Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:55:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ yếu... kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  (Đọc 15613 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:18:42 am »

VỊ TRÍ CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT
TRONG SỰ NGHIỆP GIỮ NƯỚC CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN
VÀ TRONG LỊCH SỬ CHỐNG XÂM LĂNG CỦA DÂN TỘC

NGUYỄN DANH PHIỆT
                                                                                                                       
(Trưởng ban lịch sử trung đại Việt Nam
— Viện sử học)

Trong quá trình xây dựng đất nước, nhân dân ta đã thường xuyên tiến hành đấu tranh chống xâm lược để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc và trường tồn của giống nòi. Đấu tranh võ trang tiêu diệt kẻ thù xâm lược ngay từ khi chúng vừa đặt chân lên đất nước, đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại bang đã trở thành truyền thống vẻ vang của nhân dân ta.

Cho đến thế kỷ XV, nhân dân ta phải đương đầu chủ yếu với kẻ thù bành trướng xâm lược Trung Quốc từ phía Bắc, và chống những hành động quấy phá, cướp bóc của Champa từ phía Nam. Từ sau chống giặc Minh thắng lợi vào đầu thế kỷ XV đến những năm giữa thế kỷ XVIII, kẻ thù xâm lược phương Bắc không dám đem đại quân sang. Tuy nhiên, âm mưu và hành động bành trướng, gặm nhấm bờ cõi của chúng vẫn còn xảy ra. Sự kiện Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, dâng đất 6 động vùng Yên Quảng và thái độ của nhà Minh vào những năm 37 — 42 thế kỷ XVI là một trong nhiều bằng chứng.

Cũng trong thời gian gần ba thế kỷ rưỡi đó (1427 — 1785), tình hình bên trong quốc gia Đại Việt không hoàn toàn ổn định. Từ đầu thế kỷ XVI, trật tự kỷ cương xã hội cùng với đời sống nhân dân vừa mới khôi phục và hưng thịnh dưới triều Lê sơ đã bắt đầu chao đảo. Sự xuất hiện của nhà Mạc, chiến tranh Trịnh — Mạc, Trịnh — Nguyễn đã đưa đất nước vào tình trạng cực kỳ rối ren. Nội chiến liên miên, quí tộc quan liêu và địa chủ cường hào ra sức vơ vét, bòn rút. Mọi cơ cực đổ lên đầu nhân dân, chủ yếu là nông dân — bộ phận đông đảo trong cư dân làng xã.

Cùng cực đến mức không chịu đựng được, người nông dân đã phải vùng dậy khắp nơi. Thế kỷ XVIII được mệnh danh là thế kỷ của nông dân khởi nghĩa.

Mặt khác, trên bình diện thế giới, nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra và tác động đến đất nước Đại Việt. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự ra đời của giai cấp tư bản thương nghiệp và công nghiệp cùng với sự xuất hiện của những quốc gia tư bản Tây Âu: Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cách mạng tư sản Anh (1648), cách mạng tư sản Pháp (1789) đã gây nhiều xáo động. Các công ty tổ chức tư bản Tây Âu bắt đầu từng bước xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có quốc gia Đại Việt. Ngay từ đầu thế kỷ XVI, năm 1523 vua Bồ Đào Nha đã sai người sang nước ta buôn bán. Năm 1525, sử cho biết có 21 nhà truyền giáo dòng tên (Jésuite) đã vào hoạt động ở Đàng Trong… Sau lá cờ truyền giáo là thuyền buôn, tiếp theo là súng đạn. Mối quan hệ với các nước phương Tây dưới những hoạt động thương mại, truyền bá Thiên Chúa giáo thông qua các tập đoàn thống trị Đàng Trong, Đàng Ngoài, dầu có lúc thuận lợi, có lúc bị gián đoạn nhưng không phải không tác động đến kinh tế — xã hội của quốc gia Đại Việt.

Trong khu vực Đông Nam Á, riêng Đông Nam Á lục địa, cũng trải qua những biến động lớn: Sự suy tàn của quốc gia Ăngco bắt đầu từ 1434 và trở thành đối tượng xâm lược và thôn tính của quốc gia Xukhôthai (Xiêm) thành lập từ giữa thế kỷ XIII (1238); Vùng đất phía nam của quốc gia Đại Việt đã được khai phá đến vùng biên giới Việt Nam — Cămpuchia ngày nay; Những cuộc di cư của người vùng Đông nam Trung Quốc do các cựu thần nhà Minh cùng với thủ túc chạy lánh nạn tìm đến lập nghiệp ở vùng đất phía Nam Đại Việt…

Dẫn ra những nét lớn về tình hình nước ta trong bối cảnh chung như trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút.

Nói một cách khác, chúng tôi muốn lưu ý vào thế kỷ XVIII đất nước ta không chỉ dừng lại ở đối tượng dòm ngó, xâm lược của đế chế Trung Hoa như trước. Lúc này Tổ quốc ta còn đang đứng trước âm mưu thăm dò, can thiệp của tư bản phương Tây, của vương quốc Xiêm, tức Thái Lan sau này. Trong khi đó, chính quyền Lê — Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn ở phía Nam chỉ tập trung mọi hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao nhằm thôn tính lẫn nhau. Khó tìm thấy một chủ trương chính sách nhằm phát triển xã hội hoặc cải thiện đời sống của nhân dân. Ngay cả mục đích khai phá phía Nam của chúa Nguyễn cũng còn phải phân tích thảo luận.

Phong trào nông dân thế kỷ XVIII, với đỉnh cao là phong trào Tây Sơn nổ ra vào năm 1771 là sản phẩm tất yếu của lịch sử nhằm cứu nguy cho đất nước khỏi tan nát, cho nhân dân khỏi lầm than. Mặt khác, tình trạng nội bộ chia xẻ, sản xuất đình đốn, nhân dân cơ cực phiêu tán sẽ dẫn đến một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với nền độc lập dân tộc trước những đe dọa mới trong tình hình mới. Và do đó, rất rõ ràng, phong trào nông dân Tây Sơn ngay từ đầu nhằm mục tiêu thanh toán các tập đoàn phong kiến thống trị Trịnh — Nguyễn. Bọn chúng từ lâu đã trở thành tai họa cho đời sống nhân dân, thành trở lực cho sự phát triển của lịch sử. nhưng bối cảnh mới, tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ mới cho cả dân tộc. Đó là nhiệm vụ chống xâm lược, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc. Lịch sử đã đặt ra nhiệm vụ mới và lịch sử cũng đã tạo điều kiện cho dân tộc ta hoàn thành nhiệm vụ đó một cách tốt đẹp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:19:26 am »

II

Cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa một bên là một tập đoàn phong kiến Lê — Trịnh — Nguyễn, một bên là nông dân tập hợp dưới cờ của anh em Tây Sơn nổi lên từ năm 1771 đã dẫn đến những thắng lợi liên tiếp về phía phong trào nông dân.

Riêng trên vùng đất Gia Định, cho đến trước chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, đã 5 lần nghĩa quân Tây Sơn tiến vào giải phóng và đã 4 lần thu được thắng lợi lớn. Lần thứ năm vào năm 1883, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem thủy quân tiến vào Gia Định đánh bật Nguyễn Ánh ra khỏi đất liền. Nguyễn Ánh phải chạy trốn ra đảo Phú Quốc, lênh đênh trốn tránh ròng rã trên mặt biển trước sự truy lùng ráo riết của nghĩa quân Tây Sơn. Sau thất bại năm 1883, Nguyễn Ánh đích thân sang cầu cứu vua Xiêm. Ngày 21 tháng 7 năm 1784 quân Xiêm tiến vào giày xéo lên lãnh thổ phía Nam quốc gia Đại Việt.

Cần phải nói rõ rằng hành động xâm lược của giặc Xiêm đã nằm trong ý đồ bành trướng về phía Đông, thôn tính Chân Lạp, lấn chiếm miền đất nước mới khai phá của Đại Việt. Riêng với nước ta, ngay từ đầu thế kỷ XVIII đã nhiều lần vua Xiêm xúi giục, giúp đỡ Chân Lạp xâm phạm vùng đất Hà Tiên. Đó là vào các năm 1715, quân Xiêm do Nặc Thâm dẫn đường thình lình tới Hà Tiên cướp bóc hết của cải đem đi; năm 1766 vua Xiêm sửa soạn chiến thuyền định ngày sang đánh Hà Tiên, chúa Nguyễn sai đem 3 chiếc thuyền đi biển, 20 chiếc thuyền sai và 1000 tinh binh đóng giữ Hà Tiên; năm 1771 vua Xiêm đem 2 vạn quân thủy bộ đánh cướp Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ chống không nổi. Lưu thủy dinh Long Hồ Tống Phước Hiệp đem binh thuyền đến cứu. Vua Xiêm phải để Trần Liên ở lại Hà Tiên, tự mình đem quân về chiếm Chân Lạp, đóng giữ Nam Vang, có ý dòm ngó vùng phiên trấn Đại Việt. Đến năm 1773, tháng 2 âm lịch vua Xiêm mới triệu Trần Liên về.

Như vậy là âm mưu và hành động xâm lược của giặc Xiêm đối với miền đất phía Nam đất nước ta đã rõ. Nói cho công bằng, điều này các chúa Nguyễn có biết và đã có ý đề phòng. Thế nhưng trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, trước thắng lợi của phong trào nông dân Tây Sơn, chúa Nguyễn đã không ngần ngại bắt tay với giặc Xiêm dẫn chúng về. Mở đầu là Nguyễn Ánh.

Tài liệu lịch sử cho hay, sau lần hành quân thứ hai của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy vào giải phóng Gia Định nào năm 1777, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương bị giết. Năm 1778 Nguyễn Ánh lên nắm quyền. Tháng 6 âm lịch Nguyễn Ánh đã sai cai cơ Lưu Phước Trung sang Xiêm thăm dò, móc nối với Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân đã sang Xiêm cầu viện sau khi Long Xuyên bị nghĩa quân Tây Sơn chiếm giữ trong lần tiến quân năm trước (1776). Đến năm 1782, sau đợt tiến công của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ chỉ huy, Nguyễn Ánh lại sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch cùng cai cơ Cao Phúc Trì mượn đường Chân Lạp sang cầu viện quân Xiêm. Nhưng bọn này đã bị người Chân Lạp giết chết. Và lần thứ ba, trước sức tấn công như vũ bão của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1783, Nguyễn Ánh phải tháo chạy ra biển. Tháng 7 âm lịch năm đó, Nguyễn Ánh trao con cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Cũng liền sau thất bại ở Bến Nghé (1783), Chu Văn Tiếp đã chạy sang Xiêm cầu viện, chuẩn bị đưa quân Xiêm về đón Nguyễn Ánh. Năm sau 1784, tháng 2 âm lịch Nguyễn Ánh theo quân Xiêm sang cầu viện cùng với bầu đoàn gồm hơn 30 người. Tháng 6 âm lịch, Nguyễn Ánh bám gót giặc Xiêm về nước.

Lần này đại quân của giặc Xiêm gồm 5 vạn do Nguyễn Ánh rước về không chỉ dừng lại ở can thiệp vào công việc nội bộ của Đại Việt mà nhân cơ hội thực hiện ý đồ xâm lược, chiếm giữ vùng đất cực nam mới khai phá của nhân dân ta. Nói rõ hơn, cho đến năm 1784 họa xâm lăng từ phía Tây Nam của đất nước đã trở thành hiện thực. Quân Xiêm dựa vào thế lực phong kiến phản động bên trong đã tiến vào giày xéo lên đất nước, gây bao đau thương tang tóc, mất mát cho giống nòi. Mạc thị gia phả cho biết chúng giết hại nhân dân và cướp bóc vàng bạc của cải không biết bao nhiêu mà kể. Chính vua Xiêm về sau cũng phải thú nhận «Hai tên súc sinh Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm việc kiêu căng, hung hãn, vào sâu đất giặc… tàn hại nhân dân nước ấy». Trong thư gửi giáo sĩ J. Liot tháng 1/1785, Nguyễn Ánh cũng phải bộc lộ «Bọn lính Xiêm chạy theo cuồng vọng của chúng cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, giết hại bất kỳ già trẻ».

Hành động «cõng rắn cắn gà nhà» của tập đoàn phong kiến thống trị đã rõ. Nguyễn Ánh rước giặc Xiêm về năm 1784, 5 năm sau, vào năm 1789, đến lượt Lê Chiêu Thống rước giặc Thanh. Hai sự kiện tuy khác nhau về không gian và thời gian nhưng cùng một bản chất, đã tố cáo đầy đủ bộ mặt phản động, bán nước của các tập đoàn phong kiến thống trị trong lịch sử vào nửa cuối thế kỷ XVIII.

Trước tình thế đó, một dân tộc có truyền thống đấu tranh giữ nước anh dũng, từng thử thách, tôi luyện hàng ngàn năm không thể khoanh tay. Lịch sử lên tiếng gọi. Đoàn quân áo vải do anh em Tây Sơn cầm dầu hôm qua còn giương cao ngọn cờ cứu dân nhằm mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù giai cấp, thì hôm nay, cũng chính đoàn quân đó lại giương cao ngọn cờ dân tộc nhằm tiêu diệt kẻ thù xâm lược và tay sai bán nước. Hận thù giai cấp cộng thêm hận thù dân tộc đã làm tăng ý chí quyết tâm chiến đấu của lực lượng nghĩa quân, tăng cường đội ngũ và sức mạnh tập hợp dưới ngọn cờ vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do của mọi nhà. Ngược lại, đối với tập đoàn Nguyễn Ánh, tội phá nước cộng thêm tội bán nước.

Đáp ứng yêu cầu của lịch sử, phong trào nông dân Tây Sơn đã đảm đương nhiệm vụ giữ nước và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc trong trận thủy chiến vĩ đại Rạch Gầm — Xoài Mút. Năm vạn quân Xiêm — Nguyễn cùng 300 chiến thuyền giặc bị tiêu diệt. Vài ngàn quân giặc sống sót theo chân bại tướng chạy về nước. Nguyễn Ánh với một đám tàn binh chạy về Hà Tiên, tạm trú ở đảo Cồn Khơi, rồi tháo chạy ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt để sau đó dạt vào trú ngụ ngay trên đất giặc, bên ngoài thành Vọng Các.

Từ đây, với chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, ngọn cờ dân tộc đã chính thức được giương cao trong tay phong trào nông dân Tây Sơn với lãnh tụ Nguyễn Huệ — người anh hùng dân tộc.

Cũng tại đây, phong trào tập hợp mở rộng thêm đội ngũ, tạo điều kiện thuận lợi, làm đà cho việc tiến quân ra Bắc hoàn thành nhiệm vụ giữ nước một cách cực kỳ oanh liệt trong trận Đống Đa lịch sử vào năm 1789.

Từ chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, phong trào nông dân Tây Sơn không còn mang tính chất địa phương, mà đã tập trung và phát triển thành phong trào dân tộc lớn mạnh. Trong khi đó, các tập đoàn phong kiến thống trị ngày càng phân hóa và lộ rõ chân tướng phản động, phản dân tộc của chúng.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút mở đầu cho sự nghiệp giữ nước, đồng thời là bước ngoặt ghi dấu sự phát triển quan trọng về mọi mặt của phong trào nông dân Tây Sơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:20:46 am »

III

Nhìn lại quá trình đấu tranh giữ nước của nhân dân ta cho đến dầu thế kỷ XX, chúng ta có thể chia làm ba thời kỳ rõ rệt. Thời kỳ thứ nhất, từ thuở dựng nước cho đến Ngô Quyền với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Thời kỳ thứ hai từ chiến thắng giặc Tống lần thứ nhất (981—82) cho đến cuộc kháng chiến chống giặc Minh do Hồ Quý Ly tổ chức (1406—1407) và thời kỳ thứ ba từ khởi nghĩa Lam Sơn (1418—1427) trở đi, trong đó có chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút.

Sự phân chia thời kỳ như trên hoàn toàn không dựa vào tính chất, đặc trưng, diễn biến cụ thể của từng cuộc kháng chiến. Chúng tôi nhìn nhận vấn đề ở một góc độ bao quát hơn — góc độ xã hội — chính trị. Đây là một vấn đề phức tạp. Trong giới hạn của một tham luận hội nghị khoa học, chúng tôi xin phép dừng lại chủ yếu ở trình bày luận điểm.

Cho đến nay chúng ta chưa hoàn toàn thỏa mãn với một nhận thức chung chung rằng lịch sử dân tộc ta, cho đến trước Cách mạng tháng Tám đã trải qua các thời kỳ cổ đại, phong kiến đô hộ, phong kiến độc lập tự chủ, thực dân nửa phong kiến, tương ứng với các chặng đường lịch sử lớn thời kỳ Văn Lang — Âu Lạc, thời kỳ Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc, thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài, thời kỳ đấu tranh chống Pháp thuộc. Những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm gần đây đã đem lại một nhận thức mới đáng lưu ý. Đó là xu hướng đi tới nhận thức cho rằng ở nước ta, chế độ phong kiến thực sự xác lập vào giữa thế kỷ XIII, hoặc vào thế kỷ XV. Chế độ sớm đi vào con đường suy thoái mặc dù chưa phát triển hết đà của nó. Từ nhiều thế kỷ trước, mặc dù chế độ sở hữu địa chủ và quan hệ địa chủ — nông dân với hình thức bóc lột địa tô đã xuất hiện, nhưng chưa phải là quan hệ sản xuất chủ đạo, giữ vị trí chi phối trong kết cấu kinh tế — xã hội. Xã hội đó có đặc trưng cơ bản là sự thống trị của chế độ sở hữu công cộng, về ruộng đất công xã, mối quan hệ giữa nhà nước và công xã với hình thức bóc lột cống nạp là chủ yếu. Đó chưa phải là xã hội phong kiến, mà là xã hội thuộc phạm trù «phương thức sản xuất châu Á», mặc dù thuật ngữ này chưa bao quát được đầy đủ tính đa dạng, phức tạp của xã hội cụ thể và cũng còn phải thảo luận. Từ giữa thế kỷ XIX, sự xâm lược của tư bản thực dân Pháp và ách đô hộ của chúng còn gây nên những biến động quan trọng trong kết cấu kinh tế — xã hội của nước ta. Nhưng về cơ bản, mọi thiết chế xã hội và kinh tế cũ vẫn được duy trì, có cải tổ ít nhiều nhằm phục vụ cho lợi ích của thực dân Pháp thống trị. Trong quá trình hình thành quốc gia dân tộc, một nhà nước quân chủ tập quyền xuất hiện sớm. Bộ máy quản lý quốc gia độc lập tự chủ đứng đầu là các vương các đế từ thế kỷ X đã từng bước hoàn thiện, củng cố theo xu hướng phong kiến hóa từ cuối thế kỷ X, tiến tới xác lập một nhà nước phong kiến (phương Đông) vào giữa thế kỷ XIII (nhà Trần) hoặc vào thế kỷ XV (Lê Sơ).

Từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trở về trước, sự nghiệp đấu tranh giữ nước do các thủ lĩnh bộ tộc, liên minh quân sự, các thổ hào, hào trưởng tổ chức, tập hợp và lãnh đạo. Từ cuộc kháng chiến chống giặc Tống lần thứ nhất (981-82) trở đi, trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giữ nước thuộc về nhà nước quân chủ tập quyền, đứng đầu là nhà vua và triều đình. Đây cũng là lúc xã hội Đại Việt trên đường phong kiến hóa, tiến tới xác lập chế độ phong kiến trong lịch sử. Quá trình xây dựng, củng cố nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền của quốc gia Đại Việt gắn liền với quá trình quan liêu hóa của nó. Quá trình đó đã đưa nhà nước vào con đường xa dân, đối lập với dân và do đó, tước bỏ mất nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần mà các nhà nước đó trong buổi đầu tìm được ở lòng dân quây quần trong làng xã theo truyền thống. Mặt khác tính chất quan liêu gắn liền với bảo thủ, bạn đồng hành với chuyên chế, đã đưa nhà nước phong kiến mới xác lập sớm trở thành xơ cứng, trì trệ trước thực tiễn vận động phát triển sinh động của xã hội. Đồng thời nó tước bỏ mất khả năng sáng tạo, thậm chí thủ tiêu ý chí đấu tranh giữ nước của nhà nước đó trước nạn ngoại xâm, vốn là nguy cơ thường trực đối với toàn thể dân tộc.

Thực tế lịch sử cho ta thấy rõ, sau ba lần kháng chiến chống Mông — Nguyên thắng lợi vào thế kỷ XIII, các nhà nước phong kiến đã sớm tỏ ra bất lực, thậm chí còn đầu hàng trước các đội quân xâm lược. Các nhà nước phong kiến với các tập đoàn Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn đã quản lý đất nước, cai trị dân lúc thời bình bằng những chính sách tiến bộ hoặc phản động, khoan dung hoặc khắc nghiệt, tạo nên bộ mặt phồn vinh hoặc trì trệ sa sút của xã hội. Nhưng trước nạn ngoại xâm, các nhà nước đó tỏ ra hoàn toàn bất lực, thậm chí còn phản động đầu hàng. Từ cuối thế kỷ XV trở đi, sự nghiệp đấu tranh giữ nước của nhân dân ta không thể trông chờ vào nhà nước của giai cấp phong kiến thống trị. Nhiệm vụ đánh giặc giữ nước do nhân dân tự tổ chức và đảm đương lấy. Các cuộc đấu tranh giải phóng và kháng chiến chống giặc Minh vào các năm 1417—1427 được nhóm lên từ núi rừng Lam Sơn, dưới ngọn cờ của người anh hùng dân tộc Lê Lợi xuất thân từ một hào trưởng địa chủ bình dân, không quan tước; sự nghiệp đấu tranh gìn giữ từng tấc đất ở biên giới phía Bắc vào các thế kỷ XVI — XVII do nhân dân biên giới đảm đương dưới sự điều khiển của thổ tù địa phương. Tuy nhiên sau khi giành giữ được nước, xây dựng chế độ xã hội nào lại là vấn đề của thời đại. Kháng chiến thành công, Lê Lợi lên làm vua, xây dựng nhà nước và tổ chức quốc gia phong kiến không phải là điều lạ. Đây cũng là trường hợp của Quang Trung Nguyễn Huệ ở thế kỷ XVIII. Điều cần lưu ý là sau Lê Lợi, các tập đoàn phong kiến cầm quyền đã tỏ ra hoàn toàn bất lực, đi đến phản bội dân tộc, từng đầu hàng nhục nhã hoặc rước giặc về chỉ vì quyền lợi ích kỷ của tập đoàn mình. Mạc Đăng Dung, Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống, Tự Đức là những biểu hiện tồi tệ nhất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:21:39 am »

Sang thế kỷ XVIII, một lần nữa sự nghiệp giữ nước phải do nhân dân tự đảm nhiệm lấy. Phong trào nông dân Tây Sơn với người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trọng đại đó. Các tập đoàn phong kiến thống trị đầu hàng, rước giặc về giày xéo lên đất nước. Nhưng nhân dân Đại Việt với truyền thống yêu nước nồng nàn không chịu khoanh tay trước nạn nước.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là sự thể hiện sáng ngời truyền thống vẻ vang của dân tộc. Những con người thuộc các thành phần dân tộc khác nhau Việt, Chàm, Khơme, Hoa, trước đó từng đấu tranh với sình lầy, hoang vu, nước mặn và thú dữ để khai phá bờ cõi, giờ đây, trước hành động rước giặc về của Nguyễn Ánh, đã tập hợp lại trong phong trào nông dân Tây Sơn, góp tài sài, sức lực và xương máu vào sự nghiệp giữ nước. Sự đoàn kết, đồng tình và ủng hộ của nhân dân miền Gia Định nói chung lúc bấy giờ đã giữ phần quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, trong thắng lợi của Rạch Gầm — Xoài Mút.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút hiện ra như một ngôi sao sáng trong sự nghiệp chống giặc giữ nước của nhân dân ta trong thời kỳ mới. Thời kỳ các nhà nước phong kiến chuyên chế quan liêu đã tỏ ra bất lực đi đến phản động, thời kỳ nhân dân ta, đa số là nông dân, phải tự đảm đương lấy sứ mệnh lịch sử đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc.

Cuối cùng, chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là bông hoa chiến thắng đầu tiên trong sự nghiệp giữ nước của nhân dân ta trên địa bàn miền Nam của đất nước. Các cuộc chiến đấu chống giặc Pháp ngay từ những năm đầu xâm lược của chúng, tiếng súng Nam Kỳ khởi nghĩa, Nam bộ thành đồng vách sắt trong 9 năm kháng chiến chống giặc Pháp, hơn hai mươi năm chống tay sai và đội quân viễn chinh Mỹ với quê hương Đồng Khởi oai hùng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là sự tiếp nối tinh thần đấu tranh giữ nước của nhân dân ta nói chung, là sự kế tục và phát huy tinh thần Rạch Gầm — Xoài Mút nói riêng đối với các tầng lớp nhân dân Nam bộ thành đồng của Tổ quốc.

*
*   *

Vào thế kỷ XVIII, tình hình xã hội bên trong cũng như tác động bên ngoài đã đặt Tổ quốc ta trước nguy cơ xâm lược khá trầm trọng. Trong thời kỳ suy tàn, phản động của chế độ phong kiến, phong trào Tây Sơn đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc, mở đầu bằng trận thủy chiến Rạch Gầm — Xoài Mút đánh tan đội quân Xiêm xâm lược và bè lũ tay sai.

Phong trào nông dân Tây Sơn, bằng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút đã ghi thêm trang mới vào lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng của dân tộc. Riêng trên địa bàn miền Nam đất nước, Rạch Gầm — Xoài Mút là bông hoa chiến thắng đầu mùa, mở màn cho chiến công nối tiếp chiến công trong đấu tranh giữ nước thời cận hiện đại.

Hai trăm năm trước, giặc Xiêm do Nguyễn Ánh rước về bị nhân dân ta đánh bại ngay trên vùng đất chúng vừa đặt chân đến. Lịch sử đã có dịp lặp lại nhiều lần ở những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử khác nhau. Nhưng bất luận trong điều kiện nào, kẻ xâm lược và bè lũ bán nước dù là thực dân Pháp và tay sai nhà Nguyễn, dù là đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm cùng những tay sai kế tiếp, dù là bè lũ Pôn Pốt — Iêng Xary cùng quan thày của chúng, cũng đều lần lượt bị đánh bại. Nhân dân ta, trong đó có mọi tầng lớp thuộc các thành phần dân tộc khác nhau trên dải đất miền Nam thân yêu đã thắng. Chân lý lịch sử đó đối với dân tộc Việt nam đã được khẳng định từ lâu đời. Ấy thế mà ngày nay còn có những kẻ mưu toan ngoặc tay nhau xâm lược bờ cõi đất nước Việt Nam. Chúng đã và đang bị đánh bại trên vùng biên cương phía Bắc. Chúng sẽ bị nhân dân ta đánh bại cả tớ lẫn thày, nếu chúng quên bài học cũ, dám liều lĩnh.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút mãi mãi là niềm tự hào của toàn thể dân tộc ta, đặc biệt là của nhân dân Nam bộ có truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng và kiên cường.

Hà Nội, tháng 9 năm 1984

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đại Nam thực lục tập I (tiền biên), tập II (chính biên) q. 1, q. 2 đệ nhất kỷ, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Sử học — Hà Nội, 1962-1963.

Việt Sử thông giám cương mục, chính biên, q.34 đến q.47. Bản dịch của Ban Nghiên cứu Văn Sử Đại, Nxb. Văn Sử Địa — Hà Nội, 1959.

— Ngô Cao Lãng — Lịch triều tạp kỷ, tập II. Bản dịch của Hoa Bằng. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1975.

— Nguyễn Lương Bích — Phạm Ngọc Phụng — Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nxb. Quân đội nhân dân — Hà Nội, 1971.

— Phan Huy Lê... Trần Bá Chi — Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Nxb. Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1976.

— Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số đặc biệt về phong trào nông dân Tây Sơn. Tháng 11-12-1978.

Thế kỷ X, những vấn đề lịch sử, nhiều tác giả. Nxb. Khoa học xã hội — Hà Nội, 1985.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:09:57 am »

TỪ RẠCH GẦM — XOÀI MÚT ĐẾN NGỌC HỒI — ĐỐNG ĐA

Đại tá NGUYỄN HUY THIỆP
                                                                                                                       
(Viện Nghiên cứu lịch sử quân sự —
Bộ Quốc phòng)

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, từ năm 1785 đến năm 1989 dân tộc ta đã làm nên 2 chiến thắng lẫy lừng, đánh bại 2 cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến Xiêm và phong kiến Trung Quốc. Rạch Gầm — Xoài Mút, Ngọc Hồi — Đống Đa, cũng như Bạch Đằng — Chi Lăng v.v. đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của ý chí quật cường và tài thao lược của dân tộc ta.

Tôi muốn dùng phương pháp so sánh trên một số mặt về kẻ thù, thời điểm xảy ra chiến tranh, chiến lược quân sự của 2 cuộc kháng chiến để hy vọng tìm ra mối liên hệ nào đó của chúng. Nói cách khác, tìm xem chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút đã để lại kinh nghiệm gì cho chiến thắng Ngọc Hồi — Đống Đa.

Quân địch và thời điểm xảy ra 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược năm 1785 và năm 1789 là khác nhau, nhưng lại có những điểm rất giống nhau. Đối tượng tác chiến của quân Tây Sơn trong cuộc kháng chiến năm 1785 là quân đội của Nguyễn Ánh và quân đội của tập đoàn phong kiến đã bị quân Tây Sơn đánh nhiều phen tan tác, muốn dựa vào quân đội Xiêm nhằm khôi phục ách thống trị của chúng. Quân đội Xiêm là công cụ của giai cấp quý tộc phong kiến Xiêm — kẻ đang theo đuổi chính sách bành trướng. Đối tượng tác chiến của quân Tây Sơn trong cuộc kháng chiến năm 1789 là quân đội của Lê Chiêu Thống và quân đội của phong kiến Mãn Thanh. Quân đội Lê Chiêu Thống cũng là quân đội của tập đoàn phong kiến đã bị quân Tây Sơn đánh bại, mưu đồ dựa vào quân đội ngoại bang để khôi phục ách thống trị đã bị lật đổ. Quân đội Mãn Thanh là công cụ của phong kiến Mãn Thanh — kẻ mang trong mình đầy màu bành trướng Đại Hán. Đối tượng tác chiến của quân Tây Sơn trong 2 cuộc kháng chiến năm 1785 và năm 1789 đều là tàn quân của phong kiến phản động Việt Nam và quân đội xâm lược của phong kiến nước ngoài.

Không phải năm 1785 quân Xiêm kéo vào nước ta là lần xâm lược đầu tiên. Ngay sau khi hình thành nhà nước phong kiến Xiêm, giai cấp phong kiến Xiêm quý tộc đã tích cực thực hành chính sách bành trướng lãnh thổ đối với Cămpuchia, Lào, Việt Nam. Năm 1772, 6 vạn quân Xiêm đã đánh chiếm đất Hà Tiên của ta, sau đó tiến đến vùng Rạch Giá. Nhưng chúng đã phải rút lui. Năm 1778, tên Tôn Thất Xuân sang xin cứu viện, vua Xiêm hứa sẽ giúp với điều kiện; Từ nay về sau, An Nam phải tiến cống nước Xiêm. Rõ ràng, tập đoàn phong kiến Xiêm luôn luôn ấp ủ âm mưu xâm lược và bắt nước ta phải phụ thuộc vào chúng.

Cũng không phải đến năm 1784, Nguyễn Ánh mới cầu viện quân Xiêm. Năm 1776, sau khi bị đánh đuổi khỏi đất Gia Định, Tôn Thất Xuân đã chạy sang Xiêm xin giúp quân. Và từ đó, Nguyễn Ánh đã nhiều lần cho người đem vàng bạc sang cống vua Xiêm, xin vua Xiêm giúp đỡ. Cuối năm 1783, Nguyễn Ánh đang sống vất vưởng ở Thổ châu, được tin bọn Chu Văn Tiếp, Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội đã chạy sang Xiêm, y quyết định chạy theo chúng để tự mình cầu cứu vua Xiêm.

Việc Nguyễn Ánh dẫn đường 5 vạn quân Xiêm vào xâm lược nước ta là kết quả tất yếu của sự cầu kết giữa tập đoàn phong kiến họ Nguyễn với tập đoàn phong kiến Xiêm. Tháng 7-1884, thủy quân Xiêm đổ bộ lên Rạch Giá, mở đầu cuộc xâm lược. Đầu năm 1785 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt biển tiến vào Mỹ Tho. Ngày 19-1-1785, quân Tây Sơn tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm ở Rạch Gầm — Xoài Mút. Tính ra, kể từ khi quân Xiêm bắt đầu cuộc tiến công xâm lược, đến lúc quân Tây Sơn phản công, thời gian khoảng 6 tháng.

Tình hình diễn ra cuộc phản công của quân Tây Sơn đánh bại quân Thanh năm 1785 có khác. Thời gian không dài như vậy. Tháng 11-1789 quân Thanh vượt biên giới tiến công. Ngày 17-12-1788 chúng chiếm Thăng Long. Ngày 21-12-1788, tại Phú Xuân, sau khi nghe đô đốc Nguyễn Văn Tuyết báo cáo tình hình quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ quyết định ngay ngày hôm sau xuất quân ra Bắc phản công quân địch. Một vấn đề được đặt ra: Tại sao Nguyễn Huệ có thể quyết định nhanh đến như vậy, trước một việc vô cùng lớn lao, quan hệ đến vận mệnh của phong trào Tây Sơn và vận mệnh của Tổ quốc. Chúng tôi nghĩ rằng, sự cấu kết của Nguyễn Ánh với phong kiến Xiêm, và chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là một trong những nhân tố quan trọng góp phần giúp Nguyễn Huệ dự đoán tình huống tương tự như thế sẽ xảy ra ở Bắc Hà. Nghĩa là Lê Chiêu Thống sớm muộn cũng sẽ dẫn quân Thanh xâm lược nước ta, như Nguyễn Ánh đã dẫn quân Xiêm năm 1784. Không có sử liệu nào ghi chép về dự đoán tình huống chiến lược của Nguyễn Huệ sau khi từ Bắc Hà đem quân về Phú Xuân vào khoảng tháng 6-1788, nhưng thực tế lịch sử cho phép chung ta suy đoán như vậy.

Sau khi trị tội Vũ Văn Nhậm, và làm một số việc cần thiết nhằm ổn định tình hình, Nguyễn Huệ giao binh quyền ở Bắc Hà cho Ngô Văn Sở rồi đem quân về Phú Xuân. Đóng tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ có điều kiện thuận lợi đối phó với những biến cố ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ gấp rút tăng cường lực lượng quân đội. chỉ trong mấy tháng quân đội Tây Sơn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, gồm thủy binh, bộ binh, tượng binh, sẵn sàng lên đường chiến đấu. Có một quân đội mạnh được chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, dựa trên sự dự đoán tình huống chiến lược và kế hoạch tác chiến đã dự liệu, là cơ sở để Nguyễn Huệ quyết định thần tốc phản công đánh bại quân địch. Phải chăng từ chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã có dự đoán tình huống chiến lược và kế hoạch tác chiến đúng đắn để đi đến chiến thắng Ngọc Hồi — Đống Đa.

Dưới đây sẽ so sánh một cách khái quát về chiến lược của quân Tây Sơn trong 2 cuộc kháng chiến đó đều là chiến lược phản công và đòn phản công đều được thực hiện sau thời kỳ rút lui bảo toàn lực lượng. Cuộc kháng chiến chống quân Xiêm diễn ra trong khoảng 6 tháng, trải qua 2 thời kỳ. Thời kỳ đầu, quân Tây Sơn ở Gia Định do tướng Trương Văn Đa chỉ huy chỉ có khoảng chưa đầy một vạn người, đã vừa đánh chặn địch vừa rút lui, nhằm tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng mình, tạo ra một thời gian cần thiết để đại quân chuẩn bị thực hành phản công. Đến cuối năm 1781, sau 5 tháng tiến công, quân Xiêm chỉ chiếm được hơn một nửa phần đất Gia Định ở phía Tây. Thành Mỹ Tho, Gia Định và nửa phần đất phía đông vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân Tây Sơn. Sau khi chuẩn bị chu đáo, đầu năm 1785, Nguyễn Huệ chỉ huy đại quân từ Quy Nhơn vượt biển tiến vào Mỹ Tho, mở đầu thời kỳ phản công của quân Tây Sơn, và đã tiêu diệt đạo quân Xiêm xâm lược bằng trận phục kích thủy bộ ở Rạch Gầm — Xoài Mút vào ngày 19-1-1785.

Cuộc kháng chiến chống Thanh năm 1789 cũng diễn ra 2 thời kỳ giống như cuộc kháng chiến chống Xiêm năm 1785. Thời kỳ đầu quân Tây Sơn ở Bắc Hà, sau một số trận đánh chặn địch, đã chủ động rút về Tam Điệp. Sau 4 ngày tức ngày 21-12-1788 Nguyễn Văn Tuyết đến Phú Xuân cấp báo tình hình với Nguyễn Huệ. Ngày 22-12-1788 đại quân của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân xuất phát tiến ra Bắc. ngày 15-1-1789, đến Tam Điệp, Nguyễn Huệ nhận xét chủ trương rút lui của các tướng Tây Sơn ở Bắc Hà là đúng đắn. Ông nói: «chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay...»(1). Ngày 15-1-1789 đến Tam Điệp, Nguyễn Huệ để 10 ngày làm mọi công tác chuẩn bị. ngày 25-1-1789 ông cho quân tiến công, và chỉ trong thời gian 5 ngày đêm đã tiêu diệt 20 vạn quân Thanh. Sự kiện này gợi cho chúng ta suy nghĩ là, từ kinh nghiệm đánh quân Xiêm và tình hình so sánh thế và lực giữa địch và ta trên chiến trường, Nguyễn Huệ đã phán đoán tình huống quân Tây Sơn ở Bắc Hà cũng phải rút lui trước sức tiến của quân Thanh và trên cơ sở phán đoán tình huống chiến lược, ông đã dự liệu kế hoạch tác chiến phản công tiêu diệt quân địch.

Tóm lại, từ lịch sử của 2 cuộc kháng chiến năm 1785 và năm 1789 chúng tôi nghĩ rằng: chiến thắng quân xâm lược Xiêm năm 1785 đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành dự đoán tình huống chiến lược của Nguyễn Huệ về việc Lê Chiêu Thống sẽ dẫn quân Thanh xâm lược nước ta. Trên cơ sở phán đoán tình huống chiến lược đó, Nguyễn Huệ đã chuẩn bị kế hoạch thần tốc phản công tiêu diệt quân địch. Có thể nói, kinh nghiệm Rạch Gầm — Xoài Mút, một trong những nhân tố quan trọng để Nguyễn Huệ đi đến thắng lợi Ngọc Hồi — Đống Đa.


(1) Ngô Gia văn phái, «Hoàng Lê nhất thống chí» bản dịch, NXB Văn hóa, H.N 1964, trang 530.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:12:16 am »

CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT,
VỊ TRÍ VÀ ÂM VANG

Giáo sư PHAN HUY LÊ
                                                                                                                         
(Khoa sử — Đại học Tổng Hợp Hà Nội)

Trong lịch sử Việt Nam, mỗi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đặt trong bối cảnh cụ thể của nỏ, đều có vị trí và ý nghĩa lịch sử riêng, và tất cả kết thành bản trường ca anh hùng của dân tộc.

So với nhiều cuộc chiến tranh yêu nước trước và sau nó, cuộc kháng chiến chống xâm lược Xiêm mà đỉnh cao và trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa định đoạt là Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, chưa phải là cuộc kháng chiến giữ nước vào loại có qui mô lớn và mức độ ác liệt nhất. Nhưng đứng về nhiều phương diện khác của lịch sử, kháng chiến chống Xiêm và chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút lại giữ một vị trí đặc biệt và để lại những âm vang mà những cuộc kháng chiến trước đó chưa có. Với những kết quả nghiên cứu cho đến nay, theo tôi, có thể nêu lên những nét đặc sắc sau đây phản ánh vị trí và âm vang của vũ công Tiền Giang 200 năm về trước.

1. — Cuộc kháng chiến diễn ra trong một hoàn cảnh phức tạp của lịch sử khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa từ nhiều phía.

Vào thập kỷ 80 và nói rộng ra, vào nửa sau thế kỷ 18, đất nước ta đứng trước nhiều thử thách nguy hiểm từ bên trong và bên ngoài.

Chế độ phong kiến Việt Nam sau một quá trình hình thành, đã xác lập vững vàng vào thế kỷ 15. Đó là một loại hình của chế độ phong kiến phương Đông, xây dựng trên cơ sở bảo tồn và phong kiến hóa kết cấu công xã nông thôn kết hợp với sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đát và kinh tế địa chủ—nông dân. Chính thể quân chủ, từ nửa sau thế kỷ 15, cũng chuyển sang mô hình Nho giáo mang nặng tính chất chuyên chế và quan liêu. Với kết cấu kinh tế—xã hội và thiết chế chính trị đó, chế độ phong kiến đã chứa đựng những mâu thuẫn phức tạp giữa các phe phái thống trị và nhất là giữa đông đảo nhân dân, chủ yếu là nông dân, với giai cấp thống trị và vương triều phong kiến.

Từ đầu thế kỷ 16, sự bùng nổ của các mâu thuẫn trên đã dẫn chế độ phong kiến Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng triền miên, kéo dài, mang tính chất trì trệ, có nhiều đặc điểm khác với quá trình suy thoái và giải thể của chế độ phong kiến phương Tây.

Trước hết, những cuộc tranh chấp, xung đột quyết liệt giữa các phe phái phong kiến đưa đến một hậu quả tai hại cho đất nước: nền thống nhất quốc gia bị phá vỡ, hết Nam — Bắc triều đến Trịnh — Nguyễn phân tranh, tình trạng chia cắt kéo dài trên hai thế kỷ rưỡi (1533 — 1786). Trong hoàn cảnh dựng nước của dân tộc ta, độc lập dân tộc, luôn luôn gắn liền với thống nhất quốc gia, cảnh đất nước phân ly không những gây nhiều đau khổ cho nhân dân, cản trở sự phát triển kinh tế chung của cả nước, mà còn làm yếu thế nước, làm suy giảm sức mạnh của dân tộc. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia đã bước đầu bị đe dọa từ trong hành động cát cứ, chia cắt đất nước của các phe phái phong kiến.

Chế độ phong kiến lại cảng ngày càng khơi sâu mâu thuẫn giữa tầng lớp nhân dân với giai cấp thống trị và vương triều phong kiến; Chiến tranh nông dân bùng nổ từng đợt vào thế kỷ 16, thế kỷ 17, rồi dâng lên như bão táp trong thế kỷ 18 dẫn đến đỉnh cao của phong trào Tây Sơn. Các thế lực phong kiến càng ngày càng đối lập với nhân dân và đi ngược lại lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập và thống nhất.

Triều Mạc thỏa thuận với nhà Minh và cắt đất cho giặc.

Chúa Trịnh bất lực để cho nhà Minh rồi nhà Thanh lấn cướp nhiều dải đất biên cương.

Nguyễn Ánh cầu cứu vua Xiêm và câu kết với chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào giày xéo. đất nước.

Đây không còn là hành vi bán nước của từng phần tử phong kiến, mà là sự phản bội dân tộc của các thế lực phong kiến nắm quyền thống trị. Giai cấp phong kiến đang trải qua một quá trình phân hóa sâu sắc, trong đó từng bộ phận phong kiến cầm quyền, có tính chất đại diện, đã phản bội lợi ích dân tộc và sẵn sàng câu kết với giặc ngoại xâm. Kẻ thù của độc lập dân tộc tìm thấy một chỗ dựa, một lực lượng nội ứng ngay bên trong cơ cấu xã hội.

Lợi dụng hoàn cảnh và thời cơ đó, vào nửa sau thế kỷ 18, nhiều thế lực bành trướng, xâm lược đã mưu đồ can thiệp và thôn tính nước ta.

Phía nam là phong kiến Xiêm, Phía bắc là đế chế Đại Thanh. Đây là nạn xâm lược đến từ những quốc gia và đế chế phong kiến phương Đông. Thêm vào đó, chủ nghĩa tư bản phương Tây lúc bấy giờ đang bành trướng mạnh mẽ sang phương Đông, cũng mưu tính nhiều kế hoạch thâm nhập, can thiệp và xâm lược. Tư bản Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đều có những tham vọng và mưu mô đối với nước ta; nhưng cuối cùng Bá Đa Lộc đã nắm được Nguyễn Ánh để mở đường cho những hoạt động can thiệp của tư bản Pháp.

 Như vậy là từ bên trong và bên ngoài, cả phía nam và phía bắc, cả chủ nghĩa bành trướng phong kiến phương Đông và chủ nghĩa tư bản phương Tây, thù trong giặc ngoài từ nhiều phía đe dọa nền độc lập dân tộc của ta. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử, kể từ khi dựng nước cho đến lúc đó, dân tộc ta phải đồng thời đối phó với nhiều kẻ thù trong một tình thế phức tạp như vậy. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm được bọn phong kiến, phản bội Nguyễn Ánh tiếp tay, là cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc diễn ra trong một bối cảnh thử thách sóng gió của đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:13:53 am »

2. — Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên do một phong trào nông dân vươn lên đảm nhiệm.

Trước đây, giai cấp phong kiến Việt Nam đã có một thời đại diện cho dân tộc, giữ vai trò tổ chức và lãnh đạo công cuộc bảo vệ đất nước. Kháng chiến chống Tống thế kỷ 10—11, chống Mông Nguyên thế kỷ 13 và chống Minh đầu thế kỷ 15 thuộc trường hợp này. Những cuộc chiến tranh yêu nước thành công thời bấy giờ đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc thể hiện vai trò to lớn của nhân dân, chứng tỏ sự phát triển sớm và cao của chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm trong lịch sử nước ta, nhưng người tổ chức và lãnh đạo thuộc về giai cấp phong kiến vá vương triều phong kiến tiến bộ. Kháng chiến chống Tống, chống Mông Nguyên do các vương triều Tiền Lê, Lý, Trần đảm nhiệm. Sau kháng chiến chống Minh do triều Hồ lãnh đạo thất bại, khởi nghĩa Lam Sơn dấy lên từ sức mạnh yêu nước và quật khởi của nhân dân, biểu thị một bước phát triển mới, cao hơn của chiến tranh nhân dân. Đó là một cuộc khởi nghĩa dân tộc phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của những nhà yêu nước thuộc giai cấp phong kiến và hệ tư tưởng phong kiến.

Nhưng đến thế kỷ 18, chế độ phong kiến Việt Nam đã suy thoái và giai cấp phong kiến không còn khả năng đại diện cho dân tộc lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong lúc đó, một giai cấp mới tiêu biểu cho một phương thức sản xuất mới, một hệ tư tưởng mới lại chưa xuất hiện. Từ thế kỷ 17 và rõ nét là từ thế kỷ 18, mầm mống tư bản chủ nghĩa đã nảy sinh trong vài ngành kinh tế, nhưng còn quá non yếu.

Vào cuối thời kỳ trung đại, Việt Nam cũng như cả phương Đông trừ Nhật Bản, quá trình suy thoái của chế độ phong kiến không kèm theo một cách thích ứng quá trình hình thành và phát triển của sức sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa như phương Tây. Tinh hình đó có nguyên nhân sâu xa trong kết cấu kinh tế — xã hội và sự phát triển của các hình thái kinh tế — xã hội tiền tư bản chủ nghĩa của phương Đông, làm cho phương Đông lâm vào trạng thái trì trệ kéo dài. Trong hoàn cành như vậy, nhiều nước phương Đông trở nên suy yếu, rã rời và trở thành đối tượng thôn tính dễ dàng của các thế lực bành trướng, nhất là chủ nghĩa tư bản phương Tây.

Việt Nam vào thế kỷ 18 cùng chung vận mạng và đặc điểm với phương Đông, nhưng tử trong lòng xã hội và đất nước vẫn bừng lên một sức mạnh trỗi dậy của nhân dân và của dân tộc. Với lòng yêu nước tha thiết, tinh thần dân tộc sâu sắc, nhân dân ta không những vùng lên trong đấu tranh giai cấp, chống lại các thế lực phong kiến thoái hỏa, mà còn có ý thức bảo vệ lợi ích dân tộc. Trước khởi nghĩa Tây Sơn, xu hướng dân tộc đã chớm nở trong một số cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài.

Nghĩa quân Quận He (Nguyễn Hữu Cầu) chiến đấu dưới lá cờ «Đông đạo tổng quốc bảo dân đại tướng quân», gắn liền nhiệm vụ «bảo dân» với nhiệm vụ «tổng quốc».

Hoàng Công Chất trong thời gian hoạt động ở Tây Bắc, đã đoàn kết các dân tộc thiểu số ở vùng này, vừa chống Trịnh vừa chống các thế lực xâm lấn của nước ngoài, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.

Xu hướng dân tộc đó thể hiện tập trung và phát triển đến đỉnh cao với phong trào Tây Sơn.

Phong trào Tây Sơn bắt đầu từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, một cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng bị áp bức nhằm mục tiêu «lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo», «tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than» (Hịch Tây Sơn). Nhưng rồi trước nạn xâm lược của nước ngoài và họa đất nước bị chia cắt, phong trào Tây Sơn đã phát triển thành một phong trào dân tộc, làm nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng làm cho phong trào Tây Sơn có thể khắc phục được một số nhược điểm của khởi nghĩa nông dân đơn thuần, lập nên sự nghiệp «giúp dân dựng nước xiết bao công trình» (Ngọc Hân, Ai tư vãn). Phong trào càng phát triển các thế lực phong kiến phản động càng chống đối điên cuồng và đi sâu vào con đường phản bội dân tộc thì tính nhân dân và tính dân tộc của phong trào càng kết hợp chặt chẽ và càng phát triển mạnh mẽ.

Với kháng chiến chống Xiêm, phong trào Tây Sơn bắt đầu tiến lên làm nhiệm vụ dân tộc, đoàn kết các lực lượng yêu nước, kiên quyết chống quân xâm lược Xiêm và bọn phong kiến phản bội Nguyễn Ánh. Đây cũng là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử không phải do giai cấp thống trị lãnh đạo, mà do một phong trào nông dân đảm nhiệm
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:18:11 am »

3. — Cuộc kháng chiến nhằm vào một kẻ thù mới: chủ nghĩa bành trướng Đại Thái của phong kiến Xiêm.

Dựng nước đi đôi với giữ nước là một đặc điểm lớn chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam kể từ khi mở nước cho đến nay. Trước kháng chiến chống Xiêm, nạn xâm lược chủ yếu xuất phát từ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của các đế chế Trung Hoa. Từ khi đế chế Tần được thành lập, không một đế chế Trung Hoa nào, không một triều đình Đại Hán nào không tiến hành xâm lược nước ta, thậm chí có triều đại xâm lược đến hai, ba lần. Dân tộc ta gần như thường xuyên phải sẵn sàng ứng phó với hiểm họa xâm lăng đến từ phương Bắc.

Vào thế kỷ 18, dân tộc ta phải đương đầu thêm với một kẻ thù mới đến từ phương Nam: chủ nghĩa bành trướng Đại Thái của phong kiến Xiêm.

Xiêm là một vương quốc của tộc người Thái, thành lập từ thế kỷ 13 trên cơ sở di cư của người Thái xuống lưu vực sông Menam Chau Phaya. Từ thời Lý, Trần, hai nước Đại Việt và Xiêm đã có quan hệ ngoại giao và buôn bán. Sứ thần Xiêm đã đến kinh thành Thăng Long và thuyền buôn Xiêm thường cập bến Vân Đồn. Quan hệ giao lưu đó tiếp tục phát triển trong thời Lê và thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Theo lệ thuế ngoại thương của chính quyền Nguyễn, thuyền buôn Xiêm nộp thuế đến 2.000 quan và thuế đi 200 quan, tương đương với thuyền buôn Phúc Kiến và thấp hơn thuyền buôn Thượng Hải, Quảng Đông, Nhật Bản và phương Tây. Chính quyền Nguyễn còn có lúc cấp «long bài» miễn thuế thuyền công cho nước Xiêm. Nhưng bên cạnh những quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa lâu đời đó, phong kiến Xiêm cũng sớm có những tham vọng đất đai đối với nước ta.

Sau vương triều đầu tiên ở Sukhothai (1257-1419), đến vương triều thứ hai ở Ayuthya (1350-1707), nước Xiêm đã lớn mạnh và có xu hướng bành trướng ra ngoài, mà đối tượng chủ yếu là các nước láng giềng phía đông, nhất là Chân Lạp. Trong thế kỷ 14—15, vua Xiêm đã ba lần chinh phục vương quốc Angkor (1302, 1394, 1431), tàn phá một kinh thành cổ kính, cướp đi nhiều của cải và bắt hàng loạt dân làm nô lệ. Từ năm 1434, Chân Lạp phải dời đô về Pnong Penh và từ đó, bắt đầu quá trình suy yếu của vương quốc Khonne. Lợi dụng những mâu thuẫn và xung đột triền miên giữa các phe phái quí tộc Khơme, phong kiến Xiêm cùng tăng cường can thiệp, nhiều lần đưa quân xâm lược nhằm thống trị và thiết lập những vương triều Chân Lạp chịu thần phục Xiêm. Giữa phong kiến Xiêm và phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ quân sự trong mưu đồ tranh giành ảnh hưởng và khống chế Chân Lạp. Tham vọng bành trướng của phong kiến Xiêm không chỉ dừng lại trên lãnh thổ Chân Lạp, mà còn dòm ngó cả đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ đã thuộc chủ quyền Đàng Trong.

Năm 1715, quân Xiêm tấn công trấn Hà Tiên, cướp bóc nhiều của cải. Đó là hành động xâm phạm đầu tiên của phong kiến Xiêm đối với lãnh thổ nước ta.

Năm 1706, phong kiến Xiêm chuẩn bị mở cuộc tiến công thứ hai sang Hà Tiên, nhưng chưa kịp thực hiện vì phải đối phó với cuộc chiến tranh lớn của Miến Điện.

Năm 1767, nhân lúc nước Xiêm bị quân Miến Điện tấn còng, vương triều Ayuthya sụp đổ, một người Hoa là Trịnh Quốc Anh (có tài liệu chép là Trịnh Sinh hay Trịnh Chiêu) đứng ra tổ chức cuộc kháng chiến chống Miến Điện, rồi đoạt quyền, lập ra một vương triều mới: vương triều Phya Tak hay Taksin đóng đô ở Thonburi (1767 — 1782). Trịnh Quốc Anh vốn là người Triều Châu (Trung Quốc), từ đời cha đã lưu vong sang đất Xiêm buôn bán và làm trưởng Mường Tát. Với vương triều Thonburi do một người Hoa đứng đầu, chủ nghĩa bành trướng Đại Thái được bổ sung thêm những yếu tố chủ nghĩa bành trướng Đại Hán và do đó, càng trở nên nguy hiểm hơn đối với các dân tộc láng giềng. Phya Tak đã xin thần phục nhà Thanh và có những quan hệ mật thiết với Bắc Kinh.

Vừa mới lên ngôi, năm 1769 Phya Tak đã bắt Chân Lạp triều cống, rồi đưa quân sang can thiệp, mưu lập một vương triều thân Xiêm.

Hai năm sau. 1771 Phya Tak tiến công đánh chiếm Hà Tiên rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Chân Lạp. Số quân xâm lược Xiêm do Phya Tak chỉ huy lên đến 6 van. Một năm sau, năm 1772 quân Nguyễn mới đuổi được quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp và năm 1773 mới thu hồi được trấn Hà Tiên.

Năm 1777, Phya Tak lại phái tướng Chakri (Chao Phya Chakri, sử ta chép là Chất Tri) và Surasih (Chao Phya Surasih, sử ta chép là Sô Si) mở cuộc chiến tranh xâm lược Lạn Xang, chiếm một phần đất rộng lớn của Champassak và hữu ngạn sông Mê Công.

Năm 1781, vua Xiêm lại phái Chakri và Surasih đem 2 vạn quân sang xâm lược Chân Lạp, chiếm kinh thành Pnong Penh.

Như vậy là chỉ trong 15 năm cầm quyền, vương triều Thonburi đã 3 lần xâm lược Chân Lạp, 1 lần xâm lược Lạn Xang và 1 lần xâm lược Hà Tiên của Việt Nam.

Năm 1782, tướng Chakri và Surasih kéo quân từ Chân Lạp về nước, lật đổ vương triều Phya Tak, thành lập vương triều Chakri đóng đô ở Bangkok (từ năm 1782 đến nay). Vương triều Chakri vẫn tiếp tục các hoạt động bành trướng đối với các nước láng giềng. Vua đầu tiên của vương triều này là Rama 1 (1782 — 1809), năm 1783 đã đưa quân sang chiếm đất Hà Tiên và năm 1784, nhân sự cầu cứu của Nguyễn Ánh, huy động 5 vạn quân mở cuộc chiến tranh xâm lược lên miền đất cực nam của nước ta.

Nước Xiêm không phải là một đế chế rộng lớn như Trung Quốc, nhưng chủ nghĩa hành trường Đại Thái của các vương triều Xiêm cũng có một lịch sử khá lâu đời. Các nước Chân Lạp, Lạn Xang là đối tượng bành trướng nhiều lần của các vương triều Ayuthya, Thon bu ri, Bangkok và từ đầu thế kỷ 18, dân tộc ta cũng bắt đầu phải đối phó với những cuộc tiến công lấn cướp của họ trên miền đất mới khai phá của đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền Nguyễn ở Đàng Trong tuy có những mâu thuẫn, xung đột với phong kiến Xiêm, nhưng rồi trước những làn sóng tiến công dồn dập của phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh lại tìm cách giảng hòa và cầu cứu vương triều Chakri để chống lại nhân dân, chống lại dân tộc.

Cuộc chiến tranh xâm lược năm 1784 — 1785 của phong kiến Xiêm qui mô không lớn lắm, nhưng là cuộc đụng đầu trực tiếp, quyết liệt giữa chủ quyền bành trướng Đại Thái với dân tộc ta. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Xiêm có những khó khăn, phức tạp của nó. Phong trào Tây Sơn chỉ mới làm chủ được phần đất từ Hải Vân trở vào. Quân xâm lược lại được Nguyễn Ánh dẫn đường và được các thế lực phong kiến phản động bên trong, nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định ủng hộ, thế mà, với chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, quân Tây Sơn đã nghiền nát quân cướp nước và bán nước bằng một trận tiêu diệt sấm sét. Nạn xâm lược của phong kiến Xiêm bị đập tan và chủ nghĩa bành trướng Đại Thái bị một đòn trừng phạt đích đáng làm cho chúng từ đó «sợ Tây Sơn như cọp»(1).


(1) Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, T.11, tr.65.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:26:23 am »

4. — Cuộc kháng chiến qui mô lớn đầu tiên trên miền đất cực nam của Tổ quốc

Miền đồng bằng sông Cửu Long đã được những lớp di dân người Việt vào khai phá từ thế kỷ 17 và khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 đã trở thành một bộ phận đất đai của Đàng Trong. Trong công cuộc khai phá vùng đất này, có công lao của người Khơme, của một số người Hoa lưu vong, nhưng lực lượng ngày càng đông đảo và giữ vai trò quyết định là nông dân người Việt. Họ là những người nông dân lao động từ Thuận Hóa, Quảng Nam đến Diên Khánh, Bình Khang, bị chế độ phong kiến xô đẩy vào cảnh bần cùng phá sản, phải bỏ quê hương, phiêu bạt vào những vùng đất xa lạ này để sinh sống. Bằng sức lao động kiên nhẫn, họ đã dần dần biến đất hoang, cỏ rậm, sình lầy thành đồng ruộng và thôn ấp. Từ đầu thế kỷ 18, một số địa chủ giàu có cũng được chính quyền Nguyễn khuyến khích vào khai khẩn. Số người này, vừa tồ chức khẩn hoang, vừa lấn chiếm ruộng đất của những người nông dân di cư, trở thành một tầng lớp đại địa chủ bao chiếm những diện tích ruộng đất rộng lớn. Đó là một chỗ dựa trung thành của các chúa Nguyễn.

Tuy lớn lên trên miền đất cực nam xa xôi, mới khai phá, giữa môi trường chính trị mang nặng mưu đồ cát cứ lâu dài của các chúa Nguyễn, nhân dân Gia Định (theo nghĩa rộng, chỉ cả Nam bộ sau này, tương ứng với Gia Định thành đời Nguyễn) mà tuyệt đại đa số là nông dân người Việt vẫn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc. Trong cuộc sống cởi mở, phóng khoáng họ vẫn gìn giữ bản sắc thống nhất của nền văn hóa dân tộc, vẫn tự coi là một bộ phận của cộng đồng dân tộc đượm tình nghĩa đồng bào ruột thịt và có ý thức sâu sắc về độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Pierre Poivre là một thương nhân Pháp đến nước ta năm 1745, nhận xét: «Tuy có sự thù hằn, dân cả hai miền đều nói chung một thứ tiếng, cùng chung một phong tục và đều quí mến nhau»(1).

Cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm được Nguyễn Ánh tiếp tay, đặt nhân dân Gia Định trước một thách thức và lựa chọn. Sư phân hóa về xã hội đã dẫn đến một sự phân hóa rõ ràng về chính trị. Trong lúc bọn phong kiến đại địa chủ ủng hộ Nguyễn Ánh và khi quân Xiêm tiến sang lại «nô nức dấy quân cần vương»(2), thì đại bộ phận nhân dân vùng nầy, qua thực tế. càng nhận rõ bộ mặt thật của quân cướp nước và bán nước, và càng đứng về phía Tây Sơn, tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ xóm làng quê hương, bảo vệ độc lập dân tộc.

Cho đến nay, những kết quả nghiên cứu khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cơ bản về diễn biến(3) và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Xiêm, Dĩ nhiên trong cuộc kháng chiến này, quân đội Tây Sơn giữ vai trò nòng cốt và quyết định. Nhưng quân số và đội ngũ tướng soái Tây Sơn tham dự cuộc kháng chiến còn những vấn đề chưa được xác định. Ngoài chủ soái là Nguyễn Huệ, các tướng Tây Sơn khác như phò mã Trương Văn Đa, đô đốc Hóa, chưởng tiền Bảo, đô úy Đặng Văn Trấn đến nay vẫn chưa biết rõ tiểu sử. Điều chắc chắn là qua 13 năm chiến đấu và trưởng thành (1771 — 1731), quân đội Tây Sơn là lực lượng vũ trang của quần chúng khởi nghĩa đã phát triển thành một quân đội có tổ chức và dày đạn chiến trận. Trong quân đội Tây Sơn đã lập nên chiến công Rạch Gầm — Xoài Mút hẳn có mặt những người dân Gia Định đã gia nhập hàng ngũ nghĩa quân qua 5 lần quân Tây Sơn tiến vào diệt Nguyễn và truy quét bọn phong kiến phản động.

Sự tham gia của nhân dân cũng được phản ánh gián tiếp qua những ghi chép bị cắt xén và bóp méo của một số thư tịch đời Nguyễn.

Trước hết, các thư tịch đời Nguyền đều phải thừa nhận những tội ác tàn bạo của quân Xiêm đối với nhân dân Gia Định. Mạc thị gia phả cho biết, khi chiếm được Ba Xắc, quân Xiêm «giết hại nhân dân Hà Tiên, và cướp bóc vàng bạc, của cải không biết bao nhiêu mà kể». Khi đóng quân ở Trà Luật, bọn tướng Xiêm «dung túng cho quân Xiêm cướp bóc và giết hại dân chúng»(4). Nguyễn Ánh là kẻ đã rước quân Xiêm về nước nhưng trước tội ác của chúng và lòng căm phẫn của dân chúng, sử triều Nguyễn cũng phải ghi những lời mị dân của hắn: «Vua thấy quân Xiêm tàn bạo, đến đâu là cướp bóc đấy, dân ta oán rất nhiều, bảo các tướng rằng: muốn được nước phải được lòng dân, nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta không nỡ làm»(5). Trong thư gửi linh mục I. Liot, ngày 25-1-1785, Nguyễn Ánh một lần nữa thú nhận: «Nay thì Xiêm binh đại tứ lỗ lược, dâm nhân phụ nữ, lược nhân tài vật, túng sát bất dung lão thiểu, vậy nên. Tây tặc binh thế nhật thịnh, Xiêm binh thế nhật suy».

Nguyễn Ánh và vua Xiêm đều muốn qui nguyên nhân thất bại vào hành động cướp bóc của quân Xiêm và trút hết trách nhiệm lên đầu bọn tướng Xiêm. Trong «quốc thư» gửi vua Xiêm. Nguyễn Ánh yêu cầu người viết là Vũ Thế Doanh: «Kể rõ những sự tàn bạo của Chiêu Tăng làm mất lòng dân cho nên Tây Sơn mới đánh bại được»(6). Vua Xiêm cũng thừa nhận, bọn tướng Xiêm «tàn hại nhân dân nước ấy để đến nỗi đại bại»(7). Tội ác của quân giặc dĩ nhiên, tự nó không thể quyết định thất bại của chúng. Nhưng sự tàn bạo của quân Xiêm càng khơi dậy lòng căm ghét, khinh bỉ của nhân dân ta và thúc đẩy mọi người chống lại chúng. Nhân dân Gia Định chắc chắn đã có nhiều hành động yêu nước, góp phần quan trọng cùng với quân đội Tây Sơn lập nên chiến công oai hùng của cuộc kháng chiến chống Xiêm.

Quân Xiêm — Nguyễn Ánh đổ bộ lên Kiên Giang tháng 7 Giáp Thìn (16-8 — 13-9-1784) mà đến tháng 12 năm đó (11-1 — 8-2-1785), nghĩa là sau khoảng 5 tháng, chỉ chiếm được nửa phần đất phía tây Gia Định. Ở đây, có vai trò chiến đấu chặn địch của quân Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy, nhưng một phần cũng do sự cô lập của quân giặc và sự ủng hộ của nhân dân hướng về lá cờ cứu nước của Tây Sơn.

Đại Nam thực lục có chép trường hợp «phản thần Lê Xuân Giác» bày cho Nguyễn Huệ kế mai phục ở Rạch Gầm — Xoài Mút. Coi đó là nguyên nhân thắng lợi chủ yếu của Tây Sơn dĩ nhiên là sự xuyên tạc của Quốc sử quán triều Nguyễn. Nhưng sự việc trên cho thấy, ngay trong hàng ngũ địch đã có sự phân hóa, có một bộ phận tỉnh ngộ quay giáo chống lại giặc, chuyển sang hàng ngũ dân tộc.

Chúng ta còn phải dày công tìm thấy để phát hiện thêm những tư liệu phản ánh cụ thể sự tham gia, ủng hộ của nhân dân Gỉa Bịnh đối vởỉ quân đội Tây Sơn trong kháng chiến chống Xiêm. Nhưng với những tư liệu gián tiếp hiện có, chúng ta đã có thể kết luận rằng, thắng lợi của kháng chiến chống Xiêm, của Rạch Gầm — Xoài Mút là thắng lợi của quân đội Tây Sơn được nhân dân Gia Định hết lòng giúp đỡ, ủng hộ. Với chiến công Tiền Giang năm 1785, nhân dân miền Nam đã chứng tỏ là một bộ phận hữu cơ của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đã xứng đáng là bức thánh đồng kiên cường, tin cậy của Tổ quốc Việt Nam.


(1) Pierre Poivre, Description de la Cochinchine, Revue d’Extrême-Orient, T.III, 1984.
(2) Vũ Thế Doanh, Mạc thị gia phả, chữ Hán, chép tay.
(3) Nhân đây, tôi xin phát biểu thêm ý kiến của tôi về hai vấn đề liên quan đến diễn biến của cuộc kháng chiến:
— Vị trí Trà Tân. Dựa vào các tài liệu địa lý học lịch sử và kết quả khảo sát điền dã năm 1977, theo tôi, Trà Tân trong Đại Nam thực lục, Trà Luật trong Gia Định thành thông chí, Tà Luật trong Mạc thị gia phả, Trà Suốt trong Sử Ký Đại Nam Việt là một và là nơi đóng quân của đại quân Xiêm — Nguyễn trước khi xảy ra trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Đó là tên một con rạch đổ ra sông Tiền ở phái tây cù Lao Năm Thôn hay còn gọi là cù lao Kiến Lợi, cù lao Trà Luật, nay thuộc huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, chứ không phải là Trà Lọt thuộc huyện Cái Bè như có người đã chỉ định trong tập sách Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, Tiền Giang, 1977.
— Thời điểm xảy ra trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Về vấn đề này, chúng ta đứng trước hai tư liệu gốc có giá trị đương đại, nhưng lại không thống nhất:
1) Mạc thị gia phả do Vũ Thế Doanh soạn xong ngày 19-6 Mậu Dần năm Gia Long thứ 17, tức là ngày 21-7-1818, nghĩa là sau cuộc kháng chiến 33 năm. Vũ Thế Doanh là gia thần của họ Mạc ở Hà Tiên, đi theo tham tướng Mạc Tử Sanh trong quân đội Xiêm — Nguyễn Ánh và đã trực tiếp tham gia chiến trận. Hơn nữa, sau thất bại, Vũ Thế Doanh còn được Nguyễn Ánh giao nhiệm vụ, dựa theo nhật ký của Mạc Tử Sinh, viết bức «quốc thư» gửi vua Xiêm. Theo Mạc thị gia phả, trận Rạch Gầm — Xoài Mút bắt đầu từ lúc trống canh năm ngày 9-12 Giáp Thìn.
2) Thư Nguyễn Ánh gửi linh mục J. Liot ngày 15-12 năm Cảnh Hưng thứ 45, tức ngày 25-1-1785, nghĩa là sau trận Rạch Gầm — Xoài Mút 5-6 ngày. Bức thư do L. Cadière công bố trong Les Français aux serices de Gia Long, B.A.V.H. 1926, lại cho biết trận Rạch Gầm — Xoài Mút xảy ra vào ngày 8-12 Giáp Thìn.
Đứng về mặt sử liệu học, giữa hai tài liệu trên, thật khó xác định tài liệu nào có giá trị hơn tài liệu nào. Do đó, người ta có quyền chọn một trong hai tài liệu và đưa đến những ý kiến khác nhau về thời điểm của trận Rạch Gầm — Xoài Mút: ngày 8-12 tức ngày 18-1-1785, ngày 9-12 tức ngày 19-1-1785, đêm 9 rạng 10-12 tức đêm 19 rạng 20-1-1785.
Nhưng theo tôi, có thể giữa hai tài liệu trên không có mâu thuẫn mà chỉ do quan niệm khác nhau về cách tính thời gian. Trận Rạch Gầm — Xoài Mút có lẽ xảy ra vào đêm 8 rạng 9-12, nếu tính một cách chính xác, lấy giờ tý (23 — 1 giờ) làm ranh giới thì canh năm là thuộc ngày 9. Nhưng trong cách nói thông thường người ta vẫn coi toàn bộ thời gian ban đêm thuộc ngày hôm trước, nghĩa là cả đêm mồng 8 thuộc ngày 8. Mạc thị gia phả chép theo quan niệm thứ nhất Nguyễn Ánh Viết thư theo quan niệm thứ hai. Nếu cách giải thích này được chấp thuận thì trận thì trận Rạch Gầm — Xoài Mút bắt đầu lúc rạng sáng ngày 9 và thuộc phạm vi ngày 9-12 Giáp Thìn, tức ngày 19-1-1785.

(4) Vũ Thế Doanh, Mạc thị gia phả, Sđd.
(5) Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd.
(6), (7) Vũ Thế Doanh, Mạc thị gia phả, Sđd.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2022, 08:28:44 am »

5. — Cuộc kháng chiến mở đầu một chuyển biến lớn lao của phong trào Tây Sơn, đưa phong trào lên qui mô toàn quốc và dẫn đến sự liên kết đầu tiên giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.

Với kháng chiến chống Xiêm thắng lợi, phong trào Tây Sơn đã hoàn thành một nhiệm vụ dân tộc và thực sự trở thành một phong trào dân tộc. Sức mạnh trỗi dậy của quần chúng bị áp bức được nâng cao thêm bằng sự kết hợp với sức mạnh yêu nước và đoàn kết dân tộc. Nguyễn Huệ từ một anh hùng nông dân trở thành một anh hùng dân tộc uy danh lừng lẫy. Trên cơ sở đó, năm I786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, bất chấp sự hạn chế của Nguyễn Nhạc, đã tiến ra Đàng Ngoài, lật đổ chế độ chúa Trịnh, xóa bỏ tình trạng chia cắt, lập lại quốc gia thống nhất. Phong trào Tay Sơn là phong trào nông dân duy nhất trong lịch sử, khi chưa có một giai cấp mới lãnh đạo, đã lan rộng trên qui mô toàn quốc và làm nhiệm vụ khôi phục quốc gia thống nhất, dù sự nghiệp thống nhất đó chỉ mới bước đầu và cỏn những hạn chế khách quan, chủ quan.

Cũng trên cơ sở phát huy sức mạnh dân tộc, đầu năm 1789, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ, đã đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh, lập nên vũ công mùa xuân Kỷ Dậu, giải phóng kinh thành Thăng Long, quét sạch quân giặc ra khỏi Bắc Hà. Đây là chiến công chói lọi nhất tiêu biểu cho đỉnh phát triển cao nhất của phong trào Tây Sơn.

Trong cuộc chiến tranh chống thù trong giặc ngoài, mang tính giai cấp và tính dân tộc sâu sắc, phong trào Tây Sơn đã phát huy ảnh hưởng ra ngoài biên giới quốc gia và đã có lúc liên minh với nhân dân Chân Lạp, Lạn Xang trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.

Vào cuối thế kỷ 18, ba nước trên bán đảo Đông Dương đứng trước hai lực lượng bành trướng nguy hiểm là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Trung Quốc và chủ nghĩa bành trướng Đại Thái của Xiêm. Việt Nam phải đương đầu trực tiếp với cả hai mối đe dọa đó và đã đánh thắng quân Xiêm ở phía Nam, đánh thắng quân Thanh ở phía Bắc. Chân Lạp và Lạn Xang là nạn nhân trực tiếp và lâu năm của chủ nghĩa bành trướng Đại Thái của các vương triều Xiêm. Chính hoàn cảnh lịch sử đỏ đã dẫn đến những hành động liên kết và ủng hộ lẫn nhau giữa những lực lượng yêu nước của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương và cho phép phong trào Tây Sơn mở rộng hoạt động sang Chân Lạp, Lạn Xang nhằm chủ động chống kẻ thù chung.

Trong cuộc đấu tranh chống phong kiến Nguyễn và xâm lược Xiêm, phong trào Tây Sơn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những người yêu nước Chân Lạp.

Năm 1752, bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh phái Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch sang cầu cứu vua Xiêm. Nhưng khi đi qua đất Chân Lạp, bọn sứ giả của Nguyễn Ánh đã bị người Chân Lạp giết chết, mà theo sử triều Nguyễn là do «Chân Lạp ngầm giúp Tây Sơn»(1).

Đầu năm 1785, trong khi chuẩn bị cho trận Rạch Gầm — Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã dùng một người Chân Lạp làm sứ giả đến «giảng hòa» với quân Xiêm để thăm dò lực lượng và dụ địch vào cạm bẫy. Có thể coi đó là một đóng góp của người Chân Lạp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Xiêm.

Ngược lại, quân Tây Sơn cũng đã có lần tiến sang Chân Lạp để truy quét kẻ thù chung rồi rút về nước. Cuối năm 1783, nước Chân Lạp đang bị phong kiến Xiêm thống trị, lại bị quân Chà Và (tài liệu của giáo sĩ phương Tây chép là người Mã Lai) cướp phá. Quân Tây Sơn đóng ở Gia Định do Tương Văn Đa chỉ huy, đã tiến sang Chân Lạp đánh đuổi quân Chà Và và quân Xiêm. Sau đó, quân Tây Sơn rút về nước chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Xiêm(2).

Sau khi nạn xâm lược của Xiêm và Thanh đã bị đánh bại, ý đồ thôn lính của kẻ thù bị bẻ gãy nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn chịu từ bỏ tham vọng can thiệp vào nội tình nước ta.

Vua Xiêm cho bọn lưu vong Nguyễn Ánh trú ngụ ở ngoại thành Bangkok để chuẩn bị lực lượng và chờ thời cơ. Năm 1787-1788, nhân sự bất hòa giữa cúc thủ lĩnh Tây Sơn và sự bất lực của Nguyễn Lữ, Nguyên Ánh trở về chiếm lại Gia Định. Lúc này, Nguyễn Ánh dựa vào tư bản Pháp, nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ của phong kiến Xiêm.

Triều Thanh đã phải công nhận chính quyền Tây Sơn, thiết lập quan hệ bang giao với Quang Trung, nhưng vẫn ngoan cố chiếm giữ 6 châu của phủ Âu Tây trấn Hưng Hóa mà chúng đã lấn cướp trước đây và vẫn gián tiếp giúp đỡ Lê Duy Chỉ (em ruột Lê Chiêu Thống) hoạt động chống đối ở vùng biên giới mà trung tâm là Bảo Lac (Cao Bằng).


(1) Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, T.II, tr.41.
(2) Thư của Ginestar trong La rèvolte et la guerre dé Tây Sơn, B.S.E.I. 1940, Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lực, Sđd, T.II, tr.52.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM