Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:48:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ yếu... kỷ niệm lần thứ 200 ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  (Đọc 15625 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:23:26 am »

IV. — CHIẾN THẮNG TUYỆT VỜI NGAY TRONG ĐÊM 19 RẠNG 20-1-1785.

Đúng theo giờ định trước, khi luồng nước triều bắt đầu xuống, các chiến thuyền của Ánh lao mạnh vào tuyến trước, mở đường cho quân Xiêm ùa theo trên các chiến thuyền theo hai ngả sông Tiền Giang và sông Năm Thôn.

Bị đột kích, lúc đầu hàng ngũ Tây Sơn có phần choáng váng khi nhiều chiến sĩ bị chết cháy bỏ thây giờ dòng sông. Thế rồi đồng loạt cả đoàn chiến thuyền Tây Sơn hè nhau xuôi dòng rút chạy, trong lúc quân Xiêm — Nguyễn mải lo cướp bóc và chỉ cần đánh cầm chừng. Bỗng chốc, chiến đoàn Tây Sơn quay ngược mũi thuyền đánh thẳng vào đội hình của quân Xiêm — Nguyễn. Tất cả đều tốc chiến hợp lực với các đội thuyền nhẹ lao nhanh ra từ Rạch Gầm và Xoài Mút để săn đuổi, ngăn chặn quân địch. Các chiến thuyền Xiêm — Nguyễn mau chóng bị dồn ép vào các dòng sông trở thành những mục tiêu ngon lành cho các đại pháo đã bố trí sẵn từ hai bên bờ nã đạn xuống liên tiếp.

Đội hình chiến đấu của quân Xiêm — Nguyễn bị tan vỡ, chiến thuyền bị vùi xuống đáy sông mang theo nhiều tử thi quân xâm lược. Có những kẻ tháo thân chạy được trong cơn hoảng loạn, hầu hết về hướng Bắc, lại bị những đội quân phục kích của Tây Sơn chặn đánh. Nhiều tên xâm lược bị đền tội hay bị bắt do chính sự phát hiện của nhân dân khi chúng làm quá nhiều tội ác trước đó.

Cuộc chiến kết thúc: quân Xiêm — Nguyễn trước kia là 5 vạn nay chỉ còn lại hơn một vạn. Ánh bỏ chạy về Trà Lọt rồi tìm đường về Trấn Giang có Mạc Tử Sanh chờ sẵn. Chiêu Tăng, Chiêu Sương và có lẽ cả Sa Uyển và Chiêu Thùy Biện cùng trốn chạy theo đường bộ từ Quang Hóa về tới Nam Vang. Đám tàn binh Lê Văn Quân chắc cũng trốn theo đường này.

Thấm đòn, bọn Xiêm — Nguyễn đều «sợ Tây Sơn như sợ cọp». Mộng xâm lược của phong kiến Xiêm La phút chốc tan thành mây khói, trong lúc mưu toan phục quyền của phe Ánh trước mắt đi đến chỗ tuyệt vọng.

Chiến trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã đi vào lịch sử Việt Nam như một trận thủy chiến lớn lao, triển khai nhanh gọn, tập trung, với một số quân đông đảo tham gia chiến dịch, trên một chiến trường được thu hẹp tương đối, chỉ trong thời gian chưa đầy một ngày, nhưng đã mang lại hiệu quả thật to lớn.

Trận Rạch Gầm — Xoài Mút là một điển hình về cách đánh chủ động, tốc chiến, lấy ưu thế của binh chủng hải quân bất ngờ tiêu diệt toàn bộ sinh lực của địch, làm tan rã hoàn toàn tinh thần chiến đấu của chúng.

Trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã đưa nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam lên một bước tiến mới bằng kế hoạch vừa đàm vừa đánh khiến cho đối phương bị rơi vào một thế nghi binh không đoán được các phương án của chiến dịch.

Sau cùng, trận Rạch Gầm — Xoài Mút ở chiến trường phía Nam biểu thị ý chí chống quân xâm lược và tay sai của quân dân Gia Định. Với tinh thần của truyền thống Rạch Gầm — Xoài Mút, quân dân Gia Định sẵn sàng đập tan mọi mưu toan xâm lược và nổi loạn ở vùng đất phía Nam cũng như quân dân Bắc Hà đã từng chiến thắng lũ quân bành trướng từ phương Bắc xuống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:28:34 am »

NGUYỄN HUỆ VỚI CÔNG CUỘC CHUẨN BỊ TIÊU DIỆT QUÂN XIÊM

HUỲNH LỨA
                                                                                                                                                                   
(Trưởng ban Sử học — Viện KHXH
Tại thành phố Hồ Chí Minh)

Một số sử sách của sử thần nhà Nguyễn khi viết về trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã ghi chép rất vắn tắt khiến người đọc có cảm giác là chiến thắng đó của quân đội Tây Sơn mang tính chất ngẫu nhiên đơn thuần. Thí dụ sách Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn chép.

«... Có tên phản thần Lê Xuân Giác dạy cho Nguyễn Huệ đem hết tinh binh phục ở Rạch Gầm đi Xoài Mút (thuộc Định Tường) lập kế dụ địch. Quân Xiêm thừa thắng thẳng xuống Mỹ Tho. Quân thủy và quân bộ của Huệ đánh úp. Quân Xiêm thua to, chỉ còn vài nghìn quân do thượng đạo trở về»(1).

Như vậy theo sử thần nhà Nguyễn, nếu không có «phản thần» Lê Xuân Giác giúp mưu hiến kế thì Nguyễn Huệ cầm như thất bại, bỏ mặc miền cực nam đất nước cho quân xâm lược Xiêm dày xéo.

Sự thật có phải như vậy chăng?

Nhiều tài liệu lịch sử khác ngoài các bộ sử chính thống của nhà Nguyễn đều cho thấy rằng luận điệu trên là một sự xuyên tạc cố ý nhằm hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng cũng như vai trò của vị chỉ huy tối cao. Thực ra chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút là kết quả của một quá trình chuẩn bị lực lượng, tìm hiểu địch tình, tính toán mưu lược, bày binh bố trận hết sức tinh vi chu đáo của Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự kiệt xuất của nước ta vào cuối thế kỷ XVIII.

Tại Qui Nhơn, khi nghe báo cáo về cuộc chiến tranh xâm lược của Xiêm do bè lũ bán nước Nguyễn Ánh dẫn đường, các lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn quyết định cử Nguyễn Huệ đưa quân và Gia Định tổ chức phản công với nhiệm vụ nhanh chóng tiêu diệt quân Xiêm — Nguyễn.

Nhưng để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, vấn đề quan trọng trước tiên là vấn đề chuẩn bị lực lượng.

Đội quân xâm lược Xiêm lần này sang Việt Nam bao gồm cả quân thủy lẫn quân bộ, tổng số quân lên tới 5 vạn (thủy quân 2 vạn, bộ binh 3 vạn) với 300 chiến thuyền.

Đây là một đội quân xâm lược vào loại khá lớn trong tình hình lúc bấy giờ, lại bao gồm nhiều loại binh chủng. Đây là chưa kể số quân bản bộ của Nguyễn Ánh vừa làm nhiệm vụ dẫn đường vừa làm nhiệm vụ phối hợp tác chiến với quân xâm lược Xiêm. Số quân nầy lúc lưu vong ở Xiêm không có bao nhiêu, nhưng sau khi về nước có được tăng cường thêm về số lượng do sự nổi dậy hưởng ứng của bọn địa chủ ở Gia Định.

Đứng trước một lực lượng xâm lược đông đảo như vậy, Nguyễn Huệ đã chuẩn bị lực lượng đối phó như thế nào?

Chúng ta biết rằng Nguyễn Huệ là một vị tướng lĩnh mà trong việc dùng binh, ông thường coi trọng chất lượng hơn số lượng, thường vận dụng cách đánh lấy ít thắng nhiều. Nhưng lần này là lần đầu tiên ông phải chống chọi với đội quân xâm lược nước ngoài cộng với quân của bè lũ Nguyễn Ánh với số lượng cao, lại diễn ra trên một chiến trường ở khá xa căn cứ địa, đòi hỏi nghĩa quân phải có một lực lượng đối trọng tương đối nào đó mới có thể tổ chức phản công được. Hơn nữa bản thân Nguyễn Huệ cũng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của số lượng quân đội trong chiến tranh và sự cần thiết phải khắc phục tình trạng so sánh quá chênh lệch về số quân giữa ta và địch.

Chúng ta cũng biết rằng khi quân xâm lược Xiêm có sự dẫn đường và phối hợp của quân bản bộ Nguyễn Ánh mở cuộc tiến công vào Gia Định, số quân Tây Sơn đóng giữ đất Gia Định do phò mã Trương Văn Đa chỉ huy chỉ độ mấy nghìn người. Trong tình hình ấy, đội quân tăng viện phải rất lớn mới đủ sức đối chọi với đối phương.

Để giải quyết yêu cầu cấp bác và khó khăn này, Nguyễn Huệ đã thực thi hai biện pháp. Một mặt ông «đem hết binh mạnh đi thuyền vào»(1), mặt khác trên đường hành quân, đi đến đâu bổ sung quân thêm vào đó(3). Chính nhờ vào biện pháp sáng tạo này(4) mà khi tập kết ở Mỹ Tho, tổng số quân mà Nguyễn Huệ nắm trong tay đạt tới mức xấp xỉ quân số của địch(5). Đây là một yếu tố hết sức quan trọng trong chiến tranh mặc dù chất lượng quân đội luôn luôn đóng vai trò quyết định.


(1) Đại Nam chính biên liệt truyện.
(2) Gia Định thành thông chí.
(3) Sử ký Đại Nam Việt.
(4) Về sau khi ra Bắc đánh quân Thanh vào năm 1788, Nguyễn Huệ cũng tuyển quân dọc đường như vậy.
(5) Có nhà nghiên cứu cho rằng số lượng quân Tây Sơn chỉ khoảng 2 vạn. Xem Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:32:25 am »

Để chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm — Nguyễn, ngoài việc xây dựng và tổ chức lực lượng, Nguyễn Huệ còn tập trung giải quyết vấn đề phương hướng chiến lược, vấn đề cách đánh.

Như mọi người đều biết, đối tượng tác chiến của Nguyễn Huệ lúc này là liên quân Xiêm — Nguyễn đang trên đà tiến công chiến lược. Sau 5 tháng tiến hành chiến tranh xâm lược, lực lượng mạnh của chúng hầu như còn toàn vẹn. Riêng quân đội Nguyễn Ánh thì bắt đầu khôi phục và tăng cường. Chính trong tình hình quân sự đó, Nguyễn Huệ nhận nhiệm vụ phản công chiến lược tiêu diệt liên quân Xiêm — Nguyễn, thu hồi phần đất đai đã mất. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, Nguyễn Huệ có thể chọn một trong hai cách đánh như sau: một là đưa hạm đội vào Gia định, tổ chức phòng ngự kiên cố vùng đất còn lại (3 tỉnh phía Đông), đánh tiêu hao địch sau đó phản công giành lại phần đất đai đã bị mất (3 tỉnh phía Tây); hai là lập tức tiến công đánh đuổi địch ra khỏi bờ cõi đất nước. Trong tình hình cả nước lúc đó, tiền đồ phát triển của phong trào Tây Sơn đòi hỏi Nguyễn Huệ phải chọn cách đánh thứ hai: đánh nhanh giải quyết nhanh. Bởi vì kẻ thù nguy hiểm của Tây Sơn lúc này không phải chỉ có quân xâm lược Xiêm và bọn phong kiến phản động Nguyễn Ánh ở Gia Định mà còn có quân Trịnh ở Thuận Húa. Chọn cách đánh thứ nhất: tổ chức phòng ngự kiên cố, chờ thời cơ phản công, cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ kéo dài, quân chủ lực tinh nhuệ của Tây Sơn sẽ bị giam chân ở mặt Nam, do đó ở mặt Bắc, quân Trịnh có thể lợi dụng thời cơ đánh vào Qui Nhơn. Quân Tây Sơn sẽ bị phân tán lực lượng, phải đồng thời đối phó với hai kẻ thù ở hai phía. Chính vì những lý do chính trị và quân sự đó mà Nguyễn Huệ sau khi cân nhắc tính toán đã quyết định chọn phương án tác chiến thứ hai.

Với ý đồ chiến lược, với phương án tác chiến đã được xác định như vậy, Nguyễn Huệ không đem quân vào thành Gia Định chờ địch, mà tiến thẳng xuống gần địa điểm tập kết của chúng, đóng đại bản doanh tại Mỹ Tho (Tiền Giang).

Chọn phương hướng chiến lược tiến công đánh nhanh giải quyết nhanh, Nguyễn Huệ còn phải suy tính tiến công vào chỗ nào và đánh bằng cách nào thì chắc thắng và thắng lớn, đạt được mục tiêu đề ra là đập tan quân xâm lược Xiêm — Nguyễn.

Sau khi đóng quân tại Mỹ Thọ và điều tra nắm chắc tình hình bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ quyết định không tiến công thẳng vào đại bản doanh của địch ở Trà Tân. Bởi vì tiến công thẳng vào căn cứ Trà Tân, một căn cứ tập trung đông quân địch và được bố phòng hết sức chặt chẽ, cuộc chiến đấu chắc chắn sẽ ác liệt và kéo dài, nghĩa quân Tây Sơn sẽ rơi vào tình thế khó khăn giống như trường hợp áp dụng chiến lược phòng ngự.

Xuất phát từ những suy tính đó, Nguyễn Huệ chủ trương nhử địch ra khỏi căn cứ, kéo chúng đến một địa hình có lợi cho ta và tiêu diệt gọn bằng một trận quyết chiến theo lối đánh vận động trên sông.

Để thực hiện ý đồ chiến dịch này, ngay sau khi đem quân tới Mỹ Tho, Nguyễn Huệ liền ra công nghiên cứu địa hình từ Trà Tân đến Mỹ Tho và quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân thù.

Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút nằm cách Mỹ Tho khoảng 6 cây số (tính từ cửa sông Xoài Mút) và cách Trà Tân khoảng 15 cây số (tính từ cửa Rạch Gầm). Với các cự ly này, quân Tây Sơn từ Mỹ Tho có thể nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa và giữ bí mật không cho quân địch ở Trà Tân dò biết. Đoạn sông này lại có lòng sông mở rộng hơn 1 cây số, có chỗ đến trên dưới hai cây số. Với đoạn sông dài và rộng như vậy, quân Tây Sơn có thể dồn hàng trăm thuyền chiến của địch lại mà tiêu diệt.

Trong đoạn sông này, Rạch Gầm và Xoài Mút là hai con sông nhỏ được Nguyễn Huệ dùng làm nơi mai phục của thủy binh Tây Sơn tạo thành hai mũi tiến công lợi hại chặn đầu và khóa đuôi toàn bộ đội hình quân địch một khi chúng đã lọt vào trận địa mai phục.

Khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, dòng sông Mỹ Tho có các cù lao như cù lao Thới Sơn, cù lao Hộ. Đây là những nơi được Nguyễn Huệ dùng làm chỗ bố trí của bộ binh Tây Sơn với nhiệm vụ bắn vào sườn đội hình quân địch và tiêu diệt những tên liều chết trèo lên bờ để tháo chạy.

Kế đó những nhánh sông nằm giữa các cù lao và bờ Nam được Nguyễn Huệ dùng làm nơi mai phục của đội thuyền chiến có nhiệm vụ tiến công chia cắt và tiêu diệt đoàn thuyền địch.

Chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút làm trận địa quyết chiến rõ ràng là kết quả của một sự điều tra nghiên cứu tỉ mỉ chính xác địa hình và chứng tỏ nghệ thuật lợi dụng địa hình hết sức tinh tường của Nguyễn Huệ. Dòng sông rộng cùng với các nhánh sông, cù lao, bờ sông ở đây đáp ứng đầy đủ yêu cầu bố trí một thế trận tiến công vận động lớn cho phép quân Tây Sơn bao vây chặt rồi chia cắt, tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:34:42 am »

Xác định đúng đắn ý đồ chiến dịch, lựa chọn chính xác trận đị quyết chiến là những nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi cho quân ta. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Điều không thể thiếu được là phải biết cách nhử địch, đánh lừa địch, đưa địch vào cạm bẫy giương sẵn của quân ta. Nguyễn Huệ, nhà thiên tài quân sự lại đã dày công suy nghĩ giải quyết xuất sắc yêu cầu đó.

Khi Nguyễn Huệ đem quân tới Mỹ Tho, bọn xâm lược Xiêm và bọn bán nước Nguyễn Ánh do gờm uy danh quân đội Nguyễn Huệ đã quyết định tạm thời hoãn cuộc tiến công xuống Mỹ Tho mà chúng đã dự tính từ trước, tổ chức phòng thủ trong căn cứ, chuẩn bị chống lại một cuộc phản công lớn của quân Tây Sơn.

Trước tình hình đó, song song với việc điều tra nghiên cứu địa hình, lựa chọn và bố trí trận địa mai phục, Nguyễn Huệ còn phải tìm cách kích thích tinh thần chủ quan khinh địch của giặc, nhử chúng rời khỏi căn cứ phòng thủ, chấp nhận chiến đấu với quân ta.

Để thực hiện điều này, một mặt Nguyễn Huệ sử dụng một binh lực nhỏ mở những trận tập kích vào một số vị trí đóng quân của địch rồi giả thua rút chạy. Đó chính là những trận đánh mà sử quán triều Nguyễn hiểu sai tính chất và mục đích, cho rằng «Huệ đến đánh vài trận không được, muốn đem quân về»(1).

Mặt khác, Nguyễn Huệ cho người mang nhiều vàng bạc, gấm vóc đến gặp chủ tướng của quân Xiêm xin giảng hỏa, rồi hàng ngày mời quân Xiêm sang chơi thuyền và tặng quả cáp, đồng thời cho quân lui lại, đem thuyền ra dàn ở sông lớn(2): ra vẻ như là muốn phòng thủ lâu dài, không dám tiến công và đang chờ đợi kết quả giảng hòa.

Những cuộc tập kích nhỏ, việc giả vờ điều đình giảng hòa, những hành động tỏ ra lơ là phòng bị đều nhằm mục đích thúc đẩy quân địch sớm rời khỏi căn cứ, mở cuộc tiến công mà Nguyễn Huệ mong đợi, đồng thời làm cho quân địch thêm chủ quan tự mãn, tạo ra nhân tố bất ngờ cho trận quyết chiến. Rốt cục kế hoạch nhử địch ra khỏi căn cứ để tiêu diệt bằng một trận đánh vận động trên sông của Nguyễn Huệ đã thành công. Bọn tướng lĩnh Xiêm đã mắc phải mưu sâu của Nguyễn Huệ. Chiêu Tăng tin rằng Nguyễn Huệ không dám tiến công và đang chờ đợi kết quả giảng hòa. Hắn hí hửng bàn với Nguyễn Ánh mở cuộc tiến công vào quân Tây Sơn: «giặc rất tin tôi, tất không phòng bị, ta nên thừa thế mà đánh phá giặc ngay. Xin hẹn đến đêm mồng 9 tháng này (tháng Chạp năm Giáp Thìn), quốc vương đem ngự binh đi trước xông vào thuyền giặc. Tôi cùng các tướng bản bộ đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến lên phá các thuyên chắn ngang sông của giặc thì thế nào cũng toàn thắng»(3).

Và kết quả trận tiến công của quân Xiêm — Nguyễn như thế nào thì mọi người chúng ta đã rõ. Toàn bộ thuyên chiến của quân Xiêm — Nguyễn trên 300 chiếc đều chui tọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Tây Sơn, tất cả đều bị đánh đắm và phá hủy. Quân Xiêm bị thua to, bỏ chạy, bị «chết gần hết» như lời ghi nhận của các sử sách chính thống của triều Nguyễn. Chỉ trong khoảng một ngày, nghĩa quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm — Nguyên, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn.

Chiến thắng giòn giã này là kết quả của tinh thần chiến đấu ngoan cường và sự dũng cảm của quân đội Tây Sơn được sự tham gia và cổ vũ của nhân dân Gia Định, nhưng như trên đã trình bày, trước hết đó là kết quả của sự tổ chức, lãnh đạo tài tình của sự chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ, của sự bố trí mưu lược xuất quỷ nhập thần của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Đưa quân vào Gia Định với nhiệm vụ nhanh chóng tiêu diệt quân Xiêm — Nguyễn, Nguyễn Huệ không tổ chức đánh tiêu hao từng bước rồi tiến lên phản công lớn, cũng không tiến công vào căn cứ có phòng thủ và tập trung nhiều binh lực địch. Nguyễn Huệ chủ trương dùng mưu nhử địch ra khỏi căn cứ, kéo chúng đến một địa hình có lợi nhất để tiêu diệt bằng lối đánh vận động, mai phục. Tầm nhìn chiến lược, tài năng quân sự lỗi lạc, mưu lược khôn ngoan sắc sảo của vị tướng chỉ huy Tây Sơn thể hiện ở nghệ thuật nhử địch, lợi dụng địa hình, xác định trận địa quyết chiến, sử dụng binh lực và bố trí trận đánh.

Bằng chiến thắng Rạch Gầm — Xoài Mút, quân Tây Sơn đã giành được thắng lợi quyết định, quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất Gia Định, thu hồi những vùng đất bị chiếm đóng và làm tiêu tan tham vọng của bọn phong kiến bành trướng Xiêm đối với phần lãnh thổ cực Nam của nước ta. Chính các sử thần triều Nguyễn cung nhận thấy: «Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp»(4).

Đây là bài học lịch sử mà giới cầm quyền Thái Lan hiện nay cần phải ghi nhớ, nếu như họ vẫn tiếp tục câu kết với đế quốc Mỹ và bè lũ phản động Bắc Kinh chống phá cách mạng ba nước Đông Dương.

Tháng Năm — 1984


(1) Đại Nam thực lục chính biên.
(2) Vũ Thế Dinh, Mạc thị gia phả.
(3) Mạc thị gia phả.
(4) Đại Nam thực lục chính biên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:36:44 am »

MỰC NƯỚC TRIỀU VÀ DÒNG TRIỀU
TRONG CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM — XOÀI MÚT (1785)

                                                                                                                                                                     
Phó tiến sĩ NGUYỄN NGỌC THỤY
(Tổng cục khí tượng thủy văn)

Cách đây đúng 200 năm, trận thủy chiến nổi tiếng Rạch Gầm — Xoài Mút đã diễn ra từ đêm mùng 9 cho tới ngày 10 tháng Chạp năm Giáp Thìn tức từ đêm 19 cho đến ngày 20 tháng 1 năm 1785.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của nhà quân sự thiên tài, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, quân và dân ta đã tiêu diệt gọn 5 vạn quân xâm lược và tay sai trong trận đánh lớn này.

Lợi dụng thủy triều vào công cuộc phòng thủ đất nước và đánh địch đã từng được nhiều nước trên thế giới tiến hành có kết quả. Tuy nhiên, theo các tài liệu được biết, chính ở Việt Nam, thủy triều đã được lợi dụng để đánh địch rất sớm và có hiệu quả cao.

Tiếp theo các trận thủy chiến nổi tiếng có lợi dụng thủy triều đánh thắng giặc tại cửa sông Bạch Đằng năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền và năm 1288 dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Tuấn, trận Rạch Gầm — Xoài Mút đã được thực hiện vào năm 1785 tại một khúc sông lớn ở phía nam, ở khá sâu trong đồng bằng.

Chúng ta ít nhiều biết đến vai trò của thủy triều trong hai trận Bạch Đằng mà việc khôn khéo lợi dụng quy luật thiên nhiên này đã góp phần dẫn đến chiến thắng vĩ đại, tạo nên những bước ngoặt lịch sử. Chúng tôi đã có dịp dẫn ra kết quả tính toán gần đúng về mực nước triều trong hai trận trên tại cửa sông Bạch Đằng, vốn chịu sự chi phối đáng kể của thủy triều ở vịnh Bắc Bộ. Riêng đối với trận Rạch Gầm — Xoài Mút, xẩy ra ở khá sâu trong sông, cách cửa Tiểu của sông Tiền khoảng 60 — 70km, vấn đề đặt ra là ảnh hưởng của thủy triều (mực nước triều và dòng triều) nhiều hay ít và cụ thể như thế nào.

Chúng tôi có thể khẳng định ngay là ảnh hưởng của thủy triều tại đây còn rất lớn, vì ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thủy triều từ biển truyền vào rất sâu trên vùng đất thấp này. Những tư liệu đo đạc và tính toán ngày nay có thể giúp chúng ta hiểu biết cụ thể về quy luật thủy triều khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút.

Tuy nhiên, nếu đòi hỏi những diễn biến cụ thể về mực nước triều và dòng triều trong các ngày xảy ra trận đánh là 19 và 20-1-1785, vấn đề lại trở nên khó khăn. Đó là bài toán dự tính thủy triều hoặc dự tính dòng triều cho thời gian cách đây 200 năm!

Phải giải quyết bài toán này mới có được những căn cứ khoa học để hình dung xác đáng và chi tiết hơn về diễn biến của trận đánh, trong khi các tư liệu lịch sử chỉ nêu được rất ít.

Để góp phần dựng lại diễn biến cụ thể của trận thủy chiến độc đáo này, thấy rõ mưu lược tài giỏi của Nguyễn Huệ, cũng như hiểu biết về quy luật cơ bản của mực nước triều và dòng triều tại Rạch Gầm — Xoài Mút, chúng tôi sẽ trình bày một số kết quả phân tích và tính toán khoa học có liên quan.

Báo cáo khoa học này được bổ sung thêm kết quả tính toán về dòng triều và phân tích sâu hơn về quy luật thủy triều tại đây. Các số liệu thực đo về mực nước tại Vũng Tàu, Mỹ Thuận, về dòng triều tại Rạch Gầm đã được tham khảo và sử dụng.

Về quy luật thủy triều tại khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút

Khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút ở trên sông Tiền, phía Bắc Mỹ Tho, phía nam bến phà Mỹ Thuận, các cửa Tiểu, thông ra biển khoảng 60 — 70 km.

Sóng triều từ biển Đông truyền vào hệ sông Cửu Long qua Cửa Tiểu và Cửa Đại và các cửa khác mà biên độ tiết giảm dần so với khi ở biển.

Nếu lấy trạm biển Vũng Tàu làm chuẩn, thủy triều tại khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút không khác bao nhiêu. Thủy triều trong vùng mang tính chất bán nhật triều không đến hàng ngày, có hai lần triều lên và hai lần triều xuống. Tính chất không đều thể hiện ở sự không đều giữa hai lần dao động triều lớn và triều nhỏ trong già một ngày đêm và sự chênh lệch khá lớn giữa hai độ cao chân triều, có thể tới 1 — 2 m trong kỳ triều cường. Giữa hai độ cao đỉnh triều cũng có chênh lệch, nhưng ít hơn (khoảng vài chục cm). Độ lớn triều biến thiên đáng kể trong mỗi chu kỳ khoảng nửa tháng, phân biệt rõ kỳ triều cường với kỳ triều kém.

So với Vũng Tàu, độ lớn triều tại Rạch Gầm — Xoài Mút bằng khoảng 80 — 85% và độ lớn triều cực đại trong mỗi chu kỳ 19 năm tại đây theo tính toán, có thể đạt khoảng trên dưới 3,0m. Độ lớn triều cực đại theo thực đo tháng 4-1979 tại Rạch Gầm là 2,5m. Thời gian truyền triều từ Vũng Tàu cho tới khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút, theo tính toán gần đúng trung bình vào khoảng 2 giờ 30 phút.

Ảnh hưởng của thủy triều đóng vai trò chủ yếu trong mùa khô, bao gồm cả tháng 1 hàng năm.

Dòng triều tại Rạch Gầm mang tính chất bán nhật không đều với hai lần dòng triều lên (chảy ngược) và hai lần dòng triều xuống (chảy xuôi), hơi không đều trong mùa khô. Tốc độ dòng triều trên mặt lớn nhất đo được trong tháng 4-1979 tại Rạch Gầm là 127 cm/s (khoảng 4,6 km/giờ). Theo tính toán, tốc độ dòng triều trên mặt đạt giá trị cực đại của chu kỳ 19 năm là 140 — 150 cm/s (khoảng 5 — 5,3 km/giờ).

Tóm lại tại khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút, thủy triều có độ lớn đáng kể và dòng triều cũng chảy khá mạnh, diễn ra hàng ngày với hai cao độ không đều. Ảnh hưởng thủy triều thấy rõ nhất trong tháng 4 hàng năm nhưng vào tháng 1, thuộc mùa khô, ảnh hưởng của thủy triều vẫn đóng vai trò chủ yếu trong khúc sông này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:38:29 am »

Diễn biến mực nước triều và dòng triều trong hai ngày 19 và 20-1-1785

Về nguyên tắc, khoa học ngày nay cho phép tính được mực nước triều hoặc dòng triều ứng với bất kỳ thời gian nào trong tương lai hay quá khứ với hai điều kiện:

1) Có số liệu thước đo, về mực nước triều hoặc dòng triều tại đại phương (tốt nhất là số liệu từng giờ từ một tháng trở lên). Nếu có số liệu ngắn hơn hoặc tại điểm khác ở gần, độ chính xác sẽ kém hơn.

2) Biết được các điều kiện thiên văn (tức vị trí của mặt trăng và mặt trời so với trái đất) của ngày, tháng, năm cần tính.

Ở khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút ta có số liệu thực đo về mực nước triều trên 1 tháng tại Vũng Tàu, Mỹ Tho và Mỹ Thuận, và số liệu về dòng triều ngay tại Rạch Gầm, đo liên tục từng giờ trong một số đợt kéo dài từng 30 ngày.

Đáng tiếc là các tư liệu thiên văn của năm 1785 thuộc thế kỷ 18 lại không được công bố trong các năm lịch thiên văn và bảng tính thủy triều hiện lưu hành trên thế giới. Tại các sách này chỉ có các tư liệu thiên văn từ 1-1-1800 trở đi mà thôi.

Vì lẽ đó, chúng tôi phải tìm cách xác định đặc biệt các tư liệu thiên văn của năm 1785 với mục đích chuyên dùng cho việc tính thủy triều của trận Rạch Gầm — Xoài Mút của Việt Nam.

Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các tiến sĩ khoa học Liên Xô V.L. Xuricốp (Hội đồng Hải dương huộc viện HLKHLX) và N. A. Kabaêva (Viện Thiên văn Xtenbéc, Matxcơva), chúng tôi đã có được những số liệu thiên văn tối thiểu ứng với 0 giờ quốc tế (GMT) ngày 1 tháng 1 năm 1785 như sau:

— Kinh độ trung bình của mặt trời h = 281o03

— Kinh độ trung bình của mặt trăng S = 162o01

— Kinh độ trung bình điểm cận nguyệt của quỹ đạo mặt trăng. P = 335o18

— Kinh độ trung bình điểm cận nhiệt của quỹ đạo mặt trời. P1 = 279o21

— Kinh độ trung bình của tiết điểm lên của quỹ đạo mặt trăng... N = 323o33

Với các dữ kiện trên, chúng tôi đã tiến hành chỉnh lý số liệu thực đo, phân tích thành các hằng số điều hòa của mực nước triều và của dòng triều rồi tiến hành dự tính mực nước triều và dòng triều trên máy tính điện tử.

Riêng đối với mực nước triều, do số liệu thực đo tại Rạch Gầm không tốt nên đã lấy hằng số điều hòa tại Vũng Tàu (26 sóng thành phần) và tại Mỹ Thuận (11 sóng thành phần) và dựa vào quan hệ phụ thuộc giữa mực nước triều tại Vũng Tàu, Mỹ Thuận và Rạch Gầm để suy ra mực dự tính cho Rạch Gầm. Tại đây, chúng tôi đã áp dụng 2 phương pháp dự tính thủy triều khác nhau là phương pháp dùng các hằng số điều hòa thủy triều và phương pháp dùng các đặc trưng thiên văn tổng hợp, không qua phân tích điều hòa thủy triều.

Đối với dòng triều, chúng tôi đã tiến hành phân tích, tìm ra hằng số điều hòa của 11 sóng thành phần của dòng triều tại Rạch Gầm và sử dụng luôn vào việc dự tính dòng triều cho tháng 1/1785.

Kết quả tính toán tại Rạch Gầm như sau:

1/. Chênh lệch triều lớn nhất trong đêm 19 và ngày 20/1/1785 là khoảng 1,8 —2,0m ± 0,2m. Đây là trường hợp triều kém nên chênh lệch triều này không lớn.

Triều xuống từ khoảng 9 — 10 giờ đêm 19 và tới khoảng 5 — 7 giờ triều bắt đầu lên, đạt đỉnh cao nhất vào khoảng trưa ngày 20.

2/. Dòng triều chảy xuôi từ khoảng 8 —10 giờ đêm ngày 19 cho tới khoảng nửa đêm và 1 giờ sáng ngày 20/1/1785. Tiếp đó dòng triều chảy ngược cho tới khoảng 6 — 8 giờ sáng rồi chuyển sang chảy xuôi cho tới trưa ngày 20.

Tốc độ lớn nhất khi chảy xuôi là 69 cm/s (đêm ngày 19), khi chảy ngược là 68 cm/s (sáng sớm ngày 20). Dòng chảy ngược vào chiều ngày 19 và dòng chảy xuôi từ trưa ngày 20 mạnh gấp khoảng hai lần. Sai số dự tính dòng triều ước khoảng 0,20 cm/s.

Các kết quả tính toán trên đây được giả định với hai điều kiện:

a) Điều kiện thiên nhiên đoạn sông từ Cửa Tiểu đến Rạch Gầm — Xoài Mút cách đây hai thế kỷ không khác nhiều lắm so với ngày nay để có thể làm thay đổi đáng kể sự truyền sóng triều từ biển vào. Tất nhiên lòng sông do bị bồi tích hoặc sói lở có thể có sự biến dạng nhất định (ngày trước có thể sâu hơn, rộng hơn) song chỉ gây ảnh hưởng không lớn tới quá trình truyền sóng triều.

b) Điều kiện thời tiết bình thường.

Như vậy, các tư liệu tính toán trên là có căn cứ khoa học về cơ bản có thể tham khảo để rút ra các nhận định chính về diễn biến của trận đánh (với sai số khoảng một, hai giờ).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2021, 07:39:09 am »

Về quan hệ giữa con nước triều và diễn biến
trận đánh Rạch Gầm — Xoài Mút

Với kết quả phân tích và tính toán về mực nước triều và dòng triều tại khu vực Rạch Gầm — Xoài Mút tháng 1-1785, kết hợp với tư liệu lịch sử, có thể rút ra vài nhận xét về diễn biến của trận đánh nổi tiếng này như sau:

1) Trong giai đoạn đầu của trận đánh, khi thuyền quân địch đang xuôi dòng về khu vực trận địa mà quân ta đã bố trí sẵn, quân Tây Sơn giả vờ thua, rút dần về phía Rạch Gầm. Việc này xảy ra vào đêm 19 rạng ngày 20 tháng 1 ứng với thời đoạn triều rút, địch lợi thế, tiến quân xuôi dòng sông và xuôi nước.

2) Vào giai đoạn thứ hai của trận đánh mà Vũ Thế Dinh đã ghi lại trong Mạc thị gia phả: «đầu canh năm nghe tiếng đại bác nổ liên tục» quân ta bất ngờ công kích trở lại, có sự phối hợp giữa thủy quân với pháo binh và quân mai phục trên bờ sông và các cù lao. Giai đoạn này trùng với thời đoạn dòng triều lên, tạo lợi thế cho thủy quân ta từ phía hạ lưu tiến lên ngược sông nhưng lại xuôi nước (do dòng triều chuyển sang chảy ngược) từ khoảng sau canh một cho tới 6 — 8 giờ sáng ngày 20-1-1785. Theo sử liệu, quân ta đánh địch trong điều kiện «nhờ xuôi nước và thuận gió». Với các chiến thuyền chèo tay cách đây hai trăm năm, thiết tưởng những yếu tố thiên nhiên này rõ ràng rất có ý nghĩa trong chiến thuật dùng binh. Có thể là quân ta đã có kinh nghiệm quan sát thủy triều trong vùng, tính trước các thời điểm, thời đoạn giả vờ thua hoặc nổi lệnh tiến quân, phù hợp với các thế hiểm yếu của địa hình đoạn sông có nhiều rạch và cù lao, phù hợp với quy luật nước triều lên, xuống, dòng chảy trên sông xuôi hay ngược mà chủ động đánh địch theo ý đồ của ta. Khi đánh áp trở lại, thủy quân ta vừa có khí thế chủ động tiến công mãnh liệt, lại được tăng thêm tốc độ khoảng trên dưới 1 hải lý/giờ do xuôi nước (còn quân địch thì ngược lại). Thêm vào đó, còn có ảnh hưởng thuận lợi của gió biển thổi vào. Vào mùa này thường có gió thổi khá mạnh từ biển vào đồng bằng sông Cửu Long.

*
*   *

Chúng tôi hy vọng rằng những phân tích và tính toán có căn cứ khoa học trên đây về mực nước triều và dòng triều mặc dù chưa đạt độ chính xác cao, cũng có thể giúp ích cho việc nghiên cứu sâu hơn và chi tiết hơn về diễn biến của trận đánh nổi tiếng Rạch Gầm — Xoài Mút năm 1785 nói riêng và về nghệ thuật dùng binh có lợi dụng thủy triều của Việt Nam, nói chung.

Tài liệu này được hoàn thành với sự tham gia tính toán của Trần Bình Trọng, Nguyễn Mạnh, Vi Văn Định và Trần Ngọc Hiền.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:55:05 pm »

ĐẬP TAN MỘT CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC
CHỈ BẰNG MỘT TRẬN ĐÁNH: TRẬN SÔNG TIỀN GIANG
(ĐOẠN RẠCH GẦM — XOÀI MÚT)
VỊ TRÍ VÀ ÂM VANG

Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ

Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta đã biết bao lần buộc phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược từ nhiều hướng, đặc biệt là từ hướng Bắc chống quân Trung Quốc bành trướng, để giữ yên bờ cõi, vẹn toàn Đất nước. Trong lịch sử chống ngoại xâm lâu dài đó, có nhiều thời kỳ, nhiều trận đánh hết sức oai hùng và thắng lợi vô cùng vẻ vang làm rạng rỡ cho non sông, cho dân tộc.

Đó là thời nhà Lý, diệt 30 vạn quân Tống (các năm 1075—106—1077) và đuổi bọn còn sống sót về nước chúng. Hoàn toàn chủ động tấn công về chiến lược, chiến đấu, Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh chiếm các Châu Ung, Châu Khâm, Châu Liêm, với chủ trương «ngồi im đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc». Sau đó ung dung lui quân về chiến tuyến sông Cầu được chuẩn bị sẵn, đợi giặc đến đánh tiêu diệt trong một trận và đặt điều kiện cho chúng rút lui kết thúc thắng lợi chiến tranh.

Đó là thời nhà Trần, ba lần chống lại sự xâm lược đồ sộ của quân Nguyên — Mông, ba lần thắng rất lớn, rất anh hùng, diệt hơn 1 triệu quân địch, một quân địch có đội kỵ binh hùng mạnh nhất thế giới, đã chiếm gần hết Châu Âu và một nửa Châu Á, lập nên đế quốc Nguyên mênh mông. Một quân địch tàn bạo, kiêu căng, từng thắng tất cả mọi quân đội thiện chiến cùng thời chỉ bị bại nhục nhã trước quân và dân nước Việt. Có được thành tích vĩ đại như vậy là vì nhà Trần được lòng dân, trọng nhân tài, tuân theo hội nghị Diên Hồng, toàn dân đoàn kết một lòng đánh giặc. Quân thì như Trần Quốc Tuấn nói «quí về tinh, không quí về nhiều», nhưng tổ chức thành quân chủ lực gọi là «du quân», quân địa phương gọi là «phong đội» và «hương binh» ở các thôn xã. Tổng kết thắng lợi vẻ vang đó, Trần Quốc Tuấn đã nói với vua Trần: «... mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây đánh phá, lúc ấy vua tôi cùng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu nên giặc phải bó tay, đấy là lòng người xui khiến. Đại khái quân giặc dựa vào trường trận, quan ta dựa vào đoản binh: đem đoàn binh thắng trường trận là việc thường trong binh pháp».

Đó là thời Lê Lợi — Nguyễn Trãi đã:

«Nêu gậy hiệu làm cờ, tập hợp 4 phương manh lệ; khao quân rượu hòa nước, gắn bó cha con một nhà» mà quét sạch quân đô hộ nhà Minh trong 10 năm, giành độc lập hoàn toàn cho xứ sở. Lê Lợi đã ra sức thu nạp nhân tài, chọn người «hiền lương, phương chính, trí dũng, hào kiệt». Nguyễn Trãi nêu phương châm: «Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo» và khi có chánh quyền thì «Quyền mưu bản thị dụng trừ gian, nhân nghĩa duy trì quốc tề an» (có nghĩa là dùng quyền mưu để trị bọn gian, kẻ thù, còn dùng nhân nghĩa đối với nhân dân để giữ yên đất nước).

Nhưng tài giỏi trong chỉ đạo chiến tranh, kiệt xuất về nghệ thuật quân sự, phải nói là người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ, người đã có công thống nhất giang sơn một giải từ Cao Lạng đến Cà Mau, Hà Tiên. Chỉ trong một chiến dịch ngắn gồm ba trận then chốt, Tây Sơn đã tiêu diệt gọn 29 vạn quân Thanh, giải quyết xong cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù phương Bắc. Trước đó, chỉ trong một trận đánh quyết định đã diệt gần toàn bộ năm vạn quân Xiêm (Thái Lan ngày nay) và mấy ngàn quân ngụy Nguyễn Ánh, giải quyết xong cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù phương Nam. Đối phó với cả thù trong giặc ngoài, chỉ có thắng không có bại, anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ cùng quân dân ta ở thế kỷ 18 đã làm nên những kỳ tích chống ngoại xâm có một không hai trong lịch sử nước nhà và cả trong lịch sử đông tây kim cổ.

Cũng cần nói thêm ở đây là, trong mấy nghìn năm đấu tranh lâu dài của dân tộc ta, không phải không có những thua, bại. Như thời Thục An Dương Vương nước Âu Lạc, thời kỳ đầu tiên cho nhà nước tập quyền. Để giữ nước, ông đã xây thành Cổ Loa và dùng kỹ thuật cung nỏ, tên đồng lợi hại. Tập I «Lịch sử Việt Nam» (nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 1971) đã ghi: «An Dương Vương đã mắc mưu kẻ địch. Ông không dựa vào dân mà chỉ cậy vào thành cao, nỏ quí, vào đội quân thường trực». Ông đã lấy thiên hạ làm của riêng, tưởng gả con gái cho giặc mà giữ được ngôi báu — đã đặt tình gia đình và lợi ích của dòng phái lên trên nghĩa quốc gia, lên trên lợi ích của dân tộc, vì vậy mà thua giặc, mất nước. Hoặc như thời nhà Hồ chống quân Minh xâm lược, Hồ Quí Ly, một người có tài nhưng thiếu đức, đã cai trị hà khắc, làm mất lòng dân. Để giữ nước ông luôn suy tính: «làm thế nào có được trăm vạn quân để đối địch với giặc phương Bắc». Ông xây thành Đa Bang kiên cố ở Sơn Tây, lập tuyến sông Hồng dài đến 900 dặm, dùng cọc bịt sắt đóng cửa biển, dùng dây sắt ngầm khóa sông; Dựa vào súng «thần cơ» và «cổ lâu thuyền» dựa vào nơi hiểm địa và đội quân thường trực đông đảo để chống giặc mà không phải dựa vào dân; Đã để cho giặc Minh xảo quyệt dùng danh nghĩa «phù Trần diệt Hồ» lung lạc lòng dân, chia rẽ sĩ phu để cướp nước ta. Lại chủ trương phòng ngự mà không phải tấn công: «Cầm cự với quân Minh, cố thủ nơi hiểm trở, không ra đánh để cho quân Minh mòn mỏi»... Rốt cục cha con nhà Hồ bị bắt, nước bị chiếm, nhân dân lầm than.

Thành, bại trong lịch sử, nguyên do cũng đã rõ ràng. Ở đây chỉ nghiên cứu riêng về trận đánh trên sông Tiền Giang (đoạn Rạch Gầm — Xoài Mút) năm 1785 của Nguyễn Huệ Tây Sơn, một trận đánh lịch sử đã đè bẹp cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm vào phía Nam đất nước ta và sau trận đó sách Đại Nam thực lục chép «Người Xiêm sợ quân Tây Sơn như cọp», tiêu tan ý chí đi cướp nước người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:57:18 pm »

1. — CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA QUÂN XIÊM Ở THẾ KỶ 18.

Tháng 7-1784, nhân khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đại bại, chạy sang cầu cứu, quân Xiêm mừng rỡ vì thấy được cơ hội để bành trướng đất đai, xâm chiếm nước ta. Vua Xiêm lúc ấy là Chakkri I liền phái hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương làm tổng chỉ huy, thống lĩnh một đội quân gồm 5 vạn tên, chia làm hai đạo bộ binh và thủy binh cùng tiến.

Đạo bộ binh gồm ba vạn quân, có cả lính Xiêm và lính Chân Lạp. Chân Lạp lúc ấy đã bị Xiêm thần phục từ năm 1782 khi mà Chakkri còn làm tướng cầm quân qua thôn tính. Ngoài các tướng Xiêm chỉ huy đạo bộ binh nầy là Lục Côn và Sa Uyển còn có một đại thần Chân Lạp thân Xiêm là Chiêu Thùy Biện. Có sự thuận lợi đó, đạo bộ binh đã băng qua Chân Lạp, lấy thêm quân và dùng Chân Lạp làm bàn đạp tiến sát biên giới nước ta ở Châu Đốc, hữu ngạn sông Hậu.

Đạo thủy binh có 2 vạn tên và 300 chiến thuyền là đạo quân thiện chiến, là chủ lực, nòng cốt của quân xâm lược, từ Xiêm La vượt biển đổ bộ vào Rạch Giá. Chiêu Tăng và Chiêu Sương trực tiếp nắm đạo quân nầy.

Ngoài ra còn tàn quân Nguyễn Ánh thu thập lại và có thể mộ thêm trong quá trình tiến quân, độ ba bốn nghìn người, cùng đi với đạo thủy binh để dẫn đường và đặt dưới sự sai khiến của người Xiêm. Tất nhiên Nguyễn Ánh phải luôn túc trực dưới trướng của các tướng tổng chỉ huy Chiêu Tăng và Chiêu Sương.

Quân cướp nước và bán nước hùng hổ tiến vào nước ta từ hai hướng và cố che giấu mục đích xấu xa của chúng bằng luận điệu tuyên truyền giả dối. Nguyễn Ánh thì rêu rao là được quân Xiêm hùng mạnh giúp đỡ trở về diệt quân nổi loạn Tây Sơn, khôi phục giang sơn. Sự thật thì tham vọng của phong kiến Xiêm là nhân nước Việt loạn lạc, chia năm xẻ bảy, muốn xây mộng thành đế quốc lớn phương Nam nầy.

Không phải đến lúc ấy đế quốc Xiêm La mới bộc lộ dã tâm xâm lăng, cướp bóc đất đai tài sản người khác. Từ năm 1745, quân Xiêm đã cướp phá Hà Tiên hết sức nặng nề. Năm 1766 phong kiến Xiêm lại chuẩn bị tiến công sang Hà Tiên lần thứ 2 nhưng không thành vì phải tiến hành chiến tranh với Miến Điện. Đến năm 1771, vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh lại trực tiếp chỉ huy 2 vạn quân đánh cướp Hà Tiên và giao cho người tin cẩn là Trần Liên trấn giữ để mình đem đại quân đánh chiếm Chân Lạp, đóng giữ cả Phnôm Pênh (Trịnh Quốc Anh là một Hoa thương người Triều Châu, Trung Quốc đã cướp ngôi vua Xiêm lên trị vì và liên kết với nhà Thanh. Trần Liên cũng là người Triều Châu).

Trần Liên đã chiếm giữ Hà Tiên mãi cho đến năm 1773. Không kể những lần quân Xiêm trực tiếp cướp phá nước ta, vua Xiêm luôn luôn nuôi hy vọng thôn tính cả đất Gia Định (Nam bộ ngày nay) bằng cách dung nạp các tên phản bội để chờ thời cơ dùng làm tay sai dẫn đường như các tên Trần Thái, Mạc Thiên Tứ, Nguyễn Phúc Xuân rồi đến Châu Văn Tiếp, Nguyễn Ánh. Chính sách của người Xiêm dung nạp bọn phản quốc của các dân tộc để âm mưu lấn chiếm tồn tại cho đến ngày nay. Phong kiến Xiêm cũng đã nhiều lần xâm lược nước Lào và Chân Lạp, cướp bóc dã man, tàn phá Angkor, buộc vua Chân Lạp dời đô về Phnom Pênh mà vẫn không thoát khỏi sự chiếm đóng của quân Xiêm.

Như vậy là âm mưu và hành động xâm lược các nước phía đông của đế quốc Xiêm La đã có từ lâu đời. Năm 1781 vua Xiêm cho là thời cơ thuận lợi nhất để thực hiện mộng bành trướng và lần nầy hí hửng chắc thành công do nước Việt đang yếu, có danh nghĩa thuận, có sự giúp sức tay trong của một vương triều mà cơ sở xã hội là bọn địa chủ phong kiến, quan lại cũ, cùng bọn cơ hội, cướp bóc như bọn Đông Sơn, vẫn còn không ít.

Tháng 8-1784, thủy binh Xiêm đổ bộ đánh chiếm Kiên Giang (Rạch Giá). Từ đấy cánh nầy đánh thẳng về hướng đông, phối hợp với cánh bộ binh từ biên giới Chân Lạp — Châu Đốc đánh xuống theo hữu ngạn sông Hậu, thành 2 gọng kềm, chiếm Trấn Giang (Cần Thơ). Tại đây, thủy bộ quân Xiêm chia thành 3 đạo đánh 3 hướng: hướng thứ nhất do Chiêu Tăng và Chiêu Sương cầm đầu, kiểm soát toàn bộ sông Hậu ra biển và chiếm vùng rộng lớn Ba Thắc (Sóc Trăng); hướng thứ hai do liên quân Xiêm — Nguyễn dưới quyền chỉ huy của Thát Xỉ Đa và Nguyễn Ánh đánh về Trà Ôn (Vĩnh Long); còn hướng thứ ba do bộ binh của Sa Uyển — Chiêu Thùy Biện đánh sang Đông Khẩu (Sa Đéc).

Năm vạn quân Xiêm cùng mấy nghìn quân Nguyễn Ánh ì ạch tiến quân, vừa phải chống trả lại sự kháng cự của lực lượng Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy, vừa giở mọi thủ đoạn cướp bóc, vơ vét của cải, hãm hiếp, giết chóc nhân dân ta, trải qua 6 tháng trường mới chiếm được nửa phần đất phía tây Gia Định (tương ứng với 3 tỉnh miền Tây trong Nam Kỳ Lục Tỉnh cũ). Càng tiến về phía Đông chúng càng bị chặn đánh kịch liệt, điển hình là các trận Mân Thít, Ba Lai, quân Xiêm — Nguyễn bị hao binh tổn tướng khá nặng. Tháng 12-1784, quân các hướng mới tập trung được về khu vực Trà Tân (theo Đại Nam thực lục) trên bờ sông Tiền Giang, chấn chỉnh đội ngũ, chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh chiếm nửa phần phía đông của Gia Định (tương ứng với 3 tỉnh miền Đông thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh cũ). Sách Sử ký Đại Nam Việt chép: «khi ấy bộ binh và thủy binh Xiêm đã hiệp lại cùng nhau vào đóng trong Trà Suốt, lại lập nhiều lũy, nơi nọ, nơi kia» (Trà Suốt nói ở đây cùng với Trà Tân, Trà Luật, Tà Luật trong các sách khác đều là một như một số nhà sử học xác định). Về mặt quân sự mà nói thì ta có thể phán đoán rằng đây là một đợt tạm ngừng sau khi đã chiến thắng, không phải dễ dàng gì, chiếm được nửa đất Gia Định và trước khi tiếp tục tấn công chiếm nốt nửa kia, có lẽ còn khó khăn hơn nhiều. Chủ lực nòng cốt của đội quân xâm lược là 2 vạn thủy binh có 300 chiến thuyền, nên phải chọn nơi đóng quân dựa vào sông lớn (Tiền Giang) và thuận lợi cho đường tiến quân tấn công tiếp (về Mỹ Tho). Vùng đó có nhiều cù lao mà chủ yếu là cù lao Năm Thôn để bộ binh đóng có «nhiều lũy nơi nọ nơi kia» để thủy bộ cùng dựa thế vào nhau một cách vững chắc đề phòng phản công bất ngờ của đối phương. (Đó là thuộc địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, cách Mỹ Tho khoảng 30 cây số mà Vĩnh Long giặc xem như hậu phương và đã chiếm xong, còn Định Tường là vùng còn thuộc đối phương, là tiền duyên tạm thời phòng ngự và hướng tấn công tiếp). Chọn khu vực hiểm địa giữa sông nước và cù lao như vậy để đóng 5 vạn quân thủy bộ và đặt Tổng hành dinh của một đội quân đang trong thế tấn công tạm dừng lại, chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp sâu hơn là hợp lý; vừa có thể phòng giữ vừa tiện đường tiến lên đánh địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2021, 03:57:54 pm »

2 — TÌNH THẾ CỦA NHÀ TÂY SƠN VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC XIÊM CỦA NGUYỄN HUỆ

Sau lần thứ 4 (năm 1783) tiến đánh vào Gia Định, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chì huy đã giành thắng lợi triệt để, quét sạch bè lũ Nguyễn Ánh ra khỏi toàn bộ vùng đất phía Nam của đất nước. Quân Tây Sơn còn truy kích đến tận các hải đảo trong vịnh Thái Lan. Nguyễn Ánh chỉ còn vài trăm bộ hạ sống lén lút ở đảo Phú Quốc rồi được Vua Xiêm cho đòi về Bangkok để làm con bài cho mưu đồ xâm lược.

Sau khi hoàn thành sứ mạng, Nguyễn Huệ rút quân về, giao đất Gia Định lại cho tướng Trương Văn Đa trấn giữ.

Như vậy là Tây Sơn đã làm chủ từ Quảng Nam — Quảng Ngãi trở vào bao gồm toàn bộ địa phận Đàng trong của chúa Nguyễn trước đây trừ Phú Xuân ở phía Bắc, do chúa Trịnh đánh chiếm nhân lúc chúa Nguyễn bị suy yếu.

Lúc quân Xiêm dẫn Nguyễn Ánh đổ bộ vào Rạch Giá là lúc mà bộ chỉ huy tối cao của Tây Sơn và đại quân đang đóng ở Qui Nhơn. Tướng Trương Văn Đa một mặt tổ chức kháng cự, với quân số ít ỏi của mình, một mặt tất yếu phải cấp báo ngay cho bộ chỉ huy tối cao. chậm nhất cũng từ khi giặc chiếm Kiên Giang. Đó là nhiệm vụ của một người tướng trấn giữ biên cương (không phải đợi đến cuối năm 1784; sau 6 tháng quân giặc tung hoành, đô úy Tây Sơn là Đặng Văn Trấn mới về đến Qui Nhơn báo cáo và các nhà lãnh đạo Tây Sơn mới biết và phái Nguyễn Huệ đem quân vào phản công như một số tài liệu nêu. Lần này có thể là lần báo cáo cuối cùng toàn bộ tình hình diễn biến trên chiến trường để có quyết định xuất quân và duyệt cả phương án tác chiến).

Phải khẳng định rằng bộ chỉ huy tối cao Tây Sơn ở Qui Nhơn đã biết được cuộc xâm lược của quân Xiêm từ sớm, khi chúng mới chiếm Rạch Giá và từ đó phải có sự theo dõi chặt chẽ từng bước tiến của giặc, thẩm định tình hình của chúng và chỉ đạo đối phó cho Trương Văn Đa ở Gia Định theo một kế hoạch chiến lược được dự kiến.

Vấn đề đặt ra cho Tây Sơn lúc đó là phương hướng bảo vệ đất nước chống quân xâm lược như thế nào để đảm bảo thắng lợi. Có nên lập tức đem đại quân vào chận, phòng ngự hay tấn công, phản công? Thế còn quân Trịnh ở phía Bắc thì sao? Mặc dù các nhà lãnh đạo Tây Sơn đã khôn khéo hòa hoãn với Đàng ngoài để dẹp Đàng trong nhưng có bao giờ tin giặc được. Nếu lúc đại quân đưa vào Nam thì quân Trịnh có tiến đánh Qui Nhơn không? Nhất là nếu đại quân Tây Sơn bị kẹt lâu ngày với quân Xiêm — Nguyễn, bị tiêu hao và mệt mỏi thì quân Trịnh chắc chắn sẽ nắm lấy thời cơ «lưỡng hổ tranh hùng» phia Nam để tiến quân vào chiếm Qui Nhơn, thậm chí đến Sài Gòn. Lúc đó còn sức đâu mà đối phó với cả hai đầu một cách bị động mà kết quả bi thảm có thể trông thấy. Còn nếu ngại quân Trịnh mà đối phó chậm hoặc nửa vời với giặc Xiêm để cho quân cướp nước thắng thế, chiếm được nhiều đất đai, Nguyễn Ánh qui tụ được bè lũ còn lại trong nước ngóc đầu dậy, thanh thế chúng lừng lên thì liệu Tây Sơn còn giữ được thành quả từ trước đã thu được hay bị kẹt vào giữa 2 thế lực đều mạnh?

Chắc chắn các lãnh tụ Tây Sơn đã suy nghĩ tính toán rất chu đáo, đã lượng sức mình, hiểu rõ kẻ địch mà định ra phương án chiến lược phù hợp nhất để giành thắng lợi chắc chắn, như ta đã biết:

— Dùng lực lượng của Trương Văn Đa đánh liên tục quân giặc, đánh nhỏ, đánh vừa theo lối kỳ binh, mai phục, đánh úp, chắc thắng, với mục đích ngăn chặn, làm chậm bước tiến của quân xâm lược càng lâu càng tốt. và khéo léo bảo tồn thực lực, tiêu hao và làm mệt mỏi quân địch, hiểu rõ thêm sức chiến đấu của từng đội quân địch, nắm vững ý định và cách đánh của chúng.

— Trong lúc đỏ các lãnh tụ Tây Sơn chuẩn bị đại quân tinh nhuệ, sung sức, xác định ý định tác chiến, chuẩn bị kế hoạch và chuẩn bị chiến trường thật chu đáo. Tất cả những vấn đề này không phải đợi đến lúc Nguyễn Huệ vào đến Mỹ Tho mới chọn chiến trường và kế hoạch hoạch tác chiến vì một là sẽ trễ, không đủ thời gian cân nhắc mọi lẽ và dễ vỡ kế hoạch vì những bất ngờ khó lường trước vào giờ chót, hai là khi Nguyễn Huệ xuất đầu lộ diện ở Mỹ Tho thì địch biết ngay thì mọi hành động lức đó dễ bị lộ, khó giữ chủ động được. Phải hiểu rằng khi Nguyễn Huệ đến Mỹ Tho đã mang theo cả kế hoạch tác chiến rồi, và chỉ còn xác định cuối cùng tại chỗ mà thôi, cần có kế hoạch trước mới dẫn dắt quân địch từng bước theo ý đồ của mình. Xem như Trương Văn Đa đánh mạnh vào đội quân Xiêm - Nguyễn tiến theo đường Mân Thít, Ba Lai, giết được các tướng Nguyễn như Châu Văn Tiếp và Đặng Văn Lượng, làm bị thương nặng tướng Xiêm là Chất Xỉ Đa, buộc quân Xiêm dồn hết về phía Tây, vùng Vĩnh Long, Sa Đéc thì đủ rõ. Khi quân địch tiến tới bờ sông Tiền thì bị chận đứng lại. đó phải chăng là lằn ranh không cho phép dịch vượt, khiến địch phải tạm dừng lại đóng quân chấn chỉnh và chuẩn bị. Ngay về sau này, đánh giặc xâm lược Thanh cũng như vậy. Khi ra đến Thanh Hóa gặp Ngô Thời Nhiệm và các tướng lá của mình, Nguyễn Huệ đã nói:

«Lần nầy ta ra thân chinh cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính toán sẵn. Chẳng quá 10 ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước mình, sau khi bị thua một trận ắt lấy làm thẹn, lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy, phải có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thời Nhiệm thì không ai làm được. Chờ 10 năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu, quân mạnh thì ta có sợ gì chúng».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM