Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:43:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học  (Đọc 15872 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2021, 08:43:49 pm »


Từ đầu tháng 12-1953, công cuộc chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được ráo riết tiến hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được"1.

Quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động chiến đấu cụ thể của quân và dân ta.

Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" cả hậu phương hùng hậu, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng ở Tây Bắc, đến vùng du kích và căn cứ du kích đồng bằng Bắc Bộ đã tập trung mọi sức lực, của cải cho mặt trận Điện Biên Phủ2.

Trong khi đó, quân địch cũng tập trung cố gắng tăng cường phòng thủ, đưa đến Điện Biên Phủ nhiều phương tiện, vũ khí mới. Tổng số binh lực địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là 16.200 tên, bố trí trong 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu: bắc, nam, trung tâm để yểm hộ lẫn nhau. Phân khu trung tâm, được các trung tâm đề kháng trên các ngọn đồi phía đông bảo hộ một cách đắc lực, có các lực lượng cơ động, các căn cứ pháo binh và cơ giới, có Sở Chỉ huy của địch. Sân bay chính của Điện Biên Phủ cũng ở ngay đấy. Toàn bộ tổ chức phòng ngự quy mô rộng lớn nói trên đều nằm trong công sự và giao thông hào chìm dưới mặt đất. Địch xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, cả Pháp lẫn Mỹ đều thống nhất đánh giá: đây là một "pháo đài khổng lồ không thể công phá", một "con nhím" hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại (!).

Cuối tháng 1-1954, các đơn vị bộ đội chủ lực ta đã tới vị trí tập kết, bố trí xong trận địa và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công theo phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh".

Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị chỉ thị cho Đảng uỷ mặt trận kiểm tra lại tình hình, bảo đảm đánh chắc thắng. Sau khi cân nhắc tình hình mọi mặt. Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy mặt trận đề nghị hoãn thời gian nổ súng, hạ quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang “đánh chắc, tiến chắc". Chuyến phướng châm tác chiến chiến dịch lúc tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng đã tăng cường, hệ thống phòng ngự được tổ chức vững chắc, là một chủ trương kịp thời, chính xác. Nó quán triệt tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chi Minh là đánh chắc thắng". Đối với Bộ Chỉ huy chiến dịch, đây cũng là một quyết định khó khăn nhất trong những quyết định về chủ trương tác chiến của ta trong Đông Xuân 1953-1954.

Để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", về kế hoạch tác chiến, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định đây là một chiến dịch quy mô rộng lớn, diễn ra trong một thời gian khá dài và gồm cả một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc kế tiếp nhau cho đến khi quân địch bị hoàn toàn tiêu diệt. Vì vậy, về phương pháp chiến thuật, Bộ Chỉ huy chiến dịch nêu ra cách đánh từng bước, tập trung binh lực tạo ra ưu thế lớn để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch. Do tập đoàn cứ điểm của địch có hoả lực pháo binh, cơ giới và không quân mạnh, trong khi hoả lực pháo binh của ta có hạn, để giảm hoả lực của địch, phát huy sức mạnh hoả lực của ta, ta phải tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội ta triển khai và vận động dưới hoả lực của địch; pháo binh của ta vận chuyển được vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân của địch. Bằng những phương pháp chiến thuật trên, ta sẽ ngăn chặn, dần dần đi đến triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch.

Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ3.
_______________________________
1. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (tháng 12-1953).
2. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã đóng góp hơn 260.000 dân công (tính ra thành 14.000.000 ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ và nửa thô sơ.
Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã vận chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô.
Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã dồn hết sức mình tiẽp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh và đã đóng góp 31.318 dân công (tính ra thành 1.296.078 ngày công) làm công tác vận chuyển, sửa chữa cầu đường, dựng kho lán.

3. Lực lượng ta tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm bốn đại đoàn bộ binh (thiếu Trung đoàn 66) và Đại đoàn công - pháo 351 (gồm Trung đoàn Lựu pháo 45, Trung đoàn sơn pháo 675, 4 đại đội súng côi, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn công binh công trình).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2021, 08:52:47 pm »


Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng.

Ngày 13-3, từ những trận địa tiến công và bao vây mới xây dựng, ta mở đợt tiến công thứ nhất đánh các cứ điểm vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông - bắc. Chỉ trong bốn ngày, từ 13 đến 17-3, với hai trận đánh lớn then chốt đầu tiên là Him Lam và Độc Lập, quân ta đã đập vỡ hệ thống phòng ngự của phân khu bắc và một trung tâm đề kháng của phân khu trung tâm, giành thắng lợi giòn giã, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phát triển.

Đợt tiến công thứ hai của ta diễn ra rất quyết liệt.

17 giờ ngày 30-3, cuộc tiến công vào các ngọn đồi phía đông bắt đầu. Tại đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất ở phía đông, qua nhiều lần giành đi giật lại với nhau từng tấc đất, kết quả là ta và địch mỗi bên chiếm giữ một nửa quả đồi. Tại đồi C1, địch cho quân phản kích, đánh chiếm lại. Sau bốn ngày đêm chiến đấu, ta chiếm một nửa đồi, địch chiếm một nửa.

Như vậy là đợt hai chiến dịch đã giành được thắng lợi quan trọng nhưng chưa hoàn thành mục đích đề ra. Nhằm khắc phục hiện tượng hữu khuynh tiêu cực, Đảng uỷ chiến dịch phát động một đợt sinh hoạt chính trị đấu tranh với tư tưởng cầu an dao động, ngại gian khổ, hy sinh, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi và tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận. Đây là một thành công nổi bật về công tác chính trị, tư tưởng của ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở một thời điểm nóng bỏng của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo tiếp tục củng cố và xây dựng trận địa, siết chặt vòng vây, bao vây đánh lấn, bắn tỉa làm cho phạm vi phòng ngự của địch bị thu hẹp, tiếp tế khó khăn.

Ngày 1-5, đợt tiến công thứ ba của quân ta bắt đầu. Trên cơ sở kết quả chiến đấu của hai đợt trước, quân ta tiếp tục đánh chiếm cứ điểm cuối cùng của địch ở phía đông và chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Về phía quân Pháp, đứng trước nguy cơ sắp mất Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy quần đội Pháp đề ra nhiều biện pháp hòng cứu vãn tình hình ngày càng nguy ngập. Chúng định tiến công lên Việt Bắc để cắt đứt tiếp tế của ta nhưng không đủ quân thực hiện. Chúng định mở đường tháo chạy về Thượng Lào, nhưng thấy mạo hiểm, cũng không dám làm. Pháp hai lần cầu cứu Mỹ dùng máy bay oanh tạc hạng nặng ném bom xuống đội hình quân ta ở Điện Biên Phủ. Nhưng, vì phe đa số trong giới cầm quyền Mỹ, cũng như Chính phủ Anh không tán thành, đề nghị của Pháp bị bỏ qua.

Từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu nổ súng, hoạt động của các chiến trường phối hợp trên toàn quốc được đẩy mạnh lên ở mức độ cao. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi khoá, bãi thị của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị đòi chồng con, chống giặc bắt lính và đòi hoà bình liên tiếp nổ ra. Chưa bao giờ đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị lại kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng như thời kỳ này.

Tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các đường giao thông số 1, số 21, số 22, liên tiếp bị đánh. Đường số 5 thường xuyên bị cắt đứt. Các đơn vị chủ lực đánh những trận tập kích, phục kích quy mô vừa, diệt nhiều sinh lực địch. Nhiều trận đánh đồn bằng địch vận, bằng bao vây bức hàng, bức rút, bằng "hù doạ" đạt kết quả tốt.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt và để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của quân nguỵ, địch phải rút quân thu hẹp vùng chiếm đóng. Phần lớn đồng bằng Bắc Bộ được giải phóng.

Ở Bình - Trị - Thiên, quân ta đã đánh nhiều trận phục kích trên đường xe lửa, đánh nhiều trận tập kích, phục kích khá lớn ở An Hoà, Võ Xá, Ưu Điềm, Phò Trạch.

Tại miền Nam Trung Bộ, quân và dân Liên khu V chặn đứng đợt tiến công Atlăng 2 của địch, tập kích lần thứ hai vào thị xã Plâycu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt là trận phục kích đánh địch rút quân từ An Khê về co cụm lại ở Plâycu, ta tiêu diệt GM1001, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên, thu nhiều xe cộ, vũ khí của chúng. Đây là thắng lợi to lớn của ta ở Liên khu V và Tây Nguyên.

Ở Nam Bộ, chiến tranh du kích được đẩy mạnh khắp nơi. Tiểu đoàn 307 tiêu diệt hệ thống đồn bốt khu An Biên. Bộ đội địa phương Cần Thơ đánh Rạch Chanh, Tràm Chẹt, bao vây địch ở Giồng Riềng. Tiểu đoàn 308 đánh Kế Sách. Ở Gò Công, chỉ trong một đêm, nhân dân và bộ đội hạ 132 đồn bốt và tháp canh địch.

Đợt vận động tiến công địch của quân, dân các địa phương ở Nam Bộ cũng đạt kết quả lớn. Hàng vạn binh lính nguỵ bỏ đồn bốt trở về với gia đình. Nguỵ quân, nguỵ quyền ở nhiều nơi tan rã. Một số vùng được giải phóng, nhiều căn cứ du kích, khu du kích được mở rộng và xây dựng thêm. Phong trào toàn dân đánh giặc và thế tiến công mới của quân và dân Nam Bộ ở thời kỳ này chẳng những đã làm thất bại âm mưu bình định miền Nam của địch, mà còn giam chân một bộ phận quan trọng quân cơ động của chúng, không cho chúng điều thêm lực lượng từ Nam Bộ để tiếp viện cho Điện Biên Phủ và các chiến trường khác.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, sau 56 ngày đêm2 liên tục chiến đấu, ngày 7-5-1954, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân ta.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, thật xứng đáng "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc"3.

Sau này, khi nói về thất bại của Pháp trong cuốn Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Giuyn Roa đã thừa nhận: "Trên toàn thế giới, Oatéclô trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hoà. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn hãy còn vang vọng"4.
________________________________
1. Binh đoàn cơ động của quân đội Pháp từ chiến trường Triều Tiẽn mới được điều sang.
2. Chiến dịch Điện Biên Phủ tính từ khi mở màn (13-3-1954) đến khi kết thúc (7-5-1954) diễn ra trong 56 ngày 55 đêm.
3. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 90.
4. Giuyn Roa: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 579.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2021, 11:13:58 pm »


CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ -
TÌNH HÌNH ĐỊCH VÀ CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN CỦA TA1
(Trích)

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6 đến 8km. Đây là cánh đồng lớn nhất, giàu có nhất và dân cư đông đúc nhất trong bốn cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Điện Biên Phủ ở gần biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng, phía đông - bắc nối liền với Lai Châu, phía đông và đông - nam nối liền với Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản, phía tây thông với Luông Prabăng, phía nam thông với Sầm Nưa2. Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền tây nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ lúc đầu có khoảng sáu tiểu đoàn, sau tăng lên dần để đối phó với cuộc tiến công của ta. Khi quân ta bắt đầu tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng của chúng đã tăng lên đến 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh; trong quá trình chiến dịch, chúng tiếp tục tăng thêm 4 tiểu đoàn và 2 đại đội nhảy dù, tổng cộng là 17 tiểu đoàn bộ binh. Phần lớn các lực lượng này gồm các đơn vị Âu - Phi và các đơn vị nhảy dù tinh nhuệ. Ngoài ra, còn có ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực có 14 chiếc3. Tổng số binh lực là 16.200 tên.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự; nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành những cụm cứ điểm gọi là "trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp", có lực lượng cơ động, có hoả lực của mình, có hệ thống công sự vững chắc, xung quanh có hào giao thông và hàng rào dây thép gai, có khả năng độc lập phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm có nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi một trung tâm đề kháng cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều được che chở bằng hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, bằng một hệ thống công sự phụ (hàng rào hoặc bãi dây thép gai, bãi mìn) và bằng một hệ thống hoả lực rất mạnh.

Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu trung tâm ở ngay giữa làng Mường Thanh, tức là châu lỵ Điện Biên Phủ. Ở đây, tập trung gần 2/3 lực lượng của địch (tám tiểu đoàn gồm năm tiểu đoàn chiếm đóng và ba tiểu đoàn cơ động), có nhiều trung tâm đề kháng yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hoả lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay. Phía đông phân khu có cả một hệ thống điểm cao rất lợi hại, đặc biệt là các ngọn đồi A1, C1, D1, E1; những điểm cao đó là bộ phận phòng ngự quan trọng nhất của phân khu. Địch đã nhiều lần nhận định rằng Điện Biên Phủ là một pháo đài kiên cố, quân ta không thể nào công phá được. Chỉ lấy riêng phân khu trung tâm mà nói, thì lực lượng của địch đã khá mạnh, các điểm cao phía đông là những điểm cao quân ta khó lòng đánh được; chúng lại có sẵn một lực lượng pháo binh và cơ giới đủ sức đánh chặn mọi cuộc tiếp cận qua cánh đồng bằng phẳng, có sẵn một hệ thống công sự, dây thép gai và hào chiến đấu đủ sức tiêu hao và đánh lui mọi lực lượng tiến công, có sẵn một lực lượng cơ động gồm các tiểu đoàn nhảy dù sẵn sàng phối hợp với các trung tâm đề kháng để phản kích và tiêu diệt mọi lực lượng tiến công từ bên ngoài đến, có sẵn một lực lượng pháo binh cơ giới và không quân đủ sức ngăn chặn các lực lượng tiến công và tiêu diệt các căn cứ pháo binh của ta mà chúng cho là dễ phát hiện, vì buộc phải đặt ở sườn núi phía trong lòng chảo, còn nếu đặt ở phía ngoài thì lại quá tầm bắn cần thiết (khoảng cách từ những ngọn núi lớn khống chế Điện Biên Phủ đến sân bay là từ 10 đến 12 km).

Ở phía bắc, có phân khu bắc gồm các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo. Đồi Độc Lập là một vị trí có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Lai Châu vào Điện Biên Phủ.

Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm, nhưng cùng với các vị trí đồi Độc Lập và Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất nhất của địch, có nhiệm vụ án ngữ phía đông - bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Ở phía nam, có phân khu nam còn gọi là phân khu Hồng Cúm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.

Hoả lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: một căn cứ ở Mường Thanh, một căn cứ nữa ở Hồng Cúm, có thể yểm hộ lẫn nhau và yểm hộ cho các cứ điểm xung quanh. Ngoài hoả lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hoả lực riêng bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một hệ thống hoả lực chặt chẽ yểm hộ cho bản thân mình và các cứ điểm xung quanh.

Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh lại còn có một số sân bay dự bị ở Hồng Cúm, ngày ngày được nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 đến 150 tấn. Như vậy là vượt khá xa những dự tính ban đầu của chúng4.

Máy bay trinh sát và khu trục của phi đội thường trực luôn luôn bay lượn trên vùng trời Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ bắn phá và oanh tạc quân ta để yểm hộ cho tập đoàn cứ điểm thì do máy bay địch xuất phát từ các căn cứ Gia Lâm hay Cát Bi đảm nhiệm, về sau có một bộ phận xuất phát từ tàu sân bay của Mỹ đậu ở vịnh Hạ Long.

Với lực lượng hùng hậu và cơ cấu phòng ngự vững chắc như trên, Nava đã từng nhận định rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương, là một "pháo đài không thể công phá"5. Do nhận định chủ quan đó, mà địch đã phán đoán rằng quân ta có ít khả năng tiến công vào Điện Biên Phủ, và nếu quân ta mạo hiểm tiến công vào thì càng tốt, vì chắc chắn là quân ta không thể nào tránh khỏi thất bại. Chúng đã coi Điện Biên Phủ là một chiến trường được chuẩn bị sẵn để gây tổn thất nặng cho chủ lực ta. Đã có lần chúng láo xược thả truyền đơn thách thức quân ta tiến công Điện Biên Phủ.
_________________________________
1. Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
2. Do địa hình bằng phẳng, vào mùa khô thung lũng Điện Biên Phủ là một địa bàn thuận tiện cho việc sử dụng xe tăng, cơ giới. Sân bay do quân đội Nhật xây dựng trước đây trên cánh đồng Mường Thanh, có thể mở rộng thành một căn cứ không quân quan trọng. Đường số 41 là trục đường lớn duy nhất theo chiều từ bắc tới nam về hướng Luông Prabăng, kinh đô nước Lào. Phía đông và phía tây thung lũng là hai dãy núi chạy song song theo chiều bắc - nam và khép gần sát nhau ở hai đầu. Dãy Pú Hồng ở phía đông gồm những đỉnh núi cao, cây thưa, thoải dần về phía thung lũng. Dãy Pú Tà Cọ ở phía tây, núi cao, rậm rạp, dốc đứng về phía thung lũng.

Ngay sát thung lũng về phía đông - bắc, có một dải địa hình đặc biệt, gồm một số điểm cao nổi lên mặt cánh đồng trên dưới 30 m và hình thành một bức bình phong che chở cho thung lũng trên hướng Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

3. Ngoài vũ khí thông thường, quân địch ở Điện Biên Phủ còn được trang bị một số lớn khí tài đặc biệt như súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng, mìn đĩa, mìn napan chôn dưới đất, phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại để quan sát và bắn đêm, V.V.; với khoảng 3.000 tấn dây thép gai, việc sử dụng dây thép gai của địch ở Điện Biên Phủ đã gấp ba lần mức bình thường của quân đội Pháp trên chiến trường Đông Dương.
4. Theo kinh nghiệm rút ra từ tập đoàn cứ điểm Nà Sản, quân địch dự tính, để duy trì sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đủ khả năng phòng ngự và chiến thắng được quân ta, mức tiếp tế yêu cầu mỗi ngày khoảng 70 tấn trong điều kiện chiến đấu thông thường và 90 tấn trong điều kiện chiến đấu ác liệt.
5. Cho tới khi ta tiến công, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được tăng cường và bố trí với một binh lực tập trung mạnh mẽ chưa từng có: 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, phần lớn là quân tinh nhuệ bậc nhất của địch gồm:

5/7 RTA, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 7.
3/3 RTA, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 3.
2/1 RTA, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 1.
1/4 RTM, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Marôc thứ 4.
1/13 DBLE, Tiểu đoàn 1 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13.
3/13 DBLE, Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13.
1/2 REI, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn lê dương thứ 2.
3/3 REI, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn lê dương thứ 3.
1er BPC, Tiểu đoàn 81 dù thuộc địa.
8é BPC, Tiểu đoàn 81 dù thuộc địa.
2é BAT, Tiểu đoàn Thái thứ 2.
3é BAT, Tiểu đoàn Thái thứ 3.

Riêng về quân dù, địch đã đưa lên đây 7/10 tổng số quân dù ở Đông Dương, trong đó có 100% các đơn vị lính dù người Âu và lê dương. Có đơn vị như bán Lữ đoàn lê dương ngoại quổc thứ 13 đã có truyền thống hơn 100 năm. Các sĩ quan của địch cũng đều là loại cốt cán, khá bậc nhất của địch.

Các đơn vị pháo binh của địch gồm:
2/4 RAC, Tiểu đoàn 2 pháo 105 ly Trung đoàn 4 pháo thuộc địa.
RAC, Tiểu đoàn 3 pháo 105 ly Trung đoàn 10 pháo thuộc địa.
Một đại đội pháo 155 ly thuộc 4/4 RAC - Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 4 pháo thuộc địa và hai đại đội pháo cối 120 ly, tổng cộng 20 khẩu.

Máy bay của địch gồm bảy khu trục, sáu liên lạc trinh sát và một lên thẳng.

Hệ thống bố trí phòng ngự của địch có 49 cứ điểm, khoanh thành tám cụm, mỗi cụm mang tên một thiếu nữ.
1. Gabrien (Gabrielle) tức đồi Độc Lập.
2. Bêatrixơ (Béatrice) tức Him Lam.
3. An Mari (Anne Marie) gồm các cứ điểm ở tây bắc sân bay như Bản Kéo, Căng Na...
4. Huyghét (Huguete) cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm.
5. Clôđin (Claudine) cụm cứ điểm nam sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm.
6. Êlian (Eliane) cụm cứ điểm phía đông, tả ngạn sông Nậm Rốm khu vực Sở Chỉ huy của Đờ Cátxtri.
7. Đôminích (Dominique) cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm.
8. Idaben (Isabelle) tức Hồng Cúm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 08:22:52 am »


Về phía ta, ngay sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chúng ta đã nhận định rằng: dưới sự uy hiếp của chủ lực ta, quân địch có khả năng rút khỏi Điện Biên Phủ, đồng thời cũng có khả năng tăng cường phòng thủ ở đó, tổ chức Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm; và nếu khả năng thứ hai biến thành hiện thực thì đó là một cơ hội tốt để quân ta tiêu diệt sinh lực tinh nhuệ của chúng. Do dự kiến nói trên, nên trong khi chủ lực ta mở cuộc tiến công lên Lai Châu, ta đã cho một bộ phận cấp tốc tiến về phía tây, cắt liên lạc giữa Lai Châu và Điện Biên Phủ, tiến hành bao vây Điện Biên Phủ, bám sát địch, chuẩn bị chiến trường.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh. Tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự mới nhất của địch trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ. Hình thức đó đã từng hình thành với một trình độ còn thấp ở Hoà Bình vào cuối năm 1951, đã từng xuất hiện ở Cánh Đồng Chum và Nà Sản vào năm 1952 và đầu năm 1953. Đứng trước hình thức phòng ngự mới nhất, mạnh nhất của địch, chúng ta đã từng đặt ra vấn đề nghiên cứu để giải quyết là nên trực tiếp tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm hay không nên.

Trước đây, khi bộ đội ta còn yếu, hình thức chiếm đóng và tác chiến của địch là cứ điểm nhỏ và đội ứng chiến nhỏ. Khi bộ đội ta đã đủ sức tiêu diệt viện binh nhỏ và cứ điểm nhỏ thì hệ thống bố trí của địch lại được phát triển và củng cố thêm một bước, dựa vào những cứ điểm lớn, có công sự ngày càng kiên cố, có binh lực và hoả lực ngày càng mạnh hơn, đồng thời dựa vào những đội quân ứng chiến tương đối lớn. Về sau, trước sự lớn mạnh của quân ta, khi một cứ điểm của địch lâm vào nguy cơ bị tiêu diệt thì chúng có hai cách đối phó: một là rút quân để bảo tồn binh lực, hai là tăng cường thêm binh lực và tổ chức phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm.

Cách tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm không phải là một sáng kiến của quân đội xâm lược của đế quốc Pháp. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn phát xít Đức đã từng vận dụng cách phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, cũng gọi là "chiến lược con nhím", hòng ngăn chặn những cuộc tiến công như vũ bảo của Hồng quân Liên Xô tiến về hướng Béclin. Các tướng tá Pháp - Mỹ chỉ đem những kinh nghiệm của bọn phát xít Đức vận dụng vào chiến trường Đông Dương, hòng ngăn chặn những bước tiến của quân ta.

Đứng trước phương sách phòng ngự mới của địch, cách đánh của ta phải như thế nào để giành được thắng lợi lớn nhất, trong một tình hình nhất định về so sánh lực lượng giữa ta và địch, cần nhấn mạnh ở đây một lần nữa rằng trong khi giải quyết vấn đề cách đánh về chiến dịch cũng như về chiến thuật, bao giờ chúng ta cũng xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản về chỉ đạo tác chiến, tức là nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và nguyên tắc đánh chắc thắng.

Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản nói trên, khi hình thức tập đoàn cứ điểm mới xuất hiện, khả năng chiến đấu của quân ta về chiến dịch và chiến thuật còn có hạn, chúng ta đã từng chủ trương không nên trực tiếp đánh vào tập đoàn cứ điểm, mà chỉ tìm cách kiểm giữ chủ lực của địch trong tập đoàn cứ điểm, còn chủ lực của ta thì sử dụng đánh vào một hướng khác, ở đó địch tương đối yếu và sơ hở hơn, ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt sinh lực địch hơn. Chúng ta đã từng vận dụng cách đánh đó trong Chiến dịch Hoà Bình. Địch tập trung lực lượng thành tập đoàn cứ điểm ở Hoà Bình thì hướng tiến công chủ yếu của quân ta không phải là Hoà Bình mà là ở những nơi khác; chúng ta đã từng tiêu diệt viện binh của địch và cứ điểm của địch ở ven bờ sông Đà và đã mở cuộc tiến công vào vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, thu được nhiều thắng lợi lớn. Về sau, khi địch tập trung lực lượng ở tập đoàn cứ điểm Nà Sản thì sau khi tiến hành một hai cuộc chiến đấu ở đây, một bộ phận sinh lực địch bị tiêu diệt, nhưng lực lượng ta cũng bị tiêu hao, ta cũng lại chủ trương trước mắt không mở cuộc tiến công trực tiếp vào Nà Sản. Bộ đội tình nguyện Việt Nam lại phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công vào hướng Thượng Lào, phía tây - nam Nà Sản và đã thu được thắng lợi lớn.

Nhưng cách đánh trên đây không phải là cách đánh duy nhất. Chúng ta đã nhận định rằng, vấn đề trực tiếp tiến công vào tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là một vấn đề nhất định phải được giải quyết, là một bước tất nhiên quân đội ta phải trải qua trong quá trình phát triển của cuộc đấu tranh vũ trang và trên con đường trưởng thành của quân đội. Thật vậy, chúng ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm thì mới đánh bại được hình thức đối phó mới nhất, cao nhất của địch, đánh bại được sự cố gắng lớn nhất của chúng trong bố trí phòng ngự, gây cho chúng một sự khủng hoảng mới, tạo nên cục diện mới, mở đường cho quân đội ta tiến lên và thúc đẩy cuộc đấu tranh vũ trang của ta phát triển.

Vì vậy, từ khi hình thức tập đoàn cứ điểm xuất hiện, chúng ta đã dày công nghiên cứu hình thức phòng ngự mới đó của địch, đánh giá và phân tích chỗ mạnh và chỗ yếu của nó, đề ra những nguyên tắc chiến thuật cũng như những yêu cầu về kỹ thuật và trang bị, những khó khăn cần được khắc phục, để rèn luyện cho quân đội ta, chuẩn bị cho quân đội ta tiến lên giải quyết thắng lợi nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Và, có thể nói rằng bước vào Thu Đông 1953, thì quân đội ta đã được chuẩn bị để làm nhiệm vụ đó. Chính vì vậy mà khi phát hiện địch có khả năng tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ và biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm thì Trung ương Đảng ta đã nhanh chóng hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta đã căn cứ vào những khả năng mới của quân đội ta, đồng thời cũng căn cứ vào đặc điểm của chiến trường Điện Biên Phủ, căn cứ vào những điều kiện tác chiến trên quy mô lớn của ta cũng như của địch trên chiến trường này.

Trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa Đông 1953, Điện Biên Phủ đã dần dần trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Nava. Chúng ta có tiêu diệt được Điện Biên Phủ thì mới đập tan được âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ. Tuy nhiên, sự cần thiết phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tầm quan trọng của Điện Biên Phủ không thể coi là cơ sở chủ yếu để hạ quyết tâm đánh Điện Biên Phủ. Vấn đề quyết định là, căn cứ vào sự so sánh lực lượng cụ thể giữa ta và địch lúc bấy giờ, căn cứ vào những khả năng mới của quân ta và những khả năng mới của địch, ta có thể bắt đầu vận dụng cách đánh trực tiếp vào tập đoàn cứ điểm bằng cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ hay không; nói một cách khác, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh, tiến công vào Điện Biên Phủ, ta có nắm chắc phần thắng lợi hay không.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 08:25:56 am »


So với Nà Sản trước đây thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh hơn nhiều. Không những binh lực và hoả lực mạnh hơn gấp bội mà tổ chức phòng ngự cũng hiện đại hơn. Nếu Nà Sản là một tập đoàn cứ điểm quy mô nhỏ hơn, chỉ gồm những trung tâm đề kháng đơn giản, thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm quy mô lớn, gồm nhiều trung tâm đề kháng phức tạp. Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ đã đánh giá rất cao những chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, coi đó là một hình thức tập đoàn cứ điểm theo kiểu phức tạp, tổ chức phòng ngự ở một trình độ cao. Chúng đã đi đến kết luận: nếu quân đội ta đã không đánh được Hoà Bình và Nà Sản thì đương nhiên là không thể nào đánh được Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá được.

Nava và bọn tướng tá Pháp - Mỹ lại còn cho rằng, ưu thế của chúng ở Điện Biên Phủ còn do chỗ vị trí của tập đoàn cứ điểm này nằm ở giữa núi rừng Tây Bắc rất xa những căn cứ hậu phương của ta. Chúng ta muốn đánh Điện Biên Phủ thì phải sử dụng một lực lượng bộ đội khá lớn, phải tổ chức và duy trì những tuyến cung cấp rất dài trong một thời gian khá lâu. Chúng cho rằng, theo những kinh nghiệm chúng đã thu được thì ta hoàn toàn không có khả năng giải quyết vấn đề chi viện cung cấp theo một quy mô lớn, trong một thời gian dài như vậy. Đó là chưa nói đến những trở ngại và tổn thất rất lớn mà máy bay oanh tạc của chúng có thể gây ra cho việc chuyển quân và việc tiếp tế của ta. Còn như nói rằng, Điện Biên Phủ nằm ở giữa một thung lũng xung quanh đều có núi rừng bao bọc, thì thung lũng này là một thung lũng khá rộng, đường giao thông từ Tuần Giáo đi vào là những đường nhỏ, quân ta chắc chắn không thể vận chuyển pháo binh vào gần được, lại càng không thể giải quyết vấn đề tiếp cận qua cánh đồng bằng phẳng để tiến công vào tập đoàn cứ điểm. Như vậy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại càng không thể công phá được.

Nava đã căn cứ vào những lý do nói trên để hạ quyết tâm chiến lược: ra sức tăng cường Điện Biên Phủ, tiếp nhận cuộc chiến đấu với chủ lực của ta, cho Điện Biên Phủ là một chiến trường lý tưởng được lựa chọn để gây cho chủ lực ta những tổn thất hết sức nặng nề nếu ta dám mở cuộc tiến công mạo hiểm.

Những chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Nava nêu lên không phải là hoàn toàn không phù hợp với sự thực. Sai lầm của Nava là ở chỗ chỉ thấy chỗ mạnh của tập đoàn cứ điểm mà không thấy hết chỗ yếu của nó. Sai lầm cơ bản hơn nữa của y là, với cách nhìn của một nhà quân sự tư sản, y không thể thấy hết được những khả năng lớn lao của một quân đội nhân dân và của cả nhân dân một nước đang chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, lại càng không hiểu và không thấy được quá trình phát triển tiến lên, những tiến bộ và cố gắng vượt bậc của quân đội ta và của nhân dân ta, không hiểu được và không đánh giá được những khả năng lớn lao của tinh thần đấu tranh bất khuất của một dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng của một quân đội nhân dân.

Khi chúng ta hạ quyết tâm mở cuộc tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta có thấy hết những chỗ mạnh của địch và những khó khăn, trở ngại mà chúng ta có thể gặp phải hay không? Những điều đó chúng ta đều nhận thấy. Nhưng đồng thời chúng ta lại thấy những chỗ yếu của địch mà quân ta có thể lợi dụng; hơn nữa chúng ta lại thấy khả năng to lớn của quân đội và nhân dân ta, có thể vượt qua mọi khó khăn, khắc phục những chỗ mạnh của địch để giành lấy thắng lợi.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có đủ những yếu tố mạnh của mọi tập đoàn cứ điểm, lại có những chỗ mạnh đặc biệt của nó nữa. Nhưng do vị trí của nó nằm cô lập ở giữa núi rừng trùng điệp và mênh mông của miền Tây Bắc và Thượng Lào, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện hoặc tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không. Do đó, nếu đường hàng không bị hạn chế hay bị cắt đứt thì tập đoàn cứ điểm rất mạnh này sẽ ngày càng lộ rõ nhược điểm của mình, có thể mất dần sức chiến đấu và lâm vào thế bị động phòng ngự trong những điều kiện ngày càng khó khăn; trường hợp lâm nguy cũng khó lòng rút quân được toàn vẹn. Đó là chưa nói đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch nói chung là bạc nhược, nếu gặp khó khăn thiếu thốn hoặc thất bại thì lại càng kém sút thêm.

Về phía ta, thì lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị kỹ thuật có tiến bộ, hăng hái phấn khởi, quyết tâm tiêu diệt địch. Chúng ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hoả lực để đánh địch, quân ta lại đã có những kinh nghiệm nhất định về đánh địch trong công sự vững chắc, đã được bước đầu huấn luyện để đánh tập đoàn cứ điểm, có khả năng khắc phục khó khăn, giải quyết những vấn đề cần thiết để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Vấn đề cung cấp tiếp tế lương thực và đạn dược cho một lực lượng lớn ở xa hậu phương trong một thời gian dài đương nhiên có những khó khăn rất lớn, nhưng ta lại có sức mạnh của một hậu phương rộng lớn, có toàn dân, toàn Đảng, tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ.

Chúng ta cũng đã từng cân nhắc đến khả năng tăng viện của địch trong khi Nava còn có sẵn trong tay một lực lượng cơ động lớn. Do những cuộc tiến công mùa Đông của ta, khối cơ động đó đã bị phân tán rất nhiều. Chúng ta dự đoán, trong thời gian tới lực lượng địch có thể bị phân tán nhiều hơn nữa. Cho nên chúng ta đã đánh giá cao tác dụng của các chiến trường phối hợp, trong việc tạo điều kiện tốt cho chủ lực ta tiến công tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, hạn chế sự tăng viện của địch lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Xuất phát từ sự phân tích trên đây, luôn luôn nắm vững nguyên tắc tiêu diệt sinh lực địch và đánh chắc thắng, Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Trong khi Nava chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với chủ lực ta thì chúng ta cũng chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Chúng ta hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ để tiêu diệt những binh lực tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương1.

Quyết tâm rất lớn trên đây quán triệt phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt mà Trung ương đã đề ra cho việc chỉ đạo tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954.

Thật vậy, nắm vững phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt trong thời kỳ đầu của chiến cuộc Đông Xuân, chúng ta đã chủ trương dùng từng bộ phận của chủ lực ta mở nhiều cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối sơ hở, trong khi đó thì ở Điện Biên Phủ quân ta giam hãm chủ lực địch để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt địch trên các hướng khác, đồng thời tiến hành mọi công tác chuẩn bị cần thiết để mở cuộc tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bước sang thời kỳ thứ hai của chiến cuộc Đông Xuân, công tác chuẩn bị trên mặt trận Điện Biên Phủ đã được hoàn thành, nhiều điều kiện thuận lợi mới đã được tạo ra do những chiến thắng liên tiếp của quân ta trên khắp các chiến trường, chúng ta đã mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nếu chủ trương của ta trước đây là tránh những nơi địch mạnh, chọn những hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu để tiến công tiêu diệt địch, thì bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã tập trung đại bộ phận chủ lực của ta tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Nếu trong các cuộc tiến công của ta trong thời kỳ đầu, hình thức tác chiến chủ yếu là đánh vận động và đánh công sự vững chắc nhỏ, thì bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến là một trận đánh công sự vững chắc quy mô rất lớn có tính chất trận địa. Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một biến chuyển mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của quân đội ta. Thắng lợi của chiến dịch to lớn này chắc chắn sẽ mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Thế là từ khi cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu, nhiệm vụ của chủ lực ta ở Điện Biên Phủ, lúc này đã trở thành mặt trận chính diện của cả nước, không phải là bao vây, giam giữ quân địch nữa mà là chuyển sang tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch.

Nhiệm vụ của bộ đội ta trên các chiến trường cả nước là phối hợp hoạt động với Điện Biên Phủ, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, phân tán giam giữ lực lượng của chúng, giảm đến mức tối đa khả năng của chúng tăng thêm cho mặt trận Điện Biên Phủ.
_____________________________________
1. Ta sử dụng chín trung đoàn bộ binh (gồm 27 tiểu đoàn) và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận pháo cao xạ (phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 - Báo cáo của Tổng Quân uỷ trình Bộ Chính trị ngày 6-12-1953).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 08:28:15 am »


Sau khi đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra là vấn đề tiêu diệt bằng cách nào. Đó là vấn đề phương châm của chiến dịch.

Đi vào phương châm chiến dịch của ta tại mặt trận Điện Biên Phủ, thì trong thời gian đầu khi quân địch mới nhảy dù xuống, quân ta mới thực hiện bao vây Điện Biên Phủ, lực lượng của địch chưa được tăng cường, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố, ta đã có dự kiến tranh thủ thời gian, lợi dụng những điều kiện sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa để đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Nếu tiến hành chiến dịch theo phương châm này thì sẽ tập trung ưu thế binh lực, hoả lực, chia làm nhiều hướng, có hướng chính, có hướng phối hợp, đánh sâu vào trong lòng địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm ra từng bộ phận; tập trung ưu thế binh lực, hoả lực, đánh vào chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất của địch, lợi dụng sơ hở của chúng để tiêu diệt bộ phận quan trọng của chúng; tiếp đó, tiếp tục giải quyết những bộ phận còn lại, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Đánh nhanh, giải quyết nhanh có nhiều điều lợi: quân ta đang sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao, mỏi mệt. Thời gian của chiến dịch không dài, nên vấn đề tiếp tế lương thực, đạn dược có thể bảo đảm chắc chắn, không gặp trở ngại lớn.

Tuy nhiên, đánh nhanh giải quyết nhanh lại có một điều bất lợi rất lớn là quân ta, mặc dầu đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế, lần này là lần đầu đánh tập đoàn cứ điểm, lại gặp một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Bởi vậy, trong khi tiến hành công tác chuẩn bị, ta đã tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta. Chúng ta đã phát hiện địch có tăng cường lực lượng, xây dựng trận địa phòng ngự, tổ chức hệ thống phòng ngự khá vững chắc. Ở phía bắc, lúc đầu cao điểm Độc Lập chỉ là một vị trí tiền tiêu, dần dần địch đã tăng cường lực lượng lên tới một tiểu đoàn Âu - Phi và xây dựng thành một cứ điểm mạnh. Cao điểm Him Lam ở phía đông - bắc án ngữ con đường lớn độc đạo từ Tuần Giáo tới Điện Biên Phủ cũng được tăng cường, củng cố trở thành một trung tâm phòng ngự kiên cố vào bậc nhất của địch ở Điện Biên Phủ. Hồng Cúm lúc đầu chỉ là một cứ điểm ở phía nam, địch đã phát triển dần thành một cụm cứ điểm, có sân bay dự bị, có trận địa pháo binh riêng, có thể cùng pháo binh ở phân khu trung tâm yểm hộ lẫn nhau. Địch cũng đã đóng thêm một số cứ điểm ở phía tây sân bay Mường Thanh. Các điểm cao lợi hại phía đông vẫn là nơi địch mạnh hơn cả. Chúng có thể dựa vào đó để kéo dài chiến đấu phòng ngự... Nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng, chúng ta đã nhận định rằng, trong tình huống tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố, không còn ở vào tình trạng lâm thời chiếm lĩnh trận địa nữa, nếu đánh nhanh giải quyết nhanh thì không mười phần bảo đảm thắng lợi. Do đó, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc, tiến chắc.

Theo phương châm đánh chắc tiến chắc, chúng ta quan niệm Chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là một trận đánh địch trong công sự vững chắc quy mô rất lớn và tiếp diễn liên tục trong mội thời gian ngắn từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, mà là một chiến dịch tiến công trận địa, quy mô rất lớn, nhưng lại gồm một loạt nhiều trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiếp diễn trong một thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt địch từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm. Tiến hành chiến dịch theo phương châm đánh chắc, tiến chắc đưa đến nhiều khó khăn, trở ngại mới. Chiến dịch càng kéo dài, địch càng tăng cường công sự, lại có thể đưa thêm viện binh. Về phía ta thì hoạt động kéo dài, bộ đội có thể bị tiêu hao, mỏi mệt, khó khăn lớn nhất là khó khăn về cung cấp và tiếp tế.

Nhưng đánh chắc, tiến chắc thì bảo đảm chắc thắng. Nhìn chung, so sánh lực lượng giữa địch và ta thì ta có ưu thế binh lực, nhưng đó chỉ là ưu thế tương đối; nếu đánh từng bước thì ta có thể tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực, hoả lực vào từng cuộc chiến đấu, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu. Đánh như vậy lại hợp với trình độ bộ đội của ta. Bộ đội ta lúc đó mới có kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc, tiêu diệt từng cứ điểm độc lập, do hai, ba đại đội hoặc một tiểu đoàn địch phòng giữ, nay cần tiến lên một bước tiêu diệt mỗi lần một hay một số cứ điểm, một tiểu đoàn nằm trong tập đoàn cứ điểm, có thể vừa đánh vừa học, bằng một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc gay go phức tạp nhưng không lớn lắm, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch. Chính cách đánh nói trên đã tạo nên bước nhảy vọt làm cho bộ đội ta chỉ trong một thời gian ngắn đã tiến vượt bậc từ chỗ mới tiêu diệt được cứ điểm độc lập, một tiểu đoàn của địch đến chỗ tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm lớn và kiên cố của chúng.

Đánh chắc tiến chắc, chúng ta lại giữ được chủ động hoàn toàn, muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đánh nơi nào thì đánh; lúc nào chuẩn bị đầy đủ và chắc thắng thì đánh, không thì không đánh hoặc chưa đánh; nơi nào cần giữ và có thể giữ thì giữ, không thì không giữ; đánh một trận rồi thấy nên tiếp tục đánh ngay thì đánh, cần nghỉ ngơi để chấn chỉnh lực lượng và chuẩn bị trận sau cho tốt thì vẫn có thể nghỉ ngơi.

Đánh chắc tiến chắc, chúng ta lại có thế khoét sâu nhược điểm lớn nhất của địch là vấn đề tiếp tế vận tải. Chiến dịch càng kéo dài thì địch càng bị tiêu hao nhiều về sinh lực cũng như về vũ khí, đạn dược, càng gặp khó khăn nhiều về tiếp tế vận tải. Nếu ta khống chế được sân bay và hạn chế được đường tiếp tế duy nhất của chúng, nếu ta ra sức thắt chặt vòng vây thì địch càng thêm khốn đốn.

Nhìn chung chiến trường cả nước, thì nếu Chiến dịch Điện Biên Phủ tiến hành trong một thời gian dài, các chiến trường khác càng có điều kiện thuận lợi để tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều đất đai, đồng thời làm tốt nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính.

Vì những lý do nói trên, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là đánh chắc, tiến chắc. Quyết định đó đòi hỏi một quyết tâm rất lớn, quyết tâm nắm vững nguyên tắc đánh chắc thắng trong việc chỉ đạo tác chiến, quyết tâm động viên toàn lực khắc phục muôn nghìn khó khăn trở ngại để bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 08:29:53 am »


Địch có thể tăng cường, chúng tăng cường thì quân ta phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu hơn và những cuộc chiến đấu gay go hơn mới tiêu diệt được toàn bộ quân địch. Giữa việc cần thiết phải tiến hành nhiều cuộc chiến đấu gay go mà chắc chắn thắng lợi với việc tiến hành ít cuộc chiến đấu mà không nắm chắc phần thắng, chúng ta đã chọn giải pháp thứ nhất. Tuy nhiên, địch có thể tăng viện, nhưng không phải là tăng viện bao nhiêu cũng được, nhất là trong khi quân ta đã hạn chế việc tiếp tế vận chuyển của chúng, trong khi trên khắp các chiến trường cả nước quân ta lại tích cực hoạt động. Chúng tăng cường thì một mặt có thêm lực lượng để đối phó với ta, nhưng mặt khác cũng tăng thêm khó khăn cho chúng.

Bộ đội ta có thể lo ngại vì bị tiêu hao và mỏi mệt, nhưng không phải không có cách nào để tránh hoặc giảm bớt sự tiêu hao mỏi mệt đó. Chúng ta phải hết sức chăm lo giữ gìn sức khoẻ cho bộ đội, săn sóc việc ăn uống nghỉ ngơi, tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh ở mặt trận, lại phải tích cực đào công sự, ẩn nấp kín, chuẩn bị đầy đủ việc bổ sung quân số và nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng sau mỗi trận chiến đấu để bảo đảm tác chiến liên tục. Hoạt động dài thì dễ bị tiêu hao mỏi mệt, nhưng so với địch thì ta ở tuyến ngoài, tiến hay lui, đánh hay nghỉ, đều chủ động; còn địch thì ở tuyến trong và bị động; bất cứ lúc nào đều phải ở luôn dưới hầm, tinh thần căng thẳng, luôn luôn lo sợ quân ta tiến công. Vì vậy, chúng ta quyết không sợ tiêu hao mỏi mệt, quyết tìm mọi cách để khắc phục những hiện tượng đó, bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.

Thời gian hoạt động kéo dài, quả thật vấn đề cung cấp tiếp tế là một vấn đề hết sức khó khăn đối với ta. Trong các chiến dịch trước như Chiến dịch Tây Bắc chẳng hạn, mặc dầu quy mô nhỏ hơn, lực lượng bộ đội ít hơn, chiến trường lại gần hậu phương ta hơn, mà cũng đã có những ngày bộ đội phải ăn cháo, lại có những lúc hầu như do khó khăn về cung cấp không giải quyết được mà phải bỏ ý định tác chiến. Chiến trường Điện Biên Phủ, ở cách xa hậu phương ta hàng 400-500 km, các tuyến đường chi viện nhiều quãng hết sức hiểm trở, nếu không quân địch đánh phá, nếu thời tiết không thuận lợi, thì việc chi viện mặt trận chắc chắn sẽ gặp những khó khăn trở ngại hết sức lớn lao. Nhưng chúng ta quyết không thể vì muốn tránh những khó khăn về chi viện cung cấp, mà lại áp dụng một phương châm tác chiến không bảo đảm thắng lợi. Ngược lại, để giành toàn thắng cho chiến dịch, chúng ta phải nâng cao tinh thần vượt qua gian khổ của tất cả các cán bộ và chiến sĩ, nâng cao tinh thần phục vụ tiền tuyến của các đơn vị cung cấp, vận tải tiếp tế, của các tổ chức dân công. Với quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự hy sinh cố gắng to lớn của nhân dân hậu phương, chúng ta tin tưởng có thể tiến hành được việc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Về mặt này, đối với địch thì cũng không phải mọi sự đều dễ dàng cả; nếu ta hạn chế hoặc cắt đứt được đường hàng không của chúng thì với nhu cầu lương thực, đạn dược rất lớn của chúng, với số thương vong ngày càng nhiều, với tinh thần bạc nhược của một quân đội đánh thuê, chúng sẽ gặp phải những khó khăn không thể lường được, không thể khắc phục nổi.

Một lo ngại nữa là, nếu thời gian chiến dịch kéo dài thì mùa mưa càng gần lại. Mùa mưa ở chiến trường rừng núi có thể gây ra tai hại lớn, đường sá bị hư hỏng, công sự bị ẩm ướt, sức khoẻ bộ đội và dân công có thể bị ảnh hưởng. Nhưng so với quân địch thì ta ở trên cao, địch ở dưới thấp, công sự của chúng có thể bị sập đổ, nước ngập đầy hầm, chúng cũng không thể tập trung lên chỗ cạn và trống trải vì sợ hoả lực của ta. Vì vậy thời tiết có thể gây khó khăn cho ta, nhưng đồng thời cũng gây những khó khăn lớn cho địch.

Để chủ động trong mọi tình huống, trong lúc tích cực chuẩn bị theo phương châm đánh chắc tiến chắc, chúng ta cũng dự kiến phương án chuyển sang đánh nhanh, giải quyết nhanh khi có thời cơ. Nếu ta chuẩn bị đầy đủ để đánh chắc, tiến chắc thì khi cần, chúng ta hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để chuyển sang đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Thực tiễn của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự đúng đắn của phương châm đánh chắc, tiến chắc. Phương châm chỉ đạo đó đã đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Thể hiện phương châm đánh chắc tiến chắc, nội dung kế hoạch tác chiến của ta ở Điện Biên Phủ gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, tiêu diệt mỗi lần một hay một số trung tâm đề kháng của địch, hình thành và thắt chặt vòng vây, hạn chế đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Theo dự kiến, chiến dịch có thể gồm hai giai đoạn:

a. Một giai đoạn tác chiến nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa tiến công và bao vây, thu hẹp phạm vi chiếm đóng, hạn chế đi đến triệt nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch.

b. Khi mọi điều kiện đã được tạo nên đầy đủ thì chuyển sang thời kỳ tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Diễn biến chiến sự đại thể theo đúng phương hướng nói trên, nhưng đi vào cụ thể thì có phần phức tạp hơn.
______________________________________
1. Nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc", trong việc chỉ đạo công tác chuẩn bị ta đã chú trọng cả hai mặt: chuẩn bị đầy đủ và tranh thủ thời gian. Trước đây vì muốn tranh thủ thời gian nên chuẩn bị chưa đầy đủ. Lúc này đề ra chuẩn bị đầy đủ, chúng ta đã chú ý đề phòng khuynh hướng kéo dài, không tích cực khẩn trương để tranh thủ thời gian. Chúng ta đã đặc biệt coi trọng công tác chuẩn bị trên mọi mặt, nhất là việc chuẩn bị thêm đường mới cho pháo, chuẩn bị trận địa và kỹ thuật bắn của pháo binh, chuẩn bị thêm về vật chất và tinh thần, về kỹ thuật và chiến thuật cho bộ đội; đồng thời chúng ta cũng tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tình hình địch, nhất là những thay đổi về binh lực và cách bố trí của chúng trong tung thâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 08:31:39 am »


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 chiến thắng Điện Biên Phủ

Đối với mặt trận Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là: tập trung đại bộ phận chủ lực của ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch với sự phối hợp của các chiến trường; hay là chỉ tiếp tục bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giam chân chủ lực của địch ở đây, để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt quân địch ở các hướng khác. Đó là vấn đề hướng chiến lược chủ yếu của chủ lực ta trong cục diện cụ thể lúc bấy giờ. Khi đã hạ quyết tâm mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì vấn đề đặt ra là phải đánh như thế nào để bảo đảm cho chiến dịch lịch sử này giành được toàn thắng. Đó là vấn đề nghệ thuật chiến dịch và vấn đề chiến thuật.

Chúng ta đều biết rằng, các vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật nói trên chính là nội dung chủ yếu của nghệ thuật quân sự. Và nghệ thuật quân sự không phải cái gì khác là nghệ thuật tạo nên một sức manh áp đảo nhằm cuối cùng tiêu diệt quân địch, đánh thắng chúng mà ta thì hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất. Nghệ thuật tạo nên sức mạnh ấy bao giờ cũng phải tính đến điều kiện cụ thể của ta và của địch về binh lực và hoả lực, về địa hình của chiến trường, về bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật; phải tính đến điều kiện mọi mặt trên chiến trường chính và cả trên chiến trường phối hợp; lại còn nhất thiết phải tính đến ý đồ chiến lược của địch và những biện pháp chiến thuật và kỹ thuật mà địch có thể sử dụng để thực hiện ý đồ ấy.

Ngay sau khi chủ lực của địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm bám sát địch, bao vây địch, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. Cho đến khi lực lượng của địch ngày càng tăng thêm, bao gồm nhiều đơn vị tinh nhuệ của khối cơ động chiến lược của chúng, tập đoàn cứ điểm được xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc, Trung ương Đảng ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chúng ta đã căn cứ vào tình hình địch, ta như thế nào để hạ quyết tâm chiến lược quan trọng ấy.

Một là, vì chúng ta đã sớm xác định chiến trường chính là chiến trường Bắc Bộ, hướng tiến công chủ yếu của chủ lực ta phải là chiến trường miền núi, cụ thể lúc bấy giờ là chiến trường Tây Bắc. Chúng ta đã chọn hướng chiến lược chủ yếu như vậy là xuất phát từ nhiều lý do; một trong những lý do quan trọng là vì trong điều kiện địch có hoả lực không quân, pháo binh và cơ giới mạnh, quân ta trang bị và kỹ thuật còn kém hơn thì tác chiến ở địa hình rừng núi đối với ta tương đối có lợi hơn so với địa hình đồng bằng.

Hai là, vì kẻ địch ờ Điện Biên Phủ, tuy mạnh nhưng ở vào thế bị cô lập; việc tiếp tế và bảo đảm hậu cần bằng đường hàng không có thể bị ta hạn chế và cắt đứt. Đó là chỗ yếu chí mạng của chúng.

Ba là, vì bộ đội chủ lực của ta lúc bấy giờ đã có những tiến bộ lớn về chiến dịch và chiến thuật. Quân ta đã có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc và đã được rèn luyện một bước để tiêu diệl địch trong tập đoàn cứ điểm.

Bốn là, vì tuy Điện Biên Phủ ở xa hậu phương ta, nhưng ta đã chuẩn bị một phần các tuyến đường nhằm sử dụng chủ lực trên hướng Tây Bắc; vấn đề tiếp tế hậu cần tuy khó khăn nhưng có thể giải quyết được.

Năm là, vì thế chiến lược chung ngày càng ở thế có lợi cho ta, lực lượng cơ động của địch ngày càng bị phân tán, quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên khắp các chiến trường.

Như vậy, nếu đối với các hướng chiến lược khác trên cả nước, chúng ta tiến công vào những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở, thì trên hướng chiến lược Điện Biên Phủ, chúng ta đã hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Đó cũng là sự biểu hiện sinh động của sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng ta.

Trong chỉ đạo chiến tranh, có được một quyết định chiến lược chính xác là một nhân tố quan trọng vào bậc nhất. Nhưng khi đã có quyết định chiến lược chính xác, muốn bảo đảm giành được thắng lợi thì còn phải giải quyết đúng đắn các vấn đề nghệ thuật chiến dịch, về chiến thuật nữa.

Có thể nói rằng, trong một trận đánh, lực lượng hai bên ra trận như thế nào chỉ mới là điều kiện, là khả năng cho mỗi một bên để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi ấy còn do cách đánh quyết định. Trước một kẻ địch nhất định, với một lực lượng nhất định của ta, đánh như thế này có thể thắng to, đánh như thế kia có thể thắng nhỏ, thậm chí có khi bị thất bại. Rõ ràng cách đánh có tầm quan trong quyết định để biến khả năng thắng lợi thành hiện thực.

Đứng về chiến dịch mà nói, trên mặt trận Điện Biên Phủ, lúc đầu chúng ta đã quyết định vận dụng phương châm đánh nhanh, thắng nhanh, tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công từ một số hướng, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong thời gian ba đêm hai ngày. Theo phương châm ấy, một kế hoạch tác chiến cụ thể đã được đề ra; mọi mặt công tác chuẩn bị đã được triển khai rất khẩn trương; các sư đoàn chủ lực của ta đã được giao nhiệm vụ; các đơn vị pháo binh đã được kéo vào trận địa; công tác bảo đảm hậu cần trên hỏa tuyến đã được đẩy mạnh; mạng thông tin liên lạc đã được tổ chức. Công tác chính trị đã động viên bộ đội và dân công nêu cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch. Quân ta chỉ đợi lệnh là bắt đầu nổ súng.

Trong suốt thời gian chuẩn bị, chúng ta đã bám sát quân địch, theo dõi từng động tĩnh của chúng, phát hiện hệ thống phòng ngự của chúng ngày càng được xây dựng vững chắc hơn. Đến ngày 26-1-1954, khi kiểm tra lại tình hình địch, ta về mọi mặt thì chúng ta đi đến kết luận: tập đoàn cứ điểm của địch đã được củng cố rất nhiều so với trước; trong tình hình đó, kế hoạch đánh nhanh không thể bảo đảm chắc thắng được. Sáng ngày 26, vào lúc 11 giờ, ta quyết định thay đổi cách đánh, bỏ kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh chuyển sang phương châm đánh chắc, tiến chắc. Chiều ngày 26, toàn bộ lực lượng ta đã được lệnh rút ra khỏi trận địa, trở về nơi tập kết; các đơn vị pháo binh trước đây đã được lệnh kéo pháo vào đến nay lại được lệnh kéo pháo ra. Và để yếm trợ cho cuộc tạm thời thu quân, Sư đoàn 308 đã được lệnh phối kợp cùng Quân giải phóng Pathét Lào, lập tức mở cuộc tiến quân về hướng Luông Prabăng, vừa tiêu diệt sinh lực của địch, vừa thu hút hầu hết không quân của địch về hướng đó. Một công cuộc chuẩn bị mới với một khối lượng công tác tham mưu, chính trị và hậu cần rất lớn lại được triển khai. Cho nên khi mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, quân địch tưởng rằng ta đã bỏ ý định mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì ngày 13-3, quân đội ta mở đầu cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm. Thắng lợi của chiến dịch chứng tỏ rằng, sự thay đổi phương châm là hoàn toàn chính xác. Nó đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến dịch.

Vận dụng phương châm đánh chắc, tiến chắc hoàn toàn không có nghĩa là khi điều kiện mọi mặt đã thay đổi có lợi cho ta, khi các thắng lợi liên tiếp của quân ta đã từng bước tạo nên thời cơ mới, thì ta không chuyển sang đánh nhanh, thắng nhanh. Thực tế, chiều ngày 7-5, khi tình hình địch đã có dấu hiệu rối loạn, tinh thần suy sụp, thì quân ta lập tức được lệnh nắm lấy thời cơ, vào 15 giờ đã mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm, đến 17 giờ 30 phút thì tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Ở đây, tôi muốn phân biệt rõ giữa một quyết định tác chiến chính xác với tinh thần kiên quyết chiến đấu của quân đội. Một quyết định tác chiến chính xác là một chủ trương tác chiến thế hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và địch. Còn tinh thần kiên quyết chiến đấu lại là quyết tâm chiến đấu anh dũng của quân đội, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đã được giao cho. Phải nói rằng, tinh thần quyết chiến là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh. Nhưng chỉ có tinh thần quyết chiến cũng chưa đủ. Tinh thần quyết chiến chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trên cơ sở một kế hoạch tác chiến chính xác, một quyết tâm đúng đắn về chiến dịch, chiến thuật và những khả năng hiện thực về tổ chức và chỉ huy.

Khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì phương pháp cách mạng là vấn đề quyết định. Khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy.

Vấn đề phương pháp tác chiến đã được phát huy đến trình độ mới với nội dung hết sức phong phú và sáng tạo trong suốt những năm chống Mỹ, cứu nước sau này và là một trong những nhân tố đã đưa cuộc kháng chiến ấy đến thắng lợi cuối cùng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 07:03:56 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ DƯỚI GÓC NHÌN DÂN TỘC HỌC - LỊCH SỬ1


TS. BÙI XUÂN ĐÍNH
Viện Dân tộc học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam


Trước hết, dưới góc nhìn địa lý học, Điện Biên Phủ giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng.

Điện Biên Phủ với tên gọi khởi nguyên "Mường Thanh" là một thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi vùng đồi núi điệp trùng với hai vòng rõ rệt.

- Vòng ngoài là vùng núi cao, từ 1.000 m trở lên, đỉnh cao nhất là Phu Huổi Luông (2.178m), toàn vùng có diện tích tự nhiên khoảng 200.000 ha, chiếm 65% diện tích toàn huyện Điện Biên cũ.

- Vòng trong là vùng đồi núi thấp với độ cao trung bình 700m, độ dốc từ 16 đến 20°, có tổng diện tích là 91.000ha, chiếm 27% diện tích toàn huyện.

Vùng thung lũng có diện tích 25.700 ha, chiếm 8% diện tích toàn huyện, bao gồm những thung lũng hẹp vây quanh cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 4.000 ha ruộng nước. Đây là cánh đồng rộng nhất trong bốn cánh đồng nổi tiếng của vùng núi Tây Bắc "nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Mường Thanh, dưới con mắt của nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII có "Thế núi vòng quanh, nước sông bao bọc, đồn sở ở giữa, ruộng đất bằng phẳng màu mỡ, bốn bên đến chân núi đều phải đi một ngày đường, công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch lại gấp đôi. Thổ sản có sa nhân, sáp vàng, diêm tiêu, lưu hoàng và sắt sống"2. Xem thế đủ biết, Mường Thanh có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, trước hết là về sản xuất nông nghiệp.

Điện Biên nằm ở trung tâm, án ngữ những con đường giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc, tỏa đi những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa khu vực giáp ranh ba nước Việt - Trung - Lào. Từ trung tâm Mường Thanh theo quốc lộ 12, qua Mường Pồn, Mường Muôn lên tới Mường Lay (thị xã Lai Châu - 103 km). Ngược lại, theo quốc lộ 279 (quốc lộ 42 cũ) đến cửa khẩu Tây Trang nằm trên đường biên giới Điện Biên với nước bạn Lào, dài 172 km. Từ đây có thể đi Sầm Nưa - Luông Prabăng vùng Thượng Lào hoặc tới Phông Xa Lỳ ở Trung Lào. Con đường từ Điện Biên qua Mường Phăng đến Tuần Giáo được nối với quốc lộ 6 để xuống Sơn La - Thuận Châu - Hòa Bình và về Hà Nội.

Về đường thủy, từ Mường Thanh theo sông Nậm Rốm rẽ vào sông Nậm Nứa cập vào Pắc U để vào sông Nậm Hu dẫn đến sông Mê Công rộng lớn, tới Luông Prabăng. Vẫn từ Nậm Rốm ngược dòng đến Bản Lang - Nà Tấu, theo sông Nậm Cô vào sông Nậm Nứa, thuyền sẽ vào Nậm Mạ (sông Mã) vòng sang đất Lào để lại chảy về miền núi xứ Thanh của Việt Nam. Từ đất Mường Pồn (cách trung tâm Mường Thanh 20 km), có thể xuôi thuyền theo sông Nậm Mấc vào sông Đà, xuống Tạ Bú, Tạ Khoa - Chợ Bò về Hà Nội. Còn muốn lên phía bắc, khi đến sông Đà, theo thuyền ngược tới Mường Lay - Phong Thổ và sang tới Mường Là của Trung Quốc.

Với vị trí chiến lược, có nhiều tiềm năng về kinh tế trên đây, mảnh đất Mường Thanh - Điện Biên sớm có con người cư trú. Các truyền thuyết, các huyền thoại được lưu truyền trong dân gian hay được ghi lại trong một số tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số như Sống trụ xôn xao, Quắm tố mướn, Chuyện kể bàn mường... phản ánh quá trình khai phá từ xa xưa của các nhóm cư dân ở vùng đất này. Giữa năm 1998, khi điều tra cơ bản để phục vụ cho việc xây dựng Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ở Chiềng Lề một trống đồng loại II, cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Trống hiện được lưu tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Đây là phát hiện quan trọng nhất, minh chứng cho quá trình cư trú của con người tại vùng đất ngã ba biên giới này3. Các bộ sử cũ của ta như An Nam chí lược (đời Trần), Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư (thời Lê), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Hưng Hóa ký lược (thời Nguyễn)... cũng như sử sách Trung Quốc từ đời Hán, đời Đường đều khẳng định hoặc ghi nhận, mảnh đất này có từ thời Hùng Vương, là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam, tùy từng thời được cắt, chuyển vào các đơn vị hành chính khác nhau của nhà nước Việt Nam.

Theo các sách trên thì đời Hùng Vương, đất Điện Biên đã thuộc nước Văn Lang. Đến thời Bắc thuộc, thuộc quận Giao Chỉ. Thời Lý nằm trong đất của châu Lâm Tây. Thời Trần, cả nước chia làm 12 lộ thì Mường Thanh thuộc châu Ninh Viễn (sau là Ninh Biên), lộ Đà Giang.

Năm Nhâm Tý (1432) sau khi dẹp xong nạn cát cứ của Đèo Cát Hãn - một tù trưởng Thái trắng ở vùng Lai Châu. Lê Thái Tổ đổi châu Ninh Biên thành châu Phục Lễ (gồm cả đất Mường Thanh thuộc lộ Gia Hưng) 4. Năm Kỷ Sửu đời Quang Thuận (1469), Lê Thánh Tông chia nước ta làm 12 thừa tuyên, Mường Thanh thuộc phủ An Tây, thừa tuyên Hưng Hóa. Năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775), sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất, chúa Trịnh đặt châu Ninh Biên thuộc phủ An Tây với đất Điện Biên là trung tâm. Đầu đời Gia Long (1802-1819), lại lệ thuộc phủ Gia Hưng. Năm Tân Mão (1831), sau cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh, phủ Gia Hưng nằm trong tỉnh Hưng Hóa.

Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), để bảo vệ miền Tây Bắc, chống lại sự xâm lấn của phong kiến Xiêm và Lào, cùng sự quấy rối của các toán giặc cỏ, nhà Nguyễn đặt ra phủ Điện Biên (bao gồm các châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Châu Lai), phủ lỵ đóng tại Chiềng Lề thuộc đất Điện Biên ngày nay.

Đầu thời Pháp thuộc, Điện Biên Phủ nằm trong đất thuộc đạo quan binh thứ tư, trong khu vực quân sự Vạn Bú (gồm phần lớn đất của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu ngày nay), theo Nghị định ngày 6-1-1891 của Toàn quyền Pháp. Năm 1910, tỉnh Lai Châu được thành lập, Điện Biên thuộc phủ Điện Biên của tỉnh này. Thực dân Pháp duy trì chế độ quân quản tại đây trong một thời gian khá dài.

Sau khi Điện Biên Phủ được giải phóng, ta thành lập Khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), không có đơn vị hành chính trung gian là tỉnh. Tất cả các châu huyện trong vùng trước đây, trong đó có châu Điện Biên đều trực thuộc Khu Tây Bắc.

Tháng 12-1962, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa III quyết định thành lập lại ba tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu có bảy huyện và một thị xã, trong đó có huyện Điện Biên.
______________________________________
1. Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999. Tác giả có điều chỉnh các đơn vị hành chính theo sự thay đổi hiện nay.
2. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr.359-360.
3. Tư liệu của PGS, TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ bọc).
4. Châu Phục Lễ tức Mường Lễ, tức tỉnh Lai Châu hiện nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2021, 07:08:30 pm »


Cho đến đầu năm 1992, huyện Điện Biên có 30 xã và 2 thị trấn. Ngày 18-4-1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định 130/HĐBT thành lập thị xã Điện Biên Phủ gồm thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh. Huyện Điện Biên còn lại 29 xã và thị trấn Nông trường Điện Biên.

Ngày 7-10-1995, Chính phủ ra Nghị định 59/CP chia huyện Điện Biên thành hai huyện là Điện Biên và Điện Biên Đông.

- Huyện Điện Biên có diện tích 180.161 ha, số dân 97.709 người, gồm 19 xã và thị trấn Nông trường Điện Biên.

- Huyện Điện Biên Đông có 121.799 ha, số dân 35.063, gồm 10 xã.

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XI (từ ngày 20-10 - 26-11-2003), thị xã Điện Biên Phủ được chuyển thành thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên1. Thành phô Điện Biên gồm 7 phường: Tân Thanh, Him Lam, Noong Bua, Mường Thanh, Thanh Bình, Nam Thanh, Tân Trường và xã Thanh Minh.

Như vậy, từ huyện Điện Biên ban đầu, nay đã tách ra thành ba đơn vị hành chính, trong đó có thành phố Điện Biên Phủ - nơi diễn ra trận đánh lịch sử "Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu" năm xưa, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên.

Nhiều học giả nước ngoài cho rằng, mảnh đất Điện Biên từng chứng kiến những luồng giao lưu giữa văn hóa của các cư dân trồng trọt bản địa với văn hóa của các cư dân du mục miền Trung Á xa xôi. Điện Biên còn nằm trên đường chuyển tải văn hóa từ Ấn Độ vào bắc Đông Dương và ngược lại. Điện Biên cũng là nơi gặp gỡ của nhiều tộc người mà nhiều thời kỳ "ai mạnh thì làm chúa". Những lớp cư dân đầu tiên chiếm lĩnh vùng đất Điện Biên là các cư dân thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme và người Lự.

Cho đến thế kỷ X, người Lự đã phát triển hưng thịnh ở Mường Thanh, mở rộng ảnh hưởng ra cả lòng chảo Điện Biên, Lai Châu (Tuần Giáo), xuống Sơn La; đẩy lùi các tộc người thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme (Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú) vào sâu các miền xung quanh lòng chảo.

Từ thế kỷ XI-XII, một bộ phận tổ tiên người Thái từ Mường Ôm, Mường Ai thuộc miền nam Vân Nam, giữa sông Nậm Hu và sông Hồng tiến xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) rồi lần lượt mở rộng ảnh hưởng ra các vùng Tú Lệ, Than Uyên, Văn Bàn thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay. Đến đời chúa Lạng Chương, người Thái từ Nghĩa Lộ đẩy lùi các tộc người thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme, tiến xuống Sơn La rồi tiến lên chiếm lĩnh cánh đồng Mường Thanh, nhưng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của người Lự và các tộc người Môn - Khơme. Cuối cùng, người Thái để người Lự làm chủ miền bắc cánh đồng Mường Thanh, còn họ dựng mường trung tâm ở cánh đồng này (khu vực quanh đồi A1 hiện nay) và chia cho con cháu, tay chân cai quản. Đây cũng là thời kỳ nhà Lý hưng thịnh. Trong cố gắng nhằm nắm được các vùng tộc người thiểu số nơi biên viễn, nhà Lý đã buộc các tù trưởng Thái đen (mà có học giả đã cho rằng, đấy chính là ngươi Ngưu Hống được ghi trong sử cũ) thần phục.

Sau khi Lạng Chương chết một thời gian, nội bộ các chúa đất Thái bất hòa. Nhân cơ hội đó, người Lự tổ chức đánh bật người Thái khỏi Mường Thanh. Các chúa đất Thái phải hợp sức lại, bỏ mối bất hòa để chống lại người Lự. Cuộc tranh chấp liên miên giữa hai tộc người kéo dài suốt thế kỷ XIV với việc người Lự vẫn làm chủ Mường Thanh, còn người Thái mở rộng ảnh hưởng xuống vùng Thuận Châu và vùng đất dọc sông Hồng, sông Đà, sông Mã. Có thời kỳ, họ uy hiếp cả khu vực cư trú của người Mường khiến triều đình nhà Trần phải điều quân cản đánh lại2.

Sang thế kỷ XV, các vua nhà Lê (khởi đầu là Thái Tổ, Thái Tông và Thánh Tông) có nhiều cố gắng chấm dứt thái độ "ngả nghiêng" của các tù trưởng Thái khi muốn dựa vào nước Lào chống lại triều đình, lúc muốn dựa vào triều đình chống lại nước Lào, buộc họ phải quy phục. Biên giới Tổ quốc được bảo vệ, tình hình Tây Bắc tương đối yên ổn. Tuy nhiên, đất Mường Thanh lúc này vẫn do các chúa đất người Lự thống trị với trung tâm là thành Tam Vạn (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên). Họ duy trì chính sách vừa thân Việt, vừa thân Lào. Khi triều đình Việt hưng thịnh (thời Lê sơ), họ quy phục và đã góp phần bảo vệ miền Điện Biên chống lại các đợt tấn công của các toán "giặc cỏ" từ tây nam Trung Quốc, Thượng Lào sang. Nhưng khi triều đình trung ương suy yếu hoặc bận lo giải quyết nhiều vấn đề trọng đại khác ở đồng bằng, các chúa Lự lại liên kết với ngoại bang để chống lại triều đình hoặc liên kết, tập hợp các phần tử bất mãn, đối lập người Thái để tranh chấp, uy hiếp phạm vi ảnh hưởng với các chúa đất Thái. Gần 20 đời các chúa Lự thống trị ở Mường Thanh, đất Điện Biên trở thành nơi tranh chấp giữa các tập đoàn chúa đất Thái - Lự.

Từ những năm 40 của thế kỷ XVIII, triều đình Lê - Trịnh bận lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa nông dân ở dưới xuôi, không còn điều kiện để quan tâm tới đất Tây Bắc. Nhân cơ hội đó, những đám giặc cỏ từ tây nam Trung Quốc và Thượng Lào tràn sang, đuổi người Lự khỏi cánh đồng Mường Thanh, tiến xuống vùng Sơn La. Triều đình Lê - Trịnh cử quân lên đánh dẹp, nhưng cũng chỉ đuổi "giặc cỏ" về cố thủ ở Mường Thanh rồi rút quân về xuôi. Mường Thanh lại nằm trong sự kiểm soát của giặc cỏ với bao tội ác man rợ với nhân dân trong vùng.

Năm 1751, lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất chuyển hoạt động lên vùng Tây Bắc. Được lực lượng nghĩa binh người Thái và các tộc người khác giúp đỡ, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã đuổi "giặc cỏ" khỏi Mường Thanh, giải phóng Tây Bắc. Ông đã xây thành ở Chiềng Lề, đem lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Từ đây đất Mường Thanh thật sự trở thành bộ phận khăng khít của Tổ quốc, một tiền đồn bảo vệ biên cương Tây Bắc. Sau khi Hoàng Công Chất mất (năm 1767), con là Hoàng Công Toan không đủ sức tập hợp các tướng lĩnh bảo vệ vùng Điện Biên và Tây Bắc. Nhưng chúa Trịnh sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất lại bỏ rơi vùng này, khiến cho Tây Bắc lại bị ngoại bang đe dọa. Mường Thanh rơi vào vòng ảnh hưởng của phong kiến Lào. Mãi đến năm 1775, do những biến cố trong nước, các vua chúa Lào mới trả lại vùng Mường Thanh. Từ đây, đất Mường Thanh được tạm yên. Sử cũ ghi lại, thời kỳ này, "các dân tộc Kinh, Hoa, "Xá" Lào, Thái ở xen kẽ hòa hợp trong vùng, chợ búa phủ lỵ đông vui. Người Ai Lao, Miến Điện, Trung Quốc đổ về buôn bán sầm uất". Đây có lẽ là thời kỳ bình ổn và phát đạt nhất của Mường Thanh từ thời điểm đó trở về trước. Tình hình này tiếp diễn đến nửa đầu thế kỷ XIX.

Nhưng từ thập kỷ thứ ba của thế kỷ XIX trở đi, Mường Thanh lại nằm trong tình trạng hỗn loạn. Hết những toán "giặc cỏ" giày xéo lại đến giặc Pháp xâm lăng. Từ cuối thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Mường Thanh chịu sự áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và tầng lớp quý tộc người Thái. Cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) với chính sách "đoàn kết và bình đẳng dân tộc", đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân các tộc người làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp năm châu.

Nhìn lại lịch sử đất Mường Thanh - Điện Biên Phủ hơn một thiên niên kỷ vừa qua cho thấy, mảnh đất này luôn biến động bởi các cuộc tranh chấp giữa các tù trưởng các tộc người, bởi các cuộc xâm lấn của các thế lực phong kiến ngoại bang và các đám "giặc cỏ" từ bên kia biên giới, gây bao nỗi đau thương tang tóc cho nhân dân các dân tộc.

Lịch sử hơn một thiên niên kỷ qua cũng chứng tỏ, triều đình phong kiến Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc nắm giữ và bảo vệ Mường Thanh - Điện Biên, trung tâm của vùng Tây Bắc, "phên dậu" của Tổ quốc và nhân dân các dân tộc ở đây đã có nhiều thời kỳ sát cánh bên nhau chiến đấu chống quân thù đế bảo vệ dải đất này.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lịch sử của đất Mường Thanh - Điện Biên Phủ là lịch sử nhân dân các dân tộc ở đây đoàn kết, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của toàn bộ hệ thống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Điện Biên trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó là lịch sử các dân tộc ở đây chung sức chung lòng, làm thay đổi toàn diện và sâu sắc bộ mặt mảnh đất lịch sử này.

Ngày nay, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên Phủ bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với việc thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp thành thành phố Điện Biên Phủ, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả tỉnh Điện Biên, quá trình đô thị hóa ngày càng được đẩy mạnh. Điện Biên sẽ nhanh chóng trở thành đô thị giàu đẹp của Tây Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình đó, cần lưu ý tránh việc đô thị hóa dẫn đến lấn át các di tích lịch sử - văn hóa và tránh việc hiện đại hóa dẫn đến "đồng hóa" và "hòa tan" văn hóa các dân tộc. Nếu như trong lịch sử trước đây có hiện tượng các tộc người "chiến thắng" hủy hoại các dấu tích lịch sử văn hóa, "đồng hóa" về mặt văn hóa đối với các tộc người "chiến bại" thì ngày nay, trong công cuộc hiện đại hóa mảnh đất Điện Biên, các di tích lịch sử văn hóa cần được bảo vệ, các giá trị văn hóa của các dân tộc cần được bảo tồn và phát huy để Điện Biên trở thành trung tâm của vùng văn hóa Tây Bắc.

Vì những lẽ đó, chúng tôi kiến nghị với các ngành, các cấp:

1. Khoanh vùng lại để bảo vệ và đầu tư kinh phí để tôn tạo nâng cấp các điểm chính trong khu di tích Điện Biên Phủ (đồi A1, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, sân bay Mường Thanh, hầm Đờ Cátxtơri...), biến nơi đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống.

2. Khôi phục và tôn tạo lại các di tích lịch sử đã bị hoang phế hay có nguy cơ bị hoang phế như thành Bản Phủ, thành Tam Vạn...

3. Xây dựng một số làng bản của người Thái, người Mông, Khơ Mú theo đúng kiểu cách truyền thống để thành những điểm du lịch quanh khu di tích Điện Biên.

4. Tổ chức nghiên cứu để khôi phục lại một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trong vùng để phục vụ du lịch văn hóa.

5. Đầu tư kinh phí cho các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu các vấn đề về lịch sử văn hóa các dân tộc ở Điện Biên.
____________________________________
1. Theo Nghị quyết này, tỉnh Lai Châu được chia thành hai tỉnh là Điện Biên và Lai Châu.
- Tỉnh Điện Biên gồm thành phố Điện Biên, các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Lay, Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Lai Châu.
- Tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường và Than Uyên.

2. Dẫn theo Đinh Xuân Lâm, Đặng Nghiêm Vạn: Điện Biên trong lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM