Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:46:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ yếu... kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  (Đọc 15624 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2022, 08:39:48 am »

Trong khi đó, phong trào nông dân Tây Sơn chẳng những không mang màu sắc tôn giáo mà còn rất sớm thoát khỏi tính địa phương cục bộ, nhanh chóng đạt tới tính toàn quốc, trở thành phong trào dân tộc, đem lại thắng lợi vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có tính thời đại là kết hợp hài hòa cả hai vấn đề độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đẩy lịch sử nước ta tiến lên.

Giai cấp nông dân thời đại Tây Sơn đã biểu hiện năng lực làm chủ và quyền làm chủ của mình. Năng lực này, quyền làm chủ này lại không phải do giai cấp phong kiến phát huy mà do Nguyễn Huệ xuất thân từ giai cấp nông dân, đứng về phía giai cấp nông dân và dân tộc cổ vũ, phát huy. Đây là một nghịch lý của lịch sử nhưng đồng thời lại là logic của thời đại Tây Sơn.

Thực tiễn sinh động này giúp chúng ta hiểu rõ thêm vì sao dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi giai cấp nông dân chưa nhận được sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đã vừa chống đế quốc vừa chống triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Năng lực làm chủ và tính tích cực của giai cấp nông dân thời đại Tây Sơn phải được coi là một đặc điểm sáng tạo. Nhiều nhà sử học đã kết luận như thế.

Vậy thì có nên cho đây là một sự sáng tạo ngoại lê hay không? Bởi vì phong trào nông dân Tây Sơn chưa đạt tới tiêu chuẩn của một phong trào cách mạng mà vẫn có thể rút ra kết luận là một sự sáng tạo.

Làm chủ ở đây chính là, và chủ yếu là làm chủ vận mệnh dân tộc khi có giặc ngoại xâm. Một nội dung rất cơ bản của làm chủ về chính trị theo nhận thức của chúng ta ngày nay. Năng lực và quyền làm chủ này bắt nguồn từ đâu? Không thể tìm nguồn gốc của nó trong kinh tế, trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Trong chế độ phong kiến và các chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất làm gì có quyền làm chủ của các giai cấp lao động bị bóc lột.

Vậy, chỉ có thể tìm nguồn gốc của nó trong truyền thống, trong văn hóa — tinh thần đã biến thành sức mạnh vật chất — tác động tích cực và rõ rệt đến hành vi và hoạt động của con người trước một đối tượng cụ thể: giặc ngoại xâm dã man tàn bạo!

Nguồn gốc đó chỉ có thể là lòng yêu nước và ý thức dân tộc. Giai cấp nông dân không thể phó mặc cho giai cấp phong kiến phản động muốn làm gì thì làm, không thể thờ ơ trước nguy cơ nước mất nhà tan.

Những kết luận như đã trình bày trên đây hàm súc ý nghĩa thế giới quan. Nó giúp chúng ta xây dựng và củng cố niềm tin năng lực làm chủ và năng lực cach mạng của giai cấp nông dân.

Năng lực làm chủ của giai cấp nông dân đã có, đã xuất hiện trong quá khứ lịch sử. Còn năng lực cách mạng của giai cấp nông dân chỉ có khi nào giai cấp nông dân được sự giáo dục kiên trì và phát huy vai trò của giai cấp công nhân và liên minh tự nhiên của giai cấp công nhân.

Chúng ta tin tưởng năng lực làm chủ của giai cấp nông dân nhưng không mơ hồ về lập trường làm chủ của giai cấp công nhân. Chúng ta đánh giá đúng vị trí và vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng nhưng không mơn trớn và đề cao nông dân quá đáng, quá mức như kiểu cách của Mao Trạch Đông và những người phụ họa theo chủ nghĩa của ông ta, một thứ chủ nghĩa cơ hội phiêu lưu, cực đoan, vô chính phủ đi tới chỗ phản bội chủ nghĩa Lênin mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã phê phán trong bản tham luận đọc ở Đại hội nông dân quốc tế tháng 10-1923.

Trong cách mạng Việt Nam, Đảng ta đánh giá đúng vị trí vai trò của giai cấp nông dân theo quan điểm của chủ nghĩa Mác — Lênin và xuất phát từ sự phân tích đúng đắn đặc điểm giai cấp và truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân. Ngay từ năm 1930, Đảng ta đã chỉ ra rằng giai cấp nông dân là lực lượng hùng hậu của cách mạng, là bạn đồng minh tin cậy nhất của giai cấp công nhân. Song giai cấp nông dân không có khả năng và dứt khoát không phải là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Suy cho cùng là vì giai cấp nông dân không có hệ tư tưởng độc lập, không đại diện cho một phương thức sản xuất nhất định nào cả.

Đảng ta đã giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân và liên minh công nông đưa đến thắng lợi triệt để và huy hoàng cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ — một cuộc cách mạng phải thực hiện bằng bạo lực chống ba tên đế quốc ở ba Châu Á, Âu, Mỹ và kéo dài suốt 45 năm ròng rã. Nhờ giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân và liên minh công nông, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và trong cả nước ngày nay đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2022, 08:41:08 am »

THƠ VÀ QUANG TRUNG
THƠ VÀ CHIẾN THẮNG

MAI QUỐC LIÊN
(Phó tiến sĩ văn học
                                                                                                                    
Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh)

Chiến thắng Đống Đa, chiến thắng Rạch Gầm… là những chiến thắng có tính chất thần thoại. Cuộc hành quân thần tốc, chiến thắng có tính chất áp đảo và diễn ra trong chớp mắt, rồi những truyền thuyết đẹp về các trận đánh, tự nó là một bài thơ hùng tráng và tuyệt đẹp.

Chiến thắng đó đã gây chấn động đối với thời bấy giờ, và thơ ca như là phong vũ biểu của thời đại, đã phản ánh sự chấn động sâu xa của lịch sử. Ánh chớp huy hoàng của chiến thắng đã rọi chiếu vào thơ luồng sáng lớn và điều này thật có ý nghĩa. Chiến thắng và thơ như hai chị em, đều là con đẻ, là máu xương tâm huyết của dân tộc và với một dân tộc có truyền thống thơ đuổi giặc («thoái lỗ thi»), thơ sẽ không cam chịu im tiếng trước cuộc chiến đấu và chiến thắng.

Công tâm mà xét, những bài thơ trực tiếp mang âm hưởng của chiến thắng, về số lượng đã không nhiều. Thế mà trong những bài thơ ấy, do nhiều lý do, số bài viết về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút mà chúng ta đang kỷ niệm lại càng hiếm. Dù sao chiến thắng này tạo điều kiện và báo hiệu cho chiến thắng kia, hai chiến công đều cũng một anh hùng dân tộc, cùng một phong trào nông dân, đại diện cho trào lưu của lịch sử, nên nói cái này cũng là nói cái kia và mượn ý của câu thơ Thôi Hạo đời Đường, ở đây là quy luật «tương ánh hồng». Nên vào dịp kỷ niệm 200 năm trận rạch Gầm — Xoài Mút, chúng ta lại nói về những bài thơ chiến thắng giặc phương Bắc — ngày nay, chúng cùng quân Thái Lan đều đang gây hấn ở biên thùy, chúng là một cốt một đồng, còn ta thì Bắc Nam một nhà; tất cả đều hướng về Quang Trung, về khởi nghĩa Tây Sơn, về truyền thống quý báu của dân tộc; truyền thống ấy vang vọng mãi trong thơ ca cũng tức là trong tâm trí của nhân dân.

Ngày nay, những người viết lịch sử văn học nói đến một thời đại Tây Sơn trong văn học (Và có chăng một thời đại Tây Sơn trong mỹ thuật — như ý họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung — trong sân khấu, trong âm nhạc?).

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ có cái may sống trong dân, tận mắt chứng kiến sự nổi dậy tại chỗ của nhân dân kinh thành Thăng Long phối hợp với cuộc tấn công thần tốc của quân chính qui Tây Sơn, đã để lại một kiệt tác nhỏ không những cho thơ mà cho cả sử học:

   Giặc kia tàn bạo sang ngông cuồng
   Quân vua một giận oai bốn phương
   Thần tốc ruổi dài xông thẳng tới
   Như trên trời xuống ai dám đương
   Một trận rồng lửa giặc tan tành
   Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
   Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
   Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
   Mây tạnh mù tan trời lại sáng
   Đầy thành già trẻ mặt như hoa
   Chen vai thích cánh cùng nhau nói
   Cố đô vẫn thuộc núi sông ta

               (Bùi Hạnh Cẩn dịch)


Trận «rồng lửa» là do nhân dân Thăng Long dùng rơm đánh thành con cúi đốt «hỏa long trận» để uy hiếp quân giặc! Khí phách, tấm lòng của nhân dân là như nhau ở mọi lúc mọi nơi, ở Đống Đa cũng như ở Rạch Gầm. Và một ông thầy thuốc bình dân, một ông đồ như Ngô Ngọc Du, nhờ biểu đạt tinh thần ấy của nhân dân, đã cùng với thời đại mình bất tử.

Ngô Thì Nhậm, nhà thơ có lẽ là lớn nhất của thời đại Tây Sơn, đánh giá chiến công của Quang Trung:

      Dẹp loạn cao hơn trong dựng Hạ,
      Trừ hung đuổi kịp dấu cầm Hồ.


Cầm Hồ — bắt giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13, hai chiến công xứng đáng đứng song đôi trong lịch sử.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2022, 08:42:40 am »

Vào một ngày mùa thu, nước thu rất trong vì sự phản chiếu bầu trời thu không một gợn mấy, sứ thần Ngô Thì Nhận đi thuyền trên sông, mở cửa thuyền nhìn núi xanh, suy nghĩ về đạo lý của trời đất. trên con đường sứ nghìn dặm đi về trên đất Trung Hoa; những điều mắt thấy tai nghe ở đó, so với những điều đã nhìn đã nghe trên đất nước ông không có gì khác nhau. Thế thì tại sao người ta lại nói nhảm rằng ở phương Nam «lòng đỏ và lòng trắng trứng gà bằng nhau», ở đó «ba phần trai mới có một phần gái», thậm chí ngày và đêm Di Hạ cũng khác nhau…? Lấy gậy ông đập lưng ông, ông dẫn lời của chính thầy Chu (Chu Hy đời Tống): Chu Hy nói rằng ở các nước phía Tây Nam có nhiều người mở mang trước, không riêng gì Trung Quốc mới là hơn! Ông hồ hởi nêu lên lời thơ tự đáy lòng:

… Ta đi đường nghìn dặm,
Đi về đã ba mùa.
Những điều mắt thấy và tai nghe,
Phương Nam phương Bắc, thú vị không khác gì nhau.

… Lớn lao thay, thầy Chu,
Lời nói của bậc đại hiền thật thấu suốt.
(Thầy Chu) hết lời ngợi khen các phiên bang phía Tây Nam,
Có nhiều người giỏi văn chương, chữ nghĩa.
Không riêng gì Trung Quốc mới là hơn.
Lời bạn rộng lớn ấy thật hợp lòng ta.
Ta về nói cùng các bạn:
May mắn thay! Chúng ta sinh ra ở nước Nam.
Đường hoàng đai lưng dây ấn,
Chớ bảo rằng ta kém văn minh.
Năm kia đất Việt thường có bậc kỳ lão,
Nay hãy xem dòng sông Ninh — Minh,
Cuồn cuộn chảy về Đông.
Nguồn sông phát từ đâu?
Phát từ phương Nam chuyển sang phương Tây Bắc.


Phải có đỉnh cao của chiến thắng Đống Đa, chiến thắng Rạch Gầm nâng cao uy tín dân tộc lên tầm cao chói lợi khiến cho cả triều đình Mãn Thanh lẫn Càn Long đều nể vì, ngại ngùng và cuối cùng phải xếp lại cái dã tâm «động binh chín tỉnh để trả thù» thì thơ ca mới có được câu: «May mắn thay chúng ta được sinh ra ở nước Nam!».

Một nghìn năm phong kiến Trung Quốc xâm lược và đô hộ, chúng xem dân tộc Việt Nam là Di, nghĩa là mọi rợ.

Tất cả những cái gì thuộc về Di đều thua kém và đê tiện, thậm chí ở «Di địch mà có Vua cũng không bằng ở Hoa Hạ không vua» (Di Địch hữu quân, bất như Hoa Hạ chi vô quân dã — Khổng Tử: Luận ngữ). Không Tử đã viết, thì đó hiển nhiên là chân lý! Vậy mà nay bọn người Di ấy, bọn người «áo vải» từ trong «hang núi» chưa hề «thấm nhuần giáo hóa thượng quốc ấy», chỉ «đem theo dăm ba tên trai tráng trong làng trẩy ra» đã làm quân thiên triều dẫm lên nhau mà chạy cơ hồ vỡ mật. Và chỉ đến lúc ấy, ngay cả một nhà nho bị kẹt cứng ngắt giữa các tín điều có tính chất điển qui của Khổng Tử, như Ngô Thì Nhậm cũng thật sự thấy vinh dự được làm người ở Nam bang, ở cái phần đất Di, Địch ấy!

Niềm tự hào, phấn khởi ấy tràn đầy trong lòng Ngô Thì Nhậm đến nỗi từ trên đất Trung Quốc, ông tưởng tượng đến ngày về nước, và những lời nói với bạn bè sẽ là những lời xiết bao tâm huyết, vui sướng tự hào! Bạn của ông, những nhà khoa bảng cửu triều, hẳn còn có người vẫn còn có nhiều mặc cảm tự ty dân tộc! Ông sẽ nói điều ngược lại.

Một vấn đề cốt tử nữa, là ông và họ đều tiếp nhận ảnh hưởng của Nho giáo, của Hán học, rất dễ có tinh thần sùng bái văn hóa Trung Hoa. Ông sẽ nói cái điều tương tự, điều mà trước đó Nguyễn Trãi đã nhờ chiến thắng giặc Minh mà nói được:

Vật vi ngã bất hoa
(Chớ bảo rằng ta kém văn minh)

Nói, và đồng thời chứng minh, dù chứng minh chưa vững vàng, chặt chẽ lắm! nhưng quý biết bao cái khí phách văn hóa ấy, cái khí phách dám tin ở tinh hoa tinh thần của dân tộc, cái khí phách mà ngày nay ta rất đỗi trân trọng và nguyện học tập, kế thừa!

Chiến thắng Rạch Gầm, chiến thắng Đống Đa của dân tộc đã làm nên một chiến thắng văn hóa. Xét cho cùng, mọi chiến thắng đều phản ánh văn hóa và thúc đẩy văn hóa tiến tới.

Trong những mục tiêu chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta thời Quang Trung có mục tiêu bảo vệ văn hóa dân tộc: Quang Trung đã kêu gọi:

Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2022, 08:44:04 am »

Người ta có thể nói đến thơ, nói về chiến công, về lòng tự hào dân tộc được khởi lên mãnh liệt ở thời kỳ này qua thơ của các danh gia như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Ninh Tốn, Ngọc Hân... Bài thơ của Phan Huy Ích làm khi nghe tin đại quân Tôn Sĩ Nghị rút chạy, đã mỉa mai «biết thế là đưa thư mừng Tây Sơn từ trước có hơn không». Đoàn Nguyễn Tuấn đi sức Bắc Kinh làm thơ tự hào về đất nước: «... Phong cảnh nước Nam... không tia bụi vẩn, núi sông trong sáng. Suốt bốn mùa xuân cây cỏ nở hoa...». Vũ Huy Tấn làm bài thơ văn tế quân Thanh chết trận, bút lực hùng đại, nghiêm cẩn, tung hoành:

«Than ôi!

Bậc vương giả bốn phương trừ nghịch, lân quốc kia sang tránh lấn há dung? Đấng thánh nhân khắp chốn đều nhân, cô hồn nọ để bơ vơ sao nỡ.

Chẳng đành nhìn biển máu, núi xương. Chạnh thương xót sông gào lệ đỏ.

Bọn phương Bắc các ngươi:

Móng vuốt đại bang, anh tài trung thổ.

Mấy thuở hưởng phúc trời yên ổn, ngót trăm năm chiến trận nào hay. Phút giây vì Sỹ Nghị tham công, ngoài nghìn dặm mang dân thí bỏ.

Bắt bay phải lam chướng xông pha. Buộc bay chịu biên cương cực khổ.

Lìa quê nhà, bỏ đồng ruộng, thây Chương Dương, Hàm Tử không ghê. Cắm cờ triệu, dừng cờ mao, trải Mã Lĩnh, Quỷ Môn chẳng sợ.

Phép ra quân điềm gỡ cố ngơ; Điều cấm kỵ nhà binh chẳng nhớ.

Quân ta đã ngọn cờ thẳng trỏ, đàn kiến kia quét tận hang cùng. Lòng ta chẳng thể đức hiếu sinh, mả kình(1) ấy đẹp gì mắt ngó.

Ngặt trong vòng gươm chĩa lưới giăng, khôn thoát cảnh quân tan trận vỡ.

Hoặc những kẻ gặp voi lồng bở vía, thây ven thành góc bãi ngổn ngang. Hoặc những tên vì cầu đứt sẩy chân, xác vùi nước sông Hồng nghẹn ứ!

Dầu kẻ ngu còn ngang ngạnh chưa hàng, song vận bĩ đã kinh hồn nhận rõ.

Buồn trông cảnh Tần thành trăng úa, khổ viễn chinh còn tẩy niềm đau; Thảm nhớ phen Lô thủy mây sầu, xe bại trận không ngăn lệ rỏ.

Nay ta cho: nhặt xương khô mà vun đống mồ kia, lập đàn tế hướng bên dòng sông đó.

Lòng ta rộng thương người cõi Bắc, xuất của kho mà đắp mảnh xương tàn; Hồn bay dừng vơ vẩn trời Nam, rời đất khách mau về nơi quê cũ!

Khả kính lòng ta chú ý chân thành; hầu khiến chí ta đạo trời rộng ngỏ».


(Ngô Linh Ngọc dịch)

Văn tế hay xưa nay hiếm. Với bút lực hùng đại, nghiêm cẩn, tung hoành, với chỗ đứng của Quang Trung cũng là của toàn dân tộc vừa chiến thắng, bài văn tế mới sưu tầm được này càng xác định vị trí đáng ghi nhớ của nhà thơ Võ Huy Tấn trong văn học thời Tây Sơn ngắn ngủi nhưng đặc sắc.

Có đọc những bài thơ chống Tây Sơn, chống lại cả một trào lưu chính nghĩa, tiến bộ... của không ít «gương mặt thế kỷ» như Trần Danh Án, Nguyễn Hành..., chúng ta mới thấm thía hết những lời thơ là chứng nhân trung thực và đầy cảm xúc của lịch sử.

Gần đây, trong khi nghiên cứu văn của các tác giả Ngô Thì, chúng ta chú ý đến bài «Hoài cụu» (nhớ chuyện cũ), một hồi ức rạng rỡ và bi thương về sự nghiệp Tây Sơn:

      Bách vạn tì hưu nhất hà san
      Kiền khôn nang quát chuyển tình gian
      Phá điền thiên tử uy phương xướng
      Lạc mộc quân vương đảm diệc tàn
      Mạc vi thịnh cường thu thập dị
      Na tri trá lực bả trì nan
      Hưng vong đáo để quan nhân sự
      Thân tích không kinh huyết lệ sàn


Tạm dịch:

      Trăm vạn hùng binh ruổi xuống ngàn
      Chỉ trong chớp mắt chuyển càn khôn
      Ông vua phá ruộng oai vừa đấy
      Cây đổ quân vương sợ hết hồn
      Chớ bảo mạnh giàu xâm lấn dễ
      Nào hay gian trá giữ sao đang
      Việc đời suy thịnh do người cả
      Thương tiếc lòng đau máu lệ dàn


Bài thơ cảm xúc sâu lắng, nhiều ý tứ câu chữ cần hiểu cho chính xác, tránh hiểu theo lối «tài tử». Hai câu đầu: Khí thế Tây Sơn. Hai câu tiếp: «phá điền thiên tử» chỉ Quang Trung «lạc mộc quân vương» chỉ vua Lê, vì đời Đinh có câu sấm: «Hòa đao mộc lạc, thập bát tử hành» (ghép thành chữ Lê). Câu 5, 6: «Thịnh cường» và «trá lực» chỉ Mãn Thanh? Dầu sao câu cuối đã rõ ra lời tiếc thương đau đớn cho một sự nghiệp lớn đã tiêu vong.

Những hồi ức thương đau nhưng rạng rỡ! «Bách vạn tì hưu nhất há san. Càn khôn nang quát chuyển tình gian», hai câu thơ đẹp để nói về chiến thắng của Quang Trung, hai câu thơ khinh khoái mà gợi cảnh lớn lao, sánh với hai câu thơ của Ngô Ngọc Du: «Trường khu trực đáo chân thần tốc, Như tòng thiên giáng nên để đương».

... Các thế kỷ đã trôi qua, các chân trời lịch sử đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng những chiến công oai hùng và rạng rỡ đã cùng với sử sách và thơ văn để lại cho những thế hệ hôm nay và mai sau một truyền thống quí báu, một sức mạnh tinh thần vô giá trong cuộc chiến đấu ngày nay. Chúng ta soi mình vào trong ánh lửa chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, chiến thắng Đống Đa xưa, tự hào về ngày xưa càng tự hào vì hôm nay:

Thành Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến diệu anh hùng đại võ công


(Ngô Ngọc Du)

(Nam thành xác giặc mười hai đống.
Rạng rỡ anh hùng đại võ công)


M.Q.L


(1) Mả kinh; Xác giặc chất đống hình con cá kình (cá dữ).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:07:09 am »

CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT
TRÊN SÂN KHẤU CÁCH MẠNG

Nhà thơ HOÀI ANH
                                                                                                                             
(Tuần báo Văn nghệ — thành phố
Hồ Chí Minh)

Trên sân khấu cách mạng, nhiều giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc đã và đang được tái hiện một cách sinh động. Trong đó, giai đoạn được các nhà viết kịch bản sân khấu quan tâm nhất là giai đoạn vùng dậy kỳ diệu của phong trào Tây Sơn. Chỉ tính riêng trận Rạch Gầm — Xoài Mút, cũng đã có đến hai kịch bản được dàn dựng và công diễn khắp nơi. Nhân kỷ niệm 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, chúng tôi xin trình bày vài suy nghĩ của mình sau khi xem Tiếng sóng Rạch Gầm của Ngọc Linh.

Tóm tắt chuyện kịch như sau: Trong doanh trại quân Xiêm ở Trà Tân, trên cù lao Năm Thôn, giữa lòng sông Tiền Giang, hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương trao đổi với nhau về cách đối phó với quân Tây Sơn. Chiêu Sương nói Nguyễn Huệ có ý muốn cầu hòa, sáng nay đã mang lễ vật gồm năm hòm vàng, năm rương bạc cùng lụa là gấm vóc tới dâng và mình đã trao lời cam kết hẹn ngày rút quân. Chiêu Tăng chê lễ vật như vậy quá ít nhưng Chiêu Sương nói là mình còn có ý đồ khác. Giữa lúc đó Nguyễn Ánh vào, cùng đi có tướng Mạc Tử Sinh và tham mưu Lê Xuân Giác. Nguyễn Ánh trách tướng Xiêm sao lại án binh bất động, hai tướng chống chế là đang thăm dò binh lực của Nguyễn Huệ. Lê Xuân Giác bèn trình bày số binh thuyền và thực lực của Nguyễn Huệ cho hai tướng Xiêm nghe, đồng thời nêu kế hoạch công phá thủy sư Nguyễn Huệ. Có tin sứ giả Tây Sơn xin vào gặp hai tướng Xiêm. Nguyễn Ánh xin với hai tướng Xiêm cho Lê Xuân Giác ở lại dự cuộc tiếp kiến sứ giả. Chiêu Sương miễn cưỡng nhận lời nhưng lấy áo của tướng Xiêm choàng lên vai Xuân Giác để sứ giả Tây Sơn khỏi biết đó là người của Nguyễn Ánh. Sứ giả Tây Sơn là đốc chiến Trương Long Hầu và đoàn tùy tùng mang lễ vật vào dâng tướng Xiêm. Chiêu Sương đem phong thư cam kết cho Trương Long Hầu nhờ trao cho Nguyễn Huệ. Lê Xuân Giác bực bội bỏ áo choàng đứng dậy. Ngay lúc đó quân Xiêm đi cướp bóc gái đẹp trở về, trong số người bị bắt có Xuân Hồng là con gái Lê Xuân Giác. Lê Xuân Giác trách tướng Xiêm sao lại dung túng cho quân cướp bóc dân lành lại bắt cả con mình. Chiêu Tăng nổi dậy. Khi thấy quân Xiêm ùa vào níu lấy Xuân Giác thì Trương Long Hầu bèn mở túi gấm lấy hai hạt minh châu trước đây thu được từ tay Quốc phó của chúa Nguyễn là Trương Phúc Loan, đem nộp cho Chiêu Tăng để chuộc mạng cho Xuân Hồng. Chiêu Tăng nhận minh châu, giao Xuân Hồng cho Xuân Giác. Xuân Hồng cảm ơn Trương Long Hầu và từ biệt chàng theo cha trở về nhà.

Khi trở về gặp Nguyễn Huệ, Trương Long Hầu kể cho Nguyễn Huệ nghe chuyện Lê Xuân Giác bị làm nhục giữa doanh trại quân Xiêm. Nguyễn Huệ biết Lê Xuân Giác vốn là một trung thần của chúa Nguyễn, lại là người nhiều mưu lược, chỉ tiếc vì đi lầm đường, hiện «đang cùng đường bế tắc vì mang mãi trong lòng cái nghĩa ngu trung». Nguyễn Huệ viết một phong thư sai Trương Long Hầu mang đến xứ Lạch trao cho Lê Xuân Giác và dặn: «Ta tin tưởng những lời tâm huyết của ta có thể giúp Lê Xuân Giác thấy được con đường sáng nên theo, để giúp dân giúp nước».

Khi đó tại khu nhà của Lê Xuân Giác ở xứ Lạch, hai chị em Xuân Hồng đang tâm sự với nhau. Em gái Xuân Hồng là Xuân Lan, một cánh tay bị bại liệt vì đã sa vào tay quân Xiêm nhưng may trốn thoát được. Xuân Lan rất thù hận quân Xiêm và trách cha vì hai tiếng «trung quân» mù quáng mà đẩy hai chị em vào con đường phản dân hại nước, sau đó quyết vào gặp cha để thuyết phục cha. Trương Long Hầu tới nơi, gặp Xuân Hồng và nhờ Xuân Hồng đưa vào gặp Lê Xuân Giác trao thư của Nguyễn Huệ. Lê Xuân Giác đọc xong còn băn khoăn nghĩ ngợi, nhờ Trương Long Hầu về thưa với Nguyễn Huệ; «Ta là bậc trung thần nhà Nguyễn, thọ hưởng ngọn rau tấc đất của nhà Nguyễn cũng đã nhiều. Không thể một ngày một buổi phủi sạch được ân tình. Ta là bậc thức giả, có hiểu biết chút ít lẽ trời và lòng người, nhưng ở đời có phải lúc nào cũng cãi được mệnh trời đâu».

Giữa lúc đó tướng của Nguyễn Ánh là Mạc Tử Sinh kéo quân rầm rộ tới nơi. Xuân Lan phải đưa Trương Long Hầu ra vườn sau tạm lánh. Mạc Tử Sinh vào mang lệnh của Nguyễn Ánh mời Lê Xuân Giác đến Trà Tân phục mệnh, và dọa nếu không về sẽ trừng trị một cách nghiêm khắc. Mạc Tử Sinh cùng binh sĩ rút lui. Lê Xuân Giác gặp Trương Long Hầu, viết mấy chữ vào tờ giấy hồng điều nhờ Trương Long Hầu trao lại cho Nguyễn Huệ rồi lên đường về ra mắt Nguyễn Ánh. Xuân Lan lấy thanh kiếm đi bảo vệ cha. Xuân Hồng bảo Trương Long Hầu đưa cho mình phong thư để mình mang đến dinh Trấn Định dâng cho Nguyễn Huệ vì mình là con Lê Xuân Giác, quân Nguyễn sẽ không nghi ngờ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:07:45 am »

Khi Nguyễn Ánh, Mạc Tử Sinh, Lê Xuân Giác và Xuân Lan vào doanh trại của hai tướng Xiêm thì quân Xiêm bắt được Trương Long Hầu mang vào nộp Chiêu Tăng và Chiêu Sương. Chiêu Sương mở trói cho Trương Long Hầu và tha cho chàng về để giữ trọn lời cam kết! Chiêu Sương lại đưa ra phong thư bằng giấy hồng điều có bút tích của Lê Xuân Giác cho ông xem, sau đó lại giao phong thư cho Trương Long Hầu nhờ đem về dâng Nguyễn Huệ. Trương Long Hầu và Lê Xuân Giác đều kinh hãi, đúng là mật thư mà Xuân Hồng mang đi. Xuân Hồng đã ra sao rồi? Chiêu Sương cho Nguyễn Ánh biết: Lê Xuân Giác đã viết trong mật thư gửi cho Nguyễn Huệ tám chữ thôi nhưng đầy đủ ý nghĩa để Nguyễn Huệ phán đoán tình hình: Ba mươi nước ròng, mùng mười nước kém. Nguyễn Huệ dư biết là quân Xiêm sẽ tấn công vào ngày nước lớn nhất trong tháng, thủy triều sẽ không lên cao và cũng không có gió hỗ trợ cho Nguyễn Huệ. Đó tức là ngày mùng mười, tức rạng sáng ngày mai. Nguyễn Ánh chỉ mặt Lê Xuân Giác mắng là kẻ phản bội đã mật báo toàn bộ kế hoạch tấn công cho Nguyễn Huệ biết. Lê Xuân Giác than thân mình đã thức tỉnh muộn màng, nên không biết hành động cách nào, trách Nguyễn Ánh chỉ vì chiếc ngai vàng mà rước quân giặc về tàn hại dân lành. Nguyễn Ánh sai quân sĩ lôi Lê Xuân Giác ra chém. Xuân Lan vọt mình đến rút kiếm uy hiếp Chiêu Sương. Nguyễn Ánh kêu lên: «Xuân Lan tiểu thư, Lê Tham mưu nguy rồi...» — Xuân Lan sửng sốt quay lại. Nguyễn Ánh thúc Mạc Tử Sinh phóng kiếm đâm lén nàng từ sau lưng ra phía trước. Lê Xuân Giác nhào tới đỡ con lên và than thở: «Xuân Lan... con chết rồi sao? Con chết vì cái nghĩa trung quân mù quáng của cha già. Trời ơi! (khóc) Nhưng con ơi... không phải chờ tới lúc máu con thắm đượm mấy lần y giáp, cha mới rõ diện mạo của kẻ thù, gây nên cảnh quốc phá gia vong... Nguyễn Ánh... Đến phút cuối cùng cuộc đời ta mới biết đâu là chánh nghĩa. Người cầu viện quân Xiêm để bảo vệ chiếc ngai vàng mục nát, mặc tình chúng dân bị tàn sát thê lương... Rồi ngươi lại làm ra vẻ xót xa phẫn hận, nhưng vẫn thiết tha cầm chân quân giặc cướp! Đã mấy lần ta khuyên dứt, ngươi cười ta một lão đồ gàn, chỉ thấy cái nhục trước mắt mà không thấy cái vinh hiển về sau... Ha, ha... Vinh hiển à? Nguyễn Ánh ơi! cái nhục bán nước này đến muôn năm sau, dòng họ ngươi cũng không rửa sạch».

Nguyễn Ánh điên cuồng hô Mạc Tử Sinh chém Lê Xuân Giác: Ông thét lên: «Giết ta à? Đao kiếm của bây sẽ trở thành vô dụng. Không bao giờ giết nổi ta...» Ông trừng mắt nhìn Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh run sợ lùi lại. Máu miệng Lê Xuân Giác trào ra nhưng đôi mắt vẫn mở ra trừng trừng. Ông cắn lưỡi tự sát. Vua tôi Nguyễn Ánh và lũ giặc Xiêm đều hãi hùng.

Nguyễn Ánh thắc mắc sao Chiêu Sương lại trao mật thư Lê Xuân Giác cho Nguyễn Huệ. Chiêu Sương nói là mình đã có chủ ý trong việc này và cứ hạ lệnh ngày mai tấn công.

Trương Long Hầu trình mật thư của Lê Xuân Giác cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ phán đoán: «Quân Xiêm sai đưa mật thư cho ta, để ta nghĩ rằng nếu kế hoạch đã bại lộ rồi, chúng sẽ không điên dại gì mà tấn công ta đâu. Nhưng ngược lại chúng vẫn cứ sẽ tấn công ta rạng sáng ngày mai đúng theo kế hoạch. Chúng có ngờ đâu ta đã có phục binh để chờ đợi chúng, các vị bô lão ở Rạch Gầm đã tính ngày giờ thủy triều lên giùm ta rồi».

Giữa lúc đó, Trương Long Hầu được tin báo có người bị thương trầm trọng nằm hấp hối bên kia vàm sông được dân chúng đưa về. Thì ra đó chính là Xuân Hồng, sau khi bị giặc bắt cướp mất lá mật thư, đã cố tìm cách thoát thân về báo cho Nguyễn Huệ biết rõ tình hình để liệu cách đối phó với giặc. Nguyễn Huệ cảm ơn Xuân Hồng và Lê Xuân Giác, rồi đưa nàng vào trong doanh trại tỉnh dưỡng.

Tiếp đó Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân sĩ: «Đúng giờ Hợi, khi đại quân Xiêm — Nguyễn lọt vào chỗ phục binh thì nước lớn, thủy triều không mạnh nhưng đủ tạo thế đứng cho quân ta. Tất cả thuyền chiến phải quay đầu trở lại quyết chiến với giặc».

Trận đánh diễn ra: Quân Xiêm đang thả bè hỏa công ào ạt như thác lửa tuôn vào đoàn chiến thuyền chắn ngang sông. Nhiều chiến thuyền ta bị đốt cháy, quân sĩ tử trận và bị thương rất nhiều, nhưng vẫn cố gắng cầm cự trên sông. Khi ba trăm chiến thuyền giặc đã lọt vào trận địa thì thủy triều lên. Tiếng pháo lệnh nổ, chiến thuyền ta quay đầu trở lại, khóa chặt thuyền giặc giữa lòng sông. Lại tiếng pháo lệnh nổ. Tất cả các khẩu thần công dập ngay lên đầu quân giặc. Quân Xiêm — Nguyễn tan vỡ tơi bời. Chiêu Tăng, Chiêu Sương xơ xác và Nguyễn Ánh thẫn thờ do Mạc Tử Sinh dìu đi. Đèn sáng trở lại cảnh múa hát tưng bừng. Nguyễn Huệ và các tướng tiến lên đài cao, đội hình như bức tranh điêu khắc, ca ngợi chiến công hiển hách ở phương Nam của viên tướng nông dân bách chiến bách thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:08:07 am »

*
*   *

Vở Tiếng sóng Rạch Gầm do đoàn Cải lương Văn công thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc khu vực các tỉnh phía Nam, tổ chức tại Hậu Giang, đã được đánh giá khá tốt.

Nhìn chung vở cải lương đã nêu bật được tài năng, mưu lược của vị anh hùng Nguyễn Huệ, chính nghĩa cũng như khí thế của đoàn quân khởi nghĩa nông dân, tinh thần lạc quan chiến thắng của tướng sĩ nghĩa quân cũng như quần chúng nhân dân ủng hộ Tây Sơn. Bên cạnh những tướng sĩ nghĩa quân như Trương Long Hầu, cai đội Tốn, cai đội Trần Văn Sang... vở kịch cũng đã xây dựng được một số hình tượng quần chúng nhân dân, như lão Ba Tam đã hy sinh khi lặn xuống đáy sông dò xét lòng sông và mực nước để liệu cách tấn công địch, như Lê Thị Hường con gái lão Tam đã liều chết bảo vệ cha khi cha sa vào tay giặc, như bà mẹ cô Quyên đã cho con gái tòng quân, còn chính mình cũng xung phong đưa tin tức cho nghĩa quân không quản gì tuổi già sức yếu.

Bên cạnh tinh thần hy sinh vì nghĩa cả của Xuân Hồng, Xuân Lan, người xem cũng chứng kiến quá trình đấu tranh nội tâm của Lê Xuân Giác, một người vì ngu trung nên đã đi lầm đường, cuối cùng mới thức tỉnh quay về với chính nghĩa và góp phần vào kế hoạch tấn công tiêu diệt giặc để chuộc lại lỗi lầm của mình.

Đồng thời bộ mặt hèn hạ «cõng rắn cắn gà nhà» của Nguyễn Án, cũng như sự tàn bạo nham hiểm của bọn tướng Xiêm xâm lược như Chiêu Tăng, Chiêu Sương cũng được khắc họa rõ rệt.

Tuy có một số ưu điểm đã nêu lên, vở cải lương cũng bộc lộ những nhược điểm và thiếu sót nhất định. Do nặng về khai thác những tình tiết éo le, ly kỳ cốt gây hồi hộp, hấp dẫn nên bố cục rối rắm, hành động nhiều khi thiếu lô-gích, gây cảm giác thiếu chân thực, không thuyết phục được người xem. Chuyện thuật người được Nguyễn Huệ sai mang thư cầu hòa là một tù binh Chân Lạp, tác giả thay bằng một nhân vật hư cấu là Trương Long Hầu cũng không sao, nhưng để cho kế hoạch tấn công đã bại lộ rồi, mà cả hai bên đều cùng «tương kế tựu kế» thì lại có cái gì chưa ổn. Đáng băn khoăn nhất vẫn là tác giả đánh giá quá cao vai trò của một bề tôi Nguyễn Ánh như Lê Xuân Giác để cho nó mang tác dụng quyết định đến diễn biến của trận đánh, liệu có hợp lý không?

Đành rằng một vở cải lương đòi hỏi phải gây được tình huống bi kịch, phải có nhân vật chính trải qua đấu tranh nội tâm gay go quyết liệt mới đi đến quyết định và quyết định ấy đã tạo nên cao trào tiến tới giải quyết mâu thuẫn đặt ra cho tấn kịch, nhưng một chiến thắng lớn lao như Rạch Gầm — Xoài Mút, có thể nào thành bại lại chỉ dựa trên sự giác ngộ của một bề tôi Nguyễn Ánh như Lê Xuân Giác, mà còn đòi hỏi phải có nhiều yếu tố quyết định quan trọng hơn. Chúng ta thấy vở cải lương Quang Trung của Trúc Đường cũng mắc phải nhược điểm này khi đặt vấn đề quyết định sự thành bại của trận Đống Đa tiêu diệt hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh, dựa trên sự giác ngộ của Đinh Đề Lĩnh, một bề tôi Lê Chiêu Thống. Do đó dẫu sao vở «Tiếng sóng Rạch Gầm» cũng vẫn bị sa vào đường mòn của những vở kịch trước đây chứ chưa có những sáng tạo mới. Không những thế việc sử dụng nhiều tình tiết éo le phức tạp, có làm hại cho việc thể hiện quá trình chuyển biến tâm lý nhân vật và tư tưởng chủ đề của vở kịch.

Đề tài trận Rạch Gầm — Xoài Mút là một đề tài lớn cần được tiếp tục khai thác trong văn học nghệ thuật. Những cố gắng bước đầu trong lĩnh vực này dầu sao cũng rất đáng hoan nghênh. Chúng ta chờ đợi những tác phẩm mới quy mô lớn hơn, với chiều sâu về tư tưởng và tình cảm, xứng đáng với tầm vóc của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đã tạo nên những chiến công vang dội trong lịch sử còn lưu lại đến muôn ngàn đời sau. Đài tưởng niệm chiến công phải là những tác phẩm mang tính chất sử thi, hoành tráng, mà vật liệu xây dựng không có gì khác ngoài tài năng, tâm hồn và công phu lao động của người nghệ sĩ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:11:15 am »

NHÂN KỶ NIỆM TRẬN RẠCH GẦM — XOÀI MÚT,
NÓI VỀ TÍNH CHẤT LẠC QUAN YÊU ĐỜI TRONG
VĂN HỌC THỜI TÂY SƠN

Giáo sư NGUYỄN LỘC
                                                                                                               
(Khoa Ngữ văn — Đại học Tổng Hợp Hà Nội)

Một đặc điểm nổi bật của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là tinh thần tố cáo hiện thực. Đây là giai đoạn nhà nước phong kiến khủng hoảng toàn diện và thối nát đến cùng cực. Giai cấp thống trị trong giai đoạn này sống xa hoa và tranh giành quyền lợi sinh ra chém giết lẫn nhau; trong khi đó đời sống của nhân dân lại vô cùng khốn khổ. Những nhà văn, nhà thơ sống trong giai đoạn này không dửng dưng trước thời cuộc, không quay lưng lại cuộc sống mà nhìn thẳng vào nó, nên tác phẩm của họ có được một nội dung tố cáo mạnh mẽ. Tuy nhiên, cái nhược điểm lớn, hay nói đúng hơn cái hạn chế lớn của văn học giai đoạn này là sự tố cáo ấy lại mang một màu sắc bi quan đậm nét. Các nhà văn, nhà thơ nhìn thấy khá rõ cái xấu, nhưng làm gì để tiêu diệt những cái xấu ấy thì họ bất lực. Nhan nhãn trên những trang văn học của giai đoạn này là những giọt nước mắt của tác giả khóc cho những cảnh đời, những con người bị đày đọa, dầy vò, đắm chìm trong nỗi đau khổ, không phương cứu chữa. Một Đặng Trần Côn, một Nguyễn Gia Thiều hay một Nguyễn Du… đều như thế cả. Nước mắt và sự cô đơn gần như bao trùm lên cả một giai đoạn văn học, và cuối cùng họ rất giống nhau là đều cầu cứu đến Đạo như một cách để giải thoát.

Tuy nhiên, trong văn học giai đoạn này, có một nơi mà nỗi buồn không len vào được và sự cô đơn cũng vắng bóng. Ở đây thay thế cho nước mắt là một niềm vui đôn hậu, thay thế cho nỗi cô đơn là lòng tin vào một cuộc sống sẽ được đổi mới, với một tương lai đầy những viễn ảnh tươi sáng. Đó là mảng văn học thời Tây Sơn.

Chúng ta đều biết thời Tây Sơn tồn tại trong một thời gian không dài, những nhà văn, nhà thơ thực sự sáng tác dưới thời Tây Sơn không nhiều, nhưng đọc kỹ lại tác phẩm của họ mới thấy quí giá biết bao những gì họ đã đóng góp cho văn học dân tộc, mà trong đó chắc chắn phải nói đến tinh thần lạc quan thắm đượm trong nhiều tác phẩm của họ.

Tinh thần lạc quan trong văn học thời Tây Sơn không phải xuất phát từ một ảo tưởng viển vông, thoát ly thực tế, mà nó bắt nguồn sâu xa từ một ý thức sâu sắc về sức mạnh của một phong trào quần chúng và sứ mệnh lịch sử lớn lao mà nói phải đảm nhiệm trước thời cuộc lúc bấy giờ. Trong Hịch Tây Sơn, một tác phẩm tương truyền do Nguyễn Hữu Chương viết thay cho Nguyễn Huệ, khi kéo quân ra Bắc diệt Trịnh năm 1786, một trong những tuyên ngôn đầu tiên của phong trào này, đã thể hiện rất rõ lý tưởng xã hội của nó, một lòng tin chắc chắn rằng nó sẽ được thực hiện. Tác giả nói Tây Sơn xướng nghĩa cần vương là để diệt từ bè lũ Trương Phúc Loan phản bội:

«Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé. Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân sa chốt lầm than», và việc Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc diệt Trịnh cũng không ngoài mục đích ấy.

«Sang sông Mạnh phất cờ Chu Vũ(1), ra tay sửa chính dẹp tà. Vào đất Quan thét ngựa Hán hoàng(2) quyết chí lấy nhân đổi bại».

Năm 1789, lúc được tin Tôn Sĩ Nghị nhân việc Lê Chiêu thống cầu cứu để đem 29 vạn quân sang xâm chiếm nước ta, đang đóng ở Thăng Long. Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi hoàng đế cho chính dân phận rồi tức tốc kéo quân đi diệt địch. Trong bài Chiếu lên ngôi của nhà vua, một lần nữa tinh thần lo cho dân, vì dân của phong trào Tây Sơn được phát biểu một cách đầy cảm động. Nhưng điều lý thú là trong tác phẩm này người anh hùng Nguyễn Huệ đã hình dung trước cuộc sống tươi đẹp dưới chính thể mới: Chiến tranh sẽ không còn nữa, xã hội sẽ yên bình, bất công sẽ xóa sạch: «Trẫm nay có cả thiên hạ sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân. Vậy thần dân các ngươi hãy yên chức nghiệp, chớ có theo đòi những việc sai trái, người làm quan giữ đạo công liêm, người làm dân vui theo tục tốt, giáo hóa thấm nhuần, đi đến con đường chí thuận để vãn hồi thời thịnh trị…». Ở đây vua Quang Trung mới vạch ra cho mọi người thấy cuộc sống mới sẽ đến với họ, nhưng chưa đến. Nhà vua nói: «Trẫm nay cùng dân đổi mới» để có cuộc sống ấy và nhà vua đã chiến thắng quân xâm lược để giữ yên bờ cõi, đã tiến hành những cải cách lớn để xây dựng lại đất nước. Năm 1789, ghi lại chiến công hiển hách của vua Quang Trung, và sau đó nhà vua đã ban bố một loạt chính sách về phát triển nông nghiệp, mở rộng thương nghiệp, mở trường học, lập chợ búa, mời Nguyễn Thiếp ra xây dựng viện Sùng Chính để dịch sách Trung Quốc, sai người làm luật mới, v.v… Chính trong một thời gian ngắn đất nước ta đã có những chuyển biến đáng kể. Cuộc sống trước đó nhà vua mơ ước sẽ đến thì nó đang đến dần từng bước trong thực tế. Trong bài Tụng Tây hồ phú của Nguyễn Huy Lượng, mặc dù được viết dưới thời Nguyễn Quang Toản, lúc nhà Tây Sơn đã nghiêng ngửa, bỏ Phú Xuân chạy ra Thăng Long, nhưng khi nhắc lại những ngày tháng huy hoàng dưới thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, ngòi viết của nhà thơ vẫn xiết bao hào hứng. Bài phú điểm qua lịch sử quá khứ của dân tộc: Đã có một thời kỳ đất nước này sống trong thịnh vượng, nhưng dần dà về sau vua chúa và giai cấp thống trị lao vào con đường ăn chơi, hưởng lạc, tranh giành quyền lợi, gây ra biết bao tai hại:

Kêu trị loạn, đau lòng con đỏ Vũ
Gọi công tư, mỏi miệng cái hà mô.



(1) Sông Mạnh: sông Mạnh Tân, nơi hội quân của Chu Vũ Vương để từ đó kéo đi đánh vua Trụ tàn bạo.
(2) Đất Quan: tức đất Quan Trung. Hán hoàng tức Hán Cao Tổ. Hán Cao Tổ kéo quân vào đất Quan Trung để đánh Tần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:14:43 am »

May thay, biện chứng của lịch sử đã đảo ngược chiều hướng sự phát triển ấy. Phong trào Tây Sơn đã bùng nổ và người anh hùng Nguyễn Huệ đã xuất hiện. Nguyễn Hữu Cầu một thời mơ ước: «Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán. Phá vòng vây bạn với kim ô» nhưng con đại bàng ấy nửa chừng gãy cánh ước mơ không thực hiện được. Lần này tình hình đã đổi khác, kẻ thù đã kiệt quệ, phong trào nông dân đã có một lãnh tụ xuất chúng, và mảnh đất phương Nam mầu mỡ, chừng mực nào đó còn nằm ngoài vòng cương tỏa của ý thức hệ Nho Giáo chính thống nên năng nổ và phóng khoáng, tất cả những yếu tố ấy đã hợp lại thành sức mạnh của phong trào để chiến thắng kẻ thù trong nước và đập tan hai đội quân xâm lược hùng hậu của nước ngoài. Nguyễn Huy Lượng ghi lại những năm tháng ngắn ngủi nhưng không thể nào quên được dưới thời Tây Sơn:

Tới Mậu Thân(1) từ rỡ vẻ tường vân, khắp sông núi nhờ công đãng địch.
Qua Canh Tuất
(2) lại tới con thời vũ, cỏ cây đều gọi đức triêm nhu.
Vùng trì chiểu nước dần dần lặn
Nơi đền đài hoa phơi phới đua.

… Bãi cỏ non trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi.

Làn nước phẳng trầm kình ngạc lặn, ao Hoàng nào mấy trẻ reo hò.
Mặt đất đùn này thóc này rau, rầu lòng cô trúc.
Mặt nước chảy nọ dòng nọ bến mặc chí Sào Do.
Cây quàn kia còn đứng dạy thần uy, đoàn Mân tới dám khoa lời Tây hữu.
Sen chùa nọ lại bay về phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ Nam vô…


Cố nhiên ở đây có sự phóng đại khoa trương của thể phú, nhưng vượt lên hình thức ước lệ của văn chương, bài phú đã đem đến cho người đọc một sự hào hứng thật sự, một sự rung động sâu xa, mà chắc chắn nếu chỉ có khoa trương về ngôn từ, hay tỏ vẻ về hình thức, nó sẽ không thể nào chịu đựng nổi sự thử thách của thời gian. Ngày nay đọc lại bài phú chúng ta vẫn còn cảm thấy bừng bừng cái không khí sôi động của đất nước sau ngày chiến thắng ngoại xâm đang đi vào xây dựng dưới thời Quang Trung.

Trong văn học thời Tây Sơn, những tác phẩm có tầm bao quát kiểu Tụng Tây hồ phú nói chung không nhiều. Nhưng với một qui mô nhỏ hơn, nhiều nhà thơ khác cũng đã ghi lại được nhiều nhà thơ khác cũng đã ghi lại được nhiều quang cảnh sinh hoạt vui tươi của giai đoạn này. Chẳng hạn Cao Huy Diên trong bài Bát Tràng ngọ bạc, viết năm Giáp Dần (1794) tả lại làng Bát Tràng bên bờ sông Nhị, một làng nổi tiếng về nghề làm gốm. Ở đây cuộc sống nhộn nhịp, công việc làm ăn phát đạt, mọi người đều no đủ:

      Thuyền nhẹ trưa về neo bến Nhị,
      Cạnh phường đất trắng gốm quê hương
      Đất vừa bồi tới, nông choèn bãi
      Dâu mới trồng thêm xanh ngát nương
      Mấy ngã vãng lai đường tiện lợi
      Một vùng giàu có nghiệp công thương
      Đầy thuyền ngâm ngợi rằng ai đó
      Chẳng phải quan mà chẳng khách buôn.


(Bản dịch của Ngô Linh Ngọc)

Đoàn Nguyễn Tuấn trong bài Kinh quá Nghệ An cũng ghi lại những đổi thay của vùng Hoan Châu cũ. Trước kia trong chiến tranh vùng này xơ xác, tiêu điều, người thưa thớt, ruộng đồng bỏ hoang. Những năm dưới thời Tây Sơn cuộc sống ổn định nên con người sống đoàn tụ, trong làng cây xanh rợp bóng, ngoài ruộng mạ non đầy đồng:

      Bao năm xa nước với xa làng,
      Hai bận Hoan Châu ghé vội vàng
      Người thấy mười năm sinh tụ trước,
      Ngựa quen nghìn dặm bước đường trường
      Mây xanh rợp bóng cây đông kín
      Mạ biếc đầy đồng đất chẳng hoang
      Bô lão gặp nhau thường hỏi chuyện
      Tiêu điều mừng lại được khang trang


(Khương Hữu Dụng dịch)

Đặc biệt Ngô Ngọc Du trong bài Đàm ni thân thế khẩu thuật, nhà thơ không nói về sự thay đổi của quang cảnh sinh hoạt, mà nói về sự «đổi đời» của một cô gái có tài sắc dưới thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Nàng vốn là một cung nữ hầu hạ trong phủ chúa Trịnh. Cuộc sống của nàng trôi qua tẻ nhạt trong cung cấm. Bỗng dưng một hôm chúa Trịnh để ý đến nàng, có vẻ quyến luyến yêu vì nàng thì chẳng may Đặng Thị Huệ biết được đánh ghen, thế là nàng bị hành hạ hết sức tàn nhẫn:

      Trói gô trước điện mỏi quỳ,
      Đao vô tình mớ tóc thề gột phăng.
      Giam cầm phòng kín tối tăm,
      Biết gì bao độ tháng năm xoay vần.


Nhưng rồi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, triều đình Lê Trịnh bị tiêu diệt, người con gái tưởng mình sẽ chết trong nhà giam kín đã được trở lại cuộc đời với biết bao mừng tủi:

      Bảo rằng đời đã đổi thay,
      Trịnh tàn, Lê cũng từ nay chẳng còn
      Từ nay xóa sổ đoạn trường,
      Xa quê lâu, liệu tính đường về thôi
      Tái sinh, mừng sợ bồi hồi,
      Giải lòng một lạy trước nơi Phật đàn.


(Ngô Linh Ngọc dịch)


(1) Mậu Thân: Năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.
(2) Canh Tuất: Năm Nguyễn Huệ dẹp yên hết giặc giã trong nước.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Hai, 2022, 08:22:29 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2022, 08:15:52 am »

Nói chung, những tác phẩm viết về cuộc sống dưới thời Tây Sơn toát lên một không khí thanh bình, ổn định, không còn cái thấp thỏm lo âu như trong thơ văn những năm tháng khốc liệt vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Niềm lạc quan trong văn học thời Tây Sơn như trên đã nói, bắt nguồn từ những đổi thay trong cuộc sống thực tế. Nhưng có lẽ chưa phải chủ yếu, mà trước hết nó bắt nguồn từ sự thay đổi trong tâm hồn con người. Trước kia người buồn, nên nhìn cảnh nào cũng buồn, còn bây giờ con người cảm thấy vui, nên nhìn vào đâu cũng thấy tươi mới. Các nhà thơ Tây Sơn cũng là các nhà nho, và sáng tác của họ cũng mang những nhược điểm lớn như sáng tác của các nhà nho khác. Đó là thái độ coi thường việc phản ánh những chi tiết chân thực, sinh động của cuộc sống vào tác phẩm văn học, và hướng văn học đến những cái gì gọi là «thanh cao», «cao quí». Cho nên mặc dù có thái độ nhập thế sâu sắc, các nhà thơ thời Tây Sơn khi sáng tác vẫn thích nói đến cỏ cây mây nước, thích ngâm vịnh xướng họa, hơn là viết những điều thiết yếu, thiết thực. Tuy nhiên, dù họ có viết về đề tài nào đi nữa, người đọc vẫn có thể dễ dàng nhận thấy niềm vui nhen lên trong lòng họ âm ỉ mà sâu sắc. Thơ viết về thiên nhiên trong văn học Tây Sơn chiếm một khối lượng đáng kể. Điều đáng chú ý ở đây là những bức tranh họ dựng lên, tuy mỗi người một sắc thái, một bút pháp, nhưng đều có chung đặc điểm là cảnh nào cũng đẹp, cũng gợi dậy lòng yêu đời, yêu cuộc sống. Mùa xuân trong văn học xưa nay vốn đẹp, nhưng tâm hồn nhà thơ cũng phải đằm thắm như thế nào mới có thể viết được như Nguyễn Đề trong một bài thơ tả cảnh một buổi chiều xuân trên con đường vào Nam:

      Non xanh nước vốn giải la
      Gió lay gợn sóng gấm hoa chen màu
      Bướm vờn mái điểm trắng phau
      Thoi oanh dệt, liễu rũ màu xanh lơ
      Trâu về sáo thổi chiều tà
      Thấp cao bến vắng, gõ ca tiếng chài
      Người trên bộ, khách trên đài
      Chẳng hay xuân từ đâu nơi đượm nồng.


Trong thơ cổ, những buổi chiều tà và những đêm tối thường gợi lên ấn tượng buồn, và nhà thơ thường có tâm sự buồn mới hay viết về những cảnh ấy. Bài thơ tên viết về một buổi chiều mùa xuân êm đềm và không gợi một tý buồn nào cả. Nhiều bài thơ của những nhà thơ khác trong văn học thời Tây Sơn cũng viết về những buổi chiều và những đêm tối mà cũng chẳng có một tý buồn nào cả. Như Ngô Thì Nhậm trong bài Giang thiên văn diễu, cảnh của nhà thơ là lúc chiều hôm, trời sắp tối. Bài thơ vẫn còn những chi tiết chung chung như: «bến chài», «xóm cát», «tiêu réo rắc», «khói chơi vơi», nhưng không khí của nó thì thật trong sáng

      Mênh mông mắt ngắm non cùng núi,
      Trong vắt bầu gom nước lẫn trời.
      Gió thoảng bến chài tiêu réo rắc,
      Chiều buông xóm cát khói chơi vơi.
      Rộng thênh tầm mắt thơ nồng hứng,
      Vút nẻo tà huy nửa bức soi…


Hay như bài Mộc mục độ kiều của Cao Huy Diệu tả cảnh một buổi chiều ở miền núi. Trẻ dong trâu bò về chuồng, chúng vừa đi vừa đùa nghịch, có đứa thổi sáo véo von làm cho cảnh chiều ở đây không còn vẻ âm u, bằng lặng, mà sôi động như sóng dậy. Bài thơ Cao Huy Diệu có cái độc đáo là sử dụng được khá nhiều chi tiết thực, tránh được lối tả thiên nhiên một cách công thức như thường thấy trong văn học phong kiến:

      Trẻ xóm qua cầu leo dốc núi
      Đường về chầm chậm bóng chiều rơi
      Roi tre in ngược lòng mây thẳm
      Trâu bước nhờn nghe tiếng mõ lười

      Thỏa ý cỏ hoa đùa ngắt loạn
      Thuận mồm sáo trúc thổi bừa chơi
      Đất rừng hỏi có điều chi lạ
      Công múa, gà gù, hươu gọi nai.


(Khương Hữu Dụng dịch)

Tính chất lạc quan trong văn học thời Tây Sơn là nét độc đáo khác biệt, dễ nhận thấy của nó so với văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII. Nhưng cũng cần nói thêm rằng mặc dù nó được thể hiện trong nhiều tác phẩm của các tác giả tiêu biểu nó vẫn không đồng đều ở từng người và ở các giai đoạn sáng tác khác nhau giữa hai thời Quang Trung và Quang Toản, mặc dù hai thời này rất ngắn. Có thể nêu một nét chung là đối với những tác giả nào tự nguyện đến với Tây Sơn từ đầu thì yếu tố lạc quan trong tác phẩm của họ đậm đà và rõ nét hơn, còn những người nào đến muộn, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc phải ra cộng tác với Tây Sơn thì yếu tố lạc quan trong tác phẩm của họ mờ nhạt, thậm chí có lúc còn thấp thoáng những ngậm ngùi luyến tiếc về triều đại vừa sụp đổ. Tiêu biểu cho trường hợp sau có thể kể Đoàn Nguyễn Thự. Ông đỗ cử nhân dưới thời Lê Trịnh, đã ra làm quan. Dưới thời Quang Trung, ông ở ẩn, không chịu cộng tác, mãi đến đầu thời Nguyễn Quang Toản ông mới chịu ra làm việc. Ông có phần nào giống Trần Danh Án là không phải không thấy được chút ít cái lớn lao của nhà Tây Sơn, nhưng Trần Danh Án từ dầu đến cuối cự tuyệt việc cộng tác với nhà Tây Sơn, còn ông thì cuối cùng đã ra làm việc cho triều đại này, mặc dù ông vẫn nghĩ việc làm của ông chẳng có gì tốt đẹp.

Dưới thời Nguyễn Quang Toản, tình hình xã hội không còn như dưới thời Quang Trung. Hơn bất cứ ai khác, chính những người cộng tác chặt chẽ với thời đại Quang Trung nay dần dần thấy rõ nguy cơ sụp đổ của nó. Ngô Thì Nhậm, người đã từng cộng tác đắc lực với vua Quang Trung cuối cùng đã thất vọng trước sự thoái hóa của nó. Sau khi vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm tiếp tục làm việc một thời gian ngắn dưới thời Nguyễn Quang Toản, rồi ông từ quan về mở thiền viện ở phường Bích Câu để nghiên cứu Đạo Phật và những sáng tác của ông ra đời cùng thời gian với Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh không còn cái hào hứng như sáng tác của ông trong giai đoạn trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM