, sự xuất hiện hai nhà nước trên bán đảo Triều Tiên (Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân quốc) càng khơi sâu vết hằn của một thế giới đối đầu. Đặc biệt, sự thành lập Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1949 do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã xoay chuyển tình hình thế giới, làm cho ưu thế của chủ nghĩa xã hội trở nên nổi trội, một cục diện mới xuất hiện ở miền Đông Á.

Khi đó, ở khu vực này đang diễn ra ba cuộc chiến tranh:

1. Cuộc chiến tranh Đông Dương chống thực dân Pháp âm mưu quay lại tái lập chế độ thuộc địa;

2. Đoạn kết của cuộc nội chiến Trung Quốc do Quân giải phóng tiến hành nhằm quét sạch tàn quân Quốc dân Đảng;

3. Cuộc chiến tranh mới bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên giữa hai miền đất nước.

Cuộc chiến trên đại lục Trung Hoa tạm kết thúc khi Nhà nước cộng hoà nhân dân tính toán khôn ngoan đã dừng chân bên bờ biển phía đông, để lại Hồng Kông trong tay Anh, Ma Cao trong tay Bồ Đào Nha và Đài Loan cho chính quyền bại trận họ Tưởng.

Đỉnh điểm của tình hình căng thẳng ở phương Đông bộc lộ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bị "quốc tế hoá". Mỹ nhảy vào chiến trường dưới danh nghĩa đội quân Liên hợp quốc cùng 13 nước đồng minh cứu nguy cho Hàn Quốc. Các đơn vị Chí nguyện quân Trung Quốc trực tiếp tham chiến, viện trợ cho Triều Tiên. Do vậy, cuộc chiến tranh đã vượt khỏi giới hạn nội bộ hai miền vì mục tiêu thống nhất đất nước mà bán đảo này đã bị biến thành bãi chiến trường đọ sức trực tiếp giữa hai lực lượng Trung Quốc và Mỹ, đằng sau đó là sự ủng hộ của các nước thuộc hai phe: Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa một bên và Anh, Pháp cùng các nước tư bản chủ nghĩa một bên. Nơi đây trở thành điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nửa của "Trật tự Yanta" mà mỗi bên đều muốn giành phần thắng.

Đến lúc này, cuộc chiến tranh Việt Nam đã vượt qua được chặng đường 5 năm đầy gian khổ nhưng không lùi bước: "5 năm chiến đấu đầu tiên giữ một vị trí đặc biệt trong chiến tranh giải phóng và giữ nước hiện đại của Việt Nam", "là tiền đề và cơ sở đầu tiên của thắng lợi vĩ đại ấy"2. Thế "chiến đấu trong vòng vây" của quân dân ta dần dần được tháo gỡ với việc thiết lập quan hệ ngoại giao cùng các nước xã hội chủ nghĩa vào tháng 1-1950. Những tín hiệu sa lầy của đội quân Pháp xâm lược ngày càng nổi rõ: "Tình hình cuộc chiến tranh Việt Nam càng ngày càng tồi tệ đã nói lên rất rõ những thất bại về chính trị của chúng ta (Pháp) trong suốt bốn năm đó"3. Chiến dịch Thu Đông năm 1950 đã nhổ những đồn bốt của quân Pháp trên vùng biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng, giáng một đòn quyết định vào cục diện chiến tranh. Đối với địch, "đến tháng 11 thì cuộc chiến tranh Đông Dương đã chuyển thành một cuộc tháo lui nhục nhã. Đó là sự bối rối không thể nào chịu được đối với người Pháp kiêu hãnh và làm dấy lên những hoài nghi nghiêm trọng ở Pháp cũng như ở Mỹ về việc quân đội Pháp có thể giành được thắng lợi quân sự như mong muốn"4. Thế là đã đến lúc người Mỹ phải vào cuộc: "Đứng trước khả năng Pháp có thể thất bại, đồng thời lúc đó cộng sản đã thắng lợi ở Trung Quốc, nên vào đầu năm 1950 Mỹ quyết định hỗ trợ cho Pháp ở Đông Dương, bước đầu trực tiếp dính líu vào Việt Nam"5. Việc Mỹ cứu giúp Pháp nằm trong một tính toán rộng lớn của chiến lược toàn cầu. Đó là sự ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc đang lan rộng ở vùng Viễn Đông cũng như lo ngại ảnh hưởng của Việt Nam sẽ lôi cuốn các nước Đông Nam Á vào trào lưu cách mạng, tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ nối từ Nhật Bản đến Ôxtrâylia sẽ bị suy yếu. Nguồn nguyên liệu phong phú và có tính chiến lược của khu vực này cũng là điều quan tâm của giới cầm quyền Oasinhtơn. Hơn nữa, nếu Pháp đổ tiền của vào cuộc chiến tranh xa xôi này thì Pháp sẽ bị chậm hồi phục nền kinh tế, do vậy sẽ gặp rắc rối trong sự ổn định chính trị trong nước và giảm sự đóng góp vào việc tăng cường lực lượng của khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà đó mới là điều quan tâm hàng đầu của Mỹ. Vì những lý do trên, các quan chức Mỹ nhất trí nhận định rằng: "Đông Dương và đặc biệt Việt Nam là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á".

Tuy vậy, khác với bán đảo Triều Tiên, trên chiến trường Việl Nam chỉ có quân, dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp mà không có mặt lực lượng quân đội của nước nào khác ngoài một số cố vấn. Bản chất của cuộc chiến tranh, về phía Việt Nam, trước sau vẫn là cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bảo vệ chính quyền dân chủ cộng hoà. Song, trong bối cảnh quốc tế phân hoá hai phe thì chiến trường Việt Nam cũng không tránh khỏi trở thành nơi giành giật ảnh hưởng giữa hai hệ thống xã hội. Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam; Mỹ, Anh viện trợ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta chẳng những gắn kết với phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa mà còn mang sắc thái của cuộc đấu tranh vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, nó đi vào quỹ đạo của cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng, hai chế độ chính trị ngày càng lan toả khắp hành tinh. Phrăngxoa Gioayô nhận xét: "Bộ Chỉ huy Pháp không chỉ đối phó với một cuộc nổi dậy có tính dân tộc mà là chống đối một sự nghiệp, không phải không có lý do để có thể xem như một trong những biểu hiện của cuộc chạm trán Đông - Tây trong khung cảnh chiến tranh lạnh"6. Cho nên, những biến động trên chiến trường Việt Nam không thể không chịu tác động của tình hình thế giới và ngược lại, chiến cuộc ở Việt Nam cũng ảnh hưởng đến tình hình chung của khu vực và thế giới.
_____________________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điên Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8-3-2004.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây (Hồi ức), Nxb. Quân đội nhân dân - Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr. 432-435.
3, 4. Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr.413-414.
5. G.c. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 14, 18.
6. Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Giơnevơ 1954, Sđd, tr. 89.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 10:03:55 pm »


II

Tháng 1-1950, chuyến công tác ra nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở cánh cửa ngoại giao với thế giới, đạt được sự công nhận chính thức của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, của Liên bang Xôviết và các nước xã hội chủ nghĩa đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thắng lợi ngoại giao đã chấm dứt thời kỳ chiến đấu đơn độc, hầu như bị cách ly với bên ngoài và từ đó tiếp nhận sự đồng tình về chính trị và sự viện trợ về vật chất.

Vội vã đáp lại sự kiện trên, tháng 2-1950, Mỹ, Anh và một số nước khác lên tiếng công nhận Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, được mang danh "quốc gia liên kết" của Pháp. Kèm theo đó là sự thành lập phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG (8-1950) và khoản viện trợ tiền tài, vũ khí đầu tiên của Mỹ với hy vọng giúp Pháp đủ sức kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương.

Nước Mỹ đã từ lập trường không can thiệp trước đây chuyển sang can thiệp thông qua viện trợ về quân sự và kinh tế ở Đông Dương. Như thế là đến năm 1950, "Hoa Kỳ đã dính líu vào chính sách kiềm chế tích cực ở châu Á cũng như ở châu Âu, ở Thái Bình Dương cũng như Đại Tây Dương"1. Nhưng sau ba, bốn năm theo đuổi cuộc chiến với những viên tướng nổi danh như Đờ Tátxinhi, Xalăng, Nava và khoản viện trợ của Mỹ từ 40% năm 1952 tăng lên đến 72% năm 1954 tổn phí chiến tranh ở Đông Dương, khoảng hơn 2,2 tỷ USD2, thực dân Pháp vẫn không xoay chuyển được tình thế. Ván bài cuối cùng hòng tạo nên thế mạnh đặt vào chiến cuộc Điện Biên Phủ hòng "nghiền nát Việt Minh" trong cái lòng chảo dày đặc cứ điểm.

Cũng từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) nhiệm vụ chính của cuộc kháng chiến khi đó là: "Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hoà bình thế giới"3. Như vậy, "bọn can thiệp Mỹ" đã trở thành một đối thủ trên chiến trường Việt Nam.

Vậy chiến trận Điện Biên Phủ được tính toán trên bàn cờ quốc tế như thế nào? Về phía đối phương, đây là một bài toán nhằm hai mục đích, cả Pháp và Mỹ đều muốn đánh một đòn quyết liệt để giành phần thắng cuối cùng. Nếu đạt được mục đích này thì chẳng những đánh bại lực lượng kháng chiến Việt Nam mà còn ngăn chặn sự lan tràn của "làn sóng cộng sản" ở vùng Đông Nam Á và nhờ đó nâng cao uy thế của các cường quốc tư bản. Nhưng tình hình thực tế chiến trường không diễn biến theo chiều hướng đó. Kế hoạch 15 tháng của tướng Đờ Lát Đờ Tátxinhi bị đổ vỡ thảm hại; tiếp theo, kế hoạch 18 tháng của tướng H. Nava hứa hẹn niềm hy vọng mới "sẽ đánh tan tổ chức cộng sản vào cuối năm 1955" (lời F. Đalét, sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ) cuối cùng cũng phá sản. Mỹ ráo riết tăng cường viện trợ cho Pháp về các phương tiện chiến tranh, tài chính và cố vấn quân sự. Nhưng thực ra, chính giới Mỹ cũng còn nhiều tính toán. Mỹ không dám đưa quân tham chiến trực tiếp ở Đông Dương, không muốn lặp lại "một Triều Tiên thứ hai" mà sau ba năm đổ quân, đổ của vào bán đảo này, Mỹ không giành được phần thắng, phải kết thúc bằng sự thoả thuận trở lại vĩ tuyến 38 như buổi đầu. Mỹ cũng lo ngại việc đụng đầu trực tiếp với Trung Quốc nếu quân đội nước này tham gia cuộc chiến Đông Dương. Nhiều lần, giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nhấn mạnh "dù tình hình có diễn biến đến mức nào thì Mỹ cũng không thể đưa lực lượng quân sự vào Đông Dương", "không thể đưa lực lượng mặt đất vào Đông Dương"4. Nhưng với vai trò "ông chủ" chi tiền, Mỹ muốn nhúng sâu vào kế hoạch tác chiến và trực tiếp nắm lực lượng bù nhìn nên ép Pháp phải nới rộng cái gọi là "quyền độc lập" mà Pháp đã ký cho "quốc gia Việt Nam" của Bảo Đại"5. Điều này là một trong những nguyên cớ làm cho Pháp khó chịu bởi vì Pháp muốn nhận viện trợ của Mỹ nhưng không để Mỹ can dự sâu vào công việc Đông Dương, nhất là việc nắm lực lượng "bản xứ". Tuy thế, do chiến cuộc ngày càng diễn biến xấu, Pháp phải từng bước nhượng bộ Mỹ, thay dần các chính khách bù nhìn để rồi sau thất bại ở Điện Biên Phủ phải chấp nhận Ngô Đình Diệm, con bài nuôi dưỡng của Mỹ, làm thủ tướng (6-1954) thay các phần tử thân Pháp.

Một câu hỏi lớn đặt ra đối với phe Mỹ là liệu Trung Quốc có đưa quân sang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Việt Nam không, nếu có thì sẽ phải đối phó như thế nào?
______________________________________________
1. Louis. J. Hailes: The Cold War as History, Ed Chatt and Windus, London, 1967, p. 299.
2. Có nhiều số liệu về viện trợ của Mỹ ở Đông Dương. Theo Lưu Văn Lợi - Nguyễn Hồng Thạch: Pháp tái chiến Đông Dương và chiến tranh lạnh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, thì số tiền đó tăng hằng năm là: năm 1950: 10 triệu USD, năm 1951: 30,5 triệu USD, năm 1952: 525 triệu USD, năm 1953: 735 triệu USD, năm 1954: 1.063 triệu USD. Theo Chen King C: Vietnam and China 1938-1954, Princeton, Princeton Univ. Press, N.J, 1969, tr.276, con số viện trợ của Mỹ là: năm 1951: 119 triệu USD, năm 1952: 300 triệu USD, năm 1953: 500 triệu USD (kể cả món viện trợ đặc biệt 385 triệu USD), năm 1954: 1 tỷ USD. Tính đến tháng 7-1954, tổng số tiền viện trợ là 2,2 tỷ USD. Theo Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Giơnevơ 1954, Sđd, tr. 115-116, thì con số viện trợ vũ khí từ năm 1950 đến năm 1953 tăng gấp 10 lần, từ 11 ngàn lên 117 ngàn tấn, còn về tài chính thì năm 1952: 115 tỷ phrăng, năm 1953: 300 tỷ phrăng (tức 905 triệu USD). Những số liệu dẫn từ nhiều nguồn không trùng khớp nhau, song có thể thấy rằng mức độ viện trợ của Mỹ vào chiến trường Đông Dương ngày càng tăng, mức độ can thiệp của Mỹ ngày càng sâu.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 170-171.
4. G.c. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 22, 28.
5. Theo Thoả ước Êlydê năm 1949 giữa Tổng thống Pháp V. Ôriôn với Bảo Đại, sau đó đã thành lập "quân đội quốc gia Việt Nam" - tức nguỵ quân vào tháng 9-1950. Đến ngày 8-3-1954, Thoả ước này được xem xét lại và đến ngày 21-4-1954 kết thúc với việc nới rộng quyền hạn của chính phủ bù nhìn, nhưng chưa kịp ký thì trận Điện Biên Phủ kết thúc. Tranh luận tại Quốc hội Pháp, nghị sĩ Ghilông nêu lên việc ký kết này là "thếp vàng lại một ông vua mất chức được biết nhiều ở sân gôn tại Cannơ hay những tay bồi rượu tại các hộp đêm hơn là trong tầng lớp nông dân".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 10:40:44 pm »


Ngay từ tháng 1-1951, trong cuộc họp giữa đại diện ba nước Mỹ, Anh, Pháp ở Oasinhtơn, Pháp đã đề nghị "cần làm một cái gì đó để Trung Quốc hiểu rằng một cuộc xâm lược vào Đông Dương sẽ gây nên một cuộc trả đũa tập thể". Còn Mỹ thì đề nghị đưa ra một "lời cảnh cáo tập thể đối với Bắc Kinh" để tỏ rõ sự đoàn kết giữa ba nước, song Anh lại lo ngại Trung Quốc sẽ coi đó như một sự khiêu khích.

Đến năm 1952, Pháp đưa ra ý kiến về một tuyên bố của ba nước khẳng định sự giúp đỡ đối với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á chống lại "sự đe dọa bên ngoài và bên trong" và hứa giúp các nước này xây dựng lại nền kinh tế. Về lâu dài sẽ tiến đến một hiệp ước tương trợ giữa các cường quốc với các nước Đông Nam Á, song trước mắt nên ra một văn bản gọi là Hiến chương Thái Bình Dương (tương tự Hiến chương Đại Tây Dương), lôi cuốn thêm hai nước tham gia là Ôxtrâylia và Niu Dilân, Mỹ và Anh tuy tán thành song có những đắn đo, tính toán riêng nên ý kiến đó chưa biến thành hiện thực. Trong khi đó, đối với Pháp thì tình hình chiến trường ngày càng trở nên ruỗng nát và dư luận đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh này. Pháp phải yêu cầu Oasinhtơn tăng cường viện trợ quân sự, nhất là máy bay và phi công.

Ngày 13-3-1954, cuộc tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. "Điện Biên Phủ từ những ngày đầu chiến sự đã làm các giới hữu trách trong chính phủ Pari ngạc nhiên. Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự, ở Pháp cũng như ở Mỹ và Anh, đều trải qua một cơn sốt đặc biệt"1. Ngay sau đó, Tổng Tham mưu trưởng lục quân Pháp Pôn Êly phải sang Oasinhtơn gặp Tổng thống Aixenhao, gặp Ngoại trưởng F. Đalét và các tướng lĩnh, các quan chức cao cấp Mỹ để cầu cứu khẩn cấp, nhất là để đối phó với quân đội Trung Quốc nếu như họ xuất hiện. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra dự kiến về một hiệp ước an ninh tập thể ở Đông Nam Á. Trong khi Aixenhao còn suy tính thì Níchxơn, Phó Tổng thống Mỹ hồi đó - khi nói về "Chiến lược cách nhìn mới và trả đũa ồ ạt" (Strategy of New Look and Massive Retaliaction) đã chủ trương "gửi lính Mỹ đến Việt Nam kẻo quá chậm", đổ bộ một lực lượng vào khu vực Hà Nội - Hải Phòng "dù có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Hoa đỏ", đồng thời có ý đe doạ về một "sức mạnh cơ động ghê gớm sẽ được sử dụng kín đáo để trả đũa...". Trong khi lên tiếng tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương, Ngoại trưởng Mỹ đã ám chỉ "nguy cơ nghiêm trọng", khiến cho "người ta đương nhiên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử". Còn chính giới Pháp thì bàn nhiều về khả năng Mỹ sử dụng lực lượng hải quân và không quân, có lẽ cả sức mạnh nguyên tử nữa"2. Họ hy vọng rằng sự đe dọa đó sẽ là con chủ bài lớn của Pháp buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Tuy nhiên, trong giới chính trị và quân sự ở Mỹ cũng có thái độ dè dặt. Họ lo ngại một sự can thiệp sâu như vậy sẽ lôi cuốn Mỹ vào một cuộc chiến tranh kiểu Triều Tiên. Ngày 3-4-1954, những người đứng đầu Quốc hội Mỹ đã bác bỏ kế hoạch của Đalét, đưa ra ba điều kiện để Mỹ tham chiến là các nước đồng minh, nhất là Anh phải đồng tình và tham gia; Pháp phải trao trả độc lập thực sự cho các "quốc gia liên kết" (tức là các chính quyền bù nhìn); và Chính phủ Pháp phải cam kết duy trì quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Có nghĩa là Mỹ muốn đẩy mạnh việc quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương, không muốn "đơn thương độc mã" nhảy vào cuộc chiến mà phải giữ lại lực lượng quân Pháp và kéo theo quân Anh với sự yểm trợ quân sự của Mỹ. Đồng thời, Mỹ vẫn theo đuổi dự án thiết lập liên minh chống cộng gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Thái Lan, Philíppin... (sau này trở thành Khối quân sự Đông Nam Á - SEATO). Nhưng đến cuối tháng 4, nguy cơ thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ ngày càng đến gần. Trong thời gian họp của khối NATO, ngày 21 - 22-4, Ngoại trưởng ba cường quốc là Đalét (Mỹ), Biđôn (Pháp) và Êđen (Anh) đã gặp nhau để bàn về tình hình Đông Dương và dự án "phòng thủ tập thể" ở Đông Nam Á. Biđôn kể lại trong cuốn D'uneré eistance à l’ autre (Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác) một chi tiết quan trọng tại cuộc gặp đó là Đalét hỏi riêng ông ta: "ông tính sao nếu chúng tôi cho các ông hai quả bom nguyên tử?" 3.

Thái độ của Anh khi đó tỏ ra dè dặt hơn. Chính phủ Luân Đôn chủ trương tìm biện pháp hoà giải, né tránh cuộc đối đầu với Bắc Kinh và Mátxcơva đồng thời không nên quá phụ thuộc vào Mỹ. Nước Anh cũng đang đối phó với cuộc chiến tranh du kích ở Malaixia, phải chú ý đến thái độ của các nước trong khối Liên hiệp Anh, nhất là Ấn Độ, đối với vấn đề Đông Dương để tránh những phản ứng bất lợi.

Cũng trong tình hình này, nội tình nước Pháp không kém phần rối ren. Tình trạng kéo dài không chút hy vọng của cuộc viễn chinh đã làm chính giới Pháp mệt mỏi và chia rẽ. Tướng H. Nava đã chua chát tổng kết tình hình chính trị của nước Pháp như sau: "Chưa bao giờ các nhà cầm quyền của chúng ta (Pháp) có được thời gian làm việc liên tục. Đối địch với Hồ Chí Minh - lãnh tụ chính trị duy nhất, và tướng Giáp - Tổng Tư lệnh duy nhất từ đầu chiến tranh đến nay, 19 chính phủ kế tiếp của chúng ta đã đưa ra năm cao uỷ (ông Đờ Giăng là người thứ sáu) và sáu tổng chỉ huy (mà tôi là người thứ bảy). Chúng ta chưa bao giờ có một đường lối chính trị nhất quán để theo đuổi". Để bào chữa cho trách nhiệm về thất bại ở Đông Dương, ông ta than phiền: "Ở Pháp, không khí tinh thần thật khủng khiếp: thờ ơ, lạnh nhạt nếu không nói là thù ghét, sự phản bội công khai phơi bày, vụ buôn lậu tiền bạc, vụ bê bối của các tướng lĩnh, v.v.". Trong giới chính trị, người ta thường lấy vấn đề Đông Dương để tuyên truyền tranh cử hòng giành được nhiều phiếu bầu. Trong giới quân sự, cuộc viễn chinh được coi là một trở ngại cho việc tái lập lực lượng Pháp ở châu Âu, là một gánh nặng mà họ mong muốn rũ bỏ. Do vậy, "đối với các nhà chính trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải thanh toán đi cho rồi"4.

Trong khi Chính phủ Pari lúng túng trước những tin tức thất trận từ Đông Dương truyền về thì phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" ngày càng sôi sục. Ngay từ năm 1949, trên đường phố Pari đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình quần chúng với những khẩu hiệu "Hoà bình ở Việt Nam", "Điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh". Thương binh từ chiến trường trở về diễu hành qua các đường phố lớn với biểu ngữ "Chúng tôi là nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam". Nhiều bà mẹ có con tử nạn tại Đông Dương mặc tang phục đến Bộ Quốc phòng đòi "Hãy trả con cho chúng tôi". Đặc biệt công nhân đường sắt, công nhân bến cảng Mácxây, Đăngcơ Brét... không chịu bốc dỡ vũ khí và các vật liệu chiến tranh xuống tàu sang Đông Dương. Tiêu biểu là chị Raymông Điêng đã nằm ngang trên đường xe lửa để chặn những chuyến tàu chuyên chở vũ khí ra cảng; anh H. Máctanh phát truyền đơn kêu gọi các bạn trong quân ngũ phản chiến. Nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp như Gi. Đuyclô, L. Phighe... dẫn đầu các cuộc tuần hành quần chúng cho dù sau đó, các ông phải vào tù. Báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp - ngày 27-1-1954 nhận định: "Ý muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương đã trở thành một yêu sách của toàn dân". Những tin tức về Điện Biên Phủ càng làm cho tình hình chính trị nước Pháp sôi sục. Nhiều "uỷ ban đoàn kết và hành động" đòi giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam bằng phương pháp hoà bình đã thu hút đông đảo trí thức, nhân sĩ và nghị sĩ các đảng phái (Cộng sản, Xã hội, Xã hội cấp tiến...), tham gia hoạt động dưới nhiều hình thức. Làn sóng chống chiến tranh ở Đông Dương đã lan từ đường phố vào tới các phiên họp của Quốc hội Pháp, tình trạng khủng hoảng của nền chính trị Pháp càng thêm sâu sắc5.

Cho đến cuối tháng 4-1954, khi nguy cơ thất bại của viên tướng Đờ Cátxtơri không còn nghi ngờ gì nữa, những người lãnh đạo Pháp lại thúc giục Mỹ tiến hành yểm trợ bằng không quân, đánh phá các căn cứ hậu cần và các con đường tiếp tế của kháng chiến. Đalét cùng Rátpho (Tổng Tham mưu trưởng liên quân) đã đi đến kết luận là không còn hy vọng cứu vãn Điện Biên Phủ nữa, nhưng vẫn đề nghị không quân Hoàng gia Anh phối hợp can thiệp vào Điện Biên Phủ "nhằm làm cho người Pháp thấy rằng họ vẫn còn các đồng minh hùng mạnh". Nhưng nước Anh đã kiên quyết từ chối với lời tuyên bố của Thủ tướng Sớcsin trong phiên họp khẩn cấp của nội các: "Cái mà họ yêu cầu chúng ta tiến hành là giúp họ vào việc lừa dối để Quốc hội tán thành một hoạt động quân sự, bản thân nó không có tác dụng mà lại có thể đẩy lùi thế giới vào miệng hố chiến tranh to lớn"6. Và "điều quan trọng nhất là Chính phủ Luân Đôn không muốn để nước Anh dính vào một cuộc chiến tranh mà họ cảm thấy không thể chiến thắng"7.
______________________________________________
1, 2. Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Giơnevơ 1954, Sđd, tr. 122-125.
3. Theo Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Giơnevơ 1954, Sđd, tr. 130. Nhưng đây vẫn còn là điều nghi vấn. Cũng theo Phrăngxoa Gioayô, trong sách viết của những chính khách đương thời, người Pháp khẳng định là có chuyện đó (G. Bônnê nói đến đề nghị của Mỹ về "những cỗ pháo nguyên tử", Schuman nhắc đến việc Ngoại trưởng Mỹ hỏi riêng ông ta về vấn đề này. Nava nói rằng "việc sử dụng bom nguyên tử ngay trên đất Đông Dương đã được Bộ Tham mưu Mỹ định đến đầy đủ"; nhưng Tổng thống Aixenhao cũng như Ngoại trưởng Đalét thì không hề đả động đến chuyện này. Còn trong hồi ký của Ngoại trưởng Anh Êđen viết rằng, tại Hội nghị Giơnevơ là hội nghị quốc tế đầu tiên ông ta ý thức sâu sắc về sức mạnh của bom khinh khí. Như vậy kế hoạch sử dụng bom nguyên tử ở Điện Biên Phủ là có thật hay chỉ là sự hăm doạ về mặt tâm lý?
4. H. Nava: Thời điểm của những sự thật, Sđd, tr. 49-51.
5. Xem Vũ Dương Ninh - Nguyễn Quốc Hùng: Điện Biên Phủ và sự khủng hoảng của nền chính trị nước Pháp, trong Đảng Cộng sản Việt Nam - Những trang sử vẻ vang (1930-2002), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
6. Piter. A. Poole: Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn, Nxb. Thông tin - Lý luận, Hà Nội, 1986, tr. 48.
7. G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Sđd, tr. 43.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2021, 10:43:58 pm »


III

Như vậy là ngay từ những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX trong khi diễn biến trên chiến trường ngày càng quyết liệt thì phương án đi tìm lối thoái bằng con đường đàm phán đã xuất hiện trong suy tính của các cường quốc tư bản. Bản thân kế hoạch Nava cũng hàm chứa ý tưởng tìm một giải pháp danh dự cho cuộc chiến đầy tổn thất. Nhất là khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt với bản hiệp định ký kết ở Bàn Môn Điếm (tháng 7-1953) thì niềm hy vọng về việc thương lượng nổi lên rõ hơn. Tại Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước ở Béclin (1-1954) gồm Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp, Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp đưa ra đề nghị triệu tập Hội nghị Giơnevơ có cả Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tham dự để bàn về vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Có thể nói đây là thời điểm chín muồi cho việc công khai đề suất vấn đề đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Về phía các nước đế quốc, tình hình đã rõ khi quân viễn chinh Pháp ngày càng sa lầy, không thể giành một chiến thắng quyết định; chính sách của Mỹ là can thiệp bằng viện trợ mà không muốn đổ quân để tránh lặp lại một Triều Tiên thứ hai; thái độ của Anh là dè chừng, lo ngại ảnh hưởng cuộc chiến sẽ làm rung chuyển các thuộc địa của họ.

Về phía các nước xã hội chủ nghĩa, cũng có những vấn đề đặt ra đối với hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc. Tính đến đầu năm 1954, sau chín năm khôi phục đất nước, Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật. Việc Liên Xô thử thành công quả bom khinh khí (8-1953) đã xoá đi thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và nâng cao vị thế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trên trường quốc tế. Nhưng J. Stalin qua đời ngày 5- 3-1953 đã để lại hai hậu quả quan trọng: một là tình hình không ổn định của bộ máy lãnh đạo tối cao với sự thay đổi liên tục những người cầm quyền, kể cả vụ sát hại không xét xử một nhân vật có thế lực là Bêria; hai là sự thay đổi về đường lối đối ngoại theo xu hướng hoà dịu với Mỹ. Do vậy, Liên Xô rất cần sự yên ổn trên bình diện quốc tế để rảnh tay giải quyết những vấn đề nội bộ và dồn sức vào hướng trọng tâm của họ là châu Âu, đặc biệt là vấn đề Béclin và nước Đức. Còn Trung Quốc, chỉ một năm sau khi thành lập nhà nước cộng hoà nhân dân, Quân giải phóng đã phải tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên với nhiều tổn thất. Các nước tư bản lo ngại rằng sau Hiệp định Bàn Môn Điếm, Trung Quốc có thể dồn sức vào chiến trường Đông Dương. Nhưng tình hình bên trong và bên ngoài khi đó đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền mới thành lập. Hậu quả của hàng chục năm nội chiến và kháng chiến chống Nhật làm đất nước suy kiệt, việc nuôi sống chừng 500 triệu dân không phải là điều dễ dàng. Tình trạng tàn quân Quốc dân Đảng còn đang lẩn quất khắp nơi và việc Mỹ giúp đỡ chính quyền họ Tưởng mới chạy ra Đài Loan luôn là mối đe doạ thường trực đối với chủ quyền và an ninh đất nước. Cho nên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải quan tâm đến việc tạo nên một môi trường quốc tế thuận lợi, hết sức tránh sự can thiệp của Mỹ vào các quốc gia láng giềng để có thể tập trung sức lực cho công cuộc kiến thiết quốc gia. Vả lại, đối với họ, việc tạm dừng cuộc chiến ở Đông Dương chính là giảm bớt nguy cơ lan rộng chiến tranh giáp vùng biên giới phía nam, đồng thời tạo nên một khu đệm an toàn cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ: "Mục tiêu chính của họ là khuyến khích hoà bình trong khu vực để cho họ có thể tập trung chú ý vào sự phát triển kinh tế trong nước và trên hết để tránh một sự can thiệp có thể có của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương"1. Cho nên, trong khi viện trợ tích cực cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nước lớn xã hội chủ nghĩa cũng mong muốn tìm kiếm biện pháp hoà giải.

Trong bốì cảnh quốc tế như vậy, Đảng và Chính phủ Việt Nam đương nhiên phải tìm ra đối sách thích hợp. Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Expressen (Thuỵ Điển) ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hoà bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó". Và "cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam"2. Đây là lập trường trước sau như một của Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố ngay từ những năm đầu của chính quyền nhân dân. Nhưng với tham vọng tái chiếm Đông Dương, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc gây hấn ở Nam Bộ từ ngày 23-9-1945 rồi mở rộng chiến tranh ra cả nước từ ngày 19-12-1946. Phải nếm trải những đòn thất bại cay đắng trong chiến tranh, những người cầm quyền Pari mới nhận ra con đường mà đáng lý họ phải chọn từ tám, chín năm trước. Cho nên lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội để đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Đương nhiên, cả hai phía đều muốn đến Hội nghị với một "hành trang nặng ký" vì ai cũng hiểu rằng người ta không thể đạt được trên bàn hội nghị cái mà không giành được trên chiến trường.

Ngày 26-4-1953, Hội nghị Giơnevơ nhóm họp để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Dự kiến vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương sẽ được bàn thảo từ ngày 8-5-1954.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, chiều ngày 7-5 Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Toàn bộ Bộ Chỉ huy của tướng Đờ Cátxtơri phải đầu hàng.

Còn tại Pari: "Trên diễn đàn của Quốc hội, Thủ tướng Lanien xúc động công bố sự thất thủ của tập đoàn cứ điểm. Tất cả các nghị sĩ - trừ những người cộng sản - đứng dậy kính chào những người bảo vệ bất hạnh của tập đoàn cứ điểm". "Ngày 8-5, vào cuối buổi chiều, ông Plêven đến nghiêng mình trước mồ chiến sĩ vô danh. Vào cuối buổi chiều ấy của một ngày chủ nhật đẹp trời mùa Xuân, Pari trên thực tế đã trống rỗng. Nhiều sĩ quan phần lớn mặc thường phục đã chuẩn bị một cuộc biểu tình phản đối Bộ trưởng Quốc phòng. Khi ông Plêven chuẩn bị lên xe thì bị xô đẩy, chửi bới mạnh mẽ, kính của ông rơi xuống đất...". "Ngày 19-5, đến lượt tướng Đờ Gôn đến Khải hoàn môn vào lúc 16 giờ. Viên tướng đến một mình. Nhưng ông ta đã thất vọng. Nếu như có rất nhiều người thì số người đó lại chưa đủ dưới con mắt ông ta. Thật thế, còn một khoảng cách khá xa với một cuộc biểu tình nhân dân lớn có tiếng vang quốc tế mà ông hy vọng".

Tại Giơnevơ: "Hội nghị quốc tế về Đông Dương khai mạc. Đoàn Pháp do Ngoại trưởng Biđôn dẫn đầu mặc toàn lễ phục màu đen”3.

Thế là ván cờ Điện Biên Phủ khép lại, bàn cờ quốc tế xoay quanh Hội nghị Giơnevơ bắt đầu.
_________________________________________________
1. Gabrien Kônkô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, t.l, tr. 91.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 168.
3. Clôđơ Paia: Hai mươi năm xâu xé nước Pháp, Nxb. Rôbe Laphông. Pari, 1972, bản dịch của Thư viện Quân đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2021, 08:44:26 pm »


PHẦN THỨ HAI

CHIẾN THẮNG DIỆN BIÊN PHỦ - ĐỈNH CAO CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

 

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ - TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC1


Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch quyết chiến chiến lược, chiến dịch cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Quân ta bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ sau khi đã tạo được cục diện chiến lược thuận lợi, làm tiền đề thắng lợi cho một chiến dịch quyết chiến chiến lược lớn nhất và quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi đánh bại mấy "đòn đánh trước" của Nava (Lạng Sơn, Trị - Thiên, tây - nam Ninh Bình), quân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng về chiến lược ngay từ đầu.

Bằng chiến dịch tiến công quy mô nhỏ gối đầu, song song và kế tiếp trên nhiều hướng từ bắc đến trung và nam Đông Dương (Lai Châu, Trung - Hạ Lào - đông bắc Campuchia, bắc Tây Nguyên, Thượng Lào lần hai) quân ta đã tiêu diệt hàng vạn tên địch, giải phóng nhiều địa bàn chiến lược quan trọng (chủ yếu trên chiến trường rừng núi), đặc biệt đã buộc Nava phải phân tán chừng 70 tiểu đoàn các loại lên các vùng rừng núi Tây Bắc, Lào, bắc Tây Nguyên làm cho khối quân cơ động của địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị điều đi ứng cứu quá nửa. Riêng trên chiến trường Tây Bắc, gần 1/3 lực lượng cơ động của địch2 bị giam chân trong một tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn cô lập, xa căn cứ hậu phương ở đồng bằng. Trong vùng sau lưng địch, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, phong trào chiến tranh du kích của ta phát triển cao, buộc địch luôn phải tung lực lượng đi đối phó khắp nơi, nhất là bảo vệ đường số 5 - con đường chiến lược Hà Nội - Hải Phòng, khiến cho khoảng 20 tiểu đoàn cơ động chiến lược còn Lại "không còn là lực lượng cơ động nữa".

Ngày 14-1-1954, Bộ Chỉ huy phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch tại hội nghị cán bộ chiến dịch. Qua thảo luận, hội nghị thống nhất nhận định rằng địch lúc này mới chiếm đóng, binh lực chưa nhiều, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, nhất là hướng tây, trận địa phòng ngự chưa được củng cố. Ta chủ trương tranh thủ thời gian, lợi dụng những điều kiện sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh, thực hiện phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Để thực hiện cách đánh này, ta tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, chia làm nhiều hướng, nhằm chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất, đánh thẳng vào tung thâm địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, sau đó tiếp tục giải quyết những bộ phận còn lại, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch: tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Phân tích cách đánh này, hội nghị nhận thấy "đánh nhanh, giải quyết nhanh" có nhiều điều lợi, vì bộ đội đang sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần không gặp trở ngại lớn.

Tuy đã thống nhất quyết tâm thực hiện phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" nhưng khi đánh giá trình độ bộ đội, hội nghị cho rằng mặc dù ta đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng ta chưa có kinh nghiệm thực tế. Đây là lần đầu tiên đánh tập đoàn cứ điểm, lại là một tập đoàn cứ điểm mạnh. Do đó, trong quá trình chuẩn bị theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta.

Sau hội nghị, hằng ngày đồng chí Chỉ huy trưởng chỉ đạo cơ quan tham mưu chiến dịch theo dõi những thay đổi về bố phòng của địch và tình hình chuẩn bị của bộ đội, nhất là việc kéo pháo vào trận địa.

Về phía địch, trải qua 10 ngày, ta thấy dịch tiếp tục tăng cường binh lực, xây dựng và củng cố hệ thống trận địa phòng ngự ngày càng vững chắc. Điểm cao Độc Lập ở phía bắc tập đoàn cứ điểm lúc đầu chỉ là một vị trí tiền tiêu, dần dần trở thành một cứ điểm mạnh do một tiểu đoàn Âu - Phi chiếm giữ. Điểm cao Him Lam ở phía đông - bắc (án ngữ đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ) được tăng cường và củng cố thành một trung tâm phòng ngự mạnh vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm. Ở phía nam, Hồng Cúm lúc đầu chỉ là một cứ điểm, đã phát triển thành một cụm cứ điểm, có sân bay và trận địa pháo, có khả năng chi viện hỏa lực cho phân khu Mường Thanh.

Về phía ta, mặc dù thời gian mở màn chiến dịch đã phải lùi năm ngày (từ ngày 20 lùi đến ngày 25-1), thời gian kéo pháo đã tăng gấp hơn ba lần dự kiến ban đầu, nhưng đến ngày 25 pháo vẫn chưa vào trận địa đủ theo kế hoạch. Về cách đánh của cả bộ binh và pháo binh đều còn nhiều vấn đề khiến cán bộ trung đoàn, đại đoàn chưa thật yên tâm: đánh liên tục ngày, đêm trên cánh đồng bằng phẳng với trang bị như hiện nay, biện pháp hạn chế hỏa lực phi pháo và cơ giới của địch như thế nào cho có hiệu quả? Quân ta chưa có nhiều kinh nghiệm hiệp đồng bộ - pháo trong đánh cụm cứ điểm, nhất là chi viện của pháo binh trong chiến đấu tung thâm và đánh địch phản kích. Vấn đề tiếp tế cho bộ đội (nhất là cho Đại đoàn 312 quá xa trên hướng bắc) bảo đảm như thế nào? v.v…

Càng gần ngày mở màn chiến dịch (25-1), phân tích tình hình thay đổi của địch và khả năng chuẩn bị còn hạn chế của bộ đội ta, đồng chí Chỉ huy trưởng thấy cách "đánh nhanh, giải quyết nhanh" chưa có đầy đủ yếu tố giành thắng lợi, mà đánh chắc thắng lại là một nguyên tắc tác chiến cơ bản của quân đội ta và đó cũng là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

16 giờ ngày 25, theo kế hoạch, là thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch. Bộ đội trên các hướng đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc hội ý Đảng uỷ mặt trận, đồng chí Bí thư Đảng uỷ kiêm Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp điểm lại tình hình mọi mặt và nêu ý kiến khẳng định: để bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch, phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm, để đánh theo phương châm tác chiến mới: đánh chắc, tiến chắc. Sau khi thảo luận, phân tích, ý kiến trên được sự nhất trí của tập thể Đảng uỷ.

Vào thời điểm đặc biệt đó của một chiến dịch lớn, khi mà bộ đội trên toàn mặt trận đang đợi lệnh nổ súng, quyết định trên là một việc làm quả đoán, táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thắng lợi của chiến dịch và xương máu của chiến sĩ.
______________________________________________
1. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử nghệ thuật chiến, dịch Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
2. 12 tiểu đoàn và 7 đại đội trong số 44 tiểu đoàn cơ động (tức 31%).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2021, 08:48:23 pm »


Ngày 7-2, hội nghị cán bộ chiến dịch được triệu tập để quán triệt quyết tâm của Đảng uỷ mặt trận "tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ". Trong báo cáo đọc trước hội nghị, đồng chí Chỉ huy trưởng dự kiến: đánh theo phương châm mới (đánh chắc, tiến chắc) chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Địch có thể tăng cường lực lượng. Bộ đội ta có thể tiêu hao, mệt mỏi. Việc cung cấp tiếp tế có thể thiếu thốn... Những khó khăn nói trên cần phải được khắc phục bằng mọi biện pháp tích cực nhất, với quyết tâm cao nhất để giành toàn thắng cho chiến dịch. Song, đánh theo phương châm mới, chúng ta có nhiều điều lợi. "Đánh chắc, tiến chắc", chúng ta sẽ chủ động: muốn đánh mục tiêu nào, lúc nào, thì đánh: muốn đánh thì đánh, muốn nghỉ thì nghỉ; chuẩn bị đầy đủ và chắc thắng thì đánh, không thì chưa đánh; muốn giữ nơi nào và có thể giữ được thì giữ, không thì không giữ. Cách đánh đó phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và phù hợp với trình độ bộ đội ta. Cách đánh đó cho phép ta tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực, hỏa lực vào từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu. Với cách đánh đó, ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch là quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, đồng thời khoét sâu chỗ yếu lớn nhất của chúng là ở vào thế bị bao vây cô lập và gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, tăng viện.

Hội nghị thảo luận những biện pháp hoàn thành những công tác chuẩn bị chủ yếu, nhằm bảo đảm thắng lợi như tổ chức đường cơ động cho pháo; tổ chức trận địa pháo thật kiên cố; chuẩn bị bộ đội về sức khoẻ, quân số chiến đấu, chiến thuật, kỹ thuật (nhất là xây dựng trận địa và hợp đồng bộ - pháo), động viên chính trị, giữ vững quyết tâm; chuẩn bị cung cấp về mọi mặt: đường vận chuyển, dân công, đạn dược, nhất là lương thực (tăng gấp ba lần so với dự kiến trước đây); theo dõi tình hình địch, nắm vững mọi thay đổi thế bố trí binh lực, hỏa lực và củng cố công sự của chúng, nhất là trong tung thâm...

Từ ngày tạm ngừng tiến công đến khi mở màn chiến dịch, ta phải trải qua gần 50 ngày nữa mới hoàn thành về cơ bản công tác chuẩn bị nói trên. Trong quá trình đó, cuộc họp ba ngày từ 20 đến 22-2 đã có vị trí rất quan trọng, nhất là về giải quyết nhận thức, tư tưởng của cán bộ đối với phương châm tác chiến mới. Theo nhận xét của đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch thì, qua thảo luận ở hội nghị, "cán bộ đã nhận thức được một số vấn đề về chiến thuật, nhưng nhìn chung còn có lo ngại. Điều đó chứng tỏ các đồng chí tuy tin tưởng vào phương châm "đánh chắc, tiến chắc" nhưng tin tưởng chưa đầy đủ...". Hội nghị đã tập trung vào việc quán triệt sâu sắc hơn nữa phương châm tác chiến mới và giải đáp những tồn tại trong tư tưởng cán bộ về khả năng tăng cường binh lực của địch đến mức nào và các biện pháp khắc phục tiêu hao mệt mỏi của bộ đội khi chiến dịch kéo dài. Cách đánh cụ thể cũng được thảo luận, tranh luận, nhằm làm cho cán bộ quán triệt chủ trương và biện pháp bao vây, khống chế sân bay, triệt tiếp tế, tăng viện bằng đường không của địch, tiêu diệt gọn quân địch trong từng trận đi đôi với liên tục tiêu hao rộng rãi sinh lực địch trên toàn mặt trận...

Kể từ ngày chiếm đóng Điện Biên Phủ đến ngày ta mở màn chiến dịch, địch đã có trên 100 ngày xây dựng và củng cố tập đoàn cứ điểm. Binh lực của chúng đã tập trung tới 11.800 tên1, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội máy bay. Tập đoàn cứ điểm được tổ chức thành ba phân khu, gồm 49 cứ điểm khoanh thành 8 cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Mỗi cứ điểm và cụm cứ điểm đều có khả năng độc lập chiến đấu. Quan trọng nhất là phân khu trung tâm, với bảy cụm cứ điểm. Lực lượng dịch ở đây có năm tiểu đoàn chiếm đóng và hai tiểu đoàn dù cơ động, có trận địa pháo, sân bay chính, căn cứ hậu cần và sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Phân khu bắc có hai trung tâm đề kháng: Gabrien (đồi Độc Lập) ở phía bắc, trấn giữ đường Lai Châu - Điện Biên Phủ và Bêatơrixơ (Him Lam) ở đông - bắc, trấn giữ đường Tuần Giáo - Điện Biên. Hai trung tâm đề kháng này cùng với An Mari (Bản Kéo) ở phía tây - bắc hợp thành ba vị trí vành ngoài, bảo vệ phân khu trung tâm từ tây - bắc sang đông - bắc2. Phân khu nam (Idaben - Hồng Cúm) do một tiểu đoàn Âu - Phi chiếm giữ cùng với một tiểu đoàn lê dương dự bị, có sân bay phụ và trận địa pháo, có thể bắn yểm trợ cho phân khu trung tâm.

Quá trình nghiên cứu thế bố trí của địch và xây dựng kế hoạch tác chiến, Bộ Chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch đặc biệt chú ý cụm điểm cao phía đông phân khu trung tâm. Địch dựa vào hệ thống điểm cao này, tổ chức thành hai trung tâm đề kháng lợi hại (Đôminích và Êlian). Đây là khu vực mạnh nhất và quan trọng nhất của phân khu trung tâm và của cả tập đoàn cứ điểm.

Về phía ta, trải qua gần 50 ngày chuẩn bị thêm theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", vào cuối thượng tuần tháng 3, bộ đội trên chiến trường Điện Biên Phủ đã sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên hầu hết các đơn vị chủ lực của Bộ được huy động vào một chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là các Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 (gồm 2 Trung đoàn 98 và 174); Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Cũng là lần đầu tiên các đơn vị hỏa lực mạnh của ta ra trận, gồm Trung đoàn 45 lựu pháo, Trung đoàn 675 sơn pháo, Trung đoàn 367 cao xạ pháo.
_________________________________________________
1. Quá trình diễn biến chiến dịch, địch tăng viện thêm hơn 4.000 quân, nâng tổng số quân địch ở Điện Biên Phủ lên hơn 16.000 tên.
2. Theo hiểu biết của ta hồi đó, phân khu bắc bao gồm cụm Độc Lập và Bản Kéo. Nhưng theo tài liệu của tướng lĩnh Pháp (như Y. Gra) hay ký giả Pháp (như P. Rôcôn) viết sau này thì An Mari thuộc phân khu trung tâm. Các cụm Gabrien (Độc Lập), Bêatơrixơ (Him Lam) cùng với An Mari (Bản Kéo) hợp thành ba cứ điểm vành ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu trung tâm từ xa, nhất là bảo vệ sân bay Mường Thanh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM