Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:37:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ yếu... kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  (Đọc 16570 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 08:50:07 am »

VẤN ĐỀ THỜI CƠ TRONG TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC
RẠCH GẦM — XOÀI MÚT

Đại tá NGUYỄN VIẾT TÁ
                                                                                                                             
Phòng Lịch sử Quân sự Quân khu 7

Rạch Gầm — Xoài Mút là một trận quyết chiến chiến lược của nghĩa quân Tây Sơn: chỉ trong một ngày, và có thể chưa đến một ngày, đã tiêu diệt gọn năm vạn quân Xiêm, đánh bại ý đồ của Nguyễn Ánh định mượn quân xâm lược, khôi phục lại sự thống trị toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút không những là niềm tự hào to lớn cho dân tộc Việt Nam ta mà còn để lại cho thế hệ mai sau những bài học quý giá về nghệ thuật quân sự, một trong những biểu hiện rực rỡ nhất thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải của dân tộc ta.

Trong Hội nghị Khoa học này, nhiều đồng chí đã trình bày nhiều vấn đề lớn về nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.

Với trình độ nghiên cứu còn hạn chế và thời gian cũng có hạn, chúng tôi xin phép đi vào một khía cạnh của tư tưởng quân sự lỗi lạc của Nguyễn Huệ biểu hiện trong trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Đó là vấn đề sáng tạo thời cơ và chọn đúng thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược.

Có thể nói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta từ thời Lý cho đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, vấn đề sáng tạo thời cơ, chọn đúng thời cơ là một trong những yếu tố hết sức quan trọng đưa cuộc chiến đấu của quân và dân ta đi đến thắng lợi rực rỡ.

Vì sao các lãnh thụ Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ, đã quyết định tiến hành trận quyết chiến chiến lược sau gần 5 tháng quân Xiêm — Nguyễn đổ bộ lên Rạch Giá?

Ngày 25 tháng 8 năm 1784, liên quân Xiêm — Nguyễn xuất phát từ Băng-cốc tiến về miền Nam Việt Nam. Khoảng tháng 8 năm 1784, hai vạn thủy quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền và vài nghìn quân Nguyễn mở cuộc phản công. Lúc đó, chủ lực Tây Sơn còn ở Quy Nhơn và chưa được điều động, vì không những Tây Sơn phải đối phó với giặc Xiêm — Nguyễn Đàng Trong mà còn lo đối phó quân Trịnh Đàng Ngoài, thời cơ đưa chủ lực vào Nam phải được quyết định thật chính xác. Phải chăng các lãnh tụ Tây Sơn cũng chủ trương để một thời gian tìm hiểu đội quân này và cũng để lực lượng tại chỗ chiến đấu giằng co làm cho quân Xiêm — Nguyễn mệt mỏi tạo thời cơ cho đòn chiến lược quyết liệt của chủ lực.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc đó, nước Xiêm vốn là một nước có nhiều sông ngòi, có biển, thủy quân Xiêm có nhiều điều kiện phát triển mạnh. Thuyền chiến của thủy quân Xiêm gồm đủ loại, lại mua được vũ khí của tư bản phương Tây nên trang bị khá mạnh. Tuy thủy quân Tây Sơn đã nhiều lần tác chiến với quân Nguyễn ở miền Nam Việt Nam và Chân Lạp, nhưng quân Tây Sơn chưa hề đụng độ. Chính vì vậy Nguyễn Huệ đã để thời gian nghiên cứu khả năng chiến đấu của thủy quân Xiêm. Thực tế ngày càng làm cho Nguyễn Huệ hiểu rõ thực chất thủy quân Xiêm. Quân Xiêm — Nguyễn có đến hơn năm vạn, quân Tây Sơn lúc đó gồm quân đồn trú chỉ có vài nghìn, nhưng trong vòng 3 tháng từ khi đổ bộ lên Rạch Giá, quân Xiêm — Nguyễn mới tiến đến Cần Thơ, chiếm giữ mấy đồn Ba Xắc, Trà Ôn, rồi lên Sa Đéc. Với quân đông nhưng tại Long Hồ, tướng Chu Văn Tiếp của Nguyễn Ánh đã bị quân Tây Sơn giết chết. Trận Ba Lai, Trà Tân ven sông Mỹ Tho thêm chưởng cơ Đặng Văn Lượng tử trận.

Liên quân Xiêm — Nguyễn hầu như bị dậm chân tại chỗ, phải trì hoãn tiến quân vì mâu thuẫn giữa quân Xiêm — Nguyễn, giữa chúng với nhân dân ngày càng trở nên sâu sắc. Quân Xiêm ngày càng lộ rõ bản chất xâm lược, đàn áp cướp bóc nhân dân, khinh mạn Nguyễn Ánh. Ở các lần phản công trước, Nguyễn Ánh chưa lộ rõ bộ mặt phản dân, nên còn có thể nhanh chóng khôi phục lại quân đội. Nhưng lần này, hành động «cõng rắn cắn gà nhà» quá rõ ràng nên không còn lừa bịp được nhân dân. Cho đến hết năm 1784, tuy đã chiếm được một số vùng, nhưng quân đội Nguyễn không phát triển được, vẫn chỉ vài nghìn tên, chủ lực vẫn dựa vào quân Xiêm. Quân xâm lược ngày càng trở nên kiêu căng. Qua mấy tháng chiến đấu, quân Xiêm — Nguyễn đã bộc lộ đầy đủ chỗ yếu cơ bản của chúng.

Trước tình hình đó, ở Quy Nhơn, các lãnh tụ Tây Sơn nhận định thời cơ chiến lược đã chín mùi, quyết định tổ chức phản công chiến lược, đập tan kế hoạch chiến lược của quân Xiêm và phá tan mưu đồ chiếm lại Gia Định của Nguyễn Ánh. Vị tướng trẻ đầy mưu lược là Nguyễn Huệ đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ chỉ huy quân Tây Sơn vào Nam chiến đấu. Và lần này không những đánh bọn bán nước hại dân mà đánh cả bọn xâm lược.

Từ trước đến nay các nhà quân sự thế giới và của nước ta đã đề cập đến những yếu tố giành thắng lợi trong chiến tranh, trong từng chiến dịch và từng trận chiến đấu. Đó là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Các nhà lãnh tụ Tây Sơn quyết định phản công chiến lược, chính là do đã phân tích một cách đúng đắn và tài giỏi cả ba yếu tố đó. Nhưng đó là thời cơ về mặt chiến lược chung. Để thực hiện phản công chiến lược thắng lợi còn phải có nhiều yếu tố: lực lượng, tài tổ chức, chỉ huy, trình độ tác chiến, tinh thần chiến đấu của chỉ huy và binh lính, và đặc biệt là chọn thời cơ cụ thể để tiến hành trận quyết chiến chiến lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 08:50:54 am »

Chỉ riêng về việc chọn thời cơ cụ thể trong trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm — Xoài Mút, đi sâu phân tích cũng làm nổi bật thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ không đem quân vào thành Gia Định để ngồi chờ địch đến mà tiến thẳng xuống gần điểm tập kết của liên quân Xiêm — Nguyễn. Nhưng Nguyễn Huệ cũng không đem quân chủ lực của Tây Sơn đánh thẳng vào đại bản doanh của địch ở Trà Tân. Vậy thời cơ nào Nguyễn Huệ chọn để tiến hành trận quyết chiến chiến lược. Trong chiến tranh, giữ được yếu tố bất ngờ là rất thuận lợi. Nhưng lúc đó thời gian không còn bất ngờ vì chủ lực hai bên đã trực tiếp đương đầu với nhau và chắc chắn những trận đánh lớn sẽ xảy ra sớm hay muộn. Về lực lượng, Nguyễn Huệ cũng biết rõ rằng kẻ địch đã nắm được khả năng tác chiến của quân đội Tây Sơn. Thời cơ diệt địch lúc này chắc chắn không phải là đánh thẳng vào đại bản doanh của chúng. Vì ở Trà Tân, toàn bộ quân Xiêm cùng mấy nghìn quân Nguyễn đã bố trí phòng thủ, cả dưới sông và trên bộ, dựa vào gần 300 chiến thuyền có thể nhanh chóng triển khai đội hình ở đoạn sông rộng, dựa vào công sự và quân trên bộ, thủy bộ có thể ứng cứu cho nhau. Nguyễn Huệ đã nhận định thời cơ tốt nhứt để tiêu diệt toàn bộ quân địch là kéo chúng ra khỏi hang ổ của chúng, điều chúng đến nơi địa hình có lợi nhứt cho mình và bất ngờ đối với địch. Chọn đúng thời cơ để tiến hành trận quyết chiến là tạo cho mình thế tiến công thuận lợi vì ta có thể phát huy mọi khả năng tác chiến, ngược lại địch bị hạn chế mọi mặt. Nếu Nguyễn Huệ chọn phương án đánh thẳng vào đại bản doanh địch thì địch yếu cũng trở nên mạnh, địch đã mạnh càng mạnh thêm vì chúng dựa vào công sự, vào thế bố trí sẵn, quân Tây Sơn sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Kéo địch ra ngoài là tạo cho mình thời cơ tiêu diệt địch tốt nhất, lại kéo địch vào cãi bẫy ta đã giăng sẵn lại càng phát huy được sức mạnh của ta. Nguyễn Huệ đã từng nói «Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo, chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít». Có thể lúc đo tương quan lực lượng so sánh giữa hai bên cả số lượng và chất lượng, quân Tây Sơn hơn quân Xiêm — Nguyễn. Nhưng không vì mạnh hơn kẻ địch mà Nguyễn Huệ phải dùng sức tiến công thẳng vào doanh trại của địch.

Thời cơ thuận lợi nhứt là kéo địch ra ngoài công sự đến nơi ta bố trí sẵn, điều đó là tất yếu. Nhưng làm sao để điều địch như ý muốn lại là một nghệ thuật. Nguyễn Huệ đã đánh giá đúng tâm trạng của tướng lĩnh Xiêm và Nguyễn Ánh đang hết sức nôn nóng thực hiện ý đồ chiếm toàn bộ Đàng Trong, mục tiêu trước mắt của quân Xiêm — Nguyễn là phải tiến chiếm cho bằng được Mỹ Tho. Chính vì vậy, Nguyễn Huệ đã nhiều lần cho những đạo quân nhỏ của mình đến khiêu chiến. Các tướng Xiêm chủ quan, cậy có ưu thế về thủy quân, mù quáng không lường được sức mình, muốn nhân việc truy kích quân Tây Sơn mà tiến lên chiếm đóng Mỹ Tho, để hướng về thành Gia Định. Ngày 18 tháng 1 năm 1785, các tướng Xiêm và Nguyễn Ánh đã đem toàn bộ quân Xiêm — Nguyễn tiến theo sông Mỹ Tho đánh đuổi quân Tây Sơn khiêu chiến và toàn bộ chiến thuyền Xiêm — Nguyễn đã lọt vào trận địa quân Tây Sơn đoạn sông Rạch Gầm — Xoài Mút. Thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược đã đến. Nguyễn Huệ đã chỉ huy toàn bộ lực lượng thủy quân của mình đánh ngang vào hông thủ quân Xiêm, chia cắt đội thuyền chiến Xiêm — Nguyễn ra làm nhiều mảnh. Pháo binh Tây Sơn được bố trí trên hai bờ sông và trên cù lao Thới Sơn nhả đạn chính xác và chiến thuyền của địch, chi viện đắc lực cho thủy quân tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch.

Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút do nhiều nguyên nhân, không đơn thuần vấn đề sáng tạo thời cơ và chọn thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược. Nhưng ở đây chúng tôi xin góp một khía cạnh của những nguyên nhân thắng lợi đó.

Thời cơ không phải ngẫu nhiên xuất hiện mà là cả một quá trình phấn đấu tạo ra, phải nhận định sáng suốt chọn đúng thời cơ để giành thắng lợi.

Các lãnh tụ Tây Sơn chủ trương khoét sâu mâu thuẫn giữa Nguyễn Ánh và tướng lĩnh Xiêm, giữa quân Xiêm với quân Nguyễn, quân Xiêm — Nguyễn ngày càng lộ rõ bộ mặt xâm lược và bán nước, càng bị cô lập về chính trị. Quân Tây Sơn đồn trú tại chỗ liên tục chặn đánh địch làm cho tướng lĩnh Xiêm càng nóng ruột, kiêu căng, quân lính Xiêm — Nguyễn càng bị tiêu hao và mệt mỏi. Tình hình đó đã tạo ra thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm — Xoài Mút.

Tranh thủ thời cơ, thần tốc tiến quân vào Nam, chỉ trong một trận tiêu diệt sạch năm vạn quân Xiêm — Nguyễn, Nguyễn Huệ vừa dẹp được giặc Đàng Trong vừa làm bạt vía kinh hồn quân Trịnh phương Bắc tạo ra thời cơ mới, đánh chiếm thành Phú Xuân, tiêu diệt ba vạn quân Trịnh, tiến ra Bắc đánh bại quân Trịnh, dẹp yên Đàng Ngoài.

Phải chăng vấn đề sáng tạo thời cơ, chọn đúng thời cơ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược và giành thắng lợi quyết định là một bài học kinh nghiệm quý báu đã được các bậc tiền bối ngày xưa và Đảng ta ngày nay phát triển ngày càng phong phú?

Nhân dân ta sắp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi rực rỡ và trọn vẹn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 có nhiều nguyên nhân, trong đó một vấn đề nổi lên là Đảng ta và quân dân ta đã sáng tạo ra thời cơ chiến lược, chọn đúng thời cơ để tiến hành đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sáng tạo thời cơ, chọn đúng thời cơ cho đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng giành toàn thắng phải chăng là một bài học quý báu của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 08:54:55 am »

VỀ ĐỊA DANH “TRÀ LUẬT”
CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT

                                                                                                    
Giáo sư NGUYỄN PHAN QUANG và DƯƠNG VĂN HUỀ
(Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh)

Cho đến nay, khi tìm hiểu chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, một trong những chi tiết còn làm chúng ta băn khoăn là việc xác định địa danh «Trà Luật».

Các bộ sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép vừa sơ lược vừa xuyên tạc về trận Rạch Gầm — Xoài Mút (điều này cũng dễ hiểu), và trong những đoạn ngắn ngủi đó không thấy có địa danh «Trà Luật».

Riêng Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có nhắc đến «Trà Luật» như sau: «Tháng 11 (Nhâm Thìn), quân ta (tức quân Xiêm — Nguyễn Ánh) đánh phá đồn Trà Luật, Ba Lai, đến đâu quân địch đều tan rã»(1).

Cuốn Sử ký Đại Nam Việt (không có tên tác giả) viết bằng quốc ngữ chép: «Khi ấy binh bộ và binh thủy quân Xiêm đã hiệp lại cùng nhau và đóng trong Trà Suốt, lại lập nhiều chiến lũy nơi nọ nơi kia»(2).

Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh có đoạn như sau:

«Vua ngự ở đồn Tà Luật, chia các đạo quân để giữ những chỗ địa diện khẩu yếu…». Và ở một đoạn khác: «Vua thấy thế địch mạnh quá khó chống lại được, phải vào trong sông Tả Luật, rồi ra Cường Thành để lánh»(3).

Một số người nghiên cứu cho rằng địa danh «Trà Luật» trong thư tịch cũ và địa danh «Trà Tân» hiện nay chỉ là một. Một số người khác lại khẳng định «Trà Luật» hay «Tà Luật» hay «Trà Suốt» không phải là «Trà Tân» mà phải là «Trà Lọt» hiện nay.

Ví dụ trong cuốn Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, các tác giả Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn... viết: «Mạc thị gia phả chép rõ: Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Ánh đóng đại quân ở Tà Luật (tức Trà Luật trong Gia Định thành thông chí, hay Trà Tân trong Đại Nam thực lục chính biên(4).

Trái lại, như bài viết «Lịch sử trận chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút», tác giả Nguyễn Đổng Chi cho rằng: «Xét sử sách không có địa danh Trà Suốt, mà chỉ có Trà (Hay Tà) Luật, tức Trà Lọt hiện nay. Trà Suốt phải chăng là Trà Lược, tên một con rạch nhỏ ở phía bắc Trà Tân ngày nay và nối liền với rạch Trà Tân. Chúng tôi nghĩ Trà Suốt ở đây phải là Trà Lọt (đối chiếu với tài liệu xưa, «lọt» (nôm), «suốt» (nôm) hay «luật» hán có khi viết giống nhau mới phù hợp với Gia phả (tức Mạc thị gia phả) và đúng với con đường hành quân»(5).

Tác giả Đỗ Hữu Nghiêm trong bài «Ghi chép về một số địa danh liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút» cũng cho rằng: «Chúng tôi nghĩ từ «Trà Luật» hay Tà Luật hay Tả Luật là những cách viết hán-nôm của từ dân gian Trà Lọt, hay Trà Lọc, hay Trà Suốt (SKĐNV). Trong vùng này có nhiều rạch mang tên Trà hay Tà: Trà Lục, Tà Lược, Trà Liễu, Trà Tân tương tự phần nào(6).

Tác giả Quỳnh Trân trong bài «Thử bàn về vấn đề thủy triều trong trận Rạch Gầm — Xoài Mút» cũng ghi: «Trà Suốt tức Trà Luật (Trà Lọt)»(7).

Nhân dịp Tỉnh nhà kỷ niệm trọng thể 200 năm chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút (1785 — 1985), được Ban Tổ chức cho tham dự và đọc báo cáo, chúng tôi muốn được trở lại với những địa danh trên, cụ thể là lần lượt tìm hiểu «Trà Lọt», «Trà Tân» và mối liên quan đến địa danh «Trà Luật», hy vọng kế tiếp công việc của những người đi trước, góp phần làm sáng tỏ thêm vài chi tiết về chiến thắng lịch sử này.


(1) Trịnh Hoài Đức — Gia Định thành thông chí — Bản dịch của Nguyễn Tạo, Tập Trung, Sài Gòn 1972, tr. 100.
(2) Sử ký Đại Nam Việt (không rõ tên tác giả), Imprimerie de la Misson, Tân Định, Sài Gòn, 1909.
(3) Mạc thị gia phả — Bản dịch của Tân Việt Điều — Văn hóa nguyệt san, số 62, tháng 7-1961.
(4) Phan Huy Lê — Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc — Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976 (Chú thích 1 ở tr.326).
(5) Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút — Ty Thông tin Văn hóa Tiền Giang xuất bản, 1977, tr. 42.
(6) Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút — Ty Thông tin Văn hóa Tiền Giang xuất bản, 1977, tr. 158.
(7) Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút — Sách đã dẫn, tr. 122.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 08:57:28 am »

I. TRÀ LỌT

Trên bản đồ cũng như trên thực địa hiện nay có một con rạch mang tên rạch Trà Lọt, cách thị xã Mỹ Tho 40 km về phía tây. Trong bài viết đã dẫn, tác giả Đỗ Hữu Nghiêm miêu tả tương đối chính xác về con rạch này: «rạch Trà Lọt hiện nay cũng gọi là rạch Ông Thanh(1) ở phía tây Mỹ Tho, bên bờ trái sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chỗ giao lưu rạch Trà Lọt với sông Tiền ở ngay đầu phía tây cù lao Tân Phong, cách thị trấn Mỹ Tho chừng 40km về phía tây» (tr. 157, 158).

Trong cuốn Đặc khảo về tỉnh Mỹ Tho(2) xuất bản năm 1902, một tác giả người Pháp đã mô tả khá chi tiết về rạch Trà Lọt hồi cuối thế kỷ XIX. Tác giả chia hệ thống sông rạch của tỉnh Mỹ Tho làm 9 lưu vực, trong đó có lưu vực rạch Trà Lọt, nằm giữa lưu vực rạch Cái Thia ở phía tây và lưu vực rạch Cái Bè ở phía đông:

«Rạch Trà Lọt (dài 18km, rộng 40km, sâu 8m), bắt nguồn từ làng Mỹ Hội trong Đồng Tháp Mười, chảy qua chợ Cái Nứa rồi chảy ra sông [Tiền] theo hai cửa... Các chi lưu ở phía hữu ngạn có rạch Xép Ông Tinh (nhận nước của các rạch Cá Giắm, Ông Càn và Đất Sét), rạch Thủ Ngự (nối liền rạch Trà Lọt với rạch Xép Ông Tinh), cùng các rạch nhỏ Ông Khá, Cây Sung, Bà Được, Bà Xoay, Bà Huê, Nước Trong, Ông Tam; ở phía tả ngạn có rạch Bà Răn..., rạch Bà Tre, rạch Thông Lưu (nối liền hai rạch Trà Lọt và Cái Bè) cùng các rạch nhỏ Bà Phú, Phó Thục và Ông Khanh» (tr. 13).

Qua đoạn mô tả trên, có một điểm đáng lưu ý là: rạch Trà Lọt có một chi lưu ở tả ngạn chảy thông với rạch Cái Bè, gọi là rạch Thông Lưu, ngoài ra không có chi lưu nào ăn thông với rạch Ba Rài còn ở rất xa về hướng đông như có lúc tác giả đã nhầm lẫn.

Vẫn theo cuốn Đặc khảo... «rạch Trà Lọt cùng với rạch Cái Bè và rạch Cái Thia chảy qua vùng đất phía nam của tổng Phong Hòa», hoặc ở một đoạn khác: «Rạch Cái Bè (rộng 80m, sâu 8m), rạch Trà Lọt (rộng 40m, sâu 5m), rạch Cái Thia (rộng 120m, sâu 6 m) đều chảy qua tổng Phong Hòa» (tr. 41).

Tổng Phong Hòa ở cuối thế kỷ XIX tương ứng với tổng Kiến Hòa ở huyện Kiến Đăng ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Theo Gia Định thành thông chí, «tổng Kiến Hòa có 44 thôn, phía đông giáp sông Tranh Giang, Ba Lai (tức Ba Rài), Tân Kính của tổng Kiến Xương, huyện Kiến Hưng, phái tây giáp tổng Kiến Phong, lấy từ ngòi nhỏ sông Bát Chiên thẳng đến cửa sông Mỹ Lương (tục gọi Cái Thia), phía nam giáp sông Tiền Giang dọc theo sông lớn Mỹ Lương và Ba Lai, phía bắc giáp sông Bát Chiên và Bát Đông»(3).

Về các khu vực hành chính hồi đầu thế kỷ XIX, cần phân biệt tổng Kiến Hòa có rạch Trà Lọt chạy qua thuộc huyện Kiến Đăng, ở phía tây huyện Kiến Hưng, với huyện Kiến Hòa ở phía đông huyện Kiến Hưng, kéo dài đến tận cửa biển Xoài Rạp và Ba Lai.


(1) Có lẽ rạch Ông Thanh mà tác giả nói ở đây là Xép Ông Tinh (?), một nhánh của rạch Trà Lọt ở phía hữu ngạn.
(2) Monographie de la porvince de Mỹ Tho — Publications de la Société des Éudes Indochinoises, Impr. Ménard, Saigon, 1902.
(3) Sách đã dẫn, Tập trung, Sài Gòn, 1972.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 09:02:33 am »

II. TRÀ TÂN

Hiện nay trên bản đồ cũng như trên thực địa có địa danh «Trà Tân», đúng như mô tả của các tác giả Nguyễn Đổng Chi và Đỗ Hữu Nghiêm trong các bài viết đã dẫn:

«Hiện nay Trà Tân là địa danh chỉ một con rạch phụ lưu của Tiền Giang, cách rạch Ba Rài ở phía đông 3 cây số» (Nguyễn Đổng Chi, tr. 42).

Đại Nam nhất thống chíGia Định thành thông chí không thấy chép địa danh Trà Tân, nhưng Đại Nam chính biên liệt truyện có nhắc đến Trà Tân: (1).

Cuốn Đặc khảo về tỉnh Mỹ Tho (đã dẫn) mô tả lưu vực sông Trà Tân như sau:

«Rạch Trà Tân (dài khoảng 18km, rộng 40m, sâu 8m khi thủ triều xuống), bắt nguồn từ làng Phú Lương, chảy qua tổng Lợi Mỹ, uốn thành hai vòng rộng theo hình chữ S trước khi đổ ra sông [Tiền]. Chợ Trà Tân nằm trên cửa rạch».

«Ở hữu ngạn [rạch Trà Tân] có các chi lưu: rạch Vân, rạch Bà Kén, rạch Cái Cau, rạch Cái Tắc, rạch Trà Tân (nối liền hai lưu vực rạch Trà Tân và rạch Ba Rài), rạch Ông Vị và rạch Ông Gòn.

«Ở tả ngạn, rạch Trà Tân nhận nước của rạch Bà Rằng, rạch Trà Luộc (rạch này lại có chi lưu Bà Mương ở hữu ngạn và Bàu Dầu hay Kinh Thu ở tả ngạn). Rạch Bà Dầu nối liền rạch Trà Luộc với lưu vực Rạch Gầm qua con sông Bàng Long...

«Dọc theo sông [Tiền] còn có rạch Ông Bung, và trên địa phận tổng Lợi Trường còn có hai rạch Cái Sơn và Mù U. Các rạch này không lớn, chảy thẳng ra sông [Tiền].

«Tiếp đến rạch Rau Răm, dài 5km, rộng 20m, sâu 4m50), bắt nguồn từ Bình Chánh Trung. Các chi lưu phía tả ngạn có rạch Thông Lưu (nối rạch Rau Răm với rạch Bàng Long, thông qua lưu vực Rạch Gầm)(2), rạch Tram bắt nguồn từ Kiêm Sơn, phía hữu ngạn có rạch Ông Văn» (tr. 15, 16).

Đoạn mô tả trên đây có mấy chi tiết đáng chú ý:

1. Rạch Trà Tân có một đoạn tương đối lớn, có nhiều chi lưu, trong đó có một chi lưu ở tả ngạn mang tên Trà Luộc (hay Trà Luột) và một chi lưu ở hữu ngạn mang tên Trà Tân (nghĩa là cùng tên với rạch chính). Chi lưu này (Trà Tân) nối liền rạch Trà Tân với lưu vực rạch Ba Rài ở phía tây, cũng phù hợp với Đại Nam nhất thống chí chép rằng sông Trà Luật có một nhánh thông với sông Ba Lai (tức Ba Rài) và một nhánh thông vào Đồng Tháp Mười (xin xem trích dẫn cụ thể ở một đoạn sau).

2. Rạch Bà Dầu (một nhánh của chi lưu Trà Luộc) nối liền Trà Luộc với lưu vực Rạch Gầm qua con sông Bàng Long. Như vậy, lưu vực rạch Trà Tân cũng ăn thông với lưu vực Rạch Gầm bằng các con rạch Trà Luộc, Bà Dầu và Bàng Long (Bàng Long là chi lưu của Rạch Gầm ở phía tả ngạn).

Liên quan đến địa danh «Trà Tân», «Trà Luộc», tác giả cuốn Đặc khảo... còn cho biết thêm:

— Làng Trà Tân: là một trong 8 làng của tổng Lợi Mỹ (Lợi Mỹ vốn xưa là một phần của tổng Lợi Trường). Trước đó, làng Trà Tân bao gồm cả làng Tân Thới, về sau mới tách làm hai làng Tân Thới và Trà Tân. Chợ Trà Tân (do làng Trà Tân lập ra), cách Mỹ Tho 44km, đã bãi bỏ từ lâu.

— Chợ Trà Luật (hay Trà Luộc): thuộc làng Mỹ Quý Tây, tổng Lợi Trường, cách Mỹ Tho 33km, cũng gọi là chợ Mỹ Quý Tây.

Như vậy, chợ Trà Tân và chợ Trà Luộc là hai chợ khác nhau, đều thuộc tổng Lợi Trường. Đến năm Minh Mạng thứ 17, tổng Lợi Trường mới tách làm hai tổng Lợi Trường và Lợi Mỹ.

— Cù lao Trà Luộc: thuộc địa phận tổng Lợi Mỹ: «Hồi mới thành lập, tổng Lợi Mỹ gồm 11 làng trong đó có 5 làng Hòa Yên, Long Phú, An Thủy, An Thủy Đông và Tân Sơn nằm trong cù lao Trà Luộc, con có biệt danh là cù lao Năm Thôn» (Sách đã dẫn, tr. 11).

Khi dịch Mạc thị gia phả, cụ Ca Văn Thỉnh cũng đã phiên âm «Trà Luộc» trong câu «Vua [Nguyễn Ánh] thấy thế giặc rất mạnh không thể chống lại nổi, phải lui về sông Trà Luộc rồi đến Cường Thành để lánh nạn...»(3). Vẫn đoạn văn trên, Tân Việt Điểu lại phiên âm là «Tà Luật»(4). có lẽ hai người dịch đã sử dụng hai nguyên bản khác nhau.


(1) Sử quán triều Nguyễn — Đại Nam chính biên liệt truyện — Nhà Tây Sơn — Biên dịch của Tạ Quang Phát, Sài Gòn, 1970, tr.41.
(2) Xin phân biệt rạch Thông Lưu, một chi lưu của rạch Rau Răm, với rạch Thông Lưu, một chi lưu của rạch Trà Lọt.
(3) Ca Văn Thỉnh — «Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm — Xoài Mút» — Nghiên cứu lịch sử, số 79, tháng 10-1965.
(4) Tân Việt Điểu — Tạp chí đã dẫn, tr.713, 715.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 09:09:27 am »

III. TRÀ LUẬT LÀ TRÀ TÂN, KHÔNG PHẢI LÀ TRÀ LỌT

Những cứ liệu trong cuốn Đặc khảo...đã dẫn ở phần trên cho thấy các địa danh «Trà Tân», «Trà Luộc» có nhiều chỗ trung hợp với địa danh «Trà Luật» được chép rải rác trong các cuốn sử của triều Nguyễn. Sau đây là vài ví dụ:

— Sông Trà Luật: «sông Trà Luật ở phía nam huyện Kiến Hưng 22 dặm, phía bắc hạ lưu sông Tiền, rộng 24 trượng 5 thước, nước lên sâu 20 thước, nước ròng sâu 16 thước, bờ phía tây có chợ Trà Luật; chảy về phía bắc 8 dặm rưỡi đến chỗ ngã ba, chi phái đông-bắc 4 dặm thông với sông Ba Lai, chi phía bắc 24 dặm thông với hồ Vu Trạch» (Đại Nam nhất thống chí)(1).

— Chợ Trà Luật: «Chợ Trà Luật ở huyện Kiến Hưng, tục danh là chợ Hàng Xoi (?)» (Đại Nam nhất thống chí)(2).

— Đồn Trà Luật: «Tháng 11 [Nhâm Thìn] quân ta [Xiêm — Nguyễn Ánh] công phá đồn Trà Luật...» (Gia Định thành thông chí).

— Cù lao Trà Luật: Trong Gia Định thành thông chí, có một câu nhắc đến cù lao Trà Luật: «Tổng Hưng Xương (mới đặt) [thuộc huyện Kiến Hưng] có 37 thôn... phía nam giáp sông Tiền Giang, Ba Lai rồi quanh theo cù lao Trà Luật xuống sông lớn An Đức»(3).

— Giồng Trà Luật:

Vẫn Gia Định thành thông chí, khi chép về giồng Kiến Định, đã giới thiệu vị trí giồng Trà Luật: «Giồng Kiến Định, ngày xưa đặt làm lỵ sở ở đây... Xuống phía đông 18 dặm đến Giồng An, phía tây có Giồng Kỳ Lân, Giồng Tảo và Giồng Dự, ba giồng cao thấp tiếp tục nhau. Cách tây-nam 25 dặm đến Giồng Lữ, lại cách tây 4 dặm đến Giồng Trà Luật...»(4).

Đại nam nhất thống chí khi chép về bãi Kiến Lợi (tức cù lao Năm Thôn) lại giúp ta xác định thêm vị trí sông Trà Luật: «Bãi Kiến Lợi ở huyện Kiến Hòa, hạ lưu sông Tiền Giang, phía bắc là sông Trà Luật»(5). Gia Định thành thông chí ghi cụ thể hơn; «Cù lao Kiến Lợi ở phía bắc hạ lưu Tiền Giang, làm trụ biểu cho sông Trà Luật»(6).

Từ những dẫn chứng trên đây, chúng tôi muốn đi đến mấy nhận xét sau đây:

1. Tất cả các địa danh gắn với Trà Luật, hoặc có mối quan hệ gần gũi với Trà Luật (như Trà Luộc, Trà Luột, Trà Tân...) đều thuộc huyện Kiến Hưng ở đầu thế kỷ XIX, hoặc giáp ranh với Kiến Hưng (như cù lao Năm Thôn); trong lúc đó Trà Lọt lại thuộc huyện Kiến Đăng (ở phía tây huyện Kiến Hưng. Nói cụ thể hơn, các địa danh gắn bó chặt chẽ với từ «Trà Luật» đều nằm gọn trong khu vực ở giữa lưu vực rạch Ba Rài (phía tây) và lưu vực rạch Gầm (phía đông). Trong khu vực này, từ «Trà Luật» được dùng khá phổ biến để đặt tên chợ, tên giồng, tên đồn, tên sông, tên rạch và cả tên cù lao (Năm Thôn) đối diện với lưu vực rạch Trà Tân ở bắc sông Tiền.

2. Chúng tôi suy đoán rằng từ «Trà Luật» (hay «Tà Luật» chắc hẳn bắt nguồn từ một địa danh Khmer và được phiên âm là «Trà Luật» (âm Hán — Việt) trong các thư tịch xưa; và cho đến trước chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút thì «Trà Luật» đã trở thành một địa danh thông dụng ở địa phương.

Trong dân gian, từ «Trà Luật» được phát âm theo giọng địa phương Nam Bộ là «Trà Luột». Đến cuối thế kỷ XIX, các tác giả người Pháp (và có khi cả người Việt) lại căn cứ vào cách phát âm theo giọng địa phương, chép là «Trà Luộc» hay «Trà Luột» (Cuốn Đặc khảo về tỉnh Mỹ Tho là một ví dụ). Chúng tôi còn nghĩ rằng: ngay cả từ «Trà Suốt» trong Sử ký Đại Nam Việt cũng có thể do từ «Trà Luật» nhưng phiên âm thiếu chính xác(7).

Dần dần về sau, trải qua nhiều thay đổi về đơn vị hành chánh cùng với hàng loạt địa danh được thay đổi (nhất là trong thế kỷ XIX), tên «Trà Tân» xuất hiện và ngày một phổ biến hơn, thay thế dần cho tên «Trà Luật», rõ nhất là đối với con rạch (Trà Tân) và cù lao (Trà Tân).


(1) Sử quán triều Nguyễn — Đại Nam nhất thống chí — Lục tỉnh Nam Việt, Tập trung — Văn Hóa tùng thư, số 53, Sài Gòn, 1973, tr.13 (Bản dịch của Nguyễn Tạo).
(2) Đại Nam nhất thống chí — Sách đã dẫn, tr. 13, 18.
(3) Gia Định thành thông chí — Sách đã dẫn, Tập trung, tr. 51.
(4) Gia Định thành thông chí — Sách đã dẫn, Tập trung, tr. 61.
(5) Đại Nam nhất thống chí — Sách đã dẫn, Tập trung, tr. 13, 18.
(6) — như trên —Tập thượng, tr. 67.
(7) Trong bài «Sông núi miền Nam», tác giả Tân Việt Điểu cũng nhắc đến địa danh «Trà Luật» ở đoạn sau: «Trong vùng này [Bến Tre, Mỹ Tho] cũng có rất nhiều địa danh mang tên Trà, như Trà Bang, Trà Co, Trà Cú, Trà Cuông, Trà Kha, Trà Khứa, Trà Lồng, Trà Luật, Trà Lẹt, Trà Lịch, Trà Kiết, Trà Một, Trà Mòi, Trà Mơn, Trà Men, Trà Mẹt, Trà Nha, Trà Niên, Trà Quýt, Trà Quới v.v…» (Văn hóa nguyệt san, số 82, tháng 8, 1958, tr.798).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 09:15:58 am »

Địa danh «Trà Luật» (hay «Trà Luộc») chỉ còn lại dấu vết mờ nhạt ở một chi lưu phía tả ngạn của rạch Trà Tân, ở tên «chợ Trà Luộc» mà từ cuối thế kỷ XIX người ta đã quen gọi là «chợ Mỹ Quới Tây», càng mờ nhạt hơn ở cù lao Năm Thôn vốn được mang nhiều tên khác nhau (Trà Tân, Kiến Lợi, Ngũ Hiệp); và cho đến ngày nay, ngay cả nhân dân địa phương cũng không mấy người còn nhớ rằng cù lao Trà Tân đã từng có một thời mang tên «cù lao Trà Luật» (hay Trà Luộc), nếu không có đoạn ghi chép rất đáng quý của tác giả cuốn Đặc khảo… công bố năm 1902 mà chúng tôi đã trích dẫn nhiều đoạn ở các phần trên.

Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, địa danh «Trà Luật» (hay Tà Luật) liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút được ghi chép trong các bộ sử của triều Nguyễn cũng như trong một vài tài liệu khác (Mạc thị gia phả, Bức thư nôm của Nguyễn Ánh gửi giáo sĩ Liot) chính là Trà Tân ngày nay. Trong lúc đó, địa danh «Trà Lọt» chỉ gắn với tên một con rạch (rạch Trà Lọt), lại ở cách khu vực Trà Tân khá xa(1).

3. Xác định rằng «Trà Luật» là Trà Tân (mà không phải Trà Lọt), chúng ta thấy có những chỗ phù hợp với địa lý — lịch sử, cũng phù hợp với diễn biến của chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút:

Thứ nhất, Trà Tân (tức Trà Luật) là một trong những khu vực mà các chúa Nguyễn đã sớm xây dựng làm nơi đứng chân trên đồng bằng sông Cửu Long, cũng là nơi Tân Chính Vương lui quân về đóng giữ khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ kéo vào đánh tan đạo quân của Lý Tài năm 1777 (tức 8 năm trước khi diễn ra chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút). Sang thế kỷ XIX (nhất là vào nửa sau thế kỷ này), hai lưu vực rạch Trà Tân và rạch Ba Rài(2) đã trở thành «những vùng đất rất phì nhiêu, những trung tâm dân cư đông đúc, nhà cửa san sát dọc theo các bờ rạch…»(3).

Thứ hai, vùng Trà Tân có nhiều sông rạch ở bờ bắc sông Tiền, có một hệ thống cù lao lớn nhỏ nối tiếp từ cuối cù lao Tân Phong đến cuối cù lao Năm Thôn, thuận tiện cho việc tập trung hàng vạn quân lính — kể cả trên hai bờ sông Tiền, cả trên các cù lao giữa dòng sông — cũng tiện cho việc bố trí, di động của hàng mấy trăm chiến thuyền(4). Tác giả Mạc thị gia phả đã phản ánh thực tế này: «Quân của vua [Nguyễn Ánh] thì cứ theo bãi sông đón đồn, còn quân Xiêm đến đổ bộ lên bờ cố thủ, chiến thuyền dàn theo bờ sông làm thế ỷ giốc»(5). Bãi sông ở đây là chỉ các cù lao trên sông. Ví như Đại Nam nhất thống chí khi chép «bãi Kiến Lợi» (Kiến Lợi Châu) tức là nói về cù lao Kiến Lợi.

Những thuận lợi ở vùng Trà Tân như trình bày ở trên lại thiếu hoặc không có ở Trà Lọt. Đành rằng quân Xiêm — Nguyễn Ánh rất có thể đóng quân rải rác đến tận Trà Lọt, nghĩa là trên chiều dài 20 — 30km từ Trà Lọt đến Trà Tân, nhưng điểm tập kết chủ yếu của chúng, kể cả đại bản doanh, có lẽ phải nằm trong khu vực Trà Tân thì mới hợp lý hơn.

Cũng có thể có người nghĩ rằng: vậy thì trận địa mai phục mà Nguyễn Huệ đã chọn ở khúc sông Tiền giữa Rạch Gầm và Xoài Mút liệu có quá gần với địa điểm tập trung của mấy vạn quân Xiêm — Nguyễn Ánh không? Nhất là những đội thuyền của Tây Sơn làm nhiệm vụ khiên chiến, nghi binh hoặc ngăn chặn ở phía tây rạch Rau Răm lại càng gần những điểm đóng quân địch ở Trà Tân thì làm sao có thể giữ được bí mật, nếu không muốn nói là mạo hiểm!

Để giải đáp băn khoăn này, phải có những tri thức về quân sự, nhất là những kết quả nghiên cứu sâu sắc về kinh nghiệm, mưu mẹo đánh giặc hết sức thông minh, linh hoạt, phong phú, táo bạo, bất ngờ của cha ông ta(6). Trong khi chờ đợi ý kiến của những bậc am hiểu hơn, chúng tôi xin phép được giới hạn báo cáo trong việc xác định lại các địa danh «Trà Lọt», «Trà Tân», «Trà Luật»… để khẳng định rằng: «Trà Luật» được nói đến trong chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút không phải là Trà Lọt mà phải ở khu vực Trà Tân ngày nay.


(1) Nếu chúng tôi không lầm thì tên «Trà Lọt» (liên quan đến trận Rạch Gầm — Xoài Mút) xuất hiện lần đầu trong cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 của Tạ Đại Chí Trường (Sài Gòn, 1973).
(2) Chúng tôi cũng nhất trí với nhiều tác giả rằng sông Ba Lai được nói tới ở đây chính là rạch Ba Rài.
(3) Đặc khảo về tỉnh Mỹ Tho — Sách đã dẫn, tr. 15.
(4) Theo Trần Văn Tuân, tác giả cuốn Nguyễn triều long hưng sự tích, viết năm Gia Long thứ 18 (1819) thì số quân Xiêm sang xâm lược nước ta năm 1785 là bốn vạn, cũng gần với các thư tịch khác: «Đại tướng Tiếp cùng với thế tử Triệu Tăng và một số lớn võ quan Tiêm được lệnh quản lãnh 4 vạn Tiêm binh sang chỗ hành dinh của Thế tổ…» (Bản dịch của Bùi Đàn, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sàigòn, 1968, tr. 9).
(5) Ca Văn Thỉnh — Tạp chí đã dẫn.
(6) Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Đổng Chi tuy cho rằng «Trà Luật phải là Trà Lọt» nhưng cũng công nhận rằng «quân Xiêm — Nguyễn Ánh lúc ấy đã chiếm đóng đến cù lao Năm Thôn» (Sách đã dẫn, trang 42).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 09:18:24 am »

*
*   *

Vừa viết xong báo cáo này thì chúng tôi được ban tổ chức cho tham khảo bài viết của đồng chí Văn Tân, nhan đề «Vấn đề thời điểm và địa điểm của chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút». Về vấn đề «thời điểm» chúng tôi chưa có ý kiến gì khác, nhưng về vấn đề «địa điểm» thì chúng tôi thực sự phấn khởi, vì «địa điểm» mà đồng chí Văn Tân đề cập và muốn xác định là «Trà Tân», cũng là địa điểm mà chúng tôi băn khoăn nhiều nhất khi tìm hiểu chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút.

Hơn thế, đồng chí Văn Tân đã xác định «Trà Tân» và «Trà Luật» chỉ là một, cũng thống nhất với suy nghĩ của chúng tôi, như đã trình bày trong báo cáo này. Chúng tôi chỉ xin phép trao đổi thêm với đồng chí Văn Tân khi đồng chí giải thích tại sao «Trà Tân» lại là «Trà Luật».

Theo đồng chí Văn Tân, Mạc thị gia phả không hề nói đến «Trà Tân» mà chỉ nói đến «Trà Luật» còn Gia Định thành thông chí thì không nói đến «Tà Luật» mà nói «Trà Tân».

Và đồng chí Văn Tân giải thích rằng: «Mạc thị gia phả là sách chép tay được bắt đầu viết ra từ sau trận Rạch Gầm — Xoài Mút. Mạc thị gia phả có trước Gia Định thành thông chíĐại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ. Mạc thị gia phả là sách chép tay, khi làm xong, nó được nhiều người sao chép lại, nhất là ở miền Nam. Người chép sách do vô ý hoặc cẩu thả viết lầm chữ 津 tân ra chữ 律 luật. Hai chữ này về bên phải đều có chữ 聿 (duật) cho nên dễ lầm chữ nọ ra chữ kia. Chữ 斜 tà bộ phận bên trái 余 rất giống chữ 茶 trà, cho nên Trà Tân 茶津 mới viết lầm ra Tà Luật 斜律 hoặc Trà Luật 茶律.

Cuối cùng, đồng chí Văn Tân kết luận: «Hồi cuối thế kỷ XVIII và những thập kỷ đùa thế kỷ XIX tại miền đất bây giờ ở tỉnh Tiền Giang không làm gì có địa điểm nào gọi là Tà Luật hay Trà Luật, mà chỉ có Trà Tân chỉ tên đất, Trà Tân chỉ tên cù lao, Trà Tân chỉ tên rạch».

Riêng chúng tôi thì nghĩ khác. Chúng tôi nghĩ rằng trên đất Nam Bộ, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta gặp rất nhiều địa danh có từ «Trà» mà nguồn gốc của nó thường do từ «Tà» (tiếng khmer có nghĩa là «Ông già» theo cách gọi tôn kính). Vậy thì chữ «Tà» (trong «Tà Luật») không phải do sao chép lầm chữ «Trà» (trong «Trà Tân») mà phải nói ngược lại rằng: chữ «Trà» là phiên âm (theo Hán — Việt), chữ «Tà» (gốc khmer) và cũng có khi vẫn được ghi là «Tà» (nghĩa là vẫn giữ âm gốc khmer). Vì vậy mà có chỗ chép là «Trà Luật», có chỗ chép là «Tà Luật».

Đối với chữ «Luật» cũng vậy. Chúng tôi không nghĩ rằng những người sao chép Mạc thị gia phả đã «viết lầm chữ Tân ra chữ Luật» như ý kiến đồng chí Văn Tân. Theo chúng tôi, chữ «Luật» có lẽ được phiên âm từ một chữ khmer nào đó mà chúng ta chưa xác định được(1).

Cứ giả thiết như đồng chí Văn Tân rằng người xưa sao chép Gia phả họ Mạc có sự lầm lẫn chữ «Tân» ra «Luật», rồi người đọc Gia phả cũng cứ thế mà đọc lầm. Nhưng còn dân gian thì sao? Thời ấy chắc hẳn những người biết chữ để tiếp cận với sách vở, với gia phả không có nhiều, nhưng nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên quê hương Trà Tân đều biết có một con rạch tên là «rạch Trà Luộc», lại có tên một cù lao là «cù lao Trà Luộc», có cả một tên «chợ Trà Luộc» (tuy đã có tên mới là «chợ Mỹ Quới Tây»).

Và cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân địa phương vẫn còn quen dùng cả hai địa danh «Trà Luật» và «Trà Tân» với sự phân biệt rõ rệt, như khi nói về «chợ Trà Tân» đã bỏ không họp nữa, và «chợ Trà Luộc» (hay chợ Mỹ Quới Tây) vẫn được tiếp tục nhóm họp, cách chợ Trà Tân mấy cây số. Thực tế rất sinh động này cho đến năm 1902 vẫn còn được tác giả cuốn Đặc khảo… mô tả khá chi tiết.

Trở lại với thư tịch xưa. Theo như đồng chí Văn Tân thì địa danh Trà Tân xuất hiện đầu tiên trong Mạc thị gia phả và về sau người ta đã sao chép lầm thành Tà Luật hay Trà Luật, hay như đồng chí nói quả quyết hơn: «không làm gì có địa điểm nào gọi là Tà Luật hay Trà Luật, mà chỉ có Trà Tân…».

Nhưng chúng tôi lại thấy có từ «Trà Luật» 茶律 được viết rõ nét trong bức thư của Nguyễn Ánh gửi Liot đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 49 (tức ngày 21-2-1978), nghĩa là chỉ 3 năm sau trận Rạch Gầm — Xoài Mút(2).

Vậy thì địa danh «Trà Luật» trong bức thư của Nguyễn Ánh chắc hẳn không phải do sao chép vô ý, cẩu thả địa danh «Trà Tân» trong Mạc thị gia phả, vì một lẽ đơn giản là bức thư của Nguyễn Ánh gửi Liot viết năm 1788, còn Mạc thị gia phả thì ngót 30 năm sau mới được viết xong (tức năm Gia Long thứ 18).

Hướng về ngày kỷ niệm 200 năm chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút với tất cả nhiệt tình, chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi như trên, chắc là khó tránh được sai sót, kính mong hội nghị chỉ bảo thêm; vì đúng như đồng chí Văn Tân đã viết trong bài của đồng chí: «Xác định được vị trí của các địa điểm lịch sử liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút không phải là một việc đơn giản».

T.P. Hồ Chí Minh, tháng 6-1984.


(1) Trong bài «Danh từ Miên được người Việt dùng», tác giả Lê Hương dựa theo tài liệu của Trương Vĩnh Ký, đã ghi rõ «Cù lao Trà Luộc» là phiên âm từ tiếng Khmer «Koh Tà Lok» (Koh: cù lao; Ta Lok: ông Lok) (Văn hóa nguyệt san, số 1, 1973, tr.88).
(2) Ảnh chụp nguyên văn bức thư nằm trong bài «Les Francais au service de Gia Long» của L. Cadière, đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Huê, No 1, Janv — Fesvr, 1926, p. 42.
Khi dịch bức thư ra tiếng Pháp, L. Cadière ghi đúng âm Hán — Việt là «Trà Luật» mà không ghi là «Trà Lọt» như trong cuốn sách đã dẫn của Tạ Đại Chí Trường.
Còn Tạ Đại Chí Trường đã táo bạo chuyển «Trà Luật» trong nguyên văn bức thư thành «Trà Lọt» và giải thích một cách mơ hồ như sau: «Cùng trong tỉnh Định Tường có hai con rạch Trà Tân và Trà Lọt mà các sử quan hình như cũng không phân biệt rõ ràng. Họ nói nhiều đến Trà Tân và chỉ một lần Trà Lọt nhưng lại đúng vào một sự kiện xảy ra. Biết rằng chữ «tân» có thể lẫn với chữ «luật», ta dựa vào chữ «Trà Luật» nơi bức thư nôm của Nguyễn Ánh mà xác định một chuyện ở một con rạch chảy từ Mỹ Lợi (Đồng Tháp) ra Tiền Giang qua chợ Cái Nưa (ý nói rạch Trà Lọt), tuy không biết rõ là sự việc xảy ra ở vào khúc nào» (!) (Sách đã dẫn, tr.31 và 378).
Tạ Đại Chí Trường có thể «dựa vào chữ Trà Luật nơi bức thư nôm của Nguyễn Ánh» khi muốn xác định một địa điểm nào đó trên thực địa theo cách hiểu của tác giả, và đó là quyền của người nghiên cứu.
Nhưng muốn cho phù hợp với giả thiết của mình, Tạ Đại Chí Trường tùy tiện phiên âm «Trà Luật» trong bản nôm thành «Trà Lọt» (!) thì tác giả đã vượt qua nhiệm vụ của người nghiên cứu, không trung thành với bản gốc, nếu không muốn nói là vô tình hay hữu ý xuyên tạc bản gốc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2022, 09:29:35 am »

MỘT BỨC THƯ NÔM CỦA NGUYỄN ÁNH
TRONG ĐÓ CÓ NÓI ĐẾN ĐỊA DANH TRÀ LUẬT

                                                                                                                           
Chụp lại trong B.A.V.H. 1926
Bài của L. Cadière)



LỜI DỊCH BỨC THƯ NÔM CỦA NGUYỄN ÁNH

An Nam Quốc Vương

Tờ vu

Cai trương thượng sư Nha-cô-bê ngọc hiên nhiệm chiếu: Từ ta đề binh phá Tây đồ thì bộ binh đã thâu phục Gia Định phủ các xứ, còn thủy binh nó thì trụ Mỹ Tho cùng Bến Nghé thắng phụ vị phân. Như thủy binh ta thì ắt còn trụ Trà Luật hàng ngày trông tin đức Bá Đa Lộc thượng sư cùng con ta tiêu tức dường nào. Qua tháng mười một thấy Đội Dung tựu bẩm rằng thượng sư có tờ quốc sự sai Đội Dung đệ thử tờ ký bẩm, chẳng ngờ Đội Dung tới vàm Rạch Giá xảy gặp Tây Sơn là Thượng Lý sai nghe thiện hành xứ ấy nên Đội Dung vội bỏ tờ ấy xuống nước mà Đội Dung ngoại bẩm các lý, hư thiệt vị tường. Vả ta hằng lo binh gia không hở, lại chưa đặng người quán tín thượng sư nên chưa sai đệ tín thư, lòng hằng thổn thức. Nay có nội viện thuyền chủ Huấn Đức hầu là tôi tâm trường vả lại gia tư xứ ấy lai khứ tiện thông mới sai đệ tờ trình chiếu. Như đức Bá Đa Lộc cùng con ta viện binh quý quốc đã tru xứ nào, khá tờ cho ta tường hiểu. Lại như tờ ấy thì sai cai đội Thọ đệ tựu bẩm văn cho tường để sự, vật sai tha nhân liệu sự bất thành. Tri ý. Nay tờ.

Cảnh Hưng năm thứ bốn chín, tháng giêng, ngày 15 (21-02-1788).

Minh Mạng năm thứ tám, tháng năm, ngày 25, sao theo bản cũ (dấu Tả quân).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2022, 08:15:34 am »

VẤN ĐỀ THỜI ĐIỂM VÀ ĐỊA ĐIỂM
CỦA CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT

Giáo sư VĂN TÂN

Năm Giáp Thìn, Nguyễn Huệ đã cả phá trong một trận đánh năm mươi ngàn quân Xiêm và ba trăm chiến thuyền, cùng quân bản bộ của Nguyễn Ánh ở Rạch Gầm — Xoài Mút.

Thời điểm và địa điểm của trận chiến thắng lịch sử vĩ đại này là một vấn đề mà giới sử học Việt Nam chưa có tài liệu để giải quyết dứt khoát.

Năm Giáp Thìn, Nguyễn Huệ đưa quân Thủy đến Sài Gòn vào ngày nào để đánh quân Xiêm xâm lược và quân bản bộ của Nguyễn Ánh trên sông Mỹ Tho? Trận cả phá quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh xảy ra vào ngày nào tháng 12 năm Giáp Thìn? Quân bản bộ của Nguyễn Ánh tham chiến với quân Xiêm chống quân Tây Sơn như một kẻ dẫn đường hay là một lực lượng tiền phương xung kích? Trước ngày quân Xiêm và quân bản bộ của Nguyễn Ánh bị đánh bại Trà Tân là căn cứ thủy bộ quan trọng nhất của chúng, vậy trên bản đồ hiện đại, Trà Tân cụ thể là địa điểm nào?

Muốn giải đáp những câu hỏi nói trên, trước hết, chúng ta phải có trong tay những tài liệu cần thiết.

Về chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, hiện nay chúng ta có bốn nguồn tài liệu có thể sử dụng được ở những mức độ khác nhau:

Nguồn tài liệu thứ nhất là Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ của quốc sử quán nhà Nguyễn do Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Hà Duy Phiên, Đỗ Quang, Phạm Hữu Nghị, Tô Trân, Trần Trứ biên soạn xong tháng 12 năm Mậu Thân, tức năm Tự Đức thứ nhất (1848).

Đại Nam thực lục là bộ quốc sử chính thức của triều Nguyễn. Quan điểm của bộ sử này là quan điểm của nhà Nguyễn: quan điểm phản động, cổ hủ, chỉ ca công tụng đức của nhà Nguyễn, cố ý bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ những người không chịu cúi đầu để theo nhà Nguyễn. Những nhân vật lãnh đạo phong trào Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Huệ đã làm được những việc có ích cho nước, có lợi cho dân. Trong vòng có bốn năm trời, Nguyễn Huệ đã hai lần chiến thắng ngoại xâm, bảo vệ được độc lập dân tộc. Nhưng đối với vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thì đó chỉ là những kẻ hèn mạt, đáng nguyền rủa và cần phải giết cho kỳ không còn một người nào. Chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút oanh liệt là thế, vậy mà Đại Nam thực lục, chỉ nói rất lờ mờ khiến cho người đọc không thể nào hình dung nổi Nguyễn Huệ làm thế nào trong một trận đại phá năm vạn quân giặc và ba trăm chiến thuyền của chúng. Đọc Đại Nam thực lục, chúng ta chỉ được mấy giòng mơ hồ vắn tắt như sau: «Tháng 12, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc nghe tin quân giặc cáo cấp, thì sai Nguyễn Văn Huệ đem binh thuyền vào cứu Sài Gòn. Huệ đến đánh mấy trận không được, muốn đem quân về. Có tên phản thần là Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ đem hết quân mạnh mai phục ở Rạch Gầm và ở sông Xoài Mút (thuộc tỉnh Định Tường) rồi dụ quân Xiêm lại đánh. Tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương không hiểu địa thế khó dễ ra sao, cậy mình thắng luôn bèn dẫn quân đến thẳng Mỹ Tho, cuối cùng bị phục binh của giặc thủy bộ hai mặt áp đánh, Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to bỏ chạy, chỉ thu được vài ngàn tàn tốt do đường núi Chân Lạp mà chạy về». (Sách đã dẫn, tập II, trang 57).

Trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã được bàn bạc trước giữa Chiêu Tăng và Nguyễn Ánh, chính Chiêu Tăng đã sai Nguyễn Ánh mang quân bản bộ đi tiên phong, còn đại đội thuyền chiến Xiêm do Chiêu Tăng chỉ huy tiến theo sau.

Sự thật lịch sử này, trong Mạc thị gia phả, Võ Thế Dinh có nói đến, nhưng các nhà biên soạn Đại Nam thực lục đã cố ý bỏ qua, không nói đến.

Do chỉ biết ca tụng công đức nhà Nguyễn nên Đại Nam thực lục cũng không nói đến thái độ bi quan, thất bại của Nguyễn Ánh ngay cả khi y mới dẫn quân Xiêm vào Gia Định và chưa giao chiến với quân Tây Sơn một trận nào. Trong Mạc thị gia phả, Võ Thế Dinh cho biết khi sắp xảy ra trận Rạch Gầm — Xoài Mút, Nguyễn Ánh đã sai «tham tướng (chỉ Mạc Tử Sinh) sớm trở về giữ Trấn Giang để nếu có sự bất trắc xảy ra thì còn con đường sống».

Nhưng, đối với những vấn đề không có liên quan trực tiếp với uy tín của Nhà Nguyễn thì Đại Nam thực lục phản ánh được một phần sự thật của lịch sử, như ở trang 56, các nhà làm sử đã viết như sau: «Tháng 11 (năm Giáp Thìn) lấy Lê Văn Quân làm khâm sai tổng nhung chưởng cơ, Quân đổng lãnh đại quân đi đánh giặc tiến đánh thắng được hai đồn Ba Lai và Trà Tân».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM